Tin khắp nơi 14/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi 14/07/2017

Đe dọa ám sát Kim Jong-un nghiêm trọng tới đâu?

Thông tin về việc Hàn Quốc đã phê chuẩn các kế hoạch thành lập đội an ninh đặc biệt phụ trách ám sát Kim Jong-un sau khi được cảnh tỉnh từ vụ thử bom nhiệt hạt nhân của Triều Tiên hôm 3/9 cho thấy một bước ngoặt trong đối sách ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Vì sao một chính trị gia mới nắm quyền từ tháng 5 vốn coi trọng quan hệ hòa hảo với miền Bắc và chỉ mới hai tháng trước tại Berlin, đã nói một cách tự tin rằng sẽ xây dựng “cơ chế hòa bình lâu dài” tại bán đảo Triều Tiên, tránh sự “sụp đổ” của Bắc Hàn và “làm giảm các nguy cơ an ninh và kinh tế”, bỗng dưng thay đổi chính sách theo hướng công kích như vậy?

Các lãnh đạo từ Seoul đang lo sợ trước sự thất bại của an ninh quốc phòng, và sự bất tài của Donald Trump qua tuyên bố hùng hồn của ông trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục chiến dịch hiện đại hóa quân sự một cách hiếu chiến.

Các vụ thử tên lửa khác sẽ xảy ra là điều chắc chắn và đã có nhiều báo cáo cho rằng sắp có vụ thử hạt nhân thứ bảy sẽ diễn ra tại cơ sở hạt nhân tại Punggye-ri.

Thế giới sẽ phải đối mặt với những vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân sắp tới của Bắc Hàn?

Nếu Bắc Hàn rõ ràng có thể phát triển tên lửa tầm xa, được trang bị đầu đạn hạt nhân với sức mạnh lớn, nhắm vào mục tiêu đô thị tại Mỹ, các chiến lược gia tại đây sẽ phải miễn cưỡng chấp nhận việc can thiệp quân sự tại bán đảo Triều Tiên.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsay Graham đã chỉ ra (ra vẻ như đang trao đổi về suy nghĩ của Donald Trump) những dịp Mỹ có thể sẽ phải mạo hiểm đặt Seoul vào những biến động lớn về quân sự và dân sự nhằm ngăn chặn Bắc Hàn đặt thành phố của Mỹ vào tâm điểm chiến lược.

Bắc Hàn ‘sẽ tự vệ bằng vũ lực’

Ngoại trưởng hai miền Triều Tiên gặp nhau

Chỉ có cách là làm Kim nghĩ rằng mạng sống của mình đang gặp nguy hiểm, Seoul mới có hi vọng giải quyết rủi ro này bằng cách thuyết phục Bắc Hàn tạm ngưng các vụ thử vũ khí và cam kết đối thoại mang tính xây dựng.

Liệu lời đe dọa sát này có đáng tin cậy và làm nhụt chí Bắc Hàn?

Sự lãnh đạo một cách hoang tưởng

Trong quá khứ, các lãnh đạo Bắc Hàn đã luôn nghiêm trọng hóa nguy cơ trở thành mục tiêu.

Tháng 3/1993, tại thời điểm quan hệ Mỹ – Triều Tiên gia tăng căng thẳng, Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, đã giành cả tháng trong một hầm bảo mật, công bố tình trạng nửa chiến tranh và tuyên bố nước này rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Đe dọa ám sát có làm giới thượng lưu tại Bình Nhưỡng giảm sự ủng hộ cho các chính sách của Kim Jong-un?

Mối lo về sự leo thang căng thẳng với Mỹ khiến Kim lẩn trốn nhưng điều đó không thể ngăn chặn Bắc Hàn tiếp tục phản ứng đầy hiếu chiến bằng cách vi phạm các quy tắc quốc tế và bãi bỏ những hiệp ước trước đó.

Bắc Hàn cũng có một lịch sử dài trong việc thích ứng đầy sáng tạo với những áp lực từ quốc tế. Nỗi lo sợ sẽ trở thành mục tiêu tấn công đã thúc đẩy sự lãnh đạo mang tính hoang tưởng của nước này, cả trong quá khứ và hiện tại, sử dụng những hình nhân thế mạng để đánh lừa và hạn chế việc xuất hiện trước công chúng nhằm giảm tối đa nguy cơ bị bắt trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.

Vào tháng 5, Bắc Hàn cáo buộc Mỹ xúi giục một công dân Bắc Hàn thực hiện một cuộc tấn công đối với Kim Jong-un theo kịch bản của CIA.

Rất khó để chứng thực những thông tin từ Bắc Hàn, vì có thể những thông tin này chỉ là một cách tuyên truyền để giảm sự tập trung đối với những kịch bản ám sát mà chính nước này đặt ra, tiêu biểu là vụ ám sát Kim Jong-nam, anh trai của Kim Jong-un, vào tháng 2 tại Malaysia bởi một điệp viên của Bắc Hàn.

Ai đã giết Kim Jong-nam?

Với nỗi sợ và sự cẩn trọng của các lãnh đạo Bắc Hàn, một cú đánh trực diện của Hàn Quốc lên ông Kim sẽ rất mạo hiểm và có thể dễ dàng dẫn đến sự thoái hóa như sự kiện Vịnh Con Lợn khi so sánh với thất bại của chính quyền Kennedy trong việc lật đổ Fidel Castro năm 1961.

Vì vậy Hàn Quốc cần phải hết sức thận trọng. Một cuộc ám sát bất thành có thể châm ngòi cho sự trả đũa của Bắc Hàn bắt nguồn từ hoạt động quân sự hạn chế có thể nhanh chóng phát triển thành một vụ trả đũa hạt nhân.

Kim Jong-un trở thành người đứng đầu Bắc Hàn từ sau cái chết của cha ông vào tháng 12/2011

Các nhà lập pháp tại Seoul có thể hi vọng tạo ra sự thay đổi gián tiếp.

Bằng việc đe dọa Kim trực tiếp, họ có thể tính toán rằng việc này sẽ làm hao mòn sự ủng hộ thể chế giữa các lãnh đạo chính trị tại Bình Nhưỡng, những người đang bị thuyết phục gây chiến bởi một lãnh đạo trẻ sợ sệt và tàn nhẫn. Theo lời khai từ những kẻ đào ngũ tại Bắc Hàn thì đây là chuyện khó có thể xảy ra.

Một mặt giới thượng lưu Bắc Hàn sợ và phẫn nộ đối với Kim, mặt khác họ cũng sẽ gặp rắc rối bởi những đối thủ trong chính xã hội của họ. Bắc Hàn vẫn là một đất nước phân chia giai cấp khá rõ ràng.

Những người phản kháng hay từng phân biệt Bắc Hàn sẽ vùng lên và trừng phạt tầng lớp được đặc ân và ưu đãi tại Bình Nhưỡng nếu có sự thanh trừng lãnh đạo.

Nỗi sợ bị vướng vào cuộc phản cách mạng mang tính hủy diệt là quá đủ để ngăn chặn bất kì ai lựa chọn com đường nguy hiểm chống lại sự lãnh đạo hiện thời.

Không có lựa chọn nào tốt

Việc tiêu diệt Kim Jong-un là một chiến lược mạo hiểm với tỉ lệ thành công thấp. Giá trị của chiến lược tại thời điểm này mang tính tuyên bố hơn là một kế hoạch thật sự.

Chính quyền của Moon cũng có thể hi vọng rằng điều này có thể đánh lạc hướng những đòi hỏi gia tăng của những người bảo thủ tại Hàn Quốc, yêu cầu đất nước phát triển khả năng nguyên tử riêng để đối phó với đe dọa từ Bắc Hàn.

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc mới đây đã tuyên bố ủng hộ khả năng phát triển lại các vũ khí hạt nhân ngắn hạn, chính phủ vẫn phản đối quyết định này, một phần vì sợ việc này sẽ châm ngòi cho cuộc chiến vũ trang gây thiệt hại và bất ổn cho khu vực và làm gia tăng hơn nữa căng thẳng với Bắc Hàn, đồng thời tăng rủi ro từ việc hiểu và tính toán sai.

Seoul lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân tại bán đảo Bắc HànBản quyền hình ảnhAFP

Image caption

Seoul lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân tại bán đảo Bắc Hàn

Cuối cùng, Tổng thống Moon hi vọng có thể quay lại với việc đối thoại và cam kết với Bắc Hàn, tái khẳng định quy trình này sẽ diễn ra mang tính xây dựng, tập trung vào phương pháp ngoại giao mà các cựu Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã thực hiện.

Thuyết phục Bắc Hàn ngừng thử hạt nhân là ‘thất bại’

TQ ‘hết sức quan ngại’ đe dọa hạt nhân Bắc Hàn

Để làm được điều này, ông cần thời gian để hoãn chiến dịch hiện đại hóa quân sự Triều Tiên và xem xét động thái liên quan từ Washington để giới hạn lại những lựa chọn về chính sách nhằm tối thiểu hóa việc sử dụng vũ lực.

Trong một môi trường gần như không có lựa chọn nào phù hợp để đối phó với Bắc Hàn, tuyên bố ám sát có thể sẽ là quân bài mạo hiểm cho trận poker chiến lược này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41273367

 

LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’

Lượng người Rohingya đến Bangladesh tăng gấp ba sau một tuần

Người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo, theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Ông Antonio Guterres nói rằng những cuộc tấn công bị cáo buộc là do lực lượng an ninh tiến hành nhắm vào người Rohingya là hoàn toàn không thể chấp nhận. Quân đội nói rằng họ đang đấu với dân quân và phủ nhận việc nhắm vào thường dân.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực.

Khoảng 379.000 người Rohingya đã trốn sang Bangladesh từ khi bạo lực nổ ra hồi tháng trước. Nhiều ngôi làng đã bị đốt.

Bà Aung San Suu Kyi không dự họp Đại Hội đồng LHQ

Dân thường Rohingya ‘thương tật vì mìn’

Người Rohingya, cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở bang Rakhine có đa số theo Phật giáo, đã trải qua nhiều cuộc bức hại và bị xem là dân nhập cư bất hợp pháp. Họ đã sống ở Miến Điện qua nhiều thế hệ nhưng bị phủ nhận quyền công dân.

Giới chức Miến Điện nói rằng nhà lãnh đạo có quyền lực nhất Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, sẽ không dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần tới.

Tuy nhiên, bà sẽ có bài diễn văn trên truyền hình vào ngày 19/9, ngày Đại hội đồng nhóm họp. Giới chức cho hay bà sẽ “nói về hòa giải dân tộc và hòa bình”.

Bà Suu Kyi bị những người từng ủng hộ bà ở phương Tây chỉ trích vì không ngăn được bạo lực diễn ra ở bang Rakhine.

Bà Suu Kyi cho biết có “thông tin bóp méo” về cuộc khủng hoảng Rohingya

Justin Rowlatt, phóng viên BBC tại Bangladesh, bình luận:

“Một trong những điều gây sốc nhất là nhiều người tỵ nạn Rohingya nói rằng họ không có liên lạc với bất kỳ cơ quan viện trợ hay tổ chức cứu trợ quốc tế nào cả.

Nhiều người nói rằng họ tới biên giới và phải tự xoay sở.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói gì?

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn cho biết không đủ viện trợ cho những người Rohingya đã trốn sang Bangladesh.

Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp trong khả năng của mỗi nước.

Ông nói: “Đây là thảm họa nhân đạo.”

“Hồi tuần trước, có ghi nhận 125.000 người tỵ nạn Rohingya trốn sang Bangladesh. Con số này bây giờ tăng lên gần 380.000.”

“Nhiều người đang ở trong các trại tạm hoặc sống nhờ cộng đồng ở đó. Nhiều phụ nữ và trẻ em đến nơi trong tình trạng đói khát và suy dinh dưỡng.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41251836

 

Nga biểu dương sức mạnh tại cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu

Hôm nay, 14/09/2017, Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận trên quy mô lớn, mang tên « Zapad 2017 » làm cho các nước láng giềng lo ngại. Nội dung cuộc tập trận được thông báo là chống khủng bố và kéo dài một tuần.

Daniel Vallot, thông tín viên RFI tại Nga tường trình :

« Gần 70 máy bay và trực thăng, 250 xe tăng, 200 dàn pháo và khoảng một chục tàu chiến : đó là những phương tiện quân sự đã được huy động tham gia cuộc tập trận gây ấn tượng mạnh. Thế nhưng, Nga đã nhiều lần tái khẳng định : Zapad 2017 sẽ là một cuộc tập trận mang tính phòng thủ thuần túy. Về quân số tham gia, bộ Quốc Phòng Nga cho biết là có gần 13 000 binh lính và tố cáo những giả dối của các nước Baltic và truyền thông phương Tây khi cho rằng các cuộc tập trận này mang tính tấn công.

Thế nhưng, tại Ba Lan, ở các nước Baltic và bên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, mối lo âu vẫn tồn tại. Lo âu về ý đồ của Nga : các nước Baltic lo ngại là Nga tranh thủ cuộc tập trận này để đóng quân tại Bélarus. Tại Litva, người ta thẩm định là cuộc tập trận sẽ huy động tới hơn 100 ngàn binh sĩ – cao hơn hẳn con số mà Matxcơva đưa ra.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo là Liên Minh sẽ cảnh giác. NATO đã triển khai thêm 7 tiêm kích F 15, để giám sát không phận các nước Baltic trong suốt thời gian cuộc tập trận ».

Liên Hiệp Châu Âu có thể triển hạn trừng phạt Nga

Hội Đồng Châu Âu có thể sẽ ra quyết định mở rộng biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân và pháp nhân bị Bruxelles cho là « ngăn chặn toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraina ». Một nguồn tin ngoại giao cho hãng Interfax biết Hội Đồng Châu Âu có thể đưa ra định vào ngày 14/09/2017 và các biện pháp trừng phạt mới này có giá trị trong vòng 6 tháng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170914-nga-bieu-duong-suc-manh-tai-cua-ngo-lien-hiep-chau-au

 

Chiến binh Rohingya bác bỏ liên hệ với khủng bố quốc tế

Lực lượng mang tên Quân Đội Cứu Rổi Arakan Rohingya lên tiếng bác bỏ cáo buộc có liên hệ đến những tổ chức khủng bố, nói rằng lực lượng chỉ làm công tác bảo vệ tập thể thiểu số Hồi Giáo Rohingya đang sống và bị đàn áp bởi quân đội và chính quyền Miến Điện, một quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo.

Trong bản tuyên bố phổ biến qua trang mạng xã hội Twitter, lực lượng Quân Đội Cứu Rổi Arakan Rohingya, gọi tắt là ARSA, này viết rằng họ không liên hệ gì với các tổ chức khủng bố quốc tế như Al-queda, ISIS, hoặc những tổ chức khủng bố khác.

Bản tuyên bố được đưa ra sau khi Al-qaeda lên tiếng kêu gọi người Hồi Giáo khắp nơi ủng hộ các hoạt động của ARSA. Al-qaeda còn khuyến khích người Hồi Giáo tham gia những chương trình huấn luyện quân sự để tiếp tay với ARSA trong việc bảo vệ người theo đạo Hồi đang bị đàn áp ở Miến Điện.

Quân Đội Cứu Rổi Arakan Rohingya tức ARSA là một nhóm vũ trang người Rohingya được thành lập một vài năm trước đây, hoạt động trong bang Rakhine, nơi có cả triệu người Hồi Giáo Rohingya cư ngụ. Đây là tập thể bị chính phủ Miến Điện xem là những người di dân bất hợp pháp từ Bangladesh, nên không được hưởng các quyền lợi tối thiểu.

ARSA được chú ý đến từ hôm 25 tháng Tám, khi mở những cuộc tấn công nhắm vào một số đồn cảnh sát và một căn cứ của quân đội, giết chết 20 nhân viên cảnh sát và an ninh. Để trả đũa, quân đội Miến liên tục mở những cuộc hành quân quy mô, nhấn mạnh những cuộc hành quân này nhằm bài trừ khủng bố.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc và những tổ chức hoạt động nhân quyền và từ thiện quốc tế cho rằng quân đội Miến sử dụng lý do truy lùng khủng bố để đàn áp người Rohingya, khiến gần 400,000 người phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn trong 3 tuần lễ vừa qua.

Hôm thứ hai vừa qua, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc gọi hành động của quân đội Miến sẽ được ghi lại là thí dụ điển hình cho chính sách diệt chủng.

Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã lên tiếng bày tỏ mối quan tâm về những bất ổn đang xảy ra tại bang Rakhine, đòi hỏi chính phủ Miến phải có biện pháp giải quyết vấn đề, để người tỵ nạn Rohingya có thể trở về.

Đó cũng là quan điểm của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau phiên nhóm đặc biệt hồi chiều hôm 13 tháng 9 ở New York.

Đến giờ, chỉ có Trung Quốc lên tiếng ủng hộ việc làm của quân đội Miến, gọi đó là việc làm chính đáng để chống khủng bố, đồng thời xem những gì đang xảy ra ở bang Rakhine là chuyện nội bộ của Miến Điện, không quốc gia hay tổ chức nào được quyền can thiệp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/rohingya-militants-say-they-have-no-link-with-global-terror-09142017110707.html

 

Trung Quốc sắp tập trận với Nga ở vùng biển Bắc Âu

Bốn tàu Hải quân Trung Quốc vừa lên đường để tham gia tập trận chung với Nga. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hợp tác quân sự gia tăng giữa hai nước Nga-Trung. Hoạt động này có thể là một thách thức đối với vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Hãng tin AP loan tin vừa nêu vào ngày 14 tháng 9, dẫn nguồn của Tân Hoa Xã cho biết 4 tàu hải quân Trung Quốc tham gia tập trận chung với Nga bao gồm một tàu khu trục, một tàu khu trục mang tên lửa, một tàu cung ứng nhiên liệu và một tàu ngầm cứu hộ.

Cuộc tập trận chung Nga-Trung lần này sẽ diễn ra ở khu vực Biển Nhật Bản, gần bán đảo Triều Tiên và ở vùng biển Okhotsk, ngoài khơi đảo Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản.

Đây là giai đoạn hai đợt tập trận chung hàng năm giữa Nga và Trung Quốc. Giai đoạn một diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 7 ở vùng biển Baltic và cũng là lần đầu tiên Nga và Trung Quốc tập trận chung  tại vùng biển bắc Âu.

Cuộc tập trận chung Nga-Trung diễn ra hồi cuối tháng Bảy đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các nước trong khu vực biển Bắc Âu, nơi vốn đã xảy ra tình trạng căng thẳng do có sự gia tăng hiện diện của quân đội Nga lẫn NATO.

Cả Nga và Trung Quốc cùng lên tiếng rằng các cuộc tập trận chung không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cn-navy-ships-depart-for-joint-drills-with-russia-09142017110514.html

 

Triều Tiên dọa ‘nhấn chìm’ Nhật,

biến Mỹ thành ‘tro tàn và bóng tối’

Hãng thông tấn Triều Tiên hôm 14/9 đưa ra lời đe dọa rằng sẽ dùng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Hoa Kỳ thành “tro tàn và bóng tối” vì đã ủng hộ nghị quyết và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc về vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của nước này.

Theo Reuters, Ủy ban Hòa bình Châu Á – Thái Bình Dương, là cơ quan giải quyết các mối quan hệ với nước ngoài và cũng là cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên, kêu gọi giải tán Hội đồng Bảo an, mà ủy ban này mô tả là “công cụ của sự ác”, gồm các quốc gia bị “mua chuộc” hành động theo lệnh của Hoa Kỳ.

“Bốn hòn đảo của quần đảo [Nhật Bản] nên bị nhấn chìm xuống biển bằng bom hạt nhân của Juche (hệ tư tưởng Chủ thế). Nhật Bản không còn cần thiết để tồn tại gần chúng ta nữa”, ủy ban này nói trong một tuyên bố được KCNA, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên, trích dẫn.

Juche là hệ tư tưởng của nhà cầm quyền Triều Tiên. Hệ tư tưởng này kết hợp giữa Chủ nghĩa Marx và một hình thức cực đoan của chủ nghĩa dân tộc của nhà sáng lập quốc gia Kim Il Sung, ông nội của đương kim lãnh tụ Kim Jong Un.

Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng rõ rệt kể từ khi Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9. Đây là vụ thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất sau một loạt các vụ phóng thử thử tên lửa trước đó, bao gồm một vụ thử mà tên lửa bay ngang qua Nhật Bản.

Hôm 11/9, Hội đồng Bảo an với 15 thành viên nhất trí thông qua nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo và một loạt biện pháp trừng phạt mới, cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên. Đây sản phẩm đứng hạng hai mang về nhiều thu nhập nhất cho nước này, chỉ sau ngành than đá-khoáng sản và cung cấp nhiên liệu.

Với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga, Triều Tiên đã phản ứng trước động thái mới nhất của Hội đồng Bảo an bằng cách lặp lại những lời đe dọa sẽ tiêu diệt Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Hãy biến Hoa Kỳ thành tro bụi và bóng tối. Chúng ta hãy xả sự phẫn nộ bằng việc huy động tất cả các phương tiện trả đũa đã được chuẩn bị cho đến lúc này”.

Nhưng bất chấp đe dọa của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố vẫn chống đối sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trong nước ông, dù là bằng cách phát triển kho vũ khí riêng hay đưa về lại Hàn Quốc các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đã bị thu hồi vào đầu những năm 1990.

Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ dự định chu cấp 8 triệu đôla thông qua Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp Quốc và UNICEF để giúp trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai ở miền Bắc.

Động thái này đánh dấu trợ giúp nhân đạo đầu tiên của Seoul dành cho Triều Tiên kể từ lần thử hạt nhân thứ tư vào tháng 1/2016. Bộ này cho biết sự trợ giúp này được dựa trên chính sách lâu dài của Hàn Quốc, tách trợ giúp nhân đạo khỏi các vấn đề chính trị.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-doa-nhan-chim-nhat-bien-my-thanh-tro-tan-va-bong-to/4028884.html

 

Thống đốc Florida: Sẽ điều tra ráo riết

vụ người chết trong nhà dưỡng lão vì Irma

Thống đốc Florida Rick Scott hôm thứ Tư tuyên bố rằng bang này sẽ điều tra ráo riết làm thế nào mà sáu người chết trong nhà dưỡng lão bị mất điện khi Bão xoáy Irma quét qua vùng này, trong khi hàng triệu người đối phó với một ngày nữa không có điện.

Số người tử vong vì cơn bão này đã tăng lên gần 80 người khi nhà chức trách tiếp tục thẩm định thiệt hại sau khi Irma quét qua vùng biển Caribe như là một trong những cơn bão xoáy Đại Tây Dương mạnh nhất trong lịch sử và ập vào quần đảo Florida Keys với sức gió duy trì lên tới 215 km/giờ.

Irma làm thiệt mạng ít nhất 36 người ở các bang Florida, Georgia và South Carolina, theo giới hữu trách. Khoảng 4,2 triệu hộ gia đình và cơ sở kinh doanh, hoặc khoảng 9 triệu người, không có điện vào ngày thứ Tư ở Florida và các bang lân cận.

Cảnh sát đã mở một cuộc điều tra hình sự tại Trung tâm Phục hồi chức năng tại khu Hollywood Hills của thành phố Hollywood, phía bắc Miami, nơi có ba người cao tuổi thiệt mạng tại cơ sở này và ba người khác tử vong tại một bệnh viện gần đó, nhà chức trách cho biết.

“Tôi sẽ làm việc để ráo riết đòi hỏi câu trả lời cho việc làm thế nào mà sự kiện bi thảm này xảy ra,” ông Scott nói trong một phát biểu. “Tình huống này không thể nào hiểu nổi. Mỗi cơ sở có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện mọi hành động và biện pháp đề phòng để giữ cho bệnh nhân được an toàn.”

Hơn 100 bệnh nhân tại nhà dưỡng lão này đã được di tản vào ngày thứ Tư cùng với 18 bệnh nhân từ một cơ sở gần đó đã được đưa đi hết vì cuộc điều tra hình sự, các quan chức thành phố Hollywood cho biết.

“Hầu hết bệnh nhân được chữa trị các chứng bệnh hô hấp, mất nước và các vấn đề liên quan đến nhiệt,” Randy Katz, phát ngôn viên của Bệnh viện Memorial Regional, nói với các phóng viên. Bệnh viện Memorial Regional nằm đối diện với nhà dưỡng lão bên kia đường.

Cảnh sát được gọi tới cơ sở này lần đầu tiên vào khoảng 4:30 sáng nhưng mãi đến 6 giờ sáng mới tới, giới hữu trách cho biết.

Trung tâm này khi đó không có hệ thống điều hòa, Thị trưởng Quận hạt Broward Barbara Sharief nói với các phóng viên hôm thứ Tư.

Cảnh sát trưởng Hollywood Tomas Sanchez nói với các phóng viên hôm thứ Tư tòa nhà đã được phong tỏa và họ đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự bên trong. “Tầng hai rất nóng,” ông cho biết.

Công ty điện lực Florida Power & Light cho biết họ đã cung cấp điện cho một số phần của nhà dưỡng lão ở Hollywood nhưng cơ sở này không nằm trong danh sách hàng đầu phục hồi điện năng khẩn cấp của quận hạt.

https://www.voatiengviet.com/a/thong-doc-florida-se-dieu-tra-rao-riet-vu-nguoi-chet-trong-nh-duong-lao-vi-irma/4027834.html

 

Mỹ sẽ không cấp một số visa

ở 4 nước không chịu nhận lại công dân

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư ngừng cấp một số loại visa nhất định cho một số công dân của Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone vì các nước này không nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất, hãng tin Reuters cho biết.

Các chính sách mới, được vạch ra trong điện báo của Bộ Ngoại giao gửi vào ngày thứ Ba và được Reuters xem qua, là ví dụ mới nhất cho thấy nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trấn áp người nhập cư đang sống ở Mỹ bất hợp pháp.

Những điện báo, do Ngoại trưởng Rex Tillerson gửi tới các quan chức lãnh sự khắp thế giới, cho biết bốn nước đang “từ chối hoặc trì hoãn một cách bất hợp lý” việc hồi hương công dân của họ từ Mỹ và các hạn chế visa sẽ được dỡ bỏ nếu một nước nhận lại những người bị trục xuất.

Bộ Ngoại giao từ chối bình luận về các điện báo này, nói rằng họ không thảo luận về những liên lạc trao đổi nội bộ, Reuters cho biết.

Các biện pháp trừng phạt visa khác nhau về mức độ nghiêm trọng, với Eritrea chịu những chế tài khắc nghiệt nhất. Bất kỳ người Eritrea nào nộp đơn tại quốc gia của họ xin hầu hết visa kinh doanh tại Mỹ hoặc visa du lịch tới Mỹ đều sẽ bị từ chối, theo một trong những điện báo này.

Ở Guinea, Mỹ sẽ không còn cấp một loạt visa du lịch, kinh doanh và du học cho các quan chức chính phủ và những người thân nhất trong gia đình họ ngay tại nước này, một điện báo khác cho hay.

Ở Campuchia, chế tài được áp dụng cho những đối tượng nhất định. Chỉ có nhân viên Bộ Ngoại giao ở cấp tổng giám đốc trở lên, và gia đình của họ, nộp đơn xin visa trong nước sẽ bị cấm không được cấp visa cho việc du hành cá nhân, một điện báo thứ ba nói.

Đối với Sierra Leone, chỉ có các quan chức Bộ Ngoại giao và di trú sẽ bị từ chối visa du lịch và kinh doanh tại Đại sứ quán Mỹ tại Freetown, theo một điện báo thứ tư.

Trong mỗi trường hợp, có những ngoại lệ cho công dân của bốn quốc gia nộp đơn xin visa ở ngoài nước, cũng như những ngoại lệ dựa trên cơ sở nhân đạo hoặc cho việc du hành “được xem là vì lợi ích của Hoa Kỳ.”

Các quy định mới, có hiệu lực vào ngày thứ Tư, không ảnh hưởng đến những visa đã được cấp.

Các biện pháp chế tài visa được cho phép theo luật di trú của Mỹ để trừng phạt các quốc gia từ chối nhận công dân của họ từ Mỹ. Trong thực tế, Mỹ hiếm khi thực hiện bước này – chỉ hai lần trong một thập kỷ rưỡi qua, theo một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa.

Chính quyền Trump đã ưu tiên gây áp lực lên các nước bị xem là “ngoan cố” không chịu nhận lại công dân của họ. Tính đến tháng 7, 12 nước này là Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Lào, Iran, Campuchia, Myanmar, Maroc, Hong Kong, Nam Sudan, Guinea và Eritrea.

https://www.voatiengviet.com/a/my-se-khong-cap-mot-so-visa-o-4-nuoc-khong-chiu-nhan-lai-cong-dan/4027820.html

 

Michael Flynn bị phe Dân chủ điều tra

về dự án hạt nhân với Nga

Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đang điều tra liệu tướng Mỹ về hưu Michael Flynn có bí mật quảng bá một dự án Mỹ-Nga để xây dựng hàng chục lò phản ứng hạt nhân ở Trung Đông sau khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Donald Trump hay không.

Các dân biểu Elijah Cummings và Eliot Engel tiết lộ thông tin này trong một bức thư mà họ gửi hôm thứ Ba cho luật sư của ông Flynn và các giám đốc điều hành của các công ty tư nhân phát triển dự án này. Công ty giờ không còn hoạt động của ông Flynn từng làm tư vấn cho dự án.

Robert Kelner, luật sư của ông Flynn, từ chối bình luận.

Trong một diễn biến khác vào ngày thứ Tư, NBC News đưa tin con trai của ông Flynn, Michael Flynn Jr., đang bị Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra trong cuộc điều tra của ông về các cáo buộc của Mỹ nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Flynn Jr từng làm việc cho công ty tư vấn của cha anh.

Một luật sư của Flynn Jr. từ chối bình luận với NBC.

“Người dân Mỹ xứng đáng biết được liệu Tướng Flynn khi đó có đang bí mật quảng bá lợi ích cá nhân của các doanh nghiệp này trong khi đang là cố vấn chiến dịch tranh cử (của ông Trump), là quan chức giai đoạn chuyển tiếp, hay là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump hay không,” ông Cummings và ông Engel nói hôm thứ Tư.

Họ yêu cầu luật sư của ông Flynn và các giám đốc điều hành các công ty có liên quan cung cấp “tất cả những trao đổi liên lạc” mà họ đã có với ông Flynn hoặc với các quan chức khác của chính quyền trong trong khoảng thời gian ông Flynn có mối liên hệ với ông Trump.

Dự án đề xuất xây dựng 40 lò phản ứng hạt nhân khắp vùng Trung Đông mà có thể cung cấp năng lượng cho lưới điện trong khu vực. Các lò phản ứng sẽ là “bằng chứng phổ biến hạt nhân,” nghĩa là chúng không thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân.

Một slide quảng bá của dự án cho biết an ninh sẽ được cung cấp bởi Rosoboron, công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh của Nga hiện đang chịu chế tài của Mỹ. Các chế tài được áp đặt dưới quyền của Tổng thống Barack Obama đã làm mối quan hệ giữa Moscow và Washington xấu đi và ông Trump đã nói trong chiến dịch vận động tranh cử của ông rằng ông muốn cải thiện mối quan hệ đó.

Các báo cáo tình báo cho thấy một số cộng sự của ông Trump có thể đã vi phạm một luật được gọi là Đạo luật Logan, ngăn cấm công dân Mỹ điều đình với một chính phủ nước ngoài có tranh chấp với Mỹ, các nguồn tin nắm rõ những báo cáo này cho biết.

Ông Cummings, nhân vật hàng đầu của phe Dân chủ trong Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ Hạ viện, và ông Engel, thành viên cao cấp của phe Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã yêu cầu các tài liệu này phải được cung cấp trước ngày 4 tháng 10.

Tướng hồi hưu Flynn là một nhân vật trung tâm trong cuộc điều tra của ông Mueller về việc liệu các phụ tá của ông Trump có thông đồng với Nga để thúc đẩy chiến dịch tranh cử của ông Trump hay không. Nga đã phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và ông Trump thì nói rằng không có sự thông đồng nào.

Ông Trump, lên nắm quyền vào ngày 20 tháng 1, đã sa thải ông Flynn vào ngày 13 tháng 2, 18 ngày sau khi một quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp cảnh báo rằng vị cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng này có thể bị hăm dọa vì Moscow biết ông đã nói dối về các mối liên hệ của ông với các quan chức Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/michael-flynn-bi-phe-dan-chu-dieu-tra-ve-du-an-hat-nhan-voi-nga/4027816.html

 

Trần Mẫn Nhĩ: đi lên từ tỉnh nghèo khó Quý Châu

Trần Mẫn Nhĩ, người mới đây được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và có nhiều khả năng tham gia vào thế hệ lãnh đạo thứ sáu sau ông Tập Cận Bình, đã trải qua thời gian công tác tại một trong những vùng nghèo khó nhất Trung Quốc.

Tỉnh Quý Châu ở miền tây nam đã từng là địa bàn để các lãnh đạo tiềm năng của Trung Quốc thử thách năng lực. Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng làm việc ở tỉnh này trước khi thăng tiến lên các vị trí cao hơn.

Tờ New York Times nhận định rằng giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục chọn một người đã được rèn luyện ở Quý Châu là ông Trần Mẫn Nhĩ để đề bạt vào cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Nếu điều này trở thành hiện thực ở Đại hội 19 tới đây thì ông Trần nhiều khả năng sẽ là ứng viên tiềm năng để kế nhiệm ông Tập Cận Bình.

Ông Trần hiện nay 56 tuổi. Ông từng là sinh viên văn khoa và làm việc ở bộ phận tuyên truyền. Ông gần như chắc chắn sẽ vào Bộ Chính trị tại Đại hội sắp tới.

“Ông Trần rõ ràng là người thăng tiến rất nhanh và tôi cho rằng một ngày nào đó ông ấy sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị,” ông Christopher K. Johnson, một chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định với New York Times. “Tôi không tin việc đó sẽ xảy ra vào lúc này nhưng ông Tập Cận Bình có thể dùng ảnh hưởng của mình để cất nhắc ông ấy sớm như là một cách để khẳng định quyền lãnh đạo tối cao của mình.”

Ông Trần có một số lợi thế trong cuộc đua quyền lực hiện nay. Ông là một trong những người được ông Tập đỡ đầu. Ông có một thời gian công tác ở tỉnh Chiết Giang, một tỉnh giàu có ở miền đông Trung Quốc, dưới quyền của thư tỉnh ủy lúc đó là ông Tập. Mùa hè năm nay, ông Trần đã được giao cho một vị trí quan trọng là Bí thư của Trùng Khánh, một thành phố rộng lớn với 30 triệu dân, để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của ông.

Trước đó, ông đã có năm năm rưỡi làm việc ở Quý Châu, trong đó có hai năm làm bí thư tỉnh ủy. Phục vụ tại một tỉnh nghèo với đa phần là nông thôn là rất quan trọng cho triển vọng thăng tiến của ông Trần. Nó cho ông kinh nghiệm ở cấp cơ sở chắc chắn để trở thành lãnh đạo quốc gia khi mà tương lai của 590 triệu người dân nông thôn ở Trung Quốc đang ngày càng trở thành một vấn đề cấp bách của Chính phủ.

Ở Quý Châu, ông Trần đã thúc đẩy việc sát nhập ruộng đất nhỏ lẻ của các hộ vào hợp tác xã. Nông dân sẽ cùng đóng góp ruộng đất, tiền bạc và công sức. Ý tưởng này đã được thử nghiệm ở các tỉnh khác trong nhiều năm nhưng chính ông Trần là người thúc đẩy mạnh mẽ.

Ông Tập cũng từng bắt đầu sự nghiệp tại một xã nông thôn dưới thời của Mao và có ba năm làm phó bí thư một huyện miền núi ở miền bắc Trung Quốc. Ở tỉnh Chiết Giang, ông Tập đã thúc đẩy một chương trình hợp tác hóa tương tự như chương trình mà ông Trần đang thực hiện.

Ông Tập đã nói rằng ông sẽ tham gia Đại hội Đảng sắp tới với tư cách là đại biểu của tỉnh Quý Châu mặc dù ông chưa bao giờ làm việc ở tỉnh này. Các quan chức ở Quý Châu mừng rỡ trước sự ủng hộ mà ông Tập dành cho ông Trần, theo New York Times.

“Quý Châu là địa bàn rất tốt cho những nhân vật triển vọng thử thách trong một vài năm,” ông Đinh Học Lương, giáo sư Chính trị Trung Quốc tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong, cho biết. “Anh đến công tác tại một trong những địa bàn nghèo khổ nhất, khó khăn nhất và gánh trách nhiệm thay đổi nó. Điều đó sẽ giúp anh ghi điểm để sau này được cất nhắc cao hơn.”

Ông Bruce J. Dickson, một nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, cho biết các cán bộ trong Đảng thường được rèn luyện cho các vị trí cao hơn bằng cách luân chuyển qua những địa bàn kém phát triển. “Có sự nhìn nhận rộng rãi rằng sự bất bình đẳng đang lan rộng và nâng cao mức sống người dân ở nông thôn là một cách cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập.”

Tình hình kinh tế của Quý Châu đã cải thiện và đời sống nông thôn ở đây đã tốt hơn so với 10 năm trước, nhưng tình trạng nghèo đói triền miên ở khu vực miền núi lâu nay vẫn là điểm nghẽn trong lời hứa của ông Tập chấm dứt nghèo đói ở nông thôn cho đến năm 2020. Ông Trần đã nhận thách thức này với lòng nhiệt tình. “Đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo đúng kế hoạch là một cuộc chiến gian khổ mà Quý Châu không thể thua,” ông phát biểu hồi tháng Ba. “Nếu chúng ta thua, chúng ta sẽ thất hứa và để mất niềm tin của công chúng.”

Ông La Tiểu Bằng, một quan chức về chính sách nông thôn đã về hưu và từng có thời gian dài làm việc ở các dự án giảm nghèo ở tỉnh Quý Châu, nhận định rằng các chính sách nóng vội của ông Trần có thể có tác dụng ngược. Chẳng hạn như, nông dân có thể bị dụ tham gia vào những dự án tốn kém và đầy rủi ro để rồi cuối cùng bị mất đất sau vài năm. “Tôi không nghĩ rằng cách làm này là hiểu được các vấn đề căn bản của nông thôn Trung Quốc,” ông La nói.

Tuy nhiên ông Trần sẽ không còn ở Quý Châu nữa để thấy được tác động lâu dài của những chính sách của ông. Ông đã được chuyển đến nhiệm vụ mới quan trọng hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/tran-man-nhi-di-len-tu-tinh-ngheo-kho-quy-chau/4028899.html

 

Nhật Bản: ‘nghị quyết của LHQ

phải buộc thay đổi ở Triều Tiên

Phát biểu hôm14/9 trong chuyến đi thăm Ấn Độ nhằm tăng cường các quan hệ kinh tế và quốc phòng để cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi thực thi nghiêm nghị quyết của LHQ đối với Triều Tiên và nói rằng thế giới cần tăng áp lực để buộc Bình Nhưỡng thay đổi chính sách.

Ông Abe nói New Delhi sát cánh cùng Tokyo trong quyết tâm đáp trả cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

“Cùng với Thủ tướng Modi, tôi kêu gọi thế giới rằng chúng ta cần phải buộc Triều Tiên thay đổi chính sách thông qua việc thực hiện triệt để nghị quyết của Hội đồng Bảo an mà cộng đồng quốc tế mới thông qua,” ông Abe nói.

Thủ tướng Nhật cho biết Thủ tướng Modi và ông hoàn toàn đồng ý về điều này.

Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên nhất trí thông qua nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo và một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên hôm thứ Hai 11/9 nhằm đáp trả vụ thử tên lửa mới nhất và mạnh nhất của Bình Nhưỡng.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-nghi-quyet-cua-lhq-phai-buoc-thay-doi-o-trieu-tien/4028787.html

 

TQ và Nga cố tình nhắm mắt làm ngơ

trước các giao dịch với Triều Tiên

Tránh né thực thi các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, và một thị trường chợ đen phát triển mạnh tiếp tục làm giảm tác dụng của các biện pháp chế tài của quốc tế có mục đích làm Triều Tiên thất thu hàng tỉ đôla và thiếu thốn những thiết bị cần thiết cho chương trình hạt nhân của nước này.

Đợt cấm vận mới nhất của LHQ áp đặt lên Triều Tiên trong tuần này sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và những giới hạn áp dụng vào tháng 8 sau nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, kể cả vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), nếu được thực thi đúng mức, phải có tác dụng đáng kể.

Tuy nhiên, ít người mong đợi các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực thi một cách gắt gao vì chế độ Kim Jong Un trở nên khéo léo hơn trong việc né tránh trừng phạt, và các đối tác thương mại của Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, đã toa rập để cho phép tiếp tục những giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên, dù về mặt bề ngoài, vẫn chính thức ủng hộ các biện pháp chế tài.

Phát biểu tại một buổi điều trần của quốc hội Mỹ hôm 13/9, ông David Albright, chuyên gia phân tích vấn đề cần phổ biến hạt nhân thuộc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, nói:

“Cả Nga và Trung Quốc trong một thời gian dài không phải lãnh chịu hậu quả nào đáng kể khi nhắm mắt làm ngơ, cho phép diễn ra những hoạt động giao thương tấp nập giữa công dân nước họ với dân Triều Tiên.”

Có tin nói rằng để tránh né lệnh trừng phạt và không bị phát hiện, các tàu bị tình nghi vận chuyển than trái phép cho Triều Tiên đã tắt các thiết bị định vị vệ tinh GPS khi đi vào vùng biển Triều Tiên. Hoa Kỳ đã kiến nghị LHQ chặn các tàu bị nghi ngờ chở hàng cấm, nhưng biện pháp này đã được gỡ bỏ để thuyết phục Trung Quốc và Nga ủng hộ lệnh cấm vận của LHQ.

Ông Anthony Ruggiero, cựu viên chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là một nhà phân tích thuộc Hội Đấu tranh Bảo vệ Dân chủ, mô tả cách mà Triều Tiên và Nga tìm cách che giấu một vụ mua bán dầu hỏa bất chính.

“Một ngân hàng Mỹ sẽ không tiến hành các thủ tục liên quan tới những giao dịch giữa các bên bị trừng phạt. Để tránh bị kiểm soát, các công ty bình phong được thành lập ở Singapore để che giấu bản chất của vụ làm ăn này, cho phép chuyển đi gần 7 triệu đôla cho vụ trao đổi này.”

Theo ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của CIA, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao của Qũy Heritage, hệ thống thương mại của Triều Tiên bao gồm 5.000 công ty tập trung ở Trung Quốc, do một số cá nhân được tín cẩn điều hành.

Ông Klinger nói:

“Mặc dù các công ty vỏ bọc có thể được thay đổi nhanh chóng, nhưng các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và quản lý chúng vẫn là những người cũ, nhiều người đã làm như vậy trong rất nhiều năm.”

Người Trung Quốc nói họ đang thi hành những biện pháp trừng phạt dọc theo biên giới, nhưng không công bố những lệnh giới hạn rõ rệt đối với các công ty, và cũng không báo cáo cách thực thi những vụ thanh sát mọi hàng hoá được đưa sang biên giới Triều Tiên.

Chính quyền của Tổng thống Trump cho biết sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt phụ trội nếu các các biện pháp chế tài của LHQ không được thực thi đầy đủ.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-va-nga-co-tinh-nham-mat-lam-ngo-truoc-cac-giao-dich-voi-trieu-tien/4028636.html

 

Tan bão Irma, người dân Little Haiti tiếp tục vất vả

Thành phố Miami của bang Florida có thể đã thoát khỏi cơn cuồng nộ của bão Irma ở mức đáng sợ nhất của nó, nhưng ở khu vực của người sắc tộc thiểu số trong thành phố được gọi là Tiểu Haiti hay Little Haiti – cư dân ở đây, một cộng đồng có mức thu nhập thấp, gồm người Haiti, Caribê, Mỹ La tinh, và Mỹ gốc Phi, vừa qua khỏi sức tàn phá của gió bão giờ đây lại phải đối mặt với cái nóng đổ lửa của bang Florida. Phóng viên Ramon Taylor của VOA nói mặc dù điện đang dần phục hồi ở một số khu phố Miami, thì Little Haiti vẫn chưa có điện.

Trong những ngày từ khi những trận cuồng phong do bão Irma mang lại tàn phá khu Little Haiti ở thành phố Miami, bà Magdalena Ortiz đang ngủ bỗng thức giấc để nhận ra mình đã khóc và người thì run lên từng chập vào lúc nửa đêm.

Bà Magdalena Ortiz kể lại:

“Khi gió thổi đến, trông nó giống như một cái vòi rồng của lính cứu hỏa, nhưng với sức mạnh khủng khiếp, gió va đập mạnh vào cây cối, như một máy bay đang cất cánh, rất là mạnh, mạnh vô cùng…”

Trong khi nhiều người khác duy trì vẻ mặt can đảm bề ngoài, Martin Alvares, một cư dân Miami gốc Salvador bày tỏ nỗi sợ hãi của ông:

“Tôi sợ, nhưng để không làm gia đình lo lắng, tôi phải luôn luôn tỏ ra mạnh mẽ.”

Trong tất cả những sự thiệt hại mà bão Irma đã gây ra trên toàn vùng Caribe, người dân Florida rốt cuộc sẽ nhớ rằng trận bão này lẽ ra còn có thể tệ hơn nhiều, rất nhiều. Nhưng ở Little Haiti, vào một buổi chiều ẩm thấp, nhiệt độ cao hơn 32 độ C, không có điện, và không có máy phát điện dự phòng – trong ba ngày liên tục và nhiều ngày tới nữa, đã khiến cộng đồng này đã mệt mỏi, càng thêm mỏi mệt.

Ông Anthony Bennett, một cư dân địa phương, nói rằng thật là không công bằng khi các khu xóm giàu có hơn đã bắt đầu có điện, trong khi nhà anh vẫn không có điện, mặc dù anh đã trả tiền điện đúng hạn kỳ.

“Tất cả chúng tôi đều giống nhau, cũng đau khổ như nhau, cho nên tôi cảm thấy khi họ có điện thì chúng tôi cũng phải có điện. Không nên để chúng tôi ngồi đây chịu đựng, chờ đến tuần sau hay tuần sau nữa.”

Bà Sylvie Lucien, người Haiti, viết trên một tấm bảng, xin được giúp đỡ.

“Gia đình chúng tôi có con nhỏ và người già tàn tật … chúng tôi đang tuyệt vọng, chúng tôi cần được giúp đỡ, thực sự cần sự giúp đỡ.”

Như những người khác trong khu phố của bà, Sylvie Lucien đã phải đối phó với những khó khăn tài chính từ lâu, trước khi bão Irma ập tới. Bão quét qua, phơi trần một thực tế khủng khiếp: nếu tình hình tệ hơn, thì có lẽ bà không thể sống sót.

Bà nói:

“Không thể đi đâu cả, chúng tôi sẽ ở lại đây và chết ở đây, bởi vì không có xe thì làm sao đi được! nào có ai đến chở mình đâu?”

Người dọn dẹp, người nướng thịt, một số cư dân khu Tiểu Haiti cũng tìm cách giúp đỡ những người hàng xóm trong khi đón một cơn gió thoảng qua.Trong khi chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, họ không lãng phí thời gian để hỗ trợ lẫn nhau.

https://www.voatiengviet.com/a/tan-bao-irma-nguoi-dan-little-haiti-tiep-tuc-vat-va/4027615.html

 

HĐBA họp khẩn về khủng hoảng Rohingya ở Myanmar

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn hôm 13/9 về tình hình bạo lực vẫn tiếp diễn ở miền tây Myanmar đã buộc gần 400.000 người Hồi giáo Rohingya chạy trốn sang Bangladesh.

Anh và Thụy Điển đề nghị mở cuộc họp sau khi Cao ủy Nhân quyền LHQ Zeid Ra’ad al-Hussein lên tiếng về vấn đề người Rohingya.

Ông Zeid nói với Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva rằng văn phòng của ông đã nhận được nhiều báo cáo và hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng an ninh Myanmar và dân quân địa phương tiến hành các vụ giết người ngoài vòng pháp lý và thiêu rụi các ngôi làng của người Rohingya ở bang Rakhine.

Cơ quan tị nạn LHQ nói khoảng 370.000 người Rohingyas đã chạy sang Bangladesh kể từ khi bạo lực nổ ra hôm 25/8.

Hôm 13/9, Indonesia bắt đầu vận chuyển hàng tấn gạo, thực phẩm ăn liền và lều cho người tị nạn ở Bangladesh hay ở các trại gần biên giới nước này.

Tổng thống Indonesia nói đây là đợt hàng viện trợ đầu tiên tiếp sau các cuộc thảo luận với nhà chức trách Bangladesh và Myanmar.

https://www.voatiengviet.com/a/hdba-hop-khan-ve-khung-hoang-rohingya-o-myanmar/4027299.html

 

Bóng ma Trung Quốc lởn vởn trên cuộc tập trận Zapad 2017

Thụy My

Nga tung ra cuộc tập trận với Belarus bắt đầu từ hôm nay 14/09/2017, và điều dễ hiểu là nhiều nhà quan sát tỏ ra lo ngại, trước một sự biểu dương sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Nhưng theo tác giả Nicholas Trickett trên The Economist, ít ai để ý đến những hậu quả không lường trước, một khi các hành động của Nga gây bất ổn cho Belarus, Ukraina hay các nhân tố khác trong khu vực.

Đa số không hình dung ra sự hiện diện của một tay chơi mới tại Đông Âu, đó là Trung Quốc. Những hành động khiêu khích của Matxcơva có thể làm phương hại đến lợi ích Trung Quốc trong khu vực, và mối liên hệ với Bắc Kinh, đối tác được coi là « chiến lược ».

Trung Quốc và Crimée

Ukraina chính là cửa ngõ vào châu Âu trước tiên của Trung Quốc, khi dự án « Một vành đai, một con đường » (Con đường tơ lụa mới) được công bố năm 2013. Tổng thống lúc đó là Viktor Yanukovych đến Bắc Kinh với hy vọng vay tiền, sau khi thỏa thuận liên kết với châu Âu bị bác bỏ. Bên cạnh món tín dụng chưa bao giờ thành sự thực này, đại gia ngành viễn thông Trung Quốc là Vương Tĩnh (Wang Jing) còn đề nghị xây dựng một cảng nước sâu trị giá 3 tỉ đô la tại Sevastopol – cảng nhà của Hạm đội Hắc Hải tại Crimée – cùng với 7 tỉ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Thêm vào đó, là thỏa thuận cho thuê 3 triệu hecta đất nông nghiệp Ukraina, và thương lượng mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số nông sản xuất khẩu của Ukraina. Bắp đặc biệt được ưa thích, vì lâu nay Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào bắp Mỹ. Ukraina nhanh chóng trở thành một đối tác quan trọng về an ninh lương thực, lượng bắp xuất đi khoảng 1,4 triệu tấn trong năm nay, chiếm gần phân nửa nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, theo ước tính của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ năm 2017.

Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã mở dần thị trường cho các sản phẩm sữa của Ukraina và một số mặt hàng thực phẩm khác. Nỗi lo sâu sắc về an ninh thực phẩm của Trung Quốc đã biến Ukraina với tiềm năng nông nghiệp thành đối tác quan trọng, một cách lôgic.

Việc Nga sáp nhập Crimée và can thiệp quân sự vào vùng Donbass là một thử thách cho chính sách « không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác » của Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu (EU) vốn là đối tác lớn nhất của Bắc Kinh. Trao đổi thương mại lên đến 1,4 tỉ euro một ngày trong năm 2016, và từ tháng 11/2013 đôi bên bắt đầu thương thảo một hiệp định đầu tư. Vì vậy lúc đó Trung Quốc không thể công nhận vụ sáp nhập Crimée, mà chọn cách vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh ủng hộ « giải pháp hòa bình mang lại lợi ích cho tất cả các bên », trong lúc thừa biết là một giải pháp như thế không thể có được trong tương lai gần.

Ukraina, trung tâm trung chuyển hàng Trung Quốc

Kế hoạch đầu tư vào Crimée nhanh chóng rơi rụng. Làm như thế chẳng khác nào công nhận việc sáp nhập của Nga, gây giận dữ cho các đối tác phương Tây và chắc chắn là quan hệ với Kiev sẽ chẳng êm ái chút nào. Việc thương lượng đầu tư cảng nước sâu ở bán đảo Crimée bị chìm nghỉm, thương mại và đầu tư Trung Quốc nay hướng về nội địa Ukraina.

Ukraina đạt được thỏa thuận về Hiệp định tự do mậu dịch toàn diện (DCFTA) với EU năm 2015, được giảm đến 98,1% thuế hải quan cho hàng hóa và dịch vụ của Ukraina. Để trả đũa, Nga ra một loạt lệnh cấm sử dụng các tuyến đường bộ và đường sắt từ các nước khác đi ngang qua lãnh thổ mình, và Ukraina cũng đáp trả tương tự.

Những lệnh cấm này tạo đà cho hành lang thương mại xuyên Biển Caspi, được hỗ trợ bởi tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars (BTK) ở Nam Kapkaz. Chuyến tàu đầu tiên dự kiến sẽ khởi hành vào tháng tới, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua khu vực này. Việc chuyển tải thông qua cảng Alat của Azerbaijan, vốn lệ thuộc vào BTK, đã tăng 43,5% trong năm nay, và các cảng ở Hắc Hải như Constanta của Rumani nối liền với tuyến đường xuyên Caspi. Tất cả các nước thành viên của hành lang này thương mại này đã bắt đầu công việc đồng bộ hóa thuế quan và thủ tục ở biên giới.

Nhờ xâm nhập được thị trường, đầu tư vào việc dịch chuyển sản xuất sang Ukraina trong tương lai, cũng như việc làm đường, xây cảng trở nên hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc. Công ty Công trình Cảng Trung Quốc (CHEC) đã giành được một hợp đồng nạo vét và nâng cấp cảng Yuzhny ở phía bắc Odessa. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sắp sửa tài trợ cho một dự án cầu ở Kremenchuk. Ukraina hy vọng sang năm xây dựng được 2 tỉ đô la đường sá, dường như đang thương lượng với tập đoàn Cầu Đường Trung Quốc (CRBC) để xây xa lộ bê tông đầu tiên nối Odessa với Kherson.

Ukraina nới lỏng việc cấp visa cho các doanh nhân Trung Quốc, doanh số buôn bán tăng 5,3% trong năm 2016, đạt 6,51 tỉ đô la, và hai nước có ý định hợp tác an ninh ở cấp thấp. Con số này là nhỏ đối với Trung Quốc, nhưng những dự án trên giúp gắn chặt lợi ích và luồng vốn vào đây. DCFTA khiến Ukraina trở thành thị trường hấp dẫn hơn so với Nga. Khác với các đối tác phương Tây, Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề cải cách, khiến Ukraina cảm thấy thoải mái, một khi thương mại xuyên Caspi tăng lên và các dự án cảng thành hiện thực trong tương lai.

Bệ phóng Belarus

Tầm quan trọng của Belarus cũng tăng lên, trong lúc Trung Quốc đang nhắm đến Đông Âu với sự gia tăng đầu tư, thương mại và quan trọng nhất là việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu bằng đường sắt. Lượng hàng Trung Quốc quá cảnh thông qua hệ thống đường sắt Belarus đã tăng 30,4% trong 7 tháng đầu năm 2017, gần như tương đương với lượng xuất khẩu qua đường hỏa xa của Belarus.

Sau khi bị giảm sút mạnh do cuộc khủng hoảng chính trị Ukraina, doanh số thương mại giữa Belarus với Kiev đã tăng 26% năm nay. Trung Quốc có thể sử dụng cả hai nước này làm bàn đạp cho các chuỗi cung ứng ở Baltic và Ba Lan, mà không bị giám sát cao độ theo đòi hỏi của các nước thành viên EU.

Belarus từ năm 2013 bắt đầu trông cậy vào đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để giảm lệ thuộc vào Nga, và né tránh những chỉ trích về nhân quyền của châu Âu. Các dự án nổi bật nhất là khu công nghiệp Great Stone ở gần Minsk và trung tâm hậu cần ở Bolbasovo.

Bolbasovo được dự kiến trở thành một trung tâm thương mại để Trung Quốc dịch chuyển sản xuất vào đây, nhưng hiện chỉ mới được khởi động. Great Stone nhằm tận dụng giá lao động rẻ của Belarus, để các công ty Trung Quốc có thể sản xuất xe hơi và các sản phẩm cao cấp hơn, với giá thành rẻ. Nhờ liên minh thuế quan Belarus-Nga, Bắc Kinh vừa tránh phải thương lượng vất vả để xâm nhập thị trường Nga, vừa bán được hàng cho các nước Đông Âu là thành viên EU.

Trung Quốc và Belarus dự định thành lập một quỹ đầu tư chung 585 triệu đô la để thu hút các công ty vào Great Stone. Trong số 15 công ty hiện diện tại đây, có đến 11 công ty Trung Quốc. Tổng thống Lukashenko còn đi xa hơn, đề nghị các công ty quốc phòng Trung Quốc mở cửa hàng tại khu này – một dấu hiệu nhắm vào Matxcơva.

Cũng như với Ukraina, Trung Quốc muốn nhập nông sản của Belarus. Thị trường thịt bò và thịt gà đã được mở cửa cho Belarus năm nay, và các nhà đầu tư Trung Quốc cho biết sẵn sàng đầu tư đến 1 tỉ đô la vào lãnh vực này. Như vậy Belarus có thể đạt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2020, nhưng quan trọng hơn nữa là hai nước đã ký bản ghi nhớ hợp tác biên giới.

Những hậu quả không lường được

Theo tác giả Nicolas Trickett, thật ra những nguy cơ từ Nga trong cuộc tập trận Zapad là không cao. Tuy vậy những động thái khiêu khích có thể làm Nga bị cô lập, vì đang lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Trước hết về tài chính, đối với các công ty cũng như nền kinh tế Nga. Hàng tỉ đô la từ các hợp đồng tín dụng Trung-Nga đã lấp được lỗ hổng ngân sách của Matxcơva, như thỏa thuận mới đây tài trợ cho Quỹ đầu tư trực tiếp và Vneshekonombank (VEB), hai định chế bị phương Tây trừng phạt. Tập đoàn dầu lửa Rosneft đang tìm kiếm vốn từ Trung Quốc để bù vào những thua lỗ, và có thể bán cổ phiếu cho các đối tác Trung Quốc. Tiền của Bắc Kinh còn giúp duy trì được dự án LNG của Novatek. Quỹ đầu tư Nga-Trung (RCIF) được hỗ trợ để bơm 500 triệu đô la vào các dự án của Nga trong năm nay. Ngân hàng trung ương Nga mở văn phòng ở Bắc Kinh, và có ý định phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ.

Tất cả hàng vận chuyển bằng xe lửa đi qua Nga nay phải chuyển sang Belarus vì bị Ukraina cấm vận. Bất kỳ sự cố nào làm ngưng luồng vận chuyển qua Belarus sẽ buộc Trung Quốc phải tập trung hơn vào thương mại xuyên Caspi. Một sự mất ổn định trầm trọng tại Ukraina có thể làm thiệt hại cho ngõ vào thị trường châu Âu từ Hắc Hải của Trung Quốc, và cả một chuỗi đầu tư trải rộng từ Tân Cương đến Gruzia. Nga có thể bị mất các khoản đầu tư vào đường sắt đang hết sức cần đến, nếu các con đường quá cảnh bị ngưng trệ hoặc bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhưng vấn đề không chỉ là kinh tế. Trung Quốc có thể rút bớt những đầu tư vào hạ tầng Nga, chuyển qua các nước thành viên EU hoặc các nước châu Âu khác. Trung Quốc đã mua được sự im lặng của châu Âu trên Biển Đông, thông qua việc đầu tư vào Hy Lạp và Hungary, nhưng sẽ phải hành xử thận trọng hơn. Châu Âu đang quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể dẫn đến việc xem xét lại các dự án ở Hy Lạp, Balkan và Trung Âu. Bắc Kinh ngày càng bị coi là mối đe dọa cho sự đoàn kết của châu Âu, cũng như Nga – một mối đe dọa ngày càng đè nặng với cuộc tập trận tháng Chín này.

Tác giả cho rằng Nga sẽ bất lợi nếu làm phương hại đến chiến lược kinh tế của Trung Quốc ở Đông Âu, buộc Bắc Kinh phải giữ thể diện với các đối tác chính châu Âu. Trung Quốc không thể im lặng mãi khi một đối tác chiến lược bị đe dọa về chủ quyền và an ninh, và tốt nhất là các lãnh đạo Nga không nên quên rằng ông Putin có thể mạnh tay chi cho phúc lợi xã hội trong năm bầu cử, là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính của Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170914-bong-ma-trung-quoc-lon-von-tren-cuoc-tap-tran-zapad-2017

 

Tây Ban Nha : 700 thị trưởng vùng Catalunya bị dọa bắt giữ

Thùy Dương

Phe ly khai Catalunya hôm nay 14/09/2017 tung chiến dịch tổ chức trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 01/10, bất chấp lệnh cấm của chính quyền trung ương. Đây được coi là việc thách thức chính quyền Madrid cũng như Viện Công Tố trung ương. Hôm qua, Viện Công Tố trung ương đã dọa kiện thị trưởng các thành phố nếu họ tham gia tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập cho vùng Catalunya.

Chiến dịch vận động chính thức để tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập cho vùng Catalunya với 7,5 triệu dân bắt đầu từ hôm nay tại thành phố Tarragone, cách Barcelona 100 km về phía tây nam.

Theo AFP, hôm qua, Viện Công Tố trung ương Tây Ban Nha thông báo nếu các thị trưởng vùng Catalunya tham gia tổ chức trưng cầu dân ý, họ sẽ bị tư pháp khởi kiện và bắt giam. Thông báo trên bị 700 thị trưởng có liên quan phản đối gay gắt.

Thủ lĩnh phe ly khai Catalunya Carles Puigdemont gọi quyết định của Viện Công Tố là « sự tàn bạo » và cho rằng biện pháp đó không xứng với nền dân chủ. Thủ lĩnh phe ly khai thông báo ông sẽ tham gia tuần hành ở Barcelona vào ngày thứ Bảy 16/09 cùng với các thị trưởng để phản đối Viện Công Tố Tây Ban Nha.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170914-tay-ban-nha-700-thi-truong-vung-catalunya-bi-doa-bat-giu

 

Vì sao NATO lo lắng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga ?

Minh Anh

Kể từ ngày hôm nay 14/09/2017, Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận có quy mô lớn, kéo dài cho đến hết ngày 20/09. NATO lấy làm lo lắng và theo dõi sát sao cuộc tập trận này. Vì sao ?

Cuộc tập trận lần này mang tên « Zapad 2017 ». Trong tiếng Nga, « Zapad » có nghĩa là « phía tây » hay « phương Tây », tức nói đến những vùng lãnh thổ phía tây của Nga, Belarus và Kaliningrad, vốn dĩ nằm lọt thỏm giữa Ba Lan và các nước vùng Baltic. Địa điểm tập trận diễn ra ngay sát biên giới với Ba Lan và Litva, thành viên của khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Sự kiện quân sự lớn này đang khiến nhiều quốc gia lân cận với Nga và khối NATO lo lắng. Liên Hiệp Châu Âu và NATO xem cuộc tập trận này hoặc như là một hành động khiêu khích từ Matxcơva, hoặc đó là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công quân sự.

Đáp trả những lo lắng trên của NATO và Liên Âu, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine khi trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle ngày 29/08, nhắc lại rằng chính NATO đang đe dọa Nga qua việc cho triển khai binh sĩ ngay sát biên giới với Nga.

« Thứ nhất, chính NATO đang đóng quân gần biên giới của chúng tôi. Quý vị có thể thấy điều đó, Nga không triển khai quân ở biên giới Đức hay Pháp. Trong trường hợp đó, ai sẽ là động lực thúc đẩy ? Chúng ta hãy nhìn thẳng những gì đang diễn ra từ một khía cạnh khác : cuộc tập trận “Zapad 2017” không phải là một lý do để NATO triển khai lực lượng ở biên giới Nga ».

Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định cuộc tập trận này đơn thuần mang tính phòng thủ, đồng thời cáo buộc « các giả thuyết của một số truyền thông cho rằng tập trận nhằm sắp xếp “một điểm đầu cầu” để xâm chiếm Litva, Ba Lan hay Ukraina là dối trá ».

Chuyên gia Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp-Nga cho rằng có một luận điểm thường xuyên được lặp lại trong một số phân tích khi nói về mối đe dọa của Nga. Theo đó, « quân đội Nga đã từng tiến hành tập trận quy mô lớn trước khi xảy ra chiến tranh với Gruzia năm 2008 hay khi xảy ra khủng hoảng Ukraina năm 2014. Do đó, họ thường nhấn mạnh : “Chắc gì Nga không tái diễn lại cùng một kịch bản và không xâm chiếm một trong số các nước vùng Baltic hay một phần lãnh thổ Ba Lan ? ” »

Dù vậy, những giải thích của Matxcơva vẫn chưa thể nào trấn an NATO và các nước vùng Baltic. Ngoài việc, không chắc chắn về mục đích cuộc tập trận, NATO cáo buộc Nga thiếu minh bạch trong việc tổ chức « Zapad 2017 ».

Litva tố cáo Nga muốn huy động hơn 100 000 binh sĩ cho cuộc tập trận với ý đồ để lại một bộ phận quân đội trên lãnh thổ Belarus một khi cuộc tập trận kết thúc. Về phần mình, Nga cho đến lúc này vẫn khẳng định có 12 700 quân nhân tham gia (7 200 binh sĩ Belarus và 5 500 lính Nga).

Với Matxcơva, con số này có một tầm quan trọng, vì điều đó cho phép Nga không bị bắt buộc phải mở cửa cho các nhà quan sát nước ngoài đến thanh sát tập trận, theo như con số ấn định của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE từ 13 000 quân trở đi.

Căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh « Zapad 2017 » có lẽ cũng khó mà hạ nhiệt trong suốt thời gian cuộc tập trận. Trước nỗi bất an của nhiều nước vùng Baltic và Ba Lan, Hoa Kỳ đã quyết định gởi 7 chiến đấu cơ F-15 tiến hành tuần tra trong không phận các nước Baltic.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170914-vi-sao-nato-lo-lang-cuoc-tap-tran-zapad-2017-cua-nga

 

Paris chính thức đăng cai JO 2024 sau một thế kỷ chờ đợi

Thu Hằng

Ngày 13/09/2017, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO đã chính thức trao cho Paris quyền đăng cai Thế Vận Hội 2024 sau phiên họp lần thứ 131 tại Lima, Peru. Sau khi nghe hai thành phố Paris và Los Angeles lần lượt trình bày về dự án tổ chức, 84 thành viên của Ủy ban CIO đã bỏ phiếu thông qua quyết định trao quyền đăng cai Olympic 2024 cho Paris (Pháp) và Olympic 2028 cho Los Angeles (Mỹ).

Đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, không giấu được xúc động và cho rằng « đó là một hạnh phúc vô bờ…. và tự hào vì mang Thế Vận Hội về quê hương sau 100 năm ».

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhanh chóng hoan nghênh thông tin trên khi phát biểu : « Chiến thắng này, đó chính là nước Pháp » tại sân bay Pointe-à-Pitre, khi kết thúc chuyến thăm hai đảo Saint-Martin và Saint-Barthélemy bị bão Irma tàn phá.

Paris từng ba lần bị thất bại đau đớn (1992, 2008, 2012), mà gần đây nhất là bị Luân Đôn đánh bại vào năm 2012. Thành phố quê hương của Thế Vận Hội mà cha đẻ là bá tước Pierre de Coubertin cuối cùng cũng được vinh dự tổ chức sinh nhật lần thứ 130 của Olympic.

Ngay sau quyết định của Ủy Ban Thế Vận, thành phố Paris đã giới thiệu năm vòng tròn biểu tượng Olympic trên quảng trường Trocadéro đối diện với tháp Eiffel được trang hoàng nhân sự kiện này.

http://vi.rfi.fr/phap/20170914-paris-chinh-thuc-dang-cai-jo-2024-sau-mot-the-ky-cho-doi-ok

 

Tổng thư ký LHQ kêu gọi Miến Điện

chấm dứt thanh lọc chủng tộc

Sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về tình cảnh người Rohingya tại Miến Điện, ngày hôm qua, 13/09/2017, trong cuộc họp báo, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Miến Điện đình chỉ các chiến dịch quân sự nhắm vào sắc tộc thiểu số Rohingya. Ông cho rằng chính quyền Miến Điện đang tiến hành các hoạt động thanh lọc chủng tộc.

Tuy nhiên, theo Reuters, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tỏ ra thận trọng vì Trung Quốc ủng hộ việc tấn công nhắm vào một nhóm người Rohingya nổi dậy vũ trang và không lên án sự im lặng của lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, thông tín viên Marie Burreau cho biết thêm thông tin :

« Trong ngôn từ ngoại giao, Hội Đồng Bảo An chỉ ra được một tuyên bố ở mức thấp nhất, bởi vì văn bản này do đại sứ Ethiopia đọc. Trong tháng Chín, Ethiopia là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An và vị đại sứ của nước này không che dấu sự thất vọng trước sự các nước thành viên chỉ đạt được đồng thuận tối thiểu.

Theo bản tuyên bố, các nước thành viên Hội Đồng Bảo An bày tỏ các quan ngại liên quan đến các báo cáo về việc sử dụng vũ lực thái quá trong các chiến dịch an ninh và kêu gọi Miến Điện đưa ra ngay các biện pháp chấm dứt bạo lực tại Rakhine.

Trước đó một chút, chính tổng thư ký Liên Hiệp Quốc AntonioGuterres đã kêu gọi chính quyền chấm dứt các hành động quân sự. Trong cuộc họp báo, khi được hỏi về việc Cao Ủy Nhân Quyền tố cáo tình trạng thanh lọc chủng tộc, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã trả lời thẳng thừng rằng khi một phần ba cộng đồng người Rohingya phải chạy ra khỏi nước để lánh nạn thì liệu có từ gì khác để nói rõ tình cảnh này hay không.

Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi đã khẳng định không tới New York vào tuần tới để dự khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, không vì thế là hồ sơ Miến Điện sẽ không được thảo luận. Sẽ có hai cuộc họp do Thổ Nhĩ Kỳ và Anh Quốc chủ trì để bàn về tình cảnh của người Rohingya ».

Trong khi đó, hôm nay báo chí nhà nước Miến Điện cho biết Trung Quốc ủng hộ chiến dịch quân đội Miến Điện trấn áp phiến quân Rohingya. Theo tờ báo nhà nước Global New Light of Myanmar, đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện tuyên bố là Bắc kinh có quan điểm rất rõ ràng : đó là công việc nội bộ của Miến Điện. Đại sứ Trung Quốc phát biểu : « Chiến dịch đáp trả của quân đội Miến Điện nhắm vào những kẻ khủng bố và các biện pháp của chính phủ để trợ giúp người dân được hoan nghênh nhiệt liệt ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170914-tong-thu-ky-lien-hiep-quoc-keu-goi-mien-dien-cham-dut-thanh-loc-chung-toc-nham-vao-n

 

Ngân hàng Trung Quốc ngừng giao dịch với Bắc Triều Tiên

Thu Hằng

Từ khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, các ngân hàng Trung Quốc lần lượt hạn chế khách hàng Bắc Triều Tiên.

Trước đó, vào tháng 06/2017, Washington từng cáo buộc Ngân hàng Dandong (nằm sát biên giới Trung-Triều) đã thực hiện nhiều giao dịch mờ ám với một số doanh nghiệp có liên quan đến chương trình phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên. Kể từ đó, ngân hàng này không còn phục vụ khách hàng Bắc Triều Tiên và nhiều ngân hàng khác cũng theo bước.

Thông tín viên RFI Heike Schmidt phản ánh tình hình tại Diên Cát, nằm sát biên giới Trung-Triều :

« Mọi công dân Bắc Triều Tiên có mặt tại quầy giao dịch của Ngân Hàng Nông Nghiệp Trung Quốc để gửi tiền tiết kiệm vào một tài khoản Trung Quốc sẽ bị nhân viên từ chối dứt khoát.

Một chi nhánh ở thành phố Diên Cát (Yanji), gần biên giới Trung-Triều, cho biết : « Từ vài tháng nay, công dân Bắc Triều Tiên không còn thể mở được tài khoản ở ngân hàng chúng tôi. Chúng tôi không phục vụ bất kỳ dịch vụ hay giao dịch nào cho họ, vì chúng tôi nhận được văn bản nghiêm cấm từ chính phủ. Chúng tôi đã thông báo cho khách hàng Bắc Triều Tiên về những biện pháp này cách đây một hoặc hai tháng. Chúng tôi đóng tài khoản của họ và họ không thể mở lại ».

Tình trạng này cũng có thể nhận thấy ở nơi khác, như tại Ngân Hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), một đối thủ trong cùng thành phố. Tại đây, nhân viên ngân hàng cũng nhận được lệnh không giao dịch với khách hàng từ Bắc Triều Tiên nằm ngay đối diện thành phố Diên Cát.

Họ cho biết : « Ngay khi chúng tôi nhận được văn bản chính thức, mọi hình thức mở tài khoản đã bị cấm. Nếu một khách hàng không rút tiền khỏi tài khoản đã có, điều này đồng nghĩa với việc khóa tài khoản mà chúng tôi không biết lý do. Trong thời gian gần đây, cơ quan tư pháp có thể trực tiếp đóng một tài khoản có trong ngân hàng của chúng tôi ».

Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã bác bỏ việc phong tỏa tài sản bí mật của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nhưng dường như đồng hương của Kim Jong Un không được Bắc Kinh che chở ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170914-ngan-hang-trung-quoc-ngung-giao-dich-voi-bac-trieu-tien