Tin khắp nơi – 09/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 09/12/2017

Quốc hội Mỹ ‘rối loạn’ vì ba vụ từ chức

Dân biểu Hoa Kỳ Trent Franks là người thứ ba trong Quốc hội Mỹ từ chức chỉ trong vòng ba ngày.

Mỹ: Tòa Tối cao cho lệnh cấm vào Mỹ có hiệu lực

Mỹ: Cố vấn an ninh Flynn từ chức

Ông thông báo từ chức trong lúc có điều tra cáo buộc quấy rối tình dục.

Ông Franks, dân biểu Cộng hòa bang Arizona kể từ năm 2003, thừa nhận ông đã nói chuyện với hai nữ trợ lý về việc tìm người mang thai hộ.

Hãng tin AP nói một cựu trợ lý tố cáo ông đề nghị cho cô 5 triệu đôla để mang thai hộ, và liên tục thúc giục cô.

Ủy ban Đạo đức Hạ viện hôm Thứ Năm mở một cuộc điều tra về những cáo buộc quấy rối tình dục đối với ông Franks.

Mới trong tuần này, hai dân biểu đảng Dân chủ đã phải từ chức.

Dân biểu John Conyers của bang Michigan thông báo hôm thứ Ba rằng ông sẽ ra đi vì những cáo buộc quấy rối tình dục.

Vài giờ trước loan báo của ông Franks, Thượng nghị sĩ bang Minnesota Al Franken cũng nói sẽ từ chức vì cáo buộc quấy rối.

Phóng viên BBC Anthony Zurcher, Washington, nhận định:

“Thử thách thật sự sẽ đến khi cử tri đi bỏ phiếu mấy tháng tới.

Liệu họ sẽ bắt các nghị sĩ phải giải trình? Câu trả lời sẽ giúp xác định liệu phong trào #MeToo chỉ là tạm thời hay nó sẽ định hình lại căn bản cả cấu trúc quyền lực Washington.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42290966

 

Đại sứ Mỹ nói LHQ ‘thù địch với Israel’

Bà tuyên bố tổ chức này “là một trong những trung tâm lớn nhất thế giới đầy hằn thù với Israel”.

Trump và Jerusalem: Đã có đụng độ

Ảrập Saudi lên án tuyên bố của Trump

Bà Haley phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Quốc tế đã mạnh mẽ phê phán quyết định này, và xảy ra đụng độ tại Bờ Tây.

Hai người Palestine thiệt mạng sau khi Israel nổ súng vào đám đông ở Gaza trong đụng độ hôm thứ Sáu.

Đại sứ Haley tuyên bố quyết định của Mỹ “công nhận điều rõ rệt là Jerusalem là thủ đô Israel”.

Bà nói LHQ có thiên vị: “Israel sẽ không bao giờ và không nên bị ép phải chấp nhận thỏa thuận của LHQ hay bất kỳ nhóm quốc gia nào đã chứng tỏ không quan tâm an ninh của Israel”.

Jerusalem chiếm vị trí quan trọng đối với cả Israel và Palestine. Nơi đây bao gồm những vùng đất thiêng liêng của 3 dòng đạo lớn – đạo Do thái, đạo Hồi và đạo Thiên chúa.

Chủ quyền của Israel đối với Jerusalem chưa bao giờ được quốc tế công nhận, và tất cả các nước đặt Đại sứ quán của mình tại Tel Aviv.

Đông Jerusalem, bao gồm Thành phố cổ, được sáp nhập bởi Israel sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, nhưng cho đến nay nó vẫn không được quốc tế công nhận là một phần của Israel.

Theo Hòa ước Israel – Palestine năm 1993, hiện trạng cuối cùng của Jerusalem cần được đàm phán ở những cuộc đối thoại hòa bình về sau.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42290926

 

Một phụ tá cao cấp của Trump từ chức vào đầu năm sau

Phó cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Dina Powell, dự định từ chức vào năm sau nhưng sẽ tiếp tục có một vai trò trong ngoại giao Trung Đông, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Sáu.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết bà Powell, một nhân vật chủ chốt trong các nỗ lực ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông, lâu nay vẫn có kế hoạch chỉ lưu lại Nhà Trắng một năm và sau đó trở về nhà của bà ở New York.

Bà Powell có thể là một trong một số quan chức chính quyền rời đi vào mốc thời điểm một năm nắm quyền của ông Trump. Những đồn đoán đã tập trung vào Ngoại giao Rex Tillerson, người mà các quan chức nói là có thể được thay thế bởi giám đốc CIA Mike Pompeo, và cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn cũng có thể sẽ rời đi.

Người thay thế bà Powell có phần chắc sẽ là Nadia Schadlow, một phụ tá trong Hội đồng An ninh Quốc gia đã làm việc với bà Powell về một chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần nữa, Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền cao cấp cho biết.

Bà Powell là một trong những người thuộc nhóm thân cận của ông Trump và là phụ tá chính cho Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster. Bà tham gia vào công tác ngoại giao khắp Trung Đông với cố vấn cao cấp của ông Trump và con rể, Jared Kushner.

“Dina đã làm việc rất tốt cho chính quyền và là một thành viên có giá trị trong đội ngũ hòa bình Israel-Palestine. Bà ấy sẽ tiếp tục đóng một vai trò chủ chốt trong các nỗ lực hòa bình của chúng tôi và chúng tôi sẽ chia sẻ thêm chi tiết về điều đó trong tương lai,” Kushner nói trong một thông cáo.

Việc ông Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã bị lên án khắp thế giới Ả-rập.

Đội ngũ của ông đang nỗ lực tạo ra một khuôn khổ cho một thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine tiềm năng mà các phụ tá nói có thể được công bố vào đầu năm sau.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-phu-ta-cao-cap-cua-trump-tu-chuc-vao-dau-nam-sau/4156322.html

 

Dân biểu Mỹ từ chức vì cáo buộc quấy rối tình dục

Dân biểu Hoa Kỳ Trent Franks cho biết ông sẽ từ chức ngay lập tức khỏi Quốc hội, thay vì ngày 31 tháng 1 như ông ta đã định ra trước đó theo sau một loan báo về một cuộc điều tra những cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào ông.

“Đêm qua, vợ tôi đã nhập viện ở Washington, D.C., vì một căn bệnh đang diễn tiến. Sau khi thảo luận về các lựa chọn với gia đình, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng điều tốt nhất cho gia đình của chúng tôi bây giờ sẽ là tôi trình đơn xin từ chức trước đó của tôi có hiệu lực ngày hôm nay, 8 tháng 12 năm 2017,” ông Franks nói trong một thông cáo qua email.

Tối thứ Năm, ông Franks, người làm dân biểu của một một khu vực bầu cử ở thành phố Phoenix bang Arizona kể từ năm 2003, ra một thông cáo nói rằng có hai người phụ nữ trong đội ngũ nhân viên của ông phàn nàn rằng ông đã thảo luận với họ về những nỗ lực của ông tìm một người mẹ mang thai hộ, nhưng ông phủ nhận ông từng “đe dọa về thể chất, cưỡng ép, hoặc có, hoặc định có, bất kỳ quan hệ tình dục nào với bất kỳ người nào trong đội ngũ nhân viên của tôi.”

Trang tin Politico hôm thứ Sáu dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng không rõ liệu ông Franks hỏi về việc thụ thai thông qua giao cấu hay là thụ tinh trong ống nghiệm.

Hãng tin AP đưa tin một phụ tá cũ của ông Franks nói nghị sĩ này đã đề nghị đưa cho cô ta 5 triệu đôla để mang thai hộ cho ông.

Ủy ban Đạo đức Hạ viện hôm Thứ Năm cho biết đã mở một cuộc điều tra về những cáo buộc quấy rối tình dục đối với ông Franks.

Nhà lập pháp 60 tuổi này cũng nói rằng ông và vợ ông “lâu nay đã chật vật với chứng vô sinh.”

Sự ra đi của ông Franks xảy ra chỉ vài ngày sau khi Dân biểu Đảng Dân chủ John Conyers của bang Michigan loan báo về hưu ngay lập tức giữa các cáo buộc quấy rối tình dục mà ông phủ nhận.

Hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ bang Minnesota Al Franken phát biểu trên sàn Thượng viện rằng ông cũng sẽ từ chức giữa những cáo buộc quấy rối tình dục.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-tu-chuc-vi-cao-buoc-quay-roi-tinh-dic/4156318.html

 

Người tị nạn vào Mỹ giảm mạnh dù Trump bỏ lệnh cấm

Vào cuối tháng 10, Tổng thống Donald Trump bãi bỏ lệnh cấm tạm thời đối với những người tị nạn nhập cảnh Mỹ, một quyết định mà lẽ ra đã dọn đường cho nhiều người lánh sự bức hại và bạo lực được tới Mỹ.

Thay vào đó, số người tị nạn được nhận vào Mỹ lại sụt giảm mạnh. Trong vòng năm tuần sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, số người được phép nhập cảnh ít hơn 40 phần trăm so với số người được phép nhập cảnh trong năm tuần cuối cùng khi mà lệnh cấm vẫn còn được áp dụng, theo một phân tích số liệu của Bộ Ngoại giao mà hãng tin Reuters thực hiện.

Khi dỡ bỏ lệnh cấm, ông Trump đã ban hành các quy định mới rà soát gắt gao hơn những người nộp đơn và trên thực tế cũng ngừng, ít nhất là cho đến bây giờ, cho phép người tị nạn từ 11 quốc gia có nguy cơ cao được nhập cảnh. Hành động thứ hai đã góp phần đáng kể vào sự sụt giảm mạnh số lượng người tị nạn được nhận vào, Reuters cho biết.

Reuters nói số liệu cho thấy những hạn chế mới của chính quyền Trump cho thấy chúng là rào cản còn lớn hơn lệnh cấm tạm thời của ông, đã được hạn chế phạm vi bởi Tòa án Tối cao.

Số liệu của Bộ Ngoại giao cho thấy những người tị nạn được phép nhập cảnh cũng thay đổi. Một số lượng nhỏ hơn rất nhiều là người Hồi giáo. Khi lệnh cấm này còn được áp dụng, người Hồi giáo chiếm một phần tư số lượng người tị nạn. Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, họ chỉ chiếm dưới 10 phần trăm.

Reuters nói những người được cho phép nhập cảnh trong khoảng thời gian năm tuần là một mẫu nhỏ để rút ra kết luận bao quát, và con số người tái định cư thường tăng lên sau đó trong năm tài chính, bắt đầu vào tháng 10. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh này đã gây báo động cho những người vận động vì người tị nạn.

“Họ gần như đang dẹp chương trình tị nạn mà không phải nói đó là điều mà họ đang làm,” Eric Schwartz, chủ tịch tổ chức Người tị nạn Quốc tế, nói: “Họ đã thành thạo hơn trong việc sử dụng những phương pháp quan liêu và các lập luận an ninh quốc gia để đạt được những mục tiêu xấu xa và không thể biện minh được.”

Các quan chức chính quyền Trump nói lệnh cấm tạm thời đối với người tị nạn và các thủ tục an ninh mới theo sau là nhằm bảo vệ người Mỹ khỏi những vụ tấn công khủng bố tiềm năng.

Những người ủng hộ hành động của chính quyền cũng lập luận rằng chương trình người tị nạn cần cải cách và việc làm cho nó nghiêm ngặt hơn cuối cùng sẽ củng cố nó.

“Chương trình này cần phải được thắt chặt,” Joshua Meservey, nhà phân tích chính sách cao cấp tại Quỹ Di sản, một viện nghiên cứu chính sách có lập trường bảo thủ, người trước đây từng phụ trách tái định cư người tị nạn ở Châu Phi, nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc củng cố rà soát, trấn áp gian lận, thực sự chủ động chọn lọc, vì tôi nghĩ rằng chung quy nó sẽ bảo vệ chương trình này khi chúng ta làm điều đó.”

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết số sở dĩ số người tị nạn được nhập cảnh sụt giảm là vì tăng cường rà soát, thẩm xét nhắm mục tiêu xác định các mối đe dọa tiềm năng, và hạn ngạch hàng năm nhỏ hơn trong năm nay là 45.000 người, là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

“Việc nhận người người tị nạn hiếm khi diễn ra với tốc độ ổn định và trong nhiều năm bắt đầu với số lượng ít và tăng lên trong suốt cả năm. Đánh giá tốc độ (của năm tài chính 2018) tại thời điểm này hãy còn quá sớm,” quan chức này nói, với điều kiện ẩn danh.

Ông Trump đã đưa việc kiểm soát nhập cư trở thành chính sách trung tâm trong nhiệm quyền tổng thống của ông, dẫn ra nhu cầu bảo vệ việc làm của người Mỹ và an ninh quốc gia. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông nói người tị nạn Syria có thể đứng về những kẻ chủ chiến Hồi giáo và hứa sẽ “rà soát cực kỳ gắt gao” những người nộp đơn.

Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-ti-nan-vao-my-giam-du-trump-bo-lenh-cam/4156008.html

 

Vụ xử cựu phụ tá của Trump:

Công tố viên công bố bằng chứng

Công tố viên đặc biệt của Mỹ, Robert Mueller, vừa giao hơn 400 ngàn thư điện tử, hồ sơ tài chính, và các tài liệu khác cho luật sư của cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho ông Trump, Paul Manafort, để cho thấy các bằng chứng chính phủ đang có chống lại ông Manafort.

Theo hồ sơ báo cáo tòa, toán điều tra của ông Mueller đã thu thập được trên 400 ngàn hồ sơ và 2 ngàn tài liệu ‘nóng’ hoặc những tài liệu có nội dung có thể trở thành vật chứng quan trọng.

Tập tài liệu cũng bao gồm các dữ liệu ghi chép về tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, kể cả những địa điểm trước đây từng bị Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận là dễ bị nhắm mục tiêu làm nơi rửa tiền và các tội phạm tài chính khác.

Bên công tố cũng giao tài liệu từ người khai thuế cho ông Manafort được xem là ‘đặc biệt liên hệ’.

Theo luật Mỹ, chính phủ buộc phải giao tất cả bằng chứng để bên bị đơn có thể chuẩn bị tốt để có được một phiên xử công bằng.

Diễn tiến này cho thấy lưới điều tra của ông Mueller nhắm vào việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ đang giăng xa tới mức nào.

Ông Paul Manafort, 68 tuổi, và ông Rick Gates, 45 tuổi, đối tác làm ăn của ông Manafort và cũng có giúp trong chiến dịch tranh cử của Ðảng Cộng hòa, từng tuyên bố vô tội đối với cáo trạng 12 tội danh, từ âm mưu chống nước Mỹ cho tới rửa tiền và không đăng ký hoạt động như một đại diện cho chính phủ Ukraine thân Nga trước đây.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-xu-cuu-phu-ta-cua-trump-ben-cong-to-cong-bo-bang-chung-/4155994.html

 

Châu Âu yêu cầu Mỹ

đề nghị giải pháp hòa bình cho Trung Đông

Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, và Ý ngày 8/12 kêu gọi Mỹ đưa ra đề nghị chi tiết cho tiến trình hòa bình giữa Israel với người Palestine và mô tả quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Isarel là ‘vô ích.’

Việc ông Trump đảo ngược nhiều chục năm chính sách của Mỹ đối với Jerusalem hôm thứ tư đã khơi mào ‘ngày thịnh nộ’ hôm thứ sáu, với hàng ngàn người Palestine biểu tình, nhiều người bị thương và ít nhất 2 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel.

Trước làn sóng bất bình ở thế giới Ả Rập và các quan ngại giữa các đồng minh phương Tây của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 8/12 đã họp, theo đề nghị của 8/15 thành viên, gồm Anh, Pháp, Thụy Điển, Bolivia, Uruguay, Ý, Senegal và Ai Cập.

Trong thông cáo chung sau cuộc họp, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, và Ý nói quyết định của Mỹ về kế hoạch dời đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem ‘không ích lợi gì xét về phương diện triển vọng hòa bình khu vực.’

“Chúng tôi khuyến khích chính quyền Mỹ đưa ra các đề nghị chi tiết để dàn xếp tranh chấp giữa Israel-Palestine.”

Đại sứ Ai Cập tại Liên hiệp quốc, Amr Aboulatta, nói quyết định của Mỹ sẽ gây tác động tiêu cực sâu xa cho tiến trình hòa bình.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, nói Washington có uy tín là nhà trung gian hòa giải với cả phía Israel lẫn với người Palestine, đồng thời tố cáo Liên hiệp quốc gây phương hại thay vì là làm thăng tiến triển vọng hòa bình với những công kích bất công dành cho Israel.

Bà Haley nói Tổng thống Trump cam kết với tiến trình hòa bình và rằng Mỹ không đưa ra quan điểm về biên giới hay ranh giới của Jerusalem, cũng không cổ súy bất kỳ thay đổi nào đối với những gì đã được dàn xếp tại các địa điểm linh thiêng tại đây.

Cùng ngày 8/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố quyết định chung cuộc về tình trạng của Jerusalem phụ thuộc vào thương thuyết giữa người Israel và người Palestine.

Israel xem toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Người Palestine muốn phần phía đông của Jerusalem trở thành thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.

https://www.voatiengviet.com/a/chau-au-yeu-cau-my-de-nghi-giai-phap-hoa-binh-cho-trung-dong-/4155992.html

 

Bộ Ngoại giao Mỹ:

Lệnh cấm du hành được thực thi toàn phần

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/12 loan báo bắt đầu thực thi sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về giới hạn du hành tới Mỹ.

Sắc lệnh được Tòa Tối cao chấp thuận cho thi hành hôm đầu tuần hạn chế cho công dân từ 8 nước nhập cảnh Mỹ, 6 nước trong đó có đa số dân theo Hồi giáo.

Các nước trong danh sách gồm Chad, Iran, Libya, Syria, Somalia và Yemen, cùng với Venezuela và Triều Tiên.

Bộ nói các giới hạn này không phải là vĩnh viễn mà sẽ được dỡ bỏ khi các nước cùng bắt tay với chính phủ Mỹ bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ.

Tòa Tối cao đã chấp thuận yêu cầu của chính quyền dỡ bỏ hai lệnh cấm áp đặt bởi các tòa án cấp thấp hơn từng ngăn chặn một phần lệnh cấm này. Lệnh cấm được nói đến là phiên bản thứ ba của một chính sách gây tranh cãi mà ông Trump đã tìm cách thi hành một tuần sau khi nhậm chức vào tháng 1.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-noi-lenh-cam-du-hanh-duoc-thuc-thi-toan-phan-/4155988.html

 

Nhà Trắng: Trump ký dự luật chi tiêu ngắn hạn,

tránh đóng cửa chính phủ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một dự luật để tài trợ cho chính phủ liên bang thêm hai tuần nữa, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, một hành động ngăn việc chính phủ ngừng hoạt động trong khi Quốc hội đàm phán một thỏa thuận ngân sách dài hạn hơn.

“@POTUS vừa ký H.J. Res 123 – CR ngắn hạn (continuing resolution – nghị quyết tiếp diễn) cung cấp ngân khoản năm tài chính 2018 để tài trợ cho chính phủ liên bang tới thứ ngày thứ Sáu ngày 22 tháng 12,” phát ngôn viên Sarah Sanders nói trên Twitter.

Trước đó Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật chi tiêu khẩn cấp để chính phủ tiếp tục mở cửa trong hai tuần tới, tránh việc chính phủ phải ngừng hoạt động một phần vào tối thứ Sáu.

Dự luật được Hạ viện thông qua hôm thứ Năm với tỉ lệ biểu quyết 235 trên 193. Thượng viện sau đó thông qua dự luật với tỉ lệ 81-14.

Luật chi tiêu khẩn cấp cho phép các lãnh đạo Quốc hội có thêm hai tuần nữa để làm việc với Nhà Trắng và đưa ra luật chi tiêu cuối cùng cho cả năm tài chính còn lại.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ khối thiểu số Chuck Schumer của New York và Lãnh đạo thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi của California, cả hai đều thuộc đảng Dân chủ, đã có cuộc gặp với Tổng thống Trump, một tuần sau khi họ từ chối gặp ông khi ông nói rằng có thể sẽ không có thỏa thuận nào hết.

“Tài trợ cho chính phủ là vô cùng quan trọng, giúp binh sĩ của chúng ta là rất quan trọng và giúp cho công dân bình thường là điều rất quan trọng”, ông Schumer nói. “Vì vậy, chúng tôi ở đây trong tinh thần ‘hãy cùng hoàn tất việc đó.’”

Trong khi nhiều nghị sĩ Cộng hòa muốn chi tiêu nhiều hơn cho quân đội, các nghị sĩ Dân chủ yêu cầu tăng thêm chi tiêu cho các chương trình xã hội trong nước.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-trang-trump-ky-luat-chi-tieu-ngan-hantranh-dong-cua-chinh-phu/4155623.html

 

2 người chết trong ‘Ngày Thịnh nộ’

phản đối quyết định về Jerusalem của Mỹ

Ít nhất hai người chết trong các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel khi hàng ngàn người Palestine biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Tổng thống Palestine nói Washington không còn là một bên điều giải hòa bình nữa.

Khắp thế giới Ả-rập và người Hồi giáo, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường vào ngày linh thiêng của người Hồi giáo để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine và sự phẫn nộ trước việc ông Trump đảo ngược chính sách của Mỹ từ hàng chục năm qua.

Binh sĩ Israel bắn chết một người đàn ông Palestine gần biên giới Gaza, là cái chết đầu tiên được xác nhận trong hai ngày bất ổn. Hàng chục người bị thương trong “Ngày Thịnh nộ.” Một người thứ hai sau đó chết vì thương tích, một quan chức bệnh viện ở Gaza cho biết .

Lục quân Israel cho biết hàng trăm người Palestine lúc đó đang lăn những lốp xe bốc cháy và ném đá vào binh lính qua biên giới.

“Trong các cuộc bạo loạn, binh lính IDF đã bắn một cách có chọn lọc vào hai kẻ xúi giục chính và xác nhận họ bị bắn trúng,” lục quân nói.

Hơn 80 người Palestine bị thương ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng và Gaza vì trúng đạn thật và đạn cao su của binh lính Israel, theo dịch vụ cứu thương Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Palestine. Thêm hàng chục người hít phải hơi cay. 31 người bị thương hôm thứ Năm.

Khi những buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu kết thúc tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem, những người thờ phượng đi đến các cổng của Cổ Thành, hô to “Jerusalem là của chúng ta, Jerusalem là thủ đô của chúng ta” và “Chúng ta không cần những từ sáo rỗng, chúng ta cần đá và súng Kalashnikov.” Các vụ xô xát nổ ra giữa những người biểu tình và cảnh sát.

Tại các thành phố Hebron, Bethlehem và Nablus, hàng chục người Palestine ném đá vào những người lính Israel bắn hơi cay đáp trả.

Tại Gaza, kiểm soát bởi nhóm Hồi giáo cực đoan Hamas, những lời kêu gọi người thờ phượng biểu tình phản đối vang lên trên các loa phóng thanh trong nhà thờ Hồi giáo. Hamas đã kêu gọi một cuộc nổi dậy mới của người Palestine như những “intifada” trong những năm 1987-1993 và 2000-2005, chứng kiến hàng ngàn người Palestine và hơn 1.000 người Israel thiệt mạng.

Tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói Washington vẫn có uy tín là một bên trung gian hòa giải.

“Hoa Kỳ có uy tín với cả hai bên. Israel sẽ không bao giờ, và không bao giờ nên, bị ép buộc phải tham gia một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc, hoặc của bất kỳ một tập hợp các nước nào đã cho thấy họ coi thường an ninh của Israel,” bà Haley nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tỏ ra thách thức.

“Chúng tôi bác bỏ quyết định của Mỹ về Jerusalem. Với lập trường này, Mỹ đã không còn đủ tư cách để bảo trợ tiến trình hòa bình nữa,” ông Abbas nói trong một thông cáo. Ông không nói cụ thể hơn.

Pháp, Ý, Đức, Anh và Thụy Điển kêu gọi Mỹ “đưa ra những đề xuất chi tiết cho một thỏa thuận giữa người Israel và Palestine.”

Thông báo của ông Trump hôm thứ Tư đã khiến thế giới Ả-rập tức giận và làm phật lòng các nước đồng minh phương Tây. Tư cách của Jerusalem là một trong những trở ngại lớn nhất cho một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine qua nhiều thế hệ.

Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình. Người Palestine thì muốn phần phía đông của thành phố là thủ đô của một quốc gia độc lập của riêng họ trong tương lai.

Hầu hết các nước đều xem Đông Jerusalem, nơi mà Israel sáp nhập sau khi chiếm cứ trong Chiến tranh Trung Đông năm 1967, là lãnh thổ bị chiếm đóng. Nó bao gồm Cổ Thành, nơi có các địa điểm được coi là linh thiêng đối với người Hồi giáo, người Do Thái và Kitô hữu.

Suốt nhiều thập niên, Washington, giống như phần lớn cộng đồng quốc tế còn lại, không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nói rằng tư cách của nó nên được xác định trong tiến trình hòa bình Palestine-Israel. Không có nước nào khác đặt đại sứ quán ở đó.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-chet-trong-ngay-thinh-no-phan-doi-quyet-dinh-ve-jerusalem-cua-my/4156329.html

 

EU, Nhật Bản chung quyết

thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới

Liên minh Châu Âu và Nhật Bản đã kết thúc các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do nhằm tạo ra một khu vực kinh tế mở lớn nhất thế giới, phát tín hiệu cho thấy họ bác bỏ chủ trương bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai bên, nhất trí về những phác thảo của một thỏa thuận hồi tháng 7, hôm thứ Sáu nói rằng các nhà đàm phán giờ đã hoàn tất một văn bản pháp lý mà sẽ mở ra thương mại cho các nền kinh tế chiếm khoảng 30 phần trăm sản lượng toàn cầu.

“Nhật Bản và EU sẽ chung tay xây dựng một khu kinh tế tự do, công bằng và dựa trên luật lệ, mà sẽ là một mô hình về trật tự kinh tế trong cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21,” Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên.

Nhật Bản đã là một trong những nước ký kết Thỏa thuận Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một liên minh thương mại khổng lồ gồm 12 quốc gia mà ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi vào ngày đầu tiên ông tại nhiệm. Ông Abe cho biết một “kỷ nguyên mới” giờ sẽ bắt đầu cho EU và Nhật Bản.

Thỏa thuận, gắn kết khối 28 quốc gia và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ xóa bỏ thuế quan 10 phần trăm của EU đối với xe hơi Nhật Bản và mức thuế 3 phần trăm thường được áp đặt lên phụ tùng xe hơi.

Về phần mình, Nhật Bản sẽ bãi bỏ mức thuế khoảng 30 phần trăm đối với pho mát của EU và 15 phần trăm đối với rượu vang cũng như cho phép EU tăng thịt bò và thịt heo xuất khẩu và tiếp cận với các gói thầu công khai lớn ở Nhật Bản.

“Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà chúng tôi từng đàm phán cho Liên minh Châu Âu,” Cecilia Malmstrom, trưởng phụ trách thương mại EU, nói. “Nó gửi một thông điệp mạnh mẽ biện hộ cho thương mại rộng mở dựa trên các quy định toàn cầu.”

Liên minh Châu Âu cũng hy vọng sẽ ký kết các hiệp định thương mại tự do với Mexico và khối Mercosur bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Các cuộc đàm phán với Mercosur sẽ diễn ra bên lề một hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới bắt đầu từ Chủ Nhật.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-nhat-ban-chung-quyet-thoa-thuan-thuong-mai-tu-do-lon-nhat-the-gioi/4156311.html

 

Trung Quốc cảnh báo công dân

về tấn công của ‘khủng bố’ ở Pakistan

Ngày 8/12, Trung Quốc cảnh báo công dân nước này ở Pakistan phải chuẩn bị cho hàng loạt các vụ “tấn công khủng bố” sắp xảy ra đối với mục tiêu người Trung Quốc. Đây được xem là một cảnh báo bất thường khi Bắc Kinh đang đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng của Pakistan, theo Reuters.

Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã sang Pakistan làm việc sau khi Bắc Kinh cam kết 57 tỷ đôla cho các dự án tại đây, trong kế hoạch phát triển “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kết nối Trung Quốc với Trung Đông và châu Âu.

Vẫn theo Reuters, việc bảo vệ cho nhân viên của các công ty Trung Quốc, cũng như các doanh nhân đã đi theo làn sóng đầu tư dọc hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, là mối quan tâm của các quan chức Trung Quốc.

“Điều này được hiểu là những kẻ khủng bố có kế hoạch trong thời gian tới sẽ tiến hành một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các tổ chức và người Trung Quốc ở Pakistan”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của sứ quán.

Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo tất cả “các tổ chức đầu tư và công dân Trung Quốc phải cảnh giác cao, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nội bộ, giảm thiểu việc đi ra bên ngoài càng nhiều càng tốt và tránh các khu vực công cộng đông đúc”.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng yêu cầu công dân hợp tác với cảnh sát và quân đội Pakistan, và báo tin cho đại sứ quán trong trường hợp khẩn cấp.

Trung Quốc lâu nay lo lắng về những người thiểu số Hồi giáo Uighur bất mãn ở khu vực phía Tây Tân Cương của nước này liên kết với các chiến binh ở Pakistan và Afghanistan.

Cùng lúc đó, bạo lực ở tỉnh Baluchistan, tây nam Pakistan, gây thêm lo ngại an ninh cho các tuyến vận tải và liên kết năng lượng từ khu vực phía Tây Trung Quốc tới cảng nước sâu Gwadar của Pakistan.

Taliban, các nhóm liên kết với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đều hoạt động tại Baluchistan, giáp giới với Iran và Afghanistan và là trung tâm của sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Các phần tử ly khai tại đây đã giao tranh với chính phủ trong một thời gian dài để đòi chia sẻ tài nguyên khoáng sản và khí đốt nhiều hơn, và có một hồ sơ dài về các cuộc tấn công năng lượng và các dự án cơ sở hạ tầng khác.

Hồi tháng 6, Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm giết chết hai giáo viên Trung Quốc bị bắt cóc ở Baluchistan, khiến chính quyền Islamabad phải cam kết tăng cường an ninh cho người Trung Quốc.

Theo đó, Pakistan hứa điều một sư đoàn 15.000 quân để bảo vệ cho các dự án dọc theo hành lang kinh tế.

Mối quan tâm về an ninh của người Trung Quốc ở nước ngoài đang ngày càng tăng cùng với dấu chân thương mại của nước này trên toàn cầu.

Năm 2016, một xe bom tự sát đã đánh vào ngay cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, giết chết kẻ tấn công và làm bị thương ít nhất 3 người.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-canh-bao-cong-dan-ve-tan-cong-cua-khung-bo-o-pakistan/4155755.html

 

Pháp: Hàng chục ngàn người tề tựu về Paris

tiễn đưa Johnny Hallyday

Trọng Nghĩa

Một đám đông khổng lồ vào ngày 09/12/2017 đã tập hợp hai bên đại lộ Champs-Elysées, quảng trường Concorde, và trước nhà thờ La Madeleine ở trung tâm thủ đô Paris để tiễn đưa cố ca sĩ Johnny Hallyday, vừa qua đời hồi đầu tuần vì bệnh ung thư. Hàng chục ngàn người đã xúc động theo dõi chiếc xe tang chở quan tài màu trắng, được hàng trăm người chạy mô tô tháp tùng theo, xẻ dọc đại lộ Champs-Elysées, một vinh dự mà ít ai có được.

Đúng theo chương trình đã được loan báo, xe tang của Johnny Hallyday đã đi vòng quảng trường Ngôi Sao – Place de l’Etoile – nơi có Khải Hoàn Môn – tiến vào đại lộ Champs-Elysées và di chuyển xuống quảng trường Concorde, để từ đó, rẽ ngang đến nhà thờ La Madeleine, nơi cử hành tang lễ chính thức.

Đoàn xe tang được xe cảnh sát hộ tống, và đặc biệt có một đoàn xe mô tô 700 chiếc, chủ yếu là loại Harley Davidson mà lúc sinh thời Johnny Hallyday rất thích, những người lái mô tô chủ yếu mặc áo bluson da màu đen.

Đám đông bao gồm đủ mọi thế hệ, đã không quản trời giá rét đến từ sáng sớm đã tập hợp dọc theo hai bên đại lộ để tiễn đưa thần tượng của họ, người thì mang theo chân dung của Johnny, người thì ném hoa hồng ra đường khi xe tang đi qua.

Tại quảng trường trước nhà thờ La Madelaine, đám đông đã hát vang theo ban nhạc của Johnny Hallyday, cất lên những ca khúc nổi tiếng của cố cá sĩ như L’Envie, Je te promets, hay là Le Pénitencier.

Tang lễ kết thúc trong nhà thờ La Madeleine, với sự tham dự của gia đình và bạn bè của cố ca sĩ, và đặc biệt là của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Để bảo đảm an ninh cho sự kiện, hơn 1.500 cảnh sát và hiến binh đã được huy động.

Ngay từ tối 08/12, Tháp Eiffel Paris đã được chiếu sáng bằng hàng chữ « Merci Johnny » (Cảm ơn Johnny), hàng chữ này cũng sẽ được chiếu sáng ở sân vận động Bercy và nhà hát Olympia, nơi Johnny Hallyday đã từng đến biểu diễn. Thành phố Paris dự trù sẽ dùng tên Johnny Hallyday đặt cho một con phố, một quảng trường, hay một công trình công cộng nào đó của thủ đô nước Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20171209-phap-hang-chuc-ngan-nguoi-te-tuu-ve-paris-tien-dua-johnny-hallyday

 

Cựu tổng thống Gruzia rốt cuộc đã sa lưới cảnh sát Ukraina

Trọng Nghĩa

Cựu tổng thống Gruzia, Mikhail Saakashvili, người đã trở thành lãnh đạo chính trị đối lập tại Ukraina bị bắt vào ngày 08/12/2017 tại Kiev, thủ đô Ukraina. Ông đã bị chính quyền Ukraina ra lệnh bắt giam từ hôm 05/12, nhưng hôm đó ông đã được hàng trăm cảm tình viên giải thoát khỏi xe cảnh sát.

Lần này thì ông đã bị bắt và đưa đến nhà giam. Đối với những người ủng hộ, ông Saakashvili là một tù nhân chính trị của ổng thống Petro Porochenko.

Từ thủ đô Ukraina, thông tín viên RFI Sébastien Gobert tường trình :

“Ông Mikhail Saakashvili vẫn khỏe mạnh. Điều kiện giam giữ ông khả dĩ chấp nhận được. Qua tuyên bố trên, một trong những luật sư của cựu tổng thống người Gruzia xác nhận rằng ông đang bị giam giữ và sẽ ở lại đó ít ra là cho đến thứ Hai, 11/12. Sau đó ông sẽ được chuyển tới một nhà tù khác và số phận sẽ do tòa án quyết định. Trước mắt, tổng chưởng lý đã đòi đặt ông trong tình trạng quản thúc tại gia.

Ông Mikhail Saakashvili đã bị bắt khi đang trên đường đi đến nhà một người bạn ở trung tâm Kiev. Đám đông những người ủng hộ đã đánh tháo cho ông mấy hôm trước đã không ở cạnh ông. Khi vụ bắt giữ ông được thông báo, giới ủng hộ ông đã liên tiếp kêu gọi đến nhà tù giải thoát cho ông, nhưng cho đến khuya hôm qua, chỉ có không đầy 200 người hưởng ứng và đến tụ tập trước nhà giam.

Tất cả đều cho rằng đây là một vụ bắt giữ bất hợp pháp. Họ khẳng định quyết tâm chống lại chủ nghĩa chuyên chế và chế độ tham nhũng của tổng thống Petro Porochenko.

Về phần mình, Mikhail Saakashvili loan báo quyết định tuyệt thực và kêu gọi những người ủng hộ ông rầm rộ biểu tình vào ngày 10/12. Một ngày cuối tuần mới đầy nguy cơ lại mở ra ở Ukraina”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171209-cuu-tong-thong-gruzia-rot-cuoc-da-sa-luoi-canh-sat-ukraina

 

Căng thẳng Jerusalem :

Israel oanh kích Gaza, Mỹ bị cô lập ở HĐBA

Hai chiến binh Palestine bị chết rạng sáng ngày 09/12/2017 trong một trận oanh tạc của Israel nhắm vào một mục tiêu Hamas ở trung tâm dải Gaza. Israel tiến hành không kích nhằm đáp trả 3 hỏa tiễn mà Phong Trào Kháng Chiến Hồi Giáo Hamas bắn vào Israel ngày 08/12 trong « ngày giận dữ » của người Hồi Giáo.

Hãng tin AFP, trích thông cáo của quân đội Israel, cho biết « vũ khí của không quân đã nhắm vào 4 cấu trúc của tổ chức khủng bố Hamas ở dải Gaza (…) gồm hai nhà máy sản xuất vũ khí, một kho vũ khí và một khu quân sự ». Các trận oanh kích này còn làm khoảng 15 người khác bị thương (trong đó có trẻ em và phụ nữ), theo một quan chức an ninh của Phong trào Hamas, kiểm soát dải Gaza từ 10 năm nay.

Sau cộng đồng quốc, đến lượt 14 thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong phiên họp khẩn cấp ngày 08/12/2017, lần lượt lên tiếng phản đối quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đi ngược lại với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích thêm :

« Chưa bao giờ, ngay cả khi khai mào chiến tranh Irak, Hoa Kỳ lại bị cô độc đến như vậy. 14 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhất trí lên án quyết định của Washington.

Ông Matthew Rycroft, đại diện ngoại giao của Anh Quốc, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, phát biểu : « Chúng tôi không đồng ý với quyết định của Mỹ về việc chuyển sứ quán nước này đến Jerusalem và đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trước khi đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Quyết định này không giúp gì cho tiến trình xúc tiến hòa bình trong vùng, một mục tiêu mà tôi biết rằng tất cả chúng ta cùng chia sẻ trong Hội Đồng này ».

Với tinh thần đoàn kết hiếm hoi của châu Âu, các đại sứ Pháp, Anh, Ý, Đức và Thụy Điển cùng lên án một quyết định không phù hợp với các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An. Định chế quốc tế này không công nhận bất kỳ thay đổi nào về đường biên giới được thông qua ngày 04/06/1967, trừ các quyết định thay đổi do các bên liên quan đạt được nhờ con đường đàm phán.

Ngược lại, tỏ ra ít bị lay chuyển về những cáo buộc trên, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc cho rằng Washington là một đối tác đặc quyền. Bà Nikki Haley phát biểu : « Chúng tôi dấn thân trong tiến trình xúc tiến hòa bình giữa Israel và Palestine hơn bất kỳ những gì chúng tôi từng làm trong quá khứ ».

Hội Đồng Bảo An ghi nhận, đồng thời thúc giục Hoa Kỳ đưa ra những đề xuất chi tiết để giải quyết hồ sơ Israel-Palestine ».

Giáo chủ của Al Azhar hủy cuộc gặp với phó tổng thống Mỹ Mike Pence

Sau phong trào phản ứng dữ dội của người dân và các giới chính trị gia, đến lượt lãnh đạo các cơ quan tinh thần Hồi Giáo lên tiếng. Giáo chủ Ahmed Al Tayeb của Đền thờ Al Azhar (Cairo), một trong những cơ quan tinh thần cao nhất của Hồi Giáo theo hệ phái Suni, tuyên bố hủy cuộc gặp với phó tổng thống Mỹ Mike Pence, dự kiến diễn ra ngày 20/12, vì « không tiếp những người xuyên tạc lịch sử ».

Ngoài ra, theo thông tín viên RFI Alexandre Buccianti tại Cairo (Ai Cập), giáo chủ Ahmed Al Tayeb đã triệu tập một phiên họp của Hội Đồng các bậc hiền nhân Hồi Giáo và kêu gọi tổ chức một cuộc hội thảo cấp vùng quy tụ các nhà chức trách quan trọng nhất của Hồi Giáo và Kitô Giáo để đáp trả quyết định của Washington.

Cùng ngày 09/12, một cuộc họp bất thường cấp bộ trưởng diễn ra tại trụ sở của Liên Đoàn Ả Rập ở Cairo nhằm nghiên cứu hướng đáp trả đối với quyết định của tổng thống Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171209-cang-thang-jerusalem-israel-oanh-kich-gaza-my-bi-co-lap-o-hdba

 

An ninh Úc:

Nhiều chính khách Úc có quan hệ với tình báo Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Cơ Quan Tình Báo An Ninh Úc (ASIO) đã nhận diện được khoảng 10 chính khách Úc bị cho là có quan hệ mật thiết với tình báo Trung Quốc. Theo nhật báo Úc The Australian số cuối tuần ra ngày 09/12/2017, các quan chức an ninh Úc cho rằng tình trạng đó bắt nguồn từ một chính sách hẳn hoi của Bắc Kinh nhằm thao túng đời sống chính trị Úc.

Các chi tiết trên đây đã được tờ The Weekend Australian tiết lộ, theo đó những người bị tình nghi đều là ửng cử viên trong các cuộc bầu cử cấp địa phương. Tuy nhiên, mối quan ngại về bàn tay của tình báo Trung Quốc cũng liên quan đến các chính khách ở cấp bang hay liên bang, trong đó có ít nhất là một người đã thực thụ được bầu làm đại biểu dân cử. Quan hệ giữa nhân vật này với các cơ quan tình báo Trung Quốc đã có từ trước khi ông được bầu.

Theo tờ báo, việc tình báo Trung Quốc “nuôi dưỡng” các ứng cử viên nằm trong một chiến dịch rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm cài những nhân tố thân cận có thế lực vào trong các nghị viện tại Úc. Mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc được các giới chức tình báo Úc cho là “không đồng đều, nhưng sâu đậm”.

Thông tin này được tờ báo đưa ra trong bối cảnh mới đây thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã công khai tỏ ý quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trên đời sống chính trị Úc, và hôm mồng 05/12 vừa qua đã loan báo một số luật tăng cường biện pháp chống gián điệp, và cấm các khoản tài trợ cho các đảng chính trị.

Bị thủ tướng Úc nêu đích danh, Bắc Kinh đã cực lực phản đối. Ngày 08/12, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết là nước này đã có công hàm phản đối chính thức gởi đến Canberra, về những điều bị Bắc Kinh cho là “thành kiến vô căn cứ” đối với Trung Quốc.

Phát ngôn viên Trung Quốc tuy nhiên không cho biết là công hàm phản đối đã được gởi vào lúc nào.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171209-an-ninh-uc-nhieu-chinh-khach-uc-co-quan-he-voi-tinh-bao-trung-quoc

 

Trung Quốc quan ngại

về thỏa thuận đầu tư Philippines – Đài Loan

Thùy Dương

Trung Quốc ngày 08/12/2017 cho biết đặc biệt lo ngại về việc Philipinnes ký một thỏa thuận đầu tư với Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan thuộc Trung Quốc nên không được phép thiết lập quan hệ chính thức với các nước khác.

Đài Bắc cho biết đại diện Đài Loan tại Philippines đã ký kết thỏa thuận với chính quyền Manila hôm thứ Năm 07/12. Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng nói Trung Quốc không có vấn đề với quan hệ thương mại “bình thường” mà các nước đã có với Đài Loan, nhưng phản đối mọi trao đổi chính thức.

Trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh phát biểu : “Chúng tôi rất quan ngại rằng Philippines ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư với Đài Loan hoặc các văn bản hợp tác chính thức khác”. Trung Quốc hy vọng rằng Manila sẽ tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung Hoa” và tránh việc mối quan hệ giữa Philippines với Đài Loan sẽ làm hỏng quan hệ Bắc Kinh-Manila,

Các quan chức ngoại giao của Philippines và Phòng Thương mại Và Công nghiệp không bình luận ngay lập tức về thông tin trên. Cho tới nay, theo truyền thống, Đài Loan và Philippines vẫn có mối quan hệ kinh doanh và hợp tác văn hóa chặt chẽ, mặc dù Manila đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc vào năm 1975.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171209-trung-quoc-quan-ngai-ve-thoa-thuan-dau-tu-philippines-dai-loan

 

Phó tổng thư ký LHQ kết thúc chuyến thăm Bắc Triều Tiên

Thùy Dương

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Jeffrey Feltman, ngày 09/12/2017 đã rời Bình Nhưỡng để tới Bắc Kinh sau bốn ngày thảo luận với giới chức ngoại giao Bắc Triều Tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Feltman đã trao đổi với ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho vào thứ Năm 07/12 và đã hai lần hội đàm với thứ trưởng Pak Myong Guk.

Reuters dẫn lời hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, theo đó, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ mong muốn giảm nhẹ căng thẳng trong khu vực. Ông Felman cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của quốc tế có những hệ quả xấu tới công tác cứu trợ nhân tạo ở Bắc Triều Tiên.

Hãng tin KCNA còn cho biết khi trao đổi với phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính quyền Bình Nhưỡng tố cáo Washington đã « đe dọa tấn công hạt nhân » Bắc Triều Tiên và coi đó là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chấp nhận tiến hành trao đổi thường xuyên với Liên Hiệp Quốc qua những chuyến thăm ở nhiều cấp độ.

Ông Jeffrey Feltman là người Mỹ có vị trí cao cấp nhất tại Liên Hiệp Quốc, là phó tổng thư ký đầu tiên đến thăm Bắc Triều Tiên kể từ tháng 02/2010. Mặc dù ông Feltman trước đây làm việc cho bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhưng lần này, bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh ông Feltman tới Bình Nhưỡng không phải với tư cách đại diện cho Washington.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171209-pho-tong-thu-ky-lhq-ket-thuc-chuyen-tham-bac-trieu-tien

 

TT Pháp Macron được trao giải Charlemagne

vì đóng góp cho Liên Âu

Thùy Dương

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành giải thưởng Charlemagne 2018 nhờ có « tầm nhìn mạnh mẽ về một châu Âu mới ». Charlemagne là giải thưởng của thành phố Aachen, Đức, bắt đầu được trao từ năm 1949 cho những nhân vật có đóng góp đặc biệt cho Liên Hiệp Châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và giáo hoàng Phanxicô từng được vinh danh. Tại Pháp, những nhân vật có vinh dự nhận giải Charlemagne là cựu bộ trưởng Y Tế Simone Vieil và các cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, François Mitterand.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Quentin Dickinson giải thích :

« Giải thưởng Charlemagne được thành phố Aachen trao từ năm 1949, cho những lãnh đạo hoặc các cơ quan, tổ chức có đóng góp đặc biệt cho công cuộc xây dựng một châu Âu thống nhất và đoàn kết. Giải thưởng này từng được trao cho những tên tuổi lớn của châu Âu như Jean Monet, Robert Schuman, Winston Churchill, các nhân vật đấu tranh chống Cộng Sản ở Trung Âu như ông Vaclav Havel hay Donald Tusk và những người đóng góp không mệt mỏi cho châu Âu như ông Jacques Delors và Jean-Claude Juncker.

Theo một trích đoạn được công bố, ông Emmanuel Macron giành được giải thưởng Charlemagne 2018 nhờ « tầm nhìn về một Châu Âu mới, về kế hoạch tái thiết Liên Hiệp, về tính tự chủ kiểu mới của châu Âu và về việc tái hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc. Emmanuel Macron là một người mở đường can đảm cho công cuộc tái thiết giấc mơ châu Âu ».

Là người trẻ tuổi nhất từng được nhận giải thưởng danh giá này, tổng thống Pháp sẽ được trao huân chương, theo truyền thống, vào ngày 10/05/2018 tại thành phố Aachen, thủ đô của đế chế Charlemagne tại Châu Âu ».

http://vi.rfi.fr/phap/20171209-tt-phap-macron-duoc-trao-giai-charlemagne-vi-dong-gop-cho-lien-au