Thư Cho Con: Từ Hồng Kông Nhìn Về Việt Nam – Giáo Già (Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thư Cho Con: Từ Hồng Kông Nhìn Về Việt Nam – Giáo Già (Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

Ngày 8 tháng 8 năm 2019

H,

 [Xem hình những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong hôm 9/6/2019  theo AFP]

Tin được đài RFA phổ biến ngày 9/6/2019 thì có hàng trăm ngàn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình vào ngày Chủ Nhật, 9/6, để phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc xét xử. Nhưng Reuters trích ước tính từ những người tổ chức biểu tình cho biết thì con số người tham gia biểu tình lên tới hơn nửa triệu người, lớn hơn con số 500.000 người biểu tình hồi năm 2003, để phản đối dự luật sẽ khiến bất cứ người nào ở Hong Kong cũng dễ dàng bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc những sai phạm kinh doanh khó tránh và làm nguy hại đến hệ thống luật pháp bán tự trị của Hong Kong. Trong khi đó cũng có nguồn tin cho rằng “Hơn một triệu người đã xuống đường biểu tình tại Hồng Kong vào ngày 09 tháng 6 năm 2019, và ngày Chủ Nhật tuần lễ sau đó 16 tháng 6, hai triệu người đã như thác lũ biểu tình chiếm hết các đường phố chung quanh khu vực cao ốc của chính phủ” [xem phụ đính 1] để đòi bà Carrie Lam, Đặc Khu Trưởng (tương đương với chức Thống Đốc) của Hồng Kong, người được xem như thân với Bắc Kinh phải từ chức, và chống lại luật dẫn độ [xem phụ đính 2 và hình trang sau] mà bà Carrie này đang dự định đưa ra thành luật và áp dụng tại Hồng Kong.

Chính quyền Hong Kong nói rằng dự luật nhằm lấp vào những lỗ hổng trong luật hiện tại của Hong Kong bằng cách cho phép chính quyền Hong Kong được quyết định tuỳ theo từng trường hợp có gửi người đến các lãnh thổ khác hay không. Các vùng lãnh thổ này bao gồm Macau, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, vốn là những nơi chưa ký các thoả thuận dẫn độ chính thức với Hong Kong. Hồi tháng trước, các đại diện của EU đã gặp giới chức Hong Kong để bày tỏ quan ngại về dự luật này. Đại diện Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối dự luật và cảnh báo giới chức Hong Kong rằng dự luật có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ Mỹ – Hong Kong.

Nếu tu chính án của luật này thành hình, không những các người chủ chốt trong biều tình, mà Bắc Kinh liệt vào hàng “tội phạm hình sự” (criminal), kể cả các người lãnh đạo từ phong trào “Ô Dù Vàng” và “Occupy Central” năm 2014 và kể cả tháng 6 năm nay 2019 như Josua Wong, sẽ bị bắt và dẫn dộ về Bắc Kinh, sẽ bị tống váo ngục tối, và  đem ra xét xử theo luật của nhà nước cộng sản. Ngoài ra, tất cả các nghi can khác mà Bắc Kinh xem là “tội phạm” khi từ một nước nào đó quá cảnh Hồng Kong cũng sẽ bị bắt và dẫn độ vào Hoa Lục.

Ngay sau ngày Chủ Nhật biểu tình lần thứ nhì với hai triệu người, qua ngày Thứ Hai, hàng trăm ngàn người dân vẫn còn hiện diện để tiếp tục biểu tình nữa. Lần đầu tiên, bà Carrie Lam, mà các phóng viên tin rằng đã được lệnh từ Bắc Kinh, đã phải lên tiếng đình chỉ lại luật dẫn độ này để giảm đi cơn cuồng nộ như sóng thần đang lan tỏa tại Hồng Kong [xem phụ đính 3].

Một hình ảnh biểu tượng là cô gái 26 tuổi Lam Ka Lo đã ngồi thiền ngay trước hàng rào của cảnh sát đàn áp [xem phụ đính 4]. Cô đã từng ngồi tọa phản kháng trong phong trào Ô Dù Vàng năm 2014, và năm nay cô đã đến khu quận Almighty một mình, nơi đặt trụ sở của chính phủ, để tọa thiền phản kháng luật dẫn độ. Cô đã từng đến Nepal và học thiền tại đó. Cô nói với phóng viên BBC là cô sẽ tiếp tục tọa thiền phản kháng dù bà Carrie Lam đã nhượng bộ, và cô đã là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ phản kháng của Hoa Lục Badiucao vẽ lên tấm ảnh bích chương.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 2 tháng, trừ chuyện bà Carrie Lam luật dẫn độ đã chết, nhưng bà vẫn không từ chức và những yêu sách của người biểu tình vẫn chưa được đáp ứng, nên các cuộc biểu tình càng lúc càng dồn dập hơn với sự tham dự của nhiều thành phần mà trước đây họ không tham gia… như hàng ngàn công chức đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ vào hôm 2/8 lần đầu tiên từ khi đợt biểu tình nổ ra hồi tháng 6, bất chấp cảnh báo từ chính quyền. Thêm nữa, Bà Anita Poon, 35 tuổi, cho hay bà quyết định đi biểu tình lần đầu tiên sau khi xem trên truyền hình thấy cuộc tuần hành phản kháng của các vị cao niên trước đó trong tuần.“Nếu các cụ mà còn đi biểu tình thì chúng tôi làm sao ở nhà để xem trên truyền hình?” bà Poon nói với AFP. “Chính quyền không để ý gì tới các đòi hỏi của dân chúng, đó là lý do vì sao cứ tiếp tục có biểu tình”, cũng theo bà Poon. Cuộc biểu tình tuần hành của hằng chục ngàn người vào ngày chủ nhật 21 tháng 7 là cuộc biểu tình quần chúng lần thứ bảy liên tiếp vào cuối tuần tại Hong Kong đợt này.

Ngoài ra, cũng được biết thêm là phẫn nộ trong dân chúng được ghi nhận tại Hong Kong trong ngày thứ hai, 22 tháng 7, sau khi xảy ra vụ những thành phần bị mặt mặc áo trắng sử dụng gậy gộc  tấn công những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong vào tối ngày 21 tháng 7. AFP loan tin ngày 22 tháng 7 cho biết những thủ phạm bị nghi là thành viên của những băng nhóm ‘tam hoàng’ khiến hằng chục người biểu tình bị thương. Đây được cho là một leo thang mới trong đợt biểu tình chống dự luật dẫn độ cũng như đòi hỏi tôn trọng dân chủ, tự do tại đặc khu được Anh trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997. Những hình ảnh được truyền trực tiếp trên mạng xã hội Facebook cho thấy những nạn nhân kêu gào khi bị đánh. Giới chức bệnh viện xác nhận có 45 người bị thương, một người trong số họ trong tình trạng nguy kịch, 5 người khác bị thương nặng. Cảnh sát Hong Kong bị lên án vì cả tiếng đồng hồ sau mới đến hiện trường nơi xả ra các vụ tấn công như vừa nêu và không bắt giữ được những kẻ thủ ác. [Xem hình Quốc huy trước cửa văn phòng đại diện Trung Quốc ở Hồng Kông bị ném sơn đen. (Hình: AP Photo/Bobby Yip)]

Ngoài ra những kẻ tấn công người biểu tình chống chính phủ vẫn có mặt trên đường quanh nhà ga mà họ ra tay cho đến sáng ngày thứ hai 22 tháng 7. Hình ảnh quay lại được cho thấy một số nghi phạm mặc áo trắng rời hiện trường bằng những xe ô tô mang biển số đại lục. Những nhà lập pháp Hong Kong vào ngày thứ hai tổ chức một cuộc họp báo tố cáo lãnh đạo Hong Kong thân Trung Quốc về việc làm ngơ để những kẻ thủ ác ra tay tấn công người biểu tình ủng hộ dân chủ, tự do và phản đối chính quyền đặc khu.

Hôm 4/8, cảnh sát Hong Kong cho biết đã bắt giữ hơn 20 người sau khi đụng độ với người biểu tình trong đêm qua. Dự báo các cuộc biểu tình mới tiếp tục diễn ra trong lúc có tin sẽ có tổng đình công nhằm đình trệ nhịp sinh hoạt của thành phố. Hôm 3/8, cảnh sát bắn đạn hơi cay trong cuộc đối đầu với các nhà hoạt động mặc áo đen ở khu Kowloon. Đây là sự leo thang mới nhất sau hơn hai tháng diễn ra biểu tình phản đối dự luật Dẫn độ. Thông cáo phát đi vào rạng sáng 4/8 của cảnh sát Hong Kong cho biết họ đã bắt giữ hơn 20 người vì các hành vi gồm tụ tập bất hợp pháp.

Những người biểu tình đốt lửa trên đường phố, bên ngoài đồn cảnh sát và thùng rác, cũng như chặn lối vào đường hầm xuyên cảng (Cross-Harbour Tunnel). Các cửa hàng lớn trong khu thương mại ở đường Nathan, thường đông nghẹt người vào thứ Bảy, đã bị đóng cửa gồm cửa hàng 7 Eleven, chuỗi tiệm trang sức Chow Tai Fook (1929.HK), các cửa hàng Rolex và Tudor.

Một cuộc biểu tình quy mô lớn được lên kế hoạch vào hôm 4/8 tại các quận phía tây, gồm thị trấn Tseung Kwan O. Giới hoạt động kêu gọi cuộc tổng đình công hôm 5/8 trong lĩnh vực giao thông và tại các khu kinh doanh. Từ phản ứng tức giận ban đầu trước dự luật Dẫn độ nay người dân Hong Kong mở rộng thành đòi hỏi cho nền dân chủ lớn hơn và đòi Trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức. Các cuộc biểu tình liên tiếp trở thành cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hong Kong từ khi thành phố này được Anh quốc trao trả cho Trung Quốc 22 năm trước. Hôm 5/8, Trưởng đặc khu Hong Kong cảnh báo rằng các cuộc biểu tình “là một thách thức đối với chủ quyền của Trung Quốc” trong lúc cuộc đình công làm tê liệt giao thông công cộng và khiến hơn 200 chuyến bay bị hủy.

Khi được hỏi liệu cuộc biểu tình quy mô lớn lần này của người dân Hong Kong sẽ có tác động hay không tới chính quyền Trung ương Trung Quốc, nhà văn Nguyên Bình, con gái của cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc – Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh [xem hình: Nhà văn Nguyên Bình từng làm việc ở bộ phận nghiên cứu Trung Quốc trong Quân đội miền Bắc Việt Nam], nói:

“Tôi nghĩ phải tác động rất lớn bởi vì vừa rồi theo kết quả mới đây thì chính những người cai trị của Hoa Lục được cử đến Hong Kong để cai trị Hong Kong đã phải chấp nhận hoãn dự luật về dẫn độ. Thế tức là nó đã có tác dụng rất lớn ở Hong Kong.

“Và như thế tiếng dội sẽ phải dội đến Đại lục, là vì ở Đại lục nhiều nơi cũng đã có các cuộc biểu tình lẻ tẻ mấy năm nay, thí dụ như là cựu chiến binh hay là nông dân, rất nhiều nơi cũng đã biểu tình, nhưng cũng chỉ là biểu tình mà chưa thu được kết quả tốt cho Hong Kong như bây giờ, mặc dù đã biết rằng Bắc Kinh có hệ thống thông tin riêng trên mạng…

“Nhưng tôi tin là Trung Quốc ở Đại lục, người ta sẽ tìm cách để biết được thông tin ấy, không thể nào mà không rúng động đến những nhà thống trị ở Bắc Kinh, cũng không thể nào không rúng động đến tâm lý của người dân ở bên Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc bây giờ cũng giống như lò lửa sôi sục, đang sóng gió về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung của Tổng thống Trump, thì làm sao mà lại không ảnh hưởng được?”

So sánh với tình hình Việt Nam, nơi từng diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật ba đặc khu mà sau đó Quốc hội Việt Nam đã phải hoãn thông qua, nhà quan sát từ Hà Nội nói thêm:

“Tất nhiên là so sánh rất nhiều, mấy hôm nay trên mạng Facebook đang sôi lên sùng sục và có bao nhiêu ý kiến đưa tin, theo dõi và ai cũng mơ ước là Việt Nam sẽ có một cuộc như thế và thực ra chúng ta đã có thành công. Tức là đã làm cho nhà nước Việt Nam phải hoãn lại thông qua Luật Đặc khu. Tất nhiên mọi người cũng biết là họ hoãn như vậy, nhưng họ sẽ tìm cách để lách luật.

“Vừa rồi có tin nói ban lãnh đạo Việt Nam sẽ không làm luật ba đặc khu mà làm luật về các đặc khu nói chung, tức là họ cũng đang luồn lách và nhất là vụ mà người dân bây giờ đang sôi sục về vụ đường cao tốc Bắc Nam có vẻ định giao cho nhà thầu Trung Quốc làm.

“Có một tin mới nhất là có 180 nghệ sỹ, diễn viên có tên tuổi trong làng văn hóa, những người thuộc dạng chính thống của nhà nước, cũng đã có một kiến nghị để mà đề nghị không để cho Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam. Thế nhưng khả năng xảy ra biểu tình thì tôi nghĩ rằng chưa có, thế còn khi nào nó bức xúc quá, thì không ai có thể chỉ huy, không ai kêu gọi gì cả, thì nó sẽ bật lên biểu tình như là cuộc biểu tình về luật các đặc khu năm 2018.”

Điều đáng ghi nhận là Hoàng Chí Phong nhà hoạt động chính trị, Admiralty, Hong Kong viết lời lên ảnh vào ngày 4 tháng Bảy, 2019:

曾經北京話俾一國兩制香港,如今已經變成一國一點五制,喺習近平管治下,我地有既自由越來越少,但我地唔會放棄,因為香港係我地既家,我地值得擁有民主、自由,無人再需要因為恐懼要離開呢度。

(Bắc Kinh từng hứa với Hong Kong là “Một Quốc gia, Hai Chế độ”, nhưng lời hứa ấy bây giờ trở thành “Một Quốc gia, 1.5 Chế độ”. Dưới chế độ cai trị của Tập Cận Bình tự do của chúng tôi bị mất dần, nhưng chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc vì Hong Kong là quê hương chúng tôi. Chúng tôi xứng đáng dân chủ và tự do. Không ai nên phải chạy trốn khỏi quê hương vì sợ hãi.) Nguồn: Trích dịch từ trang ảnh của trang mạng ChinaFile ngày 24 tháng Bảy, 2019.

http://www.chinafile.com/multimedia/photo-gallery/i-love-hk-hate-it-same-time

Từ đó, trong một bài được đăng trên facebook

[https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10157633102138322] có nhan đề “Nếu là người tiến bộ, phải ủng hộ Hong Kong chống luật dẫn độ” Phạm Đoan Trang nói [xem phụ đính 4]: “…Nhìn về Việt Nam, lại nghĩ đến dự luật Đặc khu, dự án khai thác bauxite, rồi đường sắt cao tốc, v.v. Đó là những dự luật, dự án mà hậu quả đã có thể nhìn thấy rõ ràng, ý đồ bán nước, phản quốc hại dân đã quá rõ ràng, và đặc biệt, đã liên quan đến chủ quyền và lợi ích của đất nước trong hiện tại lắm rồi (chưa nói chuyện tương lai)… Ấy thế mà vẫn có nhiều người ngoạc mồm ra bênh cho bằng được. Một phần trong số đó là những kẻ đã ăn tiền của nhóm lợi ích đến ngập răng ngập lợi; một phần khác là ngu dốt; còn những thành phần khác nữa, thật chẳng biết định danh họ là gì. Đáng sợ nhất là trong số đó có không ít kẻ mang danh học giả, chuyên gia, nhà báo… bằng cấp đầy mình, quan hệ rộng, tầng lớp cao. Vậy mà không bằng được đứa học sinh cấp III ở Hong Kong!”

Bên cạnh đó, Vũ Đông Hà trên Dan lam bao viết: Có lúc chúng ta phải tạm thời giảm thiểu những hoạt động để bảo vệ lực lượng và nuôi dưỡng đường dài tranh đấu. Nhưng dù ở vào bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã nào, chúng ta sẽ không tự thổi tắt ngọn lửa đấu tranh. Vì chấm dứt phản kháng, ngừng lại việc tranh đấu chống thù trong giặc ngoài sẽ mở đầu cho con đường nô lệ lâu dài – nô lệ cho Việt cộng hôm nay và Tàu cộng ngày mai. Quyết định quay lưng để cho 2 đảng Việt cộng và Tàu cộng giải quyết với nhau là tự giao cho 2 tập đoàn cướp/bán nước múa gậy vườn hoang để mị dân trên hoang tàn của đất nước. Làm như vậy, chúng ta đã trao phẩm giá cuối cùng của những người bị trị cho những kẻ cai trị: ý chí phản kháng [GG in đậm]”.

Còn nhớ các cuộc biểu tình đồng loạt chống Luật Đặc Khu hồi tháng 06/2018 bị công an đàn áp dã man. Điển hình như Cô Nguyễn Ngọc Lụa, người bị bắt đưa về trụ sở Công an Phường Bến Nghé hôm 17/6/2018, trong một lần trả lời RFA cho biết: “Những người bị đưa vào, trên mặt họ đều có máu. Chúng tôi ở phía ngoài, còn người ở bên trong khi bị đánh kêu lên ‘Cứu tôi với, công an đánh tôi’. Tôi cảm thấy họ đánh rất đau nên tôi nói với họ ‘Đừng đánh anh đó nữa; đó là người anh em của chúng tôi chứ không phải người Trung Quốc đâu mà đánh. Chúng tôi đứng lên yêu cầu đừng đánh thì họ dùng dui cui đánh và nói ‘Ngồi xuống, tụi bây chống phá hả!”

Theo số liệu thống kê của trang The 88 Project mới đây, có đến 127 bị bắt giam giữ hoặc hoặc có nguy cơ bị bắt giam giữ sau khi tham gia biểu tình hồi tháng 6 năm 2018. Trong số đó, có 92 người bị tuyên án tù. Trong số 127 người vừa nói, có 80 người ở tỉnh Bình Thuận, 23 người ở tỉnh Đồng Nai và 22 người tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do không có phương tiện truyền thông độc lập ở Việt Nam, nhiều khả năng con số người đang ở tù hoặc bị quấy rối do tham gia vào các cuộc biểu tình còn cao hơn con số thống kê. Hầu hết tất cả những người bị cầm tù đã bị buộc tội hoặc xét xử theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự 2015 vì tội gây rối trật tự công cộng. Nhiều người đã bị xét xử mà không có luật sư, và hầu hết tất cả đã bị xét xử trong một ngày với 10 hoặc 15 tù nhân khác.

Cái khốn nạn của CSVN là người đem bánh mì và nước uống cho người biểu tình cũng bị bắt [xem hình] và bị đưa ra tòa xử án như bài viết được đăng trên Dan lam bao cho biết: “Ông Trương Hữu Lộc thuê 2 taxi để chở bánh mì và nước uống đến hỗ trợ cho đồng bào biểu tình chống Dự luật Đặc khu đã bị bắt vào ngày 10/06/2018 và bị bạo quyền CSVN bỏ tù 8 năm vào ngày 28/06/2019”. Toà án Hồ Chí Minh đã gọi vụ án của ông là “Phá rối an ninh”, kết tội ông “là người có tư tưởng bất mãn, hận thù chế độ, thường xuyên sử dụng Facebook kết nối và được sự cổ động của các đối tượng chống đối chính trị trong và ngoài nước” [xem hình]. Nhà cầm quyền còn buộc tội ông đã thực hiện những video phản đối Luật Đặc khu và phổ biến trên mạng. Trong khi đó thì chính Quốc hội cộng sản đã tạm hoãn thông qua Luật Đặc khu vì đã “tiếp thu và ghi nhận ý kiến đóng góp của nhân dân.”

Dù vậy, ý chí phản kháng không vì vậy mà bị phai mờ, ngọn lửa đấu tranh không vì vậy mà bị thổi tắt. Nó chỉ chờ cơ hội là được thắp sáng. Đặc biệt nhứt là những kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh của hằng triệu người từ các cuộc biểu tình ở Hồng Kong còn đang tiếp diễn. Một chuyện nhỏ vừa xảy ra cho thấy kinh nghiệm liên lạc và bảo mật cho Cuộc biểu tình đầu tiên về vụ Bãi Tư Chính trước tòa Đại Sứ TQ ở Hà Nội

ngày 06/08/2019 đăng trên đài VOA Tiếng Việt. Hình ảnh cho thấy khoảng 10 nhà hoạt động biểu tình về vụ Bãi Tư Chính ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 6/8/2019 (nguồn ảnh: Facebook Lê Hoàng).

Dù chỉ có khoảng 10 người, theo lời thuật lại của nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh với VOA, song cuộc biểu tình đang gây tiếng vang lớn trên mạng xã hội, giữa lúc căng thẳng về tranh chấp giữa hai nước láng giềng cộng sản chưa có bất cứ dấu hiệu nào sẽ sớm kết thúc.

Hình ảnh và video do bà Hạnh chia sẻ lên mạng xã hội Facebook trong cùng ngày cho hay nhóm biểu tình gồm bản thân bà, cùng với các nhà hoạt động khác là Lê Hoàng, Bùi Tiến Hưng, Thảo Teresa, Hồng Thái Hoàng và bạn bè. Họ đứng trước cơ quan đại diện ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, giơ các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh đòi Trung Quốc rút khỏi Bãi Tư Chính, lên án nước này tập trận gần quần đảo Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc tại tòa quốc tế. Các đoạn video cho thấy những người biểu tình hô đến lạc cả giọng những lời phản đối: “Đả đảo Trung Quốc gây hấn. Đả đảo Trung Quốc xâm lược Bãi Tư Chính của Việt Nam. Đả đảo Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam. Đả đảo hữu hảo với giặc Tàu. Trung Quốc cút khỏi Biển Đông. Hoàng Sa – Việt Nam. Trường Sa – Việt Nam”.

Đây là cuộc biểu tình được tổ chức “một cách bất ngờ” nên phải sau 15 phút kể từ khi họ bắt đầu mới thấy các nhân viên công an Hà Nội xuất hiện. Một số người dân đi đường đã dừng xe, mượn biểu ngữ của các nhà hoạt động, cùng giơ biểu ngữ và hô theo, bà Hạnh kể lại. Phía nhà chức trách không có động thái can thiệp, cuộc biểu tình diễn ra khoảng 30 phút từ đầu đến cuối, sau đó các nhà hoạt động tự ra về.

Thông tin từ một số nhà nghiên cứu có uy tín và các hãng tin lớn trong mấy tuần qua cho hay Trung Quốc điều một tàu khảo sát có nhiều tàu hải cảnh hộ tống tới khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7. Bộ Ngoại giao Việt Nam trong những tuần gần đây liên tiếp kêu gọi Trung Quốc rút các tàu đó ra khỏi khu vực này.

Bày tỏ quan điểm về việc tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc hôm 6/8, nhà đấu tranh Thảo Teresa viết trên Facebook cá nhân rằng khi thấy Trung Quốc “ngày càng leo thang xâm phạm trắng trợn biển đảo của Việt Nam, bắn giết ngư dân là đồng bào tôi, tôi đã chả thể nào ngồi yên”. Bà Thảo Teresa nhấn mạnh: “Tôi chả quan tâm nhà nước cs [cộng sản] này có muốn chúng tôi biểu tình hay không, cũng chả quan tâm tổ chức hay hội nhóm nào âm mưu toan tính điều gì, tôi chỉ muốn làm theo lương tâm mình mách bảo”.

Chung suy nghĩ với bà Thảo, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh chia sẻ với VOA: “Rất nhiều lần chúng tôi đi biểu tình bị hành hạ, bị bắt bớ, bị làm nhục. Thế nhưng chúng tôi không thể vì thế mà ngồi ở nhà im lặng khi mà Trung Quốc đang giày xéo lên chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam. Trước thái độ lúng túng, bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam, chúng tôi không thể im lặng”.

Chưa biết hệ quả của cuộc biểu tình chớp nhoáng đó có những ảnh hưởng gì đối với tâm lý người dân sẵn sàng biểu tình “chống Tàu diệt Việt cộng”; nhưng đó là bản nháp cho những cuộc biểu tình sau này khi khí thế của cuộc đấu tranh ở Hồng Kông tiếp tục lan tỏa về Việt Nam mà hệ quả hiển nhiên không phải là sát cánh với ý đồ lợi dụng long yêu nưới của người dân chống Trung Quốc, mà là đòi hỏi Đảng và Nhà Nước thỏa mãn đòi hỏi của người dân ít nhứt cũng là:

  • Thực tâm cải cách chính trị, mở rộng các quyền tự do dân chủ, khiến người dân thực sự cảm thấy đất nước này là của họ, chứ không phải là của riêng một cá nhân nào, gia đình nào, hay bè đảng nào…
  • Động thái cần thiết đầu tiên là trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm chỉ vì yêu nước khác với đòi hỏi giai đoạn của Đảng và Nhà Nước…

Qua bản nháp của cuộc biểu tình chớp nhoáng ngoài dự liệu của nhiều người như một thứ thông điệp cho mọi người thấy. Từ đó, mọi người kỳ vọng bài học đấu tranh của người Hồng Kong, bài học vận dụng người dân tham gia biểu tình rộng lớn của người Hồng Kong…; tất cả sẽ giúp cho dân Việt Nam tiến hành những cuộc biểu tình chớp nhoáng và rộng lớn của đông đảo mọi thành phần, góp phần “chống Tàu diệt Việt cộng”, góp phần làm lung lay và sụp đổ chế độ trong thời gian không xa hơn lòng mong đợi của mọi người.

Hẹn con thư sau,

Giáo Già

 

 

Phụ đính 1

Phạm Gia Đại : Hồng Kong –Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. 

Hơn một triệu người đã xuống đường biểu tình tại Hồng Kong vào ngày 09 tháng 6 năm 2019, và ngày Chủ Nhật tuần lễ sau đó 16 tháng 6, hai triệu người đã như thác lũ biểu tình chiếm hết các đường phố chung quanh khu vực cao ốc của chính phủ [xem hình]

Hai cuộc biểu tình năm 2014 và 2019 mang ý nghĩa khác nhau.

Năm 2014, đoàn người hàng trăm ngàn đã xuống đường bao vây trụ sở của chính phủ trong 79 ngày để đòi một cuộc bầu cử tự do dân chủ và trong sạch, chống lại thủ đoạn của Bắc Kinh chỉ đưa ra các ứng cử viên thân tín với Bắc Kinh mà thôi.

Tháng 6 năm nay 2019, 1/7 và 2/7 dân số của Hồng Kong đã đồng loạt xuống đường để đòi bà Carrie Lam, Đặc Khu Trưởng (tương đương với chức Thống Đốc) của Hồng Kong, người được xem như thân với Bắc Kinh phải từ chức, và chống lại luật dẫn độ mà bà Carrie này đang dự định đưa ra thành luật và áp dụng tại Hồng Kong.

Nếu tu chính án của luật này thành hình, không những các người chủ chốt trong biểu tình, mà Bắc Kinh liệt vào hàng “tội phạm hình sự” (criminal), kể cả các người lãnh đạo từ phong trào “Ô Dù Vàng” và “Occupy Central” năm 2014 và kể cả tháng 6 năm nay 2019 như Josua Wong, sẽ bị bắt và dẫn dộ về Bắc Kinh, sẽ bị tống vào ngục tối, và  đem ra xét xử theo luật của nhà nước cộng sản. Ngoài ra, tất cả các nghi can khác mà Bắc Kinh xem là “tội phạm” khi từ một nước nào đó quá cảnh Hồng Kong cũng sẽ bị bắt và dẫn độ vào Hoa Lục.

Theo sự thỏa thuận giữa chính phủ Anh Quốc khi trao trả lại Hồng Kong cho Đặng Tiểu Bình năm 1997 thì Hồng Kong có 50 năm tự trị theo phương thức “một nước, hai chế độ (one country, two systems). Như vậy cho đến năm 2047, Hồng Kong mới chính thức được sát nhập vào Hoa Lục và chịu dưới sự cai trị của đảng cộng sản Trung Hoa. Tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình đã nóng lòng muốn đem Hồng Kong ngay về với Hoa Lục, không muốn chờ đợi lâu hơn nữa, nên đã dựng lên chính phủ bù nhìn thân Bắc Kinh tại vùng nhượng địa này. Nhiều lần nền dân chủ và tự do của người dân Hồng Kong đã bị vi phạm trắng trợn vì sau biểu tình năm 2014, mốt số thủ lĩnh và những người tham gia vào Phong Trào Ô Dù Vàng đã lần lượt bị bắt, hay ghi nhận mất tích. Tháng 10-2018, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã chủ tọa khánh thành một cây cầu dài nối liền Hồng Kong và Ma Cao vào với Hoa Lục. Và sau đó là thiết lập một Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area) bao gồm cả Hồng Kong, Ma Cao và Quảng Đông-theo địa lý chính trị (geo-politic) như mang ý nghĩa các vùng đất này thuộc về Hoa Lục rồi.

Trước tình thế nguy hiểm cho hàng ngàn nhà lãnh đạo của phong trào chống đối lại luật dẫn độ, và trước ý đồ của Chủ Tịch Tập Cận Bình muốn sát nhập sớm Hồng Kong vào Hoa Lục, không cần chờ đến năm 2047 nữa, người dân Hồng Kong đã biểu tình rầm rộ với một triệu và hai triệu người để nhất loạt phản đối.

Ngay sau ngày Chủ Nhật biểu tình lần thứ nhì với hai triệu người, qua ngày Thứ Hai, hàng trăm ngàn người dân vẫn còn hiện diện để tiếp tục biểu tình nữa. Lần đầu tiên, bà Carrie Lam, mà các phóng viên tin rằng đã được lệnh từ Bắc Kinh, đã phải lên tiếng đình chỉ lại luật dẫn độ này để giảm đi cơn cuồng nộ như sóng thần đang lan tỏa tại Hồng Kong.

Một hình ảnh biểu tượng là cô gái 26 tuổi Lam Ka Lo đã ngồi thiền ngay trước hàng rào của cảnh sát đàn áp. Cô đã từng ngồi tọa phản kháng trong phong trào Ô Dù Vàng năm 2014, và năm nay cô đã đến khu quận Almighty một mình, nơi đặt trụ sở của chính phủ, để tọa thiền phản kháng luật dẫn độ. Cô đã từng đến Nepal và học thiền tại đó. Cô nói với phóng viên BBC là cô sẽ tiếp tục tọa thiền phản kháng dù bà Carrie Lam đã nhượng bộ, và cô đã là nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ phản kháng của Hoa Lục Badiucao vẽ lên tấm ảnh bích chương.

Hình ảnh tọa thiền của cô làm người ta nhớ lại hình ảnh anh dũng của một sinh viên đã đứng trước cản không cho xe tăng vào quảng trường đàn áp người biểu tình tại Bắc Kinh, giết hại hàng ngàn sinh viên yêu nước, trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 -một vết nhơ không bao giờ gột rửa được của đảng cộng sản Tầu.

Nhìn qua hòn đảo Đài Loan nhỏ bé, nhờ một phần ảnh hưởng của hai cuộc biểu tình khổng lồ, vô tiền khoáng hậu, tại Hồng Hong chống luật dẫn độ, mà Tổng Thống Đài Loan bà Thái Anh Văn đã được đảng Dân Tiến đề cử ra nhiệm kỳ thứ hai. Trước hành vi của Bắc Kinh xâm lấn quyền dân chủ tự trị của Hồng Kong, 23 triệu dân Đài Loan không thể không e ngại cho số phận của hòn đảo bé nhỏ của họ.

Theo Reuters, ngay sau khi hơn 1 triệu dân Hồng Kông tuần hành chống dự luật dẫn độ, Tổng Thống Thái Anh Văn, với lập trường  đứng về phía người biểu tình Hồng Kông, đã viết trên mạng Twitter: “Ngày nào mà tôi còn là tổng thống thì đừng bàn đến chuyện “một nước hai chế độ”.

Năm 2014 nhìn lại, cuộc xuống đường tuần hành của hàng trăm ngàn người tại Hồng Kong coi như thất bại vì bị đàn áp, và vì cuộc họp giữa hai bên đại diện chính phủ và người biều tình đã không đạt được thỏa thuận nào. Năm nay 2019, người dân Hồng Kong đã thành công và chính phủ thân Bắc Kinh đã phải lùi bước và bà Carrie Lam đã phải lên tiếng xin lỗi. Một kỷ lục chưa từng có với hàng triệu người biểu tình, theo tỷ lệ cứ một đến hai người trong tổng số 7 người dân của Hồng Kong đã xuống đường, , Sự thành công này có nhiều nguyên nhân thuận lợi cả về Thiên Thời, Địa Lợi và Nhân Hòa.

Thiên Thời là Chủ Tịch Tâp Cận Bình đang phải tập trung đối đầu với đòn cân não trong chiến tranh mậu dịch với Hoa Kỳ, và các bước tiến khó khăn của ông trong tham vọng bá chủ thế giới về hàng hóa năm 2025 qua “Made In China”, và thống trị thế giới qua mặt Mỹ vào năm 2049, nên ông đã chấp nhận lui bước.

Địa Lợi là vị trí chính trị của Hồng Kong vẫn còn nằm trong vòng 50 năm được tự trị, chưa rơi vào bàn tay của đảng cộng sản Trung Hoa, và vẫn được Anh Quốc và Châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ thỏa thuận này.

Nhân Hòa là người dân Hồng Kong, vốn đã thấm nhuần tư tưởng tự do dân chủ từ thời thuộc Anh Quốc, nên không chịu chấp nhận nền tư pháp và chính trị của họ bị kiểm soát ngay bởi Bắc Kinh, trái với thỏa thuận “Một Nước, Hai chế Độ”, nên đã đồng nhất đứng dậy tranh đấu đến cùng, không chịu bị nô lệ xích xiềng ngay một cách phi lý bởi Bắc Kinh.

Ngoài ra một yếu tố không kém phần quan trọng là chính phủ và cảnh sát Hồng Kong, dù là thân Bắc Kinh, nhưng là các lực lượng tại địa phương, nên không có những thủ đoạn tàn bạo như cảnh sát và quân đội của Trung Cộng trong Hoa Lục. Nếu không, một thảm sát như Thiên An Môn có thể đã xẩy ra rồi, họ Tập đã không thể đem xe tăng vào Hồng Kong như đã làm tại Bắc Kinh năm 1989. Ngoài ra, dù rằng Hồng Kong như miếng mỡ treo trước miệng mèo, nhưng thỏa thuận cho Hồng Kong tự trị 50 năm giữa Anh Quốc và Trung Cộng vẫn còn đó trước mắt thế giới, đã khiến họ Tập ngậm đắng nuốt cay mà quay lui.

Nhìn lại quê hương Việt, một năm đã trôi qua khi hàng trăm ngàn người dân lành, bị áp bức trong hơn bốn thập niên, đã đồng loạt xuống đường chống lại chế độ vô nhân bán nước, chống lại việc cộng sản Việt ngang nhiên nhượng ba đặc khu trọng yếu của đất nước cho cộng sản Tầu, và luật an ninh mạng.

Phong trào cả nước đồng hành này đã thành công và nhà nước cộng sản đã phải tạm ngưng việc nhượng ba đặc khu cho giặc phương Bắc.

Tuy nhiên, phong trào yêu nước này chưa trỗi dậy lại được vì sự đàn áp dã man của nhà cầm quyền trong nước sử dụng hệ thống công an cảnh sát trị vừa đàn áp thô bạo, vừa xâm nhập vào phong trào để phá hoại.

Một yếu tố quan trọng khác là phong trào thiếu sự yểm trợ, thiếu tiếng nói ủng hộ từ bên ngoài để nêu lên chính nghĩa của quần chúng biểu tình như tại Hồng Kong (Tin Tổng Hợp).

Phạm Gia Đại

 

 

Phụ đính 2

Hiểu về dự luật dẫn độ của Hong Kong trong 5 phút

ĐOAN TRANG – LUẬT KHOA TẠP CHÍ

15/06/2019

Hình: Người dân Hong Kong biểu tình chống dự luật dẫn độ, ngày 9 tháng Sáu, 2019. Ảnh: Reuters/Thomas Peter.

Nếu dự luật dẫn độ được thông qua, Trung Quốc có thể dùng nó để trả thù các công dân Hong Kong và công dân nước ngoài làm việc hoặc du lịch ở Hong Kong. Nguy cơ này là có thật, và vì thế chúng ta cần tìm hiểu về dự luật này… trước khi quyết định phản đối nó.

Dự luật dẫn độ (mà người Hong Kong đang chống) là gì?

Như tên gọi, đây mới chỉ là dự luật, chưa phải là luật vì chưa được cơ quan lập pháp Hong Kong thông qua. Và nó là một dự luật của chính quyền Hong Kong (cho nên có người nói “luật dẫn độ của Trung Quốc” là nói sai).

Dự luật này mới được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Mục đích của nó là sửa đổi hai đạo luật hiện hành đang điều chỉnh việc dẫn độ và hỗ trợ tư pháp giữa Hong Kong và các nơi khác:

1. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu;

2. Pháp lệnh về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu mà Hong Kong đang sử dụng hiện nay được thông qua ngay trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc (năm 1997). Pháp lệnh này quy định rõ là nó không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với “chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa”.

Bắc Kinh và chính quyền đặc khu Hong Kong hiện nay muốn sửa đổi pháp lệnh đó để có thể dẫn độ nghi phạm về các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Hong Kong, trong đó có cả Trung Hoa lục địa. Và vì thế, dự luật dẫn độ ra đời.

Cho đến nay, Hong Kong đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước, như Canada, Mỹ, Anh, Úc, New Zealand. Trong khu vực Đông Nam Á, Hong Kong có hiệp định tương trợ tư pháp với Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Danh sách 20 vùng tài phán này không có Trung Quốc và Việt Nam.

Vì sao người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ?

Lý do chủ yếu để người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ là vì lo sợ nó sẽ phá hoại nền tư pháp độc lập cũng như tự do của Hong Kong. Nhà nước CHND Trung Hoa vốn đầy rẫy vi phạm nhân quyền với một bộ máy công an gây ra hàng loạt cái chết trong đồn, một hệ thống xét xử hoàn toàn bị đảng cầm quyền thao túng, dẫn đến tình trạng oan sai, khiếu kiện và dân mang quan tài đi diễu phố (tương tự như Việt Nam). Không có mấy hy vọng về việc nghi phạm bị dẫn độ về Trung Quốc sẽ được hưởng đầy đủ quyền con người liên quan đến quá trình tố tụng.

Những năm gần đây, nhà nước Trung Quốc cũng đã tiến hành bắt cóc nhiều công dân của mình từ các nước khác về Trung Hoa lục địa chịu tội. Ví dụ hay được nhắc đến là Gui Minhai, một người bán sách, bị bắt cóc tại Thái Lan tháng 10/2015 và ba tháng sau “xuất hiện trở lại” trong trại giam ở Trung Quốc – một trường hợp rất giống với nhà báo Trương Duy Nhất của Việt Nam. Tháng 1/2016, Gui Minhai thậm chí còn thú tội trên truyền hình, khóc lóc nói rằng đã từng lái xe đụng chết một sinh viên 20 tuổi.

Cho nên, những người phản đối cũng lo sợ dự luật dẫn độ thực chất là “luật hoá việc bắt cóc”, tạo cơ sở pháp lý cho việc nhà nước bắt cóc công dân ở nước ngoài.

Theo dự luật, những tội phạm nào bị dẫn độ?

Dự luật xác định 37 nhóm tội có thể bị dẫn độ, mỗi nhóm bao gồm nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Về căn bản thì các tội phạm sau đây sẽ bị dẫn độ: giết người, xúi giục và giúp người khác tự tử, hành hung, doạ giết, hiếp dâm và tấn công tình dục, bắt cóc, tham nhũng, rửa tiền, hải tặc và không tặc…

Các tội phạm bị dẫn độ đều là các tội bị xử ít nhất bảy năm tù, theo luật Hong Kong.

Dự luật quy định không dẫn độ trong trường hợp các vi phạm mang bản chất chính trị.

Như vậy, tội chính trị không thể bị dẫn độ, theo dự luật này?

Mặc dù dự luật quy định không dẫn độ trong trường hợp các vi phạm mang bản chất chính trị, nhưng nhìn lại lịch sử, việc hình sự hoá các hành động chính trị để biến chúng thành “tội hình sự”, biến vụ án chính trị thành vụ án hình sự, là điều mà các chính quyền Trung Quốc, Việt Nam vẫn thường xuyên làm. Giới hoạt động nhân quyền ở cả hai nước đều có thể bị buộc vào các tội hình sự thông thường và bị kết án như tù hình sự, trong khi hai chính quyền thường xuyên nói rằng ở nước mình không có tù nhân lương tâm, tù chính trị.

Chính quyền Hong Kong phản hồi ra sao với các quan điểm phản đối?

Chính quyền Hong Kong muốn thông qua dự luật dẫn độ, lấy lý do là không muốn Hong Kong trở thành nơi ẩn náu của tội phạm bị truy nã. Trong một thông cáo báo chí hôm 03/6, Văn phòng Chính quyền Đặc khu cho rằng “việc giao nộp tội phạm đào tẩu là một thông lệ quốc tế lâu đời nhằm chống các tội ác nghiêm trọng và ngăn chặn tội phạm đào thoát, trốn tránh công lý”.

Đối với những ý kiến lo ngại về tác động tiêu cực của luật dẫn độ đến tự do ngôn luận ở Hong Kong, chính quyền đặc khu đáp rằng luật này chỉ nhằm xử lý các tội nghiêm trọng và sẽ không xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, báo chí xuất bản của người dân Hong Kong.

Luật dẫn độ ảnh hưởng như thế nào đến người nước ngoài ở Hong Kong?

Theo luật pháp Trung Quốc, Trung Quốc có quyền xét xử bất kỳ người nước ngoài nào phạm tội chống lại “nhà nước CHND Trung Hoa hoặc công dân của nước CHND Trung Hoa” bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, miễn là tội đó thuộc loại tội bị xử ít nhất ba năm tù và hành vi phạm pháp cũng bị coi là tội ở nơi mà nó diễn ra. Dĩ nhiên, việc bắt giữ, dẫn độ nghi phạm về Trung Quốc phải được sự đồng ý của nước sở tại.

Giới luật sư Hong Kong cho rằng nếu dự luật dẫn độ được thông qua, Trung Quốc có thể dùng nó để trả thù các công dân nước ngoài làm việc hoặc du lịch ở Hong Kong. Nhân viên người Mỹ, làm việc trong các tổ chức nhân quyền quốc tế có văn phòng ở Hong Kong như Ân xá Quốc tế (Amnesty International), có thể là nạn nhân sớm của luật dẫn độ. Nhà báo, học giả, nghiên cứu viên nước ngoài ở Hong Kong… cũng gặp rủi ro tương tự.

Đoan Trang

Lược dịch từ bài “Everything you need to know about Hong Kong’s extradition law”, đăng ngày 11 tháng Sáu, 2019 trên Quartz.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

 

 

Phụ đính 3

Trưởng quan Hồng Kông Carrie Lam: ‘Dự luật dẫn độ đã chết’

July 8, 2019

HỒNG KÔNG (NV) – Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông bà Carrie Lam tuyên bố dự luật dẫn độ người phạm tội về Trung Quốc “đã chết.”

Tuyên bố này được đưa ra vào sáng Thứ Ba, 9 Tháng Bảy, 2019 khoảng 10 giờ (giờ địa phương,) sau khi dân Hồng Kông biểu tình lớn từ giữa Tháng Sáu đến cuối tuần qua. [Đặc khu trưởng Hong Kong bà Carrie Lam tuyên bố với truyền thông về dự luật dẫn độ vào sáng 9/7/2019 (Hình: Reuters)]

Vào ngày 12 Tháng Sáu, 2019, sau cuộc biểu tình lớn lịch sử của hơn 1 triệu người dân Hồng Kông, bà Carrie Lam đã phải tuyên bố hoãn không thảo luận dự luật dẫn độ.

Nhưng theo lời bà Lam nói vào sáng Thứ Ba, 9 Tháng Bảy: “Vẫn còn những nghi ngờ về sự chân thành của chính phủ hoặc lo lắng liệu chính phủ sẽ cho bàn lại dự luật này trong hội đồng lập pháp.”

“Vì vậy, tôi nhắc lại ở đây, không có kế hoạch nào làm việc này. Dự luật đã chết.” Tờ Channel News Asia dẫn lời bà Carrie Lam nói.

Bà Carrie Lam miêu tả công việc sửa đổi luật dẫn độ là một “thất bại hoàn toàn” và kêu gọi người dân hãy cho chính phủ một thời gian để giải quyến vấn đề.

“Tôi hoàn toàn hiểu những phản ứng của chính phủ có thể không đáp lại điều mong muốn của người dân, đặc biệt là những người biểu tình, những người đã xuống đường nhiều lần để bày tỏ quan điểm của họ. Tôi chỉ muốn nhắc lại, đây là sự cân nhắc của chính phủ về các mối quan tâm và các yếu tố khác để đi đến kết luận. Phản ứng này của chính phủ là biện pháp thiết thực để chúng ta tiến lên phía trước. Cho nên, lời mong muốn chân thành của tôi, là hãy cho chúng tôi cơ hội, thời gian, không gian để chúng tôi đưa Hồng Kông ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay và cố gắng cải thiện tình hình thực tế.” Lời của bà Carrie Lam được Reuters trích dẫn.

Dự luật dẫn độ những người phạm tội ở Hồng Kong về toà án ở Trung Quốc đại lục đã dẫn đến cuộc biểu tình phản đối lớn nhất lịch sử Hồng Kông trong ngày 12 Tháng Sáu .

Thêm vào đó, sức ép từ yêu cầu của người biểu tình đã khiến chính quyền của bà Carrie Lam phải trả tự do trước thời hạn cho thủ lĩnh sinh viên Joshua Wong (Hoàng Chi Phong.)

Ngày 1 Tháng Bảy, nhân kỷ niệm 22 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hong Kong từ Anh về cho Trung Quốc, khoảng 550.000 người (theo số liệu của các hãng thông tấn quốc tế) xuống đường tuần hành để tiếp tục gây sức ép lên chính quyền về dự luật dẫn độ.

Cho đến Chủ Nhật, 7 Tháng Bảy vừa qua, vẫn còn cả trăm ngàn người dân Hồng Kông, với nhiều người mặc áo đen và một số cầm lá cờ từ thời còn là thuộc địa Anh, đã rầm rộ xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, lần này cuộc biểu tình có mục đích rõ ràng nhằm giải thích cho người dân lục địa biết về cuộc tranh đấu kéo dài từ hơn tháng nay và không có chỉ dấu nào sẽ suy giảm.

Theo Reuters, cuộc khủng hoảng về dự luật dẫn độ là thách thức lớn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt với sự cai trị của mình trong 22 năm kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Hồng Kông.

Hồng Kông đã được trả lại cho Trung Quốc từ Anh vào năm 1997 với lời hứa về quyền tự chủ cao độ, nhưng trong những năm gần đây đã có mối lo ngại ngày càng tăng về sự xói mòn của các quyền tự do đó dưới tay Bắc Kinh.

Dự luật được lên kế hoạch đã gây ra sự phẫn nộ mạnh mẽ trong khắp xã hội Hồng Kông trong bối cảnh lo ngại rằng nó sẽ đe dọa đến luật pháp được gìn giữ, nhờ đó củng cố địa vị trng tâm tài chính quốc tế của thành phố.

Sự xuất hiện của bà Carrie Lam vào sáng Thứ Ba, 9 Tháng Bảy là lần  đầu tiên kể từ khi bà chủ trì cuộc họp báo tuần trước, sau khi những người biểu tình bao vây và tấn công tòa nhà Hội Đồng Lập Pháp ở trung tâm thành phố.

Hồng Kông bị chuyển giao về Trung Quốc vào năm 1997 theo thể chế “một quốc gia, hai hệ thống,” cho phép người dân được hưởng các quyền tự do không có ở Trung Quốc, bao gồm quyền phản khángnền tư pháp độc lập. (C.Linh)

 

 

Phụ đính 4

Cô gái ngồi thiền: Biểu tượng biểu tình ở Hong Kong

15 tháng 6 2019

Bản quyền hình ảnh AFP Image captionHình ảnh gây cảm hứng cho nhiều người

Lam Ka Lo, 26 tuổi, được nhiều người gọi là gương mặt của phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong.

Cô gái này vừa nói với BBC hôm thứ Bảy rằng sẽ tiếp tục chiến đấu mặc dù trưởng đặc khu Carrie Lam đã nhượng bộ. Chính phủ Hong Kong nói sẽ tạm thời không thúc ép thông qua dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.

Lam Ka Lo trở nên nổi tiếng khi một mình cô, ngồi thiền ngay trước mặt đám đông cảnh sát chống bạo động trong đêm tối. Nó trở thành hình ảnh nổi trội mấy ngày qua.

Lam Ka Lo đã gợi hứng cho tác phẩm của một nghệ sĩ đối kháng tại đại lục, Badiucao

Bản quyền hình ảnh @badiucao@BADIUCAO

Lam Ka Lo đi một mình tới quận Admiralty, nơi đặt trụ sở chính quyền, vào tối thứ Ba, vài giờ trước một cuộc biểu tình. Khi đó, có hàng trăm người phản đối ở cùng cô, nhưng dần dần cảnh sát đến rất nhiều.

Lam Ka Lo kể: “Không ai dám tới thật gần hàng rào cảnh sát.”

Thế là cô bắt đầu ngồi thiền và tụng kinh.

“Tôi chỉ muốn truyền tải năng lượng tích cực thôi. Người biểu tình cũng nhục mạ cảnh sát đó. Khi ấy, tôi chỉ muốn các bạn biểu tình ngồi cạnh tôi, đừng có lớn tiếng.”

Lam đã đi thăm nhiều nước trên thế giới. Bốn năm trước khi thăm Nepal, cô học thiền. Hồi năm 2014, Lam mỗi ngày đều xuống đường cùng phong trào Dù kéo dài 79 ngày.

Khi bạo lực xảy ra hôm thứ Tư, Lam nói: “Tôi cũng cảm thấy chút thù hận khi một số sinh viên bị cảnh sát làm bị thương.”

Nhưg cô nói phong trào không nên làm cảnh sát căm ghét họ, và tin rằng phi bạo lực là cách tốt nhất. “Bạo lực không giải quyết được gì đâu.”

Hôm thứ Bảy, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam đã nói sẽ tạm gác dự luật. Nhưng Lam Ka Lo nói: “Chưa phải là thành công.”

Cô muốn dự luật phải rút lại hẳn, người biểu tình phải được thả, và xung đột hôm thứ Tư phải không bị xem là gây rối. Cô kêu gọi tiếp tục biểu tình ngày Chủ nhật.

“Tôi dùng thiền, nhưng đó không phải cách duy nhất. Mọi người đều có thể phản đối sáng tạo và có ‎ý nghĩa.”

 

Phụ đính 5

Pham Doan Trang [xem hình]

June 16

Nếu Là Người Tiến Bộ, Phải Ủng Hộ Hong Kong Chống Luật Dẫn Độ

Có nhiều điều đáng nói về cuộc biểu tình hiện nay của người Hong Kong chống dự luật dẫn độ; trong đó, có hai điểm mà người Việt Nam nên để ý:

Thứ nhất là, theo luật pháp Trung Quốc, Trung Quốc có quyền xét xử bất kỳ người nước ngoài nào phạm tội chống lại “nhà nước CHND Trung Hoa hoặc công dân của nước CHND Trung Hoa” bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, miễn là tội đó thuộc loại tội bị xử ít nhất ba năm tù và hành vi phạm pháp cũng bị coi là tội ở nơi mà nó diễn ra.

Điều đó hàm nghĩa là, ngay cả công dân Việt Nam, ở trên đất Việt Nam, chống Trung Quốc là có thể bị Trung Quốc yêu cầu Việt Nam dẫn độ sang “thiên triều” chịu tội.

Thứ hai là, theo dự thảo luật dẫn độ hiện nay, có 37 nhóm tội phạm thuộc diện phải bị dẫn độ, gồm các tội hình sự nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, cướp biển, cướp máy bay… VÀ KHÔNG CÓ các tội chính trị. Nghĩa là theo dự luật, chỉ tội phạm hình sự nghiêm trọng mới bị dẫn độ; tù nhân lương tâm, tù chính trị không liên quan. Người dân bình thường lại càng không. Nói theo thứ logic cũ kỹ của dư luận viên Việt Nam và quan thầy Trung Quốc của chúng, là “chỉ bọn người phạm pháp, chống đối, sống ngoài vòng pháp luật, mới sợ cái luật này chứ người bình thường, sống và làm việc theo đúng pháp luật, thì có gì phải sợ”.

Ấy thế mà dân Hong Kong vẫn biểu tình. Cả triệu người thuộc mọi giới – trí thức, doanh nhân, luật sư, sinh viên, nghệ sĩ v.v. – ào ào xuống đường biểu tình chống một dự luật mà về hình thức, dường như chẳng liên quan gì đến họ.

Họ biểu tình, họ phản đối nó, vì họ thấy trước nguy hiểm tiềm tàng mà nó mang lại: vi phạm nhân quyền, phá hoại nền tư pháp độc lập và tự do của Hong Kong. Hôm nay chính quyền thân Trung Quốc thông qua luật này, ngày mai Trung Quốc sẽ lợi dụng nó để bắt bớ, trấn áp, kìm hãm tự do của người dân ở Hong Kong (kể cả công dân nước ngoài) mà không ai bảo vệ được họ.

Nghĩa là người Hong Kong phản đối một thứ tưởng như chẳng có liên quan gì đến họ, mà chỉ tiềm ẩn một đe dọa tương lai.

* * *

Nhìn về Việt Nam, lại nghĩ đến dự luật Đặc khu, dự án khai thác bauxite, rồi đường sắt cao tốc, v.v. Đó là những dự luật, dự án mà hậu quả đã có thể nhìn thấy rõ ràng, ý đồ bán nước, phản quốc hại dân đã quá rõ ràng, và đặc biệt, đã liên quan đến chủ quyền và lợi ích của đất nước trong hiện tại lắm rồi (chưa nói chuyện tương lai)… Ấy thế mà vẫn có nhiều người ngoạc mồm ra bênh cho bằng được. Một phần trong số đó là những kẻ đã ăn tiền của nhóm lợi ích đến ngập răng ngập lợi; một phần khác là ngu dốt; còn những thành phần khác nữa, thật chẳng biết định danh họ là gì.

Đáng sợ nhất là trong số đó có không ít kẻ mang danh học giả, chuyên gia, nhà báo… bằng cấp đầy mình, quan hệ rộng, tầng lớp cao. Vậy mà không bằng được đứa học sinh cấp lll ở Hong Kong!