Tin Tổng Hợp – 10/03/23: Quốc Hội TC trao Tập nhiệm kỳ ba; Mỹ báo Nga khuấy động ở Moldova; CSVN nằm trong nhóm “không có tự do” suốt từ năm 1976; Nga bắn tên lửa tấn công đô thị Ukraina; Mỹ dành hàng tỷ đô chống TC

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 10/03/23: Quốc Hội TC trao Tập nhiệm kỳ ba; Mỹ báo Nga khuấy động ở Moldova; CSVN nằm trong nhóm “không có tự do” suốt từ năm 1976; Nga bắn tên lửa tấn công đô thị Ukraina; Mỹ dành hàng tỷ đô chống TC

Quốc Hội Trung Quốc nhất trí trao Tập Cận Bình nhiệm kỳ ba

10/03/2023 – Thanh Hà – Không một phiếu chống, không ai vắng mặt. 2952 đại biểu Quốc Hội Trung Quốc ngày 10/03/2023 nhất trí bỏ phiếu tín nhiệm ông Tập Cận Bình, ứng viên duy nhất, thêm nhiệm kỳ thứ ba ở chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Tổng thống Nga Vladimir Putin lập tức «thành thật chúc mừng» ông Tập Cận Bình và Matxcơva «cảm kích trước những đóng góp cá nhân của ông Tập củng cố quan hệ» song phương.

Việc bầu tại Quốc Hội chỉ là thủ tục nhưng giới quan sát vẫn xem đây là một sự kiện lịch sử. Với nhiệm kỳ thứ ba này, ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông đến nay.

Thông tín viên RFI từ Bắc Kinh, Stéphane Lagarde tường thuật:

«2952 lá phiếu được ghi nhận sau cuộc kiểm phiếu và được thông báo trước các đại biểu tập hợp ở Đại Sảnh Đường Nhân Dân sáng hôm nay (10/03). 2952 lá phiếu thu nhận được và 2952 lá phiếu đều đã được chấp nhận. Các đại biểu nhất trí bỏ phiếu bầu lại ông Tập Cận Bình. Không có bất kỳ một lá phiếu chống đối nào, không một ai vắng mặt. Kế tới là những tràng pháo tay dài.

Sau 10 năm điều hành đất nước, nhân vật số 1 tại Trung Quốc đã loại hết các đối thủ. Cuộc biểu quyết hôm nay là thủ tục thông qua quyết định từ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 hồi tháng 10 năm ngoái. Và sự kiện này mang ý nghĩa chính trị mạnh mẽ. Phiên họp sáng nay đã được đài truyền hình Nhà nước phát trực tiếp và cho thấy giới tinh hoa cộng sản đoàn kết dưới sự lãnh đạo của chủ tịch nước.

Tương tự như vậy, không có bất kỳ một tiếng nói chống đối nào bên Quân Ủy Trung Ương, với 2952 phiếu và những tràng pháo tay, Quân Ủy Trung Ương cũng đã tín nhiệm ông Tập Cận Bình tiếp tục là người đứng đầu quân đội. Khoảng một chục sĩ quan, đầu đội mũ trắng, xanh và xanh lá cây đại diện cho lục quân, hải quân và không quân từ, trên bục cao đi xuống, mang theo cuốn sách đỏ. Đó là bản Hiến Pháp Trung Quốc. Đây là một biểu tưởng nhắc nhở tầm mức quan trọng của văn bản này, sau khi văn bản đã được sửa đổi cách nay 5 năm, xóa bỏ điều khoản giới hạn quyền lực của chủ tịch nước.

Trong buổi lễ tuyên thệ, ông Tập Cận Bình đã «Thề trung thành với Hiến Pháp của Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa». Trong thời gian gần đây, ông thường tự cho mình là nhà cầm lái vĩ đại, sẵn sàng lèo lái con tàu của Trung Quốc, để vượt qua các vùng biển đầy bão táp trong quan hệ quốc tế».

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230310-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-trung-qu%E1%BB%91c-nh%E1%BA%A5t-tr%C3%AD-trao-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-nhi%E1%BB%87m-k%E1%BB%B3-ba

Mỹ: Tình báo cho thấy Nga khuấy động bất ổn ở Moldova

10/03/2023 – AP – Các quan chức tình báo Mỹ xác định rằng những người có quan hệ với tình báo Nga đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình với hy vọng lật đổ chính phủ Moldova, theo Toà Bạch Ốc.

Tổng thống Moldova Maria Sandu.
Tổng thống Moldova Maria Sandu.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc John Kirby nói thông tin tình báo cho thấy những người có vai trò, một số có liên hệ với tình báo Nga, đang tìm cách dàn dựng và sử dụng các cuộc biểu tình ở Moldova làm cơ sở để kích động một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ thân phương Tây mới của Moldova.

Ông Kirby cho biết thông tin tình báo cho thấy một nhóm người Nga khác sẽ cung cấp huấn luyện và giúp tổ chức các cuộc biểu tình ở Moldova, quốc gia đã được cấp tư cách ứng cử viên Liên hiệp châu Âu vào tháng 6 năm ngoái, cùng ngày với Ukraine, nước láng giềng đang bị chiến tranh tàn phá.

Công khai hoạt động ác ý của Moscow ở Moldova chỉ là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế và công khai các phát hiện tình báo trong quá trình diễn ra cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine. Chính quyền cho biết họ muốn làm nổi bật các kế hoạch cung cấp thông tin sai lệch và các hoạt động khác của Nga để các đồng minh hiểu rõ về ý định của Moscow và Nga phải suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện một chiến dịch.

“Trong lúc Moldova tiếp tục hội nhập với châu Âu, chúng tôi tin rằng Nga đang theo đuổi các phương pháp để làm suy yếu chính phủ Moldova có lẽ với mục tiêu cuối cùng là nhìn thấy một chính quyền thân thiện với Nga hơn ở thủ đô,” ông Kirby nói.

Ông Kirby cũng chỉ ra những nỗ lực gần đây của Nga mà ông nói là nhằm gieo rắc thông tin sai lệch về sự ổn định chung của Moldova. Ông đặc biệt chỉ ra tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga vào tháng trước rằng Ukraine đang lên kế hoạch xâm chiếm Transnistria, khu vực ly khai của Moldova do Moscow hậu thuẫn. Ông gọi hành động đó là “vô căn cứ, sai trái” và cho rằng những tuyên bố như vậy “tạo ra báo động vô căn cứ”.

Toà Bạch Ốc đã công bố thông tin tình báo ngay trước khi ông Biden chuẩn bị gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Trong những tuần gần đây, một số cuộc biểu tình chống chính phủ đã được tổ chức tại thủ đô Chisinau, bởi một nhóm tự xưng là Phong trào Nhân dân và được hỗ trợ bởi các thành viên của Đảng Shor thân Nga của Moldova, đảng nắm giữ sáu ghế trong tổng số 101 ghế của cơ quan lập pháp đất nước. Một cuộc biểu tình cũng được lên kế hoạch bởi nhóm này vào ngày 12/3.

Lãnh đạo của Đảng Shor, Ilan Shor, là một nhà tài phiệt người Moldova hiện đang sống lưu vong ở Israel. Ông Shor có tên trong danh sách chế tài của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì làm việc cho lợi ích của Nga. Anh cũng đã thêm Shor vào danh sách trừng phạt vào tháng 12 năm ngoái.

Hôm 9/3, cơ quan chống tham nhũng quốc gia của Moldova cho biết các quan chức đã tiến hành khám xét ô tô của “những người chuyển phát nhanh” cho Đảng Shor và thu giữ hơn 160.000 đô la trong một vụ án bị cáo buộc tài trợ cho đảng bất hợp pháp bởi một nhóm tội phạm có tổ chức.

Cơ quan này cho biết số tiền được nhét vào phong bì và túi bằng ít nhất hai loại tiền tệ khác nhau, được dành để “trả tiền vận chuyển và trả thù lao cho những người đến tham gia các cuộc biểu tình do đảng tổ chức”. Ba người đã bị giam giữ.

Đảng Shor cũng đã tổ chức một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ vào mùa thu năm ngoái, làm rung chuyển Moldova khi nước này phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Cũng trong khoảng thời gian đó, chính phủ Moldova đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp của nước này tuyên bố Đảng Shor là bất hợp pháp, trong khi các công tố viên chống tham nhũng cáo buộc rằng các cuộc biểu tình được tài trợ một phần bằng tiền của Nga.

Trong khi đó, Transnistria, có quan hệ chặt chẽ với Moscow và có quân đội Nga trú đóng, hôm 9/3 tuyên bố đã ngăn chặn một âm mưu ám sát tổng thống được cho là do cơ quan an ninh quốc gia Ukraine tổ chức. Các quan chức cáo buộc rằng cơ quan an ninh SBU của Ukraine đã ra lệnh thực hiện vụ ám sát, nhưng không cung cấp bằng chứng. SBU đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng nó “chỉ nên được coi là một hành động khiêu khích do Điện Kremlin dàn dựng”.

Nằm giữa Ukraine và Romania, Moldova thường là trung tâm của cuộc đấu tranh giữa Moscow và phương Tây. Từng là một phần của Liên Xô, Moldova tuyên bố độc lập vào năm 1991. Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu với dân số khoảng 2,6 triệu người, nước này có quan hệ lịch sử với Nga nhưng lại muốn gia nhập Liên hiệp châu Âu gồm 27 quốc gia.

Thế giằng co chỉ tăng cường kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái.

Tổng thống Moldova Maria Sandu đã gặp Tổng thống Joe Biden vào tháng
trước trong lúc ông Biden thăm Ba Lan để kỷ niệm một năm ngày Nga xâm
lược Ukraine.

Hoa Kỳ đã hỗ trợ khẩn cấp 265 triệu đô la cho Moldova kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine để giúp nước này đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, năng lượng và nhân đạo do chiến tranh gây ra. Chính quyền Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt thêm 300 triệu đô la cho Moldova.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ không thấy mối đe dọa quân sự ngay lập
tức đối với Moldova, nhưng Toà Bạch Ốc đang công khai phát hiện này với
hy vọng ngăn chặn Nga trước khi nước này tiến hành kế hoạch, ông Kirby
nói.

https://www.voatiengviet.com/a/my-tinh-bao-nga-khuay-dong-bat-on-o-moldova/6999850.html

Freedom House: Việt Nam nằm trong nhóm “không có tự do” suốt từ năm 1976

2023.03.09

Freedom House: Việt Nam nằm trong nhóm  “không có tự do” suốt từ năm 1976

Điểm số về tự do của Việt Nam năm 2023 là 19/100, thuộc nhóm “không có tự do” – Freedom House       

Tổ chức nhân quyền Freedom House vừa công bố báo cáo xếp loại thường niên về Tự do trên toàn cầu năm 2023. Trong đó, Việt Nam vẫn luôn bị xếp vào nhóm “không có tự do” từ năm 1976 cho đến nay.

Báo cáo về Tự do trên thế giới 2023 có tên gọi tạm dịch là “50 năm đấu tranh cho dân chủ”, đánh dấu tròn 50 năm kể từ lần đầu tổ chức này ra mắt báo cáo xếp loại đầu tiên vào năm 1973. Lần này, có 210 quốc gia và vùng lãnh thổ được chấm điểm, và xếp thành ba nhóm, bao gồm các nước “tự do, bán tự do và không có tự do”.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington DC nhận định chung rằng Việt Nam bị Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trong nhiều thập kỷ. Các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và các hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế chặt chẽ. Chính quyền ngày càng kìm hãm việc người dân sử dụng mạng xã hội và Internet để lên tiếng và chia sẻ thông tin.

Năm nay, điểm số tự do của Việt Nam là 19/100, bằng với năm 2022. Do đó, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là “không có tự do”, cùng với 67 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp loại khác.

So với báo cáo năm ngoái 2022, điểm số về Quyền chính trị của Việt Nam là 4/40, tăng một điểm; điểm số về Quyền dân sự đạt 15/60, giảm một điểm; và điểm số về Tự do Internet là 22/100, giữ nguyên so với năm trước.

Cùng với Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn…, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia đàn áp nhân quyền nhiều nhất trên thế giới và chưa bao giờ thoát khỏi nhóm “không có tự do”.

Tuy nhiên, Freedom House cho rằng các nước này vẫn tồn tại dấu hiệu của hy vọng và nhu cầu tự do của người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức cho rằng Chính quyền Việt Nam chỉ miễn cưỡng nới lỏng quyền tự do cho người dân khi có sức ép từ cộng đồng quốc tế vì các lý do ngoại giao hay thương mại. Còn về phía người dân, cũng đã xuất hiện một số cuộc biểu tình phản đối các chính sách của Nhà nươc trong những năm qua, tuy nhiên, theo luật sư Đài, chỉ như vậy thôi là chưa đủ để Việt Nam chuyển mình:

“Về phía người dân thì
Việt Nam đã có nhiều các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề chủ quyền
quốc gia hay là Luật an ninh mạng hay là Luật đặc khu…

Trong tất cả các cuộc biểu tình đó chỉ có cuộc biểu tình về an ninh mạng là rõ ràng nhất Việt Nam đã quan tâm đến Quyền tự do internet của mình, nhưng mà đáng tiếc là nó cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và chưa đủ áp lực buộc chính quyền phải chấp nhận cởi mở tự do internet, thỏa mãn được nhu cầu của người dân.”

Năm nay, Freedom House nhấn mạnh về sự tấn cộng rộng rãi, thô bạo của nhiều quốc gia vào quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của người dân. Trong báo cáo mới nhất về Tự do Internet năm 2022 của tổ chức này, Việt Nam bị đánh giá là cố gắng hạn chế, kiểm soát Internet.

Chính phủ thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trên không gian trực tuyến. Mặc dù không làm gián đoạn kết nối hoặc chặn các máy chủ của Facebook như trước, nhưng đất nước độc đảng này vẫn tiếp tục yêu cầu các công ty xóa nội dung bất lợi cho nhà cầm quyền; đồng thời áp đặt các bản án hình sự hà khắc đối với các hành vi bày tỏ chính kiến trực tuyến.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 vào cuối năm 2021 là một cái cớ để Chính quyền Hà Nội mở rộng quyền kiểm soát đối với các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Freedom House còn chỉ trích Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù một nhà hoạt động, nhà báo từng đưa tin, phanh phui vụ việc công ty Gang thép Formosa xả thải gây nhiễm độc biển ở dọc bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.

Người vừa được nhắc tới là Nguyễn Văn Hoá, một cộng tác viên của Đài Á châu Tự do. Anh bị bắt vào tháng 11/2017 và sau đó bị kết án bảy năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freedom-house-vietnam-classified-as-not-free-since-1976-03092023211156.html

Nga bắn tên lửa siêu thanh tấn công các đô thị Ukraina

10/03/2023 – Trọng Nghĩa – Vào hôm qua, 09/03/2023, lần đầu tiên kể từ giữa tháng Hai, Nga đã ồ ạt oanh kích các thành phố Ukraina, dùng đến hơn 80 tên lửa trong đó có loại tên lửa siêu thanh mà Ukraina không bắn chặn được.

Quy mô của đợt tấn công rất lớn. Trong 24 tiếng đồng hồ, quân đội Nga đã phóng 84 tên lửa. Chính quyền Ukraina đã báo cáo về các vụ nổ ở 10 khu vực, ở miền Đông, miền Nam, miền Tây cũng như ở Kiev.

Matxcơva gọi các cuộc tấn công mà họ thực hiện với sự trợ giúp của tên lửa siêu thanh Kinjal, một trong những vũ khí tinh vi nhất trong kho vũ khí của Nga, là hành động “trả đũa” cho một cuộc xâm nhập của “những kẻ phá hoại” Ukraina vào lãnh thổ Nga hôm 02/03. Kiev phủ nhận các cáo buộc và cảnh báo rằng Matxcơva có thể sử dụng các cáo buộc này để biện minh cho các cuộc tấn công tiếp theo.

Theo quân đội Ukraina, lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 34 trong số 84 tên lửa do Nga bắn qua cũng như 4 drone do Iran sản xuất. Tuy nhiên không một chiếc nào trong số 6 tên lửa Kinjal, bị bắn hạ. Kiev cho biết hệ thống phòng không hiện nay của họ không thể đánh chặn loại tên lửa này.

Số người Ukraina bị thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Nga càng lúc càng tăng. Theo báo cáo mới nhất của bộ Quốc Phòng Anh, đã có 11 thường dân Ukraina bị thiệt mạng.

Nga tăng cường tấn công xung quanh Bakhmout

Ngoài chiến dịch oanh kích ồ ạt vào toàn bộ lãnh thổ Ukraina, bộ Tổng Tham Mưu Ukraina cho biết thêm, Nga không chỉ tập trung tấn công vào Bakhmout mà còn vào các điểm khác của mặt trận : Ở phía bắc thành phố bị bao vây, họ đang cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ tại Kupiansk và Lyman. Tại phía nam thành phố, các cuộc tấn công tập trung vào Avdiivka và Chakhtarsk. Nhưng bộ Tổng Tham Mưu Ukraina cũng cho biết, ở phía nam đất nước, các lực lượng Nga đang trong thế phòng thủ ở các khu vực Zaporijjia và Kherson.

Litva: Nga có phương tiện tiếp tục chiến tranh thêm hai năm nữa

Đây chỉ là một ước tính. Nhưng tình báo quân sự Litva cho rằng rằng Nga có thể tiếp tục tấn công Ukraina với tốc độ hiện tại trong hai năm nữa. “Nga đã tích lũy vũ khí và thiết bị trong suốt những năm dài của Chiến tranh Lạnh”, giám đốc tình báo quân sự Elegijus Paulavicius nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng: “Mặc dù đó là những vật liệu cũ, nhưng các phương tiện này vẫn dùng được và gây hại cho Ukraina”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230310-nga-b%E1%BA%AFn-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-si%C3%AAu-thanh-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-c%C3%A1c-%C4%91%C3%B4-th%E1%BB%8B-ukraina

Kế hoạch ngân sách Mỹ dành hàng tỷ đô chống lại Trung Quốc

10/03/2023 – Reuters

Kế hoạch ngân sách mà chính quyền Biden đưa ra hôm 9/3 bao gồm các yêu cầu tài trợ hàng tỷ đô la cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhắm mục tiêu chống lại Trung Quốc thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và các hỗ trợ khác cho các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Quản lý và Tài nguyên John Bass nói với các phóng viên rằng sự cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh là “rộng lớn và phức tạp khác thường” và hợp lý để được các hình thức tài trợ mới.

“Cách tiếp cận của chúng ta đối với thách thức thế hệ do CHND Trung Hoa đề ra tập trung vào việc đầu tư vào năng lực nội địa của chính chúng ta, điều chỉnh nỗ lực của chúng ta với nỗ lực của các đồng minh và đối tác và cạnh tranh với CHND Trung Hoa ở những chỗ có lợi ích và giá trị khác nhau,” ông Bass nói.

Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, cho dù các nhà lãnh đạo đảng nhìn chung ủng hộ các nỗ lực chống lại Trung Quốc.

Đề xuất ngân sách cho năm 2024 bao gồm 400 triệu đô la cho một quỹ “chống lại các hành vi cụ thể có vấn đề của CHND Trung Hoa trên toàn cầu,” theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chính quyền Biden yêu cầu các khoản chi tiêu bắt buộc, ngoài khoản tài trợ tùy hỷ xưa nay, bao gồm 2 tỷ đô la để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng và 2 tỷ đô la để củng cố các nền kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hỗ trợ các đối tác đẩy lùi Trung Quốc, ông Bass cho biết.

Ông nói ngân sách này cũng bao gồm tài trợ để mở rộng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Quần đảo Thái Bình Dương, khu vực mà Washington đang cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Số tiền tài trợ có thể không đáng kể so với số tiền lớn của Trung Quốc rót ra nước ngoài thông qua sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, nhưng các quan chức cho biết những nỗ lực của Hoa Kỳ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng “chất lượng cao” và sẽ thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

“Chúng ta không tìm so kè với Trung Quốc từng đồng đô la, một phần vì bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc… đều không mang nhiều ý nghĩa thương mại,” ông Bass khẳng định.

https://www.voatiengviet.com/a/ke-hoach-ngan-sach-my-danh-hai-ty-do-chong-lai-trung-quoc/6998218.html