Tin khắp nơi – 24/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 24/04/2018

TT thống Pháp Macron đi Mỹ

bàn chuyện Iran, Syria và thương mại

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Tòa Bạch Ốc bằng nghi lễ tiếp đón trong ngày thứ Ba 24/4 trước khi hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm chính thức và dự quốc yến.

500 quân nhân đại diện cho năm binh chủng của quân đội Hoa Kỳ tham dự lễ tiếp đón Tổng thống Pháp, và ban nhạc thính phòng Washington National Opera sẽ biểu diễn tại quốc yến.

Cuộc họp song phương hôm 24/4 diễn ra với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng mà cả hai nước đang đối diện, như cuộc chiến ở Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và kế hoạch của Tổng thống Trump đánh thuế nhập khẩu sắt thép và nhôm.

Tổng thống Trump rất tự hào về quan hệ thân hữu với Tổng thống Macron, và đó là một trong những lý do ông mời nhà lãnh đạo Pháp làm quốc khách đầu tiên thăm chính phủ của ông.

Tổng thống Macron phát biểu khi đặt chân đến Washington: “Chuyến thăm này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, với rất nhiều tình hình biến động, bất ổn và nhiều lúc là những mối đe doạ.”

Ông Macron có phần chắc sẽ tận dụng chuyến thăm Tòa Bạch Ốc để thuyết phục Tổng thống Trump đừng rút khỏi hiệp ước hạt nhân sáu nước ký kết với Iran. Ông Trump luôn gọi đó là một thỏa thuận tồi. Ngày 12/5 sắp tới là hạn chót ông Trump phải quyết định có bãi bỏ các lệnh chế tài kinh tế đối với Iran theo thỏa thuận của hiệp ước này hay không.

Iran sẽ xem việc áp đặt lại các lệnh chế tài như là việc phá bỏ hiệp ước và đe doạ sẽ khởi động lại chương trình hạt nhân.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Ba 24/4 rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước.

Ông Benham Ben Taliblu, một chuyện gia về Iran tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và Dân chủ, nói với đài VOA rằng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, phản ứng của Iran sẽ tuỳ thuộc vào cách thức mà sự việc đó diễn ra.

Ông Talibu nói: “Nếu Washington rút khỏi thoả ước, và tuyên bố rằng Mỹ huỷ bỏ mọi cam kết theo hiệp ước đó, thì tôi nghĩ rằng Iran cũng sẽ nhìn vào đó và đưa ra những phản ứng với mức độ tương đương, như tái khởi động một phần chương trình hạt nhân của họ, nhưng quan trọng hơn cả là Iran sẽ xem châu Âu và cộng đồng quốc tế sẽ có thái độ như thế nào đối với Mỹ và tìm cách cô lập Mỹ.”

Tổng thống Macron nói ông hiểu rằng thỏa thuận ký với Iran không phải là hoàn hảo nhưng ông nói là không có “phương án phụ” nào khác.

Tổng thống Trump còn đối diện với thời hạn chót là ngày 1/5 để quyết định có bỏ thuế nhập khẩu sắt thép và nhôm hoặc sẽ lao vào cuộc chiến tranh thương mại.

Tổng thống Pháp có thể sẽ bàn thảo với ông Trump về tầm quan trọng của việc duy trì các lực lượng quân sự của Mỹ ở Syria. Tổng thống Trump trước đó đã đề cập đến việc rút quân đội Mỹ ra khỏi miền bắc Syria. Ông Macron nói rằng điều đó sẽ làm tăng thêm rủi ro mất trắng Syria vào tay chế độ Assad và Iran.

Ngay khi đến Washington hôm thứ Hai, ông Macron và phu nhân Brigitte, cùng với Tổng thống Trump và phu nhân Melania đã trồng một cây con đánh dấu trên sân cỏ nam Tòa Bạch Ốc. Cây con đó xuất phát từ rừng Belleau Wood, nơi hơn 9.000 binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ đã hy sinh năm 1918 trong Thế chiến thứ Nhất trên đất Pháp.

Hai gia đình tổng thống đã đi tham quan những địa điểm nổi tiếng ở thủ đô Washington bằng máy bay trực thăng trước khi đáp xuống Mount Vernon, điền trang từ thế kỷ 18 của tổng thống đầu tiên của nước Mỹ — George Washington – để dùng bữa tối.

Tổng thống Macron sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào thứ Tư 25/4 trước khi lên đường trở về Pháp.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-phap-macron-di-my-ban-chuyen-iran-syria-va-thuong-mai/4362333.html

 

Kim Jong-un ‘chua xót’

về vụ du khách Trung Quốc thiệt mạng

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un bày tỏ “sự chua xót” về vụ lật xe khiến 32 du khách Trung Quốc và bốn người Bắc Hàn thiệt mạng.

Vụ tai nạn xảy ra vào tối 22/4 ở tỉnh Bắc Hwanghae. Chiếc xe chở du khách lao khỏi cầu.

Rất hiếm khi truyền thông vốn được kiểm soát chặt chẽ của Bình Nhưỡng đưa tin tiêu cực và cũng là điều bất thường khi ông Kim thừa nhận sự việc.

Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc tháng Tư

Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’

Bắc Hàn: Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa

Bắc Hàn: Ai dám cưỡi lên lưng Kim Jong-un?

Tên lửa Bắc Hàn ‘có thể tới bờ biển Anh’

Trung Quốc là đồng minh chính trị và đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Hàn.

“[Ông Kim] nói rằng tai nạn bất ngờ khiến lòng ông chua xót”, thông tấn xã KCNA đưa tin.

“Ông đau lòng khi nghĩ về những thân nhân của người thiệt mạng.”

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn được ghi nhận đến thăm những người bị thương đang nằm viện. Truyền thông cho biết ông “hỏi han về việc chữa trị cho những người này”.

Ông cũng thăm đại sứ quán Trung Quốc ở Bình Nhưỡng, nơi ông đã gặp đại sứ Trung Quốc tại Bắc Hàn Lý Tiến Quân và “bày tỏ lời chia buồn chân thành.”

Trung Quốc và Bắc Hàn là những đồng minh lâu năm. Chuyến thăm người bị thương của ông Kim và việc truyền thông đưa tin – có thể là cách ông bảo vệ hình ảnh của mình trước người dân Trung Quốc.

Mỹ phạt hai nhà phát triển tên lửa Bắc Hàn

Báo động tên lửa giả ở Hawaii

TQ ‘có thể thử nghiệm tên lửa hiện đại’

Du khách Trung Quốc chiếm khoảng 80% lượng khách du lịch nước ngoài đến Bắc Hàn – đem lại nguồn ngoại tệ quan trọng cho Bình Nhưỡng.

Tháng trước, ông Kim đến Bắc Kinh hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông từ khi ông nhậm chức vào năm 2011.

Hầu như tất cả viện trợ lương thực và nhiên liệu của Bắc Hàn đều đến từ Trung Quốc nên nước này có thể được coi là đối tác quan trọng nhất của miền Bắc.

Gần đây, Bắc Hàn loan báo dừng tất cả các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, trước các cuộc hội đàm thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Nam Hàn và Mỹ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43875858

 

Canada: Lao xe vào người đi bộ,

hàng chục người thương vong

Ít nhất chín người chết và 16 người bị thương sau khi một người đàn ông lái xe lao vào người đi bộ ở Toronto, Canada.

Lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường ở một giao lộ đông đúc phía bắc Canada, nhưng bị bắt ngay sau đó.

Hiện danh tính của người này chưa được tiết lộ.

Các video của người dân cho thấy hình ảnh vụ bắt giữ căng thẳng giữa cảnh sát và người lái xe gây tai nạn.

Trung Quốc: Xe tải lao vào người đi bộ

Úc: Lao xe vào đám đông ở Melbourne

Hình ảnh vụ tấn công New York

Người này chĩa một vật về phía cảnh sát, sau đó có tiếng cảnh sát hét yêu cầu ông ta bỏ vật này xuống.

Người đàn ông sau đó bị bắt mà không có vụ nổ súng nào.

Một đường dây nóng được thiết lập dành riêng cho thân nhân các nạn nhân và nhân chứng.

Cảnh sát nói họ không tin đây là hành động có chủ ý nhưng Bộ trưởng An toàn Công cộng Canada Ralph Goodale gọi đây là ‘vụ tấn công kinh hoàng’ trên Twitter.

Reza Hashemi, chủ một cửa hàng video trên phố Yonge, nói với BBC rằng ông nghe thấy tiếng la hét phía bên kia đường.

Ông cho biết chiếc xe tải màu trắng lao lên vỉa hè nhiều lần và tông vào người đi bộ.

Công ty cho thuê xe tải Ryder System Inc xác nhận một trong các phương tiện của họ liên quan đến vụ việc và cho biết đã hợp tác với chính quyền.

Vụ việc xảy ra tại phố Yonge, đại lộ Finch vào 13:30 giờ địa phương (17:30 GMT) thứ Hai 23/4.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43875336

 

Seoul sẽ ‘mê hoặc’ Kim Jong-un

bằng món ăn Thụy Sỹ?

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ được mời dùng món khoai tây Thụy Sỹ tại bữa ăn tối với lãnh đạo Hàn Quốc.

Đây rõ ràng là một nỗ lực của Nam Hàn nhằm gợi nhớ lại những năm tháng đi học của ông.

Ông Kim được cho là đã đi học ở Thụy Sỹ, mặc dù điều này chưa bao giờ được Bắc Hàn chính thức xác nhận.

Nam Hàn tắt loa phát thanh nhắm vào Bắc Hàn

Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’

Tình trạng ‘nô lệ Bắc Hàn’ ở châu Âu

Để phục vụ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì món cá biển thân bẹt gợi nhớ đến thành phố cảng Busan quê hương ông sẽ có trong thực đơn.

Cuộc gặp thượng đỉnh của hai vị lãnh đạo vào thứ Sáu tới là cuộc gặp cao cấp đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2007 tới nay.

Các món ăn sẽ được chế biến từ các nguyên liệu và công thức nấu ăn của cả hai miền, nước chủ nhà Nam Hàn cho biết.

Món mỳ nguội đặc trưng của miền Bắc sẽ được nấu ở miền Nam, tại vùng phi quân sự, bởi một đầu bếp từ nhà hàng Okryu Gwan nổi tiếng của Bình Nhưỡng, theo yêu cầu của Tổng thống Moon.

Món khoai tây chiên kiểu Thụy Sỹ sẽ được nấu cho ông Kim có tên là rösti.

Kim Jong-un ‘cảm động’ vì K-pop ở Bình Nhưỡng

Các ngôi sao K-pop Hàn Quốc biểu diễn ở miền Bắc

Munbaeju, một loại rượu có nguồn gốc từ miền Bắc nhưng giờ được chưng cất ở miền Nam, cũng sẽ được phục vụ tại cuộc gặp thượng đỉnh, chính phủ Nam Hàn xác nhận trên trang Facebook của Tổng thống (bằng tiếng Hàn).

Việc chọn món cá John Dory nướng cho ông Moon là do loại cá này rất phổ biến ở thành phố quê hương ông, thành phố cảng Busan.

Cuộc gặp thượng đỉnh này là kết quả của các nỗ lực ngoại giao nhằm đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Seoul đã từng được biết đến là bên dùng các món ăn phục vụ các lãnh đạo tới thăm để thể hiện quan điểm chính trị.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Seoul năm 2017, món ăn phục vụ ông gồm có tôm được đánh bắt từ vùng biển gần quần đảo có tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43880341

 

Uỷ ban Thượng viện ủng hộ sít sao

ông Pompeo làm ngoại trưởng Mỹ

Một uỷ ban của Thượng viện Mỹ hôm 23/4 đã biểu quyết với tỉ lệ sít sao ủng hộ ông Mike Pompeo được Tổng thống Donald Trump đề cử làm bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Kết quả biểu quyết chuyển từ chống sang thuận là do Thượng nghị sĩ Cộng hoà Rand Paul của bang Kentucky thay đổi quyết định từ chống sang ủng hộ vào phút cuối.

Ông Pompeo, hiện là giám đốc Cục Tình báo Trung ương CIA, trước đó đối diện với nguy cơ sẽ là ngoại trưởng đầu tiên trong thời hiện tại không được Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện 21 thành viên ủng hộ, khi mà Thượng nghị sĩ Paul cùng tất cả 10 nghị sĩ Dân chủ của uỷ ban này loan báo rằng họ chống đề cử đó.

Nhưng ngay khi uỷ ban chuẩn bị biểu quyết, ông Paul đã thay đổi quyết định.

Thượng nghị sĩ của bang Kentucky nói: “Tôi thay đổi ý định. Tôi quyết định biểu quyết ủng hộ giam đốc Pompeo” với giải thích rằng ông cảm thấy an tâm sau khi trao đổi với ông Pompeo và với Tổng thống Trump về lo ngại của ông đối với những bài học từ cuộc chiến tranh Iraq và những vấn đề khác.

Ngay sau đó uỷ ban này đã biểu quyết với tỉ lệ ủng hộ sít sao đề cử ông Pompeo lên toàn thể Thượng viện, nơi theo dự tính cuối tuần này sẽ chuẩn thuận cho ông Pompeo làm bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ.

Các Thượng nghị sĩ Dân chủ nói rằng ông Pompeo là một lựa chọn không thích hợp để làm nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ. Họ nói rằng ông Pompeo thường ủng hộ những giải pháp quân sự cho những điểm nóng trên thế giới khi ông làm đại biểu Quốc hội, trước khi được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm lãnh đạo CIA.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez của bang New Jersey, trưởng nhóm Dân chủ trong Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, nói: “Tôi không tin giám đốc Pompep là một người đặt ngoại giao lên trước chiến tranh. Tôi thực sự lo ngại vì quan điểm muốn thay đổi chế độ ở Bắc Hàn và Iran của ông Pompeo trong quá khứ.”

https://www.voatiengviet.com/a/uy-ban-thuong-vien-ung-ho-sit-sao-ong-pompeo-lam-ngoai-truong-my/4362515.html

 

Trung Quốc phản kháng báo cáo nhân quyền của Mỹ

Trung Quốc hôm 24/4 đả kích Hoa Kỳ là ‘đạo đức giả’, và nêu lên những vấn đề nhân quyền của chính nước Mỹ, như nạn kỳ thị chủng tộc và các vụ tai tiếng chính trị, trong báo cáo hàng năm của Trung Quốc, đáp trả phúc trình thường niên về nhân quyền mà Mỹ vừa công bố, trong đó Washington chỉ trích thành tích về nhân quyền của Trung Quốc và các nước khác.

Trong phúc trình về tình hình nhân quyền toàn cầu 2017 được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 20/4, Hoa Kỳ miêu tả Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên là những chính phủ “đáng phê phán về mặt đạo đức” và cho rằng các nước này vi phạm nhân quyền trong nước họ mỗi ngày.

Mỹ phê phán TQ, Nga, Iran, Triều Tiên trong báo cáo nhân quyền 2017

Ủy ban Nhà nước Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ là “lăng mạ” các nước khác bằng chính những sai lầm của mình.

“Có vẻ như trong thế giới này chỉ có tình hình nhân quyền của Mỹ là hoàn hảo,” Trung Quốc nói trong phần đáp trả. “Nhìn lại năm 2017, chỉ cần một chút hiểu biết về công lý, ai cũng thấy là hồ sơ nhân quyền của chính nước Mỹ, như thường ngày, nổi bật với những hành động xấu xa và tình hình ngày càng xấu đi hơn.”

Theo báo cáo của Trung Quốc được hãng thông tấn nhà nước Xinhua đăng và các hãng tin quốc tế như BBC và CNN trích dẫn, Trung Quốc nói người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị bỏ tù oan cao gấp 7 lần người thường, và các tội bạo lực tiếp tục gia tăng,.

Báo cáo của Trung Quốc còn miêu tả điều mà họ nói là “những lạm dụng nghiêm trọng trong nền dân chủ kiểu Mỹ.”

“Nền chính trị vì tiền của Mỹ tiếp tục lên men và thành phần giàu có đang vạch hướng đi cho chính trị. Bộ mặt yếu ớt đó ngày càng áp đặt những hạn chế đối với việc bỏ phiếu, và những vụ tai tiếng liên quan đến các chính khách ngày càng nhiều.”

Nhân quyền luôn là vấn đề gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, kể từ năm 1989 khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài đối với Trung Quốc sau vụ đàn áp đẫm máu những người biểu tình vì dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn.

Trung Quốc thường xuyên bác bỏ những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của họ, và nêu ra những thành công của Bắc Kinh khi đưa hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói.

Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc không chấp nhận những ý kiến bất đồng chính trị và chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch quy mô để đàn áp giới luật sư và các nhà hoạt động bênh vực nhân quyền.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phan-khang-bao-cao-nhan-quyen-cua-my/4362506.html

 

Mỹ: Giữ áp lực tối đa với Triều Tiên

tới khi phi hạt nhân hóa

Tòa Bạch Ốc ngày 23/4 công bố mục tiêu tối hậu trong bất kỳ cuộc thương lượng nào mà Tổng thống Donald Trump có thể có với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un cũng sẽ là phi hạt nhân hóa và rằng chiến dịch ‘áp lực tối đa’ của Mỹ đối với Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục và chế tài sẽ không được dỡ bỏ ‘chừng nào chúng ta chưa nhìn thấy hành động cụ thể tiến tới việc phi hạt nhân hóa đầy đủ và hoàn toàn.’

Đáp câu hỏi của đài VOA về các tuyên bố gần đây từ Bình Nhưỡng, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders ngày 23/4 nhấn mạnh: “Chúng ta không đơn thuần tin vào lời nói của Triều Tiên.”

“Chúng ta không ngây thơ trong tiến trình này,” bà Sanders nói thêm. “Chúng ta đã thấy vài bước đúng hướng, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài.”

Ông Kim đã loan báo ngưng các cuộc thử nghiệm võ khí hạt nhân và phóng thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.

Hôm 22/4, Tổng thống Trump dường như ngụ ý rằng ông Kim đã đồng ý từ bỏ kho hạt nhân dù Bình Nhưỡng chưa hề loan báo như thế.

Ông Trump viết trên Twitter rằng: “Chúng ta không nhượng bộ gì cả & họ đã đồng ý phi hạt nhân hóa (rất tuyệt cho Thế giới), đóng cửa địa điểm & không thử nghiệm nữa!”

Phát ngôn nhân Sanders hôm 23/4 cũng lưu ý vai trò tích cực hơn của Trung Quốc trong việc áp lực Bình Nhưỡng, điều mà bà cho rằng nhờ vào mối quan hệ làm việc tích cực giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực hơn trong việc áp lực Triều Tiên. Họ chắc chắn có thể làm hơn nữa và chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như thế,” bà Sanders nói.

Trước đó, khi được hỏi Tổng thống Trump định nghĩa phi hạt nhân hóa thế nào, bà Sanders đáp “nghĩa là Triều Tiên không có hoặc không thử phi đạn hạt nhân.”

Các giới chức khác trong chính quyền Trump bày tỏ hy vọng thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới sẽ mang lại kết quả khả quan.

“Hiện giờ, tôi nghĩ có nhiều lý do để lạc quan rằng các cuộc thương thuyết sẽ hiệu quả, chúng ta hãy chờ xem,” Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố.

Dù Hàn Quốc nói Bình Nhưỡng tỏ ý từ bỏ võ khí hạt nhân, nhưng lãnh tụ Triều Tiên hôm 21/4 nêu rõ kho hạt nhân của miền Bắc sẽ được duy trì và gọi đó là ‘bảo kiếm quyền năng’ giúp bảo đảm cho “các thế hệ tương lai có được cuộc sống dồi dào phẩm giá và hạnh phúc nhất trên thế giới.”

Trước thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Mỹ, ông Kim thứ sáu tuần này sẽ họp với Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, tại làng biên giới.

Hàn Quốc ngày 23/4 ngưng phát sóng các thông điệp tuyên truyền sang biên giới phía Bắc, với hy vọng tạo không khí hòa bình giữa hai nước.

Cả Hàn Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.

Về phương diện kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Khói đạn trong cuộc chiến Triều Tiên kéo dài 37 tháng chấm dứt năm 1953 bằng một cuộc đình chiến nhưng đôi bên chưa ký hiệp định hòa bình và Tổng thống Hàn Quốc hy vọng lần này sẽ đả thông được bế tắc 65 năm qua.

https://www.voatiengviet.com/a/my-giu-ap-luc-toi-da-voi-trieu-tien-toi-khi-phi-hat-nhan-hoa-/4361646.html

 

Phương Tây áp lực

Trump giữ thỏa thuận hạt nhân với Iran

Các đồng minh phương Tây ngày 23/4 tăng áp lực lên Tổng thống Donald Trump nhằm giữ nguyên thỏa thuận hạt nhân với Iran, với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thúc đẩy ông Trump chớ xé bỏ thỏa thuận 2015.

Ông Trump từng tuyên bố trừ phi các đồng minh châu Âu điều chỉnh lại điều ông gọi là “những khuyết điểm trầm trọng” trước ngày 12/5, ông sẽ áp đặt lại những chế tài kinh tế đối với Tehran và việc này sẽ là một cú giáng nặng nề đối với thỏa thuận 2015.

Tổng thống Pháp Macron đến Washington chiều ngày 23/4. Trước đó, hôm 22/4, ông Macron tuyên bố không có “Kế hoạch B” trong việc kìm chế tham vọng hạt nhân của Tehran.

Thỏa thuận giữa Iran, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức ra đời sau những quan ngại lâu dài của các cường quốc rằng Iran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và ban hành các giới hạn đối với chương trình hạt nhân Iran, đổi lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các chế tài. Những người chỉ trích thỏa thuận, kể cả ông Trump, nói thỏa thuận không kìm chế Iran một cách thỏa đáng.

Ông Trump cho rằng thỏa thuận có khuyết điểm không giải quyết được chương trình phi đạn đạn đạo của Iran.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm G7 rằng Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thúc đẩy Tổng thống Mỹ giữ thỏa thuận.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng cùng một quan điểm. Phát biểu với các phóng viên tại Toronto, ông nói “Có một tiếng nói mạnh mẽ chung quanh bàn hội nghị G7 là chúng ta cần bênh vực Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung JCPOA.”

Iran nói sẽ gắn bó với thỏa thuận chừng nào các bên khác vẫn còn tôn trọng thỏa thuận, nhưng xé bỏ thỏa thuận nếu Washington rút ra. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif ngày 23/4 kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ thỏa thuận.

Hội nghị không phổ biến hạt nhân tại Geneva ngày 23/4 cũng kêu gọi các bên trong thỏa thuận đảm bảo việc thi hành và giữ gìn thỏa thuận.

https://www.voatiengviet.com/a/phuong-tay-ap-luc-trump-giu-thoa-thuan-hat-nhan-voi-iran/4361627.html

 

Ngưng thử phi đạn,

Triều Tiên bằng lòng với đe dọa hạt nhân ‘bất toàn’

Khi đơn phương tuyên bố ngưng thử phi đạn, Triều Tiên dường như từ nay sẵn sàng bằng lòng với khả năng vũ khí hạt nhân bất toàn, đủ để khiến Mỹ quan ngại nhưng không thể đảm bảo bắn chính xác vào các mục tiêu tại Mỹ, theo các chuyên gia.

Triều Tiên hôm 21/4 cho biết không cần thiết phải thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn đạn đạo liên lục địa vì đã đạt được các mục đích phát triển vũ khí, dù rằng các giới chức Hoa Kỳ và các chuyên gia không tin là các chương trình của Triều Tiên đã hoàn tất.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra trước cuộc họp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in vào ngày thứ Sáu 27/4. Kinh tế của Triều Tiên đang chịu áp lực nặng nề vì các chế tài quốc tế và ông Kim sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 tới.

Các giới chức Mỹ nói một lỗ hổng lớn trong chương trình vũ khí của Triều Tiên là Bình Nhưỡng không chứng tỏ có được phi đạn đạn đạo mang theo một đầu đạn hạt nhân nhắm vào một mục tiêu tại Mỹ, có thể trở về trái đất mà không bị vỡ trong bầu khí quyển.

Tuy nhiên, Giám đốc CIA, Mike Pompeo, giới chức cao cấp đầu tiên của Mỹ vừa gặp ông Kim, từng ước đoán là Triều Tiên có thể mất vài tháng để có khả năng tấn công hạt nhân vào nước Mỹ.

Ông Cheong Seong-chang, một nhà nghiên cứu tại Viện Sejong phía nam Seoul nói quyết định của ông Kim ngưng thử nghiệm là một loại nhượng bộ trước các cuộc thương thuyết.

Ông nói “Từ bỏ việc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trong khi công nghiệp này chưa hoàn tất có nghĩa là bạn muốn từ bỏ phần này trong chương trình phi đạn.”

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lập luận rằng ông Kim nhượng bộ một ít vì ông có thể thôi việc ngưng thử nghiệm bất cứ lúc nào và chương trình hạt nhân đã hoàn tất được mục tiêu chính: đó là đủ để chứng tỏ một đe dọa phi đạn hạt nhân có thể phóng vào bất cứ nơi nào tại Mỹ.

Ông Joshua Pollack, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Middlebury ở California nói “Họ nói đủ tin cậy được rồi, và bạn biết không? Họ nói đúng.”

Ông Pollack cho rằng ông Kim chỉ muốn các phi đạn làm cho quân đội Mỹ phải dè dặt.

Ông Pollack nói “Và làm cho kẻ thù phải dè dặt thì không cần phải hoàn hảo.”

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc ngày 22/4 nói với Reuters là chính quyền ông Trump không phạm “cùng những sai lầm trong quá khứ,” và nói rằng Triều Tiên phải triệt tiêu nhiều chương trình hạt nhân để Hoa Kỳ có thể nhượng bộ.

Ông Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên gặp một lãnh tụ Triều Tiên.

Ông Trump dường như tự giảm bớt phấn khích ban đầu của bản thân về việc Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân khi tuyên bố hôm 22/4 rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên còn lâu mới giải quyết được.

https://www.voatiengviet.com/a/ngung-thu-phi-dan-trieu-tien-bang-long-voi-de-doa-hat-nhan-bat-toan/4361616.html

 

Các vấn đề hàng đầu đối với Mỹ

trong thượng đỉnh Trump-Kim

Các quan chức chính quyền Mỹ đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng những chi tiết cơ bản, như địa điểm và thời điểm diễn ra cuộc gặp cũng như chiến thuật đàm phán, vẫn chưa hoàn tất.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ còn tại chức với một lãnh tụ Triều Tiên. Ông Trump đã nói rằng cuộc họp với ông Kim có thể diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc trong tháng 6 tuy nhiên ông cảnh báo rằng cuộc gặp có thể bị hủy nếu ông nghĩ rằng nó sẽ không mang lại kết quả mong muốn.

Những kỳ vọng đã được nâng cao hôm thứ bảy sau khi ông Kim tuyên bố kết thúc các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, nói rằng Triều Tiên hủy bỏ địa điểm thử nghiệm hạt nhân để theo đuổi hòa bình và tăng trưởng kinh tế. Theo các quan chức Mỹ và Hàn Quốc, ông Kim Jong Un nói ông sẵn sàng thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa, nhưng ông hôm thứ bảy, ông không đề cập tới việc từ bỏ các vũ khí hạt nhân hiện có trong tay.

Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo thế giới kháchoan nghênh tuyên bố của ông Kim là sẽ chấm dứt các cuộc thử nghiệm, tuy nhiên một số bày tỏ hoài nghi về ý định của Triều Tiên.

Chính quyền của ông Trump bày tỏ mong muốn Bắc Hàn phi hạt nhân hóa một cách “hoàn toàn, có thể được kiểm chứng, và không thể đảo ngược”, tuy nhiên không đưa ra chi tiết nào về chiến lược sẽ được Washington sử dụng trong các cuộc đàm phán. Chính quyền của ông Trump cam kết sẽ không lặp lại “những sai lầm của quá khứ”.

Phi hạt nhân hóa

Vận động Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình phi đạn hạt nhân là mục tiêu của tất cả các cuộc đàm phán quốc tế với Triều Tiên từ đầu những năm 1990, nhưng năm ngoái Bình Nhưỡng lại thử nghiệm điều được tin là một tên lửa đạn đạo và phi đạn liên lục địa.

Giám đốc CIA dưới chính quyền Trump, Mike Pompeo, cũng là ứng viên Ngoại Trưởng Mỹ nói ông lạc quan rằng cuộc gặp Trump-Kim có thể dọn đường cho một giải pháp ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

Lên tiếng ngay sau khi trở thành giới chức Mỹ tại chức đầu tiên gặp lãnh tụ Kim Jong Un, ông Pompeo nói các lợi ích của Mỹ sẽ được đặt lên trên hết. Ông nói mục tiêu cuộc gặp là “một thỏa thuận buộc giới lãnh đạo Triều Tiên phải lùi bước, không đặt Hoa Kỳ trước nguy cơ với vũ khí hạt nhân.”

Điều này đã làm tăng lo ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc rằng ông Trump có thể nhanh chóng mưu tìm một thỏa thuận cấm phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), trong khi gác việc đàm phán về các tên lửa tầm ngắn đe dọa các đồng minh Nhật, Hàn.

Về một vấn đề quan trọng khác, Toà Bạch Ốc cho biết ba công dân Mỹ gốc Triều Tiên bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên sẽ là một nhân tố trong thời gian dẫn tới hội nghị thượng đỉnh.

Tuần trước, ông Trump cho biết Washington đang thương thuyết việc phóng thích những công dân Mỹ, và đánh giá cao triển vọng thực hiện mục tiêu này. Nhưng ông không trả lời khi được hỏi liệu đó có phải là một điều kiện tiên quyết để tiến hành với hội nghị thượng đỉnh hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-van-de-hang-dau-doi-voi-my-trong-thuong-dinh-trump-kim/4361409.html

 

Singapore cải tổ nội các:

Ai sẽ là Thủ tướng kế nhiệm?

trong những người có khả năng lên kế nhiệm ông, làm bộ trưởng thương mại, đồng thời giao thêm nhiệm vụ cho 2 bộ trưởng khác cùng được coi là những nhân vật có tiềm năng được chọn lên kế nhiệm.

Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai cả của vị công thần lập quốc Lý Quang Diệu, đã tuyên bố sẵn sàng từ nhiệm trong vài năm tới, tuy nhiên hiện chưa có nhân vật nào nổi bật từ nhóm 16 bộ trưởng có thể được chọn ra làm người thay thế Thủ Tướng Lý Hiển Long trong tương lai.

Ông Chan là một trong ba ứng viên thủ tướng tiềm năng được truyền thông Singapore và các nhà phân tích chính trị lựa chọn, cùng với Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat và Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye King.

Đảng Hành động Nhân dân Singapore đã lãnh đạo quốc đảo này kể từ khi Singapore giành được độc lập cách đây hơn 50 năm, và từ đó tới nay Singapore chỉ mới có ba thủ tướng.

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Singapore dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.

“Cuộc chuyển giao lãnh đạo diễn ra trong vài năm tới đang tiến triển tốt,” Thủ tướng Lý Hiển Long viết trên Facebook sau cuộc cải tổ nội các.

“Các bộ trưởng trẻ ngày càng nắm thêm nhiều trách nhiệm hơn trong việc điều hành đất nước.”

Ông Chan, trước đây là một bộ trưởng nội các, trở thành bộ trưởng thương mại và cũng sẽ phụ trách hệ thống công vụ, còn được gọi là Ban dịch vụ công hiện đang do Phó Thủ tướng Teo Chee Hean đảm nhiệm.

Bộ trưởng Tài chính Heng sẽ giúp Thủ tướng trong các vấn đề liên quan tới Quỹ Nghiên cứu Quốc gia – một tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc Văn phòng Thủ tướng. Nhiệm vụ này trước đây thuộc về Phó Thủ tướng Teo.

Ông Ong trở thành Bộ trưởng duy nhất phụ trách Bộ giáo dục, một chức vụ mà trước đây ông cùng chia sẻ với ông Ng Chee Meng, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng.

Theo giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách công Gillian Koh, ông Chan và ông Heng đang nắm giữ “những bộ rất quan trọng.”

Bà Koh nói thêm: “Điều mà chúng ta chưa biết là liệu ông Ong có đang bị loại dần ra, hoặc đang ở trong vị thế để có thể tiếp tục là một ứng viên hay không,” bà nói rằng “cuộc chơi đang tiếp tục.”

Thủ tướng Lý Hiển Long không bổ nhiệm phó thủ tướng mới nào trong cuộc cải tổ nhân sự mới nhất. Ngoài phó Thủ tướng Teo, hiện còn có phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam.

Tuy nhiên theo một học giả và cựu thành viên quốc hội được đề cử, Eugene Tan, cuộc cải tổ này dường như đã trao cho ông Chan “một lợi thế” trong cuộc đua để lên kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long.

Ông Tan cho rằng những trách nhiệm mới được giao cho ông Chan trong hệ thống công vụ cũng như kinh nghiệm sâu rộng của ông trong nhiều bộ khác, bên cạnh vai trò của ông trong một sáng kiến của chính phủ với Trung Quốc, đã khiến ông có một lợi thế so với các đối thủ khác.

https://www.voatiengviet.com/a/singapore-cai-to-noi-cac-ai-se-la-thu-tuong-ke-nhiem/4362836.html

 

Trung Quốc phóng phi thuyền Chang’e-5

lên mặt trăng năm tới

Trung Quốc dự tính phóng phi thuyền thám hiểm mặt trăng Chang’e-5 vào năm 2019 để lấy mẫu đất đá mang về trái đất. Tân Hoa Xã loan tin rằng ông Pei Zhaoyu, phó giám đốc Chương trình thám hiểm nguyệt cầu của Cơ quan Không gian Trung Quốc, gọi tắt là CNSA, công bố kế hoạch này hôm thứ Ba 24/4.

Phát biểu tại hội nghị đánh dấu Ngày Không gian Trung Quốc hôm 24/4, ông Pei nói rằng phi thuyền thám hiểm mặt trăng Chang’e-5 rất tinh vi và phức tạp, gồm bốn phần chính: phi thuyền bay quanh quỹ đạo, phi thuyền đáp trở lại mặt đất, phi thuyền đáp xuống mặt trăng, và phi thuyền bay lên từ mặt trăng.

Phi thuyền đáp xuống mặt trăng sẽ lấy mẫu đất đá chất lên phi thuyền bay lên khỏi mặt trăng. Phi thuyền bay lên từ mặt trăng sẽ kết nối với phi thuyền bay quanh quỹ đạo mặt trăng và chuyển các mẫu đất đá lấy từ mặt trăng sang cho phi thuyền bay trở về trái đất.

Phi thuyền bay quanh quỹ đạo mặt trăng cùng với phi thuyền bay về trái đất sẽ rời quỹ đạo mặt trăng để trở về quỹ đạo trái đất, và hai phi thuyền này sẽ tách khỏi nhau khi còn cách trái đất vài ngàn kilômét, và cuối cùng phi thuyền trở về trái đất sẽ đáp xuống mặt đất – ông Pei giải thích.

Sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn của chương trình thám hiểm đó – bao gồm bay lên quỹ đạo trên không gian, đáp xuống mặt trăng và trở về lại quả đất – Trung Quốc sẽ xúc tiến thám hiểm mặt trăng nhiều hơn nữa, trong đó có chương trình thám hiểm các địa cực của mặt trăng – theo lời ông Tian Yulong, tổng thư ký của CNSA.

Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển chương trình thám hiểm không gian sau khi hoàn thành chương trình thám hiểm nguyệt cầu không có người và thành lập trạm không gian vào khoảng năm 2022.

Ông Wang Liheng, một cố vấn cấp cao của Chương trình khoa học và kỹ thuật không gian của Trung Quốc nói rằng nhiều chuyên gia đề nghị xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học trên mặt trăng trong tương lai.

(Theo Tân Hoa Xã, Ecns.cn)

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phong-phi-thuyen-chang-e-5-len-mat-trang-vao-nam-toi/4362682.html

 

Trung Quốc phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế

Trung Quốc sẽ cố gắng mạnh mẽ để đạt được những mục tiêu kinh tế trong năm nay, Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng Cộng sản cầm quyền, tuyên bố ngày 23/4.

Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn trong việc chống lại điều mà chính phủ mô tả là “ba cuộc chiến gay go”–ngăn ngừa rủi ro, kiểm soát ô nhiễm và giảm bớt nghèo đói–chống lại kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp và nền tảng chính trị, Tân Hoa Xã cho biết.

Đề cập đến một tài liệu được công bố sau phiên họp của Bộ chính trị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, Tân Hoa Xã nói Trung Quốc vẫn sẽ giữ một chính sách tài chánh chủ động và duy trì chính sách tiền tệ dè dặt và trung lập.

Bộ Chính trị gồm 25 thành viên cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhu cầu nội địa để đảm bảo kinh tế ổn định.

Các dữ liệu chính thức trong tuần qua cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng 6,8%, tức nhanh hơn dự kiến trong quý 1 năm nay, vượt quá chỉ tiêu 6,5% của Bắc Kinh trong năm nay.

Đây là tin tốt cho những nhà làm chính sách tìm cách dẹp bớt những rủi ro tài chánh và giảm thiểu mức nợ của các công ty.

Tuy nhiên, ngay sau khi dữ liệu được công bố, Ngân hàng Trung ương bất thình lình cho biết sẽ cắt giảm số lượng tiền mặt ngân hàng dự trữ làm cho các nhà đầu tư lo ngại về những rủi ro về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và liệu Bắc Kinh có rút lại lời hứa giảm nợ hay không.

Trung Quốc cũng sẽ gia tăng những nỗ lực đột phá trong những công nghệ quan trọng để yểm trợ những ngành công nghiệp mới nổi, giảm bớt những chi phí tài chánh của công ty, giảm những gánh nặng về thuế và chi phí các công ty, theo Tân Hoa Xã.

Trung Quốc sẽ tuân thủ lời hứa mở cửa kinh tế và cải cách sâu rộng các công ty và tài sản nhà nước sở hữu, Tân Hoa Xã cho hay, trong khi thúc đẩy sự phát triển lành mạnh hối đoái, chứng khoán, nợ, tín dụng và thị trường địa ốc, giảm bớt chi phí tài chánh công ty.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phan-dau-dat-muc-tieu-kinh-te/4361641.html

 

Bình Nhưỡng đồng ý cho truyền hình trực tiếp

một phần hội nghị thượng đỉnh

Trọng Nghĩa

Phủ tổng thống Hàn Quốc hôm qua, 23/04/2018 cho biết : Bình Nhưỡng đã chấp nhận cho truyền thông Hàn Quốc phát trực tiếp một phần cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều vào thứ Sáu 27/04 tới đây.

Hai bên đã quyết định như trên nhân cuộc gặp tại tòa nhà Tongil bên phía Bắc Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm, để thảo luận về các vấn đề an ninh và báo chí trước cuộc họp thượng đỉnh.

Ngoài việc cho truyền trực tiếp nói trên, Bình Nhưỡng còn cho phép truyền thông Hàn Quốc đến khu vực an ninh dưới quyền kiểm soát của Bắc Triều Tiên ở vùng biên giới để đưa tin về hội nghị.

Hồ sơ người Nhật bị bắt cóc

Tại thượng đỉnh Liên Triều, theo hãng tin Mỹ AP, tổng thống Hàn Quốc sẽ nêu vấn đề người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc trước đây với ông Kim Jong Un.

Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc vào hôm nay, trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Moon Jae In cho rằng việc giải quyết được vấn đề đó giữa Tokyo và Bình Nhưỡng sẽ góp phần mang lại hoà bình tại toàn vùng Đông Bắc Á.

Kim Jong Un “đau buồn” về tai nạn xẩy ra cho du khách Trung Quốc

Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên, AFP trích dẫn truyền thông Bắc Triều Tiên, cho biết lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un đã bày tỏ thái độ hết sức đau buồn trước tai nạn xe ca du lịch tại Bắc Triều Tiên đã làm 32 du khách Trung Quốc và 4 nhân viên Bắc Triều Tiên tử nạn, và 2 người khác bị thương nặng .

Tai nạn xẩy ra hôm Chủ Nhật, 22/04 khi xe chở du khách bị rơi từ một cây cầu ở tỉnh Hwanghee, phía nam Bình Nhưỡng.

Theo truyền thông chính thức Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un vào hôm nay đã đích thân đến gặp đại sứ Trung Quốc ở Bình Nhưỡng để chia buồn, trước khi đến thăm các du khách bị thương ở bệnh viện. Báo Rodong Sinmun đưa tin tai nạn ở trang nhất và hình ảnh Kim Jong Un mặc áo khoác trắng bên cạnh những người sống sót.

Hãng tin KCNA loan tin tai nạn đã làm cho Kim Jong Un rất “đau buồn” và nghĩ đến các gia đình bị mất người thân. Theo ông thì “nhân dân Bắc Triều Tiên xem tai nạn này như nỗi bất hạnh của mình”.

Giới quan sát cho là hành động trên của Kim Jong Un rất hiếm và báo chí đưa tin như trên càng cho thấy vị trí của Trung Quốc tại Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180424-binh-nhuong-dong-y-cho-truyen-hinh-truc-tiep-mot-phan-hoi-nghi-thuong-dinh

 

Mỹ – Mêhicô : TT Trump

lại đe dọa gắn vấn đề nhập cư với NAFTA

Mai Vân

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 23/04/2018, đã lại đe dọa gắn vấn đề chính quyền Mêhicô phải kiểm soát di dân với một thỏa thuận tự do mậu dịch NAFTA mới, cho dù các bộ trưởng Canada, Mỹ và Mêhicô đang ra sức hoàn tất thỏa thuận mới vào tuần này.

Trên Twitter, ông Trump cảnh báo : “Mêhicô, mà luật về nhập cư rất khắt khe, phải ngăn chặn dòng người đi qua Mêhicô để vào đất Mỹ. Đó có thể là điều kiện cho thỏa thuận mới về NAFTA. Đất nước Mỹ không thể chấp nhận những gì đang xẩy ra.”

Vào đầu tháng này, ông Trump đã từng đưa ra những lời cảnh báo trên khi một đoàn người từ Trung Mỹ băng qua Mêhicô để tiến gần đến biên giới với Mỹ.

Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát nhập cư không nằm trong thảo luận chính thức về NAFTA mới, và thương lượng cũng đang tiến triển. Theo kế hoạch, các trưởng đoàn đàm phán của Mêhicô, Mỹ và Canada sẽ nhóm họp trong tuần này ở Washington để tiến tới hoàn tất quá trình nâng cấp NAFTA.

Ngoại trưởng Mêhicô Luis Videgaray hôm qua đã bác bỏ lời đe dọa của ông Trump. Cũng trên Twitter, ông khẳng định rằng Mêhicô quyết định về chính sách nhập cư của riêng mình với tư thế một nước có chủ quyền. Theo ông, việc đưa vấn đề ra như là một điều kiện để thương lượng lại thỏa thuận NAFTA là điều “không thể chấp nhận”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180424-my-mehico-tt-trump-lai-de-doa-gan-van-de-nhap-cu-voi-nafta

 

Macron và Trump có ổn định được

vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ?

Thu Hằng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du Mỹ với ba hồ sơ chính là thỏa thuận hạt nhân Iran, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chính sách thương mại của chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, do Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, và cho dù không nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm, Pháp và Hoa Kỳ vẫn cần phải đẩy mạnh phối hợp chiến lược để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực này.

Truyền thống bảo vệ hòa bình, tự do và phồn thịnh xuyên suốt Đại Tây Dương được Bắc Mỹ và châu Âu duy trì từ hơn 7 thập kỷ qua. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng duy trì cam kết mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Không chỉ dừng ở những thông cáo ngoại giao, chính quyền của tổng thống Trump còn triển khai lực lượng quân sự hùng hậu, gồm hàng trăm tầu chiến, hơn 1.000 máy bay và vài chục nghìn quân nhân Mỹ trong khu vực.

Pháp cũng gắn bó chặt chẽ với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vì có nhiều hải đảo, kiêm nhiệm vụ tiền đồn hải quân và không quân cùng với lực lượng vài nghìn quân nhân bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của Pháp. Ngày 10/03/2018, tổng thống Macron còn khẳng định vai trò cường quốc hải quân Pháp trong vùng khi ký với thủ tướng Ấn Độ Modi một thỏa thuận hợp tác quân sự, mở cửa các căn cứ Hải Quân của nhau cho đối tác.

Tuy nhiên, theo nhận định trên trang National Interest (24/04/2018) của hai chuyên gia Walter Lohman và Valérie Niquet, cho đến nay, cả Pháp và Mỹ chỉ hành động « độc lập », không đủ vững chắc để đảm bảo ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, dù có sự tham gia của Anh Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ hay một số đối tác khác. Vì vậy, Pháp và Mỹ phải cải thiện sự phối hợp chiến lược, cũng như với mạng lưới đối tác và đồng minh vì thiếu phối hợp chiến lược sẽ dẫn đến thiếu niềm tin vào nhau. Để làm được việc này, theo hai chuyên gia trên, tổng thống Trump và tổng thống Macron cần tập trung vào ba ưu tiên chính.

Thứ nhất, cả hai nước phải đưa ra được một thông điệp rõ ràng, kiên định về chính sách đối với Trung Quốc. Châu Âu ghi nhận cam kết mạnh mẽ của Mỹ tại châu Á, nhưng đôi khi lại không phân biệt được Washington coi Bắc Kinh là thách thức đối với trật tự trong khu vực hay là một đối tác có chung chí hướng. Nội bộ châu Âu cũng bị chia rẽ về Trung Quốc. Ví dụ mới nhất là về dự án Con đường tơ lụa mới, Paris tỏ ra quan ngại trong khi nhiều nước châu Âu lại coi đó là cơ hội kinh tế quan trọng.

Thứ hai, phương Tây phải phân biệt rõ hơn giữa bạn và thù. Do quan ngại về kiểu « đơn phương hành động » của chính quyền Trump, nhiều nước châu Âu đôi khi nhầm lẫn về sự khác biệt thực sự, cơ bản giữa Hoa Kỳ và các chế độ toàn trị, như Trung Quốc chẳng hạn. Phải nhắc lại là các giá trị và thể chế của Mỹ rất vững chắc. Và nếu như các đồng minh phương Tây xem xét kỹ, không thiên vị, về các chính sách và hành động chính thức của chính quyền Trump tại châu Á, họ sẽ thấy là họ còn thiếu nhiều giá trị liên quan đến họ.

Hoa Kỳ cũng nên hiểu hơn về tác động toàn cầu do chính sách thương mại của họ gây ra. Nếu có vấn đề Trung Quốc, thì Hoa Kỳ cần bàn với các đồng minh về cách xử lý, và không nên đơn phương hành động, tác động đến cả đồng minh và đối tác. Biện pháp mạnh tay này chỉ có lợi cho chính sách gây chia rẽ của Trung Quốc mà thôi.

Cuối cùng, Pháp, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu khác có cùng quan điểm cần cam kết đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, ở cấp độ cao trong chiến lược vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, bởi vì cho đến nay, tuy các bên vẫn có sự phối hợp đáng kể nhưng ít khi đạt đến phản ứng ở cấp độ chính trị, trừ trường hợp nghiêm trọng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Hoa Kỳ và châu Âu có chung nhiều lợi ích và cũng chia sẻ nhiều giá trị. Cả hai bên, cũng như vùng châu Á-Ấn Độ Dương, đều được hưởng lợi nếu cùng khai thác được mối quan hệ một cách chiến lược. Nổi tiếng về tính cách « thực dụng » và suy nghĩ « không theo khuôn khổ », tổng thống Trump và tổng thống Macron có thể thúc đẩy quan hệ Mỹ-Pháp theo đúng hướng.

http://vi.rfi.fr/phap/20180424-macron-va-trump-co-on-dinh-duoc-vung-an-do-thai-binh-duong

 

Châu Âu và Liên Hiệp Quốc

kêu gọi quyên góp cho Syria

Thu Hằng

Trong hai ngày 24 và 25/04/2018, tại Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc đồng tổ chức hội thảo kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ cho 5 triệu người Syria tị nạn tại các nước láng giềng và 6,1 triệu người phải sơ tán trong nước.

Theo AFP, đây là hội thảo thường niên lần thứ 7 về tương lai của Syria, quy tụ khoảng 85 phái đoàn từ các nước tài trợ, tổ chức nhân đạo và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Mọi ánh mắt cũng hướng về đại diện của Nga và Iran, hai nước yểm trợ về chính trị và quân sự cho chế độ Syria.

Các quan chức Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh : « Những lời hứa tài trợ sẽ là chỉ số cho thấy cam kết của cộng đồng quốc tế » và hy vọng đạt được kết quả tốt hơn năm 2017 với tổng số tiền quyên góp là 6 tỉ đô la.

Phản ứng về tuyên bố muốn rút quân khỏi Syria của tổng thống Donald Trump, trả lời RIA tại Toronto ngày 24/04/2018, ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng Mỹ không có ý định đó. Ông Lavrov nói là hy vọng có được một ý tưởng rõ nét hơn về cách hợp tác để giải quyết cuộc xung đột Syria nhờ trao đổi với ngành ngoại giao Pháp.

Về việc Nga sắp chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Syria, được nhật báo Kommersant đưa tin ngày 23/04, điện Kremlin từ chối bình luận.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180424-lien-hiep-chau-au-va-lien-hiep-quoc-keu-goi-quyen-gop-cho-syria

 

Trung Quốc lại tập trận bắn đạn thật

ở biển Hoa Đông

Trọng Nghĩa

Các hành động thị uy trên biển của Bắc Kinh tiếp tục diễn ra. Theo một bản tin của Tân Hoa Xã tối hôm qua, 23/04/2018, Trung Quốc đã lại cho tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển Hoa Đông.

Đây là đợt tập trận mới nhất trong một loạt cuộc tập trận trong được Bắc Kinh tung ra từ đầu tháng Tư đến nay trên các vùng biển quanh Trung Quốc.

Theo hãng tin chính thức của Trung Quốc, thì một đội tàu Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh và các chiến đấu cơ J-15 đã tham gia cuộc tập trận phòng không, và chống tàu ngầm, sử dụng đến các loại vũ khí phòng không và chống ngầm để đối phó với một kẻ thù giả định.

Tân Hoa Xã tuy nhiên không cho biết là cuộc tập trận diễn ra ở địa điểm cụ thể nào trên biển Hoa Đông.

Cuộc tập trận này được cho là sẽ bị Nhật Bản phản ứng gay gắt vì từ trước đến nay, Tokyo luôn luôn phản đối việc Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu hải cảnh xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Trong vòng 10 ngày qua, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành hàng loạt cuộc tập trận ở tây Thái Bình Dương, Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Hãng tin AFP của Pháp bình luận đây tiếp tục là một hành động phô diễn sức mạnh của hải quân Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, vốn gây không ít lo lắng cho các nước láng giềng.

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh xuất hiện trong mọi cuộc tập trận thị uy. Đặc biệt gây quan ngại ở Đài Bắc là hai cuộc tập trận khác nhau gần Đài Loan.

Chính quyền Đài Loan đã có phản ứng và theo hãng tin Anh Reuters, Đài Loan sẽ lại tập trận vào tuần tới, và đặc biệt tập huấn việc đẩy lùi lực lượng xâm chiếm đảo, sửa chữa khẩn cấp các sân bay và căn cứ không quân, và điều phối việc sử dụng các loại drone dân sự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180424-trung-quoc-lai-tap-tran-ban-dan-that-lan-nay-tren-bien-hoa-dong

 

Chuyên gia Mỹ :

Chế độ Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ suy tàn

Thụy My

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Figaro hôm nay 24/04/2018, David Shambaugh, một trong những chuyên gia Mỹ giỏi nhất về Trung Quốc, tỏ ra lo ngại về việc đảng Cộng Sản toàn quyền khống chế xã hội, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh với Đài Loan.

Ông David Shambaugh, giáo sư khoa học chính trị ở George Washington University là tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc. Năm 2015, ông đã gây tranh cãi khi cho đăng một bài báo trên Wall Street Journal, dự báo sự suy tàn của chế độ cộng sản Trung Quốc.

Nay Tập Cận Bình đã nắm trọn quyền lực chính trị chưa từng thấy, với nhiệm kỳ trọn đời qua việc sửa đổi Hiến Pháp hồi tháng Ba. Tân hoàng đế đỏ nay thách thức Donald Trump, giương móng vuốt đe dọa châu Á. Từ Washington, giáo sư Shambaugh phân tích cho đặc phái viên Le Figaro về sự đảo lộn nhanh chóng đã gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia.

Ông có ngạc nhiên về sự tập trung quyền lực vào tay Tập Cận Bình ?

Tôi ngạc nhiên về việc tập trung hóa và cá nhân hóa quyền lực. Tập Cận Bình đã đưa Trung Quốc quay lại với chế độ chúa tể thời Mao Trạch Đông. Quá trình định chế hóa dần dần mà chúng ta đã chứng kiến trong những thập niên gần đây đã bị một con người duy nhất xóa bỏ. Ông Tập lập ra nhiều ủy ban mà ông là lãnh đạo, phải báo cáo trực tiếp cho ông. Tư tưởng Tập Cận Bình thì được ghi vào Hiến Pháp. Thật là đáng sợ !

Ông ta có thể tiến xa hơn không ?

Việc sùng bái cá nhân lãnh tụ, vốn đã nặng nề, sẽ còn đi xa hơn nữa. Tập Cận Bình đã trở thành “người cầm lái vĩ đại”, người lãnh đạo dân tộc, nhưng vẫn chưa được thần thánh hóa như Mao. Trái với thời kỳ Cách mạng văn hóa, vẫn còn có các định chế, nhưng bị Tập thống trị.

Có thể giải thích như thế nào về việc nắm trọn quyền lực như vậy ?

Tập Cận Bình tìm tòi trong mô hình xô-viết. Ông ta có tầm nhìn, biết sẽ đi đến đâu, và muốn rằng bộ máy cũng tuân theo răm rắp. Ông coi Đảng như là quân đội. Tập không tin vào sự đa dạng, nhưng vào sự tập trung hóa để đạt được mục tiêu. Ông ta muốn đưa Trung Quốc đi theo kiểu mẫu Liên Xô thập niên 50 và 60, khi cha của ông là Tập Trọng Huân (Xi Zhongsun, phó thủ tướng bị Mao thanh trừng năm 1962) còn nắm quyền.

Ông Tập muốn đi đến đâu, và mục tiêu của ông là gì ?

Tập Cận Bình rất tự tin vào bản thân và về Trung Quốc. Ông nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế, và nhìn thấy cơ hội mang tính chiến lược. Tập theo dân tộc chủ nghĩa. Trong kỳ họp Quốc Hội mùa thu vừa rồi, ông tuyên bố rằng Trung Quốc là một cường quốc và cần phải được thế giới tôn trọng. Tập Cận Bình thúc đẩy một chính sách đối ngoại mang tính bành trướng, bằng chứng là chính sách Con đường tơ lụa mới, với việc tăng cường quân sự và nâng tầm nền kinh tế.

Ông có nghĩ là Tập Cận Bình sẽ ra tay đối với Đài Loan ?

Nguy cơ là khá cao. Tập Cận Bình muốn đẩy Đài Loan vào cái thế phải đầu hàng. Ông ta vận dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, hạn chế đầu tư, du lịch, đồng thời siết chặt gọng kềm ngoại giao đối với đảo quốc này.

Hoa Kỳ sẽ làm gì ?

John Bolton, tân cố vấn an ninh của tổng thống Donald Trump là một người bạn của Đài Loan. Tôi dự đoán rằng ông ấy sẽ thách thức Trung Quốc. Ông Bolton có khả năng dẫm lên các lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh vạch ra – chủ yếu là đe dọa sẽ hành động nếu các chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan, hoặc hợp tác quân sự. John Bolton sẽ cho Tập Cận Bình thấy là ông ta đã lầm to. Quý vị cứ theo dõi hồ sơ này đi, trong tương lai sẽ bùng nổ đó !

Còn Biển Đông, một bất đồng khác với Washington thì sao ?

Trung Quốc đã xây dựng được các đảo nhân tạo tại Biển Đông, và sẽ không thối lui. Cuộc chơi đã kết thúc. Tuy nhiên tính biến động của hồ sơ Đài Loan chưa được đánh giá đúng mức. Tôi rất quan ngại.

Ông phân tích như thế nào về chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Kim Jong Un, theo lời mời của Tập Cận Bình ?

Trung Quốc lo cho lợi ích của bản thân mình, không muốn bị gạt ra ngoài lề tiến trình. Tuy nhiên Tập Cận Bình và Kim Jong Un không phải là một « cặp đôi » hạnh phúc.

Ông có cho rằng chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ xảy ra ? Ai sẽ thiệt hại nhiều hơn ?

Bắc Kinh sẽ trả đũa, nhưng tôi không tin rằng sẽ leo thang. Trung Quốc sẽ bị thiệt nhiều hơn Hoa Kỳ, vì rất cần xuất khẩu được hàng hóa để duy trì tăng trưởng. Một cuộc xung đột sẽ làm yếu đi khả năng nâng cấp nền kinh tế của Trung Quốc, do chính quyền bị buộc phải dùng ngân sách để hỗ trợ cho việc làm và tăng trưởng để bù đắp lại các thị trường bị mất, thay vì nhắm vào chất lượng.

Tôi không cho rằng các tập đoàn đa quốc gia Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Tình hình của các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc đã xấu rồi, khó thể tệ hại hơn nữa. Thị trường Trung Quốc là một giấc mơ từ một thế kỷ qua, và vẫn sẽ là một giấc mơ ! Nhưng một cuộc xung đột sẽ không dẫn đến việc nền kinh tế Trung Quốc bị sụp đổ, vì dựa trên những cơ sở vững chắc. Bắc Kinh có thể bù đắp được những thiệt hại nội bộ, và nếu cần thiết thì đóng cửa với thế giới.

Hồi năm 2015, ông dự báo rằng chế độ Trung Quốc sẽ suy sụp. Ông đã lầm lẫn chăng ?

Từ ngữ được dùng làm tít là « crack up » (sụp đổ), là chọn lựa của các biên tập viên Wall Street Journal. Tôi chưa bao giờ dự báo chế độ Trung Quốc sẽ « sụp đổ », nhưng là sự « suy tàn » chậm chạp của nó, và giờ đây tôi vẫn nhấn mạnh như thế. Hệ thống ấy sẽ không sụp đổ, nhưng Trung Quốc không mạnh như người ta vẫn tưởng.

Tôi rất ấn tượng trước nghịch lý : giữa sự tự tin của Tập Cận Bình trong đối ngoại, và sự hoang tưởng của ông ta trong đối nội – mà ông xử sự theo cách phòng ngự. Ông Tập bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của Liên Xô cũ. Ông ta gây áp lực lên chế độ, với các vụ thanh trừng và chiến dịch chống tham nhũng, gây rất nhiều bất bình. Chúng ta không nghe thấy những tiếng nói phản biện, nhưng những tiếng nói này thực sự hiện diện. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ suy tàn trong mười, hoặc hai mươi năm nữa.

Hai mươi năm tới, Tập Cận Bình vẫn còn đó ?

Vâng, có lẽ thế.

Người ta đã chứng kiến việc đàn áp tàn bạo tất cả những tiếng nói đối lập. Xã hội Trung Quốc còn chấp nhận tình trạng này bao lâu nữa ?

Đó là một câu hỏi quan trọng. Trung Quốc là một xã hội chất chứa đầy xung đột, bất bình đẳng tột độ và những thách thức dân số quan trọng, trong đó có tình trạng lão hóa. Tôi cảm thấy một xã hội không thể chấp nhận sống vĩnh viễn trong một Nhà nước toàn trị. Người Trung Quốc chẳng phải là ngu. Họ sẽ rời khỏi đất nước. Sự tính toán của Đảng là phải dựa dẫm vào chủ nghĩa dân tộc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180424-chuyen-gia-my-che-do-trung-quoc-cua-tap-can-binh-se-suy-tan

 

Iran, hồ sơ gai góc

trong chuyến thăm Mỹ của tổng thống Pháp

Trọng Nghĩa

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania (T) cùng với tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte tại Mount Vernon, Virginia, ngày 23/04/2018.Ludovic MARIN / AFP

Đến Washington từ hôm qua 23/04/2018 trong khuôn khổ ba ngày công du Hoa Kỳ, tổng thống Pháp Emanuel Macron và phu nhân đã được đồng nhiệm Mỹ tiếp đón một cách rất long trọng và thân thiết. Tuy nhiên, phần quan trọng trong chương trình viếng thăm sẽ bắt đầu vào hôm nay, với những hồ sơ mà hai bên cho đến nay vẫn bộc lộ những bất đồng, mà quan trọng nhất là hồ sơ hạt nhân Iran.

Ngay khi đặt chân xuống thủ đô nước Mỹ, tổng thống Pháp đã nhấn mạnh trên tầm mức quan trọng của quan hệ Pháp-Mỹ, hai nước mà theo ông, « có một trách nhiệm đặc biệt (trong tư cách) là những người bảo đảm cho chủ nghĩa đa phương đương đại ». Sau khi phác họa những nét chính của chuyến công du, tổng thống Pháp tỏ ý tin tưởng rằng những tiếp xúc và trao đổi giữa ông và nguyên thủ Mỹ sẽ cho phép hai bên cùng đưa ra và chuẩn bị được nhiều quyết định.

Theo chương trình, ngày công du đầu tiên của tổng thống Pháp được dành cho việc ca ngợi quan hệ song phương, với việc hai ông Trump và Macron không ngần ngại xắn tay áo trồng trong vườn Nhà Trắng, cây sồi « lịch sử » mà nguyên thủ Pháp tặng tổng thống Mỹ. Sau đó là bữa ăn tối mà hai vợ chồng ông Trump khoản đãi hai ông bà Macron tại Mount Vernon, ngay trong tư dinh của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Theo thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington, ngày đầu chuyến thăm Mỹ của tổng thống Pháp hầu như chỉ mang tính chất riêng tư và xã giao. Nội dung chính của chuyến thăm, tức là các hồ sơ chính trị và quốc tế, sẽ được hai bên đề cập đến nhân ngày hôm nay, đặc biệt trong cuộc hội đàm tay đôi tại Nhà Trắng, trong đó đáng chú ý nhất là hồ sơ Iran

« Quả là tuyệt vời, chúng tôi đã có một bữa ăn tối rất ngon », tổng thống Mỹ đã tuyên bố đơn giản như trên khi rời ngôi nhà lịch sử ở Mount Vernon, sau buổi ăn tối vào hôm qua. Hai đôi vợ chồng tổng thống Pháp-Mỹ đã gặp lại nhau với ý định rõ ràng là cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.

Thay vào cú bắt tay « thô bạo » đã làm tốn biết bao giấy mực hồi tháng 05/2017, lần này hai ông Trump và Macron đã khoác vai nhau thắm thiết trước ống kính truyền hình.

Bước sang ngày hôm nay, cuộc đón tiếp sẽ trịnh trọng hơn. Donald Trump và Emmanuel Macron sẽ gặp lại nhau khoảng nửa tiếng đồng hồ ở phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng. Vấn đề Mỹ tiếp tục ở lại trong thỏa thuận về hạt nhân với Iran sẽ được hai bên ưu tiên đề cập, nhưng ông Macron sẽ khó mà thuyết phục được Donald Trump không đưa ra những trừng phạt mới nhắm vào Iran.

Ngay từ hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng đã báo trước : « Tổng thống (Mỹ) đã cho rằng đó là một thỏa thuận tồi, và ông chắc chắn không thay đổi ý kiến ».

Sau cuộc hội đàm, hai lãnh đạo sẽ có một cuộc họp báo chung. Và buổi tối sẽ là buổi dạ yến cấp Nhà nước đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Trump… Dự kiến sẽ có 130 thực khách, một con số ba lần ít hơn so với những nhiệm kỳ tổng thống trước.

Iran dọa rút khỏi hiệp định cấm phổ biến hạt nhân

Về khả năng tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Iran Hassan Rohani hôm nay đã lên tiếng cảnh báo về những « hậu quả nặng nề » nếu Mỹ làm việc này và chính quyền Iran « sẽ phản ứng cứng rắn ».

Về phần mình, thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tối Cao của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, ông Ali Shamkhani, đã nói rõ rằng chính quyền Teheran có thể rút ra khỏi Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân.

http://vi.rfi.fr/phap/20180424-tong-thong-phap-bat-dau-cong-du-hoa-ky-voi-iran-la-ho-so-noi-com