Tin Tổng Hợp – 20/03/23: Tập thăm Nga; Ukraina lên án Putin trơ tráo trong chuyến đi Mariupol; Nhật, Đức cam kết trừng phạt Nga, hậu thuẫn Ukraina; HÐBA không hành động vụ Bắc Hàn thử tên lửa; Vinhomes đàm phán dự án Ocean Park 3 với công ty Singapore

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 20/03/23: Tập thăm Nga; Ukraina lên án Putin trơ tráo trong chuyến đi Mariupol; Nhật, Đức cam kết trừng phạt Nga, hậu thuẫn Ukraina; HÐBA không hành động vụ Bắc Hàn thử tên lửa; Vinhomes đàm phán dự án Ocean Park 3 với công ty Singapore

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga vì «hợp tác và hòa bình»

20/03/2023 – Minh Anh – Hôm nay, 20/03/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Matxcơva gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài ba ngày, từ 20-22/3/2023. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina vẫn kéo dài và Tòa án Hình sự Quốc tế vừa phát lệnh bắt giữ tổng thống Nga về tội ác chiến tranh.

AFP ghi nhận, đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc từ bốn năm qua. Theo thông báo của phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, hôm nay tổng thống Nga có cuộc gặp riêng «không chính thức» với đồng nhiệm Trung Quốc trước bữa dạ tiệc. Hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc thảo luận chính thức vào ngày mai, đặc biệt là về kế hoạch hòa bình cho Ukraina gồm 12 điểm do Bắc Kinh đề xuất.

Quan hệ Nga – Trung trong những năm gần đây ngày càng được siết chặt về mặt kinh tế và ngoại giao, nhất là kể từ khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina, nhằm hình thành một mặt trận chung chống phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Với chủ trương thiết lập một đối tác «vô biên» với Matxcơva, Bắc Kinh không công khai lên án cuộc chiến xâm lược của Nga, mà chỉ trích Mỹ và NATO là nguồn cội gây bất ổn an ninh cho Nga.

Dù vậy, Trung Quốc gần đây đã lên tiếng kêu gọi Nga và Ukraina mở đối thoại cũng như kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, bao gồm cả Ukraina, đề xuất một kế hoạch 12 điểm để giải quyết xung đột Ukraina.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nghi ngờ thực tâm của Bắc Kinh làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến Ukraina, do mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga, cũng như ảnh hưởng có phần hạn chế của Trung Quốc đối với chủ nhân điện Kremlin.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde nhận định: 

«Chủ tịch Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng này trong một thông điệp gởi đến truyền thông Nga sáng hôm nay và được Tân Hoa Xã đăng tải. Trong thông điệp này, ông Tập Cận Bình viết: “Chuyến thăm Nga của tôi là một chuyến đi vì tình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”. Ở đây, không chỉ có sự hậu thuẫn đồng minh Nga, mà còn có cả mối quan hệ cá nhân giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin.

Đây là lần thứ 40 nguyên thủ quốc gia Trung Quốc gặp trực tiếp với người mà từ năm 2019 ông đã gọi là “người bạn tốt nhất”. Tập Cận Bình viết tiếp: “Tôi mong được hợp tác với tổng thống Putin, để cùng thông qua một tầm nhìn mới.”

Một tầm nhìn chung, nhưng trong bối cảnh cuộc chiến tranh Ukraina. Trung Quốc đang tự khẳng định vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột và đã đưa ra sáng kiến hòa bình 12 điểm cho Ukraina.

Kế hoạch này đã được phương Tây đón nhận một cách hoài nghi, bởi vì về mặt hình thức, Trung Quốc thể hiện một lập trường “khách quan và không thiên vị”, điều đã được nhắc lại sáng nay, nhưng người ta cũng thấy rõ là cho đến nay, sự trung lập này có xu hướng thiên về phía Nga nhiều hơn.

Hơn nữa, chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa có cuộc tiếp xúc trực tiếp nào với đồng nhiệm Ukraina kể từ đầu cuộc chiến. Một cuộc trao đổi đầu tiên giữa Tập Cận Bình và Volodymyr Zelensky rất có thể sẽ diễn ra sau chuyến đi thăm Matxcơva của lãnh đạo Trung Quốc, nhưng hiện giờ các thông báo chính thức của hai nước chưa đề cập đến vấn đề này. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230320-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-chuy%E1%BA%BFn-th%C4%83m-nga-v%C3%AC-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-v%C3%A0-h%C3%B2a-b%C3%ACnh

Ukraina lên án thái độ «trơ tráo» của Putin trong chuyến thăm Mariupol

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình:

Chuyến thăm hơi lén lút của Vladimir Putin tới Mariupol diễn ra vào sáng sớm hôm qua, trước bình minh, và sự kiện này đã gây những bình luận dữ dội ở Ukraina.

Hội đồng thành phố Mariupol đang lưu vong đã tố cáo chuyến thăm thành phố cảng Ukraina của «tên tội phạm quốc tế Putin»: «Một chuyến thăm vào ban đêm có lẽ để không phải nhìn thấy vào ban ngày thành phố mà ông ta đã hủy diệt khi tuyên bố giải phóng.».

Putin thực hiện chuyến thăm này vào ban đêm «như một tên trộm», bộ Quốc phòng Ukraina nhận xét như vậy vào cuối ngày. Bóng tối cho phép ông chỉ nhìn thấy những gì ông muốn và nhất là không làm lộ rõ một thành phố gần như bị san bằng.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Volodymyr Zelensky, cũng tuyên bố: «Tội phạm luôn quay trở lại hiện trường vụ án.» Ông Podolyak ghi nhận sự trơ tráo và không biết đến sự sám hối của người mà ông cho là phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết của hàng nghìn gia đình ở Mariupol.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230320-ukraina-l%C3%AAn-%C3%A1n-th%C3%A1i-%C4%91%E1%BB%99-tr%C6%A1-tr%C3%A1o-c%E1%BB%A7a-putin-trong-chuy%E1%BA%BFn-th%C4%83m-mariupol

Nhật, Đức cam kết siết chặt trừng phạt Nga và hậu thuẫn Ukraina

19/03/2023 – Trọng Thành – Đức, Nhật siết chặt hợp tác an ninh, quốc phòng. Ưu tiên là củng cố mặt trận trừng phạt Nga, hậu thuẫn Ukraina. Chính phủ của thủ tướng Đức Olaf Scholz lần đầu tiên có cuộc họp tham vấn cấp chính phủ về an ninh kinh tế với Nhật. Đây cũng là lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Đức đến Nhật từ 16 năm nay.

Theo đài Nhật NHK, trong cuộc hội kiến ngày hôm qua, 18/03/2023, thủ tướng Nhật Kishida Fumio và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã thỏa thuận ‘‘duy trì các trừng phạt nghiêm ngặt với Nga, và hậu thuẫn Ukraina’’. Hai bên khẳng định cần chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraina sớm nhất có thể. Trước các thách thức to lớn hiện nay, chính quyền Đức đang xét lại hoàn toàn chính sách hạn chế hợp tác về an ninh với Nhật.

Thông tín viên Pascal Thibaut từ Berlin cho biết cụ thể:

‘‘Nhật Bản từ lâu vốn đã bị Đức xa lánh. Ở châu Á, Berlin chỉ để mắt đến Trung Quốc. Giờ đây Đức muốn xem xét lại lập trường này. Điểm đến đầu tiên của thủ tướng Đức Olaf Scholz tới khu vực là Nhật Bản. Đi cùng với Olaf Scholz có sáu bộ trưởng và một phái đoàn kinh tế lớn, sẽ tham dự các tham vấn cấp chính phủ đầu tiên giữa hai nước.

Cuộc chiến ở Ukraina đang để lại những hậu quả. Cả hai quốc gia đều có chung một láng giềng Nga gây lo ngại. Hai quốc gia bại trận trong Đệ nhị Thế chiến, từ lâu đã có chủ trương kiềm chế sức mạnh quân sự, nhưng giờ đây muốn tăng cường nỗ lực và phát triển hợp tác an ninh song phương.

Hai quốc gia xuất khẩu và cách tân này, vốn không có tài nguyên về năng lượng, phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi cung ứng là thiết yếu để nền kinh tế của họ có thể vận hành tốt. Tokyo và Berlin muốn phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như khai thác tài nguyên, pin điện hay bán dẫn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảm thấy quan hệ song phương với Nhật Bản đã chuyển sang ‘‘một cấp độ mới’’. Hai tháng nữa, ông Scholz sẽ lại tới Nhật để tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5’’.

Hợp tác vì an ninh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương

Tăng cường hợp tác vì an ninh tại Ấn Độ – Thái Bình Dương là một nội dung căn bản khác. Theo NHK, hai lãnh đạo chính phủ Nhật – Đức tái khẳng định nguyên tắc thúc đẩy một khu vực ‘‘Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở’’. Thách thức lớn nhất, không được trực tiếp gọi tên, chính là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức liên tiếp 7 năm nay. Chính phủ Nhật dường như đang đặt hy vọng vào việc Đức sẽ có thái độ kiên quyết hơn với Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trả lời đài Đức Deutsche Welle (DW) trước chuyến công du của thủ tướng Đức, ông Toshimitsu Shigemura, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận định: Thủ tướng Nhật muốn ‘‘trực tiếp hiểu rõ chính sách của Đức với Trung Quốc’’, “Nhật Bản lo ngại sâu sắc về việc Đức và một số nước khác vẫn muốn cố gắng hợp tác với Trung Quốc, bất chấp những vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… cụ thể như việc Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa các đảo san hô trên khắp Biển Đông, đàn áp toàn diện giới bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, đe dọa Đài Loan và yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng đối với một số nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ’’.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230319-nh%E1%BA%ADt-%C4%91%E1%BB%A9c-cam-k%E1%BA%BFt-si%E1%BA%BFt-ch%E1%BA%B7t-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-nga-v%C3%A0-h%E1%BA%ADu-thu%E1%BA%ABn-ukraina

G7: ‘Đáng tiếc’ Hội đồng Bảo an LHQ không hành động về vụ thử tên lửa của Triều Tiên

19/03/2023 – Reuters – Các ngoại trưởng của Nhóm G7 hôm Chủ nhật cho biết rằng họ lấy làm tiếc về việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có hành động gì đối với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao G7 trong một cuộc họp. [Ảnh minh họa]
Các nhà ngoại giao G7 trong một cuộc họp. [Ảnh minh họa]

Trong một tuyên bố, họ ghi nhận “sự cản trở” của một số thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mặc dù họ không nêu tên nhưng Trung Quốc và Nga đã ngăn chặn các nỗ lực gần đây nhằm nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp trả Triều Tiên.

Nhóm G7 lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 16/3 của Triều Tiên là “phá hoại hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế”.

Trong một diễn biến mới nhất, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo
tầm ngắn về phía biển ngoài khơi duyên hải phía đông của Bán đảo Triều
Tiên hôm Chủ nhật, theo Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ thử vũ khí từ quốc gia vũ trang hạt nhân này.

Theo một tuyên bố của quân đội Hàn Quốc, tên lửa được phóng từ địa điểm Dongchang-ri trên bờ biển phía tây vào khoảng 11:05 sáng, bay khoảng 800 km trước khi bắn trúng mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa đã bay cao tới 50 km.

Seoul đã lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên là “sự vi phạm rõ ràng” nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-dien-tap-phong-phi-dan-hanh-trinh-chien-luoc/7011942.html

Vinhomes đàm phán bán dự án khu đô thị Ocean Park 3 cho công ty Singapore

2023.03.19 – Tập đoàn bất động sản CapitalLand Group của Singapore đang đàm phán mua lại một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes. Hãng tin Reuters trích hai nguồn tin giấu tên cho biết như vậy.

Vinhomes đàm phán bán dự án khu đô thị Ocean Park 3 cho công ty Singapore

Một khu chung cư của Vinhomes được xây dựng ở Hà Nội năm 2018 (minh hoạ) – Reuters

Đây được cho là một trong những thương vụ bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong những năm gần đây.

Reuters cho biết phía công ty của Singapore đang đàm phán mua lại các tài sản của Vinhomes trị giá 1,5 tỷ đô la.

Đàm phán diễn ra vào khi thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp khó khăn, các công ty kinh doanh bất động sản phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, khó bán nhà, trong khi một loạt các “đại gia” bất động sản bị khởi tố và bắt giam trong chiến dịch chống tham nhũng lan rộng của Đảng Cộng sản.

CapitalLand Development không trả lời Reuters về khả năng đạt được thoả thuận nhưng cho biết: “Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi của CapitaLand Development. Chúng tôi liên tục đánh giá những cơ hội đầu tư để gia tăng sự hiện diện của mình ở quốc gia này”.

CapitaLand Development là thành viên của Tập đoàn CapitaLand. Tập đoàn này do Temasek Holdings – tập đoàn đầu tư toàn cầu của chính phủ Singapore – sở hữu phần lớn.

Tập đoàn này hiện cũng sở hữu một số dự án khu dân cư và chung cư cao cấp tại bốn thành phố của Việt Nam.

Vinhomes, một nhánh của tập đoàn Vingroup, hiện có giá trị thị trường ước tính là tám tỷ đô la và là tập đoàn bất động sản lớn nhất ở Việt Nam tính theo vốn hoá thị trường.

Một trong hai nguồn tin cho Reuters biết, CapitalLand đang đàm phán mua lại một phần của dự án Ocean Park 3 có diện tích 294 héc-ta gần Hà Nội hoặc một dự án khác ở Hải Phòng.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện cũng chưa bình luận gì về đàm phán này.

Vingroup hiện cũng đang đầu tư hàng tỷ đô la vào hãng xe điện VinFast và đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin và lắp ráp xe điện ở Mỹ trị gía bốn tỷ đô la, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2024.

Tuy nhiên, VinFast mới đây cho biết hãng sẽ phải hoãn lại việc hoàn tất xây dựng nhà máy này tới năm 2025. Kế hoạch gọi vốn tại Mỹ bằng việc phát hành cổ phiếu công khai lần đầu tiên ra công chúng (IPO) tại thị trường Mỹ lúc đầu dự định vào cuối năm 2022 hiện đã phải lùi lại và chưa biết cụ thể là vào thời gian nào trong năm 2023.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/singapore-s-capital-land-in-talks-to-buy-vn-property-assets-from-vinhomes-03192023202911.html

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu sắp hoàn tất kế hoạch viện trợ 2 tỷ euro cho Ukraina. Theo tiết lộ từ một quan chức châu Âu hôm qua, 19/03/2023, dự án một khi được hoàn tất trong tuần này sẽ cho phép Liên Âu tài trợ cho việc cùng mua đạn dược để cung cấp ít nhất một triệu quả đạn pháo 155 ly cho Ukraina và tái lập kho dự trữ chiến lược của các nước thành viên. Hiện dự thảo văn bản còn vấp phải thái độ do dự của hai nước thành viên là Ý và Hà Lan. Một khi được thông qua, thỏa thuận này còn phải được các lãnh đạo Liên Âu thông qua nhân kỳ họp thượng đỉnh 23 và 24/03.

(AFP) – Luân Đôn và Kiev ký kết thỏa thuận về thương mại kỹ thuật số. Trong một thông cáo ngày 20/3/23, bộ Thương Mại Anh cho rằng thỏa thuận, được ký kết qua mạng giữa hai nước Anh và Ukraina, sẽ giúp Ukraina được “quyền truy cập có bảo đảm các dịch vụ tài chính thiết yếu cho nỗ lực tái thiết” đất nước nhờ vào việc tạo thuận lợi cho lưu thông dữ liệu. Tháng 11/2022, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận được cho là “lịch sử”, gia hạn đến tháng 3/2024, việc bãi bỏ các mức thuế quan đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Ukraina.

(AFP) – Trung Quốc hôm nay 20/03/2023 kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tránh những hành động “phân biệt đối xử” sau khi ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin. Tổng thống Nga bị ICC, có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), cáo buộc phạm tội ác chiến tranh vì đã “di dời trái phép” trẻ em Ukraina sang lãnh thổ Nga hay đến các vùng bị Nga chiếm đóng. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Tòa án Hình sự Quốc tế phải có lập trường khách quan và trung lập, tôn trọng quyền miễn trừ của các nguyên thủ quốc gia theo luật quốc tế.” Phản ứng của Trung Quốc được công bố vài giờ trước khi chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm Nga.

(AFP) –  Ai Cập tiếp phái đoàn Nga sau khi tổng thống Putin bị một tòa án quốc tế truy nã vì tội ác chiến tranh. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi hôm qua, Chủ nhật 19/03/2023, đã tiếp phái đoàn Nga do đặc phái viên phụ trách Trung Đông của tổng thống Putin dẫn đầu. Ai Cập muốn duy trì quan hệ mật thiết với Nga, tuy vẫn bỏ phiếu nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina.

(AFP) – Nga cấm công chức sử dụng iPhone. Theo trang mạng Kommersant của Nga ngày 20/03/2023, điện Kremlin đã yêu cầu các công chức có tham gia vào công tác chuẩn bị cho bầu cử tổng thống Nga năm 2024 phải ngừng sử dụng iPhones của hãng Apple. Matxcơva lo ngại những thiết bị này dễ bị các cơ quan tình báo phương Tây xâm nhập.

(AFP) – Cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ thăm Trung Quốc, đảng cầm quyền Đài Loan lên án. Theo phát ngôn viên của cựu tổng thống hôm nay, 20/3/23, ông Mã Anh Cửu sẽ đến Hoa Lục tuần tới. Đây là chuyến thăm Đài Loan đầu tiên sau hơn 70 năm của một tổng thống Đài Loan tại chức hoặc đã hết nhiệm kỳ. Ông Mã Anh Cữu không đến Bắc Kinh và không có kế hoạch gặp chính quyền Trung Quốc. Theo người phát ngôn của ông, chuyến đi nhằm giúp xoa dịu căng thẳng hai bờ eo biển. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Dân Tiến có quan điểm ngược lại: “Người dân Đài Loan không thể chấp nhận việc một nguyên thủ quốc gia đã nghỉ hưu trở thành con tốt của Đảng Cộng Sản Trung Quốc’’.

(AP) – Cộng hòa Trung Phi: 9 công dân Trung Quốc bị giết tại một khu khai thác vàng. Theo thông báo của chính quyền sở tại hôm qua, 19/3/23, ngoài 9 người chết, còn có hai người khác bị thương. Hiện tại chưa rõ thủ phạm. Lực lượng nổi dậy ‘‘Liên minh những người yêu nước vì sự thay đổi’’ (CPC), bị tình nghi, đã ra thông cáo khẳng định nhóm lính đánh thuê Nga Wagner đứng sau vụ này, nhưng không đưa bằng chứng.

(AFP) – Tổng thống Iran nhận lời mời của quốc vương Ả Rập Xê Út. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm qua 19/03/2023 đã nhận lời mời của quốc vương Ả Rập Xê Út Salmane ben Abdelaziz Al Saoud đến thăm Riyadh để thắt chặt quan hệ hợp tác song phương. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm qua cũng cho biết hai nước đã nhất trí về một cuộc gặp sắp tới giữa hai ngoại trưởng. Lời mời của Ả Rập Xê Út được đưa ra sau thông báo hôm 10/03 của Teheran và Riyadh về quyết định khôi phục quan hệ ngoại giao trong vòng hai tháng tới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230320-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(Yonhap) – Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn về hướng biển Nhật Bản. Quân đội Nam Hàn cho biết vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên được tiến hành từ Tongchang-ri, lúc 11h05 sáng hôm nay 19/03/2023. Tên lửa đã bay được 800 km trước khi rơi xuống biến Nhật Bản. Vụ phóng tên lửa được xem như hành vi đáp trả của Bình Nhưỡng trong bối cảnh Mỹ – Hàn đang tập trận chung. Phát biểu với báo giới, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết tình báo Mỹ – Hàn đang tìm hiểu về tên lửa mà Bình Nhưỡng cho thử nghiệm hôm nay.

(Reuters/AFP) – Ngân Hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đề nghị mua lại đối thủ cạnh tranh Credit Suisse với giá 1 tỷ đô la. Theo nhật báo Anh FT vào hôm nay, để tạo điều kiện cho thương vụ này, chính phủ Thụy Sĩ có kế hoạch thay đổi luật pháp của đất nước để không cần đến cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch này. Dưới sự thúc giục của chính quyền, UBS phải hoàn tất việc tiếp quản Credit Suisse vào hôm nay để tránh việc Credit Suisse sụp đổ và gây hoảng loạn trên thị trường quốc tế vào ngày mai.

(AFP) – Serbia và Kosovo không đúc kết được thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ. Cuộc họp giữa tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, và thủ tướng Kosovo, Albin Kurti, diễn ra hôm 18/03/2023 tại Ohrid, Bắc Macedonia, với sự tham gia của các nhà trung gian hòa giải Liên Âu và Hoa Kỳ, đặc biệt là lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, Josep Borell. Cuộc họp kéo dài 12 giờ đồng hồ, nhưng thỏa thuận «lịch sử» mà quốc tế hy vọng là Serbia và Kosovo ký kết, vì sự ổn định của vùng Balkan, cuối cùng đã không thể có được.

(AP) – Montenegro bầu lại tổng thống. Cuộc bỏ phiếu ngày 19/03/2023 diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị và câu hỏi về việc liệu quốc gia thành viên NATO nhỏ bé ở vùng Balkan này có nỗ lực để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hay không, hay là tìm cách cải thiện quan hệ với Serbia và Nga. Các nhà phân tích dự đoán rằng cuộc bầu cử tổng thống của Montenegro sẽ không có người chiến thắng rõ ràng và tổng thống mãn nhiệm Milo Djukanovic, 61 tuổi, sẽ phải vào vòng hai trong hai tuần nữa.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230319-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đề nghị Quốc Hội phê chuẩn hồ sơ gia nhập NATO của Phần Lan. Thông báo của ông Erdogan được đưa ra hôm 17/3/23, sau cuộc gặp tại Ankara với thủ tướng Phần Lan Sauli Niinistö. NATO ngay lập tức hoan nghênh quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara vẫn chặn hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển. Về phần Hungary, Nghị viện nước này dự kiến ngày 27/03 thông qua hồ sơ gia nhập NATO của cả Phần Lan và Thụy Điển. 

( AFP ) – Lần đầu tiên từ 26 năm qua, một bộ trưởng Đức thăm Đài Loan. Theo thông báo của phát ngôn viên bộ Nghiên cứu của Đức hôm qua, 17/03/2023, bộ trưởng Bettina Stark-Watzinger sẽ đến Đài Loan vào tuần tới với mục tiêu “tăng cường và mở rộng quan hệ với Đài Loan trong các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu và giáo dục”.

(AFP) – Nhật Bản công bố loạt biện pháp được xem là «cơ may cuối cùng» để kích thích tỉ lệ sinh. Thủ tướng Nhật hôm 17/03/2023 hứa tăng trợ cấp gia đình và tăng tiền nghỉ phép thai sản cho các bậc phụ huynh. Kế hoạch cụ thể sẽ được chính phủ Nhật công bố vào tháng 06/2023. Gần 30% trong tổng dân số 127 triệu của Nhật Bản hiện giờ đã trên 65 tuổi. Trên thế giới, tỉ lệ này chỉ thấp hơn Monaco. Tỉ lệ sinh ở Nhật trong năm 2022 đã xuống mức thấp nhất tính từ năm 1899.

(AFP) – Donald Trump «tái xuất» trên Youtube và Facebook. Ngày 17/03/2023 lần đầu tiên sau 2 năm, ông Donald Trump đăng tải trở lại trên Youtube và Facebook. Cựu tổng thống Mỹ bị Youtube và Facebook đóng tài khoản hồi đầu năm 2021 sau vụ những người ủng hộ ông gây bạo loạn ở điện Capitol. Ông đã có 34 triệu người đăng ký theo dõi trên Facebook và 2,6 triệu người đăng ký theo dõi trên kênh Youtube.

( AFP ) – Wyoming, bang đầu tiên cấm thuốc ngừa thai. Hôm qua, 17/3/23, bang Wyoming đã trở thành bang đầu tiên của Hoa Kỳ cấm thuốc ngừa thai. Thống đốc Mark Gordon còn kêu gọi các nghị sĩ ở Wyoming ghi vào Hiến pháp của bang điều khoản cấm hoàn toàn việc phá thai và đưa vấn đề này ra trưng cầu dân ý.

(AFP) – Hàng triệu con cá chết đang phân hủy gây tắc nghẽn một đoạn sông ở miền đông nam Úc. Nhà chức trách hôm 17/03/2023 cho biết lý do cá chết hàng loạt trên sông Darling, gần làng Menindee, là do nắng nóng, mực nước xuống quá nhanh, trong khi lượng cá trong sông dày đặc do trước đó cá đổ về sông nhiều trong đợt ngập lụt. Đây là đợt cá chết hàng loạt thứ 3 trong vùng tính từ năm 2018. Hai đợt trước đều do sông thiếu nước và tảo độc sinh sôi quá nhiều dọc 40 km sông.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230318-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p