Tin Biển Đông – 05/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 05/01/2018

Biển Đông trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ

Ngày 18/12/2017 vừa qua, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 (National Security Strategy – NSS 2017) – tài liệu chính thức định hình chính sách đối ngoại và các quyết sách về an ninh quốc gia của Mỹ trong thời gian tới. Giới quan sát từ Việt Nam có sự theo dõi và đánh giá về những chính sách này dưới góc độ quan hệ quốc tế và an ninh trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp tạo lập uy thế trên Biển Đông.

Quan điểm cứng rắn vì quyền lợi Mỹ

Bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của Chính quyền Tổng thống Donald Trump được công bố sớm hơn các nhiệm kỳ tổng thống trước, dựa trên sự tham vấn và đồng thuận của nhiều cơ quan hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, như Hội đồng An ninh Quốc gia, CIA, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – nhà ngoại giao Việt Nam kỳ cựu, nhìn nhận, bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Chính quyền tổng thống Trump thể hiện quan điểm “cứng rắn”.

Về cái độ rắn của nó, người ta xếp nó ở giữa cái NSS của G.W.Bush và Obama. Bush ngày xưa đưa ra chiến lược “đánh phủ đầu”. Còn Obama thì nặng về ngoại giao. Ông này đặt ở giữa

Bản Chiến lược này đề cập đến bốn trụ cột chính gồm: Bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy thịnh vượng của Hoa Kỳ; duy trì hòa bình thông qua sức mạnh; và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Bốn điều này là những mục tiêu cơ bản mà các nước lớn đều muốn hướng tới.

Trump đánh giá Trung Hoa là một thế lực phát triển hung hăng. Mà cái hung hăng này là nó cộng cả cốt tính của người Hoa, bành trướng, tham lam.

– Nguyễn Khắc Mai

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết cho rằng, Chính quyền Tổng thống Mỹ muốn xây dựng một chính sách “Trump-nomic” – giống như tên gọi “Abe-nomic” của Nhật.

Làm sao để giữ được vị thế nước Mỹ nằm ở hàng đầu các quốc gia trên thế giới – vừa có sức mạnh kinh tế, sức mạnh về văn hóa, sức mạnh của chủ nghĩa nhân văn.”

Hoa kỳ xác định rõ “đối thủ”

Trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gọi đích danh Trung Quốc và Nga là hai “đối thủ”, là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại – muốn làm thay đổi trật tự thế giới, đe dọa vị thế và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Điều này khiến giới quan sát ngạc nhiên, bởi trong năm 2017, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Mỹ vào mùa hè, và Tổng thống Trump đã thăm Bắc Kinh hồi tháng 11, hai bên đã có những lời lẽ ngoại giao, ca ngợi quan hệ song phương và những cam kết hợp tác.

Quan điểm này khác so với các nhiệm kỳ tổng thống trước và cương lĩnh khi tranh cử của ông Trump.

Trong chiến lược quốc gia của các tổng thống trước, họ đều nhấn mạnh đến tính hai mặt – tức là tính đối tác và đối thủ của Trung Quốc. Nhưng riêng lần này, Trump chỉ nhấn mạnh tính đối thủ thôi. Mà đây không chỉ là Trung Quốc, mà cả Nga nữa. Thì điều này cho thấy, Trump có độ ngoặt tương đối lớn so với chương trình tranh cử.”

Theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai, việc Hoa Kỳ xác định cả Trung Quốc và Nga đều là “đối thủ” sẽ khiến cho nước này phải gồng mình đối phó với cả hai, thay vì “hòa hoãn” với Nga để tập trung đối phó với Trung Quốc.

Tôi cho rằng, Trump đánh giá Trung Hoa là một thế lực phát triển hung hăng. Mà cái hung hăng này là nó cộng cả cốt tính của người Hoa – đại Hán, bành trướng, tham lam.”

Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ và Biển Đông

Các tổng thống và quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của Biển Đông đối với thương mại toàn cầu, gắn bó với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, nên Hoa Kỳ sẽ nỗ lực bảo vệ và thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.

Mỹ sẽ không buông xuôi, Mỹ sẽ không để mặc cho Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” trong khu vực.

– Đinh Hoàng Thắng

Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, Chính quyền tổng thống Trump đã nhắc đến vai trò của ASEAN, và Hoa Kỳ sẽ có trách nhiệm đối với các nước “đối tác” trong khu vực – mà Việt Nam là một bộ phận trong đó.

Qua tuyên bố chính sách của nước Mỹ đối với khu vực, đặc biệt là đối với Trung Quốc, thì chúng ta có thể hiểu rằng, Mỹ sẽ không buông xuôi, Mỹ sẽ không để mặc cho Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” trong khu vực, đặc biệt là trong vấn đề tự do, an toàn đi lại trên Biển Đông.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhắc lại chiến lược “Indo-Pacific” mà Tổng thống Trump đưa ra tại Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam tháng 11/2017 vừa qua tại Đà Nẵng, và cho rằng, nó có sự liên hệ với Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố.

Bây giờ đặt vấn đề “tứ giác kim cương” (tức “Indo-Pacific”, bao gồm: Ấn Độ – Úc – Nhật – Mỹ) là cái khôn ngoan. So với sách lược chuyển trục (dưới thời tổng thống Obama), thì sách lược này hay hơn, chiến lược hơn, có tầm hơn. Tôi mong rằng cái “tứ giác kim cường” này hình thành, để ngăn chặn cái ác ở Phương Đông.”

Với vị thế là các bên có tranh chấp chủ quyền và lợi ích với Trung Quốc trên Biển Đông, theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, hợp tác và chia sẻ quyền lợi trong chiến lược an ninh quốc gia với Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc đã mở rộng, quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm được trên Biển Đông.

Không chỉ Việt Nam đâu, mà bất cứ thành viên nào của ASEAN, kể cả những nước lớn như Indonesia. Nếu một mình anh đối chọi với Trung Quốc, thì cũng là “trứng chọi đá”, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai có chung quan điểm với Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, và ông cho rằng Việt Nam cần ứng xử khéo léo với Trung Quốc bởi sự phức tạp trong quan hệ.

Việt Nam là nước yếu, Trung Hoa là nước mạnh, đời đời ăn hiếp mình, xâm lược mình, bắt nạt mình, cướp bóc mình. Bây giờ có một thế lực ngăn chặn bớt, thì tốt quá chứ, mừng quá chứ. Sống với những người bạn như thế thì cũng yên tâm. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nên thấy điều đấy.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/scs-in-uss-new-national-security-policy-01042018130930.html

 

Sông Mêkông:

Một Biển Đông mới trong tranh chấp Trung Quốc-ASEAN ?

Mai Vân

Trong hai ngày 10-11/01/2018, hội nghị thượng đỉnh cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông lần thứ 2 sẽ mở ra tại Phnom Penh, thủ đô Cam Bốt. Nhân dịp này, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong số ra ngày 03/01, đã phân tích thêm về cơ chế hợp tác do Trung Quốc chủ xướng, trên danh nghĩa là để góp phần giảm bớt căng thẳng đến từ các đề án trên sông Mêkông, nhưng đã bị các nhà bảo vệ môi sinh hết sức hoài nghi. Bài viết không ngần ngại đặt thành tựa câu hỏi : « Phải chăng sông Mêkông sắp trở thành một Biển Đông mới trong tranh chấp khu vực ? Is Mekong River set to become the new South China Sea for regional disputes ? ».

Tờ báo Hồng Kông trước hết nhắc lại là tại hội nghị Phnom Penh sắp tới đây, lãnh đạo 6 nước trong nhóm hợp tác Lan Thương – Mêkông sẽ thông qua dự thảo một kế hoạch 5 năm nhằm phát triển vùng sông Mêkông đã được ngoại trưởng 6 nước thành viên là Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, nhất trí nhân cuộc họp vào tháng qua ở Trung Quốc.

Phát biểu ở hội nghị nói trên tại Vân Nam, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho là cơ chế do Bắc Kinh đứng đầu có khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả 6 nước ven sông và Trung Quốc dự kiến tài trợ cho hàng chục đề án. Ngoại trưởng Prak Sokkhom của Cam Bốt, nước ủng hộ Trung Quốc mạnh nhất trong khối ASEAN, đã cám ơn Bắc Kinh về vai trò lãnh đạo trong cơ chế và mô tả tiến bộ thực hiên được là điều « chưa từng có ».

Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post, giới bảo vệ môi trường đã tỏ thái độ quan ngại về tác hại của các đề án phát triển đối với môi trường sông Mêkông, điều mà ông Vương Nghị chưa bao giờ đề cập đến trong các cuộc thảo luận công khai.

Bắt nguồn từ Tây Tạng, sông Mêkông, tên gọi tiếng Hoa là Lan Thương (Lancang), đã chảy qua Trung Quốc trước khi đổ xuống, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, rồi ra Biển Đông. Cả sáu nước đều là thành viên của cơ chế Hợp Tác Lan Thương-Mêkông, và ngoại trừ Trung Quốc, năm nước còn lại đều là thành viên hiệp hội Đông Nam Á ASEAN.

Kiểm soát được Mêkông là khống chế được kinh tế Đông Nam Á

Cho đến nay, sông Mêkông là một nguồn tài nguyên to lớn cho khu vực, với vùng hạ lưu là vùng đất màu mỡ nhất thế giới cho nông nghiệp, ngư nghiêp. Đối với đa số các chuyên gia, kiểm soát được con sông này đồng nghĩa với kiểm soát được phần lớn kinh tế Đông Nam Á. Chính vì vậy mà giới quan sát nhận định là có khả năng dòng nước này sẽ trở thành một điểm tranh chấp lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN sau tranh chấp Biển Đông.

Bắc Kinh thiết lập cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông vào năm 2015. Nhiều người xem đó là một cơ chế cạnh tranh với Ủy Ban Sông Mêkông – Mêkông River Commission – đã ra đời và hoạt động từ hơn 60 năm nay. Ủy Ban này tuy nhiên chỉ bao gồm 4 nước Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan, không có Trung Quốc và Miến Điện.

Trung Quốc được mời tham gia Ủy Ban nhưng đã từ chối, chỉ đồng ý làm « đối tác đối thoại », giống như Miến Điện. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh có thể đứng ngoài quy định của Ủy Ban theo đó các nước thành viên mỗi khi có đề án xây đập trên sông, thì phải đệ trình kế hoạch để thảo luận.

Theo South China Morning Post, cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông của Trung Quốc, trên nguyên tắc là một kênh thông tin và một cơ cấu thúc đẩy phát triển kinh tế, thế nhưng hiệu quả của nó cần được chứng minh thêm, trong lúc ý đồ địa chính trị lại gây nên nhiều quan ngại.

Đối với giới bảo vệ môi trường, các đề án phát triển thủy điện của Trung Quốc và các nước khác đã đe dọa tương lai của cả con sông lẫn cư dân ven sông, vì các đập thủy điện lớn tác hại nặng nề đến hệ sinh thái, đe dọa sinh kế của hàng triệu người.

Theo nhà bảo vệ môi sinh Thái Lan Pianporn Deetes : « Đối với các cộng đồng cư dân ở vùng hạ lưu, các con đâp xây ở thượng nguồn đã làm thay đổi rất lớn chu kỳ lũ-hạn tự nhiên của sông và ngăn chặn dòng chảy của phù sa, qua đó tác hại đến hệ sinh thái… Tác động (của các con đập mà Trung Quốc xây trên thượng nguồn) trên mực nước và ngư nghiệp đã được ghi nhận dọc biên giới Thái Lan và Miến Điện. »

Theo bà Deetes, từ khi mở đập thủy điện Mạn Loan, con đập đầu tiên trên dòng chính sông Mêkông vào năm 1995, Trung Quốc sau đó đã xây thêm 7 con đập khác, và đang hoặc có kế hoạch làm thêm 20 đập nữa ở Vân Nam, Tây Tạng, Thanh Hải.

Các chuyên gia môi trường cho rằng việc Trung Quốc thiếu tham khảo các láng giềng ở vùng hạ lưu con sông, cũng như thiếu đánh giá về tác hại của đập trên con sông và cư dân đã khiến cho việc phát triển khu vực thêm phức tạp.

Thúc đẩy quyền lợi Trung Quốc

Nhật báo Hồng Kông không ngần ngại cho rằng Bắc Kinh đã khéo lợi dụng việc cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông ít được truyền thông quốc tế chú ý để âm thầm thúc đẩy các lợi ích của mình, và phô trương rằng cơ chế này là một trong những phương cách tốt nhất để tăng cường quan hệ với ASEAN.

Đối với chuyên gia Milton Osborne, nguyên là một nhà ngoại giao Úc, « việc Trung Quốc thiết lập cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông phản ánh sự công nhận muộn màng từ phía Bắc Kinh, là chính sách của họ liên quan đến sông Mê Kông đã để ý quá ít đến quyền lợi các nước ở hạ nguồn ».

Trong hai năm từ khi thiết lập cơ chế này, Trung Quốc đã tổ chức 3 cuộc họp cấp ngoại trưởng và dành hàng tỷ đô la tài trợ cho khoảng 45 đề án, từ việc xây dựng các cơ quan nghiên cứu tài nguyên cho đến hợp tác trên các đề án kết nối khu vực, công nghiệp, thương mai xuyên biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo khó.

Trong cơn khát năng lượng, một số quốc gia ven sông đã sẵn sàng theo chân Trung Quốc. Lào chẳng hạn, đang thúc đẩy kế hoạch xây con đập thứ 3 trên dòng chính sông Mêkông, bất chấp phản đối của láng giềng Việt Nam và Uỷ Ban sông Mêkông.

Theo bà Deetes : « Các công ty Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào hơn 6 con đập trên dòng chính sông Mêkông ở vùng hạ nguồn, trong đó có cả hai đập Don Sahong và Pak Beng ở Lào. Việc phát triển các con đập này không tuân thủ thông lệ tốt của quốc tế là phải quan tâm và tránh hay giảm thiểu tác động đến đời sống và môi trường ».

Việt Nam lại đi đầu trong việc chống các con đập trên dòng chính

Căng thẳng tăng lên vào năm 2016 khi Việt Nam phải chịu một cơn hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm, với 1,8 triệu dân bị mất mùa và thiếu nước.

Hạn hán chủ yếu do tác động của hiện tượng khí hậu El Niño, nhưng các chuyên gia môi trường cho rằng Trung Quốc cũng có trách nhiệm vì hồ chứa nước của các con đập đã làm gia tăng mức độ bốc hơi ở thượng nguồn dòng sông. Để giúp giải quyết tình hình khô hạn đó, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc xả nước từ các con đập phía trên.

Một số chuyên gia đã hy vọng là cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông có thể hoàn tất những mục tiêu quan trọng mà Ủy Ban sông Mêkông đã không làm được như điều hòa việc xây đập trên dòng chính sông Mêkông.

Theo ông Osborne, sẽ là một điều tốt cho các nước hạ nguồn nếu Trung Quốc đồng ý trên một thỏa thuận theo đó họ thông báo cho các láng giềng mỗi khi cho xả nước từ đập thủy điện của mình. Nhưng Bắc Kinh chưa đồng ý tham gia vào một hệ thống như vậy.

Marc Goichot, một cố vấn thuộc chương trình Greater Mêkông Programme của Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên WWF, cho rằng chính những khó khăn mà Ủy Ban sông Mêkông gặp phải đã biện giải cho sự tồn tại của cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông.

« Vấn đề của Ủy Ban là có quá nhiều ràng buộc, hạn chế, nhất là chỉ có 4 trên 6 quốc gia ven sông là thành viên, và chỉ lo vấn đề nguồn nước, trong lúc sông ngòi không chỉ liên quan đến nước, mà cần đến sự dấn thân nhiều hơn nữa của giới quy hoạch kinh tế, đầu tư, và lãnh vực tư nhân ».

Một số chuyên gia khác lập luận là mặc dù Trung Quốc nỗ lực tạo hình ảnh một nhà tài trợ hảo tâm, cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông sẽ không giúp giảm mối quan ngại trong nhiều nước Đông Nam Á về ý đồ địa chính trị của Trung Quốc.

Biển Đông và Mêkông: Trung Quốc áp dụng cùng một chiến thuật

Nhà nghiên cứu độc lập Elliot Brennan cho là vấn đề sông Mêkông có khả năng trở thành điểm tranh chấp lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN sau Biển Đông, và đối với Bắc Kinh, kiểm soát con sông là một mục tiêu chiến lược.

Theo chuyên gia này : « Sau hơn một thập niên ngoại giao vụng về, Bắc Kinh đã học được cách sử dụng cây gậy và củ cà rốt trong vùng… Bắc Kinh hiểu rõ hơn bao giờ hết những gì các nước ASEAN muốn và đã thâm nhập được rất sâu (vào nội bộ ASEAN) để ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của họ. Nếu Bắc Kinh thành công trong việc kiểm soát sự phát triển của sông Mêkông, họ sẽ nhanh chóng biến nó thành một động mạch quan trọng để Trung Quốc vươn lên và tăng gia ảnh hưởng trong ASEAN. »

Thitinan Pongsudhirak, giáo sư nghiên cứu quốc tế Đại Học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng những động thái của Trung Quốc đối với sông Mêkông tương tự như chiến thuật họ đã dùng trong tranh chấp Biển Đông.

« Cơ chế Hợp Tác Lan Thương – Mêkông là biểu hiện cho thấy Trung Quốc chỉ chơi theo các luật lệ của riêng họ. Họ đã tạo ra sự đã rồi bằng cách xây dựng các con đập ở thượng nguồn để gây thiệt hại cho các nước ở hạ nguồn, rồi sau đó thành lập cơ quan quản lý riêng của họ để bác bỏ Ủy Ban sông Mêkông ».

Giáo sư Thái Lan ghi nhận tiếp : « Trung Quốc cũng đàm phán song phương với từng nước ở vùng sông Mêkông để các quốc gia này không thể đoàn kết lại để chống lại Bắc Kinh trong tư cách là một khối khu vực ».

Kết luận của ông Brennan khá bi quan : Các cuộc thảo luận hiện tại về cách bảo vệ hệ thống môi trường của con sông đã không đi đủ xa, và « Trung Quốc sẽ có thể được tất cả trong lúc các thành viên Asean thì mất tất cả trong vấn đề hợp tác khu vực về sông Mêkông… Vấn đề là các nước ASEAN không thể gạt bỏ thực tế địa chính trị và phải cố đàm phán gay go để có được một sự hợp tác đúng đắn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180105-song-mekong-mot-bien-dong-moi-trong-tranh-chap-trung-quoc-asean