Tin khắp nơi – 17/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Miến Điện nỗ lực hòa giải

với các nhóm dân quân thiểu số

Chính phủ Miến Điện đang cố gắng bằng mọi cách để đạt được thỏa hiệp hòa bình với những nhóm dân quân thiểu số, hy vọng chấm dứt những cuộc giao tranh kéo dài đã nhiều thập niên.

Tin từ Miến Điện cho biết trong ngày hôm nay, 17 tháng 7, Ngoại Trưởng Miến là bà Aung San Suu Kyi liên tục thảo luận với 5 nhóm dân quân có lực lượng mạnh nhất, trong đó có Tổ Chức Tranh Đấu Đòi Độc Lập Kachin.

Hiện tại vẫn chưa có tin gì về kết quả của những cuộc đàm phán, nhưng một viên chức Miến có mặt trong những phiên họp nói với hãng thông tấn AFP là các cuộc gặp gỡ diễn ra rất tốt đẹp, mọi người xem nhau như người trong gia đình.

Viên chức này cũng nói thêm mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng niềm tin, để các nhóm dân quân thiểu số buông súng, tiếp tay với chính phủ xây dựng đất nước.

Tranh chấp giữa chính phủ Miến và các nhóm dân quân thiểu số bùng nổ từ cuối thập niên 1950, lúc Miến Điện mới giành lại độc lập từ người Anh.

Lực lượng dân quân thiểu số đòi độc lập hoặc quyền tự trị thường xuyên lên tiếng cáo buộc bị chính phủ Miến đối xử bất công.

Có tin nói những cuộc đàm phán đang diễn ra chỉ là bước đầu, trước khi tất cả các lực lượng thiểu số đồng ý cùng với chính quyền gặp nhau tại hội nghị hòa giải, hòa hợp dân tộc, sẽ tổ chức vào cuối mùa hè năm nay.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/myanmar-suu-kyi-holds-landmark-rebel-talks-07172016094739.html

 

Pakistan: Facebooker nổi tiếng

Qandeel Baloch bị anh ruột giết chết

Một facebooker nổi tiếng bị anh ruột giết chết vì cho rằng gia đình đã bị cô xúc phạm danh dự.

Qandeel Baloch được giới trẻ Pakistan chú ý vì những hoạt động trên trang mạng xã hội của cô. Baloch kêu gọi thanh niên thoát ra sự kềm tỏa của thần quyền và tuyên xưng tự do cá nhân. Cô được xem là một ngôi sao Facebook khi mới hơn hai mươi tuổi.

Trong cuộc nghỉ hè cùng gia đình, cô đã bị chính người anh trai mình bóp cổ đến chết vì nhân danh điều được gọi là danh dự gia đình. Kẻ sát nhân vẫn đang ẩn trốn dưới sự truy nã của cảnh sát.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, đang thúc đẩy đạo luật truy tố bất cứ kẻ nào giết người thân, nhân danh xâm phạm luật lệ Hồi giáo. Hàng trăm phụ nữ Pakistan đã bị giết trong vài năm qua.

Nhà làm phim Sharmeen Obaid-Chinoy, người diễn giải về đề tài này trong bộ phim “Cô gái trên sông: Cái giá của sự tha thứ” đã đoạt giải Oscar vào đầu năm nay cho rằng những vụ giết người như thế làm cho phụ nữ cảm thấy không thể an toàn trong xã hội Pakistan.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/facebook-star-killed-by-brother-for-honour-in-pakistan-07162016112724.html

 

Một công dân Bắc Hàn

muốn xin được tỵ nạn tại Nhật

Nhật Bản đang giữ một người đàn ông nói là công dân Bắc Hàn muốn xin được tỵ nạn.

Tin do truyền thông Nhật phổ biến cho biết vụ việc xảy ra từ hôm qua, 16 tháng 7, khi cảnh sát thành phố Nagato ở miền Tây Nhật Bản trông thấy người đàn ông này đứng ngơ ngác trên đường phố.

Danh tánh của người này chưa được tiết lộ, nhưng theo Kyodo News, anh ta khai sinh năm 1990, rời Bắc Hàn hồi tuần trước trên một chiếc thương thuyền, sau đó nhảy từ tàu xuống biển, dùng một thùng nhựa để bơi vào bờ.

Hồi năm 2011, tuần duyên Nhật Bản cứu được 9 người Bắc Hàn lênh đênh trên biển cả. Toán người này sau đó được đưa về Nam Hàn định cư.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/suspected-nkorea-defector-found-in-japan-07172016095815.html

 

Thổ Nhĩ Kỳ bắt ‘khoảng 6.000 người’

Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã bắt giữ 6.000 người sau vụ đảo chính bất thành hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Nội vụ Bekir Bozdag nói, và cho biết con số này sẽ còn tăng thêm.

Trong số những người bị bắt có nhiều sỹ quan cao cấp.

Một viên chỉ huy lữ đoàn và hơn 50 quân nhân bị bắt giam tại tỉnh Denizli ở miền tây vào đầu giờ sáng Chủ Nhật, truyền thông nước này loan tin.

Cho đến nay, ít nhất đã có 3.000 binh lính bị bắt và chừng 2.700 thẩm phán bị sa thải.

Ít nhất 265 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ xảy ra trong cuộc đảo chính bất thành.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói Quốc hội nước này có thể cân nhắc đề xuất áp dụng án tử hình.

Ông Erdogan cáo buộc giáo sỹ người Thổ hiện ở Mỹ, Fethullah Gulen là đứng đằng sau âm mưu đảo chính, nhưng ông này bác bỏ.

Nỗ lực đảo chính diễn ra đêm thứ Sáu, khi một phe nhóm quân sự chiếm các cây cầu quan trọng ở Istanbul và tấn công các tòa nhà quốc hội tại thủ đô Ankara.

Ông Erdogan đã kêu gọi mọi người nổi dậy chống lại những đối tượng âm mưu đảo chính; tới sáng thứ Bảy các quân nhân nổi loạn bắt đầu đầu hàng.

Tuy nhiên, một đêm đầy các vụ nổ, những tiếng súng bắn và những vụ đụng độ đã khiến 161 người, gồm cả dân thường và cảnh sát, thiệt mạng. Hơn 1.440 người khác bị thương.

Chính phủ nói có 104 “kẻ âm mưu” đã bị giết chết.

Bắt giữ các gương mặt cao cấp

Trung tướng Ozhan Ozbakir, chỉ huy đồn Denizli và Lữ đoàn Biệt kích số 11, nằm trong số các gương mặt quân sự cao cấp bị bắt hôm Chủ Nhật, hãng tin Anadolu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật.

Các gương mặt hàng đầu khác bị bắt có Tướng Erdal Ozturk, chỉ huy Quân đoàn số Ba, Tướng Adem Huduti, chỉ huy Quân đoàn số Hai, và Akin Ozturk, cựu Tham mưu trưởng Không quân.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yêu cầu dẫn độ từ Hy Lạp về tám quân nhân bỏ chạy bằng một chiếc trực thăng của Thổ Nhĩ Kỳ sang xin tỵ nạn chính trị sau khi đảo chính bại lộ.

Một trong những thẩm phán cao cấp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Alparslan Altan, đã bị tạm giữ hôm thứ Bảy.

Khoảng 44 thẩm phán và công tố viên đã bị bắt giữ hồi đêm tại thành phố Konya ở miền trung, và 92 người bị bắt tại thành phố Gazientep ở đông nam, hãng tin tư nhân Dogan nói.

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ, Suleyman Soylu tỏ ý nói Hoa Kỳ đứng đằng sau vụ đảo chính, là cáo buộc bị Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry mạnh mẽ bác bỏ.

Tổng thống Barack Obama cùng các lãnh đạo thế giới kêu gọi các đảng phái tại Thổ Nhĩ Kỳ “hành động trong khuôn khổ pháp luật”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160717_turkey_key_military_officers_arrested

 

Tuần hành ủng hộ dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đám đông tập hợp tại Istanbul và các thành phố khác để đáp lại lời kêu gọi bảo vệ nền dân chủ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc là đã xúi giục cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, ông Gulen bác bỏ bất kỳ giả định liên hệ giữa ông và những gì đã xảy ra.

Gần 3.000 binh sĩ đã bị bắt giữ và 2.700 thẩm phán bị sa thải trong lúc chính phủ tái khẳng định quyền lực.

Các tướng lĩnh được ghi nhận nằm trong số những người bị bắt giữ.

Thủ tướng Binali Yildirim gọi âm mưu đảo chính là một “vết đen của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ”.

Các vụ nổ bom và súng được nghe thấy tại các thành phố trọng điểm đêm 15/7. Thống kê chính thức cho thấy 161 dân thường và cảnh sát thiệt mạng, trong lúc 104 binh sĩ tham gia đảo chính cũng bị giết. 1.440 người bị thương.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp luật trong quá trình điều tra âm mưu đảo chính.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen.

Mỹ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng minh những cáo buộc trước khi việc dẫn độ ông Gulen có thể được xem xét.

‘Bất ổn’

Trong khi đó, Mỹ khuyến cáo công dân nước họ về bất kỳ ý định đi đến Thổ Nhĩ Kỳ.

“Khách du lịch nước ngoài và Mỹ bị các tổ chức khủng bố quốc tế và bản địa nhắm mục tiêu rõ ràng,” thông cáo Bộ Ngoại giao Mỹ viết.

Jeremy Bowen, Biên tập viên Trung Đông của BBC News phân tích: “Có âm mưu đảo chính là do Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ sâu sắc với kế hoạch của Tổng thống Erdogan muốn thay đổi đất nước và do bạo lực lây lan từ cuộc chiến ở Syria”.

“Tổng thống Erdogan và Đảng AK đã trở thành chuyên gia trong việc đắc cử, nhưng vẫn luôn tồn tại nghi ngờ về cam kết lâu dài của ông với dân chủ. Ông là một chính trị gia Hồi giáo, người bác bỏ di sản thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Ông Erdogan ngày càng trở nên độc trị và cố gắng biến mình thành một tổng thống có khả năng điều hành mạnh mẽ”.

“Ngay từ đầu, chính quyền của ông Erdogan đã tham gia sâu vào cuộc chiến ở Syria, ủng hộ phe đối lập Tổng thống Assad. Nhưng bạo lực đã tràn qua biên giới, châm ngòi lại cho cuộc chiến giữa Đảng PKK của người Kurd và khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu của quân thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.

Điều này gây lo lắng lớn. Thổ Nhĩ Kỳ phải đối diện với bất ổn và nỗ lực lật đổ Tổng thống Erdogan chưa phải là diễn biến cuối cùng”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160717_turkish_rally_democracy

 

Thêm 2 người bị bắt giữ sau vụ tấn công ở Nice

Cảnh sát đã bắt giữ thêm 2 người liên quan tới vụ tấn công vào thành phố nghỉ mát Nice của Pháp, nâng số người bị giam giữ lên thành 7 người. Các quan chức cho biết một người đàn ông và một phụ nữ đã bị bắt vào sáng 17/7.

Cảnh sát đã không đưa ra lý do tại sao họ bị giam giữ, lúc này chính quyền cố gắng xác định xem kẻ tấn công có hành động một mình hay không.

Nước Pháp đau buồn hôm 17/7 đã bước vào ngày thứ hai trong ba ngày quốc tang dành cho 84 người thiệt mạng khi một chiếc xe tải phóng trên quãng đường 2 kilomet xuyên qua đám đông những người đang kỷ niệm Ngày Quốc khánh trên bờ biển Promenade des Anglais.

Con đường đi dạo dọc theo Địa Trung Hải hiện nay có rất nhiều hoa và nến, biến thành một khu tưởng niệm tạm thời dành cho các nạn nhân. Khu vực này hầu như đã bình thường trở lại.

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 14/7.

Kẻ tấn công, Bouhlel, 31 tuổi, là người đã sống ở Nice, đã bị cảnh sát địa phương tình nghi có hành vi phạm tội hình sự. Hồi tháng 3, anh ta bị án treo 6 tháng vì một vụ bạo lực có vũ trang diễn ra vào tháng 1. Bouhlel đã ly dị và có 3 con. Cha của anh này, khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Pháp ở Msaken, đông Tunisia, nói rằng con trai ông gặp vấn đề trong các năm từ 2002-2004 “đã gây ra suy nhược thần kinh”.

“Đối mặt với một cuộc đấu tranh”

Trong bài phát biểu trước quốc dân, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết cuộc tấn công đã xảy ra “để thỏa mãn sự tàn bạo của một cá nhân và có thể là một nhóm”. Phát biểu sau khi thăm bệnh viện nơi nạn nhân được điều trị, ông nói nước Pháp “phải đối mặt với một cuộc đấu tranh lâu dài”.

Vụ tàn sát hôm thứ 14/7 vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng thứ ba ở Pháp kể từ năm ngoái. Một cuộc tấn công phối hợp tại Paris vào ngày 13 tháng 11 giết chết ít nhất 130 người, Nhà nước Hồi giáo tuyên bố chúng gây ra vụ tấn công đó; và một loạt các vụ tấn công hồi tháng 1 năm 2015, bắt đầu với một vụ tấn công vào văn phòng của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo làm chết 17 người.

http://www.voatiengviet.com/a/them-hai-nguoi-bi-bat-giu-sau-vu-tan-cong-o-nice/3421822.html

Các lãnh đạo thể thao dự kiến sẽ đề nghị

cấm tất cả các vận động viên Olympic Nga

Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc cơ quan chống doping của Nga RUSADA, nói với The New York Times ngày 12 tháng 5 rằng ông đã giúp cung cấp chất cấm cho các vận động viên và thay thế các mẫu kiểm nghiệm có doping với những mẫu sạch tại Olympic Sochi .

Các vận động viên và các nhà lãnh đạo về chống doping trên thế giới đã soạn một bức thư kêu gọi gạch tên tất cả các vận động viên Nga khỏi Đại hội thể thao Olympic sắp diễn ra ở Brazil.

Bức thư sẽ được gửi đến các quan chức Olympic sau khi kết quả của một cuộc điều tra được công bố về cáo buộc là Nga đã có một chương trình doping được nhà nước bảo trợ, do các quan chức Nga thực hiện tại Thế vận hội Sochi 2014.

Cuộc điều tra đã được khởi động sau khi Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc phòng xét nghiệm chống doping của Nga, nói với tờ New York Times hồi tháng 5 rằng ông đã tuân lệnh của chính phủ khi ông che giấu việc hàng chục vận động viên tại Olympic Sochi sử dụng rộng rãi các loại thuốc tăng cường hiệu suất. New York Times đưa tin là ít nhất 15 người trong số những vận động viên đó đã giành huy chương.

Việc vi phạm về doping đã dẫn đến việc gạch tên gần như toàn bộ đội điền kinh của Nga khỏi Thế vận hội Rio. Hai vận động viên được miễn vì họ đã vượt qua các hệ thống chống doping ở các nước khác.

Theo phóng sự của New York Times, Joseph de Pencier, giám đốc điều hành của Viện thuộc Tổ chức Chống Doping Quốc gia, đã yêu cầu các thành viên trên toàn thế giới ký vào bức thư.

De Pencier viết rằng “có phần chắc” là cuộc điều tra “sẽ xác nhận đây sẽ là một trong những vụ bê bối về doping lớn nhất trong lịch sử, cho thấy Chính phủ Nga liên quan đến một âm mưu lớn chống lại các vận động viên trong sạch của thế giới”. Ông nói thêm: “Đây sẽ là một ‘thời điểm bước ngoặt’ đối với thể thao trong sạch.”

Các kết quả của cuộc điều tra dự kiến sẽ được công bố hôm 18/7 tại Toronto.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-lanh-dao-the-thao-du-kien-se-de-nghi-cam-tat-cac-cac-van-dong-vien-olympic-nga/3421805.html

Các đám đông ở Thổ Nhĩ Kỳ hoan hô

ông Erdogan sau khi đảo chính thất bại

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bắt giữ các thẩm phán và các sỹ quan quân đội có liên quan đến âm mưu đảo chính, tạm giam ít nhất 52 quân nhân hôm 17/7.

Nhà chức trách cho biết gần 3.000 binh sỹ và sỹ quan tham gia cuộc đảo chính hôm 15/7đã bị bắt giữ. Những người bị giam giữ bao gồm tư lệnh Quân đoàn Bộ binh số 3, Tướng Erdal Ozturk, người có thể đối mặt với tội phản quốc.

Các quan chức quân đội cấp cao khác đã bay tới nước láng giềng Hy Lạp bằng máy bay trực thăng và xin tị nạn chính trị. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói một vài người trong số những người chạy trốn được cho là nằm trong số những kiến trúc sư của cuộc đảo chính.

Hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng kín Quảng trường Kizilat của Ankara, trung tâm thành phố Istanbul và thành phố ven biển Izmir đêm 16/7 để hô vang lời ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và chính phủ của ông sau cuộc đảo chính thất bại của một số người trong giới quân sự.

Tin tức về số người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trong cuộc đảo chính rất khác nhau, nhưng số liệu mới nhất vào tối 16/7 là 265 người chết, trong đó có nhiều dân thường. Tình hình vẫn căng thẳng ở Istanbul, Ankara và một số thành phố cấp tỉnh khác, và đã có tin vẫn còn các vụ bạo lực lẻ tẻ. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin có các vụ đụng độ dữ dội tại một doanh trại quân đội lớn bên ngoài Ankara, được cho là một thành trì của những kẻ âm mưu đảo chính.

Tổng thống Erdogan đã cáo buộc một giáo sĩ Hồi giáo lưu vong, người từng là một trong những đồng minh thân cận của ông, chính là người lập ra âm mưu, hôm 16/7 đã yêu cầu dẫn độ ông ta từ Mỹ. Vị lãnh tụ Hồi giáo 75 tuổi, Fethullah Gulen, đã sống ở Mỹ từ lâu trước khi ông Erdogan lên nắm quyền, đã lên án cuộc đảo chính và phủ nhận ông có bất cứ liên quan gì với cuộc nổi dậy của quân đội.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 17/7. Trong một tuyên bố của điện Kremlin, ông Putin “chúc sự ổn định và trật tự hiến định mạnh mẽ được khôi phục nhanh chóng ” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định có kế hoạch gặp nhau “trong tương lai gần nhất”. Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ gặp nhau trong tuần đầu tiên của tháng 8.

Một phát ngôn viên của Mỹ ở Washington cho biết Ngoại trưởng John Kerry đã nói chuyện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 16/7. Ông Kerry nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ cần tôn trọng pháp quyền và các quyền công dân khi nước này điều tra những người đã tham gia vào âm mưu đảo chính.

Ông Kerry tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chính phủ được bầu lên một cách dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phát ngôn viên của Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông cũng đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ của ông rằng “những ám chỉ hay tuyên bố công khai về bất kỳ vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính thất bại đều hoàn toàn sai và có hại cho quan hệ song phương”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ban hành một tuyên bố cảnh báo người Mỹ chớ nên đi đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà chức trách ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 2.745 thẩm phán đã bị đình chỉ do cuộc đảo chính – vì hầu hết nếu không nói là tất cả số họ có mối liên hệ với ông Gulen. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin đã có 140 lệnh bắt giữ được ban hành đối với các thành viên của Tòa án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa không phận đối với máy bay quân sự sau cuộc đảo chính và cắt điện của căn cứ không quân Incirlik của NATO, nơi có nhiều máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia các hoạt động chiến đấu chống chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Matthew Bryza, trước đây là một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói điều này dường như là một chiến thuật gây áp lực nhằm buộc Mỹ để giao nộp ông Gulen.

Hồi đầu ngày 16/7, ông Kerry nói bất kỳ yêu cầu nào của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ ông Gulen đều sẽ được xem xét trên cơ sở có bất cứ bằng chứng rõ ràng nào về hành vi sai trái của ông Gulen mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp.

Ông Gulen đã đến Mỹ vào năm 1999 để chạy trốn sự sách nhiễu của chính phủ thế tục trước đây ở Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội chi phối. Khi đó ông này và ông Erdogan là đồng minh thân cận. Nhưng họ đã bị chia rẽ cách đây vài năm, sau khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tổng thống và bị chỉ trích ngày càng tăng vì các chính sách độc tài của ông.

Ông Gulen nói với các phóng viên hôm 16/7 tại nơi ông đang sống hiện nay ở miền đông Pennsylvania rằng đã đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ từ rất lâu và ông không còn biết có những ai ủng hộ ông ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông nói thêm, ông không hề biết những tín đồ của ông đóng vai trò gì trong cuộc đảo chính.

Giới chức tình báo và quân sự phương Tây đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, cũng là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ những thành phần được coi là các phiến quân đối lập ôn hòa ở Syria tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Vài ngày trước cuộc đảo chính ở Istanbul và Ankara, Giám đốc CIA John Brennan nói với các phóng viên là đã có những bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ về vấn đề Syria, nơi mà Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phải làm nhiều hơn nữa để trấn áp phiến quân IS.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-dam-dong-o-tho-nhi-ky-hoan-ho-ong-erdogan-sau-khi-dao-chinh-that-bai/3421761.html

Bangladesh: Một giáo sư bị bắt

vì cho kẻ tấn công quán café thuê căn hộ

Cảnh sát Bangladesh đã bắt giữ một giáo sư do liên quan đến các thủ phạm của vụ tấn công quán cafe ở thủ đô khiến hơn 20 người chết hồi đầu tháng này. Ông bị cáo buộc đã cho các thủ phạm thuê một căn hộ.

Gias Uddin Ahsan, giáo sư tại Đại học Nourth Nam ở Dhaka, đã bị bắt giữ cùng với người cháu trai là quản lý của căn hộ vì đã không đăng ký thông tin của người thuê nhà theo yêu cầu của pháp luật khi họ chuyển đến ở hồi tháng 5.

Trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết ông Ahsan đã bị bắt vào cuối ngày 16/7 vì đã “cho những kẻ tấn công quán Gulshan thuê nhà và giấu thông tin”, cảnh sát nói thêm rằng những thủ phạm đã “tập trung tại căn hộ” trước khi tấn công.

Theo tuyên bố, cảnh sát đã thu được các bao cát tại căn hộ mà họ nghi ngờ đã được sử dụng để giấu lựu đạn và chất nổ khác.

Ba người đàn ông dự kiến sẽ phải ra tòa án hôm 17/7.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công quán cà phê. Trong vụ này, các tay súng bước vào quán Holey Artisan Bakery ở Dhaka và giết chết 20 con tin cũng như 2 nhân viên cảnh sát hôm 2/7.

http://www.voatiengviet.com/a/bangladesh-mot-giao-su-bi-bat-vi-cho-ke-tan-cong-quan-cafe-thue-can-ho/3421723.html

 

UNESCO : Hàng chục triệu

trẻ em Nam Á không được đi học

Thu Hằng

Bản báo cáo mới nhất về giáo dục của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), được công bố ngày 15/07/2016, cho biết, 263 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được đi học, thậm chí một phần tư trong số này không được đi học tiểu học.

Cụ thể, có 61 triệu trẻ em trong độ tuổi tiểu học (6-11 tuổi), 60 triệu thiếu niên trong độ tuổi học cấp hai (12-14 tuổi) và 142 triệu em trong độ tuổi học cấp ba (15/17 tuổi) không được đến trường.

Nếu như khu vực Nam Phi vẫn là vùng có tỷ lệ trẻ không được đến trường cao nhất trên toàn thế giới, thì Nam Á cũng ngày càng có số lượng trẻ thất học nhiều hơn, chiếm một phần ba trên tổng số 263 triệu trẻ không được đi học.

Tại vùng này, ít nhất là một nửa trẻ không được đến trường, đặc biệt tại ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, trong đó Ấn Độ có đến 47 triệu em không được đi học, có nghĩa là một nửa trẻ em Ấn Độ thất học.

Một điểm đặc biệt khác tại Nam Á là tỷ lệ trẻ em nam và nữ được đi học chênh lệch rất cao. Cơ hội được đến trường của các em nam cao gấp ba lần so với các em nữ. Chính vì vậy, 5 triệu bé gái dưới 11 tuổi không được đến trường vì các gia đình thường xuyên cho rằng không cần cho các bé gái đi học vì còn làm việc nhà.

Unesco ước tính cần đầu tư 39 tỉ đô la mỗi năm từ nay đến năm 2030 để mọi thanh thiếu niên trên toàn thế giới có cơ hội đi học cấp hai.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160717-unesco-hang-chuc-trieu-tre-em-nam-a-khong-duoc-di-hoc

 

Serbia điều quân đội

bảo vệ biên giới chặn người nhập cư

Hôm qua, 16/07/2016, thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic, trong cuộc họp báo tại Belgrad, thông báo sẽ huy động quân đội, phối hợp với cảnh sát, bảo vệ biên giới, ngăn chặn dòng người nhập cư.

Theo AFP, thủ tướng Serbia nói rằng tính cho đến sáng hôm qua, đã có hơn 2600 người nhập cư trên lãnh thổ nước này trong khi khả năng đón tiếp của Serbia chỉ từ 6000 đến 7000 người. Đề nghị của thủ tướng Vucic sẽ được áp dụng nếu có sự chấp thuận của tổng thống Serbia.

Từ Belgrad, thông tín viên Laurent Rouy gửi về bài tường trình :

« Mục đích của việc triển khai quân đội Serbia ở vùng biên giới là nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép và chấm dứt hoạt động của các đường dây đưa người vượt biên.

Về mặt lý thuyết, Serbia đóng cửa với dòng người nhập cư trái phép. Thế nhưng, trong những ngày gần đây, số người nhập cư trái phép lại tăng. Thậm chí, nhiều trại tiếp nhận tạm thời với điều kiện sinh hoạt tồi tệ, đã được lập ra ở vùng biên giới chung với Hungary.

Thủ tướng Vucic tuyên bố rằng Serbia không thể trở thành bãi đậu xe cho những người nhập cư Afghanistan và Pakistan, hàm ý là di dân từ hai nước đó tới hầu như không có cơ may được hưởng quy chế tị nạn tại châu Âu.

Kể từ khi xây dựng hàng rào dây thép gai trên đường biên giới của nhiều nước trong khu vực, cũng như việc đóng cửa tuyến đường Balkan, dòng người nhập cư tuy có giảm, nhưng vẫn tiếp tục. Đa số những người muốn xin tị nạn tại châu Âu đều đi qua ngả Bulgari và Serbia, để rồi tìm cách vào Liên Hiệp Châu Âu qua Croatia hoặc Hungary ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160717-serbia-dieu-quan-doi-bao-ve-bien-gioi-ngan-nguoi-nhap-cu

 

Giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ

bác bỏ cáo buộc âm mưu đảo chính

Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen bác bỏ các cáo buộc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cho rằng ông đứng sau âm mưu đảo chính xảy ra hôm qua, 15/7.

Cáo buộc này lại làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nhân vật từng được coi là đồng minh thân thiết.

Ông Erdogan đổ lỗi cho các ủng hộ viên của đối thủ chính trị sống ở Mỹ, với phong trào Hizmet có ảnh hưởng lớn trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả trong ngành truyền thông, cảnh sát và tư pháp.

Ông Gulen ra tuyên bố lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính, và hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông đứng sau vụ này.

Ông nói: “Cần phải giành được chính phủ thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, chứ không phải bằng vũ lực. Tôi cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ, và cho tất cả những ai hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, rằng tình hình sẽ được hóa giải một cách nhanh chóng và hòa bình”.

Vị giáo sĩ nói thêm: “Là người từng trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự trong vòng 5 thập kỷ qua, thực sự là điều sỉ nhục khi bị cáo buộc có dính líu tới một âm mưu như vậy”.

Đối mặt với các cuộc biểu tình chống chính phủ và các cuộc điều tra tham nhũng, ông Erdogan đã đổ lỗi cho các ủng hộ viên của ông Gulen và các cường quốc trên thế giới một phần nào đó đã gây ra các vấn đề của mình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc cựu đồng minh, hiện sống lưu vong ở Pennsylvania, tiểu bang nằm ở miền đông Hoa Kỳ, tìm cách lật đổ chính phủ.

Nhưng trong các tuyên bố của mình, ông Gulen cho rằng ông Erdogan có “suy nghĩ xấu xa”, và bác bỏ cả các cáo buộc.

Chính quyền Washington chưa phát hiện ra các bằng chứng thuyết phục liên quan tới các tuyên bố của ông Erdogan.

Trao đổi với các phóng viên ở Luxembourg hôm 16/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét đề nghị dẫn độ ông Gulen, nhưng chỉ khi nào đồng minh của NATO đưa ra các bằng chứng cho thấy các hành động sai trái của ông Gulan.

http://www.voatiengviet.com/a/giao-si-tho-nhi-ky-o-my-bac-bo-cao-buoc-dung-sau-am-muu-dao-chinh/3421295.html

 

Croatia sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 9

Croatia sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 9 sắp tới. Tổng Thống Croatia Kolinsa Grabar-Kitarovic nói trong một thông báo hôm thứ Bảy rằng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 11/9.

Tin tức về cuộc bầu cử sớm bất thường tại nước thành viên mới nhất của EU được tung ra một ngày sau khi quốc hội Croatia bị chính thức giải tán, và chưa đầy một năm sau cuộc bầu cử lần trước.

Liên minh trung hữu của Thủ Tướng Croatia Tihomir Oreskovic tan vỡ vì sự gấu ó giữa đảng bảo thủ HDZ và đảng MOST, đối tác nhỏ hơn trong liên minh có khuynh hướng cải cách.

Các cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy đảng HDZ về sau đảng đối lập chính, là đảng Dân chủ Xã hội, gọi tắt là SDP, tới 10 điểm.

Vụ bế tắc chính trị đã kéo chậm chương trình cải cách kinh tế để vực dậy nền kinh tế Croatia, một trong những nền kinh tế yếu kém nhất trong khối EU.

http://www.voatiengviet.com/a/croatia-se-to-chuc-bau-cu-som-vao-thang-9/3421249.html