Tin khắp nơi – 03/08/2017
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ
sẽ gặp Tổng Thống Philippines cuối tuần này
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Richard Tillerson sẽ gặp Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte vào cuối tuần này, nhân dịp đến Manila để dự Diễn Đàn Khu Vực do ASEAN tổ chức.
Tin từ Bô Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay trong cuộc gặp, Ngoại Trưởng Mỹ sẽ nêu tất cả những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm, kể cả vấn đề nhân quyền. Vẫn theo Bộ Ngoại Giao Mỹ, cuộc gặp giữa Ngoại Trưởng Tillerson và Tổng Thống Duterte đang được dàn xếp.
Vấn đề nhân quyền là một trong những điều đang gây khó khăn cho mối quan hệ giữa Manila và Washington, đặc biệt sau khi Tổng Phống Phi cho thực hiện cuộc chiến bài trừ ma túy, cho phép cảnh sát và dân phòng được quyền bắn hạ những người tình nghi buôn bán ma túy, thay vì phải bắt giữ, điều tra và đưa ra tòa xét xử.
Dưới thời Tổng Thống Barack Obama, chính phủ Hoa Kỳ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về kế hoạch của ông Duterte, đồng thời các tổ chức quốc tế bảo vệ quyền làm người cũng lên tiếng phản đối, cho rằng có hàng ngàn người bị chết oan chỉ vì quyết định của Tổng Thống Phi.
Trả lời câu hỏi của hãng thông tấn AP, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Phi cho hay khi tiếp Ngoại Trưởng Mỹ, Tổng Thống Duterte sẵn sàng thảo luận, trả lời những câu hỏi mà phía Hoa Kỳ đặt ra liên quan đến nhân quyền.
Chuẩn bị cho COC, các bộ trưởng Đông Nam Á
tránh đề cập đến tranh chấp Biển Đông
Cuộc gặp của các bộ trưởng Đông Nam Á trong tuần này được xác định tránh đề cập những mối quan ngại về vấn đề vũ trang và việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, nhằm chuẩn bị cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (gọi tắt là COC), cho dù bộ quy tắc ứng xử này không có giá trị pháp lý, chỉ là mẫu mực chung, đề nghị các quốc gia liên quan nên thực hiện.
Hãng thông tấn Reuters cho biết họ đã xem qua một bản tuyên bố chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó không đề cập đến các hoạt động gây tranh cãi của Trung Quốc.
Ngoài ra, cũng theo Reuters, nội dung của một bản kế hoạch thiết lập bộ quy tắc ứng xử biển hàng hải ASEAN – Trung Quốc đã bị rò rỉ ra ngoài, cho thấy không đòi hỏi phải ràng buộc về mặt pháp lý, hoặc phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Hai bản dự thảo này đã nêu bật vai trò lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực vào thời điểm chưa có sự chắc chắn rằng chính phủ mới của Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào sự bành trướng của Bắc Kinh trong vùng biển đang tranh chấp.
Tin từ Reuters cho biết các nước ASEAN đã từng nghiêm túc bày tỏ mối quan tâm trong văn bản này, và “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và tự kiềm chế trong tất cả các hoạt động, bao gồm cả việc cải tạo đất.”
Tuy nhiên, trong nội dung văn bản mới nhất chỉ đề cập kêu gọi tránh “hành động đơn phương trong các hoạt động tranh chấp”.
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc và có hiệu lực pháp lý là mục tiêu các nước ASEAN có liên quan, gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam mong đợi kể từ năm 2002, nhằm bảo đảm tự do hàng hải và đường biển.
Việt Nam yêu cầu phạm vi địa lý áp dụng bộ quy tắc ứng xử này phải bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, nhưng Bắc Kinh cho rằng quần đảo này không còn là nơi tranh chấp chủ quyền nữa, kể từ khi bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 01/1974.
Trung Quốc bị cáo buộc ‘giam giữ’ bà quả phụ Lưu Hiểu Ba
Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc là đã “giam giữ ép buộc” vợ của người đoạt giải Nobel quá cố Lưu Hiểu Ba.
Nhà thơ Lưu Hà đã không liên lạc với ai kể từ một ngày trước khi chồng bà ra đi và “bị cách ly tại một địa điểm không rõ ràng bởi chính quyền Trung Quốc”, luật sư của bà tại Mỹ cho biết.
Bình luận của ông Jared Genser được trích dẫn trên một văn bản gửi tới Nhóm Công tác về Giam giữ Ép buộc và Không tự nguyện của Liên Hiệp Quốc.
Tháng trước, ông Lưu qua đời vì bệnh ung thư gan.
Liệu Lưu Hiểu Ba có ‘chết vô ích’?
Lưu Hiểu Ba: Chuyện tình vượt lên trên lao tù
Ông là người đoạt giải Nobel Hòa bình đầu tiên tử vong khi bị giam cầm kể từ sau nhà hòa bình người Đức, Carl von Ossietzsky, vào năm 1938 dưới thời Phát-xít Đức.
Trong một thông cáo gửi tới hãng tin AFP, ông Genser nói: “Tôi đề nghị chính quyền Trung Quốc ngay lập tức cung cấp chứng cứ rằng bà Lưu Hà vẫn còn sống và cho phép bà được liên hệ với gia đình, bạn bè, người cố vấn và cộng đồng quốc tế.”
Ông cho hay, không ai biết nơi ở hiện tại của bà Lưu Hà kể từ đám tang của ông Lưu ngày 15/7.
Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Ủy ban Cấp cao về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho bà Lưu Hà, 56 tuổi, người đã bị giam giữ tại gia mà không có tội danh kể từ khi chồng bà đoạt giải Nobel năm 2010.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định bà là một công dân tự do, và nỗi đau buồn trước sự ra đi của chồng đã cản trở việc bà liên lạc với bạn bè hay luật sư của mình.
Hội đồng giải thưởng Nobel nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” trước lo ngại về bệnh tâm lý bà Lưu Hà có thể mắc phải. Bà được cho là đang bị trầm cảm sau nhiều năm bị giam giữ tại nhà và quản chế chặt chẽ.
Hội đồng Nobel tại Na Uy đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc “rút lại tất cả những hạn chế đặt ra cho bà”, thêm rằng: “Nếu bà muốn rời Trung Quốc, không có gì có thể biện hộ cho việc ngăn cản bà thực hiện cơ hội đó.”
Lưu Hiểu Ba là ai?
•Từ một giáo sư đại học trở thành một nhà hoạt động nhân quyền không mệt mỏi, Lưu Hiểu Ba bị coi là tội phạm bởi chính quyền và chịu cuộc đời liên tiếp bị giam cầm.
•Ông được ghi công cứu người trong cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6/1989. Cuộc biểu tình đã kết thúc trong đổ máu khi quân đội chính phủ tham gia đàn áp. Ông cùng các nhà hoạt động khác đã đàm phán một lối thoát an toàn cho hàng trăm người biểu tình.
•Bản án tù kéo dài 11 năm cho ông được đưa ra vào năm 2009 khi ông, cùng các học giả khác, xuất bản tuyên ngôn “Hiến chương 08”, kêu gọi chế độ dân chủ đa đảng.
•Ông Lưu bị buộc tội lật đổ chính quyền.
•Ông nhận giải Nobel Hòa bình năm 2010 bởi “những nỗ lực bền bỉ và phi bạo lực cho quyền con người cơ bản tại Trung Quốc” nhưng không được phép tới Na Uy để nhận giải.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40816885
Thủ tướng Nga: Luật chế tài của Mỹ là ‘chiến thương mại ‘
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói các biện pháp chế tài mới của Hoa Kỳ tương tự như việc tuyên “chiến thương mại toàn diện” nhắm vào Moscow.
Ông nói rằng luật chế tài do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký chứng tỏ sự bất lực hoàn toàn của ông ta và nói thêm rằng ông Trump đã bị Quốc hội hạ nhục.
Luật này nhằm trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ và các hành động ở Ukraine.
Cáo buộc Trump-Nga ‘lớn hơn Watergate’
Mỹ: Quốc hội đạt thỏa thuận trừng phạt Nga
Ông Trump nói Quốc hội Mỹ vượt quá quyền hạn trong vụ này.
Khi ký luật chế tài hôm 2/8, ông đính kèm một văn bản nói biện pháp này “còn thiếu sót”.
Luật cũng áp đặt các biện pháp chế tài đối với Iran và Bắc Hàn.
Iran cho biết các biện pháp chế tài mới vi phạm thỏa thuận hạt nhân và họ sẽ phản ứng “theo cách phù hợp và tương xứng”, theo hãng tin Isna.
Bắc Hàn chưa đưa ra bình luận về động thái của Mỹ.
http://www.bbc.com/vietnamese/40800628
TQ hoan nghênh Hoa Kỳ về đối thoại với Bắc Hàn
Trung Quốc hôm thứ Năm ngày 3/8 đã hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Hoa Kỳ không hề tìm cách lật đổ chính phủ Bắc Triều Tiên mà chỉ muốn đối thoại với Bình Nhưỡng vào một thời điểm nào đó.
Hãng Reuters dẫn lời ngoại trưởng Tillerson rằng từ trước đến giờ Hoa Kỳ luôn tìm cách thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân một cách ôn hòa, chứ không muốn hai nước phải dùng đến quân đội để giải quyết vấn đề.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thì hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường sự quan tâm tới tình hình bán đảo Triều tiên, nói thêm là Trung Quốc hi vọng Hoa Kỳ có thể thực hiện nguyên tắc “Bốn không” với Bắc Hàn.
Cũng tin liên quan đến Bắc Hàn, người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines ông Robespierre Bolivar cho biết tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tới, hơn 20 quốc gia Châu Á sẽ trực tiếp bày tỏ quan ngại về các vụ thử tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng và cố gắng đưa ra những biện pháp để phối hợp cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Bắc Hàn gần đây luôn tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân trước sự phản đối mạnh mẽ của nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Hôm 29/7 vừa qua, chính quyền này lại cho thử tên lửa liên lục địa có thể bắn xa tới Hoa Kỳ, nói rằng để nghiêm khắc cảnh cáo Washington liên quan đến một loạt các lệnh cấm vận mới nhắm vào Bình Nhưỡng.
Bốn cường quốc yêu cầu LHQ điều tra Iran phóng tên lửa
Mỹ, Anh, Pháp và Đức cho rằng thử nghiệm tên lửa gần đây của Iran là “không phù hợp” với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và yêu cầu người đứng đầu LHQ điều tra vụ này.
Hôm thứ Tư 2/8, Hoa Kỳ thay mặt cho cả bốn nước nêu trên gửi thư cho Tổng thư ký LHQ António Gutteres và Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ nói: “Việc phóng tên lửa này là một bước đe doạ và khiêu khích của Iran.”
Thứ Năm tuần trước, Iran tuyên bố họ đã phóng thành công một tên lửa mang vệ tinh vào không gian. Tehran tuyên bố tên lửa Simorgh có khả năng mang theo một vệ tinh nặng 250 kg cách Trái đất khoảng 500 km, nhưng không nói rõ trọng tải của tên lửa được phóng vào tuần trước.
Việc phóng tên lửa này diễn ra sau khi Mỹ tăng cường áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Iran vào tháng 7, đáp lại chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Bức thư hôm thứ Tư cho biết việc phóng tên lửa của Iran là “không nhất quán” với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Tân Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói với các phóng viên, khi đề cập đến thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi tắt là JCPOA: “Theo như thỏa thuận hạt nhân JCPOA, đây không phải là hành động vi phạm thỏa thuận, vì nó liên quan đến những điều khác mà không được đề cập trực tiếp trong JCPOA.”
Iran đã nhiều lần khẳng định rằng họ có quyền trong việc tiến hành các cuộc thử tên lửa, và nhiều viên chức cho biết các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo của nước này là vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi, trưởng đoàn thương thuyết hạt nhân của Iran, nói sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký vào đạo luật trừng phạt Iran rằng Tehran sẽ đưa ra một phản ứng “thông minh.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Ba cho biết Hoa Kỳ đang làm việc với các bên khác, bao gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức để thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận Iran và thách thức Iran liệu Iran có khả năng “thực hiện đúng cam kết và đúng tinh thần của thỏa thuận” hay không.
Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley đã chỉ trích Iran trong một cuộc tranh luận ngày thứ Tư về việc Iran hỗ trợ vũ khí cho các nhóm khủng bố.
Bà Haley chỉ ra sự ủng hộ của Iran đối với các nhóm như Hamas và Hezbollah, và sự can thiệp của Iran vào Iraq và Syria.
Hội đồng Bảo an LHQ hôm thứ Tư 2/8 đã một thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố thu thập vũ khí. Bà Haley cho biết việc hợp tác kỹ thuật và nâng cấp an ninh chưa đủ để loại trừ mối đe dọa từ Iran.
https://www.voatiengviet.com/a/bon-cuong-quoc-yeu-cau-lhq-dieu-tra-iran-phong-ten-lua/3970965.html
TT Trump ủng hộ dự luật cắt phân nửa
số người được nhập cư Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ủng hộ một dự luật nhằm giảm đáng kể số người có tay nghề thấp được nhập cư vào Hoa Kỳ và giới thiệu một hệ thống thang điểm đánh giá khả năng. Phóng viên VOA tại Tòa Bạch Ốc Peter Heinlein có thêm chi tiết sau đây:
Tổng thống Donald Trump ủng hộ dự luật cắt giảm một nửa số người được nhập cư hợp pháp vào Hoa Kỳ do hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton, bang Arkansas và David Perdue, bang Georgia, đề xuất.
Ông Trump gọi đó là “cuộc cải cách quan trọng nhất đối với hệ thống nhập cư của chúng ta trong nửa thế kỷ qua.”
Ông Trump nói: “Luật này thể hiện sự quan tâm của chúng tôi đối với những gia đình Mỹ đang gặp khó khăn, những người xứng đáng có một hệ thống nhập cư hợp lý, trong đó đặt nhu cầu của họ lên trên hết và đặt nước Mỹ lên trên hết.”
Thượng nghị sĩ Cotton và Thượng nghị sĩ Perdue cho biết một số lớn di dân có tay nghề thấp vào nước Mỹ từ trước đến nay đã đẩy mức lương của người lao động Mỹ xuống.
Thượng nghị sĩ Perdue nói:
“Tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng mục đích của hệ thống nhập cư Mỹ là bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ, trong đó có người nhập cư, và đón chào những cá nhân có khả năng đến đây một cách hợp pháp và mong muốn làm việc ở Mỹ để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ.”
Chuyên gia cao cấp Tòa Bạch Ốc Stephen Miller cho biết một đặc điểm chính của dự luật này là chấm dứt một thực tiễn gọi là “di cư chuỗi.”
“Hiện nay những người có thẻ xanh có thể bảo lãnh ngay thân nhân, chẳng hạn như một thân nhân lớn tuổi, và người được bảo lãnh đó có thể nhanh chóng xin trợ cấp xã hội khi họ không tự lo cho mình về mặt tài chính, và tiếp đến người này sẽ bảo lãnh một thân nhân khác, rồi người mới này lại bảo lãnh một thân nhân khác nữa, cứ tiếp tục như thế và đó là lý do tại sao họ gọi đó là cuộc di cư theo chuỗi.”
Dự luật mới khuyến khích những người nói được tiếng Anh và có kỹ năng làm việc và tự lực về tài chính.
Các thành viên đảng Dân chủ, một số thành viên đảng Cộng hòa và nhiều nhóm bảo vệ nhân quyền chống lại dự luật này, lập luận rằng dự luật có thể gây tác dụng ngược.
Bà Kim Rueben, Viện Nghiên cứu Urban nói:
“Rất nhiều người nhập cư có tay nghề thấp đang đóng góp tích cực cho đất nước chúng ta, họ đang làm những việc như công việc trang trại, sản xuất và công việc nhà. Nếu không có những người nhập cư này thì công việc của chúng ta sẽ khó khăn hơn, và nền kinh tế khó có thể vận hành.”
Các viên chức Tòa Bạch Ốc nói việc Tổng thống Trump ủng hộ dự luật cắt giảm di dân hợp pháp này là một nỗ lực thúc đẩy đối thoại quốc gia về nhập cư với hy vọng tạo đà cho một trong những hứa hẹn quan trọng của ông khi tranh cử. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Quốc hội sẽ hành động thế nào đối với dự luật này trong thời gian tới.
Trump ký luật chế tài, Nga phản pháo
Nga tuyên bố việc Tổng thống Donald Trump ngày 2/8 ký ban hành các biện pháp chế tài mới nhắm vào Nga là hành động dẫn tới một cuộc chiến thương mại toàn diện và chấm dứt hy vọng có được các mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Moscow với chính quyền Trump.
Quốc hội Mỹ tuần trước biểu quyết áp đảo thông qua dự luật đi ngược lại với mong muốn cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống Trump.
Dù ký ban hành luật, nhưng ông Trump đả kích luật này xâm phạm quyền hạn của ông trong việc định hình chính sách đối ngoại, và nói rằng ông có thể đạt được ‘thỏa thuận tốt hơn nhiều’ với các chính phủ hơn là Quốc hội.
Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev, nói các biện pháp chế tài vừa thông qua đẩy sự việc lên thành một cuộc chiến thương mại toàn diện và chứng tỏ chính quyền Trump hoàn toàn mất quyền hạn.
Ông Medvedev còn chia sẻ thêm trên Facebook rằng “Hy vọng rằng quan hệ của chúng ta với tân chính quyền Mỹ sẽ cải thiện coi như bị kết liễu.”
Tổng thống Trump nói ông ký thành luật văn kiện này vì ‘sự đoàn kết quốc gia’ dù ông thấy luật còn nhiều vấn đề gây quan ngại.
“Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và răn đe các hành vi hung hăng và làm mất ổn định của Iran, Bắc Triều Tiên và Nga, luật này còn sai sót đáng kể,” Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố chính thức ký ban hành.
Luật mới cho phép Quốc hội ngăn bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump muốn nới lỏng trừng phạt Nga.
Ông Trump bị trói tay sau khi Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua luật này hôm thứ Năm tuần trước với tỉ lệ cách biệt lớn.
Luật nhằm chế tài Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Tuần này Moscow đã trả đủa bằng cách yêu cầu Mỹ cắt bớt 755 nhà ngoại giao và nhân viên tòa đại sứ và lãnh sự của Mỹ tại Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-ky-luat-che-tai-nga-phan-phao-/3969979.html
Phe Dân chủ ủng hộ Trump ‘mạnh tay’ với Trung Quốc
Ba thượng nghị sĩ cao cấp bên đảng Dân chủ kêu gọi Tổng thống Donald Trump ‘mạnh tay’ với Trung Quốc trong lúc ông Trump đang cân nhắc việc mở cuộc điều tra về các thực hành thương mại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.
Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện, ông Chuck Schumer, thúc giục Tổng thống Trump bỏ qua cuộc điều tra để tiến thẳng tới việc có hành động với Trung Quốc.
Hai thượng nghị sĩ Ron Wyden và Sherrod Brown cũng kêu gọi Trump ‘kìm cương’ Trung Quốc.
Tổng thống Trump lâu nay chỉ trích Trung Quốc về mặt hàng thép xuất khẩu và công nghệ của nước này cũng như áp lực Bắc Kinh nỗ lực kìm chế chương trình phi đạn của Bắc Triều Tiên.
Ông Trump đang tính tới việc đề nghị Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mở cuộc điều tra Trung Quốc theo điều 301 Đạo luật Thương mại 1974 và sắp sửa loan báo kế hoạch trong vài ngày tới, một giới chức cao cấp trong chính quyền Trump cho biết.
Điều 301 Đạo luật 1974 thường được dùng trong thập niên 80 đối với hàng nhập khẩu từ Nhật bao gồm xe máy và thép. Kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới thành lập năm 1995, Mỹ ít sử dụng điều luật này để giải quyết tranh chấp thương mại.
Trung Quốc nói thương mại song phương có lợi cho cả hai nước và rằng Bắc Kinh sẵn sàng cải thiện các mối quan hệ làm ăn với Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-dan-chu-ung-ho-trump-manh-tay-voi-trung-quoc-/3969977.html
Mỹ thử phi đạn giữa những căng thẳng với Bắc Triều Tiên
Không lực Mỹ đã phóng thành công một phi đạn đạn đạo liên lục địa ICBM không trang bị võ khí từ California. Đây là cuộc thử nghiệm thứ tư trong năm nay.
Phi đoàn Space Wing 30 cho hay phi đạn Minuteman 3 được phóng đi lúc 2 giờ 10 phút sáng ngày 2 tháng 8 từ Căn cứ Không quân Vandenberg, cách Los Angeles 209 kilômét về phía đông bắc.
Một tuyên bố của Không lực Mỹ nói cuộc thử nghiệm cho thấy tính hiệu quả, sẵn sàng chiến đấu, và chính xác của hệ thống vũ khí này.
Phi đạn Minuteman thường được phóng thử từ Vandenberg, không mang theo vũ khí, vượt qua 6.800 kilômét xuyên Thái Bình Dương đến một khu vực mục tiêu tại Đảo San hô Kwajalein.
Cuộc phóng thử nghiệm mới nhất của Hoa Kỳ diễn ra giữa những căng thẳng với Bắc Triều Tiên vào lúc nước này phát triển phi đạn đạn đạo liên lục địa của riêng họ.
Theo các nhà phân tích, các dữ liệu của cuộc phóng thử nghiệm mới nhất hôm 28/7 do Bình Nhưỡng thực hiện cho thấy một phần đất rộng lớn của Hoa Kỳ, trong đó có Los Angeles và Chicago, hiện đang trong tầm bắn của Bình Nhưỡng.
Để đáp lại, Không lực Mỹ phái hay máy bay ném bom B-1 bay ngang bán đảo Triều Tiên hôm 30/7 để biểu dương lực lượng.
Ngoài ra, Hoa Kỳ loan báo cũng đã thử nghiệm thành công một hệ thống phi đạn phòng thủ tại Alaska.
Những vụ phóng phi đạn Minuteman được tiến hành vào tháng 2, tháng 4 và tháng 5 năm nay.
Hồi tháng 5, Không lực Mỹ thử nghiệm một phi đạn nghênh cản phóng từ căn cứ Vandenberg. Phi đạn này đã phá hủy một đầu đạn giả trên Thái Bình Dương.
https://www.voatiengviet.com/a/my-thu-phi-dan-giua-nhung-cang-thang-voi-bac-trieu-tien/3969966.html
Công ty Mỹ đề nghị tái tục tìm máy bay MH370
Một công ty thăm dò dáy biển của Mỹ đề nghị đảm nhận công tác tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của Malaysia Airlines, trong nỗ lực làm sáng tỏ một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới, theo tin gia đình của những hành khách và một Bộ trưởng Malaysia ngày 2/8.
Chiếc Boeing 777 biến mất năm 2014 trên đường từ Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, đến Bắc Kinh với 239 người trên máy bay. Phân tích các liên lạc ra-đa và vệ tinh cho thấy người nào đó trên máy bay có thể đã cố tình tắt máy liên lạc của máy bay trước khi đổi hướng bay hàng nghìn kilômét trên Ấn Độ Dương.
Australia, Malaysia và Trung Quốc ngưng cuộc tìm kiếm tốn 159,16 triệu đô la vào tháng 1 năm nay giữa những phản đối của thân nhân hành khách.
Luật sư Grace Nathan, người Malaysia có mẹ là bà Anne Daisy đi trên máy bay, nói với Reuters là công ty Mỹ Ocean Infinity, đề nghị tái tục các cuộc tìm kiếm không mất tiền và chỉ đòi hậu tạ khi nào máy bay được tìm thấy.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Aziz Kaprawi xác nhận trong một tin nhắn gởi Reuters rằng nhà cầm quyền đã nhận đề nghị, nhưng nói chưa có quyết định về việc chấp nhận đề nghị này hay không.
Một phát ngôn viên của Ocean Infinity từ chối bình luận.
Website của công ty nói rằng công ty có những dụng cụ hoạt động dưới nước tối tân nhất trên thế giới dùng để vẽ bản đồ đáy biển, thăm dò và tìm kiếm.
Năm ngoái, Australia và Malaysia bác khuyến nghị của các nhà điều tra muốn nới rộng cuộc tìm kiếm thêm 25.000 kilômét vuông, phía bắc khu vực dò tìm ban đầu ở nam Ấn Độ Dương, cho rằng địa điểm mới quá mơ hồ.
Tuy nhiên Voice370, một tổ chức hậu thuẫn cho những thân nhân của hành khách MH370 nói lực lượng tìm kiếm Australia mới đây đã thu hẹp khu vực dò tìm dưới 25.000 kilômét vuông sau khi duyệt xét lại cẩn thận.
Gia đình các nạn nhân đã mở chiến dịch gây quỹ để tự tài trợ cho việc tìm kiếm vào tháng 3 năm nay. Họ cho biết đã ngưng kế hoạch này, hy vọng các chính phủ liên hệ “sẽ đáp ứng thuận lợi và nhanh chóng đề nghị của Ocean Infinity.”
Kể từ khi máy bay mất tích, có nhiều giả thiết khác nhau rằng máy bay bị không tặc hay dưới quyền kiểm soát của người nào đó cho đến khi cạn kiệt nhiên liệu.
https://www.voatiengviet.com/a/cong-ty-my-de-nghi-tai-tuc-tim-may-bay-mh370/3969944.html
Tổng thống Trump ký luật chế tài Nga,
nhưng chỉ trích có ‘nhiều sai sót’
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật những chế tài mới nhắm vào Nga hôm thứ Tư 2/8, nhưng ông đả kích luật này là xâm phạm quyền hạn của ông trong việc định hình chính sách đối ngoại, và nói rằng ông có thể đạt được “thỏa thuận tốt hơn nhiều” với các chính phủ hơn là Quốc hội.
Sau khi ký dự luật mà Quốc hội đã thông qua với tỉ lệ áp đảo trong tuần rồi và điều này trái với mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow của ông Trump, vị tổng thống Đảng Cộng hòa nêu ra một danh sách dài những lo ngại.
Những chỉ trích của ông nhắm vào các chế tài, vốn cũng ảnh hưởng đến Iran và Bắc Triều Tiên, đặt ra nghi vấn về việc ông Trump đã chuẩn bị tới mức nào để thực thi các biện pháp này và theo đuổi hành động chống lại Nga.
“Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và răn đe các hành vi hung hăng và làm mất ổn định của Iran, Bắc Triều Tiên và Nga, luật này có sai sót đáng kể,” ông Trump nói trong một tuyên bố chính thức ký ban hành.
Ông Trump bị trói tay sau khi Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua luật này hôm thứ Năm tuần trước với tỉ cách biệt lớn tới mức nó sẽ ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của ông phủ quyết dự luật.
Trong tuyên bố, ông Trump phàn nàn về điều mà ông nói là “những điều khoản rõ ràng là vi hiến” trong luật này liên quan đến quyền hạn của tổng thống trong việc định hình chính sách đối ngoại.
Luật mới này là chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội chuẩn thuận kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1. Nó bao gồm một điều khoản cho phép Quốc hội chấm dứt bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống nhằm giảm nhẹ những chế tài hiện hành đối với Nga.
Tuần này Moscow đã trả đủa bằng cách yêu cầu Mỹ cắt bớt 755 nhà ngoại giao và nhân viên tòa đại sứ và lãnh sự của Mỹ tại Nga.
Tổng thống Trump ký luật chế tài mới trong lúc Phó Tổng thống Mike Pence đang công du Tây Balkan. Ông Pence nói với các nước Balkan rằng tương lai của họ “thuộc về phương Tây,” và gọi Nga “là một nước khó đoán” đã có những hành động để gây bất ổn định trong vùng.
Ông Pence trong một động thái ủng hộ các đồng minh Hoa Kỳ đang cảnh giác trước việc Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine và hậu thuẫn cho các phần tử đòi ly khai tại miền đông Ukraine, đã nói là Hoa Kỳ muốn có “một mối quan hệ xây dựng” với Moscow. Tuy nhiên ông nói là Hoa Kỳ chỉ gở bỏ các chế tài đối với Nga khi nước này đảo ngược các việc làm trước đây và chấm dứt “những hoạt động làm mất ổn định.”
Phát biểu tại Podgorica, thủ đô của Montenegro, ông Pence nói “Nga tiếp tục theo đuổi âm mưu vẽ lại ranh giới quốc tế bằng vũ lực và ranh giới tại tây Balkan này. Nga đã gây bất ổn cho vùng này, phá hoại nền dân chủ của các bạn và gây chia rẽ giữa các bạn và phần còn lại của châu Âu.”
Montenegro nhỏ bé, nằm dọc theo bờ biển phía đông Adriatic, gia nhập NATO vào tháng 6 năm nay, nhưng là một đồng minh truyền thống của Moscow tại Balkan trước đây. Ông Pence, giới chức cao cấp nhất của Mỹ viếng thăm Montenegro trong vòng 100 năm nay, nói Nga đã tìm cách ngăn cản nước này gia nhập Liên minh quân sự phương Tây được thành lập sau Thế Chiến Thứ Hai là một thành trì chống lại sự xâm lấn của Nga.
“Chúng tôi thực sự tin tưởng là tương lai của Tây Balkans là ở phương Tây,” ông Pence nói.
“Ý định của Nga được phơi bày rõ ràng trong năm qua, ông Pence nói, “khi những nhân viên hoạt vụ được Moscow ủng hộ tìm cách làm gián đoạn cuộc bầu cử của Montenegro, tấn công quốc hội của các bạn và ngay cả âm mưu ám sát Thủ tướng của các bạn để làm nản lòng người dân Montenegro gia nhập Liên minh NATO của chúng ta.” Moscow phủ nhận việc can thiệp vào Montenegro.
Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic nói chuyến viếng thăm của ông Pence cho thấy các nước NATO được đối xử đồng đều bất kể lớn hay nhỏ.
“Chúng tôi gắn kết định mệnh của chúng tôi với những giá trị được tăng tiến và được bảo vệ bởi Liên minh này và việc này không thể nào đảo ngược được,” ông Markovic nói.
Trong khi nói về những hành động của Nga tại châu Âu, ông Pence không đề cập đến kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ là đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo chiến dịch giúp ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Australia chặn âm mưu gây nổ máy bay, bắt 3 người
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói rằng một âm mưu nhằm gây nổ một chiếc máy bay phản lực đã bị “chặn.”
Australia đã tăng cường các biện pháp an ninh tại tất cả các sân bay lớn sau khi bốn người đàn ông đã bị bắt trong cuộc đột kích ở thành phố Sydney vào thứ Bảy tuần trước 29/7. Trước đó chính quyền nhận được tố giác mà họ mô tả là một mối đe dọa có thực. Các biện pháp thắt chặt an ninh đã gây ra việc chậm chuyến bay và hành khách phải xếp hàng chờ mỏi mệt.
Một trong bốn nghi can đã được thả ra. Cho đến nay vẫn chưa có cáo buộc đối với ba người kia.
Các viên chức không tiết lộ chi tiết về âm mưu tấn công máy bay này, chỉ nói rằng âm mưu này liên quan đến một thiết bị nổ có gắn cảm ứng. Hãng Etihad Airways, hãng hàng không quốc gia của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, cho biết họ đã làm việc với cảnh sát Australia trong cuộc điều tra, nhưng không nói liệu hãng này có phải là một mục tiêu hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/australia-chan-am-muu-gay-no-may-bay-bat-3-nguoi/3970709.html
ASEAN muốn có hiệp ước bất tương xâm với Trung Quốc
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Đông Nam Á sẽ tìm cách thảo luận càng sớm càng tốt về một hiệp ước bất tương xâm với Trung Quốc nhằm ngăn ngừa những cuộc xung đột tại Biển Đông và chắc chắn sẽ không chỉ trích những hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp trong một hội nghị thượng đỉnh cuối tuần.
Một dự thảo thông cáo chung sơ khởi sắp được Ngoại trưởng các nước ASEAN công bố mà AP có được ngày 2/8 cho thấy các Bộ trưởng sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cao cấp ngay tức thì mở các cuộc thảo luận về Bộ Qui tắc Ứng xử Biển Đông sau khi chính phủ các nước đã đồng ý về một khung làm việc với Trung Quốc vào tháng 5 năm nay.
Cuộc tranh chấp dai dẳng tại Biển Đông cùng với những vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên, và sự nổi dậy của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo trong vùng chắn chắn sẽ nổi bật trong các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng các nước ASEAN và những người đồng nhiệm châu Á và Phương Tây tại Manila bắt đầu vào ngày 5/8.
Ông Robespierre Bolivar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, mô tả những tiến bộ ban đầu sau nhiều năm nỗ lực của các nước ASEAN thương thuyết về một bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc là “một bước rất dài.”
Các chỉ trích nói rằng khung làm việc chỉ được sử dụng như là một phác họa về những nguyên tắc đã được đồng ý trước đây và không đề cập đến những quan ngại về các đảo nhân tạo của Trung Quốc hay phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi năm ngoái rằng đòi hỏi của Trung Quốc đòi toàn bộ chủ quyền trên Biển Đông là vô giá trị. Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của Tòa án trọng tài căn cứ trên Công ước về Luật Biển 1982.
Bản sao cuối cùng của khung làm việc AP thấy được cũng không đề cập đến Bộ Qui tắc Ứng xử có hiệu lực cưỡng hành pháp lý hay không, điều mà hầu hết các nước ASEAN đều muốn nhưng Trung Quốc phản đối, cũng không nhắc tới phạm vi của khu vực tranh chấp áp dụng qui tắc ứng xử, đồng thời cho thấy Bộ qui tắc sẽ không được dùng như là một công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Trong những cuộc thảo luận, một số nước ASEAN đề nghị một số nội dung nhưng không được đồng thuận, chẳng hạn như đề nghị của Việt Nam về một “cơ chế giải quyết tranh chấp” trong trường hợp tranh chấp xảy ra trong tương lai, theo một phúc trình của ASEAN đính kèm.
Dự thảo thông cáo chung, có thể mở rộng thêm nữa với ý kiến của các nước thành viên ASEAN khác, cũng không đề cập đến quan ngại về các đảo nhân tạo của Trung Quốc với một hệ thống phòng thủ phi đạn được bố trí trên đảo. Những quan ngại như vậy đã xuất hiện trong những tuyên bố chung trước đây của ASEAN.
https://www.voatiengviet.com/a/asean-muon-co-hiep-uoc-bat-tuong-xam-voi-trung-quoc/3969989.html
Tổng thống Philippines sỉ vả lãnh tụ Bắc Triều Tiên
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 2/8 dùng hai từ ‘đồ khùng’ và ‘con hoang’ để mô tả lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, chỉ vài ngày trước khi Manila chủ trì một hội nghị quốc tế chắc chắn sẽ nêu lên vấn đề thử nghiệm phi đạn tầm xa của Bình Nhưỡng.
Mở màn cho cuộc họp hiếm có vào tuần tới giữa Ngoại trưởng các nước có liên hệ tới bế tắc trên bán đảo Triều Tiên, ông Duterte đã không tiếc lời sỉ vả ông Kim vì ‘chơi với những thứ đồ chơi nguy hiểm.’
Bắc Triều Tiên quyết tâm chế tạo phi đạn gắn đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ và các giới chức tại Washington nói vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa ngày 29/7 cho thấy Bình Nhưỡng có thể với tới đa phần đất Mỹ.
“Kim Jong Un là một tên điên khùng…chơi với những thứ đồ chơi nguy hiểm, thằng ngốc,” ông Duterte phát biểu trước các giới chức thuế vụ.
“Khuôn mặt hắn bầu bĩnh trông có vẻ tử tế. Đồ con hoang. Nếu hắn phạm sai lầm, vùng Viễn Đông sẽ trở thành bãi đất hoang. Phải chấm dứt chuyện này, cuộc chiến tranh hạt nhân này.”
“Một cuộc đối đầu hữu hạn nổ ra, tôi nói trước, phóng xạ có thể tàn phá đất đai, các nguồn lực, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng ta.”
Năm nay ông Duterte là Chủ tịch ASEAN và ngày 7/8, Ngoại trưởng Philippines sẽ chủ trì Diễn đàn Khu vực ASEAN với sự tham dự của 27 nước kể cả Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn quốc và Hoa Kỳ.
Đây không phải lần đầu tiên ông Duterte chỉ trích ông Kim về tham vọng hạt nhân. Hồi tháng tư, ông đặt nghi vấn về sự tỉnh táo của ông Kim và kêu gọi Hoa Kỳ tự chế chớ mắc bẫy kẻ “muốn kết liễu thế giới”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tham dự hội nghị Manila.
Hôm 1/8, ông Tillerson tuyên bố muốn đối thoại với Bắc Triều Tiên vào một thời điểm nào đó và nhấn mạnh Bắc Triều Tiên không phải là kẻ thù của Hoa Kỳ và rằng Mỹ không tìm cách lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-philippines-si-va-lanh-tu-bac-trieu-tien/3969935.html
Anh bắt nghi can khủng bố
Một người đàn ông bị bắt tại phi trường Southend, phía đông nước Anh, vì tình nghi có liên hệ đến khủng bố, cảnh sát ngày 2/8 cho biết.
Nghi can 49 tuổi bị bắt tại phi trường Southend, cách London 57 kilômét về phía đông, vì bị nghi đang chuẩn bị có hành động khủng bố, cảnh sát London nói.
Ông này hiện đang bị cảnh sát giam giữ tại nam London. Cảnh sát cho biết đã lục soát một địa chỉ tại quận Essex, nơi tọa lạc phi trường Southend.
Mức đe dọa khủng bố hiện nay ở Anh được xem là nghiêm trọng, có nghĩa có nhiều khả năng xảy ra một cuộc tấn công. Anh từng hứng chịu những cuộc tấn công của các phần tử cực đoan Hồi Giáo tại London và những thành phố khác trong thời gian qua.
https://www.voatiengviet.com/a/anh-bat-nghi-can-khung-bo/3969923.html
Venezuela : Quốc Hội Lập Hiến hoãn khai mạc,
đối lập tố cáo bầu cử gian lận
Hôm qua, 02/08/2017, tổng thống Maduro thông báo là Quốc Hội Lập Hiến sẽ nhóm họp phiên đầu tiên vào ngày thứ Sáu, 04/08 thay vì vào ngày hôm nay. Trong khi đó, phe đối lập tố cáo có gian lận trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (30/07). Chưởng lý Venezuela Luisa Ortega thông báo mở cuộc điều tra về những tố cáo này.
Tối qua, tại khu nhà văn hóa Poliedro ở phía nam Caracas, tổng thống Nicolas Maduro đã gặp các dân biểu vừa được bầu.
Thông tín viên RFI Julien Gonzalez tường trình :
« Lẽ ra, đó là một buổi lễ tuyên thệ của các dân biểu Quốc Hội Lập Hiến. Thế nhưng, cuối cùng, buổi lễ lại biến thành một cuộc gặp để các dân biểu nghe diễn văn của nguyên thủ Venezuela.
Tổng thống Nicolas Maduro đã đến chậm bốn tiếng và ông chỉ xuất hiện vào đầu buổi tối, trên sân khấu nhà hát Poliedro, ở phía nam Caracas. Bên cạnh ông là những nhân vật quan trọng của đảng cầm quyền và khán giả là hơn 500 dân biểu Quốc Hội Lập Hiến vừa được bầu.
Trong diễn văn, ông Maduro trấn an rằng Quốc Hội Lập Hiến sẽ chính thức nhóm họp vào thứ Sáu, do có vấn đề tổ chức, rồi ông khẳng định là các dân biểu vừa được bầu chắc chắn sẽ tới làm việc tại trụ sở nghị viện.
Ông Maduro cũng tranh thủ dịp này để tố cáo công ty Smartmatic chịu trách nhiệm về hệ thống bầu điện tử tại Venezuela. Trước những cáo buộc về việc thao túng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu do công ty này được ra, ông Maduro khẳng định là 8 triệu cử tri Venezuela đã thực sự đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật 30/07. Tổng thống Venezuela còn nói thêm rằng có ít nhất 2 triệu cử tri khác đã không thể bỏ phiếu do có hàng rào ngăn cản và ông lên án phe đối lập.
Trong khi đó, phe đối lập không có ý định buông xuôi và đã kêu gọi người dân biểu tình vào hôm nay, thứ Năm, trước trụ sở Quốc Hội, nơi mà phe đối lập hiện chiếm đa số để tố cáo điều mà phe đối lập cho là gian dối trong việc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ».
Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ chế độ của tổng thống Nicolas Maduro. Hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông cáo cho rằng cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến tại Venezuela, nhìn chung, đã diễn ra suôn sẻ và Bắc Kinh bày tỏ hy vọng là các bên liên quan thông qua đối thoại, giải quyết cuộc khủng hoảng để duy trì ổn định và phát triển đất nước.
Venezuela là đồng minh của Trung Quốc. Hai nước có lợi ích chung trong lĩnh vực năng lượng.
Tổng thống Iran
bắt đầu nhiệm kỳ hai dưới sức ép trừng phạt của Mỹ
Tổng thống Iran Hassan Rohani chính thức bắt đầu nhiệm kỳ hai từ ngày 03/08/2017, sau khi lãnh tụ tối cao, giáo chủ Ali Khamenei thông qua kết quả bầu cử tổng thống. Ông Rohani đã thắng ngay vòng đầu ngày 20/05 với tỉ lệ 57% số phiếu. Nhân dịp này, Teheran lên án những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran.
Tại buổi lễ nhậm chức chính thức được truyền hình trực tiếp, giáo chủ Khamenei gửi bức thư công nhận kết quả « bỏ phiếu của người dân Iran và bổ nhiệm Hassan Rohani vào chức vụ tổng thống nước Cộng Hòa ». Toàn bộ quan chức chính trị và quân sự của Iran đã tham dự buổi lễ, kể cả cựu tổng thống dân túy Mahmoud Ahmadinejad.
AFP nhắc lại quyết định « phê chuẩn » kết quả bầu cử tổng thống của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei là bước chính thức và cần thiết để ông Rohani bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng. Tổng thống Iran sẽ tuyên thệ trước Nghị Viện vào ngày 05/08.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, tổng thống Rohani đề cập đến thỏa thuận hạt nhân. Ông nhấn mạnh, « chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận bị cô lập. Thỏa thuận nguyên tử là dấu hiệu thiện chí của Iran trên trường quốc tế ».
Tuy nhiên, theo phát biểu trên truyền hình đêm 02/08 của thứ trưởng ngoại giao Iran, thỏa thuận này đã bị « vi phạm », nhằm nhắc đến những biện pháp trừng phạt mới vừa được tổng thống Donald Trump ban hành, sau khi đã được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ thông qua.
Để đáp trả trừng phạt của Mỹ, Ủy Ban Tối Cao Iran theo dõi việc áp dụng thỏa thuận hạt nhân, trong đó có tổng thống Hassan Rohani và nhiều quan chức khác, « đã thông qua 16 biện pháp tương xứng với hành động của Mỹ », song thứ trưởng ngoại giao Iran không nêu chi tiết.
Quốc Hội Iran cũng bắt đầu nghiên cứu một dự thảo luật riêng nhằm tăng cường chương trình tên lửa đạn đạo và lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa của Iran nhằm « đấu tranh chống lại hành động của Mỹ ». Đạo luật mới này sẽ được thông qua trong vài ngày tới.
Trong khi đó, trong một bức thư chung gửi đến Hội Đồng Bảo An ngày 02/08, Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Đức đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc hành động sau vụ phóng thử vệ tinh của Iran ngày 27/07. Với bốn nước trên, đó là một hành động khiêu khích và đe dọa, đi ngược lại với nghị quyết 2231 được thông qua tháng 07/2015 về chương trình hạt nhân của Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170803-tong-thong-iran-bat-dau-nhiem-ky-hai-duoi-suc-ep-trung-phat-cua-my
Chính sách ngoại giao mới của Mỹ sẽ từ bỏ “thúc đẩy dân chủ”?
Phải chăng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sắp có những thay đổi mới bất lợi cho nền dân chủ thế giới? Nguyên tắc “công bằng và dân chủ” rất có nguy cơ không còn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao mới mà ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang soạn thảo.
Cho đến tận lúc này, ủng hộ “Hòa bình, Thịnh vượng, Công bằng và Dân chủ” vẫn là những nền tảng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tuy nhiên theo tiết lộ của tờ Washington Post, thì chính quyền Donald Trump đang nghĩ đến việc thay đổi những nguyên tắc đó.
Hai từ “Công bằng” và “Dân chủ” rất có thể không còn được xuất hiện trong bản tuyên bố sứ mệnh trong chính sách đối ngoại mà bộ Ngoại Giao Mỹ đang soạn thảo theo yêu cầu của ngoại trưởng Rex Tillerson. Sự thay đổi này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn cho thấy rõ những ưu tiên mới của một bộ Ngoại Giao lớn nhất hành tinh.
Theo đó, bảo đảm “an ninh, thịnh vượng và các lợi ích của Mỹ cũng như công dân Mỹ trên toàn cầu” sẽ là những mục tiêu chính. Hoa Kỳ có lẽ sẽ không đấu tranh cho một thế giới “công bằng và dân chủ” nữa. Nếu đúng như những gì Washington Post loan báo, đấy có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì điều này khẳng định lập trường của Donald Trump trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.
Donald Trump đã từng tuyên bố: “Chúng tôi không tìm cách áp đặt cách sống của chúng tôi lên bất kỳ ai, và tốt hơn hết nên để nó tự tỏa sáng như một tấm gương để cho mọi người noi theo”.
Quả thật, có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ có kế hoạch giảm bớt ưu tiên dân chủ và nhân quyền, qua một số phát biểu và cử chỉ của ngoại trưởng Mỹ. Trong bài phát biểu đầu tiên trước toàn bộ nhân viên bộ Ngoại Giao, Rex Tillerson từng nói rằng việc quảng bá các giá trị của Mỹ “tạo ra các rào cản” cho việc bảo đảm các lợi ích an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Hay như vào tháng Ba năm nay, ngoại trưởng Mỹ đã từ chối đến nghe báo cáo nhân quyền hàng năm của bộ Ngoại Giao.
Một ví dụ khác khẳng định xu hướng này: Hoa Kỳ sớm loại bỏ trang mạng www.humanrights.gov và chuyển toàn bộ nội dung của trang này vào một địa chỉ web thay thế: www.state.gov/j/drl.
Sự thay đổi này đang làm dấy lên nhiều mối lo ngại. Một số nhà ngoại giao Mỹ cho rằng những thay đổi đó có lẽ là một sai lầm nghiêm trọng, với nhiều hệ quả tai hại. Một tuyên bố mới đi theo chiều hướng này có nguy cơ củng cố các chế độ độc tài và làm suy yếu các phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ.
Đối với ông Tom Malinowski, từng là cố vấn về dân chủ, nhân quyền và lao động trong chính quyền Obama được Washington Post trích dẫn, dự thảo tuyên bố sứ mệnh mới này sẽ đặt chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ gần với đường hướng của một vài lãnh đạo các nước đối đầu của Mỹ.
Chuyên gia này lưu ý là: “Đó là một tầm nhìn giống với quan điểm của Putin, cho rằng các cường quốc nên đặc biệt chú tâm vào việc bảo vệ và làm giàu cho chính nước mình, thay vì quảng bá cho dân chủ”. Để rồi ông cảnh báo là với việc loại bỏ các tham chiếu giá trị phổ quát cũng như những điều tốt đẹp, Hoa Kỳ cũng đang xóa bỏ mọi lý do để cho người dân trên thế giới ủng hộ chính sách đối ngoại của mình.
Tổng thống Brazil thoát hiểm,
không bị truy tố về tội tham nhũng
Hôm qua, 02/08/2017, tổng thống Michel Temer đã giành được một thắng lợi chính trị quan trọng: Với 263 phiếu chống trên tổng số 513 dân biểu, Quốc Hội Brazil đã bác bỏ khả năng truy tố tổng thống về tội tham nhũng, vì không hội đủ hai phần ba số phiếu cần thiết.
Từ Sao Paulo, thông tín viên RFI Martin Bernard tường trình :
Cho dù tỉ lệ được lòng dân chỉ là 5%, tổng thống Michel Temer đã giành được sự ủng hộ của Hạ viện Brazil, bác bỏ những cáo buộc tham nhũng mà bên công tố đưa ra, nhắm vào ông. Sau phiên họp kéo dài, đôi khi hỗn loạn, phe đối lập đã không có được đa số phiếu, tức là hai phần ba phiếu thuận cần thiết tại Hạ viện để đưa Tổng thống ra xét xử tại Tòa Án Tối Cao. Những người ủng hộ ông Temer đã thu được đầy đủ số phiếu và giúp cho vị tổng thống cánh trung giành được một chiến thắng chính trị tuyệt đẹp.
Đối với tổng thống Michel Temer, vụ tai tiếng này coi như đã được dẹp sang một bên sau nhiều tháng khủng hoảng chính trị. Hầu hết các nghị sĩ đứng về phe tổng thống đều nói đến sự ổn định chính trị cần thiết và bày tỏ sự ủng hộ đối với những cải cách do chính phủ tiến hành.
Các nghị sĩ tin lành tuyên bố ủng hộ tổng thống. Nhóm đại diện nông nghiệp vận động hành lang, có ảnh hưởng lớn tại Quốc Hội, cũng có thái độ tương tự. Một trong những nghị sĩ đã bác bỏ những cáo buộc nhắm tổng thống Michel Temer có thể kể đến Paulo Maluf, một cựu chính trị gia Brazil, người đã nhiều lần bị truy tố về tội tham nhũng và vừa mới bị một tòa án Pháp tuyên án 3 năm tù về tội rửa tiền.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170803-tong-thong-brazil-thoat-hiem-khong-bi-truy-to-ve-toi-tham-nhung
Thủ tướng Nhật Bản cải tổ nội các để lấy lại tín nhiệm
Bị suy yếu vì nhiều tai tiếng và bị cho là ngạo nghễ, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cải tổ chính phủ vào ngày 03/08/2017. Ông Abe hy vọng chính phủ mới sẽ giúp cải thiện điểm tín nhiệm của ông, hiện đang rơi dưới ngưỡng 30%, và kỷ lục xấu nhất kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012.
Trong tân nội các, ông Itsunori Onodera, một cựu bộ trưởng Quốc Phòng, được bổ nhiệm thay bà Tomomi Inada, từ chức cách đây một tuần. Ông Taro Kono, một nhà cải cách thân với Washington, giữ chức ngoại trưởng thay ông Fumio Kishida.
Hai vị tân bộ trưởng này sẽ phải giải quyết nhiều hồ sơ quan trọng, bắt đầu từ « mối đe dọa ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên », tiếp theo là tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, được ông Abe đánh giá là « không thể lay chuyển được ».
Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles tường trình :
Đợt cải tổ bộ trưởng lần này sẽ không giúp thủ tướng Shinzo Abe được lòng dân hơn trong con mắt người Nhật, cho dù ông hứa tiếp tục chính sách miễn phí giáo dục trước tuổi đi học cho con cái của họ, ít nhất là cho đến khi thủ tướng thay đổi chính sách.
Về việc xem lại Hiến Pháp chủ hòa, ông Shinzo Abe muốn trao lại cho Nhật Bản quyền được tham chiến. Bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa của Bắc Triều Tiên tấn công tên lửa xối xả vào các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, phần lớn người dân Nhật vẫn ủng hộ Hiến Pháp chủ hòa.
Ngoài các vụ tai tiếng « ưu ái » cho bạn bè để mở một trường thú y và bán bất hợp pháp một mảnh đất công cho một trường học ở Osaka, người Nhật còn chỉ trích thủ tướng Shinzo Abe đã bỏ rơi các biện pháp cải cách kinh tế và xã hội mà ông từng hứa cách đây 5 năm để đối phó với tình trạng lão hóa dân số, thiếu tính linh hoạt trên thị trường lao động và các trở ngại trong việc phụ nữ đi làm.
Thủ tướng Nhật Bản hy vọng được tái đắc cử vào chức chủ tịch đảng bảo thủ của ông vào năm 2018. Dù cố ý hay không, nếu ông Abe tiếp tục tạo cảm giác lơ là về đời sống của người dân, có thể ông sẽ không được bầu vào trọng trách đó.
Chiến thắng vang dội của phong trào « Tokyo trên hết » của đô trưởng Tokyo trong cuộc bầu cử cấp địa phương ở thủ đô là một lời cảnh cáo. Người Nhật cũng quay lưng lại với các đảng truyền thống khi họ có lựa chọn khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170803-thu-tuong-nhat-ban-cai-to-noi-cac-de-lay-lai-tin-nhiem
Hàn Quốc : Nỗi lo bị Mỹ bỏ rơi và bị Bình Nhưỡng hủy diệt
Ngày 28/07/2017, Bắc Triều Tiên đã cho thử nghiệm một tên lửa được cho là có khả năng đặt một phần không nhỏ lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm. Chưa thấy người dân Mỹ hoảng sợ, nhưng lại thấy dư luận Hàn Quốc lo lắng, vì một câu hỏi đang được đặt ra : « Liệu Washington có tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc nữa hay không nếu điều đó đẩy một số thành phố Mỹ vào vòng nguy hiểm ? »
Cho đến nay, Hoa Kỳ là chiếc ô bảo vệ Hàn Quốc, với 28.000 binh lính đồn trú trên lãnh thổ nước này. Liên minh quân sự với Hàn Quốc cũng là một thành tố trọng yếu trong chiến lược của Mỹ ở Châu Á, khi mà Trung Quốc ngày càng lộ vẻ hung hăng hơn.
Thế nhưng lần thử tên lửa liên lục địa hôm thứ Sáu 28/07 cho thấy là hỏa tiễn Bắc Triều Tiên có thể đe dọa những thành phố lớn của Mỹ, từ Chicago xuống đến Los Angeles. Với nguy cơ như vậy, liệu Washington có còn duy trì liên minh quân sự với Seoul, bảo vệ Hàn Quốc hay không ?
Hãng tin Pháp AFP ngày 02/08, ghi nhận là truyền thông Hàn Quốc cũng như một số chuyên gia đã không che giấu nỗi lo ngại trước khả năng Mỹ xét lại liên minh mà hai bên đều cho là « vững như bàn thạch ».
Tờ JoongAng Ilbo nêu câu hỏi : « Chính quyền Trump có sẽ bảo vệ chúng ta khi chúng ta bị phương Bắc tấn công hay không, trong khi mà làm như thế thì các thành phố Mỹ có thể bị trả đũa bằng một cuộc tấn công hạt nhân ? » Theo tờ báo, việc Bắc Triều Tiên hoàn chỉnh một hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân chỉ là « một vấn đề thời gian », và kết luận bi quan là câu trả lời « có thể không phải là có ».
Phóng viên AFP nhắc lại là từ nhiều thập niên qua, Bắc Triều Tiên vẫn đòi Hoa Kỳ ký một hiệp ước hòa bình, rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc.
Về phía Hoa Kỳ, cho đến nay, các quan chức ghé Seoul đều khẳng định liên minh vững chắc với nước bạn, như lời phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên sau vụ thử nghiệm tên lửa tuần qua, báo Chosun Ilbo cũng lo ngại : « Khó mà chờ đợi sự trợ giúp của Hoa Kỳ, nếu điều đó kéo theo một cuộc tấn công vào lục địa Mỹ. »
Đối với tờ báo Hàn Quốc này, « Kịch bản tồi tệ nhất là lính Mỹ rút đi khỏi bán đảo. Đó là điều mà phía Bắc đòi hỏi… Đối với Hàn Quốc thì đó là điều không thể tưởng tượng ra được, nhưng thực tế là chúng ta đang tiến đến tình hình này. »
Tuyên bố đáng sợ của Donald Trump
Phía Hàn Quốc còn lo ngại Washington đánh phủ đầu Bắc Triều Tiên, dẫn đến những hậu quả tai hại cho dù Bình Nhưỡng không sử dụng vũ khí hạt nhân : Lý do là thủ đô Seoul nằm trong tầm pháo Bắc Triều Tiên và có thể bị phá hủy hoàn toàn.
Giọng điệu gay gắt của chính quyền Trump từ hôm thứ Sáu 28/07 vừa qua, càng cho thấy là nỗi lo sợ trên không phải không cơ sở và giải pháp quân sự không phải là điều không tưởng.
AFP dẫn lời thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Lindsey Graham hôm 01/08, kể lại rằng tổng thống Donald Trump đã nói với ông là đã sẵn sàng tiến hành cuộc chiến để ngăn chặn Bắc Triều Tiên hoàn tất hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân : « Đã có một giải pháp quân sự tốt, đó là phá hủy chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên và cả Bắc Triều Tiên. »
Điều đáng sợ là nhận định của ông Trump : « Nếu có một cuộc chiến, nó sẽ diễn ra ở đó (tức là ở bán đảo Triều Tiên). Nếu có hàng ngàn người chết, thì cũng là người chết ở đó, chứ không phải ở đây (tức là ở trên lãnh thổ Mỹ) ». Thượng nghị sĩ Lindsay Graham khẳng định : « Và câu đó, ông (Trump) đã nói trước mặt tôi. »
AFP còn trích nhận định của Jeun Young, giám đốc nghiên cứu các vấn đề quân sự, Đại Học Dongyang, theo đó Bình Nhưỡng đã vượt qua làn ranh đỏ với cuộc thử nghiệm hỏa tiễn liên lục địa thứ 2, và hỏa tiễn mới thử này là « một mối đe dọa có vẻ rõ nét đối với an ninh Hoa Kỳ. Và dù muốn dù không, cũng không thể loại trừ một hành động quân sự đơn phương từ phía Mỹ. »
Trong tình hình đó, một số người đang sợ tái diễn một cuộc « khủng hoảng tháng 8 ». Seoul và Washington trên nguyên tắc sắp tổ chức cuộc tập trận chung thường niên luôn bị Bình Nhưỡng lên án. Bắc Triều Tiên có thể có hành động khiêu khích nghiêm trọng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170803-han-quoc-noi-lo-bi-my-bo-roi-va-bi-binh-nhuong-huy-diet
Thái Lan: Đất lành thứ hai cho người tị nạn Bắc Triều Tiên
Đối với người Bắc Triều Tiên bỏ xứ ra đi, đất lành để họ lánh nạn dĩ nhiên là Hàn Quốc. Thế nhưng, cũng có một vùng đất dung thân thứ hai cho người tị nạn Triều Tiên : đó là Thái Lan, nơi họ có thể yên tâm tạm thời lánh nạn, chờ ngày được đưa về Hàn Quốc, chứ không sợ bị bắt và bị trục xuất trở lại Bắc Triều Tiên như trong trường hợp Trung Quốc.
Trong một bản tin ngày 01/08/2017, hãng tin Anh Reuters đã ghi nhận hiện tượng số người Bắc Triều Tiên chạy đến Thái Lan lánh nạn đã tăng vọt trong những tháng gần đây, theo số liệu của cơ quan nhập cư Thái Lan, trong bối cảnh tình hình căng thẳng hẳn lên ở bán đảo Triều Tiên vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vào năm ngoái 2016, có 535 người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan, nhưng riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có 385 người đến đây, và số lượng người đến hàng tuần đang gia tăng. Theo một viên chức đặc trách nhập cư xin giấu tên, chỉ riêng tại miền bắc Thái Lan, số người Bắc Triều Tiên đến đấy trung bình mỗi tuần là từ 20 đến 30.
Thái Lan đã trở nên trạm dừng « quen thuộc, an toàn » đối với những người tìm cách trốn khỏi đất nước ngày càng nghèo và không an toàn của họ. Mỗi năm đều có hàng trăm người chạy sang Trung Quốc rồi từ đó bắt đầu một hành trình gian nan bằng đường bộ Thái Lan, để rồi sau cùng đến Hàn Quốc. Số lượng người vượt biên vẫn gia tăng cho dù biên giới Bắc Triều Tiên – Trung Quốc bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ thêm.
Viên chức Thái Lan được Reuters phỏng vấn cho biết là phần đông người Bắc Triều Tiên « nhập cảnh » Thái Lan từ vùng cực bắc gần khu Tam Giác Vàng, và đến từ phía Lào. Tuy nhiên, một số con đường mới cũng xuất hiện xa hơn về phía nam.
Theo đại úy Chonlathai Rattanaruang, chỉ huy đội tuần tra trên sông Mêkông, trong những năm gần đây, nhiều người Bắc Triều Tiên đã vào Thái Lan qua ngã các tỉnh miền đông bắc ở ven sông. Tin này cũng được một sĩ quan khác xác nhận : Nhiều nhóm người Bắc Triều Tiên vào các tỉnh phía đông bắc, giáp giới với Lào như Nong Khai và Nakhon Phanom, nơi mà sông Mêkông là biên giới quốc tế.
Thỏa thuận ngầm Seoul-Bangkok: Để người Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc
Về mặt chính thức, Bangkok xem những người Bắc Triều Tiên vào Thái Lan là những người nhập cư bất hợp pháp tìm sinh kế, hơn là người tị nạn. Theo Reuters, Thái Lan đã không ký Công ước Genève năm 1951 về người tị nạn và không có quy chế riêng về tị nạn, vì thế, một cách bán chính thức, để giải quyết vấn đề người Bắc Triều Tiên, họ thường áp dụng giải pháp thương lượng « ba bên », giữa chính quyền Thái Lan, Hàn Quốc và người « nhập cư bất hợp pháp » tại chỗ.
Roongroj Tannawut, một viên chức ở Chiang Khong, gần khu Tam Giác Vàng giải thích là « người Bắc Triều Tiên cố tình đến Thái Lan để bị bắt và như thế họ có thể được cho tị nạn ở Hàn Quốc ».
Trên thực tế, những người Bắc Triều Tiên vào đất Thái đều bị bắt và xét xử về tội danh nhập cư bất hợp pháp. Họ bị chuyển đến một trung tâm tạm giam người nhập cư ở trung tâm Bangkok trước khi bị trục xuất và thông thường là sang Hàn Quốc.
Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch giải thích với Reuters là « Do việc Hiến Pháp Hàn Quốc công nhận tất cả người Triều Tiên là công dân của mình, cho nên chính quyền Thái Lan đã có thể xem Hàn Quốc là nơi chính đáng để trục xuất người Bắc Triều Tiên sang đấy ».
Cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan hiếm khi phải giải quyết vấn đề người Bắc Triều Tiên chạy vào đất Thái, chính là nhờ có thỏa thuận giữa hai chính quyền Seoul và Bangkok.
Bà Vivian Tan phát ngôn viên của UNHCR Châu Á cho Reuters biết là « người chạy khỏi Bắc Triều Tiên thường không nhờ đến cơ quan Liên Hiệp Quốc vì họ đã có cách khác để tìm sự an toàn ».
Riêng đại sứ quán Hàn Quốc tại Bangkok đã không trả lời Reuters khi được hỏi về vai trò của họ trong vấn đề này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170803-thai-lan-dat-lanh-thu-hai-cho-nguoi-ti-nan-bac-trieu-tien