Tin Biển Đông – 13/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 13/09/2017

Tàu ngầm Trung Quốc thăm cảng Malaysia

Một tàu ngầm Trung Quốc vừa cập cảng Malaysia. Đây là chuyến thăm thứ hai của tàu Trung Quốc trong năm nay tới đất nước Đông Nam Á này, giữa lúc các cường quốc phương Tây bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi hàng năm có gần 3 nghìn tỷ đôla hàng hóa lưu thông. Các nước Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền khu vực này.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia về các tuyên bố chủ quyền chồng chéo dường như đã dịu bớt sau khi Malaysia hồi tháng 11 đồng ý mua 4 tàu hải quân Trung Quốc và cam kết với Bắc Kinh sẽ giải quyết song phương các tranh chấp trên Biển Đông.

Hải quân Hoàng gia Malaysia đã xác nhận chuyến thăm của tàu ngầm Trung Quốc, cập cảng tại căn cứ hải quân Sepanggar ở bang Sabah trên đảo Borneo từ thứ Sáu 8/9 đến thứ Hai 11/9.

Tổng tư lệnh Hải quân Hoàng gia Malaysia Đô đốc Ahmad Kamarulzaman Ahmad Badaruddin cho biết việc chào đón các chuyến viếng thăm của hải quân nước ngoài là theo thủ tục tiêu chuẩn quốc tế, “dựa theo yêu cầu của từng quốc gia và sau khi được thông qua kênh ngoại giao.”

Ông nói với hãng Reuters: “Đây là một phần nỗ lực của chúng tôi để tăng cường ngoại giao quốc phòng và tăng cường quan hệ song phương.”

Theo tạp chí quốc phòng Jane’s 306, chiếc tàu ngầm này do một tàu hải quân Trung Quốc hộ tống và sẽ quay về Trung Quốc sau khi tiến hành các sứ mệnh hộ tống ở Vịnh Aden.

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, vào tháng Giêng năm nay, một tàu ngầm của Trung Quốc đã cập cảng Sepanggar. Đây là chuyến thăm tàu ngầm ra nước ngoài lần thứ hai được Trung Quốc xác nhận.

Các tàu chiến Trung Quốc cũng đã thăm cảng Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Việc này khiến đối thủ khu vực của Trung Quốc là Ấn Độ lo ngại.

Nguồn: Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/tau-ngam-trung-quoc-tham-cang-malaysia/4027102.html

 

Mỹ Tuần Tra Eo Biển Đài Loan

Vi Anh

Ai bảo chánh quyền Mỹ thời TT Trump quá bận đối phó với CS Bắc Hàn ở Biển Hoa Đông nên lơ là với Biển Đông. Không đúng,  thời sự và sự kiện cho thấy Mỹ kiên trì bảo vệ Á châu Thái bình dương [ACTBD] là diện và Biển Đông là điểm. Mỹ tăng cường thực hiện chiến dịch  tuần tra, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không là quyền lợi cốt lõi tức quyền lợi quốc gia của Mỹ và cũng là quyền lợi của các nước được quốc tế công nhận trong Luật Biển. Chẳng những Mỹ tăng cường tuần tra ở Biển Đông còn xông ra Eo Biển Đài Loan mà Mỹ đã bỏ trống từ năm 1972.

Một, chánh quyền Trump tăng cường nhịp độ và cường độ chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải – viết tắc tiếng Anh là FONOPS – một cách đều đặn, sâu sát, thường xuyên hơn ở Biển Đông. TT Trump, trong 6 tháng đầu cho chiến hạm tuần tra ba lần vào bên trong 12 hải lý của những đảo TC đã chiếm của các nước và các bãi đá TC cơi nới để tuyên bố chủ quyền. Các chuyến tuần tra này, có thể gọi là chiến dịch thực sự, với đầy đủ các hoạt động bình thường trên một tàu chiến, chứ không phải là những chuyến hải hành theo thủ tục qua lại vô hại (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm đi vào vùng lãnh hải của nước khác.

Tin nhật báo Mỹ The Wall Street Journal số ra ngày 02/09/2017, bộ Quốc Phòng Mỹ dự trù  tuần tra độ 2 hoặc 3 chuyến mỗi tháng trên vùng Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải tại vùng biển đang tranh chấp mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. Chánh quyền Trump muốn tỏ thái độ kiên định hơn đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thay vì tiếp tục đối phó theo từng trường hợp như chính sách của chính quyền Barack Obama trước đây.

Tướng Terrence O’Shaughnessy, tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tuyên bố rằng khả năng phòng thủ của quân đội Mỹ vẫn nguyên vẹn. Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.  Mỹ sẽ vẫn duy trì các chiến dịch tại vùng Biển Đông mà TC đang tranh chấp với các nước láng giềng.

Đô đốc Swift cho biết có 140.000 người  hoạt động trong hạm đội Thái binh dương mỗi ngày, 60% hải lực Mỹ dành cho cho hạm đội Thái bình dương.

Tin AFP, hôm 14/06/2016 cho biết Mỹ cũng đã điều thêm Hạm đội 3 tăng cường cho Hạm đội 7. Đây là một chuyển quân lớn chưa bao giờ Mỹ làm dù ngay thời Chiến Tranh Lạnh, Chiến tranh VN, Mỹ phải đối phó với ba kẻ thù CS Liên xô, Trung Quốc và CS Bắc Việt.

VNCS dù cùng ý thức hệ CS với TC vẫn uốn mình qua ngõ hẹp của TC ngăn cản không cho CSVN xích lại gần Mỹ. Qua hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng kế tiếp Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc công du Mỹ khá thành công trong phát triển hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ và Nhựt, Nhựt tặng cho một gói đầu tư 22 tỷ Mỹ kim. Rồi Bộ Trưởng Quốc Phòng VNCS Ngô Xuân Lịch công du Mỹ, trong ba ngày, từ 7 đến 10 tháng 8, theo lời mời của Bộ Trưởng QP Mỹ Jim Mattis. Tướng Mattis tiếp người đồng nhiệm của VNCS long trọng tại Ngũ Giác Đài. Hai vị lãnh đạo quốc phòng hai nước đồng ý các công tác gia tăng hợp tác quốc phòng, bao gồm chuyến viếng thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam vào năm tới, gia tăng hợp tác hải quân, và gia tăng chia sẻ thông tin. Mỹ sẽ chuyển giao một khu trục hạm cũ tân trang của Tuần Duyên Mỹ cho Hà Nội, để Việt Nam gia tăng tuần tra vùng biển của mình. Washington cũng đề nghị Hà Nội cho lưu trữ những thiết bị trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mà trước mắt là về các thiết bị liên quan đến công tác.

Còn VNCS  phản đối TC tập trận bắn đạn thiệt ngoài Biển Đông. Và CSVN phản ứng, tiến hành phóng thử hoả tiễn mua Israel và sau đó mở một đợt huấn luyện trên biển với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát cơ động. Diễn biến này  dẫn tới nhận định rằng Hà Nội đang tìm cách phát tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh “đe dọa hành động quân sự nếu Hà Nội tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính ở Trường Sa”.

Hai, chẳng những tăng cường chiến dich tuần tra Biển Đông Mỹ mới đây còn xông tới Eo Biển Đài Loan nữa. Mỹ siết chặt tương quan quận sự với Đài Loan. Quốc Hội Mỹ xả cảng cho chiến hạm Đài loan “ghé, đậu” ở các quân cảng của Mỹ, và chiến hạm của Mỹ được vào ra Cảng Cao Hùng của Đài loan. Ngoài ra trước đó Quốc Hội cũng đồng ý cho Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cả tỷ rưỡi Mỹ kim. TC phản đối kịch liệt, Mỹ phớt tỉnh Ang-lê.

Hồi trung tuần tháng 7, Hải quân Mỹ đã  thăm dò, cho tàu khu trục lớp Arleigh Burke và các tàu chiến Đài Loan theo dõi hàng không mẫu hạm duy nhứt  Liêu Ninh của TC đi qua eo biển Đài Loan. Mỹ cũng cho một tàu lặn nguyên tử  tới vùng biển gần Đài Loan để thu thập thông tin tình báo nhưng nó không vào eo biển. Các tàu hải quân Mỹ vào eo biển Đài Loan là điều hiếm khi xảy ra, thể hiện ý nghĩa quan trọng về quân sự và chính trị. Eo biển rộng 160 km, nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Bây giờ Mỹ công bố Hải Quân Mỹ xông tới Đài loan. Tin này đã lập tức được nhiều nhà quan sát hoan nghênh, và đã có ý kiến cho rằng Washington nên áp dụng chiến lược cả cho vùng eo biển Đài Loan, nơi mà quyền tự do hàng hải cũng đang bị Bắc Kinh khống chế.

Như đã biết trước năm 1972, Hạm Đội 7 vẫn hoạt động tại vùng eo biển Đài Loan mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Thế nhưng từ năm 1972, sau khi tổng thống Mỹ Nixon tỏ thiện chí với Mao Trạch Đông bằng cách cho triệt thoái tàu Mỹ khỏi khu vực eo biển Đài Loan, Hải Quân Mỹ hầu như vắng bóng ở nơi này cho đến tận năm 1995.

Trung Quốc hai lần bắn tên lửa về phía Đài Loan để thị uy, và tổng thống Mỹ thời đó là Bill Clinton đã hai lần loan báo phái hàng không mẫu hạm đến Eo Biển Đài Loan. Nhưng trong cả hai lần, sau khi bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, thậm chí đe dọa «biển lửa bùng lên» nếu tàu Mỹ đi vào eo biển, Washington đã lùi bước, qua đó thừa nhận trong thực tế là cần được Trung Quốc cho phép khi sử dụng eo biển. Trong cả thập kỷ tiếp theo, tàu hải quân Mỹ hầu như tránh khu vực này.

Ba và sau cùng, Trên trang mạng tạp chí The Diplomat của Nhật Bản, Chuyên gia phân tích Joseph Bosco, nguyên giám đốc phụ trách Trung Quốc tại bộ Quốc Phòng Mỹ trong hai năm 2005/2006, ngày 07/09/2017 cho rằng chính quyền Mỹ Obama đã ngần ngại không dám thách thức yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, do đó rất có thể là cũng đã hạn chế hoạt động của Hải Quân Mỹ tại eo biển Đài Loan, dù đó là một vùng biển quốc tế.

Qua thời TT Trump, Hải Quân Mỹ kể như đã tái lập lại luật biển quốc tế ở Biển Đông, và cũng nên áp dụng cùng một cách tiếp cận để đi qua eo biển Đài Loan, một trường hợp điển hình khác về việc quyền tự do hàng hải bị Trung Quốc giới hạn, nhưng Mỹ trong quá khứ lại ngần ngại, không dám thách thức.

Chuyên gia Bosco kết luận: Với chính sách tuần tra của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông đã rõ ràng với chính quyền Trump, đã đến lúc Mỹ cần khẳng định các lợi ích của Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan, nên áp dụng chiến lược cả cho vùng eo biển Đài Loan, nơi mà quyền tự do hàng hải cũng đang bị Bắc Kinh khống chế. Và dĩ nhiên Đài Loan rất hoan nghinh được Mỹ bảo đảm an ninh và hậu thuẫn cho nền dân chủ Đài Loan./.(VA)

https://vietbao.com/p122a272094/my-tuan-tra-eo-bien-dai-loan