Tin Biển Đông – 22/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hành động bành trướng của TQ ở Biển Đông

Căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp tục thầm lặng gia tăng trong những nâm gần đây khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động xây dựng và cải tạo đảo, đá nhằm tạo đà để Bắc Kinh xây dựng cái gọi là chuỗi các căn cứ quân sự hiện đại, được bố trí với các đường băng, thiết bị quân sự điện tử và tên lửa phòng không với chống hạm tầm xa.

Các bộ trưởng quốc phòng Australia, Mỹ, Nhật Bản đã ra tuyên bố chung thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với việc sử dụng vũ lực, hoặc cưỡng ép cũng như đơn phương thay đổi hiện trạng, và sử dụng các thực thể đang tranh chấp vào các mục đích quân sự ở Biển Đông. Gần đây nhất, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jame Mattis đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng quân sự “nhằm đe dọa và cưỡng ép”, đồng thời cảnh báo sẽ có những hậu quả nếu hành động này còn tiếp diễn.

Việc lựa chọn sử dụng ngôn từ đặc biệt này, nhất là dùng từ “cưỡng ép” để miêu tả những hành động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Cụm từ “ý định cưỡng ép” là một trong những tiêu chí mà theo đó những hành động của một quốc gia có thể coi là vi phạm luật cấm sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế, như đã nêu trong điều 2(4) của Hiến chương Liên hiệp quốc.

Mặc dù Bắc Kinh cam đoan “không sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nhưng các hoạt động cải tạo đất đá, không ngừng củng cố lực lượng quân sự trên các đảo đá đang tranh chấp,  tất yếu tạo ra “sự việc đã rồi” trên thực địa và ép buộc các bên đang tranh chấp phải chấp nhận thực trạng mới này.

Người ta cho rằng điều này tạo nên sự bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua sử dụng vũ lực trái với luật lệ quốc tế.

Ngay cả sau khi Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông sau phán quyết 12/7/2016, Bắc Kinh vẫn tiếp tục từng bước  mở rộng các hoạt động xây dựng. Trung Quốc sử dụng vũ lực ở các khu vực tranh chấp là nhằm “chứng tỏ lập trường cứng rắn đối với vấn đề lãnh thổ và ngăn chặn phản đối trong các vụ tranh chấp khác”.

Theo đó nếu việc Trung Quốc chiếm đóng và đơn phương triển khai các lực lượng vũ trang đến quần đảo Trường Sa đủ cấu thành một hành động sử dụng vũ lực đối với các nước có cùng tranh chấp. điều này cấu thành sự vi phạm nguyên tắc nghĩa vụ phổ quát, khi đó, các nước thứ ba, ngay cả khi không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự vi phạm này, có thể yêu cầu Trung Quốc tuân thủ trách nhiệm quốc tế của nước này. Khi xảy ra hành động vi phạm như vậy, có nghĩa là các nước khác, trừ các bên có cùng tranh chấp ở Biển Đông (gồm Việt Nam, Philipine, Malaysia, và khu vực Đài Loan), cũng có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. tuy nhiên liệu có quốc gia nào sẵn sàng sử dụng các biện pháp đáp trả như thế hay không lại là điều cần chờ xem.

http://biendong.net/dam-luan/24273-hanh-dong-banh-truong-cua-tq-o-bien-dong.html

 

Bộ trưởng QP Mỹ:

Không chấp nhận TQ quân sự hóa Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis một lần nữa tái khẳng định quan điểm của Washington về Biển Đông.

Phát biểu sau cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc tại Singapore ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói:

“Nếu tất cả chúng ta (bao gồm các đồng minh và đối tác trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cùng nhau chung tay thì chắc chắn không có quốc gia đơn lẻ nào có thể viết lại các quy định quốc tế và chắc chắn tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều phải tôn trọng các quy định này”.

Ông Mattis cũng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục đưa máy bay, tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và nếu lợi ích quốc gia đòi hỏi.

Tiếp đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc một lần nữa tuyên bố Mỹ “không thể chấp nhận các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông hay bất cứ hành vi cưỡng ép nào khác của nước này trong khu vực”.

Lâu nay, giới chức Mỹ không ít lần bày tỏ thất vọng với Trung Quốc vì những động thái ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ( thuộc chủ quyền của Việt Nam- PV).

Hành động đó của Trung Quốc không chỉ đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông mà còn hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.

Hải quân Mỹ thường xuyên triển khai tàu thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực đồng thời Không lực Mỹ không ít lần đưa oanh tạc cơ bay qua Biển Đông.

Phía Trung Quốc chưa có bình luận trước các tuyên bố mới nhất của ông James Mattis.

http://biendong.net/diem-tin/24302-bo-truong-qp-my-khong-chap-nhan-tq-quan-su-hoa-bien-dong.html

 

Philippines – TQ khẳng định

‘tự do điều hướng’ ở Biển Đông

Chính phủ Bắc Kinh và Manila đã công bố đổi mới cam kết về nguyên tắc tự do hàng hải tại Biển Đông và hợp tác thăm dò dầu khí chung trong khu vực tranh chấp.

Cuộc gặp lần thứ hai giữa các nhà ngoại giao Philippines và Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh hôm thứ Năm (18/10) trong “cơ chế tham vấn song phương” và cả hai đều đồng ý quản lý đúng đắn các tranh chấp trong vùng biển giàu khoáng sản, theo Eurasia Review.

Tuy thông tin chi tiết về sự phát triển chung không được công bố, nhưng trước đó Philippines nói rằng họ đang có thỏa thuận tỷ lệ chia 60 – 40% với Trung Quốc. Philippines cũng gợi ý về khu vực thăm dò có thể nằm trong vùng lân cận của Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) mà Manila gọi là Bãi Recto (Recto Bank).

Khu vực này nằm trong khu kinh tế độc quyền của Manila, nơi được cho là nằm trên đỉnh các mỏ dầu thiên nhiên.

Cả hai bên đã có một cuộc trao đổi “hiệu quả” và “tái khẳng định” cam kết các nguyên tắc quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua vùng trời phía trên Biển Đông.

Theo Cơ quan Thông tấn Philippines, thỏa thuận này được đưa ra khi gần đây tàu khu trục Trung Quốc và Mỹ có cuộc chạm trán gần một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, khi Hoa Kỳ tiến hành tự do hàng hải trong khu vực.

Thỏa thuận này của Tổng thống Rodrigo Duterte là để xoa dịu Trung Quốc do phán quyết năm 2016 về việc Tòa án Trọng tài thường trực ở Hague ủng hộ Manila.

Trước đây, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đưa Trung Quốc ra tòa sau khi các tàu của họ lấn chiếm eo biển Scarborough, gần với đảo Luzon chính của Philippines nhưng Trung Quốc viện dẫn các quyền lịch sử và từ chối tuân thủ phán quyết này.

Thay vào đó, Bắc Kinh đã tiếp tục xây dựng đảo trong khu vực, và trang bị các nhà máy điện hạt nhân. Trước đó, Philippines phủ nhận báo cáo rằng Trung Quốc đã mang điện hạt nhân đến các vùng biển tranh chấp.

Bên lề cuộc họp cấp cao ASEAN tại Singapore hôm thứ Sáu (19/10), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gặp ông Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.

Ông Mattis tuyên bố “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tự do hoạt động hàng hải bất chấp việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và trang bị khí tài quân sự ở những nơi đó”.

“Hoa Kỳ sẽ đưa máy bay, lái tàu biển, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tự tin thực hiện quyền này”, ông Mattis cho biết tại cuộc họp ASEAN

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24282-philippines-tq-khang-dinh-tu-do-dieu-huong-o-bien-dong.html

 

Hải Quân Anh

tiếp tục điều chiến hạm đến Biển Đông

Trọng Nghĩa

Trả lời phỏng vấn nhật báo Anh Financial Times hôm nay, 22/10/2018, lãnh đạo Hải Quân Anh cho biết là Anh Quốc sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp những lời chỉ trích gần đây của Bắc Kinh cho rằng Luân Đôn đã có hành vi khiêu khích.

Phát biểu với tờ báo có uy tín của Anh Quốc, đô đốc Philip Jones, tư lệnh Hải Quân Hoàng Gia Anh, giải thích : « Nếu ai đó có một cách giải thích khác về các công ước (về luật biển) vốn được đa số các quốc gia công nhận, thì điều đó phải bị kháng lại ». Đối với tư lệnh Hải Quân Anh, nếu không chống lại thì « sẽ thấy ngay là trên thế giới sẽ có những nước bắt đầu đưa lời giải thích của riêng mình. »

Tháng Chín vừa qua, Bắc Kinh đã tố cáo nước Anh vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, khi một trong những tàu đổ bộ tấn công của Hải Quân Hoàng Gia Anh, HMS Albion, di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp, một khu vực mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Khi được hỏi liệu ông có tiếp tục phái chiến hạm Anh đi qua vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông hay không, Sir Philip Jones nói rõ thêm: « Tôi hy vọng là tôi sẽ làm nhiều hơn khi chúng tôi cho các chiếc tàu mà chúng tôi có ở đó đi qua khu vực ».

Lãnh đạo Hải Quân Anh tái khẳng định quyết tâm bảo về quyền tự do hàng hải trên Biển Đông vào lúc Hải Quân nước này đang chuẩn bị cho chiếc tàu lớn nhất và đắt nhất của Anh hoạt động tại những vùng biển ít tranh chấp hơn. Đó là hàng không mẫu hạm mới của Anh, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, trị giá 3,1 tỷ bảng Anh.

Kể từ đầu tháng 10, con tàu đã tiến hành các thử nghiệm trên biển và thử nghiệm hạ cánh với hai chiến đấu cơ F-35B ngoài khơi phía đông của Hoa Kỳ, để chuẩn bị cho việc chính thức hoạt động vào năm 2021.

Hôm thứ Sáu 19/10 vừa qua, chiếc tàu sân bay Anh đã ghé cảng New York, và thả neo gần tượng Nữ Thần Tự Do, trong một động thái được cho là nhằm báo hiệu sự đổi mới của nước Anh trong tư cách một cường quốc Hải Quân.

Tuy nhiên, vấn đề được báo Financial Times ghi nhận là Hải Quân Anh đang phải chịu nhiều áp lực lớn, vừa phải đối mặt với quyết định dấn thân ngày càng nhiều vào vùng Viễn Đông – bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson đã ra lệnh cho ba chiến hạm đi đến vùng châu Á Thái Bình Dương trong năm nay – vừa phải canh chừng hoạt động của Hải Quân Nga gần nước Anh.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181022-hai-quan-anh-cam-doan-cu-chien-ham-den-bien-dong-ung-ho-tu-do-hang-hai