Tin khắp nơi – 03/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 03/07/2017

Dự án hạt nhân TQ đầu tư ở Anh ‘đội vốn 1,5 tỷ bảng’

Dự án này đang được khởi công xây dựng sau khi Thủ tướng Anh bà Theresa May ký quyết định vào tháng 9/2016.

Chính phú nói thỏa thuận này sẽ giúp Anh sản xuất năng lượng với giá rẻ hơn và ít phải phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch.

Anh Quốc tìm nơi chôn chất thải hạt nhân – BBC Tiếng Việt

‘Tôi thiết tha đề nghị VN đổi chính sách’ – BBC Tiếng Việt

Tuy nhiên giới phê bình quan ngại về sự tốn kém cũng như các vấn đề an toàn, an ninh và môi trường của dự án này.

Tổng vốn đầu tư để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C đã phụ trội thêm 1,5 tỷ bảng Anh, hiện ở mức 19,6 tỷ bảng Anh (khoảng 25 tỷ USD), theo chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Năng lượng EDF của Pháp.

Dự án này gây nhiều tranh cãi vì có 2/3 vốn do EDF của Pháp cung cấp.

Phần còn lại được cam kết tài trợ bởi một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Cũng theo EDF, dự án Hinkley Point C có thể đem lại 25000 cơ hội việc làm.

Hinkley Point C, nếu được xây dựng, sẽ là nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới đầu tiên của Anh.

Do vốn đầu tư cho Hinkley đã tăng lên 10% so với sự tính ban đầu, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia của Anh, một cơ quan giám sát chi tiêu, nói dự án này “nhiều rủi ro và đắt đỏ”.

Trong khi đó, chủ thầu cho rằng thời gian xây dựng nhà máy hạt nhân Hinkley có thể sẽ phải kéo dài thêm 15 tháng. Tuy nhiên lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Hinkley dự kiến vẫn được hoàn thành vào năm 2025.

Lo ngại an ninh

Cuối năm 2015 hợp đồng này được ký kết trước sự chứng kiến của Chủ tịch TQ, Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh khi đó, ông David Cameron.

Nhưng nay ông Cameron đã không còn cầm quyền.

Người phát ngôn chính phủ Anh hiện nay cho biết:

“Người tiêu dùng sẽ không phải trả một đồng nào cho đến khi việc xây dựng nhà máy hạt nhân Hinkley hoàn thành. Nó cung cấp năng lượng điện sạch và đáng tin cậy cho khoảng sáu triệu người tiêu dùng.”

Giới quan sát nói, dự án có thể mang lại những hệ lụy khó lường do hoàn toàn có vốn đầu tư nước ngoài.

Nick Timothy, cố vấn lâu năm của bà May, từng viết trên trang web của đảng Bảo thủ rằng cơ quan tình báo Anh MI5 tin rằng gián điệp Trung Quốc “tiếp tục hoạt động chống lại lợi ích của Anh ở trong nước và tại nước ngoài”.

Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley gặp nhiều khó khăn cho thấy sự thận trọng của Chính phủ Anh trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như ảnh hưởng của chính sách an ninh năng lượng và hạt nhân.

Mặc dù gây tranh cãi, những dự án tốn kém và nhiều rủi ro như Hinkley Point C vẫn được chính phủ thông qua nếu có lợi cho việc tăng phiếu bầu và cơ hội việc làm cho cử tri.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-40480417

 

Ông Lý Hiển Long ‘không muốn kiện hai em’

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói ông không muốn kiện hai người em vì cáo buộc ông lạm dụng quyền lực.

Ông phát biểu trước quốc hội, theo sau nhiều tuần công khai mâu thuẫn giữa ông và hai người em.

Hai người em của Thủ tướng Lý Hiển Long cáo buộc anh trai không nghe di nguyện của cha và lạm dụng quyền lực.

Tại buổi họp quốc hội hôm thứ Hai, ông Lý Hiển Long một lần nữa bác bỏ cáo buộc.

Ông nói nhiều người đã hỏi vì sao ông không kiện.

“Kiện em trai, em gái tại tòa sẽ càng bôi bẩn tên của bố mẹ,” ông nói.

Vụ việc xoay quanh tranh cãi pháp lý về ngôi nhà của người cha.

Trước đó bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương ra thông cáo nói họ không còn tin tưởng sự lãnh đạo đất nước của anh trai.

Họ cáo buộc anh trai không chịu thực hiện di nguyện của cha, ghi rõ trong di chúc, là phá hủy căn nhà ở 38 đường Oxley, thay vì biến thành nơi tưởng niệm.

Trước quốc hội, Thủ tướng nói tháng Tám 2011, khi ông Lý Quang Diệu làm di chúc, ông muốn phá bỏ căn nhà.

Nhưng cho rằng quần chúng và chính phủ sẽ phản đối, Thủ tướng và vợ đã đề nghị sửa nhà và thay đổi hoàn toàn bên trong.

Theo đề nghị, họ sẽ phá bỏ các phòng riêng, nhưng giữ nguyên phòng ăn ở dưới tầng hầm.

Ông Lý Quang Diệu đồng ý, đã gặp kiến trúc sư, ký đơn sửa chữa để nộp cho giới chức tháng Ba 2012, và được chấp thuận.

Theo Thủ tướng Singapore, vợ chồng ông đã thông báo đầy đủ cho các người thân, và không ai phản đối.

Cũng theo tuyên bố của Thủ tướng trước quốc hội, tại một buổi đọc di chúc, Thủ tướng nhận ra điều khoản phá bỏ nhà lại được đưa vào di chúc.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói ông không liên quan việc thành lập một ủy ban do phó thủ tướng Trương Chí Hiền đứng đầu để xem xét làm gì với căn nhà.

Về cáo buộc ưu đãi vợ và con, Thủ tướng Singapore nói con trai ông đã công khai tuyên bố không quan tâm chính trị.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40481668

 

Qatar có 48 giờ để đáp ứng yêu cầu

Ả rập Saudi và ba quốc gia Ả Rập khác gia hạn cho Qatar thêm 48 giờ để nhằm đáp ứng các yêu cầu hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới.

Hạn chót ban đầu cho Qatar chấp nhận 13 yêu cầu của nhóm, gồm việc đóng cửa kênh Al Jazeera, hết hạn hôm 2/7.

Quốc gia đang bị cô lập cho biết gửi thư phản hồi chính thức đến Kuwait hôm 3/7.

Sáu nước cắt quan hệ với Qatar

Trump thúc giục chống cực đoan hóa

Qatar phủ nhận cáo buộc từ các nước láng giềng rằng họ đang tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan.

Bộ trưởng Ngoại giao nước này tới Kuwait sáng 3/7 để chuyển thư cho tiểu vương Kuwait, người đóng vai trò trung gian chính trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Hôm 1/7, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani cho biết nước này bác yêu cầu, nhưng sẵn sàng để tham gia đối thoại với những điều kiện thích hợp.

Qatar bị Ả rập Saudi và Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain trừng phạt ngoại giao và kinh tế trong nhiều tuần qua.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40440649

 

Bắc Hàn: Binh lính đói còn tiền đổ vào vũ khí hạt nhân

Việc hai người lính Bắc Hàn suy dinh dưỡng đào tẩu sang Nam Hàn hồi tháng Sáu 2017 bằng cách vượt qua chính Khu Phi quân sự (DMZ) được canh phòng cẩn mật giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên dường như đã cho thấy có kẽ hở trong hệ thống quốc phòng của Bắc Hàn, theo một báo Nhật Bản.

Cho tới nay có hơn 30 ngàn người bỏ trốn từ miền Bắc nay đang sinh sống tại miền Nam.

Nhưng trường hợp những người lính từ tuyến đầu trốn đi như vậy là “khác xa so với những trường hợp bỏ trốn thông thường khác”, một người đào tẩu nói.

Người ta cho rằng những cuộc đào thoát của binh lính tạo ra mối đe dọa hạ thấp tinh thần binh sỹ và cho thấy chế độ tại Bắc Hàn không phải là bất khả xâm phạm như người ta tưởng, tờ Nikkei Asian Review viết.

Lính biên phòng Bắc Hàn đào thoát

Các nữ điệp viên Bắc Hàn nổi tiếng

Các vụ ám sát và bắt cóc của Bắc Hàn

Đào thoát bằng cách nào?

Một người vượt qua Khu Phi Quân sự hôm 13/06 và một người nữa theo sau hôm 23/6. Cả hai đều ở độ tuổi 20 và trong tình trạng suy dinh dưỡng, theo truyền thông Nam Hàn.

Người lính Bắc Hàn này đã tiếp cận một lính gác Nam Hàn và xin ra hàng.

Không xảy ra nổ súng giữa hai miền Nam, Bắc Hàn, và phía Nam Hàn cho biết người lính này đã vượt sang Nam Hàn qua đoạn giữa đường ranh giới của Khu Phi Quân sự.

Lần cuối một binh lính Bắc Hàn đào tẩu qua DMZ là hồi tháng Chín năm 2016 và trước đó nữa là tháng Sáu năm 2015.

Hồi năm 2012, hai binh lính từ miền Bắc đã vượt qua mạng lưới an ninh dày đặc và tự ra hàng.

Theo tờ Nikkei Asian Review hai người lính này cho biết họ quyết định bỏ trốn vì nghe nói là sẽ được nhận tiền đô la của Mỹ khi tới Nam Hàn.

Đào tẩu qua đường Trung Quốc là có thể thực hiện được – nếu có tiền.

“Quý vị có thể đào tẩu an toàn từ Bắc Hàn nếu trả 40 tới 50 ngàn nhân dân tệ (tương đương 5.880-7.350 đô la) cho một người môi giới và người này sẽ hối lộ cho lính biên phòng Trung Quốc và Bắc Hàn, một người đào tẩu nói.

Thậm chí còn có vài trường hợp đào tẩu nhiều lần qua lại giữa Bắc hàn và Trung Quốc hoặc Nam Hàn, để đó họ có thể được nhận ngoại tệ.

Nam Bắc Hàn và Cuộc chiến Việt Nam

Thăm Bảo tàng Chiến tranh Triều Tiên ở Seoul

Bắc Hàn- Đất nước không có hòa bình

Đào thoát qua DMZ nguy hiểm thế nào?

Tuy nhiên, với những người lính Bắc Hàn làm nhiệm vụ tại tuyến đầu này và hàng ngày đứng nhìn những người lính Nam Hàn qua làn ranh giới DMZ thì lại là chuyện khác.

DMZ là dải đất dài 250km, rộng 4km chạy cắt ngang Bán đảo Triều Tiên.

Bắc Hàn chôn rất nhiều mìn ở DMZ trong những năm gần đây. Nó chủ yếu là để ngăn ngừa binh lính của họ bỏ trốn sang Nam Hàn nhiều hơn là để ngăn chặn sự xâm nhập của Nam Hàn.

Ngoài mìn còn có một hệ thống dây thép gai được củng cố dày đặc, mạng lưới camera theo dõi và những hàng rào điện, chưa kể hàng chục ngàn binh lính canh gác ở cả hai bên làn ranh giới khiến việc đi qua là gần như không thể.

Nếu phía miền Bắc nhìn thấy có bất cứ chuyển động nào trong Khu Phi Quân sự này là họ sẽ nổ súng.

Thêm vào đó miền Bắc còn có các chương trình tẩy não nhằm ngăn cản binh lính ở tiền tuyến của họ nảy sinh ý muốn sang sống ở miền Nam.

Làn ranh giới và những rào chắn này được tạo dựng kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc với một Hiệp định ngưng chiến năm 1953. Trên lý thuyết hai miền Nam, Bắc Triều Tiên vẫn đang có chiến tranh vì giao tranh đã không được chấm dứt bằng một Thỏa thuận hòa bình.

Thực trạng “hậu trường”

Đã có thời người lính Bắc Hàn là người chồng lý tưởng một phần vì họ được khẩu phần khá phong phú.

Nhưng hệ thống tem phiếu không còn duy trì được nữa.

Quan chức cao cấp trong Đảng Lao động Triều Tiên và Quân đội Nhân dân Bắc Hàn sống tại Bình Nhưỡng vẫn được đảm bảo khẩu phần đủ để đổi lại cho sự trung thành của họ đối với chế độ của ông Kim Jong-un.

Nhưng ở những nơi khác thì công dân Bắc Hàn gần như bị cắt khẩu phần buộc họ phải dựa vào thị trường chợ đen bất hợp pháp để tồn tại.

Có khoảng 400 chợ đen trên khắp Bắc Hàn và thường rất đông vì “có thể mua bất cứ thứ gì chỉ cần có tiền”, một người đào tẩu nói.

Những tay buôn hàng bán ở chợ đen hối lộ quan chức và luồn lách bên ngoài hệ thống phân phối của nhà nước. Họ là người kiểm soát nguồn cung ứng và giá cả các mặt hàng và đang nổi lên như một tầng lớp người giàu mới.

Chính phủ Bắc Hàn rất không muốn cho phép nền ‘kinh tế thị trường’ (jangmadang) tạm bợ này phát triển, nhưng những nỗ lực kiểm soát đã bị công chúng cưỡng lại vì thế vô hình chung cho phép nó tồn tại.

Giống như người dân, binh lính Bắc Hàn cũng cố sống qua ngày, ngoại trừ những sĩ quan cao cấp.

Khẩu phần nhỏ vẫn được phát cho binh lính cấp dưới nhưng đa phần lính trẻ bị suy dinh dưỡng.

Và trên phương diện nào đó thì binh lính khó có các lựa chọn để giảm cơn đói của họ.

Không giống công nhân hay nông dân, những người có thể làm thêm các việc khác, binh lính được điều động làm nông nghiệp hay xây dựng. Trong hoàn cảnh đó, ngày càng gia tăng tình trạng binh lính rủ nhau cùng đi ăn cướp.

Chưa kể những người lính Bắc Hàn tại DMZ còn được nghe những chỉ trích chính phủ miền Bắc được phát đi từ loa phóng thanh của miền Nam. Điều này có thể đã dụ dỗ một vài binh lính dám vượt qua những bãi mìn để đào thoát.

Trong khi Bắc Hàn đổ ngân sách ít ỏi vào chương trình hạt nhân và hỏa tiễn, nhưng chính cơn đói mà các binh lính của họ đang phải chịu đựng đã khiến những người này liều mạng để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở miền Nam.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40481837

 

Đối thoại ASEAN- Ấn Độ lần thứ 9 diễn ra ở New Dehli

Đối thoại cấp bộ trưởng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ lần thứ 9 sẽ diễn ra vào ngày 04/07/17 tại New Dehli.

Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ tham gia hoạt động thường được biết đến với tên Đối thoại Dehli.

Tại Đối thoại Ấn Độ-ASEAN, các vị lãnh đạo chính trị cùng với những nhà làm luật, các nhà nghiên cứu, học giả…sẽ cùng hội đàm về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Đối thoại Delhi lần thứ 9 cũng là cơ hội để lãnh đạo của Ấn Độ và khối ASEAN thảo luận tìm kiếm những giải pháp nhằm đẩy mạnh sự hợp tác trong các vấn đề về kinh tế, an ninh và du lịch.

Những vị đại diện quốc gia tham dự Đối thoại Delhi lần thứ 9 cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương bên lề đối thoại.

Quan hệ Đối thoại Ấn Độ-ASEAN gia tăng nhanh chóng từ đối tác đối thoại thành phần vào năm 1992 thành đối tác đối thoại đầy đủ vào năm 1995.

Mối quan hệ được nâng lên tại Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ diễn ra hồi năm 2002 ở Phnom Penh, Campuchia. Kể từ đó hằng năm đều có thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ.

Quan hệ với ASEAN được xem là một trong những trụ cột của New Dehli trong Chính sách Hướng Đông

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/india-asean-delhi-dialogue-to-be-held-on-july-07032017102926.html

 

Philippines: Phiến quân còn bám lại ở Marawi

Cuộc chiến giữa quân đội Philippines và quân khủng bố Hồi giáo ISIS tại thành phố Marawi miền Nam nước này vẫn chưa kết thúc.

Theo những bản tin từ Philippines thì quân khủng bố hiện còn chiếm giữ đến 1.500 ngôi nhà tại thành phố này.

Trong một buổi họp báo tại Manila, Bộ trưởng quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, nói rằng ông không biết chừng nào mới giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Marawi, vì cuộc chiến trên đường phố, giành giật từng ngôi nhà rất khó khăn. Hơn nữa, ông nói tiếp, các binh sĩ Philippines không được huấn luyện để chiến đấu trên đường phố như tại Marawi.

Trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tuần, tức là ngày 1 và 2 tháng 7, quân đội giành lại được 97 ngôi nhà.

Một phát ngôn nhân của quân đội nói rằng khó khăn lớn nhất mà quân đội phải đương đầu là các loại bẩy có cài chất nổ được quân khủng bố cài đặt khi chúng rời khỏi những ngôi nhà.

Cuộc chiến tại Marawi đã bắt đầu từ ngày 23 tháng năm khi quân khủng bố tràn vào thành phố. Cho đến nay đã có 82 binh sĩ và cảnh sát, cùng 39 dân thường thiệt mạng. Phía khủng bố có khoảng 300 tay súng bị tiêu diệt.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/militants-cling-on-to-hundreds-of-buildings-in-besieged-philippine-city-07032017110427.html

 

Luật lao động mới của Thái khiến nhiều dân nhập cư về nước

Hàng chục ngàn lao động nước ngoài ở Thái Lan, phần lớn là người Miến Điện, phải rời Thái Lan sau khi chính quyền quân sự Thái ban hành luật lao động mới. Các giới chức nhập cư Thái Lan cho biết như vừa nêu vào ngày 3 tháng 7.

Theo qui định mới nhất này, lao động không ghi tên và không có giấy phép làm việc ở Thái Lan sẽ bị phạt 800.000 Baht, tương đương trên 23.000 Đô La Mỹ, sau đó bị trục xuất về nước.

Nguồn từ Reuters  cho thấy hàng triệu người nước ngoài từ các quốc gia  như Miến Điện, Kampuchia, đã sang Thái làm những công việc gọi là lao động chân tay, góp phần không nhỏ vào kỹ nghệ kinh doanh hải sản cũng như nông nghiệp ở xứ sở này.

Tuy nhiên từ khi nắm chính quyền ở Bangkok năm 2014 đến giờ, chính phủ quân đợi Thái từng bước tìm cách hạn chế lượng lao động nước ngoài trên lãnh thổ Thái, hậu quả là công nhân bất hợp pháp từ nước ngoài sẽ bị bắt, bị phạt tiền và bị trục xuất.

Tin từ Phòng Di Dân Thái ở Bangkok cho thấy từ ngày 23 đến ngày 28 tháng Sáu vừa rồi, khoảng 60.000 lao động Miến Điện được xe tải Thái Lan chở đến biên giới tỉnh Mandalay bên Miến Điện. Con số này sẽ tăng cao trong những ngày tiếp theo.

Thái Lan cũng có nhiều lao động Việt sang đây cư ngụ và làm việc không có giấy tờ ngay tại Bangkok cũng như các tỉnh miền Đông Bắc Thái giáp giới Nghệ An và Hà Tĩnh.  Đây cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi luật lao động mới nhất của xứ Thái.

Thống kê của Tổ chức Quốc tế về Nhập cư cho thấy có hơn 3 triệu dân nhập cư tại Thái Lan; tuy nhiên những tổ chức theo dọi nhân quyền nói con số này còn cao hơn nữa.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/thailand-s-new-labor-rules-send-thousands-of-migrant-workers-fleeing-07032017102828.html

 

Trump thảo luận với lãnh đạo Nhật, Trung

về đe dọa hạt nhân Bắc Hàn

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thảo luận về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tòa Bạch Ốc cho hay cả hai nhà lãnh đạo Nhật, Trung đều “tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên,” trong khi Tổng thống Trump còn nêu lên mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Chủ tịch Tập cũng nói với ông Trump rằng có “những yếu tố tiêu cực” đã ảnh hưởng quan hệ Mỹ-Trung, và ông hy vọng nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ hành xử đúng đắn trong các vấn đề liên quan đến Ðài Loan theo nguyên tắc “một Trung Quốc.”

Kể từ năm 1979, Hoa Kỳ công nhận quan điểm chính thức của Bắc Kinh rằng Ðài Loan mà một phần của Trung Quốc. Tuần trước Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,42 tỉ đôla cho Ðài Loan.

Tòa Bạch Ốc cho hay trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Abe, hai nhà lãnh đạo nhất trí phải tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên để buộc nước này “từ bỏ con đường nguy hiểm” và rằng Mỹ và Nhật sẵn sàng đáp trả “bất cứ mối đe dọa hoặc hành động nào của Bắc Triều Tiên gây ra.”

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rằng ông Trump và ông Tập, và ông Trump và ông Abe trông chờ sẽ hội đàm trực tiếp với nhau trong tuần này tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg, Đức.

Ngoài các cuộc họp song phương với Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật, ông Trump theo dự trù cũng sẽ họp với Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hôm Chủ nhật, ít nhất 10.000 người đã biểu tình ôn hòa ở Hamburg để phản đối cuộc họp thượng đỉnh. Đây là một trong khoảng 30 cuộc biểu tình theo kế hoạch sẽ diễn ra trong những ngày tới, trong đó có những cuộc chống đối các chính sách của ông Trump, bao gồm tuyên bố của ông rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris năm 2015 về mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong những năm tới.

Thông thường, hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới được tổ chức tại các khu nghỉ mát ở xa và biệt lập để dễ dàng cho công tác bảo vệ an ninh, tuy nhiên hội nghi năm nay lại được tổ chức ngày tại trung tâm thành phố Hamburg.

Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chọn thành phố Hamburg để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20, một phần để chứng tỏ với các nhà lãnh đạo thế giới rằng biểu tình phản đối đóng một vai trò được chấp nhận trong một nền dân chủ sinh động.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-thao-luan-voi-lanh-dao-nhat-trung-ve-de-doa-hat-nhan-bac-han/3925919.html

 

Ông Trump đăng video ‘hạ gục’ CNN

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 2/7 gia tăng cuộc chiến với truyền thông bằng cách tung lên Twitter một đoạn video, trong đó có cảnh “chế” ông vật và đấm một người đàn ông với hình ảnh biểu trưng của kênh tin tức CNN che hết mặt.

Theo Reuters, đoạn clip dường như là phiên bản mới của video quảng bá một sự kiện đấu vật xuất hiện năm 2007, trong đó ông Trump “hạ gục” chủ tịch Hiệp hội Đấu vật Giải trí (WWE), ông Vince McMahon.

Trong đoạn video ông Trump tweet hôm 2/7, đầu của ông McMahon được thay thế bằng hình ảnh biểu trưng của CNN.

Sau khi ông Trump hạ gục hình nộm CNN, một biểu trưng khác là “FNN Fraud News Network” (Hệ thống Tin tức Lừa đảo FNN) xuất hiện ở phía dưới màn hình với các chữ có ký tự giống như của CNN.

​Tổng thống Trump bổ nhiệm vợ ông McMahon, bà Linda McMahon, làm người đứng đầu cơ quan thuộc cấp nội các chuyên về các doanh nghiệp nhỏ. Bà McMahon từng tích cực tham gia vào công tác quản lý WWE trong nhiều năm.

Reuters cho rằng trên cương vị ứng viên tổng thống cũng như sau khi trở thành “ông chủ” Nhà Trắng, ông Trump gọi truyền thông là “kẻ thù của người Mỹ”, và từng cáo buộc CNN là hãng tung “tin giả”.

Một thông cáo của CNN nói rằng “đây là một ngày buồn khi Tổng thống Mỹ khuyến khích bạo lực đối với các phóng viên”.

“Thay vì chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài, cuộc gặp đầu tiên với ông Vladimir Putin, đối phó với Bắc Hàn và làm việc vì dự luật chăm sóc sức khỏe, ông lại có hành vi vị thành niên thấp kém hơn cả phẩm giá của cương vị tổng thống”, Reuters trích thông cáo của CNN đưa tin.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-dang-video-ha-guc-cnn/3925254.html

 

Trực thăng cứu nạn Indonesia rớt trên đường đi giúp sơ tán

Các giới chức Indonesia ngày 3/7 cho hay một chiếc trực thăng, chở 4 nhân viên cứu hộ và 4 sĩ quan hải quân, đã rơi trên đường đi giúp sơ tán người dân khỏi khu vực có núi lửa hoạt động, khiến tất cả những người trên máy bay thiệt mạng.

Trực thăng rơi đã đâm vào một ngọn núi ở Temanggung, thuộc tỉnh Trung Java, vào ngày 2/7.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia cho biết tất cả thi thể đã được tìm thấy.

Các giới chức Hải quân và nhân viên cứu hộ này đã gặp nạn khi đang tham gia công tác sơ tán cư dân ở cao nguyên Dieng, sau khi núi lửa phun nham thạch lạnh, tro và bùn cao tới 50 mét vào ngày 2/7, gây thương tích cho ít nhất 5 người.

Cao nguyên Dieng là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, với nhiều ngôi đền Hindu có từ thế kỷ thứ 9.

https://www.voatiengviet.com/a/truc-thang-cuu-nan-indonesia-rot-tren-duong-di-giup-so-tan/3926165.html

 

Tập: Nga, Trung cùng phản đối Mỹ về THAAD

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa lên đường thăm Nga hôm 3/7. Ông nhấn mạnh mối đe dọa nghiêm trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đặt tại Hàn Quốc đối với lợi ích của cả Trung Quốc lẫn Nga.

Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, yêu cầu ngừng triển khai và dỡ bỏ những phần đã lắp đặt.

Bắc Kinh nói hệ thống radar cực mạnh của THAAD có thể rà quét sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, phá hoại an ninh và thế cân bằng khu vực trong khi không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn Bắc Triều Tiên theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Hoa Kỳ và Hàn Quốc nói THAAD chỉ nhằm mục đích bảo vệ miền Nam khỏi mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Nga, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Nga đã duy trì liên lạc, phối hợp chặt chẽ và có những quan điểm tương đồng về vấn đề này.

“Bắc Kinh và Moscow đều phản đối không ngừng việc triển khai THAAD và nghiêm túc đề nghị các quốc gia liên quan hãy dừng lại và hủy bỏ việc lắp đặt”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.

Trung Quốc và Nga sẽ cùng nhau hoặc độc lập thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền lợi của mình, vẫn lời ông Tập.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình nói tiếp rằng Trung Quốc và Nga nên hợp tác để thúc đẩy thương mại và tăng cường hợp tác tài chính và đầu tư.

Ông Tập đến Moscow vào thứ Hai trong chuyến thăm cấp nhà nước trước khi tới Đức để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã trở nên căng thẳng vì việc triển khai THAAD, mặc dù cả hai đều có giọng điệu hòa nhã hơn kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền tại Hàn Quốc vào tháng Năm.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-tap-trung-quoc-nga-cung-chung-phan-doi-my-ve-thaad/3926091.html

 

Vụ phóng Trường Chinh của Trung Quốc thất bại

Vụ phóng tên lửa đẩy hạng nặng, thế hệ mới, có tên gọi Trường Chinh 5 Y2, vốn mang theo vệ tinh được coi là nặng nhất của Trung Quốc từ trước tới nay, đã thất bại hôm 2/7.

Reuters dẫn lại tin của Tân Hoa Xã cho biết như vậy. Đây chính là loại dự kiến sẽ đưa thiết bị thăm dò mới nhất của Trung Quốc lên mặt trăng trong năm nay với hy vọng mang về các mẫu vật.

Hiện chưa rõ liệu vụ phóng thất bại này có ảnh hưởng tới thời gian đưa thiết bị trên lên mặt trăng hay không.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ưu tiên đối với chương trình không gian của nước này nhằm củng cố an ninh và quốc phòng.

“Một sự bất thường đã xảy ra trong hành trình bay của tên lửa”, Xinhua đưa tin sau khi tên lửa phóng đi đầu giờ tối ngày 2/7 từ tỉnh Hải Nam ở miền nam nước này.

Hãng tin nhà nước này nói rằng “một cuộc điều tra tiếp theo sẽ được tiến hành”, nhưng không cho biết cụ thể.

Chương trình không gian của Trung Quốc hầu như hoạt động mà không xảy ra nhiều sự cố lớn, dù nước này còn lâu mới bắt kịp được Mỹ và Nga, theo Reuters.

Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị đưa người lên mặt trăng, truyền thông nhà nước dẫn lời một quan chức chuyên về không gian nói như vậy tháng trước.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-that-bai-trong-vu-phong-truong-chinh/3925277.html

 

Nổ đường ống khí đốt Trung Quốc, 8 người chết

Ít nhất 8 người thiệt mạng và 35 người bị thương trong một vụ nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên hôm 2/7 ở tỉnh Quý Châu, miền tây nam Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lại tin của Tân Hoa Xã nói rằng vụ nổ xảy ra lúc 10 giờ sáng địa phương tại đường ống của Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, sau một đợt lở đất tiếp theo nhiều ngày mưa to.

Xinhua đưa tin rằng đường khí đốt đó là phần nối thêm của đường ống dẫn khí gas từ nước láng giềng Miến Điện sang vùng tây nam Trung Quốc.

Theo Reuters, lửa đã được dập tắt vào buổi chiều ngày 2/7, và bốn người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-thuong-vong-trong-vu-no-duong-ong-khi-dot-o-trung-quoc/3925148.html

 

Pháp–Iran:

Total giành được hợp đồng khí đốt Iran gần 5 tỷ đô la

Thanh Hà

Bất chấp khủng hoảng ngoại giao trong vùng Vịnh và việc Mỹ đòi tăng cường các biện pháp trừng phạt Teheran, Total là tập đoàn năng lượng phương Tây đầu tiên trở lại Iran, từ khi cộng đồng quốc tế bãi bỏ cấm vận Iran. Cùng với CNPCI của Trung Quốc, hãng Total, ngày 03/07/2017 ký hợp đồng 4,8 tỷ đô la để cùng khai thác khí đốt tại South Park, mỏ có trữ lượng khí đốt được coi là lớn nhất thế giới.

Siavosh Ghazi, thông tín viên đài RFI từ Teheran cho biết thêm :

“Đây là hợp đồng đầu tiên lớn như vậy được ký kết giữa một tập đoàn của phương Tây và Iran trong lĩnh vực khí đốt kể từ khi thỏa thuận về hạt nhân giữa Teheran và cộng đồng quốc tế được thông qua vào tháng 7/2015.

Đứng đầu một công ty liên doanh, cùng với một đối tác Trung Quốc và một của Iran, Total trở lại khu vực trong thế mạnh. Tập đoàn Pháp hy vọng sẽ giành được thêm những dự án khác trong ngành công nghệ dầu khí và hóa dầu. Teheran đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển lĩnh vực này.

Thỏa thuận giữa Total với Iran được thông qua trong bối cảnh Hoa Kỳ vẫn có thái độ thù nghịch với Teheran kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Nhà Trắng nhiều lần tố cáo thỏa thuận hạt nhân được ký kết hồi tháng 7/2015.

Total ký thỏa thuận với Iran trong bối cảnh giữa tháng trước,Thượng Viện Mỹ đã thông qua các biện pháp gia tăng trừng phạt Iran với lý do Teheran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và ủng hộ khủng bố.

Trong hoàn cảnh đó, quyết định của Total đầu tư vào Iran còn mang ý nghĩa chính trị. Teheran chờ đợi sau hợp đồng này, sẽ có những công ty khác theo chân Total đầu tư vào Iran”.

http://vi.rfi.fr/phap/20170703-phap-%E2%80%93-iran-total-gianh-duoc-hop-dong-gan-5-ty-do-la-khai-thac-khi-dot-iran

 

Pháp: TT Macron

trình bày trước Quốc Hội lưỡng viện hướng hành động chính

Thu Hằng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 03/07/2017, trình bày trước Quốc Hội lưỡng viện tại lâu đài Versailles những ưu tiên, khẳng định lại các cam kết đã được đưa ra trong thời gian tranh cả và định ra đường hướng chính trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Đây là sự kiện long trọng hiếm thấy vì chỉ là lần thứ ba trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, một tổng thống phát biểu trước nghị sĩ của cả Hạ Viện và Thượng Viện, nhờ một đạo luật thông qua ngày 23/07/2008 cho phép người đứng đầu Nhà nước có quyền phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện.

Ông Nicolas Sarkozy là người đầu tiên phát biểu trước Nghị Viện với tư cách là tổng thống Pháp ngày 22/06/2009, thông báo hàng loạt biện pháp, đặc biệt là đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tổng thống François Hollande là người thứ hai, phát biểu vào ngày 16/11/2015, kêu gọi đoàn kết quốc gia sau loạt khủng bố xảy ra tại Paris ba ngày trước đó.

Tuy nhiên, lần này, Emmanuel Macron là tổng thống đầu tiên triệu tập Quốc Hội lưỡng viện ngay thời gian đầu nhiệm kỳ của mình.

Thời điểm triệu tập Quốc Hội lưỡng viện được cân nhắc kỹ vì hôm nay, 03/07, lâu đài Versailles không đón tiếp công chúng và cũng là ngày trước kỳ nghỉ hè.

Phe đối lập chỉ trích tổng thống Pháp làm giảm nhẹ vai trò của thủ tướng vì ngày mai, 04/07, theo truyền thống, thủ tướng Edouard Philippe trình bày trước Hạ Viện chính sách chung của chính phủ trong thời gian tới.

Phe cực tả bao gồm Phong trào Nước Pháp Bất Khuất của ông Jean-Luc Mélenchon cùng các nghị sĩ đảng Cộng Sản, hai nghị sĩ đảng cánh trung UDI, một nghị sĩ đảng Xã Hội, tẩy chay cuộc họp Quốc Hội lưỡng viện tại lâu đài Versailles.

Theo phát ngôn viên chính phủ Christophe Castagner, cần phân biệt nội dung phát biểu của tổng thống và thủ tướng.

Nguyên thủ Pháp đề cập đến đường hướng lớn trong bài diễn văn tại Versailles, giống như « thông điệp liên bang » của tổng thống Mỹ. Còn thủ tướng Philippe sẽ chú trọng đến vấn đề thực hiện, nêu chi tiết về ngân sách được dự trù, như mọi chính phủ vẫn thường làm vào đầu nhiệm kỳ.

http://vi.rfi.fr/phap/20170703-phap-macron-trinh-bay-truoc-quoc-hoi-luong-vien-cac-dinh-huong-chinh-trong-nhiem-ky-to

 

Mỹ-Nhật : Đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên ngày càng lớn

Thanh Hà

Theo thông cáo của Nhà Trắng ngày 02/072017, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã trao đổi quan điểm về “mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn” xuất phát từ Bình Nhưỡng. Washington và Tokyo tuyên bố “sẵn sàng đối phó” trước mọi tình huống.

Vài ngày trước thượng đỉnh G20 mở ra cuối tuần này tại Hamburg-Đức, trong buổi điện đàm tối ngày Chủ Nhật, 02/07/2017, lãnh đạo Mỹ-Nhật tập trung vào chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên. Trước “mối đe dọa ngày càng lớn này”, liên minh Washington-Tokyo khẳng định nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì áp lực với chế độ Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 03/07/2017 tại Tokyo, phát ngôn viên phủ thủ tướng Nhật, ông Yoshihide Suga, không loại trừ khả năng Hoa Kỳ – Nhật Bản và Hàn Quốc mở cuộc họp ba bên bên lề thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 07 và 08/07/2017 tại Hamburg.

Cũng tối hôm qua, tổng thống Mỹ trao đổi qua điện thoại với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một lần nữa, đôi bên đã bàn về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết thêm, bên cạnh đe dọa Bắc Triều Tiên lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc còn đề cập đến “một loạt các chủ đề khác”, nhưng phủ tổng thống Mỹ không đi sâu vào chi tiết.

Về phía Seoul, sau khi tiếp cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama tại dinh tổng thống, lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố, ông xem đây là “cơ hội cuối cùng” để Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phát về hạt nhân.

Trong buổi làm việc đầu tiên với tổng thống Mỹ, Donald Trump tại Washington hôm 29/06/2017, tổng thống Hàn Quốc chủ trương tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên đồng thời để ngỏ cánh cửa đối thoại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170703-my-nhat-de-doa-hat-nhan-bac-trieu-tien-ngay-cang-lon

 

Nhật Bản: Đảng bảo thủ cầm quyền mất đa số tại Tokyo

Thu Hằng

Đảng bảo thủ của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp thất bại lịch sử ngày 02/07/2017 trong cuộc bầu cử địa phương tại Tokyo trước phe của thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koibe, được bầu từ tháng 07/2016. Đảng TFK (e Tomin First no Kai – Người dân Tokyo trước đã) của bà Yuriko Koibe đã giành được 79 trên tổng số 127 ghế, chiếm đa số tuyệt đối tại hội đồng thành phố Tokyo.

Trong khi đó, đảng bảo thủ của ông Shinzo Abe bị mất hơn 40 ghế và đa số tuyệt đối. Thất bại này sẽ tác động đến chính phủ hiện tại, đồng thời có thể khiến bà Yuriko Koike ra đối đầu với thủ tướng Nhật Bản trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia năm 2018.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles giải thích :

« Bà Yuriko Koike là người phụ nữ đầu tiên điều hành Tokyo, một vùng có đến 14 triệu dân với mức GDP cao hơn cả GDP của Hà Lan. Tại thủ đô Tokyo, đảng TFK của bà đã thắng áp đảo đảng bảo thủ thường chiếm ưu thế trong đời sống chính trị Nhật Bản từ hơn một nửa thế kỷ qua.

Chiến thắng của đảng TFK có thể sẽ quyết định ai là người điều hành nền kinh tế thứ ba thế giới trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Tokyo 2020 hoặc sau đó. Hệ thống quan liêu đầy quyền lực Nhật Bản, vốn bị mất một phần đặc quyền kể từ khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền, hiện đang làm tất cả để làm suy yếu thủ tướng, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông phục vụ cho thống đốc Tokyo.

Ví dụ, ông Shinzo Abe bị cáo buộc thiên vị trong dự án xây một ngôi trường thú y mới. Mong muốn sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa cũng giải thích sự thất bại mà đảng của ông phải hứng chịu trong cuộc bầu cử cấp địa phương này.

Thống đốc Tokyo cam kết ngăn chặn việc bùng nổ chi phí cho quá trình chuẩn bị Thế Vận Hội 2020 trước lo lắng tăng thuế, hiện đã ở mức cao, của người dân Tokyo. Ngoài ra, bà cũng cam kết minh bạch hóa vấn đề quản lý thủ đô ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170703-nhat-ban-dang-bao-thu-cam-quyen-mat-da-so-tai-tokyo

 

Luân Đôn: Cấm ngư dân Liên Hiệp Châu Âu

đánh bắt trong vùng biển Anh?

Thu Hằng

Ngày 02/07/2017, chính phủ Anh thông báo quyết định rời Công Ước Đánh Cá Luân Đôn năm 1964 để lấy lại đặc quyền kiểm soát đánh bắt gần bờ biển nước này. Rời khỏi Công Ước được ký kết với năm nước gồm Pháp, Bỉ, Đức, Ai Len và Hà Lan, ngư dân Anh Quốc cũng sẽ mất quyền hoạt động gần bờ biển của những nước này.

Đối với Luân Đôn, đây là bước tiếp theo hoàn toàn lô-gic sau khi Anh Quốc quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tục được Luân Đôn kích hoạt ngày 03/07/2017 và phải mất hai năm mới hoàn thành.

Thông tín viên RFI Laxmi tại Bruxelles cho biết Ủy Ban Châu Âu thông báo ghi nhận quyết định của Luân Đôn, đồng thời giải thích rõ một số điểm :

« Theo Ủy Ban Châu Âu, Công ước 1964 dù sao cũng không còn được áp dụng : Một phát ngôn viên giải thích rằng theo quyền tài phán, luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu mới có giá trị và đã thay thế thỏa thuận trên.

Vì thế, thông báo của Luân Đôn có lẽ là hành động mang tính thổi phồng. Vẫn theo quan chức của Ủy Ban Châu Âu, điều này làm sáng tỏ quan điểm của Anh Quốc về vấn đề đánh bắt cá : Luân Đôn muốn rút khỏi chính sách đánh bắt chung. Được đưa ra trong những năm 1970, chính sách này cho phép ngư dân quyền được hoạt động bình đẳng trong hải phận của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như bình đẳng về cạnh tranh lành mạnh và cùng quản lý trữ lượng cá.

Bộ trưởng Môi Trường Anh cho biết, với quyết định Brexit, Luân Đôn muốn lấy lại quyền cho phép ai có thể được vào vùng biển Anh Quốc. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ 50 năm nay.

Ngư dân Liên Hiệp Châu Âu rất quan ngại về hậu quả của Brexit, vì hiện nay, các nước trong Liên Hiệp đánh bắt trung bình 1/3 lượng cá trong vùng biển của Anh. Các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ đặc biệt tập trung đến quyền lịch sử của ngư dân, như quyền được thâm nhập các vùng biển của nhau hay tôn trọng nguồn dự trữ cá ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170703-luan-don-muon-cam-ngu-dan-lien-hiep-danh-bat-trong-vung-bien-anh