Tin khắp nơi – 03/11/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 03/11/2017

Trump khởi hành chuyến công du

Châu Á dài nhất trong nhiều năm qua

Đối mặt với những thử thách trong nước, Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu đã khởi hành chuyến công du dài nhất đến Châu Á của một tổng thống Mỹ trong hơn một phần tư thế kỷ qua, tìm kiếm sự trợ giúp để gây áp lực buộc Triều Tiên thoái lui trước một cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Chuyến đi của ông Trump đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines từ thứ Sáu đến ngày 14 tháng 11 sẽ đưa ông ra khỏi Washington, nơi ông bận tâm về nhiều vấn đề.

Những vấn đề này bao gồm một cuộc điều tra liên bang đang gia tăng cường độ về cuộc bầu cử hồi năm ngoái, sự phục hồi của New York sau một vụ tấn công khủng bố làm thiệt mạng tám người, và tranh luận về kế hoạch cắt giảm thuế mà nếu được Quốc hội phê chuẩn sẽ là chiến thắng lập pháp đầu tiên của ông.

Ông Trump bay vào sáng thứ Sáu tới Hawaii, nơi ông dừng chân để nghe báo cáo về lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và đến thăm Trân Châu Cảng.

Sau đó ông sẽ đến Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm kiếm một mặt trận thống nhất chống lại Triều Tiên trước khi đến Bắc Kinh, nơi ông sẽ thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Ông Trump sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, Việt Nam, thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tại Hà Nội và kết thúc chuyến đi của ông với Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á tại Manila.

Lần cuối cùng một vị tổng thống Mỹ có mặt tại Châu Á trong một khoảng thời gian dài như vậy là vào cuối năm 1991 và đầu năm 1992, khi Tổng thống George H.W. Bush ngã bệnh trong một bữa quốc yến ở Nhật Bản.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-khi-hanh-chuyen-cong-du-chau-a-dai-nhat-trong-nhieu-nam-qua/4098624.html

 

Máy bay ném bom Mỹ diễn tập tại Hàn quốc

Hai máy bay ném bom chiến lược Mỹ đã diễn tập trên vùng trời Hàn quốc, Không lực Mỹ cho hay. Động thái này làm gia tăng căng thẳng với Triều Tiên chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Donald Trump tới thăm Seoul trong nỗ lực tìm cách chấm dứt mối đe dọa của chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tin tức về cuộc diễn tập ngày 2/11 được Thông tấn xã KCNA của Triều Tiên loan tin lần đầu tiên vào ngày 3/11. KCNA cho biết trong cuộc diễn tập này có những máy bay phản lực chiến đấu của Hàn quốc và Nhật Bản là “cuộc diễn tập tấn công hạt nhân bất ngờ”.

Ông Trump sẽ đến châu Á ngày Chủ Nhật 5/11, bắt đầu chuyến viếng thăm vùng này lần đầu tiên trong tư cách Tổng thống. Ông sẽ đến Nhật Bản trước khi sang thăm Hàn Quốc và Trung Quốc, kế đến là Việt Nam và Philippines.

Một loạt các cuộc thử nghiệm phi đạn của Triều Tiên và vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất, bất chấp những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã gây nên thách thức quốc tế nghiêm trọng nhất đối với chính quyền ông Trump.

Trung Quốc, dưới áp lực của Mỹ đòi phải làm nhiều hơn nữa để kìm chế đồng minh Bình Nhưỡng, ngày 3/11 nhấn mạnh là nước này đã thi hành các nghị quyết của Liên hiệp quốc và nhắc lại lập trường chống việc sử dụng vũ lực.

Mục đích chuyến đi của ông Trump sẽ là tăng cường sự ủng hộ quốc tế để tước bỏ những nguồn lực của Triều Tiên như một đòn bẩy để buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân, các giới chức Hoa Kỳ nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump H.R. McMaster nói ông Trump đã chấp thuận một số chế tài khác nhau đối với Triều Tiên trong khi tăng áp lực đòi Trung Quốc làm thêm nữa, đang bắt đầu thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump cảnh báo sẽ “hủy diệt hoàn toàn”Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ.

Trong khi Triều Tiên chưa phóng thêm phi đạn nào kể từ ngày 15/9, khoảng thời gian lâu nhất trong năm nay, nhưng một loạt các hoạt động được phát hiện tại các cơ sở nghiên cứu phi đạn tại Bình Nhưỡng cho thấy có thể có một vụ phóng khác nữa, cơ quan tình báo Hàn quốc nói với các nhà lập pháp ngày 2/11.

Ngày 3/11, Seoul họp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về khả năng áp đặt chế tài đơn phương đối với Bình Nhưỡng, và có thể loan báo những biện pháp này trước khi ông Trump đến Hàn quốc, một giới chức văn phòng tổng thống nói.

https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-nem-bom-my-dien-tap-tai-han-quoc/4098789.html

 

Ông Trump cảnh báo Nhật có thể ra tay đối với Bắc Hàn

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 2 tháng 11 lên tiếng cảnh báo Trung Quốc là nước Nhật có thể tự giải quyết vấn đề nếu như mối đe dọa Bắc Hàn không được giải quyết.

Ông Trump phát biểu với Kênh Fox News như vừa nêu. Theo lời ông này thì Nhật Bản là một quốc gia võ sĩ chiến binh và bản thân ông nói với Trung Quốc cũng như bất cứ nước nào khác rằng sẽ phải gặp rắc rối lớn với Nhật Bản nếu như cứ để chuyện Bắc Hàn tiếp diễn.

Phát biểu như vừa nêu của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được đưa ra trước khi lên đường công du Châu Á trong chuyến thăm được cho là dài nhất của một vị nguyên thủ nước Mỹ kể từ năm 1991 đến nay.

Bắc Hàn vào tháng 7 vừa qua cho phóng hai hỏa tiển đạn đạo liên lục địa mà được nói có khả năng đến được đất Mỹ. Tiếp sau đó Bình Nhưỡng cho bắn hai hỏa tiễn ngang qua lãnh thổ Nhật Bản và một vụ thử nguyên tử thứ sáu được cho là mạnh mất từ trước đến nay.

Tổng thống Donadl Trump từng lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả bằng ‘lửa và cuồng nộ’ đối với mối đe dọa từ Bắc Hàn. Người đứng đầu chính quyền Nhà Trắng bỡn cợt gọi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un là ‘chàng tên lửa’; đáp lại lãnh tụ Bình Nhưỡng gọi ông Trump là ‘lão già lẩm cẩm’.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/trump-warns-china-japan-could-take-action-on-north-korea-11032017091316.html

 

Mỹ xem xét đưa Bắc Hàn vào lại danh sách bảo trợ khủng bố

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ Mc Master cho biết Bắc Hàn có thể bị đưa lại vào danh sách những nước mà Hoa Kỳ tin là đang bảo trợ cho khủng bố.

Cố vấn an ninh quốc gia, ông McMaster, cho biết như vừa nêu vào tối trước khi tổng thống Donald Trump lên đường công du Châu Á vào ngày 3 tháng 11.

Ông McMaster nhắc lại vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ với chủ tịch Kim Jong-Un tại phi trường Kuala Lumpur vào ngày 13 tháng 2 năm nay. Theo ông McMaster thì đó là hành động khủng bố có thể sử dụng để đưa Bắc Hàn vào lại danh sách quốc gia bảo trợ cho bọn khủng bố quốc tế.

Danh sách này hiện có Iran, Sudan và Syria.

Ngoại trưởng Rex Tillerson của Hoa Kỳ đang tiếp tục lượng định là có nên đưa Bắc Hàn vào danh sách với ba nước bảo trợ khủng bố đang có như vừa nêu hay không. Theo lời của một quan chức ngoại giao Mỹ thì bộ  này đã có thông báo cho vị dân biểu Quốc Hội và hy vọng ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ có công bố về quyết định liên quan nội trong tháng này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-considering-returning-nk-to-list-of-terror-sponsors-11032017104127.html

 

LHQ kêu gọi chấm dứt tình trạng vô quốc tịch

Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia cần tham gia chấm dứt tình trạng người vô quốc tịch vào năm 2024.

Trong một báo cáo được công bố ngày 3/11, Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR cho biết hiện trên thế giới có khoảng 10 triệu người vô quốc tịch, trong đó có đến 600.000 người Hồi giáo Rohingya đang lánh nạn tại Bangladesh.

Bà Carol Batchelor, giám đốc bộ phận bảo vệ quốc tế của UNHCR nói rằng nếu một người không có quốc tịch, đồng nghĩa người đó không thể được nhận diện, không có giấy tờ tùy thân, và không được hưởng những quyền và lợi ích như người bình thường chẳng hạn như học hành hay xin việc làm.

UNHCR kêu gọi các chính phủ nên trao quốc tịch cho những người sinh ra trên lãnh thổ của mình, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập tịch đối với những thường trú nhân lâu năm. Ngoài ra cần đảm bảo không có trường hợp bị loại trừ hay tước đoạt quốc tịch một cách tùy tiện.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/worlds-stateless-deserve-nationality-unhcr-11032017090853.html

 

Myanmar phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ

Myanmar ngày 3/11 lên tiếng về kế hoạch trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào giới chức quân đội Miến Điện liên quan đến khủng hoảng Hồi giáo Rohingya, cho rằng lệnh này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Bản dự thảo lệnh trừng phạt được các thành viên của Thượng viện Hoa Kỳ đưa ra vào đêm trước khi Tổng thống Donald Trump lên đường công du châu Á. Lệnh trừng phạt nhắm đến việc hạn chế quyền tự do đi lại đối với các quan chức quân sự Miến Điện và cấm vận mọi sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho quân đội Miến cho đến khi các thủ phạm trong cuộc khủng hoảng Rohingya phải chịu trách nhiệm.

Hãng Reuters dẫn lời phát ngôn viên Zaw Htay của lãnh tụ Suu Kyi nói rằng Myanmar cần sự ổn định nội bộ để cải thiện nền kinh tế của đất nước. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến người dân trong các ngành du lịch, đầu tư kinh doanh, và sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu.

Ông Zaw Htay nói thêm rằng Myanmar sẽ trình bày những nỗ lực của chính phủ tại bang Rakhine trong thời gian qua, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson đến thăm quốc gia này vào ngày 15 tháng 11 tới đây. Ông cũng khẳng định rằng việc tái thiết đất nước sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ có sự can thiệp của chính phủ mà cần cả sự tham gia của quân đội Miến Điện.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/myanmar-sees-bad-consequences-if-us-imposes-sanctions-on-military-11032017090426.html

 

Ngoại trưởng Cuba: Mỹ dối trá trong vụ tấn công âm thanh

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba cáo buộc Hoa Kỳ “cố ý nói dối” về những cuộc tấn công âm thanh bí mật nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba.

Trong một cuộc họp báo hiếm có tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, ông Bruno Rodriguez yêu cầu chính quyền ông Trump “phải nói thật hoặc phải đưa ra chứng cứ.”

“Tôi nói là không có vụ tấn công nào xảy ra. Không có hành động cố ý nào. Không có sự kiện rõ rệt nào xảy ra. Nếu chính phủ Hoa Kỳ có ý kiến trái ngược, tôi đề nghị họ đưa ra bằng cớ.”

Tuyên bố này là phủ nhận mới nhất của các giới chức Cuba để phản bác các cáo buộc của Mỹ liên quan đến những sự số gây ảnh hưởng đến sức khỏe của ít nhất 24 viên chức tòa đại sứ Mỹ tại Havana, làm cho họ mắc phải một số chứng bệnh khác nhau trong đó có nhức đầu, những vấn đề về thính giác và những chấn thương.

Ông Rodriguez cũng nêu nghi vấn về tính xác thực của những băng thu âm mà các nhà điều tra nói đã thu được những âm thanh mà những người bị tổn thương nghe được, và nói rằng các băng ghi âm đó là ngụy tạo.

Phát biểu tại Trường đại học Howard ở Washington D.C vào tuần trước, trong một hội nghị các kiều dân Cuba sống tại Mỹ, ông Rodriguez nói các cáo buộc của Mỹ về những cuộc tấn công âm thanh bí mật nhắm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba là “mánh khóe chính trị” và “hoàn toàn giả mạo,” được dùng để phá hoại quan hệ song phương.

Cuba cho biết không sở hữu bất cứ công nghệ nào có khả năng gây ra những cuộc tấn công đã được mô tả.

Hoa Kỳ đã cắt giảm 60% nhân viên tòa đại sứ tại Havana trong phản ứng đối với sự việc này và đã trục xuất 17 nhà ngoại giao Cuba tại tòa đại sứ Cuba ở Washington.

Hoa Kỳ cũng đã đưa ra cảnh báo đối với những công dân Mỹ đến Cuba và ngưng cấp visa cho người Cuba ở Havana.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-cuba-my-doi-tra-trong-vu-tan-cong-am-thanh/4098729.html

 

Trump nói không chắc Tillerson

sẽ tiếp tục làm ngoại trưởng Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông không chắc nhà ngoại giao cao cấp nhất của ông, Rex Tillerson, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này đến hết nhiệm kỳ của ông Trump trong Nhà Trắng, và ông “không hài lòng” về việc một số nhân viên Bộ Ngoại giao không ủng hộ chủ trương của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với Laura Ingraham trên đài Fox News vào cuối ngày thứ Năm, ông Trump công kích bộ trưởng ngoại giao Tillerson và nói một mình ông quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ.

“Người quan trọng đối với tôi là tôi,” ông Trump nói. “Tôi là người duy nhất có tiếng nói quyết định bởi vì, chính sách sẽ là như vậy khi nói tới chuyện này.”

Khi được hỏi liệu ông có định giữ ông Tillerson lại đến hết nhiệm kỳ của ông hay không, ông Trump nói với Fox News, “Để rồi xem. Tôi không biết.”

Ông Trump đang lên đường sang Châu Á trong chuyến công du 11 ngày cùng với ông Tillerson sau nhiều tháng xung đột giữa hai người.

Căng thẳng giữa ông Trump, một nhà phát triển bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế nhậm chức vào tháng 1, và ông Tillerson, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon Mobil, lộ ra vào tháng trước khi tin tức cho hay ông Tillerson từng gọi ông Trump là “thằng ngu đần” và đã nghĩ đến chuyện từ chức vào mùa hè rồi.

Ông Tillerson, trong một cuộc họp báo bất thường vào thời điểm đó, nói rằng ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ chức. Ông Trump sau đó nói rằng quan hệ giữa hai người vẫn tốt nhưng chỉ trích ông Tillerson nhu nhược.

Bộ Ngoại giao dưới quyền ông Tillerson cũng đã mâu thuẫn với Nhà Trắng về các vấn đề toàn cầu khác, bao gồm căng thẳng đang gia tăng liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Tillerson đã đề ra ra mục tiêu hàng đầu là cải tổ bộ ngoại giao và thắt chặt kiểm soát bằng cách củng cố thẩm quyền của mình. Những người chỉ trích lên án việc tái tổ chức này và tình trạng những vị trí quan trọng không có người đảm nhiệm vào lúc các cuộc khủng hoảng quốc tế tiếp tục diễn ra khắp thế giới với Syria, Iran và những nơi khác.

Hôm thứ Năm, ông Trump nói nhiều vị trí là không cần thiết và rằng ông “không hài lòng” về những người khác đang ở đó.

“Tôi muốn viễn kiến của tôi, nhưng viễn kiến của tôi là viễn kiến của tôi,” ông nói. “Rex đang nỗ lực ở đó … ông ấy đang cố gắng hết sức.”

https://www.voatiengviet.com/a/trump-noi-khong-chac-tillerson-se-tiep-tuc-lam-ngoai-truong-my/4098710.html

 

Cuộc gặp Putin-Trump có thể diễn ra tại Đà Nẵng

Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể họp với nhau vào tuần tới tại diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong lúc có những căng thẳng về các chế tài của Mỹ chống lại Moscow cũng như cuộc xung đột Syria và vụ điều tra cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Tổng thống Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News hôm thứ 5 rằng có thể ông sẽ gặp Thủ tướng Putin trong chuyến thăm này, theo Reuters.

“Chúng tôi có thể có một cuộc gặp với ông Putin,” Tổng thống Trump nói. “Và một lần nữa, ông Putin rất quan trọng bởi họ có thể giúp chúng ta trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Họ có thể giúp chúng ta trong vấn đề Syria. Chúng ta có thể đàm phán với họ về vấn đề Ukraine.”

Những người đại diện của Nhà Trắng không trả lời yêu cầu của Reuters hôm thứ 6 để bình luận về phát biểu của Tổng thống Trump.

“Cuộc gặp mặt này thực sự đang được thảo luận,” theo lời của người phát ngôn Điện Kemlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên. “Khó có thể đánh giá quá cao tầm quan trọng cho tất cả các vấn đề quốc tế của bất cứ một mối liên hệ nào giữa thủ tướng Nga và Tổng thống Mỹ.”

Ông Putin và ông Trump lần đầu gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, vào tháng 7 vừa qua. Họ đã thảo luận về những cáo buộc về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái nhưng nhất trí rằng sẽ tập trung vào các mối quan hệ tốt đẹp hơn là tranh cãi về quá khứ.

Nhưng quan hệ giữa Moscow và Washington lại trở nên xấu hơn kể từ cuộc gặp đó.

Vào tháng 8, Tổng thống Trump bất đắc dĩ phải ký thông qua các chế tài mới đối với Nga, một động thái mà Moscow cho rằng đã chấm dứt các hy vọng cho những mối quan hệ tốt đẹp. Tổng thống Putin yêu cầu Washington giảm hơn 1 nửa số nhân viên làm việc tại sứ quán và lãnh sự Mỹ tại Nga.

Những căng thẳng cũng tăng cao từ cuộc xung đột ở Syria.

Nếu cuộc gặp Trump-Putin diễn ra, sẽ là vào lúc các cuộc điều tra ở Washington về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và khả năng chiến dịch tranh cử của ông Trump câu kết với Nga vốn đã dẫn đến những cáo trạng đầu tiên.

Văn phòng của công tố viên đặc biệt của chính phủ Mỹ Robert Mueller đầu tuần này đã công bố các cáo buộc đối với cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Paul Manafort, và đối tác làm ăn của ông là ông Richard Gates, cùng với cựu cố vấn chính sách ngoại giao của chiến dịch này, ông George Papadopoulos. Ông Manafort và Gates không nhận tội, trong khi ông Papadopoulos đã thú nhận khai man với FBI.

Theo Wall Street Journal, các quan chức Mỹ đã có đủ bằng chứng để truy tố 6 thành viên của chính phủ Nga đánh cắp thông tin trên các máy tính của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử 2016.

https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-gap-putin-trump-co-the-dien-ra-tai-da-nang/4098684.html

 

Tài khoản Twitter của Trump bị vô hiệu hóa trong 11 phút

Tài khoản Twitter của tổng thống Mỹ (@realDonaldTrump) tối thứ Năm đã bị vô hiệu hóa trong vài phút.

“Không tồn tại” là thông báo lỗi mà mọi người nhìn thấy khi họ cố gắng truy cập vào tài khoản của ông Donald Trump trong 11 phút nó bị vô hiệu hóa.

Twitter ban đầu cho biết tài khoản vô tình bị xóa do lỗi của con người.

Tuy nhiên, Twitter sau đó nói trong một thông cáo được tweet rằng tài khoản của tổng thống đã bị “vô hiệu hóa” bởi một nhân viên hỗ trợ khách hàng “vào ngày cuối cùng của nhân viên này.”

 

 

“Chúng tôi đang tiến hành một cuộc rà soát nội bộ đầy đủ,” công ty cho biết.

Nhà Trắng chưa bình luận về vụ vô hiệu hóa tài khoản của tổng thống.

https://www.voatiengviet.com/a/tai-khoan-twitter-cua-trump-bi-vo-hieu-hoa-trong-11-phut/4098530.html

 

ISIS: Tên khủng bố bằng xe tải ở New York

là chiến binh IS

Nhà nước Hồi giáo tuyên bố Sayfullo Saipov, di dân Uzbekistan 29 tuổi, kẻ đã dùng xe tải tông chết 8 người là làm bị thương mấy mươi người ở thành phố New York hồi đầu tuần này, là một chiến binh của nhóm Hồi giáo cực đoan này.

Nhóm khủng bố ISIS này loan tải trên báo hàng tuần Al-Naba của chúng rằng kẻ tấn công ở New York là một chiến binh của chúng, nhưng không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố đó.

Saipov đối diện với hàng loạt tội danh khủng bố liên quan đến vụ lao chiếc xe tải mà hắn thuê vào đường dành cho xe đạp giết chết 8 người và làm bị thương trầm trọng hơn 10 người.

Saipov bị cảnh sát bắn bị thương và đưa vào bệnh viện. Các giới chức ở bệnh viện cho biết Saipov tuyên thệ trung thành với ISIS và đòi treo cờ ISIS ở tại phòng bệnh viện của hắn. Yêu cầu của Saipov không được chấp nhận.

Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan hôm thứ Tư nói rằng đó là một hành động tấn công tàn nhẫn. Ông nói chính phủ sẵn sàng dùng mọi phương tiện hỗ trợ cho cuộc điều tra.

Các giới chức thực thi luật pháp lưu ý cách thức Saipov dùng xe tải thuê để tấn công giống với các vụ tấn công bằng xe theo kiểu ISIS xảy ra tại các nước châu Âu trong mấy năm gần đây. New America, một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái, nói rằng từ năm 2014 đến nay đã xảy ra 15 vụ tấn công bằng xe như vậy, giết chết hơn 140 người.

Tại cuộc đua Marathon thành phố New York sẽ diễn ra vào Chủ nhật này theo dự trù có 50.000 vận động viên tham gia và hàng trăm ngàn khán giả, Sở Cảnh sát New York cho biết sẽ tăng số nhân viên an ninh trên khắp thành phố để bảo vệ an ninh trong tinh thần “cảnh giác cao độ.”

https://www.voatiengviet.com/a/isis-ten-khung-bo-bang-xe-tai-o-new-york-la-chien-binh-is/4098470.html

 

Phe Cộng hòa ra mắt dự luật cắt giảm thuế,

nhưng khó khăn chờ đón

Các nghị sĩ Cộng hòa trong Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã công bố một dự luật bị trì hoãn lâu nay để mang lại những khoản cắt giảm thuế mạnh mà Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn, khởi động một cuộc đua hối hả trong Quốc hội nhằm giành lấy chiến thắng lập pháp lớn đầu tiên của ông.

Dự luật dày 429 trang, có thể là cuộc cải tổ lớn nhất đối với hệ thống thuế của Mỹ kể từ những năm 1980, kêu gọi cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống mức 20 phần trăm từ mức 35 phần trăm, cắt giảm thuế suất đối với các cá nhân và gia đình và chấm dứt một số khoản miễn thuế cho các công ty và các cá nhân.

Liệu Quốc hội có thông qua được luật này hay không, một dự luật sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi công ty và mọi gia đình ở Mỹ, vẫn còn là điều chưa chắc chắn và một số nhóm vận động doanh nghiệp đã nhanh chóng lên tiếng phản đối dự luật này. Những điều khoản gây tranh cãi sẽ thử thách các nghị sĩ Cộng hòa, hiện đang kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện Quốc hội nhưng vẫn chưa thể mang lại bất kỳ thành tựu lập pháp quan trọng nào cho ông Trump kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1.

Một số điều khoản sẽ ảnh hưởng nặng nhất tới người đóng thuế ở các bang ngả về phe Dân chủ, như bãi bỏ những khoản khấu trừ thuế của bang và địa phương và cắt phân nửa khoản khấu trừ lãi khoản vay mua nhà mà nhiều người thích.

Dự luật này, được gọi là Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc Làm, tạo ra những thuận lợi mới cho những người Mỹ giàu có qua việc hạ giảm thuế doanh nghiệp, dần dài bãi bỏ thuế tài sản và bãi bỏ thuế tối thiểu bổ sung.

“Đây là một thời điểm rất quan trọng và đặc biệt đối với đất nước của chúng ta, đối với tất cả người Mỹ. Liệu chúng ta sẽ để cho những người bảo vệ hiện trạng giành thắng lợi và chứng kiến đất nước của chúng ta tiếp tục trượt dài hay sao?” Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện theo Đảng Cộng hòa, đặt câu hỏi, bất chấp số liệu kinh tế cho thấy tám năm tăng trưởng kinh tế liên tục.

Gặp gỡ ông Ryan và những nhân vật chủ chốt khác của phe Cộng hòa Hạ viện, ông Trump nói với các nhà lập pháp ông tin rằng họ sẽ duy trì được đà tiến cho việc cắt giảm thuế, và nhắc lại yêu cầu của ông là Quốc hội hãy chuyển cho ông luật này để ký ban hành trước dịp Lễ Tạ ơn của Mỹ vào ngày 23 tháng 11.

Đó là một thời biểu đầy tham vọng cho một bộ luật dài và đa diện như vậy. Nó chắc chắn sẽ đối mặt với một cuộc chiến vận động hành lang ác liệt giữa các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dự luật này và sự phản đối dữ dội từ nhiều nghị sĩ phe Dân chủ.

Ông Trump gọi kế hoạch này là một “bước quan trọng” hướng tới việc giảm bớt thuế cho người Mỹ. “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu thôi, và còn rất nhiều việc cần phải làm,” ông nói thêm.

Hiệp hội Người xây nhà Quốc gia đả kích dự luật này, nói rằng nó sẽ gây tổn hại cho giá nhà và trừng phạt các chủ nhà ở các khu vực thành thị. Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia, một tổ chức vận động hành lang nhiều ảnh hưởng cho giới doanh nghiệp nhỏ, cũng chống lại dự luật này, trong khi Phòng Thương mại Hoa Kỳ ủng hộ nó.

Phe Dân chủ chống đối dự luật này vì họ cho rằng đây là thứ tặng không cho các tập đoàn và những người giàu có và nó sẽ khiến ngân sách liên bang càng thâm hụt.

Ủy ban Soạn thuế Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chính thức cứu xét dự luật này vào tuần sau trước khi toàn thể Hạ viện có thể biểu quyết về nó. Dự luật cũng phải qua được Thượng viện, nơi mà phe Cộng hòa nắm thế đa số mong manh 52-48 và trước đó trong năm nay đã thất bại trong việc giành đủ sự ủng hộ để chuẩn thuận dự luật cải tổ y tế mà ông Trump muốn có.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-cong-hoa-ra-mat-du-luat-cat-giam-thue-nhung-kho-khan-cho-don/4097670.html

 

Trump bổ nhiệm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang mới

Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm một cựu quản lý đầu tư có chủ trương ôn hòa, Jerome Powell, làm chủ tịch mới của Ban quản trị Cục Dự trữ Liên bang, là ngân hàng trung ương của Mỹ.

Giới thiệu ông Powell hôm thứ Năm tại Vườn Hồng Nhà Trắng, tổng thống gọi đây là một cột mốc quan trọng nữa trong việc mang lại một nền kinh tế mạnh mẽ cho người dân Mỹ.

Ông Powell là một thành viên của ban quản trị Cục Dự trữ Liên bang (Fed) từ năm 2012. Ông Trump nói ông Powell có “trí tuệ và tài lãnh đạo” để dẫn dắt nền kinh tế Mỹ qua bất kỳ thách thức nào mà nó có thể gặp phải.

Ông ca ngợi ông Powell là một người xây dựng sự đồng thuận và lưu ý ông Powell luôn giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng trong Thượng viện khi ông được đề cử vào ban quản trị.

Ông Powell là một cựu thứ trưởng bộ tài chính dưới thời Tổng thống George H. W. Bush, và ông Trump nói rằng ông Powell hiểu cần phải làm gì để nền kinh tế phát triển.

Ông Powell nói ông vinh dự và khiêm nhường vì được đề cử. Ông nói nếu ông được Thượng viện chuẩn thuận, ông sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để bình ổn giá cả và tối đa hóa tuyển dụng.

Các nhà phân tích gọi ông Powell là một người theo Đảng Cộng hòa có lập trường trung dung, và dường như sẽ tiếp tục chiến lược tăng dần lãi suất của Fed.

Dù ông Powell dự kiến sẽ tiếp tục phương sách thận trọng của chủ tịch Janet Yellen về tăng lãi suất, các nhà kinh tế nói ông có thể nới lỏng một số quy định tài chính được thiết kế nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính như cuộc khủng hoảng gây hỗn loạn thị trường năm 2007-2008.

Chức năng cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang là kiểm soát nguồn cung tiền của Mỹ bằng cách ấn định lãi suất mà theo đó các ngân hàng có thể vay và cho vay tiền. Cục hoạt động độc lập với phần còn lại của chính phủ.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-bo-nhiem-chu-tich-cuc-du-tru-lien-bang-moi/4097664.html

 

WSJ: Mỹ định danh 6 quan chức Nga tấn công tin tặc DNC

Bộ Tư pháp Mỹ đã thu thập đủ bằng chứng để buộc tội sáu thành viên của chính phủ Nga trong vụ tấn công tin tặc nhắm vào những máy tính của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC) trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, báo Wall Street Journal đưa tin vào hôm thứ Năm, dẫn lời những người nắm rõ cuộc điều tra.

Các đặc vụ và công tố viên liên bang ở Washington, Philadelphia, Pittsburgh và San Francisco đã hợp tác trong cuộc điều tra vụ tấn công tin tặc DNC và các công tố viên có thể đưa vụ việc ra tòa vào năm sau, tờ báo cho biết.

Bằng việc đưa ra cáo buộc đối với những tin tặc cá nhân của quân đội và tình báo Nga, nhà chức trách Mỹ có thể khiến họ gặp khó khăn khi du hành, nhưng việc bắt giữ và giam cầm sẽ khó xảy ra, theo bản tin của tờ Journal.

Cuộc điều tra vụ tấn công tin tặc, được tiến hành bởi các chuyên gia về an ninh mạng, khởi sự từ trước khi công tố viên đặc biệt liên bang Robert Mueller được bổ nhiệm vào tháng 5 để giám sát cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và sự thông đồng khả dĩ với ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Ông Mueller và Bộ Tư pháp đã đồng ý cho phép cuộc điều tra mạng mang tính kỹ thuật được tiếp tục với đội ngũ các đặc vụ và công tố viên ban đầu, tờ Journal cho biết.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã nói rằng các cơ quan tình báo Nga đứng đằng sau các vụ tấn công mạng, dẫn đến hàng ngàn email và các tài liệu khác bị Wikileaks tung ra vào năm ngoái. Cộng đồng tình báo kết luận vào tháng 1 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân chỉ thị một chiến dịch gây ảnh hưởng bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump.

Nga phủ nhận họ đã can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump phủ nhận chiến dịch tranh cử của ông toa rập với chính phủ Nga.

Nếu vụ việc được các công tố viên liên bang khởi tố thì nó sẽ nêu đích danh những tin tặc cụ thể của quân đội và tình báo Nga đứng sau vụ tấn công nhắm vào DNC và những email của John Podesta, người từng là chủ tịch ban vận động tranh cử của đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump, Hillary Clinton.

Đây sẽ là lần thứ hai Mỹ cáo buộc người Nga về các tội phạm mạng. Vào tháng 3, Bộ Tư pháp đã buộc tội hai nhân viên tình báo và hai tin tặc Nga chủ mưu đánh cắp 500 triệu tài khoản Yahoo vào năm 2014.

https://www.voatiengviet.com/a/wsj-my-dinh-danh-6-quan-chuc-nga-tan-cong-tin-tac-dnc/4097655.html

 

Triều Tiên, thương mại đứng đầu nghị trình

khi Trump thăm Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới sẽ lần đầu tiên tới Trung Quốc, một chặng dừng chân quan trọng trong chuyến công du châu Á của ông. Dự kiến vấn đề thương mại và Triều Tiên sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của ông Trump tại Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng chuyến đi có thể mang lại một số kết quả quan trọng, nhưng các nhà phân tích tại Trung Quốc nói kết quả về phần lớn sẽ phụ thuộc vào lối tiếp cận của ông Trump. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Nhiều điều đã thay đổi từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau lần đầu tiên ở bang Florida hồi đầu năm nay, tuy nhiên cũng có một số điều không thay đổi.

Thương mại vẫn là một vấn đề lớn. Vài ngày trước khi lên đường, ông Trump miêu tả mức thâm hụt trong cán cân mậu dịch của Mỹ so với Trung Quốc là “đáng xấu hổ và khủng khiếp”.

Vấn đề Triều Tiên đã vươn lên để chiếm vị trí hàng đầu trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Trong chuyến thăm, Tổng thống Trump sẽ tìm cách hối thúc Bắc Kinh làm nhiều hơn để thuyết phục Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói có những giới hạn đối với Trung Quốc có thể tiến xa tới đâu, họ lưu ý rằng Bắc Kinh gần đây đã ủng hộ một số biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay chống lại Bình Nhưỡng.

Ông Shi Yinhong – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định:

“Trung Quốc có thể đề xuất một số nhượng bộ thương mại hạn chế nhưng vẫn đáng kể cho ông Trump, những nhượng bộ này sẽ không làm tổn thương nền kinh tế và tài chính Trung Quốc”.

Ông Tập Cận Bình, gần đây đã củng cố vị thế trong cương vị nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông, sẽ tìm cách tạo ra một bầu không khí tốt đẹp để chứng minh ông là một nhà lãnh đạo thế giới thành công.

Ông Shi Yinhong thuộc Đại học Renmin phát biểu:

“Trung Quốc cũng muốn thuyết phục ông Trump đừng quá thường xuyên lên tiếng hăm dọa tấn công quân sự Triều Tiên vì làm như vậy sẽ phản tác dụng, và càng kích động ông Kim Jong Un leo thang các hoạt động hạt nhân và tên lửa hơn nữa”.

Trên các đường phố Bắc Kinh, một số người bày tỏ quan ngại về Triều Tiên và mối đe doạ do nước này đặt ra cho Trung Quốc và cho khu vực.

Ông Liu, một nhân viên ngành tài chính nói:

“Nếu có thể, chúng ta nên dùng các phương tiện hoà bình để đối phó với ông Kim Jong Un, nhưng nếu ông ta khăng khăng chống lại thế giới và đòi sử dụng vũ lực đòi hủy diệt người khác, thì điều duy nhất mà tất cả chúng ta có thể làm, là dụng vũ lực tiêu diệt ông ta.”

Tuy nhiên đối với hầu hết mọi người, thìcác chính sách nhập cư và thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ dưới quyền ông Trump là mối quan tâm lớn hơn – một số hy vọng vấn đề này sẽ được cải thiện trong chuyến thăm lần này.

Anh Zhang, một sinh viên tốt nghiệp, nói:

“Rất nhiều bạn đồng học với tôi đã ra nước ngoài muốn ở lại Hoa Kỳ, sống hay làm việc ở đó, nhưng nếu ông Trump áp dụng một chính sách có tính cách bài ngoại hơn, thì sẽ khó làm được điều đó.”

Ông Hao, một nhân viên khác trong ngành tài chính nói:

“Tôi nghĩ nhiều người muốn thấy chính sách cấp visa được nới lỏng hơn. Rất nhiều người muốn tới Hoa Kỳ, đây vẫn là một điểm đến hấp dẫn”.

Không mấy ai nói chuyện với VOA trông đợi sẽ có một giải pháp để giải quyết chóng vánh vấn đề Triều Tiên, hoặc lấp cái hố cách biệt lớn giữa hai nước về nhiều vấn đề. Phản ứng trước lời bình luận của ông Trump về mức thâm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ so với Trung Quốc hôm thứ Năm (2/11), Trung Quốc nói khoảng cách biệt lớn đó trong cán cân mậu dịch không phải là do Trung Quốc cố ý.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-thuong-mai-dung-dau-nghi-trinh-khi-trump-tham-trung-quoc/4097319.html

 

Canada chế tài 30 quan chức Nga

về cái chết của luật sư Magnitsky

Canada hôm thứ Sáu áp đặt các biện pháp chế tài lên 30 quan chức Nga mà nước này nói là đồng lõa trong cái chết hồi năm 2009 của Sergei Magnitsky, một luật sư chống tham nhũng bị Nga bỏ tù sau khi cáo buộc gian lận thuế quy mô lớn.

Các biện pháp này – phong tỏa tài sản của các quan chức này và cấm họ đến Canada – được ban hành thông qua một luật mới cho phép chính phủ nhắm mục tiêu vào những người mà họ nói là vi phạm nhân quyền, bộ ngoại giao Canada cho biết trong một thông cáo.

Trong số những người bị nhắm mục tiêu có Alexander Bastrykin, điều tra viên hàng đầu của Nga và một trợ lý thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mỹ đã đưa tên ông ta vào danh sách đen vào tháng 1 năm 2017, dẫn ra cái chết của ông Magnitsky.

Moscow tháng trước nói rằng họ sẽ trả đũa nếu Canada cấm các cá nhân theo luật mới.

Đại sứ quán Nga tại Ottawa đã không hồi đáp ngay tức thời về yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.

Canada đã nhiều lần lên án Moscow về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và áp đặt các biện pháp chế tài cùng với các nước phương Tây khác.

Mỹ đã thông qua một luật vào năm 2012 cho phép đóng băng bất kỳ tài sản nào ở Mỹ của các điều tra viên và công tố viên người Nga, những người bị cho là có dính líu trong vụ giam giữ ông Magnitsky. Moscow trả đũa bằng cách cấm người Mỹ nhận con nuôi người Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/canada-che-tai-30-quan-chuc-nga-ve-cai-chet-cua-luat-su-magnitsky/4098755.html

 

Tình báo Hàn Quốc nghi Triều Tiên sắp thử phi đạn mới

Triều Tiên có thể đang lên kế hoạch thực hiện một vụ thử phi đạn mới, cơ quan tình báo của Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp hôm thứ Năm sau khi họ phát hiện các hoạt động dồn dập tại các cơ sở nghiên cứu của nước này, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Seoul.

Triều Tiên đã tiến hành một loạt những vụ thử hạt nhân và phi đạn, thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa phóng phi đạn nào kể từ khi bắn một phi đạn bay ngang qua Nhật Bản vào ngày 15 tháng 9.

Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp trong một buổi báo cáo rằng một loạt các hoạt động tấp nập bao gồm xe cộ di chuyển đã được phát hiện tại các cơ sở nghiên cứu phi đạn ở Bình Nhưỡng, nơi mà vụ thử nghiệm phi đạn mới nhất được tiến hành. Họ cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy có thể sẽ có một vụ phóng nữa.

Giới tình báo không cho biết họ phát hiện các hoạt động này như thế nào.

Triều Tiên không giấu diếm kế hoạch hoàn thiện một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới lục địa Mỹ. Nước này thường xuyên hăm dọa sẽ hủy diệt nước Mỹ và “con rối” của Mỹ, Hàn Quốc.

Ông Trump sẽ đến thăm năm quốc gia Châu Á trong những ngày tới để dự các cuộc hội đàm trong đó Triều Tiên sẽ là trọng tâm chính. Các nước ông Trump đến thăm bao gồm đồng minh chủ chốt của Triều Tiên là Trung Quốc, và các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã theo dõi với nỗi lo lắng ngày càng tăng khi ông Trump và Triều Tiên đốp chát qua lại.

https://www.voatiengviet.com/a/tinh-bao-han-quoc-nghi-trieu-tien-sap-thu-phi-dan-moi/4097635.html

 

Syria: Quân đội Nga cáo buộc

Washington phạm “tội ác chiến tranh”

Minh Anh

Hoa Kỳ đã cản trở người tị nạn Syria nhận hàng cứu trợ nhân đạo. Quân đội Nga xem hành động này của Mỹ là một « tội ác chiến tranh ».

Thông cáo của Trung Tâm Nga cho sự hòa giải giữa các bên tham chiến ngày 03/11/2017 nêu rõ tình hình nhân đạo tại vùng At-Tanf, nằm ở biên giới Jordani-Syria đã trở nên khẩn cấp. « Do lỗi của Hoa Kỳ đã cho triển khai một khu căn cứ quân sự tại đây mà hàng chục ngàn người tị nạn Syria đã không thể nhận được cứu trợ nhân đạo ».

AFP nhắc lại đầu tháng 10/2017, Nga đã lên án Mỹ « ủng hộ » tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại vùng At-Tanf. Washington bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định At-Tanf là nơi có trại của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Anh Quốc huấn luyện cho quân nổi dậy.

Trên mặt trận ngoại giao, Hoa Kỳ và Nga đang đối đầu nhau tại Liên Hiệp Quốc trên hồ sơ vũ khí hóa học Syria. Washington hiện đang vận động các nước thành viên tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kéo dài thêm hai năm nữa nhiệm vụ của nhóm chuyên gia quốc tế, điều tra việc chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học tại Khan Cheikhoun.

Tuy nhiên, dự thảo này của Mỹ đã bị Nga bác bỏ. Matxcơva phản bác nội dung bản báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc và OIAC (Tổ chức vì cấm vũ khí hóa học), cho là không trung thực và thiếu chứng cứ về mẫu môi trường.

Bản dự thảo do Matxcơva đưa ra yêu cầu nhóm chuyên gia xem lại bản báo cáo và chỉ chấp thuận kéo dài thêm 6 tháng, và có thể triển hạn thêm.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171103-syria-quan-doi-nga-cao-buoc-washington-pham-%C2%AB-toi-ac-chien-tranh-%C2%BB

 

Tây Ban Nha: Tám cựu bộ trưởng Catalunya bị tạm giam

Hôm qua, 02/11/2017, tư pháp Tây Ban Nha đã quyết định tạm giam 8 trong số 14 bộ trưởng của chính phủ Catalunya bị Madrid giải thể. Những người này bị cáo buộc ly khai và nổi loạn.

Trong khi đó, ông Carles Puigdemont, nguyên chủ tịch vùng Catalunya, từ chối ra trình diện tư pháp Tây Ban Nha và hiện đang có mặt tại Bỉ. Viện Công Tố Tây Ban Nha sẽ phát lệnh truy nã toàn châu Âu nhắm vào ông Puigdemont và bốn cựu bộ trưởng đã cùng ông chạy sang Bỉ.

Trả lời RFI, ông Andreu Van Den Eynde, luật sư của các bộ trưởng Catalunya bị cáo buộc ly khai, nhận định :

« Quyết định tạm giam các thân chủ của tôi hoàn toàn không có lý do và quá mức. Chúng tôi cho rằng không có tội ly khai, không có tội nổi loạn, cho dù Viện Công Tố tìm cách khẳng định các điều này.

Chính vì thế, không có nguy cơ là các thân chủ của chúng tôi trốn chạy. Luật pháp cho phép áp dụng các hình phạt bớt nặng nề nếu có thể. Chẳng hạn chỉ cần thu giữ hộ chiếu, cấm rời khỏi Tây Ban Nha hoặc bắt buộc phải ra trình diện tại sở cảnh sát. Theo chúng tôi, không có lý do để áp dụng biện pháp tạm giam.

Tuy vậy, các thân chủ của chúng tôi tỏ ra điềm tĩnh và họ kêu gọi mọi người bình tĩnh, nhất là đối với người dân Catalunya. Cần phải tiếp tục duy trì tình trạng yên ổn, không được có các cuộc biểu tình bạo động, dưới bất kỳ hình thức nào, không để cho những ai muốn áp dụng các biện pháp trấn áp mạnh mẽ hơn có lý do để biện minh cho quyết định của họ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171103-tay-ban-nha-tam-cuu-bo-truong-catalunya-bi-tam-giam-voi-toi-danh-ly-khai-noi-loan

 

Đồng minh châu Á chờ tín hiệu trấn an của Donald Trump

Tú Anh

Tổng thống thứ 45 của Mỹ bắt đầu chuyến công du đầu tiên tại châu Á. Trước khi khởi hành vào thứ sáu 03/11/2017, Washington đưa hai oanh tạc cơ chiến lược B1-B biểu dương lực lượng trên không phận bán đảo Triều Tiên. Hành động này có lẽ không phải là ngẫu nhiên : Donald Trump cần phải trấn an các nước châu Á, đang mất niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ.

Vòng công du đầu tiên của tổng thống Donald Trump ở châu Á, được giới phân tích xem là rất « tế nhị ». Các quốc gia đồng minh cốt lõi trong khu vực chờ xem chủ nhân Nhà Trắng có hành động hay tuyên bố nào xác quyết lập trường truyền thống « cột trụ an ninh » ở châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Triều Tiên công khai thách thức và Trung Quốc cũng không còn che giấu tham vọng bá quyền.

Trong khi đó thì chiến lược châu Á của Donald Trump vẫn là một ẩn số. Đâu là mục tiêu sâu xa của Washington ? Những tuyên bố của tổng thống Mỹ, lúc còn là ứng cử viên, muốn xét lại mối quan hệ liên minh lịch sử giữa Hoa Kỳ với các đồng minh trên thế giới đã gây hoang mang trong công luận và chính giới các nước liên hệ, ở châu Âu cũng như ở châu Á.

Được RFI đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IRIS giải thích : Có một mối ưu tư rất lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này lo ngại vì những lời tuyên bố của Donald Trump. Trước khi đắc cử, Donald Trump kêu gọi hai nước châu Á này phải tự lo thân trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này làm công luận và các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc bất an. Lo âu còn nhiều hơn nữa liên quan đến sự giao kết của Mỹ ở Biển Đông. Trên toàn châu Á, từ khi Donald Trump đắc cử, người ta thấy Mỹ muốn rút chân ra khỏi khu vực nhất là qua quyết định từ bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Các nước trong vùng xem quyết định này là dấu hiệu Mỹ bỏ rơi những cam kết liên đới lịch sử với các đồng minh truyền thống.

Do vậy, trong chuyến công du châu Á lần này, Donald Trump phải tìm cách xóa tan những lo ngại của các đồng minh.

Lời cảnh báo Tokyo và Seoul phải tự lo thân, không nên trông cậy ô dù nguyên tử của Washington đã làm lung lay niềm tin ở các nước đồng minh châu Á . Thêm vào đó là những phản ứng ngẫu hứng của tổng thống Donald Trump trước mỗi hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng càng làm cho tình hình căng thẳng thêm.

Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, hồ sơ quan trọng thứ hai trong chuyến công du cũng ẩn chứa nhiều chướng ngại. Quyết định của Donald Trump không tham gia Hiệp Định TPP, cho dù người tiền nhiệm đã ký kết, chỉ làm cho uy tín của Mỹ trong khu vực, bị tác hại.

Mỹ rút chân, Trung Quốc thừa cơ hội thao túng khu vực với dự án đối tác thương mại khu vực gọi tắt là RECEP.

Tuy nhiên, biết rõ Bắc Kinh không thực tâm tôn trọng quyền tự do kinh doanh mà chỉ sử dụng hiệp ước thương mại để phục vụ ý đồ chính trị bành trướng, 11 thành viên còn lại của TPP, đứng đầu là Nhật Bản và Úc tiếp tục con đường đa phương đã định trong khi tổng thống Donald Trump cố tìm những thỏa thuận song phương có lợi cho Mỹ.

Trong vòng 11 ngày của chuyến công du châu Á từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, chủ nhân Nhà Trắng phải chứng minh là khẩu hiệu « nước Mỹ trước đã »của ông không có tác động ngược, làm hại cho quyền lợi của nước Mỹ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171103-dong-minh-chau-a-cho-tin-hieu-tran-an-cua-donald-trump

 

Quân đội Syria tái chiếm toàn bộ thành phố Deir Ezzor

Đài truyền hình Syria, hôm nay, 03/11/2017 thông báo là quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Deir Ezzor ở phía đông. Mục tiêu sắp tới là Al Boukamal, gần biên giới chung với Irak, thành phố cuối cùng còn nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh gửi về bài tường trình :

« Trước đây, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã chiếm giữ gần một nửa thành phố Deir Ezzor, thủ phủ của tỉnh Deir Ezzor, có trữ lượng dầu lửa lớn, nằm ở phía đông Syria. Thế nhưng, quân đội Syria đã huy động lực lượng chi viện rất lớn và sử dụng hỏa lực mạnh để chiếm lại các khu phố do quân thánh chiến kiểm soát nhưng đã bị bao vây hoàn toàn.

Không quân Nga và pháo binh đã oanh kích dữ dội vào những vị trí cố thủ cuối cùng của các chiến binh thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Quân thánh chiến cũng đã chống cự ác liệt. Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria và các nguồn tin của chính phủ cho biết quân thánh chiến đã huy động cả phụ nữ nổ bom tự sát và xe hơi gài bom hòng làm chậm trễ đà tiến của quân đội chính phủ.

Giờ đây, lực lượng rà phá mìn của quân đội Syria đang được triển khai trong toàn thành phố vốn bị tàn phá nặng nề.

Việc tái chiếm thành phố Deir Ezzor mà Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria đánh giá là một bước tiến chiến lược, sẽ cho phép quân đội chính phủ điều chuyển hàng ngàn binh sĩ hướng về Al Boukamal, thành trì cuối cùng của quân thánh chiến tại Syria.

Quân đội chính phủ và các đồng minh Hezbollah Liban, lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran hiện ở cách thành phố Al Boukamal khoảng 45 km về phía đông và phía tây. Thành phố này nằm trong khu vực biên giới chung với Irak. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171103-quan-doi-syria-tai-chiem-toan-bo-thanh-pho-deir-ezzor

 

LHQ kêu gọi Úc

giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn ở Papua New Guinea

Hôm 02/11/2017, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc – HCR – đã kêu gọi chính quyền Úc giải quyết tình trạng nhân đạo khẩn cấp tại trại tị nạn đặt trên đảo Manus, Papua New Guinea.Trại tị nạn này do Úc lập ra. Trong khi chờ đợi xét hồ sơ, những người xin tị nạn được đưa về nơi đây.

Hôm thứ Ba, 31/10, chính quyền Úc đã quyết định đóng của trại vì bị Tòa Án Tối Cao Papua New Guinea coi là vi hiến. Thế nhưng, khoảng 600 người không chịu di dời đi nơi khác, vì lo sợ trước thái độ thù ghét của người dân địa phương.

Do điện nước đã bị cắt, người tị nạn đang phải đối mặt với cái nóng kinh khủng và khan hiếm thực phẩm.

Trả lời RFI, ông Ben Lomai, một trong những luật sư của những người xin tị nạn, cho biết thêm thông tin :

« Điện đã bị cắt, nước cũng vậy, những người tị nạn không còn được chăm sóc y tế nữa. Chúng tôi rất lo ngại bởi vì nhiều người trong trại giam giữ này bị chấn thương tâm thần. Họ lo ngại bị bỏ rơi trong các trại không có điện, nước, thực phẩm. Và như vậy, họ sẽ còn bị khốn khổ hơn.

Tất cả các dự án của chúng tôi nhằm thuyết phục chính quyền Úc đều thất bại. Mọi đề nghị của chúng tôi không được lắng nghe nữa, bởi vì chính quyền Úc cho rằng chính sách không tiếp nhận người tị nạn tới bờ biển Úc là đúng, cho dù điều này đi ngược lại các quyền của con người. Tình hình hiện nay là như vậy.

Tôi rất lo lắng, bởi vì một nước lớn ở Thái Bình Dương như Úc mà lại không muốn tìm kiếm các giải pháp tôn trọng nhân quyền và tôi cũng không hiểu vì sao một quốc gia như vậy lại có được quy chế là thành viên Liên Hiệp Quốc ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171103-lien-hiep-quoc-keu-goi-uc-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-nhan-dao-trong-trai-ti-nan-o-