Tin khắp nơi – 20/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/02/2018

Trump ủng hộ kiểm tra lý lịch người mua súng

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ủng hộ những nỗ lực cải thiện kiểm soát súng.

Ông Trump đã trao đổi với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn về một dự luật lưỡng đảng nhằm cải thiện việc kiểm tra lý lịch những người muốn mua súng.

Nghi phạm xả súng ở Florida vào tuần trước, giết chết 17 người, đã mua súng một cách hợp pháp. Nikolas Cruz đã ra tòa vào thứ Hai.

FBI bị chỉ trích vì vụ xả súng ở Florida

Mỹ: Xả súng ở trường trung học, 17 người chết

Florida: FBI và giáo viên từng được cảnh báo về kẻ xả súng

Học sinh từ trường trung học này đã lên tiếng yêu cầu tăng cường việc kiểm soát súng.

Ông Cruz được phát hiện đã mua bảy khẩu súng trường trong năm qua, dù đã bị giám định tầm thần bởi nhân viên y tế tâm thần Florida vào năm 2016, theo truyền thông Hoa Kỳ.

Một trong số đó là khẩu súng bán tự động AR-15, đã được sử dụng để thực hiện cuộc tấn công hôm 14/2.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: “Trong khi các cuộc thảo luận đang diễn ra và những điều chỉnh đang được xem xét, Tổng thống ủng hộ những nỗ lực để cải tiến hệ thống kiểm tra lý lịch trên toàn liên bang.”

Những thủ tục kiểm tra nào đã đang được tiến hành?

Các đại lý bán súng được Liên bang cấp phép phải kiểm tra lý lịch bất kì người nào súng. Khách hàng điền vào biểu mẫu thông tin cá nhân và lý lịch hình sự.

Thông tin đó được gửi tới Hệ thống kiểm tra lý lịch tư pháp tức thời của FBI (NICS), vốn đã xử lý hơn 25 triệu đơn kiểm duyệt trong năm ngoái.

Nhưng hệ thống này có lỗ hổng vì nó dựa vào các giới chức tiểu bang và liên bang để báo cáo về các tội phạm hình sự và các vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Lổ hổng này trở nên rõ rệt hơn vào năm ngoái sau khi Lực lượng Không quân Hoa Kỳ thừa nhận đã không phát hiện tiền sử bạo lực gia đình của tay súng trước khi ông ta giết chết 26 người tại một nhà thờ ở Texas.

Những thay đổi nào đang được đề xuất?

Ông Cornyn và thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy vừa đưa ra một dự luật lưỡng đảng.

Dự luật yêu cầu các cơ quan liên bang phải báo cáo lý lịch cá nhân một cách triệt để và chính xác.

Dự luật này vẫn chưa được Quốc hội thông qua.

Hôm thứ hai, ông Murphy cho biết sự ủng hộ của tổng thống đối với dự luật này là “một dấu hiệu mới cho thấy chính trị đối với tình trạng bạo lực súng đang chuyển hướng,” nhưng nói thêm rằng “không ai nên cho rằng dự luật này là một giải pháp thích hợp cho cơn khủng hoảng này”.

Trump suy nghĩ gì về việc kiểm soát súng?

Quan điểm của ông Trump về kiểm soát súng thay đổi nhiều trong thời gian qua. Ông đã lên tiếng chống lại sự kiểm soát súng trong cuộc đua bầu cử năm 2016.

Ông Trump đã nhấn mạnh nhiều lần vấn đề bệnh tâm thần của kẻ xả súng trong cuộc tấn công tại Florida, nhưng năm ngoái ông lại bãi bỏ một chính sách của Obama, đưa những người đang nhận phúc lợi vì bệnh tâm thần vào cơ sở dữ liệu hình sự.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43123367

 

Nepal thề khôi phục dự án đập thủy điện với TQ

Lãnh đạo đảng Cộng sản Marxist – Leninist Thống nhất Nepal (CPN – UML), ông Khadga Prasad Sharma Oli nói sẽ tái khởi động dự án thủy điện với Trung Quốc vốn bị chính phủ Nepal thân Ấn Độ trước đây hủy bỏ.

Đồng thời, Nepal muốn tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng với Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào New Delhi.

Ông cũng muốn ‘cập nhật’ quan hệ với Ấn Độ cho ‘phù hợp với thời đại’ và rà soát các điều khoản đặc biệt trong quan hệ Ấn Độ – Nepal, bao gồm việc lính Nepal phục vụ trong lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Ô nhiễm không khí đe dọa quê hương Đức Phật

Vì sao Ấn Độ phản đối ‘Vành đai, Con đường’?

Phật giáo Tây Tạng với sự sống và môi trường

‘Cuộc chiến Hummus’ ở Trung Đông

“Thành kiến chính trị hoặc áp lực từ công ty đối thủ có thể là yếu tố khiến dự án bị hủy bỏ. Nhưng đối với chúng tôi, thủy điện là một trọng tâm chính. Chúng tôi sẽ khôi phục dự án Budhi Gandaki”, ông Oli được tờ This Week In Asia trích lời hôm 19/2.

Việc xây dựng đập thủy điện trên sông Budhi Gandaki, phía tây Nepal, biến thành tâm điểm chính trị sau khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Nepal-Maoist (CNP-M), ông Pushpa Kamal Dahal trao hợp đồng cho tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc tháng Sáu 2017 như một phần ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ mà Nepal vừa tham gia tháng trước.

Dự án này sau đó bị hủy bỏ trong một động thái được xem như sự nhượng bộ do áp lực từ Ấn Độ, vốn cảnh giác trước sự bành trướng quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Đảng CPN – UML của ông Oli và đảng CNP-M thành lập liên minh cánh hữu giành đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua và giành quyền thành lập chính phủ mới. Hai đảng cộng sản cũng đang hướng tới việc sáp nhập, điều mà Trung Quốc luôn ủng hộ.

“Nhu cầu sử dụng xăng dầu của chúng tôi ngày càng tăng trong khi tất cả phải nhập khẩu. Chúng tôi cần khẩn trương phát triển thủy điện để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ “, ông Oli nói.

Hầu hết dầu mỏ của Nepal đều được nhập khẩu từ Ấn Độ. Hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu của Nepal đã tăng gấp ba trong năm năm qua. Thâm hụt thương mại với Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng thâm hụt của Nepal.

Việc Nepal tập trung vào thủy điện khiến lĩnh vực này trở thành ‘đấu trường quyền anh’ giữa hai gã khổng lồ khu vực. GMR và SJVN của Ấn Độ đã nhận được hợp đồng cho hai dự án đập thủy điện trong khi Tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc đang phát triển một dự án khác.

Trung Quốc muốn mở rộng đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng đến biên giới Nepal vào năm 2020 và bày tỏ quan tâm đến việc mở rộng nó tới Kathmandu.

Chính phủ Nepal cũng đang có kế hoạch xây dựng một hầm đường bộ giữa biên giới Rasuwagadhi và Kathmandu để rút ngắn thời gian đi lại giữa Nepal và Trung Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43123858

 

Thế vận hội mùa đông đã hàn gắn Bắc-Nam Hàn?

Giáo Sư Robert KellyPusan National University

Điều đáng chú ý về Thế vận hội mùa đông năm 2018 tại Nam Hàn là có sự tham gia của Bắc Hàn và những lời nói thân thiện giữa hai nước. Vậy thì, có phải, di sản của Thế vận hội kỳ này có phải là cải thiện được vĩnh viễn quan hệ Bắc và Nam Hàn?

Khi Thế vận hội tại Pyeongchang khai mạc, các vận động viên Nam và Bắc Hàn sóng bước vào lễ khai mạc như cùng ở chung một đội.

Đó là một thời điểm mang biểu tượng đầy ý nghĩa, với lá cờ chung cho thấy một hình ảnh trung lập về một bán đảo “thống nhất” của Hàn Quốc trên một nền trắng.

Sau đó, Kim Yo-jong – em gái của Kim Jong-un – đã tham gia cuộc đua hấp dẫn của Thế Vận Hội, một đội khúc côn cầu chơi khúc côn cầu của phụ nữ và một đội nữ cổ động viên của Bắc Hàn đã thu hút khán giả trên khắp thế giới.

Kim Jong-un cảm ơn Nam Hàn vì nỗ lực ‘ấn tượng’

Bắc Hàn mời tổng thống Nam Hàn thăm Bình Nhưỡng

Chiến tranh hạt nhân: Nhân loại đã sẵn sàng tới đâu?

Nhưng liệu sự hàn gắn ngoài mặt này có bền vững không?

Kỳ vọng đến từ những cử chỉ thân thiện bất thường này chắc chắn đang rất cao.

Sự phổ biến rộng rãi của tin tức – cả ở Nam Hàn và trên khắp thế giới – có những gợi ý về một bước đột phá trong quan hệ giữa hai bên.

Các phương tiện truyền thông cấp tiến của Nam Hàn nói về một “tinh thần Olympic” làm dịu các cuộc đàm phán với Bắc Hàn, cũng như chính quyền cởi mở của Tổng thống Moon Jae-in.

Nhưng không phải ai cũng vui mừng.

Giới bảo thủ cảm thấy bất an, rằng những bài xã luận của các phương tiện truyền thông cánh hữu của Nam Hàn Quốc thường xuyên chống lại quá nhường nhịn Bình Nhưỡng trong bất kỳ cuộc thảo luận nào.

Họ quan ngại là Bắc Hàn có thể yêu cầu Nam Hàn và Hoa Kỳ ngừng các cuộc tập trận chung, để đổi lấy lời hứa mơ hồ về việc tạm ngừng các chương trình tên lửa hoặc hạt nhân, một lời hứa họ Bắc Hàn sẽ không giữ lời.

Kim Jong-un đưa em gái vào Bộ Chính trị

Em gái Kim Jong-un sẽ tới Seoul dự Olympic

9 điều khác biệt Nam-Bắc Hàn

Thực tế là kỳ vọng cho một hàn gắn hình như hơi vô căn cứ với cả hai bên, và sác xuất của sự trở lại nguyên trạng có thế rất cao.

Một sự kiện thể thao dường như không gây đươc nhiều ảnh hưởng đến sự phân chia chính trị sâu xa giữa hai nước.

Các cuộc đàm phán kéo dài nhiều thập niên qua cho đến giờ vẫn chưa mang lại hòa giải, và triển vọng về việc này có vẻ ảm đạm. Rất có thể mối quan hệ giữa Bắc và Nam Hàn sẽ trở lại hình thức cũ, căng thẳng và đáng lo ngại, nhưng cũng ổn định.

Tình trạng hiện tại của Hàn Quốc đã được kéo dài liên tục đáng kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc 65 năm trước đây .

Bắc Hàn vẫn được xem là nước nguy hiểm nhất thế giới, và chương trình vũ khí hạt nhân của họ chỉ làm tăng nguy cơ nước này có thể gây ra.

Khả năng đàm phán khi Bắc Hàn cho thấy sự quan tâm – như đột nhiên đã làm trong tháng Giêng – luôn luôn là một hy vọng trong một thế giới mong tìm đủ mọi cách để kiềm chế Bình Nhưỡng mà không gây ra xung đột.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trước đây đã sụp đổ và – gạt bầu khí quyển hạnh phúc của Thế vận hội sang một bên – chưa có gì thay đổi.

Người Bắc Hàn là những nhà đàm phán khó khăn và cứng rắn.

Họ đấu tranh cho từng tấc một và đi sâu vào một rừng của những chi tiết cụ thể.

Bất kỳ nhượng bộ nào mà Hoa Kỳ và Nam Hàn được yêu cầu thực hiện sẽ được họ diễn giải càng rộng rãi càng tốt, trong khi bất kỳ điều gì có thể mong đợi từ Bình Nhưỡng sẽ được định nghĩa càng hẹp càng tốt. Thực hiện các thỏa thuận với miền Bắc đã vấp váp nhiều lần về những vấn đề khó giải thích và rất tốn thời gian.

Viễn ảnh một tinh thần Thế vận hội sẽ mang lại những nhượng bộ nghiêm trọng từ Bình Nhưỡng hầu như là điều không thể.

Điều đó sẽ rất tương phản với cung cách đàm phán của Bắc Hàn trong quá khứ.

Cánh tả tại Nam Hàn cũng có thể hy vọng sẽ có một vài cử chỉ từ chính phủ của họ.

Miền Bắc thường được xem là dân tộc thiểu số, đã bị thiệt thòi vì cách biệt trong thời Chiến tranh Lạnh, hơn là những kẻ có ý thức hệ đối đầu.

Nhưng Tổng thống Moon đã được bầu với tỷ số 41% và có thể không có không gian chính trị để có thể đơn phương thực hiện một sự nhượng bộ Olympic nào đáng kể.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43123439

 

Vì sao có người khát khao bằng giả?

Nhu cầu có bằng cấp và học vị trên thế giới thường rất cao, khiến không ít chính trị gia cố kiếm bằng giả dù nguy cơ mất chức luôn có.

BBC điểm lại một số ví dụ nổi bật bằng giả hoặc học vị từ các trường rởm.

CH Liên bang Đức

Năm 2013: Đại học Tổng hợp Düsseldorf rút lại bằng tiến sĩ cho Bộ trưởng Giáo dục, bà Annette Schavan vì đạo văn.

Sau một cuộc điều tra, người ta xác nhận luận văn tiến sĩ của bà Schavan là tác phẩm “sao chép”. Bà Schavan đã phải từ chức.

Trước đó, năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bá tước Karl-Theodor zu Guttenberg bị tước bằng tiến sĩ ĐH Bayreuth.

Từ cô đánh máy thành đệ nhất phu nhân

Anh đóng cửa website bán bằng rởm

ĐH Chiết Giang đào tạo MBA cho VN

Học ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ lấy bằng tiến sỹ?

Ông Guttenberg, từng có kỳ vọng lên làm thủ tướng, đã nộp đơn từ nhiệm sau hai tuần báo chí đưa tin rằng phần lớn luận án tiến sĩ của ông sao chép từ nguồn khác.

Ông nhận lỗi và đổ cho việc “thiếu thời gian” nên đã làm chuyện đó.

Moldova

Năm 2015, Thủ tướng 38 tuổi, ông Chiril Gaburici phải từ chức vì khai sai là có bằng tốt nghiệp trung học và đại học.

Ông từ nhiệm sau khi Công tố viện Moldova, quốc gia 3,5 triệu dân thuộc Liên Xô cũ, triệu ông đến để giải thích nghi vấn về bằng cấp.

Ông cũng bị cảnh sát khởi tố vụ án hình sự về bằng giả.

Ấn Độ

Năm 2015: Chừng 1400 giáo viên tại Bihar bị buộc phải từ chức vì bằng giả sau khi Tòa án ở Patna đe dọa truy tố họ.

Tuy thế, Bộ Giáo dục Ấn Độ nói sẽ vẫn có hành động nghiêm khắc trừng phạt ai dùng bằng giả để giảng dạy.

Việt Nam: Chiếc xe đò mang tên Đại học

VN dạy nhân quyền từ mẫu giáo đến đại học

Bắt hiệu trưởng ĐH cấp bằng TS cho vợ Mugabe

Sau khi bị xóa hợp đồng, các giáo viên vi phạm sẽ phải hoàn lại lương và mọi quyền lợi đã nhận.

Vụ việc được nêu ra nhờ nhà hoạt động Ranjit Pandit và cộng sự nêu ra khiếu nại theo cơ chế Khiếu kiện vì lợi ích công chúng (Public Interests Litigation).

Pakistan

Năm 2010: hai dân biểu Quốc hội Jamshed Dasti (Đảng Nhân dân) và Nazir Jat (Liên đoàn Hồi giáo) phải từ chức vì dùng bằng cấp giả.

Vụ việc đã lên đến Tòa Tối cao và bản án có tác động đến các dân biểu khác.

Báo chí Pakistan cũng đặt câu hỏi về tấm bằng ngành quản trị kinh doanh “Trường Pedinton, London” của tổng thống Pakistan, Asif Zardari.

Sau khi bị báo chí nêu, trang web của Đảng Nhân dân Pakistan trong mục về bằng cấp của ông Zardari đã xóa đi phần nói về tấm bằng đó.

Nhiều nhà báo Pakistan đã cố gắng tìm kiếm ngôi trường có tên như vậy ở Anh nhưng không ai tìm ra.

Anh Quốc

Dịch vụ bán bằng trường rởm là mối liên hệ giữa Pakistan và Anh Quốc.

Đây là dịch vụ hàng triệu đô la một năm, theo phóng sự ‘Degrees of Deception’ (Bằng Lừa), trên kênh BBC Radio 4 ở Anh.

Người mua ở Anh Quốc từ ‘nguồn Pakistan’ không gồm các chính trị gia mà còn có bác sĩ, y tá, thậm chí có người làm trong một tổ hợp quân sự.

Iran cấm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học

Google sắp mở trung tâm AI tại TQ

Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn

Công ty bị BBC nêu tên là Axact nhận họ là tập đoàn IT lớn nhất thế giới, nhưng thực tế chỉ có vài nhân viên ở Karachi, Pakistan.

Họ nêu ra các tên trường giả như Brooklyn Park University, Nixon University, và đã bán ít nhất 3000 bằng cấp, chứng chỉ giả trong hai năm 2013-14.

Trong số này có cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ.

Đầu tháng 2/2018 lãnh đạo đảng Ukip ở Anh, ông Henry Bolton thừa nhận đã tự xưng một cách sai trái là ông tốt nghiệp BA từ Học viện quân sự hoàng gia Sandhurst.

Hoa Kỳ

Năm 2007: Marilee Jones, trưởng khoa giáo vụ Massachusetts Institute of Technology (MIT) từ chức sau vì nói dối về bằng cấp trong gần 30 năm liền.

Khi xin việc vào MIT, một trong những trường nổi tiếng nhất thế giới, bà đã khai là có bằng trung học, điều không đúng với sự thật.

Trong quá trình làm việc, bà Jones cũng khai là có bằng từ ba trường ở vùng New York: Albany Medical College, Union College và Rensselaer Polytechnic Institute.

Trên thực tế bà Jones không hề có bằng nào ở bất cứ trường nào nêu trên.

MIT cũng phải xin lỗi sinh viên và dư luận về vụ việc.

Zimbabwe

Tháng 2/2018, hiệu trưởng của Đại học Zimbabwe đã bị bắt trong cuộc điều tra về việc trao học vị tiến sĩ cho cựu đệ nhất phu nhân Grace Mugabe.

Ông Levi Nyagura đã bị cơ quan chống tham nhũng của quốc gia châu Phi bắt giữ và bị buộc tội lạm dụng chức vụ.

Bà Grace Mugabe, xuất thân làm nghề đánh máy trong phủ Tổng thống thời ông Robert Mugabe cầm quyền, đã thăng tiến nhanh sau khi kết hôn với ông.

Được giao phụ trách Đoàn Thanh niên Zanu-PF, bà cũng trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ quốc gia, và có danh hiệu là ‘Mẹ Dân’ nhưng còn muốn làm tiến sĩ.

Bà được ĐH Tổng hợp Zimbabwe trao tấm bằng tiến sỹ năm 2014 sau khi vào làm nghiên cứu sinh ngành xã hội học chưa đầy ba tháng, đặt ra các câu hỏi về thủ tục.

Người đứng ra tổ chức buổi lễ trao bằng cho bà chính là ông chồng, hiệu trưởng danh dự của trường.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43130145

 

Nhật Bản hy vọng Hoa Kỳ trở lại TPP

Nhật Bản hoan nghênh quan điểm tích cực của Hoa Kỳ đối với Hiệp định Thương mại Châu Á Thái Bình Dương (TPP) nhưng cũng nêu ra những khó khăn khi có những thay đổi vào thời điểm này. Hãng tin Reuters loan tin hôm thứ ba ngày 20 tháng 2.

Dẫn lời trưởng phái đoàn đàm phán TPP của Nhật, ông Kazuyoshi Umemoto, Reuters cho biết một thỏa thuận giữa 11 quốc gia thành viên còn lại sẽ được ký vào tháng tới và có thể gây ảnh hưởng tới Hoa Kỳ.

Nhật Bản là nước đi đầu trong việc sửa đổi hiệp định Thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi vòng đàm phán gồm 12 quốc gia thành viên vào tháng 1 năm ngoái sau khi nhậm chức.

Tuy nhiên, vào tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Trump cho biết Washington có thể sẽ trở lại TPP nếu có một thoả thuận tốt hơn.

Văn bản cuối cùng của TPP sửa đổi, hiện được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến  được công bố vào Thứ Tư 21/2 sẽ không thay đổi trong lĩnh vực tiếp cận thị trường như thoả thuận ban đầu của 12 thành viên và sẽ giảm thiểu số lượng các mặt hàng có liên quan tới luật đang bị đóng băng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/japan-hopes-us-returns-to-tpp-but-overhaul-tough-negotiator-02202018094305.html

 

Liên Hợp Quốc thúc giục Campuchia

xem xét việc thay đổi hiến pháp

Đặc ủy của Liên Hợp Quốc hôm 20 tháng 2 ra tuyên bố thúc giục chính phủ Campuchia xem xét lại việc sửa đổi hiến pháp trong đó có bao gồm một luật mới cấm người dân nói xấu nhà vua.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho rằng những thay đổi trong hiến pháp không rõ ràng, và không đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.

Tuyên bố của hai đặc ủy Rhona Smith và David Kaye viết rằng những thay đổi được đề xuất trong hiến pháp sử dụng những thuật ngữ quá rộng và cần phải dùng những từ chính xác, cụ thể để đáp ứng đúng tiêu chuẩn của quốc tế. Hai đặc ủy, vì vậy, yêu cầu chính phủ Campuchia nên đánh giá lại một cách kỹ lưỡng những thay đổi được đề xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế.

Theo đánh giá của những chuyên gia về Campuchia, những chỉ trích của Liên Hợp Quốc khó có thể mang lại sức nặng nào đối với Thủ tướng Hun Sen, người đã lên tiếng chỉ trích Liên Hợp Quốc vì những nhận xét liên quan đến tình hình nhân quyền ở Campuchia và chính phủ nước này.

Quốc hội Campuchia hồi tuần trước đã thông qua một luật mới cấm người dân nói xấu nhà vua cùng những thay đổi trong hiến pháp liên quan đến quyền của cử tri. Những thay đổi này khiến các tổ chức nhân quyền lo ngại vì họ cho rằng chúng có thể được sử dụng để chống lại những tiếng nói chỉ trích chính phủ.

Australia nhận gia đình ông Kem Ley tỵ nạn

Cũng liên quan đến tình hình nhân quyền ở Campuchia, Australia mới đây đã chấp nhận cho gia đình của một nhà hoạt động chính trị bị sát hại ở Campuchia được tỵ nạn. Văn phòng của dân biểu Australia, Hong Lim, ra thông cáo cho biết thông tin này vào thứ ba ngày 20/2.

Theo thông báo của văn phòng dân biểu Hong Lim, vợ và 5 người con của nhà hoạt động Kem Ley đã từ Thái Lan đến Melbourne hôm thứ bảy ngày 17/2.

Nhà hoạt động Kem Ley bị sát hại ở thủ đô Phnompenh của Campuchia hồi tháng 7 năm 2016. Sau đó, gia đình ông đã phải chạy sang một trại tỵ nạn ở Thái Lan.

Kẻ bắn chết ông Kem Ley là Oeut Ang bị tòa án ở Campuchia hồi năm ngoái kết án chung thân sau khi thừa nhận trước tòa rằng ông ta đã bắn ông Kem Ley vì một món nợ cá nhân không trả.

Tuy nhiên có những đồn đoán cho rằng Oeut Ang chỉ là kẻ thế mạng, và vụ giết người hoàn toàn có mục tiêu chính trị vì ông Kem Ley có những nhận xét chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/un-urges-cambodia-to-reconsider-constitutional-changes-amid-fears-for-human-rights-02202018092831.html

 

Các chiến binh ISIS xâm nhập Philippines

Các chiến binh khủng bố ISIS ở Trung Đông đang xâm nhập Philippines.

Ông Ebrahim Murad, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo ly khai Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro tại miền Nam Philippines nói như thế với các phóng viên vào ngày thứ ba 20/2/2018.

Trước đó, Mặt trận giai phóng Hồi giáo Moro đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ để đổi lấy quyền tự trị lớn hơn cho cộng đồng Hồi giáo tại miền Nam Philippines.

Ông Ebrahimm Murad còn nói là nhóm ISIS này đã lên kế hoạch tấn công hai thành phố nhỏ trên đảo Mindanao miền Nam Philippines là Iligan và Cotabato, nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được.

Dựa trên những thông tin tình báo do nhóm ly khai Mặt trận Moro thu thập được, thì những phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mindanao đang tuyển mộ tàn quân ISIS từ Trung Đông, tích cực tuyên truyền quan điểm cực đoan dưới vỏ bọc kinh thánh Koran tại các vùng làng mạc hẻo lánh.

Những thông tin được ông Ebrahim Murad đưa ra về mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố được đưa ra chỉ vài tháng sau khi quân đội Phi dẹp tan được cuộc tấn công của các lực lượng khủng bố có quan hệ với ISIS vào thành phố Marawi miền Nam nước này vào năm ngoái.

Trận đáng ở đây kéo dài đến 5 tháng với khoảng 1100 người thiệt mạng.

Đứng trước mối đe dọa hiện nay ông Ebrahim Murad nói rằng Quốc hội Phi cần sớm thông qua dự luật cho phép miền Nam có nhiều quyền tự trị hơn của cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số tại đây.

Bản thân Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, sau thời gian nổi dậy đòi ly khai với chính phủ trung ương tại Manila cũng đã ngồi vào bàn đàm phán, nhưng ông thận trọng nói rằng không thể chiến thắng được chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo nếu không kiến tạo được hòa bình ngay trong Quốc hội.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/isis-enter-philippines-02202018075433.html

 

Hàn Quốc sẽ thông báo kế hoạch tập trận chung với Mỹ

trước tháng 4

Hàn Quốc và Mỹ sẽ công bố kế hoạch tập trận quân sự chung trước tháng 4, hãng tin Reuters trích lời bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc hôm thứ Ba 20/2 cho biết.

Seoul và Washington đã đồng ý hoãn cuộc tập trận chung thường niên cho đến sau Thế vận hội mùa đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Hàn Quốc, dự kiến bế mạc vào ngày 18/3.

Trước đó, sau khi có quyết định trì hoãn cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Triều Tiên đã đồng ý hội đàm chính thức trở lại lần đầu tiên với Hàn Quốc sau hơn hai năm và gửi vận động viên đến tham gia Thế vận hội mùa đông. Động thái này làm giảm bớt tình trạng căng thẳng về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Khi được hỏi khi nào hai nước sẽ tổ chức cuộc tập trận, ông Song Young-moo, Bộ Trưởng Quốc phòng Hàn Quốc nói trước quốc hội rằng ông và người đồng nhiệm Hoa kỳ, Bộ trưởng Jim Mattis, sẽ đưa ra một thông báo trong khoảng thời gian từ ngày 18/3 đến đầu tháng 4.

Ông Song nói: “Theo tinh thần của Thế vận hội, cuộc tập trận đã được hoãn lại cho đến khi kết thúc thế vận hội và Paralympic … và chúng tôi không xác nhận hoặc từ chối bất cứ điều gì sẽ được thực hiện cho đến khi chúng tôi công bố kế hoạc tập trận.”

Ông Song nói thêm các cuộc đàm phán liên Triều không phải là kết quả trực tiếp của việc trì hoãn tập trận.

Từ trước đến nay Bình Nhưỡng luôn cảnh báo rằng họ sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn nếu Hoa Kỳ và Hàn Quốc xúc tiến các cuộc tập trận.

Triều Tiên tố cáo rằng các cuộc tập trận nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công vào miền Bắc, và Bình Nhưỡng sẽ tiến hành các cuộc thử tên lửa hoặc các hành động hung hăng khác để đáp trả.

Quân đội Hàn Quốc và quân đội Hoa Kỳ thường tổ chức các cuộc tập trận quân sự có tên là Key Resolve và Foal Eagle vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm, có đến 17.000 binh sĩ Hoa Kỳ và hơn 300.000 binh sĩ Hàn Quốc tham gia.

Bộ trưởng Thống nhất Nam Triều Tiên Cho Myong-gyon cho biết các cuộc đàm phán để tiến hành cuộc tập trận quân sự đang tái khởi động.

Cơ quan thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA cho hay trong một bài xã luận hôm thứ Hai 19/2 rằng việc khởi động lại cuộc tập trận chung là một “hành động đánh cướp một cách tàn nhẫn ngay cả một mảng nhỏ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.”

Hãng thông tấn Triều Tiên nói thêm: “Đó là một hành động khiêu khích trước những nỗ lực tích cực của Triều Tiên và sự nhiệt tình của cộng đồng quốc tế để xoa dịu căng thẳng và tạo ra một môi trường hòa bình.”

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-se-thong-bao-ke-hoach-tap-tran-chung-voi-my-truoc-thang-4/4262296.html

 

General Motors đóng cửa nhà máy,

Gunsan được coi là vùng khủng hoảng kinh tế

Seoul, Nam Hàn. (Reuters)- Ông Kim Eui-kyeom- phát ngôn viên của tổng thống Nam Hàn- hôm nay 20/02 cho hay, chính phủ Seoul sẽ xác định thành phố Gunsan là vùng khủng hoảng kỹ nghệ và nhân dụng, sau khi General Motors hồi tuần qua báo tin sẽ đóng cửa một nhà máy ở đó.

Địa phương được xác định là khu vực khủng hoảng sẽ được hưởng trợ cấp đặc biệt của chính phủ. Chẳng hạn như được vay nợ với lãi suất thấp, và nhân viên bị mất việc được trợ giúp tài chính. Hồi tuần qua, nhà sản xuất xe hơi GMC cho biết sẽ đóng cửa các nhà máy ở Gunsan nằm về phía tây nam thủ đô Seoul vào tháng 5 tới, và sẽ quyết định tương lai của ba nhà máy còn lại tại Nam Hàn trong vòng vài tuần lễ nữa.

Ông Barry Engle- người đứng đầu hoạt động đối ngoại của General Motors- cho biết công ty vẫn muốn ở lại Nam Hàn để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh. Một nguồn tin nói General Motors đề nghị sẽ đưa khoản nợ 2.2 tỉ Mỹ kim vào tích sản của nhà máy, để hưởng sự tài trợ và được miễn giảm thuế của chính phủ Seoul. Khoản nợ được chuyển đổi như vậy sẽ cho phép General Motors tiếp tục hoạt động tại Nam Hàn.

Hôm nay, Ông Barry Engle đã gặp một nhóm chuyên viên do nhà lập pháp của đảng cầm quyền dẫn đầu, để thảo luận về việc tái cấu trúc kế hoạch tài chính của nhà máy. Ông Engle nói rằng General Motors dự tính sẽ sản xuất hai mẫu xe mới tại Nam Hàn, và kế hoạch này phụ thuộc vào sự trợ giúp tài chính của chính phủ Seoul. (Song Châu)

https://www.sbtn.tv/general-motors-dong-cua-nha-may-gunsan-duoc-coi-la-vung-khung-hoang-kinh-te/

 

Syria: quân chính phủ oanh kích l

àm hàng trăm thường dân chết và bị thương

Anh Vũ

Chiến sự giữa quân chính phủ Damas và quân nổi dậy lại bùng lên dữ dội từ ngày 19/02/2018. Ít nhất 100 thường dân, trong đó có 20 trẻ em đã bị thiệt mạng vì các vụ oanh kích dày đặc của quân đội Syria nhằm vào vùng đất của quân nổi dậy Ghouta, gần thủ đô Damas. Tính đến ngày 20/02, các cuộc oanh kích của chính phủ đã làm gần 200 người chết và hơn 300 người bị thương, theo tổ chức phi chính phủ Đài Quan sát Nhân quyền Syria tại hiện trường.

Thông tín viên RFI tại Beyrouth, Paul Khalifeh, cho biết thêm thông tin :

Tiếng đại bác rền vang khắp Damas trong ngày hôm qua (19/02) gây không khí hoảng loạn trong dân chúng ở thủ đô. Truyền hình Syria cho thấy những cột lửa do quân đội chính phủ nã pháo vào các vị trí của quân “khủng bố”, từ ngữ vẫn được truyền thông chính phủ chỉ quân nổi dậy thánh chiến.

Các đợt oanh kích trở lại sau hai ngày yên tĩnh cùng với các cuộc đàm phán giữa chế độ Damas với lực lượng nổi dậy hiện đang giữ một vùng đất rộng lớn bị bao vây mà ở bên trong vẫn còn 400 nghìn thường dân sinh sống. Tuy nhiên, ông Mohammad Allouchen, chỉ huy Jaych al Islam, một lực lượng nổi dậy lớn nhất Ghouta, đã cải chính tin nhóm đã thương lượng với chính quyền Damas.

Giám đốc tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), ông Ami Abdel Rahman cho biết, 300 quả rốc két đã bắn xuống Ghouta cùng với hàng chục vụ không kích. Nhiều đạn pháo của quân nổi dậy đã rơi xuống thủ đô Damas, làm một số người bị thương.

Xung đột leo thang nổ ra sau khi có tăng viện lớn của quân đội Syria đến Ghouta. Các đơn vị tinh nhuệ do viên tướng nổi tiếng Souhail al-Hassan chỉ huy, được trang bị hàng chục chiến xa và đại bác đã được triển khai ở phía đông Damas để đề phòng các cuộc tấn công lớn của quân nổi dậy. Các khâu chuẩn bị đã xong, binh sĩ chỉ còn chờ lệnh tấn công.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180220-syria-quan-doi-chinh-phu-oanh-kich-du-doi-quan-noi-day-hang-tram-thuong-dan-chet-va

 

Peru : Cựu tổng thống Fujimori vừa được ân xá

lại chuẩn bị ra tòa

Anh Vũ

AFP dẫn thông báo của tư pháp Peru hôm 19/02/2018, cho hay một tòa án của nước này đã ra lệnh đưa cựu tổng thống Alberto Fujimori, 79 tuổi, vừa mới được ân xá cách đây vài tháng, tiếp tục ra tòa để xét xử về vụ sát hại 6 thường dân một làng hồi năm 1992.

Theo tư pháp Peru, lệnh ân xá vì lý do nhân đạo cho cựu tổng thống Fujimori không có hiệu lực gì với lệnh tống đạt của tòa án muốn xét xử ông ở một vụ án khác.

Cựu tổng thống Peru, Alberto Fujimori, đã bị án tù 25 năm vì các tội ác chống loài người và tham nhũng. Ông đã được tổng thống đương nhiệm Pedro Pablo Kuczynski ra lệnh ân xá vì lý do sức khỏe hôm 24/12/2017.

Lần này, Viện Công Tố Peru đòi đưa ông Fujumori ra xét xử cùng với 23 người khác, từng tham gia nhóm dân quân vũ trang và quân đội cũ. Vụ án liên quan đến chính phủ Fujimori ngày 29/01/1992 ra lệnh mở chiến dịch tấn công các nhóm du kích quân Mao-ít vào một khu làng Pativilca, phía bắc thủ đô Lima. Trong chiến dịch này, 6 thường dân của làng đã bị sát hại một cách dã man.

Trong vụ án này, các công tố viên đòi kêu án ông Fujimori 25 năm tù vì các tội danh, bắt cóc, sát nhân.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180220-peru-cuu-tong-thong-fujimori-vua-duoc-an-xa-lai-chuan-bi-ra-toa

 

Hungary : Quốc Hội thảo luận dự luật

kiểm soát tổ chức phi chính phủ

Anh Vũ

Tại Hungary, vài tuần trước bầu cử Quốc Hội, dự kiến vào ngày 08/04, chính phủ của thủ tướng Viktor Orban đang mở chiến dịch tấn công mới nhằm vào các tổ chức phi chính phủ. Ngày 20/02/2018, Nghị Viện Hungary bắt đầu thảo luận dự luật có tên gọi chính thức « Stop Soros ». Văn kiện luật nhắm đích danh tỷ phú người Mỹ gốc Hung George Soros, người từ hai năm qua luôn bị ông Viktor Orban tố cáo lợi dụng làn sóng di cư ồ ạt vào châu Âu vì mục đích chính trị.

Thông tín viên RFI Florence Labruyère tường trình từ Budapest :

Cho dù mang tên « Stop Soros », dự luật không chỉ liên quan tới các hiệp hội được nhà tỷ phú hảo tâm người Mỹ tài trợ. Luật nhắm vào tất cả các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người nhập cư và xin tị nạn.

Để có thể hoạt động, các tổ chức phi chính phủ sẽ phải xin giấy phép của bộ Nội Vụ, đồng thời còn phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan an ninh. Nếu từ chối, các tổ chức đó sẽ bị phạt tiền. Và nếu sai phạm nhiều lần, các tổ chức phi chính phủ đó có thể bị cấm hoạt động.

Dự luật đã làm dấy lên các chỉ trích mạnh mẽ từ Hội Đồng Châu Âu và cơ quan Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tổ chức quốc tế này tuyên bố : « Văn kiện này đe dọa công việc của xã hội dân sự. Đây là sự tiếp tục đáng lo ngại của chính phủ Hungary gây tổn hại đến nhân quyền và không gian hoạt động dân sự ».

Hiện tại, chính phủ của thủ tướng Viktor Orban không tính chuyện sửa đổi dự luật sẽ được bỏ phiếu thông qua sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng Tư tới. Dự luật được trình hôm nay nhằm chuẩn bị chiến dịch chống George Soros. Theo các cuộc thăm dò dư luận thì chiến dịch này đang có lợi cho ông Viktor Orban.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180220-hungary-quoc-hoi-bat-dau-thao-luan-du-luat-kiem-soat-to-chuc-phi-chinh-phu

 

Đức đình chỉ chế độ ưu đãi visa

cho thủ tướng và chính phủ Cam Bốt

Trọng Nghĩa

Để trừng phạt thủ tướng Hun Sen và chính phủ Cam Bốt vì đã trấn áp báo chí, các tổ chức phi chính phủ và phong trào đối lập chính trị trong nước trong thời gian qua, chính quyền Đức mới đây đã âm thầm áp dụng một biện pháp cụ thể.

Theo báo Phnom Penh Post ngày 19/02/2018, Berlin đã chấm dứt chính sách ưu đãi thị thực nhập cảnh đối với những chuyến thăm cá nhân của các quan chức chính quyền Phnom Penh, trong đó có cả thủ tướng Hun Sen và thân nhân.

Thông tin chưa được loan báo chính thức, nhưng các biện pháp trừng phạt đã được chính phủ Đức chuyển qua Quốc Hội từ hôm thứ Tư 14/02. Việc bãi bỏ ưu đãi visa nhắm vào các thành viên chính phủ Cam Bốt, “bao gồm cả thủ tướng Hun Sen và gia đình, các quan chức cấp cao trong quân đội và các chánh án tòa án tối cao”.

Văn bản chuyển đến Quốc Hội Đức còn kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Châu Âu áp dụng những biện pháp tương tự đối với chế độ Hun Sen.

Theo nhật báo Cam Bốt, phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên đảng Nhân Dân Cam Bốt, ông Sok Eysan đã cho rằng việc hủy bỏ quyền ưu tiên cấp thị thực “càng giúp (Cam Bốt) tiết kiệm tiền”, vì các quan chức Phnom Penh đỡ lo nghĩ đến các chuyến thăm tốn kém tại Đức.

Cũng theo Phnom Penh Post, quyết định mà chính phủ của bà Merkel chuyển đến Quốc Hội còn cho biết là Berlin đã hoãn vô thời hạn việc ký kết biên bản ghi nhớ với phía Campuchia về vấn đề “tham vấn chính trị thường xuyên”.

Quyết định của Đức được cho là nhằm tăng sức ép đối với chính quyền Cam Bốt sau vụ tờ báo The Cambodia Daily tại nước này bị buộc phải đình bản vì nợ nần vào năm 2017 và các vụ loại trừ đảng đối lập tham gia tranh cử, cũng như bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Kem Sokha và buộc đảng Cứu Nguy Dân Tộc của ông phải giải thể.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180220-duc-dinh-chi-che-do-uu-dai-visa-cho-thu-tuong-va-chinh-phu-cam-bot

 

Tại Geneve : Chủ hiệu sách Hồng Kông

tố cáo Bắc Kinh áp bức nhân quyền

Anh Vũ

Ngày 20/02/2018, một hội nghị vì nhân quyền và dân chủ diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ, dưới sự bảo trợ của khoảng hai chục tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền quốc tế.

Trong số các nhà hoạt động nhân quyền dự hội nghị Geneve lần này có ông Lâm Vinh Cơ, một chủ hiệu sách nổi tiếng tại Hồng Kông với vụ bị bắt giam chỉ vì bán các tác phẩm chỉ trích lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tại Geneve, ông Lâm quyết định công khai nói lên sự thật về tình trạng nhân quyền ở Hồng Kông.

Đặc phái viên RFI tại Geneve Achim Lippold cho biết :

Với cặp kính tròn, giọng nói điềm tĩnh, ánh mắt thăm dò, ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing Kee) đang có một sứ mệnh. Từ hai năm nay, kể từ khi được trả tự do, ông vẫn không ngừng tố cáo tình hình nhân quyền tại Hồng Kông.

Trong năm 2015, có tất cả 5 nhân viên nhà sách bị bắt. Một trong số họ vẫn còn trong tù, số khác thì giữ im lặng về việc bị giam giữ. Nhưng ông Lâm Vinh Cơ đã quyết định tiết lộ câu chuyện của mình trước công chúng.

Đó là vào năm 2016, khi chính quyền Trung Quốc trao tự do có điều kiện cho ông bằng việc yêu cầu ông báo cáo thông tin về khách hàng của mình và ông đã từ chối. Sống ở Hồng Kông, ông « tự cho mình như là một nhà hoạt động chính trị ». Ông kể lại rằng không phải ông lựa chọn vai trò đó. Nhưng « những gì đến với tôi đã cho thấy tình hình nhân quyền ở Hồng Kông đang xấu đi. Mọi người đều phải chịu sự áp bức của chính phủ Trung Quốc. Tình trạng này xảy ra cả đối với những người bình thường như tôi, đơn thuần chỉ là một nhân viên hiệu sách ».

Ông nhận thấy không « có sự lựa chọn nào khác là hành động để bảo vệ quyền tự do ». Lâm Vinh Cơ, không nhận bị gục ngã. Trong vài tháng tới, ông sẽ mở một hiệu sách mới. Hiệu sách cũ đã bị bán cho một người ủng hộ chính phủ Trung Quốc.

Trước mắt hiệu sách sẽ mở ở Đài Loan, vì lý do chính trị. Nhưng mơ ước của ông là lại được làm người bán sách ở Hồng Kông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180220-tai-geneve-chu-hieu-sach-hong-kong-to-cao-bac-kinh-ap-buc-nhan-quyen

 

Renew, đảng chống Brexit ra đời tại Anh

Thụy My

Một đảng mới vừa được thành lập tại Anh, với mục đích ngăn chận quá trình Brexit. Đảng này mang tên Renew, tức Đổi Mới, hôm qua 19/02/2018 đã bắt đầu tung ra chiến dịch truyền thông nhằm tranh thủ công chúng ủng hộ việc nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Marina Daras cho biết thêm chi tiết :

« Chính tại trung tâm Westminster mà đảng chống Brexit đã tung ra chiến dịch. Đảng Renew hiện chưa có đại diện trong Quốc Hội hoặc các nhà tài trợ tên tuổi. Lãnh đạo đảng là ba giám đốc hầu như chưa có kinh nghiệm chính trường, nhưng cũng như nhiều người dân Anh, họ cảm thấy bị đứng ngoài trò chơi chính trị hiện nay. Và đó là đặc thù của phong trào, theo như mô hình của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) bên Pháp.

Sandra Khadhouri là một trong ba đại diện chính thức. Bà cho biết : « Tại Anh, không ít người cho rằng các chính khách hoàn toàn không biết người Anh thực sự muốn gì. Các ứng viên muốn gia nhập đảng chúng tôi, hiện có 450 người, đến từ mọi miền đất nước và cùng chia sẻ đam mê, khiến chúng tôi tin rằng đang đi đúng đường. Và vì chúng tôi là một đảng của những người bình thường, khác với các đảng truyền thống, nên họ đến với chúng tôi. Đảng Renew rất vui mừng được đón tiếp những người mang lại các ý tưởng để thay đổi cộng đồng và chia sẻ quan điểm ».

Triết gia Anh A.C. Grayling cũng hiện diện để ủng hộ đảng Renew, ông tin rằng quá trình Brexit có thể bị ngưng lại. Ông Grayling nói : Có nhiều nghị sĩ chống lại Brexit, nhưng họ chờ đợi một thời điểm thích hợp. Dư luận đang dần dần thay đổi, và các nghị sĩ đang đợi khi nào người dân Anh sẵn sàng để ngăn chận hẳn Brexit.

Đảng Renew tuần này bắt đầu đi một vòng các thành phố nước Anh để cố gắng tuyển mộ các ứng viên cho những kỳ bầu cử tới ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180220-renew-dang-chong-brexit-ra-doi-tai-anh

 

Tại sao Kremlin không làm to chuyện người Nga

bị Mỹ oanh kích ở Syria?

Nhiều chiến binh mang quốc tịch Nga bị chết hoặc bị thương ngày 07/02/2018 tại Deir Ezzor, Syria, trong trận oanh kích của quân đội Mỹ được triển khai trong vùng. Sau một tuần nhùng nhằng, ngày 15/02, Matxcơva chính thức xác nhận có 5 công dân Nga bị thiệt mạng (Vladimir Loginov, Kirill Ananyev, Igor Kosoturov, Stanislav Matveev, Alexei Ladygin), trong khi Reuters nêu con số vài trăm người chết và bị thương. Điều ngạc nhiên là cả Nga và Mỹ đều tránh làm ầm vụ việc. Tại sao? Câu trả lời được đài France 24 phân tích ngày 16/02/2018.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, ít nhất 100 chiến binh ủng hộ chế độ Syria đã bị thiệt mạng trong trận oanh kích ngày 07/02 nhằm đáp trả một vụ tấn công vào trụ sở của Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF), được liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu yểm trợ. Ngày 13/02, tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Trung Đông, xác nhận là liên quân quốc tế đã “tự vệ chính đáng” trong cuộc oanh kích kéo dài hơn 3 giờ, huy động nhiều chiến đấu cơ, oanh tạc cơ chiến lược, máy bay trực thăng chiến đấu và máy bay tự hành.

Tướng Harrigian không nêu rõ các mục tiêu bị tấn công là của nước nào, mà chỉ khẳng định : “Chúng tôi chỉ nhắm đến một kẻ thù duy nhất : tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Chúng tôi không tìm cách chiến đấu với bất kỳ lực lượng nào khác, như bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis đã phát biểu vào tuần trước”. Như nhiều tướng lĩnh Mỹ khác, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến các nạn nhân, được cho là người Nga.

300 công dân Nga chết và bị thương ở Deir Ezzor?

Điện Kremlin cũng khẳng định không được thông tin về bất kỳ sự mất mát nào bên phía Nga, đồng thời cảnh báo sự lan truyền “thông tin thất thiệt” về chủ đề này. Cho đến khi nhiều tổ chức bán quân sự và dân tộc chủ nghĩa Nga thống kê số nạn nhân trong hàng ngũ của họ sau loạt tấn công ngày 07/02. Phát ngôn viên đảng Nước Nga Khác theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực tả, Alexander Averin, thông báo Kirill Ananyev, một chiến binh thuộc đảng này đã bị thiệt mạng và khẳng định “người này không chết một mình”. Vẫn theo nguồn tin nói trên, nhiều người Nga khác thiệt mạng là “chuyện thật”.

Sau nhiều lần phủ nhận, cuối cùng ngày 15/02, bộ Ngoại Giao Nga, thông qua phát ngôn viên Maria Zakharova, khẳng định với báo giới : “Theo những thông tin sơ bộ, có thể nói là 5 người chết, được cho là công dân Nga, vì đụng độ có vũ trang và nguyên nhân vẫn đang được tìm hiểu”. Bà cũng khẳng định “đó không phải là quân nhân của Nga”, đúng với phát biểu của bộ Quốc Phòng Nga là không có “bất kỳ quân nhân Nga nào ở Deir Ezzor”.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khác được hãng tin Reuters phỏng vấn, lại nhắc đến số nạn nhân Nga ở một quy mô lớn hơn : khoảng 300 người làm việc cho công ty quân sự tư nhân Wagner đã bị chết hoặc bị thương trong loạt oanh kích trên không và trên bộ của liên quân quốc tế. Trước hết, theo một bác sĩ quân y Nga được Reuters đặt câu hỏi, có ít nhất ba máy bay chở người bị thương từ Syria về Matxcơva từ ngày 09 đến 12/02.

Ngoài ra, ông Yevgeny Shabayev, một lãnh đạo của tổ chức bán quân sự Cozack, có quan hệ với lính đánh thuê, cho Reuters biết là vào ngày 14/02, ông đã đến thăm một số người bị thương được đưa từ Syria về và được điều trị ở viện quân y trung ương của bộ Quốc Phòng ở Khimki, ngoại ô Matxcơva. Những người bị thương này kể lại là khoảng 550 tay súng của công ty Wagner đã tham gia vào trận đánh hôm 07/02. Vẫn theo ông Yevgeny Shabayev, khoảng 300 người trong số họ đã bị chết hoặc bị thương. Nhiều tay súng đánh thuê khác được điều trị ở ba nơi khác nhau : Trung tâm Quân y Thứ ba Vishnevskiy ở Krasnogorsk, gần Matxcơva, Bệnh viện Burdenko ở thủ đô và ở Viện Hàn lâm Quân y ở Saint-Peterburg. Nhưng khi được Reuters liên lạc, các cơ sở này đều bác bỏ thông tin hoặc từ chối bình luận.

Wagner, công ty ngầm và “không tồn tại” với Matxcơva

Thực ra, Matxcơva khó có thể công nhận rằng nhiều công dân Nga chết khi chiến đấu ở Syria. Để tránh bị mang tiếng là có quân nhân tham chiến ở Syria, trên thực tế, Nga luôn khẳng định chỉ can thiệp bằng cách tiến hành oanh kích trên không và từ ngoài khơi. Theo lập trường chính thống này, nếu công dân Nga tham chiến trên thực địa, thì chỉ có thể là những tay súng độc lập, đến chiến đấu tại Syria vì lợi ích riêng của họ.

Ngoài ra, Matxcơva còn phủ nhận sự tồn tại của công ty Wagner vì việc đánh thuê bị cấm ở Nga, vì vậy, công ty này không tồn tại một cách hợp pháp. Nhưng thực ra, công ty Wagner đã từng được nhắc đến vào năm 2014 khi điều lính đánh thuê đến miền đông Ukraina. Sau đó, kể từ năm 2015, Wagner có lẽ đã gửi lính đến Syria, thường là trong số chiến binh đã hoạt động ở Ukraina.

Thông tín viên đài France 24 tại Matxcơva, Elena Volochine, đã gặp một người trong số họ. Người này cho biết : “Tôi đến chiến đấu ở Ukraina vì nước Nga, tôi sẽ đến chiến đấu ở Syria vì tiền”. Quả thực, lính đánh thuê của công ty Wagner được trả thù lao hậu hĩnh, có thể gấp 10 lần so với mức lương trung bình ở Nga. Nhưng không phải tất cả những người đó sống sót trở về, và những người đã hồi hương thì nhắc đến “một lò sát sinh” với thiệt hại rất lớn về nhân mạng. Trước khi đến chiến đấu ở Syria, những lính đánh thuê này được huấn luyện tại một căn cứ bí mật ở miền nam nước Nga.

“Không bên nào muốn khiêu chiến”

Theo nhiều nhà quan sát, các cuộc đụng độ xảy ra giữa một bên là vài trăm tay súng Nga, chiến đấu cùng lực lượng thân chính phủ Syria, và bên kia là quân nhân Hoa Kỳ vào ngày 07/02 tại Syria, có quy mô chưa từng có kể từ sau Chiến Tranh lạnh. Nhưng phải giải thích thế nào về việc cả Matxcơva và Washington đều không đưa ra phản ứng ?

Phóng viên của France 24 đã liên lạc với ông Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga hiện là nhà phân tích chính trị độc lập ở Matxcơva. Theo ông, lời giải thích rất đơn giản : “Nga, cũng như Mỹ, tìm cách giảm thiểu những gì đã xảy ra, vì không bên nào muốn gây chiến”. Và chắc chắn tổng thống Vladimir Putin cũng không muốn làm to chuyện này, vì ông đang vận động tranh cử để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Vì vậy, ông Vladimir Frolov đánh giá đây không phải là sự xung đột giữa Nga và Mỹ, mà là “sự nhầm lẫn của chiến tranh”.

Tổng thống Vladimir Putin và đồng nhiệm Donald Trump đã điện đàm vào thứ Hai 12/02, nhưng không đề cập đến hồ sơ Syria, theo thông báo của phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov. Do Washington chấp nhận quan điểm của Matxcơva, theo đó Nga không liên can với vụ tấn công hôm 07/02, nên vấn đề đối đầu quân sự giữa hai cường quốc chính thức được gác sang một bên. Tuy nhiên, sau trận oanh kích của Mỹ, Nga đã chỉ trích Washington về “sự hiện diện bất hợp pháp” tại Syria và ý đồ “kiểm soát các nguồn lợi kinh tế của Syria”.

Ngoài ra, theo truyền thông Nga, lính đánh thuê của công ty Wagner có thể là do tổng thống Bachar Al Assad hoặc do các lực lượng đồng minh của chính quyền Syria tuyển mộ để bảo vệ nguồn năng lượng của nước này, như các giếng dầu, các khu khai thác khí đốt, có rất nhiều trong vùng Deir Ezzor.

Công luận liệu có bao giờ biết được những bí mật và bối cảnh của vụ đối đầu ngày 07/02 tại Deir Ezzor hay không? Hãng tin Mỹ Bloomberg nhận định, giai đoạn này cho thấy mọi “phức tạp của cuộc xung đột tại Syria”: từ chuyện về “cuộc đàn áp của chính phủ đã biến thành một cuộc chiến uỷ nhiệm”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180220-tai-sao-nga-khong-lam-to-chuyen-kieu-dan-bi-my-oanh-kich-o-syria

 

Tư pháp Thái Lan cho một người Nhật

quyền nuôi 13 đứa con nhờ đẻ thuê

Trọng Nghĩa

Tòa án phụ trách thiếu nhi tại Bangkok, thủ đô Thái Lan vào ngày 20/20/2018 đã trao cho một người đàn ông Nhật Bản giàu có quyền nuôi dưỡng 13 đứa con nhỏ mà ông đã nhờ 6 phụ nữ Thái Lan đẻ thuê. Vụ đẻ thuê với quy mô lớn này đã từng gây chấn động dư luận xứ Thái Lan khi bị phát giác vào năm 2014.

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Arnaud Dubus giải thích:

“Trong một căn hộ tại Bangkok, vào năm 2014, người ta đã khám phá ra 6 bà mẹ đẻ mướn, chăm lo cho 13 đứa con nhỏ, đều cùng một người cha là một người Nhật Bản giầu có. Vụ này đã gây chấn động dư luận Thái Lan.

Khi tai tiếng bùng lên, người cha 28 tuổi đã trốn khỏi Thái Lan. Nhà nước Thái Lan khi ấy đã đứng ra chăm sóc cho các đứa trẻ, nhưng các bà mẹ của những đứa bé đã nộp đơn kiện để đòi lại con.

Và tư pháp Thái Lan đã phán quyết, giao quyền nuôi các đứa bé cho người cha Nhật Bản, cho dù người này không hề trở lại Thái Lan để giải thích về hành động của mình.

Phán quyết của Tòa Án Thái Lan khá ngạc nhiên, vì tư pháp nước này thường thiên về việc trao quyền giữ con cho người mẹ hơn là người cha. Thế nhưng, các thẩm phán đã giải thích rằng bản án của họ đã được tuyên trên tinh thần có lợi cho các đứa bé, vì người cha có đủ khả năng tài chánh để chăm lo cho con mình.

Vụ này đã dẫn đến việc thông qua một đạo luật mới, bắt buộc là giữa người muốn có con và bà mẹ đẻ thuê phải có một quan hệ gia đình nào đó. Sau vụ tai tiếng nói trên, nhiều vụ khác đã được đưa ra ánh sáng, đặc biệt là vụ một đôi vợ chồng người Úc, đã nhờ một bà mẹ đẻ thuê, nhưng rồi sau đó lại bỏ rơi đứa con cho người mẹ đã sinh ra vì đứa bé bị bệnh bẩm sinh”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180220-tu-phap-thai-lan-cho-mot-nguoi-nhat-quyen-nuoi-13-dua-con-nho-de-thue