Tin khắp nơi – 13/09/2017
Bà Aung San Suu Kyi không dự họp Đại Hội đồng LHQ
Lãnh đạo mặc nhiên của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi sẽ không dự tranh luận tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào tuần sau trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích cách bà xử lý khủng hoảng người Rohingya.
Khoảng 370.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi bang Rakhine ở Myanmar sang Bangladesh kể từ khi bạo lực bùng phát hồi tháng trước. Nhiều làng của người Rohingya đã bị đốt trụi.
Chính phủ Myanmar bị Liên Hợp Quốc cáo buộc về thanh lọc sắc tộc.
Quân đội Myanmar nói họ chống lại dân quân Rohingya và phủ nhận các tin nói họ đang nhắm vào dân thường.
Aung San Suu Kyi: Anh hùng nhân quyền nay bị chỉ trích
Khủng hoảng Rohingya: Myanmar ‘đặt mìn dọc biên giới’
Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo ‘vô tổ quốc’ sống ở bang Rakhine, nơi đa số dân là người Phật giáo.
Họ đã sống ở Myanmar nhiều thế hệ, nhưng họ bị cho là những người tỵ nạn trái phép và không bị từ chối quyền công dân.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc sẽ họp hôm thứ Tư 13/9 để thảo luận cuộc khủng hoảng này.
Bà Aung San Suu Kyi đã thay đổi?
Bà Suu Kyi được trông đợi là sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận ở kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 25/9.
Người phát ngôn của chính phủ Aung Shin nói với hãng tin Reuters rằng “có lẽ” bà Suu Kyi “có nhiều vấn đề cấp bách hơn phải giải quyết.” Bà nói thêm: “Bà ấy không bao giờ ngại đối mặt với chỉ trích hay đương đầu với các vấn đề.”
Trong bài phát biểu đầu tiên ở Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc với tư cách lãnh đạo quốc gia hồi tháng 9/2016, bà Suu Kyi lên tiếng bảo vệ những nỗ lực của chính phủ bà để giải quyết khủng hoảng liên quan đến người Rohingya.
Aung San Suu Kyi bác việc thanh lọc sắc tộc
Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì?
Được trao giải thưởng Nobel về Hòa Bình, bà từng bị quản thúc tại gia 15 năm về những hoạt động ủng hộ dân chủ và được coi là vị lãnh đạo chính phủ Myanmar.
Bà Suu Kyi giờ đây bị những người trước kia ủng hộ bà chỉ trích vì không làm đủ để ngăn ngừa bạo lực ở bang Rakhine.
Những người nhận giải Nobel khác, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo chủ Desmond Tutu và cô Malala Yousafzai đều kêu gọi bà Suu Kyi chấm dứt tình trạng bạo lực.
Myanmar: Hàng ngàn bỏ chạy đến biên giới Bangladesh
Thù địch ngày càng tăng
Bà Suu Kyi phải hết sức thận trọng về vấn đề người Rohingya vì người dân Myanmar không mấy cảm thông với người Rohingya.
Phần đông dân chúng Myanmar đồng tình với quan điểm chính thức của nhà nước rằng người Rohingya không phải là công dân nước này, mà là người nhập cư trái phép từ Bangladesh.
Thái độ thù địch này tăng đáng kể sau các cuộc tấn công vào căn cứ cảnh sát do dân quân của Quân đội Cứu thế Rohingya Arakan gây ra hồi năm 2016 và tháng 8/2017.
Trong bang Rakhine, người Phật giáo địa phương Myanmar còn thù hằn hơn. Xung đột giữa họ và người Rohingya – được gọi là Phật giáo địa phương gọi là người Bengali – đã diễn ra nhiều thập kỷ nay.
Nhiều người Phật giáo ở bang Rakhine lo ngại họ sẽ trở thành người thiểu số ở Myanmar, và danh tính của họ sẽ bị hủy hoại. Đảng quốc dân Rakhine (ANP) chiếm đa số trong quốc hội địa phương, một trong số ít những nơi mà Đảng Dân chủ quốc gia của bà Suu Kyi không kiểm soát.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41254023
Bắc Hàn dọa cho Mỹ nếm mùi ‘đau đớn nhất’
Bắc Hàn đe dọa Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu “nỗi đau ghê gớm nhất” sau khi Liên Hiệp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Phái viên của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc cáo buộc Washington đã chọn “đối đầu chính trị, kinh tế và quân sự”.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết động thái này chưa là gì so với những gì sẽ xảy ra để đối phó với Bắc Hàn.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc là nỗ lực nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ và nguồn cung năng lượng cho Bắc Hàn vì các chương trình vũ khí của nước này.
Ngân hàng Trung Quốc lo ngại vì Bắc Hàn
Bắc Hàn chịu thêm các lệnh trừng phạt của LHQ
Các lệnh trừng phạt hạn chế nhập khẩu dầu và cấm xuất khẩu hàng dệt may được thông qua sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và quy mô nhất của Bắc Hàn vào đầu tháng này.
Han Tae Song, Đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc, nói ông “dứt khoát bác bỏ” cái mà ông gọi là “nghị quyết bất hợp pháp”.
“Các biện pháp sắp tới của CHDCND Triều Tiên sẽ làm cho Mỹ phải hứng chịu sự đau đớn ghê gớm nhất trong lịch sử”, ông Song nói tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
“Thay vì đưa ra lựa chọn đúng đắn với phân tích hợp lý, Washington cuối cùng chọn đối đầu chính trị, kinh tế và quân sự, bị ám ảnh bởi giấc mơ hoang tưởng về việc đảo ngược tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên – vốn đã đến giai đoạn hoàn thiện.”
Nghị quyết được nhất trí thông qua sau khi các đồng minh của Bắc Hàn là Nga và Trung Quốc đồng ý áp lệnh trừng phạt nhẹ nhàng hơn so với đề xuất ban đầu của Mỹ.
Văn bản ban đầu bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu hoàn toàn, một biện pháp mà một số nhà phân tích cho là có thể gây bất ổn cho Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt mới được Liên Hiệp Quốc thông qua gồm:
Hạn chế nhập khẩu dầu thô và mặt hàng dầu. Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, cung cấp hầu hết dầu thô cho Bắc Hàn
Một lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may, vốn là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Bình Nhưỡng trị giá hơn 700 triệu đôla mỗi năm
Một lệnh cấm thị thực mới cho người Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài, theo ước tính của Hoa Kỳ, sẽ cắt giảm 500 triệu đôla thu nhập thuế hàng năm
Đề xuất đóng băng tài sản và một lệnh cấm đi lại đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị bác bỏ.
Phản ứng hôm 12/9, ông Trump nói: “Chúng tôi nghĩ đó chỉ là một bước rất nhỏ, không có gì lớn.
“Tôi không biết liệu nó có ảnh hưởng gì hay không… Nhưng những biện pháp trừng phạt này không có là gì so với những gì cuối cùng sẽ phải xảy ra,” ông nói thêm, nhưng không nói thêm chi tiết.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41250400
Hoa Kỳ ngưng cấp một số loại visa ở Campuchia
Hoa Kỳ sẽ ngưng cấp một số loại thị thực nhập cảnh vào Mỹ cho công dân Campuchia.
Tòa Đại sứ Mỹ ở Phnom Penh cho biết như vừa nệu vào ngày 13 tháng 9 nêu rõ lý do là vì Campuchia từ chối nhận các công dân nước này cư trú bất hợp pháp, phạm tội trên đất Mỹ.
Theo quyết định của Mỹ thì một số nhân viên Bộ Ngoại giao Campuchia và gia đình họ nằm vào nhóm không được cấp thị thực này, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ.
Phản ứng trước quyết định vừa nêu của Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chính phủ Phnom Penh lên tiếng nói rằng điều đó chứng tỏ Washington không tôn trọng nhân quyền mà theo nguyên văn của bộ này là ‘chỉ có đi bỏ bom giết hại dân chúng thôi’.
Theo hãng tin Reuters thì chuyện Campuchia không nhận công dân mình bị trục xuất từ Mỹ chỉ là một trong những lý do. Một lý do khác nữa là nhà cầm quyền Phnom Penh đã cầm tù một lãnh tụ đối lập là ông Kem Sokha, cáo buộc ông này tội phản quốc, cùng Hoa Kỳ âm mưu lật đổ.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã lên tiếng yêu cầu Campuchia trả tự do cho ông Kem Sokha.
Cũng tin liên quan đến Campuchia, các thành viên đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc đã bị ngăn chận không cho tổ chức tại thủ đô Phnom Penh một lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công năm 1997.
Đảng Cứu Nguy Dân Tộc có kế hoạch tiến hành cuộc tập trung và nghi lễ Phật giáo tại một đài tưởng niệm ở thủ độ Xứ Chùa Tháp. Tuy nhiên kế hoạch bị chính quyền của thủ tướng Hun Sen ngăn chặn.
Một trong những Phó chủ tịch của đảng Cứu nguy dân tộc nói rằng họ không muốn thách thức nhà cầm quyền.
Biến cố mới này chứng tỏ rằng căng thẳng chính trị đang dâng lên giữa chính quyền và đảng đối lập sau khi ông Kem Sokha bị bắt.
Xin được nhắc lại rằng vào ngày 30 tháng Ba, năm 1997 một buổi tập hợp do thủ lĩnh đảng đối lập Sam Rainsy tổ chức đã bị tấn công bằng lựu đạn làm 16 người thiệt mạng.
Ông Sam Rainsy hiện sống lưu vong tại nước ngoài.
Bắc Hàn sẽ tiếp tục tăng cường võ khí hạt nhân
sau lệnh trừng phạt
Bắc Hàn hôm 13 tháng 9 lên án lệnh trừng phạt mới mà Liên Hiệp Quốc vừa thông qua, và nói rằng sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình võ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Hãng thông tấn KCNA dẫn lời Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cho biết Bình Nhưỡng gọi lệnh trừng phạt này là độc ác và phi pháp và cho rằng đây là phương pháp cấm vận toàn bộ nền kinh tế của Bình Nhưỡng do Washington chủ mưu, nhằm bóp nghẹt cả đất nước và người dân Bắc Triều Tiên.
Nam Hàn cho rằng phản ứng của Bình Nhưỡng thể hiện sự coi thường đối với lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ngày 12 tháng 9 vừa qua Liên Hiệp Quốc đã thông qua bản nghị quyết mới cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, chì, hải sản, dệt may, và không thuê thêm công nhân Bắc Hàn, tức nhắm thẳng vào những nguồn cung cấp tài chánh mà Bình Nhưỡng đang có để sử dụng cho chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Bản nghị quyết này do Hoa Kỳ soạn thảo được sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, sau khi Washington đồng ý bỏ một số điều khoản được xem là khắt khe, như cấm các nước không được bán dầu cho Bắc Hàn và phong tỏa tài sản lãnh tụ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un có ở nước ngoài.
Đánh Cược với Đồng Mỹ Kim
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Sau nhiều năm lên giá so với các ngoại tệ khác, đồng Mỹ kim của Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh từ đầu năm nay, và sụt tới mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Nhưng chiều hướng này chưa chắc đã kéo dài và nếu Mỹ kim lên giá, các nền kinh tế khác sẽ bị lao đao… Vì sao như vậy, Diễn đàn Kinh tế có câu trả lời…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông , Hoa Kỳ đã thở dài nhẹ nhõm hôm Thứ Hai 11 vừa qua vì tổn thất từ trận bão Irma lại không trầm trọng như người ta ước đoán và vì Bắc Hàn không thử nghiệm võ khí nhân ngày quốc khánh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia tăng mức độ trừng phạt kinh tế lên cấp cao nhất. Một hậu quả trên thị trường tài chính là Mỹ kim đã lên giá so với một rổ ngoại tệ phổ biến sau khi vừa sụt tới mức thấp nhất kể từ Tháng Giêng năm 2015. Theo dõi diễn biến của “đồng bạc xanh” như người ta thường nói, ông nghĩ thế nào về chiều hướng sắp tới của đồng đô la Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi cho là chúng ta không nên chấp vào những thăng giáng lên xuống trong ngắn hạn mà cần nhìn ra chiều hướng lâu dài hơn để khỏi gặp rủi ro bất ngờ. Thứ hai, những ai cho rằng Mỹ kim còn sụt giá nữa thì sẽ bị thiệt hại. Kỳ này, ta sẽ tìm hiểu tại sao.
– Trước hết, ngược với bao tiên đoán định kỳ về sự suy sụp của nước Mỹ, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế số một thế giới và đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Vì vậy hối suất hay tỷ giá đồng bạc xanh của Mỹ có ảnh hưởng lan rộng toàn cầu, qua các nước đang dùng đồng bạc này làm phương tiện giao hoán hay thanh toán. Thứ hai, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, Hoa Kỳ ào ạt tăng chi và hạ lãi suất rồi bơm tiền để kích thích kinh tế nên Mỹ kim sụt giá trong nhiều năm liền. Nhưng từ cuối năm 2013, chiều hướng sụt giá ấy đã hết và đô la bắt đầu lên giá kể từ 2014. Khi ấy, các nền kinh tế đang phát triển lỡ vay Mỹ kim với giá rẻ lại gặp khó khăn khi đồng bạc này lên giá. Thế rồi, sau khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống và nhậm chức từ đầu năm nay, đồng bạc Hoa Kỳ lại mất giá so với các ngoại tệ khác. Tính theo hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ thì sụt mất khoảng 8%, tính theo chỉ số giao hoán với các ngoại tệ khác thì có thể mất giá tới 11%. Do ảnh hưởng của truyền thông báo chí có ác cảm với Chính quyền Donald Trump, nhiều người cho rằng việc Mỹ kim sụt giá là một chỉ dấu về mức tín nhiệm sa sút của ông Trump. Đây là một sai lầm tai hại cho những ai muốn đánh cược chống lại đồng đô la vì Mỹ kim lại có thể lên giá trong thời gian tới.
Ngược với bao tiên đoán định kỳ về sự suy sụp của nước Mỹ, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế số một thế giới và đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. – Chuyên gia KT. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: – Ông nhắc thính giả của chúng ta là nên nhìn vào chiều hướng dài hạn hơn là những lên xuống ngắn hạn. Nhưng thưa ông, vì sao đồng đô la lại sụt giá từ đầu năm khi kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn cả khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ hai lần tăng lãi suất từ đầu năm nay và còn thông báo là sẽ thu hồi lại lượng tiền bơm ra từ mấy năm trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Người ta có nhiều lý do giải thích hiện tượng này. Thứ nhất, trị giá Mỹ kim có tùy thuộc vào luồng giao dịch với các nước qua sự sai biệt lãi suất hay phân lời ở từng nơi. Thứ hai, định chế độc lập có chức năng quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng và trực tiếp ảnh hưởng tới hối suất đồng bạc chính là Ngân hàng Trung ương, sau đó là Bộ Ngân khố qua số lượng công khố phiếu được bơm ra hay hút vào trên thị trường tín dụng và trái phiếu. Cho tới nay, Ngân hàng Trung ương Mỹ không nâng lãi suất mạnh như ta dự đoán vì dấu hiệu lạm phát không tăng mà còn có vẻ giảm là điều ít người hiểu tại sao. Sau cùng, yếu tố chính trị có tác động vào tâm lý thị trường là việc ông Trump cứ than phiền Mỹ kim cao giá khiến Hoa Kỳ bị thất lợi về ngoại thương vì làm hàng hóa dịch vụ của Mỹ thành đắt hơn và khó xuất khẩu hơn. Nghịch lý mà ta nên nhìn ra là có người suy luận là Tổng thống Mỹ muốn làm giảm giá đô la trong khi người khác lại cho rằng uy tín sa sút của ông Trump mới làm Mỹ kim mất giá. Sự thật nó rắc rối hơn vậy.
Nguyên Lam: Bây giờ, nói về tương lai thì tại sao ông cho là không nên đánh cược chống lại đồng bạc xanh vì Mỹ kim có thể sẽ lên giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chuyện này nó hơi phức tạp nên tôi xin cố trình bày thật chậm. Sau khi nhậm chức từ đầu năm nay, thất bại chính trị liên tục của ông Trump với Quốc hội Cộng Hòa và đảng Dân Chủ trong khối đối lập đã đẩy lui nhiều sáng kiến hay đề nghị cải cách về kinh tế và nhất là thuế khóa của ông. Điều ấy gây thất vọng về viễn ảnh kinh tế Hoa Kỳ và gián tiếp làm Mỹ kim sụt giá khiến người ta lấy Mỹ kim làm chỉ dấu về mức độ tín nhiệm của ông. Nhưng thực tế khách quan của thị trường là Hoa Kỳ bơm ra quá nhiều tiền, tới khỏang bốn ngàn 500 tỷ Mỹ kim trong mấy năm trước và từ nay phải hút lại lượng tiền đã bơm ra. Bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiến hành việc đó trong những tháng tới, Khi ấy ta sẽ thấy là số thanh khoản hay hiện kim tính bằng đô la Mỹ sẽ giảm. Nôm na là đồng bạc sẽ khan hiếm hơn trên thị trường và vì là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất, Mỹ kim khan hiếm sẽ tăng giá.
– Thứ hai, trở lại cái mà người ta có thể gọi là “hiệu ứng Donald Trump”, là ảnh hưởng của ông Trump trên chính trường và thị trường, tuần qua ông gây kinh ngạc khi trực tiếp nói chuyện với lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập trong Quốc hội để thông qua một số quyết định quan trọng liên quan đến kinh tế và tài chính. Đã vậy, chủ trương cơ bản của ông vẫn không dời đổi khi ông kêu gọi và gây sức ép cho các doanh nghiệp Mỹ phải hồi hương tư bản để tạo ra công ăn việc làm trong nước. Nếu tư bản Mỹ được đem về Hoa Kỳ thì Mỹ kim sẽ càng hiếm hơn trên thế giới và đô la sẽ lên giá.
Nguyên Lam: Ông vừa nói đến một khái niệm hơi lạ là “hồi hương tư bản”. Thưa ông, cái đó là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta phải trở lại một vấn đề trong hệ thống kinh tế tài chính Hoa Kỳ. Về đại thể thì doanh nghiệp Mỹ bị đánh thuế khá nặng so với doanh nghiệp của nhiều nước công nghiệp hóa khác nên mới khó cạnh tranh. Vì thuế lợi tức doanh nghiệp quá cao, nhiều tập đoàn lớn mới để lợi tức ở ngoại quốc để tránh thuế ở nhà. Theo cơ quan US Bureau of Economic Analysis, lượng tiền này có thể lên tới bốn ngàn tỷ Mỹ kim, trong đó có các tổ hợp nổi tiếng như Apple, Alphabet hay Google, hoặc Microsoft, Cisco, Oracle, v.v….
– Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ là đừng đầu tư ra ngoài mà nên dùng tư bản tạo công việc làm trong nước. Dù kết quả ban đầu chưa mấy khả quan thì chiều hướng ấy vẫn sẽ tiếp tục. Nếu Quốc hội trong tay đa số Cộng Hòa tại cả hai viện dàn xếp được với nhau và với Hành pháp Donald Trump, kế hoạch cải cách thuế vụ có hy vọng thành công và việc giảm thuế lợi tức doanh nghiệp sẽ là một động lực đáng kể cho các tổ hợp đem tiền về đầu tư ở nhà. Đó là hiện tượng tôi gọi là “hồi hương tư bản”.
Nguyên Lam: Thưa ông, một cách cụ thể thì tình hình sẽ diễn tiến ra sao?
Trung Quốc vẫn chưa thể cải cách như dự tính từ bốn năm trước và đà tăng trưởng không thể được như trong mấy chục năm khởi phát đã qua mà sẽ còn thấp hơn con số chính thức. – Chuyên gia KT. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vẫn về bối cảnh, chúng ta nên để ý tới hai hiện tượng, thứ nhất bất ổn về an ninh và kinh tế làm vàng lên giá so với Mỹ kim vì là nơi tàng trữ an toàn hơn. Thứ hai là rối loạn chính trị tại Mỹ cũng làm Mỹ kim sụt giá so với nhiều ngoại tệ khác, như đồng Euro hay đồng Yen Nhật. Việc vàng lên giá và Mỹ kim mất giá càng gây ấn tượng về sự sa sút của Hoa Kỳ. Đấy là một ấn tượng sai lầm về chính trị mà nguy hiểm về tài chính!
– Thế rồi, khi lưu giữ lợi tức ở ngoài, các doanh nghiệp Mỹ không chỉ giữ đồng đô la mà còn dùng nhiều ngoại tệ khác, theo một tỷ trọng có thể là cao hơn những gì chúng ta suy đoán. Nếu doanh nghiệp đem tài sản về nước thì trước tiên phải đổi lại thành tiền Mỹ làm Mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ kia. Thứ nữa, khi tiền Mỹ được triệt thoái về Hoa Kỳ, các nước khác sẽ bị hiếm đô la và đấy mới là vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển đã vay quá nhiều bằng đô la phải coi chừng vì sẽ bị biến động ngoại hối.
Nguyên Lam: Ông vừa trình bày hai chuyện là ấn tượng sai lầm về sự sa sút của nước Mỹ, thứ hai là Mỹ kim có thể khan hiếm hơn và gây biến động cho các nền kinh tế đã vay mượn quá nhiều đô la. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày sự kiện này cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Từ đã quá lâu, cứ vài chục năm là ta lại nghe nói đến sự suy bại của nước Mỹ hay của tư bản chủ nghĩa trong khi thiên hạ ngợi ca nhiều quốc gia khác, hết Nhật Bản lại tới Trung Quốc. Sự thật thì Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một về kinh tế, quân sự và nhất là khoa học kỹ thuật với sức sáng tạo vượt bậc, dăm năm lại đảo lộn tổ chức sản xuất ở bên trong và chi phối các nước khác. Đối diện thì ta thấy Âu Châu bị lão hóa dân số và chưa ra khỏi nhiều khó khăn chồng chất. Bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn chưa thể cải cách như dự tính từ bốn năm trước và đà tăng trưởng không thể được như trong mấy chục năm khởi phát đã qua mà sẽ còn thấp hơn con số chính thức. Vì vậy, ta nên cẩn thận khi nghe nói đến sự tàn lụi của Hoa Kỳ, rồi từ đó đánh giá sai vị trí hay hối suất của đồng bạc.
– Chuyện kia là khi doanh nghiệp Mỹ hồi hương tư bản thì họ có thể trả bớt nợ, mua lại cổ phần hoặc đầu tư nếu bộ máy hành chính được cải tổ cho giản lược hơn như ông Trump chủ trương và đang tiến hành. Dù sao thì việc thu hồi tư bản về Mỹ cũng làm các nền kinh tế đang phát triển tại Á Châu và Mỹ Châu La Tinh bị thiếu thanh khoản và trôi vào biến động đáng ngại. Người ta có thể chứng kiện chuyện này bắt đầu từ hai tháng nữa, vào cuối năm, và nếu đúng như vậy thì nên tự chuẩn bị.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/betting-against-the-us-dollar-09132017095048.html
Đại sứ Mỹ bác bỏ cáo buộc Mỹ can thiệp
vào nội tình Campuchia
Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia cực lực bác bỏ cáo buộc của Thủ tướng Hun Sen rằng Hoa Kỳ đang mưu toan lật đổ chính phủ của ông. Đại sứ Mỹ nói cáo buộc đó “không chính xác, gây hiểu nhầm và vô căn cứ”.
Phát biểu của Đại sứ William Heidt hôm 12/9 được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi chính phủ Campuchia bắt nhà lãnh đạo đối lập Kem Sokha hôm 3/9, ông bị buộc tội phản quốc vì đã cùng với Mỹ lập âm mưu tước đoạt quyền lực của ông Hun Sen.
Là cựu cán bộ Khmer Đỏ đã cai trị đất nước trong hơn ba thập niên qua, ông Hun Senngày càng tăng các luận điệu chống Mỹ giữa lúc đang diễn ra một chiến dịch đàn áp các đối thủ chính trị và giới truyền thông trong thời gian dẫn tới cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Tờ Nhật báo Campuchia tiếng Anh đã bị nhà chức trách Campuchia đóng cửa hồi tuần trước. Hơn 10 đài phát thanh cho phát những tiếng nói bất đồng hoặc các chương trình của Đài Á châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã bị buộc phải đóng cửa vì cáo buộc vi phạm các quy định. Hai đài Á châu Tự do và Tiếng nói Hoa Kỳ nhận ngân sách của chính phủ Mỹ.
Ban Quản trị Phát thanh Truyền hình Hoa Kỳ (BBG), cơ quan chủ quản Đài Á châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, hôm 12/9 thông báo đã đình chỉ hoạt động của văn phòng RFA ở thủ đô Phnom Penh vì “chiến dịch hăm doạ của chính quyền Campuchia đã tăng mạnh”.
Ông John Lansing, Tổng Giám đốc Điều hành của BBG, phát biểu: “Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để buộc các chính phủ chịu trách nhiệm phải coi tự do báo chí là một quyền con người và một ưu tiên hàng đầu”.
Ông Lansing nói thêm: “Chính phủ Campuchia chỉ càng làm tăng quyết tâm của chúng tôi tiếp tục đáp trả những lời hăm dọa và sách nhiễu bằng những bài tường trình, phân tích trung thực và chính xác và các thông tin quan trọng khác”.
Ông Lansing lên án các hành động của chính phủ Campuchia và nhắc lại lời kêu gọi, yêu cầu Pnom Penh cho phép các nhà báo tác nghiệp trong “các điều kiện an toàn và không bị hạn chế”.
Ông kêu gọi chính phủ Campuchia hãy cho phép các đài phát thanh tiếp tục phát sóng các chương trình của BBG.
Đại sứ Heidt yêu cầu chính phủ Campuchia phóng thích ông Kem Sokah và mở đối thoại giữa chính phủ với phe đối lập để “cứu vãn” cuộc bầu cử sắp tới.
Ông Heidt nói: “Nếu cuộc bầu cử ở Campuchia được tổ chức ngày hôm nay, không một nhà quan sát quốc tế nào có uy tín có thể xác nhận đây là một cuộc bầu cử thật sự tự do, công bằng và phản ánh nguyện vọng của người dân Campuchia”.
Ông Hun Sen, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc, đe dọa sẽ giải tán Đảng Cứu quốc Campuchia của ông Kem Sokha, nếu đảng này tiếp tục ủng hộ ông Sokha.
Ông Kem Sokha là đối thủ chính trị đáng kể duy nhất của ông Hun Sen. Cuộc bầu cử năm tới có thể là thách thức lớn nhất mà ông Hun Sen sẽ phải đối mặt.
Triều Tiên lên án lệnh trừng phạt LHQ, cảnh cáo Mỹ
Với thái độ thách thức, Triều Tiên vừa phát đi một thông điệp mới để đáp trả các lệnh trừng phạt mới mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lên nước này liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong một tuyên bố hôm 13/9, được hãng thông tấn KCNA đăng tải, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói các lệnh trừng phạt mới nhằm mục đích “bóp nghẹt” người dân và đất nước của ông Kim Jong Un “thông qua một cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện”.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói:
“CHDCND Triều Tiên sẽ tăng gấp nhiều lần các nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh để bảo vệ chủ quyền và quyền tồn vong của quốc gia”.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Triều Tiên là lời đáp trả cho cuộc thử hạt nhân hôm 3/9. Người ta cho rằng đó có thể là một quả bom hydro.
Nếu được thực thi đầy đủ, các biện pháp trừng phạt mới sẽ giảm đáng kể việc Triều Tiên tiếp cận ngoại tệ và nhiên liệu cần cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bị cấm. Các biện pháp chế tài bao gồm:
– cắt 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Triều Tiên. Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley gọi đó là “nguồn máu nuôi sống” nỗ lực của Triều Tiên chế tạo và phóng đi một vũ khí hạt nhân;
– cấm xuất khẩu hàng dệt may của Triều Tiên, ngành công nghiệp nhiều lợi nhuận hàng thứ hai của nước này. Bà Haley nói biện pháp này sẽ làm Bình Nhưỡng mất gần 800 triệuđôla mỗi năm;
– cấm bất kỳ quốc gia nào cấp giấy phép làm việc mới cho người lao động Bắc Triều Tiên, nguồn ngoại tệ mạnh chủ yếu đối với chế độ Bình Nhưỡng.
Loạt các biện pháp trừng phạt trước đó của LHQ đối với Triều Tiên hồi tháng 8 đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, chì và thủy sản, trị giá 3 tỷ đôla.
Có những phản ứng tích cực ở châu Á về loạt biện pháp trừng phạt quốc tế mới, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi rằng các biện pháp này sẽ có chút tác động đáng kể nào.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói hôm 12/9 nói rằng các lệnh trừng phạt mới của LHQ đưa ra một thông điệp thống nhất rằng cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh nghị quyết này và cho biết Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để thay đổi chính sách của Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ đã vận động để có các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn, kể cả cấm vận dầu hoàn toàn, phong tỏa tài sản của lãnh tụ Kim Jong Un, và trao thẩm quyền sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần thiết để chặn bắt các con tàu bị nghi buôn lậu các mặt hàng cấm.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga, hai nước đều có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, chỉ đồng ý với các lệnh cấm chứa đựng những thỏa hiệp đã được ban hành, và cả hai nước đều bày tỏ quyết tâm muốn các bên liên quan quay lại bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.
Nhiều người ủng hộ chiến lược “áp lực tối đa” của chính quyền ông Trump để ép buộc giới lãnh đạo Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân cho rằng đợt cấm vận mới nhất vẫn chưa đủ mạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-len-an-lenh-trung-phat-lhq-canh-cao-my/4027099.html
Các dân biểu Mỹ lên tiếng ủng hộ Đạo luật DREAM
Một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt chương trình DACA, Hoãn Hành động đối với những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ đã đến Mỹ từ lúc còn nhỏ, các nhà lập pháp ở Quốc hội Mỹ sát cánh đứng bên những người nhập cư Mỹ gốc Á không có giấy tờ hợp lệ trong một động thái nhằm thể hiện lập trường bênh vực tính đa dạng của thành phần sinh viên và công nhân trẻ, những người mà tương lai và quy chế di trú tại Hoa Kỳ đang trở nên bấp bênh.
Dân biểu Judy Chu, Chủ tịch khối các nhà lập pháp Châu Á-Thái Bình Dương tại Quốc hội Mỹ, đã mở một cuộc họp báo hôm thứ Ba 12/9, bà nói: “Chúng tôi đến đây để đấu tranh bảo vệ 800.000 dreamer – những người trẻ tuổi mà thời còn nhỏ, đã được đưa vào nước Mỹ không có giấy tờ hợp lệ. Trong thành phần này có 130.000 dreamer là người Mỹ gốc Á Châu-Thái Bình Dương. Họ đã được đưa đến đất nước này lúc còn nhỏ và do đó không phải do lỗi của họ.”
Trích dẫn một số liệu từ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama về số người châu Á ở Hoa Kỳ hội đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình DACA, bà Chu cho biết khoảng 16.000 đương đơn DACA là người Mỹ gốc Á Châu-Thái Bình Dương, dựa theo các số liệu của Hội đồng Người Mỹ gốc Á Châu-Thái Bình Dương .
Ông Chirayu Patel, người sáng lập mạng lưới DACA, chuyên cung cấp thông tin và các nguồn pháp lý để giúp những đương đơn DACA, nói: “Tôi là một dreamer và Hoa Kỳ là nước duy nhất mà tôi biết đến.”
Hôm thứ Ba 4/9, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố không còn tiếp nhận đơn DACA nữa.
Như vậy, tương lai của hàng trăm nghìn sinh viên, công nhân trẻ sinh sống ở Hoa Kỳ, ra đời ở nước ngoài, được liệt vào thành phần “dreamer” vẫn không rõ rệt. Quốc hội có 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép họ ở lại Hoa Kỳ.
Cùng góp tiếng với các đồng nghiệp, kể cả cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và ông Patel, dân biểu Chu bày tỏ sự ủng hộ dành cho đông đảo các dreamer gốc Á, và hối thúc việc thông qua đạo luật Dream ở Quốc hội, là đạo luật có thể tạo ra một lộ trình để các đương đơn DACA có thể theo đuổi hướng tới mục đích được xét quy chế thường trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/cac-dan-bieu-my-len-tieng-ung-ho-dao-luat-dream/4027051.html
Quốc Hội kêu gọi TT Trump lên tiếng
chống khích động thù hận
Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua một nghị quyết chung hối thúc Tổng thống Donald Trump lên tiếng chống lại các nhóm khích động thù hận, ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa bài Do thái và theo thuyết người da trắng thượng đẳng.
Hạ viện thông qua nghị quyết này hôm thứ Ba 12/9, một ngày sau khi nghị quyết được thông qua tại Thượng viện.
Giờ đây, nghị quyết đang được chuyển đến Tổng thống Trump, người từng bị chỉ trích về phản ứng sau khi bạo lực xảy ra tại một cuộc biểu tình của thành phần theo chủ nghĩa dân tộc da trắng hồi tháng trước ở thành phố Charlottesville, bang Virginia.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner là người tiến cử nghị quyết này với sự bảo trợ của một nhóm dân biểu, trong đó có ông Tim Kaine và ông Richard Blumenthal thuộc Đảng Dân chủ và các thành viên Đảng Cộng hòa Cory Gardner, Johnny Isakson và Lisa Murkowski.
Nghị quyết đơn cử cuộc biểu tình ngày 11/8 khi “hàng trăm người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, thuyết người da trắng thượng đẳng, các thành viên Ku Klux Klan, và tân Đức quốc xã “, mang đuốc và hô to các khẩu hiệu kỳ thị chủng tộc và bài Do thái, đồng thời “có hành động bạo lực đối với những người phản đối cuộc biểu tình.”
Ngày hôm sau, một người được cho là theo chủ nghĩa tân Đức quốc xã lái xe lao thẳng vào một nhóm người phản đối biểu tình tại trung tâm Charlottesville, giết chết bà Heather Heyer và làm bị thương 19 người khác. Trong cùng ngày, hai nhân viên cảnh sát thiệt mạng trong một tai nạn trực thăng trong khi đang giám sát các cuộc biểu tình.
Quốc hội lên án vụ bà Heyer bị sát hại và coi đây là một “cuộc tấn công khủng bố trong nước.”
Nghị quyết này nêu rõ Quốc hội “bác bỏ chủ nghĩa dân tộc da trắng, da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa tân Đức quốc xã bởi vì đây là những biểu hiện của lòng hận thù và tinh thần bất khoan dung, đi ngược với những giá trị làm nên cá tính của người Mỹ.”
Nghị quyết kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump sử dụng mọi công cụ sẵn có để giải quyết sự phát triển không ngừng của các nhóm cổ xúy cho hận thù ở trong nước, điều tra tất cả các hành vi đe doạ và khủng bố bởi thành phần này, để ngăn chặn bạo lực trong tương lai.
https://www.voatiengviet.com/a/qh-my-keu-goi-tt-trump-chong-cac-nhom-khich-dong-thu-han/4026837.html
Giới chăn nuôi Thái chống nhập khẩu thịt heo Mỹ
Các nhà chăn nuôi heo ở Thái Lan thúc đẩy chính phủ chống lại áp lực của Mỹ muốn mở rộng thị trường thịt heo trị giá 3,5 tỉ đô la vào lúc Tổng thống Donald Trump tìm cách giảm bớt thâm thủng mậu dịch.
Hàng chục nhà chăn nuôi ngày 11/9 biểu tình phản đối bất cứ sự nhượng bộ nào giữa lúc chính quyền ông Trump xem xét thâm thủng mậu dịch với Thái Lan vào khoảng gần 19 tỉ đô la vào năm ngoái.
Mở cửa thị trường thịt heo có thể ảnh hưởng đến những công ty lớn như CP Foods Pcl (CPF.BK) và Thai Foods Group Pcl (TFG.BK) cũng như khoảng 200.000 nhà chăn nuôi nhỏ.
“Thủ tướng, tôi không ăn thịt heo Mỹ” một khẩu hiệu viết cho Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Những cuộc biểu tình chính trị bị cấm tại Thái Lan nhưng cuộc biểu tình tại Bộ Thương mại được cho phép diễn ra ôn hòa.
Một khẩu hiệu khác viết “Không nhập thịt heo độc hại cho người dân Thái Lan. Hãy giữ lại các chất kích thích tăng trưởng của quí vị” – ám chỉ việc sử dụng chất tăng cơ bắp ractopamine không bị cấm tại Mỹ và là lý do Thái Lan bác bỏ việc nhập khẩu thịt heo của Mỹ.
Thái Lan nuôi khoảng 18 triệu con heo mỗi năm với giá trị thị trường là 3,5 tỉ đô la.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-chan-nuoi-thai-chong-nhap-khau-thit-heo-my/4026487.html
Trump cảnh báo hậu quả với Triều Tiên sẽ khôn lường
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/9 tuyên bố những chế tài mới nhất đối với Triều Tiên hôm 11/9 chỉ là một bước rất nhỏ, không thể sánh bì với những gì sẽ xảy ra để đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí tăng chế tài với Triều Tiên qua việc cấm xuất khẩu hàng dệt may mang nhiều lợi nhuận cho nước này và ấn định mức cung cấp xăng dầu, khiến Triều Tiên lên tiếng đe dọa trả đũa Mỹ.
Nghị quyết ngày 11/9 phát xuất từ việc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu và lớn nhất trong tháng này. Đây là nghị quyết lần thứ 9 được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí chấp thuận kể từ năm 2006 về chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Một dự thảo cứng rắn lúc ban đầu của Mỹ đã được thay đổi nhẹ hơn để được sự ủng hộ của Trung Quốc, đồng minh chính và đối tác thương mại của Bình Nhưỡng, và Nga, cả hai nước đều có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Điều đáng để ý là nghị quyết không cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu sang Triều Tiên vốn hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc.
Ông Trump nói với các phóng viên lúc bắt đầu cuộc họp với Thủ tướng Malaysia rằng ông hài lòng khi thấy Malaysia không còn giao dịch buôn bán với Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-canh-bao-hau-qua-voi-trieu-tien-se-khong-luong/4026479.html
Mỹ: thu nhập gia đình tăng, tỷ lệ nghèo giảm
Thu nhập gia đình của người dân Mỹ tăng, tỷ lệ nghèo khó giảm, và số người có bảo hiểm sức khỏe cũng được cải thiện.
Các chuyên gia tại Văn phòng Kiểm tra Dân số công bố dữ liệu hôm 12/9 cho thấy lợi tức trung bình hộ gia đình tăng 3,2% từ năm 2015 cho đến 2016, đạt mức trên 59 ngàn đô la/năm. Đây là đợt tăng thứ nhì trong vòng 2 năm. Mức trung bình có nghĩa là một nửa dân số thu nhập nhiều hơn, một nửa thu nhập ít hơn.
Tỉ lệ nghèo túng giảm còn 12,7%, nghĩa là chưa tới 2 triệu rưỡi người có thu nhập thấp hơn tỉ lệ nghèo chính thức. Dù có cải thiện nhưng vẫn còn 40,6 triệu người Mỹ sống trong cảnh nghèo túng.
Các chuyên gia của chính phủ định nghĩa nghèo khó khi lợi tức dưới 24.563 đô la/năm đối với một gia đình 4 người.
Sự chênh lệch về lợi tức giữa nam và nữ thu hẹp một ít trong năm 2016. Hiện nay, phụ nữ Mỹ thu nhập ở mức trên dưới 80 xu so với mỗi một đô la thu nhập của nam giới.
Trong số các sắc dân thiểu số tại Mỹ, người châu Á có mức thu nhập trung bình hộ gia đình cao nhất, ít thay đổi so với những năm trước (81.431 đô la). Người da trắng không pải gốc Tây Ban Nha có thu nhập tăng một chút (65.041 đô la), người gốc Châu Mỹ La Tinh (47.675 đô la) và những gia đình da đen (39.490).
Tỉ lệ người Mỹ không có bảo hiểm sức khỏe sụt 0,3% còn ở mức 8,8%. Tuy có cải thiện một ít nhưng vẫn còn 28.1 triệu người không được bảo hiểm sức khỏe tại Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/my-thu-nhap-gia-dinh-tang-ty-le-ngheo-giam/4026471.html
Tòa Bạch Ốc có tân Giám đốc Truyền thông
Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm bà Hope Hicks chính thức trở thành Giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc, theo nguồn tin một giới chức Tòa Bạch Ốc.
Bà Hicks tạm thời giữ chức vụ này khi thay thế ông Anthony Scaramucci, người bị sa thải vào tháng 7 năm nay chưa đầy hai tuần sau khi nhận việc.
Bà Hicks phục vụ trong tư cách thư ký báo chí trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và kể từ đó là một phụ tá của Tổng thống.
Trước đây, bà Hicks làm việc cho Trump Organization, một tập đòan toàn cầu của gia đình ông Trump bao gồm cả công ty thời trang của Ivanka Trump.
Bà Hicks, 28 tuổi, tiếp tục nhờ ông Robert Trout, nguyên là một luật sư của Bộ Tư pháp, đại diện cho bà trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc có thể có sự thông đồng giữa những người làm việc cho ôngTrump và Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Trong khuôn khổ cuộc điều tra, ông Mueller muốn thẩm vấn bà Hicks và 5 người khác nữa.
https://www.voatiengviet.com/a/toa-bach-oc-co-tan-giam-doc-truyen-thong/4026085.html
Thêm dấu hiệu về sự can thiệp Nga vào bầu cử Mỹ?
Một số quảng cáo mà người Nga mua trên Facebook năm ngoái cổ võ cho các sự kiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, Facebook cho biết ngày 12/9, một dấu hiệu cho thấy sự can thiệp của Nga trước cuộc bầu cử Mỹ theo cáo giác đã vượt ngoài thành trì của truyền thông xã hội.
Công ty Facebook cho hay họ gỡ xuống các trang có liên hệ tới Nga và trong đó có cả một số sự kiện được chi tiền để tăng độc giả, nhưng Facebook không nêu rõ chi tiết các sự kiện đó là gì.
Tuần trước, mạng xã hội lớn nhất thế giới này loan báo một chiến dịch có phần chắc xuất xứ từ Nga đã đăng hàng ngàn mẫu quảng cáo Mỹ với các quan điểm phân cực về các chủ đề như di trú, sắc tộc, quyền của người đồng tính trên Facebook trong vòng 2 năm tới tận tháng 5 năm nay.
Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner ngày 12/9 bày tỏ thất vọng vì Facebook không trình bày các thông tin mới này trong buổi điều trần tuần trước với nhân viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nơi đang điều tra các cáo buộc về can thiệp bầu cử.
Facebook cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với giới hữu trách Mỹ nếu cần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bác tố cáo rằng chính phủ của ông can thiệp bầu cử Mỹ.
Tờ Daily Beast, trang tin tức online tường trình đầu tiên về các sự kiện được chi tiền để quảng bá trên Facebook cho hay có một quảng cáo cổ súy một cuộc tuần hành chống lại di dân ở Idaho vào tháng 8/2016 do nhóm tên là “Secured Borders” tổ chức, một nhóm ‘mặt trận’ của Nga hiện đã đình chỉ hoạt động.
Trung tâm Vận động Pháp lý, một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington cổ súy cho minh bạch bầu cử, ngày 12/9 đã gửi thư tới Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, yêu cầu công ty công bố công khai nội dung các mẫu tin quảng cáo chính trị có liên quan đến Nga như cáo giác.
Facebook chưa phản hồi tức thì. Công ty đã đưa các mẫu tin quảng cáo đó cho cố vấn đặc biệt lãnh đạo cuộc điều tra việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Robert Mueller, theo một nguồn tin của Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/them-dau-hieu-ve-su-can-thiep-nga-vao-bau-cu-my-/4026073.html
Florida: Tử vong vì bão Irma tăng
Cư dân trở về quần đảo Florida Keys ngày 12/9 chứng kiến cảnh hoang tàn cơn bão Irma để lại: những căn nhà lưu động bị bẹp dí như những lon nước ngọt và rong biển phủ đầy các cửa trong khi số tử vong tiếp tục gia tăng vì trận bão lớn thứ nhì ập vào nước Mỹ trong năm nay.
Irma, một trong những trận bão mạnh nhất tại Đại Tây Dương được ghi nhận từ trước tới nay trước khi đổ bộ vào nước Mỹ, đã làm 43 người thiệt mạng khi thổi qua vùng biển Ca-ri-bê. Ít nhất 12 người tử vong tại Florida, Georgia và South Carolina vì trận bão này.
Trên đảo Islamorada Key, một trong ba hòn đảo mà nhà chức trách cho phép người dân trở về ngày 12/9, người ta nhìn thấy những bức tường nhôm của các căn nhà di động bị bão bóc tung, phơi trần những chất cách nhiệt, phòng ngủ và nhà bếp lộ dưới ánh mặt trời.
Khoảng 90.000 cư dân của Miami Beach và người dân của một số nơi ở Keys được thông báo có thể trở về nhà nhưng kèm theo cảnh báo là không nên. Irma đổ bộ vào Keys ngày 10/9 với sức gió đến 215 kilômét một giờ.
“Phải mất một thời gian nữa mới có thể để dân chúng trở về nhà, đặc biệt là khu vực Florida Keys,” ông Brock Long, quản trị viên của Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang nói.
Hơn 6 triệu căn nhà và cửa hàng tại Florida và các bang lân cận vẫn bị cúp điện. Công ty điện lực lớn nhất Florida, Florida Power & Light, cho biết là phía tây tiểu bang có thể mất điện cho đến ngày 22/9.
Thành phố Jacksonville, nằm về phía đông bắc Florida, đang phục hồi sau khi bị lụt nặng.
Bão Irma ập vào nước Mỹ ngay sau cơn bão Harvey tàn phá Houston cuối tháng qua làm 60 người thiệt mạng và làm thiệt hại 180 tỉ đô la, phần lớn là do lũ lụt.
Tàu sân bay Abraham Lincoln rời khỏi bờ biển phía đông Florida và hai tàu đổ bộ đã lên đường đi giúp vùng Keys.
Một vài phi trường chính ở Florida ngưng chở khách vì bão Irma đã bắt đầu hoạt động trở lại vào ngày 12/9, trong đó có phi trường Quốc tế Miami, một trong những phi trường bận rộn nhất nước Mỹ.
Thiệt hại về tài sản được bảo hiểm tại Florida do bão Irma gây ra ước lượng khoảng 20 đến 40 tỉ đô la, công ty AIR Worldwide cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/florida-tu-vong-vi-bao-irma-tang/4026079.html
Trung Quốc có thể bị chế tài thêm vì Triều Tiên
Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steven Mnuchin ngày 12/9 tuyên bố nếu Trung Quốc không tuân thủ những chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên thì ông sẽ tìm cách áp đặt thêm trừng phạt tài chánh lên Bắc Kinh để cắt việc tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ.
Ông Mnuchin nói với một hội nghị được truyền hình trên CNBC là Trung Quốc nhất trí những chế tài “lịch sử” đối với Triều Tiên hôm 11/9 trong một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
“Nếu Trung Quốc không tuân thủ những chế tài này, chúng ta sẽ áp đặt thêm những chế tài đối với họ và ngăn không cho nước này tiếp cận hệ thống đô la Mỹ và quốc tế, và điều này sẽ có ảnh hưởng lớn,” ông Mnuchin nói.
Trong khi đó, AP loan tin các giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chánh Mỹ ra điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về chiến dịch tăng áp lực chống lại việc phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Cuộc điều trần ngày 12/9 diễn ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt các chế tài mới đối với Triều Tiên về việc nước này thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch. Hội đồng cấm Triều Tiên xuất khẩu vải vóc và hạn chế việc Bình Nhưỡng nhập khẩu dầu thô.
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Tài trợ Khủng bố, Marshall Billingslea, ghi nhận thái độ ủng hộ nghị quyết Liên hiệp quốc của Trung Quốc và Nga, nhưng ông kêu gọi hai nước “phải làm nhiều hơn nữa” để thực thi những chế tài.
(Nguồn Reuters/AP)
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-co-the-bi-che-tai-them-vi-trieu-tien/4026058.html
Malaysia Airlines đặt mua nhiều máy bay thân rộng Boeing
Malaysia Air đặt mua nhiều máy bay thân rộng Boeing trong chuyến công du của Thủ Tướng Malaysia tới thăm nước Mỹ.
Hai nguồn tin khác nhau trong công nghiệp hàng không tiết lộ rằng Hãng Hàng không Malaysia sẽ loan báo thỏa thuận mua 8 máy bay Boeing thân rộng trong chuyến công du của Thủ Tướng Najib Razak tới thăm Hoa Kỳ.
Các nguồn tin cho biết hợp đồng trị giá hơn 1,8 tỉ USD sẽ được loan báo khi ông Najib gặp Tổng thống Trump trong ngày hôm nay, 12/9.
Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong năm 2016. Cuộc gặp với Tổng thống Trump được ông Najib xem là thiết yếu, giữa lúc ông đang tìm cách nâng cao uy tín trên trường quốc tế, và dự kiến sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử trong những tháng sắp tới.
Một cuộc điều tra về tham nhũng do Hoa Kỳ và nhiều nước khác tiến hành vào Ngân hàng Phát triển Malaysia (1MDB) đã tác động tới mức ủng hộ dành cho ông Najib.
Với chuyến Mỹ du lần này, ông Najib hy vọng có thể bỏ lại sau lưng vụ tai tiếng về ngân hàng 1MDB.
Theo chương trình ghi các sự kiện có sự hiện diện của Thủ Tướng Malaysia ở thủ đô Washington được các hãng truyền thông Malaysia ghi nhận, ông Najib sẽ có mặt để chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Hãng Hàng không Malaysia và tập đoàn Boeing.
Hai nguồn tin cho biết Hãng Hàng Không Malaysia trước đây có cân nhắc việc mua máy bay Airbus A330 trước khi quyết định đặt hàng mua máy bay Boeing 747.
Hãng Hàng Không Malaysia nói họ sẽ không bình luận gì về các bản tin có tính cách đồn đoán. Cả Boeing lẫn Airbus đều từ chối bình luận. Các nguồn tin không muốn nêu danh tính vì các cuộc trao đổi đều có tính cách riêng tư.
Ông Brendan Sobie, phân tích gia trưởng tại công ty độc lập nghiên cứu về ngành hàng không CAPA, nói thời điểm của đơn đặt hàng trùng hợp với chuyến di của ông Najib khơi lên những quan ngại về ảnh hưởng chính trị có thể có đối với hợp đồng mua máy bay này.
Hãng Hàng Không Malaysia trong thời gian qua đã cải tổ hoạt động dưới quyền chỉ huy của hai nhà điều hành liên tiếp không phải là người Malaysia giữa lúc hãng hàng không này đang tìm cách hồi phục sau 2 thảm họa xảy ra năm 2014, khi chuyến bay MH370 bị mất tích một cách bí ẩn, và chuyến bay MH17 bị bắn trên không phận đông Ukraine. Hãng Hàng Không này đang nhắm tới mục tiêu là sẽ hoạt động có lời trở lại trong năm tới.
Giám Đốc điều hành Malaysia Airlines Peter Bellew hồi tháng 6 cho hay hãng hàng không này đang trong giai đoạn thương thuyết sơ khởi với Airbus và Boeing để mua từ 35 tới 70 máy bay đường dài mới.
Phân tích gia Sobie của CAPA nói hãng hàng không Malaysia cần nhiều máy bay thân rộng để phát triển, đồng thời phải thay thế những chiếc A330 đã cũ trong nhiều năm tới, đã khiến 8 chiếc máy bay được đặt mua thấp hơn so với dự kiến.
Trong 8 tháng kết thúc vào ngày 31/8/2017, Boeing loan báo khách hàng đã đặt mua 426 chiếc máy bay Boeing, so với 215 chiếc Airbus.
https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-airlines-dat-mua-may-bay-boeing-than-rong/4025663.html
Đánh bom tự sát tại sân criket ở Afghanistan, 3 người chết
Một viên chức cho hay một kẻ đánh bom tự sát đã tấn công một trạm kiểm soát gần sân vận động cricket ở thủ đô Kabul của Afghanistan hôm thứ Tư 13/9, giết chết ít nhất 3 người giữa lúc đang diễn ra một trận đấu.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Najib Danesh cho biết hai cảnh sát và một thường dân đã thiệt mạng và 5 người bị thương. Truyền hình địa phương Tolo News trích lời Ủy ban Cricket của Afghanistan nói rằng tất cả các cầu thủ đều an toàn.
Vụ nổ bên ngoài sân vận động Cricket quốc tế Kabul xảy ra giữa lúc đang diễn ra giải đấu của Liên đoàn Cricket Shpageeza của Afghanistan, một giải đấu nhượng quyền T20 trên đường đua Premier League của Ấn Độ và các giải đấu tương tự trên 20.
Một tuyên bố bằng tiếng Bosnia của hãng Amaq, cơ quan phát ngôn của Nhà nước Hồi giáo (IS), cho biết một vụ tấn công tự sát đã được thực hiện nhắm vào lực lượng an ninh Afghanistan ở thủ đô Kabul, mặc dù vẫn chưa rõ liệu tuyên bố này có để cập tới vụ tấn công sân vận động cricket hay không.
Nguồn: Reuters
Miến Điện : Hội Đồng Bảo An họp kín về hồ sơ Rohingya
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bắt đầu họp kể từ ngày 13/09/2017 về tình trạng người Rohingya ở Miến Điện. Theo số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc, có đến 370.000 người Rohingya đã chạy qua lánh nạn ở Bangladesh từ cuối tháng 8. Cao Ủy Nhân Quyền đã nói đến « một cuộc thanh lọc chủng tộc quy mô ». Tuy nhiên, Hội Đồng Bảo An đã quyết định họp kín, gây bất bình không ít đối với các tổ chức phi chính phủ.
Thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau tường thuật :
« Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần lễ mà Hội Đồng Bảo An họp về tình hình Miến Điện. Lần nào cũng họp kín, thảo luận riêng, báo chí không được tham dự. Đối với ông Louis Charbonneau thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, các nhà ngoại giao như vậy đã gởi đi một thông điệp không khác gì một « giấy phép sát nhân ».
Theo ông Charbonneau, khi người ta đã nói đến một chiến dịch thanh lọc chủng tộc trên quy mô lớn, với một nhóm sắc tộc của cả một bang bị trục xuất đi nơi khác, thì cái gì có thể biện minh cho việc tình hình Miến Điện chỉ được thảo luận một cách miễn cưỡng ?
Câu trả lời dĩ nhiên là Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Miến Điện. Bắc Kinh đã ra sức vận động để chủ đề này không nằm trong chương trình nghị sự của Hội Đồng Bảo An.
Các tổ chức phi chính phủ không để yên và đòi phải có những hành động cụ thể. Theo ông Charbonneau, tổ chức Human Rights Watch của ông muốn Hội Đồng Bảo An đe dọa trừng phạt, phong tỏa tài sản, cấm đi lại, cấm vận vũ khí. Human Rights Watch đã nghe giới ngoại giao nói rằng điều đó có thể gây khó khăn cho bà Aung San Suu Kyi, nhưng đối với ông Charbonneau : « Phải nói thẳng thắn là bà Aung San Suu Kyi đã có lập trường rất rõ ràng : Đó là đã không nói gì cả ».
Vài ngày trước cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nơi mà tình hình Miến Điện có thể được đưa ra thảo luận, bà Aung San Suu Kyi đã thông báo sẽ đến dự. Nhưng rốt cuộc, bà cho biết sẽ không đến trước sự phản đối của quốc tế. Miến Điện do sẽ phó tổng thống thứ nhì đại diện ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170913-mien-dien-hoi-dong-bao-an-hop-kin-ve-ho-so-nguoi-hoi-giao-rohingya
Những nhà khoa học nguyên tử Bắc Triều Tiên là ai ?
Sau vụ thử thành công một quả bom nhiệt hạch (bom H) ngày 03/09/2017, Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến lớn trong công nghệ hạt nhân, dù giới chuyên gia vẫn chưa đánh giá được chính xác cường độ của quả bom đó.
Đầu thập kỷ 1960, khi bắt đầu nghiên cứu hạt nhân, Bắc Triều Tiên dựa vào công nghệ và chuyên gia từ Liên Xô, sau đó là từ Iran và Pakistan. Hiện giờ, Bình Nhưỡng có thể dựa vào các nhà khoa học trong nước và như vậy là càng khó mà kìm hãm tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng. Trước đó, vào tháng 08/2017, The Wall Street Journal trích một nguồn tin tình báo Mỹ, cho biết Bắc Triều Tiên tự chế tạo động cơ tên lửa, trái với một báo cáo gần đây của một tổ chức tư vấn cho rằng động cơ mà Bình Nhưỡng sử dụng là của Ukraina hoặc Nga.
Vậy làm thế nào Bắc Triều Tiên vẫn có thể đạt được những tiến bộ lớn dù cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt ? Theo nhật báo The Wall Street Journal (ngày 06/09), câu trả lời nằm ở chuyên môn mà các nhà khoa học Bắc Triều Tiên du học ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Quốc, mang về cho đất nước. Thông qua nhiều phân tích, nhật báo Mỹ cho biết rõ ràng có nhiều vi phạm liên quan đến một số bộ môn bị cấm giảng dạy cho người Bắc Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt năm 2016 của Liên Hiệp Quốc.
Lách cấm vận để học một số ngành trọng điểm
Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai của Bắc Triều Tiên vào năm 2009, trong một loạt trừng phạt, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên “ngăn chặn giảng dạy chuyên môn hoặc đào tạo” trong lãnh thổ của mình, hoặc do công dân các nước này giảng dạy, có thể giúp phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Liên Hiệp Quốc đã áp dụng lệnh cấm năm 2016 liên quan đến việc giảng dạy một số môn cụ thể để đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng Giêng cùng năm, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực như kỹ thuật tiên tiến và khoa học vật liệu sau một vụ thử khác vào tháng 09/2016.
Một số quan chức tỏ ra lo ngại rằng, cho dù quốc tế thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt, Bình Nhưỡng có thể đã có đủ kiến thức riêng để phục vụ các mục tiêu hạt nhân của họ. Thực vậy, hàng trăm nhà khoa học Bắc Triều Tiên đã du học nước ngoài trong thời gian gần đây, theo đánh giá của The Wall Street Journal, dựa vào phân tích các số liệu chính thức, công bố nghiên cứu khoa học và dữ liệu từ các trường đại học, trong đó có nhiều trường nằm trong các khu vực mà Liên Hiệp Quốc cho rằng có thể đã giúp chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong một bản báo cáo hồi tháng 02/2017, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết đã phát hiện một số người Bắc Triều Tiên nghiên cứu vật lý ở Ý và bốn người nghiên cứu về khoa học vật liệu, kỹ thuật và thông tin điện tử ở Rumani vào năm 2016 sau lệnh cấm. Các trường liên quan đã không hồi âm yêu cầu bình luận của The Wall Street Journal.
Năm 2016, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng hai người Bắc Triều Tiên đã được tập huấn vào năm này, trước khi có lệnh cấm, tại một trung tâm công nghệ vũ trụ của Ấn Độ, nơi tiếp nhận 32 người khác đến tập huấn từ năm 1996, trong đó có một người vừa trở thành nhân vật đứng đầu trung tâm điều khiển vệ tinh của Bình Nhưỡng. Trung tâm Ấn Độ cho biết không còn nhận người Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc thu hút phần lớn nghiên cứu sinh Bắc Triều Tiên
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thu hút phần lớn các nhà khoa học Bắc Triều Tiên du học. Theo thống kê của The Wall Street Journal, dựa trên các số liệu chính thức và dữ liệu từ các trường đại học, tại Trung Quốc, năm 2015 có 1.086 sinh viên Bắc Triều Tiên học sau đại học, so con số 354 sinh viên vào năm 2009 được công bố trong một tài liệu của Bộ Giáo Dục Trung Quốc. Tuy nhiên, tài liệu không cho biết họ đã học ở trường nào và chuyên ngành gì. Phía bộ Giáo Dục Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Trong số những nhà khoa học đầu tiên đến Trung Quốc, có Kim Kyong Sol, từng làm luận văn tiến sĩ về Cơ điện tử (Mechatronics), chuyên ngành giảm chấn từ trường MagneRide (MR), ở Viện Công nghệ Uy Hải (Harbin Institute of Technology, HIT) nổi tiếng của Trung Quốc, hơn một năm sau khi Liên Hiệp Quốc ban hành trừng phạt. Chuyên môn mà ông Kim theo học có thể được sử dụng để ổn định tầu vũ trụ và hấp thụ sốc trong hệ thống phóng tên lửa, kể cả tầu ngầm, cũng như giảm rung động trong ô tô, các tòa nhà và máy bay trực thăng.
Sinh năm 1975, từng học ngành cơ khí ở Bắc Triều Tiên trước khi ghi danh vào Trường Kỹ thuật Cơ điện tử của HIT, ông Kim là một trong những người đầu tiên sang Trung Quốc học trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác mà nhiều trường đại học Trung Quốc đã ký từ năm 2010 với các trường đại học Bắc Triều Tiên, trong đó có hai trường mà các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đánh giá là nguồn cung cấp nhân lực và công nghệ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng : đại học Kim Nhật Thành và đại học Công nghệ Kim Chaek, nơi ông Kim từng theo học.
Viện Công nghệ Uy Hải là một trong những trường kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc và thực hiện nhiều nghiên cứu mật liên quan đến quốc phòng và không gian, cũng như nghiên cứu vì mục đích dân sự. Theo trang web của HIT, trường có quan hệ hợp tác với các trường đại học Kim Nhật Thành và Kim Chaek và đón 12 sinh viên tiến sĩ và sau tiến sĩ Bắc Triều Tiên vào năm 2013. Con số này đã tăng lên thành 28 người vào năm 2015.
Nhân viên của trường HIT cho biết ông Kim và những người Bắc Triều Tiên khác ở trường thường kín tiếng, sống chung trong một căn hộ hai phòng ngủ và hiếm khi giao thiệp với bên ngoài. Các sinh viên Bắc Triều Tiên đều có học bổng của chính phủ Trung Quốc, nên được miễn phí nhà ở và học phí, ngoài ra họ nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 3.000 nhân dân tệ (450 đô la).
Giáo sư Trần Triệu Ba (Chen Zhaobo), một chuyên gia về kiểm soát rung động, từng làm việc cho các dự án quốc phòng và người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của ông Kim Kyong Sol, cho biết, sau bốn năm học tại Uy Hải bằng học bổng của chính phủ Trung Quốc, ông Kim đã về nước vào tháng 06/2017 vì các lệnh trừng phạt được áp dụng ngay trước khi ông Kim bảo vệ luận án tiến sĩ.
Theo ông Trần Triệu Ba, Kim Kyong Sol đã không được tiếp cận với công nghệ quốc phòng bí mật của Trung Quốc, nhưng nghiên cứu của cựu sinh viên này, nếu được phát triển hơn nữa, có tiềm năng sử dụng cho dân sự và quân sự, kể cả trong lĩnh vực không gian. Chính giáo sư Trần Triệu Ba và hai đồng nghiệp khác cùng làm việc với ông Kim đã thông báo về các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cho ông Kim vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2017.
Trước đó, vào tháng 03/2017, nhà khoa học Bắc Triều Tiên Kim Kyong Sol đăng một bài báo nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc, đồng tác giả với bà Vương Hiểu Vũ (Wang Xiaoyu), một kỹ sư thuộc Viện Kỹ thuật Hệ thống Không gian Bắc Kinh, hiện nghiên cứu về các vệ tinh của Trung Quốc và tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc và máy định vị mặt trăng. Bà Vương đã từ chối bình luận.
Sau khi xem xét bài nghiên cứu của ông Kim theo yêu cầu của The Wall Street Journal, ông Katsuhisa Furukawa, thành viên từ năm 2011-2016 của một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc theo dõi các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, kết luận rằng bài viết này rơi vào hạng mục bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Vẫn theo ông Furukawa, những người Bắc Triều Tiên được đào tạo ở nước ngoài học nhiều môn khác nhau và “chắc chắn đóng góp vào sự phát triển kiến thức khoa học và thông tin liên quan đến chương trình đạn đạo”.
Ông David Albright, cựu thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc và là chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, nói rằng điểm chung của các quốc gia đang tìm cách phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt là tìm kiếm kiến thức ở nước ngoài, trong đó có cả việc cử các nhà khoa học đi học và tham dự các hội nghị. Theo ông, các trường kỹ thuật và các chương trình đào tạo của Trung Quốc cung cấp “cơ hội để hòa nhập với những người có thông tin nhạy cảm, ví dụ người Trung Quốc từng tham gia các chương trình quân sự”.
Ít nhất 11 nghiên cứu sinh tiến sĩ Bắc Triều Tiên khác cũng rời trường HIT vào tháng 06/2017, trong khi một số khác chuyển sang các môn không nằm trong lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, như ngành nghiên cứu quản lý.
Mỗi người có thể mang về nước thêm một chút kiến thức chuyên môn. Theo nhân viên và sinh viên trường đại học HIT, sinh viên Bắc Triều Tiên bị nghi là vi phạm quy định của thư viện bằng cách tải hàng chục ngàn tài liệu tờ từ cơ sở dữ liệu thuê bao trong vài tháng gần đây tại ít nhất hai trường Trung Quốc, trong đó có trường HIT. Ngày 16/05/2017, 57.000 tài liệu đã được 9 sinh viên nước ngoài tải về từ khoa Cơ điện tử và các khoa khác ở trường HIT, theo thông báo từ thư viện của trường. Nhân viên và sinh viên của trường cho biết thủ phạm là người Triều Tiên.
Cử các nhà khoa học ra nước ngoài nghiên cứu và đãi ngộ họ, là trung tâm của chính sách tiến bộ song song “Byungjin” của Kim Jong Un, để vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế. Tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên công khai chính sách này ngay sau khi lên nắm quyền thay người cha quá cố vào năm 2011.
Nhiều chuyên gia và chính phủ phương Tây cho biết chính sách “Byungjin” đã giúp Bình Nhưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, gồm các nhà luyện kim để tạo ra các hợp kim mạnh nhưng nhẹ cho tên lửa, các nhà toán học điều chỉnh các tên lửa và các kỹ sư vệ tinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170913-nhung-nha-khoa-hoc-nguyen-tu-bac-trieu-tien-la-ai
Pháp : Hàng trăm ngàn người biểu tình
chống cải cách luật lao động
Theo tổng liên đoàn lao động CGT, trên toàn nước Pháp có gần « nửa triệu người » tham gia 200 cuộc biểu tình thứ Ba 12/09/2017 để phản đối cải cách luật lao động. Bù đắp lại sự chia rẽ trong giới nghiệp đoàn, nhiều sinh viên, học sinh có mặt trong các cuộc tuần hành, nhất là tại Paris.
CGT cho biết có gần 500.000 người tham gia biểu tình trên toàn quốc và nhiều cuộc đình công đã xảy ra chống lại biện pháp cải cách luật lao động bằng sắc lệnh của tổng thống Macron. Bộ Nội Vụ đưa ra con số thấp hơn : 224.000 người trên toàn quốc.
Tại Paris, nhiều sinh viên và học sinh tham gia tuần hành với biểu ngữ « Hãy tự bảo vệ mình ». Quyết định của chính phủ giảm trợ cấp tiền thuê phòng 5 euro mỗi tháng, trong chiều hướng tiết kiệm chung, gây ra một làn sóng phản đối trong giới trẻ còn đi học.
Theo nghiệp đoàn gần gũi với đảng Cộng Sản Pháp, mục tiêu trước mắt là duy trì áp lực với chính phủ qua một phong trào chống đối không suy giảm. CGT kêu gọi xuống đường lần thứ nhì vào ngày 21/09. Một lần nữa, lời kêu gọi này bị đồng nghiệp Lực Lượng Thợ Thuyền – FO từ chối ủng hộ.
Ngược lại, hầu hết các công đoàn lớn nhỏ tại Pháp đồng kêu gọi biểu tình vào ngày 28/09 để chống lại một biện pháp tăng thuế của chính phủ. Gọi tắt là CSG, đây là thuế « đóng góp chung » để chi trả cho hai biện pháp trợ cấp an sinh xã hội và trợ cấp gia đình nghèo. Vấn đề là do thiếu ngân sách, chính phủ của tổng thống Macron muốn những người về hưu có thu nhập tương đối cao đóng góp như những người còn đi làm.
Uỷ Ban Châu Âu muốn kiểm soát đầu tư Trung Quốc
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo một « khuôn khổ »hành động chung kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ các lãnh vực kinh tế chiến lược của Liên Hiệp trước làn sóng xâm nhập của Trung Quốc.
Trong thông điệp đọc tại Nghị Viện Châu Âu, thành phố Strasbourg, hôm 13/09/2017, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị là từ nay « mỗi khi một doanh nhân nước ngoài muốn mua lại một hải cảng chiến lược, một phần của công nghiệp năng lượng hay hạ tầng cơ sở chiến lược và quốc phòng thì dự án đó phải được minh bạch và phải được xem xét kỹ càng và có tranh luận ».
Biện pháp trao thêm quyền hạn cho Bruxelles trong công việc kiểm soát đầu tư quan trọng được ba nước Pháp, Đức và Ý ủng hộ. Trái lại, một số nước nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, do cần tiền để « thoát khủng hoảng tài chính » e rằng biện pháp này sẽ làm giảm đầu tư nước ngoài.
Theo AFP, đề nghị của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đặc biệt nhắm vào Trung Quốc. Qua đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các công ty quốc doanh, bị tố cáo khai gian để mua lại công nghệ tân tiến của đối tác châu Âu với giá rẻ mạt.
Cụ thể là vào năm 2016, chính phủ Đức đã bất lực nhìn tập đoàn Midea của Trung Quốc lấy hết công nghệ « made in Germany » của nhà máy cơ khí Đức Kula với giá có 4,6 tỷ euro.
Tiền Trung Quốc thổi bay ảnh hưởng của Mỹ tại Cam Bốt
Vào lúc chính quyền Cam Bốt và thủ tướng Hun Sen càng lúc càng không ngần ngại lên tiếng đả kích Hoa Kỳ một cách dữ dội hơn, giới quan sát ghi nhận sự trùng hợp của việc tiền bạc của Trung Quốc ngày càng đổ vào xứ Chùa Tháp nhiều hơn, trong những công trình được dễ dàng trông thấy, trong lúc viện trợ của Mỹ dù quan trọng nhưng lại không thấy đâu.
Trong một bài phân tích ngày 13/09/2017, hãng tin Anh Reuters ghi nhận sự cố mới nhất trong quan hệ Mỹ-Cam Bốt, với việc Phnom Penh tố cáo sứ quán Mỹ tại Cam Bốt là đã âm mưu tạo phản cùng với một lãnh đạo đối lập bị chính quyền Hun Sen bắt giam.
Bị cáo buộc, đại sứ quán Mỹ đã cho công bố trên trang web của mình hình một con cá trích đỏ, tiếng Anh là “red herring”, một từ ngữ hàm nghĩa hành động đánh lạc hướng dư luận.
Tiếp theo đó, từ thứ Hai 11/09, đã xuất hiện một số bài viết cụ thể, cho thấy rõ là viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Cam Bốt đã giúp nước này bảo vệ được đền đài và rừng cây của mình.
Các bài viết cũng cố nhấn mạnh sự khác biệt to lớn giữa viện trợ từ Hoa Kỳ và viện trợ từ Trung Quốc, một khoản hỗ trợ mạnh mẽ đã góp phần giúp cho thủ tướng Hun Sen dễ dàng bác bỏ những lời chỉ trích ông về vụ bắt giữ đối thủ chính trị của ông là Kem Sokha.
Theo hãng Reuters, Trung Quốc không chỉ đã vượt xa Mỹ về số tiền đổ vào quốc gia này, mà tiền bạc của Bắc Kinh còn đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy được, và nhất là không kèm theo bất kỳ đòi hỏi nào về cải cách chính trị.
Các số liệu mới nhất về viện trợ cho phát triển tại Cam Bốt cho thấy rõ tầm quan trọng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc chiếm gần 36% trong số 732 tỷ đô la viện trợ song phương cho Cam Bốt cho năm 2016 – gần gấp bốn lần so với Hoa Kỳ.
Sự chênh lệch thậm chí còn cao hơn trong lãnh vực đầu tư. Trung Quốc đã cung cấp gần 30% vốn đầu tư tại Cam Bốt vào năm 2016, trong lúc đầu tư Mỹ chỉ khoảng hơn 3%.
Trái với Trung Quốc, viện trợ của Mỹ hướng nhiều hơn vào các dự án xã hội và cố gắng xây dựng một nền dân chủ – điều mà Hun Sen, nắm quyền tại Cam Bốt từ hơn 30 năm nay không hề mong muốn chút nào.
Một chi tiết cụ thể phản ánh thái độ coi thường Mỹ của chính quyền Phnom Penh : Phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt ông Phay Siphan đã xác định với Reuters rằng « Nhận viện trợ Mỹ không có nghĩa là người Mỹ có thể yêu cầu chúng tôi làm những gì họ muốn. Chúng tôi không phải là đồng minh của họ. Chúng tôi không phải là nô lệ của họ ». Cùng lúc nhân vật này đã khen ngợi Bắc Kinh : « Trung Quốc luôn ủng hộ chúng tôi trong tăng trưởng kinh tế và họ không bao giờ can thiệp vào các quyết định của chúng tôi ».
Nhân một chuyến viếng thăm Cam Bốt gần đây, Vương Gia Thụy, phó chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc, một lãnh đạo có vai vế tại Bắc Kinh, đã khẳng định rằng : « Để đảm bảo an ninh cho Cam Bốt, Trung Quốc sẽ hợp tác với Cam Bốt trong mọi tình huống ».
Theo Reuters, trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh không phải là hoàn toàn vô vị lợi. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã dựa vào Cam Bốt trong các cuộc họp của khu vực Đông Nam Á để đáp lại các chỉ trích về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Còn ngay tại Cam Bốt, quân đội Trung Quốc cũng đã giành được được một chỗ đứng chiến lược.
Tóm lại, ảnh hưởng Trung Quốc đối với Cam Bốt gia tăng nhờ chi viện to lớn, đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ. Tương lai được cho là còn tệ hại hơn đối với Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump lại muốn cắt giảm 70% hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Cam Bốt kể từ năm 2018.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170913-tien-trung-quoc-thoi-bay-anh-huong-cua-my-tai-cam-bot
Hàn Quốc: Có dấu vết phóng xa
từ vụ thử hạt nhân Bắc Triều Tiên
Hàn Quốc ngày 13/09/2017 xác nhận đã phát hiện dấu vết khí xenon, một chất phóng xạ, liên quan đến vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng ngày 03/09, nhưng đồng thời cho biết không thể xác nhận đó là thử nghiệm bom H như Bình Nhưỡng loan báo hay không.
Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia của Ủy Ban An Ninh và An Toàn hạt nhân của Seoul đã phát hiện dấu vết của khí xenon-133 ở vùng đông bắc Hàn Quốc và bốn nơi khác ở bờ biển phía đông.
Theo một viên chức của ủy ban, rất khó xác định cường độ vụ thử nghiệm với lượng khí xenon được phát hiện, nhưng có thể khẳng định là nó đến từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, viên chức này cũng trấn an là không có gì nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe dân chúng.
Mạnh gấp 16 lần bom thả xuống Hiroshima
Theo trang web 38 North của đại học John Hopkins tại Washington, cường độ quả bom mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm ngày 03/09 lên đến 250 kiloton, tức gấp 16 lần sức mạnh của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945.
Đánh giá trên cao hơn nhiều so với những đánh giá chính thức đưa ra đến hôm nay : Seoul nói đến 50 kiloton, Tokyo ước lượng 160 kiloton, ngay trang web 38 North trước đó chỉ cho là hơn 100.
Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết vẫn đang thẩm định xem có đúng là bom H đã được thử nghiệm như Bắc Triều Tiên loan báo hay không. Khả năng này được cho là hoàn toàn có thể xẩy ra.
Theo Bình Nhưỡng, quả bom H thử nghiệm đủ nhỏ để có thể được gắn vào đầu tên lửa.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170913-han-quoc-xac-nhan-dau-vet-phong-xa-tu-vu-binh-nhuong-thu-hat-nhan
Hàn Quốc tập trận với tên lửa hành trình
Quân đội Hàn Quốc ngày 13/09/2017 xác nhận là họ vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên, sử dụng đến loại tên lửa hành trình không đối địa hiện đại. Mục tiêu là nhằm tăng cường khả năng tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên trong trường hợp khủng hoảng bùng lên.
Theo hãng tin Mỹ AP, trong một cuộc tập trận diễn ra ngày 13/09, một tên lửa Taurus, phóng đi từ chiến đấu cơ F-15, đã vượt qua những trở ngại ở độ cao thấp trước khi chạm đúng mục tiêu ngoài khơi bờ biển phía tây của Hàn Quốc.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết đó là loại tên lửa do hãng Taurus Systems của Đức chế tạo, có tầm hoạt động tối đa 500 km và được trang bị các đặc tính tàng hình, cho phép tránh được ra-đa của đối phương trước khi bay đến các mục tiêu của Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc đang nỗ lực tăng cường năng lực quân sự của mình trong bối cảnh đối thủ Bắc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm bom nguyên tử, mà vụ nổ mới nhất hôm 03/09 được đánh giá là có cường độ mạnh nhất từ trước đến nay.
Chỉ ít lâu sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bắc Triều Tiên, Seoul tuyên bố đạt được thỏa thuận với Washington để loại bỏ các giới hạn trọng lượng đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc, mà theo một nguyên tắc song phương có thể có tầm bắn tối đa là 800 km.
Một cuộc tấn công phủ đầu vào Bắc Triều Tiên rất khó thực hiện, nhưng lại được xem là thực tế nhất trong số các lựa chọn quân sự hạn hẹp của Seoul nhằm chống lại một cuộc tấn công hạt nhân từ đối thủ.
Bắc Triều Tiên tiếp tục thách thức Liên Hiệp Quốc
Hàn Quốc tập trận bắn tên lửa hành trình trong bối cảnh Bắc Triều Tiên tiếp tục có lời lẽ thách thức cộng đồng quốc tế.
Ngày 13/09, Bình Nhưỡng lại đe dọa đẩy mạnh các chương trình quân sự bị quốc tế nghiêm cấm để đối phó với các biện pháp trừng phạt bị Bắc Triều Tiên gọi là « tàn ác », vừa được Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành sau vụ thử hạt nhân thứ sáu của Bình Nhưỡng.
Thứ Hai 11/09, Hội Đồng Bảo An đã nhất trí áp đặt một loạt lệnh trừng phạt thứ tám nhắm vào Bắc Triều Tiên, nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí bị cấm.
Xe lửa cao tốc Nhật thắt chặt quan hệ Tokyo-New Delhi
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị đặt viên đá đầu tiên xây tuyến tàu hỏa cao tốc đầu tiên của Ấn Độ. Đến New Delhi vào ngày 13/09/2017, thủ tướng Nhật công du Ấn Độ nhằm thắt chặt quan hệ, làm đối trọng với ảnh hưởng Trung Quốc.
Theo AFP, tuyến tàu hỏa cao tốc đầu tiên do Nhật Bản sắp xây dựng tại Ấn Độ dài 508 km, nối liền bang Gujarat, quê hương của thủ tướng Modi, và cũng là một vùng trù phú, đến thủ đô kinh tế Bombay.
Đây chỉ là bước đầu trong dự án canh tân hệ thống chuyên chở công cộng lạc hậu, quá tải và thường xảy ra tai nạn tại quốc gia đông dân hạng nhì thế giới. Trung bình mỗi năm, 15.000 người chết vì tai nạn đường sắt.
Do Tokyo và New Delhi tìm cách tăng cường quan hệ cùng đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, dự án xe hỏa 350 km/giờ sẽ tạo thêm cơ hội cho các mối hợp tác khác, từ kinh tế đến ngoại giao. Tổng số vốn dự án này lên đến 19 tỷ đô la, 85% được Nhật Bản cho vay với lãi suất thấp.
Buổi lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức vào thứ Năm, ba ngày trước sinh nhật 67 tuổi của thủ tướng Ấn Độ (Chủ Nhật 17/09). Giới phân tích xem đây là « chiến thuật ngoại giao sinh nhật » của ông Modi. Cũng vào thời điểm này, năm 2014, New Delhi tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo nhà phân tích độc lập Rajrishi Singhal, quan hệ Nhật-Ấn là chiến lược chống lại chính sách bá quyền của Bắc Kinh. Nhật Bản và Ấn Độ trong thời gian gần đây thắt chặt hợp tác về an ninh và tập trận chung trên biển.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170913-xe-lua-cao-toc-nhat-ban-that-chat-quan-he-tokyo-new-delhi-0
Olympic 2024 : Paris “hồi hộp” chờ tin từ CIO
Ngày 13/09/2017, tại thủ đô Lima của Peru, sau khi nghe 25 phút trình bày cuối cùng, các thành viên của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế sẽ biểu quyết công khai bằng cách giơ tay để chính thức chọn hai thành phố tiếp nối nhau tổ chức Thế Vận Hội 2024 và 2028. Los Angeles chọn năm 2028. Thời điểm còn lại, 2024, sẽ vào tay Paris.
Từ Lima, thông tín viên RFI Christophe Diremszian tường thuật :
« Vào trưa nay, tại Lima, tâm trạng « hồi hộp » chờ tin vui được biết trước sẽ kết thúc khi Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đưa tay biểu quyết. Paris và Los Angeles sẽ được phân bổ chia nhau tổ chức Thế Vận Hội 2024 và 2028, cho dù còn phải tôn trọng nghi thức và một loạt thủ tục.
Trước hết là phải trình bày nội dung thỏa hiệp đạt được cách nay ba tháng tại Lausanne. Trong thỏa hiệp ký ngày 31/07/2017, hai thành phố dàn xếp với nhau, Los Angeles quyết định tổ chức Thế Vận sau Paris 4 năm.
Thủ tục tiếp theo là biểu quyết bản báo cáo của Ủy ban thẩm định các thành phố dự tuyển. Sau đó, mỗi thành phố được 25 phút, thay vì tới 45 phút theo tiến trình bình thường, để trình bày ưu điểm của mình.
Paris có 8 nhân vật đứng lên bênh vực, quảng bá. Trong số này có cầu thủ Brazil, Neymar, mới đầu quân cho câu lạc bộ Paris Saint-Germain, với thông điệp video bằng tiếng Pháp .
Bài diễn văn đúc kết của mỗi bên, từ khi có thỏa hiệp Lausanne, không mang tính đối đầu, tranh đua, mà sẽ tập trung vào tinh thần liên đới giữa hai thành phố đối tác trong phong trào thế vận.
Cuối cùng là đến câu hỏi then chốt : Ủy Ban CIO có đồng ý thỏa hiệp Paris và Los Angeles hay không. Câu trả lời chắn chắn là « Có ». Khi đó, tượng đài 5 vòng tròn biểu tượng của phong trào thế vận tại quảng trường Trocadero sẽ được trình làng, khai mào cho một cuộc phiêu lưu mới trong 7 năm tới ».
http://vi.rfi.fr/phap/20170913-jo-2024-paris-hoi-hop-cho-tin-chinh-thuc-tu-uy-ban-the-van-cio
Thế mạnh của Paris 2024: Đã có sẵn nhiều cơ sở
Một trong những thế mạnh của Paris trong việc đăng cai Thế vận hội 2024 : đa số các cơ sở thể thao đã có sẵn và nơi diễn ra các sự kiện, các cuộc thi đấu thì đã được biết trước.
Chẳng hạn như lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2024 sẽ diễn ra ở sân vận động Stade France, các cuộc tranh tàu như đấu kiếm và taekwondo ở Grand-Palais (Cung điện lớn), bóng ném ở khu triển lãm Porte de Versailles, nhu đạo và bóng rổ ở rạp AccorHotels Arena… Bây giờ, chỉ cần xây thêm hai cơ sở lớn đó là làng Olympic và trung tâm bơi lội, gần sân vận động Stade de France.
Làng Olympic sẽ được xây dựng ở ngoại ô phía Bắc Paris, trên một diện tích khoảng 50 ha, để đón tiếp tổng cộng 17.000 vận động viên và quan chức thể thao. Với ga tương lai Pleyel, một « nút » giao thông quan trọng, không kém gì Chatelet- Les Halles ở trung tâm Paris, từ làng Olympic, mọi người sẽ đến được đa số các địa điểm thi đấu trong vòng chưa tới 30 phút.
Giao thông cũng chính là một thế mạnh khác của Paris. Theo lời ông Antony Piqueras, giám đốc kỹ thuật của Paris 2024, các chuyên gia của Ủy ban Thế vận Quốc tế rất hài lòng với hệ thống giao thông công cộng dày đặc và có chất lượng của thủ đô Pháp.
Sẽ không bỏ phí các cơ sở thể thao
Một điểm đáng chú ý khác, đó là sau khi kết thúc Thế vận hội 2024, các cơ sở thể thao sẽ không bị bỏ phí. Chẳng hạn như làng Olympic mà sẽ được chuyển thành khu nhà ở cho người dân, trong đó có cả nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng thời sẽ là nơi đặt cơ sở cho các công ty khởi nghiệp (start-up) và một số dịch vụ công.
Trung tâm bơi lội, kế bên làng Olypmic, có thể đón tiếp đến 15.000 khán giả trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Sau khi kết thúc các cuộc tranh tài, trung tâm này sẽ được chuyển thành hồ bơi công cộng cho người dân và học sinh các trường trong khu vực và như vậy đồng thời sẽ giải quyết luôn tình trạng thiếu hồ bơi tại vùng ngoại ô Bắc Paris.
Một cơ sở thể thao khác cũng có thể sẽ ra đời theo nhu cầu của Thế vận hội 2024, đó là một sân thi đấu thứ hai ở khu Paris Bercy, với sức chứa 8.000 người, sẽ được dùng làm nơi thi đấu bóng rổ và các môn đấu vật. Trong tương lai, đây là nơi để đội bóng ném của Paris tranh tài trong giải vô địch Pháp và có thể sẽ là cơ sở để hình thành một câu lạc bộ bóng rổ cho thủ đô Pháp.
Trong khi đó, nhiều cơ sở thể thao phục vụ cho Thế vận hội sẽ được dỡ bỏ sau khi kết thúc các cuộc tranh tài, như sân thi đấu bóng chuyền, có sức chứa 12.000 chỗ, sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn sau Paris 2024.
http://vi.rfi.fr/phap/20170913-the-manh-cua-paris-2024-da-co-san-nhieu-co-so
Singapore có nữ tổng thống đầu tiên
Ngày 13/09/2017, bà Halimah Yacob, cựu chủ tịch Quốc Hội Singapore, đã chính thức được chỉ định làm tổng thống Singapore mà không cần thông qua bỏ phiếu. Lý do là tất cả các đối thủ của bà đều bị bác đơn ứng cử do không hội đủ các điều kiện đòi hỏi. Bà đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Singapore, một chức vụ chỉ có giá trị tượng trưng.
Việc chọn tổng thống cho Singapore do một cơ quan chính phủ đảm trách, và chính quyền Singapore đã quyết định trước là chức tổng thống nhiệm kỳ này được dành cho người thiểu số gốc Mã Lai. Trên cơ sở đó, trong số 4 đối thủ của bà Halimah, 2 người đã bị loại vì không thuộc gốc Mã Lai, hai người còn lại – Salleh Marican và Farid Khan – dù là người gốc Mã Lai, nhưng lại không hội đủ điều kiện về nghề nghiệp, tức là phải đứng đầu một công ty trị giá hơn 500 triệu đô la.
Bà Halimah Yacob là ai ? Thông tín viên RFI tại Singapore, Margaux Bédé cho biết:
Trước khi làm nguyên thủ quốc gia, bà Halimah Yacob, 63 tuổi, là chủ tịch Quốc Hội từ 2013 đến 2017. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Xuất thân từ luật sư, bà bắt đầu tham gia hoạt động chính trị lần đầu tiên vào năm 2001 khi đắc cử vào Quốc Hội. Mười năm sau, bà giữ chiếc ghế bộ trưởng Thanh Niên và Thể Thao, rồi bộ trưởng Gia Đình.
Là người theo đạo Hồi và gốc Mã Lai, bà Hamilah Yacob mang khăn trùm đầu Hồi Giáo, nhưng từ trước đến nay, bà luôn chống lại xu hướng Hồi Giáo cực đoan. Nguồn gốc xuất thân của bà từng là chủ đề tranh cãi sôi nổi, vì bà là con gái một người gác đêm gốc Ấn Độ. Bà đã phải ra sức chứng minh là bà thật sự thuộc cộng đồng người Mã Lai của Singapore.
Và năm nay, lần đầu tiên, cuộc bầu cử được dành cho ứng viên người Mã Lai. Đây là điểm mới, sau cuộc cải tổ năm 2016 nhằm bảo đảm cho đại diện những cộng đồng sắc tộc khác nhau có thể lần lượt giữ ghế nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Singapore cuối cùng người gốc Mã Lai là Yusof Ishak, nhiệm kỳ 1965-1970.
Bà Halimah Yacob sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/09, cho một nhiệm kỳ 6 năm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170913-singapore-lan-dau-tien-mot-phu-nu-tro-thanh-tong-thong