Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đu dây ”Sẵn sàng đi Mỹ” – Bs Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đu dây ”Sẵn sàng đi Mỹ” – Bs Mã Xái

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ đến Mỹ dự trù vào ngày 31/05/2017 theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.

Chuyến công du đã được Cộng sản Hà Nội chuẩn bị rất sớm sủa theo gợi ý trên facebook chánh phủ vào đầu Tháng Ba/2017: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng thăm Mỹ”; trước đó trong cuộc điện đàm chúc mừng ông Trump thắng cử, ông Phúc cho biết một trong các vấn đề trao đổi ông Trump muốn biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng, và ông cũng sẵn sàng gặp Phúc bất cứ lúc nào và nơi nào Washington hay New York. Cuối tháng Ba (31/3/2017) , chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đại sứ Hoa kỳ Ted Osius và ông Quang cho biết TT Trump đã gởi thơ cho ông ngày 23/02/2017 “chuyển đạt sự mong mỏi hợp tác với Viêt Nam trên lãnh vực kinh tế, thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế”; chủ tich Quang nhờ Osius chuyển lời cám ơn TT Trump và cho Tổng thống biết Việt Nam hoan nghinh các nỗ lực của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực nhằm duy trì quyền tự do lưu thông hàng hải và trên không; ông đại sứ cũng thông báo Tổng thống dự kiến tham dự APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 và thăm viếng Việt Nam. Xúc tiến việc kết nối với tân nội các, ông  Phạm Bình Minh Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao công du hai ngày 20-22/04/2017 và đây là chuyến thăm chánh thức đầu tiên với chánh phủ Trump. Ông Minh đã thảo luận nhiều vấn đề cùng Ngoại trưởng Tillerson, với cố vấn an ninh H.R.McMaster; ông Minh ít ra cũng thành công mang về thơ TT Trump chánh thức mời Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ, và được ông Trump xác nhận sẽ tham dự APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh Tế Châu Á) và thăm viếng Viêt Nam vào tháng 11 năm nay.

Trước đó hai hôm (18/04) Bộ Trưởng Minh cũng đã phải triều kiến Uỷ viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị nhơn phiên họp lần thứ 10 Uỷ Ban Chỉ đạo song phương Việt Nam và Trung Cộng. Chủ tich Trần Đại Quang cũng đã được Tập Cân Bình trải thảm đỏ với 21 phát đại bác nhơn chuyến thăm Trung Cộng và dự hội nghi cao cấp “Vành đai và Con đường” từ 11-15/05. Cũng nên nhớ lại, trước các chuyển biến về đường lối lãnh đạo của Trump, với phương châm “Nước Mỹ Trước hết” chủ tịch Tập Cận Bình đã vội vã triệu tập TBT Nguyễn Phú Trọng về Trung Nam Hải, ngay trước Tết Đinh Dậu (12-15/01/2017), ông Trọng đã cùng Tập ký thông cáo chung và 15 văn kiện  bán nước cho Tàu Cộng; và trước đó ngày 13 tháng Chín năm trước (2016), Tập cũng đã gọi Nguyễn Xuân Phúc triều kiến để gia hạn thoả thuận Thành đô. Dù làm thân thái thú hay thừa sai cho Trung Cộng với lá chắn ý thức hệ Mác-Lê thối rữa, tập đoàn cộng sản Hà Nội vẫn coi Hoa Kỳ là một đối tác rất quan trọng, mà trong nhiều lúc Washington sẽ là chỗ dựa cho CSVN khi ông chủ Bắc Kinh chèn ép quá mức như sau sự kiện giàn khoan HD 891, CSVN đã tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Việt Cộng cũng đã thiết lập được quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, và hơn ai hết, VC thừa biết trên thế gian này ngoài siêu cường Mỹ, it người dám sờ gáy tập đoàn Đại Hán Trung Nguyên.

Nhưng trong sách lược đu dây mới này, Cộng Sản Việt Nam sẽ đạt được gì ở Mỹ  khi Bộ Chánh trị Hà Nội thu xếp để Trump mời  Nguyễn Xuân Phúc  sang Hoa Kỳ bàn thảo quyền lợi  giữa hai nước như nội dung bức thư tổng thống Trump gởi cho chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 23/02/2017, trong lúc Thủ tướng Phúc chuẩn bị chuyến công du thì trong nội bộ đảng CSVN cuộc chiến sanh tử tương tranh quyền lực và quyền lợi ở thượng tầng lãnh đạo đảng CSVN chưa vào hồi kết, và nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang bên bờ sụp đổ, nợ công vượt trần, ngân sách cạn kiệt, quỷ dự trử thu hẹp… còn hồ sơ nhân quyền càng ngày càng dầy cộm, có khả năng đưa VC “tái gia nhập CPC”, mọi loại vi phạm sẽ được phanh phui trong  ngày Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội ngày 23-05-2017; và khắp nước nhiều cuộc biểu tình của đồng bào đấu tranh cho quyền sống còn của dân tộc, cho dân chủ, cho tự do, cho nhơn quyền nổ ra song hành với trấn áp, truy lùng, bỏ tù ,bức tử của nhà cầm quyền Việt Cộng.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, trọng tâm bàn thảo sẽ là hồ sơ kinh tế thương mãi trong nghị trình Trump-Phúc. Thực vậy, Việt Nam ngày nay đứng vào hàng thứ 16 trong những bạn hàng  (trading partner) lớn nhứt  của Hoa Kỳ với thương vụ hai chiều vượt lên 52 tỷ USD năm 2016 và hiện nay là thị trường nông nghiệp lớn hàng thứ 10 của Mỹ với xuất khẩu tổng cộng 2,7 tỷ USD năm ngoái; trong khi đó Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong năm 2016 là 10 tỷ USD, tăng hơn 43% so với năm trước đó và với xuất siêu trong năm qua là  32 tỷ USD (trong khi VC phải nhập siêu hơn 50 tỷ mỗi năm từ Trung Cộng). Theo Bloomberg, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng nền kinh tế Việt Nam. Với chánh sách bảo hộ mậu dịch của Trump, Việt Nam bị xem là kẻ cướp công ăn việc làm  của dân Mỹ và theo xếp loại của  Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng, CSVN đứng vào thứ sáu trên mười sáu nước trong tầm ngấm đã tạo thặng dư mậu dịch quá mức đối với Hoa Kỳ, sự “gian lận” mậu dịch của các nước này khiến Mỹ thâm hụt 500 tỷ USD mỗi năm và Trump đã ký lịnh hành pháp để thẩm tra và đánh giá cụ thể trong vòng 90 ngày đối với từng quốc gia, từng sản phẩm giao thương để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại. Riêng TC đứng đầu danh sách với thăng dư 347 tỉ mỗi năm, Việt Nam đứng vào hàng thứ 3 trong khu vực Châu Á về thặng dư với Hoa kỳ. Thêm nữa, gần đây một số mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị trở ngại vì phẩm chất thấp nhứt là loại thuỷ sản, như vụ cá basa, tôm… Cựu thủ tướng Dũng ra đi để lại cho Phúc một di sản kinh tế  èo uột, hoàn cảnh khó khăn như vậy mà ông Trump lại quyết định rút ra khỏi TPP, đánh tan giấc mộng GDP Việt Nam hy vọng tăng đươc 25% cho GDP! Ngoài ra có thể các biện pháp về di trú, về kiểm soát biên giới đã có hiệu quả và đã làm giảm lượng kiều hối từ Mỹ; trong năm 2016 VC chỉ được 9 tỷ USD  khi dự báo là 12 tỷ.

Nguyển Xuân Phúc trước mắt là xin Mỹ đừng làm khó dễ đối với mặt hàng xuất siêu vào khoản 25 tỷ USD hằng năm nay đang trên chiều lao đốc, phần lớn vì phẩm chất tồi tệ. Phúc không thể quên cùng Trump khai triển  Hiệp Định Khung Thương mại và Đầu Tư (TIFA) đã được thảo luận tại Hà Nội trong cuối tháng Ba/2017 sau khi Trump nhậm chức để cũng cố và đào sâu hơn nữa về vấn đề quan hệ  thương mại  giữa hai nước và  giải quyết các vấn đề mậu dịch song phương còn tồn tại (theo khuôn khổ TIFA); cuộc họp TIFA lần này là cuộc họp đầu tiên kể từ năm 2011, về phía Hoa kỳ do Trợ lý Đại Diện Thương mại Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương dẫn đầu; Viêt Nam được cho biết là đã tiếp xúc với Bộ Thương mại Mỹ về hợp tác nhằm đạt được cân bằng thương mại giữa hai nước. Hoa Kỳ coi cuộc gặp gỡ này như một cơ hội tái khẳng đinh cam kết của chánh phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với châu Á-Thái Binh Dương, trong đó có Việt Nam. Được biết Đại diện Thương mãi Hoa kỳ, Robert Lighthizer đã đến Hà Nội 18/5/2017 để tham dự APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương); tin mới tại hội nghị, các thành viên còn lại của TPP, tái khẳng định cam kết xúc tiến TPP dù Trump đã rút ra khỏi hiệp định thương mãi này, nay được gọi là TPP-11; Nhựt Bổn chắc sẽ có vai trò  đầu tàu của hiệp hội; Việt Nam sẽ ở lại; trong khi Đại diện Thương mãi Lighthizer có chương trình mở các cuộc tiếp xúc với các quan chức thương mại quan trọng cho các cuộc họp song phương ở Hà Nội, trong lúc phái đoàn Trung Cộng cho biết đàm phán hiệp định mậu dịch RCEP sắp hoàn tất và loan báo sự thành công vượt bực của Diễn đàn Hợp tác “Vành đai và Con đường”.

Tóm lại căn bản cuộc gặp gỡ Trump-Phúc là bàn thảo về mối quan hệ thương mãi song phương khi Hoa Kỳ chủ trương rút ra khỏi Hiệp định Đối tác  Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Vấn đề kế tiếp? Liệu Thủ tướng Phúc sẽ bàn thảo với TT Trump về hồ sơ an ninh quốc phòng trong chuyến gặp gỡ đầu tiên này, trước sự dòm ngó nghi kỵ của Bắc Kinh? Một chuyên gia về Chương trình Đông Nam Á của Trung Tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông Murray Hiebert cho biết Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng nói đã có chương trình thăm Washington trong một hoặc hai tháng tới, tức vào khoảng cuối tháng Năm, hay tháng Sáu và sẽ có cuộc găp gỡ và đối thoại với giới chức liên hệ Mỹ; đó là tín hiệu đầu tiên  cho thấy Hà Nội quan tâm hợp tác quốc phòng với tân chánh phủ; thật ra Hà Nội đã bắt đầu gia tăng  sự  kết nối này từ sau sự kiện giàn khoan HD-981. Chánh phủ Obama cũng đã dỡ bỏ hoàn toàn lịnh cấm vận buôn bán võ khí sát thương, và còn viện trợ 18 triệu USD cho VC mua sắm tàu tuần tra để canh phòng duyên hải. Năm 2015, hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ Việt cũng đã ký bản Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng với 12 lãnh vực hợp tác, bao gồm việc mở rộng thương mại quốc phòng; chúng ta không đoán được Trump còn tiếp tục ve vãn Hà Nội như Obama hoang tưởng sẽ lôi kéo CSVN như một đối tác tiềm năng trong vòng đai an ninh chiến lược xoay trục, tuy nhiên vốn bản chất của một doanh gia, ông Trump chắc sẽ vui lòng bán thêm vũ khí cho Hà Nội, mà ông Phúc chắc cũng quan tâm tới các khí tài tăng cường phòng vệ  duyên hải, bao gồm cả võ khí sát thương; mua hàng của Mỹ, theo cách nghĩ của thủ tướng, sẽ làm vui lòng Tổng thống. Nhưng ngân sách tuột gần đáy, nợ công vượt trần, dự trữ ngoại hối cạn thì tiền đâu ông Thủ tướng VC Phúc mở rộng chương trình đầu tư, kể cả việc mua sắm khí giới! Liệu chánh phủ “Nước Mỹ trước hết” sẽ mở rộng hầu bao viện trợ, hay cho VC vay với lãi suất ưu đải, để VC trang trải nợ nần, trong khi chính ngân sách bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã bị TT Trump cắt giảm thê thảm, nhứt là trong mục ngoại viện. Tin đồn đồng chí Tập Cận Bình đã hứa cho Hà Nội vay mượn vốn hàng tỷ đô la, nhưng cho đến nay chỉ thấy Bắc Kinh tăng cường các dự án đầu tư ở Việt Nam để rồi không chế các dự án, từ đó thao túng kế hoạch kinh tế, chiếm lấn đất đai.

Nhằm đánh tan dư luận Hoa Kỳ sẽ lơ là với khu vực châu Á –Thái Binh Dương, năm nay Trump cho biết sẽ tham dự APEC và EAS, và Việt Nam; ngoại trưởng Tillerson đã gặp gỡ các lãnh đạo đồng nhiệm ASEAN tại Washington, và mới đây phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence trong chuyến công du Á châu 10 ngày qua các nước Indonesia, Úc, Nhật, Nam Hàn, nhằm trấn an các đồng minh, và gián tiếp với các đối tác rằng Mỹ giữ vững lời cam kết bám trụ với khu vực, quan trọng hơn cả là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; trước đây một tờ báo có uy tín của Mỹ, tờ Washington Post trong bài nhận định (8/1/2017) còn đi xa hơn cho thấy ê-kíp của nhà lãnh đạo Nhà Trắng sẽ xoay trục qua châu Á, nhưng sẽ  xoay mạnh hơn, hữu hiệu hơn Obama và làm nó trở thành hiện thực (“Trump could make Obama’s pivot to Asia to a reality”). Hoa Kỳ vẫn là siêu cường thế giới, Tập chưa đủ sức đẩy lùi Mỹ ra khỏi khu vực, mà cũng chưa thay thế nổi vai trò lãnh đạo trật tự thế giới của Hoa Kỳ.

Vấn đề thứ ba? Một lãnh vực mà Trump không thể bỏ qua trên nghị trình thảo luận. Một hồ sơ vi phạm nhơn quyền trầm trọng, sự vi phạm  trong chiều hướng leo thang đặc biệt trong thời gian Thủ tướng Phúc nắm quyền cai trị.

Trước mắt, một hồ sơ đầy máu me về một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tân bị bức tử xẩy ra ngay trong đồn công an của nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Viêt Nam, trước khi mở tiếp các hồ sơ CSVN đàn áp các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhơn quyền, những nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho quyền thành lập nghiệp đoàn lao động độc lập, tổ chức xã hội dân sự, những nhà đấu tranh thảm trạng Formosa, các dân oan khiếu kiện… Báo cáo nhân quyền hàng năm (2017) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, của Uỷ Ban Hoa kỳ về Tự do Tôn Giáo Quốc tế (USCIRF), của Ân xá Quốc tế, Báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam 2016-2017 với báo cáo quý 1 năm 2017; có ai tin bức tranh ảm đạm nhơn quyền tại Việt Nam làm Tổng thổng Trump thay đổi quan điểm?

Nhiều báo cáo, thỉnh nguyện của nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức nhơn quyền, cá nhơn các nhóm đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước đã chuyển đến Nhà Trắng,  đến văn phòng phụ trách Dân Chủ, Nhân quyền và Lao Động; Bộ ngoại giao Hoa kỳ ngày 12/05/2017 cũng đã tổ chức một Hôi thảo Bàn tròn về tình hình nhơn quyền tại Việt Nam, dưới sự chủ trì của Phụ tá Ngoại trưởng  Scott Rust Busby, chuẩn bị cho cuộc Đối Thoại Nhân quyền Việt Mỹ  kỳ thứ 21 sẽ diễn ra ngày 23-05-2017 tại Hà Nội, tức trước khi thủ tướng Phúc đến Mỹ có thể vào cuối tháng Năm, vào lúc  TT Trump trở về sau chuyến công du đầu tiên 9 ngày  kể từ 19/5 qua Trung Đông và châu Âu.

Truyền thông cho thấy chánh quyền Trump bị thế giới phê phán lơ là với nhân quyền dân chủ, và do cái nhìn nhơn quyền như vậy chánh phủ Trump gián tiếp khuyến khích  các quốc gia độc tài leo thang đàn áp, điển hình  là sự lộng hành gia tăng của công an VC với sự tiếp tay của bọn côn đồ của nhà cầm quyền Phúc. Trong bài diễn văn nhậm chức (20/01/2017) ông Trump không dấu diếm nói rằng “Hoa Kỳ sẽ không cố gắng ép buộc các tiêu chuẩn Mỹ lên các nước khác”; trên tờ Los Angeles Times 15/03/2017 ông Trump cũng đã cho biết việc phát huy dân chủ nhơn quyền không phải là ưu tiên của chánh quyền ông. Nhưng các nhà lập pháp Hoa Kỳ, nhơn kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam (ngày 11/05) tại Điện Capitol Hoa Kỳ đã phát biểu khuyên ông Trump nên đặt  điều kiện nhơn quyền khi gặp ông Phúc. Dân biểu Chris Smith, chủ tich nhóm dân biểu chuyên giám sát nhơn quyền quốc tế, nói Hoa Kỳ nên”ra điều kiện” là chỉ khi nào Việt Nam có tiến bộ đáng kể, có thể kiểm chứng, và có thể cải tiến không thể đảo ngược” về tự do tôn giáo,quyền lao động, tự do Internet và các quyền tự do dân chủ khác, thì Hoa Kỳ mới mở rộng các lợi ích thương mại hoặc bán vũ khí cho Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng chánh phủ Mỹ tìm cách để buộc Viêt Nam trả tự do cho hơn 100 tù nhơn chánh trị và tôn giáo, như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhà lãnh đạo Phật Giáo Thích Quảng Độ, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và nhiều người khác thuộc cộng đồng tôn giáo và sắc tộc đa dạng của Việt Nam, gồm Công giáo, Tin lành, Phật Giáo, Khmer Krom, Người Thượng, H’mong, Hoà Hảo và Cao Đài”. Dân Biểu Chris Smith còn cho biết sẽ chủ trì buổi điều trần vào ngày 25/05/2017 để thu thập nhận thức sâu sắc hơn về thực trạng Tự Do Tôn Giáo và Nhân quyền tại Việt Nam để nói với ông Phúc nếu không có cải thiện nhân quyền, nếu Việt Nam không thay đổi, thì người Mỹ vẫn tiếp tục hậu thuẩn những người ủng hộ dân chủ, các nhà báo, và các nhóm tôn giáo đang bị đàn áp khắc nghiệt; trong buổi điều trần này, Bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng sẽ nói lên cái chết khuất tất của em mình Nguyễn Hữu Tấn. Trong báo cáo năm 2017, Uỷ Ban lưỡng đảng Hoa kỳ về Tự Do tôn Giáo Quốc tế (USCIRF) đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao nên đưa Việt Nam Công sản trở lại danh sách “Quốc gia cần Quan Tâm Đặc biệt.(CPC). Từ ngày tổng thống Bill Clinton ban hành công luật chỉ định ngày 11/05 là “Ngày Nhân quyền Việt Nam” từ năm 1994, tập đoàn CSVN  chỉ dùng nhơn quyền như lá bài trao đổi chánh trị, dùng tù nhơn lương tâm để mặc cả cho những lợi ích về kinh tế và quốc phòng của chế độ. Họ luôn phủ nhận có tù chánh trị mà chỉ giam giữ những kẻ phạm tội, rằng có quan điểm khác biệt về nhơn quyền giữa phương tây và Á đông và cho các nhà đấu tranh dân chủ là những thế lực thù địch dùng chiêu nhơn quyền cho chiến lược diễn biến hoà bình nhầm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Chẳng riêng gì TT Trump mà các vị tiền nhiệm cũng xem nhẹ nhân quyền đối với chế độ toàn trị Việt Cộng; ông Obama cũng mắt nhắm mắt mở về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền chỉ vì chánh phủ Obama ưu tiên chiến lược xoay trục; Bill Clinton hổ trợ cho Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 mà cũng  không đề cập  tới nhơn quyền… Tuy vậy cho đến ngày nay thế giới  vẫn mến mộ và kính trọng Hoa Kỳ vì giá trị Mỹ dân chủ, tự do, nhân quyền; nhiều vị dân cử Mỹ vẫn giữ được ngọn đuốc tự do  nhơn quyền, nhưng thực tế chưa thấy hành pháp nào áp dụng cơ chế trừng phạt hay chế tài cái chế độ toàn trị ác ôn hèn với giặc ác với dân; mãi sau tám năm cầm quyền ông Obama lại trao chiếc gậy luật Nhân Quyền Magnitsky toàn cầu cho vị Tổng thống kế nhiệm “Nước Mỹ Trước Hết”, chừng nào thì tân chánh phủ  Hoa kỳ  thi hành luật chế tài vi phạm nhân quyền đây, liệu vấn đề nhân quyền có tác động nào trong buổi gặp  gỡ Trump-Phúc?

Tạm Kết:

Cộng sản Việt Nam đang nổ lực kết nối và xích lại gần với tân chánh phủ Trump đa phần vì nhu cầu kinh tế thương mại, cần Mỹ hổ trợ trong chánh sách quan hệ thương mại song phương Mỹ-Việt dựa trên nền kinh tế tự do và công bằng, sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, trong lúc Hà Nội đang gặp khó khăn về kinh tế, nhưng tới nay vẫn được xuất siêu với Hoa Kỳ trong khi phải nhập siêu hàng hoá rác rưởi từ Bắc Kinh. Chưa thấy Hà Nội xuống thang vi phạm nhơn quyền, hay dùng nhân quyền để làm quà trao đổi kinh tế. Nhưng gởi tín hiệu gì đây khi ông trưởng ban tuyên giáo trung ương VC mở cửa kêu gọi đối thoại với những người bất đồng chánh kiến, trước bối cảnh Đối Thoại Nhân quyền Việt Mỹ, trước khi ông Phúc đi gặp TT Trump, trong lúc công an VC vẫn săn bắt những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền, và tinh hình đấu tranh nhứt là biểu tình và những hình thức đấu tranh bất bạo động có dấu hiệu đang lên. Hiện nay trong nước chưa có một lực lượng chánh trị lớn, có tầm cở mà Hà Nội chưa từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê thì họ không bao giờ  chấp nhận đối lập.

Nhìn chung trong nhiệm kỳ của Trump, chánh sách ngoại giao “Nước Mỹ Trước hết”, có chiều hướng bất lợi cho dân chủ Việt Nam; thật ra cuộc đấu tranh dân chủ không nên kỳ vọng vào hành pháp Hoa Kỳ; cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách độc tài công sản Viêt Nam tuỳ thuộc vào ý chí của toàn dân, là việc của chung của quốc nội và hải ngoại mà quốc nội là chánh, hải ngoại là lực lượng yểm trợ. Lực lượng đấu tranh dân chủ trong quốc nội ngày nay có triển vọng lớn mạnh và với hệ thống công nghệ truyền thông, facebook, Internet, live stream sự trao đổi nhận thức chánh trị với những phương thức đấu tranh bất bạo động đã phổ biến khá sâu rộng trong quần chúng. Người Việt hải ngoại với hơn ba triệu lá phiếu đã biết vận dụng hữu hiệu đến các vị dân cử cấp liên bang, quốc hội tạo ảnh hưởng tốt cho công cuộc đấu tranh dân chủ, về điểm này chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng các cường quốc đến vận mạng xứ sở của chúng ta. Tình hình đấu tranh trong nước cho thấy một cuộc cách mạng sẽ không còn xa; thay đổi chế độ, giải trừ đảng cộng sản Việt Nam để xây dựng một Việt Nam tự do dân chủ pháp trị, độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là nguyện vọng chánh đáng của toàn dân. Chánh nghĩa phải thành công.

Ngày 21/05/2017