Tin khắp nơi – 05/01/2018
Apple: ‘Tất cả thiết bị Mac
bị ảnh hưởng lỗ hổng của chip máy tính’
Apple xác nhận tất cả máy Mac và iOS đều bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng trên CPU nghiêm trọng có tên là Meltdown và Spectre.
Hãng này đang ra sức khắc phục lỗ hổng vốn có thể tạo điều kiện cho tin tặc lấy dữ liệu.
Apple cho biết họ cũng đã phát hành bản vá nhưng chưa thấy có việc lỗ hổng bị lợi dụng.
Tuy nhiên hãng khuyên người sử dụng chỉ tải phần mềm từ nguồn tin cậy và tránh các ứng dụng ”độc”.
Người sử dụng Mac thường tin rằng các thiết bị của họ và hệ điều hành có ít rủi ro an ninh hơn chẳng hạn như điện thoại hệ Android hoặc máy tính chạy hệ điều hành của Microsoft.
Tuy nhiên các lỗi Meltdown và Spectre nằm trong tất cả các thiết bị xử lý máy tính hoặc microchips cho Intel và ARM chế tạo và hai hãng này cung cấp hết máy cho thị trường toàn cầu.
“Tất cả hệ thống máy Mac và thiết bị iOS bị ảnh hưởng,” Apple thông báo trong một blog.
Vì sao iPhone đỏ của Apple không là “Red” ở TQ?
Apple cho biết họ đã giảm thiểu phần nào hậu quả của Meltdown với các bản vá iOS (11.2), macOS (10.13.2) và tvOS (11.2).
Meltdown không ảnh hưởng tới Đồng hồ Apple vì lỗi này là vấn đề với bộ xử lý Intel mà không lắp đặt trong đồng hồ.
Google và Microsoft đã đưa ra công bố của riêng mình cho người sử dụng về sản phẩm nào bị ảnh hưởng.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42563972
Trump: Sách của Michael Wolff ‘đầy dối trá’
Cuốn “Lửa và Giận giữ: Bên trong Tòa Bạch Ốc” do nhà bình luận chính trị nổi tiếng Michael Wolff viết, dự kiến ra mắt vào thứ Ba 9/1 nhưng việc xuất bản đã xong trước hôm thứ Sáu 5/1 và hiện đang được bán.
Luật sư của ông Trump đã cố gắng ngăn chặn việc phát hành sách.
Cuốn sách trích lời cựu cố vấn cao cấp lý Steve Bannon mô tả một cuộc họp có mặt con trai ông Trump với một nhóm người Nga là “phản quốc”.
Bàn tròn thứ Năm: Ông Vũ ‘Nhôm’ về VN – hệ lụy, bình luận
Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Trump
Con rể Trump bị thẩm vấn về Trump-Nga
Trump ‘đổi giọng’ về Obamacare
Ông Trump dàn xếp xong vụ kiện Đại học Trump
Cuốn này cũng mô tả ông Trump ngạc nhiên khi giành chức Tổng thống.
Ông Trump nói ông không cho ông Wolff quyền tiếp cận Tòa Bạch Ốc, đồng thời nói cuốn sách “đầy những dối trá, thông tin sai lệch và những nguồn không tồn tại”.
“Hãy xem những gì xảy ra với anh ta và Steve tùy tiện!” ông Trump viết trên Twitter.
Ông Trump nói trước đó rằng ông Steve Bannon – người bị sa thải hồi tháng 8 – đã “mất trí” sau khi mất việc khỏi Tòa Bạch Ốc.
Trong một số tuyên bố mang tính bùng nổ, ông Bannon được cho là đã đề cập đến một cuộc họp của Trump với nhóm vận động bầu cử và các quan chức Nga khi nói rằng: “Họ sẽ đập Don Junior như một quả trứng trên truyền hình quốc gia.”
Cuộc gặp có liên quan tới con trai cả của ông Trump, ông Donald Trump Jr, hiện đang được điều tra bởi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về khả năng ông Trump thông đồng với giới vận động bầu cử và các quan chức Nga để giành ghế tổng thống.
Ông Trump bác bỏ tất cả các cáo buộc thông đồng.
Trong chương trình phát thanh Breitbart hôm thứ Tư 3/1, ông Bannon đáp lại chỉ trích của tổng thống bằng cách nói rằng ông Trump là một “người vĩ đại” và rằng “sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ ông Trump.”
Sau khi Tổng thống gặp các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Phòng Bầu dục để thảo luận về vấn đề nhập cư hôm thứ Năm 4/1, một phóng viên hỏi ông Trump có phải nhà chiến lược cũ của ông đã phản bội ông. Vị tổng thống trả lời: “Tôi không biết, tối qua ông ta gọi tôi là một người tuyệt vời nên rõ ràng là ông ta rất dễ thay đổi giọng điệu.”
Luật sư của ông Trump nói gì?
Thông cáo pháp lý đã được Washington Post đăng tải, yêu cầu tác giả Michael Wolff và nhà xuất bản “ngay lập tức ngừng bất kỳ việc in ấn, phát hành hoặc phổ biến sách.”
Thông cáo này cáo buộc Wolff đưa ra “nhiều tuyên bố sai lệch và / hoặc không có căn cứ” về ông Trump và cho biết các luật sư đang xem xét những cáo buộc mang tính phỉ báng.
Luật sư viết thông báo này là Charles J Harder. Ông cũng đã gửi một bức thư tới ông Bannon hôm thứ Tư 3/1, nói rằng ông này đã vi phạm một thỏa thuận không tiết lộ.
Có gì trong cuốn sách?
Cuốn sách của Wolff đưa ra nhiều tuyên bố, bao gồm:
•Đội vận động bầu cử của ông Trump đã sốc và bàng hoàng bởi chiến thắng của ông
•Vợ ông, Melania, khóc lóc vì buồn rầu vào đêm bầu cử
•Ông Trump giận dữ vì các ngôi sao hạng A thờ ơ với buổi tuyên thệ nhậm chức của ông.
•Tổng thống mới “thấy Nhà Trắng phiền hà và thậm chí hơi đáng sợ”
•Con gái ông Trump, Ivanka, có kế hoạch với chồng, Jared Kushner, rằng cô sẽ là “nữ tổng thống đầu tiên”
•Ivanka Trump chế giễu kiểu tóc “chải ngược” của bố và “thường mô tả cách chải cho bạn bè”
Cuốn sách được hình thành dựa trên hơn 200 cuộc phỏng vấn nhưng một số trích đoạn bị chỉ trích và đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ chứa đựng một nửa sự thật, cuốn sách cũng vẽ nên bức chân dung tồi tệ của một tổng thống hoang tưởng và một Nhà Trắng hỗn loạn, biên tập BBC ở Bắc Mỹ Jon Sopel nói.
Cơ hội quảng cáo sách ‘tiền không mua được’
Anthony Zurcher của BBC tại Washington viết:
Nhờ lá thư yêu cầu “chấm dứt và chấm dứt” của luật sư, ông Trump đã trao cho Michael Wolff và cuốn sách cơ hội quảng cáo khổng lồ mà tiền cũng không mua được.
Các cáo buộc mang tính chỉ trích dẫn dắt mọi chương trình tin tức và trang nhất các báo (và chôn vùi những thông tin mới nhất về kinh tế khởi sắc của Hoa Kỳ).
Đe dọa kiện là một thủ thuật phổ biến của ông Trump, có từ hồi ông còn là một nhà kinh doanh bất động sản ở New York. Rất hiếm khi ông theo dõi các động thái của tòa án. Trong trường hợp này, thái độ như vậy là đặc biệt nguy hiểm.
Để có thể kết tội [tác giả cuốn sách] theo luật phỉ báng của Hoa Kỳ, tổng thống sẽ phải tự đưa mình vào các cuộc điều tra của giới luật sư đối lập, những người đang muốn chứng minh rằng các các cáo buộc của Wolff có thật hoặc chí ít thì ông ta tin rằng nó đúng.
Chính quyền Trump đã bảo vệ chính mình như thế nào?
“Steve Bannon không liên quan gì đến tôi hoặc nhiệm kỳ tổng thống của tôi”, ông Trump nói trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
Thư ký báo chí Sarah Sanders bác bỏ cuốn sách và nói đây là một “cuốn sách lá cải hoang đường” “đầy những điều giả dối và gây nhầm lẫn từ những cá nhân không có quyền tiếp cận hoặc ảnh hưởng với Tòa Bạch Ốc.”
Ivanka Trump ‘ngồi thế chỗ bố’ tại G20
Trump bàn thương mại, quên nhân quyền
Trump sắp công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
Người phát ngôn của Melania Trump nói rằng Đệ nhất phu nhân đã động viên chồng tranh cử tổng thống. “Bà ấy tự tin rằng ông ấy sẽ chiến thắng và rất hạnh phúc khi ông ấy làm được như vậy”, bà này nói hôm thứ Tư.
Hôm thứ Năm, Tòa Bạch Ốc cho biết họ đã cấm các thiết bị cá nhân, kể cả điện thoại di động, từ Cánh Tây, với lý do an ninh.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42575934
Trung Quốc cấp visa 10 năm cho ‘tài năng xuất chúng’
Trung Quốc cấp visa dài hạn để thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài tới làm việc.
Các visa cho phép nhập cảnh nhiều lần sẽ có thời hạn từ 5 đến 10 năm, theo truyền thông nhà nước.
Các lãnh đạo công nghệ, doanh nhân khởi nghiệp và các nhà khoa học từ những ngành cần nhân lực đều nằm trong diện được xét.
GS Ngô Bảo Châu làm tạp chí toán
Bất cập giáo dục VN ‘bộc lộ rõ’ qua kỳ thi PTTH
Bàn tròn thứ Năm: Ông Vũ ‘Nhôm’ về VN – hệ lụy, bình luận
Tiến sỹ VN ‘đủ số chỉ thiếu chất’
Việt Nam và cải cách sách giáo khoa
Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, và nhận thấy việc tuyển dụng các chuyên gia từ nước ngoài là chìa khóa để đạt được những mục tiêu đó.
Khi dự thảo này còn đang được cân nhắc, Trung Quốc cho biết có ít nhất 50 ngàn người ngoại quốc sẽ được hưởng lợi.
Những người đạt giải Nobel được chào đón
Chính phủ Trung Quốc cho biết, hồ sơ visa có thể nộp miễn phí qua mạng và sẽ được xét trong thời gian ngắn.
Người được cấp visa có thể ở lại Trung Quốc tới 180 ngày mỗi lần nhập cảnh, và được phép đưa vợ/chồng và con cái.
Năm 2016, Trung Quốc đã giới thiệu hệ thống xếp hạng cho nhân lực nước ngoài, với mục đích phân loại và thu hút những người có kỹ năng nước này đang thiếu, đồng thời giảm số lượng người lao động chất lượng thấp nhập cảnh vào Trung Quốc.
Theo tài liệu đính kèm, những người được cho là “tài năng xuất chúng” bao gồm những người thắng giải Nobel, các vận động viên chiến thắng tại các Thế vận hội và giám đốc các “học viện âm nhạc, nghệ thuật và mỹ thuật nổi tiếng thế giới”.
Các nhà khoa học hàng đầu, lãnh đạo các tổ chức tài chính và các giáo sư từ “những trường đại học hàng đầu” cũng nằm trong danh sách này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42578666
Bắc Hàn chấp nhận đàm phán về Thế vận hội
Bắc Hàn đã chấp nhận đề nghị tham dự các cuộc hội đàm cấp cao vào tuần tới, giới chức Nam Hàn cho hay.
Cuộc họp, vào ngày 9/1, sẽ tập trung tìm cách cho các vận động viên Bắc Hàn sang Hàn Quốc tham dự Thế vận hội Mùa đông vào tháng Hai.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cho biết trong tuần này rằng việc cử một phái đoàn tới Thế vận hội sẽ là “cơ hội tốt để thể hiện sự đoàn kết” giữa người dân nước này.
Bắc Hàn mở lại đường dây nóng với Nam Hàn
Bắc Hàn bác đề nghị Olympic của Nam Hàn
Bắc Hàn ‘tấn công mạng quân đội Nam Hàn’
Nam Hàn đề xuất hội đàm cấp cao với Bắc Hàn
Cuộc họp dự kiến sẽ được tổ chức tại làng Bàn Môn Điếm nằm trên đường biên giới giữa hai nước.
Ngôi làng được gọi là làng hòa bình này nằm trong khu vực phi quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt (DMZ), là nơi mà hai bên từng có các cuộc đàm phán lịch sử.
Theo một quan chức của văn phòng tổng thống Hàn Quốc, nội dung ưu tiên cuộc hội đàm sẽ là Thế vận hội Mùa đông tại Pyeongchang.
Tuy nhiên, ông nói với Thông tấn xã Yonhap của Nam Hàn rằng ông tin sẽ có những cuộc thảo luận liên quan đến việc cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc sau khi Bắc Hàn tham gia Thế vận hội.
Đây sẽ là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ tháng 12/2015. Chưa rõ ai sẽ tham dự cuộc đàm phán.
Nam Hàn có bị Trung Quốc xử tệ?
Mỹ ‘đã hết kiên nhẫn với Bắc Hàn’
Lính Bắc Hàn đào tẩu ‘trúng 5 phát đạn’
Bắc Hàn ‘tấn công’ giao dịch tiền ảo Nam Hàn
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in trước đây nói ông coi Thế vận hội mùa đông là “cơ hội đột phá” để cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên hiện vẫn đang xung đột.
Đầu tuần này đã có một tín hiệu nhỏ trong cải thiện quan hệ khi Bắc Hàn khôi phục đường dây nóng giữa hai miền.
‘Nguy cơ lớn đối với Nhật Bản kể từ Thế chiến II’
Các bước đi dự kiến liên quan đến việc tham dự Thế vận hội được thực hiện sau các tuyên bố leo thang từ Bắc Hàn và Hoa Kỳ thời gian qua.
Lãnh đạo hai nước từng đe doạ hủy diệt lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân.
Bắc Hàn cũng đã làm thế giới tức giận vì các cuộc thử nghiệm và phóng tên lửa hạt nhân, dẫn tới các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Nam Hàn giữ tàu thứ hai ‘chuyển dầu cho Bắc Hàn’
Các nữ điệp viên Bắc Hàn nổi tiếng
Tên lửa Bắc Hàn: TQ ‘quan ngại nghiêm trọng’
Trong nỗ lực làm ngắn lại con đường dẫn đến Thế vận hội, Mỹ đã đồng ý đề nghị của Hàn Quốc tạm ngừng các hoạt động diễn tập quân sự chung, từng dự kiến diễn ra trong thời gian tiến hành Thế vận hội.
Bắc Hàn xem thường các cuộc tập trận, coi đó là hành động chuẩn bị xâm lược.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cho hay sự trì hoãn này là “một vấn đề thực tiễn” – một phần của “việc trao đổi thông thường”, và các cuộc tập trận sẽ được tiến hành trở lại sau khi kết thúc Thế vận hội dành cho người khuyết tật hôm 19/3.
Nhật Bản thêm vào rằng quyết định tạm hoãn các cuộc tập trận “không phải để thoả hiệp với việc gia tăng áp lực lên Bắc Hàn.”
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Tokyo, Washington và Seoul vẫn quyết tâm “tăng áp lực” lên Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Năm 4/1 nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Ông nói: “Không phải là quá cường điệu khi nói rằng môi trường an ninh của Nhật Bản đang ở mức bị đe dọa nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
“Bằng cách cùng cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Bắc Hàn, tôi sẽ làm hết sức mình để giải quyết các vấn đề hạt nhân, tên lửa và bắt cóc”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42575933
Lãnh đạo tư pháp Hong Kong xin từ chức
Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong ngày 5 tháng giêng đã chính thức từ chức sau khi mới đảm trách nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 7/2017.
Hãng Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga xác nhận là bộ trưởng tư pháp Rimsky Yuen đã xin từ chức vì lý do cá nhân. Bà Nguyệt Nga nói rằng ông Rimsky đã là một trụ cột chèo chống nền tư pháp của Hong Kong.
Trong hơn một nhiệm kỳ lãnh đạo ngành luật pháp của Hong Kong, ông Rimsky đã gây nhiều tranh cãi và điển hình là hàng trăm luật sư đã hai lần đứng lên biểu tình phản đối ông.
Ông Rimsky 53 tuổi, là một trong những người cổ xúy chương trình cải cách chính trị vào năm 2014 mà sau đó đã châm ngòi cho cuộc biểu tình mang tên Cây Dù Vàng khiến Hong Kong tê liệt nhiều tháng trời.
Ông cũng là đối tượng bị phản đối mạnh mẽ sau khi nhiều báo cáo được công bố cho thấy ông luôn tìm cách khống chế các công tố viên liên quan đến việc bỏ tù ba sinh viên lãnh đạo trong phong trào Dù Vàng, trong đó có sinh viên Hoàng Chi Phong.
Ông cũng bị chỉ trích vì đã tạo điều kiện về thủ tục cư trú để các quan chức Trung Quốc có thể áp dụng luật của Hoa Lục trong quá trình xây dựng một trạm xe lửa ở Hong Kong.
Người sẽ tiếp quản vị trí bộ trưởng tư pháp sau khi ông Rimsky từ chức là bà Teresa Cheng, 59 tuổi. Bà này đã từng hứa hẹn rằng sẽ quản trị nền tư pháp của Hong Kong mà không chịu bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Mỹ chấm dứt hỗ trợ an ninh cho Pakistan
Hoa Kỳ ngưng hỗ trợ an ninh cho quân đội Pakistan cho tới khi nào đối tác có quyết định kiên quyêt chống lại phe Taliban ở Afghanistan và mạng lưới Haqqani.
Loan báo quyết định này hôm 4/1, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert không tiết lộ chi tiết rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng đến loại viện trợ nào và bao nhiêu.
Đồn đoán về các bước tiếp theo của Mỹ đã gây ra nhiều lo ngại tại Pakistan sau tin nhắn của Tổng thống Donald Trump trên Twitter, qua đó ông đe dọa sẽ cắt viện trợ cho Pakistan, đồng thời tố cáo nước này cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố và coi lãnh đạo Mỹ như ‘những gã khờ.’
Phản ứng từ Pakistan
Islamabad lên án những bình luận của ông Trump là hoàn toàn không thể hiểu nổi. Pakistan cũng nhắc lại cam kết hợp tác với Washington chống khủng bố và ổn định Afghanistan. Giới lãnh đạo Pakistan nói Mỹ đang biến Pakistan thành ‘con dế tế thần’ sau những thất bại của Hoa Kỳ tại Afghanistan.
Những lời lẽ của ông Trump trên Twitter khơi mào cuộc khẩu chiến và làm dấy lên quan ngại về sự gãy đổ của mối quan hệ mong manh giữa Hoa Kỳ với Pakistan.
Các vấn đề khác
Đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ thúc giục chính quyền Tổng thống Trump tập trung vào các vấn đề khác như quản trị, tham nhũng, an ninh suy thoái, và Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan. Đại sứ Aizaz Ahmad Chaudhry nói các khu vực thiếu quản trị ở nước láng giềng Afghanistan đang đe dọa an ninh của Pakistan và của khu vực nói chung.
Có nhiều đồn đoán rằng Hoa Kỳ sẽ chế tài các giới chức an ninh Pakistan vốn bị tố cáo có quan hệ với các nhóm khủng bố và rằng quân đội Mỹ sẽ tiến hành các cuộc không kích đơn phương vào sâu lãnh thổ Pakistan để nhắm mục tiêu các phần tử khủng bố có liên hệ với mạng lưới Haqqani đồng minh của Taliban. Cơ quan tình báo Pakistan nói mạng lưới này có dính líu tới IS.
Các lãnh đạo dân sự và quân sự Pakistan nói lời tuyên bố của ông Trump rằng Mỹ đã cho Islamabad hơn 33 tỷ đô la từ năm 2002 tới nay để giúp chống khủng bố là sai sự thật.
Pakistan cũng một mực khẳng định rằng họ mất khoảng 70 ngàn nhân mạng, chủ yếu là thường dân, trong các cuộc tấn công khủng bố kể từ khi gia nhập liên minh chống khủng bố của Mỹ và nền kinh tế quốc gia Pakistan đã thiệt hại trên 120 tỷ đô la.
https://www.voatiengviet.com/a/my-cham-dut-ho-tro-an-ninh-cho-pakistan-/4192916.html
Trump: Muốn giữ DACA, phải bỏ diện bảo lãnh ăn theo
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/1 khuyến cáo bất kỳ luật nào cho các di dân nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ có cơ hội trở thành công dân Hoa Kỳ phải bao gồm cả việc tài trợ cho bức tường biên giới và chấm dứt diện bảo lãnh ‘ăn theo’ cùng chương trình xổ số visa nhập cư Mỹ.
Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump hủy bỏ Chương trình DACA của cựu Tổng thống Barack Obama. Chương trình này bảo vệ gần 800 ngàn di dân khỏi bị trục xuất, cho phép họ sống và làm việc hợp pháp tại Mỹ.
Tổng thống Trump yêu cầu Quốc hội trước ngày 5/3 năm nay phải thống nhất một dự luật mang lại sự bảo vệ cho những người dưới chương trình DACA nhưng phải bao gồm việc tài trợ cho bức tường biên giới do ông Trump đề nghị, kết thúc các diện định cư ‘dây chuyền’ và ngưng xổ số nhập cư Mỹ.
Tại một cuộc họp với các Thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Tòa Bạch Ốc bàn về di trú, ông Trump nói: “Hệ thống di trú hiện hành của chúng ta hiện nay làm dân Mỹ thất bại” và ông dẫn ra diện định cư ‘dây chuyền’ làm ví dụ. Định cư ‘ăn theo’ là các diện bảo lãnh cha mẹ hay anh chị em sang Mỹ sinh sống.
“Định cư dây chuyền hoàn toàn là thảm họa đe dọa an ninh, kinh tế chúng ta và là cửa ngõ cho chủ nghĩa khủng bố,” Tổng thống Trump nói với các Thượng nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa.
Ông cũng kêu gọi bỏ chương trình xổ số visa định cư. Chương trình này cho nhập cảnh định cư những ứng viên may mắn từ các nước có ít dân sống ở Mỹ sau khi họ trúng xổ số và trải qua các kỳ kiểm tra lý lịch. Những người này phải có trình độ học vấn hết cấp 3 trở lên hoặc có kinh nghiệm trong một nghề đòi hỏi ít nhất 2 năm đào tạo. Ông Trump nói chương trình xổ số visa này ‘hại kinh tế và hại an ninh.’
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng khó có thể cải cách di trú nếu không tăng cường thêm an ninh biên giới. “Chúng ta cần một tường thành. Chúng ta sẽ xây tường, hãy nhớ kỹ điều đó, chúng ta sẽ xây tường ngăn chặn các tay trùm ma túy tàn ác, những kẻ buôn lậu nguy hiểm, và các băng đảng tội phạm hình sự.”
Ông hy vọng được sự ủng hộ từ phe Dân chủ. Tháng trước, phe Dân chủ yêu cầu, nhưng bị từ chối, tổ chức một cuộc biểu quyết về dự luật cho phép khoảng 1,2 triệu di dân lưu lại hợp pháp trên đất Mỹ.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Sarah Huckabee-Sanders, ngày 4/1 cho báo giới biết ông Trump tuần tới sẽ họp với một nhóm lập pháp thuộc cả hai đảng để bàn về các bước tiếp theo để cải cách di trú một cách có trách nhiệm.
Các nhà lập pháp Dân chủ ủng hộ bảo vệ các di dân dưới chương trình DACA được công chúng ủng hộ rộng rãi.
Một cuộc khảo sát do NBC/Wall Street Journal công bố hôm 19/12 cho thấy 62% những người tham gia cho rằng Quốc hội nên chấp thuận bảo vệ DACA. Tỷ lệ phản đối, muốn loại bỏ DACA là 19%.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-muon-giu-daca-phai-bo-dien-bao-lanh-an-theo-/4192896.html
Ông Trump nhắm cắt giảm ‘welfare’
Ý định của Tổng thống Trump
Sau chiến thắng về việc thông qua luật cải tổ thuế lớn nhất trong nhiều thập niên, Tổng thống Donald Trump giờ đây muốn xoay qua siết chặt các chương trình trợ cấp an sinh xã hội dù các đảng viên phe Cộng hòa không muốn đụng tới vấn đề nhạy cảm này trong năm bầu cử quốc hội.
Các phụ tá trong Tòa Bạch Ốc cho hay ông Trump hăm hở muốn cải cách trợ cấp an sinh xã hội. Ở Hạ viện, ông có một đối tác sẵn lòng là Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người lâu nay chú ý tới vấn đề này.
Tuy nhiên tại Thượng viện, một số đảng viên Cộng hòa cho rằng lãnh tụ phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell không mặn mà lắm về đề nghị cải cách vốn sẽ khó lòng suông sẻ tại Thượng viện, nơi phe Cộng hòa chỉ đông hơn phe Dân chủ với tỷ lệ khít khao là 51-49.
Phe Dân chủ chỉ trích Tổng thống Trump khi ông xác nhận cải cách trợ cấp xã hội là mục tiêu hàng đầu trong năm nay vì cho rằng việc này nhằm bù đắp cho những khoảng thiếu hụt gây ra bởi cải cách thuế mà theo họ, những người hưởng lợi chính trong luật thuế mới là các công ty và cá nhân giàu có trong khi làm nặng gánh nợ công thêm 1,5 ngàn tỷ đô la trong 10 năm tới.
Ông Trump tuần này đã mời các lãnh đạo phe Cộng hòa ở Quốc hội tới Camp David, nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống ở Maryland để thảo luận các ưu tiên trong năm 2018 bao gồm an sinh xã hội và đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa sẽ phải đi từng bước cẩn trọng khi tìm cách giảm các chương trình trợ cấp của chính phủ vốn mang lại lợi ích cho các ủng hộ viên nồng cốt của ông Trump ở các vùng quê nghèo khó.
Dân biểu Cộng hòa Tom Cole cho Reuters biết Quốc hội có rất nhiều chuyện phải giải quyết trong những tháng đầu năm nay, trong đó có luật ngân sách phải thông qua và vì vậy ông không chắc là Thượng viện có thời gian hay ý chí chính trị để thông qua luật về trợ cấp an sinh xã hội hay không.
Những đảng viên Cộng hòa khác và các nhóm như Hội Các nhà sản xuất quốc gia và Phòng Thương mại Mỹ đều cho rằng năm nay nên tập trung vào vấn đề cơ sở hạ tầng.
Sẽ mạnh tay hơn cải tổ thuế?
Phải tới cuối năm rồi ông Trump mới đạt được chiến thắng pháp lý quan trọng đầu tiên: luật cải tổ thuế được thông qua. Thế nhưng, cắt giảm thuế thì dễ hơn nhiều so với việc bỏ bớt hỗ trợ an sinh xã hội vốn đang mang lại lợi ích cho hàng triệu gia đình Mỹ.
Theo Bộ Nông nghiệp, trong năm ngoái có hơn 42 triệu người trong gần 21 triệu hộ gia đình Mỹ nhận phúc lợi từ Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), thường được gọi là tem phiếu thực phẩm.
Việc này tiêu tốn 58 tỷ đô la của người thọ thuế.
Đề nghị ngân sách của ông Trump hồi năm ngoái kêu gọi cắt giảm trên 192 tỷ đô la của Chương trình SNAP trong vòng 10 năm.
Tổng thống cũng đề nghị cắt mạnh Chương trình Hỗ trợ Tạm thời dành cho các Gia đình cơ nhỡ. Năm ngoái, chương trình này đã hỗ trợ cho 1,1 triệu gia đình.
Giới phân tích cho rằng thúc đẩy cải tổ trợ cấp an sinh xã hội sẽ gây bất lợi chính trị cho các đảng viên Cộng hòa trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 11 năm nay.
Ông Robert Doar, một chuyên gia nghiên cứu về tình trạng đói nghèo tại Viện American Enterprise, người có liên hệ với giới chức chính quyền Trump về các ý tưởng chính sách, đề nghị Tổng thống nên khuyến khích dân tìm việc làm bằng cách giảm thời hạn hội đủ điều kiện được chính phủ trợ cấp và ban hành các biện pháp đánh giá nghiêm ngặt về nỗ lực tìm việc làm.
Ông khuyến nghị Quốc hội nên thông qua luật cắt phúc lợi cho những người nào không nỗ lực đủ để tìm việc làm hay tham gia các công việc thiện nguyện.
Một số lập luận khác cho rằng phần nhiều những người nhận tem phiếu thực phẩm là những người có công ăn việc làm nhưng không đủ xoay sở.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-nham-cat-giam-welfare-/4192746.html
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
muốn siết chặt thực thi luật về cần sa
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions sẽ bãi bỏ chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama nới lỏng thi hành các luật liên bang về cần sa ở các bang, nơi cần sa được chấp nhận là hợp pháp, những người biết về quyết định đó cho hay.
Ông Sessions sẽ cho phép các công tố viên liên bang ở các bang đó quyết định sẽ áp dụng các luật nghiêm đến mức nào.
Người ta cho rằng thông báo của ông Sessions sẽ được đưa ra hôm 4/1, ba ngày sau khi các cửa hàng bán lẻ ma túy gai dầu ở Califonia mở cửa kinh doanh lần đầu tiên, những người ủng hộ cho rằng nơi đó sau này sẽ là thị trường lớn nhất thế giới về kinh doanh cần sa giải trí hợp pháp.
Việc hợp pháp hoá cần sa để sử dụng vào mục đích giải trí tại California, 7 tiểu bang khác và thủ đô Washington có thể làm tăng căng thẳng giữa các quan chức thực thi luật về ma tuý cấp tiểu bang và cấp liên bang do ông Sessions đứng đầu. Ông là người kiên quyết chống việc hợp pháp hóa. Ông Sessions đã so sánh cần sa với heroin và quy kết rằng nó làm gia tăng bạo lực rất nhiều.
Việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế là hợp pháp tại 29 tiểu bang và thủ đô Washington. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kirsten Gillibrand nói rằng quyết định của ông Sessions hôm 4/1 có thể làm cho các bệnh nhân không tiếp cận được việc sử dụng chất đó để điều trị y tế, và làm cho những người của các nhóm thiểu số dễ bị truy tố một cách bất bình đẳng.
Các cuộc thăm dò toàn quốc cho thấy đa số người Mỹ giờ đây ủng hộ việc hợp pháp hoá cần sa, vốn đã trở thành một ngành trị giá hàng triệu đô la, giúp cấp tài chính cho các trường học và các cơ quan thực thi pháp luật.
Chỉ số Dow Jones lần đầu vượt mốc 25.000 điểm
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones lần đầu vượt qua ngưỡng 25.000 điểm hôm 4/1, và cũng đánh dấu đã tăng thêm 1.000 điểm nữa. Chỉ số của các cổ phiếu blue-chip bao gồm các tên tuổi lớn ngành công nghiệp như Boeing và Caterpillar.
Trong số những cổ phiếu tăng điểm nhiều nhất là các công ty công nghệ và ngân hàng. Wells Fargo tăng 1,9% và Microsoft tăng 0,7%.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump viết trên Twitter sáng ngày 4/1: “Dow đã vượt mốc 25.000. Xin chúc mừng! Còn tiếp tục cắt bỏ các quy định không cần thiết”.
Chỉ số Dow tăng 118 điểm, tương đương 0,5%, lên mức 25.037. Nasdaq tăng 16 điểm, đạt 7.081.
Kỷ lục mới nhất diễn ra vào đầu phiên giao dịch của ngày 4/1 – chỉ 5 tuần sau khi đạt mốc 24.000 điểm lần đầu tiên.
Các chỉ số chính khác cũng tăng lên các mức mới, nhờ tin tức về tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong khu vực tư nhân.
Tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trên toàn thế giới, cùng với triển vọng lạc quan hơn của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đã thúc đẩy chỉ số tăng điểm.
https://www.voatiengviet.com/a/chi-so-dow-jones-lan-dau-vuot-moc-25000/4192319.html
10 nước bị lọt vào danh sách ‘Đặc biệt quan ngại’ của Hoa Kỳ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định 10 quốc gia, trong đó có Myanmar, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên vào danh sách các “Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt”( CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế vì đã tham gia hoặc dung túng các vi phạm tự do tôn giáo.
Các nước Eritrea, Sudan, Ả-rập Xê-út, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan cũng đã bị liệt vào danh sách này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Pakistan đã bị bổ sung vào danh sách “Cần Theo dõi Đặc biệt” vì vi phạm nghiêm về tự do tôn giáo.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Việc bảo vệ tự do tôn giáo là rất quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Việc chỉ định này nhằm mục đích nâng cao sự tôn trọng tự do tôn giáo ở các nước. Chúng tôi hoan nghênh những sáng kiến này và mong muốn tiếp tục đối thoại.”
Tòa Bạch Ốc cấm sử dụng điện thoại riêng tại nơi làm việc
Tòa Bạch Ốc ra lệnh cấm nhân viên sử dụng điện thoại di động cá nhân khi làm việc tại Cánh phía tây, bất chấp quan ngại của một số nhân viên rằng họ bị cắt mất liên lạc với con cái và những người thân khác.
“An ninh và tính toàn vẹn của các hệ thống công nghệ tại Tòa Bạch Ốc là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Trump và do đó bắt đầu từ tuần tới việc sử dụng tất cả các thiết bị cá nhân của cả khách lần nhân viên sẽ không còn được cho phép ở Cánh phía tây”, Thư ký Báo chí Sarah Huckabee Sanders cho biết trong một tuyên bố hôm 4/1.
Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, John Kelly, đã ban hành lệnh cấm, viện dẫn những quan ngại về an ninh. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần phàn nàn về những tin bị rò rỉ ra cho báo chí kể từ khi ông nhậm chức, nhưng các phụ tá nói sự thay đổi này không liên quan đến những lo ngại về việc tiết lộ trái phép cho các hãng báo chí.
Có quá nhiều thiết bị được kết nối với mạng không dây của Tòa Bạch Ốc, và điện thoại cá nhân không an toàn như các thiết bị do chính phủ liên bang cấp, một quan chức nói với điều kiện giấu tên khi bàn về vấn đề nội bộ của Tòa Bạch Ốc.
Những phụ tá không đồng tình về lệnh cấm nói rằng họ không thể sử dụng điện thoại công việc vào việc cá nhân, và các máy điện thoại công việc đó không thể gửi tin nhắn. Họ tin rằng lệnh cấm sẽ là một khó khăn vì nhắn tin thường là cách dễ dàng nhất để gia đình của họ liên lạc được với họ trong ngày làm việc bận rộn với nhiều cuộc họp.
(theo NBC News, Bloomberg)
Trung Quốc:
Một người Tây Tạng phải ra tòa vì bảo vệ tiếng Tây Tạng
Hôm qua, 04/01/2018, tòa trung thẩm thành phố Ngọc Thụ (Yushu), tỉnh Thanh Hải (Qinghai), phía tây bắc Trung Quốc, đã đưa ra xét xử ông Trát Tây Văn Sắc (Tahsi Wangchuk), khoảng 30 tuổi, chỉ vì ông đã vận động báo chí và chính quyền bảo vệ tiếng Tây Tạng.
Tư pháp Trung Quốc cáo buộc ông Trát Tây Văn Sắc « kích động ly khai », nhưng tại phiên tòa, ông không thừa nhận tội danh này. Luật sư của ông Trát Tây Văn Sắc nói với AFP là thân chủ của ông chỉ muốn tăng cường giáo dục, giảng dậy bằng tiếng Tây Tạng.
Ông Trát Tây Văn Sắc đã bị bắt và giam giữ tại Ngọc Thụ từ tháng 01/2016, sau khi báo Mỹ New York Times làm một phóng sự vidéo 9 phút nói về việc ông tới Bắc Kinh để vận động, lưu ý chính quyền về tình trạng hạn chế, ít giảng dậy tiếng Tây Tạng ở các trường học địa phương.
Trong cuộc băng video, ông chỉ trích về việc « tàn sát có hệ thống » văn hóa Tây Tạng và cho rằng, trong chính trị, khi muốn xóa bỏ một quốc gia, người ta bắt đầu bằng việc xóa bỏ ngôn ngữ và chữ viết của quốc gia đó. Đồng thời, ông Trát Tây Văn Sắc luôn luôn khẳng định tiến hành vận động bảo vệ ngôn ngữ Tây Tạng trong khuôn khổ luật pháp.
Từ đầu năm 2016, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng đòi chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho ông Trác Tây Văn Sắc.
Trong phiên xử hôm qua, tòa án Trung Quốc chưa tuyên án ngay, nhưng theo giới chuyên gia, thì gần như toàn bộ các vụ xử những vấn đề nhạy cảm đều kết thúc với một bản án tù.
TT Thổ Nhĩ Kỳ thăm Pháp
nhằm cải thiện quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu
Hôm nay, 05/01/2018, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Pháp. Sau một năm 2017 đầy căng thẳng trong quan hệ với một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Erdogan, từ vài tuần nay, có vẻ như đã dịu giọng. Chuyến thăm Pháp là chiếc cầu nối để lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Châu Âu. Tuy nhiên vẫn tồn tại rất nhiều hồ sơ bất đồng giữa Ankara và Paris cũng như là Bruxelles.
Từ Istanbul, thông tín viên, Alexandre Billettetóm lược mục đích chuyến công du Paris của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :
Làm cho quan hệ dịu xuống, quên đi các tranh cãi ngoại giao, đó là phần nào mục tiêu mà Ankara muốn đạt được trong chuyến thăm này.
Từ tháng 12 vừa qua, ông Reecep Tayyip Erdogan đã ca ngợi lập trường của châu Âu trong cuộc khủng hoảng về quy chế Jerrusalem. Kết thúc năm 2017, ông chúc cho 2018 sẽ có những quan hệ tốt đẹp với châu Âu.
Nhưng ngoài giọng điệu, phần còn lại phải xem liệu chuyến đi có mang lại hiệu quả thực sự, nhất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng nước Đức mới là người đối thoại chính của châu Âu.
Chương trình của chuyến thăm bao gồm phần kinh tế, nhưng cũng còn có các hồ sơ phức tạp như Syria, Iran, quân nổi dậy PKK và những người ủng hộ giáo sĩ Fthullah Gulen ở châu Âu mà Ankara đang muốn dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Về vấn đề nhân quyền và tự do báo chí mà ông Emmanuel Macron đã ngỏ ý sẽ nhắc tới, phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã trả lời trên hồ sơ này họ không thay đổi quan điểm. Đó là tổng thống Pháp đã không được thông tin đúng và ông Recep Tayyip Erdogan có thể sẽ giải thích cho ông Macron.
Nhân quyền
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Pháp (Amnesty International France) hy vọng tổng thống Emmanuel Macron sẽ có thông điệp cứng rắn về vấn đề nhân quyền trong buổi làm việc với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại điện Elysée. Trả lời RFI, bà Cécile Coudriou, phó chủ tịch tổ chức Ân Xá Quốc Tế Pháp bày tỏ lo ngại cho số phận của các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là chủ tịch tổ chức Ân Xá Quốc Tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị cầm tù, với lý do chống khủng bố.
Trong khi đó, ngày 04/01/2018, đoàn luật sư Paris đã yêu cầu Ankara « trả tự do ngay lập tức » cho các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cầm tù, đồng thời lên án « cuộc thanh trừng có quy mô lớn » của tổng thống Erdogan « bất chấp mọi công ước quốc tế và những quyền cơ bản nhất ».
Mỹ gia tăng sức ép với Iran
Biểu tình phản đối chế độ tại Iran, bùng phát từ những ngày cuối năm 2017, tạm lắng lại sau các phản ứng cứng rắn từ phía chính quyền. Hôm qua 04/01/2018, Hoa Kỳ tuyên bố gia tăng áp lực lên chính quyền Teheran. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có cuộc họp về tình hình Iran hôm nay, 05/01/2018.
Chính quyền Donald Trump ngay từ đầu đã khẳng định ủng hộ các cuộc biểu tình phản kháng, và lên án chế độ Teheran. Hôm qua, bộ Tài Chính Mỹ ra thêm một loạt trừng phạt mới chống lại các tập đoàn công nghiệp, bị nghi ngờ tham gia chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc chế độ Iran đã « ưu tiên » chương trình tên lửa, « thay vì cải thiện đời sống kinh tế của dân chúng nước mình ».
Trong lúc Hội Đồng Bảo An có kế hoạch nhóm họp ngày hôm nay để bàn về vấn đề Iran, theo đề nghị của Washington, hôm qua Nga cảnh cáo Mỹ về mọi mưu toan can thiệp vào « công việc nội bộ » của Iran. Cảnh báo được một thứ trưởng ngoại giao Nga đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS nhấn mạnh Matxcơva là bạn của « chính quyền Iran » và Nga mong muốn Teheran vượt qua « các khó khăn hiện nay ».
Teheran tìm cách xoa dịu dân chúng
Về tình hình tại chỗ, sau khi các biểu tình phản đối chính quyền bị trấn áp, Teheran một mặt tiếp tục cổ vũ các cuộc tuần hành ủng hộ chế độ, mặt khác có các cử chỉ nhân nhượng nhằm xoa dịu sự phẫn nộ trong dân chúng, như ghi nhận của thông tín viên Shiavoz Ghazi từ Teheran :
« Thứ Sáu hôm nay là ngày thứ ba liên tiếp, chính quyền Iran tổ chức các cuộc biểu tình để lên án bạo lực và các phần tử gây rối. Biểu tình sẽ diễn ra sau buổi lễ cầu nguyện thứ Sáu tại vùng thủ đô Teheran.
Hôm qua và hôm thứ Tư trước đó, tuần hành lớn ủng hộ chế độ cũng đã được tổ chức tại khoảng 40 thành phố trên khắp đất nước. Tất cả đoàn kết ủng hộ lãnh đạo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, là khẩu hiệu chính trong các cuộc tuần hành, theo các hình ảnh trên truyền hình.
Người ta cũng thấy cả các khẩu hiệu như đả đảo Mỹ, đả đảo Israel hay đả đảo monafeg. Monafeg trong tiếng Ba Tư có nghĩa là kẻ đạo đức giả, một từ ngữ thường được chính quyền sử dụng để chỉ lực lượng Chiến Binh (Moudjahedine) của Nhân Dân.
Chính quyền tiếp tục cáo buộc các nhóm phản cách mạng và lực lượng Chiến Binh của Nhân Dân lợi dụng các cuộc biểu tình hợp pháp của dân chúng phản đối các khó khăn kinh tế, để gây rối loạn.
Teheran tìm cách xoa dịu dân chúng. Cụ thể là Quốc Hội Iran đã thông báo từ bỏ kế hoạch tăng giá xăng và một số sản phẩm khác, theo ngân sách dự kiến cho năm 2018, vừa được tổng thống Rohani đưa ra, ít tuần trước khi bùng nổ đợt phản kháng, để tránh gây thêm nhiều áp lực hơn đối với tầng lớp dân nghèo. Dự án tăng giá xăng 50% của chính phủ Iran có thể khiến lạm phát đang ở mức 10% hiện nay tiếp tục gia tăng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180105-iran-hoa-ky-gia-tang-suc-ep-len-chinh-quyen-teheran-ok