Tập San Tân Ðại Việt Số 7/2020 – Tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Ðại Việt Số 7/2020 – Tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục lục

Lê Minh Nguyên: 30 Năm Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy
Bác sĩ Mã Xái: Mùa Tưởng Niệm (tại gia) Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 30 (1924-1990)
GS Nguyễn Ngọc Huy: Cuộc Tranh Ðấu Chung Quanh Ý Niệm Dân Chủ
Vũ Hữu Trường: Anh Ba và tôi nhân lễ tưởng niệm lần thứ 30 cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc  Huy
Thanh Thủy: Tưởng Niệm Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy và  Những Bước Chân Người Lưu Dấu
Tự Do Dân Bản số 55: Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
Vĩnh Liêm:
– Thơ Khóc một vì sao
– Gíáo sư Nguyễn Ngọc  Huy
Nguyễn Bá Lộc: Quyền công nhân tại Việt Nam
Mai Thanh Truyết: Tất cả là Một Oneness – Once and for All
Đằng Phương:  Thơ Anh Hùng Vô Danh
Trần Nguyên: Thuốc Hydroxychloroquine hiệu quả nhất chống lại được COVID-19 theo thử nghiệm mới
Đằng Phương: Thơ Xuân chiến thắng
Thanh Thủy: Tham luận 150: Cuộc Đương Đầu Quyết Liệt Mỹ – Trung Cộng
Trọng Đạt: Thăng Trầm Của Truyền Thông trong Lịch Sử Mỹ
Bùi Phạm Thành: Hoa Kỳ Bác Bỏ Hầu Hết Những Tuyên Bố Về Chủ Quyền Của Tàu Cộng ở Biển Đông
Nguyễn thị Cỏ May:
– Bầu cử Thị xã Pháp: tình trạng Dân chủ và Đảng phái
– Quốc Khánh Pháp Trong Mùa Đại Dịch

 

 

30 Năm Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy  – Lê Minh Nguyên

GS Nguyễn Ngọc Huy qua đời ngày 28/7/1990 trên bước đường tranh đấu ở Paris, Pháp quốc.

Trong bút tích cuối cùng của GS vào cuối tháng 7, ông viết:

“Tôi là người có đức tin mạnh, do đó, tôi hy vọng rằng do sự cầu nguyện của chính tôi, của các tu sĩ bạn và của các chiến hữu, tôi có thể cầm cự với bệnh trạng vài ba năm nữa.

Đó là thời gian đủ để chúng ta giải phóng được dân tộc khỏi ách cộng sản, và sau đó tôi sẽ còn đóng góp được vào việc thiết lập một Hiến Pháp vừa bảo đảm được các quyền tự do của người dân, vừa bảo đảm được sự ổn định của chính quyền cần thiết cho cuộc phát triển kinh tế.

Sau đó tôi sẽ rời chánh trường, nếu còn sống sót thì sẽ viết về các nhận định về các ưu và nhược điểm của dân tộc VN, phân tích vì sao một dân tộc thông minh dũng cảm mà lại bị đưa vào cảnh khốn cùng đến mức lọt vào hàng chót trong các nước trên thế giới.

Mục đích là giúp các thế hệ VN tương lai tránh các sai lầm để bảo đảm sự tồn tại lâu dài và một vị thế tốt đẹp trên trường quốc tế xứng đáng với sự thông minh dũng cảm của dân tộc ta.”

Mơ ước của ông là một nước Việt Nam tự do, dân chủ, độc lập, hoà bình và trung lập. Một nước Việt Nam văn minh, thịnh vượng, sánh vai cùng những quốc gia dân chủ văn minh khác trên trường thế giới.

Thương tiếc, tưởng nhớ GS Nguyễn Ngọc Huy, không gì bằng chúng ta hãy tiếp nối, tạo sự tiếp nối, để hiện thực những ước mơ vẫn còn dang dỡ của GS Huy.

GS Nguyễn Ngọc Huy còn là thi sĩ Đằng Phương, với những lời thơ của ông làm cho chúng ta ấm lòng vì có cảm giác như là ông đang ở đâu đó bên ta để khích lệ chúng ta.

Vả lại dầu xa mấy núi sông
Dầu còn tái hội nữa hay không
Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi
Vẫn sống trong tim những bạn lòng

Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, mà GS Huy đã phát triển từ sự sáng tạo của Đảng Trưởng Trương Tử Anh, có nói về sự sinh tồn ngàn năm. Khi mọi người vẫn còn nhớ và nhắc về một người nào, thì người đó đã trở thành bất tử, và trong ý nghĩa đó, GS vẫn sinh tồn và bên cạnh chúng ta.

Đọc tập thơ Hồn Việt của thi sĩ Đằng Phương, chúng ta rung động trong nghẹn ngào theo vận nước nỗi trôi, những anh hùng dân tộc Việt Nam sao mà hy sinh và gian khổ quá! Họ sống cuộc đời đầy máu lệ!

Họ xây dựng giang san, bảo vệ tổ quốc trong sự nghiệt ngã của từng hoàn cảnh. Đọc lịch sử, nhìn cuộc đời GS Huy ta không ngăn được giọt lệ lòng!

Tôi có dịp gần với GS Huy trong những năm khi mới sang Hoa Kỳ. Ở cạnh nghe ông diễn thuyết ban ngày, chia sẻ tâm sự với ông ban đêm, mới thấy sự hy sinh tranh đấu của ông. Khi nói chuyện ban ngày, ông luôn luôn lạc quan, khuyến khích mọi người nhìn về một tương lai sáng lạng cho Việt Nam, ông hà hơi tiếp sức, truyền sinh lực và hùng khí tranh đấu cho người nghe. Ban đêm tâm sự, ông nói rằng nếu có sự chọn lựa cho cá nhân thôi, thì ông muốn đi tu, nhưng đi tu sao được khi anh em đang đi tù cải tạo và đất nước đang bị đặt dưới ách gông cùm của cộng sản!

Có lần đến Albany thủ đô của New York thăm Thuý Tần con gái GS. Tần để tôi ngủ trong phòng của GS, nằm trên chiếc giường mà GS đã từng nằm, trên bàn bên cạnh giường là hai hủ tro cốt của GS và Chị Ba. Trong lòng tôi lúc đó thật là cảm xúc, một cảm xúc hết sức đặt biệt mà không sao có thể diễn tả trọn vẹn cho được. Tôi cảm thấy thật gần, gần GS trong một thế giới huyền bí và linh thiêng. Tôi cảm thấy may mắn, may mắn vì người ngủ trong phòng GS, nằm trên giường GS, bên cạnh tro cốt GS và Chị Ba, chắc thường chỉ trong gia đình và rất ít khi ngoại lệ.

GS Huy và các bậc đàn anh đã nằm xuống, nhưng ước mơ vẫn còn dang dỡ. Những bước chân đi trước đầy khổ đau và bất hạnh. Chúng tôi, những bước chân sau, nguyện tiếp nối và xây dựng sự tiếp nối để đưa dân tộc vượt qua nỗi bất hạnh, tiến tới bến bờ vinh quang, cho xứng đáng với sự thông minh và dũng cảm của dân tộc ta mà GS đã nhận xét trong bút tích cuối cùng của ông.

Ba mươi năm trong mùa tưởng niệm, xin hồn thiêng của GS Nguyễn Ngọc Huy phù hộ cho dân tộc và đất nước Việt Nam.

 

Mùa Tưởng Niệm (tại gia) Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 30 (1924-1990) – Bác sĩ Mã Xái

“Thân Anh dù hoá bụi trần,
Anh còn để lại tinh thần Ngọc Huy”
(Nhữ đình Hùng)

Mùa Tưởng niệm Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy năm nay rơi vào thời điểm mà thiên tai, nhơn tai cùng những biến động kinh tế, chánh trị, ngoại giao, an ninh, y tế dồn dập trên toàn thế giới. Ba mươi năm qua rồi mà đồng chí, môn đệ, thân hữu, đồng hương luôn vẫn nhớ đến Người như một nhà ái quốc, một chí sĩ, một lãnh tụ, môt ông Thầy, một nhà thơ, một nhà cách mạng suốt đời hy sanh, đấu tranh cho sự sống còn dân tộc, cho một “Nước Việt Trường Tồn”, một Việt Nam tự do, dân chủ, pháp trị,độc lập, chủ quyền ,sự toàn vẹn lãnh thổ dưới Chủ ngĩa Dân Tộc Sanh Tồn;  vì nguy cơ đại dịch Vũ Hán nên đa số ACE tưởng niệm tại gia, hoạ hoằn qua những tập họp hạn chế  trong khuôn khổ theo qui định COVID-19.

Nhớ lại Buổi Thuyết trình lần cuối 16/6/1990 của GS Nguyễn Ngọc Huy tại Orlando. Xem hình ảnh sống động của GS:

“Tiến theo đường định mạng mãi không thôi,
Lúc hết hơi mới biết được mạng trời,
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động.”
(Đằng Phương)

Hồi tưởng lại, khoảng trung tuần Tháng Sáu /1990 Giáo Sư gọi tôi có ý phiền trách về việc tôi khuyên GS nên giữ gìn sức khoẻ, và GS còn dặn anh em đừng bao giờ nói đến chuyện khuyên GS tạm ngưng sanh hoạt; lúc bấy giờ sức khoẻ của Người đã suy yếu trầm trọng và việc nói năng đã trở nên khó khăn vô cùng; GS dứt khoát tiếp tục hoạt động; vốn có đức tin mạnh mẽ và tin tưởng Cầu nguyện có thể giúp GS sống thêm vài năm nữa hầu GS có thể hoàn thành cuộc tranh đấu cho Việt Nam. Một tuần sau buổi điện đàm, và như đã kế hoạch, GS đến Florida, và buổi thuyết trình rất thành công với đề tài :“ SỰ THOÁI TRÀO CỦA CHỦ NGHĨA CS và ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG”, tại Thành phố Orlando ngày 16/06/1990. Có ai ngờ rằng đây là lần thuyết trình cuối cùng. Giả từ Florida, “ Tiến theo đường định mạng mãi không thôi” , GS lại lên đường đi tham dự Đại Hội Thế giới LMDCVN tổ chức tại Hoà Lan, định mạng trớ trêu như đã an bày, GS đành “biết được mạng trời” tại Paris ngày 28-07-1990,  một tuần trước  ngày khai mạc Đại Hội; dù đường đi chưa đến, GS đã viết trước 04 bài thuyết trình và nội dung được ban Tổ chức Đại Hội Thế Giới LMDCVN lần lượt trình bày trước Đại Hội, mà giá trị được xem như những lời di huấn  cuối cùng của Thầy, những dặn dò truyền lại cho chiến hửu, đồng chí.

Khó mà cầm nước mắt nổi, lúc đón GS tại phi trường quốc tế Orlando, khi nhìn tấm thân tiều tuỵ, ốm yếu đi đứng khó khăn, khác quá nhiều khi GS đến Florida trong mấy lần trước; vậy mà con người khẳn khiêu gần như khô đét đó, như phép lạ, trở nên sống động, sắc khí đầy sanh lực biểu lộ trên gương mặt, như một nhà hùng biện (xin đ/c nhìn vào các bức hình đính kèm) lôi cuốn cử toạ trong hội trường hôm ấy (16/06/1990 ) một cách lạ lùng : một tinh thần dũng mãnh, ý chí kiên cường đó vẫn vẹn toàn trong một thân xác đau yếu; hình ảnh này làm tôi nhớ lại câu chuyện trao đổi với GS trước kia về những điều gì còn bí ẩn về con người “L’homme, cet Inconnu”của Bác sĩ Alexis Carrel, mà GS đề cập trong quyển DTST; nhà thơ Vĩnh Liêm trong bài  Tưởng Niệm GS Huy (1924-1990) như muốn giải thích hiện tượng này … “Như có cái gì thúc đẩy Anh, (Phải chăng hồn Chiến sĩ Vô Danh ?), Anh đi không ngại thân đau yếu, Gặp gỡ, họp bàn…trí vẫn nhanh”….

 “Gánh nặng đường xa than mệt mõi,
“Nhưng còn trách nhiệm vẫn còn đi”.

GS là một tấm gương của một con người trọn đời hy sanh cho chánh nghĩa, cho tổ quốc, cho dân tộc, một con người với  tài đức  vẹn toàn, quang minh chánh đại từ lời nói tới việc làm, ngôn hành hiệp nhứt, dâng hiến hết cuộc đời cho khi đến khi “hết hơi”, “nhắm mắt” theo con đường định mạng, đành chịu nửa đường đứt gánh. Tôi suy nghĩ : Do mạng trời sao? Vô lý!? Sao định mạng nở bất công như vậy! khi đất nước đang cần con người như vậy.

“Kẻ chết đã yên rồi một kiếp,
Người sống còn tái-tiếp noi gương”

(Đức Huỳnh Giáo chủ)

Đã ba mươi năm qua, mỗi lần mùa tưởng niệm đến, chúng ta ôn lại công đức của GS, và học lại lời di huấn. Nhơn Mùa Tưởng niệm  lần thứ 30, với nén hương lòng tâm nguyện cùng nhau đoàn kết để đấu tranh giải trừ chế độ CSVN.

“Dây thân ái xin cùng nhau xiết chặt,
Niềm cảm thông xin hảy cố khơi sâu
Để cho nền đoàn kết mãi dài lâu
Lúc tranh đấu cũng như hồi chiến thắng.”
(Đằng Phương/ Thơ Hồn Việt)

Chúng ta rất đau buồn qua những việc lủng củng nội bộ hình như bắt đầu với vấn đề bầu cử TT Hoa Kỳ và sau đó vấn đề khác biệt quan điểm đối với các tổ chức thiên tả thân cộng ( Antifa, BLM ); các tổ chức thiên tả này lợi dụng Đại dịch siêu vi Covid- Vũ Hán, tạo ra tình thế hổn loạn, khủng bố ngay trong một đất nước dân chủ pháp định- siêu cường Hoa Kỳ. Chúng ta cảm thấy tủi hổ  đối với hương linh GS khi để cho vấn đề lủng củng nội bộ lan rộng bên ngoài làm sứt mẻ thanh danh của Đảng TDV. Vết thương phân hoá LMDCVN sau khi GS qua đời coi như tạm lành thì nay có khuynh hướng tách rời để ĐTDV và LMDCVN-Vancouver đường ai nấy đi, sau hơn một thập niên hợp tác…Những vấn đề lẽ ra nếu nhẫn-hoà với nhau, theo gương  “Nhẫn”của Giáo sư trong việc xử thế nội bộ anh em trong nhà cũng như đối với người ngoài đoàn thể, có thể mọi việc đã êm xuôi hơn; chắc quý anh chị còn nhớ, lúc còn sanh tiền, GS cũng mất rất nhiều thì giờ đi khắp nơi để giàn xếp các vụ bất hoà, xung khắc giữa đoàn viên, và dặn dò anh em giữ gìn sự đoàn kết, củng cố đoàn thể kể cả liên kết với lý tưởng của những người đấu tranh cho một nước Việt Nam thật sự  tự do, dân chủ pháp trị. Khi việc lủng củng cần giải quyết trên căn bản Hiến chương mà BLD đang làm và sẽ phải làm đến nơi đến chốn.

“Hởi các bạn đồng hành chung lý tưởng,
“Chung nguyện thề, chung ước vọng cùng nhau”

(Hồn Việt/Gởi các bạn đồng lý tưởng)

Cầu nguyện hương linh Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy phù hộ, tái lập sự đoàn kết trong đoàn thể hầu anh chị em chúng ta tiếp tục sự nghiệp còn dang dở và thực hiện được mong ước của GS : giải phóng Việt Nam khỏi ách độc tài toàn trị cộng sản, xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ pháp tri, toàn vẹn lãnh thổ, thạnh vượng ,hùng cường./.

24/07/1990

 

 

Cuộc Tranh Ðấu Chung Quanh Ý Niệm Dân Chủ – GS Nguyễn Ngọc Huy

Trong diễn tiến dung hòa và chống chọi nhau giữa các luồng tư tưởng chánh yếu, đã có một hiện tượng đáng lưu ý là cuộc tranh đấu nhau chung quanh ý niệm dân chủ. Hiện nay, có nhiều chủ trương cùng tự xưng là dân chủ, nhưng lại chống chọi nhau mãnh liệt. Hai phe đã đương đầu nhau một cách dữ dội từ sau Thế chiến II là Dân chủ tự do và Dân chủ xã hội.

I – So sánh quan niệm căn bản của hai bên

A – Những điểm tương đồng

Sở dĩ cả hai phe chống chọi nhau đều tự xưng là Dân chủ được là vì họ đã dựa vào một số quan niệm căn bản như nhau.

1- Theo mọi phe tự xưng là Dân chủ, con người phải được tự do và bình đẳng.

2- Vì mọi người trong cộng đồng đều bình đẳng nhau nên không một cá nhân hay một dòng họ nào có thể làm chủ quốc gia, và quốc gia phải được xem là sở hữu của toàn thể nhân dân.

3- Do chỗ mọi người đều tự do và bình đẳng và quốc gia là sở hữu của toàn thể nhân dân nên người công dân không phải tùng phục một cá nhân nào, chỉ tùng phục luật pháp, và luật pháp này lại không phải là ý muốn một cá nhân hay một tổ chức nào, mà phải do ý muốn của nhân dân mà ra.

4- Luập pháp quan trọng như vậy cho nên cộng đồng phải có một thủ tục làm luật pháp rõ rệt và mọi việc đều phải làm theo như luật pháp ấn định. Theo lề lối thông thường ở các nước gọi là dân chủ, trên hết có đạo luật căn bản là Hiến Pháp được thiết lập đầu tiên theo một thủ tục đặc biệt và có tánh cách trường cửu. Luật pháp thường phải phù hợp với Hiến Pháp. Nhà cầm quyền phải được chọn lựa và bổ nhiệm đúng theo luật pháp và khi được bổ nhiệm rồi thì phải tuân theo luật pháp trong khi hành sự.

5- Hiến pháp và các luật pháp căn bản phải bảo đảm một số quyền lợi đặc biệt của người dân trên căn bản tự do và bình đẳng.

B – Những điểm dị biệt

Tuy nguyên tắc căn bản giống nhau như trên đây đã nói, hai quan niệm Dân chủ tự do và Dân chủ xã hội lại có những điểm rất khác nhau vì một sự chọn lựa về cứu cánh và chủ trương căn bản đã đưa ra những qui tắc áp dụng khác nhau trong đời sống thực tế.

1 – Sự khác biệt trong cứu cánh và chủ trương căn bản. Về mặt cứu cánh, quan niệm Dân chủ tự do lấy việc bảo vệ cá nhân, tức là con người với tư cách là con người, làm trọng; trong khi quan niệm Dân chủ xã hội lấy việc bảo vệ tập thể, tức là toàn thể cộng đồng làm trọng.

Tập thể chỉ có một quyền lợi vật chất và tinh thần duy nhứt trong khi các cá nhân trong tập thể có nhiều quyền lợi vật chất và tinh thần khác nhau. Do chỗ khác nhau này mà sự chọn lựa lấy cá nhân hay lấy  tập thể làm trọng đã đưa các quan niệm Dân chủ tự do và Dân chủ xã hội đến những chủ trương căn bản khác nhau: một bên theo chủ trương đa phương, một bên theo chủ trương toàn diện.

2 – Sự khác biệt trong các qui tắc áp dụng ra thực tế. Trên bình diện thực tế, sự dị biệt trong cứu cánh và chủ trương căn bản đã đưa đến những dị biệt sau đây:

a – Chánh đảng và đối lập. chế độ Dân chủ xã hội theo qui tắc độc đảng và không công nhận đối lập, còn chế độ Dân chủ tự do theo nguyên tắc đa đảng và chấp nhận đối lập.

– Quan niệm Dân chủ xã hội lấy việc bảo vệ quyền lợi tập thể làm cứu cánh. Tập thể vốn chỉ có một quyền lợi vật chất và tinh thần duy nhứt và đảng Cộng sản là đoàn thể được thành lập để phục vụ quyền lợi đó. Bởi vậy, chỉ có đảng Cộng sản mới được quyền cầm quyền điều khiển công việc quốc gia. Trong khuôn khổ của quan niệm Dân chủ xã hội, chống chọi lại đảng Cộng sản là chống chọi lại quyền lợi tập thể, tức là quyền lợi chung của mọi người. Do đó, đối lập bị đồng hóa với phản quốc hại dân và vì lẽ không chánh quyền nào có thể dung nạp những cá nhân và đoàn thể phản quốc hại dân nên chế độ Dân chủ xã hội không chấp nhận đối lập. Trong chế độ Dân chủ xã hội, chỉ có đảng Cộng sản là được hoạt động và cầm quyền. Nếu có lý do nào đó mà người Cộng sản còn phải dung nạp một vài chánh đảng tồn tại thì các chánh đảng này cũng chỉ là các đảng nhỏ không thực lực, không có quyền tự do hoạt động và không được đứng vào thế đối lập mà phải giữ vai tuồng phụ trợ cho đảng

Cộng sản. Kết quả của các qui tắc độc đảng là không công nhận đối lập và chánh quyền lúc nào cũng phải do đảng Cộng sản nắm giữ. Sự giành quyền vị hay thay đổi lãnh đạo bị hạn chế trong khuôn khổ của đảng Cộng sản cầm quyền, không có sự tham dự của nhân dân.

– Quan niệm Dân chủ tự do lấy việc bảo vệ quyền lợi cá nhân là cứu cánh mà mỗi cá nhân đều có quyền lợi vật chất và tinh thần riêng rẽ của mình, và các quyền lợi này không thể hợp nhứt làm một được. Bởi vậy, chế độ Dân chủ tự do phải để cho công dân kết hợp nhau trong nhiều chánh đảng, mỗi chánh đảng bênh vực cho quyền lợi vật chất và tinh thần của một số cá nhân. Các chánh đảng đều được tự do hoạt động để bành trướng thế lực và chen vào chánh quyền. Chánh đảng hoặc nhóm chánh đảng nào có chương trình hoạt động phù hợp với quyền lợi của số đông thì được nắm chánh quyền, các chánh đảng khác giữ vai tuồng đối lập, chỉ trích chánh đảng cầm quyền và tìm cách chứng minh rằng sự hoạt động của chánh đảng hay nhóm chánh đảng cầm quyền không có lợi cho quốc gia.

Nếu đa số nhân dân cho rằng đối lập chỉ trích sai, họ sẽ tiếp tục ủng hộ phe nắm chq. Trái lại, nếu đa số nhân dân cho rằng đối lập có lý, họ sẽ đưa đối lập lên nắm chánh quyền và phe cầm quyền cũ lại phải rời chánh quyền và làm đối lập. Ðiều này chúng ta thấy ngay tại hầu hết những nước có nền Dân chủ tự do (Canada, Uùc Ðại Lợi, Hoa Kỳ Ẩ.), đã làm điều kiện căn bản vững chắc cho việc phát triển đất nước này giầu mạnh.

Vậy, qui tắc đa đảng và sự chấp nhận đối lập đưa đến việc các chánh đảng khác nhau thay phiên nhau nắm chánh quyền. Việc thay đổi này thực hiện qua những cuộc bầu cử trung thực và có định kỳ.

b – Tập quyền và phân quyền. Chế độ Dân chủ xã hội theo qui tắc tập quyền còn chế độ Dân chủ tự do theo qui tắc phân quyền. Việc tổ chức các cơ cấu chánh quyền trong nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, xét về mặt thực tế thì dầu theo hình thức nào, các nước Cộng sản theo chế độ Dân chủ xã hội cũng đều tập trung quyền hành vào tay đảng Cộng sản. Do chỗ đảng Cộng sản nắm quyền quyết định tối hậu về tất cả mọi vấn đề nên dầu cho nước theo Cộng sản có nhiều cơ quan khác nhau, các cơ quan ấy đều phải làm theo chỉ thị của đảng Cộng sản chớ không thể có quyết định khác với ý muốn của đảng Cộng sản được.

Phía các nước theo chế độ Dân chủ tự do thì ít nhứt cũng có sự phân quyền giữa ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Mối liên hệ giữa ba cơ quan đó có thể khác nhau tùy nước, nhưng nói chung lại thìmỗi cơ quan đều có quyền riêng của mình, không cơ quan nào được trọn quyền quyết định và bắt buộc được cơ quan khác phải theo ý mình. Mặt khác, sự hiện diện của nhiều chánh đảng và sự chấp nhận cho đối lập được tự do hoạt động làm cho không chánh đảng nào có thể nắm giữ trọn vẹn hết các cơ quan khác nhau của quốc gia để bắt các cơ quan ấy làm theo ý mình.

c – Phạt lầm và tha lầm. Chế độ Dân chủ xã hội lấy việc bảo vệ quyền lợi tập thể làm cứu cánh nên xem nhẹ quyền lợi của cá nhân. Do đó, khi nhận thấy rằng quyền lợi tập thể bị đe dọa, nhà cầm quyền có thể trừng phạt những cá nhân mà họ cho là có hoạt động bất lợi cho tập thể. Quan niệm về việc có hành động bất lợi cho tập thể thật sự không phải lúc nào cũng rõ ràng minh xác và nhiều khi được gộp chung vào những tội danh mơ hồ như “phản cách mạng”, “phản xã hội”, “phản động”. Mặt khác, việc đặt quyền lợi tập thể lên trên làm cho nhà cầm quyền có thể trừng phạt dầu cho họ không có đủ bằng cớ. Trong một chế độ theo chủ trương như vậy, nhiều người có thể bị trừng phạt oan ức, nhưng với chế độ Dân chủ xã hội, điều này không quan trọng vì cá nhân phải hy sinh cho tập thể.

Chế độ Dân chủ tự do trái lại, lấy việc bảo vệ quyền lợi cá nhân làm cứu cánh nên hệ thống luật pháp nhắm vào việc bảo đảm cho người công dân không bị trừng phạt oan ức. Ðể thực hiện lý tưởng này, chế độ Dân chủ tự do áp dụng một số qui tắc như sau:

– Có luật mới có phạt; người công dân chỉ bị truy tố và trừng phạt khi vi phạm một điều luật đã được ban hành. Một việc làm có thể bị mọi người cho là sai quấy, nhưng nếu không có một điều luật cho đó là việc sai quấy và ấn định sự trừng phạt thì người công dân làm việc đó không thể bị truy tố.

– Muốn truy tố một người, phía chánh quyền phải chứng minh rằng người ấy quả có hành động vi phạm luật pháp. Nếu không có đủ bằng chứng rõ rệt thì phải tha bổng bị cáo. Ðó là qui tắc thà tha lầm một người có tội chớ không thể trừng phạt một người vô tội.

– Ðể chánh quyền không thể vi phạm các qui tắc trên đây, các vị Thẩm phán xử án được độc lập đối với nhà cầm quyền Lập pháp và Hành pháp và không bị bắt buộc phải làm điều gì trái với luật pháp và lương tâm. Chế độ phân quyền và sự hiện diện của đối lập giúp vào việc bảo đảm cho sự độc lập của Thẩm phán nói trên đây.

d – Chấp nhận và không chấp nhận quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất.

– Quan niệm Dân chủ xã hội không chấp nhận cho tư nhân có quyền sở hữu trên các phương tiện sản xuất vì cho rằng điều này đưa đến nạn Tư bản bóc lột nhân dân. Do đó, trong chế độ Cộng sản, tất cả các phương tiện sản xuất đều được quốc hữu hóa (quốc doanh) và do chánh quyền điều khiển. Kết quả là tất cả mọi người đều là công nhân của nhà nước; nếu chế độ Cộng sản có chấp nhận cho một số người có của riêng dùng trong sự sản xuất thì nó cũng hạn chế số người này, đồng thời hạn chế quyền của họ. Nói chung thì với chế độ Cộng sản, quan niệm Dân chủ xã hội kiểm soát đời sống người dân một cách chặt chẽ vì có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sự làm việc để sanh sống của họ.

– Chế độ dân chủ tự do xem quyền tư hữu là một quyền căn bản của người dân. Do đó, sự hạn chế quyền tư hữu tuy có thể được chấp nhận vì lý do công ích nhưng không thể đi xa quá và đa số người dân được quyền có những của riêng được dùng vào việc sản xuất. Do đó, người dân trong chế độ Dân chủ tự do ít tùy thuộc nhà nước hơn người dân trong chế độ Dân chủ xã hội.

II – Ưu và nhược điểm của hai chế độ dân chủ xã hội và dân chủ tự do

So sánh hai chế độ Dân chủ xã hội và Dân chủ tự do với nhau, ta thấy rằng chế độ nào cũng có ưu và nhược điểm.

A – Ưu và nhược điểm của xã hội dân chủ xã hội

1 – Các ưu điểm của chế độ Dân chủ xã hội

a – Về mặt thuần túy. Xét về mặt thuần túy, chế độ Dân chủ xã hội có những ưu điểm sau đây:

– Ðem quyền lợi chung của toàn thể nhân dân so với quyền lợi riêng của cá nhân thì quyền lợi chung của toàn thể nhân dân rõ rệt là quan trọng hơn và đáng được bảo vệ hơn.

– Người cầm quyền có tài và có công được tôn sùng và có thể phục vụ quốc gia lâu dài, không bị các cuộc bầu cử loại bỏ khi dân chúng thay đổi ý kiến một cách bất thường, hoặc bất mãn một cách vô lý vì những khó khăn tự nhiên mà không chánh quyền nào có thể tránh được.

b – Về mặt thực tế. Xét về mặt thực tế, chánh quyền trong chế độ Dân chủ xã hội có thể quyết định nhanh chóng, kín đáo, đồng thời có thể huy động toàn dân dễ dàng nên sự hoạt động chánh trị dễ có hiệu lực.

2 – Các nhược điểm của chế độ Dân chủ xã hội

a – Chánh quyền của chế độ Dân chủ xã hội nằm trong tay của một chánh đảng duy nhứt, không nhóm nào khác hơn có thể thay thế nó được một cách bình thường. Do đó, nhà cầm quyền dễ trở thành chuyên chế và hướng đến phục vụ quyền lợi riêng mà nhân dân không sao có thể đối phó với họ được. Về pháp lý, mọi sự chống đối đều bị xem là tội phản động và bị trừng phạt nặng nề. Về thực tế, nhà cầm quyền không những nắm giữ các lực lượng hành chánh, quân sự, cảnh sát, mà còn nắm giữ luôn cả các lực lượng kinh tế trong tay nên người dân hoàn toàn bị chế ngự không sao có thể đương đầu lại chánh quyền một cách có hiệu lực. Kết quả là nhân dân luôn luôn bị thống trị không ngóc đầu lên được. Sự tranh giành quyền vị chỉ xảy ra bên trong đảng cầm quyền và sự tranh giành này thường chỉ có thể kết thúc bằng sự thanh toán lẫn nhau chớ ít khi sự thay đổi lãnh đạo được thực hiện bằng phương pháp hòa bình. Những sự thanh toán nhau như vậy một mặt làm cho một số người có khả năng bị loại trừ, một mặt làm cho đa số nhân viên chánh quyền bị kềm chế không có sáng kiến.

b – Người dân phải sống dưới một sự áp chế thường trực. Ðời sống họ không có gì bảo đảm vì họ có thể bị bắt giam hay bị thanh toán lúc nào cũng được. Về mặt kinh tế, người dân của chế độ Dân chủ xã hội bị bắt buộc phải phục vụ các mục tiêu do chánh quyền ấn định và không được hưởng trọn kết quả công việc họ làm. Thiếu cái lợi cá nhân làm động lực, họ không hăng hái làm việc. Do đó, chế độ Dân chủ xã hội  thường thất bại trong sự sản xuất kinh tế. Trong ngành công nghệ, nhà cầm quyền còn có thể dùng những cấp bực lương bổng cao thấp khác nhau và dùng giấy ban khen để khuyến khích những người làm việc nhiều, vì kết quả làm việc của mọi cá nhân có thể đánh giá được một cách tương đối dễ dàng qua số lượng sản phẩm tạo ra được hàng ngày. Do đó, nền công nghệ các nước Cộng sản còn đưa đến một số kết quả tốt. Trong ngành nông nghiệp, việc đánh giá kết quả công việc làm hằng ngày của mỗi cá nhân không thể thực hiện được. Do đó, chánh quyền Cộng sản không có biện pháp hữu hiệu để phân biệt người làm việc có hiệu lực với người không chịu làm việc hay làm việc dở để thưởng phạt một cách công bình. Ðó là một trong những lý do làm cho nền nông nghiệp của các nước Cộng sản thường thất bại nặng nề.

B – Ưu và nhược điểm của chế độ dân chủ tự do

1 – Các ưu điểm của chế độ Dân chủ tự do.

a – Trong chế độ Dân chủ tự do, chánh quyền không thể bức hiếp người dân, và người dân quả có được thật sự tự do. Nếu không làm điều gì phạm luật pháp, người dân có thể tin chắc là mình không bị nhà cầm quyền làm khó hay bắt bớ giam cầm, hoặc giết hại. Mặt khác, người dân có thể hưởng trọn kết quả công việc mình làm và có quyền làm chủ các tài sản dùng vào việc sản xuất kinh tế. Do đó, người dân thường hăng hái hoạt động để tăng gia sản xuất trong mọi ngành. Bởi vậy, mặc dầu chế độ Dân chủ tự do cũng gặp một số khó khăn kinh tế, nói chung lại, các nước Dân chủ tự do đã thành công về mặt phát triển kinh tế nhiều hơn các nước Dân chủ xã hội.

b – Với sự hiện diện của nhiều chánh đảng thay nhau nắm chánh quyền qua những cuộc bầu cử, chế độ Dân chủ tự do có thể lần lượt áp dụng nhiều chánh sách khác nhau. Sự tự do tranh luận làm cho những sai lầm của một đường lối chánh trị hay một định chế có thể được nhận thức rõ rệt và được sửa chữa khi có sự thay đổi chánh quyền. Nhờ đó, chế độ Dân chủ tự do có thể cải thiện được một cách êm ái và liên tục.

2 – Các nhược điểm của chế độ Dân chủ tự do

a – Sự tự do hoạt động kinh tế và quyền tư hữu đã giúp cho một số người trong chế độ Dân chủ tự do có những tài sản lớn, trong khi đa số sống trong sự thiếu thốn. Những người có tiền của tự nhiên là được ưu đãi hơn những người nghèo, thành ra sự tự do bình đẳng mà mọi người được hưởng trên lý thuyết thật sự đã thường có lợi cho người giàu hơn cho người nghèo. Nhờ có tiền, người giàu có thể mướn nhiều luật sư giỏi chỉ dẫn cho mình về mặt pháp lý hoặc biện hộ cho mình khi kiện nhau với người khác hay bị chánh quyền truy tố. Do đó, người giàu có thể dễ thắng kiện hơn, họ cũng dễ thấy những kẽ hở của luật pháp và lợi dụng các kẽ hở đó được, trong khi người nghèo không có tiền mướn luật sư giỏi giúp mình nên dễ thua kiện và khó tránh bị lọt vào màn lưới của luật pháp. Mặt khác, người giàu có phương tiện để hưởng các quyền tự do một cách đầy đủ hơn người nghèo. Như về sự tự do đi lại chẳng hạn, người nghèo trên lý thuyết cũng có y như người giàu, nhưng vì không có tiền để di chuyển nên họ không được hưởng sự tự do đi lại đó. Trong sự xung đột giữa người giàu với người

nghèo, người giàu nhờ tiền của nên thắng thế hơn người nghèo. Do đó mà người giàu có thể hiếp đáp người nghèo. Trong quá khứ, chế độ Tự do đã đưa đến nạn tư bản bóc lột. Chế độ Dân chủ tự do ngày nay đã cải thiện nhiều, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo và việc người giàu được ưu đãi hơn vẫn không thể chấm dứt được.

b – Chánh quyền Dân chủ tự do gồm nhiều cơ quan khác nhau và độc lập đối với nhau nên nhà cầm quyền có thể bị ngăn trở, hoặc bắt buộc phải thảo luận thuyết phục cơ quan khác. Do đó, công việc làm thường chậm chạp, không kín đáo và nhiều khi không có hiệu lực.

c – Sự tự do quá độ có thể đưa đến những họa hại khó chấm dứt. Các nước theo chế độ Dân chủ tự do ngày nay bị một số nạn về xã hội như ma túy, khiêu dâm, ghiền ma túy . . . hoặc về chánh trị như việc tiết lộ các bí mật quốc gia một cách bừa bãi . . . và không giải quyết được các nạn ấy dễ dàng vì biên giới của quyền tự do rất khó ấn định một cách rõ rệt, nhứt là vì sự tranh luận về biên giới đó không lúc nào chấm dứt được.

III – Căn bản của hai dị biệt giữa hai quan niệm dân chủ xã hội và dân chủ tự do

Ði sâu hơn vào bản chất của sự dị biệt giữa hai quan niệm Dân chủ xã hội và Dân chủ tự do, ta có thể nhận thấy rằng sự dị biệt này phát suất từ sự dị biệt giữa hai nguyên tắc làm gốc cho tư tưởng Dân chủ là “tự do” và “bình đẳng”. Nói chung thì cả hai quan niệm Dân chủ tự do và Dân chủ xã hội đều lấy hai nguyên tắc Tự do và Bình đẳng làm gốc, nhưng hai nguyên tắc ấy không phải lúc nào cũng tác động theo một chiều hướng với nhau, và quan niệm Dân chủ tự do đã nghiêng về Tự do nhiều hơn trong khi quan niệm Dân chủ xã hội thì nghiêng về Bình đẳng nhiều hơn.

A – Sự hòa hợp nhau giữa hai nguyên tắc tự o và bình đẳng

Sở dĩ các nhà lý thuyết theo tư tưởng Dân chủ đã ghép Tự do và Bình đẳng chung nhau vì hai nguyên tắc ấy đã có sự hòa hợp nhau trong quá khứ. Khi nghiên cứu về các luồng tư tưởng Tự do và Xã hội, chúng ta đã nhận thấy rằng cuộc tranh đấu chống laị chế độ nô lệ bắt nguồn từ hai ý niệm Tự do và Bình đẳng hỗn hợp vào nhau. Vì cho rằng con người sinh ra ai cũng như ai nên những người chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ không thể chấp nhận được việc người này giữ người khác trong địa vị tù hãm và thấp kém. Mặt khác, trong sự tiến triển của xã hội Tây phương, chúng ta có thể nhận thấy rằng lý tưởng Tự do và lý tưởng Bình đẳng phát triển theo một chiều hướng chung về mặt chánh trị. Các chế độ Quân chủ Aâu châu xây dựng sự phân chia giai cấp và quyền chuyên chế của vua. Lúc chế độ Tự do mới bắt đầu được xây dựng, chỉ có một số ít người trong nam giới thuộc hạng quí tộc, trí thức và hào phú mới được tham dự chánh quyền qua việc bầu cử và tranh cử, nhưng mọi người đều được hưởng các tự do căn bản. Chính vì mọi người được hưởng các tự do căn bản mà những người không được quyền bầu cử và tranh cử mới dễ dàng tranh đấu để đòi được các quyền chánh trị đó và cuối cùng, các nước theo chế độ Dân chủ tự do đã phải chấp nhận chế độ phổ thông đầu phiếu cho nam giới, rồi kế đó, cho cả phụ nữ. Vậy, sự tự do chánh trị đã giúp người thực hiện sự bình đẳng chánh trị.

B – Sự đối chọi nhau giữa hai nguyên tắc tự do và bình đẳng

Nhưng kinh nghiệm của các nước Tây phương theo chế độ Dân chủ tự do cũng cho ta thấy rằng hai nguyên tắc Tự do và Bình đẳng cũng có thể đi về hai chiều hướng trái ngược nhau. Trong thực tế, con người sinh ra mạnh yếu, khôn dại, giỏi dở khác nhau. Bởi đó, nếu cho người được tự do hoạt động thì người mạnh tất nhiên phải hơn người yếu, người khôn hơn người dại, người giỏi hơn người dở. Dầu cho lúc khởi hành, mọi người đều ở vào một vị trí như nhau với những điều kiện sinh hoạt như nhau, cuối cùng rồi cũng có sự cao thấp khác nhau. Muốn cho mọi người ở vào một địa vị như nhau thì phải kềm chế người mạnh, người khôn, người giỏi để cho người yếu, người dại, người dở tiến lên bằng họ, nhưng như vậy thì không ai còn tự do nữa.

Sự đối chọi nhau giữa hai nguyên tắc Tự do và Bình đẳng đã biểu lộ rõ rệt trong lãnh vực hoạt động kinh tế. Chế độ Dân chủ tự do đã để cho người tự do hoạt động, và kết quả là sự chênh lệch giàu nghèo đã đưa đến chế độ Tư bản và sự bóc lột người Vô sản. Chính vì muốn chấm dứt sự bất bình đẳng kinh tế phát xuất từ chế độ Dân chủ tự do mà những người theo quan niệm Dân chủ xã hội chủ trương hủy diệt quyền tư hữu trên các dụng cụ sản xuất và thực hiện xã hội Cộng sản trong đó không còn hạng Tư bản làm chủ phương tiện sản xuất và Vô sản làm công cho Tư bản. Nhưng khi tất cả các phương tiện sản xuất đều bị Quốc hữu hóa, tất cả mọi người trong xã hội đều phải tùy thuộc chánh quyền trong việc sinh sống. Người chống đối chánh quyền và không được chánh quyền dùng không thể nào tìm được việc làm để sinh sống bình thường. Do đó, mọi người đều bị chánh quyền kềm chế  chặt chẽ và mất hết tự do. Chế độ Cộng sản sở dĩ khắc nghiệt hơn các chế độ chuyên chế khác ngay cả các chế độ toàn diện hữu phái, chính vì nó nắm giữ cả độc quyền về kinh tế, trong khi các chế độ

chuyên chế khác chỉ nắm độc quyền về chánh trị, hành chánh, cảnh sát, quân sự mà thôi.

C -Kết quả tối hậu của sự chọn lựa giữa tự do và bình đẳng

Sự phân tích trên đây cho ta thấy rằng sự dị biệt và xung khắc giữa hai quan niệm Dân chủ tự do và Dân chủ xã hội chung qui chỉ là sự dị biệt và xung khắc giữa hai nguyên tắc Tự do và Bình đẳng, nhứt là về mặt kinh tế. Muốn bảo đảm sự tự do của người, chế độ Dân chủ tự do bảo vệ quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất. Trong thực tế chính nhờ quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất mà người chống đối chánh quyền có thể tiếp tục sống một cách bình thường và tranh đấu để thay thế nhà cầm quyền. Nhưng việc bảo vệ quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất đã đưa đến sự bất bình đẳng về kinh tế và nạn bóc lột. Ðể chấm dứt sự bất bình đẳng đó, quan niệm Dân chủ xã hội hủy diệt quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất, nhưng điều này đưa đến việc làm cho người mất hết tự do. Như thế, mặc dầu về lý thuyết, cả hai quan niệm Dân chủ tự do và Dân chủ xã hội đều nói đến Tự do và Bình đẳng, thật sự thì Dân chủ tự do đã dựa vào tự do nhiều hơn, còn Dân chủ xã hội dựa và Bình đẳng nhiều hơn.

Tuy là một bên nghiêng về Tự do, một bên nghiêng về Bình đẳng, hai quan niệm Dân chủ tự do và Dân chủ xã hội không phải đều có giá trị như nhau vì nó đã đưa đến những kết quả tốt xấu hoàn toàn khác nhau xét dưới khía cạnh lý tửơng Tự do và Bình đẳng. Chế độ Dân chủ tự do nghiêng về việc bảo vệ tự do vì đó mà nó đưa đến sự bất bình đẳng. Tuy nhiên chính nhờ sự tự do cho phép người dân tự vệ được đối với chánh quyền nên một số sai lầm của chế độ Tự do đã được sửa chữa lại lần lần và cuối cùng sự bất bình đẳng đã giảm bớt. Hiện nay, sự chênh lệch giàu nghèo vẫn còn, nhưng Tư bản không bóc lột được Vô sản thái quá như trước và chế độ an ninh xã hội cũng như phép đánh thuế của các xã hội Tự do có làm cho sự bất bình đẳng dịu bớt.

Quan niệm Dân chủ xã hội chủ trương thực hiện sự bình đẳng kinh tế bằng chế độ Cộng sản. Chế độ này làm cho người mất tự do và chính vì sự mất tự do mà người trong chế độ Cộng sản không tranh đấu được để bảo vệ quyền lợi mình. Kết quả là đảng Cộng sản đã để cho lãnh tụ, các cán bộ và các Ðảng viên của mình hưởng nhiều đặc quyền mà nhân dân không sao có thể chấm dứt được việc đó.

Vậy, chế độ Dân chủ tự do đã duy trì được sự Tự do, đồng thời làm dịu bớt sự bất bình đẳng, trong khi chế độ Dân chủ xã hội hủy diệt sự Tự do rồi làm xuất hiện sự bất bình đẳng thành ra cuối cùng, trong xã hội Dân chủ tự do, Tự do và Bình đẳng đều còn duy trì được, còn trong xã hội Dân chủ xã hội, Tự do và Bình đẳng đều bị mất cả.

 

Anh Ba và tôi nhân lễ tưởng niệm lần thứ 30 cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – Vũ Hữu Trường

Nhân dịp Lễ Tưởng Niệm lần thứ 30 Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1990-2020), tôi xin tóm lược một số tài liệu sưu tầm được về con người và sự nghiệp của cố Giáo Sư để quý chúng ta cùng có nhận định chung về một người cả cuộc đời chỉ lo mưu cầu sự an lành cho dân tộc và đất nước. Vì là một thành viên của tổ chức Tân Đại Việt và Liên Minh Dân Chủ Việt Nam gần 50 mươi năm nay mà Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người sáng lập nên cá nhân tôi không dám khoác áo thụng vái nhau mà chỉ có mục đích góp phần chia sẻ cùng quý anh chị em đôi điều tâm tình sâu xa của người Việt quốc gia hằng ghi nhớ về cuộc đời và công lao của một chiến sĩ không bao giờ mỏi mệt, tận trung với quốc gia dân tộc và đã lìa trần trong thời gian qua Pháp tham dự Đại Hội tại Paris năm 1990.

Con Người và Sự Nghiệp

Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2-11-1924 tại Chợ Lớn, nguyên quán Mỹ Lộc, Tân Uyên, Biên Hòa, sau khi tốt nghiệp trung học Petrus Ký năm 1943, làm thư ký Tòa Hành Chính tỉnh Cần Thơ. Từ 1946, ông làm việc tại Thư Viện Quốc Gia Sàigòn, rồi từ 1951, dạy học tại Tư thục Lê Bá Cang Sàigòn. Ông thường được nhắc đến như một người hoạt động giáo dục, văn hóa và chính trị với lý tưởng thành đạt độc lập, dân chủ, tự do cho Đất Nước, thể hiện hạnh phúc đích thực cho nhân dân Việt Nam.

Trong lãnh vực giáo dục, Nguyễn Ngọc Huy tiêu biểu con người cầu tiến, tận dụng mọi cơ hội để phát triển kiến thức và học vấn, rồi khi có cơ hội, sẵn sàng đem hết khả năng nâng cao trình độ giáo dục cho những người khác. Từ 1951, ông đã tự học lấy bằng tú tài. Về sau, từ 1955 khi được đoàn thể cử đi công tác tại Pháp, ông đã cố gắng kiếm thì giờ ghi danh theo học về chính trị, luật pháp, kinh tế tại các trường nổi tiếng ở Paris như Trường Khoa Học Chính Trị, tức Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Ông tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris năm 1958; Cử nhân Luật năm 1959, Cao học Chính trị năm 1960 và Tiến sĩ Chính trị đại học Sorbonne 1963. Từ 1965, ông làm giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, chuyên về Chính trị học và Luật Hiến pháp, đồng thời là giáo sư tại các Viện Đại học Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức và Đại Học Sư Phạm Sàigòn. Nhiều Niên Trưởng trong Quân Lực VNCH thường nhắc đến ông trong cương vị giảng viên tại các Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967, ông được cử làm Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Viện Đại Học Cần Thơ. Sau 1975, ông sang Hoa Kỳ và được trao nhiệm vụ khảo cứu tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard, dịch Bộ luật Hồng Đức sang tiếng Anh mà đã được Ohio University Press ấn hành năm 1987 với tên The Lê Code, tức Quốc Triều Hình Luật trong ấn bản tiếng Việt.

Cố GS Nguyễn Ngọc Huy cũng được nhớ đến trong cương vị con người dấn thân hoạt động văn hóa. Từ 1943, ông đã nêu cao tinh thần yêu nước qua nhiều bài thơ phổ biến trên báo chí dưới nhiều bút hiệu khác nhau, như Hùng Nguyên, Cuồng Nhân, Việt Tâm, Ba Xạo và đáng nhớ nhất là Đằng Phương trong tập thơ Hồn Việt. Trong nhiều tác phẩm thi phú của ông, dư luận thường nhắc đến một số bài thơ bất hủ đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH đưa vào Việt Nam Giáo Khoa Thư như “Anh Hùng Vô danh, Chiến Sĩ Triều Trần, Hoa Lư, Anh Hùng Đất Việt, Ngày Tang Yên Bái”.

Phần chính trong cuộc đời mà mọi người nhìn thấy: cố GS. Nguyễn Ngọc Huy là một nhà hoạt động chính trị. Năm 1945, với chí hướng đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam, ông tham gia Đại Việt Quốc Dân Đảng. Ông được giao nhiệm vụ soạn thảo tài liệu chính trị cho đoàn thể, đồng thời phổ biến đường lối, chính sách của đoàn thể trên các báo ngoại vi của xứ bộ, như các tờ Thanh Niên và Đuốc Việt. Năm 1949, ông được đoàn thể giao trách nhiệm huấn luyện viên chính trị tại Trường Cán Bộ Thanh Niên Nha Trang và năm 1951, được cử ra Bắc hoạt động với chi nhánh Bảo Quốc Đoàn. Năm 1964, khi lưu vong tại Hồng Kông và Nhật Bản, ông thành lập đảng Tân Đại Việt. Năm 1969, Tân Đại Việt và VNQDĐ, cùng một số nhân sĩ hợp tác thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Ông được đề cử chức vụ Tổng thư ký, thể hiện lập trường và đường hướng của Phong Trào ủng hộ chính phủ quốc gia để đối phó với cộng sản nhưng không tham gia chính phủ và trong tư thế đối lập, hoạt động đòi hỏi chính quyền phải thực thi nghiêm chỉnh các qui tắc dân chủ, chấm dứt các tệ nạn tham nhũng và bè phái. Năm 1968 và 1973, ông được mời tham gia phái đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris.

Sau khi miền Nam VN bị CS cưỡng chiếm, Ông và một số chiến hữu phải lưu vong nơi hải ngoại nhưng vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh chống Cộng để mưu cầu hạnh phúc cho người dân quốc nội. Từ 1981, cùng với một số cán bộ trong Phong Trào QGCT và nhiều nhân sĩ Việt Nam, ông thành lập tổ chức Liên Minh Dân Chủ Việt Nam và được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương. Ông nhiệt tâm xây dựng các cơ sở liên lạc và đấu tranh tại quốc nội, song hành cùng nhiều vận động ngoại giao với các thân hữu tại nhiều quốc gia dân chủ Tây Phương trên khắp thế giới tạo hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam thoát khỏi chế độ cộng sản tiến đến dân chủ tự do. Từ đó, năm 1986 Ủy Ban Quốc tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do ra đời tại Bỉ và bành trường khắp Bắc Mỹ, cũng như tại Úc và Âu Châu. Dù lâm bệnh ngặt nghèo từ 1982, ông vẫn không ngừng công du khắp nơi, tranh đấu chống độc tài đảng trị. Trên đường công tác hải ngoại, ông đã kiệt sức và qua đời tại Paris, Pháp, lúc 9:30 giờ tối Thứ Bảy 28-7-1990.

Tấm Gương Sáng

Tưởng niệm cố GS Nguyễn Ngọc Huy, ai ai cũng nhớ đến hình ảnh của một con người hiếu học, có tinh thần cầu tiến, để lại cho nhiều môn sinh ấn tượng sâu xa và quan trọng của sự giáo dục trong cuộc sống và hoạt động của con người trong thế giới văn minh tiến bộ. Gặp hoàn cảnh phải xuất thân ra đời kiếm việc làm ăn từ thuở 19, ông đã không bỏ qua cơ hội mở rộng kiến thức nhờ đọc sách, báo, tham khảo các tài liệu trong quá trình làm việc tại Thư Viện Quốc Gia Sàigòn, và đã tự học lấy bằng tú tài hầu tiến lên hơn nữa trên các bậc thang giáo dục. Hơn nữa, đối với người Á Châu nói chung, và người Việt Nam nói riêng, giáo dục phải đi đôi với văn hóa, mà việc dấn thân viết báo, làm thơ, là phương thức cố Giáo sư Huy đã chọn để diễn tả tâm tư, tình cảm và nguyện vọng con người Việt Nam của ông.

Nhà biên khảo Vương Trọng Tài, từ thời lớp nhất trường tiểu học công lập tại trung tâm thị xã Bùi Chu đã tiếp thu qua thầy giáo Việt văn nguồn cảm hứng thắm thiết về tinh thần quốc gia phát ra từ bài thơ “Ngày Tang Yên Bái” với ý nghĩa sâu xa của “nợ quốc gia, nợ dân tộc” mà lớp trẻ thừa kế nối gót các bậc cha anh, qua hình ảnh tiêu biểu của

“Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng nói: Ối con ơi!”

Ông Tài đã đọc lại thơ Đằng Phương và diễn tả ảnh hưởng của con người ái quốc Nguyễn Ngọc Huy qua nhận xét: “Mỗi bài thơ của Đằng Phương là một bức tranh lịch sử thu gọn. Tác giả đã nhắc nhở chúng ta nhớ đến tinh thần đấu tranh gian khổ và hy sinh vô bờ bến của cha ông nhằm duy trì độc lập và thống nhất cho quê hương”.

Trên dưới 30 năm sau, ngày 27-3-1983, khi tiếp xúc với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, ông Tài ghi lại: “Tôi chợt nhận ra rằng cái “sống”, cái “đạt” của thơ ông vượt xa những đỏm dáng, gò ép hay chắt gạn một cách máy móc của chữ, của nghĩa, của âm thanh hay hình ảnh. Giá trị đích thực của thơ ông chính là những rung cảm hồn nhiên chân chất nhất, bắt nguồn từ sự hòa điệu thành khẩn nồng cháy của con tim, khối óc, chiếu phóng qua những âm sắc của ngôn từ, vuơn lên một tổng thể bao la hơn, rất cụ thể và rất gần gũi với chúng ta, đó là “Quốc Gia Dân Tộc.”

Theo ý kiến GS Lưu Trung Khảo, cố GS Nguyễn Ngọc Huy ra đi như người quốc sĩ nằm xuống, giữa lúc quê hương đất nước đang cần những con tim khối óc của những người biết “thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”, là một thiệt thòi lớn lao cho dân tộc Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại.”

Hướng về Quê Hương Việt Nam

Tưởng niệm người Chiến Sĩ quá cố, người Việt khắp nơi hướng về Đất Nước thân yêu. Song hành với việc xóa bỏ chế độ độc tài đảng trị cộng sản, dân Việt không cộng sản hãy cùng nhau đoàn kết, quyết xây dựng và kiến thiết một nước Việt Nam mới với tự do, dân chủ dân chủ thực sự. Trước tiên, theo Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy, người Việt phải nghiên cứu nền tảng của nền dân chủ pháp trị và đưa ra Hiến Pháp mới để phù hợp với quốc gia dân tộc Việt Nam. Trong tiến trình chuẩn bị, chúng ta hãy đồng thuận căn bản bảo đảm các quyền của con người. Cố Giáo sư nêu rõ: “Trong tình thế hiện tại, việc tranh đấu cho nhân quyền là một võ khí chiến lược hữu hiệu mà Thế Giới Tự Do đang dùng dể đối phó với CS quốc tế nói chung. Riêng người quốc gia VN chúng ta cũng có thể dùng để đối phó với CSVN hầu đạt mục tiêu của chúng ta là một nước VN thật sự tự do. Cuộc đấu tranh dựa vào sự kết hợp mọi thành phần, mọi xu hướng tôn giáo, chính trị, xã hội trong và ngoài nước:

“Bên ngoài, nỗ lực vận động với dư luận và chánh giới Tây phương giúp chúng ta đòi hỏi CSVN phải tôn trọng nhân quyền tại VN. Chúng ta phải dùng mọi cách làm cho các nước Tây Phương khi bang giao với CSVN, giúp đỡ CSVN về mặt tài chánh và kỹ thuật thì cũng buộc họ phải tôn trọng nhân quyền.

Bên trong Việt Nam, chúng ta phải tổ chức việc chống lại chính quyền CSVN về mọi mặt. Việc vận động đòi hỏi CSVN tôn trọng nhân quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để yểm trợ cuộc đấu tranh vì cuộc sống của đồng bào trong nước.

Anh Ba và tôi

Tôi ít khi gọi Ông với danh xưng Giáo sư vì tôi chưa một lần hân hạnh đến lớp nghe Ông giảng. Tôi không phải học trò của Ông nơi trường học mà là học trò của Ông nơi trường đời. Ông dạy chúng tôi rất nhiều về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và cái đạo của kẻ Sĩ đối với Quốc gia trong thời chiến. Có lúc Ông nghiêm khắc với chúng tôi như một người cha, dạy dỗ chúng tôi như một người thầy và trà đàm thân mật với chúng tôi như một người bạn. Thời gian sinh hoạt trong Tổng Đoàn Sinh Viên Cấp Tiến Sài Gòn, được anh chị em bầu vào chức vụ Chủ Tịch của Tổng Hội, chúng tôi thường gọi Ông là Anh Ba và xưng em. Ông gọi chúng tôi là mấy chú và xưng tui theo lối xưng hô của người miền Nam. Tánh tình bình dị của Ông là sự cảm mến của tất cả mọi người. Hòa đàm Ba Lê bị Cộng Sản Hà Nội cù cưa kéo dài trong nhiều năm, tôi còn nhớ có một lần Ông vừa từ Pháp về VN, cùng ngày tôi vừa công tác từ Pleiku trở về Sài gòn liền vội vã đến nhà thăm Ông và không ngoài mục đích tìm hiểu tiến triển cuộc hòa đàm đã đến đâu. Khi nghe chú Ánh, người cận vệ an ninh vào báo, dù đang dùng cơm tối khoảng gần 9 giờ, với chiếc quần Pizama và áo thung 3 lỗ ông đã ra tận cửa kéo tôi vào dùng cơm chung với gia đình. Những kỷ niệm này thật khó quên trong ký ức của tôi.

Ngày vượt biên đến được Nam Dương, trong đoàn thể, chính Ông là người viết thơ đầu tiên gởi cho tôi với bao chân tình thắm thiết.

Anh Ba kính,

Đã ba mươi năm trôi qua thật nhanh chóng như ngày nào chúng em đang ngồi chăm chú nghe Anh bình giảng về công cuộc đấu tranh nơi hải ngoại. Bài học Anh Ba dạy vẫn văng vẳng bên tai:

-Các chú phải tôi luyện như thế nào để trong công cuộc đấu tranh chống Cộng dành lại Tự do Dân Chủ thực sự cho đất nước, mỗi người phải giống như một người tài xế để có thể thay nhau giữ vững tay lái nếu người kia chẳng may ngã xuống. Và một điều tối quan trọng là không bao giờ dẫm chân lên bất cứ một đoàn thể nào khác. Con đường chiến đấu còn dài, còn nhiều gian nan, các đoàn thể đấu tranh đều có sở trường và sở đoản khác nhau giống như một đoàn xe đang chạy trên xa lộ (cùng hướng về mục tiêu chống Cộng), đừng bao giờ ỷ xe mình tốt mà lấn ép, hất xe khác vào lề để dành độc quyền yêu nước.

Tưởng nhớ cố GS. Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta hãy hướng về Tổ Quốc Việt Nam thân yêu với hy vọng triền miên Đất Nước trường tồn, tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ chiến thắng.

Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy đã nhắc nhở với người dân Việt:

“… Huống chi ta những người tranh đấu,
Thề lấy non sông thế cửa nhà
Vả lại dầu xa mấy núi sông
Dầu còn tái ngộ nữa hay không
Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi
Vẫn sống trong tim những bạn lòng. .
(Giã Bạn Lên Đường)

Tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta tin rằng tinh thần yêu nước của ông sẽ sống trong lòng người dân Việt ngày nay và mãi mãi ngày sau.

 

Tưởng Niệm Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy và  Những Bước Chân Người Lưu Dấu – Thanh Thủy

Được mời đến dự buổi thuyết-trình chánh-trị do Cộng-Đồng Người Việt Tự-Do Tại Ý tổ-chức, diễn-

giả là Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy, trong lòng tôi hoàn-toàn chưa có ý-niệm gì về chánh-trị và các chánh-khách mà ngày trước 30/4/75 tôi thường được thấy tên tuổi trên các báo-chí ở Saigon.

Tôi quyết-định đến dự buổi thuyết-trình là do lòng háo-hức, mong ước có sự ra đời một phong-trào tranh-đấu nhằm lật đổ chế-độ độc-tài Cộng-sản Việt-

Nam với một đường-hướng phục-quốc và kiến-quốc rõ-ràng hơn là đến để biết Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy là ai.

Hồi còn ở Việt-Nam, tôi không mấy cảm-tình với những người hoạt-động chánh-trị vì một lý-do đơn-giản là họ thường gây ra những sự xáo-trộn ở hậu-phương như các vụ tổ-chức xuống đường, các phong-trào sinh-viên, các phong-trào phản-chiến, v.v… trong khi ngoài mặt-trận anh em chiến-sĩ quốc-gia ngày càng đổ máu nhiều hơn trước sự tấn-công xâm-lược của Cộng-sản Hà-nội. Đến khi làn sóng đỏ tràn-ngập và  nhuộm đỏ khắp ba miền đất nước, hàng ngày những cảnh-tượng bi-đát, đe-dọa nặng-nề do chế-độ mới mang đến cho nhân-dân, mọi người sống trong lo-âu, sợ-hải, tôi lại càng oán-hận những người chỉ biết bon-chen, lợi-dụng thời-thế để mong chiếm-đoạt chánh-quyền hơn là dồn mọi nổ-lực để chống lại kẻ thù chung. Hậu-quả là bao nhiêu nổi thống-khổ mỗi ngày mỗi đè nặng lên đầu người dân vô tội và bao nhiêu chiến-sĩ đã bỏ mình một cách tức-tưởi trước cũng như sau những ngày tàn cuộc chiến.

Buổi thuyết-trình được tổ-chức vào ngày 10/6/1981 tại trung-tâm thành-phố Verona, nơi có nhiều thắng-cảnh đẹp và lưu-dấu những trang tình-sử Juliette-Roméo, thuộc miền Bắc nước Ý. Tôi lây-quây tìm nơi đậu xe, xong, cả gia-đình 7 người lững-thững hướng về phía chổ hội-trường theo họa. đồ chỉ-dẫn.

Trước cửa hội-trường là một khoảng trống, nhiều nhóm người đến trước tụ họp chuyện trò, vui cười. Khi vừa đến nơi thì một người bạn là cựu đại-úy quân-cụ mà trước kia tôi đã quen khi còn lang-thang cuộc đời binh-nghiệp ở Nha-Trang tách nhóm người đến chào và nắm tay tôi, vừa đi vừa nói:” Có anh đến tôi vui lắm, lại đây tôi giới-thiệu”. Tôi cúi đầu chào theo người bạn, một người đang đứng trước mặt, ăn mặc chĩnh-tề, hình dáng đơn-giản, khoan-thai, tóc bạc hoa râm, vừa mĩm miệng cười vừa khom mình chào lại chúng tôi, vừa đưa tay bắt với nét mặt hiền-từ như Đức Phật.

Người bạn giới-thiệu:” Thưa thầy, đây là anh Thanh-Thủy, một chiến-hữu của chúng tôi và đây là gia-đình, vợ con của anh”. Quay lại tôi, anh nói:” Xin giới-thiệu với anh, đây là thầy Huy, Giáo-sư Nguyễn-Ngọc-Huy từ Hoa-Kỳ mới sang. Giáo-sư sẽ cho chúng ta biết về vấn-đề kháng-chiến phục-quốc”.

Tôi giựt mình, cúi đầu chào thêm một lần nữa trong khi giáo-sư vẫn còn nắm tay tôi và nói:” Hân-hạnh được biết anh”. Tôi tự thốt trong lòng:” Trời! Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy là người nầy sao? Một người ốm-yếu, nhỏ-nhắn, hiền-lành, dáng-độ từ-bi nầy là Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy?”. Tôi cảm thấy bâng-khuâng và trong lòng vô cùng trống-trải nên không còn biết nói được gì, lặng thinh giữa số người đang đứng xung quanh bàn-tán đủ thứ chuyện.

Đồng-bào đến mỗi lúc một nhiều, anh đại-diện cộng-đồng mời tất cả vào hội-trường. Sau phần chào cờ và giới-thiệu của anh Châu-Sên-Hái, Chủ-Tịch Cộng-Đồng, Gs. Huy được mời lên diễn-đàn trước sự vỗ tay liên-tục của cữ-tọa.

Lần đầu tiên dự thính một buổi thuyết-trình về chánh-trị, tôi say-sưa theo-dỏi, Gs. Huy lần lần đưa mọi người vào những vùng ánh sáng kỳ-lạ, những chân trời mới đầy niềm tin và hy-vọng cho một tương-lai sáng-lạn trong công cuộc tranh-đấu để quang-phục lại quê-hương. Với giọng nói điềm-đạm, bình-dị từ đầu cho đến cuối, không một lời khích-động, không một tiếng khoa-trương, Giáo-sư đã dẫn-chứng bằng những sự-kiện lịch-sử, những mấu-chốt của vấn-đề thực-tế để đi đến kết-luận về một đường-hướng phục-quốc và kiến-quốc là vấn-đề làm được, mọi người hiện-diện tin-tưởng là có thể làm được với những quyết tâm.

Hình-ảnh và đức-độ của Gs. Huy ngày hôm đó làm cho tôi suy-nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về quan-niệm của

tôi đối với những người hoạt-động chánh-trị, đặc-biệt đối với Gs.Huy, suy-nghĩ về một tổ-chức kháng-chiến

duy-nhứt mới ra đời và công-khai hoạt-động, đó là Liên-Minh Dân-Chủ Việt-Nam với các mục-tiêu, việc làm và chánh-sách của nó sẽ được áp-dụng sau khi đất nước quét sạch bóng quân thù. Tôi liên-tưởng đến quảng đời hạnh-phúc sẽ tràn-ngập trên quê-hương sau những năm dài điêu-tàn trong tay giặc Cộng và sau đó tôi ngấm-ngầm vận-động để tìm bạn, tìm thân-hữu và tìm chiến-hữu để chờ đợi…

Chánh-phủ Ý bắt đầu nhận người tị-nạn chánh-trị Việt-Nam vào mùa hè năm 1979. Năm ấy, đợt người đầu tiên đặt chân lên thành-phố nổi Venezia (Venise) vào ngày 20/8/79 gồm khoảng một ngàn người do 3 chiến hạm lớn thuộc lực-lượng hải-quân Ý được biệt-phái sang ngoài khơi biển Mã-Lai và vịnh Thái-Lan để cứu-vớt người Việt vượt biên. Sau một tháng thi-hành sứ-mạng nhân-đạo, 3 chiến-hạm mang tên Vittorio Veneto, Andrea Dorea và Strompoli quay về mang theo gần một ngàn người vừa được cứu sống trong cõi chết trên biển Đông, những tấm thân bi-thảm với lòng chất-ngất căm-hờn.

Sau một thời-gian ngắn ở trong các trại tị-nạn của hội Hồng-Thập-Tự Ý, tất cả đều được phân-chia sống rãi-rác khắp nơi trên các vùng thuộc miền bắc Ý. Số người ít-oi lại sống trên một địa-bàn quá rộng lớn nên đã tan.biến nhanh-chóng vào xã-hội địa-phương, vì vậy, việc tìm-kiếm chiến-hữu để tạo-dựng cơ-sở vào lúc ấy phải mất rất nhiều thời giờ và sự khó-khăn cũng không nhỏ vì thiếu đủ mọi phương-tiện. Cộng-đồng được thành-hình là do một số anh em có thiện-chí cố-gắng đứng ra đảm-nhận với đầy-dẫy những trở-ngại, nhưng dầu trở-ngại, Cộng-đồng cũng phải được thành-hình để vừa có tiếng nói chung, vừa tạo nhịp cầu liên-lạc để tìm lại chút hơi thở của quê-hương, sưỡi ấm lòng được phần nào trong cuộc-đời tạm-thời lìa xa xứ-sở.

Được tin trễ Gs.Huy trở lại Ý, sẽ có buổi nói chuyện với kiều-bào và báo-chí địa-phương lần thứ hai vào chiều chúa nhựt ngày 20/5/1982 tại thành-phố Milano, một thành-phố kỹ-nghệ vào bật nhứt nước Ý, chúng tôi cố-gắng thu-xếp và lái  xe đến dự sau khi điện-thoại liên-lạc với ban tổ-chức.

Đuờng dài hơn 4 giờ lái xe, 10 giờ tối chúng tôi đến hội-trường và buổi thuyết-trình cũng vừa mới bắt đầu trước đó 15 phút. Thấy chúng tôi từ xa đến, Giáo-sư bước xuống chào và bắt tay chúng tôi với nụ cười hiền-hậu cùng nét vui tươi rạng-rỡ với vẻ cảm-động sâu-xa chợt hiện trên gương mặt người lãnh-tụ khã-kính. Buổi thuyết-trình được tiếp-tục lại ngay sau đó trong bầu không-khí trang-nghiêm với sự theo dỏi một cách phấn-khởi của mọi người.

Sau phần thuyết-trình là phần giải đáp các câu hỏi. Tôi còn nhớ, một ký-giả Ý của nhựt báo Il Gazzettino có hỏi là, theo anh, qua các tài-liệu sách vở, anh được biết dân-tộc VN là một dân-tộc quật-cường, một dân-tộc anh-hùng, bất-khuất đã bao lần đánh đuổi  giặc ngoại-xâm mạnh hơn mình gắp bội, vậy vì lý-do gì mà sau khi bị Cộng-sản Hà-nội tấn-công, nhân-dân miền Nam có trên một triệu quân lại phải chịu buông súng đầu hàng vô điều-kiện và cho đến nay vẫn chưa nghe thấy một tổ-chức võ-trang nào nổi dậy. Trong khi đó, dân-tộc A-Phú-Hãn là một dân-tộc ít người biết đến, nhưng sau khi bị Cộng-sản Liên-Xô xua quân xâm-lược thì họ lại nổi lên khắp nơi các phong-trào kháng-chiến vũ-trang?

Không một chút do-dự, Giáo-sư nói, miền Nam VN kễ từ vĩ-tuyến 17 trỡ vào là một quốc-gia dân-chủ, dân-tộc thuần-nhứt với một lực-lượng quân-đội hùng-mạnh nhờ có kỹ-luật rất cao. Khi một vị Tổng-Thống ra lịnh đầu-hàng thì tất cả mọi cấp  dầu không muốn nhưng cũng phải tuân-lịnh để rồi sau đó họ tự-sát để bảo-toàn danh-dự.

Vì hầu hết vũ-khí đều bị tước-đoạt cho nên những người chống lại chế-độ chưa có điều-kiên nổi lên nhưng họ vẫn đang tiếp-tục tổ-chức tranh-đấu trong vòng bí-mật. Còn A-Phú-Hản là một quốc-gia còn sống theo từng bộ-lạc, quân-đội của họ được tổ-chức riêng theo mỗi bộ-lạc và không có tánh-cách thuần-nhứt, cho nên, lệnh từ trên đưa xuống không ảnh-hưởng hết được khắp nước. Vì vậy, khi Liên-Xô đưa quân sang xâm-lăng, rất nhiều bộ-lạc vẫn còn nguyên lực-lượng riêng cho nên họ có điều-kiện tổ-chức được các nhóm kháng-chiến.

Đến 12 giờ khuya mọi người chia tay, Giáo-sư bắt tay chào từng anh chị em và trở về Pháp. Riêng chúng tôi đến 5 giờ sáng ngày thứ Hai mới về đến nhà, ngồi một mình đầu óc miên-man nghĩ-ngợi về những điều vừa mới được nghe. Chừng nào anh em mới cho ra mắt cơ-sở tại Ý? Chừng nào mình mới có thể trở về được quê-hương? Uống những ly cà-phê đen do Bà-Xã pha để quên đi mệt-mõi, để tỉnh-táo đôi mắt, để nhìn suốt những khoảng không-gian dài, để khai-sáng một ý-thức mà trong đó tôi chợt thấy lấp-lánh những niềm-tin…Đồng hồ reo 7 giờ sáng, thì ra tôi đã thức suốt đêm, chuẫn-bị ăn điểm-tâm và đi làm việc như thường ngày, nhưng trong đầu lúc nào cũng theo đuổi một số ý-tưởng đẹp, tôi cảm thấy vui và thơ-thới trong lòng, quên hẳn đi một đêm dài không ngủ…

Lần thứ ba Giáo-sư đến Ý với hai anh Thái-Quan và Nhữ-Đình-Hùng, thuyết-trình vào buổi chiều thứ bảy 11/6/1983 cũng tại thành-phố Milano, lần nầy Giáo-sư có đem theo một số đặc-san Tự-Do Dân-Bản khổ nhỏ mới vừa phát-hành tại California và một vài tờ khổ lớn gắp đôi đã được phát-hành đầu tiên. Tôi bắt đầu đọc báo nầy kễ từ đó. Thuở ấy báo-chí Việt-ngữ đến Ý rất hiếm-hoi, được tờ báo nào là anh em chuyền nhau đọc say-mê, đọc nhiều lần và đọc thích-thú như đọc thơ tình ở cái tuổi hai mươi. Tôi rất vui và hừng chí khi đọc trong đó bài thơ Giã Bạn Lên Đường của thi-sĩ Đằng-Phương, lời chú-thích của Tòa-soạn trên bài thơ làm cho tôi tin-tưởng nhiều hơn về sự kết-hợp chặt-chẻ giữa hải-ngoại và quốc-nội. Đằng-Phương là một thi-sĩ mà tôi rất mến-mộ qua hai bài thơ Ngày Tang Yên-Báy và Ngọn Đuốt Việt-Nam mà tôi đã học năm Đệ Lục, tôi nghĩ, Đằng-Phương hiện đang ở hải-ngoại và cộng-tác với LMDCVN vì bài thơ nầy được sáng-tác vào năm 1976.

Trong ba năm liền, ba lần đến Ý, tôi chỉ được gặp Giáo-sư Huy với những chào hỏi xã-giao ngắn-ngủi sau những buổi thuyết-trình, sau đó, Giáo-sư lên đường ngay để sang các quốc-gia khác, vấn-đề thảo-luận riêng chỉ giữa Giáo-sư và những anh em trong ban tổ-chức, đại đa-số là những anh em cựu sinh-viên miền Nam du-học trước năm 1975, tôi không được có chưn trong ban tổ-chức nên không được vào dự các buổi họp riêng nầy, niềm tôn-kính Giáo-sư tôi chỉ giữ riêng trong lòng. Đôi lúc gặp được các anh em trong ban tổ chức, tôi có đặt vấn-đề thành-lập cơ-sở LMDCVN tại Ý thì được anh em trả lời là: “Chờ Giáo-sư gởi hồ-sơ qua”. Tôi nghĩ thầm là sao Giáo-sư gởi hồ-sơ quá lâu vậy, hay là cán-bộ ở Ý chưa có ai ? Ba năm rồi mà hồ-sơ vẫn chưa tới trong khi đó thì một số đoàn-thể khác đang phát-động rần-rộ, một số anh em không chờ đợi được nên đã gia-nhập vào những tổ-chức nầy.

Ngày 10/10/1983, Giáo-sư trở lại Ý và lưu lại đến ngày 14/10/1983. Thời-gian nầy Giáo-sư có dịp đi nói chuyện nhiều nơi xa-xôi có người Việt sinh-sống như vùng Reggio Emilia, Torino, Milano và Treviso. Tại Treviso, sau phần thuyết-trình, có một Việt-kiều xin đặt câu hỏi, trước khi hỏi, ông ấy nói:” Thưa Ngài”, Giáo-sư chận lại mĩm cười và nhẹ-nhàng nói:” So với anh chị em, tôi đáng tuổi-tác như thế nào, anh chị em cứ xưng-hô như thế đó, cho tôi xin đứt hai chữ thưa Ngài”.

Sau buổi nói chuyện nầy, anh em đưa Giáo-sư về nhà của một thân-hữu ở gần đó ăn cháo gà, đoàn người tham-dự buổi nói chuyện lưu-luyến kéo theo, kẻ ngồi người đứng chật nhà, chuyện-trò nhộn-nhịp như Tết. Kẻ hỏi Giáo-sư chuyện nầy, người hỏi việc kia, Giáo-sư vui-vẻ vừa ăn vừa trả lời vừa kễ chuyện cho đến gần 2 giờ sáng mà nhiều anh chị em còn chưa muốn về. Bầu không-khí thân-mật và vui-tươi hôm ấy từ trước đến nay chưa từng thấy trên cái xứ người Việt ít-oi, rãi-rác, cuộc sống rất là quạnh-quẽ đìu-hiu.

Năm sau, ngày 05/3/1984, Giáo-sư trở lại Ý lần thứ năm và lưu lại cho đến ngày 11/3/84. Thời-gian nầy Giáo sư ở mỗi nơi vài ngày, ít nhiều tùy sự sắp-xếp của ban tổ-chức. Đầu tiên Giáo-sư ở Milano 2 ngày để gặp-gỡ một số nhân-vật của đảng Liberal Ý, sau đó Giáo-sư xuống Padova để thuyết-trình trước một số đảng viên Thiên-Chúa Giáo do ông Thị-Trưởng Camposampiero Marcello Pagetta tổ-chức.. Hôm ấy anh trưởng ban tổ-chức đang sửa-chữa nhà  nên có nhờ tôi để Giáo-sư ngủ trọ một đêm ở nhà tôi. Trưa hôm đó, Giáo-sư dùng một buổi cơm gia-đình thân-mật tại nhà, nhân dịp chuyện-trò vui-vẻ giữa gia-đình tôi và Giáo-sư, tôi có hỏi là bao giờ Giáo-sư mới có thể đặt cơ-sở LMDCVN tại Ý để anh chị em ở đây có môi-trường sinh-hoạt?

Đang uống ly sinh-tố, Giáo-sư đặt vội đặt ly xuống bàn, quay nhìn tôi và nói:” Mấy năm trước tôi đã có gởi hồ-sơ qua Ý  hai lần để thành-lập cơ-sở, anh có hỏi anh em trong ban tổ-chức không? Tôi nghĩ là cơ-sở Ý đã có lâu rồi chớ ! Thôi được, để một chút nữa hỏi lại anh trưởng ban tổ-chức thì rõ”. Khi anh ấy đến Giáo-sư liền hỏi ngay, anh ấy trả lời một câu rất ngắn gọn:” Tôi làm mất hết rồi !”. Im-lặng một lúc với nét mặt hơi thoáng buồn, Giáo-sư nhẹ-nhàng hỏi:” Vậy lần nầy về Mỹ tôi sẽ gởi thêm một lần nữa, và tôi sẽ gởi cho ai?”. Tôi nói nhanh như sợ bị lỡ dịp:” Xin Giáo-sư gởi cho tôi, mọi việc tôi lo sau khi nhận được hồ-sơ”.

Tối hôm đó, sau khi rất thành-công trong buổi nói chuyện, về lại nhà, tôi và Giáo-sư tâm-tình rất nhiều, tôi hỏi lung-tung,  hỏi mọi thứ những việc xa gần cho thỏa-mản những ấm-ức mà từ gần bốn năm nay tôi luôn ấp-ủ trong lòng.

Giáo-sư rất cởi-mở và bình-dị, tuy mới lần đầu tiên có dịp nói chuyện riêng, nhưng Giáo-sư xem tôi như người thân từ thuở nào. Đột nhiên Giáo-sư hỏi:” Hồi trước, khi học trường Đại-Học Kiến-Trúc Saigon, anh có biết Gs.Lê Minh Cảnh không?

Tôi đáp:” Thưa Giáo-sư, tôi có một người thầy dạy môn Bê-Tông Cốt Sắt Thực-Hành tên Phạm-Minh-Cảnh, trường Kiến-Trúc Saigon không có giáo-sư nào tên Lê-Minh-Cảnh”.

Với giọng buồn buồn xa-xăm, Giáo-sư nói:” Anh nói đúng, anh Cảnh đó là anh cột chèo của tôi, vợ anh Cảnh là chị ruột của nhà tôi”.

Thấy vợ tôi rộn-ràng trong việc bếp-núc, Giáo-sư nói:” Chị cũng như nhà tôi, ngày xưa khi còn sống, nhà tôi lo hết mọi việc trong nhà từ việc nhỏ-nhặt cho đến việc chăm-sóc con cái và nuôi luôn tôi. Tôi chỉ biết lo công việc bên ngoài, viết-lách và hoạt-động chách-trị. Việc nhà tôi không biết gì hết” .

Sau câu nói, Giáo-sư ngồi trầm-ngâm vẻ mặt buồn, có lẽ giây phút nầy Giáo-sư đang thả tâm-hồn về hương-linh người bạn đời quá-cố thân-yêu. Tôi vô tình không hiểu, chợt Giáo-sư chép miệng:

Nhà tôi bị chết đuối tại Vũng Tàu vì tai-nạn tắm biển!”.

Hôm sau, Giáo-sư lên đường sang tỉnh Bergamo vì tối hôm đó Giáo-sư sẽ thuyết-trình trong buổi họp do ông Romano, Thị-Trưởng kiêm Chủ-Tịch đảng Dân-Chủ Thiên Chúa Giáo vùng Lombardia tổ-chức. Chiều đó tôi cũng đến tỉnh nầy và điện-thoại mời các anh em ở lân-cận đến họp tại nhà một thân-hữu để nghe Giáo-sư chỉ-thị.

Hơn nửa tháng sau, tôi nhận được phong thơ đầu tiên của Giáo-sư từ Mỹ gởi qua, trong đó có một bức thơ với lời dặn-dò, thăm hỏi và một mẫu đơn xin gia nhập vào LMDCVN, một bản Tuyên-Ngôn và Điều-Lệ. Tôi liền điện-thoại triệu-tập một phiên họp tại nhà vào ngày thứ bảy 24/4/1984.

Một Ban Điều-Hành Tạm-Thời được thành-lập ngay, những anh em có mặt đều ký tên gia-nhập vào LMDCVN. Tôi đúc-kết một tờ trình gởi về Thiếu-tướng Phạm-Đăng-Lân lúc ấy là Tổng-Thơ-Ký Liên-Khu-Bộ Âu-Châu để xin được hợp thứ hóa, đồng-thời đề-cử một phái-đoàn hùng-hậu sang dự Đại-Hội LKBÂC kỳ 3 được tổ-chức tại Hòa-Lan vào tháng 7/1984.

Trong Đại-Hội nầy Giáo-sư có nhắc lại câu:” Thao-trường đỗ mồ hôi, chiến-trường bớt đỗ máu” để chỉ-thị cho anh chị em nên sữa-soạn chuẫn-bị cho một tranh-đấu gay-go sắp tới.

Nhân lời phát-biễu của ký-giã Nguyễn-Ang-Ca đề-nghị Giáo-sư nên sang Úc Châu một chuyến để gặp lại các cựu môn-sinh, Giáo-sư ngẫu-hứng hai câu thơ:

Úc-Châu dù xa-tít chân mây,
Nếu là bằng hữu thì tôi sẳn-sàng

Anh chị em có mặt trong Đại-Hội ngày hôm ấy chắc còn nhớ hai câu thơ nầy?

Ngày 01/12/1984 Giáo-sư trở lại Ý lần thứ sáu. Một phiên họp được tổ-chức tại Romano di Lombardia thuộc tỉnh Bergamo, vào lúc 22giờ30, dưới sự Chủ-tọa của Giáo-sư và đông-đủ anh chị em tham-dự, Ban Điều-Hành Tạm-Thời tự-động giải-tán, thay vào đó một Ban Chấp-Hành Khu-Bộ Ý/Liên Minh Dân Chủ Việt Nam được bầu lên: Khu-Bộ Ý-Đại-Lợi được chánh-thức ra mắt. Giáo-sư hân-hoan ký tên vào Biên-Bản xác-nhận.

Từ nay nước Ý đã có cơ-sở, mỗi năm khi sang chủ-tọa  Đại-Hội, LKBÂC đều dành cho Khu-Bộ Ý một tuần lễ để Giáo sư sang sinh-hoạt. trước hoặc sau Đại-Hội trong chương-trình thăm-viếng các cơ-sở, tiếp-xúc, thuyết-trình với các chánh-giới Tây-phương và kiều bào, thân-hữu.

Cần nhấn mạnh là mỗi năm LKBÂC đều có tổ-chức Đại-Hội do chính Giáo-sư chủ-tọa: Lần 1 năm 1982 tại Paris, lần 2 năm 1983 tại Đức, lần 3 năm 1984 tại Hòa-Lan, lần 4 năm 1985 tại Ý, lần 5 năm 1986 tại Paris, lần 6 năm 1987 tại Bỉ, lần 7 năm 1988 tại Đức, lần 8 năm 1989 tại Hòa-Lan, lần 9 năm 1990 dự-trù tại Pháp nhưng vì phải tổ-chức Đại-Hội Thế-Giới kỳ 1 tại Hòa-Lan nên dời lại năm 1991, tổ-chức tại Lyon.

Những kỷ-niệm vui buồn, gian-khổ với giáo-sư đã hằn sâu trong lòng anh em từng lặn-lội đó đây, đưa rước. Những đêm sinh-hoạt chuyện-trò, vui-vẻ cởi-mở cũng có, nghiêm-trọng bàn tính công việc cũng có, những lúc 2, 3 giờ sáng anh em còn lái xe chở Giáo-sư trên những đoạn đường dài trở về nhà sau những lần thuyết-trình hoặc gặp-gỡ đồng bào ở các vùng xa-xôi.

Năm 1987, sau khi chia tay ở Đại-Hội LKBÂC tại Vương-quốc Bỉ, chúng tôi trở về Ý để sắp-xếp công việc để Giáo-sư sang theo chương-trình đã được định trước. Vài hôm sau thì Giáo-sư sang, tháp-tùng còn có ch/h Trần-Văn-Lâm của LKBÂC. Được điện-thoại thông-báo Giáo-sư sẽ đến ga xe lửa Padova vào lúc 11giờ đêm ngày 19/6/87. Chúng tôi đã có mặt tại nhà ga vào lúc 10giở30 tối vì đề-phòng xe lửa có thể đến sớm. Lúc đó nhằm đầu mùa hè ở Âu-Châu nên các hệ-thống sưỡi trên xe lửa đều ngưng hoạt-động. Vì liên tiếp nhiều ngày có mưa lớn nên thời-tiết trở nên lạnh-lẽo và chúng tôi đợi Giáo-sư trong cơn mưa lạnh đó. Đến 12giờ đêm vẫn chưa thấy Giáo-sư đến, chúng tôi nóng lòng đi đi, lại lại trong cảnh vắng-vẻ thênh-thang của hành-lang nhà ga, bổng chợt thấy ở phía xa, cuối khu của đường rầy khác có hai bóng người đang lom-khom dưới ánh đèn vàng nhạt-nhòa. Nghi-ngờ, chúng tôi đổi khu hầm và chạy vội đến một khoảng khá xa. Đến nơi, chúng tôi vừa ngỡ-ngàn vừa xúc-động thấy Giáo-sư mang trước ngực một chiếc cặp nặng đựng hồ-sơ, tay xách một túi nhỏ, tay kéo một xe đẩy cá-nhân với chiếc vali hành-lý, bước đi mệt-mõi, nặng-nhọc và lạnh run, Ch/h Lâm bên cạnh cũng không khá gì hơn vì đang bị đau chân. Thì ra xe lửa đến trể và đổi đường rầy. Ai thấy Giáo-sư trong tình-cảnh nầy mà không chua-xót, hình-hài khô-héo, ho sù-sụ từng cơn theo mỗi bước đi…Về đến nhà chúng tôi gần 1giờ khuya, vợ tôi đã bày-biện các thức ăn nóng và cũng đang nóng ruột chờ-đợi, anh em Chi-Bộ Vicenza có mặt đầy-đủ, thôi thì kẻ thoa dầu, người cạo gió, làm massage. Một lúc sau, Giáo-sư khỏe lại, ngồi ăn uống, chuyện-trò vui-vẻ, thân-mật với anh chị em như không có chuyện gì mệt-mỏi trong cuộc hành-trình dài vừa qua.

Ngày 19/6/1988, Giáo-sư đi Roma để dự lễ Phong-Thánh các vị tử đạo VN và ngày hôm sau 20/6 trở về Bắc Ý theo chương-trình làm việc. Tháp-tùng với Giáo-sư lần nầy có Ông bà Bs.Nguyễn-Tôn-Hoàn và Ch/h Đỗ-Trọng ở Oregon (Hoa-Kỳ). Lúc ấy vào khoảng trên 10giờ đêm, mưa to, gió lớn, chúng tôi đến nhà ga Padova đón-rước, nhưng cũng vì xe lửa đến trễ, nóng lòng chạy tới, chạy lui, tôi đóng vội cửa xe mà quên lấy chìa khóa ra, nên khi phái-đoàn tới, buộc lòng phải phá kiếng xe để mở cửa. Về đến nhà dưới cơn mưa dầm, nhưng Giáo-sư rất ấm lòng trong tình chiến-hữu bên cạnh sự hiện-diện của đông-đủ anh chị em với những khuôn mặt mừng-rỡ sau những mối lo-âu.

Chiều hôm sau, Giáo-sư thuyết-trình thành-công tại Thị-xã Montebelluna (Treviso) với sự tham-dự đông-đảo của người Ý, do chính ông Thị-trưởng tổ-chức. Sau đó, ông Thị-trưởng De Longhi nhân-danh nhân-dân thị-xã gắn Huy-Hiệu Thị-Xã Danh-Dự cho Giáo-sư Huy và Bs.Nguyễn-Tôn-Hoàn, đồng thời kêu gọi nhiều người Ý gia-nhập vào UBQTYTVNTD (CIVL). Đóng góp vào chương-trình là một buổi ăn dã-chiến thuần-túy VN và văn-nghệ với các bản hùng-ca do Khu-Bộ Ý đảm-trách, khoản-đải các quan-khách. Hôm ấy, khi về nhà Giáo-sư thật vui.

Lần chót, Giáo-sư sang Ý từ ngày 08/ đến 12/4/1989, chúng tôi sang Bern, Thủ-đô Thụy-Sĩ để rước Giáo-sư về sau một buổi thuyết-trình với Cộng-đồng VN tại đó. Đường dài trên 700 km, chúng tôi lái xe gần suốt đêm, Giáo-sư nằm nghĩ ở băng sau, nhưng thỉnh-thoảng vẫn nói chuyện với chúng tôi cho vui. Lúc nầy Giáo-sư đã bịnh nhiều, giọng nói hơi khó-khăn, ho và sặc nhiều. Đêm cuối cùng tại nhà tôi, Giáo-sư thức đến hơn 2giờ sáng để giúp tôi sắp-xếp lại Khu-Bộ. Sáu giờ sáng, tôi chở Giáo-sư ra ga xe lửa Padova để sang Marseille (Pháp). Tại nhà ga, trước khi chia tay, Giáo-sư vỗ nhẹ vào vai tôi ân-cần nói:” Trong việc điều-hành, anh ráng cởi-mở một chút, đừng cứng quá không có lợi. Có lẽ tháng 6 tới tôi sẽ trở lại Ý, anh coi sắp-xếp công việc với anh em để tôi sang làm việc”.

Tôi bắt tay chào Giáo-sư và lặng-lẽ bước đi, trong lòng có một gì chút bồn-chồn, ray-rức…

Tháng 5/89 tôi có nhận được thơ của Giáo-sư gởi từ Hoa-Kỳ cho biết tháng 6 Giáo-sư không sang Âu-Châu được, vì vậy không sang Ý được như dự-liệu. Từ đó, Giáo-sư đã vĩnh-viễn không bao giờ đến Ý nữa !!

Gần mười năm qua, Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy đã đem đến cho anh chị em chúng tôi những niềm vui lớn-lao, những kỷ-niệm sâu-đậm và những tình thương chan-hòa trong tình gia-đình, tình chiến-hữu và tình thầy trò. Trong niềm vui lớn-lao nầy, chúng tôi thấy được một chân-lý,một con đường phải đi, những ánh sáng vinh-quang trong công cuộc quang-phục quê-hương, đất nước lúc nào cũng le-lói trong niềm tin, trong những quyết tâm.

Chúng tôi thường liên-tưởng đến ngày giải-phóng được dân-tộc, anh em trở về nhìn thấy sự reo vui, hạnh-phúc của đồng-bào từ Nam chí Bắc, kinh cũng như thượng, đèn liên-hoan sáng rực dưới một vòm trời bao-la mà từ lâu bị đấm-chìm trong bóng tối âm-u. Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy, vị anh-hùng của dân-tộc, với đôi mắt đẫm lệ, mĩm miệng cười tươi, vẫy tay chào đồng-bào trên khắp ba miền đất nước. Giáo-sư sẽ cùng với anh chị em đốt lên những Ngọn Đuốc Việt-Nam trên đĩnh Ba-Vì, trên ngọn Trường-Sơn và Thất-Sơn để đánh dấu chấm dứt một thời-kỳ đen-tối của lịch-sử, đốt cháy mọi hận-thù oan-nghiệt, xóa tan những oán-hờn chồng-chất. Dân-tộc Việt-Nam sẽ trở về với đặc-thù của giống-nòi Hồng-Lạc, cần-mẫn, hiền-từ và khoang-dung, độ-lượng.

Nhưng, nay Giáo-sư đã nằm xuống, đoạn đường tranh-đấu còn dang-dở, anh em chiến-hữu khắp nơi như bị một chấn thương rĩ máu, con đường mà Giáo-sư đã vạch ra, anh chị em quyết chí đi cho trọn với một quyết-liệt hơn, với những ngọn lửa rực trong lòng, với những bàn tay nắm chặt nối-kết nhau, thề quyết vượt qua mọi chông gai đề hoàn-thành ý-nguyện của người đã khuất.

Giáo-sư ơi! Xin Người hãy bình-tâm an-nghĩ nơi Cõi Nước Nhược Non Bồng, những bước chân của Người nơi trần-thế lúc nào cũng còn lưu-dấu trong lòng anh chị em chúng tôi khắp nơi, nó luôn nhắc-nhở chúng tôi những kỷ-niệm để vững lòng trên suốt đoạn đường tranh-đấu.

Một điều đối với riêng tôi luôn được ghi khắc trong lòng một tâm nguyện là trong những lần sang Ý công-tác, trong những buổi cơm thân mật gia-đình, Gs.Nguyễn-Ngọc-Huy thường nhẹ-nhàng nói với tôi:” Mình nên tranh-đấu với tình thương rộng-rải, đừng nên giữ lòng thù-hận quá nặng-nề vì thù-hận sẽ sanh ra thù-hận, biết đến bao giờ mới gội rữa cho hết được. Giải-phóng đất nước khỏi chế-độ Cộng-sản xong, mình đừng nên trả thù trả oán gì hết mà đem hết sức để xây-dựng lại quê-hương. Được như vậy mới tránh được tang-tốc cho đồng-bào đã chịu quá nhiều đau-khổ và việc phục-hưng đất nước mới được dễ-dàng”. Tôi nhớ đời những lời nói đầy Tâm Phật của một vị lãnh-tụ khả-kính, thật vô cùng cao quý đáng để cho riêng tôi và người đời suy-ngẫm!

Một nén hương lòng kính dâng đến cố Giáo-sư Nguyễn Ngọc Huy và cũng để thắp sáng trong lòng tất cả anh chị em một chân-lý.

Thanh-Thủy

TB. Bài viết nầy của Thanh Thủy ngày 27/12/1990 trong Tập tài liệu Những Vầng Mây Trắng của tác giả và được điều chĩnh ngày 14/7/2020 do sự yêu cầu của anh TTK/TĐV Dương Tấn Hải dành riêng cho Diễn Đàn TĐV và Tập San TĐV do anh đảm trách để thay thế cho bài tham luận 151.

Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Chơ Lớn, quê quán ở Tân Uyên Biên Hòa. Thuở nhỏ học tại Tân Uyên. Sau đó học ở trường Petrus Ký Saigon. Năm 1943, ông làm Thư ký Tòa Hành Chánh tỉnh Cần Thơ. Lúc còn trẻ, ông nuôi hoài bảo trở thành nhà thơ chuyên về loại thơ hùng tráng để ca tụng các danh nhân đã làm nên lịch sử, cũng như các công nghiệp lớn của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1943-1945 ông đã sáng tác một số thơ loại này với bút hiệu là Đằng Phương như bài Anh Hùng Vô Danh, Dòng nước sông Hồng, Ngày tang Yên Báy, Chiến sĩ triều Trần, Lời sông núi… Đặc biệt, bài ANH HÙNG VÔ DANH đã được đăng vào Quốc Văn Giáo Khoa Thư để làm tài liệu giáo dục cho các thế hệ về sau.  Đầu năm 1945, ông gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng để tranh đấu dành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Từ năm 1946, ông về Saigòn làm việc trong Thư viện Quốc gia đồng thời được xứ bộ Nam Việt của Đại Việt Quốc Dân Đảng giao cho nhiệm vụ viết tài liệu chính trị cho đoàn thể cũng như biên tập cho các tờ Thanh Niên, Đuốc Việt. Các bài khảo cứu và chính trị của Ông được ký dưới bút hiệu Hùng Nguyên. Các bài trào phúng dưới bút hiệu Cuồng Nhân hay Ba Xạo. Các bài thơ với bút hiệu Việt Tâm.

Năm 1949, ông hoạt động toàn thời gian cho đoàn thể, làm huấn luyện viên chính trị cho Trường Cán Bộ Thanh Niên Nha Trang. Năm 1955, ông về Saigon dạy Quốc văn và Pháp văn ở Trường Trung học Lê Bá Cang. Năm 1955, ông được anh em trong đoàn thể chỉ định đi Pháp. Tại đây ông vẫn tiếp tục hoạt động chính trị và học thêm. Ông tốt nghiệp Viện Nghiên cứu chính trị Paris năm 1958, Cử nhân Luật khoa năm 1959, Cao Học Chính Trị năm 1960 và sau cùng là Tiến Sĩ Chính trị học tại Sorbonne năm 1963 với giải thưởng tối ưu hạng.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy trở về nước vào tháng 11 năm 1963. Sau cuộc chỉnh lý chính phủ Dương văn Minh ngày 30 tháng 1 năm 1963, Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn làm Phó Thủ Tướng đặc trách bình định, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là Đổng Lý văn phòng Phó Thủ Tướng. Khi Tướng Nguyễn Khánh tung ra Hiến chương Vũng Tàu với ý đồ thiết lập chế độ độc tài, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã chống lại, nên GS Huy bị bắt buộc phải rời Việt Nam sống lưu vong ở Hồng Kông và Nhật. Khi Tướng Nguyễn Khánh trao quyền cho hai ông Phan Khắc Sửu và Trần văn Hương, GS Huy trở về nước để hoạt động với anh em và thành lập Đảng Tân Đại Việt.

Từ năm 1965, GS Huy vào làm Giáo sư ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và là giảng viên ở nhiều Viện Đại Học khác nhau như Viện Đại Học Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, Sư Phạm Saigon. Ông cũng là giảng viên các Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Cao Đẳng Quốc Phòng, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị.

Năm 1967, ông làm Khoa trưởng Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Viện Đại Học Cần Thơ. Năm 1968, ông là thành viên của phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hội đàm Paris. Năm 1969, nhận thấy miền Nam VN đã có một hiến pháp tương đối dân chủ, anh em Tân Đại Việt cùng một số nhân sĩ độc lập cũng như chiến sĩ quốc gia ở các Đảng phái khác, thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Giáo Sư Nguyễn Văn Bông là Chủ Tịch và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là Tổng Thư Ký. Năm 1973, ông là thành viên của phái đoàn VNCH tham dự Hội nghị La Cell Saint Cloud tại Pháp.

Quốc nạn 30-4-1975, GS Nguyễn Ngọc Huy phải sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, làm việc tại trường Đại Học Luật khoa Harvard.  Với lòng thương Dân Tộc, với ý chí quyết tâm tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường, ông đã cùng các anh em trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và nhiều nhân sĩ độc lập khác hợp tác để thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam vào năm 1981 và GS được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành LMDCVN Trung Ương. Từ năm 1982, LMDCVN phát triển cơ sở khắp thế giới, ở những nơi có ngưòi Việt cư ngụ đông đảo như tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc châu, và Gia Nã Đại.

Để tạo áp lực quốc tế yểm trợ cho công cuộc tranh đấu của người Việt quốc gia, GS Nguyễn Ngọc Huy đã đi từ Mỹ qua Âu châu, Úc châu, Gia Nã Đại để kêu gọi chánh khách ngoại quốc, dân biểu, nghị sĩ, tướng lãnh, báo giới… yêu chuộng lý tưởng tự do, giúp đỡ người Việt Nam dành lại tự do cho đất nước. Năm 1985, Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do (UBQTYTVNTD) chính thức đưa ra Bản Tuyên Ngôn đầu tiên để xác nhận sự ra đời của Ủy Ban này với trụ sở đặt tại Bỉ quốc. Vị Chủ Tịch đầu tiên của UBQTYTVNTD là dân biểu Nghị hội Âu châu- ông Paul Vankherkovan.

Song song với những cuộc vận động tranh đấu cho các nguyện vọng chánh đáng của dân tộc Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy còn là một học giả uyên bác. Ông đã viết, biên soạn, và dịch thuật nhiều tác phẩm nghiên cứu về chánh trị, luật pháp, sử liệu bằng các tiếng Việt, Anh, và Pháp. Một số tác phẩm tiêu biểu như:

– Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học.

– Lịch sử các học thuyết chính trị. Lịch sử tranh đấu cho Độc lập, tư do của dân tộc Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ 19.

– Phê bình nhân vật trong Tam Quốc Chí, Tây Hán Chí, Đông Châu Liệt Quốc.

-Những hành động phạm pháp trong truyện Kiều xét theo luật pháp cổ Việt Nam và Trung Hoa.

– Lục Súc Tranh Công.

– Các ẩn số chánh trị trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

– Tập thơ Hồn Việt.

– Perestroika.

– Tái thiết cơ cấu hay Sự phục hận của chủ nghĩa Marx đối với chủ nghĩa Lenine.

– Quốc Triều Hình Luật.

– A New strategy to defend the Free Word against Communist Expansion.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy bị ung thư thanh quản vào năm 1982. Tuy vậy ông vẫn bất chấp lời cảnh cáo của các Bác sĩ vì nóng lòng lo cho đại cuộc.

“ Gánh nặng đường xa thân mỏi mệt,
Nhưng còn trách nhiệm vẫn còn đi ”

Với những cố gắng cuối cùng, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tới Paris để cùng các chiến hữu duyệt lại kế hoạch cho Đại Hội lần thứ nhứt của LMDCVN tại Hòa Lan vào thượng tuần tháng 8 năm 1990.

Ngay sau khi máy bay từ Hoa Kỳ đáp xuống trạm đầu tiên tại Vương quốc Bỉ, người ta phải đưa Giáo Sư vào nhà thương cấp cứu vì ông bị ngất xỉu trên phi cơ. Sau khi tỉnh dậy, anh em đưa Giáo Sư về Paris. Thời gian trước ngày khai mạc Đại Hội một tuần, thay vì nằm dưỡng bịnh, Giáo Sư mời họp liên miên để cùng các cơ sở soạn thảo, sắp xếp chương trình làm sao cho Đại Hội được chu đáo.

Ba ngày trước khi Đại Hội thế giới khai mạc, Giáo sư đã gục ngã trong tay của trưởng nam Nguyễn Ngọc Quốc Thụy và các đồng chí chiến hữu của ông đang tề tụu về tham dự Đại Hội thế giới lần thứ nhứt LMDCVN.

Lúc đó là 9:30 tối ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris. Thật quả là:

“ Còn sống nửa giờ còn phụng sự,
Tàn hơi kiệt lực mới xuôi tay ”…

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mất đúng vào lúc công cuộc tranh đấu dành tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam tiến vào một khúc quanh lịch sử đầy triển vọng, đúng vào lúc vai trò lãnh đạo của ông sáng tỏ và được công nhận rộng rãi trong hàng ngũ những người quốc gia. Niềm tiếc thương ngưỡng mộ ông không những của các đồng chí, chiến hữu của ông, mà còn là của nhân dân Việt Nam đối với một chiến sĩ quốc gia suốt cuộc đời tận tụy hy sinh, tranh đấu cho Đất Nước và Dân Tộc sớm thực sự có tự do, dân chủ và phú cường.

Phát biểu từ các nhân vật quốc tế

Dân biểu David Kilgour (Canada):

Hồi năm 1990, Dân biểu David Kilgour là Chủ Tịch Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do tại Canada, và ngày nay ông là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Canada.

Nhân một buổi hội thảo của Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do tại Canada, dân biểu David Kilgour đã phát biểu như sau tại Castell Central, Library Theatre, Alberta, ngày 20/5/1989:

“Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã dành cho tôi cơ hội được ngỏ lời cùng quý vị trong buổi hội thảo hôm nay, và một lần nữa, tôi xác nhận sự ủng hộ tích cực của tôi đối với UBQTYTVNTD.

Là một hội viên, tôi hậu thuẫn cho công cuộc vận động Uỷ Ban. Đó là đòi hỏi nhân quyền và sự tôn trọng các luật quốc tế, các hiệp định liên quan đến Việt Nam và cả Đông Nam Á.

(Báo Tự Do số 20, ngày 01/08/90)

Giáo sư Stephen Young:

“Giáo sư Stephen Yuong, cựu Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Hamline tại Minesota, đã lên phát biểu cảm tưởng. Bằng một giọng chân thành và cảm xúc, Giáo sư Young – nói rất thông thạo tiếng Việt – cho đồng bào biết sự kính nể của ông đối với một người đã hy sinh cho Tổ quốc, cho tự do của dân tộc. Giáo sư Young đã từng coi cố GS. Nguyễn Ngọc Huy không những chỉ là một người bạn đồng chí hướng mà còn là một bậc Thầy khả kính.”

(Trích tường thuật buổi lễ truy điệu Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy tại Hoa Thịnh Đốn ngày 16/9/90 của Tuần Báo Thuận An, phát hành tại Hoa Thịnh Đốn, tháng 9/90).

Trong buổi lễ tường niễm GS Huy tại Nam California ngày 9/9/90, GS. Stephen Young đã khẳng định trong bài khóc bạn: “Tôi phải kết luận GS. Nguyên Ngọc Huy là một trong những chính trị gia và tư tưởng gia sáng tạo và đóng góp nhiều nhứt của người Quốc gia Việt Nam.”

(Báo Tự Do Dân Bản bộ cũ số 56, tháng 11/90, trang 31)House of Representatives State of Washington (Olympia August 24, 1990)

John L.O’Brien- Speaker Pro Tempore:

…”I had the pleasure of knowing Dr.Huy and enjoyed very much our conversations. Dr.Huy served the Republic of South Vietnam in many important roles, and certainly had a distinguished career in law and international affairs…Dr.Huy lived a good and very rewarding life”.

John L.O’Brien-Phó Chủ tịch Lâm thời Quốc Hội tiểu bang Washington:

”Tôi rất hân hạnh được biết Tiến sĩ Huy và rất thích thú những khi có dịp nói chuyện với Ông.

Ông đã phục vụ trong chính quyền miền Nam Việt Nam qua nhiều vai trò quan trọng. Ông có một sự nghiệp nổi bật về luật pháp và các vấn đề qưốc tế…Ông đã sống một cuộc đời hữu ích thật tuyệt vời.Ken Eikeinberry-Attoney General of Washington:

…”Dr.Huy’s death is a great loss to the Vietnamese American community. He was a very distinguished member of the law and education communities in the United States and orther countries, and will be greatly missed.”

Ken Eikeinberry-Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp tiểu bang Washington:

…” Sự ra đi của Tiến sỉ Huy là một mất mát lớn cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ông là một nhân vật nổi bật trong giới luật pháp và giáo dục tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác. Ông sẽ được người đời nhớ đến mãi mãi.Brian Boyle- Commissioner of Public Lands:

…” My symparthy goes out to the Vietnamese Community in Seattle in their loss of a friend, an advocate, and a scholar. Dr.Huy’s career in his homeland contributed a significantly to a greater understanding and deeper friendship between the peoples of Vietnam and the United States.”

Brian Boyle -Bộ trưởng Quản thủ đất đai công cộng:

…”Tôi xin bày tỏ niềm xúc động của tôi đối với cộng đồng người Việt tại Seattle về sự ra đi của một người bạn, một nhà hoạt động có chủ trương, và cũng là một học giả. Chính sự nghiệp của ông ngay tại quê hương ông đã làm cho tình bạn giữa 2 dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ đầy ý nghĩa và sâu đậm hơn.”

Cherry Chow – Seattle City Counsil:

…”The passing of Dr.Huy is a great loss to the community and his leadership and influence will be missed…”

Cherry Chow – Hội Đồng Thành Phố Seattle:

…”Sự ra đi của Tiến sĩ Huy là một mất mát lớn lao cho cộng đồng, và mọi người sẽ tưởng nhớ đến tài lãnh đạo cũng như uy thế của ông.”

Phát biểu từ các nhân vật VN

Cụ Trần Văn Ân (Pháp):

Cụ Trần Văn Ân đã gần 90 tuổi, trên bàn thờ những người bạn chiến đấu với cụ đã quá cố như Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Tạ Thu Thâu, sau ngày GS. Huy mất, cụ ghi thêm một tên mới: Chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy, mất ngày 28/7/1990 tại vùng Paris.

Khi hay tin GS. Huy từ trần, cụ Văn Lang Trần Văn Ân đã viết hai câu đối tặng người khuất bóng như sau:

Vì nước vì dân đời tận tụy,
Không danh không lợi chí thanh cao.

Nhân ngày giỗ đầu tiên (1991) của GS. Huy, cụ Ân đã viết như sau:

“Ân tôi tưởng niệm chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy. Tưởng niệm người quá cố là nhớ lại, là ghi lại những gì phải nhớ, phải ghi mà người quá cố đã diễn giảng, đã viết ra, những gì ta lấy làm bài học cho Nay và Mai.

Trước hết, phải nói Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tận tụy vì nước, vì dân và tận lực tuyên dương học thuyết Dân Chủ. Với bao nhiêu sách vừa khảo cứu vừa sáng tác của giáo sư, ta có thể gom trong câu:

Phục vụ Tổ quốc
Khai thác và Giảng giải Dân Chủ
Tôi cho là đủ. Có thể hơn đủ.

Giáo sư đã thành người thiên cổ, Những gì ông viết còn ở bên ta và sẽ còn cho con cháu ta. Tôi xin không tóm lược nơi đây những dòng tư tưởng bất hủ của bạn về chính trị và văn hóa.”

(Nguyễn Văn Trần, “Thiên hạ ai người chẳng nhớ anh”, Di cảo 5 Nguyễn Ngọc Huy, trang 185, Mekong Tỵ Nạn Xuất bản, 1994, California, USA)

Cựu Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc

…Thế rồi ngày đen tối 30 tháng Tư 1975 đã tới, khiến cho chúng tôi mỗi người sống lưu vong một nơi, Nguyễn Ngọc Huy ở Hoa Kỳ, còn tôi ở Pháp. Tuy vậy, tình bạn củ vẫn không thay đổi và những khi có dịp ghé Paris trên đường công tác, anh Huy thường ghé lại văn phòng tôi để thăm hỏi hàn huyên. Có khi anh thuật lại cho tôi hay những tiến triển trong cuộc vận động của anh trên thế giới; có khi anh đem lại biếu tôi những tác phẩm mà anh đã viết, từ những khảo luận về lịch sử và luật pháp đến những phiếm luận về triết lý chính trị của Kim Dung. Trong những buổi gặp lại ấy, thường được kết thúc ở một tiệm ăn Việt hay Tàu, Nguyễn Ngọc Huy lúc nào cũng tỏ ra tích cực và lạc quan: anh không ngần ngại tiên đoán một ngày về không xa trong danh dự, tự do và dân chủ…

Nguyễn Ngọc Huy và tôi không sinh ra ở cùng một miền đất, không học với nhau chung một thầy, không làm cùng một nghề mà cũng không hoạt động cùng một tổ chức. Tất cả những khác biệt ấy đã không ngăn cấm chúng tôi duy trì tình bạn trong thời gian hơn ba chục năm, qua bao nhiêu đổi thay của lịch sử và thăng trầm của kiếp người…

Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt

“Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy – một nhà thơ – một nhà văn – một nhà mộ phạm – một chính trị gia và cũng là một nhà cách mạng. Cả đời thầy đã đem thân thể để gắn liền với quê hương, đả đem tâm hồn để chí tình đun rèn cho hậu bối…”Sống bình dị, chết thanh khiết”, sự ra đi của thầy là một mất mát quá to lớn để thiên cổ ngậm ngùi!”

(Trích Phân ưu đang trên báo Phố Nhỏ số 105, ngày 03/08/90. phát hành tại Hoa Thịnh Đốn)

Điếu văn của ký giả Long Quân.

Hỡi ôi!
Trời Tây mây phủ giăng sầu,
Đất Mỹ bào trùm gió thảm,

Đã biết Sanh là Ký, Tử là Qui. Lại có câu Tử sanh hữu mạng, những ai còn ở thế, còn mang xáx trần gặp cơn vĩnh biệt ngàn năm, sao cho khỏi bồi hồi trong dạ, vừa thấy đó bỗng đâu mất đó, hình bóng còn đây mà người hãy về đâu?

Nhớ linh xưa,
Tính chất hiền lương, ôn hòa mềm dịu, giúp đoàn em vẹn nghĩa núi sông,
Tình dân tộc, Lý tưởng thanh cao, cả đời truyền tụng!
Trí thông minh còn rọi dấu thơ hương,
Mượn lời thơ qua nét bút Đằng Phương:
Ngợi ca gương tranh đấu tiền nhân, xây dựng nước, thanh sử còn lưu truyền hậu thế!
Mấy mươi năm xuôi ngược miền hoạn lộ, đủ kinh bang xây dựng quê hương,
Trọn một đời tranh đấu khắp bốn phương, dư tế thế giang san dân tộc.
Ôi hay! Núi sông Tiên Rồng còn đó!
Nhơn dân nhà cửu điêu linh!
Cơ đồ Đại Việt còn đây,
Liên Minh Dân Chủ còn đó không ngừng tranh đấu.
Than ôi,
Mây buồn giăng khắp nẻo,
Gió thảm quyện từng cơn,
Những tường tuổi anh còn hương thọ,
Nào hay đâu sớm vội về Tiên,
Để chiến hữu bơ vơ chiu chít.
Ôi, Bát Nhã thuyền chờ – Bồng Lai cảnh đợi !
Thảm là thảm hơn bốn mươi năm lo việc nước,
Bỏ ngủ, quên ăn, khiến bệnh tật phát sanh.
Thương là thương, sáu mươi bảy tuổi già,
Tóc đã bạc mà tấm lòng không mõiï.

Từ đây, trong đoàn thể vắng anh, nhưng bước đường tranh đấu nguyện xin có tay anh dìu dắt, chiếc thuyền nan thuận gió lướt giòng khơi, cuộc tranh đấu phải đến ngày thắng lợi…

Giờ đây,
Mây phủ trăng mờ, sao sa đêm tối,
Làng Mỹ Lộc, tỉng Biên Hòa, “Anh Ba” về chốn cũ
Giấc chiêm bao! Vắng bóng ngàn năm !
Chốn hồng trần, chiến hữu còn đây,
Sầu ly biệt chia lòng trăm mối.
Đường tranh đấu xin “Anh Ba” chỉ lối,
Dìu đàn em vững bước trọn niềm tin,
Dành thắng lợi, đem Tự Do về quê cũ,
Thật trước cảnh này, âm dương lưỡng lộ, liên tục đôi đàng,
Não nùng thay chiến hữu thở than, thống thiết bấy Cộng đồng tang chế!
Người tuy mất, nhưng phương danh không mất.
Xác dù tan, nhưng chí cả không tan!
Thôi, thôi!!!
Nguyệt khuuyết hoa tàn,
Mây trôi bèo dạt,
Trên Tiên giới anh vui cùng gió mát
Dưới phàm trần chiến hữu thọ tâm cang
Xin hộ trì chi đại cuộc thành công
Sớm đem lại ngày vui cho dân tộc Việt!
Hỡi ôi, thương thay! Tiếc thay!
Hiển linh chứng chiếu.
Long Quân kính điếu
(Báo Thời Báo số 305, ngày 25/8/90 phát hành tại Bắc California).

Ký giả Lô Răng (Úc châu):

“… Đề tài thảo luận của Trường Cao Đẳng Quốc Phòng không hoàn toàn lý thuyết mà rất cần đến kinh nghiệm thực tiễn. Cuộc bàn cãi nhiều khi rất sôi nổi giữa những đại ta già đời, giữa những vị giám đốc dân sự lão luyện. Có khi thảo luận căng thẳng giữa học viên và giáo sư thỉnh giảng. Trong những cuộc thảo luận này, mới thấy nổi bật lên khả năng thuyết phục đặc biệt của giáo sư Huy. Ông thuyết phục người khác không đơn thuần bằng lý lẽ mà bằng những ví dụ gần gũi mà sinh động, bằng cách nói ôn tồn, ấm áp, bằng trái tim bao dung và độ lượng của ông. Có nhiều vị thông minh tài giỏi, nhưng ta chỉ dám đứng xa mà cảm phục, còn GS. Huy, ông vừa khiến ta trọng nể về trí thức, vừa khiến ta muốn gần gũi về đức độ. Ông là tiến sĩ ở Paris, thủ đô văn hóa Tây phương, nhưng cách ứng xử của ông lại mang dáng vẻ nhà nho Đông phương thuần túy… Ông là một người quốc sĩ.

… Sau 10 năm cải tạo tôi được thả về. Nhà cửa ở thành phố đã bị tịch thu. Tôi và vợ con sống như cây cỏ trong một khi vườn thôn dã, trồng rau hái trái mà ăn. Thỉnh thoảng một vài người bạn thân, đi xe đò lên thăm viếng. Tôi có một mái lều cỏ bên gốc mít, trong vườn. Một hôm vào khoảng giữa năm 90, bạn già L.G, người viết sử lên thăm. Bàn già bữa nay nghiêm trọng trầm mặc, cứ nhìn mãi dòng nước chảy mà không nói năng gì. Lát sau mới nói trong hơi thở “Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy đã mất rồi”. Tôi nghe hụt hẫng trong người. Có lẽ trong số những mất mát của người quốc gia ở nước ngoài, mất mát này là to lớn nhất.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã đi rồi. Như cách hạc vàng bay mất!

“Hạc vàng bay mất từ xưa,
Ngìn năm mây trắng bây giờ còn đâu.”
Mây trắng như một giải khăn tang, nghìn năm thương nhớ người quốc sĩ.
(báo Ngày Nay số 303, ngày 15/8/94) (Ký giả Lô Răng tức nhà văn Phan Lạc Phúc)

Giáo sư Nguyễn Toản (Viêt Nam Quốc Dân Đảng Úc Châu)

“… Trên đường chống độc tài, quân phiệt, tôi hân hạnh gặp gỡ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Tuy gần gũi nhau quá ngắn ngủi và cách đây 24 năm mà tôi vẫn chưa quên được hình dáng của một người hiền hòa, vui tính nhưng dũng cảm, cương quyết, thông minh, linh hoạt nhưng từ tốn, nhã nhặn.

Ông Ngọc Huy là một chiến sĩ cách mạng đã hăng hái đấu tranh vì độc lập của tổ quốc, vì tự do của đồng bào. Suốt đời ông đã hy sinh cho lý tưởng chung cao đẹp. Ông là một vị Thầy khả kính, tận tụy với chức nghiệp của mình, đã hết lòng hướng dẫn lớp người sau. Chẳng những là một chiến sĩ cách mạng, một nhà giáo gương mẫu, mà ông còn là một thi sĩ dạt dào tình cảm và yêu đời. Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy đã để lại cho chúng ta, ngoài những tài liệu nghiên cứu có giá trị viết bằng Anh ngữ và Pháp ngữ, ông còn để lại tập thơ Hồn Việt với bút hiệu Đằng Phương.

Đọc tập thơ Hồn Việt ta như thấy rõ cuộc đời đấu tranh của Người và biết rõ tâm sự của Đằng Phương, một kẻ luôn băn khoăn vì nỗi nước… Thật vậy, ông Nguyễn Ngọc Huy đã không rời đường cách mạng, đã không quên được lý tưởng cao đẹp của mình và suốt đời ông ông đã đặt nghĩa nước trên tình nhà. Khi thuật lại Ngày Tang Yên Báy, ngày 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài trả nợ cho Tổ quốc, ngày những người con yêu nước Việt ngạo nghễ xem thường cái chết, thi sĩ Đằng Phương đã viết:

Đã là kẻ dấn thân đền nợ nước
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường
Éo le thay muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến
(Ngày Tang Yên Báy)

Quả thế, người làm cách mạng phải là những con người giàu tình cảm. Vì thế không yêu được Tổ quốc, quê hương, không yêu được đồng bào, nòi giống thì làm sao có được sự hy sinh cho lý tường cách mạng. Những con người ấy đã cố quên đi những tình cảm riêng tây để dấn thân chi đại nghĩa.

… Người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Huy còn hô lớn:

Hãy qùi xuống ! Hởi ai người tráng liệt
Cúi nhận phần lửa tiết thiêng liêng
Của tiền nhơn từng thế hệ lưu truyền
Nung dòng máu giống Tiên Rồng mãi nóng !
(Anh Hùng Đất Việt)

Thời gian không đợi chờ chúng ta. Lịch sử đang thúc giục chúng ta. Nào chúng ta, những đồng chí, những chiến hữu của Người, có nghe chăng lời thiết tha nhắn nhủ đó? Hãy làm gì để chứng tỏ được mối cảm thông này? Hãy làm gì để khỏi thẹn với linh hồn người quá cố?”

(Nguyễn Toản, Diễn văn đọc trong lễ giỗ lần thứ 4 GS. Nguyễn Ngọc Huy tại Melbourne, ngày 31/7/94)

Hòa thương Thích Giác Nhiên:

Trong lần giỗ thứ nhì GS. Nguyễn Ngọc Huy vào năm 1992 tại chùa Ngọc Sơn, thành phố Portland, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Giác Nhiên khi thuyết giảng về sự sống chết liên quan đến sự ra đi của giáo sư Huy, đã nói: “Giáo sư Huy chết mà không chết!”, và Hòa thượng đã giải thích thêm:

“Giáo sư Huy tuy mất nhưng ông còn để lại tiếng thơm muôn thuở, để lại con đường chánh đạo tranh đấu cho Tự do, Công bình cho Nhân loại; Giáo sư Huy để lại những công trình biên khảo trên sách vở, trên lý thuyết của ông; ông còn để lại con đường đã vạch sẵn để người đi sau tiếp nối hoàn thành.”

(Di cảo 4 GS. Nguyễn Ngọc Huy, trang 135, Mekong Tỵ Nạn xuất bản 1996, California, USA)

Luật sư Phạm Nam Sách, Cựu Nghị sĩ VNCH trước 1975:

“… Năm 1950, mới hồi cư về Nam Định, tôi đã đọc say mê từng bài thơ yêu nước ký tên Đằng Phương, đặc biệt nhất là bài về Ngày Tang Yên Báy “… Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang, thong thả tiến đến trước đài danh dự. Trong quần chúng đứng cuối đầu ủ rũ…” Nỗi vui của tôi biết lấy gì cân khi biết Đằng Phương chính là anh, ồ, anh, chắc ngày viết bài thơ ấy anh đang học ở Hà Nội. Phải có tâm hồn yêu nước trong sáng, chân thành và tuyệt đối như thế nào người ta mới viết được những câu thơ làm rung động lòng người. Anh chính là một trong những nhà thơ yêu nước dưới bút hiệu Đằng Phương. Hồn Nước đã hun đúc anh, tạo nên con người tuấn kiệt, đấu tranh không biêt mệt mỏi cho ngày mai. Lòng dân đã thúc đẩy anh đi lên và đi mãi. Cuộc hành trình của chúng ta chỉ ngưng lại khi sức cùng lực kiệt. Và anh đã ngưng cuộc hành trình vì sức anh đã cùng vì lực anh đã kiệt. Ở tọi, vẫn là “…Suối Tuôn Dòng Lệ…”

(Trích bài “Suối tuôn dòng lệ” đăng trên nhiều báo ở Hoa Kỳ trong tháng 9 và 10 năm 1990)

Nguyễn Đại Thắng, nhân sĩ lão thành

…Ông đã tập hợp đồng chí và một số tri thức thành lập LMDCVN, nhằm mục đích kết hợp những phần tử Quốc gia yêu nước để tiếp tục cuộc chiến chính trị chống Cộng Sản độc tài độc đảng trong nước. Và rồi “Một mình một ngựa”, ông lại bôn ba khắp năm châu bốn biển, tiếp xúc vận động các chính khách quốc tế, các nhà trí thức, nghị sĩ, dân biểu các nước tự do để thành lập “Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do”.

Nói tóm lại, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một nhà Ái Quốc, một nhân tài của đất nước Việt Nam, một chí sĩ cách mạng quốc gia chân chánh và bất khuất. Ông là một nhân vật đầy lòng hy sinh và quả cảm, luôn luôn đặt Tổ Quốc lên trên cả gia đình và bản thân.

… Tuy nay ông không còn, nhưng ý chí sắt đá suốt đời lãnh chịu gian nan vì một lý tưởng cao cả nhằm phục vụ Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam của ông là một tấm gương vô cùng sáng chói, chẳng những cho đoàn hậu tấn mà đồng thời còn là một khích lệ cho những người đã được hân hạnh quen biết ông. Chắc chắn mọi người Việt Nam bất luận niên kỷ, có hằng tâm đối với Tổ Quốc và dân tộc cũng sẽ nhìn vào tấm gương kiên trì bất khuất của ông mà tiếp tục “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” cho quê hương đất nước như ông đã làm.

Đại danh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy chắc chắn sẽ được liệt kê vào lịch sử Việt Nam bên cạnh những vị anh hùng và những nhà chí sĩ đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Tổ Quốc Việt Nam và sẽ được “khắc ghi vào bia đá” để đời sau con cháu mãi tôn vinh.

Chu Tất Tiến, Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh

Anh Hùng Ca.

Người nằm xuống
Tưởng như đã qua.
Người đi xa
Tưởng chừng như mất
Nhưng với thầy
Chỉ nỗi đau là hiện thực
Chuyện cách chia mang tính chất bất ngờ
Những thiên hùng ca đâu có cũ bao giờ
Những trang sử hiển hách hiện sách lòa trước mắt.
Thầy dù đi
Dù ở lại
Dù xa khuất
Thầy vẫn là thầy- Một Hùng Khí Việt Nam
Một bó đuốc cao – Hay tiếng gọi vang âm
Một chí khí đấu tranh, miệt mài cho tổ quốc
Thầy mở đường cho người tiếp bước…
Phải Thầy là Gandhi tái sinh?
Hay Nguyễn Trãi đang đăng trình?
Hoặc Nguyễn Thái Học dỡ dang cơ nghiệp lớn?
Ôi Việt Nam đang chuyển mình đau đớn
Đang chờ ngày phục hận – ngày N
Lại phải chia tay một chiến tướng thân quen
Phải nhỏ lệ
Trước khi nhấp rượu mừng chiến thắng
Và chúng con
Đã từng say sưa nghe Thầy giảng
Lại nghiêng mình, tê tái, tiễn thầy đi!
Nhưng tử sinh là chuyện bất kỳ
Còn ý chí
Tinh thần
Trường cữu
Lời Thầy dạy
Ngày xưa
Hôm nay
Vẫn là lời hiệu triệu
Để anh em chung một mái nhà
Chung giòng máu quật cường, chung một lời Cha
Thề diệt Cộng cho nước nhà yên ấm
Xin Thầy nghỉ yên, nơi những anh hùng viên mãn
Nơi Mẹ Việt Nam tay mở rộng đón chào
Hùng Nguyên – Hùng Nguyên- Lồng Lộng chí cao
(California 1990)

Đáp từ của Nguyễn Ngọc Thúy Tần (Ái nữ của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy) trong buổi lễ truy điệu Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại Hoa Thịnh Đốn ngày 16 tháng 9 năm 1990.

…Chúng tôi tin tưởng rằng Ba có mặt ở đây với chúng ta ngày hôm nay và rất cảm động về sự hiện diện của quý vị đã đến cầu nguyện cho Huơng Linh của Ba được siêu thoát về thế giới an lành cực lạc.

Chúng tôi thương tiếc là Ba không sống được thêm một vài năm nữa để thấy được ngày vinh quan của Tổ Quốc. Nhưng Ba đã tranh đấu hết sức của Ba. Đến mấy ngày chót mà nghị lực của Ba vẫn còn mạnh mẽ, trí óc của Ba vẫn còn sáng suốt. Nhưng than ôi! Thân thể của Ba khí cùn lực kiệt nên đành phải ra đi:

Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động

Như chính Ba đã nói trong bài thơ Quyết Sống.

Nhưng biết tánh của Ba lúc Ba còn sống, chúng tôi cũng nghĩ rằng bên kia thế giới, nếu đã có cách nào thì Ba sẽ hoạt động mạnh mẽ để thuyết phục các quyền lực thiêng liêng ủng hộ cuộc tranh đấu của chúng ta sớm đem lại độc lập, tự do, dân chủ thực sự cho Tổ Quốc Việt.

Ba sẽ phù hộ cho các bác, các cô, các chú, và các anh chị em chiến hữu cũng như tất cả những người thành thật yêu nước. Đồng thời chúng tôi tin tưởng rằng Ba sẽ hướng dẫ đến cuộc chiến thắng vinh quang cho những người ái quốc đã biết đặt quyền lợi quốc gia trê quyền lợi riêng tư của mình.

Riêng chúng tôi thì đã mất mẹ, mất em, và bây giờ mất Ba, là một mối đau buồn lớn lao và thấm thía. Nhưng trong lòng của, hình ảnh của Ba, MẹÏ và Em không bao giờ mất. Họ sẽ sống mãi mai, gần gũi chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi trong cuộc sống hằng ngày. Đó là Lý tưởng, là Đức độ khiêm cung. Tận tụy huy sinh phục vụ cho Quốc Gia Dân Tộc.

(Báo Tự Do Dân Bản bộ cũ số 55, tháng 10/90)

Khóc một vì sao – Vĩnh Liêm

* Kính dâng hương hồn nhà Cách mạng Nguyễn Ngọc Huy

Vì sao Bắc Ðẩu mới hôm nào…
Một tòa tỏa rộng bảy ngôi sao.
Ðại-hùng-tinh cuộc đời trong trắng,
Cùng với Nam Tào khắng khít nhau.

Bỗng dưng Bắc Ðẩu bỏ Thiên đình,
(Một đời chỉ biết có hy sinh)
Về Miền Cực Lạc tìm chân phúc,
Hoằng Hiến [1] đời sau nỗi bất bình.

Bắc Ðẩu âm thầm rời Mỹ phương [2]
Một mình lướt gió vượt Tây dương.
Thắp lên ngọn đuốc soi chân lý,
Âu hội [3] là nơi Tụ Nghĩa Ðường.

Trước khi Âu hội sắp diễn ra,
Dừng chân thăm viếng Pháp-Lang-Sa.
Họp Tiền đại hội phân công tác,
Bắc Ðẩu vội vàng bỏ chúng ta!

Ra đi, Bắc Ðẩu có vui gì!
Nợ nước, thù nhà vẫn khắc ghi.
Năm mươi năm chẵn đời dâng hiến,
Khi trút hơi tàn chẳng được chi!

Ðể lại đời sau một tấm gương,
Hy sinh vì nước – đức can trường.
Tấm thân tinh khiết – không nhơ bợn,
Ðồng chí nể vì, dân mến thương.

Anh đi – đi hẳn – phải không anh?
Giấc mộng đời trai chữa đạt thành.
Việc nước, việc đời còn nặng gánh,
Sao đành để lại bọn đầu xanh?

Vừa mới hôm nào gặp lại nhau [4]
Dáng anh còm cõi, mặt xanh xao.
Hơi tàn, sức yếu, chân không vững…
Ấy thế mà tim vẫn dạt dào!

Như có cái gì thúc đẩy anh,
(Phải chăng hồn Chiến Sĩ Vô Danh?)
Anh đi không ngại thân đau yếu,
Gặp gỡ, họp bàn… trí vẫn nhanh.

Anh ơi! Tâm sự biết sao cùng!
Mười mấy năm trời việc nước chung.
Dẫu khác danh xưng, riêng tổ chức,
Nhưng đường hội tụ: diệt thù chung.

Anh đi, không kịp báo tin nhau,
Trên trời vừa tắt một vì sao!
Lạc Cảnh mình anh nay rũ áo,
Trần gian, đồng chí… lệ dâng trào.

Thương tiếc cuộc đời anh cao cả,
Ra đi tay trắng, mộng chưa thành.
Nhưng gương anh sáng trong thiên hạ,
Tên tuổi ghi vào trang sử xanh.

Tôi khóc một vì sao chợt tắt,
Một người anh cả, một nhà thơ.
Một nhà cách mạng, một nhà giáo,
Một tấm gương trong chẳng chút mờ.

Tôi khóc một mình để chịu tang,
Khóc trong lặng lẽ, lệ dâng tràn.
Gửi niềm thương tiếc người anh quý,
Gửi khối sầu riêng phút ngỡ ngàng.

Tiễn biệt anh về với núi song,
Ðồng Nai, Bến Nghé – đất cha ông.
Tân Uyên dào dạt tình thương mến,
Nước mát sương trong tẩy bụi hồng.

Anh sẽ làm nên “Xuân Chiến Thắng” [5]
Anh hùng cách mạng chỉ vô danh [6]
Vì nước ngửa nghiêng cơn quốc nạn,
Làm trai sao bịt mắt cho đành!

Ở cõi Ta Bà anh sẽ gặp,
Những trang liệt sĩ, những hùng anh.
Những người chiến sĩ anh yêu quý,
Những bậc tiên hiền trong sử xanh.

Chúc anh siêu thoát cõi nhàn du,
Cực Lạc Tây Phương dứt hận thù.
Thế giới siêu hình hoằng đạo pháp,
Chúc anh an giấc ngủ nghìn thu!

(Ðức Phố, 29-07-1990)

[1] Pháp danh của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy.
[2] Hoa Kỳ: nơi Tiến sĩ Huy tạm dung từ năm 1975.
[3] Ðại Hội Liên Minh Dân Chủ Việt Nam toàn thế giới được tổ chức trong 5 ngày đầu tháng 8, 1990 tại Hòa Lan.
[4] Tác giả đến thăm GS Huy vào ngày 03-11-1989 tại Boston, Massachusetts.
[5] Tên thi phẩm của thi sĩ Ðằng Phương Nguyễn Ngọc Huy.
[6] Lấy ý của bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của thi sĩ Ðằng Phương.

 

 

Gíáo sư Nguyễn Ngọc Huy – Vĩnh Liêm

Năm 1979 và 1980 là thời gian tôi được gần gũi Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, tức thi sĩ Ðằng Phương. Trong khoảng thời gian nầy, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thường hay xuống Hoa Thịnh Ðốn để hội họp hoặc gặp gỡ thân hữu và đồng chí của ông. Nơi tôi ở là một “quán trọ của những tâm hồn yêu nước” – cả già lẫn trẻ – cửa lúc nào cũng rộng mở đón tiếp những người từ phương xa tới hoặc các anh chị em thanh niên và sinh viên tranh đấu ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Lúc đó, các anh chị em thanh niên và sinh viên rất hâm mộ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Mỗi lần Giáo sư Huy từ Boston xuống là anh chị em rủ nhau đến thăm ông, trước hết là để vấn an sức khỏe, sau là để nghe Giáo sư Huy tổng kết tình hình chính trị thế giới, hoặc để học hỏi các kinh nghiệm đấu tranh của bậc đàn anh. Những lúc vui miệng, Giáo sư Huy kể chuyện Tam Quốc Chí, Ðông Châu Liệt Quốc, v.v… nhưng tuyệt nhiên ông không hề đả động gì tới tập thơ Hồn Việt của ông.

Một hôm, tôi tò mò hỏi Giáo sư Huy: “Lâu quá không thấy Anh Ba làm thơ nữa! Bộ anh đã chán thơ phú rồi hay sao?” (Tôi gọi GS Huy bằng “Anh Ba” khi chỉ có ông và tôi). Giáo sư Huy cười, nói: “Làm chánh trị riết rồi cạn hết nguồn thơ, không còn cảm hứng như thời còn trẻ nữa! Vĩnh Liêm mà theo đuổi chánh trị thì cũng có ngày hồn thơ bị khô khan cho mà coi”. Ðiều nầy đã được thi sĩ Ðằng Phương thổ lộ trong bài Xuân Cảm như sau:

Tâm hồn cằn cỗi trong cô độc
Ðã hết lâu rồi mộng với thơ.
(Xuân Cảm, Hồn Việt, trang 111)

Năm 1979, tập thơ Tị Nạn Trường Ca I của tôi còn là bản thảo, tôi có đưa cho GS Huy đọc qua để cho biết ý kiến. Giáo sư Huy đọc xong rồi trả lại cho tôi, ông nói: “Làm thơ đấu tranh khó thành công lắm! Nếu Vĩnh Liêm thích thì cứ tiếp tục làm. Loại thơ đấu tranh rất hiếm hoi, mình cũng cần loại thơ nầy để hâm nóng bầu nhiệt huyết của anh em”.

Tôi kính mến GS Huy, không những vì kiến thức uyên bác của ông, mà còn vì lòng hâm mộ những vần thơ hùng tráng của ông qua bút hiệu Ðằng Phương. Thi sĩ Ðằng Phương vẫn sống mãi trong tôi qua những bài thơ để đời của ông, như: Ngày Tang Yên Báy và Anh Hùng Vô Danh… Rất tiếc những bài thơ hùng tráng và sáng ngời lòng ái quốc đó đã không được phổ cập rộng rãi cho nên bút hiệu Ðằng Phương đã bị phai nhạt dần và dường như giới trẻ sau này (từ thập niên 70 trở đi) không biết Ðằng Phương là ai, mà chỉ biết tính danh Nguyễn Ngọc Huy mà thôi!

Mặc dù thi sĩ Ðằng Phương rất khiêm nhường khi xuất bản tập thơ Hồn Việt (Ông không dám tự nhận mình là “thi sĩ” và tập thơ Hồn Việt cũng “chẳng phải là một tác phẩm văn chương” trong bài thơ Thay Lời Tựa) nhưng tập thơ Hồn Việt tự nó đã là một tác phẩm văn chương rồi và không ai có thể phủ nhận rằng Ðằng Phương không phải là một thi sĩ. Theo tôi, một tác phẩm văn chương không chỉ thuần túy trong lãnh vực tình cảm (nghĩa hẹp) với những lời thơ văn ướt át, ủy mỵ, sầu mộng, rên rỉ, ai oán… mà còn được thể hiện ở nhiều lãnh vực khác hoặc dưới những hình thức khác và thể tài khác.

Trong lời nói đầu của cuốn Hồn Thơ Nước Việt Thế Kỷ XX, xuất bản tại Saigon năm 1967, hai tác giả Lam Giang và Vũ Tiến Phúc đã khẳng định: “Một cái nhìn toàn diện về Thi Ca Việt Nam từ khi phong trào thơ mới xuất hiện đến giờ phải bao quát cho đủ mọi sắc thái, không vì một lẽ gì mà bỏ quên những thơ văn không ca tụng nữ sắc và tình yêu… Thơ văn lãng mạn chiếm được ưu thế và vinh dự gần như tuyệt đối lấn át mạnh mà không dập tắt được ngọn lửa thiêng Hùng Việt đã nung nấu tâm can người yêu nước, tạo nên những vần thơ khẳng khái bi ca”. Hai tác giả còn nhấn mạnh thêm: Cái “sắc thái” đó “vẫn cần phải để chỗ trong lãnh vực văn học” và “Không có lý gì những vần thơ huyết lệ tráng liệt dính liền với chính nghĩa dân tộc lại bị người đời bạc đãi, bỏ rơi trong vực tối thời gian”. Và “Còn gì buồn hơn những người kế tục cái truyền thống Hùng Việt bằng thơ văn lại không có chỗ ngồi xứng đáng trên đàn Thơ đất nước!” Tuy nhiên, trong cuốn Hồn Thơ Nước Việt Thế Kỷ XX cũng đã vô tình không nhắc tới tên Ðằng Phương, mặc dù thi tập Hồn Việt đã ra đời trước đó gần hai thập niên! Tôi nghĩ rằng thi sĩ Lam Giang và GS Vũ Tiến Phúc không thể nào không biết tới hai bài thơ hùng tráng của Ðằng Phương – Anh Hùng Vô Danh và Ngày Tang Yên Báy – đã xuất hiện lừng lững vào giữa thập niên 40! Ðó là một sự thiếu sót rất đáng tiếc!

***

Trong một buổi họp mặt thân hữu tại tư gia của anh Ðào Ngọc Thiệu, có sự hiện diện của cựu Ðại Tá Dương Hiếu Nghĩa, anh Nguyễn Văn Phán có cho biết anh em sẽ tổ chức một buổi văn nghệ gây quỹ cho “Nguyễn Ngọc Huy Foundation” và nhã ý mời tôi trình bày về thơ Ðằng Phương. Tôi nhận lời vì lòng cảm kích đối với cố thi sĩ Ðằng Phương. Nhưng không may cho tôi vì sau khi nhận lời thì tôi có việc phải đi xa trong khoảng thời gian đó! Nhân đây, tôi xin cám ơn nhà thơ Thái Thụy Vy đã bỏ công sao lại tập thơ Hồn Việt để tôi làm tài liệu tham khảo.

Trong lúc đọc lại tập thơ Hồn Việt, tôi lại nảy ra ý nghĩ khác, bỏ ý định nói về thi sĩ Ðằng Phương, mà chỉ tập trung vào “tinh thần” của tập thơ Hồn Việt, để từ đó nhìn sâu vào tấm lòng ái quốc sâu thẳm của thi sĩ Ðằng Phương: một nhà thơ ái quốc, một nhà cách mạng chân chính.

Thành thật mà nói, thi tập Hồn Việt của thi sĩ Ðằng Phương đã ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc đời tình cảm của tôi. Những vần thơ hùng tráng của ông đã làm rung động con tim tôi từ nhiều thập niên qua và cho tới giờ phút nầy nó vẫn còn làm tôi say mê!

Lòng ái quốc của thi sĩ Ðằng Phương được thể hiện rõ nét ngay trong bài thơ Thay Lời Tựa của thi tập Hồn Việt. Ông xác định vị trí người dân của chính mình trong một nuớc nô lệ ngoại bang:

Tôi chỉ là một người dân đất Việt
Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương
Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương
Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc.
Lúc đường sống mịt mù chưa thấy được
Tôi mượn thơ để tỏ nỗi căm hờn
Nỗi u buồn chán nản kẻ cô đơn
Khôn phụng sự giang sơn như ý nguyện.
(Hồn Việt, tr. 3)

Cũng trong bài thơ Thay Lời Tựa, chúng ta nhận thấy thi sĩ Ðằng Phương làm thơ nhằm 6 mục đích chính như sau:

1. Diễn trình quan điểm đấu tranh chung.

2. Phô bày những nguyện ước chờ mong của mọi người và những triển vọng về tương lai nước Việt.

3. Ca ngợi những anh hùng hào kiệt.

4. Lau lại tấm gương anh dũng của tiền nhân để làm ánh sáng soi đường cho công cuộc đấu tranh quyết liệt sắp tới.

5. Gây lòng phấn khởi cho chính tác giả trong những lúc gian lao.

6. An ủi những người bạn tâm giao của ông bị thất bại trên đường tranh đấu.

Khi đọc tập thơ Hồn Việt, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở 6 mục đích chính nêu trên thì chúng ta chỉ hiểu được thi sĩ Ðằng Phương có một phần mà thôi. Ðiều quan trọng hơn hết là chúng ta nên tìm hiểu “Tư Tưởng” và “Quan Niệm” của thi sĩ Ðằng Phương đã gửi gấm những gì ở trong thi tập nầy. Người viết đã tìm thấy có ít nhất 7 Quan Niệm Căn Bản trong thi tập dày 116 trang (do Thanh Phương Thư Quán tái bản). Các Quan Niệm của thi sĩ Ðằng Phương về: Lý tưởng của thanh niên, tinh thần đoàn kết, kiến thiết quê hương, hòa hợp hòa giải, xã hội, lý tưởng và đạo đức, và canh tân đất nước. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, người viết chỉ dẫn-chứng sơ lược và tiêu biểu mà thôi.

1. Quan niệm về lý tưởng của thanh niên: Về lý tưởng của thanh niên, có hai phần quan yếu là Sống và Lẽ Sống. Về Sống, thi sĩ Ðằng Phương còn đi xa hơn, định nghĩa thế nào là Biết Sống, Dám Sống và Quyết Sống. Chúng ta thử tìm hiểu quan niệm của thi sĩ Ðằng Phương về Biết Sống, Dám Sống và Quyết Sống xem sao.

Biết Sống là không chịu đứng khoanh tay, không chịu để ngày của mình trống rỗng, không để thân mình trôi giạt theo làn sóng như những bóng trong đêm, không cam tâm nhắm mắt đóng vai tuồng thụ động, luôn trông xét nghĩ suy, tự mình vạch lối đi cho mình, biết phụng thờ lý tưởng, biết say mê cuộc đời lý tưởng, hiểu nghĩa vụ làm người, cố gắng mãi để tiến đến những cảnh trời cao rộng…

Dám Sống là không biết sợ gian nguy, không cúi đầu khuất phục trước quyền uy, không vì khó khăn mà trở bước, không chịu sống ươn hèn, luôn dũng cảm hiên ngang, đương đầu những trở lực, không hề màng vất vả, nhắm mục đích thiêng liêng và cao cả, tiến theo đường đã định cho đến lúc nhắm mắt…

Quyết Sống là nhất định ở tiền khu, lãnh vai tuồng vét mây mù, phá lối mở đường cho cả nước, khinh thường khổ cực, dám liều mạng hy sinh cho nòi giống…

Kết luận cụ thể của thi sĩ Ðằng Phương về Sống là: Những người Biết Sống, Dám Sống và Quyết Sống là những người Tranh Ðấu.

Về Lẽ Sống, thi sĩ Ðằng Phương quan niệm như sau:

Ði tìm những cảnh trời cao rộng
Hợp chí tung hoành của tuổi trai!
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tranh đấu cho dân tộc sống còn
Liều mình để phụng sự giang sơn.
(Lẽ Sống, Hồn Việt, tr. 50)

2. Quan niệm về tinh thần đoàn kết: Theo thi sĩ Ðằng Phương, tinh thần đoàn kết là mọi người phải hiệp sức, chung lòng, không nên chia rẽ Bắc-Nam-Trung, chớ nên phân chia lực lượng, phải đồng tâm, nhận hướng để đấu tranh cho sự sống còn. Ông đã mạnh dạn kêu gọi:

Phải cùng nhau hiệp sức, phải chung lòng
Xây đắp lại non sông đà bại hoại
Phải dứt nạn tương tàn vì đảng phái
Tận diệt mầm chia rẽ Bắc, Nam, Trung
Và hòa chung dòng máu VIỆT hào hùng
Ðể nền mống quốc gia thêm vững chắc.
(Nước Việt Trường Tồn)

Và thi sĩ than thở:

Cùng một non sông, một giống dòng
Sao đành chia rẽ Bắc, Nam, Trung?
Muốn dân tộc Việt sinh tồn được
Phải để hòa chung máu Lạc Hồng.
(Việt Nam Thống Nhất)

Ông tha thiết kêu gọi chấm dứt tương tàn để đồng tâm hiệp lực:

Hỡi muôn dân! Mau dứt cuộc tương tàn
Thuyền Tự Do chưa thoát bến gian nan
Ðường tranh đấu chớ phân chia lực lượng.
Ðoàn kết lại, bình tâm lo nhận hướng
Rồi chung nhau quyết định những phương châm
Và tiến lên, trong nhịp hát đồng tâm
Theo nẽo sống mở cho nòi giống Việt.
(Lời Sông Núi)

3. Quan niệm về kiến thiết quê hương: Theo thi sĩ, việc kiến thiết quê hương phải cần đến những nhân tài lỗi lạc, phải cố gắng kiến thiết không ngừng.

Phải qui tập những nhân tài lỗi lạc
Ðể cùng nhau tô điểm lấy sơn hà
Cả tương lai đất nước ở nơi ta
Phải cố gắng, chớ dừng tay kiến thiết.
(Nước Việt Trường Tồn)

4. Quan niệm về hòa hợp hòa giải: Nên mở rộng lượng khoan hồng đối với những người lỡ lầm phạm lỗi với non sông, và nhiêu dung với kẻ thù bạo ngược.

Ðối với kẻ cùng chung dòng máu Việt
Ðã lỡ lầm phạm lỗi với non sông
Ta phải nên mở rộng lượng khoan hồng
Và đối với những kẻ thù bạo ngược
Ðã tàn hại quốc dân ta thuở trước
Ta cũng cần phải có sự nhiêu dung:
Ở quê hương Lê Thái Tổ, Quang Trung
Vô nhân đạo là điều không thể có.
(Nước Việt Trường Tồn)

5. Quan niệm về xã hội: Thi sĩ kêu gọi gột bỏ tính ươn hèn ỷ lại, tẩy trừ thói dâm dật xa hoa cùng những thói hư tật xấu do văn minh vật chất Tây phương mang đến để làm trụy lạc giống nòi.

Chúng ta phải cùng nhau lo gột bỏ
Tính ươn hèn ỷ lại của dân ta
Và tẩy trừ thói dâm dật xa hoa
Những thói xấu nền văn minh vật chất
Tuy hào nhoáng nhưng kém bề sâu sắc
Cùng với tinh thần phóng túng kiêu căng
Mà bọn người thờ vị kỷ đem sang
Ðể làm trụy lạc người dân đất VIỆT.
(Nước Việt Trường Tồn)

6. Quan niệm về lý tưởng và đạo đức: Lý tưởng gắn liền với đạo đức. Con người thiếu lý tưởng thì không thể trông cậy ở đạo đức của họ. Về Lý Tưởng, theo thi sĩ Ðằng Phương, không nên vụ lợi và tham danh, không khiếp nhược hay ươn hèn, không phục tòng lẽ trái. Về Ðạo Ðức, không lỗ mãng, hung hăng, độc ác… và phải sống cuộc đời trong sạch. Những vần thơ mạnh mẽ và trong sáng của thi sĩ Ðằng Phương đến nay vẫn được coi là “kim chỉ nam” cho thế hệ trẻ.

Không bao giờ vụ lợi hay tham danh
Không miệt mài theo đuổi bóng hư vinh
Chỉ thích sống một cuộc đời lý tưởng
Dáng nho nhã, hiền lành, đầy độ lượng
Nhưng vẫn không khiếp nhược hay ươn hèn
Không cúi đầu sợ hãi trước uy quyền
Không khép nép phục tòng người trái lẽ
Hãy cương quyết, uy nghiêm và mạnh mẽ
Nhưng vẫn không lỗ mãng hay hung hăng
Không để lòng độc ác, tính kiêu căng
Ðưa hành động đi sái đường chính trực
Ðó là hình dung cuộc đời đạo đức
Của người dân đất VIỆT tự muôn năm
Sống luôn luôn bình tĩnh và âm thầm
Họ chỉ biết phụng thờ non nước VIỆT
Làm phận sự đến thế cùng, lực kiệt
Rồi ung dung xem chết thoảng như về
Suốt một đời trong sạch, chỉ say mê
Vẻ đẹp của nho phong đầy ánh sáng.
(Nước Việt Trường Tồn)

Ðọc bốn câu thơ của đoạn cuối trên đây, chúng ta mường tượng hình ảnh nho phong của thi sĩ Ðằng Phương đã thể hiện đúng tinh thần của bài thơ. Thi sĩ Ðằng Phương đã sống một cuộc đời trong sạch cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Thơ và Người là một. Cái vẻ đẹp nho phong của thi sĩ Ðằng Phương là một tấm gương sáng ngời, đã làm cảm kích nhiều người.

7. Quan niệm về canh tân đất nước: Muốn canh tân đất nước, theo thi sĩ Ðằng Phương, phải cải cách duy tân để nâng cao đời sống của nhân dân, để đuổi kịp các nước trên con đường kỹ thuật và làm rạng rỡ những tinh hoa của giống nòi. Nhưng trước hết, phải khôi phục cho bằng được tinh thần văn hóa cũ của dân tộc. Mỗi dòng thơ là một liều thuốc kích thích lòng yêu nước của người đọc.

Khôi phục được tinh thần văn hóa cũ
Chúng ta cần phải cải cách duy tân
Ðể nâng cao đời sống của nhân dân
Ðuổi vạn quốc trên con đường kỹ thuật
Phát triển đến tuyệt vời nguồn sinh lực
Dồi dào và mạnh mẽ của dân ta
Và làm cho rạng rỡ những tinh hoa
Những đức tính của giống nòi ÐẠI VIỆT
Hỡi các bạn! Những công trình kiến thiết
Của chúng ta sẽ nặng nhọc lâu dài
Và con đường đưa đến cảnh tương lai
Cảnh xán lạn mà chúng ta mong ước.
(Nước Việt Trường Tồn)

Cảnh tương lai xán lạn huy hoàng của đất nước mà thi sĩ Ðằng Phương mơ ước từ thập niên 40 đến nay vẫn chưa thành tựu. Suốt nửa thế kỷ dấn thân tranh đấu cho tương lai nước Việt, đến ngày nhắm mắt lìa trần thi sĩ vẫn chưa nhìn thấy được một tí tương lai nào của đất nước! Nhưng ước vọng của ông vẫn còn ở mãi với chúng ta, ở những thế hệ kế tiếp, ở những tinh hoa và nguồn sinh lực dồi dào được đào tạo trong những viện đại học nổi tiếng nhất thế giới.

Người viết còn tìm thấy nhiều điều thích thú khác ở thi tập Hồn Việt và tư tưởng cao đẹp của thi sĩ Ðằng Phương đã gửi gấm trong thi tập, nhưng vì khuôn khổ bài báo có hạn nên đành phải dành cho một dịp khác. Trên đây chỉ là những gợi ý, phớt qua, chưa đi sâu vào từng vấn đề một. Người viết ước mong “Tinh Thần Hồn Việt” sẽ đến với tất cả mọi người Việt ở hải ngoại. Tuy những lời thơ “thô kệch, kém văn hoa” (lời tác giả) nhưng rất bổ ích đối với người Việt không quên cội nguồn./.

Quyền công nhân tại Việt Nam – Nguyễn Bá Lộc

Công nhân là thành phần rất quan trọng cho phát triển kinh tế. Cho nên hầu hết các quốc gia và quốc tế đều có luật lệ rõ ràng nhằm bảo về quyền lợi cho thành phần chủ yếu nầy.

Tập thể công nhân không phải chỉ quan trọng tới kinh tế mà còn cả về mặt xã hội , nhân quyền và chánh trị. Người công nhân hay người lao động phải được bảo vệ về đời sống vật chất và về đời sống tinh thần. Quốc tế có những qui định tiêu chuẩn quyền công nhân (Worker’s Rights) mà hầu hết các nước đều có luật Lao động dựa theo các qui định nầy. Chỉ trừ một số ít nước rất độc tài trong đó có Việt Nam.

Trong những năm gần đây, VN ký một số Hiệp định thương mại với các nước tư bản, chánh quyền VN bị bắt buộc phải thực thi những ràng buộc về quyền công nhân, nếu muốn có được quyền lợi kinh tế. Trong đó có quyền được thành lập công đoàn độc lập được qui định thêm trong luật Lao động cải sửa 2019, nhưng không đúng như luật quốc tế.

Vấn đề công đoàn và quyền lợi công nhân VN rất phức tạp. Những bất thường và bất công không chỉ trong quá khứ mà còn phải tranh đấu trong tương lai.

Tranh đấu Bảo vệ quyền công nhân là tranh đấu cho Nhân quyền Dân chủ và Công bằng xã hội.

I.Tóm tắt luật lệ quyền công nhân tại VN

Về Cơ chế Luật lệ và Tổ chức Lao động VN

Tổ chức Lao động VN (Labor Organization): Dưới chánh thể độc tài CS , quần chúng phải nằm dưới sự kềm kẹp của đảng CS, trong đó thành phần quan trọng là công nhân. Cho nên tổ chức công nhân duy nhứt có từ khi có đảng, với tên gọi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN, Vietnam General Confederation of Labor)) là một tổ chức ngoại vi của đảng CS và trực thuộc Mặt trận tổ quốc.

Về hình thức thì TLĐLĐVN là một tổ chức công nhân có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi công nhân. Nhưng thực tế nó là một  tổ chức chánh trị, là một công cụ của đảng CSVN. Tất cả Ban Đại diện nghiệp đoàn cơ sở của mọi ngành đều do chi bộ đảng của công ty lảnh đạo và là thành viên quản lý công ty do chủ nhân phối hợp vớ đại diện TLĐLĐVN  chọn ra , chớ không phải là công nhân sản xuất. TLĐLĐVN nắm hết và chỉ huy toàn bộ các nghiệp đoàn trong toàn quốc.

Mọi hoạt động và yêu cầu giải quyết cho quyền lợi của công nhân phải được sự chấp thuận của TLĐLĐVN.

TLĐ nầy chỉ để phục vụ đảng và một phần phục vụ quyền lợi Chủ nhân thay vì quyền lợi công nhân. Mặt khác, công nhân VN bị bóc lột từ một số chủ nhân như trả lương thấp, làm việc nhiều giờ , hay trong điều kiện làm việc thiếu vệ sinh và không an toàn cho sức khỏe. Hoặc có  nhiều trẻ em nghèo bỏ học đi làm từ 12-13 tuổi vẫn kéo dài hàng chục năm không được TLĐLĐVN màng tới.

Về luật Lao động VN (Labor Code): Luật Lao động có từ trước 1975. Trong mấy chục năm qua có một số thay đổi từ khi VN theo nền kinh tế “Thị trường định hướng XHCN”, khi thành phần kinh tế tư doanh tăng lên , và khi VN hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Nhưng những cải cách đó vẫn chưa đủ, nó vẫn mang đặc tính của luật pháp XHCN .

Trong hàng chục thập niên qua, có ba lần cải sửa luật Lao động quan trọng vào các năm 1994, 2012 và 2019.

Năm 1994 là lần quan trọng và toàn diện, qui định về lương bổng, tuổi về  hưu trí, về vệ sinh , an toàn nơi làm việc. Nhưng vẫn thiếu một số qui định quan trọng như quyền thành lập công đoàn độc lập, quyền thương lượng tập thể.  Công nhân càng ngày càng đông theo đà gia tăng phát triển kinh tế. Những mâu thuẩn càng ngày càng nhiều. Tập thể công nhân chịu quá nhiều thiệt thòi. Giá trị kinh tế không bù đăp cách xứng đáng cho công sức của công nhân. Lương công nhân quá thấp. Đó là yếu tố quan trong cho nhiều nhà đầu tư ngoại quốc, nhứt là các nhà đầu tư tư Hông kong , Singapore, Đài Loan, Nam Hàn , Thái Lan khai thác tối đa sức đóng góp của công nhân VN.

Đa số công nhân gần như cam chịu cực nhọc vì quá nghèo khó, họ có được việc làm là may rồi. Sự tranh đấu đòi quyền sống có thể bị trù dập, bị đàn áp. Và công lý là thuộc về đảng.

Một vài Tổ chức độc lập yểm trợ công nhân ra đời vào năm 2006, 2007. Có nhiều cuộc biểu tình tự phát, và nhiều vụ đàn áp dã man. Một số nhà tranh đấu cho công nhân bị tù 5-7 năm. Công cuộc tranh đấu cho công nhân vẫn tiếp tục cho tới nay. Một vài Tổ chức trong nứớc nhưng có tầm cở quốc tế.

Trong vài năm nay, VN ký các Hiệp định mậu dịch tự do. Các Hiệp định nầy đều bắt buộc VN phải thực thi luật bảo vệ nhân quyền và quyền công nhân. Đây là điều bắt buộc. Và nhờ đó VN phải cải sửa Luật Lao động theo như luật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).Vì vậy VN đã phải sửa luật Lao động lần nữa vào tháng 11/2019 và có hiệu lực vào tháng giêng 2021.

Luật Lao động cải sửa 2019 có một sửa đổi mới như:

Bảo hiểm cho công nhân được nới rộng ra cho nhân viên dịch vụ.

Bổ sung về các loại hợp đồng lao động. Đặc biệt hợp đồng cho trẻ em dưới 15 tuổi, người lớn tuổi và công nhân ngoại quốc. Hợp đồng mới cho người chủ nhân hoặc người công nhân có quyền hũy bỏ Hợp đồng.

Luật mới cho tăng tuổi về hưu. tăng lên từ 60 lên 62 cho nam giới và từ 55 lên 60 cho nữ giới.

Bảo vệ chống kỳ thị và quấy nhiểu tình dục.

Chống cưởng bức lao dộng và lao động trẻ em vị thành niên.

Luật mới với vài điều mới quan trọng như

Quyền được tự do gia nhập và thành lập nghiệp đoàn độc lập.

Qui định về công nhân có quyền thương lương tập thể với chủ nhân.

Về Thương thảo tập thể theo luật ILO, đã được Quốc hội VN phê chuẩn năm 2019. Qui định về Cưởng bức lao động sẽ phê chuẩn năm 2020. Qui định về thành lập “Công đoàn độc lập”  mà Luật mới 2019 nói là “Nghiệp đoàn độc lập cấp cơ sở” không thấy nói cấp cao hơn cấp cơ sở  Còn Công đoàn độc lập theo luật quốc tế ILO thì VN sẽ chuẩn phê vào năm 2023.

Nhưng cho tới nay, Luật Lao động VN vẫn chưa giống hoàn toàn như tiêu chuẩn quốc tế. Đó là điều cần thay đổi nữa trong tương lai về mặt luật lệ cũng như về mặt thi hành luật.

Luật Lao động VN so chiếu luật Lao động quốc tế

So chiếu với luật lệ Lao động của các nước có Dân chủ Tự do và với qui định của Luật Lao động quốc tế (ILO) thì luật Lao động VN còn một số khiếm khuyết rất quan trọng.

Các qui định của VN về quyền lợi về các mặt thông thường giống như luật ILO và một số nước mà VN có ký kết hay thỏa hiệp . Đối với cá Hiệp ước mậu dịch CPTPP và EVFTA cũng như với Hoa kỳ thì VN phải áp dụng luật của ILO. Luật củ ILO có qui định cách giải quyết và chế tài các vi phạm luật công nhân. VN đã hội nhập kinh tế toàn cầu, và vì quyền lợi kinh tế, VN cần phải theo như luật ILO. Nghĩa là trong tương lai, luật Lao động VN sẽ còn sửa đổi nữa. Sự tranh đấu mới sẽ có phần quốc tế hóa luật lệ và sự thưc thi luật pháp.

II.Vấn nạn vè hệ quả vi phạm quyền công nhân tại VN

Tình trạng luật lệ và cơ chế thi hành luật Lao động của VN có quá nhiều sai phạm . Hệ quả nầy ảnh hưởng tai hại cho người công nhân mà cho cả sự phát triển kinh tế xã hội VN.

Nguyên nhân chánh của mọi sự vi phạm quyền công nhân ở VN là từ chế độ CS. Điều không khó hiểu là chế độc CS luôn nắm các lưc lương quần chúng lớn. Công nhân là lực lượng vừa đông đảo vừa mạnh. CS sợ công nhân, cho nên họ phải kềm kẹp đàn áp công nhân. Đối với chánh quyền cũng như đối với công nhân , quyền người lao động vừa là vấn đề kinh tế vừa là vấn đề chánh trị. Như thế dù trong hoàn cảnh và điều kiện nào CSVN không thể buông lỏng công nhân, lại càng không thể tha thứ cho công nhân và tổ chức tranh đấu cho công nhân nếu quyền lợi đảng và quyền lợi của một số đảng viên lảnh đạo bị thiệt hại.

Tại các nước có Dân chủ Nhân quyền thực sự thì lực lượng công nhân vẫn là nhóm áp lực chánh trị. Nhưng chánh quyền phải áp dụng đúng đắn luật Lao động.

Luật lệ không đúng tiêu chuẩn luật lệ quốc tế bình thương và nhứt là sự thiếu công bằng và nhân đạo trong khi thi hành luật công nhân đem đến nhiều thiệt hai chẳng những cho chính người công nhân mà còn cho xã hội và sự phát triển kinh tế. Vấn đề nầy có thể xét trên các mặt Xã hội, kinh tế, dân quyền và nhân quyền. Các vi phạm quyền công nhân từ nhiều chục năm qua hậu quả là có những nhà tranh đấu bị tù đầy, đời sống công nhân vẫn tăm tối. Nhiều chủ nhân, kể cả một số nhà đầu tư ngoại quốc như Đài loan, Đại Hàn, Malaysia, Trng quốc được chánh quyền yểm trợ, đã bóc lột công nhân VN.

Hệ quả của vấn  nạn công nhân có thể tóm tắt trên một số mặt:

Về mặt xã hội và đạo đức: Theo thông tin chánh thức, kinh tế VN tăng trung bình 6-6.5%/năm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhưng lương công nân không tăng hay tăng rất ít hơn sự gia tăng kinh tế. Vì vậy đời sống của khoảng 20 triệu công nhân quá thấp, so với các nước Á châu.  Chưa kể thất nghiệp quá nhiều, nhứt là trong tình hình bị đại dịch.

Về mặt kinh tế: Vì công nhân không có được tự do tranh đầu để được học hỏi thêm cải tiến năng xuất, nên nhiều công ty nhứt là công ty ngoại quốc không thể tăng lương. Mặt khác năng suất kém thì mức phát triển kỹ nghệ thấp, hàng hóa không có chất lượng tốt. Những nhà đầu tư ngoại quốc và chánh quyền CS triệt để khai thác chỉ vì cái lợi cho hai thành phần nầy. Gần đây, nhiều công ty chuyển từ Trung quốc qua VN, đó là cơ hội tốt, nhưng đó cũng là lúc phải bảo vệ quyền công nhân hơn nữa. Chánh quyền thi hành sai trái luật pháp, đi dàn áp công nhân là đóng góp vào sự suy giảm khả năng phát triển kinh tế.

Về mặt dân quyền và nhân quyền. Đối với các Tổ chức quốc tế, với các Hội đoàn phi chánh phủ, thì vi phạm quyền công nhân là vi phạm nhân quyền tồi tệ nhứt. Đàn áp sự tranh đấu cho quyền lợi công nhân là sự đàn áp tiêu diệt Dân chủ Tự do và An ninh xã hội.

Về mặt chánh trị và Bộ máy công quyền: Trên một bình diện khác,  Công đoàn là mộ nhóm áp lực chánh trị. Nhưng trước hết công nhân không phải lúc nào là công cụ chánh trị. Nếu chánh quyền hay Tổ chức từ chánh quyền nghiêng về quyền lợi chủ nhân hay dùng mọi thứ luật chụp mũ đàn áp công nhân thì chánh quyền tự làm cho lực lương đông đảo quần chúng nầy mất niềm tin ở chánh quyền và xa cách chánh quyền.

Về uy tín quốc tế. Vì bị ảnh hưởng bởi xã hội dối trá , mất đạo đức, các nghiệp đoàn do chánh quyền dựng lên cũng theo tinh thần “định hướng XHCN” như thế. Tình trạng nhân quyền và quyền công nhân bị chà đạp nhiều chục năm nay làm cho các Tổ chức quốc tế đánh giá VN ở mức độ rất thất. Dù muốn có sự hợp tác rộng rải, nhưng các quốc gia dân chủ tự do luôn rất lo ngại sự bất công và sự tệ hai về quyền công nhân ở VN. Điều nầy có hệ quả không tốt về sự hội nhập toàn cầu và uy tín quốc tế của VN, mà chúng ta thấy qua những lần thương thảo các Hiệp ước mậu dịch tự do.

III.Cuộc đấu tranh mới cho quyền công nhân tại VN

Công cuộc đấu tranh cho quyền công nhân ở VN là sự tranh đấu trường kỳ và nhiều đau khổ.

Nhưng đây là sự tranh đấu có chánh nghĩa, là những yêu cầu được có quyền lợi tối thiểu của công nhân mà hầu hết các nước đều công nhận. Cuộc tranh đấu nầy giữa một bên là tập thể những người lao động làm thuê, một bên là chủ nhân giàu có với sự hổ trợ bởi chánh quyền độc tài tàn bạo.

Những vấn đề trong giai đoạn mới: Đó là những điều cần suy nghĩ, cần hoạch định mới, cần phối hợp mới, cần một kiên trì mới.

Tình hình mới. Kinh tế VN phải dựa chánh yếu vao xuất cảng và đầu tư ngoại quốc. Mà các nước trong Hiệp định mậu dịch ký với VN gần đây, như Hiệp định Xuyên Thái bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Âu châu – VN (EVFTA), đều có qui định VN phải tuân thủ qui định về nhân quyền (Human Rights) và Quyền công nhân (Worker Rights). Đây là điều kiện bắt buộc và quan trọng . Đây là cơ hội cho công cuộc tranh đấu cho Quyền công nhân hy vọng có thể đạt mức độ thành công nào đó. Qua các Hiệp định nầy kể cả Thỏa ước Lao dộng song phương Hoa kỳ và VN đã ký. Dù Hoa kỳ rút khỏi Hiệpcác Tổ chức Nhân quyền ước TPP. Còn qui định trong Hiệp định EVFTA thì rõ ràng, và các nước Liên hiệp Âu châu có truyền thống tôn trọng rất cao Nhân quyền và Quyền công nhân.

Rút kinh nghiệm từ công cuộc tranh đấu cho Quyền công nhân trong quá khứ.

Trong  quá khứ lâu dài, công nhân cũng như một số Hội đoàn tranh đấu đã bị đàn áp hay vào tù vì những tranh đấu bảo vệ quyền lợi chánh đáng của công nhân. Đó là một kinh nghiệm đau thương nhưng có thể rút ra nhiều bài học.

Nhưng nay tình hình có thay đổi, là có áp lực quốc tế qua các Hiệp định thương mại, cũng như các Tổ chức Nhân quyền, họ đã hiểu VNCS khá nhiều , và đã theo dõi chánh quyền VN trong thục thi luật quốc tế. Đó cũng là một thuận lợi .

Thử thách mới cho chánh quyền VN và cho Tổ chức công đoàn mới.

Về phía Chánh quyền VN có  ba thử thách lớn là: Thứ nhứt là Quyền lực và nhiệm vụ của TCĐLĐVN hiện nay có bị sứt mẽ không? Nếu TLĐLĐVN bị Công đoàn độc lập lớn mạnh thì Công đoàn của đảng sẽ yếu đi. Đó không phải là ý muốn của đảng CSVN. Thứ hai là Chánh quyền sẽ cải sửa luật lệ thế nào nữa vì cho tới nay chưa đúng tiêu chuẩn quốc tế hay còn mập mờ để giở trò gian lận. Thứ ba là VN phải bám vào hội nhập, vì đó là con đường sống của kinh tế VN. Và điều chắc chắn là chánh quyền VN sẽ còn vi phạm luật trong nước và luật quốc tế. Khi đó, sẽ có áp lực quốc tế buộc VN làm đúng luật, minh bạch, và công bằng, thì chánh quyền VN sẽ phải chống đở ra sao.

Thử thách về phía công nhân, Các Công đoàn độc lập thực sự sẽ có nhiều khó khăn mặc dù về hình thức được công nhận. Chính người công nhân trong các xí nghiệp, nhứt là xí nghiệp có hợp đồng với nước ngoài, phải đối diện khó khăn nào khi TCDLĐVN cứ giữ họ, trong khi công nhân đó muốn gia nhập Công đoàn mới. Các công đoàn độc lập thực sự trước hết phải hiểu rõ những qui định về Quyền người lao động. Thủ tục tiến hành thành lập hợp pháp. Các Xí nghiệp đ56c lập mới sẽ phải đối phó như thế nào với TCĐDLVN. Ban đại diện công đoàn/hay Xí nghiệp độc lập. Cần phải có mối liên hệ với các cơ quan quốc tế và Tòa đại sứ của các nước có liên quan, qua một “Văn phòng Tư vấn” càng tốt.

Người công nhân phải có chỗ dựa, duy trì hoạt động cách hợp pháp để khỏi bị CA chụp mũ hay đàn áp, nhứt là cá công nhân có tư cách đại diện. Trong tình trạng VN lệ thuộc TQ quá nhiểu như hiện nay, VN sẽ tiếp tục đu dây giữa Trung quốc và Hoa kỳ như thế nào.. Nếu vẫn bị kẹt nhiều với TQ thì một số không nhỏ công nhân VN vẫn gặp nhiều khó khăn trong các công ty của TQ tại VN, vì trong Hiệp ước với TQ không có qui định về Nhân quyền và Quyền công nhân.

Một bắt đầu mới: Mặt trân mới với trận địa cũ với đối phương cũ (CSVN), cho mục tiêu cũ (quyền lợi tập thể công nhân cùng khổ). Trong một điều kiện mới: Áp lực từ các nước thành viên Hiệp định mậu dịch và Tổ chức quốc tế.

Tiến hành cho cuộc tranh đấu mới. 

Giai đoạn mới cho cuộc tranh đấu cho công nhân có một số điều cần làm xin gợi ý:

Trước hết cần hiểu rõ  Các qui định của Hiệp định mậu dịch tự do, nhứt là các qui định về Quyền công nhân.(Hiệp định CPTPP, và EVFTA).

Cần hiểu thêm ý đồ mới cách thi hành mới của chánh quyền VN. Nhứt là thủ đoạn mới . Có thể chánh quyền cứ cho thành lập Công đoàn tự do, mà phần lớn là không chơn chánh.

Cần một số văn phòng tư vấn cho việc hiểu luật và áp dụng luật. Thể thức thành lập Xí nghiệp độc lập (Theo luật mới, VN chỉ cho thành lập Nghiệp đoàn cơ sở (tức là tại xí nghiệp) không có nói tới sự thành lập Liên hiệp công đoàn, hay Tổng công đoàn. Và cần hiểu quốc tế cách giải quyết các tranh chấp vế Luật lao động.

Mới đây, theo tin đài VOA, thì bên VN ngày 1 tháng 7- 2020 có ra mắt  công đoàn có tên là “Xí nghiệp độc lập VN”. Đại diện Ban chấp hành có nói là Công đoàn nầy được thành lập theo Luật Lao động mới 2019. Mục tiêu là bảo vệ quyền lợi công nhân. Và sẽ đồng hành với Tổng công đoàn Lao động VN. Chưa thấy các chi tiết thêm. Vì hãy còn quá sớm.

Luật Lao động mới 2019 cho tời tháng giêng 2021 mới có hiệu lực.. Và VN sẽ chuẩn phê điều 87 Luật Lao động quốc tế vào 2023.

Cần phối hợp quốc tế. Các Tổ chức tranh đấu cho công đoàn độc lập hay các Hội đoàn dân sự trong nước cần có liên lạc với bên ngoài. Nhứt là các chánh quyền có ký hiệp định thương mại với VN, và với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà hiện có văn phòng đại diện ở VN.

Bên ngoài, các Tổ chức người Việt và Truyền thông cần tiếp tay với các công đoàn độc lập hay đại diện công nhân, làm gạch nối giữa các tổ chức Công đoàn và các chánh quyền của quốc gia thành viên trong Hiệp định thương mại.

Con đường tranh đấu còn đài và nhiều cam go. Điều quan trọng là giữ vững niềm tin.

Cali tháng 7 năm 2020

 

 

Vui cười

Hai gã cao bồi gặp một người Ấn Độ đang nằm sấp trên đường, áp tai xuống đất. Một gã nói:

– Thấy tên Ấn Độ kia không, trông hắn có vẻ là một đạo sĩ?

– Ừ, chắc hắn đang nghe ngóng. Bọn đạo sĩ có thể phát hiện tiếng động ở cách xa hàng dặm.

Vừa lúc đó, người Ấn Độ hé mắt, nói rất khẽ:

– Một chiếc xe ngựa có mui, đi được khoảng 2 dặm với 2 con ngựa kéo, một nâu, một trắng. Trên có một người đàn ông, một phụ nữ…

Gã thứ nhất quay sang bạn thán phục:

– Ghê thật! Lão đạo sĩ này chỉ nghe thôi mà có thể đọc toàn bộ thông tin, thậm chí cả màu sắc.

Môi “đạo sĩ” lại mấp máy. Hai gã giỏng tai nghe lời phán … tiếp:

… cán qua người tôi cách đây khoảng nửa tiếng.

 

Cô gái kia ưng 1 ông già ế vợ.  Lấy nhau được 7 năm thì cụ già mất.

Vài hôm sau cô được mời đến tòa án để lo việc thừa kế di sản.  Chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới được vào.  Nhân viên tòa ôn tồn an ủi:

– Xin lổi cô, chờ lâu lắm rồi hả?

– Vâng, tôi đã chờ đến 7 năm rồi ạ !

 

A đứng nói chuyện với bọn bạn ở sân trường. Chúng nói rằng bố của chúng mới tuyệt làm sao! Một đứa nói:

– Này, bố tớ chạy rất nhanh. Bố tớ bắn mũi tên rồi mới chạy, thế mà bố tớ vẫn về đích trước cả mũi tên!

Đứa thứ hai nói:

– À, cậu tưởng thế là nhanh ư? Bố tớ bắn súng và chạy về đích trước cả viên đạn!

A nghe hai bạn nói, nó lắc đầu rồi nói:

– Nhằm nhò gì! Nhà nước nghỉ làm lúc 4 giờ 30 phút… thế mà bố tớ về nhà lúc 3 giờ 45 phút!

 

Học trò của hai nhà hiền triết tranh cãi kịch liệt về đề tài “Có nên lấy vợ không”. Vì không ngã ngũ, họ tới hỏi Socrat thì được thầy khuyên:

– Theo thầy dù sao cũng nên lấy vợ. Nếu người vợ tốt thì may. Nhược bằng lấy phải người vợ xấu, các anh sẽ trở thành nhà hùng biện.

Còn hỏi thầy Platon thì ông bảo:

– Tùy. Vì đằng nào các anh cũng phải hối hận.

– Sao thế ạ?

– Vì nếu lấy được vợ đẹp, các anh sẽ làm vui mọi người, ngược lại thì tự các anh chuốc họa vào thân!

 

Một bệnh nhân đến bác sỉ khai bệnh:

– Thưa bác sỉ , tôi bị mắc chứng ngủ ngày, còn đêm lai thức

Bác sỉ khám xong, đưa toa thuốc, trong đó ghi: “Chuyển sang làm ca đêm!”

Tất cả là Một – Oneness – Once and for All  – Mai Thanh Truyết

Lời sau cùng của Cố GS Nguyễn Ngọc Huy:

‘Lúc tắt hơi mới biết được mạng trời
Khi nhắm mắt mới đành thôi hoạt động’

Oneness còn có thể hiểu như: – trạng thái hợp nhứt (state of being united), – thỏa thuận (agreement), – trạng thái hay phẩm chất thành một (?) (the state or quality of being one), – tính độc đáo (uniqueness), – sự đơn độc (singleness), – tính tương tự (sameness).

Đối với người Hindi, Oneness còn có nghĩa là phẩm chất của sự hợp nhất thành một – the quality of being united into one.

Cũng có có quan niệm rằng, chúng ta có thể bắt đầu với ý tưởng nếu chúng ta đến từ ngôn từ Oneness, thực sự chỉ có một người trong chúng ta (one of us) ở trong từ nầy.

“Nhất thể” hay “Ý thức thống nhất” – Oneness or Unity Consciousness là một khái niệm cuối cùng nhận được sự lưu tâm và chấp nhận trong lãnh vực khoa học rộng hơn sẽ được diễn giảng ở phần dưới đây.

Về quyển sách Oneness của John Griven

Chương trình Tinh thần Toàn cầu trong quyển sách của John Greven cho rằng sự Đồng nhất gồm một bức tranh lớn trong đó có tác giả và bác sĩ chữa bệnh tâm hồn (mind-body healing) Deepak Chopra cùng với tác giả và nhà khoa học xã hội Riane Eisler cùng có chung một suy nghĩ…

Bạn đã bỏ lỡ điều gì?

Trong Oneness, tác giả John Greven mời độc giả nhìn thế giới như hiện tại, ngay lúc này, không có suy nghĩ riêng của phản ảnh những ẩn dấu bí mật bị che khuất qua nhiều mặt – without the mind’s own reflections obscuring its multifaceted mystery.

Bạn đã bỏ lỡ điều gì?

Trong Oneness, tác giả John Greven mời độc giả nhìn thế giới như nó thực sự, ngay bây giờ – the world as it really is, right now.

Oneness đưa người đọc, từng bước một, đến thực tế không thể chối cãi đó là bản thân – self. Nội dung của cuốn sách nầy là tìm kiếm một trải nghiệm hàng ngày của một người, để chỉ ra điều gì đó mà tâm trí có thể đã lướt qua. Nó không chỉ ra bất cứ điều gì mới, hay bất cứ điều gì bạn có thể đạt được, hoặc bất cứ điều gì bạn có thể mang thêm vào chính mình. Nó không chỉ ra những việc tốt bạn đã làm trong cuộc sống của bạn để nhấn mạnh bạn phải là một người tuyệt vời như thế nào. Nó đang chỉ ra một cái gì đó rất đơn giản, một cái gì đó quá rõ ràng, khi nó được chỉ ra và nhìn thấy; để rồi, bạn tự hỏi làm thế nào và vì sao nó đã bị bỏ lỡ được?

Làm thế nào tâm trí có thể có một cái gì đó quá rõ ràng như đã được đãi ngộ sẳn (for granted)?

Làm thế nào tâm trí dễ dàng ném ra viên ngọc quý giá thuận lợi cho những phản cảm  của tâm trí?

Hoặc:

Bạn có thể đã tìm kiếm qua sự tự giác – self-realization, sự giác ngộ – enlightenment, hoặc tư tưởng của Đức Phật, hay Thượng đế hoặc một số mục tiêu khác có chung hay ngụ ý một điều tương tự.

Bạn có thể đã tìm kiếm trong nhiều năm hoặc bạn có thể bắt đầu tìm kiếm. Cho dù bạn đã đi du lịch trên cùng một lối đường trong một thời gian dài hay bạn chỉ cần thực hiện bước đầu tiên. Hai việc trên cũng không có gì khác biệt.

Cuốn sách nầy mời bạn hãy nhìn vào một không gian đã bị lướt qua, để xem điều gì là hiển nhiên và đưa cuộc tìm kiếm đó đến một kết thúc…ngay bây giờ.

Giác ngộ

Trong hàng ngàn năm, các thầy giác ngộ từ các tín ngưỡng khác nhau, các nhà triết học tiếng tăm, nhà huyền bí – mystics, pháp sư – shamans, và nhà hiền triết – sages… đã cố gắng chia xẻ một thông điệp quan trọng với chúng ta: nhận thức của chúng ta về sự chia ly là một ảo ảnh – our perception of separation is an illusion

Trong mạng lưới của cuộc sống phi thường này, chúng ta được kết nối với mọi thứ. Chúng ta là một – In this extraordinary web of life, we are connected to everything. We are one.

Và hiện nay, vật lý lượng tử đang cung cấp cho chúng ta cùng một thông điệp là mô tả cách các dạng nguyên tử (subatomic), một khi được nối với nhau và sau đó tách ra, vận hành theo cách không liên kết tức thời, truyền thông tin và tác động lẫn nhau trên các khoảng cách lớn. (And now quantum physics is providing the same message… describing how subatomic particles, once joined together and then separated, behave in a nonlocal way instantaneously communicating information and impacting each other over great distances).

Những dạng nguyên từ vướng mắc về căn bản vẫn là một thực thể duy nhất, mặc dù chúng đã được tách ra.

Nguyên tắc vướng mắc nầy giúp chúng ta đóng khung được những trải nghiệm không bình thường của mỗi chúng ta về việc …biết được ai đang nghe điện thoại trước khi chúng ta trả lời hoặc nhận biết điều gì đó về một người ở cách xa ngàn dặm.

Kết nối phi tiêu điểm (nonlocal connections) tồn tại bởi vì chúng ta bị vướng mắc lẫn nhau!

Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Tất cả hình thức và vật chất trong vũ trụ đều bắt nguồn từ cùng một điểm kỳ dị đặc biệt (singularity).

Tất cả chúng ta đều vướng mắc. Chúng ta được kết nối bởi cả nguồn gốc của ý thức và bởi các dạng nguyên tử (subatomics) tạo ra hình dạng vật lý (physical forms) của chúng ta.

Vật lý lượng tử cho thấy hành động tập trung sự chú ý của chúng ta thay đổi cách thế giới hành xử xung quanh chúng ta. Hành vi của các dạng nguyên tử, các khối vật chất chung quanh chúng ta bị thay đổi bởi hành động quan sát của chúng ta (the act of our observation).

Như thí nghiệm hai khe (double slit experiment) cho thấy, photon và electron có một cách tương tác (behaving) khi chúng không được nghiên cứu cặn kẽ (chúng có các dạng tác động giao thoa của sóng di chuyển đồng thời qua cả hai khe hở). Tuy nhiên, chúng có mô hình tác động hoàn toàn khác nhau khi chúng được đo để xác định thông qua hai lỗ mở mà chúng di chuyển. Khi chúng được quan sát, sóng lượng tử sụp đổ và các photon và electron chọn một lỗ mở để di chuyển, tạo ra mô hình tác động của các hạt riêng lẻ đập vào màn hình.

Khoa học đang cung cấp bằng chứng về bản chất có sự tham gia của vũ trụ mà chúng ta đang sống. Ý thức là một lực lượng sáng tạo làm thay đổi thực tế chúng ta đã và đang trải nghiệm.

Mỗi suy nghĩ chúng ta có là năng lượng có thể tạo ra hình thức và giúp thể hiện thực tế mà chúng ta mong muốn.

Như vật lý lượng tử tiết lộ, các dạng nguyên tử tồn tại ở nhiều vị trí trong sóng lượng tử cho đến khi quan sát được thực hiện và kết quả được chọn.

Trong mỗi suy nghĩ, nếu chúng ta đã chọn một điểm lựa chọn vì sự chú ý, ý định, hoặc trọng tâm của chúng ta, vô hình chung, chúng ta làm sụp đổ biển khả năng (sea of possibility) thành một kết quả duy nhất (single outcome). Nói chung, khi chúng ta cùng nhau tập trung và các ý định được đặt thẳng hàng (aligned), chúng ta sẽ phóng đại sự chọn lựa một khả năng mong muốn. (Khoa học phía sau Bí mật – The Science Behind the Secret, Travis Taylor).

Trong nhiều năm, một tổ chức có tên là Viện Khoa học Noetic đã nghiên cứu bản chất của ý thức và khả năng kết nối với nhau và với vũ trụ theo những cách chúng ta chưa hiểu được trong hiện tại.

Nghiên cứu xử dụng các tập hợp số ngẫu nhiên đã ghi lại sức mạnh của suy nghĩ và cảm xúc tập thể của chúng ta trước và trong các sự kiện quan trọng trên thế giới. Những nghiên cứu này đang cung cấp bằng chứng về nhận thức tập thể của chúng ta trước khi các sự kiện thế giới xảy ra …

Các nghiên cứu nghiêm ngặt khác cũng đang cung cấp bằng chứng có ý nghĩa thống kê về sức mạnh mà chúng ta phải xử dụng suy nghĩ của mình để tác động đến thế giới vật chất chung quanh chúng ta.

Điều này sẽ có ý nghĩa gì khi chúng ta thức dậy khỏi giấc mơ chia tay tập thể?

Chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng khi chúng ta hướng những suy nghĩ, lời nói và hành động có hại cho người khác, chúng ta sẽ tự nhận chúng vì không có “cái khác”.

Vì sao?

Vì, chúng ta là một. Và vì suy nghĩ của chúng ta là năng lượng có thể tạo ra hình thức, chúng ta có sức mạnh tập thể để cùng tạo ra (co-create) thế giới mà chúng ta mong muốn có.

Như nhiều người khôn ngoan đã chia xẻ, chìa khóa chính là tưởng tượng tới các cảm xúc đã có rồi, thứ mà chúng ta mong muốn, như thể chúng đã ở ngay đây.

Chúng ta hãy tưởng tượng một hành tinh hòa bình và yêu thương, phong phú, lành mạnh và an toàn cho tất cả mọi người.

Khi chúng ta tưởng tượng thực tế chúng ta chọn với cảm xúc đã tồn tại xung quanh chúng ta, chúng ta chọn nó từ một từ trường lượng tử của các khả năng. Khi chúng ta chọn khả năng của một hành tinh lành mạnh, hòa bình và từ bi, chúng ta sẽ cùng tạo ra thực tế này.

Tính bất nhị – Nondualism

Trong tâm linh, chủ nghĩa vô song, còn được gọi là bất nhị, có nghĩa là “không hai” (not two) hoặc “nhất bất phân chia trong một sát na”- “one undivided without a second”  Nondualism nguyên ủy là đề cập đến một trạng thái ý thức trưởng thành, trong đó sự phân đôi của Tôi – Người khác (I-Other) là “vượt qua – transcended” hay không phân biệt, và nhận thức đó được mô tả là “vô tâm – centerless” và “không có sự phân đôi – without dichotomies “.

Mặc dù trạng thái ý thức này dường như có vẻ như tự nhiên, thường tuân theo sự chuẩn bị kéo dài thông qua thực hành khổ hạnh (ascetic) hoặc thiền định, hoặc chiêm niệm (contemplative)…từ đó có thể bao gồm các mệnh lệnh đạo đức (ethical injuntions).

Trong khi thuật ngữ “chủ nghĩa bất nhị” có nguồn gốc từ Advaita Vedanta, những mô tả về ý thức bất nhị không được tìm thấy trong Ấn Độ giáo – Hinduism, Phật giáo (Tánh Không – Emptiness – Nyata), Hồi giáo – Islamic, và các truyền thống Kitô giáo phương Tây và Tân Platonic – Henosis – Hiệp hội huyền bí). (Advaita Vedanta (/ ʌðˈvaɪtə vɛˈðɑːntə /; tiếng Phạn: अद वैत वैत द द द न न có nghĩa là non-duality nhằm thể hiện tâm linh trong một truyền thống bản địa ở Ấn Độ).

Ngược lại, trong truyền thống Phật giáo, tính bất nhị được phát triển trong các triết lý Vệ Đà và hậu Vệ Đà – Vedic and post-Vedic Upanishadic. Tính bất nhị nầy có liên quan đến giáo lý về Tánh không, và hai giáo lý chân lý, đặc biệt là giáo lý Madhyamaka về tính bất nhị của chân lý tuyệt đối và tương đối. Những giáo lý này, cùng với giáo lý về Phật tánh đã là những khái niệm có ảnh hưởng trong sự phát triển tiếp theo của Phật giáo Đại thừa – Mahayana Buddhism, không chỉ ở Ấn Độ, mà cả Phật giáo Đông Á và Tây Tạng, đặc biệt là ở Thiền (Zen) và Kim cương thừa – Vajrayana.

Tâm linh nhất thể – Oneness spirituality – Chìa khóa của Hạnh phúc & Thay đổi Thế giới

Tâm linh nhất thể là gì?

Đó là để có một sự hiểu biết sâu sắc và có kinh nghiệm rằng tất cả chúng ta đều là MỘT trong tất cả các biểu hiện của cùng một Ý thức – Consciousness.

Chúng ta cần có điều này tức thì. Bởi vì xã hội chúng ta đang sống bị bệnh về mặt đạo đức, và chúng ta cũng vậy.

Điều trên do chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vật chất phóng đại, hầu hết mọi người được thúc đẩy để theo đuổi ham muốn của riêng họ bằng bất cứ giá nào. Không cần phải nói, điều này gây ra xung đột và đau khổ cho người khác, và cho cả hành tinh chúng ta đang sống. Và mọi người vẫn không lưu ý hay biết rằng đây không phải là một chiến lược thông minh ngay cả trong việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân của chính họ.

Tình huống này giống như nếu mọi tế bào trong cơ thể bạn quyết định tự hành động và tiêu thụ càng nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng càng tốt – thậm chí nhiều hơn mức cần thiết. Từ đó, các bộ phận trong cơ thể bạn sẽ sớm bị bệnh và điều đó sẽ gây hại cho sức khỏe của toàn bộ cơ thể – bao gồm cả các tế bào tham lam kia.

Thách thức ở sự nhất thể là làm cho các tế bào riêng lẻ hiểu rõ hai điều:

Mối quan hệ của chúng (tế bào) với nhau và toàn bộ cơ thể con người;

Những gì một cuộc sống tế bào tốt là thuộc về tất cả bộ phận trong con người.

Nếu Bạn, trong khi theo đuổi hạnh phúc cho chính mình, làm tổn thương những người khác cũng đang tìm kiếm hạnh phúc, sẽ không tìm thấy nó, dù ở thế giới này hay thế giới tiếp theo. Tâm linh nhất thể sẽ cung cấp cho chúng ta một cách khác để sống một cuộc sống đúng nghĩa và hạnh phúc.

Nguyên tắc mà chúng ta tìm thấy trong tất cả các truyền thống tâm linh, và điều đó có thể tạo ra một sự khác biệt căn cội (radical) cho thế giới là gì? Đó là sự Nhất thể – Oneness.

Điều này giống như mỗi tế bào tự chăm sóc lấy chính nó, nhưng cũng hợp tác với những tế bào khác, và đặt căn bản là lấy sức khỏe của tất cả bộ phận của cơ thể làm mục tiêu. Kết quả là, các tế bào có được tất cả thức ăn và năng lượng cần thiết, cùng với một môi trường tốt hơn và tuổi thọ dài hơn trong một cơ thể lành mạnh.

5- Làm thế nào để thực hành Oneness?

Có một cách để bắt đầu suy ngẫm và cởi mở về việc thực hành sự Tánh nhất thể là xem xét những cách nào bạn mang lại sự tôn trọng đối với tất cả các sinh vật sống trong cuộc sống của bạn? Ví dụ về điều này có thể là: Bạn có thể dành thời gian để nhận diện mức độ quan trọng của một con nhện trong nhà mà bản năng bạn muốn giết, vì vai trò của nhện trong cuộc sống hàng ngày của bạn là đảm bảo trong nhà có… ít ruồi, kiến ​​hoặc côn trùng khác  có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn!

Có baio giờ Bạn có thể dành thời gian để suy ngẫm về những nỗ lực của tất cả mọi người, vật chất, tài nguyên có liên quan đến việc làm cho bạn có một ly nước không?

Bạn có thể suy nghĩ về sự độc đáo của những phẩm chất của cuộc sống mà bạn có mà bằng lời nói, sự hiện diện, hỗ trợ, hành động của bạn cho phép một người khác trong cuộc sống của bạn trải nghiệm chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Các cơ hội để phản ảnh, chiêm nghiệm sự Nhất thể là vô hạn. Nó cho bản thân chúng ta một khoảnh khắc để thấy các kết nối vô tận tồn tại trong mọi trải nghiệm và hành động mà chúng ta tham gia hàng ngày.

Khi bạn thực tập chánh niệm (mindfulness), chiêm nghiệm (contemplation), và suy gẫm (reflection) về tánh nhất thể, điều này có thể giúp bạn mang lại cái nhìn sâu sắc và nhận thức rõ hơn về hiệu quả của hành động của bạn và đánh giá cao hơn cho thời điểm hiện tại bạn đang trải qua. Và TẤT CẢ điều đó đòi hỏi trong chính ngay một sát na (khoảnh khắc) đó phát sinh.

Kết luận

Con người cần có đức tin – spiritual faith. Mà đức tin là gì?

Một đức tin tôn giáo dù dưới bất cứ hình thức nào như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Bà la Môn, Ấn độ giáo, Cao đài, Hòa hảo, Islamic, Chúa Jesus, Đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Đức Mẹ Maria, Thánh Mohamed, v.v…Tất cả chì là MỘT, chí có khác tên gọi mà thôi. Nếu nghĩ như vậy, thế giới sẽ là Oneness – một nhất thể – Tất cả là Một và Một là tất cả.

Nếu nghĩ như trên, bạn sẽ thấy rằng nhận thức cá nhân của bạn không bao giờ thực sự tách rời khỏi ý thức lớn hơn khác. Bạn chỉ đơn thuần trải nghiệm nó như tách rời trong khi bạn có sẳn một cơ thể, một hình thể – a body, a physical form. Giống như một con sóng trên biển, bạn là một cá thể riêng biệt và độc đáo – a distinct and unique individual, nhưng đồng thời bạn không bao giờ tách rời khỏi biển, từ nguồn cội của bạn. Bạn là MỘT và là TẤT CẢ.

Vì vậy, những ngôn từ như: Nhứt nguyên – Nhứt thể – Nghĩ cùng một hướng – Thần giao cách cảm – Nhị nguyên (Dualism) – Đa nguyên (Pluralism) – Tính độc đáo (Uniqueness) –  Sự đơn độc (Singleness), – Tính tương tự (Sameness).v.v…tuy là những “chữ” viết khác nhau, nhưng thiết nghĩ cho cùng là để diễn đạt cùng một ý niệm:”Một là tất cả – Tất cả là một”

Riêng suy nghĩ của người viết, sau khi góp nhặt cát đá, chuyển dịch những suy nghĩ trích từ mạng lưới toàn cầu, vẫn thấy rằng… đối với cá nhân người viết, phải chăng con sói cô độc (solitary) nhưng không cô đơn (lonely) trong rừng sâu là hiện thân của sự đơn độc hay là tất cả không gian chung quanh gộp lại cũng  chỉ là Một?

Mai Thanh Truyết

Một suy nghiệm sau cơn mộng du 78 năm dài

Houston, 20/7/2020

Thơ Đằng Phương – Anh hùng vô danh  (Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc)

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một giải sơn hà gấm vóc
Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn
Ðể âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xăm lăng,
Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,
Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,
Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Ðã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.

Thuốc Hydroxychloroquine hiệu quả nhất chống lại được COVID-19 theo thử nghiệm mới – Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
I/ Rẩt bất ngờ

Vâng, ít ai có thể tin nổi thuốc ký ninh trị sốt rét Hydroxychloroquine lại đạt được một kết quả bất ngờ như vậy sau khi bị các tổ chức y tế Tây Phương từ Mỹ đến Âu Châu ra lịnh cấm dùng để trị bịnh dịch COVID-19 Vũ Hán. Thậm chí họ còn đe dọa các bác sĩ xử dụng thuốc này để chữa bịnh sẽ bị cấm hành nghề.

Thành ra, nhìn lại các diễn biến chung quanh về thuốc Hydroxychloroquine chống lại bịnh dịch COVID-19 đã xảy ra vô cùng  ly kỳ mà trong lịch sử y khoa chưa hề thấy. Trong đó có vô số thủ đoạn mánh khoé xuyên tạc của nhiều từng lớp xã hội can thiệp vào.

I/ Diễn tiến

Mọi thứ khởi đầu rất hứa hẹn. Ngay từ ngày 20 tháng 3 đã có báo cáo rằng thuốc Hydroxychloroquine đơn độc hoặc kết hợp với Azithromycin (một loại kháng sinh) làm tăng tốc độ phục hồi ở những người bị COVID-19 và có thể làm giảm tỷ lệ tử vong rất nhiều. Giáo sư Bác sĩ Raoult và những chuyên viên y khoa  bên Pháp đã liên tiếp cho nghiên cứu thử nghiệm đạt được kết quả tốt đẹp này.

Trước hết thuốc đã được sử dụng để điều trị cho 24 người ở Marseille bị  COVID-19 tại một bệnh viện đại học và kết quả sơ bộ của thử nghiệm đã được công bố vào ngày 20 tháng 3 trên Tạp chí quốc tế về thuốc chống vi trùng.

Cuộc nghiên cứu kết luận cho rằng mặc dù tầm thử nghiệm chưa rộng lớn, nhưng việc điều trị bằng một loại thuốc ký ninh Hydroxychloroquine và một loại thuốc kháng sinh khác đã cho thấy sau 5 ngày có sự giảm biến mất của virus ở một số lớn bệnh nhân.

Giáo sư Raoult, người điều hành viện nghiên cứu ở Marseille, nơi thử nghiệm nhỏ được thực hiện nói rằng một số bệnh nhân cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể trong vòng 48 giờ. Viện bệnh viện đại học Marseille cho biết điều trị cho tất cả các bệnh nhân mà họ nhận được bằng liệu pháp thuốc này. Chính nhờ vậy mà vùng Marseille là nơi có tỷ số tử vong thấp nhứt tại Pháp và Giáo sư Raoult rất được dân chúng kính trọng & mang ơn.

Xem: https://youtu.be/E_yA-Ac4-aM

Giáo sư Raoult được báo chí ca ngợi như một thiên tài y học thì chắc không phải sai đâu vì ông đã chiếm được ít nhứt 8 giải thưởng y khoa nổi tiếng của Âu Châu, Do Thái và Hoa Kỳ. Ngoài ra ông còn sáng tác rất nhiều biên khảo y học cho nhân loại. Tuy nhiên ông này có “nhược điểm” rất cứng đầu ăn nói cao ngạo không đắc nhân tâm và có khuynh hướng chính trị thiên hữu ( tương tự như TT Trump! ). Một thí dụ điển hình là ông được vinh dự mời vào trong một hội đồng y tế quốc gia của Pháp, nhưng vì bất đồng ý kiến phương thức làm việc nên bỏ không thèm đi họp nữa. Giáo sư Raoult được trang Web Expertscape sắp xếp coi là chuyên viên số 1 đứng đầu trên thế giới về lãnh vực chống bịnh tật truyền nhiễm.

Xem: https://fr.wikipedia.org/wiki/Didier_Raoult

II/ Ai đánh phá thuốc Hydroxychloroquine?

1/ Được biết loại thuốc ký ninh Hydroxychloroquine này không xa lạ gì với VN chúng ta vì thường xử dụng được xử dụng chuyên trị căn bịnh sốt rét (malaria). Đặc biệt trong thời kỳ thi hành chánh sách cầm tù cải tạo ở những nơi rừng thiêng nước độc thì rất nhiều tù cải tạo mắc căn bịnh này, mà thiếu thuốc ký ninh thì tánh mạng khó còn.

Vì vậy từ lâu thuốc Hydroxychloroquine là một loại thuốc sẵn có và rất rẻ. Đây chính là lý do mà giới tài phiệt không hài lòng vì họ chả đạt lợi nhuận cao như với các loại thuốc quá đắt. Điển hình là chánh phủ Mỹ phải mua tất cả các lô thuốc Remdesivir của đại công ty Gilead Sciences với giá tiền trên 3,000$ cho mổi bệnh nhân (so sánh với thuốc ký ninh Hydroxychloroquine chỉ khoảng 10$).

2/ Ngoài ra, TT Trump lại bày tỏ sự nhiệt tình với thuốc Hydroxychloroquine ngay từ lúc ban đầu. Từ đó cho thấy thế lực truyền thông và chính trị thiên tả đã tìm mọi cách đánh phá và “giết chết” loại thuốc Hydroxychloroquine này để làm “mất mặt” TT Trump. Họ xử dụng mọi cách, kể cả ngụy tạo những cuộc thử  nghiệm đầy ma giáo đưa ra kết quả thật xấu để cho loại thuốc này cuối cùng phải bị cấm. Nhứt là họ đã phỉ báng TT Trump khi ông này thông báo đã dùng thuốc Hydroxychloroquine cho bản thân để phòng ngừa căn bịnh.

III/ Cuộc nghiên cứu thử nghiệm của Hệ thống Y tế Henry Ford / Michigan

Trong quá khứ có cuộc thăm dò quốc tế của hàng ngàn bác sĩ đã đánh giá Hydroxychloroquine là liệu pháp hiệu quả nhất đối với Covid-19.

Bên cạnh đó, rất may mắn còn có nghiên cứu thử nghiệm với nhiều bằng chứng cho thấy thuốc Hydroxychloroquine có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại COVID-19 hơn là lập luận chống lại.

Bây giờ thì thật chắc chắn rồi với một nghiên cứu thử nghiệm đứng đắn có tầm vóc quốc tế đi đến kết luận rõ ràng rằng thuốc Hydroxychloroquine đơn độc và kết hợp với Azithromycin làm giảm đáng kể khả năng tử vong cho những người mắc COVID-19.  Nghiên cứu thử nghiệm này do Hệ thống Y tế Henry Ford ở phía Đông Nam tiểu bang Michigan (Henry Ford Health System in Southeast Michigan) thực hiện và được gọi là điều trị bằng thuốc Hydroxychloroquine, Azithromycin cho bệnh nhân nhập viện bị COVID-19.  Như  theo tiêu chuẩn ấn định, cả một nhóm chuyên viên y khoa nổi tiếng chịu trách nhiệm nghiên cứu thử nghiệm.

Được biết Henry Ford Health System rất nổi tiếng có tới 6 bệnh viện, với ngân quỹ trên 5,8 tỷ đôla (5800 triệu dollars) hàng năm và chi tiêu trên 100 triệu dollars về khảo cứu.

Xem: https://en.wikipedia.org/wiki/Henry_Ford_Health_System

Trong thời gian nghiên cứu có sẵn trực tuyến và đã  được chấp nhận để công bố trong ngày vừa qua trên Tạp chí quốc tế về các bệnh truyền nhiễm (International Society of Infectious Diseases) với kết quả rõ ràng qua 2.541 bệnh nhân nhập viện từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 2 tháng 5 như sau:

1/ Nghiên cứu đã xác định rằng thuốc Hydroxychloroquine khiến “tỉ lệ nguy hiểm giảm 66%” và sự kết hợp giữa Hydroxychloroquine và Azithromycin giảm độ nguy hiểm xuống 71% so với không điều trị.

2/ Nghiên cứu cũng cho biết không ai trong số các bệnh nhân dùng thuốc gặp phải tác dụng phụ. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 64, trong đó có 51% nam và 56% người Mỹ gốc Phi.

3/ Tỷ lệ tử vong cao nhất là ở những bệnh nhân trên 65 tuổi, bệnh nhân người da trắng, bệnh nhân nhập viện với mức oxy giảm và bệnh nhân cần chăm sóc tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt.

4/ Tài liệu của cuộc nghiên cứu thử nghiệm này được công bố công khai trên internet:

Xem: https://www.henryford.com/news/2020/07/hydro-treatment-study

IV/ Ảnh hưởng của nghiên cứu thử nghiệm Henry Ford Health System

1/ Ảnh hưởng rất mạnh mẽ, đến nổi bà Gretchen Whitmer / đảng Dân chủ (Thống đốc tiểu bang Michigan) trước đây từng hăm dọa các bác sĩ đã kê đơn thuốc Hydroxychloroquine, nay phải yêu cầu chính phủ TT Trump cung cấp cho tiểu bang của mình thuốc này. Tưong tự các nhà lãnh đạo nhiều tiểu bang khác đã làm theo, bao gồm cả Thống đốc tiểu bang Nevada, ông Steve Sisolak, cũng thuộc đảng Dân chủ.

này để phòng ngừa (Prevention). Trong mấy tháng vừa qua, một phần lớn giới y khoa  đã dùng thuốc này để phòng ngừa và không có phúc trình nào cho biết là có người chết trong số các bác sĩ & y tá dùng thuốc này để phòng ngừa cả. Có lẽ chính vì vậy TT Trump công khai loan báo là  đã dùng thuốc Hydroxychloroquine cho bản thân để phòng ngừa căn bịnh

V/ Kết luận

Người ta có thể tóm tắt những kết quả này là thuốc Hydroxychloroquine có hiệu quả nhứt khi được xử dụng nhanh ngay sau khi nhập viện với liều lượng tiêu chuẩn, mà Giáo sư Raoult ngay từ ban đầu đề nghị & áp dụng.Nếu vừa bị nhiễm bịnh được điều trị ngay thì đạt rất khả quan trên 90% chữa khỏi.

Xem: https://www.morningstar.com/news/globe-newswire/7910909/hydroxychloroquine-has-about-90-percent-chance-of-helping-covid-19-patients-states-association-of-american-physicians-and-surgeons-aaps

Xem:https://techstartups.com/2020/03/28/dr-vladimir-zelenko-now-treated-699-coronavirus-patients-100-success-using-hydroxychloroquine-sulfate-zinc-z-pak-update/

Về phía chúng tôi, ngay vào ngày 25/3/2020 đã sớm tin tưởng vào tài năng y khoa của Giáo sư Bs Raoult nên đã viết một bài biên khảo với tựa đề:

“Ánh sáng cuối đường hầm? / Báo chí cho biết: Thuốc ký ninh trị sốt rét ‘thần kỳ’ đã cứu bịnh nhân khỏi coronavirus.”

Xem: https://www.ngo-quyen.org/a7734/tran-nguyen-nguoi-xu-buoi-

Nay đã được một cuộc nghiên cứu thử nghiệm đúng tiêu chuẩn quốc tế xác định kết quả vượt sức mong muốn. Nhìn lại tiến trình đánh phá ngăn cấm dữ dội của thế lực truyền thông và chính trị thiên tả đối với thuốc Hydroxychloroquine chỉ vì TT Trump ca ngợi thì thực đáng tiếc cho biết bao nhiêu bịnh nhân có thể sống sót nếu loại thuốc này được cho phép xử dụng điều trị ngay từ lúc ban đầu.

Chính vì sự mù quáng đó đã biết bao nhiêu người bị chết oan. Hành động ngăn cản phá hoại đó thực quá tàn nhẫn không có tình người!

Kết quả của nghiên cứu thử nghiệm này hy vọng sẽ là ánh sáng cuối đường hầm trong công cuộc chiến đấu đầy gian nan chống đại dịch virus Vũ Hán.

Tháng 07, 2020

 

 

Thơ Đằng Phương – Xuân chiến thắng

Cây cỏ đua nhau giỡn nắng hồng

Dưới làn mưa bụi phủ non sông.

Trên cành, hoa thắm đào muôn cánh

Lơi lả nô đùa với gió đông.

Cùng vượt lên trên những xóm làng

Như tranh nhau đón chúa xuân sang,

Những cành nêu uốn mình trong gió

Rộn rã tư bề pháo nổ vang.

Trong lúc người nô nức thưởng xuân

Trên đường ra Bắc, những dân quân

Gội sương gió lạnh, dằm mưa bụi.

Lặn lội đên ngày chẳng nghỉ chân.

Họ đã băng qua vạn núi rừng

Chiếc bao quân dụng trĩu trên lưng.

Trên vai tê buốt, đôi đòn cáng

Nghiêng ngả theo chân bước nhập ngừng.

Họ vẫn luôn luôn nở nụ cười

Mặc dù nhung phục đẵm mồ hôi.

Chen vào tiếng trống, lời ca hát

Thỉnh thoảng vang lên, dậy núi đồi.

Họ theo tiếng gọi của non sông,

Theo ngọn cờ linh sắc thắm hồng.

Lời dụ uy nghiêm và mạnh mẽ

Của Quang Trung vẳng dội trong lòng.

Đang lúc đoàn quân tướng Mãn Thanh

Vui cùng rượu ngọt, gái xuân xanh.

Thì muôn pháo lịnh tưng bừng nỗ

Rồi tiếng quân reo dậy khắp thành.

Quân ải Phú Xuyên vội lạy hàng,

Hà Hồi tiếp vỡ, Ngọc Hồi tan.

Và quân tướng Việt cùng hăm hở

Tràn đến Thăng Long tựa thác ngàn.

Sĩ Nghị đang đêm trốn khỏi thành,

Sông Hồng cuốn xác vạn binh Thanh.

Chiến bào đẫm máu, Ngô Văn Sở

Truyền lịnh bêu đầu Hứa Thế Hanh

…Dưới nắng hồng, quân sĩ ngất ngây

Tung hô chủ tướng, tiếng vang dậy

Quang Trung vui vẻ nhìn trong gió

Cờ Việt huy hoàng phất phới bay.

Tham luận 150: Cuộc Đương Đầu Quyết Liệt Mỹ – Trung Cộng  – Thanh Thủy

1.- Bầu cho ai?:

a.- Có thể nói, tất cả những người Việt Quốc Gia đang định cư tại Mỹ, nếu không  chống lại chánh sách đối đầu với Trung Cộng của Tổng thống Donald Trump, tất nhiên sẽ hăng hái đi bầu cho ông Trump vào ngày 03/11/2020.

b.- Trường hợp ngoại lệ đối với những người chỉ ủng hộ ông Trump 50% và 50% chống lại ông, vì lý do nào đó, thì ngày 03/11/2020 có phần chắc là họ sẽ nằm nhà, không đi bỏ phiếu bầu cho ai vì tinh thần bất định giữa việc nước (của Mỹ và công cuộc tranh đấu chung của người Việt Nam) và việc cá nhân, họ xem hai vấn đề cân não nầy ngang nhau.

c.- Trường hợp ngoại lệ hơn đối với những người chỉ có một vài điều đồng ý với ông Trump, nhưng ngược lại, có hàng ngàn điều không đồng ý với ông, thì những người nầy có phần chắc là sẽ đi bầu, nhưng sẽ bầu cho ai? Dựa theo tinh thần nầy, có phần chắc là họ sẽ bầu cho người khác, không phải là ông Trump.

d.- Riêng những người cuồng chống Trump thì 100% sẽ bầu cho người khác, ngoài ông Trump, bất kễ vận mạng của nước Mỹ và thế giới, kễ cả Việt Nam, có tới đâu thì tới.

2.- Chánh sách chống Trung Cộng của ông Trump thật ra không đơn giản chút nào vì không chỉ riêng cho lợi ích của nước Mỹ mà tự nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn lao, bao trùm cả sự an nguy của thiên hạ trên thế giới, vì vậy mà các vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm của ông Trump kễ từ thời Bill Clinton cho đến nay, không ai dám nhúng tay vào hay nói rõ hơn là không đủ bản lãnh, không đủ quyết tâm để nhúng tay vào. Chỉ có người thật tâm yêu nước, anh hùng và khác đời như ông Donald Trump thì mới dám làm và chịu làm công việc đó.

Nhưng việc lớn lao như vậy, dầu là các bậc siêu nhân cũng không thể nào thực hiện được trong một sớm một chiều, nhứt là phải đối phó với họ Tập, một con người nham hiễm với bộ tham mưu của ông ta đầy mưu mô, xảo quyệt và chước quỹ không dễ gì đối phó. Cho nên con đường đi của ông Trump đầy dẫy những trở lực, đầy dẫy những chông gai hiễm trở, đầy dẫy những hỏa mù và mê hồn trận.

3.- Tháo gở những chướng ngại vật

Cho nên ông Trump và bộ tham mưu của ông cần phải dọ dẫm từng bước, tháo gở từng hố bom, tránh né từng hầm chông, cho nên lúc thì đi bên mặt, khi thì phải đi bên trái, lúc vầy lúc khác, không giống như bọn quân tử Tàu như Quan Vân Trường, cũng vì quân tử nhứt ngôn nên bị chết thảm, trái lại, người quân tử anh hùng phải có bản lãnh, phải biết thức thời là : “Quân tử nhứt ngôn là quân tử dại, Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn” mới có thể vượt qua được những đoạn đường nầy. Đến đây, chợt nhờ đến mấy câu thơ thật đầy ý nghĩa của người xưa để lại như sau:

 “Tớ thầy cùng dắt díu nhau,

Xông pha bãi cỏ, ngàn lau, xuyên đèo.

Khi qua ghềnh đá cheo leo,

Mắt trông xa thẳm non cao một màu,

bao núi thẳm rừng sâu

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…”

Đó mới thực sự là uyễn chuyễn cần thiết trong hành động, có như vậy mới mong đi tới được bến bờ của sự thành công. Thông cảm được như vậy thì xin đừng trách người chịu liều mình đế dấn thân cho mục đích cao cả của họ mà thật sự rất ít ai dám làm.

4.- Những mặt trận và những đại nạn kinh hồn

a.- Giặc bên trong: Những thành phần chống đối của những người cuồng chống Trump trong nước Mỹ thì ai cũng biết, nó bắt đầu và kéo dai dẳng từ trước khi ông Trump bước vào nhà trắng cho đến nay, họ không để cho ông Trump có thời giờ để lo việc nước mà trái lại, mục đích của họ là muốn truất phế ông ra khỏi Tòa Bạch Ốc và nếu không được thì họ cũng tìm mọi cách để tạo sự rối ren tràn ngập trong xã hội Mỹ, làm cho ông Trump bị mất uy tín và thất cử trong nhiệm kỳ 2 vào ngày 03/11/2020.

Mặc dầu bị trong nước đánh phá dữ dội như vậy, nhưng ông Trump và bộ tham mưu của ông đã lần lượt vượt qua, chẳng những thế mà còn đạt được những thành quả tuyệt vời mà 3 vị tiền nhiệm của ông không ai làm được, như việc đem những xí nghiệp của Mỹ từ Trung Quốc về, tạo thêm rất nhiều công ăn việc làm, nạn thất nghiệp thấp nhứt từ trước đến nay, thị trường chứng khoán leo thang vượt bực, xây tường biên giới để ngăn chận việc xâm nhập bất hợp pháp. Những thành công nầy mỗi ngày một gia tăng, làm cho nước Mỹ

trên đường vĩ đại trở lại và chĩnh đốn lại vị trí siêu cường số một của mình trên thế giới mà tập Cận Bình đang muốn chiếm lĩnh.

Những thành công nầy đem lại lợi ích không nhỏ cho nước Mỹ, trái với tầm nhìn sai lầm của một số người, có thể vì lý do nào đó hay vì mặc cảm cá nhân không thích ông Trump nên có những nhận định và đánh giá không đúng sự thật, tạo hoang mang trong dư luận. Thật là điều rất đáng tiếc.

b.- Đại dịch Coronavirus: Sự đột biến về cơn đại dịch Coronavirus Vũ Hán từ Trung Cộng tràn sang một cách quá bất ngờ, nên không chỉ riêng Mỹ mà cả thế giới đều không kịp trở tay nên đã tàn phá hết mọi thành quả đã đạt được của ông Trump và hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều bị chao đảo và thiệt hại nặng nề về kinh tế, tài chánh và nhân mạng như tất cả mọi người đều biết.

Công tâm mà xét, nếu không phải là ông Trump mà bất cứ ông Tổng thống Mỹ nào khác, nếu gặp phải đại nạn nầy, chắc cũng đành phải bó tay vì quá đột ngột, chưa chắc có thể làm được gì khá hơn. Bằng chứng là những nhân tài, những siêu nhân của nhiều quốc gia trên thế giới mà quốc gia của họ cũng không tránh khỏi đại nạn của trận đại dịch vô cùng nguy hiễm nầy.

c.- Đại nạn có dự mưu: Cơn đại dịch ghê gớm nầy chưa xong thì lại xãy ra những cuộc biểu tình bạo động do cái chết của người Mỹ da đen tên Giorge Floyd. Cuộc biểu tình được khởi động rất hung tợn và rần rộ nhiều nơi trên đất Mỹ, họ rần rộ kéo nhau đi đốt xe cảnh sát, đập phá nhiều cửa tiệm và nhà cửa để cướp phá, hôi của, giết người, thâm chí còn chiếm cả một vùng 6 bloc đường tại Capitol Hill của thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington để làm khu tự trị, một loại loạn sứ quân, giống như giai đoạn Thập Nhị Sứ Quân của Việt Nam dưới thời ông Đinh Bộ Lĩnh của nước ta lúc còn đi chăn trâu, đã hơn một ngàn năm qua mà thời nay nhóm người vì cuồng chống Trump mà bắt chước theo, bất chấp cả nền văn minh và luật pháp hiến định, bất chấp cả quyền lợi người dân và sự an nguy của xã hội. Quả là cuộc biểu tình có dự mưu, chắc chắn không có người Mỹ chân chánh nào chấp nhận được. Tuy là việc khó khăn bất cập và rất phiền hà, nhưng những sự rối loạn nầy chắc chắn sẽ bị dân chúng tẩy chay và rồi sẽ được dẹp tan, trật tự xã hội sẽ đươc vãng hồi trong những ngày sắp tới.

d.- Giặc bên ngoài 

Ngoài những thành công làm suy sụp nạn khủng bố trên thế giới và hầu như không còn nghe thấy những người Hồi Giáo quá khích ôm mìn đánh bom giết người hàng loạt như trước kia nữa, song song đó là việc ông Trump áp thuế vào hàng hóa của Trung Cộng nhập vào nước Mỹ thật sự rất quan trọng, tuy là bước đầu trong cuộc chiến, nhưng chiến thuật vừa đánh vừa đàm nầy cũng đã làm cho Trung Cộng điêu đứng, kiệt quệ tài chánh, có thể làm lung lay chế độ vì hết tiền. Đó là sự thật to lớn hiển nhiên mà một số người vì không thích ông Trump nên ví chuyện nầy chỉ như là trò đùa, chỉ như là việc đốt pháo để hù dọa chơi, mục đích hướng dư luận hiểu sai sự thật.

Vì hàng hoá nhập từ Trung Cộng bị áp thuế nặng, nên giá cả không còn rẻ như trước mà lại còn kém phẩm chất và không biết họ có để chất độc hại gì trong đó như thói quen từ trước đến nay không, nên người dân Mỹ có thể nên chọn mua hàng hóa nội địa hay những sản phẩm tương đương của những quốc gia khác rẻ hơn khiến cho hàng hóa Trung Cộng bị ế ẩm là một thiệt hại dây chuyền đáng kễ cho quốc gia họ.

Nên nhớ rằng, nếu như ông Trump mở cuộc chiến theo như nhóm diều hâu quá khích của ông   Bolton trong lúc nầy sẽ là một cuộc đối đầu nguy hiễm, có thể dẫn đến đại chiến vì Trung Cộng hiện còn đang khỏe, mặc dầu Mỹ có thể đạt được thành công mau chóng, nhưng sự thiệt hại rất nặng nề về tài sản và sinh mạng của cả hai bên.

Điều nầy chưa cần thiết và cũng không ai muốn xãy ra nên tốt nhứt là đi lần từng bước, trước tiên làm cho Trung Cộng suy yếu dần cho đến khi kiệt lực, không còn khả năng đối đầu với Mỹ và tự động rút lui mới là thượng sách mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là bước khởi đầu của chánh sách nầy mà sự thành công xem ra rất rõ rệt, bằng chứng là Trung Cộng thấy nguy nên đã tung ra một trận chiến tối hậu như lời tuyên bố trước đây của cựu tướng Tổng Tư Lịnh Quân Đội Trung Cộng Trì Hạo Điền, đó là trận chiến siêu vi trùng để tiêu diệt Mỹ và thế giới, có thể nói đó là mặt trận Coronavirus Vũ Hán, một trong những mặt trận đại dịch hiện đang nhắm vào Hoa Kỳ mà Trung Cộng đã chuẫn bị và rào đón rất kỹ lưỡng như việc âm thầm thu mua tất cả những vật dụng y tế trên khắp thế giới, và nghiêm cấm tất cả mọi thông tin về sự ảnh hưởng nguy hiễm ra sao của cơn đại dịch nầy.

e.- Mê hồn trận

Song song với mặt trận Siêu Vi Trùng mà Trung Cộng xem chừng như nắm chắc phần thắng lợi, họ Tập còn tung ra nhiều mặt trận quân sự khác làm hai mặt giáp công để kềm chân và phân tán lực lượng Mỹ như việc hâm dọa sẽ tấn công chiếm Đài Loan, khơi lại việc tranh chấp với Nhựt về hòn đảo Điếu ngư trên biển Hoa Đông, thu hồi khu tự trị Hồng Kông, gây hấn với Ấn Độ trên vùng Hy Mã Lạp Sơn và đặc biệt công khai mở rộng những căn cứ trên những hải đảo mà họ đã chiếm đóng và phát triển tiềm năng quân sự tối đa trên khắp Biển Đông, nhưng thực chất chỉ để chuẩn bị cho mặt trận quân sự nếu vì lý do kỹ thuật ngoài ý muốn nào đó mà trận chiến đột ngột xãy ra, vì đó là con đường huyết mạch sinh tử của cả hai bên, những điểm khác chỉ là thứ yếu, mục đích chỉ để thăm dò, làm hỏa mù, làm mê hồn trận vì nếu giải quyết được vấn đề Biển Đông thì giải quyết những điểm nóng khác sẽ không có gì khó khăn.

f.- Đánh hay không đánh

So sánh về sự tương quan lực lượng quân sự giữa Trung Cộng và Mỹ tại Biển Đông, biển Hoa Đông và tại eo biển Đài Loan, chưa chắc gì họ Tập dám liều mạng đương đầu quân sự với Mỹ vì Trung Cộng đang ở thế yếu về mọi mặt, cho nên, nếu những sự phô trương lực lượng của họ tới mức tối đa mà vẫn không làm cho Mỹ nao núng, và mặt trận Siêu Vi Trùng của họ không thành công, đến khi đó, nền kinh tế của họ sẽ đi đến kiệt quệ, buộc lòng Trung Cộng phải chịu “thối lui trong danh dự”, ngoài ra không còn cách nào khác.

Nếu điều nầy xãy ra, nhân loại sẽ tránh được một cuộc thãm họa đổ máu vô cùng tồi tệ chẳng những cho cả hai bên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhứt.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm nầy, vấn đề then chốt mà họ Tập vẫn còn nuôi hy vọng để có thể lật ngược thế cờ là mong chờ vào sự thất cử của ông Donald Trump vào ngày 03/11/2020. Nhưng với những diễn tiến hiện tại của những cuộc xáo trộn xã hội Mỹ, tuy rất căng thẳng, nhưng với sự sáng suốt của công dân và cử tri Mỹ, và sự lãnh đạo vững vàng của chánh quyền Donald Trump, tin chắc rằng niềm  hy vọng của họ Tập sẽ không bao giờ được toại nguyện, nhân loại sẽ được yên ổn làm ăn trong cuộc sống thái bình và an lạc.

5.- Một số vấn đề thời cuộc liên hệ

a.- Trong cuộc đối đầu với Trung Cộng, nhứt là mặt trận Biển Đông, ngoài sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội của mình, Mỹ còn quy tụ được những đồng minh thân cận rất mạnh như Nhựt, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Anh và những quốc gia Tây Phương trong khối EU để tạo thành một liên minh  có sức mạnh vượt bực mà Trung Cộng không thể nào đương đầu nổi.

Thái độ mềm dẽo của Mỹ đối với Việt Nam qua những cuộc viếng thăm Đà Nẳng, Cam Ranh của những chiếc Hàng Không Mẫu Hạm trong thời gian qua chỉ là giai đoạn, thay vì trừng phạt kinh tế mà Tổng thống Trump cho rằng Việt Nam còn mưu sĩ hơn cả Trung Cộng, nếu không vì mục đích quân sự để làm bàn đạp thuận tiện trong việc đối đầu với Trung Cộng khi cuộc chiến xãy ra thì Mỹ tổ chức những cuộc viếng thăm trong thời gian căng thẳng nầy để làm gì? Việc gì cũng phải có nguyên nhân của nó.

Điều nầy chắc chắn Trung Cộng thấy rõ hơn ai hết nên tất cả những sự phô trương sức mạnh quân sự và tung ra những mặt trận gây hấn như đã đề cập trên bài viết thực ra chỉ là những chiêu trò có tánh cách khoa trương  để hù dọa mà thôi, làm sao họ Tập dám liều mạng mở ra cuộc chiến thật sự khi đã nắm chắc phần thất bại về mình, vì nếu có đủ khả năng như đã phô trương thì họ Tập đã tấn công chiếm Đai Loan, chiếm đảỏ Điếu ngư, trấn áp Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, ép Mỹ và Đồng Minh ra khỏi Biển Đông để biến nơi đây thành ao nhà của Trung Cộng từ lâu rồi chớ cần gì phải chịu kéo dài sự nhì nhằng cho đến ngày nay. Việc đánh nhau với Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn cũng chi là quả bóng để thăm dò phản ứng của dư luận chớ chẳng có gì khác hơn nên sẽ được dàn xếp xong vì không thể kéo dài lâu được.

b.- Những điều cần ghi nhớ: Điều cần nhắc lại là những hành động của Mỹ để đương đầu với Trung Cộng hoàn toàn vì lợi ích cốt lõi của Mỹ trước tiên, tự nó có ảnh hưởng thuận lợi nhiều hay ít đến những phong trào Dân Chủ trong nước Tàu, nước Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào là chuyện khác, biết nương theo ngọn cờ chống đảng Cộng sản Trung Quốc của Mỹ để hoạt động có lợi cho mình, là việc của mình tự lo chớ không phải của Tổng thống Donald Trump.

6.- Kết luận

Khi Mỹ và Đồng Minh đánh bại được Trung Cộng thì đảng Cộng Sản Trung Cộng chắc chắn sẽ bị suy yếu và bị đào thải vì kinh tế kiệt quệ, sự thất nghiệp tràn lan, dân tình đói khổ đã lâu nên khó trở lại thời kỳ ăn cỏ, nhịn đói để “trường kỳ chống Mỹ” như thời Mao Trạch Đông vì không còn ai có thể tin vào cái đảng quái ác nầy được nữa. Vì kinh nghiệm quá đầy đủ trong cuộc sống vô cùng khắc nghiệt gần một thế kỷ trong xã hội Cộng sản, sự sinh tồn của nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẫy sự bùng dậy mãnh liệt để cởi bỏ xích xiềng, chuyển nước Tàu từ Cộng sản sang chế độ Dân Chủ Tự Do là lẻ tất nhiên, vì đó chính là sự mong ước của tất cả mọi người.

Khi đó Việt Nam sẽ chỉ còn một mình giữa chợ. Với chủ trương xóa bỏ Chủ Nghĩa Xã Hội trên toàn thế giới của Tổng thống Donald Trump, chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn lao, nếu bọn bạo quyền vẫn còn cứng đầu ôm chặt cái Chủ Nghĩa Xã Hội ghê tởm nầy để tiếp tục chánh sách tham nhũng, vơ vét tài sản quốc gia thì chắc chắn sẽ không thoát khỏi hoàn cảnh nhục nhã mà nhà độc tài Nicolae Ceausecu cùng với bà vợ Elenac của nước Romania phải chịu đựng khi chế độ Cộng sản Đông Âu sụp đổ vào năm 1989. Đó là việc tất

yếu phải đến và chắc chắn sẽ đến cho dân tộc Việt Nam, điều nầy không có gì sai trái hay quá sai trái trong biện chứng lịch sử như một số người đã lầm tưởng.

(02/7/2020)

 

 

Vui cười

Làm gì mà chẳng được

Trên xe buýt chật ních giữa giờ cao điểm, một cô gái kêu lên.

– Này anh bạn trẻ, cứ mỗi lần xe dừng bánh là anh lại áp chặt vào tôi, lần thứ ba rồi đấy.

– Nhưng xe chật thế này thì tôi có thể làm gì được?

– Thì anh cứ làm gì mà chẳng được?

 

Một người hộc tốc leo lên tầng 6, đẩy cánh cửa xộc vào:

– Thưa bác sĩ, mau kiểm tra giùm tôi, sao tôi thở gấp thế này? Tôi có bệnh gì ạ?

– Phải rèn luyện thể thao thường xuyên, đừng hút thuốc, uống rượu và tập một thói quen, phải học đọc.

– Tại sao lại phải học đọc ạ?

– Bác sĩ ở tầng 4, còn tôi là luật sư, ở tầng 6, trước cửa có treo biển.

 

Một người làm nghề viết sách, đến chơi nhà người bạn, thấy nhiều sách của mình quá, mừng lắm liền hỏi :

– Sao lắm thế này ?

– Bà cụ mình mua đấy !

– Cụ nghiên cứu văn học à ?

– Không ! Cụ bán xôi !

 

Nếu ở gần một người mà bạn thấy thời gian trôi thật nhanh còn khi xa người đó bạn lại thấy thời gian trôi qua thật chậm thì bạn nên đem đồng hồ đi sửa.

 

Nhà thơ ngụ ngôn Pháp La Phông-ten đến thăm một nhà văn. Vợ ông này ngạc nhiên.

– Chồng tôi mất một tháng nay rồi. Chính ông đã đọc điếu văn đó thôi!

– Đúng thế. Tôi còn nhớ rất rõ và ngay bây giờ tôi có thể đọc lại bài điếu văn ấy không thiếu một chữ.

 

Trước khi đi ngủ, bà cụ dặn chồng:

– Ông nhớ xem chừng cửa nẻo, kẻo trộm nó vào thì khổ đấy

– Bà khéo lo! Ngay cả tôi còn không biết chổ bà cất tiền, huống chi người dưng.

 

 

Thăng Trầm Của Truyền Thông trong Lịch Sử Mỹ –  Trọng Đạt

Tình hình trước 1954

Từ sau Thế chiến Thứ Hai, thời Tổng Thống Truman (1945-1953) tới nay đã được 75 năm. Ông thuộc đảng Dân Chủ và là Tổng Thống thứ 33 của Hoa Kỳ. Thời Truman mặc dù Thế chiến đã chấm dứt nhưng Hoa Kỳ chưa yên, vẫn phải giải quyết cuộc chiến Trung Hoa rồi sau đó sang Chiến tranh Cao Ly (1950-1953).

Quân Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945, Hoa Kỳ đứng ra hòa giải Mao – Tưởng nhưng người Mỹ luôn bị phía CS Nga đánh lừa, họ ngấm ngầm giúp Mao Trạch Đông và cuối cùng đã nhuộm nước Tầu đỏ lòm lòm. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thủ đô là Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh. Cuối năm 1949 Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người Quốc Dân Đảng chạy khỏi Đại lục tới đảo Đài Loan.

Dư luận Mỹ chỉ trích, lên án Tổng thống Truman đã để mất Trung Hoa vào tay Cộng Sản. Thượng nghị sĩ Joe McCarthy cho rằng việc ngăn chận CS Tầu cần phải viện trợ nhiều hơn và có lẽ phải dùng cả không lực. Người ta bắt đầu hỏi ai đã làm mất Trung Hoa? tỷ lệ ủng hộ Truman từ 70% xuống còn 35%. Bộ trưởng ngoại giao của Truman bị coi là thằng hèn, Tướng George Marshall, bộ trưởng ngoại giao tiền nhiệm bị coi là tên phản bội.

Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Peter Beinart nói  nhiều thập niên sau, Lyndon Johnson hồi đó là Thượng nghị sĩ Texas cho rằng Truman đã không tròn trách nhiệm để mất Trung Hoa, khi Johnson lên làm Tổng thống (1963) ông đã cố không đi vào vết xe đổ của quá khứ.

Ngày 29-8-1949, Nga Sô có bom nguyên tử, họ không còn sợ Mỹ và công khai gây chiến tranh Cao Ly năm 1950.

Người Mỹ hay nản chí và không có kế hoạch lâu dài như phía CS, họ nhường Đông Âu cho Nga năm 1944, 45 để nhờ Nga đánh quân Nhật, khi Thế chiến chấm dứt trong khi CS Nga lên kế hoạch chiếm nước Tầu thì họ chỉ mong được hưởng nhàn. Năm 1949 Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và năm sau bắt đầu giúp Việt Minh thành lập các sư đoàn chính qui. 304, 318, 312, 316, 320 và sư đoàn 351 vũ khí nặng. Bấy giờ người Mỹ nghĩ rằng CS đang tiến bước mạnh và nếu không ngăn chận chúng sẽ tràn ngập thế giới. (1)

Sau này năm 1985 cựu Tổng thống Nixon nói (2) Sô Viết không phải gửi quân nhưng đã thống trị được 9 nước kể từ 1974, Nixon cảm phục Liên sô không đem quân qua, chỉ đứng ngoài giật giây mà đã chiếm được nhiều nước. Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng 1946-1949 cho thấy Nga không đem quân vào, trong khi Mỹ đã đưa vào 50,000 quân mà vẫn thất bại.

Cựu Đại Tướng Eisenhower, Thượng nghị sĩ, Ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử Tổng Thống ngày 4/11/1952, ông đại thắng Landslide Victory với Ứng cử viên Dân Chủ Stevenson tỷ lệ 442/89, hơn đối thủ 7 triệu phiếu phổ thông, hồi ấy chỉ có 48 tiểu bang với 531 phiếu cử tri đoàn, ai được 266 phiếu Cử tri đoàn sẽ đắc cử.

Eisenhower là Tổng Thống Mỹ thứ 34, tháng 7 năm 1953 đã giải quyết được cuộc chiến Triều Tiên. Cao Ly vừa im tiếng súng thì cuộc chiến Đông Dương lại vào giai đoạn quyết liệt. Năm 1953 Mỹ gánh một nửa chiến phí Đông Dương, năm 1954 thì 78% chiến phí tại đây là của Mỹ (3)

Năm 1949 TT Truman (Dân Chủ) đã bỏ Trung Hoa và nay 1954 TT Eisenhower (Cộng Hòa ) không cứu Điện Biên Phủ, bỏ  miền Bắc

Tại ĐBP Ngày giao chiến đầu tiên 13-3-1954 căn cứ Béatrice sụp đổ trước trận pháo kích dữ dội của 40 khẩu pháo.  Tình hình quân sự ĐBP ngày một xấu, sau ngày 26-3-1954, khu lòng chảo chỉ còn tiếp tế tăng viện bằng thả dù quân lính cũng như lương thực, đạn dược. Địch quá mạnh, Việt Minh tập trung hầu hết lực lượng chính qui tại đây khoảng 6 sư doàn, 63,000 ngàn chủ lực quân. Pháp cũng như Mỹ đều đã thấy nguy cơ ĐBP sẽ thất thủ, giữa năm 1953 Trung Cộng ký đình chiến Triều Tiên rồi quay về giúp Việt Minh đánh Pháp, viện trợ quân sự của họ tăng  vọt.

Nay ĐBP chỉ  liên lạc với hậu cần bằng máy bay trong khi không quân Pháp quá yếu, toàn chiến trường Đông Dương chỉ có khoàng 200 máy bay (4). Từ cuối tháng 3-1954, Tòa Bạch Ốc đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt với khoảng gần 100 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, mỗi chiếc mang 9 tấn bom cùng với 400 máy bay chiến đấu hộ tống. Kế hoạch này lấy mật danh Kên Kên

TT Eisenhower muốn hỏi ý kiến Quốc hội vì rút kinh nghiệm chính phủ Truman tham chiến tại Triều Tiên không đưa ra Quốc hội đã bị chỉ trích. Ngày thứ bẩy 3-4-1954, tám vị Trưởng khối đại diện Quốc hội được chính phủ mời tới Bộ ngoại giao để hội thảo bí mật với Bộ trưởng Foster Dulles, TTMT Radford, một số cố vấn để xin Quốc hội cho phép Hành Pháp xử dụng Không quân, Hải quân tại Đông Dương.

Cuộc tranh luận sôi nổi, ông Trưởng khối thiểu số Thượng viện Lyndon B. Johnson đòi hỏi phải có liên minh các nước. Cả tám vị dân cử cho Hành pháp biết Quốc hội ủng hộ chiến dịch “Kên Kên” dưới ba điều kiện.

1- Lập liên minh các nước tự do ở Đông nam Á, Phi Luật Tân và Liên Hiệp Anh.

2- Pháp phải nhanh trả độc lập cho các nước Đông Dương

3- Pháp phải ở lại tiếp tục chiến đấu.

Những lý do trên đã hủy hoại mọi cơ hội cứu ĐBP vì không còn đủ thời giờ đi tìm đồng minh thành lập “Mặt trận thống nhất” để được chấp thuận kế hoạch “Kên Kên” trong khi ĐBP ngày càng nguy ngập. Màn bi kịch cuối cùng là cuộc họp của Tổng Thống Eisenhower, Đô đốc TTMT Radford, một số viên chức cao cấp ngày 29-4 tại Hoa Thịnh Đốn, họ duyệt lại toàn bộ tình hình một lần nữa.  TT Eisenhower quyết định không giúp Pháp, ĐBP thất thủ ngày 7-5-1954.

Hậu quả của Việc Hoa Kỳ không thực hiện được kế hoạch Kên Kên đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959 (5).  Người Mỹ hối tiếc đã không thực hiện chiến dịch Kên Kên để cho Việt Minh, phía CS thắng lớn thay đổi cả một khúc quành lịch sử.

Trong phần kết luận cuốn ĐBP Bernard Fall nhận định ĐBP đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ, nó cũng  là thời điểm Quân đội CSVN thành hình để trở thành lực lượng CS quan trọng CS tại ĐNÁ. Sau này tình thế đã khiên Mỹ phải can thiệp vào miền nam VN những năm 1965, 1966…mà họ đã tránh hồi 1954. Hậu quả mà Mỹ đã phải gánh chịu vì tránh can thiệp ĐBP mà họ sợ sa lầy năm 1954 để rồi sau đó mười năm phải đối đầu một cuộc chiến khác đẫm máu hơn (6)

TT Eisenhower có quyền oanh tạc cứu nguy ĐBP mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, gần đây hai nhà sử gia Logevall, Ted Morgan cũng đồng quan điểm trong hai cuốn sách lớn viết về ĐBP và cuộc chiến Đông Dương lần thứ I

Bernard Fall nói

“Có lẽ ngày 3-4-1954, Johnson đã làm một quyết định quan trọng đầu tiên của ông về VN mà chính ông không biết”

( Hell In A Very Small Place trang trang 308)

“Perhaps without realizing it, Lyndon B. Johnson, on April 3, 1954, had made his first crucial decision on Viet-nam”

Ý kiến của Thượng nghị sĩ Johnson (đòi phải lập liên minh) được bẩy vị dân cử khác nghe theo, người ta coi như ông là người đã ngăn cản Hành pháp thực hiện chiến dịch Kên kên cứu nguy ĐBP.

Trong giai đoạn này, hai đảng Cộng Hòa, Dân Chủ có khuynh hướng hợp tác, và truyền thông Mỹ chưa đóng vai trò gì trong cuộc chiến, nhưng chỉ một thập niên sau tình hình hoàn toàn thay đổi.

Thập niên 60

Ngày 8-11-1960 Ứng cử viên Dân Chủ Kennedy thắng Phó TT Nixon Cộng Hòa với số phiếu Phổ thông rất sít sao (112,827) và hơn Nixon 84 phiếu Cử tri đoàn (303/219), ông là Tổng Thống Mỹ thứ 35.

Kennedy làm Tổng thống chưa hết một nhiệm kỳ thì bị ám sát ngày 22/11/1963, đúng ba tuần sau ngày đảo chính TT Ngô Đình Diệm 1/1/1963. Phó TT Johnson lên thay, là Tổng Thống thứ 36 của Hoa Kỳ.  Tại cuộc bầu cử Tổng Thống  3/11/1964 Johnson Đại thắng Goldwater (Cộng Hòa) với tỷ lệ 486/52, hơn đối thủ 16 triệu phiếu Phổ thông.

Thời TT Kennedy và TT Johnson những năm đầu thập niên 60 chỉ có chiến tranh du kích vì Thủ Tướng Nga Khrushchev chủ trương sống chung hòa bình với Mỹ. Nhưng năm 1964 Khrushchev

bị hạ bệ, Brezhnev lên thay, Nga đổi chính sách, chủ trương gây hấn Mỹ và tăng quân viện giúp CSBV rất nhiều. Tháng 4-1954 Việt Minh đưa hầu hết Chủ lực quân của họ vào khu lòng chảo, một cơ hội thuận lợi cho các oanh tạc cơ hạng nặng của Mỹ tiêu diệt hết các sư đoàn chính qui địch trong khi quân Pháp tại ĐBP chỉ vào khoảng 5% toàn bộ lực lượng tại Đông Dương.

Chính Johnson đã bỏ lỡ cơ hội cứu Đông Dương năm 1954 để nay 1964, 65….Việt Minh đã lớn mạnh, ông trở thành thành Tổng Thống Hoa Kỳ phải đương đầu với một cuộc chiến lớn và đẫm máu hơn nhiều. Những năm 1964, 65, 66.. CSBV đã cho xâm nhập nhiều sư đoàn chính qui vào miền Nam khiến tình hình ngày một nguy khốn, TT Johnson phải đưa quân sang giúp VNCH từ năm 1965. Năm 1965 quân Mỹ tại miền Nam tăng lên 184,300 người, năm 1966 lên 385,300 người, năm 1967 lên  485,600 người, năm 1968 lên 536,100 người.

Theo thăm dò của viện Gallup từ 1965 cho tới tháng 11-1966, người dân ủng hộ cuộc chiến, tỷ lệ ủng hộ từ 61% tới 51%, năm 1967 tỷ lệ giảm chút ít, nhưng sang năm 1968, sau trận Mậu Thân tháng 2, tháng 3 tới cuối năm 1968 tỷ lệ giảm mạnh từ  40 tới 35%, các năm sau còn giảm nhiều hơn nữa (7). Suốt cuộc chiến tranh Đông Dương thời TT Johnson từ 1963-1968, truyền thông Mỹ nhất là các nhà làm phim chiến tranh được tự do sang miền Nam quay những cảnh máu chẩy thịt rơi về nước chiếu thoải mái. Giáo sư Marshall McLuhan, GS người Canada đã nói về Truyền thông trong chiến tranh Việt Nam như sau:

“Truyền hình đã mang những cảnh chiến tranh tàn bạo tới căn phòng khách ấm cúng. Việt Nam thua từ trong những căn phòng ấm cúng ở Hoa Kỳ chứ không phải tại mặt trận bên Việt Nam”

Vietnamwar.net-  The Media: Vietnam war.

Lần đầu tiên chính phủ cho phép truyền thông báo chí được tự do kể lại cuộc chiến mà không bị kiểm duyệt. Những hình ảnh ghê rợn đã cho người dân thấy từ đầu chí cuối mà họ chưa thấy bao giờ. Nay người ta cho rằng chính truyền thông đã khơi dậy phong trào phản chiến. Trong cuộc chiến tranh Triều tiên năm 1950 chỉ có 9% dân Mỹ có TV, nhưng đến năm 1966 số người xử dụng TV đã tăng lên 93%, người dân Mỹ theo dõi tin tức từ truyền hình hơn là từ những nguồn thông tin khác.

Theo thăm dò của viện Louis Harris thực hiện năm 1979, khoảng 60% cựu chiến binh cho rằng truyền hình không nói đúng sự thật, những bản tin về Mỹ Lai khiến quần chúng có cái nhìn xấu về người cựu chiến binh. Nhân dân khinh rẻ bọn lính chiến trở về, coi họ như bọn ác ôn giết cả trẻ con, ngay cả gia đình, bạn bè không muốn nói chuyện chiến tranh với ho, cựu chiến binh bị coi như cá mè một lứa với bọn sát nhân, xì ke, vô lại…

Theo lời kể của các phóng viên họ đã chuẩn bị trước sẽ đi quay phim ở đâu, quay những cảnh nào, quan sát cái gì, cái gì cần và không cần quay, hỏi câu gì, phỏng vấn những. Những hình ảnh, tin tức thu lượm được khi đem về Mỹ phải đem sửa chữa lại để phục vụ cho một bài tường thuật có mục đích phóng đại và bóp méo sự thật để thu hút nhiều khán thính giả, bán được nhiều tiền nếu cần bịa thêm những chuyện láo khoét để có nhiều người theo dõi. Hồi ấy có hai đài chính, nổi tiếng là CBS, NBC

Walter Cronkite giám đốc đài CBS người có uy tín nhất nước Mỹ (the most trusted man in America). Trong một chương trình đặc biệt, Cronkite phát biếu Mỹ thua trận Tết Mậu Thân 1968, cuộc chiến sai lầm, sa lầy và không lối thoát, lời tuyên bố ấy khiến Phản Chiến lên cao, Đông Dương sụp đổ.

Vụ tàn sát Mỹ Lai do trung úy Calley gây ra và vụ Đại Tá Loan bắn một tên Việt Cộng tại Chợ Lớn đã được truyền thông thổi phồng lên cho người dân thấy cuộc chiến dã man, tàn bạo. Trong khi ấy tại cố đô Huế, Việt Cộng giết bằng cán cuộc và chôn sống các nạn nhân khoảng 5,000 người thì báo chí, TV Mỹ chỉ nói sơ sài.

Thập niên 70      

Cuối tháng 3-1968, TT Johnson không ra tranh cử tiếp nhiệm kỳ sau (1969-1972) vì biết sẽ chẳng có ai bỏ phiếu cho ông, Johnson nhường cho Phó TT Humphrey. Ứng cử viên Nixon (Cộng Hòa) đã xúi dục ông Thiệu không tham gia Hòa đàm Ba Lê tháng 11-1968 (có lợi cho Dân Chủ). Sau đó Nixon đắc cử, là Tổng Thống thứ 37 của Mỹ

Dân Chủ Mỹ kết án ông Thiệu nghe lời Nixon không tham dự Hòa đàm Ba Lê tháng 11-68 khiến cho Nixon đắc cử. Chuyện này đã được GS Nguyễn Tiến Hưng kể lại trong Chương Một của cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (in 2005) và  tác giả Trần Đông Phong (trang 41 tới 69) đã nói tới trong cuốn “Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng” (in 2006). Trong phim The Vietnam War năm 2017 cũng nói rõ chuyện này y như vậy. Họ nói vì TT Thiệu không tham dự hòa đàm Paris có lợi cho Dân Chủ nên Nixon đắc cử ngày 5-11-1968. TT Johnson tố cáo Nixon chơi bẩn, hai tác giả VN và phim The Vietnam war nói là nhờ đó Nixon hơn được khoảng 500 ngàn phiếu Phổ Thông. Cả hai tác giả VN và phim The Vietnam War đều nói trật lất vì ở Mỹ người ta bầu cử Tổng Thống theo Cử tri đoàn.

Nixon được 301 phiếu CTĐ trên 32 tiểu bang, Humphrey được 191 phiếu trên 13 tiểu bang và DC, Wallace (Ưcv độc lập) được 46 phiếu, trên 5 tiểu bang. Nixon thắng cử với tỷ lệ cao (56%), ông hơn đối thủ Humphrey 110 phiếu Cử Tri Đoàn. Ông  Thiệu  là Tổng Thống một nước nhược tiểu lại có thể ảnh hưởng tới bầu cử Tổng Thống một siêu cường, ai tin cho được?

Sở dĩ người dân không bầu cho Dân Chủ vì TT Johnson đã sa lầy trong cuộc chiến, trong khi phong trào Phản chiến lên cao ông lại áp dụng chiến tranh giới hạn (Limited war) chậm như rùa nên thua vì cuộc chiến tại đất nhà. Dân Chủ đã làm hai nhiệm kỳ (1961-1969), đã sa lầy trong cuộc chiến mà lại đòi làm ba nhiệm kỳ thì ai tin cho nổi? Người dân Mỹ đã chán ngấy đến tận cổ cuộc chiến sa lầy của Johnson nên họ tìm một đảng khác để hy vọng rút ra khỏi cuộc chiến.

Từ cuối thập niên 60 trở đi, hai đảng Cấp Tiến (Con Lừa) và Bảo Thủ (Con Voi) bắt đầu sát phạt nhau thẳng cánh khác với không khí hòa bình các thập niên trước. Truyền Thông đã đóng vai chính trong trận chiến huynh đệ tương tàn này.

Nixon vào Tòa Bạch Ốc sau khi đắc cử, theo lời Kissinger kể lại (8): Phản chiến lên cao, mới đầu đảng Dân Chủ đứng trung lập sau họ hùa theo Phong trào để chống chính phủ. Cộng Hòa giữ Hành Pháp, Dân Chủ nắm được Phản chiến và Truyền Thông.

Năm 1970 và 1971, TT Nixon giúp VNCH đưa quân sang Miên, Lào tấn công các hậu cần CSBV để làm cho địch suy yếu giúp VNCH vững mạnh, mục đích cuối cùng là Việt Nam hóa chiến tranh để rút quân về nước. Phong trào chống chiến tranh nổi dậy dữ dội hơn trước, giới trẻ nhất là sinh viên ngày càng hung dữ, bạo động diễn ra khắp nơi, có đổ máu, từ tháng 1/1969 tới tháng 2/1970 có 7,500 người bị bắt, 247 vụ đốt nhà, 426 người bị thương, 43 người chết (9)

Nixon vừa phải lo thương thuyết với CS tại bàn Hội nghị Paris, vừa yểm trợ cuộc chiến tại Đông Dương, ông cũng phải lo chống lại các cuộc biểu tình trong nước do Truyền Thông cổ võ. Đảng đối lập Dân Chủ đã kết hợp Truyền thông, Phản chiến để gây khó khăn cho Nixon. Từ 1968 tới 1972, Dân Chủ luôn chiếm ưu thế đa số 56, 57% tại Lưỡng viện Quốc hội đẩy Hành Pháp vào chỗ vô cùng khó khăn. Tháng 10/1972 Mỹ và VNCH thắng lớn trận Tổng công kích của BV trong Mùa hè đỏ lửa 1972, Hà Nội vừa đánh vừa đàm nhưng họ muốn ký sớm trước bầu cử Tổng Thống tháng 11/1972 vì sợ Nixon đắc cử sẽ khó thương thuyết hơn.

Tại cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 7-11-1972, Nixon đại thắng với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay, sau này chỉ có Reagan mới sánh được. Ông được 520 phiếu Cử tri đoàn (96% số phiếu), hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu Phổ thông, người Mỹ gọi là Lanslide Victory. Người dân dồn hết phiếu cho Nixon vì ông đã đem quân về nước gần hết, hòa được với Trung Cộng tháng 2/1972, hòa được với Nga tháng 5/1972, sắp ký được Hiệp định Paris.

TT Nixon lại gặp trở ngại lớn tại Hòa đàm Ba Lê, Hà Nội không chịu ký kết Hiệp định, họ trở mặt phá Hòa đàm vì hy vọng Quốc hội mới sẽ họp đầu tháng 1/1973 sắp tới. Quốc hội mới sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh rút quân về nước, cắt viện trợ VNCH để đổi 580 người tù binh Mỹ, lúc ấy khỏe re, khỏi cần phải ký kết Hiệp định.

Vì mơ tưởng chuyện xa vời mà BV phải ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Nixon và cả Kissinger đều giận điên lên, cả hai đồng ý một kế hoạch oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng bằng B-52  để buộc BV trở lại bàn Hội nghị. Cuộc oanh tạc bắt đầu ngày 19-12 tới cuối tháng mới chấm dứt, Hà Nội chịu trở lại bàn Hội Nghị sau khi đã lãnh 20,000 tấn bom. Các vị trưởng khối Quốc hội Mỹ yêu cầu Nixon phải ký sớm nếu không họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh (10). Hiệp định Paris ký ngày 28-1-1973, CSBV vẫn được ở lại, nhiều người chế trách Nixon, Kissinger điểm này, nhưng Quốc hội bắt phải ký sớm, không cho thương thuyết vì trước sau họ cũng rút bỏ Đông Dương. Nửa năm sau sau Hiệp định Paris, Quốc Hội Dân Chủ cắt giảm viện trợ VNCH mỗi năm 50% cho tới tháng 4-1975, đạn dược, tiếp liệu chỉ còn đủ dùng trong một tháng.

Từ năm 1972, báo Washington Post bắt đầu cho đăng vụ nghe lén của TT Nixon, năm 1973, 74 thì vụ bê bối ngày càng nổ lớn. Dân Chủ nắm đa số Quốc Hội, họ lại kết hợp được Truyền Thông và Phản Chiến nên rất mạnh. Ngày 10-10-1973, Phó TT Agnew từ chức vì bị tố cáo trốn thuế, Nixon cử Gerald Ford, Trưởng khối thiểu số Hạ viện lên thay. Cuộc chiến đảng phái tàn nhẫn phũ phàng chưa từng có trong lịch sử Mỹ ngày càng nổ lớn. Ngày 8-8-1974, Nixon từ chức để khỏi bị truất phế, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một Tổng Thống từ chức. Gerald Ford kế vị Nixon trở thành Tổng thống thứ 38 của Mỹ

Mới đầu Truyền Thông tiết lộ sự việc, sau họ cổ võ bọn Phản Chiến biểu tình dữ dội, đảng Dân Chủ chỉ điều hợp các chủ lực quân. Truyền Thông có công đầu trong việc lật đổ Nixon, một ông Tổng Thống đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay. Sự thực vụ Watergate khiến Nixon phải ra khỏi Tòa Bạch Ốc chỉ là đảng phái đánh phá nhau. Tội nghe lén cũng chẳng có gì to tát, chính TT Johnson cũng đã cho nghe lén Nixon liên lạc với đại diện của ông tại Sài Gòn để khuyến khích ông Thiệu đừng tham gia Hòa đàm Paris có lợi cho Dân Chủ, ông Nguyễn Tiến Hưng, ông Trần Đông Phong và trên Wikipedia đều nói thế.

Nixon từ chức, trong khi tiếp liệu đạn dược của miền Nam bị cắt giảm chẳng còn bao nhiêu. Tại Quốc Hội năm 1974, Dân Chủ nắm đa sồ Hạ Viện (67%) và Thượng Viện (60%) quyết trừng trị VNCH vì năm 1968 ông Thiệu không tham gia Hòa Đàm Paris giúp cho Nixon đắc cử. Miền Nam sụp đổ cuối tháng 4-1975 vì cạn kiệt đạn dược tiếp liệu. Các dân biểu trẻ tại Quốc Hội Mỹ phát biểu cương quyết không cho người tỵ nạn Việt Nam, Đông Dương vào Mỹ.

Từ thập niên 80 tới ngày nay

TT Ford thất cử ngày 2/11/1976, Jimmy Carter, Ứng cử viên Dân Chủ thắng cử và là Tổng thống tứ 39 của Mỹ

Carter thắng với tỷ lệ bình thường, cử tri đoàn 297/240, Cater hơn Ford một triệu phiếu phổ thông. Dưới thời TT Carter kinh tế trì trệ, thất nghiệp nhiều và tăng trưởng chậm, cuối nhiệm kỳ của ông từ 1979-1981 gặp nhiều khủng hoảng chính trị như Iran bắt con tin Mỹ, năm 1979 khủng hoảng năng lượng, Sô viết xâm lăng Afghanistan….

Tại cuộc bầu cử ngày 4/11/1980 Reagan (Cộng Hòa) thắng Carter với gần 500 phiếu cử tri đoàn (489/49), hơn Carter 8 triệu phiếu phổ thông, đó là cuộc Đại Thắng Landslide Victory, Reagan trở thành Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ. Những năm cuối nhiệm kỳ của (1980) TT Carter lạm phát trung bình là 12.5% so với 4.4% của TT Reagan trong năm cuối của ông tại Tòa Bạch Ốc (1988). Tỷ lệ thất nghiệp thời Reagan giảm từ 7.5% xuống 5.4%, GDP thời Carter tăng trung bình 3.4%, thời Reagan tăng trung bình 7.4%.

Bốn năm sau, vào ngày 6/11/1984 Reagan Đại thắng Walter Mondial (Dân Chủ) với tỷ lệ 97% phiếu cử tri đoàn (525/13), hơn đối thủ 17 triệu phiếu phổ thông, Reagan thắng Landlide Victory ngang với Nixon năm 1972. Bốn năm sau, ngày 8/11/1988 Phó TT Bush cha lại Đại thắng (Landslide) Ứng cử viên Dân Chủ Micheal Dukakis với 426 phiếu Cử tri đoàn (426/111), hơn đối thủ 7 triệu phiếu, thành Tổng thống thứ 41 của Mỹ.

Cộng Hòa Đại Thắng Landslide với Dân Chủ liên tiếp 3 nhiệm kỳ, thập niên 80 là thảm bại lớn nhất của Dân Chủ từ sau Thế chiến. Năm 1974 sau khi lật đổ được Nixon, Dân Chủ hân hoan sung sướng, đã loại bỏ được một Tổng Thống đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa tới nay, nhưng có dè đâu thảm kịch chờ họ ngay phía trước. Lần đầu tiên kể từ sau 1945, Cấp Tiến phải chấp nhận một nhiệm kỳ và Bảo Thủ được cử tri tín nhiệm với ba nhiệm kỳ Landslide. Người dân phần nào bất mãn với việc Đàn hặc Nixon, ông có công lớn với Hoa Kỳ, đã hòa được khối CS quốc tế đem lại hòa bình lâu dài.

Tại cuộc Bầu cử Tổng Thống ngày 3/11/1992, Bill Clinton (Dân Chủ) thắng Bush cha tỷ lệ 370/168 (Cử tri đoàn), hơn Bush khoảng 5 triệu phiếu phổ thông. Clinton trở thành Tổng Thống thứ 42 của Mỹ. TT Bush cha với chính sách đối ngoại thành công chấm dứt chiến tranh lạnh, làm tan rã khối CS Liên xô, hòa bình sau cuộc chiến Vùng Vịnh nhưng kinh tế trì trệ nên thua Clinton.

TT Bill Clinton gặp hên trước sự bùng nổ của high tech, internet, kinh tế lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm, chính ông Bush con sau này cũng được hưởng sự bùng nổ của high tech. Từ ngày Clinton nhậm chức tới hết nhiệm kỳ tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7.4 tới 1994 còn 6 chấm, khi hết nhiệm kỳ khoảng 4.2.

Clinton bị Hạ viện Luận tội ngày 19-12-1998 vì nói dối qua vụ bê bối tình dục tại tòa Bạch Ốc. Bill Clinton bị đàn hặc vì nói dối và cản trở công lý, Thượng viện tha tội cho ông ngày 12/2/1999, với tỷ lệ phiếu bầu 55/45 và lần bầu lại 50/50, rất xa số phiếu đòi hỏi 2/3 tức 67 phiếu. Thời điểm này Cộng Hòa giữ đa số tại Lưỡng viện: Hạ viện họ giữ 51% và Thượng viện 55%, tuy  nhiên không đủ mạnh để được 67 phiếu Thượng Viện

TT Clinton được coi như đã làm nhục nước Mỹ với các vụ án tình dục rất bê bối Paula Jones, Lewinsky. Ông thoát tội vì người dân không muốn truất phế Tổng Thống từ sau vụ Watergate 1974, họ cho là truất phế chỉ là trò đảng phái đánh phá nhau. Cũng có người cho là Cộng Hòa không muốn truất phế Clinton vì ông chỉ còn tại chức không đầy hai năm, họ sợ Phó TT Algore thay thế rồi làm thêm một hai nhiệm kỳ thì Cộng Hòa hết hy vọng.

Tại cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 7/11/2000 giữa Phó TT Al Gore (Dân Chủ) và Thống đốc Texas Bush con (Cộng Hòa) thật gay go, (hồi ấy cá nhân tôi bỏ phiếu cho Al Gore), có lẽ đây là cuộc bầu cử sát nút nhất từ xưa đến nay. Các tiểu bang khác đã đếm xong, chỉ còn chờ Florida, hai bên chờ 25 phiếu Cử tri đoàn, khi ấy Bush được 246 phiếu Ctđ, Gore được 266 phiếu Ctđ. Khi kết quả đếm phiếu xong Bush thắng Gore với tỷ lệ 271/266, chỉ hơn Gore có 5 phiếu, nhưng thua Al Gore hơn nửa triệu phiếu phổ thông. Bush con thắng trên 30 tiểu bang, Gore chỉ được 20 tiểu bang. Ông Bush con thành Tổng Thống thứ 43 của Mỹ.

Trước bầu cử cả năm Truyền thông đăng tin Gore hơn Bush con 6% theo thăm dò, ai cũng tưởng là Gore ăn chắc kỳ này. Dù thắng lớn, thắng nhỏ cũng là thắng, người ta giải thích là Dân Chủ đã làm hai nhiệm kỳ, Cử tri muốn cho đảng Bảo Thủ làm tiếp hai nhiệm kỳ sau đó. TT Bush con nhậm chức chưa được một năm thì bị khủng bố ngày 11/9/2001, năm 2001 ông đánh Afghanistan, hai năm sau 2003 đánh Iraq vì nghi Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt và bị sa lầy trong cuộc chiến.

Về kinh tế, TT Bush cũng gặp hên gặp khi có sự bùng nổ của  high tech, internet như TT Clinton, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhiều nhưng khi kinh tế lên cao từ thời Clinton nay nó phải xuống. Gần cuối nhiệm kỳ của Bush con, kinh tế bị trì trệ Recession, hãng xưởng sa thải nhân công, chứng khoán xuống khiến mọi người đều lo sợ.

Cuộc bầu cử ngày 4/11/2008 khiến Obama, người da mầu đầu tiên trở thành Tổng Thống Mỹ, ông là Tổng Thống thứ 44. Obama (Dân Chủ) thắng McCain (Cộng Hòa) 365/173 Phiếu Cử tri đoàn, hơn McCain 9 triệu rưỡi phiếu Phổ thông. Truyền thông, TV, báo chí suốt ngày đêm quảng bá cho gà nhà Obama, ông thắng McCain dễ dàng vì người ta quá chán Cộng Hòa, TT Bush con đã sa lầy tại Iraq, suýt gây khủng hoảng kinh tế. Obama thắng là nhờ hơn 40% phiếu của cử tri da trắng, họ tin vào những lời hứa hẹn của ông.

Chứng khoán ngày một tuột dốc, tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng, hai năm sau khi TT Obama nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp lên gần 10 chấm, người dân biểu tình khắp nơi đòi công việc làm. Tuy mỗi năm thất nghiệp có giảm nhưng phải 8 năm nó mới xuống còn 5 chấm. Sau năm 2008, ông Bush con được xếp trong số nhưng Tổng Thống tồi tệ nhất nước Mỹ vì sa lầy tại Iraq và vì Recession. Đến năm 2014, người ta cũng xếp ông Obama trong số những Tổng Thống tồi tệ nhất Mỹ vì thất nghiệp cao và vì rút quân khỏi Iraq cuối năm 2011 khiến Issis chiếm 1/3 Iraq làm cả thế giới kinh hoàng.

Cuộc bầu cử tiếp theo đó 8/11/2016 rất gay go và tốn nhiều giấy mực nhất trong nhiều thập niên qua. Đại diện Dân Chủ là cựu Đệ nhất phu nhân Hilarry Clinton, nhà tỷ phú Donald Trump đại diện Cộng Hòa. Trong thời gian hai bên đang tranh cử, Truyền thông phe tả ngày đêm cổ võ Clinton, bà luôn dẫn đầu trước ông D. Trump 20, có khi 30 điểm, cựu TT Obama tích cực giúp đỡ dìu dắt gà nhà Clinton để Dân Chủ làm thêm một kỳ nữa. Nếu theo thăm dò Donald Trump không có cơ hội vào Tòa Bạch Ốc vì điểm thăm dò của ông thấp hơn đối thủ nhiều trong khi Clinton có tới 80%, 90% hy vọng thắng cử.

Kết quả bầu cử sau khi đếm phiếu xong nửa đêm 8/11/2016, Donald Trump thắng cử với 304 phiếu Cử tri đoàn trên 30 tiểu bang, bà Clinton được 227 phiếu Cử tri đoàn trên 20 tiểu bang. Clinton hơn Trump gần 3 triệu phiếu Phổ thông nhưng vứt vào thùng rác, không được tính tới, ai đủ 270 phiếu Cử tri đoàn là đắc cử Tổng Thống. Kết quả bầu cử năm 2016 là  cái tát vào mặt Truyền thông của người dân Mỹ.

Trong khi tranh cử Truyền thông hò hét rát cổ bỏng họng, họ tưởng những bản tin TV, những bài viết có thể đổi trắng thay đen nhưng Cử tri đã có quyết định của họ. Chúng ta thấy trong diễn trình bầu cử Tổng Thống 75 năm qua, từ 1945 tới nay chỉ có một trường hợp duy nhất Dân Chủ làm một nhiệm kỳ, Cộng Hòa ba nhiệm kỳ còn lại Cấp Tiến và Bảo Thủ luân phiên nhau mỗi đảng 2 nhiệm kỳ. Lần này Dân Chủ không thể làm ba nhiệm kỳ, chưa có ai dễ tin bằng Obama, khi nghe Truyền thông thổi ống đu đủ nói Obama một vị Tổng Thống có uy tín không thua gì Reagan thì ông tin ngay. Obama tưởng rằng với cái uy tín Tổng Thống No-Jobs của ông có thể đưa Clinton vào lại Tòa Bạch Ốc. Bà Clinton đã từng là chính trị gia nhiều kinh nghiệm mà còn ngây thơ như thế thử hỏi nếu đắc cử thì làm được cái trò gì?

Mặc dù Truyền thông Mỹ đã bị ăn một cái tát nổ đom đóm mắt của Cử tri năm 2016, nay vẫn chứng nào tật ấy chết không chừa. CNN đài TV lớn nhất Mỹ hiện nay có từ  năm 80 và Washington Post tờ báo lâu đời từ 1970 nay ngày đêm loan tin cho phe ta đại thắng. Như chúng ta đã thấy từ sau Thế chiến hầu hết là  Cộng Hòa, Dân Chủ luân phiên nhau cầm quyền tám năm, người dân sợ độc tài nên Cộng Hòa sẽ làm hai nhiệm kỳ từ 2016 tới sau 2020, không có gì khó hiểu.

Truyền Thông thời chiến tranh VN chỉ biết có tiền, họ làm giầu trên xương máu của con người … Họ tưởng rằng những năm 1965, 66… có thể loan truyền tin tức bịp bợm khiến người dân đòi rút bỏ Đông Dương, tưởng chỉ uốn ba tấc lưỡi có thể đánh xụp được cả một cuộc chiến. Truyền Thông năm 1974 cho rằng họ có thể truất phế một ông Tổng Thống đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay, nhưng cái thời ấy nay đã hết rồi, nó chỉ còn để lại một tiếng vang, vang bóng một thời.

Hồi ấy Truyền thông chuyên loan truyền những bản tin lòe bịp người dân Mỹ, bịp bợm cả thế giới khiến cục diện cuộc chiến thay đổi theo ý họ, nhưng nay họ đã bị hố từ cuộc bầu cử 2016, và người dân, Cử tri chẳng bao giờ còn bàn về những tin tức, nhận định của họ.

Một điểm tồi tệ xuống dốc của Truyền thông Mỹ ngày nay là bắt chước y hệt như Việt Cộng, loan toàn tin láo khoét, ba trợn. Nay Truyền thông tỏ ra vô cùng trơ trẽn chẳng biết ngượng ngùng gì, chỉ biết tiền, quyền lực. Khi họ đi theo theo lối loan tin của VC tức là đi vào con đường chết. Một sự xấu hổ cho một siêu cường đã có tiếng là thành thật về nhiều phương diện.

Nay có những bản tin nói ông Biden hơn ông Trump 14 điểm trong khi ông ta chưa được Dân Chủ đề cử, chưa có Phó Tổng Thống, chưa có một chính sách nào.. . nghĩa là còn zero mà đã được thổi phồng trắng trợn như vậy. Không thấy một bài bình luận nào đề cập vấn đề này, người ta cho là chẳng đáng bàn. Vả lại nếu nói là Cấp Tiến nay có ưu thế mạnh, tại sao họ cứ đòi bầu bằng thư để dễ gian lận, đã nắm ưu thế theo thăm dò tại sao lại phải tính chuyện gian lận bầu cử ?

Cách đây khoảng 5, 6 tháng, có lần CNN, Washington Post hai cơ quan ngôn luận của Cấp Tiến than phiền về Đảng ta, họ nói nếu chúng ta không có chính sách về kinh tế, chính trị … mà chỉ chửi, đánh phá, thọc gậy bánh xe  … thì cho tới 2024 chưa chắc ta đã lấy lại được Tòa Bạch Ốc. Theo Truyền Thông cánh tả thì năm 2020 coi như hy vọng của Cấp Tiến chỉ là vứt đi, mà chuyện 4 năm sau đó 2024 mới là quan trọng, có lấy lại được Tòa nhà Hành Pháp hay không mới là chuyện đáng bàn.

Người ta đã đánh giá quá thấp nhận thức của Cử tri, tưởng là không ai biết gì, tưởng rằng một tin láo khoét cứ loan truyền ngày đêm rồi ai cũng tin là thật… nhưng không,  Cử tri đã có quyết định của họ, nó sẽ được thể hiện nơi phòng phiếu.

Trọng Đạt

Cước chú

(1) Communists Win China’s War, Macrohistoory and World Time Line, Fsmitha.com.

(2) Richard Nixon, No More Vietnams trang 214

(3) The Pentagon Papers Volum 1, Chapter 2

(4) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 230

(5) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang 313

(6) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang trang 462.

(7) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.

(8) White House Years trang 227

(9) No More Vietnams  trang 126.

(10) Larry Larry Berman:  No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam, trang 200

 

 

Hoa Kỳ Bác Bỏ Hầu Hết Những Tuyên Bố Về Chủ Quyền Của Tàu Cộng ở Biển Đông

Bùi Phạm Thành

Theo tin của CNN – Hôm thứ hai, ngày 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã đưa ra một lời tuyên bố chính thức không chấp nhận “hầu hết” các lời tuyên bố chủ quyền của Tàu cộng ở Biển Đông (còn gọi là South China Sea), đây là hành động leo thang mới nhất về căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đã mô tả hành động này là để “tăng cường chính sách của Hoa Kỳ”, và khẳng định rằng “những lời tuyên bố về chủ quyền của của Bắc Kinh về các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như những chiến dịch bắt nạt để kiểm soát và cấm đoán các quốc gia trong vùng”.

Trong một bản tuyên bố dài, ông Pompeo đã cho biết “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của họ. Mỹ sẽ đứng chung với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế .”

Ông Gregory Poling, một thành viên cao cấp của Đông Nam Á và là giám đốc của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đã nhận định rằng “đây là một hành động rất quan trọng.”

Ông Poling giải thích: “Điều căn bản trong lời tuyên bố của Hoa Kỳ là họ sẽ giữ thái độ trung lập trước những câu hỏi ai sở hữu những hòn đảo hay hòn đá nào ở Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ sẽ không giữ im lặng trước những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này”, Poling giải thích thêm rằng trong quá khứ, Hoa Kỳ đã “giữ im lặng” về vấn đề này.

Ông Poling nói với CNN rằng “rất nhiều việc lệ thuộc vào cách thức hành động”, Hoa Kỳ đã tiếp tục hành động sau thông báo hôm thứ Hai, nhưng gọi đó là “một đòn mạnh về phương diện ngoại giao”.

“Nó cho phép Hoa Kỳ nói lên một cách rất rõ ràng rằng các hoạt động của Tàu cộng ở Biển Đông là bất hợp pháp, không những đã gây bất ổn hoặc không có ích, mà còn là bất hợp pháp”, ông nói. “Điều đó đã giúp các đối tác như Việt Nam và Philippines trong việc tranh chấp chủ quyền với Tàu cộng, và nó sẽ gây áp lực lên các quốc gia khác – thí dụ như châu Âu – để họ có can đảm bước ra khỏi cửa để tự tuyên bố một vài điều gì đó về tình trạng của Biển Đông.”

Đồng Ý Với Liên Hiệp Quốc

Ông Pompeo cho biết hôm thứ Hai rằng Hoa Kỳ đã xác định vị trí của mình là đồng ý với quyết định năm 2016 của một phiên tòa của Liên Hiệp Quốc đã đứng về phía Philippines chống lại lời tuyên bố chủ quyền của Tàu cộng, khi họ nói rằng họ có chứng cớ lịch sử và kinh tế đối với phần lớn của Biển Đông. Sự đồng nhất trong quyết định “bác bỏ các yêu sách hàng hải (của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Tàu cộng) vì không đúng với căn bản của luật pháp quốc tế”, ông Pompeo nói thêm, “Như Hoa Kỳ đã tuyên bố trước đây, và đã được quy định rõ ràng trong Công ước, Quyết định của Toà Trọng tài là cuối quyết định cuối cùng và có tính cách ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên.”

Trong bản tuyên bố, ông Pompeo cũng đã nhắm vào những nỗ lực của Tàu cộng để thiết lập  những đòi hỏi về quyền lợi hàng hải ngay cả trong khu đặc quyền kinh tế của các nước khác, các khu vực mở rộng 200 dặm từ bờ ra biển khơi. Ông Pompeo nói trên thực tế Tàu cộng “không thể xác nhận một cách hợp pháp một đòi hỏi nào về chủ quyền hàng hải – bao gồm tất cả những đòi hỏi về các Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) từ rạn san hô Scarborough và quần đảo Trường Sa – như

trường hợp của Philippines, Tòa án tìm thấy vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nằm ngay trên thềm lục địa của họ.”

Ông Pompeo cũng bác bỏ những lời tuyên bố chủ quyền của Tàu cộng đối với đảo đá ngầm Mischief Reef và bãi cạn Second Thomas Shoal – “cả hai đều nằm dưới chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.” – và nói rằng Tàu cộng “không có chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải hợp pháp đối với (hoặc xuất phát từ) James Shoal , một đảo đá ngầm hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Tàu cộng 1,000 hải lý.”

Ngoài ra, Mỹ cũng “bãi bỏ mọi yêu sách hàng hải của Tàu cộng tại vùng biển xung quanh bãi Vanguard (ngoài khơi Việt Nam), Luconia Shoals (ngoài khơi Malaysia), vùng biển ở Khu Đặc quyền Kinh tế của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia).”

“Bất kỳ hành động nào của Tàu cộng gây ra để quấy rối việc đánh cá hay tìm kiếm dầu hoả của các quốc gia trong vùng biển này – hoặc tự ý thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương – là bất hợp pháp”, ông Pompeo nói.

Zack Cooper, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với CNN rằng “đó thực sự là những điểm chính yếu của việc này”.

“Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Hiện nay, nếu Hoa Kỳ muốn đến hỗ trợ một đồng minh hoặc đối tác ở Biển Đông đang bị Tàu cộng chèn ép, thì bây giờ chúng tôi (Hoa Kỳ) có lý do pháp lý để nói rằng hành động của Tàu cộng là bất hợp pháp theo quan điểm của chúng tôi …” Ông Pompeo giải thích rằng mặc dù trước đây, ông đã cho rằng đây là những hành động áp bức của Tàu cộng, không nói họ là bất hợp pháp, nhưng bây giờ ông thì ông có thể nói như thế.

Hình ảnh hai Hàng Không Mẫu Hạm USS Nimitz (CVN 68) và USS Ronald Reagan (CVN 76) cùng với hạm đội tấn công và với hai phi đội Air Wing 5 và Air Wing 17 đang cùng thực hiện cuộc tập trận ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua để phô trương lực lượng.

Giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa hai quốc gia và sau khi Tàu cộng hoàn thành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển đang có sự tranh chấp chủ quyền, Hoa Kỳ đã điều động hai  Không Mẫu Hạm (HKMH) của Hải Quân tới Biển Đông.

Hoạt động dưới tên gọi là Lực lượng tấn công HKMH Nimitz (Nimitz Carrier Strike Force), hai HKMH của Hoa Kỳ, USS Nimitz và USS Ronald Reagan, “đã thực hiện một số các cuộc tập trận chiến thuật được thiết kế để tối đa hóa khả năng phòng không và mở rộng phạm vi tấn công hàng hải chính xác tầm xa từ máy bay của HKMH,” Một tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ đã cho biết trong tuần trước.

Trung úy Sean Brophy, người phát ngôn của tàu USS Reagan cho biết đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 và là lần thứ hai kể từ năm 2001, hai HKMH của Mỹ đã hoạt động chung với nhau ở Biển Đông,

Bùi Phạm Thành(chuyển ngữ)

(Đặc San Lâm Viên)

http://www.dslamvien.com/2020/07/hoa-ky-bac-bo-hau-het-nhung-tuyen-bo-ve.html

 

Bầu cử Thị xã Pháp: tình trạng Dân chủ và Đảng phái! – Nguyễn thị Cỏ May

Kết quả bầu cử Thị xã vòng nhì hôm 28/6 vừa qua khoát cho nước Pháp bộ áo mới màu xanh. Bộ áo Pháp lần đầu tiên được mặc.  Càc Thị xã xưa nay do Thị trưởng xã hội, phe Hũu hay thuộc xu hướng khác nay phần lớn lọt vào tay đảng Xanh. Cả những Thị xã cho tới nay vẫn nằm trong tay cộng sản cũng bị đảng Xanh cướp mất.

Giới chánh trị đều ngẩn ngơ trước thực tế hoàn toàn bất ngờ này.

Nhiều nhà chánh trị học, nhà báo chánh trị bắt tay ngay vào việc tìm hiểu tại sao bổng nhiên xuất hiện làn sóng xanh chiếm gần hết các thành phố lớn nhỏ của Pháp ? Tại sao chỉ có 4/10 người đi bầu ?  Vây người được bàu thắng cử hay làn sóng cử tri vắng mặt mới thật sự thắng cử ?

Dân chủ suy thoái ?

Nước Pháp được tổ chức thành 36 681 Thị xã làm chánh quyền cơ sở và độc lập với chánh phủ trung ương. Thị xã họp lại thành 101 Tỉnh (Département) và 26 Vùng (Région). Cứ 6 năm tổ chức bầu Thị xã một lần với 2 vòng.

Từ ba mươi năm nay, hôm bầu cử ngày 28/6 là lần đầu tiên cử tri vắng mặt tới 59, 37%, đạt kỷ lục.  Thắng cử là người được số phiếu cao nhưt nhưng lại cao nhứt của cái thiểu số cử tri. Vậy người thắng cử kỳ này không phải là người đại diện cho đa số dân thị xã, hiện tượng suy thoái của nền dân chủ đại biểu.

Thị trưởng Xã hội Paris, bà Hidalgo, tái đắc cử với 17% cử tri. Cùng đảng Xã hội, Thị trưởng Lille, thành

phố phía Bắc, bà Martine Aubry, đắc cử với 12, 4%. Cả hai đều đại diện cho thiểu số dân thị xã Paris và Lille, tức đại diện đa số của 40% cử tri đi bầu.

Đi vào chi tiết, người ta sẽ thấy cử tri vắng  mặt nhiều hay ít, tùy theo thành phố, nhưng đều vắng mặt 59, 37%. Như Nice vắng mặt tới 72, 3% trong lúc đó, Perpignan, cũng ở Miền Nam, vắng mặt chỉ có 52, 8%. Paris vắng 63, 1%, Marseille 63, 4% và Lyon 62, 2%.

Các Thị trưởng thắng cử ở những thành phố lớn, tính trung bình đều chị đạt có 24% phiều bầu, là cao nhứt. Vì có nhiều người đắc cử Thị trưởng với 20% phiéu. Thực chất thì giá trị đắc cử vô cùng thảm hại. Như bà Martine Aubry, đảng xã hội, tái đắc cử trong đường tơ kẻ tóc với 12, 4% ở Lille, nơi cử tri vắng mặt tới 68, 3%. Hay ông Christian Estrosi, cánh Hữu, tái đắc cử ở Nice với 52, 40% nhưng số đi bầu chỉ có 15, 8%.

Cử tri ở vòng hai vắng mặt nhiều hơn ở vòng một hôm 15/3 (55, 3%) tuy việc bỏ phiếu diển ra trong bầu không khí nặng nề của cơn đại dịch lúc ông Tổng thống Macron vừa ra lệnh đóng cửa trên cả nước.

Viện thăm dò dư luận Ipsos mở cuộc điều tra về làn sóng vắng mặt, giải thích lý do là dân chúng sợ bị lây bịnh ở phòng phiếu. Nhưng đó chỉ là lý do thời sự vì phần lớn dân chúng nghĩ rằng có đi bỏ phiếu hay không, Thị trưởng ai đắc cử, thì đời sống của họ cũng vậy thôi. Chắc chắn là không có gì khởi sắc hơn.

Theo kết quả của một khảo sát khác (Brice Teinturier), làn sóng vắng mặt không đi bầu là dấu hiệu đang lên của hiện tượng «Không còn gì nữa mà làm». Từ năm 1983, cử tri trong các cuộc bầu cử, Quốc hội, Tổng thống, Thị xã, có xu hướng vắng mặt ngày càng đông. Nhưng nhà chánh trị học Pascal Perrineau cho rằng sự vắng mặt trong kỳ bầu cử thị xã năm nay là do tình hình bịnh dịch vũ hán ảnh hưởng. Chờ những cuộc bầu cử tới sẽ có cơ sở xác định rỏ hơn.

Nhưng số cử tri vắng mặt trong các cuộc bầu cử từ địa phương đền trung ương cứ gia tăng từ hơn 30 năm nay, đó là thực tế. Phải chăng đó là dấu hiệu dân chủ phương tây bị khủng hoảng ?

Làn sóng thần xanh

Bầu cử địa phương, như bầu cử Thị xã, thường làm bộc lộ những xu hướng chánh trị lớn của Quốc gia.

Riêng cuộc bầu cử Thị xã vòng hai hôm 28/6 diển ra rất đặc biệt về hoàn cảnh cũng như kết quả. Chánh phủ có ý định tổ chức chậm lại, sớm lắm là vào mùa thu hoặc qua đầu năm tới, lại xảy ra 3 tháng sau vòng I, ngay mùa dịch vũ hán, cử tri vắng mặt kỷ lục, đảng Xanh thắng cử chiếm nhiều thành phố lớn, truất ngôi Thị trưởng cộng sản từng ngự trị từ hơn ba mươi năm qua, và đảng cầm quyền «Cộng hòa tiến lên» cũng tuột xuống khá nặng.

Đảng Xanh thắng cử vẻ vang và bất ngờ thật. Trước giờ, họ chỉ nắm được một thành phố lớn với 100 000 dân, nay lần đầu tiên trong lịch sử của đảng, họ chiếm được nhiều thanh phố lớn. Lớn hơn 100 000 dân như Bordeaux, Lyon, thành trì của đảng xã hội, Tours, Besançon, Poitiers, Annecy,.Strasbourg,..

Thật ra, sự trổi lên của Phong trào Xanh đã bắt đầu từ cuộc bầu cử Âu châu tháng 5/2019 vì mọi người ngày nay quan tâm cụ thể tới vấn đề môi trường.

Từ những năm 1970, lời đồn đoán về ngày tận thế không còn xa nữa. Tư tưởng vể tận thế và Hội Long Hoa xuất hiện trở thành lý thuyết của phong trào xanh. Hoàn cảnh lich sử tạo thêm điều kiện thuận lợi khi Đệ II Thế chiến kết thúc nhưng ấn tượng vế tang tóc vẫn chưa xóa tan ở mọi người, những cuộc khủng hoảng lại nối tiếp từ năm 1968 (1968 – 1970), sau chiến tranh lạnh và đang xảy ra ngày nay là đại dịch vũ hán. kinh hoàng. Đồng thời xuất hiện những Quốc gia cực đoan và chánh quyền dân túy trên khắp thế giới.

Cổ súy thuyết Xanh, người ta phát họa một thứ thiên đường hạ giời. Nhưng khi thiên đường xuất hiện thì thế giới hiện tại sẽ không còn nữa. Ngày nay, cách lập luận ngược lại, người ta chỉ rao giảng tận thế sẽ không còn lâu. Vậy phải cúu trái đất kẻo nó sụp đổ mất. Vấn đề môi trường trở thành quan trọng chết sống hàng đầu.

Trong kỳ bầu cử vừa qua, Phong trào xanh thắng, giành được nhiều Thị xã vốn của phe xã hội hoặc cộng sản hay các nhóm Tả khác vì tất cả đảng phái củ đang trong tình trạng phà sản, mất lãnh đạo, ý thức hệ lỗi thời. Trước kia, Xanh kết hợp với xã hội và cộng sản thì ngày nay chính hai chánh đảng này chui vào núp bóng Xanh. Xanh trước sau vẫn là thứ dưa hấu, xanh vỏ đỏ lòng !

Cánh Tả luôn luôn tranh đấu để thay đổi ! Khi có điều kiện thì đề nghị thay đổi ? Nhưng thay đổi và làm gì ? Lâm vào bế tắc !  Cánh Tả tầm vóc quốc tế như Đệ Tam Quốc tế còn sụp đổ năm 90 cũng vì không có khả năng mở ra tương lai nên không thể tiếp tục lãnh đạo một nửa thế giới đã cướp được. Còn Đệ Tam ở Pháp, cha đẻ thứ Đệ Tam hồ chí minh ở Việt nam, thì nay chỉ còn vài cái xác khô chờ đem xuống hầm «Catacombe», (1, avenue du Colonel Henri Rol-Tanguy, Paris XIV), cất cùng với hàng triệu bộ xương khác.Như vậy ít ra có chút đóng góp là bán vé cho du khách vào coi, giá 14€ / vé.

Còn đảng cầm quyền «Cộng hòa tiến lên» của ông Tổng thống Macron thì chỉ là thứ đảng «Năm châu họp chợ». Ba năm trước đây, khi ông Emmanuel Macron nói tôi muốn ra tranh cử Tổng thống, ai muốn làm chánh trị cầm quyền, hảy theo tôi. Thế là có nhiều người chưa từng làm phường trưởng, xã trưởng, ….cũng như chính ông, nghe vậy bèn nhảy ra tham gia vận động cho ông. Ông đắc cử, mọi người kết họp lập đảng. Suốt nửa nhiệm kỳ, chánh phủ của ông Tổng thống cai trị bằng cách chạy theo bắt «Con ma nhà họ Hứa». Ông hứa thay đổi sâu rộng : tháng 5/2018, ông sẽ mở ra trang mới ; 290 ngày sau, ông hứa thay đổi phương pháp mới ; 150 ngày sau, ông hứa thay đổi phương pháp mạnh hơn ; 380 ngày sau, ông tuyên bố ta không đi theo nếp củ  : 60 ngày sau, ông nói tình hình đòi hỏi, mỗi người trong chúng ta phải biết sáng tạo ; 22 ngày sau, 5/7/2020, ông tuyên bố vạch ra con đường mới (Le Point, 9/7/2020).

Ngay trong  Quốc hội, đảng giữ được đa số mà nay nhiều đảng viên đã «trống đánh xuôi, kèn thổi ngược», họp nhau thành một khối mới.

Mất đất trong cuộc bầu cử vừa rồi phải là điều tự nhiên !

Nhưng Xanh nào ?    

Trong Phong trào Xanh có một bộ phận không nhỏ theo xu hướng quá khích. Họ chống năng lượng hạt nhơn vì cho rằng hại sức khỏe con người và cả môi trường trong lúc nhiều nhà khoa học quả quyết điện hạt nhơn là sạch hơn hết và giá rẻ hơn các loại năng lượng khác. Cách nói này chỉ là sự tranh chấp dưới bóng quyền lợi của những nhà cung cấp mà thôi.

Nhưng để bảo vệ môi trường mà bài bác sự văn minh vì cho rằng văn minh là xấu và phi luân thì có đúng không ?. Nếu vậy chúng ta phải tự lo liệu cho đời sống của mình ? Những người xanh quá khích cho rằng đời sống nhờ những tiện nghi do năng lượng cung cấp là nguyên nhơn làm tổn hại môi trường. Để tránh, chúng ta phải làm nông dân, đi hái lượm, …. Dẹp nhà máy, bỏ máy bay, đi bộ, đi bằng ngựa, bằng ghe thuyền, đau bịnh, hái lá cây uống,…

Tinh thần trọng sự văn minh, trọng những phát minh mới tiện lợi cho đời sống bắt đầu giảm bớt từ sau Đệ II Thế chiến vì sự hiện đại bị cho là trách nhiệm sự diệt chủng do thái (Auchwitz) và sự tàn sát tập thể người Nhựt ở Hiroshima.

Nhưng có ai nghĩ nếu ngày nay phải trở về nguồn năng lượng của thời xa xưa, đó có phải là một thứ ý muốn phản động không ?

 

 

Quốc Khánh Pháp Trong Mùa Đại Dịch 

Đại dịch vũ hán đã làm đảo lộn mọi trật tự thế giới. Lễ truyền thống 14-7 của Pháp năm nay vẫn diễn ra nhưng trong khuôn khổ giới hạn tối đa. Đây là lần đầu tiên từ năm 1880, ngày lễ 14-7 chánh thức ban hành.

Lễ 14-7 hay Quốc khánh hằng năm cử hành trọng thể vì nó tượng  trưng sự thống nhứt dân tộc, lịch sử và những giá trị lớn của đất nước. Lễ được cử hành theo truyền thống bằng một cuộc diễn binh lớn trên đại lộ Champs-Élysée, trước Tổng thống, trước nhiều quan khách và đông đảo dân chúng đầy hào hứng.  Vì ảnh hưởng đại dịch vũ hán, lễ 14-7 năm nay thay đổi, nhẹ về hình thức, tập trung vào ý nghĩa vinh danh đội ngũ y tế, dân sự và quân sự, đã tận tình vì thiên chức, quên mình trước nguy hiểm chết người, lao mình vào việc chữa bịnh dịch Covid-19 cực kỳ nguy hiểm để cúu mạng người..

Hằng năm, lễ diễn ra rầm rộ trên suốt chiều dài đại lộ Champs-Elysée, năm nay diễn ra tại Công trường La Concorde, với diễn binh đi bộ vòng quanh và máy bay quân sự biểu diễn trên nền trời, nhả khói 3 màu đỏ, trắng, xanh. Không có cơ giới, không có chiến xa và đủ các binh chủng, cả sinh viên võ bị hay cảnh sát,…Trong số 2500 quan khách tham dự, có 1400 giới chức y tế trên khán đài, cho thấy tầm quan trọng của ý nghĩa Quốc khánh năm nay. Quân đội chỉ có 2000 người.

Tại lễ đài, ông Tổng thống Macron ca ngợi sự nghiệp Tướng De Gaulle, người của ngày 18-6, gương mặt lớn của lịch sử nước Pháp, người sáng lập nền Đệ V Cộng hòa, còn để lại đậm nét dấu ấn cho dân tộc Pháp ngày nay.

Vài nét lịch sử ngày 14-7

Lễ 14-7 ngày nay cử hành hàng năm chánh thức ra đời ngày 14-7 năm 1880. Và diễn binh ngày lễ trở thanh một định chế. Lễ 14-7 năm 1919, các Thống chế Foch, Joffre và Pétain cùng diễn hành bằng ngựa trên đại lộ Champs-Élysée, đi ngang qua dưới Khải Hoàn môn (Arc de Triomphe), để chào mừng chiến thắng Đệ I Thế chiến trước đó vài tháng.

Lễ 14-7 chỉ gián đọan trong Đệ II Thế chiến, sau đó tiếp tục cho đến ngày nay, với vài thêm thắc nhỏ theo sáng kiến của các ông Tổng thống như Giscard d’Estaing, François Mitterrand.

Diễn binh vẫn là mục quan trọng của chương trình lễ. Thường, binh chủng lê-dương kết thúc mục diễn binh, với những lính già, râu rìa xồm xàm, quần áo rộng thùng thình với tạp-dề da đánh bóng, đi chậm chạp trong lúc lính các binh chủng khác phải cạo râu láng bóng, áo quần tươm tất..

Ngày 14-7 năm 1789 trong ký ức mọi người vẫn là ngày Quốc khánh. Ngày đó, Paris sôi động. Để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng, nhà vua tập họp Quốc dân Đại hội gồm đại diện Quí tộc, Tăng lữ và Thứ dân (Tiers-état).

Thứ dân đòi hỏi một cải tổ sâu rộng các cơ chế quốc gia, và qua ngày 9-7, công bố Quốc hội lập hiến. Sáng kiến này làm nhà vua lo ngại nên ông cho lực lượng quân đội tiến tới gần điện Versailles. Có tin đồn quân hoàng gia chuẩn bị vào Paris để bắt các Dân biểu.  Ông Camille Desmoulins đứng trên một cái thùng cao, lớn tiếng  kêu gọi mọi người hãy biểu lộ cụ thể lòng yêu nước của mình. Ông xách động quần chúng phản ứng.

Sáng ngày 14-7, dân Paris nổi giận, kéo nhau tới Invalides tìm võ khí, rồi qua Bastille tìm đạn dược. Sau một ngày xung đột đẩm máu, dân Paris chiếm được Bastille. Họ giải thoát cho 7 tù nhơn tất cả, gồm 4 trộm cướp, 2 người điên và một quí tộc được gia đình gởi, thay vì đưa vào nhà thương tâm thần do bịnh chơi bời trụy lạc quá mức.

Thế là dân Paris làm cách mạng thành công, hạ được ngục Bastille, tượng trưng Đế chế độc tài. Ngày 14-7 trở thành ngày đánh dấu Tự do.  Cách mạng khoan hồng, trả tự do cho một Công tước bị giam trong ngục 32 năm, sống lỏa thể. Được tin, dân chúng kéo tới coi cho biết mặt tù nhơn phi thường và cát-sô nơi nhốt tù nhơn của bạo chúa. Nhưng đây chỉ là sáng tác của nhơn dân cách mạng để cho việc phá ngục Bastille có mùi vị cách mạng!

Nhưng lễ 14-7 hằng năm lại thật sự không phài là ngày tưởng niệm ngày 14-7 năm 1789. Trái lại, 14-7 tưởng niệm một ngày khác ít người biết, ngày 14-7 năm 1790 mà sách giáo khoa đều dạy. Đó là ngày lễ kỷ niệm sự ra đời Liên bang các Tỉnh, Vùng, các đơn vị Dân quân do phản ứng về sự suy yếu của chánh quyền trung ương.

Nhưng trong hơn một thế kỷ, lễ 14-7 không được cử hành. Đến năm 1880, 14-7 mới được nhắc lại dưới nền Đệ III Cộng hòa.

14-7 năm 1789 thật sự là ngày Cách mạng thành công nhưng bị một số Dân biểu không đồng ý vì cho rằng ngày đó làm đổ máu và nước mắt quá nhiều vô ích của đồng bào nên ngày 14-7 năm 1790 được nhiều người đồng ý và chọn.

Ngày này, người ta làm lễ khai mạc bức tượng vừa được dựng lên tại Công trường Cộng hòa, nơi mà  ngày nay, cũng như ở Công trường Bastille, mỗi khi biểu tình, các đảng phái, các  nghiệp đoàn phe Tả, đều chọn làm nơi  tập họp.

Cờ tam sắc của Pháp thuộc phe Tả hay Hũu?

Cờ quốc gia Pháp ngày nay ra đời từ thời cách mạng và được Napoléon chọn. Nó thường bị cánh Hữu hoặc cánh Tả giành là của mình.

Ngay từ đầu, cờ có 3 màu như ta biết. Tại sao  màu Xanh, Trắng, Đỏ? Nó có ý nghĩa gì? Cỏ May tôi chợt nhớ lúc thi vấn đáp môn sử địa bằng Brevet (Trung Học Đệ  I Cấp) bị giám khảo là một bà đầm hỏi «Ý nghĩa 3 màu của là cờ?». Bí, bèn trả lời đại «Ý nói Tự do, Bình đẳng, Hữu nghị». Bà giám khảo cười, chắc biết thí sinh này nói cương.

Theo lịch sử thì màu Xanh và màu Đỏ là màu của thành phố Paris từ thế kỷ XIV. Còn màu Trắng là màu chiếc lông chim cày trên nón của nhà vua từ vua Henri IV lúc ra trận. Người ta còn nhớ lệnh truyện của nhà vua «Tất cả hảy đi theo chiếc lông màu trắng trên nón của ta». Từ đây màu trắng trở thành màu của nhà vua Pháp.

Nhưng dưới thời Cách mạng, người ta chọn màu Đỏ nổi bật vì màu Đỏ tượng trưng cho Tự do. Đồng thời, người ta cũng chuộng màu Xanh và Đỏ, như quấn khăn hay mang phù hiệu đỏ, xanh,  màu của thành phố Paris nơi nổi lên Cách mạng.  Nhà vua vẫn còn ngự trị cho tới khi nên Cộng hòa ra đời năm 1792 nên 3 màu «Xanh, Trắng, Đỏ» là màu của nhà vua Pháp. Tháng 7 năm 1789, vua Louis XVI quấn khăn màu Xanh, Trắng, Đỏ để tượng trưng sự thống nhứt nhà vua với quốc dân. Và các sĩ quan được khuyến khích choàng khăn quàng cổ 3 màu cờ khi làm việc. Và sau cùng Quốc hội thông qua là quốc kỳ như ngày nay luu hành.

Nền Cộng hòa, để bắt rễ, giữ cờ làm quốc kỳ, bản Marseilleise làm quốc ca và cô gái Marianne làm biểu tượng cho Tự do.

Marianne phơi ngực, đưa vú ra, tay cầm quốc kỳ phất lên hô hào tranh đấu cho Tự do được danh họa Delacroix làm cho trở thành bất tử bằng bức tranh ngày nay in trên tờ giấy bạc của Pháp.

Tổng thống Macron trả lời TV

Kết thúc buổi lễ, đội ngũ y tá, trong màu áo trắng, diễn hành. Người tham dự lễ, dân chúng đứng bên ngoài, đều đồng loạt vỗ tay thật lớn, thật lâu, để hoan nghênh và tỏ lòng ngưỡng mộ, trong lúc đó một lá cờ tam sắc thật lớn được trải rộng ra ở Công trường La Concorde để chào mừng!

Tiếp theo, ông Tổng thống Macron trả lời TV phỏng vấn. Là cơ hội để ông trình bày những nét chánh của «con đường mới» của ông sẽ áp dụng trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ 5 năm của ông để kích thích đất nước phát triển: đại dịch đợt II, nhập học, thuế,…

Ngoài việc quan tâm đặc biệt đại dịch tái phát đợt II, ông nói về kế hoạch phục hồi kinh tế của ông dự bị vào tháng 9.

Bà  Florence Parly, Tổng trưởng Quân lực, nhận xét nội dung trả lời phỏng vần trên TV của ông Tổng thống: «Nước Pháp của chúng ta, cũng như nhiều nước khác, đã trải qua một cuộc khủng hoảng đặc biệt ….Dĩ nhiên ông Tổng thống muốn chia sẻ với toàn dân những việc ưu tiên và những quan tâm của mình về hai năm tới còn lại».

Quốc khánh năm nay tổ chức thu hẹp vì tình hình đại dịch vũ hán nên chỉ diễn ra chung quanh Công trường «La Concorde» mà thôi. Không biết đây thật sự là một chọn lựa vì đề phòng bịnh dịch như đã nói hay có ý khác hơn, là mong muốn, sau hè, nước Pháp, Chánh phủ sẽ thực hiện được sự hòa hợp tốt đẹp mà từ lâu nay không có?