Ra mắt sách ‘Trần Văn Thạch, Cây bút chống bạo quyền áp bức’ – Cập nhựt ngày 24/4/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ra mắt sách ‘Trần Văn Thạch, Cây bút chống bạo quyền áp bức’ – Cập nhựt ngày 24/4/2018
Bìa sách ““Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức” của tác giả Trần Mỹ Châu. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Tư, gần hai trăm đồng hương người Việt ở Nam California đến kín cả hội trường của thành phố Westminster để tham dự buổi ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức” của tác giả Trần Mỹ Châu. Bà Châu, con gái nhà cách mạng Trần Văn Thạch, đã dành nhiều năm sưu tầm biên soạn cuốn sách và nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến phiên dịch nguyên tác Pháp văn các bài báo của Trần Văn Thạch. Ông Hoàng Đình Khuê thuộc đảng Tân Đại Việt tổ chức buổi ra mắt sách cùng với Diễn Đàn Cấp Tiến, Diễn Đàn Giáo Dân, Mạng Lưới Nhân Quyền và hội cựu học sinh trường Bưởi-Chu Văn An. Tác giả Trần Mỹ Châu hiện ở Canada không thể tới tham dự.

Quang cảnh buổi khai mạc ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Số người điểm sách và nhận định về cuốn sách thật hùng hậu với bốn diễn giả đều là những nhà hoạt động tranh đấu chống độc tài cộng sản tên tuổi như ông Hoài Sơn, một “lão đồng chí” của Tân Đại Việt; nhà văn Trần Phong Vũ; ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Lực Lượng Cứu Quốc; và một bạn trẻ, chị Bùi Anh Thư, nhóm Tiếp Bước Cha Ông trong Lực Lượng Dân Tộc Quật Khởi. Ông Hoàng Đình Khuê, trưởng ban tổ chức chào đón số khách tham dự đông đảo, như là một “điều để chúng ta khẳng định mối quan tâm đến lịch sử trong cộng đồng người Việt hải ngoại, mà đó cũng là nỗi ưu tư của mọi người.” Ông Khuê nhắc đến những nét chính trong cuộc đời hoạt động của nhà ái quốc Trần văn Thạch (tên ông đã được đặt tên một con đường ở khu Tân Định trước năm 1975) mà những bài viết của ông trên tờ báo La Lutte xuất bản ở Saigon dưới thời thực dân Pháp là những bài báo tố cáo chế độ thực dân và những bài viết trong mục “Những Mũi Đinh Nhỏ,” rất được độc giả ngưỡng mộ theo dõi. Ông chẳng chừa một ai, từ quan Thống Đốc đến viên cò Tây, từ thượng lưu điền chủ đến ông hương cả trong làng. Ông bị thực dân Pháp bắt bỏ tù năm 1939 và chỉ thả ra năm1943. Trước tình hình thế giới và trong nước biến chuyển, ông về Saigon tổ chức những cuộc tranh đấu trong nhóm Đệ Tứ Quốc Tế 5 người và bị CS Đệ Tam bắt và mang đi thủ tiêu vì không chung một đường lối mà lại có ảnh hưởng chính trị lớn, trong đó có những nhà cách mạng nổi tiếng như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Nhận định về cuốn sách này, ông Hoàng Đình Khuê đánh giá là một “bộ tài liệu lịch sử” chứ không phải là hồi ký, bút ký. Bà Trần Mỹ Châu đã bỏ đến hơn 10 năm trời để lục lọi tại các thư viện trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ để có những tài liệu chính xác nhất. Bộ tài liệu lịch sử này cũng là một cáo trạng nói lên tội ác của CSVN. Nên cũng là lý do để các tổ chức tranh đấu góp sức vào cuộc ra mắt sách này.

Ông Hoàng Đình Khuê, trưởng ban tổ chức buổi ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức” của tác giả Trần Mỹ Châu. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Vị diễn giả thứ hai là Niên Trưởng Hoa Sơn, một “lão đồng chí” của Tân Đại Việt. Diễn giả cho biết ông từng được tiếp xúc nhiều với các nhân vật cách mạng trong thời kỳ bấy giờ, thời kỳ Trần văn Thạch hoạt động. Ông xác định nhà tranh đấu cách mạng Trần Văn Thạch bị Cộng Sản đem đi thủ tiêu vì không đồng chính kiến cũng như Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhà cách mạng Trần Văn Thạch đã cùng các nhà đấu tranh khác thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất để kết hợp toàn dân chống Pháp cướp chính quyền nhưng bị CS phá hoại nên đã giải tán và Mặt Trận Việt Minh thay thế. Nhà văn Trần Phong Vũ, diễn giả thứ ba nhận định: “Đây là một tác phẩm lớn. Lớn vì công lao sưu tầm phân tích của tác giả trong hơn 10 năm trời sau khi đi khắp các thư viện trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ và một vài quốc gia khác. Tác giả đã lần về quá khứ, cẩn trọng từng bước đi để nhận định phân tích một giai đoạn lịch sử có nhiều ảnh hưởng đến vận mệnh của Việt Nam sau đó. Đó là thời gian mà các lực lượng phe nhóm tranh đấu cho độc lập tự chủ của Việt Nam. Qua những tìm tòi này, tác phẩm minh chứng rắng đã có thời hai tổ chức Cộng Sản lớn lúc bấy giờ là Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế đã ngồi chung trên diễn đàn tranh đấu ở Việt Nam. Nhưng ngay lập tức, CS đệ Tam đã nhận được lệnh của Stalin phải rút ra và tiêu diệt nhóm Đệ Tứ Quốc Tế (Nhóm Troskist). Diễn giả Trần Phong Vũ cũng nhắc đến những bài viết khi Trần Văn Thạch là cây bút chủ lực của tờ La Lutte, do nhà cách mạng Nguyễn An Ninh sáng lập. Những bài này đã được dịch ra để người đọc thêm tài liệu nhận định.

Cựu Đại Tá Trần Văn Tự, nay là nhà sư Thích Không Chiếu, trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ông Trần Quốc Bảo, diễn giả thứ ba thì cho rằng cuốn sách thật hữu ích cho người đọc. Đọc nó lôi cuốn do từ những điều được trình bày trong sách từ sự tàn ác thâm độc của thực dân cho đến những âm mưu tàn ác của Cộng Sản khi cướp được chính quyền ở nước ta. Sách cho chúng ta hiểu được những người yêu nước trước chúng ta đã phải gian truân như thế nào trên con đường đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Diễn giả sau cùng là cô Bùi Anh Thư, nhóm Tuổi Trẻ Tiếp Bước Cha Anh. Cô nói chúng ta đọc lịch sử để học hỏi tinh thần tranh đấu của thế hệ đi trước, rút được những kinh nghiệm cho cuộc tranh đấu hiện tại vối CS đang nắm giữ quyền hành độc tài, tàn bạo đối với đồng bào mình hơn cả thực dân Pháp xưa đối với người dân bị trị. Khi đề cập đến hiện tình trong nước dưới cường quyền CS, cô Bùi Anh Thư đã hùng hồn lên án chế độ CS bằng những nhận định sắc bén. Giọng cô vang lớn trong hội trường đã thu hút người nghe lời cô cảnh báo CSVN đang cúi đầu dâng đất dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Phần sinh hoạt sau cùng là tâm tình, tâm tình của ban tổ chức do ông Lê Minh Nguyên đại diện giới thiệu gia đình nhà ái quốc Trần Văn Thạch. Người được vỗ tay tán thưởng nhiều nhất là trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch, cựu Đại Tá VNCH Trần Văn Tự, nay đã xuất gia là nhà sư Thích Không Chiếu. Cựu Đại Tá Trần Văn Tự đã so sánh chế độ thực dân và chế độ CSVN hiện nay. Theo ông, người từng sống qua cả hai chế độ thực dân và CSVN hiện nay thì CSVN nay “ưu việt hơn chế độ thực dân cả về cách cai trị ác độc lẫn cách khai thác tài nguyên đất nước để thủ lợi, trong đó có cả con người Việt Nam.”

Nhóm ca nhạc “Việt Nam Quê Hương” giúp vui đang làm sôi động hội trường trong buổi ra mắt sách “Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cựu Đại Tá Trần Văn Tự từng làm tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang cho đến năm 1975; ông đã bị Cộng Sản bỏ tù cùng các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa khác, trong suốt 13 năm. Ở trong tù, ông giữ vững chí khí bất khuất, không hổ danh là con của nhà cách mạng Trần Văn Thạch. Ông đã tu tập theo Phật Giáo ngay trong thời gian ở tù Cộng Sản, và khi được trả tự do ông đã xuất gia. Trong suốt buổi sinh hoạt, ban hợp ca Nhóm Ca Nhạc Việt Nam Quê Hương đã thổi lên không khí đấu tranh làm nền cho suốt buổi ra mắt sách với những bài ca yêu nước. Điều đặc biệt là ra mắt sách, sách lại không bán mà được tặng không cho tất cả mọi người tham dự. Theo ban tổ chức cho biết đó là ý kiến của tác giả mong được cùng đồng bào “xác định lại rõ lịch sử cận đại Việt Nam để trả lại sự thật cho lịch sử đã bị bóp méo từ lâu.” (Nguyên Huy)

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/ra-mat-sach-tran-van-thach-cay-chong-bao-quyen-ap-buc/

Bài 1:Về Một Người Yêu Nước, Trần Văn Thạch (1905-1945)

15/08/2014

Nguyễn Ngọc Bích

Đọc tựa-đề bài viết, người ít để ý đến lịch-sử cận-hiện-đại Việt-nam chắc cũng tự hỏi: Không hiểu tôi, Nguyễn Ngọc Bích, đang muốn nói về ai đây? Tại sao cần phải biết đến ông Thạch này? Ông ta làm gì? Tại sao đáng nhớ?

Thưa, có nhiều lý-do.

Lý-do đầu tiên là tôi nhận được cuốn sách từ tác-giả, Trần Mỹ Châu, và không để phụ lòng người đã có nhã-ý tặng mình–dù gì thì một cuốn sách đứng đắn bao giờ cũng là việc vắt tim óc của người viết ra mà thành–tôi phải liếc ngay vào, và chả mấy lúc đã bị lôi cuốn vào truyện.

Người Mỹ có câu “a labor of love,” sản-phẩm của một tấm lòng yêu thương, để tả về một cuốn sách như thế này. Trong tiếng Việt thì có lẽ phải nói hơi khác đi một chút, đây là sản-phẩm của tình hiếu-tử, của chữ “hiếu” bởi đây là con gái, chị Trần Mỹ Châu, viết về cha mình. Trả lại sự thật cho một người cha kính yêu, và do đó cũng là trả lại sự thật cho lịch-sử.

Nhưng lý-do thứ ba tại sao tôi muốn giới-thiệu cuốn sách đến độc-giả là vì “ba chị Châu” đã có một chỗ đứng nhất định trong lịch-sử cận-hiện-đại VN nhưng chẳng may, cuộc đời của ông đã bị cắt ngắn đi một cách dã-man bởi người Cộng-sản Đệ tam chỉ vì ông đã thuộc nhóm Đệ tứ, nhóm Trốtskít VN mà đã có một thời đóng một vai trò nổi trội, trội hơn hẳn nhóm Đệ tam của Hồ Chí Minh, đặc-biệt ở Miền Nam với những tên tuổi sáng chói như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh v.v. trong nhóm La Lutte (“Đấu tranh”), tên của một tờ báo tiếng Pháp phát hành khá rộng rãi ở miền Nam vào thập niên 30 thuộc Pháp. Giết nhóm Đệ tứ là một chủ-trương không chỉ của Trần Văn Giàu, ông “giáo-sư đỏ” (“le professeur rouge”) được huấn luyện ở Liên-Xô về, mà còn của cả Hồ Chí Minh trong vụ ám-sát Tạ Thu Thâu ở Quảng-ngãi khi ông Thâu đang trên đường từ Hà-nội trở về Nam. Như vậy, đây không còn là chuyện cá-nhân nữa mà là một chính-sách của người Cộng-sản Đệ tam tìm cách diệt trừ mọi thành-phần có thể cạnh-tranh được với họ vào lúc Việt-nam đang lấy lại độc-lập (1945-46).

Tuy người CS thành công trong âm-mưu diệt địch-thủ này của họ–mặc dù những “địch-thủ” này không hề nghĩ là tranh đấu cho tự do, độc-lập của đất nước, họ phải làm như người CS Đệ tam, nghĩa là đi giết đồng-bào của mình–song chính bàn tay “nhuốm máu đồng-bào” của người CS sẽ vĩnh viễn tố-cáo họ là tay sai của ngoại-bang, chính-xác là của Liên-Xô và Đệ-tam Quốc-tế, trong nỗ lực tìm cách nhuộm đỏ Việt-nam và Đông-dương. Đây là khởi đầu cho một cuộc nội-chiến tương-tàn, trước cả khi Pháp trở lại Đông-dương, mà sẽ kéo dài ít nhất đến 30/4 năm 1975, lấy đi sinh-mạng của khoảng 4 triệu người Việt, chưa kể khoảng 10 triệu người phải đi tỵ nạn và vô vàn tài-sản của đất nước bị tàn phá trong thời-gian 30 năm đó. (Ông Trần Văn Thạch bị giết vào cuối tháng 10/1945 nghĩa là sau khi Pháp trở lại Sài-gòn, ngày 23/9/1945, nhưng Trần Văn Giàu đã đưa ra thông-cáo chống “bọn khuấy rối… làm hại quốc dân làm hại tổ quốc” nhằm vào những người không CS từ ngày 7/9/1945.)

(Ở đây, tôi cũng xin mở một dấu ngoặc, đó là trong 30 năm nội-chiến, CSVN đã đem lại cái chết cho khoảng 4 triệu người Việt, chưa kể những người vĩnh-viễn bị thương-tật, có nghĩa là đã gây ra cái chết cho hơn gấp đôi số người bị Pol Pot và các đồng-chí của ông giết ở xứ Chùa Tháp–khoảng 2 triệu người.)

Một cuốn sách đáng đọc, cần phải đọc

Tưởng một cuốn sách do con viết về bố của mình thì ta sẽ dễ gặp chủ-quan. Đằng này không, cuốn Trần Văn Thạch (1905-1945) do Trần Mỹ Châu viết chung với Phan Thị Trọng Tuyến (in ra năm rồi, 2013), là một mẫu mực về viết sử và rất chính-xác với tiểu-tựa “Cây bút chống bạo quyền áp bức.”

Đây là câu chuyện của một thanh-niên yêu nước, sinh ra trong một gia-đình tiểu-công-chức ở Chợ-lớn thời Pháp-thuộc nhưng đã sớm có những tư tưởng yêu nước dù học trường Pháp (Lycée Chasseloup Laubat). Vì học giỏi (Tú-tài Pháp hạng ưu, 1925), không có học bổng nhưng được gia đình vợ giúp du học, theo khoa Triết tại Đại-học Toulouse. Nhưng chỉ 6 tuần lễ sau khi đến Pháp, ông đã có bài viết trên báo chống chính-sách thực-dân của Pháp ở Đông-dương. Sau, ra báo sinh-viên viết bằng tiếng Pháp (Le Journal des Etudiants annamites) rồi lập với một số anh em “Tổng-hội Sinh-viên Đông-dương.” Vì thế nên bị Mật-thám Pháp theo dõi.

Lấy xong bằng Cử-nhân Giáo-khoa văn-chương ở ĐH Sorbonne (Paris) năm 1929, ông về nước năm sau. Tuy-nhiên, vì nhiều sinh-viên ở Pháp lúc đó bị ảnh-hưởng cánh tả nên Trần Văn Thạch cũng bị ảnh-hưởng Mác-xít khi về nước. Ông bắt đầu bằng nghề dạy học (sau ông có quyển sách rất nổi tiếng về dạy tiếng Pháp, Le français correct) nhưng rồi bắt đầu tranh đấu công-khai khi thấy những ảnh-hưởng của cuộc khủng-hoảng kinh tế năm 1929 lên kinh tế VN cũng như những vụ lụt lội miền Trung. Năm 1934 gia nhập nhóm “La Lutte” (với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường) có tờ báo cùng tên, năm sau ra tranh cử công-khai vào Hội-đồng Thành phố Sài-gòn và đắc cử. Lập Hội Nhà báo An-nam (mang tên “Hội Liên Hữu Báo Giới Nam Kỳ”) rồi lợi-dụng Mặt Trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp, triệu tập Đông-dương Đại-hội.

Khi Liên-Xô và Mặt Trận Bình Dân ở Pháp ủng-hộ các “vụ án Moscou” ngụy-tạo của Stalin thì Trần Văn Thạch và một số trong nhóm La Lutte tách ra, không đồng-hành với CS Đệ tam nữa, tức thì bị nhóm sau này bôi nhọ. Tháng 7/1979, Nguyễn Ái Quốc (sau thành Hồ Chí Minh) đã tuyên chiến: “Đối với bọn tơrốtskít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị.”

Nhưng tiêu diệt đâu chưa thấy, chỉ thấy tại cuộc bầu cử Hội-đồng Quản-hạt tháng 4/1939, nhóm Đệ Tứ là Thâu, Hùm, Thạch thắng lớn (được 80 phần trăm số phiếu) đè bẹp nhóm Đệ tam là Ninh, Tạo, Mai. Tháng 11/1940, Đảng CS Đông-dương phát động Nam-kỳ khởi nghĩa, thất bại. Mặc dầu không tham-gia trong cuộc chính-biến đó, nhóm Đệ tứ cũng vẫn bị Pháp bắt và đày ra Côn-đảo. Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng Mỹ, chính-phủ Trần Trọng Kim cho thả hết các tù-nhân chính-trị từ Côn-đảo. Nhóm Đệ tứ về Sài-gòn, tái-lập nhóm La Lutte và tham-gia kháng-chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu (cuối tháng 9/45 sang đến tháng 10/45). Dù như nhóm Tranh Đấu chống Pháp rất gan dạ, Trần Văn Giàu vẫn cho người đi bắt hết các lãnh-đạo của nhóm này rồi mang đi thủ tiêu. Trần Văn Thạch bị bắt nhân dịp này và sau đó chết ở tuổi 40.

Kinh hãi

Phần tiểu-sử viết rất kỹ càng, chính-xác và khách-quan về Trần Văn Thạch chiếm khoảng 1/3 cuốn sách. Hai phần ba còn lại là những bài báo của Trần Văn Thạch, viết hầu hết trong tiếng Pháp, đã được nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến dịch từ các số báo cũ còn kiếm được ở thư-viện và văn-khố Aix-en-Provence ở Pháp. Đọc những bài này, tôi đâm kinh hãi.

Bởi đa-phần những đề-tài được Trần Văn Thạch bàn luận và trình bầy vẫn còn nguyên tính thời-sự của chúng. Như tại sao phải “tham gia vào việc nước”? Như “Sinh viên chúng ta và chánh trị.” Như sự yếu kém và phân-hóa của “Các chánh đảng An Nam.” Như “Trí thức bản xứ và chế độ thuộc địa” nói về tính nô-lệ của trí-thức đối với chính-quyền (“ở xứ ta, tuổi trẻ tri thức lại rất yếu mềm, thờ ơ, cực kỳ chán ghét đấu tranh, sợ hãi gian nguy, rúng động đến tột cùng khi nhà nước mới dợm ra tay đe dọa” thật y như ngày hôm nay ở VN). Như “Đạo đức trưởng giả,” “Thành phần ưu tú xã hội đang làm gì?”, “Lợi ích của tinh hoa đất nước” rồi những bài về tình-cảnh của người nghèo, công-nhân và nông-dân hay báo-giới thời bấy giờ.

Thời bấy giờ? Tôi giật mình vì đọc nhiều bài cứ như đang đọc báo về tình-cảnh ở trong nước thời nhà Sản hôm nay!

Thế thì 80 năm sau những bài báo này của Trần Văn Thạch, đất nước không có tiến-bộ gì à? Hay là thời Sản đã làm cho đất nước thụt lùi sau khi “man rợ đã thắng văn minh” (mượn lời Dương Thu Hương) năm 1975?

Ngày xưa, Phật đã dạy ta có thể trông thấy cả 3000 thế-giới trong một hạt cát… thì có lẽ ngày nay, đọc cuốn Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức của hai tác-giả Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, ta cũng có thể nhìn được ra tất cả cái lợi và cái hại mà họ nhà Sản đã mang lại cho dân-tộc ta trong hơn 80 năm qua.

Houston, Texas

Ngày 14/8/2014

https://vietbao.com/a225550/ve-mot-nguoi-yeu-nuoc-tran-van-thach-1905-1945

TRÍCH CÁC BÀI THAM LUẬN, ĐIỂM SÁCH

(Được nhà văn Trà Lũ đọc cho cử tọa nghe.).

Một nhà văn/nhà báo ở Việt Nam

Tháng 5, 2014

….Thú thật, tôi không nghĩ đây là tác phẩm của một người “chưa hề viết sử”. Và cuốn sách đã khiến tôi phải rớt nước mắt, một cách thiệt sự, vì tấm lòng của người con đối với người cha quá cố đã lâu. ..Nhờ đọc lại các trang sách, báo, tài liệu cũ tôi được biết ông thân của chị, ông Trần Văn Thạch, một trong những nhà đấu tranh chống thực dân trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Biết nhưng để hiểu tương đối tường tận về ông, phải đợi đến cuốn sách của chị, một công trình riêng về ông Thạch mà chị đã dầy công sưu tập và viết rất đáng kính trọng.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích

15/08/ 2014 trên mạng vietbao.com

Đây là sản-phẩm của tình hiếu-tử, của chữ “hiếu” bởi đây là con gái, chị Trần Mỹ Châu, viết về cha mình. Trả lại sự thật cho một người cha kính yêu, và do đó cũng là trả lại sự thật cho lịch-sử…
Một cuốn sách đáng đọc, cần phải đọc

Tưởng một cuốn sách do con viết về bố của mình thì ta sẽ dễ gặp chủ-quan. Đằng này không, cuốn Trần Văn Thạch (1905-1945) …. là một mẫu mực về viết sử và rất chính-xác …

Phần tiểu-sử viết rất kỹ càng, chính-xác và khách-quan về Trần Văn Thạch chiếm khoảng 1/3 cuốn sách. Hai phần ba còn lại là những bài báo của Trần Văn Thạch, viết hầu hết trong tiếng Pháp, đã được nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến dịch từ các số báo cũ còn kiếm được ở thư-viện và văn-khố Aix-en-Provence ở Pháp. Đọc những bài này, tôi đâm kinh hãi. Bởi đa-phần những đề-tài được Trần Văn Thạch bàn luận và trình bầy vẫn còn nguyên tính thời-sự của chúng…

Trích bài tham luận của Ông Nguyễn Văn Trn

nhơn dịp ra mắt sách tại Sceaux ngày 14/06/ 2014

Sự xuất hiện quyển sách nói về một nhơn vật của lịch sử Việt nam gần đây mà hậu quả là thực tế của đất nước ngày nay dưới ách thống trị bạo ngược của cộng sản Hà Nội là điều vô cùng quan trọng, đầy ý nghĩa tốt đẹp. Việc làm này là một bổ khuyết chẳng những cần thiết làm sáng tỏ một giai đoạn hệ trọng của lịch sử Việt Nam đầy mâu thuẫn và phức tạp, trong đó những ngưòi ái quốc không có chỗ đứng, mà còn cần cho tủ sách của người Việt Nam vốn đông đảo mà thiếu sách vở…

Riêng về phần tài liệu liên quan tới nhơn vật lịch sử, phải nói là cả một công trình sưu tầm dài hơi. Để phát họa lại con người Trần Văn Thạch, tác giả Mỹ Châu đã phải đi nhiều nơi lục tìm trong văn khố để có được chừng đó tài liệu gốc…

Tôi nhắc lại [một số chuyện] để bày tỏ lòng tưởng nhớ và kính trọng lớp tìền bối đã vì đại nghĩa mà xa gia đình, hy sanh cả mạng sống và đồng thời cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với tác giả Trần My Châu, đến tuổi thất thập, hoàn thành đươc một công trình giới thiệu khá đầy đủ, trung thực, đượm đầy tình thương người cha đã mất không để lại một dấu vết từ hơn nửa thế kỷ qua….

Tôi thật lòng cảm ơn tác giả, Bà Trần Mỹ Châu, đã gởi cho một tác phẩm, khi đọc, tôi có cảm tưởng như mình bỗng trở thành người của thời cuộc Việt Nam những năm trước và sau Đệ nhị Thế chiến bởi bị cuốn theo, không kịp ý thức, những biến cố lịch lịch sử do tác giả dẫn lại quá rõ ràng bằng những tài liệu đầu tay giá trị.

Trích bài tham luận của Luật sư Trần Thanh Hiệp

nhơn dịp ra mắt sách tại Sceaux ngày 14/06/ 2014

Quyển sách « Trần Văn Thạch, Cây bút chống bạo quyền áp bức » ra đời đúng lúc, vì Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng toàn diện. Ý thức hệ cộng sản dưới chế độ xã hội gọi là chủ nghĩa tại Việt Nam đã và vẫn còn đang chà đạp giá trị con người. …

Từ hơn nửa thế kỷ trước, đất nước bị người Pháp đô hộ, Trần Văn Thạch đã anh dũng tranh đấu cho giá trị con người Việt Nam tại miền Nam thuộc địa. Khi cả nước được đặt dưới quyền cai trị của tập đoàn cầm quyền người bản địa, ông vẫn tiếp tục tranh đấu. Ông đã ngã xuống vì đấu tranh cho một cuộc sống lành mạnh, văn minh, độc lập, tự do. Chúng ta ghi nhớ sự nghiệp và sự hy sinh của ông. Chúng ta nhận lãnh trước lịch sử sứ mạng thực hiện viêc thay thế ý thức hệ bệnh hoạn đó bằng văn hoá chính trị lành mạnh. Càng sớm càng tốt. ...

Trích bài tham luận của Ông Vũ Thư Hiên

nhơn dịp ra mắt sách tại Sceaux ngày 14/06/ 2014

Lịch sử cận đại VN đầy rẫy bi kịch….Nhưng lịch sử Việt Nam không phải chỉ có những bi kịch lớn ấy. Bên cạnh chúng còn nhiều bi kịch bị quên lãng. Những bi kịch này sẽ chìm nghỉm trong dòng đời, sẽ mai một hoàn toàn, nếu như không có những ngòi bút rỉ máu xuống những trang giấy để chúng vĩnh viễn tồn tại, để cho hậu thế được biết về chúng, ngõ hầu tránh những lặp lại trong tương lai.

Hận thù có thể xóa bỏ, nhưng tội ác thì không được quên. Tội ác được quên lãng sẽ quay lại, chắc chắn là thế…

Trong ý nghĩa ấy, tôi chào mừng và cảm ơn sự ra đời của cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay của tác giả Trần Mỹ Châu với sự cộng tác của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến. Trong cuốn này người đọc sẽ thấy được dù chỉ một mảnh vỡ nhỏ nhoi trong tấn bi kịch ít được biết đến nhất, cũng là tấn bi kịch bị xuyên tạc nhiều nhất, là tấn bi kịch của nhóm nguờyêu nước mang tên “những người trotskistes Việt Nam”. ..

Do sự che giấu và bóp méo lịch sử của ngành tuyên truyền dối trá, thế hệ trẻ hôm nay hầu như không biết đến những chiến sĩ anh hùng ấy: Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường, Lương Đức Thiệp… và rất nhiều người khác nữa.

Mà chẳng cứ thế hệ trẻ, ngay thế hệ chúng tôi, những người đã già, cũng chẳng biết bao nhiêu về tấn bi kịch xảy ra cho họ. Nếu có ai gọi là biết thì đó là sự biết sai lạc qua những tài liệu giả mạo.

Bi kịch của một cá nhân lớn không kém bi kịch của một đám đông. Hơn bi kịch của đám đông, nó được cảm nhận rõ ràng hơn, đau đớn hơn.

Một lần nữa, tôi nói lời cảm ơn tác giả và những ngưòi đã góp sức cho việc ra đời cuốn sách về một người con xứng đáng của nước Việt: Trần Văn Thạch.

Vì thế mà cuốn sách của tác giả Trần Mỹ Châu lại càng có ích. Nó bổ xuyết cho lỗ hổng kiến thức về lịch sử. Nó chiêu tuyết cho những tên tuổi bị bôi nhọ.
.

Trích bài điểm sách của nhà văn/ nhà biên khảo lịch sử Võ M. Nghĩa

Đăng trên Tạp chí online Sacei (Saigon Arts, Culture &Education Institute, California)

số 65, tháng 3, 2014:

Hy vọng rằng tác giả một ngày kia sẽ gửi đên chúng ta bản tiếng Anh để cho giới nghiên cúu người Việt hải ngoại cũng như phương Tây tiếp cận được tài liệu lịch sử phong phú này (tạm dịch từ nguyên văn tiếng Anh.)

Bài 2: CƠ DUYÊN ĐƯA ĐẾN SỰ THÀNH HÌNH

QUYỂN SÁCH TRẦN VĂN THẠCH

Trần Mỹ Châu 

Lúc nhỏ, tôi chỉ được biết ba tôi là một người kể chuyện tuyệt vời, tối nào tôi cũng thỏ thẻ với ông: “Ba kể chuyện Alibaba với 40 thằng ăn cướp đi”. Lớn lên nghe mẹ và anh chị kể lại tôi được biết thêm ông là một giáo sư Pháp văn nổi tiếng, một ông Hội đồng Thành phố được dân nghèo mến chuộng. Rồi đến năm 1955, dưới thời Ngô Đình Diệm, tôi bắt đầu khoe với bạn bè: “Có biết đường Trần Văn Thạch bên hông chợ Tân Định không?… Ba tôi đó!” Cũng từ năm 1955 tôi cũng được nghe một số người am hiểu thời cuộc nhắc đến nhóm “Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch” và các danh từ Đệ Tam, Đệ Tứ, nhưng ý nghĩa sâu rộng của các từ này thì tôi chẳng biết gì nhiều.

Đến đầu thập niên 60, ít ai nói đến Đệ Tam, Đệ Tứ; người ta bận tâm lo sợ hiểm họa Việt Minh, Việt Cộng. Bản thân tôi bận rộn vừa đi học, vừa đi làm để giúp gia đình. Đến năm 1963, du học ở Mỹ, sau đó tôi tiếp tục học ở Canada, rồi định cư ở xứ nầy. Thời đó người Việt ở Toronto không quá 50 người, phần đông là sinh viên. Ít ai nhắc đến tên đường Trần Văn Thạch. Nhưng khi người Việt tị nạn bắt đầu đến Toronto cuối thập niên 70, nhiều người bạn mới của tôi, trong đó có anh Trần Trung Lương, nhớ Sài Gòn xưa, bắt đầu nhắc đến tên đường cũ. Vài lời nhắc nhở, ngợi khen, mến tiếc của bạn làm tôi phấn khởi, muốn tìm hiểu thêm về người cha mà tôi chỉ được biết trong thời gian ngắn, một mùa hè xa xôi.

Ý định “đi tìm cha” bắt đầu từ đó, nhưng phải đợi đến lúc về hưu mới thực hiện được. Hành trình “tìm cha”của tôi kéo dài trong nhiều năm, từ Canada đến Pháp, đến Việt Nam. Tôi lục lạo tài liệu, sách vở trong Thư viện và Văn khố Quốc gia Pháp ở Paris, Văn khố Pháp quốc Hải ngoại ở Aix-en-Provence, và cuối cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp ở Sài Gòn.

Tôi tìm được khoảng 80% các tờ báo La Lutte (mà nhiều nhân chứng thời đó cho rằng ba tôi là chủ nhiệm) và rất nhiều tài liệu mật thám Pháp về các sinh viên Việt Nam có thái độ chống Pháp đang du học tại Pháp. Ngoài những người kể trên, tôi cũng đọc được hồ sơ của nhiều người khác, như các ông Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, Trần Văn Giàu, Bùi Quang Chiêu, v..v…

Giờ đây tôi được biết rất nhiều về ba tôi. Nếu có ai xin tôi tóm tắt trong vài dòng sự nghiệp tranh đấu cách mạng của ông, tôi sẽ nói: Trần Văn Thạch lúc nào cũng chủ trương tranh đấu công khai hợp pháp, ôn hòa bất bạo động, trên báo chí, tại nghị trường, để nhân dân có quyền tự do dân chủ căn bản; để công nhân, nông dân và lao nông không bị bóc lột; để dân nghèo được phúc lợi xã hội; để quần chúng không bị thực dân, tư sản, quan lại hà hiếp.

Tôi cảm thấy có một tình cảm đặc biệt nào đó gắn bó tôi với con cháu những người một thời là bạn đồng hành hay có quen biết ba tôi. Tôi di tìm họ. Tìm được anh Phan Kiều Dương, con bác Hùm; chị Nguyễn Thị Minh, con bác Ninh; em Quỳnh Dao, con của nhà văn, nhà báo Đỗ Bá Thế, (bạn của bác Thâu, biết ba tôi, thân với mẹ tôi); bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, học trò cũ của ba tôi; chị Hồ-Tài Huệ-Tâm, con bác Tường. Và một người có công rất nhiều giúp tôi thực hiện quyển sách này: Phan Thi Trọng Tuyến. Tuyến “biết” ba tôi từ lúc còn bé: hầu như ngày nào cũng đi trên con đường Trần Văn Thạch, ngang chợ Tân Định.

Ba tôi bị giết vì chính sách độc quyền lãnh đạo của Cộng sản. Mẹ tôi hóa thành người mất trí suốt đời vì chế độ đàn áp của thực dân. Anh tôi chết vì một viên đạn của Việt Minh lộng quyền. Gia đình tôi mất nhà mất cửa vì lòng tham lam của nhà giàu bắt tay với trí thức. Tôi lớn lên rất sợ các tư tưởng cực đoan, các chính quyền độc đoán, các tư bản cực độ. Tôi thương những người lầm than, thấp cổ bé miệng, những ai bị bạo quyền áp bức, bị doanh thương tư bản bóc lột. Tôi tìm cách giúp họ trong phạm vi khả năng của mình.

Nhơn dịp tôi về thăm mẹ lần chót, Hội Khuyến Học tỉnh Vĩnh Long tổ chức phát học bổng cho các sinh viên và học sinh nghèo do tôi tài trợ, phần đông mồ côi cha hay mẹ. Trong bài phát biểu, tôi kể ngắn gọn cho các em nghe câu chuyện “đi tìm cha” của tôi với cái tựa “Bà già 70, tập làm văn, học viết sử”, để khuyến khích các em cố vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn, học thành tài, giúp xã hội. Kiên trì sẽ thành công.

Với buổi ra mắt sách hôm nay, tôi cảm thấy mình thành công trên nhiều mặt: vượt được bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống để làm một vài việc hữu ích cho đời. Lúc ban đầu, khi đặt bút viết về ba tôi, tôi chỉ muốn trao lại cho con cháu chút di sản tinh thần ba tôi để lại. Nhưng càng đi sâu vào công việc khảo sát tìm hiểu về hoạt động của ba tôi và các bạn đồng hành của ông trong nhóm La Lutte, càng đọc được nhiều tài liệu của Đảng Cộng sản Đông Dương và sách vở xuất bản trong nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam, tôi càng thấy cần phải làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử Việt Nam bị móp méo từ lâu.

Chúng tôi sẵn sàng và vui mừng đón ý kiến của quý vị để quyển Trần Văn Thạch trong lần tái bản tới được hoàn hảo hơn. Ngoài ra tôi cũng dự định soạn thảo quyển tiếng Pháp và quyển tiếng Anh trong vài năm tới.

Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn quý khách và thân hữu. Sự có mặt của quý vị hôm nay là một điều khích lệ lớn lao cho tôi. Tôi cũng xin cảm ơn anh Lương, anh Kỳ và nhiều bạn thâm niên của tôi, cùng ban Chấp hành và văn phòng Hội Người Việt Toronto đã ra công sức giúp chúng tôi có được buổi họp mặt vui vầy hôm nay. Xin đa tạ.

TRẦN MỸ CHÂU

(Toronto, 6 tháng 9, 2014)

Bàỉ: GIỚI THIỆU ĐỒNG TÁC GIẢ PHAN THỊ TRỌNG TUYẾN

Nguyễn Hữu Kỳ

Đồng  tác giả, nữ văn sĩ Phan Thi Trọng Tuyến đã từng ra nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm sau:

Mùa hè một nơi khác. Westminster, California: Văn nghệ, 1986

Một trang đời. Los Angeles, California: Thanh Văn, 1988

Mùa xuân và những con dã tràng. Paris, An Tiêm, 1995

Và nhiều tác phẩm khác.

Phan Thị Trọng Tuyến dành một tình cảm đặc biệt cho chị Trần Mỹ Châu, mà chị Châu ghi nhận trong chương mở đầu như sau: “Nhiều lần, nhứt là sau những chuyến về Việt Nam thăm mẹ, vướng vào tâm trạng trầm cảm, tôi lặng thinh một thời gian. Tuyến lo ngại, tìm tin qua người này người nọ, nhưng vẫn cho tin để tôi yên trí. Khi vui và phấn khởi trở lại, tôi gởi email đề “La Revenante” (“Người khuất trở về”) là Tuyến vui mừng trả lời ngay: “Chị muốn em làm cái gì em cũng làm hết!” (“Tôi đi tìm cha”, tr. 33).

Đúng vậy, nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến đã góp một phần không nhỏ cho cuốn sách là dám nhận phần dịch thuật các bài báo ông Trần Văn Thạch viết trong mục “Petits Clous” của tờ La Lutte, với lời văn châm biếm, lời chơi chữ độc đáo khó mà dịch thoát ý. Chị cũng dịch một số bài xã luận của ông và một số tài liệu liên hệ đến vai trò của nhà cách mạng này trong thời gian đó. Kể tổng cộng các bài dịch quá nửa cuốn sách (247 trang trong tổng số 444 trang) với lời dịch lưu loát mà chị vẫn còn khiêm nhường “mong độc giả thông cảm, lượng thứ cho những lỗi lầm và sơ sót chắc chắn có, khiến tác phẩm gốc có thể bị hiểu sai hoặc giảm giá trị.” (“Đôi dòng tâm sự”, tr. 397).

Rất tiếc vì “quan san cách trở”, người ở Pháp người ở Canada, chị không tới dự được với chúng ta ngày hôm nay, nhưng sự đóng góp của chị cho cuốn sách đóng vai trò không nhỏ mà chị Châu đã ghi nhận như sau: “Không có Tuyến giúp thì quyển sách này khó mà hoàn thành được.”

NGUYỄN HỮU KỲ

(Toronto, 6 tháng 9, 2014)

Tưởng nhớ Trần Văn Thạch và các đồng chí của ông

Ngô Nhân Dụng April 24, 2018

Ông Trần Văn Tự kể “Một đêm cuối năm 1946,” (năm đó ông 18 tuổi), một người khách lạ đến thăm gia đình, thì thào nói chuyện với Dì Ba, người mẹ kế của ông, bà vừa nghe vừa “lấy khăn lau nước mắt.” Người khách này “bị nhốt chung một hầm với ba tôi,” nhà báo, nhà cách mạng Trần Văn Thạch, “và nhiều người khác.” Trước khi từ giã người khách đưa cho Dì Ba một “quyển sổ tay” với mấy trang ghi những lời trăng trối của Trần Văn Thạch. “Các con, Bây hãy thương yêu nhau,… Tự, Điển, Linh, Dung, Nguyệt, Châu! Sáu đứa bây chớ bỏ nhau.” Ông viết mấy hàng từ giã Dì Ba, người vợ thứ nhì kém ông 12 tuổi, sau khi ông góa vợ, với 5 đứa con từ 3 đến 10 tuổi. Suốt đời bà chỉ sống bên ông được ba năm vì ông chồng mải lo làm “quốc sự;” luôn luôn bị tù, nhà tù thực dân Pháp rồi đến nhà tù của Cộng Sản Đệ Tam. Ông nhắc đến người con gái của ông với Dì Ba, “Anh thương Mỹ Châu lắm, nhưng trong thời buổi đảo điên này, cha con lại vội xa nhau.”

Bà Trần Mỹ Châu nhớ mãi câu “…cha con lại vội xa nhau.” Bà còn nhớ khi thân phụ từ Côn Đảo được Pháp thả về Sài Gòn, năm 1943, mẹ bà bảo: “Đi gặp Ba!” Có lần thì mẹ rủ con, “Đi nghe ba diễn thuyết” mà bà còn nhỏ quá, chỉ ngó mà không hiểu Ba nói chuyện gì. Cho đến ngày Ba ra đi rồi không bao giờ trở về. Ông bị Việt Minh thủ tiêu ngày 22 Tháng Mười, năm 1945, hơn một năm sau “người khách lạ” mới đem tin cho biết, rồi đi, biệt tích. Cho tới năm 2005, tại văn khố của nước Pháp, bà Châu mới tìm được bức hình của thân phụ, Trần Văn Thạch, chụp với ba người bạn, Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, và Nguyễn Văn Khải. Bức hình “Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương” bị cảnh sát Pháp lưu trong hồ sơ “phản động” từ năm 1929, khi Trần Văn Thạch đang du học ở Pháp.

Trước năm 1975, đường Trần Văn Thạch nằm bên hông chợ Tân Định. Việt Cộng về đã xóa tên ông. Những người học sử cận đại đều biết Trần Văn Thạch thuộc nhóm Đệ Tứ, cùng với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Chánh, tất cả đều bị Đệ Tam sát hại trong năm 1945. Cố Bác Sĩ Trần Nguyên Phiêu đã để lại một cuốn sách rất công phu về Phan Văn Hùm; giúp người Việt Nam hiểu biết thêm về giai đoạn lịch sử bi thương này. Nhờ bà Trần Mỹ Châu bỏ hơn 10 năm trời “đi tìm cha” truy cứu ở các thư viện và văn khố khắp thế giới, một cuốn sách về “Trần Văn Thạch 1905-1945,” mới được xuất bản. Nhờ đó mà chúng ta được đọc lại bao nhiêu bài báo của Trần Văn Thạch, từ thời làm “báo sinh viên” ở bên Pháp cho đến thời làm tờ La Lutte (Tranh Đấu) ở Sài Gòn. Lúc đầu phe Đệ Tam tham gia trong báo La Lutte, nhưng sau được lệnh rút ra ngoài.

Phong trào Cộng Sản Quốc Tế chia ra hai nhóm từ khi Stalin đánh bại Trotsky trong cuộc tranh giành ngôi chúa tể Liên Xô. Phe Đệ Tứ chủ trương làm cách mạng thường xuyên và khắp thế giới; trong khi Stalin muốn củng cố chế độ chuyên chính ở Nga trước khi xâm chiếm các nước khác. Stalin đã ám sát được Trotsky khi đang sống lưu vong ở Mexico, nhưng vẫn ra lệnh các cán bộ Đệ Tam phải tiêu diệt tất cả phe Đệ Tứ. Hồ Chí Minh tuân hành mệnh lệnh đó hung hãn nhất. Hồ lúc nào cũng sợ bị Stalin nghi ngờ, sợ chính mình có thể bị Chúa Đỏ thủ tiêu, cho nên làm gì cũng hỏi ý Stalin và tiêu diệt phe Đệ Tứ để lập công với Stalin.

Tạ Thu Thâu đã gọi Liên Xô là “Đế Quốc Đỏ” ngay từ thời 1930. Năm 1938, ông viết trên báo La Lutte chế nhạo một lãnh tụ Cộng Sản (Đệ Tam) Pháp khi ông này đề nghị chính phủ Pháp mua 362 bức thư của Napoléon đang bán đấu giá. Tạ Thu Thâu kể tội Napoléon đã “đem 300,000 thanh niên Pháp vào chỗ chết bất đắc kỳ tử” qua các cuộc chiến tranh. Và ông so sánh tội lỗi của Napoléon với Stalin. Ông viết, “Staline… hắn cũng giết vô số người làm cách mạng và những nhà cách mạng này không sao chạy trốn được.” (trang 285, sách Trần Văn Thạchkể trên). Tạ Thu Thâu cũng nhắc tới “những vụ án do Staline ngụy tạo” để giết hai phần ba các đồng chí Đệ Tam của ông ta trong Bộ Chính Trị và một nửa Trung Ương đảng Cộng Sản Liên Xô (trang 424).

Đọc lại những lời Tạ Thu Thâu viết, trong những bài ông công kích chế độ thuộc địa Pháp, chúng ta hiểu tại sao ông bị Hồ Chí Minh sai giết sớm nhất, sau khi ông ra Hà Nội gặp Hồ. Hồ Chí Minh căm thù Tạ Thu Thâu hơn nữa, chắc vì ông Thâu từng trả lời câu hỏi “đảng của anh không nhận lệnh từ đâu hết?” Ông nói: “Không nhận bất cứ từ đâu, không nhận từ Mạc Tư Khoa (Nga) hay từ Quảng Châu (Trung Cộng). Chúng tôi sợ nhất là người Tàu.” (trang 449).

Tại sao cuối cùng Cộng Sản Đệ Tam đã tiêu diệt được nhóm Đệ Tứ? Năm 1945, trước khi từ Cần Thơ lên Sài Gòn, Trần Văn Thạch đã dặn dò người con trai trưởng lo trông nom các em. Ông nói thêm: “Tây nó bỏ tù ba mà không giết ba. Đệ Tam sẽ giết ba.” Ông Trần Văn Tự cho biết vì sao thân phụ ông biết trước sẽ bị thủ tiêu mà không chạy trốn. Trần Văn Thạch nói với con: “Đất nước ở đây,… bỏ chạy đi đâu?” Ông Tự giải thích, thân phụ ông có ba chủ trương: Bất bạo động, đấu tranh chính trị công khai, trong vòng luật pháp, và không muốn gây chia rẽ trong hàng ngũ những người Việt đang tranh đấu giành độc lập.

Trần Văn Thạch tuy tự coi mình thuộc Cộng Sản Đệ Tứ nhưng “không cuồng tín…” và không có tinh thần phe đảng. Trong một bài viết năm 1927, khi đang du học ở Pháp, ông viết trên tờ báo Sinh Viên do ông chủ trương, nói về “Các chánh đảng An Nam.” Ông phân tích hai phe đối lập, một chủ trương “Pháp Việt đề huề” tranh đấu ôn hòa và hợp tác, còn phe kia “đòi độc lập ngay.” Với tuổi mới có 22, ông cố thuyết phục mọi người rằng trong cả hai phe đó, phe nào cũng là những người yêu nước! Chính chủ trương không chia rẽ giữa những người Việt cùng yêu nước đã khiến Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm bị bọn Đệ Tam cuồng tín thủ tiêu theo lệnh Stalin! Bọn cuồng tín đó mới có dã tâm tiêu diệt nhiều chiến sĩ cách mạng quốc gia, từ Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Cao Đài, Hòa Hảo, vân vân.

Cộng Sản Đệ Tam học thuộc bài của Stalin cho nên chúng tìm cách tiêu diệt những người khác chính kiến ngay trong cảnh cùng bị tù như nhau. Trần Văn Thạch đã kể cho người con trưởng biết tại nhà tù Côn Đảo, bọn Đệ Tam có chính sách làm sao gài tù nhân phe của họ vào một trong ba ban: Nhà bếp, để lén lấy thêm cơm cho “phe ta;” Trạm xá y tế, để cứu bệnh nhân phe Đệ tam và bỏ mặc cho phe khác chết; và làm bồi cho Tây để ngóng tin và tố cáo những người thuộc đảng phái khác (trang 182).

Ở Côn Đảo, Trần Văn Thạch bị nhốt cùng một phòng giam với nhà ái quốc Nguyễn An Ninh. Sau này hai người cùng làm báo La Lutte. Lúc đó, ông Ninh bị bệnh kiết lỵ, không có thuốc. Khi ông đau nặng quá, được đưa qua khu bệnh viện, nhưng người phụ trách trạm y tế “thuộc xu hướng Đệ Tam không cho ông Ninh thuốc, vì ông Ninh không chịu theo đảng Cộng Sản” (trang 184). Đây là một chuyện chưa mấy người biết!

Tôi mới có cơ hội gặp một người bạn trẻ mới ở Việt Nam qua, ngoài 20 tuổi. Cô xin gặp riêng để hỏi thêm chi tiết về một tác giả đời nhà Lý. Nhưng trước khi chia tay, cô đề nghị lần sau tôi hãy nói thêm cho cô nghe về lịch sử. Cô nói rõ hơn, về lịch sử nước ta sau thời 1930!

Tôi hiểu rõ nhu cầu của các bạn trẻ lớn lên ở Việt Nam sau năm 1945. Họ bị bưng bít. Giống như tay quản giáo mà một người bạn tôi mới kể. Ông bạn viết, ông “…nhớ đến thời bị bắt năm 1976-78, bị (được) cán bộ quản giáo trại giam, đầu tóc bóng mượt bri-ăng-tin, ‘giảng’ về chính sách của đảng, vừa giảng vừa thỉnh thoảng chạy ra ngoài hỷ mũi. Ông ta nói đại ý: ‘Đất bước ta vô cùng hùng vỹ, bắc giáp Triều Tiên, nam giáp Biển Hồ…. Mỹ rất mạnh đánh nó không phải dễ, nó đem hạm đội 7 đến đóng tại Biển Hồ. Bác Hồ nhanh trí, cho nó 7 ký lô kim cương nó chịu rút hạm đôi đi ta mới đánh thắng được nó chứ.’”

Ông bạn tôi kể, trong phòng giam có anh trung tá cảnh sát, nguyên quận trưởng một quận ở miền Tây. Nghe nó nói, anh tức quá, tính đứng dậy phản đối. Tôi ngồi cạnh, phải kềm anh ta lại!

Cuốn sách “Trần Văn Thạch 1905-1945, Cây bút chống bạo quyền áp bức” của Trần Mỹ Châu sẽ giúp các thế hệ trẻ sau 1975 biết thêm về những nhà ái quốc, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Chánh, vân vân, những người không những đã bị Cộng Sản Đệ Tam giết mà còn muốn xóa tên họ trong lịch sử cũng như trên các con đường. (Ngô Nhân Dụng)