Tin khắp nơi – 16/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/07/2016

Các nước ủng hộ chính phủ của Tổng thống

Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Ngay sau khi cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt trong thất bại, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã kêu gọi cộng đồng thế giới cũng như người dân Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ủng hộ ông Erdogan vì ông là Tổng thống được dân chúng bầu lên một cách hợp hiến.

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã gọi điện cho đại diện quân đội chống đảo chánh ngay sau khi cuộc phản công thành công. Ông Obama khẳng định rằng Hoa Kỳ ủng hộ bất cứ chính phủ nào do dân bầu lên và yêu cầu các bên liên quan cũng ủng hộ chính phủ Erdogan.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM ở Mông Cổ chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhanh chóng kêu gọi lập lại trật tự theo hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói rằng căng thẳng không thể được giải quyết bằng súng.

Ông Tusk nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu. EU hỗ trợ đầy đủ các chính phủ dân cử, các tổ chức của các nước và các quy định của pháp luật.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đều đồng thuận trong cách mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh giá trị của NATO và vì vậy sự bất ổn chính trị tại Thổ không được xem là giải pháp tốt. Hai bên cũng đồng ý rằng Tổng thống Erdogan là Tổng thống duy nhất hợp pháp của Thổ.

Anh và Pháp cũng lên tiếng ủng hộ sự trở lại của ông Erdogan sau khi ông đặt chân xuống phi trường Istanbul vào ngày hôm nay.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-urges-support-of-turkey-s-govt-after-coup-attempt-07162016093446.html

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc thất bại

Sáng hôm nay (16/7) Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố tình hình ở đất nước Thổ đã hoàn toàn dưới sự kiểm soát sau khi cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ của ông bị phá hỏng.

Bên ngoài cung điện Cankaya thủ đô Ankara, đứng hai bên là các Bộ trưởng Tư Pháp và Nội An, Thủ tướng Yildirim nói quân nổi loạn đã bị dẹp yên và một số lớn có hành động phạm pháp đang bị giam giữ. Ông cho biết 162 người đã bị giết và khoảng 3.000 người khác đang bị tạm giam để điều tra.

Tổng thống Erdogan cũng đã trở về Istanbul sau khi kêu gọi người dân xuống đường chống lại quân đảo chính lúc ông đang nghỉ hè tại Biển Hắc Hải.

Khác với các cuộc đảo chính trong quá khứ, trong thời đại bùng nổ thông tin và smart phone, khi cuộc đảo chính xảy ra Tổng thống Erdogan tuy đang bị cách ly khỏi đất nước nhưng ông đã nhanh chóng dùng smart phone của mình để gọi cho hãng tin CNN với hình ảnh video. Ông kêu gọi quân đội tổ chức chống lại quân đảo chính và người dân xuống đường để bao vây xe tăng và các nhóm quân tiến vào thủ đô.

Trong khi hình ảnh của ông xuất hiện trên CNN các nước khắp thế giới theo dõi từng bước và do đó những hoạt động của phe đảo chánh bị giới hạn đáng kể.

Quân đội thân chính phủ đã phản công một cách hiệu quả buộc quân đảo chính rút dần. Nhóm đảo chính được biết có khoảng 50 sĩ quan và được chỉ huy bởi Bộ tư lệnh không quân lại có mâu thuẩn trong khi đảo chính xảy ra khiến lực lượng đặc nhiệm tại Bộ tổng tham mưu thân với chính phủ dễ dàng đánh bại.

Cuộc chính biến bắt đầu vào rạng sáng ngày 16 tháng 7 tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Xe tăng bao vây các ngõ vào thành phố cũng như phi trường quốc tế. Các chuyến bay bị đình chỉ vô thời hạn và lệnh giới nghiêm được quân đảo chánh ban hành.

Hàng chục nghìn người dân xuống đường tại Istanbul và Ankara sau khi nghe lời kêu gọi của tổng thống Erdogan từ đài CNN qua hình ảnh của ông.

Quân đảo chính mất tinh thần sau khi lực lượng đặc nhiệm phản công và rất nhiều binh sĩ đã đầu hàng quân thân chính phủ.

Đại tá Muharrem Kose, cựu sĩ quan Không quân Thổ Nhĩ Kỳ được cho là người đứng đầu âm mưu đảo chính chống lại chính phủ của Tổng thống Erdogan. Bên cạnh ông Kose là một số sĩ quan quân đội cấp cao khác.

Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen là người chủ mưu cuộc đảo chính và Muharerm Kose là người thừa hành từ mệnh lệnh của Gulen.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/situation-completely-under-control-after-coup-attempt-07162016092127.html

Thổ Nhĩ Kỳ bắt người hàng loạt sau đảo chính

Khoảng 2.839 quân nhân trong đó có lãnh đạo cấp cao của quân đội, đã bị bắt sau khi âm mưu đảo chính kết thúc, theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Binali Yildirim.

Trong đêm mà ông gọi là “vết đen của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông cho biết 161 người đã thiệt mạng và 1.440 người bị thương.

Tiếng nổ và tiếng súng vang lên ở thủ đô Ankara, thành phố Istanbul và nhiều nơi khác trong đêm 15/07, rạng sáng ngày 16/07, và hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại kêu gọi của Tổng thống Erdogan chống lại phe đảo chính.

Vẫn chưa rõ ai là người đứng sau vụ đảo chính.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ám chỉ Fethullah Gulen, một giáo sỹ Hồi giáo khá mạnh mẽ nhưng sống ẩn dật tại Hoa Kỳ, mà ông cáo buộc là đã xúi giục cho cuộc nổi dậy.

Tuy nhiên trong một thông cáo, ông Gulen phủ nhận mọi thông tin cho rằng ông liên quan tới vụ việc, và nói ông phản đối “âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng những lời mạnh mẽ nhất”.

Lý do đảo chính:

Phân tích của Jeremy Bowen, biên tập viên mảng Trung Đông, BBC

Có âm mưu đảo chính là do Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ sâu sắc với kế hoạch của Tổng thống Erdogan muốn thay đổi đất nước và do bạo lực lây lan từ cuộc chiến ở Syria.

Tổng thống Erdogan và Đảng AK đã trở thành chuyên gia trong việc đắc cử, nhưng vẫn luôn tồn tại nghi ngờ về cam kết lâu dài của ông với dân chủ. Ông là một chính trị gia Hồi giáo, người bác bỏ di sản thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Ông Erdogan ngày càng trở nên độc trị và cố gắng biến mình thành một tổng thống có khả năng điều hành mạnh mẽ.

Ngay từ đầu, chính quyền của ông Erdogan đã tham gia sâu vào cuộc chiến ở Syria, ủng hộ phe đối lập Tổng thống Assad. Nhưng bạo lực đã tràn qua biên giới, châm ngòi lại cho cuộc chiến giữa Đảng PKK của người Kurd và khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu của quân thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.

Điều này gây lo lắng lớn. Thổ Nhĩ Kỳ phải đối diện với bất ổn và nỗ lực lật đổ Tổng thống Erdogan chưa phải là diễn biến cuối cùng.

‘Phản quốc’

Phóng viên Katy Watson của BBC ở Istanbul nói Cầu Bosphorus đã mở lại vào sáng thứ Bảy 16/07 và giao thông trở lại bình thường, như không hề có gì xảy ra.

Nhiều người ở đây bị sốc trước sự kiện vừa diễn ra – Tổng thống Erdogan khiến người Thổ bị chia rẽ ý kiến nhưng quân đội muốn lên nắm kiểm soát là điều họ không nghĩ sẽ xảy ra, phóng viên Watson nói thêm.

Nhiều diễn biến bắt đầu xảy ra vào tối thứ Sáu 15/07 khi xe tăng tiến vào các vị trí trên hai cây cầu ở Dải Bosphorus, Istanbul, chặn đường giao thông. Các toán lính đổ ra đường và phi cơ quân sự bay thấp trên thành phố Ankara.

Không lâu sau đó, một phe của quân đội tuyên bố một “ủy ban hòa bình” đang điều hành đất nước, và sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm và thiết quân luật.

Nhóm này nói thực hiện đảo chính “nhằm đảm bảo và khôi phục trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền và tự do”.

Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ ở Marmaris, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc xảy ra biến cố chính trị. Ông xuất hiện trên truyền hình qua điện thoại thoại di động, và thúc giục người dân xuống đường chống lại cuộc nổi dậy.

Ông lên máy bay tới Istanbul và nói Marmaris bị đánh bom sau khi ông rời đi.

Phát biểu tại sân bay Istanbul, ông Erdogan nói: “Những gì xảy ra là phản quốc và là một cuộc nổi loạn. Họ sẽ phải trả giá rất đắt.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160716_turkey_mass_arrests_after_coup

Thủ phạm tấn công Nice ‘liên quan IS’

Cảnh sát Pháp bắt giữ năm người được cho là có liên quan tới người tấn công bằng xe tải khiến 84 nạn nhân thiệt mạng ở thành phố Nice, truyền thông địa phương đưa tin.

Hai người này bị bắt giữ hôm thứ Sáu 16/07 và ba người khác bị bắt vào sáng thứ Bảy 17/07, theo báo Le Monde.

Mohamed Lahoaiej-Bouhlel lái chiếc xe tải lao qua đám đông đang dự các hoạt động mừng Ngày Bastille 14/07 trên đại lộ Promenade des Anglais, trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố một trong những người theo tổ chức này đã thực hiện vụ tấn công ở Nice.

Hãng tin Amaq Agency, có liên hệ với tổ chức này, viết: “Anh ta thực hiện tấn công nhằm đáp trả kêu gọi nhắm vào dân thường của liên minh đang đấu tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chủ trì cuộc họp về khủng hoảng trong ngày.

Ông Hollande gọi vụ tấn công là hành động khủng bố, và quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng.

Tình trạng khẩn cấp

Các công tố viên nói Lahouaiej-Bouhlel, người gốc Tunisia, lái chiếc xe tải suốt chiều dài 2 km trên đại lộ và nhắm vào thường dân.

Trong số những người thiệt mạng có 10 trẻ em. Khoảng 202 người bị thương, trong đó có 52 người bị thương nặng, gồm cả 25 người cần tới các thiết bị y tế để duy trì sự sống.

Ông Hollande được cho là sẽ xem xét và tổng kết lại toàn bộ các khả năng ứng phó với cuộc tấn công trong cuộc họp với quan chức an ninh.

Toàn bộ nước Pháp được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố Paris vào tháng 11, do dân quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng thực hiện, khiến 130 người chết.

Tình trạng khẩn cấp này theo dự tính sẽ kết thúc vào 26/07.

Khoảng 30.000 người đã có mặt trên đại lộ Promenade des Anglais vào lúc xảy ra vụ tấn công, các quan chức cho biết.

Những người thiệt mạng gồm cả người dân Nice và khách du lịch, trong đó có ít nhất bốn người Pháp, ba người Algeria, một giáo viên và học sinh từ Đức, ba người Tunisia, hai người Thụy Sĩ, hai người Mỹ, một người Ukraine, một người Armenia và một người Nga.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160716_french_police_arrest_men_in_nice

Tổng thống Pháp Hollande họp về vụ Nice

Tổng thống Pháp Francois Hollande chủ tọa cuộc họp với quan chức an ninh sau cuộc tấn công hôm 14/7 ở Nice khiến 84 người thiệt mạng.

Ông Hollande, người tuyên bố vụ tấn công là hành động khủng bố, kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng.

Người lái xe tải tông vào đám đông sau đó bị cảnh sát bắn chết. Ông ta được xác định là Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, 31 tuổi, người gốc Tunisia.

Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 10 trẻ em. Khoảng 202 người bị thương; 52 người trong tình trạng nguy kịch, trong đó 25 người phải thở máy.

Trong bài diễn văn phát trên truyền hình quốc gia đêm 14/7, ông cam kết rằng lực lượng trừ bị sẽ tăng cường an ninh trên toàn quốc.

Tổng thống cảnh báo rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn lâu dài, và Pháp phải đối mặt với một kẻ thù “sẽ tiếp tục tấn công người dân và quốc gia xem tự do là một giá trị thiết yếu”.

Công tố viên Paris Francois Molins cho biết chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công nhưng vụ này có dấu ấn của chủ nghĩa khủng bố thánh chiến.

Lahouaiej-Bouhlel lái xe tải 19 tấn tông vào đám đông vào khoảng 22:45 giờ địa phương.

Ông ta dùng súng lục tự động bắn vào cảnh sát gần khách sạn Negresco và tiếp tục lao 300m trước khi bị bắn chết.

Nhà chức trách tìm thấy trong xe một khẩu súng lục giả, mô hình súng trường Kalashnikov và M16 và một quả lựu đạn giả.

Ngoài ra trong xe còn có một chiếc xe đạp, tài liệu và một chiếc điện thoại di động.

Sau đó một số đồ vật bị thu giữ từ nhà của Lahouaiej-Bouhlel.

Lahouaiej-Bouhlel, một người tài xế và nhân viên giao hàng, có ba con nhưng đã ly dị. Vợ cũ của ông ta bị bắt giam hôm 15/7, ông Molins cho hay.

Lahouaiej-Bouhlel được cảnh sát mô tả là một tội phạm “chưa nằm trong tầm ngắm của tình báo và không có dấu hiệu của sự cực đoan”, công tố viên nói thêm.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160716_france_hollande_nice

Tổng thống Erdogan tố cáo âm mưu đảo chính

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Istanbul, sau khi một nhóm quân đội tuyên bố kiểm soát đất nước.

Ông được nhìn thấy bao quanh bởi những người ủng hộ, và tuyên bố âm mưu đảo chính là “hành động phản bội” trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp.

Nhóm quân đội trước đó tuyên bố rằng một “hội đồng hòa bình” từ bây giờ điều hành đất nước và thiết lập lệnh giới nghiêm và thiết quân luật.

Tuy nhiên, Thủ tướng Binali Yildirim sau đó cho biết tình hình đang được kiểm soát và một vùng cấm bay có hiệu lực tại thủ đô Ankara.

Quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng hàng chục người đã bị bắt giữ, nhưng vị trí của tổng tư lệnh quân đội vẫn chưa được biết.

Binh lính trước đó đã được nhìn thấy tại các vị trí chiến lược ở Istanbul, với máy bay bay là là ở Ankara.

Hai vụ nổ lớn cũng đã được nghe thấy gần quảng trường Taksim của Istanbul.

Cũng có ghi nhận về các vụ đánh bom tại tòa nhà quốc hội ở Ankara. Các nghị sĩ được cho là đang ẩn náu.

CNN Tiếng Thổ được ghi nhận là bị binh sĩ kiểm soát, và ngưng phát sóng trực tiếp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ “ủng hộ chính phủ được bầu cử dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, kiềm chế, và tránh bạo lực hay đổ máu”, theo Nhà Trắng.

Một thông cáo nói Ngoại trưởng John Kerry đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Thổ Mevlut Cavusoglu, và nói Mỹ “rất lo ngại theo dõi các sự kiện đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trước đó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lên án điều mà ông gọi là ‘hành động bất hợp pháp’ của một quân nhân này.

Cập nhật trực tiếp

Ông Binali Yildirim nói hành động của nhóm này không được phép chính quyền, nhưng đây không phải một cuộc đảo chính. Ông nói chính quyền giữ nguyên kiểm soát.

Giao thông bị gián đoạn hai bên bờ eo biển Bosphorus và cầu Fatih Sultan Mehmet ở Istanbul.

Có tin có tiếng súng nổ tại thủ đô Ankara.

Cũng có tin xe tăng được điều tới bên ngoài sân bay Istanbul. Các chuyến bay đều bị huỷ.

Ông Yildirim nói với kênh NTV qua điện thoại: “Chúng tôi đang điều tra khả năng đây là một âm mưu lật đổ. Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra.”

Cũng trên kênh này, nhóm quân nhân đọc tuyên bố, nói: “Chính quyền đã hoàn toàn bị thâu tóm.”

Chưa rõ ai đại diện cho nhóm này.

Có tin một vị tướng hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt làm con tin tại đại bản doanh quân đội.

Đài CNN Tiếng Thổ cho hay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan “an toàn” nhưng không cho biết thêm chi tiết.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160715_turkey_army_takeover

Cannes đâu chỉ là nơi liên hoan điện ảnh

Lanie Goodman

Cannes là thủ đô điện ảnh của Châu Âu, nhưng khi thảm đỏ đã cuộn lại và các ngôi sao điện ảnh đã lên xe rời đi thì thành phố Cannes thế nào?

Còn lại nhiều thứ lắm chứ không phải chỉ có đại lộ ven biển La Croisette và liên hoan điện ảnh 12 ngày.

Cannes đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của Pháp về du lịch, hội chợ và hội nghị. Ngay sau khi 30.000 người giới trong giới điện ảnh rời đi là các đợt du khách tiếp theo ập tới.

“Người ta thường không nghĩ rằng Cannes là địa điểm để kinh doanh,” Verena Kuhn, Giám đốc Thương mại của Intercontinental Carlton, người Đức tới Cannes đã 20 năm, nói. “Có nhiều công trình cho hội nghị mà những người đầu ngành thế giới đến họp.”

Với hơn 300.000 người tới họp và 50 hội nghị hàng năm, Cannes lúc nào cũng tỏa sáng. Hội trường Palais des Festivals mới tân trang lại tiếp đón trong năm 12.700 khách nghe nhìn và người mua hàng, 3.000 người trong ngành nhạc, 11.000 nhà sản xuất truyền hình. Ngoài ra lễ hội quảng cáo Cannes Lions trong tháng 6 với 13.500 người dự và lễ hội Cannes Yachting vào tháng 9 với 45.000 người tới dự buổi duyệt trước các mốt thời trang hiện đại nhất nên phố phường chật ních người.

Với việc hiện đại hóa hội trường Palais des Festivals và các phòng hội nghị nên nay đã có 2.300 ghế trong phòng Grand Auditorium Louis Lumière, các ghế được thiết kế hình sóng biển và nơi họp nhìn được ra biển Địa Trung Hải.

“Cannes giống như một làng chài quốc tế, tuy nhỏ,” Sharon Farren, tư vấn phát triển kinh doanh, sống ở Cannes từ lâu, nói.

Tới 2018 du khách sẽ có thể được tận hưởng công trình La Bastide Rouge, 73,6 triệu USD, đó là công trình kinh doanh và vui chơi, có nơi ở cho 1.000 sinh viên đại học của các môn công nghệ mới, nghiên cứu hàng không, thông tin liên lạc và nghe nhìn; và một khách sạn lớn. Điểm nổi bật là, theo tinh thần điện ảnh hiện đại của Cannes, La Bastide Rouge sẽ khai trương rạp chiếu bóng hiện đại nhất Châu Âu, là một công trình khổng lồ với nhiều phòng chiếu bóng có âm thanh Dolby Atmos và 4 nhà ăn và phòng chiếu hình VIP.

Sự hấp dẫn

“Đây là một cách kinh doanh khác chút ít với cách ở vùng Bắc Âu,” Vivi Engh-Andersen, nghệ sĩ đồ họa Na Uy tới Cannes hơn 3 năm nay và lập công ty riêng, Oui Cannes Design, nói. “Nó chậm hơn một chút, quá trình trao đổi việc lâu hơn và ta điều chỉnh nó dần dần. Thay vì co ro trong nhà trong mùa đông giá lạnh, tôi mang máy tính ra bãi biển và làm việc.”

Nói cho cùng vị thế tốt của Cannes được phát huy hết. Dân ở đây khoe rằng họ ăn sáng ngoài bờ biển, trượt tuyết ở một nơi nghỉ dưỡng vào buổi chiều hoặc chơi golf trong rừng sồi và thông, mọi thứ chỉ trong tầm 1 giờ đi xe.

“Thành phố này có nhiều tính cách khác nhau,” Christian Sinicropi, người ở Cannes, bếp trưởng cửa hàng La Palme d’Or ((2 sao Michelin) nói. “Ở đây cũng có mặt tinh thần nữa. Nếu bạn đi thuyền ra đảo St-Honorat thì không khí ở đây thanh bình và hoang dã giống như Côte d’Azur 100 năm trước. Các thầy tu ở tu viện Abbaye de Lérins sản xuất rượu riêng biệt và dầu ô liu hảo hạng và đều có ở các cửa hàng ăn.”

Tuy nhiên so với các vùng lân cận như Nice và Saint Tropez thì nó không thoải mái bằng. “Cannes là một nơi nghỉ dưỡng sang trọng vì có khí hậu tuyệt vời nhưng nó cũng là một thành phố làm việc thực sự. Lúc nào cũng đang chuẩn bị cho một hội nghị sắp tới,” Liz Ackland, giám đốc của Right Venues ở Anh, nói. “Sau 15 năm kinh doanh ở Anh tôi sẵn sàng thay đổi cuộc sống nên quyết định tạo một nơi thích ứng ở phía Nam nước Pháp. Miễn là bạn theo luật của họ, nghĩa là chào ‘bonjour’ và ‘au revoir’, thì dân ở đây rất thân thiện.”

Cách tới Cannes

Sân bay Nice, lớn thứ 2 sau Paris, có các chuyến đi tới 100 địa điểm trên thế giới, có 48 hãng hàng không, kể cả máy bay giá rẻ đi London, Rome và Geneva. Có chuyến tàu con thoi 50 phút tới Cannes (cách 27 Km), 30 phút/chuyến, 7 ngày/tuần, từ 8 giờ tới 20 giờ, giá 22 euro/1 chiều và 33 euro/2 chiều. Taxi thì đắt, khoảng 70-95 euro. Một lựa chọn nữa là đi tàu con thoi của sân bay tới ga SNCF Nice. Đi 45 phút tới ga Cannes ở trung tâm thành phố, giá khoảng 7 đến 10,8 euro/1 chiều.

Với các thương gia đi máy bay riêng thì có sân bay Cannes Mandelieu cách Cannes 8,2 Km.

Nơi ở

Ở đại lộ ven biển Croisette khách sạn Intercontinental Carlton là một trong những khách sạn 5 sao lịch sự nhất với sân thượng tràn đầy ánh nắng và bãi biển riêng và nhà ăn.

Đối với người thích khách sạn nhỏ nhắn và ấm cúng thì có khách sạn 4 sao Le Canberra với 35 phòng rộng, cách hội trường Palais 10 phút đi bộ. Khách sạn Radisson Blu 1835 Hotel & Thalasso gần cảng có cảnh nhìn rộng ra Địa Trung Hải, bể bới nước nóng và spa.

Ăn tối

Có gần 500 cửa hàng ăn và giải khát rải khắp các phố, kể cả các nhà hàng 4 sao Michelin.

Ở một phố dành cho người đi bộ gần ga có quán ăn Ý Da Laura phục vụ các món thực sự Ý và ngon. Bảng món ăn luôn thay đổi giới thiệu các món như món burrata và ravioli.

Nếu bạn muốn tìm một không khí của quán rượu kiểu cổ ở phố xa đường ven biển thì có quán La Cave phục vụ bữa ăn 3 món với giá cố định 45 euro nấu theo kiểu địa phương gồm cả ati sô Carpaccio với dầu nấm cục, thịt cừu nướng với rau húng, trên cùng có bánh trứng Grand Marnier. Về quán ăn trang trí kiểu Art Deco ở ven biển, xin hãy thử vào quán Le Relais do bếp trưởng Christian Sinicropi chỉ đạo với các món ăn đặc biệt tươi của vùng Địa Trung Hải.

Điểm đáng ghé thăm

Ngoài các cửa hàng thiết kế và các bãi tắm ven biển, hãy đi theo các phố lát đá cuội ngoằn ngoèo của khu phố cổ (Le Suquet), hoặc thăm các biệt thự đẹp ngỡ ngàng thời Belle-Époque trên sườn đồi phía sau thành phố, như biệt thự Domergue có nhạc jazz biểu diễn trong vườn. Những nơi hấp dẫn nữa như là bảo tàng Bonnard mới khai trương, gần Cannes-la-Bocca nơi mà nghệ sĩ Bonnard từng sống và các sự kiện văn hoá đổi mới diễn ra quanh năm.

Hoặc bạn có thể đi xa lánh tới đảo nhỏ Ste-Marguerite gần đó, đi 15 phút từ cảng cũ của Cannes, và đi tới bảo tàng biển Musée de la Mer (một thành quách cổ trưng bày các tạo tác dưới biển và một phòng tù mà nghe nói Người Mặt Nạ Thép bị nhốt ở đó).

“Cannes mùa nào cũng đẹp quyến rũ,” Verena Kuhn nói thêm. “Ở đây không chỉ là làm việc trong một phòng họp hoặc tại tại thính phòng. Chắc chắn ở đây có việc đi mua sắm hàng cao cấp, hưởng ánh nắng mặt trời và các bữa ăn thịnh soạn, nhưng người ta còn thích mặc diện cho sự kiện buổi tối. Và chính ở đó là nơi mà trao đổi việc thực sự diễn ra.”

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/07/160716_what-happens-in-cannes-when-the-glitterati-leave_vert_cap

Sam Rainsy vận động EU tiến hành chế tài

để hối thúc Campuchia cải thiện nhân quyền

Lãnh tụ đối lập Campuchia đang tự nguyện sống lưu vong, ông Sam Rainsy đang vận động quốc hội Liên Hiệp Âu Châu, tức cơ quan lập pháp của EU, hãy áp đặt các biện pháp chế tài tiếp theo sau những hành động đàn áp có phối hợp của chính quyền đối với giới bất đồng sau vụ giết hại một nhân vật chỉ trích chính phủ nổi tiếng hồi tuần trước.

Nói chuyện với Ban tiếng Campuchia của Đài VOA sau khi ra điều trần trước các nhà lập pháp EU, ông Rainsy nói ông hy vọng Âu Châu sẽ giữ cam kết đã đưa ra trước đó, liên kết viện trợ cho Campuchia với những cải thiện về nhân quyền.

Trong khi các nhà lập pháp có thể biểu quyết để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống các cá nhân có dính líu đến các tội ác như giết người và các tội phá hoại môi trường, ông nói họ đang cứu xét giải pháp đóng băng tài chính những người liên hệ.

Ông Rainsy nói: “Họ đang cứu xét việc thực thi những hành động cụ thể chưa từng diễn ra trước đây để áp lực chính quyền Campuchia phải thay đổi, và ngưng đàn áp người dân vô tội.”

Ông Rainsy cho biết ông đã nêu lên vụ giết ông Kem Ley, người hay chỉ trích chính quyền được nhiều người biết tiếng, với các nhà lập pháp của quốc hội EU, trong khi nhiều người Campuchia tin rằng vụ sát hại ông Kem Ley là một vụ giết người được nhà nước Campuchia bảo trợ.

Ông Rainsy còn nói rằng các chính khách EU đã tỏ ý muốn thấy Campuchia tổ chức các cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong những năm sắp tới, là điều mà ông mô tả là “cách duy nhất để mang lại thay đổi trong hoà bình, dẫn tới dân chủ.”

http://www.voatiengviet.com/a/sam-rainsy-van-dong-eu-tien-hanh-che-tai-de-hoi-thuc-campuchia-cai-thien-nhan-quyen/3421067.html

Cảnh sát Pháp bắt giữ

3 người liên quan tới vụ tấn công ở Nice

Văn phòng công tố viên Pháp cho hay cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 3 người hôm nay, thứ Bảy 16/7, liên quan tới vụ tấn công ở Nice vào ngày lễ Bastille, đã giết 84 người và gây thương tích cho nhiều người hơn nữa. Công tố viên không công bố thông tin nào khác về các vụ bắt giữ này.

Trong một diễn tiến khác, Nhà Nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công hôm thứ Năm vào khu nghỉ mát Riviera. Hãng tin Amaq, một cơ sở truyền thông của Nhà Nước Hồi giáo (IS), nói người thực hiện cuộc tấn công là “một chiến sĩ của Nhà Nước Hồi giáo.” Cơ sở tuyên truyền của IS dẫn lời một “nguồn tin an ninh” không cho biết danh tính nói rằng kẻ tấn công “đã thực hiện hành động này để đáp lại lời kêu gọi của Nhà Nước Hồi giáo hãy nhắm tấn công công dân của các nước thuộc liên minh chống IS.”

Hiện vẫn chưa rõ liệu có liên hệ trực tiếp nào giữa kẻ tấn công ở Nice và nhóm chủ chiến IS, nhóm này đôi khi lên tiếng nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công do những cá nhân không có liên hệ với IS thực hiện.

Trong khi đó, nước Pháp khởi sự 3 ngày quốc tang vào sáng thứ Bảy tiếp theo sau vụ tấn công xảy ra trong những lễ lạc mừng Ngày Quốc khánh của Pháp ở Nice. Trong số những người chết trong cuộc tấn công có 10 trẻ em. Nhà chức trách cho biết trong số hơn 200 người bị thương trước khi hung thủ bị cảnh sát bắn hạ, có 52 người đang trong tình trạng nguy kịch. Tin xác nhận rằng có 2 công dân Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Kẻ tấn công đã được nhận diện là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, một người Pháp gốc Tunisia sinh sống ở Nice.

Tin tức nói rằng các cơ quan an ninh không nghi Bouhlel có liên hệ với các tổ chức khủng bố hay các nhóm cực đoan, mặc dù y được cảnh sát biết vì đã phạm một số tội hình sự. Hồi tháng Ba, Bouhlel đã bị tuyên án 6 tháng tù treo vì dính líu trong một vụ bạo lực vũ trang xảy ra vào tháng Giêng.

Bouhlel đã ly dị và có 3 con. Vợ cũ của y đã bị chính quyền Pháp thẩm vấn. Cha của Bouhlel trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin Pháp ở Msaken, đông Tunisia, nói rằng con trai ông đã gặp nhiều vấn đề từ năm 2002 tới năm 2004, “dẫn đến một cuộc khủng hoảng tâm thần.”

Ngỏ lời trước quốc dân, Tổng Thống Pháp Francois Hollande nó cuộc tấn công đã được thực hiện “để thoả mãn sự độc ác của một cá nhân, và có thể, của một nhóm.”

Lên tiếng sau khi đi thăm một bệnh viên nơi các nạn nhân đang được điều trị, ông nói nước Pháp “đang đối mặt với một cuộc đấu tranh, có thể kéo dài.”

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói Hoa Kỳ sát cánh với Pháp, và ông đã đề nghị sự hỗ trợ của Mỹ cuộc điều tra. Nhà lãnh đạo Mỹ ca ngợi Pháp về “sức chịu đựng bền bỉ, và các giá trị dân chủ đã khiến nước Pháp trở thành nguồn cảm hứng cho toàn thế giới.”

Ông Obama kêu gọi người Mỹ hãy tin tưởng vào những giá trị của tự do tôn giáo, và nói thêm rằng người Mỹ và các đồng minh sẽ không khuất phục để trở thành sợ hãi, và quay sang chống nhau, hoặc hy sinh “lối sống của chúng ta.”

http://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-phap-bat-giu-ba-nguoi-lien-quan-toi-vu-tan-cong-o-nice/3420977.html

Ông Obama tuyên bố sẽ đánh bại IS

sau vụ tấn công ở Nice

Bi kịch một lần nữa làm lu mờ kế hoạch ngày thứ Sáu của Tổng thống Barack Obama cho một buổi tiếp đón xã giao những nhà ngoại giao làm việc ở Washington, tại Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc. Và một lần nữa, ông bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc nhắc tới một vụ tấn công hàng loạt nữa.

Ông nói: “Chúng ta tới đây mà lòng nặng trĩu hơn bình thường. Đêm qua tại Nice, chúng ta đã chứng kiến một vụ tấn công nữa, một vụ tấn công kinh hoàng nhắm vào sự tự do và hòa bình mà chúng ta trân quý. Hôm nay, tấm lòng của chúng ta hướng về người dân Pháp và tất cả những người đàn ông, phụ nữ và rất nhiều những trẻ em vô tội bị thương hoặc thiệt mạng trong vụ tấn công đáng kinh tởm này.”

Tổng thống tiếp đón Đại sứ Pháp Gérard Araud và cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Pháp François Hollande trước đó trong ngày.

Ông Obama nói: “Chúng tôi cam kết sát cánh với những người bạn Pháp của chúng tôi và bảo vệ quốc gia của chúng ta chống lại tai họa chủ nghĩa khủng bố và bạo lực. Đây là mối đe dọa đối với tất cả chúng ta.”

Tổng thống nhắc tới nhiều vụ tấn công hồi gần đây được cho là được khích lệ bởi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở nhiều nước, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Bangladesh và Ả-rập Saudi, nói rằng nhiều người trong số những nạn nhân là người Hồi giáo. Ông cho biết liên minh 66 quốc gia sẽ không giảm bớt cường độ và sẽ tiêu diệt điều mà ông gọi là nhóm Nhà nước Hồi giáo “tàn độc.” Ông cho biết liên minh sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này bằng việc giữ đúng những giá trị của mình là sự đa nguyên, nền pháp trị, sự đa dạng và những quyền tự do tôn giáo, ngôn luận và hội họp.

Ông Obama cho biết trong thế giới 7 tỉ người này, sự hận thù và bạo lực của một số ít người không thể bì được với tình yêu và sự tử tế của rất nhiều người.

Không nêu tên bất cứ ai, Tổng thống bác bỏ bất kỳ đề xuất nào kiểm tra người Hồi giáo ở Mỹ vì niềm tin của họ. Ông gọi đề xuất này là “đáng kinh tởm” và “trái ngược với những giá trị Mỹ.”

Sau vụ tấn công ở Nice tối thứ Năm, Cựu Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Newt Gingrich nói với đài Fox News: “Nền văn minh phương Tây đang lâm chiến. Nói thật chúng ta phải kiểm tra tất cả mọi người ở đây xem ai có lí lịch Hồi giáo, và nếu họ tin vào luật Sharia thì họ sẽ bị trục xuất.” Ông Gingrich được cho là một trong những ứng cử viên hàng đầu mà ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump cân nhắc làm người liên danh tranh cử của mình, nhưng ngày thứ Sáu, ông Trump đã viết trên Twitter rằng ông ta đã chọn Thống đốc bang Indiana Mike Pence làm ứng cử viên phó tổng thống của ông ta.

Tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Josh Earnest cho biết những nhà điều tra Pháp đã kết luận rằng vụ tấn công xe tải đêm thứ Năm là một vụ tấn công khủng bố. Ông Earnest cho biết ông Obama đã cam kết không chỉ sát cánh với người Pháp mà còn cung cấp cho họ bất cứ sự hỗ trợ nào mà họ yêu cầu.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-obama-tuyen-bo-se-danh-bai-is-sau-vu-tan-cong-o-nice/3420430.html

Những vụ tấn công gần đây ở Pháp

Pháp đã chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố trong 18 tháng qua, cướp đi sinh mạng của gần 230 người và làm hàng trăm người bị thương.

Tổng thống François Hollande tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 11 năm ngoái, sau vụ tấn công ở Paris là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước. Vào ngày thứ Sáu, ông Hollande triển hạn lệnh này thêm ba tháng nữa (hết hạn vào ngày 26 tháng 7) sau vụ tấn công Ngày Bastille ở Nice.

Dưới đây là thời biểu những vụ tấn công nhắm vào nước Pháp kể từ tháng 1 năm 2015, khi những kẻ khủng bố sát hại 11 nhà báo trong tòa soạn của tờ báo châm biếm Charlie Hebdo:

Ngày 14 tháng 7, 2016

Một tài xế làm thiệt mạng 84 người và làm bị thương hơn 100 người khác khi anh ta lao xe tải chạy quá tốc độ của mình vào một đám đông ở thành phố Nice vào Ngày Bastille, ngày quốc khánh của Pháp. Nhiều trẻ em trong số người thiệt mạng.

Ngày 13 tháng 6, 2016

Một người đàn ông cầm dao đâm chết một chỉ huy cảnh sát và người phối ngẫu của ông ta, cũng là một sĩ quan cảnh sát, ở Magnanville, khoảng 55 kilômét về phía tây Paris. Cảnh sát cứu được đứa con trai 3 tuổi của hai người và hạ sát kẻ tấn công tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo.

Ngày 7 tháng 1, 2016

Một kẻ chủ chiến đeo đai chất nổ giả tấn công cảnh sát ở khu Goutte d’Or ở Paris, hét lên: “Allahu Akbar” hay “Thượng đế vĩ đại” bằng tiếng Ả-rập. Người này bị cảnh sát bắn chết và một viên cảnh sát bị thương. Cờ của Nhà nước Hồi giáo và một tuyên bố được viết rõ ràng bằng tiếng Ả-rập được tìm thấy trên người kẻ tấn công.

Ngày 1 tháng 1, 2016

Một người đàn ông lao xe vào bốn binh sĩ canh gác một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Valence ở đông nam của Pháp. Ông ta bị chặn lại khi một người lính bắn và làm ông ta bị thương. Ông ta nói ông ta muốn giết chết binh sĩ và những hình ảnh tuyên truyền khủng bố được tìm thấy trên máy tính của ông ta. Một người lính bị thương nhẹ và một người đi ngang qua cũng bị thương do đạn lạc.

Ngày 13-14 tháng 11, 2015

Trong vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp, chín tay súng và kẻ đánh bom tự sát đã mở nhiều vụ tấn công chết người trên khắp thủ đô, giết chết gần 130 người và làm bị thương hơn 350 người.

Các tay súng xông vào nhà hát Bataclan ở trung tâm Paris, nơi mà ban nhạc rock Eagles of Death Metal của Mỹ khi đó đang trình diễn, và bắn súng AK-47 vào đám đông, khiến 89 người chết.

39 người cũng thiệt mạng khi một tay súng xả súng vào thực khách ngồi ăn bên ngoài nhà hàng tại những khu ăn uống đông khách ở trung tâm Paris.

Một người hiệt mạng trong ba vụ nổ gần sân bóng đá Stade de France, nơi Pháp khi đó đang đấu với Đức trong một trận đấu quốc tế.

Bảy trong số những thủ phạm đã tử vong trong đêm xảy ra vụ tấn công, hai người bị hạ sát trong những ngày sau đó.

Ngày 21 tháng 8, 2015

Một tay súng nổ súng trên một chuyến tàu Thalys cao tốc đi từ Amsterdam tới Paris, làm bị thương ba người trước khi bị hành khách áp đảo, trong đó có hai quân nhân Mỹ.

Ngày 26 tháng 6, 2015

Những kẻ tấn công đâm xe vào một công ty xăng của Mỹ tại Saint-Quentin-Fallavier, đông nam thành phố Lyon, sau đó chặt đầu một doanh nhân và để lại thi thể mất đầu của ông ta với dòng chữ tiếng Ả-rập ở lối vào công ty này. Một lá cờ với chữ Hồi giáo cũng được tìm thấy gần đó.

Ngày 19 tháng 4, 2015

Một chiến binh thánh chiến người Algeria thực hiện một vụ tấn công bất thành nhắm vào một hoặc hơn một nhà thờ ở Villejuif. Người này giết chết một người phụ nữ, có thể là trong khi tìm cách đánh cắp xe của bà ta, nhưng ông ta vô tình tự bắn vào chân, đặt dấu chấm hết cho kế hoạch của mình.

Ngày 3 tháng 2, 2015

Một người cầm dao tấn công binh sĩ bên ngoài một trung tâm cộng đồng Do Thái ở thành phố Nice thuộc miền nam của Pháp. Hai trong số những binh sĩ bị thương, nhưng tính mạng của họ không gặp nguy.

Ngày 7-9 tháng 1, 2015

Những tay súng đeo mặt nạ, hai anh em Cherif và Said Kouachi xông vào tòa soạn của tờ báo châm biếm Charlie Hebdo, giết chết 12 nhà báo trong đó có tổng biên tập nổi tiếng của tờ báo.

Sau đó hai anh em này lạnh lùng bắn chết một sĩ quan cảnh sát bị thương trên đường.

Một ngày sau vụ thảm sát ở Charlie Hebdo, một nữ cảnh sát thiệt mạng trong vụ đấu súng với Amedy Coulibaly, một cộng sự của hai anh em Kouachi.

Ngày 9 tháng 1, tại thị trấn nhỏ Dammartin-en-Goële, Coulibaly bắt những con tin tại một siêu thị của người Do Thái. Đến cuối ngày, 20 người thiệt mạng.

Chi nhánh Al Qaida ở Yemen, AQAP, nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

http://www.voatiengviet.com/a/nhung-vu-tan-cong-gan-day-o-phap/3420407.html

Tài liệu về mối liên hệ giữa Pakistan

và các nhóm khủng bố bị tiết lộ

Ayesha Tanzeem

Cựu giám đốc cơ quan tình báo Afghanistan vừa tiết lộ các tài liệu mà ông nói là cho thấy có mối liên hệ giữa Pakistan với các nhóm thực hiện các cuộc tấn công bên trong Afghanistan.

Ông Rahmatullah Nabil, người đã từ chức hồi tháng 12 vừa qua sau khi chỉ trích kịch liệt các đề xuất của Tổng thống Ashraf Ghani đối với Pakistan trên truyền thông xã hội, cho biết ông tiết lộ những tài liệu này vì muốn công chúng nhận thức được tình hình.

VOA không thể xác minh qua các nguồn tin độc lập về tính xác thực của tài liệu.

Một trong những tài liệu mà cựu giới chức Afghanistan đưa ra là lá thư được cho là đã gửi đi từ trụ sở của cơ quan tình báo Pakistan – ISI – ra lệnh trả tiền cho các chiến binh và gia đình của họ có liên quan đến cuộc tấn công phi trường Kabul.

Một lá thư khác đề ngày 5/8/2014 từ văn phòng Tình báo Quân đội (cơ quan tình báo nội bộ của quân đội Pakistan – MI) gửi cho trụ sở chính ở Rawalpindi gần Islamabad, với ý định thông báo cho trụ sở này là các đơn vị liên quan đang tìm cách bố trí những căn nhà an toàn trong thành phố Peshawar cho các phần tử Taliban của Afghanistan, đã phải rời khỏi Bắc Waziristan vì một cuộc hành quân do quân đội Pakistan tiến hành hồi tháng 6/2014.

Một lá thư tương tự cũng từ cơ quan này dường như thông báo cho trụ sở chính về việc chuyển giao an toàn một số chỉ huy của mạng lưới Haqqani đến các trại huấn luyện ở những vùng bộ tộc phía Bắc nước này trong một đoàn công-voa của quân đội và mang đồng phục được lực lượng bán quân sự sử dụng. Lá thư đề ngày 19/3/2015, gần 9 tháng sau khi quân đội khởi sự hoạt động ở Bắc Waziristan.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã định danh mạng lưới Haqqani là một tổ chức khủng bố.

Các tài liệu khác chứa những thông tin tương tự, như một lá thư của ISI gửi cho các văn phòng của cơ quan này tại Nowshera, một trong những thành phố lớn ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, ra lệnh cho “đơn vị HQ 945 và 935” chuyển tất cả các chiến binh của mạng lưới Haqqani đến các thị trấn Miran Shah, Tochi và Mir Ali trong các đoàn công-voa của quân đội, cũng như tăng cường an ninh cho họ và gia đình.

Chính quyền của Tổng thống Ghani không bình luận gì về những cáo buộc này và các giới chức Pakistan từ chối trả lời phỏng vấn.

Tuy nhiên, bộ ngoại giao Pakistan nhiều lần khẳng định rằng hòa bình và ổn định ở Afghanistan có lợi cho chính Pakistan và rằng nước này đang làm tất cả những gì có thể để giúp ổn định hóa tình hình bất ổn ở Afghanistan.

http://www.voatiengviet.com/a/tai-lieu-ve-moi-lien-he-giua-pakistan-va-khung-bo-bi-tiet-lo/3420341.html

Bang Georgia hành quyết phạm nhân

bị kết án 34 năm trước

Tiểu bang Georgia ở miền nam nước Mỹ vừa hành quyết một người đàn ông sáng sớm thứ Sáu sau khi Tòa án Tối cao của Mỹ bác bỏ đề nghị hoãn thi hành án cho phạm nhân đã chờ ngày bị tử hình 34 năm qua.

Ông John Wayne Conner bị tiêm thuốc tử hình tại trại tù Jackson của tiểu bang Georgia.

Ông Conner, 60 tuổi, có lệnh thi hành án tử hình vào chiều tối thứ Năm trong khi ông vẫn đang kháng án.

Luật sư của ông Conner này tranh cãi rằng việc tử hình phạm nhân sau 34 năm kết án là một hình phạt bất thường tàn ác vi hiến và đi đến mức một người bị trừng phạt hai lần, và chịu nhiều hình phạt cho cùng một tội danh.

Ông Conner bị kết án tội đánh chết người bạn của ông, tên J.T. White, trong một vụ cãi cọ sau khi nhậu nhẹt vào một buổi tối năm 1982.

Thi hành án tử hình ông Conner là vụ thứ sáu trong năm nay ở bang Georgia, một con số kỷ lục theo luật tử hình hiện nay.

Trong mấy năm gần đây, khoảng 20 công ty dược phẩm trên toàn cầu đã không cho dùng thuốc của họ trong việc hành quyết.

Tuy nhiên các loại thuốc đó lại được dùng cho những mục đích khác, và điều đó khiến cho khó có thể ngăn các loại thuốc đó cuối cùng cũng bị các nhà tù tiểu bang sử dụng cho việc hành hình.

Án tử hình vẫn còn hiệu lực pháp lý tại một số tiểu bang của Mỹ và con số tiểu bang đó đang trên chiều hướng giảm đi, trong lúc chỉ một ít tiểu bang tiếp tục thi hành án tử hình.

Mỹ đòi Trung Quốc xét xử công bằng

một công dân bị nghi gián điệp

Thùy Dương

Ngày 15/07/2016, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh đảm bảo thủ tục tố tụng pháp lý “công bằng và minh bạch” đối với một công dân Mỹ bị giam tại Trung Quốc từ một năm nay vì bị tình nghi làm gián điệp.

Công dân Mỹ bị xét xử là bà Sandy Phan-Gillis, một doanh nhân, bị bắt ngày 20/03/2015 khi bà đang vượt qua biên giới Trung Quốc để sang Macao sau chuyến thăm Trung Hoa lục địa trong khuôn khổ của một phái đoàn thương mại đến từ Houston, Texas.

Bà Elizabeth Trudeau, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết : “Chính quyền Trung Quốc đã thông báo cho chúng tôi biết họ sẽ đưa bà Phan-Gillis ra xét xử tại một tòa án ở Nam Ninh, miền nam Trung Quốc”. Bà nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc giải quyết trường hợp này một cách hiệu quả và đảm bảo phiên tòa diễn ra công bằng và minh bạch theo pháp luật Trung Quốc và đảm bảo tôn trọng các quyền con người”.

Washington cũng yêu cầu Trung Quốc đảm bảo rằng bà Phan-Gillis tiếp tục có quyền được luật sư biện hộ. Bà Phan-Gillis đã nhận được trợ giúp lãnh sự, bao gồm cả việc thăm nuôi hàng tháng, kể từ khi bà bị giam giữ.

Một nhóm các nhà hoạt động của Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đang đòi thả tự do cho bà Phan-Gillis. Nhóm này đã trích dẫn một nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết bà Phan-Gillis bị cáo buộc làm gián điệp và đánh cắp bí mật nhà nước. Bà cũng bị tình nghi đã giúp đỡ cho một bên thứ ba ăn cắp thông tin.

Một nhóm của Liên Hiệp Quốc hoạt động về các vụ bắt giữ tùy tiện cũng đánh giá là các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới quyền được xét xử công bằng, quyền tự do và an toàn đã không được tôn trọng trong vụ này.

Trong một cuộc họp báo tuần trước, một phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết bà Phan-Gillis đã bị bắt vì bị tình nghi gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160716-my-keu-goi-trung-quoc-xet-xu-cong-bang-mot-cong-dan-bi-nghi-lam-gian-diep

Vụ khủng bố 11/09 :

Không có bằng chứng Ả Rập Xê Út liên can

Hoa Kỳ không có bằng chứng về sự liên can của các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út trong các vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001. Đây là kết luận của một bản báo cáo điều tra lưỡng viện Quốc hội Mỹ năm 2002, nhưng mới chỉ được công bố vào ngày 15/07/2016.

Trong bản báo cáo dày 28 trang, các cơ quan tình báo Mỹ khẳng định đã không « xác định được » mối quan hệ giữa chính quyền Ả Rập Xê Út với các hung thủ của các tấn công ngày 11/09.

Ông Adam Schiff, một chuyên gia tình báo thuộc đảng Dân Chủ tại Hạ Viện, hy vọng việc công bố bản báo cáo này sẽ « làm giảm những lời đồn đoán » cho rằng bản báo cáo trên khẳng định chính phủ hoặc các quan chức cao cấp Ả Rập Xê Út chính thức can thiệp vào các vụ khủng bố tại Mỹ năm 2001.

Ông cũng nhắc lại, trong bản báo cáo năm 2004, các cơ quan tình báo Mỹ và Ủy ban Quốc gia về vụ khủng bố tại Hoa Kỳ (Ủy ban 11/09) « đã không tìm thấy chứng cứ đầy đủ » để khẳng định giả thuyết trên.

Về phần mình, chính phủ Ả Rập Xê Út hoan nghênh việc công bố bản bảo cáo 28 trang được giữ bí mật quá lâu. Trong một bản thông cáo, đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington, Abdullah Al-Saoud, tuyên bố : « Chúng tôi mong rằng văn bản này sẽ loại bỏ hết mọi thắc mắc hay nghi ngờ vẫn tồn tại về hành động hay chủ tâm của Ả Rập Xê Út ». Ông cũng nhấn mạnh là Ryad đã từ lâu yêu cầu Hoa Kỳ công bố bản báo cáo của lưỡng viện Quốc hội.

Báo cáo nói trên được công bố trong bối cảnh quan hệ lịch sử hình thành từ năm 1945 giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út đang bị nguội lạnh. Thế nhưng, trong tuần này, tại Washington, giám đốc cơ quan CIA John Brennan đã nhắc lại rằng Ả Rập Xê Út luôn là « một trong những đối tác gần gũi nhất » của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160716-vu-1109-khong-co-bang-chung-cao-buoc-a-rap-xe-ut-lien-can

 

Bỉ tăng cường an ninh sau vụ tấn công ở Nice

Thùy Dương

Ngày 15/07/2016, thủ tướng Bỉ cho biết sau vụ tấn công ở Nice, chính quyền sẽ điều chỉnh các biện pháp an ninh cho phù hợp, đặc biệt trong lễ hội chào mừng Quốc Khánh Bỉ diễn ra ngày 21/07.

Trong một cuộc họp báo, thủ tướng Charles Michel thông báo đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/07, cơ quan phụ trách đánh giá mức độ đe dọa khủng bố của Bỉ đã quyết định giữ nguyên mức đe dọa khủng bố ở mức độ 3 trên thang 4 (mức độ đe dọa « có thể xảy ra »).

Thủ tướng Michel cho biết : « Chúng tôi không có dấu hiệu cụ thể và chính xác về các mục tiêu bị đe dọa » ở Bỉ nhưng « vụ tấn công ở Nice cho thấy các lực lượng an ninh cần điều chỉnh các biện pháp an toàn », lưu ý tới cách thức tiến hành khủng bố.

Sau cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với các bộ trưởng và lực lượng an ninh Bỉ, thủ tướng Michel đã tuyên bố : « Trước đây, chúng tôi cũng đã chú ý tới giả thiết về kịch bản này và chúng tôi hiểu rằng sẽ phải tăng cường các biện pháp an ninh tại các sự kiện, chẳng hạn như lễ hội chào mừng lễ Quốc Khánh 21/07 ».

Vụ tấn công tại Nice cũng khiến nhà chức trách Brazil lo lắng. Chính quyền Brazil ngày 15/07 cho biết, tổng thống tạm thời Michel Temer đã họp khẩn cấp với các bộ trưởng để đưa ra các biện pháp tăng cường an ninh cho Thế Vận Hội diễn ra từ ngày 05 đến 21/08/2016.

Bộ trưởng Quốc Phòng Brazil cũng thông báo đang xem xét lại và tăng cường kiểm soát, ngay cả khi điều đó có thể gây thêm phiền phức cho những người tham gia hoặc tham dự Thế Vận Hội, nhưng theo ông, điều đó là cần thiết cho sự an toàn của tất cả mọi người.

Các biện pháp an ninh cho Thế Vận Hội dự kiến được triển khai chính thức từ ngày 24/07, với lực lượng an ninh gồm 85.000 người trong đó có 47.000 cảnh sát và 38.000 binh sĩ.

Trước khi cuộc họp diễn ra, nhà chức trách cho biết việc tăng cường an ninh cho Thế Vận Hội chủ yếu liên quan tới các chốt kiểm soát, cụ thể sẽ có nhiều chốt kiểm soát, nhiều rào chắn đường hơn. Giao thông sẽ bị hạn chế nhiều hơn và một số con đường gần nơi diễn ra Thế Vận Hội sẽ bị phong tỏa.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160716-bi-va-brazil-tang-cuong-an-ninh-sau-vu-tan-cong-o-nice

Thủ tướng Anh

trấn an Scotland ở lại vương quốc

Người đứng đầu chính phủ Anh, bà Theresa May, ngày 15/07/2016 đã đến Edinburgh, Scotland. Đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của nữ thủ tướng Anh kể từ khi bà được bổ nhiệm, thể hiện quyết tâm làm mọi cách để Scotland tiếp tục là thành viên của Vương Quốc Anh.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Anastasia Becchio tường trình :

« Sự thống nhất của Vương Quốc Anh là chủ đề quan trọng đối với bà Theresa May. Bà đã đề cập đến vấn đề này ngay trong bài diễn văn đầu tiên của mình trước tòa nhà số 10 phố Downing, chỉ vài phút sau khi được nữ hoàng Elisabeth phong chức.

Một thông điệp được nhắc lại nhiều lần tại Edinburgh : « Tôi đến đây để bày tỏ quyết tâm bảo vệ mối liên hệ đặc biệt đã có từ nhiều thế kỷ ». Người đứng đầu chính phủ Anh đã phát biểu như vậy trước khi gặp bà Nicola Sturgeon. Nữ thủ tướng Scotland, cũng là người đứng đầu Đảng Dân Tộc, đã dọa tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới đòi độc lập nếu như đó là biện pháp duy nhất để Scotland tiếp tục ở lại Liên Hiệp Châu Âu. 

Để bảo vệ lựa chọn của dân Scotland, mà 62% đã bỏ phiếu « Ở lại » vào ngày 23/06 vừa qua, bà Nicola Sturgeon đã đến Bruxelles và đã có nhiều cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu.

Bà Theresa May đã nêu rõ rằng sẽ không khởi động tiến trình chính thức « ly dị » với Liên Hiệp Châu Âu chừng nào bà chưa đạt được sự đảm bảo đối với toàn bộ Vương Quốc Anh. Bà tuyên bố sẵn sàng lắng nghe mọi lựa chọn khác nhau mà chính phủ Scotland sẽ trình bày. Một hành động cởi mở được người đồng nhiệm Nicola Sturgeon hoan nghênh, nhưng có lẽ lại khiến các nhà lãnh đạo châu Âu tại Bruxelles, Paris hay Berlin bực mình. Giới lãnh đạo châu Âu từng kêu gọi Anh Quốc áp dụng điều khoản 50 của Hiệp ước Lisboa (về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu) nhanh nhất có thể được ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160716-thu-tuong-anh-tran-an-scotland-o-lai-vuong-quoc

Vụ tấn công ở Nice :

Phe đối lập chỉ trích chính phủ

Thùy Dương

Vào sáng ngày 15/07/2016, chỉ vài giờ sau khi vụ tấn công tại thành phố Nice, Pháp, làm 84 người thiệt mạng, phe đối lập đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích chính phủ Xã Hội.

Bỏ lại đằng sau tinh thần đoàn kết dân tộc hay còn gọi là tinh thần ngày 11/01 được chứng tỏ sau các vụ tấn công nhắm vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo và siêu thị dành cho người Do Thái Hyper Casher, ngay lập tức phe đối lập cánh hữu đã có những lời trách móc, phê phán chính phủ cánh tả.

Cựu thủ tướng cánh hữu Alain Juppé khẳng định « nếu tất cả các biện pháp an ninh đều được triển khai thì thảm kịch đã không xảy ra ». Nhiều nhân vật quan trọng khác của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains) cũng đã đả kích sự bất lực của chính quyền và kêu gọi hành động.

Nghị sĩ Georges Fenech, chủ tịch Ủy ban điều tra Quốc Hội về các vụ khủng bố năm 2015, thì chỉ trích là « chính quyền chỉ dựa vào những cái không chắc chắn, mà không nhìn vào một thực tế khác đang xảy ra trước mắt ».

Bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, thì cho rằng « Cuộc chiến chống lại các thảm họa do Hồi Giáo cực đoan gây ra vẫn chưa bắt đầu, điều cấp bách bây giờ là phải tuyên chiến ».

Trước những lời chỉ trích nói trên, tổng thống François Hollande đã đáp trả « Vai trò của tôi, trách nhiệm của tôi là không thay đổi điều mà tôi đã cam kết, đó là sẽ bảo vệ người dân Pháp ». Về phần thủ tướng Manuel Valls đã cố gắng củng cố « tinh thần 14 tháng Bẩy » khi kêu gọi « thống nhất thành một khối » sau cuộc họp Hội Đồng Quốc Phòng khẩn cấp ở Điện Elysée vào sáng 15/07/2016.

Trong bài diễn văn ngày Quốc Khánh Pháp, ông Hollande đã thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 07/2016, nhưng vụ khủng bố ở Nice đã khiến ông quyết định triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng nữa. Quyết định này được cựu tổng thống Nicolas Sarkozy ủng hộ, nhưng nhiều nghị sĩ cánh hữu và đảng Xanh lại phản đối vì lo ngại cho tự do của dân chúng.

http://vi.rfi.fr/phap/20160716-vu-tan-cong-o-nice-phe-doi-lap-chi-trich-chinh-phu

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo

nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Nice

Thanh Phương

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, miền Nam nước Pháp ngày Quốc Khánh 14/07/2016.

Ngày 16/07/2016, hãng tin Amaq, có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trích dẫn « một nguồn tin an ninh », khẳng định hung thủ dùng xe tải đụng chết 84 người ở Nice là « một chiến sĩ của Nhà Nước Hồi Giáo », đã thực hiện chiến dịch này theo lời kêu gọi tấn công vào các công dân những quốc gia tham gia liên quân chống Daech.

Các cơ quan tình báo của Pháp hiện đang kiểm chứng tính xác thực của thông tin nói trên. Hiện chưa rõ là hung thủ người Tunisia, Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, 31 tuổi, có liên hệ gì đến Hồi giáo cực đoan hay không. Tuy nhiên, theo lời biện lý Paris François Molins trong cuộc họp báo hôm qua, vụ tấn công đẩm máu ở Nice diễn ra đúng theo những lời kêu gọi giết người mà phe thánh chiến thường đưa ra. Cho tới nay, Daech vẫn thường nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố thông qua hãng tin Amaq.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech vẫn thường xuyên đe dọa trả đủa nước Pháp về việc Pháp tham gia liên quân quốc tế tấn công lực lượng thánh chiến ở Syria và Irak.

http://vi.rfi.fr/phap/20160716-to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao-nhan-trach-nhiem-vu-tan-cong-o-nice

Trung Quốc đề nghị

Nhật Bản dừng can thiệp vào Biển Đông

Hôm 15/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Nhật cần dừng can thiệp và thổi phồng vấn đề Biển Đông. Vấn đề này đã nhận được nhiều sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh Á-Âu ở Ulaanbaatar, Mông Cổ.

Theo Tân Hoa Xã của Trung Quốc, trong một cuộc gặp, ông Lý nói với ông Abe như sau: “Nhật Bản không phải là một nước trực tiếp liên quan đến Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông], và vì vậy nên thận trọng về lời nói và việc làm, và hãy dừng việc thổi phồng cũng như can thiệp”.

Hãng tin Kyodo của Nhật đưa tin ông Abe đã nói với ông Lý rằng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp phải được tôn trọng. Theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra hôm 12/7 phải được tuân thủ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Kawamura cho hay ông Abe đã nhắc lại những quan điểm cơ bản về Biển Đông trong cuộc gặp với ông Lý. Ông Kawamura nói: “Tình hình Biển Đông là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Phán quyết của tòa ngày 12/7 có tính chung cuộc và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên trong vòng tranh chấp”.

Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan có tranh chấp ở Biển Đông. Sau khi tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ giá trị của tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã kêu gọi các nước không hành động mạnh bạo để khai thác những điểm lợi cho họ trong phán quyết.

Theo Reuters, WSJ

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-de-nghi-nhat-ban-dung-can-thiep-vao-bien-dong/3419833.html

Nhật Bản gia tăng sức ép

lên Trung Quốc sau phán quyết về Biển Đông

Thanh Phương

Tại cuộc họp thượng đỉnh Diễn Đàn Âu-Á (ASEM), Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông.

Theo hãng tin Nhật Jiji Press, nhân hội nghị thượng đỉnh ASEM ở Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 16/07/2016, thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc lại với các lãnh đạo khác về « nguyên tắc phổ quát » của luật quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07, tòa án này đã cho rằng không có sở pháp lý nào để Bắc Kinh khẳng định « quyền lịch sử » đối với các tài nguyên ở các khu vực nằm trong đường 9 đoạn, còn được gọi là « đường lưỡi bò », bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông.

Đây là một phán quyết thuận lợi cho Nhật Bản, vì nước này cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông.

Tại thượng đỉnh ASEM ngày 16/07, thủ tướng Abe đã kêu gọi các bên có liên hệ tuân thủ phán quyết nói trên của Tòa Trọng Tài Thường Trực và đi đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Trong những ngày qua, Tokyo đã nỗ lực vận động để đưa Biển Đông thành một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEM. Tại Ulan Bator, thủ tướng Abe cũng đã gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay.

Với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Abe đề nghị là Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tăng cường lực lượng trên biển. Còn theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nhật Bản, khi gặp thủ tướng Abe, ngoại trưởng Philippines đã chấp nhận sẽ « hợp tác chặt chẽ » tại các hội nghị của ASEAN trong tương lai để bảo đảm là tất cả các bên sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Trong cuộc hội đàm với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15/07 bên lề thượng đỉnh ASEM, ông Abe cũng đã đặt thẳng vấn đề Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng « trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ». Nhưng ông Lý Khắc Cường đã đáp trả rằng Nhật Bản, không có liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông, nên « có thái độ kềm chế, không đổ dầu vào lửa và không can thiệp vào vấn đề này ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160716-nhat-ban-gia-tang-suc-ep-len-trung-quoc-sau-phan-quyet-ve-bien-dong