Tập San Tân Đại Việt – Số 12/2018 – Tất Niên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Đại Việt – Số 12/2018 – Tất Niên

Mục Lục

Lê Minh Nguyên: Chúc Giáng Sinh và Năm Mới 2019

Vietbao.com: Đảng Tân Đại Việt Kỷ Niệm 54 Năm Ngày Thành Lập Đảng

Mai Thanh Truyết: Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Đằng Phương: Thơ Giã Bạn Lên Đường

Cao Tuấn: Về một người Việt Nam đi tìm các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung (Bài số 1)

Phan Văn Song: – Các Chủ Nghĩa Ái quốc, Quốc Gia, Dân Tuý    – Tình Đất Nước   – Nghĩa Đồng Bào

Phạm Đình Lân F.A.B.I: Nói chuyện cây thông vào mùa Giáng Sinh

Nguyễn Thị Cỏ May: Ông Già Nô En Bị Treo Cổ Và Hỏa Thiêu

Từ Thức: Macron khung cửa hẹp

Nguyễn thị Cỏ May: – Paris muốn làm Cách mạng mùa Thu? Từ tăng thuế xăng dầu làm xã hội bạo loạn   – Cây Diêm Quẹt Và Cánh Đồng   – Tàu cộng và văn hóa du mục

Cổ Tấn Tinh Châu: Trung Cộng với Phi Châu và Mỹ Latin

Trọng Đạt: Nước Mỹ: Một siêu cường duy nhất

Đào Văn Bình: Nhật Ký Biển Đông; –  Không Ai Chống Nổi Luật Vô Thường;  – Việc Nhân Nghĩa Cốt Ở An Dân

Vũ Linh: Năm mới – chuyện cũ

Trần Bích San: Thi cử và giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc (P1)

Thanh Phương: Tổng kết tình hình Việt Nam 2018

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi: Hàn Phi Tử Chương 6 – ¨Pháp…

Từ Thức: – ****NÓNG : đã tìm ra giải pháp lấy lại Hoàng Sa;  – Bão

Phan Nhật Nam: Người chỉ huy về già

 

Chúc Giáng Sinh và Năm Mới 2019


Trước thềm Giáng Sinh và Năm Mới 2019, tôi xin kính chúc quý Đồng Chí và gia đình tràn đầy sức khoẻ, vui tươi, thịnh vượng và thành đạt trong mọi công việc.

Năm 2018 có nhiều chuyển động chính trị, trong chiều hướng ngày càng tăng tốc hơn trên con đường hướng về năm 2019.

Trong khi dòng sống của dân tộc trong mọi hoàn cảnh, vẫn liên tục mở ra về phía trước đó, Đảng Tân Đại Việt cần sẵn sàng các bước đi thiết thực để vừa nắm bắt thời cơ, vừa đẩy nhanh tiến trình cách mạng dân chủ để thực hiện được các ước mơ còn dang dỡ của GS Nguyễn Ngọc Huy, của những đàn anh đi trước, và hoàn thành sứ mạng xây dựng một nước Việt Nam thực sự dân chủ pháp trị để sánh vai cùng các quốc gia văn minh đầu đàn trên thế giới.

Lịch sử cổ kim Âu Á cho thấy, một cuộc cách mạng thành công bắt buộc phải hội đủ hai yếu tố: sự nổi dậy của quần chúng và sự bất lực của các lực lượng đàn áp. Cả hai đều là yếu tố bên trong của quốc gia. Yếu tố bên ngoài nếu có, chỉ là hổ trợ. Ông Nguỵ Kinh Sinh, người cha của phong trào dân chủ Trung Quốc, đã điểm qua lịch sử TQ để chứng minh quy luật này.

Trong các cuộc cách mạng Mùa Xuân Á Rập, nhất là ở Tunisia (18/12/2010 đến 14/1/2011) và Ai Cập xảy ra, Mỹ hoàn toàn không biết. Ngày 16/2/2011, Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện Hoa Kỳ với NS Dianne Feinstein làm chủ tịch, đã có cuộc điều trần về việc mù tịt này, đòi hai nguời trách nhiệm tình báo cao cấp nhất lúc đó là Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (National Intelligence) James Clapper, và Giám Đốc CIA Leon Panetta ra khiển trách cũng như trả lời cho biết tại sao. Hai ông nhận lỗi và hứa sẽ lập một đội đặc nhiệm gần 40 người để theo dõi sát sao hơn trong tương lai

(http://bit.ly/2DQgrdM).
Trong quyển sách xuất bản năm 2017 “The Great Leveler”, GS Walter Scheidel thuộc đại học Stanford, chuyên gia nghiên cứu về những bất công lớn và các phuơng cách tái lập công bằng trong lịch sử loài người từ cổ kim Âu Á, đã cho thấy rằng bất công chỉ có thể được giải quyết bằng bốn phương pháp mà thôi: chiến tranh, cách mạng, nhà nuớc sụp đổ, dịch bịnh tràn lan. Các biến cố này làm tan rã giai cấp đặc quyền đặc lợi để tái lập lại sự công bằng.

Qua các quy luật lịch sử này, chúng ta thấy rõ rằng chỉ có cách mạng dân chủ mới giải quyết đuợc vấn nạn độc tài bất công ở Việt Nam, không có con đường nào khác mà chúng ta có thể chủ động để đánh đổ chế độ cộng sản hiện nay được. Nếu có ai đó nghĩ rằng cần phải bắt tay làm việc với CSVN để giúp họ tự nguyện thay đổi qua dân chủ thì đó là một sự hão huyền, chỉ làm cho vi trùng quen thuốc để trở nên nguy hiểm hơn và khó tiêu diệt hơn.

Vì thế năm 2019 chúng ta cần mạnh mẽ hơn để thực hiện hai mũi nhọn và mặt trận quốc tế vận. Hai mũi nhọn đó là chuẩn bị dư luận trong ngoài cho sự nổi dậy của quần chúng và tạo hoàn cảnh cho sự bất lực của các lực lượng đàn áp. Với mặt trận quốc tế vận chúng ta cần tiếp cận và làm việc với các viện lo việc phát triển dân chủ thế giới như IRI, NDI, CIPE, Solidarity Center.

Môi trường thế giới hiện nay cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có chiến tranh thương mại, đang cạnh tranh muốn mình là tiêu chuẩn cho thế giới của hạ tầng cơ sở Internet như 5G, AI, robot…, và chiến tranh lạnh có thể xảy ra.

Môi trường mới này làm cho CSVN không thể tiếp tục đi dây mà phải chọn lựa dứt khoát, hoặc hoàn toàn đi với HK hoặc hoàn toàn đi với TQ. 

Tuy khoảng đầu tháng 11/2018 CSVN đã huỷ bỏ các quan hệ quân sự với HK, nhưng TQ vẫn chưa hài lòng vì cho rằng CSVN vẫn còn chân trong chân ngoài, muốn dựa vào HK để kềm chế TQ ở Biển Đông, cho nên TQ đang gởi tín hiệu dằn mặt đến CSVN qua ngư lôi màu cam (huấn luyện và có thể thu hồi) xuất hiện chỉ cách bờ biển Phú Yên 7 cây số, đồng thời diễn tập quân sự “chống quốc gia láng giềng X” ngay biên giới VN và Vân Nam với loại xe tăng tối tân Type-15 đạn bắn xuyên thép và điện tử hoá khả năng cơ động. Nhìn chung, TQ đang chuẩn bị cho một chiến lược trường kỳ đối đầu với HK ở Á Châu nên đang áp lực các chư hầu như CSVN phải nằm trong kỹ luật của TQ.

Điều này làm cho CSVN đi vào thế bế tắc, nếu hoàn toàn theo TQ thì dân nổi loạn, nếu không theo TQ thì các lãnh tụ CSVN đương quyền sẽ bị hạ bệ. Với mục đích nắm quyền bằng mọi giá nên CSVN cuối cùng phải hoàn toàn lệ thuộc TQ, điển hình là người dân trong nước không được dùng từ “Trung Cẩu” trên Facebook, những ai dùng thì trang FB của họ bị đóng. Ngay cả khi lượm được ngư lôi thì báo chí CS cũng không dám gọi tên mà gọi là “vật lạ”, có chữ Tàu nhưng chỉ gọi là “nước lạ”.

Môi trường mới này làm lòng dân sôi sục cho một cuộc nổi dậy để chống CSVN Lê Chiêu Thống, nó cộng hưởng với những xung đột nội bộ trầm trọng giữa các nhóm lợi ích trong Đảng, lò bắc đốt cũi nam, miền nam bị cai trị như một lãnh thổ bị chiếm đóng với 100 đồng làm ra thì phải đóng 82 đồng về Hà Nội, đến độ ông đại biểu miền nam Phan Nguyễn Như Khuê hôm 5/12 công khai than trên báo Thanh Niên rằng “Không thể xem TP.HCM là bò sửa để vắt quá nhiều”, đề nghị Bộ Tài Chính tính toán lại việc phân bổ ngân sách. Nhìn chung, môi trường xã hội đang đi tới thuận tiện cho một cuộc cách mạng dân chủ.

Năm 2019 Đảng Tân Đại Việt cần mạnh mẽ vận động dư luận quần chúng trong và ngoài nước để sẵn sàng tham gia hay hổ trợ cho một cuộc cách mạng dân chủ, từ Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc Châu, Đông Nam Á và Bắc Trung Nam ở VN. TĐV cần dấn thân dấy lên phong trào tạo sự tỉnh thức này cùng với các tổ chức chính trị chân chính khác. Ở mũi nhọn thứ hai, TĐV cần định hình các điểm nhược của CSVN, nghiên cứu các cách thức để làm tê liệt hoá thanh gươm và lá chắn của họ.

Vận nước đang tiến về phía ánh sáng bình minh cho dù hiện nay còn đang u tối trong độc tài CSVN. Giáng Sinh và Năm Mới 2019 sẽ mở ra về phía trước một khởi sắc cho phong trào tranh đấu cho dân chủ VN. Trên bốn mươi năm trước chúng ta còn u tối trên bước đường tranh đấu phía trước mặt, nhưng tinh thần không hề xao xuyến và rực lửa đấu tranh, thì ngày hôm nay không có lý do gì có thể làm cho chúng ta chùn chân nản chí khi bình minh đang ló dạng.

Một lần nữa, tôi kính chúc Quý Đồng Chí và toàn thể gia đình Một Giáng Sinh và Năm Mới vui tươi, khoẻ mạnh và tràn đầy năng lực, hướng về một Việt Nam tương lai đầy tươi sáng.

Lê Minh Nguyên

Chủ Tịch

 

Đảng Tân Đại Việt Kỷ Niệm 54 Năm Ngày Thành Lập Đảng

Westminster (Bình Sa)- – Tại hội trường Thành phố Westminster — địa chỉ 8200 Westminster Blvd, Westminster, Nam California — vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật ngày 2 tháng 12 năm 2018, Đảng Tân Đại Việt đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 54 năm ngày thành lập đảng, nhân dịp nầy một buổi sinh hoạt chính trị chuyên đề đã được tổ chức với sự tham dự của các chính đảng như: Đại Việt Cách Mạng Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, Lực Lượng Dân Tộc Quật Khởi, Tân Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng các nhà bình luận về kinh tế, chính trị gồm có các ông: Đinh Xuân Quân, Nguyễn Bá Lộc, Nguyễn Kim Bình, Phạm Gia Đại.

Tham dự lễ kỷ niệm 54 Năm Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt, ngoài quý vị lãnh đạo và các thành viên trong đảng Tân Đại Việt còn có qúy vị nhân sĩ, qúy vị đại diện các tổ chức đấu tranh, cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và đồng hương.

Sau nghi thức chào quốc kỳ Việt-Mỹ, phút mặc niệm, ông Hoàng Đình Khuê, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt thay mặt Ban Tổ Chức ngỏ lời chào mừng và cảm ơn quý khách, qúy vị diễn giả, các thân hữu và giới truyền thông.

Sau đó ông tóm lược lịch sử thành lập Đảng Tân Đại Việt:

Ông cho biết: Đảng Đại Việt do nhà cách mạng Trương Tử Anh thành lập từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, đến năm 1964 giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã vận động các đảng viên Đại Việt trong các Xứ Bộ Bắc, Trung, Nam tách ra thành lập Đảng Tân Đại Việt cho phù hợp với tình hình mới, và GS Nguyễn Ngọc Huy đã đưa Tân Đại Việt ra công khai hoạt động, tranh đấu chính trị nhằm xây dựng một nền dân chủ pháp trị tại miền Nam Việt Nam sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ. Tân Đại Việt hoạt động theo chủ trương Dân Tộc Sinh Tồn của cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cùng với giáo sư Nguyễn Văn Bông thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, một bộ phận ngoại vi của Tân Đại Việt để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị với chế độ Cộng Sản Hà Nội.

Ông Hoàng Đình Khuê cũng cho biết, hiện nay để tiếp tục công cuộc đấu tranh mà cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã đề ra, Đảng Tân Đại Việt vẫn tiếp tục sinh hoạt, hàng năm tổ chức những buổi hội luận nhằm nâng cao ý thức của mọi người về hiểm họa mất nước mà chế độ cộng sản Việt Nam đang cúi đầu dâng hiến cho Tàu Cộng.

Ông Hoàng Đình Khuê cho biết, Đản Khánh lần thứ 54 cũng để tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã qua đời ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Pháp.

Ông nhấn mạnh chủ trương của Đảng Tân Đại Việt là:

– Xây dựng một nước Việt Nam dân chủ pháp trị.

– Phát huy chủ nghĩa dân tộc sinh tồn,

– Thành lập Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.

Trong dịp nầy ông cũng cho biết sự thật về những hoạt động của 5 phân bộ đặc biệt trong đó có: Quân Sự-Chính Trị-Thanh Niên-Phụ Nữ…

Tiếp theo, Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt lên ngỏ lời chào mừng, cám ơn quý thân hào nhân sĩ, các tổ chức đảng phái chính trị cũng như các cơ quan truyền thông đã bỏ thì giờ đến tham dự lễ Kỷ Niệm 54 năm ngày thành lập Đảng Tân Đại Việt.

Sau đó, Ban tổ chức mời các diễn giả Đinh Quang Tiến (Đại Việt Cách Mạng Đảng), Trần Trọng Đạt (Đại Việt Quốc Dân Đảng), Trần Quốc Bảo (Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc), Cô Bùi Anh Thư (Lực Lượng Dân Tộc Quật Khởi) và ông Hoàng Đình Khuê (Tân Đại Việt) Phan Thanh Châu (Việt Nam Quốc Dân Đảng), TS Đinh Xuân Quân, Nguyễn Bá Lộc, Nguyễn Kim Bình và Phạm Gia Đại lên bàn chủ tọa.

Trong lúc nầy Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên là người điều hợp buổi hội thảo chuyên đề “Chính Sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và Việt Nam sau bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018”

Trước khi các diễn giả bắt đầu, ông Lê Minh Nguyên cho biết, “Các diễn giả mỗi người chỉ được trình bày trong 3 phút, sẽ đưa ra những phân tích và nhận định hoàn toàn độc lập của cá nhân hay tổ chức mình; có những điểm giống và những điểm khác nhau nhưng không nhằm mục đích tranh luận mà nhằm khảo sát những vấn đề để có được một cái nhìn chung.

Vị diễn giả đầu tiên, ông Đinh Quang Tiến trình bày “Các Sự Kiện bầu cử năm 2018 vừa qua.” Sau đó các diễn giả khác lần lượt trình bày các đề tài liên quan đến Hội Nghị Thượng Đỉnh ASIAN, Hội Nghị Apec, Nhóm G20, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng và Việt Nam Cộng Sản, v.v.. Sau khi các diễn giả trình bày là phần hội luận.

Chương trình hội luận khá dài  qua những phần trao đổi, phân tích của từng diễn giả và sự góp ý để có cái nhìn chung về tương lai Việt Nam hiện nay.

Quý đồng hương muốn tìm hiểu và biết thêm chi tiết xin vào trang Website của Tân Đại Việt: www.tandaiviet.org

https://vietbao.com/p113a288388/2/dang-tan-dai-viet-ky-niem-54-nam-ngay-thanh-lap-dang

 

Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy –  Mai Thanh Truyết

Anh Ba Huy đã ra đi 25 năm qua.

Nhìn lại suốt đoạn đường anh đã đi, chúng ta thấy được gì?

Rút ra được những gì trong suốt thời gian nầy?

Chúng ta, những Đại Việt tiếp nối con đường anh đi có thực hiện đúng với những gì anh Ba đã từng ấp ủ và xây dựng không?

1 – Đại Việt và Con Đường Đang Đi.

Lại thêm một năm nữa, hôm nay chúng ta lại cùng nhau làm Lễ Tưởng niệm Gs Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 25, nhưng với một tâm trạng khác thường khá đặc biệt.

Đặc biệt trong tình hình Trung Cộng đang xâm thực lần lần Biển và Đất Việt Nam qua sự kiện đặt dàn khoan HD 981 lần thứ hai vào trong hải phận Việt Nam và thành lập khu tự trị tại cảng sâu Sơn Dương (Vũng Áng) chiếm một vùng Hà Tỉnh rộng 228 km2 (lớn hơn Ma Cao) đã được Phó Thủ Tướng CS Hoàng Trung Hải ký giấy phép ngày 10/7/2014.

Đặc biệt, tuổi trẻ Việt Nam đã chuyển tải chủng tử “sợ” trong tâm khảm sang những người đang cầm quyền, bằng cách nêu lên quyết tâm chống sự áp bức của Trung Cộng, với các cuộc biểu tình ở khắp cả nước từ 5/3 cho đến hôm nay 1/7/2017.

Một lần nữa tinh thần Nguyễn ngọc Huy lại được rực sáng khi thấy những hành động vừa nói của tuổi trẻ!

Vậy Đại Việt phải suy nghĩ, hành động & có những trách nhiệm gì với Việt nam hôm nay & trong những thập niên sắp tới?

2 – Tiếp Nối Con Đường Nguyễn Ngọc Huy

Với tư cách một đảng viên Đại Việt, chúng tôi rất tự hào đứng dưới danh nghĩa đảng chính trị Đại Việt, đã do một thiên tài của đất nước là Cố Đảng trưởng Trương Tử Anh khai sáng và xây dựng khi vừa mới 25 tuổi, nhưng đã có khả năng lập thuyết “Dân Tộc Sinh Tồn” (DTST):

Để làm khung cho nền tảng lý luận,

Để điều hướng hoạt động đấu tranh vững mạnh cho các mục tiêu chiến lược lâu dài, và

(d) Để tạo điều kiện cho Đại Việt trường tồn đến ngày nay.  Trên trận tuyến đấu tranh chống CSBV hiện tại, Đại Việt có thể giương cao ngọn cờ DTST, đặt trên căn bản đầy tình tự dân tộc và nhân bản, làm đối lực đương đầu với chủ nghĩa CS vô thần, mị dân, với ảo tưởng dựng nên một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà ngay cả những người đề xướng ra cũng không xác định được xã hội chủ nghĩa cụ thể là gì.

Mỗi người trong chúng ta, dù có những suy nghĩ nào dị biệt đi nữa, cũng khó có thể phủ nhận được tính cách mạng đầy nhân bản của chủ thuyết DTST. Chính chủ thuyết nầy, theo quan điểm của riêng tôi, cho đến ngày hôm nay, vẫn còn là một đối trọng vững chắc, đối với ý thức hệ của chủ thuyết Cộng sản, để từ đó áp dụng vào các điều kiện thực tế Việt Nam, hầu thúc đẩy nhanh hơn tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Đó là một xác quyết.

Chúng tôi muốn lập lại một lần nữa, trước tiến trình tòan cầu hóa hiện nay, cùng với vai trò của từng quốc gia trên thế giới, dù muốn dù không, Việt Nam cần phải hôị nhập vào cộng đồng nhân loại, trong đó chủ thuyết DTST có khả năng không phải để chuyển hóa, nhưng để xóa tan chủ nghĩa CS hiện đang cai trị Việt Nam.

3 – Quan Điểm Ban Đầu của Darwin

Bây giờ, xin nói qua quan điểm ban đầu của Darwin, nhà tiến hóa đầu tiên khởi mở ra thuyết tiến hóa. Trong cuốn “On the Origin of Species” của ông, ngay từ những trang đầu tiên, chúng ta say mê, cảm khoái trước sự khám phá kỳ thú về sự khác biệt gene của loài vịt nuôi trong nhà và vịt hoang dã. Rồi từ đó, đưa đến sự khác biệt về môi trường sống của vịt ở các trại chăn nuôi tại hai nước Anh và Đức.

Tiếp theo là sự khám phá về trực giác của con chó đưa đến những điều kiện làm cho chúng sống chung với nhau v.v… Như vậy, khoa học từ đó, đã là một sự tiến hóa rồi, và sẽ tiến hóa mãi, cho đến khi con người chấm dứt sự hiện hữu trên hành tinh nầy …Và biết đâu một giống người nào khác sẽ tiếp tục sự tiến hóa sau đó.

Từ những suy nghĩ trên, có thể nói rằng, sự tiến hóa là một khái niệm về sự thay đổi của vạn vật, và khoa học, mà con người nhờ sự thay đổi và phát triển đó, đã lần lần khám phá ra…một vài sự hiểu biết trong sự tiến hóa. Do đó, sự tiến hóa thì vô cùng, mà khoa học chỉ có khả năng rất giới hạn trong việc hệ thống hóa, những kiến thức đã khám phá và những chứng minh về sự tiến hóa.

Con người, qua khoa học, cố truy tìm nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu, qua nhiều cách suy nghĩ khác nhau, từ sự phát triển khoa học, và từ sự mưu cầu cho phúc lợi của con người v.v…

Tất cả những nguyên nhân vừa nói đều do “sự tiến hóa” của con người. Trong một chừng mực nào đó, phải chăng vấn đề hâm nóng toàn cầu, chỉ là một giai đoạn mới khác của sự tiến hóa?

4- Đại Việt và Sự Biến Cải Học Thuyết DTST

Qua luật tiến hóa của Darwin, GS Nguyễn Ngọc Huy, người đã đề ra một lối nhìn mới, được biến cải từ học thuyết DTST, để thấy rằng sức mạnh của con người, chưa phải là một yếu tố then chốt, để đưa đến thắng lợi sau cùng, nhưng cần phải có nhiều yếu tố khác của môi trường chung quanh, mới quyết định sự thắng lợi tòan vẹn.

Do đó, Gs Huy đề xướng ra sự biến cải vừa nói, tức là khả năng thích nghi tùy theo hoàn cảnh, lúc tiến, lúc lùi để ứng phó với những thuận lợi cùng bất lợi. Để rồi, sau cùng, tranh thủ phần thắng lợi trước mọi tình huống, dù là bất lợi, cho đoàn thể của mình. Khái niệm DTST biến cải, trong giai đoạn nầy, sẽ được hiểu theo ý nghĩa và chiều hướng của sự tiến hóa và sự tiến bộ của loài người.

Điều vừa nói đó, là một sự chuyển hướng lớn về luận thuyết của Đại Việt. Tên tuổi của GS Huy đã đựợc nằm trong danh sách những người khai sáng và tiếp nối truyền thống Đại Việt. GS Huy còn đã đưa ra một số điều kiện cho sự sinh tồn trong luận thuyết biến cải cùng 2 hình thức tranh đấu dựa theo hai nguyên tắc đối nội và đối ngoại. Đó là hai hình thức tranh đấu bên ngoài thân và tranh đấu bên trong, với chính nội tâm của mình.

Từ suy nghĩ trên, công cuộc tranh đấu của GS Huy được thể hiện dưới hình thức ôn hòa hay bạo động tuỳ theo trường hợp và tùy theo diễn biến của hòan cảnh chính trị quốc gia trong từng thời điểm vừa nói.

Từ sự nhận định những khả năng tranh đấu vừa nói, GS Huy đã khai triển thêm thành ba bước khác nhau như 3 định luật, để rồi căn cứ theo đó mà hành xử, tuỳ theo tình huống đang xảy ra. Đó là luật sức mạnh, luật biến cải, luật hợp quần và giáo dục.

Luật sức mạnh, đứng trước thế phân cực mới trên thế giới, quả thật sức mạnh ngày hôm nay không còn căn cứ theo khả năng quân sự nữa, mà khả năng kinh tế mới là thước đo quyền lực tòan cầu. Thí dụ như TC với khả năng kinh tế vừa vượt qua Nhựt Bổn chiếm vị trí thứ hai sau Hoa Kỳ.

Luật biến cải, cũng được GS giải thích là khả năng thích nghi theo hòan cảnh và điều kiện trong tình trạng xã hội lúc bấy giờ. Trước tình thế mới ngày hôm nay, cần phải vận dụng trí óc để thẩm định tình hình, để biến cải mọi hợp tác quốc gia, thì phải dựa theo quan điểm đồng thuận và đồng lợi cho đôi bên cùng có lợi (win-win situation) mà vẫn giữ được tính chất độc lập dân tộc.

Luật hợp quần và giáo dục. Đây là một yếu tố nhập môn rất sơ đẳng, đã được giảng dạy từ những ngày đầu tiên của trẻ con miền Nam, trong chương trình giáo dục tiểu học, qua những câu chuyện ngụ ngôn trong sách quốc văn giáo khoa thư. Nhưng để thực hiện và áp dụng luật trên không phải dễ.

Nhìn lại chính chúng ta, hiện tại bao nhiêu hệ phái của Đại Việt, đã thực sự làm suy yếu tiềm lực lớn lao của một Đảng, đã có quá trình tranh đấu lâu dài, và một thời đã được sự ngưỡng mộ và ủng hộ của đại khối dân tộc Việt Nam.

Tại sao lại như vậy?

Xin mỗi thành viên trong các hệ phái Đại Việt tự suy nghĩ và tìm ra lời giải cho chính mình!

Kể từ ngày thành lập đảng Đại Việt cho đến ngày nay, thế giới đã hoàn toàn biến đổi, đi từ một thế giới với những quốc gia khép kín đến hình thái một thế giới mở như ngày hôm nay. Tiến trình toàn cầu hóa, hẳn nhiên là một tiến trình phải hướng tới, vì sự phát triển chung của toàn cầu. Đây là một tiến trình tự nhiên trong phát triển, để cùng đưa các quốc gia đến gần nhau hơn và bổ túc cho nhau hơn, để đôi bên cùng được lưỡng lợi.

Hiện tại, trong nhiều lãnh vực kinh tế – kỹ thuật – khoa học và môi sinh, thế giới đang biến thành một quốc gia lớn, một trật tự mới đang thành hình. Trong bối cảnh đó, càng ngày càng thấy rõ ràng mọi người đều có trách nhiệm.

Những gì xảy ra tại Tây Tạng, Vân Nam đều trực tiếp ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long. Rốt ráo hơn nữa, mọi người Việt đều có trách nhiệm về tình trạng thụt lùi của Việt Nam. Và dĩ nhiên đảng viên Đại Việt cũng phải có trách nhiệm trước dân tộc.

Nhưng, trách nhiệm đó sẽ được thể hiện như thế nào?

Đó là câu hỏi của tất cả đảng viên Đại Việt cùng phải hợp lực để có câu trả lời. Việc ứng dụng chủ thuyết DTST ngay từ bây giờ sẽ là một đề tài để mỗi đảng viên cùng suy nghĩ.

5 – Đại Việt và Sự Toàn Cầu Hóa

Chính vì vậy, tinh thần của đảng cách mạng ngày hôm nay không còn là một tinh thần “kín” nữa, mà phải là một đảng “mở”. Đảng phải mở, để cho người dân thấy hướng đi tích cực và rõ ràng của đảng để có thể tạo ra được sự đồng thuận nhiều hơn. Sự gìn giữ bí mật trong nội bộ, chỉ còn là những kế hoạch hành động trước khi thi hành để cho đối phương không phòng ngừa trước mà thôi.

Người Đảng viên Đại Việt ngày nay, đứng trước tiến trình toàn cầu hóa, phải là một nhân sự đầy năng động, có khả năng phục vụ quần chúng trong một xã hội mở, chứ không còn là một đảng viên bí mật, sống trong bóng tối và chỉ lộ diện ra ngoài xã hội trong những trường hợp bất khả kháng mà thôi.

Người Đảng viên ngày nay, cần phải chuyển hóa bản năng vị kỷ thành một tinh thần hòa đồng cho cái chung của dân tộc, không còn tính vị kỷ trong ý nghĩa thấp nhất là phục vụ cho chính “cái ta” của mình.

Người Đảng viên trong suy nghĩ mới ngày nay, cần phải chối bỏ mọi rào cản ngăn cách giữa đảng viên và đảng viên cũng như giữa đảng viên và đại chúng, để có được một sự hỗ tương sinh tồn, để tạo ra thế đứng vững mạnh, và để làm đối trọng cho mọi giao tiếp với các quốc gia khác.

Từ đó sẽ có rất nhiều quốc gia cùng đi tới tiến trình liên đới về cung và cầu, để đạt được sự đồng thuận chung. Đó là thế quân bằng và lưỡng lợi cho Việt Nam và thế giới, trong sự hòa đồng lý tưởng “bình thiên hạ”, cùng nhau đạt được một sự hỗ tương sinh tồn toàn cầu ngày nay. (Global economics).

Thêm vào đó, người Đảng viên Đại Việt hôm nay, ngoài tinh thần đòan kết, củng cố xây dựng đảng, phát triển sự đồng thuận nôị bộ, còn phải nỗ lực lấy lạị uy tín của Đảng đối với quốc nội và hải ngoại đã bị sứt mẻ trong hiện tại vì hiện tượng phân hóa. Làm được những điều đó, Đại Việt Dân Tộc Sinh Tồn mới hy vọng đẩy mạnh được tinh thần đấu tranh dành lại độc lập dân tộc, cũng như thuyết phục được sự hậu thuẫn của quốc tế trong công cuộc đấu tranh chung này.

 6 – Đại Việt và Thế Giới Mở

Thế giới ngày nay là một thế giới hòan tòan mở: mở để đối thoại, mở để đi đến sự đồng thuận trong thế tương quan bổ túc hổ tương lẫn nhau. Đảng Đại Việt trước sau, thiết nghĩ, cũng phải đi theo tiến trình nầy.

Đảng Đại Việt phải công khai lộ diện trước đại chúng. Thời đại của một đảng cách mạng kín, sống và làm việc trong bóng tối, đảng viên phải ẩn danh hay chỉ dùng bí danh để giữ bí mật về đảng tịch… đã qua rồi.

Đảng Đại Việt sẽ không còn là một đảng của cán bộ, mà phải là một đảng của cán bộ và quần chúng, công khai tranh đấu trên chính trường, nghị trường. Như vậy mới mong được toàn dân tin tưởng và hỗ trợ.

Đảng Đại Việt sẽ không còn giữ hình thức lãnh tụ trong mô hình hình tháp và trong đó chủ tịch đảng có tòan quyền hành động và nắm quyền lực tuyệt đối.

Đảng Đại Việt trong quan niệm của ngày hôm nay phải là một tập thể lãnh đạo phân quyền khoa học và phân minh. Trong đó ban lãnh đạo cùng nhau trao đổi với tinh thần đồng chí và tương kính để “quản lý” và “điều hành” đảng, mà hình thức giống như một công ty tư nhân tây phương, với tổ chức chính danh phân quyền hành chánh và quản trị dựa trên tam hợp nhân bản phân minh: hợp pháp, hợp lý, và hợp tình.

Thực hiện được những điều trên, chúng ta, người Đảng viên Đại Việt ngày hôm nay, mới có khả năng phục hoạt lại thế mạnh của Đảng trong thời kỳ chống Pháp giành lại độc lập. Do đó:

Chúng ta cần phải xem xét lại những khuyết điểm trong thời gian nắm giữ quyền lực thời Đệ Nhị Cộng hòa.

Và trong tương lai, chúng ta phải đẩy mạnh công cuộc tháo gỡ những bế tắc của dân tộc, do sự cai trị sai lầm của những người cộng sản chuyên chính Việt Nam.

 7 – Đại Việt Hôm Nay – Ngày Mai và Chủ Nghĩa DTST

Ngày hôm nay, bất cứ người Đảng viên Đại Việt nào cũng phải được trang bị kiến thức, và phải có đỡm lược để phát huy tiếng nói của Đại Việt Dân Tộc Sinh Tồn. Phát huy không phải là nói suông là phải biết nói, biết viết.

Nói lên, viết lên chính nghĩa của chúng ta;

Nói và viết lên những sai trái của chế độ về những việc làm hiện tại của họ trong công cuộc quản trị đất nước Việt Nam;

Nói lên để tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc hiểu rõ hơn bộ mặt thật dưới bất cứ hình thức nào của chế độ độc đảng cai trị của CSBV.

Đó là Trách Nhiệm của Đại Việt Hôm Nay và Ngày Mai.

Thêm nữa, trong giai đọan nầy, người Đảng viên ĐV- DTST phải biết hy sinh cho đại cuộc bằng việc đóng góp vật lực, tài lực, và sự đóng góp dấn thân chân chính cho nhu cầu dành lại dân chủ, tự do và hạnh phúc chân thật cho người Việt Nam.

Đảng viên ĐV DTST của Việt Nam phải lên đường, bắt đầu ngay từ bây giờ, cùng nhau điều chỉnh hướng đi để có thể ứng hợp với khuynh hướng toàn cầu hóa trên thế giới, hầu tạo được một chất keo kết dính, để hình thành một hình thức “think-tank” và hy vọng rút ngắn tiến trình mang lại dân chủ, tự do cho Việt Nam.

Tóm lại, trong hiện tình chánh trị, Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn là luận thuyết duy nhất lấy dân tộc và ý thức nhân bản làm trung tâm nên có đủ điều kiện làm đối lực với chủ nghĩa cộng sản phi nhân, vô thần, đang đội lốt chủ nghĩa xã hội, lại còn đang qua giai đoạn “quá độ” xây dựng giai cấp tư bản bản đỏ cần thiết để phát triển.

Từ đó, chuyển qua di sản Nguyễn ngọc Huy với “xu hướng biến cải” kết hợp nhịp nhàng với bài phát biểu lịch sử của GS Nguyễn văn Bông tại Trường Ðại học Luật khoa, lót đường cho sự hình thành lực lượng đối lập cần thiết cho chế độ dân cử Việt Nam Cộng Hòa, trong đó, có Khối Dân Quyền  như là một thành tích không nhỏ trong thời điểm Đệ Nhị Cộng Hòa trước kia.

8- Lời kết:

Khi miền Nam mất, khi sang Mỹ, Gs. Huy, đã đi trong con đường hầm chưa thấy ánh sáng của Dân tộc Việt Nam, tuy nhiên, anh Ba đã bền bĩ, cô đơn, bôn ba khắp thế giới ngõ hầu quy tụ Đồng chí, Chiến hữu, và Đồng bào. Kết quả là Anh Ba đã được sự ủng hộ đồng tình khắp nơi qua phương trình Nguyễn Ngọc Huy với đáp số như sau:

Lực Lượng Quốc Nội + Lực Lượng Hải Ngoại + Yểm Trợ Thế Giới = Việt Nam

Và Anh Ba đã xây dựng được tổ chức “Ùy Ban quốc tế yểm trợ Việt Nam Tự Do”.

Do đó, để tiếp tục phát triển công trình Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta cần vận động, nhen nhúm lại ngọn lửa đấu tranh theo các phương hướng vừa nói, mà chính GS Nguyễn Ngọc Huy đã nghiên cứu và kiểm nghiệm, thật thích hợp với bối cảnh chánh trị hiện tại, và được xác định rõ ràng rằng, đường hướng cách mạng bạo lực chống CSBV không còn thích hợp trong tương lai nữa.

Cho nên, để có cơ hội và triển vọng tương lai phát triển quốc gia, cùng đời sống kinh tế và tâm linh của mỗi người dân Việt được nâng cao hơn và hoà nhập với cộng đồng nhân loại, con đường ĐẠI VIỆT đang đi phải là sự nối tiếp tinh thần và chiến lược chính trị của Trương Tử Anh & Nguyễn Ngọc Huy đã vạch ra, và đã được xây dựng cùng rất nhiều Đồng Chí Đại Việt nằm xuống vĩnh viễn vì Dân Tộc Việt Nam. Đại Việt khẳng định con đường đó là:

Thuyết DTST của cố CT Trương Tử Anh đã mở rộng không gian sinh tồn của chúng ta và đã bảo vệ người Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của Pháp.

Luật Biến cải về thuyết DTST mở rộng đến không gian sinh tồn của Gs Nguyễn Ngọc Huy đang mang đến một Đại Việt mở cho chúng ta.

Ngày nay, chúng ta phải cùng nhau thực hiện thành công kế hoạch và chương trình cho MỘT ĐẠI VIỆT NHÂN BẢN MỞ, từ đó mới có thể bảo vệ được đất nước và nòi giống Việt Nam thoát khỏi Hán thuộc và Hán hóa do những thái thú biết nói tiếng Việt là CSBV tiếp tay!

Mong tất cả thành viện còn lại ngày hôm nay cần xem và nghĩ lại tinh thần Nguyễn Ngọc Huy. Đó chính là hình ảnh một người quốc gia chân chính, lúc nào cũng lạc quan và tin tưởng vào tương lai rạng rỡ dân tộc Việt. Vì vậy, chúng ta cương quyết tâm nguyện:

Một Đại Việt Nhân Bản Mở

Phải Hoàn Thành Trách Nhiệm

với Dân Tộc cho cả

Hôm Nay và Ngày Mai.

Kỷ niệm về Anh Ba

Houston, Hiệu đính 28-7-2017

 

Long lanh hột  nắng lưng trời

Gom mây  tôi viết đôi lời cho anh

Sinh tồn dân tộc đấu tranh

Ba sanh hương lửa  bình minh quê nhà

Trần Minh Xuân

Chú thích:

Chứ hột người Miền Nam VN thường dùng có 3 mẫu tự h, ộ, t; không như chữ hạt được người Miền Bắc VN và nhiều người thường dùng, nhưng mẫu tự thứ hai là ạ không mang ý nghĩa như chữ ộ [xin giải thích sau].

3 mẫu tự tượng trưng theo văn hóa đông phương, đúng hơn là văn hóa VN, xây dựng trên lối sống chịu ảnh hưởng của tam giáo Phật, Lão, Khổng; tam giáo đồng qui nhứt thể;

3 mẫu tự tượng trưng cho tam tài là Thiên, Địa, Nhơn; tức gồm Trời, Đất và Người; trên có Trời, dưới có Đất và ở giữa là Người; 3 mẫu tự này cũng tượng trưng cho ước vọng của con người là tam đa, tức Phước, Lộc và Thọ; nó cũng theo văn hóa “triangle” của tây phương là hình tam giác với cạnh dưới nằm ngang làm chân đế thăng bằng cho 2 cạnh còn lại chụm đầu thành góc nhọn vươn lên cao; hình ảnh của các “kim tự tháp” đời đời bền vững;

Chữ ộ khởi đi từ chữ o, mang hình ảnh tròn đầy, kín đáo không có chỗ hở; hình ảnh của “mẹ tròn con vuông” trong văn hóa đông phương;

Chữ ộ gồm chữ o trên có dấu mũ, tức là có trời che chở; và dưới có dấu nặng, tức là có đất làm nền tảng cho người đứng vững;

Chữ hột cũng mang ý nghĩ của hột giống, nó được gieo trồng cho thành cây, ra bông, kết trái, truyền thừa miên viễn…

Lấy ý từ câu: “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”; lấy ý từ Thơ Hàn Dũ đời Đường: “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?” Nghĩa là: Mây che ngang núi Tần, biết quê nhà ở đâu? ý nói Kiều nhớ nhà.

Đấn tranh theo chủ nghĩa Dân tộc sinh tồn.Theo vă hóa Phật giáo Theo “Từ điển truyện Kiều” của cụ Đào Duy Anh thì sách “Truyền đăng lục” chép là: có người mộng thấy một vị lão tăng, trước mặt có tia khói rất nhỏ. Vị tăng nói rằng: “Đó là khói hương của một người đàn việt kết nguyện, người đàn việt đã trải qua ba kiếp mà hương vẫn còn”. Như vậy, tuy các dị bản có khác nhau ở một số chi tiết, nhưng về cơ bản nguồn gốc và con đường hình thành thành ngữ “hương lửa ba sinh” đều thống nhất. Trong tiếng Việt, thành ngữ “hương lửa ba sinh” được dùng để chỉ lời nguyền, lời thề có ứng nghiệm đến ba kiếp, ba đời người.

 

Thơ Đằng Phương

Giã Bạn Lên Đường

 (Thân tặng các bạn đường tranh đấu cho lý tưởng)

Cùng nhau cạn chén sẽ lên đường

Chia gánh tang bồng quảy bốn phương

Non nước nghìn trùng người mỗi ngã,

Muôn lòng chung một mối tơ vương.

 

Khói lửa rồi đây bốc ngụt trời,

Gió tên mưa đạn dậy nơi nơi.

Cuc đời tranh đấu đầy vô định,

Tái ng mai đây được mấy người ?

 

Nhưng đã gần nhau, ắt có xa.

Thường nhân vẫn nhận thế kia mà!

Huống chi ta! những người tranh đấu

Thề lấy non sông thế cửa nhà.

 

Vả lại dầu xa mấy núi sông,

Dầu còn tái ng nữa hay không,

Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi,

Vẫn sống trong tim những bạn lòng.

 

Như thế, ta còn bận bịu chi,

Còn lo chi nữa lúc ra đi ?

Cười lên cho tiếng vui hăng hái

Ðánh bạt u buồn lúc biệt ly.

 

Ta hãy cười lên đón ánh dương

Ngày mai sẽ chói rạng quê hương

Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng

Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường!

 

 

Về một người Việt Nam đi tìm các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung (Bài số 1) –  Cao Tuấn

Người Việt Nam nói ở đây là ông Nguyễn Ngọc Huy, tác giả quyển sách “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung” xuất hiện ở Hải Ngoại vào khoảng 1985, 1986 nhưng tác phẩm này không được biết đến nhiều như các tác phẩm “chính thống” khác của ông. Tuy vậy, theo thiển ý, đó là một tác phẩm đứng đắn, độc đáo, đáng đọc và đáng suy nghĩ. Nếu ông Huy chứng minh  nhà văn Kim Dung, người Trung Hoa, có những hậu ý chính trị khi viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng thì có thể chính ông Huy, một nhà chính trị Việt Nam cũng có những thông điệp chính trị riêng khi bỏ thì giờ viết sách về Kim Dung. Nhưng trước hết ông Nguyễn Ngọc Huy là người thế nào?

VĂN LÀ NGƯỜI

Ông Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) được biết đến đầu tiên là một người làm thơ. Ông làm thơ rất sớm, hầu hết các bài thơ đều được viết vào tuổi sấp sỉ 20. Thơ của ông, với bút hiệu Đằng Phương, nhất quán có một nội dung đặc biệt:

Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ

Lấy văn thơ làm Lẽ Sống trên đời

Đem ngọc châu trau chuốt mãi lên lời

Để trang điểm nàng Ly Tao diễm lệ

Tôi chỉ là một người dân đất Việt

Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương

Nỗi nhục nhằn nỗi khổ cực đau thương

Của nòi giống kẹt trong cùm lệ thuộc

Tôi đánh bạo lấy vần thơ bỡ ngỡ

Để diễn trình quan niệm đấu tranh chung

Để phô bầy những nguyện ước chờ mong

Những triển vọng về tương lai giống Việt

Tôi mượn thơ để gây lòng phấn khởi

Cho chính mình trong những lúc gian lao

Trong những khi thất bại, những khi nào

Chân yếu đuối muốn rời đường chiến đấu

(Thay Lời Tựa tập thơ HỒN VIỆT xuất bản lần đầu vào năm 1950)

Thơ Đằng Phương nên được xếp vào loại “Anh Hùng Ca” – nói về dân tộc, lịch sử, lòng yêu nước, yêu quê hương, ngợi ca những người tranh đấu vì nước quên thân:

Hỡi những ai kia đã luỵ mình

Đã vì non nước chịu hy sinh

Đã vì chủng tộc khai đường sống:

Đây nén hương lòng kẻ hậu sinh!

(Nén Hương Lòng)

…Diễn tả cảnh hy sinh bi tráng của họ  như trường hợp Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng tuẫn tiết trên đoạn đầu đài:

Sau cái nhìn chào non nước bi ai

Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài

Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:

Việt Nam Muôn Năm! Một đầu rơi rụng

Việt Nam Muôn Năm! Người kế tiến lên

Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên

Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

(Ngày tang Yên Báy)

Ý nghĩ của nhà thơ trong sáng, giản dị:

…..

Trên đường lối đấu tranh cho lẽ sống,

Bóng anh hùng nòi giống nếu không quên

Thì giang sơn vạn cổ vẫn lâu bền

Và Lịch Sử vẫn luôn bừng nhuệ khí

(Anh Hùng Đất Việt)

Nếu bài hát “Tình Ca” của Phạm Duy “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời …người ơi!…Mẹ hiền ru những câu xa vời… Ạ ạ  ơi…tiếng ru muôn đời…tiếng nước tôi….Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui…Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!…” đã khiến người Việt Nam suốt mấy thế hệ không nguôi thương nhớ quê hương thì bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của Đằng Phương cũng có ảnh hưởng không kém kể từ thập niên 1950 cho đến ngày nay. Lời tâm can vang vọng rất tự nhiên:

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng

Đã xông vào khói lửa quyết liều thân

Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc

Trong chiến đấu không nài muôn khó nhọc

Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,

Người thất cơ đành thịt nát, xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa

Họ buông gươm trở lại chốn quê nhà

Để sống lại cuộc đời trong bóng tối

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên

Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông

Và anh hồn chung với tấm tinh trung

Đã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.

Sau tuổi hoa niên ông Nguyễn Ngọc Huy không còn làm thơ nữa hoặc làm rất ít , nhưng cuộc đời còn lại cho đến khi chết ông sống đúng như thơ, từ suy nghĩ đến hành động, luôn hướng về mục đích phụng sự Tổ Quốc.

Có lẽ không cần nhắc quá nhiều đến sự kiện ông Huy là người trí thức đậu cử nhân luật khoa và tiến sĩ chính trị học ở Paris trong trong thời gian sống lưu vong ở Pháp và trở về miền Nam Việt Nam làm giáo sư dạy về Luật Hiến Pháp, Học Thuyết Chính Trị, Bang Giao Quốc Tế tại các trường đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ trong khoảng thời gian 1964-1975. Trong những năm tháng chiến tranh nhiễu nhương ấy, ông Huy nổi tiếng là một nhà giáo dậy giỏi, một lý thuyết gia uyên bác và một lãnh tụ chính trị quốc gia tận tuỵ nhưng cẩn thận, ôn hoà. Trong suốt cuộc đời ông Huy cũng viết nhiều sách báo giá trị bằng cả 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hán

Tuy được xem là một lãnh tụ chính trị quan trọng của người quốc gia Việt Nam nhưng ông Nguyễn Ngọc Huy chưa bao giờ ở vị trí quyền lực để thực thi lý tưởng xây dựng một quốc gia dân chủ pháp trị lương hảo, tạo nội lực đủ sức  chống lại chủ nghĩa Cộng Sản độc tài toàn trị.

Lần duy nhất ông đến gần  guồng máy quyền lực là khi người đồng chí “như hình với bóng” của ông là ông Nguyễn Văn Bông, giáo sư đại học, thạc sĩ công pháp, chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà ông làm Tổng Thư Ký, chuẩn bị ra làm Thủ Tướng vào năm 1971 theo lời mời bất đắc dĩ của ông Tổng Thống “quân phiệt” Nguyễn Văn Thiệu.

Tuy nhiên đảng Cộng Sản Việt Nam, trông thấy trước được mối nguy hiểm, đã mau chóng ra lệnh cho đặc công ở Sài Gòn ám sát ông Nguyễn Văn Bông như họ đã từng ám sát những địch thủ tài năng, đức độ và quan trọng khác của người Việt Quốc Gia là các ông Trương Tử Anh, Lý Đông A, Khái Hưng, Huỳnh Phú Sổ…trong cuộc phân tranh Quốc-Cộng kéo dài 30 năm (1945-1975).

Người ta có thể không đồng ý về những quan điểm chính trị của ông Nguyễn Ngọc Huy nhưng không ai có thể phủ nhận được trường hợp của ông Huy: “văn tức là người”. Bởi vì  không ai có thể giải thích khác hơn được về một người “lúc hết hơi mới biết đến mạng trời và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động” và khi chết chỉ sở hữu vài bộ quần áo cũ và một một ít sách.

Và cũng không có ai có dịp tiếp xúc với ông Huy mà không thấy ông là người chừng mực, tự chủ, quyết tâm. Bình dị trong lời nói nhưng phong phú trong ý tưởng. Không bao giờ làm bộ tịch, không bao giờ “đao to, búa lớn”. Một người “dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch”. Một người “thong dong tựu nghĩa”.

Có nhiều người viết về Kim Dung nhưng viết hẳn một quyển sách công phu về riêng một khía cạnh – “ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung” –  thì ông Huy là người duy nhất. Một câu hỏi đến tự nhiên: Tại sao một người lỗi lạc lại bận rộn như ông Huy lại “mất công” với với loại truyện giải trí bình dân như thế?

Câu trả lời chỉ tìm thấy sau khi đã đọc xong quyển “Những Ẩn Số Chánh Trị…” dầy 290 trang. Và câu trả lời có thể sẽ là như sau:

Mặc dầu truyện võ hiệp nói chung bị xem là loại văn chương bình dân nhưng riêng với Kim Dung ông Huy nhìn thấy hình ảnh của một đại văn hào có một sở học uyên bác và óc tưởng tượng dồi dào – Những bộ truyện trường thiên của Kim Dung đều có thể so sánh được với các bộ sách bất hủ của dân tộc Trung Hoa đã làm say mê cả người bình dân lẫn người trí thức, người Việt Nam lẫn người Trung Hoa, với những ý nghĩa triết lý hoặc các bài học chính trị, đạo đức tiềm ẩn như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Tây Du Ký… Nếu suy nghĩ khi đọc truyện Kim Dung người ta có thể học được nhiều điều hữu ích.

Ông Huy nghiên cứu, quen thuộc với lịch sử, tư tưởng và  văn hoá Trung Hoa. Luận Án Tiến Sĩ  của ông ở đại học Paris viết bằng tiếng Pháp đã được chính ông dịch sang tiếng Việt có đề tài “Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời”. Tác phẩm của Kim Dung, vì thế, đã hấp dẫn ông Huy một cách tự nhiên.

Ngoài sự kính nể của người trí thức đối với người trí thức, nhà tư tưởng đối với  nhà tư tưởng,  ông Huy viết về truyện Kim Dung vì ông cùng chia sẻ với nhà văn một số giá trị căn bản chung, vì thấy ở Kim Dung một tâm hồn đồng điệu bất kể khoảng cách về không gian, thời gian hay chủng tộc. (Lẽ dĩ nhiên nói như thế không có nghĩa ông Huy đồng ý hoàn toàn với những điều ông tìm thấy về tư tưởng của Kim Dung).

Tác phẩm của Kim Dung phong phú, đồ sộ và có thể nghiên cứu, nhận định dưới nhiều khía cạnh. Ông Huy chỉ giới hạn, như đã nói, vào một khía cạnh mà ông quan tâm hơn cả đó là “các ẩn số chính trị” trong tác phẩm. Ông đi tìm những ẩn số này bằng khả năng phân tích và tổng hợp của một nhà khoa học chính trị, một người quen viết nghị luận, cũng như bằng tâm tư của một chính trị gia Việt Nam đang “trong gian truân cố chuyển lại  cơ trời”, luôn luôn suy nghĩ về những vấn đề của đất nước mình.

NHỮNG “BÍ MẬT” CỦA KIM DUNG ĐÃ BỊ HAY ĐƯỢC “BẬT MÍ” THẾ NÀO ?

Để tránh những hệ luỵ rắc rối không cần thiết các tiểu thuyết gia gần như luôn luôn xác định “tác giả không có ý ám chỉ một nhân vật hay một sự việc có thật nào trong đời sống cho nên mọi trùng hợp nếu có chỉ là ngẫu nhiên”. Kim Dung cũng không đi ra ngoài thông lệ ấy khi tuyên bố “Nội dung tiểu thuyết không tránh khỏi sự biểu lộ tư tưởng của tác giả nhưng không phải tác giả cố ý đem nhân vật, sự tích cùng bối cảnh đến một lãnh vực tư tưởng hay một chính sách (có thật) nào đó…Tiểu thuyết võ hiệp không liên quan gì đến tư tưởng chánh trị, ý thức tôn giáo, khoa học trúng hay trật, đạo đức phải hay trái…” Lập trường “phi chính trị” nhưng “nói để mà nói” của Kim Dung đã không ngăn cản ông Huy đi tim dụng ý chính trị của tác giả rải rác trong các tác phẩm và ông đã tìm ra, đã  nhìn thấy một số dữ kiện có ý nghĩa chính trị. Các dữ kiện này vừa đủ số lượng, vừa ăn khớp vào nhau để có thể đưa ra nhũng thông điệp về lập trường của Kim Dung.

Trong phần “Lời Mở Đầu”  của quyển “Các Ẩn Số Chánh Trị…” ông Huy nêu một vài chi tiết quan trọng: Lúc đảng Cộng Sản Trung Hoa tranh đoạt được quyền lãnh đạo Trung Quốc, Kim Dung vẫn còn ở lại lục địa, sau đó mới dời ra sống ở Hongkong và làm biên tập viên cho hai tờ báo thiên tả là Đại Công Báo và Trường Thành Hoạ Báo cho đến năm 1957. Sự kiện này cộng với các ẩn số chính trị tìm thấy trong một số các bộ truyện của Kim Dung khiến ông Huy suy đoán Kim Dung vốn là người trí thức khuynh Tả, có thiện cảm với các đoàn thể theo Xã Hội Chủ Nghĩa và các quốc gia theo chế độ Cộng Sản và không có thiện cảm với các đoàn thể thuộc phái Hữu và các quốc gia Tây Phương.

Qua thời gian, cái nhìn của Kim Dung dần dần thay đổi khi nhận chân người Cộng Sản áp dụng một chính sách chuyên chế toàn diện, tàn ác và phi nhân nên Kim Dung quay ra kết án họ.

Kim Dung cũng điều chỉnh lại cái nhìn đối với các đoàn thể có lập trường chống chọi nhau, cả Tả lẫn Hữu. Theo Kim Dung,  không bên nào hoàn toàn phải, toàn người tốt. Không bên nào hoàn toàn quấy, toàn người xấu. Bên nào cũng có người xấu, người tốt  và thường vừa có phẩn phải vừa có phần quấy. Điểu đáng nói là chuyện mức độ –  tốt nhiều hơn hay xấu nhiều hơn, phải nhiều hơn hay quấy nhiều hơn. Chính, Tà không đơn giản là chuyện Trắng, Đen.

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, từ khi xuất hiện từ đầu thập niên 1960s, trong khi làm mưa làm gió ở Hongkong, Singapore, Nam Việt Nam, các nước Đông Nam Á trong giới Hoa Kiều hải ngoại thì tuyệt đối bị cấm cửa ở Đài Loan và cả Hoa Lục ít nhất trong thời kỳ Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông còn sống.

Cũng nên lưu ý đối chiếu thời kỳ Kim Dung viết truyện Võ Hiệp ở Hong Kong bên cạnh lò lửa “Cách Mạng Văn Hoá” ở Hoa Lục….với bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai phe Cộng Sản và Tư Bản.

Trong phần kết luận của quyển “Các Ẩn Số Chánh Trị…” ông Huy cũng dè dặt nói thêm “không thể loại bỏ giả thuyết là sự trùng hợp giữa các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm của Kim Dung với một số nhân vật và sự kiện có thật phát xuất từ nơi tiềm thức của tác giả chứ không phải là một sự cố ý. Nhưng ngay trong trường hợp này, Kim Dung cũng không phải hoàn toàn vô tâm, vì Kim Dung có nhiều ưu tư, nhiều chủ kiến ăn sâu trong tiềm thức thì các tác phẩm viết ra mới biểu lộ các ưu tư và chủ kiến đó cho chúng ta thấy”

Đi vào chi tiết liên hệ đến các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung ông Huy nhận thấy 2 loại dữ kiện:

– Một số nhân vật đã được dùng để tượng trưng cho một vài quốc gia đặc biệt trên thế giới hoặc để mô tả một vài chính khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại.

–  Một số sự việc đã diễn tả quan điểm của Kim Dung về vấn đề tranh đấu chính trị và một phần trong quan điểm này dựa vào triết lý Đạo Giáo và Phật Giáo.

Ông Huy trình bầy những khám phá của ông một cách thứ tự, lớp lang, dựa trên lý luận với rất nhiều chi tiết khá tỉ mỉ. Sau đây chỉ là một số thí dụ rất sơ lược, tiêu biểu về các ẩn số chính trị – xin nhắc lại chỉ là một số thí dụ có giá trị thuyết phục cao trong rất nhiều ẩn số mà ông Huy đã tìm thấy – qua các truyện võ hiệp Kim Dung:

1. Các nhân vật tượng trưng cho một số quốc gia đặc biệt trên thế giới.

Cuộc luận võ trên đỉnh Hoa Sơn được đề cập đến trong các bộ Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp có mục đích xác định vai tuồng bá chủ võ lâm. Cuộc luận võ đầu tiên và quan trọng nhất có 5 nhân vật tham dự. Họ có ngoại hiệu là Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế. Sau cuộc tỷ thí rất gay go, mọi người đều công nhận rằng Trung Thần Thông là người có võ công cao diệu hơn hết và được quyền giữ bộ Cửu Âm Chân Kinh. Những người còn lại thì tài nghệ suýt soát nhau.

Ngoài ra, còn một nhân vật thứ sáu cũng được xem đồng tài nghệ nhưng không tham dự cuộc luận võ này. Đó là bang chủ của Thiết Chưởng Bang tên là Cừu Thiên Nhạn ngoại hiệu là Thuỷ Thượng Phiêu. Cừu Thiên Nhạn có người anh song sinh tên là Cừu Thiên Lý, võ công tầm thường, chỉ hay dùng xảo thuật để loè bịp.

Trong một giai đoạn của cuộc luận võ hay luận kiếm Hoa Sơn, năm nhân vật đầu tiên đã tỉ thí với nhau theo lối “ngũ quốc giao binh”, dịch sát nghĩa là “năm nước tranh chiến với nhau” hàm ý Kim Dung muốn dùng các nhân vật võ lâm để ám chỉ một số quốc gia. Vậy thì, nhân vật nào, quốc gia nào đây?

– Nhân vật tượng trưng cho nước Tầu: Trung Thần Thông.

Trung Thần Thông là ngoại hiệu của Vương Trùng Dương. Trung là ở ngay chính giữa. Tự ngàn xưa, người Tầu đã tự hào là họ sống ngay chính giữa địa cầu (!). Họ đã chính thức gọi dân tộc họ là dân tộc Trung Hoa và nước họ là Trung Quốc.

Về mặt tinh thần, người Trung Hoa theo đạo Trung Dung, đạo của người quân tử lúc nào cũng đứng trong vị thế quân bình. Trong mọi việc làm đều có thái độ thích ứng, vừa phải. Không thái quá, không bất cập. Người cố gắng theo đạo Trung Dung thì sẽ trở thành sáng suốt, hiểu biết và có thể biến cải để ứng phó vượt qua mọi trở lực, nói một cách khác sẽ trở thành Thần Thông. Phái Đạo Giáo mà Trung Thần Thông đứng đầu là phái Toàn Chân, có nghĩa là sự thật đầy đủ, trọn vẹn. Toàn Chân là môn phái có thật trong lịch sử. Ngoài chủ trương riêng của Đạo Giáo, nó lại còn bao gồm đạo Trung Hiếu của Nho Giáo và các giới luật của Phật Giáo và điều này đã mô tả đúng tính cách tổng hợp của nền văn hoá Trung Hoa cổ truyền.

Tỷ thí tài nghệ để trở thành bá chủ võ lâm, tuy nhiên Trung Thần Thông lại có bản chất ngược lại với tư tưởng bá chủ – lấy được Cửu Âm Chân Kinh nhưng nhất quyết không dùng vì bí kíp võ học tuyệt tác này đòi hỏi phương pháp luyện công quá âm độc, dị thường. Tư cách của Trung Thần Thông, tức Vương Trùng Dương cho thấy cao hơn hẳn Đông Tà, Tây Độc và các nhân vật võ lâm khác, càng chứng tỏ xứng đáng vai trò lãnh đạo, phù hợp với họ Vương, có nghĩa là Vua, người đứng đầu thiên hạ. Đạo lý nhà vua phải theo để cai trị một cách chính đáng, nhân nghĩa gọi là Vương đạo. Chủ trương chính trị Vương đạo là chủ trương chính thức được đề cao trong sử sách Trung Hoa từ ngàn xưa.

Kim Dung là người Trung Hoa nên qua nhân vật Trung Thần Thông Vương Trùng Dương hàm ý nước Trung Hoa có đủ khả năng và tư cách làm số 1 trên thế giới cũng là điều không đáng ngạc nhiên.

– Nhân vật tượng trưng cho nước Nhật: Đông Tà.

Đông Tà là ngoại hiệu của Hoàng Dược Sư. Hoàng là mầu vàng ám chỉ Nhật Bản cũng là dân da vàng.

Nhật Bản nằm về phía đông của Trung Hoa phù hợp với ngoại hiệu Đông Tà của Hoàng Dược Sư. Đông Tà lại mặc áo mầu xanh, theo vũ trụ quan của người Trung Hoa thì mầu xanh thuộc về hành mộc và liên hệ với phương đông, nhấn mạnh thêm nước Nhật ở phía đông.

Căn cứ của Đông Tà là đảo Đào Hoa mà Nhật Bản là đảo quốc và nổi tiếng thế giới là xứ hoa Anh Đào.

Đông Tà có tánh sợ lửa. Điều này ám chỉ các đảo Nhật có nhiều núi lửa và thường bị động đất.

Bà vợ của Đông Tà có tên là Mai Hương. Mà hoa Mai lại được người Trung Hoa xem là quốc hoa. Điều này có thể ám chỉ dân tộc Nhật có liên hệ và chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Thân thế của Đông Tà còn tỏ rõ hơn nữa ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa rất sâu xa đối với nước Nhật – Đông Tà theo học võ với Châu Đồng. Ông này cũng là thầy của Nhạc Phi, một danh tướng anh hùng Trung Hoa. Trước đó Đông Tà là một thư sinh học theo Nho Giáo nên là người văn võ kiêm toàn. Đông Tà thông thạo các thú tiêu khiển của người Trung Hoa là cầm, kỳ, thi, hoạ; nắm vững mọi loại kỹ thuật Trung Hoa như y dược, bói toán, chiêm tinh, tướng số, nông điền thuỷ lợi, binh lược…; biết thưởng thức các món ăn ngon, các thứ trà quý của Trung Hoa…Tuy nhiên, Đông Tà lại thâm hiểu Đạo Giáo và hướng về sự thanh tĩnh vô vi. Đông Tà cũng có một số đức tính tốt là cương trực, nói lời giữ lời theo kiểu “quân tử nhất ngôn”, kính trọng các bậc trung thần, nghĩa sĩ, nhiều khi ra tay giúp người yếu thế, trừng trị bọn tham quan ô lại, bọn trộm cướp hiếp đáp dân lành.

Các dệ tử của Đông Tà đều mang tên Phong như Khúc Linh Phong, Phùng Mặc Phong, Lục Thừa Phong, Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong…Phong nghĩa là gió, giống như chữ Phong trong danh từ nổi tiếng của Nhật là Thần Phong (Kamikaze) nguyên là danh từ dùng để chỉ trận bão lớn năm 1281 đã đánh đắm các chiến thuyền của hạm đội Mông Cổ, cứu nước Nhật khỏi bị Mông Cổ thống trị. Trong thế chiến thứ hai, Thần Phong là tên của đội phi công cảm tử tình nguyện lao phi cơ chứa đầy chất nổ xuống các chiến hạm Mỹ và nổ tung với các chiến hạm này – một cố gắng hi sinh tuyệt vọng nhưng rẩt anh hùng mang đặc tính Nhật Bản.

Đông Tà tuy vậy không được Kim Dung coi là người theo chính đạo mà là một nhân vật nhuốm đầy tà quái hàm ý người Nhật chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, nhưng chỉ theo một phần, rồi tìm cách biến chế và không cư xử đúng theo quan điểm đạo đức của người (quân tử mẫu mực)Trung Hoa.

Đông Tà, tức nước Nhật, trong mắt Kim Dung đã TÀ như thế nào?

Dựa vào Kỳ Môn Bát Trận của Khổng Minh để lập ra Phản Kỳ Môn Bát Trận để bảo vệ đảo Đào Hoa. Cũng dựa vào nguyên tắc sinh khắc, âm dương, ngũ hành, nhị thập bát tú và 64 quẻ kép của Bát Quái. Tuy nhiên trong trận đồ của Đông Tà, vị trí của các quẻ lại ngược lại vị trí các quẻ trong trận đồ Khổng Minh.

Thổi ngọc tiêu kích thích dục tình.

Thiếu tự chế – quá bi thương vì cái chết của vợ, gần như điên cuồng khi tưởng mất con.

Ăn cướp, tống tiền nhà giầu để có phương tiện lập căn cứ địa kiên cố, sang trọng. Dùng thủ đoạn xảo trá để đoạt Cửu Âm Chân Kinh.

Khi tức giận hai đệ tử phản bội đào thoát thì trừng phạt các đệ tử vô tội và hết sức trung thành khác bằng cách cắt đứt gân chân của họ rồi đuổi đi. Đâm mù mắt, chọc thủng tai các đầy tớ, gia nhân, vốn là các thành phần tội phạm, để kiềm chế họ và giữ bí mật về mình. Sự tàn ác, ích kỷ của Đông Tà ám chỉ nước Nhật sau khi canh tân trở nên cường thịnh thì đi xâm lăng Trung Quốc và các nước khác cốt để làm lợi cho riêng mình, trắng trợn tự xưng là Đế Quốc Nhật Bản, khác với lý tưởng Vương đạo của người Trung Hoa là – theo Kim Dung – “trị quốc” để dọn đường cho “bình thiên hạ” tức là tiến tới “thế giới đại đồng”. Biến cố “The rape of Nanking” năm 1937 gây kinh hoàng, chấn động thế giới khi quân Nhật chiếm thủ đô Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc, đã hãm hiếp và giết hại  300,000 người dân Tầu, thây chất như núi, máu loang đỏ các sông ngòi, là một tội ác khó có thể nào quên.

(còn tiếp)

Các Chủ Nghĩa Ái quốc, Quốc Gia, Dân Tuý Patriotisme – Nationalisme – Populisme  –  Phan Văn Song 

“Nul ne peut servir deux maîtres. Car, ou il haïra l’un, et aimera l’autre ; ou il s’attachera à l’un, et méprisera l’autre. Vous ne pouvez servir Dieu et Mammon.”  – Không ai có thể thờ hai Chúa, vì họ sẽ ghét một người và yêu một người khác. Do đó  ta cũng  không thể vừa Yêu Chúa vừa Thương Quỷ Mammon” ( Phúc Âm Matthieu 6.24)

Mammon, ở đây phải được hiểu là tiền tài vật chất, vì đã được xem như thần linh, là thánh thần đối  với nhiều người trong chúng ta, vì ngày nay, trong đời sống hằng ngày, những nhà băng, những ngân hàng với nào trương mục, hay quỷ tiết kiệm thường được chú trọng, thương yêu, lo lắng hơn  tâm linh, Chúa Phật, nhà thờ hay chùa chiền.

Ngày 11 tháng 11, trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Đình Chiến Thế Chiến I, trước một số đông các quốc trưởng từ khắp thế giới tề tựu về Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên án “nationalisme, chủ nghĩa quốc gia”. Tổng thống nói rõ : “Chủ nghĩa ái quốc chính là sự trái ngược của chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa quốc gia chính là sự phản bội của chủ nghĩa ái quốc – Le patriotisme est l’exact contraire du nationalisme. Le nationalisme en est sa trahison”. Và qua ngày 18 tháng 11, thừa có dịp phát biểu tại Quốc hội Cộng hoà Liên bang Đức, Tổng thống Pháp cũng nhắc lại đến tánh cách tiêu cực của chủ nghĩa quốc gia. Phải chăng đây là một cách trả lời của phe Tây Âu – thiên tả, thiên xã hội (Pháp Anh Đức Hòa Lan Bỉ … ) chống đối Tổng Thống Hoa Kỳ Trump và lời tuyên bố “America First- Nước Mỹ trên hết” vừa đắt khách, đắt hàng với dân chúng Hiệp Chúng Quốc, vừa đắc thời đắc lợi với quốc gia Mỹ ?

Thật vậy, trước đó, ngày 22 tháng 10, tại Houston, Texas, trước một trăm ngàn khán thính giả, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chẳng những không ngần ngại, trái lại còn tự hào khẳng định, bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần rằng, mình là một người theo chủ nghĩa quốc gia. Nguyên văn, ngài nói : “Quý vị có biết tôi là ai không? Tôi là một người quốc gia, được không? Tôi là một người quốc gia. Người quốc gia. Không có gì hơn. Hãy sử dụng từ ngữ đó đi, hãy sử dụng từ ngữ đó đi! -You know what I am? I‘m a nationalist, okay? I‘m a nationalist. Nationalist. Nothing more. Use that word, use that word!”. Ngài Tổng Thống Trump đang dùng một từ ngữ, mà giới truyền thông Âu Mỹ từ trên 70 năm nay, đang tránh né. Tỉnh từ Quốc Gia-National, và đáng sợ hơn Cụm từ Chủ Nghĩa Quốc Gia – Le Nationalisme!

1/ Chủ Nghĩa Quốc Gia – Le Nationalisme – The Nationalism

Âu Châu:

Từ sau Thế Chiến II vừa xong, dân chúng Âu Châu, Tây Âu đã đành, nhưng Đông Âu thuộc ảnh hưởng Liên Số cũng thế, khi nghe đến tỉnh từ National, và đặc biệt danh từ Nationalisme đều lên cơn sốt rét. Chỉ vì quần chúng Âu Tây, nạn nhơn của Thế Chiến II, dị ứng với từ ngữ Nazi của quân đội Đức, và trong từ ngữ Nationalisme, dân chúng trời Âu đã hoảng hồn khi chỉ mới thoáng nghe âm đầu “NA“ của cụm từ National-Socialiste – Nationalsozialist – Quốc Gia Xã Hội – do tên của Đảng cầm quyền Đảng Lao Động Quốc Gia Xã Hội Đức – Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei – của chế độ (Đệ Tam) Cộng Hòa Đức – Deutsches Reich do Hitler đặt ra, được viết tắt là Nazi – Quốc Xã ! Đúng vậy! Quần chúng phương Tây, sau thế chiến II nhận rõ rằng chế độ Nazi với một ý thức hệ đã tạo ra một quốc gia cực đoan, với một đế quốc chủ nghĩa, phân biệt chủng tộc … Dưới triều đại Hitler đã gieo bao tang tóc cho, nước Đức, cho Âu Châu và thế giới kéo dài từ 1933 đến 1945. Cho nên ở Tây Âu, ở Pháp và đặc biệt ở Đức khi người dân địa phương nghe chữ này là họ bèn lên ngay cơn sốc dị ứng.

Lịch sử: Năm 1918, quân Đức thua trận, bắt buộc phải ký Hiệp Định Versailles. Chủ Nghĩa Quốc gia và Dân tộc do đó thực sự đã phát xuất ngay từ đống tro tàn ấy, của Thế Chiến I. Một phần do tinh thần phục hận của dân tộc Đức, một phần do Chủ thuyết Dân tộc Tự quyết do Tổng Thống Mỹ Thomas Woodroo Wilson khởi xướng. Ngay từ 1920, không khí phục hận của dân tộc Đức đã tạo một luồng gió quốc gia và dân tộc chủ nghĩa trên khắp Đông Âu. Và Chủ Nghĩa Dân tộc Tự quyết cũng như một sự thật được nhiều dân tộc trên nhiều quốc gia đòi hỏi như một giá trị mới. Một giá trị Yêu Nước, một giá trị Đạo Đức, một giá trị truyền thống để giữ Hồn, giữ Gia Đình, giữ nguồn gốc, giữ Văn Hóa. … cho một Dân tộc. Trong bối cảnh ấy cuốn sách “Mein Kamft – Cuộc chiến của tôi” ra đời. “Mein Kamft – Cuộc chiến của tôi” do Adolf Hitler viết vào năm 1924, khi ông bị tù, tả cái nhìn và những kỳ vọng của ông vào một xã hội công bằng với một quốc gia, cho một dân tộc.

Adolf Hitler, sanh ngày 20 tháng 4 năm 1889  tại Braunau am Inn, một thành phố thuộc nước Áo, cạnh biên giới Đức, người sáng lập và đảng trưởng Đảng Quốc Xã Đức và Thủ tướng nước Đức từ  1933 à 1945. Cựu chiến binh, bị thương ở Thế Chiến I, ông hoàn toàn thất vọng khi Hoàng Đế nước Đức Wilhem II bị ép thoái vị và nước Đức bại trận. Năm 1919, Hitler gia nhập Đảng Lao động Đức -Deutsche Arbeiterpartei, DAP. Nhờ tài hùng biện, ông tiến rất nhanh lên hàng lãnh đạo Đảng. Năm 1920, Chủ tịch Đảng, ông biến Đảng thành Đảng Lao động Quốc gia Xã hội Đức –  Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei – NSAP, và cho áp dụng ngay một chương trình và thành lập ngay một tổ chức bán quân sự, SA – Sturmabteilung. Năm 1923, sau cuộc cuộc đảo chánh thất bại, Hitler phải vào tù. Tại nhà tù Lansberg am Lech, ông viết cuốn Mein Kamft. Cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn cầu năm 1929 đã thay đổi toàn diện cái nhìn của thế giới, ích kỷ hơn, bế môn tỏa cảng, chỉ lo phục vụ một nguồn kinh tế quốc gia, và chỉ lo phục vụ một xã hội dân tộc, giữ vững biên cương, dân tộc truyền thống.

Á Đông :

Các quốc gia Á Châu vào đầu thế kỷ thứ XX, trừ Nhựt Bổn, đang bị các quốc gia Âu Châu đang trên đường tìm hương liệu, tơ lụa, xâm chiếm. Thoạt đầu, thương thuyền họ đến xin mở những cơ sở thương mại, trao đổi, buôn bán, nhưng dần dần chiếm những đất đai thành những đồn điền khai thác hương liệu, gỗ quý, tơ lụa … Những chế độ chiếm đất làm thuộc địa cũng từ đó bắt đầu … Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh Quốc, Pháp các quốc gia có truyền thống hàng hải thay nhau đi tìm thuộc địa … về phía Đông: Ấn Độ, Miến Điện, Nam Dương, Việt Nam, Tàu … đều cùng chung một số phận… Chỉ riêng, Nhựt Bổn nhờ tài quản trị, nhờ tài ngoại giao sáng suốt, của Minh Hoàng nên đã giữ được độc lập, tạo một gương sáng cho giới trí thức Đông nam Á. Nhưng gương sáng Chủ Nghĩa Quốc gia Dân tộc là do Trung Hoa và cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911. Nếu ngọn gió Quốc gia chủ nghĩa chỉ đến Âu châu vào năm 1930, thì ở Á đông, ngày 1 tháng giêng 1912, một nhà nước Cộng hòa Trung Hoa đầu tiên đã ra đời. Đây là lần đầu tiên một dân tộc bị trị hãnh diện đứng lên đòi độc lập, giành quyền Tự quyết trước sự xâm lăng của các quốc gia đế quốc quốc tế. Chỉ với một cuộc nổi dây nho nhỏ của một đồn lính nhỏ ở Wuhan, tỉnh Hubei – Hồ Bắc. Chỉ trong vòng 6 tuần, đã có 15 tỉnh của Trung Hoa nổi dậy. Đòi quyền tự quyết. Một vị Y sĩ trẻ tuổi Bác sĩ Sun Yatsen Tôn Dật-Tiên được bầu làm vị Chủ tịch đầu tiên của một Cộng Hòa Trung Hoa mới. Nhưng Trung Hoa vẫn bị chia rẽ.  Beijing và lãnh thổ miền Bắc vẫn nằm trong tay của tướng Yuan Shikai, đang có mộng thành lập một hoàng triều mới, thay thế nhà Thanh. YuanShikai mất năm 1916, nhưng Trung Hoa vẫn hỗn loạn và nội chiến. Mãi cho dến 1949, khi Mao Zetung toàn thắng.

Sun Yatsen và Quomingtang-Quốc dân Đảng là những giấc mơ đầu tiên của các nhà cách mạng Việt Nam. Bị chế độ thực dân Pháp đô hộ, các nhà trí thức đầu tiên người Việt chúng ta đi tìm ảnh hưởng, bài học, giấc mơ nơi hai quốc gia thành công với quyền tự quyết Nhựt Bổn và Trung Hoa. Các Đảng chánh trị quốc gia Việt Nam đều ảnh hưởng bởi chủ thuyết Tam Dân của Sun Yatsen, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng với chủ thuyết Dân tộc Sinh tồn… Tinh thần Yêu Nước, là tinh thần Quốc gia, là tinh thần Dân tộc.

Thế nhưng, tinh thần Quốc gia, tinh thần Dân tộc tại Trung Hoa bị Đảng Cộng sản Trung Hoa với chủ thuyết Cộng sản Quốc tế đánh bại. Từ năm 1949 phải di cư định cư tại Đảo Đài Loan. Đảng Quốc Dân Đảng Trung Hoa vẫn tồn tại, vẫn giữ vững tinh thần Quốc gia, tinh thần Dân tộc, ngọn cờ Đảng biến thành Quốc kỳ. Ngọn cờ Thanh Thiên, Bạch Nhật, Mãn Địa Hồng vẫn còn tung bay phất phới đến ngày nay. Lá cờ của Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng tương tự, cũng Thanh Thiên, cũng Mãn Địa Hồng chỉ khác là Ngôi Sao Trắng làm tinh cầu dẫn lộ thôi !

Việt Nam ta:

Cũng như Trung Hoa, các Đảng phái chánh trị Quốc gia chúng ta đều bị Đảng Cộng Sản Quốc tế  chẳng những đánh bại mà còn bị lường gạt nữa. Mà cả dân chúng Việt Nam ta nữa. Phải ! Đúng vậy ! Tất cả những người Ái Quốc Việt Nam chúng ta đều bị tên Nguyễn Ái Quấc lường gạt trất quấc cả ! Một cuộc lường gạt khổng lồ. Dùng từ ngữ Ái Quốc để lạm dụng lòng Yêu nước, xúi dục, đẩy không biếu bao nhiêu triệu thanh niên thanh nữ Việt Nam vào làm biển người lấy thân mình đở đạn, lót đường cho chủ nghĩa Cộng Sản Quốc tế nhuộm đỏ non sông quốc gia, và ngày nay tiếp tục lót đường cho Tàu Cộng xâm lăng đất nước quê hương !!.

Gương sáng của Chủ nghĩa Quốc gia, ngày nay là Tổng thống Hoa Kỳ tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa quốc gia. Trước đám đông, Tổng thống dám công khai, không ngại ngùng, vứt bỏ cái politically correctness cả nễ nhấn mạnh mấy lần suy tư cá nhơn đó. Cả thế giới đều biết Tổng thống chủ trương America first – Ưu tiên cho Quốc gia Mỹ, cho Dân tộc Mỹ.

Riêng người Việt tỵ nạn Cộng sản Hải ngoại chúng ta. Chúng ta rất và phải ưa chuộng hai chữ “quốc gia”. Hiến pháp Đệ nhứt Cộng hoà mở đầu bằng câu : “Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc Gia và Dân Tộc Việt Nam…“. Đó là thời chúng ta còn có quốc gia, lãnh thổ, chánh quyền. Thế nhưng ngày nay, dù mất nước, dù thằng tôi, người viết bài, thân ăn nhờ ở đậu nơi đất người, tôi vẫn tự hào tự nhận mình là Người Việt Quốc gia. Mong rằng quý thân hữu cùng chúng tôi, dấn thân, quyết tâm, rằng mình là Người Việt Quốc Gia để mãi mãi sống còn với  Quốc Gia Việt Nam chúng ta!

Chủ nghĩa Dân Túy – le Populisme – The Populism:

Dân túy từ Việt dịch của từ âu mỹ populism. Nhưng, từ populism, là một péjoratif, một định nghĩa xấu, một chê bai, để định nghĩa một luồng tư tưởng chánh trị, « nói thay cho dân », thường hiểu là mỵ dân ! Số là, từ những năm sau thế chiến thứ 2, tư tưởng chánh trị thế giới « bị » chia làm hai phương thức làm « chuẩn », làm « lệ » đối chọi nghịch nhau, không có chổ cho một phương thức thứ ba : hoặc Tư bản chủ nghĩa/Cộng sản chủ nghĩa…hoặc như ở Âu Châu Trái/Phải, Xã Hội, Cấp Tiến/Bảo Thủ, Truyền Thống…Nhưng tại sao Chủ nghĩa Dân Túy ngày nay, không là một con đường thứ ba ? không Tư Bản Chủ nghĩa cũng không Xã hội Chủ nghĩa ?

Nhưng, dù thế nào đi nữa, chế độ do một ý thức hệ nào đó, phải làm sao phục vụ cho con người !  Cho người công dân thật sự hưởng những quyền lợi đúng đắn… Nhơn viên Nhà Nước phải ưu tiên giải quyết việc Công, việc Nước, việc Nhà trước khi lo việc riêng tư, việc người ngoài. Tài nguyên hạn chế phải liệu cơm gắp mắm. Nhưng phải Cho Dân, Vì Dân, Do Dân. Đó là Dân Chủ ! Dân Túy đây là Dân của Công Dân Mình. Cho Dân Mình, Vì Dân Mình, Do Dân Mình !

Thử tái lập thể chế Quốc Túy cho Việt Nam: Quốc Gia Tự Quyết, Dân Tộc Tự Duy

Ta thử đặt tiềm lực tự quyết trên căn bản lịch sử, địa chính – Thống Nhứt Lãnh Thổ Trên Đất Tổ tiên – tạo nỗ lực tự chủ trên giá trị khai phóng dân tộc nhơn bản, tử tế, bình đẳng, kết sanh – dân lành, nước mạnh –  đặt khả năng dân tộc sanh tồn, an sanh tự duy trên giao kết bình đẳng, trọng thể – TựThắng để Duy Toàn- .

Nhưng cái ngày mai tươi sáng ấy đặt cho toàn thể người Việt lắm điều kiện. Thoạt nhìn thì thấy không khó. Mà thực hiện thì khó khăn vô cùng. Đó là không mất gốc, là còn người Việt, và đặc biệt còn là con người Đại Việt, dân tộc cuối cùng không bị Hán hóa của nhóm Bách Việt !

Do đó chúng ta phải  là Phục Việt để Phục Quốc.

Đặt vấn đề tuổi trẻ và ngày mai của đất nước PHẢI đặt vấn đề « CÒN ».

CÒN thanh niên Việt. Còn người Việt. CÒN dân tộc Việt. CÒN dân tộc Đại Việt.

Còn mà liên lập, chớ không phải Còn mà gây hấn và cô lập.

CÒN mà chung sống, đáng sống, của Con người. CÒN để làm, cho Đạo Việt không bị đè bẹp, làm Chủ trong thế điều hợp.

Mà trước tiên, người Việt phải biết tiếng Việt, nói và viết tiếng Quốc Ngữ. Tuổi trẻ Việt phải nói tiếng Việt, để còn gốc, còn Dân Tộc Việt, còn Văn Hóa Việt, còn Hồn Việt, còn ĐẠO VIỆT, với Tứ Ơn hay đúng hơn Hai Thờ : Thờ Ông Thiên (Phật, Chúa, Trời, Đất) Thờ Ông Bà Tổ Tiên, và một Ơn, một Nghĩa, Ơn Đất Nước, Nghĩa Đồng Bào !

Để Kết Luận :

Xin một lời kêu gọi :

Đồng bào, bà con trong nước đã đồng Một lòng đứng lên, hãy nói Tiếng nói Dân Tộc, hãy giữ Tấm lòng Dân Tộc, hãy giữ linh hồn Dân Tộc, hãy Bảo vệ  Quốc Gia Việt Nam, Chủ quyền Đất Nước Việt Nam – Chống Luật Đặc Khu Bán Nước cho Tàu là Giữ Chủ quyền nước Việt Nam ta! Giữ Độc Lập, Giữ Tự Chủ, Giữ Tự Do bằng chống Luật An Ninh Mạng đang bịt miệng người Dân, khóa linh hồn, anh linh Quốc Gia, Đất Nước, Dân tộc Đại Việt ta !

Hởi quý Đảng Viên, quý Chiến sĩ Quân đội Nhân dân, quý Công an, quý viên chức Đảng !

Hởi tất cả các anh chị em  Đảng Viên Đảng Cộng Sản Việt Nam !

Các anh, các chị, các em, hãy vứt bỏ « cái áo Đảng Bán Nước, cái áo Đảng ngoại lai » đang máng vào thân thể các anh, các chị các em đi ! Hãy trở về với cái thân thể người Việt ! Hãy trở về với cái linh hồn người Đại Việt !

Quý vị nên nhớ trong suốt lịch sử Việt Nam ta, đất nước chúng ta đã bị ngoại xâm 23 lần … Mà 21 lần là do người Tàu, người anh em láng giềng môi hỡ răng lạnh 16 chữ vàng Mà lần cuối cùng đối với các đồng đội của các anh chị em ! Các Chiến sĩ Quân Đôi Nhân Dân của quý vị !

Các anh chị em quên sao ngày 17 tháng Hai năm 1979 ? Các anh chị em quên sao ngày 14/03/1988, với các chiến sĩ Hải quân Nhân dân bảo vệ đảo Gạc Ma – Trường Sơn ? Và 10 năm, giữ biên giới 1979 -1989, và chiến trường CambốtChia ? Tàu và Ta ? Bạn hay Thù ?

Như một anh Tướng của các anh đã nói : Chiến tranh chống Tàu bảo vệ biên giới dài hơn chiến tranh chống Pháp giải phóng đất nước – 10 đánh Tàu/9 năm đánh Pháp !

Ngày nay các anh, các chị các em, dám đành đoạn nở tâm sao để Tàu xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam ? hảm hiếp, đàn áp đánh đập đồng bào Việt Nam ta ? Chỉ vì các đàn anh hay các ông chủ của các anh các chị các em đã Quyết Bán Nước Bán Dân để Giữ Đảng ! Quý vị có chắc ngày mai, Nước Mất, quý vị còn là đảng viên của một Đảng Việt Nam không ?

Tỉnh dậy đi ! Đừng để quá trễ !

Hãy về với dân tộc Đại Việt ! Hãy cùng toàn dân Việt dẹp Cộng đuổi Tàu!

Mong lắm! Vì Đó là Chủ Nghĩa Yêu Nước là Chủ Nghĩa Ái quốc. C’est çà le Patriotisme !

Hồi Nhơn Sơn, Cuối Thu 2018

 

Tình Đất Nước – Nghĩa Đồng Bào

«Tay dơ lấy nước mà rửa, nước dơ lấy chi mà rửa» (Vua Duy Tân)

1/ Tình Cá Nước – Tình Đất Nước :

a- Nước:

Tiếng Việt Nam bình dân thật kỳ diệu !

Dân chúng Việt Nam ta dùng chung một từ rất thường ngày, rất thật sự gốc Đại Việt, thực sự gốc Nôm (Nam) Đó là từ Nước. Nước nghĩa đầu tiên là chất liệu cần thiết để có đời sống, là chất uống. Vậy thì Nước là chất uống, là nước uống ! Nước cũng được dùng để tắm rửa vệ sanh, nấu ăn bếp núc. Nước là sức sống, nước là đời sống !

Dân tộc Đại Việt ta cũng dùng từ Nước để chỉ quê hương nơi ăn chốn ở, nơi một dân tộc cư ngụ có tổ chức, có biên giới, có hành chánh. Khi đăng đàn, dựng bản dưới một hình thức chánh trị, thì dùng một cặp từ nhập cảng từ tiếng Tàu biến thể âm Việt, gọi là tiếng Hán Việt để diễn dịch, đó là từ ngữ quốc gia. Còn ở nhà, giữa người mình với nhau, dùng từ ngữ đất nước là đủ rồi ! Có đất, có nước : có đất là có nơi cất nhà, chốn ở, có nơi trồng trọt, canh tác, nơi ăn, có nước, là uống, là tưới cây, nuôi thú, là tắm là rữa. Đó là những điều kiện vệ sanh, sức khỏe, sanh sống. Đó là những cần thiết sanh lý- les nécessaires biologiques, để sanh tồn !

Tóm lại, đất nước là điều kiện cần thiết tiên quyết của sự thành hình một dân tộc, không có đất nước là không có dân tộc, hoặc là ăn nhờ ở đậu, có khi mất cả quốc tịch, (dân Kurdes, dân Arméniens … hay các cộng đồng tỵ nạn Tàu, Nhựt… và nay Việt Nam ở Pháp, Âu Châu, Mỹ, Úc … tất cả ngày nay chỉ là những cộng đồng sắc tộc sống nhờ, ở đậu, sống chùm gởi – nói theo tiếng người miền Nam mình – và có quốc tịch, và là công dân của nước người !) Như vậy Đất Nước, là nơi tạo ra những điều kiện để một dân tộc sanh sống, để một dân tộc sanh tổn và phát triển ; và nơi ấy được người Việt chúng ta gọi chung là Nước !

« Quốc gia » nhập cảng từ tiếng Hán (Hệ lụy của ngàn năm đô hộ là mất nhiều chữ gốc ta lắm !). Quốc 國 gốc Tàu phát âm Hán Việt là Quốc – không phải là quẤc, như tên giặc Hồ nói ngọng và đã  ghi thành tên – nhưng nghĩa Việt là Nước, nhưng vì âm Việt dễ lầm lẫn từ Nước (từ nhập cảng của Tàu qua âm Hán Việt là Thủy水) của Nước Tắm rửa, Nước Uống, nên phải thêm Gia家  (cũng nhập cảng của Tàu) là Nhà để nói rõ thêm Quốc Gia國家 – Nước Nhà – là Nước có dân ở, chớ hổng phải Nước Uống ! Nhưng nhờ qua cái từ Quốc Gia ấy, một quan niệm chánh trị được nói rõ, đó cái liên quan giữa, quốc, nước, một không gian rộng lớn là đất nước, với biên cương với lãnh thổ, và gia là căn nhà, ấm cúng, của đơn vị căn bản sanh tồn của con người, một gia đình. Cái tương quan Gia nhà, Quốc nước, còn có một ý nghĩa xã hội hơn, là tương quan bổn phận và  trách nhiệm cùng nghĩa vụ giữa quốc và gia. Giữa con người, đơn vị cá nhơn, bổn phận làm con trong gia đình, hay bổn phận làm chủ trong đơn vị gia đình, với cộng đồng, xóm, xã, tỉnh, xứ và Nước và bổn phận một công dân với cộng đồng là Đất Nước, là Quốc Gia !

Đó là bổn phận của mỗi chúng ta, mỗi người sanh sống trong một đơn vị « gia » trên một lãnh thổ «quốc », phải có bổn phận trách nhiệm đóng góp xây dựng cộng đồng các « gia » trên lãnh thổ « quốc » ấy. Ngược lại, cộng đồng lãnh thổ « quốc », cũng phải có trách nhiệm, bổn phận, bảo vệ, tạo điều kiện, cho người dân và gia đình người dân, trong các «gia », được an toàn sanh hoạt !

Tóm lại, người dân, phải là một  là công dân – Dân đơn vị thuộc bộ phận chung Công,  Dân của một bộ phận Gia/ Nhà – Gia đình, cũng là (công) Dân, bộ phận của nhiều Nhà-Gia là Xóm làng, Thành Tỉnh, để cuối cùng họp thành Quốc/ Nước. Quốc Gia Việt Nam = Nước Việt Nam. Tương quan lưởng lợi – synallagmatique–Win Win – bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa Quốc Gia và Công Dân, giữa Người Dân và Nhà Nước, thường được ví von dưới từ ngữ Tình Cá Nước  để diễn đạt cái Tình người Dân với Đất Nước.

Chỉ với một chữ Nước tiếng Việt chúng ta tài tình nói đến một Quốc gia : Nước Việt Nam.

Tiếng Pháp có pays, tiếng Anh có country. Nhưng pays hay country có thể dùng hạn hẹp hơn, có thể đồng nghĩa với Xứ của phe ta, dân miền Nam Việt dùng vậy. Xứ tui =quê tui. Mon pays le Poitou, my country California !

Thập niên ‘60, Enrico Marcias, một ca sĩ người Pháp sanh ở Algérie, khi Algérie độc lập, phải bỏ nơi chôn nhao cắt rốn, trở về quê Pháp sáng tác bài hát « J’ai quitté mon pays, j’ai quitté ma maison… Tôi đã bỏ xứ tôi, tôi đã bỏ nhà tôi … » Pays đây của anh là nơi anh chào đời và lớn lên … Ta nên hiểu là xứ, cũng như với cá nhơn thằng tui, là xứ Tân Định, xóm Vạn Chài vậy …

Từ Quốc Gia ngày nay cũng được dùng để dịch từ Pháp Anh Nation nữa ! Nation  có quy củ, có tổ chức, có thể chế, có khi hiểu một cách lạm dụng, hay cường điệu là « thuần chủng » nữa. Khi nói, dùng, từ Quốc Gia, chúng ta cũng phải hiểu là một Nước có tất cả mọi bộ phận hành chánh, quy chế, thể chế của công quyền! Ngân Hàng Quốc Gia là Ngân Hàng do Hành Chánh Công quyền quản trị thuộc hệ thống Công quyền ! Ngược với các Ngân Hành Tư do Tư Nhơn Quản trị ! Việt Cộng dùng từ Nhà Nước để dịch Quốc Gia, Ngân Hàng Nhà Nước, Hợp Tác Xã Nhà Nước …Nhưng lạm dụng danh từ Nhà Nước vì không phải « Do quản trị Nhà Nước » mà là Của Đảng Cộng Sản Đớp gọn làm Của Riêng Tư của Đảng » !

b- Cá :

Cá sống trong nước (tiếng Tàu là Thủy水). Có nước là có cá, nước ngọt, nước mặn, nước lợ, cá đều sống trong mỗi môi trường. Tóm lại Cá sống nhờ, trong nước. Nước đã có từ thuở khai thiên lập địa của Trái Đất – Quả Địa Cầu. Chưa có đất đã có nước rồi !

Thuở khai thiên lập địa, nói kiểu bình dân Việt Nam, hay thuở vừa sau khi cú nổ Big Bang nổ để tạo ra vũ trụ, nói theo khoa học tân thời, khoảng 13,8 Tỷ năm trước. Vũ trụ – Univers thoạt đầu, sau Sức nổ Big Bang, nóng bỏng, nguội dần và nở rộng ra, với những mãnh vụn, bụi bặm, tạo ra hệ thống các hành tinh – système de galaxies. Trong Vũ trụ có khoảng 200 Tỷ Hệ thống Hành tinh khác nhau. Hệ thống hành tinh của chúng ta, trong đó có hệ thống Mặt Trời –système solaire với tám hành tinh, là Hệ thống Voie Lactée – Giải Ngân Hà, có một đường kính là 100 ngàn năm-ánh sáng (1 năm-ánh sáng = 10 ngàn Tỷ cây số).  Hệ thống Mặt Trời–8 Tỷ tuổi – nằm trong Giải Ngân Hà. Và Trái Đất-Quả Địa Cầu chúng ta nằm hàng thứ ba từ Mặt Trời tính ra, trong Hệ thống Mặt Trời.

c- Đất

Trái Đất nằm cách Mặt Trời 150 Triệu cây số, lý tưởng để có Đời Sống.  Sau Big Bang 13,8 Tỷ năm trước, phải chờ đến 4,6 Tỷ năm cuối cùng đối với ngày nay, Trái Đất mới được thành hình do sự gom góp của các mãnh vụn các hành tinh khác vo tròn, quyện vào nhau, nhào trộn với nhau. Nhờ đụng chạm gom góp giữa các hành tinh và các sao chuổi, gồm nước đá và tuyết, với hơi nóng ánh sáng Mặt Trời tạo thành bầu trời đầy hơi nước, sương, mây mù chung quanh Quả Đất. Trái Đất nguội dần, mây mù biến thành mưa, tưới xuống Quả Đất. Nhờ địa điểm, chổ ở lý tưởng với Mặt Trời, đủ ấm nhưng không nóng quá để nước biến mất, không lạnh quá để nước biến thành băng. Dần dần với dưỡng khí, với ánh sánh, với sức nóng, đời sống hiện ra, thoạt đầu sinh vật và sau đó loài thủy sản rong, bèo và Cá ! Cá là một trong những sinh vật đầu tiên có mặt trên Địa cầu.

Quả Địa Cầu, nói theo khoa học ngày nay gồm toàn là nước (thủy), là chất lỏng Toàn thể Trái Đất là biển cả, là đại dương (lại chữ nhập cảng nữa). Ngày nay, mặc dù, có năm châu lục địa nhưng vẫn còn 80% quả Địa Cầu là nước gồm đại đương. Trái Đất tuy thành hình 4,6 Tỷ năm trước, nhưng phải chờ khoảng 2,5 Tỷ năm sau nầy thôi, các lục địa mới nổi lên, Và phải chờ đền 350 triệu năm cuối, mới có đời sống trên bờ … tuy dù đời sống thủy sản đã có mặt tử cả tỷ năm trước nhưng, Cá thật sự có mặt chỉ có 420 triệu năm sau nầy thôi ! Còn Con Người ? Loài có vú 65 Triệu tuổi, và Homo Sapien – Con Người Hiểu biết chỉ biết hiểu biết từ 200 ngàn năm nay thôi ! Dân tộc Việt Nam – Đại Việt hãnh diện 4000 năm văn hiến !

Cá có mặt ở biển từ 420 triệu năm rồi. Cá Biển Đông đã nuôi trong 4000 năm dân tộc Đại Việt. Chỉ một thấp thoáng do sự cẩu thả vô tình ? Hay do có kế hoạch cố ý cố tình ? Quân xâm chiếm Tàu đã giết chết sạch đàn cá ở ngoài khơi Hà Tỉnh năm xưa, đầu độc hàng vạn tỷ khối nước Biển Đông. Biển Đông là Biển Mẹ nuôi sống dân tộc Đại Việt. Truyền thống 50 con, của cái bọc 100 trứng – đồng bào – theo Cha Rồng xuống sống ở Biển, và 50 con kia theo Mẹ Tiên lên núi, nay còn đâu ? Mất Biển, là mất Cá, mất Nước, là mất Tổ quốc !

Từ hai năm qua, nước Biển Đông bị đầu độc, làm chết Cá. Từ nhiều năm nay, Đồng Bằng Sông Cửu Long bị hạn hán, vựa lúa Việt Nam, vựa trái cây Miệt Vườn Nam Việt Nam bị thất mùa khô cằn. Lý do, thượng nguồn Sông Cửu – MêKong – Sông Mẹ bị 14 Đập Thủy điện Tàu chận cả lưu lượng nước, cướp cả đất phù sa. Dân tộc Đại Việt là dân tộc sống nhờ lúa nước, sống nhờ thủy sản, ăn cơm, ăn cá và những phó sản của cá, nước mắm và mắm. Hạn hán, đồng khô, lúa chết. Biển độc, cá chết. Lúa chết, không có cơm ăn. Cá chết, hết cá mắm và nước mắm. Dân chúng Đại Việt ta vừa mất Vựa Lúa, mất Miệt Vườn trên Đất, vừa mất Cá, mất Nước Mắm trên Biển. Đất Nước Đại Việt, quê hương Đại Việt, Tổ quốc Đại Việt không còn lương thực, không Lúa Gạo, không Cá Mắm !

Dân sống nhờ Đất Nước, như Cá sống nhờ Nước. Đó là Tình Cá Nước, đó là Tình Đất Nước, đó cũng là Ơn Đất Nước. Cá bị đầu độc Cá chết. Đất bị đầu độc, đất khô cằn, không nuôi sống Dân nữa, Dân sẽ chết. Nước  Đại Việt đang bị Tàu chiếm, đầu độc. Nước Đại Việt mất, dân Đại Việt cũng sẽ chết thôi.

2/ Nghĩa Đồng Bào :

Người Dân như Con Cá, sống nhờ Nước,

Dân Đại Việt sống NHỜ Nước Đại Việt. Không biết Con Cá có Sống Vì Nước không ? Chớ người dân, con cá Đại Việt PHẢI sống VÌ Nước Đại Việt.

Sống VÌ Nước, vì Đạo Việt dạy người Con đất Đại Việt biết Ơn Đất Nước, biết Nghĩa Đồng Bào ! Có Đất Nước, có Đồng Bào mới có mình. Bốn ngàn năm giữ nước, giữ biển, giữ đất giữ quê hương. Tổ tiên ta ngày xưa giữ vững Ải Nam Quan – chém Liễu Thăng trên đường chạy về Tàu cũng ở Ải Chi Lăng ! Tổ tiên ta ngày xưa giữ vững biển Đông – đại phá quân Nam Tống với Vua Ngô Quyền, đại phá quân Nguyên với Đức Hưng Đạo đều trên cửa sông Bạch Đằng đổ ra Biển Đông !

Cả hai vị anh hùng đều biết mượn ngọn sóng thủy triều Biển Đông làm vũ khí.

Những ngày hôm nay, là thời cơ đã đến, là cơ trời đã hội. Cái ngu của ngoại xâm Tàu, quá tham lam, quá tự tin, đã giúp ta ! Tàu chận nước sông ở thượng nguồn sông Cửu Long – Sông Mẹ của ba nước Đông dương ở hạ lưu. Đặc biệt Sông Cửu Long với hai nhánh phì nhiêu đã nuôi sống đồng bào Nam Việt và là vựa lúa của toàn bộ dân Đại Việt.  Chỉ vì Tàu tham lam xây một lượt 14 đập thủy điện chận tất cả nước, cướp tất cả phù sa nên Đồng bằng Sông Cửu Long của Nam Việt ta ngày nay hạn hán, đất nức nẻ ! Lưu lượng nước sông Cửu vì cạn nên thiếu sức đầy của nước ngọt ra khơi, nên nước biển mặn lan ngược vào Đồng bằng Sông Cửu Long. Nước Sông nhiểm mặm, đất nhiểm mặn theo. Đồng lúa nhiểm mặn, lúa chết, Đất miệt Vườn nhiểm mặn, cây trái tiêu tùng. Như thế người dân Đại Việt Miền Biển, hay miền Đồng Bằng, sống nghề ngư, hay  sống nghề nông đều trắng tay. Tàu quá tham lam, ép người Dân Việt. Mất tự chủ, mất Độc lập, có ăn đầy đủ, người dân có thể nhịn nhục. Nhưng mất tự chủ, mất sự sống, mất Tự Do cá nhơn, mất tất cả,… người Dân sẽ vùng dậy. Đánh để lấy lại quyền ăn Việt, quyền nói Việt, quyền sống Việt, tóm phải đánh, phảiđuổi Tàu, để giữ linh hồn Việt Đạo Việt. Muốn vậy, phải lấy lại chánh quyền, dẹp đổ đương quyền Cộng Sản Việt Nam.

Vì Tàu đã phá hoại kinh tế, canh nông Việt Nam, dân Việt ta không mưu sanh tự túc được. Tất cả đều nhập ở Tàu, từ miếng ăn, thức uống, cái đinh, đôi giầy…chiếc xe, đôi dép… Tất cả là Tàu – made in China. Dù có made in Viet Nam đi nữa thì nguyên liệu cũng nhập cảng. Ma dzề in Việt Nam, chỉ là tay thợ, ráp, dán, cắt … Đã bảo là Ma dzề là làm mà… khổ lắm ! Tự hào đi, xe người làm ở Việt Nam ta còn hãnh diện gọi là xe Ta mà (sic ). Do đó ngày nay, Việt Cộng trông chờ ngoại viện đàn anh, Hán Cộng để nuôi dân mình. Nhà Cầm Quyền Hán Ngụy Cộng sản Bắc Việt đã thành công công tác bán dân Đại Việt cho Tàu, công tác Hán Hóa Việt Nam đang trên đường thành công ! Mission accomplie- nhiêm vụ đã xong !

Ai cũng tưởng Công Sản hóa, nhuộm đỏ Việt Nam, là chủ đích của Cộng Sản Tàu ? Lầm To ! Đó chỉ giả đò, để lừa bịp thế giới, kể cả thế giới Cộng Sản Quốc Tế (Nga) ! Tàu Hán Tộc, cóc cần Cộng Sản Hóa Việt Nam ! Tàu chỉ muốn dân tộc Đại Việt diệt chủng, nhập vào Hán Tộc thôi ! Mộng Ngàn Năm Ngay Đã Thành Công ! Cả một ngàn năm đô hộ, trãi bao nhiêu triều đại Hán tộc, không thành ! Nầy nhé, suốt thời kỳ một ngàn năm Đại Việt độc lập, Tàu Hán, mấy đời, mấy tộc, … tốn bao công bao sức, đã bảy lần xâm lăng, bao nhiêu qua bao triều đại, bao nhiêu sắc tộc Tàu, từ Hán qua Mông Nguyên rồi đến Mãn Thanh đều vẫn thất bại. Mộng Hán hóa vẫn  không toại,  Đại Việt mãi mãi bất khuất !

Thế mà, chỉ với 70 năm, Việt Cộng lợi dụng lòng yêu nước của người dân Việt chống Pháp chui lòn vào phong trào kháng chiến của những người Việt đầy lòng yêu nước nhưng nhẹ dạ, cả tin, mượn tay Cộng sản Quốc tế trước để xóa bỏ máu mũ giòng giống Đại Việt ; sau dùng chiêu bài giải phóng dân tộc, Cộng sản hóa chế độ tự do miền Nam ! Trước sau thật sự chỉ là Hán hóa Việt Nam thế thôi !

Con Cá cũng là một biểu tượng của Thiên Chúa Giáo thời xưa để tránh sự đàn áp của triều đình La mã. Người đi Đạo Chúa thường dùng hình ảnh con Cá để nhận diện nhau. Ngày nay cũng vậy. Ở Âu Mỹ thỉnh thoảng chúng ta gặp trên các thân xe hình một con Cá. Con Cá là biểu hiệu của người Con Cái Thiên Chúa. Con Cá là do là từ ngữ Hy Lạp ICHTYS, là Cá. ICHTYS là các  mẫu tự đầu ICHTYS góp lại của câu : Iéssous, Christos, Théos, Yoios, Soter. I, Iéssous = Jêsus ; CH, Christos = Ky tô ; T, Théos = Chúa ; Y, Yoios = Con ; S, Soter = Cứu Thế = Jêsus Ky Tô, Đức Chúa Con, Đấng Cứu Thế ! Lịch sử Thiên Chúa Giáo với dấu hiệu Con Cá đã dẫn dắt gần trên một phần ba nhơn loại trên thế giới (2,2 Tỷ người). Một tôn giáo ra đời với một lãnh đạo bị hành quyết, đóng đinh trên một Thập Tự Giá, bị trù dập đàn áp, phải trốn tránh ẩn nấp trong các hang động để làm lễ, các tông đồ môn đệ đầu tiên đều bị nhà cầm quyền đương thời bỏ tù giết hại từ ông trưởng tràng Phê Rô đến ông Thầy Giảng Phao Lồ… các con chiên đều bị hành quyết,  bị treo lên thập tự giá, bị chặt đầu, bị giết, bị đưa vào đấu trường cho cọp ăn, cho sư tử xéo, cho voi dầy…Bao nhiêu thánh tử đạo ? Các Vua quan Nhà Nguyễn Việt Nam cũng có đóng góp vào việc giết các con chiên Thiên Chúa Giáo Việt Nam, nhiều con chiên Jêsus cũng góp thân, góp máu vào sự nghiệp truyền bá Đạo Chúa trên thế giới. Á Thánh tử Đạo Paul Bường, một ông quan triều Nguyễn  là một thí dụ. Các Con Chiên Cá đã sống Vì Nước. Nước của họ là Đức Tin, là Nước Trời. Họ trả cái Ơn số Một là Ơn Trời Đất, Ơn tâm linh !

Toàn dân Việt hôm nay, hãy cùng nhau trả Bốn cái Ơn của Đạo Việt :       Con đường đạo đức của mỗi Người Con Việt : 1/ Cái Ơn Đất Nước, 2/ Cái Ơn Tổ Tiên, 3/ Cái Ơn Đồng Bào, 4/ Cái Ơn Cha Mẹ.

Tôn trọngTứ ƠN của Đạo Việt để Sống Vì Nước Việt. Nước đây là quê hương, là Đất Nước Việt Nam, của Tổ Tiên bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ, tâm huyết, hy sinh, mở mang, phát triển gìn giữ, của Đồng Bào mỗi ngày sat cách cùng mỗi chúng ta, cùng nhau xây dựng, giữ gìn, xóm làng, đất nước bờ cỏi,của Cha Mẹ đấng sanh thành đã giáo dục, nuôi dưỡng, chúng ta thành những công dân tốt cho nước nhà xứ sở, xóm làng… Do đó, Vì đó…

Mỗi chúng ta trong nước phải bảo vệ Nước, phải bảo vệ mãnh đất, mãnh vườn, cái nhà tổ tiên, cái mồ, cái mã. Cái mãnh đất mà xương máu, thịt da của tổ tiên cha ông ta, đã hòa tan, làm mầu mỡ, làm xanh tươi đồng ruộng ta, tươi mát vườn tược ta, từ bốn ngàn năm nay!

Mỗi chúng ta ở Hải ngoại, có kẻ nghĩ rằng thôi từ  nay đã  ra đi, xa quê  hương, thì « con cái đâu tổ tiên đó »! Nhưng đó chỉ là bàn thờ, với những di ảnh thôi ! Ngày mai, dù ta có mất đi, chúng ta cũng mơ được hậu duệ con cháu chúng ta, có một ngày Đất Việt hoàn toàn Đại Việt,   mang tro cốt về rãi ở Biển Đông hòa vào giòng Biển Mẹ, hay rãi vào giòng Cửu Long, Sông Hồng, Sông Hương, sông Thu Bồn, Sông Hàn, Sông Ba … hay cả trong con Rạch sau hè… hay với đối cá nhơn người viết trong Sông Thị Nghè, xóm Vạn Chài gọi là cùng sống chết với Nước.

Con Cá ngày nay, phải là biểu tượng của sự vùng dậy của toàn dân tộc Đại Việt trước sự hung bạo của nhà cầm quyền Hán Ngụy. Hãy đuổi tất cả, những người Tàu đang sống lậu và cưởng chiếm nhà cửa, cơ sở của đất Việt ! Hãy đuổi tất cả những cơ sở kinh doanh Hán tộc ra khỏi Việt Nam. Hãy đòi lại đất, đòi lại nhà, cửa, công ăn việc làm, biển, đảo trả lại cho công dân Đại Việt.

Kết Luận :

Hãy chọn cách yêu Tổ Quốc bằng con tim của chính mình.

Mong rằng những cuộc biểu tình ở Việt Nam, ở Hải Ngoại vẫn tiếp tục, hằng tuần không ngừng nghỉ ! Hy vọng sẽ có thêm nhiều những gương mặt mới nhập cuộc. Toàn dân hãy cùng nhau vùng dậy lập hàng ngang một đội ngũ, một MẶT TRẬN TOÀN DÂN CỨU NƯỚC ! Muôn hình vạn trạng, muôn mầu muông sắc, dùng mạng blog, internet, face book, truyền thông, bài viết, bài nói, bài ca, bất bạo động, nhưng sẳn sàng vào tù, sẳn sàng bị bắt, sẳn sàng ra tòa, họp đàn, họp nhóm, di động, biểu ngữ, khẩu hiệu viết lên áo, trên thân thể, trên tờ giấy bạc dễ lưu hành…

– Xuống đường biểu tình mỗi tuần, thay đổi chổ liên tục, nhưng bất báo động,…

-Hãy  tạo một biểu tượng, mặc áo trắng đầu chích khăn tang trắng : TANG Mất Đảo Mất Biển, Mất Đất … – Mỗi Chúa Nhựt, Toàn Dân ra đường chích Khăn tang…

– Hãy tạo một phong trào bất tuân dân sự, hãy tưởng tượng không nhóm chợ, chỉ có hàng rong nhóm rãi rác… Không đội mũ bảo hiểm…. Tạo kẹt xe… Sở Vệ sanh công cộng không làm việc… Dĩ nhiên sẽ bị thiệt hại kinh tế cá nhơn… nhưng … Phải làm tất cả, phải làm mọi cách, làm sao để lấy lại quyền tự chủ.

– Chưa kể làm tất cả mọi cách trong nước, ngoài nước, boycott, tẩy chay món ăn Tàu, lương thực Tàu, hàng Tàu, khách Tàu …

Khó lắm… ở Pháp Chúa Nhựt nào các nhà hàng Tàu đều đầy khách Việt… Hết Điểm Xấm ở Pháp Mỹ đến Yum Xà ở Úc Nhảy đầm, Kara ô Kê ; hát ta, hát Tây, hát Tàu … Vụ Tàu Cộng  Paris tổ chức cầm nhầm « Tôc Kinh ở Pháp – Bussy Saint Georges » chưa tởn hay sao !

Đây là một Báo động Đỏ cho người Việt Paris và cho toàn người Việt Hải ngoại !

Nên nhớ Đây là cuộc chiến giữa Phe Ta Quốc Gia Dân Tộc Đại Việt Tự Do Nhơn Bản chống  Phe Hán Hóa Tàu-Việt Cộng Đệ Tam Cộng Sản Quốc Tế Vô Thần Hán tộc.

Trong nước Luật Ba Đặc Khu chiếm đất, cướp nhà, cướp Đất Nước –  Tàu cướp tiền tuyến.

Ngoài nước  với vụ Dân tộc Kinh cướp người, cướp cộng đồng sắc tộc, Tàu cướp diaspora Việt – cướp hậu phương người Việt Yêu Nước.

Đường quang phục quê hương ôi lắm chông gai, lắm đoạn trường. Tất cả phải Cố gắng !

« Chúng tôi cầu chúc các bạn thành công trên con đường quang phục quê hương. Cầu nguyện Hồn Nước phù hộ cho các bạn ». Người viết chúng tôi củng xin đóng góp một đề nghị,

Tất cả quý đồng bào ở các thành phố thử đồng loạt sắp hàng ĐI VÀO TÙ. Không ồn ào, chen lấn, hỗn loạn, chúng ta cứ sắp hàng tuần tự, trật tự, bất bạo động, Đi Vào TÙ. Và nếu các Tòa Đại Sứ Việt Cộng Hải Ngoại dám chấp nhận, người Việt Tỵ nạn Hải Ngoại cũng xin Visa về Việt Nam ở Tù. Tôi sẽ làm người tình nguyện về Nước để ở Tù với Nước, vì Nước. Thà ở Tù trong Nước, trên đất Nước mình còn hơn ngày mai mất Nước !

Mong lắm !

Muôn Lời Tri Ơn Tất Cả Các Bạn Đã Đang và Sẽ Đứng Dậy !

Hồi Nhơn Sơn,

Tuần 3 Mùa Vọng của Năm Cách Mạng Mùa Hè 2018.

Nói chuyện cây thông vào mùa Giáng Sinh –  Phạm Đình Lân F.A.B.I.

Cây thông ở Bắc Bán Cầu

Cây thông là một loại cây hình nón to lớn ở miền khí hậu ôn đới, bán hàn đới và hàn đới. Ở vùng khí hậu bán nhiệt đới cây thông được tìm thấy trên cao độ 1,000 m. Ở Việt Nam cây thông được tìm thấy ở miền Bắc, Trung và trên cao nguyên Nam Trung Bộ. Nó vắng bóng hoàn toàn ở Nam Bộ.

Cây thông cao từ 25- 35 m; lá nhọn và nhuyễn tựa như cây kim. Trái cứng và có vẩy. Lá thông xanh quanh năm ngay cả vào mùa đông đầy tuyết trắng. Cây thông thuộc dòng Pinus và gia đình Pinaceae. Thực tế có nhiều dòng cây thông khác với dòng Pinus và gia đình Pinaceae như thông Bunya thuộc dòng Araucaria và gia đình Araucariaceae hay thông đen Matai dòng Prumnopitys taxifolia thuộc gia đình Prumnopityaceae v.v.

Ở Âu- Mỹ có nhiều rừng thông mọc tự nhiên trên các dãy núi cao như Alps, Pyrénées, Urals, Allegheny v.v. Gỗ cây thông rất thông dụng ở các quốc gia ôn đới. Gỗ dùng để làm nhà, cửa, sàn nhà, đóng bàn, ghế, tủ, làm bột giấy. Nhựa thông dùng để làm dầu sơn. Dầu lấy từ lá thông được dùng trong y khoa. Hột cây thông Pinus sabiniana được dùng làm thức ăn.

Cây thông lá xám (gray leaf pine) mang tên khoa học Pinus sabiniana. Nó còn được gọi là cây thông triền (foothill pine) vì thường mọc trên các triền núi. Loại thông này được tìm thấy nhiều ở California. Trái màu vàng cam dài giống như trái cà tím nhưng có nhiều vẩy cứng.

Cây thông trắng Pinus strobus và Pinus monticola được xem là loại thông có giá trị cao. Loại thông trắng này mọc trên đất cát ở những vùng tương đối ẩm. Thỏ rất thích ăn vỏ cây thông trắng này. Gỗ thông trắng mềm và có nhiều công dụng trong ngành xẻ gỗ và ngành mộc. Thông trắng có nhiều ở Đông Bộ Bắc Mỹ (Canada và Hoa Kỳ). Cây cao từ 50- 70 m nên cho rất nhiều gỗ. Nguồn sinh tố C trong cây thông trắng Pinus strobus cao gấp 05 lần nguồn sinh tố C của chanh. Phần vỏ trắng (phia trong) là nguồn resveratrol C14 H12 O3 kháng ung thư và kháng viêm rất mạnh. Ngày xưa thổ dân địa phương (người Da Đỏ) dùng vỏ cây thông trắng làm thực phẩm và trị ho. Vì vậy ho gọi cây thông trắng là CÂY HÒA BÌNH.

Cây thông đỏ Pinus resinosa ở Bắc Mỹ có nhiều liên hệ thân thuộc với cây thông Na Uy. Khi còn trẻ cây thông đỏ có hình nón. Khi lớn cây có hình tròn. Gọi là thông đỏ vì lớp vỏ trong màu đỏ- vàng. Cây thông đỏ có thể sống dễ dàng trong điều kiện thổ nhưỡng nghèo nàn. Gỗ cây thông đỏ chắc và đẹp nên cây thông đỏ có giá trị thương mại lớn. Gỗ được dùng trong ngành kiến trúc, làm cột buồm, đóng thùng, đóng hộp, làm bột giấy v.v.

Cây thông Oregon (Douglas fir) mang tên khoa học Pseudotsuga menziesii thuộc gia đình Pinaceae. Cây thông Oregon chỉ cao không bằng cây sequoia mà thôi. Cây cao nhất cao 100.30 m; đường kính gốc cây đến 5 m. Loại thông này sống đến 1,000 tuổi. Thông Oregon được dùng làm cây Giáng Sinh, làm nhà, cầu cây, cột cờ. Năm 1915, khi Panama tổ chức triển lãm, một cột cờ cao 91.10 m được làm bằng cây thông Oregon được dựng lên vào ngày khai mạc buổi lễ.

Cây thông mật (sugar pine) Pinus lambertiana có nhiều ở Bắc Mỹ và Mễ Tây Cơ. Cây cao từ 60- 80 m nên cung cấp một nguồn gỗ quan trọng. Nhựa cây thông này ngọt như đường. Thông mật có liên hệ đến cây thông trắng Pinus strobus đề cập ở phần trên. Tuổi thọ của cây thông mật có thể lên đến 800 tuổi.

Cây thông vỏ trắng (whitebark pine) Pinus albicaulis mọc trên núi từ cao độ 1,500 m trở lên. Loai thông này có vỏ trắng nhưng khác với cây thông trắng Pinus strobus. Nó không có hình nón như những loại thông khác. Cây thông vỏ trắng tăng trưởng rất chậm. Cây thông này chỉ cho nhiều gỗ khi được 200 tuổi!

Cây thông lông gà hay thông tre Podocarpus neriifolius thuộc gia đình Podocarpaceae. Đây là loại cây thông vùng khí hậu bán nhiệt đới. Nó được tìm thấy ở Hoa Nam, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Cambodia, Lào, Mã Lai, Taiwan (Đài Loan), quần đảo Ryu Kyu (Lưu Cầu- Nhật Bản), hải đảo Thái Bình Dương. Gọi là thông tre vì có người cho rằng lá của nó giống lá tre. Có người gọi là thông lông gà vì thấy lá của nó giống cái lông gà. Cây thông tre cao từ 20- 40 m; vỏ xám, có nhiều sợi. Trái to (karpus: trái- Hy Lạp ngữ) có hình chân (podos: chân) màu đỏ khi chín; hột rất cứng. Gỗ cây thông lông gà rất cứng nên được dùng để đóng tàu, xây dựng nhà cửa, làm dụng cụ âm nhạc. Người Anh gọi là brown pine (thông hung đỏ do màu của gỗ mà ra).

Cây thông rừng mà người Anh gọi là Larchvà Pháp gọi là Meleze có nhiều ở Bắc Âu, Trung Âu, Đông Âu, Bắc Mỹ, Tân Tây Lan. Tên khoa học là Larix decidua thuộc gia đình Pinaceae. Cây có thể cao đến 50 m. Gỗ dùng để đóng du thuyền. Dầu thông được lấy từ cây thông rừng này. Vỏ và nhựa cây thông rừngLarix decidua được dùng để trị bịnh về đường hô hấp, viêm đường tiểu, tiêu chảy, kiết lỵ, trùng lãi, kinh nguyệt bất thông. Người bị bịnh thận không được dùng. Ở Bắc Mỹ có cây thông rừng Larix laricinacao cao tối đa 20 m. Gỗ cây thông này được dùng làm giày đi tuyết, dụng cụ âm nhạc, cây cảnh bonsai, cột đèn điện, làm củi đốt. Ngày xưa thổ dân dùng vỏ cây thông Larix laricina (tamarack larch) để trị đau khớp xương, hoàng đản.

Cây thông vùng khí hậu lục địa và hàn đới được người Anh gọi là spruce âm từ tiếng Ba Lan Zpruss ám chỉ Prussia (nước Phổ trong nước Đức ngày xưa). Người Nhật gọi làshin- kaya mà gỗ được dùng làm bàn cờ. Cây thông vùng khí hậu lục địa và hàn đới có lá xanh quanh năm, nhiều nhánh lia chia và có hình nón được tìm thấy khắp các lục địa Á, Âu, Bắc Mỹ có khí hậu lục địa và hàn đới. Đại để thông hàn đới gồm có:

– Thông Picea glauca tức thông trắng ở Canada và Alaska

– Thông Picea purpurea tức thông tím ở Tây Bộ Trung Hoa

– Thông Picea abies ở Na Uy được dùng như thông cảnh, cây thông Giáng Sinh

– Thông Picea mariana là cây thông đen ở Bắc Mỹ

Cây thông khí hậu lục địa và hàn đới có thể cao đến 60 m; lá nhuyễn, trái dài và có nhiều mắt tựa như trái thơm. Thông hàn đới có công dụng đa dạng: trong kiến trúc, kỹ nghệ làm bột giấy, dụng cụ âm nhạc. Khung chiếc phi cơ đầu tiên do anh em Wright thí nghiệm được làm bằng gỗ cây thông hàn đới. Lá và nhựa thông hàn đới được dùng làm si- rô hay rượu bia. Người Anh gọi là Spruce Beer. Nhựa còn được dùng để làm chewing gum. Lá có nhiều sinh tố C. Người ta dùng lá để nấu nước uống ngừa chứng scorbutus hay scurvy do thiếu sinh tố C. Các nhà hàng hải Anh ngày xưa dùng phương pháp này để ngừa bịnh scorbutus cho thủy thủ trên tàu trong các cuộc hải hành xa xôi.

Cây thông Tây Bá Lợi Á Pinus sibiricathuộc gia đình Pinaceae được tìm thấy ở Bắc Hàn, Mãn Châu, Mông Cổ, Kazakhstan v.v. Loai thông này có trái to có vẩy màu đen mốc giống như trái thơm. Hột dùng để khai thác dầu để ăn, dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm hay kỹ nghệ dược phẩm. Tuổi thọ cây thông Tây Bá Lợi Á xê dịch từ 350 đến 550 năm. Cây già nhất lên đến 850 tuổi! Dầu thông Tây Bá Lợi Á dùng để trị béo phì (obesity), ngừa loét dạ dày, chống xơ động mạch, làm mịn da, nhuận trường, trị suyển, viêm phế quản, tăng cường hệ thống miễn nhiễm. Sự hiện diện của pinoleic acid C18 H30 O2 giải thích tính năng trị liệu chứng béo phì của dầu thông Tây Bá Lợi Á ở Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn.

Cây thông ở Nam Bán Cầu

Cây thông Bunya gốc ở Chile mang tên khoa học Araucaria bidwillii và thuộc gia đình Araucariaceae. Cây thông này được nhà thực vật học John Carne Bidwill (1815- 1853) nghiên cứu. Do đó trong tên khoa học có tên Bidwill của ông. Gọi là cây thông Bunya vì loại thông này được tìm thấy nhiều trong dãy núi Bunya (Úc Đại Lợi). Thổ dân tôn kính cây thông này. Nhờ vậy loài thảo mộc này được gìn giữ trọn vẹn.

Cây thông Bunya cao từ 30- 45 m; lá xanh quanh năm nhưng cây không có hình nón mà có đỉnh tròn. Trái thông Bunya to và có nhiều hột. Thổ dân ở Úc xay hột trái thông Bunya rồi để cho lên men để làm một loại bánh mì ngon. Người ta giữ hột bằng cách đặt hột dưới suối rồi dùng hột trái thông lên men để làm thức ăn. Gỗ cây thông Bunya được dùng để làm nhà, làm đàn để có âm thanh ấm. Cây thông Bunya được trồng quanh vùng Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California, các nước Nam Mỹ và Âu Châu. Trái cây thông Bunya cũng là nguồn thức ăn quan trọng đối với chim to lớn vì trái thông Bunya to, đường kính lối 35 cm, mỏ chim nhỏ không sao mổ nổi. Hột trái thông Bunya dài từ 3 dến 4 cm. Tuổi thọ của cây thông này có thể lên đến 500 tuổi.

Cây thông Chile được gọi là cây đuôi khỉ (hầu vĩ mộc)(Monkey tail tree) mang tên khoa học Araucaria araucana thuộc gia đình Araucariaceae. Cây cao đến 40 m; lá sần sùi như mặt lá có vây. Thân và nhánh cây cũng sần sùi. Cây không có hình nón mà có hình tròn. Cây thông Chile sống rất thọ nhưng gỗ không thông dụng như các loại cây thông khác. Cây không có nhánh ở phia dưới; thân sần sùi nên khỉ không leo lên được. Người Pháp gọi cây thông Chile này là desespoir des singes(nỗi thất vọng của loài khỉ). Người Anh gọi đơn giản làChile pine. Đó là quốc mộc của xứ Chile. Thực tế ngày nay cây thông Chile được tìm thấy ở Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Na Uy, Canada.

Cây thông đen gốc ở Tân Tây Lan mang tên khoa họcPrumnopitys taxifolia thuộc gia đình Prumnopityaceae và được thổ dân trên đảo gọi là Matai. Đó là một cây thông có vỏ màu hung đỏ và gỗ màu hung đỏ ngã đen. Cây cao từ 25- 40 m. Chữ taxifolia trong tên khoa học của cây thông đen cho thấy lá của cây thông đen thuộc lá thủy tùng (yew),màu vàng- xanh nhạt. Trái có nhiều cơm. Phải mất từ 12 đến 18 tháng trái mới già.

Nhựa cây thông đen dùng làm rượu bia Matai (Matai Beer). Gỗ cây thông đen cứng nên được dùng trong việc xây cất nhà cửa, đóng bàn, ghế, tủ.

Cây thông Kauri được tìm thấy ở Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Cây Kauri cao đến 55 m. Cây tăng trưởng rất chậm. Cây 30 tuổi chỉ cao lối 10 m. Nhưng tuổi thọ của cây Kauri xê dịch từ 600 đến 2000 tuổi! Lá cây Kauri không giống lá hình mũi kim của cây thông nhưng trái Kauri giống như trái thông. Trái già màu vàng cam. Dầu Kauri được dùng như dầu copal trong kỹ nghệ ở Tân Tây Lan. Nhựa cây Kauri dùng để sản xuất vẹt- ni.

Cây Giáng Sinh

Nói đến Giáng Sinh thi chúng ta liên tưởng ngay đến cây Giáng Sinh. Mùa Giáng Sinh rơi vào mùa đông giá buốt. Chỉ có các loại cây thông, tùng bách còn xanh tươi mà thôi nên người ta chặt cây thông và trang trí bằng ngôi sao nhỏ lấp lánh, hình tượng các Thiên Thần, trái cây, bóng đèn màu để mừng ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế. Một ngôi sao lớn và sáng được gắn trên đỉnh của cây Giáng Sinh. Ở Việt Nam cây thông rất hiếm nên vào mùa Giáng Sinh người làm hang đá bằng giấy màu và làm những ngôi sao bằng tre với nhiều màu sắc rực rỡ để chào mừng Chúa Giáng Sinh ‘trong máng cỏ, trong hang lừa’.

Cây Giáng Sinh xuất hiện trước tiên vào thời Phục Hưng (Renaissance) (?). Ngày nay người ta cho rằng nó xuất phát từ Đức vào thế kỷ XVI và lan sang các quốc gia Bắc Âu trước khi thâm nhập trên toàn lục địa Âu Châu và Mỹ Châu. Martin Luther (1483- 1546), người lãnh đạo Giáo Hội Cải Cách (Tin Lành), đã thắp đèn cầy trên đỉnh cây Giáng Sinh đầu tiên. Ở Hoa Kỳ mãi đến thập niên 90 của thế kỷ XIX cây Giáng Sinh mới được quảng bá rộng rãi. Mãi đến năm 1923 tổng thống Calvin Coolidge mới tạo ra truyền thống đặt cây Giáng Sinh trong tòa Bạch Ốc.

Thoạt tiên người ta vào rừng thông tìm một nhánh cây thông đẹp đem về nhà trang trí theo ý muốn của chủ nhà. Ngày nay ở Hoa Kỳ có 22,000 đồn điền trồng cây Giáng Sinh để bán hàng năm. Đó là những cây thông có tối thiểu từ 3 đến 4 tuổi. Những cây thông từ 5 đến 7 tuổi được bán với giá cao hơn. Vật trang trí cây Giáng Sinh có bán đầy đủ tùy theo sự lựa chọn, sở thích và túi tiền của người mua. Các tiểu bang California, Oregon, Michigan, Washington State, Wisconsin, Pennsylvania, North Carolina là những tiểu bang nổi tiếng về việc trồng cây thông Giáng Sinh. Có lối 1,500,000 acres đất được dùng để trồng cây thông Giáng Sinh (acre: 4,070 m2: 40.7% của hectare) và thu hút lối 100,000 nhân công vào việc trồng trọt và chăm sóc cây Giáng Sinh. Thông thường các cây Giáng Sinh bán chạy ngoài thị trường là:

– cây thông Scots Pine; tên khoa học: Pinus sylvestris

– cây thông Douglas Fir tức cây thông Oregon; tên khoa học: Pseudotsuga menziesii

– cây thông Fraser Fir ( Basalm Fir); tên khoa học: Abies fraseri

– cây thông trắng (white pine); tên khoa học: Pinus strotus

Ở Hoa Kỳ có hai loại cây Giáng Sinh:

a. cây Giáng Sinh tươi được liệng vào thùng rác sau ngày 25-12.

b. cây Giáng Sinh nhân tạo được bỏ vào bao để tránh bụi hầu trưng bày trong nhà vào những ngày Giáng Sinh sau.

****

Tôi chân thành cám ơn nữ thi sĩ Đặng Ngọc Lệ Khánh gợi ý về đề tài này khiến tôi nhớ đến:

– Nguyễn Công Trứ khi viết:

 Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

– ca dao Việt Nam đề cập đến những loại thảo mộc hình nón có lá xanh quanh năm như thông, tùng, bách:

 Ông Tiên ngồi dựa gốc tùng,

Phất phơ râu bạc lạnh lùng ông Tiên.

*

 Có gió lung mới biết tùng, bách cứng,

Có ngọn lửa lừng mới rõ thức vàng cao.

*

Tuế hàn tri tùng bách chi tâm.

– nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (1899- 1943), người dùng bút hiệu Thông Reo khi viết những bài bình luận chánh trị. Tôi xin cúi đầu ngưỡng mộ một trí thức Tây học xuất thân từ một gia đình giàu có ở Hóc Môn, Gia Định, đã từ bỏ cuộc đời nhung lụa để đấu tranh cho độc lập xứ sở và hạnh phúc của dân tộc và chấp nhận cái chết âm thầm ngoài Côn Đảo. Chuông Tự Do đã bể (Ông chủ trương tờ La Cloche Fêlée- Chuông Nứt). Dưới tuyền đài không biết hồn ông đã mãn nguyện hay vẫn còn ray rứt triền miên. Ông vẫn còn sống và sống mãi mãi vì ‘anh hùng tử nhưng danh bất tử’ và người chết vẫn còn sống nếu vẫn có người sống nhắc đến tên minh. Xin ông nằm yên giấc trong giấc ngủ thiên thu giữa tiếng gầm thét của đại dương và tiếng gió rú kinh hoàng của đại phong.

– quí linh mục Thuấn (Phạm), Thuấn (Đinh), Thiều (Vũ), Trân (Đinh), Dương (Nguyễn), Sơn (Nguyễn), Tiên (Nguyễn), Thanh (Phạm), Thành (Phùng) vào những ngày Giáng Sinh nửa thế kỷ trước. Năm nào đến dịp Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán tôi đều được quí cha tặng rượu lễ. Là người ngoại đạo, gia đình tôi vẫn tổ chức ăn Giáng Sinh hàng năm bằng gà tây như người Mỹ cử hành lễ Thanksgiving vậy. Ở Việt Nam phần lớn những người nuôi thỏ và gà tây đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Để có  gà tây ăn Giáng Sinh tôi nhờ cha Trân, dòng Đa Minh (Dominicain), chỉ cho mua. Cha chỉ tới một tu viện gần hồ tắm Thủy Tiên Thủ Đức. Tôi đến đó và gặp một tu sĩ người ngoại quốc. Sau buổi nói chuyện tôi được biết ông là người Đức. Tôi nói tôi muốn mua một con  gà tây để ăn réveillon. Vị tu sĩ hỏi lại tôi bằng tiếng Việt: “Ông muốn mua  gà tây đàn ông hay đàn bà?” Nhờ đi mua gà tây mà tôi học được gà đàn ông và gà đàn bà. Lời nói đơn giản và thân thương nay còn đâu nữa! Tôi muốn nghe lại nhưng không biết nghe ở đâu?

Tôi xin mượn những dòng chữ vô hương, vô sắc và vô vị này để gởi lời chúc Giáng Sinh và Tân Niên 2015 đến quí cha và các thân hữu. Mong rằng lời chúc này như nguồn nước mát không màu sắc, không hương vị nhưng ai cũng cần và ai cũng dùng trong suốt quá trình sống của mình.

Giáng Sinh Vui Vẻ

Tân Niên Vạn Phúc

Hòa Bình Trong Tâm

Hòa Bình Trên Trái Đất

http://www.art2all.net/tho/phamdinhlan/phamdinhlan_noichuyencaythong.html

Vui cười

Honoré de Balzac rất thích bói chữ. Ông vẫn tự cho mình có tài về khoản này. Một hôm, một bà cụ đưa cho ông xem một cuốn vở đã cũ và nhờ ông đoán giúp tính tình, số phận của cậu học trò đó.  Honoré de Balzac chăm chú xem cuốn vở, lật đi lật lại hồi lâu rồi nhận xét:

– Xin lỗi bà, dầu điều này có làm bà phiền lòng, tôi cũng buộc phải nói thẳng ra rằng, đứa bé này cẩu thả, đần độn. Sau này may mắn lắm nó cũng chỉ làm nổi một chức thầy ký tỉnh lẻ là cùng.

Khi Balzac ngừng lời, bà cụ chậm rãi nói:

– Ông Balzac ạ, lẽ nào ông lại không nhận ra bà giáo cũ và cuốn vở của ông?

 

Ông Già Nô En Bị Treo Cổ Và Hỏa Thiêu – Nguyễn Thị Cỏ May

Ở các nước Công giáo, nhứt là Tây phương, khi nói tới lễ Giáng sanh không thể không nhắc tới giai thoại về Ông Già Nô En leo ống khói lò sưởi đi xuống, vào nhà để phát quà và bánh kẹo cho trẻ con ngoan. Một ông già râu bạc, áo choàng màu đỏ, đúng là hình ảnh tượng trưng cho một con người hiền từ, thương yêu trẻ con, từ suốt nhiều thế kỷ qua, đã làm cho trẻ con, cứ tới ngày 24 tháng 12, ra đứng bên cửa sổ ngóng trông, mở to mắt nhìn lên nền trời, chờ chiếc xe nai (lộc – rennes), và tiếng cười của Ông Già Nô En, để reo mừng ông sắp tới.

Nhưng Ông Già Nô En của trẻ con lại bị hỏa thiêu trước Thánh đường Dijon! Chẳng lẽ, cũng như xưa nay, người hiền lành thường bị nạn? Mà ông lại bị nạn thật khủng khiếp.

Ông Già Nô En bị hỏa thiêu trước nhà thờ

Nhựt báo France Soir (đình bản từ lâu) số ra chiều ngày 24 tháng 12 năm 1951 tại Paris loan một tin tức mang  tính thời sự cuối năm làm cho mọi người có dịp liếc qua cái tít đều không khỏi sửng sốt «Ông Già Nô En bị hành hình».

Tiếp theo dưới tít những dòng giới thiêu nội dung bài báo, viết rõ hơn “Ông  Già Nô En bị hành hình: ông bị hỏa thiêu  trước mặt hằng  trăm trẻ con ngay tại Công trường Thị xã Dijon (miền Trung nước Pháp). Ông Thị trưởng của Dijon vắng mặt, không tham dự cuộc hành hình này».

Bài báo viết tiếp “Ông Già Nô En bị treo cổ trưa hôm qua, tức trưa ngày 23 tháng 12 năm 1951, ngay trước rào sắt của nhà thờ chánh tòa Dijon và bị hỏa thiêu trước công chúng. Sự hành hình ngoạn mục này diễn ra trước mắt hằng trăm trẻ con của giới chủ nhơn. Và cũng được giới tăng lữ chấp thuận vì các tăng lữ đã từng lên án Ông Già Nô En là kẻ tiếm danh và không được giáo hội thừa nhận. Ông bị các tăng lữ buộc tội là kẻ tục hóa thánh lễ  Giáng sanh và chiếm đoạt một vị trí quá ưu đãi của lễ. Người ta còn trách ông đã tiến vào các trường học công lập chiếm đoạt chỗ của máng cỏ thiêng liêng».

Bài báo viết rõ hơn «Đúng 3 giờ chiều Chủ nhựt, ông già hiền lành đau khổ, râu bạc phơ, đã phải trả cái giá cho một lỗi lầm mà những kẻ từng ngưỡng mộ ông, tôn sùng ông, mới là kẻ có tội. Ngọn lửa bốc lên thiêu rụi bộ râu của ông và ông đã ngã xuống trong đám khói đen».

Sau cuộc hành hình, một thông cáo phổ biến với nội dung như sau:

“Đại diện cho những gia đình Công giáo của Giáo xứ muốn chống lại sự nói dối, 250 trẻ con, tập họp trước cổng chánh của nhà thờ Dijon, đã hỏa thiêu Ông Già Nô En.

Đây không phải là một việc làm để tiêu khiển, mà là một cử chỉ tiêu biểu. Ông Già Nô En đã hi sanh vì tôn giáo. Ông chết vì đạo! Thật ra, sự nói dối không thể đánh thức tình cảm tôn giáo ở trẻ con và cũng không thể là một phương pháp giáo dục.

Với chúng tôi, người Công giáo, lễ Nô En phải luôn luôn là lễ sanh nhựt của Chúa Cứu thế».

Sự hành hình Ông Già Nô En trước Công trường nhà thờ đã được đông đảo dân chúng hoan nghênh và đón nhận nhiều lời phê bình mạnh dạng của người Công giáo.

Nhưng sự hỏa thiêu Ông Già Nô En liền chia rẽ dư luận sau đó.

Có 2 Dijon và Ông Già Nô En phục sinh

Khói lửa vừa tan, thành phố Dijon chờ sự phục sinh của Ông Già Nô En bị hỏa thiêu chiều hôm qua ở Công trường nhà thờ. Ông sẽ sống lại tối nay, vào 6 giờ, tại Tòa Thị xã Dijon. Thật vậy, một thông cáo chánh thức vừa được phổ biến, như hàng năm, kêu gọi trẻ con Dijon tập họp ở Công trường Giải phóng trước Thị xã. Tiếng nói phát ra từ chiếc máy phóng thanh trên mái Tòa thị xã và âm thanh như lướt theo áng sáng của những chiếc đèn pha.

Cùng ở Âu châu, ở Hòa-lan tiếp nối biên giới Pháp, và các nước Bắc Âu, người ta cho rằng Ông Già Nô En là biến thể cuối cùng của thánh Nicolas. Ở đó, trẻ con chờ thánh Nicolas cho quà vào ngày lễ cuối năm. Và cũng không phải ngày Nô En.

Vào thời Trung cổ, ở Flandre, Lorraine và Hòa-lan, thánh Nicolas xuất hiện để cho quà trẻ con vào ngày 6 tháng 12. Người làm thánh Nicolas, không phải người lớn, đi xe nai từ trên Trời đáp xuống ông khói lò sưởi, mà là trẻ con mang râu trắng, choàng chiếc áo giám mục, tới từng nhà, phát quà cho trẻ con ngoan, đồng thời, Ông Già Fouettard, tay cầm chiếc roi, hăm dọa phạt đòn những đưa trẻ nào không biết vâng lời thầy cô, cha mẹ.

Có thuyết nói rằng Ông Già Nô En ở Mỹ là thánh Nicolas xuất hiện từ Santa Claus và qua Pháp vào Đệ I Thế chiến trở thành Ông Già Nô En. Ông thánh Claus mặc áo choàng, quần đỏ, người phải mập tròn, miệng luôn luôn cười, đúng hình ảnh người Mỹ chánh gốc – không phải người Mỹ gốc Việt – vì người Mỹ chánh gốc biểu hiện ở bản thân sự dư thừa vitamines.

Nhưng theo nhà nhơn chủng học  Lévi-Strauss, Ông Già Nô En và những lễ lộc không phải là một sự sáng tạo gần đây, mà đó là sự phục hồi và đổi mới những điều đã có theo từng thời kỳ. Cả phát quà, cây thông, giấy gói quà, mọi thứ đều phát xuất từ những tập tục đã có từ trước và chỉ được lập lại. Cả đó là thánh Nicolas, là lễ ma Halloveen, Ông  Già Fouettard, Ông Già Nô En và nhiều nhơn vật nữa thay đổi vai trò với nhau hay đối nghịch nhau, kẻ thiện người ác, từ hằng chục thế kỷ qua. (Claude Lévi–Strauss, «Le Père Nô En supplicié», đăng lần đầu tiên trong tập san Les Temps Modernes, số 3/1952, Paris và tái bản bỡi nhà Sables, 1996).

Cho tới thế kỷ XX, các nước theo văn hóa La-tin và Công  giáo, chọn thánh Nicolas còn các nước Anglo-saxons thì lại chọn quan hệ đối nghịch như lễ ma Halloween đi liền với Giáng sanh.

Tuy thánh Fouettard vẫn là nhơn vật không thể thiếu trong lễ Nô En nhưng phần lớn trẻ con không biết ông. Vì chúng không mấy yêu ông?

Mà đúng là trẻ con khó yêu ông thiệt. Mà còn sợ ông xanh mặt mỗi khi nghe nói ông sẽ tới. Ông hoàn toàn trái ngược với Ông Già Nô En, cả về cách cư xử với trẻ con và ngoại hình. Ngoài vai trò phạt trẻ con, trai cũng như gái, không ngoan, Ông Già Fouettard có bộ râu dài, khi màu đen, khi màu đỏ, mặc áo choàng đen, mang đồi ủng lớn hoặc đôi guốc gõ lốc cốc vang lên theo mỗi bước đi, nhứt là cái mũ của ông có hai cái sừng trông ghê sợ.

Dễ sợ hơn nữa, ông còn có cái đuôi làm cho trẻ con tưởng tượng đó là con quỉ. Trẻ con phải ù chạy trốn khi nghe ông tới vì cứ mỗi bước đi, ông quất ngọn roi vang tiếng «tróc tróc», từ đó có tên của ông là Fouettard (fouet là cây roi, fouetter là quất roi). Không phải chỉ có cây roi làm cho trẻ con sợ mà trên người của ông còn mang nhiều thứ lạ lùng khác như dây xích, chuông, lục lạc, …

Nguồn gốc Ông Già Fouettard, cho tới ngày nay, vẫn còn là một điều huyền bí. Khó có ai biết rõ ông sanh ra ở đâu bởi nguồn gốc của ông thay đổi từ xứ này qua xứ khác mặc dầu hình ảnh của ông vẫn không thay đổi. Nhưng cái thời điểm được nhiều người chấp nhận là ông sanh vào giữa thế kỷ XVI.

Người ta nhớ lại các thầy giáo kết hợp Ông Già Nô En với Ông Già Fouettard, hai hình ảnh tiêu biểu sự thưởng phạt, để khuyến khích trẻ con ngoan hiền và chăm học.

Sẽ không còn lễ Nô En?

Lễ Nô En kỷ niệm ngày sanh của Đấng Christ. Như vậy nay là năm thứ 2018. Nhưng nó sẽ không bị mất tên gọi khi xã hội diễn biến đã cuốn theo bao nhiêu sự thay đổi?

Ai cũng biết Pháp là nước Công giáo hơn các nước khác ở Âu châu. Vì  hoàn cảnh chánh trị mà vào thế  kỷ  thứ  XIV, Pháp từng là quê hương của 9 vị Giáo hoàng và thành phố Avignon ở Miền Nam nước Pháp vì đó được biến thành Thủ đô Thiên chúa giáo.

Nhưng năm nay, thiệp chúc Nô En của cả tổ chức Công giáo lại không ghi «Chúc mừng Giáng sanh» mà ghi rõ «Chúc mừng lễ cuối năm». Biểu ngữ, đèn hoa trên đường phố năm nay, phần lớn, cũng mang những câu rất hiền lành như «Chúc mừng lễ», «Chúc mừng Năm mới». Tuyệt nhiên trên đèn màu không còn hình ảnh Đức Mẹ với Chúa Hài đồng. Máng cỏ, cây thông cũng vắng ở nhiều nơi công cộng như trường học, công sở.

Trưởng Nữ của Giáo hội muốn tránh đụng chạm tới Hồi giáo để nước Pháp được yên lành, không bị Hồi giáo khủng bố? Hay vì tôn trọng luật thế tục của chánh phủ xã hội chủ nghĩa? Hay muốn thật sự cởi bỏ cái mặc cảm gốc rễ từ thời Giáo hội bao trùm lên toàn xã hội Pháp?

Trên thực tế, lễ Giáng sanh ngày nay đã trở thành ngày Hội vui chơi, buôn bán và được quốc tế hóa. Ngoại trừ các nước với chánh quyền Hồi giáo.

Sự việc Ông  Già Nô En bị treo cổ và hỏa thiêu trước nhà thờ Dijon năm 1951 đã không khỏi gây bất ổn khá trầm trọng trong dư luận chánh giới Pháp. Người ta tự hỏi phải chăng những người làm chánh trị của ta không biết tìm cách nào khác hơn để chia rẻ thêm xã hội đã phân hóa thành nhiều mảnh vụn hơn là dựng những máng cỏ nơi công cộng?

Để can thiệp vào tình hình xã hội biến chuyển khá phức tạp, Viện Quốc Chánh đã ban hành một quyết định thận trọng cho phép làm máng cỏ Giáng sanh ở các Tòa Thị xã, nhưng kèm nhiều điều kiện rất gắt gao để tránh mọi hiểu lầm là có hậu ý tuyên truyền tôn giáo. Chưng bày máng cỏ phải hoàn toàn thể hiện tính văn hóa, tính nghệ thuật hoặc lễ lạc mà thôi. Quyết định của Viện Quốc Chánh có nhắc lại coi việc chưng bày máng cỏ ở nơi công cộng có thât sự đáp ứng «nhu cầu tại chỗ» hay không? Máng cỏ trong mọi trường hợp phải không ngụ ý nêu lên một hình thức «thờ cúng» hoặc một «ưu thế tôn giáo».

Viện Quốc Chánh mà còn phải dè dặc để mong tránh mích lòng những di dân Hồi giáo ở Pháp thì Trưởng Nữ của Giáo hội chắc một ngày nào đó sẽ phải sống lưu vong thôi! Nhưng đừng qua Việt nam vì Huyện ủy Nhà bè năm nay ra lệnh cấm dân chúng làm lễ Nô En.

Cộng sản mà. Tôn giáo vẫn là xì-ke nguy hiểm!

 

Macron: khung cửa hẹp – Từ Thức

Tổng thống Pháp hôm thứ Hai đã công bố một loạt những quyết định nhằm xoa dịu bất mãn, dập tắt ngọn lửa nổi loạn của những người Áo Vàng ( Gilets Jaunes ) đang làm tê liệt nước Pháp .

Trong 13 phút diễn văn, với con số người theo dõi kỷ lục : 23 triệu ( trên dân số 66 triệu ), chưa kể các đài phát thanh, các mạng lưới xã hội, Emmanuel Macron phải làm một việc cực kỳ khó là thuyết phục những người Áo Vàng là ông ta đã lắng nghe, đã hiểu và đáp ứng nguyện vọng, đòi hỏi của họ, đồng thời thuyết phục những người khác là chính phủ đã không thay đổi đường lối, vẫn còn đủ mạnh để quản trị nước Pháp và nhất là cải cách nước Pháp.

Người làm xiếc

« Người làm xiếc đi trên dây rất khó » , nhưng không khó bằng Macron..

Trước hết, phải tỏ ra vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo.

Cứng rắn với những nhóm cực đoan, Macron tuyên bố sẽ không tha thứ những hành động bạo hành, đốt phá, lên án những chính trị gia cực tả hay cực hữu đã tìm mọi cơ hội đổ dầu vào lửa, đe dọa cả thể chế dân chủ

Ôn hòa với những người biểu tình, Macron xin lỗi trong quá khứ đã có những thái độ, lời nói có thể khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm.

Người ta nghĩ tới những câu tuyên bố của Macron, được các nhóm biểu tình không quên nhắc lại. Thí dụ, nói với một người trẻ than không kiếm ra việc làm : «  việc làm, chỉ việc băng qua đường là có » ( ám chỉ việc hàng năm có 300.000 chỗ làm không kiếm ra người, vì là những việc nặng nhọc ). Thí dụ : nước Pháp đã bỏ ra một đống tiền điên rồ ( un fric de dingue ) để làm việc xã hội mà không làm ai thỏa mãn ( ám chỉ ngân sách 57% PIB dành cho các dịch vụ xã hội, trợ cấp đủ loại, một kỷ lục thế giới ). Những câu nói, ở một nước khác, chắc chẳng ai để ý, ở Pháp đủ để đẩy nhiều người xuống đường.

Điều người ta chờ đợi hơn cả là những quyết định để thoả mãn ít hay nhiều những người biểu tình rầm rộ từ gần một tháng nay.

Macron công bố 4 quyết định cụ thể, sẽ áp dụng ngay tháng tới :

-tăng mức lương tối thiểu, gọi là SMIC, 100 euros ( trên 100 dollars ) mỗi tháng

-bỏ thuế cho lương làm thêm ( overtime )

-hủy tăng thuế an sinh cho những người về hưu có lợi tức dưới 2000 euros/ tháng

-bỏ thuế cho những phần thưởng cuối năm các hãng xưởng dành cho nhân viên .

 Đơn giản nhưng… phức tạp

Những biện Pháp trên, nhìn từ xa, có vẻ đơn giản. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao không ban hành ngay khi có những đám biểu tình. Sự thực, với nước Pháp, cái gì cũng phức tạp. Với những biện pháp trên, người làm xiếc cũng phải tìm cách đu giây cho khỏi té.

1.TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU, trên lý thuyết, là chuyện nên làm. Ít nhất để khuyến khích dân kiếm việc làm, tránh trường hợp người ngồi chơi xơi nước, nhận đủ loại trợ cấp, có lợi tức gần như hay đôi khi nhiều hơn người đi làm lương SMIC .

Vấn đề là tăng SMIC sẽ khiến giá thành của các sản phẩm của Pháp đã cao, sẽ cao hơn nữa, rất khó cạnh tranh với những nước láng giềng, chưa kể hành hóa Tàu, Ấn, Pakistan..Và hậu quả trước mắt là khoảng 30% các hãng sở nhỏ sẽ sa thải nhân viên hay phá sản.

Để tránh tình trạng đó, Macron quyết định 100 euros đó các hãng sở sẽ không trả đồng nào, nhà nước sẽ cáng đáng. Một hình thức trợ cấp cho người có lương nhỏ hơn là tăng lương

-2 HUỶ VIỆC TĂNG ÁP THUẾ cho những người về hưu có lợi tức dưới 2000 euros , sẽ làm dịu bớt sự bất mãn của những người cao tuổi, nhưng những người trên 2000 thấy mình bị bỏ quên, và những người tiền hưu quá thấp thất vọng vì không được gì, so với những người đi làm

-3. HỦY THUẾ CHO LƯƠNG ‘’OVERTIME’’, nghĩa là tiền lương, thường thường trả gấp 2 cho những giờ làm việc ngoài 35 giờ/ tuần, hay hơn nữa, nếu làm việc ngày lễ hay cuối tuần. Ở Pháp, trên 1000 đồng tiền lương, chỉ trên dưới 700 rơi vào túi bạn, sau khi trừ các đóng góp cho xã hội, nhưng chủ hãng phải xuất trên dưới 1300 với cùng một lý do. Sau đó mới tính chuyện đóng thuế, nếu lợi tức tới mức phải đóng thuế.

Biện pháp miễn thuế, miễn đóng góp xã hội được cả nhân viên lẫn các hãng xưởng hoan nghệnh, dân ủng hộ. Vấn đề là ngân quỹ nhà nước sẽ thâm thủng hơn nữa. Nhất là nạn thất nghiệp sẽ gia tăng, hay ít nhất khó thuyên giảm, vì các hãng xưởng không tuyển người nữa, vì trả nhân viên làm ‘’overtime ‘’ ít tốn kém hơn và đỡ nhức đầu với luật lao động, khi phải sa thải khi nhân viên nhiều hơn công việc

-4. BỎ THUẾ cho các tiền thưởng sẽ khuyến khích các hãng sở hăng hái hơn trong việc tặng tiền thưởng cuối năm cho nhân viên, ít nhất 1000 euros. Vấn đề là nhiều hãng nhỏ, hay gặp khó khăn, sẽ không thực hiện khuyến cáo này. Vẫn còn những bất công giữa những nhân viên làm cho các hãng sở nghèo, so với nhân viên các công ty lớn, ngoài tiền thưởng còn có lương tháng 13, 14, tiền chia lời ( participation ) vv..

Khung cửa hẹp

Dù quyết định gì, Macron cũng ở trong một khung cửa hẹp ( mượn chữ của André Gide : La porte étroite ).

1.Thứ nhất, trên phương diện NGÂN SÁCH.

Những quyết định trên, Macron bắt buộc phải làm nếu không muốn nước Pháp càng ngày càng rối loạn. Nhất là đời sống càng ngày càng khó khăn của những người không theo kịp sự thay đổi của thời đại thế giới hóa là một thực tế . Nhưng các quyết định đó sẽ tốn cho ngân sách 10 tỉ Euros, hay đúng hơn từ 13 tới 15 tỉ nếu tính cả những số tiền mất mát vì ‘’ xóa thuế giảm nghèo ‘’. Có người nói : 13 phút ( diễn văn ), 13 tỉ.

Hiện nay, số lạm chi ( déficit) của Pháp là 2,8% PIB . Nước Pháp khó hạn chế mức lạm chi dưới 3%, như đã ký kết với Liên Hiệp Âu Châu. Âu Châu đặt ra nguyên tắc này để các quốc gia thuộc Liên Hiệp phải thận trọng trong việc chi tiêu để tránh lạm phát. Những nước vi phạm quy uớc sẽ bị phạt nặng.

Với các biện Pháp vừa ban hành, người ta xích lại gần con số 3,5 % trong năm tới

Hơn cả chuyện tiền bạc, vấn đề uy tín. Macron vẫn có tham vọng lãnh đạo Âu Châu, từ khi bà Merkel gặp khó khăn ở Đức, Anh ra khỏi Liên Hiệp, Ý rơi vào tay những đảng dân tuý.

Tham vọng đó ngày nay đã nguội với hình ảnh bạo động ở Paris, sẽ lạnh thêm nếu Pháp bất chấp Liên Hiệp, để mức lạm phát vượt quá 3%

2 . Thứ hai, trên phương diện CHÍNH TRỊ

Macron không thể làm khác hơn, nhưng uy tín đã bị sứt mẻ. Macron từ khi ra tranh cử, tới những ngày gần đây, vẫn chê những người tiền nhiệm không có can đảm cải cách nước Pháp. Chỉ vài nhóm xuống đường là nhượng bộ, chấp nhận mọi yêu sách, xếp những dự án cải cách vào ngăn kéo.

Macron vẫn chủ trương phải củng cố kinh tế trước, phải giải quyết nạn thất nghiệp trước, khi kinh tế lành mạnh, lúc đó nhà nước sẽ có phương tiện làm việc xã hội. Chính vì vậy, ngay khi nhậm chức, Macron đã giúp đỡ các hãng xưởng trước khi giúp đỡ các cá nhân. Chính vì vậy, Macron quyết định bãi bỏ thuế tài sản ISF để ‘’ những nhà giầu khỏi bỏ nước ‘’ , mang tiền bạc tới định cư ở những nước láng giềng.

ISF ( Impôt de Solidarité sur la Fortune ) là thuế duy nhất trên thế giới, đánh trên những người có tài sản hay bất động sản, sau khi đã nộp thuế lợi tức.

Các đảng đối lập không ngớt nhắc tới chuyện bỏ ISF và đã thành công trong việc gán cho Macron hình ảnh ‘’ Tổng Thống của nhà giầu’’.

Một lần nữa, người ta thấy cái lợi hại không giới hạn của các mạng xã hội.

Với quá khứ là cựu nhân viên cao cấp trong ngân hàng, với những câu tuyên bố vụng về, Macron trở thành một đối tượng căm hờn trên Facebook. Macron lãnh đủ tất cả những bất mãn của mọi tầng lớp xã hội từ hàng nhiều thập niên. Điều đó giải thích tại sao đã có nhiều Gilets Jaunes đi theo những nhóm cực tả, cực hữu, những ‘’casseurs ‘’nhà nghề trong các hành động đốt phá. Ai cũng muốn mình hăng hơn người khác, có photo của mình ngoạn mục trên mạng

Macron không nhượng bộ , không tái lập ISF, dù hiểu rằng đó sẽ là một võ khí lợi hại của các phe đối lập, cực tả hay cực hữu để thuyết phục những người bất mãn là tất cả những khó khăn của họ là vì Macron không muốn lấy tiền của người giầu.

Macron không muốn tái lập ISF để không muốn cho giới đầu tư tiếp tục nghĩ Pháp là nước không ổn định. Kinh tế xây dựng trên sự tin cẩn. Sẽ không ai muốn đầu tư, nếu chính phủ thay đổi chính sách mỗi sáng thứ Bẩy.

Yếu tố đó càng quan trọng hơn nữa đối với Macron trong giai đoạn ông ta đang tìm mọi cách để dụ những công ty lớn tới Pháp, khi họ đang và sẽ bỏ Anh Quốc, vì sợ hậu quả của Brexit.

Giòng sông không êm đềm

Câu hỏi đặt ra là Macron còn đủ uy tín, nghị lực và khả năng chính trị để cải cách nước Pháp hay không.

Macron đã thực hiện nhiều cải cách ( hệ thống hỏa xa, chương trình giáo dục, luật lao động..) mà những người tiền nhiệm không đụng tới, nhưng trước mắt còn những cải cách gay go hơn nữa.

Thí dụ cải cách hệ thống hưu bổng, cực kỳ quan trọng trong một xứ càng ngày càng nhiều người về hưu. Nước Pháp có hàng chục chế độ hưu bổng, hành trăm ‘’ngoại lệ ‘’ bất công, đôi khi kỳ cục, nhưng không chính quyền nào dám xóa tất cả để tạo một hệ thống hưu bổng duy nhất, hợp lý hơn, công bằng hơn, vì sợ dân đổ xuống đường để bảo vệ các ưu đãi, trên nguyên tắc chỉ có ở Pháp : nguyên tắc ‘’ ce qui est acquis est acquis ‘’ ( những gì tôi đạt được, sẽ không ai lấy lại được ). Cựu thủ tướng Michel Rocard nói : việc cải tổ hưu bổng sẽ làm đổ ít nhất 3 chính phủ.

Macron có phục hồi được uy tín hay không, điều đó tùy khả năng có thể thay đổi đời sống hàng ngày của người dân hay không.

Ba tuần lễ xáo trộn cho Macron một bài học : chính trị, không phải là lý thuyết, trước hết là những ưu tư hàng ngày.

Ngay sau khi đọc diễn văn, Macron đã triệu tập các chủ ngân hàng và thành công trong việc thuyết phục đã chấp thuận sẽ bãi bỏ tất cả dự án tăng lệ phí ngân hàng trong năm tới, 2019 ; và hạn chế  tối đa 25 euros tiền phạt những người có vấn đề, như xài quá số tiền mình có. Tới nay, mỗi lần có vấn đề, ngân hàng lợi dụng để phạt nặng, càng nghèo càng bị phạt nặng, vì ngân hàng, muốn giữ khách sộp, chỉ châm chước cho những người có lợi tức cao.

Macron tuyên bố tất cả những tổng giám đốc các công ty có hoạt động, trụ sở ở Pháp sẽ phải đóng thuế ở Pháp

Chính phủ Pháp cho hay những công ty quốc tế làm ăn ở Pháp sẽ phải đóng thuế ở Pháp, đặc biệt là nhóm gọi là GAFA ( Google, Amazon, Facebook, Apple ) với lợi tức khổng lồ mà các nhóm Gilets Jaunes vẫn tố cáo.

Sự thực, muốn các nhóm này đóng đủ thuế, phải có một công ước quốc tế, chuyện không thể thực hiện được, nhất là với Donald Trump, vì tất cả những nhóm này đều là các công ty Mỹ . Hay ít nhất một thoả hiệp giữa các nước Âu Châu, chuyện cũng không dễ, vì nước nào cũng hy vọng nếu GAFA bỏ một nước vì thuế má, sẽ chạy sang nước mình, mang theo dịch vụ và công ăn việc làm.

Tóm lại, con đường trước mặt Macron đầy chông gai, không phải là một giòng sông êm đềm, trừ khi muốn vay thêm nợ ( nợ của Pháp hiện nay đã lên tới 99% PIB ) để thoả mãn đòi hỏi chính đáng hay không, của bá tánh.

Hiện nay, Pháp vay nợ với tiền lời gần với zéro phần trăm ; chỉ cần một vài dấu hiệu bất ổn, tiền lời sẽ tăng lên. Như tiền lời ở Tây Ban Nha có lúc lên tới 10% , Hy Lạp 20 % , trên nguyên tắc người ta chỉ cho nhà giầu vay tiền )

Nếu không vay nợ, tiền đâu để thanh toán các biện pháp đó, nếu không tăng thuế giới trung lưu, những người không đủ giầu để dọn nhà sang Thụy Sĩ, Luxembourg, Belgique, không đủ nghèo để lãnh trợ cấp đủ loại, không đủ đoàn kết để gây áp lực, để chặn đường, để đốt phá, lương lậu trên giấy trắng mực đen, khó che mặt sở thuế như rất nhiều giới khác.

Từ trước tới nay, bao giờ giới này cũng là con dê tế thần. Cái phiền cho Macron : đó chính là những cử tri đã đưa Macron vào Elysées

Stop ou encore ? Ngưng hay tiếp tục

Truyện trước mắt : các món quà Giáng sinh của Macron có dập tắt phong trào Gilets Jaunes hay không ?. Sau diễn văn của Macron, đa số dân Pháp ủng hộ các biện pháp, mặc dù nhiều giới vẫn ấm ức thấy mình bị bỏ quên . 54 % nghĩ phong trào Áo Vàng nên tiếp tục, so với 70% những tuần trước.

Trong hàng ngũ Áo Vàng, hai khuynh hướng : những người muốn ngưng vì đã thoả mãn một phần lớn các yêu sách ; một khuynh hướng, đa số là cử tri của các đảng cực tả hay cực hữu, muốn đi tới cùng, nghĩa là muốn Macron từ chức.

Các lãnh tụ cực tả như Mélenchon, hay cực hữu, như Le Pen đều xúi những người biểu tình theo con đường này, để dồn Macron vào đường cùng, giải tán quốc hội, bầu cử lại.

Rất nhiều người áo vàng muốn tiếp tục vì ghiền cái không khí huynh đệ bên đống lửa góc đường, những ngày mùa đông. Có người nói  ”tôi có một gia đình mới ”. Nhiều ” lãnh tụ ” địa phương, hôm trước vô danh, hôm sau xuất hiện mỗi ngày trên TV, hôm trước có hai ba ” friends ”, hôm sau hàng trăm ngàn ” followers ”

Phía chính phủ, người ta hy vọng những quyết định của Macron sẽ làm yên những người ôn hoà, những người thấy phong trào phản kháng đã có hậu quả đáng ngại tới các sinh hoạt kinh tế. Những người có cảm tình với Gilets Jaunes nhưng muốn đời sống bình thường trở lại. Những thương gia tham dự phong trào vì bất mãn về thuế má, đã thấy việc làm ăn buôn bán của họ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là trong những tuần lễ trước Giáng Sinh, trước những ngày lễ cuối năm là giai đoạn quan trọng nhất đối với thương gia.

Một yếu tố khác, là yếu tố thời sự. Giờ này, chuyện dư luận Pháp chú trọng nhất không phải là Gilets Jaunes, mà là chuyện thảm sát ở chợ Tết Strasbourg, ít nhất 3 người chết và 14 người bị thương, với nhiều dấu hiệu cho thấy đó là một cuộc khủng bố.

Nước Pháp sẽ đi về ngả nào ? Sẽ quay trở lại với ‘’ vieux monde ‘’ ( thế giới cũ ), sống như thế giới chưa hề thay đổi ; hay sẽ nhân cơ hội này, thay đổi toàn diện, đặt tất cả vấn đề lên bàn để cùng nhau giải quyết, như De Gaulle đã tâm sự với Raymond Aron : ‘’ nước Pháp chỉ cải cách SAU những cuộc cách mạng.’’

Phải nghĩ gì về phong trào Áo Vàng ?. Những người chống chỉ trích những đòi hỏi không giới hạn, nhất là những bạo hành làm tê liệt quốc gia. Những người ủng hộ trả lời : từ trước tới nay, những thay đổi xã hội đều là kết quả của đấu tranh.

Sự thực, như thông lệ, có lẽ nằm, hay đứng, ở giữa.

Từ Thức, Paris 12 DEC 2018

( tuthuc-paris-blog.com )

https://www.tuthuc-paris-blog.com/home/macron-khung-c%E1%BB%ADa-h%E1%BA%B9p

 

Vui cười

Một cụ ông tuổi cuối thu mới sắm được một đôi giầy rất ưng ý. Vừa bước vào nhà, cụ liền khoe với cụ bà: “Này bà! Bà có nhận ra điều gì khác lạ trên người tôi không?”

 Cụ bà nhìn sơ rồi đáp:

– Tôi chẳng thấy gì khác lạ cả! Vẫn cái áo ông mặc từ tuần trước. Cái quần vẫn cáu bẩn như vậy!

Bực mình, cụ ông vào phòng cởi bỏ hết quần áo, đi ra hỏi bà vợ:

– Thế nào, bây giờ bà có thấy điều gì khác lạ trên người tôi chưa?

– Tôi chẳng thấy điều gì khác lạ cả! Vẫn là cái “kim đồng hồ” lúc nào cũng chỉ sáu giờ rưỡi! – Cụ bà thở dài.

Cụ ông hớn hở:

– Phải rồi! Nó chỉ sáu giờ rưỡi bởi vì nó đang nhìn xuống đôi giầy mới của tôi đây này!

Cụ bà ngẫm nghĩ rồi bỗng tươi tỉnh hẳn lên:

– Ừ nhỉ! Vậy ngày mai ông đi mua mũ mới đi!

 

Paris muốn làm Cách mạng mùa Thu? Từ tăng thuế xăng dầu làm xã hội bạo loạn –  Nguyễn thị Cỏ May

Paris và cả nước Pháp rơi vào cảnh bạo loạn từ nửa tháng nay vẫn chưa có giải pháp. Phong trào quần chúng bùng lên sau khi chánh phủ tăng thuế xăng dầu. Trước đó, chánh phủ đẫ chia bớt 10% trên lương và cả huu trí của dân già, không căn cứ trên mức tiêu chuẩn nào hết. Nhiều thanh niên đi làm tuần lễ hơn mươi giò, lảnh chỉ được 500/600 € / tháng cũng bị chánh phủ chia bớt 10%.

Dân chúng khắp nơi xuống đường chống chánh phủ, tức chống thẳng ông Tổng thống Macron. Nhưng nổi bật là người biểu tình bận áo cánh màu vàng, đó là chiếc áo bắt buộc phải để thường xuyên trên xe. Khi xe trục trặc ngừng trên đường đi, người lái xe phải mặc chiếc áo cánh màu vàng đó, xuống xe để sửa xe hoặc đón xe khác nhờ giúp đở. Trên xe thiếu chiếc áo này bị phạt. Nay chiếc áo này được người đi xe mặc vào đi biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu. Phong trào dân chúng biểu tình từ hơn 2 tuần nay gọi là «Gilets jaunes».

Cùng lúc, dân già hưu trí cũng biểu tình phản đối lương huu trí không tăng mà còn bị ông Macron mượn mất 10%. Họ cắm lều cạnh các trục lộ trên khắp nước Pháp, phối hợp với áo vàng và những thành phần khác cùng biểu tình.

Đòi hỏi của họ là ông «Tổng thống Macron đi xuống». Tháng 10, ông Macron được 29% dân chúng ủng hộ, tăng 3% so với trước đây. Nếu căn cứ theo mức độ ủng hộ của dân chúng để đánh giá ông Tổng thống cai trị nước giỏi hay dở thì phải nói ông TT. Macron, có lanh mồm lanh mép, ăn nói giỏi hơn ông Hollande, Tổng thống tiền nhiệm nhiều, nhưng trình độ dở lại bằng ông Hollande. Trước kia, người Pháp tưởng chỉ có ông Hollande là Tổng thống dở nhứt từ trước giờ nhưng nay may mắn có thêm ông Emmanuel Macron.

Nhưng đã làm Tổng thống, chẳng có mấy ai chịu tuột xuống khỏi ghế. Trước kia, nhà báo hỏi Mitterrand :

-Dân chúng biểu tình phản đối đòi ông từ nhiệm, ông có chịu rút lui không ?

-Không. Họ bầu tôi 7 năm, hết nhiệm kỳ, tôi xuống.

Tới François Hollande, ông cũng trả lời :

-Hết 5 năm, tôi xuống.

Nguyễn Phú Trọng ở Việt nam ngon lành hơn nhiều : «Tuy đã quá tuổi qui định nhưng tôi vẫn có thể hi sinh thêm 5 năm nữa để phục vụ nhân dân».

Biết đâu mai này, Nguyễn Phú Trong lại không cho sửa Hiến pháp để làm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước cho tới chết. Như Hồ Chí Minh và các tổng bí thư hay chủ tịch nước của khối cộng sản. Hay như vua chúa ngày xưa.

Hôm thứ bảy tuần rồi, dân chúng biểu tình chờ ông TT.Macron giải quyết yêu sách của họ. Nhưng hôm thứ ba 27/11, ông Macron tuyên bố là mục tiêu vẫn không thay đổi nhưng sẽ thay đổi cách làm việc. Thế là dân chúng hẹn nhau thứ bảy tới 1/12 sẽ biểu tình lớn, tập trung ở Đại lộ Champs-Élysée trước Dinh Tổng thống. Có cả nhơn viên nhà thương, ngành chuyên chở công cộng như xe điện, bus, métro, …sẽ nhập cuộc. Còn cam-nhông sẽ đậu chận các trục lộ giao thông chánh dẫn vào nước Pháp, vào Paris và đi các tỉnh. Biện pháp này đã áp dụng từ nhiều ngày qua, nay hảy còn, sẽ được tăng.

Chánh phủ Pháp bắt đầu từ tháng 11 này là sống bằng nợ. Ngân sách mới chưa biểu quyết.

Nhưng dân đã nổi giận thì chỉ biết giận cho tới khi đạt mục tiêu mà thôi.

Cách mạng hay bạo loạn ?

Áo vàng xuống đường, cam-nhông chận đường, cả Paris không vào được, người ta nghĩ rằng chánh phủ “nghe” rồi. Dân biểu tình đồng ý nhưng họ nói đó chỉ mới là dấu hiệu tốt nhưng chưa đủ.

Có biểu tình và có cả bạo loạn. Đó là 2 thứ giận dử của dân chúng. Biểu tình là quyền chánh đáng của dân ở chế độ dân chủ thật sự. Khác hơn ở các nước dân chủ xã hội chủ nghĩa như Việt nam. Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, Đại tướng công an nhân dân, Dân biểu Quốc hội, tuyên bố sẽ làm luật cho phép biểu tình thì liền bị Ban Tuyên giáo TW cho lệnh đính chánh, tờ báo đăng tin bị đóng cửa 3 tháng, tuy là báo của đảng và nhà nước. Thảm hại hơn, chỉ vài tháng sau là Quang bị bệnh hiểm nghèo, được đảng và nhà nước cùng nhơn dân hết lòng lo chửa trị nhưng số của Chủ tịch nước đã được Bác quyết định rồi. Tới đó là quá đủ thôi. Còn bạo loạn là không đúng. Vi phạm luật pháp. Nhưng dân thì họ chỉ hành động theo cảm tính. Họ làm mạnh vì sự việc đã quá sức chịu đựng của họ. Dân ít khi phân tích cái nào là chánh đáng, cái nào là không.

Nhưng trong trường hợp Áo vàng và cả dân pháp cùng xuống đường hiện nay ở Paris và khắp nước Pháp,

là cái gì đây ? Phải chăng là một cuộc nổi dậy đặc biệt, khó nhận định cho đúng? Nó bùng lên đồng loạt, không có lãnh đạo, không có nghiệp đoàn, không có đảng phái chánh trị hướng dẩn. Nó thật sự phát xuất từ nhơn dân. Đến nay, các đảng phái, nhứt là phe tả, muốn kéo mền về mình nhưng không được. Phe hũu và cực hũu cũng chịu thua. Phe cực tả chỉ cài những phần tử du đảng lợi dụng lúc biểu tình tuần hành ngang khu phố thương mải, đập phá các cửa hàng, lấy hàng hóa bày bán, rồi có tin là phe cực hũu làm. Đảng cực hũu – Mặt Trận Dân tộc – qua các cuộc bầu cử Tổng thống đươc vào chung kết. Đảng cực tả đứng sau.

Nhưng biểu tình và bạo loạn cùng nói lên điều gì? Dân chúng giận vì giá xăng dầu tăng ? Nhưng họ ngấm ngầm bất mản từ trước vì sức mua bị giảm, đời sống khó khăn, thuế má cao, những dịch vụ công ích bị giảm hoặc bị cắt mất, cảm thấy như bị bỏ rơi, mất niềm tin ở chánh phủ, …

Chánh phủ, trước Áo vàng biểu tình, chỉ có «nghe». Nhưng có «hiểu» không ? Mà nghe, rồi làm gì ? Chỉ «nghe» chớ chưa có giải pháp.

Chánh phủ cũng thấy được những vụ đập phá không đủ làm mờ lý do cuộc biểu tình.

Có lẽ vì « nghe », ông Tổng thống tuyên bố «Nếu «dân túy» có nghĩa là đứng về phía nhơn dân thì tôi là «dân túy» vậy !

Ông TT. Macron thường có lời nói khéo để xoa dịu dư luận giỏi hơn là có hành động cụ thể.

Chánh phủ không chấp nhận rút lại luật tăng thuế xăng dầu ((gasoil : 1, 54€/l, xăng : 1, 45€/l, giá ngày 26/11), để cho đời sống dân chúng bớt đắt đỏ. Trước sự chờ đợi của 230 000 người bất mản, ông Macron thay vì có ý kiến cụ thể về những đòi hỏi chánh đáng của họ, ông lại chỉ lên án sự bạo loạn xảy ra trong lúc Áo vàng biểu tình làm 2 người chết và hằng trăm người bị thương. Ông ca ngợi lực lượng an ninh là can đảm và đầy khả năng.

Phong trào Áo vàng không đầu hàng.

Họ lớn tiếng lập lại khẫu hiệu « Macron đi xuống ». Và hẹn nhau trước Dinh Tổng thống ngày thứ bảy tuần này. Không ai chịu nghe lời giải thích của Tổng trưởng Giao thông là chánh phủ không thể bỏ tăng thuế xăng dầu vì cần phải chống lại sự phá hủy môi trường.

Một bửa ăn ở Paris

Ông Tổng trưởng Thuế vụ và Ngân sách Darmanin tỏ ra thông cảm đời sống khó khắc của dân chúng, nhứt là với Phong trào Áo vàng, vì, theo ông, một bửa ăn trưa ở Paris mà hằng ngày, ông thường ăn, khó kiếm được giá dưới 100€, giá của bửa ăn không có rượu.

Ông Tổng trưởng nói rất mực chơn thật bởi ông muốn thật lòng chia sẻ sự khó khăn trong đời sống khi giá xăng dầu tăng, lương công nhơn không tăng mà còn bị truất đi nhiều thứ nữa. Cách mà ông muốn bày tỏ cảm tình với Áo vàng. Mặc dầu có là tiếng nói từ đáy lòng của ông đi nữa, khó có ai không thấy thực tế là ông xa cách với dân chúng của ông không có gì hiển nhiên hơn. Ông đem so sánh mức chi tiêu cho đời sống của dân chúng đang nổi giận với giá một bửa ăn trưa của ông ở Paris để làm nổi bậc sự khó khăn do giá sanh hoạt tăng quá cao và quá nhanh. Tại sao một Tổng trưởng có thể phản ứng như vậy được ? Thật thà hay vụng về ? Hay ngày nay mới biết dân chúng pháp có mức sống thấp nên lấy làm tội nghiệp ?

Trong một dịp khác, trước những nhà đầu tư ngoại quốc, có lẻ để trấn an họ vì Phong trào Áo vàng đang biểu tình rầm rộ ngay trong Paris, ông Tổng trưởng Darmanin giải thích chánh phủ đã cố găng tìm hiểu sử giận dữ của những người Áo vàng để phòng ngăn ngừa một trường hợp « Brexit nội bộ » xảy ra, nghĩa là sự tách rời vĩnh viễn giữa lớp nghèo khó với tầng lớp uu tú trên cao. Ông giải thích tiếp là do sự bất bình đẳng quá lớn giữa mức thu nhập ở Pháp.

Ông dẩn chứng cụ thể bằng cách đưa ra mức thu nhập của dân pháp nghèo với giá bửa ăn trong nhà hàng ở Paris : «Chúng tôi hoàn toàn thông cảm, chớ không phải chỉ với lời giải thích suông, vì chúng tôi nghe qua và hiểu làm thế nào để có thể sống với 950€/tháng cho được khi giá một bửa ăn trong nhà hàng ở Paris phải tới lối 200€, nếu phải mời một người bạn và không uống ruợu».

Cái giá một bửa ăn trong nhà hàng mà ông Tổng trưởng nhắc đi nhắc lại không phải là loại nhà hàng phổ thông ở trong Paris. Đó là loại nhà hàng 2 sao.

Nhưng, nếu mở quyển Michelin hướng dẩn tiệm ăn ở Paris thì sẽ thấy nhà hàng 2 sao, giá một bửa ăn không ruọu cũng chỉ từ 55 – 62€. Cũng không thiếu nhà hàng «có sao» ở Paris mà giá một bửa ăn gồm : món khai vị – món chánh – món tráng miệng, cũng chỉ có 59€. Khi nói một bửa ăn khó kiếm được giá dưới 100€ là ông đã tự lên già gắp đôi dùm cho nhà hàng quen của ông ? Mà ông làm như vậy để làm gì ? Đề cao mức sống của một chánh khách ? Hay để cho thấy, như ông đã nói, sự cách biệt giửa lớp nhân dân lao động với giới thượng luu, hàng Tổng Bộ trưởng ?

Ngoài ông Tổng trưởng trẻ tuổi Gérard Darmanin, nghĩ chắc khó có được trường hợp nào khác điển hình hơn để phơi bày sự bất bình đẳng giai cấp xã hội pháp !

Phải chăng do cái ê-kip với não trạng như vầy mà hơn một năm qua, chánh phủ Macron chỉ có đi xuống để bị TT. Trump công khai châm biếm hôm lễ đình chiến 1/11 vừa qua ?

Cây Diêm Quẹt Và Cánh Đồng

Ông Tổng thống Emmanuel Macron xác nhận rõ “Ông không hề lầm lẫn những người đập phá với những công dân Pháp của ông là những người biểu tình vì muốn gởi đi một thông diệp”.

Chánh phủ đã có nhượng bộ: đông lạnh giá nhiên liệu trong 6 tháng. Nếu không tìm được giải pháp nào khác tốt hơn thì lúc đó sẽ nghĩ có trở lại đề nghị tăng giá hay không. Dân chúng nghe tuyên bố của chánh phủ nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng. Ngày hẹn biểu tình mạnh vào Thứ bảy 8/12 vẫn chưa hủy bỏ. Ngoài Áo vàng, dân hưu trí, nông dân, thợ thuyền, …còn có thêm khá nhiều trường Trung học đóng cửa, học sinh xuống đường tham gia biểu tình phản đối cải tổ chương trình giáo dục.

Vấn đề ngày nay không còn chỉ đơn thuần là chống xăng dầu tăng giá mà đòi hỏi Ông Tổng thống «Macron đi chổ khác chơi».

Vấn đề từ những yêu sách xã hội đã biến thành chánh trị. Có thể dẫn tới chánh biến nếu chánh phủ không sớm có giải pháp thỏa đáng?

Hiện nay, người dân như lên cơn sốt. Cả nước nín thở để chờ coi ngày Thứ bảy 8/12 tới đây, kỳ biểu tình thứ 4 của Áo vàng, sẽ như thế nào. Tổng thống Phủ vừa gởi những tín hiệu lo sợ «Chúng tôi lo sợ vì rất có thể một cuộc bạo loạn lớn sẽ khó tránh khỏi» (AFP).

Theo đài Franceinfo, một tập họp gồm nhiều ngàn người hung hăng dữ tợn sẽ kéo về Paris để sẵn sàng «đập phá và chém giết».

Một thông tin giờ chót từ Phủ Tổng thống loan báo «Về tăng thuế xăng dầu, sẽ không phải tăng mà sẽ hủy bỏ» nhưng ông Tổng thống Macron vẫn chưa xuất hiện và chánh thức nói chuyện với quần chúng. Ông đợi tới đầu tuần sẽ tuyên bố những quyết định mới và quan trọng. Ông chờ để dựa theo tình hình mà liệu tuyên bố?

Chỉ mới 3 Thứ bảy…

Thử nhìn lại tình hình 3 tuần qua của nước Pháp, câu chuyện khởi đầu từ sự bất mãn của giới hưu trí, giới nông dân, giới thợ thuyền, rồi tới công chức, …tới tăng giá xăng dầu.

Áo vàng nắm tay nhau biến những bất mãn làm bùng nổ xã hội thành bạo loạn chánh trị. Trên truyền thông, trong dân chúng, người ta bổng nhắc lại phong trào Tháng 5/68. Cũng từ một câu chuyện ngăn cấm nam/nữ ở khu vực ký túc xá mà biến thành một cuộc bạo loạn xã hội trên khắp nước Pháp, nhiều thành phần dân chúng tham gia, kéo dài cả tháng, làm tê liệt xã hội, tổn thất khủng khiếp.

Thật vậy đúng là một cuộc bạo loạn chưa thấy lại từ tháng 5/68. Paris qua những bước chơn của Áo vàng trở thành một biển lửa. Cảnh sát bắt giữ 378 người đập phá, đốt xe, đốt cửa hàng, đập phá cả Khải Hoàn môn, di tích lịch sử của Paris trong đó có 11 phụ nữ, 33 vị thành niên và hơn 300 người ở độ tuổi ba mươi. Tất cả đều chưa có tiền án. Người ta cho rằng đây không phải là những người lợi dụng biểu tình đập phá chuyên nghiệp, mà chỉ là người thật lòng tham gia biểu tình rồi biến thành kẻ đập phá lúc tức giận nổi lên.

Tất cả đều trả lời với cảnh sát họ biểu tình theo Áo vàng làm cảnh sát vô cùng kinh ngạc. Vậy hành động của họ nhằm biểu hiện sự bất mãn nặng nề do đời sống xã hội gây ra. Và họ chấp nhận mọi hình phạt, cũng không hối tiếc những hành động cực đoan đã làm.

Hôm 1/12 qui tụ được 136000 người cùng biểu tình trên cả nước. Thứ bảy đầu tiên ngày 17/11 có 282 000 người, Thứ bảy thứ nhì 24/11 có 106000 người, có 8000 người ở Paris (theo Bộ Nội vụ). Thiệt hại vật chất, ước tính của báo chí, phải lên tới 10 tỷ euros.

Nhiều Dân biểu của đảng cầm quyền ở các địa phương xa bị dân chúng hăm dọa an ninh.

Nhưng đâu là sự thật?

Biểu tình vì dân chúng muốn lớn tiếng bày tỏ sự bất mãn của mình để nhà cầm quyền phải lắng tai nghe. Mà sự bất mãn đó là chánh sách kinh tế của ông Tổng thống Macron đã hạ thấp đời sống của họ.

Theo nhà báo Marc Vignaud (Le Point 4/12/2018) thì có điều gì mâu thuẫn trong việc Áo vàng xuống đường, hung hăng phản đối chánh phủ, cụ thể là nhắm thẳng vào ông Macron, kêu ông xuống khỏi ghế Tổng thống trong lúc tình trạng tài chánh của dân Pháp đang được cải thiện. Giá xăng dầu là ngòi nổ của biểu tình và bạo loạn từ 3 tuần nay trên khắp nước Pháp, thật sự tăng hay hạ? Các món thuế khác có thật sự ác nghiệt không?

Về giá xăng dầu có hạ chớ không phải tăng. Từ 1, 57€/lít (xăng không chì) trung bình trong tuần từ 5/10, hạ xuống còn 1, 43€ trong tuần lễ từ 30/11. Gazole cũng hạ: từ 1, 53€/lít vào giữa tháng 10, xuống còn 1, 42€/lít. Trong lúc đó giá dầu thô cũng hạ 22 us$ thùng, giá thấp nhứt trong 10 năm qua. Như vậy từ tháng 10, xăng dầu đã hạ 30%.

Đồng thời, cuối tháng 10, công nhơn nhận phiếu lương đầu tiên không còn khoảng đóng góp bảo hiểm sức khỏe và thất nghiệp nữa. Vậy mà 15 ngày sau, phong trào Áo vàng bùng nổ! Vào đúng lúc đời sống phải được cải thiện, như chánh phủ hứa, bắt đầu trở thành hiện thực. Trên phiếu lương của mức lương tối thiểu, thì lương tháng 10/2018 thêm được 42€ so với lương cuối cùng của năm 2017, tức tăng 7,43%. Sau cùng còn 8€ phụ cấp thêm cho công nhơn một mình làm việc 35 giờ/tuần.

Theo kinh tế gia Artus (của Ngân hàng Natixis, Paris) thì thuế gia cư đã giảm 30% cho 80% dân chúng đang trả thuế, ngoại trừ 20% là thành phần khá giả. Vẫn biết trong lúc đó 6000 Thị xã có tăng thuế nhưng mức tăng rất thấp (0, 49 điểm).

Nhưng những cải thiện này bị mờ đi khi xăng dầu lên giá, 60% dân hưu trí phải bị trừ lương 10%, lái xe bị qui định 80km/giờ, trong lúc những đóng góp của công nhơn được giảm, không áp dụng liền, mà lại dời qua tháng 10 để chánh phủ có điều kiện cải tổ sắc thuế khác, như đổi thuế đánh trên tài sản lớn thành một thứ thuế đánh trên bất động sản, trở thành ngòi nổ cho những cuộc biểu tình chống chánh phủ. Ông Macron đang cải tổ thuế có lợi cho dân có lợi tức khiêm tốn, nhứt là những xí nghiệp nhỏ và trung bình, bị phe tả và cả hữu lên án ông chỉ biết làm giàu cho những kẻ giàu. Macron là ông Tổng thống của nhà giàu, bốc lột dân nghèo đem cho thêm nhà giàu.

Về sức mua của dân chúng tiêu thụ, theo nhà báo kinh tế Delhommais trên Le Point, phong trào Áo vàng bằng những cuộc biểu tình bạo loạn liên tục gần cả tháng nay vô tình đánh mất sự tăng trưởng mới vừa bắt đầu. Họ không biết chính họ là người đầu tiên gánh chịu hệ quả trực tiếp việc làm của họ. Vào đúng lúc mãi lực sẽ tăng lên 1, 7% sau thời gian giảm mất 0,4% vừa chấm dứt.

Áo vàng qua tới Bỉ, Hòa lan và Bun-gari

Cùng ngày 1/12, trong lúc Áo vàng biểu tình trên khắp nước Pháp, thì ở Bỉ, ở La Haye, Maastricht và Bun-gari,  Áo vàng cũng tuần hành trên đường phố. Ngọn lửa xứ Tây cháy bén qua các nước láng giềng. Ở Bỉ nhiều bồn chứa xăng, nhà máy lọc dầu bị phong tỏa, cả xa  lộ cũng bị đấp mô làm gián đoạn lưu thông. Lập tức có 1/3 trạm xăng ngưng hoạt động vì thiếu xăng.

Cũng giống như ở bên Pháp, nhiều phần tử phá hoại chen váo hàng ngũ Áo vàng để đập phá. Họ dùng chất nổ cho nổ gây những đám cháy.

Ở Bun-gari, mạng lưới xã hội đã tổ chức phong trào Áo vàng và những cuộc biểu tình. Từ ngày 16/11, người biểu tình bắt đầu mặc áo vàng. Họ đòi hủy bỏ toàn bộ hệ thống cầm quyền. Dân chúng tập trung trước Quốc Hội, đưa lên khẩu hiệu «Occupation» để đòi hỏi chánh phủ giải tán.

Bắt chước Pháp, hàng ngàn dân Bun-gari xuống đường, chận các trục lộ làm giao thông từ Thổ và Hi lạp dẫn vào Bun-gari tắt nghẽn. Vừa phản đối giá xăng dầu tăng.

Nhưng nếu thấy người biểu tình cùng mặc Áo vàng giống như ở Pháp, nhưng hoàn cảnh ở hai xứ lại khác nhau. Bun-gari là xứ nghèo nhứt Âu châu. Ngoài chuyện xăng dầu lên giá và thuế xe cũ, dân chúng biểu tình còn phản đối mức sống cả xứ quá thấp. Từ nhiều ngày nay, dân chúng biểu tình tố cáo trước Quốc hội «mafia» và đời chánh phủ giải tán. Mức sống của dân chúng ở Bun-gari chỉ bằng ½ của Âu châu.

Để hình dung mức sanh hoạt của dân Bun-gari, người ta có thể so sánh giá xăng dầu của mỗi nước của Âu châu. Ở Bun-gari, người dân phải mất 21% trên lương để mua 1 ga-lông (gallon) xăng.

Trước dư luận

Theo kết quả thăm dò dư luận của hãng Odoxa thì có 59% dân chúng tỏ ra lo ngại phong trào Áo vàng, 47% cho rằng Áo vàng quá bạo động trong lúc đó có 54% dân chúng thấy sự tranh đấu của Áo vàng là có hiệu quả.

Đối với 2 nhà lãnh đạo, có 84% dân chúng chê ông Tổng thống Macron xử lý kém đối với phong trào xuống đường và  ông Thủ tướng Philippe bị 77% dân chúng phê phán. Tuy vậy, phía đối lập lại không thủ đắc được gì hết cả. Dân chúng có 81% không cảm tình ông Wauquiez, Chủ tịch đảng «Những người Cộng hòa». Còn 2 nhơn vật cực tả và cực hữu, Mélenchon bị 74% và Marine Le Pen lãnh 69% dư luận không cảm tình.

Trở lại Mùa Xuân 68?

Người xưa nói «Một đóm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả một cánh đồng lớn” (Tinh tinh chi hỏa, khả dĩ liệu nguyên). Mùa Xuân 68, một cuộc nổi dậy của sinh viên Paris dẫn đến một cuộc xung đột gay gắt với cảnh sát, lan tràn khắp nước Pháp khi sinh viên các Đại học tham gia, cả nghiệp đoàn thợ thuyền, nông dân cũng nhập cuộc. Bạo động kéo dài hơn cả tháng làm cho nước Pháp như đang trong một cuộc nội chiến.

Năm mươi năm sau, người ta vẫn còn tự hỏi tại sao có thể một cuộc bạo loạn như vậy xảy ra một cách dễ dàng? Nhiều phân tách, nhận định nhưng vẫn chưa có kết luận dứt khoát ngoài điều cụ thể là xã hội Pháp biến chuyển tận gốc rễ còn để lại vết tích tận ngày nay.

Bạo loạn được châm ngòi ngày 22/03 năm 68 ở Đại học Nanterre, ngoại ô Tây-Bắc Paris. Người xách động là thanh niên 22 tuổi Daniel Cohn-Bendit, sinh viên người Đức theo học xã hội học, cùng với 142 sinh viên khác chiếm đóng khu hành chánh của trường. Họ yêu cầu cảnh sát thả những sinh viên bị bắt vì biểu tình chống chiến tranh Việt nam, đập phá trụ sở American Express. Đây là những sinh viên của tổ chức cộng sản phản chiến Ủy hội Quốc gia Việt nam, gốc Staline, Mao, Castro, … Họ kêu gọi sinh viên Nanterre bắt tay với họ. Họ hô khẩu hiệu “trả tự do bạn chúng tôi”.

Nhưng vụ bắt giữ nhóm sinh viên biểu tình chỉ là một giọt nước làm tràn ly.

Trước đó, một số nam sinh viên tới khu vực nữ sinh viên bị ngăn cản vì nội qui cấm từ 22 giờ. Chính đìều này đã làm họ bất mãn tràn ngập. Tuổi trẻ cảm thấy bực bội cái xã hội Pháp còn nặng bảo thủ những nếp cũ. Về chánh trị, họ chống lại “tư bản, tư sản, Đế quốc Mỹ, sự kiểm duyệt, sự đàn áp của chánh phủ De Gaulle cai trị độc đoán tuy nước Pháp đang phát triển đem lại đời sống vật chất khá sung mãn.Trong lúc đó, họ nhìn thấy ở Anh, thanh niên không bị ràng buộc, sống phóng túng, phong trào nhạc trẻ Beatles đang có sức thu hút như một làn sóng mới, đẩy tuổi trẻ sống thác loạn, đắm mình trong cần sa, ma túy, tình dục,…

Tuổi trẻ Pháp cảm thấy bị ngột ngạc, muốn đập phá để tự giải phóng, tự mình quyết định cuộc sống của mình: “Sống không bị ràng buộc. Hưởng thụ không bị ngăn cản” như một khẩu hiệu trên tường Đại học Sorbonne.

Những người của 50 năm trước ngày nay nhớ lại không khỏi cười “Tháng 5/68 là mùa xuân của bạo loạn và không tưởng”.

Mà đúng vậy. Tuổi trẻ Pháp lúc bấy giờ chỉ muốn thay đổi xã hội, hoàn toàn không nghĩ gì đền quyền lực. Vì đó là một cuộc nổi loạn. Không ai đặt vấn đề chánh trị như thay đổi Hìến pháp. Vì nổi loạn, phong trào tháng 5/68 đã phá nát nề nếp cũ, từ học đường, gia đình ra xã hội. Theo cựu TT Sarkozy, người ta có thể qui cho “tháng 5/68 tất cả những tệ nạn xã hội Pháp ngày nay. Nó áp đặt cho chúng ta tính tương đối về trí thức và đạo đức. Họ khẳng định rằng mọi thứ đều có giá trị bằng nhau, không có sự khác biệt giữa thiện và ác, giữa đúng và sai, giữa cái đẹp và cái xấu, …”. Thậm chí những người làm bạo loạn 5/68 còn kêu gọi thầy giáo ngưng chấm điểm học sinh, nhà trường ngưng xếp hạng học sinh để tránh cho học sinh học dở không bị sợ hãi, không thấy xấu hổ.

Sự khủng hoảng này ngày nay còn đang tác hại xã hôi và trường học Pháp. Nhưng những người xách động phong trào 5/68, ai đứng ra nhận trách nhiệm? Nhiều lãnh đạo hoặc tham gia phong trào sau này lại tham gia chánh phủ, nhứt là chánh phủ Tả phái. Daniel Cohn-Bendit nhờ thành tích 5/68 đắc cử Dân biểu Âu châu. Ngày nay, hỏi ông chuyện 5/68, ông cười “Chuyện đã qua, chỉ đáng quên đi. Nhắc lại, chán lắm …”. Cohn–Bendit không phải cộng sản mà vẫn theo nề nếp cộng sản “Nhỏ xách động, phá phách, lớn lên làm Dân biểu”(Cộng sản, nhỏ không học, lớn lên vào Bộ chánh trị).

Trước những hệ quả của tháng 5/68 làm biến chuyển sâu xa văn hóa và xã hội Pháp trên cả nước, các chánh phủ sau này kêu gọi tái lập nền đạo đức xã hội nhưng lúng túng không biết thứ đạo đức nào đây? Trong chương trình giáo dục, lập lại môn Công dân giáo dục, nghĩa vụ quân sự, …nhưng chưa thấy thấm vào đâu hết cả!

Sau cùng, tháng 5/68 không chỉ biểu hiện khủng hoảng xã hội, mà còn mang sắc thái của một hiện tượng toàn cầu về sự thức tỉnh của các nước đệ tam, về phong trào cộng sản làm chiến tranh đại lý ở Việt nam.

Nhưng phong trào Áo vàng ngày nay có giống Tháng 5/68 chỉ về hình thức phần nào như người ta thấy được. Còn lại rất khác. Về khu vực biểu tình, 5/68 chọn khu La-tinh là trung tâm văn hóa của Pháp chớ không Champs-Elysée và Quận VIII, nơi giàu có sang trọng. 58 chiếc xe bị đốt đều là xe của nhà giàu. Cửa hàng bị đập phá là những cửa hàng sang trọng và đập phá để cướp của. Sự bất mãn là động cơ biểu tình cũng khác. Tháng 5/68, thanh niên muốn cởi bỏ 2 vòng kim cô: vòng giáo điều của Giáo hội Công giáo và vòng chuyên quyền của chủ nghĩa Gaullisme. Còn động cơ của phong tráo Áo vàng 11/18 chỉ đọng ở tầng sinh lý, đòi hỏi cái ăn, cái mặc.

Nhưng chánh quyền đang thật sự lo sợ cuộc diện sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đưa tới kết thúc nền Đệ V Cộng hòa. Quân đội sẽ đứng lên làm lịch sử. Các đảng phái già nua sẽ tự hủy diệt. Nước Pháp trở về trong vòng tay người dân Pháp.

Tàu cộng và văn hóa du mục

Những nỗi lo sợ của Thầy giáo LHD dạy Văn ở Sài Gòn bộc bạch với mọi người ngày 22 tháng 11 năm 2015 đã đủ gợi cho chúng ta nhìn rõ thấy ngay trước mắt cái hiểm họa của Tàu cộng đối với đất nước Việt nam của chúng ta. Đây không còn là viễn ảnh nữa mà là thực tế.

Vì ý thức đó là thực tế, nên Thầy LHD đã lo sợ:

“…Tôi rất sợ

rồi sẽ một ngày

hình Mao Trạch Đông rất to

đóng khung thật đẹp

treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà

…Và tôi cũng rất sợ

rồi sẽ một ngày

trên bản đồ thế giới

mảnh đất hình chữ S

với cái tên Việt Nam thân thiết

thành Khu Tự Trị Ngoại Biên (1)

không còn nằm trong Liên Hiệp Quốc

vì đã mất tư cách thành viên…”

(LHD, 22/11/2015, Sài Gòn)

Người dân Việt Nam, nhất là người dân Miền Nam, đã trải qua việc phải treo hình Hồ Chí Minh trong nhà, treo ở chỗ thật trang trọng. Và từ đó tai vạ bắt đầu đổ ập tới cho mọi nhà. Ruộng đất, nhà cửa, cơ sở kinh doanh của dân chúng,… bị đảng và nhà nước tịch thu, mọi quyền căn bản về con người, kể cả bản thân, đều bị đảng và nhà nước tước đoạt. Đưa ra một lời đòi hỏi chính đáng cho quyền lợi đất nước liền bị buộc tội là “âm mưu lật đổ chế độ”. Đi tù. Trong tù bị công an tra tấn dã man theo cách của cộng sản. Chết nhưng công an nói tù nhân tự tử.

Khi mọi người phải treo thêm hình Mao Trạch Đông bên cạnh và cao hơn hình Hồ Chí Minh, thì đất nước chẳng những không còn, mà con người Việt Nam cũng trở thành nô lệ. Ngày xưa, nô lệ thực dân đã khổ nhưng chưa thấm vào đâu nếu so sánh với chế độ Hồ Chí Minh. Phạm Văn Đồng đã từng nhắc lại “Nếu chế độ tù tội của thực dân xưa kia như của ta thì lớp lãnh đạo đảng ngày nay của ta không còn ai cả”!

Nên nhớ văn hóa cộng sản tàu có nguồn gốc từ nền văn hóa du mục, hoàn toàn khác với nền văn hóa gốc nông nghiệp trước kia ở phía Nam sông Dương Tử. Văn hóa du mục là chiếm đoạt. Khi đất nước Việt Nam bị chiếm đoạt thì người dân dĩ nhiên trở thành nô lệ. Mà nô lệ thì con người chỉ còn là một giá trị trao đổi hay, tệ hơn, chỉ là một sinh vật. Chuyện Dịch Nha tự tay làm thịt con của mình dâng lên vua ăn cho biết hương vị thịt người vì vua chưa hề ăn, để mua chuộc chức quan, vẫn là thí dụ điển hình diễn tả cái ác của Tàu.

Gần đây, Tàu cộng buôn bán nội tạng của tù nhân, ăn và buôn bán thịt người, làm thuốc tây bằng thịt người. Cách đây vài hôm, TV và nhiều nhật báo pháp đều đồng loạt loan tin về chợ ở bên Tàu bán trẻ con bị bắt cóc.

Chợ Tàu bán trẻ con bị bắt cóc

Ở Tàu, mỗi năm, có hàng chục ngàn trẻ con mất tích, bị bắt cóc. Phần nhiều những đứa trẻ này bị đem bán cho những gia đình không con, mua con nuôi. Họ thường chịu mua với giá cao.

Có từ 70 000 tới 200 000 trẻ con hàng năm bị bắt cóc. Cha mẹ của nạn nhân tụ tập tại công trường của khu phố để hỏi thăm tin tức về con em với nhau, trao đổi nhau những kinh nghiệm tìm kiếm. Vì thấy sự việc mất con em của dân chúng nghiêm trọng nên cảnh sát mới cho phép tập họp ở nơi công cộng như vậy. Một trường hợp ngoại lệ của chế độ dân chủ nhân dân.

Nói ở Tàu có chợ bán trẻ con bị bắt cóc vì có những kẻ bắt lén trẻ nít đem bán, có những người khác đi tìm mua trẻ nít. Người mua không ngại đưa ra trước giá mua hàng.

Cha mẹ bị mất con phổ biến hàng vạn truyền đơn tìm con. Có một người cha bị mất đứa con gái 3 tuổi trong lúc dẫn con đi chơi. Vì một chút sơ ý, đứa con gái bị một kẻ lạ mặt bắt đi mất. Ông đi tìm con khắp thành phố nơi ông ở. Sau cùng, ông làm nghề lái taxi để cả ngày rong rủi trên khắp đường phố mong tình cờ gặp được con. Ông mất 24 năm dài, may mắn, tìm được con. Cô bé ở chỉ cách ông hơn 20 km.

Bán được một đứa bé, người bán kiếm được tới 8000 € nên họ khó mà giải nghệ nghề thất đức này. Trong lúc đó, luật pháp tàu lại không nghiêm phạt người mua. Nạn nhân thường là những người tới thành phố kiếm việc làm. Trong ngày cha mẹ lo đi làm, để con em ở nhà, ra đường chơi nên bị kẻ gian thừa cơ hội bắt đi dễ dàng.

Chợ bán trẻ con bắt nguồn từ chủ trương mỗi gia đình chỉ có một con từ những năm 80.

Khi mất con, cha mẹ chỉ được phép loan tin trên internet, “không gian cho tự do bày tỏ” duy nhất. Ngoài ra, không được phép đăng hình đứa trẻ mất tích. Mọi phản ứng khác, mặc dầu ôn hòa đi nữa, cũng đều bị nhà cầm quyền coi là làm mất trật tự công cộng.

Khi biết một trường hợp trẻ con bị bắt cóc, nhà cầm quyền thông báo “đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm tới sự cố này và chúng tôi đã kết hợp nỗ lực của các cơ quan chức năng để điều tra… ”. Nhưng dân chúng, không ai thèm tin những lời nói của nhà cầm quyền.

Một nạn nhân khác có con mất tích nói với nhà báo Global Times: “Chúng tôi trình bày những đứa trẻ bị bắt cóc với nhà cầm quyền địa phương nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ được trả lời. Trái lại, một người trong chúng tôi – nạn nhân – còn bị công an đánh đập vì dám đòi nhà cầm quyền tìm đứa trẻ bị bắt đem trả về cho họ”.

Và báo chí không được đăng tin trẻ con bị bắt cóc đem bán vì đó là những tin nhạy cảm có khả năng làm nhiễu loạn xã hội.

Chợ bán trẻ con có cả bác sĩ, giám đốc nhà thương, y tá tham gia.

Từ nhiều năm nay, phụ huynh ở Tàu phải sống trong hoàn cảnh đau lòng nhìn thấy con em của mình bị bắt cóc đem bán cho một hệ thống mua bán trẻ con rộng lớn. Một vấn đề không thể có giải pháp chấm dứt bởi nó liên quan tới nhiều cơ quan, nhiều chức năng như cảnh sát, y sĩ, y tá và bệnh viện…

Sự ngụy tạo giấy khai sinh là nguồn gốc bắt cóc trẻ nít bán. Khi có một đứa bé bị bắt cóc, lập tức có một người trung gian tới nhà thương đút lót nhân viên để làm giấy khai sanh theo những dữ liệu của nhà thương cho đứa bé. Việc sanh đẻ ở nhà thương của đứa bé kể như bị xóa sạch hoàn toàn. Lý lịch của đứa bé bị thay đổi từ đây, một cách hoàn toàn tận gốc và hợp pháp. Đúng vào lúc này, cha mẹ mới và hợp pháp của đứa bé tới nhận đem con về nuôi.

Người mua con có thể coi giấy tờ khai sanh của đứa bé ở nhà thương để thấy mọi diễn tiến liên quan đến đứa bé đều hoàn toàn hợp lệ.

Lấy một giấy khai sanh của nhà thương hay một nhà bảo sanh mất trong vòng 2 tuần lễ, giá 100 000 yuans (15 000€). Bác sĩ cũng hăng hái tham dự vào dịch vụ đen này vì nó đem lại một số tiền khá quan trọng. Lương của bác sĩ chỉ từ 400 tới 600 € / tháng. Không riêng gì chỉ có bác sĩ tham gia, mà cả giám đốc bệnh viện, y tá, tất cả nhân viên nhà thương và người dẫn mối.

Giấy khai sanh giả ghi vào máy theo hệ thống của nhà thương nên nó trở thành giấy thiệt, không còn một vết tích gì là ngụy tạo hết cả.

Một bác sĩ làm việc ở một nhà thương ở Quảng Đông bị bắt về tội ngụy tạo giấy tờ để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh bị phát giác và bị phạt một năm tù. Cả cán bộ đảng và nhà nước làm việc trong Ủy Ban Y tế và Kế hoạch gia đình cũng bán giấy khai sanh để kiếm thêm tiền.

Vùng biên giới và thôn quê Việt Nam, lúc gần đây, có nhiều tin về trẻ con bị bắt cóc và mất tích luôn. Không biết có liên hệ với chợ bán trẻ con bên Tàu hay không?

Ăn thịt người và bán thịt người

Ăn thịt người ở Tàu không phải chỉ là chuyện xưa của một vài trường hợp quá đặc biệt như truyện Dịch Nha làm thịt con trai của mình làm món ăn dâng vua để mua chức tước, mà nó đã trở thành một tập quán kéo dài từ cổ thời cho tới đầu thế kỷ XX. Đúng như vậy cũng dễ hiểu vì văn hóa tàu bắt nguồn từ văn hóa du mục. Dân du mục sống không rời lưng ngựa thì làm sao có thể canh tác để có ngũ cốc làm thức ăn? Họ ăn thịt nhờ săn bắn trên đường đi hoặc lúc hạ trại. Khi bức bách như không săn bắn được thì ăn thịt nô lệ vừa chiếm đoạt được.

Nên người Tàu ăn thịt người với nhiều lý do như ăn vì muốn thưởng thức hương vị lạ, ăn để chữa bệnh, ăn để cứu đói, ăn kẻ thù để trả thù, ăn theo tập quán văn hóa và ý hệ.

Theo truyện của Youyang, một vị tướng tàu của triều đại Tang nổi tiếng vì ông ăn mọi thứ, không từ thứ gì hết. Ông xác nhận “Không có gì là không ăn được. Điều quan trọng là cách chế biến thành món ăn, nghệ thuật nêm nếm”.

Vậy ông cũng ăn luôn thịt người à?

Theo nhà nghiên cứu về nhân chủng học người Đài Loan, ông Fu-shih, tự là Lin Ling, thì “Kinh nghiệm ăn thịt người của người Tàu dĩ nhiên là phong phú nhất thế giới”. Học giả về Tàu, người Pháp, ông Robert des Rotours (1891- 1980), trong một bài viết của ông “Vài ghi chú về nhân chủng học ở Tàu”, ông nói việc người Tàu ăn thịt người nhằm bốn mục đích chính: để sống còn trong thời kỳ nạn đói hoành hành, ăn để trả thù, ăn để thỏa mãn khẩu vị và sau hết, ăn để chữa bệnh hoặc bồi bổ. Điều đáng chú ý là họ ăn thịt người, mà phải là người còn sống và mạnh khỏe.

Sau khi nghiên cứu kỷ lịch sử tàu, Giáo sư Key Ray Chong cho biết thêm ở thế kỷ XX, người Tàu ăn thịt người còn vì lý do ý thức hệ nữa.

Sau cùng, theo Huang Wenxiong, Zhongguo, sau khi tổng kết lại các tài liệu nghiên cứu về tập quán ăn thịt người của người Tàu, thì đúng là không ngoài những mục đích đã nêu như trên đây: khoái khẩu, chữa bệnh, ăn để sống qua nạn đói, ăn để trả thù và ăn vì mục đích lý tưởng (Solange Cruveillé, La consommation de chair humaine en Chine – Les raisons d’un cannibalisme subi ou choisi, journals.openedition.org/ideo, Impressions d’Extreme- Orient).

Ăn thịt người là một vấn đề nhạy cảm ở Tàu nơi nó đã phổ biến từ thời Đại nhảy vọt cho tới cuối những năm 50, giai đoạn thảm hại của chế độ Mao. Nhưng rùng rợn hơn là vào thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976), cán bộ cộng sản ăn thịt kẻ thù của cách mạng.

Ở Tàu, cho tới ngày nay, người ta không chỉ ăn thịt người mà còn bắt người để làm thịt bán nữa. Cảnh sát ở Tây-Nam nước Tàu bắt được một người đàn ông đã giết làm thịt cả hai mươi thanh niên trẻ tuổi. Anh ta xẻ thịt đem bày bán ở chợ làng, nói là thịt chim đà điểu. Phần còn lại là loại thịt không ngon, anh ta để dành nuôi chó. Sau đó không biết anh ta có làm thịt chó bán nữa hoặc để ăn hay không?

Vụ việc này bị cảnh sát phát giác, thế mà hai tuần sau, báo chí và các mạng internet ở Tàu đều không có một tiếng nói. Người ta biết được nhờ báo ở Hồng Kông tố cáo.

Trên Sina Weibo cũng không thấy có một lời phê bình nào về vụ bán thịt người này khi bị tố cáo. Có tìm trên mạng qua từ khóa “Yunnan” và “mất tích” hay “làm thịt bán” thì cũng không thây gì khác hơn. Thông thường một vấn đề về chính trị nhạy cảm thì mọi thông tin bất lợi cho chế độ, tuy có nói sự thật, đều bị cấm phổ biến (AFP, 22/05/2012)

Với người Tàu mà người Cộng sản Tàu còn bắt đem bán, bắt làm thịt ăn, bắt làm thịt đem ra chợ làng bán, thì mai này, Việt Nam trở thành khu tự trị của họ, tức một thứ quốc gia hạng hai, thì chắc chắn, họ sẽ không cần bắt trẻ con Tàu bán, bắt thanh niên làm thịt ăn, làm thịt bán nữa, mà bắt dân Việt Nam để thay đổi mặt hàng, thay đổi khẩu vị. Ít ra cũng đậm đà mùi nước mắm!

Trước thực tế đất nước nguy ngập như vậy, chẳng lẽ chỉ mới có Thầy giáo LHD ở Sài Gòn biết sợ:

“Hỡi tất cả 90 triệu người Việt Nam!

Hỡi toàn thể cộng đồng người Việt hải ngoại!

không còn là chuyện viển vông

cái ngày đáng sợ ấy

đang sờ sờ trước mắt

bằng Hội Nghị Thành Đô

Đảng Cộng Sản đã cam tâm bán nước

nếu cứ “lửng lơ con cá vàng”

cái ngày đáng sợ ấy… sẽ đến.

Sài Gòn, ngày 22 tháng 11 năm 2015

LHD, một Thầy giáo dạy Văn yêu nước.

 

Vui cười

Đêm tân hôn, anh chồng ôm chầm lấy vợ ngọt ngào nói:

– Kể từ hôm nay em đã là bà xã của anh rồi. Cứ nghĩ tới việc mỗi sáng thức dậy đều nhìn thấy bà xã là đủ hạnh phúc rồi.

Cô vợ nghiêm mặt: – Anh đừng gọi em là bà xã.

– Chứ biết gọi thế nào đây? – Anh chồng nũng nịu.

– Thì anh cứ gọi là vợ yêu hay gì cũng được, đừng gọi là bà xã. – Vợ anh nói chắc nịch.

Anh chồng tò mò: – Sao thế?

Cô vợ hắng giọng:

– Tôi còn lạ gì đàn ông các anh. Gọi bà ‘xã’ để bên ngoài có thêm các bà ‘tỉnh’, bà ‘huyện’, bà ‘trung ương’ và nhiều bà ‘địa phương’ các nữa chứ gì?

 

Trung Cộng với Phi Châu và Mỹ Latin –  Cổ Tấn Tinh Châu

Trung Cộng hiện diện ở Phi Châu trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thiết lập quan hệ ngoại giao và buôn bán với những nước ít được Mỹ hay Liên Xô để ý. Đến hôm nay cho phép Trung Cộng vừa có nguồn cung ứng dầu hỏa và tài nguyên, vừa có thị trường cho xuất khẩu công nghiệp.

Hiện nay quan hệ Trung-Phi chủ yếu là vì lợi ích thương mại. Đối với Trung Cộng vấn đề chính là thu hút được nguyên liệu và nhiên liệu để tiếp tục nuôi sống các hạ tầng công nghiệp trong nước.  Mậu dịch hai chiều giữa Trung Cộng và Phi Châu tăng rất nhanh: từ 10 tỷ USD năm 2000 đến khoảng 50 tỷ cuối năm 2006 và, theo dự tính, đến năm 2010 hơn 100 tỷ….

Đã có trên 30% tổng số dầu mỏ Trung Cộng nhập là từ Phi Châu, chủ yếu từ Sudan, Angola, và Congo-Brazaville. Năm 2005 Trung Cộng nhập 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó khoảng 800 ngàn thùng là từ 3 nước nói trên. Hiện nay khoảng 40% các xí nghiệp dầu mỏ tại Phi Châu là của Trung Cộng.

Hai năm sau, sau khi Washington cắt bang giao với Sudan vì lý do vi phạm nhân quyền và sau khi các hãng dầu phương Tây rút ra khỏi Sudan, thì CNOOC và các xí nghiệp khác của Trung Quốc tràn vào.

Vì nguyên liệu và nhiên liệu và các lợi ích kinh tế khác Trung Cộng đã sẵn sàng ủng hộ các chính quyền độc tài và tàn bạo mà nhiều nước trên thế giới đã lên án.

Quan hệ của Trung Cộng với các nước Phi Châu cũng đã giúp Trung Cộng rất lớn trên mặt trận ngoại giao trên thế giới vì các nước Phi Châu thường bỏ phiếu như là một khối trong các cơ quan quốc tế. Các nước Phi Châu đã ủng hộ Trung Cộng rất mạnh mẽ trong việc chống lại các nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc của một số nước phương Tây tố cáo Trung Cộng về vấn đề vi phạm nhân quyền.

Bắc Kinh trở thành nước cho các quốc gia Phi Châu vay nhiều nhất, khoảng 132 tỷ USD từ năm 2006 tới 2017.  Theo số liệu thống kê, thì khoản tín dụng Bắc Kinh cấp cho châu lục này đã lên đến 140 tỷ đô la, kể từ năm 2000.

Trung Cộng từ một nền kinh tế thứ 6 thế giới 20 năm trước, với GDP bình quân đầu người chưa đến 1.000 USD, đã trải qua một giai đoạn phát triển vượt bực, tăng hơn 10 lần về quy mô và trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới.

Đa số nước Phi Châu đánh giá cao đầu tư của TC ở khía cạnh tốc độ triển khai, lãi suất thấp, thời hạn trả nợ dài, không kèm theo ràng buộc về chính trị…  Thống kê của Afrobarometer cho thấy 24% người dân Phi Châu đánh giá Trung Cộng là mô hình phù hợp nhứt cho phát triển kinh tế.

Phi Châu nằm trong chính sách đối ngoại năng động của các lãnh đạo ở Bắc Kinh, như là một lục địa chiến lược quan trọng đối với vận mệnh của Trung Cộng, an ninh và tương lai lâu dài của nước này.

Trung Cộng biết rằng lục địa Phi Châu có nguồn thiên phú về dân số, nguyên liệu, nhứt là các mỏ quặng hiếm, vai trò địa chiến lược liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, cũng như quan niệm được gần như tất cả mọi người chấp nhận, theo đó thế kỷ 21 sẽ không thể phát triển mà không có Phi Châu.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), cho biết số lượng vũ khí mà Trung Cộng bán cho Phi Chậu đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức chủ tịch vào năm 2013.

Chưa có lúc nào đầu tư của Trung Cộng vào Phi Châu nhiều như lúc này. Sự hiện diện của Trung Cộng tại Phi Châu trong lĩnh vực kinh tế cũng như là quốc phòng ngày càng lớn. Dấu hiệu cho thấy có sự chuyển hướng trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh đối với Phi Châu, đi từ hợp tác kinh tế sang thành đối tác chính trị, ngoại giao.

Trung Cộng hiện nay đang trong quá trình khẳng định vị thế cường quốc, Phi Châu quả thật là một trong những đồng minh mà Trung Cộng cần có bên cạnh. Bởi vì 54 quốc gia Phi Châu có thể luôn luôn ứng cứu Trung Cộng tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Ngày 03/09/2018, Trung Cộng trải thảm đỏ đón 53 lãnh đạo Phi Châu đến dự thượng đỉnh « Diễn đàn hợp tác Trung Cộng – Phi Châu » lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Tờ La Croix đặt câu hỏi « Liệu Trung Cộng có là cường quốc hàng đầu tại Phi Châu hay không ? »

Trả lời cho câu hỏi này, cả hai chuyên gia Jean-Joseph Boillot, Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế CEPII và ông Alain Antil, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp đều khẳng định là « Có ».

Phi Châu giờ không chỉ là nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu mà còn là một « thiên đường » tiêu thụ các sản phẩm « Made in China » cho nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng trang thiết bị và phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Cộng.

Hơn nữa, theo chuyên gia Boillot, trong cuộc đua này tại Phi Châu, rõ ràng phương Tây là kẻ thua cuộc. Hàng hóa phương Tây đắt hơn của Trung Quốc từ 3 đến 5 lần, trong khi mức hỗ trợ tài chính của Trung Cộng cho Phi Châu nhiều hơn của Ngân hàng Thế giới.

Le Figaro nhận xét « Trung Cộng mở rộng ảnh hưởng tại Phi Châu bằng các khoản đầu tư ». Chủ tịch Trung Cộng cam kết hỗ trợ thêm 60 tỷ đô la cho sự phát triển Phi Châu, trong đó có 15 tỷ cho vay không hoàn vốn và vay không lãi suất, đồng thời xóa bớt nợ cho nhiều nước  Phi Châu đang gặp khó khăn.

Đối với các quốc gia Phi Châu, Trung Cộng là một đối tác thương mại lý tưởng vốn ít khi đặt điều kiện tiên quyết về mặt chính trị đối với những nước sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho họ và còn thường xuyên hậu thuẫn các nước này về mặt ngoại giao.

Theo một báo cáo do Fitch Ratings công bố: Xuất khẩu của Phi Châu sang Trung Cộng trong thập niên qua tăng hơn 3 lần, từ 100 tỷ USD lên 330 tỷ USD. Nhìn tổng thể, cán cân thương mại vẫn còn nghiêng về các nước Phi Châu bởi tính trung bình các nước này xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn nhập khẩu.

Kimanula cho rằng, mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Cộng và Phi Châu lại xung đột trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, quốc gia cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đa dạng hoá các nguồn dầu mỏ nhập khẩu của mình. Kimanula thừa nhận, cho dù nhìn nhận vấn đề đầu tư của Trung Cộng vào Phi Châu theo cách nào, thì đối với người dân lục địa này, sự trỗi dậy của Trung Cộng như một thế lực toàn cầu vẫn là điều tốt, giúp họ thoát ra khỏi quá khứ thuộc địa cay đắng.

Nhà nghiên cứu cao cấp Luke Patey thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Đan Mạch nói vài năm qua, việc Trung Cộng bán vũ khí cho Phi Châu đã qua mặt Mỹ, đặc biệt là vũ khí hạng nhẹ và vũ khí nhỏ được bán tràn lan, vì không như các nhà cung cấp phương Tây, Trung Cộng không bị cấm bán vũ khí cho các nước đang có chiến tranh.

Đầu tư trực tiếp của Trung Cộng vào các nước Phi Châu đã tăng từ mắc 1,44 tỷ USD năm 2009 lên hơn 2,5 tỷ USD năm 2012, với mức tăng trung bình hàng năm là 20,5%. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Trung Cộng đang đầu tư tại các quốc gia ở Phi Châu.

Hàng chục năm qua, sự hiện diện của Trung Cộng ở Phi Châu chủ yếu là các hoạt động kinh tế, thương mại và gìn giữ hòa bình. Nay Bắc Kinh xây dựng kế hoạch lập quan hệ quân sự đáng kể để bảo vệ quyền lợi, tài sản tại lục địa này, cũng như để gieo tầm ảnh hưởng lớn hơn, nhằm thể hiện vai trò Trung Cộng phải lãnh đạo toàn cầu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu.

Mỹ Latin

Trung Cộng đang mở rộng sự hiện diện ở Mỹ Latin để lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại, bên cạnh việc củng cố vị thế của mình tại khu vực này, Trung Cộng đang tìm cách trở thành một cường quốc lớn về không gian.

Việc Trung Cộng triển khai một cơ sở không gian tại Patagonia của Argentina cũng đang khiến Washington cảm thấy không hài lòng trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục tăng cường sự hiện diện tại Mỹ Latin  nơi từng được coi là sân sau của Mỹ.

Trong chiến lược của Bắc Kinh, lục địa này có một ý nghĩa về nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn. Gần đây, Mỹ đã “ngừng chú ý” đến Nam Mỹ, và Trung Cộng thấy cơ hội tận dụng điều này, ông  Gustavo Cardozo lưu ý.

Bên cạnh đó, Trung Cộng cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ông đề cập đến thực tế rằng khu vực bao quanh trạm vũ trụ của Trung Cộng ở Patagonia được kiểm soát bởi quân đội Trung Cộng và “những người sống trong khu vực lân cận không được phép tiến vào lãnh thổ [của căn cứ]”.

Ngoại trưởng Muñoz nước Chile nhận định, Bắc Kinh đã mang tới hội nghị một thông điệp lớn về chủ nghĩa đa phương cũng như lời phản đối đanh thép chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, ông Vương Nghị nhấn mạnh “mọi cánh cửa đều để mở cho phát triển hợp tác CELAC – Trung Cộng”, và tuyên bố mời 600 chính trị gia Mỹ Latin tới thăm Trung Cộng và cấp 6.000 học bổng cho các nước trong khu vực này nhằm thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau.

Trung Cộng đã trở thành đối tác lớn của Mỹ Latin, với trao đổi mậu dịch hai bên tăng từ hơn 12 tỷ USD năm 2000 lên gần 275 tỷ USD năm 2013, tức là tăng gần 22 lần, trong khi trao đổi thương mại giữa khu vực này với thế giới chỉ tăng 3 lần.

Bà Myers cho biết phản ứng của Washington cho thấy sự phai nhạt trong khu vực. Sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Cộng thực sự là đáng báo động cho Washington.

Mỹ đánh giá rằng những nỗ lực của Trung Cộng nhằm cô lập Đài Loan và kết nạp thêm những đồng minh mới ở Tây bán cầu – “sân sau” của Mỹ – là một mối đe dọa thực sự.

Việc Trung Cộng thành công khi gây áp lực khiến El Salvador quay lưng lại với Đài Loan để hướng về phía mình đã đẩy Mỹ lún sâu hơn vào một cuộc chơi chiến lược về địa- chính trị.

American Entreprise Institute nhận định rằng: “Học thuyết yêu nước của ông Trump đã gián tiếp làm giảm đi cái gọi là sức mạnh Mỹ. Nước Mỹ trở nên kém thu hút với các đồng minh và các đối tác tiềm năng”.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã có những sự thay đổi về phía Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump dường như đang kín đáo móc hầu bao. Tháng 10 vừa qua, Mỹ đã lên kế hoạch lập một quỹ đầu tư 60 tỷ đô la dành cho các dự án phát triển ngang tầm với các dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng và giao thông trong sáng kiến “Một vành đai – Một con đường” của Trung Cộng.

Giờ đây, chúng ta có thể nhận thấy qua thái độ của những nước như El Salvador. Họ phớt lờ yêu cầu của Mỹ để hướng về Trung Cộng.

Đối với Mỹ Latin, thực tế chuyến thăm của Trung Cộng và Nga đều nhằm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân họ, mang đến cho châu lục này cái thiếu và lấy đi cái họ cần. Một cách ngoại giao khôn khéo và đầy lợi ích.

Giáo sư Kevin Gallagher thuộc đại học Boston cho biết: “Nếu Mỹ muốn lùi một bước khỏi châu Mỹ Latin, thì chắc chắn Trung Cộng sẽ tiến thêm một bước. Đó là một cơ hội trời cho để Trung Cộng tiếp tục gia tăng ảnh hưởng và tăng cường lợi ích kinh tế-thương mại tại khu vực đầy tiềm năng này”.

Cựu đại sứ Brazil tại Trung Cộng là ông Luiz Augusto Neves cho rằng: “Khi Âu Châu đang gia tăng xu hướng đóng cửa, Mỹ đang là một dấu hỏi, thì Trung Cộng hiển nhiên là một sự lựa chọn tốt hơn. Họ càng lúc càng giống những người chơi toàn cầu, trong khi các nền kinh tế khác thì ngày càng giống những nhà bảo hộ và kẻ gây hấn”.

Hôm Chúa Nhật vừa qua, 2/12/2018, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức Panama.

Có thể thấy rằng việc Trung Cộng “chiêu dụ” được Panama làm đồng minh là một thuận lợi cho sự thâm nhập vào khu vực Mỹ Latin, nơi mà trước giờ vốn do Hoa Kỳ ”làm chủ”. Ngoài Panama, các quốc gia  Mỹ Latin khác đặc biệt ở Trung Mỹ và Nam Mỹ đã ngả về Trung Cộng như Cộng hòa Dominica và El Salvador; Các quốc gia khác như Guatemala, Honduras đang dần dần ngả về Trung Cộng.

Đây được xem là sự thách thức của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ trong vài năm qua, làm dấy lên sự lo ngại của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng của Trung Cộng ở Mỹ Châu.

Chính sách mở rộng quyền lợi và rải tiền sang Phi Châu và Mỹ Latin thực sự là một sự thay đổi trong chiến lược kinh tế quốc tế của Bắc Kinh, đã gây áp lực lớn đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, đã làm xuất hiện thêm hai mặt trận nửa với Trung – Mỹ. Tháng 12-2018 Cổ Tấn Tinh Châu

Tham khảo:

Demain, la nouvelle Afrique : David H. Shinn and Joshua Eisenman

The Geopolitics of China’s rise in Latin America : Matt Ferchen

Nước Mỹ : Một siêu cường duy nhất – Trọng Đạt

Sau khi Liên bang Sô Viết sụp đổ vào đầu thập niên 90, Hoa Kỳ được coi như không còn đối thủ, trở thành siêu cường độc nhất trên thế giới. Nay có nhiều quan điểm khác nhau về nhận định này, có người cho là Mỹ không còn là siêu cường độc nhất vì nhiều cường quốc khác đang đi lên cạnh tranh với Mỹ kể cả sự trở lại giành địa vị của nước Nga, một siêu cường cũ.

Trong cuốn hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara “In Retrospect, The Tragedy and Lessons of VietNam” xuất bản năm 1995, tại các trang 325-330,  ông nói.

“Thế kỷ sau các nước Thứ Ba sẽ tăng rất nhanh về dân số, kinh tế như Ấn độ sẽ lên 1 tỷ 6,  Nigeria 400 triệu,  Ba Tây 300 triệu. Nếu Trung Cộng đạt mục tiêu kinh tế năm 2000 tiếp tục như thế nhưng không tăng trưởng mạnh trong 50 năm nữa, họ sẽ có lợi tức, sẽ ảnh hưởng Tây phương giữa thế kỷ 20, Tổng sản lượng của họ (GDP) sẽ vượt qua Mỹ, Tây Âu, Nhật, Nga, đó sẽ là một siêu cường đáng kể.

Mặc dù vẫn là siêu cường, nước Mỹ ở trong một thế giới đa cực, Mỹ sẽ phải thay đổi chính sách ngoại giao, quốc phòng cho phù hợp với thực tại. Trong thế giới đó cần có bang giao, quan hệ mới giữa các siêu cường Trung Hoa, Âu châu, Nhật, Nga và Mỹ, giữa các siêu cường và các nước khác. Chiến tranh lạnh chấm dứt không có nghĩa là chiến tranh sẽ chấm dứt.”

Cách đây hơn hai thập niên, McNamara tiên đoán trong một tương lai gần Hoa Kỳ sẽ không còn là siêu cường duy nhất, vì sự nổi lên của nhiều cường quốc khác. Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng làm thay đổi mỗi nước theo một hình ảnh mà chúng ta muốn (to shape every nation in our own image…)

Năm ngoái, trên BBC tiếng Việt, một tác giả trong nước nói đai khái như sau:

“Nước Mỹ sẽ không còn là siêu cường duy nhất mà chỉ là một con cá lớn bên cạnh những con cá lớn khác.”…

Nay phe ta vẫn thích ca ngợi sự lớn mạnh của các đồng chí, kể cả Nga mặc dù họ đã từ bỏ CS từ khuya và nhât là Trung Quốc anh em.

Gần đây tác giả Bùi Quang Vơm ở trong nước có bài nhận định về Donald Trump “Trump Siêu Nhân?”

Tác giả nói Trump đối diện trực tiếp với những vấn nạn lớn nhất của Hành tinh, và hình như đang hoá giải tất cả các vấn đề ấy cùng một lúc.

Tác giả ca ngợi Trump, ông ta giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc và nhận định về nước Mỹ như sau

“Trump đang chứng minh rằng Mỹ có thể quyết định tất cả, sắp đặt tất cả..

… Mỹ là người quyết định mọi chuyện, cần và chỉ cần thương lượng với Mỹ, theo điều kiện mà Mỹ có thể chấp nhận”

Ở đây tôi chỉ nêu một số nhận xét của tác giả Bùi Quang Vơm về sức mạnh của nước Mỹ nhưng không khen, chê chính sách của Tổng Thống Trump vì nó không nằm trong chủ đề của bài viết mà tôi trình bầy dưới đây.

Mặc dù nay Hoa Kỳ vẫn là siêu cường hàng đầu thế giới về quân sự (1) nhưng TT Trump dùng đòn kinh tế mà không xử dụng vũ khí trong thương thuyết. Nay ộng Trump gây áp lực kinh tế tối đa cùng một lúc với Bắc Hàn, Trung Quốc, Thổ Nhĩ, Iran. Trước mắt, Bắc Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu nhương bộ, Trung Cộng, Iran sẽ chấp nhận những đòi hỏi của Hoa Kỳ và chỉ là vấn đề thời gian.

Nhiêu nước lên án TT Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới, ông tăng thuế hàng nhập cảng của Trung Cộng và ngay cả các đồng minh từ Canada, Mexico đến Âu châu, Nhật.. để đòi hỏi sự công bằng về mậu dịch. Mặc dù Trung Cộng nay là cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, Tổng Sản Lượng (GDP) của họ chiếm khoảng 60% GDP Mỹ (2) phải chịu điêu đứng vì những đòn tăng thuế hàng nhập vào Mỹ (3). Xem như thế kinh tế Mỹ vững mạnh là chừng nào, chỉ có Mỹ mới có khả năng trừng phạt kinh tế các nước khác và cùng một lúc kể cả cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới

Những năm trước nhiều bình luận cho rằng Trung Cộng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt qua mặt Mỹ trong vòng 10, hoặc 20 năm nữa…nghĩa là TSL GDP của họ sẽ bằng rồi vượt Mỹ nhưng trên thực tế chuyện này khó sẩy ra: Kinh tế Mỹ không phụ thuộc vào xuất cảng mà có khả năng tiêu thụ trong nước, khoa học công nghiệp cao, làm những hàng kỹ nghệ nặng và high tech ngược lại kinh tế Trung Cộng phụ thuộc vào xuất cảng, họ chỉ đủ khả năng làm hàng tiêu dùng vì khoa học kỹ thuật còn yếu kém

Tổng cộng năm năm 2017 Hoa Lục xuất cảng 2. 26 ngàn tỷ (Mỹ Kim), trong đó  94% là hàng sản xuất công nghiệp tới các nước theo tỷ lệ: Mỹ 18.3%, khối Liên Âu 16.1%, Hồng Kông 13.8%, Nhật 6.1%, Nam Hàn 4.5%, các nước khác 41.2%.

Người ta nói nay họ là một công xưởng lớn sản xuất đồ tiêu dùng cho cả thế giới.

Hàng Hoa Lục rẻ xâm nhập các nước khác nhờ: Khối nhân công rẻ mạt và đông như kiến,  trợ  giá của chính phủ, hạ giá đồng Nhân dân tệ, xử dụng nguyên liệu bẩn, rẻ và độc hại và nhất là ăn trộm ăn cắp kỹ thuật của Mỹ, Tây phương, Nhật…Những yếu tố kể trên khiến các nước không thể cạnh tranh nổi hàng Hoa Lục ngay trên đất nước họ

Nhờ ăn cắp thông tin của Mỹ làm hàng rẻ mạt, phẩm chất tương đương nên họ dễ cạnh tranh nhưng nay trò gian trá này đã bị   ngăn chận. Một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật còn yếu kém chuyên đi ăn cắp ăn trộm thông tin công nghệ của Mỹ không thể thành siêu cường kinh tế vượt Mỹ được.

Từ khi TT Trump mở chiến tranh mậu dịch với Trung Cộng từ đầu tháng 7 tới nay mới có gần 4 tháng, Kinh tế Hoa Lục vô cùng khốn đốn. Chứng khoán Trung Quốc giờ đã giảm 12% trong tháng 10/2018 và 26% trong 12 tháng vừa qua. (trang Invest). Chỉ số Shanghai ngày 16-10 giảm 8,84%, mức giảm mạnh nhất kể từ 18/2/1997. (VN Express)

Các nhà đầu tư đua nhau bán tháo khiến gây khủng hoảng tài chính, chứng khoán tuột dốc liên tục, nhà nước phải “bail out” cứu thị trường nhưng chỉ như muối bỏ biển, đồng Nhân dân tệ nay xuống thấp nhất từ thập niên qua, các công ty vội vã rút khỏi Tầu.

Nền kinh tế Mỹ có cơ bản về thị trường, khoa học công nghệ, sản xuất.. từ bao đời nay trong khi kinh tế Hoa Lục hiện là kinh tế chỉ huy, phụ thuộc vào xuất cảng và phụ thuộc cả vào ăn trộm ăn cắp bí mật công nghiệp, kỹ thuật của Mỹ. Kinh tế của họ bấp bênh, chụp giựt. Trước chính sách mậu dịch của Mỹ, họ ráng chịu đòn để hy vọng Dân chủ sẽ thắng cử trong cuộc bầu của tháng 11 sẽ giúp họ cản trở chính sách mậu dịch của TT Trump.

Nay TSL GDP của các nước đứng đầu trên thế giới được xếp thứ tự như sau: Mỹ 19 ngàn tỷ tư, Hoa Lục 12 ngàn tỷ, Nhật 4 ngàn tỷ, Đức 3 ngàn tỷ 7, Anh 2 ngàn tỷ 6….. Nước Nga về TSL kinh tế rất khiêm tốn, chỉ có 1 ngàn tỷ rưỡi (1 ngàn tỷ 500) đứng thứ 12, thua Nam Hàn một bậc.

Quân sự

Về phương diện quân sự, trang Hỏa lực toàn cầu(4) đã xếp hạng các cường quốc quân sự trên thế giới theo thứ tự như sau:

1-Mỹ

2-Nga

3-Trung Cộng

4-Ấn độ

5-Pháp

6-Anh

7-Nhật

. . . . . . . . . . . . .

Nga được xếp hạng nhì nhờ kho vũ khí cũ để lại từ thời chiến tranh lạnh, Kinh tế cũng như Ngân sách quốc phòng chỉ là con số không so với Mỹ. TSL GDP Mỹ nay (19 ngàn tỷ 4) gấp gần 13 lần Nga (1 ngàn tỷ rưỡi). Ngân sách Quốc phòng Mỹ nay 712 tỷ, gấp 15 lần NSQP Nga (47 tỷ)….. Trung Cộng GDP bằng hơn một nửa Mỹ, Ngân sách quốc phòng (151 tỷ) chưa được một phần tư của Mỹ (712 tỷ)…. khoa học còn yếu kém, họ đóng tầu, chế tạo máy bay quân sự, vũ khí ….. nhái theo Nga hoặc thuê chuyên viên nước ngoài thực hiện.

Về Ngân sách quốc phòng nay Mỹ là 712 tỷ, nếu đem cộng lại NSQP của 9 nước còn lại trong số 10 nước Top Ten về quân sự trên thế giới chỉ được 520 tỷ (Tầu 151 tỷ, Arab Seoudite 56 tỷ, Anh 50 tỷ, Ấn 47 tỷ, Nga 47 tỷ, Đức 45 tỷ, Pháp 40 tỷ, Nam Hàn 40 tỷ ), tổng cộng vẫn còn nhỏ hơn NSQP của Mỹ rất nhiều.

Xem như thế bộ máy Quân sự của Mỹ vĩ đại khủng khiếp là chừng nào.

Về vũ khí nguyên tử  Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử mà các cường quốc CS Nga, Tầu đã đánh cắp tài liệu của họ về chế tạo. Mỹ cũng là nước duy nhất đã xử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh (1945). Về số lượng, Mỹ là nước có nhiều đầu đạn nguyên tử nhất.

Từ 1940 tới 1996, trong 56 năm Mỹ đã chi 8,890 tỷ đô la (theo giá tiền ngày nay) trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Người ta ước lượng từ 1945 Mỹ đã chế tạo hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử, nhiều hơn  tổng số đầu đạn nguyên tử của các nước trên thế giới cộng lại(5)

Riêng về Hải quân, lực lượng Hàng không mẫu hạm của Mỹ nay là 10 tầu khổng lồ  (trên100 ngàn tấn)  hiện dịch, hai tầu trừ bị và 10  Hàng không mẫu hạm loại trung bình cho trực thăng và máy bay phản lực lên thẳng, tổng cộng 20 chiếc. Các nước khác  chỉ có một số giới hạn Hàng không mẫu hạm không đáng kể, loại nhỏ hoặc trung bình, chưa nước nào kể cả Nga đóng được HKMH lớn 100 ngàn tấn, mà chỉ vào khoảng dưới 60 ngàn tấn. Nhiều nước mua lại tầu cũ, lỗi thời: Nhật 4 chiếc, Pháp 4 chiếc, Ai cập 2, Ý 2, Úc 2, Nga 1….

Trong tương lai sẽ không bao giờ có nước nào, kể cả Nga có hy vọng đóng được HKMH khổng lồ trên 100 ngàn tấn vì nó vô cùng tốn kém (từ 10-15 tỷ) đòi hỏi khoa học kỹ thuật rất cao. Trên thế giới sẽ không bao giờ một nước nào có lực lượng Hải quân, HKMH đối địch được với Mỹ.

Tầu sân bay vẫn được coi là một “biểu tượng sức mạnh” của quốc gia trên đại dương (The aircraft carrier remains a nation’s “symbol of strength” on the high seas)

Kết luận

Như đã trình bầy hiện nay và trong thế kỷ tới ta chưa thấy dấu hiệu gì cho thấy cường quốc nào có thể hơn hay bằng Mỹ về Kinh tế cũng như Quân sự, Quốc phòng. Mười mấy năm trở lại đây, TT  Putin một chính trị gia mới nổi gây nhiều căng thẳng cho Tây phương. Ông ta tiếc nhớ Sô Viết Nga oai hùng thời chiến tranh lạnh và muốn làm sống lại cả một thời oanh liệt xa xưa….mà gần đây bị Tây phương rẻ rúng: Sô Viết tan rã năm 1991, 15 nước  thuộc địa đòi độc lập,  dân số Nga tụt xuống chỉ còn một nửa (145 triệu). Về kinh tế thập niên 1970, 1960 Tổng sản lượng GDP Nga khoảng một nửa của Mỹ(6) nay chỉ còn khoảng 1/13 của Mỹ. Ngân sách quốc phòng Mỹ nay 712 tỷ gấp 15 lần Nga (47 tỷ)….

Đối với Mỹ, nướcNga bây giờ chỉ là con số không ngoài cái kho vũ khí cũ nhất là bom Nguyên tử từ thời chiến tranh lạnh. Năm 2014 trong cơn nóng giận Putin tuyên bố Nga là nước duy nhất có khả năng biến nước Mỹ thành tro bụi chỉ là cách nói cho đỡ tủi, ai người ta để cho anh lộng hành như thế?

Trung Cộng về TSL kinh tế GDP có thể sẽ từ từ bằng hay qua mặt Mỹ tuy không có gì bảo đảm chắc. Mặc dù Hoa Lục muốn  sánh vai với Mỹ về quân sự, quốc phòng nhưng còn xa với lắm, khoa học nhất là về quốc phòng của họ còn yếu kém so với Nga, Mỹ, Pháp, Nhật.. Một ông Tướng 4 sao Nhật cách đây 5, 6 năm đã chê bai Hải quân, Không quân Hoa Lục còn lạc hậu từ 10 cho tới 20 năm so với Nhật

Nay Hoa Kỳ vẫn có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới theo ý họ muốn và tiên đoán về vai trò khiêm tốn của Mỹ như một số nhận xét số nhận xét, bình luận chưa thể đúng vào lúc này hay trong tương lai.

Trên thực tế, Kinh tế cũng như Quốc phòng của Mỹ nay và trong nhiều thập niên tới còn rất vững mạnh, vì sao? Tổng sản lượng Kinh tế Mỹ năm 2017 khoảng 19 ngàn 400 tỷ vẫn còn nhiều hơn TSL của cả khối Liên Âu cộng lại (17 ngàn 300 tỷ). Ngân sách quốc phòng của 28 nước khối NATO (không kể Mỹ) nay chỉ có 265 tỷ chưa được một nửa NSQP Mỹ (nay hơn 700 tỷ)(7)

Như thế còn lâu một cường quốc nào mới có thể sánh vai được với nước Mỹ.

Kinh tế, Quốc phòng Hoa Kỳ còn vĩ đại là chừng nào…..

Nguồn

(1) http://www.globalfirepower.com

(2) Wikipedia, List of countries by GDP nominal: Mỹ 19,360,600 tỷ, Trung Cộng 12,014, 610 tỷ

(3) https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5700.html

Mỹ đòi hỏi họ phải tăng nhập cảng hàng Mỹ và giảm hàng xuất khẩu của họ, năm 2017  hàng xuât cảng  từ Trung Cộng vào Mỹ là 505 tỷ và nhập từ Mỹ chỉ có 129 tỷ

(4) http://www.globalfirepower.com

(5)Wikipedia -Nuclear weapons and the United States

(6) Samuelson, Economics trang 830 (in 1970)

(7) Wikipedia- Member states of NATO,

NSQP của 29 nước NATO (kể cả Mỹ) là 965 tỷ

 

Nhật Ký Biển Đông – Đào Văn Bình

Không Ai Chống Nổi Luật Vô Thường

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười Một ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

-Yahoo News ngày 17/11/2018: “Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Yahoo, George T. Conway- chồng của bà Kellyanne Conway- cố vấn cho Ô. Trump tại Tòa Bạch Ốc nói rằng Đảng Cộng Hòa đã trở thành đảng ‘sùng bái cá nhân’ (a personanlity cult) dưới thời Tổng Thống Donald Trump và ông thà bỏ đi Úc còn hơn bỏ phiếu cho Ô. Trump một lần nữa.”

Không biết với lời tuyên bố này có làm cho bà Kellyanne bay chức không? Hay Ô. Trump rộng lượng nói rằng, “Ồ, vợ chồng bất đồng chính kiến là chuyện thường. Ông ấy là ông ấy, còn bà trung thành với tôi là được rồi.”

Nhưng chắc chắn cặp vợ chồng này mỗi tối đi làm về sẽ lục đục , bỏ cơm bỏ nước để cãi nhau. Đã có nhiều cặp vợ chồng ly dị chỉ vì ông Cộng Hòa, bà Dân Chủ. Ô hô lưỡng đảng! Dân chủ có đấy nhưng đất nước chẻ đôi, cộng đồng thù hận và vợ chồng ly dị! Ngày xưa, nếu có vị vua bạo ngược thì người dân nổi lên chống đối chứ người dân không hề chia rẽ nhau vì chính trị. Từ ngày văn minh lập đảng, người dân trở thành kẻ thù của nhau nếu gia nhập hoặc tình cảm với hai đảng khác nhau. Đảng phái có phải là điều tốt lành cho cuộc sống không? Người ta nói rằng Lưỡng Đảng khiến đảng này kiềm chế đảng kia. Điều đó đúng, nhưng thực tế thường là “đảng này chơi sát ván, hạ bệ đảng kia” khiến đất nước rối beng, tê liệt.

– AP ngày 29/11/2018: “Thách thức Tổng Thống Donald Trump, Thượng Viện đã gửi một thông điệp mạnh mẽ là họ muốn trừng phạt Ả Rập Sê-út trong việc giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Bằng số phiếu 63-37, các thượng nghị sĩ đã ban hành luật kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt can dự vào cuộc chiến Yemen do Ả Rập Sê-út cầm đầu.”

Theo thống kê, từ 2015 tới nay đã có 57,000-80,000 người chết ở Yemen trong đó có 6,592 thường dân và  3,154,527 người phải rời bỏ nhà cửa. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn với sự hỗ trợ vũ khí, kế hoạch từ Hoa Kỳ và do Saudi Arabia lãnh đạo với một liên minh hùng hậu. Vào ngày 19/11/2018, trước áp lực của thế giới cũng như  thiệt hại sinh mạng tốn kém của cải,  Quốc Vương Salman đã phải tuyên bố sẽ hỗ trợ cho một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến ở Yemen. Và phe phiến quân cũng tuyên bố không bắn hỏa tiễn vào Ả Rập Sê-út vì những nỗ lực hòa bình.

Hãy cầu mong là như vậy vì đã quá nhiều dân lành chết oan do tranh giành quyền lực giữa các hệ phái. Một số nhà bình luận thế giới cũng nói rằng Hoa Kỳ phải ngưng hỗ trợ quân sự cho Ả Rập Sê-út và không nên đứng trung gian hòa giải. Sự can dự của Hoa Kỳ vào đây chỉ làm mạnh thêm thành phần khủng bố và Nhà Nước Hồi Giáo vì cả hai phe Southi lẫn Ả Rập Sê-út đều muốn lợi dụng lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo để phá rối phe bên kia.

-Tổng Hợp ngày 21/11/2018: Một người đàn ông tên Juan Lopez sau khi đòi lại nhẫn đính hôn không được đã nổ súng giết chết người yêu cũ của mình là nữ bác sĩ Da Đen Tamara O’Neal tại một bệnh viện ở Chicago. Sau đó hung thủ xông vào bệnh viện bắn 30 phát đạn giết chết thêm hai người trong đó có một cảnh sát rồi quay súng tự sát.

Theo AP ngày 23/11/2018, một người đàn ông 21 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết sau khi hung thủ nổ súng làm bị thương một trẻ vị thành niên 16 tuổi và một bé gái 12 tuổi tại một thương xá ở Alabama.

Rồi theo ABC News cùng ngày, một người đàn ông Da Đen đã chĩa súng bắn vào lưng ba người Da Đen khác đang đi bộ tại một trạm dừng của xe chuyên chở công cộng ở Texas chưa hiểu vì lý do gì. Rồi theo AP ngày hôm nay, ba người bị bắn chết, hai người tính mạng nguy kịch giữa đêm Thanksgiving (Lễ Cảm Ơn Người Da Đỏ) tại một căn nhà ở Fort Wayne, Indiana. Chưa rõ nguyên nhân của vụ thảm sát.

Chuyện nổ súng giết người ở Hoa Kỳ giống như “chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ” xảy ra như cơm bữa và quá thường tình, quá chán nản cho nên nhiều khi không muốn đưa lên bản tin làm gì nữa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì lòng người quá điên cuồng, hận thù, hung bạo hay có quá nhiều súng đạn mà không có biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát? Good Morning America ngày 29/11/2018 cho biết, cứ mỗi tháng tại Hoa Kỳ có hơn một vụ thảm sát bằng súng đạn. Thảm sát được định nghĩa là có từ bốn đến hơn bốn người chết, không kể hung thủ.

-Reuters ngày 27/11/2018: “Larry Kudlow- cố vấn kinh tế của Tổng Thống Donald Trump nói rằng Ô. Trump có thể sẽ công bố những hậu quả dành cho Công Ty General Motors vì công ty này dự định cắt 14,000 công việc và đóng cửa năm nhà máy lắp ráp xe hơi tại Bắc Mỹ.”

Đây là nền kinh tế tự do. Các công ty Hoa Kỳ có quyền đóng cửa nhà máy, xây thêm nhà máy, cho công nhân nghỉ việc, di chuyển nhà máy ra ngoại quốc…hoàn toàn tự do mà chính quyền không thể can thiệp. Cho nên chưa biết biện pháp trừng phạt của Ô. Trump như thế nào. Dường như Ô. Trump đe dọa cắt bỏ quy chế ưu đãi cho Công Ty General Motors. Theo Đài CNBC, qua việc thăm dò hơn 800 công ty chế tạo, việc mở rộng chiến tranh thương mại của Ô. Trump chỉ làm giá cả gia tăng cho người tiêu thụ mà không đem lại công ăn việc làm cho các công ty chế tạo đã di chuyển ra khỏi nước.”

-Yahoo News ngày 27/11/2018: “Một chủ nhà, một cựu chiến binh ở Burlington, Vermont thức dậy sáng Chủ Nhật thấy sợ khi khám phá ra tấm biểu ngữ Trump Năm 2020: Tiếp Tục Giữ Cho Hoa Kỳ Vĩ Đại (Trump 2020: Keep America Great!) bị đốt cháy rụi.” Bầu không khí chia rẽ và thù hận chính trị lan tràn trên nước Mỹ.

-Yahoo News ngày 30/11/2018: “Vào ngày 20/11/2018, Paul Caneiro 51 tuổi đã giết bốn người, bao gồm vợ chồng người anh/em của mình,  cùng hai con nhỏ, sau đó phóng hỏa đốt dinh thự của họ tại Colts Neck, New Jersey do mâu thuẫn hùn hạp làm ăn buôn bán.”

Ôi tiền bạc! Nó làm tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, thầy trò chia lìa. Bạn thành thù, thù thành bạn. Nó làm lương tâm con người mờ tối nhưng tất cả chúng ta ai cũng mơ ước tiền bạc. Tuy nhiên lại có Ô. Sajahn Siripanno là con trai duy nhất của tỷ phú T. Ananda Krishnan  giàu có thứ hai tại Mã Lai, từ bỏ tài sản của cha để lại khoảng 5 tỷ Mỹ Kim, xuất gia tu thiền ở Thái Lan để đi tìm một cuộc sống yên bình, ngày ngày ôm bình bát khất thực.” Đây cũng là tấm gương sáng cho bao ni/sư ở hải ngoại ngày nay, gây quỹ liên miên, tìm đủ mọi cách để kiếm tiền và cho rằng, chùa to, chùa đẹp, sư giàu.. là biểu hiện của chứng đạo, giải thoát và thành công trên đường tu học theo Phật.

Tình hình thế giới:

-AP ngày 20/11/2018: “Hồi Quốc đã cho triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để phản đối việc Tổng Thống Donald Trump nói rằng Hồi Quốc đã chứa chấp Osama bin Laden – thủ lãnh của al-Qaida cho dù đã nhận nhiều tỷ Mỹ Kim từ Hoa Kỳ. Bộ trưởng ngoại giao Hồi Quốc nói rằng những lời lẽ kích động cường điệu như vậy là không thể chấp nhận được. Tân thủ tướng Hồi Quốc nói rằng họ đã phải gánh chịu con số 75,000 thương vong, tốn kém 123 tỷ Mỹ Kim bởi cuộc chiến không do họ gây ra trong khi Hoa Kỳ chỉ chi con số nhỏ xíu là 20 tỷ Mỹ Kim viện trợ.”

Quả thật Hồi Quốc “ách giữa đàng lại mang vào cổ”. Cuộc tấn công vào A Phú Hãn do Hoa Kỳ phát động năm 2001 để tiêu diệt chính phủ Taliban mà Ô. Bush Con cho rằng đã chứa chấp và không chịu giao nạp Osama bin Laden, khiến Hồi Quốc bị vạ lây. Đã 18 năm qua mà Mỹ chưa giải quyết được, dù đã phải dùng tới bom áp nhiệt của Dương Nguyệt Ánh, Mẹ Của Các Loại Bom- một loại bom nguyên tử cỡ nhỏ và tất cả các vũ khí tối tân nhất của Hoa Kỳ. A Phú Hãn được mệnh danh là “Mồ Chôn Của Các Đế Quốc” (Graveyard of Empires). Các Đế Quốc Anh, Cộng Hòa Liên Bang Sô-viết đều đã ôm đầu máu tại đây.  Theo ABC News ngày 27/11/2018,  “Lực lượng NATO phụ trách huấn luyện cho biết, ba binh sĩ Hoa Kỳ chết và ba bị thương trong một vụ nổ mìn trên đường ở nam A Phú Hãn.

Trong cuộc vận động tranh cử, Ô. Trump nói rằng ông sẽ ra lệnh cho các tướng trình lên ông kế hoạch “diệt nhanh, diệt gọn, diệt đẹp Taliban” khiến cử tri sướng quá bẻn bỏ phiếu cho ông. Thế nhưng khi  các tướng đề nghị tăng 100,000 quân nhưng ông không dám mà chỉ tăng 3000. Cuộc chiến A Phú Hãn ba đời tổng thống giải quyết chưa xong. Nếu rút quân thì chính quyền Kabul xụp đổ. Nếu ở lại thì tình hình cứ cù nhầy, tốn kém sinh mạng của cải. Đau đầu quá!

-Reuters ngày 20/11/2018: “Hãng máy bay Boeing đã hủy bỏ cuộc hội thảo với các hãng hàng không để thảo luận về hệ thống trên máy bay 737 MAX vừa rớt ở Nam Dương tháng qua. Hãng chế tạo máy bay của Hoa Kỳ đang đối mặt với sự xem xét bởi các nhà điều hành và phi công về tai nạn đầu tiên liên quan đến chiếc 737 Max- một mẫu mới nhất -nổi tiếng với chiếc thân hẹp.” Tin tức còn cho biết Boeing đã biết rõ khuyết điểm của loại máy bay này nhưng không thông báo cho các phi công biết. Cổ phần của công ty Boeing đã mất 8% do sự thiếu tin cậy vào trách nhiệm của công ty. Hiện nay gia đình 189 nạn nhân của vụ rớt máy bay đã đệ đơn kiện hãng Boeing. Có thể vì thế mà Boeing đã hủy bỏ cuộc hội thảo chăng?

-Reuters ngày 20/11/2018: “Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã chống đỡ cho lập trường của Tổng Thống Donald Trump ủng hộ Ả Rập Sê-út, thách thức áp lực của thế giới trước cái chết của ký giả Khashggi tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng rồi. Ô. Pompeo sau cuộc họp với ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã nói trong một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ chấp nhận chính sách xúc tiến những quyền lợi về an ninh của Hoa Kỳ, và như Tổng Thống Donald Trump nói hôm nay là Hoa Kỳ tiếp tục có mối giao hảo với vương quốc Ả Rập Sê-út.” Thế nhưng đích thân Tổng Thống Erdogan dấn thân trong vụ này, đã cáo buộc Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ. Có thể Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn với Ả Rập Sê-út cái gì chăng?

Như tôi đã nói từ đầu, cuối cùng rồi đô-la và dầu hỏa thắng, lý tưởng thua. Làm sao Hoa Kỳ có thể hy sinh một đồng minh chiến lược giầu mạnh như Ả Rập Sê-út chỉ để bênh vực một ký giả bị giết? Rồi đây nội vụ chìm xuồng. Khi Hoa Kỳ không làm gì hết thì thế giới cũng nín khe, có làm cũng chẳng đi đến đâu mà còn phiền lòng “xếp”. Đời là vậy. Trong khi cả thế giới Nam Mỹ, Á Châu, Phi Châu và một số đông quốc gia Trung Đông nín thinh về vụ này, chỉ có mấy “ông kẹ” của thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Gia Nã Đại là ồn ào lên. Ồn ào được cái gì? Ngoại giao là khôn khéo đặt quyền lợi của quốc gia mình lên trên hết chứ không phải lý tưởng hão hoặc bốc đồng sôi nổi. Ô. Erdogan nổi tiếng là bốc đồng, sôi nổi. Có một ông tổng thống như vậy sẽ vô cùng nguy hại cho đất nước. Trong khi Ô. Erdogan lên án Thái Tử Mohammed Bin Salman thì Tổng Thống Sissi của Ai Cập lại vui vẻ tiếp đón ông này. Tin mới nhất cho biết Tổng Thống Putin cũng sẽ gặp Thái Tử Mohammed Bin Salman bên lề Thượng Đỉnh G-20 tại Á Căn Đình vào ngày 30/12/2018 để mở rộng thêm mối bang giao giữa hai bên. Còn Hoa Kỳ hôm nay đã đồng ý bán cho Ả Rập Sê-Út hệ thống lá chắn hỏa tiễn THAAD do công ty Lockheed chế tạo trị giá 15 tỷ Mỹ Kim. Thật là một hợp đồng béo bở, tạo biết bao nhiêu công ăn việc làm cho công nhân. Còn thủ tướng Ấn Độ Modi cũng gặp Thái Tử Mohammed Bin Salman bên lề cuộc họp thượng đỉnh để bàn về gia tăng đầu tư. Rõ ràng những “ông khổng lồ” Nga, Mỹ, Ấn Độ đều vì cơm áo gạo tiền hơn là lý tưởng nhân quyền.

-Tổng Hợp ngày 22/11/2018: Thủ Tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tới Cuba sau 32 năm vào ngày hôm nay với mục đích bình thường hóa, ổn định và tiến sâu trong quan hệ song phương. Ô. Pedro Sanchez sẽ cùng Chủ Tịch Miguel Diaz – Canel tổ chức một cuộc hội thảo về thương mại tại Khách Sạn Grand Packard do một tập đoàn người Tây Ban Nha làm chủ.”

Như vậy Âu Châu đã vượt qua những cấm cản của Hoa Kỳ để “bám rễ” vào đảo quốc này sau khi Ô. Donald Trump đảo ngược chính sách bình thường hóa ngoại giao với Cuba của Ô. Obama. Hiện nay Cuba đã ban hành Luật Đầu Tư cho phép các công ty ngoại quốc làm ăn buôn bán tại đây. Chính sách cấm vận Cuba của Hoa Kỳ sau hơn nửa thế kỷ đã lỗi thời trước con mắt thế giới và đã bị Liên Hiệp Quốc nhiều đòi hủy bỏ.

-Tổng Hợp ngày 24/11/2018: Bà Thái Anh Văn –đương kim tổng thống Đài Loan tuyên bố từ bỏ chức vụ chủ tịch Đảng Thăng Tiến sau khi đảng này để mất ghế thị trưởng Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng vào tay Quốc Dân Đảng.

Chiêu bài mị dân (hứa liều, hứa bậy) là chiêu bài hấp dẫn cử tri vì người dân nào cũng mơ ước một thiên đường ảo ảnh, tức thích “uống nước đường”. Bà Thái Anh Văn được dân Đài Loan cuồng nhiệt tín nhiệm năm 2016 vì chiêu bài độc lập cho Đài Loan. Thế nhưng chuyện độc lập cho Đài Loan muôn vàn khó khăn, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Cho nên đã hai năm qua, ước mơ vẫn dậm chân tại chỗ khiến người dân trở nên bực tức và bỏ phiếu cho đảng đối lập. Kết quả của cuộc bầu cử cho thấy nhiệm kỳ tới bà Thái Anh Văn có thể sẽ về vườn nghỉ xả hơi. Chính trị gia chân chính  là người không mị dân, tức không hứa liều hứa bậy về những chuyện không thể làm được. Lãnh tụ Quốc Dân Đảng tuyên bố sẽ thành lập nhóm làm việc để cải thiện bang giao với Hoa Lục. Xin nhớ Quốc Dân Đảng là kẻ thù không đợi trời chung của Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Sau khi chạy ra Đài Loan năm 1949 lúc nào cũng kêu gào “Quang Phục Lục Địa” nhưng nay đã phải bỏ ước mơ đó để hợp tác với Bắc Kinh để may ra có thể sống sót trên hòn đảo nhỏ bé này.

-AP ngày 23/11/2108: “Ngày hôm nay, thị trưởng Tijuana vừa tuyên bố tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại thành phố biên giới của ông và nói rằng đã nhờ LHQ giúp đỡ để đối phó với khoảng 5000 dân Trung Mỹ vừa kéo tới. Thị Trưởng Juan Manuel Gastelum nói rằng chính quyền trung ương Mễ Tây Cơ cung cấp trợ giúp rất ít và sẽ không cam kết dùng tài nguyên của thành phố để đối phó với tình thế.”

Như tôi đã nói trước đây. Đối phó với một đạo quân, với quân khủng bố dễ. Nhưng đối phó với đoàn người lôi thôi lếch thếch, đàn bà tay bế tay bồng đi tìm miếng cơm manh áo, một cuộc sống khá hơn cho bản thân mình và cho con cái…rất khó. Nhìn vào đoàn người ngủ vật vờ trên đường phố, không cơm nước, không nhà vệ sinh, không chỗ che mưa nắng…thì đâu là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề nhân đạo này? Lính tráng với súng ống, gây kẽm gai bố trí ở biên giới chỉ bảo vệ an ninh cho đất nước chứ không giải quyết được vấn đề. Trong bài viết đề ngày 30/10/2018, tôi có đề nghị, “Để xứng đáng với tư cách “lãnh đạo thế giới”, Ô. Trump nên viện trợ khẩn cấp cho Mễ Tây Cơ thành lập các trại tiếp cư để “cầm chân” đoàn người đang ùn ùn kéo vào. Đồng thời cũng viện trợ cho các nước Trung Mỹ và hứa mỗi gia đình trở về sẽ “tặng” một số tiền nhỏ để mưu sinh. Bỏ ra 1 tỷ đô-la chẳng thấm thía gì. Được tiếng nhân đạo và “tạm thời” ổn định được tình hình rồi tính sau. Biện pháp mạnh không thể thành công.” Theo AP ngày 24/11/2018, Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ đạt được thỏa hiệp là di dân Trung Mỹ sẽ phải chờ ở Mễ cho đến khi Hoa Kỳ cứu xét bởi tòa án di dân. Thế nhưng cũng theo AP cùng ngày, bộ trưởng nội vụ của Mễ Tây Cơ lại lên tiếng bác bỏ chuyện có một thỏa hiệp như vậy.

-ABC News ngày 24/11/2018: “Cuộc biểu tình tại Paris của khoảng 8000 người để chống lại việc tăng giá săng dầu của Tổng Thống Macron bước qua ngày thứ tám. Paris như bị phóng hỏa. Lửa và khói bao phủ thành phố.  Cảnh sát đã bắn lựu đạn cay và súng phóng nước vào đám người biểu tình.”

Tăng giá săng dầu – một là dấu hiệu của ngân sách thiếu hụt. Hai là cấu kết với các tài phiệt để tăng giá- một hình thức móc ngoặc, tham nhũng. Nhưng Ô. Macron nói rằng tăng giá là điều cần thiết để không lệ thuộc vào than đá và  tài trợ cho loại năng lượng có thể phục hồi được (renewable energy sources) như năng lượng mặt trời, thủy điện, gió v.v…

Chiến Tranh Lạnh Mới:

-Reuters ngày 17/11/2018: “Tại Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) Papua New Guinea, Phó Tổng Thống Mike Pence nói rằng Hoa Kỳ sẽ không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại và sẽ gia tăng thuế nhập cảng lên hàng hóa Trung Hoa trong khi Tổng Thống Donald Trump lúc nói rằng sẽ không có chuyện tăng thuế, lúc lại nói có. Ô. Pence cũng ám chỉ kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường của Hoa Lục. Thế nhưng Ô. Tập Cận Bình đã đáp trả khi nói rằng không hề có âm mưu địa lý chính trị đằng sau dự án được trình làng năm 2013 mà nó nhằm thúc đẩy việc nối liền một giải đất đai và biển cả của Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Âu Châu và Phi Châu. Nó không loại trừ ai. Nó không phải là nhóm độc quyền chỉ dành cho những ai là hội viên và nó không phải là cái bẫy như người ta gán ghép cho nó.”

-AFP ngày 18/11/2018: “Các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương vào ngày hôm nay đã không thể hàn gắn sự bất đồng liên quan đến thương mại tại hội nghị thượng đỉnh bị khống chế bởi cuộc đấu khẩu giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa khi hai siêu cường tranh giành ảnh hưởng trong vùng. Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC đã không đạt được thỏa thuận về một bản tuyên bố chung khi có sự khác  biệt gay gắt giữa hai siêu cường kinh tế về những luật lệ cho thương mại toàn cầu. Thủ Tướng Peter O’Neil – vị chủ nhà thừa nhận thất bại và nói rằng tôi còn nói gì đây khi có hai ông khổng lồ ở tại căn phòng này.”

Khi hai ông khổng lồ choảng nhau thì “quần hùng ngơ ngác” đưa mắt nhìn và biết nói sao đây? Thôi thì chờ xem tình hình diễn biến như thế nào. Nhưng chắc chắn đây là dấu hiệu khởi đầu của cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới.

 Tình hình Trung Đông:

-AFP ngày 17/11/2018: “Tổng Thống Barham Saleh (sắc tộc Kurd) của Iraq đã thực hiện chuyến công du đầu tiên tới nước láng giềng Ba Tư vào ngày hôm nay và kêu gọi một trật tự mới trong vùng. Ô. Saleh gặp gỡ Tổng Thống Hassan Rouhani để thảo luận về thương mại, nối kết giao thông và vấn đề ô nhiễm vì bụi của khu vực biên giới giữa hai bên. Trong cuộc họp báo tại Tehran, Ô. Saleh nói rằng giờ đây là thời điểm của một trật tự mới trong vùng phù hợp với quyền lợi của tất cả các quốc gia. Chúng tôi tin rằng Ba Tư có một vai trò quan trọng với trật tự mới này.” Thế nhưng để cân bằng ảnh hưởng, tổng thống Iraq cũng đã gặp gỡ Vua Ả Rập Sê-út.

Thật là trớ trêu, trong lúc Hoa Kỳ- để chiều lòng Do Thái đã ban hành những biện pháp cấm vận nghiệt ngã để đánh gục Ba Tư trên hai bình diện kinh tế và ngoại giao thì Iraq- một quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ lại kết thân với Ba Tư. Nguyên do là vì chính quyền Iraq hiện tại do người thuộc hệ phái Shiite nắm giữ. Họ cần phải liên kết với Ba Tư để có chỗ dựa và tạo ổn định. Trước đây dưới thời Saddam Hussein (thuộc hệ phái Sunni) đã tiến hành cuộc chiến tranh thảm khốc với Ba Tư nhưng đã bị Ô. Bush Con đem quân vào đây giết đi khiến 4947  binh sĩ chết,  32,349 bị thương và tiêu tốn khoảng 3000 tỷ Mỹ Kim để thiết lập một chính quyền – mà ngày nay chính quyền đó lại kết thân với Ba Tư – kẻ tử thù của Do Thái. Ngày nay, bất cứ ai là kẻ thù của Do Thái – cũng sẽ trở thành kẻ tử thù của Hoa Kỳ kể cả Liên Hiệp Quốc. Theo AFP ngày 18/11/2018, thủ tướng Do Thái đã hoan nghênh việc Hoa Kỳ bỏ phiếu chống lại nghị quyết biểu quyết mỗi năm của LHQ lên án Do Thái chiếm Cao Nguyên Goland của Syria.

-AFP ngày 19/11/2018: “Lần đầu tiên kể từ khi Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa hiệp hạt nhân ký kết với Ba Tư, Ngoại Trưởng Anh Jeremy Hunt đã tới Tehran để bàn về thỏa hiệp này và việc trả tự do cho một công dân Anh đang bị giam. Ô. Hunt gặp Ngoại Trưởng Ba Tư Mohammad Javad Zarip nhưng cả hai không trả lời những câu hỏi của phóng viên.” Theo Reuters ngày 21/11/2018, “Ba Tư hoan nghênh các nỗ lực của Âu Châu duy trì việc giao thương với Tehran cho dù có lệnh cấm của Hoa Kỳ sau cuộc gặp gỡ được đánh giá là xây dựng với các viên chức của Anh và Pháp và cũng hoan nghênh nỗ lực của Âu Châu tiến hành giao dịch mà không cần đồng Mỹ Kim.” Cũng theo Reuters cùng ngày, Tổng Thống Ba Tư Rouhani nói rằng Ba Tư tiếp tục xuất cảng dầu thô cho dù có lệnh cấm của Hoa Kỳ

Qua sự kiện này chúng ta thấy Hoa Kỳ cô đơn trong việc tái cấm vận Ba Tư vì lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ làm tổn thương đến quyền lợi của Âu Châu.

-AFP ngày 22/11/2108: “Nhà lãnh đạo quan trọng của người Kurd đã gặp thủ tướnh Iraq tại Baghdad hôm nay trong chuyến viếng thăm thủ đô trong hơn hai năm. Việc thăm viếng của Ô. Barzani cho thấy sự cải thiện mối liên hệ giữa Baghdad và lực lượng người Kurd mà mối liên hệ đã tồi tệ đi sau khi vùng tự trị này tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập vào năm ngoái.”

-Reuters ngày 24/11/2018: “Tổng Thống Ba Tư Hassan Rouhani kêu gọi người Hồi Giáo toàn thế giới đoàn kết để chống lại Hoa Kỳ thay vì trải thảm đỏ để đón rước tội phạm”.

Theo tôi, Ô. Rouhani không nên tuyên bố như thế. Đây giống như lời kích động hay tuyên chiến. Trên chính trường quốc tế, mình là nước yếu cần tranh thủ chính nghĩa, tránh nói lời khiêu khích. Ô. Kim Jong Un giờ đây đã bỏ lối nói “nổ như tạc đạn” chẳng hạn như, “san bằng Hoa Kỳ” hoặc “cho Hoa Kỳ ăn bom nguyên tử”. Nói mà người ta hiểu ý nhưng không lộ vẻ khiêu khích, hiếu chiến mới là khôn ngoan. Nga là cũng là một đại cường, dù đang bị Mỹ và NATO chèn ép, nhưng Ô. Putin luôn luôn tự chế và không hề có lời nói nào miệt thị Ô. Trump hoặc khiêu khích Hoa Kỳ. Ô. Putin là chính trị gia rất bản lĩnh, khôn ngoan chứ không phải tầm thường như chúng ta nghĩ. Trên chính trường quốc tế giống như “Đông Chu Liệt Quốc” nay thù mai bạn là lẽ thường. Nếu dùng lời lẽ “tuyệt tình, tuyệt nghĩa” thì khó có thể nhìn mặt nhau sau này. Quả đất tròn, nếu còn sống, đi lòng vòng rồi cũng có ngày gặp nhau.

-AFP ngày 24/11/2018: “Theo nhóm theo dõi chiến tranh, những cuộc phản công của Nhà Nước Hồi Giáo trong hai ngày đã giết chết 47 chiến binh được Hoa Kỳ hỗ trợ trong khi nhóm thánh chiến này bám lấy vùng trú ẩn ở đông Syria.”

 Tình hình Biển Đông:

-Tổng Hợp ngày 18/11/2018: Ngoại giao dồn dập ở Đông Nam Á với việc Tổng Thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Thủ Tướng Nga Medvedev thăm Việt Nam lần thứ hai. Tổng Thống  Ram Nath Kovind  đã thăm Thánh Địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) là khu di tích gồm nhiều Tháp Chàm mang vóc dáng kiến trúc Hindu (Ấn Độ Giáo) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việt Nam-Ấn Độ dự trù đưa kim ngạch thương mại song phương lên con số 15 tỷ Mỹ Kim vào năm 2020. Còn Ô. Medvedev nói rằng hai bên đang thúc đẩy thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên Minh Kinh Tế Á Âu trong đó có các lĩnh vực kỹ nghệ,  công nghệ cao, dầu khí, giao thông vận tải và tiếp tục triển khai các dự án dầu khí sắp tới với việc tham gia của các tập đoàn lớn của hai nước như Gazprom, Zarubezhnev và PetroVietnam.

-AFP ngày 19/11/2018: “Sau khi nhận được thư của Phó Tổng Thống Mike Pence, nhà lãnh đạo tập quyền Hun Sen nói rằng sẽ không cho phép căn cứ quân sự của ngoại bang xây trên đất nước Căm Bốt khiến đánh tan lo lắng của Hoa Kỳ về một căn cứ hải quân của Hoa Lục có thể xây gần vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh đã tung nhiều tỷ Mỹ Kim qua những chương trình cho vay dễ dãi, đầu tư và hạ tầng cơ sở vào đất nước nghèo đói Đông Nam Á này khiến kinh tế tăng trưởng nhanh và đó là điều biện minh cho việc nắm quyền 33 năm của Ô. Hun Sen biến Căm Bốt thành đồng minh thân thiết của Hoa Lục. ”

Theo tôi, nếu Ô. Hun Sen cho Bắc Kinh xây căn cứ hải quân ở Vịnh Thái Lan thì đất nước Căm Bốt sẽ bất ổn vì Hoa Kỳ và cả Việt Nam sẽ không cho phép điều này. Một căn cứ hải quân của Bắc Kinh tại đây sẽ đâm vào bụng của Việt Nam. Chắc chắn Ô. Hun Sen hiểu điều đó.

-Tổng Hợp ngày 20/11/2018: “Chủ Tịch Tập Cận Bình đã tới Manila trong chuyến công du hai ngày và Phi Luật Tân đã làm đủ mọi thứ để mọi việc diễn ra êm đẹp cho chuyến viếng thăm. Ô. Tập Cận Bình đã mời Ô. Duterte viếng thăm Trung Hoa vào Tháng 10, 2016 và Ô. Duterte đã mời Ô. Tập Cận Bình thăm Phi Luật Tân nhân cuộc họp của APEC vào Tháng 11 tại Lima, Peru. Đây là lần đầu tiên một chủ tịch của Trung Hoa thăm đất nước này trong vòng 13 năm. Ô. Tập Cận Bình nghỉ tại Shangri-la Hote của Thành Phố Taguig. Sau khi đặt chân tới Manila, Ô. Tập Cận Bình đã tới Công Viên Rizal để đặt vòng hoa trước mộ của BS. Jose Rizal – một anh hùng của Phi Luật Tân. Sau đó ông đã tới phủ tổng thống Malacanang để họp với Tổng Thống Duterte  và nội các. Vào ngày 21/11/2018,  chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện Phi Luật Tân đã tới thăm Ô. Tập Cận Bình tại khách sạn này và sẽ có cuộc chụp hình lưu niệm với Hội Thân Hữu Hoa-Phi trước khi ông đáp máy bay về nước.”

Chắc chắn Hoa Kỳ- một đồng minh chí cốt của Phi Luật Tân từ năm 1951 không hài lòng với chuyến viếng thăm này. Vì quyền lợi kinh tế, Ô. Duterte đã kết thân với Bắc Kinh tới mức độ nào đó mà không làm tổn thương tới mối bang giao với Hoa Kỳ. Ô. Duterte đã từng than phiền rằng làm đàn em của Hoa Kỳ từ 1951 tới giờ mà chẳng được gì cả. Ngày hôm nay Bắc Kinh hứa khoản cho vay và đầu tư khoảng 24 tỷ Mỹ Kim. Hoa Kỳ chỉ có thể ngăn chặn sức mạnh quân sự của Hoa Lục tại Biển Đông chứ không thể ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Hoa Lục trên các quốc gia Đông Nam Á. Viễn tượng “tam phân thiên hạ” (Tam Quốc Chí) lù lù trước mắt nhưng không biết Hoa Kỳ có chấp nhận thực tế này, hay quyết tâm duy trì vị thế bá chủ thế giới? Thế nhưng một số nhà bình luận Hoa Kỳ cho rằng mối giao hảo Hoa-Phi không làm thay đổi cục diện Đông Nam Á. Nó chỉ là sự hợp tác để phát triển kinh tế (partner) chứ không phải đồng minh (ally). Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Phi Luật Tân. Rồi đây tổng thống Nga cũng có thể ghé thăm. Đó là chính sách ngoại giao đa phương hay trung lập – cũng giống như Việt Nam. Các quốc gia nhỏ nằm ở “vùng trái độn” hay “trọng điểm chiến lược” nên theo chính sách trung lập để vừa phát triển vừa giữ yên đất nước. Dù Phi Luật Tân có nằm dưới trướng của Mỹ thêm 100 năm nữa thì vẫn nghèo đói và lạc hậu. Thế nhưng nếu là “đồng minh” của Bắc Kinh thì Mỹ sẽ phá nát đất nước Phi. Cho nên trung lập là chiến lược hay nhất. Ô. Duterte tuy nóng nảy, thô lỗ nhưng không ngu dại như chúng ta tưởng.

-Reuters ngày 22/11/2018: “Việt Nam cực lực phản đối Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi cho xây dựng một kiến trúc mới có thể được dùng cho mục tiêu quân sự trên Bãi Đá Bombay (Bông Bay) tại vùng biển tranh chấp. Hình ảnh được Nhóm Think Tank “Chất Xám” của Hoa Kỳ ghi lại và phổ biến tuần vừa rồi.”

-Sputnik News ngày 23/11/2018: Trong cuộc triển lãm  IndoDefence 2018 tại Nam Dương vừa qua, Việt Nam đã giới thiệu một số vũ khí, tàu chiến, máy bay không người lại mà họ tự chế tạo “Made in Vietnam” như: Khinh tốc hạm TT-400TP trang bị 16 hỏa tiễn mà họ gọi là tàu pháo cao tốc. Đặc biệt là súng cối hãm thanh, không nháng lửa, bắn đạn 50 mili-mét trang bị cho đặc công (biệt kích) và tác chiến trong thành phố. Sở dĩ Việt Nam tập trung nỗ lực phát triển khinh tốc hạm trang bị hỏa lực thật mạnh vì tình hình Biển Đông. Họ không  đủ tiền để đóng những chiến hạm lớn cho nên  họ tin vào  học thuyết “mười con chó sói có thể giết được con sư tử”, tức khoảng năm pháo hạm di chuyển nhanh, hỏa lực mạnh có thể bắn chìm một khu trục hạm hay tuần dương hạm khổng lồ của đối phương.

-Tổng Hợp ngày 30/11/2018: Ngoại Trưởng Ri Yong Ho của Bắc Triều Tiên đã tới thăm Việt Nam mà các nhà bình luận chính trị thế giới cho rằng nhằm tìm hiểu và ứng dụng mô hình phát triển của Việt Nam. Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh nói rằng, “Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên những kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với nhu cầu của Triều Tiên.”

 Nhận Định:

Theo Yahoo News ngày 19/11/2018,  “Nữ dân biểu Hồi Giáo ILhan Omar vừa đắc cử ở Minnesota (nơi đông đảo sắc dân Somalia) nói rằng bà sẽ tranh đấu để hủy bỏ lệnh cấm mang khăn trùm đầu tại phòng họp của Hạ Viện kéo dài đã 181 năm. Các dân biểu của Đảng Dân Chủ tuần rồi loan báo (vào Tháng Giêng 2019) họ sẽ thay đổi luật cấm đội mũ tại đây mà điều luật này cũng có nghĩa là cấm đội khăn trùm đầu mà bà Omar đang đội. Bà Omar còn nói rằng, không ai trùm chiếc khăn này lên đầu tôi. Đó là lựa chọn của tôi và nó được Tu Chính Án Số Một bảo vệ.” (No one puts a scarf on my head but me, Omar wrote. “It’s my choice – one protected by the First Amendment.)

Theo Luật Vô Thường, nước Mỹ ngày nay không còn là nước Mỹ hai mươi năm về trước. Và nước Mỹ hai mươi năm sau sẽ không còn là nước Mỹ ngày hôm nay. Rồi đây tôn giáo, văn hóa, tập tục của Mỹ cũng sẽ phải thay đổi hoặc bị hủy bỏ cho thích hợp với lòng người.Than khóc, tiếc thương, chống đối cũng không chống nổi Luật Vô Thường. Mà Vô Thường là do Tâm người hay lòng người thay đổ. Đó là Đạo Trời. Nhưng cái khó của nhân loại bây giờ là làm thế nào để “dân chủ đúng chỗ” và “độc tài đúng chỗ”? Theo tôi, về lâu về dài, các quốc gia dân chủ sẽ tự tan rã. Các nước độc tài sẽ chiến thắng. Nhưng rồi các nước độc tài cuối cùng cũng xụp đổ để trở thành dân chủ. Tiến trình luân hồi dân chủ- độc tài cứ như thế tiếp diễn cho đến ngày tận thế.

Chúng ta cứ tưởng “dòng đời trôi lặng lẽ”. Nhưng không, Vô Thường diễn ra từng giây từng phút trước mắt. AFP ngày 29/11/2018 cho biết, “Theo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật và Trung Tâm Phòng Ngừa và Thống Kê Y Tế Quốc  Gia, hy vọng vào đời sống của Hoa Kỳ đã giảm xuống do những cái chết vì sử dụng quá liều lượng thuốc giảm đau và thuốc an thần- đã lấy đi 70,000 sinh mạng trong năm 2017 và tự tử cũng gia tăng. Sử dụng quá liều lượng tăng 9.6% so với năm 2016, trong khi tự tử leo thang thêm 3.7%. “

Cách đây hai năm, Ô. Obama đi đâu cũng được thế giới nể sợ và tiếp đón long trọng, đặc biệt là tại Việt Nam. Ngày nay, tiếng nói của ông chẳng được lãnh tụ thế giới nào lắng nghe. Có chăng chỉ còn một số cử tri Dân Chủ luyến tiếc nhiệm kỳ của ông hay bất mãn với Ô. Trump. Nếu Ô. Obama có trở lại Hà Nội ăn bún chả thì cũng chẳng còn ai háo hức xem ông ăn uống ra sao. Chén đĩa ông ăn trước đây đã trở thành “báu vật” được chủ quán trưng bày như đồ quý giá của viện bảo tàng. Cách đây vài tháng Cộng Hòa còn kiểm soát lưỡng viện nhưng nay đã để mất Hạ Viện, nguyên do là vì lòng người thay đổi. Và có thể năm 2020 người dân lại bầu một ông/bà tổng thống khác cho thích nghi với tình thế. Người dân Hoa Kỳ “có tật” hễ không hài lòng thì thay đổi cho dù “con gà mới” chưa chắc đã tốt lành hơn “con gà cũ”, nhưng cứ thay đổi cái đã.  Cho nên khẩu hiệu “Change” là khẩu hiệu rất ăn khách của chiến lược tranh cử tại Hoa Kỳ.

Ôi, Vô Thường, một quyền năng mà không một quyền năng nào chống đỡ nổi! Trái đất này rồi hủy diệt.. Hiến pháp, luật lệ, tu chính án rồi cũng theo thời gian biến dạng. Thân xác của chúng ta rồi cũng thối rữa. Mọi hận thù, yêu thương rồi cũng héo tàn. Rồi đàn ông biến thành đàn bà, đàn bà biến thành đàn ông. Hai người đàn bà hay hai người đàn ông lấy nhau cũng gọi Vợ-Chồng. Mọi định chế xã hội rồi cũng đổi thay. Ma túy trở thành hợp pháp và có khi trở thành niềm hãnh diện “chịu chơi”! Tất cả đều lui tới, tuần hoàn, quay đảo qua bốn giai đoạn. Thành-Trụ-Hoại- Diệt của Luật Vô Thường hay của cái Tâm quay đảo cũng thế.

Câu hỏi đặt ra là nhân loại mỗi ngày mỗi văn minh, tiến bộ, nhân nghĩa và đạo đức hơn? Hay nhân loại mỗi lúc mỗi hung bạo, hư đốn và đồi trụy hơn? Không ai có thể trả lời được. Đạo đức và phi đạo đức, nhân nghĩa và bất lương, dâm ô và phẩm hạnh, trí tuệ và ngu si, thật và giả, dân chủ và độc tài…như ngày và đêm lấn đuổi nhau…mãi mãi cho đến ngày tận thế. Đó là cái kiếp của cõi Diêm Phù Đề này.

California ngày 30/11/2018

https://vietbao.com/p122a288122/nhat-ky-bien-dong-khong-ai-chong-noi-luat-vo-thuong

 

 

Việc Nhân Nghĩa Cốt Ở An Dân

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Mười Hai ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ: 

– Huffington Post ngày 2/12/210:  “Người ta tìm thấy thi thể của Đề Đốc/Chuẩn Đô Đốc Scott Stearney- trưởng phòng hành quân của Hải Quân Hoa Kỳ tại Trung Đông trong nơi ở của ông ở Bahrain. Các viên chức quốc phòng đã tiến hành cuộc điều tra về cái chết này, nói với CBS News rằng đây không phải là một âm mưu sát hại mà hiển nhiên là một cuộc tự sát.”

-Yahoo News ngày 4/12/2018: “Daily Digit là câu chuyện đằng sau những hàng số (digit) mà thế giới vận hành. Ngày hôm nay chúng ta đang nhìn vào hệ thống lưỡng đảng. Theo cuộc nghiên cứu mới đây 57% dân chúng Hoa Kỳ tin rằng một đảng chính trị thứ ba là điều cần thiết. Vào năm 2003, đa số dân chúng tin rằng cả hai đảng đã làm tốt nhiệm vụ. Thế nhưng ý kiến này đã thay đổi theo thời gian. Theo lịch sử, những cử tri Cộng Hòa và Dân Chủ đã có cùng quan điểm về sự cần thiết của đảng thứ ba, thế nhưng năm nay nó đã thay đổi với một khoảng cách lớn. Và không có gì ngạc nhiên, đó là sự hỗ trợ/đồng tình của các cử tri độc lập rằng chúng ta cần có sự hiện diện của một chính đảng thứ ba.” (The majority of Americans believe we need a third major party)

Các chính trị gia  vì tranh giành quyền lực, vì quyền lực đẻ ra tiền, đã biến Lưỡng Đảng thành xấu và gây tệ hại cho đất nước Hoa Kỳ. Đó là nguyên do mong cầu sự ra đời của đảng thứ ba. Thế nhưng sự hiện diện của một đảng thứ ba có thật sự đem lại phúc lợi cho nước Mỹ và hàn gắn chia rẽ không? Theo tôi chưa chắc. Khi mà đảng thứ ba nắm ghế tổng tống nhưng không đủ đa số trong Hạ Viện và Thượng Viện thì tình hình còn nát bét hơn. Vấn đề cốt lõi ở đây là chấn chỉnh lại lương tâm và đạo đức của các chính trị gia hơn là sửa đổi thể chế. Thể chế nào dù tốt đẹp tới đâu cũng hỏng nếu nó được điều hành bởi con người xấu. Mà sự xấu ở đây bắt nguồn từ Tham-Sân-Si tức đặt quyền lợi của đảng mình, của chính mình trên quyền lợi quốc gia. Song làm thế nào để phục  hồi lương tâm của các chính trị gia…lại là bài toán gai góc. Có lẽ cần Ngọc Hoàng Thượng Đế  xuống đây làm giúp bởi vì chỉ khi nào tận thế thì con người mới hết Tham-Sân-Si.

-Truyền hình KGO (San Francisco) ngày 8/12/2018: “4000 sinh viên vô gia cư tại Đại Học Tiểu Bang San Jose (San Jose State Unversity) vì không đủ tiền mướn phòng trọ, họ ngủ ở khắp nơi từ trong xe tới bậc thềm thư viện. Tuy vậy họ vẫn kiên trì để theo đuổi việc học.”

Thật không thể tượng tưởng nổi nước Mỹ lại có chuyện như vậy. Trong khi đó theo Bộ Quốc Phòng, mỗi năm nước Mỹ tiêu 45 tỷ Mỹ Kim cho chiến trường A Phú Hãn mà không biết để làm gì và đi về đâu.

Tình hình thế giới:

-Reuters ngày 2/12/2108: “Cảnh sát Do Thái nói rằng họ có đủ bằng chứng để truy tố Thủ Tướng Netanyahu và người vợ về tội tham nhũng và gian lận.”

Ôi quyền thế! Nó là địa vị mong ước của bao chính trị gia đời nay, nhưng nó lại là con đường “trải thảm” để dẫn người ta vào nhà tù.

-AFP ngày 2/12/2108: “Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố thứ hai của Mễ Tây Cơ Guadalajara bị ném chất nổ vài giờ trước khi có cuộc viếng thăm của Phó Tổng Thốn Mike Pence và cô Ivanka- con gái của Ô. Trump hiện đang giữ chức vụ cố vấn cho tổng thống. Vụ nổ gây thiệt hại cho bức tường nhưng không có ai bị thương.”

Không biết đây là hành động của trùm ma túy hay khủng bố đã bắt rễ vào Mễ Tây Cơ? Nếu là khủng bố thì Mễ Tây Cơ nguy to.

-The Telegraph ngày 3/12/2018: “Nữ diễn viên điện ảnh Ai Cập Rania Youssef 45 tuổi đã bị bắt và bị truy tố về tội “Kích thích vô luân và trụy lạc” (immorality and promoting vice) sau khi có sự khiếu nại của nhóm luật sư lên Viện Chưởng Lý về sự ăn mặc quá hở hang và kích dục của cô này trong buổi lễ bế mạc đại hội điện ảnh. Nếu bị kết tội cô có thể bị 5 năm tù.” Tin cuối cùng cho biết ba luật sư đã rút lại đơn kiện vì cô Rania Youssef đã xin lỗi.

Thực ra các cô đào, ca sĩ, người mẫu của Mỹ và Âu Châu còn ăn mặc “kinh hoàng” gần như lõa thể hơn cô này. Thế nhưng phong tục, luân lý, đạo đức, luật pháp mỗi nơi khác. Sống ở đâu chúng ta phải tôn trọng nơi đó mà tục ngữ nói rằng, “Nhập gia tùy tục. Nhập giang tùy khúc”. Chằng hạn như Bà Hillary Clinton lúc đương thời làm bộ trưởng ngoại giao, khi tới Ả Rập Sê-út phải đội khăn trùm đầu, khi tới Chùa Vàng của Miến Điện phải bỏ giày đi chân đất. Câu hỏi đặt ra ở đây là, “Ăn mặc dâm ô, cửi truồng, lõa thể… để cho mọi người xem có phải là một hình thức của tự do ngôn luận không?” Theo tôi, quyền tự do ngôn luận phải bị giới hạn bởi luân lý, lương tâm, đạo đức và trật tự công cộng.

-Reuters ngày 3/12/2018: “Hãng hàng không Lion Air đang duyệt lại những hợp đồng mua máy bay với hãng Boeing và không bác bỏ việc hủy bỏ đơn đặt hàng khi tình trạng trở nên tồi tệ  qua việc tranh cãi về trách nhiệm khi chiếc Boeing 737 rớt khiến 189 hành khách chết vào cuối Tháng Mười 2018.”

-Economic Times ngày 5/12/2018: “Panama đã cho phép một tổ hợp công ty Trung Quốc xây chiếc cầu qua Kênh Đào Panama trị giá 1.4 tỷ Mỹ Kim ngay sau cuộc viếng thăm của Chủ Tịch Tập Cận Bình.”

-AP ngày 7/12/2018: “Cựu giám đốc An Ninh Quân Đội Nam Triều Tiên phát giác đã chết, hiển nhiên đây là một vụ tự sát. Ô. Lee đã nhảy lầu và để lại một bức thư tuyệt mệnh. Tướng ba sao Lee Jae-su đang bị điều tra vì đã theo dõi một cách bất hợp pháp gia đình những người bị chết trong vụ chìm phà năm 2014 làm chết 300 người đa số là học sinh. Ô. Lee đã phủ nhận cáo buộc này. Nam Hàn đứng đầu thế giới về số vụ tự sát bao gồm tổng giám đốc công ty, ca sĩ nhạc Pop nổi danh và những người nổi tiếng khác. Vào Tháng Bảy, Ô. Roh Hoe-chan- một dân biểu đối lập cũng đã nhảy lầu tự tử vì dính líu vào một vụ tham nhũng.”

Xã hội Nam Triều Tiên tiến nhanh quá! Nhưng khi tiến nhanh như thế thì đời sống chạy đua, cạnh tranh và vô cùng căng thẳng. Trong vòng quay chóng mặt như thế làm sao có thể bình tĩnh, sáng suốt để giải quyết những khó khăn của cuộc đời? Khi đó lối thoát duy nhất là tự tử! Cơm dưa muối, sống trong bản làng thì bị chê là nghèo và lạc hậu. Còn tiến nhanh như Nam Triều Tiên, nhà chọc trời mọc lên như nấm thì đua nhau giải phẫu  thẩm mỹ, kiếm tiền, kiếm danh vọng rồi…tự sát! Ôi, cuộc đời đúng là bể khổ bến mê!

-Yahoo News ngày 7/12/2018: “Nhóm Tân Phát-xít đe dọa ám sát Hoàng Tử Harry vì tội phản bội chủng tộc (race traitor) vì đã kết hôn với cô Meghan Markle (lai Da Đen).”

-Reuters ngày 7/12/2018: “Liên minh OPEC-Nga đã đồng ý cắt giảm số lượng dầu thô lớn hơn là thị trường chờ đợi cho dù Tổng Thống Donald Trump áp lực đòi giảm giá dầu thô. Liên minh này sẽ cắt giảm 0.8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, trong khi các nhóm sản xuất dầu hỏa khác cũng cắt 0.4 triệu thùng – nhưng quyết định sẽ được duyệt lại vào Tháng Tư.”

-AP ngày 8/12/2018: “Theo Tân Hoa Xã, Trung Hoa tiến hành sứ mạng khởi đầu nhằm đưa một phi thuyền đáp xuống phía sau (phần tối) của Mặt Trăng để cho thấy tham vọng trở thành một cường quốc không gian cạnh tranh với Nga, Âu Châu và Hoa Kỳ. Hỏa Tiễn Vạn Lý Trường Chinh 3B mang theo một phi thuyền đã khai hỏa lúc 2:23 sáng tại Trung Tâm Phóng Vệ Tinh ở Tân Cương thuộc Tỉnh Tứ Xuyên  nằm ở tây nam Trung Hoa. Nếu thành công, chương trình sẽ đưa Hoa Lục lên vị trí hàng đầu trong lãnh vực khám phá Mặt Trăng.”

-AP ngày 8/12/2018: “Khoảng 55,000 người Hồi Giáo Mã Lai đã biểu tình phản đối bất cứ việc làm nào nhằm tước bỏ đặc quyền dành cho người Malay chiếm đa số ở Mã Lai kéo dài đã nhiều thập niên. Cuộc biểu tình được hỗ trợ bởi hai đảng đối lập Malay lớn, nhằm chống lại việc chính quyền dự định phê chuẩn một thỏa hiệp của Liên Hiệp Quốc xóa bỏ kỳ thị chủng tộc.”

-AP (Strasbourg) ngày 12/12/2018: “Một cuộc truy lùng quy mô với sự tham dự của cả ngàn nhân viên cảnh sát và quân đội để bắt giữ nghi phạm cực đoan đã hô to khẩu hiệu Thượng Đế Vĩ Đại bằng tiếng Ả Rập khi nổ súng vào khu chợ bán đồ Noel nổi tiếng tại Âu Châu khiến hai người chết và 12 người bị thương.” Tin cuối cùng cho biết nghi can khủng bố này đã bị cảnh sát bắn chết.

Chuyện khủng bố Hồi Giáo đánh bom, dùng dao chém, nổ súng giết người là căn bệnh trầm kha của Pháp mà không có cách nào ngăn chặn được vì nó phát xuất từ lòng căm thù, cực đoan, quá khích không phải của tổ chức mà từ cá nhân. Tổ chức thì còn có thể triệt tiêu được. Còn cá nhân thì chịu thua. Âu đây cũng là Luật Nhân Quả. Hiện nay tại Pháp, người Hồi Giáo chiếm khoảng 12.5% tức 8.4 triệu. Tại sao người Hồi Giáo có thể đến đất nước có thế nói là văn minh nhất nhân loại vào đầu Thế Kỷ 20? Nguyên do lúc bấy giờ Pháp lâm vào Đệ I Thế Chiến, vì không đủ quân nên đã tuyển lính từ các thuộc địa như Maroc, Algerie, Tunisie, Senegale, kể cả Việt Nam mà hầu hết các xứ này đều là Hồi Giáo. Sau khi chiến tranh kết thúc, vì có công với nước Đại Pháp cho nên họ được ở lại và từ từ đưa gia đình vợ con qua đây rồi sinh con đẻ cái, cuối cùng chiếm 12.5% dân số. Bây giờ đuổi 8.4 triệu người Hồi Giáo này đi đâu? Tìm cách để họ hội nhập vào xã hội Pháp theo kiểu “Melting Pot” chăng? Còn khuya mới có thể làm được. Hơn 100 năm đã qua mà họ vẫn là Hồi Giáo- một cộng đồng Hồi Giáo nghèo đói, ít học, sống riêng biệt, sống bằng trợ cấp xã hội…trước những làn sóng tuyên truyền cực đoan, quá khích, hận thù lan tràn trên mạng lưới toàn cầu…thì chuyện đánh bom tự sát có khi là cứu cánh giải thóa bởi vì khi chết đi lên Thiên Đường sẽ được Thượng Đế ban cho chín cô gái trinh, toàn là Da Trắng đẹp như tiên nga giáng thế. Giã từ cuộc sống khổ sở này lên Thiên Đàng sướng như thế thì…dại gì không làm? Do đó khi làm chuyện gì chúng ta phải nghĩ tới cái Quả của ngày mai. Có khi cả trăm năm sau Quả mới trổ. Mà khi Quả đến thì đừng có than trời trách đất. Kể cả những người Hồi Giáo quá khích đang đánh bom tự sát ngày hôm nay…sẽ có lúc họ cũng phải trả Quả. Nếu họ trở thành nguy cơ cho toàn thể nhân loại…thì hậu quả khủng khiếp sẽ đến với họ.

-AP ngày 12/12/2018: “Hôm nay Hồi Quốc lên án quyết định của Hoa Kỳ đã liệt kê họ vào danh sách các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo và gọi hành động này là đơn phương và có động lực chính trị. Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã đưa Hồi Quốc và danh sách các quốc gia cần đặc biệt theo dõi (countries of particular concern) liên quan đến việc bảo vệ quyền thờ phượng theo tôn giáo của người dân. Việc hạ thấp tiêu chuẩn tự do tôn giáo của Hồi Quốc khiến quốc gia này có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt nhưng Hoa Kỳ miễn trừ vì quyền lợi quốc gia. Sở dĩ Hoa Kỳ làm như vậy là vì một đạo luật của Hối Quốc quy định án tử hình

cho những ai báng bổ Hồi Giáo. Chỉ cần một lời đồn cho rằng ai đó phỉ báng nhà tiên tri Mohammad là bị cáo có thể bị treo cổ.”

Chiến Tranh Lạnh Mới:

-Reuters ngày 1/12/2018: “Tổng Thống Donald Trump nói với Chủ Tịch Tập Cận Bình rằng ông hy vọng sẽ đạt được một cái gì đó lớn lao về thương mại cho cả hai bên khi Hoa Kỳ và Hoa Lục mở một phiên họp thượng đỉnh đầy rủi ro bên lề G-20 nhằm tháo gỡ bớt những thiệt hại do cuộc chiến thuế quan gây ra cho cả hai bên. Cuối cùng hai bên đồng ý ngưng không tăng thêm thuế nhập cảng nữa hầu đạt thỏa hiệp trong 90 ngày sắp tới. ” Với cuộc họp này, không biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Hoa có tạm ngưng? Hay đây chỉ là một phút nghỉ lấy lại sức giữa hai hiệp của hai võ sĩ quyền Anh để khi tiếng kẻng vang lên, hai võ sĩ lại đấu tiếp?

Theo Bloomberg News ngày 7/12/2018,  “Gia Nã Đại xác nhận đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu (Wanzhou Meng) 46 tuổi – giám đốc tài chính của Huawei Technologies- một trong những nhãn hiệu tiêu biểu nhất của Hoa Lục gần như đứng đầu thế giới về ngành viễn thông. Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Gia Nã Đại bắt giam vì nghi ngờ bà Chu vi phạm lệnh trừng phạt Ba Tư của Hoa Kỳ, khiến Hoa Lục nổi giận và yêu cầu phải thả ngay bà Chu. Hoa Kỳ cũng yêu cầu Gia Nã Đại dẫn độ bà Chu. Việc bắt giữ xảy ra cùng ngày khi Ô. Trump và Ô. Tập Cận Bình gặp nhau ở G-20 Á Căn Đình, giống như một cái tát vào mặt nhà lãnh đạo Trung Hoa. Bà  Chu là con gái của nhà sáng lập Huawei- tương đương với Bill Gate và công ty là kế hoạch chủ yếu của Ô. Tập Cận Bình để khống chế nghành kỹ thuật cũng giống như hệ thống 5G. Báo chí Trung Quốc đã nặng nề công kích Hoa Kỳ và Gia Nã Đại và coi đây như “Chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ”. Còn tờ Minh Báo thì cho rằng, “Đây là một phần chiến lược của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn ngành kỹ thuật cao của Trung Quốc.” Còn theo Reuters, “Ngoại Trưởng Lavrov của Nga nói rằng việc bắt giữ bà Chu là tiêu biểu cho chính sách ngoại giao ngạo mạn của Hoa Kỳ.” Theo Reuters ngày 8/12/2018, Hoa Lục yêu cầu Gia Nã Đại phải thả ngay bà Chu nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Thủ Tướng Gia Nã Đại Trudeau né tránh bằng cách nói rằng nền tư pháp Gia Nã Đại độc lập cho nên tùy theo quyết định của tòa án. Và Ô. Trudeau cũng nói rằng ông rất trân trọng mối liên hệ tốt đẹp với Hoa Lục. Cuối cùng, tòa án đã cho bà Chu được tại ngoại hầu tra. Theo Reuters ngày 11/12/2018, giới chức an ninh Hoa Lục đã ra lệnh bắt giam Ô. Michael Kovrig- một cựu nhân viên ngoại giao của Gia Nã Đại rồi lại bắt giam một công dân Gia Nã Đại thứ hai. Nhưng theo bà bộ trưởng ngoại giao, không có dấu hiệu rõ ràng là vụ bắt giữ này có liên quan đến vụ bắt giam bà Mạnh Vãn Chu. Nhưng các nhà phân tích Gia Nã Đại lại lo ngại rằng Bắc Kinh có thể bắt giam công dân Gia Nã Đại nào đó để trả thù. Theo Yahoo News ngày 12/12/2108,  “Một số đông công ty của Hoa Lục đã ban hành lệnh trừng phạt nhân viên nếu dùng iPhone của Apple sản xuất tại Hoa Kỳ và đòi hỏi phải dùng sản phẩm của Huawei . Rõ ràng đây là phong trào trong nước để ủng hộ công ty kỹ thuật khổng lồ Huawei sau khi việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu xảy ra.” Vào ngày 13/12/2018, Reuters loan tin, “Bộ Trưởng Ngoại Giao Gia Nã Đại Chrstia Freeland nói rằng Hoa Kỳ chớ chính trị hóa vụ dẫn độ bà Chu- một ngày sau khi Tổng Thống Donald Trump nói rằng ông sẽ can thiệp vào vụ này. Và rằng thủ tục pháp lý không thể bị tước đoạt (hijack) bởi mục tiêu chính trị.”

Như vậy câu chuyện mỗi lúc mỗi trở nên trầm trọng hơn. Gia Nã Đại như “Ách giữa đàng lại mang vào cổ”. Không chiều lòng “Anh hai Mỹ” thì vô cùng rắc rối. Còn chiều lòng thì phải đối phó với việc trả thù của Hoa Lục trong khi Gia Nã Đại chỉ là nước nhỏ so với Bắc Kinh. Bài học ngàn đời cho mọi quốc gia là: Khi nhờ một đại cường che chở an ninh hoặc lệ thuộc kinh tế…chắc chắn sẽ không giữ được chủ quyền và vô tình biến thành tay sai ngoại bang. Thế nhưng vì yếu tố địa-ý-chínhtrị (Geopolitics) 1000 năm nữa Gia Nã Đại, Mễ Tây Cơ vẫn chỉ là đàn em của Mỹ mà thôi.

-AFP ngày 2/12/2018: “Tổng Thống Putin nói rằng, nhân dạ tiệc của G-20 vào ngày Thứ Sáu 30/11/2018, ông đã tường trình ngắn gọn cho Tổng Thống Donald Trump biết về vụ bắt giữ ba tàu và 24 thủy thủ của Ukraina khi áp lực Phương Tây gia tăng.”

Đây là hành vi thân thiện của Nga với Hoa Kỳ. Việc tường trình này làm Ô. Trump hài lòng vì tự ái của một siêu cường được vuốt ve. Theo tôi nghĩ rồi đây Nga sẽ thả ba chiếc tàu và các thủy thủ Ukraina. Tin mới nhất cho biết Nga đã nới lỏng việc phong tỏa Eo Biển Kerch. Các tàu hàng của Ukraina đã có thể chuyên chở ngũ cốc từ Biển Azov.

-AP ngày 4/12/2018: “Hôm nay Hoa Kỳ cảnh báo Nga là họ có 60 ngày để tuân thủ thỏa hiệp nguyên tử hoặc Hoa Thịnh Đốn sẽ hủy bỏ thỏa hiệp đó khiến gây lo ngại cho nền an ninh trong tương lai của Âu Châu.Trong cuộc thảo luận của NATO tại Brussels, Bỉ, Ngoại Trưởng Mike Pompeo cáo buộc Nga gian lận nghĩa vụ kiểm soát vũ khí ký kết năm 1987 về Lực Lượng Nguyên Tử Tầm Trung.Trong khi đó tại Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga nói rằng Nga hoàn toàn tuân thủ những điều khoản của thỏa hiệp và Hoa Kỳ biết rõ điều đó.”

Và theo AFP, Tổng Thống Putin đe dọa sẽ phát triển hỏa tiễn nguyên tử vốn đã bị cấm trong thỏa hiệp Nga-Mỹ năm 1987 và rằng Nga chống lại việc hủy bỏ thỏa hiệp. Nhưng nếu nó bị hủy bỏ thì Nga sẽ có hành động tương ứng. Tại Brussels, người đứng đầu ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu nói rằng, Nga và Mỹ nên tìm cách duy trì thỏa hiệp này và Âu Châu không muốn trở thành bãi chiến trường giữa các siêu cường mà nó đã xảy ra trong Thời Kỳ Chiến Tranh Lạnh và thỏa hiệp INF đã bảo đảm an ninh cho Âu Châu trong vòng 30 năm tới nay.

-Tuần báo Time ngày 11/12/2018: “Hai máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí nguyên tử của Nga đã hạ cánh xuống Venezuela ngày 10/12/2018- chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng với Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng hai chiếc Tu-160 đã hạ cánh xuống Phi Trường Maiquetia ở ngoài thủ đô Caracas sau chuyến bay dài 10,000 km nhưng không nói rõ hai phi cơ này có mang theo vũ khí và ở lại bao lâu.”

Chiến Tranh Lạnh Mới thực sự đã khởi đầu. Trong lúc Mỹ và NATO tiến sát biên giới Nga qua ngả Ukraina, ba quốc gia vùng Baltic và Gruzia/Georgia thì Nga tìm cách “bám trụ” vào “Sân Sau” của Mỹ. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục có thái độ thù nghịch với Venezuela thì để sinh tồn, Tổng Thống Maduro phải ngả theo Nga hay Trung Quốc để tìm sinh lộ. Có thể rồi đây, nếu tình hình xấu đi, các chiến hạm của Nga sẽ ghé Venezuela và như thế “Sân Sau” của Mỹ sẽ trở nên bất ổn, điều chưa từng xảy ra từ sau Đệ II Thế Chiến. Vào Tháng Chín 2018, Tổng Thống Maduro đã ghé Bắc Kinh để tìm kiếm hỗ trợ về tài chính và sau chuyến viếng thăm này, tàu bệnh viện của Hải Quân Trung Hoa lần đầu tiên cũng đã ghé Venezuela. Cuộc chiến tranh giành ngôi vị bá chủ thế giới giữa Nga-Hoa-Mỹ không thể dừng lại. Hiện giờ nó đang được Mỹ thực thi bằng chiến lược cô lập ngoại giao và triệt hạ kinh tế Nga và Hoa Lục.

Tình hình Trung Đông:

-Reuters ngày 3/12/2018: “Thủ Tướng Do Thái Netanyahu và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp nhau ở Brussels ngày hôm qua để thảo luận về vấn đề Iran và khu vực.”

Đây là cuộc họp quan trọng. Có thể Do Thái sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự bất ngờ bằng không quân vào Ba Tư với chiến đấu cơ tàng hình F-35 tối tân nhất của Hoa Kỳ. Thế nhưng ngày nay sức mạnh quân sự của Ba Tư đã khác. Một hành động như vậy sẽ gặp phải phản ứng dữ dội từ Ba Tư và nổ ra cuộc chiến Trung Đông với hậu quả không lường hết được. Theo AP ngày 4/12/2018, Tổng Thống Ba Tư Rouhani lại đe dọa đóng cửa Eo Biển Hormuz nếu Hoa Kỳ cấm hoàn toàn việc xuất cảng dầu của Ba Tư. 1/3 số lượng dầu hỏa thế giới thông quá eo biển này. Nếu Ba Tư phong tỏa eo biển này, Hoa Kỳ phải gửi HKMH tới đây và một cuộc chiến với Ba Tư chắc chắn sẽ nổ ra trong lúc Hoa Kỳ chưa gỡ xong cuộc chiến A Phú Hãn và phải đối phó với sức mạnh quân sự của Hoa Lục mỗi lúc mỗi gia tăng ở Biển Đông.

-AFP ngày 5/12/2018: “Công tố viên của Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu phát lệnh bắt giam hai công dân Ả Rập Sê-út thân cận của Thái Tử Mahammad bin Salman vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ô. Khashoggi, 59 tuổi bị giết sau khi vào tòa lãnh sự Ả Rập Sê-út ngày 2/10/2018 để làm giấy tờ kết hôn.”

So sánh cách đối phó và hành xử của Mã Lai trong vụ sát hại Kim Jong Nam -anh cùng cha khác mẹ của Ô. Kim Jong Un tại Phi Trường Kuala Lumpur với cách đối phó của Tổng Thống Erdogan trong vụ sát hại nhà báo Khashogii chúng ta thấy Mã Lai khôn khéo hơn. Mã Lai đặt quyền lợi quốc gia lên trên. Mã Lai để cơ quan tư pháp làm việc còn bộ ngoại giao và thủ tưởng không hề lên tiếng về vụ này. Còn Tổng Thống Erdogan đích thân can dự, đặt danh dự và tự ái lên trên. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có sức mạnh quân sự, không có sức mạnh tài chính. Còn Ả Rập Sê-út thì quá hùng mạnh về tài chính lại được Hoa Kỳ hỗ trợ cho nên trong trận chiến này Thổ Nhĩ Kỳ không thành công.

Tình hình Biển Đông:

-Reuters ngày 4/12/2108: “Theo tin từ hãng thông tấn của chính phủ, Foxconn- nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất của Công Ty Apple dự tính thành lập một nhà máy tại Việt Nam để tránh hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Hoa Lục.Tin tức được đưa ra sau khi một vài viên chức được Reuters phỏng vấn tuần rồi cho hay Việt Nam và Thái Lan là hai địa điểm tốt hơn mà công ty này dùng để né tránh cuộc chiến thương mại cho dù ở đây thiếu công nhân có kỹ năng và hạ tầng cơ sở yếu kém.”

-VOA tiếng Việt ngày 10/12/2018: “Tập đoàn Kỹ Nghệ Hàng Không Israel (IAI) vừa ký hợp đồng bán ba máy bay trinh sát không người lái hiện đại cho Việt Nam với giá 160 triệu đô-la. Máy bay không người lái cỡ lớn Heron-1 sẽ được quân đội Việt Nam sử dụng cho các nhiệm vụ thường lệ, trong đó có việc tuần tra trên biển – theo báo Jerusalem Post. Heron-1 có tầm hoạt động khoảng 350 km trong khoảng thời gian 50 giờ và trọng tải lên tới 250 kg.” Theo tin quốc tế, Việt Nam mua khá nhiều vũ khí của Do Thái như: Súng trường tấn công TAR 21, súng máy hạng nhẹ Negev, hệ thống phòng thủ bờ biển sử dụng đạn pháo phản lực dẫn đường EXTRA, ACCULAR… Đặc biệt hơn, Nhà máy Z111 – Tổng Cục Công Nghiệp Quốc Phòng còn đang vận hành một dây chuyền chế tạo súng trường tấn công Galil ACE theo giấy phép của Israel vừa được trưng bày trong cuộc triển lãm vũ khí tại Nam Dương IndoDefence-2018.

Nhận Định:

Theo AP ngày 1/12/2018,  “Cuộc bạo động lớn nhất trong 50 năm của Pháp bao trùm lên trung tâm thủ đô Paris khi các người biểu tình mặc áo vét vàng đốt xe, đập phá cửa kính, ném đá vào cảnh sát, hôi của và dùng sơn màu bôi bẩn lên Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe). Các người biểu tình phản đối việc tăng thuế và giá sinh hoạt cao đã đụng độ với cảnh sát chống biểu tình và chính phủ đã đóng cửa một số khu vực du lịch nổi tiếng, bắn lựu đạn cay và súng nước để dập tắt tình trạng kinh hoàng trên đường phố. Một số người biểu tình đã yêu cầu Ô. Macron từ chức. Từ thượng đỉnh G-20 tại Á Căn Đình, Tổng Thống Emmanuel Macron lên án cuộc bạo động và nói rằng những ai tấn công cảnh sát và phá hoại Khải Hoàn Môn sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ và sẽ triệu tập phiên họp khẩn cấp của nội các vào ngày 2/12/2018.

Tính tới ngày 9/12/2018 cho biết con số bị bắt đã lên tới 1700 và con số bị thương là 263 và Ô. Macron đã tới thăm Khải Hoàn Môn (một thắng cảnh của Pháp) bị xịt sơn, vẽ bậy và dự tính ban hành tình trạng khẩn cấp. Trung tâm Paris trông giống như một thành phố bị tàn phá, thiêu đốt bởi chiến tranh. Tổng Thống Macron đã đứng trước áp lực của cảnh sát yêu cầu gửi quân đội tới trợ giúp để bảo vệ thủ đô Paris vì cảnh sát nói rằng đây có thể là tiền đề cho một cuộc cách mạng (tức lật đổ). Và mặc dầu có sự bạo động của người biểu tình, theo thăm dò, có khoảng 72%  dân Pháp ủng hộ phong trào, yêu cầu dẹp việc tăng thuế săng dầu và phục hồi đánh thuế trên nhà giàu mà Ô. Macron đã hủy bỏ. Cuối cùng thủ tướng Pháp phải tuyên bố tạm ngưng tăng thuế lương thực và thuế nhiên liệu trong sáu tháng để thoa dịu phong trào xuống đường. Thế nhưng phe Áo Vét Vàng (Áo Gi-lê Vàng) không chịu và nói rằng quá nhỏ bé và quá trễ đồng thời đe dọa cùng nông dân tiếp tục xuống đường và đòi Ô. Macron từ chức. Rồi vào ngày 8/12/2018 cuộc biểu tình tái phát khiến cảnh sát phải bắn lựu đạn cay để giải tán. Các địa điểm nổi tiếng như Tháp Eiffel, Viện Bảo Tàng Louvre, Nhà Hát Opera đều phải đóng cửa. Khoảng 89,000 cảnh sát đã được huy động để đối phó với các cuộc biểu tình.

Trong khi đó theo The Telegraph, được kích thích bởi cuộc biểu tình của người áo vàng của Pháp, tại Brussel, Bỉ khoảng 300 người đã biểu tình gần tòa nhà của Liên Hiệp Âu Châu để phản đối việc tăng gia săng dầu, 60 người bị bắt vì mang theo dao dọc thùng (box-cutters), bom khói, bình ga và đốt xe cảnh sát.

Biểu tình bạo động là điều không thể chấp nhận. Thế nhưng thực tế trớ trêu lại là, nếu không bạo động thì chính quyền nhiều khi chẳng thèm lắng nghe. Tổng thống do dân bầu lên. Nhưng khi làm tổng thống rồi lại lắng nghe các ông  tỷ phú và tập đoàn tư bản kếch xù và quên mất người dân. Ô. Macron – vốn là nhà đầu tư ngân hàng, bị tố cáo kiêu ngạo, xa rời quần chúng và là tổng thống của nhà giàu. (He is an arrogant and out of touch “president of the rich”) Trong khi Ô. Macron đặt hết tâm trí vào việc ký giả Khashoggi bị giết thì người dân lại chẳng quan tâm tới vấn đề này mà họ lo lắng, bất mãn vì túi tiền và cuộc sống khó khăn của họ. Thế nhưng trong thông điệp quốc dân ngày 10/12/2018, Tổng Thống Macron cuối cùng đã phải nhận trách nhiệm gây ra sự phẫn nộ vì đã không lắng nghe nguyện vọng của người dân bình thường. Cho nên lãnh đạo khôn ngoan là lo cho dân trước còn những chuyện “trên trời dưới biển” tính sau. Trong nước rối beng như thế thì bụng dạ đâu lo chuyện thế giới? Chính vì thế mà lời di huấn của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo là cẩm nang ngàn đời cho các nhà lãnh đạo, “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. An được lòng dân, tạo cho dân một cuộc sống yên bình để mưu cầu hạnh phúc chính là lãnh tụ thiên tài. Mà muốn “an dân” thì phải tránh những hảnh động sau đây:

-Bản thân lãnh đạo bất chính, dung túng cho gia đình, gian thần lộng hành, tham nhũng khiến đảo điên luật pháp, dân chúng oán than. Rất nhiều chính quyền xụp đổ vì dân xuống đường biểu tình chống tham nhũng.

-Không sử dụng nhân tài mà sử dụng gia nô, gian thần tâng bốc khiến đất nước mù lòa, đi vào con đường sai trái.

-Nội bộ, đảng phái đấu đá nhau, khiến dân chúng chia rẽ, hoang mang, không biết đất nước đi về đâu.

-Dành đặc quyền, đặc lợi cho một thành phần dân chúng, một sắc tộc, một tôn giáo nào đó khiến thành phần còn lại bất mãn tạo hận thù, chia rẽ.

-Ban hành những đạo luật khắt khe, vô lý khiến người dân đau khổ, oán than.

-Tăng thuế, nhất là thuế săng dầu khiến ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt kinh tế và đời sống mà ngày xưa gọi là “Sưu cao thuế nặng”.

-Phớt lờ những khiếu nại chính đáng của người dân. Ngày xưa các bậc minh quân cho phép người dân được tới hoàng thành, đánh trống kêu oan.

-Tội phạm xã hội lan tràn là dấu hiệu suy yếu của đạo đức, chính quyền bất lực hoặc cơ quan an ninh, cảnh sát dung túng…là đầu mối phá vỡ luật pháp quốc gia và đưa tới “Luật Rừng”, phá tan đất nước.

-Quá nặng về ngân sách quốc phòng  khiến các phúc lợi của người dân như  y tế, giáo dục bị hy sinh, học phí, bảo hiểm y tế gia tăng. Ngân sách quốc phòng của các cường quốc thường rất cao vì muốn khống chế nhân loại. Cho nên đất nước trông phát triển như vậy nhưng kinh tế và đời sống của người dân vô cùng khó khăn.

-Lãnh đạo không giữ gìn mồm miệng, phát ngôn bừa bãi khiến dân chúng, nội các hoang mang và làm mất thể diện quốc gia.

-Không có chính sách đối ngoại khôn khéo, lôi kéo đất nước vào những “liên minh” những cuộc chiến phi lý chỉ gây tổn hại cho đất nước. Chiến tranh một năm, mười năm chưa hồi phục.

-Lãnh đạo đất nước cần tránh can dự, bình phẩm, lên tiếng dạy đời những chuyện “ruồi bu” của thế giới.

Báo chí, các nhà bình luận muốn nói gì thì nói, nhưng lãnh đạo không thể nói. Thế giới này luôn luôn biến động, hết chuyện này tới chuyện kia. Chuyện gì cũng lên tiếng, phản đối…chỉ mất lòng bè bạn và điên lên mà chết. Ngày nay thế giới quá nhỏ hẹp và nguy hiểm. Khắp đại dương đều có tầu ngầm, hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, máy bay ném bom chiến lược bay thường trực trên bầu trời, hỏa tiễn nguyên tử, hỏa tiễn liên lục địa nhiều  đếm không xuể…cho nên chính sách ngoại giao khôn khéo là chiến lược hàng đầu để giữ yên đất nước. Thêm bạn, bớt thù là chính sách ngoại giao tốt nhất.

-Trong các cuộc thương thảo song phương, lãnh đạo phải bày tỏ tinh thần “độc lập tự chủ”, bảo vệ quyền lợi của đất nước. Không được tỏ ra mềm yếu trước đối phương. Rất nhiều chính quyền xụp đổ chì vì những hiệp ước mà người dân cho rằng đã “bán rẻ” quyền lợi quốc gia.

-Lãnh đạo thiên tài là làm thế nào để người dân tin vào mình. Tối kỵ là làm bậy, làm sai rồi ra sức biện minh và đổ lỗi cho người dân. Lãnh đạo giỏi là lãnh đạo có khả năng thuyết phục người dân.

-Lãnh đạo sáng suốt (minh quân) là thấy sai thì sửa chữa. Hôn quân ám chúa là không thấy mình sai hoặc thấy sai rồi lại không sửa chữa khiến người dân phẫn uất, đứng lên lật đổ. Sửa chữa một điều sai trái – đối với chính quyền không phải là điều xấu hổ – mà chính là thu phục nhân tâm.

-Sau hết, dù luật pháp, tòa án có nghiêm minh thế nào đi nữa, đất nước vẫn cần có đạo đức. Người dân ở bất cứ nơi nào cũng có những thành phần gian dối, qua mặt luật pháp, lường đảo nhau. Cho nên một lãnh đạo khôn ngoan và thật sự yêu nước là phải xây dựng một nền tảng đạo đức cho dân tộc. Một đế quốc hay siêu cường hùng mạnh cũng  sẽ xụp đổ nếu người dân sống vô đạo đức. Một nước nhỏ vẫn tồn tại vững vàng nếu người dân sống có đạo đức. Những nền tảng căn bản của đạo đức thời đại gồm có: Thật thà, tinh thần trách nhiệm và tấm lòng thiện nguyện. Cho nên lãnh đạo đi khắp nơi, không phải chỉ để trình bày những kế hoạch của quốc gia, mà còn tạo một diễn đàn để quảng bá nền tảng đạo đức cho toàn dân.

Tóm lại, người dân ở đâu cũng vậy, họ chỉ mong cầu một cuộc sống yên bình để làm ăn, sản xuất, cho con cái ăn học, du lịch, vui chơi, giải trí. Người dân chẳng muốn xuống đường biểu tình, đốt phá, ném đá vào cảnh sát làm gì. Nhưng tức nước vỡ bờ. Ngày xưa các vị vua Việt Nam có buổi tế lễ cầu “Quốc Thái Dân An” để “sửa mình” là như vậy.

Cho nên lãnh đạo phải luôn luôn cảnh giác về những hoạt động của mình mà Lão Tử gọi là “Cẩn thận như đi trên mặt nước đóng băng”. Chính quyền không được chủ quan.  Phải lắng nghe dư luận. Phải có cố vấn/quân sư giỏi và biết nghe lời cố vấn. Đậu tiến sĩ, bác sĩ, trở thành khoa học gia…cũng dễ thôi. Nhưng là lãnh tụ thiên tài để an dân, đoàn kết toàn dânhầu đưa đất nước vào thịnh trị, phát triển rất khó vì nó bao gồm: Kiến thức, kinh nghiệm, tài năng và đức độ.

(California ngày 15/12/2018)

https://vietbao.com/p112a288686/nhat-ky-bien-dong-viec-nhan-nghia-cot-o-an-dan

Năm mới – chuyện cũ  –  Vũ Linh

Trước thềm năm mới, thiên hạ nao nức, sốt ruột, thắc mắc, năm mới sẽ có chuyện gì mới? Dĩ nhiên là sẽ có vô số chuyện mới mà chẳng ai đoán trước được, kể cả Trạng Trình tái sinh. Ấy vậy mà kẻ này vẫn oai hùng dám đứng ra tiên đoán chuyện năm tới, ít nhất là trong chính trường Mỹ. Đây là chuyện ‘phá lệ’, đoán mò tương lai chứ không chờ chuyện xẩy ra rồi mới bàn luận như một bình luận gia phải làm.

Xin quý vị lấy sổ ra ghi để cuối năm tới xem lại coi kẻ này có giỏi hơn Trạng Trình không nhé.

Đây là lời tiên đoán: qua năm mới 2019, sẽ chẳng có gì mới lạ trong chính trường Mỹ hết ráo! Tuy năm mới, nhưng tất cả mọi chuyện đều là cũ, thay đổi nếu có, chỉ là cường độ. Khối cấp tiến, từ đảng DC đến TTDC, đánh Trump từ hai năm nay, vẫn tiếp tục đánh. Bây giờ, nắm được Hạ Viện, sẽ đánh mạnh hơn nữa, ít ra cũng sẽ làm tê liệt toàn bộ chính quyền Trump nếu không ‘đảo chánh’ được. Ông Thần Trump đánh lại từ hai năm nay, vẫn tiếp tục trả đòn bằng tuýt. TTTN (truyền thông tỵ nạn) vẫn tiếp tục vào Gu Gồ dịch CNN. Cuộc chiến mậu dịch với Tầu vẫn cò cưa, thảo luận với Bắc Hàn vẫn lai rai trong khi cậu Ấm vẫn ngừng thử nghiệm bom và hỏa tiễn. Diễn Đàn Trái Chiều vẫn cứ trái chiều. Thiên hạ ủng hộ Trump vẫn ủng hộ, chống Trump vẫn chống. Bệnh Dị Ứng Trump vẫn không bớt. Mặt trời vẫn mọc từ phiá đông.

Qua đầu tháng Giêng, quốc hội mới sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Thượng Viện vẫn y như cũ, với CH nắm thế đa số, tuy có thêm được hai ghế nhưng cũng chẳng thay đổi gì nhiều ngoài vài thay đổi nhân sự trong các ủy ban. Với thế đa số trong tay, TT Trump sẽ vẫn có quyền bổ nhiệm bất cứ ai ông muốn, từ nhân viên nội các cho tới các đại sứ, quan tòa, kể cả thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Phe DC chỉ biết khóc ròng, chửi bới và nuốt cục tức.

Tất cả các thượng nghị sĩ trong hai năm tới sẽ khá rảnh rang, đi câu hay đi đánh gôn mút chỉ cũng chẳng sao, vì sẽ chẳng có luật lệ nào có thể phê chuẩn được. Chẳng có luật lệ nào vì Hạ Viện nằm trong tay khối đối lập DC. Tất cả luật do khối DC tại Hạ Viện đưa ra sẽ không có hy vọng qua được cửa ải Thượng Viện, chứ đừng nói tới việc TT Trump ký ban hành. Tất cả mọi dự luật TT Trump hay phe CH đề nghị sẽ bị nhận chìm tại Hạ Viện.

Tất nhiên, thỉnh thoảng hai bên sẽ cố gắng tìm đồng thuận để thông qua một vài luật ‘nhí’ như luật giảm khinh các tội về ma tuý mới đây.

Dù vậy, Thượng Viện về phiá Dân Chủ sẽ rất ồn ào. Đặc biệt là khi xuất hiện trước ống kính TV trong những cuộc điều trần hay thảo luận gì đó. Một số thượng nghị sĩ sẽ tranh nhau la to hét lớn, tạo chú ý cần thiết để dọn đường cho năm 2020 ra tranh cử tổng thống. Xin quý vị ghi lại tên để sau này kiểm chứng: đây là danh sách các nghị sĩ ồn ào nhất: Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Kamala Harris, Cory Booker, Amy Klobuchar, Kirsten Gillibrand. Nhìn vào danh sách này, với tư cách người trốn chạy ‘xã hội chủ nghiã’, kẻ này lo nhiều hơn vui: tất cả các thượng nghị sĩ DC đi thi “Senate Got Talent” đều thuộc cánh tả hết, từ thiên tả đỏ bầm như cụ ông Sanders và cụ bà Warren, đến thiên tả hồng đậm như chị Harris và anh Booker. Đảng DC hiển nhiên đang rẽ qua phiá tả rất mạnh. Cử tri Mỹ vào năm 2020 sẽ có một sự lựa chọn rất rõ ràng, xanh hay đỏ, tả hay hữu, chứ không phải lựa chọn kiểu… bên nào cũng rứa.

Nói tóm gọn lại, Thượng Viện qua năm tới sẽ chỉ còn là sân khấu cho các diễn viên DC ứng cử tổng thống tranh tài múa mép, chuẩn bị dựt cúp Tòa Bạch Ốc.

Ngoài Thượng Viện, còn có gần hai tá thí sinh dự thi tuyển lựa ca sĩ nữa, trong đó có vài cụ khủng long giọng đã quá khàn như Hillary, Joe Biden, John Kerry, Andrew  Cuomo, nhưng cũng có vài cây măng mới mọc như Beto O’Rourke, Eric Garcetti chưa ai nghe tiếng hát bao giờ. Có cả một anh Julian Castro tuy không bà con gì với Fidel Castro (thử tưởng tượng đọc tin tức: “Họp thượng đỉnh Castro Mỹ – Castro Cuba”!). Những thăm dò mới nhất cho thấy các cụ Biden và Sanders được hậu thuẫn cao nhất, chỉ vì nhiều người biết đến tên tuổi các cụ, còn những mầm non mới thì còn ít người biết đến.

TTDC đã thả bong bóng thăm dò, đưa ra một liên danh ‘bất bại’ của DC: cụ ông Biden đứng chung với ngôi sao mới nổi Beto O’Rourke, người đã xém hạ được TNS Ted Cruz tại Texas mới đây. Kinh nghiệm và tên tuổi của cụ Biden kết hợp với tuổi trẻ và tính thu hút của anh O’Rourke có vẻ thật hấp dẫn.

Thực tế, chỉ hấp dẫn trên TTDC thôi. Cụ Biden là một chính khách dở ẹc, hay ít ra thì cũng không có trọng lượng, có tính hơi … tếu, sở trường về chuyện diễu và cười duyên, chuyên môn nói hớ, hai lần ra tranh cử tổng thống đều chẳng lần nào có được tới 5% hậu thuẫn, chỉ quá giang xe đò Obama để thành phó tổng thống. Chưa kể cụ Biden sẽ bước vào bát tuần một năm sau khi tuyên thệ nhậm chức nếu đắc cử trong khi thế giới ngày nay là thế giới của thế hệ 20-30 tuổi.

Anh O’Rourke thì hạ TNS Cruz không nổi, sao lại có thể tính chuyện lớn hơn được. Với những độc giả chưa biết gì nhiều về anh O’Rourke, kẻ này xin có vài chữ giới thiệu: anh này hoan nghênh những cầu thủ football không chịu chào quốc kỳ và quốc ca vì “tôn trọng quyền tự do” khinh thường quốc kỳ và quốc ca của họ. Anh O’Rourke cũng hô hào giải tán cơ quan ICE là cơ quan cảnh sát biên giới, ân xã hết di dân lậu, mở toang cửa biên giới. Nói cho rõ, anh này đứng về phiá đỏ thẫm.

Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC cho biết đã chuẩn bị chương trình cho ít nhất là 12 cuộc tranh luận trong nội bộ đảng DC, bắt đầu từ tháng Sáu năm tới. Coi bộ hấp dẫn hơn phim bộ Hàn Quốc.

Trong nội bộ CH, nếu TT Trump quyết định ra tranh cử lại, sẽ chẳng có ai dám ra chống ông ta hết, có ra cũng chết yểu thôi.

Danh sách giới hạn về các thí sinh thi lấy cúp Tòa Bạch Ốc của đảng Dân Chủ (còn thiếu cả chục nhân vật)

Về phiá Hạ Viện thì trái lại, sẽ rất sống động, không có dân biểu nào… ngủ gật hết. Nhưng Hạ Viện bận rộn không phải vì bận ra luật kinh bang tế thế mới, mà bù đầu vì trách nhiệm tự phong mới: cố viết cáo phó cho Trump. Trong vấn đề này, sẽ không phải là chuyện lạ nếu Hạ Viện muốn tu chính Hiến Pháp, chính thức thêm một trách nhiệm mới cho các dân biểu “Tìm mọi cách lật đổ bất cứ tổng thống CH nào cho dù đã được dân bầu một cách chính danh và hợp Hiến”.

Trong trận chiến đánh Trump, khối DC sẽ mang đại bác 500 ly “điều tra” ra xử dụng toàn diện. Trong hai năm tới, thiên hạ có thể sẽ thấy ít ra là hai ba tá điều tra lớn nhỏ, ngắn dài đủ cỡ, chuyện quan trọng hay chuyện ruồi bu đủ kiểu. Để quý độc giả có một khái niệm sơ khởi: trong hai năm qua, khối thiểu số DC tại Hạ Viện đã yêu cầu điều tra 64 vụ liên quan đến các việc làm của nội các Trump và của chính TT Trump. Hầu hết bị khối đa số CH bác bỏ. Bây giờ phe DC nắm đa số, sẽ không phải là chuyện lạ nếu DC đòi điều tra không phải là 64 mà là 640 vụ! Ngoài ra, Hạ Viện sẽ không làm chuyện gì khác, ngoài nỗ lực ‘đảo chánh’ lật đổ TT Trump.

Tất cả các quyết định của tất cả các bộ trong nội các Trump, tất cả những tổ chức, hiệp hội, cơ sở kinh doanh,…  mang tên “Trump”, hay dính líu xa gần gì đến TT Trump và gia đình, sẽ thành đối tượng điều tra hết. Tất cả những người thiếu may mắn, trùng tên Trump cần phải làm thủ tục đổi tên gấp như một cậu bé học sinh tiểu học 11 tuổi tại Delaware, tên Joshua Trump đã phải chính thức đổi tên để đi học khỏi bị cô giáo đì và bạn cùng lớp sỉ vả.

Cặp mắt của dân biểu DC Adam Schiff sẽ lớn ra thêm chút nữa vì nhu cầu kiếm rác trong tất cả những gì TT Trump đã, đang, và sẽ làm.

Phe DC sẽ tìm đủ cách moi giấy khai thuế của ông kinh doanh Trump, viện cớ truy xét xem ông Trump có trốn thuế không. Chuyện bá láp! Hồ sơ khai thuế của ông Trump dầy cả ngàn trang, đã có hàng chục chuyên gia của sở thuế IRS nghiên cứu từng con số từ thời TT Reagan đến giờ. Nếu ông ta có trốn thuế thì đã bị bắt từ lâu rồi, không phải chờ đến các dân biểu mù tịt về kế toán tìm ra. Một đài TV của TTDC trước đây đã mần mò tìm ra được một giấy khai thuế năm 2005, làm rùm beng, để rồi sau đó im re, lờ câu chuyện đi vì giấy khai thuế đó cho thấy ông Trump đóng tới 38 triệu đô thuế năm đó. Vấn đề là DC chỉ muốn làm khó dễ ông Trump vì biết ông này không muốn công khai hoá giấy khai thuế cho cả thế giới kinh doanh biết những bí mật kinh doanh của ông. Ta đừng quên đại tổ hợp Trump Organization có quan hệ kinh doanh với cả ngàn công ty khác mà họ đều không muốn bị lộ ra.

Câu hỏi lớn nhất trong đầu tất cả mọi người là chuyện đàn hặc TT Trump. Đây là nỗi ám ảnh, hay chính xác hơn, là giấc mơ của những người bị bệnh Dị Ứng Trump. Như đã có dịp trình bày, đàn hặc là một quyết định chính trị, thực sự chẳng cần phải có tội hay bằng chứng đành rành như một vụ án trước tòa án bình thường. Tuy vậy, dù sao cũng phải chứng minh trước tòa công luận là có tội thật.

Câu hỏi là đàn hặc TT Trump về tội gì? Vì tội trả tiền ăn bánh với hai bà làng chơi hơn một chục năm trước khi ra tranh cử tổng thống? Hay trả tiền để hai bà này không tiết lộ ông Trump ‘giỏi’ hay ‘dở’? Trường hợp TT Clinton nặng tội gấp vạn lần, không bị giải nhiệm cũng chẳng đi tù nửa ngày, vậy thì làm gì được TT Trump?

Đàn hặc một tổng thống không phải là chuyện nhỏ, cần phải cân nhắc kỹ. Năm xưa, CH hung hăng đàn hặc TT Clinton quá mạnh, đưa đến phản ứng ngược, hậu thuẫn của TT Clinton đang từ 40% vọt ngay lên tới 73%, khiến tất cả các nghị sĩ DC rét không dám bỏ phiếu truất phế ông.

Theo một thăm dò mới nhất của Politico, chỉ có 33% dân Mỹ ủng hộ đàn hặc TT Trump trong khi 51% chống.

Yếu tố quan trọng nhất dĩ nhiên là cho dù đàn hặc thì cũng chẳng đi đến đâu, vì không có cách nào có đủ phiếu tại Thượng Viện để giải nhiệm TT Trump. Chưa kể việc giải nhiệm ông Trump thì ông phó Pence sẽ lên thay thế, mà ông Pence thì đúng là ‘ác mộng’ của khối cấp tiến vì ông bảo thủ hơn xa TT Trump, lại điềm đạm, khó bị chửi hơn ông Trump.

Về phần TT Trump, qua năm tới, ông có quyền đi đánh gôn một năm 300 ngày, gọi là có chuyện làm cho qua ngày vì không còn việc gì khác có thể làm được khi Hạ Viện sẽ chặn tất cả mọi dự tính, mọi kế hoạch.

Những kế hoạch ông hứa hẹn khi tranh cử nhưng chưa thực hiện được có nhiều triển vọng sẽ không thực hiện được nữa. Qua năm 2020, khi TT Trump tái tranh cử, khối đối lập sẽ nhắc đi nhắc lại chuyện TT Trump hứa lèo nhưng lại không nhắc lại chuyện chính đảng DC đã cản ông.

Kiếm tiền xây bức tường biên giới Mễ sẽ là một công tác hàng đầu thật khó khăn. Ngân sách nói chung, sẽ tiếp tục là chiến trường giữa DC và CH, đưa đến tình trạng chỉ có được ngân sách vá víu ngắn hạn tạm, dây dưa hết cái này đến cái khác, mỗi lần phê chuẩn lại là một dịp hai bên đánh nhau, hăm dọa đóng cửa Nhà Nước.

Obamacare sẽ dậm chân tại chỗ, sống dở chết dở, cho đến khi các hãng bảo hiểm khai phá sản và Obamacare tự diệt, hay cho đến khi Tối Cao Pháp Viện quyết định khai tử nếu Obamacare vi Hiến như một quan tòa liên bang đã phán.

Kế hoạch giảm thuế quy mô lần thứ hai vào đầu năm 2019 chết từ trong trứng nước. Nhiều cụ tỵ nạn hớn hở, vui mừng vì cho rằng như vậy Nhà Nước vẫn thu được nhiều tiền để chi trả tiền già, tiền trợ cấp đủ kiểu,… cho các cụ, cho dù đó là tiền đám con cháu các cụ đang è cổ đóng.

Nếu có phép lạ, phe DC hợp tác với TT Trump thì sẽ có hy vọng kế hoạch tu bổ hệ thống hạ tầng cơ sở đường xá, cầu cống, có thể sẽ được thực hiện phần nào.

TT Trump sẽ có những cuộc cải tổ nội các quy mô. Có thể cả nửa nội các sẽ được thay thế, vì lý do này hay lý do khác. Phải nhìn cho rõ, ông Trump không phải là thành phần chính khách chuyên nghiệp của Hoa Thịnh Đốn khi đắc cử và tuyên thệ nhậm chức. Việc đi tìm người hợp tác trong nội các là cả một hành trình cam go, hầu hết các bổ nhiệm đều dựa trên những lời giới thiệu hay áp lực của khối này, nhóm kia, và hầu hết những người được bổ nhiệm đều xa lạ với ông. Do đó, lủng củng nội các, bất đồng ý kiến, lựa người thiếu khả năng hay lai lịch có vấn đề,… trong những ngày đầu không thể tránh được. Bây giờ, sau hai năm trong thế giới Hoa Thịnh Đốn, tất nhiên ông hiểu thế giới này hơn và biết nhiều nhân vật hơn, sẽ tìm được nhiều người hợp ý hơn.

Nói chung, tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump sẽ tiếp tục lảng vảng trong khoảng 45%-50%, tuy không có gì đáng đấm ngực, nhưng cũng đủ để… tái đắc cử nếu ông ngồi buồn không biết làm gì, ra tranh cử lại.

Theo một bài phân tích mới nhất của CNN (không phải Fox đâu!), TT Trump nếu ra tranh cử lại năm 2020, sẽ đắc cử dễ dàng hơn năm 2016. Năm đó, ông đắc cử dựa trên lời hứa sẽ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho thiên hạ. Năm 2020, ông ra tranh cử lại không còn dựa trên lời hứa nữa, mà trên thành quả thật, kinh tế phát triển thật (phát triển quá mạnh đến độ ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để thắng bớt lại) và công ăn việc làm đầy rẫy thật. Theo CNN, tất cả tùy thuộc tình hình kinh tế. Cứ tiếp tục tăng trưởng như hiện nay thì DC sẽ vô vọng, cho dù đưa bất cứ ứng viên nào ra, vì dân Mỹ nói chung, bầu theo túi tiền của họ chứ không bị chi phối bởi mấy cái tội lăng nhăng mà TTDC tố cáo như kỳ thị, nói nhảm, tuýt quá nhiều,… Những cái tội này chỉ quan trọng đối với mấy anh nhà báo cấp tiến đi mò rác thôi, dân lao động chẳng bao giờ thắc mắc khi đi bỏ phiếu.

Nhìn cho kỹ, DC chẳng có ai đủ trọng lượng đánh đô vật với võ sĩ Trump, cũng như chẳng có chương trình kinh bang tế thế cụ thể và hấp dẫn nào hết. Chẳng lẽ ứng viên DC sẽ hô hào tăng thuế lợi tức lại? Chém thuế nặng để các công ty Mỹ khỏi mang tiền từ ngoài nước về đầu tư mở hãng xưởng ở Mỹ lại? Đóng bớt cửa các hãng xưởng để dân lao động có dịp ngồi nhà ăn trợ cấp coi football hay baseball cả ngày cho khỏe? Mở toang cửa biên giới cho cả vạn hay cả triệu di dân Nam Mỹ và Hồi giáo Trung Đông vào? Hủy bỏ thuế quan trên hàng nhập cảng từ Trung Cộng và cả thế giới để cả thế giới mang hàng hoá vào giết kỹ nghệ Mỹ? Mang B-52 đi thả bom Mạc Tư Khoa để trừng phạt Putin can dự giúp Trump? Chấm dứt đàm phán để Cậu Ấm Ủn tái võ trang nguyên tử? Mời ông Tập ‘bảo vệ’ Biển Đông?

Nhưng tương lai TT Trump không hoàn toàn huy hoàng đâu. Đám mây đen Mueller vẫn còn che kín một mảng lớn của bầu trời. Cho đến nay, chẳng ai biết tí tẹo tin gì về cuộc điều tra ‘Trump thông đồng với Putin’ của ông. Chỉ biết qua những tin đồn, tin đoán mò qua các truy tố vài người thì biết loáng thoáng hình như chẳng có dấu vết thông đồng gì ráo. Nhưng để biện minh đã tốn mấy chục triệu tiền thuế của dân, ông Mueller sẽ thua me gỡ bài cào, phải vặn trẹo lưng để tìm ra một vài tội chơi gái lăng nhăng, có thể để dành đó, khi nào TT Trump mãn nhiệm sẽ vồ ông ta.

Dù sao thì công tố Mueller không còn lý do gì kéo dài lê thê cuộc điều tra lùng phù thủy này vĩnh viễn được. Trên thực tế, theo các chuyên gia, cuộc điều tra càng kéo dài càng bất lợi cho công tố Mueller vì thiên hạ sẽ nghĩ ông này vẫn loay hoay đi mò tôm thôi.

Nếu có thay đổi đáng kể thì có lẽ thay đổi đó sẽ xẩy ra tại Tối Cao Pháp Viện. Tại đó, hiện nay, tương lai của 3 thẩm phán khá lỏng lẻo. Mà chuyện đáng nói là cả ba vị này đều thuộc khối cấp tiến, do các tổng thống DC bổ nhiệm. Bà Ruth Ginsberg sức khỏe rất mong manh. Ông Stephen Breyer cũng trên bát tuần tuy sức khoẻ chưa thấy có vấn đề lớn gì. Bà Sonia Sotomayor tuy còn khá trẻ nhưng lại bị bệnh tiểu đường khá nặng, đã mấy lần vào bệnh viện cấp cứu. Không ai muốn chuyện bất hạnh nào xẩy ra cho các vị đó, nhưng thực tế mà nói, việc TT Trump có cơ hội bổ nhiệm thêm thẩm phán TCPV là chuyện ai cũng phải nghĩ đến, dù muốn hay không.

Nếu TT Trump có cơ hội bổ nhiệm thêm thẩm phán bảo thủ nữa, cán cân TCPV sẽ nghiêng hẳn về phiá bảo thủ. Và bảo đảm việc bổ nhiệm tân thẩm phán bảo thủ nữa sẽ … gió tanh mưa máu hơn đại chiến thế giới thứ ba. Cuộc chiến Kavanaugh coi như trò đùa của trẻ con thôi.

TTDC thì sao? Cũng vẫn vậy thôi. Xúm lại đánh TT Trump mệt nghỉ. Vừa đánh cho bõ ghét, vừa kiếm được tiền quảng cáo. Truyền thông tỵ nạn thì cũng vẫn hăng hái phiên dịch CNN thôi, vì không biết làm gì khác.

Chuyện đáng lưu ý trong TTDC là xem họ tuyển lựa ca sĩ nào trong đám thí sinh DC. Đây sẽ là nhức đầu lớn cho TTDC.

Nhìn chung chính trường Mỹ trong năm tới, hay chính xác hơn, trong hai năm tới, chỉ có hai vấn đề lớn mọi người sẽ chú tâm: các cuộc điều tra liên tục hạch tội TT Trump, và cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của phe DC.

Đủ để Diễn Đàn này có bài lai rai mỗi tuần, nếu Diễn Đàn chưa ‘âm thầm đóng cửa’!

http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/12/nam-moi-chuyen-cu.html#more

 

Vui cười

Bà vợ nói với chồng: – Kể từ hôm nay, mọi việc tôi làm sẽ phải tính bằng tiền! Tôi chán làm không công lắm rồi.

– Cụ thể thế nào? – Nấu ăn: 30 ngàn một bữa, giặt quần áo 40 ngàn một chậu, “lên giường”… 100 ngàn!

Đến tối, ông chồng thì thào:– Trong túi tôi chỉ còn 70 ngàn, bà bớt cho tôi lần này được không?

– Không bao giờ!

Hai người đi ngủ. Nửa đêm, ông chồng nghe có tiếng sột soạt, bật đèn lên thì thấy bà vợ đang lục túi xách nên hỏi:

– Bà tìm gì đấy? – Tôi tìm 30 ngàn cho ông vay.

 

Nhà vật lý người Anh William Thomson (1824-1907) có lần phải hoãn một buổi lên lớp. Ông thông báo lên bảng như sau: “Professor Thomson will not meet his classes today”  (Hôm nay giáo sư Thomson sẽ không gặp sinh viên) Nhóm sinh viên tinh nghịch đã xóa chữ “c” trong từ classes, từ này trở thành “lasses” (những tình nhân) và câu trên trở thành : “Hôm nay giáo sư Thomson sẽ không gặp những tình nhân của mình”.

Hôm sau, khi lên lớp thấy những ánh mắt cười ranh mãnh và dòng chữ đùa tếu ấy, nhà vật lý thiên tài không mảy may bối rối mà còn thản nhiên bước tới bảng xóa thêm chữ “l” ở từ “lasses”, rồi xách cặp ra về. Dòng chữ trên bảng lại trở thành : “Hôm nay giáo sư Thomson sẽ không gặp những con lừa” (từ ” asses”: những con lừa)

“Trong nhà khi người chồng hứa với vợ rằng sẽ làm một việc gì, mà mãi vẫn chưa thấy làm thì hãy yên tâm bởi chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó, có thể anh ta sẽ làm mà thôi. Là vợ, ta không cần và không nên cứ nửa năm lại nhắc anh ta một lần như vậy!Dục tốc bất đạt”

Thi cử và giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc (P1) –  Trần Bích San

Năm Nhâm Tuất 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa. Năm Đinh Mão 1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Hòa ước năm Giáp Tuất 1874 công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn thể lãnh thổ Nam Kỳ.  Nam Kỳ trở thành thuộc địa (colonie) của Pháp.

Hai hòa ước năm Quí Mùi 1883 và Patenôtre năm Giáp Thân 1884 công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ (protectorat) của Pháp. Ở miền Bắc, trên danh nghĩa, triều đình Huế còn quyền hành nhưng trên thực tế mọi việc do người Pháp điều khiển. Trung Kỳ do triều đình Huế cai trị nhưng được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Pháp (1).

Khi đô hộ Việt Nam, nhu cầu cấp bách của người Pháp là phải hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho guồng máy cai trị. Do đó, chiếm được Nam Kỳ xong là người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Nho học.  Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm). Từ  1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão 1915, và ở Huế năm Mậu Ngọ 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ.

Mục Đích Nền Giáo Dục Của Người Pháp ở Việt Nam

Nhìn thấy quá khứ Việt Nam nặng về Hán học, chủ tâm của người Pháp là muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Để đạt mục đích hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ (2) và thay thế bằng chữ Pháp, còn văn tự cho tiếng nói người bản xứ nếu cần đã có chữ quốc ngữ cùng một họ mẫu tự La Tinh (3). Năm 1865 súy phủ Sài Gòn cho ra đời tờ Gia Định Báo là tờ Công Báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ (4). Trong tinh thần ấy, trước tiên người Pháp dựng lên những cơ sở văn hóa để truyền bá chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Đáp ứng nhu cầu cấp bách trong thời gian đầu Pháp thiết lập các trường đào tạo thông ngôn. Ngày 8/5/1861 Đô Đốc Charner ký nghị định lập trường Collège d’Adran để đào tạo thông ngôn người Việt và cho cả người Pháp muốn học tiếng Việt (5). Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) được thiết lập ở Sài Gòn năm 1864, ở Hà Nội năm 1905. Pháp còn thiết lập các Trường Hậu Bổ (chuẩn bị bổ ra làm quan Apprenti Mandarin) ở Hà Nội năm 1903 và ở Huế năm 1911. Đây là những bước đầu trong việc thiết lập một nền giáo dục của Pháp.

Khi xây dựng nền giáo dục thay thế Nho giáo, người Pháp có ba mục đích. Mục đích  quan trọng nhất nhằm đào tạo lớp người thừa hành chính sách của Pháp là cai trị và khai thác ở Việt Nam và cả Đông Dương. Tầng lớp này bao gồm các viên chức trong các ngành hành chánh, giáo dục, y tế và xây dựng. Thứ đến là truyền bá tư tưởng Pháp, lòng biết ơn sự khai hóa của Pháp và sự trung thành với Pháp. Cuối cùng với mục đích mị dân, làm người Việt tin rằng hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ. Hai mục đích đầu là căn bản, mục đích thứ ba chỉ dùng để đối phó với sự đòi hỏi một nền giáo dục tiến bộ của người Việt trong tương lai mà thôi.

Hệ thống giáo dục của nước Pháp đã được người Pháp ở Việt Nam điều chỉnh và thêm bớt cho phù hợp với ba mục đích trên cũng như để thích hợp với thực tế ở Việt Nam. Đây là hệ thống Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ” (Enseignement Franco-Indigène), thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt. Trong nền giáo dục này tiếng Pháp là chuyển ngữ tức tiếng Pháp được dùng để trao đổi trong lớp học (giảng bài, làm bài, sách giáo khoa viết bằng tiếng Pháp). Riêng ba lớp tiểu học đầu là được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, sau đó tiếng Việt được học như một ngoại ngữ. Ngoại ngữ thứ hai thường là tiếng Anh ở bậc Tú Tài. Chữ Hán được học theo tự nguyện. một tuần một giờ ở các lớp trên của bậc tiểu học nếu có thầy dạy.

Để điều hành, Pháp thiết lập tại mỗi kỳ một Sở Giáo Dục Cho Người Bản Xứ (Service de L’Enseignement Local) do một Chánh Sở (Chef de Service) người Pháp đứng đầu. Các cơ sở giáo dục này đặt trực thuộc tòa Khâm Sứ. Mọi sự bổ nhiệm, thuyên chuyển, thăng thưởng, kỷ luật các giáo chức từ bậc tiểu học trở lên đều phải do khâm Sứ quyết định. Khi Pháp thành lập liên bang Đông Dương (gồm Bắc, Trung, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào), một số việc phải được Toàn Quyền Đông Dương (Gouverneur de l’Indochine) chuẩn y. Nha Học Chính Đông Pháp (Direction de l’Instruction Publique de l’Indochine) ra đời do một Giám Đốc người Pháp chỉ đạo trực tiếp 5 sở giáo dục của liên bang Đông Dương. Năm 1933, Phạm Quỳnh được Bảo Đại bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Học. Nhờ sự đòi hỏi quyết liệt của họ Phạm, Pháp phải nhượng bộ cho Việt Nam quyền quản lý các trường tiểu học ở Trung Kỳ nhưng dưới sự kiểm soát của tòa Khâm Sứ Pháp.

Hệ thống giáo dục Pháp-Việt gồm 2 phần: giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng chuyên nghiệp, đại học.

Tổ Chức Của Hệ Thống Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Trong thời kỳ phôi thai, Pháp thiết lập vài trường để làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông là các trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879) (6), trường Quốc Học Huế (1896), trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908) (7). Ba trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, mấy chục năm sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn. Riêng chỉ có 2 trường Quốc Học Huế và trường Bưởi sau này có đến bậc Tú Tài. Từ 1910 đến 1930 là thời kỳ hình thành hệ thống giáo dục có tính cách hệ thống.  Từ 1930 đến 1945 là thời kỳ tổ chức hệ thống giáo dục cho người bản xứ của Pháp ở Việt Nam đã được hoàn chỉnh.

Song song với hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt, Pháp thiết lập 3 trường hoàn toàn như ở Pháp dành riêng cho con cái người Pháp ở Việt Nam và con cái những người Việt thân Pháp. Đó là các trường Chasseloup Laubat (8) ở Sài Gòn (1874), trường Albert Sarraut ở Hà Nội (1918) và trường Yersin ở Đà Lạt (1935). Cả 3 trường này lúc đầu cũng được hình thành từ bậc tiểu học trước rồi sau mới có đến bậc Tú Tài.

Kiến Trúc Của Nền Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Tới khi hình thành đầy đủ, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt có 3 bậc với học trình là 13 năm:

Bậc Tiểu Học 6 năm:

– Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin)

– Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)

– Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire)

– Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)

– Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) (9)

– Lớp Nhất (Cours Supérieur)

Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học xong lớp Sơ Đẳng học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire) Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược. Học hết lớp Nhất học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI), phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên.

Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire) 4 năm:

Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung. Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài. Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège.

Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire) 3 năm:

Còn được gọi là bậc Tú Tài Pháp-Việt, bậc Trung Học gồm 3 năm. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán. Hai ban có những môn học hoàn toàn giống nhau như Sử. Địa, Ngoại Ngữ. Có những môn giống nhau nhưng số giờ học khác nhau như Đại Số, Thiên Văn. Có những môn chỉ học ở ban này mà ban kia không có như ban Triết có Tâm Lý Học, Siêu Hình Học, ban Toán có Hình Học, Cơ Học, Số Học. Từ niên học 1937-1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp-Việt đủ 3 ban: Toán, Khoa Học, Triết. Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có. Học sinh cũng được phép thi bằng Tú Tài Pháp. Học xong năm này thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d’Études Secondaire Franco-Indigènes). Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng Tú Tài Pháp (10) được ưu tiên khi thi vào các trường Đại Học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội lúc đó.

Từ niên học 1926-1927 Pháp thiết lập thêm chế độ Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat Local) học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái). Chương trình rất nặng, bị chỉ trích và ta thán rất nhiều nên đã bị hủy bỏ từ niên học 1937-1938.

Các Đặc Điểm Của Nền Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Một đặc điểm của nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt là hễ có bằng Tú Tài Toàn Phần thì đương nhiên được vào học các trường Đại Học (Université), nhưng muốn vào các trường Cao Đẳng thì phải qua một kỳ thi tuyển rất khó. Trước 1945, Việt Nam chỉ có một trường Đại Học và vài trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội như Sư  Phạm, Canh Nông, Thú Y, Công Chánh và Mỹ Thuật.

Một đặc điểm khác nữa là chương trình học do nhà nước quy định có tính cách bắt buộc trong việc giảng dạy nhưng sách giáo khoa lại hoàn toàn do các nhà xuất bản mời người biên soạn và các sách này chỉ được dùng để tham khảo mà thôi. Tất nhiên những sách giáo khoa do các nhà giáo có kinh nghiệm và uy tín được sử dụng nhiều hơn. Riêng ở bậc Tiểu Học sách giáo khoa do Nha Học Chính Đông Pháp chủ trì việc biên soạn và xuất bản, bán rẻ cho học sinh. Từ bậc Cao Đẳng Tiểu Học trở lên thì dùng sách giáo khoa xuất bản ở Pháp (trừ vài quyển về Lịch Sử Việt Nam, Địa Lý Đông Dương, Văn Học Việt Nam do các giáo chức người Pháp hay người Việt soạn và xuất bản ở Hà Nội.

Giáo Chức Nền Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Các giáo chức giảng dạy tại các trường thuộc hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt đa số là người Việt Nam. Ở các lớp thuộc bậc Cao Đẳng Tiểu Học và nhất là ở bậc Tú Tài cũng có một số giáo chức người Pháp. Trái lại, tại các trường hoàn toàn Pháp như Albert Sarraut, Chasseloup Laubat các giáo chức chủ yếu là người Pháp. Dạy bậc Sơ Học giáo chức phải tốt nghiệp Tiểu Học và học thêm một năm lớp  Sư Phạm (Cours de Pédagogie). Giáo chức dạy bậc Tiểu Học phải tốt nghiệp bằng Cao Đẳng Tiểu Học và được bổ túc về khoa Sư Phạm. Nhằm đào tạo các giáo viên tiểu học, có các lớp sư phạm(Section Normal) vừa học sư phạm vừa học chương trình Cao Đẳng Tiểu Học. Các giáo chức bậc Cao Đẳng Tiểu Học thì phải tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội. Dạy bậc Tú Tài thì phải tốt nghiệp Cử nhân ở Pháp về hoặc phải có bằng cao hơn Cử Nhân như học vị Thạc Sĩ (Agrégé) (11).

Trường Ốc Của Hệ Thống Giáo Dục Phổ Thông Pháp-Việt

Các trường phổ thông công lập Pháp-Việt là những nhà gạch lợp ngói kiên cố và có phòng thí nghiệm. Xét vào thời điểm 1940-1945 thì trường ốc như thế thuộc loại tốt.

Ở các huyện lỵ có trường Sơ Học. Ở các tỉnh lỵ và một vài huyện lỵ lớn có trường Tiểu Học. Các tỉnh lỵ lớn có trường Sơ Học hay Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh. Trung bình một tỉnh có khoảng từ 2 đến 4 trường Tiểu Học, mỗi trường có từ trên 100 đến vài trăm học sinh. Các thành phố lớn mới có trường Cao Đẳng Tiểu Học như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định  Lạng Sơn (Bắc Kỳ), Thanh Hóa, Nghệ An (Vinh), Huế, Quy Nhơn (Trung Kỳ), Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho (Nam Kỳ). Các trường Cao Đẳng Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh chỉ có ở Hà Nội (trường Đồng Khánh), Huế (trường Đồng Khánh), Sài Gòn (trường Gia Long còn gọi là trường Áo Tím). Bậc Trung Học (bậc Tú Tài) chỉ có ở Hà Nội (trường Bưởi), Huế (trường Khải Định), Sài Gòn (trường Pétrus Ký). Mỗi trường có khoảng từ 100 đến 200 học sinh. Bậc Tú Tài cũng có ở các trường hoàn toàn Pháp tại Hà Nội (trường Albert Sarraut), Sài Gòn (Chasseloup Laubat).

Ngoài hệ thống trường công còn có các trường tư phần lớn do giáo hội Thiên Chúa Giáo xây dựng ngay từ những ngày đầu Pháp chiếm Việt Nam. Hai trường của Thiên Chúa Giáo có tiếng là trường Pellerin ở Huế và trường Taberd ở Sài Gòn. Sau năm 1930 có một số tư thục do tư nhân mở ra ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và ở một vài tỉnh lỵ lớn đa số là các trường bậc Tiểu Học. Tư thục bậc Cao Đẳng Tiểu Học chỉ có ở Hà nội, Huế và Sài gòn. Riêng tư thục bậc Tú Tài chỉ có ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng chỉ có lớp cho 2 năm đầu vì học sinh đậu Tú Tài phần thứ nhất đương nhiên được thu nhận vào trường công.

Hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt do Pháp thiết lập rất nhỏ. Trước nhất vì đó là một chương trình giáo dục chỉ nhằm đào tạo một số người thừa hành cho mục tiêu cai trị và khai thác của người Pháp. Thứ nữa vì dân số nước ta lúc đó không nhiều, chỉ có khoảng 20 triệu người (12). Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương chương trình giáo dục phổ thông Pháp-Việt bị bãi bỏ ở Bắc và Trung Kỳ năm 1945 và được thay thế bằng chương trình Hoàng Xuân Hãn. Riêng miền Nam đến khi Quốc trưởng Bảo Đại thành lập chính quyền quốc gia mới chấm dứt áp dụng chương trình giáo dục Pháp-Việt vào năm 1949.

———————

Chú thích:

(1) Ở Huế có tòa Khâm Sứ, mỗi tỉnh có tòa Công Sứ. Mọi việc lớn nhỏ ở tỉnh phải báo cáo cho tòa Công Sứ, triều đình nhà Nguyễn phải báo cáo cho tòa Khâm Sứ ở Huế.

(2) Thư của Paulin Vial, Giám Đốc Nội Vụ, Súy Phủ Nam Kỳ gửi Quan Bố Sài Gòn ngày 15 tháng 1 năm 1866:

“Dès les premiers jours, on a reconnu que la langue Chinois était une barrière de plus entre nous et les indigènes; l’instruction donné par le moyen de caractères hiéroglyphiques nous échappait complètement; cette écriture ne permet que difficilement de transmetre à la population les notions diverses qui lui sont nécessaires au niveau de leur nouvelle situation politique et commercial.  Nous sommes obligés en conséquence de suivre les traditions de notre propre enseignement; c’est le seul qui puisse nous rapprocher des Annamites de la colonie en leur inculquant les principes de la civilisation européenne et en les isolant des influences hostiles de nos voisins”

(3) Người Pháp đã phải chấp nhận sự hiện hữu của chữ quốc ngữ một cách bất đắc dĩ.  Việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ thực ra không phải là không gặp nhiều  chống đối.  Báo Le Saigonnais ra ngày 10 tháng 12 năm 1885 có đăng một kiến nghị của thân hào nhân sĩ xin Hội Đồng Thuộc Địa can thiệp để triệt bỏ chữ quốc ngữ, coi như một thứ chữ vô giá trị.  Chữ quốc ngữ do các giáo sĩ Bồ Đào Nha chế tạo ra theo lối ghép vần của Bồ ngữ.  Người Việt biết chữ quốc ngữ không thể dùng để học chữ Pháp.  Người Pháp nếu đọc chữ quốc ngữ theo vần Pháp thì đọc sai, nhất là đối với các nhân danh và địa danh.  Do đó giới người Pháp cũng không ngớt chê bai chữ quốc ngữ là thứ chữ vô tích sự vì đã không giúp ích gì trong việc truyền bá chữ Pháp.

(4) Đến năm 1868 tờ Gia Định Báo được giao cho Trương Vĩnh Ký trông coi.

(5) Trường Collège d’Adran do Linh Mục Croc là thông ngôn của Đô Đốc Charner làm Quản Đốc.  Từ 1866 đến 1868 Trương Vĩnh Ký trông coi trường này.

(6) Sau này là trường Nguyễn Đình Chiểu.

(7) Bưởi là tên làng Thụy Khê gần Hà Nội, trường Bưởi là tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay.

(8) Dưới thời Đệ Nhất VNCH đổi thành J. J. Rousseau, nay là trường Lê Quý Đôn.

(9) Lớp Nhì năm thứ 2 (Cours Moyen 2ème année) này đến niên học 1927-1928 mới áp dụng.  Như vậy từ năm 1900 đến 1927 học sinh Tiểu Học chỉ học 5 năm (nghị định ngày 18/09/1924 của Toàn Quyền Merlin ký sửa đổi một phần Học Chánh Tổng Quy của Toàn Quyền Albert Sarraut ký ngày 21/12/1917).

(10) Bằng Tú Tài Pháp-Việt hoặc Tú Tài Bản Xứ có giá trị như bằng Tú Tài Pháp (sắc lệnh của Toàn Quyền Đông Dương ký ngày 12/10/1930) nhung nhờ chương trình học của Tú Tài Pháp-Việt và Tú Tài Bản Xứ nặng hơn chương trình học của Tú Tài Pháp nên có nhiều học sinh trường Bưởi và Pétrus Ký một năm đỗ 2 hoặc 3 bằng Tú Tài như các ông Nguyễn Quang Xước (Luật Sư), Nguyễn Hữu (Thạc Sĩ Y Khoa), Hoàng Cơ Thuỵ (Bác Sĩ), Phạm Biểu Tâm (Thạc Sĩ Y Khoa), Vũ Văn Mẫu (Thạc Sĩ Luật), Chương Văn Vĩnh (Dược Sĩ) v.v.

(11) Trước năm 1945 học vị Thạc Sĩ (Agrégé) không giống học vị Thạc Sĩ (Master) được sử dụng hiện nay ở Việt Nam (năm 2004).

(12) Theo V. Thompson trong French Indochina, London, 1967 thì tính đến năm1939 ở Việt Nam có:

– Bậc Trung Học: 4 trường, 553 học sinh

– Cao Đẳng Tiểu Học: 19 trường, 5,637 học sinh

– Sơ Đẳng Tiểu Học: 447 trường, 149,805 học sinh

– Sơ Học: 3,521 trường, 236,720 học sinh

– Các loại giáo huấn khác: 3,143 trường, 132,212 học sinh (theo Nguyễn Thế Anh dẫn trong Việt Nam Dưới thời Pháp Đô Hộ, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970)

Tài liệu tham khảo:

– Bộ Quốc Gia Giáo dục, Chương Trình Trung Học, Nhóm Cựu Học Sinh Trường Bưởi xb, Hà Nội, 1945.

– Đặng Thái Mai: Nguyên Tắc Cơ Bản Của Nền Giáo Dục Việt Nam Ngày Nay, Giáo dục Tân San, 1/1946, Hà Nội, 1946.

– Lê Văn Giạng: Lịch Sử Giản Lược, Hơn 1000 Năm Nền Giáo Dục Việt Nam, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003.

– Nguyễn Q. Thắng: Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1998.

– Nguyễn Thế Anh: Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970.

– Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, nxb Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1963.

– Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược, quyển 2, nxb Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1971.

– Vũ Ngọc Khánh: Tìm Hiểu Nền Giáo Dục Việt Nam Trước 1945, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1985.

Thi cử và giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc (P2)

Posted on 23/06/2018 by The Observer

Tác giả: Trần Bích San

 

Hệ Thống Giáo Dục Cao Đẳng Và Đại Học Pháp-Việt Khác Biệt Giữa Trường Cao Đẳng Và Đại Học

Hệ thống giáo dục Pháp-Việt (Enseignement Franco-Indigène) áp dụng ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã rập khuôn theo chế độ và tổ chức giáo dục của Pháp nhưng được điều chỉnh, thêm bớt cho phù hợp với thực tế ở Đông Dương và chủ yếu là để đạt mục đích khai thác thuộc địa. Vì thế, học chế áp dụng tại Đông Dương cho bậc học cao nhất, hình thức tương tự như ở Pháp (lúc đầu không có thực chất, sau đuợc cải tiến vì lý do chính trị), gồm có hai loại trường là cao đẳng và đại học:

Trường Cao Đẳng (École Supérieure): là loại trường chuyên nghiệp, nhập học phải hội đủ điều kiện văn bằng đòi hỏi và qua một kỳ thi tuyển (concours). Trúng tuyển được cấp học bổng ăn học suốt học trình. Tốt nghiệp phải làm việc cho chính quyền (trong lãnh vực chuyên nghiệp do trường đào tạo) một thời gian ấn định (1), nếu không, theo nguyên tắc, phải bồi thường tiền học bổng. Các trường cao đẳng, đào tạo các chuyên viên có nghề nghiệp nhất định như bác sĩ, kỹ sư, công chức, giáo sư…, chương trình học có qui củ và kỷ luật chặt chẽ.

Trường Đại Học (Université): muốn nhập học các trường đại học chỉ cần đủ điều kiện về văn bằng đòi hỏi mà không phải qua một kỳ thi tuyển. Việc thu nhận sinh viên không hạn định tuổi tác và số lượng. Chương trình học chú trọng đào tạo một căn bản vững chãi cho tri thức chuyên ngành nào đó nhưng không nhất thiết đóng khung trong một lãnh vực nhất định và cũng không mang tính chất nghề nghiệp bắt buộc như các trường cao đẳng chuyên nghiệp. Sinh viên phải tự túc về học phí (ngoại trừ những sinh viên xuất sắc được học bổng).  Khi tốt nghiệp chính quyền không có nhiệm vụ cung cấp việc làm, cá nhân phải tự tìm kiếm.

Các Trường Cao Đẳng Và Đại Học Đông Dương

Ngoại trừ trường Y Dược và Công Chánh được thành lập từ đầu thế kỷ thứ 20, các trường cao đẳng và đại học đã được thành lập vào khoảng cuối đệ nhất thế chiến (trong khoảng từ năm 1917 đến 1924). Ngày 21/12/1917 toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ra nghị định ban hành Học Chánh Tổng Qui ở Đông Dương (Règlement Général de l’Instruction Publique en Indochine) nhằm mục đích thực hiện một cách qui mô chính sách của Pháp đối với các nước ở Đông Dương. Sau đó, Qui Chế Tổng Quát về Giáo Dục Cao Đẳng ở Đông Dương (Règlement Général de l’Enseignement Supérieur en Indochine) được toàn quyền Đông Dương ban hành bằng nghị định ngày 25/12/1918. Lúc đầu, điều kiện để được theo học các trường thuộc hệ thống cao đẳng và đại học là phải có bằng cao đẳng tiểu học (tức bằng thành chung). Về sau điều kiện về văn bằng là tú tài toàn phần. Tất cả các trường được xếp vào hệ thống trường cao đẳng và đại học đều ở Hà Nội (2) và thuộc Viện Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) (3), gồm có:

Trường Y Khoa Đông Dương (École de Médecinede l’Indochine): nghị định ngày 08/01/1902 thành lập một cơ sở đào tạo nhân viên y tế của Đông Dương do bác sĩ Yersin làm hiệu trưởng (4).  Ngày 27/02/1902 khóa đầu tiên với 29 học viên đã khai giảng tại cơ sở tạm thời ở làng Nam Đông (tức Thái Hà Ấp). Đến cuối năm 1902 trường chuyển về cơ sở chính thức tức là trường Đại Học Y Khoa Hà Nội bây giờ. Do nghị định ngày 25/10/1904 trường mang tên là Trường Y Khoa Đông Dương nhằm đào tạo các phụ tá cho bác sĩ và dược sĩ (médecine et pharmacian auxiliaire) với học trình 4 năm cho y khoa và 3 năm cho dược khoa. Từ năm 1906 có thêm ban thú y. Trường  còn có một lớp Nữ Hộ Sinh Bản Sứ (Sage Femme Indigène) học trình 2 năm, điều kiện nhập học chỉ cần có bằng tiểu học. Do nghị định ngày 29/12/1913 trường được cải tổ và đổi tên thành Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine). Từ năm 1919 có thêm nhãn khoa. Đến năm 1923 sắc lệnh ngày 30/08/1923 nâng trường lên bậc cao đẳng (école supérieure) nhằm đào tạo bác sĩ và y sĩ Đông Dương. Trường Kiêm Bị Y Dược (École de Plein Exercise de Médecine et de Pharmacie) đào tạo bác sĩ với chương trình học 6 năm, 4 năm tại Hà Nội, 2 năm cuối học và trình luận án tại Pháp. Section de Médecine et Pharmaciens Indochinois đào tạo y sĩ Đông Dương với chương trình học 4 năm ở Hà nội.  Năm 1930, Trường Y Dược Đông Dương trở thành một khoa (faculté) của Viện  Đại Học Hà Nội (Faculté de Médecine et de Pharmacie de l’Université de Hanoi). Năm 1935 đánh dấu khóa bác sĩ tốt nghiệp đầu tiên ở trong nước do các giáo sư từ trường Đại Học Y Khoa Paris sang giảng dạy và chấm thi (5).

Trường Cao Đẳng Thú Y Đông Dương (École Supérieure Vétérinaire de l’Indochine): ban thú y của Trường Y Dược được tách ra thành trường này do nghị định ngày 05/09/1917, trực thuộc Sở Thú Y Bắc kỳ, nhằm đào tạo phụ tá thú y sĩ với học trình 4 năm. Từ 1918 đến 1925, điều kiện phải có bằng cao đẳng tiểu học. Trường nhận học viên không qua kỳ thi tuyển, tốt nghiệp thành y sĩ thú y. Từ 1925 đến 1935 phải có bằng cao đẳng tiểu học hoặc bằng tú tài và phải qua kỳ thi tuyển. Từ 1935 đến 1940 trường đóng cửa vì thiếu ngân sách.  Từ 1941 trường mở cửa lại, phải có bằng tú tài và khám sức khỏe mới được dự kỳ thi tuyển. Tốt nghiệp với văn bằng bác sĩ thú y. Từ năm này trường được đặt dưới sự giám sát của Tổng Thanh Tra Canh Nông và Chăn Nuôi (6).

Trường Pháp Chính (École de Droit et d’Administration): thành lập ngày 15/10/1917 (7), lúc đầu nhằm đào tạo quan lại “ngạch Tây” phục vụ cho guồng máy cai trị của Pháp về hành chánh, tài chánh, tư pháp, học trình 3 năm, riêng ban tài chánh học 2 năm. Tốt nghiệp được bổ dụng làm tham biện ở các công sở (còn gọi là tham tá), hoặc đi làm tri phủ, tri huyện ở các tỉnh. Trường được đổi thành Cao Đẳng Học Viện Đông Dương (École des Hautes Étude Indochinoises) do nghị định ngày 18/09/1924 với mục đích đào tạo ở bậc cao học về luật pháp, chính trị, lịch sử và triết học. Muốn nhập học phải có bằng tú tài bản xứ hay tú tài Pháp, chương trình học 3 năm. Ngày 11/09/1931 theo sắc lệnh của tổng thống Pháp đổi thành Trường Cao Đẳng Luật Khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit de l’Indochine) (8).  Năm 1941 đổi thành Trường Đại Học Luật Khoa (Faculté de Droit).

Trường Cao Đẳng Sư Phạm (École Supérieure de Pédagogie): toàn quyền Albert Sarraut ký nghị định thành lập ngày 15/10/1917, nhằm đào tạo giáo chức cho các trường sư phạm sơ cấp và các trường cao đẳng tiểu học, học trình 3 năm. Từ sau năm 1920 thí sinh dự tuyển phải có bằng tú tài II.  Trường có 2 ban:

– Ban Văn Chương (Section des Lettres): gồm các môn học về văn chương, lịch sử, địa lý và triết học.

– Ban Khoa Học (Section des Sciences): gồm các môn học về toán, vật lý, hóa học và vạn vật học.

Trường Cao Đẳng Nông Lâm (École Supérieure d’Agriculture et de Sylviculture): thành lập do nghị định ngày 21/03/1918 đào tạo phụ tá kỹ sư nông nghiệp và lâm nghiệp, học trình 3 năm.  Năm 1935 trường đóng cửa. Ngày 15/08/1938 toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Trường Chuyên Nghiệp Nông Lâm Đông Dương (École Spécial d’Agriculture et de Sylviculture) đào tạo kỹ sư nông nghiệp và lâm nghiệp, học trình học 3 năm.

Trường Công Chánh (École des Travaux Publics): thành lập bởi nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 22/02/1902 để đào tạo cán sự chuyên môn (agent technique) cho các sở công chánh, địa chánh và địa dư với học trình 2 năm, hạn tuổi từ 18 đến 25. Lúc đầu, điều kiện phải có bằng tiểu học.  Từ năm 1913 nếu có bằng thành chung thì được miễn thi (9).  Năm 1944 đổi thành Trường Cao Đẳng Công Chánh (École Supérieur de Traveaux Publics) đào tạo kỹ sư và phó kỹ sư công chánh.

Trường Thương Mại Đông Dương (École de Commerce de l’Indochine): được thành lập do nghị định ngày 02/11/1920, học trình 2 năm. Để bổ túc cho những người tốt nghiệp trường này ở Hà Nội, Trường Thương Mại Thực Hành (École d’Application Commerciale) được thành lập ở Sài Gòn năm 1922 để nâng cao kiến thức về nội và ngoại thương bằng những công tác thực tế. Đến năm 1924 trường Thương Mại Thực Hành được sát nhập vào Trường Thương Mại Đông Dương ở Hà Nội và nghị dịnh ngày 25/08/1925 chương trình thực hành được áp dụng với học trình tổng cộng 3 năm. Nghị định ngày 28/09/1928 nâng lên thành Trường Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương. Nghị định ngày 07/04/1926 mở thêm Khoa Bưu Chính và Điện Báo (Section des Postes et Télégraphes) đào tạo chuyên viên tiếp nhận điện báo (receveur) cho ngành bưu điện. Cũng nghị định này thành lập thêm Khoa Điện Báo Vô Tuyến (Section Radiotélégraphiques) nhằm cung cấp chuyên viên kỹ thuật cao cấp cho Sở Vô tuyến Điện (Service Radiotélégraphie) (10)

Trường Cao Đẳng Văn Khoa (École Supérieure de Lettres): thành lập năm 1923 nhưng đến năm 1924 bị bãi bỏ và sát nhập với Trường Pháp Chính để thành Trường Cao Học Đông Dương.

Trường Khoa Học Thực Hành (École des Sciences Appliquées): thành lập năm 1923 nhưng vì thiếu giáo sư và học cụ nên chỉ được một thời gian ngắn rồi bị bãi bỏ.

Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l’Indochine): Nghị định thành lập do toàn quyền Merlin ký ngày 27/10/1924, chương trình học 3 năm do Sở Học Chánh quản trị. Giám đốc đầu tiên là giáo sư Tardieur. Từ 1926 chương trình đổi thành 5 năm. Năm 1927 thêm ngành kiến trúc. Năm 1928 thêm nghệ thuật sơn mài. Năm 1932 thêm ngành khắc chạm kim loại (ciselure). Năm 1937 Jonchère thay Tardieur làm giám đốc thêm ngành đồ gốm và đồ sứ. Năm 1938 đổi thành Trường Mỹ Thuật và Mỹ Thuật Thực Hành Đông Dương (École des Beaux-Arts et des Arts Appliqués) bằng nghị định ngày 21/05/1938 của toàn quyền Brévié. Nghị định ngày 22/10/1942 đặt trường trực thuộc Viện Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise).

Chủ Trương Của Pháp Trong Việc Thiết Lập Các Trường Cao Đẳng Và Đại Học

Năm 1907, trước cao trào thanh niên tìm cách xuất dương du học, người Pháp muốn kìm hãm và ngăn chận phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, nên tuy việc xây dựng hệ thống giáo dục bậc trung học chưa hoàn tất, toàn quyền Paul Beau (nhiệm kỳ 1902-1907) đã ra nghị định ngày 10/11/1907 thành lập Trường Đại Học Hà Nội gồm 5 trường cao đẳng là Luật và Pháp Chính, Khoa Học, Y Khoa, Xây Dựng, Văn Chương (11). Năm sau, 1908, toàn quyền Klobukowski (nhiệm kỳ 1908-1911) bãi bỏ việc thành lập này, nhưng đến năm 1918 toàn quyền Albert Sarraut tổ chức lại và giải thích: “Mở các lớp cao đẳng của Trường Đại Học Hà Nội cho người An Nam để không ai có quyền ra khỏi Đông Dương…” (12)

Tuy mang tên trường cao đẳng và đại học nhưng trong thời gian từ 1902 đến 1924 thực chất chỉ là các trường chuyên nghiệp trung cấp. Những phê bình và chỉ trích về thực chất các trường cao đẳng và đại học của giới trí thức và báo chí Việt Nam đã áp lực người Pháp đưa đến cuộc cải cách giáo dục năm 1924-1925. Nội dung cải cách nhằm sửa đổi qui chế các trường hiện hữu để thực sự có tính chất cao đẳng, cụ thể là:

– Nâng cao trình độ tuyển sinh: ngoài điều kiện có bằng cao đẳng tiểu học (thành chung) phải có giấy chứng nhận đã học hết 2 năm trung học. Được miễn thi nếu tốt nghiệp 3 năm trung học (tức có bằng tú tài II).

– Nâng cao học trình: trung bình thêm 1 năm so với trước (cũng có trường không tăng)

– Nâng cao nội dung giảng dạy: sửa đổi để có tính chất cao đẳng.

Ngoài các biện pháp trên còn dự tính tăng số giáo chức giảng huấn có học vị cao nhưng thực tế không có gì thay đổi đáng kể. Cơ sở vật chất cũng không có gì thêm.

Ngày 26/06/1940 Pháp thua trận ở chính quốc, tiếp đó Pháp đầu hàng Nhật ở Đông Dương ngày 23/09/1940.  Pháp tiếp tục cai trị dưới quyền kiểm soát của Nhật.  Trong bối cảnh lịch sử đó Pháp sửa đổi chính sách giáo dục nhằm 2 mục đích:

– Mua lòng người Việt để tranh giành ảnh hưởng trên lãnh vực văn hóa với Nhật: nhằm giữ thanh niên Việt Nam trong quỹ đạo của Pháp, người dân thuộc địa hết lòng hết sức với mẫu quốc (13).

– Bảo đảm việc giáo dục cho các con em của người Pháp: vì tình hình chiến tranh không thể về Pháp, các con em của những người Pháp làm việc ở Đông Dương vẫn tiếp tục việc học được.

Với mục đích trên Pháp thực hiện một số thay đổi về các trường cao đẳng và đại học như sau:

– Những thay đổi trong năm 1941: đổi tên Trường Kiêm Bị Y Dược (École de Plein Exercise de Médecine et de Pharmacie) thành Trường Đại Học Hỗn Hợp Y Duợc (Faculté Mixte de Médecine et de Pharmacie),  đổi tên Trường Cao Đẳng Luật Khoa (École Supérieure de Droit) thành Trường Đại Học Luật Khoa (Faculté de Droit) (14), mở lại Trường Cao Đẳng Thú Y và nâng cao qui chế để đào tạo bác sĩ thú y, thiết lập Trường Cao Đẳng Khoa Học (École Supérieure des Sciences) ở Hà Nội theo mô hình Trường Đại Học Khoa Học (Faculté des Sciences) ở Pháp nhằm đào tạo sinh viên về các chứng chỉ cử nhân khoa học.

– Năm 1944 Trường Công Chánh (École des Traveaux Publics) đổi thành Trường Cao Đẳng Công Chánh (École Supérieure des Traveaux Publics) để đào tạo kỹ sư và phó kỹ sư công chánh (Ingénieur et Ingénieur Adjoint Indochinois des Travaux Publics).

Đến giai đoạn này nếu xét về mặt qui chế thì các trường cao đẳng và đại học mới thực sự có tính chất một nền giáo dục cao đẳng và đại học hiện đại nếu so sánh với những trường tương đương lúc đó ở Pháp. Xét về thành phần giáo chức thì hầu hết do người Pháp đảm nhận, người Việt chỉ đóng vai trò trợ giảng mà thôi. Về phương diện vật chất thiết bị thì các trường Đông Dương ở vị trí thấp nhất. Tuy nhiên, từ năm 1935 việc tuyển lựa, thi cử  rất gắt gao, kỷ luật học tập chặt chẽ. Sinh viên Việt Nam vốn thông minh và chăm học nên phần lớn phẩm chất sinh viên tốt nghiệp đạt mục tiêu đào tạo về mặt khoa học và chuyên môn.

Kết Luận

Sau khi chiếm được toàn bộ Đông Dương người Pháp chuẩn bị và bắt tay ngay vào việc khai thác thuộc địa. Tài lực và vật lực của Đông Dương đã đóng góp một phần đáng kể cho nhu cầu của mẫu quốc, nhất là qua hai cuộc thế chiến (15). Việc thiết lập các trường cao đẳng và đại học nằm trong chính sách quan trọng của Pháp chủ yếu là cung cấp các cán sự phụ tá người Pháp (được đào tạo ở Pháp sang), để việc khai thác tài nguyên và nhân công của thuộc địa Đông Dương trở thành qui mô và hữu hiệu hơn. Việc nâng các trường cao đẳng chuyên nghiệp và đại học cho các trường này có thực chất vào giai đoạn cuối của nền đô hộ không nằm trong chủ trương của người Pháp. Hoàn cảnh chính trị trong giai đoạn này đã đưa đến công cuộc cải tổ có lợi về phương diện giáo dục cho dân tộc Việt Nam.

————

Chú thích:

(1) Theo Qui Chế Tổng Quát về Giáo Dục Cao Đẳng ở Đông Dương (Règlement Général de l’Enseignement Supérieur en Indochine) do toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định ngày 25/12/1918 thì khi ra trường phải phục vụ chính phủ ít nhất 10 năm.

(2) Chỉ có một trường cao đẳng duy nhất được thiết lập ở Sài Gòn là Trường Thương Mại Thực Hành nhưng đến năm 1924 sát nhập vào trường Thương Mại Hà Nội.

(3) Theo Contrilention à l’Histoire du Viet Nam của Chesneau thì niên khóa 1937-1938 các trường chuyên nghiệp có 2,051 sinh viên, đại học Hà Nội có 547 sinh viên Việt Nam, trường Luật 335 sinh viên, trường Thuốc 176 sinh viên, trường Mỹ Thuật 33 sinh viên.  Năm 1944 Trường Đại Học Hà Nội có 1,500 sinh viên trong số đó 77% là người bản xứ.

(4) Alexandre Jean Émile Yersin (22/09/1863-18/04/1943): thường gọi là bác sĩ Yersin,  người góp công lớn trong việc thành lập Trường Y Dược và là hiệu trưởng đầu tiên của trường.  Bác sĩ Yersin đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên cùng thành phố Đà Lạt.  Ông cũng là người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang.

(5) Cho đến niên khóa 1943-1944 giáo sư Việt Nam đầu tiên được nhận giảng dạy chính thức là giáo sư Hồ Đắc Di (1901-1986).  Sau năm 1947 giáo sư Di là hiệu trưởng Trường Đại Học Y Dược Việt Nam ở Việt Bắc, rồi khoa trưởng Đại Học Y Khoa Hà Nội từ 1955 đến khi về hưu.  Tính tới 1945 trường đào tạo được 51 bác sĩ, 152 y sĩ Đông Dương và một số dược sĩ.

(6) Tứ 1918 đến 1925 trường Cao Đẳng Thú Y đào tạo được 83 y sĩ thú y.  Từ 1925 đến 1935, trường có 60 người tốt nghiệp.  Niên khóa 1943 số sinh viên năm thứ nhất có 14 người (Bắc Kỳ: 5, Trung Kỳ: 3, Nam Kỳ: 2, Cao Miên: 4), năm thứ 2 có 8 người (Bắc Kỳ: 5, Trung Kỳ: 2, Nam Kỳ: 1), năm thứ 3 có 5 người (Bắc Kỳ: 4, Nam Kỳ: 1).

(7) Trường Pháp Chính (École de Droit et d’Administration) là hậu thân của Trường Hậu Bổ (École d’Apprentis Mandarins).  Trường Hậu Bổ được thành lập ở Hà Nội do nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 20/06/1903.  Nghị định ngày 18/04/1912 đổi tên trường Hậu Bổ thành  Trường Sĩ hoạn (ÉÙcole des Mandarins).

(8) Đến ngày 01/01/1953 một bộ phận của trường Đại Học Luật Khoa Hà Nội được tách ra và thành lập tại Đà Lạt với tên là Trường Quốc Gia Hành Chánh Đà Lạt, trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục ở Sài Gòn,  nhằm đào tạo cán bộ hành chánh cao cấp.  Đến năm 1954 trường được cải tổ sâu rộng, trực thuộc Phủ Thủ Tướng.  Năm 1955 trường chuyển về Sài gòn và dổi thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

(9) Tính tới năm 1913 Trường Công Chánh đào tạo được 22 nhân viên kỹ thuật. Niên khóa 1913-1914 tổng số học sinh là 58 người (Bắc Kỳ: 25, Trung Kỳ: 6, Nam Kỳ: 23, Cao Miên: 4)

(10) Đến năm 1926 trường Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương có tất cả 3 khoa. Niên khóa 1929-1930 trường có 53 sinh viên trong đó 30 người theo học khoa thương mại.

(11) Nam Phong Tạp Chí số tháng 05, 1922: “Trung học dự bị chưa có mà đã đặt đại học như thế thì cũng trái ngược thật !”.

(12) Năm 1924, Reynaud, Bộ Trưởng Thuộc Địa Pháp sang thăm Đông Dương, khi đi qua cửa Trường Đại Học Hà Nội đã khen: “Ồ, cái bề mặt đẹp quá !” (O, la belle facade !).  Báo chí thời đó nhắc đến câu khen có hàm ý này để phê bình thực chất của danh hiệu đại học và việc làm hình thức của người Pháp ở Việt Nam.

(13) Toàn quyền Decoux thực hiện một số cải cách để mua lòng người Việt.  Danh từ  Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise) được đổi thành Liên Bang Đông Dương (Fédération Indochinoise).  Nước Pháp giữ vai trò điều hòa quyền lợi của các xứ chứ không dự vào việc nội trị (trừ Nam Kỳ trực thuộc Pháp).  Để thanh niên không bị lung lạc tinh thần trước thời cuộc và hướng sinh lực giới trẻ vào lãnh vực vô hại cho Pháp, Decoux lập ra Sở Thanh Niên và Thể Thao và tạo nên phong trào thể thao sôi nổi một thời.

(14) Chữ “faculté”ù thường được dịch là ” khoa”.  Nhưng trong tổ chức đại học  (université) của Pháp thì faculté thực sự là một trường đại học, còn université là viện đại học.  Trong qui chế đại học Pháp “faculté”ù cao hơn “école supérieure” (trường cao đẳng) vì faculté đào tạo và cấp học vị tiến sĩ (docteur).

(15) Có hơn 100,000 người Việt đi lính, làm thợ trong cuộc chiến Pháp Đức 1914-1918  (Phan Khoang, Việt Nam Pháp Thuộc Sử, trang 414).

Tài liệu tham khảo:

– Lê Văn Giạng: Lịch Sử Giản Lược, Hơn 1000 Năm Nền Giáo Dục Việt Nam, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003.

– Lê Văn Giạng, Nguyễn Được, Nguyễn Tùy, Nguyễn Hoặc: Lịch Sử Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp Việt Nam, nxb Viện Nghiên Cứu Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1985.

– Nguyễn Q. Thắng: Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hà Nội 1998.

– Nguyễn Thế Anh: Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ, nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970.

– P. de la Brosse: Une Année de Réforme dans l’Enseignement Public en Indochine 1924-1925.

– Phan Khoang: Việt Nam Pháp Thuộc Sử (1884-1945), nxb Phủ Quốc Vụ khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn, 1971, nxb Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ.

– Vũ Ngọc Khánh: Tìm Hiểu Nền Giáo Dục Việt Nam Trước 1945, nxb Giáo Dục, Hà Nội 1985.

Nguồn: ntt2016.td8895.com

http://nghiencuuquocte.org/2018/06/17/thi-cu-va-giao-duc-viet-nam-thoi-phap-thuoc-p1/

 

Vui cười

Một anh chàng sắp phải ra tòa vì tội trốn thuế đã hỏi bạn thân của mình nên mặc trang phục gì cho phù hợp. Người bạn khuyên: – Cậu hãy mặc bộ đồ tồi tàn nhất để người ta thấy rằng cậu nghèo rớt mồng tơi.

Không tin tưởng lắm vào lời khuyên của bạn, anh lại tìm đến một luật sư để xin tư vấn:

– Anh hãy diện bộ cánh bảnh nhất, quần áo đẹp có thể mang lại sự tự tin!Cảm thấy khó xử vì hai lời khuyên trái ngược, người đàn ông lại tìm đến gặp cha cố. Vị linh mục chậm rãi nói:

– Cha sẽ kể cho con nghe câu chuyện này: Có một thiếu nữ sắp kết hôn hỏi mẹ nên mặc gì vào đêm tân hôn. Bà ta bảo rằng: “Con nên mặc một chiếc váy vừa dày, vừa dài và che kín cổ”. Cô gái lại hỏi một người bạn thân và được khuyên rằng: “Hãy mặc một chiếc áo ngủ gợi cảm nhất với những đường ren và đường xẻ táo bạo”.

– Khoan đã – Chàng trai cắt lời vị linh mục – Cha kể chuyện đó cho con là có ý gì?

– Thật đơn giản, ta muốn con tìm điểm chung giữa mình và cô gái nọ. Bất kể mặc trang phục gì thì cuối cùng cũng bị lột trần cả mà thôi.

Tổng kết tình hình Việt Nam 2018 – Thanh Phương

Ông Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới qua việc gia nhập CPTPP và chuẩn bị ký hiệp định tự mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục trấn áp những tiếng nói đối lập. Đó là một số điểm nổi bật của thời sự Việt Nam trong năm 2018.

Năm 2018 là năm đánh dấu một thay đổi lớn trong cơ cấu quyền lực của Việt Nam, với việc tổng bí thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng ngày 23/10 chính thức được Quốc Hội được bầu làm chủ tịch nước, thay thế ông Trần Đại Quang, qua đời vào tháng 9. Đây là lần đầu tiên kể từ thời ông Hồ Chí Minh, một lãnh đạo đảng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước. Trong một bài viết đăng trên mạng ngày 04/10/2018, tức là sau khi có tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, Asia Times đã nhận định đây là một sự củng cố quyền lực chưa từng có, đưa ông trở thành một Tập Cận Bình của Việt Nam. Ông Tập Cận Bình hiện cũng là tổng bí thư kiêm chủ tịch Trung Quốc.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn RFI trong tạp chí Việt Nam phát ngày 29 /10, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định Việt Nam sẽ đi theo mô hình Trung Quốc :

Tôi nghĩ là hiện còn tương đối là quá sớm để khẳng định xu thế trong tương lai. Ít nhất là trong những phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, ông cũng nói rằng đây là một giải pháp tạm thời, trong bối cảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột và ông được đề cử để nắm chức vụ ấy.

Điều này cho thấy là bản thân ông Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo khác của đảng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên hợp nhất hai chức vụ này hay không, và quan trọng hơn là có nên kéo dài sự dàn xếp hiện tại đối với ông Trọng hay không ? (… ) Có lẽ là từ giờ đến Đại hội 13, người ta sẽ đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước, để xem có nên tiếp tục duy trì sau Đại hội 13 hay không. Nếu họ muốn duy trì (cơ cấu này), ai sẽ là người được lựa chọn để thay thế ông Trọng ở cả hai chức vụ ? Cả hai vấn đề đều chưa có lời giải ở thời điểm này. Tôi nghĩ là họ sẽ cần có thời gian hơn để quyết định và như vậy câu hỏi Việt Nam có sẽ theo mô hình của Trung Quốc hay không thì có lẽ cũng cần thời gian để kiểm chứng.

Dù là tạm thời hay không, với việc kiêm nhiệm hai chức vụ lãnh đạo tối cao, ông Nguyễn Phú Trọng đã thâu tóm đủ quyền lực để có thể đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch chống tham nhũng và qua đó triệt hạ các đối thủ chính trị, nhất là những người thuộc phe cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong những tháng cuối năm, nhiều quan chức cao cấp đã bị bắt giữ, trong đó gây chấn động nhiều nhất là vụ bắt giam ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), vì tội « vi phạm các quy định về ngân hàng ».Trần Bắc Hà là một nhà tài phiệt được mô tả là có quyền hành rất lớn và là nhân vật thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cuối năm, chiến dịch chống tham nhũng vẫn không ngớt cường độ : ngày 10/12, công an đã bắt ông Trương Văn Tuyến (nguyên tổng giám đốc Vinashin); Phạm Thanh Sơn (phó tổng giám đốc SBIC, Vinashin) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” .

Về mặt kinh tế, sự kiện đáng chú nhất trong năm 2018, đó là việc Việt Nam gia nhập Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP và như vậy Việt Nam là nước thứ bảy thông qua hiệp định này, sau các nước New Zealand, Canada, Úc, Nhật Bản, Mêhicô và Singapore. CPTPP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2018.

Trả lời RFI trong tạp chí ngày 12/03, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy những cải cách ở Việt Nam :

Tôi thích nhất TPP là ở chỗ các chuẩn mực, các yêu cầu của hiệp định này rất là rõ và cao hơn, để Việt Nam trong quá trình cải cách của mình phải vươn tới những chuẩn mực đó, chứ không thể lúc nào cũng nhấn mạnh đến đặc thù Việt Nam để trì hoãn một số cải cách hoặc cải cách không đồng bộ. Những cải cách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán của Việt Nam đôi khi làm cho cải cách kém hiệu quả hơn nhiều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Bây giờ, nếu không có một chuyển đổi thật mạnh mẽ, thật nhất quán, để làm cho Việt Nam vượt lên, thì Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh với thế giới ngày nay. Tôi cho rằng, thúc đẩy cải cách thể chế và cải cách bộ máy hành chính của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết mà hiệp định này có thể mang lại.

Đặc biệt, hiệp định CPTPP sẽ dẫn đến việc thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam, bởi vì trong số ba công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế mà Việt Nam sẽ phải phê chuẩn, có công ước 87 về quyền tự do lập hội. Công ước quy định là người lao động và người sử dụng lao động được quyền tự thành lập một tổ chức và tham gia một tổ chức theo sự lựa chọn của mình, chứ không bắt buộc phải theo công đoàn chính thức.

Ngoài CPTPP, Việt Nam còn đang chuẩn bị ký kết hiệp định tương tự với Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam, chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Hiện chưa biết khi nào tiến trình này mới hoàn tất, nhưng một có một điều chắc chắn, đó là vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đã phần nào gây cản trở việc ký kết.

Về vấn đề này, trả lời phỏng vấn RFI trong tạp chí ngày 15/10, trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, Bruno Angelet, nói :

Liên quan đến hiệp định tự do mậu dịch, các nguyên tắc và các giá trị của châu Âu được ghi trong phần mở đầu của hiệp định. Việc thẩm định sự tôn trọng các giá trị và nguyên tắc đó sẽ được tiến hành một khi hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam được thực hiện. Chúng tôi cũng cần có sự bảo đảm là Việt Nam có quyết tâm và có khả năng tuân thủ các cam kết của mình, nhất là những cam kết được ghi trong hiệp định.Việt Nam cũng phải có những cam kết quốc tế về quyền lao động.

Đó là những cam kết đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng sẽ đưa Việt Nam lên một nấc cao hơn và giúp Việt Nam phát triển một xã hội trình độ cao hơn và hiện đại hơn so với các nước láng giềng. Tôi hiểu rằng Nghị Viện Châu Âu có những đòi hỏi gắt gao hơn về nhân quyền và tôi không biết là khi được đưa ra phê chuẩn ở Nghị Viện, hiệp định sẽ nhận được đa số phiếu như thế nào. Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam chắc chắc được thảo luận, được tranh luận nhiều hơn.

Tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 tiếp tục gây quan ngại cho các tổ chức quốc tế, với thêm nhiều nhà bất đồng chính kiến bị kết án tù, gần đây nhất là cô Huỳnh Thục Vy, ngày 30/11/2018 đã bị một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk tuyên án 33 tháng tù giam với tội danh « xúc phạm quốc kỳ » theo điều 276 Luật Hình sự. Do có con nhỏ và đang mang thai, bà được hoãn thi hành án, nhưng bị cấm rời khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh.

Nhân vụ xử Huỳnh Thục Vy, trong một thông cáo đưa ra ngày 20/11, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và các nhà tài trợ, đối tác thương mại quốc tế yêu cầu chính quyền Việt Nam « thực hiện những lời hứa cải thiện hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình nếu muốn có các mối quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp hơn ».

Trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho một số nhà bất đồng chính kiến, nhưng buộc họ phải ra nước ngoài, như trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài và gần đây nhất là blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Không chỉ trấn áp những nhà hoạt động nhân quyền, chính quyền Hà Nội còn tỏ thái độ cứng rắn với những đảng viên có những phát biểu không thuận tai Đảng, đặc biệt qua vụ Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 25/10 đã đề nghị kỷ luật giáo sư Chu Hảo. Nguyên là thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, và hiện là Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, ông Chu Hảo, bị cáo buộc là đã cho phát hành « một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước », cũng như đã « có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng ».

Nhiều nhân sĩ trí thức trong nước đã phản đối vụ kỷ luật giáo sư Chu Hảo, riêng nhà văn Nguyên Ngọc đã tỏ thái độ bằng cách tuyên bố từ bỏ đảng. Trong một lá thư ngỏ đề ngày 11/11/2018, gần 100 giáo sư, tiến sĩ và nhà nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều nước trên thế giới cũng đã lên tiếng « bày tỏ quan ngại » về các cáo buộc « vô căn cứ và đáng lo ngại » đối với giáo sư Chu Hảo.

Để kiểm soát chặt chẽ hơn những thông tin trên Internet, trong năm 2018, Việt Nam cũng đã thông qua luật an ninh mạng, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Luật này không chỉ bị chỉ trích là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên mạng, mà còn gây lo ngại cho giới doanh nghiệp Việt Nam cũng như của nước ngoài. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018, diễn ra trong tháng 12, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đã bày tỏ lo ngại rằng Luật an ninh mạng “có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam qua việc cản trở luồng dữ liệu tự do mà nền kinh tế số toàn cầu xây dựng”.

Trong năm 2018, một dự luật khác đã gặp phản đối mạnh hơn cả luật an ninh mạng. Đó là dự luật đặc khu, vì luật này dự trù cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại các đặc khu, được cho là sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát những khu vực trọng yếu của Việt Nam, như đặc khu kinh tế Vân Đồn ở Quảng Ninh, nằm gần biên giới Trung Quốc. Sau các cuộc biểu tình rầm rộ trong nước và của người Việt ở nước ngoài, chính phủ Việt Nam đã phải quyết định hoãn cuộc biểu quyết luật đặc khu cho đến năm sau. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn kết án tù nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống luật này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181217-tong-ket-tinh-hinh-viet-nam-2018

Hàn Phi Tử  –  Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Chương 6 – ¨Pháp

Nho gia dùng chữ “pháp” theo nghĩa phép tắc, như trong các từ ngữ “tiên vương chi pháp”, “hậu vương chi pháp” (phép tắc của tiên vương, của hậu vương); còn Pháp gia nói tới “pháp” là luôn luôn trỏ pháp luật.

Trong thiên Định pháp, Hàn Phi định nghĩa chữ “pháp” như sau: “Pháp là hiệu lệnh công bố ở các công sở, thưởng hay phạt đều được dân tin chắc là thi hành, thưởng người cẩn thận giữ pháp luật, phạt kẻ phạm pháp, như vậy bề tôi sẽ theo pháp”.

法者,憲令著於官府,賞罰必於民心,賞存乎慎法,而罰加乎姦令者也;此人臣之所師也。

(Pháp giả hiến lệnh trứ ư quan phủ; thưởng phạt tất ư dân tâm, thưởng tồn hồ thận pháp, nhi phạt gia hồ gian lệnh giả dã; thứ nhân thần chi sở sư dã).

Thiên Hữu độ, ông ví pháp luật với dây mực, cái thuỷ chuẩn, cái qui, cái củ, tức những đồ dùng làm tiêu chuẩn. Pháp luật tức là một thứ tiêu chuẩn để biết đâu là chính, đâu là tà, để khen đúng người phải, trách đúng kẻ quấy.

Trong phần I (tiểu sử Tử Sản) chúng tôi đã xét sự tiến triển của ý niệm về pháp luật ở thời Xuân Thu và Chiến Quốc ra sao, và các pháp gia từ Quản Trọng tới Thương Ưởng đã lần lần lấy pháp luật thay cho lễ, bỏ tính cách giai cấp của lễ ra sao. Có điều đáng để ý là sự tôn quân càng tăng thì ý niệm về pháp luật càng mạnh. Nho gia tuy tôn quân nhưng coi vua là người chỉ nhận sứ mạng của trời, mà ý dân là ý trời, nên đòi vua phải có đạo đức (vua có ra vua thì bề tôi mới giữ đạo bề tôi) ông vua nào không có tư cách đều bị Khổng Tử, Mạnh Tử chê hoặc mạt sát; mà Nho gia lại chính là những chính trị gia chỉ có ý niệm về đạo đức (nhân) về bổn phận (nghĩa) chứ chưa có ý niệm về pháp luật. Trái lại Pháp gia tôn quân hơn Nho gia nhiều (coi chương II và III phần này) thì lại có ý niệm rất rõ về pháp luật và đòi hỏi các vua chúa phải luôn luôn áp dụng đúng pháp luật. Cơ hồ họ cảm thấy rằng phải có pháp luật để giảm bớt uy quyền của vua. Họ không nói đến mệnh trời, ý dân nữa, không đề cao nhân nghĩa nữa mà chỉ nói đến pháp luật, đề cao pháp luật. Đó là một sự biến chuyển lớn trong tư tưởng chính trị của Trung Quốc thời Chiến Quốc mà chúng tôi chưa thấy học giả nào phân tích.

Ba thuyết thế, pháp, thuật của pháp gia liên quan chặt chẽ với nhau, chống đỡ lẫn nhau: “thế” như cái khung cửa tò vò, pháp và thuật như hai chân cột của cửa; có cái thế mới thi hành được pháp, thuật; mà có pháp, thuật thì mới giữ vững được cái thế, hễ thiếu một là sụp đổ hết. Vì vậy mà khi xét tới một trong ba cái đó, phải nhắc tới hai cái kia, không thể tách rời hẳn ra được. Chúng tôi bất đắc dĩ phải tạm chia làm ba chương: thế, pháp, thuật chỉ để cho dễ trình bày, chứ thực sự muốn hiểu rõ một chương nào thì phải tham khảo thêm hai chương kia.

Tính cách của pháp luật theo Hàn Phi.

Theo chủ trương của Pháp gia, vua tượng trưng cho quốc gia, vua là quốc gia, nên nắm hết uy quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên vua không thể muốn đặt luật pháp ra sao cũng được, mà phải theo ba qui tắc chính dưới đây:

1- Luật pháp phải hợp thời: Trong chương Lịch sử quan của Hàn Phi, chúng tôi đã nói Hàn cũng như Thương Ưởng cho rằng lịch sử biến chuyển, thời sau không giống thời trước, mà hễ thời đã khác thì việc cũng phải khác (thế dị tắc sự dị), thánh nhân không theo cổ, phải xét tình hình hiện tại mà tuỳ nghi tìm biện pháp.

Về việc lập pháp, Hàn tất nhiên không thể chủ trương khác được. Thiên Tân độ 1 có câu:

“Pháp luật cùng với thời mà thay đổi thì nước trị, trị dân mà hợp với đời thì có kết quả (…) Thời thay mà pháp luật không đổi thì nước loạn, đời đã thay đổi mà cấm lệnh không biến thì nước bị chia cắt. Cho nên thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà đổi, cấm lệnh cùng với đời mà biến”.

法與時轉則治,治與世宜則有功(…)時移而法不易者亂,世變而禁不變者削。故聖人之治民也,法與時移,而禁與世變。

(Pháp dữ thời chuyển tắc trị; trị dữ thế nghi tắc hữu công… Thời di nhi pháp bất dịch giả loạn, thế biến nhi cấm bất biến giả tước. Cố thánh nhân chi trị dân dã, pháp dữ thời di, nhi cấm dữ thế biến).

2- Pháp luật phải soạn sao cho dân dễ biết, dễ thi hành.

Thiên Ngũ đố, Hàn viết:

“Pháp luật không gì bằng thống nhất, cố định để cho dân dễ biết”.

法莫如一而固、使民知之

(Pháp mạc như nhất nhi cố, sử dân tri chi) Thống nhất nghĩa là pháp luật phải qui định cho cả nước theo, chứ nếu mỗi miền có luật lệ, cấm lệnh riêng thì dân miền này qua miền khác, cứ tưởng luật lệ cũng như ở miền mình ở mà vô tình phạm pháp mất. Thống nhất còn có nghĩa là khi đã ban bố một pháp lệnh mới thì phải bỏ pháp lệnh cũ đi, nếu không thì kẻ gian sẽ lợi dụng tình trạng mập mờ đó, lựa pháp lệnh nào có lợi cho họ mà theo, như trường hợp nước Hàn khi mới tách ra khỏi nước Tấn, pháp luật của Tấn chưa bỏ mà pháp luật của Hàn đã ban hành, vì vậy mà nước Hàn chịu cảnh hỗn loạn một thời gian, không mau mạnh lên được (Định pháp). Cố định nghĩa là không được thay đổi hoài, mới ban một lệnh được ít ngày hay ít tháng đã ban một lệnh ngược lại. Việc thưởng phạt cũng vậy, đã thưởng thì không đổi ý, phạt thì không ân xá.

Pháp luật là để cho toàn dân theo, cho nên phải tường tận cho người không có học cũng hiểu được, lại phải dễ thi hành:

“Cái gì mà kẻ sĩ có óc tinh tế mới biết được thì không nên ban làm lệnh, vì dân không phải người nào cũng có óc tinh tế cả. Cái gì mà bậc hiền mới làm được, thì không nên dùng làm phép tắc vì không phải người dân nào cũng hiền cả”.

察士然後能知之,不可以為令,夫民不盡察。賢者然後能行之,不可以為法,夫民不盡賢

(Sát sĩ nhiên hậu năng tri chi, bất khả dĩ vi lệnh, phù dân bất tận sát. Hiền giả nhiên hậu năng hành chi, bất khả dĩ vi pháp, phù dân bất tận hiền – Bát thuyết).

Nhất là phải soạn ra sao cho minh bạch, mọi người đều hiểu như nhau; nếu tỉnh lược quá, mỗi người hiểu một cách thì sinh ra nhiều việc tranh tụng, và có những kẻ lợi dụng sự mập mờ của pháp luật mà làm bậy. “Pháp luật mà tỉnh lược thì dân chúng hay tranh tụng, vì vậy mà (…) pháp luật của minh chủ ghi việc rất tường tận”.

法省而民萌訟、是以…明主之法必詳事

(Pháp tỉnh nhi dân manh tụng, thị dĩ (…) minh chủ chi pháp tất tường sự. – Như trên).

3- Pháp luật phải công bằng binh vực kẻ yếu, số ít, như vậy mới có trật tự trong nước được:

“Bậc thánh nhân xem sự thực của sự phải quấy, xét tình hình của sự trị loạn, cho nên trị nước thì minh định pháp luật, đặt ra hình phạt nghiêm khắc để cứu loạn cho quần chúng, trừ hoạ cho thiên hạ, khiến cho kẻ mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít, người già được hưởng hết tuổi trời, bọn trẻ côi được nuôi lớn, biên giới không bị xâm phạm, vua tôi thân nhau, cha con bảo vệ nhau, không lo bị giết hay bị giặc cầm tù, đó cũng là cái công cực lớn vậy”.

聖人者,審於是非之實,察於治亂之情也。故其治國也,正明法,陳嚴刑,將以救群生之亂,去天下之禍,使強不陵弱,眾不暴寡,耆老得遂,幼孤得長,邊境不侵,君臣相親,父子相保,而無死亡係虜之患,此亦功之至厚者也。

(Thánh nhân giả thẩm ư thị phi chi thực, sát ư trị loạn chi tình dã. Cố kì trị quốc dã, chính minh pháp, trấn nghiêm hình, tương dĩ cứu quần sinh chi loạn, khử thiên hạ chi hoạ, sử cường bất lăng nhược, chúng tất bạo quả, kỳ lão đắc toại, ấu cô đắc trưởng, biên cảnh bất xâm, quân thần tương thân, phụ tử tương bảo, nhi vô tử vong hệ lỗ chi hoạn, thử diệc công chi chí hậu giả dã – Gian kiếp thí thần).

Trọn bộ Hàn Phi tử chỉ có mấy hàng đó là có giọng thương dân. Tư tưởng không khác mà có phần đầy đủ hơn của Mạnh Tử trong các thiên Lương Huệ vương thượng và hạ:

“…người bảy chục tuổi có lụa mà mặc, có thịt mà ăn, dân cũng khỏi đói, khỏi lạnh…”

“…trên thì đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì đủ sức nuôi vợ con, năm được mùa thì mãi mãi no đủ, năm mất mùa thì cũng khỏi chết đói…”, “…già mà goá vợ gọi là quan, già mà goá chồng gọi là quả, già mà không có con gọi là độc, trẻ mà mồ côi cha gọi là cô. Đó là bốn hạng cùng khổ nhất trong thiên hạ, không biết nhờ cậy vào ai. Vua Văn vương bắt đầu trị nước, thi nhân, lưu tâm tới bốn hạng người ấy trước nhất”.

Hàn khác Mạnh là chủ trương không ban ân huệ cho dân, không bố thí, bắt dân phải tận lực rồi mới thưởng. Thiên Ngoại trừ thuyết hữu hạ, ông chép lại truyện Chiêu Tương vương nước Tần từ chối không phát rau quả cho dân đói vì mất mùa, lấy lẽ rằng:

“Theo pháp luật của nước Tần ta thì dân có công mới được thưởng, có tội mới bị phạt. Nay phát cho dân rau quả trong năm vườn (của ông) tức là dân có công hay không có công đều được thưởng là gây loạn trong nước”.

Xét chung, các Pháp gia chỉ muốn công bằng mà không muốn có tình thương; nhưng thiếu tình thương thì có thể công bằng được không? Công bằng còn có nghĩa là mọi người, chẳng kể sang hèn, đều bình đẳng trước pháp luật. Điểm này có tính cách tiến bộ, ngược lại với tính cách gia cấp của “lễ”. Thời Xuân Thu, “hình bất thướng đại phu”, bọn quý tộc không bị hình phạt như thường dân, không bị trị theo phép nước mà được xử theo lễ, tức theo các lệ riêng của quý tộc với nhau. Thương Ưởng và Hàn Phi muốn dùng luật để trừ cái đặc quyền đó của quý tộc, kéo họ xuống ngang hàng với bình dân.

4- Pháp luật có tính cách phổ biến, trái với lễ có tính cách bí mật. Pháp luật phải được phổ biến để không một người dân nào có thể viện cớ rằng mình không biết pháp luật nên lỡ phạm pháp. Thiên Nạn tam, Hàn Phi phân biệt pháp và thuật như sau:

“Pháp luật là cái chép trong sách vở, bày ở công sở và công bố cho toàn dân. Thuật là cái giấu trong lòng để so sánh mọi việc mà ngầm chế ngự quần thần. Cho nên pháp luật không gì bằng phải bày ra cho mọi người biết mà thuật thì không muốn cho người khác thấy. Bậc minh chủ nói đến pháp luật thì hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết…; còn như dùng thuật thì những kẻ yêu mến, thân cận cũng không được nghe…”

法者,編著之圖籍,設之於官府,而布之於百姓者也。術者,藏之於胸中,以偶眾端而潛御群臣者也。故法莫如顯,而術不欲見。是以明主言法,則境內卑賤莫不聞知也(…)用術,則親愛近習莫之得聞也,

(Pháp giả, biên trứ chi đồ tịch, thiết chi ư quan phỉ, nhỉ bố chi ư bách tính giả da. Thuật giả, tàng chỉ ư hung trung, dĩ ngẫu chúng đoan nhi tiềm ngự quần thần giả dã. Cố pháp mạc như hiển, nhi thuật bất dục hiện. Thị dĩ minh chủ ngôn pháp, tắc cảnh nội ti tiện mạc bất văn tri dã…, dụng thuật tắc thân ái cận tập, mạc chi đắc văn dã…).

Có hai cách để “hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết”:

a) Viết hay khắc lên thẻ tre treo ở chỗ công cộng, như Đặng Tích đã làm từ thời Xuân Thu. Những thẻ đó gọi là trúc hình. Cũng có thể đúc lên các đỉnh bằng sắt, nhưng đỉnh chỉ bày trong cung hay ở miếu đường, dân thường không tới coi được nên kém tính cách phổ biến;

b) Sai các quan lại dạy cho dân. Đây là chính sách “lấy pháp luật mà dạy dân” “dùng quan lại làm thầy” mà Hàn Phi đã nói trong thiên Ngũ đố. “Dĩ pháp vi giáo” tức là đem bộ luật làm sách giáo khoa, “dĩ lại vi sư” tức là dùng quan lại làm giáo viên, như vậy pháp luật vừa được thống nhất vừa được phổ biến.

Vậy từ thời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã có ý dạy pháp luật chẳng những cho quan lại mà cả cho dân chúng nữa. Chủ trương đó hợp lý và thực tế, nếu được áp dụng lâu, chẳng hạn một thế kỷ, thì chưa biết chừng Pháp gia sẽ gây được một đảng phái chính trị có quyền hành lớn mà sự diễn biến của lịch sử Trung Hoa có thể đã khác. Nhà Tần bị diệt rồi, lại phải đợi mười hai thế kỷ sau, một nhà cách mạng là Vương An Thạch mới có ý dạy luật cho kẻ sĩ để sau bổ dụng họ; nhưng ông chưa kịp cải tổ nền giáo dục khoa cử chuyên về thơ phú đã làm hại nhân tài, thì phe ông đã bị “cựu đảng” (đảng thủ cựu) lật đổ, mà lối học từ chương lại sống thêm tám thế kỷ nữa.

° ° °

Thiên Định pháp, Hàn Phi báo pháp và thuật đều là công cụ của đế vương, không thể thiếu một trong hai cái đó, cũng như ăn và mặc đều cần thiết như nhau cho cuộc sống cả. Vua có thuật mà bề tôi không có pháp luật thì nước sẽ loạn; có pháp luật mà vua không dùng thuật để biết kẻ gian thì nước có giàu, mạnh cũng chỉ lợi cho bọn đại thần thôi. Vì vậy Hàn luôn luôn nhắc các bậc vua chúa phải theo pháp thuật, phải trọng kẻ sĩ giỏi pháp thuật.

Tuy nhiên trong thiên Hữu độ, ông lại bảo: “Người thi hành pháp luật mà cương cường thì nước mạnh, người thi hành pháp luật mà nhu nhược thì nước yếu”.

“Nhà cầm quyền nào biết bỏ tư lợi tà tâm mà theo phép công thì dân sẽ yên, nước sẽ trị; biết bỏ hành động riêng tư mà làm theo phép công thì binh sẽ mạnh, địch sẽ yếu. Cho nên vua (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết giữ pháp độ mà đặt lên trên các quần thần thì không kẻ nào gian trá gạt vua được; (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết cân nhắc mà giao cho các việc ở xa thì không kẻ nào lừa gạt về việc quan trọng hay không quan trọng trong thiên hạ được”.

能去私曲、就公法者,民安而国治;能去私行、行公法者,则兵强而敌弱。故审得失有法度之制者,加以群官之上,则主不可欺以伪诈;审得失有权衡之称者,以听远事,则主不可欺以天下之轻重。

(Năng khử tư khúc, tựu công pháp giả, dân an nhi quốc trị; năng khử tư hành, hành công pháp giả, tắc binh cường nhi đích nhước. Cố thẩm đắc thất, hữu pháp độ chi chế giả, gia ư quần thần chỉ thượng, tắc chủ bất khả khi dĩ trả nguỵ; thẩm đắc thất, hữu quyền hành chi xứng giả, dĩ thĩnh viễn sự, tắc chủ bất khả khi dĩ thiên hạ chi khinh trọng. Hữu độ).

Ông muốn nói cứ theo phép công – tức theo pháp luật – thì nước yên và mạnh, mà không bị bề tôi lường gạt. Vậy ông có vẻ nhận rằng pháp luật quan trọng hơn thuật.

Gần cuối thiên đó ông lại nói:

“Áp dụng pháp luật thì kẻ trí phải theo mà kẻ dũng không dám cãi (…) Khiến cho toàn dân noi theo một đường thì không gì bằng pháp luật (…) Pháp luật phân minh thì người trên được coi trọng, không bị lấn; người trên được tôn trọng không bị lấn thì vua mạnh, nắm được các mối quan trọng. Vì vậy tiên vương quí pháp luật mà truyền lại đời sau”.

法之所加,知者弗能辞,勇者弗敢争(…)一民之軌莫,如法(…)法審則上尊而不侵,上尊而不侵則主強,而守要,故先王貴之而傳之。

(Pháp chi sở gia, tri giả phất năng từ, dũng giả phất cảm tranh (…) Nhất dân chi quĩ, mạc như pháp (…) Pháp thẩm tắc thượng tôn nhi bất xâm, thượng tôn nhi bất xâm tắc chủ cường nhi thủ yếu. Cố tiên vương quí nhi truyền chi).

Vậy mặc dầu không thể thiếu thuật, pháp luật vẫn quan trọng nhất, cho nên áp dụng chính sách thưởng phạt để giữ cái thế, vua phải theo đúng pháp luật như chương trên chúng tôi đã nói, mà dùng thuật để tuyển và điều khiển bề tôi, vua cũng phải theo pháp luật, như chương sau độc giả sẽ thấy.

Vì pháp luật là cái qui cái củ “Người thợ dù khéo, mắt nhìn và ý đoán không sai với dây mực, nhưng cũng phải dùng cái qui cái củ để đo trước đã; ông vua vào hạng thượng trí tuy cử sự nhanh chóng và thích đáng cũng phải dùng pháp độ của tiên vương làm tiêu chuẩn”.

巧匠目意中绳,然必先以规矩为度;上智捷举中事,必以先王之法为比。

(Xảo tượng mục ý trúng thằng, nhiên tất tiên dĩ qui củ vi độ; thượng trí tiệp cử trúng sự, tất nhiên dĩ tiên vương chi pháp vi tỉ – Như trên). Nghĩa là đã không được theo ý riêng, mà cũng không được tin cậy ở sự sáng suốt của mình, mà nhất thiết hành vi nào cũng phải theo pháp luật.

Thiên Nạn tam, Hàn Phi dẫn truyện Tử Sản nhờ thông minh, giỏi nhận xét, suy luận mà phát giác được một vụ vợ giết chồng.

Sáng hôm đó Tử Sản đi qua cửa phường Đông Tượng, thấy có một người đàn bà khóc, bèn bảo người đánh xe dừng lại, ông lắng nghe một lát, rồi sai thuộc hạ bắt người đàn bà đó lại tra hỏi, thì ra mụ đó đã tự tay thắt cổ chồng. Người đánh xe hỏi ông làm sao mà đoán được, ông đáp: “Vì thấy tiếng khóc mụ đó run sợ. Thường tình hễ người thân của mình mới đau thì mình lo lắng, khi sắp chết thì mình run sợ, khi chết rồi thì mình đau xót. Mụ đó khóc chồng chết, không đau xót mà run sợ, vì vậy mà biết là có tình ý gian”.

Nếu chuyện đó có thật thì Tử Sản có thể là thuỷ tổ của các nhà trinh thám Trung Hoa, là thầy của Bao Công sau này. Nhưng Hàn Phi chê:

“Tử Sản trị dân cách đó cũng chẳng rắc rối ư? Phải đợi trông thấy, nghe thấy rồi mới biết là gian thì nước Trịnh bắt được ít kẻ gian lắm. Không dùng bọn lại coi ngục tụng, không dùng chính sách khảo sát nhiều mặt, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà cậy vào sự tận dụng trí thông minh, sự suy tư mệt trí của mình mới biết được kẻ gian, chẳng là thiếu thuật quá ư?”

Lời chê đó bất công. Tử Sản là một chính trị gia giỏi, cho đúc “hình thư”, vậy là trọng pháp luật; trước khi chết lại dặn người sẽ nối chức ông – Du Cát – phải dùng hình phạt nghiêm khắc để cho dân sợ mà tôn trọng pháp luật, khỏi phạm cấm. Vậy có lý nào ông không dùng bọn lại coi về ngục tụng, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà chỉ cậy vào sự suy tư mệt trí để biết được kẻ gian. Việc Tử Sản phát giác án mạng đó chỉ là do ngẫu nhiên, không thể căn cứ vào đó mà bảo ông chủ trương chỉ dùng mưu trí để trị quốc. Nhưng lời khuyên của Hàn Phi đúng.

Chương này chứa nhiều tư tưởng rất tiến bộ của Hàn – nói chung là của Pháp gia – chương sau Hàn Phi sẽ hé mở cho ta cái “trí khôn” của cổ nhân.

——————————–

1 Nhiều học giả ngờ giọng văn thiên này không phải của Hàn nhưng nhận rằng tư tưởng hợp với Hàn, nên có thể tạm dùng được. Riêng mấy hàng đầu dưới đây thì rõ ràng là ý kiến của Hàn.

 

Vui cười

Tối kia, một cặp vợ chồng có tuổi đang nằm trên giường. Người chồng rơi vào giấc ngủ nhưng người vợ cảm thấy tình cảm dâng trong lòng và muốn nói chuyện.

 Bà vợ nói: – Anh thường cầm tay em khi chúng ta yêu nhau.

 Một cách mệt mỏi, ông chồng vươn ngang tay, cầm tay bà trong một giây, sau đó cố quay lại giấc ngủ.

 Một lát sau bà vợ nói: – Sau đó anh thường hôn em.

 Hơi bực dọc, ông chồng vươn người qua, hôn vội một cái trên má vợ và nằm xuống ngủ tiếp.

 Ba mươi giây sau, bà vợ nói: – Sau đó anh thường cắn cổ em.

 Điên tiết, ông chồng tung chăn và nhảy ra khỏi giường.

 – Anh đi đâu? – Bà vợ hỏi.

 Ông chồng quay lại và quát: – Lấy hàm răng để cắn bà chứ còn đi đâu.

****NÓNG : đã tìm ra giải pháp lấy lại Hoàng Sa  –   Từ Thức

Tin bất ngờ : đã kiếm ra giải pháp đuổi Tàu, lấy lại biển đảo rồi đồng bào ơi !

Câu hỏi ‘’ làm cách nào cứu nước ?’’ vừa có người tìm ra câu trả lời, hết sức thông minh, cực kỳ hữu hiệu.

Đó là ưu tư nhức nhối nhất của những người không thích trở thành Tàu. Phải làm gì ? Phải thay đổi đồng minh, đi với Mỹ ? Phải liên kết chặt chẽ với các nước láng giềng ? Phải củng cố khối ASEAN cả về kinh tế lẫn quân sự ? Phải chấm dứt độc đảng, dân chủ hóa, bài trừ tham nhũng bất công, trả nhà, trả đất cho dân , để toàn dân hỗ trợ chính quyền trong công cuộc chống ngoại xâm ? Bởi vì không một cường quốc nào có thể tiêu diệt một dân tộc đồng thuận, đoàn kết.

Không, tất cả những đề nghị đó đều vô hiệu và nguy hại. Vô hiệu và nguy hại, bởi vì đều là luận điệu của lực lượng thù địch. Trái lại, phải thẳng tay trừng trị những kẻ này hơn nữa.

Các nhà lãnh đạo của Đảng ta, của nhân dân, đã ngày đêm suy nghĩ và đã tìm ra giải pháp. Và sẽ long trọng thực hiện trong những ngày tới.

Nói cho đúng, người tìm ra giải pháp tuyệt vời đó là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sáng kiến này chợt lóe lên trong đầu Thủ tướng khi ông ngồi phe phẩy quạt nghe nhạc cổ điển. Điều đó chúng tỏ nhạc cổ điển có tác dụng tốt, việc xây nhà hát giao hưởng là một nhu cầu khẩn cấp cuả quốc gia.

Giải pháp đó là gì ? Là gây một quỹ cứu Trường Sa, cứu biển đảo để mọi người gởi tiền về.

Ai cũng có quyền gởi tiền, kể cả con cháu ngụy trong nước, kể cả những khúc ruột ngàn dặm xa xôi. Gởi bao nhiêu cũng được, càng nhiều càng tốt. Tiền gì cũng được chấp nhận, Việt tệ, Hán tệ, dollars, Euros ..Nếu không có tiền, có thể gởi vàng hay hiến nhà, đất , ruộng, vườn, xe Honda, xe đạp, cá khô, thóc giống…

Thủ tướng trao quyền quản trị quỹ cho Bộ Quốc Phòng. Đó cũng là một quyết định cực kỳ sáng suốt. Các tướng lãnh VN là những người đã chứng tỏ khả năng và quyết tâm chống xâm lăng Tàu, cũng như đức tính thanh liêm, đạo đức khiến toàn dân tin tưởng, bái phục.

Có người sẽ đặt câu hỏi : một cách cụ thể, khi có tiền, sẽ làm gì để đánh Tàu ? Cố nhiên đó là những bí mật quân sự, không thể tiết lộ. Nếu tiết lộ, bí mật sẽ hết… bí mật.

Mặc dầu vậy, bộ Quốc Phòng cũng như phủ Thủ tướng cũng cho hay một vài biện pháp đơn giản nhất.

Thí dụ xây những cái lều thật lớn cho tướng lãnh, để khi lâm chiến, có thể biến thành chiến hào, chiến lũy chống giặc. Thí dụ mua nhà cửa ở ngoại quốc để dưỡng quân, để bảo toàn lực lượng. Thí dụ xây mồ mả lãnh tụ thật hoành tráng để tạo chướng ngại vật, chặn đường tiến quân của địch. Thí dụ…Nhưng tạm ngừng ở đây. Phải mặc quần áo, ra xếp hàng ở Western Union gởi tiền gấp về cho bác Phúc

https://tv.baovemvn.com/…/thu-tuong-mong-moi-nguoi-viet-hai…

https://www.tuthuc-paris-blog.com/home/n%C3%B3ng-%C4%91%C3%A3-t%C3%ACm-ra-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-l%E1%BA%A5y-l%E1%BA%A1i-ho%C3%A0ng-sa

 

Bão

 Victor Hugo nói :‘’Thường thường đám đông phản bội dân tộc’’ ( Souvent la foule trahit le peuple ).

Đám đông ‘’ đi bão ‘’ đá banh là một thí dụ điển hình. Đáng lẽ thể thao là một trò chơi lành mạnh, chiến thắng thể thao là một ngày hội, đám đông đã biến thành một cuộc thảm sát, máu đổ thịt rơi.

Đáng lẽ chiến thắng là một cơ hội để lấy lại đôi chút niềm tin cho một dân tộc không quá khứ, tương lai mờ mịt, hiện tại tối đen, cho một thế hệ trẻ bơ vơ, không hoài bão, không lý tưởng, đám đông đã cho thấy một xã hội bệnh hoạn.

Hàng chục người chết vì một chiến thắng không có gì làm vĩ đại, ghê gớm. Đọc báo Tây Phương, không thấy một dòng về AFF, trong khi báo chí thể thao loan tin những trận giao hữu giữa các tỉnh lẻ ở Phi Châu hay Nam Mỹ.

Giải túc cầu AFF là một sản phẩm của hãng bia Singapour để quảng cáo cho bia Tiger, gọi là Asian Tiger Cup, sau này trở thành AFF Suzuki Cup, để bán xe Suzuki. Từ 1996, các nước khác đã thay nhau đoạt giải, có nước 3,4,5 lần, không có một người chết. Bởi vì một xứ có đôi chút văn minh coi sinh mạng con người quý hơn một trận đá banh.

Ngạn ngữ, hình như Ba Lan, nói : một dân tộc không tâm hồn chỉ là một đám đông cuồng loạn. Một nhà văn  không nhớ tên, viết : ‘’đám đông có rất nhiều đầu, nhưng không có một chút não ‘’ ( la foule a beaucoup de tête, et pas de cervelle ), một nhà văn khác : ‘’ đám đông là một con vật sơ khai, chỉ có bản năng, không có một mảy may suy nghĩ ‘’ ( la foule est la bête élémentaire dont l’instinct est partout, la pensée nulle part ).

Mỗi cá nhân có đầu óc, nhưng đám đông thì không. Đám đông nào cũng hành động theo cảm tính. Nhiều người, khi ra khỏi đám đông, tự hỏi tại sao mình có thể hành động như vậy. Ở đây, người viết nói về những bạo hành, không nói tới chuyện bày tỏ niềm vui sau một chiến thắng thể thao

Hàng chục người chết cho một trái banh: một đại tang thảm khốc, ở một quốc gia bình thường, chắc chắn đã làm chấn động dư luận, rung chuyển xã hội. Nhưng ở VN, nhà nước và các cơ quan tuyên truyền coi như một tiểu tiết không đáng kể.

Điều quan trọng là khua chuông gõ mõ, đánh trống thổi kèn, làm rùm beng một chiến thắng không lấy gì là long trời lở đất, với mục đích để dân quên Thủ Thiêm, quên Formosa, quên biển đảo. Vậy mà vẫn có những người nói không nên đem ‘’ chính trị ‘’ vào thể thao. Quên rằng những kẻ lợi dụng cái nhẹ dạ điên rồ của đám đông là những người đầu tiên đã đem chính trị, ‘’ chính trị ‘’ hiểu theo nghĩa tồi bại nhất, vào thể thao.

Có thể giải thích những ‘’ cơn bão ‘’ túc cầu bằng cái trống rỗng của một thế hệ trẻ, không có gì để giải khuây, để tiêu pha năng lực, trong một xã hội bế tắc, ứ đọng, có một ngày vui, có vạn ngày buồn. Một cách trấn an mình chưa phải là nô lệ, một ảo tưởng cho mình còn đôi chút tự do.

Những người trẻ, đáng tội nghiệp hơn là đáng đả kích, bởi vì dù sao cũng chỉ là nạn nhân của chính sách ngu dân, đêm trước cuồng loạn đi bão, hôm sau xếp hàng đi làm cu li ở những nước láng giềng, đáng lẽ nghèo khổ hơn mình, sẽ chua chát thấy rằng một cái giải bóng tròn không thay đổi cái nhìn nghi kỵ, nếu không muốn dùng chữ tệ hơn, của thiên hạ, đối với người dân một chế độ coi sự xảo trá là phương châm xử thế, coi lừa lọc là nhân sinh quan.

Muốn người ta trọng mình đôi chút, chưa nói tới chuyện đứng đầu thiên hạ, phải nghĩ tới những ưu tiên khác. Khởi đầu là tư cách, tư cách cá nhân và tư cách cộng đồng. Vui đuợc thì cứ vui, nhưng đừng quên bóng tròn chỉ là một trò chơi.

Trong cơn bão, có nhiều người khả kính tham dự vì tinh thần dân tộc. Không ai có quyền phê phán. Chỉ xin nhắc lại : ngay trong lúc này, không phải tương lai sâu xa gì, có một chuyện đau đớn cho dân tộc : Trung Cộng đang gặm nhấm từng thước đất VN, dưới mọi hình thức.

Tại sao nhà nước không làm gì để ngăn chặn những cảnh man rợ, những thảm kịch của cơn bão ?. Bởi vì tất cả những cái đó củng cố cho chế độ toàn trị. Trong đám đông, những người sáng suốt nhất cũng trở thành đám đông. Chế độ độc tà nào cũng cần những đám đông khổng lồ để biểu dương lực lương.Dân càng mê say những chuyện tào lao, phó mặc chuyện đất nước cho tập đoàn cầm quyền, chế độ càng vững.

Điều đó giải thích tại sao nhà cầm quyền để cho hàng triệu người tự do xuống đường, trong khi chỉ cần ” tụ tập đông người ” vài mạng nhưng đả động tới ” tinh hữu nghị Trung-Việt” ? hay nhân quyền cũng ăn đòn, nếu không nằm tù mục xương

Chuyện đó chẳng mới lạ gì. Franz Liszt đã cảnh cáo từ đầu thế kỷ 19: ‘’ La foule est la mère des tyrans ‘’. Đám đông là mẹ đẻ của bạo chúa .

( tuthuc-paris-blog.com )

https://www.tuthuc-paris-blog.com/home/__b%C3%A3o

Người chỉ huy về già – Phan Nhật Nam

Đây cũng là chuyện có thực, không phải tiểu thuyết hay sáng tác !

Trung tá Đào Văn Hùng

Có thể nói sếp cũ của tôi là một ông già, già nhất trong những người giữ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị tác chiến. Ông đi lính từ một thuở thật xa, lâu lắm, cách đây hơn hai mươi năm lúc quân đội chỉ độc các loại commando, Lê-Dương, Nhẩy Dù thuộc địa… Đánh nhau bằng súng mút-cờ-tông từng phát một hay những cây FM đầu bạc bắn gật gù như ông già ho lao.

Lúc chiến tranh còn nằm tít trên biên giới Lào – Việt – Trung, trận đánh toàn một cách xung phong ầm ầm, ào ào để giữ những làng, thị trấn mang tên lạ hoắc như Bản Hiu-Siu, Mường Phen, Thất Khê… Ông già sếp tôi thuở đó khởi nghiệp nhà binh với lon Cai ở Commando. Không rõ những ngày ở đơn vị đó ông có những gì đặc biệt, chỉ biết ông ta nhắc lại đoạn đời qua bằng một câu thật gọn: Cai thật trẻ… Giọng Bắc Kỳ khàn khàn xuống mạnh vào chữ mang đầy kiêu hãnh và tự tín. Tước hiệu “cai thật trẻ” hình như là nỗi hãnh diện đầu tiên và đích thực nên sau này khi đã đóng đến lon “quan Năm”, lúc say rượu, dù cơn say vào độ tơi bời tàn khốc, ông vẫn còn nhớ được: “Tao là Cai Hùng, đếch phải là trung tá cái củ c… gì ráo…”. Cai Hùng! Cai Hùng! Một tuổi trẻ gió bão nào đó đã đi qua.

Lúc tôi đến đơn vị này, ông năm mươi tuổi; năm mươi tuổi để tất cả đầu tóc bạc trắng và những nếp nhăn cày sâu trên mặt, nhưng ông vẫn còn nguyên vẹn thái độ nồng nhiệt đối với đời sống của ngày trai trẻ. Thời gian về trước ông đã nổi tiếng với những câu chuyện như sau:

Quan Ba Nhảy dù nhưng vẫn đánh một chiếc xe đạp thổ tả cọc cà cọc cạch rong chơi với một con gà ở đằng sau porte-bagages. Thú nuôi gà của ông đã lên đến cao độ đến nỗi ông ta mang biệt hiệu “Hùng gà chọi”. Nghe tiếng một con gà nào đó ở Bà Điểm nổi danh vì ngón đòn, ông lọc cọc chiếc xe vượt qua một quãng đường dài lồi lõm sống trâu để chứng kiến cho được ngón đòn của gà…

Hãy nghe ông “luận” về gà: Nó là một guerrier, đấy là một combattant, không bao giờ lùi không bao giờ chịu thua… Đến chữ “thua” ông đưa một quả đấm lên trời, mắt long lên sòng sọc. Đúng là hình ảnh của một con gà chọi. Chẳng hiểu thằng nào gán cho ông cái biệt hiệu thật đúng phong phóc!!! Nó là một tay gan lì! C’est un type! Dù có bị đánh lê nhê, máu me đầm đìa, hắn ta vẫn nhẫn nha chiến đấu… Có con gà bị đánh mù mắt, hắn ta mù nhưng vẫn lừa đối thủ để kẹp lấy chiếc cổ và thế là a-lê-hấp nó phản đòn ngay. Ông có thể luận về gà đầy đủ chi tiết, nhại lại thế đứng,một ngón đòn hay của con gà… Không có gì phải bất tiện, hai tay là hai cánh gà, hai chân biến thành một cặp chân tưởng như có đủ cựa nhọn, đầu cúi xuống, ông diễn tả nhiệt tình và chi tiếp hấp dẫn của mỗi trận đấu. Thế giới loài gà nếu biết được sự ái mộ nồng nhiệt đó chắc hẳn không bao giờ buồn phiền nếu ở trong tường hợp “à la casserole” hay “à la gamelle”… sau khi bị thua trận.

Sau đá gà là rượu, rượu là nước của ông, chiếc bi-đông sau lưng bao giờ cũng đầy rượu đế ngâm vài cục đường phèn. Nhấp một tí rượu, cắn một miếng cóc nhỏ là đủ sức đi thêm một đoạn đèo, vượt một rặng núi. Dừng quân, cởi chiếc nón sắt, ông rút bi-đông làm ngụm rượu, đốt điếu thuốc, loại thuốc đen Mélia hay Bastos ngồi lim dim đôi mắt…

– Trung tá có ăn cơm không?

Anh lính cần vụ lân la đến hỏi.

– Tớ đ… cần! – Trung tá có mệt không?… – Mệt chó nào được, ngày rút từ Lào về tớ chạy bộ suốt bao nhiêu ngày đêm cũng chẳng bõ bèm gì…

– Chết mẹ… – Tụi lính xì xào…- Ông già lại nói chuyện bản Hiu-Siu thì chết cả lũ!

Đúng ngay bong! Ông bắt đầu kể chuyện Bản Hiu-Siu ở bên Lào…

– “Lúc đó tớ là thiếu úy, ban đêm Việt Minh ùa vào, dây kẽm gai giăng thấp chừng này, lính Bayonnette au canon! À la grenade… En assaut… Việt Minh lùa vào, mặc, tớ cứ tương lựu đạn đều đều…

Ông ta đứng dậy ngay trên sườn núi biểu diễn thế ném lựu đạn và đâm lưỡi lê, ngừng một chút để hớp thêm tí rượu. Thiếu tá cố vấn Mỹ đến hỏi một điều gì đó, ông cụt hứng gắt um:  – C… Đ.m cứ lẩm cà, lẩm cẩm cả ngày…

Anh cố vấn de lui, mặt mũi thộn ra trông “quê” một cục. Ở Phú Thứ, Thừa Thiên năm 1967, ông chỉ huy tiểu đoàn tôi cùng tiểu đoàn 7 Nhảy dù tiến đánh vào khu giải phóng của vẹm, lúc tiểu đoàn 7 đụng trận, ông đứng trên thiết vận xa nhảy cỡn lên vì thích thú…

– Đấy, tớ biết ngay, các chú (Việt cộng) đang ở chỗ này, nhất định là ở chỗ này… Thằng Bảy đụng ở đây, tớ dàn cậu (chỉ tiểu đoàn trưởng tôi) ở chỗ này là đi đoong đời các chú, tớ nghiền… Nghiền nát các chú ấy.

Chữ “nghiền” được diễn tả bằng hai bàn tay bóp chặt vào nhau và kéo dài theo hơi thở, mồm ông méo hẳn lại để diễn tả cảnh tan nát của các anh Việt cộng. Đại loại là như thế, ông sống ở đời với thái độ “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, nhân vật Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông chắc cũng đến độ của ông già sếp tôi mà thôi. Năm 1965 hành quân tại Đức Cơ khi rút ra Pleiku nghỉ, không hiểu bị lôi kéo thế nào ông đi theo mấy đại đội trưởng vào hội quán Phượng Hoàng để khiêu vũ! Lệnh ông tướng vùng bấy giờ cấm mặc quân phục vào hội quán, anh quân trấn trưởng nói năng ra làm sao, ông nổi sùng…

– Đ.m Hùng đi hành quân chỉ có mỗi bộ quần áo nhà binh, không cho tớ mặc đồ trận thì tớ cởi truồng sao?

Thuận tay ông đưa luôn một qủa dirrect, anh quân trấn trưởng nằm thẳng cẳng. Đóng quân ở Hương Trà, Huế, tiểu đoàn tôi làm tiệc mời ông ra hát. Hát không được thì tớ múa vậy!

Nói là làm, ông đi một đường flammenco cũng lắc mông, lắc ngực, và kết thúc là một bài thuyết trình “Qu’est ce que L’armée?” Tiếp theo là những lời sỉ vả tàn tệ vua quan sĩ thứ người trong nước, ông nhớ đến ai ông chửi tơi bời hoa lá, chửi đích danh, chửi ngon lành, chửi như một cơn giận từ bao nhiêu lâu che dấu nay cho tuôn ra như dòng sông được mở…

Đầu năm 1968, gần Tết Mậu Thân, lữ đoàn ông hết nhiệm vụ, từ Huế trở về Sài Gòn.

Ông Tướng khu chiến thuật nhắc ông ở lại Huế để đón Tổng Thống cùng Thủ Tướng, ông hạ ngay một câu:

– Tớ hết hành quân là tớ về, Tổng thống đâu có thương tớ bằng mẹ đĩ được!

Nói xong ông leo lên tàu bay đi thẳng. Có một anh nhà báo lân la đến phỏng vấn…

– Xin trung tá cho biết ý kiến về cuộc hành quân vừa qua?

– Ý kiến hả…? – Đợi cho anh nhà báo sửa soạn ghi chép, ông “tuyên bố”: Sướng nhất là đêm Noel tớ say rượu gọi máy truyền tin qua Bến Hải chửi Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh!!

Nhưng đằng sau những cơn say, những màn tiếu ngạo ồn ào trên, thật dễ dàng nhận được niềm thiết tha, mối nhiệt tình nồng nàn đối với quân đội và quê hương. Thật lạ lùng với hai mươi năm ở đơn vị tác chiến, thời gian bằng số tuổi của một gã trai trẻ, một gã trai trẻ cỡ tôi nhưng lòng hiu hắt như cơn nắng quái sắp tàn. Hơn hai mươi năm nhà binh với năm mươi tuổi, một mái tóc bạc trắng, ông vẫn có một nụ cười thật tươi để thêm vào câu chuyện. Thế nào là một cán bộ giỏi?

Thế nào là những nguyên tắc căn bản để chỉ huy? Thế nào là DOC (Dirriger, Organiser,

Controler) ông nói say sưa, dẫn giải từng điểm chi tiết về bổn phận của người trung đội trưởng, đại đội trưởng. Khói thuốc lá làm ánh mắt thành hiền hòa, ông nói sang sảng, trình bày mạch lạc. Ông gây nơi tôi một sự xúc động kỳ lạ, nỗi xúc động khám phá được niềm tin vẫn còn trong lòng một người giáo tóc bạc da nhăn với hơn hai mươi năm đi khắp rừng sâu núi cả quê hương.

Hơn hai mươi năm gánh chịu cơn đau yếu đỏ lửa của tổ quốc, cơn đau yếu nhọc nhằn của dòng sống dân tộc chông chênh. Chiến tranh vẫn chưa đốn ngã niềm tin trong lòng ông… Tớ chỉ là Cai Hùng… Cai thật trẻ!! Sau này ông bị ra khỏi binh chủng vì một lý do nào đó tôi không hiểu nhưng điều này chắc chắn là một vết thương lớn nhất trong đời ông. Ông im lặng ngồi trong chiếc phòng con nhìn xuống chân đồi doanh trại cười gằn uất nghẹn đau đớn. Làm sao nói cho hết nỗi cay đắng của người lính già khi phải từ bỏ đơn vị, binh chủng cùng sống trên hai mươi năm lúc tóc còn xanh như niềm hy vọng đến nay mái đầu nhuốm bạc trắng.

Không những vì một tuổi già nhưng cũng là lớp sương giá chồng chất lên sau khỏang thời gian binh biến. Thường ngày trong cơn say ông hay mò đến văn phòng chúng tôi để tìm người nói chuyện, nhưng trong thời gian này ông ngồi im như một kiêu hãnh bị xúc phạm, tiếng hét được ghìm xuống giữa kẽ răng thành những tiếng cười gằn nhức nhối như lưỡi dao đâm vào qủa tim đang mở miệng cười.

Ông ra khỏi binh chủng, chỉ huy một đơn vị bộ binh nhưng vẫn mặc đồ ngụy trang và đội nón đỏ. Đâu còn là những kích thích về hình thức quyến rũ đối với ông. Nhưng phải nghe ông ta nói: “Tớ là Nhảy Dù… Tớ là Cai Hùng…” Tiếng “Nhảy Dù” nghe ngắn, chắc như xác định niềm hãnh diện có thật của một người đã sống hết đời cho tập thể. Sau một thời gian ở trung đoàn này ông bị tai nạn trầm trọng, tất cả cơ quan trong người bị đảo lộn. Ông phải chịu nhiều cuộc giải phẫu, thị giác trở nên yếu kém, mất phần lớn ý niệm về sự việc. Lúc chúng tôi đến thăm, ông không nhận ra, nhưng trong nỗ lực của trí nhớ, bỗng nhiên ông nhận ra Vinh “con”, viên sĩ quan nhỏ tuổi nhất được ông thương mến như con cháu. Ông nhận ra nó đồng thời với một giọng nói run run:

– Tớ lúc này chỉ thấy mờ mờ nhân ảnh!

Trong tận cùng của đổ vỡ, ông cũng không mất đặc tính khôi hài, dấu hiệu của tâm chất dũng mãnh dù hoàn cảnh đã đẩy đưa vào hố thẳm của tuyệt vọng. Sau này khi nhìn thấy được cảnh vật nhạt nhòa, ông đến trại thăm lại nhà cửa, hỏi thăm các hạ sĩ quan và lính cũ. Trí nhớ chưa phục hồi hẳn, ông mệt nhọc hỏi từng người với những câu nói rời rạc hỗn độn, sau cùng ông nói với tôi để xin người lính về giúp ông công việc riêng tại nhà. Lần đầu tiên nghe ông nói công việc liên quan đến gia đình. Khi tôi bảo người lính theo ông về nhà, ông vui vẻ ra mặt:

– Quý hóa quá, thế mới biết anh em Nhảy dù luôn giúp đỡ nhau…!

Lòng tôi trùng xuống như cơn mưa của ngày đông buồn bã. Tiễn ông xuống đồi, bóng người lính già khuất bụi mờ. Sau kiếp người đằng đẵng gian lao cho Tổ Quốc một khỏang trống xám đặc bụi mù.

Tháng 5-1969. Hậu cứ Long Bình.

Hậu Từ: Về Trung Tá Đào Văn Hùng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn II Nhảy Dù – Sau 30-4-1975, lực lượng Cộng sản vào khu ngã Ba Ông Tạ truy lùng và xét xử ông cùng gia đình. Do thương trận từ trước (bị mù mắt và tê liệt) nên bộ đội CS chỉ xử tử người con trai của ông tại Lăng Cha Cả ngay sáng ngày 30-4-1975.