Tin khắp nơi – 16/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/06/2018

Mỹ ra cảnh báo du hành đối với Nga

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát đi một cảnh báo du hành đối với Nga, kêu gọi du khách đến nước này “cân nhắc lại” kế hoạch du hành của họ ở đó “vì khủng bố và quấy rối.”

Cảnh báo này được đưa ra hôm thứ Bảy và trong khi Nga đang tổ chức giải bóng đá thế giới World Cup tại 11 địa điểm trên khắp cả nước.

“Các sự kiện quốc tế quy mô lớn như World Cup là một mục tiêu hấp dẫn đối với những kẻ khủng bố,” cảnh báo nói. “Những kẻ khủng bố có thể tìm cách tấn công các địa điểm sự kiện như các sân vận động và các khu vực Fan Fest xem đá bóng, những điểm du lịch, các đầu mối giao thông và các nơi công cộng khác.”

Thông cáo này nói, “Những kẻ khủng bố có thể tấn công mà đưa ra rất ít hoặc không đưa ra cảnh báo nào … Các mối đe dọa đánh bom nhắm vào các nơi công cộng là phổ biến.”

Cảnh báo nói thêm: “Công dân Mỹ thường là nạn nhân của hành vi quấy rối, ngược đãi và tống tiền của cơ quan chấp pháp và các quan chức khác” và “sự hỗ trợ lãnh sự của Hoa Kỳ cho các cá nhân bị giam giữ thường bị các quan chức Nga trì hoãn một cách bất hợp lý.”

Bộ Ngoại giao cho biết Nga đã giảm số lượng các nhà ngoại giao Mỹ ở Nga, khiến chính phủ Mỹ phải “giảm khả năng cung cấp các dịch vụ cho công dân Mỹ.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-ra-canh-bao-du-hanh-doi-voi-nga/4441835.html

 

World Cup 2018:

Pháp thắng Úc nhờ “thần” công nghệ phù hộ

Trọng Nghĩa

Hôm nay, đội tuyển Pháp xuất trận tại Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 ở Nga, với hy vọng tràn trề là 20 năm sau kỳ tích 1998 của Zinedine Zidane và đồng đội, quân Xanh sẽ giành được thêm một chức Vô Địch Thế giới. Kết quả là đội Pháp đã thắng đối thủ Úc 2-1. Hai bàn thắng được quyết định nhờ công nghệ video mới được áp dụng.

Phải nói là lúc ra quân, trên giấy tờ, đội Pháp – Á Quân Châu Âu – có trình độ hơn hẳn đối phương là đội Úc, chỉ xếp thứ 36 trên bảng xếp hạng FIFA. Thế nhưng khi lâm trận, các tuyển thủ Pháp như bị bất lực trước hàng thủ vững chắc của đối phương, và hiệp đầu hai bên ngang ngửa.

Phải chờ qua hiệp hai, nhờ một trái penalty vào phút thứ 58, được quyết định sau khi trọng tài xem lại video, thì Antoine Griezmann mới ghi bàn giúp đội Pháp dẫn trước 1-0. Thế nhưng chỉ 4 phút sau, đến lượt đội Pháp phạm lỗi, bị penalty và thủ quân Mile Jedinak của Úc đã đá thủng lưới Pháp, gỡ hòa 1-1.

Đấu dai dẳng mãi đến phút thứ 81 thì Paul Pogba, trong một màn đưa bóng qua lại phối hợp với Olivier Giroud, đã sút dội xà bóng bật xuống đất. Và một lần nữa, phải chờ trọng tài xem lại video, xác định bóng thực sự đã qua lằn biên vào trong khung thành, thì bàn thắng mới được công nhận.

Điều quan trọng nhất đối với đội Pháp là giành 3 điểm đã đạt, nhưng cách đấu của các tuyển thủ Pháp đang gây lo ngại. Để tiến vào vòng trong, cửa ải Úc phải nói là dễ qua nhất – đội tuyển Úc, trên giấy tờ là đội yếu nhất bảng C – thế mà đội tuyển Pháp phải khó khăn lắm mới qua được. Triển vọng sẽ ra sao khi phải chạm trán hai đội còn lại trong bảng là Péru và Đan Mạch, trình độ cao hơn Úc nhiều, hạng 11 và 12 thế giới ?

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho thấy thế nào là bóng đá đỉnh cao

Trận đấu mờ nhạt của Pháp đã khiến cho giới hâm mộ càng trầm trồ trước điều được coi là đỉnh cao bóng đá, đã được hai đội tuyển Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trình diễn vào tối qua, trong một trận so tài đầy kịch tính, hồi hộp đến phút chót, với một tỷ số 3-3, phản ánh đúng diễn biến sôi động của trận đấu.

Trong trận so tài Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha tối hôm qua, những người hâm mộ bóng đá đã được mãn nhãn với kiểu thi đấu tập thể cực kỳ gắn bó nhịp nhàng của Tây Ban Nha, và tài nghệ cá nhân xuất chúng, của tuyển thủ Bồ Đào Nha Christiano Ronaldo, đặc biệt là với quả đá phạt tung lưới thần sầu quỷ khốc vào cuối trận, giúp Bồ Đào Nha gỡ hòa 3-3.

http://vi.rfi.fr/phap/20180616-world-cup-2018-phap-thang-uc-nho-%E2%80%9Cthan%E2%80%9D-cong-nghe-phu-ho

 

Trump: ‘Tôi sẽ không ký dự luật ôn hòa về DACA’

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu ngày 15/6 nói rằng ông sẽ không ký dự luật ôn hòa hơn trong số hai dự luật đang được xem xét tại Hạ viện để giải quyết mối đe dọa trục xuất đang lơ lửng trên đầu những di dân đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ.

“Tôi đang xem cả hai dự luật. Tôi chắc chắn sẽ không ký bản ôn hòa hơn,” ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News ở trước Nhà Trắng. “Tôi cần một dự luật giúp đem đến an ninh biên giới mạnh mẽ cho đất nước. Tôi cần phải có dự luật như thế.”

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan dự định sẽ đưa hai dự luật ra Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát bỏ phiếu vào tuần tới, một động thái giúp phá vỡ thế bế tắc kéo dài ở Quốc hội Mỹ xung quanh luật di trú. Nhưng hôm 14/6 ông Ryan nói ông không đảm bảo chúng được thông qua.

Có đến 1,8 triệu di dân nằm trong diện này, đa số là người nói tiếng Tây Ban Nha vốn vào nước Mỹ bất hợp pháp nhiều năm trước khi còn nhỏ, có thể đủ tiêu chuẩn được bảo vệ trong khuôn khổ dự luật ôn hòa hơn của hai dự luật do Đảng Cộng hòa đưa ra.

Dự luật ôn hòa này sẽ cho phép họ xin thị thực ‘không di dân’ tạm thời để ở lại trên đất Mỹ. Dự luật cũng sẽ cấp 25 tỷ đô la để cung cố an ninh tại biên giới giữa Mỹ và Mexico, bao gồm tiền tài trợ xây một bức tường ở biên giới mà Tổng thống Trump muốn xây dựng.

Dự luật còn lại mang tính cứng rắn hơn yêu cầu xây dựng bức tường biên giới và không cho những người thuộc diện này cơ hội trở thành công dân Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-t%C3%B4i-s%E1%BA%BD-kh%C3%B4ng-k%C3%BD-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-%C3%B4n-h%C3%B2a-v%E1%BB%81-daca-/4441605.html

 

Trump bác báo cáo của FBI

về cuộc điều tra email của bà Clinton

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/6 bác bỏ báo cáo của tổng thanh tra Bộ Tư pháp nói rằng FBI không hề thiên vị trong vụ điều tra về các điện thư của bà Hillary Clinton. Ông Trump khẳng định cuộc điều tra này ‘hoàn toàn thiên lệch’.

“Kết quả cuối cùng là sai,” ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News.

“Hoàn toàn có sự thiên lệch nếu quý vị nhìn vào Peter Strzok (nhân viên FBI), những gì ông ấy nói về tôi, nếu quý vị nhìn vào James Comey (cựu giám đốc FBI) và tất cả các động thái của ông ấy.”

Bản báo cáo dài 500 trang của Tổng thanh tra Michael Horowitz đã kết luận rằng ông Comey, người sau đó đã bị ông Trump sa thải, đã ‘phạm một sai lầm phán đoán nghiêm trọng’ khi ông ấy loan báo chẳng bao lâu trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 rằng ông đã mở lại cuộc điều tra về việc ứng viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton gửi email từ hộp thư cá nhân.

Nhưng bản báo cáo, được công bố hôm 14/6, cũng cho rằng cuộc điều tra của FBI không hề bị ảnh hưởng bởi sự thiên lệch chính trị ngay cả khi nó tiết lộ một email từ Strzok gửi cho đồng nghiệp Lisa Page ở FBI trong cuộc bầu cử năm 2016 trong đó nói rằng ông Trump sẽ không trở thành tổng thống. “Chúng ta sẽ ngăn chặn việc này,” ông viết trong email.

Những kết luận này không có ảnh hưởng trực tiếp gì đối với một cuộc điều tra riêng rẽ của Bộ Tư pháp vào cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và khả năng có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Moscow.

Tuy nhiên, ông Trump đã tận dụng những phát hiện về Strzok, người cùng tham gia vào cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, để gieo rắc nghi ngờ về cuộc điều tra này.

“Họ có âm mưu chống lại tôi đắc cử,” ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News.

Mặc dù chỉ trích bản báo cáo này nhưng ông Trump xem những gì báo cáo đưa ra là cách giải thích hợp lý cho việc ông sa thải ông Comey hồi tháng Năm năm ngoái.

“Bản báo cáo này hoàn toàn là một thảm họa đối với Comey, những kẻ bợ đỡ của ông ta và đáng buồn là cả FBI nữa,” ông Trump viết trên Twitter. “Tôi đã làm rất tốt công việc với dân Mỹ là sa thải ông ta.”

Lúc đầu khi ông Comey bị sa thải, chính quyền của ông Trump đã mô tả việc sa thải này là có liên quan đến việc ông xử lý cuộc điều tra email của bà Clinton. Tuy nhiên, sau đó ông Trump nói rằng ông đã nghĩ đến cuộc điều tra của FBI về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 khi sa thải ông Comey.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-b%C3%A1c-b%C3%A1o-c%C3%A1o-c%E1%BB%A7a-fbi-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-email-c%E1%BB%A7a-b%C3%A0-clinton-/4441318.html

 

Báo cáo của Tổng thanh tra

về FBI điều tra vụ e-mail bà Clinton

Cơ quan giám sát nội bộ của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mạnh mẽ chỉ trích cựu Giám Đốc FBI James Comey về cách xử lý cuộc điều tra về vụ email của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng kết luận rằng các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng cho thấy hành vi của Comey mang động cơ “thiên vị chính trị”.

Tổng thanh tra Michael Horowitz chỉ trích ông Comey về một loạt các bước gây tranh cãi của ông trong tiến trình điều tra, kể cả công khai tuyên bố bà Clinton không có tội giữa chiến dịch tranh cử, để mở lại cuộc điều tra sau đó, rồi khép lại cuộc điều tra vào lúc ngày bầu cử vào tháng 11 đang tới gần.

Quyết định của ông Comey tuyên bố bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, không phạm bất kỳ hành vi sai trái nào tại cuộc họp báo ngày 5/7/2016, mà không thông báo trước cho Bộ trưởng Tư pháp, theo Tổng thanh tra Michael Horowitz, là một hành động “hết sức khác thường và bất tuân lệnh đối với cấp trên”.

Quyết định của ông Comey gửi thư cho các thành viên Quốc hội hôm 28/10/2016 để thông báo ông mở lại cuộc điều tra, bất chấp sự chống đối của Bộ trưởng Tư pháp, cấu thành “một lỗi nghiêm trọng về óc phán xét”, Tổng thanh tra Horowitz viết.

Những lỗi này và những sai lầm khác của ông Comey và các giới chức FBI và Bộ Tư pháp khác đã làm tổn hại uy tín của FBI, ông Horowitz kết luận trong báo cáo tái thẩm định cuộc điều tra. Phải mất tới 18 tháng để hoàn thành phúc trình này.

Ông Comey vẫn bảo vệ các hành động của ông. Ông nói với các nhà điều tra rằng cơ quan FBI lúc đó đang ở giữa một “trận lụt 500 năm mới xảy ra một lần” và ông đã “cân nhắc sự cần thiết phải bảo toàn uy tín và sự tín nhiệm đối với Bộ Tư pháp và cơ quan FBI.”

“các kết luận của ông tổng thanh tra là hợp lý, cho dù tôi không đồng ý với ông về một số điểm.”

Cựu Giám Đốc FBI James Comey

Trong một cuốn sách mới xuất bản, cựu Giám Đốc FBI Comey viết rằng ông đã quyết định thực hiện “điều mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng” để bảo vệ uy tín của cơ quan FBI sau khi kết luận rằng Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã “bị coi là không đáng tín cẩn về mặt chính trị” vì mối liên hệ giữa bà với vợ chồng bà Clinton.

Trong một thông điệp tải lên Twitter vào chiều thứ năm, ông Comey viết “các kết luận của ông tổng thanh tra là hợp lý, cho dù tôi không đồng ý với ông về một số điểm.”

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói rằng bản báo cáo phơi bày “một số lỗi lầm đáng kể của giới lãnh đạo cấp cao trong Bộ Tư pháp của chính quyền tiền nhiệm.”

Ông Sessions nói tiếp:

“Vì vậy, báo cáo này phải được xem như một cơ hội cho FBI và tất cả chúng ta tại Bộ Tư Pháp rút kinh nghiệm và học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ”.

báo cáo này phải được xem như một cơ hội cho FBI và tất cả chúng ta tại Bộ Tư Pháp rút kinh nghiệm và học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ”.

Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions

Một ban lãnh đạo mới do tân Giám đốc FBI được ông Trump bổ nhiệm, ông Christopher Wray, là “một trong những người mà dân chúng Mỹ có thể tin tưởng”, ông Sessions nói.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở FBI, ông Wray cho biết cơ quan FBI chấp nhận những kết luận trong bản báo cáo nhưng lưu ý rằng phúc trình này không “tác động gì tới uy tín” của cơ quan.

Ông Wray nói FBI đã thực hiện một số bước, chẳng hạn như điều động nhân viên sang những vị trí mới, và đưa một số trường hợp lên bộ phận nhân sự nội bộ của FBI xem xét.

Giám Đốc FBI cho biết cơ quan này giờ có một chính sách mới liên quan đến các cuộc tiếp xúc với phóng viên vàcc vụ rò rỉ tin tức. Ông cho biết các nhân viên FBI sẽ phải trải qua các khóa “đào tạo chuyên sâu” và cơ quan sẽ xác định rõ những nội quy mới.

Sáng thứ năm 14/6, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã thông báo với Tổng thống Trump về báo cáo của Tổng thanh tra Michael Horowitz trước khi báo cáo với các thành viên Quốc hội.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders nói rằng báo cáo này tái khẳng định những nghi ngờ của Tổng thống Trump về hành vi của ông Comey và sự thiên vị chính trị của một số thành viên FBI.

Tổng thống Trump, người từng ca ngợi ông Comey về việc mở lại cuộc điều tra vào vụ email của bà Clinton không lâu trước ngày bầu cử, hồi năm ngoái lại chỉ trích cách xử lý vụ điều tra của ông Comey khi ông Trump đột ngột sa thải ông Comey khỏi chức giám đốc FBI. Ông Trump sau đó thừa nhận rằng ông đã có nghĩ tới “cái vụ Nga” khi sa thải ông Comey.

Ông Trump không đăng dòng tweet nào về báo cáo của Tổng thanh tra Horowitz, nhưng tuần trước ông lên Twitter khiếu nại về “những sự chậm trễ” trong việc công bố bản báo cáo và nói ông hy vọng bản báo cáo sẽ “không bị thay đổi để làm yếu đi.”

Tổng thanh tra Horowitz mở rộng cuộc điều tra của ông hồi năm ngoái sau khi phát hiện một loạt tin nhắn có nội dung chống ông Trump và ủng hộ bà Clinton được trao đổi giữa hai quan chức cấp cao của FBI trong toán điều tra trong chiến dịch vận động tranh cử.

Bản báo cáo đặc biệt chỉ trích hai quan chức FBI – ông Peter Strzok, một nhân viên phản gián cấp cao và bà Lisa Page, một luật sư – vì những tin nhắn mà hai người trao đổi với nhau có khả năng chỉ ra hoặc tạo cảm tưởng cho thấy các quyết định trong cuộc điều tra có thể bị ảnh hưởng vì những ý kiến thiên vị hoặc những lý do không phù hợp.”

Tổng thống Trump và các đồng minh của ông trong Đảng Cộng hoà đã viện vào những tin nhắn giữa ông Peter Strzok và bà Lisa Page để tố cáo các quan chức Bộ Tư pháp và lãnh đạo FBI thiên vị, chống ông Trump.

Nhưng ông Adam Schiff, giới chức cấp cao thuộc đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng ông tổng thanh tra đã “không tìm thấy bằng chứng nào” cho thấy ông Comey hay các giới chức FBI và Bộ Tư pháp khác “đã hành động dựa trên những sự thiên vị chính trị hoặc những sự cân nhắc không đúng đắn khác.”

Trong một tuyên bố, ông Schiff nói: “Không có gì trong bản báo cáo của ông Tổng thanh tra đặt nghi vấn về tính chính đáng hoặc hành vi của Công tố viên đặc biệt Mueller trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga, hoặc nghi vấn nào về tầm quan trọng của việc phải cho phép Công tố viên Robert Mueller hoàn thành nhiệm vụ của ông mà không bị can thiệp chính trị.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-cua-tong-thanh-tra-ve-fbi-dieu-tra-vu-email-ba-clinton/4440809.html

 

Cựu quản lý chiến dịch của ông Trump

bị bỏ tù vì ‘cản trở công lý’

Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Paul Manafort, vừa bị tống giam hôm 15/6 sau khi một thẩm phán liên bang thu hồi lệnh giam giữ tại nhà đối với ông này, vì lý do “cản trở công lý”, theo AP.

Lệnh bắt do Thẩm phán Amy Berman Jackson đưa ra đã khiến ông Manafort trở thành người đầu tiên trong chiến dịch của ông Trump bị bỏ tù. Diễn tiến mới này là một phần trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Vốn đã chịu áp lực lớn trong việc hợp tác với các công tố viên với hy vọng được khoan dung, ông Manafort giờ đây mất đi cả sự tự do, dù là hạn chế, trong lúc chuẩn bị cho hai phiên xử sắp diễn ra, mà khả năng có thể dẫn tới việc ông phải sống cả đời trong nhà tù.

Trong lúc ban hành phán quyết, thẩm phán Jackson nói bà đã phải “đấu tranh” để đưa ra quyết định trên, nhưng bà không thể “nhắm mắt làm ngơ” với hành vi của ông Manafort.

Tuần trước, một bồi thẩm đoàn liên bang đã truy tố Manafort và một cộng sự lâu năm, ông Konstantin Kilimnik, về tội cản trở công lý và âm mưu cản trở công lý.

Ông Manafort, 69 tuổi, và ông Kilimnik bị buộc tội tìm cách can thiệp vào các nhân chứng trong vụ án bằng cách khiến cho họ nói dối về bản chất của công việc chính trị liên quan đến Ukraine của họ.

Các công tố viên nói ông Manafort và ông Kilimnik đã tìm cách để có được hai nhân chứng nói rằng công việc vận động hành lang được thực hiện bởi các chính trị gia được trả tiền bí mật chỉ xảy ra ở châu Âu chứ không xảy ra ở Mỹ, một cuộc tranh cãi của hai nhân chứng cho thấy họ hiểu điều đó là sai.

Sự khác biệt quan trọng ở đây là việc vận động hành lang của nước ngoài không đăng ký ở Mỹ là một tội phạm, trong khi vận động hành lang ở châu Âu lại nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của công tố đặc biệt.

Các luật sư của ông Manafort cáo buộc các công tố viên đã sử dụng bằng chứng thực tế để gợi lên một “âm mưu nham hiểm” từ những liên hệ “vô hại”. Các luật sư đã gửi một bản ghi nhớ được viết bởi một trong những nhân chứng cho ông Manafort, trong đó các luật sư cho biết công việc của nhóm có tên là Hapsburg là tập trung ở châu Âu.

Đáp lại, các công tố viên đã nộp những tài liệu bổ sung cho thấy các liên hệ vận động hành lang rộng rãi của nhóm này ở Mỹ, mà họ nói đã cho thấy “sự giả dối của đại diện ông ấy”. Một trong những tài liệu là bản ghi nhớ vào năm 2013 mà ông Manafort gửi cho cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Tài liệu này mô tả cách ông Manafort thiết kế ra một chương trình sử dụng các thành viên của Hapsburg để vận động các nhà lập pháp Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng lên ý kiến của công chúng Mỹ, bao gồm cả các cuộc họp ở Quốc hội.

Ông Manafort không nhận tội đối với bản cáo trạng mới nhất vào hôm thứ Sáu. Ông Kilimnik, người mà các công tố viên cho biết hiện đang sống ở Nga, đã không xuất hiện tại tòa án. Nhóm của ông Mueller nói rằng ông Kilimnik có quan hệ với các cơ quan tình báo Nga, một cáo buộc mà ông này từng từ chối trước đây.

Ông Manafort sẽ vẫn ở trong tù trong khi chờ xét xử ở cả hai nơi, Washington và Virginia, trong vài tháng tới. Ông đang phải đối mặt với rất nhiều tội nghiêm trọng, bao gồm trốn thuế, gian lận ngân hàng, âm mưu rửa tiền và hành động như một tình báo nước ngoài không đăng ký, liên quan đến công việc chính trị của Ukraine.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-quan-ly-chien-dich-cua-ong-trump-bi-bo-tu-vi-can-tro-cong-ly/4440924.html

 

Nữ phi hành gia kỳ cựu Peggy Whitson về hưu

Phi hành gia người Mỹ Peggy Whitson, người trải qua nhiều thời gian trong vũ trụ nhiều hơn bất kỳ phi hành gia Mỹ nào, vừa về hưu hôm 15/6.

Trong sự nghiệp của mình, bà Whitson có 665 ngày sống trong vũ trụ trong 3 chuyến bay, tương đương với 1 năm 10 tháng bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất. Bà Whitson là phụ nữ đầu tiên chỉ huy Trạm Không gian Quốc tế. Bà cũng là phụ nữ cao tuổi nhất từng bay vào không gian.

Chia sẻ trên Twitter, nữ phi hành gia người Mỹ nói “Niềm vinh dự tuyệt vời nhất là được thực hiện giấc mơ trong đời làm một phi hành gia của NASA.”

Bà Whitson, nay 58 tuổi, sinh trưởng ở Iowa. Bà gia nhập NASA với tư cách là một nhà nghiên cứu vào năm 1986 và trở thành phi hành gia vào năm 1996. Bà Whitson hoàn thành chuyến bay vào vũ trụ cuối cùng hồi tháng 9 năm ngoái, sau gần 10 tháng trong không gian. Trong khoảng thời gian này, bà cùng các thành viên trong đoàn lên Trạm Không gian Quốc tế, tiến hành hàng trăm cuộc thí nghiệm về sinh học, công nghệ sinh học, khoa học vật lý và khoa học Trái đất.

‘Qua mặt’ bà Whitson về thời gian lưu trú trên vũ trụ chỉ có các nam phi hành gia người Nga mà thôi. Kỷ lục thế giới thuộc về phi hành gia Nga, Gennady Padalka, người đã trải qua 879 ngày trên vũ trụ.

https://www.voatiengviet.com/a/nu-phi-hanh-gia-ky-cuu-peggy-whitson-ve-huu-/4441241.html

 

Tổng thống Trump ‘hẹn’ gọi điện thoại cho lãnh tụ Kim

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/6 cho biết ông dự định sẽ gọi cho lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào Chủ nhật, sau hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh tạo tại Singapore hồi đầu tuần này, theo Reuters.

“Tôi sẽ gọi sang Triều Tiên”, ông Trump nói với kênh tin tức Fox News trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi ông dự định sẽ làm gì vào ngày Lễ của Cha vào Chủ nhật này.

Tổng thống Mỹ sau đó nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ngẫu hứng trên bãi cỏ Nhà Trắng rằng ông đã cho ông Kim số điện thoại trực tiếp của ông.

“Bây giờ ông Kim có thể gọi cho tôi khi gặp bất kỳ khó khăn nào, và tôi có thể gọi cho ông ấy”, ông Trump nói thêm.

Sau cuộc họp tại Singapore hôm thứ Ba, ông Trump và ông Kim ra một tuyên bố chung khẳng định cam kết của Bắc Hàn về việc “hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, trong khi ông Trump “cam kết cung cấp bảo đảm an ninh”.

Các nhà phê bình của đảng Dân chủ nói thỏa thuận này không rõ ràng và tổng thống của đảng Cộng hòa đã nhượng bộ ông Kim quá nhiều.

Khi được hỏi về việc bảo vệ cho thành tích nhân quyền của ông Kim, ông Trump nói với các nhà báo: “Bạn biết tại sao không? Tôi không muốn thấy vũ khí hạt nhân tiêu hủy bạn và gia đình bạn… Tôi muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên”.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-hen-goi-dien-thoai-cho-lanh-tu-kim/4440936.html

 

Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đến Campuchia

 ‘củng cố hợp tác’

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dự kiến sẽ tới Campuchia vào ngày thứ Bảy 16/6 trong một chuyến thăm chính thức 5 ngày, thể theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh.

Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe), sẽ thảo luận việc phát triển các quan hệ quân sự giữa hai nước.

Ngoài ông Banh, Tướng Ngụy sẽ họp bàn với Thủ tướng Hun Sen và các quan chức chính phủ cấp cao khác.

Theo một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng ngày hôm qua, ông Ngụy và các thành viên của phái đoàn Trung Quốc sẽ gặp ông Hun Sen tại Cung điện Hòa bình.

Tờ Khmer Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, Tướng Chhum Sucheat, cho biết ông Ngụy Phụng Hòa sẽ dự lễ khánh thành cuộc Triển lãm Quân sự Campuchia-Trung Quốc tại trung tâm thương mại Koh Pich ở Phnom Penh.

Tướng Sucheat nói trọng tâm của chuyến đi là để củng cố các quan hệ quân sự giữa hai nước đồng minh, nhưng ông từ chối, không bình luận về liệu hai bên có sẽ thảo luận để đi đển bất cứ thỏa thuận đặc biệt nào, hay tăng tài trợ quân sự cho Campuchia hay không.

Ông nói: “Chuyến thăm hữu nghị giữa thành viên của Bộ Quốc phòng hai nước sẽ củng cố sự hợp tác giữa quân đội Campuchia và quân đội Trung Quốc. Đó là vấn đề chính.”

Giới phân tích nói Campuchia đang nhanh chóng thắt chặt các quan hệ quân sự với Trung Quốc, trong bối cảnh các quan hệ với Hoa Kỳ ngày càng xấu đi, sau khi Campuchia rút ra khỏi các cuộc tập trận chung hồi năm ngoái.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia nói Trung Quốc đã cung cấp cho nước ông hàng trăm xe tải tải quân sự và tài trợ cho các cuộc diễn tập quân sự chung.

“Chính phủ Trung Quốc đã giúp đào tạo hàng trăm binh sĩ Campuchia tại Viện Quân sự Thlok Tasek trong nhiều năm nay”, ông nói. Bộ Quốc phòng Campuchia nói các khoản tài trợ đó phản ánh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, theo tờ Khmer Times.

Tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc đã cấp 240 triệu đô la tiền viện trợ sau một thỏa thuận mà Thủ Tướng Hun Sen ký kết trong một chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh.

https://www.voatiengviet.com/a/btqp-tq-toi-campuchia-cung-co-quan-he-quoc-phong/4440993.html

 

Afghanistan xác nhận

thủ lĩnh Taliban ở Pakistan bị Mỹ hạ sát

Một thủ lĩnh của Taliban tại Pakistan, Mullah Fazlullah, người đã ra lệnh ám sát khôi nguyên Nobel Hòa bình Malala Yousafzai, đã bị hạ sát trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Kunar, AP dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết hôm 15/6.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với AP, ông Mohammad Radmanish cho biết Fazlullah và hai phần tử nổi dậy khác đã bị hạ sát vào sáng sớm thứ Năm.

Phát ngôn viên của các lực lượng Mỹ tại Afghnistan, Trung tá Martin O’Donnell, cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc “tấn công chống khủng bố” vào thứ Năm ở khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan nhắm mục tiêu vào “một lãnh đạo cấp cao của một tổ chức bị liệt là khủng bố”.

Tuyên bố không cho biết liệu cuộc tấn công có giết chết bất cứ ai hay không, và cũng không xác định Fazlullah là mục tiêu.

Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Yousafzai đã may mắn sống sót trong vụ ám sát vào năm 2012. Fazlullah ra lệnh giết cô vì đã thúc đẩy việc giáo dục cho các bé gái.

Yousafzai đã trở về quê hương vào đầu năm nay. Cô mở một trường học, được một tổ chức từ thiện tài trợ, nhằm thúc đẩy cho giáo dục nữ giới trên toàn cầu.

Cô cho rằng nỗ lực ám sát của Fazlullah nhằm bịt miệng cô chỉ có tác dụng ngược là khuếch đại tiếng nói của cô trên toàn thế giới.

Được xem là một thủ lãnh tàn bạo, Fazlullah từng ra lệnh ném bom và chặt đầu hàng chục đối thủ khi nhóm nổi dậy của ông kiểm soát khu vực Thung lũng Swat đẹp như tranh của Pakistan từ năm 2007 đến năm 2009.

Nhóm nổi dậy của ông, có tên Tehrik-e-Taliban, đã chủ mưu cuộc tấn công tàn bạo vào Trường Công lập Quân đội ở thành phố Peshawar phía tây bắc Pakistan vào tháng 12 năm 2014. Hơn 140 trẻ em và giáo viên đã bị tàn sát.

Những người sống sót trong cuộc tấn công kể lại rằng các phần tử bạo loạn đã bắn vào đầu các nạn nhân trong trường học, trong đó có một số trẻ em chỉ mới lên 6 tuổi.

Fazlullah nổi tiếng từ các chương trình phát thanh ở Swat đòi hỏi phải áp đặt luật Hồi giáo, giúp ông có biệt danh “Mullah Radio”. Các cuộc trò chuyện trên đài phát thanh của Fazlullah cũng bàn luận về những bất bình của nhiều người chống chính phủ ở miền tây bắc, chẳng hạn như vấn đề hệ thống tư pháp chậm chạp của nước này. Fazlullah cũng tiếp cận với nữ giới, hứa hẹn sẽ giải quyết các khiếu nại của họ về việc không nhận thừa kế một cách công bằng.

Sự tàn bạo của Fazlullah còn thể hiện trong các cuộc hành quyết chặt đầu công khai, thường là cảnh sát. Không rõ số tuổi chính xác của Fazlullah, nhưng thủ lĩnh Taliban được cho là chỉ tầm hơn 30.

https://www.voatiengviet.com/a/afghanistan-xac-nhan-thu-linh-taliban-o-pakistan-bi-my-ha-sat/4440912.html

 

Phản đối chính sách thương mại của tổng thống Trump,

người Canada tẩy chay hàng hóa Mỹ

Ottawa, Canada – Trong một khảo sát của Ipsos được công bố hôm qua, 70% người Canada nói rằng họ bắt đầu không mua hàng hóa của Hoa Kỳ, giữa lúc Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Thủ Tướng Justin Trudeau cãi nhau về thỏa thuận Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ – NAFTA.

Khảo sát của Ipsos cũng cho thấy đa số người Mỹ và người Canada đồng ý ủng hộ ông Trudeau, và phản đối ông Trump, khi ông Trump kiên quyết đòi sửa đổi thỏa thuận NAFTA được ký kết từ cách đây 24 years. Giữa bối cảnh tranh cãi, ông Trump rút ra khỏi một tuyên bố chung với 6 quốc gia khác, trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc ở thành phố Quebec vào cuối tuần trước. Trước khi quay trở về Washington DC, ông Trump tổ chức họp báo và gọi ông Trudeau là người yếu đuối và không trung thực. Phát biểu này được ông Trump đưa ra sau khi ông Trudeau nói rằng việc chính phủ Hoa Kỳ đánh thuế nhập cảng lên thép và nhôm Canada là xúc phạm tới Canada.

Từ sau khi bị ông Trump tấn công, hầu như ông Trudeau không nhắc tới vấn đề này nữa. Bất chấp bầu không khí căng thẳng, 85% người Canada và 72% người Mỹ trả lời rằng họ ủng hộ thỏa thuận thương mại NAFTA. 44% người Canada lẫn người Mỹ trả lời rằng việc tái đàm phán thỏa thuận NAFTA sẽ là một điều tốt cho đất nước của họ.

Nếu người Canada tẩy chay hàng hóa Mỹ, thì chính cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn. Vì phần lớn hàng hóa ở thị trường Canada là của Hoa Kỳ. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/phan-doi-chinh-sach-thuong-mai-cua-tong-thong-trump-nguoi-canada-tay-chay-hang-hoa-my/

 

Xuất cảng đậu nành Hoa Kỳ gặp khó khăn

trước đe dọa tăng thuế từ Trung Cộng

Bắc Kinh. –  Chính quyền Bắc Kinh vừa đe dọa sẽ tăng thuế suất đối với đậu nành Hoa Kỳ lên 25% để đáp trả mức tăng thuế đối với hàng trăm mặt hàng Trung Cộng của Tòa Bạch Ốc.

Các nhà nông Hoa Kỳ đang rất lo lắng việc các rào cản mới có thể xảy ra đối với nền kinh tế nông nghiệp vốn dĩ đã rất ảm đạm trong nhiều năm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tổng giá trị xuất cảng đậu nành sang Trung Cộng đạt 14 tỷ Mỹ Kim hàng năm, chiếm 1 nửa tổng giá trị xuất cảng đậu nành của Hoa Kỳ.

Vào Thứ Năm 14/06, tổng thống Hoa Kỳ đã có cuộc gặp gỡ với cố vấn thương mại và tuyên bố sẽ tung ra một danh sách các mặt hàng Trung Cộng bị đánh thuế dù danh sách này đã được rút ngắn hơn so với ban đầu. Hiệp hội đậu nành Hoa Kỳ, đại diện cho hơn 300,000 nông dân đã gửi một lá thư yêu cầu Quốc Hội ngăn chặn thuế thương mại. Thông báo cho biết thuế quan trả đũa từ Bắc Kinh sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp bao gồm các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp. Các hợp đồng tương lai xuất cảng đậu nành của Ủy ban thương mại Chicago đã giảm khoảng 9% trong hai tuần qua sau tuyên bố đe dọa tăng thuế từ Trung Cộng.

Ted Seifried, giám đốc chiến lược thị trường công ty môi giới tương lai Zaner Group cho biết từ hai tuần trước, các quỹ hàng hóa lớn đã vội vàng rút lui khỏi thị trường đậu nành làm giảm dòng tiền đầu cơ và cùng với đó là sự suy yếu của thị trường đậu nành. Theo ước tính của các nhà kinh tế thuộc Đại học Perdue, nhập cảng đậu nành của Trung Cộng từ Hòa Kỳ có thể giảm mạnh tới 65% nếu Trung Cộng áp đặt thuế quan. Và không chỉ có người Mỹ, mà người Trung Cộng cũng phải chịu ảnh hưởng từ mức thuế cao này.

Nguồn cung đậu nành thay thế được cho Trung Cộng dự đoán là từ Brazil.  Brazil hiện cũng đang có lợi thế tiền tệ vì đồng tiền của họ rẻ hơn so với Mỹ Kim, điều đó lại càng thúc đẩy Trung Cộng nhập cảng đậu nành từ Brazil. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/xuat-cang-dau-nanh-hoa-ky-gap-kho-khan-truoc-de-doa-tang-thue-tu-trung-cong/

 

Trung Cộng tuyên bố

Hoa Kỳ đã khởi đầu chiến tranh thương mại

Bắc Kinh, Trung Cộng – Chính phủ Trung Cộng hôm Thứ Sáu 15 tháng 6, cáo buộc Hoa Kỳ đã gây chiến trước tiên trong cuộc chiến thương mại, sau khi Tòa Bạch Ốc tuyên bố sẽ đánh thuế 25% lên 50 tỷ Mỹ kim hàng Trung Cộng nhập cảng.

Trong thông cáo báo chí, Bộ Thương Mại Trung Cộng cáo buộc Hoa Kỳ đã liên tục đổi ý và nay đã mở đầu cho một cuộc chiến thương mại. Bộ này khẳng định, Trung Cộng không muốn có chiến tranh thương mại, nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia và hệ thống giao thương toàn cầu. Bắc Kinh cũng cho biết sẽ đáp trả tương ứng đối với lệnh đánh thuế của Hoa Kỳ, và mọi thỏa thuận kinh tế đạt được trước đây trong các cuộc đàm phán đều không còn giá trị, bao gồm cả lời hứa về việc Trung Cộng sẽ mua thêm nhiên liệu và nông sản từ Hoa Kỳ.

Bộ Thương Mại Trung Cộng không cho biết chi tiết về các hàng hóa Mỹ sẽ bị đánh thuế, nhưng nước này trước đây từng đe dọa sẽ đánh thuế đối với các sản phẩm Hoa Kỳ gồm xe hơi, máy bay, và đậu nành.

Tổng Thống Donald Trump lâu nay vẫn than phiền về lượng thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ. Trong một thông điệp vào Thứ Sáu, ông Trump viết rằng giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng là không công bằng và đã diễn ra trong một thời gian rất dài. Tổng Thống Trump nói, các khoản thuế mới được thiết kế để trừng phạt Trung Cộng vì đã đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ của Hoa Kỳ. Ông cũng đe dọa rằng, bất kỳ sự đáp trả nào từ Bắc Kinh cũng đều sẽ dẫn đến một loạt các sắc lệnh thuế tăng thêm đánh vào hàng Trung Cộng. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-tuyen-bo-hoa-ky-da-khoi-dau-chien-tranh-thuong-mai/

 

Di dân : Lãnh đạo Pháp-Ý phô trương đồng thuận

Trọng Nghĩa

Sau một tuần lễ căng thẳng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ý Giuseppe Conte vào hôm qua 15/06/2018 đã cố cho thấy sự « tương đồng hoàn hảo » giữa hai nước. Tại Paris, hai lãnh đạo đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trên vấn đề người di dân và cải cách khu vực đồng euro.

Tổng thống Pháp tiếp đón thủ tướng Ý tại điện Elysée nhân một bữa ăn trưa làm việc kéo dài 2 tiếng đồng hồ, được ông Macron mô tả là rất « thân tình ».

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung, ông Giuseppe Conte công nhận rằng « Đã có một số ngày sóng gió, nhưng chúng tôi đạt tới một sự tương đồng (quan điểm) hoàn hảo… Sự kiện bản thân tôi có mặt ở đây (tức là ở Paris) là bằng chứng hùng hồn nhất. »

Về phần mình, ông Emmanuel Macron, người đã đả kích quyết định của chính quyền Ý cấm không cho cặp bến chiếc tàu Aquarius chở đầy thuyền nhân, cũng bày tỏ mong muốn rằng Pháp và Ý tiếp tục làm việc « tay trong tay và cùng nhau » trên vấn đề nhập cư và cải cách khu vực đồng euro, mà cả hai lãnh đạo đều tuyên bố cho rằng cùng chung quan điểm.

Mười ngày trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, hai ông Conte và Macron đều hy vọng là sẽ huy động được toàn thể châu Âu vào nỗ lực quản lý cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu, từng làm nước Ý bực bội và có nguy cơ tác hại đến thủ tướng Đức Merkel.

Đối với tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu trong những năm vừa qua đã thiếu đoàn kết và tương trợ lẫn nhau để giải quyết hồ sơ di dân vốn « không thể đối phó ở cấp quốc gia ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180616-di-dan-lanh-dao-phap-y-pho-truong-dong-thuan

 

Thụy Điển: Dọ thám người tị nạn Tây Tạng,

một người Hoa bị kết án

Thụy My

Một người Trung Quốc hôm 15/06/2018 đã bị tòa án Thụy Điển tuyên án 22 tháng tù vì đã dọ thám cộng đồng người tị nạn Tây Tạng tại quốc gia Bắc Âu này, thu thập các tin tức cho Bắc Kinh.

Dorjee Gyantsan, 49 tuổi, bị tòa khẳng định đã trà trộn vào cộng đồng người Tây Tạng gồm khoảng 130 người sống tại Thụy Điển, để thu thập các thông tin về nghề nghiệp, tình trạng gia đình và hoạt động chính trị của họ. Sau đó những tin tức này được chuyển giao cho tình báo Trung Quốc để được nhận tiền thưởng.

Tòa án Södertörn ở phía nam Stockholm nhận định bị cáo đã « tiến hành một chiến dịch rộng rãi, gây nguy hiểm cho những người gốc Tây Tạng tại Thụy Điển cũng như gia đình họ còn ở Tây Tạng ». Kết luận của tòa dựa trên nhiều chứng cứ, các cuộc tiếp xúc của Dorjee với cộng đồng Tây Tạng, những cuộc gọi điện thoại và những chuyến đi của bị cáo.

Dorjee Gyantsan, có cha người Trung Quốc và mẹ người Tây Tạng, đã từ Hoa lục sang Népal trong thập niên 90. Ông ta đến Thụy Điển vào đầu những năm 2000 với tư cách người tị nạn Tây Tạng được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, tuy nhiên sử dụng nhiều danh tính khác nhau.

Dorjee tham gia nhiều cuộc biểu tình chống chính sách Trung Quốc tại Tây Tạng, nhất là tại Na Uy, nơi ông ta đưa tin về chuyến viếng thăm của Đạt Lai Lạt Ma trong vai phóng viên của đài phát thanh Voice of Tibet (Tiếng nói Tây Tạng). Tòa án khẳng định Dorjee Gyantsan đã gặp bí thư đại sứ quán Trung Quốc ở Ba Lan rất nhiều lần để chuyển tin. Bị cáo không nhận tội và cho biết sẽ kháng cáo.

Hoạt động gián điệp của Dorjee Gyantsan kéo dài từ tháng 7/2015 đến khi bị cơ quan tình báo Thụy Điển bắt giữ vào tháng 2/2017. Lúc bị bắt khi từ Ba Lan về, ông ta có 6.000 đô la tiền mặt giấu trong các hộp thuốc.

Từ sau khi chiếm Tây Tạng năm 1951, Trung Quốc thường xuyên dọ thám những người tị nạn, nhằm ngăn cản họ tố cáo chế độ Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180616-thuy-dien-do-tham-nguoi-ti-nan-tay-tang-mot-nguoi-hoa-bi-ket-an

 

Thủ tướng Nhật xúc tiến cuộc gặp Kim Jong Un

Thụy My

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 16/06/2018 kêu gọi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vượt lên trên những mối nghi kỵ lâu nay, và xác nhận là đang có các nỗ lực để chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Abe nói rằng chính phủ Nhật đã liên lạc với phía Bắc Triều Tiên « thông qua nhiều kênh khác nhau » để sắp xếp một cuộc gặp với Kim Jong Un. Theo nhật báo Sankei, khi gặp gỡ tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hôm 12/6, lãnh đạo Bình Nhưỡng cho biết sẵn sàng gặp thủ tướng Nhật.

Nhật Bản vốn bị bỏ ngoài lề những tiếp xúc ngoại giao gần đây, muốn đề cập đến vấn đề các công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong thập niên 70 và 80 để dạy tiếng Nhật cho các gián điệp. Tờ Yomiuri Shimbun cho biết ngoại trưởng Nhật mong muốn thương lượng với đồng nhiệm Bắc Triều Tiên bên lề cuộc họp ASEAN tại Singapore tháng Bảy tới.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẵn lòng đóng góp tài chính cho việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, tuy nhiên ông nhấn mạnh sẽ không giúp đỡ, nếu vấn đề người Nhật mất tích không được giải quyết.

Năm 2002, Bắc Triều Tiên nhìn nhận có bắt cóc 13 người Nhật. Sau đó năm người được cho phép hồi hương, tám người còn lại bị Bình Nhưỡng nói rằng đã chết, nhưng không cung cấp được bằng chứng. Phía Nhật Bản cho rằng có ít nhất 17 người bị bắt cóc, và nghi là còn có hàng chục trường hợp khác.

Tổng thống Mỹ nói rằng có đề cập với Kim Jong Un, tuy nhiên chủ đề này không có trong văn bản được ký kết trong cuộc họp thượng đỉnh. Hôm qua Donald Trump khoe rằng đã « giải quyết phần lớn » vấn đề nguyên tử Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh hiện rất thân thiết với lãnh đạo Bình Nhưỡng, và đã cho Kim Jong Un số điện thoại trực tiếp để liên lạc.

Theo AP, vấn đề tin tặc Bắc Triều Tiên không được đả động đến trong thượng đỉnh Trump-Kim vừa qua, cho dù hết sức nguy hiểm đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Đặc biệt là vụ tấn công WannaCry năm 2017 nhằm tống tiền, hệ thống tin học của hàng chục quốc gia đã bị xâm nhập.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180616-thu-tuong-nhat-xuc-tien-cuoc-gap-kim-jong-un

 

Nicaragua : Chính quyền chấp nhận

quốc tế điều tra về đàn áp biểu tình

Tại Nicaragua, chính phủ của ông Daniel Ortega và phe đối lập hôm qua 15/06/2018 với sự trung gian hòa giải của giáo hội Công Giáo, đã nối lại cuộc Đối thoại Quốc gia bị ngưng lại cách đây hơn ba tuần. Các cuộc đàm phán gay gắt diễn ra cho đến khuya hôm qua, rốt cuộc đã giúp đôi bên đạt đến thỏa thuận đầu tiên : chính quyền chấp nhận cho điều tra về việc sử dụng bạo lực đàn áp biểu tình, làm trên 170 người chết.

Thông tín viên của RFI tại châu Mỹ Latinh Patrick John Buffe cho biết thêm chi tiết :

« Đó là một tia hy vọng, là bước đầu để ra khỏi khủng hoảng. Chính phủ của tổng thống Daniel Ortega và phe đối lập tập hợp trong Liên minh Công dân, tuy tranh cãi dữ dội, cuối cùng đã thỏa thuận được việc mời Ủy ban Liên Mỹ về nhân quyền, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đến Nicaragua. Các tổ chức quốc tế này đến để điều tra về việc chính quyền dùng bạo lực đàn áp biểu tình làm cho trên 160 người chết trong hai tháng gần đây.

Ngoài ra một ủy ban đặc biệt hôm nay được thành lập trong khuôn khổ Đối thoại Quốc gia, nhằm kiểm tra việc tái lập không khí hòa bình và an ninh trên toàn quốc. Còn về các rào cản trên đường phố và xa lộ, các sinh viên đã chấp nhận dỡ bỏ, nhưng chỉ khi nào chấm dứt bạo lực.

Nhờ kết quả ban đầu này, cuộc đối thoại hôm nay được tiếp tục. Trong chương trình nghị sự có vấn đề dân chủ hóa các định chế. Đây là chủ đề căn bản, trong đó có cả việc tổ chức bầu cử trước thời hạn, và trong trường hợp thỏa thuận được, sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng Ba sang năm ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180616-nicaragua-chinh-quyen-chap-nhan-quoc-te-dieu-tra-ve-dan-ap-bieu-tinh

 

Paris : Nhà tắm công cộng, từ quên lãng tới thành công

Thùy Dương

Nhiều người cứ ngỡ rằng nhà tắm công cộng không còn tồn tại ở Paris. Nhưng thực ra, hiện tại thủ đô nước Pháp vẫn còn 17 nhà tắm công cộng, mỗi năm đón tiếp hơn 1 triệu lượt người sử dụng. Những người tới đây, không chỉ có người vô gia cư, mà còn có nhiều sinh viên, người làm công ăn lương, người hưu trí …

Nhà tắm công cộng ra đời tại Paris từ cuối thế kỷ XIX và được coi là một nơi « xa hoa » trong một thời gian dài. Trong nỗ lực của chính quyền Paris để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tắm gội, vệ sinh thân thể, nhà tắm công cộng được xây dựng ngày càng nhiều trong những năm 1930, nhất là trong các khu phố bình dân. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, điều kiện nhà ở, sinh hoạt của người dân ngày càng được cải thiện. Các nhà tắm công cộng không còn được ưa chuộng, dần vắng khách. Tới cuối những năm 1990, chỉ có 300.000 lượt người sử dụng nhà tắm công cộng của thành phố.

Tháng 03/2000, thành phố quyết định ngưng thu phí sử dụng phòng tắm công cộng, tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh khó khăn được tắm gội thường xuyên hơn. Là nơi bị những người có điều kiện kinh tế khá giả cho « rơi vào quên lãng », chỉ sau 3 năm, số người sử dụng nhà tắm công cộng tại Paris – đã tăng lên hơn 3 lần, đạt ngưỡng 1 triệu lượt người/năm. Và con số này vẫn không ngừng tăng hàng năm. Nhiều người nói vui : « Nhà tắm công cộng của Paris đã trở thành nạn nhân của sự thành công. »

Nhà tắm công cộng và các « khách quen »

Karim, một người làm công ăn lương, có thu nhập là khách quen của các nhà tắm. Đều đều 4 lần một tuần, anh tới nhà tắm công cộng. Karim chia sẻ : « Tôi biết giờ giấc của tất cả các nhà tắm công cộng của thành phố. Lúc nào tôi cũng mang theo trong túi dầu gội đầu, sữa tắm, bàn chải đánh răng, kem đánh răng và dao cạo râu. »

Có ¾ số người sử dụng nhà tắm công cộng là nam giới. Phụ nữ chỉ chiếm ¼. Trẻ có, già có. Có những người do hoàn cảnh tạm thời, đường ống thoát nước bị tắc, bình nóng lạnh bị hỏng, nhà tắm đang được tân trang, hoặc vì một lý do tạm thời nào đó mà phải tới tắm gội ở nhà tắm công cộng. Như anh Danana, 36 tuổi là giáo viên dạy bơi. Danana từ Lyon tới Paris để làm việc trong vòng 6 tháng. Trong lúc chờ đợi thuê nhà của một người bạn, anh ngủ tạm trong xe hơi và tắm ở nhà tắm công cộng.

Nhưng cũng có nhiều người là « khách quen lâu năm » của nhà tắm công cộng ở Paris vì nhà không có phòng tắm, không có vòi hoa sen, không có chỗ nào để tắm gội cả, hay nhà tắm quá chật chội, không tiện nghi, hay chi phí nước nóng quá đắt đỏ … Với thu nhập hạn hẹp, nhiều người cũng không đủ tiền để lắp phòng tắm. Họ chọn giải pháp đi nhà tắm công cộng đều đặn, có người này nào cũng đi như vậy.

Phần lớn các nhà tắm công cộng đều nằm ở phía tây thủ đô Paris. Quận XIX và XX có nhiều nhà tắm nhất, mỗi quận có tới 3 nhà tắm. Một trong những nhà tắm công cộng đông khách nhất Paris là « B.D des Haies », nằm ở phố Les Haies, quận 20, phía tây Paris. Được xây vào năm 1928, bên ngoài lát gạch đỏ, « B.D des Haies » được xếp hạng công trình lịch sử từ năm 2005. Mỗi tháng, « B.D des Haies » phục vụ tới 7.500 lượt người, sử dụng hết 500m3 nước. Trong nhà tắm, thường có tiếng nhạc phát ra từ một chiếc radio và nhà tắm đương nhiên là có mùi thuốc khử trùng như trong bệnh viện hay bể bơi. Nền nhà tắm được lát bằng gạch đá hoa màu trắng.

Sáng sớm, « B.D des Haies » còn chưa tới giờ mở cửa, nhưng đã có khoảng 10 người đến xếp hàng chờ sẵn bên ngoài. Xin chào, Xin mời người tiếp theo, Cảm ơn, Tạm biệt … là những câu nói thường xuyên được nghe thấy tại đây. Có 49 phòng tắm và nhiều phòng vệ sinh, nhưng vào những ngày đông khách, có khi những người tới đây phải đợi tới 45 phút mới tới lượt tắm, nhất là vào ngày Chủ Nhật, vì nhà tắm chỉ mở cửa vào buổi sáng. Mỗi phòng tắm có một vòi hoa sen, một chiếc ghế và một chiếc gương. Từ khi được sửa sang vào năm 2012, « B.D des Haies » còn có 4 phòng tắm ở tầng trệt, trong đó có phòng dành cho người tàn tật hoặc những người đi lại khó khăn và một phòng tắm gia đình với 2 vòi hoa sen, 2 ghế băng và một chiếc gương.

Nhà tắm miễn phí, nhưng có những quy định phải tuân thủ. Cứ mỗi khi có người vào phòng tắm, nhân viên nhà tắm lại dùng phấn trắng ghi giờ lên tấm bảng đen treo bên ngoài cánh cửa sơn màu đỏ. Một nhân viên giải thích : « Chúng tôi ghi giờ mỗi khi có một người bước vào phòng tắm vì thời gian mỗi lần tắm được giới hạn là 20 phút ». Nhưng vào những hôm không đông khách thì các nhân viên để cho mọi người được tắm lâu hơn một chút. Sau mỗi lượt sử dụng, phòng tắm lại được vệ sinh, cọ rửa sạch sẽ.

Cô Rachelle là một khuôn mặt quen thuộc với các nhân viên nhà tắm công cộng này. Cô là một diễn viên. Cô chia sẻ : « Cứ khi nào có thể là tôi tới đây. Thường là 2 lần/tuần. Tôi không có phòng tắm ở nhà. Trước đây, tôi sống trong một căn hộ. Nhưng sau này, vì có một số khó khăn, tôi phải chuyển khỏi căn hộ. Hiện tôi sống trong một căn phòng trên tầng gác sát mái. Và đương nhiên, phòng gác mái thì không có phòng tắm, cũng giống như nhiều căn phòng khác ở Paris. »

Và cô Rachelle phải ghi nhớ giờ mở cửa của các nhà tắm công cộng : « Tôi luôn đi dạo với một chiếc ba lô, một cục xa bông nhỏ và một bộ quần áo sạch để thay, vì có nhiều nhà tắm trong Paris. ». Trong khi cô Rachelle tắm gội, các phòng bên cạnh không vắng bóng người. Thi thoảng, người ta còn thấy có gia đình đông người cùng đi đến nhà tắm công một lúc. Sau khi tắm gội xong, Rachelle cảm thất rất sảng khoái, khỏe khoắn. Cô nói : « Tuyệt vời. Nhưng phải thật khẩn trương vì chỉ có 20 phút thôi, từ lúc thay quần áo cũ đến lúc mặc xong quần áo sạch. »

Roahelle luôn cố tỏ ra lạc quan, nụ cười nở trên môi. Cô làm việc rất nhiều, nhưng với các đồng nghiệp, cô không dám kể về việc tắm ở nhà tắm công cộng. Cô giải thích : « Tôi nghĩ nhiều người không hiểu đâu. Nếu tôi nói là đi tắm ở nhà tắm công cộng, họ sẽ hỏi : « Thật à ? Chị không có phòng tắm ở nhà à ? » Tôi sẽ trả lời : « Không, tôi không có. » Rồi họ sẽ lại nói tiếp : « Vậy thì sao chị không xin thuê nhà cho người thu nhập thấp. Chị chỉ cần làm thế này, chỉ cần làm thế kia thôi … ». Nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản thế. Không hề đơn giản chút nào ! »

Nhà tắm công cộng – nơi gặp gỡ, chia sẻ

Đối với bà Malika Bochichite, đến nhà tắm công cộng không chỉ là để tắm gội : « Với tôi, điều này là rất quan trọng, vì tôi là một phụ nữ đã 58 tuổi rồi. Đó cũng là để chăm sóc bản thân. Và tôi có cảm giác đây như là nhà mình, gia đình mình vậy. Điều này rất tốt cho tôi. » Mỗi lần bà tới đây, những người gác cửa, nhân viên đón tiếp, vệ sinh nhà tắm chuyện trò, thăm hỏi bà. Họ đã trở nên thân quen, gắn bó với nhau như những người bạn, để có thể trêu đùa nhau rất thoải mái. Điều này khiến Malika Bochichite cảm thấy được an ủi rất nhiều về mặt tinh thần.

Ông Henri, 48 tuổi, sống ở Ivry-sur-Seine, vùng Val de Marne, ngoại ô Paris. Với ông, chi phí dùng nước nóng ở nhà là quá cao, nên ông thường đi tắm ở nhà tắm công cộng của quận V, Paris. Ông chia sẻ : « Tôi tới đây 3 lần/tuần. Tôi thích tới đây. Cứ như là khi tôi có một đức tin, như khi tôi đi nhà thờ vậy. Điều đó giúp tôi rất nhiều. Hơn nữa, tôi rất yêu quý mọi người ở đây. »

Nhiều nhân viên thành phố làm việc tại các nhà tắm công cộng của Paris cho biết mặc dù môi trường công việc vất vả, nhưng họ rất gắn bó với « khách hàng ». Một nhân viên tên là James tâm sự : « Đó là những người chúng tôi gặp hàng ngày, vì thế họ như anh, chị em của chúng tôi vậy. Nhà tắm công cộng cũng giống như gia đình ». Còn cô Saadia nói công việc ở nhà tắm công cộng là mang lại niềm vui cho mọi người, bằng nụ cười và sự đón tiếp niềm nở. Điều đó giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu may mắn tự tin hơn, để có thể vững bước trong cuộc sống vốn luôn có nhiều trở ngại.

http://vi.rfi.fr/phap/20180708-paris-nha-tam-cong-cong-tu-quen-lang-toi-thanh-cong-chua-co-son-va-anh

 

Rumani : Biểu tượng chống tham nhũng

có nguy cơ bị bãi nhiệm

Thùy Dương

Chiếc ghế của bà Laura Codruta Kovesi, lãnh đạo DNA – Viện công tố chống tham nhũng Rumani, hiện đang bị lung lay. Cá nhân tổng thống Klaus Iohannis đã phản đối việc bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của đất nước. Nhưng dường như tổng thống bị Tòa Bảo Hiến Rumani yêu cầu làm việc đó.

Từ thủ đô Bucarest, thông tín viên RFI Benjamin Ribout giải thích :

« Tổng thống thuộc phe trung hữu Klaus Iohannis đã luôn ủng hộ bà Laura Codruta Kovesi, cho dù phải đối đầu với sức ép từ chính phủ phe xã hội dân chủ từ khi ông lên cầm quyền cách nay một năm rưỡi. Được cựu tổng thống Traian Basescu bổ nhiệm vào năm 2013, rồi được tổng thống Klaus Iohannis tái phê chuẩn vào năm 2016, giám đốc DNA (ban lãnh đạo quốc gia chống tham nhũng) cũng được cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ.

Bà Laura Codruta Kovesi là biểu tượng thực thụ cho cuộc chiến chống tham nhũng ở Rumani và đã đạt được những thành tựu đáng nể. Lãnh đạo DNA đã chỉ đạo việc xét xử nhiều dân biểu trong những năm qua và đa phần thuộc phe xã hội – dân chủ do ông Liviu Dragnea đứng đầu. Nhưng gọng kìm giờ lại xiết chặt quanh bà.

Hồi cuối tháng 05/2018, Tòa Bảo Hiến đã kêu gọi tổng thống bãi nhiệm lãnh đạo DNA. Tòa Bảo Hiến cho rằng tổng thống không có « quyền tùy ý quyết định » trong lĩnh vực này, mà ông buộc phải ban hành « quyết định bãi nhiệm », theo yêu cầu của bộ Tư Pháp ».

Quyết định trên cho thấy chính phủ thuộc phe xã hội-dân chủ đã chiến thắng. Thông tín viên Benjamin Ribout khẳng định thêm :

« Còn hơn cả là chiến thắng, đó là một bước ngoặt thực sự. Cho tới nay, tổng thống Iohannis có được sự ủng hộ của Hội đồng tối cao của Viện công tố. Nhưng quyết định của Tòa Bảo Hiến mới có giá trị cao nhất. Cho tới giờ, ông vẫn luôn né tránh chủ đề này. Ngay từ hồi tháng Hai, một trình tự tố tụng đã được mở để bãi nhiệm lãnh đạo cơ quan DNA, rõ ràng là theo ý đồ của đảng xã hội-dân chủ.

Đúng là bà Laura Codruta Kovesi đã không ngừng tố cáo chính phủ vi phạm quyền độc lập của Viện công tố chống tham nhũng vốn có nhiệm vụ làm trong sạch đất nước từ nhiều năm nay. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các công tố viên của DNA đã xử lý 3.800 hồ sơ và tịch thu khối tài sản với tổng trị giá hơn 200 triệu euro. Cơ quan chống tham nhũng DNA đã đưa khoảng 1.000 người ra trước pháp luật, 1/3 số đó là các quan chức cao cấp, trong đó có 3 bộ trưởng, 5 dân biểu, 1 thượng nghị sĩ và 2 quốc vụ khanh ».

Việc bãi nhiệm lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng đương nhiên không khiến dân chúng Roumani hài lòng. Trong năm 2017, họ đã tham gia rất nhiều cuộc tuần hành để ngành tư pháp vận hành có hiệu quả. Thông tín viên Benjamin Ribout cho biết tiếp :

« Sau khi có thông báo của Tòa Bảo Hiến, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ lãnh đạo Viện công tố chống tham nhũng đã diễn ra ở thủ đô Bucarest và các tỉnh thành. Quả thực, thủ tục bãi nhiệm bà Laura Codruta Kovesi thể hiện những căng thẳng cao độ giữa chính phủ và ngành tư pháp, những căng thẳng này lại gia tăng với việc chính quyền hành pháp có ý định thay đổi các điều luật về tư pháp. Trong suốt mùa đông năm 2017, dân chúng đã tuần hành ủng hộ nền tư pháp độc lập vì họ ý thức được rằng điều đó tốt cho tương lai của đất nước.

Về phần mình, Đảng xã hội dân chủ PSD cũng phản công. Hôm thứ Bảy tuần trước, họ muốn ghi dấu ấn ở thủ đô Bucarest, vốn là nơi diễn ra các cuộc tuần hành chống chính phủ. Đảng xã hội dân chủ PSD đã thuê xe bus chở hơn 100.000 người từ khắp các cùng miền trong cả nước về thủ đô tuần hành phản đối điều mà họ gọi là « sự lạm quyền của tư pháp ». Lãnh đạo đảng PSD, ông Liviu Dragnea, đã nói về việc tư pháp lạm dụng quyền hạn. Bản thân ông này hồi năm 2016 đã bị tuyên án 2 năm tù treo, vì gian lận trong bầu cử và đang chờ bị xét xử trong một phiên tòa khác. »

70 năm ngày qua đời của Nagy Imre, nhân vật anh hùng và bi thảm nhất lịch sử Hungary thế kỷ XX

Ngày 16/06/2018, Hungary kỷ niệm 70 năm ngày qua đời của Nagy Imre, vị thủ tướng của nước này trong cuộc Cách mạng mùa thu 1956, được coi là một nhân vật anh hùng, nhưng cũng đầy bi thảm và có nhiều mâu thuẫn nhất của lịch sử Hungary thế kỷ thứ 20.

Từ Budapest, thông tín viên RFI Hoàng Nguyễn trình bày :

« Vị thủ tướng bị Matxcơva và chính quyền cộng sản ở Hungary kết án tử hình trong một phiên tòa dàn dựng và ngụy tạo được chuẩn bị trong vòng hơn 1 năm, và do không chịu phủ nhận lý tưởng của mình, Nagy Imre cùng một số đồng sự phải lãnh án giảo hình.

Là một người cộng sản mang tinh thần dân tộc và chủ trương cải tổ, Nagy Imre trên cương vị thủ tướng thời 1953-1955, là tác giả của nhiều cải cách sâu rộng trong kinh tế và chính trị, khiến ông trở nên một gương mặt lãnh đạo sáng giá trong mắt dân Hung thời đó. Bị thất thế sau đó trước phe cứng rắn và độc đoán trong Đảng Cộng sản Hungary, việc đưa Nagy Imre trở lại làm thủ tướng đã là một trong những đòi hỏi tiên quyết của dòng người biểu tình ngày 23/10/1956, đòi tự do dân chủ và quyền độc lập, tự quyết cho đất nước.

Trong vòng chưa đầy 2 tuần ngắn ngủi, giữ vai trò đứng đầu nội các cách mạng Hungary, với rất nhiều chần chừ ban đầu, từng bước Nagy Imre đã chấp thuận và coi là của mình toàn bộ những đòi hỏi dân chủ của người dân Hungary, và trở thành anh hùng của biến cố đó. Đầu tháng 11/1956, vị thủ tướng đã có những khoảnh khắc chói sáng nhất của cuộc đời mình, khi tuyên bố Hungary rút khỏi liên minh quân sự Warszawa, trở thành một quốc gia dân chủ, độc lập, đa đảng, và yêu cầu Liên Xô rút hết quân đội khỏi lãnh thổ Hung.

Chỉ 4 ngày sau, quân đội Liên Xô ồ ạt tấn công Hungary. Nagy Imre sau khi đọc lời kêu gọi bi thảm trong Nhà Quốc Hội, đã phải vào tòa đại sứ Nam Tư xin tỵ nạn. Chính quyền mới, trái với lời hứa của mình, đã bắt giữ ông cùng các đồng sự gần gũi nhất, khi họ vừa ra ngoài tòa đại sứ. Nagy Imre đã nhận được đề nghị có thể giữ mạng sống, nếu phủ nhận hành động của mình. Tuy nhiên, ông đã giữ đến cùng quan điểm về ước mơ hướng tới một chủ nghĩa cộng sản mang gương mặt con người – điều mà “Mùa xuân Prague” muốn đạt được 12 năm sau – và chịu nhận bản án tử hình.

Trong nhiều thập niên, thi thể vị thủ tướng và các đồng sự bị chôn trong một nấm mồ tập thể vô danh. Năm 1988, 30 năm ngày ông bị tử hình, một ngôi mộ gió mang tính chất tượng trưng đã được dựng lên tại nghĩa trang Père-Lachaise (Paris), với sự chứng kiến của nhiều nhân sĩ nổi tiếng. Hè năm 1989, theo đòi hỏi của tất cả các nhóm đối lập, chính quyền cộng sản Hungary đã phải tổ chức lễ tái mai táng trọng thể Nagy Imre và các đồng sự, với sự tham dự của chừng 500 ngàn người. Sự kiện đó được coi như biến cố khiến quá trình dân chủ tại Hung là không thể đảo ngược.

Nagy Imre được Tòa án Tối cao của Hung minh oan, bản án tử hình dành cho ông và các đồng sự bị hủy vào ngày 06/07/1989, trong khi nước Hung có những chuyển biến lớn lao theo con đường dân chủ hóa. Điều trớ trêu và bi thảm của định mệnh, là đúng vào lúc tòa nhóm họp để ra phán quyết, thì Kádár János – người cựu đồng chí, đồng thời cũng là kẻ thông qua bản án tử hình đối với Nagy Imre (tổng bí thư Đảng Cộng sản Hungary trong vòng 30 năm kể từ biến cố 1956) – cũng trút hơi thở cuối cùng. »

Hoa Kỳ hạn chế cấp visa cho du học sinh Trung Quốc

Từ nay trở đi, học sinh – sinh viên Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi xin visa sang Mỹ du học. Các cơ quan hành chính Hoa Kỳ vừa nhận được chỉ thị hạn chế cấp visa và giới hạn thời hạn visa cho các du học sinh Trung Quốc, nhất là về các ngành công nghệ cao, có liên quan đến nhiều dữ liệu « nhạy cảm » như ngành tự động hóa và công nghệ hàng không.

Từ Washington, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier cho biết thêm chi tiết :

« Một nghị sĩ phát biểu là « giáo dục đại học Mỹ là một món quà quý mà chúng ta cần trao tặng cho thế giới ». Đáp lại, một chuyên gia tình báo của FBI nhấn mạnh là dù mong muốn mở cửa đến thế nào đi chăng nữa thì cũng phải đảm bảo an ninh quốc gia.

« Chỉ thẳng mặt » Trung Quốc, công khai tố cáo Bắc Kinh ăn cắp công nghệ của Mỹ, Washington muốn bảo vệ đất nước tốt hơn nữa. Kể từ nay, các cơ quan hành chính Mỹ sẽ phải kiểm tra kỹ lưỡng hơn hồ sơ của các sinh viên Trung Quốc muốn xin visa sang Mỹ du học. Những sinh viên muốn theo học các ngành được cho là nhạy cảm, nhiều khi chỉ được cấp visa một năm, khi visa hết hạn thì mới được xem xét cấp tiếp.

Các nhân viên lãnh sự nhận được chỉ thị xem xét, giải quyết từng trường hợp một, vì chính quyền Mỹ dẫu sao cũng không muốn để tuột khỏi tay các tài năng mà họ đang tìm kiếm.

Hiện có khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, tạo thành cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại Hoa Kỳ, đông hơn cả người Ấn Độ. Ngoài các trường hợp nói trên, người Trung Quốc làm việc tại các lĩnh vực chiến lược cũng sẽ bị nhiều cơ quan tình báo kiểm tra hồ sơ khi họ muốn xin visa nhập cảnh vào Mỹ. »

World Cup 2018 : Nhà trọ bình dân với « giá trên trời » cho du khách nước ngoài

Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 đã khai mạc tại Nga vào ngày 14/06. Sự kiện thể thao lớn này đã thu hút rất đông du khách từ bốn phương tới nước Nga. Điều đó cũng có nghĩa nhu cầu khách sạn, nhà nghỉ tăng vọt trong mùa bóng đá, kéo theo đó là « mức giá trên trời ». Tại những thành phố có diễn ra các trận đấu, nhiều người dân muốn tranh thủ World Cup để « kiếm thêm chút đỉnh ».

Từ Samara, đặc phái viên RFI Daniel Vallot gửi về bài phóng sự :

« Đây là một tòa nhà cũ kỹ nằm cách trung tâm thành phố Samara khoảng 40 phút. Chúng tôi đi thăm một căn hộ nhỏ trên tầng bảy, căn hộ rộng khoảng 50m2, có một phòng ngủ. Chủ nhà muốn cho thuê nhà trong mùa World Cup.

Anh ấy giới thiệu: “Đây là phòng khách, có một cái ghế dài có thể ngả thành giường nằm, hai cái ghế tựa và một chiếc tivi. Quý vị còn có một cái tủ và máy điều hòa nhiệt độ. Nói tóm lại là tất cả những thứ quý vị cần để có một kỳ nghỉ thoải mái”.

Trong khi chúng tôi đi thăm nhà, người chủ nhà, khoảng 30 tuổi, đề nghị giá cho thuê nhà là 20.000 rúp/đêm, tức là khoảng 270 euro/đêm. Mức giá này cao hơn cả số tiền cho thuê cả một tháng vào mùa bình thường. Anh này giải thích: “Chúng tôi muốn tận dụng mùa World Cup. Chúng tôi đã tìm hiểu giá cả rồi, mức giá mà tôi đề xuất là mức giá chung trong mùa này. Với Giải vô địch bóng đá thế giới, chúng tôi có thể kiếm tiền, vì thế chúng tôi sẽ không để lỡ cơ hội này. »

Ivan không phải là người duy nhất ở Nga muốn tận dụng Giải vô địch bóng đá thế giới. Theo nhà chức trách, giá phòng khách sạn cũng bắt đầu tăng vọt trong những ngày cận kề World Cup, nhất là tại những thành phố có ít khách sạn, nhà trọ, nơi người hâm mộ bóng đá sẽ rất khó tìm được phòng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180616-rumani-bieu-tuong-chong-tham-nhung-co-nguy-co-bi-bai-nhiem