Tin khắp nơi – 02/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 02/08/2017

FBI có giám đốc mới

Thượng viện Mỹ ngày 1/8 chuẩn thuận cựu luật sư của Bộ Tư Pháp Christopher Wray vào vị trí Giám đốc mới của Cục Điều tra Liên bang FBI, gần 3 tháng sau khi cựu Giám đốc James Comey bị Tổng thống Donald Trump sa thải.

Với tỷ lệ biểu quyết 92-5, ông Wray này trở thành lãnh đạo cơ quan chấp pháp hàng đầu của Mỹ trong lúc đang diễn ra cuộc điều tra liên bang về các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và có thể có sự thông đồng từ ban vận động tranh cử của ông Trump.

Kể từ khi ông Comey bị sa thải hôm 9/5, Bộ Tư pháp đã chỉ định ông Robert Mueller làm biện lý đặc biệt trông coi cuộc điều tra với sự hỗ trợ của FBI. Nga bác tin can thiệp bầu cử Mỹ và ông Trump cũng khẳng định không hề có sự thông đồng nào.

Trong cuộc điều trần hồi tháng trước, ông Wray cam kết giữ thế độc lập, không để bị chi phối bởi chính trị hay bị tác động áp lực từ Tổng thống.

https://www.voatiengviet.com/a/fbi-co-giam-doc-moi-/3968349.html

 

NATO nghênh cản máy bay Nga

Máy bay phản lực chiến đấu của Tây Ban Nha và Phần Lan được phái ra nghênh cản 3 máy bay Nga gần không phận Estonia hôm 1 /8, theo loan báo của NATO.

Máy bay Nga được nhận diện gồm 2 chiếc MiG-31 và một máy bay vận tải Antonov AN-26, NATO nói.

“Hai máy bay F-18 của Tây Ban Nha được biệt phái cho nhiệm vụ Cảnh sát trên Không vùng Baltic cất cánh từ Căn cứ Không quân Amari của Estonia. Máy bay Phần Lan cũng bay đến nghênh cản các máy bay Nga,” NATO cho biết thêm.

NATO ngày càng tăng cường ngăn chặn các máy bay Nga trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng lên cao giữa phương Tây và Moscow về việc Nga dính líu vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

https://www.voatiengviet.com/a/nato-nghenh-can-may-bay-nga/3968365.html

 

Mỹ nói ‘không là kẻ thù của Bắc Hàn’

Chính phủ Hoa Kỳ không có ý định thay đổi chế độ Bắc Hàn, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi không phải là kẻ thù của quý vị,” ông Tillerson nói thêm rằng Hoa Kỳ muốn có một cuộc đối thoại với Bắc Hàn vào một thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc phương án chiến tranh với Bắc Hàn.

Bắc Hàn: Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa

Trump, Abe tăng áp lực đòi TQ kiềm chế Bắc Hàn

Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử tên lửa gần đây nhất có thể tấn công Bờ Tây Hoa Kỳ và xa hơn nữa.

“Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, chúng tôi không hối thúc bán đảo thống nhất, chúng tôi không tìm cớ để đưa quân đội Mỹ đến phía bắc vĩ tuyến 38,” ông Tillerson nói, đề cập đến biên giới giữa hai miền.

“Chúng tôi không phải là mối đe dọa, nhưng quý vị lại đang thể hiện một mối đe dọa không thể chấp nhận khiến chúng tôi phải phản ứng.”

Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 28/7 thách thức lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng ông Trump nói với ông có thể có một cuộc chiến tranh giữa hai nước nếu Bình Nhưỡng tiếp tục mục tiêu phát triển một chương trình hạt nhân đặt Mỹ trong tầm ngắm.

“Ông ấy nói với tôi về điều đó và tôi tin ông ấy”, ông Graham nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Today của NBC.

Không có lựa chọn tốt và quá ít thời gian

Phóng viên BBC Barbara Plett Usher, cho hay: “Vụ thử tên lửa tầm xa gần đây của Bắc Hàn làm gia tăng quan ngại về mối đe dọa mà Bình Nhưỡng đặt ra cho Hoa Kỳ và khiến Washington cương quyết ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào. Đó là những gì mà tổng thống Trump nói với Thượng nghị sĩ Lindsey Graham.

Theo ông Tillerson, chiến lược hiện tại là duy trì hòa bình nhưng tăng áp lực kinh tế khiến Bắc Hàn thay đổi ý định.

Nhưng với những tiến bộ công nghệ đạn đạo thể hiện trong các vụ thử ICBM gần đây, ngày càng có nhiều nghi ngờ liệu việc phi hạt nhân hóa có thực sự khả thi.

Như mọi khi, không có lựa chọn tốt khi nói đến Bắc Hàn, nhưng lại còn ít thời gian hơn để thuyết phục họ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40798976

 

Venezuela:

Trump cảnh báo Maduro về vụ bắt lãnh đạo đối lập

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Tổng thống Venezuela Nicola Maduro phải “chịu trách nhiệm cá nhân” về sự an toàn của hai lãnh đạo đối lập bị bắt.

Thông cáo của ông Trump kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị tại Venezuela .

Mỹ gọi việc Venezuela bắt hai lãnh đạo phe đối lập đêm 1/8 là “rất đáng báo động”.

Leopoldo López và Antonio Ledezma, đang bị quản chế tại gia, bị đưa đến một nhà tù quân sự đêm 1/8.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng ông đang “cân nhắc tất cả các lựa chọn chính sách của chúng tôi”, gồm gây áp lực buộc Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro từ chức.

Mọi việc diễn ra chỉ hai ngày sau cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, là thời điểm nổ ra bạo lực trên đường phố khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.

Venezuela bắt hai lãnh đạo đối lập

Mỹ chế tài 13 quan chức Venezuela

Phe đối lập đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Tổng thống Nicolás Maduro nói cuộc bỏ phiếu nhằm tạo ra hòa bình và mở cơ hội đối thoại qua việc đưa các phe phái lại bên nhau trong xã hội phân cực ở Venezuela.

Nhưng phe đối lập cáo buộc tổng thống đang tìm cách viết lại hiến pháp nhằm tối đa hóa quyền lực và gạt ra bên lề cơ quan lập pháp vốn do phe đối lập kiểm soát.

Trong một diễn biến khác:

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng việc leo thang căng thẳng chính trị ở Venezuela làm cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng khó đạt được

Vladimir Padrino López, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela cho biết quân đội “tái cam kết sự ủng hộ vô điều kiện với tổng thống”

Anh Quốc là nước mới nhất khuyến cáo công dân nước họ rằng tất cả những chuyến đi nếu không thật sự cần thiết đến Venezuela phải ngưng lại và tất cả những người nhà của sứ quán Anh tại Venezuela được rút đi hôm 1/8

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40767309

 

Trump: Maduro chịu trách nhiệm

về an toàn của thủ lĩnh đối lập Venezuela

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông quy cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải “đích thân chịu trách nhiệm” về sức khoẻ và sự an toàn của hai lãnh đạo đối lập bị cảnh sát bắt giữ giữa đêm khuya.

Ông Trump nói trong một tuyên bố vào tối 1/8:

“Hoa Kỳ lên án các hành động của chế độ độc tài Maduro. Ông Lopez và ông Ledezma là những tù nhân chính trị bị chính quyền cầm giữ bất hợp pháp … chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi là phải thả tất cả các tù nhân chính trị ngay lập tức và vô điều kiện”.

Video trên Twitter cho thấy các nhân viên tình báo kéo các ông Leopoldo Lopez và Antonio Ledezma ra khỏi nhà họ và đẩy vào xe ô tô.

Hai người đã bị quản thúc tại gia vì các hoạt động đối lập trước đây. Toà án tối cao Venezuela nói “các nguồn tin tình báo chính thức” cảnh báo rằng các ông Lopez và Ledezma đã lên kế hoạch chạy trốn.

Luật sư của ông Lopez, Juan Carlos Gutierrez, đã bác bỏ việc thân chủ của mình vi phạm các quy định quản thúc.

Vụ bắt giữ diễn ra hai ngày sau một sự kiện mà Tòa Bạch Ốc gọi là “sự thâu tóm quyền lực trắng trợn của ông Maduro thông qua một cuộc bầu cử giả mạo”, ý nói đến cuộc bỏ phiếu hôm 30/8 về một hội đồng soạn lại hiến pháp, 70% người Venezuela đã nói họ phản đối.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson gọi vụ bắt các nhà lãnh đạo đối lập là “rất đáng báo động” và nói tình hình nhân đạo ở Venezuela “đang trở nên nghiêm trọng”.

“Chúng tôi đang đánh giá tất cả các lựa chọn chính sách của chúng tôi về những gì chúng tôi có thể làm để tạo ra sự thay đổi về các điều kiện, khi đó, ông Maduro hoặc là quyết định rằng ông không có tương lai và tự muốn ra đi hoặc là chúng tôi có thể đưa các quy trình của chính phủ trở về với hiến pháp của họ”, ông Tillerson phát biểu.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-maduro-chiu-trach-nhiem-ve-an-toan-cua-thu-linh-doi-lap-venezuela/3969328.html

 

ASEAN muốn sớm thảo luận khung bản thảo COC

Các quan chức ngoại giao ASEAN sẽ sớm thảo luận về bộ khung bản thảo Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC). Hãng tin AP trích thông tin từ bản thảo tuyên bố chung ASEAN cho biết như vậy vào hôm 2 tháng 8.

Tuyên bố chung kêu gọi các nhà ngoại giao cấp cao bắt đầu ngay lập tức nhưng thảo luận về COC sau khi chính phủ các nước trong khối đồng ý về bộ khung bản thảo hồi tháng 5 vừa qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar mô tả bước tiến ban đầu sau nhiều năm nỗ lức của các nước Đông Nam Á trong việc đàm phán COC với Trung Quốc như một bước đi dài.

Tuy nhiên các nhà phân tích chỉ ra rằng bộ khung COC được nói tới đã không đề cập tới những lo ngại về các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây dựng trên biển Đông cũng như phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này của tòa.

Theo AP, bản copy cuối cùng của bộ khung COC cũng không nói liệu văn bản này có tính ràng buộc hay không. Đây là yêu cầu của nhiều nước ASEAN nhưng lại không được Trung Quốc đồng ý. Bản thảo cũng không nói cụ thể đến các khu vực tranh chấp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/asean-wants-talks-on-nonaggression-pact-with-china-soon-08022017095626.html

 

Nhật phản đối hoạt động của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông

Nhật Bản chính thức phản đối Trung Quốc về việc điều động giàn khoan gần đường ranh chia cách vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước tại Biển Hoa Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ngày 1/8 loan báo.

“Hết sức đáng tiếc khi Trung Quốc đơn phương tiến hành điều động giàn khoan tại khu vực, trong khi ranh giới giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Biển Hoa Đông chưa được giải quyết,” ông Kishida, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, tuyên bố trước báo giới.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phản đối qua các kênh ngoại giao sau khi xác minh hoạt động của Trung Quốc trong tháng qua, ông Kishida nói và cho biết thêm Tokyo sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh ngưng hành động khai thác đơn phương các giếng khí đốt gần đường ranh giới.

Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, phát ngôn viên cao cấp của chính phủ, nói Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc tái tục ngay tức khắc các cuộc thương thuyết bị trì hoãn lâu nay căn cứ trên thỏa thuận song phương năm 2008 cùng khai thác khí đốt tại khu vực này.

Cho đến nay Bắc Kinh đã triển khai 16 cấu trúc bên lằn ranh Trung Quốc. Tokyo quan ngại là Trung Quốc có thể hút hết tài nguyên thiên nhiên dưới lòng biển thuộc phía Nhật Bản.

Hoạt động mới nhất này của Bắc Kinh được xem như là nhằm lấy khí đốt để phát triển một cấu trúc mới, một giới chức chính phủ Nhật Bản nói.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2016 những tàu khoan lưu động của Trung Quốc bị phát hiện gần đường ranh phân chia này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Kishida nói Nhật Bản cũng “quan tâm sâu sắc” về việc Bắc Kinh củng cố quân đội. Ông nói thêm là Trung Quốc nên “giải thích cho các nước láng giềng về chính sách an ninh một cách minh bạch hơn.”

Hôm 30/7, Trung Quốc tổ chức diễn binh tại Nội Mông để kỷ niệm 90 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Cuộc diễn binh tại một căn cứ huấn luyện với khoảng 2,3 triệu binh sĩ tham gia được truyền thông nhà nước truyền hình trực tiếp, dường như nhằm chứng tỏ Chủ tịch Tập Cận Bình đã nắm chặt quyền hành trong nước và nước ngoài, trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần vào mùa thu này.

(Nguồn Kyodo/AP)

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-phan-doi-hoat-dong-cua-trung-quoc-tren-bien-hoa-dong/3968307.html

 

Trung Quốc bào chữa hoạt động dầu khí tại biển Hoa Đông

Trung Quốc hôm 2 tháng 8 lên tiếng bảo vệ hoạt động dầu khí ở biển Hoa Đông nơi vẫn còn tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi hãng tin AFP viết rằng các hoạt động về dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông nằm hoàn toàn trong khu vực lãnh hải không có tranh chấp thuộc Trung Quốc.

Hôm 1 tháng 8, Chánh văn phòng Nội các Nhật ông Yoshihide Suga nói với báo giới rằng vô cùng đáng tiếc khi Trung Quốc đơn phương tiếp tục hoạt động bằng cách đưa các tàu khoan di động đến gần đường chia ranh giới khu vực đặc quyền kinh tế của hai nước. Ông Suga cũng nói Nhật Bản đã chính thức phản đối vào hồi tháng trước khi phát hiện thấy hoạt động này nhưng ông nói cụ thể là các tàu Trung Quốc đang làm gì.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này không có hoạt động khai thác đơn phương.

Hồi tháng 6 năm 2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã có những thảo luận về hợp tác liên quan đến nguồn tài nguyên dầu khi ở khu vực này nhưng các thảo luận này đã bị chấm dứt sau hai năm khi căn thẳng trong quan hệ hai nước lên cao.

Mỏ khí được nói tới nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn của hai nước. Nhật Bản cho rằng đường chia ranh giới nên đánh dấu giới hạn của khu vực đặc quyền kinh tế mỗi nước. Trung Quốc một mục cho rằng đường ranh giới nên dịch về phía Nhật nhiều hơn khi tính đến các yếu tố thềm lục địa và các thực thể khác trên biển.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-defends-gasfield-activity-in-east-china-sea-08022017093820.html

 

Tillerson, Trump ‘không vui’ về các lệnh trừng phạt Nga

Sau 6 tháng nắm chức ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson lần đầu tham gia cuộc họp báo hàng ngày tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 1/8.

Ông Tillerson nói ông đã nhiều lần cảnh báo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia hiện đang xấu nhưng thậm chí có thể còn xấu hơn nữa, và thực tế vừa diễn ra như vậy. Theo quan điểm của ông Tillerson, các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga mà Quốc hội Hoa Kỳ ban hành hồi tuần trước không “giúp ích gì”.

Ông phát biểu:

“Về hành động của Quốc hội áp dụng các biện pháp trừng phạt này và cách họ làm, cả tổng thống lẫn tôi đều không vui về điều đó. Chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ giúp ích cho nỗ lực của chúng tôi, nhưng đó là quyết định mà họ đã đưa ra. Họ làm điều đó theo một cách rất áp đảo”.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại khác, như Đại sứ John Herbst thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, khi nói chuyện với VOA thông qua Skype, đã hoan nghênh các biện pháp trừng phạt Nga được Quốc hội Mỹ thông qua và nó cũng sẽ có lợi cho Ukraine, Gruzia và các nước khác cảm thấy bị Nga đe dọa.

Ông Herbst nói:

“Tôi tin rằng các bước mà Quốc hội vừa mới thực hiện rất tích cực đối với chính sách của chúng ta đối với Ukraine. Bởi vì rõ ràng là cái giá Kremlin phải trả đang tăng lên. Và nếu cái giá quá cao, Moscow sẽ phải xoay chiều chính sách của họ ở Donbass. Và nếu họ xoay chiều chính sách đối với Donbass, có thể sẽ có tác động tích cực trong trung hạn và dài hạn đối với chính sách của họ ở Gruzia”.

https://www.voatiengviet.com/a/tillerson-trump-khong-vui-ve-cac-lenh-trung-phat-nga/3969367.html

 

Hoa Kỳ cấm du hành đến Bắc Hàn từ đầu tháng 9

Hoa Kỳ sẽ chính thức bắt đầu cấm công dân của mình đi đến Bắc Hàn từ ngày 1/9.

Lệnh cấm được công bố hôm 2/8 trên Công báo Liên bang, theo đó cấm người Mỹ du hành đến Bắc Triều Tiên vì có nguy cơ nghiêm trọng là họ có thể bị “bắt giữ và giam giữ lâu dài”.

Lệnh cấm có đoạn “Tất cả các hộ chiếu Hoa Kỳ bị tuyên là vô giá trị cho việc du hành đến, ở trong, hoặc đi qua CHDCND Triều Tiên trừ khi được dành cho biệt lệ về việc du hành như vậy”.

Việc đi lại vì mục đích nhân đạo, và trong một số trường hợp là đi lại vì mục đích báo chí, sẽ được miễn trừ. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong một năm trừ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bãi bỏ sớm hơn.

Quyết định cấm du hành được đưa ra sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người đã qua đời sau khi rơi vào tình trạng hôn mê trong nhà tù Bắc Triều Tiên.

Warmbier bị kết án lao động khổ sai ở Bắc Triều Tiên sau khi bị buộc tội cố trộm một tấm áp phích tuyên truyền từ một khách sạn ở Bình Nhưỡng.

Người đàn ông 22 tuổi này đã được đưa khẩn cấp vì lý do y tế về Hoa Kỳ hồi tháng trước trong tình trạng tổn thương não nặng.

Sau cái chết của ông Warmbier, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông đã hết kiên nhẫn với chế độ Bắc Triều Tiên. Ông gọi sự đối xử với Warmbier là “một sự ô nhục hoàn toàn” và mô tả chính phủ Bắc Triều Tiên là một chế độ tàn bạo không “tôn trọng pháp quyền hoặc nhân phẩm cơ bản”.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-cam-du-hanh-den-bac-han-tu-dau-thang-9/3969299.html

 

Mỹ định trả đũa thương mại Trung Quốc

Chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc liệu có nên bắt đầu các biện pháp có thể thể dẫn đến việc áp thuế và đặt ra các hạn ngạch thương mại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.

Các hãng tin của Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ đạo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer bắt đầu điều tra các cách giao dịch thương mại của Trung Quốc theo một điều khoản của Đạo luật Thương mại năm 1974. Điều khoản này nhằm mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ tránh bị cạnh tranh không công bằng khi giao thương với nước ngoài.

Các viên chức chính quyền nói một thông báo chính thức có thể được đưa ra trong vài ngày tới.

Tổng thống Trump và các thành viên nhóm cố vấn kinh tế của ông từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại gây phương hại đến các doanh nghiệp Mỹ, từ việc nhập khẩu thép quá mức đến việc đánh cắp sở hữu trí tuệ. Trong một bài báo được tờ Wall Street Journal đưa ra, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross cáo buộc Trung Quốc, cũng như châu Âu, đã trợ cấp xuất khẩu thông qua các hình thức như “cấp tiền, cho vay với lãi suất thấp, trợ cấp năng lượng, hoàn thuế giá trị gia tăng đặc biệt” và các hình thức khác.

Mặc dù có nhiều lời phàn nàn, chính quyền Trump vẫn nhấn mạnh sự hợp tác với Bắc Kinh trong suốt 6 tháng đầu nhiệm kỳ. Nhưng các cuộc đàm phán thương mại song phương vào tháng trước đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận nào. Chính quyền Trump đã trở nên ngày càng thất vọng với sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc gây áp lực lên Bắc Triều Tiên để khống chế các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

https://www.voatiengviet.com/a/my-dinh-tra-dua-thuong-mai-trung-quoc/3969285.html

 

Mỹ và Iran tố cáo nhau vi phạm thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói rằng việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran đã bỏ qua các “hoạt động của Iran gây bất ổn trong khu vực,” như chương trình tên lửa đạn đạo, hỗ trợ khủng bố và vai trò của Tehran trong các cuộc xung đột ở Iran, Syria và Yemen.

Ngoại trưởng Tillerson phát biểu như trên trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba 1/8 khi các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ và Iran cáo buộc nhau việc vi phạm thỏa thuận hạt nhân, chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA), theo đó hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đảm bảo rằng nước này không thể sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời đưa ra biện pháp giảm nhẹ lệnh trừng phạt Iran.

Ông Tillerson nói: “Đây là một thỏa thuận trước hết nên phục vụ lợi ích của người Mỹ, và nếu thỏa thuận này không phục vụ lợi ích đó thì tại sao chúng ta lại duy trì?”

Ông Tillerson cho biết hôm thứ Ba 1/8 rằng Hoa Kỳ đang làm việc với các bên khác, bao gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức để thực hiện đầy đủ các điều khoản và buộc Iran phải “giữ đúng cam kết và tinh thần của thỏa thuận.”

Ông Tillerson cũng nói rằng hoạt động tên lửa đạn đạo của Iran vẫn tiếp diễn, và như vậy là vi phạm tinh thần của thỏa thuận. Điều này cũng có nêu trong JCPOA, theo đó Iran đã đồng ý “trở thành một quốc gia láng giềng tốt.”

Không có điều khoản cụ thể nào trong thỏa thuận JCPOA ra lệnh cho Iran phải cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, nhưng một phần của lời nói đầu của thỏa thuận nói rằng tất cả các bên ký kết “dự đoán rằng việc thực hiện JCPOA này sẽ góp phần tích cực vào hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.”

Ông Trump nói với Tạp chí Wall Street vào tuần trước rằng nếu ông có toàn quyền quyết định, ông có thể đã ra tuyên bố cách đây 6 tháng rằng Iran không tuân thủ thỏa thuận và ông mong muốn thực hiện điều đó vào cơ hội tiếp theo.

Iran đã đưa ra những cáo buộc, trong đó có tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani và Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif hôm thứ Ba 1/8 và của hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran.

Ông Larijani cho biết nhóm phụ trách thỏa thuận JCPOA của Iran đã kết luận rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân và chính phủ Iran nên đưa ra cáo buộc này với Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận, một ủy ban được thiết lập để giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào những người có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và Đội bảo vệ Cách mạng của nước này.

Ngoại trưởng Liên minh châu Âu Federica Mogherini, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng thỏa thuận JCPOA, dự kiến sẽ tới Iran vào thứ Bảy 5/8 để xem xét việc thực hiện thỏa thuận với các quan chức Iran.

Tháng trước, khi đánh dấu lễ kỉ niệm hai năm ngày ký thỏa thuận, bà Mogherini đã ca ngợi rằng thỏa thuận đã thành công và nêu ghi nhận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho thấy Iran đang tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Báo cáo mới nhất của IAEA hồi tháng Sáu ghi nhận rằng Iran đã cho phép các cơ quan giám sát và theo dõi quá trình tuân thủ thỏa thuận của Iran và nói rằng Iran đáp ứng các yêu cầu giới hạn về máy ly tâm, làm giàu chất liệu hạt nhân và giới hạn lượng chất liệu hạt nhân dự trữ.

https://www.voatiengviet.com/a/my-va-iran-to-cao-nhau-vi-pham-thoa-thuan-hat-nhan-/3969270.html

 

Mỹ và Bắc Hàn không ‘ngó nhau’ tại diễn đàn ASEAN

Dự kiến sẽ không có đột phá ngoại giao nào giúp giảm căng thẳng về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (còn gọi là ARF) diễn ra tuần này tại thủ đô Manila, Philippines mặc dù đây là một trong số ít sự kiện quốc tế mà hầu hết các nước lớn sẽ tham dự.

Nhà phân tích chuyên về các vấn đề an ninh Đông Nam Á Carlyle Thayer thuộc Học viện An ninh Quốc gia ở thủ đô Canberra, Úc, cho biết: “Nhiều khả năng sẽ xảy ra đôi co giữa một bên là Trung Quốc, Nga và bên kia là Mỹ, về việc nước nào chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.”

Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cử các đoàn cấp cao đến hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực hàng năm, do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (còn gọi là ASEAN) tổ chức, trong đó có cả Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Philippines dự ARF, sau đó ông sẽ đi thăm Thái Lan và Malaysia, nơi ông sẽ thảo luận về vấn đề “phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, an ninh hàng hải và chống khủng bố.”

Bắc Triều Tiên đang khẩn trương đẩy mạnh khả năng nhắm mục tiêu lục địa Hoa Kỳ hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (còn gọi là ICBM). Các chuyên gia độc lập cho biết cuộc thử nghiệm ICBM lần thứ hai thành công của Bình Nhưỡng vào tuần trước đã cho thấy khả năng phóng tên lửa tới thành phố Chicago ở trung tây nước Mỹ. Mặc dù cuộc thử tên lửa cho thấy còn những hạn chế về kỹ thuật, nhưng chương trình tên lửa của Bắc Hàn đang tiến triển nhanh hơn dự kiến, và một số chuyên gia nói rằng Bắc Triều Tiên chỉ cần không tới một năm nữa thì có thể phát triển một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ gắn trên một tên lửa ICBM.

Ông Grant Newsham, thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo, cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ đạt khả năng hạt nhân và tên lửa mà họ kỳ vọng. Tại thời điểm hiện nay, họ chỉ gặp một trục trặc kỹ thuật.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhóm cố vấn an ninh của ông đã tập trung làm việc với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên, để thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ông Trump và Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley gần đây đã bày tỏ thất vọng về việc Bắc Kinh từ chối áp đặt các chế tài kinh tế, theo đó buộc Bình Nhưỡng phải tuân thủ các chế tài khi họ tìm kiếm nguồn tài trợ.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sớm ký một đạo luật mới vừa được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, trong đó cho phép áp dụng hình thức trừng phạt mới đối với các cơ sở kinh doanh Trung Quốc làm ăn bất hợp pháp với Bắc Triều Tiên.

Chính quyền Trump cũng nhấn mạnh tất cả các lựa chọn, bao gồm cả hành động quân sự, đang được xem xét để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, thành viên đảng Cộng hòa của Ủy ban Quân vụ Mỹ, cho biết hôm thứ Ba 1/8 rằng “một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên sẽ tàn phá khu vực, nhưng cuộc chiến tranh có thể là cách duy nhất để chấm dứt chương trình tên lửa của họ.”

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson hôm thứ Ba 1/8 lại trấn an, nói rằng Hoa Kỳ không đổ lỗi cho Trung Quốc về tình hình ở Bắc Triều Tiên và khẳng định lại rằng Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.

Ông Tillerson nói: “Chúng tôi đang cố gắng truyền đạt cho Bắc Triều Tiên như thế này: chúng tôi không phải là kẻ thù của họ. Chúng tôi không phải là mối đe dọa của họ, nhưng họ đang chứng tỏ một mối đe dọa không thể chấp nhận đối với chúng tôi và chúng tôi phải đáp ứng.”

Ông Tillerson nói ông muốn có một cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên ở một thời điểm nào đó, nhưng tại diễn đàn ASEAN, ông không mong đợi sẽ tổ chức cuộc họp chính thức với Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho.

Bắc Triều Tiên đã gọi thử nghiệm mới nhất của họ là “cảnh báo nghiêm khắc” đối với Hoa Kỳ và duy trì các biện pháp phòng thủ hạt nhân, chống lại một cuộc xâm lược có thể có của Hoa Kỳ.

Nhà phân tích an ninh Đông Nam Á Carlyle Thayer cho rằng, bất kỳ cơ hội nào cho ngoại giao sẽ phải xảy ra âm thầm, tránh xa báo chí, và có thể cần đến sự trợ giúp của một nước trung lập.

Ông Thayer nói: “Chính sách này phải bí mật. Nếu chúng ta phát hiện, chính sách sẽ bị chìm nghỉm bởi vì sự phản đối sẽ gia tăng.”

Cũng có những suy đoán rằng một cuộc họp liên Triều có thể diễn ra bên lề. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vừa nhậm chức tháng 5, đã cố gắng tiếp cận Bắc Triều, nhưng các đề xuất đối thoại, hợp tác và viện trợ nhân đạo đã không được hồi đáp.

https://www.voatiengviet.com/a/my-va-bac-han-khong-ngo-nhau-tai-dien-dan-asean/3969007.html

 

Cảnh sát Đức thử máy nhận diện gương mặt

Cảnh sát Đức ngày 1/8 lần đầu tiên đặt máy nhận diện khuôn mặt tại một nhà ga chính ở Berlin, nhằm thử nghiệm công nghệ mới có thể giúp lần tìm dấu vết và bắt giữ những nghi can hình sự và khủng bố.

“Chúng tôi muốn thử nghiệm xem công nghệ này thực sự tốt như thế nào,” phát ngôn viên cảnh sát Jens Schobranski nói. Dự án thử nghiệm 6 tháng này nằm trong khuôn khổ lời hứa của phe bảo thủ bên Thủ tướng Angela Merkel nhằm gây quỹ cho cảnh sát và an ninh.

Các cuộc thăm dò dư luận về cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới cho thấy nhiều cử tri lo ngại về an ninh, một phần là sau những cuộc tấn công của những người xin tị nạn. Thực tế này gây nên những chỉ trích đối với quyết định của Thủ tướng Angela Merkel cho phép vào Đức hơn một triệu di dân.

Hình ảnh của hơn một chục người Đức tình nguyện được đưa vào hệ thống theo dõi để xem phần mềm mới có nhận diện được tốt hay không trong số các hành khách đi qua nhà ga Südkreuz, một trung tâm giao thông chính tại thủ đô Đức.

Quyền riêng tư là một đề tài nhạy cảm đối với nhiều người Đức vẫn còn lo sợ về các chính sách theo dõi dưới chế độ Đức Quốc Xã và mật vụ Stasi dưới thời Cộng sản Đông Đức.

Ông Ulrich Schellenberg, Chủ tịch Luật sư đoàn của Đức, nghi ngờ về sự hữu ích của công nghệ mới đối với cảnh sát. Cuộc tấn công tại Đức gây nhiều thương vong nhất hồi năm ngoái được thực hiện bởi một di dân vốn đã bị an ninh theo dõi, ông nói.

“Cải thiện an ninh không phải là khám phá cái gì mới mẻ mà là theo dõi chặt chẽ hơn những thông tin đã nắm được,” ông Schellenberg nói.

Anh Anis Amir, một người xin tị nạn bất thành hồi năm ngoái đã lái một xe tải càn vào ngôi chợ Giáng Sinh. Các nhân viên an ninh từng nghi anh này có kế hoạch tấn công nhưng thôi theo dõi sau khi kết luận nghi can không phải là một mối đe dọa.

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-duc-thu-may-nhan-dien-guong-mat/3968359.html

 

Khí CO2 tăng, chất đạm trong gạo giảm

Trọng Thành

Khí thải CO2 tăng cao trong khí quyển, khiến Trái đất bị hâm nóng, cũng đồng thời là nguyên nhân làm sụt giảm chất lượng dinh dưỡng của nhiều cây lương thực chính như gạo và lúa mì, trước hết là đạm và sắt. Sức khỏe của hàng trăm triệu cư dân nhiều nước đang phát triển bị đe dọa.

AFP hôm 02/07/2017, giới thiệu nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ngành y, đại học Harvard, Hoa Kỳ, được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives. Theo đó, chỉ riêng tại 18 nước được nghiên cứu, khoảng 5% lượng đạm trong lúa mì, gạo và một số cây lương thực cơ bản khác, có nguy cơ bị hao hụt (từ đây đến 2050), do lượng CO2 tăng cao, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây trồng.

Hiện tại có đến 76% dân cư toàn cầu dựa chủ yếu vào nguồn đạm thực vật của các cây lương thực. Dự kiến ít nhất trong thời gian tới, sẽ có thêm 150 triệu người bị thiếu chất đạm. Riêng tại Ấn Độ, sẽ có thêm khoảng 53 triệu nạn nhân. Các hệ quả nói trên của việc CO2 tăng cao trong bầu khí quyển có thể khiến tình trạng suy dinh dưỡng ở vùng miền nam sa mạc Sahara (châu Phi), vốn đã nghiêm trọng, càng thêm tồi tệ.

Nghiên cứu nói trên do giáo sư Samuel Myers – bộ môn sức khỏe môi trường, khoa y tế công đại học Havard – chủ trì, được quỹ của vợ chồng tỉ phú Bill Gates tài trợ một phần.

Đồng thời với nghiên cứu nói trên, một điều tra khác cũng với giáo sư Myers là đồng tác giả, được công bố trên tạp chí GeoHealth, hôm qua 01/08, cho thấy CO2 tập trung cao làm giảm lượng sắt trong các lương thực căn bản. Trong những thập niên tới, cư dân của nhiều nước Nam Á và Bắc Phi có thể sẽ bị thiếu hụt khoảng 4% lượng sắt trong khẩu phần hàng ngày. Nạn nhân hàng đầu là khoảng 354 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và hơn một tỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Sắt đóng nhiều vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, trước hết là việc tạo nên hồng cầu trong máu. Thiếu sắt khiến lượng oxy được vận chuyển đến các tế bào bị giảm. Người thiếu sắt thường gặp một số triệu chứng ban đầu như choáng váng, chóng mặt.

Trái đất tăng không quá 2°C : Chỉ 5% cơ may

Vẫn trong lĩnh vực môi trường, thêm một nghiên cứu gây lo ngại khác. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, chỉ có 5% cơ may là nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, trước cuối thế kỷ 21, theo mục tiêu của cộng đồng quốc tế, được thông qua tại thượng đỉnh Paris 2015.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ dựa trên các dự phóng về tăng trưởng dân số, để đánh giá tổng sản lượng của nền kinh tế toàn cầu và mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do các hoạt động sử dụng năng lượng hóa thạch. Căn cứ trên các dữ liệu này, các nhà khoa học vạch ra nhiều viễn cảnh, với nhiệt độ Trái đất tăng từ 2°C đến 4,9° C. Xác suất cao nhất rơi vào khả năng 3,2°C.

Cần phải nhấn mạnh là, các tính toán trong nghiên cứu nói trên không dựa trên “kịch bản tồi tệ nhất”, với mức tiêu thụ năng lượng lớn tương tự như hiện nay, mà đã tính đến các nỗ lực hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Riêng về mức tăng nhiệt độ 1,5°C, mức tối thiểu được đặt ra trong thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, để cộng đồng quốc tế cùng phấn đấu, theo các nhà khoa học, viễn cảnh này chỉ có cơ may 1%.

Từ khá lâu, giới chuyên gia đã cảnh báo mục tiêu 2°C là khó đạt. Theo Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu sẽ tăng từ 7,5 tỉ hiện nay lên 11,2 tỉ vào cuối thế kỷ. Số lượng dân cư tăng cao đồng nghĩa với áp lực sử dụng nhiều năng lượng hơn.

Theo giới chuyên gia, việc nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C sẽ khiến nước đại dương dâng cao, nhấn chìm nhiều vùng đất rộng lớn ven biển, cũng như thiên tai bất thường xảy ra liên tục hơn, dữ dội hơn, vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người.

Theo GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu, để đạt mục tiêu này, lượng khí thải từ các năng lượng hóa thạch phải giảm từ 40 đến 70%, so với 2010, trước cái mốc 2050. Tuy nhiên, theo thỏa thuận Paris, các quốc gia chỉ cam kết sẽ cố gắng rút ngắn thời điểm lượng khí thải đạt đỉnh, tùy theo khả năng.

San hô Nhật Bản bị tẩy trắng

Trong những tuần vừa qua, thêm một loạt tín hiệu mới cho thấy các hệ quả đáng ngại của tình trạng Trái đất bị hâm nóng. Cụ thể như theo AFP, ngày 18/07, khoảng 30% san hô tại vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa bị tẩy trắng. Cho đến nay, san hô tại các vùng biển ôn đới vốn được coi là không bị ảnh hưởng của khí hậu nóng lên.

Hồi năm ngoái, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt tại dải san hô lớn ở Úc, dài 2.300 cây số (dải san hô được xếp hạng di sản UNESCO).

San hô được coi là rừng rậm của biển. Dù chỉ chiếm diện tích 0,2%, nhưng môi trường này là nơi trú ẩn của 30% các loài động thực vật của biển.

Bảo vệ rừng : Thực nghiêm đầu tiên về đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn

Để hạn chế biến đổi khí hậu, huy động được các nguồn tài chính là điều quan trọng, nhưng đầu tư vào đúng chỗ có thể là điều quan trọng hơn. Đáng mừng là đã bắt đầu có các nghiên cứu đi theo hướng này.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, được công bố trên tạp chí Science cuối tháng 7/2017, cho thấy chỉ cần đầu tư một khoản tiền tương đối nhỏ, để hỗ trợ những người dân, chủ của những khoảnh rừng nhỏ tại các nước đang phát triển, để họ nỗ lực bảo vệ rừng, có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đầu tư cho các nỗ lực tiết kiệm điện tại Hoa Kỳ chẳng hạn.

Nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại châu Phi cho thấy, một khoản đầu tư nhỏ hơn từ 10 đến 50 lần, có thể giúp giảm được 50% diện tích rừng bị phá hủy. Cụ thể là, các làng được đầu tư, sau hai năm thực nghiệm, có nhiều hơn các làng đối chứng, khoảng 5,5 ha rừng. Lượng rừng này tương đương với việc giảm 3.000 tấn CO2 vào khí quyển. Trong khi đó, giá để giảm được một tấn CO2 chỉ là 0,46 đô la.

Nữ giám đốc hiệp hội phi chính phủ “Innovation for Poverty Action” (Cách tân để chống nghèo đói) nhận đinh đây là nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực này, nghiên cứu không những cho thấy tính hiệu quả của cách làm này, mà bản thân nghiên cứu cũng rất ít tốn kém. Theo vị phụ trách hiệp hội chống nghèo đói, kinh nghiệm này có thể được sử dụng trong tương lai vào nhiều mục đích, trước hết là việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ các không gian sống đang bị đe dọa, và trợ giúp các nông dân nghèo.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170802-khi-co2-tang-chat-dam-trong-gao-giam

 

Pháp thúc đẩy Công Ước Môi Trường Toàn Cầu

Trọng Thành

Trong những tuần vừa qua, giới bảo vệ môi trường ghi nhận nỗ lực đặc biệt của Pháp. Tiếp theo thành công của thượng đỉnh Khí hậu Paris COP 21 năm 2015, chính phủ Pháp đang đi đầu trong việc thúc đẩy một công ước toàn cầu đầu tiên về môi trường (Pacte Mondial pour l’environnement/Global Pact for the Environment).

Hãng tin môi trường Mỹ ENS, hôm 30/07/2017, dẫn lời luật gia Antonio Herman Benjamen, chủ tịch ủy ban luật môi trường thuộc Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên và Tài Nguyên Thiên Nhiên LHQ (IUCN). Theo luật gia Benjamen, hiện tại trên thế giới có khoảng 500 thỏa thuận quốc tế các loại liên quan đến môi trường, với các mức độ bắt buộc khác nhau. Nếu được Liên Hiệp Quốc thông qua, công ước mới này sẽ cho phép mang lại một tổng thể luật pháp quốc tế “nhất quán hơn”, buộc các quốc gia và cá nhân phải nỗ lực hơn trong trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Le Monde (ngày 24/06), dẫn lời chủ tịch Ủy ban Luật Môi Trường thuộc IUCN, theo đó, các nỗ lực của Pháp rất đáng được ghi nhận. Ngày 24/06, chỉ một ngày sau khi ra mắt tại Paris, dự thảo đã bất ngờ nhận được sự ủng hộ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tháng 9 tới, tổng thống Pháp có kế hoạch trình trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc dự thảo công ước môi trường này. Luật gia Liên Hiệp Quốc gốc Brazil đặt niềm tin vào vai trò đi đầu trong lĩnh vực môi trường của nước Pháp, vốn là quê hương của Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Bộ Luật Dân Sự, ra đời cách đây hơn hai thế kỷ.

Dự thảo Công Ước Môi Trường Toàn Cầu, gồm 26 điều khoản, do câu lạc bộ các luật gia Pháp (Le club des juristes) khởi sự soạn thảo từ tháng 11/2015, với sự tham gia trực tiếp của gần 80 chuyên gia thuộc 40 quốc tịch.

Ý tưởng về một thỏa thuận toàn cầu về môi trường đã được giới luật gia quốc tế thai nghén từ hơn 30 năm nay. Nỗ lực này được đánh dấu bởi sự kiện Hiến Chương về Thiên Nhiên Thế Giới (World Charter for Nature) được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1982. Năm 1995, Ủy ban Luật Môi Trường của IUCN từng đưa ra một dự thảo tương tự như công ước môi trường nói trên, nhưng không thành do thiếu lực đẩy chính trị.

Dự thảo Công Ước Môi Trường Toàn Cầu khẳng định các nguyên tắc căn bản, như quyền được sống trong một môi trường trong lành, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mỗi người, nguyên tắc phòng ngừa, hay người gây tổn hại phải đền bù… Về tầm cỡ của dự án do Pháp chủ xướng, các chuyên gia so sánh với hai công ước bảo vệ các quyền cơ bản, ra đời cách đây nửa thế kỷ : Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa.

http://vi.rfi.fr/phap/20170802-phap-thuc-day-cong-uoc-moi-truong-toan-cau

 

Xe hơi diesel : Đức tìm ngõ thoát sau một loạt tai tiếng

Thanh Hà

Lãnh đạo tất cả các tập đoàn xe hơi Đức và chính giới họp tại Berlin ngày 02/08/2017 để cùng tìm ra những biện pháp cụ cứu mảng công nghệ xe hơi động cơ diesel bị tố cáo gây ô nhiễm không khí. Cuộc họp này được tổ chức trong bối cảnh, nhiều thành phố lớn dọa cấm xe động cơ diesel, ảnh hưởng đến 13 triệu người Đức và 1/3 khối lượng xe đang lưu hành trên toàn quốc.

Thông tín viên đài RFI từ Berlin, Pascal Thibaut giải thích :

“Đưa ra những biện pháp cụ thể để trấn an những người đang sử dụng xe diesel mà không là phương hại đến ngành công nghiệp xe hơi, là mục tiêu cuộc họp mở ra hôm nay tại Berlin. Tham gia cuộc họp gồm có đại diện của các tập đoàn sản xuất, của giới công đoàn và chính phủ cũng như của các vùng liên quan. Chính quyền Đức tới nay vẫn tỏ ra rất thông cảm với ngành công nghiệp xe hơi.

Sau tai tiếng gian lận kiểm tra lượng phát thải của xe diesel, các tập đoàn sản xuất của Đức lo ngại trước nguy cơ một số thành phố lớn đòi cấm xe cũ chạy bằng dầu diesel. Khách hàng mua xe có trang bị loại động cơ này cảm thấy bị lừa dối vì cứ tưởng là dùng xe diesel ít gây ô nhiễm hơn.

Trên nguyên tắc, sau cuộc họp hôm nay, các nhà sản xuất sẽ phải điều chỉnh lại phần mềm trang bị trên khoảng hai triệu chiếc xe. Phí tổn lên tới 300 triệu euro sẽ do các nhà sản xuất gánh chịu. Theo các chuyên gia, để thay thế toàn bộ các động cơ diesel tốn kém ước tính lên tới 10 tỷ euro, nhưng sẽ không ai đòi hỏi phải dùng tới biện pháp này.

Trong mắt phe đối lập và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, các biện pháp nói trên là chưa đủ. Giới này tố cáo chính quyền bao che cho ngành công nghệ xe hơi, một trong những cột trụ của kinh tế Đức”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170802-cong-nghe-xe-hoi-diesel-duc-tim-ngo-thoat-sau-mot-loat-cac-tai-tieng

 

Quốc Hội Brazil

bỏ phiếu quyết định số phận tổng thống Temer

Thùy Dương

Hôm nay 02/08/2017 là ngày Quốc Hội Brazil bỏ phiếu quyết định số phận của tổng thống đương nhiệm Michel Temer. Ông Michel Temer là tổng thống Brazil đầu tiên bị cáo buộc tham nhũng khi còn đương nhiệm.

Theo Reuters, chưởng lý Rodrigo Janot nghi ngờ tổng thống Temer nhận 140.000 euro tiền hối lộ của doanh nghiệp chế biến thịt lớn nhất thế giới JBS. Đây được coi là một nghi án tham nhũng lớn ở Brazil. Chưởng lý Rodrigo Janot cho biết còn có thêm ít nhất 2 cáo buộc khác chống tổng thống.

Tổng thống Temer đang làm mọi việc để tránh không bị Hạ Viện quyết định đưa ông ra xét xử ở Tòa Án Tối Cao. Để được thông qua, Hạ Viện phải có ít nhất 342 phiếu thuận trên tổng số 513 dân biểu. Nếu bị đưa ra Tòa Tối Cao, tổng thống Temer rất có thể sẽ bị buộc tội và bị truất phế.

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến vào tuần trước, tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Temer đã giảm xuống còn 5%, tỉ lệ thấp kỷ lục kể từ cuối thời kỳ độc tài quân sự năm 1985.

Theo thăm dò này, 81% dân chúng Brazil mong muốn Hạ Viện thông qua việc đưa tổng thống Temer ra xét xử ở Tòa Án Tối Cao. Tuy nhiên AFP trích một nguồn tin thân cận của tổng thống Temer cho biết khả năng này rất khó xảy ra, vì 200 dân biểu của 5 đảng lớn ở Brazil đã quyết định ủng hộ tổng thống.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170802-okquoc-hoi-brazil-bo-phieu-quyet-dinh-so-phan-tong-thong-temer

 

Venezuela:

Chính trường rối ren sau kết quả bầu cử Quốc Hội Lập Hiến

Thanh Hà

Ba ngày sau bầu cử Quốc Hội Lập Hiến Venezuela, tình hình tại chỗ rối ren hơn bao giờ hết. Phe đối lập đang đi tìm một hướng đi mới : cuộc biểu tình được dự trù hôm nay 02/08/2017 bị dời lại một ngày, đúng vào lúc 545 thành viên Quốc Hội mới bắt tay vào việc soạn thảo Hiến Pháp mới. Tương lai Quốc Hội hiện tại trong tay phe đối lập chưa biết đi về đâu.

Theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI từ thủ đô Caracas, Julien Gonzalez, Venezuela vẫn trong tình trạng bấp bênh, cả về phía đối lập lẫn chính quyền :

“Tương tự như hình ảnh lãnh đạo đối lập Leopoldo Lopez, đã bị bắt trở lại, Venezuela đang thực sự trong một tình trạng bấp bênh. Một tháng trước, nhân vật này được ra tù và bị quản thúc tại gia, nhiều người đã xem đây là một cử chỉ hòa hoãn của chính quyền, cho đến khi ông này bị bắt trở lại.

Một dấu hiệu khác : đó là sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 30/07/2017, phải đợi đến chiều tối ngày hôm qua chủ tịch Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia mới công bố danh tính các ứng viên đắc cử, sắp xếp theo nghề nghiệp trong xã hội. Thế nhưng hội đồng này lại không thể khẳng định là những người đắc cử liệu có thuộc 545 đại biểu trong Quốc Hội Lập Hiến sắp tới hay không. Trong khi đó, phiên họp đầu tiên của Quốc Hội mới sẽ mở ra vào ngày mai 03/08/2017. Trước đó, mọi người đã tưởng là phiên họp đầu tiên này phải diễn ra hôm nay.

Trong bối cảnh đó, phe đối lập Venezuela cũng hoang mang không kém. Tối thứ Hai, trong một cuộc tập họp ở phía đông Caracas, phe này kêu gọi xuống đường vào hôm nay và chiếm đóng trung tâm thủ đô. Nhưng đến 10 giờ đêm hôm qua, thì lại đổi kế hoạch. Trên mạng xã hội Twitter, phó chủ tịch Quốc Hội hiện tại, kêu gọi biểu tình vào Thứ Năm.

Nói tóm lại, tình hình liên tục thay đổi nhanh chóng trong những giờ qua. Có một điều chắc chắn, đó là nội trong ngày hôm nay, Quốc Hội trong tay phe đối lập sẽ họp lại với khẩu hiệu “Vì một chính quyền dân chủ cho Venezuela”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170802-venezuela-tuong-lai-bat-dinh