Tin Biển Đông – 20/02/2018
Trung Quốc dùng chính sách “ngoại giao chủ nợ”
để tăng cường sức mạnh trên biển
Hãng tin Reuters ngày 20/02/2018 dẫn nguồn tin từ báo chí Hoa lục cho biết chỉ riêng trong tháng này, đã có đến 11 chiến hạm Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương, vào lúc cuộc khủng hoảng ở quần đảo Maldives đang gay gắt.
Theo trang web sina.com.cn, một đội khu trục hạm, một tàu đổ bộ 30.000 tấn và ba tàu dầu đã đi xuyên qua Ấn Độ Dương. Trang tin này khoe khoang : « Nếu nhìn vào các chiến hạm và những trang thiết bị khác, khoảng cách giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc chẳng là bao ».
Trang Nikkei ngày 20/02 cho biết thêm, tại Maldives, Bắc Kinh đã biến một đảo hoang thành căn cứ hải quân, bằng cách cắt ngang các rạn san hô xung quanh, tạo thành đường cho các tàu chiến đi qua. Trung Quốc cũng có thể xây các đảo nhân tạo tại đây và quân sự hóa, như đã làm tại Biển Đông.
Cũng nằm trong tính toán chiến lược của Bắc Kinh, ba tàu chiến Trung Quốc đã thăm Maldives cách đây sáu tháng, đậu ở cảng Male, Girifushi và huấn luyện cho quân đội nước này. Việc tăng cường sự hiện diện của hải quân tại Ấn Độ Dương có thể là một thông điệp cho New Delhi, nhằm ngăn chận một sự can thiệp quân sự vào Maldives.
Về kinh tế, sự tranh giành ảnh hưởng tại Maldives giữa Ấn Độ và Trung Quốc càng thêm đậm nét, sau khi tổng thống Abdulla Yameen ký kết tham gia dự án « Một vành đai, một con đường » của Bắc Kinh.
Tổng thống đương nhiệm Yameen đã tạo điều kiện cho Trung Quốc mua lại các hòn đảo của nước mình qua việc sửa đổi Hiến Pháp năm 2015, nhằm hợp pháp hóa việc nước ngoài sở hữu đất đai tại Maldives. Hiến Pháp tu chính dường như chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc : các dự án xây dựng phải có giá trị tối thiểu 1 tỉ đô la. Khi trao cho Bắc Kinh các hợp đồng tài trợ cơ sở hạ tầng, ông Yameen đã buộc đất nước phải gánh thêm một núi nợ nần.
Trong khi đó ông Mohamed Nasheed, tổng thống đầu tiên và duy nhất được bầu lên một cách dân chủ, khẳng định Maldives không thể hoàn trả nổi số nợ 1,5 đến 2 tỉ đô la cho Trung Quốc, tương đương 80% tổng nợ quốc gia. Ông than thở : « Trung Quốc không cần bắn một phát súng nào mà vẫn chiếm được nhiều đất đai tại Maldives hơn người Anh trong thế kỷ 19 ».
Trong số những hòn đảo không người ở mà Trung Quốc thuê lâu dài tại Maldives có Feydhoo Finolhu, nằm gần thủ đô Male, trước đây dùng làm nơi huấn luyện lực lượng cảnh sát ; đảo Kalhufahalufushi có chiều dài 7 km có nhiều rạn san hô tuyệt đẹp. Trung Quốc chỉ phải trả 4 triệu đô la cho đảo Feydhoo Finolhu, bằng cái giá một căn hộ sang trọng ở Hồng Kông, đảo Kalhufahalufushi thậm chí còn rẻ hơn.
Trung Quốc, nước duy nhất ủng hộ tổng thống độc tài Yameen của Maldives từ khi ông này lên nắm quyền năm 2013, khẳng định việc thuê mua dài hạn các hòn đảo của nước này chỉ nhằm mục đích thuần túy thương mại. Tuy nhiên các dự án cảng khác của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương, được cho là đơn thuần kinh tế, nay đã mang tầm vóc quân sự.
Chẳng hạn sau khi cho Djibouti vay nhiều tỉ đô la, năm 2017 Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, tại quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Tại Pakistan, Bắc Kinh huy động tàu chiến để bảo vệ cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng, và chuẩn bị lập một căn cứ quân sự gần đó.
Nikkei nhận định, mỗi món vay đều nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà tờ báo gọi là « ngoại giao chủ nợ ». Chính sách ngoại giao này đã gặt hái được thành công lớn vào tháng 12/2017, khi Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm với giá 1,12 tỉ đô la. Trước đó, sau khi mua lại phần lớn cảng container Colombo, các tàu ngầm Trung Quốc đã lặng lẽ vào trú đóng tại đây. Ở Miến Điện, cảng nước sâu Kyauk Pyu do Bắc Kinh tài trợ, cũng có thể được dùng vào mục đích quân sự.
Nhìn chung, không chỉ có Maldives, mà nhiều nước láng giềng của Ấn Độ và Trung Quốc như Bangladesh, Miến Điện, Nepal, Pakistan, Sri Lanka đều lọt bẫy nợ của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.
Ông John Adams (1797-1801), vị tổng thống thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ từng nói : « Có hai cách để chinh phục và nô dịch một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh gươm, và cách thứ nhì là nợ nần ». Theo Nikkei, Trung Quốc đã chọn phương cách thứ hai. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có lần gọi Trung Quốc là « đế quốc mới », sử dụng các chính sách giống như thời kỳ châu Âu đi chiếm thuộc địa.
Mao Trạch Đông từng khẳng định « chính quyền trên đầu nòng súng ». Nhưng cũng theoNikkei, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường quốc đầu tiên trong lịch sử đương đại không hề có đồng minh thực sự, có thể thêm vào đó một nguyên tắc khác : mua tình hữu nghị bằng cách mở rộng hầu bao. Trung Quốc đang lôi kéo nhiều quốc gia vào vòng ảnh hưởng của mình, bằng cách nhấn chìm họ trong nợ nần.
Biển Đông Hung Hiểm…
Trần Khải
Vô cùng hung hiểm… Một Đô Đốc Hải Quân Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo về khả thể bùng nổ chiến tranh Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc.
Báo IB Times ghi rằng Tân đại sứ Hoa Kỳ tại Úc châu do Tổng Thống Trump chọn là Đô đốc Harry Harris Jr. nói trước Quốc hội Mỹ rằng TQ có ý định minh bạch là khống chế Biển Đông và xây các căn cứ quân sự có khả năng đe dọa quân sự Hoa Kỳ.
Đô đốc Harris Jr., 62 tuổi, đã phục vụ Hải quân trong 39 năm, cảnh báo trước Quốc Hội Mỹ rằng khả năng quân sự TQ đang tăng tốc quan ngại, và nếu Mỹ không tăng cường vũ trang thì Quân Lực Hoa Kỳ Vùng Thái Bình Dương sẽ vất vả gian nan khi chạm trán với Hải quân TQ.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng suy tính chiến lược mới: Mỹ, Ấn, Nhật, Australia bàn kế hoạch hạ tầng bao vây TQ.
Để đối đầu kế hoạch đầy tham vọng gọi là “Một Đai, Một Đường” của Trung Cộng, Hoa Kỳ, Ấn Độ đang cùng Nhật và Austrlia bàn tính 1 kế hoạch cạnh tranh mà Washington gọi là “phương án thay thế” – báo the Australian Financial Review phát hành ngày Thứ Hai dẫn nguồn tin từ chính quyền Canberra cho hay Thủ Tướng Turnbull và TT Trump định họp tuần này tại thủ đô Washington.
Nhưng, kế hoạch chưa sẵn sàng để chính thức công bố. Trung Cộng đang tài trợ hay hợp tác trong các đề án cảng, xe điện cao tốc và đường bộ tại trên 60 quốc gia trong chương trình “Một Đai, Một Đường”.
Viên chức ẩn danh phát biểu “Không ai nói Trung Cộng không nên xây dựng hạ tầng cơ sở – họ có thể tự kiến thiết thương cảng có giá trị kinh tế, chúng ta có thể làm đường nối liền với cảng ấy”.
Nhưng, với Hoa Kỳ thì “Một Đai, Một Đường” là mưu đồ bá quyền của tương lai.
Mới đây, không lâu sau hội nghị “Quadrilateral Security Dialogue – QSD” họp tại Manila bên lề hội nghị ASEAN Tháng 11-2017, và hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Bộ Tứ đã thoả thuận phục hồi “đối thoại Tay Tư” phát sinh từ thập niên 1990.
Beijing đã lên tiếng phản đối, vì tin rằng mục tiêu của QSD là kềm hãm khả năng mở rộng thế lực của họ.
Thủ Tướng Turnbull định đến Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư tuần này trong 1 chuyến đi 3 ngày với 1 phái đoàn kinh doanh đầu tư – cuộc gặp gỡ TT Hoa Kỳ vào dịp này là lần thứ 4 giữa 2 nhà lãnh đạo hành pháp. Thủ Tướng Australia là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng TT Trump thắng cử.
Trong khi đó, bản tin RFI cho biết tàu chiến Anh quóác sẽ liên minh với nhiều siêu cường trên biển Thái Bình Dương: HMS Sutherland, khu trục hạm diệt tàu ngầm của hải quân Hoàng gia Anh sẽ tham gia tuần tra với các đồng minh trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nói cách khác, cựu siêu cường hàng hải của thế kỷ 19 sẽ góp phần vào chiến lược của Mỹ, Úc, Nhật, Ấn ngăn chận ý đồ thống trị Biển Đông của Trung Quốc. Nói dễ nhưng làm phải thận trọng, theo như nhận định của một nhà phân tích trên Asia Times.
Sự kiện khu trục hạm HMS Sutherland được đưa vào vùng Tây Thái Bình Dương là một trong những nỗ lực của Anh Quốc nhằm củng cố vai trò của một cường quốc và đánh tan những lập luận cho rằng thế lực đang yếu dần. Theo tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williams tại Úc hồi tuần trước, hải quân Anh sẽ yểm trợ cho chiến dịch «Tự do hàng hải» tại Biển Đông, con đường huyết mạch của thương mại quốc tế, một nỗ lực của Mỹ hầu ngăn chận Trung Quốc biến thành ao nhà.
Tuy đang vất vả tìm ngân sách để trang bị hàng không mẫu hạm mới nhưng chính phủ Anh Quốc không thiếu lý do chính đáng để tung lực lượng đến tận châu Á.
RFI nhắc rằng Liên Hiệp Anh là thành viên của Hội Đồng Bảo An. Thứ hai, trong số 18 quốc gia trong Khối Thịnh Vượng Chung, đại đa số lại nằm ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Lý do thứ ba là Anh Quốc bị ràng buộc với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Canada trong một hiệp ước hợp tác tình báo. Và thứ tư là Anh Quốc có một thỏa thuận quốc phòng chung với Úc, New Zealand, và hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Singapore. Luân Đôn có trách nhiệm bảo vệ đồng minh trước tham vọng của Trung Quốc lấy Biển Đông làm ao nhà. Do vậy, tuần tra «bảo vệ tự do hàng hải» là biện pháp tốt nhất để bảo vệ «nguyên tắc giao thương quốc tế».
Bản tin khác của RFI ghi nhâän tình hình TQ bao vây VN: Trong khuôn khổ «Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện», Trung Quốc và Cam Bốt sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự «Rồng Vàng» lần thứ hai vào tháng 03/2018. Trong khi đó, Cam Bốt đã hủy bỏ cuộc tập trận «Angkor Sentinel» hàng năm với Hoa Kỳ, và nêu lý do là cần huy động quân đội để bảo đảm sự ổn định trong việc tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2017 và 2018.
Ngày 08/02/2018, giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, nhận định trên RFI Tiếng Việt, trích:
“…Việt Nam có một lực lượng bộ binh hùng hậu được trang bị tốt. Từ năm 2015, Việt Nam đã ưu tiên hiện đại hóa lực lượng bộ binh. Cũng trong tiến trình hiện đại hóa quân đội, Việt Nam sẽ mua 64 xe tăng chiến đấu T-90 của Nga. Cần nhớ rằng viện trợ quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả cố vấn, cho Khmer Đỏ đã không ngăn cản được Việt Nam xâm lược Cam Bốt vào cuối năm 1978.
Quân đội Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ tương đối ổn định. Trong bốn năm qua, hai bên đã lần lượt thay nhau tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, bao gồm cả các cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng Quốc Phòng. Các sĩ quan Việt Nam theo học ở các trường chính trị tại Trung Quốc và giữa hai nước có chương trình trao đổi đào tạo thường xuyên ở cấp hạ sĩ quan.
Việt Nam không mua vũ khí của Trung Quốc. Nga là nhà cung cấp chính. Cả Trung Quốc và Nga sẽ phải quyết định nên phản ứng thế nào nếu xẩy ra đụng độ giữa Cam Bốt và Thái Lan, giữa Trung Quốc và Việt Nam….”
Trong khi đó, bản tin VOA ghi nhận tình hình từ Manila: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 19/2 tìm cách giảm bớt sự lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời bông đùa muốn trao Philippines cho Bắc Kinh để thành một tỉnh của Trung Quốc.
Phát biểu trước các doanh nhân Trung Quốc và Philippines, theo Reuters, ông Duterte cho rằng Bắc Kinh làm vậy để chống Mỹ thay vì đương đầu với các quốc gia láng giềng.
Bản tin VOA viết, trích:
“…Về những lời chỉ trích về việc không hành động đủ mạnh trước Trung Quốc ở Biển Đông, nhà lãnh đạo này từng nói rằng ông “sẽ không để người Philippines chết một cách không cần thiết”.
“Tôi sẽ không tham gia cuộc chiến mà mình sẽ không bao giờ chiến thắng”, ông Duterte nói.
Theo Reuters, trước khi kết thúc bài phát biểu hôm 19/2, ông Duterte bông đùa, đề nghị trao và biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc.
“Nếu quý vị muốn, quý vị có thể biến chúng tôi trở thành một tỉnh như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines, nước Cộng hòa Trung Hoa”, ông Duterte đùa…” (hết trích)
Đùa, nhưng có khi là nửa đùa nửa thật. Chính phủ Trung Quôác đang lắng nghe…
https://vietbao.com/p123a277776/bien-dong-hung-hiem-
TT Philippines :
Căn cứ Trung Quốc ở Biển Đông chỉ để chống Mỹ
Trước các thông tin dồn dập về việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngần ngại khẳng định rằng các tiền đồn mà Bắc Kinh đang rốt ráo xây dựng ở Trường Sa chỉ nhằm chống Mỹ mà thôi.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp Philippines-Trung Quốc tổ chức ở Manila, ngày 19/02/2018, với sự tham dự của ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, tổng thống Duterte đã giảm nhẹ hẳn mức độ nghiêm trọng của các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thậm chí, ông còn cho rằng các căn cứ quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Biển Đông chỉ có mục tiêu phòng thủ trước nước Mỹ, chứ không phải nhằm đối phó với Philippines và các láng giềng Đông Nam Á.
Ông Duterte đồng thời phản bác những lời chỉ trích ông là “hèn nhát” trước Trung Quốc khi cho rằng ông sẽ không hy sinh mạng sống của người Philippines một cách vô ích, và “sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chiến mà Philippines không thể thắng”.
Hãng tin Anh nhận định : Philippines và Trung Quốc từng căng thẳng với nhau trong nhiều năm trời vì các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời ông Duterte, quan hệ hai bên đã cải thiện hẳn lên, với việc lãnh đạo Philippines ra sức chiêu dụ Bắc Kinh để tranh thủ các lợi ích thương mại và kinh tế.
Lập luận cho rằng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông chỉ để chống Mỹ cũng được đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta. Romana, khai triển thêm cũng tại diễn đàn ở Manila, với nhận định cho rằng tương quan lực lượng Mỹ-Trung tại châu Á đang dịch chuyển, và cụ thể là ở Biển Đông : “Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chống lại thế thống trị của hạm đội 7 Hoa Kỳ”.
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho rằng “Biển Đông chưa phải là ao nhà của Trung Quốc” vì tàu sân bay Mỹ chẳng hạn vẫn đi ngang qua đó, ý muốn nói đến chiếc USS Carl Vinson vừa ghé cảng Manila. Thế nhưng theo ông, rủi ro xẩy ra xung đột võ trang trong vùng đang gia tăng do thế đối đầu Mỹ-Trung hiện nay.
Ông đã dùng đến hình tượng hai con voi đấu nhau làm cỏ dưới đất bị đạp nát để cho rằng “Có ai muốn làm bãi cỏ đâu”.
Theo hãng tin Mỹ AP, đại sứ Romana đã ca ngợi lợi ích của chính sách xích lại gần Bắc Kinh của Manila, nêu lên ví dụ về việc Trung Quốc đã không còn phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thoomas Shoal) ở Trường Sa, bên trên có một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines thường trú, hay đã cho phép ngư dân Philippines đến đánh bắt tại bãi Scarborough Shoal mà Trung Quốc đã lấn chiếm vào năm 2012 sau khi xua đuổi tàu thuyền của Philippines.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180220-tt-philippines-can-cu-trung-quoc-o-bien-dong-chi-de-chong-my
Trung Quốc đưa chiến hạm vào Ấn Độ Dương
giữa khủng hoảng chính trị ở Maldives
Cổng thông tin của chính phủ Trung Quốc cho biết 11 tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển vào Ấn Độ Dương trong tháng này, giữa lúc đang xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Cổng thông tin Sina.com.cn nói một hạm đội tàu khu trục và ít nhất một tàu khu trục cỡ nhỏ, một tàu đổ bộ với trọng tải 30.000 tấn và ba tàu chở dầu tiếp liệu tiến vào Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, cổng thông tin này không đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Maldives hoặc đưa ra một lý do nào cả.
“Nếu quý vị quan sát các tàu chiến và các thiết bị khác, quý vị sẽ không thấy khác biệt lắm giữa hải quân Ấn Độ và hải quân Trung Quốc,” cổng thông tin Sina.com.cn cho biết hôm Chủ nhật 18/2.
Tuy nhiên, cổng thông tin Trung Quốc không nói rõ đội tàu đã được triển khai vào thời gian nào hoặc sẽ kéo dài trong bao lâu.
Việc Trung Quốc và Ấn Độ tranh giành ảnh hưởng tại Maldives càng thêm rõ nét kể từ khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen ký kết Dự án Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng để xây dựng các tuyến đường thương mại và vận tải xuyên Á.