Tin khắp nơi – 16/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/09/2017

Kim Jong-un: ‘Bắc Hàn sẽ có vũ khí nguyên tử’

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tuyên bố sẽ đạt các mục tiêu hạt nhân của nước này, theo truyền thông nhà nước.

Mục đích là nhằm thiết lập sự “cân bằng” về lực lượng quân sự với Hoa Kỳ, hãng tin KCNA dẫn lời ông.

Các bình luận của ông Kim được đưa ra sau khi Bắc Hàn phóng một tên lửa mới nhất bay qua Nhật Bản.

“Chúng ta nên cho những cường quốc ngạo mạn thấy được nhà nước chúng ta đạt được mục tiêu hoàn tất vũ khí hạt nhân của mình bất chấp lệnh cấm vận và phong tỏa vô bờ bến của họ”, ông Kim được KCNA dẫn lời.

Ông cũng cho biết mục tiêu của Bắc Hàn là “thiết lập sự cân bằng về lực lượng thực với Hoa Kỳ và sẽ buộc giới lãnh đạo Hoa Kỳ Mỹ không dám nói về giải pháp quân sự với Bắc Hàn”.

Ông Kim đã đích thân theo dõi việc phóng một tên lửa đạn đạo Hwasong-12 vào hôm thứ Sáu.

Tên lửa này đạt độ cao khoảng 770 km và bay xa 3.700 km, vượt qua đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống biển, quân đội Nam Hàn cho biết.

Tên lửa này có khả năng tiếp cận lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ và các chuyên gia nói rằng đây tên lửa đạn đạo phóng xa nhất của Bắc Hàn từ trước tới nay.

Đe dọa ám sát Kim Jong-un nghiêm trọng tới đâu?

Trung Quốc lo sợ ‘nhiễm phóng xạ’ từ Bắc Hàn

Bắc Hàn dọa cho Mỹ nếm mùi ‘đau đớn nhất’

Putin: ‘Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi’

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Sáu nói Nhật Bản sẽ “không bao giờ khoan dung” cho các hành động nguy hiểm của Bắc Hàn.

“Nếu Bắc Hàn tiếp tục hành động theo lối này thì họ sẽ không có tương lai tươi sáng,” ông Abe nói trong một tuyên bố.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng lên án việc vụ phóng tên lửa, nhưng dành gánh nặng trách nhiệm phản hồi cho Trung Quốc và Nga, các đối tác kinh tế chính của Bắc Hàn.

“Trung Quốc cung cấp phần lớn dầu cho Bắc Hàn. Nga là nước sử dụng nhiều nhất lực lượng lao động cưỡng bức của Bắc Hàn,” ông nói. “Trung Quốc và Nga phải tỏ ra không khoan dung trước những vụ phóng tên lửa bừa bãi này bằng cách đưa ra hành động trực tiếp của mình”.

Tại Nam Hàn, Tổng thống Moon Jae-in đã tổ chức họp Hội đồng An ninh Quốc gia khẩn cấp, trong khi quân đội tiến hành cuộc diễn tập tên lửa đạn đạo của họ ở Biển Nhật Bản, theo hãng tin Yonhap.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41291312

 

Triều Tiên muốn ‘ngang bằng’ lực lượng với Mỹ

Mục tiêu của Triều Tiên là đạt được ‘ngang bằng’ lực lượng quân sự với Mỹ, theo tuyên bố của thông tấn xã nhà nước đưa ra hôm 16/9, một ngày sau khi lãnh tụ Kim Jong Un ra lệnh phóng thử phi đạn Hwasong-12 từ tầm trung đến tầm xa bay ngang qua không phận Nhật rơi xuống Thái Bình Dương.

“Mục tiêu chung cuộc của chúng ta là đạt được ngang bằng lực lượng thực sự với Mỹ và làm cho giới cầm quyền Hoa Kỳ không dám nhắc tới phương án quân sự với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên,” bản tin dẫn lời ông Kim nhấn mạnh.

Chưa đầy một tháng, Bình Nhưỡng đã hai lần phóng phi đạn bay ngang qua Nhật, lần mới nhất sáng 15/9, theo giờ địa phương.

Hành động của Triều Tiên khiến Mỹ nhắc lại rằng có phương án quân sự để đối phó với Triều Tiên, một tín hiệu cho thấy sự kiên nhẫn của Washington trong đường lối ngoại giao với Bình Nhưỡng đang cạn dần.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-muon-ngang-bang-luc-luong-voi-my-/4031144.html

 

Khủng hoảng Triều Tiên:

Mỹ tái khẳng định có giải pháp quân sự

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, H.R. McMaster ngày 15/9 tuyên bố Mỹ đang tới gần ranh giới cuối cùng của những gì mà các biện pháp chế tài và ngoại giao có thể đạt được trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Triều Tiên sáng sớm 15/9 bắn tiếp một phi đạn ngang qua đảo Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản, nhà chức trách Nhật cho biết. Quân đội Mỹ xác định đó là một phi đạn đạn đạo tầm trung và không đề ra mối nguy nào đối với Bắc Mỹ hay lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

“Xin nói với những người cho rằng không có giải pháp quân sự rằng đích thực có phương án quân sự,” ông McMaster khẳng định với báo chí tại Tòa Bạch Ốc nhưng nói rõ là đó không phải lựa chọn mà chính quyền Trump muốn đưa ra.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson cáo buộc Triều Tiên đe dọa cả thế giới sau khi Bình Nhưỡng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng bắn một phi đạn nữa thách thức áp lực của quốc tế về chương trình phi đạn và hạt nhân của nước này.

Trong nỗ lực mới nhất để đối phó với một vấn đề gây đau đầu cho các cường quốc thế giới, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp cùng ngày 15/9 để thảo luận về vụ phóng phi đạn, theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản.

15 thành viên của Hội đồng trước đó đã nhất trí tăng cường các biện pháp chế tài nhắm vào Triều Tiên liên quan tới một vụ thử bom hạt nhân tiến hành vào ngày 3 tháng 9, áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may của Bắc Triều Tiên và hạn chế nhập khẩu dầu thô.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, và Nga gia tăng áp lực thêm nữa lên Triều Tiên bằng cách “thực hiện những hành động trực tiếp của chính họ.”

Nhưng Bắc Kinh phản pháo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phủ nhận Trung Quốc nắm giữ chìa khóa giúp xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nói rằng bổn phận thuộc về các bên liên quan trực tiếp. Bà cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên chỉ có hiệu quả nếu kết hợp với đàm phán.

https://www.voatiengviet.com/a/khung-hoang-trieu-tien-my-tai-khang-dinh-co-giai-phap-quan-su/4031160.html

 

Đe dọa khủng bố tại Anh nâng lên mức cao nhất

Đe dọa khủng bố tại Anh được nâng lên mức cao nhất, trong lúc cảnh sát truy tìm thủ phạm đánh bom tàu điện ngầm ở London hôm 15/9.

Thủ tướng Anh Theresa May nói một cuộc tấn công mới có thể xảy ra.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đứng đằng sau vụ tấn công tàu điện ngầm ở ga Parsons Green làm bị thương 29 người.

Quân đội Anh nay được huy động để canh gác ở nhiều nơi, trong lúc cảnh sát dành lực lượng đi tuần trên đường phố.

Đã xảy ra một vụ nổ trên đường tàu điện ngầm District Line ở London sáng ngày 15/9, làm một số hành khách bị thương.

Chỉ huy phó lực lượng Cảnh sát Thành đô London ông Mark Rowley cho biết vụ nổ này do một thiết bị nổ tự chế được kích hoạt.

Mười tám người đã được đưa đi bệnh viện và hầu hết bị bỏng, Lực lượng Cứu thương London nói trong một thông báo.

Cảnh sát và nhân viên cứu thương được gọi đến ga Parsons Green ở Fulham, phía Tây Nam London vào lúc 08.20 giờ London.

Một số hình ảnh cho thấy có một chiếc xô màu trắng đựng trong túi siêu thị bốc cháy trong một toa tàu điện ngầm. Tuy nhiên, dường như không có thiệt hại lớn bên trong toa tàu điện ngầm.

Ga Parsons Green hiện đã được cảnh sát phong tỏa.

Thủ tướng Anh Theresa May viết trên Twitter: “Tôi nghĩ đến những người bị thương ở ga Parsons Green và các lực lượng cứu hộ đang xử lý vụ khủng bố này một cách dũng cảm.”

Ủy ban khẩn cấp của chính phủ Anh Cobra sẽ có cuộc họp vào lúc 13.00 giờ Anh.

Thị trưởng London ông Sadiq Khan đã kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và nói thành phố này “sẽ không bao giờ bị khủng bố làm sợ hãi hay đánh bại.”

‘Tấn công khủng bố’ ở Barcelona

Nhân chứng kể họ nhìn thấy ít nhất một hành khách đã bị thương ở mặt.

Những người khác nói họ thấy hành khách “hoảng hốt” khi thoát khỏi toa tàu này ở ga Parsons Green.

Lực lượng Cứu thương London cho biết họ đã cử một đội ứng phó tai họa tới hiện trường.

Hành khách Chris Wildish nói với BBC Radio 5 ông nhìn thấy một cái xô đặt trong túi siêu thị với “ngọn lửa nhỏ cháy trong đó” ngay cạnh cửa toa tàu.

Một nhân chứng khác có tên Luke nói “có một tiếng nổ lớn.”

“Nó xảy ra khi chúng tôi sắp dừng ở ga tàu điện ngầm nên mọi người tràn ra khỏi toa tàu. Có mùi cháy khét lẹt,” ông nói.

“Tôi thấy một vài người bị bỏng,” ông nói thêm, “mọi người đều xử sự đúng mực, mọi người ra khỏi tàu nhanh hết mức có thể và giúp đỡ lẫn nhau”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41279041

 

Bangladesh sắp lập các trại lớn cho người Rohingya

Chính phủ Bangladesh tuyên bố kế hoạch xây dựng các khu tạm trú cho khoảng 400.000 người Rohingya theo đạo Muslim chạy trốn khỏi nước láng giềng Myanmar.

Quân đội và các hãng cứu trợ sắp dựng 14 nghìn nơi tạm trú, mỗi nhà tạm chứa được sáu gia đình, gần thành phố Cox’s Bazar.

Kể từ cuối tháng Tám năm ngoái, hơn 400.000 người Rohingya được cho là đã trốn sang Bangladesh, để thoát khỏi một cuộc tấn công của chính phủ Myanmar.

LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’

Bà Aung San Suu Kyi không dự họp Đại Hội đồng LHQ

Liên hợp quốc nói rằng chiến dịch của Myanmar có thể dẫn tới thanh trừ sắc tộc.

Dân thường Rohingya ‘thương tật vì mìn’

Các nhóm vận động nhân quyền đã buộc tội quân đội Myanmar đốt phá các ngôi làng của người Rohingya.

Nhưng phía quân đội nói họ đang đáp trả các cuộc tấn công của các chiến binh và phủ nhận đang nhắm mục tiêu vào các thường dân.

Trong khi đó, một cuộc tranh cãi ngoại giao mới giữa Bangladesh và Myanmar đã nổ ra liên quan những cáo buộc về xâm phạm không phận của Bangladesh trong tuần trước.

Theo tin từ báo Daily Star của Bangladesh, những căn nhà tạm trú mới sẽ tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 8 km2, gần những khu trại được lập từ trước mà nay đã tràn ngập những người đến đến từ Myanmar.

Tổng số 8,500 nhà vệ sinh tạm sẽ được xây dựng và 14 nhà kho tạm sẽ được xây dựng gần các nơi tạm trú.

Chính phủ Bangladesh hy vọng rằng sẽ có đủ chỗ cho 400 nghìn người, hãng AFP đưa tin, dẫn lời

Bộ trưởng Quản lý thiên tai của Bangladesh, Shah Kama, cho hay.

Tất cả dự kiến sẽ được xây dựng trong vòng 10 ngày.

Tin cho hay một chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh sởi và bại liệt cho trẻ em tị nạn đã bắt đầu vào sáng thứ Bảy.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41293306

 

Ân Xá Quốc Tế cáo giác quân đội Miến

san bằng làng người Rohingya

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế-Amnesty International vào ngày 15 tháng 9 cho công bố những hình ảnh vệ tinh những làng mạc của người Rohingya bị đốt cháy và cáo buộc lực lượng an ninh Myanmar trong ba tuần lễ qua tiến hành biện pháp san bằng một cách có hệ thống những khu cư ngụ của người Rohingya theo Hồi Giáo.

Ân Xá Quốc Tế được hãng tin AFP trích dẫn nói rõ có ít nhất 26 làng của người Rohingya bị đốt cháy khi những ảnh vệ tinh cho thấy rõ những mảng tro xám là dấu vết còn lại của những căn nhà từng tồn tại.

Ngoài ra theo ghi nhận của hệ thống cảm ứng khói lửa của vệ tinh thì có 80 vụ cháy trên qui mô lớn khắp bang Rakhine kể từ ngày 25 tháng 8, khi mà quân đội Myanmar bắt đầu tiến hành chiến dịch tảo thanh đáp lại những vụ tấn công do các dân quân Rohingya thực hiện.

Nhà điều tra Olof Blomqvist làm việc cho Ân Xá Quốc Tế khẳng định bang Rakhine bị đốt trong chiến dịch rõ ràng là nhằm tảo thanh thanh người thiểu số bởi lực lượng an ninh Myanmar.

Chính quyền Myanamr bác bỏ cáo giác tấn công nhắm vào người Rohingya; thay vào đó cho rằng chính các tay súng thiểu số ra tay phóng hỏa. Mặc dù thế, Naypyidaw thừa nhận hiện có gần 40% những làng mạc của người Rohingya tại mạn cực bắc của bang Rakhine trở nên vắng bóng người. Lý do được chính quyền Myanmar giải thích là hoặc dân làng có liên hệ với các thành phần khủng bố cực đoan hoặc lánh nạn vì sợ những thành phần này.

Theo AFP thì những ghi nhận của Ân Xá Quốc tế khớp với vô số chứng cứ mà hãng tin này thu thập được từ những trại tỵ nạn dọc theo biên giới Bangladesh.

Giám đốc về đối phó với khủng hoảng của Ân Xá Quốc Tế, Tirana Hassan, cho rằng việc chính quyền Myanmar đổ lỗi sang cho người thiểu số Rohingya là lời dối trá trắng trợn.

Bộ trưởng ngoại gia Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 5 lên tiếng từ London rằng tình trạng bạo lực đối với người sắc tộc Rohingya tại Myanmar là không thể chấp nhận được và phải chấm dứt.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/rohingya-villages-erased-by-myanmar-army-scorched-earth-purge-ai-09152017131140.html

 

Vụ Nga-Trump: Thêm nhân vật ra khai chứng

Người phát ngôn của cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Donald Trump, Paul Manafort, hôm thứ Sáu đã ra khai chứng trước một đại bồi thẩm đoàn liên bang liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga.

Jason Maloni, người sáng lập công ty xử lý khủng hoảng quan hệ công chúng JadeRoq LLC, mỉm cười khi bước vào tòa án liên bang vào ngày thứ Sáu, theo tường thuật của Reuters.

Ông Mueller đang điều tra các hoạt động tài chính và bất động sản của ông Manafort cũng như các công tác trước đây của ông cho Đảng Các Khu vực, một đảng chính trị thân Nga ở Ukraine ủng hộ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich.

Các nhà điều tra của ông Mueller đang điều tra hoạt động có thể là rửa tiền của ông Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử Tổng thống cho ông Trump, cũng như các tội tài chính khả dĩ khác, các nguồn tin nói với Reuters.

Ông Manafort được xem là trọng tâm chính trong cuộc điều tra của ông Mueller vì vai trò cao cấp trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump.

Ông Manafort cũng có mặt tại cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 với luật sư người Nga Natalia Veselnitskaya, người đã đề nghị cung cấp thông tin gây tổn hại đối với ứng cử viên Tổng thống bên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Những người khác trong cuộc gặp gỡ đó bao gồm con trai của Tổng thống Donald Trump Jr., con rể Jared Kushner, và những người khác.

Nga đã phủ nhận mọi sự can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng.

Trước đó trong năm nay, tư gia của ông Manafort ở bang Virginia đã bị các đặc vụ FBI đột kích.

Ông Maloni, trong vai trò người phát ngôn của ông Manafort, trước đó nói với các phóng viên rằng ông Manafort “vẫn liên tục hợp tác với các cơ quan chấp pháp và những truy vấn nghiêm túc khác và cũng làm như vậy trong dịp này.”

https://www.voatiengviet.com/a/vu-nga-trump-them-nhan-vat-ra-khai-chung/4031143.html

 

Bangladesh cảnh báo Myanmar

về biên giới giữa khủng hoảng người tị nạn

Bangladesh cáo buộc Myanmar liên tục xâm phạm không phận của họ và cảnh báo rằng bất kỳ “hành động khiêu khích” nào nữa có thể đưa tới “những hậu quả không đáng có.” Phản ứng của Bangladesh cho thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, vốn đã căng thẳng vì cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya, có nguy cơ xấu đi.

Gần 400.000 người Hồi giáo Rohingya từ miền tây Myanmar đã chạy qua Bangladesh kể từ ngày 25 tháng 8, để lánh một cuộc tiến công của chính phủ Myanmar nhắm vào các phần tử nổi dậy mà Liên Hiệp Quốc gọi là “một ví dụ điển hình của việc thanh lọc sắc tộc.”

Bangladesh nói các máy bay không người lái và trực thăng của Myanmar đã xâm phạm không phận của họ ba lần vào ngày 10, 12 và 14 tháng 9, và đã triệu tập một quan chức hàng đầu của đại sứ quán Myanmar ở Dhaka để phàn nàn.

“Bangladesh bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về việc lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích như vậy và yêu cầu Myanmar thực hiện những biện pháp tức thời để đảm bảo sự xâm phạm chủ quyền như vậy sẽ không xảy ra nữa,” bộ ngoại giao Bangladesh nói trong một thông cáo vào cuối ngày thứ Sáu.

“Những hành động khiêu khích này có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có.”

Một phát ngôn viên của chính phủ Myanmar nói với hãng tin Reuters ông không có thông tin về những vụ việc mà Bangladesh phàn nàn, nhưng Myanmar đã phủ nhận một cáo buộc trước đó.

Phát ngôn viên, Zaw Htay, nói Myanmar sẽ kiểm tra bất kỳ thông tin nào mà Bangladesh cung cấp.

“Hai nước chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Chúng tôi cần hợp tác với sự thông hiểu,” ông nói với Reuters.

Bangladesh từ hàng chục năm qua đã đối mặt với làn sóng người Rohingya ồ ạt đổ vào nước này để tránh đàn áp ở Myanmar, nơi mà người Rohingya bị coi là di dân bất hợp pháp.

Bangladesh vốn là nơi sinh cư của khoảng 400.000 người Rohingya trước khi cuộc khủng hoảng mới nhất bùng phát vào ngày 25 tháng 8, khi những người Rohingya nổi dậy tấn công khoảng 30 đồn cảnh sát và một trại quân đội, làm thiệt mạng một chục người.

Các lực lượng an ninh Myanmar và những người cảnh giới theo Phật giáo ở bang Rakhine đáp trả bằng điều mà những người theo dõi nhân quyền và những người Rohingya tháo chạy nói là một chiến dịch bạo lực và phóng hỏa nhằm mục đích đuổi người Hồi giáo ra khỏi Myanmar.

Bangladesh nói tất cả những người tị nạn phải về nhà. Myanmar thì nói họ sẽ nhận lại những người có thể xác minh quốc tịch của mình nhưng hầu hết người Rohingya là những người vô quốc tịch.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ngày thứ Bảy đã lên đường đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi bà sẽ kêu gọi gia tăng áp lực để đảm bảo Myanmar nhận lại tất cả những người Rohingya sau khi chấm dứt “thanh lọc chủng tộc,” phát ngôn viên Ihsanul Karim nói với Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/bangladesh-canh-bao-myanmar-ve-bien-gioi-giua-khung-hoang-nguoi-ti-nan/4031752.html

 

Cảnh sát Anh bắt 1 người trong vụ nổ bom trên tàu điện ngầm

Cảnh sát Anh nói rằng họ đã bắt giữ một người liên quan đến vụ tấn công bằng bom vào giờ cao điểm hôm thứ Sáu trên tàu điện ngầm ở London.

Nhà chức trách cho biết người đàn ông 18 tuổi này bị bắt tại khu vực cảng Dover sáng ngày thứ Bảy. Dover là một bến phà chính để qua lại giữa Anh và Pháp. Một thông cáo của cảnh sát gọi vụ bắt giữ là “đáng kể.”

Trước đó trong ngày thứ Bảy, giới chức giao thông London cho biết họ đã mở cửa trở lại bến tàu Parsons Green nơi quả bom phát nổ một phần trên một chuyến tàu.

Hình ảnh quả bom đăng mạng xã hội dường như cho thấy một cái xô bốc cháy đã được đặt trong một túi nhựa gần cửa một toa tàu.

Thủ tướng Theresa May nói rằng sau vụ tấn công, Trung tâm Phân tích Khủng bố Hỗn hợp của Anh đã quyết định nâng mức cảnh báo đe dọa của nước này lên mức “nguy kịch” – có nghĩa là một vụ tấn công khác có thể sắp sửa xảy ra.

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, nhóm khủng bố này trước đây từng nhiều lần nhận trách nhiệm về các vụ tấn công mà họ không có dính dáng.

Không lâu sau vụ tấn công, cảnh sát vũ trang đã ập vào tàu Parsons Green.

Bà May cho biết công chúng có thể nhìn thấy nhiều cảnh sát vũ trang hơn trên đường phố và trên mạng lưới giao thông. Thủ tướng cũng nói rằng các binh sĩ quân đội sẽ bắt đầu hỗ trợ cảnh sát, cung cấp an ninh tại một số địa điểm mà công chúng không thể tiếp cận.

Cơ quan Y tế Quốc gia cho biết vào cuối ngày thứ Sáu rằng 21 người có mặt trong toa tàu điện ngầm vào thời điểm vụ nổ hiện đang được điều trị tại các bệnh viện, trong khi tám người khác đã được cho xuất viện.

Vụ nổ bom này là vụ tấn công khủng bố lớn thứ năm ở Anh trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu đã gọi điện thoại cho Thủ tướng May để bày tỏ sự cảm thông, văn phòng phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo.

Thông cáo cho biết Tổng thống Trump “cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Vương quốc Anh để ngăn chặn các cuộc tấn công trên toàn thế giới nhắm vào thường dân vô tội và để chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan.”

Trước đó, Thủ tướng Anh đã khiển trách ông Trump về phản ứng ban đầu của ông đối với vụ tấn công. Ông Trump viết trên Twitter: “Lại một vụ tấn công nữa ở London do một kẻ khủng bố hèn hạ gây ra. Đây là những kẻ bệnh hoạn và tâm thần mà đã nằm trong tầm ngắm của Scotland Yard. Phải chủ động!”

Trả lời đài BBC, bà May đáp: “Tôi không bao giờ cho rằng bất cứ ai võ đoán về một cuộc điều tra đang diễn tiến là điều hữu ích.”

Cảnh sát London nói cuộc điều tra của họ về vụ tấn công hôm thứ Sáu đang được hỗ trợ bởi MI-5, cơ quan tình báo nội địa của Anh.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã kêu gọi bình tĩnh và nói rằng điều quan trọng là không nên võ đoán.

Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan nói rằng thủ đô của Anh “sẽ không bao giờ bị hăm dọa hay bị đánh bại bởi chủ nghĩa khủng bố.”

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-anh-bat-mot-nguoi-trong-vu-no-bom-tren-tau-dien-ngam/4031717.html

 

Hun Sen đòi đuổi Peace Corps của Mỹ về nước

Thủ tướng Campuchia hôm thứ Sáu tiếp tục lời lẽ gay gắt nhắm vào Mỹ với việc kêu gọi các tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình (Peace Corps) của Mỹ làm công tác phát triển hãy rút về nước.

Đòi hỏi của ông Hun Sen là một phần trong bài diễn văn với những lời lẽ giận dữ của ông trước công nhân may mặc ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Sự việc này diễn ra một ngày sau khi ông nói với một tờ báo thân chính phủ rằng ông sẽ ra lệnh cho các toán chuyên viên do quân đội Mỹ dẫn đầu đang tìm kiếm thi hài của những quân nhân Mỹ đã mất tích lúc chiến đấu thời chiến tranh Việt Nam phải rút khỏi Campuchia.

Chính phủ Mỹ liệt kê 48 người Mỹ hiện vẫn đang mất tích tại Campuchia.

Đoàn Hòa bình bắt đầu hoạt động tại Campuchia vào năm 2006, chủ yếu là dạy tiếng Anh và huấn luyện chăm sóc y tế. Khoảng 500 người đã tham gia các đợt phục vụ kể từ khi đó.

“Tốt hơn là các người rút hết tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình ra khỏi Campuchia,” ông Hun Sen nói trong bài diễn văn.

Quan hệ của Washington với ông Hun Sen, người đã nắm giữ quyền lực suốt ba thập niên qua, chưa bao giờ nồng ấm. Mối quan hệ này xấu đi thấy rõ khi thủ lĩnh đảng đối lập chính, Đảng Cứu quốc Campuchia, gần đây bị bắt và buộc tội phản quốc và Mỹ bị cáo buộc thông đồng với ông này lật đổ chính phủ.

Vụ bắt giữ ông Kem Sokha vào ngày 3 tháng 9 là một trong hàng loạt những biện pháp mà ông Hun Sen và chính phủ của ông thực hiện, bị xem là một nỗ lực để làm suy yếu phe đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.

Những biện pháp khác bao gồm đóng cửa một tờ báo tiếng Anh độc lập và khoảng một chục đài radio phát tiếng nói của phe đối lập hoặc những chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự do do Chính phủ Mỹ tài trợ. Đài Á Châu Tự do thông báo trong tuần này rằng họ đang đình chỉ các hoạt động tại Campuchia, dù sẽ tiếp tục đưa tin về đất nước này.

Ông Hun Sen đã tăng cường các phát biểu chống Mỹ trong tuần này sau khi Mỹ tuyên bố đình chỉ cấp visa cho các quan chức cao cấp của bộ ngoại giao Campuchia và gia đình họ.

Mỹ nói việc đình chỉ visa, được đưa ra hôm thứ Tư, là vì Campuchia đã từ chối hoặc trì hoãn việc nhận lại các công dân Campuchia bị Mỹ trục xuất sau khi bị kết tội. Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết họ chỉ tìm cách sửa đổi một hiệp định năm 2002 về vấn đề này.

Ông Hun Sen dường như cũng giận dữ với việc Đại sứ quán Mỹ hôm thứ Năm đưa ra một thông điệp an ninh cho các công dân Mỹ, nói rằng các sự kiện chính trị gần đây có thể gây căng thẳng tổng thể, dù không có mối đe dọa cụ thể nào.

https://www.voatiengviet.com/a/hun-sen-doi-duoi-peace-corps-cua-my-ve-nuoc/4031185.html

 

Thủ tướng Anh nói Trump ‘võ đoán’ về vụ tấn công ở London

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng thủ phạm đằng sau vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London trước đó đã nằm “trong tầm ngắm” của cảnh sát, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 15/9 tuyên bố chẳng ích lợi gì khi võ đoán về các cuộc điều tra.

Ngay sau khi tin ban đầu nói 22 người bị thương trong vụ tấn công nhắm vào một tàu điện ngầm đông đúc ở phía tây London, ông Trump tweet: “Thêm một cuộc tấn công khác ở London gây ra bởi kẻ khủng bố hèn hạ. Đây là những kẻ bệnh hoạn và tâm thần đã nằm trong tầm ngắm của Scotland Yard. Phải chủ động!”

Phát biểu của ông dường như quy trách cảnh sát Anh. Khi được hỏi liệu ông Trump có biết điều gì mà Anh không biết hay không, bà May nói: “Tôi không bao giờ cho rằng bất kỳ ai đưa ra võ đoán về một cuộc điều tra đang diễn tiến là điều hữu ích.”

Những người khác cũng góp tiếng, với cựu chánh văn văn phòng của bà May, Nick Timothy, nói rằng phát biểu của ông Trump “chẳng ích gì từ nhà lãnh đạo của nước đồng minh và đối tác tình báo của chúng ta.”

Anh và Mỹ lâu nay vẫn tự hào về “mối quan hệ đặc biệt” của họ. Mối quan hệ thân thiết trở nên căng thẳng trước đó trong năm nay khi Mỹ tiết lộ thông tin về cuộc điều tra về một kẻ đánh bom giết chết 22 người tại một buổi hòa nhạc ở thành phố Manchester.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ tỏ ra hoài nghi về việc ông Trump biết được thông tin mật về việc cảnh sát có từng biết tới kẻ đánh bom trong vụ tấn công ở tây London từ trước hay không, hãng tin Reuters cho biết.

Quan chức này nói với Reuters rằng vào thời điểm này, các cơ quan của Mỹ không có thông tin nào củng cố bất kỳ phát biểu nào của ông Trump rằng Anh đã có cảnh báo từ trước hoặc có tình báo cụ thể về vụ tấn công.

Vài giờ sau dòng tweet của ông Trump, Sky News dẫn các nguồn tin an ninh nói rằng họ đã xác định được một kẻ tình nghi trong vụ tấn công, với sự trợ giúp của camera theo dõi.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-anh-noi-trump-vo-doan-ve-vu-tan-cong-o-london/4031153.html

 

Úc lập trại ngoài khơi cho người tị nạn

Phil Mercer

Úc lên kế hoạch xây dựng một trung tâm ở Papua New Guinea (PNG) để giam giữ những người xin tị nạn bị từ chối. Một trung tâm đang tồn tại trên đảo Manus ở PNG sẽ bị đóng trong vài tuần tới vì bị phát hiện là vi hiến vào năm ngoái. Quyết định này của 1 tòa án đã làm cho nhiều người bị giam ở đây rơi vào cảnh không biết đi đâu về đâu.

Úc đã tạm giam những người tìm đường tị nạn vượt biển Thái Bình Dương đến Úc. Khoảng 800 người đã bị giữ lại tại một cơ sở xét duyệt di trú trên đảo Manus ở PNG. Khoảng 600 người đã được chấp nhận quy chế tị nạn và có thể sẽ được đưa đến Mỹ theo một thỏa thuận đã giữa Canberra và Washington năm ngoái.

Tuy nhiên số phận của 200 người ở cái gọi là Trung tâm xét duyệt khu vực trên đảo Manus, những người bị từ chối đơn xin tị nạn, đang không rõ ràng. Khoảng một nửa trong nhóm này được cho là sẽ bị trục xuất một cách tự nguyện nhưng những người khác không thể trở lại nơi họ bỏ đi, bởi quốc gia quê nhà của họ sẽ không chấp nhận sự trở lại bị bắt buộc của họ.

Bộ trưởng di trú Úc Peter Dutton nói những người này nhiều khả năng sẽ bị gửi đến một trại tập trung khác ở khu ngoại ô thủ đô của PNG có tên Port Moresby.

“Những người này, khoảng 200 người không phải là dân tị nạn, sẽ bị đưa đến một nơi giam giữ khác cách xa Trung tâm xét duyệt khu vực bởi vì họ không có giấy tờ hợp lệ để lưu lại PNG.”

Úc giam giữ tất cả những người xin tị nạn cho tới khi việc kiểm tra an ninh và sức khỏe được hoàn tất. Những di dân tới bằng đường biển đã được đưa tới những trại tị nạn do Úc tài trở ở PNG và trên đảo quốc của Cộng hòa Nauru hiện vẫn đang tồn tại.

Các quan chức nói chính sách này đã hạn chế nguy cơ những người xin tị nạn phải bỏ mạng trên biển khi tìm cách vào lãnh thổ Úc. Tuy nhiên những người tranh đấu cho nhân quyền luôn chỉ trích những điều kiện bên trong các trại tị nạn đầy bất ổn, các cuộc biểu tình tuyệt thực và các cáo buộc lạm dụng người tị nạn là trẻ em. Những người bị giam trên đảo Manus cũng cáo buộc rằng họ bị giam giữ trong các điều kiện khắt khe như bị tra tấn.

Mỗi năm, Úc cấp visa cho khoảng 16.000 người xin tị nạn. Quốc gia này cũng đã nhận khoảng 12.000 người chạy trốn các cuộc xung đột ở Syria và Iraq.

https://www.voatiengviet.com/a/uc-lap-trai-ngoai-khoi-cho-nguoi-ti-nan/4030930.html

 

Pháp : Lâu đài Grand Trianon, tâm điểm ngày Di Sản 2017

Thanh Hà

Triển lãm về sa hoàng Nga Piotr Đại Đế trong khuôn viên lâu đài Grand Trianon, một tâm điểm trong hai ngày cuối tuần 16 và 17/09/2017 nhân Ngày Di Sản – Journées du Patrimoine. Tổng cộng có 17.000 di tích lịch sử, công trình kiến trúc, tượng đài, viện bảo tàng hay nhạc viện trên toàn quốc mở cửa đón công chúng trong Ngày Di Sản lần thứ 34.

Điểm nổi bật năm nay là kết hợp tham quan tòa lâu đài bằng đá cẩm thạch hồng Grand Trianon, sát cạnh điện Versailles và triển lãm dành cho vị vua của Nga, Piotr Đại Đế, thời kỳ ông dừng chân trên đất Pháp cách nay đã 200 năm.

Vua Louis thứ 14, năm 1687 ra lệnh xây một tòa lâu đài tráng lệ, xứng đáng với thiên tình sử ông dành cho quý phi Mme de Montespan. Công trình do kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart thực hiện sát cạnh lâu đài Versailles. Nào là cung điện nguy nga, nào vườn thượng uyển, hồ nước… đây cũng là nơi nhiều vị thượng khách của nước Pháp đã nghỉ lại. Trong số đó phải kể đến vị sa hoàng Nga, Piotr đệ Nhất, năm 1717, hay cố tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon năm 1969, nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị năm 1972.

Từ năm 1979, Grand Trianon được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

Ngoài dịp chiêm ngưỡng Grand Trianon, khách tham quan nhân Ngày Di Sản Pháp 2017 còn có dịp khám phá những tác phẩm nghệ thuật quý giá ghi lại dấu ấn của Piotr Đại Đế. Cuộc triển lãm này sắp khép lại vào ngày 24/09/2017 sau khi đã được tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Nga Vladimir Putin khánh thành hôm 29/05/2017.

Cho tới nay, triển lãm nói trên đã thu hút 242.000 người yêu mến những biểu tượng đẹp trong quan hệ giữa Nga với Pháp. Trung bình mỗi ngày có 2.800 người mua vé vào xem.

http://vi.rfi.fr/phap/20170916-phap-ngay-di-san-2017

 

FAO : Nạn đói gia tăng trên thế giới lần đầu tiên

từ 10 năm qua

Thanh Phương

Hôm qua, 15/09/2017, Liên Hiệp Quốc báo động rằng số người bị đói trên thế giới ngày càng nhiều. Sau 10 năm đạt tiến bộ, nạn đói lại trở nên trầm trọng, với 11% dân số thế giới hiện nay thiếu ăn. Đó là con số mà Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp, liên kết với các cơ quan khác của LHQ về y tế và lương thực, đưa ra trong báo cáo công bố tại Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, ở Roma.

Từ thủ đô nước Ý, thông tín viên RFI Anne Tréca gởi về bài tường trình :

Sau 10 năm thế giới đạt tiến bộ về chống nạn đói, báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc có tác động như một gáo nước lạnh. Thực tế rất rõ ràng : nạn đói trên thế giới lại gia tăng, với 815 triệu người thiếu ăn, tính đến năm 2016, tức là tăng 38 triệu người so với năm trước. Trong những tháng tới, nạn đói có thể sẽ lan rộng ở Nam Sudan, Đông Bắc Nigeria, Somalia và Yemen.

Ngoài tình trạng thiếu đói, nay còn có tình trạng suy dinh dưỡng đang gia tăng một cách đáng ngại trên thế giới. Việc số người nghèo gia tăng và những thay đổi về tập quán ăn uống đang đe dọa đến sức khỏe của hàng triệu người. Báo cáo của LHQ cũng báo động về tình trạng thiếu máu nơi phụ nữ trong độ tuổi có thể sinh con, tình trạng trẻ em phát triển chậm và nạn béo phì, mà nay được xem là đại dịch cần diệt trừ.

Theo bản báo cáo của LHQ, nhân loại đang đi thụt lùi như vậy là do các xung đột xảy ra ngày càng nhiều trên thế giới. Trong những năm gần đây, các xung đột ngày càng phức tạp và ngày càng khó giải quyết. Nạn đói trầm trọng trở lại cũng là do hậu quả của những thiên tai, hạn hán và lụt lội ở nhiều vùng. Và nguyên nhân cuối cùng đó là do nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại“.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170916-fao-nan-doi-gia-tang-tren-the-gioi-lan-dau-tien-tu-10-nam-qua

 

Bắc Kinh phản đối Nhật đầu tư vào Đông Bắc Ấn Độ

Thanh Phương

Hôm qua, 15/09/2017, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Nhật Bản có các kế hoạch gia tăng đầu tư vào các bang ở miền Đông Bắc Ấn Độ, vì cho rằng đây là những vùng đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Gujarat cách đây hai ngày, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ra tuyên bố chung về việc đẩy mạnh đầu tư của Nhật Bản vào miền Đông Bắc Ấn Độ. Ông Abe đã đến thăm Ấn Độ trong hai ngày 13 và 14/09, và nhân dịp này đã dự lễ khởi công đường tàu cao tốc đầu tiên ở nước này, công trình do Nhật giúp xây dựng.

Phản ứng về kế hoạch đẩy mạnh đầu tư Nhật Bản vào miền Đông Bắc Ấn Độ, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) tuyên bố rằng đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa được hoàn toàn xác định. Tuy không nói đến tên của bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, nhưng phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định vẫn còn tranh chấp ở các khu vực phía đông đường biên giới Ấn-Trung.

Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định là Bắc Kinh và New Delhi đang thương lượng để tìm ra một giải pháp « hợp lý và công bằng », có thể được cả hai bên chấp nhận. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu là « các bên thứ ba », ám chỉ Nhật Bản, không được can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170916-bac-kinh-phan-doi-nhat-dau-tu-vao-dong-bac-an-do

 

Bangladesh tố cáo Miến Điện xâm phạm không phận

Thanh Hà

Trong bối cảnh gần 400.000 người Rohingya chạy trốn bạo động ở Miến Điện tràn sang Bangladesh trong ba tuần qua, ngày 16/09/2017, Dhaka tố cáo máy bay Miến Điện “liên tục xâm phạm” không phận Bangladesh. Hành vi “khiêu khích” đó có nguy cơ dẫn tới những “hậu quả khó lường”.

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Bangladesh đã triệu đại sứ Miến Điện tại Dhaka lên để phản đối vụ máy bay không người lái và trực thăng của quân đội Miến Điện liên tục bay ngang bầu trời Bangladesh trong những ngày 10, 12 và 14/09/2017. Trong thông cáo chính thức ngày 15/09, bộ Ngoại Giao Bangladesh “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành vi khiêu khích đó và yêu cầu Miến Điện chấm dứt ngay lập tức các hành vi xâm phạm chủ quyền” của Bangladesh.

Được hãng tin Anh Reuters liên lạc vào sáng nay, 16/09/2017, phát ngôn viên của chính quyền Miến Điện, Zaw Htay, cho biết sẽ kiểm chứng thông tin về những cáo buộc đó. Quan chức này nói thêm : “Vào thời điểm này, Miến Điện và Bangladesh phải đối mặt với cùng một cuộc khủng hoảng (…). Cả hai cần hợp tác trong sự thấu hiểu lẫn nhau“.

Naypyitaw từ chối để một quan chức Mỹ đến quan sát tình hình

Trước những cáo buộc về một cuộc “thanh lọc chủng tộc” mới, nhắm vào người Rohingya, theo đạo Hồi tại Miến Điện, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Patrick Murphy đề nghị đến thị sát tình hình tại các bang Arakan và Rakhine, miền Tây Miến Điện.

Ngày 15/09/2017, chính quyền Miến Điện chính thức từ chối để cho quan chức Mỹ đến khu vực đang xảy ra xung đột. Tuy nhiên, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ được mời đến thủ đô Naypyitaw hội kiến với các lãnh đạo Miến Điện và dự buổi phát biểu của bà Aung San Suu Kyi trước toàn dân vào Thứ Ba tuần sau, ngày 19/09/2017.

Tuần hành tại Paris vì người Rohingya

Theo ban tổ chức có từ 600 đến 700 người dân Paris chiều ngày 16/09/2017 tập hợp trước quảng trưởng Trocadero, đòi quân đội Miến Điện chấm dứt bạo hành nhắm vào người Rohingya. Phóng viên của hãng tin AFP trông thấy biểu ngữ kêu gọi “Stop killing muslims in Burma – ngưng sát hại người Hồi giáo tại Miến Điện”, hay kêu gọi bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình 1991 lên tiếng, tránh để bị cáo buộc là “Giải Nobel của một vụ thảm sát và hận thù”. Trong số đoàn người biểu tình, có nhiều người Rohingya. Cuộc tuần hành chiều nay do hiệp hội Info Birmanie và HAMEB (Halte Au Massacre En Birmanie) cùng chủ xướng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170916-khung-hoang-rohingya-bangladesh-to-cao-mien-dien-xam-pham-khong-phan

 

Ngày Di Sản Pháp : Từ « sàn múa khỏa thân »

đến « căn cứ hải quân »

Minh Anh

Pháp mở cửa căn cứ quân sự trong ngày Di Sản. Đến Napoli, thăm giếng trú ẩn bom đạn thời Đệ Nhị Thế Chiến. Facebook lên ngôi tại Triển Lãm Xe Hơi Frankfurt, Đức. Phim truyền hình « tình cảm ướt át » nhiều tập, thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc. Đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Ngày Di Sản lần thứ 34 năm nay tại Pháp diễn ra trong hai ngày thứ Bảy 16/09 và Chủ Nhật 17/09/2017. Hơn 17 000 địa điểm tham quan và 26 000 hoạt động văn hóa mở cửa miễn phí đón khách đến xem : từ các bảo tàng như Louvre, Orsay… ; các khu di tích, cho đến cả các cung điện như điện Elysée dành cho các nguyên thủ Pháp, điện Bourbon – tòa nhà Quốc Hội … đều mở cửa cho công chúng.

Tại Paris năm nay, còn có thêm một địa điểm mới chắc hẳn sẽ thu hút rất đông người hiếu kỳ : Rạp «Crazy Horse», nơi trình diễn các điệu nhảy vui nhộn của các cô vũ công với « thân hình bốc lửa ». Đây là lần đầu tiên quán rượu hát múa « khỏa thân » sang trọng mở cửa cho công chúng.

Từng nhóm khách 15 người sẽ do chính các cô vũ công hướng dẫn. Người xem sẽ được nghe giải thích quá trình chuẩn bị « show » diễn như thế nào : từ khâu hóa trang, diễn tập, và sắp xếp đội hình trình diễn… Một điều kiện duy nhất để được tham quan là quý vị phải đăng ký trước trên trang mạng www.lecrazyhorseparis.com và phải trên 16 tuổi.

Một điểm mới khác của ngày Di Sản là, bình thường vốn khóa chặt cửa với công chúng, các căn cứ hải quân ở Brest, Cherbourg và Toulon, cũng như thành Mont-Louis (vùng Pyrénées-Orientales), nơi huấn luyện các đặc công và từng huấn luyện lính nhảy dù cho chiến dịch Bắc Kạn 1947, năm nay cũng sẽ mở rộng cửa đón khách tham quan.

Đây cũng là dịp để đánh giá mức độ kiên nhẫn của các bạn. Vì là miễn phí, nên đôi khi phải xếp hàng ít nhất là hơn một tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể dưới trời mưa giá lạnh.

Napoli : Giếng nước cũ, hầm trú ẩn bom đạn tuyệt vời

Đến với Napoli, thành phố lớn thứ hai ở miền nam nước Ý, ngoài việc tham quan các thắng cảnh, di tích lịch sử, thưởng thức các món ngon, du khách nếu muốn tìm một cảm giác như sống dưới thời chiến tranh, thì có thể đến tham quan các giếng nước cũ, được cải tạo thành những hầm trú ẩn bom đạn trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Thông tín viên RFI Cecile Debarge cho biết đã từng bước xuống 121 bậc thang của một trong số những « giếng-hầm » này.

« Chính ở sâu 36m dưới lòng đất mà người dân thành phố Napoli đã trải qua nhiều tuần liền để tránh các trận dội bom trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ngay từ năm 1942, thành phố này là nơi bị oanh kích nhiều nhất. Người dân ở đây tự hỏi vì sao không sử dụng những giếng nước cũ đã khô cạn từ nhiều năm qua ?

Theo các số liệu thống kê chính thức, ít nhất có đến 6 000 giếng nước cũ như thế. Còn theo lời một hướng dẫn viên du lịch ở đây thì con số này nhiều hơn. Và để biến giếng nước cũ thành hầm trú ẩn bom, người dân đã phải sửa chữa rất nhiều như xây cầu thang thay vì phải đu dây đi xuống, rồi lấp miệng giếng để bom không rơi xuống hầm, và cuối cùng phủ một lớp xi măng dầy 5cm. Bởi vì, trong nhiều năm liền người dân Napoli sử dụng giếng nước cũ như là hố để rác.

Cuộc sống dưới lòng đất nhanh chóng được sắp xếp. Người ta có thể tìm thấy nhiều vật dụng cũ bị vứt lại khi chiến tranh kết thúc như những món đồ chơi, máy khâu hay va-li cũ kỹ… Hiện còn rất ít nhân chứng về cuộc sống dưới lòng đất nơi mà hàng nghìn người dân Napoli cùng sống chung vì đây là nơi tránh bom đạn lớn nhất từng thấy. »

Duy chỉ còn vài hình ảnh vẽ trên tường là dấu hiệu cho biết từng có cuộc sống ở đây như những lời kêu cứu, vệt máu bom đạn…

Facebook lên ngôi ở Triển lãm Frankfurt

Triển lãm Quốc tế xe hơi tại Frankfurt mở cửa từ hôm thứ Năm 14/09/2017. Triển lãm lần thứ 67 này không chỉ thu hút đông đảo các hãng sản xuất và lắp ráp xe hơi mà còn là một điểm hẹn quan trọng cho lĩnh vực công nghệ.

Theo thông tín viên Aurélien Devernoix tại Frankfurt, « sao » của triển lãm năm nay được trông đợi nhiều là nhân vật số hai của trang mạng xã hội Facebook, bà Sheryl Sandberg. Hãng công nghệ Mỹ này dự định thiết lập các chương trình tin học cho các loại xe tự điều khiển.

Quả thật, nhiều hãng thiết kế xe đã trình làng ở Frankfurt các mẫu xe cho phép 4 hành khách có thể ngồi đối diện nhau như trong một phòng trà. Ở đó, họ có thể tiến hành một hội thảo video qua phần mềm Skype của Microsoft hay xem một bộ phim thực tế ảo bằng kính tạo ảo giác Oculus của Facebook.

Ví dụ, Volkswagen đã có hình mẫu cụ thể đầu tiên khi cho lắp đặt trong các loại xe của mình chương trình trợ giúp âm thanh Alexa, do bộ phận thông minh nhân tạo của Amazon thiết kế. Lĩnh vực « thông minh nhân tạo » cũng là một điểm mạnh của Facebook. Anh Aurelien Devernoix cho biết tiếp :

« Đây cũng chính là đam mê của Marck Zuckerberg. Người ta nhớ đến đoạn video cho thấy anh ta đang thảo luận với người trợ lý ảo, đang quản lý gần như tất cả mọi thứ trong nhà. Nhưng trí thông minh nhân tạo chính là nền tảng cơ bản cho các dự án của công nghiệp chế tạo xe ô tô.

Hiện nay, một chiếc xe hơi trên thực tế là một máy tính được bọc bằng một thùng xe và được trang bị một khả năng tính toán khá kỳ lạ. Tuy nhiên, để có thể đi đến được mức độ cao hơn, các nhà sản xuất cần đến các chuyên gia, bất kể đó là những nhà phát triển mạng hay sản xuất máy chủ… Hơn nữa trong số những khách mời của triển lãm năm nay, còn có IBM và Qualcomm. »

Vẫn thông tín viên Devernoix nói đến mức độ cao hơn, tức là biến xe hơi gần như là một thành viên trong gia đình.

« Trong tương lai, người ta có thể nhắm đến việc xe của bạn tự đi đón con ở trường cho bạn, đồng thời tiện đường đi lấy hàng bạn đặt mua trên mạng, thậm chí có thể kiểm soát cả tình trạng sức khỏe của bạn khi bước lên xe.

Công nghệ là ở đó và đó là một sự thay đổi triển vọng hoàn toàn cho các nhà thiết kế. Sản xuất những chiếc xe biết làm, biết cài đặt các công nghệ mới nhưng còn có một thế giới giữa một chiếc xe biết tự đỗ và một chiếc xe tự chủ hoàn toàn. Chính ở đây họ cần đến những tài năng và tầm nhìn của tập đoàn lớn của thung lũng Silicon Valley ».

« Tình cảm ủy mị » : Thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc

Liên hoan phim truyền hình nhiều tập La Rochelle tại Pháp đã khai mạc từ hôm thứ Tư 13/09/2017. Hàn Quốc, khách mời danh dự năm nay, đã mang đến cho công chúng Pháp một cái nhìn khác về ngành công nghệ sản xuất phim truyền hình : Khai thác nỗi « đam mê yêu thương cháy bỏng », chìa khóa thành công của những hãng phim nước này.

« Hallyuwood », biệt danh của các hãng sản xuất phim Hàn Quốc, trình làng mỗi năm 130 bộ phim. Trả lời AFP, ông Han Hee, tổng giám đốc bộ phận sản xuất phim nhiều tập của hãng MBC cho biết doanh thu của phim nhiều tập còn cao hơn cả phim màn ảnh rộng. « Những câu chuyện tình ướt át là chìa khóa thành công của loạt phim nhiều tập, trong khi đó, thể loại phim hình sự chiếm ưu thế trên các màn ảnh rộng ».

Khi giới thiệu bộ phim nhiều tập « Tín hiệu » với khán giả Pháp ở La Rochelle, đạo diễn Kim Won Seok khẳng định hiện tượng yêu thích phim nhiều tập « có một tầm mức quan trọng » ngày càng lớn ở châu Á.

Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc rằng « Cũng như ở Hollywood, sản xuất phim nhiều tập thống lĩnh các hãng sản xuất. Phim truyền hình Hàn Quốc xuất khẩu nhiều ở châu Á, nhưng lại quá lệ thuộc vào thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản ».

Dung lượng phim nhiều tập của Hàn Quốc dao động trong khoảng từ 12,16 cho đến 20 tập với độ dài 63 phút/tập, nhưng hiếm khi có nhiều mùa như các loạt phim của phương Tây.

Một lợi thế khác của phim Hàn Quốc đó là giá thành. Một tập của một bộ phim truyền hình chất lượng của châu Âu có thể tiêu tốn đến một triệu euro ; của Hollywood có thể lên đến nhiều triệu đô la, trong khi một tập phim Hàn Quốc, trung bình chỉ tốn khoảng 400 000 euro. Điều này này giải thích phần nào thành công của phim Hàn Quốc tại châu Á.

http://vi.rfi.fr/phap/20170916-ngay-di-san-van-hoa-phap-tu-%C2%AB-san-mua-khoa-than-%C2%BB-sang-trong-cho-den-%C2%AB-can-cu-hai-quan