Tin Quốc Nội – 31/5/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Quốc Nội – 31/5/2016

Phụ nữ Mỹ gốc Việt ‘mất tích’ ở Việt Nam

Image Dolly KhuuBà Khưu Hiền Duyên được cho là mất tích hôm bà định trở lại Hoa Kỳ hôm 26/5                

BBC

Một người Mỹ gốc Việt ‘mất tích’ khi về Việt Nam làm từ thiện cho tổ chức Love Foundation, theo gia đình bà.

Đó là bà Khưu Hiền Duyên, người từ tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ về Việt Nam từ 11/5 và chuyến đi chỉ dự định kéo dài tới 27/5, theo chồng bà, ông Khưu Xuân Quang.

Ông Quang nói vợ ông, người cũng có tên là Dolly, “đang bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ”.

Tuy nhiên Đại sứ quán Hoa Kỳ dường như chưa xác nhận chuyện gì đã xảy ra với bà Hiền Duyên vì ông Quang cũng viết trong thông điệp gửi cho báo chí:

“Cho đến hôm nay thì chúng tôi đã liên lạc với Tòa Lãnh Sự tại Việt Nam và nhân viên đặc trách về trường hợp Dolly.

“Mặc dù người nhân viên của Tòa Lãnh Sự chưa xác định được trường hợp của Dolly nhưng ông ta đã trấn an gia đình chúng tôi rằng ông ta sẽ cố gắng bằng mọi cách sẽ đưa Dolly trở về gia đình tại Hoa Kỳ an toàn trong thời gian ngắn.”

‘Giúp trẻ em nghèo’

Ông Quang nói nghề nghiệp chính của vợ ông là chuyên viên tài chính của hãng Transamerica Company nhưng bà thường xuyên làm từ thiện cho các trường học và cũng là thành viên của tổ chức từ thiện Tình Thương, hay Love Foundation.

Đây là một hội từ thiện “giúp đỡ những trẻ em nghèo khó ở các vùng nông thôn xa xôi tại Việt Nam bằng cách gởi đến các con em sách vở và các thứ cần thiết để các con em có điều kiện đến trường học.”

Ông Quang cũng cho biết thêm: “Gia đình chúng tôi sinh sống tại vùng Hampton Road-tiểu bang Virginia trên 25 năm. Vợ chồng tôi có 3 người con. Con trai lớn của chúng tôi tên là Calvin, 18 tuổi, hiện đang phục vụ trong quân đội Virginia National Guard, và hai người con gái là Vivian, 15 tuổi và Julianne, 13 tuổi.”

Gần đây Việt Nam đã bắt giữ một nhà hoạt động từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam, bà Nancy Nguyễn, trong vài ngày.

TC sẵn sàng cho vụ kiện của Philippines?

BBC – 31 tháng 5 201

 

Image ReutersThiếu tướng Lê Văn Cương nói Trung Quốc đã ‘chuẩn bị trước’ dù phán quyết của Tòa Trọng tài có ra sao                

“Trung Quốc đã chuẩn bị trước, chứ không chờ tòa ra phán quyết”, nguyên Thiếu tướng từ Viện nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an Việt Nam bình luận về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực ở the Hague.

Philippines đã kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi sẽ được đưa ra trong thời gian tới.

Đơn kiện của Philippines nói yêu sách ‘đường chín đoạn’, hay ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.

Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong tháng 6/2016.

Thiếu tướng Lê Văn Cương bình luận: “Tất cả việc làm của họ [Trung Quốc] trên Biển Đông trong hai, ba năm vừa rồi là góp phần chuẩn bị cho đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài, chứ không phải họ chờ đến khi tòa đưa ra phán quyết họ mới có phản ứng đâu.”

“Tất cả việc làm của Trung Quốc trong năm 2014-2015 và cả năm 2016 này, một mục tiêu của họ là chuẩn bị đối phó với phán quyết bất lợi cho họ. Ví dụ biến các đá chìm ở Trường Sa thành đảo nổi, xây dựng trên đó các sân bay, các bến cảng quân sự. ”

“Ngày 15/2 vừa rồi họ lắp hai tổ hợp tám bệ phóng tên lửa HQ-9 đất đối không ở đảo Phú Lâm, lắp 4 hệ thống radar tần số cao cảnh báo sớm, phục vụ cho mục đích quân sự.”

BBC World Service                            

“Đặc biệt là radar tần số cao ở Đá Châu Viên, Châu Viên nằm ở cực nam của quần đảo Trường Sa. Nếu như lắp radar tần số cao ở đây thì Trung Quốc đã hoàn toàn có khả năng kiểm soát toàn bộ tất cả mọi tàu thuyền, máy bay đi qua biển Malacca và Biển Đông đều nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc cả.” – Ông Cương cho biết.

Bình luận về ảnh hưởng của phán quyết cuối cùng, ông nói: “Sau phán quyết này, cũng không thể có chuyện gì “động trời” để thay đổi Biển Đông, cũng không thay đổi được hiện thực họ tạo ra trên Biển Đông vì việc quân sự hóa Biển Đông [của Trung Quốc] cơ bản là xong rồi.”

‘Được ủng hộ’?

Trong tháng 5/2015, Trung Quốc họp báo nói được “hơn 40 quốc gia” ủng hộ trên Biển Đông.

“Ngày càng nhiều nước bày tỏ ý kiến và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông).” – Người phát ngôn Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo.

Trao đổi với BBC về sự ủng hộ mà Trung Quốc tìm kiếm, ông Cương nhận định: “Thực ra các quốc gia ủng hộ Trung Quốc có vai trò khiêm tốn trong diễn đàn quốc tế và chịu ảnh hưởng lợi ích của Trung Quốc.”

“Tôi cho rằng việc Trung Quốc chống lại phán quyết của Tòa trọng tài là chống lại luật pháp quốc tế, chống lại cộng đồng Quốc Tế” – Ông bình luận.

Khi được hỏi liệu phán quyết có làm tình hình Biển Đông nóng lên, Thiếu tướng Cương nói: “Dù không có phán quyết, không có vụ kiện này thì Biển Đông cũng sẽ càng ngày càng nóng lên, chứ không phải vì vụ kiện mới nóng lên.”

“Phán quyết của tòa trọng tài chỉ là giọt nước làm tràn ly”

“Tranh chấp trên thế giới thường giải quyết qua ba phương thức; trước hết là phương thức hòa bình, trao đổi song phương, đa phương. Khi thương lượng hòa bình không có kết quả và không tin nữa thì buộc chuyển qua phương thức thứ hai là dùng tài phán quốc tế, Philippines đã dùng đến cách này. Phương thức xấu nhất và cuối cùng là đánh nhau.”

“Việt Nam đang theo đuổi phương thức đầu tiên, Việt Nam không bao giờ nói sẽ từ bỏ việc kiện Trung Quốc, mà đúng hơn là chưa kiện,” – Ông Cương nói về chọn lựa của Việt Nam trong tranh chấp trên Biển Đông.

VTV viết tựa sai về G7 và Biển Đông

 BBC

Image Getty
G7 chỉ ‘bày tỏ quan ngại về Biển Đông và biển Hoa Đông’                

Một tựa đề trên trang mạng VTV viết về hội nghị G7 tại Nhật Bản và vấn đề Biển Đông bị phê là dịch sai.

Bản tin hôm 26/05/2016 của VTV viết “G7 tuyên bố đóng vai trò lãnh đạo giải quyết vấn đề Biển Đông” dù bản tiếng Anh của thông báo mà G7 đưa ra không nói như thế.

Điều này đã có một số người trong cộng đồng mạng tiếng Việt chỉ ra.

Nội dung trong bài của bản tin VTV cũng viết tương tự rằng:

“Các nhà lãnh đạo G7 đã kết thúc ba phiên thảo luận đầu tiên và sắp bước vào phiên ăn tối kết hợp thảo luận – phiên thảo luận cuối cùng trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 ngày 26/5.”

“Tới thời điểm này, các nước G7 tuyên bố phải đóng vai trò lãnh đạo các nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông.”

Tuy thế, trong tuyên bố chung của lãnh đạo khối G7 họp ở Ise Shima không có câu nào như thế.

Làm mềm quan điểm

Họ chỉ bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở cả hai vùng biển Hoa Đông và Nam Trung Hoa (theo tên tiếng Anh của Biển Đông):

“Chúng tôi quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và Nam Trung Hoa, và nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của các quản trị và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.”

Image VTV                            
Bản tin đăng ngày 26/5/2016 trên trang mạng của VTV, tính đến đêm muộn 31/5 vẫn giữ nguyên dòng tựa đề sai                
Ngoài ra, G7 cũng nhấn mạnh đến pháp quyền trên biển, các quyền tự do hàng hải, hàng không.

Báo chí Nhật có trích dẫn quan chức nước này nói Thủ tướng Shinzo Abe đã “dẫn cuộc thảo luận” (led discussion) về hai vùng biển trên tại hội nghị G7.

Nhưng điều này không có nghĩa là G7 nhận vai trò “lãnh đạo các nỗ lực quốc tế” để giải quyết vấn đề Biển Đông như VTV đăng tải.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận chú ý đến bản tin quốc tế của VTV.

Hồi tháng 5/2015 bản tin quốc tế của đài này chiếu cả hình Tổng thống Barack Obama đón nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại Nhà Trắng.

Image XINHUA                            
TC đã bay ra Trường Sa sau khi xây sân bay lớn                
Trên thực tế, theo báo Hong Kong viết, các lãnh đạo cao nhất gồm các tổng thống, thủ tướng những nước trong khối G7 đã chọn quan điểm “mềm mỏng” hơn so với thông cáo của các bộ trưởng G7 trước đó.

Các bộ trưởng G7 nhắc đến “các biện pháp gây sức ép, đe dọa và khiêu khích đơn phương” tại Biển Đông, với ngôn từ mà trang South China Morning Post cho là “ám chỉ Trung Quốc”.

Các lãnh đạo G7 cuối cùng chỉ nói là họ “quan ngại” về tình hình căng thẳng nói chung mà không nêu tên quốc gia nào.

Dù vậy, Trung Quốc, qua lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng chỉ trích trực tiếp Nhật Bản và G7.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) trích lời bà Hoa Xuân Oánh:

“Làm nước đăng cai G7, Nhật Bản đã làm thổi lên vấn đề Biển Nam Hải (là tên mà Trung Quốc dùng để gọi Biển Đông) và làm bùng thêm căng thẳng. Trung Quốc cực lực bày tỏ thái độ bất bình với Nhật Bản và những gì G7 vừa làm.”

Biển Đông : Khẩu chiến Mỹ-Trung sẽ tái diễn ở Đối Thoại Shangri-La

RFI
Đăng ngày 31-05-2016
media
Đô đốc Harry Harris duyệt đội quân danh dự  tại tổng hành dinh quân đội Philippines ngày 26/08/2015.AFP PHOTO / NOEL CELIS

Trong ba ngày 03-05/06/2016, diễn dàn an ninh châu Á thường niên mang tên Đối Thoại Shangri-La sẽ lại mở ra tại Singapore, tập hợp hầu hết các giới chức lãnh đạo quốc phòng các nước quan tâm đến châu Á. Các động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ trở thành một chủ đề  thảo luận quan trọng tại Đối Thoại Shangri-La và ý đồ của Trung Quốc sẽ lại bị mổ xẻ và phê phán. Hoa Kỳ được cho là nước sẽ đi đầu trong cuộc tấn công, trong lúc Trung Quốc sẽ tìm cách đối phó.

Như thông lệ của những năm gần đây, Mỹ sẽ cử một phái đoàn hùng hậu tham gia Đối Thoại Shangri-La. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã  lên đường đi Singapore ngày 31/05, nơi phái đoàn Mỹ sẽ có thêm hai lãnh đạo quân sự cao cấp là đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân, và đô đốc Harry Harris, tư lệnh Lực Lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương.

Về phần Trung Quốc, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, định chế đứng ra tổ chức Đối Thoại Shangri-La, Bắc Kinh sẽ cử một phái đoàn quân sự cấp thấp hơn, do đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc dẫn dầu.

Theo giới phân tích, diễn đàn an ninh tại Singapore lần này chắc chắn sẽ phải đề cập đến tình hình căng thẳng nẩy sinh từ những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông bị tố cáo là nhằm bành trướng lãnh thổ, như bồi dắp đảo nhân tạo tại Trường Sa, xây dựng cơ sở quân sự, đưa vũ khí đến khu vực nhằm khống chế một vùng biển chiến lược mà Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hơn 80% diện tích.

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã liên tiếp vạch trần các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc, đe dọa đến quyền tự do lưu thông trong khu vực. Để đối phó, Mỹ đã tổ chức các chuyến tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải, công khai thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bắc Kinh đã phản bác lại bằng những lập luận truyền thống : Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc « từ ngàn xưa » nên họ muốn làm gì ở đó thì làm; Mỹ đã « thổi phồng » tình hình căng thẳng. Không những thế, Trung Quốc không ngần ngại dùng máy bay cản trở các hoạt động của Mỹ.

Tất cả những vấn đề trên sẽ lại được nêu bật tại  Shangri-La, với Mỹ, Nhật và rất nhiều nước khác trong vai trò công tố viên, trong lúc Trung Quốc sẽ phải chật vật đối phó, vì cho đến nay, các lập luận của Trung Quốc được cho là thiếu sức thuyết phục: Từ G7 cho đến Liên Hiệp Châu Âu, hầu như tất cả các nước lớn trên thế giới đều kêu gọi Trung Quốc tránh việc áp đặt bằng sức mạnh các yêu sách chủ quyền quá đáng của họ.

Cuộc đấu khẩu Mỹ-Trung về Biển Đông trong những ngày gần đây như đã dự báo trước cho những tranh cãi sắp tới đây tại Đối Thoại Shangri-La: Vào hôm qua, 30/05, Trung Quốc lại cực lực tố cáo Lầu Năm Góc vẫn duy trì tâm lý Chiến Tranh Lạnh và định làm « phim bom tấn Hollywood » khi triển khai vũ khí hiện đại tới Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ kiên quyết chống lại những « hành động nhằm hủy hoại chủ quyền lãnh thổ và an ninh Trung Quốc ».

Tuyên bố gay gắt của bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhằm đáp trả nhận xét của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter hôm 27/05, theo đó việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa thịnh vượng ở khu vực châu Á, và khi làm như vậy, Bắc Kinh chỉ dựng lên một bức “Vạn Lý Trường Thành” của sự tự cô lập mà thôi.

Khẩu chiến Mỹ -Trung tại Diễn Đàn Shangri-La như vậy được dự báo là sẽ rất gay gắt, nhất là khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nổi tiếng là không ngại chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc.

Nhân Đối Thoại Shangri-La vào năm ngoái, ông Carter là một trong những tiếng nói đã đả kích mạnh mẽ các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Cứu trợ, hỗ trợ nạn nhân thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA 2016-05-31
191844.jpg

Đại diện Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Quảng Bình trao quà hỗ trợ ngư dân.

Citizen photo

Gần hai tháng kể từ ngày thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam xảy ra cho đến nay, người dân ở vùng ô nhiễm phải sống bằng gạo, tiền hỗ trợ từ phía chính quyền cũng như các nhóm thiện nguyện.

Từ ngày thảm họa ô nhiễm môi trường ập lên trên đầu những ngư dân ven biển miền Trung, họ không thể đi biển để đánh bắt hải sản, họ cũng không thể làm việc ở các ruộng muối. Không thể làm việc vì chính quyền Việt Nam chưa công bố nguyên nhân cá chết, hải sản nhiễm độc ra sao… Dẫn đến việc người dân không ai dám mua tôm, cá, muối ở vùng ô nhiễm về ăn.

Ông Hạnh – một ngư dân ở Vũng Áng, Hà Tĩnh kể về cuộc sống của ngư dân kể từ ngày biển bị ô nhiễm:

Ngoài số gạo được hỗ trợ thì mỗi hộ dân có ghe nằm bờ sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng theo chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi cho tới tận hôm nay thì các ghe nằm bờ vẫn chưa được hỗ trợ. – Anh Nguyễn Anh Tuấn

Bây giờ cũng không biết sống bằng nghề gì, thuyền ghe thì kéo lên phơi nắng vậy thôi. Còn trông chờ phía chính quyền nhà nước rồi các ban ngành, tổ chức của Chính phủ làm thế nào để giải quyết chuyện này, chứ chúng tôi cũng không biết trông chờ vào cái gì cả.”

Sự hỗ trợ còn mang nặng tính hình thức từ phía chính quyền?

Do cuộc sống bấp bênh và khó khăn vì không thể làm việc, nên những ngư dân ở đây trông chờ và sống bằng sự hỗ trợ ít ỏi của chính quyền. Ông Ninh, một ngư dân sống ở Quảng Trị kể về sự trợ giúp của chính quyền:

“Tôi có nhận được hai lần hỗ trợ từ phía chính quyền, một lần bằng gạo được 6,8kg, còn về tiền thì mỗi một xuồng, ghe được 500.000 vnđ.”

Ông Ninh nói thêm, ông và những ngư dân ở đây có nghe thông tin về việc nhà nước sẽ hỗ trợ mỗi ghe, thuyền nằm bờ với số tiền là 5 triệu vnđ và một số gạo nhưng ngư dân ở đây chưa nhận được.

Cùng chung tình trạng, ông Hạnh một ngư dân Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh xác nhận với chúng tôi:

“Mỗi đầu ghe, đầu thuyền chúng tôi chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào cả. Chỉ có hỗ trợ cho một khẩu là được 22 kg gạo. Họ nói 22kg gạo đó là sống 1 tháng rưỡi.”

Nhưng không phải tất cả ngư dân đều được nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền, ông Hoa – một ngư dân khác ở Vũng Áng kể về trường hợp của gia đình ông:

“Gia đình tôi không được nhận với lý do gia đình tôi có đôi tàu đánh bắt xa bờ, chính quyền nói ‘đánh bắt xa bờ thì không ảnh hưởng’. Nên họ bảo, đối tượng này để đó, họ không cho gia đình tôi nhận gạo, đó là việc thứ nhất.

Thứ hai là khi có sự hỗ trợ của công ty bia Huda Huế, gia đình tôi cũng không có trong danh sách hỗ trợ.”

Ông Hoa còn ngao ngán nói rằng, do chính quyền không chịu công bố nguyên nhân cá chết, và đưa ra bằng chứng việc đánh bắt xa bờ khoảng 20 – 30 hải lý là an toàn, hải sản không bị nhiễm độc. Cho nên, dù có đi đánh bắt xa bờ thì người dân cũng không dám ăn cá do chúng tôi đánh bắt. Ấy vậy mà chính quyền lại loại bỏ danh sách gia đình tôi và một số ngư dân khác tại nơi tôi ở.

2_42394.jpg
Ngư dân xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch) cùng lực lượng Biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ.

Ngoài sự hỗ trợ ít ỏi, có chọn lọc, mang nặng tính hình thức, trong công tác hỗ trợ, cứu trợ còn có tình trạng tham nhũng, ăn bớt số gạo của người dân. Sự việc này đã đăng tải trên báo Thanh Niên và Tuổi trẻ ngày 18/5/2016.

Ông Hạnh chia sẻ quan điểm cá nhân về việc ăn chặn, ăn bớt gạo cứu trợ của một số nhân viên công quyền:

“Cái đó phía dân thường chúng tôi cũng không nắm chắc được, nhưng trên báo chí thì cũng thấy rõ, chuyện tham ô tham nhũng bớt xén đó xảy ra rất thường xuyên chứ không phải chuyện lạ. Dân khổ chỉ kêu thấu trời, dốt nát không biết kêu ai. Ở trên thì họ tranh giành chức vị, phục vụ cho họ chứ có phục vụ cho dân đâu.”

Chúng tôi liên lạc với anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động năng nổ tại Việt Nam – anh đang làm việc cho tổ chức Voice Việt Nam. Anh Tuấn đã có mặt ở Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh rất sớm để hỗ trợ và giúp đỡ những ngư dân ở đây.

Anh Nguyễn Anh Tuấn xác nhận về sự hỗ trợ từ phía chính quyền đối với người dân:

“Ngoài số gạo được hỗ trợ thì mỗi hộ dân có ghe nằm bờ sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng theo chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi cho tới tận hôm nay thì các ghe nằm bờ vẫn chưa được hỗ trợ. Chúng tôi cũng tiếp tục khuyến khích bà con nên gọi điện đến đường dây nóng để đòi hỏi số tiền hỗ trợ đó trong lúc khó khăn.”

Gặp khó khăn khi đi cứu trợ

Anh Nguyễn Anh Tuấn kể tiếp, tình hình an ninh ở Vũng Áng rất căng thẳng, lực lượng an ninh được bố trí rộng khắp các ngõ ngách. Khi họ phát hiện những người lạ, những người từ địa phương khác đến thì họ luôn tỏ ý nghi ngờ và họ truy hỏi xem đến với mục đích gì.

Anh Nguyễn Anh Tuấn kể tiếp:

“Tôi cũng biết một số đoàn cứu trợ khác khi đến Vũng Áng để gặp gỡ người dân, sau đó cũng gặp một số rắc rối với chính quyền địa phương, và sau đó bị mời về đồn, rồi bị truy hỏi như: Tiền cứu trợ từ đâu, và mục đích cứu trợ là gì…”

Khi các tổ chức thiện nguyện độc lập về phân phát, hỗ trợ cho dân, người ta đến từng người dân, từng em bé, từng bà già… họ không quan cách, không sổ sách giấy tờ rùm beng, lôi thôi như bên phía chính quyền. – Ông Hoa

Ông Hoa – một ngư dân ở Vũng Áng cho biết, chính quyền địa phương luôn tìm cách gây khó khăn cho các tổ chức hỗ trợ, cứu trợ ngư dân. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các nhà thờ Công giáo, nên những khó khăn đó giảm đi rất nhiều. Cho nên ngư dân nơi ông sống nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ phía nhà thờ, từ các nhà hảo tâm.

Ông Hoa nói thêm về sự khác biệt trong cách cứu trợ, hỗ trợ từ phía chính quyền, doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện độc lập:

“Khác biệt rất rõ rệt, khác biệt là ở chỗ khi các tổ chức thiện nguyện độc lập về phân phát, hỗ trợ cho dân, người ta đến từng người dân, từng em bé, từng bà già… họ không quan cách, không sổ sách giấy tờ rùm beng, lôi thôi như bên phía chính quyền.

Bên phía chính quyền họ làm cách hình thức, họ đưa quân đội về để bốc vác gạo, rồi quay phim, chụp ảnh, đưa lên truyền hình để thể hiện cách quan tâm thấu đáo đến đời sống người dân, nhưng ngược lại việc làm của họ không đúng với ‘cái tâm’ như của các tổ chức thiện nguyện.”

Nhà hoạt động trẻ Nguyễn Anh Tuấn nhắn nhủ đến chính quyền Việt Nam rằng, muốn khôi phục niềm tin của người dân thì không thể khôi phục bằng một chỉ thị, chỉ đạo, nghị quyết, lời kêu gọi hiệu triệu hay việc ăn cá, tắm biển làm gương của bất kỳ một lãnh đạo nào. Bởi vì đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe nên người dân sẽ không bao giờ tin vào mấy cái chỉ thị, chỉ đạo đó của chính quyền. Tất cả chỉ thị, chỉ đạo đều là vô dụng, do đó muốn khôi phục niềm tin thì chỉ có cách ‘minh bạch thông tin’.

Cuối cùng nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn than thở rằng, việc ‘minh bạch thông tin’ lại là điểm rất là yếu trong việc xử lý khủng hoảng của các cấp chính quyền. Cho nên tôi nghĩ chuyện này còn kéo khá dài, do đó rất cần sự hỗ trợ từ các cá nhân, hội đoàn độc lập nhằm giúp đỡ người dân trong vùng ô nhiễm cách hiệu quả nặng.

Người Đà Nẵng lạc quan về quan hệ Mỹ-Việt sau chuyến thăm của TT Obama

Tổng thống Obama phát biểu trong buổi nói chuyện với các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại TPHCM, ngày 25/5/2016.

Tổng thống Obama phát biểu trong buổi nói chuyện với các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại TPHCM, ngày 25/5/2016.

An Tôn – 31.05.2016 – ĐÀ NẴNG—

Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã có chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam. Mặc dù ông không ghé thăm Đà Nẵng, nhưng nhiều người ở thành phố này vẫn theo dõi chặt chẽ chuyến thăm của ông Obama và tỏ ra lạc quan về những kết quả của chuyến thăm. An Tôn tường trình từ thành phố ven biển được xem là một trung tâm kinh tế, du lịch ở miền trung Việt Nam.   Nằm gần như ở giữa quãng đường nối thủ đô Hà Nội ở miền bắc và trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam là thành phố Hồ Chí Minh ở miền nam, Đà Nẵng nổi tiếng về các bãi biển đẹp, đường sá được quy hoạch đẹp đẽ và bộ máy công chức được cho là nghiêm túc, gần dân hơn so với các tỉnh thành khác.   Tuy nhiên, với dân số hơn 1 triệu người và không có nhiều trao đổi thương mại, giáo dục với Mỹ, những người sắp xếp chương trình cho Tổng thống Mỹ hẳn là đã khó tìm ra lý do để ông ghé thăm thành phố trong khoảng thời gian quý báu của ông.   Dù không được trực tiếp đón ông, song đối với người dân Đà Nẵng, những thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Việt Nam mới là điều quan trọng.   Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cấp giấp phép cho Đại học Fulbright, hai nước nỗ lực thông qua hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP, cũng như hai nước nhất trí về dự định thực hiện Sáng kiến Hợp tác Cất trữ Thiết bị Y tế và Cứu trợ Nhân đạo là những kết quả được nhiều người Đà Nẵng quan tâm đặc biệt.

Theo em, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, quan hệ ngoại giao sẽ phát triển hơn. Mỹ sẽ giúp đỡ nhiều cho nước ta nhiều hơn. Và tình hữu nghị giữa hai quốc gia sẽ ngày càng gắn bó, thân thiết hơn.
Nữ Sinh Trương Thị Trọng nói.

Nhận xét chung về tương lai quan hệ Việt-Mỹ sau chuyến thăm của ông Obama, tất cả những người dân mà thông tín viên của VOA gặp gỡ trên đường phố đều nói những điều tốt đẹp. Hầu hết mọi người đều nhìn vào khía cạnh kinh tế của mối quan hệ.   Trương Thị Trọng, 20 tuổi, hiện là một nữ sinh tại Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, nói:

“Theo em, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, quan hệ ngoại giao sẽ phát triển hơn. Mỹ sẽ giúp đỡ nhiều cho nước ta nhiều hơn. Và tình hữu nghị giữa hai quốc gia sẽ ngày càng gắn bó, thân thiết hơn”.   Nữ sinh viên Nguyễn Thị Thu Thảo, 20 tuổi, tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, kỳ vọng:

“Theo em thì quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn. Mỹ sẽ tài trợ cho Việt Nam nhiều hơn để phát triển kinh tế. Mình sẽ mở rộng giao lưu với Mỹ nhiều hơn. Về kinh tế, Mỹ sẽ hỗ trợ nguồn vốn để Việt Nam phát triển về nhiều mặt”.   Ông Ba, 60 tuổi, chủ một trạm cung cấp dịch vụ bãi biển, đưa ra nhận xét:

“Anh thấy đó là cái đường lối rất là tốt, đúng theo quan điểm của dân, của đảng và nhà nước. Đó là một cái đường lối đúng  đắn, rất tốt. Mà hiện tại mình cũng rất cần quan hệ với Mỹ, về nhiều phương diện”.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama đem đến nhiều sự thuận lợi và tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ hai nước, thí dụ như việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, cũng như trao đổi thương mại mậu dịch, thì nó sẽ mở ra một số cái tốt hơn sau này. Trước mắt, quan hệ với Mỹ thì mình lợi về mặt kinh tế, giáo dục, và một số giá trị căn bản của nhân loại, một số giá trị phổ quát của nhân loại.
Ông Tạ Thanh Hải, viên chức nhà nước, nói.

Là người đã theo dõi tin thời sự nhiều năm và ở tuổi 67, ông Sinh, một người hưu trí, cho rằng dù Tổng thống Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ song những thỏa thuận quan trọng mà Mỹ và Việt Nam vừa đạt được sẽ tiếp tục được thực thi:

“Rõ ràng ông Obama chuẩn bị hết nhiệm kỳ rồi, thì ông cũng tạo ra nhiều niềm tin cho Việt Nam, giữa Mỹ và Việt Nam, để hợp tác, để sau này kế nhiệm của ông sẽ tiếp tục hợp tác”.   Ngoài những ý kiến nêu lên sự lạc quan về quan hệ kinh tế, cũng có người thể hiện niềm tin rằng quan hệ tốt lên với Mỹ sẽ giúp ích cho nhân quyền v cải thiện nền dân chủ ở Việt Nam, cho dù hai từ này đã không được nêu ra trực tiếp trong câu trả lời phỏng vấn. Ông Tạ Thanh Hải, 46 tuổi, một viên chức nhà nước nói:

“Chuyến thăm của Tổng thống Obama đem đến nhiều sự thuận lợi và tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ hai nước, thí dụ như việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, cũng như là cái trao đổi thương mại mậu dịch, thì nó sẽ mở ra một số cái tốt hơn sau này. Cái trước mắt, quan hệ với Mỹ thì mình lợi về mặt kinh tế, giáo dục, và một số giá trị căn bản của nhân loại, một số giá trị phổ quát của nhân loại”.   Ở một nước mà các đề tài về nhân quyền, dân chủ bị coi là “nhạy cảm”, nhiều người hoạt động để thúc đẩy nhân quyền, dân chủ bị sách nhiễu, thậm chí bị khép vào một số tội danh hình sự để nhận án tù, việc một viên chức dùng các từ “giá trị phổ quát của nhân loại” để thay thế là điều dễ hiểu.   Trong khi đa số người được phỏng vấn tỏ ra phấn khích về tương lai của mối quan hệ song phương, cũng có ý kiến cho rằng sẽ không có gì thay đổi. Bùi Phi Long, 21 tuổi, nam sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, nói:

“Em nghĩ thì cũng vẫn vậy, không khác được”.   Trên thực tế, đa số vẫn có kỳ vọng quan hệ Mỹ-Việt sẽ ngày càng tốt lên.
Những người được phỏng vấn nói với VOA rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ.   Ông Nguyễn Văn Phước, 54 tuổi, người làm công tại một nhà hàng ven biển, nêu ra suy nghĩ:

“Rất có lợi cho Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam mình sẽ rất có cơ hội. Và những nhân tài của nước mình sẽ đưa qua nước ngoài học để mà có những nhân tài đưa về nước mình hỗ trợ cho nước mình có một cái nền kinh tế xóa đói giảm nghèo, sẽ đi lên”.   Nữ sinh viên tên Trọng cũng chú ý đến các khía cạnh giáo dục và kinh tế:

“Ngành giáo dục nước ta sẽ được Mỹ hỗ trợ. Du học sinh sẽ được Mỹ hỗ trợ nhiều học bổng hơn. Những trường đại học của Mỹ sẽ mở rộng để du học sinh của ta có thể qua đó phát triển về giáo dục. Mỹ sẽ mở rộng thị trường để hàng hóa Việt Nam vào thị trường. Ngoài ra thì Mỹ có thể hỗ trợ nhiều nguyên vật liệu và những công nghệ hiện đại cho Việt Nam phát triển về hàng hóa”.   Còn ông Sinh, người về hưu, nói:

“Phía Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều, vì Mỹ là nước kinh tế phát triển rất mạnh, khoa học kỹ thuật cũng rất tốt. Thì cái đó là Việt Nam sẽ hưởng lợi từ cái đó nhiều”.

Rất có lợi cho Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam mình sẽ rất có cơ hội. Và những nhân tài của nước mình sẽ đưa qua nước ngoài học để mà có những nhân tài đưa về nước mình hỗ trợ cho nước mình có một cái nền kinh tế xóa đói giảm nghèo, sẽ đi lên.
Ông Nguyễn Văn Phước, người dân ở Đà Nẵng, nói.

Trong Tuyên bố chung của hai nguyên thủ Mỹ và Việt Nam có nói hai nước đã ký ý định thư về Sáng kiến Hợp tác Cất trữ Thiết bị Y tế và Cứu trợ Nhân đạo (CHAMSI) ở Đà Nẵng, thành phố có vị trí chiến lược ven Biển Đông. Điều này được nhiều người Đà Nẵng xem là một việc tốt.   Viên chức nhà nước tên Hải nói:

“Cái đấy thì quá tốt cho người dân cũng như cho chính phủ hai nước, vì trước đây Mỹ cũng có hỗ trợ một số tàu hải cảnh, cảnh sát biển. Nếu như thiết lập những cái đấy, tôi nghĩ rằng an ninh, chủ quyền của Việt Nam càng tốt hơn”.   Với ký ức về miền nam của Việt Nam trước năm 1975, ông chủ điểm dịch vụ bãi biển tên Ba bình luận về CHAMSI trong một bối cảnh rộng hơn:

“Trước năm 75, hồi đó ở miền nam, có những căn bệnh gì đó mà nó không chữa được, thì Mỹ đưa ra hạm đội chữa hết, và đem trả về lại. Đến bây giờ mà quan hệ được như vậy mà Mỹ đặt cái gì đó ở tại Đà Nẵng thì cái lợi ích trước mắt là người dân Đà Nẵng, cái thứ hai là cả đất nước của mình, và kèm theo đó là vấn đề về Biển Đông, rồi kể cả châu Á nữa”.   Đánh giá về tác động của quan hệ Mỹ-Việt đến việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, nữ sinh viên Trọng nói:

“Mỹ có thể là nước đứng sau Việt Nam để có thể hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông”.   Còn ông Sinh và ông Hải cho rằng vai trò của Mỹ sẽ làm Trung Quốc phải dè chừng với ý định dùng lợi thế là nước lớn để bắt nạt nước nhỏ. Ông Sinh nói:

“Cái này giúp ích cho Việt Nam rất là lớn. Tại vì dù sao cũng có một nước cường quốc đặt quan hệ với Việt Nam chặt chẽ về vấn đề an ninh, quốc phòng. Thì dĩ nhiên là Trung Quốc cũng phải dè dặt, không phải đơn giản mà ỷ nước lớn được”.   Ông Hải lưu ý thêm về vai trò của Mỹ trong bảo vệ tự do hàng hải:

“Vấn đề Biển Đông là vấn đề tất cả các nước đều quan tâm, chứ không riêng gì Trung Quốc với Việt Nam, trực tiếp tranh chấp. Mỹ thì người ta muốn tự do hàng hải và một số giá trị pháp lý cần phải được tôn trọng, không phải là cứ lấy nước lớn đi đè nén các nước nhỏ, nhất là trong vấn đề chủ quyền”.

Riêng sinh viên Long có quan điểm khác:

“Chắc là cũng không tốt đâu vì Biển Đông thì mình tự giúp mình thôi chứ Mỹ nó không giúp được mấy đâu”.

Cái này giúp ích cho Việt Nam rất là lớn. Tại vì dù sao cũng có một nước cường quốc đặt quan hệ với Việt Nam chặt chẽ về vấn đề an ninh, quốc phòng. Thì dĩ nhiên là Trung Quốc cũng phải dè dặt, không phải đơn giản mà ỷ nước lớn được.
Ông Sinh, một người về hưu, nói.

Trong tuyên bố chung của hai nguyên thủ cũng như khi phát biểu tại một số sự kiện lớn khác nhau, Tổng thống Obama đề cập việc Mỹ sẽ tiếp tục làm việc cùng Việt Nam để giải quyết những vấn đề di sản chiến tranh như tẩy độc Chất Da cam/dioxin và rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh.   Đà Nẵng là một trong những nơi ở Việt Nam có điểm nóng ô nhiễm Chất Da Cam/dioxin là sân bay của thành phố. Mới đầu tháng này, trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, dự án tẩy độc sân bay do Mỹ cung cấp phần lớn tài chính đã hoàn tất giai đoạn 1, với 45.000 mét khối đất được làm sạch.   Liệu người dân Đà Nẵng có còn xem các vấn đề di sản chiến tranh này là những khúc mắc trong quan hệ hai nước hay không? Ông Hải trả lời:

“Cũng đã có quá trình để mà xúc tiến các việc thí dụ như là bom mìn sau chiến tranh hay là chất độc da cam. Ngay tại sân bay Đà Nẵng, theo tôi biết, đã cơ bản xử lý về kho chất độc da cam. Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ hết sức về kỹ thuật và tài chính để giải quyết tận gốc vấn đề này. Thì tôi nghĩ cái đấy là cả quá trình làm rồi chứ không còn vướng mắc gì nữa, chỉ chờ kết quả cuối cùng thôi”.   Ông Sinh có ý kiến:

“Thì hiện tại Mỹ cũng đang làm các cái đó rồi, cũng đang giải quyết từng nơi rồi. Sân bay Đà Nẵng đã làm xong rồi. Còn lại thì chính phủ Việt Nam phải tìm hiểu cũng còn nơi nào nhiễm chất độc da cam thì yêu cầu phía Mỹ phải giải quyết cái đó luôn”.   Những người ở Đà Nẵng mà VOA tiếp xúc được đa số đều lạc quan và nhìn một cách tích cực về tương lai quan hệ Mỹ-Việt. Họ mong sẽ có lần đầu tiên được đón tiếp một tổng thống Mỹ đến thành phố. Hy vọng của họ có thể trở thành hiện thực hay không phải chờ đến cuối năm 2017 mới rõ, khi Đà Nẵng là chủ nhà của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC.

Vụ ‘đấu tố’ MC: Cá chết nóng trở lại sau cơn sốt Obama

MC Phan Anh.

MC Phan Anh.

VOA – 31.05.2016

Một cuộc tranh luận trên truyền hình Việt Nam về “động cơ” chia sẻ tin cá chết trên Facebook đang “gây sốt” dư luận và bị nhiều người coi là một cuộc “đấu tố” công khai.

Nữ MC kỳ cựu của VTV Tạ Bích Loan dẫn dắt chương trình “60 phút mở” với sự tham gia của MC Phan Anh cùng một số các khách mời khác.
Bà Loan hỏi ông Phan Anh về “động cơ” chia sẻ clip thử nghiệm hai con cá chết được thả vào nước được cho là lấy từ khu công nghiệp Vũng Áng, do kênh VTC thực hiện.
MC này trả lời: “Chúng ta có quyền thể hiện quan điểm của mình. Mọi quan điểm cần được lắng nghe và được tôn trọng. Cái quan trọng tôi muốn toàn xã hội phải có tiếng nói trao đổi cởi mở, dân chủ, và thẳng thắn hơn nữa”.
Bà Loan sau đó tiếp tục dẫn dắt những người tham gia trao đổi và đặt câu hỏi liên quan tới việc chia sẻ trên mạng xã hội, và nhiều lần nhắc tới từ “động cơ”.

Chúng ta có quyền thể hiện quan điểm của mình. Mọi quan điểm cần được lắng nghe và được tôn trọng. Cái quan trọng tôi muốn toàn xã hội phải có tiếng nói trao đổi cởi mở, dân chủ, và thẳng thắn hơn nữa.
MC Phan Anh trả lời.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói rằng vụ việc “cuốn trôi đi dư luận về Obama và về vụ tuyệt thực của anh Trần Huỳnh Duy Thức”.

Blogger Nguyễn Chí Tuyến nhận định với VOA Việt Ngữ rằng cuộc thảo luận có thể được coi là “màn đấu tố” đối với MC Phan Anh và là một phần trong “chiến dịch của nhà cầm quyền”.

Nhà hoạt động từng xuống đường biểu tình vụ cá chết nói tiếp:

“Họ đang muốn bịt thông tin, che đậy thông tin, không cho hệ thống truyền thông của nhà nước đưa tin về chuyện cá chết, biển chết, và thảm họa môi trường nữa. Có nghĩa là họ sẽ lờ đi, theo chiến thuật các cụ hay dùng ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’. Người dân đòi minh bạch thông tin, đòi những biện pháp mà chính phủ phải đưa ra để khắc phục hậu quả đỏ thì họ cũng lờ tịt đi. Cho tới nay là ngày 54 đã qua mà họ không có câu trả lời, hay đưa ra nguyên nhân, giải pháp.”

Blogger Tuyến nói thêm rằng “chưa nói chuyện thực nghiệm đúng sai, việc ông Phan Anh dẫn lại clip đó với những bình luận mang tính cá nhân về chuyện xã hội liên quan tới cuộc sống của người dân là chuyện rất bình thường”.   “Người ta lôi ông Phan Anh lên bởi vì ông ấy có một số lượng người theo dõi đông và có một chút ảnh hưởng trong xã hội”, ông Tuyến nói thêm. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với người dẫn chương trình Tạ Bích Loan cũng như VTV để lấy ý kiến.

MC Phan Anh từng nêu chuyện hai mẹ con người phụ nữ “bị đàn áp” trong cuộc biểu tình về vụ cá chết trong tháng này.

Trong một diễn biến khác liên quan tới vụ cá chết, chiều 31/5, luật sư Trần Vũ Hải đã thay mặt hơn 30 chuyên gia và nhà khoa học đến trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi thư liên quan đến thảm hoạ môi trường tại 4 tỉnh miền Trung để “yêu cầu cung cấp thông tin” và nêu ra “một số kiến nghị”.

‘Cà phê Việt Nam’ nổi tiếng ở Indonesia sau một vụ mưu sát

Cà phê Việt Nam. Hình minh họa.

Cà phê Việt Nam. Hình minh họa.

VOA – 01.06.2016

Du khách đổ xô đến một quán cà phê ở Jakarta, nơi một sinh viên Úc bị cáo buộc đã bỏ chất độc xyanua vào cốc cà phê đá của một người bạn.

Địa điểm này đã trở thành một nơi thu hút du khách sau khi Jessica Kumala Wongso bị buộc tội bỏ chất độc vào thức uống mà cô mua cho bạn, cô Wayan Mirna Salihin, ở tiệm Olivier Grand Café tại Jakarta vào ngày 6 tháng 1.

Cô Salihin bị sùi bọt mép sau khi nhấp một ngụm “cà phê Việt Nam” của tiệm Olivier Grand và đã chết trên đường đến bệnh viện.

Trong khi cô Wongso bị buộc tội giết người và đang chờ xét xử ở Indonesia, các du khách kéo đến quán cà phê để uống thử và chụp ảnh.

Một người cho biết phải đặt bàn vì cửa tiệm trở nên “quá đắt khách” sau vụ tai tiếng.

Một người khác nói: “Chúng tôi đã uống cà phê đá Việt Nam ở đó. Địa điểm này khá đông khách nên tôi đoán không có tác động xấu từ ;vụ giết người”.

Cô Wongso đã mua đồ uống cho cô Salihin sau khi đến quán cà phê sớm trước 1 tiếng đồng hồ. Camera an ninh của tiệm cho thấy cô Wongso cầm đồ uống trước khi các bạn của cô đến.

Cô Wongso đã bị bắt hôm 30 tháng 1, khoảng 3 tuần sau cuộc gặp với bạn cô ở tiệm cà phê, nhưng phủ nhận tội cố ý mưu sát.

Tuần trước, văn phòng Bộ Tư pháp Úc tiết lộ rằng chính phủ Indonesia đảm bảo rằng Wongso sẽ không phải đối mặt với bản án tử hình nếu bị kết tội.

Tuy nhiên, người phát ngôn cảnh sát Jakarta Awi Setiyono cho biết không có lời hứa nào như vậy được đưa ra và quyết định phụ thuộc vào thẩm phán xét xử vụ án.

Cô Wongso là một thường trú nhân ở Úc và học cùng cô Salihin tại trường Cao đẳng Thiết kế Billy Blue ở Sydney và Đại học Công nghệ Swinburne. Sau khi tốt nghiệp năm 2008, cô Wongso vẫn tiếp tục ở lại Sydney để làm việc nhưng sau đó đã quay trở lại Indonesia.

Tuy nhiên, cảnh sát địa phương cho biết rằng giữa hai người đã có khoảng cách.
Tại thời điểm bị sát hại, cô Salihin vừa mới kết hôn. Cô Wongso được cho là đã trở thành kẻ sát nhân vì “thù hận và ghen tuông”.

Theo Daily Mail, SMH