Tập San Tân Ðại Việt – Số 7/2019 Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Ðại Việt – Số 7/2019 Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục Lục

Lê Minh Nguyên: Hong Kong: Bà La Sát nuốt Tôn Hành Giả

Hoàng Đình Khuê: Những Chuyện Chưa Biết về GS Nguyễn Ngọc Huy

Đằng Phương:
– Anh hùng vô danh
– Nhớ thuở tung hoành
– Quyết sống
– Hai ngã

Trần Nguyên: Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Một Cuộc Đời “Hiếm Có”?

Hiệu Minh: Nhân trị, Pháp trị hay Kỹ trị

Phan Văn Song:
– Chừng nào dân Việt ta hết tự nguyện làm nô lệ?
– Hong Kong  tranh đấu vì Nhân Quyền! Việt Nam phải tranh đấu vì Dân Tộc!

Nguyễn Nhơn: Hãy Tự lực, Đừng buông tay Phú thác

Trọng Đạt: Nước Mỹ Một siêu cường duy nhất

Trần Nguyên: Giải mã: Mỹ “vô hiệu hóa” được mối đe dọa từ Bắc Hàn?

Thanh Thủy:
– Tham luận 134 Hiệu Quả Ra Sao Của Một Lời Nói
– Tham luận 135 Tổng thống Mỹ Donald Trump Và Những Người Tiền Nhiệm
– Tham luận 136 Tổng Thống Donald Trump và Những Đòn Trấn Áp Đối Phương

Đằng Phương: Giã bạn lên đường

Nguyễn Thị Cỏ May:
– Bí Mật Nhà Nước
– Tiếng Vỗ Tay Ca Ngợi Tội Ác

Tuong Vu: Hồi tưởng về nền Đệ Nhị Cộng hòa của Nam Việt Nam (19 67-75)

Việt Linh:  Những Bức Mật Điện… được giải mã

Vũ Linh: Các Tổng Thống Mỹ Và Việt Nam (Phần III)

Từ Thức: Lu

 

 

Hong Kong: Bà La Sát nuốt Tôn Hành Giả  –  Lê Minh Nguyên

GS Nguyễn Ngọc Huy khi còn sinh tiền ông thường ví việc Trung Quốc sáp nhập Hong Kong giống như việc bà La Sát nuốt Tôn Hành Giả, khi Hong Kong đã vào trong bụng Trung Quốc thì sẽ không bao giờ để TQ yên trong độc tài và cuối cùng TQ phải chịu thua Hong Kong khi phong trào dân chủ, không phải xuống đường ở Hong Kong, mà là ở Bắc Kinh bởi sinh viên và quần chúng, nhận được nguồn cảm hứng từ các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong.

GS Huy mất ngày 28/7/1990, Hong Kong được trả về cho TQ năm 1997, tức bảy năm sau khi GS Huy qua đời. GS Huy không chứng kiến được ngày Hong Kong bị trả về cho TQ nhưng viễn kiến chính trị của ông thì đi trước nhiều thập niên, bởi vì chính trị và địa chính trị có những quy luật riêng của nó mà con người chỉ có khả năng hoạt động, tạo động tính ở bên trong.

GS Huy am tường các quy luật này và mơ ước của ông là Việt Nam có được một chế độ dân chủ pháp trị, sau đó ông sẽ rời chính trường, dành thời gian để viết ra những ưu-khuyết điểm của dân tộc và đất nước ta, giúp các thế hệ đi sau tránh những sai lầm và đưa dân tộc vượt qua cơn bất hạnh.

Trong truyện Tây Du Ký, thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh Tây Phương Phật, gặp Hỏa Diệm sơn chắn đường nên muốn mượn quạt Ba tiêu của bà La Sát, vợ của Ngưu Ma Vương. Nhưng Tôn Hành Giả đã từng bắt Hồng Hài Nhi con bà La Sát nạp cho Quan Âm làm đồng tử, nên bà La Sát còn căm thù, đánh với THGiả và dùng quạt Ba tiêu quạt một cái, thổi THGiả bay xa năm ngàn dặm đến núi Tiểu tu di. Ở đó THGiả gặp Linh Kiết Bồ Tát tặng cho THGiả một huờn thuốc Ðịnh phong, để nếu bị quạt thì không bay. Linh Kiết Bồ Tát xẽ bâu áo THGiả để huờn thuốc vào và may lại.

THGiả trở lại gặp bà La Sát, bà đánh và quạt đến ba lần nhưng THGiả vẫn trơ trơ, bà sợ chạy vào hang núi và đóng cửa động. THGiả hóa ra con bồ hong bay vào động, thấy bà La Sát khát nuớc và a huờn rót một chén trà đem ra. THGiả thừa dịp bay vào chén, nằm trong bọt, bà La Sát uống vào bụng. THGiả hiện hình nhỏ, rút thiết bảng nhảy múa trong lục phủ ngủ tạng, đạp xuống ruột, phóng lên tim làm bà La Sát đau hoằn hoại và phải năn nỉ chịu thua.

Sắp tới đây của mùa hè 2019, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ có một hội nghị kín hàng năm ở bờ biển Bắc Đới Hà (Beidaihe) và họ sẽ bàn về Hong Kong và thương chiến Mỹ-Trung. Thương chiến đang khiến cho kinh tế TQ chậm lại, gây tranh cãi trong nội bộ đảng giữa hai phe: phe bảo thủ không muốn thay đổi cơ cấu của chế độ và phe ôn hoà muốn thay đổi hệ thống luật pháp TQ và các vấn đề cơ cấu mà Hoa Kỳ đòi hỏi.

Hong Kong đang làm cho đảng CSTQ lo sợ, không phải họ lo sợ người biểu tình ở Hong Kong, mà là lo sợ người biểu tình ở Bắc Kinh khi họ nhận được nguồn cảm hứng từ nhiều triệu người xuống đường ở Hong Kong để hình thành một Thiên An Môn 2, với nhiều kinh nghiệm hơn, khôn ngoan hơn, phương tiện truyền thông đầy đủ hơn và dễ thành công hơn.

Hong Kong đã có truyền thống dân chủ cả trăm năm, với các nhân quyền căn bản khi sinh ra người dân đã có, nên họ không thể chấp nhận để mất đi, khác với Việt Nam mà đảng CS đã tướt đoạt từ 3/4 thế kỷ, người dân sinh ra không có được nên còn mơ hồ về quyền làm nguời hơn dân Hong Kong.

Hong Kong có khoảng 7.2 triệu dân sống trên mãnh đất 1,108 km2, hơi lớn hơn Singapore (719 km2) một chút, nhưng có tổng sản lượng khoảng 341 tỷ đôla (so với Việt Nam khoảng 220 tỷ đôla). Hong Kong vừa là trung tâm tài chánh của thế giới vừa là cửa ngõ cho TQ buôn bán với bên ngoài.

Dân Hong Kong đã có một ý thức trách nhiệm cao về dân chủ và các nét văn minh của nó. Họ nhặt rác và làm sạch đường phố sau khi biểu tình, chuẩn bị chu đáo hệ thống thông tin và hỗ trợ trước khi biểu tình, dùng dù để che chắn sự tấn công của cảnh sát hay công an giả dạng côn đồ, dùng các chai nước uống mang theo để vô hiệu hoá các lựu đạn cay của cánh sát bắn. Khi có người bị thương hay bị bệnh, họ tuy biểu tình dày đặc không còn chổ trống, nhưng như thánh Moses tách nước biển ra làm đôi để cứu đoàn người Do Thái, họ tự động tách ra làm đôi để nhường đường cho xe cứu thương.

Dân Hong Kong nhận chân ra mối đe doạ cho tự do của họ và họ quyết tâm bảo vệ. Điều này đặt TQ vào thế tiến thối lưỡng nan. Nếu tiến tới để đàn áp thì Hong Kong không phải là Tân Cương, không thể lập

trại tập trung cho nhiều triệu người và thế giới sẽ cô lập, cho dù Hoa Kỳ có làm ngơ (http://bit.ly/2GEnoiX) và TQ muốn Hoa Kỳ không dính dự vào (https://reut.rs/2Z8jdTJ), nó sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược Vành Đai Con Đường của TQ đang xây trên thế giới. Nếu TQ lùi thì làn sóng dân chủ sẽ tràn vào Hoa lục và chế độ độc tài độc đảng sẽ sụp đổ.

Hong Kong là thử thách sống còn của chế độ CSTQ, dĩ nhiên CSTQ không muốn cuộc hội nhập này bị thất bại (http://bit.ly/2ZaUE8o), bởi vì đây là thí điểm đầu tiên để họ đi bước kế tiếp là Đài Loan. Nếu thất bại thì chẳng những Đài Loan sẽ không trở về với CSTQ mà ngay cả chế độ CSTQ cũng có cơ để sụp đổ. Cho nên, một mặt CSTQ muốn Hoa Kỳ đứng tránh qua một bên, một mặt họ lên kế hoạch đàn áp nguội, họ là đàn anh của Cộng Sản Việt Nam nên anh em CS cùng một giuộc, giỡ chiêu công an giả dạng côn đồ (http://bit.ly/2Z5yRPG) để đàn áp và cho cán bộ len lõi giả dạng người biểu tình để đập phá công sở và có hành động bạo lực, dùng hình ảnh này làm chính danh cho các đàn áp sau đó.

Nhưng như bà Melinda Liu trên Foreign Policy nhận xét, Hong Kong đang trở thành một Tây Bá Linh trong bước khởi đầu của Chiến Tranh Lạnh TQ-Phương Tây (http://bit.ly/2Gro1w1). Nếu bức tường Bá Linh sụp đổ tạo hiệu ứng domino ở Đông Âu rồi chạy đến cái nôi Liên Sô thì Hong Kong trước sau gì cũng tạo hiệu ứng domino đến Thượng Hải và chạy đến thủ phủ Bắc Kinh.

Như GS Nguyễn Ngọc Huy đã nhận xét từ bốn thập niên trước đây, TQ nuốt Hong Kong như bà La Sát nuốt Tôn Hành Giả, Hong Kong đang quậy TQ từ trong bụng và TQ đang quằn quại trong cơn đau. Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ là một màn đấm đá nội bộ trong cơn đau bụng này. Cuối cùng CSTQ sẽ phải thua và khó mà tránh khỏi sự sụp đổ, khi các biện pháp đàn áp không thành công, máu đổ, dân chúng phẩn nộ, làn sóng biểu tình như các lượn sóng thần tràn vào Hoa lục cuốn trôi đi chế độ, trả về cho lịch sử và gia đình của những nạn nhân bị thảm sát ở Thiên An Môn.

Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy

Lê Minh Nguyên

24/7/2019

 

Lễ Giỗ Lần Thứ 29 

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên

Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất!

-Anh Hùng Vô Danh

 

Một trong các đặc tính quan trọng của Dân Chủ Pháp Trị là luật pháp đứng trên con người.

Luật Sư Trần Lâm ở Việt Nam, đã qua đời năm 2014, ông cũng từng là Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao trong chế độ Cộng Sản. Khi trao đổi trên truyền thông với LS Trần Thanh Hiệp ở Paris, ông nói Việt Nam là nhân trị, con người đứng trên luật pháp.

Hàn Phi Tử nói rằng Nghiêu-Thuấn hay Kiệt-Trụ thì ngàn đời mới có một người. Nếu bỏ luật pháp mà ngồi chờ Nghiêu-Thuấn đến thì ngàn đời loạn mới có một đời trị. Nếu dùng luật pháp mà chờ Kiệt-Trụ đến thì ngàn đời trị mới có một đời loạn.

Để tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sau 29 năm ngày ông qua đời 28/7/1990 tại Paris, Pháp quốc. Đảng Tân Đại Việt kính mời quý vị tham dự buổi Lễ Tuởng Niệm, trình chiếu slide show về cuộc đời tranh đấu của ông, cùng trình bày về các công trình tư tưởng của ông như Dân Chủ Pháp Trị và Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, được tổ chức

Ngày Chủ Nhật 28 Tháng 7 Năm 2019
Từ 1:30PM đến 4:30PM
Tại hội trường thành phố Westminster
8200 Westminster Blvd.
Westminster, CA 92683

Sự tham dự của quý vị để tưởng nhớ một nhà tranh đấu đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước và đã ngã gục trên con đường tìm tự do dân chủ cho Việt Nam sẽ giúp nung đúc ngọn lửa đấu tranh, duy trì sự tỉnh thức và rút ngắn tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Trân trọng kính mời.

Những Chuyện Chưa Biết về GS Nguyễn Ngọc Huy –  Hoàng Đình Khuê

Nhân dịp Lễ Tưởng Niệm lần 29 Cố GS Nguyễn Ngọc Huy (2/11/1924 – 28/7/1990), chúng tôi xin kể lại những chuyện chưa hề biết về thời thơ ấu của GS Nguyễn Ngọc Huy mà tôi có may mắn được nghe kể lại từ môt người anh em Bạn Dì với GS Huy, là GS Liêng Khắc Văn trong chuyến công tác ở Úc Châu.
GS Liêng Khắc Văn là một nhân sĩ nổi tiếng trong Cộng đồng Sydney/ Úc Châu. Ông là cựu học sinh trường Petrus Ký, được theo học Chương trình Viện trợ Colombo của Chánh phủ Úc và  kẹt lại bên Úc trong biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

GS Liêng Khắc Văn & Hoàng Kim

Căn Nhà “Thung Lũng Hoa Vàng”

 

GS Liêng Khắc Văn năm nay cũng khoảng 80, một người hiền hậu bình dân, yêu văn thơ và bạn bè. Cả hai vợ chồng đã nghỉ hưu và làm chủ một căn nhà rất đặc biệt ở ngay trung tâm Sydney
Sở dĩ nói đặc biệt vì đây là ngôi nhà nghỉ hè (Vacation home) thường xuyên bỏ trống, chỉ dùng để tiếp khách và bạn bè từ xa đến hay những buổi họp mặt các thân hữu như cựu học sinh Petrus Ký hoặc các buổi văn nghệ như Ra Mắt Sách…Đây cũng là trung tâm của Đảng TĐV và LMDCVN Úc Châu.
Căn nhà này nằm trong một thung lũng rậm rạp, phía sau là một cảnh trí đầy lãng mạn quyến rủ gồm có cây cối, lá rừng và một con suối thiên nhiên thông ra sông trông rất thơ mộng nên thơ, cho nên chủ nhân mới đặt tên là “Thung Lũng Hoa Vàng”, 28 Reverview Rd, Fairfield NSW 2165- Australia.

Hôm đó vào ngày đẹp trời, vợ chồng GS Liêng Khắc Văn có mời ACE Tân Đại Việt và LMDCVN đến tham dự buổi Ra Mắt Sách do GS Văn và bạn bè biên soạn; đồng thời chủ nhân cũng muốn tiết lộ một câu chuyện mà ít người biết về thời thơ ấu của vị Đảng trưởng Đ/TĐV và LMDCVN.

–  GS Nguyễn Ngọc Huy quê ở Tân Uyên/ Biên Hòa, trong một gia đình 10 ACE. GS Huy thứ 9 chứ không phải thứ 3 và người Em thứ 10 là cô Út Uyên.

Không may trong gia đình có cái “Huông” hễ sanh Con Trai là người đó chết yểu, mà người ta nói đó là giờ “Sát”, chẳng hạn anh Hai, anh Tư, anh Bảy, anh Tám đều chết, còn chị Ba, chị Năm, chị Sáu thì sống. Cho đến khi sinh GS Huy là Con Trai thứ Chín thì gia đình rất lo sợ mới đi chùa chiềng, cầu khẩn thầy Bùa, thầy Pháp …thì được mách là phải đổi ra người Nữ để tránh tai mắt của Thần Thánh.
Theo tục lệ và mê tín dị đoan của người xưa nhất là ở miệt quê, thì trường hợp này gọi là
“Xấu Hái” (đến giờ phút này NV cũng chưa bao giờ nghe nói danh từ này?).

Những người sinh vào giờ “Sát” rất khó nuôi. Theo người xưa truyền miệng đứa trẻ từ lúc sinh ra đến 12 tuổi phải có Cô Mụ đỡ đầu cho đến khi được 13 tuổi thì đứa trẻ qua được cõi chết và có thể trở về với gia đình.
Cho nên để tránh dối gạt Thần Linh, người Nam phải có cuộc sống như người Nữ, nghĩa là phải mang tên Nữ, phải mặc áo quần như Nữ, xỏ lỗ tai, mang kiềng ở cổ chân…và nhất là đem bán cho gia đình khác nuôi.

 

Hàng dưới,Từ trái qua Phải: Người thứ 2 là Cậu Sáu nuôi GS Huy (khăn đống Áo dài) – Người thứ 3 là Dì Hai (thân mẫu GS Huy) – Hàng trên,Từ Trái qua Phải: Người thứ 1 là ông Phạm Văn Vang, Áo trắng (anh rễ GS Huy)

Do đó gia đình mới gởi GS Huy cho Dì Sáu và Cậu Sáu nhận làm con nuôi.

Gia đình bên Ngoại sống ở làng Tân Hòa, Tân Khánh/ Biên Hòa. Hai làng này nổi tiếng giỏi Võ.
Các thanh niên, nam nữ giỏi võ như các thanh niên ở Quy Nhơn, Bình Định.

Có một dạo người Pháp cấm hai làng Tân Hòa, Tân Khánh không được dạy võ.

GS Huy sống với gia đình Dì Sáu và học hành ngoan ngoản. Khi được nghỉ học hay nghỉ hè, GS đi bộ khoảng 20 cây số từ Tân Hòa về Tân Uyên thăm gia đình. GS Huy phải vượt qua sông Đồng Nai, qua bến đò Bà Triệu tới làng Tân Huệ, làng Bình Thạnh rồi mới về Tân Uyên.

Kế bên là làng Bình Thạnh có hai ấp là ấp Lò Thổi và ấp Cây Đào.

Ông Cố của GS Huy là Cụ Trần Văn Thuẩn, một thợ rèn nổi tiếng ở ấp Lò Thổi. Ông đã dạy dân làng ở hai ấp nghề rèn và từ đó dân Biên Hòa nổi tiếng về nghề rèn.

Ông Ngoại của GS Huy là Cụ Trần Văn Thỉnh, biệt danh là Trần Minh Đức, một nhà Nho nổi tiếng và cũng là nhà Nho cuối cùng của miền Nam.

Lúc bấy giờ GS Huy mới 9 tuổi, lúc rảnh rỗi GS Huy thường đứng bên ngoài nghe ông Ngoại dạy chữ Nho. Thấy cháu ngoại thông minh và hiếu học cho nên ông Ngoại Trần Minh Đức đã truyền hết kho chữ Nho cho đứa cháu ngoại. Sau này GS Huy có biệt hiệu là “Ông Đồ mặc âu phục”.

Trong tổ chức TĐV có hai vị rất giỏi chữ Nho, đó là GS Huy và Thầy Bảy, tên là Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân, còn gọi là Bảy Bớp.

Có thể nói nếu GS Huy xuất sắc khi thuyết trình cho các thành phần trí thức, có học hay hàng sĩ quan cao cấp thì Thầy Bảy lại hấp dẫn với giới bình dân.

Thầy Bảy đã từng thành công khi sáng lập tôn giáo “Tổ Tiên Chánh Giáo Đại Đạo Sinh Tồn “ và
qui tụ được một số đông tín đồ mà có một thời được coi là tổ chức ngoại vi của Đảng Tân Đại Việt.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là Lễ Tưởng Niệm lần thứ 29 cố GS Nguyễn Ngọc Huy, chúng tôi xin kính cẩn thắp nén hương lòng để tưởng nhớ vị lãnh tụ Đảng TĐV, một nhà Ái quốc suốt đời tranh đấu cho một đất nước Việt Nam Tự do Nhân quyền và Dân chủ Pháp trị, nhưng tiếc thay!

Xin Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ cho đất nước Việt Nam sớm thoát khỏi chế độ cộng sản độc tài toàn trị.

Ngày 28 tháng 7 năm 2019

Lễ Tưởng niệm GS Nguyễn Ngọc Huy.

Thơ Đằng Phương:

 

Anh hùng vô danh

(Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc)

 

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

 

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước

Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu

Và làm cho những đất cát hoang vu

Biến thành một giải sơn hà gấm vóc

 

Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,

Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn

Ðể âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn

Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng

 

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giầy của những kẻ xăm lăng,

Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân

Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,

 

Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,

Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan,

Người thất cơ đành thịt nát xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

 

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,

Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà

Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối

 

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

 

Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,

Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

 

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.

Và anh hồn chung với tấm tinh trung

Ðã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.

 

Nhớ thuở tung hoành

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ

Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa

(Thế Lữ)

Đang vui sống thảnh thơi ngoài ánh sáng

Bỗng lọt vào trong bóng tối âm u,

Hồn nước Việt giữa ưu sầu chĩu nặng,

Mãi căm hờn nhớ tiếc quãng đời xưa.

Nào đâu thuở vung gươm xua giặc Bắc

Quét sạch quân cường địch đến xăm lăng?

Và đâu thuở phá núi rừng dầy đặc

Tiến về Nam, mở rộng cảnh giang san?

Nào đâu thuở lẫy lùng xây nghiệp bá,

Khắp phương Nam Đông Á mặc tung hoành?

Và đâu thuở quốc kỳ bay khắp ngã

Tiếng âu ca vang dậy khắp đô thành?

Ôi! Đời sống vẻ vang oanh liệt cũ

Mãi hiện về như một giấc mơ tươi.

Nó khiêu gợi biết bao nhiêu thống khổ

Và khơi sâu niềm uất hận khôn nguôi!

Nghe hồn nước mãi than van thảm thiết

Thử hỏi ai không xúc động tâm tình?

Bởi cớ đó cả toàn dân giống Việt

Trong lửa binh thảy quả quyết băng mình.

Họ đã nguyện nắm tay nhau chiến đấu

Cho đến ngày thấy lại ánh vinh quang,

Dù có phải lấy núi xương sông máu

Đắp tự do độc lập cũng không màng.

Hỡi hồn nước mãi ngậm ngùi than thở!

Giống Lạc Hồng đang cố gắng hy sinh

Để khôi phục những ngày vui rực rở,

Hãy an lòng chờ đợi ánh bình minh.

 

 

Quyết sống

« Tặng hai anh Thành và Nhân, những người đã dắt tay tôi đưa tôi vào nẻo sống »

Những người sống là những người tranh đấu

(Victor Hugo)

Những người sống là những người biết sống;

Là những người không chịu đứng khoanh tay

Phó đời mình cho cuộc thế dần xoay;

Là những người không để ngày mình trống,

Không để thân mình lạc theo luồn sóng

Trôi chập chờn như những bóng trong đêm,

Không cam tâm nhắm mắt chẳng trông tìm

Ðể mãn kiếp đóng vai tuồng thụ động.

Những người sống là những người biết sống:

Là những người luôn trông xét nghĩ suy

Ðể tự mình vạch lấy lối mình đi;

Là những người biết phụng thờ lý tưởng,

Biết say mê một cuộc đời cao thượng;

Là những người hiểu nghĩa vụ làm người

Và suốt đời cố gắng mãi không thôi

Ðể tiến đến những cảnh trời cao rộng.

Những người sống là những người dám sống:

Là những người không biết sợ gian nguy,

Không cúi đầu khuất phục trước quyền uy,

Không vì cớ khókhăn mà trở bước,

Mà nép mình nằm trong vòng bó buộc

Của một cuộc đời chật hẹp nhỏ nhen;

Là những người không chịu sống ươn hèn,

Sống thừa thải, qua ngày, không triển vọng.

 

 

 

 

 

 

 

Những người sống là những người dám sống:

Là những người luôn dũng cảm hiên ngang

Dương đầu cùng những trở lực chắn ngang;

Là những người không hề màng vất vả,

Nhắm mục đích thiêng liêng và cao cả

Tiến theo đường đã định mãi không thôi,

Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời

Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động.

Những người sống là những người quyết sống:

Là những người nhất định ở tiền khu,

Lãnh vai tuồng vén ngút, quét mây mù

Và phá lối mở đường cho cả nước,

Ðể tiếp tục công nghiệp người lớp trước,

Ðể bảo toàn đời sống kẻ sinh sau;

Là những người khinh khổ cực đớn đau

Dám liều mạng hy sinh cho nòi giống

Vì quyết sống không phải là tham sống,

Không phải là cố bám lấy cuc đời,

Chỉ cốt cho khỏi phải chết mà thôi,

Cam chịu cả kiếp tôi đòi nô lệ;

Vì quyết sống không phải là ích kỷ,

Không phải là chỉ nghĩ đến riêng mình,

Không phải là khiếp nhược, chịu thu hình

Chịu lôi cuốn theo dòng, không trả chống.

Những người sống là những người biết sống,

Là những người dám sống ra hồn người,

Là những người quyết sống, bạn lòng ơi

Mà Quyết Sống có nghĩa là Tranh Ðấu!

Hai ngã

« Tặng bạn Hoài Sơn »

Lúc trận phong ba mới bắt đầu,

Anh em tuy đã cách xa nhau.

Nhưng lòng tin tưởng còn như một,

Nhìn thấy non sông dưới một màu.

Người ở quê nhà kẻ tiến kinh,

Nhưng khi cát bụi dậy bên mình,

Cùng theo một ngọn cờ tranh đấu

Hăng hái xông vào chốn lửa binh.

Vì cuộc giao phong cứ kéo dài,

Nên trong chinh chiến mãi chen vai,

Một ngày tạm nghỉ dò thăm lối

Mới thấy con đường đã rẽ hai.

Và giữa thời tranh đấu mãi mê,

Người quay hướng Sở, kẻ trông Tế,

Cho nên đã lạc về hai ngã

Tuy vẫn còn chung một nguyện thề.

Không thể cùng nhau tỏ khúc nôi

Vì người gốc bể kẻ chân trời,

Thôi cùng tiến mãi về hai lối

Đợi lúc thành công sẽ giải lời.

Chỉ ước mong rằng kẻ sống xa

Vẫn còn tin ỏ tấm lòng ta,

Và không vội để lời than vãn:

Ấm lạnh hai cành ý đã chia!

Vì dẫu đang đi khác nẻo đường,

Ta cùng lo phụng sự quê hương.

Ngày mai mới biết trong hai ngã

Đâu đã đem về được ánh dương.

Em cứ đường em, anh ngã anh,

Miễn sao chung một ý chân thành,

Ta cùng bền chí lo tranh đấu

Đến lúc san hà rạng vẻ thanh.

 

Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Một Cuộc Đời “Hiếm Có”?  –  Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời vào ngày 28 tháng 7, 1990 bước đường hoạt động tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ tự do thực sự. Từ đó đến nay đã trải qua 29 năm, cứ đến độ hè về vào cuối tháng bảy hàng năm đều có lễ giỗ tưởng niệm đến Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Chính sự kiện khác thường này cho thấy hậu thế không muốn quên một nhân vật đặc biệt trong lịch sử VN. Thực vậy sự ra đi vĩnh viễn của Gs Huy để lại biết bao nhiêu thương tiếc thực sự cho những người còn lại.

Điển hình năm nay có 2 buổi lễ tưởng niệm được chính thức tổ chức tại Úc và tại Mỹ:

1) Ngày Chủ Nhật 28-07-2019 từ 1:30pm đến 4:30pm

Tại Trung Tâm Văn Hoá & Sinh Hoạt Cộng Đồng VN

6-8 Bibby Place, Bonnyrigg NSW 2177

2) Ngày Chủ Nhật 28-07-2019 từ 1:30pm đến 4:30pm

Tại hội trường thành phố Westminster

8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683

I/ Bất ngờ

Mới đây, vào ngày 14 tháng 7, phía anh em chúng tôi bất ngờ nhận được từ trưởng nữ của Giáo sư Huy – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thúy Tần – một phóng ảnh chụp lá thư chia buồn và vinh danh của Tổng Thống Mỹ George Bush (còn được gọi là “Bush cha”)

Trong lá thư “chính gốc” này, TT George Bush lên tiếng ca ngợi Giáo sư Huy là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt & dân tộc Mỹ với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau.

“Tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt” thì đúng rồi, nhưng tại sao lại cho cả dân tộc Mỹ ?. Đây có thể là một bí ẩn, mà chúng tôi sẽ phân tích và giải thích phía dưới trong phần V

II/ Khả năng đa tài xuất chúng của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Điểm nổi bật nhứt của Giáo sư Huy là có khả năng đa tài xuất chúng:

1) Nổi tiếng về các bài thơ ái quốc.

Chỉ mới 19 tuổi, Giáo sư Huy đã sáng tác ra được những bài thơ ái quốc đi vào văn học sử VN. Tập Thơ Hồn Việt thể hiện rỏ lý tưởng của Giáo sư Huy từ lúc thiếu thời dấn thân vào con đường tranh đấu cho đến khi lìa đời. Những bài thơ “Anh Hùng Vô Danh”, “Ngày tang Yên Bái” …. đã được chọn giảng dạy tại học đường và đã trở thành những vần thơ lịch sử nổi tiếng của Dân Tộc Việt. Nhìn lại văn học sử VN có lẽ Giáo sư Huy là người duy nhứt có được một tập thơ nổi tiếng ái quốc ngay từ tuổi 19.

2) Xuất sắc trên bước đường học vấn

Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong những học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương. Một chuyện thật lạ là Giáo sư Huy đã tự học để lấy bằng Tú Tài Việt Nam. Cũng như trên bước đường lưu vong chính trị tại Pháp (1955 – 1963) Giáo sư Huy đã ghi tên học trường Khoa Học Chính trị Paris và trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Giáo sư Huy đỗ bằng tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris năm 1958, Cử Nhân Luật Khoa năm 1959, Cao Học Chính Trị năm 1960, và Tiến Sĩ Chính Trị Học năm 1963.

Lúc còn thời sinh viên chúng tôi có “duyên” gặp được Giáo Sư Huy “ngắn ngủi” trên bước đường đi thuyết trình tại Âu Châu vào dịp Mùa Hè Lửa Đỏ 1972. Có lẽ “hạp tuổi” nhau nên sau đó chúng tôi được Giáo Sư Huy gửi tặng một số tác phẩm do nhà xuất bản Cấp Tiến in.

Trong đó đặc biệt có quyển Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời. Quyển này chính là Luận Án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhứt trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Đại Học Paris. Có lẽ đây là bản in duy nhứt còn tồn tại được sau bao nhiêu biến chuyển.

3) Thành công trong sự nghiệp giáo dục

Khi trở về VN, Giáo sư Huy vào làm giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh dạy về chính trị và luật hiến pháp, đồng thời làm giảng viên ở nhiều trường đại học khác: Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Đại Học Huế, Viện Đại Học Cần Thơ, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Viện Đại Học Minh Đức, trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.  Giáo sư Huy cũng được mời làm giảng viên ở các trường quân sự như trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967, Giáo sư Huy được mời làm khoa trưởng trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Cần Thơ.

4) Trở thành một học giả uyên bác

Với trí óc cực kỳ thông minh như vậy, Giáo sư Huy nhanh chóng trở thành một học giả với tầm kiến thức rất uyên bác trên nhiều lãnh vực. Điều này thấy thực rõ ràng phía dưới trong phần IV về sự nghiệp sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

Đặc biệt trong tác phẩm “Quốc Triều Hình Luật” với nội dung bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Trong đó qua thời gian dài nghiên cứu, Giáo Sư Huy đã khám phá ra quân sư Nguyễn Trải là tác giả thực sự của Bộ Luật Hồng Đức và từ triều đại Hậu Lê phát sinh tinh thần giáo điều, mà đã làm một dân tộc Việt Nam thông minh, can đảm, quật cường nay phải chịu thảm cảnh đất nước tan nát nghèo đói. Trong di bút cuối cùng được đọc tại Hòa Lan vào ngày 4 tháng 8 năm 1990, Giáo sư Huy ước mong khi đất nước được thanh bình thì lập tức lui về quê nhà viết sách phân tích rỏ ràng tại sao một dân tộc có lịch sử oai hùng mà lần lần lụn bại đến nổi nay trở nên một trong vài quốc gia nghèo nhất thế giới.

5) Một chiến sĩ tranh đấu cho VN đến hơi thở cuối cùng

Đối với Giáo sư Huy: Tổ quốc VN trên hết. Thực vậy, lớn lên với tâm tình nồng nhiệt cho quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu tự do cho đất nước. Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy hiến dâng trọn vẹn cho Dân Tộc Việt Nam. Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gởi gắm vào tâm tình nồng nàn ấy. Vì tình yêu tổ quốc, con người tài hoa lổi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách. Ông đã đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để bênh vực chính nghĩa VN.

III/ Cuộc đời “hiếm có” của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Sanh vào ngày 2 tháng 11 năm 1924, quê tại Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

Văn bằng:

§ 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”

§ 1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris.

§ 1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.

§ Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị  Đại Học Paris.

§ Tự học thi đậu bằng Tú Tàị.

§ Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương (xem phim tài liệu về Thân Thế & Sự Nghiệp Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương thực hiện năm 2007).

Chức vụ:

Trong Ngành Giảng Huấn:

§ Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Hoa Kỳ).

§ 1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ, Trường Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa tại Huế. Ngoài ra còn giảng dạy tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí… và ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.

§ 1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ.

Trong Chánh Quyền:

§ 1973 và 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn tham dự thương thuyết Hòa Đàm Paris.

§ 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.

§ 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.

Hoạt Động Chánh Trị:

§ Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Dọ

§ Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.

§ 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (gồm 6 đảng).

§ 1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.

§ 1964-1990: Thành lập đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990.

§ 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và tham dự Ủy Ban Chấp Hành năm 1948.

Tưởng Lục:

§ WHO’S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.

§ Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm.

Chuyên Môn:

§ Luật Hiến Pháp, Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.

§ Thông thạo ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Hán văn.

IV/ Sự nghiệp sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

§ Tiếng Việt:

1. HỒN VIỆT, thơ, Sài Gòn, 1950, tái bản ở Paris năm 1984.

2. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A), Việt Publisher, Canada, 1990.

3. DÂN TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được bổ túc, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ, (2 quyển), Sài Gòn, 1964.

4. DÂN TỘC HAY GIAI CẤP ?

5. BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).

6. CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.

7. HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.

8. LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.

9. ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.

10. Tên Họ Người Việt Nam . Mekong-Tỵnạn, California, USA

– Cùng viết với Gs Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):

11. Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.

12. HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, USA, 1992.

§ Tiếng Pháp:

13. POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L’EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.

§ Tiếng Anh:

14. THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987 – cùng viết với Gs Tạ Văn Tài và Gs Trần Văn Liêm –

15. A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.

16. PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990.

Cùng viết với Gs Stephen B. Young (2 cuốn 17 và 18 trong danh sách này)

17. UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.

18. THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.

Bài Đăng Báo:

§ Tiếng Việt:

– 1947-1990: Bài nhận định Tình Hình Thế Giới Trong Tháng Vừa Qua cùng nhiều bài báo về văn hóa & chánh trị Việt Nam trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở trong và ngoài nước, như: TỰ DO DÂN BẢN, ĐƯỜNG MỚI, MEKONG-TỴNẠN, SAIGON, THẰNG MÕ, HỒN VIÊT, HƯỚNG VIỆT, DIỄN ĐÀN VIỆT NAM, CẤP TIẾN, DÂN QUYỀN, LỬA THIÊNG, QUỐC PHÒNG, ĐUỐC VIỆT, THANH NIÊN …

§ Tiếng Pháp:

– LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE, trong ĐƯỜNG MỚI, Pháp Quốc, số 4, 1985.

– LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của Ông Deloustal và về niên biểu ấn hành của bộ luật này, trong BULLETIN DE L’ÉCOLE FRANCAISE D’EXTRÊME ORIENT, Quyển LXVII, Pháp Quốc, 1980.

§ Tiếng Anh:

– Cùng viết với Gs Tạ Văn Tài: THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS, trong THE LAW OF SOUTH-EAST ASIA, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS, do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co, 1986.

– LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 6, Hè-Thu 1985.

– THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE CODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS, trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.

– ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTÝS PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân 1983.

– THE PENAL CODE OF VIETNAM’S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỹ niệm ngày Ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weisbaden, 1981.

Thuyết Trình:

· VAI TRÒ HỒ CHÍ MINH TRONG DIỄN TIẾN CỦA TÌNH TRẠNG NHƠN QUYỀN TẠI VIỆT NAM, HỘI THẢO VỀ ĐỀ TÀI “CON NGƯỜI VÀ DI SẢN CỦA HỒ CHÍ MINH” tại Điện Luxembourg (Trụ sở Thượng Nghị Viện Pháp), trong 2 ngày 25 và 26-5-1990.

· CHÁNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM tại Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 11-4-1988.

· KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ TẠI VIỆT NAM , Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 12-4-1988.

· CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH Á CHÂU tại Đại Học Monash, Melbourne, Úc Đại Lợi, ngày 17-9-1987.

· LIÊN MINH LIÊN SÔ – CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH CỦA ĐÔNG NAM Á CHÂU, Hội Thảo Bàn Tròn do Hội Đồng An Ninh Quốc Tế tổ chức ở Bangkok từ ngày 6 đến 8-7-1986.

· TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM: 1973-1975, Hội Thảo do Đại Học Glassboro tổ chức trong ngày 7 và 8-4-1986.

· VIỆT NAM DƯỚI ÁCH CỘNG SẢN, Hội Thảo tại Đại Học Harvard, ngày 23-11-1981, sau được Đại Học George Mason đăng trong bài nghiên cứu về VN.

· THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ DO CÁC NƯỚC ẤY GÂY RA, Đại Học Minnesota, 3-10-1981.

· NGUYÊN NHƠN VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ NĂM 1975, tại Đại Học Washington ở Seattle, 1980.

V/ Tại sao TT Mỹ lại chia buồn và vinh danh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy?

1) Có lẻ lần đầu tiên một người Việt Nam qua đời, được chính Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm – ông George Bush – chia buồn và lên tiếng ca ngợi là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt & dân tộc Mỹ với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau.

Như phía trên đã nhận xét: “Tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt” thì đúng rồi, nhưng tại sao lại cho cả dân tộc Mỹ?.

Khách quan mà nói: Giáo sư Huy không phải là một nguyên thủ quốc gia, lại không phải công dân Mỹ (Giáo sư Huy giử quốc tịch VN đến lúc qua đời !) và thực sự chỉ là làm việc phụ khảo cho trường Đại Học Luật Khoa Harvard. Như thế Tổng Thống Mỹ đương nhiệm đâu cần phải viết thư chia buồn với lời lẽ ca ngợi lớn lao như thế. Vậy đây có thể là một bí ẩn lớn !

2) Thực vậy nhìn kỹ lại trong 12 năm chánh phủ Reagan & Bush đã xảy ra biến cố quan trọng nhứt trong thế kỷ 20 là Bức Tuờng Berlin sụp đỗ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 và sau đó toàn thể vùng Đông Âu & Liên Sô được tự do.

Để tìm ra ai là người có công lao tạo ra biến cố quan trọng này thì mổi quốc gia đều hãnh diện cho rằng chính là người của mình đã có công lao lớn nhứt.

Chẳng hạn: Ba Lan với lãnh tụ tranh đấu Walesa & Đức Giáo Hoàng John Paul II, Hung Gia Lợi với Thủ Tướng Nemeth, Đông Đức với lực lượng cải cách, Tây Đức với Thủ Tướng Brandt, Áo với Hoàng Thân Otto von Habsburg, Liên Xô với Tổng Bí Thư Gorbachev, Anh với Nữ Thủ Tướng Thatcher .

3) Riêng theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy phân tích cho rằng ông Gorbachev phải cởi mở thay đổi chính sách cai trị để đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ dưới sự lảnh đạo của Tổng Thống Reagan đang leo thang võ trang quân sự, điển hình là kế hoạch phòng thủ chống hỏa tiển SDI (Strategic Defense Initiative). Chỉ trong lúc tâm sự, Giáo sư Huy mới “tiết lộ & giải thích” đưa một cái nhìn độc đáo cho rằng dân Nga có truyền thống chơi cờ vua (Chess) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé (Poker) nên thường phải “tháu cáy” với cây bài xấu nhưng vẫn có thể “tố” cho địch thủ bỏ chạy.

Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đã “tố” dùng kế hoạch SDI “tháu cáy” để “hù” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev vốn có thói quen đa nghi ắt phải cải tổ nền tảng để có đủ thực lực đương đầu lại. Quả nhiên ông Gorbachev xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế (Perestroika), sau đó về chính trị (Glasnost). Nhưng chính vì cải tổ chính trị khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đỗ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rả vào ngày 21.12.1991 là hậu quả tất nhiên đó. Quả thực sau khi Liên Sô sụp đỗ, chương trình SDI cũng được dẹp bỏ vì đã đạt được mục tiêu là xí gạt “tố” “tháu cáy” cấp lãnh đạo Liên Sô.

Vì vậy, ông Gorbachev ở hải ngoại được vinh danh là nhân vật có công với cuộc cách mạng dân chủ hóa Đông Âu, nhưng ở trong nước thì trái lại không có chút uy tín gì, vì bị chỉ trích là không có khả năng lảnh đạo làm Liên Xô tan vỡ và nước Nga không còn sức mạnh gì trên bàn cờ thế giới.

4) Nếu xem lại tất cả tài liệu về sự sụp đỗ của Liên Sô thì không hề thấy dòng chử nào về “mưu thần chước quỷ” tố tháu cáy này. Chỉ có duy nhứt Giáo sư Huy nhìn thấy thấu rõ đường đi nước bước này của chánh phủ TT Reagan & Bush.

Nên nhớ thông thường chỉ người “bày mưu chuốc kế” mới thấy rõ trước được những biến chuyển sẽ xảy ra.

Vì vậy đọc qua nội dung lá thư của TT Bush chia buồn & vinh danh Giáo sư Huy “đã phụng sự dân tộc Mỹ” thì rất có thể nói phần lớn e rằng chính Giáo sư Huy đưa ra mưu lược “tố tháu cáy” cho chánh phủ Mỹ đối phó với Liên Sô

Ngoài ra lá thư của TT Bush còn dùng luôn tiện để cám ơn Giáo sư Huy về những đóng góp cùng chánh phủ Mỹ – nhứt là những hội thảo và thuyết trình trong các hội nghị quốc tế (xem trong phần IV phía trên) – .

Vã lại một người Mỹ rất ngưỡng mộ và thường kính phục coi Giáo sư Huy như bậc thày của mình. Đó là Giáo sư Stephen B. Young (Khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Minnesota).

(xem:https://www.law.umn.edu/sites/law.umn.edu/files/profile/youn0754/Stephen_Young_Resume.pdf)

Ông này là một nhân vật nổi tiếng quen biết rất nhiều cấp lãnh đạo trong đảng Cộng Hòa của chánh phủ TT Reagan & Bush. Nên rất có thể qua đường dây đó, Giáo sư Huy đã chuyển đạt được mưu chước này.

VI/ Kết luận

1) Như mọi người đều biết trong lịch sử đã xảy ra nhiều trường hợp đưa ra mưu kế rất ngắn gọn. Chẳng hạn nhân vật Nguyễn Trải khi đầu quân với vua Lê Lợi đã đưa ra mưu lược “Đánh vào lòng người (tâm công kế)” để thắng quân Minh. Cũng như trong Tam Quốc Chí, nhân vật Mã Thốc dâng kế “Chinh phục lòng người” cho Khổng Minh đối phó với Mạnh Hoạch. Vậy với trí óc cực kỳ thông minh & uyên bác và luôn phân tích thời cuộc, thì ắt Giáo sư Huy có thể nghĩ ra mưu chước “tố tháu cáy”

2) Cuộc đời của Giáo sư Huy quả thực “hiếm có” và đúng là tấm gương sáng cho hậu thế – như TT Bush đã ca ngợi – .

Giáo sư Huy âu lo nhiều về tinh thần giáo điều đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc Việt Nam, đưa đến nạn chia rẻ, kỳ thị (tôn giáo, địa phương, chủng tộc…) làm đất nước càng ngày càng suy vong.

Tuy vậy Giáo Sư Huy đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai, vì nọc độc đó đã phát hiện được thì sẽ tuyệt trừ được. Ông đã từng tâm sự tin chắc đất nước Việt Nam mai này sẽ được tự do dân chủ và thế hệ tương lai sẽ tài giỏi hơn, xây dựng được một đất nước ấm no hơn thế hệ của ông.

3) Có lẽ đó chính là biểu tượng rỏ ràng cho tinh thần Nguyễn Ngọc Huy, lúc nào cũng đầy quyết tâm và lạc quan hướng về tương lai dân tộc. Dù khen hay chê, phải khách quan nhìn nhận trong cùng hoàn cảnh thời đại này chưa ai dám chắc làm được nhiều việc tốt đẹp hơn ông. Một nhân tài VN đã dám sống tận tụy một tay chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho đến nổi kiệt sức trút hơi thở cuối cùng. Thật khó

tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc như vậy trong cỏi đời đầy nhiểu nhương này.

Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi

Tháng 07, 2019

 

Nhân trị, Pháp trị hay Kỹ trị  –  Hiệu Minh 16-05-2013

Chuyện đổi tên nước, thay đổi hiến pháp, điều 4, quân đội của ai… coi như giải quyết gọn nhẹ ngay từ vòng … gửi xe ở nhà Quốc hội. Thôi thì ta bàn chuyện trên trời cho vui. Với lại chủ nhà cũng hết…”zốn”.

Trong bối cảnh hiện nay, sự lựa chọn thể chế Nhân trị, Pháp trị hay Kỹ trị, cho con đường đi lên của một quốc gia là vô cùng quan trọng.

Nhân trị

Đó là cá cai trị dựa vào đạo đức của con người thuở Nho giáo thịnh hành cách đây mấy ngàn năm. Họ đưa ra bốn biện pháp quản lý xã hội: lễ, nhạc, chính, hình. Như vậy lễ, nhạc đứng đầu rồi mới đến hành chính và hình pháp. Yếu tố con người được đề cao, nhất hàng ngũ lãnh đạo.

Nhân trị cho rằng “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”. Trong xã hội dựa vào Nhân, không có hạn chế về sự việc lẫn phương cách nhà lãnh đạo có thể làm.

Vua chúa phong kiến thời xưa và các quốc gia độc tài thời nay là điển hình của xã hội Nhân trị.

Pháp trị

Trong thể chế Pháp trị, luật pháp phải độc lập. Pháp trị là công cụ điều chỉnh quyền lực, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật và có quyền tài phán. Không ai có quyền ngồi trên pháp luật.

Pháp trị giúp giới hạn sự chuyên quyền và lạm quyền, giúp cho lãnh đạo sáng suốt và tạo ra được những chính sách khôn ngoan.

Các nước văn minh phương Tây đang đi theo thể chế pháp trị, tam quyền phân lập, và lấy báo chí là quyền lực thứ 4.

Như vậy, Pháp trị và Nhân trị khó mà đi với nhau.

Kỹ trị

Cuộc cách mạng KHCN phát triển mạnh mẽ cuối những năm 1950 đã làm cho một số người nghĩ đến dùng kỹ thuật để lãnh đao. Thế là thuyết Kỹ trị ra đời, lấy nhân tố “Vật” làm chính mà xem nhẹ nhân tố “Người”.

Phương pháp cai trị xã hội bằng giới khoa học kỹ thuật, là một xu hướng mới trong quản lý nhà nước hiện nay. Kỹ trị là việc đưa giới trí thức tinh hoa lên nắm quyền và áp dụng tri thức – kỹ thuật vào quản lý. Họ phải hội đủ hay yếu tố: hiểu biết về chính trị và thấu đáo về khoa học.

Nếu trong Hội nghị TW 7 vừa qua và được quyền bỏ phiếu bổ sung cho thành viên BCT, giữa anh Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Bá Thanh, tôi sẽ chọn anh Nhân. Bởi đơn giản, anh là người thuộc phái Kỹ trị (Technocrat).

Chuyện nước mình

Ví dụ về khai thác Bauxit Tây Nguyên. Nếu như đó là dự án của các nhà Kỹ trị, thì phải được tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế và kỹ thuật tối ưu.

Tuy nhiên, bởi hệ thống chính trị quyết định, nên dự án này là sự mặc cả giữa các thế lực chính trị, xem thường yêu cầu hiệu quả kinh tế, để đổi lấy sự đồng thuận.

TBT, rồi Thủ tướng VN từng nói, khai thác Bauxit là một chủ trương lớn của đảng.

Hậu quả thiệt hại về kinh tế thế nào sau vài năm đã rõ. Sự thiếu vắng của giới Kỹ trị đã làm cho dự án đang bên bờ vực thẳm, chưa nói đến chuyện quốc phòng và an ninh quốc gia.

Vinalines, Vinashin và nhiều dự án lớn hàng tỷ đô la dựa trên quyết tâm chính trị nên cuối cùng thất bại, người ta chỉ chịu trách nhiệm…chính trị.

TBT Nguyễn Phú Trọng từng nghẹn ngào khi bế mạc Hội nghị TW 6 khi ông và BCT đã lấy chữ “Nhân” (Nhân trị) làm trọng, để giải quyết tham nhũng, làm trong sạch đảng, mà không phải là Pháp trị để thẳng tay với quốc nạn đục khoét đất nước.

Sau Hội nghị TW 7, kết quả thế nào cũng đã rõ. Sự nhóm lò của ông đã tắt ngóm sau nửa năm, hết mọi hy vọng về một cuộc “tắm rửa”.

Nhân trị, Pháp trị hay Kỹ trị luôn là câu hỏi lớn cho mỗi vị khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực cao nhất. Mỗi thời, mỗi quốc gia, mỗi hoàn cảnh đều có lựa chọn riêng cho mình.

Những quyết định liên quan đến hàng chục hay hàng trăm tỷ đô la không thể bỏ phiếu bởi sự đồng thuận bằng cách giơ tay trên hội trường, nếu người bỏ phiếu không hiểu gì về kinh tế, môi trường và chỉ dùng ý chí giúp cho lá phiếu.

Đã dùng ý chí cho lá phiếu rồi, khi “ý chí” nhầm tai hại, chẳng ai lại bỏ phiếu tín nhiệm một cách công bằng nữa.

Không thể để Pháp trị ghi trong Hiến pháp nhưng ngoài đời lại dùng Nhân trị một cách không đến nơi đến chốn, chỗ này dùng luật khắt khe, ác độc, chỗ kia tha thứ vì bạn bè đồng chí, một cách tùy tiện.

Xu hướng thời nay, khoa học kỹ thuật, internet phát triển như vũ bão, không còn chỗ đứng cho những lãnh đạo không biết đến máy tính hay Google.

Giới Kỹ trị có học hành và hiểu biết thế giới phẳng với biển thông tin sẽ đóng vai trò đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, tụt hậu và dẫn dắt quốc gia đi lên.

Chủ nghĩa lý lịch, cơ cấu hay hạt giống đỏ… thế nào cũng lỗi thời, chẳng chóng thì chầy. Trong khi đó, Kỹ trị tinh hoa không thể móc trong túi ra là có ngay. Đó là một quá trình đào tạo qua vài thế hệ.

Nếu không hiểu những bài học vỡ lòng về “Trị” (Nhân, Pháp, Kỹ) và không biết rằng, công nghệ đang “Trị” thế giới, thì khó nói đến sự tồn vong của chế độ như chính các vị lãnh đạo cấp cao từng than trên truyền thông.

https://hieuminh.org/2013/05/20/nhan-tri-phap-tri-hay-ky-tri/

Chừng nào dân Việt ta hết tự nguyện làm nô lệ ? – Phan Văn Song

 “Các “nhà độc tài” lớn được, do nhờ ta quỳ xuống 

 – Les tyrans ne sont grands que parce que nous sommes à genoux ».

Étienne de la Boëtie (1520-1563)

Discours de la servitude volontaire-Luận về tình nguyện làm nô lệ (1548)

 Chữ Hán Việt là chữ Tàu hay chữ Việt?

– Tháng bảy lại đến, nửa năm đã trôi qua, mau thật! Chỉ còn nửa năm nữa, 2020, chúng ta sẽ  thực tế, rõ ràng, trắng đen!  Ta có thật sự mất nước không ? Người Việt ta có thật sự thành nô lệ người Tàu không! Rõ ràng rằng, nước Việt Nam tương lai ta, để phát triển, chắc chắn là sẽ phải có nhiều đặc khu kinh tế! Đấy là một mẫu kinh tế đã được khẳng định, toàn cầu hóa bắt buộc! Thế nhưng, nếu khôn ngoan, nếu khôn khéo, các đặc khu kinh tế ấy sẽ do nhiều quốc gia khác nhau đấu thầu cai quản, nếu được nhiều quốc gia khác nhau, với những cơ sở công thương nghiệp khác nhau, và sẽ tạo một nền công nghiệp đa thương, đa nghề, vốn liếng của đa thương gia tạo một “Madzề inh Việt Nam”, đa quốc gia, đa nghề nghiệp, có thể cạnh tranh lẫn nhau để phát triển, từ tay nghề, đến phẩm chất …Hay, trái lại, toàn bộ cả nước Việt Nam ta giao trọn, sẽ là một Đại, một Tổng Đặc Khu thuộc xứ Tàu – theo mẫu Hong Kong?Do đó, suốt từ đầu năm nay, thằng tôi, người viết, sốt ruột kêu gào cùng quý bà con, những ai còn tý lương tâm, còn tý hãnh diện, phải làm sao… làm sao … tìm lối, tìm đường, để thoát nạn Hán hóa đô hộ dân ta! Vì cái viễn ảnh thứ hai ngày nay e rằng thành sự thật!

Hán Hóa. Phải! Với hai từ Hán Việt ấy, thằng tui đang bị vài vị người Việt Nam Hải ngoại (tự xưng) là chánh gốc, là nguyên gốc, móc lò, chưởi mắng … rằng thằng tui là “mất gốc”, vì theo đạo Chúa, Cơ đốc giáo, vì có pháp danh Tây (tên Pháp, tên thánh). Các vị ấy cho rằng phải Phật giáo, phải chống Giáo Hoàng, phải chống ông Diệm … phải chữ Nho,  phải chữ Hán, phải chữ của Khổng Tử, của Mạnh Tử, phải là chữ nghĩa của Thánh Hiền mới thật sự người Việt. Cũng đúng thôi! Sự thật bên Tây, sự trái bên ĐôngVérités au delà des Pyrennées! Erreurs en deçà! Nhưng cái sự thật là sau 1000 năm nô lệ Tàu, sau 1000 năm tuy độc lập, nhưng vẫn bị ảnh hưởng văn hóa Tàu, mà dân tộc Việt vẫn còn giữ được cái Hồn Việt! Và đó là cả một sự mầu nhiệm! Người Mông cổ, từng đã cai trị xứ Tàu, người Mãn Thanh từ đã cai trị nước Tàu, thế mà ngày nay trên lục địa Tàu, dân tộc Mông, dân tộc Mãn mất cả văn hóa, mất cả tiếng nói. Và nay, cả hai cộng đồng đều là công đồng thiểu số! Hoàn toàn bị Hán hóa! Do đó là nỗi lo của thằng tui!

– Xin quý bà con, hãy để cái trọng tâm, cái ưu tiên ngày nay, cho việc Chống Tàu đô hộ, chiếm đất Việt Nam. Bằng mọi giá, ngăn cản, đương quyền Cộng Sản Hà nội giao mọi vùng đất, mọi công nghiệp, mọi công tác cho MỘT nhà thầu, độc nhứt : Tàu! Muốn có sáng tạo, phải có cạnh tranh, muốn có phẩm chất phải có cạnh tranh … May quá, khoa học ngày nay,  vẫn còn ở trong tay người Âu Mỹ! Tay nghề, ngày nay, vẫn còn ở trong tay người Âu Mỹ!

Hán hóa! Ngày mai nếu xứ sở Việt ta lọt vào không gian Tàu Cộng, nước Việt ta thuộc vào vòng đai của địa thế Tàu ngay, đất nước chúng ta biến thành thị trường hạng thứ của hàng hóa Tàu, Việt Nam sẽ là thùng rác của thế giới Tàu. Chợ Tàu mở thị trường bán hàng hóa tối tân hạng sang qua các ngõ Hong Kong, Shanghai, … và sẽ mở chợ nhỏ bán đồ thừa, hàng phế thãi, hàng rác rếnh qua các ngõ cửa sau là Hải Phòng Hà Nội, Sài gòn … Chúng ta thuộc thế giới Tàu, thị trường Tàu, có thể là người Tàu … nhưng, cái chắc chắn rằng Người Việt tương lai chúng ta chỉ là những thằng Tàu hạng hai thôi quý bạn Hán học ạ!

Dù rằng, Vua Tự Đực, lúc xưa, đã dám “tự sướng – selfie” một câu xanh dờn, ví văn chương chữ Hán của người Việt ta thời ấy, hay hơn văn chương chữ Hán của thằng Tàu! (Thằng Tàu lúc bấy giờ là thằng Mãn Thanh đuôi sam)

“Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán,

Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”!

Tự Đức – ếch ngồi đáy giếng – nhìn gương, tự mình ví mình, hãnh diện mình hơn Tàu, Tây đứng ngoài cửa, mất nước không thấy, chỉ làm thơ Đường, sợ mình mất gốc Tàu …ám ảnh … Tàu, Tàu Tàu …Thơ Ta hơn thơ Tàu ! Plus royaliste que le roi. Tàu hơn Tàu!

– Với thuộc địa Tây, thuộc địa Mỹ (?) dân ta còn nói tiếng việt còn đọc tiếng việt – còn chữ quốc ngữ I Tờ, Tờ I Ti!  Hay i-tờ hai chữ giống nhau I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang! Còn ngày mai? Chưa gì Bùi Hiền đã đòi – nay đã cho thử áp dụng ở vùng cao nguyên rồi – (cần phối kiểm) bỏ chữ quốc ngữ ta, dùng chữ Việt cải tiến, giản thể, dùng cách viết bính âm-pinjin-  mẫu chữ Tàu la tinh hóa! Để làm gì ? Phải chăng để dẹp bỏ cái gốc Việt độc lập đại diện bởi chữ quốc ngữ phổ thông của ngày nay ? …Vì Chữ ấy do các cha cố (gốc cơ đốc, Thiên Chúa, …)? Hay dẹp bỏ đi để trở về với bính âm và tương lai chữ vuông ? Viện Khổng tử đã đang và sẽ Hán hóa chúng ta … May quá, ngày nay không còn đuôi sam, xường sám, bó chơn! …

– Người viết thằng tôi xin cúi đầu xin lỗi … là nói mãi, nói dai, nói dài, nói dỡ… rằng ngày mai mất nước! Thảm kịch “Nạn Hán Hóa” nghe nói mãi, quý bà con chắc cũng chán cái lỗ tai! Xin lần nữa đôi lời xin lỗi, nhưng tuy thế, biết thế, người viết vẫn và sẽ  tiếp tục.

Mai nầy, nếu được Chúa, Phật, hay Allah, thương ta thoát nạn Tàu, thằng tôi xin SẼ cúi đầu vái, xin lỗi bà con và xin lỗi các bạn bè người Hoa, hay gốc Hoa, hay cả ông Sơ, ông Sờ, ông Cố tổ tiên giòng họ Phan tôi! Vì gốc gác gia đình giòng họ của thằng tôi, cũng như một số đông giòng họ bà con mình ở trong xứ Nam Việt ta, cũng từ bên Tàu chạy qua Nam Việt Nam-xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn ta, tỵ nạn quân Mãn Châu sau khi Nhà Minh, Hán tộc bị đánh bại bởi Bắc quân Mãn tộc, Nhà Thanh từ sau năm 1640 (1644-1911= Triều đại Nhà Thanh)

– Xin nói rõ, với tất cả quý bà con, rằng thằng tôi chống Hán Hóa, không phải vì tôi quên gốc, quên chữ nghĩa Việt Nam có gốc Hán tự, quên văn hóa Việt Nam có gốc Hán tự đâu! Tôi chống Tàu không phải là tôi mất gốc, bằng chứng tôi còn viết được chữ Việt, nhưng chữ Việt của tôi được học dưới thời quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, chữ Việt viết với âm thoại Đàng Trong, với âm ngữ Nam Kỳ. PHẢI nói một lần nữa, để khỏi nói nữa, và không nhắc đến nữa, rằng: Tiếng Việt ta (nói – ngôn ngữ) gồm trên 80% từ gốc Hán. Cũng nhiều ngôn ngữ khác, thí dụ ở Nam Âu Tây, chẳng hạn, phần đông gốc La tinh ngữ. Mà những từ gốc la tinh ấy khi phát âm, giọng Pháp, giọng Ý, giọng Anh đều là bộ phận của quốc ngữ các quốc gia ấy! Riêng tiếng Việt ta, những từ ngữ gốc Hán ấy, được phát âm giọng Việt – do đó gọi là Hán Việt ! Mà Hán Việt là TIẾNG ViỆT. Chính âm điệu Ngữ là tiếng NÓI – NGÔN ngữ! Chữ viết chỉ là những ký tự để ghi lại tiếng nói để truyền đạt, di chúc cho hậu duệ, lập những văn tự khế ước, viết sử ký, kể chuyện để giữ kỷ niệm …

Xin lập lại tiếng Hán Việt, thuộc ngôn ngữ Việt. Do 1000 năm bị nô lệ Tàu, tiếng Việt có hai loại văn để chỉ một sự vật – văn ngôn của người dân nô lệ và văn tự của nhà cầm quyền. Hiện trạng ấy không riêng gì Việt Nam ta. Các quốc gia khác cũng thế. Thí dụ nước Anh, sau trận đánh Hastings, năm 1066, Guillaume, Quận Công Normandie – Duc de Normandie, người Pháp chiếm xứ Anh của người dân bản xứ, Saxons… Từ đó, vì quan lại triều đình xứ Anh là người Pháp, nói tiếng Pháp trong triều, và nên cũng từ đó có hai loại từ ngữ để chỉ một “sự vật”, thí dụ vua quan Pháp ăn thịt bò dùng từ Pháp boeuf để chỉ thịt bò – beef, người Saxon dân Anh nuôi bò, do đó con bò sống có từ saxon ox-oxen hay cow! Người Anh, nay vẫn giữ truyền thống là tất cả các vị Vua hay Bà Hoàng trị vì Nước Anh đều biết nói tiếng Pháp. Nữ Hoàng Elisabeth II nói tiếng Pháp rất giỏi, Hoàng tử Charles Prince of Wales cũng nói tiếng Pháp rất thạo… Chắc William cũng vậy!

– Tiếng Pháp, tiếng Anh gốc la tinh rất nhiều, nhưng không vì thế mà phải sợ la tinh hóa! Văn tự gốc LaHy tràn đầy ngôn ngữ Tây Âu. Tất cả những từ ngữ khoa học đều dùng gốc la tinh, hay hy lạp. Do đó, tiếng Việt với 80% Hán Việt vẫn không sợ Hán Hóa! Và tiếng Việt vẫn cần sử dụng  Hán Việt để dịch những từ khoa học!

 Nước Tàu lớn bởi vì ta quá Sợ ?

“Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống

Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên…”

(Marat)

Tố Hữu (1920-2002) Hãy đứng dậy(04/1938).

Mà Marat là ai? Để Tố Hữu phải mượn tiếng để “mạnh miệng” chứng minh lời nói?                              

Jean-Paul Marat (1743-1793) là một nhà báo, một nhà cách mạng của thời  Đại Cách Mạng Pháp

1789, nổi tiếng với tờ báo khích động cách mạng l’Ami du Peuple, nổi tiếng vì một căn bệnh về da nan y nên suốt ngày phải ngâm mình trong bồn nước nóng để khỏi bị ngứa, và cũng nổi tiếng vì bị Charlotte Corday ám sát chết, khi đang ngâm mình trong bồn nước tắm!Phải Marat nổi tiếng thật, nhưng không tìm ra một tài liệu nào cho thấy rằng Marat đã viết câu ấy! Dù đấy là một câu nói hay, để đời, “gãi” đúng tâm trạng, nhưng nếu phải hỏi, ai là tác giả là cả một vấn đề! Để dẫn chứng, các nhà văn Việt Nam, đến nay vẫn tiếp tục đi tìm tác giả thật của câu văn mà Tố Hữu cho “dán tên Marat” vào, để “cách mạng hóa” câu ấy thôi!:     

-“On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux Citoyens ! Levez – vous droitement”     – Người ta lớn, bởi vì ngươi quỳ xuống, hởi công dân hảy đứng thẳng người lên!”.

Trong một bài viết đăng trên Đàn Chim Việt, tác giả Trần Giao Thủy, ngày 17 tháng 11, năm 2018 http://dcvonline.net/2018/11/17/nguoi-ta-lon-boi-vi-nguoi-quy-xuong/

Bài viết rất tỉ mĩ, công phu. Đã nhận định và đì tìm sự thật ai là chủ nhơn là tác giả của câu nói ấy. Tác giả đã tìm ra rằng: Từ số đầu tiên, tờ Les Révolutions de Paris ghi trên trang bìa “Du sieur Prudhomme” xuất bản từ ngày 12 tháng Bẩy, 1789”. Ở cuối trang bìa là hàng chữ    “Les grands ne nous paroissent grands que parce que nous sommes à genoux. Levons nous ”. Vậy thì Sieur Prudhomme là ai? :

-Trần Giao Thủy : “là Louis-Marie Prudhomme (1752-1830) là một người quản thủ thư viện, viết văn, làm báo. Từ 12 tháng Bẩy, 1789 đến 28 tháng Hai, 1794, Prudhomme là chủ nhiệm kiêm người xuất bản tờ báo Les Révolutions de Paris. Đây là tài liệu đã số hóa duy nhất mà người viết (Trần Giao Thủy)  tìm được gốc chính của câu văn “Les grands ne nous paroissent grands que parce que nous sommes à genoux. Levons nous” đăng từ số đầu tiên của tờ Les Révolutions de Paris và là châm ngôn biểu tượng của tờ báo trong suốt thời gian xuất bản từ 12 tháng Bẩy 1789 đến 28 tháng Hai 1794. Tài liệu này có thể xác định được câu văn nổi tiếng từ thời Cách mạng Pháp đến nay đã xuất hiện từ giữa tháng Bảy, 1789 trên số báo Les Révolutions de Paris đầu tiên – hai tháng trước khi Marat xuất bản số đầu tiên của tờ L’Ami du Peuple. Như thế, tác giả thực của câu văn nổi tiếng này có thể là một trong hai người, Louis-Marie Prudhomme, chủ nhân nhà xuất bản, hay Alexandre/Antoine Tournon, người viết số đầu tiên và là chủ bút 15 số báo.

Và tác giả Trần Giao Thủy kết luận: “Sau cùng, xin trả lại sự thật cho lịch sử văn học. Hãy ngừng tráo trở và lợi dụng lịch sử trong canh bạc chính trị.”. Hết trích!

Độc tài, do ta tự nguyện làm nô lệ ?

Les tyrans ne sont grands que parce que nous sommes à genoux-

Độc tài lớn được do ta quỳ xuống !

Sự thật đó là một câu của Étienne de La Boëtie trong tập Discours de la servitude volontaire – Luận về sự tình nguyện làm nô lệ. (viết năm 1548).

Étienne de La Boëtie, là một luật gia, juriste, magistrat, người Pháp, sanh ngày 1 tháng 11 năm 1530 tại Sarlat – cách nhà người viết chúng tôi độ 2 giờ lái xe – và mất năm 1563, gần thành phố Bordeaux. Người gọi ông bằng họ “La Boëtie”, không nói tên, nổi tiếng bởi cuốn tiểu luận “Discours de la servitude volontaire – Luận về sự tình nguyện làm nô lệ” và cũng nổi tiếng vì tình bạn giữa ông là đại văn hào Montaigne! Năm 1558, La Boëtie gặp đại văn hào Montaigne (Michel de Montaigne 1533-1592) tác giả của tập Essais – Luận Ngữ. Trong ấy có đoạn Montaigne nói một câu bất hủ để định nghĩa thế nào là tình bạn giữa Ông và La Boëtie: “ …. Si on me presse de dire pourquoi je l’aimais, je sens que cela ne se peut exprimer qu’en répondant : Parce que c’était lui ; parce que c’était moi.- Nếu có người hỏi tôi, tại sao tôi quý hắn ( La Boëtie), tôi chỉ biết trả lời: Bởi vì là hắn, bởi vì là Tôi”.

– Tiểu luậnDiscours de la servitude volontaire ou le Contr’un – Luận về sự tình nguyện làm nô lệ hay Chống Một” là một bài luận chống Độc tài. Bài luận đầu tay của một câu học sanh với tuổi 18, viết trong thời gian còn sinh viên đại học Luật – La Boëtie đậu cử nhơn Luật năm 1553- tạo ngạc nhiên cho các độc giả thời bấy giờ về những nhận xét. Cậu học sanh nầy đặt vấn đề chánh thống của một quyền lực đối với một nhóm quần chúng, và phân tích rõ tại sao, với những động lực, lý do nào bắt buộc nhóm quần chúng ấy hoàn toàn bị khuất phục bởi nhà độc tài ! (tương quan độc tài/ nô lệ). Với nhiều thí dụ, nhiều điển hình lấy từ lịch sử, như các luận văn thời ấy. Các điển tích, thí dụ, được câu học sanh nhỏ tuổi tài cao nầy nêu ra dẫn dụ, và nương vào đấy, câu bé Étienne de la Boëtie đã chỉ trích chánh thể, chế độ chánh trị của nước Pháp quân chủ thời bấy giờ!

Tâp tiểu luận ấy được in và phổ biến rộng vào năm 1576. Tiểu luận được viết năm 1548, lúc bấy giờ La Boëtie vừa tròn 18 tuổi, và đang là sanh viên trường

Luật Đại học thành phố Orléans,  miền Trung nước Pháp. Chàng, tuy đang tập tành sự nghiệp ngành Luật, nhưng đã có cái nhìn rất trưởng thành, đầy chỉ trích về cái tánh chánh thống của quyền lực – nhà cầm quyền – gouvernants mà chàng gọi là Ông Chủ- Maîtres hay Độc tài – Tyrans! Sức mạnh và thời gian ngắn dài của triều đại của một nhà Độc tài khi chiếm được quyền lực – do bất kể dưới hình thức nào đi nữa (phổ thông bầu phiếu, vũ lực cướp chánh quyền, thừa hưởng gia tài…) cũng không phải do chính quyền lực của chánh phủ của hắn tạo ra. Mà theo La Boëtie, quyền lực và thời gian là do tài nghệ, khéo léo hay vụng về, khả năng trị và xài người của nhà Độc tài. Trên hếtt, trên cả nỗi Sợ, là thói quen, là yên ổn. Do thói quen, của người dân muốn được yên thân, – “thói quen nô lệ” – sẽ giúp cho thời gian sống còn của một Nhà Độc tài! Sau đó, đến hai vũ khí khác là Tín ngưỡng – Tôn Giáo, và Mê tín dị đoan  Đó là hai loại vũ khí để cai trị ngu dân! Sau đó đến vũ khí bí mật, huyền bí – Là cho phép người bị trị tham gia vàofaire participer le dominé à la domination. Người bị trị tham gia vào hệ thống cai trị. Tự nguyện, tình nguyện bị trị, tham gia cai trị. Do đó Đảng – Hội –  Đoàn thể. Đảng viên, đoàn viên, ứng viên, cảm tình viên đảng tính lớn hơn Đảng Trưởng. Phật tử bao giờ cũng Phật hơn đức Phật. Giáo hữu KyTô giữ lễ hơn Jésus. Kinh Thánh đâu có buộc các nhà tu phải giữ trinh, không lấy vợ, không lập gia đình. Jésus chết sớm 33 tuổi, xông xáo đi rao giảng không có thời giờ lập gia đình thế thôi! Thế nhưng đi tu là phải… giữ giới, giữ trinh tiết … Nhưng tu là gì? Thầy tu là một ông Thầy, rao giảng Lời Chúa Phật Allah, để sống với Đời! Hay Tu là giữ giới lánh đời ?  Câu hỏi Lớn ! Chờ dịp khác ! Tiểu luận!

– Nhà Độc tài sẽ ban, sẽ bố thí vài quyền lợi cho các nhóm đệ tử. Nếu, người dân, quần chúng bị bắt buộc phải tuân thủ là cái dĩ nhiên. Nhóm đệ tử, chẳng những PHẢI tuân thủ, mà còn phải đi trước ý của ông Chủ. Nghĩa là PHẢI tình nguyện làm đấy tớ, phục vụ ĐOÁN Ý của ông Chủ trước cả Ông chủ nghĩ ra. Do đó, đệ tử còn ít “tự do” hơn quần chúng.

Nhóm đệ tử là nhóm “tình nguyện làm nô lệ. Từ đó, một Kim Tự Tháp quyền lực bắt đầu thành hình. Độc tài trị Năm tên đệ tử, 5 tên nầy trị 100, 100 trị 1000 vân vân… TW Đảng 15 tên vòng 1 trị 50 tên, vòng 2 trị 1000 người vòng 3 và … vân vân …  như thế trị … cả nước. Việt Nam ta ngày nay là như vậy!

Nhưng, sẽ có một ngày, một ngày mà các đệ tử bắt đầu bất tuân! Kim Tự Tháp ấy sẽ sụp đổ ngay. Và ngày đó Độc tài sẽ chết!

Để Kết luận:

Tiểu luận, đầy triết lý nầy, suốt bao thế kỷ quá, lúc nào cũng có lý! Với những mầu sắc khác nhau, khi nazi, khi cộng sản, khi quân chủ độc tài, khi dân chủ đảng trị…Cái hay của La Boëtie, là chàng đối chiếu cái cân bằng của vũ lực, của sự khủng khiếp, giữa các băng đảng cướp bóc, ngang ngữa cân bằng vũ lực với nhau, khi sau trận cướp khi chia xẻ của cướp – cái cân bằng của chạy đua vũ trang của thời chiến tranh lạnh! Và cái tình hữu nghị thật sự, của những bạn bè thật sự, tự do, tự nguyện,

Trái lại với tình bằng hữu, quyền lực của nhà độc tài không giúp hắn tay có một cái thăng bằng. Giữa Dân Chúng và Độc tài, luôn luôn có Mặc Cả, Đổi Chác, …Không có thăng bằng, nên Độc tài sống trong nỗi Sợ triền miên. Hắn phải BAN, phải DỌA phải HÙ, Phải MUA… Vì không có đối tượng Nhà Độc tài SỢ CHẾT. Sợ bị ÁMSÁT! SỢ Bị Diệt.

Do Đó, Độc tài Cộng Sản sống do, nhờ bám vào nhóm Tình nguyện Nô Lệ. Chừng nào Dân Việt HẾT Tình Nguyện Nô Lệ, là Hết Cộng Sản.

Độc Tài Lớn, bởi vì ta quỳ xuống!

Hồi Nhơn Sơn, Đêm đội Túc Cầu Nữ USA vào Chung Kết

 

 

Hong Kong  tranh đấu vì Nhân Quyền! Việt Nam phải tranh đấu vì Dân Tộc! –  Phan Văn Song

Kính thưa quý thân hữu,

Kính thưa quý bà con ,

Tuần qua, nhận được lá thơ một người em, bạn hữu ruột thịt đấu tranh, lá thơ đặt rõ vấn đề đấu tranh của người Việt (đặc biệt của quốc nội) chúng ta. Một bức tranh rõ ràng, đầy thực tế, anh xin phép chú em, chia sẻ cùng bà con thân hữu bạn đọc :

Anh Song ơi,

vụ tranh đấu còn lắm chuyện.

Nguyện vọng thiết yếu của bàn dân thiên hạ là:

1. Có nhà cửa đàng hoàng.

2. Có công ăn việc làm bảo đảm sinh sống.

3. Có sự an toàn trong đời sống.

Dân không đòi dân chủ. Dân đòi quyền lợi của cá nhân họ, gia đình họ và rộng hơn là giai cấp của họ không bị xâm phạm, cướp đoạt, và ít ra là phải có một sự công bằng tương đối mà họ có thể chấp nhận được. Tốt hơn nữa là giai cấp của họ phải được hưởng nhiều quyền lợi hơn hiện tại. Quyền lợi của cá nhân người khác, gia đình người khác và giai cấp khác là chuyện thứ yếu.

Trong khi đó các nhà tranh đấu lại hô hào đấu tranh cho tự do dân chủ. Thưa anh, tự do và dân chủ chỉ là chiêu bài trong một giai đoạn đấu tranh mà thôi. Các vị lãnh đạo phong trào có lẽ biết thế, nhưng vì muốn vận động khối quần chúng thấp cổ bé miệng cho nên mượn chiêu bài này để hô hào quần chúng.

Hiện nay chiêu bài dân chủ theo em đã dần trở nên lỗi thời trong thế toàn cầu hóa. Chiêu bài mới (nhưng vẫn chỉ là chiêu bài, vì đó không phải là ước muốn của toàn dân) sẽ là nhân bản.

Đồng thời, theo em, những thế hệ mới có lẽ sẽ không coi trọng ranh giới quốc gia cổ điển nữa. Lãnh thổ sẽ trở nên trừu tượng hơn, nó có thể là một tập đoàn, một mạng xã hội, một phe nhóm v.v… Anh thấy các thành phố lớn bây giờ trở nên giống nhau lạ kỳ. Người ta đi làm công cho những đại công ty liên quốc gia, bạn bè ở khắp năm châu. Gia đình cũng phân tán đi nhiều quốc gia (do các làn sóng tị nạn và di dân). Những quốc gia sau này sẽ thành đa sắc tộc, quốc gia nào “mạnh” có nghĩa là quốc gia đó có sức hấp dẫn con người đến sinh sống. Hiện giờ có lẽ là Hoa Kỳ, và trong tương lai có thể là Trung Quốc chăng. Ý thức về quốc gia do đó cũng rất khác. Trong vụ Crimée, Nga ăn đứt vì ngay người dân ở đó thích dựa vào Nga (quốc gia lớn) hơn là vào Ukraine. Vùng địa đầu miền Bắc VN cũng vậy, mấy bản làng khoái làm dân TQ hơn dân Việt.

Do đó, một nước “thịnh vượng” phải là một nước có các nhân vật lãnh đạo sống chết với quốc gia (vùng lãnh thổ địa lý) đó và phải là người coi quốc gia như căn nhà của mình, phải biết vun xới, xây dựng, cải biến liên tục và biết là phải cải biến chỗ nào, thay đổi ra sao để căn nhà của mình ít ra là phù hợp với không gian chung quanh, nếu không nói là đẹp hơn những nhà hàng xóm.

Các tổng thống Pháp, thủ tướng Anh & Đức, chính phủ Thụy Sĩ v.v… là những người như vậy. Họ hoàn toàn không có ý định dọn đường để khi thất thế chạy sang một nước khác sinh sống.

Trung Quốc đang trên chiều hướng này. Cái nguy hiểm là toàn dân Tàu một ngày không xa sẽ có sự hãnh diện “ta là dân quốc gia mạnh nhứt thế giới”, và triết lý Khổng giáo nguy hiểm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” sẽ là mối nguy. Vì “bình thiên hạ” theo như Khổng Tử là phải cho thế giới quy vào một mối. Trong khi đó nghề trị nước không cần tu thân, tề gia trước. Kennedy, Bill Clinton, hay Donald Trump là những thí dụ cụ thể.

Việt Nam thì ngược lại. Các quan chức lãnh đạo coi đất nước là kho kim cương, chỉ lo đào vào dọn đường. Tiếc thay, khi đào kim cương, họ tạo công ăn việc làm cho quần chúng. Họ cho đại đa số quần chúng cảm giác đời sống ngày một thịnh vượng hơn. Và quần chúng chỉ chú ý đến giai cấp của họ, giai cấp khác có chết cũng mặc xác. Hongkong gây được phong trào vì đại khối quần chúng thấy rõ ràng sự đe dọa an ninh của họ ngay trước mắt, do vài cá nhân phát động phong trào vạch ra. Việt Nam chưa được cơ hội đó. Ngoài ra, khác với nhận định của nhiều nhân vật đấu tranh, đa số người Việt trong nước ca ngợi Nguyễn Phú Trọng vì đã dẹp được một phần sự bê bối. Đó là mặt nổi, còn mặt chìm thì người ta không muốn biết, bởi vì họ thấy rõ ràng là (cũng do quảng cáo của nhà nước) mọi thứ trong xã hội (cơ sở hạ tầng, các hiệp ước, lương bổng, tiền hưu, bảo hiểm v.v…). Nghệ thuật quảng cáo là như vậy. Phải chờ thôi.

Đồng ý với anh là những nhận thức về giá trị con người ở Việt Nam lệch lạc, dân trí thấp kém, nhiều thói tật xấu. Nhưng trong vài bài xã luận, anh tiên đoán những sự việc sẽ xảy ra trong năm tới, năm tới nữa. Những biến chuyển này, theo em, khó xảy ra. Và anh sẽ bị mang tiếng “thầy rùa”. Chừng nào Việt Nam còn chữ R là mình còn xác định được là người Việt (tiếng tàu hoàn toàn không có âm R). Em, H.

I/ Cộng Sản Nhuộm Đỏ Việt Nam Hay Hán Hóa Việt Nam ? :

Kính thưa quý thân hữu,

Kính thưa quý bà con,

Bài viết hôm nay, trước là để chia sẻ cùng quý thân hữu, quý bà con, bạn đọc những trao đổi của thằng tui với bạn bè thân hữu đấu tranh với nhau. Tất cả anh chị em chúng tôi và chúng ta đều ngày đêm, sốt ruột, canh cánh trong lòng, một nỗi trăn trở, một nỗi ám ảnh :  « Làm sao tránh Mất Nước, làm sao thoát nạn Hán Hóa ».

Vào thời Hậu Đệ Nhứt Thế Chiến, trong cơn gió « Dân Tộc Tự quyết » do Thomas Woodrow Wilson (1856 1924) lúc ấy là Tổng Thống Mỹ (1913-1921) đề xướng trong một văn kiện lịch sử gọi là « 14 điểm  để tổ chức và giải quyết mọi vấn đề quốc tế (sau Thế Chiến I) : Hội Liên Quốc – Société des Nations, Quyền Dân tộc Tự Quyết… ! Hàng loạt các quốc Tây Âu hay Á Đông có đều chui vào « các rọ của lý thuyết dân túy » nầy : vì được thỏa mãn cái tự hào, vuốt ve cái hãnh diện dân tộc… đưa cao các anh hùng dân tộc, từ văn hóa đến huyền thoại ! Và nguy hiểm hơn ! Các ngụy thuyết dân tộc ấy sử dụng cả mầu da, mầu mắt, mầu tóc, sử dụng thứ tự giai cấp các chủng tộc khác nhau : ở Đức chủng (dân) tộc Aryens da trắng mắt xanh, tóc vàng…đứng trên đưa các chủng (dân) tộc Do Thái, Gitans, Slaves …  các dân tộc sau chẳng những thuộc hạng hai loại thứ yếu,  mà cón vô ích, nguy hiểm, cần phải loại bỏ, như những vi trùng, sâu bọ phá hoại xã hội mùa màn. Ở Á Đông, chủng (dân) tộc Nhựt, con cháu Thái Dương thần nữ… chủng (dân) tộc được Thánh Thần (Kami) Ơn Trên lựa chọn để dẫn dắt Đại Đông Á … loại bỏ các dân tộc thứ yếu, hạng hai, như Hán, Hàn, Mãn …

Riêng ở Việt Nam ? Vào thời ấy, các nhà trí thức Việt ta, vẫn còn vương vấn văn hóa gốc Hán thuộc, nên dễ dàng ngưởng mộ Nhựt. Lý do, vì Nhựt, tuy cùng văn hóa Hán, nhưng dám cách mạng bỏ Hán, canh tân … Do đó ào ào, đổ xô qua Nhựt, Đông Du, để tìm đường cứu Quốc, đả Thực, bài Phong, giải phóng Dân tộc. Và cũng trong tinh thần đó, các đảng phái quốc gia Việt Nam lần lượt trước sau, ra đời, cùng đồng « tinh thần » ấy, cũng đồng sử dụng con đường « dân tộc canh tân » ấy, với những chủ thuyết thời ấy, dựa vào tự hào dân tộc, dựa vào tự quyết dân tộc … nào Duy Dân, nào Dân Tộc Sanh Tồn, …  với huyền thoại Con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, Phù Đổng Thiên Vương … Tự lực Tự cường để mong đánh thức lòng tự hào dân tộc Việt, giải phóng đất nước khỏi ách Thực dân Pháp.

Thế nhưng, vì quá thù Pháp, quá thù Thực dân, các đảng phái quốc gia, chỉ bám vào chủ thuyết Dân tộc quên mất những động lực khác, nghĩ rằng sau khi vùng dậy đòi Tự quyết là đủ Tự Cường, không sửa soạn, không tổ chức, không suy nghĩ một cơ chế chánh trị  Không cơ chế Hành Chánh, Không cơ thức Chánh trị, Không thể thức Kinh tế … Nói tóm lại, kêu gọi toàn dân nổi dậy chống Pháp, và sau đó làm gì ? Tổ chức ra sao ? Xây dựng đất nước thế nào ? Dưới cơ chế nào ? Quân chủ lập Hiến với Bảo Đại ? hay Cộng Hòa ? Hay Dân chủ ? (Việt Nam Quốc Gia (từ 1949 đến 1954 – 5 năm – với Bảo Đại làm Quốc Trưởng – với các Thủ Tướng khác nhau, với những chánh phủ khác nhau, cũng Không Có một Hiến Pháp đàng hoàng để cai trị đất nước một cách dân chủ. Sơ đồ suy nghĩ chỉ biết cơ quan cai trị và người dân bị trị … (Sơ đồ cai trị là sơ đồ của hệ thống hành chánh thuộc địa của Pháp để lại!)

Kính thưa quý thân hữu,

Kính thưa quý bà con,

Trái lại, một nhóm người Việt khác, thực tế hơn, nhưng xảo quyệt hơn, không ngại xáo trộn, đổ máu, không cần chủ thuyết dân tộc, chỉ cần gieo hận thù giai cấp, chấp nhận người việt giết người việt, quyết tâm cướp nước, cướp chánh quyền. Kháng chiến chống Pháp, bắt đầu bằng  Sô Viết Nghệ Tỉnh giết thường dân Việt, từ người Việt tư sản, đến người Việt trung lưu, tiểu tư sản … Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ” … Giết, giết …

Người Cộng Sản Việt Nam không cần lập đảng quốc nội, không cần lập đảng dân tộc, lập đảng quốc gia, họ không cần viết chủ thuyết. Họ nhập cảng tất cả, họ ngụy biện « đi tìm đồng minh, gia nhập đảng quốc tế ». Thật tình, họ là Tôi Mọi, họ phục vụ cho một Đảng Quốc tế. Bán Nước Nhuộm Đỏ quê hương để đổ lấy cái ghế Cặp Rằng, làm Xếp đất nước Việt Nam, cai trị ngu dân Việt Nam ! Thật vậy, Đảng Cộng Sản quốc tế giúp họ tiền bạc, tổ chức, kỹ thuật từ tuyên truyền, xách động, phá hoại và đến cả  … quân đội súng ống vũ khí .. . Nếu xưa kia thời phong kiến, Lê Chiêu Thống phải chạy qua Tàu kêu cứu, thì nay, chẳng những, như Chiêu Thống, « họ cỏng rắn cắn gà nhà mà còn cỏng cả một chủ thuyết vô thần, phi văn hóa truyền thông, vô đạo đức, xóa bỏ lịch sử, xóa bỏ tổ tiên, xóa bỏ nguồn gốc… Dưới chiêu bài  Đả Thực, Bài Phong, sẳn sàng xóa bỏ 4000 năm văn hóa, nguồn gốc Đại Việt để Cộng sản hóa dân tộc Việt Nam.

Và, song song, đồng bọn với người Cộng Sản vọng ngoại đi tìm chủ thuyết Cộng sản quốc tế,  để làm vũ khí nhuộm đỏ đất nước, một nhóm người khác cũng đồng minh với họ, hoài cổ thời phong kiến Hán hóa, sẳn sàng, Hán hóa lại Việt Nam trở lạị. Dĩ nhiên với một Hán tộc đã được Cộng Sản hóa rồi !

Không phải những ngày hôm nay mới có hiện tượng bành trướng Tàu. Không phải ngày hôm nay mới có Chù nghĩa bành trướng Tàu- le Pan Chinoisisme – Pan Chinasism. Ngay từ thời Tần Thủy Hoàng đã có hiện tượng nầy… Ngày nay, với Tập Cận Bình, Tàu với chủ thuyết « một vành Đai – một Con Đường » đang muốn gồm thâu thiên hạ  về một mối. Trước hết, trả thù mối hận 55 ngày Bắc Kinh bị Ngũ cường dẹp nát… Bằng mọi giá Tàu sẽ trả thù, quốc tế, ngũ cường Anh Mỹ Pháp. Đức , Nhựt ! Trung Hoa, « Đóa Hoa Trung tâm thiên hạ » sẽ là  bá chủ thiên hạ.

Để trả lời lá thơ của em bạn hữu, tôi không nghĩ rằng người Việt sẽ biến thành người Hán. Vì còn lâu người Hán cho phép người Việt thành người Hán. Người Việt vẫn tiếp tục nói tiếng Việt với âm R. Nhưng người Việt sẽ mất hẳn chữ viết quốc ngữ với mẫu tự la-tinh ngày nay ! Và người Việt SẼ nô lệ người Tàu, trên đất Việt, THUỘC ĐỊA TÀU ! Cũng như ngày nay, người Tây Tạng vẫn nói tiếng Tây Tạng, nhưng tất cả là thổ ngữ, kể cả chữ viết ; người Mông ở Nội Mộng nay vẫn nói tiếng Mông như một thổ ngữ, và không có chữ viết, nếu không là chữ của Ngoại Mông ; người Duy Ngô nói Duy Ngô ngữ như một thổ ngữ ! (Ở Ngoại Mông, người Mông tiếp tục dùng tiếng Mông như quốc ngữ, và chữ viết Mông là một chữ viết dùng mẫu tự abc cyrillique hy lạp và nga tạo thành).

Lại càng Hán hóa dễ dàng hơn nữa khi chính nạn nhơn đã quỳ xuống rước họa vào nhà ! Bằng chứng

 II/ Từ một tài liệu xưa chứng minh sự bán nước của Việt Minh :

Vừa qua một anh bạn gời cho chúng tôi một tài liệu dưới đây :

Đọc xong, chúng tôi ngao ngán, miễn bàn, tuy dù bao nhiêu năm vẫn có những nghi ngờ, nhưng nay có bằng chứng rõ ràng ! Xin cám ơn anh bạn đã cho một tài liệu rất quý giá chứng minh rõ ràng Hồ Chí Minh và các đệ tử Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh … đúng là những tay bán nước cỏng rắn cắn gà nhà. Nghi ngờ gì nữa ! Tài liệu nầy do chính Trường Chinh viết, được báo Tiếng Dội đăng, chứng minh rõ ràng rằng Hồ Chí Minh và các đồng bọn khi từ chối công trình của các linh mục Dòng Tên – đã tìm ra cách viết chữ Việt bằng mẫu tự la tinh, giúp người dân Việt thoát khỏi chữ viết Trung Hoa, và đặt biệt nhờ mẫu tự la tinh, và cách ráp vần, đánh vần đã giúp cho người dân việt thoát nạn mù chữ dễ dàng tiềp cận với văn hóa – là một kế hoạch chánh trị.

Cộng sản Việt Nam chối bỏ chữ viết quốc ngữ theo mẫu tự la tinh để trở về với chữ Tàu chỉ vì muốn chúng ta, người dân Việt phải hoàn toàn nô lệ văn hóa Tàu. Tài liệu còn ca tụng, khen cách chửa bịnh kiểu Tàu, gọi Tàu là thầy, khen Tàu là văn minh số một của thế giới. Trường Chinh và đồng bọn quên rằng cũng vì theo nền văn hóa Tàu mà đầu óc các quan lại Hủ-Nho Nhà Nguyễn ngu tối tụt hậu đến nổi phải sắc thuốc Bắc cho súng Thần công – cho rằng Thần công bệnh, thay vì nghĩ đến kẹt đạn, hay thuốc súng ướt, nên không bắn được – trong khi ấy hải quân lục chiến quân Pháp và Y Pha Nho đổ bộ từ Cửa Thuận An, phải chạy bộ đến Huế và đánh chiếm cổ thành Huế – nên mới thua trận, mất Huế, mất thủ đô, mất quê hương, mất Độc lập, nước Nước. (Chỉ với 40 tên lính thủy quân lục chiến  mà Hải quân Pháp đã đánh tan một đạo quân của quân đội của một quốc gia nhứt nhì hùng mạnh  của Đông Nam Á lúc bấy giờ).

III/Đến những sự kiện (được giải mật ngày nay) của sự bán nước :

Từ ngay những ngày đầu của Triều đình Cộng sản Việt Nam, ngay những năm 1946, không năm nào không có những đi lại, xin xỏ, khi đi sứ, khi cầu cạnh, mua quan bán tước, xin ghế, xin tiền, xin súng, xin đạn …  của các nhà đầu xỏ Đảng Cộng sản Việt Nam đi sứ sang chầu Triều đình  Cộng sản Tàu. Mỗi mỗi hành động, mỗi mỗi quyết định đều phải được Quan thầy Trung Cộng bật đèn xanh.

Chẳng những Đảng Cộng Sản Hà Nội là Đảng bán nước ! Và còn bán nước những hai lần :

1/ Năm 1950,

Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới tên gọi là Đảng Cộng Sản Đông Dương, ngắn gọn gọi là Việt Minh đã bán nước Việt Nam bằng nhờ quân Tàu đánh Quốc Gia Việt Nam – đồng minh quân đội Pháp và cướp được nửa nước Việt Nam,  vào năm 1954 !

–  Những anh hùng quân đội Việt Minh bấy giờ, là anh phu dân quân đẩy xe thồ tiêp tế, là anh dân quân làm phu kéo pháo, là những người bộ đội xung phong biển người, là những người nông dân dùng thân bịt đầu súng địch, là những thanh niên thanh nữ vắt mình trên hàng rào giây thép gai, hay phơi thây nơi chiến hào (tây gọi là chair à canon – thịt  bằm cho pháo); chứ không có một anh hùng pháo thủ Việt Nam nào, sử dụng pháo, tên lửa- Katiouchas – Stalinorgel –  hay anh sĩ quan Việt nào tham mưu, anh hay anh tướng lãnh Việt nào chỉ huy bày binh bố trận … Lý do : vì tất cả … là do các đại đồng chí … người Tàu ĐIỀU KHIỂN.

–  Tất cả những hình ảnh oai hùng được Ban tuyên truyền tổng hợp đội lốt cải trang thành Một người Việt Nam duy nhứt, điển hình, người anh hùng Việt Nam, dưới tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng Điện Biên Phủ. The One & Only One Heros !

2/  Năm 1960,

Đảng Cộng Sản Việt Nam, trụ sở Hà nội gọi tắt là Việt Cộng dưới chiêu bài Chống Mỹ Cứu Nước cũng đã bán nốt toàn bộ nước Việt Nam khi  nhờ quân Tàu đánh Mỹ giùm mình.

–  Quân đội Nhơn dân Việt Nam thật sự chủ yếu là dân quân gồng gánh vượt núi vào Nam, sanh Bắc tử Nam. Nào là những anh hùng dân phu xẻng cuốc xẻ Trường Sơn, đắp đường mòn Hồ Chí Minh. Nào là những anh hùng chiến sĩ, chân xích vào đại liên để « chết hôm qua, chết nghẹn ngào ( cf Trịnh Công Sơn) trên những bìa chiến hào, dọc theo biên giới ». Nào những anh hùng xung phong biển người phơi thây, bỏ xác, vắt thân trên những hàng rào concertina, hay nát thân bởi mìn claymore hay đạn chụp …

–  Chứ thật sự, chủ lực quân đội, phi pháo, xạ thủ Sam, phi công Mig, tên lửa, hải quân, đại pháo, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào cũng là một lần nữa là quân đội Cộng sản … Tàu. Đó là sự thật ! Sự thật do những tài liệu mới nhứt, do chính Đảng Cộng Sản Tàu giải mật vừa qua, để tính sổ kết toán NỢ chi phí chiến tranh (hai lần).

–  Đảng Cộng sản Tàu đã dùng, đã hy sanh, tiền của và sanh mạng nhân dân Tàu ĐỂ giúp  Đảng Cộng sản  Việt Nam cướp nước nhuộm đỏ VÀ Hán Hóa Việt Nam ! Và nhơn tiện, một mũi tên bắn chết hai con chim, tiêu diệt toàn thể nhân lực nhân dân Việt Nam, trừ hậu hoạn, toàn thể tuổi trẻ, tương lai, nghị lực cả hai miền Việt Nam – và cướp toàn bộ chánh quyền, xóa bỏ văn minh và văn hóa tư bản tư hữu tự túc của nhơn dân Miền Nam, vừa Cộng Sản hóa, vừa Hán hóa miền Nam, vừa Thuộc địa hóa Nam Đông Dương tạo cửa ngõ ra Vịnh Thái Lan cùng xuống Nam Đông Nam Á cùng cướp vựa lúa Đông Nam Á về cho Hán Triều !

 Để Kết Luận :

Muốn Thoát Tàu, có hai thách thức :

1/ Các Người Cộng sản đang cầm quyền hãy từ chức, để người Dân chủ cầm quyền. Từ chức thì hết nhiệm vụ (nhưng không hết trách nhiệm đâu nhé ! vì tội phá phách vẫn còn trừ phi … ?)  Đảng Cộng sản Việt Nam từ chức thì Việt Nam HẾT NỢ Tàu.  Đảng Cộng Sản Tàu không còn viện lý, nào lời hứa, nào nợ do Hồ Chí Minh vay, nào công hàm Phạm Văn Đồng, nào 4 Tốt 16 Chữ Vàng là giữa Hai Đảng cam kết ký với nhau ở Thành Đô. Hết Đảng Cộng sản Việt là hết đối tượng ĐÒI NỢ. Cộng sản Việt Nam cũng đừng dùng đòn kinh tế hù dọa dân chúng ! Dân Việt Nam nghèo, nhưng Đảng Cộng Sản và đảng viên Cộng sản Việt Nam rất giàu. Tất cả tài sản Đảng Cộng sản và đảng viên Đảng Cộng Sản  Việt Nam ngày nay đủ sức nuôi toàn dân Việt Nam ăn uống cần kiệm trong vòng ít nhứt một năm.

Còn nếu sợ Việt Nam và dân Việt Nam tiếp tục mang nợ, vì kế vị, phải tiếp tục gia tài ? .

2/ Thì Xin Người Dân Lật Đổ Các Người Đi ! Hãy Làm Một Cuộc Cách Mạng ( Muốn Ôn Hoà ? Nên tổ chức một cuộc Cách Mạng thì may ra kiểm soát được đấy !).

Nhưng nếu chẳng may,  gặp dân quá giận, hay quá khích thì  Xin Ba Anh Đầu Xỏ ngày nay   Hy Sanh cho Tý Máu, Tý Huyết, gọi là Hy Sanh Cho Đại Nghĩa. Rủi Có Chết, Xin Thay Mặt Người Dân, Chúng Tôi Xin Đề Nghị Người Dân « Hứa Cho Phép Bà Con Cúng Mấy Anh, Gọi Là Trả Cái Lòng Cải Thiện Của Các Anh » ./.

Mong lắm ! Đây là mong muốn của một thằng con già trên đất người.

Mong cho Đại Nghĩa! Mong cho Đại Việt ! Mong cho Toàn Vẹn Lãnh Thổ !

Hồi Nhơn Sơn, tuần ba tháng bảy, 2019,

 

 

Vui cười

Người kia nghèo nhưng lại muốn làm sang. Một hôm, có khách đến chơi . Anh ta lẻn sang nhà hàng xóm nhờ một chú bé đến bưng cơm nước hộ. Anh ta dặn dò cách thức xong rồi về nhà trước ngồi đợi . Đợi cả buổi, vẫn chưa thấy chú bé sang. Mãi mới thấy chú bé thập thò ngoài cửa . Anh ta ra oai, gọi to :

– Sao không vào bưng cơm nước ra, kẻo khách đã đói bụng, còn chờ đến bao giờ nữa ?

Lúc bấy giờ, chú bé mới lễ phép thưa :

– Xin lỗi ông miễn cho, tôi sợ con chó nhà ông nó dữ quá nên từ nãy đến giờ, tôi đứng đây chưa dám vào !

 

Trong cuộc liên hoan tất niên Tết ở Việt Nam, bàn đến chuyện sợ vợ. Để thử ai không sợ vợ, một ông hỏi:

– Ai sợ vợ đưa tay lên.

Có nhiều cánh tay đưa lên trong đó có cô thư ký của công ty:

– Sao lạ kỳ vậy? Cô cũng sợ vợ à!

– Thì cũng sợ chứ!

– Sợ ai?

– Sợ vợ thủ trưởng.

 

– Bố ơi, con không thể lấy anh ấy làm chồng được đâu, anh ta là người vô thần, không tin là có địa ngục.

– Đừng ngại, con gái của bố ơi. Rồi con và mẹ con khắc nhanh chóng cho hắn ta biết, địa ngục là có thật.

 

 

Hãy Tự lực, Đừng buông tay Phú thác

(Tuyên bố của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – Morgan Ortagus – về Biển Đông)

Sự cưỡng chế của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí ở Biển Đông

Hoa Kỳ quan tâm bởi các báo cáo về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động thăm dò và khai thác lâu dài của Việt Nam. Sự tái diễn các hành động khiêu khích của Trung Quốc nhắm vào hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của các quốc gia đang xác nhận chủ quyền khác đã đe dọa sự an ninh về năng lượng trong khu vực và làm hại thị trường năng lượng tự do và mở rộng trong khu vực Á châu- Thái Bình Dương.

Như Bộ trưởng Pompeo đã tuyên bố vào đầu năm nay, “bằng cách ngăn chặn khai thác ở Biển Đông bằng sự cưỡng ép, Trung Quốc ngăn các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 ngàn tỷ đô la năng lượng dự trữ”.

Việc Trung Quốc khai hoang và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác để xác quyết chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, trong đó có việc sử dụng lực lượng dân quân biển để dọa dẫm, cưỡng ép và đe dọa các nước khác đã làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực.

Sự gia tăng áp lực của Trung Quốc lên các nước ASEAN để phải chấp nhận các điều khoản trong Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), tìm cách hạn chế quyền hợp tác của họ với các công ty hoặc quốc gia thứ ba đã làm lộ ra ý định kiểm soát tài nguyên dầu khí ở Biển Đông của Trung Quốc.

Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối sự cưỡng chế và đe dọa bởi bất kỳ nước đòi chủ quyền nào muốn khẳng định chủ quyền về lãnh thổ hoặc hàng hải.

Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế những hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này.

Nhìn sự kiện Bãi Tư Chính ngày nay, ngậm ngùi nhắc lại câu chuyện cũ:

….. Còn như bây giờ, tình thế ngày càng thúc bách, việc va chạm quân sự trên biển Đông bất cứ lúc nào cũng có thể xãy ra và vận mạng Đất nước không biết ngả về đâu!?

Cho nên không thể chỉ xoay trở cầm chừng, trông chờ Mỹ can thiệp được!

Trong một bài viết “ Armed Clash in the South China Sea “ của Bonnie S. Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có một đoạn khuyến cáo chánh phủ Mỹ như sau:

Seventh, Washington should clarify in its respective dialogues with Manila and Hanoi the extent of the United States’ obligations and commitments as well as the limits of likely U.S. involvement in future disputes. Clarity is necessary both to avoid a scenario in which regional actors are emboldened to aggressively confront China and to avert a setback to U.S. relations with regional nations due to perceptions of unfulfilled expectations. “ (*)

( Tạm dịch: Thứ 7, trong việc đối thoại với Phi Luật Tân và Việt Nam, Hoa Kỳ cần minh bạch về phạm vi nghĩa vụ và cam kết của mình cũng như giới hạn của sự liên hệ khả dỉ của Hoa Kỳ trong các tranh chấp có thể xãy ra trong tương lai. Sự minh bạch là cần thiết cho cả hai bên nhằm tránh sự kiện mà trong đó các tác nhân địa phương được phấn khích để tích cực đối đầu với Trung quốc và cũng tránh sự thoái bộ đối với quan hệ của các trong vùng với Hoa Kỳ vì lý do nhận thức sự không làm tròn kỳ vọng của Hoa Kỳ. )

Nói một cách nôm na cho dễ hiểu là : Hoa Kỳ phải nói rõ cho Phi và VN biết là chỉ ủng hộ hai nước trong tranh chấp Biển Đông tới mức nào thôi chớ không được ỷ lại vào Hoa Kỳ mà làm tới với Trung cọng được!

Tháng Tư, ngậm ngùi thân phận lưu ly!

Cho tới nay, các “ nhà tranh đấu dân chủ “ trong nước vẫn chủ trương “ tranh đấu Ôn hòa – Bất bạo động “ theo phương thức “ Xã hội Dân sự  “ đi song song với “ Quốc tế vận. “

Cho tới hồi gần đây, khi Hoa Kỳ từ Đại sứ Ted Osius cho tới TT Obama đều xác minh: “ Hoa Kỳ KHÔNG CÓ kế hoạch thay đổi thể chế chánh trị Việt Nam, “ một số các vị thức giả mới lên tiếng về “ TỰ LỰC “ tranh đấu vì Tự do – Dân chủ cho chính mình.

Riêng gã cựu chức việc già VNCH đã từ lâu không ngớt hô hào, cổ võ, khích lệ giới trẻ trong nước kết hợp thành những nhóm nhỏ, tự đặt kế hoạch hành động tích cực hơn nhằm dẫn tới cuộc CÁCH MẠNG TOÀN DIỆN nếu không bằng bạo lực thì chí ít cũng phải bằng hành động phản kháng BẤT TUÂN DÂN SỰ.

Sở dỉ kẻ tiểu dân già VNCH có chủ trương như vậy bởi vì kinh nghiệm xót xa cho thân phận tị nạn lưu ly khi cố gắng nói lên tiếng nói công chính của cộng đồng tị nạn việt cọng với chánh phủ Hoa Kỳ khi tái lập bang giao với việt cọng.

Đòn bẫy nhân quyền với Việt cộng có linh không?

Trích:” Bà Vũ Minh Khánh lo ngại: “Phải chăng vì Việt Nam đã ký được nhiều hiệp định quốc tế về kinh tế, như TPP, FTA… rồi, nên bây giờ chính quyền Việt Nam trở mặt, phá bỏ các cam kết, bắt giữ người hoạt động nhân quyền để trả đũa và để gửi lời cảnh báo tới tất cả giới hoạt động nhân quyền-dân chủ?

1/ FB Ðoan Trang dẫn lời ông Ted Osius đáp: “Tôi lại diễn giải vụ bắt bớ này theo một cách khác. Tôi cho là với việc bắt anh Ðài và chị Hà, Bộ Công An Việt Nam muốn gửi một thông điệp rằng họ đang rất mạnh và họ không e ngại điều gì cả.” Dù vậy, ông cũng thừa nhận, không hiểu sao chính quyền Việt Nam “liều” như thế (take a great deal of risks). “Họ đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm. Họ đang liều cả với TPP, cả với tương lai kinh tế trước mắt.”

Theo FB Ðoan Trang tường thuật, bà Vũ Minh Khánh băn khoăn rằng nếu vậy, liệu có phải Mỹ và cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia phương Tây, đã hết các cơ chế để có thể gây áp lực với Việt Nam.

2 / Ðại Sứ Ted Osius cười: “Không đâu. Mỹ vẫn còn rất nhiều đòn bẩy (leverage) để tạo sức ép. Tôi đang có trong tay bức thư của Dân Biểu Alan Lowenthal phản đối vụ bắt giữ Luật Sư Nguyễn Văn Ðài; ông Alan Lowenthal là người sẽ tham gia cho ý kiến quyết định việc Mỹ có thể đồng ý để Việt Nam gia nhập TPP không. Ngoài TPP, Mỹ còn nhiều đòn bẩy khác nữa.

Tuy thế, đại sứ Hoa Kỳ cũng nêu rõ rằng ông cảm nhận được sự cứng rắn của phía Bộ Công An, và chắc chắn chính quyền Việt Nam sẽ không thả Luật Sư Nguyễn Văn Ðài sớm

Kết thúc buổi gặp, ông Ted Osius khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. (We won’t give up).”

( Báo Người Việt – Ðại sứ Mỹ: Bắt LS Ðài, Việt Nam ‘đang chơi trò nguy hiểm’ )

Nhớ hồi nẩm 1994, khi Clinton bất ngờ tuyên bố bãi bỏ cấm vận đối với việt cọng, Ban Đại diện cộng đồng người Việt Bắc Cali gốm các bạn trẻ vừa mới chánh thức được bầu cử tổ chức cuộc biểu tình phản đối lịnh bãi bỏ cấm vận trước trụ sở Liên bang trên đường 1.

Buổi sáng trời hanh lạnh, vài ba chục quân cán chính và đồng bào tị nạn cọng sản dàn trận trước trụ sở Liên bang đồ sộ xem ra mong manh đáng thương. Sau gần 20 năm định cư trên đất Mỹ, cộng đồng người Việt mới chỉnh đốn được tổ chức, đụng phải mặt trận thiệt là gay go, không khác nào đội đá vá trời. Nhưng mà cũng cố gắng nói lên tiếng nói nhỏ nhoi của mình.

Gã nhà quê lúc ấy đã 57 tuổi, buồn tình, xách cặp da vào đại học cộng đồng De Anza xin ghi danh học một khóa Bang giao Quốc tế xem chiện gì đã xãy ra.

Té ra là đã vài năm nay, Hoa Kỳ có cái sách lược đối phó với các nước cọng sản còn sót lại kêu là Engagement – Enlargement ( Kết giao – Mở rộng ). Nói khái quát nó gồm 3 bước đơn giản:

1- Bãi bỏ cấm vận: Giải trừ các đe dọa nhằm tạo không khí hòa hoãn.

2- Trao đổi dân sự: Khuyến khích doanh nhân qua lại thăm dò công việc làm ăn. Lập chương trình trao đổi sinh viên – học sinh để hai bên tập làm quen.

3- Thiết lập bang giao: Dùng các hiệp ước giao thương có lợi cho nước đối tác để “ khuyến khích thay đổi dân chủ ( Using beneficiary agreements as “ leverage “ to encourage “ democratic transformations “ )

Anh sinh viên già đọc thấy lấy làm bở ngở, mới thưa hỏi vị giáo sư Mỹ: “ Vậy chừng bao lâu thì việc khuyến khích thay đổi dân chủ có kết quả? “

Vị giáo sư nghiêm nghị đáp: “ It’s a very long way to go “. ( Diễn nôm: Đường còn xa lắm, người ơi!) Rồi ông nhìn đăm đăm anh học trò già ra ý hỏi: “ Thế còn người Việt quý ông thì làm gì?

Gã cựu chức việc VNCH ngày xưa nhìn thẳng mặt vị giáo sư Mỹ và nói: “ Bởi vậy, người Việt chúng tôi chưa bao giờ ngừng tranh đấu cho Tự do – Dân chủ cho chính mình “.

Thấy vậy, Ông giáo sư mới nói tiếp: Whenever, wherever IT CAN, The United States wants to help promote Freedom and Democracy “. ( Bất cứ khi nào và ở đâu MÀ CÓ THỂ ĐƯỢC, Hoa Kỳ vẫn muốn giúp thăng tiến Tự do – Dân chủ )

Còn như bây giờ, tình thế ngày càng thúc bách, việc va chạm quân sự trên biển Đông bất cứ lúc nào cũng có thể xãy ra và vận mạng Đất nước không biết ngả về đâu!?

Cho nên không thể chỉ xoay trở cầm chừng, trông chờ Mỹ can thiệp được!

Trong một bài viết “ Armed Clash in the South China Sea “ của Bonnie S. Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có một đoạn khuyến cáo chánh phủ Mỹ như sau:

Seventh, Washington should clarify in its respective dialogues with Manila and Hanoi the extent of the United States’ obligations and commitments as well as the limits of likely U.S. involvement in future disputes. Clarity is necessary both to avoid a scenario in which regional actors are emboldened to aggressively confront China and to avert a setback to U.S. relations with regional nations due to perceptions of unfulfilled expectations. “ (*)

( Tạm dịch: Thứ 7, trong việc đối thoại với Phi Luật Tân và Việt Nam, Hoa Kỳ cần minh bạch về phạm vi nghĩa vụ và cam kết của mình cũng như giới hạn của sự liên hệ khả dỉ của Hoa Kỳ trong các tranh chấp có thể xãy ra trong tương lai. Sự minh bạch là cần thiết cho cả hai bên nhằm tránh sự kiện mà trong đó các tác nhân địa phương được phấn khích để tích cực đối đầu với Trung quốc và cũng tránh sự thoái bộ đối với quan hệ của các trong vùng với Hoa Kỳ vì lý do nhận thức sự không làm tròn kỳ vọng của Hoa Kỳ. )

Nói một cách nôm na cho dễ hiểu là : Hoa Kỳ phải nói rõ cho Phi và VN biết là chỉ ủng hộ hai nước trong tranh chấp Biển Đông tới mức nào thôi chớ không được ỷ lại vào Hoa Kỳ mà làm tới với Trung cọng được!

Nói tóm tắt lại là:

Đừng trông chờ các “ đòn bẫy “ của Hoa Kỳ đối với việt cọng có linh ứng hay không mà hãy tự trông cậy vào chính sức lực của mình mà hành động trong việc tranh đấu vì Dân chủ – Nhân Quyền cũng như đối phó với tàu khựa trên biển Đông.

Và luôn luôn ghi nhớ câu ngạn ngữ Mỹ:

“ Freedom Ain’t Free “

Tự do không cho không, biếu không!

Nguyễn Nhơn

ThángTư Đen phấn đấu cho Ngày Mai Tươi Sáng

2/4/2019

(*) Armed Clash in the South China Sea – Contingency Planning Memorandum No. 14 Author: Bonnie S. Glaser, Senior Advisor for Asia, Center for Strategic and International Studies

 

 

Nước Mỹ Một siêu cường duy nhất – Trọng Đạt

Sau khi Liên bang Sô Viết sụp đổ vào đầu thập niên 90, Hoa Kỳ được coi như không còn đối thủ, trở thành siêu cường độc nhất trên thế giới. Nay có nhiều quan điểm khác nhau về nhận định này, có người cho là Mỹ không còn là siêu cường độc nhất vì nhiều cường quốc khác đang đi lên cạnh tranh với Mỹ kể cả sự trở lại giành địa vị của nước Nga, một siêu cường cũ.

Trong cuốn hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara “In Retrospect, The Tragedy and Lessons of VietNam” xuất bản năm 1995, tại các trang 325-330,  ông nói.

“Thế kỷ sau các nước Thứ Ba sẽ tăng rất nhanh về dân số, kinh tế như Ấn độ sẽ lên 1 tỷ 6,  Nigeria 400 triệu,  Ba Tây 300 triệu. Nếu Trung Cộng đạt mục tiêu kinh tế năm 2000 tiếp tục như thế nhưng không tăng trưởng mạnh trong 50 năm nữa, họ sẽ có lợi tức, sẽ ảnh hưởng Tây phương giữa thế kỷ 20, Tổng sản lượng của họ (GDP) sẽ vượt qua Mỹ, Tây Âu, Nhật, Nga, đó sẽ là một siêu cường đáng kể.

Mặc dù vẫn là siêu cường, nước Mỹ ở trong một thế giới đa cực, Mỹ sẽ phải thay đổi chính sách ngoại giao, quốc phòng cho phù hợp với thực tại. Trong thế giới đó cần có bang giao, quan hệ mới giữa các siêu cường Trung Hoa, Âu châu, Nhật, Nga và Mỹ, giữa các siêu cường và các nước khác. Chiến tranh lạnh chấm dứt không có nghĩa là chiến tranh sẽ chấm dứt.”

Cách đây hơn hai thập niên, McNamara tiên đoán trong một tương lai gần Hoa Kỳ sẽ không còn là siêu cường duy nhất, vì sự nổi lên của nhiều cường quốc khác. Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng làm thay đổi mỗi nước theo một hình ảnh mà chúng ta muốn (to shape every nation in our own image…)

Năm ngoái, trên BBC tiếng Việt, một tác giả trong nước nói đai khái như sau:

“Nước Mỹ sẽ không còn là siêu cường duy nhất mà chỉ là một con cá lớn bên cạnh những con cá lớn khác.”…

Nay phe ta vẫn thích ca ngợi sự lớn mạnh của các đồng chí, kể cả Nga mặc dù họ đã từ bỏ CS từ khuya và nhât là Trung Quốc anh em.

Gần đây tác giả Bùi Quang Vươm ở trong nước có bài nhận định về Donald Trump “Trump Siêu Nhân?”

Tác giả nói Trump đối diện trực tiếp với những vấn nạn lớn nhất của Hành tinh, và hình như đang hoá giải tất cả các vấn đề ấy cùng một lúc.

Tác giả ca ngợi Trump, ông ta giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc và nhận định về nước Mỹ như sau

“Trump đang chứng minh rằng Mỹ có thể quyết định tất cả, sắp đặt tất cả..

    … Mỹ là người quyết định mọi chuyện, cần và chỉ cần thương lượng với Mỹ, theo điều kiện mà Mỹ có thể chấp nhận”

Ở đây tôi chỉ nêu một số nhận xét của tác giả Bùi Quang Vươm về sức mạnh của nước Mỹ nhưng không khen, chê chính sách của Tổng Thống Trump vì nó không nằm trong chủ đề của bài viết mà tôi trình bầy dưới đây.

Mặc dù nay Hoa Kỳ vẫn là siêu cường hàng đầu thế giới về quân sự (1) nhưng TT Trump dùng đòn kinh tế mà không xử dụng vũ khí trong thương thuyết. Nay ộng Trump gây áp lực kinh tế tối đa cùng một lúc với Bắc Hàn, Trung Quốc, Thổ Nhĩ, Iran. Trước mắt, Bắc Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu nhương bộ, Trung Cộng, Iran sẽ chấp nhận những đòi hỏi của Hoa Kỳ và chỉ là vấn đề thời gian.

Nhiêu nước lên án TT Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới, ông tăng thuế hàng nhập cảng của Trung Cộng và ngay cả các đồng minh từ Canada, Mexico đến Âu châu, Nhật.. để đòi hỏi sự công bằng về mậu dịch. Mặc dù Trung Cộng nay là cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, Tổng Sản Lượng (GDP) của họ chiếm khoảng 60% GDP Mỹ (2) phải chịu điêu đứng vì những đòn tăng thuế hàng nhập vào Mỹ (3). Xem như thế kinh tế Mỹ vững mạnh là chừng nào, chỉ có Mỹ mới có khả năng trừng phạt kinh tế các nước khác và cùng một lúc kể cả cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới

Những năm trước nhiều bình luận cho rằng Trung Cộng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt qua mặt Mỹ trong vòng 10, hoặc 20 năm nữa…nghĩa là TSL GDP của họ sẽ bằng rồi vượt Mỹ nhưng trên thực tế chuyện này khó sẩy ra: Kinh tế Mỹ không phụ thuộc vào xuất cảng mà có khả năng tiêu thụ trong nước, khoa học công nghiệp cao, làm những hàng kỹ nghệ nặng và high tech ngược lại kinh tế Trung Cộng phụ thuộc vào xuất cảng, họ chỉ đủ khả năng làm hàng tiêu dùng vì khoa học kỹ thuật còn yếu kém

Tổng cộng năm năm 2017 Hoa Lục xuất cảng 2. 26 ngàn tỷ (Mỹ Kim), trong đó  94% là hàng sản xuất công nghiệp tới các nước theo tỷ lệ: Mỹ 18.3%, khối Liên Âu 16.1%, Hồng Kông 13.8%, Nhật 6.1%, Nam Hàn 4.5%, các nước khác 41.2%.

Người ta nói nay họ là một công xưởng lớn sản xuất đồ tiêu dùng cho cả thế giới.

Hàng Hoa Lục rẻ xâm nhập các nước khác nhờ: Khối nhân công rẻ mạt và đông như kiến,  trợ  giá của chính phủ, hạ giá đồng Nhân dân tệ, xử dụng nguyên liệu bẩn, rẻ và độc hại và nhất là ăn trộm ăn cắp kỹ thuật của Mỹ, Tây phương, Nhật…Những yếu tố kể trên khiến các nước không thể cạnh tranh nổi hàng Hoa Lục ngay trên đất nước họ

Nhờ ăn cắp thông tin của Mỹ làm hàng rẻ mạt, phẩm chất tương đương nên họ dễ cạnh tranh nhưng nay trò gian trá này đã bị   ngăn chận. Một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật còn yếu kém chuyên đi ăn cắp ăn trộm thông tin công nghệ của Mỹ không thể thành siêu cường kinh tế vượt Mỹ được.

Từ khi TT Trump mở chiến tranh mậu dịch với Trung Cộng từ đầu tháng 7 tới nay mới có gần 4 tháng, Kinh tế Hoa Lục vô cùng khốn đốn. Chứng khoán Trung Quốc giờ đã giảm 12% trong tháng 10/2018 và 26% trong 12 tháng vừa qua. (trang Invest). Chỉ số Shanghai ngày 16-10 giảm 8,84%, mức giảm mạnh nhất kể từ 18/2/1997. (VN Express)

Các nhà đầu tư đua nhau bán tháo khiến gây khủng hoảng tài chính, chứng khoán tuột dốc liên tục, nhà nước phải “bail out” cứu thị trường nhưng chỉ như muối bỏ biển, đồng Nhân dân tệ nay xuống thấp nhất từ thập niên qua, các công ty vội vã rút khỏi Tầu.

Nền kinh tế Mỹ có cơ bản về thị trường, khoa học công nghệ, sản xuất.. từ bao đời nay trong khi kinh tế Hoa Lục hiện là kinh tế chỉ huy, phụ thuộc vào xuất cảng và phụ thuộc cả vào ăn trộm ăn cắp bí mật công nghiệp, kỹ thuật của Mỹ. Kinh tế của họ bấp bênh, chụp giựt. Trước chính sách mậu dịch của Mỹ, họ ráng chịu đòn để hy vọng Dân chủ sẽ thắng cử trong cuộc bầu của tháng 11 sẽ giúp họ cản trở chính sách mậu dịch của TT Trump.

Nay TSL GDP của các nước đứng đầu trên thế giới được xếp thứ tự như sau: Mỹ 19 ngàn tỷ tư, Hoa Lục 12 ngàn tỷ, Nhật 4 ngàn tỷ, Đức 3 ngàn tỷ 7, Anh 2 ngàn tỷ 6….. Nước Nga về TSL kinh tế rất khiêm tốn, chỉ có 1 ngàn tỷ rưỡi (1 ngàn tỷ 500) đứng thứ 12, thua Nam Hàn một bậc.

Quân sự

Về phương diện quân sự, trang Hỏa lực toàn cầu (4) đã xếp hạng các cường quốc quân sự trên thế giới theo thứ tự như sau:

1-Mỹ

2-Nga

3-Trung Cộng

4-Ấn độ

5-Pháp

6-Anh

7-Nhật

. . . . . . . . . . . . .

Nga được xếp hạng nhì nhờ kho vũ khí cũ để lại từ thời chiến tranh lạnh, Kinh tế cũng như Ngân sách quốc phòng chỉ là con số không so với Mỹ. TSL GDP Mỹ nay (19 ngàn tỷ 4) gấp gần 13 lần Nga (1 ngàn tỷ rưỡi). Ngân sách Quốc phòng Mỹ nay 712 tỷ, gấp 15 lần NSQP Nga (47 tỷ)….. Trung Cộng GDP bằng hơn một nửa Mỹ, Ngân sách quốc phòng (151 tỷ) chưa được một phần tư của Mỹ (712 tỷ)…. khoa học còn yếu kém, họ đóng tầu, chế tạo máy bay quân sự, vũ khí ….. nhái theo Nga hoặc thuê chuyên viên nước ngoài thực hiện.

Về Ngân sách quốc phòng nay Mỹ là 712 tỷ, nếu đem cộng lại NSQP của 9 nước còn lại trong số 10 nước Top Ten về quân sự trên thế giới chỉ được 520 tỷ (Tầu 151 tỷ, Arab Seoudite 56 tỷ, Anh 50 tỷ, Ấn 47 tỷ, Nga 47 tỷ, Đức 45 tỷ, Pháp 40 tỷ, Nam Hàn 40 tỷ ), tổng cộng vẫn còn nhỏ hơn NSQP của Mỹ rất nhiều.

Xem như thế bộ máy Quân sự của Mỹ vĩ đại khủng khiếp là chừng nào.

Về vũ khí nguyên tử  Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử mà các cường quốc CS Nga, Tầu đã đánh cắp tài liệu của họ về chế tạo. Mỹ cũng là nước duy nhất đã xử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh (1945). Về số lượng, Mỹ là nước có nhiều đầu đạn nguyên tử nhất.

Từ 1940 tới 1996, trong 56 năm Mỹ đã chi 8,890 tỷ đô la (theo giá tiền ngày nay) trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Người ta ước lượng từ 1945 Mỹ đã chế tạo hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử, nhiều hơn  tổng số đầu đạn nguyên tử của các nước trên thế giới cộng lại (5)

Riêng về Hải quân, lực lượng Hàng không mẫu hạm của Mỹ nay là 10 tầu khổng lồ  (trên100 ngàn tấn)  hiện dịch, hai tầu trừ bị và 10  Hàng không mẫu hạm loại trung bình cho trực thăng và máy bay phản lực lên thẳng, tổng cộng 20 chiếc. Các nước khác  chỉ có một số giới hạn Hàng không mẫu hạm không đáng kể, loại nhỏ hoặc trung bình, chưa nước nào kể cả Nga đóng được HKMH lớn 100 ngàn tấn, mà chỉ vào khoảng dưới 60 ngàn tấn. Nhiều nước mua lại tầu cũ, lỗi thời: Nhật 4 chiếc, Pháp 4 chiếc, Ai cập 2, Ý 2, Úc 2, Nga 1….

Trong tương lai sẽ không bao giờ có nước nào, kể cả Nga có hy vọng đóng được HKMH khổng lồ trên 100 ngàn tấn vì nó vô cùng tốn kém (từ 10-15 tỷ) đòi hỏi khoa học kỹ thuật rất cao. Trên thế giới sẽ không bao giờ một nước nào có lực lượng Hải quân, HKMH đối địch được với Mỹ.

Tầu sân bay vẫn được coi là một “biểu tượng sức mạnh” của quốc gia trên đại dương (The aircraft carrier remains a nation’s “symbol of strength” on the high seas)

Kết luận

Như đã trình bầy hiện nay và trong thế kỷ tới ta chưa thấy dấu hiệu gì cho thấy cường quốc nào có thể hơn hay bằng Mỹ về Kinh tế cũng như Quân sự, Quốc phòng. Mười mấy năm trở lại đây, TT  Putin một chính trị gia mới nổi gây nhiều căng thẳng cho Tây phương. Ông ta tiếc nhớ Sô Viết Nga oai hùng thời chiến tranh lạnh và muốn làm sống lại cả một thời oanh liệt xa xưa….mà gần đây bị Tây phương rẻ rúng: Sô Viết tan rã năm 1991, 15 nước  thuộc địa đòi độc lập,  dân số Nga tụt xuống chỉ còn một nửa (145 triệu). Về kinh tế thập niên 1970, 1960 Tổng sản lượng GDP Nga khoảng một nửa của Mỹ (6) nay chỉ còn khoảng 1/13 của Mỹ. Ngân sách quốc phòng Mỹ nay 712 tỷ gấp 15 lần Nga (47 tỷ)….

Đối với Mỹ, nướcNga bây giờ chỉ là con số không ngoài cái kho vũ khí cũ nhất là bom Nguyên tử từ thời chiến tranh lạnh. Năm 2014 trong cơn nóng giận Putin tuyên bố Nga là nước duy nhất có khả năng biến nước Mỹ thành tro bụi chỉ là cách nói cho đỡ tủi, ai người ta để cho anh lộng hành như thế?

Trung Cộng về TSL kinh tế GDP có thể sẽ từ từ bằng hay qua mặt Mỹ tuy không có gì bảo đảm chắc. Mặc dù Hoa Lục muốn  sánh vai với Mỹ về quân sự, quốc phòng nhưng còn xa với lắm, khoa học nhất là về quốc phòng của họ còn yếu kém so với Nga, Mỹ, Pháp, Nhật.. Một ông Tướng 4 sao Nhật cách đây 5, 6 năm đã chê bai Hải quân, Không quân Hoa Lục còn lạc hậu từ 10 cho tới 20 năm so với Nhật

Nay Hoa Kỳ vẫn có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới theo ý họ muốn và tiên đoán về vai trò khiêm tốn của Mỹ như một số nhận xét số nhận xét, bình luận chưa thể đúng vào lúc này hay trong tương lai.

Trên thực tế, Kinh tế cũng như Quốc phòng của Mỹ nay và trong nhiều thập niên tới còn rất vững mạnh, vì sao? Tổng sản lượng Kinh tế Mỹ năm 2017 khoảng 19 ngàn 400 tỷ vẫn còn nhiều hơn TSL của cả khối Liên Âu cộng lại (17 ngàn 300 tỷ). Ngân sách quốc phòng của 28 nước khối NATO (không kể Mỹ) nay chỉ có 265 tỷ chưa được một nửa NSQP Mỹ (nay hơn 700 tỷ) (7)…

Như thế còn lâu một cường quốc nào mới có thể sánh vai được với nước Mỹ.

Kinh tế, Quốc phòng Hoa Kỳ còn vĩ đại là chừng nào…..

(1) http://www.globalfirepower.com

(2) Wikipedia, List of countries by GDP nominal: Mỹ 19,360,600 tỷ, Trung Cộng 12,014, 610 tỷ

(3) https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5700.html

Mỹ đòi hỏi họ phải tăng nhập cảng hàng Mỹ và giảm hàng xuất khẩu của họ, năm 2017  hàng xuât cảng  từ Trung Cộng vào Mỹ là 505 tỷ và nhập từ Mỹ chỉ có 129 tỷ

(4) http://www.globalfirepower.com

(5)Wikipedia -Nuclear weapons and the United States

(6) Samuelson, Economics trang 830 (in 1970)

(7) Wikipedia- Member states of NATO,

NSQP của 29 nước NATO (kể cả Mỹ) là 965 tỷ

 

 

Vui cười

Trước đây, cụ cũng từng là một cầu thủ bóng đá, vậy xin cụ cho biết các cầu thủ bây giờ có gì khác thế hệ các cụ xưa không ạ?

— ồ khác chứ, hơn chúng tôi chứ. Thời chúng tôi, cầu thủ chỉ cần biết bóng đá là đủ.

Còn bây giờ họ phải vừa biết đá bóng, vừa biết diễn kịch; đồng thời phải thành thạo một môn võ để có khi phải đánh nhau ngoài sân cỏ nữa chứ, tài thật.

Giải mã: Mỹ “vô hiệu hóa” được mối đe dọa từ Bắc Hàn? – Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi

 I/ Gặp gỡ lần thứ 3: Rất bất ngờ và khác thường 

Vâng, cuộc gặp gỡ lần thứ 3 này vào ngày 29/06/2019 quả thực rất bất ngờ không ai có thể tưởng tượng nổi. Chỉ trước đó một ngày TT Trump đã bất thần gửi ra “tín hiệu” trên truyền thông Twitter trong khi đang dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhựt là mong muốn gặp CT Bắc Hàn Kim Chánh Ân tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm. Mục đích chỉ võn vẹn là bắt tay nhau và nói chào hello thôi (xem Nguồn 1 phía dưới). Thú thực lời mời cũng khác thường chưa hề xảy ra trong lịch sử ngoại giao, bởi vì không qua một công văn như thường lệ và thời gian quá cấp bách cho một cuộc họp mặt có tính cách “thượng đỉnh”.

Ấy vậy chính cái đặc điểm rất bất ngờ và khác thường đó đã khiến đề nghị gặp gỡ này đạt được thành công qua sự chấp thuận nhanh chóng của CT Kim Chánh Ân.

Tại sao lại thành công dễ dàng như vậy ?

1) Có thể đơn giản giải thích là vì rất bất ngờ và khác thường nên đã khiến CT Kim Chánh Ân ở tư thế bị động chỉ trả lời: được hoặc không được mà thôi. Không có thì giờ để đàm phán hoặc sửa soạn gì được cả. Vã lại tin tức về đề nghị này được loan truyền nhanh chóng khắp nơi nên khó có thể bác bỏ vì làm như thế sẽ mang tiếng thiếu thiện chí muốn giải quyết bế tắc đang tồn đọng qua sự tan vỡ của cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội.

2) Phía bên Mỹ đã nắm được nhược điểm của Bắc Hàn là đang bị nạn đói kém trầm trọng vì lịnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Điển hình là Nam Hàn vừa phải tiếp tế nhân đạo cho khoảng 50.000 tấn gạo trong thời gian vừa qua (xem Nguồn 2 phía dưới).

Mỹ biết trước rằng trong tình thế như vậy trước sau gì CT Kim Chánh Ân cũng muốn đàm phán lại và không gì hay hơn là nhận lời gặp gỡ TT Trump tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm để mở đường điều đình bỏ cấm vận trong tương lai.

II/ Một TT Mỹ đặt chân lên đất Bắc Hàn: Sự kiện đầu tiên trong lịch sử ?

Đúng vậy, trong suốt trên nữa thế kỷ qua hai quôc gia này coi nhau như kẻ tử thù. Nếu gặp được cơ hội thì sẳn sàng ám hại nhau không gớm tay. Vậy mà nay xảy ra chuyện một Tổng Thống Mỹ xin một Chủ Tịch Bắc Hàn cho phép đặt chân trên đất Bắc Hàn thiệt quả hạn hữu khó ai ngờ nổi. Đây quả thực là bước chân lịch sử.

1) Hai nhà lãnh đạo này đã viết lên trang lịch sử khác thường và biến vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm từ chỗ nguy hiểm đầy sát khí chết chóc thành nơi có màu sắc hoà hoãn và hy vọng.

2) Giáo sư John Delury của Đại học Yonsei ở Hán Thành đã nhận định rằng sự kiện CT Kim Chánh Ân nối chuyện cùng TT Trump là điều rất phi thường. Đồng thời sự kiện TT Trump bước qua đất Bắc Hàn được CT Kim Chánh Ân đánh giá là một hành động rất can đảm và quyết đoán.

III/ Đàm phán mật bên trong hậu trường chính trị ?

Thực là ngây thơ tin rằng TT Trump chỉ muốn gặp CT Kim Chánh Ân để bắt tay nhau và nói chào hello thôi.

1) Sự thực là ngay sau đó đã có cuộc nói chuyện tay đôi giữa 2 nhân vật lãnh đạo này và đạt được thoả thuận rằng các nhân vật đàm phán từ hai nước sẽ gặp nhau trong hai hoặc ba tuần tới.

2) TT Trump  xác nhận rằng đã mời CT Kim Chánh Ân tới Tòa Bạch Ốc, nhưng chưa chính thức được đồng ý.

Bởi vì cuộc mật đàm kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ nên dĩ nhiên còn nhiều điểm mật khác còn giữ kín mà hai nhân vật lãnh đạo này chưa vội tiết lộ.

IV/ Có chuẩn bị từ trước ?

Sự kiện xảy ra rất bất ngờ và khác thường, cho nên có vẽ như không chuẩn bị gì hết. Tuy nhiên nếu phân tích các dữ kiện liên hệ thì thấy rõ ràng phía Mỹ đã dự trù sẳn:

1) Từ lâu đã có chương trình TT Trump sau hội nghị G20 sẽ cùng TT Nam Hàn Kim bay về thăm binh lính trú đóng tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm. Nên nhớ rằng quân đội Mỹ với quân số khoảng 28.000 người rãi ra nhiều nơi đóng quân. Bình thường một TT Mỹ đi thăm binh lính tại vùng phi quân

sự sát biên giới thường bị coi là khiêu khích Bắc Hàn. Nhưng lần này thì hoàn toàn khác nhằm tạo cơ hội cho CT Kim Chánh Ân dễ dàng di chuyển tới vì còn nằm trong lãnh thổ Bắc Hàn.

2) Phái đoàn Mỹ tháp tùng TT Trump có đầy đủ các chuyên viên đàm phán đối đầu với Bắc Hàn. Như vậy phía Mỹ đã hy vọng và tính toán là Bắc Hàn trong tư thế hạ phong đang bị kinh tế suy sụp đói kém vì  biện pháp cấm vận hữu hiệu nên CT Kim Chánh Ân phải chấp nhận gặp gỡ TT Trump.

V/ Kết luận

1) Vào tháng 3 năm 2018 đột nhiên CT Kim Chánh Ân ngỏ ý muốn gặp gở nói chuyện cùng TT Trump, chúng tôi đã phân tích nguyên do chính trong bài viết “Ly kỳ: Tại sao lãnh tụ Bắc Hàn muốn gặp TT Trump?” như sau:

“Về kinh tế Mỹ thuyết phục được Trung Cộng, Nga và Liên Hiệp Quốc phong tỏa Bắc Hàn. Then chốt nhứt là giới hạn nhập cảng dầu xăng chỉ đủ sống “lây lất”. Mới đầu Trung Cộng và Bắc Hàn định dùng phương thức “ma giáo” như thời xưa để đối phó. Nhưng Mỹ, Nhựt và Nam Hàn dùng vệ tinh kiểm soát rất chặt chẻ để ngăn chận và TT Trump nhiều lần gián tiếp cảnh cáo Trung Cộng chớ vi phạm. Lần này Trung Cộng biết gặp tay “sừng sỏ chơi liều” nên không dám “thử sức” Mỹ” (xem Nguồn 3 phía dưới).

Chính vì biết được đã nắm “tử huyệt” của Bắc Hàn, nên chánh phủ Mỹ hiện nay chả cần vội vã phải cần một kết quả tạm thời như các chánh phủ Mỹ thời trước.

2) Trước Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ & Bắc Hàn kỳ 2 tại VN vào tháng 2/2019, chúng tôi có phân tích và tiên đoán trước:

“Mỹ chưa cần gấp gáp giải quyết rốt ráo xong vấn đề Bắc Hàn vì Nhựt, Nam Hàn (và có thể kể cả Trung Cộng) đều sợ Bắc Hàn có hỏa tiền tầm trung mang đầu đạn nguyên tử có thể bắn tới 2 quốc gia này. Thành ra cả Nhựt & Nam Hàn bắt buộc phải mua võ khí tối tân của Mỹ trong thời gian qua và sắp tới lên cả hàng trăm tỷ Mỹ kim. Cuối cùng nhờ vậy, Mỹ càng có lý do đóng quân và lập căn cứ quân sự tại Nam Hàn và Nhựt để kiềm chế được Trung Cộng.” (xem Nguồn 4 phía dưới).

3) Rõ ràng Bắc Hàn đang ở thế hạ phong với tình trạng dân chúng chết đói và như vậy rất nguy hiểm cho “ngai vàng” của CT Kim Chánh Ân. Còn phía chánh phủ Mỹ ở thế thượng phong vì dư luận dân chúng Mỹ chả còn coi Bắc Hàn là hiểm họa gì cả. Cho nên chánh phủ TT Trump rất có thể sẽ cố ý trì hoãn cho đến ngày gần bầu cử Tổng Thống vào gần cuối năm 2020 để tạo cơ hội hữu hiệu “kiếm phiếu” & thu phục nhân tâm.

Như vậy, những mưu kế tính toán về chính trị đã ảnh hưởng rất nhiều tiến trình giải quyết khủng hoảng. Vã lại “Thành phố La Mã không thể xây xong trong một ngày” (Roma uno die non est condita). Cho nên đừng vội mong chuyện Mỹ & Bắc Hàn sớm giải quyết được ngay lập tức!

30 Tháng 06, 2019

 

 

Tham luận 134: Hiệu Quả Ra Sao Của Một Lời Nói – Thanh Thủy (07/7/2019)

I.- Chiếc áo Thời trang:

Trong dân gian Việt Nam có câu nói rất phổ quát là “Đi với Phật thì mặc áo cà sa còn đi với ma thì mặc áo giấy”. Câu nói tuy phổ quát, nghe có vẻ rất bình dân, nhưng rất thực tế trong mọi trường hợp của cuộc sống trong xã hội, không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà có thể nói còn được vô tình áp dụng trên cả mọi nơi trên thế giới. Con người đi với Phật với lòng chân chánh đều mặc áo cà sa, biểu tượng cho lòng từ bi, bác ái vô lượng, tức là có Tâm Phật, vì thế nên phải ăn ngay, nói thật, không được gian dối điều gì với thế gian.

Ông Donald Trump từ khi bắt đầu vận động tranh cử cho đến khi đắc cử Tổng thống Mỹ và cai trị đất nước Hoa Kỳ cho đến ngày nay, ông luôn luôn luôn gặp toàn là Ma, đi tới đâu cũng gặp Ma bao vây, cho nên những lời phát ngôn và việc làm của ông nhiều khi bất chợt không đi đôi với nhau đã khiến cho bọn Ma Đầu nhiều phen điêu đứng, cho nên bọn chúng mới la hoãng lên, cho rằng ông Trump không đủ tư cách của một vị Tổng thống Hoa Kỳ, cần phải hạ bệ.

  1.- Ma trong nước: Trong nước thì có Ma Dân Chủ, và bọn TT Thổ tả, cả đám chia nhau đủ trò để cản đường đi của ông, cài đặt nhiều bẫy rặp (như những bẫy nhân đạo đối với người di dân bất hợp pháp, bẫy đàn bà, v.v…) để mong ông bị sụp bẫy hầu loại trừ ông ra khỏi Tòa Bạch Ốc, bẫy nầy không xong thì lập tức tạo ra bẫy khác, dầu vô lý và ngụy tạo đến đâu cũng mặc, cứ xa luân chiến liên tục, có cảm tưởng như vô tận cho đến ngày nào ông không còn là chủ nhân của tòa Bạch Ốc thì hy vọng, (chỉ hy vọng) mới thôi.

Ông Trump là một vị Tổng thống đầy lòng yêu nước, một vị Tổng thống tự nguyện không lương và mọi hoạt động của ông đều hướng tới chủ đích làm cho dân giàu, nước mạch. Việc làm của ông càng thành công thì cả bọn nầy không thực hiện được những mưu đồ riêng, cho nên chúng càng hung hăn, quậy phá như tất cả mọi người đều thấy từ hơn hai năm qua.

2.- Ma ngoài nước: Ngoài nước thì có đủ thứ Ma, đặc biệt là Ma Trung Cộng chuyên môn lường lận thương mãi, luồn lõi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, biểu dương sức mạnh dù chưa biết thực chất là mạnh tới đâu để làm khiếp đảm thế giới, xúi giục Ma Bắc Hàn bắn hỏa tiễn hạt nhân liên tục, mở mặt trận khắp nơi như Biển Hoa Đông tranh chấp với Nhựt, đe dọa Đài Loan, uy hiếp các nước láng giềng để mưu toan chiếm đoạt Biển Đông một cách bất chánh, mục đích đe dọa cả Mỹ, muốn cạo cho cạn kiệt tài nguyên Biển Đông, tài nguyên những quốc gia nghèo, giàu tài nguyên nhưng không có đủ khả năng khai thác ở Châu Phi, ở Nam Mỹ, muốn thâu tóm tất cả mọi nguồn tài nguyên trên thế giới về cho họ để họ có  đủ sức mạnh đẩy lui Mỹ ra khỏi cuộc chơi trên bàn cờ thế giới, hay ít ra cũng có thể làm cho Mỹ thối chí, bỏ cuộc, rút lui vì sợ sa lầy giống như cuộc chiến ở Đông Dương trước ngày 30/4/1975.

Đụng phải cái đám Ma Đầu Trung Cộng, Ma Đầu quốc tế và cái đám Ma Dân Chủ quốc nội, nếu mặc áo cà sa, cứ ăn ngay nói thật thì sẽ bị tập đoàn của bọn Ma nầy nuốt gọn giống như  những người tiền nhiệm. Không thể chấp nhận như vậy được, ông Trump buộc lòng phải mặc áo giấy giống như Ma để được tư do phản đòn, vì chỉ có Ma mới muốn nói sao thì nói, không câu nệ gì đến danh dự, miễn sao dành được thắng lợi đem về cho nước Mỹ, cho nhân dân Mỹ là quý báo rồi. Hành động nầy của ông Donald Trump là thực hành đúng với câu nói bình dân của người Việt Nam là: “Quân tử nhứt ngôn là quân tử dại, Quân tử nói đi, nói lại là Quân tử khôn”. Thật là chí lý khi Ma Quân tử dùng châm ngôn nầy để đối trận với bọn Ma Đầu từ hơn hai năm nay, xem ra đang trên đà rất hữu hiệu mà chỉ có Quái Kiệt Donald Trump mới chịu làm và dám làm.

3.- Một vài thí dụ dẫn chứng để mua vui:

1.- Ngày xưa, đời Tam Quốc bên Tàu có ông Quan Vân Trường ( Quan Công) là một vị tướng tài, đánh đâu thắng đó, chiếm lũy đoạt thành tạo nên nhiều chiến công hiển hách, là một vị đại quân tử, nói sao làm vậy, được người đời thời đó kính trọng và tôn làm một bậc thánh nhân, ông kiêu hãnh tuyên bố, quân tử nhứt ngôn, nói sao làm vậy, đi lộ nào thì khi trở về cũng  bằng lộ đó. Chính hành vi quân tử nầy đã khiến ông ta bị sụp bẫy phục kích và phải chịu vong thân.

2.- Ông Trump không dại gì làm theo ông Quan Công (vì nếu dại thì sẽ không bao giờ trở thành tỷ phú), trái lại, ông chịu mặc áo giấy để làm theo ông Đông Phương Bất Bại trong chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung.

Trong lúc đối diện với những kẻ đại thù một mất một còn trong tích tắc, Đông Phương Bất Bại đã biểu lộ hết lời tri ân với vị đại ân nhân Đồng Bách Hùng, người đã từng giúp đở và cứu tử ông ta từ thuở hàn vi cho đến khi lên ngôi Giáo chủ, Vừa dứt lời tri ân thắm thiết, Đông Phương Bất Bại bất ngờ ra tay tấn công nhanh như chớp, Đổng Bách Hùng võ thuật cao cường cũng không kịp trở tay, đành phải mạng vong.

3.- Tồng thống Donald Trump  luôn miệng ca ngợi họ Tập, cậu Ủn Kim là những người bạn tốt và mọi chuyện họp hành với nhau đang đạt kết quả khả quan, bất ngờ ông bỏ ngang cuộc hợp với cậu Ủn Kim tại Việt Nam và lên phi cơ đi ngay về Mỹ trước sự ngỡ ngàng của mọi người, cậu Ủn Kim ngồi thộn mặt. Sau đó là hủy bỏ vào phút chót buổi họp với gã họ Tập về vấn đề tranh chấp thương mại giữa hai bên mà trước đó ông thường ca ngợi cuộc đàm phán nầy. Những chuyện nầy xãy ra như vậy vì cậu Ủn Kim tưởng bở, đòi hỏi những điều vượt quá mức đã thỏa thuận trước còn gã họ Tập cũng tưởng bở, vào phút chót phản lại tất cả những gì đã thảo luận trước nên buộc lòng ông Trump phải mặc áo giấy để bất ngờ phản đòn khiến cho đối phương không thể nào trở tay kịp, đành phải cúi đầu, khíp vía và xin hẹn gặp lại cuộc chơi.

II.- Đối với Việt Nam:

1.- Một câu nói bất ngờ: Trong mấy ngày gần đây, trước cuộc họp thượng đĩnh G20 tại Nhựt, đối với Việt Nam, ông Trump có tuyên bố một câu còn xanh hơn tàu lá chuối là: “ Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc ”. Câu nói đã khiến Thủ tướng Việt cộng Nguyễn Xuân Phúc phải đến chổ ngồi của ông Trump cúi mình, cười cầu tài, không biết nói gì nhưng chắc chắn là “ chạy tội” trong khi ông Trump vẫn ngồi xéo góc, hai tay khoanh trước ngực, tỉnh bơ với khuôn mặt khinh khỉnh, hời hợt chờ nghe trả lời câu hỏi ngầm của ông:” Sự ma giáo của nhà ngươi ta đã biết rõ, vậy nhà ngươi còn muốn phân trần,  lạy lục gì nữa đây?”.

Hình ảnh nầy đã được loan truyền khắp nơi trên thế giới, dưới cặp mắt của mọi người, đây thật là điều rất sĩ nhụt đối với tập đoàn Việt cộng bán nước, nhưng  đối với một tập đoàn bán nước thì đó chỉ là chuyện nhỏ, không có gì phải xấu hổ mà điều quan trọng là vơ vét được bao nhiêu để bỏ vào túi riêng.

Từ ngày lên làm Tổng thống, ông Trump và Mỹ luôn xem Trung Cộng là kẻ thù số một của Mỹ vì một trong những lý do chánh yếu là Trung Cộng lạm dụng thương mại với Mỹ cho nên Mỹ mới ra sức trừng phạt, buộc Trung Cộng phải từ bỏ những mưu sự bỉ ổi và tham vọng bất chánh để sòng phẳng với Mỹ trong việc làm ăn với nhau, nhưng nay ông lại cho rằng Việt Nam còn lạm dụng tệ hại hơn Trung Quốc. Thật vậy:

1.- Trong chiến tranh thương mãi Mỹ Trung, Việt Nam là quốc gia được ưu tiên hưởng lợi rất nhiều do nhiều doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc phải bỏ chạy sang Việt Nam lập cơ sở làm ăn, vậy mà Việt Nam còn tham lam, bưng bô cho Tàu Cộng, bày trò ma giáo, nhập hàng hóa Made in Cina của Tàu, bôi sửa thành hàng hóa Made in Việt Nam rồi xuất cảng sang Mỹ để giúp cho hàng hóa của Trung Cộng được giãm thuế, trong đó, Việt Nam là vai trò tay sai, tự nguyện làm trung gian để được hưởng chút ít hoa hồng do Trung Cộng ban cho và cũng để tỏ lòng tận trung, liều thân giải cứu cho quan thầy họ Tập đang trong cơn hoạn nạn. Thật rất đáng bị trừng phạt.

2.- Chánh sách căn bản của ông Trump là vận động để xóa sổ Chủ Nghĩa Xã Hội còn tồn động tại một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam là quốc gia theo Chủ Nghĩa Xã Hội, vậy Việt Nam sẽ phải bị xóa sổ. Tam Đoạn Luận đã nói như vậy, nhưng vấn đề sẽ được giải quyết tuần tự theo thứ tự ưu tiên, Việt Nam hiện chưa bị trừng phạt vì:

3.- Mỹ còn đang cần dùng Việt Nam trong chiến lược chống Trung Cộng về vấn đề Biển Đông.

4.- Việt Nam đang còn quá nghèo, tuy lừa đão thương mại với Mỹ để thu lợi rất tồi tệ nhưng chưa nhiều. Vì thế, lời tuyên bố của ông Trump, tuy có vẻ rất nặng nề, nhưng phần lớn chỉ là lời cảnh cáo để dằng mặt. Nếu biết khôn thì chừa, liệu mà giữ hồn để được kéo dài mạng sống, đừng tái phạm nữa.

III.- Kết luận: Thực tế khó lường

Tuy nhiên, tập đoàn Việt cộng còn mưu sự, lừa đảo để tái phạm những trò ma giáo nữa hay không thì chưa biết vì:

1.- Những trò ma giáo, khôn vặc là nghề nghiệp chuyên môn của bọn chúng. Từ rừng rú chui ra, cướp chánh quyền, tài sản của bọn chúng chỉ hai bàn tay trắng, nhờ được dịp với cái tài khôn vặc sẳn có, cả bọn mưu mẹo bày chuyện cướp của, đoạt nhà của dân, bỏ túi riêng tài sản quốc gia và nguồn đầu tư viện trợ quốc tế, nên trong một thời gian ngắn đã trở nên giàu sụ. Nay đụng trận với ông Trump, bị bại keo nầy thì chưa chắc gì bọn họ lại không bày keo khác, cái nghề nghiệp chuyên môn và dễ phát tài như vậy thì dễ gì mà bọn chúng có thể bỏ đi để trở thành lương thiện được, vì  túi của kẻ tham tàn bao giờ cũng không có đáy.

Trước một sự việc còn đang giải quyết, ông Trump thường hay nói: “Chờ xem”. Vâng, chúng ta hãy cứ chờ xem hồng phúc của đất nước Việt Nam rồi đây sẽ được ra sao?

2.- Ngoài cái nghề gian lận không thể bỏ được, tập đoàn Việt cộng đã bị Tàu Cộng đội cho cái vòng kim cô của Tề Thiên Đại Thánh thì làm sao mà tháo gở ra cho được, hy vọng nếu ông Trump là hiện thân của Tam Tạng, có bùa thần chú của Đức Phật Thế Tôn và nếu có quyết tâm thì may ra ông sẽ gở được cái vòng kim cô nầy để cứu rỗi đất nước Việt Nam chúng ta thoát được cảnh trầm luân trong bể khổ mà toàn dân đã phải gánh chịu đọa đày từ gần một thế kỷ nay.

Có lẻ chúng ta cũng cần nên lưu tâm đến hai điều cốt lõi trong chủ trương của ông Trump để tự lo cho công việc tranh đấu của mình:

a.- Làm cho nước Mỹ Vĩ Đại trở lại

b.- Vận động xóa sổ Chủ Nghĩa Xã Hội trên toàn thế giới

 

Tham luận 135: Tổng thống Mỹ Donald Trump Và Những Người Tiền Nhiệm – Thanh Thủy

A.- Con người dị tướng:

Xưa nay người ta thường nói, những con người dị tướng thường hay làm những việc khác thường mà thông thường ít ai nghĩ tới.

Hồi xưa, khi còn học lớp Đệ Nhị, thầy Lê Ngọc Quỳnh dạy Thế Giới Sử có kễ một câu chuyện về chiến tranh Âu Châu sau cách mạng Pháp 1789 như sau:
Thời đó liên minh thực dân do Áo chỉ huy là một lực lượng hùng mạnh nhứt ở Âu Châu thời bấy giờ, với những Lộ đoàn nhiều trăm ngàn quân ồ ạt tỉến lên như chổ không người trên đường xâm lăng nước Pháp, một quốc gia đang thua trận khắp nơi, không còn quân và cũng không còn một vị tướng lãnh nào có đủ khả năng để có thể bảo vệ tổ quốc. Nhà vua lúc đó đành bất lực nên kêu gọi nhân dân tình nguyện.
Trong một thời gian ngắn đã có khoảng một trăm ngàn người tình nguyện gồm có già, trẻ, đủ mọi thành phần trong xã hội, liền được gôm lại, thành lập vội vàng một đoàn quân vô cùng ô hợp, thiếu thốn đủ mọi trang bị kễ cả súng đạn.

Với một đoàn quân như vậy, tuy nhà vua kêu gọi, nhưng không một vị tướng nào dám nhận chỉ huy trong khi giặc đã tiến đến gần sát biên cương. Trước tình cảnh nầy, Đại Úy Napoléon Bonaparte đã liều mạng đứng ra đãm nhận. Với dáng người chỉ cao có 1,69 mét, so với người Pháp, ông quả là một người rất lùn, một Dị Tướng, nhưng là một vị Anh Hùng Bạt Mạng, với cấp bậc rất thấp, không có tiếng tăm gì cả mà dám nhận chỉ huy một đoàn quân ô hợp như vậy, bất chấp thiếu hụt đủ mọi trang bị, nhưng với lòng yêu nước cao độ trước thãm họa diệt vong, họ cùng nhau hăng hái xong pha ra trận mạc, trong lúc từ nhà vua cho tới các quan lớn nhỏ ở triều đình, tất cả đều hoàn toàn vô vọng, chỉ ngồi nhà chờ nghe tin chiến bại và sự tan rã thảm thương của đoàn quân ô hợp nầy.

Napoléon dẫn đoàn quân ra trận tới Valmi, sát biên giới Pháp đối diện với đoàn hùng binh vài trăm ngàn người của liên quân Áo. Hai bên vừa chuẫn bị giáp chiến thì một trận mưa tối trời, vầng vũ đổ xuống xối xả, không bên nào còn nhìn thấy được bên nào.
Napoléon cho quân dàn hàng ngang, án binh  và luân phiên cùng nhau hát to lên bài ca Marseillaise của Rouget de Lisle. Hát liên tục như vậy mấy ngày trời của những con người hết lòng yêu nước trong tình cảnh âm u, ướt át, rét mướt, đói cơm…

Sau mấy ngày hát to như vậy thì mưa tạnh, trời trở nên quang đãng, đoàn quân đứng dậy chuẩn bị liều mạng xung phong thì tất cả mọi người đều ngạc nhiên vô cùng khi nhìn thấy bên kia chiến tuyến trống trơn vì Liên quân Áo đã đoạn chiến và không biết đã rút lui từ lúc nào.

Napoléon dẫn đoàn quân tơi tả nhưng hiên ngang, oai hùng trở về thủ đô Paris trong sự vui mừng tột độ của vua quan và toàn dân Pháp, mọi người đều có cảm tưởng như một giấc mơ, riêng Napoléon từ Đại Úy vô danh được nhà vua vinh thăng Thiếu Tướng mà không cần qua bất cứ một cấp Tá nào cả.

Napoléon Bonaparte quả là một con người Dị Tướng anh hùng, một nhà quân sự thiên tài, không riêng cho nước Pháp mà đáng là một nhà quân sự tuyệt vời được liệt vào bậc nhứt trên  thế giới.
Trận chiến Walmi đã cho nhân loại nhận chân được rằng, không có bất cứ một sức mạnh hay một trở lực nào có thể ngăn nổi bước chân của ngững con người yêu nước.

Những nhà độc tài trên thế giới, riêng bọn độc tài Việt cộng có học được chút nào của bài học quý giá nầy không? Nếu có được chút nhận thức về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt thì hãy liệu mà giữ hồn, đừng để quá muộn e rằng tới lúc đó thì dù có hối hận cũng không còn kịp nữa vì bánh xe lịch sử và thời gian sẽ không bao giờ chờ đợi ai.

Aa.- Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu so về tương quan tài năng với Napoléon chưa biết ra sao vì một người thiên tài quân sự còn một người thiên tài về kinh doanh, cả hai đều đứng trước cường địch nên chưa thể so sánh được và cũng không thể lấy việc “Thành bại luận Anh hùng”, nhưng về tinh thần yêu nước và sự dấn thân chắc cũng không khác gì nhau.
Trước cường địch Liên quân Áo, Napoléon đánh bằng tâm lý chiến và đã chiến thắng, còn Donald Trump trước cường địch Trung Cộng, với thực tế, ông đánh bằng thuế quan, tỉa càng kinh tế kẻ thù (Chế tài Huawei và bắt Mạch Vãng Châu…) đồng thời dùng liên minh Mỹ, Nhựt, Ấn, Úc, Đại Hàn, Liên Âu bao vây kẻ thù mà ông đánh giá Trung Cộng là “Kẻ thù số Một của Mỹ”.

Napoléon đã chiến thắng oai hùng mà lịch sử đã chứng minh còn Donald Trump đang còn trong cuộc chiến nên chưa biết kết quả ra sao, nhưng những diễn tiến trong thời gian qua đã cho thấy ông Trump đạt nhiều ưu thế và đang nắm phần chắc sẽ đạt được thắng lợi hoàn toàn cho đất nước Mỹ. Những kẻ chống lại ông, cả đảng Dân Chủ hay những loại truyền thông thổ tả cũng vẫn đều biết rõ như thế nên không muốn vì sợ mất quyền lợi riêng của họ nên mới ra sức hạ bệ ông cho bằng được, dù phải dùng đến những đòn ti tiện, dơ bẩn khốc liệt và dối trá đến đâu cũng mặc. Điều nầy đã chứng minh, một khi quyền lợi riêng đã lên tới đĩnh đầu thì hầu như việc gì dù trái đạo lý đến đâu, người ta vẫn có thể nhắm mắt làm được.

B.- Những vị Tổng thống Mỹ thời cận đại:

Thời cận đại của nước Mỹ, tính từ Tổng thống Nixon đến nay, gồm có 9 vị Tổng thống Richard Nixon, Gerald Fort, Jimmy Carter, Ronald Reagan, Bush Cha, Bill Clinton, Bush Con, Obama và Donald Trump. Trong 9 vị Tổng thống nầy, những người có những việc làm khác thường gồm:
1.- Tổng thống Richard Nixon thấp người, mặt mày diều hâu, bậm trợn khác thường, đã ra tay làm thay đổi trật tự thế giới, nhưng có thể vì thiếu viễn kiến nên đã sai lầm là mở màn cho việc bắt tay giao dịch với kẻ thù của Mỹ là Trung Cộng, khiến cho nhiều quốc gia Tây phương chạy theo, đua nhau dời cơ sở sản xuất sang Tàu, khiến cho đất nước của họ bị mất việc làm, cuộc sống vật chất của người dân trong nước dần dần đi xuống, hậu quả là đã làm cho Mỹ lần đầu tiên kể từ ngày lập quốc đã bị thua trận một cách nhục nhã tại một nước nhược tiểu là Việt Nam và tai hại nhứt là tạo thời cơ cho Tàu Cộng trở thành một siêu cường để phát triễn mộng bá vương, uy hiếp và lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải của những nước láng giềng và đối đầu đe dọa cả nền an ninh của Mỹ. Đó là chuyện khác thường mà chỉ có con người dị tướng như ông Nixon mới dám làm, nhưng vì làm trật nên đã gây ra hậu quả tai hại là làm đảo lộn trật tự thế giới và cuộc sống của bao nhiêu con người.
1a.- Ông Donald Trump đang trên đà cứu vãn lại tình thế do hậu quả của việc làm trật mà ông Nixon vì vô tình hoặc không đủ viễn kiến, không đủ hiểu biết đúng đắn đối với tham vọng của bọn người Đại Hán.
Chánh sách cứu chửa của ông Trump là đánh đổ mộng bá vương và hung hăng, cường điệu của bọn người Đại Hán qua khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và “ Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”.

2.- Ronald Reagan có dáng người gầy gầy, cao ráo trông như một nghệ sĩ giang hồ hơn là một người làm chánh trị. Bởi vậy, nếu đứng chung với những nhà làm chánh trị chuyên nghiệp khác, đạo mạo như G.Ford, như Jimmy Carter, nhà giáo như Bush Cha, Bush Con hay lanh lợi, lia lịa như Obama thì Ronald Reagan quả là khác thường. Trong suốt hai nhiệm kỳ ông đã làm cho nước Mỹ giàu mạnh, làm sụp đổ Cộng sản Liên Sô, làm sập bức tường Bá Linh và kéo theo sự tan rã của khối Cộng sản Đông Âu. Đó là việc khác thường mà chỉ có con người khác thường, có viễn kiến chính xác như ông Ronald Reagan mới dám làm và ông đã làm được.
2a.- Donald Trump cũng là con người khác thường,

không có hình dáng của một nghệ sĩ nhưng với khuôn mặt bất cần đời, khinh khỉnh, không chịu ghép mình gò bó trong khuôn khổ đạo mạo như những vị tiền nhiệm, nên ông đã sẳn sàng mặc “áo giấy” để dễ dàng xoay trở, đối phó hữu hiệu với loài ma đạo vốn đầy dẫy trên thế gian nầy.
2b.- Một chút câu chuyện thế gian về loài Ma Đạo: Người vừa mới chết thì Linh hồn thoát xác, nếu không được lên Thiên Đàng hay xuống Địa Ngục vì chưa bị Ngọc Hoàng giũ sổ và không có ai thờ cúng, Linh hồn tất không có nơi nương tựa và đói khát, lạnh lẽo triền miên, sau một thời gian sẽ biến thành Cô hồn. Vì không ai thờ cúng nên những Cô hồn sẽ lang thang vất vưỡng kiếm ăn. Tình trạng nầy nếu kéo dài quá lâu, không còn chỗ để lang thang kiếm ăn được nữa, Cô hồn sẽ biến thành Các đảng, tức là thành Quỹ rồi bắt đầu đi quậy phá để kiếm ăn, loài quỹ  dữ nhứt là Quỹ nhập tràng, chúng hiện được thành người để hại người, trả thù nhân thế đã bỏ rơi họ. Cho nên những kẻ ác độc trên thế gian thường bị người đời ví họ là “Đồ Quỹ Yêu” hay “Đồ Cô Hồn Các Đảng”.

Ông Trump mặc áo giấy để được thoải mái trừng trị những loài Quỹ yêu, Cô hồn Các đảng nầy.
Theo gương ông Ronald Reagan, ông Donald Trump đang trên đà siết cổ con cọp sút chuồng họ Tập hầu có thể dẹp tan giấc mộng đế quốc xâm lăng của bọn người Đại Hán hầu tránh những tai họa thãm sầu cho nhân loại.

3.- Bill Clinton hồng hào, mũi cao và hai gò má đỏ ửng khác thường, biểu lộ hình dáng của một tay ăn chơi, sa đọa chớ không phải một người làm việc nước. Vì vậy,  ông ta đã gở bỏ lịnh cấm vận cho nước đại thù nghịch là Việt Nam Cộng sản chắc là để hưởng lợi riêng cho mình, mang tai tiếng trọng đại về đạo đức trong Tòa Bạch Ốc và cũng là Tổng thống đầu tiên mở tiền lệ là hí hửng đem theo cả gia đình về Việt Nam ăn phở trước khi nhiệm kỳ chấm dứt.
Những việc làm nầy chỉ có con người khác thường như ông Bill Clinton mới làm được, vì làm bậy nên đã gây nhiều nghiệp chướng cho sự tranh đấu chung của Người Việt Quốc Gia và nhân dân Việt Nam đang tranh đấu chống lại sự độc tài khát máu của bọn vô thần Việt cộng.

3a.- Ông Donald Trump quyết lấy lại vị thế đứng đắng của người lãnh đạo mà ông Richard Nixon và ông Bill Clinton đã làm sai, nên vừa mới tuyên bố một câu xanh hơn tào lá chuối trước Đại Hội G20 tại Nhựt là “Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc”. Một thông điệp báo trước cho Trung Quốc và Việt Nam biết mà liệu giữ hồn, hãy tập lại tánh tử tế và làm ăn đàng hoàng nếu còn muốn kéo dài hơn cho cuộc sống.

4.- Những vị tiền nhiệm đạo mạo khác như Gerald Rudolph Ford, một vị Tổng thống không do dân bầu nên nhát gan, không dám chọn giải pháp quyết liệt để dấn thân điều động B52 dội bôm lên những Lộ đoàn của quân đội Bắc Việt, khi ấy đang xé bỏ Hiệp định Paris 1973, tập trung tối đa để bao vây chuẫn bị tấn công dứt điểm vào Sai Gòn, Thủ Đô của nước Việt Nam Cộng Hòa, vin vào lý do về một đạo luật của Quốc hội Mỹ vào thời đó đã biểu quyết buông xuôi mọi việc, không làm gì trước hành động ngang tàng của bọn Cộng sản Bắc Việt. Đạo luật nầy có nội dung như sau:

“Một đạo luật do Quốc Hội biểu quyết đã chấm dứt việc dội bom các lực lượng CS ở Cam Bu Chia vào ngày 15 tháng 8 năm 1973. Sau đó, đạo luật về Quyền Chiến Tranh  biểu quyết ngày 7 tháng 11 cấm Tổng Thống Mỹ đưa lực lượng quân sự Mỹ vào một tình thế “thù địch” trong hơn 60 ngày nếu không có sự chấp thuận của Quốc Hội. Do đó, vai tuồng quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Dương phải hoàn toàn chấm dứt” (trích dẫn bài viết của cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy).
Điều nầy rõ ràng là Tổng thống Mỹ, mặc dầu bị trói tay nhưng vẫn còn có quyền can thiệp quân sự và điều động B52 dội bôm vào những vùng tập trung quân của Cộng sản Bắc Việt trong tình thế thù địch trong vòng 60 ngày mà không cần phải được Quốc Hội chấp thuận. Nhưng ông Fort đã hèn nhác, buông xuôi, không dám làm như vậy nên đã khiến cho Hoa Kỳ phải bị nhục nhã tháo chạy vì thua trận, một trận thua đầu tiên kễ từ ngày lập quốc, Mỹ bị mất huy tín trầm trọng trên thế giới kễ từ đó và bị tai tiếng xấu là phản bội đồng minh mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua, dư âm xấu đó vẫn còn, chưa gội rữa cho sạch được.

Nếu không bị vụ Watergate và R.Nixon vẫn còn tại vị, chúng ta có thể tin rằng ông sẽ không hèn nhát như Ford, ông sẽ dội bom khủng khiếp vào những vùng tập trung quân của Cộng sản Bắc Việt để trả đủa, những Lộ đoàn của quân Cộng sản Bắc Việt nầy sẽ tan nát hết, không quân, hải quân của VNCH và Hoa Kỳ sẽ vận chuyễn tức tốc tối thiểu 3 Sư đoàn thiện chiến, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân ra giải phóng Miền Bắc lúc đó sẽ như vào chổ không người. Việt Nam Cộng Hòa sẽ thống nhứt đất nước, mang lại nền hòa bình, tự do và dân chủ cho dân tộc Việt Nam.

Trung Cộng và Liên Sô thời đó cũng không thuận thảo, có thể họ chỉ lên tiếng chiếu lệ vì Bắc Việt còn gì nữa đâu mà họ có thể nhúng tay can thiệp. Nước Mỹ sẽ oai hùng như thời Đệ I và Đệ II Thế Chiến, không bị mang tiếng thua trận và tháo chạy một cách nhục nhả và đã giải cứu được đất nước Việt Nam thoát khỏi đại họa của người Cộng sản và sẽ phát triễn không chắc gì thua kém Nhựt Bổn, Đại Hàn, Singapor như hiện nay.

Thật đáng tiếc vì Tổng thống Gerald Ford thời đó quá hèn nhát nên việc đó đã không xãy ra.
4a.- Donald Trump tuyên bố vận động để xóa sổ những nước hiện nay vẫn còn theo đuổi chủ trương Xã Hội Chủ Nghĩa trên toàn thế giới, dĩ nhiên phải có nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong đó, một thông điệp có ý nghĩa rõ ràng là để  rửa mặt cho Hoa Kỳ một cách danh dự, lấy lại uy tín và những gì mà những vị tiền nhiệm đã đánh mất. Điều nầy, qua các đời Tổng Thống Mỹ, từ Gerald Ford, Jimmy Carter, George HW Bush (Cha), Bill Clinton, George W. Bush (Con) và Barack Obama chẳng những không ai có khả năng và dám làm, trái lại, có thể vì lợi ích riêng họ còn có những việc làm cho tình thế càng xấu hơn duy chỉ có ông Donald Trump, một quái kiệt, một nhân tài của thời đại mới dám làm và chịu nhiều hy sinh để dấn thân làm những việc khó khăn như thế.

Rất hy vọng việc làm của ông sẽ tái lập lại được trật tự thế giới, một thế giới an lành, hòa bình và thịnh vượng.
5.- Jimmy Carter: Ông nầy tiếp tục nối gót theo sự sai lầm của ông Richard Nixon, công nhận chỉ có một quốc gia Trung Cộng nên loại bỏ Đài Loan ra khỏi chiếc ghế Hội viên Liên Hiệp Quốc và đem Trung Cộng vào thay thế vào năm 1979, mở đường cho Trung Cộng có mảnh đất màu mở để phát triển những mưu đồ đen tối và dùng diễn đàn của cơ quan quốc tế nầy để mặc sức tuyên truyền bất chánh. Chính hai ông Tổng thống nầy đã vô tình đánh thức con cọp ngủ Trung Cộng thức giấc và sút chuồng, chúng mài nanh, chuốt móng đi gieo rắc tai họa khắp nơi.

5a.- Donald Trump, một khắc tinh của bọn người Đại Hán, đang trên đà tìm thế bẻ nanh, cắt sứt móng con cọp hung tợn sút chuồng nầy để tái lập lại trật tự an lành cho thế giới.

6.- George HW Bush (cha) lấy lý do Tổng thống Saddam Hussein có vũ khí sát thương hàng loạt để đánh Iraq làm cho Iran mở cờ trong bụng, cuối cùng khi hạ được Iraq, tìm hoài mà không tìm ra vũ khí sát thương nào của Saddam nên bị mất uy tín và thất cử nhiệm kỳ 2.

7.- George W. Bush (con) nối gót cha, lấy lý do Osama Bin Laden chỉ huy phi cơ đánh sập hai toà tháp đôi chọc trời và Ngủ Giác Đài Mỹ nên đem quân tấn công vào sào huyệt của Bin Laden, cho đến hết nhiệm kỳ 2 mà vẫn chưa tìm ra tung tích của tên đầu sỏ khủng bố nầy. Hai cuộc chiến nầy tiêu hao nầy Tòa Bạch Ốc đã không làm nên trò trống gì, trái lại còn xuất hiện đám Taliban khủng bố, bắt người chặt đầu rất khủng khiếp, làm rối loạn Trung Đông và cả thế giới phải kinh sợ, song song đó, nước Iran tự do làm giàu Uranium để có thể chế tạo bôm nguyên tử và yễm trợ nhà độc tài Assad của Syria, đe dọa Âu Châu và cả vùng Trung Đông.
6a & 7a.- Donald Trump: Do những sai lầm nghiêm trọng của 4 đời Tổng thống trước: Bush Cha, Bill Clinton, Bush Con và Obama đã để lại những hậu quả như sự bành trướng nạn khủng bố, sự phát triễn hạt nhân Iran, sử dụng bôm hóa học của nhà độc tài Assad của Syria để giết người bừa bãi, những cuộc chiến đẩm máu đã diễn ra tại Syria, tại Iraq và Afganistan tạo nên những cuộc di cư vĩ đại nhứt chưa từng thấy từ trước đến nay đã làm hỗn loạn thế giới Tây phương, nên khi vừa nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố quyết tâm dẹp tan tận gốc nạn khủng bố (xem như đã rất thành công), trừng phạt Syria (cũng rất thành công) và sự chế tài Iran hiện còn đang dang dở vì Iran đã vi phạm thỏa ước hạn chế vũ khí hạt nhân và hiện đã đi quá xa nên không thể giải quyến vấn đề nầy trong một sớm một chiều nhanh được.

Chúng ta hãy chờ xem trong niềm hy vọng và cũng rất kỳ vọng.

 

 

Tham luận 136: Tổng Thống Donald Trump và Những Đòn Trấn Áp Đối Phương – Thanh Thủy

I.- Chánh sách xoay trục của Mỹ sang Châu Á Thái Bình Dương:

Trong tám năm cầm quyền, Barack Obama là người ăn nói rất nhiều, miệng mồm lanh lẹ và tuyên bố chánh sách xoay trục của Mỹ sang Châu Á Thái Bình Dương, bảo vệ con đường tự do hàng hải và hàng không huyết mạch của lộ trình từ Nhựt, Đại Hàn xuống Biển Đông để vào eo biển Malaca sang Ấn Độ Dương. Đó là Lộ trình vận chuyễn hàng hóa trên 5 ngàn tỷ Mỹ kim hàng năm, rất thuận lợi cho công việc trao đổi hàng hóa và sự làm ăn của rất nhiều quốc gia, cho nên chánh sách nầy của Mỹ lúc đó là điều mong đợi của cả thế giới, vì vậy nó rất được hoan nghinh.

II.- Lý do phản ứng của Trung Cộng:

Khi chánh sách xoay trục nầy được công bố, Trung Cộng rất tức giận vì nó sẽ cản trở, gây khó khăn cho họ trong việc mở ra Con Đường Tơ Lụa mà họ đang thực hiện giấc mộng Bình Thiên Hạ, mục đích chinh phục thế giới để thâu tóm tất cả tài nguyên thế giới vào tay họ để làm giàu, trở thành  siêu cường, đủ sức triệt hạ Mỹ để giành lấy địa vị Số Một lãnh đạo thế giới và cũng để giải quyết nạn nhân mãn, một vấn đề gai góc mà nếu không thực hiện được việc xâm lăng, cướp nước và đất đai của thiên hạ để di dân thì không có cách nào có thể giải quyết cho ổn thỏa được. Bởi vậy, Trung Cộng liền phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức bằng những hành động vừa thăm dò, vừa hăm dọa và uy hiếp như sau:

1.- Biểu dương tối đa sức mạnh hải quân liên tục trên Biển Đông qua những phô trương tập trận rất quy mô, bắn đạn thật, đụng chìm tàu cá, cướp đoạt tài sản và bắn giết bừa bải các ngư dân Việt Nam khi những ngư thuyền Việt Nam nầy đến đánh cá bên trong hoặc bên ngoài gần hệ thống Đường Lưỡi Bò Chín Đoạn mà họ ngang nhiên tự vạch ra để chiếm đoạt 90% diện tích Biển Đông. Mục đích của sự phô trương là để thị huy, dằn mặt các nước láng giềng Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Bruney để họ nãn lòng, bỏ cuộc trong việc tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng.

 2.- Ngang ngược đem tàu xáng mút đến hút cát dưới lòng biển sâu để bồi đấp các rặng san hô nửa chìm nửa nổi trong quần đảo Trường sa để biến các rặng san hô nầy thành các hải đảo rồi tuyên bố chủ quyền, lập các cơ sở hành chánh, căn cứ quân sự và phi trường trên đó, không chỉ thách thức Việt Nam, Phi luật Tân mà luôn cả thế giới

3.- Ngang ngược đem dàn khoan dầu khí lớn nhứt thế giới HD 981 vào hải phận Việt Nam gần quần đảo Hoàng sa để thăm dò dầu khí, nơi mà Trung Cộng sang xâm chiếm vào năm 1974 vùng lãnh hải của nước Việt Nam Cộng Hòa.

4.- Tranh chấp với Nhựt về chủ quyền đảo Điếu Ngư (Senkaku) trên Biển Hoa Đông và hăm dọa sẽ thống nhứt Đài Loan bằng giải pháp quân sự.

5.- Chống đối kịch liệt việc Mỹ lấp đặt hệ thống THAAD trên đất Đại Hàn, sai khiến Bắc Hàn dàn quân và hàng chục ngàn xe tăng, đại pháo dọc theo biên giới Đại Hàn, dọa sẽ san bằng đất nước nầy bất cứ lúc nào.

6.- Chống lưng cho đàn em tay sai Kim Ủn của Bắc Hàn liên tục tỏ thái độ khiêu khích, phóng thử hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân, tầm gần dọa sẽ nhấn chìm Nhựt Bổn xuống biển sâu và tầm xa dọa sẽ xóa sổ bất cứ nơi nào trên đất Mỹ, v.v và v.v…..

III.- Những sự nhu nhược của chánh quyền Obama:

1.- Hành động chiếu lệ: Trước sự tung hoành ngang ngược trên Biển Đông, công khai phô trương lực lượng, hăm dọa các nước láng giềng, thách thức Mỹ và tất cả các nước Tây Phương như vậy, chánh quyền Obama dường như có phần khiếp sợ cho nên phản ứng rất yếu ớt nếu không muốn nói là chiếu lệ cho đở mất mặt. Thỉnh thoảng Mỹ cũng cho vài chiến hạm đi tuần tra vô hại gần các đảo Trường sa, lờ đi những việc Trung Cộng tiếp tục bồi đấp các hải đảo, liên tục xây dựng trái phép các cơ sở hành chánh, các căn cứ quân sự, các phi trường lớn, các ngọn hải đăng và các cột ăn ten…mặc dầu Obama và các giới chức Mỹ vẫn đều biết rằng họ làm như vậy là để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự lớn với Mỹ, nhưng không thấy Mỹ thời đó có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa. Phải chăng đó là sự bất lực của chánh quyền Obama?

2.- Đánh mất niềm tin: Ngoài những thái độ và hành động nhu nhược do khiếp sợ kễ trên, Tổng thống Obama còn đánh mất niềm tin đối với Phi Luật Tân. Số là trong một buổi gặp gở trong khối ASEAN, Tổng thống vừa mới đắc cử của Phi Luật Tân Duterter có hỏi ông Obama một câu đại khái rằng, nếu một ngày nào đó Phi Luật Tân bị Trung Cộng tấn công thì Mỹ có can thiệp không và nếu can thiệp thì Mỹ sẽ can thiếp tới mức độ nào? Obama không trả lời câu hỏi này mà quay sang những câu chuyện khác. Có lẻ vì vậy mà ông Duterter thất vọng nên quay lưng với Mỹ để bắt tay Trung Cộng.

Sau đó ông Duterte còn sĩ vã ông Obama rất nặng lời, một điếm nhục cho nước Mỹ mà cho đến hết nhiệm kỳ của Obama vẫn không thấy một giới chức Mỹ nào lên tiếng bênh vực cho sĩ diện của Mỹ.

2.- Bất lực ngay tại nội địa: Có một lần Tổng thống Obama đặt câu hỏi với chủ tịch của đại công ty Apple là tất cả những việc làm mà công ty nầy đã dời sang Trung Cộng đã khiến cho nhiều người Mỹ bị thất nghiệp, để cứu nguy, bây giờ công ty có thể đem những việc làm nầy trở về Mỹ được không? Ông chủ tịch Apple trả lời ngay:” Không thể được”. Obama bất lực, lặng im luôn.

3.- Sự đối xử tồi tệ của Trung Cộng: Khi gần mãn nhiệm kỳ 2, nhân chuyến tham dự một buổi họp Á Châu, Tổng thống Obama có ghé thăm Trung Cộng, nhưng không được Trung Cộng tiếp đón đàng hoàng và còn quá tệ nữa, khiến ông phải bước xuống phi cơ bằng cửa sau và nhân viên phi trường ở đây còn gây gổ, suýt có hành hung với nhân viên an ninh của Tổng thống Mỹ.

Thái độ nầy của Trung Cộng biểu lộ sự hẹp hòi, ty tiện của họ để phản ứng lại chánh sách xoay trục của Tổng thống Obama.

IV.- Tổng thống Donald Trump và sự hồi phục vị thế siêu cường cho nước Mỹ

Vừa bước chân vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với tất cả mọi hậu quả tồi tệ cho nước Mỹ mà những vị tiền nhiệm của ông để lại, nhứt là những hậu quả còn đang nóng hổi của vị Tổng thống vừa mãn nhiệm.

Làm sao để chĩnh đốn lại tất cả để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại như đã hứa với cử tri?

Bắt tay vào việc, ông Trump phải đối đầu ngay lập tức với những quái kiệt vô cùng lợi hại mà có lẻ số Trời đã an bài cho ông lên cầm quyền kịp lúc, giống như Việt Nam thuở xưa, Trời sanh ra Đinh Bộ Lĩnh đúng lúc để có người đủ sức dẹp loạn Thập Nhị Sứ Quân, cứu nước thoát khỏi thãm họa “Nồi da xáo thịt” và tránh được giặc Tàu phương Bắc lúc nào cũng lăm le, chực chờ sang xâm chiếm nước ta.

1.- Quái kiệt thứ nhứt là ông Shinzo Abe của Nhựt, một tay bản lãnh cao siêu và sừng sỏ bậc nhứt của vùng trời Đông Á, ông đã biến nước Nhựt ở vị thế phòng thủ từ năm 1945 trở thành là một cường quốc không đối thủ ở Á Châu ( trừ Trung Cộng) cả về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự. May mắn một điều, Nhựt là đồng minh chiến thuật và chiến lược vô cùng khắn khích của Mỹ, nay là một gộng kềm hướng Đông, một đối thủ đáng sợ của Trung Cộng. Mỹ đã trực tiếp nhúng tay can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền Trung-Nhựt về hải đảo Điếu Ngư nên vấn đề xem như đã tạm yên.

Thật khó hiểu là tại sao giữa lúc nầy Đại Hàn lại khơi dậy sự hận thù với Nhựt về việc “đàn bà Hàn Quốc” mà binh sĩ Nhựt đã gây ra trong thời kỳ Hàn Quốc bị Nhựt chiếm đống hồi Thế chiến thứ 2, trong lúc hai nước đang đứng trước 2 kẻ thù hung tợn đang đe dọa là Trung Cộng và Bắc Hàn. Thay vì đoàn kết thì lại tạo nên niềm xâu xé lẫn nhau. Thật đáng tiếc!

2.- Quái kiệt thứ hai là Ủn Kim của Bắc Hàn, ông nầy trông chẳng giống ai, chuyên mặc bộ đồ đen, tóc hớt quái dị, mặt thịt, tướng đi ủng ĩnh như rùa bơi, giống như con Penguin vùng biển Úc Châu. Họ Kim rất dữ, chạy theo họ Tập phóng thử hỏa tiễn hạt nhân tối trời để hù dọa, xem Obama chẳng ra chi, khiến cho thế giới kễ cả nước Mỹ thời Obama phải nhiều phen điêu đứng vì lo sợ, không biết tên lợi hại nầy bất chợt bấm nút ném bom nguyên tử vào nước mình lúc nào.

Ông nầy đang dương dương tự đắc thì đụng phải bức tường thép Donald Trump nên dội ngược, không còn dám hung hăn, bặm trợn và ngang tàn lớn tiếng như trước đây và thường hay sang Tàu để nhận chỉ thị giống như các lãnh tụ chóp bu của Việt cộng mỗi khi có những vấn đề gì quan trọng cần phải giải quyết.

 3.- Quái kiệt thứ ba là Tổng thống Phi Duterte, ông nầy trông dữ dằn như những tay giang hồ nhưng lại nhác gan. Ông ta thường hay dùng những lời lẻ thô tục để mắn nhiếc Obama và ngay cả Đức Giáo Hoàng ông ta cũng không chừa, nhưng trái lại, sợ Trung Cộng còn hơn sợ cọp, có điều là tuy hung tợn nhưng chưa dám đụng một lời gì tới ông thần sấm sét Donald Trump.

4.- Hiện tại và tương lai của Việt Nam, Phi Luật Tân: Việt Nam và Phi Luật Tân là hai quốc gia có địa thế chiến lược quan trọng để bảo vệ con đường lưu thông tự do hàng hải quốc tế mà Mỹ có quyền lợi cốt lõi trong đó, cho nên ông Trump cứ để cho hai nước tạm yên vì chưa cần thiết phải đụng tới mà chỉ giải quyết vấn đề với nhau bằng phương pháp ngoại giao. Ủn Kim của Bắc Hàn lợi hại như vậy mà Donald Trump còn xem chẳng ra gì thì cả hai nước Việt Nam và Phi Luật Tân gọp lại cũng đâu có gì đáng kễ, nên liệu mà giữ hồn để được sống lâu vì ông Tổng thống Mỹ nầy đã gởi đi một tín hiệu chung, cho thế giới biết là ông sẽ vận động để bứng tận gốc rễ chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa và tận diệt nạn khủng bố cho thế giới được bình yên.

5.- Quái kiệt thứ tư lợi hại hơn tất cả là Tập Cận Bình của Trung Cộng. Họ Tập dáng người phốt phát có nụ cười kín đáo với cặp mắt nham hiễm, quen thói của người Cộng sản, hứa hẹn xong rồi nuốt lời, không cần giữ sĩ diện lãnh tụ của một đại cường quốc, miễn sao việc làm của họ đạt đưọc thành công, áp dụng câu châm ngôn: “ Cứu Cánh biện minh cho Phương Tiện”, cho nên họ Tập đã khoản đãi ông Trump và Phu nhân vô cùng trọng thể khi ông bà nầy lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc, ý muốn mua chuộc, lấy lòng hầu sự nối tiếp những việc làm mà họ đã thực hiện được dưới thời Tổng thống Obama như đã nói trên luôn được suông

sẻ. Nhưng họ Tập đã lầm, Donald Trump là một vị Tổng thống duy nhứt trên thế giới tự nguyện làm việc nước không lãnh lương, vì vậy ông không phải là hạng người mà họ Tập có thể mua chuộc được.

6.- Thấy vậy mà không phải vậy: Hai phái đoàn Mỹ Trung đàm phán cả mấy tháng trời đã đạt được những thỏa chung để hạ nhiệt cuộc chiến thương mãi giữa hai nước, hai bên cùng đúc kết những quan điểm đồng thuận đệ trình lên Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình ký duyệt trong một buổi họp chung vào một ngày đẹp trời thì bất ngờ họ Tập làm eo sách để thử lửa, phản lại tất cả những thỏa thuận đã đạt được với hy vọng ông Trump sẽ xuống nước, không ngờ hy vọng nầy đã đụng phải bức tường thép, Donald Trump lạnh lùng tuyên bố hủy bỏ cuộc họp. Họ Tập điêu đứng nên tìm cách nối lại cuộc đàm phán với Mỹ trong một tương lai cần kíp.

Thật sự có lẻ cả hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump cũng đều chưa muốn ký kết vội điều gì với nhau. Họ Tập muốn mua thời gian, hy vọng với những trò đánh phá liên tục của đảng Dân Chủ, của Hạ viện, của nhóm truyền thông khuynh tả sẽ làm cho ông Trump mất uy tín và sẽ thất cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020. Còn Donald Trump đã từng tuyên bố rõ là không muốn ký bất kỳ một thỏa thuận bất lợi nào cho Mỹ với Tập Cận Bình, cứ để cho Trung Cộng thấm dần đòn trừng phạt kinh tế rồi dần dà chết đuối vì kiệt quệ, vì hụt hơi nếu cứ ngoan cố, cứng đầu không chịu “hồi chánh”.

7.- Mê Hồn Trận: Vì tất cả những trò đánh phá từ hơn 2 năm nay của bọn Ma đạo hầu như đều bị thất bại, nên giờ đây lại xuất hiện trò chơi mới, đó là vụ Tứ Nhân Ban do “bốn bà mệ” vừa mới đắc cử vào Hạ Viện đang quậy phá ông Trump lung tung, chắc gì đàng sau họ không có bàn tay thế lực lắm “hầu bao” nào đó chống lưng vì những tên vô danh tiểu tốt như bốn bà mệ nầy, nếu không được chống lưng thì dầu cho có mọc sừng cũng chưa chắc gì dám làm rùm ben như thế.

Rồi đây cho đến cuối năm 2020, sẽ còn nhiều trò chơi khác sẽ được bày ra, có thể còn bỉ ổi hơn nữa đối với ông Trump. Nhưng không sao, đã là tay hảo hớn, ngang tàng, đầy bản lãnh, tự kiêu và bất cần như Donald Trump thì còn sợ gì ai, ông lừng lững xong pha vào vòng vây để công phá mọi thứ trận mạc và nẫy rập giăng ra:

V.- Trấn áp mặt trận Biển Đông: Ông Trump lúc nào cũng tuyên bố Trung Cộng là kẻ thù số một của Mỹ, song song đó, ông Ngoại trưởng Tillerson đầu tiên của ông cũng đã tuyên bố một câu rất thẳng thừng là:

Chúng ta sẽ phải gởi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết phải đình chỉ việc xây dựng các đảo và thứ hai là không được phép tiếp cận những hòn đảo nầy”.

Rõ ràng đây là một tín hiệu trấn áp, báo trước cho Trung Quốc biết rằng “Đừng giỡn mặt với tử thần”.  Việc khua chiêng, đánh trống, la làng trong thời kỳ qua cốt để hâm dọa, hiếp đáp những nước nhỏ bé yếu đuối không đủ sức kháng cự để cướp đất, cướp biển, cướp tài nguyên của người ta thì nên liệu mà chấm dứt để làm ăn sòng phẳng với thiên hạ cho thế giới được yên ổn.

Song song với tín hiệu đã được phát ra, Mỹ thường xuyên gởi các Hàng Không Mẫu Hạm và các loại chiến hạm đến tập trận nhiều lần trên Biển Đông, nhiều lần ghé thăm Phi Luật Tân và Việt Nam, đi xuyên qua eo biển ài Loan, mục đích cho Trung Cộng thấy sự tương quan lực lượng vượt trội của Mỹ, và với sự có mặt thường trực của Đệ Thất Hạm Đội trong khu vực, cho biết Mỹ sẳn sàng thực hiện những tín hiệu đã được công bố, hy vọng Trung Cộng thấy vậy sẽ thối chí mà “cải tà quy chánh”. Nhưng với bản chất cao ngạo, hung hăn, xấc xược, mặc dầu thâm tâm chúng vẫn biết không thể bằng được Mỹ, nhưng với truyền thống bản chất tham lam và giấc mộng bá quyền, họ Tập chẳng những không giãm cường độ căng thẳng mà vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng thêm các căn cứ quân sự trên các hải đảo mà chúng đang chiếm đóng trên Biển Đông và tuyên bố chủ quyền, đặt thế sự trước một sự kiện đã rồi mà người Việt Nam thường ví von: “Đặt cái cày trước con trâu”.

1.- Thiết lập một gộng kềm tại chổ: Để đối phó, việc trước tiên là Mỹ cố gắng dàn xếp với Việt Nam và Phi Luật Tân để hai quốc gia nầy liên minh làm gộng kềm hai bên nếu có chiến tranh xãy ra, để bảo vệ con đường tự do hàng hải theo luật quốc tế từ Bắc xuống Nam Thái Bình Dương và ngược lại.

2.- Phản ứng của Trung Cộng: Điều nói trên họ Tập không bao giờ mong muốn vì lo sợ, cho nên ông ta khai thác câu chuyện Hội Nghị Thành Đô năm xưa để nhắc nhở cho bạo quyền Việt cộng nhớ về vai trò chư hầu của mình mà tuyệt đối trung thành với Mẫu quốc.

Chúng ta còn nhớ, đã hơn một lần, Trung Cộng đả sai hai tên du côn là Quách Bá Hùng và Dương Khiết Trì sang Việt Nam để dằn mặt, chỉ thị cho giới lãnh đạo Việt cộng tại Hà nội như sau:

– Quách Bá Hùng ra lịnh:

a.- Việt Nam không được viện dẫn bằng cớ lịch sử để chứng minh chủ quyền lịch sử của Việt Nam trên Biển Đông.

b.- Việt Nam không được đưa quốc gia đệ tam vào vùng tranh chấp

c.- Việt Nam không được phép liên minh hay hợp tác quốc tế về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

– Dương Khiết Trì còn du côn hơn, tại Hà nội, vừa cảm thấy Việt cộng tỏ vẻ thân thiện với Mỹ, hắn đã hằn học ra lịnh một câu thật là mất dạy:

Mấy anh bỏ chạy à? Là con hoang của Trung Quốc mấy anh phải trở về”.

Riêng Tổng thống Phi Luật Tân thì đã bị xiêu lòng, nghiêng về phía Tàu Cộng với hy vọng đạt được miếng mồi đĩnh chung về kinh tế nên không cần mọi lời khuyên can, việc chiếc bẫy nợ đang chực chờ mà thế giới đã cảnh báo thì hãy để hồi sau phân giải.

Chưa chắc gì ông Duterte không nhận được những lời mà hai tên du côn đã nói với lãnh đạo Việt cộng như thế, tuy là một nhân vật có vẻ mang nhiều máu giang hồ, nhưng chắc là loại giang hồ dõm, nên gương mặt coi rất ngầu nhưng sợ gã họ Tập còn hơn sợ cọp, trái ngược với vị tiền nhiệm Benigno Aquino, trông vui vẻ, hiền lành nhưng dám đưa Trung Cộng ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye và đã thắng kiện như ta đã thấy.

VI.- Kết luận

So với thời kỳ 8 năm trị vì nước Mỹ của Barack Obama, hơn 2 năm qua với sự dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, tình hình Á Châu hoàn toàn trở mình thay đổi:

1.- Kim Jong Un của Bắc Hàn không còn phóng hỏa tiển liên lục địa để hăm dọa Mỹ và thế giới nữa và cũng không còn phát ngôn bạo tợn như xưa, tuy vẫn còn dấu cái đuôi nguyên tử để làm điều kiện đàm phán. Việc nầy cũng không có gì lạ.

2.- Trung Cộng đang trên đà phá sản vì sự trừng phạt kinh tế của Mỹ. Cuộc thương chiến Mỹ Trung đã khiến cho rất nhiều giới đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc, tạo nên tình trạng thất nghiệp nặng nề, nguy cơ tạo bất ổn xã hội, yêu sách với Mỹ xem chừng không đi đến đâu nên tương lai mù mịt.

Sự cần thiết phải chiếm đoạt Biển Hoa Đông và Biển Đông để mở ra Con Đường Tơ Lụa là vấn đề sinh tử của Tàu Cộng, trước là để đạt giấc mộng Đế Vương, sau nữa là giải quyết nạn nhân mãn, với hơn một tỷ dân, nếu không có đất mới để di dân giải tỏa thì sớm muộn gì đất nước Trung Hoa sẽ rơi vào thãm trạng loạn lạc vô cùng tăm tối, bắt nguồn từ việc họ nhắm mắt chạy theo chủ nghĩa Cộng sản mà ra.

3.- Về phần Mỹ đã xem như hoàn tất một liên minh vững mạnh với Nhựt, Đại Hàn, Đài Loan, Úc Châu và Ấn Độ, tạo thành một vòng đai kiên cố để bao vây, và các nước Âu Châu như Pháp, Đức, Anh cũng sẳn sàng nhập cuộc, cho nên nếu cứng đầu, ngoan cố không chịu cải hối để xãy ra cuộc chiến thì Trung Cộng dầu có liều mạng đến đâu cũng  phải chịu cảnh thãm bại, tan nát mà chưa chắc gì trong tương lai có thể phục hồi lại được.

Nếu còn chút lương tri và sáng suốt, hơn ai hết, Tập Cận Bình hẳn phải nhận thức rõ điều đó.

4.- Về phần Việt Nam, trong những ngày gần đây đã bắt đầu lên tiếng chống đối Trung Cộng và đối đầu quần thảo với Trung Cộng tại bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường sa của Việt Nam. Thật giả ra sao chưa biết vì việc làm của bọn Ma Đầu Việt cộng chưa ai dám tin, tung hỏa mù để lẩn tranh là nghề của bọn chúng, giống như những con mực dưới biển, khi gặp kẻ thù nguy hiễm, chúng tung mực ra làm đen nước một vùng rồi tháo chạy. Bởi vậy, chúng ta đừng vội mừng mà hãy chờ xem hành động của bạo quyền trong thời gian tới đối với Trung Cộng sẽ ra sao.

5.- Tác giã viết bài nầy không có lý do gì để tuyên dương hay có thái độ mà nhiều người gọi là  “Cuồng Trump” vì ông ấy chỉ làm việc cho quyền lợi của Mỹ.

Ông Trump yêu nước Mỹ của ông nên vì quyền lợi của nước Mỹ, ông chấp nhận dấn thân, hành động có phần ích kỷ, bất chấp mọi điều gì có thể gây phiền phức cho những nước khác. Khách quan mà nói, điều nầy khó có thể trách ông ta được.

Chúng ta là người Việt Nam thì mọi người chúng ta dù bất cứ ở đâu, dù mang quốc tịch gì thì cũng đều yêu quý đất nước của chúng ta, cho nên, dù ông Tổng thống Donald Trump hay bất cứ ông Tổng thống nào khác mà việc làm của họ có lợi cho công cuộc tranh đấu để giải phóng đất nước chúng ta thoát khỏi gông cùm của độc tài gian ác và bạo quyền Việt cộng thì vì quyền lợi của công cuộc đấu tranh chung, chúng ta không thể quay lưng mà phải hết lòng cổ võ vì:  “Phước bất trùng lai, Họa vô đơn chí”, với ý thức: “ Dịp May hiếm có hai lần “.

Cuộc so tài để tranh cử vào năm 2020 hiện đang diễn ra tại Mỹ cho thấy rằng ông Trump đang trên đà thắng lợi tuyệt đối, nhưng sự đời cũng cho thấy có lúc bất chợt “Ngựa về ngược” điều mà cả đảng Dân Chủ, Hạ Viện Hoa Kỳ, đám truyền thông thổ tả, bọn quậy phá và nhứt là “kẻ thù địch” mà lợi hại nhứt là Trung Cộng đang hết lòng mong đợi, tuy nhiên, xem chừng những mong đợi của họ sẽ chỉ lả ảo vọng và thãm trạng “Ngựa về ngược” chắc chắn sẽ không xãy ra.

Thanh Thủy (24/7/2019)

Thơ Đằng Phương

Giã bạn lên đường

Thân tặng các bạn đường tranh đấu cho lý tưởng

Cùng nhau cạn chén sẽ lên đường
Chia gánh tang bồng quảy bốn phương
Non nước nghìn trùng người mỗi ngã,
Muôn lòng chung một mối tơ vương.
 

Khói lửa rồi đây bốc ngụt trời,
Gió tên mưa đạn dậy nơi nơi.
Cuộc đời tranh đấu đầy vô định,
Tái ngộ mai đây được mấy người?
 

Nhưng đã gần nhau, ắt có xa.
Thường nhân vẫn nhận thế kia mà!
Huống chi ta! những người tranh đấu
Thề lấy non sông thế cửa nhà.
 

Vả lại dầu xa mấy núi sông,
Dầu còn tái ngộ nữa hay không,
Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi,
Vẫn sống trong tim những bạn lòng.
 

Như thế, ta còn bận bịu chi,
Còn lo chi nữa lúc ra đi?
Cười lên cho tiếng vui hăng hái
Ðánh bạt u buồn lúc biệt ly.
 

Ta hãy cười lên đón ánh dương
Ngày mai sẽ chói rạng quê hương
Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng
Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường!

Nguồn: Hồn Việt, NXB Đuốc Việt, Sài Gòn, 1950

 

 

Bí Mật Nhà Nước  –  Nguyễn Thị Cỏ May

Ở thời đại tin học thế hệ 5 mà vẫn tồn tại những bất thường, lại trở thành hiện tượng mà người ta mặc nhiên chấp nhận gần như tự nhiên. Việt nam vẫn cố bám theo cộng sản chết bỏ là một thứ bất thường. Nguyễn Phú Trọng được đảng cộng sản chọn làm Chủ tịch nước, vắng mặt trong công tác từ hôm 14/4 ở Kiên Giang cho tới nay là hơn 2 tháng. Thật ra trong thời gian đó, ông ấy có xuất hiện vài lần nhưng chỉ thoáng qua.

Theo chế độ, cán bộ đảng viên là đầy tớ của nhân dân vì nhân dân là chủ đất nước. Đầy tớ Nguyễn Phú Trọng không làm việc hơn 2 tháng qua mà không xin phép chủ, không báo cáo lên chủ tình trạng tại sao vắng mặt. Nếu bịnh thì phải có giấy chứng nhận sức khỏe do y sĩ cấp. Đầy tớ Trọng không theo một qui tắc nào hết mà không bị đuổi việc. Cũng là một thứ bất thường nữa. Đúng hơn đó là quái đản!

Thông thường thì chánh phủ của ông Nguyễn Phú Trọng phải cho phổ biến phiếu sức khỏe của Chủ tịch nước theo định kỳ và trong trường hợp bịnh hoạn, phải thông báo tình hình sức khỏe theo mỗi biến chuyển. Đó là việc phải làm theo luật định và còn là nghĩa vụ với nhơn dân.

Ở đây, ông Trọng không làm, chánh phủ cũng không làm vì đầy tớ không thèm coi ông Chủ Nhơn dân ra gì hết.

Chẳng những không báo cáo sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng, đảng cộng sản còn ban hành luật qui định việc giữ kín tình trạng sức khỏe, thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước xhcn thuộc loại “bí mật nhà nước”.

Và Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Dự luật về Bí mật nhà nước!

Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo là «thông tin mật»

Quốc hội Việt Nam tiến hành thảo luận dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vào chiều 25/10/2018. Theo báo chí việt nam thì Dự Luật «Bảo vệ bí mật nhà nước» khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại vì cho rằng quy định về thông tin mật như vậy là “quá rộng”.

Trong số những thông tin nêu trong danh mục “mật” của bản dự thảo, có vấn đề về thân thế và tình trạng sức khỏe của lãnh đạo làm cho nhiều người có suy nghĩ bình thường không khỏi kinh ngạc. Còn xử lý đất đai, ruộng vườn của nhơn dân cũng mật thì đó là điều ai cũng hiểu dễ dàng.

Theo nội dung dự luật thì “thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước” được đặt trong nhóm các thông tin mật thuộc chính trị; và “thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước”, được đặt trong nhóm y tế.

Lợi bất cập hại là lo ngại của Dân biểu Trương Trọng Nghĩa. Vị đại biểu từ đoàn TP Hồ Chí Minh nói những thông tin như sự nghiệp, thân thế lãnh đạo lẽ ra cần được tuyên truyền để người dân học tập. Nói như vậy không biết ông dân biểu ấy nói thật hay ngụ ý diểu cho vui?

Có người cho rằng Dự luật này là «Thừa » và «vênh » vì một số quy định trong dự luật đã được nêu trong các luật đã có, hoặc mâu thuẫn với luật đã có.

Ví dụ, Luật Khám chữa bệnh đã quy định giữ bí mật những thông tin của người bệnh, nên quy định thông tin sức khỏe cán bộ lãnh đạo là mật của dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước “là không cần thiết”. Vả lại, việc quản lý sức khỏe cán bộ đảng viên cao cấp hoàn toàn do một Ủy Ban Trung ương đảng trách nhiệm và quyết định. Cả việc phải chửa trị như thế nào? Mổ, cắt, uống thuốc, … được lành bịnh ra về hay cần phải đi thăm bác.

Ngoài ra, một số Dân biểu cũng phản ánh việc đưa tài nguyên môi trường, đất đai vào danh mục «mật» là quá «rộng». Hay đúng hơn là quá vô lý nếu không phải vì nhằm phục vụ lợi ích của đảng viên và phe cánh cộng sản với nhau.

Hiện tại, có ít lắm 70% khiếu nại, tố cáo của người dân về đất đai, môi trường, nên quy định này khiến khiếu nại của dân không biết đến bao giờ mới được giải quyết.

Người dân cũng không thể tiếp cận được với các thông tin cần thiết để bảo vệ mình, ví dụ như vụ dân Thủ Thiêm phải tự tìm bản đồ bị «thất lạc».

Có một phê phán của một người dân thường được cho là chính xác hơn hết: «chả hiểu được, nếu thân thế lãnh đạo mà «mật» thì người dân sao biết để mà bầu cử. Vậy cứ mật hết đi, đừng cho dân biết gì cả. Tự biên, tự diễn, tự vỗ tay là được rồi»!

Thật ra cái «bí mật» nhà nước không phải chỉ có ở cái xứ CHXHCN/VN mà ở xứ Tây cũng có và nó còn nhiều gay cấn hơn, xảy ra dưới hai thể chế khác nhau, xã hội chủ nghĩa và tự do.

Bí mật nhà nước theo xhcn: Trường hợp TT. Mitterrand

Ông François Mitterrand, đảng viên Xã hội chủ nghĩa pháp, là người duy nhứt làm Tổng thống suốt 2 nhiệm kỳ 14 năm của Đệ V Cộng hòa Pháp và cũng là người duy nhứt, suốt thời gian làm Tổng thống, có nhiều người vừa là bạn thân lâu năm, vừa là cộng tác thân tín, tự tử (ít lắm là 5 người) với lý do mờ ám.

Gốc mác-xít, ông còn là người bản lãnh, đầy mưu mô. Khi lên nắm quyền, ông áp dụng đường lối xhcn, tư bản bỏ đi hết. Hai năm sau, ông vội «đổi mới» theo kinh tế thị trường. Và tuyên bố trong đảng với nhau «Cứ tuyên bố đường lối xhcn nhưng làm theo đường lối tự do». Nhưng ông là người biết chơi điệu theo kiểu giới giang hồ, điều này khác hẳn với Hồ Chí Minh, là ai chịu chơi với ông thì đều được ông ban phát quyền lợi đúng theo khả năng đã «hợp tác» với ông. Dưới trướng của ông, từ bà Thủ tướng tới các bà Bộ trưởng đều là những người trước kia, trong đảng, đã từng là bồ của ông. Tính ra, ông có ít nhứt 20 bà bồ và một bà vợ bé, không kể bà vợ già chánh thức còn tòn teng đó.

Chỉ ít lâu sau khi đắc cử, ông đi đứng khó khăn. Hai vị Tướng y sĩ của bịnh viện Val de Grâce và y sĩ riêng Gubler của ông khám ông, phát hiện ra «cậu Tổng thống nhỏ» bị sưng và có triệu chứng ung thư. Bác sĩ khuyên ông phải vào nằm nhà thương và mổ. Nghe xong, ông hét lên «Không có chuyện đó được». Nhưng sau cùng ông phải vào nhà thương điều trị.

Thứ bảy ngày 7 tháng 11 năm 1981, một chiếc xe DS (Citroen) cũ chở T.T Mitterrand, có ông Gubler, bác sĩ riêng của ông tháp tùng theo, vào nhà thương bằng cổng sau, lối vào dành cho yếu nhơn.

Ông nghĩ mới đắc cử đây, làm Tổng Thống được mấy tháng, nay nằm nhà thương, không khéo các đồng chí của ông đứng lên đảo chánh, hạ bệ ông hoặc phe đối lập hạ bệ ông, cho rằng ông bất lực làm Tổng thống tuy Hiến Pháp không có qui định hạ bệ Tổng thống. Hơn nữa, ông đang sống hạnh phúc với bà vợ bé và cô ái nữ ở tuổi cập kê, nay nhập viện, biết đâu chúng nó, vì bị những thế lực thù địch mua chuộc, sẽ thiến mất “cái của quí” của ông. Ở đời mà, còn nhiều những âm mưu, ghen tương khác nữa. Ai biết được. Nhứt là bà vợ già của ông, vốn là một cán bộ đảng kỳ cụu, chuyên chính, sắt máu, rất đáng lo sợ.

Nhưng đã vào đây phải có bản tin đưa cho báo chí, khi Tổng Thống phủ cần phải làm. Dân chúng có quyền đòi biết sự thật về tình trạng sức khỏe của người lảnh đạo quốc gia. Chánh phủ không có quyền từ chối. Thế là bệnh viện lập cho ông Mitterrand một hồ sơ bệnh nhân với một tên khác, ghi đầy đủ chi tiết thật về bịnh của ông cho việc chữa trị, còn hồ sơ tên của ông thì gồm những điều tốt đẹp, để như thế giữ được kín đáo chuyện khi chưa cần phổ biến.

Ông Mitterrand bị ung thư tiền liệt tuyến và bắt đầu tác hại qua xương. Các bác sĩ thấy trước cái chết của ông Mitterrand.

Ông Mitterrand chết đầu năm 1996 tại Paris. 8 ngày sau, bác sĩ Gubler cho nhà Plon phát hành cuốn sách «Bí mật lớn» (Le Grand Secret), ông viết chung với nhà báo Michel Gonod của Paris Match. Trong sách, ông thuật lại việc ông theo dõi sức khỏe của TT. Mitterrand suốt 2 nhiệm kỳ. Ông Gubler đặc biệc tiết lộ ngay hồi tháng 10 năm 1981, vừa đắc cử, ông Mitterrand đã biết mình bị ung thư tiền liệt tuyến nhưng phiếu sức khỏe của ông Mitterrand do ông ký để phổ biến suốt thời gian 14 năm dài đó hoàn toàn không đúng sự thật. Cũng theo tiết lộ của bác sĩ Gubler, từ năm 1994, ông Mitterrand đã không còn khả năng làm việc nữa.

Ông Balladur, cựu Thủ tướng của TT. Mitterrand và ông Juppé, cụu Ngoại trưởng, cùng lên án «chưa bao giờ thấy một sự bất lực điều hành đất nước như vậy.»

Sách vừa phát hành được 2 ngày thì bị thu hồi theo gia đình của ông Mitterrand yêu cầu. Nhưng cũng may chỉ trong 48 giờ, sách đã bán được 48000 quyển. Và tiếp theo, sách được những người yêu chuộng tự do thông tin đưa lên mạng.

Tòa án Paris phạt bác sĩ Gubler 4 tháng tù treo và xóa tên khỏi Y sĩ Đoàn về tội vi phạm bí mật nghề nghiệp.

Tòa trên duy trì lệnh cấm sách lưu hành, phạt ông Gubler và nhà xuất bản 340000 frs (bằng 51 833€) phải trả cho gia đình ông Mitterrand. Ngoài ra, ông Gubler còn bị lột 2 huy chương cao quí (Ordre national du Mérite và Légion d’honneur) do Thủ tướng Jospin, đảng viên đảng xã hội chủ nghĩa, ký để thi hành.

Tháng 5/2004, Tòa án âu châu về Nhơn quyền lên án Pháp, cho rằng «lệnh cấm quyển sách của bác sĩ Gubler lẽ ra đã được thu hồi sau vài tháng, nay nhơn danh quyền tự do diễn tả, xét rằng tình trạng sức khỏe của vị lãnh đạo quốc gia không thuộc bí mật y khoa mà liên hệ tới đời sống của một dân tộc».

Sau quyết định của Tòa án Âu châu về Nhơn quyền, đầu năm 2005, quyển «Bí mật lớn» được nhà Rocher tái bản.

Trường hợp De Gaulle

Bí mật của lãnh tụ đôi khi còn là vấn đề đối ngoại nữa. Giáo sư y khoa Aboulker ở bịnh viện Val de Grâce, một hôm, thuật lại câu chuyện của TT. De Gaulle, dĩ nhiên phải đợi mồ của ông xanh cỏ. Đó là câu chuyện giữa ông De Gaulle với thầy thuốc điều trị sau khi mổ tiền liệt tuyến của ông.

Hôm ấy, thấy trong người dễ chịu, ông De Gaulle bảo với giáo sư Aboulker, vừa khám ông xong, rằng ông muốn gặp bác sĩ giải phẫu đã giải phẫu ông và đặt cho ông cái “xông”  (la sonde, ống thông) tuyệt vời nầy để ông khen thưởng vị bác sĩ tài hoa ấy. Giáo sư Aboulker gải đầu vừa thưa với ông De Gaulle là việc gặp bác sĩ giải phẫu kia có lẽ hơi khó vì ông ấy là người Mỹ.

Lập tức ông De Gaulle đỏ mặt và hét lớn với Giáo sư Aboulker: Mi đừng bảo với ta rằng bác sĩ Mỹ đã mổ cho ta và đã đặt cho ta cái “xông” của Mỹ, nghe chưa?

– Trời đất quỉ thần ơi! Không có “xông” của Tây, thưa Ngài.

Để làm dịu cơn súc động của ông De Gaulle, Giáo sư vội chữa:

– Thưa Ngài, “Xông Mỹ” nhưng chế tạo ở xứ Pháp.

Ông De Gaulle gắt thêm:

– Thôi được, đừng nói nữa. Này bác sĩ! Tôi không muốn người ta biết rằng tôi được đặt cho một cái “xông Mỹ”, rõ chưa? Ông hãy nhớ rằng đây là một “bí mật quốc gia”.

Ông De Gaulle ra nhà thương, về nhà dưỡng bệnh.

Một hôm ông kể chuyện “bí mật quốc gia” nầy với bà vợ của ông :

– Bà nghĩ coi, không lẽ tôi như vầy mà cứ bị phụ thuộc vào Mỹ hoài sao? Giải phóng nước Pháp, Mỹ giúp và nhờ đó mà tôi mới trở về được và trở thành anh hùng giải phóng. Nay, “nó” của tôi hết bệnh, định hình, định vóc được, có thể lấy lại tác phong hùng dũng, lại cũng nhờ Mỹ nữa sao?

Tôi muốn “nó” phải tự lực tự cường – Tôi không  muốn thằng tôi mang nặng mãi nỗi ám ảnh về Mỹ suốt đời, Bà à!

– Ông ơi! Còn giữ được «nó» vẫn hùng dũng là Đảng* và nhân dân vui mừng rồi!

Và … riêng  tôi còn mừng hơn nữa, hạnh phúc lắm, ông à!

*Đảng RPF – Tập họp Nhân dân Pháp

 

 

Tiếng Vỗ Tay Ca Ngợi Tội Ác

Tuần vừa qua, một sự kiện làm nổi bật tính thời sự là 22 quốc gia cùng ký tên một bức thư gởi Hội đồng Nhơn quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève tố cáo đảng cộng sản Trung Quốc và nhà cầm quyền Bắc Kinh giam giữ cả triệu người Duy-ngô-nhĩ (ouighours), người Kazakhs và nhiều người Hồi Giáo thuộc các sắc tộc thiểu số, hành hung dã man nạn nhơn trong những trại ngụy danh “trại huấn nghệ” ở Tân cương.

Những nước ký bức thư tố cáo Trung quốc vi phạm Nhơn quyền đều thuộc nền văn minh dân chủ tự do Tây phương. Tuy nhiên Huê kỳ không ký vì đã rút ra khỏi Hội đồng Nhơn quyền hồi năm rồi. Và chỉ phê phán Trung quốc về vấn đề Nhơn quyền theo từng trường hợp cho nhu cầu của Huê kỳ hơn là vì bảo vệ  những giá trị phổ quát.

Ngày nay, đặc tính phổ quát của Nhơn quyền đang bị hăm dọa nghiêm trọng.

Thư phản đối va thư ủng hộ

22 nước ký tên được hoan nghênh là can đảm tố cáo cái ác của Trung quốc, bảo vệ giá trị con người thì liền sau đó, hôm 12 tháng 7/2019, có ngay 37 quốc gia khác viết thư cũng gởi Hội đồng Nhơn quyền Liên Hiệp quốc ủng hộ Trung quốc, phản đối các nước cho rằng các “trại huấn nghệ” ở Tân cương là trại biệt giam. 37 nước này, phần lớn thuộc Phi châu, Trung đông, Hồi giáo Ả rập, Nga, Bắc Triều tiên, Phi luật tân, Mã lai, Nam dương. Nhìn chung các nước này đều có phiếu lý lịch có ghi vi phạm Nhơn quyền. Ngoài ra, đó còn, phần lớn, là nước chạy theo “Một vành đai, một con đường” của Tập Cận bình. Cả vài nước thành viên Âu châu cũng ngã về phía tội phạm Nhơn quyền chỉ vì bị sức mạnh đồng tiền thu hút. Trái lại, Thụy sĩ tuy gia nhập chiến lược “Con đường Tơ lụa mới” nhưng không ký thư chung với 37 nước bênh vực Trung quốc vì tôn trọng truyền thống nước Nhơn quyền. Hơn nữa, Thụy sĩ còn là nước chủ nhà của Trụ sở Nhơn quyền LHQ nên Thụy sĩ đã ký thư phản đối Trung quốc cùng với 22 nước văn minh. Cùng khối thế giới tự do, Nam Hàn còn là nước đón nhận nhiều nạn nhơn Nhơn quyền từ Trung quốc, từ Bắc Hàn trốn qua xin tỵ nạn, lại không ký chung với 22 nước bạn kia.

Bức thư  của 37 nước bênh vực Trung quốc chưa phổ biến. Báo chí chỉ mới tiết lộ vài đoạn. Hãng Reuters trích dẫn một đoạn biện minh cho sự vi phạm Nhơn quyền của Trung quốc là “Đối mặt với thách thức nghiêm trọng của khủng bố và cực đoan, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp chống khủng bố, chống cực đoan hóa tại Tân Cương, trong đó có việc thành lập các trung tâm huấn nghệ, giáo hóa».

Được các nước đồng hội đồng thuyền ký tên ủng hộ đông hơn số nước chống – đa số là lẽ phải – Trung quốc lấy làm hài lòng. Tờ Global Times của đảng Cộng Sản Trung Quốc tự đắc viết: «Ba mươi bảy nước đã viết thư cho Hội đồng Nhân quyền để ủng hộ chính sách Trung Quốc tại Tân Cương. Các nước này là đại diện tiêu biểu nhất cho thế giới. Các chính quyền phương Tây đã gây áp lực lên Trung Quốc về Tân Cương sẽ phải xấu hổ». Đúng là giọng điệu hung hăn lấy được cố hữu của cộng sản. Tờ China Daily cho rằng: «Chỉ có cư dân Tân Cương mới có quyền nói về nhân quyền tại đây, chứ không phải những người ngoại quốc». Mà cư dân tân cương làm sao nói về thân phận của họ được khi mà người dân chỉ vừa mới làm cái “tủng”, mùi chưa kịp bay tới Bắc kinh thì mạng lưới an ninh xã hội đã nhận diện ai làm chuyện đó, công an thộp cổ ném ngay vào tù và nhừ đòn rồi?

Trong vụ này xuất hiện một nghịch lý đáng chú ý: không có quốc gia Hồi giáo nào ký tên vào lá thư thứ nhất, bênh vực đồng đạo trong khi lá thư thứ hai bênh vực Trung Quốc lại có mặt nhiều nước Hồi Giáo.  Vì nhiều quốc gia Hồi Giáo trung thành với luật charia, coi đàn bà như cỏ rác, còn tổ chức thứ tòa án nhơn dân xử tội phụ nữ vì dám mặc t-shirt, quần jeans đi ra đường, bằng cách cho đám đông ném đá vào tội nhơn cho tới chết. Hoặc ném đá, rồi thiêu sống tội nhơn. Hành động này không phải vi phạm Nhơn quyền?

Sự thiếu vắng hầu hết các quốc gia Trung Âu và Đông Âu cũng đáng chú ý. Trong số các nước thuộc nhóm 16+1, một công thức liên kết các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc, chỉ có ba nước nhỏ Estonie, Lettonie và Lituanie dám đứng lên chỉ trích Bắc Kinh.

Nước Hồi Giáo lớn ở Âu châu là Thổ-nhĩ-kỳ (LaTurquie). Ông TT. Recep Tayip Erdogan mới hôm 11/2 vừa rồi đã lớn tiếng tố cáo Trung quốc giam giữ nhơn dân vô tội hàng loạt ở Tân Cương là «nỗi nhục của nhân loại», thế mà nay, ông lại nói người Duy Ngô Nhĩ «sống hạnh phúc»!

Thật là cay đắng cho những nạn nhân ở Tân Cương, bị các đồng đạo quay mặt dưới sức mạnh của đồng tiền!

Trong lúc đó, điều kỳ lạ, có một không hai, Việt nam là nước «môi hở răng lạnh» với Trung quốc, là «16 chữ vàng, là 4 tốt» … lại không ký thư thứ hai cùng với 37 nước ủng hộ Trung quốc! Có sự hiểu ngầm giữa ta với nhau? Cùng người nhà cả, cần gì hình thức cho rườm rà?

Một liên kết nhục nhã

Nhà xã hội học người Ý, Đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE), ông Massimo Introvigne, hôm 14/7/2019, lên tiếng phê phán cái tổ họp 37 quốc gia ký bức thư ủng hộ Trung quốc vi phạm tội ác là một thứ «Trục nhục nhã» (Axe de la honte). Cái Trục này chắc chắn sẽ bị người đời khó quên.

Sau khi lược qua 2 bức thư cùng gởi cho Hội đồng Nhơn quyền LHQ, ông Massimo Introvigne đưa ra 3 kết luận quan trọng:

Thứ nhứt, chúng ta có thể nhận thấy xuất hiện thứ «Trục nhục nhã» gồm những nước sẵn sàng chà đạp Nhơn quyền một cách vô tội vạ, đứng đầu là Trung quốc, nước ôm mộng bá chủ thế giới, và Nga. Trục có thêm Bắc hàn, Syrie, Venezuela, các nước Hồi Giáo. Những nước này nghĩ rằng họ không bị xử phạt vì vi phạm Nhơn, điều đó quan trọng hơn việc phải tham gia bênh vực những người Hồi Giáo bị hành hạ ở Trung quốc.

Thứ hai, những liên kết kinh tế và việc tham gia «Con đường tơ lụa mới» thật sự làm tê liệt sức đề kháng của những nước xưa nay thường bênh vực Nhơn quyền, tố cáo sự bạo ngược của Trung quốc. Như Bồ-đào –nha (Portugal) từng là nước Âu châu, văn hóa Thiên chúa giáo, tôn trọng Nhơn quyền, nay xui theo Trung quốc, vừa mới phát hành Trái phiếu gấu trúc (Obligations panda) bằng đồng yuan (tệ – tiền Trung Quốc). Nước thứ hai của Âu châu là Ý, cái nôi Công giáo, đã phát hành Trái phiếu gấu trúc tuần trước.

Thứ ba, vai trò xã hội dân sự và những tổ chức phi chánh phủ (ONG), cũng như báo chí còn nhiều hạn chế để tố cáo những thông tin dối trá, sự tàn ác của đảng cộng sản Trung Quốc do thiếu bằng chứng như hình ảnh, vidéo. Như muốn chỉ cho mọi người thấy trại tập trung ở Tân cương hoàn toàn không phải là trường dạy nghề như nhiều người hiểu, mà đó thật sự là nhà tù khổ sai của cộng sản. Đó là những goulags của Liên-xô hay laogais của Trung Quốc. Không tố cáo tội ác thì «Trục nhục nhã» này sẽ thắng vì có chánh nghĩa.

Thật ra không thiếu sách vở, báo chí phơi bày những trại tập trung này, với sự thật man rợ. Harry Wu đã kín đáo trở lại Trung quốc để điều tra những laogais (Retour au Laogai, Paris, 17/3/2004). Theo ông, ở Trung quốc có hằng ngàn trại tập trung giam giữ những người mà chế độ cho là bất hảo. Có hằng 20 triệu đàn ông, đàn bà đã chết ở những nơi đây, hằng ngàn người khác lao động khổ sai, như nô lệ, lần lược ngã gục. Chính ông bị giam tập trung suốt 19 năm. Năm 1979, ông đã đem chuyện laogai nói lên cho mọi người biết nó rùng rợn còn hơn Holocauste hay goulag.

Thấy sự tố cáo của ông chưa đủ thuyết phục thế giới tự do, ông âm thầm trở lại Trung quốc 4 lần để thâu thập tài liệu. Trong laogai, tù nhơn bị bỏ đói, bị tra tấn, bị để cho chết mòn hoặc bị hành quyết vì năng xuất lao động không đủ tiêu chuẩn. Nên nhớ kinh tế Trung Quốc phát triển là nhờ ở nhơn công quí báu này.

Tù nhơn laogai bị khai thác tới tận cùng. Kẻ sắp chết cũng là một nguồn lợi cho đảng: lấy nội tạng bán.

Đài Pháp và Đức chiếu phim về Lưu Hiểu Ba

Nhơn ngày giỗ thứ hai Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình (nhưng cái ghế người nhận giải thưởng trống vì ông bận ở tù), Paris ra mắt phim tài liệu ”Người thách thức Bắc Kinh” (L’homme a défíe Pékin, Pierre Haski, Ed Hikari, Paris).

Cách nay hai năm, ngày 13/07/2017, nhà tranh đấu vì dân chủ cho Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) qua đời vì bệnh ung thư, sau 9 năm bị tù. Ít người dân tại Trung Quốc và trên thế giới biết Lưu Hiểu Ba là ai, bởi chánh quyền Bắc Kinh muốn tìm mọi cách xóa đi các hồi ức về ông, về cuộc thảm sát Thiên An Môn (1989), cũng như phong trào Hiến chương 08 (năm 2008) đòi chấm dứt chế độ độc đảng, mà ông là người khởi xướng. Quái gở là nhiều chánh quyền phương Tây cũng dè dặt khi nhắc đến tên tuổi của nhà tranh đấu, chỉ vì không muốn căng thẳng với Bắc Kinh.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, tại Pháp, ra mắt cuốn sách «Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin / Lưu Hiểu Ba – người thách thức Bắc Kinh» của nhà báo Pierre Haski, Chủ tịch Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và một bộ phim tài liệu cùng tên, thuật lại cuộc đời của nhà tranh đấu dũng cảm. Phim «Lưu Hiểu Ba – con người thách thức Bắc Kinh» thuật lại hành trình bi tráng của «một trong những anh hùng vĩ đại nhứt của cuộc tranh đấu vì dân chủ của thời đại chúng ta» «chống lại một

trong những chế độ toàn trị khủng khiếp nhất» (giới thiệu của kênh truyền hình Bỉ RTBF-Trọng Thành).

Giáo sư văn học Lưu Hiểu Ba, đang ở Mỹ, quyết định trở về nước tham gia phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Ông là người có mặt đến cùng, trong cái đêm mùng 3 rạng sáng mùng 4 tháng 6, đúng vào lúc các đơn vị quân đội Trung Quốc xả súng vào sinh viên. Lưu Hiểu Ba đã tìm cách thuyết phục binh lính ngừng bắn để mở đường thoát cho sinh viên. Bị bắt, bị giam hơn một năm sau đó, ông quyết định ở lại Trung Quốc để tiếp tục cuộc chiến vì lý tưởng, trong lúc nhiều người chọn con đường lưu vong.

Bộ phim «Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin» được chiếu trên kênh truyền hình Pháp – Đức Art. Đây là lần đầu tiên cuộc phỏng vấn bí mật Lưu Hiểu Ba, của nhà báo Pháp François Cauwel, chỉ ít lâu trước khi ông bị bắt, được công bố. Cuộc phỏng vấn được coi như «bản di chúc» mà nhà tranh đấu gửi đến hậu thế. Chánh quyền Trung Quốc rốt cuộc đã không bịt được miệng Lưu Hiểu Ba. Nhà dân chủ – chỉ có cây bút làm vũ khí – tiếp tục khiến chế độ toàn trị bất an.

Triết lý con heo

Người ta thấy ở Luu Hiểu Ba là hiện thân Soljenitsyne của Liên-xô. Trong quyển «Triết lý con heo» (La philosophie du cochon», ông nêu lên những điều chủ yếu về chế độ cộng sản Trung Quốc không khác những gì mà Soljenitsyne đã nói về Liên-xô trước kia: dối trá, ký ức, đạo đức.

Soljenitsyne viết: «Thật khó mà quan niệm sự nói dối đã tách chúng ta khỏi một xã hội bình thường ra xa tới đâu» thì Lưu Hiểu Ba nói «Ở Trung quốc, chế độ không có một nguồn tài nguyên nào khác hơn là dối trá để tự duy trì sự tồn tại». Vậy «nếu mọi người từ chối sự dối trá thì cái chế độ thiết lập trên sự dối trá dĩ nhiên sẽ lập tức sụp đổ». Với trí thức, điều dễ làm là hãy «nói sự thật, nếu không được, thì hãy im lặng. Nếu không im lặng được thì đừng lập lại sự dối trá để tránh di hại kẻ khác».

Về điểm này, Lưu Hiểu Ba chọn thái độ tích cực. Ông nói, ông tố cáo, ông tranh đấu đòi dân chủ. Thế mà tên Lưu Hiểu Ba ở Trung quốc nếu được biết tới thì đó là một tên phản động được nhơn dân khoan hồng cải tạo cho thành người tốt.

Trong ngôn ngữ Trung Quốc vốn đã không có những từ ngữ phổ thông như «Dân chủ, Tự do, Nhơn quyền». Trong kho tàng ngôn ngữ ngày nay, ở Trung quốc, dân chúng Tàu vẫn không thề tìm thấy những từ ngữ này. Cả trên internet.

Truyện Thiên An môn hoàn toàn bị cấm kỵ. Biết tới là lãnh tù tội.  Lưu Hiểu Ba là nhơn chứng và tác nhơn trong biến cố Thiên An môn nên tên của ông phải bị xóa xổ.

Lưu Hiểu Ba mới cảnh báo nhơn dân Tàu của ông «Chánh sách dã man của đảng cộng sản Trung Quốc là thảm trạng đất nước từ hơn nửa thế kỷ nay đã bị

xóa mờ trong ký ức của mọi người, thay thế vào đó bằng một thứ lịch sử dối trá là sự vinh quang của đảng cộng sản. Vậy đánh mất ký ức dân tộc không gì khác hơn đó là một hình thức tự sát tinh thần!.».

Hồi tưởng về nền Đệ Nhị Cộng hòa của Nam Việt Nam (1967-75) – Biên dịch: Tuong Vu

Người Mỹ chúng ta thường nghĩ về chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) như một định chế thống nhất trong hai thập kỷ (1955-75) khi quốc gia này là đồng minh của Hoa Kỳ. Thực ra, nền chính trị của VNCH trải qua nhiều thăng trầm của cuộc chiến tranh: đầu tiên là một chế độ độc tài, sau đó là một giai đoạn hỗn loạn, rồi đến một thời kỳ thử nghiệm dân chủ đại nghị khá ổn định. Trong phần lớn các bài viết, dù là nghiên cứu học thuật hay báo chí, VNCH hiện lên như một chế độ độc tài, tham nhũng, và hỗn loạn. Hình ảnh này mang tính chất phiến diện, cường điệu, và dựa trên những biến cố trong hai thời kỳ đầu của VNCH. Đã có rất ít nỗ lực đánh giá những thành tựu của VNCH trong tám năm cuối.

Tác giả của các bài viết trong tập sách này là những người đã cố sức xây dựng một thể chế hiến định của chính phủ đại nghị trong bối cảnh một cuộc chiến tranh tuyệt vọng với đối phương là một nhà nước độc tài toàn trị. Đây là thời kỳ Đệ nhị cộng hòa (1967-1975). Nhiều người Việt đã đặt niềm hy vọng vào nền Đệ nhị cộng hòa, và qua nó chiến đấu và nỗ lực đóng góp cho tương lai của một Việt Nam-phi-cộng-sản. Qua tập sách này chúng tôi muốn đem câu chuyện của họ đến với bạn đọc vì những thành tựu của thời kỳ đó không phải nhỏ.

Trong những thập kỷ đầu của nửa sau thế kỷ 20, các thuộc địa trở thành quốc gia độc lập bằng nhiều đường khác nhau. Quá trình này ở Việt Nam đặc biệt phức tạp và lâu dài vì cuộc tranh chấp giữa các nhóm người Việt có ý thức hệ khác biệt bị lôi cuốn vào cuộc tranh hùng của hai siêu cường trên thế giới. Trong bài giới thiệu này, tôi sẽ trình bày bối cảnh lịch sử của nền Đệ nhị cộng hòa trong đó người Việt đóng vai trò chủ động bên cạnh các cường quốc. Tôi cũng sẽ xem xét những vấn đề quan trọng liên quan đến việc đánh giá nền Đệ nhị cộng hòa, và đề nghị một cách phân tích nhìn từ quan điểm của người Việt.

Trong nửa thế kỷ, từ năm 1940 đến năm 1990, chiến tranh đã bao phủ cuộc sống của người dân thuộc địa Đông dương của Pháp và sau đó là Cam Bốt, Lào, và Việt Nam. Đầu tiên là cuộc chiến tranh Thái bình dương, hay Thế chiến thứ Hai ở Á châu, khi Đông dương bị Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng.

Sau khi Đức chiếm Pháp năm 1940, Nhật điều đình với chính phủ Vichy do Đức lập nên ở Paris để được quyền chiếm đóng và động viên tài lực ở Đông dương cho quân đội Nhật ở vùng Đông nam Á và Thái bình dương. Đông Dương vẫn do chính phủ thuộc địa của Pháp cai trị, cho phép Nhật rảnh tay dồn mọi nỗ lực đánh bại quân Đồng minh ở Miến Điện và quanh các quần đảo ở Đông nam Á và Thái bình dương.

Đóng góp lớn nhất của Nhật vào lịch sử Việt Nam hiện đại là cuộc đảo chính tháng 3 năm 1945, khi quân Nhật bắt giam người Pháp và trực tiếp cai quản Đông dương. Cuộc đảo chính này do Nhật đề phòng khả năng Pháp trở mặt khi quân Đồng minh đến gần Đông dương. Quan hệ giữa Nhật và Pháp đã ngày càng căng thẳng; việc cả hai tích trữ lương thực dẫn đến nạn đói lớn ở Bắc kỳ vào mùa đông năm 1944-45. Cú đảo chính Pháp của Nhật kết liễu chế độ thực dân Pháp ở Đông dương. Điều này có nghĩa là người Pháp hoặc phải chấp nhận họ đã vĩnh viễn mất Đông dương, hoặc phải giành lại nó bằng vũ lực. Họ chọn cách thứ hai.

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh vào tháng 8 năm 1945, chiến tranh trở lại khi Pháp tìm cách tái lập chế độ thuộc địa ở Đông dương. Quân đội Pháp gặp phải sự chống đối của người Việt. Hồ Chí Minh thành công trong việc loại bỏ hay trung lập hóa những cá nhân hay đảng phái theo chủ nghĩa Quốc gia, và phe Cộng sản của ông ta giành được địa vị lãnh đạo ở miền Bắc. Cuộc chiến tranh của người Pháp kéo dài đến năm 1954 còn có tên gọi khác là cuộc chiến Pháp-Việt hay chiến tranh Đông dương lần thứ nhất. Khi Cộng sản Trung Hoa lên nắm quyền và bắt đầu hỗ trợ Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1950, cuộc chiến này trở thành một phần của cuộc đối đầu giữa phe Cộng sản và phe chống Cộng trên phạm vi toàn thế giới. Đối với người Việt, thực ra sự phân chia Quốc-Cộng này đã diễn ra từ thập niên 1930.

Những người Việt chống Cộng theo chủ nghĩa Quốc gia chỉ còn hai con đường: hoặc tham gia vào chính phủ Việt Nam do Pháp bảo trợ và do cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo trên danh nghĩa, hoặc rút lui khỏi chính trường chờ một cơ hội khác để thành lập chính phủ mới không Cộng sản cũng không dính dáng đến Pháp. Nhân vật nổi bật nhất trong số những người lui về chờ thời là Ngô Đình Diệm, người được Bảo Đại trao quyền Thủ tướng năm 1954. Vào thời điểm này người Pháp bắt đầu rút lui khỏi Việt Nam theo một hiệp ước quốc tế trả lại độc lập cho ba nước Đông dương đồng thời chia đôi Việt Nam. Miền Bắc nằm dưới quyền kiểm soát của Cộng sản và Hồ Chí Minh, còn miền Nam do chính phủ của Ngô Đình Diệm và phe Quốc gia cai quản. Giới học giả và ký giả đã mất nhiều giấy mực tranh cãi về thuật ngữ chủ nghĩa Quốc gia (hay dân tộc). Chủ nghĩa này có sức mạnh to lớn trong lịch sử hiện đại, và trong một thời kỳ dài người ta tôn sùng chủ nghĩa này và tin vào tính chính đáng của nó hơn tất cả các chủ nghĩa khác. Liệu thuật ngữ này chỉ nên dành riêng để mô tả phong trào Cộng sản Việt Nam là một câu hỏi căn bản trong việc giải thích lịch sử hiện đại của Việt Nam. Dựa trên quan điểm của người Việt, dĩ nhiên không khó khăn gì để trả lời câu hỏi này từ sau năm 1945, khi Cộng sản Việt Nam liên minh với phong trào Cộng sản quốc tế. Đối với phong trào này, giai cấp quan trọng hơn quốc gia và dân tộc. Vì lẽ này, những người chống Cộng ở Việt Nam coi mình là thực sự đại diện cho chủ nghĩa Quốc gia, xem trọng dân tộc hơn giai cấp. Quan điểm này được thể hiện mạnh mẽ nhất trong hồi ký của Nguyễn Công Luận, “Một Người theo Chủ Nghĩa Quốc Gia trong Chiến Tranh Việt Nam.”[1] Một mục đích của tập sách này là trình bày quan điểm của những người cống hiến cho nền Đệ nhị cộng hòa mà họ xem là đại diện cho chủ nghĩa Quốc gia Việt Nam, khác hẳn với chủ nghĩa Cộng sản. Đây là những người muốn xây dựng một Việt Nam mới không phải trải qua một cuộc cách mạng bạo tàn để thay đổi xã hội truyền thống. Vì mục đích này, tôi không có lý do gì để không dùng thuật ngữ chủ nghĩa Quốc gia để nói về họ, những người đã đầu tư sức trẻ vào nền Đệ nhị cộng hòa.

Khi Trung Cộng bắt đầu hỗ trợ Cộng sản Việt Nam vào năm 1950, Hoa Kỳ cũng bắt đầu ủng hộ các lực lượng của Pháp và người Việt theo chủ nghĩa Quốc gia. Sau năm 1954, Hoa Kỳ tiếp tục giúp miền Nam, còn Liên Xô và Trung Cộng giúp miền Bắc. Đây là bối cảnh của cuộc chiến tranh kế tiếp, dưới tên gọi chiến tranh Đông dương lần thứ hai, chiến tranh của người Mỹ, hay chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ cuối thập niên 1950 và kết thúc vào năm 1975.

Những biến chuyển trong hai thập niên đó thường được xem là thuộc về một cuộc chiến tranh duy nhất. Tuy nhiên, theo quan điểm của miền Nam trong thời gian đó có ba giai đoạn khác nhau về chiến tranh, chính trị, và chính quyền. Dưới nền Đệ nhất cộng hòa (1955-63) của tổng thống Ngô Đình Diệm, một chính quyền tương đối ổn định được thiết lập ở Sài gòn vào giữa thập niên 1950. Nhưng sau đó chính quyền Hà nội theo đuổi đường lối lật đổ chính quyền miền Nam bằng khủng bố, xúi giục bất ổn chính trị, và chiến tranh du kích. Chính phủ Mỹ ngày càng chỉ trích Ngô Đình Diệm nhiều hơn vì ông ta không muốn mở rộng chính phủ cho những nhân vật không có liên hệ gia đình hay thân hữu gia nhập. Về phần ông ta, Ngô Đình Diệm mất tin tưởng vào người Mỹ sau khi Hoa Kỳ ký thỏa thuận về Lào cho phép Bắc Việt có thể thâm nhập vào miền Nam qua biên giới Lào-Việt. Ông ta không tán thành việc chính quyền Kennedy muốn tăng mạnh con số cố vấn Mỹ ở miền Nam. Ngô Đình Diệm cho rằng chính sách của Kennedy đe dọa chủ quyền của VNCH và trái với sự nghiệp và lý tưởng Quốc gia của ông.

Ngô Đình Diệm cũng bất đồng với người Mỹ về cách thức đương đầu với mối đe dọa từ miền Bắc. Ông ta tin rằng cần phải giải quyết các vấn đề quân sự và an ninh trước khi mở rộng chính phủ cho các thành phần khác tham gia, trái với ý kiến của nhiều người Mỹ cho rằng phải làm ngược lại mới đúng. Các bất đồng chưa được giải quyết thì những biến cố bất ngờ xảy ra dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị. Năm 1963, anh trai của Ngô Đình Diệm là Tổng giám mục Thiên chúa giáo ở Huế gây ra căng thẳng với các tu sĩ Phật giáo khiến họ chống lại chính quyền Sài Gòn. Huế là kinh đô của vua chúa nhà Nguyễn trước khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, và sau khi độc lập trở thành trung tâm của phong trào Quốc gia do các tu sĩ Phật giáo có xu hướng chính trị lãnh đạo. Các cuộc biểu tình chống chính phủ của tăng ni Phật giáo lan tới những thành phố lớn của miền Nam vào mùa hè năm 1963, làm cho người Mỹ mất hẳn niềm tin vào Ngô Đình Diệm. Nền Đệ nhất cộng hòa kết thúc với cái chết của ông ta trong cuộc đảo chính quân sự được chính phủ Mỹ khuyến khích.

Bốn năm tiếp theo (1963-67) là giai đoạn giao thời. Trong thời kỳ này, chính quyền miền Nam do các sĩ quan quân đội lãnh đạo với sự cộng tác của viên chức dân sự. Lúc này ngọn lửa chiến tranh đã lan rộng với lực lượng quân đội của Mỹ và miền Bắc đổ vào miền Nam ngày càng nhiều. Cho đến năm 1966, chính trị trong nước rơi vào tình trạng bất ổn và chính quyền thay đổi liên tục. Sự hỗn loạn này là do quan hệ thay đổi giữa các sĩ quan quân đội, do các hoạt động chính trị của nhóm tu sĩ Phật giáo đã gây ra sự sụp đổ của nền Đệ nhất cộng hòa, và do cố gắng của các tổ chức tôn giáo hay chính trị khác thúc đẩy hay chống lại thay đổi.

Vào năm 1967, một bản Hiến pháp mới được thông qua và thi hành, dẫn đến sự ra đời của nền Đệ nhị cộng hòa (1967-75). Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chế độ miền Nam đạt được sự ổn định chính trị và ngày càng đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong cuộc chiến khi quân đội Mỹ rút lui dần dần và hoàn toàn vào năm 1973. Trong những năm này, thường dân, nhà giáo, nhà báo, chính khách, thương nhân, viên chức, luật sư, thẩm phán, tướng lãnh quân đội, và nhà ngoại giao, đều có đóng góp vào việc xây dựng một chính phủ hiến định dựa trên chế độ bầu cử tương đối cởi mở với các cơ quan hành pháp, lập pháp, và tư pháp riêng biệt. Trong một đất nước vừa được độc lập không lâu, trải qua một quá trình giải thực khó khăn, không có truyền thống dân chủ hay lập hiến, lại bị một nước lân cận quyết tâm phá hoại, và với một đồng minh đang tìm cách rút lui, thử nghiệm dân chủ dưới nền Đệ nhị cộng hòa vẫn diễn ra và đạt được nhiều thành công.

Hầu như tất cả các tác giả viết về những năm cuối của cuộc chiến đều lờ đi thành tích đạt được của nền Đệ nhị cộng hòa. Những thành tích đó làm cho người Mỹ xấu hổ vì một trong những lập luận chính của những người có lập trường chống chiến tranh Việt Nam là chính phủ Sài gòn là một chế độ độc tài không thể thay đổi được, không xứng đáng nhận sự giúp đỡ của Mỹ, và dù thế nào chăng nữa cũng phải thất bại. Lập trường phản chiến này đã giành được địa vị độc tôn trong giới học giả và phân tích chính trị ở Mỹ. Lập luận nêu trên giúp cho người Mỹ bớt dằn vặt về đạo đức vì nước Mỹ đã bỏ rơi một đồng minh trong cơn hoạn nạn. Nhưng thực ra lập luận đó phản ánh nỗi thất vọng của người Mỹ nhiều hơn là thực tế những gì đang xảy ra do người Việt cảm nhận. Những hồi ức trong tập sách này phản ánh những ước vọng và nỗ lực của những người quan tâm nhiệt thành đến tương lai của nền Đệ nhị cộng hòa.

Nền Đệ nhị cộng hòa đạt được ít nhất bốn thành tựu chính. Thứ nhất, về mặt quân sự, Quân lực VNCH nhận trách nhiệm chiến đấu từ người Mỹ. Mặc dù biến cố Tết Mậu thân năm 1968 làm cho dư luận Mỹ chuyển sang phản đối chiến tranh Việt Nam, dư luận ở miền Nam Việt Nam thay đổi theo chiều ngược lại. Tổn thất của phe Cộng sản giúp chính phủ giành lại quyền kiểm soát phần lớn vùng thôn quê và thực thi những chính sách hợp lòng dân quê. Thêm nữa, việc người Cộng sản đem cuộc chiến vào giữa các đô thị gây căm phẫn cho dân cư thành thị. Rất nhiều người giờ đây hiểu rằng họ có một thứ cần phải chiến đấu để gìn giữ: đó chính là nền Đệ nhị cộng hòa. Với sự rút lui của quân đội Mỹ sau Tết Mậu thân, người Việt ngày càng nhận thêm trách nhiệm bảo vệ đất nước họ.

Trong hai năm 1970 và 1971, Quân lực VNCH tham chiến với quân đội Mỹ hay với sự trợ giúp hỏa lực của Mỹ đã tiến hành những chiến dịch lớn ở Lào và Cam Bốt với mục đích làm giảm bớt khả năng của quân đội Bắc Việt dùng lãnh thổ của hai nước láng giềng tấn công vào miền Nam Việt Nam. Những chiến dịch này gây nhiều tổn thất và tranh cãi, nhưng cũng giúp cho Quân lực VNCH thêm khả năng và kinh nghiệm, và phần nào đặt quân đội Bắc Việt vào thế bị động. Trong cuộc tổng tấn công trên ba mặt trận vào mùa xuân 1972 của Cộng sản, khi hầu như tất cả quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, Quân lực VNCH đã đẩy lùi Cộng quân với sự trợ giúp của không quân Mỹ. Tuy nhiên ba năm sau đó, thiếu sự ủng hộ vật chất và tinh thần của đồng minh, nền Đệ nhị cộng hòa đã bị đánh bại.

Thành tựu thứ hai của nền Đệ nhị cộng hòa là ở lĩnh vực phát triển nông thôn. Sau Tết Mậu thân, tình hình an ninh ở thôn quê được đảm bảo cho việc thực thi một chương trình cải cách ruộng đất làm thay đổi nền kinh tế, xã hội, và chính trị ở phần lớn khu vực nông thôn. Mặc dù không được phần lớn giới quan sát ngoại quốc quan tâm, chính sách này tạo ra một mối quan hệ bình đẳng hơn giữa thành thị và thôn quê cũng như bồi đắp tiềm lực của khu vực nông thôn để làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế trong tương lai. Chương trình cải cách ruộng đất được thực thi một cách hòa bình và được sự ủng hộ của dân chúng, hoàn toàn khác với các cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo ở Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Đây là một lý do nữa mà người miền Nam phải chiến đấu chống lại miền Bắc.

Thứ ba, những thành tựu quan trọng về sản xuất và phân phối lúa gạo, về quản lý thị trường, về tìm kiếm dầu hỏa, và về chính sách tài chính đưa miền Nam Việt Nam gần hơn với mục tiêu độc lập kinh tế khi viện trợ Mỹ chấm dứt. Một thế hệ lãnh đạo mới đã hình thành, trong đó nhiều người có tinh thần dân tộc cao và tốt nghiệp từ các trường đại học của Mỹ. Những người này đem chí hướng cải cách cũng như thái độ tích cực và thực tế vào một nền hành chánh vốn chịu nhiều ảnh hưởng của quá khứ thực dân quan liêu. Trong hoàn cảnh phải đối đầu với những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí đến mức tuyệt vọng, trong hoàn cảnh nguồn lực suy yếu vì đồng minh Mỹ cắt giảm viện trợ, chính phủ Đệ nhị cộng hòa cho thấy có khả năng đưa ra những quyết định táo bạo.

Thứ tư, nhiều tiến bộ phải được ghi nhận về việc xây dựng một chính phủ hợp hiến gồm có lưỡng viện Quốc Hội, thể chế bầu cử đa đảng, và một hệ thống tư pháp độc lập giúp củng cố quy trình pháp luật để bảo vệ tự do cá nhân và những nguyên tắc chính trị dân chủ. Nhiều người Mỹ chê bai những tiến bộ trong lãnh vực này của chính phủ Đệ nhị cộng hòa bằng cách so sánh chúng với những thể chế ở Mỹ đã có hơn 200 năm phát triển. Nhưng nếu so sánh với những gì Việt Nam trải qua dưới thời thực dân và trong chiến tranh, chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều tiến bộ trong thời kỳ Đệ nhị cộng hòa.

Những thành tựu trên không có nghĩa là Đệ nhị cộng hòa không có khuyết điểm gì. Nhiều quốc gia hậu thuộc địa, kể cả hai nhà nước ở hai miền của Việt Nam, đều phải lệ thuộc rất lớn vào ngoại viện. Ngược lại với Bắc Việt, khuyết điểm lớn nhất của Đệ nhị cộng hòa là việc nó lệ thuộc vào một đồng minh không “chung thủy” [nguyên văn: “unreliable”]. Các chính khách của miền Nam có xu hướng coi quan hệ đồng minh với Mỹ là mặc nhiên và không tìm cách để bảo vệ mối quan hệ hay thay thế nó khi nó không còn nữa.

Đệ nhị cộng hòa thất bại trên mặt trận tuyên truyền ở Mỹ vì người ta gán cho nó những khuyết điểm của nền Đệ nhất cộng hòa và của giai đoạn giao thời. Dĩ nhiên những cặp mắt phê phán luôn có thể tìm thấy khuyết điểm ở bất cứ quốc gia nào, đặc biệt trong trường hợp một quốc gia trẻ đang cố gắng để tồn tại dù phải đương đầu với một kẻ thù ghê gớm. Nhưng những người Mỹ phê phán Đệ nhị cộng hòa lại có thái độ kẻ cả của một nước lớn. Họ đi xa đến mức chối bỏ tính chính danh của chế độ Đệ nhị cộng hòa như một nhà nước có chủ quyền. Chính phủ Mỹ cũng phạm sai lầm tương tự. Hiệp định Paris do Washington ký kết với Hà Nội đã vi phạm hiến pháp và chủ quyền của Đệ nhị cộng hòa.

Năm 1954, Pháp thay mặt cho những người Việt quốc gia đàm phán ở Geneva nhưng thực ra là làm hại họ. Chính phủ Mỹ cũng làm thế đối với Hiệp định Paris năm 1973. Ngô Đình Diệm coi Hiệp định Geneva là hành động của Pháp qua mặt chính phủ của ông ta để đàm phán với kẻ thù. Nguyễn Văn Thiệu cũng có suy nghĩ tương tự với Hiệp định Paris giữa Mỹ và Bắc Việt. Cả hai thỏa ước chứa đựng những điều khoản có thể hay thực tế đã gây khó khăn cho những người Việt quốc gia.

Một lý do gây tranh cãi về Hiệp định Geneva là việc người Pháp thừa nhận Cộng sản Việt Nam là đại diện cho một nhà nước có chủ quyền, trong khi đó họ lại không phê chuẩn một thỏa ước trao trả độc lập cho chính quyền của phe quốc gia Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo. Mưu đồ của người Pháp muốn giữ lại chủ quyền ở miền Nam là để nắm quyền xử lý tình hình ở Sài gòn cho đến khi “bầu cử” thống nhất được tổ chức hai năm sau theo Hiệp định.

Nhưng Ngô Đình Diệm không cho phép người Pháp tiếp tục khuynh đảo tương lai của Việt Nam. Ông ta tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 1955 để truất phế Bảo Đại và tạo điều kiện cho nền Đệ nhất cộng hòa ra đời. Biến cố này có thể được xem là bản tuyên ngôn độc lập của người Việt quốc gia. Họ làm được việc này nhờ tìm được người Mỹ làm đồng minh. Tuy nhiên, khi người Mỹ thỏa thuận với Cộng sản để rút lui khỏi Việt Nam năm 1973, người Việt quốc gia không còn chỗ dựa nào khác.

Có lẽ chẳng có cách nào để VNCH khắc phục được khuyết điểm căn bản là thiếu một đồng minh đáng tin cậy trong khi đồng minh của Bắc Việt không bỏ cuộc cho đến phút cuối. Có lẽ chẳng có cách nào giúp chế độ Đệ nhị cộng hòa khắc phục được việc bị dư luận Mỹ đánh đồng với những thất bại của Đệ nhất cộng hòa và giai đoạn giao thời. Nhưng cũng có thể lập luận như một vài tác giả trong tập sách này rằng Đệ nhị cộng hòa lẽ ra nên tích cực chủ động hơn trong việc tác động đến dư luận Mỹ để chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam lâu hơn và nhiều hơn—dù rằng việc này rất khó trong điều kiện dân chúng Mỹ phải bận tâm đến những rối loạn chính trị xã hội ở nước họ.

Không thể phủ nhận rằng Đệ nhị cộng hòa phải đương đầu với những thách đố nghiêm trọng. Phần lớn nếu không phải tất cả những thách đố đó đều có liên quan đến việc giảm dần tiến tới mất hẳn nguồn ngoại viện nhưng vẫn phải mạnh lên để kháng cự quân đội miền Bắc vẫn tiếp tục được đồng minh của họ trợ giúp. Bài viết của Trần Quang Minh và Nguyễn Đức Cường trong tập sách này mô tả những cố gắng tái cấu trúc kinh tế và kế hoạch tự lực cánh sinh. Hồ Văn Kỳ-Thoại kể lại trận đánh giữa VNCH và Trung Cộng ở Hoàng Sa năm 1974. Khi đó, tàu của Hải quân Mỹ quan sát từ xa nhưng không can thiệp và thậm chí không cứu vớt những người lính thủy Việt Nam bị chìm tàu trong cuộc hỗn chiến. Qua cử chỉ này của quân đội Mỹ, chính phủ Sài gòn đáng lẽ phải biết rằng không thể tiếp tục trông vào sự giúp đỡ của Mỹ khi cần thiết nữa. Việc Sài gòn vẫn tiếp tục mong được Mỹ giúp đỡ có lẽ là thất bại lớn nhất của Đệ nhị cộng hòa—tuy nhiên cũng phải nói là khó tìm được một đồng minh khác có thể thay thế Hoa Kỳ.

Không khó để chỉ trích những quyết định chiến thuật và chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu trong mùa xuân 1975, nhưng không phải dễ để chỉ ra một lối thoát. Từ khi quân đội Mỹ triệt thoái năm 1973, viện trợ Mỹ cho Đệ nhị cộng hòa giảm bớt rất nhanh. Trong khi đó, địch quân được Hiệp định Paris cho phép ở lại miền Nam và tiếp tục được củng cố, huấn luyện và tái trang bị cho các chiến dịch kế tiếp.

Ai đó có thể lập luận rằng cam kết thực thi một nền dân chủ hợp hiến của Đệ nhị cộng hòa là một nhược điểm so với chế độ Cộng sản độc tài toàn trị ở miền Bắc. Chế độ này huy động tất cả dân chúng vào cuộc chiến và không cho phép ai có ý kiến khác. Đúng là việc động viên toàn bộ dân chúng kiểu miền Bắc khó có thể thực hiện được trong chế độ đa nguyên chính trị của Đệ nhị cộng hòa với một nền báo chí và cơ chế bầu cử tương đối tự do cho phép có dân biểu đối lập trong Quốc Hội, cộng thêm một nền tư pháp tương đối độc lập. Nhưng đây lại chính là ý nghĩa của cuộc chiến tranh, là lý do người miền Nam phải chiến đấu để gìn giữ. Nếu Đệ nhị cộng hòa cũng bắt chước chế độ toàn trị ở miền Bắc thì không còn lý do nào để chiến tranh tiếp diễn.

Những bài viết trong tập sách này đầu tiên được trình bày tại một hội thảo ở Đại học Cornell vào tháng 6 năm 2012. Các tác giả đại diện cho nhiều quan điểm và có những kinh nghiệm khác nhau dưới thời Đệ nhị cộng hòa, nhưng đều có ước vọng và công sức đóng góp vào xây dựng nền dân chủ hợp hiến trong thời chiến. Công cuộc xây dựng một nền dân chủ vững mạnh và thực thi những cải cách để đạt được mục đích đó đã nhận được nỗ lực và niềm tin của nhiều người Việt, dù phải tiến hành trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt và chịu dư luận búa rìu của một đồng minh lúc đầu thì dẫm đạp lên quyền lợi quốc gia của Việt Nam nhưng sau đó lại bỏ rơi nó. Tôi biết ơn lòng can đảm của những tác giả. Sau nhiều thập kỷ Đệ nhị cộng hòa bị người Mỹ coi thường, họ vẫn giữ được tiếng nói, và giờ đây viết lại kinh nghiệm của họ với sự trung thực.

Bài của tác giả Bùi Diễm dựa trên kinh nghiệm của ông ta trên chính trường từ thập niên 1940 và trong nhiều năm đóng vai trò ngoại giao giữa Washington và Sài gòn. Với những suy tư sâu sắc về lịch sử, Ông Diễm nhìn lại cuộc tranh đấu Quốc-Cộng đã có trước khi người Mỹ can thiệp và vẫn còn tiếp tục dai dẳng sau khi họ đã bỏ cuộc. Theo quan điểm của ông, cách thức can thiệp và rút chạy của Mỹ đã làm hại người Việt quốc gia trong khi Cộng sản Việt Nam không gặp những vấn đề tương tự với đồng minh của họ.

Phan Công Tâm phục vụ trong Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) giống như Cục Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ. Bài viết của ông cung cấp thông tin về sự hình thành, tổ chức, và phát triển của Tổ chức Tình báo Trung ương, và kinh nghiệm của ông khi trong quan hệ quốc tế, bao gồm hòa đàm Paris, vụ đảo chánh năm 1970 ở Cam Bốt, và quan hệ ngoại giao với lãnh tụ của một quốc gia Phi châu.

Nguyễn Ngọc Bích thuật lại những nỗ lực của ông để giới thiệu chính phủ VNCH tại nước Mỹ và trên thế giới giữa lúc tuyên truyền thân Cộng sản đang làm dấy lên một phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Là nhà giáo dục, ông tranh luận và bác bỏ những lập luận và thông tin sai lệch nhưng được nhiều người tin về Đệ nhị cộng hòa.

Trần Quang Minh là giáo sư đại học về môn thú y và đã phục vụ trong nhiều bộ và cơ quan chính phủ liên quan đến sản xuất và tiếp thị sản phẩm nông nghiệp và sau đó là chương trình cải cách điền địa năm 1970. Bài viết của ông kể lại một cách sống động khoảng thời gian hơn một thập kỷ làm việc trong lãnh vực nông nghiệp.

Nguyễn Đức Cường là một tổng trưởng kinh tế dưới thời Đệ nhị cộng hòa. Ông mô tả tình hình kinh tế của miền Nam trong thời gian Mỹ can thiệp quân sự, với sự quan tâm đặc biệt về những nỗ lực điều chỉnh kinh tế khi Mỹ rút trong những năm cuối của cuộc chiến.

Bài của Phan Quang Tuệ về sự nghiệp của thân phụ ông và của chính ông dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị cộng hòa. Thân phụ ông là Bác sĩ Phan Quang Đán, một nhân vật đối kháng nổi bật dưới thời Đệ nhất cộng hòa. Do hoạt động đối kháng, ông ấy và cả gia đình chịu nhiều sách nhiễu chính trị. Phan Quang Tuệ kể lại về thời trẻ lớn lên trong một gia đình có tiếng tăm, về công việc của ông trong hệ thống tư pháp của Đệ nhị cộng hòa, và về cuộc vận động tranh cử vào Hạ Viện năm 1971 của ông.

Trần Văn Sơn thuật lại những thăng trầm của gia đình ông trong những cuộc chiến tranh của thế kỷ hai mươi và sự nghiệp của ông từ một sĩ quan hải quân đến dân biểu đối lập trong Hạ Viện sau khi được bầu năm 1971, đến giai đoạn ông bị Cộng sản cầm tù, chuyến đi vượt biển, và cuối cùng là hoạt động chính trị của ông trong cộng đồng người Việt di tản ở Mỹ.

Mã Xái là một dân biểu đối lập ở Hạ Viện trong suốt thời kỳ Đệ nhị cộng hòa, được bầu lần đầu vào năm 1967 và tái đắc cử năm 1971. Bài viết của ông trình bày về chương trình và hoạt động của Đảng Tân Đại Việt trong những năm đó.

Hồ văn Kỳ-Thoại là phó Đề đốc Hải quân. Ông đang là tư lệnh vùng khi quân Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Bài viết của ông thuật lại trận đánh trên biển từ góc nhìn của người trực tiếp chỉ huy phía Việt Nam và cố gắng của Hải quân Việt Nam để bảo vệ quần đảo mặc dù không thành công.

Lữ Lan là Trung tướng trong Quân lực VNCH. Ông đã phục vụ trong các trường huấn luyện, cơ quan tham mưu, Ban chỉ huy sư đoàn, và chức vụ Tổng Thanh tra. Bài viết của ông có cả phân tích các vấn đề và tường thuật một số sự kiện.

Các bài viết trong tập sách này tường thuật nhiều trải nghiệm khác nhau và các tác giả cũng có quan điểm và cách trình bày vấn đề khác nhau. Điều này thể hiện sự đa dạng về mục đích và ý kiến của thành phần ưu tú trong xã hội miền Nam vào thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, khi những thăng trầm của cuộc chiến và sự can thiệp của nước ngoài tạo ra những thay đổi nhanh và một loạt khủng hoảng về lãnh đạo, tổ chức chính trị, hoạt động quân sự, đời sống kinh tế, trật tự xã hội, và chính sách hành chính. Sự đa dạng đó của miền Nam khi so sánh với xã hội độc tài toàn trị của miền Bắc là một lý do chính yếu để tiếp tục cuộc chiến. Đệ nhị cộng hòa đối với người Mỹ vào lúc đó và sau này, cho đến tận hôm nay, là một chế độ độc tài đáng để cho sụp đổ. Đó là một sự vu khống; một sự vu khống rất tiện lợi để biện hộ cho việc Mỹ bỏ rơi VNCH, nhưng bản chất nó là một sự vu khống. Nỗ lực có thật của nhiều người Việt để kiến tạo một xã hội dân chủ trong thời chiến vẫn chưa xuyên phá được cái huyền thoại tiện lợi nhưng không có thật về một đồng minh bị bỏ rơi và bị miệt thị vào bậc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Mục đích của tập sách này không phải chỉ để thu thập tiếng nói của những người đóng vai trò quan trọng trong Đệ nhị cộng hòa trước khi họ vĩnh viễn ra đi, mà còn để tạo cho người Mỹ một cơ hội, một cơ hội muộn màng sau gần nửa thế kỷ, để hiểu rõ hơn một quốc gia đồng minh mà vì nó cả chục ngàn thanh niên Mỹ đã bỏ mạng.

[1] Nguyen Cong Luan, Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier (Bloomington and Indianapolis, IN: Indiana University Press, 2012).

http://nghiencuuquocte.org/2015/08/02/de-nhi-cong-hoa-nam-viet-nam/

 

 

Vui cười

     Giờ sinh vật, cô giáo đứng giảng bài trên bục giảng. Trò A cứ nhìn chằm chằm vào ngực cô giáo. Cô giáo hỏi:

     – A, em thích hình chiếc máy bay vẽ trên áo phông của cô phải không?

     – Dạ thưa cô, em chỉ thích hai quả bom bên dưới máy bay thôi ạ, – A trả lời.

 

Những Bức Mật Điện… được giải mãViệt Linh   

Những Bức Mật Điện… được giải mã. Làm Sụp Đổ Nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Đưa Đến Hậu Quả Ngày 30/04/1975

Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua .. nhưng câu chuyện đau thương nầy luôn luôn mới mẻ.Cũng chẳng trách cứ làm gì những tên Mỹ thiển cận, phi nhân, xấc xược …

Đáng nguyền rủa chăng là cái đám người ăn cháo đá bát, miệng còn tràn trề ngập ngụa bổng lộc quốc gia mà đành tâm phá nát giềng mối quốc gia, để đưa đến thãm họa vong quốc.

Cái sai lầm lớn nhất của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là sử dụng lũ phản phúc để làm tâm phúc.

Đây là những bằng cớ trên giấy trắng mực đen về việc chính quyền Kennedy đã chủ xướng, chủ mưu, chủ động và chủ lực trong việc khai tử chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963. Một hành động mà lịch sử Mỹ đã lấy làm hối tiếc và hổ thẹn sau này, cũng đã hối tiếc và hổ thẹn trong vụ phản bội miền Nam năm 1975.

1) Công điện ngày 24/8/1963, bộ ngoại giao Mỹ gởi đại sứ Lodge

Đại sứ Cabot Lodge đến Saigon 22/8. Hai ngày sau, ngày 24/8 ông nhận được công điện của bộ ngoại giao Mỹ, với một nội dung sau đây:

“Bây giờ đã rõ rệt: vụ thiết quân luật dù do quân đi đề nghị hay do Ngô Đình Nhu đề nghi; Ngô Đình Nhu vẫn là người đã lợi dụng nó để đánh phá chùa chiền với lực lượng cảnh sát và lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung hiện trung thành với Nhu. Như vậy, Nhu đã đổ trách nhiệm lên đầu quân đội, trước mặt thế giới và nhân dân VN. Hiển nhiên Nhu đã tự điều động mình lên tư thế nắm quyền chỉ huy. Chính quyền Mỹ không làm ngơ để cho quyền bính lọt vào tay Nhu. Diệm phải được dành cho cơ hội để loại bỏ Nhu và bè lũ, và thay vào đó, những phần tử tốt nhất có thể tìm thấy, quân sự cũng như dân sự. Nếu ông đại sứ đã cố gắng thuyết phục Diệm mà Diệm vẫn ngoan cố, thì lúc đó chúng ta phải đứng trước tình huống là ngay cả Diệm cũng không được duy trì nữa. Ông đại sứ và tổ hành động tại chỗ phải cấp tốc cứu xét việc tìm người lãnh đạo thay thế, và soạn thảo những kế hoạch chi tiết để thay thế Diệm, khi cần. Không cần phải nói, chắc ông đại sứ sẽ tham khảo ý kiến với đại tướng Harkins về những biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân viên Mỹ trong suốt thời kỳ khủng hoảng… Ông đại sứ nên hiểu rằng chúng tôi không thể từ Hoa Thịnh Đốn đưa ra những chi tiết hành động, nhưng ông đại sứ cũng nên hiểu rằng chúng tôi triệt để đứng sau lưng ông đại sứ trong tất cả những hành động nhằm đạt tới mục tiêu của chúng ta” (Telegram 243, State to Lodge, Aug 24, 1963, Box 198, National Security File, John F. Kennedy Library).

Đoạn văn trên của bức công điện có thể tóm tắt như sau: “Diệm phải loại bỏ Nhu. Nếu không, chính Diệm sẽ bị loại bỏ. Hãy cấp tốc sửa soạn kế hoạch thay thế Diệm, ông đại sứ được toàn quyền hành động để đạt mục tiêu”.

Loại bỏ ông Diệm bằng cách nào ? Bức công điện viết tiêp: “Ông đại sứ cũng có thể nói cho những tướng lãnh “thích hợp” biết rằng: chúng ta sẽ trực tiếp ủng hộ họ trong thời kỳ tạm quyền, khi bộ máy chính quyền trung ương bị ngưng.”

Câu này có thể viết lại một cách sống sượng như sau: “Ông đại sứ hãy nói cho các tướng lãnh biết: lật đổ chính quyền trung ương đi, Mỹ sẽ ủng hộ”.

Tướng Khánh và Đại sứ Cabot Lodge

Bức công điện nói trên (mà sau này sử sách gọi là bức công điện ngày 24/8) mang chữ ký chấp thuận (approved) hoặc thông qua (cleared) của những người sau đây: Roger Hillsman, phụ tá bộ ngoại giao, W. Averell Harriman, thứ trưởng ngoại giao đặc trách chính trị vụ, Michael V. Forrestal, chuyên viên về VN và Đông Nam Á tại tòa Bạch Ốc và George Ball, thứ trưởng ngoại giao.

Tác gỉa của bức công điện là Hillsman và Harriman. Hai người này đã hành động gấp rút và trí trá, vượt mọi thủ tục thường lệ TT Kennedy, tổng trưởng ngoại giao Dean Rusk, tổng trưởng quốc phòng McNamara, tổng tham mưu trưởng liên quân Maxwell Taylor, giám đốc trung ương tình báo MacCone, tất cả đã bị qua mặt. Hôm đó những nhân vật này đang nghỉ cuối tuần. Họ chỉ được thông báo và đọc cho nghe trong điện thoạị Và trong điên thoại, mỗi vị đều được biết: tổng thống đã chấp thuận, hoặc cấp trên trực tiếp của họ đã chấp thuận. Riêng TT Kennedy thì được phúc trình rằng ngoại

trưởng Dean Rusk đã chấp thuận… Còn ngoại trưởng Dean Rusk đã chấp thuận, và được cho biết trong điện thoại rằng TT Kennedy đã chấp thuận.

Công điện gửi đi lúc 9 giờ 36 phút tối 24/8 và khoảng 11 giờ tối hôm đó, đại tướng Taylor mới nhận dược bản sao. Ông nổi giận cho rằng “nhóm chống đối Diệm nằm trong Bộ Ngoại Giao đã lợi dụng lúc các viên chức cao cấp trong chính phủ vắng mặt để đưa ra những chỉ thị mà nếu được soạn thảo trong những trường hợp bình thường sẽ không bao giờ được chấp thuận”. (Kennedy in Vietnam, trang 116).

2) Công điện ngày 26/8, đại sứ Lodge gởi Bộ Ngoại Giao.

Đại sứ Lodge nhận được công điện nói trên của bộ ngoại giao vào sáng chủ nhật 25/8. Ông bèn họp tham mưu, và quyết định đi thẳng với các tướng lãnh VN. Ông lập luận rằng: ông Diệm sẽ chẳng bao giờ chấp nhận những khuyến cáo của Hoa Kỳ về việc loại bỏ ông Nhu. Nói cho ông Diệm biết lập trường của tòa Bạch Ốc, sẽ không ích lợi gì. Chẳng những vậy, còn có thể khiến cho ông Diệm đâm ra nghi ngờ các tướng lãnh.

Dưới đây là bức công điện của đại sứ Lodge trả lời bộ ngoại giao:

“Tôi tin rằng Diệm sẽ không chấp thuận những đòi hỏi của chúng ta. Đồng thời, khi đưa những đòi hỏi ấy ra, chúng ta sẽ cho Nhu cơ hội đề phòng trước hoặc chận đứng hành động của quân đi, đó là một cuộc mạo hiểm không nên làm, bởi vì hiện nay Nhu đang nắm giữa những lực lượng chiến đấu tại Saigon. Vì vậy, tôi đề nghị, chúng ta nên đi thẳng với các tướng lãnh, mà không cho Diệm biết. Tôi sẽ nói cho các tướng lãnh biết rằng chúng ta chủ trương giữ Diệm lại, không có Nhu. Nhưng trên thực tế, giữ Diệm hay không là tùy ở họ. Tôi cũng sẽ yêu cầu các tướng lãnh làm những điều cần thiết để thả các lãnh tụ Phật giáo và thi hành thỏa ước này 16/8. Tuy nhiên tôi không đề nghị ra tay hành động, cho đến khi chúng ta có được những kế hoạch trốn thoát và tránh né (evasion, escape) thỏa đáng. Tướng Harkins đồng ý. Ngày mai, hồi 11 giờ sáng, tôi sẽ trình ủy nhiệm thơ lên TT Diệm”. (Lodge to State, quoted in telegram 6346 Forrestall to President, Aug 25, 63. Box 198, National security files, John F. Kennedy library).

Có ba điểm quan hệ trong bức công điện của đại sứ Lodge. Thứ nhất: không cần phải nói với Diệm loại bỏ Nhu, mà bảo các tướng lãnh loại bỏ Nhu. Thứ hai: cho phép các tướng lãnh VN được tùy ý giữ Diệm hay loại bỏ Diệm. Thứ ba: toà đại sứ Mỹ đã nghĩ đến việc giúp đở các nhân viên Mỹ và các tướng lãnh VN trốn thoát trong trường hợp đảo chánh thất bại.

Đại sứ Lodge gởi công điện đi ngày 26/8. Cùng ngày đó, ông nhận được công điện vắn tắt sau đây của bộ ngoại giao: “Đồng ý với sự sửa đổi đã đề nghị”. Nguyên văn “Agree to modification proposed”. (telegram Ball to Lodge, 26/8/63, Box 198, national security files, John F Kennedy library, được trích dẫn trong Kennedy in Viet Nam, trang 116)

Tức là bộ ngoại gio Mỹ chấp thuân toàn bộ kế hoạch của đại sứ Lodge: đi thẳng với các tướng lãnh để giải quyết vấn đề loại bỏ ông Nhu, và có thể loại bỏ cả ông Diệm.

3) Công điện ngày 28/8, TT Kennedy gởi đại sứ Lodge.

Sáng thứ hai, ngày 26/8, TT Kennedy trở về tòa Bạch Ốc sau cuộc nghỉ cuối tuần tại Hyannisport. Ông khám phá ra những mờ ám chung quanh bưc công điện 24/8. Tổng trưởng quốc phòng McNamara không được tham khảo ý kiến, không được thông báo. Giám đốc CIA MacCone, đại tướng Taylor và ngoại trưởng Rusk cũng không được tham khảo. Ngoại trưởng Rusk đã đồng ý cho gửi bức công điện đi, và tưởng rằng TT Kenndy đã đồng ý. Và TT Kennedy đã đồng ý cho người gửi bức công điện đi, và tưởng rằng ngoại trưởng Rusk đã đồng ý.

Theo các tài liệu, thì sau khi khám phá ra những điều khuất tất, TT Kennedy đã giận dữ như chưa từng thấy. Trưa hôm đó (26/8), một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra tại tòa Bạch Ốc, trước sự hiện diện của Kennedy. Phần đông những nguời có mặt đều bất mãn với nội dung của bức công điện và lề lối làm việc của Hillsman và Harriman. Vấn đề được đặt ra một cách khẩn trương: có nên rút lại bức công điện 24/8 hay không ? Tuy đa số những người có mặt không đồng ý với nội dung của bức công điện, nhưng không một ai tán thành việc rút lại hoặc hủy bỏ bức công điện. Vì vậy, bức công điện vẫn giữ nguyên hiệu lực của nó.

Chẳng những vậy, ngày 27/8, khi TT Kennedy gặp lại các cố vấn trong tòa Bạch Ốc, ngoại trưởng Rusk còn nhấn mạnh rằng: “chúng ta phải cho các viên chức chúng ta ở Saigon biết rằng chúng ta sẽ không thay đổi những chỉ thị đang có, những chỉ thị mà họ đã căn cứ và để tiến hành nhiều công việc rồi” (Memorandum of Conference with the President, Aug 27, 63, John F. Kennedy library)

Một vấn đề khác, không kém khẩn trương, cũng đã được đặt ra trong phiên họp, liệu các tướng lãnh VN sẽ thành công hay không ? Đối với TT Kennedy, thì đây là một vấn đề sinh tử. Chính quyền mang tên ông đã được gắn liền với những thất bại ê chề và rúng động dư luận trong vụ Vịnh Con Heo và Ai Lao mới đây. Nếu cuộc đảo chánh thất bại, ông là người phải chuốc lấy mọi tiếng xấu và khinh khi của dư luận, trong cũng như ngoài nước.

Vì vậy, ngày 27/8, bộ ngoại giao được lệnh phải đánh điện yêu cầu đại sứ Lodge cho biết thêm chi tiết về âm mưu đảo chánh và về những tướng lãnh đang âm mưu đảo chánh. Đ/s Lodge bèn cấp tốc gửi công điện về Hoa Thịnh Đốn đoan quyết răng: “cuộc đảo chính có viễn tượng rất tốt, nếu trì hoãn, cơ may thành công sẽ giảm đi” (The Overthrow of Ngo Dinh Diem, United States Viet Nam Relation III, trang 19).

Nhưng, khi bộ ngoại giao đánh điện hỏii đại sứ Lodge, thì tướng Taylor ở Ngũ Giác Đài cũng đánh điện cho tướng Harkins tư lệnh MAGV tại Saigon để hỏi về “tỷ lệ thành công” của cuộc đảo chính mà các tướng lãnh VN đang sửa soạn. Tướng Taylor cũng cho tướng Harkins biết rằng công điện ngày 24/8 đã không có sự tham gia ý kiến của bộ quốc phòng hoăc của bộ tổng tham mưu liên quân. Tướng Taylor còn nói rằng: “các viên chức chánh phủ đang suy nghĩ lại bức công điện đó”. (FYI State to Saigon, Telegram 3368-63, Taylor to Harkins, Aug 28, 63, Box 316, national security files, John F. Kennedy library, được trích dẫn trong Kennedy in Viet Nam, trang 123)

Trái với đại sứ Lodge, tuớng Harkins không lạc quan lắm về khả năng của các tướng đảo chánh. Theo ông, cán cân lực lượng về phía những đạo quân trung thành với ông Diệm. Sau khi nhận được điện tín của tướng Taylor, tướng Harkins bèn đánh điện về tòa Bạch Ốc cho biết quan điểm của ông, và kết luận đại khái rằng: ông không tin rằng tòa Bạch Ốc có đủ lý do để dốc toàn lực chấp nhận một cuộc đảo chánh trong lúc này. (The Overthrow of Ngo Dinh Diem, III, trang 19).

Hai quan điểm đối nghịch nhau của đại sứ Lodge và tương Harkins từ Saigon đánh về, đã làm cho TT Kennedy cực kỳ hoang mang. Ủy ban An Ninh Quốc gia (UBANQG) cấp tốc nhóm họp trưa ngày 28/8, cãi nhau như một cái chợ bên Ai Cập. Theo Arthur Schesinger trong cuốn Robert Kennedy and His Time, thì các nhân viên thuộc bộ ngoại giao chủ trương phải tiến tới việc lật đổ ông Diệm. Chống lại chủ trương đó, có đại sứ Nolting.

Cuộc họp của UBANQG kết thúc chiều hôm đó (28/8). Các ủy viên ủy ban vẫn chia rẽ và tòa Bạch Ốc vẫn không có được một quyết định dứt khoát cho vấn đề. Ngay tối hôm đó, TT Kennedy gửi cho đại sứ Lodge một mặt điện trong đó tổng thống tái xác nhận chủ trương đảo chánh của tòa Bạch Ốc, nhưng ý kiến ấy hoàn toàn tùy thuộc vào sự nhận định tại chỗ của ông đại sứ, và tôi tin rằng ông đại sứ sẽ không ngần ngại cho lệnh hoãn lại hoặc thay đổi kế hoạch bất cứ lúc nào ông đại sứ thấy là cần”. (Telegram 269, Kennedy to Lodge Aug 28, 1963, Box 316, national security files, John F. Kennedy library).

Mật điện nói trên của TT Kennedy là một sử liệu vô cùng qúy gía, chứng minh sự tham gia tích cực của chánh quyền Mỹ trong vụ lật đổ TT Ngô Đình Diệm năm 1963. Hơn thế nữa, nó còn là hành vi trực tiếp dấn thân của nhân vật cao cấp nhất trong hệ thống quyền lực và quyền bính của Hoa Kỳ, trong vụ lật đổ một tổng thống của miền Nam Việt Nam….

4) Công điện ngày 29/8, đại sứ Lodge gửi ngoại trưởng Rusk.

Sau khi nhận được mật điện 269 của TT Kennedy, đại sứ Lodge bèn tức tốc gửi công điện cho ngoại trưởng Rusk, khẳng định rằng Mỹ không thể nào tháo lui được nữa, và phải lật đổ Diệm. Dưới đây là những đoạn quan trọng của bức công điện:

“Chúng ta đang ở trên một tiến trình hành đúng không thể tháo lui được nữa: việc lật đổ Ngô Đình Diệm. Không thể tháo lui, phần về uy tín của nước Mỹ đã công khai gắn liền với vụ này: sự gắn liền ấy sẽ trở nên lớn hơn khi những sự việc đã bị tiết lộ ra ngoàị Trên một ý nghĩa căn bản hơn, không thể tháo lui, bởi vì theo tôi, không có hy vọng gì thắng được cuộc chiến tranh này với một Ngô Đình Diệm còn ngồi ở chính quyền. Càng không hy vọng gì Diệm hoặc bất cứ người nào trong gia đình Diệm có khả năng lãnh đạo đất nước và tranh thủ được sự hậu thuẫn của những thành phần đáng kể trong dân chúng, như giới trí thức trong và ngoài chánh quyền, dân sự cũng như quân sự, chưa nói đến nhân dân Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây và đặc biệt trong những ngày gần đây, anh em Diệm đã làm cho những thành phần dân chúng nói trên chán ghét đến cực độ. Vì vậy, bản thân tôi hoàn toàn đồng ý với sách lược mà tôi được lệnh phải thi hành, chiếu công điện ngày chủ nhật vừa qua. Cơ may thành công của cuộc đảo chánh tùy thuộc vào các tướng lãnh VN một mức độ nào đó, nhưng cũng tùy thuộc vào chúng ta, ít nhất cùng một mức độ đó. Chúng ta phải khởi sự làm một cố gắng toàn diện để thúc đẩy các tướng lãnh hành động mau lẹ” (Telegram 375, Lodge to Stae Aug 29,1963, Box, National security files, John F. Kennedy library)

Bức công điện của đại sứ Lodge có thể tóm tắt như sau: chúng ta người Mỹ, không thể lùi được nữa, phải lật đổ Ngô Đình Diệm.

Điều đáng nói, là: trong các công điện trước, đại sứ Lodge chỉ nói đến việc loại bỏ ông Nhu, loại bỏ hay giữ ông Diệm để tùy ở các tướng lãnh. Nhưng trong bức công điện nói trên, đại sứ Lodge đã minh thị nói đến sự cần thiết phải loại bỏ ông Diệm và gia đình ông Diệm.

Đại sứ Lodge viết tiếp: “Nếu các tướng lãnh đòi chúng ta phải công khai tuyên bố cắt viện trợ, chúng ta cũng sẽ chấp nhận làm điều đó, miễn là họ hiểu rằng họ sẽ phải khởi sự cùng một lúc với lời tuyên bố của chúng ta”.

Một sự việc đã xảy ra, khiến đại sứ Lodge trở nên quyết liệt trong bức công điện. Số là, sáng ngày 29/8, trưởng nhiệm CIA và Lou Conein đã được gọi đến trụ sở MACV cho xem bức công điện của đại tướng Taylor gửi cho tướng Harkins trong đó có câu “các viên chức trong chính phủ đang suy nghĩ lại bức công điện ngày 24/8”. Buổi sáng hôm đó, Conein cũng có hẹn với tướng Dương văn Minh, người được coi là lãnh tụ của cuộc đảo chánh. Cuộc gặp gỡ rất là chiếu lệ, Conein đã được chỉ thị của CIA không được hứa hẹn gì với tướng Minh. Sự việc này đã khiến tướng Minh cực kỳ lo ngại, ông nghĩ rằng Mỹ đang chơi trò phản bội đối với các tướng đảo chánh. Tướng Minh bèn đòi Mỹ phải tỏ dấu hiệu ủng hộ các tướng lãnh đảo chánh băng cách ngưng viện trợ cho chế độ Ngô Đình Diệm.

Khi biết rõ câu chuyện của tướng Minh, đại sứ Lodge nổi giận và đòi Richardson (trưởng nhiệm CIA tại Saigon) cho biết lý do. Richardson bèn trả lời rằng: Hoa Thịnh Đốn đang suy nghĩ lại và có vẻ hối tiếc về công điện ngày 24/8. Khi nghe vậy, đại sứ Lodge đã phải vội vàng gửi ngay công điện về bộ ngoại giao, khẳng định rằng: Mỹ không thể nào tháo lui được nữa và phải lật đổ Ngô Đình Diệm.

Chúng ta thấy: vai trò của Mỹ trong vụ đảo chánh 1963 đã qúa rõ rệt và qúa lộ liễu. Đại sứ Lodge đã khẳng định trong đoạn 2 của bức công điện. “cơ may thành công của cuộc đảo chánh tùy thuộc vào các tướng lãnh một mức độ nào đó, nhưng nó tùy thuộc vào chúng ta, ít nhất cùng một mức độ đó”. Đại sứ Lodge muốn nói rằng: nếu Mỹ không trực tiếp và tích cực nhúng tay vào, thì cuộc đảo chánh sẽ chẳng bao giờ thành công.

Nhưng còn một sự thực khác mà đại sứ Lodge không nói ra, sợ làm nản lòng tòa Bạch Ốc. Sự thực đó, là: nếu Mỹ không trực tiếp và tích cực nhúng tay vào, thì các tướng sẽ chẳng bao giờ dám đảo chánh ông Diệm.

Và bây giờ, chúng ta hãy suy nghĩ theo từng giai đoạn.

1 – Nếu Mỹ triệt để ủng hộ ông Diệm, nhưng không chống ông Diệm, các tướng lãnh sẽ chẳng bao giờ dám đảo chánh.

2 – Nếu Mỹ không triệt để ủng hộ ông Diệm, nhưng không chống ông Diệm, các tướng lãnh cũng chẳng bao giờ dám đảo chánh.

3 – Nếu Mỹ chống ông Diệm, nhưng không chống đối công khai, các tướng lãnh cũng sẽ chẳng bao giờ dám đảo chánh.

4 – Nếu Mỹ công khai chống ông Diệm, nhưng không cho CIA đến móc nối, các tướng lãnh cũng sẽ chẳng bao giờ dám đảo chánh.

5 – Nếu Mỹ cho CIA đến móc nối, nhưng lại không có một hành động cụ thể và công khai nào chứng tỏ Mỹ quyết tâm lật đổ ông Diệm (như cắt viện trợ), các tướng lãnh cũng sẽ chẳng bao giờ dám đảo chánh.

Cái nếu thứ 5 đã xảy ra. Trong suốt thời gian tháng 8/1963, nhất là từ ngày đại sứ Lodge đến, Lucien Conein để đến móc nối khuyến khích các tướng lãnh đảo chánh nhất là hứa hẹn rằng Mỹ sẽ triệt để ủng hộ họ trong thời gian chuyển tiếp sau khi bộ máy chính quyền trung ương bị phá sập. Mặc dù vậy, các tướng lãnh vẫn không dám hành động. Hơn ai hết, họ thuộc nằm lòng bài học 1960 của đại tá Nguyễn Chánh Thi. Họ ý thức một cách sâu sắc rằng: nếu Mỹ không dấn thân, nếu Mỹ không nhập cuộc, thì cuộc đảo chánh sẽ chẳng bao giờ thành công. Chẳng những không thành công, mà còn mang hoạ. Họ cũng ý thức một cách sâu sắc rằng: sự nhập cuộc và dấn thân của Mỹ phải được thể hiện bằng hành động cụ thể nhất, ngoạn mục nhất và dễ khích động quần chúng nhất, đó là: chính quyền Mỹ phải cắt viện trợ và tuyên bố cắt viện trợ. Chỉ trong trường hợp đó và chỉ với điều kiện đó, họ mới dám đảo chánh.

Các tướng lãnh trong nhóm đảo chánh, tướng Trần văn Đôn, tướng Trần Thiện Khiêm, tướng Dương văn Minh, và kể cả tướng Lê văn Kim – người có ý thức chính trị nhất trong nhóm – không phải là những con người chính trị, hoặc cách mạng. Vì vậy họ thiếu hẳn cái khí phách và can trường của những con người chính trị hoặc cách mạng. Họ không có tầm vóc của những người lãnh đạo. Họ được đào tạo để phục tùng và để được người khác lãnh đạọ Họ cần phải được người khác lãnh đạo và họ cho có hiệu năng khi được người khác lãnh đạo. Đó là một sự thật đáng buồn. Sự thât ấy, quốc dân VN đã có dịp nhìn thấy ra sau khi ông Diệm bị lật đổ.

5) Công điện ngày 29/9 của ngoại trưởng Rusk

Công điện ngày 29/8 nói trên của đại sứ Lodge đã được đưa ra mổ xẻ tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nhóm họp khẩn cấp ngay hôm đó tại tòa Bạch Ốc. Và buổi chiều ngày 29/8, ngoại trưởng Rusk cấp tốc đánh điện cho đại sứ Lodge biết quyết định của hội đồng. Dưới đây là nhữg điểm chính:

a) Cho phép tướng Harkins (tư lệnh quân đi Mỹ tại VN) được gặp các tướng đảo chánh để nói cho họ biết Mỹ triệt để ủng hộ việc loại bỏ Ngô Đình Nhu, cũng như sẽ ủng hộ một cuộc đảo chánh có nhiều cơ may thành công, nhưng Mỹ không dự tính việc trực tiếp dùng quân đội Mỹ để tiếp tay cho nhóm đảo chánh.

Cho phép đại sứ Lodge được quyền loan báo việc Mỹ ngưng viện trợ cho chánh quyền Ngô Đình Diệm, vào thời điểm với những điều kiện do tòa đại sứ lựa chọn. (Cablegram from secrectary Rusk to Ambassador Lodge Aug 29/8/63, dược in lại trọn vẹn dưới số 40 trong The Pentagon Papers, tr. 198-199)

Cũng ngày hôm đó (29/8), TT Kennedy gửi một mật điện cho đại sứ Lodge, xác nhận triệt để ủng hộ việc lât đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng tổng thống không đồng ý về điểm chính quyền Mỹ “không còn đường tháo lui”. Ông bị ám ảnh bởi sự thất bại trong vụ Vịnh Con Heo tại Cuba năm 1961, vì vậy ông khuyên đại sứ Lodge phải cực kỳ thận trọng. Bức mật điện viết: “Kinh nghiệm cho tôi biết rằng: hành động mà thất bại sẽ tai hại hơn là không hành động và bị coi là thiếu quả quyết… Chúng ta hành động, là để thắng. Vì vậy, thà đổi ý (không hành động) còn hơn là (hành động mà) thất bại” (Telegram Kennedy to Lodge Aug 29/8/63, national security files, John F. Kennedy library)

Trong hai ngày cuối cùng của tháng 8/63, tòa Bạch Ốc bận rộn như đại bản doanh hành quân của một đoàn quân viễn chinh. TT Kennedy và các cố vấn của ông ở trong tình trạng báo động. Tất cả trí não và ý chí của tòa Bạc Ốc đều hướng về một cuộc đảo chánh sẽ xảy ra bất cứ giờ phút nào tại miền Nam VN để lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Vì TT Kennedy chủ trương rằng đã ra tay hành động là phải thắng, cho nên quân lực Mỹ đã được huy động để tránh cho nước Mỹ một vụ Vịnh Con Heo thứ hai. Một lực lượng đặc nhiệm hải quân gồm tàu chở trực thăng đổ bộ và khu trục hạm được lệnh tuần tiểu ngoài khơi VN. Tại Okinawa, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ tăng cường, tổng cộng 3 ngàn người, được đăt trong tình trạng báo động 24/24. Mặt dầu vậy, ngoại trưởng Rusk vẫn không an tâm, ông lo sợ quân đảo chánh có thể bị quân đội chính phủ đè bẹp và cuộc nổ súng sẽ kéo dài trong nhiều ngày. Ông đòi Hillsman phải đệ trình một bản phân tách tình hình và cho biết những khả năng về phía Mỹ để giúp nhóm đảo chánh thành công mau lẹ. Hillsman đệ trình bản phân tách, trong đó có câu: “Nếu cần, chúng ta sẽ đưa quân chiến đấu Mỹ vào Saigon để giúp quân đảo chánh đạt được chiến thắng”. Nguyên văn: if necessary, we should bring in US combat troops to assist the coup group to achieve victorỵ (Memorandum Hillsman to Rusk, Aug 30, 63, Chicago Sun Times, June 23, 1971, được trích dẫn trong Kennedy in Vietnam, trang 126)

Về phần đại tương Harkins, tuân theo chỉ thị của TT Kennedy, ông mời tướng Trần Thiện Khiêm tới bản doanh MAGV sáng ngày 31/8 và cho tướng Khiêm biết: “Nếu các tướng lãnh sẵn sàng lật đổ Diệm, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ”. Tướng Khiêm bèn đi gặp tướng Dương Văn Minh, rồi chiều hôm đó trở lại báo cho tướng Harkins biết rằng tướng Dương văn Minh đã thôi không nghĩ đến chuyện đảo chánh nữa, vì lý do: nhóm đảo chánh không đủ lực lượng để đương đầu với quân chính phủ. Sự thật, đó chỉ là một lối giải thích. Lý do sâu xa đã khiến nhóm đảo chánh ngưng lại, là: họ không tin Mỹ đã thực sự dấn thân. Họ chờ đợi ở Mỹ một hành động dứt khoát và cụ thể, tức là cúp viện trợ và tuyên bố cúp viện trợ, điều mà Mỹ do dự chưa dám làm. Cuộc đảo chánh vào cuối tháng 8 đã không xảy ra, như Mỹ dự kiến.

6) Lời tuyên bố của TT Kennedy ngày 2/9

Việc các tướng lãnh Saigon ngưng lại không đảo chánh, được Hoa Thịnh Đốn coi như là một thất bại của chính người Mỹ. Hội đồng ANQG và các cố vấn tòa Bạch Ốc họp liên miên để tìm biện pháp đối phó với tình thế mới. Vấn đề anh em ông Diệm bỗng nhiên mang một kích thước lớn hơn: đó là kích thước của chính nghĩa Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam A’.

Các ông Hillsman, Harrman và Katenburg (thuộc bộ ngoại giao) vẫn chủ trương phải lật đổ ông Diệm để tăng cường hiệu năng chiến đấu chống cộng của miền Nam, nếu không, người Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam. Ngoại trưởng Rusk không đồng ý, ông chủ trương không rút khỏi miền Nam mà cũng không lật đổ Ngô Đình Diệm. Riêng phó tổng thống Johnson thì dứt khoát. Theo ông, người Mỹ không nên lật đổ ông Diệm, vì sau đó sẽ không tìm được người lãnh đạo có tầm vóc như ông Diệm. PTT Johnson còn nói: “chúng ta nên chấm dứt cái trò vừa đánh trống vừa ăn cướp và trở lại nói chuyện thẳng với chính quyền Saigon”. Nguyên văn: we should stop playing cops and robbers and get back to talking straight to Saigon Government” (The Pentagon Paper, p. 174)

Đang khi đó TT Kennedy tỏ ra vô cùng bực bộị

Ngày 2/9 TT Kennedy lên đài truyền hình CBS, tuyên bố: “chúng ta thấy những cuộc đàn áp Phật giáo (tại miền Nam VN) là những hành động cực kỳ thiếu khôn ngoan. Và bây giờ chúng ta không thể làm gì khác hơn là khẳng định một cách rõ rệt rằng: chúng ta không nghĩ đó là phương thức để chiến thắng CS” .

Ký gỉa Walter Conkrite hỏi: “Liệu chính quyền Ngô Đình Diệm có còn thì giờ để lấy lại sự hậu thuẫn của quần chúng hay không ?” TT Kennedy trả lời: “còn, nếu họ chịu thay đổi chính sách, và có lẽ thay đổi cả nhân sự”.

Trong bối cảnh chính trị lúc đó, ai cũng hiểu rằng: khi ám chỉ đến một sự thay đổi nhân sự trong chính quyền Ngô Đình Diệm, TT Kennedy muốn nói đến việc loại bỏ Ngô Đình Nhu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bang giao Mỹ-Việt, một vị tổng thống Hoa Kỳ công khai và minh thị lên án chính quyền miền Nam. Nghiêm trọng hơn, tổng thống Hoa Kỳ đã công khai kết tội anh em ông Diệm “đàn áp Phật giáo”. Tổng thống Hoa Kỳ đã công khai đứng vào hàng ngũ của nhóm đấu tranh qúa khích tại Saigon đang đòi lật đổ chính quyền.

Tổng thống Hoa Kỳ đã công khai đồng hóa nhóm qúa khích ây với Phật giáo, và đã minh thị đồng hóa nhóm quá khích ấy với nhân dân VN. Những sai lầm thô bạo nói trên đã hầu hết được các tác giả sau này phê phán nghiêm khắc, coi đó như những xuẩn động của chính quyền Kennedy.

Cùng ngày 2/9 tại Saigon, tờ Times of Vietnam (của chính phủ) kéo tít lớn tố cáo CIA âm mưu đảo chính chống lại chính quyền miền Nam VN. Bang giao giữa dinh Độc Lập và tòa Bạch Ốc đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn. Sự kiện này đã được nhóm đấu tranh quá khích tại Saigon triệt để khai thác. Nó cũng được nhóm chống Ngô Đình Diệm trong tòa Bạch Ốc triệt để khai thác.

Đang khi đó, anh em ông Diệm càng ngày càng tỏ ra quyết liệt đối với nhóm đấu tranh quá khích, cũng như dối với những đòi hỏi của tòa Bạch Ốc.

7) Công điện số 478, đại sứ Lodge gửi bộ ngoại giao

Sau những lời tuyên bố của TT Kennedy trên đài truyền hình CBS, tòa Bạch Ốc vẫn không tìm hướng đi rõ rệt, nhất là không tìm được giải pháp cho vấn đề Ngô Đình Diệm. Dúng lúc đó Robert Kennedy xuất hiện.

 Robert Kennedy

Trong một phiên họp các cố vấn vê chính sách đối ngoại của TT Kennedy tại tòa Bạch Ốc, Robert Kennedy nói: “Nếu thấy không thể thắng được chiến tranh VN dưới bất cứ một chính thể nào tại miền Nam, thì bây giờ là lúc Hoa Kỳ nên rút khỏi miền Nam. Nhưng nếu nhận định rằng chế độ Ngô Đình Diệm là một trở ngại cho cuộc chiến thắng, thì đại sứ Lodge phải được trao cho toàn quyền hành động để đem lại những thay đổi cần thiết”.

Vấn đề cắt viện trợ lại được đặt ra, nhất là vấn đề cắt lương của Lực Lượng Đặc Biệt do đại tá Lê Quang Tung chỉ huy. Và vấn đề lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm lại được đem lên thảm xanh của tòa Bạch Ốc.

Robert Kennedy, thay mặt anh ruột, đề nghị Ngũ Giác Đài cho biết ý kiến của các cố vấn quân sự tại chiến trường miền Nam để giúp tòa Bạch Ốc có dữ kiện hầu tìm một giải pháp thỏa đáng và dứt khoát cho vấn đề VN.

Đại tướng Taylor, tham mưu trưởng liên quân HK, bèn cử trung tướng Victor Krulag đi VN. Roger Hillsman, vì sợ Ngũ Giác Đài không am hiểu chính trị và sẽ gây trở ngại cho chủ trương lật đổ Ngô Đình Diệm, cho nên bèn đề nghị Joseph Mendenhall cùng đi với tướng Krulag.

Phái đoàn “đi tìm sự thật” đến VN ngày 7/9, và trở và Hoa Thịnh Đốn ngày 9/9. Trong hai ngày, họ đã tìm thấy sự thật !

Ngày 10/9, TT Kennedy và các cố vấn họp khẩn cấp tại tờa Bạch Ốc để nghe phái đoàn tường trình về chuyến đi tìm sự thật.

Theo Menenhall (thuôc phe Hillsman – Do Thái) thì chính quyền Ngô Dình Diệm đang đi đến sụp đổ toàn diện, dân chúng sợ và ghét vợ chồng Ngô Đình Nhu tình hình có thể đưa đến một cuộc chiến tranh tôn giáo, hoặc một phong trào quần chúng rộng lớn đi theo VC. Mendenhall kết luận: “Nhu phải ra đi, nếu chúng ta muốn thắng cuộc chiến tranh VN” (Memorandum of conference with the president, sept 10, 1963, Box 316, national security files, John F. Kennedy library, được trích dẫn trong Kennedy in Vietnam, trang 135)

Quan điểm của tướng Krulag thì hoàn toàn khác. Theo tướng Krulag thì cuộc chiến đấu quân sự vẫn đang tiến hành với một nhiệp độ đáng khâm phục. Cuộc khủng hoảng chính trị cũng có ảnh hưởng đến, nhưng không bao nhiêu, VC sẽ thua, nếu Mỹ vẫn tiếp tục những chương trình viện trợ về quân sự và xã hội, không cần lý đến những thiếu xót trầm trọng của chính quyền Ngô Đình Diệm (Report, Visit to Vietnam, 7-8, sept 1963, Box 316, national security, JFK library, được trích dẫn trong Kennedy in Vietnam, trang 135)

Nghe xong phúc trình đối chọi nhau của hai người cùng đi trong một phái đoàn tìm sự thật, TT Kennedy chỉ còn biết kêu trời.

Chính lúc đó, đại sứ Lodge lại nhảy vào vòng chiến, lần này với sự trắng trợn và quyết liệt ít thấy nơi một nhà ngoại giao Tây phương. Trong một công điện đặc biệt gửi về Hoa Thịnh Đốn (công điện số 478) đại sứ Lodge khẳng định rằng: chính quyền miên Nam đã hiển nhiên tách rời ra khỏi thực tế. Ông ví chế độ Diệm với một chiếc tàu đang chìm dần xuống biển. Ông chủ trương chính quyền Mỹ phải cố gắng một lần nữa để khích lệ một cuộc đảo chánh. Và ông kết luận: “đã đến lúc HK phải dùng mọi chế tài hữu hiệu có trong tay để lật đổ chính quyền hiện hữu và thiết lập một chính quyền khác”. Nguyên văn: The time has arrived for the US to use what effective sanctions it has to bring about the fall of the existing government and the in installation of another” (Telegram 478, Saigon to State, Box 316, nationalsecurity file JFK library, được trích dẫn trong Kennedy in Vietnam, trang 138)

Trong công điện, đại sứ Lodge còn cho biết: biện pháp chế tài hữu hiệu nhất, sẽ là cắt viện trợ trong một số lãnh vực lựa chọn, như một tín hiệu ủng hộ cuộc đảo chánh, điều mà các tướng lãnh VN đã từng yêu câù hồi cuối tháng 8 vừa qua.

8) Công điện ngày 17/9, tòa Bạch Ốc gửi đại sứ Lodge.

Công điện số 478 của của đại sứ Lodge được đem ra mổ xẻ trước hội đồng ANQG. Và ngày 17/9, tòa Bạch Ốc gửi cho đại sứ Lodge một công điện tóm tắt và xác quyết lập trường của Hội đồng về những biện pháp dối phó với tình hình miền Nam. Bức công điện gồm 10 điểm. Dưới đây là những điểm chính:

a/ Tòa Bạch Ốc chưa thấy có cơ hội tốt để lật đổ Ngô Đình Diệm lúc này (điểm 2 của công điện).

b/ Tòa Bạch Ốc cho phép đại sứ Lodge được tùy nghi trì hoãn những cuộc cung cấp hoặc chuyển tiền viện trợ của bất cứ một cơ quan Mỹ nào cho chánh quyền miền Nam, nếu đại sứ Lodge nghĩ rằng những cuộc cung cấp hoặc chuyển tiền viện trợ ấy không có lợi cho Mỹ. Tòa Bạch Ốc cũng nhấn mạnh rằng đại sứ Lodge nên xử dụng quyền này để hạn chế tất cả những hình thức viện trợ cho (hoặc qua) Ngô Đình Nhu hoặc những cá nhân liên hệ với Nhu, tỷ như Lê Quang Tung (điểm ba).

c/ Tòa Bạc Ốc chỉ thị cho đại sứ Lodge phải buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải cải thiện, như: thả hết sinh viên và Phật tử, cho báo chí được tự do ngôn luận, giới hạn mật vụ và cảnh sát chiến đấu vào nhiệm vụ hành quân tiểu trừ CSVN thay vì thiểu trừ đối lập, cải tổ nội các, chấp nhận tự do bầu cự chấp nhận phái đoàn Phật giáo quốc tế đến điều tra tại VN, hủy bỏ dụ số 10 (điểm 4)

d/ Tòa Bạch Ốc chỉ thị đại sứ Lodge phải làm áp lực buộc Ngô Đình Nhu ra khỏi VN (điểm 6)

e/ Tòa Bạc Ốc khuyên đại sứ Lodge nên mở lại và tiếp tục đối thoại với TT Diệm và thâu lượm tin tức tình báo (điểm 8)

f/ Tòa Bạch Ốc khuyên chờ đợi ý kiến của đại sứ Lodge đối với chương trình phác họa ở trên, trước khi tòa Bạch Ốc có quyết định cuối cùng.

Đây chỉ là một kế hoạch tạm thời (Telegram 63516, White House to Lodge Sept 17, 63, The Pentagon Papers, p. 206)

Đọc bức công điện trên, chúng ta thấy tòa Bạch Ốc vẫn giữ vững chủ trương phải lật đổ ông Diệm. Nhưng vì chưa có cơ hội tốt để lật đổ ông Diệm, nên tòa Bạch Ốc phải đưa ra một kế hoạc tạm thời để đối phó với tình hình tòa Bạch Ốc ban cho đại sứ Lodge toàn quyền tu chính. Và tòa Bạch Ốc sẽ chỉ đưa ra quyết định cuối cùng, sau khi nhận được phúc đáp của đại sứ Lodge.

9) Công điện ngày 19/9, đại sứ Lodge gửi TT Kennedỵ

Công điện nói trên của tòa Bạch Ốc không làm cho đại sứ Lodge hài lòng. Ông không muốn tiếp xúc với ông Diệm. Ông cho rằng: đề nghị cải tổ cũng như đòi ông Diệm phải loại bỏ Ngô Đình Nhu, là một việc làm vô ích. Trước sau, ông vẫn chủ trương phải lật đổ ông Diệm để cải thiện miền Nam.

Ngày 19/9, đại sứ Lodge gửi cho TT Kennedy một công điện gồm 11 điểm. Dưới đây là những điểm chính:

a/ Đồng ý với tòa Bạch Ốc rằng hiện nay chưa có cơ hội tốt để lật đổ Diệm, vì vậy phải tạm thời làm bất cứ những gì chúng ta có thể làm được, trong khi chờ đợi cơ hội đó đến (điểm 1).

b/ Không kỳ vọng lắm vào những cuộc tiếp xúc với Diệm, cũng như không kỳ vọng lắm vào những hứa hẹn cải tổ của Diệm (điểm 2).

c/ Không nghĩ rằng việc công khai tiếp xúc với Diệm có thể giải quyết thỏa đáng những vấn đề mà tình thế đặt ra. Theo Duơng văn Minh cho biết mới đây, thì : VC càng ngày càng lớn mạnh, càng được lòng dân, những cuộc bắt bớ vẫn tiếp tục, các nhà tù đầy ấp, thêm nhiều sinh viên đã đi theo VC, chính quyền càng ngày càng tham nhũng và ăn cắp tiền viện trợ Mỹ (điểm 4)

d/ Đang nghiên cứu biện pháp ngăn chặn viện trợ để trừng phạt Diệm Nhu mà không gây ra sự sụp đổ vỡ kinh tế và trở ngại cho nỗ lực chiến đấu của quân đội (điểm 5).

e/ Đề nghị tòa Bạch Ốc cứu xét vấn đề ủng hộ một quân đội biệt lập với chính quyền Ngô Đình Diệm. Bức công điện viết như sau: “Tôi cũng nghĩ rằng bất cứ biện pháp chế tài nào mà chúng ta tìm được, phải được trực tiếp nối liền với một cuộc đảo chánh có triển vọng thành công. Ngoài viễn tượng nói trên, các biện pháp chế tài ấy sẽ không được áp dụng. Trong hướng đó, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục tiếp xúc với Big Minh và thúc giục ông ta tiến tới, nếu ông ta xem ra còn muốn hành động. Tôi (Cabot Lodge) đặc biệt nghĩ rằng tòa Bạch Ốc nên nghiêm chỉnh cứu xét vấn đề ủng hộ một quân đội VN biệt lập với chính quyền”. Nguyễn văn câu cuối cùng: I particularly think that the idea of supporting a Vietnamese Army independent of the government should be energically studied. (Cablegram 544, ambassador Lodge to State dept., “For President only”, sept 19, 63, The Pentagon Papers, p. 208-209)

Chúng ta cần ghi nhận những điều sau đây, liên quan tới bức công điện nói trên.

1/ Đại sứ Lodge bác bỏ việc mở lại những cuộc tiếp xúc với ông Diệm. Ông vẫn chủ trương phải lât đổ Ngô Đình Diệm.

2/ Đại sứ Lodge dùng lời lẽ của tướng Dương Văn Minh để lên án TT Ngô Đình Diệm.

3/ Đại sứ Lodge chủ trương phải tiếp tục tiếp xúc với tướng Dương văn Minh, thúc dục tướng Minh làm đảo chánh.

4/ Đại sứ Lodge thúc dục tòa Bạch Ốc phải cứu xét vấn đề ủng hộ “một quân đi VN độc lập với chính quyền trung ương”. Nói cách khác, một quân đội VN không chịu mệnh lệnh của vị tổng thống kiêm Tổng Tư Lệnh Tối Cao QLVNCH. Nói cách khác; một quân đi không nằm trong hệ thống chính quyền hợp hiến của quốc gia miền Nam. Nói cách khác: một quân đội chịu mệnh lệnh của ngoại bang và phục vụ ngoại bang trong những mưu đồ bất chính của ngoại bang.

Giữa tháng 1/63, một phát đoàn gồm tổng trưởng quốc phòng McNamara và đại tướng Taylor được TT Kennedy cử sang VN để thẩm định tình thế, đồng thời ước tính triển vọng về một cuộc đảo chánh tại miền Nam. Phái đoàn rời Saigon ngày 2/10. Bản phúc trình của họ lạc quan về tình hình quân sự, nhưng bi quan về tình hình chính tri. Họ khuyến cáo TT Kennedy phải áp dụng những biện pháp chế tài về kinh tế đối với TT Diệm. Một trong những biện pháp đề nghị là: ngưng viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm.

Một điểm đáng ghi nhận là: trong chuyến đi, tướng Taylor và tổng trưởng quốc phòng McNamra đi đích thân đến thăm tướng Dương Văn Minh…..

10/ Công điện ngày 5/10, đại sứ Lodge gửi Bộ Ngoại Giao

Ngày 2/10, khi phái đoàn McNamara-Taylor rời Saigon để trở về Hoa Thịnh Đốn, thì Lucien Conein được lệnh của đại sứ Lodge phải mở lại những cuộc tiếp xúc với tướng Trần văn Đôn. Hai người gặp nhau tại bờ biển Nha Trang. Trong cuộc gặp gỡ, tướng Đôn cho Conein biết: nhóm đảo chánh đã thuyết phục được tướng Tôn Thất Đính, và quân đi đã sẵn sàng để lật đổ ông Diê.m. Tướng Đôn cũng yêu cầu Conein đích thân đến gặp tướng Minh.

Ngày 5/10, đại sứ Lodge gửi về bộ ngoại giao một công điện gồm 10 điểm để tường trình về cuộc tiếp xúc giữa Conein và tướng Minh. Dưới đây là những điểm chính:

a/ Trung tá Lucien Conein tiếp xúc với Dương văn Minh trong một giờ mười phút , tại bản doanh của Dương văn Minh đường Lê văn Duyệt. Conein đã được phép của tòa đại sứ để làm việc này. Họ chỉ có hai người và nói với nhau bằng tiếng Pháp (điểm 1).

b/ Dương văn Minh nói với Conein rằng ông ta cần phải biết rõ lập trường của chính quyền Mỹ đối với một cuộc thay đổi chính quyền tại miền Nam trong một tương lai rất gần. Dương văn Minh cho biết : nhóm đảo chánh, ngoài ông ta ra, gồm các tướng Trần văn Đôn, Lê văn Kim và Trần thiện Khiêm (điểm 2).

c/ Dương văn Minh cho biết ông ta không kỳ vọng một sự giúp đỡ đặc biệt nào của Mỹ trong việc thay đổi chính quyền, nhưng ông ta rất cần chính quyền Mỹ cam kết rằng sẽ không tìm cách làm hỏng kế hoạch của ông ta (điểm 3).

d/ Dương văn Minh phác họa ba kế hoạch để thay đổi chính quyền. Thứ nhất, ám sát Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và giữ TT Diệm lại. Thứ hai bao vây thủ đô Saigon bằng những đơn vị khác nhau, đặc biệt là những đơn vị đồn trú tại Bến Cát. Thứ ba: trực tiếp giàn quân đánh nhau với quân chính phủ. Dương văn Minh cho biết Nhu có thể trông cậy vào một số quân trung thành khoảng 5,500 binh sĩ (điểm 5).

e/ Dương văn Minh cho biết ba người nguy hiểm nhất miền Nam là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Trọng Hiếu. Conein nói: Lê Quang Tung là người đáng sợ hơn, thì Dương văn Minh trả lời: Khi tôi loại trừ được Nhu, Cẩn và Hiếu rồi, thì Tung sẽ qùy xuống trước mặt tôi (điểm 7).

f/ Dương văn Minh nói rằng ông ta rất thắc mắc về vai trò của Trần Thiện Khiêm. Trần Thiện Khiêm có thể đã đi hàng hai trong vụ tháng 8 vừa qua. Trước đó, CIA đã đưa cho Khiêm họa đồ căn cứ Long Thành và bản kê khai vũ khí tại căn cứ này để Khiêm trao lại cho Dương văn Minh. Nay Dương văn Minh muốn có bản sao những tài liệu đó để đối chiếu với những tài liệu mà Khiêm đã trao cho ông ta (điểm 8).

g/ Dương văn Minh cho biết một trong những lý do khiến ông ta phải hành động gấp rút, là: nhiều sĩ quan chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội cũng đang tự động đứng ra tổ chức nhưng cuộc đảo chánh riêng, họ có thể thất bại và di hại cho đại cuộc (điểm 9) (Telegram 1445, Lodge to State, oct 5, 63, The Pentagon Papers, p. 213).

Chúng ta nên ghi nhận những điểm quan trọng sau đây:

Thứ nhất: trước khi đảo chánh, tướng Dương văn Minh muốn biết rõ lập trường dứt khoát của Hoa Kỳ về việc thay đổi chính quyền Ngô Đình Diệm. Đây là một hình thức xin phép, trước khi hành động. Nhóm tướng lãnh VN chỉ dám đảo chánh, khi biết chắc Mỹ cho phép đảo chánh và bật đèn xanh cho phép đảo chánh.

Thứ hai: CIA Mỹ đã vẽ họa đồ căn cứ Long Thành (tức căn cứ của Lực Lượng Đặc Biệt trung thành với ông Diệm), và lập bản kê khai vũ khí của căn cứ này trao cho nhóm tướng lãnh đảo chánh.

Cũng ngày 5/10, đại sứ Lodge gởi thêm một điện văn nữa về bộ ngoại giao đề nghị cho phép Conein, trong cuộc tiếp xúc lần tới với tướng Dương văn Minh, được: thứ nhất, hứa với tướng Minh rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách làm hỏng cuộc đảo chánh của ông ta.

Thứ hai: cam kết với tướng Minh rằng HK sẽ tiếp tục viện trợ cho VN sau khi đảo chánh, miễn là chính quyền mới hứa tranh thủ nhân tâm và chiến thắng CS (The Pentagon Papers, p. 215).

11/ Công điện ngày 5/10, TT Kennedy gửi đại sứ Lodge.

Cũng ngày 5/10, TT Kennedy gửi mật điện, ra chỉ thị cho đại sứ Lodge không nên ngầm khuyến khích một cuộc đảo chánh. Nhưng ông cũng chỉ thị cho đại sứ Lodge phải cấp tốc bí mật nhận diện và tiếp xúc với những người có thể thay thế ông Diệm. Ông căn dặn đại sứ Lodge phải tuyệt đối bí mật và hành động khôn khéo, để sau này chính quyền Mỹ có thể chối cãi một cách dễ dàng là đã không nhúng tay vào vụ lật đổ Ngô Đinh Diệm (Telegram 63560, White House to Lodge Aug 5, 63, The Pentagon Papers p. 215).

Chúng ta ngạc nhiên về thái độ khó hiểu và đầy mâu thuẩn của TT Kennedy. Ông chỉ thị cho đại sứ Lodge phải cấp tốc bí mật nhận diện và tiếp xúc với những người có thể thay thế ông Diệm. Sự thật, không có gì khó hiểu. TT Kennedy đã gửi mật điện nói trên, trước khi nhận được bức công điện số 1445 mùng 5 tháng 10 của đại sứ Lodge cho biết rướng Dương văn Minh đã sẵn sàng để lật đổ ông Diệm.

Sau khi nhận được công điện 1445 báo tin tướng Dương văn Minh đã sẵn sàng để đảo chánh, TT Kennedy gửi ngay điện văn dưới đây cho đại sứ Lodge.

12/ Điện văn ngày 6/10, TT Kennedy gửi đại sứ Lodgẹ Điện văn này có hai đoạn quan trọng.

Đoạn một có câu sau đây: “Đành rằng chúng ta không muốn xúi dục một cuộc đảo chánh, nhưng chúng ta cũng không nên để lại cảm tưởng rằng HK sẽ ngăn chặn một cuộc thay đổi chính quyền và sẽ từ chối viện trợ kinh tế và quân sự cho chế độ mới”.

Đoạn hai của điện văn có đoạn sau đây: “về vấn đề đặc biệt của Dương văn Minh, ông đại sứ phải nghiêm chỉnh nghĩ đến việc cho nhân viên (tức Conein) đến nói với Minh rằng: trong tình trạng hiểu biết hiện tại của nhân viên, nhân viên không thể nghiêm chỉnh đệ trình vấn đề lên cấp trên cứu xét. Muốn trình lên cấp trên và được cấp trên cứu xét, nhân viên cần phải có những chi tiết chứng tỏ một cách rõ rệt rằng kế hoạch của Minh có nhiều triển vọng thành công. Với tin tức được cung cấp cho tới nay, nhân viên không thấy có triển vọng đó. (Telegram 74228, White House to Lodge, Oct 6, 63, The Pentagon Papers, p. 216)

Chúng ta nhận thấy rõ sự bất lương và đạo đức gỉa của những kẻ mà phó tổng thống Johnson đã gọi là “vừa đánh trống vừa ăn cướp”. TT Kennedy và những cố vấn tòa Bạch Ốc tưởng răng với luận điệu “không khuyến khích cuộc đảo chánh và cũng không ngăn cản cuộc đảo chánh”, họ có thể rửa sạch hai bàn tay nhơ bẩn của họ trước lịch sử. Quyển “Kennedy in Vietnam” mỉa mai như sau: “sự phân biệt giữa khuyến khích một cuộc đảo chánh” với “không làm hỏng một cuộc đảo chánh” là một lối chơi chữ lắt léo không đếm xỉa gì đến ảnh hưởng của Mỹ tại miền Nam, Việc Mỹ hứa ủng hộ kinh tế quân sự cho nhóm đảo chánh sẽ có hậu qủa khuyến khích các tướng lãnh làm đảo chánh, cũng như việc Mỹ đe dọa từ chối viện trợ đã từng có hậu qủa làm nản lòng nhiều vụ âm mưu đảo chánh trước đó” (sách đã dẫn, trang 148).

William Colby, cựu giám đốc CIA tại VN, sau này cũng nói: “trong các công điện, người ta cứ nhắc đi nhắc lại rằng chính các tướng lãnh VN mới là kẻ sẽ quyết định về việc lật dổ ông Diệm, chứ không phải chúng ta. Luận điệu này dễ nghe lắm, nhưng thật ra nó phản lại thực tế, nếu bạn nghĩ đến cái tư thế cực kỳ quan trọng của người Mỹ tại VN” (sách đã dẫn, trang 148).

Chúng ta cũng thấy rõ TT Kennedy quyết tâm và mong muốn lật đổ TT Diệm. Khi được biết rõ ý định của tướng Dương văn Minh muốn đảo chánh, ông vội vàng ra chỉ thị cho tòa dại sứ phải lập tức phối kiểm xem kế hoạch đảo chánh có nhiều triển vọng thành công hay không. Tại sao TT Kennedy lại muốn biết điều đó ? Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi. TT Kennedy muốn biết rõ, để còn bật đèn xanh cho các tướng lãnh khởi sự.

13/ Công điện ngày 25/10, đại sứ Lodge gởi Bundy.

Ngày 6/10, chính quyền Kennedy cắt viện trợ. Tín hiệu đã được đưa vào băng tần và được gởi đến các tướng lãnh VN. Saigon lên cơn sốt đảo chánh. Nhóm tướng lãnh phản loạn coi dó như là một bằng cớ cụ thể chứng minh tòa Bạch Ốc đã thực sự dấn thân và thực sự ủng hộ việc lật ông Diệm. Tin đồn sẽ có đảo chánh và cuộc đảo chánh được Mỹ ủng hộ lan tràn trong dân chúng như khói thuốc pháo. Riêng tòa đại sứ Mỹ tại Saigon, họ dồn mọi nỗ lực để chạy đua với kim đồng hồ trong việc tiếp súc với các tướng lãnh.

Ngày 25/10, đại sứ Lodge gửi công điện số 1964 cho George Bundy, cố vấn anh ninh quốc gia HK. Bức công điện gồm 8 điểm. Dưới đây là những điểm chính:

a/ Nhân viên của tôi (Lucien Conein) vẫn thi hành nghiêm chỉnh những chỉ thị của tôi. Chính tôi đích thân chấp thuận mọi cuộc gặp gỡ gữa Conein và Đôn (điểm 2 của bức công điện).

b/ Đôn và các tướng lãnh của ông ta đang thực sự tìm cách thực hiện một sự thay đổi trong chính quyền. Tôi không tin rằng đây là một cuộc đảo chánh gỉa của Ngô Đình Nhu . Trong trường hợp cuộc đảo chánh thật bị thất bại, cũng như trong trường hợp cuộc đảo chánh CIA của Nhu thành công, tôi tin răng sự liên hệ của chúng ta cho tới ngày hôn nay qua Lucien Conein vẫn còn là điều có thế dễ dàng chối cãi. Cơ quan CIA hoàn toàn sẵn sàng để cho tôi có thể phủ nhận Conein bất cứ lúc nào (điểm 4).

c/ Chúng ta không muốn làm hỏng một cuộc đảo chánh cũng như chúng ta không có ngay cả tứ thế để làm hỏng một cuộc đảo chánh, khi mà chúng ta không biết rõ những gì đang xảy ra (điểm 5).

d/ Chúng ta không nên làm hỏng một cuộc đảo chánh, vì hai lý do. Thứ nhất, chắc chắn chính quyền kế tiếp sẽ không vụng về và không hành động sai lầm như chính quyền hiện hữu. Thứ hai, nếu chúng ta dội nước lạnh trên những cuộc âm mưu đảo chánh, nhất là trong khi những cuộc âm mưu ấy đang ở trong thời kỳ bắt đầu, thì đó là một điều cực kỳ thất sách cho chúng ta về lâu về dài. Chúng ta nên nhớ rằng đảo chánh là phương thức độc nhất để nhân dân VN có thể thực hiện một cuộc thay đổi chính quyền (điểm 6).

e/ Tướng Đôn cho biết sẽ không có kỳ thị tôn giáo trong chính phủ tương lai. Ý định đó đáng khen. Và tôi hoan nghênh ý của ông ta không muốn làm một thứ “chư hầu” của Mỹ. Tôi muốn thêm hai đòi hỏi. Thứ nhất, không nên thanh trừng toàn thể nhân viện trong chính quyền. Những cá nhân nào đặc biệt đáng bị trách cứ có thể bị mang ra trước pháp luật sau này để xét xữ. Thứ hai, tôi đang nghĩ đến một chính quyền trong đó có Trí Quang và những nhân vật tầm vóc như Trần Quốc Bửu, chủ tịch nghiệp đoàn lao động (điểm 7).

Đọc bức điện tín trên đây, chúng ta thấy những móng vuốt nhọn hoắt và lông lá của Mỹ đã cắm sau lút vào vận mệnh miền Nam. Họ sắp đặt cuộc đảo chánh cho miền Nam và sắp đặt luôn cả thành phần chính phủ tương lai miền Nam.

Một điều mà chúng ta không thể không nhìn thấy là sự thiếu thành thật của đại sứ Lodge, nếu không nói là bất lương. Ông vẫn lập di lập lại rằng: Mỹ không nên làm hỏng cuộc đảo chánh, chẳng những vậy ông còn khẳng định rằng Mỹ không có ngay cả khả năng để làm điều đó. Viết như vậy, ông đã quên bức công điện số 375 trong đó ông đòi tòa Bạch Ốc phải triệt để ủng hộ các tuớng lãnh trong việc lật đổ ông Diệm. Trong bức công điện đó, ông đã viết: “cơ may thành công của cuộc đảo chánh tùy thuộc vào các tướng lãnh VN mt mức độ nào đó, nhưng cũng tùy thuộc vào chúng ta, ít nhất cũng có một mức độ đó” (Telegram 375, Lodge to Stat, Aug 29, 1963).

14/ Công điện ngày 30/10, Bundy gửi đại sứ Lodge

Bức công điện ngày 25/10 của đại sứ Lodge vẫn không trấn an được TT Kennedy. Thâm tâm TT Kenedy rất muốn lật đổ TT Ngô Đình Diệm, nhưng ông lại sợ thất bại và bị chê cười như ông đã thất bại và bị chê cười trong âm mưu lật đổ Fidel Castro hồi tháng 4/1961. Ông sợ mất uy tín trước dư luận trong nước và ngoài nước. Lần này, lật đổ Ngô Đình Diệm ông chủ trương “đã ra tay là phải thắng”. Nhưng, những tin tức của đại sứ Lodge gửi về đã không đủ để cho ông tin một cách chắc chắn rằng cuộc đảo chánh sẽ thành công. Vì vậy, ngay sau khi nhận được công điện ngày 25/10 của đại sứ Lodge, George Bundy, vị cố vấn được tín nhiệm nhất tại tòa Bạch Ốc đã được lệnh phải cấp tốc gửi ngay tối hôm đó bức công điện số 63590 nói rõ cho đại sứ Lodge biết rằng TT vẫn lo ngại không thành công. (Telegram 63590, Bundy to Lodge, Oct 25, 1963, Box 201, national security files, JFK library).

Bốn ngày sau, ngày 29/10, đại sứ Lodge báo cho tòa Bạc Ốc biết: một cuộc đảo chánh sắp xảy ra. Ông quan niệm rằng: Hoa Kỳ không nên cũng như không thể ngăn chặn được cuộc đảo chánh, trừ phi đi báo cho Diệm và Nhu biết, một hành động sẽ đem lại ô nhục cho HK (The Overthrow of Ngo Dinh Diem, United States – Vietnam Relation III, pg 46).

TT Kennedy vẫn không an tâm. Ông sợ các tướng lãnh VN sẽ thất bại, và sự thất bại ấy sẽ kéo theo tất cả uy tín còn lại của ông đối với các nước trong vùng Đông Nam Á. Vì vậy, ngày 30/10, Bundy được lệnh phải cấp tốc gửi một công điện cho đại sứ Lodge để nói rõ những ưu tư của TT Kennedy về cuộc đảo chánh sẽ xảy ra. Bức công điện gồm 10 điểm. Dưới dây là những điểm chính:

a/ Tòa Bạch ốc tin rằng thái độ của chúng ta đối với nhóm đảo chánh vẫn còn có hậu qủa quyết định đối với họ. Tòa Bạch Ốc tin rằng lời nói của chúng ta đối với nhóm đảo chánh có thể khiến họ hoãn lại cuộc đảo chánh… Cuộc sắp hàng các lực lượng tại Saigon cho thấy hai bên (quân chánh phủ và quân đảo chánh) gần như đang cân đồng la.n. Như vậy, cuộc nổ súng sẽ kéo dài và quân đảo chánh có thể sẽ bị đánh bại. Trong cả hai trường hợp, hậu qủa sẽ cực kỳ nghiêm trọng và tai hại cho quyền lợi của nước Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải có được sự bảo đảm rằng tương quan lực lượng quân sự thực sự nghiêng về phía quân đảo chánh (điểm 2 của công điện)

b/ Trong trường hợp ông rời khỏi Saigon một ngày nào đó truớc ngày đảo chánh, thì trước khi đi, ông cần phải tham khảo ý kiến đầy đủ với tướng Harkins và phòng trung ương tình báo để có những sắp xếp rõ rệt về (a) việc điều hành những hoạt động thông thường, ( việc tiếp xúc với nhóm đảo chánh, © việc phải làm khi cuộc đảo chánh khởi sự (điểm 7)

c/ Nếu cuộc đảo chánh phải xảy ra, vấn đề bảo vệ các kiều dân Mỹ sẽ tức khắc được đặt ra. Tòa Bạc Ốc có thể cho không vận tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ Okinawa tới Saigon trong 24 tiếng đồng hồ. Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh cho CINCPAC sắp xếp cuộc di chuyển của tiểu đoàn thủy quân lục chiến bằng đường thủy đến hải phận gần Nam VN (điểm 8)

d/ Tòa Bạch Ốc hiện đang cứu xét nhưng trường hợp bất ngờ có thể xảy ra sau khi cuộc đảo chánh bùng nỗ. Yêu cầu ông đại sứ cho biết ngay những khuyến cáo của ông về thái độ mà tòa Bạch Ốc phải có sau khi cuộc đảo chánh khởi sự, đặc biệt đối với những lời yêu cầu để hành động trong trường hợp cuộc đảo chánh (a) thành công, ( thất bại, © không ngã ngũ (điểm 9).

e/ Tòa Bạch Ốc nhắc lại rằng nhóm đảo chánh có trách nhiệm phảo đưa bằng cớ chứng minh rằng họ thực sự có triển vọng sẽ thành công mau lẹ. Nếu không, chúng ta sẽ phải can ngăn họ đừng đảo chánh, bởi lẽ: một sự tính toán sai lầm sẽ đưa tới hậu qủa làm tổn thương đến tư thế của nước Mỹ tại vùng ĐNA. Đây là điểm 10 và cũng là điểm chót của bức công điện (Telegram 79079, Bundy to Lodge, Oct 30, 1963, Box 317 national security files, JFK library)

Chúng ta nhận thấy rõ tâm trạng của TT Kennedy. Ông rất muốn lật đổ ông Diệm, nhưng sợ thất bại. Ông đã ẩn náu mình trong cái trò chơi ngôn ngữ “đừng khuyến khích cuộc đảo chánh cũng như đừng làm hỏng cuộc đảo chánh” để có thể chối tội sau này. Nhưng ông dấu đầu hở đuôi. Thật vậy, tại điểm 10 của bức điện tín nói trên, tòa Bạch Ốc (tức TT Kennedy) đã ra lệnh cho đại sứ Lodge phải ngăn chặn cuộc đảo chánh, nếu thấy cuộc đảo chánh không có triển vọng thành công. Thì ra, chánh sách “không được ngăn chặn cuộc đảo chánh” mà TT Kennedy đã đề ra cho siêu cường Mỹ trong vụ lật đổ ông Diệm năm 1963, không áp dụng cho một cuộc đảo chánh có triển vọng thành công. Nó chỉ áp dụng cho một cuộc đảo chánh không có triển vọng thành công. Đó là đạo đức quốc gia của nước Mỹ, và đó cũng là cái thông minh của TT Kennedy trong vụ lật đổ ông Diệm năm 1963.

Người xưa đã dạy: “muốn nói dối, thì phải có một trí thông minh trên mức bình thường, nếu không, sẽ có ngày chính mình lại chửi lại mình”. Phải chăng, trong vụ lật đổ ông Diệm năm 1963, TT Kennedy của siêu cường HK và các cố vấn của ông đã không có được cái trí thông minh trên mức bình thường ?

15/ Công điện ngày 30/10, đại sứ Lodge trả lời.

Ngay sau khi nhận được công điện ngày 30/10 của cố vấn an ninh tòa Bạch Ốc, đại sứ Lodge không nén được sự kinh ngạc trước ý định của tòa Bạch Ốc muốn trì hoãn cuộc đảo chánh của các tướng lãnh VN. Ông bèn cấp tốc gửi một công điện gồm 13 điểm cho bộ ngoại giao. Dưới đây là những điểm chánh:

a/ Tôi không tin rằng chúng ta có đủ quyền lực để trì hoãn hoặc ngăn chặn một cuộc đảo chánh… Tôi có thể nói rằng: chúng ta có rất ít ảnh huởng đối với vụ này, một vụ hoàn toàn thuộc nội bộ VN (điểm 1 của công điện).

b/ Trừ phi cuộc đảo chánh thành công chớp nhoáng, tôi dự kiến rằng khi cuộc đảo chánh bắt đầu bùng nổ, chính quyền Diệm sẽ yêu cầu tôi hoặc tướng Harkins dùng ảnh hưởng để kêu gọi các tướng lãnh bãi bỏ cuộc đảo chánh. Tôi tin rằng ảnh hưởng của chúng tôi (tức là đại sứ Lodge và tướng Harkins) chắn chắn không lớn hơn ảnh hưởng của tổng thống kiêm tổng tư lệnh tối cao quyền lực Hoa Kỳ. Nếu tổng thống đã không thể dùng ảnh hưởng để bãi bỏ được cuộc đảo chánh, thì chúng tôi cũng không thể dùng ảnh hưởng để kêu gọi các tướng lãnh bãi bỏ cuộc đảo chánh. Làm như vậy, chúng ta sẽ chỉ gây nguy hiểm cho sinh mạng người Hoa Kỳ. Chính quyền Ngô Đình Diệm có thể sẽ yêu cầu chúng ta gửi máy bay hoặc trực thăng đến để di tản những nhân vật trọng yếu trong chính quyền… Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không để cho phi cơ và phi công của chúng ta dấn thân vào nơi hòn tên mũi đạn, khi hai phe đang dàn trận chống đối nhau (điểm 10).

c/ Các tướng lãnh có thể cần một số tiền vào phút chót để mua chuộc phe chống đối. Nếu số tiền này có thể đưa cho họ một cách kín đáo, tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho họ, miễn là chúng ta xác tín rằng cuộc đảo chánh mà họ dự tính, đã được tổ chức chu đáo và có triển vọng tốt để thành công. Nếu nhận thấy rằng cuộc đảo chánh không phân thắng bại, và cuộc nổ súng sẽ kéo dài, chắc chắn chúng ta sẽ phải đứng ra giúp đỡ cả hai bên giải quyết vấn đề, vì lợi ích của cuc chiến tranh chống cộng taị miền Nam (điểm 11).

d/ Tôi hoàn toàn đồng ý rằng một sự tính toán sai lầm sẽ gây ra tai hại cho tư thế của HK tại vùng Đông Nam A’. Nếu chúng ta xác tín rằng cuộc đảo chánh sẽ đi đến thất bại, dĩ nhiên chúng ta sẽ làm tất cả những điều mà chúng ta có thể làm được, để ngăn chặn cuộc đảo chánh. Nguyên văn câu chót: “If we are convinced that the coup is going to fail, we would, of course do everything we could to stop it” (điểm 12).

e/ Tướng Harkins đã đọc công điện này và không đồng ý. Nguyên văn: Gen Harkins has read this and does not concur”. Đây là điểm 13 và cũng là điểm chót. (Telegram 2063 , Lodge to State, Oct 30, 63. The Pentagon Papers, pg 227-229)

Bức công điện 2063 nói trên của đại sứ Lodge là một kiệt tác của sơ hở, mâu thuẫn ngu xuẩn và bất lương. Đoạn trên nói rằng chính quyền Mỹ không đủ quyền lực để ngăn chặn cuộc đảo chánh, đoạn dưới lại nói rằng nếu thấy cuộc đảo chánh sẽ đi đến thất bại thì chúng ta (Hoa Kỳ) sẽ làm tất cả những điều có thể làm được để ngăn chặn cuộc đảo chánh. Đoạn trên nói rằng đây là một vấn đề hoàn toàn thuộc nội bộ VN, đoạn dưới lại nói rằng chúng ta nên cho nhóm đảo chánh một số tiền để họ mua chuộc phe chống đối.

Tuân Tử của nước Tàu, Talleyrand của nước Pháp và Metternich của nước Áo, hiện đang ngủ dưới đáy mồ, nếu họ được đọc bức công điện của nhà ngoại giao Lodge, chắc chắn họ sẽ đội mồ mà chỗi dậy, và kêu trời cho cái chất xám của chính giới Mỹ. Bất lương ngu xuẩn và mâu thuẫn. Có lẽ tướng Harkins cũng đã nhìn thấy cái bất lương và mâu thuẫn của đại sứ Lodge, vì vậy ông đã không đồng ý và đòi đại sứ Lodge phải ghi vào công điện rằng ông không đồng ý.

Dù sao, những sơ hở, mâu thuẫn ngu xuẩn và bất lương của bức công điện cũng giúp cho lịch sử ghi lại một sự thật ngàn đời, cuộc đảo chánh 1963 đã do chính quyền Kennedy chủ trương, chủ mưu, sắp xếp và thúc đảy. Nhóm tướng lãnh VN là những tay sai bản xứ ..!

16/ Công điện ngày 30/10, George Bundy gửi đại sứ Lodge

Bức công điện ngày 30/10 (số 2063) của đại sứ Lodge không được sự chấp thuận của tướng Harkins, tư lệnh MAGV tại Saigon. Tòa Bạch Ốc đã nhìn thấy sự xích mích và bất đồng quan điểm giữa đại sứ Lodge và tướng Harkins trong vụ lật đổ ông Diệm. Và tòa Bạch Ốc lo ngại.

Chiều 30/10, George Bundy lại cấp tốc gửi một công điện 6 điểm cho đại sứ Lodgẹ Dưới đây là những điểm chính:

a/ Tòa Bạch Ốc không chấp nhận luận điệu của ông đại sứ cho rằng “chúng ta không đủ quyền lực để trì hoãn hoặc ngăn chặn một cuộc đảo chánh tại VN” như là căn bản chủ đạo cho chánh sách đối ngoại của HK. Trong công điện của ông đại sứ, điểm 12, ông đại sứ cũng nói rằng nếu ông xác tín rằng cuộc đảo chánh sẽ đi đến thất bại, thì ông sẽ làm tất cả những điều có thể làm được để ngăn chặn nó. Cũng trên căn bản đó, tòa Bạch Ốc tin rằng ông đại sứ sẽ hành động để thuyết phục các tướng lãnh ngưng lại hoặc hoãn lại bất cứ một cuộc động binh nào mà ông đại sứ nghĩ rằng không có triển vọng thành công (điểm 2 của công điện).

b/ Vì vậy, nếu ông đại sứ phải kết luận rằng cuộc đảo chánh không thực sự có triển vọng thành công, thì ông phải cho các tướng lãnh biết mối hoài nghi của ông. Nói làm sao để ít nhất trì hoãn cuộc đảo chánh lại cho tới khi có được cơ hội tốt hơn. Khi nói điều đó với các tướng lãnh, ông đại sứ nên xử dụng sức nặng của lời khuyên nhủ tốt nhất của HK (nguyên văn: The weight of US best advice) và minh thị bác bỏ mọi ám chỉ rằng chúng ta chống lại những nỗ lực của các tướng lãnh vì chúng ta ưa thích chế độ hiện tại hơn là ưa thích họ (điểm 3).

e/ Sau đây là chỉ thị của tòa Bạch Ốc liên quan đến thái độ của Hoa Kỳ (HK) trong trường hợp cuộc đảo chánh xảy ra:

1/ Các viên chức HK sẽ không đáp ứng những lời kêu gọi giúp đỡ của cả hai bên. Phi cơ HK và những khả năng khác của HK sẽ không được đưa đến dấn thân vào nơi hòn tên mũi đạn, để ủng hộ bất cứ bên nào nếu không được phép của Hoa Thịnh Đốn.

2/ Trong trường hợp cuộc đảo chánh bất phân thắng bại, các viên chức HK có thể tùy nghi làm những hành vi thích hợp với nguyện vọng của cả hai bên, tỷ như di tản các nhân vật trọng yếu hoặc chuyển vận tin tức. Và khi hành động như vậy, các viên chức HK phải cố tránh để khỏi bị hiểu lầm là làm áp lực đối với bất cứ bên nào.

3/ Trong trường hợp cuộc đảo chánh lâm vào tình trạng sẽ thât bại, hoặc thực sự thất bại, các viên chức HK có thể tùy nghi mở cửa nương náu cho những kẻ minh thị hoặc mặc nhiên cần sự nương náu.

4/ Nhưng một khi cuộc đảo chánh đã bắt đầu, thì vì quyền lợi của HK, cuộc đảo chánh ấy phải thành công (The Pentagon Papers, pg 231)

Chúng ta thấy rõ: trong công điện nói trên, tòa Bạch Ốc đã minh thị bác bỏ quan điểm của đại sứ Lodge cho rằng HK không đủ quyền lực để ngăn chặn một cuộc dảo chánh tại VN. Chẳng những vậy, tòa Bạch Ốc còn khẳng định rằng chính quyền HK có thừa quyền lực và có bổn phận phải ngăn chặn cuộc đảo chánh, nếu thấy cuộc đảo chánh không có triển vọng thành công. Tòa Bạc Ốc minh thị nhắc lại mệnh lệnh của TT Kennedy: “một khi cuộc đảo chánh đã bắt đầu, cuộc đảo chánh ấy phải thành công, vì đó là quyền lợi của Hoa Kỳ.”

Chúng ta cũng thấy rõ: tòa Bạch Ốc chỉ dự liệu can thiệp trong trường hợp cuộc đảo chánh bất phân thắng bại, và trường hợp quân đảo chánh bị đánh bại. Can thiệp để giúp cho các tướng đảo chánh có chỗ nương náu và thoát hiểm. Tòa Bạch Ốc không dự liệu can thiệp trong trường hợp ông Diệm bị đánh bại. Số phận ông Diệm không được tòa Bạch Ốc quan tâm đến.

Tất cả những tài liệu trên đây đã trở thành chính sử của Hoa Kỳ, và được lưu trữ trong “Hồ Sơ An Ninh Quốc Gia” tại thư viện JFK. Đó là những bằng cớ trên giấy trắng mực đen chứng minh một sự thật lịch sử. Sự thật lịch sử đó, là: cuộc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963 đã do chính quyền Kennedy chủ trương, chủ mưu, chủ xướng, chủ động, chủ lực, khuyến khích và thúc đẩy, các tướng lãnh VN chỉ là những tay sai bản xứ !!

Lịch sử đã viết: nhờ sự mẫn cán và thông minh của các tướng lãnh VN, cuộc đảo chánh năm 1963 đã hoàn thành mỹ mãn !!!

Những tài liệu nói trên cũng là những bằng cớ trên giấy trắng mực đen chứng minh sự bất lương, ngu xuẩn và luộm thuộm của chính quyền Hoa Kỳ trong vụ lật đổ ông Diệm. Từ tổng thống Kennedy, đến các cố vấn tòa Bạch Ốc, đến đại sứ Cabot Lodge.

Một công điện (ngày 24/8/63) của tòa Bạch Ốc gửi cho vị đại sứ của mình tại nước ngoài, liên quan đến một vấn đề trọng đại của quốc gia HK, thế mà các viên chức cao cấp có trách nhiệm trong chính quyền không được thông báo, tham khảo. Chẳng những vậy, còn bị lừa bịp. Kể cả TT Kennedy cũng bị lừa bịp. (Điều này chứng tỏ bọn Do Thái trong chính quyền Mỹ đã có một sức mạnh không tưởng, không coi Tông Thống Kennedy ra gì, chính sau này anh em Kennedy cũng bị bọn chúng giết chết, vì không tuân theo kế hoạch toàn cầu hoá của bọn chúng).

Trong các công điện của tòa Bạch Ốc, của chính TT Kennedy và của bộ ngoại giao gởi đi, cũng như trong các công điện của đại sứ Cabot Lodge gửi về, thì công điện trước chửi công điện sau, hoặc công điện sau chửi công điện trước.

Trong cùng một công điện, thì đoạn trước chửi đoạn sau, đoạn sau chửi đoạn trước. Giáo sư André Tunc trong quyển Les Etats Unis, có nói đến “quyền lực nằm trong tay những kẻ thiếu lương tâm”.

Trong vụ chính quyền Kennedy lật đổ ông Diệm, chúng ta phải thêm hai chữ ngu xuẩn vào cuối câu và nói: “quyền lực nằm trong tay những kẻ thiếu lương tâm và ngu xuẩn”. [Nguyễn Văn Chức, VIỆT NAM CHÍNH SỬ, trang 61-85).

…….Chế độ Ngô Đình Diệm là một chế độ độc đoán (autoritaire) như hầu hết các quốc gia phải đương đầu với hiểm họa cộng sản. Điều đó không ai chối cãi. Nên nhớ: Đài Loan đã áp dụng chế độ thiết quân luật gần 35 năm, và chỉ bãi bỏ chế độ ấy mới đây, năm 1986.

Cũng không ai chối cãi rằng: Đệ nhất cộng hòa đã có những lạm dụng quyền hành, nhớp nhúa. Và cả tội ác nữa.

Nhưng, những lạm dụng, lộng hành nhớp nhúa, tội ác ấy không bắt nguồn từ những quy định hoặc thiếu sót của hiến pháp mà bắt nguồn từ sự không tôn trọng hiến pháp và luật pháp quốc gia bởi chính những kẻ cầm quyền.

Vì vậy, chúng ta không nên dựa vào hiến pháp một nước để chỉ trích hoặc nguyền rủa một chế độ. Nhưng ông Đỗ Mậu và những kẻ đến sau (tức là những kẻ xuyên tạc, những kẻ “hiếp dâm” lịch sử hoặc những kẻ bôi bẩn vô căn cớ với lòng đầy hận thù, ác tâm, vô luân và thành kiến đối với TT Ngô Đình Diệm, đối với nền đệ nhất cộng hòa của TT Diệm (lời góp ý thêm của Aladin)) làm việc đó.

Và: khi làm công việc đó họ đã tỏ ra thiếu khả năng.

(Việt Nam Chính Sử, NVC, trang 48-49).

http://saigonecho.info/main/lichsuvn/thoicandai/18048-nhng-bc-mt-inc-gii-ma.html

Nguồn: https://chauxuannguyen2019.org/2015/11/27/nhung-buc-mat-dien-duoc-giai-ma/

 

Vui cười

Trước đây, cụ cũng từng là một cầu thủ bóng đá, vậy xin cụ cho biết các cầu thủ bây giờ có gì khác thế hệ các cụ xưa không ạ?

— ồ khác chứ, hơnchúng tôi chứ. Thời chúng tôi, cầu thủ chỉ cần biết bóng đá là đủ.

Còn bây giờ họ phải vừa  biết đá bóng, vừa biết diễn kịch; đồng thời phải thành thạo một môn võ để có khi phải đánh nhau ngoài sân cỏ nữa chứ, tài thật.

 

Thầy linh mục giảng cho học sinh:

– Cùng với ngày tận thế sẽ là ngày phán xử cuối cùng.

Học sinh Paven giơ tay, đứng dậy hỏi thầy:

– Thưa thầy, ngày đó chúng em có được nghỉ học hay không ạ?

 

 – Xe cha không có đèn? Phạt 50 ngàn!

 – Con ơi, cha cùng Chúa đi thăm người ốm…

 – Sao?! hai người đi chung một xe đạp?! thế thì phạt cha gấp đôi, 100 ngàn!

 Cha xứ nộp phạt rồi đi. Trên đường đi cha xứ nghĩ bụng, thấy mừng: “Thật là may phúc, ông cảnh sát không biết, Chúa gồm những ba người”.

 

 

Các Tổng Thống Mỹ Và Việt Nam (Phần III)  –  Vũ Linh

Tiếp theo hai bài viết về các tổng thống Mỹ trong chiến tranh VN, diễn đàn này đã nhận được vài yêu cầu viết về các tổng thống Mỹ với chính quyền CSVN sau 75. Bài này sẽ viết qua về đề tài này.
Vì các tổng thống Mỹ trong thời kỳ này ít chú tâm đến vấn đề VN, nên không có nhiều chuyện để bàn, do đó, DĐTC sẽ bàn rộng hơn nhưng ngắn gọn thành tích chung của các vị này.

Từ 1975 đến nay, đã có tổng cộng 8 đời tổng thống Mỹ.

1. TT Ford. Cộng Hòa 1974–1976

TT Ford chủ trì việc thu dọn chiến trường VN sau chiến thắng của VC. Ông bị TTDC mô tả như một tổng thống cà đụt, ‘không thể vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su’. Nhưng thực tế, ông đã chủ trì một cách hoàn hảo một trong những thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử cận đại Mỹ, phải đối phó với khủng hoảng Watergate đưa đến sự từ chức hiếm hoi của một tổng thống, xã hội Mỹ phân hóa cực độ, rồi sau đó phải chấp nhận việc lần đầu tiên Mỹ thua một trận chiến tốn bạc tỷ và hơn 58.000 thanh niên Mỹ bỏ mạng, và hàng trăm ngàn người khác thương tật.

Sau những cố gắng tuyệt vọng để cứu miền Nam VN thất bại, TT Ford dành mọi nỗ lực vào việc đón nhận và định cư dân Việt tỵ nạn. Đợt đầu, gần 150.000 người hầu hết là dân đã ra khơi khoảng ngày 30/4, được đón nhận vào bốn trại tỵ nạn tại Cali, Arkansas, Florida và Pennsylvania. Ông kêu gọi dân Mỹ giúp đỡ và cả ngàn gia đình Mỹ đã mở cửa đón mời các gia đình tỵ nạn vào sống với họ, giúp họ làm quen với cuộc sống mới.

TT Ford ban hành ngay lệnh cấm vận gắt gao nhất chống CSVN. Sau đó, không nhắc nhở gì tới chuyện VN nữa.

Năm 1976, ông ra tranh cử tổng thống nhưng thất cử, vì dân Mỹ quá mệt mỏi với chiến tranh VN cũng như quá chán ngán với xì-căng-đan Watergate, nên muốn qua trang, dứt khoát với đảng CH. Họ cũng trách TT Ford đã ân xá TT Nixon.

2. TT Carter. Dân Chủ 1977–1980

Như vừa viết, dân Mỹ quá sợ mánh mung chính trị, nên ngây thơ bầu cho một chính khách ngây thơ nhất lịch sử Mỹ, ông chủ đồn điền đậu phộng, cựu thống đốc tiểu bang Georgia, Jimmy Carter làm tổng thống.

TT Carter chủ trì thời kỳ khó khăn nhất của CSVN, trong cơn say sóng chiến thắng, đã lao đầu vào chủ nghiã CS, mau chóng đi ngay vào ngõ cụt kinh tế khi chính sách kinh tế cộng sản đưa đến việc cả nước tới bờ vực phá sản, vừa phải đối phó với hai anh em CS ‘môi hở răng lạnh’ trở thành tử thù là Căm-Pu-Chia và Trung Cộng.

Để tự cứu, VC ban hành chính sách gọi là “Đổi Mới”, từng bước chấp nhận một hình thức kinh tế thị trường nhưng ngụy biện là “với định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mặt khác, VC bắt đầu chính sách đuổi bớt dân, xua đuổi hay nhắm mắt cho họ vượt biển đi tìm tự do để bớt miệng ăn cho cả nước, nhất là

đuổi dân gốc Hoa để bớt mối lo tay sai TC nằm vùng, đồng thời cũng có dịp cướp tài sản của họ. Những năm 78-79, hàng trăm ngàn người bắt đầu dễ dàng vượt biển đi tìm tự do. Theo các thống kê chính thức, có hơn 800.000 người đã thành công vượt biển trong giai đoạn từ 1978 tới 1995, được định cư lại tại các nước khác sau một thời gian sống tạm trong các trại định cư Á Châu. Nhưng hàng vạn người cũng đã chết, bị hải tặc cướp, hãm hay giết.

Cuộc di cư thê thảm này rúng động lương tâm nhân loại và tất cả thế giới đều thấy có trách nhiệm phải giúp, đặc biệt là Mỹ. TT Carter ra lệnh cho tàu Mỹ phải cứu vớt dân vượt biển.
Mặt khác, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thương lượng với các quốc gia liên hệ và nhất là VC, cuối năm 1979 đề ra Chương Trình Ra Đi Trong Trật Tự -Orderly Departure Program, ODP- cho phép những người Việt hội đủ điều kiện nào đó, được ra khỏi VN một cách hợp pháp. Tổng cộng hơn 600.000 người Việt đã ra đi trong diện ODP, trong đó khoảng 450.000 người đã đi Mỹ.

VC chấp nhận chương trình ODP chẳng phải vì nhân đạo gì mà chỉ vì như cầu thực tiễn, phù hợp với chính sách đuổi bớt dân khi đó, cũng như để bớt mất mặt với thế giới khi hàng vạn người liều mạng ra khơi đi tìm tự do.

TT Carter trong khi đó, cũng muốn tìm xác lính Mỹ. Ngay từ đầu 1979, đã gửi một phái đoàn Mỹ qua Hà Nội điều đình việc tìm hài cốt lính Mỹ, phớt lờ việc cả trăm ngàn quân cán chính VNCH vẫn còn đang bị tù rục xương trong các trại tù cải tạo. CSVN lợi dụng cơ hội, muốn TT Carter phải nhận dân tỵ nạn càng nhiều càng tốt, nhất là những tù cải tạo, đổi lấy việc VC cho phép người Mỹ vào VN tìm hài cốt. Một trao đổi có lợi cho cả hai bên. VC đỡ được một số miệng ăn cũng như đỡ phải canh chừng đám ‘ngụy phản động khó tin tưởng’ này, Mỹ được tiếng nhân đạo, cứu giúp các cựu chiến hữu.

Dưới thời TT Carter, dân tỵ nạn VN vào Mỹ nhiều nhất vì chính sách đuổi dân của VC cũng như nhờ chương trình ODP của Liên Hiệp Quốc vừa nêu trên, chứ không phải vì TT Carter nhân đạo nhất.
Tại Mỹ, TT Carter sử dụng quyền ân xá của tổng thống, ân xá toàn diện tất cả những thanh niên Mỹ trốn lính trong thời chiến tranh VN (trong đó có anh sinh viên Bill Clinton).

TT Carter có lẽ là tổng thống tồi tệ nhất lịch sử cận đại Mỹ. Ông là người có vẻ nhân hậu và lương thiện nhất, ra tranh cử với khẩu hiệu ngây ngô “tôi sẽ không bao giờ nói láo”. Một anh cựu cận vệ viết hồi ký đã kể TT Carter là vua ‘mần tuồng’. Mỗi lần lên trực thăng đi kinh lý, có báo chí chụp hình, là ông nhất định phải tự tay xách túi hành lý nhỏ chứ không cho cận vệ xách, nhưng sự thật là cái túi đó chẳng có gì trong đó hết, chỉ cốt để trình diễn tính ‘bình dân’ của tổng thống.

Đối ngoại, ông chống mắt nhìn giáo chủ Ayatollah Khomeini lật đổ vua Iran năm 1979, khai sanh ra đám Hồi giáo quá khích sau này lộng hành khắp thế giới qua các tổ chức Taliban, Al Qaeda, ISIS,…

Ông cũng bó tay nhìn sinh viên Iran chiếm tòa đại sứ Mỹ, bắt làm con tin cả trăm nhân viên tòa đại sứ Mỹ trong hơn một năm trời.

Ông cũng bất lực nhìn khối các nước sản xuất dầu hỏa OPEC tăng gấp đôi giá dầu thế giới, đưa đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử Mỹ, với tỷ lệ lạm phát trung bình 12%, lãi suất ngân hàng 18%, thất nghiệp 8%.

TT Carter là cha đẻ ra cái gọi là ‘nợ mua nhà dưới tiêu chuẩn’ –subprime mortgage loans- trong chính sách mỵ dân bắt các ngân hàng phải cho dân da đen mượn tiền mua nhà dù không đủ tiêu chuẩn vay mượn qua cái luật gọi là Tái Đầu Tư Vào Cộng Đồng, Community Reinvestment Act – CRA. Đưa đến khủng hoảng gia cư và tài chánh lớn nhất lịch sử 30 năm sau. Khủng hoảng có thể đã xẩy ra sớm hơn nhiều nếu không có các TT Reagan và Bush Cha ngăn chặn việc thi hành CRA trong 12 năm. TT Clinton phục hồi lại chính sách này.

TT Carter cũng chết trân đứng nhìn Liên Xô tung quân chiếm Afghanistan năm 1979. TT Carter phản ứng yếu xìu qua việc tẩy chay không cho Mỹ tham dự thế vận hội Moscow 1980, rồi ra lệnh gửi ít vũ khí giúp kháng chiến quân Hồi giáo chống Liên Xô tại Afghanistan. Một lãnh tụ kháng chiến Hồi giáo được TT Carter ‘khai sinh’ ra, hậu thuẫn mạnh và đôn lên hàng lãnh tụ chính là… Osama Bin Laden.
Chỉ sau một nhiệm kỳ, dân Mỹ mời ông Carter về trồng đậu phộng tiếp trong cuộc tranh cử với ông Reagan.

3. TT Reagan. Cộng Hòa 1981–1988

Cựu thống đốc Cali, Ronald Reagan ra tranh cử, loại TT Carter để vào Tòa Bạch Ốc. Ông Reagan là một ‘hiện tượng’ hiếm có, nhưng rất tiêu biểu cho thể chế dân chủ của Mỹ. Xuất thân từ một tài từ xoàng đóng phim cao bồi rẻ tiền, ông trở thành một trong những tổng thống thành công và để lại dấu ấn quan trọng nhất lịch sử Mỹ, ngang ngửa với các TT Washington, Lincoln, Roosevelt,…

Chưa hết. Ông cũng là chính khách lột xác từ một lãnh tụ nghiệp đoàn của các tài tử thiên tả nhất Hồ Ly Vọng chuyển qua một tổng thống bảo thủ nhất của đảng CH, vì theo ông, ông đã khám phá ra xã hội chủ nghiã thật sự tai hại như thế nào.

Chính sách bảo thủ của TT Reagan đã ‘thống trị’ nước Mỹ suốt 28 năm, cho tới ngày cuối của TT Bush Con, đầu năm 2009. Dĩ nhiên trong giai đoạn này, có TT Clinton của đảng DC, nhưng ai cũng phải nhìn nhận TT Clinton là tổng thống ít cấp tiến nhất trong tất cả các tổng thống DC trong lịch sử cận đại Mỹ. TT Clinton đã từng tuyên bố “thời đại của chính phủ bao đồng đã cáo chung” (the era of Big Government is over), là tuyên ngôn tiêu biểu của khối bảo thủ CH. TT cấp tiến Clinton đã bị chi phối mạnh bởi chính sách bảo thủ của TT Reagan.

TT Reagan là người đã vực dậy một Bác Sam ốm yếu gần chết sau chiến tranh VN, sau Watergate, và sau đại họa Carter.

TT Reagan cũng là người có công lớn nhất trong việc chôn vùi chủ nghiã và chế độ CS trong cái ông gọi là ‘thùng rác của lịch sử’ – history dust bin, với cả khối Đông Âu thoát khỏi nhà tù CS và đảng CSLX bị giải tán năm 1989.

Ông tung ra kế hoạch ‘Star War’ tập trung mọi nỗ lực quốc phòng vào hệ thống hỏa tiễn nguyên tử liên lục địa. Liên Xô thấy mối nguy, phải chạy theo, mở màn cho cuộc chạy đua vũ trang vệ tinh và hỏa tiễn mới, cực kỳ tốn kém. Dân Âu Châu hoảng sợ, đùng đùng nổi lên chống, biểu tình khắp nơi chống tay cao bồi hiếu chiến Reagan gây ra mối đe dọa chiến tranh nguyên tử tại Âu châu. Chính vì cuộc chạy đua cực tốn kém này mà Liên Xô gặp khó khăn lớn. Cuối cùng phá sản kinh tế vì chương trình này nuốt hết ngân sách. Rồi cũng đẩy Liên Xô xuống vực thẳm luôn. Dĩ nhiên đây chỉ là giọt nước làm tràn ly thôi, chứ chế độ CS Nga đã ung thối từ trong ra ngoài cả chục năm rồi. Gorbachev cố cứu bằng những chính sách ‘glasnost’ (cởi mở) và ‘perestroika’ (đổi mới), nhưng chỉ giúp giết chế độ nhanh hơn thôi.

TT Reagan vừa đắc cử, chưa kịp tuyên thệ nhậm chức thì các giáo chủ Iran đã mất hồn, vội vã trả về Mỹ tất cả con tin đã bị nhốt hơn cả năm trời. Họ biết có thể ‘ăn hiếp’ TT Carter được, nhưng khó đỡ ông cao bồi Reagan khi ông đe dọa sẽ mang lính qua đánh Iran.

Trong vấn đề VN, TT Reagan duy trì tất cả các biện pháp cấm vận từ thời TT Ford, tiếp tục đón nhận dân tỵ nạn Việt, dân vượt biển cũng như cựu quân cán chính được VC cho đi hợp pháp qua chương trình ODP.

Việc làm ý nghiã nhất của TT Reagan trong vấn đề VN là ông đã chính thức tuyên bố “việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến tuyệt đối chính danh và có chính nghiã trong mục tiêu bảo vệ cho Nam VN được tự do, không bị VC thôn tính”. Ông nói cuộc chiến VN nhắm vào một lý tưởng cao cả, “a noble cause”.
Sau cả mấy chục năm bị TTDC bôi bác miệt thị, Reagan là tổng thống đầu tiên đã công khai tuyên dương sự hy sinh của lính Mỹ và cả lính VNCH, phục hồi lại danh dự và niềm hãnh diện cho các quân nhân tham chiến tại VN. Đi xa hơn nữa, phục hồi lại chính nghiã cho cuộc chiến mà hơn 58.000 thanh niên Mỹ đã bỏ mạng và nửa triệu quân nhân VNCH cũng đã hy sinh.

Thời đại của một tổng thống Carter suốt ngày đi biện giải, xin lỗi về việc Mỹ tham chiến tại VN đã cáo chung.

Việc TT Reagan đánh Liên Xô cho xụp luôn cũng có ảnh hưởng lớn tới VN. Liên Xô gặp khó khăn quá lớn, không thể tiếp cứu đàn em VC, trong khi Đặng Tiểu Bình bận cứu Trung Cộng khỏi những đại họa do Mao để lại, VC bị đe dọa diệt vong vì mồ côi, phải tự cứu, tung ra cái gọi là “đổi mới” theo gương Gorbachev. Phần nào giúp dân ta dễ thở hơn một chút, nhưng lại biến chế độ CS tàn bạo nhất thành một chế độ độc tài tham nhũng thối nát nhất.

4. TT Bush Cha. Cộng Hòa 1989–1992

Sau hai nhiệm kỳ của TT Reagan, PTT Bush tiếp tục cuộc ‘cách mạng bảo thủ’ của TT Reagan. Nhưng ai cũng thấy TT Bush không có cái ‘hào quang’ của một Reagan. Ông đắc cử chỉ nhờ vào dư âm của Reagan.

Khi tranh cử, ông đã long trọng quả quyết sẽ không tăng thuế. Nhưng vận không may, ông gặp khủng hoảng kinh tế chu kỳ, thâm thủng ngân sách quá nặng, để cứu nước Mỹ, ông tăng thuế, gây bất mãn toàn diện, nhất là trong giới kinh doanh bảo thủ, tố ông phản lại lời hứa.

Tỷ phú Ross Perot bực mình, bỏ tiền túi ra tranh cử với tư cách độc lập. Ông Perot lấy mất 20% phiếu bảo thủ, khiến ông Bush bị thua thống đốc Bill Clinton, thất cử.

TT Bush trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi lo giúp Đông Âu xây dựng lại sau khi thoát ngục tù CS, lo đánh Iraq để giải cứu Kuwait, rồi lo đối phó với kinh tế suy trầm, hầu như không làm gì hay nói gì về chuyện VN. Chỉ duy trì các biện pháp cấm vận VC và đón nhận dân ODP.

5. TT Clinton. Dân Chủ 1993–2000

Thống đốc Arkansas, Bill Clinton là một trong những tổng thống trẻ nhất lịch sử Mỹ, cũng là người có óc thực dụng. Tuy là người của đảng cấp tiến DC, nhưng đã thi hành các chính sách tương đối khá ôn hòa.
Ông chủ trương cản di dân mạnh, là tổng thống đầu tiên xây tường dọc biên giới Mễ. Tung ra luật xử rất gắt các tội phạm, mà ai cũng hiểu nạn nhân chính là giới trẻ da đen. Vừa nhậm chức, TT Clinton thành lập một ủy ban đặc nhiệm lo việc cải tổ hệ thống y tế Mỹ, trao cho đệ nhất phu nhân Hillary phụ trách. Sau hai năm làm việc, dự án bị đóng cửa tiệm. Chết trong trứng nước.

Dự án thất bại vì bà Hillary quá phách lối, làm việc với một nhóm chuyên gia bà đích thân lựa chọn và điều khiển theo ý riêng, phớt lờ các lãnh đạo cả hai đảng trong quốc hội, rốt cuộc đưa đến một dự án có vẻ hợp lý trên phương diện kỹ thuật nhưng hoàn toàn thất sách trên phương diện chính trị, không chính trị gia nào ủng hộ hết, kể cả khối dân biểu và nghị sĩ DC. TT Obama đã học bài học này rất kỹ nên ông thành công với Obamacare sau này.

TT Clinton làm đủ hai nhiệm kỳ nhưng nhiệm kỳ 2 hoàn toàn bị chi phối bởi xì-căng-đan Monica. Ông bị Hạ Viện đàn hặc, kết án hai tội, nói láo hữu thệ và cản trở công lý. Nhưng không đủ phiếu tại Thượng Viện để truất phế.

TT Clinton là tổng thống đầu tiên ‘khai thông’ quan hệ ngoại giao với VC. Chính thức nhìn nhận VC, tháo gỡ cấm vận, giúp VN gia nhập WTO –World Trade Organization- để VN được giao thương lại với cả thế giới, nhất là Mỹ. Chính thức mở liên lạc ngoại giao, bổ nhiệm đại sứ tại Hà Nội. TT Clinton được VC coi như ân nhân lớn nhất vì đã là người cứu VC ra khỏi đáy vực trong thời gian đen tối nhất của chế độ. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên chính thức thăm viếng VN. Có thể nói TT Clinton là tổng thống Mỹ thân thiện với VC nhất.

6. TT Bush Con. Cộng Hòa 2001–2008

Sau hai nhiệm kỳ Clinton, dân Mỹ bầu thống đốc Texas, con trưởng của TT Bush, làm tổng thống, trong một cuộc bầu vô tiền mà cũng khoán hậu, mất cả tháng trời đếm phiếu, tranh tụng loạn xà bần trước các tòa tiểu bang Florida, lên tới cả Tối Cao Pháp Viện. TT Bush con đắc cử, hơn PTT Al Gore đúng 732 phiếu tại Florida trong một xứ với hơn 300 triệu dân.

Ông Bush con đắc cử với một chương trình kinh bang tế thế chẳng có gì đặc biệt hay hấp dẫn khác người. Ông chủ trương một chế độ gọi là ‘bảo thủ nhân hậu’ –compassionate conservative- mà thực tế chẳng ai hiểu rõ là gì.

Ông đặt ưu tiên trên ba việc: giải quyết vấn nạn di dân, cải tổ hệ thống giáo dục, và bảo đảm tương lai lâu dài cho các quỹ trợ cấp liên bang, nhất là quỹ tiền già SSA. Cả ba kế hoạch đều không đi đến đâu, phần vì bị DC chống quá mạnh, phần vì ông bị cuốn hút vào cuộc chiến chống khủng bố sau 9/11.
Nước Mỹ dưới TT Bush con gặp hết đại nạn này đến đại họa khác. Chưa kịp nhậm chức đã đụng cái gọi là ‘khủng hoảng dot com’, khủng hoảng của ngành kỹ nghệ điện toán, khiến thị trường chứng khoán mất ngay 40%-50% trị giá.

Bẩy tháng sau khi nhậm chức, ông bị nạn 9/11 khiến cả hai nhiệm kỳ đều bị chi phối và TT Bush hoàn toàn lột xác, biến thành một tổng thống cả 8 năm vật lộn với các biện pháp chống khủng bố của Hồi giáo quá khích trong nước và hai cuộc chiến lớn tại Afghanistan và Iraq đến nay vẫn chưa chấm dứt hẳn.
Cuối trào, còn một tháng nữa đến bầu cử người thay thế, ông lại đụng khủng hoảng nhà cửa, đưa đến khủng hoảng tài chánh lớn nhất lịch sử Mỹ. Chưa kể cả ba hãng xe hơi chính của Mỹ cũng bị đe dọa phá sản luôn.

Đã vậy, trong hai nhiệm kỳ của ông, TT Bush con cũng phải đối phó với những thiên tai khổng lồ như trận bão Katrina gần như nhận chìm cả thành phố New Orleans, và cả mấy trận bão khác liên tục đánh vào Florida.

Người chống Bush thì gán tất cả mọi tội lên đầu ông, kể cả các cơn bão. Người ủng hộ thì cho TT Bush xui xẻo, số ăn mày nhất.

Với những khủng hoảng lớn và liên tục như vậy, VN đã không là ưu tiên gì cho chính quyền Bush con, tuy ông có đi viếng thăm Hà Nội.

7. TT Obama. Dân Chủ 2009–2016

TT Obama thay thế TT Bush như một phản ứng của dân Mỹ đã quá chán ngán các khủng hoảng liên tục dưới thời TT Bush con.

Có thể nói TT Obama là người dẻo mép hứa hẹn nhiều nhất, nhưng cũng là người vô tài, làm ít nhất. Thành quả duy nhất ông làm được là thông qua luật cải tổ y tế gọi là Obamacare, mà chính TT Clinton còn phải gọi là “điên rồ nhất”. TT Obama là tổng thống yếu đuối và nhu nhược nhất lịch sử Mỹ. Ông bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách đi hai xứ Hồi giáo lớn nhất, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ để xin lỗi Mỹ đã xúc phạm đạo và văn minh Hồi mà không dám nhắc một tiếng đến vụ 9/11. Rồi xin lỗi Iran về chuyện CIA yểm trợ đảo chánh ở Iran nửa thế kỷ trước mà không dám nhắc lại chuyện Iran nhục mạ Mỹ bằng cách bắt nhốt nhân viên sứ quán Mỹ hơn một năm trời. Ông cũng dự tính xin lỗi đã thả bom nguyên tử xuống Nhật, nhưng bị chống quá mạnh nên rút bỏ ý định này. Vạch lằn ranh cảnh cáo Syria để rồi kiếm cớ núp sau Putin trốn về Mỹ. Bị Pháp áp lực phải tham gia đảo chánh TT Khaddafi để bảo vệ quyền lợi của Pháp trong khi Mỹ chẳng có lý do gì can thiệp, để rồi sau đó đại sứ và nhân viên tòa đại sứ tại Libya bị giết mà không dám cho lính Mỹ qua cứu. Khoe khoang chính sách “lãnh đạo sau lưng” thiên hạ, đi gặp lãnh đạo thế giới nào cũng khom lưng vái lạy. Đi Trung Cộng, bị cho ra cửa sau của máy bay, chỉ có một viên chức trung cấp bộ ngoại giao ra đón.

Năm cuối của TT Obama là năm tranh cử 2016. Nga tìm đủ cách can thiệp, xâm nhập, tuyên truyền, phá bầu cử. TT Obama phản ứng chiếu lệ, trục xuất hơn ba chục viên chức thấp của tòa đại sứ Nga. Bà ngoại trưởng Hillary lập ra Qũy Clinton Foundation thu được hơn 2 tỷ đô tiền ‘làm chuyện phước thiện’của những tay độc tài sắt máu nhất thế giới từ Đông Âu đến Phi Châu và Nam Mỹ, cho đặt hệ thống emails tại tư gia, trao đổi tin quốc sự không qua kiểm soát của chính quyền, tự động xóa mấy chục ngàn emails, giám đốc FBI xác nhận bà phạm cả triệu tội, nhưng bộ Tư Pháp không truy tố.

Dưới TT Obama, bà ngoại trưởng Hillary ‘tưng bừng khai trương’ siêu sách lược mới, gọi là “Chuyển Trục Qua Á Châu”, để rồi chẳng bao lâu sau, ‘âm thầm đóng cửa’ tiệm. Vị độc giả nào đưa ra được bất cứ một thành quả nào của siêu sách lược đó ra, DĐTC sẽ đăng ngay để mọi người thưởng lãm.
Đối với vấn đề VN, TT Obama rình ràng đi Hà Nội đóng tuồng ăn bún chả sau khi tháo bỏ cấm vận vũ khí cho VC tha hồ mua súng đạn đàn áp đối lập. Ngoài ra chẳng làm gì đáng nói.

8. TT Trump. Cộng Hòa 2016- …

TT Trump còn đang tại chức và Diễn Đàn Trái Chiều còn đang viết về ông. Xin quý độc giả tiếp tục theo dõi.

http://diendantraichieu.blogspot.com/2019/05/bai-71-cac-tong-thong-my-va-vn-phan-iii.html#more

Lu  –  Từ Thức 

Bà Phan thị Hồng Xuân đáng là tiến sĩ, chắc là có bằng thực. Phải là tiến sĩ, nặn óc suy nghĩ nhiều, mới nghĩ ra giải pháp chống ngập hữu hiệu nhất : mỗi nhà nên có sẵn một cái lu ( có nơi gọi là cái chum, cái vại ) để chứa nước. Chống lụt, chống luôn nạn cháy rừng. Nếu có hỏa hoạn, toàn dân, già trẻ lớn bé, cõng lu nước lên rừng, chữa cháy. Có người nói chữa cháy có cách hay hơn: toàn dân đái vào đám cháy. Trong trường hợp này, phải mời người nước lạ sang giúp

Đường xá VN ngập lụt quanh năm, mỗi người chạy xe đạp hay xe gắn máy phải chở theo một cái lu lớn. Lu có thể dùng làm chiến lũy chặn đường tiến quân của địch, nếu nước lạ tấn công Đó cũng là một kế hoạch đại quy mô để giải quyết kinh tế khó khăn và nạn thất nghiệp, có vẻ cao hơn thống kê chính thức 2% đôi chút. Cung cấp cho mỗi người, phải sản xuất gần 100 triệu lu, cho mỗi gia đình: trên dưới 25 triệu Nếu không có lu, hay nếu nhà chật hẹp, chui rúc quá, mỗi nhà vài cái lon Coca cũng được. Một vài trăm cái lon xúm lại thành 1 cái lu. Thế là chuyện lụt, cháy rừng đã giải quyết xong. Thế kỷ 21 là thế kỷ của chất xám, chỉ cần mỗi tiến sĩ, giáo sư đưa ra một sáng kiến. Xứ này còn vấn đề gì nữa ? (tuthuc-paris-blog.com )

https://www.tuthuc-paris-blog.com/post/___lu