Tập San Tân Đại Việt – Số 3/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Đại Việt – Số 3/2018

Mục Lục

Lê Minh Nguyên: Xâm Lăng Không Tiếng Súng: Trung Quốc Biến Nợ Thành Lãnh Thổ

Nguyễn Ngọc Sẵng: Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson và Chiến Lược Kéo Co của Việt Nam                                            

Ngọc Hoài Phương- Giáo Đa- Giáo Già: Vườn thơ                                            

Trần Nguyên: Ly kỳ: Tại sao lãnh tụ Bắc Hàn muốn gặp TT Trump?               

Đào Văn Bình:

– Nhật ký Biển Đông

– ISIS Chết, Cuộc Chiến Syria Đổi Hướng

– Giải Pháp Nào Cho Vùng An Toàn Của Thổ?                                                 

– Hàng Không Mẫu Hạm Carl Vinson Ghé Đà Nẵng Rồi Sao?                           

Mai Thanh Truyết: Kỷ niệm 50 năm Thảm sát của CSBV trong Tết Mậu Thân tại Huế (Bài nói chuyện ngày 17/2/2018 tại trụ sở Cộng đồng Hạt Tarrant – Dallas)

TS. Nguyễn văn Trần: Để hòa giải dân tộc Nga không kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10

Phan Văn Song:

– Khai bút Bài luận đầu năm

– Yêu Nước

– Công dân

Mai Thanh Truyết: Sông Mekong: Lời Cuối Cho Một Dòng Sông

Trọng Đạt: Y Sĩ Thành Stalingrad Bi kịch thời hậu chiến

Ls. Lê Duy San: Những vụ Việt cộng thảm sát tập thể dân lành vô tội

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi: Hàn Phi Tử Phần II – Chương 1: Hàn Phi: Đời sống và tác phẩm

Bs. Phùng Văn Hạnh: Đà Nẵng những ngày cuối tháng 3 năm 1975

Pháo Thủ Bảo Tuấn: Bốn mươi ba (43) năm nhìn lại

 

Xâm Lăng Không Tiếng Súng: Trung Quốc Biến Nợ Thành Lãnh Thổ – Lê Minh Nguyên

Trong chiến lược xây dựng đế quốc của Trung Quốc, dựa theo mô hình của Hoa Kỳ là bằng kinh tế và dùng quân sự hậu thuẩn phía sau, nhưng lộ liễu và võ biền hơn, đó là hình ảnh anh thương gia mặc đồ vest tay xách chiếc cập đầy tiền nhưng trên vai có mang khẩu súng, TQ vừa muốn khai thác thị trường và tài nguyên thế giới vừa biến các nước cận biên thành chư hầu. Kế hoạch “Vành Đai và Con Đường” còn gọi là “Con đường tơ lụa của thế kỷ 21” (BRI – Belt Road Initiative), với số tiền tung ra khoảng 1,700 tỷ đôla mỗi năm và 26,000 tỷ đôla tính đến năm 2030 đang biến nợ của các quốc nghèo thành lãnh thổ của Trung Quốc (http://cnb.cx/2tWJJUV).

Ở Brunei, TQ đang xây dựng một khu phức hợp lọc dầu và hóa dầu và một cây cầu nối khu liên hợp với thủ đô Bandar Seri Begawan, trị giá 3.4 tỷ đôla trên đảo Muara Besar, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Brunei. Nhưng đó chỉ là giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trị giá khoảng 12 tỷ đôla (http://bit.ly/2tPxlWs).

Ở Sri Lanka, TQ cho vay khoảng 85% để xây cảng Hambantota trị giá 1.3 tỷ đôla, Sri Lanka không đủ sức trả nợ phải cho TQ thuê 99 năm, có nghĩa cảng này bây giờ là nhượng địa của TQ trong một thế kỷ. Hơn nữa, Sri Lanka cũng giao cho TQ vùng đất rộng lớn chung quanh cảng để làm khu Kinh Tế Đặc Quyền (Special Economic Zone), và cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa thân TQ đang tái trổi dậy ở chính trường Sri Lanka (http://bit.ly/2FQx9YC).

Ở quần đảo Maldives, một quốc gia đảo quốc nhỏ bé, diện tích chừng 298 km2, tức chỉ bằng 1.7 thủ đô Hoa Thịnh Đốn, có tổng sản lượng khoảng 7 tỷ đôla/năm và chỉ khoảng 393,000 dân (2017) thì việc TQ chi tiền tỷ đôla dễ dàng mua chuộc đảo quốc này.

Đầu tháng 2/2018 Maldives bị khủng hoảng chính trị mà nguyên nhân sâu xa là chính quyền của tổng thống Abdulla Yameen thân TQ đụng độ với đối lập thân Ấn Độ. Ông Yameen đảo chánh tổng thống dân cử thân Ấn Độ Mohammad Nasheed năm 2013 và ông Nasheed chạy qua Sri Lanka tỵ nạn. Hôm 6/2/18 ông Yameen ra lệnh bắt ông Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện và cựu TT Nasheed và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ông Nasheed cầu cứu Ấn Độ can thiệp quân sự. Ấn đã từng can thiệp quân sự vào Maldives năm 1988. Lâu nay Ấn giúp đỡ tài chánh cho Maldives để đổi lấy chính sách “Ấn Độ Trước Tiên” (India First) của Maldives.

TQ dùng Maldives trong chương trình BRI của họ, biến nó thành một vị trí chiến lược qua 2 công trình hàng đầu: Cây cầu từ thủ đô Male đến hòn đảo lân cận, và công trình mở rộng phi trường. Ngoài ra, Maldives  cho TQ  thuê hòn đảo  Feydhoo  Finolhu  50 năm  để  phát triển du lịch và ký hiệp ước tự do mậu dịch với TQ ngày 7/12/17. TQ chiếm 70% nợ quốc gia của Maldives. Hồi tháng 8/2017 TQ mang 3 tàu chiến cập cảng Maldives trong chương trình huấn luyện chung. Tháng 2/2018 trong khi Maldives khủng hoảng chính trị thì TQ cho 11 tàu chiến vào đông Ấn Độ Dương nhằm dằn mặt Ấn Độ không nên can thiệp (http://bit.ly/2FZP5Du).

Cũng như Ski Lanka, Maldives nằm ngay trên đường ra biển lớn của Ấn Độ, cho nên Ấn Độ không thể nào ngồi yên nhìn TQ bao vây. Xét theo địa chiến lược, hai nước này tựa như Cuba nằm ngay yết hầu của Hoa Kỳ, nếu nó tự đứng một mình thì không gây nguy hiểm cho HK, nhưng nếu liên minh quân sự với một cường quốc khác như Liên Sô thời thập niên 1960s trước đây thì HK không dung thứ.

Ở Nepal, ông Khagda Prasad Sharma OLI, Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Nepal nắm quyền trở lại vào tháng 2/2018 sau khi liên minh với lãnh tụ Maoist là Pushpa Kamal DAHAL (biệt danh “Prachanda”) tạo thành cánh tả cực mạnh, ông làm thủ tướng hồi 2015-2016, mà khủng hoảng giữa TQ-Ấn Độ gây ra vụ phong toả vùng biên giới Ấn-Nepal vào tháng 9/2015, khi lực lượng các đảng đối lập Madhesi thân Ấn đụng với ông OLI xảy ra. Ông OLI bây giờ càng thân TQ hơn. TQ đầu tư đường xe lửa nối Hy Mã Lạp Sơn và Nepal cũng như hệ thống thuỷ điện ở nuớc này (http://bit.ly/2tPIJla).

Ở Pakistan, trục Hành Lang Kinh Tế TQ-Pakistan (The China Pakistan Economic Corridor) đi qua vùng Kashmir (phần Pakistan chiếm giữ) cho phép TQ tiếp cận vùng nuớc ấm của cảng Gwadar ở Biển Á Rập. Đầu tư TQ từ 46 tỷ đôla đã tăng thành 60 tỷ và Pakistan không cách gì trả nỗi, cho nên cũng như Sri Lanka, TQ sẽ biến nợ thành lãnh thổ, kiểm soát cảng Gwadar và hành lang đi đến cảng này.

Thượng Viện Pakistan đã thông qua một nghị quyết nói rằng do nhu cầu gia tăng cộng tác giữa TQ và Pakistan để phát triển Hành Lang Kinh Tế China-Pak nên tiếng Mandarin được công nhận là ngôn ngữ “quốc gia” ở Pakistan, các lớp tiếng Tàu được cưỡng bách dạy ở các trường lớp để đào tạo nhân lực. Nghị quyết này khá kỳ cục vì thông thường người của nước đầu tư phải học ngôn ngữ của nước sở tại. Điều này cho thấy TQ không những biến nợ thành lãnh thổ mà còn muốn đồng hoá Pakistan, khống chế văn hoá xứ này (http://bit.ly/2GtUXTl).

Ở Miến Điện, cũng trong kế hoạch BRI, TQ đầu tư khoảng 85% (gần 10 tỷ đôla) vào cảng biển nước sâu chiến lược Kyauk Pyu  phía tây bang Rakhine trong vịnh Bengal, làm nơi trung chuyển dầu khí từ Trung Đông bằng đường biển qua đường bộ để tránh qua eo biển cổ chai Malacca. Ngoài ra TQ còn phát triển khu kỹ nghệ và vùng đặc quyền kinh tế ở Rakhine. TQ cũng đầu tư 3.6 tỷ đôla cho đập thuỷ điện Myitsone ở phía bắc Miến Điện gần Vân Nam (http://reut.rs/2FSgnZq).

TQ có quan hệ chặc chẽ với quân đội Miến Điện. Người Rohingya ở phía bắc bang Rakhine bị quân đội Miến Điện đàn áp hầu như đến độ diệt chủng để chiếm đất là nhằm mục đích phục vụ cho TQ trong vấn đề cảng biển BRI. Bà Aung San Suu Kyi tuy trị vì nhưng vô quyền đối với quân đội, bà bị Tây Phương lên án vi phạm nhân quyền.

Ấn Độ đang bị TQ bao vây bằng cách dùng tiền đầu tư để biến thành nợ, và từ nợ biến thành lãnh thổ ở những tiểu quốc ven biên và những đảo quốc ở Ấn Độ Dương.

Cam Bốt và Lào, sườn tây của Việt Nam, cũng đang bị TQ biến nợ thành lãnh thổ. Hai nước này, về địa chiến lược quá quan trọng cho an ninh của VN nên sẽ dành riêng cho một bài viết sau.

Việt Nam nằm ngay thềm cửa phía nam của TQ nên chẳng những không ngoại lệ mà còn thê thảm hơn. Bởi lẽ TQ bị thất thế về địa chính trị, nằm chéo ngoe bên ngoài các đường vận chuyển quốc tế và trong 4 mặt đông-tây-nam-bắc thì có đến 3 mặt bị thất thế: phía bắc là Mông Cổ và Siberia là những vùng khô cằn hay băng giá, ít dân, kinh tế gần như không có gì, phía tây là sa mạc và các quốc gia nghèo có đuôi -stan, phía đông là Thái Bình Dương mà Nhật và Đại Hàn đã án ngữ. Chỉ còn phía nam là đường tiến về một Đông Nam Á đông dân, trù phú, tấp nập các sinh hoạt kinh tế. Nhưng muốn tiến về vùng này thì đường bộ hay đường thuỷ đều phải bước qua ngưỡng cửa Việt Nam. Cho nên VN là cái gai phải nhổ, phải khống chế của TQ.

Thế là TQ chẳng những muốn biến nợ thành lãnh thổ mà còn muốn đồng hoá về văn hoá và diệt chủng về môi trường hay thực phẩm. 

Formosa Vũng Áng với 70 năm nhượng địa, TQ thuê đất rừng đầu nguồn ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương… 50 năm, những cơ sở đầu tư của Trung Quốc ở thành phố địa đầu Móng Cái-Quảng Ninh được TQ thuê 50 năm…

Mối hiểm nguy của VN, ngoài việc cho thuê đất 50-70 năm ở các vùng an ninh chiến lược, còn là sự mất thăng bằng quá to về mậu dịch với TQ và nó cứ chất chồng từ năm này qua năm khác, tích luỹ thành nợ khổng lồ, không cách gì trả được, đưa đến việc có thể biến nợ thành lãnh thổ cho TQ, thí dụ như năm 2015 thâm hụt là 32 tỷ đôla (http://bit.ly/2FSnbpB).

Chính trị với hai đảng cộng sản đàn anh và đàn em là đã lệ thuộc, kinh tế với thâm hụt mậu dịch và nợ đầu tư không trả được là đã lệ thuộc, quân sự với quân đội tuyệt đối trung thành với đảng và đảng lệ thuộc đảng nên quân sự không bảo vệ được biên cương, cũng vậy an ninh với công an lệ thuộc đảng nên công an không bảo vệ được an sinh của dân chúng trước sự xâm thực của thực dân mới.

Trong khi TQ biến nợ thành lãnh thổ ở các nơi khác thì thê thảm hơn, họ có thể biến nợ thành con đường mòn tiến nam Tập Cận Bình của TQ ở Việt Nam!

Lê Minh Nguyên – 17/3/2018

       

               

 

Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson và Chiến Lược Kéo Co của Việt Nam – Nguyễn Ngọc Sẵng

Mấy ngày nay truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin nóng về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cặp bến Đà Nẳng với nhiều bình luận khác nhau, gây sự chú ý lớn cho người Việt trong và ngoài nước.

Carl Vinson là siêu hàng không mẫu hạm thứ ba chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày kể từ ngày 5-3. Carl Vinson đã có chuyến thăm Philippines và tuần tra trên Biển Đông. Trên tàu có 5.000 thủy thủ.  USS Carl Vinson là một trong số chiến hạm lớn nhất thế giới, có chiều cao bằng tháp truyền hình Tokyo, chở theo 72 phi cơ, gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet. (theo Báo Nikkei Asian Review).  Tháp tùng Carl Vinson, có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer và tuần dương hạm Lake Champlain.

Có nhiều nhận định về mục đích chuyến viếng thăm nầy của Carl Vinson.

Từ Mỹ, ông John Kirby, chuẩn đô đốc về hưu của Hải quân Mỹ, nhận định với đài truyền hình CNN rằng “Chuyến thăm của tàu Carl Vinson không những truyền thông điệp riêng tới Trung Quốc và Việt Nam, mà cho cả khu vực. Sự hiện diện của Carl Vinson mang thông điệp tới Việt Nam rằng nước Mỹ trân trọng và quan tâm mối quan hệ này; và thông điệp tới Trung Quốc vì những gì họ đang làm trong khu vực.  Nhưng quan trọng và rộng lớn hơn, là thông điệp cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nước Mỹ đang ở đây và chúng tôi sẽ hiện diện tại khu vực này”.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen:

“Không có sự hiện diện trên Biển Đông của Carl Vinson cũng được, nhưng chúng ta sẽ mất đi sức mạnh trong tiếng nói và có ít ảnh hưởng hơn. Khi nói hải quân Mỹ can dự, nó có nghĩa là hiện diện ở đó”.

Carl Vinson đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực.  Đây cũng là tín hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ an ninh với Việt Nam.

USS Carl Vinson tại Việt Nam được truyền thông phương Tây bình luận là đặt trong thế đối đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc và các động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Nhưng Việt Nam muốn Trung Cộng hiểu rằng đây là việc ngoại giao đa phương, chứ không phải một sự chuyển hướng hoàn toàn sang phía Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, ông Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan Hong Kong, nhận định Bắc Kinh sẽ không hốt hoảng trước diễn biến mới. Trung Quốc biết rõ cách Việt Nam muốn cân bằng quan hệ giữa hai nước lớn.

Theo Tiến sĩ Hiệp: “Việt Nam sẽ chỉ nghiêng về Mỹ ở mức độ sao cho nó không gây ra các phản ứng thái quá từ Trung Quốc”.

Bình luận gia Bill Hayton Chatham House, London, Anh quốc viết: “Thông điệp rõ ràng nhất là một đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đang báo hiệu rằng nước này có một người bạn rất mạnh và sẵn sàng tiếp tục gần gũi hơn với họ”

Với chánh sách “ba không” Việt Nam: không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tham gia các liên minh quân sự và không kéo bên thứ ba vào các tranh chấp.  Đừng lầm tưởng rằng Carl Vinson vào Đà Nẳng là dấu hiệu Việt Nam thiên về Tây Phương.

Việt Nam vẫn có nhu cầu cấp bách khai thác các mỏ dầu, khí ngoài khơi. Do đó, Hà Nội mời  chuyến thăm này của mẫu hạm USS Carl Vinson và các tàu chiến hộ tống; việc nầy sẽ làm Trung Cộng ngừng lại, bớt đi các đe dọa đang hoành hành hiện nay, gây cản trở cho việc khai thác dầu khí của Việt Nam.  Nói khác đi, họ nhờ “kẻ thù xưa” làm “ông thần hộ mạng” trên Biển Đông.

Chào đón Hải quân Hoa Kỳ đến Đà Nẵng trong tuần này, Hà Nội đang đưa tín hiệu buồn lòng với hoạt động gần đây của Trung Cộng ở Biển Đông; các mối đe dọa quân sự nhắm vào các căn cứ của Việt Nam và việc xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ ở Trường Sa của người anh em vô sản quốc tế đểu gỉa.

Còn nhớ trong năm 2014, khi Trung Cộng đem giàn khoan dầu vào bên trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Hà Nội đáp lại bằng cách cử đặc sứ tới Hoa Kỳ để xin cứu và Trung Cộng lùi bước. Nhưng sau khi Trung Cộng lùi bước thì họ trở lại mối bang giao 16 chữ vàng và 4 tốt.  Họ sử dụng Hoa Kỳ như lá bùa trấn yểm nhất thời, sau đó họ trở lại bổn phận của họ.  Họ đang dùng lại bài học cũ, nhưng còn hiệu nghiệm nầy trở lại khi họ bị “người vừa là đồng chí vừa là anh em chiếm đất, lấn biển họ .

Năm 2017, Việt Nam cấp quyền cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha để khoan khí đốt ngoài khơi bờ biển phía đông Việt Nam. Trung Cộng đe dọa tấn công tiền đồn quân sự Việt Nam được xây dựng ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở gần khu vực giếng khoan. Thiếu sự hậu thuẫn quốc tế, nhà cầm quyền Hà Nội đã lùi bước và đề nghị hãng Repsol ngừng công việc.

Họ đang dùng Mỹ như lá bùa hộ mệnh lần nữa, và sau khi Trung Cộng lùi bước, Việt Cộng vẫn tiếp tục lẽo đẽo bang giao với người bạn 4 tốt, 16 chữ vàng nầy tiếp .Và có thể, bổn củ vẫn soạn lại cho đến khi nào dân Việt Nam vùng dậy xóa tan chế độ phản nước, hại dân nầy mới chấm dứt loại “Ngoại Giao Kéo Co” nầy, mà họ càng kéo đất nước càng co cho đến khi co thành ngôi sao thứ 6 trong lá cờ người Hán mới không còn chổ co.  Và lúc đó Việt Nam tôi đã thực sự lọt vào tay Trung Cộng.

Với thông điệp mời hải quân Hoa Kỳ ghé thăm, họ đang chứng tỏ với Bắc Kinh rằng Việt Nam vẫn có khả năng theo đuổi một chính sách đối ngoại kéo co giữa hai cường quốc.  Đây không phải là chánh sách đu dây, mà họ đang dùng cách kéo co khi họ cần đến lá bùa hộ mạng của Hoa Kỳ.

Theo giáo sư Carl Thayer, Tháng 6/2017, tàu khu trục tên lửa USS John McCain viếng thăm Đà Nẵng và sau đó là chuyến viếng thăm đầu tiên của tàu hải quân Mỹ tới Cảng Quốc tế Cam Ranh. Hai tuần sau, tàu của Hải quân của Quân Đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đến thăm cảng quốc tế Cam Ranh. Năm nay, Việt Nam đã liên tiếp đón tiếp hai Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Hoa Kỳ. Tôi dự đoán là chẳng bao lâu sau, Việt Nam sẽ được tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm.  Hà Nội lại tiếp tục kéo co!

Theo tôi, thông điệp lớn nhất và rõ ràng nhất trong việc mời hàng không mẫu hạm Carl Vinson thăm Việt nam, là ông Trọng muốn làm mờ đi những lên án ông cùng bè nhóm thân Trung Cộng, để bọn Trung Cộng vi phạm trầm trọng an ninh lãnh thổ, làm kinh tế lệ thuộc vào Trung Cộng, làm xứ sở càng nghèo nàn, lạc hậu; để hòng làm nhẹ bản án dành cho ông và đồng bọn.  Và dùng sự hiện diện của Mỹ để chứng minh ông không phải là Thái Thú Tàu.

Quan trọng hơn là kinh tế Việt Nam đang sa sút, lạm phát tăng nhanh, thu không đủ chi, nợ ngập đầu, vì vậy Tiền, Tiền là vấn đề sinh tử của chế độ.  Nên ông mời kẻ thù vào đóng vai trò “thần bảo hộ” để dẹp đi sự hung hăn của Trung Cộng ở Biển Đông để Việt Nam khai thác được dầu khí, bán đi để xoay xở trong cơn ngặt nghèo.  Và sau đó lại tiếp tục lẽo đẽo theo đàn anh 4 tốt nữa!

Người Việt Nam đừng có ảo tưởng là hàng không mẫu hạm Mỹ vào Việt Nam là một chỉ dấu của sự thay đổi chánh sách ngoại giao thân Mỹ, và hy vọng rằng sự thay đổi sẽ tạo cơ hội cho VN thoát được sự lệ thuộc vào Trung Cộng.  Mọi người sẽ lầm to, sẽ thất vọng tràn trề vì với Việt Cộng họ thà chịu mất nước chớ không để mất đảng.  Bao nhiêu chục năm rồi, hàng ngàn cơ hội thoát Trung cứu nước ra khỏi lạc hậu, nghèo nàn họ không bao giờ làm.

Lý do đơn giản là họ sợ mất đảng.  Việc dân đói khổ, lầm than không phải là việc của họ. Người dân tự cứu nhau, và đó là việc của những “nhà từ thiện” hải ngoại ra công góp sức đi quyên đô la về cứu đồng bào, Việt Cộng nhân cơ hội nầy có thêm đô la mua nhà ở Mỹ, Canada và ở các nước” tư bản đang giẫy chết”, họ có thêm đô la để cất giấu ở nước ngoài vì sợ bọn cướp Đảng ngày nào đó sẽ lật lưng cướp sạch cộng “hái lá đót” của mình làm ra, thay vì cứu giúp những người tranh đấu đang bị gian cầm, hành hạ, đang đói khổ trong nhà tù cộng sản.

Đó mới là vấn đề cốt lõi của việc mời hàng không mẫu hạm Carl Vinson vào Việt Nam.

 

Vườn Thơ

Tửu Đào – Ngọc Hoài Phương

Ta gói trăm năm vào một túi

Thì ngàn năm cũng chẳng là bao

Hỡi ai còn nặng tình sông núi

Xin hãy cùng nâng chén tửu đào.

Có Xuân

Chẳng lựa áo chẳng lựa màu

Lựa tâm thanh thản lòng chào đón xuân

Lâu rồi đời hết gian truân

Nhưng xuân vẫn đợi chờ Xuân quê nhà

Chẳng rượu qúi lòng thật thà

Rót mời tri kỷ vậy là có Xuân

Giáo Đá [02162018- khai bút đầu năm Mậu Tuất]

Có Xuân có Tết có mừng

Có cùng đoàn tụ có cùng nhau vui

Hết gian truân cất tiếng cười

Tâm an thanh thản theo lời hoan ca

Mời nhau ly rượu chung trà

Tọa thiền nghe ấm mái nhà lưu cư

Giáo Già Giáo Đá làm thơ

Khui lon coors lạnh uống chờ mồi ngon

Ngồi nghe kể chuyện Sài Gòn

Nhìn hoa mai nở tầm còn ươm tơ

Rót ly vine đỏ mộng mơ

Mùa xuân chim én về chờ bình minh

Có Xuân có Tết chúng mình

Thắp nhang cúng Má Ba tình Tố Yên

Khói bay thoang thoảng cửu huyền

Vô ưu vô ngại thở thiền đầu xuân

Giáo Già [02162018-Tiếp lời Giáo Đá]

(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

 

Ly kỳ: Tại sao lãnh tụ Bắc Hàn muốn gặp TT Trump ? – Trần Nguyên

I/ Sự kiện xảy ra không ai đoán trước nổi

Thực vậy cả năm qua từ khi TT Trump cầm quyền, cả hai bên Mỹ và Bắc Hàn có rất nhiều hành động và lời nói khiêu khích đối chọi thiếu điều muốn tấn công bằng võ khí nguyên tử giết nhau. Phía Bắc Hàn liên tiếp thử hàng loạt bom nguyên tử & khinh khí và bắn hỏa tiển có tầm xa đạt tới lãnh thổ Mỹ. Ngược lại, Mỹ đã phản ứng điều động các hàng không mẩu hạm và các phi cơ bay vào sát hải phận & không phận Bắc Hàn. Cả thế giới “nín thở” trước một cuộc chiến nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mỹ đã  thành công vận động được Liên Hiệp Quốc – với sự chấp thuận của Trung Cộng và Nga – ra quyết định phong tỏa Bắc Hàn trên nhiều bình diện. Quan trọng nhứt là hạn chế được số lượng nhập cảng dầu xăng đối với Bắc Hàn.

Giữa nhà độc tài Kim Chánh Ân (Kim Jong Un) và TT Trump chửi rủa nhau một cách thậm tệ và “trẻ con” chưa từng xảy ra trên chính trường quốc tế. Một bên “chọc quê” lãnh tụ Bắc Hàn trẻ măng là “little rocket man” (“gã hỏa tiễn nhỏ bé”) và trả đủa lại “mỉa mai” TT Mỹ già nua là “mentally deranged” (“lẩm cẩm”).

Thế mà vừa qua, CT Kim Chánh Ân đột nhiên nhờ Nam Hàn chuyển đến tay TT Trump bức thư ngỏ ý muốn gặp gở để đàm phán giải quyết vấn đề đang tranh chấp.

Tin tức đầu tiên này được TT Trump tung ra qua Twitter đã khiến cả thế giới đón nhận trong sự ngạc nhiên vô cùng (tựa như bom nguyên tử nổ !) vì không ai có thể tưởng tượng nổi nhà độc tài Kim Chánh Ân phải “muối mặt” viết thư nhờ cả Nam Hàn chuyển đến “kẻ tử thù” Trump (xem Phụ Đính phiá dưới).

II/ Những dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn “chuyển hướng”

Nhưng nếu tinh ý thì đã nhận thấy những tín hiệu lộ ra sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Bắc Hàn trước đó. Thay vì hăm doạ một cách “lố bịch”, Bắc Hàn đã chọn chính sách ngoại giao tạo “thiện cảm” bằng cách xin tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 ngay tại Pyeongchang (Nam Hàn) vào tháng 2 vừa qua. Bà Kim Yo-jong – em gái của lãnh tụ Bắc Hàn – được cử theo cầm đầu phái đoàn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chuyến đi thể thao có ẩn chứa dụng ý chính trị này, bởi vì bà Kim Yo-jong là nhân vật thân tín nhứt của lãnh tụ Bắc Hàn, nằm trong Bộ Chính Trị và nắm quyền lực số 2. Quả nhiên sau đó, Bắc Hàn đã mời Nam Hàn cử phái đoàn đến thủ đô Bình Nhưỡng để nói chuyện và thỏa thuận có hội nghị thượng đỉnh cho lãnh tụ 2 bên vào tháng 4 sắp tới. Nhưng thực sự đối với Bắc Hàn “hòa” với Nam Hàn chỉ là “diện” phụ thôi, vì “điểm” chính mới là muốn “lân la” với Mỹ. Hay nói đúng hơn là muốn hòa dịu với TT Trump.

III/ Tại sao Kim Chánh Ân phải chịu “hạ mình” như vậy ?

Dư luận báo chí bàn tán xôn sao nhiều phía, nhưng trong thâm tâm mọi người đều phải công nhận TT Trump đã làm thành công hơn 3 Tổng Thống tiền nhiệm trong 24 năm qua. Đó là khuất phục được dòng họ Kim phải thực sự sợ sức mạnh của Mỹ, dám làm những chuyện Bắc Hàn không ngờ được. Điển hình Nam Hàn qua đại dịên Chung Eui Yong (Cố Vấn An Ninh Quốc gia Nam Hàn) đã không tiếc lời ca ngợi khen chính sách “gây sức ép tối đa” của TT Trump để mới có sự thành công mau chóng bất ngờ này.

Nhìn lại thì TT Trump thực hiện chính sách “gây sức ép tối đa” trên nhiều bình diện:

a) về kinh tế

Mỹ thuyết phục được Trung Cộng, Nga và Liên Hiệp Quốc phong tỏa Bắc Hàn. Then chốt nhứt là giới hạn nhập cảng dầu xăng chỉ đủ sống “lây lất”. Mới đầu Trung Cộng và Bắc Hàn định dùng phương thức “ma giáo” như thời xưa để đối phó. Nhưng Mỹ, Nhựt và Nam Hàn dùng vệ tinh kiểm soát rất chặt chẻ để ngăn chận và TT Trump nhiều lần gián tiếp cảnh cáo Trung Cộng chớ vi phạm. Lần này Trung Cộng biết gặp tay “sừng sỏ chơi liều” nên không dám “thử sức” Mỹ.

b) về quân sự

Mỹ lần đầu tiên đã điều động nhiều hàng không mẫu hạm cùng một lúc đến gần vùng biển Bắc Hàn. Với sức mạnh quân sự này, Mỹ có thể tấn công huỷ diệt Bắc Hàn trong thời gian ngắn.

c) về ngoại giao

Mỹ đã thành công cô lập được Bắc Hàn với thế giới bên ngoài. Ngay Trung Cộng và Nga cũng phải chiều ý TT Trump vì quyền lợi quốc gia lớn hơn nên tại Liên Hiệp Quốc đã ký tên kết án và chấp thuận quyết định trừng phạt Bắc Hàn.

d) về tâm lý

TT Trump trong lúc tranh cử cho rằng nước Mỹ cần phải được khó lường hơn trong chính sách đối ngoại để đối thủ phải sợ và kính trọng mình. TT Trump đã đẩy lý thuyết này đến cực điểm để đối phó Bắc Hàn. Ông đã đe dọa Bình Nhưỡng với “lửa và cơn thịnh nộ” và với sự hủy diệt hạt nhân. Ông đã tự hào vì có nút bom nguyên tử lớn hơn nhà độc tài Bắc Hàn, mà ông nhạo báng là “Rocket Man Kim”. Song song, Tòa Bạch Ốc lại tung tin ra một lần nữa cho rằng TT Trump không hài lòng với kế hoạch của các chuyên gia và đã yêu cầu phía  quân đội thiết kế thêm kịch bản tấn công.

Sau đó, cố vấn an ninh H. R. McMaster đưa ra kế hoạch đối phó với vụ thử tên lửa của Bắc Hàn bằng một cuộc tấn công hạn chế, được gọi là kịch bản Nose Bloody. Đáng chú ý hơn nữa, chuyên gia châu Á Victor Cha bị sa thải ngay trước khi được đề cử nhậm chức Đại sứ Mỹ ở Nam Hàn chỉ vì lên tiếng không đồng ý với kế hoạch quân sự này.

Bắc Hàn đã có những nỗ lực đáng kể trong năm qua để tìm hiểu suy nghĩ của TT Trump. Cuối cùng, họ đi đến kết luận rằng họ không muốn mạo hiểm, bởi vì TT Trump thực sự có thể dùng đến quân sự đối phó. Xem ra, “sự điên rồ” của TT Trump đã thắng lớn.

IV/ Nếu nói chuyện, TT Trump và CT Kim Chánh Ân sẽ gặp nhau ở đâu?

Phía TT Trump đã chấp thuận gặp gở đàm phán trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 tới. Tới thời điểm đó hy vọng sẽ không có gì rắc rối xảy ra vì hai bên đã rõ sự ích lợi của cuộc gặp gở này. Nhưng có câu hỏi đặt ra là họp ở địa điểm nào. Phía Thụy Sĩ và Thụy Điển đã mau lẹ lên tiếng sẵn sàng đứng ra tổ chức chuộc hội nghị thượng đỉnh này. Thụy Sĩ lấy lý do là CT Kim Chánh Ân từng du học tại đó thời còn nhỏ nên từng coi nước này như một quê hương thứ 2. Còn Thụy Điển thì hãnh diện là đại diện ngoại giao cho Mỹ ở Bắc Hàn và từng giúp đở tù nhân Mỹ Otto Warmbier được Bắc Hàn phóng thích vào tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên hầu như chắc chắn CT Kim Chánh Ân không dám rời khỏi Bắc Hàn vì sợ bị đão chánh. Điều này rõ rệt thấy trong 6 năm lên cầm quyền, ông này không dám xuất ngoại. Thậm chí cũng không dám qua Trung Cộng như ông nội Kim Nhựt Thành và ông bố Kim Chánh Nhựt đã thường làm.

Như vậy chỉ còn giải pháp duy nhứt là họp tại vĩ tuyến 38 nơi phân chia Nam & Bắc Hàn trong toà nhà Hoà Bình tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

V/ Kết luận 

Trong thời kỳ Phục Hưng có tư tưởng gia Niccolò Machiavelli (1469 – 1527) trong tác phẩm Quân Vương (Il Principe) đã đưa ra nhiều phương thức đối phó cho người cầm quyền hành động (xem Nguồn 1 + 2 phiá dưới). Chẳng hạn:

“Quân Vương vừa là chồn cáo, vừa là sư tử.”

“Con người muốn xứng đáng là một con người phải tiến thẳng vững vàng tới mục đích. Mục đích sẽ chứng minh tính chất đúng đắn của biện pháp.”

Hoặc đối phó bằng biện pháp: “Tốt hơn hết là phải làm cho người sợ hơn là được người thương” Trong trường hợp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, câu châm ngôn này đã được áp dụng thành công. Rõ ràng, các đe dọa của TT Trump qua lối đánh “vô chiêu thắng hữu chiêu” không thể đoán ra nổi của ông này muốn tấn công quân sự hay không, đã khiến cho CT Kim Chánh Ân phải đến đàm phán giảm chương trình vũ khí hạt nhân để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên (xem Nguồn 3).

Ngoài ra nghiên cứu về mưu kế của Cố TT Reagan đã thi hành thắng được TBT Liên Xô Gorbachev (xem Nguồn 4) thì đã được Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tiên đoán và nhận định như sau :

“Dân Nga có truyền thống chơi cờ vua ( Chess ) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé ( Poker ) nên thường phải “tháu cáy” với cây bài xấu nhưng vẫn có thể “tố” cho địch thủ bỏ chạy. Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đã “tố” dùng kế hoạch SDI “tháu cáy” để “hù” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev đa nghi bắt phải cải tổ nền tảng để có đủ thực lực đương đầu lại. Quả nhiên ông Gorbachev xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế ( Perestroika ), sau đó về chính trị ( Glasnost ). Nhưng chính vì cải tổ chính trị khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đỗ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rả vào ngày 21.12.1991 là hậu quả tất nhiên dó”

TT Trump luôn luôn hãnh diện là truyền nhân của Cố TT Reagan, nên đã áp dụng hầu như toàn bộ chánh sách của ông này và nhờ đó đã gặt hái nhiều thành công ngay năm đầu. Đáng kể nhứt là phục hồi & gia tăng kinh tế, giảm mạnh mẽ nạn thất nghiệp, kỷ lục chỉ số chứng khoán, giải trừ hiểm hoạ quân đội Nhà Nước Hồi Giáo IS … .

Biết đâu TT Trump cũng theo phương cách “tháu cáy” của Cố TT Reagan để giải quyết hiểm hoạ Bắc Hàn mà từ mấy chục năm qua chưa có vị TT Mỹ nào làm được .

Chờ xem lịch sử sẽ cho thấy sự thực trong thời gian tới.

Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi Tháng 3, 2018

Nguồn 1: Tác phẩm Quân Vương (Il Principe)

https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A2n_V%C6%B0%C6%A1ng_(s%C3%A1ch)

 

Nguồn 2: Nhà tư tưởng về nghệ thuật lãnh đạo Niccolò Machiavelli

https://vi.wikipedia.org/wiki/Niccol%C3%B2_Machiavelli

Nguồn 3: TT Trump qua lối đánh “vô chiêu thắng hữu chiêu”

https://ngo-quyen.org/p3590a5765/6/bien-khao-cuoi-cung-da-dac-cu-o-trump-voi-chan-mang-de-vuong-don-phep-ngoan-muc-

Nguồn 4: TT Reagan đã dùng kế hoạch SDI để “hù” TBT Gorbachev

https://vietbao.com/a273940/bi-an-lich-su-tai-sao-buc-tuong-berlin-bat-ngo-sup-do-

 

Phụ Đính:

Trump nói sẵn lòng gặp Kim trong cuộc gặp mặt đầu tiên từ trước tới nay

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm nói ông sẵn lòng gặp gỡ lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đầu tiên, đánh dấu một diễn biến có thể là một bước đột phá đầy kịch tính trong căng thẳng hạt nhân với Bình Nhưỡng.

Ông Kim đã cam kết “giải trừ hạt nhân” và đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc phi đạn, Trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc, Chung Eui-yong, nói với các phóng viên tại Nhà Trắng sau khi báo cáo với ông Trump về cuộc họp của các quan chức Hàn Quốc với ông Kim hôm thứ Hai.

“Một cuộc gặp gỡ đang được lên kế hoạch,” ông Trump tweet sau khi nói chuyện với ông Chung, người loan báo ông Trump tỏ ý sẵn sàng ngồi xuống với Kim trong một diễn biến mà có thể sẽ là canh bạc chính sách đối ngoại lớn nhất của ông kể từ khi nhậm chức.

Ông Chung cho biết ông Trump, đáp lại lời mời của ông Kim, đã đồng ý gặp mặt vào tháng 5, và một quan chức cấp cao của Mỹ sau đó nói rằng việc này có thể xảy ra “chỉ trong vòng vài tháng, với thời điểm và địa điểm chính xác sẽ được ấn định.”

Ông Trump trước đó đã nói ông sẵn lòng gặp ông Kim trong hoàn cảnh phù hợp nhưng đã nói rằng khi đó chưa phải lúc để hội đàm. Ông đã chế giễu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi tháng 10 là “lãng phí thời gian của mình” tìm cách hội đàm với Triều Tiên.

Trước đó trong ngày thứ Năm, ông Tillerson nói trong một chuyến công du Châu Phi rằng dù “các cuộc hội đàm về các cuộc hội đàm” có thể xảy ra với Bình Nhưỡng, song đàm phán giải trừ hạt nhân dường như vẫn còn là một chặng đường dài.

“Kim Jong Un nói về giải trừ hạt nhân với các Đại diện Hàn Quốc, không chỉ là đình chỉ,” ông Trump nói trên Twitter tối thứ Năm. “Thêm nữa, Triều Tiên sẽ không thử nghiệm phi đạn trong thời gian này.”

Ông Trump nói thêm: “Đang đạt được những tiến bộ to lớn, nhưng các chế tài sẽ vẫn giữ nguyên cho đến khi đạt được thỏa thuận.”

Một cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump sẽ là một sự xoay chuyển tình thế quan trọng sau một năm Triều Tiên thực hiện một loạt các cuộc thử nghiệm nhằm phát triển một phi đạn đầu đạn hạt nhân có khả năng đánh trúng lục địa của Mỹ. Hai nhà lãnh đạo cũng đã xỉ vả nhau qua lại bằng những lời lẽ hằn học, khơi lên lo sợ chiến tranh có thể nổ ra.

“Ông Kim cam kết Triều Tiên sẽ không thực hiện thêm bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc phi đạn nào,” ông Chung nói, dường như nhắc đến một sự đình chỉ trong suốt thời gian đàm phán.

“Ông ấy bày tỏ sự háo hức muốn gặp Tổng thống Trump sớm nhất có thể,” ông nói.

Các phụ tá của ông Trump vẫn tỏ ra cảnh giác về những cử chỉ ngoại giao của Triều Tiên vì nước này trước đây từng nhiều lần đi ngược lại những cam kết quốc tế và các nỗ lực dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama đều không giải trừ được vũ khí hạt nhân.

Dưới thời ông Clinton vào tháng 10 năm 2000, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Madeleine Albright đã tổ chức các cuộc hội đàm tại Bình Nhưỡng với lãnh tụ Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un.

Các quan chức và chuyên gia Mỹ, trước loan báo hôm thứ Năm, đã cảnh báo rằng Triều Tiên có thể câu giờ để phát triển và tinh chỉnh kho vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm một đầu đạn hạt nhân có thể vẫn nguyên vẹn khi bay trở lại vào bầu khí quyển trái đất nếu nước này có thể kéo dài bất kỳ cuộc đàm phán nào với Washington, Reuters cho biết. / VOA / 9.3.2018 /

Vui cười

Một khách du lịch Nhật bị lạc ở vùng nọ, anh ta hỏi hai người dân địa phương đường ra ga. Anh ta hỏi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ðức và đương nhiên cả tiếng Nhật, nhưng hai người kia đều không hiểu. Anh ta đành nhún vai bỏ đi. Một trong hai người dân địa phương bảo người kia :

– Này, chúng ta phải học ít nhất một ngọai ngữ chứ.

– Vô ích, – người kia đáp – Cứ trông ông khách du lịch này thì rõ. Biết bốn, năm thứ tiếng mà có ăn thua gì đâu!

 

Hai vợ chồng ngồi trên máy bay đi du lịch.

– Anh biết không, anh yêu – bỗng người vợ nói – hình như em quên rút bàn là ở nhà.

– Ðừng lo, em yêu, – người chồng đáp – Anh cũng quên không tắt vòi nước trong buồng tắm.

 

 Theo lệ ngày xưa, ai làm quan thì mua món gì cũng chỉ phải trả nửa giá tiền, trừ mua vàng phải trả đủ.

 Một ông quan nọ vừa đến nhậm chứa, bảo hiệu vàng đem hai lạng đến bán cho ngài. Chủ hiệu vàng nghe tiếng quan dữ như cọp, mói bẩm:

 – Vàng mỗi lạng thực giá sáu chục đồng, song quan lớn thì trả một nửa cũng được.

 Quan cầm hai lạng vàng xem, rồi ung dung bỏ một lạng vào túi. Chủ hiệu tưởng quan chỉ mua có một lạng, còn lạng kia trả lại, nên khi quan vào nhà trong, anh ta vẫn đứng đấy đợi trả tiền. Hồi lâu quan ra, thấy vậy mới hỏi:

 – Mua bán xong rồi, còn đứng đấy làm gì?

 Chủ hiệu vàng đáp: – Con chờ quan lớn trả tiền cho.

 Quan bảo: – Tiền trả rồi, còn đòi gì nữa?

 Chủ hiệu vàng đáp: – Hai lạng, quan trả lại một lạng, lấy một lạng.

 Quan nổi giận:

 – Nhà ngươi lạ thật! Nhà ngươi bảo ta trả một nửa cũng được. Ta mua hai lạng, nhưng chỉ lấy một, trả lại một chẳng phải là đã trả một nửa là gì!

Nhật Ký Biển Đông – Đào Văn Bình

ISIS Chết, Cuộc Chiến Syria Đổi Hướng

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Hai ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

-AP ngày 1/2/2018: “Mike Pompeo – Giám Đốc CIA cho biết không có gì rủi ro (untoward) về cuộc họp của ông với người đứng đầu tình báo Nga cho dù Nga vẫn còn là đối thủ của Hoa Kỳ, mà nếu bỏ qua cơ hội hợp tác sẽ nguy hiểm cho sinh mạng người dân. Ngày hôm nay Ô. Pompeo gửi một bức thư cho Ô. Chuck Schumer- trưởng khối thiểu số thượng viện – là người đã nêu câu hỏi về cuộc gặp gỡ này. Sở dĩ Ô. Schumer nghi ngờ là vì nó xảy ra chỉ vài ngày trước khi bộ tham mưu của Ô. Trump quyết định không đưa ra cấm vận mới lên một số chính trị gia và người nắm quyền Nga đã can dự vào cuộc bầu cử tổng thống 2016.”

-Huffington Post ngày 2/2/2018: “TNS. John McCain đưa ra lời chỉ trích nghiêm khắc các thành viên của Đảng Cộng Hòa, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hà Viện Nunes đã cho công bố một văn thư (memo) (*) trái với ý muốn của các cơ quan tình báo. Vào ngày hôm nay, Ô. Nunes đã cho công bố văn thư này sau khi Tổng Thống Donald Trump ra lệnh giải mật. Văn thư dường như (alleged) lộ cho thấy cơ quan FBI và Bộ Tư Hoa Kỳ đã đối xử bất công với chiến dịch tranh cử của Ô.Trump trong tiến trình đầu tiên điều tra Nga can dự vào cuộc bầu cử, sau này đảm trách bởi Công Tố Viên Độc Lập Robert Muller. “

Tôi không bênh Ô. Trump nhưng khi điều tra Ô. Trump cấu kết với Nga thì phải công minh. Điều tra viên sẽ mắc tội vu cáo khi thiên vị, cố tình gán ghép tội cho ai. Nay Ô. Nunes xét thấy văn thư của FBI có những chi tiết “chơi” Ô. Trump thì phải làm cho ra lẽ chứ? Ô. McCain có tật cái gì cũng nói. Dĩ nhiên chuyện này là của Đảng Cộng Hòa đang nắm đa số ở Quốc Hội, tại sao lại gán ghép “thành tích” chia rẽ nội bộ đảng cho Nga? Hình như Ô. McCain vẫn còn thù hận Ô. Trump. Hiện nay Ô. Nunes đang được thành phần bảo thủ trong Đảng Cộng Hòa ngưỡng mộ. Tuy nhiên hành động cũng gây chống đối dữ dội nơi một số thành viên Đảng Dân Chủ cáo buộc Ô. Nunes đã sửa công văn đó trước khi gửi tới Tòa Bạch Ốc.

Theo AP ngày 3/2/2018, Ô. Trump nói cuộc điều tra cấu kết với Nga là “Sự tủi hổ của nước Mỹ” (This is an American disgrace). Đúng vậy! Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống an ninh, tình báo lớn và tinh vi nhất thế giới. Cộng thêm với hệ thống truyền thông “tinh quái” chuyện gì cũng biết, thế mà để cho Nga- một siêu cường hạng nhì khuynh loát bầu cử giống như khuynh loát một nước nghèo khổ, yếu đuối ở Á-Phi. Vậy thì Hoa Kỳ phải biết xấu hổ chứ? Dân Chủ và Cộng Hòa nên đóng cửa bảo nhau để tăng cường cảnh giác hơn là bới móc ra khiến “Xấu chàng hổ thiếp”, làm trò cười cho thiên hạ.

-Tổng Hợp ngày 14/2/2018: Một cuộc nổ súng kinh hoàng tại trường Trung Học Parkland, Florida giết chết 17 học sinh và làm bị thương tối thiểu 14 người. Hung thủ 19 tuổi, là cựu học sinh của trường, đeo mặt nạ chống hơi ngạt, tung lựu đạn khói trước khi nổ súng vào học sinh giống như một sát thủ nhà nghề.

Trong năm qua, nhiều vụ thảm sát kinh hoàng liên tiếp đã xảy ra trên nước Mỹ. Nếu những vụ bắn giết, đánh bom khủng bố liên tục xảy ra như thế này tại một quốc gia nhỏ bé, thì chính quyền có thể xụp đổ vì không đủ khả năng giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ sinh mạng người dân. Còn ở Mỹ, vì quá rộng lớn cho nên mọi chuyện rồi qua, thắp nến, cầu nguyện rồi quên… như không có chuyện gì và cũng không cần biết trách nhiệm về ai. Cấm súng, hạn chế súng thì phải sửa hiến pháp và Đảng Cộng Hòa chống đối. Còn tự do mua bán và tàng trữ súng- bảo vệ mạng sống của mình đâu chưa thấy – mà chỉ thấy thảm sát… thảm sát trong gia đình, trường học, nhà thờ, hộp đêm, nơi hòa nhạc và khắp mọi! Theo thống kê, nội trong 45 ngày đầu của năm 2018 đã có khoảng 18 vụ nổ súng ở trường học. Than ôi! Trường học là lò đúc nhân tài, là cái nôi giáo dục con người, với thời đại văn minh điện tử và tự do mang súng, đang từ từ trở thành địa ngục. Nhiều khi quyền lợi của một dân tộc không do toàn dân quyết định mà do một số quý ông/bà nghị sĩ quốc hội quyết định.

Tình hình thế giới:

-Fox News ngày 1/2/2018: “Hoa Lục đang xây dựng một luồng laser cực lớn (mega-laser) có khả năng xé nát không gian. Các nhà vật lý ở Thượng Hải đang xây dựng một trạm có tên Trạm Cực Sáng (Station of Extreme Light) có thể điều hành vào 2023. Mục đích tối hậu của trạm này là phát ra một luồng ánh sáng laser (Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation) mạnh tới một trăm triệu tỉ watts tức 10,000 lần mạng lưới điện toàn cầu gộp lại. Sự lạ lùng của mạch ánh sáng này là nó có thể bắn trúng một cách chính xác một vật chỉ nhỏ bằng 1/2000 mẩu bút chì bình thường (3 micrometers). Các nhà khảo cứu có thể đạt tới một luồng tia sáng mạnh 10 ngàn tỉ tỉ lần (10 trillion trillion) lớn hơn tia sáng mặt trời chiếu vào trái đất. Theo tạp chí Khoa Học, tia sáng này mạnh tới nỗi nó có thể xé rách không gian trống rỗng. Ý tưởng này là để đạt tới một hiện tượng gọi là ‘bẻ gẫy khoảng chân không’ nơi mà electron tách ra khỏi positrons trong khoảng không gian trống rỗng.” Như vậy luồng ánh sáng khủng khiếp này chiếu vào quốc gia nào thì cả quốc gia đó thành tro bụi.

-Reuters ngày 2/2/2018: “Thủ Tướng Nga Medvedev vừa chấp thuận việc triển khai phi cơ chiến đấu trên Đảo Iturup/Etorofu  còn tranh chấp gần Nhật Bản làm gia tăng việc quân sự hóa trong vùng giữa lúc bang giao giao Moscow-Tokyo căng thẳng vì Nhật mới mua hệ thống hỏa tiễn phòng không của Mỹ. Phi cơ chiến đấu sẽ được triển khai ở một phi trường dân sự tại đây. Nhật Bản muốn Nga ngưng việc xây dựng hệ thống quân sự tại đây vì sợ Nga tăng cường sức mạnh tại Thái Bình Dương.”

Nguyên do chính ở đây là vì Nhật cần sự bảo vệ của Hoa Kỳ cho nên phải cắn răng chịu đựng áp lực từ Mỹ để ban hành lệnh cấm vận lên Nga. Nếu căng thẳng với Nga cứ tiếp tục leo thang, Nhật sẽ ở vào thế “lưỡng đầu thọ địch” nhưng không thể làm khác hơn được. Một khi đã nhờ Mỹ che chở về mặt an ninh thì không phải chỉ một mình Nhật, mà bất cứ quốc gia nào cũng phải hy sinh chủ quyền dân tộc. Ngày nào mà Nhật còn nương tựa vào Mỹ, ngày nấy Nhật sẽ phải đối đầu với Hoa Lục và Nga. Thực tế này không thể nào thay đổi được.

-CNN ngày 2/2/2018: “Báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết Nga đang phát triển hỏa tiễn và thủy lôi trang bị vũ khí nguyên tử chống tàu ngầm và tàu chiến.”

Như vậy một hàng không mẫu hạm hay tàu ngầm trúng loại thủy lôi hay hỏa tiễn nguyên tử này, sẽ tan thành tro bụi. Ngoài ra Nga cũng đã chế tạo loại thủy lôi tàng hình khổng lồ nổ dưới biển, làm ngập lụt những hải cảng và vùng duyên hải của kẻ thù bằng sóng thần cao tới 500 bộ Anh (150 mét) chẳng như New York mà Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ gọi đây là “Vũ Khí Tận Thế”. Đệ III Thế Chiến nếu xảy ra, thật khủng khiếp.

-The Daily Beast ngày 2/2/2018: “ Một thông cáo của Bộ Ngoại Giao Nga cảnh báo công dân của họ khi du lịch ngoại quốc rằng cho dù chúng ta kêu gọi hợp tác giữa hai bên, nhưng  Hoa Kỳ hiện nay đang truy lùng các công dân Nga để bắt giữ khắp thế giới.”

-Newsweek ngày 4/2/2018: “Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ gia tăng kho vũ khí nguyên tử để đối phó với những đe dọa từ Hoa Lục, nhưng Bắc Kinh nói rằng Hoa Thịnh Đốn đã phản ứng quá lố.”(The U.S. Says it Will Boost its Nuclear Arsenal in Response to a Threat From China, But Beijing Says Washington is Overreacting)

-The Daily Beast 5/2/2018: “Cả ngàn đàn ông, thanh niên xếp thành hàng sáu, diễn hành theo Đại Lộ Kreshchatyku, con đường chính của Thủ Đô Kiev. Một số của đơn vị tổ chức khá tinh vi này mặc quần áo rằn ri, một số mặc áo đen với bộ mặt che kín bằng mặt nạ trượt tuyết, chỉ lộ đôi mắt Họ phất cờ đen, với lời tuyên bố phổ biến trên các băng thu hình là “Chúng ta sẽ thiết lập trật tự cho Ukraine”. Ba năm sau chiến tranh, những cuộc diễn binh và tập họp biểu tình trên đường phố như thế này không còn lạ gì đối với người dân Ukraine; không có gì bất thường, và cả những dòng chữ “Đội Cảm Tử Quốc Gia” (National Squad) viết trên lưng những ngươi diễn hành, những kẻ cực hữu chủ trương bạo động liên tục thách thức chính quyền, đe dọa Tổng Thống Poroshenko khi đòi hỏi một cuộc cách mạng khác.”

Lịch sử chứng tỏ rằng khi đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng dai dẳng, thường xuất hiện một khuynh hướng “quốc gia cực đoan” theo kiểu Đức Quốc Xã.. Những nhóm này đòi hỏi chính quyền làm những việc nguy hiểm và không thể thực hiện được, chẳng hạn như tại Ukraine…đòi lấy lại Crimea và giết hết những người ly khai tại vùng Donbas, mở cuộc chiến tranh với Nga. Nếu thành phần ôn hòa suy yếu, họ sẽ nắm quyền như Hitler và thảm họa cho dân tộc sẽ xảy đến. Cái dở khóc dở cười của Ukraine là: Vì đây là một nền dân chủ cho nên không dám chống lại họ vì sợ “mất phiếu”. Còn theo họ thì sẽ gây thảm họa cho đất nước. Ô. Poroshenko đã là một chính trị “quốc gia cực hữu” rồi, nhưng còn phải sợ đám “siêu quốc gia cực hữu” này.

Theo Sputnik News ngày 6/2/2018: “Ô. Chervonenko cựu Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Ukraina nói rằng trước đây Ukraina là “cầu nối giữa châu Âu và phía Đông”, nhưng hiện nay đất nước “đã phá vỡ chậu” ở phía Đông và đánh mất thị trường Nga, tự nguyện trao nó cho Ba Lan và Latvia. Ngày nay, các phần tử tự do tìm cách gây bất hòa giữa Kiev và các nước láng giềng phía tây. Bây giờ chúng tôi chỉ là nhà vệ sinh/cầu tiêu nông thôn khép kín của châu Âu.”

Khi đất nước bạn là nước nhỏ và là vùng trái độn giữa hai khối hay hai siêu cường mà bạn không có chính sách ngoại giao trung lập, đa phương để giữ yên đất nước, mà ngả nghiêng theo phe nào, sẽ là là một cuộc tự sát, gây thảm họa triền miên cho đất nước. Ukraina là vùng trái độn của NATO và Nga. Còn Việt Nam là vùng trái độn của Hoa Lục và Hoa Kỳ. Giả dụ Việt Nam ngả nghiêng theo Hoa Lục để Hoa Lục bao trùm ảnh hưởng lên Đông Nam Á và khống chế Biển Đông, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ đem HKMH áp sát bờ biển Việt Nam để gây áp lực, đồng thời cấm vận cũng như có thể tiến hành chiến tranh lật đổ để thành lập một chính quyền thân Mỹ hay ít ra trung lập tại đây. Còn nếu Việt Nam cho Mỹ đóng quân trên đất nước mình thì an ninh của Hoa Lục lâm nguy. Chắc chắn Hoa Lục sẽ mở một cuộc chiến. Cho dù Việt Nam thắng đi nữa, thì sẽ có cả triệu cô nhi, quả phụ, tử sĩ, đất nước đổ nát, năm mười năm sau chưa chắc đã hồi phục… rồi cuối cùng lại phải “làm lành” với “ông Trời Con” như Tổ Tiên đã làm: Thắng nó mà vẫn phải triều cống nó!

Ai có kế sách gì “bẻ cổ”, “bóp mũi” Hoa Lục rồi chia năm, xẻ bảy nó ra, xin gửi gấp cho Tòa Bạch Ốc để cho dân tộc Việt Nam ngàn đời sống trong yên bình, phát triển.

-AP ngày 9/2/2018: Thế Vận Hội Mùa Đông! Thịt Chó Thơm Phức Mại Vô! “Trong khi cả hành tinh để mắt nhìn về Pyeong Chang, Nam Triều Tiên trong hai tuần tới sẽ diễn ra cuộc tranh tài thế vận đẹp mắt, nhưng một thói quen xấu của một vùng đất Đại Hàn lại phơi bày ra trước mắt mọi người. Đó mà kỹ nghệ bán thịt chó! Khoảng hai triệu chú khuyển được nuôi ở những trang trại lấy thịt để làm món ăn (khoái khẩu) cho người dân Nam Triều Tiên. Chó được nuôi trong điều kiện ác độc, bị đánh hoặc bỏ đói trước khi làm thịt. Thói quen ăn thịt chó đã trở thành tập quán (thấm vào máu) của người Nam Triều Tiên và nhiều người tin rằng ăn thịt chó làm cường dương và khỏe mạnh.”

Quý ông/bà NamTriều Tiên ơi! Ông bà đã có “Sâm Cao Ly” nghe nói “bổ”lắm rồi sao lại còn cần thịt chó nữa? Ông bà đã xây dựng xong kinh tế và đã biến thành “Rồng, Cọp” nay cần xây dựng văn hóa và tình người. Thiếu văn hóa và thiếu tình người thì dù có là siêu cường kinh tế thì vẫn bị người ta coi thường. Tôi không có ý khuyên ông bà thương chó còn hơn thương người như ở Mỹ, nhưng khuyên ông bà bỏ cái thú ăn thịt chó ấy đi. Theo giáo lý nhà Phật giết trâu, bò, lợn, gà để ăn thịt đã là sát sinh. Nhưng giết chó, ngựa là giống

“ Khuyển mã chi tình” để ăn thì coi bộ dã man quá. Thế mới hay xây dựng kinh tế dễ hơn xây dựng con người. Vài ba thập niên một nước nghèo khổ như Trung Hoa có thể trở thành siêu cường về kinh tế. Nhưng có thể ngàn năm nữa chưa chắc Trung Hoa đã trở thành một quốc gia với những con người mẫu mực, đàng hoàng.

-Reuters ngày 10/2/2018: “Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã mời Tổng Thống Moon Jae-in của Nam Triều Tiên viếng thăm Bình Nhưỡng vào một ngày sớm sủa. Đây có thể là cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Nam-Bắc Triều Tiên trong vòng 10 năm. Tổng Thống Moon cũng có cuộc họp ngắn với em gái của Kim Jong Un được báo chí gọi đây là “công chúa” của Bắc Triều Tiên nhân Thế Vận Hội Mùa Đông đang diễn ra tại Nam Triều Tiên.

-CNN ngày 11/2/2018: “Một người vung kiếm, vạch mặt những người đi lễ nhà thờ tại Nam Dương, làm bị thương năm người. Trong số nạn nhân có một mục sư của nhà thờ. Nguồn tin cho biết giáo đoàn đang cầu nguyện thì kẻ tấn công xuất hiện tại Nhà Thờ Santa Lidwina ở Tỉnh Yogyakart của Đảo Java. Nhân viên an ninh của nhà thờ cố ngăn chặn kẻ tấn công nhưng y lao vào đám đông.  Cảnh sát Nam Dương đã nổ súng khiến tay súng bị thương phải đưa vào bệnh viện.”

Tình hình Trung Đông:

-Tổng Hợp ngày 4/2/2018: “Một cuộc tấn công tự sát vào một căn cứ quân sự cũ ở tây bắc Hồi Quốc giết chết 11 binh sĩ trong đó có một sĩ quan và làm bị thương 13 người. Cuộc tấn công xảy ra vào ngày 3/2/2018 tại vùng phong cảnh đẹp Swat Valley nơi các sĩ quan đang chơi thể thao.”

-Fox News ngày 6/2/2018: “Pháo đài bay B-52 của Mỹ đã ném một số lượng kỷ lục loại bom có hướng dẫn xuống các vị trí của Taliban ở bắc A Phú Hãn trong 24 giờ qua. Cuộc ném bom trải thảm này là một phần trong chiến dịch tiêu diệt các cơ sở huấn luyện và nguồn sản xuất thuốc phiện. Cuộc không tập cũng nhằm hủy diệt các quân xa lấy được của Quân Đội Quốc Gia A Phú Hãn để biến cải thành công cụ đánh chất nổ. Tướng Nicholson- tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại A Phú Hãn nói rằng Taliban không còn đường ẩn nấp. Sẽ không có nơi an toàn cho bất cứ nhóm khủng bố nào dựa vào đó để tác hại và phá hủy đất nước này.”

Báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ngày hôm nay cho biết mỗi năm Hoa Kỳ chi ra 45 tỉ Mỹ Kim cho cuộc chiến A Phú Hãn. Thật kinh hoàng! Chỉ có Hoa Kỳ mới có thể chịu đựng được cuộc chiến kéo dài 17 năm với chi phí lên tới gần 800 tỉ mà chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

-VOA (Anh Ngữ) ngày 11/2/2018: “Các viên chức A Phú Hãn nói rằng bốn điệp viên nội tuyến đã giết chết 16 đồng nghiệp của mình sau đó bỏ trốn và gia nhập lực lượng Taliban ở nam Tỉnh Helmand.”

-Vào ngày 14/2/2018, US News & World Report loan tin, Taliban cho biết họ muốn chấm dứt chiến tranh A Phú Hãn bằng đối thoại nhưng cảnh báo rằng thiện chí mưu tìm hòa bình không có nghĩa họ đã mệt mỏi và cuộc chiến đấu của họ vẫn tiếp tục được duy trì cho dù sức mạnh của Hoa Kỳ có như thế nào. Chiến lược mạnh bạo hơn do Tổng Thống Donald Trump đưa ra trong đó có việc gia tăng oanh tạc bằng B-52 vào Tháng Tám đã đẩy lui lực lượng Taliban ở một vài khu vực và hai thủ phủ. Chiến dịch oanh kích của Hoa Kỳ và A Phú Hãn là nhằm khởi đầu tiến trình thương lượng để chấm dứt cuộc chiến kéo dài đã 17 năm mà không bên nào có khả năng chiến thắng.”

Tình hình Biển Đông:

-Politico Magazine ngày 4/2/2018: ”Vào ngày 25/5/2016, Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry xuất hiện ở Khách Sạn Rex nằm ở trung tâm Thành Phố HCM trong buổi lễ khởi công xây dựng Đại Học Fulbright Việt Nam. Trước đó, trong cùng chuyến công du, Tổng Thống Obama đã loan báo triển khai một dự án mà Ô. Kerry khởi xướng: Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép cho Đại Học Fulbright Việt Nam- là đại học tư đầu tiên, tự trị, vô vị lợi và là đại học dạy về khoa học và kiến thức tổng quát (Liberal Arts). Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cung ứng khoảng 40 triệu Mỹ-Kim cho dự án, cùng với 25 mẫu tây đất không phải trả tiền thuê do Thành Phố HCM hiến tặng. Vào ngày này, hai quốc gia chính thức tạo dấu mốc lịch sử. Trong bài diễn văn, Ô. Kerry nhớ lại đã ngồi tại quán rượu trên nóc Khách Sạn Rex trong dịp đi phép từ một căn cứ hải quân ở Châu Thổ Sông Mekong và phản ảnh bao đổi thay đã diễn ra. Trong thời kỳ chiến tranh, Khách Sạn Rex là địa điểm họp báo hằng ngày trong đó giới quân sự Hoa Kỳ tường thuật số xác chết được đếm trên chiến trường như một dấu hiệu thành công. Giờ đây, Đại Học Fulbright Việt Nam- một cơ sở giáo dục gợi hứng bởi truyền thống giáo dục Hoa Kỳ có thể tiêu biểu cho một bước tiến lớn trong bang giao Việt-Mỹ, một cơ hội cho hai đối thủ, chứng tỏ từ chiến trường, hai bên đã đi xa thế nào trong việc cùng xây dựng chung với nhau.”

-Reuters ngày 6/2/2018: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte vừa ra lệnh cấm tất cả các công cuộc khảo cứu khoa học của người ngoại quốc ở ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương, đông Luzon và hải quân sẽ xua đuổi các tàu không có thẩm quyền cho dù mới đây đã cho phép các nhà hải dương học Trung Quốc hoạt động ở đây. Hiện không có lời giải thích rõ ràng nào về sự trở mặt này của Ô. Duterte tính khí vốn bất thường, là người đã tạo mối bang giao nồng ấm với Hoa Lục, bề ngoài tỏ ra lôi kéo đầu tư, tín dụng và giảm nhẹ lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Vùng biển nói ở đây là Benham Rice mà năm 2014 Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố thuộc thềm lục địa của Phi Luật Tân. Năm ngoái Phi đã  đặt cho cái tên mới là Philippine Rise.” Theo một nguồn tin khác, hình như quyết định được đưa ra sau khi có lời tuyên bố của một viên chức ngoại giao cấp thấp của một quốc gia nào đó (có thể là Hoa Lục) rằng Phi Luật Tân không hoàn toàn làm chủ toàn khu vực này.

-US News ngày 6/2/2018: “ Phát ngôn viên Bộ Thương Mại Căm Bốt cho biết họ đang nghiên cứu đề nghị của Trung Quốc là hai bên sẽ dùng đồng Nguyên trong giao dịch thương mại thay vì dùng Mỹ Kim- một dấu hiệu gia tăng mối liên hệ ngoại giao.”

Từ năm 2013 Úc Đại Lợi và Hoa Lục cũng đã thỏa thuận dùng đồng Nguyên và Úc Kim trong thương mại song phương mà không cần đồng Mỹ Kim.

-Reuters ngày 6/2/2018: “Phi Luật Tân đã ký một thỏa hiệp với Gia Nã Đại để mua 16 trực thăng chiến đấu trị giá 233.36 triệu Mỹ Kim khi quân đội nước này chuẩn bị gia tăng những cuộc hành quân chống lại nhóm Hồi Giáo và phiến quân cộng sản. Loại trực thăng Bell 412EPI sẽ được giao vào đầu năm tới khi Tổng Thống Duterte tái tập trung vào việc hiện đại hóa quân đội để đối phó với những đe dọa từ trong nước khi mà các nhóm Mao-ít và nhóm Hồi Giáo cực đoan ủng hộ Nhà Nước Hồi Giáo nỗ lực tập trung lực lượng.”

-Reuters ngày 9/2/2018: “Trong chuyến viếng thăm Căm Bốt, Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Carl Risch nói rằng Căm Bốt đã tỏ ra giúp đỡ kể từ Tháng 12 trong việc nhận người bị tống xuất về nước.

Vào Tháng Chín, Hoa Kỳ đã ngưng cấp nhập cảnh (Visa) cho nhân viên ngoại giao Căm Bốt và gia đình sau khi Phnom Phenh từ chối nhận những người phạm tội hay nhập cảnh quá hạn bị Hoa Kỳ trục xuất.”

-US News & World Report ngày 9/2/2018: “Một người đàn bà ném chiếc giày vào tấm bảng có vẽ hình Thủ Tướng Hun Sen đã bị bắt sau khi bị Thái Lan trục xuất, trong khi Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ nghe nói là đã công nhận bà này là người tỵ nạn. Cảnh sát Kampon Speu nói rằng bà Sam Sokha đã về tới Căm Bốt và bị đưa tới đây để thụ án hai năm tù.”

-Hindustantimes.com ngày 9/2/2018:” Hoa Lục vừa triển khai tiêm kích Su-35 tối tân nhất mới mua của Nga với nhiệm vụ tác chiến trong khu vực còn đang tranh chấp ở Biển Đông để thách thức Hoa Kỳ tái tuần tra trên không và dưới biển để xác định quyền tự do hàng hải cũng như không lưu trong vùng.”

-The Telegraph ngày 13/2/2018: “Bắc Kinh cảnh cáo Anh khơi mào rắc rối sau khi Anh cam kết gửi tàu chiến tới vùng trung tâm của cuộc tranh chấp tại Biển Đông. Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson nói rằng Anh sẽ phái Tuần Dương Hạm Sutherland săn tầu ngầm đi vào vùng biển này trên đường từ Úc Châu trở về Anh để khẳng định quyền tự do hàng hải.”

-Reuters ngày 14/2/2018: “Tòa Bạch Ốc cho biết, ngày hôm qua, Tổng Thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ Tịch Việt Nam Trần Đại Quang, hai bên đã thảo luận về tình hình an ninh của khu vực, gia tăng mối liên hệ quốc phòng song phương và ngoại thương. Cuộc nói chuyện diễn ra trước chuyến viếng thăm Đà Nẵng của HKMH Carl Vinson vào Tháng Ba tới đây- chuyến viếng thăm đầu tiên của một HKMH Hoa Kỳ sau chiến tranh và là dấu hiệu mạnh mẽ về sự gia tăng liên hệ quốc phòng giữa hai bên.”

Nhận Định:

Trong lúc cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo gần như kết thúc, một phần lớn lãnh thổ Syria đã đi ổn định thì Syria bỗng nhiên trở thành chiến trường của các cường quốc với sự can dự sâu hơn của:

-Hoa Kỳ chủ trương lật đổ chế độ của Ô. Assad hay ít ra chia cắt lãnh thổ Syria để làm suy yếu đất nước này để Syria không còn là nguy cơ cho Do Thái về lâu về dài.

-Nga dù thiệt hại nặng nề nhưng quyết tâm bảo vệ chế độ của Ô.Assad để duy trì căn cứ hải quân Tartus – căn cứ duy nhất của Nga nằm ở Địa Trung Hải.

-Việc Hoa Kỳ xây dựng và hỗ trợ, chiến đấu bên cạnh lực lượng người Kurd ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra một khu vực an toàn hay vùng tự trị cho người Kurd khiến an ninh của Thổ lâm nguy. Thổ đã tiến quân vào bên trong lãnh thổ Syria bằng Chiến Dịch Cành Ô-liu kéo dài hơn hai tuần lễ để tiêu diệt lực lượng người Kurd. Chưa biết cuộc chiến còn kéo dài bao lâu và hệ quả của nó ra sao.

-Do Thái bắt đầu oanh kích sâu vào lãnh thổ Syria với lý do sự hiện diện của chí nguyện quân Ba Tư khiến đe dọa an ninh của Do Thái.

-Pháp cũng muốn “ăn có” theo đuôi Mỹ và cũng muốn nhảy vào khi tuyên bố rằng Pháp sẽ oanh kích Syria nếu có bằng chứng Ô. Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Trong những này qua tình hình Syria diễn biến vô cùng rất phức tạp như sau:

-Fox News ngày 1/2/2018: “Sau khi tổng thống Pháp cảnh cáo cuộc xâm lăng của Thổ vào khu vực người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ phản công lại và gọi đây là sự ‘xỉ nhục’ Thổ. Ngoại Trưởng Thổ Mevlut Cavusoglu nói rằng Pháp không có tư cách dạy một bài học cho Thổ về cuộc tấn công vươt biên giới, ý muốn nhắc nhở quân đội Pháp đã can thiệp vào Algerie và những khu vực khác ở Phi Châu.” Sau phản ứng giận dữ của Thổ Nhĩ Kỳ, dường như Tổng Thống Macron đã dịu giọng trở lại.

Pháp rất hung hăng với các nước nhỏ, nhưng lại yếu hèn khi đối đầu các cường quốc khác (đã từng đầu hàng Đức Quốc Xã và đầu hàng Nhật Bản ở Đông Dương trong Đệ II Thế Chiến) và thường “theo đóm ăn tàn” để Mỹ hỗ trợ cho các chiến dịch đem quân vào các thuộc địa cũ của Pháp ở Phi Châu. Pháp có thể bắt nạt Syria nhưng không thể bắt nạt Thổ. Theo tôi, nên loại Pháp ra khỏi 5 quốc gia thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ và thay thế bằng Ấn Độ để Hội Đồng Bảo An LHQ có quyết định trung thực hơn.

-VOA (Anh Ngữ) ngày 1/2/2018: “Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực phía đông Syria để kiềm chế lực lượng người Kurd đòi ly khai sẽ gia tăng tốc độ hồi hương của người Syria tỵ nạn tại Thổ. Thế nhưng người Kurd lo sợ việc hồi hương sẽ tạo ra sự thay đổi về thành phần dân số để thiết lập một hành lang an toàn khi người hồi hương thuộc hệ phái Sunnis được định cư tại vùng có ít người Kurd,  khiến làm suy yếu lực lượng YPG (Kurdish People’s Protection).

-Washington Post ngày 1/2/2018: “Lực lượng của chính phủ Syria tiến quân vào căn cứ địa của phe đối lập khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến sâu vào 14 cây số của thị trấn Saraqeb, Tỉnh Idlib là căn cứ lớn nhất của phiến quân.” Vào ngày 3/2/2018, Reuters cho biết những đợt không kích của không quân Syria đã giết chết 28 người ở các khu vực Idlib, Hama và Aleppo.

-New York Post ngày 5/2/2018: “Một phi cơ chiến đấu Sukhoi-25 của Nga bị bắn rơi trên khu vực của phiến quân gần Idlib, bắc Syria. Phi công đã nhảy dù ra khỏi máy bay giữ lúc phiến quân bắn lên. Khi rơi xuống đất an toàn, viên phi công đã dùng khẩu súng lục giết chết hai phiến quân rồi mở lựu đạn tự sát . Nga đã trả đũa bằng những cuộc oanh kích, giết chết 30 phiến quân sau khi phi cơ bị bắn hạ.

-AP ngày 3/2/2018: “Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại 8 binh sĩ trong những cuộc giao tranh ở khu vực Afrin kể từ khi mở chiến dịch Cành Ô-liu, nâng tổng số thiệt hại lên 13.” Theo Reuters ngày 6/2/2018, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Hoa Kỳ đi ngược lại lợi ích của Thổ, Ba Tư và có thể cả Nga tại vùng bắc Syria khi họ cung cấp vũ khí cho khu vực kiểm soát bởi lực lượng người Kurd. Như thế Thổ gần như thiên về lập trường của Nga và Ba Tư.” Ngày 15/2/2018, trên đường đi Jordanie, Ô. Tillerson nói rằng Thổ vẫn là đồng minh của Hoa Kỳ và NATO, vẫn là người hợp tác quan trọng trong khu vực của chúng tôi và chúng ta cần tìm cách để làm việc chung một hướng. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không làm mất lòng Thổ nhưng chưa biết có từ bỏ kế hoạch xây dựng lực lượng cho người Kurd hay không.

-Reuters ngày 7/2/2018: “Bộ trưởng ngoại giao Pháp đòi hỏi quân tình nguyện Ba Tư kể cả các chiến binh Hezbollah phải rời khỏi Syria và nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư đã vi phạm luật pháp quốc tế vì hành động quân sự tại đây.”

-UPI ngày 8/2/2018: “Giới quân sự Hoa Kỳ cho biết họ đã tiêu diệt hơn 100 binh sĩ Syria vào ngày hôm nay sau khi họ tấn công vào lực lượng thuộc liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đang chiếm đóng Syria dù không có sự khiêu khích. Một phát ngôn viên quân sự Hoa Kỳ nói Hoa Kỳ đã tung ra những đợt không kích và pháo kích sau khi lực lượng chính phủ tấn công một doanh trại thuộc Lực Lượng Dân Chủ Syria- một đồng minh của Hoa Kỳ tại Khusaham, Syria.”

-AP ngày 10/2/2018: “Quân Do Thái bắn rơi một máy bay không người lái của Ba Tư đã xâm nhập vào đất nước họ trước khi phóng ra một cuộc tấn công với quy mô lớn vào hơn chục mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Syria. Do Thái gọi đây là sự vi phạm nghiêm trọng và thường xuyên vào lãnh thổ Do Thái. Giới chức quân sự Do Thái nói rằng máy bay của họ đã phải đối đầu với lưới phòng không dày đặc của Syria khiến hai phi công phải bỏ chiếc F-16 cho rớt ở bắc Do Thái. Một phi công bị thương nặng, còn phụ phi công bị thương nhẹ.”

-Reuters ngày 10/2/2018: “Tổng Thống Erdogan của Thổ cho biết một trực thăng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng người Kurd YPG bắn rơi ở bắc Syria, hai binh sĩ tử nạn.”

Từ những diễn biến trên, AP ngày 14/2.2018 đã đưa ra nhận định như sau: “Tổng Thống Assad của Syria và đồng minh đang nỗ lực tiến tới chiến thắng cuối cùng và cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo gần chấm dứt thì một mặt trận mới lại nổ ra, có thể là cuộc đụng độ lớn hơn giữa các cường quốc trên thế giới. Trong lúc những khu vực lớn của đất nước đã ổn định cho thấy hình ảnh chiến tranh đã tan dần nhưng xung đột lại nổ ra dữ dội tại các vùng khác, giết chết cà ngàn người trong một cuộc đổ máu không sao tiên đoán được. Hoa Kỳ, Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ đã can dự sâu vào cuộc chiến để bảo vệ quyền lợi của họ trong một trật tự mới cho Syria.”

Đào Văn Bình (California ngày 15/2/2018)

(*) Memo:  “A written message, especially in business.” có nghĩa là văn thư, công văn chứ không phải là “bản ghi nhớ” như một số người đã dịch sai.

https://vietbao.com/a277649/nhat-ky-bien-dong-isis-chet-cuoc-chien-syria-doi-huong

 

Giải Pháp Nào Cho Vùng An Toàn Của Thổ?

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Hai ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

Một nhóm trẻ vị thành niên tiến hành một cuộc biểu tình “nằm dài” bên ngoài Tòa Bạch Ốc ngày 19/2/2018 để bày tỏ sự hỗ trợ cho những nạn nhân của cuộc thảm sát tại trường trung học ở Florida và đòi hỏi Tổng Thống Donald Trump phải có hành động để kiểm soát súng ống. Các học sinh thuộc nhóm “Vị Thành Niên Đấu Tranh Cho Sự Cải Tổ Luật Súng Đạn” (Teens for Gun Reform) thay nhau nằm dài trong ba phút là hình ảnh tượng trưng cho thấy hung thủ Nikolas Cruz có thể trong ba phút đã mua được súng đạn mà y đã dùng trong cuộc thảm sát.

Trong khi đó Hiệp Hội Các Tâm Lý Gia đã đưa ra bản tuyên bố nói rằng xin ngừng ngay việc gán ghép các vụ thảm sát cho bệnh tâm thần để chống lại một số người trong đó có Tổng Thống Donald Trump trên Twiiter đã nói rằng cần phải chống lại vấn đề khó khăn là bệnh tâm thần đã gây ra những cuộc thảm sát.

Hiện nay Ô. Trump đang ở vào tình thế khó khăn. Nếu ông ban hành lệnh cấm hay hạn chế việc mua súng, ông sẽ đi ngược lại cương lĩnh của Đảng Cộng Hòa và đi ngược lại quyền lợi của Hội Súng Đạn Hoa Kỳ (NRA) đã góp tiền cho ông trong cuộc tranh cử vừa qua. Còn nếu ông không làm gì hết, chắc chắn uy tín của ông sẽ sút giảm, không  phải nơi Đảng Dân Chủ mà ngay cả nơi cử tri Cộng Hòa muốn bảo vệ mạng sống của người dân và của chính họ vì súng đạn được mua bán tự do và bừa bãi quá mức. Một trẻ vị thành niên 19 tuổi làm sao có thể mua được một khẩu súng AR-15 dùng trên chiến trường và mua để làm gì? Có phải vì “tâm thần” nên cần mua những thứ giết người hàng loạt này để trị bệnh tâm thần chăng?

Rồi vào ngày 20/2/2018, một học sinh Lớp 7 đã tự sát bằng cách bắn vào đầu mình trong phòng vệ sinh của Trường Memorial Middle Township, Ohio. Không hiểu cậu học sinh này “buồn tình đời” cái gì mà tự sát như vậy? Và súng lấy ở đâu ra? Thống kê mới nhất cho biết 70 % dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ việc hạn chế súng đạn. Trước áp lực của công luận, Thành Phố Dallas, Texas đã yêu cầu Hội Súng Đạn Hoa Kỳ tìm nơi khác để tổ chức đại hội thường niên dù quyết định này làm thiệt hại thành phố 40 triệu Mỹ Kim. Các công ty lớn như United, Delta, Hertz và MetLife cũng đã tuyên bố cắt đứt liên hệ với Hiệp Hội Súng Đạn Hoa Kỳ. Ngày hôm nay  27/2/2018, Tiểu Bang Rhod Island ban hành quyết định tuyệt đối cấm những người có thể nguy hại tới an ninh công cộng được mua hay giữ súng. Các Tiểu Bang Connecticut, California, Washington, Oregon và  Indiana cũng có những hành động tương tự.

Hiện nay cuộc tranh luận về kiểm soát súng trở nên sôi động, hai phe cố lôi kéo các nhà lập pháp, giới điện ảnh và các nhà hoạt động chính trị. Học sinh hăng hái tham gia chiến dịch vận đông cấm súng đạn  chưa từng có trước đây. Ô. Michael Moore – một nhà làm phim và hoạt động chính trị đã gọi Hiệp Hội Súng Đạn Hoa Kỳ là tổ chức khủng bố. Lời chỉ trích này hơi quá! NRA không phải là tổ chức khủng bố nhưng họ dùng tiền bạc để “bịt miệng” tổng thống, các ông dân biểu, thượng nghị sĩ để không ra được ra đạo luật kiểm soát nghiêm ngặt súng đạn hầu bảo vệ mạng sống của người dân vô tội…họ đang trở thành đồng lõa với tội phạm.

-Fox News ngày 23/2/2018: “Hai y tá và một người trợ giúp đã bị truy tố về cái chết của một bệnh nhân già yếu vốn là cựu chiến binh thời Đệ II Thế Chiến. Cụ James Dempsey đã chết sau khi kêu gọi y tá cấp cứu. Gia đình của cụ Dempsey đã gắn một máy thu hình trong phòng của người quá cố tại Northeast Atlanta Heath and Rehabilition Center và đã ghi được hình ảnh đêm ông cụ chết. Băng thu hình ảnh cho thấy cựu chiến binh hải quân được tặng thưởng huy chương đã kêu gọi cấp cứu vì không sao thở được. Hình cũng cho thấy các y tá đã không tiến hành thủ tục cứu cấp mà lại còn cười khi họ bắt đầu gắn máy bơm dưỡng khí. Đài truyền hình WXIA-TV tường trình rằng cánh sát Brookhaven đã tiến hành cuộc điều tra và ngày 21/2/2018 bồi thẩm đoàn đã quyết định truy tố.”

Việc chăm sóc bệnh nhân là nhiệm vụ của bác sĩ và y tá chứ không phải là ân huệ bởi vì bác sĩ và y tá cũng như bệnh viện sống nhờ bệnh nhân. Tắc trách, lơ là trong nhiệm vụ khiến tổn thương đến sinh mạng người ta. Chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân không giống như chăm sóc một chiếc xe. Chiếc xe hỏng còn đền bù được. Người chết thì không thể thay thế bằng người khác. Do đó trách nhiệm và lương tâm của y tá, bác sĩ phải đặt lên hàng đầu và không thể có bất kỳ sự miễn trừ hoặc biện minh nào.

Song cũng có thể đây là biểu hiện của sự nhàm chán trong công việc. Làm y tá, bác sĩ trong các viện dưỡng lão ngày nào cũng chứng kiến cảnh người chết, người rên la cấp cứu…thét rồi coi như  chuyện bình thường, không còn xúc động gì nữa., cho nên cười nói cho quên đi thực tế chẳng mấy vui…nghĩ cũng tội nghiệp. Ôi, Sinh-Lão-Bệnh-Tử gắn chặt với kiếp người! Ai cũng khổ cả!

-ABC News ngày 25/2/2018: “Cựu ứng cử viên tổng thống John Kasich- Thống Đốc Tiểu Bang Ohio, trong một cuộc phỏng vấn với ABC News nói rằng không một đảng nào có thể đáp ứng được những quan tâm và nhu cầu của người dân và ông tin rằng người ta đang chứng kiến ngày tàn của thể chế lưỡng đảng.”

Tôi không biết liệu một đảng thứ ba có thể ra đời ở Mỹ, ngang cơ với hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ  không? Nhưng chắc chắn hệ thống lưỡng đảng -gần một thế kỷ qua- được ca ngợi như là tuyệt vời, là giấc mơ của thế giới Á-Phi và Châu Mỹ La-tinh- đang trở thành thảm họa chia rẽ trong dân chúng và làm tê liệt chính quyền. Người ta cứ tưởng rằng với hệ thống lưỡng đảng – thì hai đảng sẽ thay phiên nhau lãnh đạo đất nước một cách hòa thuận và nhịp nhàng. Không! Đảng nào cũng muốn “muôn năm trường trị”, vì quyền lợi của đảng mình, vì quyền lợi của các tập đoàn tư bản và không lý gì đến quyền lợi của đất nước, đấu đá nhau kịch liệt từ khu vực, quận hạt, thành phố, tiểu bang tới liên bang làm tê liệt chính quyền. Khi các chính trị gia đấu đá nhau như thế thì quần chúng ngơ ngác, chia rẽ nảy sinh. Hiện nay ở nước Mỹ, cùng là công dân với nhau, cùng nổi trôi theo vận nước, cùng sống trên một quê hương, nhưng nhìn người khác đảng như kẻ thù vậy!

Điều này cũng dễ hiểu. Trong một gia đình nếu người vợ nói gì, chồng cũng nghe. Hoặc người chồng nói gì vợ cũng nghe…thì gia đình hòa thuận. Ngược lại, nếu hai vợ chồng ngang cơ, tài sản bằng nhau, có quyền tự do và tranh cãi tay đôi…thì nguy cơ đâm chém nhau đã gần kề, may mắn lắm là đưa nhau ra tòa.

Ôi, đạo Trời thật huyền vi, không có cái gì vĩnh viễn cả! Ở thời kỳ “ăn lông ở lỗ”  người ta trần truồng như loài thú. Rồi văn minh từ từ thấy xấu hổ bèn tìm lá rồi quần áo để che dấu thân hình. Nhưng ngày nay: Thị trấn cởi truồng, bãi tắm cởi truồng, câu lạc bộ cởi truồng đang là trào lưu “giải phóng tư tưởng” của xã hội Tây Phương. Rồi đây Đông Phương như Việt, Mên, Lào, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan …tưởng hay cũng sẽ bắt chước theo. Ô hô!

Lò cừ nung nấu sự đời.

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương! (Cung Oán Ngâm Khúc)

 Tình hình thế giới:

-AP ngày 18/2/2018: “ Thủ Tướng Do Thái Netanyahu nói rằng hỏa hiệp hạt nhân đã khuyến khích Tehran trở nên hung hăng hơn ở Trung Đông và ông cảnh cáo Ba Tư không nên thử thách ý chí của Do Thái khi ông khoe rằng việc bắn rơi máy bay không người lái của Ba Tư là một bằng chứng. Và nếu Hoa Kỳ xé bỏ thỏa hiệp hạt nhân 2015 mà ông chống đối thì Ba Tư cũng chẳng làm được gì cả. Nhưng Ngoại Trưởng Ba Tư Mohammad Zarif, xuất hiện sau đó hai giờ cùng Diễn Đàn An Ninh Munich đã tấn công ngược lại và cho rằng nhận định của Ô. Netanyahu chỉ là ảo tưởng. Và rằng nếu quyền lợi của Ba Tư không được bảo đảm Ba Tư sẽ phản ứng, sẽ phản ứng một cách nghiêm túc. Và ông tin rằng phản ứng đó sẽ khiến kẻ có hành động sai lầm lấy làm hối tiếc.” Vào ngày 20/2/2018, Ba Tư đưa ra lời cảnh báo dữ dội là sẽ san bằng Tel Aviv nếu Do Thái thực hiện lời đe dọa mới đây.

Do Thái lúc nào cũng muốn Hoa Kỳ hủy bỏ thỏa hiệp hạt nhân và gia tăng cấm vận khiến Ba Tư phải quỳ gối và không còn khả năng gây nguy hại cho Do Thái về lâu về dài. Nhưng hành động này bị sáu cường quốc ký tên vào thỏa hiệp phản đối cho nên Tổng Thống Donald Trump còn đang lưỡng lự. Không biết Do Thái có dám đơn phương mở cuộc chiến với Ba Tư hay không? Tuần qua, một phi cơ F-16 của Do Thái đã bị phòng không Syria bắn rơi trong khi đang thực hiện cuộc oanh kích bên trong lãnh thổ Syria. Hiện nay Ô. Netanyahu đang phải đối đầu với cáo buộc tham nhũng và gian lận ở trong nước.

-Fox News ngày 19/2/2018: “Thủ Tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã dùng thông điệp quốc dân hằng năm để mạnh mẽ chống lại di dân, cảnh cáo những chính quyền Âu Châu đã mở đường cho sự suy thoái của nền văn hóa Thiên Chúa Giáo và gia tăng ảnh hưởng/văn hóa Hồi Giáo. Ô. Orban- người tin rằng sẽ đắc cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba trong cuộc bầu cử vào Tháng Tư này, đã gợi lên hình ảnh của Tây Âu bị chiếm lĩnh bởi người Hồi Giáo khi nói rằng người Đức đang bị đẩy khỏi những thành phố lớn khi di dân Hồi Giáo trước hết là chiếm ngụ các thành phố lớn. (Có thể là vì công ăn việc làm) Chúng tôi là những người tin rằng hy vọng cuối cùng chính là Thiên Chúa Giáo. Nếu nhiều triệu người trẻ được phép di chuyển về phía bắc, áp lực lớn sẽ đè nặng lên Âu Châu. Nếu cứ như vậy tiếp tục, tại những thành phố lớn người Hồi Giáo sẽ chiếm đa số và Hung Gia Lợi sẽ là mặt trận cuối cùng để chống lại việc “Hồi Giáo Hóa”Âu Châu.

Ông Orban lo ngại là phải. Lịch sử chứng tỏ rằng một nước bị nô lệ hay có ngoại bang đóng quân và ngày nay là di dân ồ ạt – sẽ làm thay đổi bản sắc dân tộc. Mà muốn thay đổi bản sắc dân tộc thì không gì nhanh chóng cho bằng cải đạo. Khác tôn giáo là khác tất cả. Vì Âu Châu là các quốc gia tôn trọng dân chủ. Họ lên án, cấm vận, lật đổ các quốc gia không dân chủ. Cho nên, dù  thế nào đi nữa, dù mất cả tôn giáo hay bản sắc dân tộc…họ vẫn phải tôn trọng dân chủ. Khi mà tại các thành phố ở Âu Châu người Hồi Giáo chiếm đa số, qua tiến trình dân chủ bầu cử, lãnh đạo chính quyền sẽ về tay người Hồi Giáo. Khi người Hồi Giáo nắm được chính quyền thì chúng ta có thể tưởng tượng ra những luật lệ gì được ban hành, những gì phải tuân theo, những gì bị cấm đoán. Người Hồi Giáo không cần đổ một giọt máu mà có thể “chiếm lĩnh” Âu Châu…để trả thù cho sự tủi nhục đã bị Âu Châu đô hộ, chia cắt, đem Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo vào nước họ từ những thế kỷ trước.

Nghĩ cho cùng âu cũng là “Nhân-Quả”. Anh tôn thờ dân chủ, sẽ có ngày chết vì dân chủ. Cứ thử chiêm nghiệm mà xem. Cho nên có thể chỉ là “lý sự cùn” khi nói rằng sách lược tối hảo vẫn là : Khi nào dân chủ thì dân chủ. Khi nào độc tài thì cần độc tài và độc tài tới nơi tới chốn. Đông Phương có thể làm điều này nhưng Tây Phương thì không thể làm được vì họ theo chính sách “đường một chiều” tức thấy đúng thì “cứ thế mà làm”. Nhưng đạo Trời rất huyền vi. Lý thuyết đúng ở thế kỷ này nhưng có thể sai ở thế kỷ sau cho nên cần phải uyển chuyển cho hợp với thời thế vì Đạo Trời không đứng yên một chỗ mà chuyển dịch không ngừng. Chỉ có Thời Gian là vĩnh viễn, ngoài ra tất cả đều biến chuyển rồi diệt mất. Đó luật Thành-Trụ-Hoại- Diệt.

-FoxNews ngày 20/2/2018: “Tổng Thống Poroshenko của Ukraina vừa ký ban hành đạo luật thu hồi/thống nhất lãnh thổ ở phía đông đang bị lực lượng ly khai do Nga yểm trợ chiếm giữ. Đạo luật được thông qua tháng rồi xác định vùng Donetsk và Luhansk là vùng tạm thời bị chiếm đóng bởi quốc gia xâm lược Nga. Đạo luật vạch kế hoạch sử dụng binh lực để lấy lại những vùng đất này. Cuộc khủng hoảng tại miền đông nổ ra sau khi Nga thôn tính Crimea và cuộc chiến khiến hơn 10,000 người chết kể từ sau Tháng 4, 2014. Dù đã có Thỏa Hiệp Minsk ký kết năm 2015 để mưu tìm hòa bình nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn.”

Theo tôi, đạo luật này giống như thoa “thuốc dán” hay sức “dầu cù-là” để chữa bệnh ung thư, không ngoài mục đích thỏa mãn lòng căm tức hơn là thực tiễn. Nhìn lại lịch sử, cho tới năm 2014, Ukraina sống yên lành và nguyên vẹn dưới sự cai trị của Tổng Thống Yanukovych. Thế rồi dưới sự đạo diễn của NATO và CIA, phe cực hữu tiến hành một cuộc biểu tình khổng lồ lật đổ chế độ để gia nhập NATO và Ô. Yanukovych phải lưu vong qua Nga. Sau đó thì sao? Mất tiêu Crimea và hai vùng Donetsk và Luhansk ly khai rồi trưng cầu dân ý đòi độc lập rồi sẽ sát nhập vào Nga. Tội làm “mất nước” này là do phe quốc gia cực hữu Ukraina chứ không phải do dân Ukraine. Họ không hiểu rằng Ukraina là vùng trái độn, vùng an toàn của Nga. Nó giống như Mễ Tây Cơ hay Gia Nã Đại của Mỹ. Nếu Mỹ bằng mọi giá phải giữ yên Mexico và Gia Nã Đại thì Nga cũng sẽ bằng mọi giá đánh tan hoặc chia cắt Ukraina chứ không chịu để NATO đem quân áp sát biên giới của mình. Lãnh đạo đất nước mà không thông hiểu “thiên văn, địa lý” tức không biết quốc gia mình nằm ở đâu, láng giềng mình là ai và đất nước mình có phải là trọng điểm chiến lược mà các siêu cường tranh giành, dòm ngó – để hình thành sách lược ngoại giao đúng- thì sẽ là thảm họa, là kẻ phản quốc chứ không phải yêu nước. Yêu nước mà để đất nước tan nát là kẻ đại phản quốc. Lãnh đạo lớn là biết “an dân và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ” đúng như lời dạy bất hủ của Nguyễn Trãi “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Dân có yên ổn mới sống hạnh phúc và đất nước mới phát triển. Trong đạo “kinh bang tế thế” không thể có thương-ghét mà phải đặt quyền lợi tối thượng của quốc gia lên trên hết. Có những quốc gia rất xấu mình thù “thâm căn cố đế” nhưng vẫn phải bang giao. Nhưng có những quốc gia rất dễ thương nhưng mình vẫn phải xa lánh nếu thấy bất lợi. Lãnh đạo đất nước, đối với dân thì hiền như Bụt, nhưng đối với ngoại bang thì phải mắt mở to ra và phải có thủ đoạn nếu không thì “không có cháo mà ăn”. Xin nhớ cho, bang giao là một trong những sách lược để giữ nước. Bang giao ngu đần, đất nước tan nát. Bang giao khôn khéo, đất nước vững như bàn thạch.

-AP ngày 22/2/2018: “Một cựu chiến binh Nam Tư đã quăng một trái lựu đạn vào khuôn viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại thủ đô của Montenegro rồi sau đó tự sát. Cựu chiến binh này đã từng chiến đấu trong lực lượng phòng không trong thời kỳ NATO oanh kích Serbia và Montenegro năm 1999 dưới thời Tổng Thống Bill Clinton.”

-Fox News ngày 23/2/2018: “Quốc Hội Miến Điện vừa chấp thuận ngân sách 15 triệu Mỹ Kim để xây hàng rào và những dự án liên hệ dọc theo biên giới với Bangladesh tại bang Rakhine, nơi mà khoảng 700,000 người Hồi Giáo bị ngược đãi Rohingya đã bỏ trốn từ cuộc bạo động Tháng 8 năm ngoái. Trong tổng số 293 km chiều dài, đã hoàn tất được 202 km.”

Ô. Trump đòi xây tường ở biên giới với Mễ Tây Cơ để ngăn người nhập lậu từ Nam Mỹ. Phe đối lập Căm Bốt đòi xây tường ở biên giới Việt-Miên. Nay Miến Điện xây hàng rào. Thế là khắp  nơi đều xây tường, xây hàng rào cho “chắc ăn”. Không biết rồi đây dân tỵ nạn Rohingya đang tạm cư tại Bangladesh làm cách nào để trở về Miến Điện đây? Tình hình thế giới mỗi lúc mỗi rắc rối, và đời sống mỗi khó khăn hơn.

-Huffington Post ngày 25/2/2018: “Tổng Thống Mễ Tây Cơ Nieto đã hủy bỏ chuyến công du Hoa Kỳ sau cuộc điện đàm gay gắt với Tổng Thống Donald Trump về việc ai phải trả tiền xây tường ở biên giới.”

Theo thiển ý, là tổng thống thì không nên gây gổ, bất cứ trong trường hợp nào. Vào ngày 15/2/2008, Ô. Bush Con bị ném giày vào mặt trong cuộc họp báo tại Thủ Đô Baghdad mà vẫn nhũn nhặn. Có lẽ hai Ô. Trump và Nieto là hai “ông Trương Phi” cho nên không ông nào nhịn ông nào. Thật đáng buồn, khi mà hai bên là láng giềng nương tựa vào nhau, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Tình hình Trung Đông:

-The National Interest ngày 19/2/2018: Trong một bài báo nhan đề: Li-băng- Một Tiền Đồn Mới Của Nga Ở Trung Đông? (Lebanon: Russia’s New Outpost in the Middle East?) đã viết, “Sau khi đạt được căn cứ hải quân và không quân ở Syria, nay Nga đang dòm ngó tới Li-băng. Thủ Tướng Medvedev vừa ra lệnh cho bộ quốc phòng tìm kiếm một hợp tác quân sự với Li-băng. Mạc Tư Khoa mong muốn các hải cảng của Li-băng mở cửa cho các tàu chiến Nga thăm viếng và các phi trường sẽ là điểm tiếp vận cho phi cơ chiến đấu Nga. Thỏa thuận (nếu có) sẽ bao gồm một loạt những hoạt động như thao diễn, hợp tác chống khủng bố và Nga sẽ huấn luyệnquân đội Li-băng.” Bài báo cũng đưa câu hỏi, “ Hoa Kỳ và Do Thái nghĩ sao?”

Nếu đạt được một thỏa hiệp như thế thì Nga sẽ tạo được “thế chân vạc” cho hải quân và không quân của mình tại Địa Trung Hải, một vị trí chiến lược để triển khai sức mạnh quân sự tại vùng Trung Đông là khu vực gần như bất khả xâm phạm của Mỹ từ Đệ II Thế Chiến. Li-băng có khuynh hướng thân Syria và là kẻ thù của Do Thái. Nếu Li-băng đi với Mỹ thì muôn đời Li-băng cũng sẽ yếu hèn. Còn đi với Nga thì may ra Li-băng mới có cơ hội “nói chuyện thẳng thắn” với Do Thái. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng và rất ngờ nhưng cốt lõi vẫn xoay quanh cái trục “quyền lợi đất nước là tối thượng” giống như lời nói của Ô. Trump “Nước Mỹ Trước Đã”.

-Olivier Knox ngày 22/2/2018: “Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói rằng Tổng Thống Donald Trump có tất cả thẩm quyền cần thiết để lưu giữ lính Mỹ vĩnh viễn tại Syria. Bức thư liên bộ cảnh cáo rằng Hoa Kỳ giành quyền tấn công để bảo vệ đồng minh chống lại Nhà Nước Hồi Giáo – như vậy là ngầm cho thấy sẽ  có những đụng độ quân sự với quân đội Syria và những đồng minh Nga của Syria (Ba Tư).”

Rõ ràng cuộc chiến Syria đã chuyển hướng không còn tập trung vào việc tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo nữa mà nhằm tiêu diệt chế độ của Ô. Assad và các đồng minh như Ba Tư và Hezbolla, kể cả Nga. Chúng ta chờ xem cuộc thư hùng diễn ra như thế nào.

-AP ngày 23/2/2018: “Quân chính phủ Syria tiến hành cuộc oanh kích kéo dài 6 ngày tại khu ngoại ô đông Damascus mà theo các nhà quan sát đã giết chết 32 người trong khi số chết trong một tuần oanh tạc đã vượt qua con số 400. Một cuộc biểu quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ yêu cầu một cuộc ngưng bắn nhân đạo 30 ngày khắp Syria bị đình hoãn tới ngày 24/2/2018 với nỗ lực thu ngắn thời điểm cho cuộc ngưng bắn. Cuộc oanh kích xảy ra một ngày sau khi trực thăng của chính phủ rải những truyền đơn xuống khu vực Ghouta do phiến quân kiểm soát, thúc giục người dân di tản để bảo đảm an ninh cho bản thân đồng thời kêu gọi phiến quân đầu hàng vì quân chính phủ đã bao vây chung quanh.”

Tin mới nhất cho biết Nga sẽ xem xét nghị quyết này, sẽ hỗ trợ nếu nó không bao gồm việc ngưng bắn đối với Nhà Nước Hồi Giáo, nhóm liên hệ với al-Quaida như Levant Liberation Committee. Cuối cùng nghị quyết ngưng bắn 30 ngày được thông qua nhưng Nga phủ quyết, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Có lúc Nga tuyên bố ngưng bắn 5 giờ một ngày.

-New York Post ngày 24/2/2018: “Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quyết định của Hoa Kỳ mở tòa đại sứ ở Jerusalem vào Tháng Năm đã phớt lờ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (Organisation for Islamic Cooperation) và cho thấy Hoa Kỳ cố tình làm thiệt hại tiến trình hòa bình. Trong một bản tuyên bố, bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quyết định này thật đáng lo ngại.”

-Business Insider ngày 26/2/2018: “Do Thái cho biết vệ tinh của họ đã phát hiện hai chiến đấu cơ tàng hình tối tân nhất của Nga Su-57s tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria nơi mà Mạc Tư Khoa thường xuyên dùng để thử nghiệm vũ khí mới.”

-CNN ngày 28/2/2018: “Tổng Thống A Phú Hãn Ashraf Ghani nói răng ông sẵn sàng công nhận Taliban như là một đảng hợp pháp như là một phần để tiến tới thỏa hiệp ngưng bắn có thể có với nhóm vũ trang này.”

Tình hình Biển Đông:

-VOA (Anh Ngữ) ngày 17/2/2018: “Giờ đây người dân Căm Bốt phải tuân thủ Hiến Pháp để bảo vệ đất nước, cấm không được phỉ báng nhà vua bằng sự thay đổi một số luật lệ mà một số nhà quan sát cho rằng đây là sự tấn công lâu dài vào những tự do của người dân. Luật “Khi Quân” mới giống như ở Thái Lan khiến các nhà quan sát cho rằng đã được dùng để bịt miệng các người chống đối chính trị qua hình phạt tù 5 năm.”

Tôi không rõ nhà vua ngày nay, dưới chế độ quân chủ lập hiến có bất khả xâm phạm không? Phê bình nhà vua hay hoàng tộc về cách ăn nói, đi đứng, cử chỉ, tác phong có phải là “khi quân” hay không? Cũng xin nhớ cho nhà Vua khác với Tổng Thống. Nhà vua không do dân bầu mà do lịch sử, truyền thống lâu đời trị vì, dù không nắm quyền nhưng tiêu biểu cho sự thống nhất của đất nước. Còn tổng thống, thủ tướng thì do dân bầu cho nên người dân có quyền chỉ trích, luận tội, truất phế. Không thể lấy quyền phê phán tổng thống, thủ tướng để ứng dụng cho chế độ quân chủ được. Theo tôi, đó là tùy tập tục, truyền thống của mỗi quốc gia mà mình không nên chen vào. Xin để cho dân của nước họ giải quyết. Tây Phương có những triết gia, các nhà tư tưởng vĩ đại nhưng chính quyền của các quốc gia này luôn tự coi mình là “cha thiên hạ” và có “nghĩa vụ thiêng liêng” là giáo hóa, dạy dỗ, trừng trị các nước yếu khác như Á-Phi-Châu Mỹ La Tinh, trong khi nước mình thì đồi trụy và nát bét và quên mất quá khứ mình là những ông chủ thực dân, chủ nô tạo biết bao tội ác với nhân loại và tạo ra những cuộc chiến kinh hoàng như Đệ I và Đệ II Thế Chiến.

-AP ngày 19/2/2018: “ Đại sứ Phi Luật Tân tại Bắc Kinh nói rằng những rủi ro do tính toán sai lầm và xung đột vũ trang đang gia tăng tại vùng Biển Đông khi mà một nước Trung Hoa quân sự mạnh hơn và có khả năng thách thức Hoa Kỳ- quốc gia trước đây là cường quốc khống chế hải lộ này.”

Theo tôi, dù chín năm đã qua, kể từ khi Tổng Thống Obama tuyên bố chính sách “Xoay Trục” sau thấy ghê quá bèn đổi thành “Tái Cân Bằng Lực Lượng” thì nền tảng chiến lược của Hoa Kỳ đối với Hoa Lục vẫn không có gì thay đổi. Đó là vừa hợp tác vừa đối đầu, thường xuyên tuần tra Biển Đông, không bỏ rơi Phi Luật Tân và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để làm “nút chặn” ngăn ngừa Hoa Lục tiến ra Thái Bình Dương. Hiện thời là như vậy, nhưng chín, mười năm nữa ra sao thì không ai đoán được trước sức mạnh quân sự của Hoa Lục mỗi lúc mỗi gia tăng ở Biển Đông và trên quy mô toàn cầu.

-AP ngày 21/2/2018: “Viên chức tư pháp Phi Luật Tân vừa yêu cầu tòa án tuyên bố Đảng Cộng Sản Phi Luật Tân và nhóm vũ trang của họ (New People’s Army) là nhóm khủng bố- một chuyển động có thể làm tổn hại hơn nữa cho việc tái tục đàm phán hòa bình. Trong đơn gửi tòa án ở Manila, Bộ Tư Pháp hài ra những cuộc tấn công, bạo động bởi những người này, bao gồm việc thanh trừng nội bộ dẫm máu do nghi ngờ là gián điệp để đặt ra ngoài vòng pháp luật – một trong các nhóm cộng sản nổi dậy lâu dài nhất của Á Châu.” (Thành lập từ thập niên năm 1960 dưới thời Tổng Thống Ferdinand Marcos, độc tài, suy thoái kinh tế.)

-AFP ngày 23/2/2018: “Thủ Tướng Hun Sen đe dọa sẽ làm cho Úc Đại Lợi xấu hổ và ngăn chặn bản tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào Tháng Ba nếu ông bị áp lực về chính trị do việc đàn áp đối lập trong nước.”

Nguyên tắc của ASEAN là nếu một hội viên không đồng ý thì sẽ không có bản thông cáo chung. Để xem Úc Châu vì lý tưởng nhân quyền hay vì quyền lợi của đất nước.

-Miami Herald ngày 23/2/2018: “Cố vấn cao cấp nhất của Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để thảo luận về bản lượng giá về nguy cơ toàn cầu của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã nêu tên Ô. Duterte cùng đứng chung với những nguy hiểm cho nền dân chủ như Căm Bốt, Miến Điện và Thái Lan. Phát ngôn viên phủ tổng thống cho biết Ô. Salvador Meidialdea- Cố Vấn Ngoại Giao của Tổng Thống Duterte đã thảo luận về Bản Lượng Giá Về Nguy Cơ Toàn Cầu của cơ quan tình báo Mỹ với Đại Sứ Hoa Kỳ Sung Kim vào ngày 22/2/2018 và cũng yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ ở Phi Luật Tân giải thích cho Hoa Thịnh Đốn biết những bước mà Tổng Thống Duterte đã phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia mà vẫn tuân thủ luật pháp.”

Theo tôi đây là một bản báo cáo rất lạ đời! Cho rằng Căm Bốt, Miến Điện, Phi Luật Tân và Thái Lan có vi phạm nhân quyền đi nữa, liệu đó có phải là nguy cơ toàn cầu, tức nổ ra xung đột toàn cầu hay không? Tôi cho là không. Nếu những công cuộc đàn áp dân chủ đó gây bất ổn cho toàn khu vực Đông Nam Á hay Á Châu thì vẫn chưa phải là nguy cơ toàn cầu. Trong khi đó khu vực Đông Nam Á êm ru, trong nước vẫn không có sự chống đối mãnh liệt nào, vậy tại sao nói đó là nguy cơ toàn cầu? Theo tôi, bản báo cáo này chỉ có tính cách đe dọa để trả đũa lại các quốc gia này càng lúc càng lìa xa Mỹ và xích gần lại với Hoa Lục. Trong bối cảnh hiện tại, một chính sách thù nghịch với các nước Căm Bốt, Miến Điện, Phi Luật Tân và Thái Lan sẽ vô cùng bất lợi cho Mỹ và càng đẩy họ vào tay Hoa Lục mà thôi. Câu hỏi đặt ra là- Mỹ không còn “phương kế” nào để kéo các quốc gia này về phía mình nữa sao?

-Bloomberg News ngày 23/2/2018: Ngày hôm nay Ô. Trump đổi giọng và nói rằng, “Ông có thể xem xét việc tái gia nhập thỏa hiệp TTP (Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương) nếu Hoa Kỳ có thể thương thảo để đạt được những điều khoản có lợi hơn.”

Tôi không rõ hành động này có quá trễ (too late) không? Thỏa hiệp TTP đã chết, và được thay thế bởi một thỏa hiệp khác đang chờ các vị nguyên thủ quốc gia phê chuẩn. Liệu 11 quốc gia có chịu “xóa bài làm lại” không? Giả sử, đồng ý xóa bài lạm lại, nhưng thương thảo rồi Hoa Kỳ không đồng ý hoặc các nước khác không đồng ý thì sao? Chẳng lẽ lúc đó lại quay trở lại với Thỏa Hiệp Hợp Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP)? Thôi thì Ô. Trump nên bỏ qua đi ý định đó đi và ký kết các thỏa hiệp song phương có lợi cho Hoa Kỳ như ông đã nói…có lẽ đẹp hơn.

-Fox News ngày 25/2/2018: “Đảng đương quyền của Thủ Tướng Hun Sen tại Căm Bốt tuyên bố đã thắng ở  khắp mọi nơi trong cuộc bầu cử thượng viện ngày hôm qua- một chiến thắng bảo đảm sẽ không còn đối lập gì nữa.” Rồi theo The Telegraph ngày 25/2/2018,  Đảng Cộng Sản Trung Hoa đang tính hủy bỏ hạn chế nhiệm kỳ của chủ tịch nước là 10 năm, lót đường cho Ô. Tập Cận Bình tiếp tực làm tổng thống sau 2023 và có lẽ mãn đời.

Ô. Mugabe làm tổng thống 39 năm. Ô. Marcos làm tổng thống 20 năm. Ô. Roosevelt làm tổng thống 4 nhiệm kỳ (1933-1945) sau mới đổi lại tối đa 2 nhiệm kỳ. Trên đời này không biết thế nào là tốt-xấu. Nhiều khi cũng không biết thế nào là đúng-sai. Dường như “ghế quyền lực” có gắn “keo nguyên tử” cho nên đã ngồi vào rồi khó mà rời bỏ, phải ngồi cho đến chết hay cho đến khi bị cưa ghế. Thôi thì để Ô. Hun Sen làm thủ tướng thêm 10 năm nữa còn tốt hơn để Ô. Sam Rainsy chủ trương “bài Việt” và đòi lại Miền Nam…thì Kampuchia sẽ nát như tương rồi thế giới lại phải nhảy vào can thiệp.

Nhận Định:

Vào ngày 19/2/2018, AP  loan tin,  các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Tổng Thống Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng Thống Putin trong đó hai bên đã quyết định hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Hai bên cũng đã thảo luận về chiến dịch của Thổ tấn công vào lực lượng người Kurd ở khu vực Afrin và nỗ lực để thiết lập những trạm quan sát tại mạn bắc của Tỉnh Idlib. Đây là trạm quan sát hỗn hợp giữa Thổ, Nga và Ba Tư thỏa thuận thiết lập một ’vùng giảm leo thang’ tại đây.

Như thế vai trò của Hoa Kỳ coi như “người ngoài cuộc” dù là lực lượng mạnh nhất tại đây. Trong hơn bốn năm qua, Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc phiêu lưu, vừa muốn lật đổ chế độ của Ô. Assad, vừa muốn chống Nhà Nước Hồi Giáo mà lại muốn thành lập một Vùng Tự Trị cho người Kurd để chia cắt lãnh thổ Syria cho nên xung đột cùng lúc với Nga, Thổ và Syria. Đồng minh duy nhất của Hoa Kỳ ở Syria bây giờ là các nhóm phiến quân ô hợp và lực lượng người Kurd đang phải đối phó với cuộc tấn công tiêu diệt của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tôi, giải pháp duy nhất cho vùng biên giới Thổ-Syria là:

-Quân Thổ phải rút về.

-Vùng này phải đặt dưới sự cai trị của chính quyền trung ương Syria, được tự trị về hành chính nhưng không có quân đội riêng.

-Hoa Kỳ phải chấm dứt hỗ trợ vũ khí, tiền bạc và chiến đấu bên cạnh lực lượng người Kurd. Nhà Nước Hồi Giáo gần như bị tiêu diệt. Nên để việc còn lại cho chính quyền Syria.

– Biên giới phải được giám sát bởi một lực lượng đa quốc gia như đang nỗ lực hình thành.

-Còn nếu theo kế hoạch của Hoa Kỳ thì cuộc chiến sẽ kéo dài dai dẳng không biết tới bao giờ chấm dứt và sự đụng đột Mỹ-Thổ tại đây là điều không thể tránh khỏi.

Hiện nay tình hình Syria diễn biến vô cùng phức tạp. Vào ngày 20/2/2018, Tổng Thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo vào đoàn xe của các chiến binh ủng hộ Ô. Assad khi lực lượng này đang tiến vào Afrin để cùng người Kurd chống lại cuộc xâm lăng của Thổ. Vùng đất Afrin đang là bãi chiến trường của các lực lượng sau đây: Quân đội Syria, chí nguyện quân Ba Tư, lực lượng người Kurd, phe phiến quân do Mỹ hỗ trợ, quân đội Thổ, binh sĩ của Hoa Kỳ và Nga! Chưa thấy một cuộc chiến nào trên thế giới hỗn loạn và phức tạp như vậy. Ấy là chưa kể Pháp hăm he không kích Syria nếu có bằng chứng Ô. Assad sử dụng vũ khí hóa học. Mà bằng chứng nếu cần thì “phịa” ra mấy hồi? Theo Al Jazeera ngày 26/2/2018, cuộc chiến Syria đã giết chết khoảng 465,000 người, hơn 1 triệu bị thương và 12 triệu-tức nửa dân số phải rời bỏ nhà cửa…và ngày càng trở nên tệ hại hơn.

Đào Văn Bình (California ngày 28/2/2018)

https://vietbao.com/a278103/nhat-ky-bien-dong-giai-phap-nao-cho-vung-an-toan-cua-tho-

Hàng Không Mẫu Hạm Carl Vinson Ghé Đà Nẵng Rồi Sao?

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Ba ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

-AP ngày 3/3/2018: “Tổng Thống Donald Trump nói rằng thật là điều tốt đẹp khi chủ tịch của Trung Quốc giữ chức vụ chủ tịch suốt đời và trầm ngâm rồi nói, có thể Hoa Kỳ cũng sẽ như vậy (tức có tổng thống mãn đời). Lời nhận xét của Ô. Trump được đưa ra trong buổi ăn trưa của các mạnh thường quân của Đảng Cộng Hòa tại dinh thự của ông tại Nam Florida. CNN nói rằng họ có được băng ghi âm của lời nói này.”

-AP ngày 6/3/2018: “Một em bé trai 8 tuổi ở Ashland , Ohio, nạp đạn vào khẩu súng trường, liên tiếp bắn vào người em gái 4 tuổi rồi báo cho mẹ biết. Người mẹ rời chỗ làm về nhà coi vết thương của bé gái rồi lau chùi vết máu trên khăn trải giường, không đưa cháu gái đi nhà thương, rồi tiếp tục đi làm để hai đứa nhỏ ở nhà không ai coi sóc. Người mẹ bị truy tố về tội đẩy trẻ nhỏ vào tình trạng hiểm nguy.”

Thật lạ lùng! Tại sao mới có 8 tuổi đã biết nạp đạn vào khẩu súng trường rồi nhắm bắn em gái mình mới 4 tuổi? Súng ở đâu ra và mua súng để làm gì? Chúng ta còn nhớ cách đây vài năm, một bé gái 5 tuổi, thò tay vào túi xách của mẹ nghịch như thế nào đó mà bóp cò súng khiến giết chết mẹ mình lái xe ngồi bên cạnh. Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật! Có lẽ trẻ con Mỹ là trẻ con biết dùng súng giỏi nhất trên thế giới. Ở Mỹ này súng ống giống như đồ chơi. Từ người già tới con nít ai cũng biết bắn súng và coi chuyện dùng súng giết người như trò chơi “games” vậy! Ô hô, văn minh điện tử, iPhone, iPad hạnh phúc đây không thấy mà chỉ thấy con người trở nên hung bạo hơn và ích kỷ hơn và trẻ nhỏ cũng đã biết chơi trò “Bang! Bang! “

-Yahoo News ngày 10/3/2018: “Tối thiểu 125 người trong đó có vài chục học sinh trung học tại Milwaukee, Wisconsin  mắc bệnh HIV/AIDS/Liệt Kháng và giang mai hoặc cả hai – là một trong đợt bùng phát lớn nhất được báo cáo từ trước đến giờ. Theo báo Milwaukee’s Journal Sentinel, đợt bùng phát này được coi như một cụm (cluster) vì một số đông mắc bệnh vào cùng thời kỳ và cùng nơi chốn.”

-Tổng Hợp ngày 13/3/2018: Tổng Thống Donald Trump đã sa thải Ô. Tillerson khỏi giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao trong lúc ông còn đang công tác ở Phi Châu và được thay thế bởi Ô. Mike Pompeo- Giám Đốc CIA. Bà Gina Hasper –Phụ Tá Giám Đốc CIA sẽ thay thế Ô. Pompeo- một phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Theo BBC Anh Ngữ thì những tay chuyên môn đi cửa hậu (lobbyist) có liên hệ tới Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã vận động truất phế Ô. Tillerson vì ông này “yếu” vì đã không hỗ trợ UAE phong tỏa Qatar.

Ô hô! Thủ đoạn chính trị Xuân Thu Chiến Quốc tái hiện ở đây. Ngày xưa, muốn giết một tể tướng có tài mà mình ghét dễ lắm. Chỉ cần đem vài ngàn lạng vàng cộng thêm cô gái đẹp biếu cho một kẻ nào đó mà nhà vua thích nghe lời, rồi dèm pha vị tể tướng. Nếu ông vua là kẻ đa nghi, bất tài, không quyết đoán thì ông tể tướng đó sẽ mất đầu. Ô. Tillerson không “chết” vì lưỡng đảng hay vì người dân Hoa Kỳ mà thân bại danh liệt vì số tiền khổng lồ đi cửa hậu của Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất!

Như thế là bao nhân vật sống chết với ông Trump trong suốt thời gian tranh cử căng thẳng kịch liệt và cả những người mà ông hết lòng vận động Thượng Viện chuẩn y sự bổ nhiệm của ông đều đã ra đi. Ngoài chuyện vận động cửa hậu của UAE, chưa biết còn nguyên do nào nữa không? Sau này qua hồi ký chúng ta sẽ biết. Theo tôi, trong thời gian qua, dù Hoa Kỳ đã có Ô. Tillerson là bộ trưởng ngoại giao, nhưng lại còn có “siêu bộ trưởng ngoại giao” nữa đó là “phò mã” Kushner- con rể của ông.  Và “công chúa” Ivanka Trump – con gái cưng của ông cũng là một “siêu bộ trưởng ngoại giao” và đôi khi ngôi vị còn cao hơn cả phó tổng thống Mike Pence trong các buổi lễ hoặc hội họp quốc tế. Không biết rồi Ô. Pompeo sẽ chịu đựng được bao lâu?

Tình hình thế giới:

-The Hill ngày 1/3/2018: “Hoa Lục bác bỏ một nghị quyết được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua yêu cầu gia tăng liên hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Đài Loan và gọi đây là sự vi phạm chính sách “Một Nước Trung Hoa” giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh trong nhiều thập niên. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Hoa Lục nói rằng Hoa Lục hoàn toàn không hài lòng và sẽ mạnh mẽ chống lại.”

Thực ra “Một Nước Trung Hoa” hay “Hai Nước Trung Hoa” chỉ là chính sách giai đoạn, không vĩnh viễn. Cho tới ngày 25/10/1971 Đài Loan vẫn là đại diện chính thống của Trung Hoa, tức chính sách vẫn là “Một Nước Trung Hoa”. Thế rồi, Hoa Lục mỗi lúc mỗi mạnh lên và can dự vào chính trường quốc tế, sức mạnh không thể phủ nhận khiến phải công nhận Hoa Lục và mời Ô. Tưởng Giới Thạch đi chỗ khác chơi và đưa Ô. Mao Trạch Đông ngồi vào ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc và chính sách vẫn là “Một Nước Trung Hoa”.

Trên thực tế và quốc tế công pháp, Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của nước Trung Hoa. Hoa Lục có quyền dùng sức mạnh quân sự để thống nhất đất nước. Dĩ nhiên giải pháp này đi ngược lại với nguyện vọng của dân Đài Loan. Thế nhưng nguyên do chính vẫn là Đài Loan là vị trí chiến lược để bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ và Nhật Bản cho nên không thể để Đài Loan trở lại thành một tỉnh của Trung Hoa. Do đó, bằng mọi giá Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không để Đài Loan lọt vào tay Hoa Lục, nhưng công khai tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập thì lại là vấn đề vô cùng nguy hiểm. Tôi cho rằng, với tình hình hiện tại, nếu Hoa Lục tiến hành một cuộc tấn công Đài Loan, chưa chắc Mỹ đã dám can thiệp, ngoại trừ dùng bom nguyên tử. Dĩ nhiên đây là cuộc chiến đẫm máu vì sức mạnh quân sự của Đài Loan rất lớn, nhưng Đài Loan sẽ thua nếu không có sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ.

-The Hill ngày 1/3/2018: “Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chính thức chấp thuận bán hỏa tiễn chống chiến xa Javelin và những thiết bị liên hệ trị giá 47 triệu Mỹ Kim cho Ukraina. Hành động này là sự gia tăng đáng kể trong việc trợ giúp vũ khí sát thương cho Ukraina để đối đầu với Nga. Theo Tổng Thống Poroshenko thì lô vũ khí này sẽ tới tay Ukraina trong vòng vài tuần lễ.”

-CNS News ngày 1/3/2018: “Không có gì ngạc nhiên, Nghị Viện Nam Phi hiện đang bị khống chế  bởi Marxist African National Congress (ANC) đã biểu quyết chấp thuận việc tịch thu đất của người Da Trắng mà không bồi hoàn. Dự luật được chấp thuận bởi đa số 214/83 do Julius Malena là người Mác-xít cấp tiến đứng đầu Đảng Chiến Sĩ Kinh Tế Tự Do (Economic Freedom Fighters). Đạo luật này sẽ thay đổi bản hiến pháp và cho phép tịch thu đất của người Da Trắng mà không bồi hoàn. Đảng ANC Cộng Sản Nam Phi hoàn toàn hỗ trợ dự luật này và nói rằng thời kỳ hòa giải đã qua, đây là lúc lấy lại đất đã bị người Da Trắng tước đoạt. Người Da Trắng làm chủ khoảng 72% đất đai ở Nam Phi.”

Thế nhưng ngày hôm nay ở Nam Phi, khoảng 450,000 người Da Trắng sống dưới mức nghèo đói (nghèo mạt rệp, sống lây lất ở các công viên, ngửa tay xin từng ổ bánh mì) vì chính sách kỳ thị việc làm của chính phủ người Da Đen. Nay lại tịch thu đất đai của tầng lớp đang “sống kha khá” thì không biết tương lai của họ ra sao? Người Da Trắng kỳ thị người Da Đen thì bị Hoa Kỳ và Âu Châu cấm vận, cô lập và lên án cho đến khi phải từ bỏ chính sách kỳ thị, giao lại chính quyền cho người Da Đen. Còn người Da Đen kỳ thị người Da Trằng thì sao? Tại sao Bà thủ tướng Đức Merkel lại không nhận những người này tỵ nạn mà lại nhận cả triệu người Hồi Giáo ở Trung Đông cho thêm rắc rối? Nói cho cùng, mọi chuyện “rắc rối” trên hành tinh này đều do người Da Trắng gây ra mà thôi. Còn dân Á-Phi, Châu Mỹ La Tinh (ngoại trừ Nhật Bản) đều là dân yếu hèn, không có sức mạnh quân sự và kinh tế thì làm sao gây rắc rối?

-AP ngày 1//3/2018:  “Nga vừa thử một loạt các loại vũ khí nguyên tử chiến lược không thể đánh chặn và  tấn công bất cứ vị trí nào trên thế giới. Vào ngày 1//3/2018, Tổng Thống Putin cho biết Nga đã đạt được kỹ thuật cho phép gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của họ, làm mạnh thêm vị trí toàn cầu và  gia tăng lo ngại của Tây Phương về cuộc chạy đua vũ trang mới trong Thế Kỳ XXI. Theo Reuters cùng ngày, Tổng Thống Putin còn tuyên bố rằng Nga coi việc tấn công nguyên tử vào đồng minh của Nga như tấn công vào chính nước Nga và sẽ trả đũa tức thì.” (President Vladimir Putin said on Thursday that Moscow would regard a nuclear attack on its allies as a nuclear attack on Russia itself and would immediately respond.)”

Thế nhưng Nga không nói rõ quốc gia nào là đồng minh, có thể là Hoa Lục, Ba Tư, Bắc Hàn, Cuba, Syria, Belarus chăng? Còn theo AFP, trước sự “khoe khoang” của Nga, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trấn an dư luận và nói rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi, tức sẵn sàng nghênh địch. Chưa bao giờ giữa hai siêu cường Nga-Mỹ lại có những đối đáp “mạnh” tới như vậy.

Thế nhưng, dù thù hận nhau thế nào đi nữa, cũng xin các “ông kẹ” nhớ cho, nhà bác học Einstein nói rằng, “Sau Đệ III Thế Chiến nhân loại sẽ dùng gạch đá để đánh nhau”. Trong cuộc chiến nguyên tử tới đây, Mỹ, Nga, Hoa Lục, Âu Châu, Ba Tư, Do Thái, Nhật Bản có khi cả Úc Châu, Gia Nã Đại… đều chết hết. Tại Đông Nam Á- một nước có thể sẽ bị hủy diệt vì có căn cứ hải quân của Mỹ, đó là Tân Gia Ba. Việt Nam nếu dính líu với Hoa Lục hay Mỹ cũng sẽ bị hủy diệt luôn.

-AFP ngày 2/3/2018: “Bangladesh yêu cầu Miến Điện rút ngay binh sĩ và súng nặng ra khỏi khu vực  Tombru sau khi binh sĩ Miến Điện tăng cường quân sự gần một trại là nơi tạm trú của dân tỵ nạn Rohingya khiến gây căng thẳng ở biên giới.”

-Reuters ngày 2/3/2018: “Nam Dương công khai đánh roi hai người Thiên Chúa Giáo trong một trường hợp hiếm hoi, bị phạt vì người vi phạm giáo luật không phải người Hồi Giáo. Hai người Thiên Chúa Giáo Dahlan Silitonga 61 tuổi và Tjia Nyuk Hwa 45 tuổi- người bị đánh sáu roi, người bị đánh bảy roi bởi một người mang mặt nạ và mặc áo choàng, trong lúc một đám đông 300 người chế riễu và chụp hình ở bên ngoài một thánh đường ở Tỉnh Banda Aceh. Hình phạt khắt khe trừng phạt đàn ông, đàn bà Thiên Chúa Giáo được ban hành trên đất nước mà đa số là Hồi Giáo có khuynh hướng cấp tiến và chính trị hóa việc diễn dịch Hồi Giáo. Hai người này bị cáo buộc là đã đánh bạc.”

Đi du lịch những nơi này nguy hiểm quá. Có lẽ cần phải hỏi Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trước những gì bị cấm, chẳng hạn như  đánh bạc, hút thuốc lá, đàn bà uống rượu, ăn thịt lợn, phải mặc áo choàng v.v… nếu không thì ăn roi…tuổi già sức yếu chết như chơi. Thôi thì đừng tới là hơn.

– Reuters (Bắc Kinh) ngày 5/3/2018: “Hoa Lục công bố gia tăng chi phí quốc phòng trong ba năm, với mục tiêu tăng 8.1% cho ngân sách năm nay để đẩy mạnh tham vọng hiện đại hóa quân đội và làm cho các nước láng giềng bồn chồn lo lắng. Phiên họp đầu tiên của Quốc Hội đã đưa ra bản báo cáo với ngân sách quốc phòng năm 2018 là 1.11 ngàn tỉ nguyên (175 tỉ Mỹ Kim), so với Hoa Kỳ là 674 tỉ Mỹ Kim.”

-Tổng Hợp ngày 6/3/2018: Lần đầu tiên Ô. Kim Jong Un đã gặp cố vấn an ninh của tổng thống Nam Triều Tiên và hứa hẹn một cuộc gặp mặt thượng đỉnh. Hình ảnh cho thấy Ô. Kim Jong Un rất thân thiện và cởi mở chứ không “gớm ghiếc” như sự mô tả của truyền thông Tây Phương. Công bằng mà nói, Nam Triều Tiên rất khôn khéo và nhẫn nại với “người anh em Miền Bắc”. Giả sử bây giờ nổ ra chiến tranh, ai là người bị thiệt? Xin thưa đó là toàn dân Triều Tiên và có khi Mỹ chẳng rụng một sợi lông chân. Tôi đánh giá cao và cảm phục tinh thần tạm gọi là “hòa giải” hay “hòa hoãn” và nhẫn nại của Tổng Thống Nam Triều Tiên  Moon Jae-in. Dùng chiến tranh để thống nhất Nam-Bắc Triều Tiên ư? Sẽ là biển máu cho cả hai bên. Nam Triều Tiên với lợi thế về kinh tế có thể là “đòn bẩy” giúp đỡ người anh em Miền Bắc từ từ khá hơn rồi bớt hung hăng đi. Còn thống nhất thì từ từ tính sau, đừng nóng vội. Ngoài ra theo Good Morning America ngày 8/3/2018, Tổng Thống Donald Trump cũng đã đồng ý gặp Ô. Kim Jong Un và Tháng 5- một cuộc gặp gỡ có thể gây nhiều rủi ro cho Ô.Trump. Cố vấn an ninh của tổng thống Nam Triều Tiên đã chuyển lời mời của Ô. Kim Jong Un tới Ô. Trump. Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt ở chỗ Bắc Triều Tiên luôn luôn lo ngại Mỹ lật đổ họ. Nếu bảo đảm được điều này thì Bắc Triều Tiên có thể hủy bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Chưa biết tương lai ra sao nhưng đây là những tin vui, rất vui cho Á Châu và cả thế giới.

Tuy nhiên, nếu Ô. Trump bằng lòng gặp Ô. Kim Jong Un thì nơi nào sẽ là địa điểm thuận tiện nhất? Dĩ nhiên phải là một nước trung lập và an toàn cho cả hai bên. Chắc chắn không phải là Bắc Kinh, Hán Thành, Tokyo hoặc Mạc Tư Khoa. Các nhà bình luận đã nghĩ tới Bàn Môn Điếm, Hà Nội, Nha Trang hoặc Đà Nẵng là nơi tổ chức APEC vừa rồi là nơi an toàn và thuận tiện nhất để Ô. Trump và Kim Jong Un gặp nhau. Thụy Sĩ, Thụy Điển…không phải là nơi Ô. Kim Jong Un ưa thích vì các quốc gia này thường có quan điểm chống  Bắc Triều Tiên và thường nổ ra các cuộc biểu tình chống Ô. Trump lẫn Ô. Kim Jong Un.

-Washington Post ngày 7/3/2018: “Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Thảm Sát Hoa Kỳ (U.S. Holocaust Memorial Museum) loan báo hủy bỏ giải thưởng cao quý Elie Wiesel trao tặng cho Bà San Suu Kyi năm 2012 và cũng là người đoạt Giải Thưởng Nobel với lý do đã không nói gì đến tội lỗi của quân đội Miến Điện đối với người Hồi Giáo Rohingya thiểu số.” Theo Reuters ngày 9/3/2018, “Viên chức cao cấp của LHQ đặc trách nhân quyền kêu gọi điều có thể là diệt chủng đối với sắc tộc Hồi Giáo Rohingya cần phải được đưa ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế để truy tố. Cao Ủy đặc trách Nhân Quyền của LHQ Zeid Ra’ad al-Hussein thúc giục chính quyền Miến Điện cho nhóm quan sát tới miền bắc Tiểu Bang Rakhine để điều tra về điều mà ông gọi là hành vi diệt chủng đối với nhóm thiểu số Hồi Giáo.” (Ô. Zeid Ra’ad al-Hussein là người Jordani theo Hồi Giáo)

Nói cho cùng ra, giải thưởng trên thế gian này cũng chẳng có giá trị gì. Tự con người mình làm cho mình có giá trị, chẳng cần ai cấp cho tờ giấy ban khen, chứng nhận. Ô. Obama làm gì cho nền hòa bình thế giới khi mới lên làm tổng thống hai ba tháng đã được giải Nobel Hòa Bình? Trong khi ông nói rằng lỗi lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông là đem quân lật đổ và giết chết Ô. Gadaffi? Còn Phó Tổng Thống Al Gore làm gì để bảo vệ bầu khí quyển mà cũng được Giải Thưởng Nobel về khí hậu ? Nhiều khi giải thưởng chỉ là một công cụ chính trị. Bà San Suu Kyi phải sống với dân tộc của bà và không thể sống với Giải Nobel. Đó là thực tế chính trị. Thực tế chính trị thường đi ngược với lý tưởng. Cho dù thánh nhân xuất thế cũng không thể cùng lúc vừa đạt được lý tưởng vừa giải quyết được thực tế. Bà San Suu Kyi đang ở vào tình thế vô cùng khó khăn.

-Bloomberg News ngày 11/3/2018: “Quốc gia 11 triệu dân Cuba đang bỏ phiếu trong cuộc bầu cử độc đảng để tuyển chọn trước những ứng cử viên cho hơn 600 dân biểu quốc hội. Theo đó, các nghị sĩ quốc hội sẽ chọn người thay thế Chủ Tịch Raul Castro 86 tuổi sẽ về hưu vào 19 Tháng 4 năm nay. Tất cả những dấu hiệu cho thấy họ sẽ chọn Miguel Diaz Canel là một kỹ sư 57 tuổi hiện đương là phó chủ tịch nước. Theo Ted Piccone là nhân vật lão thành của Brookings Institution tại Hoa Thịnh Đốn,  đây là biểu tượng quan trọng chuyển giao quyền chỉ huy từ những nhân vật lịch sử như anh em Castro cho thế hệ tiếp nối.”

Theo sự phỏng đoán của riêng tôi, với sự chuyển giao quyền hành cho thế hệ mới, Cuba sẽ bắt chước đường lối ngoại giao và phát triển kinh tế của Việt Nam. Cuba là một nước nhỏ nằm sát siêu cường Mỹ không thể nào cứ mãi căng thẳng với Mỹ, mà cần hòa dịu với Mỹ và mở bung ra khắp thế giới để phát triển đất nước. Và Hoa Kỳ cũng không nên áp đặt một thể chế chính trị giống hệt như mình lên Cuba. Mỗi quốc gia có một lịch sử khác nhau và trải qua những đau đớn khác nhau.Nên để dân tộc họ tự quyết.

-Reuters (Luân Đôn) ngày 14/3/2018: “Nhà vật lý lừng danh và được mọi người yêu mến Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76. Ông bị bệnh tê liệt não, phải ngồi xe lăn suốt 50 năm, nói chuyện với mọi người qua một máy trợ giúp khi ông mấp máy ở môi nhưng không thể ngăn ông tiếp tục cống hiến những kiến thức về vũ trụ cho nhân loại. ” Theo Newsweek, Stephen Hawking tự nhận mình là người Vô Thần (Atheist) và ông cho rằng ý niệm Thượng Đế không cần thiết để giải thích sự khởi đầu của vũ trụ khi mà những định luật vật lý đã đủ để chứng minh.” (the idea of God was “not necessary” to explain the origin of the universe as the laws of physics offer enough of an explanation.) Cũng theo Stephen Hawking “vũ trụ không có bắt đầu vì nó không có ranh giới ban đầu trong thời gian hoặc không gian.” Tức là không có chuyện trước khi vũ trụ hình thành nó không có gì hết,  rồi vào một thời điểm nào đó do hóa phép hay do định luật vật lý mà nó mới hình thành. Phám phá này phù hợp với quan điểm “Vô thủy vô chung của Phật Giáo”.

Tình hình Trung Đông:

-RT International ngày 1/3/2018: “Thư  Ký của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga Alexander Venediktov cho biết việc Hoa Kỳ chuyển giao vũ khí tối tân và khích lệ lực lực lượng người Kurd đã khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện cuộc tiến công vào khu vực Afrin phía đông của Syria.”

-UPI ngày 2/3/2018: “Theo tin quân sự, 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tử thương tại bắc Syria trong cuộc Hành Quân Cành Ô-liu tại Afrin và 13 binh sĩ khác bị thương. Theo AP, không quân Thổ cũng oanh kích hai vị trí của nhóm quân ủng hộ chính phủ Syria và gây thương vong cho một số của lực lượng này khiến tình hình khu vực Afrin căng thẳng thêm. Cuộc Hành Quân Ô-liu được tiến hành vào ngày 20/1/208.”

-AFP ngày 3/3/2018: “Quân chính phủ Syria tiến vào trong khu phía đông của Ghouta trong lúc cường độ giao tranh gia tăng để tái chiếm khu vực đã tan nát hiện do phiến quân kiểm soát. Dưới sự trợ giúp của Nga, quân chính phủ đã tung ra 18 đợt tấn công vào khu vực bị bao vây và tiến hành những cuộc không kích làm chết 630 thường dân. Nghị quyết yêu cầu ngưng bắn do Hội Đồng Bảo An LHQ đưa ra bị Nga phủ quyết.”

Dường như mỗi lần phiến quân sắp bị tiêu diệt, Anh, Pháp, Hoa Kỳ thường kêu gọi một cuộc ngưng bắn với lý do bảo vệ thường dân để cứu nguy cho lực lượng này và đều bị Nga bác bỏ. Tin cập nhật ngày 10/3/2018 cho biết một số chiến binh của lực lượng ly khai đã cùng gia đình di tản ra khỏi đông Ghouta để về Tỉnh Idlib.

-CNN ngày 4/3/2018: “Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ loan báo cho công dân của mình biết là sẽ đóng cửa từ ngày Thứ Hai vì an ninh bị đe dọa và khuyên họ đừng xuất hiện nhiều. Tòa đại sứ tọa lạc tại Quận Lavaklidere của Thủ Đô Ankara nói rằng sẽ mở cửa lại khi nào tái tục công việc. Nội dung của đe dọa an ninh không được tiết lộ. Thổ đã là nạn nhân của những cuộc khủng bố những năm gần đây và chính quyền nghi ngờ các nhóm Nhà Nước Hồi Giáo,  nhóm người Kurd cực đoan và các nhóm cực hữu.”

-AFP ngày 6/3/2018: Liên quân do Hoa Kỳ hỗ trợ loan báo họ sẽ rút 1700 quân hiện đang đối đầu với Nhà Nước Hồi Giáo để tái phối trí lực lượng tại khu vực đang bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Tổng Thống Erdogan của Thổ kêu gọi Hoa Kỳ ngăn chặn cuộc tái phối trí này.” Tin mới nhất cho biết quân Thổ đã bao vây khu vực Afrin. 700,000 dân đang kẹt trong khu vực này. Rõ ràng cuộc chiến đã chuyển hướng, từ tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo, phe phiến quân do Hoa Kỳ nuôi dưỡng chuyển qua đối đầu với quân chính phủ và quân Thổ.

-The Daily Beast ngày 13/3/2018: “Nga thề sẽ đánh trả bất cứ cuộc oanh kích nào của Mỹ vào Syria- lời tuyên bố làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Tây Phương (Hoa Kỳ và NATO). Bà Nikki Haley- Đại Sứ Hoa Kỳ tại LHQ mới đây nói rằng Hoa Kỳ chuẩn bị hành động quân sự nếu LHQ không tiến hành được cuộc ngưng bắn tại vùng Ghouta đang  bị bao vây. Vào ngày hôm nay 13/3/2018, Tổng Tham Mưu Trưởng Nga tuyên bố sẽ đáp trả bất cứ cuộc oanh kích nào của Mỹ vào Syria để bảo vệ binh sĩ Nga.”

Tại sao không tiến hành một cuộc ngưng bắn tại Ghouta  lại là lý do khiến Hoa Kỳ phải ném bom hay oanh kích vào quân chính phủ Syria? Bà Nikki Haley nổi tiếng “nổ sảng” hay thật sự Hoa Kỳ muốn nhân cơ hội này mở một cuộc chiến trực diện với Syria trong lúc Nga hiện diện quân sự tràn đầy ở đây? Chúng ta chờ xem. Nếu ít ngày nữa mà Hoa Kỳ không làm gì hết thì Bà Nikki Haley là một đại sứ nguy hiểm cho Hoa Kỳ trên diễn đàn quốc tế. Trước đây Bà Nikki đã chỉ mặt và ghi tên trên 100 quốc gia đã biểu quyết chống lại quyết định của Ô. Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái và đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt và cắt bỏ phần đóng góp tài chính cho Liên Hiệp Quốc, nhưng cuối cùng Hoa Kỳ chỉ đe dọa và không làm gì hết.

Nếu không đóng góp cho LHQ nữa thì Hoa Kỳ mất vai trò quyết định và sẽ phải đơn phương hành động trên quy mô toàn cầu mà không có mạng lệnh của LHQ. Ngoài ra khi nghỉ chơi với LHQ cũng có nghĩa là “chơi luật rừng”. Hoa Kỳ dư sức “chơi luật rừng” như Đức Quốc Xã, Quân Phiệt Nhật hay Phát-xít Ý ngày xưa, nhưng hậu quả ra sao thì chưa ai biết được.

Tình hình Biển Đông:

-Tổng Hợp ngày 3/3/2018: Trong chiến lược ngoại giao đa phương, dùng Nga, Ấn Độ, Úc Châu, Nhật Bản, Hoa Kỳ làm điểm tựa về kinh tế và quân sự, Ô. Trần Đại Quang- Chủ Tịch nước Việt Nam đã thực hiện chuyến công du, gặp gỡ và tiếp xúc với tổng thống và thủ tướng Ấn Độ. Trong cuộc hội đàm với Thủ Tướng Modi, hai bên đã đồng ý đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỉ Mỹ Kim vào năm 2020. Sự tiếp đón trọng thể dành cho Ô. Trần Đại Quang cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong “Hành Động Hướng Đông” và mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo phi công lái máy bay tiêm kích, thủy thủ tàu ngầm, cấp tín dụng (cho vay) ưu đãi, học bổng về kỹ thuật và có thể bán hỏa tiễn siêu âm Brahmos cho Việt Nam. Cộng thêm với sự kiện HKMH Carl Vinson vào Đà Nẵng, có lẽ Bắc Kinh, ngoài mặt thì tỏ vẻ thân thiện, nhưng bên trong chắc chắn không ưa gì chiến lược ngoại giao “đu dây” của Việt Nam.

-Aljazeera (Hải Dương) ngày 8/3/2018: “Việt Nam hy vọng sẽ là một trong  những quốc gia đạt thắng lợi lớn nhất với sự tu chính lại Thỏa Hiệp Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) đã được ký kết vào ngày hôm nay tại Chí Lợi. Thỏa hiệp này có lúc tưởng đã đổ vỡ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút lui vào năm ngoái.”

Như thế mọi chuyện đã trở nên quá trễ cho Ô. Trump muốn quay trở lại với thỏa hiệp này. Chúng ta chờ xem thái độ của Hoa Kỳ như thế nào.

-Reuters ngày 13/3/2018: “Ngoại Trưởng Úc Đại Lợi Julie Bishop sẽ ca ngợi vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp tại khu vực Biển Đông – lời bình luận nhằm thúc đẩy nỗ lực của Úc nhắm thành lập một liên minh chống lại sự khăng khăng của Hoa Lục. Bà Bishop trong bài diễn văn trước cuộc họp của ASEAN tại Sydney, dù không nêu tên Trung Quốc nhưng lập luận rằng công pháp quốc tế sẽ đem lại ổn định cho khu vực đang căng thẳng bởi các bên tranh chấp ở Biển Đông và nó sẽ giới hạn ở một mức độ nào đó mà các quốc gia dùng sức mạnh kinh tế hay quân sự để áp đặt những điều bất công lên các quốc gia yếu hơn. Những điều phát biểu này đã lộ ra từ bài diễn văn mà bà Bishop sẽ đọc trong Hội Nghị ASEAN.”

Trong chuyến công du Úc Châu, ngày 15/3/2018, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Malcolm Turnbull đã ký Thỏa Hiệp Hợp Tác Chiến Lược giữa hai bên. Điều này cho thấy Úc rất lo lắng về sự lớn mạnh quân sự của Hoa Lục tại Biển Đông.

-The National Interest ngày 14/3/2018: “Nga dường như đang làm việc để thực thi một giao kèo cung cấp cho Nam Dương phi cơ chiến đấu Su-35 tối tân nhất của Nga. Tuy nhiên chưa có chi tiết cho biết lúc nào thì phi cơ được giao.”

Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Đông không dám mua vũ khí của Mỹ là vì -bất thần một chuyện gì xảy ra, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành lệnh trừng phạt thì những vũ khí đã mua, đặc biệt máy bay sẽ trở thành đống sắt chất trong kho vì không có phụ tùng/cơ phận thay thế. Chính vì thế mà họ thích mua vũ khí từ Nga, một số mua vũ khí của Hoa Lục. Tháng Năm, 2016 Ô. Obama tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thiên hạ bàn tán xôn xao là Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ nhưng hai năm đã qua, Việt Nam chẳng mua gì cả cũng chỉ vì mối lo sợ nói trên. Hiện nay Việt Nam đã mua của Nga hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn S-300,  sáu tàu ngầm Hố Đen, bốn tuần dương hạm tàng hình Gepard và tiêm kích Su-30MK2, hệ thống ra-đa tối tân của Do Thái. Rồi với sự hỗ trợ từ Nga và Hà Lan đã tự đóng lấy các pháo hạm Molniya và Sigma. Như vậy sức mạnh tự vệ cũng khá đủ, thiết nghĩ chẳng cần mua vũ khí của Mỹ để làm gì. Nếu có mua thì chỉ mua phi cơ Orion P.3 để tuần thám Biển Đông. Thế nhưng phi cơ tuần thám Mỹ bay từng ngày, từng giờ ở Biển Đông thì Việt Nam bay lên đó để làm gì? Đụng chạm nhau mất công. Và Trung Quốc có thể lấy cớ Việt Nam vi phạm không phận để bắn hạ. Thôi thì để ông Mỹ làm chuyện đó và chỉ cần ký kết thỏa ước “Khi nào ông thấy cái gì trên Biển Đông thì báo cho chúng tôi biết”. Thế là xong, vừa an toàn, vừa tiện lợi. Xin nhớ, mua vũ khí của ai, mua cái gì là cả một chiến lược quốc phòng chứ không phải mua chiếc xe đạp, mua cái nồi cơm điện, mua cặp kính mát đeo chơi.

Nhận Định:

Ngày 5/3/2018: HKMH Carl Vinson của Hoa Kỳ đã ghé Cảng Đà Nẵng đánh dấu một bước tiến mới trong liên hệ quốc phòng Việt-Mỹ. Đã có rất nhiều bình luận liên quan đến biến cố lịch sử này.

-Trong thời kỳ chiến tranh, đã có ít nhất 22 HKMH Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Các HKMH này đậu tại Vịnh Bắc Việt và dọc theo bờ biển Miền Trung, tung ra những cuộc oanh kích vào Miền Bắc, Đường Mòn HCM và yểm trợ cho chiến trường Miền Nam. Nổi tiếng nhất có các HKMH Midway, Coral Sea, Kitty Hawk,  Constellation và Enterprise. Chiếc Enterprise được triển khai từ 1965-1972 và trở lại ở ngoài khơi Vũng Tàu để thực hiện chiến dịch rút lui cuối cùng của người Mỹ cho đến ngày 1/5/1975. Ngoài B-52 phát xuất từ Okinawa (Nhật Bản), U-tapao (Thái Lan), Subic và Clark (Phi Luật Tân)…những máy bay cất cánh từ những KHMH này đã gieo kinh hoàng cho dân chúng và bộ đội Miền Bắc. Thế mà nay HKMH Mỹ lại ung dung ghé thăm Việt Nam trong 5 ngày, được tiếp đón trọng thể với các chương trình hòa nhạc, thể thao, thăm viếng, ăn uống và vui chơi giải trí…Như vậy Việt Nam toan tính gì đây?

-Theo tôi, Việt Nam đã đi một nước cờ liều lĩnh khi cho HKMH Carl Vinson vào Cảng Đà Nẵng. Đối với Mỹ, dĩ nhiên là rất có lợi, nhưng đối với Hoa Lục, đây có thể là một hành động khiêu khích, trong lúc Việt Nam cố cân bằng ảnh hưởng và tránh gây căng thẳng với Hoa Lục.

-Cân bằng ảnh hưởng giữa các siêu cường là chiến lược của Việt Nam. Thế nhưng thực hiện điều này rất khó. Hiện nay Hoa Lục đã quân sự hóa các đảo nhân tạo, hiện diện quân sự thường trực trên Biển Đông và với sức mạnh quân sự mỗi lúc mỗi gia tăng…thì Việt Nam phải làm gì? Theo tôi nghĩ, không còn cách nào hơn là “welcome” Mỹ và quốc tế hiện diện tại Biển Đông và hợp tác quân sự với Mỹ theo từng nấc thang và tùy tình hình. Nói một cách thẳng thừng, ngoài Hoa Kỳ ra thì không một siêu cường nào có thể cân bằng lực lượng với Hoa Lục và giữ yên Biển Đông.

-Tôi cũng phỏng đoán rằng rồi đây HKMH tối tân của Anh cũng có thể sẽ ghé thăm Việt Nam khi từ Úc Châu thực hiện chuyến du hành “Tự Do Hàng Hải” qua Biển Đông. Và tàu chiến tối tân của Nga cũng sẽ ghé thăm Việt Nam và sẽ ghé Cam Ranh chứ không phải Đà Nẵng.

-Chiến lược khôn ngoan của Mỹ ngày hôm nay không phải là đổ 600,000 quân vào Việt Nam, tiêu phí 1000 tỉ Mỹ Kim và hy sinh khoảng 58,000 binh sĩ để ngăn chặn Trung Quốc…mà làm cho Việt Nam mạnh lên – đúng như lời của Ô.  Daniel J. Kritenbrink- Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói trong buổi tiếp đón thủy thủ đoàn của HKMH Carl Vinson ghé Cảng Tiên Sa. Đó là chiến lược ít tốn kém nhất (không phải viện trợ tiền và vũ khí), hữu hiệu nhất (quân đội Việt Nam hiện nay mạnh nhất Đông Nam Á)  và rảnh tay nhất (không phải lo đánh phụ, cõng Việt Nam trên lưng). Một Việt Nam mạnh lên về cả kinh tế lẫn quốc phòng sẽ là lực cản tự nhiên đối với tham vọng bành trướng của Hoa Lục tại Biển Đông. Đó là toan tính của các chiến lược gia Hoa Kỳ ngày hôm nay. Còn ngày mai ra sao thì chưa ai biết được. Chẳng hạn, nếu Mỹ đạt được một thỏa hiệp “Cùng chia nhau Biển Đông, cùng hưởng Thái Bình Dương” với Bắc Kinh thì lúc đó Mỹ chẳng cần Việt Nam nữa và cũng chẳng cần khiêm tốn, ngọt ngào, “nối vòng tay lớn”. Trong bối cảnh thế giới ngày hôm nay, Mỹ hăng hái nhảy vào Việt Nam cũng là để bảo vệ sự tồn vong của Mỹ. Việt Nam dù biết thế, nhưng vì rất cần Mỹ cho nên mới có “Hợp Tác Toàn Diện” và HKMH Carl Vinson ghé Đà Nẵng. Trên đời này, một cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết thì cứ làm đám cưới đi, nhưng nếu khôn ngoan thì cũng phải chuẩn bị cho ngày có thể đưa nhau ra tòa.

-Tình hình Biển Đông hiện nay diễn biến khôn lường, căng thẳng mỗi lúc mỗi gia tăng cho nên khó tiên đoán lập trường của Việt Nam “dứt khoát” hoặc tiến xa hơn như thế nào cho nên mọi khẳng định đều quá sớm. Kinh nghiệm Gạc-Ma 1988 cho Việt Nam một bài học là phải cảnh giác ngày đêm với ông bạn đồng chí có “Bốn Tốt và 16 Chữ Vàng”. Bảo vệ đất đai của Tổ Quốc là tối thượng nhưng một sự hợp tác sâu rộng về quân sự với Mỹ sẽ làm tổn thương cho sự hợp tác có tính cách truyền thống và chiến lược với Nga. Chơi với bạn bè mà tự lập, không nhờ vả bạn bè vẫn tốt hơn là lệ thuộc vào bạn. Theo tôi, yếu tố quyết định vẫn là sức mạnh quân sự riêng của Việt Nam. Nếu sức mạnh đó đủ sức răn đe thì Trung Quốc sẽ không dám tấn công hoặc chiếm thêm đảo của Việt Nam – một cuộc chiến lập tức gây khủng hoảng toàn cầu và vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh.

Đào Văn Bình (California ngày 15/3/2018)

https://vietbao.com/p112a278670/nhat-ky-bien-dong-hkmh-carl-vinson-ghe-da-nang-roi-sao-

 

… Ngôn xã hội chủ nghĩa

Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn,

Cho nên được gọi là khôn hơn người.

 

Em xinh đâu phải nụ cười,

Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn!

 

Kỷ niệm 50 năm Thảm sát của CSBV trong Tết Mậu Thân tại Huế – Mai Thanh Truyết

(Bài nói chuyện ngày 17/2/2018 tại trụ sở Cộng đồng Hạt Tarrant – Dallas)

Thưa Quý vị Quan khách,

Hôm nay là ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất, trong lúc mọi người con Việt trong và ngoài nước, cùng ngồi với nhau để ôn lại một kỷ niệm đau thương của dân tộc, đặc biệt đối với bà con đất Thần kinh, nhưng tại Việt Nam, đảng CSBV, qua hơn 700 báo chí và các cơ quan truyền thông, truyền hình, liên mạng…cùng đồng lòng lên đồng tập thể, qua những đề tựa thật kêu, nhưng rỗng tuếch như:

Báo Nhân Dân chạy tít lớn: “Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại ngày Tết của nhân dân ta”;

Báo Pháp Luật qua “Xuân Mậu Thân 68: Thiên hùng ca bất diệt”;

Báo Tiền Phong:”Mãi là anh hùng ca bất tử”;

Báo Thanh Niên:”Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”;

Báo Saigon Giải Phóng:”Những đòn sấm sét mang tên Biệt động Saigon-Gia Định”;

Mạng Vietnamnet:”Lễ cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm tổng tiến công xuân Mậu Thân”’;

Mạng Vietnam Press:”Cuộc tấn công của biệt động Sài Gòn 50 năm trước”. v.v…

Thưa Quý vị,

Đã 50 năm qua, 50 năm ra tay giết người dân vô tội một cách dã man, CSBV vẫn còn tiếp tục huênh hoang trên men “chiến thắng”, trên vong hồn của 6000 đồng bào vô tội đất Thần kinh. CSBV đã từng sống trong dối trá ngay từ ngày thành lập đảng năm 1930, và sau 88 năm, vẫn tiếp tục bóp méo lịch sử qua những đề tựa trên, nâng sự dối trá lên đến “tầng cao mới”.

Chúng ta vẫn không quên vụ thảm sát năm Mậu Thân 1968 do CSBV chủ động điều khiển cái gọi là “Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam” khởi động ngay trong đêm giao thừa rạng sáng mùng 1 Tết trên khắp bốn vùng chiến thuật của VNCH.

Trước đó, do sự đề xướng của “Mặt trận”, chính phủ VNCH đã chấp thuận hưu chiến để cho binh lính hai bên “ăn Tết” gia đình…Nhưng văn bản ký kết chưa ráo mực, VC bắt đầu tấn công khắp thành phố Huế ngay trong đêm giao thừa 30/1.

Cũng cần nên biết thêm là tại Hà Nội, chính Hồ Chí Minh đã làm bài thơ chúc Tết trước cho dân miền Nam cũng như ngầm ra lịnh cho cuộc tổng tấn công toàn thể VNCH:

Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên toàn thắng ắt về ta.

Thêm một lần nữa, nhân kỷ niệm 50 năm năm nay, chúng ta sau 50 năm đã thấy rõ bộ mặt tráo trở của CSBV. Thiết tưởng, cũng cần ghi lại nơi đây khúc phim của 50 năm về trước, mặc dù ngày hôm nay, Tết Mậu Tuất, những kẻ sát nhân vẫn còn sống ung dung với tâm trạng của quân chiến thắng (?) xen lẫn với nỗi căm hờn của nạn nhân cuộc thảm sát tàn bạo của lũ sát nhân vô nhân tính CSBV năm nào.

Đó là những tên như:

Nguyễn Đắc Xuân (Sinh viên Sư Phạm), Nguyễn Thị Đoan Trinh (SV Dược), Trưởng và Phó Đoàn Sinh viên Quyết tử;

Hoàng Phủ Ngọc Tường (Dạy Việt văn), Hoàng Phủ Ngọc Phan (SV Y khoa 2), Chỉ huy Đoàn Thanh niên võ trang An ninh khu phố tức các đội Tự vệ Thành và là “Chánh án” Tòa án Nhân dân Huế;

Hoàng Văn Giàu (ra hải ngoại đổi là “Ngọc” Giàu, và Hoàng Nguyên Nhuận mất tại Úc), Thái Thị Kim Loan (SV Văn khoa), Trưởng và Phó Đoàn Sinh viên Phật tử, cùng với Trần Quang Long (SV Sư phạm), Trần Vàng Sao (SV Văn khoa), Ngô Yên Thy (SV Văn khoa) có dưới tay 500 thành viên.

Và những địa danh của hơn 20 địa điểm chính có hầm hố chôn người tập thể ở Huế như: Trường Trung học Gia Hội,  Chùa Áo Vàng, Tiểu chủng viện, Cửa Đông Ba, Cồn Hến, Nam Giao, Lăng các vua, Khu vực Dòng Thiên An, Phú Xuân, Phù Lương, làng Châu Chữ, An Ninh, Trường An Ninh Hạ, Chợ Thông, Chùa Linh Mụ, Trường Văn Chí, Tiên Nộn, Đồng Di, Tây Hồ, Khe Đá Mài, Khe Lụ, sau làng Đình Môn …

Nêu những địa danh, những tên kể trên (dĩ nhiên còn rất nhiều tên sát nhân vẫn còn sống tại Huế) để chúng ta không quên rằng, hiện tại những kẻ sát nhân trên vẫn chưa bị đền tội, và vẫn sống nhởn nhơ qua sự bao che của đảng CSBV trên miền đất tượng trưng cho một nền văn hóa và đạo lý Việt.

Xin trích một đoạn ngắn của một sinh viên, nạn nhân của CSBV, hiện vẫn còn sống tại Huế, trong vụ Tết Mậu Thân 1968

“Năm 1968, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất trường Cán Sự Điều Dưỡng Huế. Ngoài những giờ học lý thuyết chung tại trường, bọn sinh viên chúng tôi được chia thành nhiều toán. Mỗi toán từ 8 đến 10 người, luân phiên thực tập ở các trại bệnh trong BV Trung Ương Huế.

Nhưng qua nửa đêm (31/1) thì bắt đầu nghe có tiếng súng. Tiếng súng lớn, nhỏ, từ xa rồi mỗi lúc một gần. Chúng tôi thốt giựt mình, băn khoăn nhìn nhau, hoang mang lo sợ. Bầu không khí bắt đầu căng thẳng, mấy anh sinh viên y khoa thì nghe ngóng bàn tán, thắc mắc không biết tiếng súng từ đâu vọng lại…

Lúc đầu chúng tôi tưởng là thành phố Huế và Binh viện bị pháo kích, nhưng không ngờ, chừng 3, 4 giờ sáng, bất thần không biết tứ ngõ ngách nào có chừng mười mấy người tràn vào phòng cấp cứu, họ xưng chúng tôi là quân giải phóng. Đa số mặc áo quần đen, súng mang vai, bị rết ngang hông. Họ bắt tất cả chúng tôi băng bó cho một số người bị thương, đồng thời hò hét chia nhau lục soát, vơ vét, và lấy đi một số thuốc men, bông băng, dụng cụ y khoa v.v… Họ lấy sạch không chừa lại một món nào, kể cả những bánh mứt chúng tôi để trong phòng trực.

Sau khi đám người xưng là “quân giải phóng” ở Cấp Cứu kéo nhau đi chúng tôi không gặp, không thấy bọn VC nào nữa, hay chúng đang lẫn trốn trong những trại bệnh khác thì tôi không biết…

Chưa ra khỏi cửa thì gặp Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn thị Đoan Trinh cùng mấy sinh viên khác nữa Văn không biết tên, chỉ biết họ đồng bọn với Hoàng Phủ Ngọc Phan. Văn biết mặt Phan là vì Văn có người anh học y khoa cùng lớp với Phan.

Gặp Văn, Phan nạt nộ: tụi mi chạy trốn đi mô?

Vừa vô tới giảng đường thì anh Hải bị Hoàng Phủ Ngọc Phan bắn gục ngay. Văn mắc đi cầu, tìm chổ phóng uế nên chạy vô sau anh Hải. Mới tới cửa thì nghe tiếng súng, tiếng hét của anh Hải, Văn quay đầu bỏ chạy. Chưa kịp rượt theo Văn thì bỗng ầm, một tiếng nổ đâu đó, trong sân trường đại học, khiến Hoàng Phủ Ngọc Phan và đồng bọn hoảng hốt leo lên xe Honda tháo chạy..

Chúng tôi chạy mới tới trường trung học Jeane d’Arc, thì gặp bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan lấp ló trước cổng trường với một nhóm bộ đội Bắc Việt. Người nào mặt mày cũng đằng đằng sát khí. Gặp lại Phan, Văn run rẩy, Phan chưa kịp nói thì Văn đã lắp bắp phân trần, em qua BV kiếm con Ti chớ em không có trốn mô, và xin xỏ, anh cho em với con Ti đem xác thằng Hải về nhà rồi em trở lại đi…tải thương”…(hết trích)

Nêu những địa danh, những tên kể trên để chúng ta nhớ!

Nhớ để chúng ta đừng quên!

Và không quên chuyện Thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968 của CSBV cũng như chúng ta không bao giờ quên lời dặn dò của tiến nhân, Vua Duy Tân với câu phán:”Nước dơ phải lấy máu mà rửa”.

Thưa Quý vị,

Đó là chuyện quá khứ 50 năm về trước của dân tộc Việt, nhưng Hoa Kỳ vẫn không quên ngày nầy…Bằng cớ là vào tháng 12/2017, Ông BT Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, vào năm 1968 là một senior high school, đã trao Huy chượng Danh dự (Honor) cho Trung sĩ TQLC John Canley với chiến công trong suốt 7 ngày từ 31/1 đến 6/2/1968 đã áp sát khẩu đại liên trong trận chiến. Và ngày 24/1, Ông đã viếng thăm Hà Nội nhằm mục đích giải quyết câu chuyện dài MIA (Missing In Action) của 1200 lính Mỹ ỡ Việt Nam và 350 ở Lào, Cam Bốt, và Trung Cộng.

Thưa Quý vị,

Nói như thế nghĩa là người Mỹ vẫn chưa quên vụ thảm sát Tết Mâu thân năm nào!

Xin thay mặt cho Nhóm Hưng Ca, chúng tôi xin nghiêng mình giữ một phút mặc niệm trước anh linh những người quá cố, cũng như xin có vài lời nhân buổi lễ kỷ niệm 50 Tất Mậu Thân tại Dallas năm nay.

Xin thưa,

Tiếng hát của Nguyệt Ánh và Việt Dzũng, của Hưng Ca ngày nào:”Anh em ơi xin hãy làm ánh đuốc” vẫn còn văng vẵng đâu đây… nhắc cho chúng ta hướng về tương lai, một tương lai tươi sáng cho dân tộc.

Xin được thêm đôi lời về lời ca trên trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt cho năm nay, một năm có thể xảy ra nhiều biến động ở quê nhà. Ngày hôm nay, chúng ta cần nên “làm ngọn đuốc: và “là ngọn đuốc”. Vì sao?

Làm ngọn đuốc để nhận lấy bổn phận và trách nhiệm cho công cuộc giải phóng quê hương khỏi ách CSBV qua cơ chế chuyên chính vô sản. Làm ngọn đuốc để tiếp tục giữ lửa qua hơn 42 năm qua. Xin đừng vinh bất cứ lý do gì khác như tuổi già, bất lực, không khả năng…để từ chối bổn phận của người con Việt trước nạn quốc phá gia vong!

Là ngọn đuốc để soi đường đi cho chính chúng ta và mở đường cùng với thế hệ trẻ trong và ngoài nước để cùng giữ quyết tâm tái lập lại mục tiêu Dân tộc – Nhân bản – Khai phóng cho một Việt Nam tương lai.

Hưng Ca hứa sẽ tiếp tục làm nức lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Hưng Ca sẽ làm rạng danh dân tộc ở hải ngoại.

Hưng Ca sẽ là khúc “Hưng ca khúc”, hát lên khúc khải hoàn ca sau cùng khi ánh bình minh của dân tộc rạng ngời trên quê hương.

Xin nhắc lại lời người xưa:

Di chúc của Vua Trần Nhân Tôn:”Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa”. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:

Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.

Lời thơ dậy sóng của Cụ Phan Bội Châu:”Chết như Hưng Đạo, hồn thành thanh – Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần – Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết – Chết mà vì nước, chết vì dân”.

Và xin được kết thúc với 4 câu thơ của Nguyên Thủy trong bài “Nén hương cho Huế”:

Quê người đất khách sao đành quên

Quê mình rên siết đêm từng đêm

Cơ đồ Cha Ông dày công dựng

Ơn nầy nhất quyết phải đáp đền

Cám ơn Quý vị đã lắng nghe,

Mai Thanh Truyết – Hưng Ca 2018

Phụ chú: Trích trên internet

Sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1968, trong dịp Tết Nguyên Đán, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng lúc tấn công bất thình lình tại nhiều thành phố và địa phương trên miền Nam Việt Nam – trong đó có Sài Gòn và Huế. Sau các thành công quân sự ban đầu, họ bị đối phương áp đảo và đẩy lui khắp nơi, trừ Huế. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân tuy được xem là một thất bại chiến thuật nhưng lại là một chiến thắng có tầm vóc lớn về chiến lược.

Với mục đích giành giật chủ quyền tại Huế, trận chiến 28 ngày giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã diễn ra và kết quả là 40% thành phố bị phá hủy, 116.000 người mất nhà ở. Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chịu khoảng 4.400 lính thương vong, trong khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng tổn thất trên 4.000 quân. Cũng trong cuộc tái chiếm này, quân đội Mỹ đã sử dụng tối đa vũ khí hạng nặng như bom napalm và súng không giật cỡ lớn. Trong số 17.134 ngôi nhà tại Huế, 9.776 bị phá hủy hoàn toàn, 3169 bị hư hỏng nặng; số thường dân thiệt mạng theo ước tính đầu tiên của chính phủ Việt Nam Cộng hòa là 3.776 người. Tài liệu Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cho biết họ đã chôn cất khoảng 2000 nạn nhân do bom đạn tại các khu mộ tập thể cùng với binh sĩ tử trận của chính họ.[2][10]

Số liệu về các hố chôn tập thể

Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh[14]. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất.

Theo Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên, trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau tết, các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình.[15] Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được họ xác định là đã bị bắt cóc hoặc bị giết[16]. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi bị chôn sống[17][18][19].

Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike [20], lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970:

“Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau:

Tổng số dân sự tử vong: 7.600 – chết lẫn mất tích

Chiến trường: – 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc.

Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể:

1.173 – số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968

809 – số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969

428 – số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) – tháng 9 năm 1969

300 – số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969

100 – số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969

1.946 – mất tích (tính đến năm 1970)”

Theo soạn giả Matthew White ghi lại trong sách “Tàn khốc:100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại” thì vụ thảm sát ở Huế năm 1968 được ông trích dẫn từ các nguồn khác nhau cho rằng “đã có 2.800 người bị giết và 3.000 người mất tích do Việt Cộng thực hiện”.

Mark Woodruff ghi rằng một bản báo cáo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng bắt được ngày 25 tháng 4 năm 1968 ghi đã “loại khỏi vòng chiến đấu 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, 790 tên ác ôn, sáu đại uý, 1 trung uý, 20 thiếu uý và nhiều sĩ quan trừ bị…” trong trận đánh ở Huế, tuy nhiên “loại khỏi vòng chiến đấu” là một khái niệm khá rộng (từ chết, bị thương, đầu hàng cho tới bắt làm tù binh).

Hãng AFP thì đưa tin về nguyên nhân có những hố chôn tập thể tại Huế: “Trong các trận đánh hàng nghìn quân nhân đã bị giết. Quân đội Hoa Kỳ và quân chính phủ (Sài Gòn) phải chôn những binh lính chết của họ bất kỳ nơi nào và lúc nào có thể được. Còn lính dù Nam Việt Nam thì chôn xác ngay trên trận địa”

Theo Gareth Porter, một học giả Mỹ, các ước lượng ban đầu của Bộ Di dân và An sinh Xã hội Việt Nam Cộng hòa, số dân thường thiệt mạng do giao tranh và bom pháo là 3.776, trên tổng số dân thường bị thương, chết hoặc mất tích là 6.700 người, chứ không phải các con số 944 và 7.600 do Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đưa ra. (Các con số 944 và 7.600 này đã được Pike Douglas dùng trong thống kê của mình.)

 

…Ngôn xã hội chủ nghĩa 

Buổi sáng thức dậy.

Thể dục thể thao.

Da dẻ hồng hào.

Hứng khởi tuôn trào.

Lại vào ngủ tiếp

 

Phải bình tĩnh trước gái xinh…

và không giật mình trước gái xấu!

 

Muốn ngủ ngon thì đừng lấy vợ.

Muốn không nợ thì đừng có yêu.

Muốn cao siêu thì đừng dại gái.

Muốn thoải mái tốt nhất đi tu!

 

Nhan sắc có hạn…

mà lựu đạn thì có thừa

 

Để hòa giải dân tộc Nga không kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 –  TS. Nguyễn văn Trần

Trong vòng 200 năm nay, có 2 cuộc cách mạng làm thay đổi sâu xa thế giới, có ơn ích nhưng thảm hại cũng lắm kinh hoàng. Nhứt là cuộc cách mạng nga tháng 10/2017. Cách mạng lúc nào cũng đẩm máu và nước mắt. Phải chăng không có bạo lực là không có cách mạng ? Hay có thể đây mới là điều quan trọng ở cách mạng : mức độ và sự nhanh chống kết thúc tốt đẹp những thay đổi ?

Nhơn nói cách mạng, thử nhắc lại vài cuộc cách mạng chánh trong lịch sữ thế giới. Cuộc cách mạng lâu đời là cuộc cách mạng ở Anh 1642-1649, bạo lực và đổ máu. Cuộc cách mạng huê kỳ 1776 đem lại độc lập thật sự cho Huê kỳ và đưa nước Huê kỳ trở thành nước dân chủ mẫu mực của thế giới. Tiếp theo là cuộc cách mạng nhơn quyền và dân quyền 1789 của Pháp, … Cách mạng nga năm 1905, cách mạng tàu năm 1911, cách mạng tháng 10 ở Nga năm 1917,… cách mạng văn hóa ở Tàu năm 1964,….cách mạng nhung ở Tiệp- khắc năm 1989,…rồi cách mạng bông lài ở Tunisie năm 2011… Nhắc lại những cuộc cách mạng trên thế giới nhưng, rất tiếc người ta lại không nhắc tới «cách mạng mùa thu tháng 8/1945» ở Hà nội !

Lê-nin và cách mạng 1789

Cách mạng nhơn quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đươc Lê-nin thường nhắc tới như những giá trị qui chiếu. Lê-nin dùng cách mạng 1789 như một mẫu mực để làm sáng tỏ lý thuyết cách mạng mà ông tuyên truyền với quốc dân của nga hoàng. Lê-nin khai thác tính nhứt quán giửa lý thuyết và thực hành của giai đoạn tiền cách mạng pháp để chuẩn bị cướp chánh quyền dân chủ do cuộc cách mạng 1905 thiết lập sau khi Nga hoàng chấp nhận thoái vị. Trong cách mạng pháp, có hai yếu tố làm cho Lê-nin đặc bìệt quan tâm là sức mạnh của giai cấp trưởng giả tự do và sự thắng lợi của nhơn dân. Tình hình ở Nga cũng tương tợ. Lê-nin so sánh cách mạng pháp 1789 và cách mạng đức 1848, nhận thấy cách mạng pháp do nhơn dân  đứng lên lật đổ chế độ quân chủ, mở ra chế độ cộng hòa, đem lại tự do cho dân chúng thợ thuyền và nông dân. Còn cách mạng đức 1848 không kết thúc để dẩn đến một chế độ dân chủ. Lê-nin thấy phải nổ lực vận động quần chúng nga đi theo con đường của cách mạng pháp. Sự chọn lựa của Lê-nin làm cho giới trưởng giả nga cho là vô cùng nguy hiểm. Họ muốn đi theo con đường của cách mạng đức, đem lại ổn định mau chống, vì sẽ nhờ có cảnh sát và quân đội. Họ thật sự không lo sợ sự nổi loạn mà sợ nhơn dân thắng lợi, chánh quyền thuộc trọn vẹn về tay nhơn dân.

Cách  mạng tháng 10/1917

Ở Thụy sĩ, nghe tin ở Nga cách mạng đã bùng nổ, Nga hoàng đã thoái vị, một chánh quyền dân chủ đã ra đời, Lê-nin sốt ruột tìm cách về xứ. Cho rằng thời cơ đã tới. Về Nga không phải để hợp tác với phe cách mạng vừa giành được chánh quyền mà tìm cách xoay sở đoạt lấy chánh quyền về tay mình trọn vẹn để thực hiện giấc mơ mác-xít của ông từ bấy lâu nay.

Lê-nin tính toán đã có cách mạng pháp, cách mạng đức, thì nay phải là cách mạng nga. Cách mạng nga sẽ triệt để hơn hết. Nhưng ông phải có lý thuyết. Tchemychevskhi là người đầu tiên đem chủ nghĩa cộng sản vào Nga qua cuốn tiểu thuyết « Làm gì ? » (1864) mà Lê-nin mê say và sau này, ông lấy nguyên tựa sách làm tựa cho tập sách của ông, cũng « Làm gì ? ». Tiếp theo, Lê-nin bắt được quyển « Gìáo lý của người cách mạng » (1871) của Serge Netchaïev. Ông đắm mình trong quyển thánh kinh của người làm cách mạng nhà nghề giúp ông nhuần nhuyễn những nguyên tắc căn bản như người làm cách mạng là phải « sẳn sàng giết và chết » và «những người lãnh đạo cách mạng nga phải là những tướng cướp ». Lê-nin và Staline là hai người kế tiếp nhau lãnh đạo nước nga đều được đào tạo bởi tư tưởng của Tchemychevski và Netchaìev. Lê-nin là người suy nghĩ ra những phương pháp thiết lập một chế độ độc tài toàn trị. Ông là người lập thuyết của chế độ cộng sản nga còn Staline vốn xuất thân trong giới lục lâm, nhờ có thành tích thổ phỉ, được Lê-nin tuyển chọn. Staline thực thi lý thuyết cai trị của Lê-nin. Và hai người trở thành một cặp «Lê-nin-Staline » lập ra chế độ cộng sản đầu tìên và lần lược cộng sản hóa gần phân nửa thế giới.

Tìến hành cướp chánh quyền dân chủ xã hội của chánh phủ Alexandre Kerensky, Lê-nin quả quyết « giai cấp tư sản chấm dứt chu kỳ của nó, bây giờ phải là lúc giai cấp vô sản bắt đầu. Cũng rất hợp lý ». Bắt được Karl Marx, Engels, Lê-nin nhin thấy viển ảnh thế giới theo bước đi của Marx phát họa bằng óc tưởng tượng phong phú của ông, một người chưa từng tiếp cận thực tế. Theo đó khi giai cấp vô sản tìến lên thay thế giai cấp tư sản thì không có gì hơn phải làm là tiến hành giai cấp đấu tranh. Lý thuyết này đã làm mê hoặc Lê-nin vì nó đáp ứng hoàn toàn bộ óc tôn thờ lý luận của ông. Nhưng thực hiện đấu tranh giai cấp, để lực lượng dân chủ còn xót lại không phá hỏng được, thì cách mạng phải có chánh nghĩa. Vậy Lê-nin phải trở lại với Marx, học lý thuyết, tuy không đạo đức, nhưng nó lại rất «khoa học», nó sẽ giúp bảo vệ tính chính thống cách mạng bằng cách « thanh toán trước nhứt tất cả lực lượng chống đối, sau đó những người phản cách mạng ».

Năm 2017, Nga không tổ chức kỷ niêm 100 năm Cách mạng tháng 10 nhưng Hà nội, kẻ phụ thuộc, lại tổ chức rầm rộ. Phải chăng chỉ vì muốn nhắc nhở mọi ngưòi rằng «ta còn đây» ? Mà cái gọi là « Cách mạng tháng 10/1917 » có phải là cách mạng hay không ? Theo sử gia pháp chuyên về cộng sản, ông Stéphane Courtois, (Le livre noir du communisme, Robert Laffont, Paris, 1997- Sách đen của cộng sản), thì đó thật sự hoàn toàn không phải là «cách mạng» đúng nghĩa của nó hoặc cuộc nổi dậy của « quần chúng », như người cộng sản rêu rao. « Cách mạng tháng 10 » chỉ là một vụ « binh biến » do lối ngàn quân nhơn nổi loạn và Hồng vệ binh chống lại chánh quyền dân chủ lâm thời đang trên đà suy thoái, gây tổn thất không tới năm người thiệt mạng ỏ Pétrograd. Lại cũng không thể nói đó là một cuộc đảo chánh.

Và đây là vụ biến động thứ ba. Vụ thứ nhứt xảy ra ngày 15/3 dẩn đền nhà vua thoái vị. Vụ thứ hai nghiêm trọng, mang tính sanh tử. Đưa quân đội đánh Đức, thất bại, làm cho hằng ngàn binh sĩ đào ngũ với cả võ khí. Alexandre Kerenski, lãnh đạo chánh phủ lâm thời, giải nhiệm Tướng Kornilov vì thấy Kornilov đang tính ổn định lại tình hình. Hạ Kornilov vì Kerenski bị ám ảnh bởi Napoléon của cách mạng pháp nên sợ sẽ phải đối đầu với Kornilov. Nhưng khi hạ được Tướng Kornilov, Kerenski đã vô tình tách rời chánh phủ khỏi quân đội. Thấy mình bổng ở thế cô đơn, ông vội ngã theo bolchevick tìm chổ dựa, nhiều đảng viên vừa được ông mở cửa nhà tù thả ra, trang bị 40 000 khẩu súng và cả cho phép nhà in tái hoạt động. Ông không biết làm như vậy, mình đang dấn thân vào con đường tự sát. Xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng, lương thực thiếu do vận chuyển bế tắc, cải cách nông nghiệp thất bại. Lợi dụng tình hình khủng hoảng, lực lượng bolchevick bắt đầu tấn công. Lê-nin ra lệnh chiếm mau các cơ cấu chánh quyền, tuy bolchevick thiểu số. Thế là Quốc hội Lập hiến vừa mới bầu, nền dân xã hôi non nớt thành hình sau bảy thập niên quân chủ chuyên chế kết thúc, nhường chổ cho một chế độ độc tài.

Nắm được chánh quyền, Lê-nin rất hài lòng «Thật không ngờ còn dễ dàng hơn trở bàn tay !».

Di sản cách mạng

Những tên đồ tể tên tuổi lẫy lừng như Staline, Hitler, Mussolini, Mao Trạch-đông, Hồ chí Minh, Castro, Pol Pot, … đều là truyền nhân của Lê-nin, có cùng tổ là Karl Marx. Họ học được tư tưởng vĩ đại của tổ sư là «lật đổ chế độ tư bản phải dùng bạo lực, quét sạch tàn dư của chủ nghĩa tư bản, phải xây dựng chế độ chuyên chính vô sản ».

Lê-nin đã tiến hành quét sạch tàn dư của chế độ củ ở nước Nga, giết hại không biết bao nhiêu người vô tội, để xây dựng chế độ độc tài toàn trị đầu tiên sau cách mạng tháng 10/1917. Kế tiếp sự nghiệp của Lê-nin, những đại đệ tử từ Hitler đền Pol Pot đều lập thành tích chém giết dân, phá hoại xã hội không thua sư phụ.

Di sản của những tên đồ tể này để lại, theo Giáo sư người huê kỳ, Rudolph Rummer (1932-2014), Đại học Hawaï, chuyên về những vụ «giết người hàng loạt trong thế kỷ XX của những nhà cầm quyền cộng sản», thì Liên-xô giết 61 triệu người, Trung cộng giết 78 triệu, phần còn lại trên thế giới, có 200 tiệu người bị cộng sản các nơi khác giết. Nạn nhơn chết vì nạn đói do nhà nuớc xã hội chủ nghĩa tổ chức, chết do cải cách ruộng đất, những chiến dịch đánh tư sản, những vụ thanh trừng, và những vụ cải tạo xã hội …

Nhưng đây chỉ là những khai phá bước đầu để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn kế tiếp, đối tượng kiên cố là gia đình, tôn giáo, xã hội dân sự. Nó kiên cố vì nó là nền tảng của xã hội nhân bản, mà là trở lực lớn và kiên cố của việc thiết lãp chế độ độc tài toàn trị và xây dựng xã hội theo cộng sản. Dỉ nhiên, khi nắm quyền, người cộng sản phải thanh toán triệt để những trở ngại này.

Sau cách mạng tháng 10/1917, Lê-nin ra lệnh giết hết gia đình nga hoàng, cả trẻ con. Ông ta cho đày đi hàng triệu dân nga, cả trẻ con, tới những vùng hoang vắng của Sibérie và Kazakhstan. Hàng trăm ngàn trẻ con đã chết vì đói và bênh tật trên đường đi.

Kế nghiệp Lê-nin, năm 1953, Staline áp dụng luật Hình sự Liên xô tử hình hoặc giam giử, như đối với người lớn, trẻ con từ 12 tuổi trở lên. Staline còn tập trung giam giử trẻ con mồ côi, cha mẹ bị chế độ giết hại, vì cho rằng chúng sẽ là mầm bạo loạn nguy hiểm cho chế độ sau này.

Về Staline, có một chi tiết lịch sử mà Hà nội,cuối  năm 1990 biết được, kinh ngạc vô cùng và phản ứng lúc đầu là không tin vì một con « người không bao giờ sai lầm» có thể làm như vậy sao ?. Ngày 23/8/1939, Staline chấp thuận ký thỏa ước không tấn công nhau với Hitler, với bản phụ đính phân chia vùng ảnh hưởng với Đức. Tài liệu này giử bí mật. Qua tháng 9, thỏa ước ban hành, Staline bắt đầu thôn tính các nước nhỏ chung quanh, thành lập Liên-xô. Nhưng khi bị Hitler tấn công, Staline mới gia nhập Đồng minh để giử thân.

Lê-nin đưa ra chánh sách cải tạo xã hội xã hội chủ nghĩa, bắt đầu xóa bỏ tôn giáo, thanh trừng những người có đạo, tịch thu nhà thờ, tài sản, đất đai của nhà thờ, cả những vật thờ cúng, trang trí nhà thờ.

Toàn trị, chế độ không cho phép ai nghĩ khác hơn nên những tu sĩ bị đi cải tạo tập trung hoặc tử hình. Và cũng bắt đầu chiến dịch thanh trừng. Trí thức nga tìm đường trốn ra ngoại quốc. Chánh quyền giử lại những người làm việc trong nghành vật lý cho nhu cầu phát triển võ khí. Tổ chức giáo dục theo « hồng hơn chuyên », không cần học, chỉ cần ngoan ngoản với chế độ.

Tất cả những điều này đều được đem áp dụng ở Việt nam từ năm 1954 khi Hồ chí Minh về Hà nội. Nên Hồ Chí Minh được báo chí anh và ba-lan đưa vào danh sách 10 tên đồ tể tội lớn nhứt chống nhơn loại.

Nga không tổ chức kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng Mười

Trước đây, tới ngày kỷ niệm cách mạng 10/1917, nhiều ấn phẩm mới tràn ngập tiệm sách. Triển lãm, hội thảo nhắc nhở và đề cao sự nghiệp Lê-nin nhưng từ những năm sau này, trang sử đó được khép lại. Sau khi cộng sản sụp đổ, không do bị thua giặc, mà vì bị dân chúng phủ nhận, không có khả năng mở ra tương lai, Mạc-tư-khoa không tổ chức kỷ niệm cách mạng nữa.. Sử gia người Anh Eric Hobswan cho rằng thế kỷ XX là thời đại đầy những «quá khích». Điện Cẩm linh cũng không thấy có lý do tổ chức kỷ niệm cách mạng 1917 để nhằm vinh danh Hoàng đế Nga Poutine nửa !

Vả lại, biến cố tháng 10/1917, theo sử gia, quan hệ đến vai trò quân đội hơn là quần chúng nổi dậy làm cách mạng. Và nên được xếp vào bên lề Đệ I Thế chiến.

Ngày nay, cách mạng 1917 bị xóa khỏi ký ức tập thể, bị xóa luôn khỏi sách giáo khoa cấp trung học, cả ở Pháp cũng vậy. Xóa để xóa luôn hinh ảnh hằng trăm triệu người chết do cách mạng tháng 10/1917 là nguồn gốc gây ra, đảng cộng sản là thủ phạm. Mác-xít chỉ đươc coi như một chủ thuyết thuần tư tưởng, chớ không còn là ý thức hệ nền tảng cách mạng «xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa khoa học ».

Hơn nữa, ngày nay, thề hệ trẻ ở Nga chỉ biết say mê những mới mẻ của điện tử và chạy theo thời trang, tiện nghi vật chất. Về chánh trị, họ chỉ cần biết nước Nga hiện nay có một nhà lãnh đạo là ông Poutine. Về đời sống, họ xác tín đời sống được tự do là điều quan trọng hơn hết. Thế hệ trẻ này mở ra với thế giới Tây phương, họ sống không định kiến, không chấp nhận mọi thứ giáo điều, mọi khuôn mẫu gò ép. Họ chọn cho mình sự tự do nội tâm.

Lớp tuổi sanh ra vào lúc chế độ cộng sản sụp đổ, ngày nay, quả quyết nước Nga và cả thế giới sẽ phải được xây dựng bởi những con người có văn hóa, có đạo đức, mang hoài bảo tốt đẹp.

Năm 2017, Nga chẳng những không tổ chức kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10/1917 mà còn xây đài tưởng niệm nạn nhơn cộng sản thời Liên-xô. Ngày 30/10/2017, Nga khánh thành một đài tưởng niệm các nạn nhân những vụ đàn áp chính trị thời Liên Xô, với sự hiện diện của Tổng thống Vladimir Poutine.

Đài tưởng niệm, dưới dạng một bức tường, được khánh thành trong khuôn khổ Ngày tưởng niệm các nạn nhân đàn áp chính trị, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991, năm mà Liên Xô tan rã. Theo điện Cẩm-linh,

Tổng thống Poutine dự lễ khánh thành đài tưởng niệm sau khi họp với Hội đồng Xã hội Dân sự và Nhơn quyền, bàn về chánh sách của Nhà nước về tưởng niệm các nạn nhân đàn áp chính trị.

Trong khi đó, ngày 29/10, nhiều người dân Nga đã tập trung tại thủ đô Mạc-tư-khoa để tưởng niệm hàng triệu nạn nhân trong loạt thanh trừng dưới thời Staline. Theo tổ chức nhơn quyền Memorial ở Nga, chỉ riêng tại Mạc-tư-khoa, có hơn 40.000 người bị hành quyết trong giai đoạn đó. Lễ tưởng niệm được tổ chức gần tảng đá Solovetski, được chuyển từ đảo Solovki, trại cải tạo lao động Xô Viết đầu tiên, về Mạc-tư-khoa, và đặt tại công trường Loubianka, trước trụ sở của cơ quan tình báo FSB, trước kia là KGB.

Các nhà đấu tranh bảo vệ nhơn quyền vẫn lên án Tổng thống Vladimir Poutine tìm cách xóa bỏ ký ức về tội ác của Staline bằng cách đề cao tinh thần yêu nước trên TV, báo chí nhà nước.

Vẫn còn ảo tưởng

Sau khi Christophe Colomb tìm được Mỹ châu, người dân tây-ban-nha (đại đa số công giáo) vẫn còn tin trái đất vuông nên ngày nay cũng chẳng nên lấy làm lạ vẫn còn lắm người tin chủ nghịa cộng sản là ưu việt, tội ác là do những người hung ác gây ra, sai trái với cộng sản. Staline giết người, Lê-nin là người tốt nhưng cả hai đều là người yêu nước. Họ không thấy Staline là đồ tể gốc tướng cướp chuyên nghiệp, Lên-nin là người nghĩ ra chánh sách cai trị đẩm máu.

Nhà văn Thierry Wolton, tác giả lối 20 cuốn sách về cộng sản, đặc biệt là quyển “Lịch sử chủ nghĩa cộng sản thế giới”, nhận xét sự kiện Lê-nin cướp chánh quyền, lập chế độ cộng sản đầu tiên,chỉ là một cuộc “đảo chánh”.

Ông nói lại rỏ hơn tất cả nhân chứng vào thời đó đều nói về « cuộc đảo chính ». Báo L’Humanité của cộng sản pháp ngày 09/10/1917 chạy tựa «Cuộc đảo chánh tại Nga». Nhơn kỷ niệm một năm, tháng10/1918, báo Pravda (Sự Thật), cơ quan ngôn luận của bôn-sê-vích, cũng nói rõ rằng đây là một cuộc “đảo chánh”. Mãi đến tháng 10/1920, tức là ba năm sau đó, chánh quyền cộng sản mới biến “đảo chánh” thành “cách mạng”, dàn dựng cảnh một đám đông Hồng quân tấn công vào Cung điện Mùa Đông ở Saint Petersbourg. Nhưng cho tới ngày nay, người ta vẫn tin. Nhứt là cộng sản ở Hà nội. Tổ chức cả lễ tưởng niệm rình rang. Mới thấy ảo tưởng lúc nào cũng mạnh hơn sự thật !

Chủ nghĩa cộng sản được tuyên truyền là giai đoạn tiến bộ cuối cùng của nhân loại gợi lại mơ ước của con người về thiên đàng mà tôn giáo hứa hẹn cho những người biết tín ngưởng. Cộng sản còn quả quyết họ không phải hứa hẹn như tôn gìáo, mà thực hiện ngay thiên đường tại đây, trước mắt đây thôi, chủ nghĩa xã hội là bước đầu.

Vẫn theo ông Thierry Wolton, những người ảo tưởng về cộng sản, tôn thờ Lê-nin, Staline, Mao, Hồ Chí Minh, …phủ nhận tội giết người hằng loạt của nhà cầm quyền cộng sản (Démocide, tiếng của Gs Rudolph Rummer) cũng giống như  những người theo phát-xít đức (fachosphère), phủ nhận tội diệt chủng của Đức Quốc xã. Họ muốn cứu vớt danh dự tín ngưởng của họ cho rằng chỉ có cộng sản mới có khả năng đem lại tương lai rạng rở, cộng sản thật sự không phải như quá khứ địa ngục đã xảy ra ở khắp nơi. Khi không phủ nhận được thì họ tìm cách làm nhẹ đi tội ác cộng sản.

Nhưng Tàu, Việt nam giống như vài nước cộng sản ở Phi châu cương quyết theo lê-nin-stalinít và ca ngợi sự chọn lựa của mình là đúng.

Việt nam năm2017 tổ chức kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 của Nga. Vượt lên cả Nga. Thì chắc chưa bao giờ họ sẽ nghĩ tới việc tổ chức Đài tưởng niệm nạn nhơn của cộng sản như ở Mạc-tư-khoa.  Nga không làm kỷ niệm cách mạng tháng 10 là để thực hiện hòa giải dân tộc. Cộng sản ở Việt nam chỉ kêu gọi hỏa hợp, tức mọi người về với họ vì đã được họ khoan hồng. Họ tự cho họ  có chánh nghĩa, họ có vai trò lịch sử đem lại cộng sản cho Việt nam.

Triết gia Vladimir Jankélévitch (L’Imprescriptible. Pardonner, Paris, 1983) mới tự hỏi “ Làm thế nào có thể tha thứ tội chống nhơn loại của cộng sản khi mà không có một tên cộng sản đao thủ phủ nào, một tên lãnh đạo nào, một bí thư nào đã xin lỗi nhơn dân, nạn nhơn của họ, xin lỗi chung nhơn loại? ”.

Người cộng sản, người thân cộng sản, chánh trị thiên tả, cả ở Pháp ngày nay, vẫn tìm cách phủ nhận tội ác diệt chủng của cộng sản.

Phủ nhận để sống còn.

α

Khai bút: Bài luận đầu năm – Phan Văn Song

Yêu Nước.

… “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” …(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan1805-1848.)

Chỉ với hai câu trong tuyệt tác Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan đã tả tất cả cái lòng yêu nước, yêu quê hương đất nước. Nhưng tại sao đau lòng khi nhớ nước? Tại sao mỏi miệng khì thương nhà ? Phải chăng nữ sĩ muốn nói đến cái tâm trạng của những kẻ sĩ thời bấy giờ bó tay, thất thế trước thời cuộc, phải phục vụ làm tôi cho một chế độ mà không phải do bà và thân thuộc hay người cùng xứ bà chấp thuận ?  Phải bỏ xứ Bắc Hà vào Nam, tâm trạng “Hoài Lê” là tâm trạng chung của những kẻ sĩ Bắc Hà thời ấy không phục nhà Nguyễn.

Hai cặp chữ “Nhớ Nước-Thương Nhà” biểu hiện tình Yêu Nước.

Yêu Nước:

Yêu nước, chúng ta, anh em bạn bè chúng ta, dân tỵ nạn cộng sản bỏ nước ra đi, có người sống ở ngoài nầy, thời gian lâu hơn thời gian ở trong nước. Thế mà vẫn u hoài, vọng nhớ cố hương. Tuy ở hải ngoại, xứ người, làm ăn sanh sống xứ người, quê người nay đã là nước mình, thế nhưng, suốt ngày, vẫn nói với nhau hai chữ Yêu Nước, hai chữ Thương Nhà. “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương Nhà mõi miệng cái gia gia…

Phải chăng chúng ta ở ngoài nầy, cũng như nữ sĩ, Bà Huyện Thanh Quan, hoài Lê “nhớ nước đau lòng con quốc quốc… Tất cả chúng ta hoài chế độ Việt Nam Cộng Hòa củng “nhớ nước đau lòng con quốc quốc “ vậy!

Và, bao năm qua, chúng ta vẫn tiếp tục, không bằng lòng, và chúng ta vẫn tiếp tục, bất mãn, với nhà nước đương quyền Việt Nam, với cái Đảng Cộng Sản Hà Nội đang đảng trị, đang độc trị dân Việt Nam, nhưng cũng “bày đặt” mở miệng ra nói Yêu nước. Và còn “dám” nhơn danh hai chữ Yêu Nước, Đảng Cộng Sản Hà Nội độc tài cai trị dân Việt Nam, với Công An, với dùi cui, với độc tài bất chấp dân chủ, bất chấp tôn trọng nhơn quyền!

Vậy thì, Yêu nước có nhiều kiểu hay sao?

Cũng như tình nhân đạo, cũng như nghĩa đồng bào!

Cũng cùng trong một khoảng một thời gian chiến tranh, cùng một biến cố, một chiến trận. Cùng trong cuộc (tổng) tấn công bất ngờ của quân Cộng Sản Bắc Việt, thừa dịp Lễ truyền thống Tết Nguyên Đán, thừa cơ hội hai phe hưu chiến, thừa dịp quân đội Cộng hòa Nam Việt nghỉ Tết, năm Mâu Thân 1968, xảy ra hai dữ kiện quan trọng điển hình đại diện “cái nhìn” chánh trị và “đạo đức chánh trị” của hai miền đất nước với hai quan niệm chánh trị và quan điểm chánh trị khác nhau!.

– Một ở Sài gòn, Tướng Loan đã xử tử một tên giết người, (không phải tù binh vì bận thường phục – áo sơ mi ca rô, quần xà lỏn – giả dạng thường dân) tên là Bảy Lém, với tội danh là hắn ta đã sát hại nhiều thường dân, không vũ khí, kể cả đàn bà và con trẻ ở một trại gia binh. Tướng Loan bắn công khai, bằng súng lục, rất quân đội, trước thanh thiên bạch nhựt, Tướng Loan dùng binh pháp, thời chiến, quân luật, xử bắn mọi tên côn đồ hôi của, giết người, được áp dụng trên các chiến trường thế giới – “Loi martiale, tir à vue sur les pilleurs et massacreurs, détrousseurs des cadavres de guerre “. Thế nhưng, vẫn có, một anh thợ chụp hình, nhà báo người Mỹ chống chiến tranh, săn ảnh, mơ được Giải thưởng Pulitzer, đã lựa chọn chụp hình nầy để tạo một cú “choc dư luận”, tạo một scandale, để được giải thưởng. Kết cục là tấm hình nầy đã tạo sự rùm beng, làm động lương tâm thế giới, “lương tâm” ấy đã “đánh giá” (sai !) và để Tướng Loan một đời mang tiếng. Hình nầy cũng đã giúp Việt Cộng, tuy đã thua (trên chiến trận) trận đánh bất ngờ nầy, nhưng nhờ bức hình nầy đã tạo sự thắng trận (trên mặt ngoại giao) ít ngiều gì đưa Mỹ đến đàm phán. Hình nầy cũng được bọn phản chiến, trốn lính bên Mỹ lợi dụng để chống chiến tranh, tạo thế mạnh cho phe Cộng Sản quốc tế và cho Việt Cộng Bắc Việt.

– Nhưng trái lại, trong một dữ kiện thứ hai, là ở Huế. Cả thế giới, cả bọn báo chí Âu – Mỹ, cả giải thưởng Pulitzer, đều nhắm mắt làm ngơ, đồng lõa, chấp nhận, lại còn, hoan hô, “cổ võ”  cho Việt Cộng Bắc Việt thảm sát, giết 4 Bác sĩ người Đức, hai linh mục người Pháp, các vị linh mục và các con chiên công giáo người Việt, các thường dân Huế, bằng trói thúc ké, xỏ xâu, đập đầu, …  xô xuống hố tập thể chôn sống…*.  Nhơn danh “lương tâm” “hòa bình yêu nước. Hay vì hèn nhát!

Chuyện đã 50 năm qua rồi nhưng làm sao quên được, trong trận đánh bất ngờ ấy, quân Bắc Việt đã xử trên dưới cả gần 5000 thường dân, bằng, trói tay, đập đầu bằng cuốc xẻng chôn sông. Báo chí thế giới biết, nhưng  dù có đăng tin, vẫn không lời tố cáo.

Hai cái nhìn, hai luân lý, hai đạo đức. Một trời, một vực – Deux poids, deux mesures.

Đắng cay, chua chát, uất hận đến thế! Cho Miền Nam, cho dân Miền Nam, cho chánh nghĩa Miền Nam! Cho chế độ Miền Nam Cho thể chế Việt Nam Cộng Hòa! Cho Nhơn Sanh Quan Việt Nam Cộng Hòa! Do đó cũng đáng cho chúng ta hoài niệm, hoài cổ… Ta lựa chọn giữa cái Nhơn Bản, cái Tình Người và cái Chủ Nghĩa Mác-Xít-Lê-Nin-Nít Tiến lên Xã hội Chủ Nghĩa mà Con Người chỉ là Công Cụ, Tình Con Người chỉ là Tình Đồng Chí Phò Bác Phò Đảng (kể cả khi Bác và Đảng đi sai đường!) –Tôi có tình viết Hoa, có dụng đích, đường sửa sẽ mất ý nghĩa!

Thế mà năm nay, Tết Mậu Tuất để nhớ Mậu Thân, Nhà cầm quyền Cộng Sản Hà nội vẫn trơ trơ cái mặt mo “không hỗ thẹn”, mừng chiến thắng Mậu Thận. Chiến thắng gì?

Với cái giá tổn thất vừa bộ đội Bắc Việt vừa Việt cộng khoảng 5.000 tử trận, số bị thương không tính được? (David T. Zabecki, “Huê, Battle of (1968)”, đăng trong Encyclopedia of the Vietnam War, a political, Social, and Military History, California: Volume 1, Spencer C. Tucker chủ biên, 1998, tr. 304.)** Và quên sao khoảng thêm 5000 thường dân Huế bị giết oan! Cả tên chóp bu địa phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường, người (tôi không gọi là thằng nhé) đã ngồi ghế Chánh Án các Tòa Án Nhân Dân các khu phố, xử tử giết người năm ấy, lúc ấy, vì oan hồn uổn tử dày xét, nên quá mắc cở, quá (?)… viết thơ tuyên bố nói láo nói dối rằng hắn ta không có mặt lúc ấy, đổ thừa cho dân nổi dậy – là dân Huế “tự động thủ”, tự giết nhau… Cả chục nhơn chứng thế vẫn chối quanh! ***

Đang lúc Trung Ương Đảng ca bài chiến thắng. Thằng cựu Chánh Án các Toà Án Nhân Dân địa phương  trách nhiệm thuở ấy, lại đi chối quanh chối quẫn***

Tướng Nguyễn Ngọc Loan Miền Nam chúng ta, chịu chơi, bắn thằng Việt Cộng, trước mọi người.  Ông không “bán cái” cho Tòa Án Nhơn dân, cho “Dân nổi dậy”, cho “ Binh sĩ nổi giận”. Ông là Tướng! Ông làm ! Ngon lành! Chịu chơi! c’est le panache du Sud Việt Nam!. Đó là cái hào khí của dân Miền Nam chúng ta!  Tao bắn đó! Thì đã sao! So what!

Dân Miền Nam chúng ta dám làm dám chịu; không có chối, không có bịa.

Trong Nam không có anh hùng dỏm Lê Văn Tám! Huyền thoại vừa bịa, vừa “bựa”.

Dỏm, “dựng đứng lên” để dụ khị dân cảm tử ngu dại bắt chước theo!

Bàn luận về hai chữ Yêu Nước, chúng tôi thường thắc mắc với nhau rằng với những người dân Việt Nam trong nước đòi Yêu nước, đòi hỏi Độc lập, đòi thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa của Tàu – và thoát hẳn cơ chế độc tài của Xi Jingpin và Đảng Cộng Sản Tàu !– Và đấy là một hiển nhiên đối với chúng tôi, đối với chúng ta, nói rộng ra đối với tất cả những người Việt tỵ nạn Cộng sản Việt Nam chúng ta đang sanh sống tại các quốc gia phát triển, tiến tiến thuộc khối tư do tư bản âu mỹ. Nhưng tại sao vẫn có những người, cũng là dân Việt Nam, cũng là công dân Việt Nam, cũng cùng ngôn ngữ Việt, cũng nhơn danh lòng Yêu nước LẠI muốn có một quốc gia  Việt Nam thuộc ảnh hưởng Tàu ? 

 Từ ngữ Yêu Nước, ngày nay, biến thành một từ ngữ bị nhiều lạm dụng nhứt.

Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh thí chốt giết hại thương vong bao nhiêu thế hệ thanh niên thanh nữ toàn xứ Việt Nam

– Các con em miền Bắc? Bắt buôc, bị nướng làm con thiêu thân đi xâm chiếm miền Nam

– Các con em miền Nam ? Vì tự vệ, cũng phải bắt buộc, bỏ công ăn việc làm, khoác chiến y, cầm vũ khí, xả thân, lo bảo vệ quê hương, cách sống, quan niệm suy nghĩ, quan điểm nhơn sanh.

Nhơn danh Yêu Nước Hồ Chí Minh giết và thủ tiêu bao nhiêu người ái quốc nhân tài, vì chỉ muốn độc quyền Yêu nước, không chấp nhận Đa nguyên. Không chấp nhận Dân chủ.

Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh và Đảng Công sản Việt Nam đã chấp nhận bán đứng nhuộm đỏ đất nước cho Trung Cộng, hậu duệ các triều đại Hán Bắc phương bành trướng, bán cả đất đai biên giới, giao cả lãnh hải, thậm chí giao phó bao sanh mạng đồng bào chiến sĩ cho ngoại nhơn Tàu thay mình cầm quân ra trận. Tàu Cộng sử dụng chiến thuật biển người giết bao nhiêu thanh niên miền Bắc Việt Nam chỉ để đánh chiếm một căn cứ không có gì là một tầm vóc chiến lược như Điện Biên Phủ (chiến thắng Điện Biên Phủ là do hai tướng Tàu điều khiển, không phải do Võ Nguyên Giáp). Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh chấp nhận phá tan đất nước miền Bắc để thắng Mỹ. May mà Mỹ còn nhơn đạo, chiến tranh hạn chế, có bom

nguyên tử nhưng không dùng đến, không đánh sập các đê điều khi mùa lũ, không đánh bom tàn phá Hà nội (thử so sánh với Dresden ở Đức năm 1945 ! Hay Hiroshima, hay Nagasaki Nhựt bồn 1945!).

Vì vậy ngày hôm nay khi nghe Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói Yêu Nước, chúng tôi rất sợ ! Và chúng ta hãy nhớ những khẩu hiệu định nghĩa Yêu Nước của Cộng sản như “Yêu nước của Cộng sản là Yêu Xã hội Chủ Nghĩa” hay “Trung thành với Nước là Trung với Đảng”. Làm sao chúng ta có thể tin vào lòng Yêu Nước của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Dân chúng miền Bắc Việt Nam ngày xưa do Cộng sản quốc tế xúi, dám chết để Chống Mỹ Cứu Nước. Ngày Nay, toàn thể người dân Việt Nam có dám chết để Chống Tàu cứu Nước không?

Tôi không dám xúi dân Việt Nam chết để chống Tàu, nhưng tôi chỉ hỏi Quân đội nhân dân, Hải quân nhân dân, vũ khí  của Đảng Cộng sản Việt Nam để cướp chánh quyền ở Việt Nam, ăn cướp cơm nhân dân Việt Nam, sống và được  nuôi dưởng bởi nhân dân Việt Nam  có dám liều chết bảo vệ nhơn dân và quê hương đất nước Việt Nam không ?

Còn đối với chúng tôi, người hải ngoại, “Nhớ Nước-Thương Nhà” có lẽ đúng hơn ! Nói như vậy chúng tôi không phủi tay, “mackeno” đâu, mà chúng tôi chỉ làm, khi người Việt Nam, người dân Việt Nam trong nước, nếu thật sự là người Việt Nam, dám đứng lên làm!  Bé cổ, thấp miệng thì cũng phải xuống đường biểu tình đòi Nhà cầm quyến Cộng sản phải lấy trách nhiệm, hoặc đánh Tàu, hoặc giao quyền cho người khác, cho người dân.

Chúng tôi ngoài nầy chỉ là vũ khí tuyên truyền,  là vận động dư luận, vũ khí là kêu gọi bạn bè. Trong nước đừng trông chờ hải ngoại, trong nước đừng mong Mỹ, Nhựt, hay Philippines, hay Nga hay ai đó. Nói dại, rủi phải có đổ máu, rủi phải có thương vong mới mong động lòng trắc ẩn của thế giới! Làm được hay không, dám làm không, tùy các bạn trong nước. Còn hải ngoại chúng tôi, định nghĩa Yêu nước là yêu nơi mình sanh ra, và lớn lên cùng với gia đình cha mẹ. Thế hệ thứ hai con cháu chúng ta sanh và lớn lên ở hải ngoại có cùng một định nghĩa Yêu Nước như chúng ta không ?

Để kết luân:

Công dân tạo đất nước, công dân chủ đất nước. Công dân khi lãnh đạo đất nước, công dân khi tuân thủ, chấp hành, đóng góp.

Tất cả với một lòng thật sự yêu nước.

Yêu nước là biết nhớ ơn đất nước,

Yêu nước là đau lòng con quốc quốc khi thấy đất nước lâm nguy, xáo trộn, giặc ngoài biên ải.

Yêu nước là thương nhà mỏi miệng đóng góp, tranh đấu cho Nhơn quyền cho Tự do, cho Dân chủ, cho Độc lập, cho Công bằng Bác ái  dù phải mỏi miệng cái gia gia.

Mong người Việt Nam yêu nước ở quốc nội mau thức tỉnh vì giặc đã ngoài biên ải.

Hãy nổi dây đòi quyền tự chú để cứu đất nước Việt Nam !

Mong các chiến sĩ Quân đội Nhơn dân, mong các chiến sĩ Hải quân Nhơn dân hãy biết ơn người dân và đất nước nuôi dưởng phục vụ, hãy lấy tự hào dân tộc cầm súng giữ giang sơn Việt Nam.

Mong những vị, những kẻ cầm quyền, còn tý tự trọng nào, giao trọng trách cho người công dân trách nhiệm, nế không đảm đang được trách nhiệm Yêu Nước.

Hôm nay là ngày:

Trống Tràng Thành long lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín từng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh  (Chinh phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm 1705-1748)

Hồi Nhơn Sơn,  mồng 8 tháng Giêng năm Mâu Tuất 2018

Ghi Chú:

* “Về phía dân chúng, có 5.800 người chết, trong đó có 2.800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội “cường hào ác bá”, 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số Phi Luật Tân.” (Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, Nxb. Xuân Thu, California,1992, tr. 642.)

** Trong lúc hai bên đánh nhau, thống kê ước lượng cho thấy tại mặt trận Huế, quân đội VNCH có 384 tử trận, 1, 830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; Thủy quân lục chiến Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội Bắc Việt và Việt cộng khoảng 5, 000 tử trận, số bị thương không tính được. (David T. Zabecki, “Huê, Battle of (1968)”, đăng trong Encyclopedia of the Vietnam War, a political, Social, and Military History, California: Volume 1, Spencer C. Tucker chủ biên, 1998, tr. 304.)

*** Trong bút ký, có đoạn bác sĩ Elje Vannema kể lại rằng: “Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh nầy tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy ban Phật giáo chống chính quyền trước đây.” (PTGDVNHN, sđd. tr. 125.) Tài liệu của nữ bác sĩ Elje Vannema xuất bản năm 1976 và được dịch qua tiếng Việt,

Công Dân

“Nầy công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…”

(Tiếng gọi Công dân – Quốc Ca Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa)

Công dân vs Nhơn dân:

Chế độ miền Nam và người miền Nam chúng ta không quen và không dùng và không lạm dụng từ ngữ nhơn dân hay nhân dân nếu nói với giọng đàng ngoài. Thật vậy, từ ngữ công dân, nếu được áp dụng theo các Hiến Pháp của các quốc gia có một chế độ tử tế với một Hiến Pháp đàng hoàng, thì người công dân với định nghĩa đó sẽ có một định nghĩa minh bạch và một quy chế rõ ràng, với những trách nhiệm, những bổn phận, những đóng góp nghĩa vụ rõ ràng, và sẽ nhận lại những đãi ngộ và những thụ hưởng cân bằng, bình đẳng, synallagmatique, win-win, có qua có lại, giữa nhà cầm quyền và người công dân.

Trái lại, sau khi miền Nam Việt Nam bị Đảng Cộng Sản Hà nội cưởng chiếm, công dân và quy chế công dân không còn nữa, và Đảng Cộng Sản và lý thuyết MacLê đã và chỉ dùng và áp dụng từ ngữ nhơn dân. Từ đó từ ngữ Nhơn dân hoàn toàn thay thế từ ngữ công dân.

Hầu như, hình như, hai miền Nam Bắc có hai chủ nghĩa, hai nhơn sanh quan khác hẳn nhau, với hai cái nhìn văn hóa khác nhau, về vị trí về vai trò người dân trong đất nước – quốc gia, mình?

 –  Miền Nam văn hóa, nhơn sanh quan, chủ nghĩa vị trí và vai trò của một Công dân, dân chủ.

 – Miền Bắc, văn hóa, nhơn sanh quan, chủ nghĩa vị trí và vai trò của toàn thể Nhơn dân, toàn trị.

Định nghĩa qua từ “công dân” ở phần trên rồi, xin để sẽ mở rộng suy diễn thêm về Công dân.

Nay xin phép nói riêng về  từ  “Nhơn dân”, mà Cộng Sản Chủ nghĩa đã đặt một vai trò rất lớn! Tuy chỉ là vai thứ ba, nhưng thật sự, là một vai trò quan trọng nhứt tuy dù chỉ  là một vai trò rất mơ hồ:  “làm chủ đất nước”. Trong câu thiệu:

 “Đảng lãnh đạo, Chánh phủ quản lý, Nhơn dân làm chủ !”.

1/ Nhơn dân:

Le peuple, the people…thường được nghe nói đến nhiều sau ngày miền Nam thất thủ. Đảng Cộng Sản Hà suốt ngày, từ sáng sớm oanh oanh với cái loa chói tai đến tối mịch trong các họp tổ các khu phố, suốt ngày, suốt giờ … câu “thiệu giáo đầu, mở màn”: “nhơn dân làm chủ”, … và như thế  cả chục lần, cả trăm lần. Thế nhưng không thấy nhơn dân “chủ động” làm cái gì, chỉ thi hành thôi! Trái lại, Đảng Cộng Sản Hà nội, suốt ngày, nhơn danh Nhơn dân làm chủ, “ra lệnh”. Nhơn danh Nhơn dân … để dân… nào làm cách mạng, … nào cải tổ, nào sửa đổi, nào đả phá… và cả … uy quyền hơn cả, … để cả … Đảng ta sửa sai nữa! Và còn hơn nữa, trên cả Pháp luật, … cũng lại nhơn danh Nhơn dân để lập Tòa Án cũng Nhơn dân để xử người có tội … cũng với Nhơn dân – Tội gì?  Xử với Luật lệ nào? Chuẩn trên Bộ Luật nào? Luật Nhơn dân! Thói thường không ai biết! Vì chẳng có một bộ luật nào gọi là luật Nhơn dân – hay là luật Thành kiến hay Ý kiến Nhơn dân? Hay là Luật Dư luận Nhơn dân? Để làm nền tảng hay làm chuẩn cả…

(Kiến thức luật học cá nhơn tôi không đủ khả năng để thông suốt một bộ Luật gọi là Luật Nhơn dân)

Do đó:

Từ hơn mười năm nay, từ những ngày hoàn toàn về hưu, bớt bận bịu kiếm cơm, người viết chúng tôi quyết cùng một nhóm bạn hữu đồng chí, đồng tâm nghiên cứu, trao đổi học hỏi lẫn nhau, viết bài phổ biến những ý kiến, quan niệm, những bài học, những khái niệm về tổ chức, về giáo dục tim đọc trên những sách báo xứ người, để gởi vế góp ý với người trong nước, đóng góp xây dựng một đường hướng tương lai cho một quốc gia Việt Nam tử tế với những người Việt Nam đàng hoàng, cũng vì Nhớ nước-Thương nhà.

Và chúng tôi mong, và chúng tôi mơ, chúng tôi thèm có một Việt Nam mới với một cơ chế Nhà nước do những công dân trách nhiệm tạo thành. Những công dân có chủ quyền thật sự : quyền đóng góp và việc quản trị đất nước. Quyền được quyền đóng góp, quyền được dự và góp phần đóng góp và quyền được gặt hái và hưởng thụ những kết quả thích đáng.

Những công dân được nhận thức nắm rõ vai trò công dân của mình: được nhận định  đúng và thực thi đúng vai trò mình,  khi được dân bầu làm đại diện dân trong vai trò lãnh đạo, cũng như khi chỉ làm người dân bình thường trong vai trò công dân tuân thủ, chấp hành hay đóng góp.

Đất nước Việt Nam ngày nay dưới sự cai quản của Đảng Cộng sản Hà nội, dưới sự khai thác của người Cộng sản. Đó là một sự thật, một hiển nhiên, rõ ràng. Do đó Đảng Cộng Sản Hà nội, và người Cộng Sản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm mọi sự thành bại, suy thạnh, của đất nước Việt Nam, và cả mọi phẩm chất đời sống của người Việt Nam – công dân hay nhơn dân tùy quan niệm và định nghĩa của chế độ cầm quyền. Thế nhưng, một quan sát chung nhìn thấy ngày nay, người Cộng sản Việt Nam đang hưởng thụ, đang ăn trên, ngồi tróc trên đầu trên cổ người dân Việt Nam, đang hút nhụy, đang hút mật tất cả tài nguyên đất nước Việt Nam, và tệ hại hơn họ  đang tạo những người Việt Nam mới với một văn hóa văn minh Việt Nam mới! Xa lạ với cái định nghĩa văn hóa và văn minh Việt Nam cổ truyền. Khác hẳn với nền văn hóa văn minh cổ truyền mà người Việt Nam tỵ nạn Công sản Việt Nam đã chắc chiu trân quý đem ra ngoài hải ngoại nầy được một phần lớn –  Việc ấy cũng là một bình thường, ở hai môi trường khác lạ, do sự phát triển, trên một môi sanh, môi trường văn hóa đời sống khác lạ, thì chỉ phải khác nhau thôi. Cư dân Québec-Canada nói một tiếng Pháp rất xa lạ với tiếng Pháp tại Pháp, với một giọng nói, một cách phát âm, quá cổ, quá xưa, đối với tiếng nói, và giọng nói của người Pháp tại Pháp ngày nay. Nhiều từ ngữ, giọng đọc, cách dùng chử, cách dùng các đảo ngữ của dân Québec Canada vẫn giữ thói xưa như hồi còn ở thế kỷ 17/18, lúc di dân.

2/Công dân :

Quan niệm đầu tiên, là quan niêm “người công dân”. Người Pháp dùng từ citoyen,  người Anh-Mỹ dùng từ citizen. Cũng như các từ ngữ có ý niệm tổ chức xã hội, và chánh trị, những ý niệm ấy đều có gốc La Hy (La mã và Hy lạp).

Citoyen hay citizen đều đến từ Cité hay Citi = thành phố. Khi dịch sang việt ngữ là công dân, chúng ta đã “đi tắt”, và chúng ta càng “đi tắt” khi chúng ta áp dụng cho cả một quốc gia. Và từ công dân ngày nay chẳng những được áp dụng tùy trường hợp, tùy quốc gia, hơặc hiểu là quốc tịch-nationalité, mà còn được hiểu là được hiểu là quốc dân nữa!

Hai quan niệm, nói đúng hơn hai trường phái thường dùng để cấp quốc tịch, hoặc hưởng quốc tịch, hoặc dựa theo thuyết thổ nhưỡng – nơi sanh quán – là jus soli-droit du sol-quốc thổ hoặc đựa theo thuyết huyết thống – do cha hoặc mẹ truyền cho – jus sanguinis-droit du sang-huyết tộc, thuyết thứ hai nầy dựa theo hoặc thuyết tổ chức thuần túy chánh trị – ca tụng dân tộc huyết thống, ngôn ngữ văn hóa – jus sanguinis, tất cả quốc dân phải cùng một huyết thống, một ngôn ngữ ;   hay trái lại với thuyết vừa nói trên, dựa trên sức mạnh sản xuất kinh tế,  sức mạnh kinh tế sản xuất một quốc gia do và bằng người sản xuất, người ấy có thể là người di dân, chỉ cần người ấy là người có sanh hoạt kinh tế sản xuất và đóng thuế, tức là có tham dự vào tổ chức kinh tế sản xuất, nghĩa là xã hội, nghĩa là chánh trị, tất cả đếu sanh hoạt trong đất nước của một quốc gia – jus soli, droit du sol -!

Ngày xưa, thời Hy lạp hay La mã, một thành phố có hai giai cấp, hai loại “công dân”. Loại công dân, loại số một – thuần huyết thống, thuần chủng – có tất cả những quyền hạn, có tất cả quyền hành đặc biệt, với những nghĩa vụ đặc biệt,  đó là dân của thành phố, đó công dân – citoyen athénien của thành  phố Athène, hay citoyen romain của thành phố Roma!  Và cũng cùng sanh sống, cũng cùng sanh hoạt, cũng cùng trong một thành phố ấy, lại có một loại người khác – không được gọi là công dân – gồm  những di dân đến từ các thành phố khác hay cả những nô lệ đang phục vụ cho những gia đình các citoyens hy lạp hay la mã, các người nầy tuy không được gọi là citoyens nhưng họ vẫn có vài quyền hạn và rất nhiều nghĩa vụ (giống như người dân Vìêt Nam ngày nay Không Đảng Viên) Về sau khi La mã biến thành Đế quốc La mã, chữ citoyen romain được dùng thoát rộng cho tất cả toàn đất đai của đế quốc (La mã lúc ấy dùng luật huyết thống-jus sanguinis). Đấy là quan niệm  chánh trị của thời kỳ chánh sách xâm chiếm, thuộc địa và đế quốc. Nhưng đến những năm cuối của Đế quốc La mã, các Hoàng đế La mã mở rộng cho quốc tịch La mã, citoyen romain cho tất cả các người dân sống trên đất La mã – jus soli. Đây là thời của quan niệm phát triển kinh tế cũng cố sức mạnh kinh tế của Đế quốc.

Dưới thời thuộc địa Pháp, thuộc địa Pháp Pháp đểu giã hơn, dùng từ ngữ SUJET, dân Nam kỳ – Cochinchine ta – vì sanh ở một colonie française – đều là sujet français – và chúng ta không có nationalité française. On est français sans être français. Chúng ta thuộc Pháp nhưng không là người Pháp.

Và Việt Nam ngày nay, núp dưới từ ngữ Nhơn dân, là tất cả người thường dân Việt Nam.

 Còn những Công dân thực sự là các Đảng Viên Cộng Sản Việt Nam, với một quy chế đặc biệt, với những đãi ngộ đặc biệt (tùy vai vế, chức vụ, thâm niên do đó có một bản thời giá về những văn bằng, văn hàm – thí dụ văn hàm Phó giáo sư là Hai Tỷ sáu triệu đồng Việt Nam?)

Do đó tuy cùng là người Việt nhưng có nhiều người Việt khác nhau!

Nói tóm lại quan niệm định nghĩa công dân ngày nay của thế giới là một quan niệm trung dung dùng cả hai thuyết, tùy thời tùy cảnh, thêm bớt bên nặng bên nhẹ sử dụng cả hai.

Cũng cố chánh trị, dùng chủ thuyết tự hào dân tộc, huyết thống, ngôn ngữ để chiếm đất dành dân, dùng thuyết huyết thống-jus sanguinis.

Còn cũng cố phát triển kinh tế cần tay nghề thợ thuyền sản xuất, dân số đông làm giàu xứ sở dùng thuyết thồ nhưỡng-jus soli.

Thí dụ điển hình là ngày nay, Nhà nước Việt Cộng với chánh sách Quốc tịch Việt Namnghị quyết 36 đang đi dành dân chiếm của (của cộng đồng người gốc Việt ở Hải ngoại)  với thuyết huyết thống để dụ người Việt hải ngoại.

Công dân-quốc dân, huyết thống và ngôn ngữ là những quan niệm chánh trị có thể dùng làm vũ khí chiến tranh. Thí dụ Anschluss nước Áo bởi quân Đức Nazi, vì người Áo dùng Đức ngữ, xâm chiếm Tiệp Khắc bởi quân Đức Nazi để cứu người Tiệp đức ngữ năm xưa,

Và cũng có người cho đấy là do và để phục vụ và nhơn danh lòng YÊU NƯỚC.  Thật vậy không ?

Để Kết Luận:

Bổn phận của ta, Cộng đồng Người Việt tỵ nạn Cộng Sản ở hải ngoại, với Quốc tịch và văn hóa Công dân Người. Nhưng vẫn giữ Gốc Ta và văn hóa Công dân Quốc gia Việt Nam Cộng hòa.

Thử quan sát cộng đồng Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản ở  hải ngoại, bất kể ở đâu, Mỹ, Úc, Pháp, Đức … có rất nhiều hiệu phở, chỉ nhìn tiệm phở thôi ! Thường dùng “hình con bò cười” làm bảng hiệu. Nhản hiệu ấy là của pho mát Con Bò Cười – La Vache qui Rit của Pháp. Vì thời xưa Việt Nam, nhứt là miền Nam Việt Nam, dân Sài gòn, ảnh hưởng văn hóa pháp của thời thuộc địa – mê ăn phô mát Con Bò Cười (với chuối), mê ăn Bơ (mặn) Bretell, mê nước chấm Maggi, thích uống rượu Cổ Nhắc Martell với Sôđa Con Cọp (BGI) – Nay mặc dù ra hải ngoại đã trên 40 năm nay vẫn tiếp tục dùng hình “Con Bò Cười” làm hình bảng hiệu tiệm Phở Bò. Ở hải ngoại ta vẫn tiếp tục nhan nhản những tên hiệu thường thấy ở Sài gòn năm xưa, trước 1975, như Phở Xe Lửa, Phở Pasteur, Phở 79, Cơm Gà Xiu Xiu, Bánh mì Ba Lẹ … Thế hệ biết và thưởng thức những thức ăn thức uống của bảng hiệu ấy nay cũng xêm xêm, trên 6, 7 bó, nhưng thế hế tiếp nối vẫn nối chí cha mẹ tiếp tục thưởng thức Phở Xe Lửa, Phở Pasteur, dù bên xứ người, chẳng có tiệm Phở nào nằm đường Pasteur – Hiền Vương cả…!! – “Lee Sandwich” chắc cũng do tên Ba Lẹ biến thể ra chăng? –

Và “phe ta” vẫn cứ thế, mà tiếp tục … dù qua tỵ nạn xứ Mỹ hay xứ Úc vẫn thích ăn bánh mì theo kiểu Pháp, là bánh mì baguette. Và còn ngon lành hơn cả người Pháp là ngày nay, nhiều tay người Việt tỵ nạn ta  thành công trong nghề làm và phổ biến bánh mì baguettes của Pháp! Thành công nhứt là ở Mỹ và ở Úc! Bánh mì baguettes pháp ngày nay,  dân Việt tỵ nạn biến thành bánh mì baguette việt nam. Cũng như “cà phê phin” cũng vậy, và phải với cái “phin” bằng nhôm, tuy được anh cán ngố giải phóng đặt “chết” tên là  “cái nồi ngồi trên cái cốc”, nhưng “phe ta” bình tỉnh trưng dụng luôn cái “tên – cái nồi ngồi trên cái cốc” luôn, trước chỉ đặc biệt có ở Việt Nam và nay tiếp tục phục vụ ở những khu cộng đồng Việt Nam trên thế giới! (mặc kệ expresso tây hay capuccino ý hay Starbuck Coffee!).  Và phe ta, thủ cựu, người Việt tỵ nạn (khắp thế giới) tiếp tục uống cà phê sữa với sữa đặc có đường hiệu Nestlé hay Ông Già (Tây uống café với crème!) …

Đó có phải là những dấu ấn biểu tượng lòng Yêu nước của chúng ta không?

Hay chỉ là một loại “hoài niệm lãng mạng” như anh Lê Mạnh Hùng ở Luân đôn nói trong một bài viết gần đây!

Nhưng cũng nhờ vậy, mà chúng ta giữ được linh hồn của Quốc gia Việt Nam, của Việt Nam Cộng Hòa, của một chế độ, một văn hóa, văn minh Việt Nam đặc biệt, trước năm 1975.

Năm 1975, năm mất nước, cột mốc đánh dấu cái cửa giữ chặt cái linh hồn của một thời Tự Do Độc Lập của miền Nam Việt Nam, với lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ, với bài quốc ca Tiếng gọi Công dân!

Gói trọn khung trời lý lịch của chúng ta, người Công Dân của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

Lý lịch của chúng ta là như vậy !

Phải trân trọng, phải nưng niu, phải nuôi dưỡng,  một lá quốc kỳ, một bài quốc ca, suốt năm, vòng quanh thế giới, không tuần nào không được hát lên, không một tuần không được trương lên trên mọi vùng trên thế giới.

Hát lên để giữ nền văn hóa, trương lên để giử nét văn minh.

Chúng ta nhớ cả, chúng ta trân quý cả. Từ Vua Hùng dựng nước đến Ngũ tướng anh hùng Việt Nam Cộng Hòa vì nước tuẩn tiết hay bao vị anh hùng vô danh dân quân cán chính đã bỏ mình trên các trận địa thời giữ nước hay trong các trại tù binh thời mất nước hoặc các anh hùng bỏ mình trên đường vượt biên hay trên đường phục quốc !

Với  chúng ta ngày nay ở hải ngoại, quê hương là “nhớ nước”.

Nhớ nước qua hình ảnh xưa, nhớ nước qua kỷ niệm, nhớ nước qua quá khứ.

Sàigòn với con đường Duy Tân cây dài bóng mát, Sàigòn với mùa gió và những cánh trái dầu rơi xoay theo gió,

Sàigòn tình tứ khi ngồi trú mưa chờ em với ly cà phê đen nhỏ giọt trên một lớp sữa  đặc có đường, với điếu thuốc Capstan thơm tho… và nhiều nữa.

Với chúng ta ngày nay ở hải ngoại quê hương là “thương nhà”.

Thương nhà là thương những ngày thanh bình tuổi ấu thơ, tắm ở trưồng ở con rạch sau nhà, của thời học trò, thời “ô môi” ăn vàng răng, …thời ăn chùm ruột chấm mắm ruốc…

Thương nhà là thương cả những ngày “đổ mồ hôi nơi quân trường”, hay thương cả những ngày hành quân truy địch, và thương cả những ngày chiến đấu sống còn quần thảo với Việt Cộng, …

Thương nhà cũng là thương cả những ngày dưởng thương hay nghỉ phép, cùng em dạo phố…

Chúng ta ngày nay, ở hải ngoại, đấu tranh đòi hỏi tự do, nhơn quyền cho người dân trong nước, đấu tranh đòi hỏi dân chủ, dân quyền phải được trả lại cho người dân trong nước. Chúng ta không chấp nhận Việt Cộng cầm quyền, có phải vì họ cầm quyền láo, làm hư hỏng cả một nước,  một quốc gia, hay là chúng ta không được nhìn thấy những cái gì chúng ta mơ thay đổi hoặc chúng ta thấy quá nhiều thay đổi nhưng không giống định nghĩa của chúng ta? Có lẽ cả hai.

Và chúng ta sốt ruột, vì sao người dân trong nước, những người chúng ta mơ giống chúng ta cúi đầu chấp nhận, và giòng đời cứ thế mà trôi, và chẳng chốc 50 năm sắp qua.

Do đó

Ngày mai, chúng ta sẽ không phải nói “nhơn dân làm chủ, đất nước là của nhơn dân” nữa.  Chúng ta phải nói “Công dân làm chủ, đất nước của Công dân”.

Hồi Nhơn Sơn, rằm tháng giêng năm Mậu Tuất

 

Vui cười

Hai bạn gái lâu ngày gặp nhau:

– Trời ơi, bữa nay bà cao giống diễn viên điện ảnh dễ sợ! Có bí quyết gì chỉ nghe coi?

– Tại tao hay ăn chân cò nên nó cao vậy đó.

– Thôi chết rồi …

– Ủa, sao vậy?

– Tao thường ăn mỏ vịt…

– Hèn gì mỏ mày dạo này hơi chu ra rồi đó nghe!

 

Hai cán bộ phụ nữ xã trò chuyện. Một bà khoe:

– Phụ nữ xóm mình tiến bộ lắm! 100% các cô có chồng đều đăng ký thực hiện kế hoạch hóa gia đình như đặt vòng….

– Ở xóm tớ có mấy cô còn tiến bộ hơn. Chưa có chồng nhưng đã thực hiện kế hoạch như vậy rồi!

 

Sông Mekong: Lời Cuối Cho Một Dòng Sông

(TVVN.ORG) Đối với dòng sông Mekong, việc Trung Cộng xây đập ở thượng nguồn đã ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long là một sự kiện hẳn nhiên đã được các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã chứng minh. Tuy nhiên, cần phải nói thêm một số “nhân tai” khác khiến cho tình trạng “nước” ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nguy khốn thêm, đặc biệt là vào tháng 3/2016, trên 200.000 hecta ruộng đông xuân và đất trồng hoa màu hoàn toàn bị triệt tiêu do ngoài nguyên nhân sự hiện diện của đập Cẩm Hồng nằm trên dòng chính sông Mekong tại Vân Nam, còn có nhiểu nguyên nhân do “nhân tạo” làm cho hậu quả càng tai hại hơn cho đồng bằng sông Cửu Long:

Việc phá rừng trên dòng chính ở thượng nguồn làm đất bị sói mòn hai bên bờ sông, do đó không giữ nước lại trong mùa nước lớn (từ tháng 6 đến tháng 10) để rồi điều tiết trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 3) hạn chế một phần nào việc thiếu nước cho đồng bằng ở thời điểm nầy. Rừng là một thảm thực vật thiên nhiên lớn nhứt và hữu hiệu nhứt trong nhiệm vụ điều tiết dòng chảy của sông Mekong. Rừng qua rễ cây và lớp đất thịt bao phủ sẽ hấp thụ và giữ nước trong mùa mưa, và trong mùa khô sẽ điều tiết và cung cấp nước cho hạ nguồn để tiếp tay với dòng chánh ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một đặc ân của thiên nhiên. Theo thống kê, trước Đệ Nhị Thế Chiến, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam chiếm 43% tổng diện tích, nhưng đến năm 1995, rừng chỉ còn lại 28%, nghĩa là mất trắng 55.000 Km2. Bắt đầu sau đó, với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc, việc trồng rừng mới được bắt đầu; tuy nhiên, tính đến năm 2005, tỷ lệ rừng tăng lên đến 32%, trong đó những vùng trồng cao su, trà, cà phê… vẫn được tính toán trong việc “trồng rừng” do đó con số mới tăng. Nhưng thực sự, việc phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng với tốc độ nước rút, tính đến năm 2005, rừng nguyên sinh (rừng già) ở Việt Nam chỉ còn 8%.

Việc phá rừng Tràm, rừng Đước ở vùng ngập mặn: Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, rừng ngập mặn chiếm khoảng 300.000 Km² bao gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Giờ. Nhưng sau hơn 15 năm khai thác việc nuôi tôm, diện tích rừng hiện nay chỉ còn khoảng 200.000 Km², và phần diện tích mất đi đều bị bỏ hoang vì vùng đất nầy bị ô nhiễm sau vài mùa tôm. Chỉ tính riêng cho vùng Cà Mau, trước 1975, rừng ngập mặn chiếm độ 200.000 Km2, mà nay, chỉ còn độ 70.000 km² mà thôi.

Rừng Tràm, rừng Đước bao bọc tạo thành một vùng ưu đãi của thiên nhiên nhằm:

Giữ chân thảm phù sa bồi thêm cho mũi Cà Mau hàng năm trên 1km trong quá khứ (hiện nay, vì thiếu rừng bờ biển vùng nầy ngày càng bị sói mòn ước tính trên dưới 1/2 km/hàng năm);

Vừa ngăn chặn sóng gió, bão nhiệt đới hàng năm;

Là vùng trú ẩn và sinh sản cho tôm cá trong thiên nhiên;

Cũng một vùng đệm (buffer) để hạn chế việc nhiễm phèn sulphate và giảm thiểu việc ngập mặn trong mùa khô (vào tháng 3/2016, lưu lượng chì còn 800 m3/giây ở Tân Châu, nước mặn đã vào sâu hơn 100Km).

Một khi những nhiệm vụ bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long do thiên nhiên đã mất đi, nguy cơ làm cho vựa lúa của một vùng rộng lớn ngày càng giảm vừa diện tích, và vừa giảm năng suất. Nhiệm vụ của rừng ngập mặn rất quan trọng: –

Việc xây đựng đê bao: Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ Mekong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm đầy hai vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Nhưng hiện tại, hiện tượng nghịch lý đang xảy ra là, với đê bao, dòng nước của Sông Cửu Long chảy thẳng vào hai vùng trên ngay khi chưa tới mùa nước lớn để khai thác nông nghiệp; do đó, khi mùa nước lớn đến, một lượng nước khổng lồ sẽ chảy vào hai vùng đã ngập nước từ trước. Hiện tượng ngập lụt xảy ra là vì thế.

Qua nạn lụt vào năm 2000, chúng ta thấy hậu quả của đê bao rõ ràng nhứt trong mùa nước nổi tức mùa lụt. Thiết nghĩ việc xây đê bao chính là nguyên nhân quan trọng nhứt so với những nguyên nhân kể trên. Vì sao? Vụ lụt lớn nầy ở đồng bằng sông Cửu Long kéo dài qua tận tháng Giêng năm 2001 tại nhiều vùng từ Châu Đốc và một vài nơi ở khu Tứ Giác Long Xuyên. Lý do là mỗi địa phương quyết định xây dựng đê bao để che chắn cho khu vực. Thành thử khi nước xuống, nhiều nơi nước còn tồn đọng vì đê bao ngăn chận…làm cho nước không có lối thoát.

Việc xây dựng đê bao để chuyển vận nguồn nước cho nông nghiệp hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan trọng, cần phải mất nhiều năm để tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng, đâu phải có thể do quyết định của lãnh đạo địa phương ra lịnh đắp đê chung quanh địa phận xã để tránh ngập lụt và, dĩ nhiên hậu quả tất nhiên là các xã chung quanh phải gánh chịu.

Thí dụ điển hình thứ hai về tại hại của đê bao trong mùa khô tháng 4/2010, một số vùng miền Bắc tỉnh Hậu Giang, vì vấn nạn đê bao, nguồn nước không thể thông thương vào được. Do đó, một số hệ lụy đang xảy ra cho vùng nầy từ mấy năm sau đó như:

Vì không có sự luân lưu của nguồn nước cho nên đất ngày càng chai mòn vì dư lượng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và nhứt là phù sa không vào được hàng năm như trước kia, vì vậy năng suất lúa không còn như xưa nữa.

Đê bao hạn chế nguồn nước, cho nên nhiều nơi nông dân chỉ trồng lúa cho gia đình, phần thời vụ còn lại thì phải trồng hoa màu để kiếm sống.

Thời gian thiếu nước kéo dài ra, do đó thu nhập của nông dân ngày càng giảm sút.

Tóm lại, vấn đề đê bao ở vùng ĐBSCL cần phải nghiên cứu lại như một số đề nghị của các chuyên gia nông nghiệp và thổ nhưỡng hiện đang làm việc ở hai Đại học Hậu Giang và Cần Thơ.

Lời cuối cay đắng cho một dòng sông

Mặc dù, trong nhiều năm qua, đã có hơn 15.000 người đã ký tên vào lá đơn gửi tới lãnh đạo các nước trong khu vực yêu cầu ngừng các dự án thủy điện để cứu sông Mekong, nhưng mọi dự án xây đập ngay trên dòng chính của Mekong vẫn tiến hành tuần tự trên đất Lào và Cambodia. Lá đơn do tổ chức Liên Minh “Save the Mekong” khởi xướng đã được gửi tới thủ tướng các nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam, yêu cầu dừng ngay 11 dự án thủy điện tại vùng hạ lưu sông Mekong. Trong đó có 7 đập thủy điện sẽ được xây tại Lào, hai tại vùng biên giới Lào-Thái Lan và hai tại Cam Bốt.

Lý do chính là tuy các công trình thủy điện này sẽ cung cấp điện cho phát triển kinh tế, nhưng chúng có thể gây hại trầm trọng cho môi trường và đa dạng sinh học của dòng sông Mekong, đồng thời ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người sinh sống nhờ dòng sông Mẹ này.

Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận nhiều tài trợ của Ngân Hàng Thế Giới để trồng rừng. Nhưng những khó khăn trong việc nầy là do các vùng đất bị bỏ hoang không khai thác nữa đã có chủ hay được cho Trung Cộng thuê hàng 50 năm, vì vậy không thể thực hiện lại việc trồng rừng.

Một hiện tượng tiêu cực khác nữa là do ý thức của người dân vì không được giải thích tầm quan trọng của sự hiện diện và hữu ích của rừng ngập mặn cho nên nhiều nơi đã được trồng lại nhưng sau đó lại bị phá đi…

Một yếu tố không nhỏ nữa là do quản lý yếu kém, hiện tượng tham những và ăn chận tiền viện trợ. Chính những điều trên khiến cho việc tái tạo rừng ngập mặn trở thành khó khăn hơn và không thể nào thực hiện được trên thực tế.

Và tại một cuộc họp quốc tế về Mekong, vấn đề hạn hán và ngập mặn cũng được đề cập đến. Nhiều chuyên gia nói hồ chứa ở thượng lưu tham gia giải quyết chuyện hạn hán cho đồng bằng sông Cửu Long là tốt và cần thiết. Tuy nhiên, nhận định này không chính xác vì các hồ chứa chỉ cắt được lũ trung bình còn lũ lớn như năm 1991 và 2000 thì không cắt được lũ. Việc làm cho lũ trung bình thành không có lũ là không tốt vì đồng bằng sông Cửu Long là vùng cần lũ, sống nhờ lũ, phát triển nhờ lũ.

Cũng cần nên biết, lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn cho một mùa lũ trung bình. Nếu lũ nhỏ cũng đạt khoảng 100 triệu tấn, riêng tháng 8-9 (cực điểm của mùa nước nổi hàng năm), lượng phù sa đạt khoảng 60 – 70 triệu.

Tuy nhiên, trong mùa Đông Xuân năm 2016, do dòng chảy kiệt nên lượng phù sa đồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất thấp, làm ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân, tính đến hiện tại, số thiệt hại lên đến hơn 200 trăm ngàn hecta lúa bị khô cằn như sự việc đã nêu trên. Bên cạnh đó tình trạng xâm nhập mặn sẽ tăng cao. Dự báo, theo thời gian, hiện tượng ngập mặn đang và sẽ diễn ra sớm hơn, trầm trọng hơn như đã nói ở phần trên. Đợt hạn hán lịch sử đã khiến cho người dân miền Tây trở nên khốn đốn. Theo nhiều chuyên gia, với tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay sẽ khiến nông nghiệp tại nơi này bị ảnh hưởng nặng nề trong vòng 3 năm nữa.

Xin đừng đổ lỗi cho “sự hâm nóng toàn cầu” mà phải chấp nhận hậu quả ngày hôm nay đang xảy ra cho đồng bằng sông Cửu Long là do sự quản lý, phát triển không theo đúng tiến trình toàn cầu hóa nghĩa là phát triển theo chiều hướng ứng hợp với việc bảo vệ môi trường. Mà đây, chính là một tội ác do sự ích kỷ, thiếu hiểu biết về việc xây dựng đê điều của cán bộ lãnh đạo địa phương và trung ương của CSBV.

Những tiên đoán của Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam qua Hội Nghị “Mekong at Risk” về viễn tượng của dòng sông mẹ Mê Kônng từ năm 1999 cho đến nay vẫn còn giá trị.

Ngày nào não trạng của đảng Cộng Sản Bắc Việt không thay đổi trong việc bảo vệ cơ chế chuyên chính vô sản, ngày đó chắc chắn, nước mặn vẫn tiếp tục tiến sâu vào đất liền.

Mai Thanh Truyết

Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam – VAST

Mùa Quốc Hận Tháng Tư, 2018

 

Vui cười

Buổi đầu tiên của chú thợ học việc sửa ống nước, bác thợ cả truyền đạt kinh nghiệm:

– Làm nghề này hay bắt gặp phụ nữ trần truồng trong phòng tắm lắm. Họ rú lên thì rất phiền phức. Mỗi lần như thế, trước khi cô nàng kịp gào lên, hãy lịch sự nói: “Xin lỗi quý ông!”. Cô ta sẽ im bặt vì tưởng rằng mình chưa kịp nhìn thấy gì cả. Buổi chiều, chú thợ học việc trở về xưởng, mặt mũi bầm tím:

– Cháu đến sửa vòi nước ở khách sạn Du Commerce, khi mở cửa thì thấy một đôi đang nằm với nhau. Cháu bèn nói: “Xin lỗi hai quý ông!”. Thế là…

 

Yêu nhau cởi áo cho nhau.

Ghét nhau trợn mắt: Áo đâu? Mặc vào!

 

Y Sĩ Thành Stalingrad Bi kịch thời hậu chiến – Trọng Đạt

Tặng các bạn tù cải tạo.

Nhân dịp lễ trao giải Oscar năm nay 4-3-2018 của Hàn Lâm Viện Mỹ Academy Awards, xin giới thiệu quí độc giả cuốn phim cổ điển giá trị của nền điện ảnh Tây Đức cuối thập niên 50: Y sĩ Thành Stalingrad, Le Medecin de Stalingrad. Phim đã được quay đồng thời với Cầu Sông Kwai của Anh-Mỹ, cùng đề tài về trại tù binh Thế chiến Thứ hai.

Cầu Sông Kwai quay năm 1957, một sự hợp tác của hai nền điện ảnh Anh-Mỹ, đạo diễn nổi tiếng David Lean, dựa theo cuốn tiểu thuyết Pháp Le Pont De La Riviere Kwai của Pierre Boulle in năm 1952. Phim đoạt bẩy giải Oscar của Hàn Lâm viện Mỹ, bẩy giải thưởng của Hàn lâm viện Anh.

Y Sĩ Thành Stalingrad, Le Medecin de Stalingrad, được quay đầu năm 1958, chiếu ở Sài Gòn từ 1959, 1960… hồi ấy báo đăng người Pháp tuyên bố họ lấy làm hãnh diện đã sản xuất được cuốn phim này, được nhiều người khen hay, báo Điện Ảnh Sài Gòn cũng đã  bầu đây là cuốn phim hay nhất trong năm 1960. Nhưng theo tài liệu một người bạn tôi ở Đức gửi về thì phim do một hãng Đức sản xuất, có lẽ người Pháp phát hành hoặc hùn vốn thôi. Hồi chiếu tại rạp Lê Lợi Sài Gòn năm 1960, trên giấy áp phích quảng cáo người ta nói phim được giải ưu hạng tại Đại Hội Điện Ảnh Vichy, Grand prix à Festival De Vichy, một giải thưởng của Pháp.

Nói chung phim Y Sĩ Thành Stalingrad không đoạt nhiều giải thưởng và nổi tiếng như Cầu Sông Kwai nhưng có phần sâu sắc cảm động, thâm trầm hơn

Tôi đã xem phim này hai lần tại các rạp ở Sài Gòn nên còn nhớ rõ truyện phim, tên đạo diễn, các tài tử chính. Cách đây khoảng bẩy năm, tôi được xem lại từ hãng video bên Đức có thực hiện ấn bản mới phát hành trên thị trường thế giới từ  năm 1999.

Phim do hãng Đức Divina Film Production sản xuất, đạo diễn Geza Radvanyl người gốc Hung Gia Lợi, tài tử đa số người Đức, có vài người là gốc Hung gia lợi, Thụy Điển, Áo… dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đức Heinz Gunther Konsalik. Tác giả sinh trưởng tại tỉnh Cologne Đức năm 1921, mới đầu ông học y khoa sau sang kịch nghệ, văn khoa, hồi Thế chiến thứ hai ông là ký giả chiến trường. Chiến tranh chấm dứt ông làm nhân viên nhà hát lớn, sau làm chủ bút, viết báo năm 1951 rồi trở thành nhà văn, cuốn truyện Der Arzt Von Stalingrad, Bác sĩ Thành Phố Stalingrad của ông ra đời năm 1956, khoảng gần 300 trang, lấy bối cảnh trận đẫm máu Stalingrad rét buốt thấu xương. Khung cảnh trại tù khổng lồ đã là khởi đầu cho sự thành công trong văn nghiệp của ông. Truyện đã được dịch ra 17 thứ tiếng trên thế giới, xuất bản được 2 triệu 500 ngàn cuốn, ngày 1.1.1958 đã được quay thành cuốn phim cùng tên.

Truyện Bác Sĩ Thành Stalingrad được dịch ra tiếng Pháp với cái tên vô cùng thi vị La Neige Sur Le Fleuve, Tuyết Phủ Trên Sông.  Một truyện khác nổi tiếng của ông là Tiểu Đoàn 999 (Bataillon 999) hay Tiểu Đoàn Trừng Giới (Bataillon Disciplinaire) khoảng hai, ba trăm trang,  đã được quay thành phim, đầu thập niên 60 có chiếu ở Sài Gòn. Ông đã sáng tác được 130 cuốn tiểu thuyết, dịch ra 36 thứ tiếng đã phát hành tổng cộng 72 triệu cuốn, là nhà văn nổi tiếng nhưng ông vẫn bị phê bình là truyện ướt át, Konsalik mất năm 1999, thọ 78 tuổi.

Truyện Bác Sĩ Thành Stalingrad dựa theo một truyện có thật của một bác sĩ giải phẫu tên Ottmar Kohler sinh 1908, nguyên quán gần Cologne, người ta thường gọi ông là Bác sĩ của thành phố Stalingrad. Ông là bác sĩ giải phẫu làm việc cho tới ngày 2.2.1943 khi lộ quân thứ 6 của Đức đầu hàng, hơn 90 ngàn người bị bắt làm tù binh. Bác sĩ bị bắt và di chuyển đi 12 trại hết thẩy, cuối năm 1953 được thả về sau khi chiến tranh đã chấm dứt 8 năm, ông bị người Nga cầm tù 10 năm. Năm 1954 ông được Tổng Thống Liên Bang Đức trao tặng Đại huân chương cho người có công lao của Liên bang.

Là một bác sĩ thật tài tình, với những dụng cụ thô sơ mà vẫn mổ xẻ cứu được mạng nhiều người bạn tù và cả những người Nga. Ông  bị đưa vào vòng lao tù sau khi lộ quân số 6 Đức Quốc Xã đầu hàng với gió buốt lạnh thấu xương của những cánh đồng hoang Nga, đó là hành trình đi vào cõi chết. Đối với bác sĩ đây là khởi dầu cho một thời gian đậm dấu tình thương yêu đồng loại và lòng nhân đạo đã khiến ông cứu được bao nhiêu mạng sống của các bạn tù trong sự thiếu thốn mọi phương tiện kỹ thuật khi bệnh tật truyền nhiễm, thổ tả, thương hàn đang lan tràn. Đồ lau chùi tẩu thuốc, kim khâu, dao bỏ túi, muỗng … đã được làm dụng cụ mổ xẻ, thế mà đã giải phẫu được kể cả những trường hợp nguy hiểm nhất và đã được nhiều thành công đáng kinh ngạc. Bác sĩ Kohler đã trở thành một huyền thoại và được người ta coi như môt thiên thần. Được trở về Đức 1-1-1954, ông nói những người đã chiến đấu ở Stalingrad cần bầy tỏ cho thế giới biết sự tàn bạo kinh hoàng của chiến tranh để không bao giờ chiến tranh còn có thể sẩy. (1)

Mặc dù nước Đức là một trong ba quốc gia có tổ chức Đại hội điện ảnh quốc tế lâu đời và uy tín nhất: Đại hội điện ảnh quốc tế tại Cannes, Pháp (Festival de Cannes), Đại hội Bá Linh (Festival de Berlin) và Đại hội Venise, Ý (Festival de Venise) nhưng nền Điện ảnh Đức không nổi như điện ảnh Ý, Mỹ, Nhật… Phim ảnh Đức thường có khuynh hướng tư tưởng. Điểm đặc biệt là phim chiến tranh của người Đức nghệ thuật cao hơn các phim Mỹ, Anh, Pháp, họ có khuynh hướng chống chiến tranh không ca ngợi chiến thắng như Âu Mỹ, Nga…Những phim chiến tranh của Tây Đức đã chiếu ở Sài Gòn như L’Enfer de Stalingrad (Địa ngục Stalingrad), Bataillon 999, (Tiểu Đoàn Trừng Giới), Division Brandebourg … đều rất tuyệt vời đã được báo chí, dư luận khán giả Sài Gòn tán thưởng.

Trận Stalingrad khởi đầu từ giữa tháng 9-1942 cho tới ngày đầu hàng 2-2-1943, gần 300 ngàn người thuộc lộ quân số 6 của Đức Quốc Xã đã tham dự, trong thời gian bị vây hãm có khoảng 50 ngàn người thương binh được di tản khỏi trận địa bằng máy bay, khoảng trên 140 ngàn chết tại trận, hơn 90 ngàn bị bắt làm tù binh. Sau 6 tháng bị giam trong các trại, một nửa số tù binh, tức 45 ngàn người bị chết vì đói lạnh, bệnh tật và sự đối xử tàn ác của người Nga. Số còn lại bị giam liên tiếp hàng chục năm, mãi cho tới đầu thập niên 50, tổng cộng chỉ có khoảng 5 hoặc 6 ngàn người sống sót được trả tự do về Đức quốc. (2)

Chế độ giam giữ tù binh quá lâu dài của người Nga được coi là dã man, trên thế giới chỉ có những nước Cộng Sản mới giam tù binh lâu dài như thế.

Sơ lược truyện phim.

“Đạo diễn Geza Radvanyl, O.E .Hasse trong vai y sĩ đại tá Đức Boehler, Eva Bartok trong vai nữ y sĩ đại uý Nga Alexendra Kasalinskaya, Hannes Messemer vai trung úy trực trại Nga Markov, Walter Reyer vai y sĩ đại úy Đức Sellow, Leonard vai y sĩ thiếu tá Nga Kresin, Vera vai Tamara nữ  y tá quân y Nga, Valery Inkijinoff vai thiếu tá trưởng trại Nga…

Mở đầu phim, tiếng chuông nhà thờ rung vang động chào đón đoàn tù binh được thả về từ nước Nga xa xôi. Y sĩ đại tá Bohler được thả từ Stalingrad về Đức, ông vào khách sạn Anker thuê phòng, nhìn lên bức hình khách sạn Anker bị ném bom tan nát năm 1943 bác sĩ nhớ lại khoảng đầu năm 1943, tại mặt trận Stalingrad, bị bắt làm tù binh đưa về trại…

Một hôm tù được đưa vào rừng lao động, cưa những cây cao lớn. Anh tù binh Peter bị đau bụng lăn ra, được bạn tù khiêng về, bác sĩ Bohler cho biết anh bị đau ruột dư, ông bảo bác sĩ phụ tá đi tìm nữ bác sĩ Nga Alexandra để xin mổ vì tình trạng nguy kịch, nữ Đại uý bác sĩ xinh đẹp nhưng tàn ác vốn rất thù ghét người Đức thờ ơ nói chờ bác sĩ khu Kresin nay mai tới mổ. Bohler bèn bảo y tá Pelz đi kiếm cho được cái khăn lông để lấy chỉ khâu, Pels đi lấy cắp khăn của nữ bác sĩ Nga, rất may cô ý tá Nga dễ thương Tamara lén đem cho thuốc tê, thế rồi với những dụng cụ thô sơ chế biến bằng muỗng, đinh, dao bỏ túi… ông đã hoàn thành ca mổ cứu mạng người bạn tù.

Mấy hôm sau bác sĩ Bohler và Sellnow bị đưa ra Hội đồng kỷ luật gồm thiếu tá trưởng trại, trung uý trực trại Markow, thiếu tá bác sĩ Kresin mới đến trại, nữ y sĩ Đại uý Alexandra. Bác sĩ Bohler bị khiển trách vì vi phạm kỷ luật, trên nguyên tắc bác sĩ tù binh không được mổ. trung uý Markov, người tàn ác, thù ghét người Đức phạt cắt khẩu phần mỗi người 100 gram bánh mì cho tới khi điều tra ra kẻ ăn cắp chiếc khăn.

Mọi người ra về, bác sĩ Nga Kresin tiếp xúc riêng với bác sĩ Bohler, ông nói  đã biết bác sĩ Bohler trước là Giáo sư đại học Wurberg, chuyên khoa về não, nhà bác học nghiên cứu về thủy não, nay con trai thiếu tá trưởng trại lên 10 tuổi bị bệnh, ngón tay em đôi khi lỏng lẻo không nắm chắc được do bị bệnh não, cậu ấm có tài kéo violon rất tuyệt. Bác sĩ Nga Kresin đề nghị Bác sĩ Đức giải phẩu chữa cho cậu quí tử thì Thiếu tá trưởng trại sẽ đề nghị thả ông về Đức, Bác sĩ Bohler từ chối ngay.

Khẩu phần bị cắt, tù binh bàn kế hoạch đình công phản đối, có kẻ phản bội báo cáo trung uý Markov, ông cho bắt 4 tên chủ mưu giam lại. Nữ bác sĩ Alexandra là bạn gái của trung uý Markov, cô nàng xinh đẹp nhưng tàn ác thù ghét người Đức, trên hai chiến tuyến khác nhau, Alexandra thù ghét bác sĩ Đức Sellnow nhưng sự giao thiệp với nhau qua công việc tại trại tù đã khiến một mối tình chớm nở, nàng để mắt xanh tới chàng Sellnow. Phái đoàn Thụy Điển đến thăm trại, tù làm reo, trung uý Markov phải trả tự do cho 4 người bị bắt. Tối hôm ấy Ban chỉ huy trại đãi tiệc phái đoàn, Bohler được bác sĩ Kresin mời lên chẩn bệnh cho cậu bé, họ cho rằng cậu bị bướu trong đầu.

Sellnow ngày một dan díu sâu đậm hơn với Alexandra, họ  đưa nhau vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, nếu bại lộ cô nàng sẽ bị ra khỏi Đảng và đưa đi cải tạo, còn Sellnow sẽ bị trừng trị thẳng tay.  Chàng y sĩ đại úy  tù binh liều mạng mất hết cả sự khôn ngoan, cả gan cướp người yêu của trung úy Markov trong khi sinh mạng của mình nằm trong tay hắn.  Markov biết vậy, hắn gọi Sellnow lên phòng làm việc cho biết Mạc Tư Khoa đã thuận cho thả 150 người bệnh tật về Đức, Markov yêu cầu Sellnow lập danh sách 150 người bệnh tật, hắn nói cũng  sẽ ghi tên Sellnow lên danh sách để cho về Đức. Đợt thả một phần do phái đoàn Thụy Điển đến thăm trại, Markov cho biết rất thù hận Sellnow vì chàng liên hệ tình cảm mờ ám với Alexandra. Hắn có thể đưa chàng đi những nới rừng thiêng nước độc, nhưng muốn chàng được ra đi với nụ cười, sự thật Markov không dám hãm hại Sellnow vì sợ Alexandra sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn.

Một chuyện bất ngờ sẩy ra, một buổi tối nọ tù binh trừng trị tên phản bội Grosse, hắn bá cáo nhiều người, lần này bị anh em đập chết vứt xác ra sân. Tối ấy Markov tập họp tù binh cho biết đợt thả về sẽ bị hoãn cho tới khi tìm ra thủ phạm vụ án mạng.

Bệnh trạng cậu ấm quí tử con thiếu tá trưởng trại ngày một nặng hơn, y sĩ thiếu ta Nga Kresin cho mời y sĩ đại tá Bohler lên phòng thiếu tá nói chuyện. Kresin nói nếu bác sĩ Bohler bằng lòng giải phẩu tại bệnh viện Stalingrad để cứu em bé thì thiếu tá sẽ bỏ qua vụ án mạng không báo cáo lên cấp trên, thiếu tá sẽ cho về 150 người bệnh hoạn. Bác sĩ Bohler vẫn ương bướng từ chối, rồi một loạt đòn trả đũa của thiếu tá như không phát thư cho tù binh, bắt những bệnh nhân phải đi lao động khiến Bohler đành phải chấp nhận mổ.

Tại một bệnh viện Stalingrad, bác sĩ Bohler, có bác sĩ Kresin phụ tá giải phẫu cho cậu ấm, sau một ca mổ khó khăn đã thành công cứu chữa cho cậu con trai thiếu tá. Cuộc giải phẫu mang lại kết quả tốt đẹp, những người bệnh hoạn được lập danh sách cho về có tới bốm trăm người, bác sĩ Bohler cũng được về vì đau tim nhưng ông nhường cho bác sĩ Sellnow vì muốn được ở lại chăm sóc tù và cũng muốn cứu anh ta thoát khỏi mối tình nguy hiểm. Sellnow vẫn không chịu về, Bohler phải đề nghị rút thăm, Sellnow  thua cuộc  phải về, nhưng chàng không bao giờ còn được thấy Đức quốc, khi lại thăm Alexandra để đặt chiếc hôn vĩnh biệt thì bị trung uý Markov bắt gặp, trong cơn ghen uất hận hắn đã nổ súng kết liễu đời chàng.

Bác sĩ Bohler sau cũng được thả về Đức quốc, thảm kịch tù đầy vẫn còn in sâu trong tâm khảm ông.” 

*  *  *

Phim đã được các nhà phê bình tại Đức khen ngợi:

Tự điển điện ảnh Dirk Jasper: Cuộc đời đã tạo ra cuốn phim này, nó chứng tỏ rằng tình thương có thể thắng hận thù. Một cuốn phim gây thức tỉnh được con người dựa theo cuốn tiểu thuyết của Konsalik với những diễn viên nổi tiếng.

Tự điển phim ảnh quốc tế: Một cuốn phim của Konsalik với sự đạo diễn và diễn xuất độc đáo nhưng bị những phần soạn thảo phim hơi thô thiển, nghèo nàn làm giảm giá trị trình bầy.

Bình luận phim: Một trong những phim quan trọng nhất của nền điện ảnh Tây Đức sau chiến tranh dựa theo cuốn tiểu thuyết thuộc loại thành công nhất của Heinz G. Konsalik.

Tự điển phim ảnh quốc tế: Tường thuật về những việc đã trải qua trong trại tù tại Stalingrad của một bác sĩ người Đức. Nghệ thuật đạo diễn cũng như diễn xuất trong phim của Konsalik này rất thành công. (3)

Đối với các phim mầu lộng lẫy từ 1958, Y Sĩ Thành Stalingrad đơn giản về hình thức nhưng nội dung phong phú, chủ đề chính của phim đề cao lòng nhân đạo, tình thương, phương tiện tốt nhất để thắng bạo tàn. Nhờ diễn xuất tuyệt vời của các vai chính cũng như vai phụ, tài dựng cảnh vô cùng khéo léo của nhà đạo diễn khiến khán giả tưởng như sự thật đang diễn ra trước mắt mình. Từ cảnh chiến tranh đến trại tù, nhà thương, cảnh chia ly, người đi kẻ ở đã được bàn tay thần diệu của Radvanyl làm sống lại, đó là  mảnh đời tù đầy bi thảm thời hậu chiến. Ra khỏi rạp hát khán giả vẫn tưởng như đang sống trong phim.

Bác sĩ Bohler hơn cả một lương y đầy tình thương yêu đồng đội nhưng ông đã được diễn tả như một nhà tu hành từ bi hỉ xả đã hy sinh cả bản thân để cứu nhân độ tế.  Nhiều cảnh bi thiết, cảm động khiến người xem đôi khi không ngăn được dòng lệ. Vừa khi giải phẩu thành công cho cậu bé tại bệnh viện tại Stalingrad, bác sĩ Nga Kresin tiến lại gặp ông ân cần hỏi

“Thiếu tá có lời cám ơn bác sĩ, thiếu tá hỏi bác sĩ có muốn gì không?”

Bohler buồn rầu trả lời ông chỉ muốn được về trại. Được cho về vì mắc bệnh tim, ông lại nhường chỗ cho bác sĩ  Sellnow vì muốn ở lại trông nom săn sóc các bạn tù. Oái oăm thay, Sellnow không chịu về nại lý do không thể bỏ trốn anh em về trước, mai mốt anh em được thả về thì mặt mũi nào nhìn họ nhưng thực ra chàng đã mê mệt cô nữ y sĩ đại úy Alexandra, không muốn trở về.

Bohler phải cứu bạn thoát ra khỏi vũng lầy của mối tình nguy hiểm, ông đề nghị hai người bắt thăm, lấy hai que diêm đưa ra bảo ai bắt được que ngắn sẽ phải về. Bác sĩ đưa ra sau lưng để đánh tráo nhưng thực ra ông bẻ cả hai que cùng ngắn, Sellnow bắt được que ngắn, buồn thê thảm đành phải chấp nhận đắng cay. Khi Sellnow đi khỏi, người y tá đệ tử Pels biết bác sĩ đã ăn gian bảo

“Ngài đã bẻ hai que cùng ngắn”

Bác sĩ đáp

“Đây là sự lừa gạt tốt đẹp nhất của đời ta”.

Nhưng bác sĩ cũng không cứu được Sellnow, quá mềm yếu chàng đã chết vì mối tình mù quáng. Sellnow đã cả gan cướp đào của người nắm giữ sinh mạng mình trong tay, chàng chinh phục Alexandra thành công nhưng đang tiến tới bờ vực thẳm không hay. Trung uý Markov đã cảnh cáo chàng, hứa sẽ cho chàng hồi hương nhưng Sellnow vẫn chứng nào tật ấy không chịu rời Alexandra để rồi cuối cùng thảm kịch đã diễn ra đúng khi đoàn xe chở tù bắt đầu nổ máy, Sellnow ngã gục trước mũi súng của Markov, trước mắt người yêu và để rồi Alexandra bị bắt đi cải tạo, nàng đã trở thành kẻ thù của Markov, hắn thẳng tay với nàng không thương tiếc.

Trước khi ra ngoài cổng trại chào các bạn tù được thả về, Bohler đến thăm cậu bé con thiếu ta trưởng trại âu yếm bảo:

“Ta đến đây để cám ơn em, vì em mà bao nhiêu người đã được thả về, tiếc rằng em hãy còn quá nhỏ, em không biết sự sung sướng như thế nào của những người tù binh khi họ được trở về với gia đình, ngày mai ta sẽ lại thăm em….”.

Cậu bé ngây thơ tươi cười nhìn ông bác sĩ, đây là một trong những cảnh hay nhất trong phim, nó chân thật và tràn trề tình yêu nhân loại

Kết quả của cuộc giải phẫu hết sức bất ngờ, những người gìa yếu bệnh hoạn đã được trở về nhưng bác sĩ không ngờ bi kịch diễn ra vào giờ phút chót.

Mối tình giữa Sellnow và Alexandra một thảm kịch nhưng mối tình của cô nữ y tá xinh đẹp Nga Tamara và chàng tù binh đau ruột dư Peter đẹp như một bài thơ, khi chàng lên xe, cô nàng âu sầu tựa cửa nghĩ  lại chuyện đã qua.

Mới đầu Alexandra thù ghét Sellnow như nàng đã thù ghét tất cả mọi người Đức ở bên kia chiến tuyến, cuối cùng họ vẫn là những con người, tình cảm của họ cùng rung theo một nhịp điệu. Buổi tối trở về trại sau khi lên Stalingrad giải phẩu,  cùng ngồi trên xe với nhau,  Bác sĩ Bohler thấy bác sĩ Kresin có nhiều thiện cảm với ông để rồi phải nhìn nhận

“Ông cũng là những người bạn tốt nhưng bộ quân phục khác nhau nên chúng ta đã đối mặt nhau như thế”.

Mặc dù cuốn phim diễn tả lại sự đối sử tàn ác của người Nga với tù binh Đức nhưng nó vẫn thể hiện một tình thương yêu rộng rãi bao la. Người Đức không dấu được niềm tự hào dân tộc, trên xe trở về trại ông bác sĩ Nga bày tỏ sự thán phục tài Bác sĩ Bohler.

“Được làm việc với ông tôi thấy hãnh diện và cảm phục ông quá,  chắc ông không thích khen ngợi…”.

Phải nói ngoài O.E.Hasse không một tài tử thứ hai nào có thể đóng được vai bác sĩ Bohler. Vầng trán cao, bộ mặt thông thái của ông thật tương xứng vai một nhà bác học, giáo sư đại học y khoa. Nét mặt đầy ưu tư phiền muộn của ông đã diễn tả quá phong phú cái bể khổ mênh mông của thân phận con người thời hậu chiến, O.E.Hasse thật xứng đáng là linh hồn của siêu phẩm Y Sĩ Thành Stalingrad.

Những mối tình éo le ngang trái trong phim chỉ là phương tiện để lôi cuốn người xem, chủ đề chống chiến tranh mới đích thực là điều siêu phẩm nhằm diễn đạt. Nó cho ta thấy chiến tranh đã biến đổi bản chất những con người như bác sĩ Kresin, Alexandra… đã khiến cho con người trở nên tàn ác, thù hận lẫn nhau.

Cảnh cuối phim, Bác sĩ Bohler sau khi hồi tưởng lại tấn bi kịch của trại tù binh, đang ở trong văn phòng khách sạn Anker, điền tên vào giấy tờ xong trao cho người nhân viên Ông này ngẩn người ngạc nhiên khi biết Bác sĩ từ Stalingrad tới, tiếng chuông nhà thờ vẫn còn ngân vang chào đón những đưa con thân yêu đang trở về đất nước.

Bohler từ từ ra khỏi văn phòng, ông mường tượng trong trí một đoàn quân trong ngày lễ duyệt binh, rồi mấy đoàn quân nữa hùng dũng tiến lên theo nhịp trống …. một chiếc hoả tiễn phóng lên, một chiếc máy bay phản lực  lao vút lên trời xanh… bản mặc niệm bi thiết nổi lên trên nét mặt u buồn của Bohler kết thúc cuốn phim siêu phẩm

Thập niên 60, tôi tưởng kết luận cuốn phim muốn nói bác sĩ Bohler tiếc nhớ thời oanh liệt của nước Đức nhưng nay có lẽ không phải như vậy

Các đoàn quân trong ngày lễ không phải chỉ riêng một nước Đức mà là đoàn quân quốc tế tượng trưng cho những người lính chiến của nhân loại, những người đã nằm xuống trong cuộc Đại chiến hủy diệt sự sống của loài người. Bản mặc niệm nổi lên là bản mặc niệm Mỹ để tưởng niệm cho tất cả vong linh tử sĩ của các nước đã tham chiến như một niềm hy vọng lịch sử sẽ không bao giờ tái diễn.

Y Sĩ Thành Stalingrad, một phim có khuynh hướng chống chiến tranh hơn là chống lại sự đối xử tàn ác của người Nga trong những trại tù giá lạnh. Một kết luận hay, khó hiểu cho ta thấy tinh thần cao thượng của siêu phẩm, đầy tình vị tha, nhân bản, tràn trề tình yêu nhân loại.

Trọng Đạt.

(1) Dựa theo tài liệu của Kho lưu trữ hồ sơ tài liệu chính của tiểu bang, tỉnh Koblenz do một người bạn ở Đức (du học từ thập niên 60) gửi qua.

(2) Dựa theo cuốn The Great Military Battles xuất bản 1974 tôi đọc trước đây khá lâu, tính ra trong số 90 ngàn tù binh chỉ còn khoảng 6% sống sót.

(3) Những phê bình trên đây trích trong các tự điển phim ảnh do  bạn tôi ở Đức gửi sang, mặc dù là một phim nổi tiếng quốc tế, có nghệ thuật cao quay theo một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng bán chạy, nhưng người bạn tôi ở Đức cho biết phim không được dư luận chú ý lắm. Cũng có thể hình ảnh đen trắng lạc hậu của phim quay từ 1958 so với kỹ thuật tối tân ngày nay đã khiến cho người ta mất cảm tình

 

Vui cười

– Ngày mai anh đi rồi, đêm cuối này em chiều anh một lần nhé?

– A … ừ, anh muốn thế nào?

– Đừng nói nữa, để anh ngủ.

 

Trong giờ luyện tập (ở lớp tiểu học), cô giáo ra một phép tính: 4 x 13 = ?

Một “em bé” phóc đứng dậy: – 52 ạ!

Cô giáo (ngạc nhiên): Sao hôm nay em giỏi thế, ở nhà có chuẩn bị bài trước rồi hả?

Em bé: Dạ… ở nhà em hay bị … chia bài xập xám  ạ!

 

Trong một góc tối của công viên, cô gái quyết liệt đẩy chàng trai ra. Chàng trai ngạc nhiên: – Em sao thế?

– Thì…. từ từ đã. “Cơm không ăn thì gạo còn đó”…

– Chắc gì đã còn, thời nay, chuột nhiều vô kể…

 

Những vụ Việt cộng thảm sát tập thể dân lành vô tội! – Ls. Lê Duy San

Kể từ khi Việt Minh (tức Việt Cộng) cướp được chính quyền vào ngày 19/8/1945 tới nay, bọn Việt Cộng đã giết tới cả chục triệu dân Việt Nam. Giết người có tội hay chống đối chúng đã đành, chúng còn giết cả người vô tội, cả người không hề chống đối chúng. Đối với chúng, “Thà giết lầm, dù giết lầm cả trăm, cả ngàn người vô tội, còn hơn thả lầm một người có tội”. Vì thế chúng ta không lấy làm lạ trong suốt cuộc chiến Việt Nam, bọn Việt Cộng đã thực hiện không biết là bao nhiêu cuộc thảm sát tập thể những người dân Việt Nam hiền lành vô tội. Dưới đây chỉ là mấy vụ thảm sát tập thể điển hình mà người viết được biết.

Vụ thảm sát 1: Vụ thảm sát tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi.

Ngay sau khi Việt Minh, tức Việt Cộng sau này, cướp được chính quyền của Thủ Tướng  Trần Trọng Kim vào ngày 19/8/1945, chúng đã thực hiện nhiều vụ tàn sát tập thể các dân lành tại nhiều xã thuộc các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành trong tỉnh Quảng Ngãi. Tổng cộng số người bị Việt Minh giết lên đến gần 3,000 người, đa số là tin đồ Cao Đài. Theo Giáo Hữu Ngọc Sách Thanh tại Hoa Kỳ trình bày chi tiết trước Ủy Hội Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 4/1999 thì có vùng người dân “bị giết hết cả già trẻ lớn bé mà mồ chôn tập thể cùng khắp các miền quê…”. Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có bảng liệt kê danh tánh các nạn nhân lên đến con số 2,791 người. Danh sách này cũng được ghi nơi Đài Tưởng Niệm thiết lập từ năm 1956 tại Quảng Ngãi. Sau năm 1975 chính quyền cộng sản đã cho triệt hạ phá bỏ hết tất cả mọi dấu tích đi. Luật sư Đoàn Thanh Liêm cho biết đồ tể khét tiếng trong vụ thảm sát này tên là Đặng Bửu sau này giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Chính Trị Nguyễn Ái Quốc ở Hà nội.

Vụ thảm sát 2: Tàn sát cả ngàn người trong vụ “ Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa” 

Sau cái gọi là Nghị quyết sửa sai của đảng CSVN về những đợt cải cách ruộng đất đẫm máu, các nạn nhân đã tìm những cán bộ thanh toán món nợ máu. Các đảng viên CS được thả về từ nhà tù, được khôi phục quyền hành, khôi phục đảng tịch, cũng liền tìm đến ngay các đồng chí đã vu cáo họ để trả thù. Họ đã dùng ngay chính sách sửa sai của CSVN để đòi lại chồng con đã bị giết oan uổng, tài sản đã bị cưỡng đoạt bất hợp pháp và đòi quyền được di chuyển tự do vào Nam như đã ghi trong Hiệp định Geneve 1954.

Vụ dân chúng nổi dậy lớn nhất là vụ “Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa” ở Nghệ An vào đầu tháng 11/1956. Theo Cẩm Ninh, tác giả bài “ Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa” thì đây là “Một cuộc đấu tranh đẫm máu chống lại chính sách cai trị dã man của lãnh đạo CSVN, mà qua đó, chính sách Cải Cách Ruộng Ðất đã là nguyên nhân chính làm bùng nổ cơn phẫn nộ của người dân.”

Cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu 13-11-1956-(Nghệ An)

 Toàn thể nhân dân tỉnh Nghệ An, gồm đủ mọi thành phần giai cấp ở các xã Quang Trung, Tân Nho, Diễn Tân, Vạn Kim, Diễn Ðức, Diễn Ðông, Diễn Nguyên, Minh Châu, Ðức Vinh, Hồng Thăng, Ðại Gia, Yên Trung đã mở 1 đại hội để tố cáo những chính sách cai trị tàn ác của chế độ CSVN.

Ngày 10/11/1956, khoảng 10,000 nông dân đã mở đại hội lần thứ hai tại xã Cẩm Trường để bàn thảo về những ngày tới. Nhưng ngay lúc đó, CSVN đã điều động 2 đại đội chủ lực và 1 đại đội công an võ trang huyện Diên Châu về xã Cẩm Trường để giải tán đại hội nông dân. Bạo động đã xảy ra.

Tờ mờ sáng này 11/11/56, các bà mẹ đã đánh trống, mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu. Xã Diễn Châu như bị động đất. Rồi 30,000 nông dân kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn chính quy của CS, trở thành 1 vòng bao vây thứ tự. Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá mau, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên.

Rạng ngày 13/11/1956, một cuộc biểu tình vĩ đại với sự tham gia của gần 100,000 đồng bào tỉnh Nghệ An. Bài hát Quỳnh Lưu KhởiNghĩa đã được truyền đi khắp nơi, hoà với những đợt trống, mõ vang lên liên tục:

Anh đi giết giặc lập công,  Con thơ em gửi mẹ bồng

Ðể theo anh ra tiền tuyến, Tiêu diệt đảng cờ Hồng

Ngày mai giải phóng, Tha hồ ta bế ta bồng con ta.

Trước tình hình này, Hồ Chí Minh ra lịnh cho Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 304 từ Thanh Hóa vào baovây. Và Ngày 14/11/1956, Văn Tiến Dũng huy động thêm Sư đoàn 312 vào trận địa quyết tiêu diệt nhân dân Quỳnh Lưu.  Con số thương vong bị Việt Cộng dấu kín, nhưng theo những người dân Qùynh Lưu còn sống sót cho biết thì số người bị giết ít nhất cũng cả ngàn người và số người bị bắt cho đi tù ít nhất cũng trên 6,000 người.

Vụ thảm sát 3: Vụ thảm sát dân làng Dak Son.

Dak Son thuộc thị xã Phước Long, tỉnh Sông Bé. Là một ngôi làng mới được dựng lên bởi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho khoảng 800 đồng bào dân tộc miền núi sau khi họ đã vượt thoát từ những vùng cao nguyên bị kiểm soát hoặc khủng bố bởi những đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt.

Đúng vào ngày này 05/12/1967, một vụ thảm sát kinh hoàng đã xảy ra tại khu làng Dak Son. Sau khi đã chiếm được làng, đoàn quân man rợ này đã hò hét và ra lệnh phải thiêu hủy toàn bộ làng Dak Son.

Những vòi lửa phóng ra đã đốt cháy nhà cửa kể cả những ai đang trốn hoặc không kịp chạy khỏi nhà.  Một số người sống sót chạy xuống hầm để trốn thì bị chết vì ngộp thở.  Một số nhà chưa cháy thì bị phá sập bởi lựu đạn. Khi đã hết nhiên liệu phóng lửa thì CSBV bắt đầu dùng tới súng để tàn sát. Chúng tìm được 160 người còn sống và bắt ra khỏi hầm rồi xử tử tại chỗ 60 người.. Khoảng 100 người còn lại chúng bắt theo vô rừng.

Tổng cộng 252 dân làng đã bị giết trong cuộc tàn sát này, đa số là đàn bà và trẻ em.

Vụ thảm sát 4: Vụ thảm sát năm Mậu Thân 1968 tại Huế.

Sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1968, lợi dụng hưu chiến trong dịp Tết Nguyên ĐánQuân đội Cộng Sản Hà Nội và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, con đẻ của  Cộng Sản Hà Nội đã bất thình lình tấn công tại nhiều thành phố của miền Nam Việt Nam, trong đó cóSài Gòn và Huế. Chúng chiếm được Huế và tưởng là đã “giải phóng” vĩnh viễn được thành phố này nên Lực Lượng Cách Mạng Huế cùng với Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình của Lê văn Hảo đã họp hội nghị để thành lập một Chính Quyền Cách Mạng, với mục đích tổ chức việc quản trị thành phố và chuẩn bị chống lại sữ phản công của quân đội VNCH. Ngày 15 tháng 2 năm 1968 Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế được thành lập và Lê Văn Hảo đảm nhiệm chức vụ chủ tịch.”

Sau khi Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế được thành lập, chúng ra thông cáo  yêu cầu tất cả các quân cán chính của chính quyền VNCH phải ra trình diện rồi bắt giữ họ. Chúng cho những tên cộng sản nằm vùng như anh em Hòang Phủ Ngọc Tường, Hòang Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân v.v…đi lùng bắt những người trốn tránh không chịu ra trình diện và những người chúng nghi là thành phần “phản động. Nhiều người bị giết ngay tại nhà, trước ngõ hoặc trên đường phố và được chúng chôn ngay tại chỗ.

Trong 28 ngày chiếm giữ Huế, bọn Việt Cộng (bộ đội Bắc Việt và quân đội Gỉai Phóng Miền Nam) ngày nào cũng đi lùng bắt giết các quân nhân VNCH nghỉ phép về nhà ăn Tết và viên chức của VNCH. Những người dân thường không theo chúng, chúng cũng bắt và giam giữ tại nhiều nơi khác nhau. Số người bị bắt giam vào khỏang gần 10,000 người.

Một hầm chôn tập thể  ở Huế được khai quật

Khi quân đội VNCH phản công và tái chiếm thành phố Huế, để dễ dàng và an tòan cho cuộc rút lui, chúng đã bắt những người dân mà chúng đang giam giữ, đào những hầm hố lớn, nói là, nói là để làm hầm trú ẩn. Đào xong, chúng xả súng bắn vào họ rồi lấp đất chon họ luôn. Nhiều người chưa chết, chúng cũng chôn luôn.

Sau khi quân đội VNCH tái chiếm được Huế, do sự chỉ dẫn của dân chúng, người ta đã khám phá được gần 100 hầm hố chôn người. Có hố chôn 5, 3 người, có hố chôn một vài chục người. Còn hầm thì chôn ít nhất cũng có cả trăm người. Tổng cộng số xác chết vào khỏang hơn 5,000 người, chưa kể hơn 2,000 người mất tích (7). Nhiều nạn nhân bị trói hai tay và bị bắn vào đầu. Có thể nói đây là vụ người dân VN bị Việt Cộng tàn sát tàn bạo và dã man nhất trong cuộc chiến Việt Nam (1955-1975)

Vụ thảm sát 5: Vụ thảm sát dân làng Dục Đức tại Đà Nẵng.

Làng Dục Đức nằm vị trí khoảng 20 dặm về phía tây nam Đà Nẵng, là một trong những khu vực mất an ninh nhất trong chiến tranh Việt Nam . Các làng trong khu vực này luôn bị tấn công bởi bộ đôi chính quy Bắc Việt và Việt Cộng khủng bố nên đã được lính Mỹ bảo vệ.

Làng Dục Đức sau ngày 28-31/3/71

Vào tháng 8 năm 1970, khi những người lính Mỹ cuối cùng đã rời làng Dục Đức. Bảy tháng sau đó vào ngày 28 tháng 3 năm 1971, hai trung đoàn bộ đội cộng sản Bắc Việt đã tấn công tàn sát, giết chết

cả 100 dân làng gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em, làm bị thương hơn 150 người và đốt cháy khoảng 800 ngôi nhà.

Vụ thảm sát 6: Vụ thảm sát ở ấp Tân Lập, tỉnh Long Khánh.

Ngày 21 tháng 4 năm 1975, một một trận chiến ác liệt đã xẩy ra tại thị xã Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh.

Sau khi biết chắc chắn đơn vị cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Tiểu đoàn 2/43, Sư đoàn 18 Bộ Binh đã triệt thoái khỏi trận địa, các đơn vị của Sư đoàn 341 Việt Cộng thuộc Quân đoàn IV của Tướng Hoàng Cầm, được lệnh tiến vào tiếp thu các làng xã từ đèo Mẹ Bồng Con, dọc theo QL.1 đến Ngã Ba Cua Heo, cửa ngõ đi vào Thị xã Xuân Lộc từ hướng Tây.

Mặc dù rất thận trọng trong lúc tiến quân tiến vào xã Tân Lập, chúng đã vướng phải mìn claymore do các chiến sĩ nghĩa quân gài. Mìn nổ đã làm cho một số cán binh cộng sản chết và bị thương. Chúng tức giận, đã bắn B40, B41 rồi bắn AK 47 xối xả vào đám dân làng đang ra đứng trước nhà để “hoan hô bộ đội giải phóng”. Tên chỉ huy ra lệnh lùa dân làng tập trung tại một bãi đất trống. Chúng bắt để tay trên đầu, nằm úp mặt xuống mặt đất rồi ra lệnh nổ súng giết hết. Những người còn sống, chúng dùng lưỡi lê đâm chém cho đến chết mới thôi. Con số tử vong đếm được trên 183 nạn nhân. Tất cả được lùa xuống hố và chôn tập thể. Hiện nay mồ chôn tập thể đó vẫn còn tồn tại tại xã Tân Lập, Quận Xuân Lộc, Tỉnh Long Khánh.

Vụ thảm sát 7: Vụ thảm sát dân làng Ba Chúc, tỉnh An Giang.

Vào tháng 4/1978, hơn 3,157 dân làng Ba Chúc thuộc tỉnh An Giang đã bị Việt Cộng thảm sát dã man, tàn bạo và khủng khiếp hơn cả vụ thảm sát đồng bào Huế trong Tết Mậu Thân 1968.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Long Hồ thì “Nạn nhân gồm cả đàn bà, trẻ con Việt Nam lẫn Cam Bốt bị thảm sát tại các CHÙA, TRƯỜNG HỌC tại làng Ba Chúc cách biên giới VIỆT – MIÊN khoảng 7 cây số và chỉ trong vòng một đêm 18 tháng 4 năm 1978. Cái dã man và vô nhân đạo của bọn Lãnh đạo Đảng CSVN là đã đem những bộ hài cốt của những nạn nhân do chúng thảm sát, đem trưng bày trong các hộp kính để gây ảo giác căm thù giữa hai dân tộc VIỆT NAM – KAMPUCHEA”.

“Sau khi phối kiểm và phân tách “Câu chuyện làng BA CHÚC ở biên giới MIÊN – VIỆT” của ông HOÀNG QUÝ (mạng lenduong. net ngày 5/02/2004), chi tiết về cụm nhà mồ BA CHÚC kể trên và thơ tố cáo của ông TRẦN H. Một điểm trùng hợp rất quan trọng là ông TRẦN H, và ông HOÀNG QUÝ đều xác nhận là tất cả nạn nhân đều bị thảm sát tại CHÙA VÀ TRƯỜNG HỌC .

Sọ dân làng Ba Chúc

 Ông TRẦN H. viết: “… CSVN đưa sư đoàn 30 CSBV án ngữ dầy đặc dọc biên giới Miên Việt tỉnh Châu Đốc cũ. Chiều đến thì bọn cán bộ và bộ đội Cộng sản bắt dân vào CHÙA VÀ TRƯỜNG HỌC ngủ để chúng bảo vệ. Nửa đêm, dân ngủ mê, chúng giả bộ đội Miên tấn công vào chùa và trường học bằng lựu đạn, cổng ngoài khóa chặc. Sau đó, chúng nổi lửa đốt sạch làm hằng ngàn dân vô tội phải chết oan uổn dưới bàn tay vô thần của CSVN. Nhứt là tại

 

Hàn Phi Tử – Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

PHẦN II – Chương 1

Hàn Phi: Đời sống và tác phẩm

Đời sống

Về tiểu sử Hàn Phi chúng ta chỉ có ba nguồn tài liệu: Chiến Quốc sách, Hàn Phi Tử và Sử ký của Tư Mã Thiên; nhưng những tài liệu ấy đa số đều mập mờ hoặc không đáng tin, có khi mâu thuẫn nhau nữa.

Trước hết chúng ta có thể gạt bỏ tài liệu trong Chiến Quốc sách, tức bài Diệu Cổ đáp vua Tần (Tần – V.8- bản dịch của chúng tôi, nhà Lá Bối 1973) vì Chiến Quốc sách không đáng coi là một tác phẩm về sử, (nhiều bài chỉ có giá trị về văn học, về luận thuyết thôi, điều này chúng tôi đã trình bày trong phần giới thiệu Chiến Quốc sách trang 40, nhất là bài Diệu Cổ đáp vua Tần có giọng tiểu thuyết quá, không thể tin được). Đại khái truyện như sau:

Hàn Phi thấy Diệu Cổ là người nước Ngụy, giúp vua Tần (Thủy Hoàng) đắc lực được phong chức thượng khanh, mà ghen ghét, dèm pha, tấu với vua Tần: “Cổ đem châu báu, phía Nam đi sứ Kinh (tức nước Sở), Ngô, phía Bắc đi sứ Yên, Đại. Ba năm sau, tình giao thiệp với các nước vị tất dùng quyền của đại vương, bảo vật của quốc gia mà tự kết giao với chư hầu xin đại vương xét lại. Vả lại tên lính giữ cửa của nước Lương đó đã ăn cướp ở Lương, lại có lần làm bề tôi ở Triệu mà bị đuổi (…) mà đem bàn việc xã tắc với hắn thì còn đâu cái nghiêm khắc đối với quần thần”

Vua Tần bèn vời Diệu Cổ vô hỏi. Cổ nhận hết, nhưng bảo Thái Công Vọng, Quản Trọng, Bách Lý Hề đều xấu xa đê tiện vì Thái Công Vọng có lúc làm tên đồ tể, Quản Trọng vốn là một con buôn tham bỉ, Bách Lý Hề là một tên ăn xin ở đất Ngu, vậy mà vua Văn vương, vua Tề Hoàn công, vua Tần Mục công vẫn dùng họ mà nhờ họ lập được nghiệp vương, nghiệp bá, còn hạng cao khìết như các ẩn sỹ Biện Thùy, Vụ Quang, Thân Đồ Địch thì không vua nào dùng được, nên họ chẳng giúp gì cho xã tắc. Vậy là khi dùng người, nhà vua chỉ nên xem xét kẻ đó giúp được việc cho mình không, chớ đừng câu nệ họ dơ bẩn, xấu xa; nhất là đừng nghe lời gièm pha mà sẽ không có bề tôi trung với mình đâu

Rốt cuộc, “vua Tần khen là phải, lại dùng Diệu Cổ mà giết Hàn Phi”.

Nhân vật Hàn Phi trong bài đó bị bôi nhọ quá thành một biện sỹ hạ đẳng, vô tư cách mà Tần Thủy Hoàng cũng không đáng là một ông vua dựng được nghiệp lớn nhất thời Chiến Quốc: Đã hồ đồ nghe lời Hàn Phi, rồi lại dễ dàng bị Diệu Cổ thuyết phục, giết Hàn Phi một cách vô lý. Sự thực, Hàn có thể bị Lý Tư (và có lẽ cả Diệu Cổ nữa) gièm pha, nhưng chết vì một lý do khác hẳn.

Chiến Quốc sách chỉ chép mỗi truyện đó về Hàn Phi. Bộ Hàn Phi Tử cho ta được nhiều tài liệu hơn: năm thiên hết thảy.

Thiên I – Sơ kiến Tần, mà nhiều tác giả chú giải là bài biểu Hàn Phi dâng vua Tần trong lần hội kiến đầu tiên, nhưng họ không cho ta biết  việc xảy ra năm nào. Đại ý bài đó bảo Tần đừng sợ lục quốc (Triệu, Yên, Ngụy, Kinh “Sở”, Tề, Hàn) hợp tung đánh Tần vì kho lẫm của họ trống rỗng mà sỹ tốt của họ sợ chết, nên họ sẽ thua. Còn Tần có điều kiện để làm bá chủ, sở dĩ chưa thôn tính được thiên hạ vì mưu thần bất tài, bất trung (Hàn dẫn chứng Tần vì lầm lẫn mà ba lần để lỡ cơ hội làm bá).

Cuối cùng, Hàn kết: “Thần không sợ chết, xin yết kiến đại vương để bàn về cách phá thế hợp tung của các nước trong thiên hạ, thắng Triệu, diệt Hàn[1] bắt Kinh, Ngụy phải thần phục, bắt Tề, Yên phải kết thân với mình, để thành cái danh bá vương. Xin đại vương thử nghe thuyết của thần, một lần ra quân mà quân trong thiên hạ không bị phá (…) danh bá vương không thành, chư hầu bốn phương không thần phục thì xin đại vương chém đầu thần đi để mọi người trong nước biết rằng thần mưu tính mà không trung thành với chúa”.

Có ba lí do để nghi ngờ bài đó không phải của Hàn Phi:

– Không có một sách nào khác chép truyện đó cả, trước sau Hàn Phi chỉ đi sứ Tần có một lần để dâng vua Tần bài biểu Tồn Hàn (coi phần dưới) thôi.

– Giọng bài đó cũng là giọng bọn biện sĩ như Tô Tần, Trương Nghi, chứ không phải giọng một tư tưởng gia về chính trị như Hàn. Có người ngờ là của Thái Trạch (người nước Thái, lấy tên nước làm tên họ, làm tể tướng Tần Chiêu vương sau khi Phạm Tuy từ chức); nhưng Chiến Quốc sách cho là của Trương Nghi thuyết Tần Huệ Vương. Bài trong Chiến Quốc sách (Tần sách I.5) y hệt bài trong Hàn Phi tử, chưa rõ bộ chép bộ nào.

– Tư tưởng của Hàn Phi trong bài đó, tức thiên 1- Sơ kiến Tần trái ngược hẳn với thiên 2 – Tồn Hàn. Trong Sơ kiến Tần Hàn Phi nguyện giúp Tần diệt lục quốc, trong đó có nước Hàn, tổ quốc của Hàn Phi. Trong Tồn Hàn, trái lại Hàn Phi cố thuyết phục Tần Thủy Hoàng duy trì nước Hàn:

Lúc đó Triệu và Tần xích mích với nhau, Tần muốn chiếm Hàn trước vì Hàn nằm giữa Tần và Triệu. Hàn Phi khuyên đừng đánh Hàn vì Hàn từ trước vẫn cống nộp và thi hành mệnh lệnh của Tần, chưa chắc đã diệt ngay được, Hàn sẽ cố thủ; trong khi đó Ngụy, Triệu sẽ hướng về Tề, khối hợp tung sẽ mạnh mà Tần sẽ nguy:

“Hàn vốn là một nước nhỏ, phải chống cự sự công kích ở bốn phía, chúa nhục, tôi khổ, trên dưới cùng lo lắng với nhau từ lâu rồi, cho nên phòng bị kỹ, đề phòng kẻ địch mạnh, tích trữ lương thực, xây đắp hào lũy để cố thủ. (Như vậy) Tần mà đánh Hàn thì một năm chưa chắc đã diệt được, còn nếu như chỉ chiếm được một thành rồi rút lui thì quyền uy của Tần sẽ bị thiên hạ coi thường, mà thiên hạ sẽ bẻ gẫy binh của ta, (vì) Hàn mà phản (chống) Tần thì Ngụy sẽ hưởng ứng, Triệu sẽ dựa vào Tề, được Tề hậu viện. Như vậy Hàn, Ngụy thêm sẽ cho Triệu, mượn cái phúc của Triệu, cái họa của Tần”

Vì vậy tốt hơn, Tần nên giao hảo với Kinh (Sở), Ngụy, rồi đánh Triệu, thắng được Triệu, Tề rồi thì tự nhiên Hàn, Ngụy, Kinh đều qui phục Tần: “Theo kế ngu của thần thì nên (một mặt) sai người đi sứ Kinh, dùng lễ hậu mua chuộc các bề tôi có trọng trách, trình bày cho họ thấy Triệu đã khinh nhau (hay gạt) Tần ra sao; mặt khác trao đổi con tin với Ngụy cho Ngụy an tâm, rồi đốc suất quân của Hàn để đánh Triệu[2], dù Triệu có liên kết với Tề cũng không đáng lo. Dẹp xong hai nước đó (Triệu, Tề) rồi, chỉ cần gởi một bức thư là định được nước Hàn. Như vậy là nhất cử mà hai nước bị suy vong, lại thêm Kinh, Ngụy cũng tự qui phục ta”

Đoạn trên, Hàn Phi giữ được tư cách một sứ giả, đề cao tinh thần đoàn kết quyết tâm cố thủ của vua tôi Hàn; đoạn dưới lí luận vững nên Tần thủy Hoàng có vẻ xiêu, nhưng còn do dự.

Thiên Tồn Hàn đó có học giả cũng ngờ không phải của Hàn Phi, vì giọng cũng hơi có giọng biện sĩ nhưng sự việc kể trong thiên thì chắc đúng, vì hợp với Sử kí của Tư mã Thiên (coi đoạn sau)

– Thiên 3 – Nan ngôn, nhiều nhà chú giải cũng cho là một bài biểu của Hàn Phi vì mở đầu “Thần là Phi, không phải là khó nói…..” mà tư tưởng cũng hợp với Hàn Phi (so sánh thiên đó với thiên XII Thuế Nan), nhưng không học giả nào biết được bài biểu đó dâng vua nào, nên chúng tôi không thể dùng để viết tiểu sử của Hàn được.

– Thiên 19 Sức tà – Bài này cũng có giọng một bài biểu, các nhà chú giải cho là Hàn Phi viết để dâng vua Hàn, khuyên đừng nên tin dị đoan, đừng nên trông cậy vào nước lớn, chỉ nên tin ở chính mình thôi, và muốn nước mạnh thì vua phải sáng suốt trong việc thưởng, nghiêm khắc trong việc phạt, thưởng và phạt không được quá đáng mà cũng không được bất cập.

Những tư tưởng đó đúng là của Hàn Phi, nên chúng ta có thể tạm tin được.

Sau cùng Thiên XLII Vấn điền có chép một đoạn Hàn Phi trả lời Đường Khê công, một mưu thần của nước Hàn.

Đường Khê công cảnh cáo Hàn Phi rằng lập ra pháp luật và thuật thì sẽ nguy cho thân như Ngô Khởi và Thương Ưởng. Hàn đáp rằng mình vẫn biết vậy nhưng đặt ra pháp luật là việc lợi cho dân, cho nên mình cứ làm, dù có gặp bề trên hôn ám, không hiểu mình mà bị tai họa ra sao thì cũng chịu, như vậy mới đáng là bậc nhân, trí.

Đoạn đó rõ ràng là của người sau viết và không đáng tin, vì theo một học giả Trung Hoa hiện đại, Trần Thiên Quân, thì Đường Khê Công lớn hơn Hàn Phi khoảng bảy chục tuổi, khó có thể nói chuyện với Hàn Phi như vậy được. (Coi Léon Vadermeersch – sách đã dẫn trang 58-59) Tóm lại những tài liệu trong Hàn Phi tử chỉ có hai điểm này là có thể tin được:

– Hàn Phi muốn cho nước Hàn mạnh, khuyên vua Hàn nên trọng pháp luật, đừng tin dị đoan, đừng trông cậy nước lớn.

– Hàn Phi ráng thuyết phục Tần Thủy Hoàng bảo tồn nước Hàn.

Chung qui, tài liệu giúp chúng ta được nhiều nhất vẫn là Sử kí của Tư mã Thiên. Trong Sử kí có ba thiên nhắc tới Hàn Phi:

– Thiên 63: Lão tử, Trang tử, Thân Bất Hại, Hàn Phi trong phần Liệt truyện.

– Thiên 6: Tần Thủy Hoàng trong phần Bản kỉ.

– Thiên 45: Hàn trong phần Thế gia.

Thiên 63, Tư mã Thiên viết:

“Hàn Phi là một công tử[3] của nước Hàn, thích cái học về hình danh, pháp, thuật, nhưng gốc là cái học của Hoàng đế, Lão tử.

Ông vốn cà lăm, nói không hay nhưng viết hay. Ông cùng với Lý Tư theo học Tuân Khanh; Lý Tư tự xét không bằng ông. Ông thấy nước Hàn mất đất, suy nhược, mấy lần dâng thư can gián vua Hàn[4], nhưng vua Hàn không biết dùng ông, nên ông bực mình rằng nhà vua trị nước không lo sửa chữa, làm sáng tỏ pháp chế, không nắm lấy cái thế để chế ngự bề tôi, làm cho nước nước giàu binh mạnh, không tìm hiền tài giao cho chức vụ mà trái lại, cất nhắc bọn sâu mọt bậy bạ, trọng dụng chúng hơn hạng người thật có lòng. Ông cho rằng bọn Nho sĩ dùng văn làm loạn pháp luật, còn bọn hiệp sĩ dùng võ mà phạm cấm lệnh. Thời thong thả (bình an), nhà vua quí hạng người có danh tiếng (hão), đến khi cấp bách thì lại dùng kẻ sĩ mang áo giáp, đội mũ trụ (nón trận), như vậy kẻ dùng được không nuôi mà kẻ được nuôi lại không dùng được. Ông buồn vì nỗi kẻ liêm khiết ngay thẳng là nạn nhân của bọn bề tôi gian tà, cong queo, xét các biến cố nên hay hỏng trong thời trước, mà viết các thiên Cô phẫn, Ngũ đố, Nội, ngoại trừ, Thuế nan….gồm trên mười vạn chữ.

“Có người đem sách của ông đến nước Tần, vua Tần[5] đọc các thiên Cô phẫn và Ngũ đố, bảo: “A, nếu quả nhân được gặp người này, giao du với ông ta thì chết cũng không hận!” Lý Tư tâu rằng tác giả những thiên đó là Hàn Phi.

Lúc đó Tần đương đánh nước Hàn. Vua Hàn trước kia không dùng Hàn Phi, bây giờ lâm nguy mới sai Hàn Phi đi sứ Tần. Vua Tần thích ông nhưng chưa tin dùng thì Lý Tư và có lẽ Diêu Cổ muốn hại ông, gièm pha ông với vua Tần rằng: “Phi là công tử nước Hàn. Nay nhà vua muốn kiêm tính chư hầu; rốt cuộc Phi tất vị Hàn chứ không vị Tần đâu, nhân tình như vậy. Nhà vua không dùng hắn, giữ hắn lâu ở đây rồi cho về Hàn thì là tự chuốc lấy họa vào mình. Sao bằng buộc tội hắn rồi giết đi.” Vua Tần cho là phải, xử tội Hàn Phi. Lý Tư sai người đem thuốc độc cho Hàn Phi, bảo nên sớm tự xử, Hàn Phi muốn trần tình, xin yết kiến vua Tần mà không được. Sau vua Tần ăn năn, sai người tha cho Hàn Phi thì Hàn Phi đã chết.

“Nguyên nhân cái chết của Hàn Phi ở đây đáng tin hơn trong Chiến Quốc sách, hợp với thiên Tồn Hàn trong Hàn Phi Tử. Hàn Phi được nhà vua Hàn Vương An phái qua thuyết phục Tần Thủy Hoàng nên tồn Hàn, nhưng Hàn Phi thất bại, bị vua Tần nghi ngờ mà chết oan.

Thiên 6: Trong phần Bản kỉ cho ta biết thêm: năm thứ 10 đời Tần Thủy Hoàng, Lí Tư bàn với vua Tần chiếm Hàn trước cho các nước khác sợ. Vua Tần bèn phái Lí Tư qua Hàn để thuyết phục vua Hàn thần phục Tần. Vua Hàn cảm thấy Tần muốn thôn tính mình, bàn với Hàn Phi về cách làm cho Tần yếu đi. Bốn năm sau, tức năm 14, Hàn Phi được phái qua Tần thuyết phục vua Tần tồn Hàn, nhưng vua Tần nghe lời Lí Tư[6], muốn chiếm Hàn, nên giữ Hàn Phi lại và Hàn Phi chết ở Vân Dương. Năm 17, Tần chiếm Hàn, đổi thành quận Dĩnh Xuyên.

Sau cùng, thiên 45, phần thế gia Tư Mã Thiên chép:

Năm thứ 5 đời (Hàn) Vương An: Tần đánh Hàn, Hàn lâm nguy, phái Hàn Phi qua Tần, nhưng Tần giữ Hàn Phi lại xử tử.

Năm thứ 9 đời Vương An, Tần bắt sống được Vương An, chiếm hết nước Hàn, đổi thành quận Dĩnh Xuyên. Hàn bị diệt.

Vậy Tư Mã Thiên ghi rõ Hàn Phi chết năm thứ 14 đời Tần Thủy Hoàng tức năm thứ 5 đời Hàn Vương An, Tây lịch là -234 và bốn năm sau, tức năm -230 Hàn bị diệt.

Tất cả các tài liệu chúng tôi kiếm được đời Hàn Phi chỉ có bấy nhiêu. Tóm lại, chúng ta có thể tin được những điều dưới đây:

Hàn Phi là một công tử nước Hàn, học rộng, biết cả đạo Nho (vì là môn đệ của Tuân Tử), đạo Lão, nhưng thích nhất học thuyết của các Pháp gia, có nhiều tư tưởng mới về chính trị, được Lí Tư phục là giỏi. Ông ở trong giai cấp quí tộc nhưng có tinh thần tiến bộ, trọng kẻ sĩ giỏi pháp thuật (tức bọn tân địa chủ), chê bọn “trọng nhân” (quí tộc) là cổ hủ, vô dụng.

Ông có tinh thần ái quốc cao. Nước Hàn nhờ Thân Bất Hại mà được yên ổn mười lăm năm. Từ khi Thân chết, nước Hàn lại rất suy nhược. Đất hẹp, không được ngàn dặm mà ở vào một vị trí nguy hiểm, tại ngay cửa ngõ của Tần. Khi Tần mạnh lên, muốn thôn tính chư hầu, Hàn thành ra cái đích của các chư hầu nhắm vào. Thờ Tần không được, sẽ bị Tần nuốt; mà chống Tần thì không đủ sức. Hợp tung hay liên doanh thì Hàn ở địa đầu, bao giờ cũng bị tai họa trước nhất. Cho nên trong thiên Ngũ đố (coi phần trích dịch), Hàn Phi rất ghét bọn du thuyết dùng miệng lưỡi ngoại giao nay liên kết với nước này, mai liên kết với nước khác, chỉ nghĩ đến lợi của họ mà không nghĩ đến cái lợi nước. Theo ông muốn cho nước mạnh, thì phải dùng thuật và pháp, cải tổ lại nội chính, đừng trông cậy vào ngoại giao. Chắc ông đã nhiều lần đề nghị với vua Hàn như vậy mà vua không nghe, nên ông buồn rầu. Thiên Cô phẫn (coi phần dịch) của ông có lẽ viết vào lúc ông không được dùng ở Hàn, chứ không phải trong khi bị giam ở Tần.

Mãi tới khi Hàn lâm nguy, sắp bị Tần thôn tính, Vương An mới phái ông đi sứ qua Tần để thuyết phục Tần Thủy Hoàng bảo tồn Hàn, nhưng Tần Thủy Hoàng không nghe lời ông mà nghe lời Lí Tư, ngờ ông không thực tình mà chỉ làm lợi cho Hàn thôi nên giết ông năm –234. Có sách chép là đầu năm -233. Chúng tôi dùng năm này. Ba năm sau Vương An bị bắt sống, tổ quốc ông bị diệt.

Năm tử của ông không còn gì nghi ngờ cả. Còn năm sinh thì Tư Mã Thiên không cho ta biết, nhưng các học giả gần đây, chẳng hạn Tiền Mục dựa vào các giả thuyết này: Hàn Phi và Lí Tư cùng học chung một thầy là Tuân tử, tuổi chắc xấp xỉ nhau; rồi đoán rằng Lí Tư khi tới Tần, ít nhất cũng khoảng ba chục tuổi, ở Tần khoảng bốn chục năm rồi mới bị Nhị thế Hoàng đế (Hồ Hợi) giết năm -208; như vậy Lí Tư phải sinh vào khoảng bảy chục năm trước, tức khoảng -280, mà Hàn Phi cũng vậy.

Các sách chúng tôi có đều theo thuyết đó, nhưng chúng ta nên nhớ rằng niên đại -280 chỉ là phỏng chừng, có thể là sai mười năm.

Có người đọc tiểu sử Hàn Phi trong Sử kí đưa ra nghi vấn này: Lí Tư vốn là con người thủ đoạn, biết Hàn Phi giỏi hơn mình, tất ghen tài Hàn Phi, tại sao lại giới thiệu Hàn với vua Tần khi mà vua Tần khen các thiên Cô phẫn và Ngũ đố của Hàn? Mà đã giới thiệu rồi, tại sao sau lại gièm pha bạn bị xử tử? Rốt cuộc là Hàn chết vì yêu nước hay vì bị gièm pha? Chúng tôi nghĩ rằng có thể vì cả hai: Lí Tư có thể vô tình, buột miệng ra mà bảo tác giả là Hàn Phi, không ngờ rằng sau Hàn Phi đi sứ qua Tần, mà vua Tần được gặp rồi thích; rồi tới khi Hàn Phi thuyết phục vua Tần duy trì Hàn, trái với chủ trương của Lí Tư thì tất nhiên phải bác, gièm pha Hàn là tô điểm lời nói để che đậy mưu gian, vì nếu vua Tần nghe mà Tần và Hàn thân thiết với nhau thì lợi cho Hàn, nhất là cho Phi vì Phi sẽ được trọng dụng.

Nhưng truyện vua Tần thích văn của Hàn Phi tới nỗi than rằng được gặp thì chết cũng không hận, có đáng tin không đã? Chúng tôi ngờ rằng chỉ là một giai thoại cho vui thôi, vì Tư Mã Thiên đã mâu thuẫn với chính ông. Trong tiểu sử Hàn Phi đó, ông bảo vua Tần đọc hai thiên Cô phẫn và Ngũ đố trước khi gặp Hàn Phi; rồi cuối bộ Sử kí, trong thiên 130 Thái sử công, tự ông lại bảo “Hàn Phi bị giam ở Tần nên mới viết hai thiên Thuế Nan và Cô Phẫn”. Vậy thì thiên Cô Phẫn viết lúc nào? Trước khi Hàn Phi qua Tần hay khi Hàn Phi (chỗ này chắc sắp chữ thiếu) chỉ là một giai thoại, như vậy cái chết của Hàn Phi rất dễ hiểu: Lí Tư sợ thuyết của Hàn Phi làm trở ngại chủ trương của mình nên mới tìm cách hại Hàn Phi, và Hàn Phi chết vì có tài bênh vực cho tổ quốc.

Tinh thần ái quốc của Hàn Phi thật đáng khen, chúng tôi đã có lần nói (trong Chiến Quốc sách) rằng quan niệm quốc gia của người Trung Hoa thời Xuân thu và Chiến quốc không như quan niệm của chúng ta ngày nay. Thời đó tuy Trung Hoa chia làm nhiều nước, phong tục, ngôn ngữ, y phục một số nước ở phương Bắc (như Yên, Triệu) rất khác một số nước ở phương Nam (như Sở, Việt), một số nước ở phương Đông (như Tề, Lỗ) cũng rất khác một nước ở phương Tây (như Tần) nhưng hết thẩy đều tôn nhà Chu là thiên tử, tự mình cùng là chư hầu cả – ít nhất trên danh nghĩa và cho tới giữa đời Chiến quốc –vì vậy một triết gia hay một kẻ sĩ ở này, không được vua mình trọng dụng vẫn thường đi nước khác tìm một “minh quân” để thờ, coi mọi người trong “thiên hạ” là dân của nhà Chu[7] đều là anh em với nhau cả; Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…..đều như vậy hết, nói gì tới Tô Tần, Trương Nghi, Thái Trạch…….

Đọc Hàn Phi Tử, chúng ta thấy Hàn có một lí tưởng rõ rệt: giúp các ông vua làm cho nước phú cường lên mà hết loạn. Suốt đời ông hoài bão lí tưởng đó, nhiệt tâm với nó tới nỗi biết rằng mình nói ra không ai nghe, sẽ bị cô lập vì mình phải “chọi lại ý của chúa”, chống lại bọn “bề tôi gian tà”, “chỉ có một miệng mà muốn tranh với cả nước (Cô Phẫn); hơn nữa, có thể nguy tới tính mạng vì người ta có thể vu oan cho tội lỗi rồi dùng phép công để giết, nếu không thì sẽ tìm cách ám sát, nghĩa là có thể chịu cảnh của Ngô Khởi, tướng quốc của Sở Điệu vương – bị giết và chặt tay chân, hoặc cảnh Thương Ưởng – tướng quốc của Tần Hiếu công – bị xé xác, nhưng ông vẫn giữ lí tưởng, không sợ chết mà chỉ hận rằng không gặp được một bực vua chúa biết nghe như Sở Điệu vương, như Tần Hiếu công để ông được chết như Ngô khởi và Thương Ưởng sau khi làm sáng tỏ pháp luật và thuật của ông (Hòa Thị). Tác giả thiên Vấn điền hiểu tâm sự đó của ông, nên đã cho ông trả lởi Điền Khê công như trên chúng tôi đã tóm tắt.

Bây giờ xét lại đời ông, chúng ta thấy ông sinh vào khoảng -280 thì

– Năm đó tướng Tần là Bạch Khởi đánh Triệu,

– Năm -260 (Hàn Phi mới vào khoảng hai chục tuổi), Bạch Khởi lại thắng Triệu, chôn sống bốn chục vạn quân Triệu đã đầu hàng.

– Bốn năm sau, năm -256, Tần vô Chu, Chu phải dâng hết đất cho Tần.

Vậy khi Hàn Phi dựng được học thuyết của ông về chính trị rồi (trên dưới ba chục tuổi) thì ông tất thấy rõ rằng trong thất hùng, Tần mạnh nhất, chỉ có Tần mới thống nhất được Trung Quốc và thời cơ gấp lắm rồi, muốn thực hiện lí tưởng của ông thì phải về với Tần. Thời đó, như chúng tôi đã dẫn chứng, bỏ tổ quốc mà thờ nước khác là chuyện bình thường. Chính Lí Tư bạn học của ông, người nước Sở mà cũng thờ Tần, và chẳng ai trách cả. Vậy mà ông không bỏ Hàn qua Tần, mặc dầu ông không được trọng dụng ở Hàn, lại biết Hàn rất suy nhược – tới Triệu và Sở kia, lớn gấp mấy Hàn mà không chống nổi Tần – thì sớm muộn gì cũng bị Tần thôn tính. Ông trung với Hàn tới phút chót, tới khi vua Hàn phái ông qua Tần thuyết phục Tần đừng diệt Hàn, ông vẫn làm tròn sứ mạng của ông, khiến Lí Tư phải nhận rằng lời văn, giọng biện thuyết của ông thật tài, có sức mê hoặc mạnh mẽ. Và chính vì vậy mà ông bị giết! Cho nên Vương Sung đời Hán tiếc rằng vua Hàn đã không nghe lời ông nên mới mất nước và gần đây Trần Khải Thiên bảo ông bị Lí Tư hại mà thực ra là ông hi sinh cho tổ quốc.

Thật chua xót cho ông. Thà gặp được một ông vua biết nghe mình, thực hiện một phần lý tưởng của mình rồi bị giết như Ngô Khởi, Thương Ưởng thì ông cũng cam tâm, đằng này, chỉ vì một ông vua tầm thường, không chịu nghe lời ông, ông phải chết oan uổng mà không ích gì cho tổ quốc cả: ba năm sau khi ông mất, nước Hàn bị Tần tiêu diệt.

Lòng ái quốc của ông ngang với Khuất Nguyên mà còn có kẻ còn căn cứ vào bài biểu Sơ kiến Tần không một chút gì đáng tin để trách ông là rước voi về giày mồ nữa! Nhưng thốn tâm của ông đã được lưu lại thiên cổ trong hai thiên Cô Phẫn và Thuế nan mà từ Tư Mã Thiên đến nay ai cũng nhận là bất hủ.

Lời này của ông ở cuối thiên Nan ngôn: “Dù là hiền thánh cũng không tránh được chết chóc và lăng nhục (…) chỉ vì bọn ngu khó thuyết phục được” là một lời chua xót hơn là một lời tự phụ.

Chú thích:

[1] Chúng tôi nhấn mạnh

[2] Vì Hàn đã tự coi là một quận huyện của Tần

[3] Tức con trai thứ của một vua chư hầu: con trưởng là thái tử hay thế tử.

4] Hàn Vương An

[5] Tần Thủy Hoàng

[6] Trong thiên II Hàn Phi tử sau bài Tồn Hàn của Hàn Phi, cá nhân bài biểu của Lí Tư khuyên vua Tần đừng nghe lời Hàn Phi vì Hàn Phi chỉ muốn mưu lợi cho nước Hàn thôi, mà nên tấn công ngay Hàn đi.

[7] Cho nên dân khi muốn ở trong nước mình nữa vì vua tàn bạo hay vì chiến tranh liên miên thì chạy qua một nước khác mà ông vua nào cũng muốn dân các nước khác về với mình: dân có đông nước mới mạnh.

 

Vui cười

Trong vườn điạ đàng. Adam và Eve đi dạo. Eve nũng nịu hỏi: – Adam, anh yêu em thật chứ?

– Sao không? Vì không yêu em thì còn ai khác để yêu.

 

Hai cô nàng gập nhau tâm sự:

– Liên ơi, đáng lý ra tớ không nên lấy hắn. Hắn chẳng bảnh trai và nhất là ngu si đần độn. Tớ biết hắn lấy mình là vì tiền.

– Thế thì tại sao Loan biết hắn là ngu?

 

Đà Nẵng những ngày cuối tháng 3 năm 1975 – Bs. Phùng Văn Hạnh

Sau khi thỏa hiệp Paris ký kết, Mỹ xuống thang chiến tranh. Dân sự bị thương cũng giảm. Các bác sĩ AMA giảm dần. Ban mê Thuột rồi Pleiku mất. Cao nguyên di tản. Quảng trị, Thừa thiên mất. Những ngày cuối tháng ba, 1975, Đà- nẵng đầy người chạy giặc. Cộng sản có biết tại sao mà lắm người sợ họ thế? Ông bác tôi đã từng nếm mùi trại giam cộng sản, đã đứng tim chết khi nghe cộng sản trở lại. Cha tôi cũng thế. Lính khắp nơi ùn về đầy đường. Tôi gặp một tiểu đội Địa phương quân. Họ vẫn còn kỷ luật lắm. Anh tiểu đội trưởng đi đầu, súng mang trên vai. Các đội viên đi hàng một, mũi súng chúc xuống đất. Chắc họ từ một đồn nhỏ ở ngoại ô vào thành phố. Mắt họ buồn và sợ sệt. Họ đi mất hút ở cuối đường. Có súng nổ lẻ tẻ. Xe tăng, súng ca-nông bỏ lại trên đường phố. Dân sự di tản từ Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Ngãi, ngủ trên lề đường. Một thiếu phụ gia tài chỉ là đôi thúng gánh trên vai. Trong mỗi thúng là một em bé 2 đến 4 tuổi. Rất nhiều gia đình đã đi bộ vượt đèo Hải vân 20 km đường dốc núi. Bên Sơn Chà xe nhà binh nghẹt đường. Ngoài bờ biển, bến cảng mọi người ùn ra tìm ghe để có thể ra tàu lớn đậu ngoài khơi. Gia đình tôi lên phi trường. Lúc gần đến, gặp cả đoàn xe cộ của một ông tướng sư đoàn cũng chạy giặc, phải tránh ra bên đường, nhường cho họ qua. Ngay cổng phi trường, xe dân sự sắp hàng dài hai bên đường. Chỉ đi bộ vào cổng. Một ký giả ngoại quốc chận tôi lại phỏng vấn. Tôi đã nói gì, bây giờ chẳng nhớ. Song một người bạn ở Thụy sĩ lúc đó có thấy tôi xuất hiện trên truyền hình. Máy bay hàng không dân sự đã ngừng bay. Một nhóm người thiện chí đứng ra liên lạc với Saigon. Họ tổ chức ra máy bay trong trật tự. Có hai chuyến cất cánh suông sẻ. Song Việt cộng bắt đầu pháo kích vào phi trường. Mọi người tìm chỗ núp, rồi ùn ùn rời phi trường vì Saigon cho biết là máy bay không ra nữa. Chúng tôi đi bộ về nhà. Nửa đường gặp xe của một nha sĩ bạn. Anh ta chở gia đình tôi về đến nhà. Súng lính vất lại, nghẹt cả đường cống sâu trước nhà. Vào nhà, vợ tôi chia cho mỗi đứa con một xách áo quần và một ít tiền. Tất cả quì xuống trước bàn thờ Chúa. Nhà tôi dặn: “đang loạn lạc như thế nầy, chúng ta có thể bị ly tán. Nếu may ra các con đi chung với nhau, nhớ đứa lớn che chở đứa bé. Anh em nhớ yêu thương nhau”. Thấy cảnh đau lòng, tôi rời nhà lên bệnh viện, định phi tang những bài viết chống cộng mà tôi bỏ lại ở văn phòng, trong ấy có một bài đả kích Hồ chí Minh. Vào hành lang, thấy người ta nằm la liệt. Kẻ thủng bụng, ruột lòng thòng. Người bể đầu, gảy tay chân, băng quấn sơ sài, đẫm máu. Một bạn giáo sư trung học, ôm chầm lấy năn nỉ:

“vợ tôi bị bắn thủng ruột đã 6 giờ rồi, chưa được ai chăm sóc”. Lúc ấy nhà thương không còn một bác sĩ nào cả. Tôi ghé văn phòng làm việc trống trơn, huỷ diệt bức thư điều trần, đưa kế sách cứu miền Nam, và những bài báo chống Cộng do tôi viết. Tôi xé nhỏ, bỏ vào nhà cầu và dội nước. Xong tôi vào khu giải phẫu. May sao nhân viên còn tại chỗ một nửa. Tôi cho mang vợ người bạn vào mổ. Sau đó các ca khác lại tuần tự mang vào. Chiều hôm đó BS Phạm văn Lương vào phòng mổ thăm tôi. Tôi hỏi sao không lo trên BV Duy Tân mà xuống đây. Ông y tá trưởng nói nhỏ vào tai tôi là BS Lương nay làm thị trưởng, đi thị sát BV toàn khoa đó. Sau nầy tôi mới biết là BS Lương được tỉnh hội Phật Giáo đưa lên làm thị trưởng Đà-Nẵng trong những ngày cuối tháng ba, 1975(đài BBC có loan tin).

Một mình mổ đến chiều hôm sau thì ông y tá trưởng gỏ cửa phòng mổ và nói: “có ông sĩ quan cách mạng nói bác sĩ hãy ngừng mổ cho dân sự, và mổ cho các chiến sĩ cách mạng bị thương”. Hởi ôi, thế là cộng sản đã vào thành phố! Tôi nói với ông y tá trưởng là cứ ca nào nặng thì đem vào trước, không phân biệt dân sự, cách mạng. Đó là va chạm đầu tiên mà sau nầy tôi bị kiểm điểm là có lập trường nhân đạo chung chung, không có quan điểm cách mạng. Chừng 10 ngày sau, thì các bác sĩ cách mạng ở trên núi xuống tiếp thu bệnh viện. Lúc đó các ca cấp cứu đã giải quyết xong. Cả khu giải phẩu nhận giấy khen của Ủy ban quân quản Đà-nẵng là đã có công trong sự ổn định y tế thành phố.

Các bác sĩ bị kẹt lại dần dà đến nhận việc và được gọi là lưu dung. Xưa kia đi làm hơi tùy tiện vì đôi khi phòng mạch tư nhiều khách. Nay ai đến cũng đúng giờ. Bắt đầu là giao ban, toàn thể bác sĩ họp lại với bác sĩ giám đốc để trình bày phiên trực ngày hôm trước, nghe chỉ thị mới và phê bình những thiếu sót nếu có. Cách làm việc nặng phần trình diễn, phí phạm thì giờ. Sau giao ban, đi khám bệnh phòng rồi đi mổ những ca lên chương trình từ cuối tuần trước. Có điều đặc biệt là bác sĩ cách mạng chuồn đâu mất lúc 10 giờ sáng. Tìm không ra. Sau nầy hỏi ra mới biết đó là thói quen đã có tự ngoài Bắc. Vì sáng không ăn, hoặc ăn ít nên 10 giờ đói, phải tìm chỗ kín nằm nghĩ. Có một bác sĩ thuốc mê đã được đào luyện ở Tiệp khắc, được nhân viên phòng mổ cho ăn xoài. Anh ta trầm trồ khen ngon hết lời vì chưa bao giờ nếm thứ trái cây ngon như thế. Một anh khác kể là ngày Tết được chia bồi dưỡng một gói tiêu nhỏ.. Về nhà rủi làm đổ. Phải thắp đèn lên kiếm từng hạt. Họ nói ở ngoài Bắc nghe tuyên truyền là trong Nam cực khổ lắm. Bây giờ mới tỉnh ngộ. Vào Saigon chơi về, họ khoe là như ra ngoại quốc. Nói là phồn vinh giả tạo, song toàn là đồ thiệt đẹp và tốt.

Những ngày đầu tháng tư, 1975, các bác sĩ VC trên núi về, tiếp thu TTYTTK Đà-Nẵng và Bệnh viện Đức. Họ chỉ lo về hành chánh, chứ chuyên môn thì đợi các bác sĩ Hà-Nội vào. Về giải phẫu thì họ chỉ đứng xem Vài người tỏ ra hiếu học, vào phụ mỗ với các bác sĩ lưu dung. Tôi nhớ có Bác sĩ cấp bực Đại úy, vào phụ tôi để tái tạo một ống chân vỡ nát vì mìn. (Hắn ta là bác sĩ riêng cho thầy cũ Tám Trinh, nay đổi tên Nguyễn xuân Hữu, Phó bí thư đảng bộ Liên khu V. Phải mất ba giờ và nhiều cố gắng mới giữ được cái chân. Cuối ca mỗ, đáng lý nói: ca nầy khó ác liệt, tôi tự nhiên buông câu nói theo thói quen: ca nầy khó ác ôn côn đồ Việt Cộng. Anh ta nhìn tôi không nói gì. Các y tá quanh tôi đều sững sốt. Không biết anh ta có báo cáo gì không. Song sau nầy không thấy ai nhắc đến chuyện đó.

Trong suốt hơn một năm làm việc với CS, tháng ngày cũng qua nhanh, vì rất bận rộn. Những ngày đầu, mổ liên miên để giải quyết xong nhiều ca cấp cứu, Những tháng kế tiếp là mổ cho dân quê trở về làng khai khẩn nhưng đồng ruộng bỏ hoang trong chiến tranh, vướn phải mìn hay đạn ca- nông chôn dưới đất. Giải phẩu tái tạo tiếp theo cho những tật nguyền do vết thương chiến tranh gây ra. Ngoài ra nào giao ban, nào học chính trị mỗ tuần vài lần. Làm việc trong không khí u uất, vì nghe lắm lời phi lý, ngu xuẩn của bọn cán bộ, lắm chế độ hà khắc, kiểm soát tư tưởng, việc làm, những tranh cải lý thuyết v.v..

Bất hạnh thường không đến một mình. Đã buồn bực vì phải kẹt ở lại với CS, lại càng buồn thêm vì sự ra đi của người cha thân yêu. Ngày tôi chở vợ con lên phi trương để di tản, tôi đã năn nỉ cha mẹ tôi cùng đi, nhưng cha tôi một mực từ chối vì ông đã bị bại hai chân từ ba năm nay, hậu chứng xuất huyết não, và phải di chuyển trên xe lăn. Ông không muốn là gánh nặng cho tôi. Mẹ tôi thì chỉ chịu đi khi cha tôi cùng đi, vì bà phải săn sóc cha tôi tật nguyền. Khi chúng tôi không di tản được, từ phi trường trở về, hai ông bà đã khóc sướt, và lo cho tương lai chúng tôi. Hai ngày sau cha tôi chết êm thắm. Ông đã bị đứng tim trong giấc ngủ. Buổi sáng mẹ tôi mang sửa lại cho ông uống, thì thấy ông nằm bất động, tay chân lạnh ngắt. Cũng như bác tôi, cha tôi vì sợ quá, tim già đã ngưng đập khi nghĩ đến những hình phạt khủng khiếp trong tù CS. Mặc dù mới trải qua một cuộc đổi đời chưa hết bàng hoàng, tôi vẫn tổ chức ma tang thật chu đáo, với rất nhiều bà con thân thuộc theo linh cửu ra nghĩa địa. Tôi phải mướn nhiều xe ca, trong khó khăn hiện tại. Cha ơi, xin yên nghỉ bằng an trong nước Chúa.

Lúc say sưa làm việc những năm chiến tranh, theo lời khuyên của một bác sĩ Mỹ, tôi gom góp hồ sơ các ca chữa thương vơí đầy đủ phim, ảnh, ghi chú theo dõi. Ông cho tôi một máy ảnh, và tôi thuê một thợ chụp ảnh phụ tá cho tôi chụp hình bệnh nhân trước và sau khi mổ, diễn tiến bệnh khi nằm tại nhà thương và tái khám. Hồ sơ được lưu trử trong một căn phòng lớn của bệnh viện. Tôi định khi nào rảnh rổi sẽ viết bài, dựa trên nhận xét lâm sàng để rút ra những kết luận hữu ích. Hai tháng sau khi cộng sản vào, thấy rảnh, tôi xuống phòng lưu trữ hồ sơ thì thấy các hộc trống trơn. Hỏi ra mới biết là tổ nhà bếp trên núi xuống nấu cơm cho bệnh nhân, vì thiếu củi đun, nên lấy hồ sơ nhóm lửa. Bao nhiêu tâm huyết đổ sông. Xưa kia nhà thầu cung cấp cơm nước cho bệnh nhân. Họ đâu có nấu nướng trong bệnh viện.

Tôi có nhiều giấc mơ đơn giản. Song đều thất bại. Lúc còn hoạt động trong đoàn Sinh viên công giáo, có đọc thuyết “Kinh tế và nhân bản” ( économie et humanisme) của cha Lebret, có dự định cùng các bạn đồng chí hướng lập những đoàn thiện chí gồm nhiều chuyên viên về thôn quê chia xẻ đời sống của nông dân. Bác sĩ lo chữa bệnh, truyền bá vệ sinh.. Kỷ sư nông nghiệp, cơ khí, chăn nuôi, tìm cách nâng cao sản xuất. Tổ chức hợp tác xã, tiếp xúc với công ty ngoại quốc, tìm thị trường, vốn đầu tư..mong cho dân giàu, nước mạnh. Song khi ra trường, thì chiến tranh tràn lan, thôn quê không còn an ninh. Cuối năm 1974, thấy tình hình miền Nam sắp có nguy cơ rơi vào tay Việt cộng, mà trí thức thì chơi mạt chược và trùm chăn quá nhiều, định đi khắp các tỉnh, diễn thuyết, kết hợp những người thiện chí, cố nổ lực tối đa để trong sạch hoá bộ máy chính quyền, tất cả mọi người có thể cầm súng được phải chia phiên nhau ra trận. Không có nạn con ông cháu cha. Trí thức phải xuống xã ấp, phá vòng vây nông thôn bao vây thành thị. Chính phủ tuyên bố tình trạng quốc gia lâm nguy, đóng cửa Trung học và Đại học.. Đưa người qua Mỹ diễn thuyết hầu giành hậu thuẩn dân Mỹ. Nếu cần cầu viện Tây âu. Sắp xếp các ý tưởng, trình bày trong một bức thư điều trần gửi quốc hội và tổng thống với đề tài “Tổ Quốc lâm nguy, đề nghị biện pháp giải cứu”. Giáng sinh 1974, tôi vào Sài-gòn, đưa thư điều trần cho bạn bè xem, song không ai hưởng ứng, vì họ đoan chắc với tôi là Mỹ sẽ không bỏ miền Nam. Sau đó tình hình Miền Nam suy sụp quá nhanh. Tuy thế lúc Việt cộng vào, đã có người muốn lập công, đưa cho chúng tài liệu, nên bị hạch hỏi. Phải làm kiểm điểm vài lần, nhận có nêu lên vấn đề, song chưa phổ biến sâu rộng. Cuối cùng muốn viết vài bài về chuyên môn mình cũng không được, vì tài liệu đã bị đốt cháy ra tro.

Khi sang Canada, đi Mỹ chơi gặp một đồng nghiệp cũ ở Bệnh viện Đà-nẵng, nay hành nghề ở Westminster, Cali. Anh ta nói với tôi: “người chống cộng có hệ thống như anh, thì lại kẹt ở lại. Còn lè phè như chúng tôi, thì lại thoát. Oái ăm thiệt!”

Kể ra cũng tại số mình long đong, chạy trời không khỏi nắng. Tôi đã bỏ lở nhiều dịp may: năm 1973, cộng đồng người Hoa ở Đà-Nẵng muốn có một nhà thương riêng cho họ, nên dạm hỏi tôi có muốn bán đưỡng đường của tôi với giá 20 triệu. Vì đang làm ăn phát đạt tôi từ chối. Nếu tôi chịu bán, tôi sẽ trích ra độ một triệu, mua thông hành cho cả gia đình, lấy cớ đi Mỹ học rồi ở lại luôn. Một bác sĩ bạn tôi đã ra đi như thế.

Cuối 1974, nhân có người cháu, Đại uý lái phi cơ trưc thăng, đóng ở Cần thơ, chuyển về không đoàn I. Anh ta nhờ tôi xin về xưởng sữa chữa trực thăng, vì thấy đi bay, có nhiều hiểm nguy. Nhờ quen biết tôi đã thoả mãn cho anh ta. Nhận thấy miền Nam sắp mất, tôi bảo anh ta sữa chữa thật tốt một trực thăng, đổ đầy nhiên liệu, sẵn sàng chở gia đình anh ta với gia đình tôi đi Sài gòn hoặc Thái Lan, khi Đà- Nẵng có nguy cơ mất. Hôm 27-03-75, vì quen biết với gia đình Giám đốc Hàng không Việt Nam Đà-Nẵng, chúng tôi được họ mời chia xẻ một chuyến bay chót đặc biệt dành riêng cho gia đình họ. Trong khi chờ đợi máy bay từ Sài-gòn ra, tôi đến thăm người cháu gần đó, để xin ít nước uống cho các con tôi, vì đêm qua ra đi vội vã quên mang nước theo. Vào nhà tôi thấy gia đình nó chuẩn bị lên trực thăng mà tôi đã dặn để dành cho việc tẩu thoát, nếu Đà-Nẵng mất. Nó nói: “con có điện thoại lại nhà dượng, kêu dượng lên đi, nhưng không ai trả lời. Thế bây giờ dượng đi với chúng con?”. Tôi từ chối vì cho rằng đi máy bay tiện lợi hơn là trực thăng. Tôi trở lại với gia đình và ra ra sân bay, vì máy bay đã đáp xuống ở một chỗ hẹn trước. Nhưng chuyến bay ấy bị quân nhân phi trường tước đoạt. Cảnh súng bắn đì đoàng, người đạp lên người, chen lấn lên máy bay, làm cả hai gia đình chúng tôi đứng xa mà ngó. Cuối cùng máy bay cất cánh có cả người đeo tòn teng vào bánh xe, rụng rơi dần. Cùng lúc ấy, đạn pháo Việt cộng nổ gần đường băng chúng tôi hoảng hốt dắt díu nhau chạy. Sau nầy gặp lại ở Mỹ, nó tiếc hùi hụi là hôm đó trực thăng nó trực chỉ Sài-gòn mà không có gia đình ông dượng ân nhân, có sáng kiến hay.

Cơ hội chót là ngày 29-03-75 vẫn còn một bác sĩ Mỹ, môn đồ Quaker, sang Đà-Nẵng làm từ lâu, với tư cách cá nhân, và anh ta không chịu di tản, chỉ ưng ở lại làm việc truyền đạo, chia ngọt bùi với bệnh nhân khu bài lao. Máy bay từ hạm đội Mỹ không ngại hiểm nguy đáp xuống trên nóc bệnh viện Việt Đức. Hai lính Mỹ vào mời bác sĩ ấy ra đi, nhưng anh ta một mực từ chôi. Khi thấy tôi đi ngang qua, anh ta kéo tôi vào và năn nỉ tôi đi theo trực thăng ra tàu hạm đội Mỹ. Nhưng lúc ấy gia đình tôi không có mặt ở đó và tôi không muốn ra đi một mình, nên cũng từ chối. Nếu ngày ấy tôi ra đi. Sang Mỹ trở lại nghề và phát đạt, sẽ có phương tiện bảo lãnh cho gia đình qua sau, chậm lắm là vài năm sau và thoát đi tù cải tạo 12 năm. Nhưng đó chỉ là nếu, thực tế thì bi thảm vô kể.

http://vnchtoday.blogspot.fr/2014/03/a-nang-nhung-ngay-cuoi-thang-ba-1975.html

 

Vui cười

– Ba à!

– Con nói gì, út cưng của ba?

– Hôm qua con ngồi hớt tóc ở tiệm, con được nghe rất nhìêu người ngỗi chờ đến lượt, họ khen ba dữ lắm!

Ông Bố hớn hở hỏi lại:

– Vậy hã! Họ khen như thế nào con?

Ông thứ nhất nói: … Ông Tư làm ăn phát tài, giàu có nhanh chóng như dìêu gặp gió, vì ông ấy cầm tinh con Lươn.

Ông thứ nhì bảo: … Ông Tư cầm tinh con Khỉ, nên nhìêu việc làm cứ như …con khỉ làm xiệc.

– Tầm bậy! Tầm bậy! Toàn những chuyện không đúng.

– Không tầm phào đâu ba! – Thằng bé khổ sở phân bua vì ba không tin lời nó, nó phụng phịu tiếp: – Ông thứ ba thì nói ba cầm tin con Cáo đó! Hơn đứt cái giống mèo chỉ quen ăn vụng quanh xó bếp…..

– Im đi: Cấm mày lần sau không được kể chuyện không đâu với tao, không thì bị đòn đó, nghe chưa?

Thằng nhỏ sợ quá nín thinh.

Bẵng đi một thời gian, một hôm ông bố ghé tai thằng nhỏ, thân mật:

– Thời gian ba vắng nhà, họ có nói ba cầm thêm tinh con gì nữa không con?

– Con sợ ba la lắm, hổng dám nói đâu, thằng nhỏ thút thít.

– Con cứ nói mau, ba cho phép.

– Dạ…thì…hôm bữa ba tuyển thêm hai cô thư ký trẻ, họ lại nói ba cầm tinh con Dê. Ba được cầm cả tứ tinh……

 

Một người đàn ông đến nhà hộ sinh nhìn qua cửa kính vào gian phòng chỗ đứa con mới chào đời. Anh ta nháy nháy cái mắt tinh nghịch và nở một nụ

cười âu yếm, rồi quay sang hích người bạn đứng bên cạnh và bảo:

– Cậu nhìn kìa! Cười rồi kìa!

Người bạn đáp:

– Chỉ vớ vẩn, thằng bé làm sao mà nhìn thấy cậu được!

– Ấy là tớ nói cô y tá xinh đẹp kia mà!

 

Xe dừng hẳn, vợ hỏi chồng:

– Anh yêu, hãy nhìn xem em đỗ xe có xa lề đường quá không?

– Em định nói đến lề bên nào?

 

Một anh chàng vào xin việc tại cửa hàng đồ cổ, hỏi sơ qua về tuổi tác và trình độ xong, ông chủ giơ lên một thanh gỗ mục và hỏi:

– Anh nhìn kỹ đi xem đây là cái gì?

– Tăm xỉa răng của hoàng đế La Mã.

– Tốt! Anh có thể bắt đầu làm việc ngay từ bây giờ.

 

Bốn mươi ba (43) năm nhìn lạiPháo Thủ Bảo Tuấn

Rút bỏ Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật

Biến cố Tháng 3/1975

LNV: Khi biến cố tháng 3/1975 xảy ra, người viết đang phục vụ tại Phòng3/Quân Đoàn I(P3/QĐI). Người viết xin ghi lại những sự kiện quan trọng của QĐI/VÙNG 1 CHIẾN THUẬT(V1CT) trong thời gian trên. Chắc chắn trí nhớ cũng bị sói mòn với thời gian, nên không sao tránh khỏi những sơ suất. Xin quý độc giả thông cảm.

Thất thủ hay bỏ ngõ

Từ trước tới nay, khi nói đến biến cố tháng 3/1975, nhiều phóng viên trong nước lẫn ngoài nước như VOA và BBC lúc bấy giờ, thường dùng chữ “thất thủ” để chỉ một tỉnh lỵ hay thành phố lọt vào tay địch. Thật ra đối với tình hình lúc đó, từ “thất thủ”chỉ chính xác khi đề cập đến Tỉnh Phước Long và ThỊ xã Ban-Mê-Thuột, vì tại đây Quân đội ta cố giữ mà không giữ được.. Riêng các thành phố Pleiku, KonTum, Huế, Đà nẵng, Chu lai, Quân đội ta “rút bỏ”các nơi đó theo kế hoạch lui binh, tái phối trí lực lượng cho thích hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, xin được dùng từ “bỏ ngỏ”cho chính xác hơn.

Động lực thúc đẩy quyết định tái phối trí

Động lực nào khiến Tổng Thống Thiệu, Tổng Tư Lệnh tối cao quân đội có quyết định táo bạo rút bỏ QĐI/V1CT và QĐII/V2CT cùng lúc gây hiệu ứng Domino, làm sụp đổ toàn cả miền Nam chỉ vỏn vẹn trong 50 ngày phù du, với biết bao hy sinh xương máu và nước mắt của toàn dân, đã gian khổ chiến đấu suốt 20 năm qua. Đây là câu hỏi mà mọi người muốn biết. Mãi đến sau nầy, chúng ta mới biết sự thật. Tham khảo  cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” của Tiến sĩ Nguyễn tiến Hưng, có 2 động lực chính khiến Tổng thống Thiệu đi đến quyết định trên :

 1/Quân viện: Vì quốc hôi Mỹ cắt giảm quân viện bất ngờ và quá nhanh, nên Tướng Murray,tùy viên quân sự Mỹ tại VN, người thay thế Tướng Creighton Abrams, khuyên Tổng Thống Thiệu nên thu hẹp lãnh thổ. Quân viện nhiều thì giữ đất nhiều. Quân viện ít thì bỏ bớt đất. (Sđd tr41).

 2/Cố vấn: Theo lời cố vấn của Chuẩn Tướng người Úc Ted Sarong, chuyên gia về chiến tranh du kích, phân tích tình hình quân sự thời điểm tháng 1/1975 có khuyên Tổng Thống Thiệu nên rút bỏ QĐI/V1CT trong 2 tuần, nếu không, 5 Sư đoàn(SĐ) hiện diện lúc ấy gồm SĐ1, 2, 3 Bộ binh(BB), SĐ Dù, SĐ Thủy quân lục chiến(TQLC) sẽ bị CS tiêu diệt gọn (sđd tr45). Tổng Thống Thiệu lúng túng, nếu rút QĐI/V1CT trong khi CS chưa tấn công, thì làm sao trả lời với quốc dân. Đến đầu Tháng 3/1975,Tướng Sarong đi đến kết luận, vì không nghe theo lời ông,nên cuộc chiến kể như đã kết thúc !! (sđd tr47).

Nguyên nhân đưa đến quyết định rút bỏ QĐI/VICT

NGÀY 13/12/1974. Tỉnh Phước Long thất thủ, QLVNCH không có quân để tổ chức hành quân tái chiếm. Tổng Thống Thiệu theo dõi phản ứng của chính quyền và quốc hội Mỹ. Họ hoàn toàn im lặng!

NGÀY 10/3/1975. Ban-mê-Thuột lại thất thủ. QLVNCH cũng không có quân để tái chiếm. Đồng thời cùng ngày Quốc hội Mỹ từ chối tái cấp khoản 300 triệu Mỹ Kim bổ sung mà VNCH khẩn khoản yêu cầu. Đến lúc nầy Tổng Thống Thiệu mới nhận thấy lời cố vấn của hai tướng Sarong và Murray là đúng. Ông mất bình tĩnh, tinh thần hoảng loạn, ra lệnh rút bỏ QĐI/V1CT và QĐII/V2CT cùng một lúc. Thực hiện chiến lược “ đầu bé đít to” mà Ông đã thai nghén kể từ khi quân viện bị cắt giảm trầm trọng.

 Diễn tiến các sự kiện lịch sử

NGÀY 13/3/1975. Tổng thống Thiệu gọi Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QĐI/V1CT, vào họp tại Dinh Độc Lập và chỉ thị: “Nghiên cứu kế hoạch rút bỏ QĐI/V1CT ngay. Cố gắng bảo toàn lực lượng chính quy. Riêng các lực lượng Địa phương quân(ĐPQ), Nghĩa quân(NQ) và các chính quyền địa phương, cứu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Lệnh phải giữ bí mật tuyệt đối, không cho các Tư lệnh Sư Đoàn, Không quân và Hải quân biết cho đến phút chót”. Sau nầy có nhiều nguồn tin khác nhau, nhưng Tướng Trưởng vẫn xác nhận và quả quyết với người viết: “Tôi được lệnh rút bỏ QĐI/V1CT còn sớm hơn Tướng Phú”.

NGÀY 14/3/1975. Lệnh rút bỏ QĐI/V1CT ngay, làm cho Tướng Trưởng quá ngỡ ngàng. Tuy nhiên Ông chần chừ không chịu thi hành. Về lại Quân Đoàn ngày hôm sau (14/3) Ông chỉ thị P3/QĐI nghiên cứu kế hoạch lui binh. Phòng 3 trình lên Ông hai đường lối hành động:

 1/Đường bộ: Rút bằng đường bộ trên Quốc lộ1 độc đạo từ Huế về Qui Nhơn với trì hoản chiến, nếu thời điểm đó đèo Hải Vân và Tỉnh Quảng Tín không bị cắt đứt.

 2/Đường biển: Co cụm tại ba khu vực:

-Sư đoàn 1BB và các đơn vị tăng phái về Thuận An (Huế)

-Sư đoàn 3BB và các đơn vị tăng phái về Hội-An (Đà Nẵng)

-Sư đoàn 2BB và các đơn vị tăng phái về Chu-Lai (Quảng Tín)

Sau khi kế hoạch co cụm hoàn tất, tàu Hải Quân sẽ vận chuyển lực lượng Bắc Hải Vân và Chu lai về Đà-nẵng. Giai đoạn cuối cùng là rút bỏ Đà nẵng cũng bằng tàu Hải quân xuôi Nam. Kế hoạch thứ 2 được Tướng Trưởng chấp thuận. Người viết lúc đó với chức vụ Phụ tá Trưởng P3/QĐI, phụ trách hành quân, trách nhiệm thiết lập kế hoạch nói trên.

Vì kế hoạch tối mật, nên chiều hôm đó người viết cho phép các sĩ quan trong phòng Hành quân về sớm và chính người viết thiết lâp kế-hoạch một mình. Kế hoạch được thiết lập thẳng trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 và chỉ có một bản duy nhất, không phổ biến. Có 4 tuyến với 4 màu khác nhau. Tuyến 1 (xa nhất) là tuyến chúng ta đang đối đầu với CS, chạy dài từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tuyến 2 thu hẹp hơn, nối các cao điểm cũng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tuyến 3 và 4 do các nơi liên hệ tập trung lực lượng vào những khu vực như đã trình bày ở phần trên. Để giảm áp lực địch từ tuyến 1 và 2, Quân đoàn sẽ chỉ huy các nơi lui binh cùng một lúc. Từ tuyến 3 và 4 các nơi liên hệ thiết lập lệnh chi tiết. Tuy thiết lập kế hoạch kỹ lưỡng như vậy, nhưng Tướng Trưởng muốn “câu thời gian” chưa thi hành ngay.

NGÀY 16/3/75. Khi đoàn xe Quân và Dân của QĐII/V2CT chưa lăn bánh rời Pleiku, thì ở QĐI/V1CT lại có tin tuyên truyền cuả Cộng sản(CS): “Chính phủ sẽ cắt đất nhường V1CT cho MTGPMN”. Thế là dân Huế(Thừa Thiên), có thừa kinh nghiệm tàn ác của CS trong biến cố Tết Mậu Thân(1968) và dân Quảng Trị với thảm sát ở đại lộ kinh hoàng(1972), ồ ạt di tản về Đà-nẵng. Tinh thần chiến đấu của các lực lượng quân sự phía Bắc đèo Hải Vân bắt đầu giao động.

NGÀY 18/3/1975. Dân chúng di tản từ Quảng Trị và Thừa Thiên tràn ngâp thành phố Đà-Nẵng. QĐI/V1CT trình về Trung ương xin giúp đỡ công cuộc tạm cư. Thủ tướng Khiêm hướng dẫn phái đoàn Chính phủ ra thẩm định tình hình. Trong lúc chờ đợi Thủ Tướng Khiêm đến, Tướng Trưởng nhắc nhở các Tư lệnh Sư Đoàn, các Tỉnh trưởng: “Ai có điều gì khó khăn thì trình bày thẳng với Thủ Tướng để giải quyết luôn”. Trong dịp nầy Đại tá Đổ-Kỳ, Tỉnh trưởng Quảng Trị, nêu câu hỏi: ”Hiện nay có nhiều ĐPQ + NQ bỏ ngũ về lo di tản gia đình. Vậy phải giải quyết như thế nào ?” Vì chủ trương của Chính phủ lúc ấy là chỉ rút các lực lượng chính quy, nên Thủ Tướng Khiêm lúng túng, không trả lời thẵng vào câu hỏi và lảng sang chuyện dân di tản. Ông Khiêm khuyên Tướng Trưởng hôm sau vào trình thẳng Tổng Thống Thiệu.

NGÀY 19/3/1975. Tướng Trưởng mang kế hoạch lui binh mà P3/QĐI thiết lập ngày 14/3/1975 vào trình Tổng Thống và được chấp thuận. Thay vì co cụm ở Thuận-An và Chu-Lai xong, tàu Hải quân sẽ vận chuyễn các đơn vị  vào Đà-nẵng, nhưng vì nặng tình với Huế, nên Tướng Trưởng xin cố thủ Huế, luôn cả Chu-Lai. Tổng thống Thiệu đồng ý và nói: “Mặc dù lịch sử phán xét tôi như một thằng imbecile{ngu}, nhưng vì lòng tôi đối với đất nước, tôi đồng ý”(sđd tr76). Nhưng có lẽ nhớ lại lời khuyên của Tướng Ted Sarong, Tổng Thống Thiệu giật mình và chiều tối 20/3/75 Tướng Trưởng lại nhận được mật-điện số 2238 của Bộ Tổng Tham Mưu(BTTM) với nội dung :”Vì không đủ khả năng giữ 3 nơi như đã định. Tư lệnh Vùng 1 được tùy nghi, tùy theo tình hình an ninh và áp lực địch, phối trí quân về để giữ Đà Nẵng mà thôi.”(sđd tr78). Quá sửng sờ, lại thêm ưu phiền về lệnh lạc bất nhất, thuận cố thủ Huế, rồi bỏ Huế, nên Tướng Trưởng không nén được nổi giận phúc đáp công điện thượng dẫn như sau;”Tôi ngại không thi hành nổi lệnh nầy. Xin Đại Tướng tìm người thay thế tôi “(sđd tr79). Tướng Trưởng cũng thừa biết Đại tướng Viên cũng chẳng có quyền hành gì! Ông chỉ xin theo hệ thống quân giai cho có lệ. Ngoài công điện trên, Tướng Trưởng cũng điện đàm thẳng cho Tổng Thống Thiệu với yêu cầu như trên. Về sự kiện nầy, Tướng Trưởng có tâm sự với người viết. Tổng thống Thiệu khẩn nài :”Trong giai đoạn khó khăn nầy anh cố gắng giúp tôi”. Tổng thống Thiệu dư biết có gắn thêm “một sao”cũng không ông Tướng nào dám nhận nhiêm vụ khó khăn nầy nên mới xuống nước, nài nĩ.

NGÀY21/3/1975(lệnh bỏ Huế). Đại tướng Viên gởi công điện cho Trung Tướng Trưởng theo lệnh của TT Thiệu: “Tình hình hết sức khẩn trương, Trung Tướng liệu mà làm” (sđd tr79). Tướng Trưởng hết sức chán nản. Mới hôm qua còn nghe Tổng Thống Thiệu tuyên bố “cố thủ Huế’ trên đài phát thanh, mà hôm nay lại nhận lệnh gián tiếp bỏ Huế! Tôi có hỏi Tướng Trưởng, có phản ứng gì khi bỏ Huế, ông chia sẻ: “Tôi muốn cố thủ Huế với bất cứ giá nào như giai đoạn Tết Mậu-Thân, lúc đó Thành phố Huế bị CS chiếm hơn 20 ngày. BTL/SĐ1BB bị bao vây ở thành Mang Cá. Trong tình thế tuyệt vọng như vậy, Bộ TTM có gửi Đại tá Thọ, Trưởng P3/BTTM ra khuyên tôi: Liệu giữ không nổi thì rút bỏ đi”. Được mở lời như vậy, nhưng ông không phải Tướng hèn, nên xin ở lại cố thủ, dù phải chết với Huế. Nếu bỏ Huế lúc đó, không biết tình hình đất nước đã đi về đâu.

NGÀY 22/3/1975. Được lệnh bỏ Huế, Tướng Trưởng điện thoại cho Tướng Lâm quang Thi (Tư Lệnh Tiền phương QĐI) thi hành theo kế hoạch lui binh, đã ban hành, thu hẹp khu vực phòng thủ về Thuận An. Về sự kiện nầy Tướng Trưởng có chia sẻ với người viết: “Tướng Thi phản đối và nói tình hình ngoài nầy vẫn yên, chưa đến lúc phải rút”.. Tướng Trưởng khẩn khoản: “Anh rút gấp giúp tôi. Đây là lệnh trên !”

NGÀY 23/3/1975. Tướng Trưởng gọi Tướng Thi và Tướng Điềm(Tư lệnh SĐI BB) về nhận chỉ thị tại BTL/QĐ. Tướng Thi bận việc điều quân lui binh, nên cử Đại-Tá Lê ngọc Hy TMT thay mặt. Đêm hôm đó BTL/TP/QĐI lên tàu ở cửa Thuận-An. Đồng thời tuyến Sông Bồ, cách Huế 20 cây số về phía Bắc do Lữ Đoàn 147 TQLC trấn giữ và SĐ1BB ở Tây Nam Huế cũng thu hẹp phòng tuyến.

NGÀY 24/3/1975. Cả 2 đơn vị LĐ/147 TQLC và SĐ1BB  di hành đêm đến khu vực tâp trung. Để tránh tập trung quá đông vào một nơi, LĐ/147 TQLC và các đơn vị tăng phái về Thuận-An, SĐ1BB về cửa Tư Hiền.

NGÀY 25/3/1975. Lệnh chính thức bỏ Huế được ban ra. Tổng thống Thiệu chỉ thị cho Đại Tướng Viên gởi công điện cho Tướng Trưởng thi hành 3 điều:

-Thứ nhất: Bỏ Huế

-Thứ hai: Phải làm cho lẹ

-Thứ ba: Tử thủ Đà nẵng.

Theo suy luận của người viết,chắc lúc ấy Tổng thống Thiệu bị ám ảnh về lời khuyên của Ted Sarong, sợ các lực lượng chính quy bị tiêu diệt, nên phải ra lệnh “rút cho lẹ”để bảo toàn lực lượng. Lui binh mà rút cho lẹ, không tổ chức được trì hoản chiến, đạp lên nhau mà chạy, thì thiệt hại khó lường được.

Trong khi các lực lượng ở Bắc Hải Vân đang trên đường lui binh, thì Tổng thống Thiệu lại thay đổi lệnh: “Nếu bây giờ tôi ra lệnh trở lại Huế, thì có thi hành được không”. Tướng Trưởng đáp: “Họ đang trên đường rút lui, tôi không thể kêu họ lại được.”(sđd tr81).

 Sư đoàn IBB rả ngũ?

Theo quyển “Decent interval”của Frank Snapp có viết về Tướng Trưởng cho phép binh sĩ về lo cho gia đình như sau: “Trong lúc Trung Tướng Ngô quang Trưởng trình bày với Tổng Thống Thiệu về kế hoạch của Ông, số quân mà Ông cần để thi hành, thì nay lại tan rã. Đó là lổi do ông ta một phần, vì lòng thương của vị Tư lệnh đối với binh sĩ, nên mấy ngày trước Ông đã cho quân nhân dưới quyền về lo an toàn cho gia đình “

Rất tiếc người viết không biết chuyện nầy, nên không xác nhận được với Tướng Trưởng và Tướng Điềm khi hai vị nầy còn tại thế. Tuy nhiên người viết cũng có hỏi Đại tá Hy (TMT-BTL/TP) và được Ông góp ý như sau :”Không biết Tướng Thi hay Tướng Trưởng có cho phép như vậy không. Nhưng theo tôi, đứng về phương diện chỉ huy không ai cho phép như vậy cả.”

Thật ra, hầu hết quân nhân nào là người địa phương đều vắng mặt bất hợp pháp, về lo an ninh gia đình. Riêng SĐ/TQLC , ngoài một số rất ít có thân nhân người địa phương, quân số Sư Đoàn còn đầy đủ.

NGÀY 26/3/1975. Vì lệnh phải rút quân cho lẹ nên kế hoạch bị xáo trộn như khi khởi thão. Số tàu dùng để chuyển quân rất hạn chế. Vã lại hôm đó sóng to và biển cạn, nên tàu không cập bờ được. Chỉ bốc được vài chuyến ở bãi Thuận An. Số quân còn lại, đa số bị bắt làm tù binh. Riêng tại cửa Tư Hiền, Công binh không làm cầu nổi kịp. Phần lớn lực lượng SĐI BB thoát về được Đà Nẵng nhờ ghe thuyền của dân chài.  Về lực lượng phía Nam Đà-nẵng, SĐ2BB và các đơn vị tăng phái tập trung ở Chu-Lai và được hải-vận ra cù-lao Ré(đảo Lý Sơn) thay vì về Đà-nẵng, như kế hoạch đã định. Quân số SĐ1BB về đến Đà-Nẵng còn khoảng 1/3, nhưng cũng không tập họp lại được. Còn SĐ3BB tình trạng rả ngũ cũng giống như SĐ1BB mấy ngày hôm trước. Chiều cùng ngày, người viết có gặp Tướng Điềm tại P3/QĐ1, Ông nghẹn ngào trong ngấn lệ: ”Không đánh được trận nào ra hồn, bây giờ mang danh bại tướng”. Kế đến Đại Tá( Nguyễn kim ?)Hường, Lữ đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh than: “Đánh đấm (mẹ) gì mà cứ chạy không”. Người viết xin chia sẻ nổi uất ức của 2 vị trên. SĐ1BB tan rã, nên Tướng Trưởng cử Tướng Điềm làm Quân Trấn Trưởng Đà nẵng. Sau đó Ông tử nạn ở Quảng Ngãi trên đường di tản bằng trực thăng. Thời gian nầy tình trạng dân tị nạn ở Đà nẵng quá hỗn loạn. Ngoài số dân tị nạn Thừa Thiên,Quảng Trị, bây giờ lại thêm Quảng Ngãi, Quảng Tín. Tình trạng an ninh mất kiểm soát. Những vụ cướp giật xảy ra ban ngày. Thấy tình trạng quá xấu, nên BTL/QĐI có gởi công điện xin BTTM biệt phái một chiến hạm để làm BTL “nổi”, điều khiển cuộc lui binh theo kế hoạch khi cần.

NGÀY 27/3/1975. Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Đà-Nẵng có thuê 4 chiếc phi cơ dân sự TWA và Không Quân cũng điều động phi cơ vận tải C-130 ra Đà-Nẵng để di tản dân tị nạn. Dân chúng hoảng loạn, không duy trì được  trật tự, chen lấn lên phi cơ ngay khi phi cơ còn lăn bánh trên phi đạo! Nhân viên phi hành phải dùng đến bình cứu hỏa để ngăn chận. Chỉ bốc được 2 chuyến thì kế hoạch  hủy bỏ.

NGÀY 28/3/1975. BTTM lại cử Trung Tướng Lê-nguyên-Khang ra Đà Nẵng thẩm định tình hình lần cuối. Ông hứa khi về Sài gòn sẽ điều động tối đa phi cơ của Không quân và tàu Hải quân ra di tản dân tị nạn và gia đình binh sĩ, để anh em an tâm chiến đấu. Thế ma`….. tình hình lại đột biến một cách quá nhanh chóng. Khoảng 8 giờ tối, địch ở vị trí Nam-Ô, dưới chân đèo Hải Vân pháo kích vào BTL/Vùng 1 Duyên Hải ở Tiên Sa và phi trường Đà-Nẵng do SĐ1 Không quân trấn giữ. Kiểm điểm lại quân số dưới quyền lúc đó, chỉ còn lại SĐ/TQLC (-) và SĐ/3BB què-quặt, Tướng Trưởng nhận định không thể giữ được Đà-Nẵng và xin Tổng Thống Thiệu cho di chuyển bằng đường biển theo kế hoạch đã trình và ưu tiên cho SĐ/TQLC. Trong cuộc điện đàm khẩn cấp nầy, Tổng Thống Thiệu không trả lời thẳng theo yêu cầu của Tướng Trưởng. Ông chỉ hỏi :”Nếu rút thì rút được bao nhiêu quân về nơi an toàn”.(ĐT Viên sđd tr172-173).

NGÀY 29/3/1975. Tưởng rằng Tổng Thống Thiệu thuận cho rút quân, nên sáng ngày này Tướng Trưởng lội biển ra tàu Hương Giang (HQ 404) với anh em TQLC ở bãi biển Non Nước. Vì không đủ tàu để chở quân và dân tị nạn nên một số lớn chết thảm do hỗn loạn, dành lên tàu và do đạn pháo kích cũa địch. Với thảm kịch nầy, người viết thắc mắc: kinh nghiệm qua cuộc rút quân của TQLC và SĐ1BB ở Huế, tại sao BTTM không điều thêm tàu hải quân từ Vùng 3 và 4 tăng cường cho Vùng 1 DH ?

Trên đường xuôi Nam, Tướng Trưởng  lại nhận được Công điện tối mật từ trung ương: “Lệnh của Tổng Thống. Lệnh tử thủ Đà-Nẳng vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến đều sẽ quy trách nhiệm cho Tư lệnh và Đơn vị trưởng.” ( Trích can trường trong chiến bại của Đề đốc HVKT tr239-257).. Tướng Trưởng phúc đáp bằng công điện như sau : “Tất cả anh em đã ở trên taù xuôi Nam. Tôi không còn lực lượng trên bộ để trở lại Đà-Nẵng “. Tất cả đó là chia sẻ của Tướng Trưởng với người viết sau nầy.

Tại sao tổng thống Thiệu muốn giữ Đà Nẳng?

Về sự kiện nầy, sau nầyTướng Trưởng có chia sẽ với người viết như sau: “Họ (các Tướng lảnh) suy luận Ông Thiệu muốn giữ Đà Nẵng để làm đầu cầu cho Quân Mỹ may ra đổ bộ cứu VN, như Tướng Mac Arthur đã làm ở chiến tranh Triều –Tiên (1950-1953) bằng cách đổ bộ lên cảng Incheon”. TT Thiệu muốn thí quân để nuôi một hy-vọng viển vông. Cũng may Tướng Trưởng đã không đem SĐ 2BB về Đà-nẵng. Nếu không thì sự thiệt hại trong ngày 29/3/75 còn to tát hơn nhiều. Đó là quyết-định vô cùng sáng suốt.

NGÀY 30/3/1975. Trên hành trình xuôi Nam, BTTM có lệnh cho các Hạm trưởng: “ Đổ lực lượng TQLC xuống Cam Ranh và tiếp tục hành quân. Sẽ có lệnh chi tiết sau. Chỉ chở Tướng Trưởng về một mình”. Nhận thấy anh em với tinh thần chiến đấu suy sụp, Tướng Trưởng can thiệp :”Anh em TQLC cần phải được chỉnh trang lại. Nếu đổ(thả) anh em xuống Cam Ranh thì tôi cũng xuống và chiến đấu với  anh em”. Cuối cùng thì BTTM nhượng bộ và tiếp tục chở TQLC về Vũng Tàu để chỉnh trang. Nếu biết được sự thật nầy chắc anh em TQLC kính trọng và cám ơn Ông rất nhiều.

NGÀY 1/4/1975. Tướng Trưởng về đến Sài gòn được đón tiếp niềm nở. Vì xúc động mạnh, nên Ông vào dưỡng bệnh ở Tổng- y- Viện Cộng Hòa.

 Kỷ luẫt các tướng lãnh

Sau cuộc lui binh thất bại của hai Quân Đoàn I&II, một số giới chức trách nhiệm bị  kỷ luật, quản thúc trong Bộ TTM (người viết xin miễn nêu danh vì tế nhị), ngoại trừ Tướng Trưởng. Bàn về sự kiện nầy, Tướng Trưởng có chia sẻ với người viết như sau: “Hồi đó Ông Trần Văn Đôn ở Pháp mời về tham chính, giữ chức Phó Thủ-Tướng kiêm  Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Nguyễn bá Cẩn. Ông Đôn không biết lệnh bỏ ngỏ hai  Quân khu trên của Tổng Thống Thiệu nên kỷ luật một số giới chức trách nhiệm để răn đe các Tướng lảnh khác”. Người viết không dám hỏi lại Tướng Trưởng, thế tại sao Ông không bị kỷ luật, mà chỉ suy diễn: có lẽ cũng có lời yêu cầu của Tổng Thống Thiệu !

 Đà Nẳng – nỗi niềm luyến tiếc  

Chuyện chinh chiến đã qua. Nhưng trong một lần mạn đàm với Tướng Trưởng, Ông có tâm sự với người viết: ”Giá lúc đó mình cố giữ Đà-Nẵng, có khi bây giờ vẫn còn đánh nhau”. Ông nói thế chứ giữ làm sao được khi quân viện không có và đạn dược chỉ còn một tháng tồn kho. Thấy Ông nuối tiếc bỏ Đà-Nẵng, người viết im lặng, tôn trọng “hoài niệm”của Ông. Suy diễn về lời than tiếc của Ông phải bỏ Đà-Nẵng, người viết có cảm  nghĩ có điều gì bí ẩn, chỉ riêng mình Ông biết. Nếu lực lượng của ta yếu, xin rút lui để bảo toàn lực lượng, thì Ông đâu có nuối tiếc như vậy. Do đó khi sắp lìa đời, Ông trăn trối với gia đình, thay vì chôn cất ở nghĩa trang địa phương như dự trù, Ông muốn được hỏa táng và tro cốt đem về rải rắc ở đỉnh đèo Hải-Vân. Ngày xưa Ông không được chết với Quân Dân của Ông ở bãi Thuận-An, cửaTư-Hiền (ThừaThiên) và Mỹ Khê, Non Nước (Đà-nẵng), thì bây giờ Ông cũng về nằm gần họ trong tình huynh-đệ. Thật đáng quý và khâm phục!

Lực lượng đảo chánh

Khi Tổng Thống Thiệu rút SĐ/Dù và sau đó định rút tiếp SĐ/TQLC về Nam, trong khi QĐI đang bị áp lực mạnh của Cộng quân, cần phải được tăng viện. Nhiều người suy đoán Ông Thiệu sợ đảo chánh nên rút 2 SĐ nầy về để bảo vệ. Thực sự, Ông muốn dùng 2 Sư đoàn trừ bị nầy để trám vào phòng tuyến Sài-gòn của QĐIII, phòng khi bị chọc thủng.Trong quá khứ rất nhiều lần đảo chánh, hai lực lượng nầy cùng với Thiết giáp binh là thành phần nòng cốt. Vị Tướng được Tổng Thống Thiệu tín nhiệm chống đảo chánh là Trung Tướng Nguyễn văn Minh, nguyên Tư lệnh QĐIII/V3CT. Sau nầy Ông Minh được điều động về làm Tư-lệnh Biệt khu Thủ đô,  kiêm Tổng trấn Sai-Gòn-Gia Định để bảo vệ Ông.

Lệnh lạc của tổng thống Thiệu

Không rõ vì bị ám ảnh lời khuyên của Tướng Ted Sarong hay sao, mà Tổng Thống Thiệu hành động từ sai lầm nầy đến sai lầm khác. Ông sợ sau nầy bị lịch sử lên án, nên lệnh lạc của Ông luôn luôn có một ”khoảng trống” dùng làm lối thoát để biện minh. Lệnh của Ông tiền, hậu bất nhất, thay đổi như chong-chóng, không dứt khoát, thiếu rõ ràng… Nhóm từ “liệu-mà-làm” được Ông thường dùng khi ra lệnh, là cái cớ, để đổ lỗi khi thất bại! Những gì mà TS Nguyễn tiến Hưng viết trong cuốn “Tâm tư Tổng thống Thiệu” chỉ là mặt nổi, còn đối tượng thi hành mới biết bí ẩn ở mặt sau.

Xin dẫn chứng rút bỏ Pkeiku – Kontum (đổ lỗi)

Ông sợ mất 2 Sư-đoàn 22BB và 23BB nên ra lệnh rút ngay tức khắc. Việc rút bỏ một Quân đoàn không phải là chuyện đơn giản. Cuộc rút quân gấp rút, thiếu chuẩn bị nên thất bại. Ông đổ lỗi cho BTTM thiếu giám sát.

Rút bỏ Huế – (Lệnh lạc bất nhất”liệu-mà-làm”).Ngày 19/3/75, Ông thuận theo lời thỉnh cầu của Tướng Trưởng, xin cố thủ Huế. Hôm sau, Ông lại chỉ thị cho BTTM gởi Công điện cho Tướng Trưởng :”Tình hình hết sức khẩn trương, Trung tướng liệu mà làm”. Đây là lệnh gián tiếp bỏ Huế và Tướng Trưởng thi hành lệnh cho lui binh. Trên đường rút lui, Tướng Trưởng lại nhận được lệnh của Ông: “Nếu tôi ra lệnh trở lại Huế, có thi hành được không?”.

Rút bỏ Đà Nẳng (lệnh không dứt khoát).Khi phi trường Đà-Nẵng và BTL/Vùng 1 Duyên hải bị pháo kích, Tướng Trưởng nhận định không thể giữ Đà-nẵng với lực lượng hiện có và xin rút lui bằng đường biển như kế hoạch đã trình. Ông Thiệu không dứt khoát hay rõ ràng khi ban lệnh “thuận cho rút hay ở lại cố thủ” mà chỉ hỏi :”Nếu rút thì bảo toàn được bao nhiêu quân”. Theo thiển ý người viết, đó là một lệnh gián tiếp cho phép rút quân. Thế mà hôm sau, trên con tàu xuôi Nam HQ404, Tướng Trưởng lại nhận được công điện tối mật từ trung ương: ”Lệnh của Tổng thống: Lệnh tử thủ Đà-Nẵng vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến, đều sẽ qui trách nhiệm cho Tư lệnh và Đơn vị trưởng.”(sđd tr97).

Tổng Thống Thiệu sợ lịch sử phê phán Ông sau nầy nên ra phản lệnh vào phút chót khiến Tướng Trưởng không sao thi hành được không ngoài mục đích đổ lỗi để chối bỏ trách nhiệm!

 Phân tích và phê bình cuộc lui binh của QĐI/VICT

So sánh sự thiệt hại của QĐI và QĐII, thì QĐI thiệt hại nhiều hơn. Lý do QĐI/V1CT quân số và dân cư đông hơn. QĐII chỉ bị tổn thất nặng nề ở sông Ea-Pha. QĐI thiệt hại ở cả 2 nơi Huế và Đà-Nẵng. Nhìn vào sự thiệt hại lớn lao đó, nhiều người đã khắc khe lên án. Phạm Huấn đã viết trong quyển “Những uất hận trong cuộc chiến mất nước 1975”. Đề cập đến cuộc lui binh của QĐI/V1CT, Ông viết: ”Triệt thoái vội vã và không có kế hoạch, lịch trình, sự phối hợp Không quân và Hải quân lỏng lẻo và Tư lệnh Quân Đoàn thiếu khả năng điều động một BTM hổn hợp.” (trang 75). Người viết không đồng ý với nhận xét và phê phán nầy của Phạm Huấn. Xin đơn cử, chính người viết là người đã soạn thảo kế hoạch lui binh với hai đường lối hành động theo chỉ thị của Trưởng P3/QĐI từ ngày 14/3/75.  Người viết biết rõ thời điểm lúc QĐI lui binh là lúc Ông đang ở Nha Trang với Tướng Phú. Ông viết theo suy diễn chứ Ông không hề là chứng nhân tại chổ. Xin hỏi “nhỏ” Ông: “ Về sự hiểu biết và khả năng quân sự của Ông đạt đến đâu mà dám phê phán một Tư lệnh Quân Đoàn thiếu khả năng”. Thử nhìn lại một số cuộc lui binh trong lịch sử chiến tranh cận đại. Xin một đơn cử : cuộc lui binh lịch sử trong trận chiến Triều Tiên.(1950-1953). Từ tờ mờ sáng 26/6/1950 quân Bắc Triều Tiên, với chiến xa,trọng pháo, bất ngờ xâm lăng Nam Triều Tiên. Chúng tiến nhanh, vượt qua Thủ đô Hán-Thành và chiếm gần hết lãnh thổ Nam Triều Tiên. Thống Tướng (5 sao) Mac Arthur, một vị Tướng lừng danh của Hoa Kỳ thời Đệ nhị Thế chiến, lãnh đạo quân Mỹ, sau đổi thành Lực lượng LHQ, táo bạo đổ bộ lên cảng Incheon, sau tuyến đầu của Địch, phản công đánh đuổi quân Bắc Triều Tiên đến tận sông Áp-Lục (ranh giới giữa Trung hoa và Bắc Triều Tiên), tưởng đã thống nhất được cả nước ! Lúc đó quân đội Trung Hoa CS dưới sự chỉ huy của Tướng Bành đức Hoài, vủ khí thô sơ hơn quân đội LHQ, dùng chiến thuật biển người, một chiến thuật cổ-điển của CS, kể cả CSVN, mà có lần Tướng Wesmoreland của Mỹ, phê phán Tướng Giáp là dùng chiến thuật vô-nhân đạo, bất chấp thiệt hại về nhân mạng. Nhờ dùng chiến thuật biển người nầy mà quân Tàu đẩy lui quân LHQ về dưới Vĩ tuyến 38 ! Trong cuộc lui binh nầy, quân đội LHQ cũng bị hỗn loạn, không kịp tổ chức trì-hoản chiến. Đến nay vẫn còn nhiều quân nhân LHQ chết và mất tích tại đó, không tìm được xác. Quân LHQ là quân đội viễn chinh, hành quân trên đất nước lạ, tự do điều động, không vướng bận vào đồng bào của họ. Quân đội CS Bắc Việt cũng là đoàn quân “viển chinh nội địa”. Họ chỉ tuân theo quy luật của chiến trường :” Giết hoặc bị Giết”. Còn người lính VNCH, trong lúc hành quân họ còn lo cho sự an nguy gia đình, vợ con và đồng bào…nên nhiều đơn vị rả ngủ trước khi lui binh. Đó là thực tế!

Sự thật về khả-năng của Tướng Ngô quang Trưởng, ngoài những thành tích mà Ông đã có qua suốt chiều dài cuộc chiến cho đến trước những ngày Tháng Tư đen/1975; theo nhận xét của Sir Robert Thompson, chuyên gia du kích chiến người Anh, được trọng dụng từ thời Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm cho đến Tổng Thống Thiệu. Ông nhận xét Tướng Trưởng,  khi Ông làm Tư lệnh SĐ1BB “ Tướng Trưởng có khả năng chỉ huy một sư đoàn quân đội Hoàng gia Anh”.Còn Tướng Norman Schwargkops, có thời làm cố vấn cho Tướng Trưởng, người hùng vùng Vịnh thời TT Bush (cha) phát biểu: ”Tôi áp dụng chiến thuật học hỏi từ Tướng Trưởng vào chiến dịch nầy, nên mới thắng nhanh.”Mặc dù đây là lời khen tặng khiêm tốn của một vị Tướng Mỹ, nhưng trong số các Tướng Lãnh VNCH, có mấy ai được đề cao và kính trọng như thế.

Lời kết

Nhắc lại chuyện xưa 40 năm qua, chúng ta ai cũng ngậm ngùi, tâm tư lắng đọng, thương cho những quân nhân và đồng bào đã chết trên đường di tản. Ở bên kia thế giới, chắc họ cũng uất ức. Ước gì được sống lại, cầm súng đánh một trận để đời với Cộng quân, rồi chết lại cũng thỏa lòng.

Suy cho cùng, không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ là người thua cuộc vì sự phản bội của người bạn Đồng minh. Dù lịch sử đã sang trang, nhưng cho tới tận hôm nay, người viết vẫn còn trăn trở về cấp Lãnh đạo, về đồng bào và đồng đội của mình. Thật phũ phàng và cay đắng làm sao!!!

Dù gì thì chúng ta cũng đã mất nước, mất quê hương, sống tha phương. Quy trách nhiệm cho ai đây? Không có ai can đảm đứng ra nói: ”Tôi làm tôi mất nước”, như nhà văn Lê văn Phúc đã giễu cợt, tự xỉ vả và ngay như Tổng Thống Thiệu, với việc ra lệnh rút bỏ Pleiku, Kontum với tổn thất lớn lao cũng đã nói ”Je suis responsable, mais pas coupable” (tôi chịu trách nhiệm nhưng không có tội). Nước mất, trách nhiệm về ai? Tùy nhận định của mỗi người và lịch sử sau nầy sẽ nói thay chúng ta.

Tháng 3/ 2016; Hiệu chính tháng 5/ 2017

Bảo Tuấn

https://baotgm.net/phao-thu-ba%CC%89o-tuan-bon-muoi-ba-nam-nhin-lai/