Tin khắp nơi – 25/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 25/02/2018

Nam Hàn: Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Mỹ

Bắc Hàn sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ, phía Nam Hàn cho biết.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tướng Kim Yong-chol của Bắc Hàn gặp Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in trước lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông.

Con gái của Tổng thống Donald Trump, bà Ivanka, cũng tham dự lễ bế mạc, nhưng các quan chức Mỹ loại trừ khả năng bà có cuộc gặp với đoàn đại biểu Bắc Hàn.

Phía Mỹ nói người Bắc Hàn đã rút khỏi một cuộc họp với Phó tổng thống Mike Pence được sắp xếp trước lễ khai mạc Thế vận hội.

Bán đảo Triều tiên bị chia cắt từ cuộc chiến 1950-53 và hai miền chưa bao giờ ký một hiệp định hòa bình.

Việc cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên được coi là một động thái của Bắc Hàn làm cản trở quan hệ giữa Nam Hàn và Mỹ.

Các chuyên gia cảnh báo những diễn biến mới sẽ không chấm dứt căng thẳng cố hữu ở khu vực này, nhất là sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn hồi năm ngoái.

Bắc Hàn cử Tướng tình báo Kim Yong-chol dự bế mạc Olympics

Nam Hàn sôi sục với tin em gái Kim Jong-un có con

Vị tướng ‘sẵn sàng’ đàm phán

Tướng Kim Yong-chol bị cáo buộc đã ‘thiết kế’ các cuộc tấn công vào tàu chiến Cheonan và Đảo Yeonpyeong hồi 2010, dẫn tới cái chết của 46 thủy thủ người Nam Hàn.

Khi ông tới Nam Hàn, các gia đình nạn nhân và các nghị sỹ đảng bảo thủ tìm cách ngăn ông vào nước này.

Nhưng chính phủ Nam Hàn chào đón ông.

Theo văn phòng của Tổng thống Moon, ông Kim nói Bắc Hàn “sẵn sàng” có các cuộc đàm phán với Mỹ.

Văn phòng này nói thêm Bắc Hàn “đồng ý rằng các cuộc đàm phán nội bộ giữa hai miền và quan hệ Bắc Hàn – Mỹ phải cùng được cải thiện.”

Bình Nhưỡng hiện chưa có bình luận nào, nhưng chính phủ Bình Nhưỡng nhiều lần nói họ sẵn sàng đàm phán mà không có điều kiện đặt trước.

Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định rằng những bước đi cụ thể để phi quân sự hóa phải diễn ra trước khi có đàm phán.

Tin từ văn phòng Tổng thống Nam Hàn được đưa ra vài giờ sau một thông báo giận dữ của Bắc Hàn mô tả những biện pháp trừng phạt mới của Washington như “một hành động gây chiến.”

Ngoại trưởng Bắc Hàn ca ngợi cách mà hai miền Triều Tiên đã hợp tác cùng nhau trong Thế vận hội, nhưng nói rằng phía Mỹ đã “mang mối đe dọa chiến tranh tới bán đảo Triều Tiên với các biện pháp trừng phạt mới” ngay khi Thế vận hội sắp sửa kết thúc.

Thế vận hội mùa đông đã hàn gắn Bắc-Nam Hàn?

Kim Jong-un cảm ơn Nam Hàn vì nỗ lực ‘ấn tượng’

Bắc Hàn mời tổng thống Nam Hàn thăm Bình Nhưỡng

Mỹ lạnh nhạt khi quan hệ Bắc – Nam Triều Tiên ấm lên

Bắc và Nam Hàn diễu hành dưới cùng một lá cờ tại lễ khai mạc Olympics, và có đội khúc côn cầu nữ thống nhất.

Bắc Hàn cử bà Kim Yo-jong, em gái của Kim Jong-un, đến dự lễ khai mạc Thế vận hội.

Cuộc họp giữa Phó Tổng thống Pence và em gái ông Kim bị phía Bắc Hàn hủy mà không nói lý do, giới chức Mỹ cho biết. Bắc Hàn không đưa ra bình luận nào về thông tin này từ phía Mỹ.

Nếu diễn ra, đó đã là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Bắc Hàn và chính quyền của ông Trump.

Thứ sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về các hậu quả nghiêm trọng nếu các biện pháp trừng phạt mới nhất không đem lại kết quả.

“Nếu các biện pháp trừng phạt không có tác dụng, chúng ta sẽ phải vào giai đoạn hai – và giai đoạn hai có thể sẽ rất khắc nghiệt, có thể là rất, rất không may cho thế giới,” ông Trump nói.

Ông Trump không nói rõ “giai đoạn hai” sẽ gồm những gì.

http://www.bbc.com/vietnamese/43188711

 

TQ đề nghị sửa hiến pháp

để Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau 2023

Đảng Cộng sản Trung Quốc (CS TQ) vừa đề nghị bỏ điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền của chủ tịch nước ở mức hai nhiệm kỳ 5 năm trong hiến pháp nước này.

Động thái này sẽ cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục làm lãnh đạo sau khi ông đến thời hạn thôi giữ chức.

Đang có đồn đoán lan rộng rằng ông Tập sẽ muốn tiếp tục giữ chức chủ tịch nước sau năm 2023.

Tại Đại hội đảng CS TQ năm ngoái, ông Tập đã khẳng định vị trí của mình như một lãnh đạo quyền lực nhất sau cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Tư tưởng của ông cũng được ghi vào điều lệ đảng, và trái với thông lệ, không có người kế nhiệm nào được tiết lộ.

Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập

Tập Cận Bình ‘dẫn đầu và ở lại còn lâu’

Trung Quốc: Cháu rể ông Đặng Tiểu Bình bị truy tố

Chúng ta biết gì về động thái này?

Thông báo này được Tân Hoa Xã đưa tin hôm Chủ nhật 25/2.

“Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị bỏ câu quy định Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ‘không phục vụ quá hai nhiệm kỳ kế tiếp’ khỏi Hiến pháp,” Tân Hoa Xã viết.

Cơ quan ngôn luận này không đưa thêm chi tiết, nhưng đề nghị đầy đủ sẽ được công bố sớm.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quan chức hàng đầu của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản sẽ họp tại Bắc Kinh vào thứ Hai 26/2.

Đề nghị này sẽ được trình trước các nhà lập pháp trong phiên họp toàn thể của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, dự tính bắt đầu vào ngày 5/3.

Tập Cận Bình: ‘TQ đã bước vào thời đại mới’

Học ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ lấy bằng tiến sỹ?

Các đảng phái tụ về ‘ngợi ca’ Chủ tịch Tập

Chuyện này có ý nghĩa gì?

Ông Tập đã giữ chức chủ tịch nước từ năm 2013, và theo quy định hiện hành, ông sẽ phải nghỉ vào 2023.

Truyền thống giới hạn thời gian giữ chức chủ tịch nước trong 10 năm bắt đầu từ những năm 1990, khi lãnh đạo kỳ cựu ông Đặng Tiểu Bình tìm cách tránh tình trạng hỗn loạn đã diễn ra trong thời kỳ Mao và những năm tiếp theo.

Hai người tiền nhiệm của ông Tập đều tuân thủ thời hạn này. Nhưng kể từ khi lên cầm quyền năm 2013, ông Tập đã cho thấy ông sẵn sàng viết luật riêng cho mình.

http://www.bbc.com/vietnamese/43188710

 

Ai được giữ tiền lì xì: con cái hay cha mẹ?

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, trẻ em được nhận tiền “lì xì” trong các phong bao đỏ để lấy may trong năm mới.

Nhưng năm nay, trường hợp một phụ nữ Trung Quốc kiện cha mẹ cô vì họ đã giữ khoản lì xì 58.000 nhân dân tệ (tương đương 9.200 USD) khiến nhiều người đặt câu hỏi: tiền trong bao lì xì thuộc về ai – cha mẹ hay con cái?

Tết làm sao ‘mệt ít vui nhiều’ cho chị em?

Phụ nữ TQ chui vào máy soi để trông túi

Chuyện gì xảy ra?

Đầu tuần này, một sinh viên đại học từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã thắng trong vụ kiện cha mẹ mình, người mà cô nói đã “biển thủ” tiền lì xì của cô, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Cô nói họ đã giữ một phần trong tổng số 58.000 nhân dân tệ tiền lì xì cô nhận được trong nhiều năm qua.

Nữ sinh viên này, được gọi là Juan, nói cô phải tìm đến hành động pháp lý sau khi cha mẹ đã ly dị từ chối trả tiền học phí đại học cho cô.

Tòa tuyên bố cô thắng và buộc cha mẹ cô phải trả cô 1.500 nhân dân tệ mỗi tháng cho đến khi cô tốt nghiệp đại học.

Chúc Tết Trung Hoa hay Năm Mới Âm lịch?

Vậy ai nên giữ tiền lì xì?

Mọi người có ý kiến trái chiều.

Có người nói cha mẹ phải được giữ tiền lì xì như một khoản đền lại những gì họ đã cho con cái và chi phí nuôi con nói chung.

“Cha mẹ tôi giữ tiền lì xì vì họ cũng phải chi tiền để mừng tuổi người khác,” Angeline Ang-Pang, hiện sống ở Singapore, nói với BBC. “Chị tôi và tôi không có vấn đề gì về chuyện đó vì cha mẹ tôi luôn giải thích rằng tiền không phải dễ mà kiếm được.”

Một người Singapore khác cũng có quan điểm tương tự.

“Cha mẹ tôi bảo họ giữ tiền lì xì là để trang trải cho ‘chi phì’ phát “hồng bào” của họ,” anh Pengli nói. “Nghe cũng có lý vì ý nghĩa của chuyện lì xì không phải là tiền mà là cử chỉ cho”.

Ashley Chan, một phụ nữ 27 tuổi ở Hong Kong, nói với BBC cô cũng nghĩ rằng cha mẹ phải là người giữ tiền lì xì.

“Họ trả tiền cho tôi ăn học, cho tôi tiền tiêu vặt và về cơ bản trả cho tất cả khi tôi còn nhỏ.”

Nhưng không phải ai cũng đồng tình. Có người cho rằng tiền lì xì là thuộc về người mà phong bao đỏ được tặng cho – con cái.

“Tiền lì xì được tặng cho con cái, nên nó là của con cái,” một người sử dụng mạng Weibo của Trung Quốc viết.

“Tôi năm nay 24 tuổi và tôi giữ tiền từ cất cả các bao lì xì. Cha mẹ tôi không được một đồng nào,” một người khác viết.

“Bố mẹ tôi gửi tiền lì xì của tôi vào tài khoản ngân hàng cho tôi và tôi được nhận lại sau này,” anh Justin Ng, 28 tuổi ở Singapore nói.

Một phụ huynh mà BBC hỏi chuyện cũng đồng tình. Bà nói bà cho rằng con cái có quyền được hưởng tiền lì xì.

“Tôi giữ tiền hộ cho con tôi và đưa lại cho chúng trong tương lai,” bà Rose Lim cho biết. “Tôi nghĩ trẻ em phải được quyền giữ tiền. Nếu không có trẻ em, sẽ chẳng có tiền lì xì nào hết.”

http://www.bbc.com/vietnamese/43188709

 

Lo ngại khi Apple lưu dữ liệu ở Trung Quốc

Apple lần đầu tiên sẽ đặt chìa khóa mã hóa dữ liệu người dùng Trung Quốc ngay tại Trung Quốc, gây ra lo ngại cho các nhóm nhân quyền.

Vì sao iPhone đỏ của Apple không là “Red” ở TQ?

Skype bị xóa tại Trung Quốc

Các tài khoản iCloud – nơi người dùng có thể lưu trữ tin nhắn, email, hình ảnh – vốn được Apple mã hóa để bảo vệ. Nhưng từ cuối tháng Hai, đáp ứng luật mới của Trung Quốc, Apple sẽ chuyển các khóa dùng để mở dữ liệu người dùng Trung Quốc về nước này.

Lâu nay các chìa khóa này luôn được lưu trữ tại Mỹ, khiến bất kỳ chính phủ nào muốn tiếp cận tài khoản iCloud đều phải đi qua hệ thống pháp luật Mỹ.

Nhưng việc Apple chấp nhận chuyển chìa khóa người dùng Trung Quốc về Trung Quốc có nghĩa là giới chức Bắc Kinh sẽ không cần yêu cầu tòa án Mỹ buộc Apple giao dữ liệu cho họ, theo diễn giải của một số chuyên gia luật.

Luật mới của Trung Quốc yêu cầu các dịch vụ đám mây phải lưu dữ liệu tại Trung Quốc.

Thông cáo của Apple nói họ phải tuân thủ luật địa phương, mặc dù các giá trị của công ty không thay đổi ở các nước.

“Mặc dù chúng tôi đã phản đối việc iCloud là đối tượng của luật, chúng tôi rốt cuộc không thành công,” Apple nói.

Apple nói họ cho rằng thà cung cấp iCloud theo luật mới của Trung Quốc vì việc bỏ dịch vụ này sẽ có thể khiến khách hàng Trung Quốc gặp rủi ro hơn về an ninh và tính riêng tư.

Apple đã lập một trung tâm dữ liệu cho người dùng Trung Quốc trong một liên doanh với công ty nhà nước Guizhou-Cloud Big Data Industry.

Giới quan sát nói quyết định của Apple chứng tỏ thực tế khó khăn cho nhiều công ty công nghệ Mỹ hoạt động ở Trung Quốc.

Nếu họ không chấp nhận đòi hỏi hợp tác với các công ty Trung Quốc và lưu dữ liệu tại Trung Quốc, họ có thể mất cơ hội kinh doanh tại thị truờng này.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-43186718

 

IOC ‘sẽ cho Nga trở lại Olympic’

Lệnh cấm Nga dự Olympic sẽ được xóa bỏ nếu không phát hiện thêm các vi phạm doping của vận động viên Nga tại Pyeongchang 2018, theo kết quả bỏ phiếu nhất trí của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

1000 vận động viên Nga ‘dính doping’

Olympics: 28 VĐV Nga được xóa lệnh cấm thi đấu

Nhưng IOC nói các vận động viên Nga sẽ không được phép diễu hành với cờ quốc gia tại lễ bế mạc.

Nga đã bị cấm tại Pyeongchang 2018 vì bê bối doping có nhà nước bảo trợ tại Sochi 2014.

Một đội 168 vận động viên Nga được tranh tài ở Hàn Quốc với tư cách trung lập. Nhưng hai người đã không qua được kiểm tra doping.

Vận động viên bi đá trên băng Alexander Krushelnitsky giành huy chương đồng nhưng bị phát hiện dùng doping.

Chủ tịch IOC Thomas Bach nói các vụ này “rất thất vọng” và khiến IOC không thể xóa bỏ lệnh cấm ngay tại lễ bế mạc.

http://www.bbc.com/vietnamese/sport-43186814

 

Syria: LHQ thông qua ‘ngừng bắn 30 ngày’

Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu có 30 ngày ngừng bắn ở Syria để cho phép viện trợ nhân đạo.

Nhưng một số nhóm nổi dậy không bị ràng buộc vì lệnh này, khiến nảy sinh nghi ngờ về tác động thực sự.

Khu vực Đông Ghouta của quân nổi dậy gần Damascus đã bị lính chính phủ tấn công suốt tuần qua.

Sau cuộc bỏ phiếu ở New York, các nhà hoạt động nói các vụ không kích vẫn tiếp tục.

Syria: Nga không kích ‘giết hàng chục thường dân’

Iraq tấn công thành trì Tal Afar

Trump ‘chia sẻ thông tin mật với Nga’

Quân đội Mỹ thả ‘Bom Mẹ’ vào IS tại Afghanistan

Iraq tấn công ổ kháng cự IS cuối cùng

Một cuộc bỏ phiếu đã bị trì hoãn nhiều lần kể từ thứ Năm 22/02 và theo dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối ngày thứ Bảy.

Hôm thứ Bảy 24/2, Đài quan sát nhân quyền Syria nói có ít nhất 29 thường dân đã thiệt mạng, trong đó có 17 người ở thị trấn Douma, đưa tổng cộng con số thương vong lên hơn 500 người trong một tuần.

Nhóm quan sát nói các cuộc không kích đã được các phi cơ của cả Syria và Nga thực hiện, mặc dù Nga phủ nhận tham gia trực tiếp.

Các trái bom thùng và hỏa lực đã được dội xuống khu vực, nơi có khoảng 393.000 người bị mắc kẹt.

Các nhóm cứu trợ cho hay một số bệnh viện bị ngưng hoạt động kể từ Chủ nhật 18/02.

Chính phủ Syria đã bác bỏ nhắm vào các mục tiêu dân sự và nói rằng họ đang cố gắng giải phóng Đông Ghouta khỏi các “kẻ khủng bố” – một từ ngữ dùng để mô tả các nhóm quân sự Jihad và các nhóm nổi dậy nổi dậy đang kiểm soát khu vực này.

Hoàn cảnh bị kẹt lại của thường dân trong khu vực đã gây báo động với giới lãnh đạo thế giới . Các điều kiện ở khu vực đang có giao tranh đã được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres mô tả là “địa ngục trần gian”.

Tại sao khó đạt lệnh ngừng bắn?

Đụng độ tại Marawi, nhiều người thiệt mạng

Trump thúc giục chống cực đoan hóa

Iraq: Cư dân Mosul bỏ chạy trước không kích

IS ‘mất 1/4 lãnh thổ’ năm 2016

Hội đồng Bảo an đã tranh luận về một nghị quyết kêu gọi cuộc hưu chiến, lặng tiếng súng kéo dài 30 ngày nhằm cho phép cung cấp viện trợ.

Nhưng Nga muốn các thay đổi. Theo dự thảo hiện tại, mọi lệnh ngừng bắn sẽ không áp dụng cho nhóm IS – Nhà nước Hồi giáo tự xưng, hoặc nhóm Mặt trận Nusra – từng là phân nhánh chính thức của al-Qaeda tại Syria.

Moscow nói Nga phải đi xa hơn và loại trừ các nhóm khác “hợp tác” với các nhóm trên.

Các đối tượng này có thể bao gồm hai nhóm phiến quân lớn nhất ở Đông Ghouta – Jaish al-Islam và Faylaq al-Rahman.

Faylaq al-Rahman đã từng chiến đấu bên cạnh nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham, một liên minh các phe phái do nhóm Mặt trận Nusra lãnh đạo.

Các nhà ngoại giao phương Tây đã buộc tội Nga trì hoãn thời gian.

Họ nghi ngờ rằng Moscow muốn cho chính quyền Syria thời gian để ra một cú đánh cuối cùng nhằm bảo vệ khu vực nằm trên vành đai của của Damascus.

Tối Thứ Sáu, 23/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cáo buộc thẳng rằng Syria và các đồng minh là Nga và Iran phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhân đạo.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43182305

 

Reuters: Mỹ chuẩn bị trấn áp

các tàu bị nghi vi phạm chế tài Triều Tiên

Chính quyền Trump và các đồng minh chủ chốt ở Châu Á đang chuẩn bị mở rộng nỗ lực chặn giữ các tàu bị tình nghi vi phạm các chế tài nhắm vào Triều Tiên, một kế hoạch có thể bao gồm việc triển khai lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ để chặn và lục soát các tàu trong các vùng biển ở Châu Á, Reuters loan tin dẫn lời các quan chức chính phủ cao cấp.

Washington vẫn đang bàn bạc với các nước đối tác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Singapore, về việc điều phối một chiến dịch trấn áp tăng cường mà sẽ quyết liệt hơn bao giờ hết trong nỗ lực bóp nghẹt việc Bình Nhưỡng sử dụng thương mại đường biển để duy trì chương trình phi đạn hạt nhân của mình, các quan chức này nói với Reuters.

Dù các tàu đáng ngờ đã từng bị chặn giữ, chiến lược đang hình thành này sẽ mở rộng phạm vi của các hoạt động như vậy nhưng không tiến tới việc áp đặt phong tỏa hải quân đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã cảnh báo họ sẽ coi một cuộc phong tỏa là một hành động chiến tranh.

Chiến lược này kêu gọi theo dõi chặt chẽ hơn và có thể bắt giữ các tàu bị nghi là chở các cấu phần vũ khí bị cấm và các hàng hóa bị cấm khác tới hoặc từ Triều Tiên, theo lời các quan chức phát biểu với điều kiện giấu tên. Tùy thuộc vào quy mô của chiến dịch, Mỹ có thể cân nhắc tăng cường năng lực hải quân và không quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, họ nói.

Sáng kiến do Mỹ dẫn đầu, trước đây chưa được loan báo, cho thấy Washington ngày càng nóng lòng buộc Triều Tiên phải đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí của họ.

Triều Tiên có thể chỉ còn vài tháng nữa là hoàn tất phát triển một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng lục địa của Mỹ, bất chấp các chế tài hiện hành của quốc tế mà đôi khi Triều Tiên né tránh bằng cách buôn lậu và chuyển hàng bị cấm từ tàu này qua tàu kia trên biển, theo các quan chức này.

“Không có nghi ngờ gì về việc chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa, thiếu mỗi hành động quân sự trực tiếp mà thôi, để cho (lãnh tụ Triều Tiên) Kim Jong Un thấy chúng tôi không nói chơi,” Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của chính quyền nói.

Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận chính thức.

Nỗ lực này có thể nhắm mục tiêu vào các tàu trong các vùng biển quốc tế hoặc trong lãnh hải của các nước chọn hợp tác. Tuy nhiên, không rõ chiến dịch này có thể mở rộng ra ngoài Châu Á tới tầm mức nào.

Washington hôm thứ Sáu đã áp đặt chế tài lên hàng chục công ty và tàu biển liên quan đến hoạt động thương mại vận tải của Triều Tiên và kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách đen một loạt các thực thể, một hành động mà Mỹ nói là nhằm chặn đứng hoạt động buôn lậu hàng phi pháp của Triều Tiên để lấy dầu và bán than.

Các chế tài nghiêm khắc hơn cộng với đối sách quyết đoán hơn trên biển có thể đẩy căng thẳng tăng cao giữa lúc nỗ lực ngoại giao mong manh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được đà tiến. Nó cũng sẽ dàn trải các nguồn lực quân sự của Mỹ cần dùng ở những nơi khác, có thể làm nảy sinh thêm chi phí to lớn và thổi bùng lên lo ngại tại một số nước trong khu vực.

https://www.voatiengviet.com/a/reuters-my-chuan-bi-tran-ap-cac-tau-bi-nghi-vi-pham-che-tai-trieu-tien/4269041.html

 

Trung Quốc giận dữ

phản đối chế tài mới của Mỹ nhắm vào Triều tiên

Trung Quốc hôm thứ Bảy phản ứng giận dữ về các chế tài mới mà Mỹ áp đặt lên Triều Tiên, khẳng định rằng các biện pháp này phản tác dụng đối với các nỗ lực nhằm ngăn chặn các chương trình phát triển hạt nhân và phi đạn tầm xa của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu loan báo điều mà ông gọi là gói chế tài “lớn nhất từ trước tới giờ” nhắm vào Triều Tiên và đe dọa “giai đoạn hai” nếu các biện pháp này không có hiệu quả.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào một người, 27 công ty và 28 tàu đăng ký tại Trung Quốc và bảy quốc gia khác nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động vận tải và thương mại phi pháp của Triều Tiên. Các biện pháp này cũng phong tỏa tài sản mà các công ty này nắm giữ ở Mỹ và cấm người dân Mỹ giao dịch với họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một thông cáo nói Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” Mỹ “ban hành các chế tài đơn phương” và tuyên bố sẽ “xử lý nghiêm” vấn đề này theo luật pháp. Bộ cũng yêu cầu Mỹ ngay lập tức bãi bỏ các chế tài “để tránh gây tổn hại đến hợp tác song phương ở khu vực có liên quan.”

Thông cáo hôm thứ Bảy là phát biểu mới nhất của Trung Quốc trong một loạt những tuyên bố lên án bất kỳ hình thức trừng phạt nào nhắm vào Triều Tiên mà không được áp đặt trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, một mực nói rằng họ đã thi hành trọn vẹn các chế tài hiện hành nhắm vào Bình Nhưỡng. Thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên vào tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn năm qua, chỉ dấu mới nhất cho thấy Trung Quốc vẫn duy trì áp lực lên đất nước bị cô lập này.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã giúp giám sát ba vòng chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên áp lực đã không ngăn Bình Nhưỡng tiến hành thêm các vụ phóng phi đạn và một vụ thử hạt nhân.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-gian-du-phan-doi-che-tai-cua-my-nham-vao-trieu-tien/4269173.html

 

Syria tiếp tục dội bom

sau khi giết chết hàng trăm người ở đông Damascus

Một đợt không kích nữa hôm thứ Bảy dội xuống khu vực đông Ghouta do phiến quân Syria nắm giữ, giết chết ít nhất 24 người và làm tăng số người thiệt mạng trong tuần qua lên hơn 500 người, trong đó có hơn 120 trẻ em, một tổ chức theo dõi tình hình Syria đặt ở Anh cho biết.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria và những người chứng kiến hôm thứ Bảy nói rằng chiến dịch ném bom kéo dài một tuần của chính phủ Syria và Nga dồn dập đến mức những người ứng cứu đầu tiên không có cơ hội để đếm thi thể.

“Có lẽ còn nhiều người chết hơn nữa,” Siraj Mahmoud, một phát ngôn viên cho lực lượng dân phòng nói. “Chúng tôi không thể đếm hết được những người tử đạo hôm qua hoặc hôm kia vì chiến đấu cơ bay đầy trời.”

Trong một trong những vụ không kích gây chết chóc nhiều nhất trong cuộc chiến kéo dài bảy năm qua, tổ chức theo dõi này nói các vụ không kích hôm thứ Bảy đánh trúng Douma, Hammouriyeh và một số thị trấn khác.

Cư dân ẩn nấp trong các cơ sở y tế từ thiện và tầng hầm lên án các vụ tấn công nhắm vào một chục bệnh viện trong khu vực Ghouta, cứ địa lớn duy nhất còn lại mà phiến quân nắm giữ gần thủ đô Damascus.

Không có bình luận ngay tức thì từ chính phủ Syria. Tuy nhiên, chính phủ Syria và Nga trước đây nói rằng họ chỉ truy kích những kẻ chủ chiến trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những vụ tấn công bằng đạn pháo bắn vào thủ đô.

Nga là đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar Assad kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Moscow tham chiến vào năm 2015, đẩy cán cân quân lực về phía ông Assad.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày thứ Bảy đã chấp thuận một dự thảo nghị quyết kêu gọi một khoảng thời gian hưu chiến 30 ngày trên khắp Syria để cho phép sơ tán y tế và tiếp cận viện trợ.

Liên Hiệp Quốc nói gần 400.000 người đang sống ở đông Ghouta, nơi mà chính phủ đã phong tỏa kể từ năm 2013 — dẫn tới tình trạng thiếu lương thực và nguồn vật phẩm y tế.

Đông Ghouta, cách Damascus khoảng 17 km về phía đông, đang nằm dưới quyền kiểm soát của hai phe phái chủ trương Hồi giáo bảo thủ và một nhóm từng là chi nhánh của al-Qaida ở Syria.

https://www.voatiengviet.com/a/syria-tiep-tuc-doi-bom-sau-khi-giet-chet-hang-tram-nguoi-o-dong-damascus/4269130.html

 

Bom phát nổ ở thủ phủ bang Rakhine

nhiều bất ổn của Myanmar

Ba quả bom phát nổ sáng thứ Bảy tại Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine nhiều bất ổn của Myanmar, nhà chức trách cho biết.

Một vụ nổ làm bị thương một viên cảnh sát, nhưng không có người tử vong nào khác được báo cáo. Nhà chức trách đang nỗ lực xác định ai là người đứng sau các vụ đánh bom, cảnh sát cho biết.

Tất cả ba quả bom và ba thiết bị chưa phát nổ khác nhắm mục tiêu vào các văn phòng chính phủ và những nơi khác đều đã bị thu giữ tại Sittwe.

Các vụ nổ xảy ra ba ngày sau khi một vụ nổ bom giết chết hai nhân viên ngân hàng và làm bị thương khoảng hai chục người ở thành phố Lashio vùng đông bắc, nơi vài nhóm phiến quân sắc tộc đang chiến đấu với quân đội Myanmar.

Tháng trước, ít nhất bảy tín đồ Phật giáo ở Rakhine thiệt mạng và một chục người bị thương khi cảnh sát địa phương bắn vào những người biểu tình ở thành phố cổ Mrauk-U.

Một chiến dịch quân sự ồ ạt của quân đội Myanmar ở bang Rakhine đầy bạo động nhắm vào những phần tử nổi dậy người Hồi giáo Rohingya kể từ tháng 8 năm ngoái đã buộc khoảng 700.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh tìm nơi nương náu.

Myanmar nói rằng lực lượng chính phủ đã tiến hành một chiến dịch thỏa đáng chống lại những người mà họ gọi là “những kẻ khủng bố” Hồi giáo.

Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã gọi cuộc đàn áp của quân đội nhắm vào người Rohingya là thanh lọc sắc tộc, nhưng chính phủ do người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã ngăn các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc và các nhà quan sát độc lập khác đi vào khu vực xung đột.

https://www.voatiengviet.com/a/bom-phat-no-tai-thu-phu-bang-rakhine-nhieu-bat-on-cua-myanmar/4269099.html

 

Tổng thống Trump lo ngại về các trò chơi điện tử bạo lực

Washington, DC. (CBS) – Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo tiểu bang để thảo luận về bạo lực súng trong tuần qua, Tổng Thống Trump nhắc lại mối lo ngại về điều có thể truyền cảm hứng cho các vụ nổ súng trong trường học.

Hôm Thứ Năm 22/02, ông Trump nói tại Tòa Bạch Ốc rằng, ngày càng nhiều người cho rằng mức độ bạo lực của các trò chơi điện tử thực sự hình thành suy nghĩ trong giới trẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra, liên quan tới các vụ nổ súng hàng loạt. Vào năm 2012, theo bản phúc trình của Văn Phòng Vận Động cho Trẻ Em của tiểu bang Connecticut, nghi can nổ súng tại trường Sandy Hook- Adam Lanza- dành nhiều giờ để chơi các trò chơi bắn súng, như Combat Arms và Call of Dulty Black Ops. Các nhà điều tra của FBI cũng tìm thấy trò chơi điện tử School Shooter trong nhà của Lanza, cùng 172 hình chụp màn ảnh của trò chơi Combat Arms.  Bản phúc trình Connecticut kết luận rằng việc sử dụng trò chơi điện tử nặng hoặc nghiện có ảnh hưởng xấu tới ứng xử xã hội.

Tuy nhiên, Đơn Vị Phân Tích Hành Vi của FBI báo cáo với cha mẹ của những trẻ em bị thiệt mạng vào năm 2014 rằng không có bằng chứng gợi ý rằng tay súng coi cuộc tấn công như là một trò chơi điện tử hay cuộc thi. Sau vụ nổ súng ở Sandy Hook, một dự luật với sự ủng hộ lưỡng đảng để nghiên cứu tác động của trò chơi điện tử bạo lực tới trẻ em được Thượng Nghị Sĩ Jay Rockefeller, thuộc đảng Dân Chủ, West Virginia, giới thiệu.

Nhưng rồi, Hiệp Hội Chương Trình Điện Toán Giải Trí vận động hành lang phản đối dự luật. Dự luật sau đó bị bãi bỏ. Họ nói với CBS News vào thời gian đó rằng cuộc nghiên cứu sâu rộng đã được thực hiện và không tìm thấy mối quan hệ giữa truyền thông và bạo lực trong đời thực. Những gì hiệp hội này làm cũng tương tự với hiệp hội súng NRA, khi không nhận nguyên nhân các vụ thảm sát là do súng. (Nguyên Trân)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-lo-ngai-ve-cac-tro-choi-dien-tu-bao-luc/

 

Ý trước bầu cử :

Hai phe cực hữu và chống phát xít biểu tình rầm rộ

Một tuần trước bầu cử Quốc Hội, nước Ý sôi động với nhiều cuộc biểu tình, đặc biệt với hai cuộc tập hợp lớn, một của lãnh đạo đảng cực hữu Matteo Salvini, đồng minh của cựu thủ tướng Berlusconi, và một của những người chống phát xít, diễn ra hôm qua thứ Bảy 24/02/2018, tại thủ đô Roma. Theo cảnh sát Ý, khoảng 120 cuộc biểu tình diễn ra tại 30 tỉnh thành phố.

Thông tín viên Eric Sénanque tường trình từ Roma :

« Người Ý trên hết », đó là lời hiệu triệu của lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini trước những người ủng hộ tập trung dưới chân nhà thờ lớn Milano. Chủ tịch trẻ tuổi của đảng Liên Đoàn Phương Bắc (LEGA) cảm thấy đang lên như diều gặp gió, khi các thăm dò dư luận cho thấy cánh hữu sẽ về đầu trong cuộc bầu cử ngày 4 tháng Ba. Với chuỗi dây cầu nguyện trong tay, ông Salvani tuyên thệ trước một cuốn Kinh Thánh, cứ như thể đã trở thành thủ tướng. Lãnh đạo Liên Đoàn Phương Bắc cam kết sẽ bảo vệ các công dân Ý và Hiến pháp.

Về phần mình, thủ tướng đương nhiệm Paolo Gentiloni có mặt tại Roma, nhưng trong một cuộc biểu tình hoàn toàn khác, với sự tham gia của hàng ngàn người biểu tình chống phát xít. Theo lời kêu gọi của cánh tả và các nghiệp đoàn, họ quyết định lên tiếng phản đối nạn bạo lực bài ngoại đang bùng lên khắp nơi tại nước Ý trong thời gian tranh cử, đồng thời bày tỏ nỗi lo ngại trước sự trỗi dậy của các tuyên truyền phát xít.

« Chúng tôi ở đây là để chống lại thứ văn hóa sùng bạo lực », tổng thư ký đảng Dân Chủ Matteo Renzi khẳng định. Trong các thăm dò dư luận, tỉ lệ được lòng dân của cựu thủ tướng Renzi sụt giảm những tháng gần đây. Cảnh sát được triển khai đông đảo để bảo vệ an ninh. Ngoại trừ một vài đụng độ nhỏ tại Milano và Palermo, không khí nhìn chung là bình yên.

Trong lúc, lãnh đạo cực hữu Casa Pound, ông Simone di Stefano, nhấn mạnh rằng chủ nghĩa phát xít có thể phù hợp với một chế độ dân chủ, thì người ta có thể thấy một khẩu hiệu lớn được người biểu tình trương lên trong cuộc tuần hành tại thủ đô, nhại lại cách nói Donald Trump, nhưng nêu bật lên thái độ không khoan nhượng với phe cực hữu : « Hãy làm cho Ý một lần nữa trở thành quốc gia chống phát xít ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180225-y-truoc-bau-cu-hai-phe-cuc-huu-va-chong-phat-xit-bieu-tinh-ram-ro

 

LH Berlin :

Gấu Vàng cho phim tình dục gây sốc ”Touch me not”

Thùy Dương

Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 68 khép lại ngày hôm qua 24/02/2018 với một bất ngờ lớn. Giải Gấu Vàng thuộc về bộ phim tài liệu của đạo diễn người Rumani Adina Pintilie, một bộ phim trước đó đã không được nhiều người đánh giá cao.

Từ Berlin, thông tín viên RFI Nathalie Versieux giải thích :

« Đó là một trong những bộ phim táo bạo nhất, nhưng cũng là một trong những tác phẩm bị chỉ trích nhiều nhất trong số những bộ phim tranh giải năm nay. Touch me not là tác phẩm đầu tay nói về giới hạn trong quan hệ thể xác, với những cảnh quay tình dục trần trụi tới mức nhiều khán giả đã bỏ về giữa chừng.

Quan hệ tình dục tập thể, quan hệ tình dục của những người khuyết tật, người chuyển giới, những buổi trị liệu với một chuyên gia tình dục. Tờ báo Đức Tagesspiegel đánh giá « Không thể chỉ trích phim Touch me not, nếu nhìn dưới góc độ phim tài liệu ». Còn tạp chí Die Zeit gọi đây là một « phim thử nghiệm ». Bộ phim do Đức – Rumani đồng sản xuất này cũng đoạt giải phim đầu tay.

Chưa bao giờ Liên hoan phim quốc tế Berlin lại vinh danh nhiều phụ nữ đến vậy. Sáu trên 11 giải thưởng được trao cho nữ giới. Đây là một kỷ lục của Berlinale lần thứ 68. Liên hoan Berlin nổi tiếng là có thái độ rõ ràng về các vấn đề chính trị, xã hội và về các giải thưởng gây tranh cãi ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180225-lh-berlin-gau-vang-cho-phim-tinh-duc-gay-soc-touch-me-not

 

Thế Vận Pyeongchang kết thúc mỹ mãn

từ thể thao đến ngoại giao

Tú Anh

Thế Vận Hội Mùa Đông lần 23 tại Pyeongchang, Hàn Quốc, kết thúc vào ngày Chủ nhật 25/02/2018. Lễ bế mạc diễn ra vào lúc 20 giờ giờ địa phương ghi dấu hai tuần lễ tranh tài với nhiều sự kiện thể thao và ngoại giao đáng ghi nhớ, nhất là sự hiện diện của phái đoàn quan trọng của Bắc Triều Tiên.

Trước tiên, về thành tích thể thao, hầu hết các huy chương vàng lọt vào tay các tuyển thủ châu Âu. Đức dẫn đầu với 14 huy chương vàng, tiếp theo là Na Uy, 13. Hai nước Bắc Mỹ : Canada giành được 11 huy chương vô địch, Hoa Kỳ khiêm tốn đứng hạng tư với 9 chiếc.

Sau Hà Lan và Thụy Điển, nước chủ nhà Hàn Quốc hãnh diện với 17 huy chương đủ loại, trong đó có 5 huy chương vàng, đứng hạng 7, nhưng dẫn đầu các nước châu Á và hơn cả hai nước châu Âu khác là Thụy Sĩ và Pháp. Đội tuyển Pháp tạm hài lòng với thành tích ở Pyongchang với 5 vàng, 4 bạc, 6 đồng, sau khi đánh vuột ít nhất 6 huy chương trong đường tơ kẻ tóc.

Phái đoàn « Nga sạch » (tức các vận động viên không dính doping) giành được 2 huy chương vàng, từ hạng nhất ở Sotchi « rơi xuống hạng 13 » ở Pyeongchang.

Về phần hai cường quốc châu Á, Nhật Bản với 4 chức vô địch, đứng hạng thứ 11 sau nước Áo. Trung Quốc khiêm tốn đứng hạng 16, với 9 huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng.

Thế Vận Hoà Bình

Tuy nhiên, sự kiện đáng chú ý nhất vẫn là không khí yên bình trong suốt mùa đại hội thể thao quốc tế tại một bán đảo được mệnh danh là lò thuốc súng.

Từ Séoul, thông tín viên Frédéric Ojardias phân tích :

Đối với Hàn Quốc, nước chủ nhà đón tiếp Thế Vận Hội Mùa Đông đầu tiên, thì hài lòng là tâm trạng nổi trội nhất. Thế Vận Hoà Bình, như Seoul gọi tên, đã thành công tốt đẹp : không xảy ra sự cố quan trọng nào, không hốt hoảng lo sợ vì một hành động khiêu khích nào đó của Bình Nhưỡng.

Cuộc tranh tài thể thao quốc tế còn là cơ hội để người dân Hàn Quốc vui chơi thư giãn một chút. Bằng cớ là những lời lẽ bông đùa cuồng nhiệt trên mạng internet bình luận về thành tích bất ngờ của đội tuyển nữ quốc gia về bộ môn « bi đá trên băng » giành được huy chương bạc vào sáng hôm nay.

Đúng là trên các khán đài thường khi thưa thớt người xem, chứng tỏ là dân Hàn Quốc không mê các môn thể thao mùa đông cho lắm. Tuy nhiên, không nên lấy sự khác biệt tương đối của Thế Vận Mùa Đông 2018 để mà so sánh với tinh thần dân tộc của người dân Hàn được biểu dương trong Thế Vận Mùa Hè tại Seoul năm 1988. Vào thời điểm đó, Thế Vận Hội Seoul là dấu ấn chứng tỏ Hàn Quốc hội nhập vào chính trường thế giới.

30 năm sau, người dân Hàn Quốc không thấy có gì phải chứng minh với quốc tế nữa. Thái độ hờ hững đối với Thế Vận Hội Pyeongchang là dấu hiệu chứng tỏ xã hội Hàn Quốc đã trưởng thành.

Tướng Kim Yong Chol đến Hàn Quốc

Theo thông báo của Seoul, phái đoàn cao cấp của Bắc Triều Tiên dự lễ bế mạc Thế Vận Hội Pyeongchang đã đến miền nam. Phái đoàn 8 người do tướng « diều hâu » Kim Yong Chol dẫn đầu, đã đi bộ qua giới tuyến và được thứ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc Chun Hae Sung đón chào, đưa lên xe tiếp tục hành trình.

Theo Reuters, hàng trăm người dân Hàn Quốc và nghị sĩ đối lập đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối phái bộ Bắc Triều Tiên trên cầu Tongil, nhưng đoàn xe của tướng Kim Yong Cho đi đường khác.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180225-the-van-hoi-pyeongchang-ket-thuc-my-man-tu-the-thao-den-ngoai-giao