Tập San Tân Đại Việt – Số 7 – 2017 – Tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Đại Việt – Số 7 – 2017 – Tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Mục Lục

BS Mã Xái: Tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Đảng Tân Đại Việt nổ lực cùng Toàn Dân đấu tranh Dân Chủ Hoá Việt Nam

Phan Văn Song: Nếu không giữ được lời dạy chánh trị, chớ phụ lời dạy yêu nước.

Đằng Phương : Thơ

-Nén Hương Lòng

-Quyết sống

-Xuân cảm

Nhữ Đình Hùng: Thơ Vu Vơ

Trần Nguyên: Thi sĩ & Học giả Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy

Nhữ Đình Hùng: Một trường hợp «ngôn hành hợp nhất»

http://tandaiviet.org/v1/: Sự Hình Thành Đảng Tân Đại Việt

Mai Thanh Truyết : Đảng Lãnh Đạo – Nhà Nước Quản Lý – Nhân Dân Làm Chủ

Trọng Đạt: Phía Cộng Sản nói về Tổng tuyển cử thống nhất tháng 7-1956

Thanh Thủy: Vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và Bắc Hàn, Việt Nam đi về đâu 

Đào Văn Bình : Nhật Ký Biển Đông

-Ai Sẽ Lãnh Đạo Thế Giới?

-Ô. Trump  Sẽ Trụ Ở Biển Đông

Mai Thanh Truyết: Trung Cộng Khai Thác “Đá Cháy”

Graham Allison: Tập Cận Bình muốn gì?

Phan Văn Song: Bài học của cái chết của Giải Nobel Hoà Bình Liu Xiaobo – Lưu Hiểu Ba: Trung Hoa cộng sản, một quốc gia ngoài vòng pháp luật

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn

Nguyễn thị Cỏ May:

-Sau ngày 18/06 Dân Pháp: nhiều người vui, lắm kẻ buồn

– Thợ hồ và Vatican

 

Tưởng niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Đảng Tân Đại Việt nổ lực cùng Toàn Dân đấu  tranh Dân Chủ Hoá Việt Nam –  Bác sĩ Mã Xái

Giáo Sư Nguyễn Ngoc Huy, nhà chí sĩ của thời đại đã khuất bóng từ 27 năm qua, nhưng thân hữu, đồng chí, chiến hữu, môn sinh, hàng năm vẫn cùng nhau tụ họp từ khắp nơi trên thế giới để tỏ lòng tưởng nhớ môt nhà ái quốc, một chí sĩ, một lãnh tụ, một ông Thầy, một nhà thơ, một người suốt đời  đấu tranh cho sự sống còn cho dân tộc, cho một “Nước Việt Trường Tồn”, cho một Việt Nam tự do, dân chủ pháp trị, độc lập, chủ quyền, và sự vẹn toàn lãnh thổ, dưới ánh sáng của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn DTST, một luận thuyết Dân tộc,Nhân Bản, khắc tinh với chủ nghĩa Mác-Lê phi nhân, vô thần hoang tưởng mà đảng Cộng sản Việt Nam mang vào một đất nước có trên bốn ngàn năm văn hiến, gâ   y bao  cảnh tang thương, nước nhà tụt hậu như ngày nay, với tội ác tày trời  tiếp tay đảng cộng sản Tàu đem cả giang sơn gấm vóc vào vòng Hán hoá, và  đất nước lâm nguy sắp mất vào tay Trung Cộng.

Giáo sư ra đi khi giấc mộng chưa thành, nhưng hậu duệ của Người vẫn quyết tâm tiếp nối noi gương, thắp sáng ngọn đuốc Dân Tộc Sinh Tồn, phát huy  nó trong tinh thần “biến cải” trong  đấu tranh, phù hợp với tình thế mới, trong thế giới toàn cầu hoá đang thực sự chuyển biến không ngừng làm thay đổi trật tự thế giới tự do từ Âu châu đến Á Châu; các phát kiến vượt bực của công nghệ truyền thông hiện đại ( internet, facebook, livestream..) đã cung cấp thêm  công cụ hữu hiệu cho phong trào đấu tranh dân chủ.

Viễn kiến về những kịch bản  dân chủ hoá đất nước, Giáo sư  đã truyền lại hai tổ chức chánh trị cho hậu duệ là Đảng Tân Đại Việt (thành lập từ năm 1964 tại Sài Gòn) và Liên Minh Dân chủ Việt Nam (năm 1981) với mô  thức đấu tranh, được cô động trong một công thức mà các đồng chí đảng Tân Đại Việt thường gọi là phương trình Nguyễn Ngoc Huy:

Lực lượng Quốc Nội + Lực Hải Ngoại + Yểm trợ của Thế giới Tự do.

Giải thể chế độ độc tài toàn trị CSVN là sự nghiệp cách mạng cũa toàn dân mà chủ lực là Quốc Nội và Hải Ngoại là lực lượng yểm trợ với sự hổ trợ quốc tế. Đảng chủ trương đấu tranh ôn hoà, phi quân sự, bất bạo động và thúc đẩy công tác “ Diễn biến Hoà bình,” nhưng bất bạo động  không có nghĩa là bất động, là hoàn toàn không bạo lực, không đổ máu; lịch sử cận đại cho thấy có cách mạng nào mà không đổ máu; máu vẫn đổ ít nhiều trong cuộc cách mạng Hoa Lài, Mùa Xuân Ả Rập, cách mạng Đông Âu, sự sụp đổ Liên –xô…Xu hướng” biến cải” của chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn không  khuyên chúng ta  đóng băng mãi trong trạng thái bất động khi môi trường chánh trị trong nước thuận lợi cho cuộc nổi dậy của toàn dân đứng lên làm cách mạng. Ngoài “luật biến cải”, Giáo Sư đã khai triển thêm “luật Sức Mạnh” và” luật Hợp Quần”, căn cứ theo tình thế mà uyển chuyển hành động.

Tình hình chuyển biến trong nước và thế giới gần đây  có nhiều chỉ dấu thuân lợi cho công cuộc đấu tranh dân chủ.

Tranh chấp quyền lực  nội bộ đảng CSVN giữa các phe nhóm trong giai cấp lãnh đạo, giữa các nhóm lợi ích có nguy cơ phân hoá đảng trầm trọng; tình trạng kinh tế Việt Nam thì lâm nguy trên bờ phá sản, khiến Nguyễn Xuân Phúc lại tìm Mỹ cứu nguy, mở lại chánh sách đu dây giữa các đại cường đưa đến tình trạng bang giao Việt-Trung căng thẳng sau “sự kiện Phạm Tường Long” trong vụ Viêt Nam ký giao kèo thăm dò hay khai thác dầu khí ở các lô 118 (dự án Mỏ Cá Voi Xanh với ExxonMobil) và lô 136 ( dự án Cá Rồng Đỏ với Talisman). Trên khu vực Biển Đông và Hoa Đông tổng thống Trump đã tỏ ra cương quyết trong lập trường kềm chế tham vọng Bắc Kinh, trong khi Tập Cận Bình cũng đang đối phó với nội bộ các phe nhóm dưới danh nghĩa bài trừ tham nhũng, các khó khăn về kinh tế, khiến nhiều nhà phân tích thời cuộc  cho thấy chưa chắc gì Tâp Cân Bình thực hiện được Đại Hội đảng CSTQ-19 đúng thời điểm vào  mùa thu  năm nay.

Về phong trào đấu tranh dân chủ quốc nội, phải thành thật nhận rằng lực lượng chưa đủ mạnh, còn lỏng lẻo, kết nối khó khăn; điều này cũng dễ hiểu, mạng lưới công an trấn áp dày đặc của chế độ độc tài toàn trị CSVNV, thêm vào đó còn có lực lượng công an giả dạng côn đồ, những kẻ đâm thuê chém mướn, ngoài những hành động dã man chưa từng thấy (điển hình vụ cắt cổ một tín đồ PGHH tại Vĩnh Long xẩy ra ngay trong phòng công an), một nhà đấu tranh không sai khi nói đât nướcViệt Nam ngày nay là nhà tù lớn.

Nhưng rồi trong mấy năm qua thế giới bên ngoài rất đổi ngạc nhiên khi nhơn dân không còn sự sợ hải mà dám đứng lên đòi lại quyền sống, quyền con người mà họ bị đảng CSVN cướp đoạt từ lúc cưởng chiếm Miền Bắc rồi Miền Nam (30-04-1975). Bộ mặt thật của giai cấp lãnh đạo CSVN rồi cũng  lần lươt bị lột trần, tuyên truyền láo khoét của họ rồi cũng bị lật tẩy, người dân sau những thập niên bị bịt mắt che tai nay được khai mở; các tổ chứ xã hội dân sự độc lập, các bloggers dân chủ  phát triển dù khó khăn đã đóng vai trò trao đổi nhận thức trong nhiều lãnh vực với người dân. Điểm lạc quan trong công cuộc đấu tranh dân chủ là sự dấn thân của giới trẻ, đứng lên tiếp nối công việc của cha anh, đăc biệt sự xuất hiện của facebooker, các chương trình livestream sống động từ trong nước, từ hải ngoại; họ cập nhựt thời sự khắp nơi, và cập nhựt cho dân quyền, quyền con người và trách nhiệm người dân đối với quê hương trước hiểm hoạ mất nướcvà thái độ cần có đối với chánh quyền Viêt Công làm kẻ thừa sai cho Trung Cộng; các hoạt động palk-talk, hội luận đều có công tác trao đổi hửu ích với quốc nội.

Mức độ trấn áp quá mức của Việt Cộng đối với Mẹ Nấm, là một lần nữa đã đẩy người dân vào chơn tường, Việt Cộng trong cơn hoảng loạn ngày nay sẽ còn tăng cường thêm tội ác, sự câm hờn trong dân chúng tích lũy từ nhiều thập niên, chỉ chờ thời cơ là bùng nỗ. Ngay trong hàng ngũ cộng sản, ngay trong một số đảng viên cao cấp, hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hoá trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết; đa số không còn tin vào chủ nghĩa mà sự kết nối với nhau chỉ vì quyền lợi, vì sổ hưu. Quân đội cộng sản theo đảng ngày nay vì được làm kinh tế,  quan to nắm giữ những công ty béo bở trong khi lính tráng thì đói nheo; cho nên việc vận động  quân đội, công an đứng về phía nhơn dân, hoặc ở thế trung lập khi có cuộc nổi dậy là khâu quan trọng.

Vai trò hải ngoại trong vận động hành lang với quốc hội, chánh khách, nhà nước, kêu gọi sự quan tâm của các nhân quyền quốc  tế hiện tại nhứt là ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn trong vai trò yểm trợ quốc nôi. Cộng đồng hải ngoại càng ngày càng có nhiều tiếng nói quan trọng trong chánh trường, trong quốc hội, trong bộ ngoại giao các nước Tây phương nhứt là Hoa Kỳ, phần lớn họ là con em của thành phần quân cán chánh VNCH.

Môi trường chánh tri, xã hội hiện nay có khá nhiều yếu tố thuận lợi hơn trước kia cho sự Thay đổi. Trong nước hải ngoại cùng nhau bắt tay hành động, chuẩn bị cho cuộc nổi dậy thành công. Chuyến tàu cách mạng đang tiến gần, quyết không để lỡ.

Tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, vì sự Sống còn của Dân tộc, toàn Đảng Tân Đại Việt quyết tâm cùng toàn dân giữ vững ý chí giải trừ chế độ bạo quyền Việt Cộng, quyết tâm xây dựng một Việt Nam Tự do Dân chủ Pháp trị, Độc lập Chủ quyền và sự Toàn vẹn Lãnh thổ. Đảng không chủ trương hoà giải hoà hợp với cộng sản. “ Chánh nghĩa phải thành công.

 

Nếu không giữ được lời dạy chánh trị, chớ phụ lời dạy yêu nước – Phan Văn Song

1/ Nguyễn Ngọc Huy, nhà yêu nước với đảng Đại Việt :

Cũng nên nhắc lại lịch sử thế giới trước Thế chiến 2. Lúc bấy giờ, phân nửa thế giới đang bị trị bởi các đế quốc thực dân, như Anh, Pháp, Hòa lan, Tây ba Nha, Bồ đào Nha. …lại còn có những quốc gia đang bị các Liên minh Âu châu quản trị như Cameroun, Liban, Lybie…Các quốc gia như Đức, Nhựt, Ý vì thiếu đất để phát triển kinh tế, vì thiếu thuộc địa để nuôi « mẫu quốc » nên dựa trên những lý thuyết dân tộc để vận động tinh thần yêu nước của quần chúng mình để phát triển.  Đức với thuyết Quốc Xã củng cố vai trò chủng tộc Aryen « da trắng tóc vàng mắt xanh » ; Ý, với thuyết Fascisme, chia xã hội thành những «chùm, nhóm »(faisceau) để đồng hóa xã hội thành một khối ; Nhựt bổn với «thánh thuyết : Thái dương Thần nữ và Nhựt hoàng hiển thánh » đã vận động quân ngũ hóa toàn thể nhơn dân mình để bành trướng tìm «đất sống và không gian sanh tồn» và với Chủ Thuyết Đại Đông Á, mộng ước tạo một Khối Thịnh Vượng Chung Đông Nam Á để đối chọi và cạnh tranh với Đế quốc Pháp và Anh…

Riêng Trung Hoa và Việt Nam là hai quốc gia tuy bị trị nhưng có tinh thần dân tộc rất mạnh:

Trung Hoa đang bị ngoại xâm trầm trọng, các đế quốc ngoại quốc cả Âu lẫn Á đang dày xéo, chia xẻ tài nguyên, chánh quyền không có, cả nước Trung Hoa do bà Từ Hy độc ác vô tài cầm đầu, toàn đất Hoa do các lãnh chúa tham nhũng vô đạo đức bóc lột. Không ai đoái hoài đến người dân cả, và vì thế Quốc Dân Đảng ra đời do Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên sáng lập với chủ nghĩa Tam Dân. Tôn Dật Tiên cướp chánh quyền Từ Hy của Nhà Đại Thanh và thành lập Công Hòa Trung Hoa Dân quốc năm 1911.

Việt Nam, lức bấy giờ, để tìm con đường cứu quốc, giải phóng quốc gia, giành độc lập, nhìn vào Nhựt Bổn Dân tộc và Trung Hoa Cách mạng làm hai gương sáng. Từ phong trào Đông du, đến con đường tỵ nạn qua Trung Hoa, đều là do các thanh niên yêu nước thoát ly gia đình đi tìm con đường cứu quốc. Một con đường cách mạng thứ ba nữa ra đời, trễ hơn, là con đường những nhà yêu nước phần đông gốc miền Nam, du học Pháp, đem tư tưởng Cách mạng Pháp 1789 trở về Việt Nam làm Cách mạng đòi Độc lập, đấu tranh dân chủ công khai ngay tại Miền Nam thuộc địa, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Thế Truyền, … điển hình, thí dụ cụ thể là  Đảng Lập Hiến Đông Dương ( Parti Constitutionaliste Indochinois) là một chánh đảng hoạt động ở Nam Kỳ từ năm 1923 đến khoảng thập niên 1930 thì chấm dứt. Đảng này do Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông, có quốc tịch Pháp, cũng là hội trưởng Hội Trí Tri và chủ bút tờ báo La Tribune Indochinoise thành lập.

…Trong không khí ấy,

2/ Đại Việt Quốc Dân Đảng với chủ thuyết Dân Tộc Sanh Tồn:

Bảy mươi bảy năm đã qua, Đại Việt Quốc Dân Đảng và các đảng viên Đại Việt luôn luôn có mặt và đứng cạnh nhơn dân Việt Nam trong đấu tranh chống Thực dân, giành Độc lập, trong đấu tranh chống Cộng sản, giữ đất nước tự do. Từ những chiến khu Kép, Lạc Triệu, ở miền Bắc đến An Điền, An Thành, Bình Xuyên, miền Nam … vang danh thời kháng Pháp. Toàn đảng viên Đại Việt trong suốt thời gian từ Quốc gia Việt Nam đến Đệ nhị Cộng hòa dân chủ, với « chủ thuyết dân tộc sanh tồn » vẫn một lòng, đồng bộ, phục vụ đất nước.

Bắt đầu năm 1964 trở đi, Tân Đại Việt ở miền Nam, Đại Việt Cách mạng ở miền Trung, ra mặt công khai hoạt động, tham gia chánh trị dưới hình thức Đảng chánh trị, tức là Đảng quần chúng, tham gia sanh hoạt chánh trị hiến định và pháp định, tham gia chánh quyền hay đối lập hiến định. Đấy là nhờ Đại Việt có một chủ thuyết khác với những chủ thuyết chánh trị hay cách mạng khác : chủ thuyết Dân Tộc Sanh Tồn, rất cởi mở. Với cái thuyết

Biến Cải:

Ngay từ lúc đầu vào thời điểm năm 1939, Đảng trưởng Trương Tử Anh đã nói đến « thuyết biến cải ». Chấp nhận một chủ thuyết có thể biến cải. Và, lại được Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy luận rộng thành một sức mạnh ! Biến cải để theo phát triển, để phát triển và sanh tồn. Như vậy ! Chủ thuyết luôn luôn được cập nhựt phù hợp với tiến trình khoa học, với môi trường hay quy trình thay đổi xã hôi. Do đó, phải mở ;

Dân tộc sanh tồn mở với thế giới, mở với toàn cầu hóa

Mở: mở cửa, mở duy quan, mở tâm thức, mở tư tưởng, dám đặt lại vấn đề. Làm cách mạng thường trực. Nhựt nhựt tân hựu nhựt tân.

Mở tư tưởng chưa đủ, phải mở bàn tay, mở con tim. Tiếp nhận bạn mới, chấp nhập đối thoại, chấp nhận đối lập, bàn cải. Mở ngay từ thời Quốc gia Việt Nam vừa Độc lập, vừa lập chế độ Tự Do đến thời Cộng hòa đến ngày tan hàng, « Đảng Đại Việt ta có mặt tham gia cầm quyền ».

Và ngày nay chúng ta cần phải mở nữa. Mở để sanh tồn. Chúng ta phải sanh hoạt mở, phải tìm bạn mới. Con đường đấu tranh ở hải ngoại hướng về đất nước muôn mầu muôn sắc. Chúng ta không thể tìm sự đồng thuận hoàn toàn, chúng ta chỉ tìm một mẫu số chung nhỏ thôi. Việt Cộng ngày nay tạo một cơ hội rất lớn để chúng ta lật đỗ nó. Nhưng làm thế nào ? Hãy đồng thuận trong cái ý chí là lật đổ chế độ cộng sản trước đã. Và tham dự mọi đấu tranh với các cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản địa phương ở hải ngoại. Mỗi địa phương mỗi sắc thái. Và phải tham dự thật sự ! Mỗi chúng ta, mỗi người Đại Việt, phải tham dự với với tất cả Con người Đại Việt ở mỗi chúng ta. Con người Đại Việt, với Dân Tộc Sanh Tồn phải « đoàn Kết Sanh tồn » với các phần tử yêu nước khác của cộng đồng Việt Nam bảo vệ Không gian Sanh tồn Dân tộc Việt Nam, ở hải ngoại hay ở quốc nội để mãi mãi giữ cái tinh túy, cái gốc, văn hóa, chữ viết, và cái giang sơn, toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn văn hóa, toàn vẹn linh hồn Dân tộc Đại Việt !

3/ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà giáo dục với viễn kiến cán sự:

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vốn cũng đã là một Giáo sư Trường Quốc gia Hành chánh Việt Nam, nên ông biết rõ và nắm rõ phương thức đào tạo một công chức hành chánh quốc gia. Ông thường so sánh hai phương thức quản trị các cơ quan hành chánh công cộng, và quản trị các xí nghiệp tư doanh thương mại hay kỹ nghệ. Cũng như guồng máy hành chánh quốc gia, các xí nghiệp tư cũng có nhiều từng hoạt động khác nhau trong giây chuyền sản xuất và trong giây chuyền trách nhiệm.

Trường Quốc gia Hành chánh đào tạo hai cấp bực nhơn viên chuyên nghiệp, Cán sự và Đốc sự.

Ở các xí nghiệp tư cũng vậy, cấp điều hành trách nhiệm, lãnh đạo, giám đốc, với các chuyên viên có đẳng cấp Đại học, Cử nhơn, Cao học, Kỹ sư… nhưng ở cấp phần hành, văn phòng, xưởng là do các chuyên viên thừa hành kinh nghiệm với nghề nghiệp chuyên môn như … thư ký, thợ máy chuyên nghiệp …. Ở Việt Nam lúc bấy giờ, tại các xí nghiệp tư, … các ngân hàng, … các doanh thương nghiệp, các phần hành đều do các cô, các thầy thư ký, luyện tập tại chổ, sống lâu ra lão làng, thường thường do các trưởng văn phòng điều hành, giảng dạy, truyền nghề. Với những thao tác, tập tục … và quen việc ; và … bộ máy hằng ngày cứ thế mà chạy, nhưng rất thuần và chuyên, rất hữu hiệu.  Do đó, Thầy Nguyễn Ngọc Huy nhận định rằng, ở Việt Nam, có các Trường Đại học đào tạo cấp Cử nhơn, Cao học… nhưng muốn học các phần hành cấp Cán sự, hoàn toàn không có !

Vì vây, chúng ta nên phải sửa soạn ngay tương lai một Việt Nam hậu chiến, vì chắc chắn, với hậu chiến, Việt Nam sẽ đương nhiên, phải có một thị trường doanh thương nghiệp tư nhơn. Và tất nhiên, rất cần những chuyên môn phần hành ngành nghề, những phần hành dịch vụ… Các phần hành nghề nghiệp ấy sẽ là những môn khoa học thực dụng ! Phải được đào luyện ! Các sanh viên phải học và làm quen với những tập tục doanh nghiệp, với những thái độ doanh thương, với những suy nghĩ, não trạng văn hóa thương nghiệp, thế nào là nghiên cứu thị trường, là những biểu đồ, tổ chức … !

Trường Cao Đẳng Thương Mại Minh Trí là tầm nhìn, là một chương trình chuyên ngành.

Thầy Nguyễn Ngọc Huy và các anh em trong nhóm nghiên cứu tổ chức một chương trình giáo huấn đào tạo những chuyên viên thương mại kiểu các Écoles Supérieures de Commerce –  Các trường Cao đẳng Thương mại – của Pháp. Chương trình và tổ chức cũng tương đương như vậy và nhưng sẽ được thực dụng hơn để dễ áp dụng vào mô hình một thị trường chậm tiến kiểu Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người có cái viễn kiến ấy cho một Việt Nam đang cần sẽ phải xây dựng. Tầm nhìn chánh trị, tầm nhìn kinh tế phải đi đôi với một viễn kiến giáo dục.

Chương trình đào tạo của chúng tôi sẽ tạo ra những cán sự sau 2 năm ; học một cách thực dụng với những xưởng thực tập (work shops). Những quan niệm lãnh đạo (management), hành sự (exécution), tổ chức hành chánh, những sơ đồ sản xuất, nghiên cứu sản xuất-recherche opérationnelle, chúng tôi đang sử dụng, áp dụng tại hảng BGI sẽ giúp Trường. Sau hai năm, các em tốt nghiệp Cán sự và có thể đi làm ngay, bắt tay vào việc không bở ngỡ. Nếu muốn học thêm, chương trình cử nhơn gồm những chứng chỉ (units) chuyên môn hiểu biết : 5 units một năm, đủ 10 cái có cấp bằng cử nhơn.

Chương trình đầy tham vọng. Chương trình được sự ủng hộ của Thầy Nguyễn Ngọc Huy và Thầy Nguyễn Văn Ngôn.  Hai vị chẳng những cùng sáng lập, cọng tác giảng dạy với chúng tôi mà còn đở đầu cho chúng tôi đứng mủi chịu sào, trong vai trò khoa trưởng, lèo lái con thuyền Trường Cao Đẳng Thương Mãi đầu tiên tại Việt Nam. Các đồng sáng lập viên khác là các anh Bác sĩ Mã Xái, Đỗ Thành Chí, Nguyễn Hoàng Vinh và Trần Minh Xuân. Hôm nay Phan Văn Song chúng tôi, xin có đôi lời cám ơn, và vinh danh quý anh.

Với hệ thống quen biết của chúng tôi – chúng tôi đại diện hảng BGI – giữ chức vụ Tổng thư ký hai Phòng Thương mại Việt Nam và Phòng Thương mại Pháp Việt. Với hệ thống ấy, chúng tôi sẽ nhờ giúp đở, cho các sanh viên tập sự vào mùa hè (bắt buộc). Chúng tôi cũng đã nghĩ đến một khoản thù lao cho sanh viên tập sự ấy – từ 15 đến 20 000 đồng VN lúc bấy giờ. Số tiền ấy sẽ giúp sanh viên phấn khởi tập sự – và các công ty sẽ không ngần ngại sử dụng thực sự các sanh viên tập sự như những công nhơn.

Các công ty Pháp và ngoại quốc mà chúng tôi đã liên lạc đã nhận lời sẳn sàng giúp đở và sẽ nhờ trường đào tạo nhơn viên của mình thêm. Một chương trình trao đổi doanh nghiệp / Trường học đã được viết thành dự án (lần đầu tiên ở Việt Nam bấy giờ).

Trường ra đời 25 tháng 11 năm 1974 và chết với ngày 30 tháng 4-1975 cùng với đất nước.

Thay lời kết:

Kết Sanh:

« Anh sao lo chuyện ở ngoài không vậy, không lo chuyện trong nhà !»  là một câu khiển trách các anh chị em Đại Việt ta thường nghe. Trong nhà chúng ta chung nhau lo, bên ngoài chúng ta phải phụ lo cùng người ta, để tìm sự ủng hộ và đồng thuận. Các đảng viên phải lo tròn phần hành của mình, biết gánh vát với cái chuyên môn của mình. Đó là công việc của một Cán sự ! Vì vậy cần chất phẩm và đạo đức.

« Chính đảng viên làm cho Đảng lớn chớ không phải Đảng làm cho đảng viên lớn ».

Và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng đã từng nói : ” Tổ chức chỉ là phương tiện để mình tranh đấu”

« Không Gian Sanh Tồn » là cái Mở của « Dân Tộc Sanh Tồn » ; và cái Mở của « Không Gian Sanh Tồn » là « Kết Sanh». Mỗi con người có một không gian sanh tồn. Một người nam, một người nữ chung nhau kết hai cái « không gian » mình lại để thành một gia đình, « Kết sanh » ấy là vợ chồng, là gia đình. Nhiều gia đình là xã hội, nhiều xã hội là cộng đồng, thành phố, làng xã, đất nước.

Áp dụng vào trong sanh hoạt hằng ngày của chúng ta. Trong đời sống hằng ngày, nơi việc làm, nơi địa phương chúng ta cư ngụ, hội nhập với người địa phương, với láng giềng, kết sanh sanh hoạt kinh tế. Trong cộng đồng, nơi chúng ta sanh sống, hội nhập sanh hoạt với những đoàn thể bạn, kết sanh sanh hoạt xã hội. Trong đất nước nơi chúng ta cư ngụ, tham gia những hoạt động chánh trị, như những bầu cử các nghị viên, các dân biểu, đại biểu, kết sanh sanh hoạt chánh trị. Lo tròn phần hành một cán sự trước khi đi đến lãnh đạo, công việc một đốc sự.

Viễn kiến cán sự của Giáo sư Huy dạy chúng ta như vậy!

Có Yêu nước, có tham gia vào xây dựng nước, mới có trưởng thành chánh trị. Có trường thành chánh trị, mới có tầm vóc quốc gia để tham gia vào vận mệnh quốc gia. Có quốc gia tử tế, hùng cường mới tham gia góp mặt với quốc tế được!

Kính mong!

Hồi Nhơn Sơn, Ngày Quốc Khánh Pháp, 14 tháng bảy 2017

 

Thơ Đằng Phương

Nén Hương Lòng

Vận nước u trầm tự mấy thu,

Muôn dân quằn quại dưới gông tù,

Đâu đây vẳng tiếng hờn sông núi

Kêu gọi trung cang báo quốc thù.

 

Ôi! Biết bao nhiêu kẻ bạc đầu

Còn mong trả sạch nợ mày râu,

Bao nhiêu tráng sĩ hờn sôi máu

Cạn chén quan hà, thẳng vó câu.

 

Ôi! Biết bao nhiêu khách má đào

Đã đem kim chỉ đổi cung đao

Bao nhiêu nho sĩ quăng nghiên bút

Cởi áo thư sinh, khoát chiến bào.

 

Ly biệt quê hương, diệt ái tình,

Gia đình, hạnh phúc, thảy hy sinh.

Họp nhau thề nguyện vì non nước

Rửa sạch bao nhiêu nỗi bất bình.

 

Rồi đó lao mình giữa đấu tranh,

Trong vòng nguy hiểm mặc tung hoành,

Phải bao lao khổ, bao xương máu,

Nguyện vọng cao siêu mới đạt thành.

 

Nhưng từ khi sẽ niệm câu thề

Đến lúc san hà được giải nguy,

Biết bao tang tóc trong hàng ngũ:

Cách mạng muôn đi, mấy trở về?

 

Bao kẻ phơi thây giữa chiến trường

Một ngày non nước nhuộm sầu thương

Một ngày khởi nghĩa chìm trong máu,

Vùi dập âm thầm dưới núi xương.

 

Bao kẻ anh hùng đã nát thân

Ngã mình trước mũi súng thù nhân,

Rụng đầu dưới kiếm loài tham nhũng

Quyết đắp an ninh với bạo tàn.

 

Bao kẻ tan thân chốn ngục tù,

Chết mòn trong những khám âm u,

Nắm xương tàn rũ nơi hoang đảo

Hay giữa rừng sâu, núi mịt mù.

 

Bao kẻ không may lánh cõi đời

Trong khi lưu lạc chốn xa khơi,

Bên mình không một người quen thuộc,

Hồn phách bơ vơ mãi đất người.

 

Có kẻ nghìn thu được quốc dân

Phụng thờ tôn kính tựa thiên thần,

Vinh quang rạng chói lòa tên tuổi

Và khói hương luôn quyện mộ phần.

 

Có kẻ chìm trong hố lãng quên

Vì đời luôn phủ giữa màn đêm,

Nắm xương xiêu lạc nơi hoang dại

Không một ai còn nhắc đến tên.

 

Có kẻ vô tình chịu chết oan

Trong cơn đảng phái Việt tương can,

Trọn đời phấn đấu vì non nước

Để chết vì hai tiếng “Việt gian”.

 

Những kẻ từ xưa lấy máu hồng,

Lấy bao cân não đắp non sông,

Tuy theo nhiều lối, nhiều xu hướng

Nhưng vẫn cùng chung một tấm lòng.

 

Và dẫu ngày nay được phụng thờ,

Bị quên hay phải chuốc danh nhơ,

Bao giờ họ cũng là anh kiệt

Liều chết cho dân tộc hưởng nhờ.

 

Hỡi những ai kia đã lụy mình

Đã vì non nước chịu hy sinh,

Đã vì chủng tộc khai đường sống:

Đây nén hương lòng kẻ hậu sinh!

 

Quyết Sống

Những người sống

là những người tranh đấu (VICTOR HUGO)

(Tặng hai anh Thành và Nhân, những người đã dắt tay đưa tôi vào nẻo sống)

 

Những người sống là những người biết sống;

Là những người không chịu đứng khoanh tay

Phó đời mình cho cuộc thế dần xoay;

Là những người không để ngày mình trống,

Không để thân mình lạc theo luồn sóng

Trôi chập chờn như những bóng trong đêm,

Không cam tâm nhắm mắt chẳng trông tìm

Ðể mãn kiếp đóng vai tuồng thụ động.

 

Những người sống là những người biết sống:

Là những người luôn trông xét nghĩ suy

Ðể tự mình vạch lấy lối mình đi;

Là những người biết phụng thờ lý tưởng,

Biết say mê một cuộc đời cao thượng;

Là những người hiểu nghĩa vụ làm người

Và suốt đời cố gắng mãi không thôi

Ðể tiến đến những cảnh trời cao rộng.

 

Những người sống là những người dám sống:

Là những người không biết sợ gian nguy,

Không cúi đầu khuất phục trước quyền uy,

Không vì cớ khó khăn mà trở bước,

Mà nép mình nằm trong vòng bó buộc

Của một cuộc đời chật hẹp nhỏ nhen;

Là những người không chịu sống ươn hèn,

Sống thừa thải, qua ngày, không triển vọng.

 

Những người sống là những người dám sống:

Là những người luôn dũng cảm hiên ngang

Dương đầu cùng những trở lực chắn ngang;

Là những người không hề màng vất vả,

Nhắm mục đích thiêng liêng và cao cả

Tiến theo đường đã định mãi không thôi,

Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời

Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động.

 

Những người sống là những người quyết sống:

Là những người nhất định ở tiền khu,

Lãnh vai tuồng vén ngút, quét mây mù

Và phá lối mở đường cho cả nước,

Ðể tiếp tục công nghiệp người lớp trước,

Ðể bảo toàn đời sống kẻ sinh sau;

Là những người khinh khổ cực đớn đau

Dám liều mạng hy sinh cho nòi giống

 

Vì quyết sống không phải là tham sống,

Không phải là cố bám lấy cuộc đời,

Chỉ cốt cho khỏi phải chết mà thôi,

Cam chịu cả kiếp tôi đòi nô lệ;

Vì quyết sống không phải là ích kỷ,

Không phải là chỉ nghĩ đến riêng mình,

Không phải là khiếp nhược, chịu thu hình

Chịu lôi cuốn theo dòng, không trả chống.

 

Những người sống là những người biết sống,

Là những người dám sống ra hồn người,

Là những người quyết sống, bạn lòng ơi

Mà Quyết Sống có nghĩa là Tranh Ðấu!

 

Xuân Cảm

Vừa mới ngày nào nhắp chén xuân

Hàn huyên với các bạn xa gần,

Mà nay chợt thoáng nhìn ra cửa

Đã thấy mai vàng nở rợp sân.

 

Ngày nối theo ngày kíp ruổi dong,

Mau hơn gió ký lướt qua song.

Tháng năm chất nặng trên vai yếu,

Vẫn trả chưa rồi nợ núi sông.

 

Lúc bước chơn vào nẻo đấu tranh,

Trên đầu mái tóc hãy còn xanh.

Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng,

Giấc mộng ngày xưa vẫn chửa thành.

 

Việc nước ngày thêm một rối bời,

Hiền nhơn quân tử bặt tăm hơi.

Chánh trường đầy dẫy phường tham bạo

Dùng mạng dân lành mở cuộc chơi .

 

Nặng nợ dâu, tằm phải nhả tơ,

Vấn vương trong kén tự bao giờ.

Tâm hồn cằn cổi trong cô độc,

Đã hết lâu rồi mộng với thơ.

 

Giờ chỉ còn mong bạn thiếu niên

Nhiều trang anh tuấn tiến mau lên

Thay mình tranh đấu cho dân tộc

Và giữ lâu bền ngọn lửa thiêng.

Vu vơ – Nhữ Đình Hùng

Tôi còn nhớ bài thuộc lòng ngày trước,

Để ngợi ca công nghiệp của tiền nhân,

Của những người vì tổ quốc liều thân,

Vì dân tộc giữ cõi bờ đất nước

“Họ là kẻ từ nghìn muôn thuở trước,

Đã phá rừng xẻ núi lấp đồng sâu ” *

Để cháu con muôn vạn kiếp về sau,

Còn một chốn an cư và lạc nghiệp!

Và đất Việt sản sinh bao hào kiệt,

Đã hết lòng giữ nước buổi gian nan

“Đầu còn đây,xin bệ hạ chớ hàng,

Nếu chịu nhục,đầu thần xin chém trước”

Thề quyết chiến,những cụ già kết ước,

Báo hoàng ân,thơ ấu cũng tùng chinh,

Dẹp can qua cho sông núi thanh bình,

Cho dân tộc được sinh tồn mãi mãi!

 

Lịch sử Việt đã bao lần lập lại,

Là toàn dân đoàn kết chống ngoại thù,

Để hồn linh dù biệt cõi thiên thu,

Một tấc đất tổ tiên không để mất!

Và đến ngày nay,

Chúng tôi bật khóc,

Thấy tự dưng cắt đất nhượng Trung Hoa,

Một dãi non sông hoa gấm của ông cha,

Đảng cộng sản Việt Nam,

đã cắt nhượng,hiến dâng,

cho đàn anh Trung Quốc!   ….

Và quên bẵng những hào hùng giữ nước,

Một Đống Đa tan tác vạn quân Thanh!

Một Bạch Đằng phá Hán,diệt Tống binh

Và cả một Hồng Hà loang máu đỏ,

Và sông Đáy,sông Thao,sông Lô,sông Mã,

Của những ngày kháng chiến chống Tây xâm,

Và ngày nay nghe sông núi thì thầm

Đảng cộng sản đã hiện nguyên hình bán nước!

Lùi mốc biên cương,

Để ải Nam Quan tách rời tổ quốc,

Để đau lòng Nguyễn Trãi biệt từ cha,

Và đau lòng dân Việt chúng ta

Đầy oán hận đảng cộng kia mãi quốc.

Muôn kháng chiến đã hi sinh ngày trước,

Để dựng xây nền độc lập dài lâu!

Nào có ngờ,ai có ngờ đâu,

Đảng lại cam tâm cắt nhường lãnh thổ

Huyền thoại kháng chiến vì dân,

giờ đây đỗ vỡ

Đảng đâu còn chính nghiã trị vì dân,

Và giờ đây là lúc chúng ta cần,

Lật đổ đảng cộng gian,

Để dựng xây niềm tin mới,

Để từ đó muôn tiếng lòng đồng khởi,

Xây tự do lấy lại cõi bờ xưa,

Trong công nghiệp giữ cõi bờ dựng nước,

Để mai sau,

chúng ta trở thành

“những người muôn thuở trước,

đã phá rừng,xẻ núi lấp đồng sâu”*

*Trích thơ “chiến sĩ vô danh” của  Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy

 

Thi sĩ & Học giả Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy – Trần Nguyên

Biên Hòa xứ bưởi thường được ca ngợi là vùng “đất lành chim đậu”. Đặc biệt về mặt phong thủy, Biên Hòa có rất nhiều địa danh tứ linh bao hàm Long Lân Quy Phung. Điển hình như núi Bửu Long , đình Tân Lân, cù lao Rùa, bàu Phụng … Dưới có giòng sông Đồng Nai ngọt ngào trên có núi Bửu Long linh thiêng nên đời đời đã tạo ra biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt cho dân tộc Việt. Cũng như hun đúc ra khá nhiều nhà thơ nổi tiếng đóng góp trên diễn đàn văn chương. Nhưng khách quan mà nói, Đằng Phương (1924 -1990) là thi sĩ đầu tiên của xứ Bưởi đi vào văn học sử với những bài thơ ái quốc nổi tiếng được giảng dạy trong học đường như bài thơ “Anh hùng vô danh”:

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước

và nhiều bài thơ quen thuộc ái quốc hùng tráng tương tự như: Ngày tang Yên Bái, Ngọn đuốc Việt Nam, Quyết sống, Lời sông núi, Anh hùng đất Việt, Lẽ sống, Thanh niên Việt Nam, Việt Nam thống nhất, Nước Việt trường tồn … Toàn bộ cuộc đời của nhà thơ Đằng Phương khá ly kỳ. Năm 17 tuổi đã bắt đầu sáng tác được những bài thơ nổi tiếng nêu trên. Đến lứa tuổi đôi mươi xuất bản tập thơ ái quốc đầu tiên mang tên Hồn Việt (nxb Đuốc Việt 1950). Vì lúc đó dưới thời thực dân Pháp nên phải giấu danh tánh thực của tác giả. Sau đó đặc biệt cả hai miền Nam Bắc đều giảng dạy những dòng thơ ái quốc đó trong học đường, mà ai cũng tưởng là tác giả vô danh. Mãi đến lúc tròn 60 tuổi, tác giả cho tái bản tập thơ Hồn Việt (nxb Thanh Phương Paris 1984). Không ai ngờ nổi, thi sĩ Đằng Phương lại là một học giả nổi tiếng của miền Nam về hoạt động văn hóa, giáo dục, báo chí và chính trị. Ông là dân Biên Hòa, quê ở Tân Uyên. Đó chính là Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy . Một niềm hảnh diện lớn lao của Biên Hòa xứ Bưởi chúng ta.

I . Tiểu Sử Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Sanh vào ngày 2 tháng 11 năm 1924, quê tại Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

Văn bằng:

§ 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”

§ 1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris.

§ 1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.

§ Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị Đại Học Paris.

§ Tự học thi đậu bằng Tú Tàị.

§ Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương (xem phim tài liệu về Thân Thế & Sự Nghiệp Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương thực hiện năm 2007).

Chức vụ:

Trong Ngành Giảng Huấn:

§ Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Hoa Kỳ).

§ 1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ, Trường Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa tại Huế. Ngoài ra còn giảng dạy tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí… và ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.

§ 1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ.

Trong Chánh Quyền:

§ 1973 và 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn tham dự thương thuyết Hòa Đàm Paris.

§ 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.

§ 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.

Hoạt Động Chánh Trị:

§ Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Dọ

§ Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.

§ 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (gồm 6 đảng).

§ 1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.

§ 1964-1990: Thành lập đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990.

§ 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và tham dự Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương năm 1948.

Tưởng Lục:

§ WHO’S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.

§ Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm.

Chuyên Môn:

§ Luật Hiến Pháp, Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.

§ Thông thạo ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Hán văn.

Tác phẩm :

§ Tiếng Việt:

1.        HỒN VIỆT, thơ, Sài Gòn, 1950, tái bản ở Paris năm 1984.

2.         QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A), Việt Publisher, Canada, 1990.

3.         DÂN TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được bổ túc, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ, (2 quyển), Sài Gòn, 1964.

4.         DÂN TỘC HAY GIAI CẤP ?

5.         BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).

6.         CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.

7.         HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.

8.         LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.

9.         ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.

10.       Tên Họ Người Việt Nam . Mekong-Tỵnạn, California, USA – Cùng viết với Gs Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):

11.       Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.

12.       HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, USA, 1992.

§ Tiếng Pháp:

13. POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L’EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.

§ Tiếng Anh:

14. THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987 – cùng viết với Gs Tạ Văn Tài và Gs Trần Văn Liêm –

15. A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.

16. PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990. Cùng viết với Gs Stephen B. Young (2 cuốn 16 và 17 trong danh sách này)

17. UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.

18. THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.

Bài Đăng Báo:

§ Tiếng Việt:

– 1947-1990: Bài nhận định Tình Hình Thế Giới Trong Tháng Vừa Qua cùng nhiều bài báo về văn hóa & chánh trị Việt Nam trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở trong và ngoài nước, như TỰ DO DÂN BẢN, ĐƯỜNG MỚI, MEKONG-TỴNẠN, SAIGON, THẰNG MÕ, HỒN VIÊT, HƯỚNG VIỆT, DIỄN ĐÀN VIỆT NAM, CẤP TIẾN, DÂN QUYỀN, LỬA THIÊNG, QUỐC PHÒNG, ĐUỐC VIỆT, THANH NIÊN …

§ Tiếng Pháp:

•           LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE, trong ĐƯỜNG MỚI, Pháp Quốc, số 4, 1985.

•           LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của Ông Deloustal và về niên biểu ấn hành của bộ luật này, trong BULLETIN DE L’ÉCOLE FRANCAISE D’EXTRÊME ORIENT, Quyển LXVII, Pháp Quốc, 1980.

§ Tiếng Anh:

•          Cùng viết với Gs Tạ Văn Tài: THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS, trong THE LAW OF SOUTH-EAST ASIA, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS, do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co, 1986.

•           LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 6, Hè-Thu 1985.

•           THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE CODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS, trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.

•           ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTÝS PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân 1983.

•           THE PENAL CODE OF VIETNAM’S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỹ niệm ngày Ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weisbaden, 1981.

Thuyết Trình:

•           VAI TRÒ HỒ CHÍ MINH TRONG DIỄN TIẾN CỦA TÌNH TRẠNG NHƠN QUYỀN TẠI VIỆT NAM, HỘI THẢO VỀ ĐỀ TÀI “CON NGƯỜI VÀ DI SẢN CỦA HỒ CHÍ MINH” tại Điện Luxembourg (Trụ sở Thượng Nghị Viện Pháp), trong 2 ngày 25 và 26-5-1990.

•           CHÁNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM tại Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 11-4-1988.

•           KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ TẠI VIỆT NAM , Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 12-4-1988.

•           CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH Á CHÂU tại Đại Học Monash, Melbourne, Úc Đại Lợi, ngày 17-9-1987.

•           LIÊN MINH LIÊN SÔ – CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH CỦA ĐÔNG NAM Á CHÂU, Hội Thảo Bàn Tròn do Hội Đồng An Ninh Quốc Tế tổ chức ở Bangkok từ ngày 6 đến 8-7-1986.

•           TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM: 1973-1975, Hội Thảo do Đại Học Glassboro tổ chức trong ngày 7 và 8-4-1986.

•           VIỆT NAM DƯỚI ÁCH CỘNG SẢN, Hội Thảo tại Đại Học Harvard, ngày 23-11-1981, sau được Đại Học George Mason đăng trong bài nghiên cứu về VN.

•           THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ DO CÁC NƯỚC ẤY GÂY RA, Đại Học Minnesota, 3-10-1981.

•           NGUYÊN NHƠN VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ NĂM 1975, tại Đại Học Washington ở Seattle, 1980.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời vào ngày 28-7-1990 tại Paris hưởng thọ 66 tuổi, mang lại tiếc thương vô vàng cho mọi người mến mộ. Không những cho riêng người Việt, mà ngay cho cả người ngoại quốc. Có lẻ lần đầu tiên một người Việt Nam qua đời , được chính Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm – ông George Bush – chia buồn và lên tiếng ca ngợi là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau (xem : Nhà Chí Sĩ Thời Đại : Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương xuất bản năm 2003 / trang 11).

II . Một hiện tượng hiếm có

Kể từ đó cứ đến độ giửa hè vào dịp cuối tháng bảy , ở quốc nội và tại hải ngoại, âm thầm hoặc công khai đều có Lễ Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Như vậy tính đến nay đã gần 20 năm rồi. Một thời gian quá dài để thử thách mức độ thực lòng thương nhớ của quần chúng đến một nhà lãnh đạo đã nằm xuống. Sự ra đi vĩnh viễn của Giáo Sư Huy vào ngày 28 tháng 7 năm 1990 xảy ra đúng vào lúc thế lực cộng sản đang trên đà gục ngã tại Đông Âu. Bây giờ gần 2 thập niên sau nhìn lại toàn bộ thấy tiếc nuốt đã mất một cơ hội hiếm có trong đời để xoay chuyển dân chủ hóa được cho VN. Rỏ ràng lúc đó không có yếu tố cấp lãnh đạo uy tín và sáng suốt với tầm vóc cở Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nên không ai đưa ra được kế hoạch hữu hiệu nào cả và để rồi tình thế thuận lợi vuột mất đi.

III . Công trình sáng tác

Nhìn lại, Giáo Sư Huy để lại một công trình sáng tác đồ sộ gồm hàng chục tác phẩm lẩy lừng trải dài trên nhiều lãnh vực khác nhau. Điểm rất lạ là suốt đời Giáo Sư Huy hoạt động tranh đấu, lãnh đạo đoàn thể, đấu trí chống chỏi các thế lực độc tài, rồi lại bị bịnh ung thư kéo dài gần 10 năm, vậy mà vẫn có thể viết ra được quá nhiều những tác phẩm độc đáo.

Vào ngày 4.8.1990 tại Austerlitz (Hoà Lan), Bác Sĩ Trần Ngọc Quang (Pháp) đã ca ngợi kiến thức uyên bác hầu như lãnh vực nào giáo sư Huy cũng thông suốt. Mà quả thực vậy, nhìn lại toàn bộ các tác phẩm của ông đã cho thấy rỏ điều đó. Chỉ nội trong quyển ‘‘Quốc Triều Hình Luật’’ dầy 263 trang được dẩn chứng 478 lần rút từ trên 100 quyển sách. Còn quyển Perstroika (Anh, Pháp) dầy 497 trang với 639 dẫn chứng của trên 200 tác phẩm ngoại quốc.

Có lẽ nhờ kiến thức uyên bác , trí nhớ hiếm có , lối làm việc đam mê khác thường bất kể không gian và thời gian và nghị lực phi thường , Giáo Sư Huy viết được nhiều tác phẩm bất hủ như vậy . Ông còn rất nhiều dự định sáng tác, và khi ra đi ông còn để lại nhiều di cảo . Trong những năm cuối cùng ông thường tâm sự, nếu có thì giờ rảnh rổi thì cứ mỗi tháng có thể viết xong một tác phẩm . Mặc dù trách nhiệm đè nặng trên đôi vai gầy, ông đã cố gắng viết được các tác phẩm giá trị như liệt kê trong phần tiểu sử phía trên . Trong đó có 6 tác phẩm được coi là đắc ý nhứt:

Thơ Hồn Việt

Đây là tác phẩm đầu tay được Giáo sư Huy qua thi hiệu Đằng Phương trân quý và hảnh diện nhứt . Bao gồm những bài thơ đầy lòng ái quốc, thể hiện rỏ lý tưởng của giáo sư Huy từ lúc thiếu thời dấn thân vào con đường tranh đấu đến khi lìa đời . Những bài thơ “Anh Hùng Vô Danh”, “Ngày tang Yên Bái” …. đã được chọn giảng dạy tại học đường và đã trở thành những vần thơ lịch sử nổi tiếng của Dân Tộc Việt .

Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học

Qua kinh nghiệm đau thương, tổ chức bị phân tán khi lãnh tụ Trương Tử Anh bị thất tung, Giáo Sư Huy đã dụng tâm, suy nghĩ, điều chỉnh chủ thuyết lại để thâu nhận các nguyên tắc tự do và dân chủ hợp hiến, phù hợp với tiến trình nhân loại . Ông đã dứt khoát bác bỏ đường lối lãnh tụ chế, vì nhận thấy sẽ đưa đên thảm họa độc tài.

Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời

Là luận án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhứt trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Đại Học Paris .

Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

Thoạt nhìn thì đây là quyển sách chỉ nhằm giải trí. Nhưng thực sự Giáo Sư đã dụng tâm lớn lao khi viết tác phẩm này. Ai cũng biết, nhờ hành văn kể chuyện đầy hấp dẫn và bố cục kết cấu tinh vi, truyện kiếm hiệp của Kim Dung đã lôi cuốn cả hàng tỷ đôc giả trên thế giới . Ngay tại Việt Nam hầu như đa số đã có thời say mê kiếm hiệp Kim Dung. Vì vậy lợi dụng qua đề tài hấp dẫn này Giáo Sư Huy muốn trình bày, giải thích lợi hại của đường lối chính trị (nhứt là tai hại của chủ trương độc tài) và từ đó đưa ra thông điệp chính trị với đề nghị cụ thể nhằm đạt được mục tiêu mang lại yên vui hạnh phúc cho người dân. Tác phẩm này được ghi nhận bán chạy nhứt với xuất bản lần thứ tư tại Hoa Kỳ, Pháp và Úc .Quốc Triều Hình Luật

Đây là bộ sách bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Qua thời gian dài nghiên cứu, Giáo Sư Huy khám phá ra ai là tác giả thực sự của Bộ Luật Hồng Đức và từ triều đại nào phát sinh tinh thần giáo điều, mà đã làm một dân tộc Việt Nam thông minh, can đảm, quật cường nay phải chịu thảm cảnh đất nước tan nát nghèo đói. Trong di bút cuối cùng được đọc tại Hòa Lan vào ngày 4 tháng 8 năm 1990, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ước mong khi đất nước được thanh bình thì lập tức lui về quê nhà viết sách phân tích rỏ ràng tại sao một dân tộc có lịch sử oai hùng mà lần lần lụn bại đến nổi nay trở nên một trong vài quốc gia nghèo nhất thế giới.

Perestroika

Sự kiện lãnh tụ Liên Xô Gorbachev thay đổi chính sách làm đão lộn tình hình thế giới. Điều này đã dẫn tới cuộc cách mạng tại các xứ cộng sản Đông Âu và chắc chắn sẽ làm chủ nghiã cộng sản độc tài tan biến trong tương lai để Việt Nam sẽ thoát khỏi gông cùm cộng sản. Giáo Sư Huy đã phân tích tiên đoán rỏ ràng trước trong tác phẩm này. Theo lời Gs Cao Thế Dung, đây là một tác phẩm rất quan trọng của Giáo Sư Huy qua 2 thứ tiếng (Anh, Pháp) để góp vào diễn đàn tư tưởng chánh trị quốc tế.

Một giai thoại hi hữu là bản thảo “Tên Họ Người Việt Nam” bị thất lạc lúc Giáo Sư Huy qua đời và ai cũng tưởng rằng bị mất luôn tài liệu quý giá này. Chúng tôi tiếc lắm, vì biết rỏ Giáo Sư Huy đã bỏ rất nhiều thì giờ nghiên cứu biên khảo ta’c phẩm này. Có lần Giáo Sư nhờ chúng tôi tìm kiếm một số danh tánh của các nhân vật nổi tiếng có ý nghĩa giải thích được nguồn gốc tên họ xuâ’t phát ở Âu Châu. Chúng tôi đã sưu tầm và dịch ra gửi đến cho Giáo Sư xử dụng. Bất ngờ gần 10 năm sau, có lẻ nhờ sự hiển linh của hương hồn Gs Huy, nên Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần (Paris) tình cờ có được bản thảo và giao lại nhà xuất bản Mekong-Tỵ Nạn in phổ biến. Chúng tôi nhận được sách tặng và rất cảm động đọc thấy lại kỷ niệm năm xưa qua những dẩn chứng với tên họ của các nhân vật nổi tiếng như Tổng Thống Freiherr von Weizsaecker , Nữ vô địch quần vợt Steffi Graf , Bộ Trưởng Nội Vụ Zimmerman , Nam vô địch bơi lội Michael Gross …

IV . Con Người Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy

Tình Yêu Tổ Quốc

Lớn lên với tâm tình nồng nhiệt cho quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu tự do cho đất nước . Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy hiến dâng trọn vẹn cho Dân Tộc Việt Nam . Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gởi gắm vào tâm tình nồng nàn ấy . Vì tình yêu tổ quốc, con người tài hoa lổi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách . Ông đã đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để bênh vực chính nghĩa người Việt Tự Do.

Tình Yêu Gia Đình

Trong buổi lễ ra mắt tập thơ Hồn Việt tại California (Hoa Kỳ) có thính giả hỏi về bài thơ tặng bạn Ngọc Điệp phải chăng dành cho bạn gái. Giáo Sư Huy đã cho biết đó chỉ là người bạn cùng tranh đấu. Với giọng thổn thức đẩm lệ ông còn cho biết trong đời ông chỉ có một tình yêu cho người đàn bà duy như’t. Đó là người vợ (nhủ danh Dương Thị Thu) đã qua đời vào năm 1974 (tai nạn tại bải biển Vũng Tàu) và một tình yêu nữa là cho Tổ Quốc Việt Nam mà thôi. Khi bà Huy qua đời, mặc dù lúc đó còn ở tuổi trung niên đầy danh vọng và tài hoa, Giáo Sư Huy ở vậy nuôi con tôn thờ hình ảnh người vợ hiền cho đến chết. Thật là trường hợp hạn hữu. Đặc biệt hơn nữa, ông để lại ước nguyện được hoả táng để sau này tro tàn mang về Việt Nam thổ táng trộn cùng xương cốt của ngươì vợ hiền năm xưa.

Tình Nghĩa Thâm Sâu

Một điểm nổi bật nhứt của Giáo Sư Huy là được mọi cộng sự viên kính nể và thương yêu thật sự . Thực là hiện tượng hiếm có trong thời đại đầy nhiểu nhương và đổ vỡ này. Tiền bạc, danh vọng, ông chả còn gì trong tay để lôi cuốn dẫn dụ người khác cả. Nhưng rất nhiều người đã hết lòng hết dạ hy sinh thời giờ, tiền bạc và hạnh phúc gia đình để đi theo ông. Có nhiều chủ quan khác nhau, nhưng chắc chắn một điều là họ đặt niềm tin thực sự vào con người Nguyễn Ngọc Huy. Một con người chân thành không hề chủ trương bá đạo, đạt tình yêu Tổ Quốc lên trên hết và luôn luôn có tình nghĩa thâm sâu với các cộng sự viên đồng hành.

Tấm Lòng Quảng Đại và Tận Tụy

Hoạt động tích cực trong lảnh vực chính trị vơ’i nhiều tranh châ’p va chạm, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng luôn luôn giử được nét mặt hòa nhả với nụ cười vui vẻ từ tấm lòng chân thành mà ra. Từ năm 1982 bị mắc bịnh ung thư, tuy vậy ông cố gắng kiềm chế không để tâm tình nóng nảy bộc lộ. Cuối cùng, biết sức mình sắp tàn, Giáo Sư Huy đã ráo riết làm việc không ngừng , chạy đua với tử thần để cố ráng làm tròn trách niệm trước tổ quốc. Di sản tư tưởng của ông để lại bàng bạc trong các tác phẩm. Giáo Sư Huy là người chủ trương tự do dân chủ thực sự, quyết liệt chống đường lối lãnh tụ chế, độc tài (dù là loại độc tài yêu nước mà các xứ chậm tiến thường ca ngợi). Ông đã đưa ra bài học Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng được độc lập . Bắc Mỹ chọn con đường tự do dân chủ thực sự nên đã thành cường quốc, dân chúng sống hạnh phúc ấm no. Trong khi đó Nam Mỹ chủ trương độc tài yêu nước, rốt cuộc đến nay vẫn còn xảy ra đảo chánh hổn loạn chính trị, dân chúng sống trong áp bức bất công.

Ngoài ra ông âu lo nhiều về tinh thần giáo điều đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc Việt Nam, đưa đến nạn chia rẻ, kỳ thị (tôn giáo, địa phương, chủng tộc…) làm đất nước càng ngày càng suy vong.

Tuy vậy Giáo Sư Huy đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai, vì nọc độc đó đã phát hiện được thì sẽ tuyệt trừ được. Ông đã từng tâm sự tin chắc đất nước Việt Nam mai này sẽ được tự do dân chủ và thế hệ tương lai sẽ tài giỏi hơn, xây dựng được một đất nước ấm no hơn thế hệ của ông.

Có lẽ đó chính là biểu tượng rỏ ràng cho tinh thần Nguyễn Ngọc Huy, lúc nào cũng đầy quyết tâm và lạc quan hướng về tương lai dân tộc. Dù khen hay chê, phải khách quan nhìn nhận trong cùng hoàn cảnh thời đại này chưa ai dám chắc làm được nhiều việc tốt đẹp hơn ông. Một người Biên Hòa xứ Bưởi đã dám sống tận tụy một tay chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho đến nổi kiệt sức trút hơi thở cuối cùng. Thật khó tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc như vậy trong cỏi đời đầy nhiểu nhương này.

 

Vui cười

Một bà vợ già sốt ruột hỏi chồng:

– Ông có nhớ hôm nay là kỷ niệm lần thứ 40 năm ngày chúng mình cưới nhau không?

Nghe nhắc, ông chồng bỏ đi một nước vào phòng ngũ khiến bà vợ ngạc nhiên, bước theo sau. Vào tới phòng, thấy ông chồng già đang ngồi khóc lặng lẽ trên giường, bà vợ ngạc nhiên hỏi:

– Hôm nay là l kỷ niệm lần thứ 40 năm ngày chúng mình cưới nhau, sao ông không dẫn tôi đi ăn như mọi năm mà lại khóc?

Nghe vợ hỏi ông chồng khóc càng lớn tiếng hơn:

– Hụ..hụ.. ngày xưa ba của bà làm Chánh Án, ổng hăm, nếu không cưới bà, ổng sẽ bỏ tù tôi 40 năm. Bây giờ nghĩ lại, thấy tôi ngu quá!

Phải chi lúc trước tôi chịu đi tù thì giờ nầy tôi được mẵn hạn tù, được trả tự do rồi, hu … hu …!!!

 

Trong vườn điạ đàng.  Adam và Eve đi dạo. Eve nũng nịu hỏi:

– Adam, anh yêu em thật chứ?

– Sao không? Vì không yêu em thì còn ai khác để yêu

 

Một trường hợp «ngôn hành hợp nhất» –  Nhữ Đình Hùng

Một môn-sinh ca ngợi vị giáo-sư của mình; một đảng viên ca-ngợi vị thủ lãnh tổ-chức chánh-trị của mình, một đoàn-viên ca ngợi vị lãnh-đạo đoàn-thể của mình, tất cả những công việc đó đều rất bình thường.  Đó chỉ là tiếng nói của con tim, của sự mến yêu và tôn-kính! Và khi tình-cảm lên tiếng,  sự chủ-quan là đều không thể tránh khỏi.  Làm thế nào để có được sự khách quan trong việc phê-phán, phân-tách sự nghiệp của một người mình yêu thương quý mến? Nếu không phải là chỉ phê-phán và phân-tích về những điều đã được phát biểu và đã được thực-hiện? Ở đây,  để nhận xét về sự nghiệp của cố Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm những điều ông đã nói và những việc ông đã làm, với một ước mong duy nhất rằng những nhận xét đó không chỉ là tiếng nói của tình cảm mến yêu và tôn-kính mà còn là tiếng nói của trí phán-đoán chân-thực.  

Đôi dòng  tiểu-sử  Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy.

Theo những tài-liệu đã thu-thập, người ta được biết ông chào đời ngày 02/11/1924 tại bện-viện Chợ Rẫy. Vốn người gốc Biên-Hoà nên thuở nhỏ ông đã theo học bậc tiểu-học ở trường xã Mỹ-Lộc rồi sau đó trường quận Tân-Uyên và học bực trung-học ở trường Pétrus Ký.  Ông bắt đầu làm việc năm 1943 khi mới 19 tuổi, làm thơ ký hành-chánh tại Toà Hành-Chánh tỉnh Cần Thơ.  Ông cũng đã tham-gia hoạt động chánh-trị rất sớm, năm 1945 ông đã tham-gia vào Đại-Việt Quốc-Dân-Đảng để tranh-đấu cho độc-lập của đất nước Việt-Nam.  Ông cũng đã tham-gia vào phong-trào kháng-chiến và nhờ đó biết rõ mặt thật của cộng-sản việt-nam, đã bỏ về thành. Năm 1946, ông về Sài-Gòn làm việc trong thư-viện quốc-gia và ngủ lại sở ban đêm. Trong thời-kỳ ông viết nhiều tài-liệu chánh-trị cho đoàn-thể và cho hai tổ-chức ngoại-vi là báo Thanh-Niên và báo Đuốc-Việt. Nhiều bài thơ đã được sáng-tác trong thời-gian này ký bút hiệu Việt Tâm và chỉ sau khi được sưu-tập lại trong tập thơ Hồn-Việt xuất bản năm 1950 ông mới lấy bút hiệu Đằng Phương.

Năm 1949, ông bỏ tất cả mọi công việc để chỉ hoạt-động cho đoàn-thể, làm huấn-luyện-viên chánh-trị cho trường Cán-Bộ Thanh-Niên Nha-Trang, sau năm 1951 được đảng đưa ra Bắc Việt hoạt động cho Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn. Khi tổ-chức Thanh-Niên Bảo-Quốc-Đoàn bị chánh-phủ Nguyễn Văn Tâm giải-tán, ông trở về Sài-Gòn và dạy quốc-văn ở tư-thục Lê Bá Cang. Trong thời kỳ này, ông tự học để lấy bằng Tú-Tài. Năm 1953, Đại-Việt Quốc-Dân-Đảng hợp-tác cùng với ông Ngô Đình Nhu, với một số nhân-sĩ và các đoàn-thể quốc-gia khác để thành-lập phong-trào đoàn-kết hoà-bình, đòi hỏi Pháp phải trả thực quyền cho Việt-Nam và quốc-trưởng Bảo-Đại phải dân-chủ-hoá xứ sở. Khi ông Diệm được về nước cầm quyền, ông Nhu đã không giữ đúng lời cam-kết là thành-lập một chánh-phủ liên-hiệp các đoàn-thể quốc-gia và dân-chủ-hoá chế-độ, ngược lại, đã thiết lập một thể-chế độc-tài và đàn áp tiêu-diệt các đảng-phái quốc-gia. Ông Nguyễn Tôn Hoàn phải rời Việt Nam đi Pháp năm 1955,  ông Nguyễn Ngọc Huy được đoàn-thể chỉ định đi Pháp phụ giúp cho ông Nguyễng Tôn Hoàn. Vừa làm việc, vừa đi học, vậy mà ông đã lần lượt tốt nghiệp Viện Nghiên-Cứu Chánh-Trị Paris năm 1958, cử-nhân luật năm 59, Cao-học chánh-trị năm 60 và Tiến-Sĩ Chánh-Trị năm 1963. Cùng lúc đó, chánh quyền của ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ông Nguyễn Ngọc Huy đã trở về nước vào tháng 11 năm 1963. Ngày 30/01/64, ông làm Đổng-Lý Văn Phòng cho ông Nguyễn Tôn Hoàn, Phó Thủ Tướng đặc trách bình-định. Khi tướng Nguyễn Khánh chỉnh-lý tướng Dương Văn Minh,  ông Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Tôn Hoàn bị buộc phải rời khỏi Việt Nam. Giáo-Sư Huy đã phải lưu-vong ở Hồng-Kông và Nhật-Bản trong hai tháng 9 và tháng 10/64. Khi tướng Khánh phải lưu-vong, Giáo-Sư Huy trở lại Việt-Nam để cùng với các anh em hoạt-động.

Do những bất-đồng quan-điểm trong nội-bộ Đại-Việt, Giáo-Sư Huy đã cùng với xứ-bộ miền Nam thành-lập Tân Đại-Việt. Kết-hợp với các nhân-sĩ và các chánh-đảng, giáo-sư Huy đã cho thành-lập Phong-Trào Quốc-Gia Cấp-Tiến mà lập-trường của Phong-trào là ủng-hộ chánh-phủ quốc-gia trong mọi nỗ-lực chống cộng, không tham-chánh, đòi hỏi chánh-phủ phải thực-thi dân-chủ và bài trừ nạn tham nhũng, bè phái…Từ năm 1965, ông làm Giáo-Sư cho Học-viện Quốc-Gia Hành-Chánh dạy về Chánh-Trị Học và Luật Hiến-Pháp. Ông còn là giảng-viên cho nhiều viện đại-học khác như Đại-Học ĐLạt, Huế, Cần-Thơ, Vạn-Hạnh, Minh-Đức và Đại-Học Sư-Phạm Sài-Gòn. Ông cũng được mời làm giảng-viên chánh-trị cho các trường quân-sự như trường Cao-Đẳng Quốc-Phòng, trường Tham-Mưu Cao-Cấp, trường Đại-Học Chiến-Tranh Chánh-Trị; Ông làm Khoa-Trưởng trường Đại-Học Luật-Khoa và Khoa-Học Xã-Hội Cần-Thơ vào năm 1967, tham-dự phái-đoàn hoà đàm Paris 1968 và 1973. Sau khi VNCH mất, từ năm 1975 ông làm chuyên-gia khảo-cứu cho viện đại-học Harvard, tham dự việc dịch bộ luật Hồng Đức ra anh-ngữ và lo việc chú-thích bộ luật này. Trong khi đó, ông vẫn tiếp tục việc tranh-đấu chống cộng, liên-kết với các nhân-sĩ, cựu đồng-chí, môn-đệ và những người yêu nước để thành-lập Liên-Minh Dân-Chủ Việt-Nam từ năm 1981 và liên-tục hoạt-động cho đến khi từ trần vào ngày thứ bảy 28/7/90 vào lúc 9giờ 30 tối tại nhà một đồng-chí ở Paris, trong lúc ông đang chuẩn-bị tham-dự Đại-Hội LMDCVN thế-giới kỳ I.

Cuộc đời tranh-đấu của chí-sĩ Nguyễn Ngọc Huy : Một trường-hợp ngôn hành hiệp nhất.

Như đã trình-bày trong phần tiểu-sử,  ông Nguyễn Ngọc Huy đã tham-gia sinh-hoạt chánh-trị rất sớm khi vừa mới 21 tuổi.  Ở lứa tuổi mà những chàng trai khác còn đang mơ màng những chuyện bướm hoa kiểu :

« Hễ thấy gió là ôm là ôm ngang lấy gió

tưởng chừng đâu trong đó có hương

của người mình nhớ mình thương

ngờ đâu gió tạt chẳng vương vấn gì »

hoặc

« dừng chân trước cửa nhà nàng

thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau

tìm nàng chẳng thấy nàng đâu

lá rơi lả tả bên lầu như mưa. »

thì Nguyễn Ngọc Huy- hay nhà thơ Đằng Phương- đã tìm ra một lẽ sống Vào lúc mà mạch máu căng tràn sinh-lực như nhà thơ Đằng Phương cảm nhận :

« Có những chàng trai sóng dạt dào,

Dòng đời cuồn cuộn mạnh dâng cao,

Bao nhiêu sinh-lực trong cơ-thể,

Náo nức reo vang giữa máu đào »

Thì lẽ sống của ông không phải là mơ ước có một kiếp sống riêng và để mặc nhân dân thống khổ:

“Lẽ sống đời ta chẳng phải là,

Ở trong kiếp sống của riêng ta,

Ai đành tự vạch riêng đường sống,

Giữa lúc chung quanh máu lệ nhoà »

Lẽ sống của ông cũng không phải là mơ-ước áp-đặt một lý-thuyết, một chế-độ làm tàn hại giang-sơn :

« Lẽ sống đời ta quyết cũng không

phải là tàn hại cả non sông ! 

Bắt toàn dân-tộc đi theo những

Lý-thuyết mơ hồ quá viễn vông »

Nhưng lẽ sống của Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy chính là :

« Tranh đấu cho dân tộc sống còn,

Liều mình để phục-vụ giang-sơn ! 

Đó là lẽ sống người trai Việt,

Muôn thuở không sờn dạ sắt son »

(Lẽ sống – Tập thơ Hồn Việt trang 49)

Đứng trước cảnh đất nước bị ngoại-bang đô-hộ, chàng trai Nguyễn Ngọc Huy thấy lòng quặn thắt :

« Đang vui sống thảnh thơi ngoài ánh sáng,

Bỗng lọt vào trong bóng tối âm u ! 

Hồn nước Việt giữa ưu sầu chĩu nặng,

Mãi căm thù nhớ tiếc quãng đời xưa »

Nhưng không như Thế Lữ đã gói kín nỗi niềm u oán như một mãnh hổ trong cũi sắt nhớ tiếc quãng trời cao đất rộng những ngày xưa :

« Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thuở tung-hoành hống-hách những ngày xưa »

Nguyễn Ngọc Huy đã đáp ứng những ngậm ngùi than thở của đất nước bằng hành động :

« Hỡi hồn nước mãi ngậm ngùi than thở,

Giống Lạc Hồng đang cố gắng hy sinh,

Để khôi phục những ngày vui rực rỡ,

Hãy an-lòng chờ đợi buổi bình-minh »

(Nhớ thuở tung-hoành – Tập thơ Hồn Việt trang 47)

Chúng ta cũng đã thấy trong phần tiểu-sử, Nguyễn Ngọc Huy cũng đã có dịp lê chân trên những nẻo đường đất nước, từ Cần Thơ, Sài-Gòn đến Nha Trang rồi ra Bắc,  ông đã sớm ghi nhận được điều chỉ có một nước Việt Nam, chỉ có một nhân-dân Việt Nam,  đất nước Việt Nam là do tập-thể nhân dân tạo dựng ra và góp công gìn giữ:

« Suốt mấy nghìn năm giống Lạc Hồng

Đã cùng hợp sức đắp non sông,

Đã cùng chung sống trong thân ái

Và phải chung mưa nắng bão bùng »

Cho nên trong giòng lịch-sử, mặc những lần bị đô-hộ bởi Trung-Hoa, nhân-dân Việt vẫn bền tâm hợp lực tranh-đấu:

« Dưới ách Trung-Hoa mấy bạo-tàn,

Tinh-thần cố-kết vẫn không tan,

Toàn dân hợp-lực lo tranh-đấu,

Cho đến khi ca khúc khải-hoàn »

Và mặc cho những âm mưu nhằm chia rẽ nòi giống Việt, nhân-dân Việt-Nam vẫn đoàn-kết với nhau:

« Mặc những âm-mưu rẽ giống nòi,

Mà người cố dựng mãi không nguôi,

Người dân nước Việt luôbn kiên-quyết,

Nắm chặt tay nhau chẳng để rời! 

Cùng một non sông một giống dòng,

Sao đành chia rẽ Bắc, Nam, Trung,

Muốn dân-tộc Việt sinh-tồn được,

Phải để hoà-chung máu Lạc-Hồng »

(Việt-Nam thống-nhất – tập thơ Hồn Việt trang 67)

Công cuộc tranh-đấu cho độc-lập và tự-do, cho dân-tộc và cho đất nước không thể chỉ là công cuộc riêng lẻ của một người hay một nhóm người. Cần phải có sự kết-hợp với nhân-dân, có sự đoàn-kết của những người đồng lý-tưởng:

« Hỡi những bạn đồng-hành chung lý-tưởng,

chung nguyện-thề, chung ước-vọng cùng nhau,

hồn mân mê một mục đích cao sâu,

lòng dào dạt một mối tình sông núi,

dù cách trở vạn dặm đường gió bụi,

hãy chen vai gần gũi ở bên mình,

dù từ xưa đã sẵn mối thâm tình,

hay còn lạ chưa từng quen gặp mặt

dây thân-ái xin cùng nhau xiết chặt,

niềm cảm-thông xin hãy cố khơi sâu,

để cho niềm đoàn-kết mãi dài lâu,

lúc tranh-đấu cũng như hồi chiến-thắng »

(gởi các bạn đồng lý-tưởng – Tập thơ Hồn Việt trang 102)

Nếu như trên bước đường tranh-đấu, vì phương-pháp khác nhau mà tách ra,  ông Nguyễn Ngọc Huy vẫn luôn luôn tôn trọng các bạn đồng-hành theo đuổi chung một mục-tiêu phục-vụ quê-hương dân-tộc:

« Ví dẫu đang đi khác nẻo đường,

ta cùng lo phụng-sự quê-hương,

ngày mai mới biết trong hai ngã,

đâu đã đem về được ánh dương ! 

Em cứ đường em, anh nẻo anh,

miễn sao chung một ý chơn-thành,

ta cùng bền chí lo tranh-đấu,

đến lúc san-hà rạng vẻ thanh »

(Hai Ngã – tập thơ Hồn Việt trang 83)

Nguyễn Ngọc Huy đã theo đuổi một công cuộc tranh-đấu vì quốc-gia dân-tộc.  Ông không tìm kiếm một danh-vọng hay chức tước ,  điều này ông đã trình-bày khi thành-lập Phong-Trào Quốc-Gia Cấp-Tiến,  ông đã xác-định rõ là không tham-chánh mà là để giúp chánh-quyền Quốc-Gia đối phó với cộng-sản. Sự hy-sinh cho đất nước mà không cần được biết tới đã từng được ông bày tỏ và ca ngợi trong bài chiến-sĩ vô-danh:

« Họ là những anh-hùng không tên tuổi,

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh! 

Không bao giờ được hưởng ánh quang-vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước! 

Họ là những anh hùng không tên tuổi,

Trong loạn ly như giữa lúc thanh-bình,

bền một lòng dũng cảm, chí hy-sinh,

dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch,

tuy công nghiệp không ghi vào sử sách,

tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,

tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên,

không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

nhưng máu họ đã len vào mạch đất,

thịt cùng xương trộn lẫn với non sông,

và anh-hồn chung một tấm tinh-trung,

để hoà-hợp làm linh-hồn giống Việt »

Trở về

Lẽ sống của người trai Việt theo Nguyễn Ngọc Huy phải là:

« tranh-đấu cho dân-tộc sống còn,

liều mình để phục-vụ giang-sơn,

đó là lẽ sống người trai Việt,

muôn thuở không sờn dạ sắt son »

Nhưng không phải chỉ tìm ra lẽ sống là đủ mà còn phải dám sống và quyết sống.  Đành rằng những người hiểu được lẽ sống sẽ dễ dàng trở thành :

« những người sống là những người biết sống,

là những người không chịu đứng khoanh tay »

và những ngưòi biết sống :

« là những người luôn trông xét, nghĩ suy,

để tự mình vạch lấy lối mình đi,

là những người biết phụng thờ lý-tưởng,

biết say mê một cuộc đời cao thượng,

là những người hiểu nghĩa vụ làm người,

và suốt đời mãi cố gắng không thôi,

để tiến tới những cảnh trời cao rộng »

đó là những người đã dám :

« . . phá lối mở đường cho cả nước,

để tiếp-tục công-nghiệp người lớp trước, 

để bảo toàn đời sống kẻ sinh sau »

Biết sống, dám sống và quyết sống đối với Nguyễn Ngọc Huy không phải là sự tham sống, không phải là sự sống ích-kỷ chỉ biết nghĩ đến riêng mình, chịu thu hình, khiếp nhược để mặc cho dòng đời lôi cuốn không chống trả. Biết sống, dám sống và quyết sống được thể hiện trong cuộc sống của :

« .  . những người luôn dũng cảm hiên ngang,

đương đầu cùng những trở lực chắn ngang,

là những người không hề màng vất vả »

đó là cuộc sống của:

«  của những người khinh khổ cực đớn đau,

dám liều mạng hy-sinh cho nòi giống »

Cuộc đời của Nguyễn Ngọc Huy là một cuộc tranh đấu liên tục cho quyền-lợi của tổ-quốc, mục đích thiêng liêng và cao cả mà ông đã đề ra, ông đã là người có lẽ sống, biết sống, dám sống và quyết sống:

« Những người sống là những người biết sống,

là những người dám sống ra hồn người,

là những người quyết sống bạn lòng ơi,

và quyết sống có nghĩa là tranh-đấu ».

Bên cạnh con người Nguyễn Ngọc Huy có một hoài-bão cao-thượng, có một lý-tưởng thiêng-liêng, có một nhiệt-tình tranh đấu, còn có một con người Nguyễn Ngọc Huy đầy tình cảm. Trên bước đường tranh đấu, nhiều khi phải đặt việc nước trước việc nhà, nhưng đó chỉ là một việc phải làm vì không thể nào làm khác được :

« Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,

Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,

Éo le thay muốn phục vụ quê-hương,

Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến »

(Ngày tang Yên Bái)

không nhớ một nhà thơ kháng-chiến nào đó khi vào chiến khu đã thốt lên « mẹ già coi như là chẳng có, và em thì thôi cũng đừng trông », Nguyễn Ngọc Huy đã tạ lỗi với mẹ già vì đã không làm tròn chữ hiếu :

« Đời cách-mạng tự bao lâu bôn tẩu,

Để mẹ già sống cực nhọc lầm than,

Trước những giòng lệ ngọc ứa chan chan,

Lòng con há dửng dưng không cảm xúc,

Nhưng cũng đã trót làm cho mẹ khóc »

Biết thế, nhưng Nguyễn Ngọc Huy đã không thể làm khác được:

« Và con sẽ phải làm cho mẹ khóc,

Hỡi quê-hương, hỡi đất nước thân yêu,

Dầu gian truân khổ cực bao nhiêu,

Chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận lấy,

Chỉ mong ước một ngày mai được thấy,

Cả non sông giống Việt hết điêu linh,

Cả toàn dân giống Việt được thanh-bình,

Và chỉ dẫu một ngày hay một buổi,

Dẫu một phút hay một giây ngắn ngủi

Được như lời nhất nguyện chốn dương trần,

Còn có cơ quì dưới gối từ thân,

Để khẩn-thiết cúi xin người thứ lỗi »

(Lời nguyện cầu của những kẻ làm cho Mẹ khóc) Chỉ vì phục-vụ quê-hương mà Nguyễn Ngọc Huy đã cố gắng chôn dấu những cảm xúc riêng tư. Sau năm 1975, tiếp-tục hoạt-động để tranh-đấu giành lại tự-do và dân-chủ cho nhân-dân Việt-Nam, Nguyễn Ngọc Huy lúc nào cũng chỉ khoác một chiếc măng-tô cũ. Thấy chiếc áo đã quá cũ, bạc mầu, anh em đã năn nỉ xin ông thay áo khác, lúc đó ông mới tâm sự “không phải vì tôi muốn tiết-kiệm đâu,  áo này nhà tôi mua cho tôi lúc còn sống lưu- vong bên Pháp mấy chục năm trước, nay nhà tôi đã mất nên tôi không nỡ bỏ. Ông quyến-luyến tình-cảm với người bạn đời quá cố nên đã không thể bỏ đi chiếc áo, bởi vì chiếc áo đó đã là hình ảnh của mối tình phu phụ, nói lên tình -cảm “tào khang chi thê bất khả hạ đường”. Tình-cảm thầm kín yêu thương của ông dành cho người vợ khi bà bị tai nạn chết đuối ở Vũng Tàu đã được biểu-lộ trong bài “Nhớ Thu”:

« từ lúc em đi chẳng trở về,

Cuộc đời trống trải lạnh lùng ghê,

Trong lòng đã hết còn sinh-thú,

Chỉ thấy u-buồn với chán chê »

Ấy vậy mà ông cứ phải nén buồn để cùng với các bạn đồng tâm chí tiếp-tục công-tác:

« Công việc thường xuyên vẫn chẳng rời,

Nụ cười vẫn phải nở trên môi,

Để cho các bạn đồng tâm chí,

Vẫn giữ niềm tin rạng sáng ngời »

Không còn người vợ hiền ở bên cạnh để an ủi, khích lệ, Nguyễn Ngọc Huy đã hết sức cô-đơn:

« Đành phải từ đây chỉ một mình,

Trên đường nhiệm-vụ rộng mênh mông,

Một mình nếm hết mùi cay đắng,

Trải hết vui buồn với nhục vinh »

Trên bước đường tranh đấu ở hải ngoại, Nguyễn Ngọc Huy không có nhiều thì giơ để lo cho con:

« Đức bạc tài sơ trí thấp hèn,

Nhưng đường tranh-đấu phải bon chen,

Vì Ba không thể nhìn dân-tộc,

Khổ sở điêu-linh dưới bạo-quyền.

Việc nước đa-đoan bỏ việc nhà,

Trong khi lưu-lạc cõi trời xa,

Để Con đau khổ trong cô-độc,

Cha đã không tròn nhiệm-vụ Cha »

Nhưng, một trong những người con trai của ông đã tự tử ở Hoa-Kỳ khi biết tin ông bị bệnh ung-thư.  Ấy thế mà ngay sau khi làm lễ hoả táng cho con,  ngày hôm sau ông đã đáp phi cơ đi dự đại-hội Liên Khu Bộ Âu Châu vì có những việc quan-trọng phải thông-báo và phải làm. Nhưng đừng nghĩ là ông đã quên vợ, quên con Những người này vẫn sống mãi trong tâm trí ông,  ông chờ đợi giây phút được cùng những người thân yêu này tái-ngộ ở miền cực lạc. Khi người vợ thân yêu,  ông đã từng đêm cầu nguyện :

« và cứ đêm đêm lại nguyện cầu,

Hồn em siêu thoát cõi tiên châu,

Đợi Anh đến lúc tròn công quả,

Tìm đón Anh về tái-hội nhau »

Và khi người con trai mất đi,  ông đã lại :

« Ba lại ngày đêm mãi khấn nguyền,

Cho Con cùng Má ở non tiên,

Hoàn-toàn siêu-thoát và thanh-thản,

Ngày tháng tiêu-dao hết não phiền .

Rồi khi Ba dứt nợ trần-hoàn,

Với Má, Con về lại thế-gian,

Để đón Ba đi miền cực-lạc,

Cùng nhau đoàn-tụ hưởng thanh-nhàn »

Biết mình bị bện nan-y, Nguyễn Ngọc Huy càng nỗ-lực làm việc để chạy đua với thời gian còn lại :

« gánh nặng,  đường xa thân mỏi mệt,

Nhưng còn trách-nhiệm vẫn còn đi »

Nào là vận-động để thành-lập Ủy-Ban Quốc-tế Yểm-Trợ Việt-Nam Tự-Do, nào là móc nối với các chiến-hữu đảng-viên trong nước để tỏchức và thành-lập một lực-lương đối-lập…Ông bất-chấp các ngăn-cản của bác-sĩ, dành hết thì giờ để hoạt động. mặc dù đã suy nhược, tháng 7/90 ông lại lên đường sang Âu Châu để tham-dự Đại Hội LMDCVN thế-giới lần I. Khi máy bay đáp xuống Bỉ,  ông bị bất tỉnh  phải đưa ra khỏi phi trường bằng băng-ca. Khi tỉnh lại,  ông lại sang Pháp để chuẩn-bị cho Đại-Hội sẽ được tổ-chức ở Hoà-Lan.  Ông đã thu xếp một số công việc cho Tiền Đại Hội, hoàn tất một số bài tham luận. . Nhưng,  ông chỉ sống được  10 ngày ở Pháp và đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 28/07/90 vào lúc 21 giờ 30 tại nhà anh Trần Cẩn Trọng, một đồng-chí thân-tín.  Ông đã liên tục hoạt-động cho đến khi nhắm mắt tàn hơi như chính ông đã từng viết :

« Tiến theo đường định-mạng mãi không thôi,

Lúc hết hơi mới biết được mạng trời,

Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt-động »

Ông Nguyễn Ngọc Huy đã suốt đời tranh-đấu tận-tụy cho sự sinh-tồn của dân-tộc. Cho đến lúc tàn hơi,  ông vẫn chưa thấy được sự thành-công :

« Lúc bước chân vào nẻo đấu tranh,

Trên đầu mái tóc hãy còn xanh,

Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng,

Giấc mộng ngày xưa vẫn chửa thành »

Mặc dù ông vẫn luôn tin-tưởng :

« Ta hãy cười lên đón ánh dương,

Ngày mai sẽ chói rạng quê hương,

Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng,

Tiếng khải-hoàn ca đậy phố phường »

(Giả bạn lên đường)

Có thể nói gì đây về cuộc đời của ông Nguyễn Ngọc Huy ? Chúng tôi xin mượn lời của Phục-Hưng trong bài tưởng niệm cố Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy nhan đề  ‘Hồn thiêng khi đã về trời’ : « Cuộc đời của cố GiáôSư Nguyễn Ngọc Huy là một bản trường ca chính-khí, giống như những bản hùng-ca trong tập thơ Hồn Việt do ông sáng tác với bút hiệu Đằng Phương. Thực vậy,  đọc thơ ông rồi đối chiếu với cuộc sống, thấy có sự thể hiện trung thực lạ lùng. Thơ của ông từ thuở thanh niên cho đến lúc bạc đầu là tiếng nói đam mê của một đời sống phụng sự tổ quốc cao thương.  Ông đã sống đời sống cao thượng ấy cho đến giây phút cuối cùng » Cùng đồng ý với Phục Hưng, chúng tôi coi cuộc đời của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một trường hợp  « ngôn hành hiệp nhất ».  Đối với những người đã hy-sinh cho tổ-quốc, Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy đã đốt nén hương lòng để tưởng-niệm:

« Hỡi những ai kia đã lụy mình,

Đã vì non nước chịu hy-sinh,

Đã vì chủng-tộc khơi đường sống,

Đây nén hương lòng kẻ hậu-sinh »

Ngày hôm nay, 28/07/2006,  đúng 16 năm sau ngày Giáo Sư đã vĩnh viễn ra đi, chúng tôi cũng xin « đốt nén hương lòng  kẻ hậu sinh » để thành tâm tưởng nhớ đến một người mà từ lời nói chánh trực đến việc làm quang minh chỉ nhằm phục vụ cho tổ quốc và dân-tộc. Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy đã vĩnh viễn ra đi,  đó là định mệnh con người như chính Giáo Sư đã nhận định :

« nhung đã gần nhau ắt có xa,

Thường nhân vẫn nhận thế kia mà »

Nhưng,  ông vẫn sống mãi trong lòng những người đồng lý-tưởng tranh đấu cho quốc gia dân-tộc:

« Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi,

Vẫn sống trong tâm những bạn lòng »

Dâng hiến cuộc đời cho tổ quốc cho đến giọt máu khô kiệt cuối cùng, cho đến khi thân xác trở thành tro bụi, di-sản của ông để lại cho chúng ta là gì nếu không phải là tinh thần phục vụ cho sự sinh tồn dân tộc. Xin thành kính dâng lên hương linh của Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy:

« Thân anh dù hoá bụi trần,

Anh còn để lại tinh thần Ngọc Huy »

Tài liệu tham khảo:

-Đằng Phương: Hồn Việt  – Thanh Phương thư quán

-Thích Giác Đức: Thương tiếc một người đi TDDB bộ cũ số 55

-Phục Hưng: Hồn thiêng khi đã về trời    TDDB bộ cũ số 55

-Nguyễn Duy Ca: Giã biệt Nguyễn Ngọc Huy     «  như trên »

-Trần Hữu Phúc: Tưởng nhớ GS Nguyễn Ngọc Huy  TDDB 56

-Nguyễn Duy Ca: Khóc nhớ anh Ba Huy

-Trần Ngọc: Khóc Thầy

-Trường Sơn Lê Xuân Nhị: viết cho một người vừa nằm xuống

-Phục Hưng & Huệ Vũ: Liên Minh Dân Chủ Việt Nam –tinh thần Nguyễn -Ngọc Huy vàcuộc hẹn ước với lịch sử

-Minh Dũng: Sống mãi với thời gian: Nguyễn Ngọc Huy

-Lê Duy Việt: Tưởng nhớ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

-Nguyễn Văn Tiết: Cảm nghĩ về một người Thầy tinh thần Nguyễn Ngọc Huy

-Phạm Đăng Sum: Tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

(các bài tham khảo đã đăng trên TDDB)

Sự Hình Thành Đảng Tân Đại Việt

“Thư Gửi Các Đồng Chí” của 14 sáng lập viên Đảng Tân Đại Việt là một tài liệu lịch sử nêu rõ hoàn cảnh và những lý do dẫn đến sự thành lập Đảng Tân Đại Việt vào ngày 14 tháng 11 năm 1964.

Dưới đây là nguyên văn của lá thư:

Thư Gửi Các Đồng Chí

Các Anh Chị Em Đồng Chí thân mến,

Từ khi cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh mất đi, ĐVQDĐ không còn là một chánh đảng hợp nhứt nữa. Một số đảng viên kỳ cựu đã hoạt động riêng rẽ, không khép mình vào một hang ngũ nào; những người khác cố tổ chức lại Đảng nhưng mọi người chỉ tập hợp được một phần các đồng chí làm việc với mình.

Sự phân tán ra làm nhiều nhóm đã làm yếu sức Đảng. Do đó, những anh chị em có nhiệt tâm đã cố gắng xây dựng lại nền thống nhứt. Từ năm 1947 trở đi, đã có nhiều cuộc hội họp, tiếp xúc, trao đổi ý kiến để gây sự đoàn kết cần thiết. Tuy nhiên, những cuộc vận động này đã gặp rất nhiều trở lực.

Sự tiến triển của tình thế đã làm phát sanh nhiều chủ trương khác nhau. Anh chị em đảng viên, người thì nhứt quyết thi hành một chánh sách cách mạng cứng rắn, người lại thấy phải có một đường lối chánh trị uyển chuyển hơn. Do đó, thái độ mỗi cá nhân, mỗi hệ phái đối với các đoàn thể khác và đối với chánh quyền không giống nhau và sự nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau không thể tránh được. Muốn thống nhứt lại Đảng, cần phải có một lãnh tụ được tất cả anh chị em đảng viên kính mến, tin cậy và phục tùng, nhưng trong hàng ngũ, không người nào có đủ điều kiện kể trên. Bởi thế, các cá nhân và hệ phái không hòa hợp với nhau và trở thành một tổ chức duy nhất được.

Việc Đảng phân tán ra làm nhiều hệ phái, không cộng tác chặc chẽ với nhau sau khi cố Đảng Trưởng Trương khuất bóng đã phơi bày một cách rõ rệt nhược điểm của lãnh tụ chế. Ngoài ra, kinh nghiệm riêng của Đảng cũng như gương của các tổ chức chánh trị trong nước và trên thế giới cho ta thấy rõ ràng chủ trương tôn sùng cá nhân và chánh sách độc tài chỉ có thể đưa đến những kết quả tai hại cho đoàn thể và cho cả quốc gia. Sau hết, kinh nghiệm cũng cho chúng ta nhận thấy rằng nếu một chánh sách quá mềm dẻo thường đưa cá nhân đến sự phản bội lý tưởng của Đảng thì một đường lối quá cứng rắn cũng chỉ đưa đến sự gẫy đổ vô ích.

Bởi đó, trong những cuộc hội họp giữa các hệ phái, một số anh em đã đưa ra mấy đề nghị sau đây để sửa chữa lại phương pháp tổ chức và lề lối làm việc của Đảng:

1.    Bỏ hẳn lãnh tụ chế và theo thể chế tập đoàn chỉ huy. Nếu đề nghị này được chấp thuận thì vấn đề lãnh tụ được giải quyết một cách dễ dàng. Những người có uy tín trong các hệ phái có thể ngồi chung lại với nhau và quyết định mọi việc theo nguyên tắc đa số. Như vậy, không ai uy hiếp được ai và sự vắng mặt của một hay vài người không làm cho đoàn thể bị phân tán nữa.

2.    Theo đường lối dân chủ tự do để hoàn thành việc dân chủ hóa đoàn thể, đồng thời đáp ứng nhu cầu của đất nước và nguyện vọng của toàn dân.

3.    Có một chánh sách thích hợp để có thể vừa giữ lòng trung thành với lý tưởng, vừa trán hsự gẫy đổ.

4.    Sửa lại đảng kỳ. Khi mới thành lập, cờ của ĐVQDĐ là lá cờ nền đỏ, tròng xanh, sao trắng. Nhưng khi Đảng hòa hợp với VNQDĐ làm QDĐ năm 1946, cờ này được đem ra dung cho tổ chức chung trước công chúng. Sau đó, khi hai Đảng phân tách ra trở lại, anh em VNQDĐ đã tiếp tục dùng lá cờ nền đỏ, tròng xanh, sao trắng làm đảng kỳ. Nhận thấy rằng việc hai Đảng tranh nhau dùng một lá cờ chẳng những gây ra sự lầm lẫn mà còn có thể làm mất hòa khí giữa hai bên, một số anh chị em đảng viên đề nghị thêm vào cờ cũ một sọc ngang màu vàng hai bên tròng xanh.

Trong một cuộc hội họp tại Hà Nội năm 1951 qui tập đại biểu của các hệ phái cả ba miền Trung, Nam, Bắc, những vấn đề trên đây đã được đem ra thảo luận. Một số anh chị em không nhận những đề nghị trên đây vì không chịu khép mình vào một hàng ngũ nào, hoặc vì giữ lòng trung thành với tất cả những quan niệm, chủ trương của Đảng hồi mới thành lập. Trong số những người còn lại, chúng tôi đã chấp nhận và thành tâm áp dụng những nguyên tắc ấy, một vài anh em khác cũng chấp nhận, nhưng không chịu thành thật áp dụng trong hàng ngũ họ chỉ huy.

Vì những lẽ trên đây, ĐVQDĐ vẫn không thống nhứt lại được và những nhóm qui tập nhau trong một tổ chức vẫn không hợp tác chặc chẽ cùng nhau. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn phô bày ra công chúng những sự chia rẽ nội bộ của đoàn thể, nên cố gắng duy trì sự giao hảo với tất cả các anh chị em đảng viên đứng ngoài hàng ngũ hay thuộc hệ phái khác với hy vọng rằng nhờ sự biến chuyển của tình thế, tất cả mọi người cuối cùng sẽ quay về với lẽ phải và sự thống nhứt Đảng có thể thực hiện được.

Nhưng chánh sách này không đưa đến kết quả mong ước. Sự đoàn kết đã không thành, mà hành động tương phản của những người thuộc hệ phái khác nhau hoặc cùng chung hàng ngũ mà không thật tâm áp dụng những nguyên tắc chính họ đã công nhận, đã gây ra cho quốc dân cảm tưởng rằng Đảng không có một chánh sách rõ rệt, một đường lối nhứt định, một phương pháp làm việc hợp nhứt.

Tình trạng này nếu kéo dài, sẽ vô cùng nguy hại cho đoàn thể, làm cho đoàn thể không còn có thể tham dự một cách hiệu lực cuộc tranh đấu cứu quốc. Vì đó, chúng tôi nhận thấy cần phải có một thái độ dứt khoát.

Lãnh tụ chế và chủ trương độc tài đảng trị không còn thích hợp với tình thế đất nước và nguyện vọng dân chúng Việt Nam. Chánh trị thủ đoạn chỉ có thể đưa đến những kết quả nhứt thời. Muốn nắm phần thắng lợi trong công cuộc tranh đấu, mưu đồ sự sinh tồn cho dân tộc Việt Nam, ta cần phải cương quyết thoát xác, mạnh bạo theo đường lối tự do dân chủ và nguyên tắc tập đoàn lãnh đạo, đồng thời thanh niên hóa các cấp chỉ huy để mang lại cho Đảng một luồng sinh khí mới. Chúng tôi nhứt định theo đường lối này.

Ngoài ra, nhận thấy rằng việc nhiều hệ phái tranh nhau tên Đảng chỉ làm hại cho uy tín chung chớ không ích lợi gì cho ai, chúng tôi đã đồng ý nhau dùng một tên mới cho đoàn thể. Do đó, Đảng TÂN ĐẠI VIỆT ra đời.

Tên TÂN ĐẠI VIỆT hàm ý rằng:

1.    Chúng tôi vẫn trung thành với chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, với lý tưởng phụng sự Tổ Quốc, với tinh thần tranh đấu của người chiến sĩ Đại Việt.

2.    Nhưng đồng thời, chúng tôi áp dụng những nguyên tắc mới trong việc tổ chức Đảng và trong việc tranh đấu để mưu đồ sự sinh tồn cho dân tộc.

3.    Tổ chức chúng tôi hoàn toàn tách khỏi những hệ phái còn mang tên Đại Việt, nếu có sự cộng tác thì cũng đứng trên lập trường những đoàn thể khác nhau liên minh nhau, chớ không phải lập trường một đoàn thể duy nhứt.

Anh chị em đồng chí thân mến,

Tổ quốc chúng ta đang lâm vào cảnh hỗn loạn và bị sự đe dọa nặng nề của Cộng Sản. Tất cả mọi người đều phải cố gắng tranh đấu để cứu quốc. Điều này bắt buộc chúng ta phải có một thái độ minh bạch và hợp lý. Chúng tôi đã trình bày những lý do khiến chúng tôi thành lập Đảng TÂN ĐẠI VIỆT. Các anh chị em nên bình tâm suy nghĩ để quyết định thái độ. Chúng tôi hết sức vui mừng đón tiếp những anh chị em có lập trường giống với chúng tôi. Đối với những anh chị em không đồng lập trường và nhứt định trung thành với tổ chức và đường lối cũ, chúng tôi rất tiếc không thể xem như là đồng chí nữa. Tuy vậy, với thiện chí hợp tác với mọi người quốc gia, chúng tôi không bao giờ xem các anh chị em là kẻ thù. Chúng tôi vẫn lấy tình thân hữu mà đối xử với các anh chị em, và sẵn sàng hợp tác với các anh chị em với tư cách là những chiến hữu trong những công tác nhứt định để phụng sự tổ quốc.

Thân ái chào tất cả các anh chị em

Thay mặt Đại Hội Đồng Trung Ương Đảng Bộ TÂN ĐẠI VIỆT

Phan Thông Thảo
Lê Văn Hiệp
Nguyễn Tôn Hoàn
Trần Minh Dũng
Nguyễn Ngọc Huy (Hùng Nguyên)
Hoàng Xuân Nam
Nguyễn Văn Kiểu
Ung Ngọc Nghĩa (Hoài Sơn)
Dương Văn Liên
Trương Dung Khả (Minh Nhựt)
Nguyễn Văn Tại
Nguyễn Đình Huy (Việt Huy)
Nguyễn Ngọc Tân (Phạm Thái)
Đồng Tuy

http://tandaiviet.org/v1/2014/01/23/su-hinh-thanh-dang-tan-dai-viet/

 

Vui cười

Phòng cảnh sát, FBI (Cục điều tra Liên bang) và CIA (Cục tình báo Trung ương) đều muốn chứng tỏ mình làm việc hiệu quả trong việc truy bắt tội phạm. Tổng thống muốn thử, nên giao cho họ phải bắt được một con thỏ mà ông thả vào rừng.

 CIA điều tra tất cả cán bộ kiểm lâm và mọi người làm việc trong rừng.

Sau 3 tháng, CIA báo cáo là con thỏ không hề tồn tại.

 FBI tiến hành chặt hết cả cây cối, và sau 2 tuần cũng báo là không hề có con thỏ.

 Phòng cảnh sát vào rừng. 2 tiếng sau họ đi ra cùng với con gấu bị gí súng vào người, và con gấu thì đang gào lên: – Thôi thôi, tôi là thỏ, tôi là thỏ, thế được chưa?

 

Một người giàu có tặng số tiền lớn cho bác sĩ riêng, luật sư riêng và vị linh mục quen thuộc của mình. Ông ta nói với ba người này hãy giành một số tiền cho Chúa, còn lại có thể chia nhau. Vị linh mục vẽ một vòng tròn lớn và nói:

– Chúng ta hãy tung tiền lên cao, số tiền rơi vào trong vòng tròn sẽ là của Chúa.

Bác sĩ phản đối

– Không – Hãy tung tiền lên cao và số tiền rơi ra ngoài vòng tròn sẽ là của Chúa.

Luật sư lên tiếng

– Cả hai ông đều sai rồi. Chúng ta cứ tung tiền lên cao, và nếu Chúa muốn chừng nào thì ngài sẽ giữ lại chừng ấy thôi!

 

Chàng: Đồng ý là gương mặt, mái tóc của Lan có thể thua của Ý Lan, Như Quỳnh … Nhưng anh thấy Lan có một điểm hơn hẳn họ đó.

Lan (đỏ mặt mắc cở): Dạ em hổng dám đâu!

Chàng: Thiệt mà, anh thấy Lan … mập hơn họ nhiều lắm đó.

 

A: cha, dạo này thấy mầy học dữ nhen.

B: chớ sao mậy

A: làm tao cũng muốn bắt chước mầy nhưng….

B: nhưng gì hả?

A: nhưng thấy mầy vẫn ngu như ngày nào.

 

Đảng Lãnh Đạo – Nhà Nước Quản Lý – Nhân Dân Làm Chủ  – Mai Thanh Truyết

Nhìn tựa đề, chúng ta thấy ngay là thứ tự nầy do đảng sắp xếp. Ở miền Bắc, ngay sau khi chiếm chính quyền năm 1946 và rõ ràng nhứt là ngay sau khi hiệp định Geneve ký kết ngày 20/7/1954, người dân miền Bắc bắt đầu hiểu và hiểu rõ “11 chữ bạc” trên. Mãi đến 21 năm sau đó, dân miền Nam mới bắt đầu thấm…đòn!

Và “đòn cai trị” đang tiếp tục gây dấu ấn lên đầu, lên vai, và lên khắp 95 triệu người con Việt, ngoại trừ hơn ba triệu thành viên của đảng CSBV và nhóm người có “dây mơ rễ má” với họ.

Phải nói cho rõ ràng để nhận diện:

– Ai là nguyên nhân?

– Ai là nạn nhân của “11 chữ bạc” nầy?

Nhưng trước hết, chúng ta cần phải biết chính sách trên như thế nào? Áp dụng làm sao? Và kết quả (của đảng) cũng như hậu quả (của Dân) ra làm sao?

1-    Đảng lãnh đạo

Nói về đảng lãnh đạo, một hiến pháp mới được thông qua vào tháng 11 năm 2013, tái xác định vai trò chủ chốt của Đảng CSBV trong chính trị, quân sự, kinh tế, và xã hội. Khác với nguyên tắc tam quyền phân lập như hành pháp, lập pháp và tư pháp, vốn là nền tảng chính trị của hầu hết các quốc gia trên thế giới, ĐCSBV sắp xếp tổ chức chính trị của họ là do Đảng Cộng sản giữ địa vị trên hết. Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Đình Lộc (tại nhiệm sở từ năm 1992 đến 2002) cho là Việt Nam tuân theo mô hình “quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có phân công, phối hợp giữa các quyền lực đó” với một đảng lãnh đạo và cầm quyền.

Quyền lực quan trọng nhất nằm ở Bộ Chính trị Trung ương đảng, là cơ quan tối cao chỉ định các chức vụ chủ tịch nước và thủ tướng.

Theo bản hiến pháp trên thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của “nhân dân” và là tổ chức duy nhất nắm quyền lập pháp. Cơ quan này có trách nhiệm to lớn trong việc giám sát mọi hoạt động của chính phủ.

Tuy nhiên, Quốc hội vẫn là đối tượng chịu sự lãnh đạo của Đảng. Khoảng gần 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Số còn lại dù không phải là đảng viên, nhưng phải được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua mới có thể tranh cử vào Quốc hội.

2-    Nhà nước quản lý

Theo định nghĩa của hiến pháp CSBV, quản lý nhà nước là việc điều hành  bộ máy nhà nước, hoạt động của các tổ chức nhà nước trên các phương diện luật pháp, hành pháp và tư pháp. Hay có thể hiểu là cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân lao động làm chủ”.

Quản lý nhà nước còn được biết là quá trình tổ chức, quá trình điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với xã hội và hành vi hoạt động của con người theo pháp luậtđể đạt được những mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ quản lý nhà nước đã đề ra.

Hiện nay:

•         Điều 6 của Hiến pháp Việt Nam quy định “nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Ðiều 83, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

•         Công an Nhân dân Việt Nam là một lực lượng vũ trang quan trọng của Đảng CSBV làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước. Công an ở Việt Nam “là công cụ trấn áp của chính quyền, mà chính quyền ở đây là chính quyền của ĐCSBV.

•         Quân đội Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Ngoài việc bảo vệ tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSBV, Quân đội Nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước Xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội toàn cầu.

•         Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo.

•         Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng,.

•         Quản lý nhà nước với hoạt động tôn giáo là một yêu cầu khách quan của mọi quốc gia. Hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và mọi công dân liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Việc đào tạo cán bộ ngành “quản lý nhà nước” (state management)

CSBV đã thiết lập một chương trình đào tạo riêng cho ngành quản lý nhà nước ở đại học quốc gia với thời gian học tập bốn năm sau kỳ thi tuyển văn hóa và lý lịch của ứng viên đã tốt nghiệp bậc trung học. Mục tiêu đào tạo nhằm vào việc cung cấp cho sinh viên những kiến thức căn bản về quản lý, kiến thức chuyên môn về quản lý hành chính nhà nước và có khả năng thực hiện được các công việc quản lý hành chính thuộc khu vực công hoặc khu vực tư.

Lý thuyết là như vậy, nhưng thật ra, sinh viên tốt nghiệp sẽ là những cán bộ hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn:

*           Trung thành với Đảng, nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

*           Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế cơ quan, tổ chức.Trở thành một công chức chuyên nghiệp, làm việc hiệu quả.

*           Các kiến thức cơ bản về lý luận chính trị (Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chính trị học, Pháp luật đại cương).

Rõ ràng những nhiệm vụ trên chỉ nhằm “phục vụ” cho Đảng và Nhà nước mà thôi.

3-    Nhân dân làm chủ

Ngay từ Lời nói đầu của Hiến pháp 2013 thể hiện: “… Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã thể hiện rõ trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp.

Thứ hai, khoản 2 Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng CSBV gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Điều nầy cho thấy, cũng trên lý thuyết, vai trò làm chủ của Nhân dân đối với nước, Nhân dân giao phó trách nhiệm cho Đảng để lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vì vậy, Đảng phải chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân trong việc lãnh đạo của mình.

Như vậy, theo định nghĩa trong việc xây dựng chế độ dân chủ XHCN, một chế độ xã hội tự nhận là “dân là chủ và dân làm chủ”, Đảng đã sớm đề cập đến mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Mắc xích nhân dân làm chủ trong chuổi “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong đó, nhân dân làm chủ là yếu tố trung tâm, bởi vì mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước đều từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng trên thực tế, nhân dân chỉ là đối tượng để cho ĐCSBV “nhấn mạnh” thêm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà thôi.

Điều nầy có nghĩa là “Đảng và Nhà nước làm chủ thay Nhân dân”.

4-    Thực tế đão ngược

Sau hơn 42 năm cai trị toàn cõi Việt Nam, Đảng CSBV đã thể hiện rõ dã tâm và đang hoàn toàn thực sự lãnh đạo, quản lý, và làm chủ Đất và Nước.

Nghĩa là tất cả chỉ tập trung vào một chữ Đảng mà thôi!

Và trên hiến pháp còn có cương lĩnh đảng, nghĩa là đảng là luật, là Nhà nước, là “làm chủ” cả 95 triệu nhân dân!

Và câu hỏi Ai là nguyên nhân? Ai là nạn nhân của “11 chữ bạc” đã được giải bày rỏ ràng.

Nguyên nhân chính là Đảng Cộng sản Bắc Việt và nạn nhân chính là 95 triệu người con Việt!

Vì vậy, muốn tranh đấu vì tự do dân chủ, dù chủ trương bất bạo động hay không, dù không vận động bạo lực cách mạng đánh đổ chế độ độc tài toàn trị của CSBV thì ít nhứt cũng phải tổ chức hành động “bất tuân dân sự“(civil disobedience) như tuổi trẻ và trí thức Hong Kong đã làm năm 2014 do Hoàng Chí Phong lúc đó mới 17 tuổi lập nên phong trào Demosito.

Chính ông David Steinman, một luật sư Hoa Kỳ đã khuyến cào tuổi trẻ Việt Nam cáo rằng: “Sớm muộn gì quý vị cũng phải dùng biện pháp bất tuân dân sự. Phải có phong trào bất tuân dân sự trên toàn quốc mới hy vọng thay đổi được chế độ cộng sản độc tài.” Và bất tuân dân sự ở đây không có nghĩa là biểu tình ôn hòa, chấp nhận sự đàn áp của công an, côn đồ một cách thụ động. Mà bất tuân dân sự tức là chấp nhận chiến đấu tự vệ, đánh trả đòn và chấp nhận đổ máu…

5-    Thay lời kết

Tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, tự do, nhân quyền đích thực ngày hôm nay là phải chấp nhận hy sinh chiến đấu Chống Tàu Diệt Việt Cộng. Việc thành lập các “xã hội dân sự” ngày hôm nay chỉ là một bước đầu. Bước kế tiếp phải xử dụng biện pháp bất tuân dân sự:

•         Chống lại cướp đất, cướp ruộng, cướp cơ sở kinh doanh là bất tuân dân sự.

•         Đòi bồi thường tài sản, nguồn sinh sống trong vụ “đầu độc” biển ở Formosa Vũng Áng cũng là một hành động bất tuân dân sự.

•         Biểu tình chống sự xâm nhập của giàn khoan Hải Dương 981 cũng là bất tuân dân sự.

•         Đốt các cơ ngơi, cơ sở kinh doanh của CSBV, của Tàu khựa cũng là một hành động bất tuân dân sự.

Ai sẽ làm những điều trên?

Là chính chúng ta, những người con Việt trong và ngoài nước.

Là 65% Tuổi trẻ Việt Nam.

Bây giờ và hôm nay không phải là lúc đặt vấn đề và phân tích tội ác của Đảng CSBV nữa, mà bây giờ mới chính là lúc cần phải HÀNH ĐỘNG thực tiễn và cụ thể. CSBV đang thực sự đi vào bế tắc vì những cuộc đấu đá tranh dành quyền lực, vì nền kinh tế kiệt quệ, vì gánh nợ xấu quá cao (600 ngàn tỷ Đồng VN), và nhứt là vì đảng đã loại ra ngoài xã hội hai thành phần quan trọng trong công cuộc …chiếm đóng Việt Nam. Đó là thành phần nông dân và công nhân.

Con giun xéo lắm cũng quằn!

Nên nhớ, người Do Thái chịu cảnh nô lệ của Ai Cập trong 430 năm và rồi lang thang trong sa mạc thêm 40 năm nữa để trút bỏ tâm hồn nô lệ của 430 năm ấy. Còn người miền Nam mang tâm cảm nô lệ suốt hơn 42 năm rồi, hẳn không thể trút bỏ mặc cảm nô lệ để đứng thẳng lên dành lại đất của cha ông hay sao?

Hịch Vua Quang Trung đã ghi: “Đánh cho để răng đen, đánh cho để tóc dài, đánh cho nó “chính luân bất phản”, đánh cho nó “nhất phiến giáp bất hoàn”, đánh cho “sử tri Nam quốc Anh hùng chi hữu chủ”. (Đánh cho không một xe nào dám quay trở lại, đánh cho một miếng giáp cũng không còn, đánh cho lịch sử ghi nước Nam có chủ).

Mai Thanh Truyết

Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng

Tháng 6, 2017

 

Vui cười

Tại một trạm điện cao thế, anh công nhân đang sữa chữa trên nóc trạm kêu anh công nhân đứng dưới đất:

– Ê, cậu có thấy 4 sợi dây đang thòng xuống không? Thấy rồi hả, cầm lấy 2 trong 4 sợi coi! Có cảm giác gì không?

– Không cảm giác gì hết!

– Tốt! Đừng đụng vào 2 sợi dây kia, điện cao thế sờ vào là cháy thành than đó!

 

Một nhà sinh vật học du lịch ở Roma. Chim bồ câu bay đầy các quảng trường. Ngài đang thích thú ngắm nhìn thì một bãi phân chim từ không trung rơi thẳng vào đầu ngài. Ngài lẩm bẩm: “Cảm ơn trời. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao loài bò không nên có cánh”.

Phía Cộng Sản nói về Tổng tuyển cử thống nhất tháng 7-1956 – Trọng Đạt

 Sơ lược về Hiệp định Genève và Tổng tuyển cử

Hội nghị Genève (1) khai mạc ngày 26-4-1954 để giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông DươngCuộc thảo luận Triều Tiên tại Genève không đạt kết quả. Ngày 7-5-1954 Điện Biên Phủ thất thủ, cuộc họp về Đông Dương thực sự bắt đầu ngày 8-5-1954.  Các nước tham dự có Anh (ngoại trưởng Eden); Pháp (Bidault, sau ngày 19-6 là Chauvel); Mỹ (Thứ trưởng ngoại giao Smith), Nga, (ngoại trưởng Molotov) Trung cộng, (Thủ tướng Chu ân Lai) Quốc gia Việt Nam, (Nguyễn Quốc Định, đầu tháng 7 là Trần Văn Đỗ) Việt Minh (Thủ tướng Phạm văn Đồng)

Hiệp định được ký kết ngày 20-7-1954 gồm 4 văn kiện

1- Hiệp định đình chiến tại Việt Nam.

2- Hiệp định đình chiến tại Lào.

3- Hiệp định đình chiến tại Cao Mên.

4- Tuyên bố cuối cùng, không có chữ ký.

Phái đoàn Quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ không ký vào bất cứ văn kiện nào của Hiệp định.

Hiệp Định Genève đình chiến ở Việt Nam gồm 6 chương 47 điều

Xin sơ lược một số điểm chính:

Chương I – Giới tuyến quân sự tạm thời, khu phi quân sự.

Thời hạn rút quân không quá 300 ngày từ 20-7-1954

Chương II- Nguyên tắc và cách thức thi hành Hiệp định

Điều 14- Trong khi chờ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, mỗi bên phụ trách quản trị hành chánh khu vực của mình. Thời hạn rút khỏi Hà nội 80 ngày, Hải dương 100 ngày, Hải phòng 300 ngày.

………..

Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến gồm Ấn độ (chủ tịch), Gia Nã Đại, Ba Lan.

Thứ trưởng quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện Việt Minh ký

Thiếu tướng Henri Deteil thay mặt Tư lệnh Đông dương ký

Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 gồm 13 điểm

Bản tuyên bố cuối cùng về tái lập hòa bình Đông Dương không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào tham dự hội nghị, trong đó điều 7 nói nguyên văn:

“Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956”

Sau khi Hội nghị khai mạc được một tháng và một tuần, vào ngày 4-6-1954, người Pháp đã trao trả độc lập hoàn toàn cho chính phủ Quốc gia Việt Nam

Việt Nam được độc lập hoàn toàn một tháng rưỡi từ 4-6 cho tới 20-7 thì bị chia đôi

Về ngày bầu cử người Pháp ấn định nó thật xa hay không xác định ngày càng tốt và giao trách nhiệm cho Ủy hội quốc tế. Vào ngày 15-7 Nga đề nghị cuối năm 1955. Lúc 5 giờ chiều ngày 20-7, mọi người đồng ý với Molotov đề nghị hai năm, Mỹ và Pháp muốn hoãn lại ít nhất 18 tháng.

Hiệp định Genève được ký ngày 20-7-1954, nội dung chính nói về đình chiến, đất nước chia đôi tại vĩ tuyến thứ 17, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh) đóng ở trên, chính phủ Quốc Gia Việt Nam và quân Pháp rút vào nam dưới vĩ tuyến 17.

Ngày hôm sau 21-7-1954 Hội nghị nhóm họp trở lại và cùng nhau thảo bản Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 gồm 13 điểm

Tổng tuyển cử dự trù năm 1956 chỉ là nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, nó không có nhiều giá trị về mặt pháp lý. Nó không ấn định rõ ràng hai bên phải tổ chức bầu cử ra sao?  Không có những điều khoản chi tiết về Tổng tuyển cử. Hai bên Bắc và Nam tự giải quyết vấn đề, không mang tính mệnh lệnh, quy định phải thực hiện, nói chung mơ hồ.

Nó không ấn định bầu theo thể thức như thế nào, ai thắng sẽ được quyền lợi gì? thua sẽ ra sao?

 Cộng Sản Việt Nam nói về Tổng tuyển cử

Nay nhiều vấn đề chính trị quân sự đã được trong nước đưa lên Bách Khoa Toàn Thư  (tức Wikipedia Tiếng Việt), họ cũng trích dẫn, tham chiếu nhiều tài liệu, sách báo trong và ngoài nước. Tuy về hình thức mang vẻ khách quan nhưng nhiều chỗ nghiêng ngả rõ rệt nên có thể coi đây là lập trường của họ.

Trong bài Hiệp định Genève, 1954 (trên Wikipedia Tiếng Việt), phần gần cuối họ nói về Tổng tuyển cử mà tôi xin tóm tắt như dưới đây:

-Quốc Gia Việt Nam từ chối Tổng tuyển cử:

Tổng thống Mỹ Eisenhower cho rằng 80% dân số VN sẽ bầu cho ông Hồ Chí Minh nếu có Tổng tuyển cử. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Thủ tướng Quốc Gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tuyên bố

Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ“, “thống nhất đất nước trong tự do chứ không phải trong nô lệ

Họ cho biết ông Diệm nói thêm là ông

nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc

Tổng tuyển cử được dự trù tháng 7-1956 nhưng Tổng thống Diệm bác bỏ mọi thảo luận sơ khởi khiến ông ta bẽ mặt ở phương Tây, người ta cho là Ngô Đình Diệm ngoan cố khao khát quyền lực chuyên chế.

(Họ dẫn) Theo tác giả Duncanson (Government and Revolution inVietnam, 1968. tr 223) thì sự thật phức tạp hơn, miền Bắc dân đông hơn miền Nam hai triệu (kể cả gần một triệu di cư), thời điểm 1955-1956 tại miền Nam có hỗn loạn do các Giáo phái và Việt Minh nằm vùng. Tại miền Bắc chiến dịch Cải cách ruộng đất tạo ra bầu không khí căng thẳng đưa tới cuộc nổi dậy của nông dân tại gần Vinh. Tình hình tại miền Bắc và Nam khiến Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến không hy vọng bảo đảm một cuộc bầu cử tự do mà cử tri không sợ bị trả thù

(Họ dẫn) Theo tác giả Mark Woodruff (trong Unheralded Victory: The Defeat of The Viet Cong and The North Vietnamese 2005, trang 6) quan sát viên Ủy hội Quốc tế đồng ý với quan điểm của QGVN (tức VNCH) rằng miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng, họ báo cáo hai bên không thực hiện nghiêm chỉnh ngưng bắn.

Năm 1956, Allen Dulles (giám đốc CIA) trình lên TT Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu có Tổng tuyển cử thì thắng lợi của Hồ Chí Minh như thủy triều dâng cao, chỉ còn cách tuyên bố không thi hành Hiệp địnhGenève. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tại miền Nam.

Hoa Kỳ vi phạm Hiệp định vì đã hỗ trợ QGVN và sau này viện trợ quân sự cho VNCH.

Trên đây là những nhận định của phía CS về chính phủ Ngô Đình Diệm từ chối Tổng tuyển cử thống nhất

Gần cuôi bài họ đề cập tới phần.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị tổng tuyển cử

Trong phần này phía CS cho biết:

Ngày 22-7-1954, hai ngày sau Hội nghị Giơnevơ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi lời Kêu gọi (tức Hiệu triệu): chúng ta phải đấu tranh cho hòa bình, thực hiện thống nhất bằng Tổng tuyển cử, Trung, Nam, Bắc là bờ cõi nước ta nhất định phải thống nhất, ông nói:

Chúng ta phải ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đặng thống nhất nước nhà

. . . . . .

Chúng ta củng cố tình hữu nghị vĩ đại giữa ta với Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác. Chúng ta đoàn kết hơn nữa với nhân dân Pháp, nhân dân châu á và nhân dân toàn thế giới để giữ gìn hoà bình.

Trả lời phỏng vấn báo Regards ngày 18-11-1954 ông nói        “Chúng tôi phải ra sức xây dựng lại nền kinh tế của nước chúng tôi bị chiến tranh tàn phá và nâng cao đời sống của đồng bào chúng tôi

Trả lời phỏng vấn hãng tin U.P (Mỹ) 13-7-1956, ông khẳng định

Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh và đấu tranh mạnh hơn nữa để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước; vì đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Giơnevơ 1954 thừa nhận…

. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bảo đảm tổng tuyển cử sẽ được hoàn toàn tự do ở miền Bắc Việt Nam…Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương tổ chức tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam

Năm 1955, Trung ương đảng Lao Động chính thức ưu tiên xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc, dùng ngoại giao kêu gọi hòa bình cho miềnNam. Hà Nội tìm hỗ trợ quốc tế, kêu gọi hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ (Anh-Nga), nhắc Pháp về trách nhiệm với Tổng tuyển cử.

Tháng 6-1955 (sau khi hết di cư) Hà Nội tuyên bố sẵn sàng mở hiệp thương với Sài Gòn nhưng không được đáp ứng, Hà Nội gửi thư cho (hai nước) Anh-Nga để mở lại Giơnevơ.

Trong khi tiến trình đàm phán Nam-Bắc tiếp diễn, Hà Nội còn cố tái lập quan hệ thương mại giữa hai miền, họ chủ trương thống nhất từng bước một

“Muốn thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, cần phải tiến hành thống nhất từng bước; từ chỗ tạm thời chia làm hai miền tiến đến chỗ thống nhất chưa hoàn toàn, từ chỗ thống nhất chưa hoàn toàn sẽ tiến đến chỗ thống nhất hoàn toàn.”

Nhưng cũng như vấn đề bầu cử, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thậm chí còn từ chối cả việc thảo luận

Năm 1956, Trường Chinh sang Mạc Tư Khoa họp đại hội đảng CS Nga, ông đề nghị tổ chức cuộc họp chín bên tham gia Hội nghị để thúc đẩy Tổng tuyển cử, phía Liên Xô đáp sẽ không có việc tái triệu tập Hội nghị,

Nguyên văn

“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận rằng không có Tổng tuyển cử và Việt Nam phải tự chuẩn bị phương án cho chính mình. Bất chấp việc không được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, thậm chí Liên Xô đã nhắm mắt trước những gì đang xảy ra tại Đông Dương…. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiếp tục có những nỗ lực ngoại giao….

Các cường quốc (Nga, Trung Cộng) đã không ủng hộ lời kêu gọi tổ chức tuyển cử của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà muốn hiện trạng chia cắt Việt Nam được giữ nguyên. Tháng 5/1956, một nhà ngoại giao Hungary tên Jozsef Szall  đã nói chuyện với một trợ lý thứ trưởng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rằng theo ý kiến ​​của Chính phủ Trung Quốc thì “các nghị quyết của hiệp định Genève, tức là, việc tổ chức bầu cử tự do và thống nhất Việt Nam, không thể được thực hiện trong thời gian này

Nói cách khác, những cường quốc của khối Xã hội chủ nghĩa đã không cung cấp cho VN Dân chủ Cộng hòa  sự hỗ trợ quốc tế mà họ kêu gọi.

Tháng 7 năm 1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, Hà Nội yêu cầu các đồng chủ tịch hội nghị Genève (tức Nga-Anh) tổ chức một cuộc hội nghị mới, yêu cầu này lại được lặp lại vào tháng 8. Các yêu cầu đàm phán với chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục được gửi vào tháng 6 và tháng 7 năm 1957, tháng 3 và tháng 12 năm 1958, tháng 7 năm 1959, và tháng 7 năm 1960, nhưng đều bị từ chối.

(phần Tổng tuyển cử trên do phía CSVN trình bầy).

 Nhận xét

Trước hết về nguyên tắc hay pháp lý, vấn đề Tổng tuyển cử không được ghi trong Hiệp định ngày 20-7-1954 mà chỉ được ghi trong bản Tuyên bố cuối cùng chỉ vỏn vẹn có vài hàng cho biết sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất vào tháng 7-1956, hai năm sau ngày ký kết Hiệp định. Nó không nêu rõ chi tiết các điều khoản tổ chức Tổng tuyển cử thế nào, kẻ thắng người thua sẽ ra sao thí dụ nếu ông Hồ thắng cử thì ông Diệm sẽ về làm thường dân hay làm phó Chủ tịch cho ông Hồ và ông Diệm phải vào đảng Lao Động, ngược lại nếu ông Diệm thắng cử thì ông Hồ sẽ phải về làm thường dân, giải tán đảng Cộng Sản hoặc ông Hồ sẽ làm phó Tổng thống cho ông Diệm… vân vân.

Sau đây tôi xin ghi nhận những điểm chính mà mà phía CSVN đã nói về Tổng tuyển cử ở trên:

-Thủ tướng Ngô Đình Diệm nói

Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ“, “thống nhất đất nước trong tự do chứ không phải trong nô lệ

Và ……ông Diệm nói thêm

nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc

-Tổng thống Mỹ Eisenhower cho rằng 80% dân số VN sẽ bầu cho ông Hồ Chí Minh nếu có Tổng tuyển cử

-Tác giả Duncanson cho biết tình hình tại miền Bắc và Nam khiến Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến không hy vọng bảo đảm một cuộc bầu cử tự do mà cử tri không sợ bị trả thù.

-Theo tác giả Mark Woodruff: quan sát viên Ấn Độ, Ba Lan, Gia Nã Đại của Ủy hội Quốc tế đồng ý với quan điểm của QGVN (Chính phủ Diệm) rằng miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng.

-Ngày 13-7-1956, ông Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn hãng tin U.P (Mỹ) khẳng định

... Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bảo đảm tổng tuyển cử sẽ được hoàn toàn tự do ở miền Bắc Việt Nam…

…Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương tổ chức tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam

-Các cường quốc (Nga, Trung Cộng) đã không ủng hộ lời kêu gọi tổ chức tuyển cử của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà muốn hiện trạng chia cắt Việt Nam được giữ nguyên

Các nghị quyết của hiệp định Genève, tức là, việc tổ chức bầu cử tự do và thống nhất Việt Nam, không thể được thực hiện trong thời gian này(ý kiến ​​của Chính phủ Trung Quốc)

CSVN trích lời tuyên bố của Thủ tướng Ngô Đình Diệm rất dài ngày 16-7-1955 (đăng trong công báo của Tòa Đại sứ VN tại Mỹ), ông Diệm không tin là miền Bắc có tự do bầu cử. Họ cũng trích nhận xét của tác giả Duncanson cho rằng Ủy hội quốc tế không hy vọng miền Bắc có bầu cử tự do mà cử tri không sợ bị trả thù.

Họ trích tác giả Mark Woodruff nhìn nhận Ủy hội quốc tế đồng ý với chính phủ Diệm rằng miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng.

Ông Hồ Chí Minh khẳng định ngày 13-7-1956

... Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bảo đảm tổng tuyển cử sẽ được hoàn toàn tự do ở miền Bắc Việt Nam…

Nhưng lấy gì bảo đảm cho lời hứa của ông? Hồ Chí Minh cũng nói:

“...Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương tổ chức tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam

Không đúng, vì tại miền nam VN người dân rất thờ ơ với Tổng tuyển cử, không hề thấy ai tỏ ý muốn có Tổng tuyển cử.

Chính phía CSVN đã công nhận Nga và Trung Cộng không muốn CSVN tổ chức Tổng tuyển cử, họ muốn hai miền Bắc-Nam ai ở đâu ở đó như đã nói trên.

Phía Thế giới Tự do Anh, Mỹ, Pháp… không hề muốn có Tổng tuyển cử.

Các thành viên của Ủy hội quốc tế cũng không muốn có Tổng tuyển cử mà họ cho là miền Bắc không đủ điều kiện để tổ chức bầu cử công bằng.

Nhưng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nằng nặc đòi bầu cử thống nhất, lý do chính là miền Bắc sau di cư 1954 thiếu hụt thóc gạo mà trước đây do miền Nam chở ra. Họ đòi hiệp thương để hai miền buôn bán giao thương với nhau nhưng miền Nam cương quyết cự tuyệt vì không muốn dính dáng liên hệ với miền Bắc. Miền Nam đã giao thương với nhiều nước trên thế giới không cần và không muốn buôn bán với miền Bắc vì sợ họ sẽ lợi dụng đưa gián điệp vào trong Nam.

Họ nói TT Eisenhower dự đoán 80% dân VN sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu có Tổng tuyển cử, ông ta có nói như vậy (2) . Ngoài ra Walter Robertson phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Mỹ (1954) cho rằng Bảo Đại theo Tây, bù nhìn bị nhân dân khinh ghét, Hồ Chí Minh được người dân yêu quí (3)

Các chính khách Mỹ không có kinh nghiệm, hiểu biết về CS, họ tưởng rằng ông Hồ chống Pháp được người dân ủng hộ, quí mến và các ông Bảo Đại, Ngô Đình Diệm bị đồng bào khinh ghét vì theo Tây bán nước. Họ nhầm to, năm 1950, 51.. khi chính phủ Quốc gia của Bảo Đại được thành lập, người dân từ hậu phương Việt Minh ùn ùn kéo về thành thị, nhất là năm 1954. Khi Hiệp định Geneve vừa ký xong, người dân các thành phố ùn ùn kéo nhau lên đường vào Nam hàng triệu người mà chỉ có khoảng 140,000 cán bộ, kháng chiến quân tập kết và gia đình di cư ra Bắc, họ băng rừng Trường Sơn hoặc đi tầu Ba Lan, Nga, Pháp.

Nếu nói toàn dân đều muốn bỏ phiếu cho ông Hồ Chí Minh chỉ là phỏng đoán vô căn cứ dựa trên thành kiến. Chi bằng ta cho bỏ phiếu bằng chân thì biết rõ ngay người dân chọn ai, chọn Hồ Chí Minh, chọn Bảo Đại hay thực dân Pháp?

Tại sao ông Hồ tuyên bố quyết tâm thực hiện Tổng tuyển cử, vì ộng đã tin chắc ở cuộc bầu cử gian lận, không tự do tại miền Bắc, ai cũng thừa biết sẽ chẳng có cử tri miền Bắc nào dám bỏ phiếu cho chính phủ miền Nam. Trong khi ấy ông Diệm và chính phủ miền Nam biết quá rõ về những thủ đoạn gian trá của CS từ năm 1945, người Quốc gia đã bị CS đánh lừa nhiều rồi, không còn gì để hy vọng và tin tưởng ở người CS.

Năm 1957 Lê Duẩn, người hiếu sát nhất của CSVN đã được Hồ Chí Minh cất nhắc lên chức quyền Tổng bí thư thay thế Trường Chinh từ chức. Ba Duẩn cho tiến hành dần dần chiến tranh người Việt giết người Việt rất sớm từ 1958, 59….máu của lương dân vô tội đã đổ xuống đồng ruộng miền Nam. Thế mà từ 1957, rồi 1958, 1959, 1960.. họ tiếp tục vận động miền Nam tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất, thật hết nước nói.

Theo tài liệu Quân Sử của Bộ Trung Hoa Quân Mưu (Chinese Military Advisory Group-CMAG), Nhất Thanh đã lược dịch trong bài Vai trò của CS Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam, 1954-1963. Bài này được đăng trên nhiều trang mạng Hải ngoại, Trung Cộng cho biết sau khi thất bại Cải cách ruộng đât (1955, 56), CSVN không thể thực thi thống nhất bằng lòng dân. Khi cái hy vọng thống nhất bằng lòng dân qua bầu cử của Đảng CSVN bị sụp đổ, CSVN vì đã quay lưng với hiệp định Geneva, âm thầm quậy phá miền Nam bằng bạo lực, gây chiền tranh đổ máu (4)

Chiến dịch đấu tố 1954-55 vô cùng dã man, thất nhân tâm đã làm đổ máu hàng trăm nghìn người vô tội, đã khiến người dân miền Bắc vô cùng phẫn nộ, nếu có bầu cử thực sự tự do thì CSVN sẽ thua trắng tay.

Đặt giả sử trường hợp miền Bắc thất cử trong Tổng tuyển cử, họ có chịu giải tán đảng CS và đặt dưới quyền chính phủ miền Nam hay không? Hoặc ngược lại nếu miền Nam thua cuộc, các cấp chính quyền, quân sự… toàn miền Nam có chịu để CS áp đặt chính quyền trên đầu họ không?

Tại sao phải thống nhất bằng bầu cử, phải tổ chức tốn kém nhân lực, tài lực, sao không cho bỏ phiếu bằng chân cho nó tiện và công bằng nhất…để người dân được tự do lựa chọn tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam” như Bác Hồ đã nói trên. Nếu vậy sẽ có từ năm đến mười triệu đồng bào miền bắc vĩ tuyến 17 gồng gánh lũ lượt kéo nhau vượt sông Bến Hải đi tìm tự do, hạnh phúc ở nơi đất lành chim đậu.

Từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay có hàng chục triệu người từ miền Bắc rời bỏ quê hương theo cuộc Nam tiến vĩ đại gấp mười lần cuộc di cư 1954, chẳng thế mà tại miền nam VN hiện nay dân Bắc kỳ tràn ngập mọi ngả đường từ quê đến tỉnh.

Cuộc Tổng tuyển cử thống nhất mà phía CS tin tưởng sẽ chiếm được đồng ruộng miền Nam phì nhiêu mà không mất một tên lính, không đổ một giọt máu, nhưng đó chỉ là mơ mộng hão huyền. Ngay cả các nước CS Nga, Tầu đều phản đối cuộc bầu cử mà ta chưa cần nói tới các cường quốc Tây phương

Cuối cùng, Tổng tuyển cử thống nhất hai miền chỉ là chuyện trời ơi đất hỡi…

  

(1) Nguyển Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 930-943

Wikipedia tiếng Việt:  Hiệp định Genève, 1954

(2) Fredrik Logevall: Embers of War, The Fall of An Empire And The Making of America’s Vietnam, trang 610, Tổng thống Eishenhower nói có thể 80% người dân Việt Nam muốn bầu cho Hồ Chí Minh hơn là cho Quốc trưởng Bảo Đại,

(3) Sách nêu trên, trang 495

(4) Nguyên Văn: Sự thất bại của Cải Cách Ruộng Đất đã khiến trong Đảng CSVN biết rõ là con đường thống nhất Việt Nam, như trong Hiệp Định Geneva bầu cử Dân Chủ, đã không thể thực thi. Khi cái hy vọng thống nhất bằng lòng dân qua bầu cử của Đảng CSVN bị sụp đổ, thì CSVN cũng phải đang đối diện với vấn nạn kinh tế của XHCN. Nguồn cung cấp gạo tại Hà Nội trở thành vấn nạn, CSVN vì đã quay lưng với hiệp dịnh Geneva, âm thầm quậy phá miền Nam bôi nhọ và ám sát nhân viên Cao cấp của miền Nam, nên CSVN không thể mở miệng xin mong sự giúp đõ từ kinh tế Miền Nam, CSVN ngoài phải tự trồng trọt kiếm ăn mặt khác, ban lãnh đạo Hà Nội tiếp tục quay về với Trung Quốc bất chấp vì nghe lời Bắc Kinh mà kết quả là những đau thương của Cải Cách Ruộng Đất

 

Vui cười

Chàng gặp nàng và khen: Trời! Hôm nay em đẹp và dễ thương quá!

Nàng (Xúc động): Vậy hả !!

Chàng: Nhưng em đừng nói cho ai nghe là anh đã khen em nhạ

Nàng: Ủa, sao vậy anh!?

Chàng: Thì người ta nói anh khùng chứ sao ?

 

Ai là người đàn bà duy nhất trong nhân loại đã không dọa chồng lúc nàng đang tức giận với chồng là sẽ xách vali bỏ nhà, trở về chung sống với mẹ của nàng như xưa? 

– Bà Evà! 

 

Vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và Bắc Hàn, Việt Nam đi về đâu – Thanh Thủy

A.- Giai đoạn thương thảo

1.- Washington nhờ cậy Bắc Kinh

Như quan điểm của chúng tôi đã trình bày trong bài tham luận trước là Mỹ muốn tránh hiểm họa cho mình về vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn nên Mỹ phải nhờ đến sự tiếp tay của Trung Cộng làm áp lực với Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình phát triễn vũ khí hạt nhân vì trên thực tế mà ai cũng biết chỉ có Trung Cộng mới làm được chuyện nầy vì Bình Nhưỡng rất lệ thuộc vào Bắc Kinh về mọi mặt từ chánh trị lẫn kinh tế. Lợi dụng sự nhờ cậy hiếm hoi nầy, giới lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ rằng thời cơ thuận lợi cho họ đã tới nên đặt ra những điều kiện trao đổi và mặc cả quyền lợi với Mỹ.

Đó là điều tất nhiên trên trường bang giao quốc tế, chỉ thuần về quyền lợi mà thôi.

2.- Tham vọng của Bắc Kinh

Tham vọng quyền lợi cốt lõi bậc nhứt của giới lãnh đạo Bắc Kinh là muốn được tự do phát triển toàn diện xuống vùng trời Đông Nam Á, mà bước đầu hiện tại là vùng biển và vùng trời trong khu vực của đường lưỡi bò chín đoạn trên Biển Đông và có thể luôn cả vùng biển Hoa Đông, nhưng cả hai vùng Biển nầy cũng chính là quyền lợi cốt lõi của Mỹ, và trên con đường hàng hải nầy mỗi năm sự vận chuyển hàng hóa qua lại có trên 5 ngàn tỷ đô la, cho nên, Bắc Kinh muốn dùng vấn đề kềm chế sự phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng như Mỹ yêu cầu để đổi lấy tham vọng mà họ mong muốn không phải là điều dễ dàng. Biết vậy, cho nên Tập Cận Bình của Bắc Kinh mới quyết tâm dùng mọi thủ đoạn để cốt ý làm lung lạc ý chí Donald Trump của Washington theo đúng kinh nhựt tụng của họ là “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”.

3.- Giai đoạn đầu của việc thương lượng

Bắc Kinh có thể tin tưởng đã đạt được thành công trong giai đoạn đầu khi họ nhận thấy thái độ lập lờ, ít nhắc tới vấn đề Biển Đông của Washington, hải đội Mỹ nhiều lần xin phép cho hạm đội Hoa Kỳ đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Cộng xây dựng trong khu vực đảo Trường Sa và Hoàng Sa để thực thi tự do hàng hải, nhưng đều bị ông Tổng thống Donald Trump bác bỏ mà không thấy nêu ra lý do, cộng thêm thái độ của ông Trump đối với Trung Cộng, chỉ cách nhau không đầy ba tháng mà đã hoàn toàn trái ngược hẳn, điều mà ít khi thấy có vị Tổng thống nào làm như vậy.

Rất có thể Bắc Kinh nghĩ rằng Washington đã bị họ đánh trúng đòn vào yếu huyệt cân não cho nên cần phải đánh bồi thêm liên tiếp cho đến khi nào kẻ địch thủ phải gục ngã, vì vậy, thay vì áp lực cho Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng về loại vũ khí giết người tàn bạo nầy, trái lại, như mọi người đều thấy là Bình Nhưỡng đã xem sự trừng phạt quốc tế không ra gì và liên tiếp phóng các loại hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sang biển Nhựt Bổn nhiều hơn trước đây, chắc gì không phải là thủ đoạn của Bắc Kinh trong vấn đề đó.

Tập Cận Bình một mặt tuyên hứa là vận động, áp lực với Bình Nhưỡng để ép Kim Jong Un ngưng thử nghiệm chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng ngầm biểu lộ cho Mỹ và thế giới thấy rằng sự vận động nầy đã không thành công, mặt khác tạo thêm những khó khăn hơn ở Biển Đông như gấp rút hoàn tất những căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo Hoàng sa và Trường sa, đặt hệ thống quang trắc để kiểm soát dưới đáy biển, đưa dàn khoan khổng lồ vào Vịnh Bắc Bộ, v.v… cốt ý để kéo dài thời gian khó khăn, chẳng những không giải quyết được mà vấn đề mỗi ngày một tệ hại thêm, mục đích làm cho Mỹ chán nản mà bỏ cuộc, như việc tháo chạy bỏ đồng minh Việt Nam năm 1975 và bỏ Đài Loan năm 1979.

Nhưng, thời cuộc ngày nay có thể khác đi và tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh vẫn còn quan niệm Mỹ trước sau gì cũng chỉ là con cọp giấy nên chỉ cần ra sức hù dọa là con cọp giấy nầy sẽ cúp đuôi tháo chạy, cho nên đã có những nhận định và đánh giá sai lầm về chánh phủ Mỹ của ông Donald Trump, xem thường những lời tuyên bố của hai ông Mỹ là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và ông Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson là: Sự kiên nhẫn của Mỹ đối với Bình Nhưỡng đã chấm dứt, một thông điệp báo trước cho Tập Cận Bình là Mỹ đã thấy rõ những việc làm không lương thiện của tập đoàn Bắc Kinh nên không còn tin tưởng vào họ nữa, và Mỹ bắt đầu phản ứng.

B.- Những hình thức phản ứng

Để biểu lộ sự mất niềm tin vào Trung Quốc, Mỹ đã có phản ứng qua những hành động được bộc lộ một cách khá rõ ràng như sau:

1.- Mỹ cho biết có thể trừng phạt Trung Quốc do ‘yếu kém trong việc chống buôn người’. Theo các bản tin cho biết Bản phúc trình thường niên về nạn buôn người (Trafficking in Persons Report) trong tuần vừa qua của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hạ bậc Trung Quốc xuống thành một trong các quốc gia vi phạm tồi tệ nhất. Chưa thấy Trung Quốc có phản ứng gì về sự ô nhục nầy. Điều nầy sẽ rất tủi nhục cho Trung Quốc, một đất nước mà bọn lãnh đạo Hán Tộc luôn đặt nặng tinh thần đạo lý Khổng Mạnh và Đạo Giáo trong việc xử thế, dù là giả hiệu, ngụy quân tử.

2.- Mỹ truy lùng tài khoản có liên hệ đến Bắc Triều Tiên

Nhà cầm quyền Mỹ tìm cách tịch thu hàng triệu đô la của một vài công ty như: công ty Dandong Zhicheng Metallic Material Co và 4 công ty mặt nổi mà các công tố viên nói đã cố tránh khỏi chế tài qua những giao dịch làm lợi cho những thực thể Bắc Triều Tiên “kể cả quân đội Bắc Triều Tiên và chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên”. Những công ty nầy giao dịch với Bắc Triều Tiên từ 8 ngân hàng quốc tế lớn: Bank of America Corp, Bank of New York Mellon Corp, Citigroup Inc, Deutsche Bank AG, HSBC Holdings Plc, JPMorgan Chase & Co, Standard Chartered Plc and Wells Fargo & Co. Nỗ lực này được tiết lộ hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm một phi đạn tầm xa đúng vào ngày Lễ Quốc Khánh 04/7/2017 của Mỹ và cho biết có thể bắn tới Alaska. Hành động này làm leo thang căng thẳng với Mỹ và tăng thêm lo ngại cho mọi người về kế hoạch hạt nhân của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

3.- Ngày 02/7/2017 Mỹ đưa tàu khu trục USS Stethem mang hỏa tiễn dẫn đường đi vào bên trong vùng 12 hải lý đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để thực hiện chuyến tự do hải hành (tiếng Anh viết tắt là Fonops) theo luật pháp quốc tế. Đó là một trong những thái độ dằn mặt trở lại của Mỹ đối với Trung Quốc về việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây dựng những căn cứ quân sự trên Biển Đông và sau khi Hoa Kỳ tỏ ra mất kiên nhẫn đối với Trung Quốc trong vấn đề Bắc Hàn

Lập tức, một chiến hạm của Trung Quốc bám theo chiếc USS Stethem của Hoa Kỳ khi làm nhiệm vụ này, mục đích chỉ để biểu lộ “một phản ứng quân sự ngoại giao” và có phần chắc là họ không dám làm áp lực hay đụng độ tối thiểu với Mỹ trong khu vực nầy, nơi mà họ cho rằng họ có chủ quyền, mặc dầu ai cũng biết là vùng biển đảo nầy là vùng lãnh hải của nước Việt Nam Cộng Hòa mà họ đã trắng trợn xua quân sang xâm chiếm vào năm 1974.

4.- Tổng thống Donald Trump chỉ trích Trung Quốc không làm việc nhiều sau vụ bắn hỏa tiễn tầm xa của Bình Nhưỡng, chẳng những thế mà trái lại, còn tăng hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng. Ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố: “Để Trung Quốc hợp tác với chúng ta là đã cho họ quá nhiều”. Điều nầy cho thấy tuần trăng mật giữa hai bên đã đến hồi kết thúc.

Tiếp theo đó, để  biểu lộ sự cương quyết của mình, một cuộc tập trận quy mô bắn đạn thật giữa Mỹ và Nam Hàn để đáp trả lại hành động ngang ngược của Bắc Hàn, cảnh cáo Kim Jong Un hảy xem lại khả năng của mình mà tự chế nếu muốn sống còn.

Chưa biết Kim Jong Un nghĩ sao, nhưng thực tế cho thấy Trung Cộng và Nga hoảng sợ, vội vàng lên tiếng thúc dục hai bên hãy chấm dứt việc phô trương sức mạnh quân sự của mình và hãy ngồi vào bàn đàm phán mặc dầu họ thừa hiểu rằng mọi cuộc đàm phán trước đây đều đã thất bại.

Sở dĩ các cuộc đàm phán trước đây đều đã thất bại, nguyên do chưa hẳn là về phía Bắc Hàn, mà vì sau lưng Bắc Hàn là sự hậu thuẫn của hai cường quốc đàn anh nầy, Bắc Hàn chỉ là con cờ và chánh phủ Mỹ trong những thời kỳ đàm phán đó, vì quyền lợi kinh tế nên đã tỏ ra rất nhu nhược đối với Nga và Trung Quốc, cho nên sự thể mới nông nỗi như ngày nay.

Điều rõ ràng để chứng minh cho việc nầy là tuy lên tiếng kêu gọi Bắc Hàn và Mỹ nên chấm dứt phô trương sức mạnh quân sự để ngồi vào bàn đàm phán, nhưng, theo những bản tin ngày 05/7/2017 Nga và Trung Cộng đều nhấn mạnh là sẽ phản đối bất kỳ mọi nỗ lực nào nhằm làm thay đổi thể chế của Bắc Hàn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn nói thêm là “ Các nỗ lực nhằm bóp nghẹt Bắc Hàn về mặt kinh tế cũng không thể chấp nhận được”.

Nga thì nói như vậy vì thời gian mặn nồng với Mỹ còn “hơi nóng”, nên nếu có những vấn đề gì khó xử giữa hai nước trong vấn đề Bắc Hàn thì vẫn còn thời gian để đàm phán, nhưng Trung Quốc thì lại khác, sự lo âu đã hiện rõ qua lời đã tuyên bố vừa mới đây của người phát ngôn Bộ Ngoại giao của họ là: “Thuyết trách nhiệm của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải chấm dứt”.

5.- Để trấn an đàn em, Trung Quốc đã triển khai trực thăng tấn công, lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ tới khu vực biên giới sát với Triều Tiên để diễn tập, nói là để đề phòng trường hợp khẩn cấp khi căng thẳng liên quan tới Bình Nhưỡng tiếp tục gia tăng, nhưng thực chất là để can thiệp, bảo vệ Bắc Hàn, cảnh cáo Nam Hàn và Mỹ không nên theo đuổi việc thống nhứt bản đảo Triều Tiên bằng cách triệt hạ chế độ Cộng sản Bắc Hàn để thiết lập chế độ dân chủ tự do trên bán đảo nầy khi cuộc chiến xãy ra vì sự tồn tại của Bắc Hàn như hiện nay là nhu cầu thiết yếu của Trung Quốc. Việc chiến tranh nếu xãy ra giữa đồng minh Mỹ với Bắc Hàn theo chúng dự liệu là sẽ gây thảm họa lớn lao cho cả hai phía và nhiều quốc gia lân cận khác, có thể chỉ là sự thổi phòng quá đáng để thử phổi Mỹ, vì không lẻ Nam Hàn và Nhựt Bổn với khả năng quân sự của họ đâu phải yếu đến nổi chỉ ngồi khoanh tay để hứng đạn của Bắc Hàn? Hệ thống Thaad của Mỹ ở Nam Hàn vốn làm cho Nga và Trung Cộng luôn lo sợ và đứng ngồi không yên, chẳng lẽ chỉ là con cọp giấy?

6.- Để trả đũa việc thách thức của Trung Quốc, ngày 07/7/17 Không Quân Mỹ điều động 2 phi cơ ném bom B-1B Lancer xuất từ đảo Guam bay ngang qua vùng Biển Đông đang trong vòng tranh chấp để khẳng định khu vực nầy không thuộc về của ai mà là lãnh thổ quốc tế, bất chấp Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các tuyến hàng hải trên khu vực. Điều nầy dĩ nhiên sẽ làm cho Trung Quốc phẫn nộ.

7.- Mỹ đã quyết định bán cho Đài Loan những vũ khí tối tân để phòng thủ đảo quốc lên đến 1,4 tỷ Đô la. Điều nầy trái ngược với ý muốn của Trung Quốc và khiến cho Đài Loan lên tinh thần, triển khai phản lực cơ khu trục bay bám sát hàng không mẫu hạn Liêu Ninh của Trung Quốc khi đoàn tàu nầy tiến vào gần khu vực hải phận của Đài Loan.

Nói chung, tất cả những hiện tượng xãy ra giữa các bên trong vấn đề Bắc Hàn hiện tại chỉ là bước đầu của sự thăm dò nhau về ý chí cương quyết và sự dẻo dai. Mục đích của Nga và Trung Cộng là cố tạo thêm những khó khăn để làm cho Mỹ cảm thấy rằng vấn đề Bắc Triều Tiên thật sự khó giải quyết nổi, càng kéo dài càng bị sa lầy, thêm vào đó là nội bộ nước Mỹ hiện trong tình trạng bất ổn vì những nhóm khuynh tả, một số cá nhân, một số giới truyền thông và những tổ chức chống Tổng thống Trump vẫn tiếp tục gây xáo trộn nội bộ, cho nên họ hy vọng đến một giải pháp sau cùng là Mỹ sẽ không đủ kiên nhẫn theo đuổi vấn đề Bắc Triều Tiên và sẽ phải bỏ đồng minh Á Châu tháo chạy, giống như tiền lệ đã xãy ra năm 1975, Mỹ bỏ đồng minh Việt Nam, nhường lại Biển Đông cho họ.

Tóm lại, sự kềm chế vấn đề hạt nhân đối với Bắc Hàn mỗi ngày một khó khăn hơn, nếu Mỹ không cương quyết dập tắt được bây giờ thì hậu quả sẽ thê thảm chẳng những cho cả thế giới mà luôn cả Mỹ, khi đó thì Trung Cộng sẽ tung hoành trên quả địa cầu nầy như chỗ không người và chỉ trong vòng vài thập niên tới Trung Cộng sẽ nhuộm đỏ cả thế giới, luôn cả Mỹ như nhận xét của ông cố vấn, tiến sĩ Navarro trong quyễn Chết Bởi Tay Trung Quốc của ông, vã lại, lưu lượng giao thương hàng hóa trên tuyến đường hàng hải trên Biển Đông lên đến trên 5 ngàn tỷ đô la US mỗi năm và trên đó Mỹ cũng đã đóng một vai trò huyết mạch về quyền lợi của mình. Cho nên, trước những vấn nạn lớn về mặt kinh tế và chánh trị như vậy, liệu rằng Mỹ có phải bỏ đồng minh để tháo chạy một lần nữa hay không?

 8.- Những điều suy luận

Xét về mặt tâm lý chánh trị và những điều kiện sống còn cũng như về quyền lợi kinh tế cốt lõi, nếu Mỹ nhận chân được rằng thái độ của Nga và Trung Quốc trong vấn đề vũ khí hạt nhân Bắc Hàn chỉ là luận điệu chuyên nghiệp khi yếu thế để làm hỏa mù, hù dọa mọi người, mọi quốc gia của bọn người Cộng sản, thì sự cương quyết theo đuổi vấn đề đến cùng bên cạnh các đồng minh chí cốt là Nhựt Bổn, Nam Hàn, Ấn Độ, Nam Dương, Úc…là điều cần thiết trong những lựa chọn, lúc đó thì chính Trung Quốc và Nga buộc lòng phải bỏ cuộc tháo chạy thay vì Mỹ tháo chạy như họ mơ tưởng.

Thiết tưởng, trước những bối cảnh đang được phô diễn, giờ đây có lẻ là lúcTrung Cộng và nhứt là Bắc Hàn nên tự kiểm điểm lại khả năng thực sự của mình để tự lo liệu việc thối lui. Được như vậy là điều may mắn cho mọi người và cũng riêng dành cho họ, còn như cứ điên cuồng thì tự chuốc lấy thảm họa vào thân mà thôi.

C.- Việt Nam trước bàn cờ quốc tế

1.- Theo một số nguồn tin thì Việt Nam đã cho hãng Talisman-Việt Nam khởi sự tiến hành thăm do dầu khí tại lô 136-06 nơi mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Điều nầy thực hư chưa biết ra sao, nhưng nếu quả đúng như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng khó tránh khỏi giữa hai quốc gia “ 4 Tốt và 16 Chữ Vàng” nầy. Mới nhất là sự kiện được tiết lộ hôm 06/07/2017, theo đó, Hà Nội đã triển hạn giấy phép thăm dò lô 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh. Cả hai lô này đều bị Bắc Kinh cho là của họ vì nằm bên trong đường 9 đoạn – còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc trưng ra để khẳng định chủ quyền.

Do hai hành động kễ trên, gần đây, có nhiều dư luận cho rằng Việt Nam dùng dầu khí để công phá đường lưỡi bò của Trung Quốc và đang trở thành quốc gia bạo dạn nhứt, làm đối thủ hàng đầu trong việc chống lại yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mỹ, Ấn Độ và Nhựt Bổn đang ủng hộ giải pháp nầy của Việt Nam, vì vậy mới có những hiện tượng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump, đi Nhựt gặp Thủ tướng Shinzo Abe và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đi Ấn Độ để cùng nhau ký rất nhiều thỏa hiệp về hợp tác Thương mại, Quốc phòng và An Ninh Khu vực.

Liên quan đến vấn đề nói trên, vào ngày 05/7/2017, hai chiến hạm Mỹ USS Coronado và USNS Salvor cặp cảng Cam Ranh và bắt đầu diễn tập các cuộc thao duợt quân sự với hải quân Việt cộng trong 5 ngày liền.

D.- Lời kết

Những biến chuyễn xãy ra như đã trình bày trên là những cuộc thách thức ngoạn mục giữa Bắc Kinh và Washington, đem niềm lạc quan về phía người Việt Nam, tuy nhiên, bạo quyền Việt cộng vốn phát xuất từ nguồn của chủ nghĩa Mát-Lê và tuyệt đối trung thành, nhận chỉ thị từ đàn anh Nga-Trung Cộng, cho nên từ trước đến nay, những hiệp ước mà chúng ký kết, thường ký xong chưa kịp ráo mực rồi lại trâng tráo xé bỏ, như hiệp ước đình chiến ký với Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, vừa ký xong thì trở mặt, xua quân đánh chiếm tỉnh Bình long, đánh chiếm tỉnh Ban Mê Thuột, tiếp theo đó là mở mặt trận đại quy mô và toàn diện xâm lăng toàn thể lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/4/1975. Cho nên, trước những động thái của Việt cộng, mọi sự đều nhắc nhở cho chúng ta phải nên cẩn trọng, không thể đặt nhiều niềm tin vào bọn chúng vì tung những hỏa mù để lường gạt dư luận là nghề chuyên nghiệp của họ, nên giả chân thật khó lường. Chờ xem.

Đu dây giữa các siêu cường là chuyên nghiệp của họ, cho nên, chúng ta có thể đặt câu hỏi là liệu hiện nay có phải họ cũng đang đu dây giữa một bên là Nga Trung và một bên là Mỹ Nhựt Ấn? Tổng thống Donald Trump đã biết việc nầy của họ trong quá khứ, Nhựt và Ấn cũng không xa lạ gì với họ. Cho nên, nếu như ngày nay bọn chúng cũng còn toan tính giở thủ đoạn nầy một lần nữa thì sẽ phải  đối diện với sự thất bại nhục nhã và khi đó dân tộc Việt sẽ bị lôi kéo theo biết bao là thảm họa. Điều nầy chắc chắn không người dân Việt nào cam tâm chấp nhận và lúc đó chắc chắn cũng sẽ là dịp để mọi công dân Việt cùng nhau đứng dậy lật đổ chúng để khai phóng đất nước, quang phục lại quê hương, mang lại cho đất nước Việt Nam một nền hoà bình thật sự dân chủ, tự do và phồn thịnh, người người sống trong cảnh ấm no và hạnh phúc.

Ta muốn xô ngã bức trường thành đen tối,

Mở lối đi có muôn vạn nẻo trời hoa

Có chim ca, có hương lửa hiền hòa

Có nụ cười tươi, có hương thơm hoa đồng cỏ nội

 

Ta mơ-ước vén được bức màn mây tăm-tối

Cho quê-hương  vang dậy vạn lời ca

Ta hân-hoan ôm trọn nước non nhà

Cùng tô thắm giang-san màu  tươi sáng

Thanh Thủy (14/7/2017)

 

Vui cười

Một đêm nọ, Ađam đi chơi về khuya. Evà ra vẻ lạnh lùng, giọng mỉa mai thăm dò: 

– Sao anh đi đâu về trễ thế, lại đi với con nào rồi phải không? 

Ađam thành thật: 

– Em chỉ ghen bóng ghen gió. Cả cái địa đường này chỉ có mình em với anh, tìm đâu ra con nào khác nữa! 

Evà chua chát: 

– Biết đâu anh chẳng xin Chúa dựng thêm cho anh một con khác! 

Ađam hết ý, thôi đành im lặng cho vừa lòng bà.

Ðêm hôm đó, Evà không quay mặt vào tường mà ngủ, nhưng quay sang phía Ađam. Nàng im lặng đưa ngón tay thon nhỏ âm thầm “đi dạo” hàng giờ trên hai cạnh sườn của Ađam.

Ađam mất ngủ, giọng làu bàu: 

– Em làm cái gì thế? 

Evà thản nhiên trả lời: 

– Thì em đang đếm lại xem anh có mất thêm cái xương sườn nào nữa không!!!

 

Bill, Jim và Scott thuê một căn hộ trên tầng 75 một cao ốc. Một hôm, đi làm về, vả ba đều hoảng khi nghe thông báo là thang máy hỏng. Bill nói:

– Đành phải leo cầu thang vậy, nhưng hãy để cho mọi việc thú vị hơn bằng cách mình sẽ kể chuyện cười suốt 25 tầng đầu tiên, rồi Jim sẽ hát suốt 25 tầng tiếp theo và Scott sẽ kể chuyện buồn suốt 25 tầng còn lại…

Đến tầng 26, Bill ngừng kể chuyện và Jim bắt đầu hát. Đến tầng 51,

Jim ngừng hát và Scott bắt đầu:

– Mình sẽ kể câu chuyện buồn nhất trong ngày hôm nay… Mình để quên chìa khóa phòng trong xe ô tô rồi…

Nhật Ký Biển Đông –  Đào Văn Bình

Ai Sẽ Lãnh Đạo Thế Giới?

Ngày 19/6/2017 chương trình Good Morning America cho biết, Peter’s Clam Bar ở Island Park, Nữu Ước đã chào tạm biệt con tôm hùm tên Louie tuổi đời 100 năm. Cụ tôm hùm này đã chào mừng và trêu ghẹo khách của nhà hàng đã 20 năm, nhưng nay ông chủ là Butch Yamali nói với Đài ABC là ông quyết định kiếm cho cụ mái nhà mới. Chúng tôi thật không muốn bán con tôm hùm này và cũng không thể ăn thịt vì thịt cụ quá dai cho nên đã thả cụ về với biển. Cụ ở đây giống như một con thú cưng (pet) của chúng tôi vậy.”

Đây là hành vi phóng sinh rất đáng khen ngợi. Giữa tin vui và biết bao nhiêu chuyện buồn, chuyện nhức đầu, chuyện lo, chuyện nhiêu khê của nước Mỹ, Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Sáu ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:

– AP ngày 15/6/2017: “Đức và Áo lên tiếng công kích nghị quyết của Thượng Viện Hoa Kỳ gia tăng cấm vận Nga khiến ảnh hưởng tới thương mại của Âu Châu liên quan tới việc đường dẫn ống khí đốt. Trong một tuyên bố chung, thủ tướng Đức và thủ tướng Áo nói rằng chúng tôi không chấp nhận đe dọa bất hợp pháp từ ngoài lãnh thổ Âu Châu chống lại các công ty của Âu Châu. Bà Merkel còn nói rằng nếu Tổng Thống Donald Trump ký ban hành đạo luật này, Đức sẽ nghiên cứu biện pháp trả đũa. ” Còn theo AFP, Tổng Thống Putin lên án hành động cấm vận mới là chẳng đi tới đâu và xuất phát từ nội tình chính trị Hoa Kỳ và lịch sử của Tây Phương muốn kiềm hãm Nga.”

– AP ngày 15/6/2017: “Theo giới chức của Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài sẽ gửi thêm gần 4000 quân tới A Phú Hãn để phá vỡ thế bế tắc của cuộc chiến đã qua tay ba đời tổng thống. Đây là đợt triển khai binh sĩ lớn nhất ở những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của Ô. Trump.”

Cuộc chiến A Phú Hãn kéo dài đã 16 năm. Ô. Bush Con gửi 30,000 binh sĩ tới đây (chưa kể quân đồng minh). Tháng 7, 2016, để hỗ trợ cho cuộc bầu cử tổng thống, Ô. Obama tuyên bố tình hình A Phú Hãn đã “khả quan” tuyên bố giảm quân và chỉ còn giữ lại 8400, nay Ô. Trump phải tăng thêm 4000 quân nữa. Chưa biết tăng quân có giải quyết được cuộc chiến này hay không mà vào ngày 13/4/2017 Hoa Kỳ đã phải sử dụng tới loại bom “Mẹ Của Các Loại Bom” với sức công phá ghê gớm gần giống như một quả bom nguyên tử cỡ nhỏ. Nếu đợt tăng quân này không giải quyết được cuộc chiến thì Ô.Trump cũng sẽ sa lầy như các Ô. Bush Con, Ô. Obama mà thôi. Dường như các cuộc chiến của Hoa Kỳ ở các quốc gia Ả Rập và Trung Đông sẽ là “bài học nhớ đời” cho các tổng thống và chiến lược gia Hoa Kỳ sau này. Điều đó có nghĩa là “Vào thì dễ như trở bàn tay, nhưng rút ra thì không được, và không bao giờ có chiến thắng”. Theo tôi nghĩ, nếu không có một giải pháp chính trị cho A Phú Hãn, cuộc chiến ở nơi đây còn kéo dài nhiều thập niên nữa, kéo lê qua nhiều đời tổng thống. Các ứng cử viên sẽ “tố” nhau để giành ghế, đắc cử rồi lại sa lầy như người tiền nhiệm. Theo kinh nghiệm lịch sử, những cuộc viễn chinh, sau chiến thắng phải rút ngay và trao lại cho chính quyền bản địa, nếu ở lại như một đạo quân chiếm đóng sẽ thất bại. Sự hiện diện của quân ngoại bang đóng lan tràn, hành quân, bỏ bom, bắn giết trên bất cứ một quốc gia nào cũng sẽ khơi mào cho một phong trào yêu nước, kháng chiến. Khi phong trào kháng chiến đã bắt rễ vào trong lòng quần chúng thì sẽ là sức mạnh vô địch.

– AP (Tokyo) ngày 16/6/2017: “Bảy thủy thủ mất tích và một bị thương sau khi khu trục hạm USS Fitzgerald của Hải Quân Hoa Kỳ đụng phải một thương thuyền mang quốc tịch Phi Luật Tân ngoài khơi Nhật Bản. Đoạn phim ngắn của hệ thống truyền hình Nhật Bản NHK cho thấy tàu bị hư hại nặng ở bên hông. Phát ngôn viên của Hạm Đội 7 cho biết việc kiểm kê số thủy thủ bị thương đang được tiến hành.”

Đây là chuyện thật lạ đời! Hải quân Hoa Kỳ được coi như tân tiến và hùng mạnh nhất thế giới, đặc biệt đối với một khu trục hạm có khả năng phát hiện và tiêu diệt chiến hạm địch cách xa vài trăm hải lý. Thế mà một tàu chở dầu đến gần, đâm vào cạnh sườn mà không ai hay biết. Có lẽ cả thủy thủ đoàn và hạm trưởng đều ngủ quên hoặc thức nhưng mải coi phim ảnh nhảm nhí trên các máy điện tử, hoặc buồn quá chơi “games” để “quên đời”. Theo tin mới nhất, thuyền trưởng tàu buôn nói rằng chiến hạm đã không có hành động né tránh hoặc đáp ứng khi có sự cảnh báo bằng đèn chớp và tiếp tục tiến tiến tới, chặn ngang đầu tàu chở dầu.

– AP (Moscow) ngày 18/6/2017: “Bộ Ngoại Giao Nga vừa chỉ trích Tổng Thống Donald Trump về quyết định làm chết cứng sự căng thẳng với Cuba và những lời lẽ tấn công những vị lãnh đạo của đảo quốc này. Bộ Ngoại Giao Nga cũng nói rằng Ô. Trump đang quay lại với những lời lẽ tuyên truyền kích động của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.”

Theo ý kiến của tôi việc Ô. Trump đảo ngược quyết định giải tỏa cấm vận Cuba của Ô. Obama do nhu cầu chính trị muốn kiếm phiếu của cộng đồng Cuba lưu vong hơn là quyền lợi thiết thực của Hoa Kỳ. The Hill ngày 21/6/2017 cho rằng việc Mỹ “đóng cửa rút cầu” với Cuba, tạo cơ hội tốt cho Nga nhảy vào giống như thời Chiến Tranh Lạnh.

– AP ngày 20/6/2017: “Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo bộ tham mưu của Ô. Trump là nếu Hoa Kỳ thoái thác can dự vào những vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối phó thì vị trí của Hoa Kỳ sẽ bị thay thế và đó không phải là điều tốt cho Hoa Kỳ hay cho thế giới. Ô. Guterres nói rõ với các phóng viên trong buổi họp báo đầu tiên kể từ khi đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo LHQ từ ngày 1 Tháng Giêng 2017 là…đề nghị cắt giảm tài trợ cho LHQ của Hoa Kỳ sẽ là thảm họa và tạo nên khó khăn không sao giải quyết được cho LHQ. Nhưng Ô. Guterres nhấn mạnh rằng ông không sợ đối đầu với Tổng Thống Donald Trump khi ông hài ra sự chống đối của các lãnh đạo thế giới khi Hoa Kỳ rút lui khỏi Thỏa Hiệp Biến Đổi Khí Hậu Paris. Ông còn nói thêm rằng việc động viên các công ty Hoa Kỳ và xã hội dân sự hỗ trợ cho việc đối phó với khí hậu biến đổi là dấu hiệu của hy vọng mà chúng tôi vô cùng khuyến khích.”

Chúng ta còn nhớ khi LHQ biểu quyết lên án Do Thái tiếp tục chương trình định cư nơi đất của người Palestine, Ô. Trump đã nói rằng Liên Hiệp Quốc chỉ là chỗ vui chơi và đe dọa cắt đứt tài trợ cho LHQ để chiều lòng Do Thái.

– AP ngày 24/6/2017: “Áp lực gia tăng lên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sau khi một số thượng nghị sĩ kêu gọi mở cuộc điều tra về báo cáo nói rằng các thẩm vấn viên của quân đội Hoa Kỳ đã làm việc với Ả Rập Sê-út để tra tấn các người bị giam giữ tại Yemen. TNS. John McCain- Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện và TNS Jack Reed của Dân Chủ đã gọi báo cáo này là hết sức lo ngại. Cùng ngày, hai thượng nghị sĩ nói trên đã viết một bức thư cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis yêu cầu tiến hành việc duyệt xét lại bản báo cáo về những vi phạm và quân đội Hoa Kỳ được biết những gì. Cho dù Hoa Kỳ bỏ qua việc tra tấn do một quốc gia hợp tác với Hoa Kỳ làm, điều đó gây tổn hại tới tiêu chuẩn đạo lý mà tiêu chuẩn đó làm cho chúng ta và kẻ thù khác hẳn nhau, và đây là niềm tin mà mọi người coi đó là căn bản của nhân quyền. Chúng tôi tin rằng ông bộ trưởng sẽ coi những lời đồn đại này là hết sức lo ngại như chúng tôi lo ngại vậy.”

Theo AP cùng ngày, chính quyền Yemen được quốc tế công nhận đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra về báo cáo cho rằng đã có sự vi phạm nhân quyền khi tra tấn người giam giữ.

– Washington Post ngày 26/6/2017: “Theo một cuộc thăm dò được công bố ngày hôm nay, nhiều người Nga vẫn coi Joseph Stalin là nhân vật nổi bật/xuất sắc (outstanding) trong lịch sử thế giới hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác, trong khi đó Tổng Thống Putin đứng thứ hai và được coi như hơn hẳn những người khác vì đã phục hồi uy tín của Liêng Bang Sô-viết.”

Tâm lý của người dân thật kỳ lạ. Một nhà lãnh đạo mở mang bờ cõi, nâng cao uy tín của đất nước trên trường quốc tế, biến quốc gia thành một đất nước hùng mạnh, tuy độc tài nhưng vẫn được người dân đời sau ngưỡng mộ. Trong khi đó một nhà lãnh đạo nhân đức, nhưng làm cho đất nước suy yếu hay đưa đất nước vào vòng nô lệ thì vẫn bị đời sau kết án. Nói tóm lại, sự hùng mạnh của một quốc gia vẫn là thước đo vị trí của nhà lãnh đạo trong lịch sử.

– Reuters ngày 26/6/2017: “Cả chục ngàn người bỏ trốn qua Gia Nã Đại để tránh cuộc trục xuất di dân bất hợp pháp của Tổng Thống Donald Trump khiến cho vấn đề pháp lý trở nên tiến thoái lưỡng nan vì gánh nặng di dân đè lên hệ thống người tỵ nạn, tìm công ăn việc làm khó khăn, nhà ở cho họ cũng như cho con em đi học.”

– Reuters (26/6/2017): “Tổng Thống Donald Trump và Thủ Tướng Ấn Độ Modi hội kiến lần đầu tiên để tìm kiếm mối bang giao nồng ấm cho dù có những khác biệt về ngoại thương, chính sách di dân và Thỏa Hiệp Biến Đổi Khí Hậu Paris. Cuộc họp thượng đỉnh không ồn ào để làm mạnh thêm thỏa hiệp hợp tác chiến lược (Strategic Partnership) những mục tiêu chung chỉ là khởi đầu và làm quen với nhau. Trong lúc họ gặp nhau, Ngũ Giác Đài cho biết Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã chuẩn y việc có thể bán cho Ấn Độ một máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 giá khoảng 366 triệu Mỹ Kim.”

Trong khi Ô. Obama và Ô. Putin tiếp đãi Ô. Modi một cách trọng thể, thì dường như Ô. Trump coi nhẹ vai trò của Ấn Độ trên chính trường quốc tế mà chú trọng tới vai trò của Trung Hoa qua việc tiếp đãi vô cùng trọng thể Ô.Tập Cận Bình. Nếu Hoa Kỳ coi nhẹ mối bang giao Ấn-Mỹ thì Ô. Trump sẽ đẩy Ấn Độ vào tay Nga.

– Tổng Hợp ngày 30/6/2017: Hoa Lục vừa hạ thủy một khu trục hạm khổng lồ trang bị hỏa tiễn đạn đạo thuộc Thế Hệ Mới có tên Hạng O55, trọng tải 10,000 tấn có thể bắn hạ mục tiêu cách xa 2000km đang trở nên một thách thức cho các cường quốc hải quân như Hoa Kỳ.

 Tình hình Syria:

– Good Morning America ngày 18/6/2017: “Một phi cơ chiến đấu của Hải Quân Hoa Kỳ đã bắn hạ một máy bay của chính phủ Syria khi máy bay này ném bom vào phe phiến quân đang chống Nhà Nước Hồi Giáo. Trong một bản công bố, liên quân do Hoa Kỳ cầm đầu nói rằng họ tập trung vào việc chống Nhà Nước Hồi Giáo và không chống chính phủ Syria hoặc Nga, nhưng sẵn sàng bảo vệ thành viên của liên minh nếu họ bị tấn công.” Còn Bộ Quốc Phòng Nga ra tuyên bố nói rằng họ sẽ coi các máy bay đồng minh của Mỹ như là mục tiêu chống Nhà Nước Hồi Giáo khiến vào ngày 20/6/2017 Úc phải ra lệnh đình chỉ các chuyến không kích vào lãnh thổ Syria vì sợ đụng chạm với Nga. Theo AFP ngày 19/6/2017, “Ba Tư đã phóng sáu hỏa tiễn đạn đạo từ miền tây vào những mục tiêu của phe thánh chiến ở Syria để trả đũa vụ tấn công vào quốc hội tại Thủ Đô Tehran, nhưng hành động này dường như còn nhắn gửi một tín hiệu xa hơn cho các đối thủ trong vùng kể cả Hoa Thịnh Đốn. Những hỏa tiễn này được nói là đã bắn trúng đài chỉ huy của Nhà Nước Hồi Giáo tại Deir Ezzor.”

Trước những diễn biến mới này, cuộc chiến Syria có thể ngả sang một hướng khác mà không ai biết sẽ ra sao. Trong khi đó Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine (ứng cử viên phó tổng thống cho Bà Clinton) nói rằng hành động Hoa Kỳ bắn rơi máy bay của Syria là hoàn toàn bất hợp pháp (completely illegal) (Có thể là do không được quốc hội cho phép). Còn Tổng Thống Pháp Macron trong cuộc gặp gỡ Tổng Thống Nga Putin ngày 21/6/2017 nói rằng, “Chúng ta cần sự trợ giúp của Nga để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo và Ô. Assad có thể ở lại. Ô. Assad do Nga và Ba Tư hỗ trợ không phải là kẻ thù của Pháp.” (We need Russia’s help fighting ISIS, Assad can stay.) Lập trường của tân tổng thống Pháp về Syria hoàn toàn trái ngược với cựu Tổng Thống Hollande trước đây

– Reuters ngày 22/6/2017: “Hoa Kỳ vừa cho Thổ Nhĩ Kỳ biết họ sẽ thu hồi vũ khí cung cấp cho nhóm chiến binh người Kurd YPG ở bắc Syria sau khi đã đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo hầu trấn an lo sợ của Thổ về việc vũ trang cho lực lượng người Kurd nằm ở phía nam Thổ.”

Theo tôi, lời hứa này tuy đẹp về mặt ngọai giao nhưng “đâu vẫn hoàn đó”. Sau khi chiến thắng Nhà Nước Hồi Giáo, dại gì mà lực lượng YPG giao nạp hết vũ khí cho Hoa Kỳ? Họ sẽ cất dấu hoặc Hoa Kỳ bội ước thì làm sao? Lúc đó Thổ Nhĩ Kỳ kiện ai? Giao vũ khí cho một lực lượng vũ trang ở một vùng đất rộng mênh mông không thuộc quyền kiểm soát của mình mà đòi thu hồi…thì đúng là chuyện “mò kim đáy biển”.

 Tình hình Biển Đông:

– The Vox ngày 24/6/2017: “Chẳng bao giờ là dấu hiệu tốt lành khi lãnh đạo một quốc gia trong nhiều thập niên áp chế, xuất hiện trong bộ đồ nhà binh, đứng bên cạnh một nhóm các ông tướng, đưa ra những lời đe dọa mờ mờ ảo ảo cho các đối thủ chính trị là – cái lưỡi của các ông là nguyên do của chiến tranh. Nếu các ông vẫn còn đưa ra lời thóa mạ và đe dọa giết thì các ông nên chuẩn bị mua hòm là vừa. Thủ Tướng Hun Sen trong ngày 21/6/2017 nói rằng để bảo vệ hòa bình cho nhiều triệu người, nếu cần thiết cũng cần loại trừ 100 hay 200. Xin quý ông nghe cho cẩn thận…bất cứ ai đe dọa nền hòa bình sẽ nhận được những gì mình muốn. Nhà lãnh đạo Campuchia đã nói như vậy trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày mà ông quyết định rời bỏ hàng ngũ Khmer Đỏ và thành lập lực lượng đối kháng, cuối cùng đánh bại chế độ giệt chủng Pol Pot.”

Cũng trong dịp này Ô. Hun Sen đã qua thăm Tỉnh Bình Phước (Lộc Ninh) nơi ông gặp lại các cựu chiến binh Việt Nam lúc ông mới 25 tuổi, kể lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên của thời gian khổ, những giây phút chôn cất vũ khí, gặp người dân và được ăn cơm với những món ăn Việt Nam. Tại đây ông được các tướng Nguyễn Chí Vịnh (Thứ Trưởng Quốc Phòng) và tướng Bùi Văn Nam (Thứ Trưởng Bộ Công An) tiếp đón. Sau đó ông trồng “Cây Đoàn Kết Việt Nam “ để lưu niệm.

Ông Hun Sen là một nhà lãnh đạo vô cùng khôn ngoan. Ông cho con trai trưởng học ở Võ Bị West Point để con ông dễ dàng “làm bạn” với Mỹ sau này. Ông ngả theo Hoa Lục để phát triển kinh tế và làm đối trọng với Việt Nam. Ông đi với Việt Nam để tạo thế chính trị. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không bao giờ để bất cứ đối thủ chính trị nào lật đổ Ô. Hun Sen mà có chính sách bài Việt”.

Hiện nay Campuchia đang gửi binh sĩ huấn luyện tại các học viện quân sự Việt Nam giống như thời Tướng Lon Nol sau khi lật đổ Sihanoux với sự giúp đỡ của CIA Mỹ, đã gửi các sĩ quan cấp đại úy và thiếu tá thụ huấn các khóa bộ binh cao cấp tại Trường Bộ Binh Thủ Đức vào những năm 1970-1971. Nói tóm lại, dù dưới thể chế chính trị nào, Kampuchia muôn đời phải cột chặt vào quỹ đạo Việt Nam nếu muốn yên ổn. Bất cử chính phủ nào nếu chống Việt Nam, dù không phải là Khmer Đỏ, thì cũng sẽ bị lật đổ và đất nước sẽ nát như tương.

– Reuters ngày 25/6/217: “Binh sĩ hải quân Việt Nam và Phi Luật Tân cùng đá bóng, đánh bóng chuyền và kéo co trên một hòn đảo ở Biển Đông, một sự hợp tác mới nhất trước những lo ngại Hoa Lục nằng nặc tuyên bố hết chủ quyền ở vùng biển này. Hai bên đã chơi thể thao bằng cách phối hợp hai đội tại Song Tử Tây (Southwest Cay) thuộc Quần Đảo Trường Sa. Giới chức hải quân Phi Luật Tân cho biết đây là cuộc giao hữu thể thao lần thứ ba kể từ năm 2014 trên hòn đảo do Phi Luật Tân chiếm giữ trong 40 năm, nhưng nay thuộc sự kiểm soát của Việt Nam.”

– Reuters ngày 26/6/2017: “Hoa Lục và Việt Nam trải qua một thách đố mới để tránh đối đầu về khai thác dầu dưới lòng biển sau khi Bắc Kinh cắt ngắn cuộc họp cao cấp tuần rồi, nhưng các chuyên viên nói rằng hai bên sẽ hàn gắn sự việc này thôi. Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong) thuộc Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc đã rời cuộc họp về biên giới với Việt Nam sớm với lý do bận rộn công vụ. Tướng Phạm Trường Long trước đây cũng đã gặp Ô. Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí Thư Đảng CSVN và Ô. Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên không chính thức nói tại sao cuộc họp bị cắt ngắn. Các nhà phân tích theo dõi tình hình Việt Nam tin rằng nguyên do là do sự tranh chấp khai thác dầu ở Biển Đông và cũng có thể vì Việt Nam mới đây có những cuộc tiếp xúc với các đối thủ của Hoa Lục là Hoa Kỳ và Nhật Bản.”

Theo tôi nghĩ, ông tướng Tàu này có họp tới nơi tới chốn hay bỏ về sớm thì cũng vậy thôi. Họp, bắt tay, hứa hẹn lung tung, nhưng sau đó vẫn áp chế và bành trướng ở Biển Đông thì cũng như không. Việt Nam quá rành ”sáu câu vọng cổ” về chuyện này cho nên họp thì cứ họp, nhưng chuẩn bị chiến tranh thì vẫn cứ phải chuẩn bị. Tin theo lời hứa, cam kết của Hoa Lục thì cũng giống như con gà trống tin vào lời hứa của con cáo. Ngày xưa Đại Việt ta tuân phục, triều cống các hoàng đế Trung Hoa đầy đủ cả ngàn năm mà Tàu có thương Việt Nam bao giờ đâu?

Cũng theo Reuters ngày 29/6/2017, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phi Luật Tân Alan Peter Cayetano đã gặp Ngoại Trưởng Vương Nghị tại Bắc Kinh và Ô. Vương Nghị nói rằng 22 thỏa hiệp thương mại song phương đã được ký kết và hai quốc gia đang ở vào thời kỳ hoàng kim của phát triển nhanh (golden period of fast development). Phi Luật Tân còn nhận cả ngàn khẩu súng trường và súng bắn tỉa do Trung Quốc trao tặng để đối phó với phiến quân Hồi Giáo.

Trong khi đó Ô. Trần Đại Quang thăm Nga và theo Sputnik News ngày 29/6/2017, “Nga và Việt Nam đã thỏa thuận hơn 20 chương trình hợp tác đầu tư quy mô lớn tổng trị giá gần 10 tỷ đô-la.”

 Nhận Định:

Trên đời này, hợp tác, liên minh chỉ mạnh khi có làm ăn buôn bán, đầu tư, cho vay hay viện trợ mà người Mỹ gọi là “củ cà-rốt”. Nhưng ngày nay “củ cà-rốt” của Hoa Lục ngày càng to và ngon trong khi “củ cà-rốt” của Mỹ càng ngày càng teo lại mà “cây gậy” ngày càng lớn hơn. Sự cắt giảm ngân sách ngoại giao của Ô. Trump có nghĩa là các chương trình viện trợ cho thế giới và Liên Hiệp Quốc sẽ giảm bớt hoặc không còn nữa.

Trước mắt, Hoa Lục đang tăng cường ảnh hưởng ở Phi Luật Tân là khu vực bất khả xâm phạm của Mỹ hơn 100 năm nay, mở rộng tầm hoạt động hải quân tới tận Ba Tư, tiến hành dự án Một Trục Lộ, Một Vành Đai xuyên Á-Âu, liên kết với Nga và ảnh hưởng gần như toàn bộ lên Phi Châu… cho thấy Hoa Lục đang tranh ngôi vị lãnh đạo thế giới với Hoa Kỳ.

Chưa biết vị thế trong tương lai của nước Mỹ như thế nào. Tại Đông Nam Á, chỉ còn Việt Nam duy nhất là “tiền trạm” để may ra có thể ngăn chặn đà bành trướng và khống chế Biển Đông của Hoa Lục. Mất cứ điểm này, Hoa Kỳ phải lui về cố thủ ở Guam và vĩnh viễn không còn là cường quốc hải quân Số Một nữa.

Sự đổi thay và phế hưng của các đế chế là chuyện thường tình của lịch sử. Các đế chế suy tàn là vì: Nội bộ chia rẽ, can dự vào quá nhiều các cuộc viễn chinh khiến lực lượng bị phân tán, hao tổn, cuối cùng là kinh tế suy thoái. Một quốc gia, khi mà khả năng tài chính suy yếu thì không còn nắm giữ được địa vị lãnh đạo thế giới nữa. Đó là một “định đề” bất di bất dịch.

https://vietbao.com/a269432/nhat-ky-bien-dong-ai-se-lanh-dao-the-gioi-

 

Ô. Trump  Sẽ Trụ Ở Biển Đông

BBC News tiếng Anh ngày 6/7/2017 loan tin một phụ nữ Hoa Kỳ, Cô Emily Lance đã đứng đái vào lá cờ Hoa Kỳ trong buồng tắm, thu hình rồi phổ biến trên Facebook trong dịp người dân kỷ niệm Lễ Độc Lập. Hiện cô đang nhận được những lời đe dọa giết và hãm hiếp. Dĩ nhiên với Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, đốt quốc kỳ, xé quốc kỳ, đạp lên quốc kỳ hay đái lên là một hình thức của tự do ngôn luận. Tây Phương đang phải đối phó với nạn sử dụng quyền tự do cá nhân điên rồ, quá trớn. Biết vậy mà cấm không được vì đây là các xứ tiêu biểu cho dân chủ, tự do tuyệt đối trên hành tinh này.

Chúng ta còn nhớ sau vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo (Paris) thủ tướng Anh Cameron lúc bấy giờ nói rằng tự do ngôn luận không có giới hạn. Nói tóm lại, trong cái thế giới Ta Bà đầy mâu thuẫn và biến dịch từng giây, từng phút này, trương ngọn cờ nào sẽ chết vì ngọn cờ ấy. Đề cao tự do dân chủ sẽ chết vì dân chủ, tự do quá trớn. Đề cao độc tài sẽ chết vì độc tài bóp nghẹt. Chỉ có Trung Đạo (Middle Way) là tồn tại thôi. Thế nhưng khổ một nỗi “Trung Đạo” lại bị Tây Phương chê là “ba phải”. Đối với Tây Phương cái gì cũng phải ở cực điểm, cái gì cũng phải “tuyệt đối”. Bao nhiêu thế kỷ nay, Tây Phương đã thắng và thống trị toàn thế giới với triết lý “Cực Dương” tức mạnh về vũ khí và vật chất và lý tưởng hóa mọi vấn đề. Thế nhưng trong cõi đời vô thường này, không bao giờ có Tuyệt Đối. Theo Đức Phật và theo Lão Tử, đi tìm Tuyệt Đối là rớt vào mê lầm. Nói tóm lại, mọi thứ Tuyệt Đối đều chết. Tuyệt đối độc tài (chuyên chính) chết đã đành, mà tuyệt đối dân chủ, tuyệt đối tự do, tuyệt đối Từ Bi, tuyệt đối Bác Ái cũng đều chết. Tất cả mọi thứ cứ “vừa vừa, phai phải” là tồn tại. Dây đàn căng quá thì đứt, còn chùng quá thì không ra tiếng. Đất nước khắc nghiệt quá, dân chúng sẽ bỏ đi. Đất nước quá tự do sẽ đưa tới tình trạng vô chính phủ (anarchy), đồi trụy và tan rã.

Giữa tin tức kỳ quái đó, Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Bảy ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

 Tình hình thế giới:

-CNN ngày 2/7/2017: “ Qatar nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ hậu quả nào khi thời hạn cuối cùng của yêu sách do Ả Rập Sê-út, Ai Cập và Bahrain đưa ra đáo hạn vào ngày 3/7/2017. Trong chuyến du hành tới Rome vào 1/7/2017, ngoại trưởng Qatar nói với các phóng viên rằng yêu sách đưa ra chỉ để bác bỏ mà thôi. Qatar không sợ bất cứ hậu quả nào. Danh sách 13 điều kiện để chấm dứt cô lập Qatar bao gồm: đóng cửa hãng thông tấn Al Jazeera do chính phủ tài trợ và giảm liên hệ với Ba Tư. Ngoại trưởng Ả Rập Sê-út nói rằng những yêu sách này là bất khả thương lượng. Ba quốc gia trên còn tố cáo Qatar trợ giúp khủng bố và gây bất ổn trong vùng Vịnh Ba Tư & Aden.” Theo CNN  ngày 12/7/2017, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Tillerson đã gặp gỡ các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, quyền thủ tướng Kuwait và cố vấn an ninh quốc gia Anh. Ba quốc gia đã ra bản công bố kêu gọi chấm dứt nhanh cuộc khủng hoảng qua đối thoại.

Theo tôi đây là một sự áp bức chính trị giống như thời thực dân, đế quốc, ỷ mạnh hiếp yếu:

-Tôi và anh đều là các quốc gia có chủ quyền. Anh muốn ngoại giao với ai tùy anh, miễn không nguy hại tới nền an ninh của nhau là được. Anh có quyền gì cấm tôi chơi với nước này, nước kia. Bộ tôi là thuộc địa của anh sao?

-Nếu anh không thích hãng thông tấn Al Zazeera thì anh có quyền phản đối nhưng không có quyền bắt tôi phải đóng cửa.

-Anh nói tôi hỗ trợ khủng bố nhưng chính anh (Saudi Arabia) đã dung chứa và tài trợ  khủng bố đánh vào Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 mà quốc hội Hoa Kỳ phải ban hành một đạo luật cho phép các nạn nhân kiện đòi bồi thường.

Theo Henry Jackson Society (Anh Quốc), Saudi Arabia bị cáo buộc là đã chi tiêu tới 4 tỉ Mỹ Kim mỗinăm trên toàn thế giới để xúc tiến việc giải thích kinh điển Hồi Giáo khiến trợ lực cho chủ nghĩa bạo động mà đa số tiến vào Anh Quốc. Các quốc gia nào có người Hồi Giáo dù là Đông Nam Á, sau khi hành hương Mecca, Saudi Arabia,  nghe những lời thuyết giảng của các giáo sĩ ở đây, coi chừng có thể trở thành các người Hồi Giáo cực đoan (Islamic Militants).  Hiện nay Việt Nam có khoảng 70,000 người theo Đạo Hồi sống hòa thuận với dân tộc nhiều thể kỷ qua. Thế nhưng một khi bị bứng khỏi Trung Đông, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể nhắm tới các quốc gia có người Hồi Giáo sinh sống như Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam. Ngày nay nước nào cũng khuyến khích du lịch cho nên khủng bố dễ dàng đi bất cứ nơi đâu và khi có tiền thì có thể làm bất cứ chuyện gì.

Xin nhớ cho, tôn giáo cực đoan đẻ ra giáo sĩ cực đoan. Giáo sĩ cực đoan đẻ ra tín đồ cực đoan. Tín đồ cực đoan là mầm mống của đánh bom tự sát, chặt đầu, thiêu sống và những giáo luật vô cùng khắc nghiệt. Một biểu hiện dễ thấy của tôn giáo cực đoan là:  Tìm đủ mọi cách để bành trướng và luôn  cho tôn giáo mình là “Number One”, còn các tôn giáo khác chỉ là tà đạo, ngoại đạo hay dị giáo.

-AFP ngày 3/7/2017: “Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu các cường quốc không tìm được phương thức giảm nhẹ căng thẳng với Bắc Triều Tiên khiến đi tới ngoài tầm kiểm soát. Đại Sứ Liu Jieyi phát biểu như vậy sau khi Tổng Thống Donald Trump nói chuyện với Chủ Tịch Tập Cận Bình qua điện thoại.” Vào ngày 4/7/2017, theo AP, Nga và Trung Quốc đưa ra đề nghị hầu giảm căng thẳng trên Bán Đảo Triều Tiên là Bình Nhưỡng tạm hoãn chương trình hạt nhân và thử hỏa tiễn, trong khi đó Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tự chế không tiến hành các cuộc tập trận trên quy mô lớn. Theo AFP ngày 6/7/2017: “Vào ngày hôm nay 6/7/2017, Nga đã ngăn chặn một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ kêu gọi phải có biện pháp thỏa đáng/thích nghi để đáp lại việc Bắc Triều Tiên phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa. Phái đoàn Nga nói rằng chưa xác định được loại phóng đi là hỏa tiễn liên lục địa.” Theo Financial Review ngày 9/7/2017, “Nga và Trung Quốc đã hợp tác với nhau để ngăn chặn một bản công bố về Bắc Triều Tiên của G-20 tổ chức tại Hamburg, Đức Quốc khiến Úc Đại Lợi và các quốc gia khác tức giận vì đã nỗ lực đưa ra bản công bố này để lên án Bắc Triều Tiên. Nga và Trung Quốc lập luận rằng G-20 không phải là một cuộc đối thoại về an ninh.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga và Hoa Lục là hai quốc gia có chung biên giới với Bắc Triều Tiên và cũng là hàng rào che chắn/vùng trái độn cho hai quốc gia này. Nếu họ có liên minh với nhau để bảo vệ Bắc Triều Tiên thì cũng chi là chuyện rất bình thường. Nếu Bắc Triều Tiên nằm xa tít ngoài khơi thì đã chết với Mỹ từ lâu lắm rồi. Đó chỉ là hệ quả của định luật Địa Lý Chính Trị (Geopolitics) mà thôi.

-AP ngày 4/7/2017: “Thủ Tướng Iraq hôm nay chúc mừng quân đội đã tạo chiến thắng lớn tại Mosul cho dù cuộc chiến với Nhà Nước Hồi Giáo tại Cổ Thành Mosul vẫn tiếp diễn, nơi mà binh sĩ chính phủ chỉ còn cách bờ Sông Tigris khoảng 250 thước và đối đầu với cuộc đề kháng dữ dội.” Theo New Yorker ngày 9/7/2017, Thủ Tướng Iraq tuyên bố đã “giải phóng” hoàn toàn Mosul và Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq đã bị đánh bại.

-AFP ngày 8/7/2017: “Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh, hộ tống bởi hai khu trục hạm, lần đầu tiên ghé Hương Cảng như để phô trương sức mạnh quân sự sau cuộc viếng thăm của Chủ Tịch Tập Cận Bình.”

Câu hỏi đặt ra là chừng nào HKMH này tiến vào Biển Đông? Đây là dấu hiệu cho thấy hải quân của Hoa Lục đã thực sự có khả năng tiến vào các đại dương. Khi bạn thủ đắc HKMH, có nghĩa là bạn có khả năng tấn công các nước ở xa bằng hải quân và ngăn chặn hải quân địch từ xa.

-Bloomberg News ngày 13/7/2017: “Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý trả 2.5 tỉ Mỹ Kim để mua hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 tối tân nhất của Nga trong một thỏa thuận cho thấy Thổ muốn tách rời khỏi đồng minh quân sự NATO đã gắn bó với Thổ hơn sáu mươi năm.”

Thật lạ đời! Mình là đồng minh quân sự của một khối mà lại đi mua vũ khí của “kẻ thù” của khối, điều đó mang ý nghĩa gì? Rõ ràng Thổ muốn từ từ tách khỏi sự kiềm tỏa của Tây Phương (NATO và Mỹ) để theo đuổi một chính sách ngoại giao riêng, chưa biết như thế nào. Nếu mất Thổ Nhĩ Kỳ, vị trí của Hoa Kỳ và NATO sẽ suy yếu tại khu vực Trung Đông và Ả Rập. Được Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ phá vỡ thế phong tỏa của NATO dùng Thổ để ngăn chặn Hải Quân Nga từ Hắc Hải tiến vào Địa Trung Hải.

-Newsweek ngày 14/7/2017: “Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa chấp thuận có thể bán cho Lỗ Ma Ni hệ thống hỏa tiễn phòng thủ trị giá 3.9 tỉ Mỹ Kim, một hành động chắc chắn làm buồn lòng Nga.”

– Al Zareera ngày 13/7/2017: “Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi như là thỏa hiệp thương mại lớn nhất thế giới cho tới khi Tổng Thống Donald Trump rút lui khỏi thỏa hiệp này. Mười một quốc gia còn lại đang đi tới với những thương thảo tại Nhật Bản vào tuần này.”

Không hiểu với sức mạnh kinh tế đứng thứ ba toàn cầu, Nhật Bản có thể cứu vãn thỏa hiệp TPP không?

Tình hình Syria:

-Al Zareera ngày 2/7/2017: Vừa công bố bản đồ của cuộc chiến Syria là một mảnh da beo lẫn lộn những lực lượng đang sống chết với nhau trong đó có: 1) Lực lượng chính phủ Syria 2)  Nhà Nước Hồi Giáo 3) Lực Lượng Ngưỡi Kurd do Mỹ hỗ trợ 4) Phe Phiến Quân do Mỹ hỗ trợ 5) Lực Lượng Người Kurd do Thổ Nhĩ Kỳ Hỗ Trợ và 6) Lực Lượng Do Thái chiếm đóng Cao Nguyên Goland – khiến biến Syria  thành đống gạch vụn đẫm máu. Vì có sự can dự của các thế lực ngoại bang hùng mạnh cho nên Syria khó lòng trở lại một lãnh thổ toàn vẹn như xưa và có thể phải chia cắt theo lằn ranh sắc tộc và vùng trái độn nằm ở biên giới Syria-Thổ.

Lịch sử Việt Nam đã từng trải qua ba thời kỳ chia cắt đất nước và tương tranh khốc liệt: Thập Nhị Sứ Quân kéo dài hơn 20 năm (944-968) kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ. Trịnh-Nguyễn Phân Tranh kéo dài hơn 100 năm kết thúc khi Nguyễn Huệ dẹp tan Chúa Trịnh lẫn Chúa Nguyễn. Cuộc phân chia Nam-Bắc kéo dài 21 năm (1954-1975) kết thúc năm 1975.

-AFP ngày 2/7/2017: “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu giữa lúc tình hình căng thẳng ở biên giới Syria.”

Câu hỏi đặt ra là tại sao Thổ không gặp bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ mà lại gặp Nga? Nguyên do, Hoa Kỳ đang hỗ trợ cho lực lượng người Kurd YPG tại biên giới Syria. Nếu lực lượng này lớn mạnh sẽ là nguy cơ hình thành một phong trào kháng chiến hay ly khai ở phía nam Thổ. Chưa biết hai bên bàn tính những gì.

-AFP ngày 5/7/2017: “Cả ngàn người biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ vì lo sợ Thổ sẽ tiến hành cuộc tấn công vào vùng biên giới do lực lượng người Kurd chiếm giữ. Những người biểu tình xuống đường tại Afrin, quấn cờ của YPG (Syrian Kurdish People’s Protection Units) và mang hình của lãnh đạo PKK (Kurdistan Worker’s Party) hiện đang bị giam tại Thổ.”

Cuộc biểu tình rõ ràng cho thấy, nếu lực lượng YPG do Mỹ cung cấp vũ khí và hỗ trợ trụ yên tại vùng này, nó sẽ trở thành căn cứ địa kháng chiến cho lực lượng PKK và từ từ hình thành một quốc gia hay vùng tự trị gốc Kurd bao gồm nam Thổ và một vùng biên giới với Syria. Do nhu cầu chống lại Nhà Nước Hồi Giáo, Mỹ có thể sẽ chia cắt lãnh thổ của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Chắc chắn Thổ sẽ không bao giờ chấp nhận một sự phân chia lãnh thổ cay đắng như vậy.

-CNN ngày 7/7/2017: Gặp gỡ bên lề Thượng Đỉnh G-20 tại Đức, hai Ô. Putin và Donald Trump đã đạt được “Một cuộc ngưng bắn có hiệu lực vào lúc 12 trưa ngày 9/7 tại Vùng Giảm Leo Thang Xung Đột. Hoa Kỳ và Nga bảo đảm rằng các nhóm tranh chấp sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn và cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo. Ngoại Trưởng Lavrov nói rằng quân cảnh của Nga sẽ phối hợp với Hoa Kỳ và Jordanie để bảo đảm an ninh cho “vùng giảm leo thang” nói trên.”

 Nhận Định:

Tình hình Biển Đông trong hai tuần đầu Tháng Bảy đã diễn ra bốn sự kiện quan trọng:

1) Nam Dương đổi tên khu vực biển phía bắc nằm trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Nam Dương thành Biển Bắc Natuna (North Natuna Sea) là vùng mà Hoa Lục tuyên bố chủ quyền vì nó nằm trong Đường Lưỡi Bò. Dĩ nhiên là “Ông Con Trời” lên tiếng phản đối. Thế nhưng một khi Đường Lưỡi Bò đã bị Tòa Hague tuyên bố bất hợp pháp thì mọi phản đối của Hoa Lục cũng đều coi như vô tác dụng.

2) Khu trục hạm Stethem của Hoa Kỳ đã tiến vào bên trong giới hạn 12 hải lý của  Đảo Tri Tôn nằm trong Quần Đảo Hoàng Sa như là một phần của chiến dịch bày tỏ quyền tự do hàng hải. Hành động này cho thấy Hoa Kỳ không tôn trọng chủ quyền của Hoa Lục trên hòn đảo tận tạo này.

3) Theo Sputnik News (tiếng Anh) ngày 5/7/2017,  “Vài ngày sau khi đưa khu trục hạm trang bị hỏa tiễn đạn đạo tới gần Đảo Tri Tôn thuộc Quần Đảo Hoàng Sa, Hải Quân Hoa Kỳ khởi đầu cuộc diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Chiến hạm Salvo và Coronado đã vào Quân Cảng Quốc Tế Cam Ranh nơi sẽ diễn ra hằng năm cuộc thao diễn trong năm ngày, bao gồm thực tập về phương thức đối phó với những cuộc chạm trán bất ngờ trên biển, điều khiển tàu, lượng giá y tế  cùng với sự trao đổi về luật pháp, tình trạng của tàu và thuốc men.”

Dĩ nhiên Bắc Kinh rất khó chịu với cuộc phối hợp diễn tập như thế này, nhưng cũng chẳng làm được gì cả…ngoại trừ chơi đòn ngầm, đòn bẩn. Sự hiện diện của tàu chiến Mỹ tại Cam Ranh, dù không lâu, nhưng cho thấy mối liên hệ Việt-Mỹ ngày càng mạnh mẽ hơn. Khác với Phi Luật Tân, Việt Nam hiểu rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông là yếu tố duy nhất tạo ổn định cho khu vực.

4) Theo Newsweek ngày 7/7/2017,  “Hai máy bay ném bom tàng hình của Mỹ đã bay trên bầu trời của Biển Đông là vùng đang có tranh chấp để khẳng định quyền tự do hàng hải tại vùng biển quốc tế cho dù Hoa Lục tuyên bố tòan bộ chủ quyền tại đây. Trước chuyến bay, hai oanh tạc cơ B-1đã cùng huấn luyện với các phi cơ chiến đấu của Nhật Bản trong vùng sát với Biển Đông và là lần đầu tiên hai nước tiến hành các cuộc tập trận về đêm.”

Sau cuộc tiếp đón nồng ấm Ô. Tập Cận Bình ngày 6/4/2017 tại Mar-a-Lago (Florida)  người ta nghĩ rằng Ô. Trump sẽ tương nhượng Hoa Lục bởi ba lý do:

-Hoa Kỳ cần Hoa Lục để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.

-Một cuộc đối đầu với Hoa Lục sẽ là thảm họa cho cả hai quốc gia.

-Hai nước đang còn đang nương tựa vào nhau để tồn tại về kinh tế.

Thế nhưng qua ba sự kiện nói trên chúng ta thấy Ô. Trump không phải là người “dễ ăn”.

-Tuy Hoa Kỳ cần Hoa Lục trong vấn đề Bắc Triều Tiên nhưng những biến động gần đây cho thấy Bình Nhưỡng không phải là người dễ sai bảo. Chờ đợi Bắc Kinh thì chờ tới bao giờ, cho nên Ô. Trump có thể sẽ đơn phương hành động mà không cần trung gian của Bắc Kinh.

-Trong tương quan lực lượng vào lúc này. Nếu Hoa Kỳ “xìu xìu ển ển” thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Còn nếu Hoa Kỳ làm mạnh thì Trung Quốc sẽ tạm lùi. Chính vì nắm cái “tẩy” này cho nên Ô. Trump làm mạnh.

-Tháng 11 tới đây Ô. Trump sẽ là “minh chủ võ lâm” của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Đà Nẵng. Nếu ông không làm mạnh ngay từ bây giờ thì tại APEC 2017, ông sẽ là một cái bóng mờ, Đông Nam Á sẽ chẳng ai lắng nghe ông nói và “các bang phái” sẽ lắng nghe Ô. Tập Cận Bình.

-Việc hai khu trục hạm tối tân của Mỹ ghé Cam Ranh, tiến hành diễn tập với Hải Quân Việt Nam, dù những buổi thực tập không liên hệ tới “tác chiến” thế nhưng nó là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ quyết tâm ở lại Biển Đông mà Việt Nam là một điểm tựa chiến lược.

Không ai phủ nhận tính khí bất thường của Ô. Trump. Thế nhưng trong tình thế bất định khôn lường của thế giới ngày hôm nay, cứng nhắc vào một sách lược có khi thất bại. Tôi nghĩ rằng thế giới, nhất là Trung Quốc sẽ sợ Ô. Trump hơn là sợ Ô. Obama. Tại sao? Nguyên do là vì Hoa Lục sẽ không biết ngày mai Ô. Trump làm cái gì. Khi một võ sĩ không biết đối thủ ra chiêu gì, sẽ hoang mang. Xin đừng vội chê trách Ô. Trump tính tình hay thay đổi.

Trên vũ đài chính trị thế giới ngày nay, “không chiêu thức” để đối phó với các biến động, chưa hẳn đã là xấu. Ngày nay nước Mỹ đang bị cột chân vào nhiều điểm kẹt cứng, bế tắc như vấn đề Ukraina, Syria, Afghanistan, Bắc Hàn và sự xung đột trong thế giới Hồi Giáo. Chuyện Hoa Kỳ đối phó với Nga và Trung Quốclà chuyện ngàn đời. Còn các điểm kẹt cứng kia thì phải tháo gỡ cho nhanh. Nếu không quyền biến sẽ du nước Mỹ và một cuộc khủng hoảng lợi ít, hại nhiều.

Bốn chuyển  động nói ở trên cho thấy các quốc gia Đông Nam Á cương quyết chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ của Hoa Lục và rõ ràng Hoa Kỳ quyết tâm nắm giữ Biển Đông. Tôi tiên đoán rằng, trong những ngày sắp tới Hoa Kỳ sẽ làm mạnh hơn để chuẩn bị cho Ô. Trump ngồi ghế “minh chủ”, ăn nói với tư thế lãnh đạo thế giới tại APEC – 2017 Đà Nẵng với tình thế vô cùng phức tạp của Đông Nam Á.

Từ việc rút lui khỏi các thỏa hiệp kinh tế NAFTA, TPP và Biến Đổi Khí Hậu Paris, nếu Ô.  Trump do dự hay lùi ở Biển Đông thì,  dù khả năng quân sự và kinh tế Hoa Kỳ vẫn là siêu cường, nhưng vị thế lãnh đạo thế giới sẽ không còn nữa.

https://vietbao.com/a269918/nhat-ky-bien-dong-o-trump-se-tru-o-bien-dong

 

Vui cười

Ba người bạn ngồi nói chuyện về “danh tiếng”.

Người thứ nhất nói:

– Danh tiếng là được mời vào Nhà Trắng, nói chuyện với tổng thống!

Người thứ hai nói:

– Không, danh tiếng là được mời vào Nhà Trắng, nói chuyện với tổng thống, và khi đường dây nóng trong Nhà Trắng cắt ngang cuộc nói chuyện,

tổng thống cũng chẳng thèm nhấc máy!

Người thứ ba nói:

– Không phải, danh tiếng là được mời vào Nhà Trắng, nói chuyện với tổng thống, và khi đường dây nóng trong Nhà Trắng cắt ngang cuộc nói chuyện, tổng thống nhấc máy,

nghe mấy giây rồi nói: “Này, điện thoại của anh đấy”.

Trung Cộng Khai Thác “Đá Cháy”

Methane clathrate là tên khoa học chính thức có công thức là (CH4, 5.75 H2O) hoặc (4 CH4, 23 H2O). Gần đây trên các diễn đàn bắt đầu loan tin tức vể sự hiện diện của hóa chất nầy dưới tên  “băng cháy” hay “đá cháy” sau công bố của Trung Cộng ngày 19 tháng năm 2017 về việc khám phá một hàm lượng lớn hóa chất nầy.

Có nhiều tên gọi khác nhau cho Methene clathrate như: -Methane ngậm nước (Methane hydrate), -Hydromethane, -Methane đóng băng (Methane Ice), -Băng lửa (Fire ice), -Khí hydrate tự nhiên (Natural gas hydrate), -Hydrat dạng khí (Gas hydrate). Đây là một hợp chất clathrate rắn (Clathrate hydrate) được cấu tạo bằng một lượng lớn khí methane bao bọc bởi nhiều tinh thể nước (H2O) tạo thành một chất rắn tương tự như băng.

Vào năm 2008, trong khi nghiên cứu về hai tảng băng ở Nam Cực Vostok và EPICA Dome C cho thấy methane clathrate cũng có mặt ở các lõi băng nằm sâu trong băng Nam Cực và khám phá nồng độ methane trong khí quyển vào thời điểm khoảng 800.000 năm về trước.

1. Methane hydrate là một cản ngại cho sự thay đổi khí hậu

Số lượng lớn khí mê-tan hydrat được lưu trữ không chỉ ở đáy biển, mà còn trên đất liền, Một trữ lượng lớn methane hydrate rắn đang nằm rải rác trên khắp thế giới, dưới đáy biển, dưới lòng đất, hay dưới các tảng băng, đặc biệt là trên nền đất đóng băng vĩnh cửu của Nga, như ở Komi trong cộng hòa Nga. Các nhà khoa học lo ngại rằng đất đóng băng vĩnh cửu có thể tan chảy do sự hâm nóng toàm cầu, và do đó phóng thích methane hydrate. Đây là một nguồn năng lượng dự phòng lớn cho nhân loại. Tuy nhiên, sự hâm nóng toàn cầu có thể làm cho hóa chất nầy không còn ẩn mình nữa và có thể phóng thích khí methane, một loại khí nhà kính (greenhouse gas) có khả năng thoát ra ngoài bầu khí quyển và thậm chí có thể làm tăng nhanh sự thay đổi khí hậu.

Hiện tượng nầy sẽ là một mối ưu tư lớn cho thế giới. Hơn một trăm năm qua, con người đã đốt than, dầu và khí tự nhiên để tạo ra năng lượng. Và hôm nay, qua việc công bố của TC về việc khai thác nguồn   Methane hydrates vừa qua sẽ là một vấn đề tranh cãi trong những ngày sắp đến.

Nói về sự hình thành methane hydrate, nếu nước biển ấm, áp suất nước phải rất cao để ép phân tử nước và “nhốt” khí methane vào “một lồng” clathrate. Trong trường hợp này, hydrat chỉ hình thành ở độ sâu lớn. Nếu nước lạnh, khí methane có thể hình thành ở những vùng nước nông, hoặc thậm chí ở áp suất khí quyển. Ở đại dương, những nơi nơi có nhiệt độ trung bình ở đáy nước khoảng 2 đến 40Celsius, khí methane hydrate xảy ra ở độ sâu khoảng 500 mét.

Methane hydrate trông giống như một tảng băng cứng khi được đưa lên từ đáy biển. Hình dưới đây là một “dảy băng hydrate” đượi lấy lên ngoài khơi bờ biển Oregon ở Hoa Kỳ.

Methane hydrate cũng có mặt ở tất cả các đại dương cũng như trên đất liền. Các chấm màu xanh lá cây cho thấy sự hiện diện của hóa chất nầy ở các vùng đất đóng băng phía bắc. Sự xuất hiện được xác định bằng phương pháp địa vật lý được chỉ ra bằng màu đỏ. Sự xuất hiện của các chấm xanh được xác minh bằng lấy mẫu trực tiếp.

Tùy theo các mô hình toán học đã sử dụng, trữ lượng methane hydrate trên toàn thế giới thay đổi từ khoảng 100 đến 530,000 gigaton carbon khi bị phóng thích vào bầu khí quyển, tương đương với khoảng 100 đến 500 lần hơn lượng carbon phóng thích  vào khí quyển qua việc đốt than, dầu mỏ và khí đốt

2- Methane hydrates và sự hâm nóng toàn cầu

Một số nhà khoa học cho rằng những thay đổi khí hậu trong quá khứ có thể đã dẫn đến sự mất ổn định của methane hydrate và do đó phóng thích ra khí methane vào khí quyển. Việc đo đạc lượng khí methane trong lõi đá, vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, vấn đề này rất có ý nghĩa và được nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến dự đoán các tác động có thể xảy ra của sự gia tăng nhiệt độ đối với các trầm tích hiện tại của methane hydrate.

Ngày nay, nếu giả định rằng trong trường hợp xấu nhất, nếu đại dương ấm lên 30C, khoảng 85 phần trăm khí methane bị mắc kẹt ở đáy biển có thể được phóng thích. Trong quá trình ấm lên của trái đất, mực nước biển sẽ dâng lên do sự tan chảy của các điểm băng cực và băng tan.

3- Chuyện gì sẽ xảy ra khí Methane hydrate tan?

Không phải tất cả các khí methane thoát ra từ các hydrat không ổn định đều đi vào bầu khí quyển. Sự phân hủy methane sẽ xảy ra qua hai quá trình sinh học:

Oxid hóa yếm khí (anaerobic oxidation) do vi khuẩn archaea có trong nước biển sâu sẽ biến khí methane thành khí carnonic CO2.

Oxid hóa hiếu khí (aerobic oxidation) cũng do vi khuẩn trong nước.

Sự phân hủy của methane hydrate có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Hydrat khí hoạt động như một nền xi măng làm bít các lỗ hỗng giữa các hạt cát trong trầm tích  và làm cho đáy biển vững chắc. Nếu khí methane hydrate bị phân hủy, độ ổn định của đáy biển sẽ giảm do xi măng bị mất đi và áp lực lỗ rỗng có thể tạo ra; do đó, sự sạt lở ở trầm tích có thể gây ra sóng thần nghiêm trọng.

4- Mức độ nguy hiểm của “quả bom Methane” ở Bắc cực?

Theo một bình luận gần đây của tạp chí Nature, chi phí cho việc “phóng thích toàn thể khí methane khỏi lớp băng tan ở dưới biển Đông Siberi, ngoài khơi phía Bắc nước Nga có thể xem như tương đương với nền kinh tế thế giới trong năm 2012.” (tức 60 ngàn tỷ Mỹ kim).  Cụ thể, bài báo mô tả một kịch bản trong đó sự nóng lên nhanh của Bắc Cực và nước biển cạn dần dẫn đến một luồng khí methane dưới đáy biển được phóng thích vào bầu khí quyển.

Có bao nhiêu lượng khí methane được phóng thích?

Bài báo này mô phỏng việc phát thải 50 gigaton khí nhà kính (một gigaton tương đương một tỷ tấn) giữa năm 2015 và 2025. Để có một khái niệm về con số trên, phóng thích 50 gigaton có nghĩa là phóng thích gấp 10 lần khí methane hiện đang hiện diện trong bầu khí quyển năm 2016.

5- Trung Cộng khai triển nguồn “đá cháy”

Vào tháng 9/2010, TC khám phá một vùng có “đá cháy” rộng lớn ở Qinghai, Tibet, ước tính trữ lượng tương đương khoảng 35 tỷ tấn dầu, đủ để cung cấp năng lượng cho xứ nầy trong 90 năm.

Ngày 19/5/2017, TC vừa công bố sự thành công trong việc “ly trích đá cháy” từ trầm tích sâu 1.216 thước dưới đáy biển.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết rằng việc sản xuất quy mô lớn vẫn còn chờ nhiều năm nữa, và nếu không được thực hiện đúng cách có thể làm tràn ngập bầu khí quyển với khí methane, một loại khí nhà kinh mạnh gấp 25 lần hậu quả của khí carbonic, và làm thay đổi khí hậu nhanh hơn!

Hãng tin Tân Hoa Xã chính thức của TC đưa tin rằng nhiên liệu này đã được khai thác thành công bởi một giàn khoan hoạt động ở Biển Đông vào ngày 18/5/2017. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Đất TC, Jiang Daming tuyên bố sự kiện này là một bước đột phá tiến tới một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu.

Từ khám phá trên, vùng biển Đông trở thành “nóng thêm” vì những căng thẳng chính trị khu vực khi TC tuyên bố các lãnh thổ tranh chấp như đường 9 đoạn là của riêng của mình. Các nỗ lực thăm dò dầu mỏ trước đây của TC đã gặp phải sự kháng cự, đặc biệt là từ Việt Nam, dù rất yếu ớt.

6- Thay lời kết

Qua những tin tức kể trên, chúng ta thấy rõ ràng là TC bằng bất cứ giá nào cũng sẽ  khai thác nguồn năng lượng nầy và không hề lưu tâm đến việc bảo vệ mội trường, đặc biệt là đi ngược lại những cam kết trong Thượng đỉnh COP21 vào tháng 12/2015 ở Paris vừa qua.

Họ biết rõ là:

Nếu khí methane hydrate rò rỉ trong quá trình ly trích, nó có thể làm tăng hiện tượng phát thải khí nhà kính. Theo David Sandalow, Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, (Columbia University’s Center on Global Energy Policy), nhiên liệu này cũng có thể thay thế các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, nếu có thể sử dụng mà không bị rò rỉ, năng lượng trên có tiềm năng thay thế các loại năng lượng hóa thạch hiện đang dùng.

“Các tác động lên khí hậu trong việc sản xuất khí hydrate tự nhiên rất phức tạp. Có những lợi ích tiềm tàng, nhưng cũng có những rủi ro đáng kể”, Sandalow nói.

Theo Tim Collett, một nhà khoa học thuộc Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, cho rằng sự phát triển thương mại công nghệ nầy sẽ không xảy ra trước năm 2030. Một sản lượng nhỏ hơn có thể ly trích được là vào đầu năm 2020. Một mét khối methane hydrate tương đương với 164 mét khối khí Methane.

Hoa Kỳ cũng đang nghiên cứu trữ lượng khí trên ở vùng phía Bắc của Alaska và ở vịnh Mexico. Bộ Năng Lượng Mỹ đã xác định được các khối băng cháy   bao gồm việc tìm chính xác vị trí của băng, có trữ lượng bao nhiêu, và cách lấy nó một cách an toàn. Đào băng không phải là kế hoạch. Người Mỹ sẽ làm tan băng dưới lòng đất trước hết, và sau đó lấy khí ra. Vì mối quan tâm lớn trong việc khai thác nầy nhằm bảo vệ hệ sinh thái trong vùng khai thác, cần phải tránh việc phá huỷ môi trường sống ở đáy biển và, nhứt là sự rò rỉ khí methane.

Hiện tại, TC là quốc gia phát thải khí carbonic (CO2) lớn nhứt vào không khí vào khoảng 10 tỷ tấn, chiếm 21% lượng khí thải toàn cầu. Theo thống kê năm 2014, TC tiêu thụ 1.962,4 triệu tấn than, tức 50,6% tổng lượng than trên thế giới.

Qua hai dữ liệu trên, rõ ràng TC hiện là tác nhân gây ra hiện tượng hâm nóng toàn cầu và sẽ là nguyên nhân chính có thể làm trở ngại tiến trình thực hiện các “lời hứa” của Thượng đỉnh COP21 là… cố gắng làm giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ trong không khí dưới 20C từ đây cho đến cuối năm 2100.

Vào năm 2014, TC đã có một bước tiến quan trọng khi ấn định mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến sau năm 2020. Bắc Kinh hứa là đến năm 2030 sẽ giảm khí thải 13% trong khi chuẩn bị cho Thượng đỉnh COP21.

Hứa như vậy mà, hiện nay … Ô nhiễm không khí làm chết khoảng 1,6 triệu dân chúng ở TC hàng năm , tức 4.400 người/ngày.

Điều cần nhấn mạnh là, Hoa Kỳ phát thải khoảng 7 tỷ tấn CO2 trong năm 2014 và Trung Cộng, 10 tỷ; trong lúc đó, Mỹ sản xuất khoảng 22% sản phẩm toàn cầu, và TC sản xuất 20% mà thôi.

Và cũng chưa đầy một năm sau lời hứa, TC đã tăng lượng than tiêu thụ từ 1.961,2 triệu tấn lên 1962,4! Từ đó, chúng ta thấy rõ ràng là TC, một quốc gia cộng sản chưa bao giờ và sẽ không bao giờ giữ lời hứa trong mọi giao ước, hay giao kết với quốc tế và với chính người dân của họ. Chúng ta vẫn chưa quên được những thảm nạn môi trường dù vô tình hay cố ý (?), TC đã và đang để lại ở Formosa Vũng Áng, Bauxite Tân Rai, Bảo Lộc, Nhân Cơ, Đắk Nông, trên 49 địa điểm từ Bắc chí Nam do TC khai thác…cùng trên 295 Khu công nghiệp, Khu chế xuất rải rác khắp Việt Nam!

Đã đến lúc cần phải ngăn chận sự khai thác methane hydrate của Tàu trước khi muộn!

Mai Thanh Truyết

Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng

Houston 7-2017

Vui cười

Cu Tèo thấy anh bán kẹo đi qua, bèn chạy vội vào nhà bảo mẹ:

– Mẹ ơi, cho con ba đồng bạc được không mẹ ?

– Cho để con lại ăn kẹo hả ? Đau răng đấy con ơi!

– Nếu mẹ cho con, con sẽ nói cho mẹ biết bố đã nói với chị Sen những gì sáng nay .

Dĩ nhiên bà mẹ vội móc bốp lấy tiền cho con, và hỏi:

– Sao bố nói gì với con Sen?

Sau khi bỏ tiền vô túi, Cu Tèo nói

– Sáng nay con nghe thấy bố nói: Chị nhớ giặt gấp và ủi cho tôi cái áo sơ mi xanh và cái cà vạt nhé.

Tập Cận Bình muốn gì? –  Graham Allison – Tram Nguyen & Nguyễn Huy Hoàng biên dịch

“…Nhà lãnh đạo của Trung Quốc đang quyết tâm biến đất nước mình thành “chủ thể lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Liệu ông có làm được điều đó trong khi tránh được một cuộc đụng độ nguy hiểm với Hoa Kỳ hay không?…”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn gì? Bốn năm trước khi Donald Trump trở thành Tổng thống, Tập đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc và tuyên bố một tầm nhìn vĩ đại nhằm, về cơ bản, “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại” – kêu gọi “đại phục hưng dân tộc Trung Quốc”.

Tập rất tin tưởng rằng mình sẽ thành công trong nỗ lực này, đến mức ông đã vi phạm trắng trợn một nguyên tắc trọng yếu trong cuộc sinh tồn chính trị: Không bao giờ đặt ra một mục tiêu và một ngày cụ thể trong cùng một câu. Trong vòng một tháng sau khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, Tập đã đặt ra thời hạn hoàn thành mỗi mục tiêu trong “Hai mục tiêu thế kỷ” của mình.

Sự chuyển biến mạnh mẽ của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ và với sự cân bằng quyền lực toàn cầu? Lý Quang Diệu của Singapore, nhà quan sát Trung Quốc hàng đầu của thế giới trước khi ông qua đời năm 2015, có một câu trả lời sắc bén về quỹ đạo ấn tượng của Trung Quốc trong 40 năm qua: “Quy mô dịch chuyển của Trung Quốc trong sự cân bằng toàn cầu lớn đến mức thế giới phải tìm một trạng thái cân bằng mới. Không thể làm như đây chỉ là một chủ thể lớn khác. Đây là chủ thể lớn nhất trong lịch sử thế giới”.

Phân tích của ông Lý về tình hình ở Trung Quốc, cũng như trên thế giới rộng hơn, đã biến ông thành một nhà cố vấn chiến lược được săn đón của nhiều vị Tổng thống và Thủ tướng ở mọi châu lục – bao gồm mọi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ từ Richard Nixon đến Barack Obama. Ông Lý đã dành hàng ngàn giờ trò chuyện trực tiếp với các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, quan chức Chính phủ, và các nhà lãnh đạo đang lên của Trung Quốc, “nước láng giềng ở phương Bắc” của mình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình đều gọi ông là “sư phụ,” một từ chỉ thái độ tôn kính cao nhất trong văn hóa Trung Hoa. Và ông Lý, người chia sẻ với tôi những hiểu biết của mình trong một cuốn sách mà tôi là đồng tác giả năm 2013, đã theo dõi sát sao những biến động của Trung Quốc từ Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa trong những năm 1960 đến sự xoay trục sang tư bản chủ nghĩa của Đặng trong những năm 1980. Ông đã thiết lập các mối quan hệ công tác nghiêm túc với nhiều người điều hành Trung Quốc, trong đó có vị Chủ tịch tương lai Tập Cận Bình.

Ông Lý đã thấy trước thế kỷ 21 sẽ là một “cuộc tranh giành quyền lực tối cao ở châu Á”. Và khi Tập leo lên ghế Chủ tịch nước năm 2012, ông Lý đã tuyên bố với thế giới rằng cuộc tranh giành này đang tăng tốc. Trong số mọi nhà quan sát nước ngoài, ông Lý là người đầu tiên nói về nhà kỹ trị phần lớn vẫn chưa được biết đến này, “Hãy quan sát người này”.

Nhiều chính trị gia và quan chức ở Washington vẫn đang làm như Trung Quốc chỉ là một chủ thể lớn khác. Tuy nhiên, ông Lý biết Tập rất rõ, và hiểu rằng khát vọng vô biên của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một quyết tâm không khoan nhượng là giành lại sự vĩ đại trong quá khứ. Thử hỏi hầu hết các học giả Trung Quốc xem Tập và các đồng nghiệp của ông có nghiêm túc tin rằng Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ trong vai trò là cường quốc thống trị ở châu Á trong tương lai gần hay không. Họ sẽ lảng tránh câu hỏi này bằng những mẫu câu như “Điều đó rất phức tạp… một mặt… mặt khác…” Khi tôi hỏi ông Lý câu này trong một cuộc gặp ít lâu trước khi ông qua đời, đôi mắt ông mở to nghi ngờ, như thể hỏi lại, “Anh đang đùa à?” Ông thẳng thắn trả lời: “Dĩ nhiên. Sao lại không? Làm sao mà họ có thể không khát vọng trở thành số một ở châu Á và sau này là trên thế giới?”

*****

Sự căng thẳng về mặt cấu trúc giữa một Trung Quốc đang lên và một Hoa Kỳ đang cai trị vốn đã trầm trọng. Việc giảm nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ thảm khốc mà cả hai bên đều muốn tránh sẽ bắt đầu bằng một đánh giá rõ ràng về những mục đích và phương tiện của Bắc Kinh. Khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã tuyên bố tham vọng bao quát của ông đối với Trung Quốc bằng một câu duy nhất: “Giấc mộng Trung Quốc lớn nhất là đại phục hưng dân tộc Trung Quốc”. “Trung Quốc mộng” của ông bao gồm sự thịnh vượng và quyền lực – tương đương với tầm nhìn “sức mạnh cứng” của Theodore Roosevelt về một thế kỷ Mỹ và Chính sách Kinh tế mới (New Deal) đầy động lực của Franklin Roosevelt. Nó nắm bắt được khao khát mãnh liệt của một tỷ người Trung Quốc: trở nên giàu có, quyền lực, và được tôn trọng. Tập tự tin rằng trong cuộc đời mình Trung Quốc có thể hiện thực hóa cả ba khát vọng này bằng cách duy trì phép màu kinh tế, bồi dưỡng một thế hệ công dân ái quốc, và không cúi đầu trước cường quốc nào khác trong các vấn đề thế giới.

Tập sẽ “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại” như thế nào? Sau khi nghiên cứu con người này, lắng nghe lời lẽ của ông, và nói chuyện với những người hiểu ông rõ nhất, tôi tin rằng, với Tập điều này có nghĩa là:

• Đưa Trung Quốc trở lại thế thống trị mà nó được hưởng ở châu Á trước khi phương Tây xâm nhập;

• Tái thiết quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ mà Đảng Cộng sản xem là “Đại Trung Quốc”, không chỉ bao gồm Tân Cương và Tây Tạng ở đại lục, mà còn cả Hồng Kông và Đài Loan;

• Khôi phục các phạm vi ảnh hưởng trong lịch sử dọc biên giới và trên các vùng biển lân cận để các nước khác trao cho mình sự tôn kính mà các cường quốc luôn đòi hỏi;

• Giành được sự tôn trọng của các cường quốc khác trong các hội đồng thế giới.

Ở cốt lõi của các mục tiêu quốc gia này là một tín ngưỡng văn minh coi Trung Quốc là trung tâm của vũ trụ. Trong tiếng Trung, Trung Quốc có nghĩa là Vương quốc Trung tâm. “Trung” ở đây không nói đến không gian giữa các vương quốc đối địch khác, mà là chỉ mọi vương quốc nằm giữa trời và đất. Như ông Lý đã tóm tắt quan điểm về thế giới được chia sẻ bởi hàng trăm quan chức Trung Quốc tìm đến lời khuyên của ông, họ “nhớ lại một thế giới mà Trung Quốc thống trị còn các nhà nước khác với họ chỉ như những kẻ cầu xin trước một đấng tối cao, như những chư hầu mang báu vật triều cống đến Bắc Kinh”. Trong câu chuyện này, sự trỗi dậy của phương Tây trong những thế kỷ gần đây là một sự bất thường lịch sử, phản ánh sự yếu kém về mặt công nghệ và quân sự của Trung Quốc khi phải đối mặt với các đế quốc thống trị trong một “thế kỷ ô nhục” từ khoảng năm 1839 đến năm 1949. Tập Cận Bình đã hứa với người dân của ông: Chuyện này sẽ không còn nữa.

Chương trình hành động của Tập nhằm khôi phục lại vị thế vĩ đại đã mất này là gì? Theo ông Lý, cố vấn chính trị của Tập, một nhà lãnh đạo đất nước phải “vạch ra tầm nhìn tương lai cho người dân, biến tầm nhìn đó thành các chính sách mà anh ta phải thuyết phục được người dân là nó đáng ủng hộ, và cuối cùng là khích lệ họ giúp anh ta thực hiện”. Đã vạch ra một tầm nhìn táo bạo là “Trung Quốc mộng”, Tập đang tích cực vận động người ủng hộ thực hiện một nghị trình hành động vô cùng tham vọng trên bốn mặt tương quan.

Là tay lái chính của cả công cuộc này, yêu cầu đầu tiên đối với Tập trong việc hiện thực hóa Giấc mộng Trung Quốc là tái chính danh hóa một Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ trong vai trò là lực lượng tiên phong và giám hộ của nhà nước Trung Quốc. Ít lâu sau khi nhậm chức, Tập đã nói với các thành viên Bộ Chính trị rằng “giành được hay mất đi sự ủng hộ của nhân dân là một vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng Cộng sản”. Ông cũng thẳng thừng cảnh báo họ: “Tham nhũng có thể kết liễu Đảng”. Trích Khổng Tử, ông hứa sẽ “vi chính dĩ đức” (cai trị bằng đức) và “tề chi dĩ hình” (ổn định bằng hình luật). Đây không phải là đe dọa suông. Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng với quy mô chưa từng có do Vương Kỳ Sơn, thân tín của Tập, dẫn dắt. Nỗ lực này được gọi là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do nó hứa hẹn sẽ bắt giữ mọi quan chức tham nhũng dù đó là “ruồi” cấp thấp hay là “hổ” cấp cao. Dưới quyền Vương, 18 tổ đặc nhiệm đứng đầu là các tổ trưởng đáng tin cậy trực tiếp báo cáo với Tập. Từ năm 2012, đã có hơn 900.000 đảng viên bị kỷ luật và 42.000 đảng viên bị khai trừ và truy tố tại các tòa hình sự. Trong đó có 170 “hổ” cấp cao, gồm hàng chục sĩ quan cao cấp, 18 ủy viên và nguyên ủy viên của Ủy ban Trung ương gồm 150 người, và thậm chí cả nguyên ủy viên của Ủy ban Thường vụ.

Và đối lập với glasnost của Gorbachev – cởi mở với các tư tưởng – Tập đòi hỏi phải tuân thủ ý thức hệ, thắt chặt kiểm soát các cuộc thảo luận chính trị. Đồng thời, Tập cũng tìm cách củng cố sự tập trung của Đảng trong nền quản trị Trung Quốc. Đặng tìm cách tách Đảng khỏi Chính phủ, và tăng cường hệ thống quan liêu của nhà nước so với Đảng. Tập lại thẳng thừng bác bỏ ý tưởng đó. Ít lâu sau khi Tập nắm quyền, một bài xã luận trên Nhân dân nhật báo đã thể hiện rõ lập trường của ông: “Chìa khóa để vận hành mọi thứ ở Trung Quốc một cách trơn tru và hiện thực hóa Giấc mộng Trung Quốc là nằm ở Đảng”.

Thứ hai, Tập phải tiếp tục làm Trung Quốc giàu có trở lại. Ông biết rằng sự ủng hộ của người dân Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khả năng đem lại những mức tăng trưởng kinh tế mà không đất nước nào khác đạt được. Nhưng tiếp tục hiệu quả kinh tế phi thường của Trung Quốc sẽ đòi hỏi duy trì một hành động đầy rủi ro. Tập rất cảnh giác với cái bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước đang phát triển vấp phải khi tiền lương tăng làm giảm lợi thế cạnh tranh của họ trong ngành chế tạo, và lời hứa không chút mơ hồ của ông là duy trì tăng trưởng 6,5% một năm đến năm 2021 sẽ đòi hỏi cái mà một số người đã mô tả là “duy trì cái không thể duy trì được”.

Tuy nhiên, có một sự nhất trí chung về việc Trung Quốc phải làm gì để tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ đó trong nhiều năm tới. Các yếu tố then chốt được nêu ra trong kế hoạch năm năm gần đây nhất của Trung Quốc, bao gồm: đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nhu cầu được thúc đẩy bằng tiêu dùng trong nước; tái cấu trúc hoặc đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả; tăng cường cơ sở khoa học và công nghệ để nâng cao đổi mới; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Trung Quốc; và tránh các mức nợ không bền vững.

Với phạm vi và tham vọng của kế hoạch của Tập, hầu hết các nhà kinh tế và nhiều nhà đầu tư phương Tây đều e rằng ông khó mà đạt được. Nhưng nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư trong số đó đã mất tiền khi không đặt cửa cho Trung Quốc trong 30 năm qua. Như cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Reagan Martin Feldstein đã nói, “Không phải chính sách nào trong số này cũng phải thành công… Nếu có đủ chính sách đủ thành công, tăng trưởng 6,5% trong vài năm tới có lẽ sẽ không nằm ngoài tầm với”.

Thứ ba, Tập phải làm Trung Quốc tự hào trở lại. Tăng trưởng kinh tế không thôi chưa đủ. Ngay cả khi các cải cách thị trường của Đặng đã mở rộng mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau năm 1989, Đảng cũng phải vật lộn để chứng minh lý do tồn tại của mình khi chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là danh nghĩa. Vậy thì tại sao người Trung Quốc lại nên cho phép Đảng cai trị mình? Câu trả lời: Đảng là một ý thức được làm mới về bản sắc dân tộc có thể được đón nhận rộng rãi một cách tự hào trong số một tỷ người Trung Quốc.

Trong khi Cách mạng Văn hóa của Mao cố gắng xóa bỏ quá khứ cổ xưa của Trung Quốc và thay thế nó bằng “con người xã hội chủ nghĩa mới” của chủ nghĩa cộng sản, Tập lại ngày càng thể hiện Đảng như là lực lượng kế thừa và kế vị một đế chế Trung Quốc 5.000 năm tuổi chỉ bị hạ bệ bởi phương Tây cướp bóc. Câu “vật vong quốc sỉ” (chớ quên sự ô nhục của đất nước) đã trở thành một câu thần chú dung dưỡng tình cảm ái quốc dựa trên tư tưởng mình là nạn nhân và thấm đẫm một đòi hỏi phải báo thù. Như cựu Giám đốc văn phòng Bắc Kinh của tờ Financial Times Geoff Dyer đã giải thích, “Đảng Cộng sản phải đối mặt với một mối đe dọa đang nóng dần lên đối với tính chính danh của mình kể từ khi từ bỏ Marx để theo thị trường”. Do đó Đảng đã gợi lên những sự ô nhục của quá khứ dưới bàn tay Nhật Bản và phương Tây “để tạo ra một ý thức đoàn kết vốn đã vụn vỡ, và để xác định một bản sắc Trung Quốc về cơ bản là mâu thuẫn với tính hiện đại của Mỹ”.

Cách tiếp cận này đang có hiệu quả. Trong những năm 1990, khi nhiều trí thức phương Tây ăn mừng “sự kết thúc của lịch sử” với chiến thắng rõ ràng của các nền dân chủ dựa trên thị trường, nhiều nhà quan sát đã tin rằng Trung Quốc cũng đang trên đường tiến tới một chính phủ dân chủ. Ngày nay, rất ít người ở Trung Quốc cho rằng các quyền tự do chính trị quan trọng hơn việc giành lại vị thế quốc tế và niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc. Như ông Lý đã nói rõ, “Nếu anh tin là sẽ có một cuộc cách mạng đòi dân chủ ở Trung Quốc thì anh sai rồi. Các sinh viên Thiên An Môn giờ ở đâu?” Ông trả lời thẳng thừng: “Họ đã lỗi thời. Người Trung Quốc muốn một Trung Quốc phục hưng”.

Cuối cùng, Tập đã cam kết làm Trung Quốc mạnh mẽ trở lại. Ông tin rằng một quân đội “có khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến” là tối quan trọng đối với việc hiện thực hóa mọi thành tố khác trong Giấc mộng Trung Quốc. “Để đạt được công cuộc đại phục hưng dân tộc Trung Quốc”, ông nói, “chúng ta phải đảm bảo sự thống nhất giữa một đất nước thịnh vượng và một quân đội hùng mạnh”. Dù mọi cường quốc đều xây dựng các đội quân mạnh, “Giấc mộng Quân đội Hùng mạnh” này là đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc khi nó tìm cách vượt qua nỗi ô nhục dưới tay các cường quốc nước ngoài.

Bất chấp mọi thách thức khác trong nghị trình của mình, Tập đang cùng lúc tái tổ chức và tái thiết các lực lượng vũ trang của Trung Quốc theo cách mà chuyên gia hàng đầu của Nga về quân đội Trung Quốc Andrei Kokoshin gọi là “chưa từng có về quy mô và chiều sâu”. Ông đã xử lý nạn đút lót trong quân đội và cải tổ tổ chức vốn tập trung vào nội địa của nó để tập trung vào các chiến dịch hợp đồng tác chiến chống lại các kẻ thù bên ngoài.

Việc xáo trộn bộ máy quan liêu như vậy thường không phải là một sự kiện lạ lùng. Nhưng trong trường hợp của Tập nó đã nhấn mạnh cam kết hết sức nghiêm túc của Bắc Kinh là xây dựng một quân đội hiện đại có thể đương đầu và đánh bại mọi đối thủ – nhất là Mỹ. Dù các nhà hoạch định quân sự của Trung Quốc không dự tính một cuộc chiến tranh, cuộc chiến mà họ đang chuẩn bị lại đặt Trung Quốc vào thế cạnh tranh với Mỹ trên biển. Tập đã tăng cường các lực lượng hải quân, không quân, và tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân vốn hết sức quan trọng đối với việc kiểm soát các vùng biển, trong khi cắt giảm 300.000 lính bộ và giảm sự thống trị truyền thống của các lực lượng trên đất liền trong quân đội.

Trong khi đó, các chiến lược gia quân sự của Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột trên biển bằng một chiến lược “tiền duyên phòng ngự” (forward defense) dựa trên việc kiểm soát các vùng biển gần Trung Quốc nằm trong “chuỗi đảo thứ nhất”, chạy từ Nhật Bản, qua Đài Loan, đến Philippines và Biển Đông. Bằng cách triển khai các năng lực quân sự chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) đe dọa đến các tàu sân bay và các tàu chủ lực khác của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã liên tục đẩy Hải quân Hoa Kỳ ra khỏi các vùng biển lân cận của mình phòng khi có xung đột. Một nghiên cứu đáng tin cậy của tổ chức RAND năm 2015 cho thấy rằng đến cuối năm 2017 Trung Quốc sẽ có “lợi thế” hoặc “tương đối ngang hàng” trong sáu trên chín lĩnh vực năng lực quân sự truyền thống vốn rất quan trọng trong một cuộc đối đầu ở Đài Loan, và bốn trên chín lĩnh vực trong một cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Nghiên cứu này kết luận rằng trong vòng từ 5 đến 15 năm tới, “châu Á sẽ chứng kiến một đường ranh giới dần dần rút lui của sự thống trị của Hoa Kỳ”.

Trong lúc từ từ ép Mỹ ra khỏi các vùng biển này, Trung Quốc cũng kéo các nước Đông Nam Á vào quỹ đạo kinh tế của mình, cũng như cả Nhật Bản và Úc. Đến nay nó đã thành công mà không phải chiến đấu. Nhưng nếu phải chiến đấu, Tập muốn Trung Quốc thắng.

****

Liệu Tập có thành công trong việc đưa Trung Quốc phát triển đủ mạnh để thay thế Mỹ trong vai trò là nền kinh tế hàng đầu thế giới và chủ thể quyền lực nhất ở Tây Thái Bình Dương hay không? Ông có thể làm Trung Quốc vĩ đại trở lại hay không? Hiển nhiên là mọi chuyện có thể diễn biến xấu đi theo rất nhiều cách, và những tham vọng phi thường này đã khiến hầu hết các nhà quan sát hoài nghi. Nhưng khi được hỏi, Lý Quang Diệu đã đánh giá tỷ lệ thành công là bốn trên năm. Cả ông Lý lẫn tôi đều đặt cửa cho Tập. Như ông Lý nói, “ý thức về số phận được gợi lại [của Trung Quốc] là một sức mạnh vượt trội”.

Nhưng nhiều người Mỹ vẫn còn phủ nhận ý nghĩa của sự chuyển mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu sang “chủ thể lớn nhất trong lịch sử thế giới” của Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Khi một Trung Quốc đang lên nhanh chóng thách thức sự thống trị quen thuộc của Hoa Kỳ, hai nước có nguy cơ rơi vào một cái bẫy chết người được xác định lần đầu bởi sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides. Viết về một cuộc chiến đã tàn phá hai thành bang hàng đầu của Hy Lạp cổ đại cách đây hai thiên niên kỷ rưỡi, ông giải thích: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ điều này sẽ lan đến Sparta đã làm cuộc chiến này trở nên không thể tránh khỏi”.

Năm 2015, tờ The Atlantic cho đăng bài “Bẫy Thucydides: Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đâm đầu vào chiến tranh?” Trong tiểu luận này tôi lập luận rằng ẩn dụ lịch sử này cung cấp những ống kính tốt nhất để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày nay. Kể từ đó, khái niệm này đã khơi mào một cuộc tranh luận đáng kể. Thay vì đối mặt với bằng chứng và suy nghĩ về những điều chỉnh không thoải mái nhưng cần thiết mà cả hai bên có thể phải thực hiện, các nhà hoạch định chính sách và các vị nguyên thủ đã dựng một con bù nhìn rơm quanh tuyên bố của Thucydides về sự “không thể tránh khỏi” và châm lửa – cho rằng cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh là không định trước. Tại cuộc gặp cấp cao năm 2015, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận chi tiết về cái bẫy này. Obama nhấn mạnh rằng bất chấp căng thẳng cấu trúc mà sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra, “hai nước vẫn có khả năng quản lý những bất đồng”. Đồng thời, họ cũng thừa nhận rằng, theo lời của Tập, “nếu liên tục phạm phải những sai lầm tính toán chiến lược thì các nước lớn có thể sẽ tự tạo ra những cái bẫy như vậy cho chính mình”. Tôi đồng ý: Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là không thể tránh khỏi. Quả thật, Thucydides cũng sẽ đồng ý rằng cuộc chiến giữa Athens và Sparta cũng thế. Đặt vào bối cảnh, rõ ràng tuyên bố của ông về sự không thể tránh khỏi của cuộc chiến ấy là cường điệu: cường điệu vì mục đích nhấn mạnh. Ý chính của cái bẫy Thucydides không phải là niềm tin vào số mệnh định sẵn hay thái độ bi quan. Thay vào đó, nó đưa chúng ta ra khỏi những tiêu đề báo chí và luận điệu của chế độ để nhận ra sự căng thẳng cấu trúc vô cùng lớn mà Bắc Kinh và Washington phải quản lý để xây dựng được một mối quan hệ hòa bình.

Liệu cuộc đụng độ sắp tới giữa hai cường quốc này có dẫn đến chiến tranh hay không? Liệu Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập, hoặc những người kế nhiệm họ, có giẫm vào vết xe đổ đầy bi kịch của các nhà lãnh đạo của Athens và Sparta hay của Anh và Đức hay không? Liệu họ có tìm được một cách tránh được chiến tranh hiệu quả như Anh và Mỹ đã làm cách đây một thế kỷ, hay như Mỹ và Liên Xô đã làm trong bốn thập niên Chiến tranh Lạnh hay không? Rõ ràng là không ai biết được. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng động lực mà Thucydides đã xác định trước đây sẽ còn tăng cường trong những năm tới.

Phủ nhận cái bẫy Thucydides sẽ không làm nó bớt thực tế hơn. Thừa nhận nó cũng không có nghĩa là phải chấp nhận bất cứ chuyện gì xảy ra. Vì các thế hệ trong tương lai, chúng ta có trách nhiệm trước mắt là phải đối mặt với một trong những khuynh hướng tàn bạo nhất của lịch sử và sau đó làm mọi thứ chúng ta có thể để tạo nên kỳ tích.

Graham Allison

Nguồn: Graham Allison, “What Xi Jinping Wants,” The Atlantic, May 31, 2016.

Tram Nguyen & Nguyễn Huy Hoàng biên dịch

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/06/20/tap-can-binh-muon-gi/

(*) Graham Allison là Giám đốc Trung tâm Belfer về Khoa học và Quan hệ Quốc tế và Giáo sư ngành quản trị công tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bài viết này được chuyển thể từ cuốn sách mới xuất bản của ông, Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? (Houghton Mifflin Harcourt, 2017).

 

Vui cười

Hai người đàn ông nói chuyện với nhau:

– Anh có thích phụ nữ ngu ngốc không?

– Không.

– Những phụ nữ hút thuốc không?

– Không.

– Những phụ nữ không biết nấu ăn không?

– Không.

– Những phụ nữ dữ tợn không?

– Không.

– Thế thì tôi không hiểu tại vì sao anh lại ve vãn vợ của tôi.

 

Bài học của cái chết của Giải Nobel Hoà Bình Liu Xiaobo – Lưu Hiểu Ba: Trung Hoa cộng sản, một quốc gia ngoài vòng pháp luật –  Phan Văn Song

Tin giải Nobel hoà bình Liu Xiaobo – người việt ta dịch thành Lưu Hiểu Ba – vừa mất như một cái tát vào mặt những kẻ nào vẫn còn xem Trung Cộng là một quốc gia đàng hoàng, xem tên Chủ tịch Xi Jinping – việt ngữ hóa là Tập Cận Bình – như một nhơn vật có phong cách quốc tế. Cái chết của Liu trên giường bệnh của một nhà tù là một cái tát tai vào mặt các hội đoàn, các chuyên gia chánh trị học, các nhà đấu tranh cho nhơn quyền và các quyền tự do ngôn luận và chánh kiến và cũng là một cái tát tai vào mặt tổ chức quốc tế giải Nobel hòa bình, và một bãi nước bọt tên Chủ tịch Tàu cộng tên Xi phun vào cái biểu tượng « Giải Nobel hòa bình » và tất cả các người đã nhận giải ấy từ bà Aung San Sưu Ky, qua Tổng thống Mandela đến cả Tổng thống Obama. Trung Hoa Cộng sản của Xi Jinping đã khinh bỉ đưa ngón tay giữa lên trời khi dễ, xem thường, tất cả thế giới người tử tế ! 

Bằng chứng trong cuộc gặp gở giữa hai nhơn vật ngày nay « có giá » của thế giới, giữa hai vị Tổng thống Pháp và Mỹ Emmanuel Macron và Donald Trump vào dịp lễ Quốc Khánh Pháp, không có một lời đá động nào đến cái chết của giải Nobel hòa bình Liu Xiaobo ! Mặc dù, cả hai đều có nhắc đến xứ của ông họ Liu, mặc dù, chỉ nói sơ qua, nhắc nhở tên Chủ tịch Xi như một nhơn vật quan trọng có vai trò hàng đầu trên chánh trường ? hay thị trường ? thế giới !

Từ khi thế giới được tin Liu Xiaobo bị bịnh nặng có thể chết, duy nhứt, chỉ có nước Đức, tuy là một đối tác kinh tế rất quan trọng với Trung Cộng, đã « dám » lên tiếng, dù vô hiệu, yêu cầu Trung Công cho phép ông Liu được xuất ngoại chữa bệnh. Sau khi được tin ông Liu mất, cả hai ôngTống thống Pháp Mỹ trong cuộc gặp gở trong buổi lễ lịch sử của Pháp cũng chẳng đoái hoài đến, như đã nói trên.

Riêng ông Tổng Tây Macron, sau khi đưa ông Tổng Mỹ về, đã viết Twitter lên mạng, khen ngợi ông Liu là một nhà tranh đấu cho Tự do và chia buồn cùng bà quả phụ Liu Xia. Những lời quá đẹp ! Tiếc thay, post mortem, quá muộn màn ! Vì người nhận đã quá vãn !

Thằng tôi quá ngao ngán ! Hèn, thật là hèn ! Cái hùng hổ chống Tàu ngày nào của ông Trump đâu ? Cái ngọai giao khôn khéo của ông Macron không cấm một lời tuyên bố công khai chia buồn với quả phụ của nhà văn bất đồng chánh kiến họ Liu ? Sao phải viết Twitter tránh né ? Thất vọng ! Chúng tôi quá thất vọng, và càng thất vọng khi chúng ta, những người tỵ nạn để trốn cộng sản và độc tài, ngày nay mất điểm tựa lý tưởng đạo đức. Chỉ do thái độ hèn nhát của các nhà lãnh đạo các quốc gia nơi chúng ta lánh nạn, vì nhơn danh ngoại giao, vì nhơn danh kinh tế, nhơn danh thương mãi, họ đã ươn hèn, dung túng bọn côn đồ ! Bài học Đại thế chiến thứ hai vẫn còn đó ! Cũng do cái thái độ ngoại giao hèn nhát của Chủ tịch Quốc hội Pháp Édouard Daladier và Thủ tướng Anh Neuville Chamberlain, đã, với hội nghị Munich (9-10 tháng 9 năm 1938) « bật đèn xanh » cho Adolf Hitler, sau khi hốt trọn xứ Áo vào tháng ba cùng năm, tràn ngập Tiệp khắc và …mở màn cuộc Thế chiến Thứ Hai !

1/ Tàu, một quốc gia côn đồ, trị dân bằng luật đảng, luật rừng:

Tên Chủ tịch Xi Jinping đã hoàn toàn sửa đổi mẫu phát triển nước Tàu do Deng Xiaoping để lại. Chấp nhận, hạ chỉ số mức phát triển, và chuyển hướng phát triển về thị trường nội địa Tàu. Tên họ Xi nầy cho thật sự muốn thay đổi hướng phát triển không ? Hay do gặp phải cảnh « chẳng đặng đừng », vì thị trường thế giới không còn mặn mà với hàng hóa tàu nữa ?  Nhưng một cái chắc chắn không phủ nhận, là Xi Jinping, đang cùng một lúc, vừa « chỉnh đốn lại, với một bàn tay sắt » mượn cớ chuyển hướng phát triển kinh tế vào thị trường nội địa, nhưng thật sự, dùng « đảng và công an trị » để củng cố quyền lực, kiểm soát toàn bộ xã hội và nội bộ đất nước Trung Cộng. Và cũng đồng thời củng cố bộ máy quân sự, quyết chiếm quyền bá chủ vùng Đông Nam Á, bành trướng chủ nghĩa dân túy Hán tộc. Thừa cơ hội, thời gian gần đây, các quốc gia dân chủ Âu Mỹ, tiên tiến, trên thế giới đang gặp bối rối, hết nào khủng hoảng tài chánh, đến kinh tế, đến cả cơ chế chánh trị, bỏ trống chánh trường Đông Á và Đông Nam Á, Tàu Cộng của Xi bèn chiếm đoạt bằng quân sự các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  của Biển Đông Việt Nam, hay Biển Đông Nam Á, mà chúng gọi là Nam Hoa Hải, bằng quân sự hóa, xây đảo nhơn tạo, tạo những sự « đã rồi », vẽ lại cách lằn ranh biên giới, với con đường lưởi bò tưởng tượng, để xâm chiếm hoàn toàn và mong làm chủ toàn thể Biển Đông Nam Á.

Thời huy hoàng của Tàu Cộng được dựa trên sự phát triển của đòi hỏi của thị trường thế giới đi tìm tay nghề gia công rẻ, hạ giá thành lao động để tạo phát triển thị trường và sự hội nhập vào thị trường xuất cảng, đặc biệt từ ngày được gia nhập vào WTO, Tổ chức Thương mại Thế giới. Chẳng chốc Tàu Cộng chiếm chức quán quân quốc gia xuất cảng số 1 thế giới, hạ cả Huê kỳ – 14% HK 9% – và có đủ thặng dư vốn liếng để biến thành một nhà đầu tư thượng hạng. Nhưng, cũng cùng một lúc, Tàu Cộng cũng biến thành một kẻ ngoại đạo, không chấp nhận những luật lệ, trò chơi, tác phong của một quốc gia có tầm vóc quốc tế – theo cách nhìn truyền thống đàng hoàng của âu mỹ… Tàu nhơn danh quyền lực và lợi ích quốc gia, để không chấp nhận luật chơi quốc tế. Trái lại, Tàu vì mặc cảm, vì não trạng trả thù, đưa luật rừng chơi với thế giới, thí dụ, dùng luật của kẻ mạnh trong những giao dịch với các quốc gia « yếu gối » hơn mình.

Và càng ngày, thế giới càng nhận rõ « hướng đi trật đường rầy » của phong thái ngoại giao Tàu. Luật gia người hoa, luật sư Zhou Shifeng, giám đốc văn phòng luật Fengrui ở Pékin, nổi tiếng với những hồ sơ bảo vệ Nhơn quyền đã bị tuyên án 7 năm tù vào tháng 8 năm ngoái với tội « xuyên tạc phá hoại » – Việt Nam cũng bắt chước với hai bloggers Phạm Minh Hoàng bị trục xuất và Mẹ Nấm 8 năm tù ở ! Năm qua, tại Tàu, hệ thống Uber, mất gần một Tỷ dollars, với sức ép của Nhà nước Tàu buộc nhượng quyền khai thác cho công ty nội địa Didi Chuxing, từ nay sẽ độc quyền khai thác hệ thống xe tắc xi tự do. Google, Amazon cũng bị loại hẳn thị trường Tàu nhường quyền cho Baidu và Alibaba… Luật tự do thương mại chỉ có một chiều ở xứ Tàu.

Cùng một lúc, Xi Jinping cũng ép đưa HongKong vào vòng kiểm soát của xứ Tàu Cộng. Chắc quý vị thân hữu cũng biết rõ, rằng, hiệp ước Tàu ký với nước Anh năm 1997, bảo đảm HongKong được giữ quyền tự chủ, giữ đời sống dân chủ và giữ sự tôn trọng các quyền công dân và nhơn quyền trong vòng 50 năm. Ngày nay, những bảo đảm ấy chỉ là cái vỏ trống. Quan điểm « một quốc gia, hai chánh thể » được sửa lại là « một quốc gia, hai chế độ kinh tế » ! Nhà tù HongKong đang nhốt đầy các nhà đầu tư, chủ nhơn các xí nghiệp, nhà báo, trí thức, bất đồng chánh kiến… Phong trào « Dù Vàng » là một dấu hiệu rằng HongKong không còn là nơi tự do kinh doanh, tự do sanh hoạt, suy nghĩ như thời đế quốc Anh đô hộ nữa ! Thương cảng quốc tế nổi tiếng thời xưa của HongKong đang bị Nhà Nước Tàu Cộng bỏ rơi, nhường quyền cho các thương cảng thuộc Tàu cộng lâu đời khác như Shanghai, Shenzhen, Ningbo hay Xiamen.

2/ Tàu, một quốc gia ngoài luật pháp quốc tế :

Về mặt quốc tế, chiến lược bành trướng của Tàu cộng tại Biển Đông Nam Á đã bị Tòa án Hòa Giải đặt tại The Hague, thủ phủ Hòa lan, tuyên án phạt khá nặng nề ngày 12 tháng bảy năm ngoái do lời kiện của Phi Luật Tân – trong khi Việt Cộng trái lại im thinh thích – Pékin giận dữ phản công bằng đe dọa tạo một vùng nhận diện phòng thủ trên Biển Đông của Việt Nam ta và cũng dọa sẽ tổ chức một liên minh quân sự với Nga chống tất cả những quốc gia láng giềng và thân Mỹ.

Cái thế hung hản của Tàu Cộng, theo nhận định của vài quan sát viên chánh trị âu mỹ là do sự mất ảnh hưởng ngày nay của Đảng Cộng sản Tàu, bất lực trước sự những bất quân bình phát triển xã hội mỗi ngày mỗi cao giữa những thành phố ven biển với một não trạng quần chúng cởi mở, khoa học, âu mỹ hóa và những tỉnh và thành phố nằm sâu trong nội địa phía tây vẫn còn giữ những nét truyền thống khép kín, cùng lúc với tình trạng môi trường càng ngày càng ô nhiểm, gây khó khăn trong đời sống và sức khỏe hằng ngày của dân chúng Tàu. Ấy là chưa kể sự cạnh tranh phe phái do những đệ tử chư hầu của những cựu thủ lãnh còn ít nhiều vai vế ảnh hưởng và những ý đồ lãnh tụ địa phương đang âm mưu nhen nhuốm… tất cả đang trong tình trạng một nền kinh tế quốc gia không còn vàng son nữa. Do đó, những liên hệ ngoại giao của Tàu cộng đối với thế giởi trở nên bất cân bằng một cách nguy hiểm.

Về mặt kinh tế chẳng hạn, tại nội địa Tàu, tất cả những đầu tư lớn đều giành ưu tiên cho các công ty Tàu, trong khi thừa cơ hội các quốc gia âu mỹ đang gặp khó khăn kinh tế, Tàu nhào vào, bỏ tiền tìm mua hoặc đầu tư vào những công nghiệp hàng đầu nhiều lợi nhuận. Về mặt chiến lược, Tàu cộng, tung uy lực khắp hoàn cầu. Từ con đường tơ lụa cổ xưa đến con đường hàng hải mới ngày nay (Nhứt Đái Nhứt Lộ – Một Vòng Đai, Một Con Đường), xem thường luật hàng hải quốc tế, không tôn trọng tự do thông thương ở Biển Đông Việt Nam (đảo nhơn tạo, vùng nhận diện phòng thủ, đường lưởi bò ở Biển Đông của Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaisia, Brunei…thương cảng ? hay quân cảng ? mới ở vùng Sừng Phi châu – Djibouti …) Và nguy hiểm hơn nữa, ngày nay, Tàu cộng đã đủ trưởng thành khoa học trong ngành tin học, đang bắt đầu quấy phá, mở trận chiến tin học, nhiểu sóng…tung tin tặc và tương lai có thể tạo cuộc chiến không gian… (Quân đội Nhân dân Tàu ngày nay có một bộ phận chiến tranh tin học rất hữu hiệu)

May thay, sức ép của Tàu cộng ngày nay đã bắt đầu gặp sức phản khán của thế giới. Huê kỳ là quốc gia đầu tiên nắm rõ vấn đề mặc dù là một khách hàng lớn của Tàu. Huê kỳ chống lại tất cả những đầu tư Tàu vào nền công nghiệp Mỹ (vừa qua có biện pháp chống lại sự phá giá – dumping của ngành sắt Tàu). Trái lại, quá ngu dại, và quá ngây thơ, chánh phủ Pháp đã ngu si bán phi trường thành phố Toulouse, đầu não của công ty máy bay Airbus, và nơi đặt những văn phòng nghiên cứu ngành không lưu cho…Tàu ! Cũng nên hoan hô bà Thủ tướng AnhTheresa May, với một nước Anh đang thời gian khó khăn kinh tế với Brexit dám đủ sáng suốt từ chối không cho Tàu tham dự dự án nhà máy điện nguyên tử (mặc dù Tàu xin tham dự với 1/3 của 21,3 Tỷ euros tổng phí dự án) ! Liên Âu cũng bắt đầu đặt lại vấn đề có nên nhận cho Tàu có một nền kinh tế được đánh giá là một « nền kinh tế thị trường » không ? để cho hưởng quy chế đặc biệt, những dễ dãi đặc biệt, ưu đải giữa những quốc gia cùng chung tập tục kinh tế.

Sự bành trướng của Tàu ngày nay cũng đang gây ra một cuộc chạy đua vũ trang của các quốc gia Đông Nam Á. Nhựt Bổn, Nam Hàn cùng nhau tổ chức một hệ thống phòng thủ chống phi đạn Tàu. Úc chấu đang củng cố quân lực hải quân và và tăng con số các tiềm thủy đỉnh.  Còn Việt Nam ? Việt Cộng Hà nội, vốn quen thói ăn xin, ăn có, đang nhờ Mỹ Nhựt Ấn ủng hộ sức phóng thủ chống « tàu lạ » xâm nhập !

Đừng bao giờ quên rằng, Tàu Cộng, mặc dù là đệ nhứt quốc gia xuất cảng, nhưng cũng đệ nhứt quốc gia ăn gian, buôn gán lận, luôn luôn không áp dụng luật thương mại quốc tế, vì Tàu cộng, vốn sẳn mặc cảm, tự ty, vẫn cho rằng những luật ấy thuận với phe « da trắng, âu mỹ, tư bản chủ nghĩa » nghĩa là không thể áp dụng với hắn ta được ! Măc dù cũng do chính những luật quốc tế nầy đã giúp Tàu Cộng phát triển từ 20 năm nay. Việt Cộng cũng vậy, chạy theo nhờ vã, xin xỏ âu mỹ, mặc quần áo tây, thắc cà vạt, đi giầy tây, nhưng lúc nào cũng chê bai Mỹ ngụy, Tây thực dân chê bai tư bản chủ nghĩa tự do doanh thương… !!

Tàu Cộng không bao giờ và cũng chẳng bao giờ bước vào một nền kinh tế thị trường, cũng chẳng bao giờ, không không bao giờ là một quốc gia pháp trị !

Một khế ước, đối với Tàu Cộng chỉ là một « nhận định một tình trạng, với những lời hứa » thế thôi, tuyệt đối không phải là những lời cam kết, ràng buộc với ai cả, và đặc biệt đối với Tàu. Pékin chỉ tôn trọng những gì có lợi cho Đảng Cộng sản Tàu và đế quốc Tàu (Cùng với Việt Cộng, Tàu Cộng để Tổ quốc và Dân tộc đứng sau Đảng và Đế quốc đỏ).

Để Kết Luận :

Tàu Cộng đã tự chọn cho mình một thể chế chánh trị chỉ biết dùng sức mạnh, và chỉ biết áp dụng chánh sách tương quan lực lượng. Tàu đang MƠ sẽ là một đối thủ mạnh -ngang hàng – với các cường quốc – đứng đầu là Huêkỳ – và sẽ tàn bạo, vũ phu với các quốc gia nhược tiểu – đứng đầu là Pháp, sau đó là Liên Âu. Chúng tôi xin nhắc lại, các nước nhược tiểu đứng đầu là Pháp và Liên Âu !

Và Tàu Cộng, dù biết rằng đường lối chánh trị ấy, sẽ là một rào cản rất lớn cho một sự phát triển đồng điệu và sự chuyển hóa sang một nền kinh tế dịch vụ đầy lợi tức và sáng tạo (cho mình). Dù biết rằng chánh sách chánh trị hiện nay của Tàu đang làm thất thoát – do dân Tàu chuyển vốn đi, do ngoại quốc không bỏ vốn vào – và chẳng những riêng tiền bạc vốn liếng kinh tài đầu tư, mà cả chất xám, quan trọng hàng đầu, cần thiết cho phát triển và phồn thạnh một đất nước.  Và dù vẫn biết rằng, đây là một mối nguy, vì là một cái thắng đột ngột cho cái đà phát triển đương lên từ mấy lúc nay của vùng Đông Nam Á, từ nay đã là thị trường số một thế giới, thay thế thị trường châu Âu, và như vậy sẽ phá vỡ mọi hệ thống thương mại có thể giúp cả Tàu lẫn Đông Nam Á vươn lên ! Nhưng Tàu, vì sanh tồn của Đảng Cộng Sản Tàu, vì sanh tồn và tương lai của Đế quốc Hán đỏ, vì giấc mơ làm Đại Tư Hản- Grand Khan – hay một Hoàng Đế của Xi Jinping ĐANG MƠ  khôi phục một Đế quốc đại Hán, kiểu Mông Cổ – đến đổi cấm cả hình ảnh chú gấu Winnie nhập vào đất Tàu, vì cho chú gấu Winnie giống Xi, do âu mỹ mất dạy  vẽ ra để chế ngạo mình !

Do đó, chúng ta, người dân Đại Việt hơn bao giờ hết, phải CHỐNG TÀU Cộng

Và hãy DIỆT bỏ bọn tay sai bán nước là Việt Cộng.

Chớ đừng để bị lường gạt, lầm lẫn bởi bọn Việt Cộng Bán Nước, hiện CÓ VẼ, LÀM BỘ Chống Tàu, vì theo Mỹ – vì vừa cho Mỹ thuê Vịnh và Cảng Cam Ranh. Năm xưa, Việt Cộng nhơn danh kháng Pháp, đuổi Thực dân, gạt người yêu nước Việt Nam, dùng mưu Lê Chiêu Thống, rước quân Tàu Cộng của tướng Chen Geng – Trần Canh, đem chí nguyện quân Tàu đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi Pháp, nhờ Châu Ân Lai Thủ tướng Tàu Cộng, chấp nhận xé đôi đất nước, giựt nửa nước Việt Nam dâng cho Tàu, đuổi trên 1 triệu người Việt miền Bắc vào Nam, tạo ngày Quốc Hận lần thứ Nhứt, ngày 20 tháng 07 năm 1954.

Do đó, bổn phận người Đại Việt ta phải Chống Tàu Diệt Việt Cộng !

Để còn tồn tại !

Để còn Việt Nam, để còn con dân Việt ! Để còn Đại Việt !

Mong lắm !

Hồi Nhơn Sơn, 20 tháng 07 năm 2017

63 năm ngày Quốc Hận lần thứ nhứt

20/07/1954 Hiệp ước tạm ngưng chiến Genève

Phan Văn Song

 

Vui cười

Hai vợ chồng nhà kia ra tòa ly dị.  Tòa phán cho phép người vợ được quyền nuôi dươ?ng đứa con.  Thấy người chồng có vẻ không phục, tòa mới hỏi:

– Anh có khiếu nại gì không.

– Tui hỏi quan tòa vậy chớ nếu quan tòa bỏ đồng 50 xu vô trong cái máy, quan tòa kéo cái cần hay bấm nút thì lon Coca chun ra. Vậy chớ lon Coca đó là của quan tòa hay là con của cái máy vậy.

 

Một bác nhà quê ở miền Tây lần đầu tiên lên Sài Gòn thăm bà con. Đang còn đứng lóng ngóng ở Xa Cảng Miền Tây chưa biết làm gì, bác bổng thấy một người đàn ông ngoắc một chiếc xe xích lô và vừa leo lên xe vừa nói:

– Trần Hưng Đạọ

Một lát bác lại thấy một người đàn ông khác đón xe xích lô và lên xe xong bà quay lại nói với người đạp xe:

– Nguyễn Kim.

Bác nhà quê hớn hở ngoắc một chiếc xe xích lô khác vừa trờ tới và bác dõng dạc nói với người đạp xe:

– Nguyễn Văn Tèo.

 

Mùa hè nóng nực. Ông chủ sai người ở lấy quạt ra quạt. Người ở lấy sức quạt thật lâu. Ông chủ ráo mồ hôi, khoan khoái nói:

– Mồ hôi của tao đâu hết rồi!

– Người ở nói: dạ, nó sang cả vào mình con.

 

Dân Tộc Sinh Tồn – Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

2°.Những yếu tố phụ thuộc cấu tạo tánh cách một dân tộc

Ngoài những yếu-tố huyết-thống hay chủng-tộc đưa đến sự tương-đồng tánh-cách thể-chất và làm cho người trong dân-tộc nhận ra nhau một cách dễ dàng, dân-tộc còn dựa vào những yếu-tố khác phụ thuộc vào yếu-tố huyết-thống và làm cho nó rõ rệt  hơn. Đó là ngôn-ngữ, văn-tự, y-phục, phong-tục và tôn-giáo.

Về những yếu-tố phụ-thuộc này, người ta có thể bảo rằng không dân-tộc nào có tánh-cách đồng-nhứt, và nhiều khi, những dân-tộc khác lại có những yếu-tố đó giống nhau.

Điều này không có chi lạ, dân-tộc đã có những nguồn-gốc huyết-thống khác nhau thì tự-nhiên cũng phải có những yếu-tố phụ-thuộc trên này khác nhau, vì mỗi bộ-lạc đều có ngôn-ngữ, văn-tự, y-phục, phong-tục, tôn-giáo của mình. Khi họp lại thành dân-tộc, họ không đồng-hóa nhau một cách hoàn-toàn và có thể còn giữ những đặc-điểm riêng của mình về những yếu-tố ấy.

Sự giao-thiệp giữa các dân-tộc và những cuộc xáo trộn lịch-sử cùng sự hỗn-hợp các chủng-tộc theo sự cần dùng của hoàn-cảnh làm cho những dân-tộc khác nhau có những yếu-tố ấy tương-tự nhau. Nhưng sau cùng, mỗi dân-tộc đều có một quốc-tánh, một ngôn-ngữ, một văn-tự cho mình.

Trường-hợp nước Thụy-sĩ, bốn thứ ngôn-ngữ, văn-tự vì gồm có bốn giống dân khác nhau là một trường-hợp đặc-biệt chứng tỏ thêm rằng yếu-tố ngôn-ngữ lệ thuộc vào yếu-tố chủng-tộc.

Về dân-tộc Trung-hoa có nhiều ngôn-ngữ khác nhau, chúng ta có thể cho rằng đó là vì những chủng-tộc họp lại thành dân-tộc Trung-hoa nhiều quá và phức-tạp quá, lại chưa đồng-hóa nhau một cách hoàn-toàn mặc dầu đã sống chung nhau trong một thời-gian hết sức lâu dài.

Việc người Trung-hoa chưa đồng-hóa nhau và nói nhiều thứ tiếng khác nhau hiện giờ là một trở-lực lớn cho sự thống-nhứt nước Trung-hoa. Chính vì dân-tộc Trung-hoa quá hỗn-tạp mà nước Trung-hoa lâm vào vòng rối loạn từ đầu thế-kỷ này đến giờ.

Về y-phục, mặc dầu mấy lúc sau này  trên thế-giới có phong-trào quốc-tế hóa nó, mỗi dân-tộc đều giữ một quốc-phục riêng cho mình.

Ngoài ra, mỗi dân-tộc đều có phong-tục riêng. Tuy những phong-tục đó không hoàn-toàn giống nhau ở khắp mọi nơi trong nước, nó cũng có một tinh-thần chung với nhau trong toàn-thể dân-tộc.

Sau cùng, trong mỗi dân-tộc hiện giờ, có thể có nhiều tôn-giáo khác nhau vì sự tự-do tín-ngưỡng được kính nể, nhưng bao giờ nó cũng có một tôn-giáo chiếm địa-vị ưu-thắng và được xem là quốc-giáo một cách chánh-thức hay là bán chánh-thức.

3°. Sự rõ rệt của những giới hạn phân chia dân tộc

Nhờ những yếu-tố kể trên này làm tiêu-chuẩn, người của một dân-tộc có thể nhận ra đồng-bào mình và phân-biệt họ với người của dân-tộc khác. Ta có thể bảo rằng, một người Việt-Nam nhận ra một người khác là người Việt-Nam nhờ thấy người đó giống mình về thể-chất hơn người ngoại-quốc, lại nói một thứ tiếng với mình, trang-phục giống như mình, và có những tin-tưởng, những tập-quán như mình.

Thêm nữa, giới-hạn phân chia người các dân-tộc lại hết sức rõ rệt nhờ những luật-pháp quốc-gia và quốc-tế.

Người của mỗi dân-tộc đều bị đặt dưới một hệ-thống pháp-luật rõ rệt. Ngay đến những dân-tộc bị mất tự-do và bị lệ-thuộc vào dân-tộc khác cũng được đặt dưới một hệ-thống pháp-lý khác với dân-tộc thống-trị.

Bởi đó, đến những người lai giống cũng vì sự đồng-hóa của bên cha hay bên mẹ mà thuộc hẳn về một dân-tộc, chớ không bao giờ có thể vừa là người của dân-tộc này vừa là người của dân-tộc kia được.

b.- Nền tảng dân tộc vững chắc và tự nhiên hơn nền tảng giai cấp

1°. Sự phân biệt dân tộc tự nhiên hơn sự phân biệt giai cấp

Xét những yếu-tố cấu-tạo thành tánh-cách của dân-tộc và có thể dùng làm tiêu-chuẩn để phân-biệt dân-tộc cùng những yếu-tố mà người chủ-trương giai-cấp tranh-đấu đưa ra làm tiêu-chuẩn để phân-biệt giai-cấp – như tiền bạc, nghề-nghiệp, học-thức, việc có hay không có những phương-tiện sản-xuất chúng ta có thể bảo rằng dân-tộc có những nguồn-gốc tự-nhiên hơn giai-cấp.

Việc thuộc về dân-tộc này hay dân-tộc khác là một việc do Tạo-hóa xui nên, còn việc thuộc về giai-cấp này hay giai-cấp kia là một việc hoàn-toàn do nơi chế-độ xã-hội mà người tạo ra.

Người Việt-Nam chúng ta có dòng máu Việt-Nam trong huyết-quản và nói tiếng Việt-Nam, mặc y-phục Việt-Nam và theo phong-tục Việt-Nam là vì cha mẹ chúng ta là người Việt-Nam, dầu chúng ta không muốn làm  người Việt-Nam chúng ta cũng không hóa mình thành người Âu Châu hay người Mỹ được.

Còn trong dân-tộc Việt-Nam mà có kẻ giàu, người nghèo, có hạng bóc-lột và hạng bị bóc-lột, đó chỉ vì xã-hội Vệt Nam tổ-chức chưa châu-đáo, chế-độ chánh-trị Việt-Nam chưa được hoàn-mỹ. Tổ-chức xã-hội và chế-độ chánh-trị này chỉ do nơi chúng ta tạo ra. Mà cái gì chúng ta tạo ra được, chúng ta có thể hủy-phá được. Bởi đó sự cải thiện tổ-chức xã-hội và chế-độ chánh-trị trong dân-tộc có thể thực-hiện, còn sự hủy-phá nền tảng của dân-tộc là một việc trái thiên-nhiên mà người ta không sao làm nổi.

2°.Sự thắng thế của nền tảng dân tộc đối với nền tảng giai cấp về phương diện vững bền trong quá khứ

a/ Sự suy sụp  của chế độ phân chia giai cấp trong lịch sử

Trong nhiều xã-hội loài người trước kia, người ta phân chia ra làm nhiều đẳng-cấp có luật-lệ qui-định giớI-hạn một cách rõ ràng. Mỗi đẳng-cấp có những quyền-hạn, những nhiệm-vụ nhứt-định, và người ở đẳng-cấp khác nhau không được thông-hôn với nhau. Nhưng lần lần con người nhận thấy sự vô-lý, sự bất-công của chế-độ phân chia giai-cấp nên tìm cách hủy-phá nó, thành ra sự phân chia giai-cấp không còn được nhìn nhận.

Hiện giờ, không có một quốc-gia tốI-tân nào theo một hiến-pháp chấp-nhận sự phân chia đẳng-cấp. Những nhà quí-tộc không còn nữa. Ở những nước họ còn được dung-nhận, tước-vị họ chỉ là dấu hiệu danh-dự chớ không giúp cho họ đặc-quyền gì. Trước pháp-luật họ được xem ngang hàng với tất cả mọi công dân khác.

Như thế, sự khu-biệt đẳng-cấp, một chế-độ nhơn-tạo đã lần lần bị hủy-diệt. Và hiện nay, mặc dầu có nhiều người cố-gắng đưa ra những học-thuyết có vẻ khoa-học để làm sống dậy ý-niệm giai-cấp, ý-niệm giai-cấp vẫn chìm sâu trong chỗ mờ mịt.

b/ Sự tăng tiến của ý thức dân tộc

Trong khi đó, ý-niệm dân-tộc càng ngày càng rõ rệt hơn lên. Không những chống chọi lại một cách thắng-lợi những sự cố-gắng của những nhà chinh-phục để hủy-diệt mình, ý-niệm này lại còn làm cho nhơn-loại có xu-hướng lấy phạm-vi dân-tộc làm biên-giới cho quốc-gia nữa.

Sau khi vượt khỏi phạm-vi bộ-lạc để tiến đến phạm-vi quốc-gia, loài người đã thiết-lập nhiều đế-quốc rộng lớn gồm có nhiều dân-tộc.

Những đế-quốc này, có cái duy-trì được lâu dài, có cái thì tan rã trong một thời-hạn ngắn sau khi được thành-lập, nhưng không có cái nào giữ mãi được biên-giới của mình, Những đế-quốc được dựng lên rồi sụp đổ, rồi lại dựng lên, mỗi lần với một biên-giới khác và một dân-tộc bá-chủ khác.

Lần nào, những dân-tộc bá-chủ cũng đem ngôn-ngữ, văn-tự, y-phục, phong-tục, tôn-giáo của mình ra để cưỡng-bách những dân-tộc bị chinh-phục phải theo. Thường thì họ chi-phối được những dân-tộc bại trận trong một thời-gian hoặc dài hoặc ngắn.

Cũng có khi dân-tộc thắng-lợi có một trình-độ văn-hóa thấp kém hơn dân-tộc bị chinh-phục và bị dân-tộc này chi-phối ngược lại. Đó là trường-hợp dân La-mã đối với dân Hy-lạp và những dân Mông-cổ, Mãn-châu đối với dân Hán.

Nhưng trong trường-hợp nào, những người thành-lập một đế-quốc cũng đều cố gắng hủy-phá những nền tảng của những dân-tộc bị chinh-phục để cho mọi người trong đế-quốc hỗn-hợp nhau lại thành một khối.

Lịch-sử đã chứng nhận rằng không có nhà chinh-phục nào thành-công trong dự-định trên này. Kết-quả lớn lao nhứt mà họ có thể đạt được là gây dựng một nền văn-tự chung và một hệ-thống chánh-trị hay đạo-đức chung cho đế-quốc họ. Những yếu-tố này thường chỉ dính dáng đến một thiểu-số có học-thức trong các dân-tộc, còn đại-chúng dốt nát thì không bị nó chi-phối một cách mạnh mẽ.

Phần lớn dân-chúng các dân-tộc bị thống-trị vẫn giữ ngôn-ngữ của họ, và trong ngôn-ngữ của dân-tộc chiến-thắng họ, họ chỉ mượn một số văn-từ thông-dụng mà thôi. Trong sự mượn văn-từ này, họ cũng sửa đổi âm-thanh cho hợp với giọng nói mình chớ không giữ nguyên giọng của dân-tộc ưu- thắng.

Suốt ngàn năm bị Hán-tộc đô-hộ, người Việt có mượn nhiều tiếng Hán, nhưng lại đọc theo giọng Việt. Hiện giờ, những tiếng ấy được mạng-danh là tiếng Hán-Việt, và trong các tự-điển, nó cũng được xem như là tiếng Việt.

Sau này, trong sự mượn văn-từ Pháp, người Việt cũng Việt-hóa những văn-từ ấy một cách mạnh mẽ đến nỗi khi nghe người Việt nói chuyện với nhau, những người Pháp không thạo tiếng Việt không thể nhận ra được những văn-từ trong ngôn-ngữ mình đã bị người Việt mượn.

Về y-phục và phong-tục cũng như về ngôn-ngữ, các dân-tộc bị thống-trị cũng chỉ bị chi-phối một cách yếu ớt mà thôi. Về tôn-giáo, nhiều khi họ phải buộc lòng tuân theo tôn-giáo của người chiến- thắng, nhưng trừ ra khi sự thống-trị kéo dài ra hàng thế-kỷ, những dân-tộc bị trị thường không thành-tâm tin nơi tôn-giáo ấy và sẵn sàng bỏ nó một khi gặp tình-thế thuận-tiện.

Chung-qui, những cố-gắng của những người xây dựng nên những đế-quốc thuở xưa chỉ làm cho những yếu-tố phụ-thuộc cấu-tạo tánh-cách một dân-tộc thay đổi chút ít mà thôi. Ta có thể bảo rằng những yếu-tố đó được trao đổi giữa các dân-tộc, nhưng không hỗn-hợp nhau lại để làm ra những yếu-tố chung cho tất cả mọi người.

Đối với yếu-tố chánh-yếu cấu-tạo tánh-cách những dân-tộc là yếu-tố huyết-thống hay chủng-tộc thì tình-thế phức-tạp hơn.

Có những dân-tộc bá-chủ muốn đồng-hóa các dân-tộc bại trận bằng văn-hóa mà không muốn trộn giống với những dân-tộc ấy. Trong trường-hợp này, sự nguyên vẹn của yếu-tố chủng-tộc trong các dân-tộc bị thống-trị là một điều tự-nhiên.

Nhưng cũng có nhiều nhà chinh-phục không cấm cản sự trộn giống giữa người trong dân-tộc mình và người những dân-tộc bị trị. Tuy thế, vì địa-vị xã-hội và chánh-trị chênh lệch nhau, vì ngôn-ngữ, phong-tục, tín-ngưỡng, tập-quán không giống nhau, vì tâm-tánh sai biệt nhau, những sự thông- hôn giữa người của dân-tộc thống-trị và người những dân-tộc bị trị không đủ quan-trọng để làm thay đổi tánh-cách chủng-tộc của những dân-tộc bị trị. Do đó, nền tảng huyết-thống của những dân-tộc bị trị cũng không phá hủy được.

Người ta có thể dựa vào chỗ những bộ-lạc, vẫn có thể đồng-hóa nhau về mặt chủng-tộc để lập thành dân-tộc mà chủ-trương rằng những dân-tộc cũng có thể đồng-hóa nhau về mặt chủng-tộc để trở thành một nhơn-loại đồng-nhứt.

Nhưng chúng ta nên lưu-ý rằng sở-dĩ các bộ-lạc có thể hỗn-hợp nhau để lập thành một dân-tộc là vì trong những quốc-gia nhỏ được thành-lập thuở xưa, nhà cầm quyền thường đã cấm những nhơn-viên cùng bộ-lạc thông-hôn nhau. Tục không cho người đồng-tánh lấy nhau – người đồng-tánh nguyên là người cùng do một bộ-lạc mà ra – là một di-tích của sự cấm-đoán này mà dân Việt-Nam hiện giờ còn rất nhiều người noi theo.

Đối với bộ-lạc thì sự cấm-đoán thông-hôn nhau như thế có thể thi-hành được, còn đối với những dân-tộc có một số người đông hơn nhiều quá, người ta làm sao có thể cấm họ thông-hôn với nhau được, nhứt là trong một thời -đại mà sự thạnh-hành của tư-tưởng dân-chủ bắt buộc nhà cầm quyền phải kính nể đời sống riêng của cá-nhơn ?

Bởi nhũng lý lẽ trên này, yếu-tố huyết-thống của các dân-tộc không ai làm lung lay nổi. Nó cứ duy-trì mãi mãi qua các thời -đại, qua sự sụp đổ của những đế-quốc. Mỗi khi đế-quốc sụp đổ, nó lại còn lôi kéo những yếu-tố phụ thuộc vào nó là ngôn-ngữ, y-phục, tín-ngưỡng trở về với bản-chất cũ của nó.

Sự vững chắc của yếu-tố huyết-thống làm cho nền tảng của dân-tộc vững chắc thêm. Sau bao nhiêu thế-kỷ quây-quần chung lộn nhau trong phạm-vi các đế-quốc, những dân-tộc lần lần có một ý-niệm rõ rệt về sự sống của mình và có xu-hướng đi đến chỗ thành-lập những quốc-gia riêng biệt. Xu-hướng này được tóm tắt trong nguyên-tắc « dân-tộc tự-quyết » rất thạnh-hành trong mấy thế-kỷ sau đây.

Sức mạnh của xu-hướng « dân-tộc tự-quyết » đã được chứng-nhận nhờ sự-kiện này : chỉ có những quốc-gia gồm một dân-tộc tạo thành là được vững chắc qua các thời-đại và có thể cấu-tạo lại được sau khi tan rã. Những đế-quốc gồm có nhiều dân-tộc tạp nhạp chỉ có thể duy-trì khi chánh-phủ trung-ương được tổ-chức mạnh mẽ và có đủ phương-tiện để đặt mọi người dưới một kỷ-uật sắt mà thôi. Một khi tan rã, những đế-quốc ấy rất khó phục-hồi lại được.

Đế-quốc Áo thiếu sự đồng-nhứt về phương-diện dân-tộc đã sụp đổ sau trận đại-chiến 1914-1918 và hiện giờ ai nói đến sự tái-lập nó tất bị xem như bất-thức thờI-cơ.

Nước Trung-hoa vì do một nhóm nhiều giống dân tạp nhạp chưa đồng-hóa nhau một cách rõ rệt tạo-thành nên thường phải đắm chìm trong vòng hỗn-loạn. Nước Nga do nhiều dân-tộc hợp lại lập nên chỉ có duy-trì được nhờ một chế-độ cảnh-sát gắt gao. Những chánh-phủ Nga-hoàng đã cố gắng Nga-hóa những dân-tộc không phải Nga một cách vô- hiệu-quả ; đến lúc chế-độ Nga-hoàng bị lật đổ, những dân-tộc bị người Nga thống-trị như Ukraine, Arménie, Bielo-Russie, Ba-lan, Phần-lan v.v… đã phất cờ khởI-nghĩa, tuyên-bố độc-lập. Nhưng trừ ra Phần-lan, Esthonie, Lettonie, Lithuanie và Ba-lan nhờ hai nước Anh Pháp giúp đỡ nên giành được nền độc-lập hoàn-toàn của mình và duy-trì nó trong suốt hai trận chiến-tranh 1914-1918 và 1939-1945, còn những dân-tộc khác xấu số hơn – có hơn 10 dân-tộc – đã bị tràn ngập dưới làn sóng dập dồn của đạo Hồng quân do chính-phủ Sô-viết gởi đến chinh-phục lại. Tuy đã bị đặt dưới chánh-quyền Sô-viết từ mấy mươi năm nay, những dân-tộc khác dân-tộc Nga trong Liên-bang Sô-viết nhứt là dân-tộc Ukraine, vẫn luôn luôn ngấm ngầm vận-động độc-lập không lúc nào ngừng.

Xét những trào-lưu lịch-sử một cách kỹ-càng, chúng ta có thể quả-quyết rằng nhơn-loại luôn luôn tiến đến chỗ lấy dân-tộc làm nền tảng cho quốc-gia và làm cho phạm-vi quốc-gia trùng-hợp với phạm-vi dân-tộc sát chừng nào hay chừng ấy.

3°.- Sự thắng thế của nền tảng dân tộc đối với nền tảng giai cấp về phương diện vững bền trong tương lai

Trong quá-khứ, nền tảng dân-tộc đã tỏ ra thắng-thế hơn nền tảng giai-cấp về phương-diện vững bền rồi. Trong tương lai, sự thắng-thế này còn được bảo-đảm một cách chắc chắn hơn nữa.

Hiện giờ, các văn-minh trên thế-giới không còn dùng luật-lệ để phân chia xã-hội ra làm giai-cấp. Trong những nước ấy, tất cả mọi người được xem ngang nhau trước công-lý.

Trong khi đó, sự phân chia dân-tộc đã được luật-lệ quốc-gia công nhận hẳn hòi. Ngay đến những dân-tộc mất quyền tự-do hiện nay, người ta cũng không thể dùng luật-pháp mà cưỡng-bách họ hủy-phá hết những đặc-tánh của họ.

Trong hơn 80 năm chiếm cứ được nước Việt-Nam, người Pháp chỉ có thể đem văn-hóa của mình mà phổ-biến ra và tìm cách chận nghẹt nền văn-hóa Việt một cách gián-tiếp mà thôi. Họ có thể ban Pháp-tịch cho một số người Việt, đào-tạo ra một hạng trí thức vong-bổn nói tiếng Pháp thạo hơn tiếng Việt, ăn bánh mì bơ nhiều hơn ăn cơm với nước mắm, thuộc sử sách Pháp nhiều hơn sử sách Việt và suy nghĩ theo Pháp hơn là theo Việt.

Nhưng người Pháp không thể cấm-đoán người Việt thông-hôn với nhau và nói tiếng Việt, mặc quốc-phục Việt, theo phong-tục Việt, đọc sử sách Việt, có tư-tưởng Việt, nghiên cứu nền văn-hóa cổ của dân Việt hay xây dựng một nền văn-hóa mới cho dân Việt. Vì đó, quốc-tánh Việt vẫn còn vững bền mãi mãi, và khi dân-tộc Việt có cơ-hội thoát-ly ách nô-lệ thì phần lớn những người Việt bị Pháp- hóa lại nghe tiếng gọi của giống nòi mà quay trở về nguồn-gốc tổ-tiên của mình.

Đối với những nhóm người chưa tiến đến một trình-độ văn-hóa đủ cao để lập thành một dân-tộc có lịch-sử như các giống dân da đen ở Phi-châu hay các đảo Thái-bình-dương, người Pháp mặc dầu chi-phối được họ một cách mạnh mẽ hơn dân-tộc Việt hay các dân-tộc Á Rập ở Bắc-Phi, vẫn không đồng-hóa được để làm cho họ thành người Pháp. Nói cho đúng ra thì ngoại-trừ một hai người được người Pháp đưa lên một địa-vị tuyệt cao trên nấc thang danh-vọng để lấy đó làm cái bằng-chứng mà tuyên-truyền cho tinh-thần không phân-biệt màu da của mình, đại-đa-số dân da đen ở các thuộc-địa Pháp chỉ được xem như là một thứ người Pháp hạ-cấp, nhiệm-vụ thì nhiều mà quyền-lợi thì không có bao nhiêu.

Chánh-sách thực-dân mà người Nhựt thi-hành ở Mãn-châu, Triều-tiên khắc-nghiệt hơn chánh-sách của thực-dân Pháp ở nước Việt, nhưng cũng không hủy-diệt được quốc-tánh Mãn-châu, Triều- tiên và mặc dầu người Nhựt đã đi đến kết-quả làm cho người Mãn-châu, Triều-tiên phần lớn không biết được lịch-sử dân-tộc mình, họ cũng không ngăn cản được dân Mãn-châu, Triều-tiên đứng lên đòi thoát-ly khỏi sự thống-trị cũa họ khi họ bị hai quả bom nguyên-tử mà phải cúi đầu hàng-phục quân-đội đồng-minh.

Sau cùng, chính-sách của những nhà chỉ-huy Liên-bang Sô-viết để hủy-diệt ý-thức dân-tộc của những giống dân đặt dưới quyền họ cũng không đưa họ đến kết-quả mong ước, tuy họ có một khí-giới hết sức lợI-hại là thuyết xã-hội duy-vật Karl Marx.

4°. Những sự kiện chứng nhận thêm cho sự bền vững của dân tộc trong tương lai

Sự bền-vững của dân-tộc đã được lịch-sử chứng-nhận trong quá-khứ và được chế-độ xã-hội hiện giờ bảo-đảm trong tương-lai. Ngoài ra, còn nhiều sự-kiện khác giúp thêm vào sự bền vững này nữa.

a/ Sự thay đổi dân tộc phiền phức và có tánh cách gượn gạo hơn sự thay đổi giai cấp

Vì những yếu-tố cấu-thành tánh-cách của dân-tộc rõ ràng hiển-hiện trước mắt mọi người, vì giớI-hạn phân chia các dân-tộc được qui-định hẳn hòi và được công-nhận đàng-hoàng, nên khi một người bỏ dân-tộc mình để nhập-tịch dân-tộc khác, anh ta phải nộp đơn xin dân-tộc khác ấy chấp-nhận mình làm nhơn-viên của nó. Muốn cho đơn mình được chấp-nhận người xin nhập-tịch phải có đủ những điều-kiện mà dân-tộc anh ta muốn gia-nhập đưa ra, và lắm khi phải lập những công-trận như thế nào, cho dân-tộc ấy xem anh ta là xứng đáng làm một nhơn-viên của nó mới được.

Trong thời-kỳ nước Việt bị đô-hộ, đã có mấy người Việt xin nhập Pháp-tịch mà được toại  nguyện đâu. Số ít những người lọt qua những điều-kiện mà chánh-phủ Pháp đưa ra để nhận họ làm công-dân của mẫu-quốc cũng không phải vì thế mà được thành người Pháp hoàn-toàn.

Nếu họ có thể hoán-cải những yếu-tố phụ-thuộc bên ngoài để nhái cho hệt người Pháp, họ vẫn không làm cho mắt họ trở nên xanh, tóc họ mất màu đen và da họ thành trắng. Và nếu về mặt nguyên- tắc, họ có đủ những quyền-hạn và nhiệm-vụ của một công-dân Pháp, về mặt thực-tế, họ chỉ được xem như là một người Pháp hạ-cấp, một thứ người Pháp hạng ba.

Ta có thể ví những người Việt có Pháp-tịch mà học đòi sanh-hoạt theo lối Pháp như những cây rau bị nhổ lên khỏi liếp mình mà không được trồng qua liếp bên, chỉ bị vất qua liếp bên một cách bừa bãi. Bởi đó, trừ ra một số người lấy Pháp-tịch làm một lợI-khí để tranh-đấu cho dân-tộc Việt, những người Việt có Pháp-tịch bị dân Việt xem như là những kẻ đi trái luật thiên-nhiên và kể như những cái gai trong con mắt họ.

Sự thay đổi giai-cấp thì trái lại, không có gì khó khăn và phiền-phức cả. Vì những yếu-tố qui-định tánh-cách của giai-cấp rất mù mờ, vì những hàng rào pháp-lý phân chia giai-cấp không còn nữa, vì sự thuộc về giai-cấp này hay giai-cấp khác không được nhận-thức rõ rệt, người đi từ giai-cấp này sang giai-cấp khác không cần phải tuân theo luật-lệ gì hay một nghi-thức gì. Bởi đó, họ không được ai chú-ý và nhiều khi chính họ cũng không nhận thấy được rằng họ đã đổi giai-cấp nữa.

Bởi những lẽ trên này, người ta không thể bỏ dân-tộc mình một cách dễ dàng như giai-cấp, mà cũng không chạy qua chạy lại giữa dân-tộc này và dân-tộc nọ một cách dễ dàng như đối với giai-cấp.

Một người được xem là giai-cấp cần-lao mười năm trước có thể nhờ làm ăn phát-đạt mà đuợc sắp vào giai-cấp phú-hào trong lúc này. Năm năm nữa, anh ta có thể vì buôn thua bán lỗ mà lọt xuống giai-cấp tiểu-tư-sản. Trong lúc đó, nếu anh ta là người Việt-Nam thì anh ta vẫn là người Việt-Nam, chớ không thể mười năm trước, anh ta là người Pháp, năm năm sau đó là người Nhựt, hiện giờ là người Việt-Nam mà sang năm là người Trung-hoa.

Thật ra thì cũng có thể có người Việt vì quyền-lợi mỗi lúc mà lần lượt xin Pháp-tịch, Nhựt tịch trở về Việt-tịch rồi xin nhập Hoa-tịch. Nhưng dầu cho có làm như thế, họ cũng vẫn bị người ta xem là người Việt luôn luôn.

b/ Người ta không tha thiết muốn đổi quốc tịch mà tha thiết muéón lên giai cấp trên

Thêm nữa, đại-đa-số nhơn-viên của một dân-tộc không xem sự thay đổi quốc-tịch là một nguyện-vọng thiết-yếu của mình. Người Anh không phải sớm tối ước mơ được làm người Pháp, người Mỹ không phải lấy việc biến thành người Đức làm một hân-hạnh cho mình. Dự-định hành-tỉnh-hóa Nam-Việt của người Pháp – tức là làm cho dân Nam-Việt trở thành nhơn-viên của dân-tộc Pháp – đã gặp một sức đề-kháng vô-cùng mãnh-liệt trong dân-chúng Nam-Việt.

Trái lại, tất cả những người trong giai-cấp dưới đều có ý muốn lên giai-cấp trên. Người tự cho mình là giai-cấp cần-lao có thể thù ghét những người mà họ cho là thuộc giai-cấp trưởng-giả hay tư-bản. Nhưng bao giờ họ cũng nuôi cái mộng có đất, có nhà và được sống một cách sung sướng, nghĩa là bao giờ họ cũng ước mơ được trở nên những người tư-bản hay trưởng-giả mà họ thù ghét.

Điều này hiện ra rõ rệt trong cuộc tranh-đấu giai-cấp. Người vô-sản tranh-đấu không phải để cho lý-tưởng vô-sản được thắng-lợi, nghĩa là để cho người hữu-sản hóa ra vô-sản như mình. Họ tranh-đấu để được thoát khỏi tình-trạng vô-sản nghĩa là để được thành người hữu-sản. Những người chủ-trương tranh-đấu giai-cấp khôn khéo từ xưa đến giờ đã luôn luôn dùng khẩu-hiệu « chia đất » để kêu gọi quần-chúng nghèo khổ theo mình mà chiến-đấu.

Như vậy, trong cuộc chiến-tranh với người hữu-sản, người vô-sản không phải có tâm-trạng của người vô-sản trung-thành với giai-cấp mình, mà có tâm-trạng của người muốn thoát ra khỏi giai-cấp vô-sản để trở thành hữu-sản. Chúng ta có thể bảo rằng người vô-sản nào cũng có tâm-trạng của người hữu-sản trong khi chiến-đấu với người hữu-sản.

Trong những cuộc chiến-tranh giữa dân-tộc và dân-tộc thì không thế. Người của mỗi dân-tộc đều có một tâm-trạng riêng, tâm-trạng của dân-tộc mình. Người Việt-Nam tranh-đấu với người Pháp không phải để được thành người Pháp, mà để có quyền sống theo quan-niệm Việt-Nam của mình.

c/ Sự phản bội dân tộc bị dư luận kết án nặng nề còn s phản bội giai cấp không xem như một điều đáng khinh bỉ

Sự vững chắc của nền tảng dân-tộc lại còn được bảo-đảm nhờ được sự-kiện thuộc về tâm-lý sau này nữa.

Những người bỏ dân-tộc mình để phụng-sự một dân-tộc khác luôn luôn bị đồng-bào – và luôn cả người ngoại-quốc – cho là phản-bội quê-hương và tỏ ý khinh rẻ. Dầu cho họ có tài-ba lỗI-lạc cách mấy và có lập nên công-nghiệp gì rực rỡ đến đâu, họ cũng không được trọng-vọng.

Ngay đến những kẻ theo dân-tộc khác mà không hại gì đến dân-tộc mình cũng không tránh khỏi sự chê bai của dư-luận. Lý ông Trọng xưa kia bỏ nước Việt-Nam sang Tàu để phụng-sự vua Tần chống quân Hung-nô ở miền Bắc Trung-hoa nào có làm điều gì hại đến đất tổ quê cha. Thế mà người Việt cũng tặng cho ông một câu hát mỉa mai :

Gáo vàng đi múc giếng tây,

Khôn ngoan cho lắm, tớ thầy người ta !

Đối với giai-cấp thì tình-thế khác hẳn. Những người bỏ giai-cấp mình để sang giai-cấp không hề bị buộc vào tội phản giai-cấp mình.

Người thuộc về giai-cấp cần-lao mà trở nên nhà tư-bản, rồi có một thái-độ khắc-nghiệt đối với những bạn cần-lao cũ thì có thể bị cho là người quên những bạn hàn-vi của mình. Nhưng đó là lời buộc tội tư-cách cá-nhơn của anh ta, chớ không phải buộc tội anh ta từ giai-cấp cần-lao mà bước lên giai-cấp tư-bản.

Nếu nhà tư-bản xuất thân từ giai-cấp cần-lao mà lo lắng giúp đỡ cho người khốn khó thì anh ta cũng được người ta khen ngợi như thường. Người ta lại có thể lấy sự cần-cù nhẫn-nại của anh ta trong việc kinh-doanh để làm gương mẫu.

Những người thuộc loại giai-cấp thượng-lưu hay trung-lưu mà có những tư-tưởng xã-hội và theo một chánh-đảng binh vực kẻ đói khổ chống lại sự hiếp đáp của người có quyền thế, có tiền của thì không bị ai cho là người đáng phỉ nhổ vì phản-bội giai-cấp giàu.

Chúng ta nên nhớ rằng các lý-thuyết gia xã-hội và cộng-sản tạo ra những chủ-nghĩa, những học-thuyết binh vực người vô-sản đều là những người khá giả có học, thuộc giai-cấp trung-lưu hay thượng-lưu trong xã-hội. Nhưng không ai lấy cớ họ phản-bội giai-cấp họ để công-kích họ. Những người theo học-thuyết họ thì tôn-sùng họ, vì cho rằng lý-luận họ đúng. Những người chống chọi lại họ cũng chỉ vạch rõ chỗ sai lầm của lý-luận ấy chớ không bao giờ mạt-sát họ về chỗ họ đã phản-bội giai-cấp họ.

Thật ra thì những người cộng-sản cũng có mạt-sát những người vô-sản tranh-đấu để bảo-vệ cái trật-tự đương-hữu và cho họ là bọn vô-sản lưu-manh, phản-bội quyền-lợi của giai-cấp cần-lao. Nhưng quan-niệm này, rất hợp với những người cộng-sản chủ-trương giai-cấp tranh-đấu không phải là quan-niệm của tất cả mọi người. Đại-đa-số dân-chúng trong một nước không hề xem những người vô-sản phụng-sự một chánh-phủ không phải cộng-sản là những người đáng khinh-bỉ.

Sự phản-bội dân-tộc luôn luôn bị cho là một việc bỉ-ổi, đáng ghê tởm, còn sự phản-bội giai-cấp trái lại, ít được lưu-ý và không bị cho là điều bậy. Vì đó, người ta mạnh dạn đi từ giai-cấp này sang giai-cấp khác. Còn số người có can-đảm muối mặt bỏ dân-tộc mình để phụng-sự một dân-tộc khác thì không có được bao nhiêu.

c.- Dân tộc có một sứ mạnh cổ truyền mà giai cấp không có

Nhờ vững chắc và duy-trì được qua các thời-đại, dân-tộc có một sức mạnh cổ-truyền rất hùng-hậu. Lịch-sử dạy cho người trong dân-tộc biết rằng tổ-tiên họ đã sống chung nhau, tranh-đấu chung nhau chia những nỗi vui buồn, những nỗi sướng khổ với nhau. Do đó mà giữa mọi người nảy ra một tình-cảm thâm-trầm và mạnh mẽ buộc chặt họ vào nhau.

Người Việt-Nam nào cũng tự-hào rằng mình thuộc một dân-tộc bốn ngàn năm văn-hiến và cũng tự-kiêu về những trang sử oai-hùng mà tổ-tiên mình đã viết ra bằng máu. Ngay trong thời-kỳ bị đô-hộ, phần lớn người Việt-Nam cũng giữ lấy tánh tự-kiêu về nòi giống mình. Nếu có ước mơ, họ ước mơ cho dân-tộc mình thoát khỏi cảnh gông cùm và trở nên cường-thạnh, chớ không ước mơ được cởi lốt Việt-Nam để thành người dân nước khác. Thấy dân-tộc Nhựt hùng-cường, người Việt-Nam chỉ mong sao cho dân-tộc mình được bằng dân-tộc Nhựt chớ không mong được biến thành người Nhựt.

Đứng về phương diện giai-cấp thì không thế. Lúc sự phân chia đẳng-cấp còn được luật-lệ qui-định, những nhà quí-tộc còn lật gia-phổ ra để khoe rằng dòng họ mình được sang cả từ mấy trăm năm trước. Nhưng từ khi chế-độ đẳng-cấp bị hủy bỏ, những việc ấy không còn nữa. Và hiện nay, không có nhà lãnh-tụ cần-lao nào có thể lấy việc mình là miêu-duệ của tám mươi đời cần-lao để kêu gọi người lao-động ủng-hộ mình.

d.- lợi của người trong dân tộc nhiều trong giai cấp

1°. Sự xung đột quyền lợi trong dân tộc và trong giai cấp

Chúng ta đã thấy rằng nền tảng dân-tộc đã vững bền và chắc chắn hơn nền tảng của giai-cấp nhiều, và vì đó mà ý-niệm dân-tộc càng ngày càng rõ, còn ý-niệm giai-cấp càng ngày càng lu mờ. Nhưng tại làm sao quan-niệm giai-cấp tranh-đấu lại còn có thể phát-triển và đương đầu với quan-niệm dân-tộc tranh-đấu một cách mãnh-liệt như ta thấy hiện giờ ?

Chúng ta có thể trả lời rằng sở-dĩ quan-niệm giai-cấp tranh-đấu được nảy nở là vì có một số người cho rằng sự tranh-đấu cho giai-cấp là hợp với quyền-lợi của người nhứt. Người cùng giai-cấp tự-nhiên là cùng hoàn-cảnh xã-hội với nhau. Mà người cùng chung hoàn-cảnh xã-hội với nhau thì có những quyền-lợi thiển-cận chung nhau.

Nếu ta nhớ rằng quyền-lợi là cái động-lực chánh-yếu làm cho người hợp-quần nhau lại, ta sẽ thấy tất cả sức mạnh của quan-niệm tranh-đấu cho giai-cấp. Vì lầm tưởng rằng giữa những người trong một dân-tộc có sự xung khắc quyền-lợi với nhau, còn giữa những người trong một giai-cấp không có sự xung khắc đó, nên người ta mới cho rằng giai-cấp chặt chẽ hơn dân-tộc và sự tranh-đấu cho giai-cấp hợp với quyền-lợi cá-nhơn hơn. Do đó, người ta theo chủ-trương giai-cấp tranh-đấu.

Nhưng lý-luận trên này không đúng vì thật ra trong giai-cấp cũng có những sự xung-đột quyền-lợi với nhau. Trong chương khảo về lý-thuyết xã-hội duy-vật Karl Marx, chúng ta đã thấy rằng những người cùng giai-cấp với nhau cạnh-tranh nhau một cách hết sức dữ dội.

Không những giữa những người cùng giai-cấp ở những nước khác nhau có sự cạnh-tranh nhau mà giữa những người cùng giai-cấp bên trong một nước cũng có sự cạnh-tranh nhau nữa. Tư-bản các nước tranh nhau chiếm lấy thị-trường và nguyên-liệu, tư-bản cùng một nước xung-đột nhau vì vấn-đề quyền-lợi. Những người lao-động trong một nước thường phải cạnh-tranh nhau mãnh-liệt, và lao-động các nước hùng-cường trù-phú phải chiến-đấu để ngăn-cản sự nhập-cư của lao-động các nước nhược- tiểu nghèo kém.

Như thế, thật-sự, giữa những người cùng giai-cấp cũng có sự xung-đột quyền-lợi như giữa người cùng dân-tộc. Nhưng trong hai thể-thức hợp-quần dân-tộc và giai-cấp, cái nào bảo-đảm quyền-lợi người một cách chắc chắn hơn ? Nói một cách khác, hợp-quần theo dân-tộc để tranh-đấu, người được lợi hơn hay hợp-quần theo giai-cấp để tranh-đấu người được lợi hơn.

2°. So sánh quyền lợi của người trong dân tộc và người trong giai cấp

a/ Vấn đề dân tộc tranh đấu và giai cấp tranh đu chỉ có thể đặt ra trong phạm vi nhơn loại

Trưóc khi trả lời câu hỏi này, chúng ta nên nhớ lại rằng vấn-đề hợp-quần theo dân-tộc hay theo giai-cấp chỉ đặt ra trong phạm-vi nhơn-loại mà thôi. Nếu trên thế-giới chỉ có một dân-tộc, hay nếu các dân-tộc sống hoàn-toàn cách biệt nhau thì sự tranh-đấu giai-cấp trong dân-tộc là điều phải làm để bảo vệ quyền-lợi cá-nhơn của mình. Sở-dĩ hiện giờ người phải cân nhắc có nên theo chủ-trương giai-cấp tranh-đấu hay không là vì trên thế-giới, có nhiều dân-tộc khác nhau liên-lạc mật-thiết nhau, và luôn luôn chực sẵn để thôn-tính hay đàn-áp nhau.

Vậy, trong sự so sánh hai thể-thức hợp-quần dân-tộc và giai-cấp để xem cái nào lợi cho người hơn, chúng ta nên hiểu chữ hợp-quần theo giai-cấp trong phạm-vi nhơn-loại, nghĩa là theo ý-nghĩa hủy bỏ sự phân-chia loài người thành dân-tộc để hợp-quần với tất cả những người cùng giai-cấp với mình trong nhơn-loại. Có như thế, vấn-đề chọn lựa sự hợp-quần theo dân-tộc hay theo giai-cấp mới có lý-do được đặt ra.

Đặt vấn-đề một cách thích-đáng rồi, ta hãy thử xem qua quyền-lợi của người trong dân-tộc và trong giai-cấp như thế nào.

b/ Trình độ sanh hoạt của cá nhơn trong những dân tộc hùng cường nhược tiểu và nô lệ

Nhìn qua tình-hình thế-giới, chúng ta có thể thấy ngay rằng chỉ có ở những dân-tộc độc-lập và hùng-cường, cá-nhơn mới mở mang được về mặt trí-thức, tinh-thần, đức-hạnh và mới có một trình-độ sinh-hoạt cao. Nhờ nước độc-lập hùng-cường, người mới được sung sướng và mới có quyền-lợi nhiều mà cạnh-tranh nhau về mặt giai-cấp.

Ở những dân-tộc bị đặt dưới ách đô-hộ của ngoại-tộc thì cá-nhơn mất tự-do chánh-trị. Về trí thức, tinh-thần và đức hạnh, họ bị dân thống-trị kềm hãm và chỗ tối tăm, trình-độ sanh-hoạt thì hết sức thấp kém. Người của dân-tộc nô-lệ  đều bị bóc lột đến xương tủy thành ra nghèo khổ hết, không còn quyền-lợi gì mà cạnh-tranh nhau về mặt giai-cấp.

Trong những dân-tộc độc-lập mà không hùng-cường thì cá-nhơn còn được tự-do đôi chút, nhưng sự nghèo nàn cũng là cái bịnh chung của tất cả mọi người.

Do những điều trên này, chúng ta có thể bảo rằng cuộc tranh-đấu giai-cấp thường chỉ xuất-hiện ở các nước độc-lập và trù-phú mà thôi. Đối với các dân-tộc mất độc-lập hay nhược-tiểu thì tất cả mọi người đều ở chung trong một hoàn-cảnh với nhau và có thể xem như là lệ-thuộc một giai-cấp bị bóc lột như nhau, mà giai-cấp bóc lột là những dân-tộc thực-dân.

Người ta đã có bảo rằng trong những dân-tộc độc-lập, người vô-sản cũng bị bóc lột và cũng khổ sở không khác gì người của dân-tộc mất độc-lập. Vì cớ đó, người của dân-tộc mất độc-lập nên liên-minh với giai-cấp vô-sản của dân-tộc thống-trị để cổi bỏ ách nô-lệ đè nặng trên vai mình. Sự giải- phóng của dân-tộc nô-lệ vừa có lợi cho dân-tộc ấy, vừa có lợi cho giai-cấp vô-sản của nước thống-trị vì lẽ hàng-ngũ của bọn tư-bản bóc lột cả hai bên bị đánh đổ. Nhưng về vấn-đề này, chúng ta có thể đưa ra nhiều câu trả lời.

Đành rằng ở những nước độc-lập, nhiều khi vấn-đề xã-hội không giải-quyết được ổn-thỏa, và giữa mọi hạng người trong dân-tộc có một sự chênh lệch quá lớn về trình-độ sanh-hoạt. Nhưng dầu sao, một dân-tộc cũng cần được độc-lập. Sự độc-lập của dân-tộc nếu chưa phải là điều-kiện sung-mãn thì cũng là điều-kiện tất-yếu cho sự bảo-vệ quyền-lợi của cá-nhơn.

Những dân-tộc có một xã-hội ổn định, điều-hòa được quyền lợi cá-nhơn đều là những dân-tộc độc-lập. Nếu trong số những dân-tộc được độc-lập có những dân-tộc không giải-quyết được vấn dề xã-hội của mình, thì tất cả những dân-tộc nô-lệ đều bị chìm đắm trong vòng hắc-ám và không có quyền bàn đến việc cảI-cách chế-độ bất-công áp-dụng ở nước mình.

Hơn nữa, ngay trong những dân-tộc độc-lập mà không giải-quyết được vấn-đề xã-hội của mình, người bị bóc lột cũng vẫn sướng hơn người dân một nước nô-lệ.

Từ trước đến giờ, những người cực-tả thường cho rằng chế-độ thi-hành ở nước Nhựt – trước khi bị Đồng-minh đánh quỵ – là một chế-độ phát-xít khắc-nghiệt nhứt Á-đông. Theo họ, những quân-nhơn và những nhà tài-phiệt Nhựt họp lại làm một giai-cấp bóc lột bần-dân Nhựt một cách quá đáng.

Điều này có thể đúng. Nhưng chúng ta cứ thử so sánh đời sống của một người bần-dân Nhựt và một người dân Việt hay Ấn-độ vào thời-kỳ lệ thuộc ngoại-quốc thì ta sẽ thấy sự cách-biệt cao thấp như thế nào. Một đàng được hấp-thụ một nền giáo-dục có qui-củ, được săn sóc và huấn-luyện về thể-chất một cách đàng-hoàng, được đào tạo cho có một tinh-thần cường-tráng, được hướng về những thú tiêu- khiển thanh-cao và hữu-ích. Một đàng trái lại, bị xô đẩy vào vòng dốt nát, bị kìm hãm trong chỗ bịnh- tật và bạc-nhược, bị uốn nắn cho có một tinh-thần ủy-mị, bị cám dỗ vào những trò chơi trác-táng như rượu chè, á-phiện, đĩ điếm, bài bạc, làm hại cho bản-thân và cho cả giống nòi. Bất cứ về mặt nào, giáo-dục, y-tế, vệ -sanh, người dân Nhựt cũng hơn người Việt hay người Ấn-độ. Bởi đó, có dịp ra nước ngoài, người Nhựt bao giờ cũng có đủ tư-cách làm cho người ngoại-quốc nể nang hơn người Việt hay người Ấn-độ. Và mặc dầu bị dồn vào ba đảo nhỏ khô khan, đá nhiều hơn đất, người Nhựt không hề bị nạn chết đói trong thế-kỷ sau này, trong lúc Ấn-độ và Việt-Nam một nước rộng mênh mông, một nước xuất-cảng lúa gạo vào hạng nhứt nhì trên thế-giới, lại phải cung cho nạn chết đói không biết bao nhiêu sanh-mạng.

 

Sau ngày 18/06 Dân Pháp: nhiều người vui, lắm kẻ buồn – Nguyễn thị Cỏ May

Sau kết quả bầu cử Quốc hội Pháp vòng chung kết, chánh trường Pháp thật sự đổi mới . Thử nhận diện ngay sẽ thấy số đắc cử trẻ và phụ nữ đông đẳo đến từ khu vực tư chen nhau bước vào điện Bourbon . Dĩ nhiên phe cầm quyền chiếm đa số quá bán rất cao : 32, 2% phiếu bầu (308 dân biểu), 21, 56% cho liên minh cánh Hữu RR-UNI-DVD ( riêng Cộng Hòa : 112 dân biểu), 13, 20% cho Mặt Trận Dân tộc (8, dân biểu), Nước Pháp bất khuất và cả đảng cộng sản được 13, 74% (17 dân biểu) và các đảng cánh Tả khác liên kết (như Xã hội-đảng cấp tiến Tả-Các cánh Tả) được chung 9, 51%(riêng Xã hội : 31 dân biểu) .

Đảng « Cộng hòa tiến bước » hùng hậu ra quân chiếm đa số gần tuyệt đối Dân biểu nhưng lại trên 49, 71% cử tri vòng I và 42, 60% vòng II tín nhiệm mình . Tức đa số trên thiểu số cử tri. Dưới triều đại T.T. Macron, chánh trường Pháp lần đầu tiên thay đổi sâu xa nhưng cái tỷ lệ thành công này cũng là lần đầu tiên trong nền ĐỆ V Cộng hòa nữa .

Các chánh đảng lớn thay phiên nhau cầm quyền từ nửa thế kỷ qua nay bị một người mới, chánh giới chỉ mới biết hơn một năm qua, và tổ chức của ông cũng chỉ là một tập họp rộng rải, lỏng lẻo cho mục đích tham dự bầu cử, đã có sức mạnh hạ gục sát ván đối phương trong các cuộc bầu cử vừa qua . Người ta gọi hiện tượng này là một cuộc « Cách mạng Pháp không máy chém » (Frank-Olivier Giesbert, Le Point, 19/6/17, Paris) .

Ở đời xưa nay, thường cái thành công không tránh khỏi không chứa mầm khó khăn trong đó . Với tỷ lệ dưới 1 trên 2 người không đi bầu, liệu chánh phủ của ông T.T. Macron, với đa số trong Quốc hội, sẽ đem lại khởi sắc cho nước Pháp một cách ngoạn mục, chấm dứt tình trạng bết bát (công nợ, không tăng trưởng, thất nghiệp tăng, an ninh không có, …) từ nhiều năm qua chăng ?

Nói « Cuộc Cánh mạng không máy chém » vì từ lâu, nước Pháp sống trong cảnh bi quan chưa từng có, nay bổng dưng trở thành lạc quan . Trở thành cái phòng thí nghiệm tương lai Pháp ! Sau những cuộc bầu cử, người ta có cảm tưởng là dân Pháp bắt đầu tự tin, bắt đầu thương yêu đất nước mình .

Ông Emmanuel Macron là tay trắng, không thành tích chánh trị, lực lượng cơ bản để ủng hộ tranh cử chưa phải là chánh đảng đúng nghĩa, có thể hình dung ông như « dân không quần xà-lỏn » (sans-culotte) trên chánh trường, thế mà ông đã đưa lên đoạn đầu đài các « ông hoàng, các nhà quí tộc » như Benoit Hamon, Martine Aubry, Cambadélis, …

Nói hiện tượng Macron như là một cuộc cách mạng vì khi nhìn kết quả người ta có thể so sánh với kết quả của Cách mạng 1789 : một lớp người thay thế một lớp người . Nay thành công thì trọn vẹn nhưng khi bắt tay vào bột để làm bánh, không biết bánh sẽ ngon, đẹp, vuông tròng hay không ? Chờ mùa thu để coi đường phố sẽ có tiếng nói hay không ?

Phụ nữ đông đảo vào Quốc hội

Quốc hội Pháp, cả xí nghiệp, chưa bao giờ có được số phụ nữ gần bằng số nam giới . Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chánh trị Pháp . Có thể nói đây thật sự là một cuộc cách mạng văn hóa xã hội-chánh trị đầu tiên . Hay thay đổi nảo trạng của những người làm chánh trị Pháp .

Quốc hội nhiệm kỳ Macron có 223 nữ dân biểu, non 40% nên chưa thật sự đạt được nguyên tắc nam/nữ bình đẳng như luật định . Tuy nhiên vẫn là một tiến bộ quan trọng . Trước đây, Quốc hội có tỷ lệ nam/nữ lúc cao nhứt chỉ có 25, 8% nên Pháp đứng hạng 63 trên thế giới trong lúc đó Islande có 47, 6% nữ dân biểu, Suède, 43, 6% .

Sự chênh lệch nam/nữ do nguồn gốc văn hóa, Pháp chịu ảnh hưởng văn hóa la-mã nặng nề và triền miên . Cánh Hữu, như đảng Cộng hòa, chấp nhận vi phạm qui định nam/nữ bình đẳng trong chánh trị và chịu phạt tiền nên còn mắc nợ chánh phủ, giới thiệu không đủ số nữ ứng cử viên . Nếu phải giới thiệu lại chọn những đơn vị khó thắng cử . Nay Cộng hòa Tiến bước chọn và giới thiệu nữ ứng cự viên bình thường theo luật định . Chuyện rất đơn giản nếu thay đổi cách ứng xử cố hữu . Đồng thời trong chánh phủ mới, nam/nữ cũng bằng nhau tuy nữ không nắm giử chức vụ quan trọng . Chỉ có Thứ trưởng (ngoại trừ  Bộ trưởng Quốc Phòng là bà Florence Parly (54 tuổi). ), ít phụ nữ làm Giám đốc, Đổng lý văn phòng . Chờ coi Quốc hội sẽ bầu một ông hay một bà làm Chủ tịch ? Một ông hay một bà làm các Trưởng nhóm, Chủ tịch Ủy ban ?

Điều đáng chú ý trong 223 nữ Dân biểu, có Bà Stéphanie Đỗ đắc cử với 56, 31%  phiếu bầu . Bà được đảng Cộng hòa Tiến bước giới thiệu ứng cử và đặc biệc được T.T. Macron nhiệt tình ủng hộ . Bà là Dân biểu gốc Việt nam đầu tiên . Đây cũng là một sự đổi mới của chánh sách T.T.  Macron . Stéphanie

Đỗ là cháu nội của Cụ Đỗ Quang Huê, làm Chủ tịch Viện Bảo Hiến  thời Đệ I Cộng hòa . Bà qua Pháp năm 10 tuổi theo diện đoàn tụ gia đình, hiện cư ngụ tại tỉnh Seine et Marne (77), ngoại ô phía Đông Paris . Stéphanie Đỗ sanh năm 1979, học giỏi, nói tiếng việt lưu loát, hiện làm việc tại Bộ Kinh tế Pháp .

Stéphanie Đỗ với T.T. Macron 18/6/17 (Bích chương)

Có thể xem đây là một dấu hiệu khởi đầu tích cực khuyến khích lớp trẻ người việt cố gắng tham gia sanh hoạt chánh trị Pháp, gia nhập đảng phái, mạnh dạng ứng cử các cấp và cả tham gia chánh phủ nữa .

Xin nhiệt tình chúc mừng Dân biểu Stephanie Đỗ .

Dân biểu mới, bộ mặt mới

Mới, trẻ là điều hay nhưng đàng sau vẫn thường gặp phải điều không mấy hay . Có một số Dân biểu vừa đắc cử lần đầu tiên của Cộng hòa Tiến bước bị phê bình (AFP, 19/06/2017) là không thật sự gương mẫu . Ông Macron, cựu đảng trưởng, chủ trương tính gương mẫu phải là ưu tiên cho người làm chánh trị, nhứt là người đại diện nhơn dân . Chánh phủ của ông soạn thảo dự luật về đạo đức hóa chánh trị, đã đưa qua Hội Đồng Tổng trưởng thảo luận . Đảng Cộng hòa Tiến bước đã kiểm soát trước người được đảng đưa ra ứng cử, đắc cử, để sẽ không bị tỳ vết .Phải trong suốt như pha-lê . Người chuẩn bị ứng cử của Cộng hòa Tiến bước đều được đảng xem xét kỷ lý lịch, phỏng vấn, Họ  khi được chọn đều đã phải qua ống kiếng  hiển vi soi rọi nhiều lần, nhiều góc cạnh . Để không có một bất ngờ nào cả .

Tuy nhiên ánh nắng vẫn không thể soi sáng tới hết các ngỏ ngách được . Đảng Cộng hòa Tiến bước có đầy thiện chí nhưng một số dân biểu vừa đắc cử đã có vấn đề về đạo đức . Họ bị chỉ trích khinh người, gian lận, hoặc lợi dụng chức quyền cho quyền lợi cá nhơn … .

Như trường hợp ông Alain Tourret, cựu dân biểu cánh Tả, nay được ông Macron giới thiêu dưới bóng cây dù Cộng hòa Tiến bước, vừa đắc cử ở Calvados . Ông thành lập Viện Quốc tế Nhơn quyền và Hòa bình ở Calvados và làm Chủ tịch và vẫn duy trì chức Chủ tịch . Chính với danh nghĩa này ông được ông Macron kết nạp, nhờ đó ông đắc cửa với 66, 34% phiếu . Ông Alain Tourret đã xử dụng phụ cấp dân biểu cho những nhu cầu rất cá nhơn . Chuyện của ông Alain Tourret chi tiêu phụ cấp dân biểu không rỏ ràng suốt nhiều năm bị nhiều người biết do chương mục ngân hàng của ông (Médiapart) .

Ông Olivier Serva, Phó Chủ tịch Hội Đồng Địa phương của Guadeloupe, phát ngôn viên chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Mcron, được ông Macron giới thiệu ứng cử Quốc hội và đắc cử với 61, 74% phiếu bầu . Ông bị tố cáo là ở chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Địa phương, ông đã chửi những người đồng tính và sau đó ông 2 lần xin lỗ (AFP), ông nhìn nhận đã có những lời không phải với những người này . Ông xin rút lại . Người ta phê phán là con người như vậy mà nay ông Macron còn cương quyết kết nạp và giới thiệu ứng cử ở Guadeloupe, lẽ ra, với chủ trương đạo đức hóa chánh trị, ông Macron đã phải tránh ông Serva .

Còn nhiều trường hợp tai tiếng nữa khó tránh ảnh hưởng xấu tới uy tín phe cầm quyền . Dân biểu vừa đắc cử do đảng ông Macron giới thiệu bị tố cáo xách nhiểu tinh thần công nhơn trong xí nghiệp, có ông  Romain Grau ; bi thưa về gian lận trị giá cổ phiếu của Công ty do ông làm Chủ tịch, có ông Bruon Bonnell ở Villeurbanne ; về biển lận tài chánh 2 lần 3000€ và 13 500€ của Hội Ái hữu Á châu, hội bóng bàn và hội văn hóa, có Buon-Huong Tân, người Tàu, hội viên Hội đồng thành phố thị xả Paris XIII (khu chợ Tàu), gian lận An ninh xã hội (Sécurité Sociale pháp), có Émelie Guerel, giáo sư Anh văn trung học Eucalyptus Ollioules, bị Jean-Pierre colin tố cáo trên nhựt báo Le Parìsien, … (Theo nhà báo Chloé Gaborit, Le Point) .

Thất cử, không buồn

Trong nhiệm kỳ cuối của T.T. Chirac, ông Jean-Louis Debré làm Chủ tịch quốc hội, đã cho thông qua một cách vô cùng bí mật một đạo luật cho phép các dân biểu thất cử được hạ cánh hoàn toàn an toàn . Đạo luật này được dân biểu của tất cả các đảng phái, cả đảng xã hội chủ nghĩa và cộng sản (thường khi phe Hữu đưa ra điều gì để biểu quyết đều bị họ chống kịch liệt, không cần suy nghĩ đúng sai), nhiệt tình biểu quyết OK . Không thắc mắc, không một lời phản đối . Lần đầu tiên suốt chiều dài lịch sử đảng Tả pháp !

Điều làm cho mọi người hài lòng là Dân biểu thất nghiệp được lảnh trợ cấp 5200 € tháng, suốt 60 tháng thay vì chỉ có 6 tháng như trước kia . Bằng lương chánh thức dân biểu chưa trừ đóng góp an ninh xã hội (6950€/tháng) . Và thoải mái hơn công nhơn hay công chức thất nghiệp là khỏi trình báo với Cơ quan lao động (ANPE – Pôle d’Emploi) và không bị Cơ quan này kiểm soát hằng tháng .

Và để dân biểu thất nghiệp thấy hài lòng thêm, luật cho phép họ tiếp tục hưởng 1400 € tháng suốt đời . Nhưng đạo luật này đã bị thay đổi . Nay, dân biểu thất nghiệp lảnh phụ cấp 6000 € cho 6 tháng đầu, sau đó phụ cấp bị giảm lần cho mổi 6 tháng cho tới kỳ 6 tháng cuối cùng thì chỉ còn 1200 € .

Hiểu sao hiện tượng cử tri vắng mặt ?

Hiện tượng cử tri vắng mặt quá nhiều đã làm cho nhiều người phải suy nghĩ . Thực tế là đảng cầm quyền không có một lực lượng chánh trị lớn, mạnh làm đối lập như trong phần lớn các nền dân chủ tự do bình thường . Nay đảng cầm quyền một mình một chợ . Tuy 2 người cực Hữu, bà Marine Le Pen, và cực Tả (ông Mélenchon) tuyên bố là chống ông Macron tới cùng .

Có người cắt nghĩa sự vắng mặt đáng ngại như vậy do những cuộc bầu cử quan trọng được tổ chức kế tiếp nhau làm cho cử tri thấy ngán ngẩm nên không đi bầu đông đảo . Còn những người chánh trị học thì cho rằng không có một lực lượng lớn đối lập vì họ chưa có ý kiến hoặc chương trình đề nghị hoặc chống đối phe đa số, đòi thay đổi đường lối . Người không chấp nhận đường lối của ông Macron hiện vẫn chờ xem .

Vậy Quốc hội với đa số của phe cầm quyền không có đối lập có chánh đáng không ? Chắc chắn là chánh đáng . Nhưng người ta thấy không đại diện đầy đủ dân Pháp mà chỉ đại diện nước mặt mủi một nước Pháp mà thôi !

Thợ Hồ và Vatican

Trong các bài trước viết về bầu cử pháp, Cỏ May tôi có đề cặp tới vai trò Thợ Hồ trong chánh trị pháp. Và nhứt là sự thắng cử của ông Emmanuel Macron liên hệ tới sự can thiệp trực tiếp vào vòng II khi chỉ còn 2 người, ông Macron và bà Le Pen,Thợ Hồ chỉ thị không bỏ phiếu cho Marine Le Pen, vừa vận động cử tri. Ngoài ra, chánh giới pháp, Tả / Hữu đều có liên hệ với Thợ Hồ ở cấp chánh phủ trung ương. Gần đây hơn hết, bên cạnh cựu TT. Sarkozy, có ông Alain Bauer, cựu Đại Sư phụ Thợ Hồ thuộc Bộ phận (Loge) lớn nhứt, le Grand Orient de France, làm cố vấn. Qua chánh phủ của TT. François Hollande có tới 12 Thợ Hồ là Tổng Bộ trưởng. Cựu Thủ tướng Manuel Valls là Thợ Hồ có “ thẻ đảng” và ông Alain Bauer còn làm cha đở đầu cho con trai của ông.

Trong khu vực xí nghiệp, những cơ sở lớn, nhơn viên cấp lãnh đạo phần lớn cũng Thợ Hồ.

 Ở Pháp có thể nói « Không Thợ Hồ đố mầy làm nên » !

Căn bản tư tưởng của Thợ Hồ là « thế tục » ròng. Chỉ tôn trọng con người nhơn bản. Với Thợ Hồ không có Thượng Đế theo tín ngưởng của các tôn giáo mà chỉ có «Đấng Kiến trúc Sư tối cao toàn khắp », Người phát họa đồ án vũ trụ và sanh vật.

Trước giờ Thợ Hồ không thuận thảo với Vatican. Họ bị Vatican lên án là những kẻ xơi tái cha xứ. Nhưng gần đây, sự quan hệ đó đã thay đổi theo chiều hướng thuận lợi. Và ai có ngờ ngay trong Vatican có một Bộ phận Thợ Hồ. Có dư luận cho rằng chính Thợ Hồ lèo lái Vatican. Như họ nắm ngân hàng của Vatican. Vả lại Vatican là một thứ chánh phủ của chánh phủ các nước trên thế giới. Giáo hoàng là vua của vua, Tổng thống của Tổng thống thì Thợ Hồ len vào ảnh hưởng là việc bình thường như đối với các chánh phủ thế tục mà thôi.

Hơn nữa báo chí vừa loan tin Giáo hoàng François đang thanh lọc để chấn chỉnh hàng giáo phẩm cao cấp của Vatican, loại ra những Thợ Hồ nhiều tai tiếng.

Thợ Hồ ở Vatican

Nhơn đây, Cỏ May tôi xin thưa qua trong một bài đăng trên Đàn Chim Việt trước đây không lâu lắm, có độc giả phê bình “ Thợ Hồ ” không đúng, mà phải nói đó là “Hội Tam Điểm”.

Xin có lời cảm tạ quí độc giả. Đúng như quí độc giả dạy nhưng tôi cố ý dùng “ Thợ Hồ ” mà không nói “ Tam Điểm ” để tránh hiểu lầm với Tam Điểm của Tàu (Tam Hiệp Hội -La Triade) đang hoạt động mạnh ở Paris trong giới người Tàu. Vả lại, “ Thợ Hồ ” liên hệ tới nguồn gốc của hội kín này “ La Franc-Maçonnerie”. Và “ Thợ Hồ ” có nghĩa từ tiếng pháp “ le maçon”. Họ gọi những thành viên Hội là “ les maçons”.

 Xin trở lại chuyện Thợ Hồ ở Vatican.

Mặc dầu Thợ Hồ ở tại Vatican và hoạt động từ lâu nhưng lúc sau này Vatican bị nhiều tai tiếng về mối quan hệ này mà Giáo hoàng François, sau thời gian củng cố nội tình Vatican, đã bắt đầu chú ý tới sự có mặt của Thợ Hồ ở đây.

Nhơn chuyến viếng thăm thành phố Turin, Ý (21/06/16), Ngài nhắc lại quan điểm của Ngài với thanh niên Ý, khi đề cặp vấn đề lịch sử, rằng Giáo hội và Thợ Hồ không thể hòa hợp nhau được. Trái lại, Ngài còn kêt hợp Thợ Hồ với quỉ sa-tăng. Trong buổi nói chuyện, Ngài đã 2 lần tố cáo ảnh hưởng của Thợ Hồ.

Hồi đầu tháng giêng này, Giáo hoàng François ra lịnh đuổi nhóm Thợ Hồ khỏi vatican. Ngài bảo Hồng Y Burke hảy làm sạch sẻ hàng ngũ những “ Chiến sĩ Thập tự ” trong đó  Thợ Hồ hoạt động. Ngài lập lại lại Thợ Hồ là một lực lượng gây ảnh hưởng hủy diệt giá trị truyền thống và hiềm khích Giáo hội.

Ngài nhắc lại ở thế kỷ XIX, phát triển thanh niên vô cùng khó khăn vì Thợ Hồ lúc bấy giờ đang phát triển mạnh nên vì đó mà Giáo hội không thể muốn làm điều gì cũng được. Có những phần tử chống giới tăng lữ, những phần tử theo sa-tăng. Đó là lúc bi đát nhứt và một trong những giai đoạn thảm hại nhứt của lịch sử Ý.

Gia nhập Thợ Hồ đối với đạo lý tự nhiên và đạo đức công giáo vẫn là một khuyết điểm nghiêm trọng. Điều này không thể chấp nhận được đối với một người thế tục bình thường, hoặc hơn nữa, một tu sĩ, nói chi tới Giám mục hay Hồng y !

Nhưng vì chúng ta chưa vén màn bí mật lên. Đúng vậy , nhiều Thợ Hồ ở ngay trong Vatican, tức trong Giáo hội. Tuy nhiên, người ta vẫn lý giải Thợ Hồ là một tổ chức bí mật, một hội kín, thì khi nói Thợ Hồ ở trong Vatican, thì phải hiểu điều đó chỉ “có thể có ”. Chưa có thể khẳng định được.

Vậy muốn hiểu chuyện này rỏ hơn, có lẽ nên tìm đọc thiên điều tra của Carlo-Alberto Agnoli, nhan đề là “ Thợ Hồ chinh phục Giáo hội ” (La Maçonnerie à la conquête de l’Eglise, Editions du Courrier de Rome, 2001). Trong cuộc điều tra năm 1978, tác giả quan tâm tới một danh sách chức sắc của Vatican là Thợ Hồ. Bảng danh sách này do ký giả của Observatore Politico ngày

12 tháng 9/1978, cung cấp. Bảng danh sách chức sắc cao cấp của Vatican, như Hồng Y, Bộ trưởng, Hồng Y Chánh Văn phòng, …gồm có 16 vị. Ngoài ra, còn một danh sách nữa từ Hồng Y không nắm chức vụ lớn trong Vatican cho tới Linh mục thì đông đảo hơn, gần cả trăm vị.

Theo giới chức Vatican thì trong 2 bảng danh sách này, có nhiều tên không có gì lấy làm ngạc nhiên, nhưng cũng có những tên cần phải xem lại. Nhà báo Mino hay Carmine Pecorelli, nguyên là thành viên Thợ Hồ Bộ phận P2 ở Vatican bị ám sát ngày 20/03/1979, 6 tháng sau khi công bố bảng danh sách này. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy sự tiết lộ này là  nghiêm trọng ?

Giáo hoàng Paul VI ủy nhiệm cho một ông Tướng Cảnh binh điều tra xem danh sách ấy thiệt hư thế nào. Vị Tướng trả lời danh sách đó có giá trị. Và vị Tướng Cảnh binh chết trong một tai nạn trực thăng. Giáo hoàng cũng không khỏi lo ngại về sự xuất hiện bảng danh sách gồm Thợ Hồ là hàng giáo phẩm.

Người ta giải thích ngày nay, Giáo hội đã thay đổi nhiều về mặt đức tin, xu hướng hòa đồng hóa với thế giới, với những đức tin khác. Đó là do ảnh hưởng của Thợ Hồ và mạnh hơn từ thời đại Giáo hoàng Benoit XVI.

Diển tiến trong quan hệ giửa Vatican và thợ Hồ

Tùy  tình thế, xung đột giửa Vatican và Thợ Hồ có lúc vô cùng gay gắt, lại có lúc dễ chịu. Giáo hội công kích thợ Hồ và Thợ Hồ cũng công kích Giáo hội. Trong luật giáo hội ấn bản hiện nay, việc rút phép thông công giáo phẩm được hủy bỏ từ năm 1983, nhưng một hình thức kết tôi khác thay thế do đề nghị của Hồng Y Ratzinger lúc còn trông coi Đức tin theo đó giáo dân nào ghi tên gia nhập Thợ Hồ thì mang trọng tội và không tham dự thánh lễ được. Qui định này lại ảnh hưởng tới những Thợ Hồ công giáo. Trước kia, trong hàng ngũ Thợ Hồ không có công giáo và không có phụ nữ nhưng sau này trở thành hổn hợp.

Thợ Hồ thay đổi nhiêu. Ở mỗi quốc gia, họ phân ra làm nhiều Phân bộ trong đó thành viên theo nhiều tôn giáo khác nhau. Còn Giáo hội thì từ Cộng dồng Vatican II và Giáo hoàng François đã mở rộng đối thoại với những tôn giáo khác hay những tổ chức có ý hệ khác mà trước đây không thể chấp nhận được.

Năm 2016, Thợ Hồ ở Pháp có 150 000 người, cả nam-nữ, họ là những người tôn trọng những giá trị đạo đức và giá trị công dân, thì tại sao Giáo hội không đối thoại với họ ?

Ai cũng biết Thợ Hồ gốc là những người phi giáo điều. Ai cũng hiểu Đức tin công giáo có nguồn gốc không theo những công thức nhưng lại tin ở sự khám phá ra một “Đấng tối cao duy nhứt và toàn năng ”. Vậy những người Thợ Hồ công giáo nghĩ sao ?

Gần đây, Giáo hoàng François rao giảng “ Mong rằng bàn tay nhơn ái sẽ nắm lấy những kẻ có đức tin và những kẻ chưa tin như là dấu hiệu của Nước Trời đang hiện diện ngay giửa chúng ta ” !

Vậy Giáo hội còn chờ đợi gì nữa mà không xóa đi qui định “ trọng tội ” cho những Thợ Hồ công giáo ? (Nhựt báo công giáo La Croix, số 21/01/2016).

 1 Bộ phận (Loge) Thợ Hồ điều khiển Vatican ?

33 ngày sau khi lên ngôi, Giáo hoàng Jean-Paul Đệ I bị ám sát. Theo nhà báo David Yallop, trong quyền “ Nhơn danh Đức Chúa Trời ”, kết quả công trình điều tra của tác giả, thì Giáo hoàng Jean-Paul 1er bị đầu độc vì Ngài can thiệp vào vấn đề tài chánh, tức ngân hàng, của Vatican. Nhưng thông tin nói vì Ngài loại ra khỏi Vatican 2 Thợ Hồ. Và cái chết của Ngài do Bộ phận P2 ở Vatican chủ trương.

Dưới ngòi bút của ký giả thuộc Thợ Hồ, ông Pier Carpi, thì Giáo hoàng Jean XXIII là Thợ Hồ thuộc Bô phận Rose-Croix. Cả Giáo hoàng Paul VI cũng Thợ Hồ. Ông  Pier Carpi khui ra nhiều Hồng Y, Giám mục là Thợ hồ thuộc P2. Người ta gọi đó là “ Thợ Hồ của Bộ phận tăng lữ và họ liên hệ trực tiếp với Bô phận thống nhứt ở Anh”.

Thật ra Bộ phận Thợ Hồ ở Vatican không thật sự điều khiển Vatican mà họ làm lobby hoặc ít lắm, cũng gây ảnh hưởng lên đường lối của Vatican và kiểm soát Vatican..

Giám mục Lefèbre, cánh bảo thủ (Traditionnaliste) cho rằng có nói gì đi nữa thì Giáo hội này không còn là Giáo hội công giáo nữa. Giáo hội công giáo mà chủ trương hòa hợp với tất cả mọi người, chấp nhận mọi xu hướng tư tưởng thì không còn là Giáo hội công giáo bởi nó làm mất đi sự cao cả, sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Giáo hội không còn rao giảng đúc tin công giáo, không còn bênh vực đức tin công giáo, mà rao dạy thứ gì khác hơn ?

Giám mục Lefèbre bảo thủ nên bị Giáo hội không nhìn nhận trong hàng ngũ giáo phẩm.

Có dư luận cho rằng Thợ Hồ kín đáo ẩn mình hoạt động ở Vatican vì muốn ảnh hưởng Vatican về một trật tự mới cho thế giới ngày mai này. Có dư luận còn cho rằng Thợ Hồ tìm cách vận động những tổ chức, những thề lực lớn đang chi phối thế giới tạo bất ổn, có thề đi đến thế chiến đề có cơ hội thiết lập một trật tự mới hoàn toàn mới.

Tham vọng con người là vô tận, bất nhơn nhưng liệu Ông Trời có cho phép những tư tưởng ngông cuồng thành hình hay không ?

 

Vui cười

Có 3 ông thầy tu đã tu luyện gần được 20 năm rồi, chỉ cần tu thêm một tuần thôi là cả 3 đều được thăng thiên với điều kiện là không được nói một tiếng gì hết. Thế nhưng có một ngày nọ vì hết lương thực nên cả 3 xuống để tậu vài bao gạo, trên đường lên chùa một vị đã lỡ làm rớt bao gạo xuống đường và…

Thầy tu thứ nhất: Chết! Rơi bao gạo rồi mày ơi!

Thầy tu thứ hai: Đồ ngu! Mày hết được thăng thiên rồi!

Thầy tu thứ ba: Hên quá! Tôi chưa nói gì cả!

 

Sở thuế IRS nhận được một lá thư sau:

– “hai năm trước tôi đã cố tình khai man thu nhập để trốn thuế. Từ đó tới nay lương tâm tôi hông ngừng cắn rứt đến nỗi đêm đêm tôi ngũ không ngon. Xin hãy bổ sung $20 đôla gửi kèm theo đây vào khoản đóng góp của tôi mặc dù trong giấy tờ không chỉ rõ là tôi nợ khoản này”

– Tái bút: “Nếu tôi vẫn còn không ngủ được, tôi sẽ gửi thêm $760 đôla còn lại sau.”