Tin khắp nơi – 27/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 27/10/2017

Hồ sơ JFK: KGB, Johnson và Ngô Đình Diệm

Một số văn bản được giải mật vừa nêu ra các chi tiết mới xung quanh vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy, theo các báo Anh và Mỹ.

Về Lee Harvey Oswald

Chỉ hai ngày sau vụ bắn chết Tổng thống Kennedy, Lee Harvey Oswald, một cựu lính Thủy quân Lục chiến, và tự nhận là người Marxist, bị bắn chết trong căn hầm của Sở Cảnh sát Dallas.

Một bản ghi nhớ cho hay FBI đã cảnh báo với cảnh sát về một đe dọa giết với Lee Harvey Oswald.

“Ngay lập tức, chúng tôi báo với ngài cảnh sát trưởng và ông ta đảm bảo với chúng tôi rằng Oswald sẽ được bảo vệ đầy đủ”, Giám đốc FBI, ông J Edgar Hoover viết.

Hoa Kỳ giải mật hết hồ sơ vụ ám sát Kennedy

30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH

Trong các tài liệu hiện đang được nghiên cứu, có phát hiện rằng một biên bản của CIA gợi ý rằng Oswald đã nói chuyện với một sỹ quan KGB ở Đại sứ quán Liên Xô tại Mexico City. Biên bản ghi nhớ này nói viên sỹ quan đối thoại với Oswald làm việc cho bộ phận “chuyên lo về phá hoại và ám sát”.

Một ghi nhớ khác viết các quan chức Liên Xô lo ngại “một viên tướng vô trách nhiệm” có thể phóng hỏa tiễn nhắm vào Liên Xô sau khi Tổng thống Kennedy chết.

Biết trước 25 phút?

Một điện tín từ Anh của CIA nói phóng viên một tờ báo địa phương ở nước Anh, tờ Cambridge News, đã nhận được một cú điện thoại nặc danh nói chuẩn bị có “tin lớn” (some big news) bên Mỹ trước khi xảy ra vụ ám sát.

Đúng 25 phút sau đó, ông Kennedy bị bắn chết ở Dallas, Texas.

Bốn ngày sau vụ ám sát, văn bản ngày 26/11/1963 của Giám đốc FBI gửi cho Giám đốc Bộ phận phản gián của CIA James Angleton viết:

“Một điện tín từ bộ phận CIA tại London cho hay một phóng viên Anh làm việc cho tờ Cambridge News, vào đúng ngày 22/11/1963, đã nhận được cú điện thoại nặc danh nói cần báo cho Sứ quán Mỹ là sắp có “tin lớn” (big news). Theo tính toán của Tình báo Anh, MI-5, thì chỉ 25 phút sau, ông Kennedy bị hạ sát. Phóng viên này là người có uy tín và nói ông chưa bao giờ nhận được điện thoại kiểu như vậy.”

Một bản khác của ghi nhớ này được Viện Lưu trữ Quốc gia tại Hoa Kỳ công bố hồi tháng Bảy năm nay nhưng không ai chú ý đưa tin.

Một phóng viên Anh làm việc cho tờ Cambridge News, vào đúng ngày 22/11/1963, đã nhận được cú điện thoại nặc danh báo sắp ‘có tin lớn’ ở Mỹ. Chừng 25 phút sau thì Tổng thống Kennedy bị hạ sátĐiện tín CIA từ London gửi về nước

Tuy thế, cũng có các bản ghi nhớ khác nói có người ở Mỹ “nghe được ai đó đặt cược” rằng tổng thống Kennedy sẽ bị giết trong vòng 3 tuần.

Ông bị bắn chết 10 ngày sau khi lời nói đó được ghi nhận.

Moscow lo ngại

Theo đài phát thanh National Public Radio ở Hoa Kỳ hôm 27/10/2017 thì các tài liệu giải mật cho thấy Moscow thực sự lo ngại về tình hình sau khi ông Kennedy bị giết.

Văn bản được giải mật viết: “Theo nguồn tin của chúng tôi, các quan chức Đảng Cộng sản Liên Xô tin rằng có một âm mưu được tổ chức hết sức là tốt bởi những kẻ cực hữu (ultraright) ở Hoa Kỳ để tạo ra một vụ đảo chính”.

Họ cũng có vẻ đã tin rằng vụ ám sát không thể là do một cá nhân gây ra mà nảy sinh từ một nghị trình có nhiều người tham gia.”

Sự nghiệp Fidel Castro

‘The Vietnam War’ và khi Đồng Minh tháo chạy

USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế

Liên Xô cũng lo ngại vụ ám sát sẽ được dùng để thổi lên thái độ chống cộng sản tại Mỹ, nhằm “ngăn lại các cuộc đàm phán với Liên Xô, và để tấn công Cuba rồi đẩy chiến tranh lan rộng ra sau đó.”

Theo trang NPR, sỹ quan phụ trách KGB ở New York City, Boris Ivanov, mô tả cái chết của Kennedy “là vấn đề cho cơ quan của ông ta”.

Ông Ivanov nói ông tin rằng có một âm mưu gây ra cái chết của Tổng thống Mỹ và KGB cần tìm hiểu điều gì thực sự đã xảy ra và rằng KGB cần “xác định Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson là người thế nào”.

Mối liên hệ của Lee Harvey Oswald với Liên Xô là có thật.

Người này từng sang sống ở Liên Xô từ 1959 đến 1962 và lấy vợ là một phụ nữ ở Minsk.

Các kế hoạch ám sát khác

Văn bản từ 1975 mô tả các âm mưu, kế hoạch ám sát lãnh đạo nước ngoài, gồm Fidel Castro, và các bàn luận về chuyện ám sát của nhà lãnh đạo Congo Patrice Lumumba và nhà lãnh đạo Indonesia, Tổng thống Sukarno.

Theo trang New York Post và Politico thì Giám đốc CIA thời Johnson, ông Richard Helms, lưu lại các câu nói rằng bản thân Tổng thống Johnson từng nói John F Kennedy “bị giết vì đã cho giết nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm”.

Nguyên văn câu tiếng Anh là “Lyndon Johnson claimed Kennedy assassination was payback for killing of Vietnamese leader,” cho thấy theo ông Johnson, có sự trả thù nào đó ở đây.

Tuy nhiên, các báo Mỹ trích nguồn giải mật cho rằng đây chỉ là “một trong nhiều thuyết âm mưu” mà ông Johnson không hề ngại ngùng nêu ra.

Tổng thống Richard Nixon từng tin là CIA đứng đằng sau vụ giết Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình DiệmRichard Helms

Ông Helms, người phục vụ cả hai đời Tổng thống Johnson và Nixon, cũng nói hồi tháng 4/1975 rằng theo lời ông Johnson vụ giết ông Kennedy là “vụ trả thù của thế lực nước ngoài”.

Các báo Mỹ hôm 27/10/2017 nhắc lại rằng “nhà lãnh đạo độc đoán của Nam Việt Nam bị bắt và hạ sát năm 1963 trong vụ đảo chính do Hoa Kỳ hỗ trợ”.

Còn theo trang CNN, nội dụng lời của cựu Giám đốc Richard Helms lại nói ông nghĩ rằng “Tổng thống Richard Nixon từng tin là CIA đứng đằng sau vụ giết Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm, người bị giết trong vụ đảo chính có liên quan đến CIA”.

http://www.bbc.com/vietnamese/41779881

 

Catalonia tuyên bố độc lập,

Tây Ban Nha quyết áp đặt nền cai trị trực tiếp

Nghị viện của xứ Catalonia hôm thứ Sáu tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha thách thức chính phủ Madrid, trong khi chính phủ Madrid đồng thời chuẩn bị áp đặt nền cai trị trực tiếp lên khu vực này.

Mặc dù tuyên bố độc lập thực tế chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng vì nó không được Tây Ban Nha hoặc cộng đồng quốc tế chấp nhận, song những hành động của cả hai bên đã đưa cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong bốn thập kỷ lên tới cấp độ mới.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngay lập tức kêu gọi bình tĩnh và nói rằng nền pháp trị sẽ được khôi phục.

Đề xuất được thông qua tại nghị viện khu vực ở Barcelona – vốn bị các đảng đối lập tẩy chay – nói rằng Catalonia cấu thành một nhà nước độc lập, có chủ quyền và dân chủ xã hội. Đề xuất kêu gọi các nước và các tổ chức khác công nhận Catalonia.

Đề xuất cũng cho biết Catalonia muốn mở các cuộc đàm phán với Madrid để hợp tác thiết lập nước cộng hòa mới.

Trong khi đó ở Madrid, thượng viện của nghị viện Tây Ban Nha theo lịch trình sẽ thông qua Điều 155, là luật cho phép chính quyền trung ương tiếp quản khu tự trị này.

“Các biện pháp bất thường chỉ nên được thông qua khi không còn biện pháp khắc phục nào khác,” Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói trong một bài phát biểu trước Thượng viện. “Theo ý tôi, giờ không còn biện pháp nào khác. Điều duy nhất có thể làm và phải làm là chấp nhận và tuân thủ pháp luật.”

Lãnh đạo Catalonia đang phớt lờ luật pháp và chế nhạo nền dân chủ, ông nói.

“Chúng ta đang đối mặt với một thách thức chưa từng có trong lịch sử cận đại của chúng ta,” ông Rajoy nói. Thủ tướng đã xác quyết lập trường không nhân nhượng chống lại chiến dịch của Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha.

Sau khi Thượng viện bỏ phiếu, ông Rajoy dự kiến sẽ triệu tập nội các của ông để thông qua các biện pháp đầu tiên cai trị trực tiếp Catalonia. Điều này có thể bao gồm sa thải chính phủ Barcelona và tiếp quản quyền giám sát trực tiếp lực lượng Cảnh sát Catalonia.

Nhưng chưa chắc chắn nền cai trị trực tiếp sẽ hoạt động như thế nào trên thực địa – bao gồm phản ứng của giới công chức và cảnh sát.

Một số người ủng hộ độc lập đã hứa sẽ phát động một chiến dịch bất tuân dân sự, có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp với lực lượng an ninh.

Cuộc khủng hoảng bùng ra sau khi một cuộc trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 1 tháng 10 bị Madrid tuyên bố là bất hợp pháp. Chỉ có 43 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu vì những người Catalonia chống độc lập phần lớn tẩy chay.

Catalonia là một trong những khu vực thịnh vượng nhất của Tây Ban Nha và được hưởng mức độ tự trị cao. Nhưng xứ sở này có hàng loạt những nỗi bất bình lịch sử, vốn bị làm trầm trọng hơn dưới chế độ độc tài Franco trong những năm 1939-1975, khi nền văn hoá và chính trị của xứ sở này bị áp bức.

https://www.voatiengviet.com/a/catalan-tuyen-bo-doc-lap-tay-ban-nha-quyet-ap-dat-nen-cai-tri-truc-tiep/4088974.html

 

Học ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ lấy bằng tiến sỹ?

Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh sẽ mở trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình và cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ cho ngành này.

Theo các báo Trung Quốc, một trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình và chủ nghĩa Marxist sẽ ra đời ở Đại học Nhân dân (Renmin University), một trong số các đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Bàn tròn thứ Năm: Tập tái cử, Trump sắp thăm VN

Tập Cận Bình thành ‘hạt nhân của Đảng’

Ông Tập muốn quân đội TQ ‘không tham nhũng’

Tập Cận Bình: ‘TQ đã bước vào thời đại mới’

Trang Nhân dân Nhật báo bản điện tử (26/10/2017) cũng trích lời một bí thư Đảng tại Đại học Nhân dân cho hay trung tâm tư tưởng Tập Cận Bình sẽ phối hợp với nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chủ nghĩa Marx, các giảng viên, giáo sư của Trường Đảng Trung ương, chuyên gia từ Đại học Thanh Hoa…để xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy.

Đặng Tiểu Bình đã nêu ra ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc’, và ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ chỉ thêm mỗi mấy chữ ‘thời đại mới’ vào cụm từ đóKarisham Vaswani, BBC News

Theo BBC Tiếng Trung, một đại học ở Thiên Tân cũng có ý tưởng mở trung tâm tương tự để học về Tư tưởng của lãnh đạo Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình.

Truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài cũng cho hay trong chương trình của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh sẽ có bằng thạc sỹ và tiến sỹ về ‘tư tưởng Tập Cận Bình’.

Vì sao cần lý luận và ‘tư tưởng’?

Hiện ở bên ngoài Trung Quốc có hai cách giải thích và đánh giá về nhu cầu “lý luận” của Đảng Cộng sản ở quốc gia 1,4 tỷ người này.

Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?

Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập

TQ: ‘Đảng đã phá tan âm mưu soán đoạt’

Một phái, như bài viết của Eric Li đăng trên Washington Post (24/10) cho rằng ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc kết hợp chủ nghĩa xã hội với phát triển, tăng trưởng.

Không chỉ có vậy, Tập Cận Bình còn cổ vũ cho một mô hình mới của toàn cầu hóa mà ở đó, “tính liên kết tăng lên (interconnectedness) không làm hại gì cho chủ quyền quốc gia”.

Đây là cách nhìn về một cộng đồng toàn cầu “có chung vận mệnh”.

Ở phía ngược lại có quan điểm cho rằng sự tập trung quyền lực vào một Đảng và của Đảng đó vào một cá nhân là cách Trung Quốc phản ứng trước các lo ngại lớn.

Chẳng hạn cách nhìn của Phillip Orchard cho rằng những mâu thuẫn nội tại và sức ép địa chính trị khiến giới cầm quyền Trung Quốc chấp nhận “đặt cược” hoàn toàn và cá nhân Tập Cận Bình để chống đỡ lại khủng hoảng.

Việc kiểm soát toàn diện Đảng Cộng sản, từ lý luận đến quân đội, công an, của ông Tập tuy thế sẽ không giúp giải quyết các mâu thuẫn cơ bản mà Trung Quốc đang đối mặt, theo tác giả Orchard.

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 26/10, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ cũng nói tư tưởng Tập Cận Bình “chỉ là một ảo tưởng” vì chủ nghĩa xã hội thì không còn gì, và những chứ gọi là “đặc sắc Trung Quốc” chỉ nhằm để giúp Trung Quốc bành trướng ra bên ngoài.

Còn phóng viên BBC News Karishma Vaswani từ Singapore, trong bài viết hôm 24/10 đã so sánh “tư tưởng Tập Cận Bình” và lý luận Đặng Tiểu Bình.

Theo phóng viên BBC, dù được đề cao, ông Tập chưa đạt được thành tích bằng ông Đặng nếu xét về các con số kinh tế cụ thể.

Trên thực tế, Đặng Tiểu Bình đã nêu ra “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, và “tư tưởng Tập Cận Bình” chỉ thêm mỗi mấy chữ “thời đại mới” vào cụm từ đó, theo nhà báo của BBC News.

Ba trên bảy ủy viên có gốc ‘lý luận’

Sau Đại hội 19, trong bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì có tới ba người là xuất thân từ “lý luận”:

Giáo sư Vương Hộ Ninh là soạn ra các thuyết chính trị cho hai tổng bí thư Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và chấp bút cho ông Tập Cận Bình nêu ra “tư tưởng chủ nghĩa xã hội với tính đặc thù Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.

Thầy Vương lập thuyết cho ba tổng bí thư TQ

Lãnh đạo Việt-Trung uống trà bàn ‘định hướng lớn’

Ông Triệu Lạc Tế cũng từng tốt nghiệm môn triết học ở Bắc Kinh trước khi đi làm quan chức bộ máy Đảng. Nay ông thay Vương Kỳ Sơn ở vị trí Trưởng ban chống tham nhũng.

Bản thân ông Tập Cận Bình từng phụ trách Trường Đảng Trung ương.

Điều cho thấy Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đẩy cao vai trò “tư tưởng Tập Cận Bình”, và vị thế của các “mưu sỹ lý luận” nhằm đối phó với các xung lực của mâu thuẫn bên trong và bên ngoài trong nhiều năm tới.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41762497

 

Hoa Kỳ chọn nỗ lực ngoại giao

để giải quyết vấn đề Bắc Hàn

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm 27/10 lên tiếng nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần phải được thực hiện thông qua các nỗ lực ngoại giao chứ không phải giải pháp quân sự.

Phát biểu tại vùng biên giới giữa hai miền Nam- Bắc Triều Tiên, Bộ trưởng James Mattis nói mục tiêu của Hoa Kỳ là phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên chứ không phải là chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Song Young-moo có mặt cùng với Bộ trưởng James Mattis cho biết Nam Hàn sẽ tiếp tục cùng với Mỹ bảo vệ hòa bình với ý chí và sức mạnh của mình. Ông cũng cho biết việc Hoa Kỳ triển khai các trang thiết bị vũ khí đến bán đảo Triều Tiên đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn những đe dọa từ Bắc Hàn.

Vào đầu tháng 11 tới, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ lên đường đến châu Á. Nhân chuyến công du này, ông sẽ tới Nam Hàn và gặp Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in. Tổng thống Donald Trump trước đó đã từng lên tiếng đe dọa sẽ phá hủy Bắc Hàn nếu bị gây hấn.

Mỹ trừng  phạt quan chức Bắc Hàn

Trước đó, hôm 26/10, Hoa Kỳ cũng đã áp dụng lệnh trừng phạt nhắm vào 7 giới chức Bắc Hàn và ba cơ quan khác của nước này vì những vi phạm nhân quyền như giết người, tra tấn, cưỡng bức lao động và truy lùng những người tìm kiếm quy chế tị nạn ở nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ra tuyên bố cho biết lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức quân đội và chính quyền Bắc Hàn cùng các cơ sở tài chính giúp kiếm ngoại tệ cho chính phủ Bắc Hàn qua những hoạt động cưỡng bức lao động.

Trong số những người thuộc danh sách có giám đốc và phó giám đốc cơ quan an ninh quân sự Bắc Hàn, thứ trưởng thứ nhất Bộ An Ninh và Bộ trưởng Lao động. Ngoài ra, viên tổng lãnh sự Bác Hàn ở Thẩm Dương, Trung Quốc và một nhà ngoại giao Bắc Hàn ở Việt Nam cũng nằm trong danh sách này.

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc ông Ku Sung Sop, tổng lãnh sự Bắc Hàn ở Thẩm Dương và ông Kim Min Chol thuộc đại sứ quán Bắc Hàn ở Hà Nội đã tham gia vào các hoạt động cưỡng bức người Bắc Hàn tìm quy chế tị nạn về nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Cảnh Sảng nói tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc không chấp nhận việc những nước khác sử dụng luật của mình đơn phương áp đặt lệnh cấm bên ngoài khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc. Ông Cảnh Sảng nói Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi và hợp tác với Bắc Hàn bình thường trên cơ sở áp dụng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn.

Bắc Hàn trả tàu cá Nam Hàn có ngư dân Việt Nam

Bắc Hàn hôm thứ sáu 27/10 cho biết nước này sẽ gửi trả lại một tàu cá Nam hàn và các ngư dân bị Bắc Hàn bắt giữ vì đã vượt biên giới trên biển ở vùng phía đông giữa hai miền.

Truyền thông Bắc Hàn cho biết quyết định này dựa trên cơ sở nhân đạo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không rõ việc thả các ngư dân Nam Hàn có liên quan gì đến ý định muốn làm giảm căng thẳng với miền Nam hay không.

Tuyên bố mới được Bắc Hàn đưa ra chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến thăm vùng biên giới hai nước.

Bắc Hàn có kế hoạch sẽ gửi trả tàu cá và 10 ngư dân về vào 6:30 chiều ngày 27/10.

Theo hãng thông tấn Bắc Hàn KCNA, chiếc tàu cá Nam Hàn bị bắt vào sáng sớm thứ bảy tuần trước sau khi xâm nhập bất hợp pháp vào vùng nước của Bắc Hàn. Tuy nhiên các ngư dân đã xin lỗi, và xin được khoan hồng.

Trong số các ngư dân bị bắt có cả 3 ngư dân Việt Nam. Hãng tin AP trích lời một chuyên gia thuộc Viện Thống Nhất Quốc Gia Triều Tiên ở Nam Hàn cho biết sự có mặt của 3 ngư dân Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến quyết định trao trả tàu cá nhanh chóng của Bắc Hàn

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/mattis-talks-diplomacy-on-nkorea-ahead-of-trump-s-asia-tour-10272017091338.html

 

TQ yêu cầu Mỹ không cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/10 lên tiếng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ không cho phép tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh ở lãnh thổ Hoa Kỳ, khi bà trên đường tới thăm các quốc đảo đồng minh ở Thái Bình Dương.

Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói với báo giới rằng mọi người đều có thể nhìn ra ý định vì sao bà Thái muốn quá cảnh ở Hoa Kỳ. Quan điểm của Bắc Kinh là Washington không nên cho bà này quá cảnh, tránh gây hiểu nhầm với lực lượng đòi độc lập ở Đài Bắc, cũng như duy trì mối quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình, ổn định tại đảo quốc này.

Tổng thống Thái Anh Văn sẽ đi thăm ba quốc đảo tại Thái Bình Dương gồm Marshall, Tuvalu và Solomon từ ngày 28 tháng 10 cho đến 4 tháng 11. Đó là ba quốc đảo trong số 6 đồng minh hiện nay của Đài Loan tại Thái Bình Dương.

Chuyến công du ra nước ngoài gần nhất của tổng thống Thái Anh Văn là vào tháng giêng vừa qua khi bà đến thăm những nước đồng minh Trung Mỹ. Lúc đó bà quá cảnh qua Hoa Kỳ. Trung Quốc lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ ngăn không cho tổng thống Đài Loan quá cảnh nước Mỹ; tuy nhiên yêu cầu đó không được đáp ứng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-urges-us-not-to-allow-transit-of-taiwan-president-10272017090853.html

 

Myanmar đồng ý

để LHQ tái cung cấp thực phẩm cho người Rohingya

Chính quyền Myanmar đồng ý cho phép Liên Hiệp Quốc tiếp tục công tác chuyển lương thực tới phía bắc bang Rakhine giúp cho người dân bị tác động tại khu vực đó. Chiến dịch này đã bị đình chỉ hai tháng nay.

Thông tin trên được Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết vào ngày 27/10 và được hãng Reuter loan đi.

Phát ngôn viên của WFP, bà Bettina Luescher nói với báo giới rằng hiện WFP đang cùng với chính phủ Miến Điện điều phối các kế hoạch cụ thể.  Bà cho biết WFP vẫn đang bàn bạc với phía chính quyền chứ chưa có thông tin cụ thể cũng như lịch trình thời gian cho chiến dịch cung cấp lương thực này.

Trước đó WFP đã cung cấp thực phẩm cho 110.000 người dân ở phía bắc bang Rakhine, bao gồm cả cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo.

Cũng tin liên quan Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đã thúc giục người đứng đầu quân đội Myanmar phối hợp với chính phủ nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại bang Rakhine.

Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, bà Heather Nauert cho biết, trong cuộc điện thoại với tướng Min Aung Hlaing ngày 27/10, ông Tillerson bày tỏ lo ngại về tình trạng khủng hoảng nhân đạo và những tội ác đang diễn ra ở bang Rakhine. Ông đề nghị Myanmar cần tạo điều kiện để những người Rohingya được trở về quê hương một cách an toàn. Ông cũng nói là quân đội Miến Điện có thể phối hợp với Liên Hiệp Quốc thực hiện các cuộc điều tra độc lập và kỹ lưỡng về tình trạng vi phạm nhân quyền trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng.

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh lánh nạn trong một cuộc khủng hoảng được gọi là “thanh trừng sắc tộc” tại bang Rakhine, Miến Điện, nâng tổng số lên hơn 800.000 người sắc tộc này đang phải tá tục tại Bangldesh.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/myanmar-gives-green-light-to-resume-food-aid-to-rakhine-says-un-10272017085556.html

 

Ông Hun Sen nói không sợ lệnh cấm vận của Phương Tây

Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với nội các chính phủ Phnom Penh hôm thứ sáu, 27/10 rằng ông không sợ các lệnh cấm vận của phương Tây. Tuyên bố này được đưa ra sau khi một số Thượng nghị sĩ Mỹ dọa sẽ áp lệnh cấm đi lại sau khi Campuchia cho bắt giữ lãnh tụ đảng đối lập chính ở nước này.

Thượng Nghị sĩ Ted Cruz nói ông sẽ đề nghị áp lệnh cấm đi lại đối với các quan chức hàng đầu của chính phủ Campuchia nếu lãnh tụ dảng đối lập (CNRP) là ông Kem Sokha không được tự do chậm nhất là vào ngày 9/11 tới. Các Thượng nghị sĩ John McCain và Dick Burbin cũng kêu gọi áp dụng lệnh cấm này nếu các hoạt động trấn áp của chính phủ Campuchia vẫn tiếp tục.

Ông Kem Sokha bị bắt vào ngày 3/9 năm nay với cáo buộc tội phản quốc. Ông Kem Sokha bị cho là đã âm mưu lật đổ chính quyền với sự giúp sức của những người Mỹ không xác định danh tính. Ông Kem Sokha đã bác bỏ cáo buộc này.

Chính phủ Campuchia mới đây cũng đã đề nghị toà tối cao cho giải tán đảng CNRP. Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các đảng viên của CNRP thuộc quốc hội và những đảng viên CNRP đang nắm các chức vụ được bầu khác nên bỏ đảng để theo đảng đang cầm quyền là đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do chính ông Hun Sen lãnh đạo.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cambodian-pm-says-sanctions-wouldn-t-hurt-him-10272017090141.html

 

Nhật muốn cùng Mỹ, Ấn, Úc

đối trọng “vành đai, con đường” TQ

Ngoại trưởng Taro Kono nói với nhật báo kinh tế Nikkei rằng Nhật Bản sẽ đề xuất một cuộc đối thoại chiến lược với các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Ấn Độ và Australia, nhằm tạo ra đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc bằng chính sách “vành đai, con đường” của nước này.

Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ đưa ra ý tưởng này với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 6/11 khi họ họp thượng đỉnh, theo tin Nikkei hôm 26/10.

Ý tưởng của đề xuất này là các nhà lãnh đạo bốn quốc gia sẽ thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác quốc phòng trên bộ lẫn trên biển ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, cũng như Trung Đông và Châu Phi, ông Kono nói trong cuộc phỏng vấn với Nikkei diễn ra hôm 25/10.

Ông phát biểu: “Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên khi mà Nhật Bản phải khẳng định mình về mặt ngoại giao bằng cách vẽ một bức tranh chiến lược lớn”.

Ông nói tiếp: “Duy trì đại dương tự do và rộng mở, kinh tế và an ninh chắc chắn sẽ được bàn thảo”.

Ông Kono nói một mục tiêu nữa là thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao trên khắp châu Á cho đến châu Phi.

Chương trình cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” khổng lồ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được đưa vào điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 24/10.

Kế hoạch này, phỏng theo “Con đường Tơ lụa”, là một phương tiện để Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế bằng cách tài trợ và xây dựng các con đường giao thông và liên kết thương mại toàn cầu ở hơn 60 quốc gia.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-muon-cung-my-an-uc-doi-trong-vanh-dai-con-duong-tq/4088899.html

 

Hoa Kỳ kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanma

Hoa Kỳ kêu gọi Myanmar ngừng các cuộc trả thù bằng quân sự nhằm vào người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.

Trong một cuộc điện đàm hôm 26/10 với Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn đang diễn ra và các hành động tàn ác được đưa tin ở bang Rakhine.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết ông Tillerson đã thúc giục các lực lượng an ninh của Myanmar ủng hộ chính phủ chấm dứt bạo lực và cho phép những người phải di tản do cuộc khủng hoảng được trở về nhà an toàn, phù hợp với Tuyên bố Chung với Bangladesh 1992 và không có thêm điều kiện gì.

Bà Nauert nói ông Tillerson cũng kêu gọi quân đội tạo thuận lợi cho việc viện trợ nhân đạo cho người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng, cho phép báo chí được tiếp cận, và hợp tác với LHQ để “đảm bảo cho một cuộc điều tra toàn diện, độc lập về tất cả các cáo buộc về vi phạm nhân quyền và đảm bảo trách nhiệm giải trình”.

Ông Tillerson cũng lên án những vụ tấn công chết chóc hôm 25/8 của các chiến binh Rohingya đánh vào các lực lượng an ninh tại bang Rakhine, các vụ này đã dẫn đến những hành động trả thù không ngừng hiện nay.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-keu-goi-cham-dut-bao-luc-o-myanmar/4088698.html

 

Mattis: chính sách Mỹ bảo vệ Hàn Quốc không thay đổi

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis nói không có gì thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ bảo vệ Hàn Quốc, trước những mối đe doạ về tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Phát biểu với binh sĩ Hoa Kỳ và Hàn Quốc hôm 27/10 tại làng đình chiến Panmunjom, giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, ông Mattis nói: “Chúng tôi đang làm mọi điều có thể để giải quyết vấn đề này theo đường ngoại giao – tất cả điều có thể”, ý ông nói đến chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

“Điều quan trọng là các nhà ngoại giao của chúng ta phải được hậu thuẫn bởi những các chiến sĩ, thủy thủ, phi công và thủy quân lục chiến”, ông Mattis nói, “để họ nói trên thế mạnh, có sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của liên minh, vai kề vai”.

Ông Mattis dẫn lại lời Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng: “Mục tiêu của chúng ta không phải là chiến tranh”, ông nói thêm rằng mục đích là buộc Triều Tiên phải loại bỏ hoàn toàn và không quay trở lại chương trình vũ khí hạt nhân mà họ đã đẩy mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

Trong chuyến thăm hai ngày tới Hàn Quốc, ông Mattis đã gặp Tổng thống Moon Jae-in hôm 27/10, cũng như gặp các quan chức quốc phòng hàng đầu và các chỉ huy quân sự Mỹ trực tiếp đương đầu với các hành động của Triều Tiên.

Trong cuộc gặp, ông Moon ca ngợi “việc triển khai mạnh mẽ” các khí tài chiến lược của Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn hiệu quả những hành vi khiêu khích của Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/mattis-chinh-sach-my-bao-ve-han-quoc-khong-thay-doi/4088676.html

 

Châu Á vượt Mỹ,

trở thành nơi có nhiều tỷ phú nhất thế giới

Với tỷ lệ cứ cách một ngày lại có một tỷ phú mới xuất hiện vào năm 2016, châu Á lần đầu tiên trở thành nơi có số lượng tỷ phú nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Mỹ, theo báo cáo hàng năm của UBS AG và PricewaterhouseCoopers.

Theo báo cáo này, trong năm 2016, tại châu Á xuất hiện 117 “tỷ phú đôla” mới, đưa tổng số tỷ phú ở châu lục đông dân nhất thế giới lên thành 637 người, vượt qua Mỹ với 563 tỷ phú.

Tuy nhiên, về trị giá tài sản, các tỷ phú Mỹ vẫn chiếm ngôi đầu bảng với 2,8 nghìn tỷ đôla, theo Bloomberg.

Phần lớn số tỷ phú mới nổi của châu Á tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này có số lượng tỷ phú mới chiếm đến ¾ số tỷ phú mới của cả thế giới.

Trong khi đó, tại châu Âu năm qua, chỉ có 3 tỷ phú mới, nâng tổng số tỷ phú lên 342 người.

Bloomberg dẫn lời Giám đốc Đầu tư của UBS, ông Mark Haefele, tại một cuộc họp báo ở Zurich hôm 26/10 cho rằng tốc độ gia tăng tài sản của các tỷ phú châu Á sẽ phụ thuộc vào việc nguồn đầu tư nhà nước Trung Quốc sẽ được thay thế bằng các nguồn vốn khác như thế nào.

Ông nói: “Khi thị trường vốn Trung Quốc thâm nhập vào hệ thống toàn cầu, nó sẽ có một tác động rất lớn đến dòng vốn, ở châu Âu cũng thế”.

Ông Mark Haefele cho rằng việc thực hiện các chính sách tăng trưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ gia tăng tổng số tài sản của các tỷ phú phú châu Á nhằm vượt qua Mỹ.

Báo cáo của UBS nói sự kết hợp giữa ổn định về địa chính trị ở Trung Quốc, giá bất động sản Trung Quốc tăng lên, chi phí cơ sở hạ tầng, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và giá cả tăng cao là những yếu tố thúc đẩy thịnh vượng ở châu Á.

Báo cáo cũng cho biết tổng số tài sản của các tỷ phú trên thế giới năm 2016 tăng 17%, lên 6 nghìn tỷ đôla, sau khi bị giảm mạnh vào năm trước đó.

https://www.voatiengviet.com/a/chau-a-vuot-my-tro-thanh-noi-co-nhieu-ty-phu-nhat-the-gioi/4087755.html

 

Mỹ chế tài Triều Tiên vì vi phạm nhân quyền

Mỹ hôm thứ Năm áp đặt các biện pháp chế tài đối với bảy cá nhân và ba thực thể Triều Tiên về điều mà Mỹ gọi là những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm lao động cưỡng bức và săn lùng người xin bảo hộ tị nạn.

“Các biện pháp chế tài hôm nay nhắm vào các quan chức của chế độ và của quân đội Triều Tiên tham gia trong những vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn,” Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nói. “Chúng tôi cũng đang nhắm mục tiêu vào những đối tượng tiếp tay tài chính của Triều Tiên tìm cách giữ cho chế độ này tồn tại nhờ ngoại tệ thu được từ những hoạt động lao động cưỡng bức.”

Trong số những người bị chế tài có giám đốc và phó giám đốc Bộ Tư lệnh An ninh Quân đội, Thứ trưởng thứ nhất của Bộ An ninh Nhân dân và Bộ trưởng Lao động. Mỹ cũng chế tài Tổng lãnh sự Triều Tiên tại Thẩm Dương, Trung Quốc, và một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Triều Tiên ở Việt Nam.

“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về quân đội Triều Tiên, hoạt động như công an chìm, trừng phạt mọi hình thức bất đồng chính kiến,” thông cáo nói.

“Hơn nữa, quân đội hoạt động bên ngoài Triều Tiên để săn lùng những người xin bảo hộ tị nạn, và câu lưu tàn bạo và cưỡng bức hồi hương công dân Triều Tiên.”

Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Ku Sung Sop, Tổng lãnh sự ở Thẩm Dương, và Kim Min Chol, một nhà ngoại giao tại đại sứ quán ở Việt Nam, đã tham gia vào việc cưỡng bức hồi hương những người Triều Tiên xin bảo hộ tị nạn.

Thông cáo nói Công ty Xây dựng Hải ngoại Ch’olhyo’n, bị chế tài cùng với Bộ Tư lệnh An ninh Quân đội và Cục Xây dựng Ngoại quốc, đã hoạt động tại Algeria và được nói là thu về ngoại tệ cho Triều Tiên.

“Nhân viên của Ch’olhyo’n bị giữ trong tình cảnh giống như nô lệ, bao gồm việc tiền lương và hộ chiếu của họ bị giữ lại bởi những quan chức an ninh Triều Tiên được chỉ định làm giám sát viên địa điểm, khẩu phần ăn ít ỏi, điều kiện sinh sống nghèo nàn, và những hạn chế nghiêm trọng quyền tự do đi lại của họ,” thông cáo của Bộ Tài chính nói.

Thông cáo nói Cục Xây dựng Ngoại quốc đã hoạt động tại Kuwait, Oman, Qatar, và Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả-rập.

Chính quyền Mỹ đã tìm cách hạn chế nguồn thu nhập mà Triều Tiên nhận được từ hoạt động xuất khẩu lao động của nước này như một phần trong nỗ lực nhằm cắt đứt ngân quỹ tài trợ các chương trình hạt nhân và phi đạn mà Bình Nhưỡng nói là nhằm phát triển vũ khí có khả năng đánh trúng Mỹ.

Bắc Triều Tiên thường phủ nhận cáo buộc rộng khắp về những vụ vi phạm nhân quyền.

https://www.voatiengviet.com/a/my-che-tai-trieu-tien-vi-vi-pham-nhan-quyen/4087962.html

 

Twitter cấm quảng cáo của RT, Sputnik

vì can thiệp bầu cử Mỹ

Twitter hôm thứ Năm cáo buộc hai hãng truyền thông của Nga là Russia Today (RT) và Sputnik đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ và cấm họ mua các quảng cáo trên Twitter, sau khi có những chỉ trích rằng mạng xã hội này đã không làm đủ để ngăn chặn sự can thiệp quốc tế.

RT và Sputnik lên án quyết định này, nói rằng Twitter đã khuyến khích chi tiêu quảng cáo với chiến thuật rao bán của họ, trong khi Bộ Ngoại giao Nga nói rằng lệnh cấm là do áp lực của chính phủ Mỹ và họ định sẽ trả đũa.

Công ty Twitter nói trong một thông cáo không ký tên đăng trên website của mình rằng sự can thiệp vào cuộc bầu cử “không phải là điều chúng tôi mong muốn” trên mạng xã hội này. Thông cáo trích dẫn một báo cáo trong năm nay của các cơ quan tình báo Mỹ và cho biết họ cũng đã tiến hành cuộc điều tra của riêng mình nhắm vào RT và Sputnik.

“Chúng tôi không đi đến quyết định này một cách hời hợt, và đang thực hiện bước này như là một phần trong cam kết liên tục của chúng tôi giúp bảo vệ sự toàn vẹn của trải nghiệm người dùng trên Twitter,” công ty nói.

Twitter, Facebook và Google gần đây phát hiện những thành phần bị nghi là hoạt vụ Nga đã sử dụng các nền tảng của họ vào năm ngoái để mua những quảng cáo và đăng những nội dung gây chia rẽ về mặt chính trị. Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Twitter nói họ sẽ lấy số tiền ước tính khoảng 1,9 triệu đôla thu được từ những quảng cáo toàn cầu của RT từ năm 2011 đem đi quyên tặng “để hỗ trợ nghiên cứu bên ngoài về việc sử dụng Twitter trong hoạt động tham gia dân sự và các cuộc bầu cử.”

Công ty cho biết họ sẽ cho phép RT và Sputnik duy trì các tài khoản bình thường, không phải quảng cáo trên Twitter tuân theo các quy định của công ty.

RT, kênh tin tức tiếng Anh, cáo buộc các nhân viên bán hàng của Twitter gây sức ép để RT chi bộn tiền cho quảng cáo vào năm 2016 trước cuộc bầu cử.

Twitter từ chối bình luận về bất kỳ cuộc thảo luận nào với các nhà quảng cáo. Một cựu nhân viên của Twitter nói với Reuters rằng quảng cáo rao bán cho RT tương tự như những gì mà công ty sử dụng để thu hút các nhà quảng cáo tới Twitter, hiện vẫn đang tìm cách sinh lời.

Hôm thứ Năm, Twitter cho biết họ có thể sinh lời lần đầu tiên trong quý kế tiếp sau khi cắt giảm chi phí và đẩy mạnh các giao dịch bán dữ liệu cho các công ty khác, điều mà có thể giúp phá vỡ sự lệ thuộc của Twitter vào quảng cáo để kiếm doanh thu.

Hồi tháng 4, Reuters loan tin rằng RT và Sputnik là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đẩy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ về hướng có lợi cho Donald Trump và làm suy yếu niềm tin của cử tri vào hệ thống bầu cử Mỹ, theo ba quan chức tiền nhiệm và bốn quan chức hiện nhiệm của Mỹ.

Vào ngày 19 tháng 10, các nhà lập pháp Mỹ, báo động về thực trạng các thực thể nước ngoài sử dụng Internet để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm ngoái, đã giới thiệu dự luật mở rộng các quy định về quảng cáo chính trị trên đài truyền hình, đài phát thanh và vệ tinh để bao gồm các mạng truyền thông xã hội.

https://www.voatiengviet.com/a/twitter-cam-quang-cao-cua-rt-sputnik-vi-can-thiep-bau-cu-my/4087958.html

 

Tổng thống Bush cha xin lỗi

sau khi bị nữ diễn viên tố ‘sàm sỡ’

Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush cha) hôm 25/10 lên tiếng xin lỗi thông qua người phát ngôn vì điều mà một nữ diễn viên mô tả là “tấn công tình dục”, song ông Bush nói chỉ là cái vỗ thân mật và đùa vui trong một buổi chụp ảnh, Reuters đưa tin hôm 26/10.

Heather Lind, nữ diễn viên đóng vai chính trong bộ phim lịch sử “Turn: Washington’s Spies” của kênh truyền hình cáp AMC, cáo buộc ông Bush đã sờ soạng cô khi họ cùng chụp hình với vợ ông và những người khác trong một sự kiện quảng cáo cho chương trình năm 2014.

Lời cáo buộc xuất hiện trong một đoạn đăng tải trên Instagram của Lind cùng bức ảnh của ông Bush, 93 tuổi, bắt tay với cựu Tổng thống Barack Obama trong lần xuất hiện của cả năm cựu tổng thống còn sống để gây quỹ trợ cấp bão hôm thứ Bảy.

Trong bài viết, cô Lind, 34 tuổi, nói rằng nhìn vào bức ảnh đã gợi cô nhớ về cuộc gặp riêng với vị tổng thống thứ 41 cách đây ba năm, khi mà, theo lời cô, “ông đã tấn công tình dục tôi trong lúc tôi tạo dáng cho một bức ảnh tương tự”.

“Ông ấy không hề bắt tay tôi. Ông chạm vào tôi từ phía sau trên chiếc xe lăn của mình, khi vợ ông, Barbara Bush đứng bên cạnh ông”, Reuters trích lời cô Lind viết.

“Ông ấy nói một câu đùa tục tĩu với tôi. Và sau đó, khi tất cả mọi người chụp ảnh, ông ấy lại chạm vào tôi”.

Cô Lind còn nói rằng cựu đệ nhất phu nhân “đã lườm mắt như hàm ý nói ‘đừng tiếp tục nữa’”.

Phát ngôn viên của ông Bush, ông Jim McGrath, đã đưa ra tuyên bố nhằm đáp lại bài viết của Lind, giải thích rằng hành vi của cựu tổng thống là cách mà ông khỏa lấp lúng túng về mặt xã hội do khuyết tật thể chất của ông trong các buổi chụp ảnh.

Tổng thống Bush cha đã phải ngồi xe lăn từ 5 năm nay. Ông McGrath nói: “Tay của ông ấy rơi vào khoảng dưới eo của những người mà ông chụp ảnh cùng”.

“Để làm cho mọi người thoải mái, tổng thống thường xuyên kể cùng một câu chuyện đùa, và đôi khi, ông vỗ nhẹ phía sau phụ nữ với ý tốt. Một số người xem đây là hành động vô tư; một số người khác những người khác rõ ràng coi đó là không phù hợp”, ông McGrath viết.

“Đối với bất cứ ai mà ông đã xúc phạm, Tổng thống Bush xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất”, người phát ngôn của ông Bush nói.

Đại diện của cô Lind chưa bình luận gì về phản ứng của cựu Tổng thống Mỹ đối với cáo buộc của cô. Cũng không rõ điều gì đã khiến nữ diễn viên này phải gỡ bài viết trên Instagram xuống.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-bush-cha-xin-loi-sau-khi-bi-nu-dien-vien-to-sam-so/4087776.html

 

Manh mối về thương vong của Nga ở Syria

Một tài liệu chính thức mà Reuters được xem cho thấy ít nhất 131 công dân Nga đã chết ở Syria trong 9 tháng đầu năm nay. Người thân, bạn bè và các quan chức địa phương nói rằng con số đó bao gồm cả nhân viên quân sự tư nhân làm việc theo hợp đồng.

Tài liệu này, một giấy chứng tử do cơ quan lãnh sự Nga tại Damascus cấp ngày 4/10/2017, không cho biết những người qua đời đã làm gì ở Syria.

Tuy nhiên, qua các cuộc phỏng vấn với gia đình và bạn bè của một số người đã qua đời và các quan chức ở quê nhà của họ, Reuters xác định được rằng trong số những người đã chết có các nhân viên quân sự tư nhân Nga làm việc theo hợp đồng đã thiệt mạng trong khi chiến đấu bên cạnh lực lượng của tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh của Moscow.

Moscow phủ nhận về sự hiện diện của các nhân viên hợp đồng Nga ở Syria. Moscow muốn mô tả về hoạt động can thiệp quân sự của họ tại Syria như một sứ mệnh hòa bình thành công với những tổn thất nhỏ nhất.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay các câu hỏi chi tiết do Reuters gửi đến. Cơ quan lãnh sự Nga tại Damascus cũng không đáp lại các câu hỏi.

Con số chính thức về các nhân viên quân sự thiệt mạng ở Syria trong năm nay là 16. Một con số thương vong cao hơn đáng kể so với mức đó có thể ảnh hưởng xấu đến thành tích của Tổng thống Vladimir Putin ở thời điểm 5 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống mà ông dự kiến sẽ tranh cử.

Theo Reuters, số lượng các nhân viên hợp đồng tư nhân Nga thiệt mạng ở Syria trong năm nay là 26, dựa vào các cuộc phỏng vấn với người thân và bạn bè của người thiệt mạng và các quan chức địa phương tại quê nhà của họ.

Một nhà ngoại giao Nga đã làm việc tại một lãnh sự quán ở một nơi khác trên thế giới, nói với điều kiện giấu tên vì người này không có thẩm quyền nói chuyện với giới truyền thông, cho biết con số 131 người được chứng tử trong 9 tháng là mức cao bất thường nếu so tỉ lệ với số ước lượng kiều dân Nga ở Syria.

Mặc dù không có dữ liệu chính thức về quy mô của cộng đồng kiều dân, dữ liệu từ các cuộc bầu cử quốc gia Nga cho thấy chỉ có khoảng 5.000 cử tri Nga đã đăng ký là họ ở Syria vào năm 2012 và 2016.

Lãnh sự quán Nga không chứng tử cho nhân viên quân sự, theo một quan chức không muốn nêu tên tại lãnh sự quán ở Damascus.

https://www.voatiengviet.com/a/manh-moi-ve-thuong-vong-cua-nga-o-syria/4089038.html

 

Tòa Úc không công nhận 5 chính trị gia có 2 quốc tịch

Tòa án Tối cao Úc đã phán quyết hôm 27/10 rằng phó thủ tướng của nước này, Barnaby Joyce, và bốn thượng nghị sĩ không đáp ứng các quy định để được giữ ghế trong quốc hội, do họ có hai quốc tịch.

Ông Joyce, người có cả quốc tịch Úc lẫn New Zealand tại thời điểm ông được bầu, là một trong bảy chính trị gia bị nghi ngờ trong những tháng gần đây về việc họ có đáp ứng các quy định để giữ ghế trong quốc hội khi tư cách quốc tịch kép của họ lộ ra.

Quyết định loại ông Joyce làm cho chính phủ mất đi thế đa số chỉ chênh có một ghế trong Hạ viện gồm 150 ghế, và dẫn đến phải tổ chức một cuộc bầu cử phụ trong khu vực cử tri của ông vào tháng 12.
Ông Joyce sẽ đủ điều kiện để tranh cử lại, sau khi từ bỏ quốc tịch New Zealand.

Bốn thượng nghị sĩ bị loại được thay thế bằng các đảng viên trong đảng của họ mà không có bầu cử, vì vậy cán cân quyền lực không bị thay đổi.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-uc-khong-cong-nhan-5-chinh-tri-gia-2-quoc-tich/4088801.html

 

Đồng minh Châu Á

sẽ ‘thận trọng’ với Trump trong chuyến thăm sắp tới

Brian Padden

SEOUL — Ngày 3 tháng 11 Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khởi hành chuyến công du kéo dài 12 ngày tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, nơi ông sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và Philippines.

Các đồng minh quân sự chủ chốt của Mỹ trong khu vực dự kiến sẽ ứng xử một cách thận trọng với ông Trump, và tập trung vào các lĩnh vực mà đôi bên đồng thuận, đặc biệt là về Triều Tiên, khi họ đón tiếp Tổng thống Mỹ.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Châu Á, Tổng thống Trump dự định vận động thêm sự ủng hộ của quốc tế để gây áp lực buộc chế độ Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình phi đạn đạn đạo.

Ngăn chặn Triều Tiên phát triển phi đạn đạn đạo hạt nhân (ICBM) có thể bắn tới lục địa Mỹ đã trở thành ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của ông Trump, theo nhận định của chuyên gia phân tích về Triều Tiên, John Delury, từ Đại học Yonsei.

“Ông ấy đã đặt ra rất nhiều kỳ vọng về những gì mà ông ấy sẽ làm liên quan đến Triều Tiên, và nếu ông ấy không làm thì điều đó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hình ảnh của ông ấy, làm suy yếu vị thế của ông ấy.”

Chính quyền Trump đã làm việc với Trung Quốc và Nga tại Liên Hiệp Quốc để thông qua những chế tài kinh tế nghiêm khắc hơn, có thể làm giảm 90 phần trăm thương mại và 30 phần trăm dầu nhập khẩu của Triều Tiên, và cũng áp đặt những hạn chế đơn phương.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc, các đồng minh quân sự của Mỹ, đang bị chia rẽ về sự chú trọng của ông Trump về khả năng sử dụng vũ lực quân sự và luận điệu hăm dọa “lửa và thịnh nộ” của ông để “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu bị khiêu khích.

Tại Nhật Bản, ông Trump sẽ gặp và có thể chơi golf với Thủ tướng Shinzo Abe, có lẽ là người bạn thân nhất của ông ở Châu Á.

Ông David Straub, phân tích gia về Triều Tiên thuộc Viện Sejong, nói:

“Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cũng nhất trí về một số vấn đề, cụ thể là vấn đề Triều Tiên.”

Sự ủng hộ của công chúng tại Nhật Bản đối với lập trường mạnh mẽ của ông Abe về an ninh quốc gia đã được tăng cường sau khi Triều Tiên tiến hành hai vụ thử phi đạn bay ngang qua không phận Nhật Bản và giúp liên minh bảo thủ của ông Abe giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử quốc hội sớm.

Dù ông Abe đã bày tỏ sự ủng hộ trung thành cho chính sách gây “áp lực tối đa” của ông Trump, song các quan chức ở Tokyo đã âm thầm chỉ ra rằng đe dọa vũ lực là một chiến thuật ngoại giao nhằm đạt được nhượng bộ từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng dự kiến sẽ nhấn mạnh liên minh “sắt đá” lâu năm của đất nước ông với Mỹ khi ông hội kiến ông Trump tại Seoul.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo có tư tưởng tự do của Hàn Quốc đã công khai phản đối bất kỳ hình thức sử dụng vũ lực nào trên bán đảo Triều Tiên có thể nhấn chìm khu vực này vào một cuộc chiến tàn khốc.

Phân tích gia John Delury nói:

“Tôi nghĩ rằng chuyến thăm của ông Trump là một cơ hội để cho ông ấy hiểu biết quan điểm của Hàn Quốc về việc này, về việc Hàn Quốc lâu nay vẫn sống dưới mối đe dọa khả tín về việc bị tấn công hạt nhân mà chúng tôi vẫn ổn.”

Ông Trump đã mô tả những nỗ lực trước đây của ông Moon thúc đẩy Triều Tiên tham gia đối thoại là sự nhân nhượng không khả thi.

Hiện giờ, những khác biệt giữa Seoul và Washington lu mờ trước việc Triều Tiên tiếp tục thử phi đạn và hạt nhân, việc Bình Nhưỡng từ chối đàm phán liên Triều hay thậm chí không nhận viện trợ nhân đạo từ miền Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/dong-minh-chau-a-se-than-trong-voi-trump-trong-chuyen-tham-sap-toi/4087955.html

 

Nga huy động

cả ba lực lượng tấn công hạt nhân thử nghiệm tên lửa

Mai Vân

Ngày 26/10/2017, bộ Quốc Phòng Nga loan báo đã huy động cả ba lực lượng tấn công hạt nhân vào việc thử nghiệm một loạt tên lửa bắn từ trên không, từ dưới đáy biển và từ đất liền. Loạt thử nghiệm này nằm trong khuôn khổ chương trình hạt nhân chiến lược của Nga.

Theo hãng tin Pháp AFP, bộ Quốc Phòng Nga cho biết chi tiết là một hỏa tiễn liên lục đia “Topol” đã được bắn đi từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở miền tây bắc Nga, trong lúc 3 hỏa tiễn đạn đạo được phóng lên từ 2 tàu ngầm nguyên tử ở Biển Okhotsk, phía bắc Nhật Bản và ở Biển Barents, vùng Bắc Cực.

Cùng lúc, các oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 và Tu-22M3, cất cánh từ một số sân bay, đã bắn thử tên lửa hành trình nhắm vào những mục tiêu trên đất liền ở Kamchatka, phía đông Nga, ở Cộng Hòa Komi, phía bắc và ở bãi tập quân sự Nga ở Kazakhstan.

Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga giải thích rằng các vụ bắn thử đều là « bài tập của các lực lượng hạt nhân chiến lược », và tất cả đều đạt kết quả tốt đẹp.

Các hoạt động quân sự của Nga như bắn thử tên lửa hay tập trận thường gây phản ứng quan ngại nơi các quốc gia láng giềng và khối NATO. Cuộc tập trận có quy mô lớn mang tên Zapad của Nga với Belarus vào tháng 09/2017 đã gây lo ngại cho Ba Lan và các quốc gia Baltic.

Vào ngày 26/10, tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, trả lời báo chí sau cuộc họp Hội Đồng Nga-NATO, phê phán Matxcơva là đã thông báo không đúng về số quân tham gia cũng như hình thức bài tập như lúc đưa ra chính thức ban đầu.

Theo NATO, cuộc tập trận Zapad đã huy động đến hơn 40.000 quân, trong lúc phía Nga chỉ nêu lên con số 12.700 người.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171027-nga-huy-dong-ca-ba-luc-luong-tan-cong-hat-nhan-thu-nghiem-ten-lua

 

Một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ II

sẽ gây ra tử vong khủng khiếp!

Trọng Nghĩa

Vào lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng lúc càng nóng bỏng trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến nay, bóng ma chiến tranh đã quay trở lại và các nhà quan sát đã liên tiếp báo động về thảm họa của một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai. Giới chuyên gia đã cho rằng, ngay cả trong trường hợp một cuộc chiến tranh thông thường, hàng chục nghìn người dân Hàn Quốc sẽ bị thiệt mạng ngay trong ngày đầu tiên của một cuộc xung đột vũ trang mới với Bình Nhưỡng.

Mọi người đều nhớ lại rằng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi miền Bắc được Trung Quốc hỗ trợ lao xuống tấn công miền Nam, đã có hàng triệu người ở hai miền thiệt mạng, riêng miền Nam đã bị tàn phá nặng nề, còn Seoul đã bị đổi chủ 4 lần.

Hiện nay, thủ đô Hàn Quốc đã trở thành một thành phố công nghệ và văn hóa lớn với 10 triệu dân sống ở cả trong nội thành lẫn ngoại thành. Con số 10 triệu dân này sẽ là mồi ngon cho lực lượng pháo binh hùng hậu của Bắc Triều Tiên đồn trú phía bên kia khu phi quân sự.

Theo ước tính, Bắc Triều Tiên đã dàn trải khoảng 10.000 khẩu đại pháo và 500 quả tên lửa tầm ngắn dọc theo biên giới, đa phần được che giấu trong các hang động đường hầm hay bunker. Ngoài ra, theo phía Hàn Quốc, lực lượng bộ binh của Bắc Triều Tiên lên đến 1,1 triệu người, trong đó 70% đồn trú trong phạm vi 100 km tính từ biên giới với miền Nam.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia lo ngại rằng Bình Nhưỡng, vốn luôn đe dọa biến Seoul thành biển lửa, có thể sẽ áp dụng chiến thuật giết càng nhiều người càng tốt trong những giờ khắc đầu tiên của cuộc chiến.

Theo viện Nghiên Cứu Nautilus ở California, 65.000 người dân Seoul sẽ chết trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh thông thường, hầu hết trong ba giờ đầu. Trong vòng một tuần sẽ có 80.000 người chết.

Chuyên gia Roger Cavazos của Viện Nautilus cho rằng chiến thuật của Bắc Triều Tiên là « giết hàng chục ngàn người, bắt đầu một cuộc chiến dài hơi, gây nên những thiệt hại to lớn trước khi chế độ bị đánh gục ».

Trong trường hợp nổ ra xung đột, phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc sẽ gần như tức thời, sau khoảng một vài phút, điều đó sẽ làm giảm tác hại của pháo binh Bắc Triều Tiên và số lượng thương vong ở miền Nam. Nhiều thường dân sẽ nhanh chóng tìm nơi ẩn náu tại hàng ngàn nhà tạm trú ở Seoul.

Theo kịch bản này, cuộc phản công sẽ hủy hoại 1% pháo binh Bắc Triều Tiên trong mỗi tiếng đồng hồ giờ, hoặc gần một phần tư ngày đầu tiên. Và phần lớn cuộc chiến sẽ kết thúc trong bốn ngày.

Các tài liệu chính thức của Hàn Quốc từ năm 2016 cho thấy là Washington sẽ huy động đến 690.000 binh lính, 160 tàu và 2.000 máy bay vào cuộc, bổ sung cho 28.500 quân Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, và đạo quân của Hàn Quốc gồm 625.000 quân.

Lợi thế như vậy sẽ nghiêng về phía Mỹ và Hàn Quốc, và kịch bản nào cũng kết thúc bằng thất bại của Bắc Triều Tiên. Vấn đề khiến nhiều người lo ngại, tuy nhiên lại là kho vũ khí nguyên tử mà Bình Nhưỡng nắm trong tay.

Trang web Nukemap, chuyên ước tính thiệt hại của các vụ tấn công hạt nhân, cho rằng nếu Bình Nhưỡng cho nổ một quả bom cỡ như trái bom thử đầu tháng 09/2017 ở độ cao 1.500 mét trên Seoul, thì sẽ có 660.000 người thiệt mạng. Trong trường hợp Mỹ dùng một quả bom tương tự đánh Bình Nhưỡng, thì số người chết sẽ lên đến 820.000 người.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171027-mot-cuoc-chien-tranh-trieu-tien-thu-ii-se-gay-ra-tu-vong-khung-khiep

 

LHQ : Chế độ Syria

là thủ phạm tấn công hóa học tại Khan Cheikhoun

Chế độ Bachar Al Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng khí sarin tại Khan Cheikhoun ngày 04/04/2017 khiến hơn 80 người thiệt mạng. Báo cáo của các chuyên gia được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận ngày 26/10/2017, sau quá trình điều tra được Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học tiến hành. Trước đó, các cơ quan tình báo Pháp, Mỹ và Anh từng đưa ra kết luận không quân Syria là thủ phạm.

Thông tín viên RFI Marie Bourreau tường trình từ New York :

« Bản báo cáo mật dầy khoảng 30 trang được chính thức công nhận : Các chuyên gia nghiên cứu hồ sơ này khẳng định chắc chắn là chế độ Syria gây ra vụ tấn công tại Khan Cheikhoun ngày 04/04 vừa qua, khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và Washington bắn tên lửa trả đũa.

Lúc đầu, chế độ Damas tìm cách cáo buộc các phe nổi dậy, cho rằng đó là một trận oanh kích đáng tiếc nhắm vào một kho chứa chất sarin do phe đối lập kiểm soát. Nhưng các chuyên gia độc lập được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm đã vạch trần từng điểm sai trong các lời biện bạch của chế độ Assad.

Tất cả các cuộc phỏng vấn nhân chứng, các mẫu thu thập được tại chỗ, bản phân tích các đường bay đều cho thấy rõ trách nhiệm của chế độ Syria. Theo các chuyên gia, đó chỉ có thể là một quả bom được thả vào sáng sớm 04/04, với sức công phá đủ lớn, để khí sarin tiếp tục thoát ra ngoài trong vòng 10 ngày sau cuộc tấn công.

Các mẫu thu thập được cũng cho thấy sự hiện diện của một hóa chất từng được xác nhận có trong kho vũ khí hóa học của Syria. Ngoài ra, nhiều hình ảnh và video cũng khẳng định sự xuất hiện của máy bay Sukhoi thuộc không quân Syria trên không phận Khan Cheikhoun ngày hôm đó ».

Nga tố cáo những điểm mâu thuẫn của bản báo cáo

Ngày 27/10/2017, bộ Ngoại Giao Nga đã nhanh chóng lên tiếng phản đối bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Trả lời hãng Interfax, trợ lý ngoại trưởng Nga Sergei Riabkov khẳng định bản báo cáo trên có « nhiều điểm trái ngược, mâu thuẫn về mặt logic, sử dụng các nhân chứng đáng ngờ và bằng chứng không chắc chắn ». Theo AFP, phía Nga vẫn khẳng định nguyên nhân khí sarin xuất hiện ở Khan Cheikhoun là do một vụ bắn súng cối trên bộ chứ không phải do không quân Syria tấn công.

Trong bản thông cáo ngày 27/10, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch yêu cầu « Hội Đồng Bảo An phải nhanh chóng hành động, bằng cách áp dụng trừng phạt đối với những cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm về các vụ tấn công hóa học tại Syria ».

Về phía Mỹ, ngay sau khi bản báo cáo được công bố, ngoại trưởng Rex Tillerson, có mặt tại Geneve để gặp ông Staffan de Mistura, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, phát biểu : « Chế độ gia đình Assad đã đến ngày tàn, hiện chỉ còn mỗi vấn đề là xem điều này sẽ xảy ra như thế nào ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171027-lhq-che-do-syria-la-thu-pham-tan-cong-hoa-hoc-tai-khan-cheikhoun

 

Cuba : Mỹ cản trở điều tra

vụ tấn công “thính giác” giới ngoại giao

Mai Vân

Ngày 26/10/2017, Cuba tố cáo Hoa Kỳ đã cản trở cuộc điều tra của phía Cuba liên quan đến vụ gọi là “tấn công thính giác” vào các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại đảo quốc. Washington đã không để các nhà điều tra Cuba tiếp cận với “nạn nhân” cũng như xem toàn bộ hồ sơ y tế của những người này.

Trong đoạn phim tài liệu chiếu trên đài truyền hình Cuba tối 26/10, trung tá Francisco Estrada, trưởng ban điều tra bộ Nội Vụ Cuba, giải thích là chính quyền Mỹ cho Cuba trách nhiệm điều tra, giải quyết vụ việc nhưng lại không để các nhà điều tra Cuba thực sự làm việc.

Theo ông Estrada, lẽ ra Hoa Kỳ phải để cho các nhà điều tra Cuba trao đổi với các chuyên gia Mỹ, phải cho xem lời khai của nhân chứng, cho phép họ hỏi nạn nhân về những gì đã xẩy ra, những chi tiết cần thiết cho cuộc điều tra.

Theo Washington, từ cuối 2016 đến tháng 8/2017, 24 người ở đại sứ quán Mỹ tại La Habana đã bị tấn công thính giác một cách kỳ bí : Những người này bị nhức đầu, buồn nôn, bị tác động đến não, và có khi mất hẳn thính giác.

Hệ quả là một nửa nhân viên ngoại giao Mỹ về nước, đình chỉ hoạt động lãnh sự quán, Washington đồng thời trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba. La Habana đã phản đối nhưng cũng tỏ thiện chí chấp nhận nhân viên điều tra của FBI, 3 lần đến La Habana.

Bộ Ngoại Giao Mỹ không bình luận về những lời chỉ trích phía Cuba, mà chỉ nói là “tiếp tục điều tra cũng như phía Cuba”.

Trong phim tài liệu tối 26/10, trung tá Estrada cho biết các nhà điều tra Cuba đã không gặp được những người của FBI đến đây và phía Cuba cũng được thông báo rất trễ về các sự cố : chỉ được thông báo vào ngày 25/04 về một sự cố cho là đã xẩy ra vào ngày 30/03.

Trên mặt y tế, bác sĩ Manuel Villar khẳng định là Washington đã không chia sẻ hồ sơ y tế của những người bị tác động, các bác sĩ Cuba cũng không trao đổi được với các bác sĩ Mỹ phụ trách hồ sơ.

Theo đoạn phim tài liệu thì rõ ràng Washington đã không trưng được bằng chứng rõ rệt về những cáo buộc khi không cho phía Cuba hay công chúng tiếp cận với các hồ sơ và nhà điều tra Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171027-cuba-my-can-tro-dieu-tra-ve-vu-tan-cong-%E2%80%98thinh-giac%E2%80%99-gioi-ngoai-giao

 

Số phận Catalunya trong tay Thượng Viện Tây Ban Nha

Thanh Hà

Cuộc đọ sức giữa Madrid và Barcelona bước vào giai đoạn quyết định. Trên nguyên tắc, ngày 27/10/2017, Thượng Viện Tây Ban Nha bật đèn xanh cho cho việc áp dụng điều khoản 155 trong Hiến Pháp, rút lại quyền tự trị của vùng Catalunya. Một thời kỳ đầy bất trắc mở ra cho cả chính quyền trung ương lẫn phe đòi độc lập tại Tây Ban Nha. Giới quan sát lo ngại quốc gia này khó tránh khỏi bạo động.

Thông tín viên đài RFI François Musseau từ thủ đô Madrid cho biết thêm :

“Không hơn không kém, cả tương lai vùng Catalunya tùy thuộc vào những gì diễn ra trong ngày hôm nay (27/10). Nếu thực sự Madrid áp dụng điều khoản 155 trong bản Hiến Pháp, hệ quả có thể sẽ rất tai hại. Bởi khi đó, chính quyền trung ương sẽ thâu lại quyền kiểm soát toàn bộ ngành cảnh sát với 17.000 nhân viên của Catalunya.

Từ cơ quan thuế vụ cho tới trụ sở Nghị Viện Catalunya tại Barcelona cũng sẽ được đặt trong tầm kiểm soát của Madrid. Lãnh đạo cấp vùng, ông Carles Puigdemont, mất chức và thành phần chính phủ của Catalunya sẽ bị giải tán.

Các phương tiện truyền thông công cộng như đài truyền hình TV3 và kể cả trung tâm viễn thông về cả tay Madrid.

Nói một cách dễ hiểu, chính quyền trung ương Tây Ban Nha sẽ kiểm soát toàn bộ các cơ quan điều hành, các định chế của Catalunya. Đây sẽ là điều chưa từng xảy ra và đối với một phần lớn công luận Catalunya có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao, để mất quyền tự trị ấy là một sự sỉ nhục.

Trong bối cảnh đó, mọi người lo ngại một làn sóng phản kháng sẽ dấy lên, cả trên đường phố lẫn các công sở và kể cả một sự kháng cự từ phía các quan chức cao cấp trong chính quyền Catalunya. Đây là kịch bản tệ hại nhất mà mọi người chưa từng dám nghĩ đến, nhưng kịch bản này lại có nhiều khả năng xảy ra hơn cả.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sẽ có những thay đổi lớn vào giờ chót như đã bao lần xảy ra. Có một điều chắc chắn đó là tình hình tại Tây Ban Nha chưa bao giờ bấp bênh, rối ren và nguy hiểm như lúc này”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171027-so-phan-catalunya-trong-tay-thuong-vien-tay-ban-nha

 

Mỹ sẽ cho 3 tàu sân bay cùng phối hợp tập trận tại châu Á

Trọng Nghĩa

Trong một động thái phô trương lực lượng rõ nét, Hải Quân Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức ngay vào tháng 11 tới đây một cuộc tập trận hiếm thấy, huy động đồng thời ba chiếc hàng không mẫu hạm cùng hải đội tác chiến đi kèm theo, đang hiện diện tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Một quan chức Mỹ cao cấp đã tiết lộ tin trên ngày hôm qua, 26/10/2017, nhân một cuộc họp tại Lầu Năm Góc ở Washington.

Trung tướng Kenneth McKenzie, lãnh đạo Ban Tham Mưu Liên Quân Mỹ, đã gợi lên khả năng ba chiếc tàu sân bay hợp đồng tác chiến, tại một thời điểm nào đó, nhưng ông không cho biết chi tiết cụ thể, chỉ nêu bật sự kiện là lần gần đây nhất mà ba hàng không mẫu hạm Mỹ phối hợp hành động là vào năm 2007, nhân một cuộc tập trận hải quân ở ngoài khởi đảo Guam.

Theo hãng tin Mỹ AP, một quan chức Mỹ xin giấu tên đã xác nhận việc Hải Quân đã lên xong kế hoạch tập trận, nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể của sự kiện này, nhưng các nhà quan sát cho rằng cuộc tập trận có thể diễn ra vào cùng thời điểm mà tổng thống Mỹ Donald Trump công du khu vực, trong đó các chuyến thăm Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ba chiếc tàu sân bay Mỹ hiện diện trên vùng biển châu Á gồm các chiếc USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan, mỗi chiếc đều chở theo một phi đoàn khoảng 75 chiến đấu cơ và các loại máy bay quân sự khác. Cả ba chiếc tàu sân bay đều được một hải đội tác chiến đi theo hộ tống, mỗi hải đội có thể có từ 6 đến 10 chiến hạm, trong đó có tàu tuần dương, tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường.

Hải đội tác chiến với tàu sân bay là một biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ, nhưng mục tiêu phô trương uy lực lần này không được nói ra một cách rõ ràng. Tuy vậy, ngày 26/10, khi được hỏi về sự kiên ba tàu sân bay được triển khai đồng thời tại Châu Á, tướng McKenzie xác định rằng việc ba chiếc hàng không mẫu hạm có mặt đồng thời trong Hạm Đội 7 « cho thấy năng lực hùng mạnh có một không hai của Hải Quân Mỹ, và có tác dụng đáng kể trong việc trấn an các đồng minh trong khu vực tây Thái Bình Dương ».

Mỹ đã và đang tăng cường áp lực ngoại giao và kinh tế trên Bắc Triều Tiên, nhằm chống lại chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Chính quyền Trump đã nói rõ rằng Mỹ sẵn sàng hành động quân sự nếu Bắc Triều Tiên không ngừng phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể bắn tới Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171027-my-se-cho-3-chiec-tau-san-bay-cung-phoi-hop-tap-tran-tai-chau-a

 

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ đe dọa, Hàn Quốc trả tiền

Từ tầu sân bay đến tầu ngầm nguyên tử, từ máy bay ném bom chiến lược đến chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, Hoa Kỳ đã điều động một khối lượng kinh ngạc các loại vũ khí tối tân đến gần bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng chi vài tỉ đô la để kìm hãm « Rocket Man » Kim Jong Un chừng nào Bắc Triều Tiên còn « chưa hành xử phải phép » theo nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo trang mạng Sputnik tiếng Pháp của Nga (24/10/2017), không phải nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải thanh toán những chi phí này, mà chính là nước láng giềng Hàn Quốc. Sự bảo vệ của Washington đáng giá bao nhiêu ? Và Hoa Kỳ tìm cách khai thác tài chính cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên như thế nào ? Đây là những câu hỏi được Sputnik đặt ra trong bài viết : « Đe dọa Bình Nhưỡng : Với giá nào ? Và ai thanh toán ? ». RFI tiếng Việt xin giới thiệu quan điểm của trang Sputnik.

*

Trước hết, trang Sputnik nêu con số thẩm định của tạp chí kinh tế Hàn Quốc Hanguk Kyongje, theo đó, các loại vũ khí của Hoa Kỳ tham gia vào loạt tập trận trên bán đảo Triều Tiên vào tháng 10/2017 có giá trị khoảng 13 tỉ đô la. Nếu tính cả số trang thiết bị được sử dụng, nhưng không được nhắc đến vì lý do an ninh, con số này còn có thể lên đến 17 tỉ đô la. Chỉ tính riêng một tầu sân bay lớp Nimitz đã có giá gần 4,5 tỉ đô la, trong khi đó, có đến hai tầu sân bay tham gia các cuộc tập trận trên : Tầu Ronald Reagan (CVN-76), vừa kết thúc vào thứ Sáu 20/10 giai đoạn tập trận tích cực trong vùng biển Triều Tiên ; và tầu Theodore Roosevelt (CVN-71) sắp sửa lên đường đến Trung Đông. Ngoài ra, chi phí cho mỗi ngày di chuyển của một chiếc tầu sân bay tiêu tốn khoảng 2,5 triệu đô la trong Ngân Khố Hoa Kỳ, tương đương với 10 chiếc xe Mercedes-Benz lớp S-classe.

Theo các nhà phân tích Hàn Quốc, sự tập trung khối lượng trang thiết bị quân sự như vậy dĩ nhiên gây được tác động răn đe đối với Bắc Triều Tiên. Đúng là kho vũ khí của Mỹ là một mối đe dọa chết người đối với Bình Nhưỡng trong trường hợp bùng nổ hoạt động quân sự. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump đã đồng thuận triển khai luân phiên các trang thiết bị vũ khí chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc. Từ nay đến cuối năm 2017, nhiều chiến đấu cơ F-22 (trị giá khoảng 170 triệu đô la/chiếc) và F-35B (trị giá ít nhất 85 triệu đô la/chiếc) sẽ cất cánh từ các căn cứ quân sự Nhật Bản. Tương tự, máy bay ném bom B-1B (300 triệu đô la/chiếc) sẽ bay thường xuyên hơn, so với khoảng 2 lần mỗi tháng đã được tiến hành từ mùa hè này. Các bên liên quan cũng dự kiến tăng thêm số lần cập cảng của các tầu sân bay và tầu ngầm nguyên tử (có giá từ 1,3-1,7 tỉ đô la/chiếc).

Tất cả đều có vẻ rất tốn kém. Nhưng đây không phải là vấn đề của Hoa Kỳ vì, theo trang Sputnik, Washington biết phải gửi hóa đơn thanh toán cho ai.

Seoul sẽ phải mở hầu bao

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhà tỉ phú Donald Trump đã định rõ lập trường liên quan đến việc các nước đồng minh của Mỹ phải tăng chi phí quốc phòng. Dù còn hơn một năm nữa mới hết hạn thỏa thuận hiện hành về việc chia sẻ chi phí, nhưng tổng thống Donald Trump dường như không có ý định chờ đợi và vấn đề này sẽ được nêu ra trong thượng đỉnh Mỹ-Hàn diễn ra vào ngày 07 và 08/11/2017.

Theo các thỏa thuận còn hiệu lực, Hàn Quốc đóng góp gần 840 triệu đô la để duy trì các đội quân Mỹ trong năm 2017. Năm 2018, khoản tiền này chỉ có thể tăng thêm theo tỉ lệ lạm phát được dự báo, có nghĩa là sẽ không vượt thêm quá 2%. Nhưng con số này chắc chắn không phù hợp với những yêu cầu từ phía Mỹ.

Vào cuối tháng 04/2017, ông Donald Trump từng tuyên bố muốn nhận được 1 tỉ đô la từ phía Hàn Quốc để triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Một tháng sau, ông Dick Durbin, người giám sát ngân sách quốc phòng của Thượng Viện Mỹ, đã gặp tổng thống Moon Jae In và không úp mở nói rằng nên triển khai thêm nhiều hệ thống THAAD để bảo đảm hoàn toàn an ninh cho Hàn Quốc. Hiện giờ thêm vào danh sách vũ khí đạn đạo mà « Seoul phải thanh toán » còn có một gói vũ khí chiến lược mới trị giá vài chục tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận còn hiệu lực, số tiền đóng góp của Seoul chỉ có thể được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết, cung cấp đạn dược và lương thực, cũng như chi phí cho nhân sự Hàn Quốc làm việc tại các căn cứ của Mỹ. Còn tất cả những chi phí khác dành cho việc duy trì đội quân Mỹ tại Hàn Quốc là do Washington chịu trách nhiệm.

Việc chia sẻ chi phí từng được Hoa Kỳ đưa ra thảo luận lại dưới thời tổng thống Barack Obama. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng yêu cầu xem xét lại « thỏa thuận tồi »này, đồng thời đe dọa giảm bớt cam kết từ phía Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho đồng minh châu Á trong trường hợp ngược lại.

Thanh toán hay là thua

Về mặt chính thức, theo thỏa thuận được các nhà lãnh đạo hai nước ký vào năm 2008, lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Hàn Quốc có 28.500 người. Và nếu Seoul hoàn toàn từ chối thanh toán, Washington có thể giảm bớt các đội quân của mình. Một vài trường hợp đã xảy ra trong quá khứ.

Khi lên nắm quyền ở Mỹ, các tổng thống Nixon và Carter từng hứa hẹn đưa quân Mỹ từ Hàn Quốc về. Sau đó, cả hai đều từ bỏ ý định rút quân hoàn toàn. Tuy nhiên, dưới thời Nixon đã có một đợt rút quân đáng kể : Đó là vào năm 1971, sư đoàn lục quân 7 của Mỹ gồm khoảng 20.000 người đã trở về Hoa Kỳ. Đáp lại phản đối của tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Park Chung Hee, cáo buộc Washington vi phạm thỏa thuận về quốc phòng hỗ tương, Hoa Kỳ vẫn chấp nhận cấp cho Hàn Quốc một khoản hỗ trợ quân sự và các khoản vay để phát triển quân đội quốc gia với tổng số tiền là 1,5 tỉ đô la (tương đương với 9,1 tỉ đô la theo trị giá năm 2017). Tuy nhiên, đến thời tổng thống George H. W. Bush, trong hai năm 1991-1992, quân số Mỹ tại Hàn Quốc bị rút xuống còn 13.000 người. Lần này, Seoul chẳng nhận được gì và thậm chí còn cam kết chịu trách nhiệm một phần chi phí cho việc duy trì số quân còn lại.

Dù Hàn Quốc mạnh gấp 30 lần so với Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế và sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại hơn, nhưng vẫn khó tin rằng Seoul sẽ nhanh chóng thắng được Bình Nhưỡng nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ. Và nếu Hàn Quốc không đồng ý với Nhà Trắng về việc triển khai hệ thống THAAD và một số biện pháp đòi hỏi nhằm đảm bảo an ninh cho Mỹ và các đội quân Mỹ đồn trú trong vùng, tổng thống Donald Trump có thể sẽ đưa ra những phản kháng quyết định. Căn cứ theo kinh nghiệm ở miền Nam Việt Nam, lập trường của nhà lãnh đạo Mỹ có nguy cơ gây ra tổn thất nặng nề.

Dù sao, một kịch bản như vậy cũng không phải là điều Hoa Kỳ muốn, vì thế Washington chắc chắn sẽ sử dụng những biện pháp khác để bù cho các tổn thất, ví dụ một thương vụ mua vũ khí nửa tình nguyện nửa ép buộc.

Cái giá của phòng thủ

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc nằm trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới năm 2016 với 36,8 tỉ đô la. Là nước xuất khẩu vũ khí lớn (năm 2016, Hàn Quốc thậm chí đã vượt qua Ukraina để đứng vị trí thứ 9 trong danh sách của SIPRI), Hàn Quốc cũng xuất hiện trong số các nước nhập khẩu lớn nhất, chỉ đứng sau Ai Cập, Irak, Ấn Độ, Algeria và Ả Rập Xê Út. Và dĩ nhiên, phần lớn vũ khí mà Hàn Quốc mua từ nước ngoài đều có xuất xứ từ Hoa Kỳ.

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, trong 10 năm gần đây, Seoul đã chi 32 tỉ đô la để mua vũ khí của Mỹ. Chỉ riêng năm 2014, Hàn Quốc đã ký một hợp đồng mua 40 chiến đấu cơ F-35A với giá trị kỷ lục là 6,5 tỉ đô la (160 triệu đô la/chiếc). Tổng thống Moon Jae In đang tính đến việc tự đóng tầu ngầm nguyên tử, điều này không chỉ cần đến sự tham gia của các công ty Mỹ, mà còn cần sự cho phép chính thức của Washington để xử lý nhiên liệu hạt nhân dành cho các động cơ tầu ngầm nguyên tử.

Hiện tại, Hoa Kỳ bỏ qua khả năng đưa vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ trở lại Hàn Quốc, điều mà theo đối lập với chính quyền tổng thống Moon, lẽ ra là một yếu tố răn đe đáng tin cậy trước Bắc Triều Tiên và ít tốn kém hơn. Tương tự, Hoa Kỳ cũng không nghiên cứu những giải pháp ngoại giao thực sự để giải quyết các vấn đề tích trữ lâu nay thông qua con đường đàm phán.

Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới với Hoa Kỳ về vấn đề chi phí cho quốc phòng. Hiện tại, người ta vẫn chưa biết Washington sẽ đề xuất kế hoạch nào và Seoul sẽ sẵn sàng chấp nhận kế hoạch đó ở chừng mực nào, nhưng một điều rõ ràng là các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng gì. Vì Kim Jong Un, bị dồn vào chân tường, có thể sẽ trở nên quá tốn kém cho các nước đồng minh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171027-hat-nhan-bac-trieu-tien-my-de-doa-han-quoc-tra-tien