Tin Biển Đông – 03/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 03/01/2018

Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ

Nhà nghiên cứu người Anh, ông Bill Hayton nói về giải pháp Biển Đông và rằng có những người ở Đông Nam Á ‘làm giàu’ nhờ dự án Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc.

Trả lời Quốc Phương của BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Oxford hồi hạ tuần tháng 10/2017, ông cũng nói hiện tình hình vùng biển này ‘tạm yên’ nhưng chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm’ tiềm ẩn bất ổn.

Bill Hayton: VN đang ‘thân cô, thế cô’

Khi ngoại giao TQ ‘thắng’ cả luật quốc tế

Biển Đông: Philippines không bỏ phán quyết PCA

Cấm đánh cá ở Biển Đông ‘không nhằm chống VN’?

BBC: Theo ông, đâu là cách tiếp cận khả thi nhất cho tranh luận và xung đột về Biển Đông hiện tại?

Bill Hayton: Theo những gì tôi nghe được hôm nay trong hội thảo thì các nước Đông Nam Á buộc phải tiếp tục các thảo luận về vấn đề như hàng hải, ngư nghiệp và an toàn biển Đông mà không có Trung Quốc. Vì khả năng Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề này là rất thấp. Trung Quốc muốn kiểm soát hoàn toàn các vấn đề này. Tôi nghĩ đây là thời gian thích hợp để chính phủ Việt Nam, Malaysia, Philipinnes, Brunei và Indonesia hợp tác và cùng nhau phát triển các kế hoạch về bảo tồn [môi trường], an toàn và các vấn đề tương tự mà không cần có sự tham gia của Trung Quốc. Vì Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường của mình và sẽ cản trở những nỗ lực cần thiết diễn ra lúc này để bảo tồn môi trường và bảo tồn tài nguyên biển.

BBC:Trung Quốc hiện tại không chỉ can thiệp vào vấn đề Biển Đông mà còn rất tham vọng với Sáng kiến Một vành đai, Một con đường và xây dựng rất nhiều dự án ở khu vực này. Có ý kiến cho rằng rất khó để có thể ngăn được tham vọng của Trung Quốc. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Bill Hayton: Tôi không nghĩ có quốc gia nào muốn ngăn cản Trung Quốc trong vấn đề phát triển kinh tế dù có những lợi ích trong việc duy trì tình trạng nghèo. Tôi nghĩ Trung Quốc giàu có về tiền, nguồn lực, kĩ năng và kĩ thuật mà các nước Đông Nam Á đều cần như tu sửa hệ thống cầu đường, đường tàu hỏa, vấn đề về năng lượng và các vấn đề tương tự.

Vì sao Ấn Độ phản đối ‘Vành đai, Con đường’?

TQ ‘sắp xây xong các đảo nhân tạo’

Việt Nam cũng đang ‘xây cất ở Biển Đông’

Đồng thời theo tôi, dưới góc nhìn của các nước Đông Nam Á, khi Trung Quốc tham gia các vấn đề khu vực đều không có ý tốt hay trung lập mà đều, dù vô tình hay cố ý, muốn thống trị cả khu vực. Và mặc dù Trung Quốc luôn phản đối về cáo buộc này, tôi nghĩ có ba cách để mô tả thái độ của các nước Đông Nam Á về chính sách con đường và vành đai của Trung Quốc: 1/ Nhu cầu: các nước này đều cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; 2/ Lòng tham: có thành phần muốn làm giàu từ những đầu tư xây dựng này; 3/ Có cả nỗi sợ và lo lắng rằng khu vực sẽ bị thống trị bởi một Trung Quốc ngày càng bành trướng.

Pháp có nhiều lý do để quan tâm Biển Đông

Bình luận quan điểm học giả Trung Quốc và Philippines

GS Nguyễn Mạnh Hùng: viễn kiến về cục diện an ninh Biển Đông

Phản biện quan điểm của Bill Hayton về đánh giá tình hình Biển Đông

BBC: Trong phiên thảo luận về vấn đề biển Đông giữa các chuyên gia, Anh Quốc quan tâm nhất đề gì và tại sao?Liệu ông có dự đoán gì về vấn đề tranh chấp biển Đông, liên quan các cường quốctrong khu vực, cũng như các nước Mỹ và Nhật?

Bill Hayton: Tôi nghĩ vấn đề ưu tiên nhất với Anh là hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế, không cản trở tình hình phát triển và tạo ra làn sóng nhập cư và người tị nạn hay vấn đề tương tự. Thông thương hàng hải trên Biển Đông, một trong những ưu tiên của Anh là mấu chốt giải thích vì sao Anh quan tâm đến sự ổn định và hòa bình ở khu vực này. Nhưng mọi người quên rằng Anh vẫn còn ba đối tác là thành viên của Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) ở khu vực châu Á, và Anh Quốc cũng quan tâm đến các vấn đề an ninh ở Nhật, ở Hàn Quốc, và các đối tác khác trong khu vực. Đây là một mối quan tâm chung kết hợp giữa mong muốn duy trì hòa bình trên thế giới để có thể thông thương, đầu tư, bảo tồn và an toàn cho nhân loại.

Tôi mới trở về từ Đông Nam Á, tôi đã thăm ba nước. Và ở mỗi nước tôi đến đều có chịu sức ép từ Trung Quốc về vấn đề khai thác dầu ở biển Đông và Trung Quốc đều muốn kiểm soát vấn đề này bất chấp quan điểm của các nước sở tại. Mặc dù mọi việc có vẻ chỉ ở bề nổi, nhưng có vẻ Trung Quốc đang dùng tình trạng yên bình này để gây sức ép buộc các nước phải hợp tác, đặc biệt các nước nằm trong khu vực kinh tế của chính sách Con đường và vành đai. Hiện tại các nước vẫn kiên trì chống lại áp lực từ Trung Quốc, nhưng theo tôi, tình hình tuy có vẻ yên bình ở bề nổi và chưa có bạo lực xảy ra, nhưng chắc chắn ở phần chìm của tảng băng thì không hề yên tĩnh như vậy.

Ông Bill Hayton là nhà báo tại BBC, London, cựu phóng viên thường trú của BBC ở Hà Nội và tác giả các cuốn sách về truyền thông Việt Nam, Biển Đông và chính trị Đông Nam Á. Ông tham dự hội thảo ‘New Approaches to the South China Sea Conflicts’ với tư cách học giả, thành viên Viện Nghiên cứu Chatham House.

Hội thảo diễn ra hôm 20/10/2017 tại University of Oxford China Centre, St Hugh’s College, ngoài Bill Hayton còn có các diễn giả khác, trong đó có Antonio Carpio (Tòa Tối cao Philippines), Nong Hong (Institute for China-America Studies), Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao Việt Nam), do ông Rana Mitter (Trường St Cross) chủ tọa.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42493025

Chiến lược an ninh mới của Mỹ:

Việt Nam có thể có vị trí tốt

Mai Vân

Hạ tuần tháng 12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Hoa Kỳ bao gồm 4 chủ đề chính: Bảo vệ lãnh thổ và lối sống Mỹ, phát huy sự trù phú của Mỹ, thể hiện hòa bình qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong một thế giới cạnh tranh dữ dội hơn bao giờ hết. Trong một phân tích dưới dạng hỏi đáp ngày 22/12/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích thêm về các chủ đề nói trên để xem vị trí của Việt Nam và Biển Đông có thể ra sao trong chiến lược an ninh mới của Mỹ.

Vấn đề đầu tiên được giáo sư Thayer quan tâm là khái niệm “Thể hiện hòa bình qua sức mạnh – Demonstrating peace through strength” có thể mang ý nghĩa như thế nào đối với vai trò của Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông, và khi cần thiết thì Hoa Kỳ sẽ phô trương loại “sức mạnh” nào trong vùng.

« Khẩu hiệu “Hòa bình qua sức mạnh” trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump, đã được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới trong một mục nêu bật nhân tố quân sự của sức mạnh quốc gia, ngay trước một mục nhỏ hơn về ngoại giao.

Ý nghĩa của khái niệm này là tăng gia ngân sách cho Lầu Năm Góc. Mỹ sẽ ưu tiên cho việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, và các phương tiện sử dụng để phóng các loại vũ khí đó đến mục tiêu, phát triển các công nghệ quốc phòng mới để đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên cũng như Nga và Trung Quốc.

“Hòa bình qua sức mạnh” cũng có nghĩa là mở rộng dần dần đia bàn hoạt động cũng như hiện đại hóa lực lượng Mỹ ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, trước tiên để đối phó với những sự cố bất ngờ ở bán đảo Triều Tiên, trấn an các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, và làm đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Chiến Lược An Ninh buộc Mỹ là phải ưu tiên duy trì “một lực lượng quân sự ở tiền phương, có năng lực răn đe và nếu cần thiết, đánh bại mọi đối thủ”. Chính quyền Trump có phần dũng cảm hơn khi tuyên bố sẽ đeo đuổi chính sách lợi ích quốc gia Mỹ trước tiên. Việt Nam từ lâu đã hiểu được là các cường quốc luôn theo đuổi quyền lợi của riêng họ. Trên một số vấn đề thì điều đó có lợi cho Việt Nam, nhưng trên một số vấn đề khác thì có thể là không. »

Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ

Theo giáo sư Thayer, khái niệm thứ hai: “Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ – Advancing American influence” trên thế giới có vẻ như mâu thuẫn với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump, nhưng đó chỉ là đối nghịch bề ngoài mà thôi.

« Chiến Lược An Ninh Quốc Gia nêu lên rằng các quốc gia hướng về Mỹ vì những giá trị và vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông Trump còn khẳng định là thế giới bây giờ tôn trọng nước Mỹ nhiều hơn. Thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ không phải không tương hợp với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” vì ông Trump cho rằng sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ sẽ khuất phục được các nước khác, buộc các nước đó làm những gì mà Mỹ muốn. Đây là quan điểm về “ảnh hưởng” mang tính chất giao dịch con buôn. Ông Trump sẽ luôn luôn tính toán là “Mỹ sẽ được gì trong bất kỳ thương lượng nào với một nước khác?”

Trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, phần lớn những lời nhắc đến các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, đều nhằm thúc đẩy quyền lợi hạn hẹp của Mỹ. Ví dụ như Chiến Lược An Ninh chủ trương cải sửa hệ thống giải quyết tranh chấp ở Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO, khẳng định rằng điều đó sẽ dẫn đến thương mại công bằng hơn theo quan điểm của Mỹ.

Vấn đề là Chiến Lược An Ninh có những mâu thuẫn. Ví dụ như nó cổ vũ cho những giá trị của Mỹ trong lúc lại sẵn sàng hỗ trợ cho Duterte ở Philippines. Chiến Lược chủ trương một trật tự toàn cầu dựa trên các quốc gia chủ quyền, bảo vệ quyền lợi riêng của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng đồng thời lại duy trì quyền của nước Mỹ được hành động đơn phương bất cứ lúc nào mà tổng thống Trump muốn ».

Tác động trên Biển Đông ?

Đối với giáo sư Thayer, chủ trương tăng cường ảnh hưởng của Mỹ nêu lên trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia sẽ có tác động nhất định trên các tranh chấp ở Biển Đông.

« Có thể suy ra từ Chiến Lược là Biển Đông được xem như một đấu trường cạnh tranh tiềm tàng, nhưng ở vị trí thấp trong danh sách ưu tiên so với tình hình phổ biến hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và khủng bố quốc tế đang nằm ở các vị trí đầu.

Tình hình Biển Đông nhìn chung sẽ tiếp tục ổn định trong bối cảnh Trung Quốc và các quốc gia ASEAN theo đuổi việc đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử. Hoa Kỳ có lẽ sẽ không phản ứng trước hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo vì đồng minh chính của Mỹ là Philippines sẽ không hỗ trợ cho một hành động mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên Chiến Lược An Ninh đã đặt ưu tiên cho việc tăng cường cam kết của Mỹ bảo vệ quyền “tự do đi lại trên biển và giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ, biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế”. Chiến lược cũng ghi nhận là các tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông “đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại sự ổn định của vùng”.

Chiến lược An ninh Quốc Gia cũng ghi nhận là “Trung Quốc sử dụng kinh tế để khích lệ và trừng phạt, cũng như các chiến dịch gây ảnh hưởng, hù dọa quân sự để các quốc gia khác chấp nhận lịch trình chính trị và an ninh của Trung Quốc”, đồng thời nêu lên việc các quốc gia trong vùng “ kêu gọi một sự lãnh đạo bền vững của Mỹ trong một phản ứng tập thể để duy trì một trật tự dựa trên việc tôn trọng chủ quyền và độc lập” của mỗi nước.

Tóm lại theo Chiến Lược An Ninh thì Hoa Kỳ sẵn sàng nắm giữ vai trò dẫn dắt một phản ứng tập thể nhằm gìn giữ trật tự trong vùng dựa trên sự tôn trọng “chủ quyền và độc lập”. Đây là một cam kết có thể làm Việt Nam yên lòng ».

Trường hợp Việt Nam

Đề cập cụ thể đến trường hợp của Việt Nam, giáo sư Thayer cho rằng Hà Nội là một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á trong Chiến Lược An Ninh Quốc gia của Mỹ.

« Căn cứ vào kết quả của hai thông cáo chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời chính quyền Trump (tháng 5 và 11/2017), Việt Nam rõ ràng là được xem như một đối tác mà Mỹ có thể làm việc cùng trên các vấn đề an ninh khu vực.

Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mỹ nêu rõ là ưu tiên số một của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là gia tăng gấp đôi mức độ dấn thân bên cạnh các đồng minh và thiết lập các quan hệ đối tác. Chiến Lược còn nêu Việt Nam cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore (và theo thứ tự đó) là “những đối tác an ninh và kinh tế đang lên của Hoa Kỳ”. Do việc tổng thống Trump nâng cấp các vấn đề quốc phòng và an ninh, Việt Nam sẽ vừa có cơ hội (mua trang thiết bị quốc phòng và công nghệ học của Mỹ) vừa gặp thách thức (sức ép đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ).

Vấn đề thương mại không cân bằng giữa Việt Nam và Mỹ đã được giải quyết trước lúc Chiến Lược An Ninh được công bố, với việc Việt Nam chấp nhận thương lượng một hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ. Việt Nam cũng đã thông báo sẽ mua hàng tỷ đô la sản phẩm từ Mỹ, như máy bay và để cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường và đầu tư tốt hơn. Chiến Lược An Ninh ưu tiên cho các “ Thỏa thuận thương mại song phương trên cơ sở công bằng, có đi có lại…, và cho xuất khẩu Mỹ quyền tiếp cận thị trường một cách công bằng và khả tín”.

Việt Nam không xa lạ gì với các cuộc đàm phán với Mỹ và sẽ có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình trong bất kỳ thỏa thuận mới nào.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180103-viet-nam-co-the-co-vi-tri-tot-trong-chien-luoc-an-ninh-moi-cua-my

 

Việt- Thái tuần tra chung trên biển

Từ ngày 19 đến 27 tháng 12, Hải quân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã tiến hành tuần tra chung thường niên lần thứ 36 với một loạt các hoạt động bao gồm cả việc tàu Việt Nam đến thăm cảng Chuk, Smet thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Theo trang tin Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc tuần tra bao gồm cả diễn tập tìm kiếm cứu nạn và hướng dẫn ngư dân tuân thủ vùng phân định trên biển, hướng dẫn sử dụng cờ bay, đèn hiệu và thực hiện  Bộ Quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ trên biển không báo trước (CUES).

Tiếp theo sau cuộc tuần tra, sĩ quan hai bên cũng lên thăm tàu của nhau để trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra còn có hoạt động giao lưu bóng chuyền giữa thủy thủ và cán bộ của hai bên.

Các tàu Việt Nam tham gia tuần tra chung lần này bao gồm tàu 261 và tàu 263 thuộc Lữ đoàn 127, Vùng 5, Hải quân Việt Nam. Phía Thái Lan cũng có hai tàu tham gia cuộc tuần tra chung lần này.

Báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam viết rằng cuộc tuần tra chung giữa hai nước đã cho thấy thiện chí của hai bên trong việc củng cố quan hệ giữa hải quân  hai nước và giúp thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai quân Việt Nam và Hoàng gia Thái Lan.

Quan hệ Việt Nam và Thái Lan đã được tăng cường trong những năm gần đây. Vào năm 2013, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược.

Hai bên cùng chia sẻ những lợi ích và mối quan tâm bao gồm trong lĩnh vực kinh tế, ổn định ở Biển Đông và vấn đề về phân định trên biển, tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/joint-patrols-put-vietnam-thailand-maritime-ties-in-the-headlines-01032018083636.html