Tin Biển Đông – 31/05/2018
Trung Quốc nói nhóm tàu sân bay
đã đạt mức sẵn sàng chiến đấu
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 31/5 cho biết nhóm tàu hàng không mẫu hạm của nước này dẫn đầu là tàu Liêu Ninh đã bước đầu đạt mức sẵn sàng tham chiến, một bước tiến được coi là quan trọng trong chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ rằng các cuộc tập trận của nhóm tàu sân bay hiện đã được tăng cường thêm để bao gồm cả hoạt động tham chiến ở vùng biển mở.
Trung Quốc mua hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, đã qua sử dụng do Liên Xô chế tạo, từ Ukraina hồi năm 1998, và sửa chữa tàu này để dùng cho mục đích chính là đào tạo. Tuy nhiên tàu Liêu Ninh thời gian qua đã tham gia các hoạt động gây chú ý khác như đi qua Đài Loan và vào vùng Biển Đông.
Chiếc tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự đóng đã bắt đầu chạy thử vào hồi đầu tháng 5. Hiện Trung Quốc vẫn chưa đặt tên cho tàu này. Các chuyên gia quốc phòng của Trung Quốc được báo chí trích lời cho biết tàu sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020 sau khi đã được trang bị vũ khí đầy đủ.
Thế giới vào lúc này vẫn chưa biết được chi tiết cụ thể về chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc vì đây được coi là bí mật quốc gia.
Tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là gia tăng trang bị lực lượng vũ trang với nhiều loại vũ khí được nói là tối tân từ máy bay tàng hình đến tên lửa chống vệ tinh. Nỗ lực này được thực hiện vào khi Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Đài Loan cũng như vùng Biển Đông đang tranh chấp với một số nước Đông Nam Á.
Biển Đông : Mỹ làm gì để đối phó hiệu quả hơn
với chiến thuật của Trung Quốc ?
Việc Bắc Kinh dồn dập bố trí phương tiện quân sự tối tân tại hai quần đảo tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp phản đối từ phía quốc tế, khiến công luận đặt câu hỏi về chiến lược của Hoa Kỳ và các đồng minh phải chăng đã không có kết quả.
Trong những ngày gần đây, dường như tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc bắt đầu vấp phải phản ứng mạnh hơn, đặc biệt với việc, ngày 25/05/2018, Mỹ chính thức rút lời mời Bắc Kinh tham gia RIMPAC, được coi là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới. Trước đó một hôm, ngày 24/05, Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ ra một báo cáo về Biển Đông và biển Hoa Đông, nêu ra một số đề xuất cho một chiến lược mới để đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc.
Báo cáo, nhan đề « Các vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) và vùng biển tranh chấp liên quan đến Trung Quốc : Các đề xuất trình Quốc Hội », nêu ra sáu gợi ý của các chuyên gia.
Về Biển Đông, thứ nhất là Hoa Kỳ cần có « các tuyên bố mạnh mẽ hơn », báo động với Trung Quốc « về các hậu quả », nếu Bắc Kinh tiếp tục « các hoạt động đơn phương và mang tính áp đặt », hàm ý việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại các thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng tại Biển Đông, vốn bị nhiều nước láng giềng phản đối.
Thứ hai, Hoa Kỳ cần ra một tuyên bố làm rõ việc Washington đặt một số thực thể địa lý do Philippines kiểm soát trong phạm vi Hiệp Định Phòng Thủ Chung Mỹ-Phi, trong trường hợp các khu vực này bị Trung Quốc xâm phạm. Các thực thể địa lý nói trên bao gồm Bãi Cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và có thể một số đảo, đá khác. Việc bảo đảm an ninh cho các đảo nói trên, đang bị Trung Quốc bao vây hay dòm ngó, là tương tự như điều mà Hoa Kỳ đã làm đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, theo một hiệp ước hợp tác về an ninh với Tokyo.
Thứ ba, Washington cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm giúp cho các đồng minh và đối tác tại khu vực « nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải » (MDA – maritime domain awareness)và năng lực bảo vệ các vùng biển quốc gia « bằng lực lượng tuần duyên hay hải quân ».
Thứ tư, gia tăng các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) « trong các khu vực 12 hải lý của các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm giữ tại Biển Đông » hiện nay, và tiến hành các tuần tra tại Biển Đông cùng với các quốc gia đồng minh.
Thứ năm, « tăng cường các hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác trong khu vực, và với Ấn Độ, nhằm tạo ra một liên minh, đối trọng lại » sự lấn tới của Trung Quốc.
Gợi ý thứ sáu được nêu ra là Washington cần có một số các biện pháp bổ sung khác, để Bắc Kinh hiểu rằng họ phải trả giá cho các hành động tại khu vực này, ví dụ như mời « Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC 2018 ».
Một « mỏ thông tin quý »
Về báo cáo nói trên của Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ, trong một bài viết trên báo mạng The Diplomat hôm 29/05, chuyên gia Bonnie Girard, một người am hiểu về quan hệ Mỹ -Trung Quốc, nhận định toàn bộ báo cáo hơn một trăm trang nói trên là « một mỏ thông tin quý giá ».
Ngoài các gợi ý nhằm cải thiện chiến lược đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông nói trên, báo cáo còn cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử tranh chấp Biển Đông những năm gần đây, các chiến thuật lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc, với tên gọi « Salami-Slicing » (cắt lát) hay « Bắp cải » (bóc vỏ từng lớp), việc phối hợp tuần duyên, tàu cá, dân quân, giàn khoan trong các hoạt động bành trướng trên biển… Tham vọng đòi hỏi chủ quyền đối với bốn quần đảo ở Biển Đông, bao gồm « Đông Sa » (Dongsha, tức Pratas Islands do Đài Loan Kiểm Soát), « Tây Sa » (Xisha, tức Hoàng Sa), « Nam Sa » (Nansha, tức Trường Sa), « Trung Sa »(Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý về phía đông), mà Bắc Kinh gọi chung là « Tứ Sa »…
Sơ kết chiến lược ngăn chặn Trung Quốc thời Obama
Báo cáo của Quốc Hội Mỹ sơ kết lại các hoạt động ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông dưới chính quyền tiền nhiệm Obama.
Chính quyền Obama bị nhiều chuyên gia chỉ trích là đã hành động không đủ mạnh, để ngăn chặn chiến thuật « cắt lát » của Trung Quốc. Tiêu biểu là khá thụ động trước việc Trung Quốc lấn chiếm Bãi Cạn Scarborough năm 2012, hay việc Trung Quốc bồi đắp nhiều đảo nhân tạo với quy mô lớn ở Trường Sa, kể từ năm 2014. Chính quyền Obama cũng bị phê phán là đã không có các hoạt động truyền thông đủ mức để hậu thuẫn và quảng bá cho các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, được khởi sự từ cuối năm 2015, cũng như không hậu thuẫn đủ mạnh cho phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ yêu sách Đường 9 Đoạn (thường được gọi là Đường Lưỡi Bò) của Trung Quốc, hồi 2016, do bị Philippines khởi kiện. Phán quyết bị Bắc Kinh làm lơ.
Ngược lại, những người ủng hộ chiến lược ngăn chặn tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông, dưới thời tổng thống Mỹ Obama, ghi nhận nhiều kết quả cụ thể như việc Bắc Kinh buộc phải xuống thang trong tham vọng kiểm soát Bãi Cạn Scarborough (1) và cho đến nay chưa dám tuyên bố thành lập Vùng Nhận Dạng Hàng Không (ADIZ) tại Biển Đông, như trước đó đã làm tại biển Hoa Đông. Chính quyền Obama, phối hợp với nhiều nước trong khu vực, đã buộc Bắc Kinh phải « trả giá đắt về chính trị và uy tín », do các hành động gây hấn tại Biển Đông.
Đưa New Delhi vào trung tâm chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương
Trở lại với hiện tại, trong lúc tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế (2) ngày càng lộ rõ, chính quyền Hoa Kỳ đang tiếp tục kết nối các quốc gia trong khu vực nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Trong chiến lược của Hoa Kỳ, Ấn Độ có vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo hãng tin CNN, hôm qua 30/05, Hoa Kỳ thông báo đổi tên BộChỉ HuyThái Bình Dương thành Bộ Chỉ Huy Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM). Kể từ giờ, Bộ Chỉ Huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, với 375.000 quân nhân và nhân viên dân sự phụ trách một khu vực rộng lớn gấp bội, liên quan đến 36 quốc gia bên bờ hai đại dương. Quyết định nói trên là một biện pháp nhằm thực thi chiến lược xoay trục mạnh hơn sang châu Á của chính quyền Donald Trump, được chính thức đưa ra hồi cuối năm ngoái, trong đó Ấn Độ được coi là một trụ cột.
Quyết định được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc ồ ạt triển khai hàng loạt tên lửa chống hạm và tên lửa địa đối không tại ba đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, và đưa oanh tạc cơ chiến lược, có khả năng mang bom hạt nhân tới quần đảo Hoàng Sa.
Hợp tác quân sự giữa Ấn Độ với nhiều quốc gia Đông Nam Á gia tăng. Cách đây mươi hôm, tàu chiến Ấn Độ lần đầu tiên diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Ấn Độ cũng vừa thỏa thuận với Indonesia xây dựng cảng quân sự bên bờ eo biển chiến lược Malacca. Ngày mai, 01/06, thủ tướng Ấn Độ có kế hoạch tham dự Diễn đàn Đối thoại An ninh châu Á Shangri-La, Singapore. Ông Narendra Modi sẽ là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tham dự diễn đàn này. Bên cạnh hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, vấn đề Biển Đông chắc chắn là một chủ đề trung tâm của hội nghị.
****
Theo nhiều nhà quan sát, trước áp lực quốc tế, sau vụ thắng kiện của Philippines, Bắc Kinh mới chỉ tạm thời cho tàu chiến rời khỏi khu vực này hồi 2017, nhưng sẵn sàng trở lại khi có điều kiện.
Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa tham gia vào Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), hiệp ước quốc tế từng là cơ sở cho phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ yêu sách Đường 9 Đoạn (thường được gọi là Đường Lưỡi Bò), hồi 2016, do bị Philippines khởi kiện. Phán quyết của tòa án quốc tế bị Bắc Kinh bác bỏ, trong lúc Trung Quốc cũng là thành viên của công ước UNCLOS. Báo cáo của cơ quan nói trên của Quốc Hội Mỹ trước hết nêu ra một số lợi ích của việc tham gia vào công ước UNCLOS, sẽ cho phép tiếng nói của Hoa Kỳ có trọng lượng hơn. Nhiều nước Đông Nam Á hy vọng Mỹ trở thành thành viên của UNCLOS, vì đối với các quốc gia này, đây là « khuôn khổ chính để giải quyết các tranh chấp về biển ». Tuy nhiên, báo cáo cũng dẫn lại một số ý kiến phản đối, cho rằng ở ngoài UNCLOS, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nước ASEAN, bởi không cần UNCLOS, luật pháp quốc tế về biển hiện tại là đủ để làm cơ sở cho các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải mà Washington tiến hành trong những năm gần đây.
Việt Nam lên tiếng về hoạt động của Trung Quốc,
Đài Loan, Philippines ở Biển Đông
Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối các cuộc tập trận bắn đạn thật do Trung Quốc tiến hành tại quần đảo Hoàng Sa; Đài Loan tiến hành tại quần đảo Trường Sa, và Philippines nâng cấp đường băng ở đảo Thị Tứ.
Tại cuộc họp báo chiều 31/5, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, không có hoạt động gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở khu vực. Bà cũng kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hoạt động tương tự.
Trả lời báo chí về thông tin Philippines tiến hành sửa chữa nâng cấp đường băng ở đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, bà Hằng nêu rõ “Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và bất hợp pháp. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Tin cho biết từ ngày 9/5/2018 đến ngày 12/5/2018, Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa.
Từ ngày 23/5/2018 đến ngày 25/5/2018, Đài Loan tổ chức bắn đạn thật tại đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa.
Mỗi khi có động thái nào của Trung Quốc tại Biển Đông và bị báo giới chất vấn, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng đều lặp lại tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền và quyền tài phán không thể chối cãi tại khu vực Biển Đông.
Trung Quốc phản bác
cáo buộc ‘quân sự hóa’ Biển Đông
Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc đang gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông là “điều lố bịch”.
Trung Quốc lên tiếng như vừa nêu, vào ngày 31 tháng 5, hai ngày sau khi Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố Washington sẽ đối đầu với các hành động của Trung Quốc trên các tuyến hàng hải tranh chấp.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói tại một buổi họp báo thường kỳ rằng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Biển Đông nhiều hơn Trung Quốc và các nước trong khu vực kết hợp lại. Bà Hoa Xuân Oánh còn đưa ra câu hỏi liệu rằng các hoạt động “tự do hàng hải” của Hải quân Hoa Kỳ có thật sự gìn giữ quyền đi lại của tàu thuyền trong vùng hay là cố gắng duy trì sự thống lĩnh ở Biển Đông. Bà Hoa Xuân Oánh nói thêm việc này giống như một tên trộm đang viện cớ để che lấp những hành vi hành sai lầm của mình.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Nhiệm Quốc Cường, cũng lên tiếng nói rằng phía Trung Quốc lưu ý đến việc Hoa Kỳ gần đây nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng và đang kích động quân sự hóa ở Biển Đông.
Ông Nhiệm Quốc Cường nhấn mạnh rằng không một quốc gia nào có quyền đưa ra những lời nhận xét vô trách nhiệm đối với việc xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình.
Người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết thêm phía Hoa Kỳ chính thức thông báo Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis viếng thăm Trung Quốc và hai quốc gia đang hợp tác cho chuyến thăm này.
Mỹ ‘loại’ Trung Quốc,
‘mời’ Việt Nam dự diễn tập hải quân
Hải quân Mỹ hôm 30/5 thông báo, Việt Nam là một trong 26 quốc gia sẽ tham gia cuộc thao dượt hải quân “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC), ít ngày sau khi rút lại lời mời Trung Quốc vì Bắc Kinh “quân sự hóa” Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự cuộc diễn tập đa quốc gia, dự kiến diễn ra ở Hawaii và miền nam California từ ngày 27/6 tới 2/8.
Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, 47 tàu chiến, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25 nghìn quân nhân sẽ xuất hiện tại sự kiện quy mô lớn, được tổ chức hai năm một lần.
Tuần trước, Hải quân Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc thao dượt mà nước này từng dự năm 2014 và 2016 vì các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã “phớt lờ sự thật và làm rùm beng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông”, và lấy đó là cái cớ để không mời Trung Quốc.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hành động của Trung Quốc ở vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền “trái với các nguyên tắc và mục đích của RIMPAC”.
Hải quân Mỹ cho biết rằng “RIMPAC mang lại cơ hội huấn luyện độc đáo nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính sống còn để bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới”.
Ngoài Việt Nam, còn có nhiều nước châu Á khác cũng tham dự cuộc diễn tập hải quân được coi là lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, các đồng minh quân sự của Hoa Kỳ.
Trong một diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 31/5 nói rằng cuộc huấn luyện bắn đạn thật của Trung Quốc ở Hoàng Sa gần đây đã “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực” bà Hằng nói.
Đô đốc Philip Davidson, một quan chức hải quân cấp cao của Mỹ, từng nói với các nhà lập pháp nước này rằng Trung Quốc hiện đủ mạnh để có thể “thâu tóm” vùng biển tranh chấp với nhiều nước, và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này.
Trung Quốc:
Mỹ ‘vừa ăn cướp vừa la làng’ ở Biển Đông
Hôm 31/5, Trung Quốc nói việc Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông là điều “nực cười” và cho rằng việc Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông là “vừa ăn cướp vừa la làng”, theo hãng tin Reuters.
Trung Quốc lên tiếng như vậy sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 29/5 nói rằng Washington sẽ đối đầu với các hành động của Trung Quốc trên các tuyến hàng hải trong vùng biển đang có tranh chấp.
Ông Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ phản đối điều Washington xem là hành động quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông.
Tại một cuộc họp báo hôm 31/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông lớn hơn cả sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và các nước khác trong vùng gộp chung lại.”
Bà Hoa Xuân Oánh cũng đặt nghi vấn rằng liệu các hoạt động “tự do hàng hải” của Hải quân Hoa Kỳ có thực sự là đảm bảo quyền lưu thông cho tàu thuyền đi qua lại trong khu vực này hay cố tình duy trì quyền bá chủ.
Bà nói thêm: “Điều này nghe có vẻ giống như một trường hợp “vừa ăn cắp vừa la làng” để che giấu những hành vi sai lầm của họ.
Điều này nghe có vẻ giống như một trường hợp ‘vừa ăn cắp vừa la làng’ để che giấu những hành vi sai lầm của họ.
Bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Phát biểu tại một cuộc họp báo khác hôm 31/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhậm Quốc Cường cho biết Bắc Kinh thấy rằng Washington gần đây đã “làm ngơ các sự thật và thổi phồng” vấn đề quân sự hóa trên Biển Đông.
Ông Nhậm nói thêm rằng không nước nào có quyền “đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm” về việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ của mình.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 31/5 cho biết rằng Bắc Kinh phải chuẩn bị phản ứng mạnh đối với bất kỳ sự can thiệp “cực đoan” nào của Hoa Kỳ tại Biển Đông.
Tờ báo của Trung Quốc nói: “Ngoài việc triển khai vũ khí phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc nên xây dựng một hệ thống đánh chặn hùng mạnh, bao gồm việc xây dựng một căn cứ không quân và một lực lượng hải quân chuyên tuần tra trên biển.”
Bộ trưởng Mattis dự kiến sẽ lên tiếng mạnh mẽ đối với phía Trung Quốc khi ông tham dự đối thoại quốc phòng Shangri-la ở Singapore bắt đầu ngày 1/6 này.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-my-vua-an-cuop-vua-la-lang-o-bien-dong/4417501.html
Đài Loan muốn tham dự diễn tập RIMPAC
Năm nay đánh dấu một cơ hội bằng vàng cho Đài Loan tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ lãnh đạo, đặc biệt sau khi Washington không mời Trung Quốc, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đài Loan nói. RIMPAC là một cuộc tập trận hải quân đa quốc dự trù diễn ra vào mùa hè này.
Trả lời những câu hỏi trong một buổi điều trần trước các nhà lập pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Yen De-fa nói Đài Loan luôn luôn tìm cách tham dự RIMPAC, cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới.
Năm nay quân đội Đài Loan đã chính thức yêu cầu Hoa Kỳ mời tham dự cuộc tập trận diễn ra hai năm một lần này.
Với việc binh sĩ Trung Quốc vắng mặt, ông Yen tin là năm nay Đài Loan có cơ may tốt hơn được mời tham dự, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của Hoa Kỳ, ông Yen nói thêm.
Theo như nhà lập pháp Tsai Shih-ying của Đảng Dân tiến, Hoa Kỳ trong vài năm qua muốn mời Đài Loan tham dự RIMPAC nhưng không thể làm được việc này vì Trung Quốc phản đối và Bắc Kinh dọa không tham dự nếu Đài Loan được mời.
Ngày 23/5, Washington loan báo không mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận RIMPAC năm nay vì Trung Quốc quân sự hóa các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông.
RIMPAC bắt đầu vào năm 1971 và được tổ chức hàng năm cho đến năm 1974, khi cuộc tập trận này bắt đầu diễn ra hai năm một lần vì phạm vi to lớn của cuộc tập trận. Các quốc gia sáng lập là Hoa Kỳ, Australia và Canada.
Có 26 quốc gia, hơn 40 chiến hạm và tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ tham dự RIMPAC 2016, nhiều quốc gia và binh sĩ hơn những năm trước, theo như thông tin của trang mạng chính thức của RIMPAC.
Ngày giờ chính xác của cuộc tập trận RIMPAC năm nay chưa được loan báo.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-muon-tham-du-dien-tap-rimpac/4416849.html
Lãnh đạo Việt – Nhật
kêu gọi ‘phi quân sự hóa Biển Đông’
Lãnh đạo Việt Nam và Nhật hôm 31/5 đồng ý tăng cường hợp tác về quốc phòng và an toàn hàng hải, cũng như cùng bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, theo AP.
Trong chuyến thăm “xứ sở mặt trời mọc”, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực như huấn luyện và cung cấp thiết bị quân sự.
AP dẫn một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, theo đó kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông và cảnh báo về bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng của vùng biển tranh chấp này.
Tin cho hay, Việt Nam “đặc biệt quan ngại” về nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Đông.
Nhật Bản hiện cũng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc nhưng là ở Biển Hoa Đông.
Hãng tin Kyodo nhận định rằng việc củng cố hợp tác với Việt Nam là bước đi quan trọng trong bối cảnh chính quyền của ông Abe đang thúc đẩy “chiến lược về một vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm chống lại ảnh hưởng về hàng hải của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Quang và Thủ tướng Abe cũng đồng ý tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và năng lượng.
Chủ tịch Việt Nam công du tới Nhật nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hôm 30/5, Nhật Hoàng Akihito đã chào đón ông Quang trong buổi yến tiệc có thể là cuối cùng trước khi ông thoái vị vào tháng Tư năm sau, theo Kyodo.
Mỹ: Tàu chiến Trung Quốc
hành xử ‘thiếu chuyên nghiệp’
Hải quân Hoa Kỳ xem hành động của tàu chiến Trung Quốc cảnh báo hai tàu của Hải quân Hoa Kỳ rời khỏi quần đảo Hoàng Sa cuối tuần qua là “an toàn nhưng không chuyên nghiệp”. Đánh giá này có nghĩa là hoạt động của tàu dù bất thường nhưng không đề ra nguy cơ va chạm, theo kênh CBS News.
Trung Quốc cho biết họ phái các tàu chiến đi xác minh và cảnh cáo 2 tàu hải quân Mỹ đang di chuyển gầnmột trong những hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Thông cáo trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Higgins và tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Antietam của Mỹ đã tiến vào vùng biển ở quần đảo Hoàng Sa “mà không có phép của chính phủ Trung Quốc”. Thông cáo cho biết quân đội Trung Quốc đã “ngay lập tức cử tàu chiến đi xác minh và kiểm tra các tàu của Mỹ theo luật, và cảnh báo họ phải rời đi”.
Sau khi chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo và đặt tên là “Tây Sa”. Quần đảo này đã được nhập vào tỉnh Hải Nam và đang được phát triển về du lịch, cũng như được trang bị hệ thống vũ khí để củng cố cho yêu sách chủ quyền của Bắc kinh đối với hầu hết Biển Đông.
Trước đây trong tháng, Trung Quốc đã đáp oanh tạc cơ có khả năng mang vũ khí hạt nhân lên căn cứ chính của nước này tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Quân đội Mỹ không bình luận chi tiết về hoạt động “tự do hàng hải” nhằm khẳng định quyền di chuyển và vận hành của hải quân Hoa Kỳ trong bất kỳ khu vực nào được coi là hợp pháp theo luật quốc tế.
Biển Đông: Bắc Kinh tìm cách ngăn chận
công kích tại Diễn đàn Shangri-La
Bị lên án xây dựng tiền đồn, quân sự hóa Biển Đông, phái đoàn Trung Quốc tham dự Diễn đàn An ninh thường niên khu vực tại Singapore trong ba ngày cuối tuần, kể từ ngày 01/06/2018, sẽ cố gắng tác động lên chương trình thảo luận, hóa giải mọi chỉ trích. Diễn đàn Shangri-La năm nay đặc biệt tập trung vào Biển Đông và Bắc Triều Tiên.
Năm nay, Diễn đàn Đối thoại Sangri-La có thể sẽ biến thành một cuộc « trao đổi hàn lâm », thay vì là cơ hội thảo luận về chính sách an ninh khu vực trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 31/05/2018, Bắc Kinh tìm cách tác động lên thể thức thảo luận, hầu hóa giải những tiếng nói phản đối chính sách xâm lấn Biển Đông. Chiến thuật của Trung Quốc năm nay là không cử một chiến lược gia quân sự làm trưởng đoàn, thay vào đó là tướng Hà Lôi (He Lei), phó chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Quân Sự.
Một sĩ quan khác của Trung Quốc sẽ nhấn mạnh đến mối hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trước khi thủ tướng Ấn Độ Modi trình bày về nguy cơ xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Diễn đàn An ninh châu Á – do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược (IISS) tổ chức hàng năm – được sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và giới chức khác từ 50 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc và các quốc gia Đông Nam Á. Chương trình nghị sự năm nay đặc biệt tập trung vào Biển Đông và Bắc Triều Tiên. Trong bài diễn văn đọc tại Singapore vào thứ Bảy 02/06, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ sẽ nhấn mạnh đến thái độ của hải quân Trung Quốc, đe dọa an ninh khu vực « Ấn Độ- Thái Bình Dương », là mối thách thức của hải quân Mỹ-Ấn.
Chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông cũng làm cho tổng thống Philippines Rodrrigo Duterte, có tiếng thân Bắc Kinh, cũng phải cảnh báo : nếu Trung Quốc làm cho một người lính Philippines đổ máu trong vùng biển tranh chấp, thì Manila có thể sẽ tuyên chiến.