Ðiểm Báo – 24/03/23: Tập và «điệu vũ của các bạo chúa»; Hãy cho Ukraina những đôi cánh; Nga và TC, quân đội nào mạnh hơn?; Vụ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo – 24/03/23: Tập và «điệu vũ của các bạo chúa»; Hãy cho Ukraina những đôi cánh; Nga và TC, quân đội nào mạnh hơn?; Vụ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines

Tập Cận Bình và «điệu vũ của các bạo chúa»

24/03/2023 – Thụy My – Theo Le Figaro, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Cùng căm ghét phương Tây, Tập Cận Bình và Vladimir Putin siết chặt quan hệ để bước vào một « kỷ nguyên mới », có sự tham gia của của các bạo chúa Iran, Bắc Triều Tiên, và cả Syria. Phải chăng đây là một trật tự quốc tế mới do Bắc Kinh lãnh đạo ? Kêu gọi hòa bình ở Ukraina, nhưng ông Tập dù đã gặp Putin khoảng 40 lần, vẫn chưa hề gọi điện cho tổng thống Zelensky.

Vào vai trung gian hòa giải, Bắc Kinh muốn gì?

Le Figaro nhận thấy vào đầu cuộc xâm lăng, Pháp đã cố gắng kéo Ukraina và Nga vào bàn đàm phán, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất nỗ lực. Nhưng giờ đây Trung Quốc mới vào vai một cường quốc hòa giải, sau khi thành công trong việc giúp Iran (theo Hồi giáo Shia) và Ả Rập Xê Út (theo hệ phái Sunni) bắt tay với nhau.

Bắc Kinh muốn tránh nguy cơ chính quyền Nga sụp đổ, cạnh tranh với phương Tây về ngoại giao, đồng thời trình ra trước các nước phương nam bộ mặt một nhà trung gian khả tín, một thế lực giúp ổn định trong trật tự thế giới mới. Tuy nhiên «kế hoạch hòa bình» của Tập Cận Bình rất mơ hồ, nhấn mạnh đến toàn vẹn lãnh thổ, nhưng để cho hai bên tự xoay sở. Đóng băng những chiến tuyến hiện nay tất nhiên chỉ có lợi cho Nga mà thôi, và Putin cũng coi đây là «cơ sở cho việc giải quyết xung đột một cách hòa bình».

Tại Paris, người ta lo ngại diễn tiến sẽ không có lợi cho Ukraina lẫn phương Tây. Một số người nghi ngờ ông Tập muốn vận động các nước châu Phi và Ả Rập ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh và Matxcơva, vốn thường xuyên phủ quyết các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, tập hợp được đa số nước đứng về phe mình?

Điệu luân vũ của các nhà độc tài 

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Phe chống dân chủ mà đứng đầu là Trung Quốc và Nga được tăng cường, hai quốc gia độc tài này đã thế chỗ phương Tây tại châu Phi và Trung Đông. Trong khi một số người trông chờ Bắc Kinh làm áp lực để Putin rút khỏi Ukraina, liên hệ giữa hai chế độ càng chặt chẽ hơn. Tập và Putin đều căm ghét thế giới dân chủ, muốn chấm dứt sự thống trị của phương Tây. Cả hai còn khẳng định mối quan hệ «đặc biệt» của họ đã bước vào một «kỷ nguyên mới».

Iran tham gia qua việc cung cấp drone tác chiến và nhà máy sản xuất loại vũ khí này cho Nga. «Điệu vũ của các bạo chúa», theo cách nói của một nhà ngoại giao, có thêm Bắc Triều Tiên và sự tái xuất của Bachar Al Assad. Cuộc chiến tranh ở Ukraina càng kéo dài thì càng được toàn cầu hóa, với sự can dự của các cường quốc bậc trung muốn thoát khỏi người bảo trợ phương Tây. Thái tử MBS của Ả Rập Xê Út không chỉ xích lại gần Teheran mà cả tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc – đã đến thăm Riyad.

Le Monde chú ý đến việc Tập Cận Bình hôm thứ Hai 20/03 chính thức mời các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tadjikistan tham dự «thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á» đầu tiên tại Bắc Kinh vào tháng Năm, tức ngang nhiên đặt chân vào sân sau của Nga. Trên Le Figaro, giáo sư Alain Bauer cho rằng không nên lẫn lộn hòa bình với hưu chiến, thời kỳ thế giới an bình không còn nữa.

Phương Tây dân chủ nay ở thế thủ, vẫn đoàn kết và ủng hộ Ukraina trên mọi phương diện. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cảnh báo thế giới không nên bị đánh lừa bởi thủ đoạn đóng băng cuộc chiến của Nga, được Trung Quốc ủng hộ, theo điều kiện của họ. Phương Tây nhắc lại, các điều kiện hòa bình chỉ có thể được quyết định tại Kiev, bởi người Ukraina. Và cho tới khi báo lên khuôn, Tập Cận Bình vẫn chưa hề gọi điện cho tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ukraina: «Hãy cho chúng tôi những đôi cánh»

Về viện trợ quân sự cho Ukraina, từ đầu cuộc chiến nước Pháp thường xuyên bị các đồng minh châu Âu chỉ trích vì thái độ không rõ ràng với Nga. Nhưng trên thực tế, Le Figaro nhận thấy đã nhiều lần Paris đi tiên phong, như chi viện đại pháo Caesar rồi sau đó là xe bọc thép AMX. Chính việc Pháp mạnh dạn viện trợ xe bọc thép đã mở đường cho các nước chuyển giao xe tăng hạng nặng, đặc biệt là Leopard của Đức.

Nay thì Pháp đang huấn luyện các quân nhân Ukraina điều khiển chiến đấu cơ Mirage 2000 do tập đoàn Dassault Aviation chế tạo. Từ một tháng rưỡi qua, khoảng ba chục người được đào tạo cấp tốc tại các căn cứ không quân ở Mont-de-Marsan và Nancy. Theo bộ Quốc Phòng Pháp, đó là các «nhân viên quân sự hàng không», việc tập huấn phi công chưa bắt đầu. Hoa Kỳ cũng huấn luyện về F-16, nhưng vẫn chưa viện trợ loại phi cơ này, còn Pháp không loại trừ việc giao hơn một chục chiếc Mirage cho Kiev.

Sáng kiến của Paris càng hữu ích hơn cho Ukraina – đã mất khoảng 60 chiến đấu cơ – vì nhiều nước nhất là ở châu Á đã trang bị Mirage 2000. Nhờ Pháp đi bước trước, Ba Lan và Slovakia bèn quyết định chi viện 21 oanh tạc cơ MiG cho Kiev. Đây chưa phải là bước ngoặt chiến lược: Mirage 2000 không còn được sản xuất tại Pháp và thiếu đạn đi kèm, còn số lượng MiG chưa đủ để Ukraina tổ chức phản công. Nhưng số chiến đấu cơ này có thể giúp tránh tuyến lửa Bakhmut bị vỡ, và hỗ trợ tấn công. Từ nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo Ukraina vẫn đòi «những đôi cánh để bảo vệ tự do của chúng tôi», nhưng các nước còn ngần ngại. Giờ đây ngay cả Hà Lan cũng cân nhắc việc giao F-16 cho Kiev.

Trên chiến trường, phóng sự của đặc phái viên Le Figaro mô tả «một Bakhmut khác» mà quân Nga ra sức bao vây, đó là Avdiivka. Những cuộc pháo kích ồ ạt của Nga nhằm tìm cách xuyên thủng phòng tuyến của Ukraina trên chiến tuyến Donbass kéo dài khoảng 260 kilomet. Tại đây, những « Thiên thần trắng », một đơn vị đặc biệt của cảnh sát Ukraina chuyên đưa những người dân còn kẹt lại vùng hỏa tuyến ra khỏi nơi nguy hiểm. Le Monde kể lại câu chuyện của anh hùng Ukraina «Da Vinci», hy sinh tại chảo lửa Bakhmut ở tuổi 27, và người tình Alina Mykhailova, nhà chính trị học hiện chỉ huy đơn vị quân y trong cùng tiểu đoàn.

Nga và Trung Quốc, quân đội nào mạnh hơn?

Cũng trên lãnh vực quân sự, Le Figaro đặt câu hỏi «Liệu quân đội Trung Quốc đã vượt qua quân đội Nga hay chưa?». «Kỷ nguyên mới» trong quan hệ Nga-Trung khởi đầu một cách mất thăng bằng cả về quân sự lẫn công nghệ, thế mạnh xưa nay của Kremlin giảm dần theo với đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào kỹ nghệ quốc phòng. Nhà nghiên cứu Marc Julienne của IFRI cho biết: «Chủ yếu là hải quân và không quân Trung Quốc gia tăng về số lượng». Đô đốc Vandier, tham mưu trưởng hải quân Pháp ước tính cứ mỗi bốn năm Trung Quốc lại có thêm lượng tàu chiến ngang ngửa Pháp và đến 2030 sẽ cao gấp 2,5 lần.

Nga là đối tác lớn truyền thống, nhưng Matxcơva nhận ra Bắc Kinh mua vũ khí Nga để nghiên cứu rồi cóp theo, chẳng hạn tiêm kích J-11 của Trung Quốc là ăn cắp kiểu SU-27. Sau vụ chiếm Crimée, bị cô lập, Putin đành nới lỏng các quy định chuyển giao vũ khí cho Trung Quốc, bán cả hệ thống phòng không S-400. Nhưng cũng theo ông Marc Julienne, Bắc Kinh ngày càng ít mua vũ khí Nga hơn vì đã sản xuất được. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của IFRI lưu ý, động cơ máy bay vẫn là của Nga, nhưng tiêm kích J-20 mới nhất trang bị động cơ nội địa.

Quân đội Nga với 700.000 binh sĩ và ngân sách 61 tỉ đô la không thể so sánh với 2 triệu lính Trung Quốc và 225 tỉ đô la hàng năm. Nhưng để nâng cấp, Bắc Kinh rất cần sự huấn luyện của Nga, chẳng hạn hải quân Trung Quốc hoàn toàn không có kinh nghiệm, phải học hỏi mọi thứ từ đồng nhiệm Nga. Chuyên gia Léo Péria-Peigné nhấn mạnh, vũ khí tốt nhưng chưa chắc người sử dụng đã giỏi. Trung Quốc chưa tham dự một cuộc chiến tranh nào kể từ năm 1979 – Le Figaro ghi chú thêm, «bị bại trận trước Việt Nam».

Một nguồn tin quân sự ghi nhận Bắc Kinh «đổ ra rất nhiều tiền cho những thiết bị quân sự mà chất lượng chưa được thử thách, cho những binh sĩ chưa bao giờ xung trận». Marc Julienne nghi ngờ về tinh thần chiến đấu của quân Trung Quốc trong những cuộc chiến tranh cường độ cao, Léo Péria-Peigné cho rằng bị bất ngờ trước những khó khăn quân Nga gặp phải ở Ukraina, Bắc Kinh thấy không thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Như vậy cuộc xâm lăng Ukraina lại giúp Đài Loan sống sót, cho đến khi nào sức mạnh đang tăng dần của Trung Quốc có thể đè bẹp.

Trên 50 đại công ty Mỹ đổ xô vào Việt Nam

Ở vùng Đông Nam Á, Les Echos tìm cách lý giải «Tại sao Hoa Kỳ tiến công thương mại ồ ạt vào Việt Nam». Ít nhất 52 công ty Mỹ trong đó có những tên tuổi toàn cầu như Boeing, Coca Cola, Meta, Space X, Pfizer, Netflix… hôm nay kết thúc chuyến thăm ba ngày trên đất Việt. Hàng năm vẫn có một phái đoàn thương mại Mỹ đến Việt Nam trong khuôn khổ US-ASEAN Business Council, nhưng năm nay đặc biệt chưa bao giờ các đại diện kỹ nghệ và thương mại Mỹ lại đổ xô đến cùng lúc như vậy, cả một kỷ lục!

Đó là vì căng thẳng đang tăng lên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại châu Á, còn quan hệ thương mại Mỹ-Việt hết sức tốt đẹp. Tăng trưởng của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ 2011 (8% trong năm 2022). Thương mại song phương tăng 11 % trong năm ngoái, đạt con số chưa từng thấy là 123 tỉ đô la, biến Hoa Kỳ thành đối tác thương mại thứ nhì của Hà Nội sau Trung Quốc. Cho dù tăng trưởng của Việt Nam năm nay chậm lại (4-6 %), trao đổi vẫn đạt trên 100 tỉ đô la trong ba năm liên tiếp.

Thế nên lần này những tập đoàn nổi tiếng nhất mới đến tận nơi, vừa để nắm tình hình một đất nước vừa có chủ tịch mới, vừa xúc tiến các hoạt động. Tất nhiên Hà Nội rất hoan nghênh, hy vọng thu hút thêm nhiều đầu tư từ Mỹ. Trong một cuộc họp, bộ trưởng Kế hoạch Nguyễn Chí Dũng còn bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng sẽ tạo điều kiện tối đa cho các công ty Mỹ, và giới thiệu những lãnh vực ưu tiên như giao thông, hàng không.

Châu Âu kết thúc thời kỳ thả lỏng thị trường

Cũng về kinh tế, Les Echos nhận thấy rốt cuộc châu Âu đã có những chuyển biến trong chính sách kỹ nghệ. Trước đây vẫn chủ trương tự do, nay các Nhà nước ngày càng ra tay can thiệp. Cả một cuộc cách mạng ở Bruxelles ! Các nhà lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay bàn bạc về tính cạnh tranh, nhưng không giống thường lệ. Những tuần lễ vừa qua Bruxelles loan báo một loạt biện pháp bảo hộ nhằm củng cố vị trí châu Âu trong cuộc chiến toàn cầu về kỹ nghệ «xanh», hiện do Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn đầu.

EU vốn được thành lập trên nguyên tắc một thị trường chung về hàng công nghiệp, nguyên vật liệu và dịch vụ, tự do luân chuyển hàng hóa và tư bản giữa các nước thành viên. Nhắm vào một kỹ nghệ cụ thể để trợ giá như đã thực hiện trong năm ngoái đối với chất bán dẫn và sắp tới là sinh thái, là điều khó hình dung cách đây vài năm. Châu Âu rõ ràng đã bước vào một kỷ nguyên mới.

Nhà nước đã cung cấp vac-xin trong đại dịch Covid. Cũng chính là Nhà nước tiếp sức cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì khủng hoảng năng lượng, hậu quả của cuộc xâm lăng Ukraina. Nhưng đó chỉ là những biện pháp tình thế, từ nay sẽ có « chính sách cạnh tranh lâu dài » và những đạo luật chống cạnh tranh bất chính. Điều trái khoáy là giờ đây EU và Hoa Kỳ cũng hành động như kế hoạch «Made in China 2025» của đối thủ Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh định ra 10 lãnh vực ưu tiên (tự động hóa, không gian, xe điện…). Frans Timmermans, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhìn nhận sai lầm của EU: không có chính sách kỹ nghệ, ngỡ rằng thị trường sẽ tự thân vận động.

Macron trước phong trào chống cải cách hưu trí: Tựa chính báo Pháp

Hôm nay là ngày hành động lần thứ 9 chống lại cải cách hưu trí, hình ảnh tổng thống Pháp chiếm trang nhất các báo. Libération đăng chân dung ông Emmanuel Macron với dòng tít «Người tạo mồi lửa lớn» – tờ báo chơi chữ bằng cách dùng từ «tisonnier» gần giống với «Timonier» (Người cầm lái vĩ đại, chỉ Mao Trạch Đông). Les Echos nhận xét «Macron cố nắm lại tình hình», La Croix chạy tựa «Tiếp tục, nhưng làm thế nào?». Le Figaro coi đây là «Cuộc song đấu từ xa giữa Macron và các nghiệp đoàn». Ở các trang trong, tình hình Ukraina, chuyến thăm Matxcơva của Tập Cận Bình vẫn là đề tài được quan tâm nhiều nhất.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230324-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-v%C3%A0-%C4%91i%E1%BB%87u-v%C5%A9-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-b%E1%BA%A1o-ch%C3%BAa

Từ vụ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines: Không còn gì… đúng?

24/03/2023 – Thiên Hạ Luận

Máy bay của Vietnam Airlines tại phi trường Tân Sơn Nhất. Hình minh họa.
Máy bay của Vietnam Airlines tại phi trường Tân Sơn Nhất. Hình minh họa.

Vì sao việc phóng thích những cá nhân… chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự vốn đúng đắn và cần thiết lại gây nghi ngờ và bất bình đến mức như đã thấy?

Trân Văn

Dư luận vốn đã ồn ào sau khi có tin bốn tiếp viên của Vietnam Airlines bị tạm giữ do trong hành lý của họ có 11,4 ký ma túy lại còn ồn ào hơn lúc cả bốn được trả tự do vì… chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự (1).

Bởi đã có không ít gia đình tan nát và xã hội trở thành hỗn loạn vì ma túy nên có nhiều người hoan hỉ, với họ, bốn tiếp viên của Vietnam Airlines là những kẻ thủ ác, họ mong cả bốn sẽ bị trừng phạt thích đáng. Tuy nhiên cũng có những người cho rằng cả bốn chỉ là nạn nhân của chính họ, những người này bày tỏ sự xót xa, nuối tiếc khi cả bốn đã để lòng tham đẩy vào tuyệt lộ… Cũng vì thế đã có những cuộc tranh luận này lửa trên mạng xã hội… Bất đồng lên đến đỉnh khi cả bốn tiếp viên của Vietnam Airlines được phóng thích!

Trong bối cảnh như vừa kể, việc xác định bốn tiếp viên của Vietnam Airlines được trả tự do vì… chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đã làm dấy lên cả sự nghi ngờ lẫn bất bình của công chúng. Bên cạnh đó cũng có những người tỉnh táo và chừng mực hơn trong đánh giá, nhận định, chẳng hạn như Duan Dang: Những diễn biến bất ngờ của vụ bốn tiếp viên hàng không lẽ ra có thể là một case study rất thú vị nhưng thay vì phân tích duy lý thì lại có khá nhiều bình luận cảm tính xuất hiện trên mạng. Sững sờ, gào thét, phẫn nộ, đả kích, hoài nghi… đôi khi chỉ vì sự việc đơn giản diễn ra không giống như những nhận định “all in”, chắc chắn “chăm chăm” hoặc mong muốn trước đó của mình. Có lẽ những chuyên gia pháp luật sẽ có những phân tích và bình luận chặt chẽ hơn nhưng cá nhân tôi đánh giá cao quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra TP.HCM khi xác định chưa đủ cơ sở khởi tố bị can để từ đó thả người, mặc dù họ vẫn đã khởi tố vụ án.

Theo Duan Dang:Cũng nên lưu ý là trong quá trình điều tra vụ án, nếu có đủ cở sở chứng minh khai báo gian dối hoặc bằng chứng khác thì cũng không có gì lạ nếu các tiếp viên bị bắt lại và khởi tố. Ở đây, cơ quan điều tra đã áp dụng nguyên tắc vàng trong tố tụng hình sự là nghĩa vụ chứng minh (burden of proof) thuộc về những người đưa ra cáo buộc và các bằng chứng phải “vượt qua mọi sự nghi ngờ hợp lý” (beyond a reasonable doubt). Càng đáng khen hơn nữa khi họ ý thức được sẽ phải đối diện cơn phẫn nộ của dư luận với quyết định đó. Có thể có những nghi ngờ rằng đây chỉ là thủ đoạn nghiệp vụ – thả để bắt, hay kể cả thuyết âm mưu về lủng củng nội bộ hay áp lực vô hình nhưng đó chỉ đều là suy đoán. Dù mơ hồ hay có vẻ thuyết phục thì chúng cũng chỉ là những suy đoán, cái nên quan tâm là diễn biến và sự thực khách quan, diễn biến đến đâu bàn luận đến đó. Có thể coi đây là một “án lệ” đẹp, cần phải được quan tâm nghiên cứu không chỉ trong các vụ án về chất cấm nói riêng mà cả các vụ án hình sự nói chung.

Duan Dang nhấn mạnh: Điều mong đợi là những nguyên tắc trên sẽ được áp dụng phổ quát, chứ không phải chọn lọc hay tùy hứng. Chúng ta đã có quá nhiều những vụ án “suy đoán có tội” hay những người bị tạm giữ biệt tích không đủ căn cứ (2)!

Giống như nhiều quốc gia khác, Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam cũng xác định: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội(Điều 15) và: Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội(Điều 13) nhưng đó lại là điều rất hiếm gặp trong thực tế.

Cũng vì vậy, rất nhiều người không tin, lần này, bốn tiếp viên của Vietnam Airlines được phóng thích chỉ vì… chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Không ít người đã dẫn lại một số trường hợp cũng mang giúp, vận chuyển dùm hàng hóa có ma túy song bị kết án tử hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Hương – 73 tuổi, người Úc gốc Việt (3), trường hợp ông Trần Minh Đạt – 43 tuổi, người Úc gốc Việt (4),… bất kể sự ái ngại của nhiều người, nhiều giới về những cáo buộc này.

Không phải tự nhiên mà Trần Quốc Quân nửa đùa, nửa thật: Các bạn đừng thấy việc bốn cô tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy bất ngờ được trả tự do mà ham. Bởi khi các bạn nổi cơn tham mà vận chuyển ma túy bị cơ quan chức năng bắt quả tang, muốn thoát tội, CÁC BẠN PHẢI CHỨNG MINH MÌNH VÔ TỘI. Trong khi bốn cô tiếp viên hàng không bị bắt quả tang vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn, muốn buộc tội các cô ấy, CƠ QUAN CHỨC NĂNG PHẢI CHỨNG MINH CÁC CÔ ẤY CÓ TỘI. Bản chất vụ việc tưởng giống nhau nhưng cách thức buộc tội thì rất khác nhau. Đó là bởi luật pháp ở xứ sở này là một trò chơi quyền lực. Các bạn đã hiểu chưa (5)?

Cũng không phải tự nhiên mà Khanh Nguyen ngậm ngùi: Mừng cho bốn người bạn trẻ vì đường đời không cụt lối nhưng lại ngạc nhiên vì cả trăm người bị kết tội với các chứng cứ mơ hồ như 117 và 331 lại bị xử rất nặng như vụ án Bùi Văn Thuận (6).

***

Vì sao việc phóng thích những cá nhân… chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự vốn đúng đắn và cần thiết lại gây nghi ngờ và bất bình đến mức như đã thấy? Vì sao lại xảy ra tình trạng làm Mai Quoc Viet cũng như hàng trăm thân hữu sửng sốt: Một – Nghệ sĩ già Chí Trung bị nhồi như mèo nhồi chuột bởi một lời cảm thán thương xót cho bốn cô gái tiếp viên xách dùm 11 ký sản phẩm có chứa ma túy. Những lời bình trên một status của một người xưng là nhà báo có đông người theo dõi. Tạm trích: Thằng hề,… thằng chí, kẻ gieo rắc thần chết, thằng cùng hội cùng thuyền, thằng già mà mất nết,… Hai – Nghệ sĩ Vũ Linh từ trần. Yêu cầu giải thích vì sao nhận tiền phúng điếu? Yêu cầu phải minh bạch mục đích sử dụng tiền phúng điếu. Chất vấn nghệ sĩ hài vì sao có thời giờ để livestream mà không chịu đi viếng? Tung tin thất thiệt nghệ sĩ hài phúng điếu 200 triệu nhưng thực chất chỉ là một tấm thảm đen trải lối đi. Mới đây là tạo sóng bởi tin đồn con cháu Vũ Linh bán nhà của Vũ Linh để chia nhau khiến người nhà nghệ sĩ Vũ Linh với quần áo tang liên tục lên mạng đau đớn giải thích… Các bạn có ý kiến gì không? Liệu có ai đủ anh minh để moi ra chân lý của những hành vi này không (7)?..

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/tra-tu-do-bon-tiep-vien-vietnam-airlines-xach-ma-tuy-vi-chua-du-co-so-khoi-to-20230322170636457.htm

(2) https://www.facebook.com/duan.dang.9/posts/pfbid0dmn3yEe7gy5znnYT3846qnCRcgwzw94GUHHT2BNyyePRxjbNf4Vd6mLVU9zCD92Yl

(3) https://congan.com.vn/vu-an/ba-lao-73-tuoi-bi-tuyen-an-tu-vi-nghi-28-kg-ma-tuy-la-xa-phong_21962.html

(4) https://tuoitre.vn/xach-dum-27kg-ma-tuy-viet-kieu-lanh-an-tu-hinh-608521.htm

(5) https://www.facebook.com/quocquan.tran.7906932/posts/pfbid02dZSEF7TRMCXJzQmR1NVXJVw2ovq45Q6J7SLNfyXtH75u9TaGBvjHPdkr59Q1kvfpl

(6) https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/pfbid0SYfcFhGgufX7iJ3Fv6QiXeTLMiw9eFd7mMSvCXJVuBzZHnZTLg16jrdkFEkPjreDl

(7) https://www.facebook.com/quocviet.mai.7568/posts/pfbid0hcg6qeR2ebfoUo63GH5A4HGMYcc8tio1d8arVFZe5XqP2fkYtJhhFPzU8biT7xW1l

source: https://www.voatiengviet.com/a/tu-vu-tiep-vien-hang-khong-vietnam-airlines-khong-con-gi-dung-/7019746.html