Tập San Tân Đại Việt – Số 12 – 2016 – Số Tất Niên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Đại Việt – Số 12 – 2016 – Số Tất Niên

Mục Lục 

Bác Sĩ Mã Xái: Đảng Tân Đại Việt Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới

Sưu tầm trên net: Lễ Giáng Sinh     

www.khoahoc.tv: Phong tục tập quán ngày Tết Dương Lịch của các nước

Bác sĩ Mã Xái : Nhìn lại Thượng đỉnh APEC-2016 lần thứ 24 và chánh sách bảo hộ mậu dịch của tân Tổng thống Trump

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng: Tập Cận Bình Phát Điên vì Trump

Đào Văn Bình: Nhật Ký Biển Đông «Thế Giới Nín Thở Chờ Đợi Ô. Trump»  

Thế Giới Bất Ổn, Mỹ Thay Đổi Chính Sách Ngoại Giao                               

Nguyễn văn Trần: Ngày mai này Người Tàu sẽ làm chủ thế giới ?

Vi Anh: Bầu Cử Bị Tin Tặc TT Obama Chịu Trách Nhiệm

Phan Văn Song: Tản Mạn về Tình  Yêu Nước: Nhơn Danh Yêu Nước, Người Công Dân Phải Cầm Quyền

Trọng Đạt: Hillary Clinton tranh cử Tổng thống

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn “Tánh cách căn bản của sự sinh tồn: Vị kỷ”

Ls Lâm Lễ Trinh: Hoài niệm cố TT Ngô đình Diệm

Nguyễn thị Cỏ May: Cuba thức, Việt nam ngủ… Nay Cu ba ngủm, Việt nam ….?

Castro chỉ có một vợ nhưng có 35 000 đàn bà

Nguyễn Văn Sâm : Khói thuốc cả

 

 

Đảng Tân Đại Việt Kính gởi ĐỒNG BÀO lời Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới

Chào mừng những ngày lễ lớn, toàn thể Đảng Tân Đại Việt xin kính chúc Đồng Bào trong nước và hải ngoại một Mùa GIÁNG SINH vui tươi, an bình, hạnh phúc, và một NĂM MỚI hanh thông mọi mặt, cùng nhau kỳ vọng quê hương sớm được hưởng tự do, dân chủ, độc lập, phú cường.

Kính thưa Đồng bào,

Chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Năm Mới, xin đồng bào cùng nhìn vào hiện tình hình đất nước một năm qua. Hơn sáu thập niên từ ngày đảng cộng sản áp đặt lên cả hai Miền Nam Bắc một chế độ độc tài, toàn trị cho tới hôm nay, niềm ước vọng của toàn dân cho sự đổi đời vẫn còn là một giấc mơ. Trong lúc người dân trông chờ nhà nước có kế sách cứu nước, đem lại phúc lợi cho toàn dân, thì ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại bận tâm lo hồi sinh cái đảng cộng sản trên đà tan rã với “nghị quyết số 4” được loan truyền trên cả nước để chào đón mùa lễ lớn, cho toàn đảng toàn dân ôn tập cái tư tưởng Mác Lê mà cả thế giới đã cho vào sọt rác, ông kêu gọi phấn đấu để nước nhà quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyết tâm tiếp tục nền kinh tế thị trường định hướng xhcn với cái kinh tế thị trường hoang dã đã đưa nước nhà vào con đường tụt hậu; “nghị quyết số 4” thực ra đã phơi bày cái nội tình rệu rã của đảng CSVN, trong cảnh tranh chấp quyền lực giữa cấp lãnh đạo thượng tầng kể cả ông tổng bí thư  cùng các nhóm lợi ích kéo bè kết cánh mưu toan tranh giành quyền lực lẫn nhau, và không ai khác hơn là giữa hai phe giáo điều bảo thủ Nguyễn Phú Trọng và phe cánh “đồng chí X” mà ông Trọng quyết triệt hạ, dù một số đồng chí hiện đã an toàn đào thoát ra hải ngoại. Theo tin rò rỉ, “phe thù địch Ba X” vẫn còn khá đông bao gồm những đồng chí đã “tự diễn biến,tự chuyển hoá”, và nhiều đảng viên cấp tiến. Hơn thế nữa, phong trào dân chủ xã hội dân sự, và đăc biệt phong trào giới trẻ trong nước và hải ngoại trên đà phát triển, càng ngày càng tác động mạnh mẽ lên sách lược diễn biến hoà bình.

Phe cánh bảo thủ, giáo điều Nguyễn Phú Trọng thấy được nguy cơ bể đảng nên quyết tâm ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chánh trị, đạo đức, lối sống ngay trong nội bộ đảng đang dẫn tới “tự diễn biến” “tự chuyển hoá“ dù chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm không lường”, có nguy cơ cho sự sống còn của đảng, trước thế lực thù đich trong ngoài bao vây! Trong Hội nghị Quân chính toàn quân 13/12/206 tổng bí thư Trọng lại kêu gọi quân đội tuyệt đối trung thành với đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, chống tự diễn biến, tự chuyển hoá. Ông Trọng đang lo quân đội mà “tự diễn biến tự chuyển hoá” thì đảng cộng sản ắt tiêu vong và chế độ sẽ tan rã! Bài học về lịch sử sụp đổ Liên Xô cho ông Trọng thấy khi người chiến sĩ Hồng Quân vốn trung thành với đảng cộng sản và nhà nước Xô viêt rồi khi thời cơ đến cũng “tự diến biến tự chuyển hoá“ trở về với nhơn dân và cùng nhơn dân khai tử chế độ.

Nhơn dân cũng thấy lạnh mình về các cuộc thanh trừng ngay trong nội bộ đảng CSVN, ngay trong Quân đội Nhân dân đã liên tiếp diễn ra. Chủ trương đẩy lùi thế lực thù địch, đảng CSVN mở rộng chiến dịch trấn áp các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền, cho tự do tôn giáo. Khắp nơi trên thế giới, nhơn ngày Quốc tế Nhơn quyền  năm nay (ngày 10 tháng 12),các tổ chức xã hội dân sự trong nước, Mạng Lưới Nhân quyền Viêt Nam (Hoa Kỳ), cộng đồng tị nạn Việt Nam, các tổ chức nhơn quyền quốc tế đã vạch trần tội ác, các vi phạm nhơn quyền của CSVN và đòi nhà cầm quyền tôn trọng quyền con người và quyền chánh trị, dân sự, xã hội, tín ngưỡng và tự do tôn giáo của công dân. Ngày 08 và 13/12/2016 Quốc hội Mỹ thông qua hai dự luât nhân quyền (dự luật HR 624 & HR 1150) mà mục tiêu là trừng trị các cá nhơn vi phạm nhơn quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu, tất nhiên các thủ phạm đàn áp nhơn quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài; luật đang chờ tổng thống Hoa Kỳ ban hành. Ngoài ra, Uỷ ban Tự do Tôn Giáo Toàn cầu Hoa Kỳ USCIRF năm nay đã đề nghị đưa Viêt Nam vào lại danh sách các quốc gia đáng quan ngại (CPC) vì các vi phạm trầm trọng về tư do tôn giáo.

Thượng tầng lãnh đạo, các nhóm lợi ích chỉ lo vơ vét của dân, bỏ măc nhơn dân sống cuộc đời cơ cực, mặc cho đồng bào Miền Trung chết dở sống dở trong biến cố môi trường Formosa do âm mưu diệt chủng của nhà cầm quyền Đại Hán với sự tiếp tay của đảng CSVN. Tham nhũng trở thành quốc sách từ trung ương đến địa phương; đánh chuột ông Trọng lại sợ vở bình “vì đánh tham nhũng là đánh ta”.  Hố sâu giàu nghèo mở rộng. Dân nghèo trong cảnh kiếm tiền mua gạo toát mồ hôi, mà giá hàng ngoài chợ tăng đều; đồng tiền nội tệ lại xuống giá thê thảm trong khi giá trị đồng đô la USD thì tăng lên từ khi ông Trump đắc cử, nay đã vượt quá 23.000 đồng/USD cho nên kẻ có tiền rộ lên mua giữ đô la, mua vàng. Thêm vào đó tin đổi tiền len lỏi khắp nơi. Có tin là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tăng lãi xuất, đồng đô la sẽ lại lên giá. Trong khi nhà nước bội chi quá mức, ngân sách 2016 thiếu hụt, đưa tới lạm phát. Tiền trong ngân sách không đủ trả nợ; nợ công thì tăng dần, vượt trần, GDP chay theo không kịp; nhà nước sẽ phải phát hành trái phiếu để đáo nợ, và còn phải vay ở nước ngoài. Tháng tám vừa qua, Chủ tich Quốc hội Nguyễn thi Kim Ngân được Bà Victoria Kwa Kwa người đứng đầu Ngân hàng thế giới Việt Nam cho biết khoảng vay ưu đãi cho Việt Nam sẽ chấm dứt vào giữa năm tới; trong khi quốc doanh lỗ lả, nợ vay hoàn trả, nợ xấu chồng chất.

Nền kinh tế thị trường hoang đã đã đưa nền kinh tế suy sụp khó bề cứu chữa nếu không chịu cải cách nền kinh tế song hành với dân chủ hoá đất nước. Đầu năm nay, Ngân hàng Thế Giới đã công bố bản phúc trình về lộ trình cải cách để nâng Việt Nam lên tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình cao vào năm 2035, trong báo cáo “VIETNAM 2035: Toward Prosperity, Creativity, Equity, and Democracy” (tạm dich: Việt Nam 2035: Tiến tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân Chủ), một mục cải cách liên hệ đến khuyến cáo là luật về Hội mà Quốc Hội khoá 14 cũng đã cho lùi lại. Với chánh sách bảo hộ mậu dich của TT đắc cử Trump chủ trương khai tử TPP, nền kinh tế Việt Nam sẽ lại chìm sâu trong vòng lệ thuộc không thể tách rời nền kinh tế Trung Cộng, chuẩn bị chui vào RCEP (Đối tác kinh tế Toàn diện Khu Vực mà đầu tàu là TC). Chắc thủ tướng Phúc cũng đã nhìn xa, nên đã qua triều kiến Tập Cận Bình ngày 12/09, ký ngay 09 văn kiện hơp tác với thủ tướng TC Lý Khắc Cường, trong đó Phúc xin tháo khoán tín dụng 250 triệu USD bổ sung cho dự án đường cao tốc Cát Linh Hà Đông với thiết bị và chuyên viên TC, thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” phù hợp với sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” của Tập Cận Bình cùng với sách lược tài chánh Ngân Hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB); ông Phúc cũng thuận theo ý kiến của Tập là tách riêng vấn đề tranh chấp Biển Đông ra khỏi “đại cục”, “nhằm tiếp tục sâu rộng hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.”

Một năm trôi qua, thêm một năm đồng bào kéo dài cuộc đời bất hạnh dưới chế độ độc tài toàn trị với cấp lãnh đạo tham ô, tham quyền cố vị, tranh giành, triệt hạ lẫn nhau, tiếp tục làm kiếp thừa sai cho tập đoàn cùng ý thức hệ cộng sản phương Bắc trong tham vọng bá quyền bành trướng, âm mưu Hán hóa dân tộc Việt Nam. Thế giới đang di vào năm mới, chủ nghĩa dân tuý (populism) đang hồi sanh phát động từ phong trào Brexit, tác đông manh mẽ lên các cuộc bầu cử tại các nước trong Liên hiệp Châu Âu, trước khi nhà tỷ phú Trump lồng nó vào chủ trương “America First”, trong tranh cử  tổng thống Hoa kỳ đáp ứng được lòng mong chờ của khối đông đảo dân chúng Mỹ từ lâu bị giới lãnh đạo cầm quyền bỏ quên; và Trump đã vượt xa các đối thủ trong đảng Cộng hoà, đảng Dân chủ để nắm lấy quyền lãnh đạo của siêu cường thế giới, việc thắng cử nhà tỷ phú làm ngỡ ngàng mọi giới tinh hoa. Tập Cân Bình từ lâu đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc Đại Hán sẽ phải đối đầu với tổng thống đắc cử “dân tuý kiểu Trump” đặc biệt trong các chủ đề nhạy cảm ở trong khu vực Biển Đông, ở Biển Hoa Đông và Eo Biển Đài Loan, và “kẻ cắp bà già lại sẽ găp nhau” trong vấn đề mậu dịch. Hôm 14-12-2016, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuy hơi trễ cũng xin được điện đàm với tổng thống đắc cử Trump và hai bên cũng hứa hẹn tăng cường quan hệ song phương trong các vấn đề hai nước cùng quan tâm. Tất nhiên dù là Cộng Hoà hay Dân Chủ, vì quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ sẽ không buông tay con đường huyết mạch trên 50 ngàn tỷ USD. Bất hạnh thay cho dân tộc Viêt Nam, đảng CSVN đã bán đứng di sản của tiền nhơn cho Trung Cộng. Liệu CSVN còn thì giờ để tiếp tục chánh sách đu dây?

Đảng cộng sản Việt Nam có hơn sáu thập niên hòa bình cai trị cả hai miền Nam Bắc, đã phơi bày sự bất lực đem lại phúc lợi cho đồng bào, bất lực trong sự bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như bảo vệ sự sanh tồn của dân tộc, đồng bào trong nước đang điêu tàn vì CS. Đất nước lâm nguy trước sách lược bá quyền bành trướng Phương Bắc. ĐSCVN lại khư khư bám lấy cơ chế chuyên chính vô sản dựa trên cái chủ nghĩa Mác-Lê, dựa vào lá chắn ý thức hệ đảng CSTQ. Đảng CSVN đã quay lưng trước ý nguyện của toàn dân là một cuộc Thay Đổi toàn diện, là dân chủ hóa đất nước. Toàn dân không còn ai tin tưởng ở chủ nghĩa Mac-Lê, ngay những thành phần CS cấp tiến, những cán bộ “tự diễn biến” đã thoát đảng, đã đến lúc tìm cách vứt bỏ chủ nghĩa ngoại lai, nắm bắt chủ nghĩa dân tộc tạo được sức mạnh tổng hợp toàn dân trong và ngoài nước mới mong đẩy lùi được thù trong giặc ngoài. Tin tưởng vào ý chí và lòng quyết tâm đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc, cho tiền đồ đất nước của đồng bào quốc nội là lực lượng tiền tuyến, đồng bào hải ngoại luôn giữ vai trò hậu phương yểm trợ cho chính nghĩa, để cùng nhau đưa nước nhà đến tự do, dân chủ, pháp trị phú cường, cất cánh bay cao vào thế giới văn minh, tiến bộ.

Trân trọng kính chào Đồng Bào

Bác Sĩ Mã Xái

Mùa Giáng Sinh 2016-Năm Mới 2017

Lễ Giáng Sinh

Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra đời. Theo phần lớn các tín hữu Kitô giáo, Chúa Giêsu được sinh tại Bethlehem (Bêlem) thuộc xứ Judea (Giuđêa) (ngày nay là 1 thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã, khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2.

Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là “lễ vọng” và thường thu hút nhiều người tham dự hơn. Nhiều giáo hội Chính thống giáo Đông phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregorius.

Theo lịch phụng vụ Công giáo, trước lễ Giáng Sinh là 4 tuần Mùa Vọng, và sau lễ Giáng Sinh là Mùa Giáng sinh (“12 ngày mùa Giáng Sinh”).

Tên gọi

Noel (phiên âm tiếng Việt: Nô-en hoặc No-en), từ tiếng Pháp Noël, dạng cổ hơn là Naël, có gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs) có nghĩa là “(ngày) sinh”. Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Noel xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Hebrewnghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, được chép trong sách Phúc âm Matthêu.

Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Chữ Christ là tước hiệu của Chúa Giêsu, còn chữ Mas nghĩa là thánh lễ. Do đó Christmas theo nghĩa chiết tự là “(ngày) lễ của Đức Kitô”. Chữ Christ bắt nguồn và được viết trong tiếng Hy Lạp là Χριστός (Khristós, phiên âm Việt là “Ki-tô” hoặc “Cơ-đốc”, có nghĩa là Đấng được xức dầu), mở đầu bằng chữ cái “Χ” (Chi) nên Christmas còn được viết tắt là Xmas.

Lịch sử

Ngay từ thời kỳ Kitô giáo sơ khởi, dù ban đầu Giáo hội chưa cử hành lễ mừng kính sự giáng sinh của Đức Giêsu nhưng ngày 25 tháng 12 đã được coi là sinh nhật Đức Giêsu bởi Irenaeus, Hippolytus thành Roma và Sextus Julius Africanus. Bên cạnh đó có các suy đoán khác, Clemens thành Alexandria đề cập đến một số ngày được người ta đưa ra như 20 tháng 5.

Trong nhiều thế kỷ, những sử gia Kitô giáo chấp nhận ngày 25 tháng 12 này. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, các học giả bắt đầu đề xuất các cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng lễ Giáng sinh được chọn vào ngày Đông chí – mà theo lịch thời đó rơi vào ngày 25 tháng 12 – bởi vì với các Kitô hữu, Đức Giêsu chính là “Mặt trời công chính” đã được tiên tri trong Malachi 4:2. Năm 1743, một người Đức theo Kháng Cách, Paul Ernst Jablonski cho rằng lễ Giáng sinh được chọn vào ngày 25 tháng 12 là để tương ứng với lễ hội tôn vinh mặt trời Dies Natalis Solis Invicti của người La Mã, ông xem việc này là một sự “ngoại giáo” hóa đã làm tha hóa Giáo hội đích thực. Tuy nhiên có quan điểm ngược lại cho rằng chính lễ hội Dies Natalis Solis Invicti được Hoàng đế Aurelianus thiết lập vào năm 274 hầu như là một nỗ lực nhằm tạo ra một ngày lễ ngoại giáo thay thế cho một ngày vốn đã có ý nghĩa với các Kitô hữu ở Rôma. Năm 1889, học giả Pháp Louis Duchesne cho rằng thời điểm được chọn là ngày Giáng sinh được tính bằng 9 tháng sau sự kiện Truyền tin, ngày Đức Giêsu được hoài thai; truyền thống có từ rất sớm trong Giáo hội liên kết sự chết và sự nhập thể của Đức Giêsu với nhau, theo đó hai sự kiện này rơi vào cùng một ngày trong niên lịch: 25 tháng 3 theo cách tính của Tây phương hoặc 6 tháng 4 theo cách tính của Đông phương. Do vậy, việc ấn định 25 tháng 12 là ngày Giáng sinh không chịu ảnh hưởng từ ngoại giáo, đến khi Hoàng đế Aurelianus muốn biến ngày này thành ngoại giáo thì tới lượt các Kitô hữu tái thích ứng ngày này thành ngày lễ cử hành mừng sinh nhật Đấng Kitô.

Biểu tượng Giáng Sinh

Vòng lá mùa Vọng

Vòng lá mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí – dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Lutheran ở Đức vào năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ và 4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng sinh được đốt thêm một cây nến.

Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách sự sống vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím – màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday). Hoặc 4 cây nến đỏ, cứ mỗi tuần mùa Vọng đốt 1 cây nến.

Ngoài ra, tại phương Tây, thường có một lịch mùa Vọng là một lịch đặc biệt được sử dụng để đếm hoặc kỷ niệm những ngày chờ đợi đến lễ Giáng sinh.

 Hang đá và máng cỏ

Vào mùa Giáng sinh, một máng cỏ được đặt trong hang đá (có thể làm bằng gỗ, giấy), được dựng lên trong nhà hay ngoài trời, với các hình tượng Chúa Giê-su, Mẹ Maria, Thánh Giu-se, xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ. Bên trên thường có gắn một ngôi sao, biểu trưng cho ngôi sao đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến diện kiến Chúa Giáng sinh.

Cây Giáng sinh

Cây Giáng Sinh là cây xanh thường là cây thông được trang hoàng để trình bày trong dịp lễ Giáng Sinh theo phong tục của người Kitô giáo.

Thiệp Giáng sinh

Bắt nguồn từ năm 1843 khi ông Henry Cole (1808 – 1882), một thương gia giàu có nước Anh, đã nhờ John Callcott Horsley (1817 – 1903), một họa sĩ ở Luân Đôn, thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Vào Noel năm đó, Horsley trình làng tấm thiệp đầu tiên trên thế giới và sau đó nó đã in ra 1000 bản. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Chính phủ Anh thông qua đạo luật năm 1846 cho phép bất kỳ người dân nào gửi thư đến bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.

Quà Giáng sinh

Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bè bạn. Đối với một số người, những món quà Giáng Sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giê-su, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.

Khi Chúa Giê-su cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba nhà thông thái (hay nhà chiêm tinh, theo truyền thống cũng là ba vị vua) từ phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng có ý nói Chúa Giêsu là vua, nhũ hương để tuyên xưng Giêsu là Thiên Chúa và mộc dược tiên báo cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại.

Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Giêsu hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.

Theo truyền thuyết xưa, Ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc bít tất (vớ).

Chợ Giáng sinh

Chợ Giáng sinh là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh (thường bắt đầu khoảng 1 tháng trước Lễ Giáng sinh) có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp. Bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ (khoảng thế kỷ 14), cho đến nay chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông bắc Pháp trong dịp Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Lễ Giáng Sinh ở các nước

Châu Âu

Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, ngày lễ Giáng Sinh vào hai ngày 25 và 26 tháng 12 là ngày nghỉ lễ chính thức có trả lương cho tất cả người lao động. Đối với người châu Âu, theo truyền thống Giáng sinh trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm,  khi những người con đi làm xa về thăm lại gia đình. Sau buổi thánh lễ vào chiều ngày 24 tháng 12, thường được nối tiếp là một bữa ăn tối chung trong gia đình và trao quà vào lúc nửa đêm; từ buổi chiều là ngoài đường gần như không còn người qua lại. Sáng ngày 25 tháng 12, thường là cả gia đình cùng đi nhà thờ dự thánh lễ.

Hà Lan

Cũng như các quốc gia Tây Âu khác, tại Hà Lan không khí lễ hội bắt đầu từ mùa Vọng, đặc biệt là từ đêm 6 tháng 12, đêm thánh Nicolas. Món quà của thánh Nicolas tặng cho ba chị em nghèo khổ qua chiếc ống khói và phong tục treo tất ở ống khói có thể được bắt nguồn từ câu chuyện này. Theo truyền thuyết, mỗi năm vị Thánh bổn mạng ở Amsterdam này đi thuyền tới thành phố với người cộng sự của mình là Black Peter ăn mặc như một người Moor. Họ được đón chào nồng nhiệt. Mọi người trao đổi quà với nhau và họ náo nức chuẩn bị cho mùa Giáng sinh.

Hoa Kỳ

Giáng Sinh là ngày lễ lớn nhất ở Hoa Kỳ, tương tự với Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, đều nhấn mạnh đến ý nghĩa sum họp gia đình. Sau lễ Tạ ơn vào Thứ Năm cuối cùng của tháng 11, dân chúng lẫn những nơi buôn bán bắt đầu chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.

Hungary

Theo truyền thống, các gia đình Hung vẫn ăn chay cho đến hết ngày 24 tháng 12 và bữa chay tối chung ngày 24 tháng 12 của cả gia đình được chuẩn bị chu đáo với các món táo, hạnh nhân, mật ong và tỏi, các loại ngũ cốc, kèm xúp đậu nấu với bơ, sau này khi tục lệ ăn chay được nới lỏng, họ có thể thêm món súp cá hoặc bắp cải nhồi thịt. Cũng theo phong tục, bà chủ nhà không được rời bàn tiệc trong suốt buổi ăn và mọi người đứng ăn, và rơm được đặt dưới bàn để tưởng nhớ sự tích Chúa Giêsu ra đời trong máng cỏ.

Nga

Đối với những người theo Chính thống giáo Nga, nhiều nước Đông Âu và ở đất thánh Jerusalem, Giáng sinh rơi vào ngày 7 tháng 1 bởi họ dùng lịch Julius chứ không dùng lịch Gregorius có từ thế kỷ 16. Ông già Tuyết trong ngày Giáng sinh theo Chính thống giáo Nga có vẻ ngoài tương tự như “đồng nghiệp” ở phương Tây nhưng mặc áo màu xanh và có một người cháu đi theo trợ giúp là Công chúa Tuyết. Công chúa là người trao quà cho trẻ em. Với nhiều người Nga, lý do chính để ăn mừng Giáng sinh không phải bản thân ngày lễ này, mà đây là dịp để nghỉ ngơi.

Nhật Bản

Nhật Bản không có ngày nghỉ lễ Giáng Sinh chính thức. Giáng Sinh ở Nhật Bản không mang nhiều màu sắc tôn giáo. Từ đầu tháng 12, phố xá đã bắt đầu treo đèn trang trí. Các trung tâm lớn ở Tokyo như ga Tokyo, Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya, Roppongi, Ginza v.v. đều treo đèn gọi là illumination rất đẹp. Đặc biệt nổi tiếng có lẽ là hành lang đèn có tên “Tokyo Millenario” do đạo diễn mỹ thuật người Ý tên là Valerio Festi thiết kế chạy dài 800 m tại Marunouchi gần ga Tokyo.

Gần đến ngày Giáng Sinh tại các quảng trường đều có đặt cây thông. Các siêu thị bán nhiều mặt hàng cho lễ Giáng Sinh như giày ủng đỏ đựng đầy bánh kẹo bên trong, các vòng lá thông gắn băng lụa đỏ và chuông mạ vàng, có cả bánh ngọt mùa Giáng Sinh của châu Âu như panettone có xuất xứ từ Italia. Một số nhân viên bán hàng hóa trang thành ông già Noel khi phục vụ khách hàng. Các cửa hàng bách hóa lớn (department stores) mở cửa đến 11 giờ đêm, làm việc cả 31 tháng 12 và 1 tháng 1. Trai gái thường lấy mùa Giáng Sinh để tỏ tình, tặng quà nhau mang ý nghĩa đặc biệt. Vào đêm Giáng Sinh các gia đình Nhật thường ăn bánh ngọt mùa Giáng Sinh do họ tự làm hoặc mua ở hiệu.

Việt Nam

Ngày nay, ở Việt Nam, dù không phải là ngày nghỉ chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Một số công ty, tổ chức tư nhân có thể cho nhân viên nghỉ trong ngày Giáng sinh. Trong những ngày này, cây thông Nô-en được trang trí ở nhiều nơi, có thể là cây nhân tạo làm bằng nhựa, hoặc cây thật thường là thông ba lá hoặc thông đuôi ngựa, trong khi ở các nước phương tây dùng đa dạng các loài thông, vân sam, lãnh sam. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây.

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp. Trong đêm Giáng Sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke,… và đặc biệt là những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình. Người Việt Nam rất thích thú các ca khúc Giáng sinh.

Nguồn : wikipea

 

Phong tục tập quán ngày Tết Dương Lịch của các nước

Tết dương lịch sắp tới rồi, mỗi nước sẽ có cách đón Tết khác nhau. Hãy cùng xem những phong tục độc đáo vào Tết dương lịch tại các nước khác nhau ra sao.

1. Nhật

Do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Nhật từ lâu đã không đón tết theo thời gian âm lịch như một số nước châu Á khác. Trong tâm linh người Nhật đã coi tết dương lịch là ngày lễ tết chính. Trong buổi sáng tinh mơ ngày đầu năm, mọi thành viên trong các gia đình người Nhật cùng nhau đổ ra đường để chào đón bình minh đầu tiên của năm mới. Sau đó, mọi người rủ nhau lên chùa để bái Phật, cầu nguyện hoặc đến nhà người thân, bạn bè để chúc tết nhau. Trong ngày này, các gia đình đều làm lễ đón mừng năm mới (Oshogatsu). Trên mâm cỗ của người Nhật, các món ăn vô cùng phong phú, được bày trí tỉ mỉ, đẹp mắt.

Osechi – món ăn ngày Tết của Nhật Bản sau khi cúng thần năm mới.

Đầu tiên là rượu mừng năm mới (otoso) trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ. Tiếp đến là món ăn ngày Tết (osechi) sau khi cúng Thần năm mới. Mọi người ăn uống và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ba ngày đầu từ ngày 1 đến ngày 3/1 được coi là 3 ngày đặc biệt, thiêng liêng nhất của tết dương lịch. Trong 3 ngày này người Nhật có tục ăn chay để tỏ lòng thành kính với thần phật, tổ tiên, cầu khấn cho một năm mới đại cát đại lợi. Ngoài ra, giống như ngày tết của Việt Nam, người Nhật vẫn lưu giữ tục lệ mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè sau lễ đón Giao thừa năm mới. Điều đáng lưu ý, theo phong tục, tập quán lưu truyền từ trước thì việc tặng quà hay mừng tuổi ngày Tết ở Nhật Bản không bị “nặng nề” vì giá trị vật chất mà chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, tình cảm, đạo lý ứng xử…

2. Pháp

Người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc.

Có câu nói: “người Pháp dùng rượu để chào đón năm mới”. Tại sao lại nói như vậy? Vì người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc. Người Pháp quan niệm, vào ngày tết phải uống cạn tất cả rượu mà họ có, làm như vậy thì trong năm mới sẽ được vạn sự như ý. Nếu như uống rượu vẫn còn, trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi. Ngoài ra, trong ngày đầu năm mới người Pháp thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, đây sẽ là một năm bình an và thời tiết thì nóng bức. Nếu gió Tây thổi, sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và những người nuôi bò sữa. Nếu gió Đông thổi, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng thất bát.

3. Anh

Một ngày trước tết Dương lịch, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ trong nhà, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Người Anh cho rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ. Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục “lấy nước đầu năm mới”. Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người đầu tiên múc được gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm. Vào đêm giao thừa, người Anh thường mang theo bánh ngọt và rượu đi thăm hỏi người thân, bạn bè, tuy nhiên, những người khách sẽ không gõ cửa mà đi thẳng vào bên trong. Người Anh cho rằng, sau khi chuông báo nửa đêm chuyển sang năm mới, người đầu tiên đặt chân vào nhà là một người đàn ông có mái tóc đen hoặc là một người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có sẽ mang đến cho chủ nhà một năm mới đại cát đại lợi. Nếu người đầu tiên là một người phụ nữ có mái tóc màu vàng bạch kim hoặc một người ưu buồn, nghèo khổ, bất hạnh, điều này báo hiệu chủ nhà sẽ có một năm xui rủi, gặp nhiều khó khăn và tai họa. Khi đến làm khách ở nhà người Anh trong đêm giao thừa, trước khi mở đầu câu chuyện, việc đầu tiên bạn cần làm là đi đến lò sưởi cơi than đốt lò. Đây là việc làm thể hiện sự chúc phúc đối với chủ nhà với ý nghĩa “khai môn đại cát”.

4. Scotland

Đêm trước ngày tết dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy. Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc, ý nghĩa là “nhìn thấy phát tài”.

5. Đức

Trong thời gian mừng đón tết dương lịch, người Đức đều đặt một cây lãnh sam và gắn đầy những bông hoa bằng gấm len, vừa để báo hiệu tiết xuân phủ khắp đất trời vừa mang ý sung túc. Một phút trước khi bước sang năm mới, mọi người đều leo lên đứng trên một chiếc ghế, khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm 12 giờ, tất cả lập tức nhảy xuống ghế và vội vã ném một vật nặng ra phía sau ghế với ý nghĩa ném đi những tai họa, xui rủi của năm cũ, tiến nhanh vào năm mới. Ở vùng nông thôn của Đức vẫn còn lưu truyền phong tục mừng năm mới khá thú vị là tục “thi trèo cây”, ý nghĩa là mỗi năm mỗi tiến cao hơn, phát triển hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

6. Bulgari

Ở Bulgari, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm.

Sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới. Ngoài ra, khi dùng tiệc đầu măm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.

7. Hungary

Trong ngày tết dương lịch, người Hungary cấm kỵ ăn gia cầm và các loại cá. Giữa bạn bè thân thiết, người ta thường tặng cho nhau một chú heo con và bức tượng bằng sứ hình người lao công dọn ống khói để biểu thị lời chúc phúc tốt đẹp.

8. Tây Ban Nha

Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng lẫn nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu nửa đêm, cũng là thời khắc chuyển qua năm mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho. Nếu có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, bạn sẽ là người may mắn vì suốt 12 tháng trong năm tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn. ở Tây Ban Nha, điều cấm kỵ nhất đối với trẻ con trong ngày tết dương lịch là không được mắng chửi người khác, đánh nhau và khóc lóc. Người Tây Ban Nha cho rằng, đây là điềm báo hiệu những chuyện không tốt lành. Cho nên, trong ngày này, người lớn luôn đáp ứng yêu cầu của trẻ nhỏ để chúng được hài lòng và luôn vui vẻ. Ngoài ra, người Tây Ban Nha trong ngày tết dương lịch đều đeo một đồng tiền bằng vàng hoặc bằng đồng để biểu thị cho sự may mắn, cát tường.

9. Bỉ

Vùng nông thôn ở Bỉ vẫn còn giữ một phong tục rất thú vị là “chúc tết vật nuôi”. Vào buổi sáng sớm ngày tết dương lịch, việc làm đầu tiên là mọi người đi đến bên các con vật nuôi như bò, ngựa, dê, cừu, chó, mèo… và giả vờ như đang muốn thông báo đến chúng: “năm mới đến rồi, chúc vui vẻ”.

10. Argentina

Nước được người Argentina xem là thứ “thánh khiết” nhất trong vạn vật. Do vậy, trong ngày tết dương lịch, nhà nhà người người lũ lượt kéo nhau ra sông để “tắm mừng năm mới”. Trước lúc xuống nước, người ta rải những cánh hoa tươi trên mặt sông. Sau đó, mọi người cùng cười vang và nhảy ùa xuống sông để tắm gội. Họ dùng những cánh hoa tươi chà sát lên thân thể để tẩy rửa những ô uế, xấu xa của năm cũ và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới.

11. Ai Cập

Người Ai Cập lấy nước sông Nile dâng cao nhất làm ngày bắt đầu năm mới, gọi là “năm mới nước lên”. Tại một số địa phương của Ai Cập, vào ngày tết dương lịch, thường phải cúng các loại hạt thu hoạch được như hạt đậu tương (đậu nành), đậu cô-ve, hạt linh lăng tím và lúa mì…. Ngoài ra còn có mầm cây tươi của một số loài thực khác để tượng trưng cho sự sung túc, dư giả. Người Ai Cập quan niệm, cúng thần linh càng nhiều lễ vật, mùa màng trong năm mới sẽ thu hoạch càng nhiều.

12. Ấn Độ

Ngày tết Dương lịch ở Ấn Độ gọi là “ngày tết đau khổ” hoặc gọi là “ngày tết cấm thực”. Ngay ngày đầu tiên của năm mới, mọi người không được tức giận, càng không được phép nổi cáu, cãi cọ với người khác. Ở một số nơi, ngày tết không những không chúc phúc nhau mà còn ôm nhau khóc thảm thiết. Họ quan niệm rằng, mỗi khi năm mới bắt đầu, tuổi thọ lại mất đi, đời người càng thêm ngắn ngủi, tiếng khóc là để bày tỏ sự xót thương, than thở cho bản thân. Có nơi, người ta sẽ nhịn ăn một ngày một đêm để chào năm mới. Thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh ngày đầu tiên của năm mới cho đến nửa đêm.

13. Pakistan

Trong ngày đầu tiên của năm mới, mỗi người Pakistan khi bước ra đường trên tay đều cầm bịch bột màu đỏ. Gặp người thân, bạn bè, sau khi đã chào hỏi, chúc mừng năm mới, mọi người liền quệt một vệt phấn đỏ trên trán người đối diện để thể hiện lời chúc năm mới như ý cát tường.

14. Afghanistan

Những người dân ở miền bắc Afghanistan, mỗi khi tết đến đều tổ chức cuộc thi săn dê núi rất náo nhiệt như một cách để chào mừng năm mới. Hai đội thi tranh nhau các con thú săn, cuộc đua tranh vô cùng cẳng thăng và kịch liệt nhưng cũng rất vui vẻ, hào hứng.

15. Brazil

Với người brazil, trong ngày tết dương lịch, mọi người tay cầm đuốc, lũ lượt trèo lên các ngọn núi cao. Họ tranh nhau tìm hái trái bu-lô vàng, một loại trái tượng trưng cho hạnh phúc. Chỉ có những người không ngại nguy hiểm, gian nan mới có thể tìm được loại quả quý hiếm này. Họ gọi đây là cuộc “tìm kiếm hạnh phúc”. “Tục kéo lỗ tai” cũng là phong tục khá độc đáo trong ngày tết Dương lịch ở vùng nông thôn Brazil. Mọi người khi gặp nhau vào ngày tết liền nắm lấy vành tai của người đối diện và kéo mạnh một cái để bày tỏ sự chúc phúc.

16. Mexico

Tại một số vùng miền ở Mexico khi năm mới đến có tục lệ cấm cười. Người dân ở những vùng này chia một năm thành 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày. Trong ngày cuối cùng của năm, tất cả mọi người đều không được phép cười đùa.

17. Paraguay

Người Paraguay quy định năm ngày cuối cùng của năm là “ngày hàn thực”. Trong năm ngày này, từ nguyên thủ quốc gia, đến mọi dân thường đều không được nhóm lửa, đốt lò, chỉ có thể ăn đồ nguội, thức ăn đã làm sẵn từ trước. Đến ngày tết Dương lịch 1/1 mới được phép nhóm lò nấu bếp để cầu chúc một năm mới ấm no, tốt lành.

http://khoahoc.tv/phong-tuc-tap-quan-ngay-tet-duong-lich-cua-cac-nuoc-67887

 

 

Nhìn lại Thượng đỉnh APEC-2016 lần thứ 24 và chánh sách bảo hộ mậu dịch của tân Tổng thống Trump – Bác sĩ Mã Xái

Lãnh đạo 21 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương lại gặp nhau tại Lima (Perou) trong hạ tuần tháng 11 /2016 chủ yếu để thảo luận về thương mãi và các vấn đề kinh tế, nhưng năm nay hội nghị lại hăm hở đi vào môt nghị trình sôi nổi hơn về vị tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa đắc cử với chánh sách bảo hộ mậu dịch đang tác động mạnh mẽ trên nền kinh tế thế giới và trong chánh trường nước Mỹ. Tiếc thay ông không xuất hiện tại hội nghị dù Hoa Kỳ là thành viên APEC, lẽ dễ hiểu ông sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20-01-2016. Trái lại TT Obama từ chuyến công du Âu Châu cũng bay thẳng về kịp phó hội để phân trần lần chót với các thành viên TPP về việc ông Trump khoá sổ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương; ông Obama cũng  có dịp bắt tay lần cuối với các đối thủ Tập Cận Bình và Putin.

Thông cáo chung bế mạc Diễn Đàn Hợp tác Kinh  tế Á Châu hôm 21/11/2016 tại Lima được RFI /Reuters trích dẫn: APEC quyết tâm chống bảo hộ mậu dịch “Dù không trực tiếp nhắc đến tên, nhưng thông cáo chung Thượng đỉnh APEC thực ra là một thông điệp mà các bên gởi đến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump. Sau khi xem xét tình hình kinh tế thế giới với tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế- bà Christine Lagarde, lãnh đạo 21 thành viên có mặt tại thủ đô Lima nhấn mạnh đến quyết tâm chống lại các biện pháp bảo hộ đang làm suy yếu trao đổi mậu dịch, kiềm hãm những tiến bộ và là một lối lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Đại diện cho 40% dân số và 60% cho các luồng giao thương của thế giới, APEC cũng quyết định không phá giá đồng tiền vì mục tiêu cạnh tranh.

Diễn Đàn APEC diễn ra trong bối cảnh mà chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ và Âu Châu đang lan rộng cũng như xu hướng chống đối tiến trình toàn cầu hoá cũng lên cao như vụ BREXIT, hịệp định  EU-Canada CETA, TTIP cũng bế tắc. Tại Mỹ, cử tri  một phần ủng hộ ông Trump vì ông quyết tâm khoá sổ TPP cho rằng nó sẽ cướp công ăn việc làm của họ, ông cũng hứa sẽ xét lại hiệp định NAFTA; ông chỉ trích mạnh mẽ Trung Cộng là nước thao túng tiền tệ, rằng chánh sách công nghệ của TC đặt công ty Mỹ và ngoại quốc vào thế bất lợi, không tạo sân chơi bình đẳng; TC miệng nói theo chánh sách tự do mậu dịch nhưng lại không tôn trọng sự bình đẳng và chuẩn mực xã hội; ăn cắp công ăn việc làm của lao động Mỹ, ăn cấp công nghệ Hoa Kỳ; và hằng triệu di dân bất hợp pháp giành hết việc. Ông nói đi nói lại nhiều lần với nhơn dân “Nước Mỹ Trước hết” (America First) : “Chánh sách ngoại giao của tôi đặt quyền lợi của dân chúng Mỹ, và an ninh của người Mỹ lên trên tất cả. Đó là nền tảng cho  mọi quyết định…” cho mọi chánh sách. Không biết ông Trump có định quay trở lại chủ nghĩa biệt lập (Isolationism) không còn muốn  giữ cam kết liên minh hay hợp tác với đồng minh, đối tác? Phải chăng vì lẽ đó mà ông Thủ tướng Nhựt bổn Abé đã chủ động sớm thăm tân TT Trump tại Mỹ. Chắc không phải vậy; ông nói “Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các nước khác sẵn sàng đi cùng với chúng ta; chúng ta đối xử công bằng với mọi người, với tất cả mọi quốc gia.” Ông cũng vạch ra những việc phải làm trong bài phát biểu ngay sau khi đắc cử để “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again”), một tiêu ngữ mà ông dùng suốt trong cuộc vận động.

Trung Cộng thắng lớn tại Thượng đỉnh APEC-2016

Tại Thượng đỉnh Lima Tập Cận Bình không dấu diếm tham vọng nắm quyền lãnh đạo độc tôn thương mãi tự do tại Châu Á. Diễn đàn APEC bế mạc hôm Chúa nhựt 20/11/2016, Tập Cận Bình kêu gọi phối hợp các nỗ lực nhằm hướng tới xây dựng Khu vực Thương mại tự do Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP=Free Trade Area of the Asia-Pacific) trong bối cảnh tân TT Trump dứt khoát khai tử TPP như Trump đã nói, “Thay vào đó, chúng tôi sẽ đàm phán, giao dịch thương mại song phương công bằng mang lại công ăn việc làm và ngành công nghiệp trở lại vào bờ biển nước Mỹ” (#5). Việc ông Tập quảng bá một viễn ảnh khác đối với thương mại khu vực tại thượng đỉnh Lima không phải là điều mới lạ; đàm phán Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu Vực RCEP đã chính thức ra mắt tháng 11 năm 2012 tại Hội Nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia gồm 16 quốc gia thành viên nhưng không có Hoa Kỳ (6) do TC dẫn đầu, hiện nay được xem như đang mở ra lộ trình dẫn tới FTAAP giúp cường quốc kinh tế số hai thủ vai thuyền trưởng trong tương lai thương mãi của Châu Á-Thái Bình Dương, trong kế hoạch cũng cố và mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chánh trị như thành lập  các định chế Ngân Hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB=Asian Infratructure  Investment Bank), Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp Hành động và các Biện pháp Xây Dựng Lòng Tin ở Châu Á (CICA), và xây dựng các hành lang kinh tế Trung quốc-Pakistan (CPEC- China-Pakistan Economic Corridor); hành lang này được coi như là một phần mở rộng tham vọng “Một Vành Đai Một Con Đường (OBOR= One Belt, One Road) của Trung Cộng chạy xuyên qua lục địa Âu-Á, nối kết TC với Trung Đông và Châu Âu. Trong tám năm qua, Obama không dám hở môi khi Bắc kinh liên tiếp việt vị, lấn lướt trên sân chơi kinh tế Mỹ -Trung và giờ đây Trump tự động rút TPP ra khỏi sân chơi, điều mà Trung Cộng rình rập từ lâu, cơ hội đã đến để Trung Cộng “điền vào chỗ trống cho đủ nghĩa”, vào khoảng “chân không” của Khu vực, dịp may ngàn năm một thuở. Âu Mỹ càng mở rộng khu vực bảo hộ mậu dịch càng tạo cơ hội cho Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng tới vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Suốt chiến dịch tranh cử, ông giáng những đòn đe doạ chí tử lên Bắc Kinh làm nhiều nhà phân tích cho là Obama trước khi ra đi đã dọn sẵn cho Trump một cuộc chiến thương mại không khoan nhượng với Bắc Kinh; một tờ báo nhà nước TC trích lời của Tập: Trump nên thận trọng trong ý định phát động cuộc chiến tranh thương mại chống TC bởi điều này chắc chắn sẽ gây bất ổn đến trật tự thế giới hiện đại. Nhắc lại lời chúc mừng Trump thắng cử, qua cuộc điện đàm giữa hai cường quốc thế giới ngày 14/11/2016, Tập nhắc khéo “ Thực tế chứng minh rằng hợp tác là sự chọn lựa đúng đắng nhứt trong quan hệ Mỹ Trung. Hợp tác để bảo đảm phát triển kinh tế của hai quốc gia và toàn thế giới. Trump đáp: “Tin tưởng Mỹ và Trung Quốc cùng xây dựng mối quan hệ vững chắc trong tương lai”.

Nhưng với nền kinh tế thị trường hoang dã trong một chế độ độc tài, toàn trị liệu Tâp có thực hiện nổi Giấc Mộng Trung Hoa khi tình hình kinh tế Bắc Kinh trên đường suy thoái, tăng trưởng chậm lại, khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS=Bank of International Settlement) đã cảnh báo TC có thể bị khủng hoảng tài chánh trong vòng ba năm tới và nhà kinh tế  lừng danh Hoa Kỳ Paul Krugman chuyên về thương mại quốc tế (đươc giải Nobel Memorial Prize in Economic Science) trong cuôc phỏng vấn dành cho đài VOA, sau khi ông thuyết trình tại Peterson Institute for International Economics tại Washington hôm 17/11/2016, cảnh báo về tai ương kinh tế cho tương lai TC; ông nói “Trung Quốc trong năm 2016 trông giống Nhựt bổn trong năm 1989 ngay trước khi Tokyo rơi vào thời kỳ  dai dẳng của cuộc khủng hoảng tài chánh mang tên  “thập kỷ mất mát” (lost decade). Sự suy thoái sắp đến của kinh tế TC và tác động của nó sẽ có hiệu ứng dây chuyền lên kinh tế toàn cầu sẽ là vấn đề đáng quan tâm vì khi tai ương xẩy ra, cộng đồng thể giới không thể cứu  nổi như cách Hoa Kỳ đã làm là đẩy mạnh chương trình “bank bail out“, tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chánh 2007-2008. Nhưng trước mắt, nội tình bất ổn chính trị xã hội kinh tế TC còn đáng quan tâm không kém!

Putin thiếu vắng Trump trong thượng đỉnh APEC.

Tổng thống Putin từng công khai mong muốn sự chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử; Putin cũng cho biết Trump sẽ hàn gắn mối bang giao Nga-Mỹ vốn căng thẳng trong nhiệm kỳ của Obama sau khi Putin chiếm Crimea và vi phạm nhiều lần thoả thuận Minsk, tiếp theo sự trừng phạt của Hoa Kỳ và Tây Phương. Nguồn tin khá chỏi tai là Trump còn ủng hộ Nga trong vụ giải quyết cuộc nội chiến Syria, và ủng hộ nhà độc tài Assad. Trump trong lúc tranh cử còn tuyên bố sẽ không bảo vệ miễn phí cho thành viên NATO khi bị xâm lược (!) trái với điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, và than phiền Hoa Kỳ chi phí quá nhiều cho hiệp ước; cũng may qua điện đàm ngày 18-11-2016 Tổng thơ ký NATO ông Stoltenberg và tân TT Trump cam kết “tầm quan trọng lâu dài của liên minh. Quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai sẽ đi về đâu khi nhà tỷ phú sẽ phải đương đầu với một tổng thống có thành tích vừa độc tài vừa đạo tặc và quá nhiều tham vọng, đi  ngược quyền lợi  của Hoa Kỳ và Tây phương.

Cột trụ TPP ngả, Trump đẩy ASEAN vào tay họ Tập; ”Xoay trục” sẽ đi về đâu?

Tại thượng đỉnh APEC, Tâp Cận Bình  đã tiếp xúc  với lãnh đạo Việt Nam Philippines, Malaysia. Gặp riêng ông Trần Đại Quang, Tân Hoa Xã cho biết  ông Tập nhắc nhở Việt Nam “nên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn song phương, gác lại các dị biệt để tham gia phát triển chung và xử lý phù hợp các vấn đề nhằm duy trì hoà binh và bình yên trong khu vực”. Ông cũng đề nghị như vậy với  Duterte. Tập cũng đồng ý với Duterte đặt bãi cạn Scarborough là khu “bảo tồn biển”, một biện pháp giữ thể diện đôi bên; nhưng Bắc Kinh nói đi rồi nói lại, hôm 22/11/2016 phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng lại tuyên bố bãi cạn Scarborough vẫn  thuộc chủ quyền của Hoa Lục. Philippines là khâu quan trọng chiến lược “tái cân bằng” và Scarborough giữ vị trí địa chiến lược quan trọng cho lưu thông, cho tự do hàng hải trên con đường huyết mạch ở Biển Đông. Bất ngờ TT Duterte tuyên bố “chia tay” với người đồng minh kỳ cựu Hoa Kỳ, lại ve vảng để kiếm chỗ dựa mới với phương Bắc. Tại thượng đỉnh APEC, ông Duterte vồn vã khen Putin là thần tượng, một nhà lãnh đạo tầm cỡ, hơn hẳng TT Obama; và còn cho bàng dân thiên hạ biết nếu như Nga và Trung Cộng thành lập một trật trự mới trên thế giới thì Philippines xin xếp hàng theo sau.  Thủ tướng Abe của một cường quốc kinh tế quân sự Đông Bắc Á cũng đã cam kết với chủ tịch VC Trần Đại Quang hôm 20/11/2016 giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán hoà bình, theo đúng luật pháp quốc tế, và ông Abe cho Quang biết Tokyo đang xúc tiến các bước chuẩn bị cung cấp tàu tuần tra cho Hà Nội. Trong khi đó, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi điều trần trước quốc hội cho biết nội các ông đã có con đường thay thế TPP trong chánh sách quan hệ ngoại giao đa phương, đa dạng, nhưng con đường lệ thuộc Thành đô sẽ được củng cố với cánh bảo thủ Nguyễn Phú Trọng; VC đã là thành viên của RCEP, của AIIB.

Trước khi đến Lima phó hội, Abé đã chủ động đi gặp TT tân cử Trump 17/11/2016 tại nhà Trump Tower ở New York và  sau đó tuyên bố Trump “rất đáng tin cậy”; một cố vấn của Trump cho biết những lo lắng của Tokyo về các tuyên bố của Trump trong lúc tranh cử không có cơ sở. Ngay sau khi ông Trump tuyên bố khai tử TPP ngày nhậm chức, ông Abe lại nói TPP không còn có ý nghĩa gì nếu không có Mỹ. Trước đó hai hôm 15/11/2016, Đô đốc Harry Harris, Tư lịnh của bộ Tư lịnh Bộ tư lịnh Thái Bình Dương Mỹ lại mạnh mẽ tuyên bố dù chánh phủ Mỹ mới lên có những thay đổi, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy cam kết đối với các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn độ Dương và châu Á -Thái Bình Dương, và Mỹ sẽ triển khai hành động quân sự và chiến thắng khi cần thiết.  Lầu Năm Góc nhiều lần bất mãn với thái độ nhân nhượng của Obama trước các động thái hung hãn của TC trong khu vực; ông Trump cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng, nhứt là trong lãnh vực hải quân, hi vọng ông sẽ cứng rắn hơn vị  tổng thổng tiền nhiệm quá nhân nhượng để TC lấn chiếm gần hết Biển Đông. Đảng Cộng hoà nắm đa số hai viện Quốc Hội vì quyền lợi kinh tế chánh trị của Hoa Kỳ sẽ không buông tay ở Đông Nam Á và sẽ ủng hộ đề nghị gia tăng chi phí quốc phòng dù rằng tiềm năng quân sự hiện tại vẫn ưu việt và ở tư thế bá chủ trên hai đại dương (Thái Binh Dương và Ấn Đô Dương).

Tạm Kết:

Hiện tượng Donal Trump như đang cộng hưởng với phong trào dân tuý đang trỗi dậy ở Âu Châu đánh dấu một bước ngoặt đang làm thay đổi bối cảnh chánh trị trên thế giới, điển hình từ vụ Brexit ở nước Anh nay là tại Mỹ. Suốt trong những ngày vận động tranh cử, tiếng nói của ông đập mạnh vào tâm khảm cử tri, khơi dậy nổi bất bình của một đa số đang bị bỏ quên đặc biệt là do từng lớp lãnh đạo, những nhóm đặc quyền đặc lợi, càng ngày càng đe doạ đến sự sống còn của họ, mà theo ông Tổng thơ ký LHQ Ban-Kimoon ở Âu Châu cả Mỹ châu do những nguyên nhân có liên quan đến sự bất bất bình đẳng kinh tế đưa tới sự trổi dậy của chủ nghĩa dân tộc (hiểu theo nghĩa nationalism) và chủ nghĩa dân tuý (populism).

Người dân muốn có sự thay đổi. Dân chúng Hoa Kỳ đang chờ xem vị tân tổng thống tỷ phú có thực hiện được “ngôn hành hợp nhứt” với chủ trương “Nước Mỹ Trước hết”, “Hãy làm cho Nước Mỹ vĩ đại trờ lại”

Lãnh đạo của 21 thành viên tham dự Thượng đỉnh APEC -2016 đã quyết tâm chống đối bảo hộ mậu dịch và ý tưởng chối bỏ chánh sách kinh tế toàn cầu hoá. Quả thực biện pháp bảo hộ mậu dịch  của ông Trump chánh yếu nhắm vào Băc Kinh, điểm ngay cái tử huyệt Achille của họ Tập; Bắc Kinh có thể dẫy chết vì kinh tế sụp đổ, chỉ có Mỹ mới may ra cứu đở, nên Bắc Kinh phải giàn xếp với Washington đề cùng cộng tồn; gây thêm căng thẳng có thể đưa tới chiến tranh Trung Mỹ – một thảm hoạ cho cả hai và cho cả thế giới. Chánh sách yếu đuối của Obama làm ảnh hưởng chánh trị Hoa Kỳ bị xoi mòn tại các quốc gia ASEAN mà tiếng chuông báo động Duterte  là hiện tượng đồng minh, đối tác rạn nứt, tiếp theo là Malaysia, rồi Thái Lan, Lào và Campuchia. Lời cam kết bảo vệ Nhật Bổn và Nam Hàn và liên minh Bắc Đại Tây Dương sau ngày ông Trump đắc cử là một điều chỉnh đúng đắn về ý tưởng biệt lập (isolationism) được rao giảng trong thời gian ông  Trump vận động tranh cử; tất nhiên chúng ta vẫn chờ xem chánh sách ngoại giao của ông khi ông thực sự nắm quyền lãnh đạo đất nước (20-01-2017), dù vậy sự rút lui ra khỏi TPP vẫn còn là nguy cơ mở rộng cửa cho Trung Nam Hải chui vào, với tham vọng lãnh đạo thuơng mãi khu vự Châu Á Thái Bình Dương. Dù vậy Bắc Kinh cũng vẫn còn lo sợ Trump cái điều mà các think tanks Trung quốc tin ông Trump vẫn ôm mộng bá chủ ở Biển Đông (nguồn: Báo cáo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông voanews 27/11/2016).

Nước Mỹ đang đi vào một bước ngoặt mới với vị tổng thống theo tư duy dân tuý trong một xã hội Mỹ đầy bất trắc, một thế giới bất ổn chánh trị, kinh tế từ Âu sang Á, một Trung Đông ngùn ngụt trong máu lửa hận thù, khủng bố tràn lan; trong bối cảnh phức tạp đó người dân Mỹ đã quyết định chọn một tỷ phú, mà kinh nghiệm sanh hoạt chánh trường là một nghi vấn trong giới tinh hoa, để lãnh đạo một siêu cường thế giới.

Giá trị Mỹ từ thời lập quốc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho một quốc gia dạn dầy trong nền dân chủ pháp trị với những định chế tam quyền phân lập bền vững, những sanh hoạt chánh đảng trưởng thành, người dân Mỹ thừa đủ khôn ngoan để điều chỉnh những sai lầm, biết xử dụng quan năng “biến cải” để cùng tổng thống thể nghiệm “Hãy làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở lại”, “Nước Mỹ Trước hết” trong tinh thần Sống còn của Dân tộc Mỹ hòa nhịp với sự Sống còn của thế giới.

Mùa Tạ Ơn 2016

Chú thich & tài liệu tham khảo

1. APEC là tổ chức quốc tế của các quốc gia nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ kinh tế và chánh trị, thành lập từ năm 1989 với 12 thành viên sáng lập, nay con số thành viên tăng lên 21: Úc, Nhật Bản, Malaysia, Nam Hàn (Republic of Korea), Thái Lan, Singapore, Brunie Darussalam, Indonesia, New Zealand, Canada và Hoa Kỳ, Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa, Hồng Kông,Đài Loan (Chinese Taipei),Mexico, Papua New Guinea, Chile, Peru, Nga và Việt Nam.

2.”Trump and American Populism-Old Whine, New Bottles “by Micheal Kazin/Foreign Affairs – Nov/ Dec 2016

3.”How the US and China Can Avoid Greater Tensions” by Scott Kennedy/ CSIS Nov 10/2016

4.”Pacific Rim States Can (And Will) Move Forward on Trade Without US” By Ankit Panda November 22/2016 THE DIPLOMAT.

5 “Trump Pledges to kill TPP Trade Deal on 1st Day in office” VOA News Nov.22-2016

6. Regional Comprehensive economic Partnership (RCEP) gồm 16 thành viên (10 quốc gia ASEAN và 06 quốc gia thành viên Australia, Trung Quốc, Ấn Đô, Nhựt Bản, Nam Hàn và New Zealand); TPP đối trọng với RCEP gồm 12 thành viên Australia, Brunie, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, US, Vietnam).

7. “Tổng thư ký LHQ: Ông Trump đang thay đổi”. VOA 17-11-2016 trich từ AP.

8. Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn-Chủ nghĩa Quốc Gia Khoa Học. Giáo Sư Nguyễn Ngoc Huy 1964.

 

Tập Cận Bình Phát Điên vì Trump – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng

-Trong cuộc du hành để cám ơn một số tiểu bang Mỹ, hôm 9 tháng 12 năm 2016, vị Tổng Thống tân cử Donald Trump tuyên bố tại Michigan rằng:

“Mỹ không nhất thiết phải đi theo chánh sách Một nước Trung Hoa. Ông thắc mắc rằng Mỹ có nhất thiết phải đi theo lập trường từ trước là Đài Loan chỉ là một bộ phận của Trung Hoa.

Trong cuộc phỏng vấn ngày Chủ Nhật 11 tháng 12 dành cho đài truyền hình Fox, Ông Trump tuyên bố rằng “ông hiểu chánh sách Một nước Trung Hoa, nhưng ông không hiểu tại sao Mỹ phải theo chánh sách đó, trừ khi Mỹ có cuộc thương lượng với Trung cộng về nhiều việc khác, trong đó có vấn đề mậu dịch.

Trong cuộc phỏng vấn nầy ông Trump lên án nhiều chánh sách của Tàu, trong đó có chánh sách tiền tệ, vấn đề biển Đông, Bắc Triều Tiên. Ông nói Bắc Kinh không can dự gì vào việc ông điện đàm với Tổng Thống Đài Loan cả.

Ông tiếp “tôi không muốn Trung cộng ra lệnh tôi và đây là cuộc điện đàm của tôi. Đó là cuộc nói chuyện rất lịch sự, ngắn ngủi. Tại sao nước khác lại có thể nói tôi không thể làm việc nầy? Tôi nghĩ rằng việc nầy thực sự không tôn trọng (người khác), và đừng nên làm thế.. Nhà báo Caren Bohan tường thuật.

Ông nhận cuộc điện đàm chúc mừng từ bà Tổng Thống Đài Loan, Thái Anh Văn, đó là cuộc điện đàm đầu tiên trong cương vị Tổng Thống tân cử, kể từ sau việc Tổng Thống Carter thừa nhận Đài Loan là bộ phận của một Trung Hoa từ 1979.

Ban đầu chính Ngoại Trưởng Trung cộng Vương Nghị không thấy cuộc điện đàm nầy là một xúc phạm và coi đó là sự xã giao, không ảnh hưởng đến sự bang giao bấy lâu nay dựa trên chánh sách Một nước Trung Hoa. Nhưng theo tiết lộ mới nhất từ những nhân vật thân cận với Trump thì đây là sự sắp xếp của những người vận động hành làng của Đài Loan, thông qua tổ hộp luật sư của cựu Thượng Nghị Sĩ Bob Dole có văn phòng ở Đài Loan sắp đặt nhiều tháng nay. Như vậy, cuộc điện đàm được sắp xếp, cân nhắc kỹ lưỡng, cả người gọi và người nhận đều theo thuyết âm mưu riêng của họ.

Trong tuần qua tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung cộng trên trang đầu có bài bình luận gay gắt rằng “gây khó khăn cho mối quan hệ Trung- Mỹ sẽ tự tạo sự khó khăn cho chính chính phủ Trump”. Và đồng thời cũng “làm giảm thiểu cơ hội để Mỹ đạt mục tiêu trở thành vĩ đại” như Trump tuyên bố trong cuộc vận động bầu cử.

Nhà báo Trọng Nghĩa viết: “Bài báo của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, Brice Pedroletti, trước hết ghi nhận «gáo nước lạnh» mà ông Donald Trump vừa đổ lên đầu Trung Quốc với hai hành động: Cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan ngày 02/12/2016, và sau đó là tin nhắn trên mạng Twitter cực lực đả kích Trung Quốc và nhất là đã nhắc đến việc Trung Cộng hoành hành tại Biển Đông.”

“Theo Le Monde, Bắc Kinh bắt đầu nhận ra rằng quả thực ông Trump rất bị ảnh hưởng của các học giả hay chính khách trong đảng Cộng Hòa rất có ác cảm với sự vươn lên của Trung Hoa. Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là ông Peter Navarro, cố vấn cho ông Trump về các vấn đề thương mại trong chiến dịch vận động tranh cử.

Nhân vật này là tác giả một quyển sách đả kích gay gắt chủ nghĩa quân phiệt Trung Cộng, xuất bản năm 2015 dưới tựa đề «Ngọa hổ: Chủ nghĩa quân phiệt Trung Cộng có ý nghĩa ra sao đối với thế giới – Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World». Trong một bài biên khảo trên chuyên san The National Interest tháng Bảy vừa qua với tựa đề «Hoa Kỳ không thể bỏ rơi Đài Loan», ông Navarro viết: «Trước các hành vi xâm lược của Trung Cộng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đã đến lúc Hoa Kỳ phải dấn thân mạnh hơn nữa vào việc hiện đại hóa khả năng phòng thủ của Đài Loan». (Trọng Nghĩa).

Ông Trump chú ý đến mối bang giao với cường quốc thứ 2 của thế giới, Trung cộng. Trong một tuyên bố ngày 8 tháng 12 tại Des Moines, Iowa rằng “Hoa Kỳ cần và phải cải thiện mối bang giao với Trung cộng” nhất là chánh sách kinh tế mà ông cho rằng Trung cộng chưa có một nền kinh tế thị trường tự do đích thực và không kiềm chế được Bắc Hàn.

Trong chuyến đi để cám ơn những tiểu bang quan trọng, nhưng không thuộc bên nào, giúp ông thắng cử, ông Trump liên tục kết án Trung cộng về việc ăn cắp tài sản trí tuệ (intellectual property theft), đánh thuế không công bằng với những công ty Mỹ ở Tàu, làm ngơ trước mối đe dọa từ Bắc Hàn, cố ý làm giảm gía trị đồng Quan, tung hàng thừa mứa giá rẻ mạt ra nước ngoài.

Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, Quĩ Tiền Tệ Thế Giới kết án Trung cộng lạm dụng trong việc điều hành tiền tệ. Tổ chức Thương Mại Quốc Tế cho biết Trung cộng áp đặt thuế xuất cao với những món hàng nhập khẩu từ Mỹ để chận bớt hàng Mỹ và để tiêu thụ hàng nội địa, trong khi đó Mỹ không đánh thuế hàng Trung cộng.

Trong khi vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần lập đi, lập lại là “tiêu thụ hàng hoá Mỹ, thuê mướn nhân công Mỹ, áp lực công ty Mỹ không chuyển công việc ra nước ngoài, ưu tiên cho quyền lợi nước Mỹ” và sẽ đánh thuế 35 phần trăm cho những hàng hoá do công ty Mỹ sản xuất ở nước ngoài và mang ngược trở về Mỹ bán. Nếu thực hiện những lời hứa nầy, thì hàng hoá sản xuất từ Tàu, công nhân Tàu trong những xí nghiệp của Mỹ chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ. Tập “bức xúc” việc nầy không ít.

Tờ Le Monde ngày 8 tháng 12 có bài «Trung Quốc báo động trước ý định của Donald Trump», bài báo nêu bật sự kiện tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã khiến Bắc Kinh hết sức bực bội khi chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. (Trọng Nghĩa).

Từ một số tín hiệu đáng ngại trên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 06/12, ông Thời Ân Hoằng (Shi Yin Hong) giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh đã kêu gọi: «Hành động của ông Trump đã nhắc nhở giới truyền thông, giới nghiên cứu và người dân chúng ta là có lẽ chúng ta đã có cái nhìn quá tích cực về chính sách Trung Quốc trong tương lai của ông Trump». (Trọng Nghĩa).

Với những tuyên bố về chánh sách Hoa Kỳ trong lúc vận động tranh cử làm cho nhiều người không biết ông Trump sẽ làm gì sau khi chính thức nhận quyền lực Tổng Thống, họ biết rằng đó không phải là những tuyên bố ngẫu hứng, bốc đồng mà là chánh sách tương lai của Tổng Thống Trump. Vì vậy tháng rồi ông Tập Cận Bình mướn một nhà ngoại giao 94 tuổi của Mỹ, Henry Kissinger, sang để giải thích về chánh sách bang giao tương lai của Hoa Kỳ mà ông Tập và cả Bộ Chính Trị của Trung cộng không thể giải mã nổi.

Làm được những gì? Làm như thế nào? Chúng ta có bốn năm nữa để có câu trả lời chinh xác.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời của vị Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Regan tuyên bố, trong bang giao quốc tế “phải có sức mạnh mới có người bạn trung thành”. Phải chăng ông Trump đang áp dụng quan niệm nầy trong khi lãnh đạo nước Mỹ?

 

Nhật Ký Biển Đông: Thế Giới Nín Thở Chờ Đợi Ô. Trump – Đào Văn Bình

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười Một ghi nhận sự những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:

– Al Jazeera ngày 19/11/2016: “Tổng Thư Ký NATO trấn an các đồng minh đã kinh động vì những lời tuyên bố của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ là NATO đã lỗi thời. Và rằng NATO rất quan trọng cho sự ổn định của Âu Châu mà sự ổn định của Âu Châu cũng quan trọng cho Hoa Kỳ. Ô. Jens Stoltenberg nói trước một khối nghiên cứu tại Brussels rằng ông tin tưởng Tổng Thống Donald Trump sẽ duy trì cam kết mạnh mẽ với NATO.”

– Reuters ngày 20/11/2016: “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng Thổ không cần gia nhập Liên Hiệp Âu Châu bằng mọi giá và có thể tham gia khối an ninh bao gồm các nước Trung Á, Trung Quốc và Nga. Viễn ảnh Thổ, một thành viên của NATO gia nhập EU càng xa vời sau 11 năm thương thảo. Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã kịch liệt chỉ trích thành tích dân chủ nhân quyền của Thổ.”
– Reuters ngày 20/11/2016: “Thủ Tướng Nhật Abe nói rằng con đường đi đến thỏa hiệp hòa bình với Nga đang ở trước mắt, làm gia tăng hy vọng về sự tiến bộ rõ rệt để giải quyết mối tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập niên và sẽ được giàn xếp trong cuộc họp thượng đỉnh tại Nhật Bản giữa Tháng 12. Ô. Abe đã đưa ra lời tuyên bố này sau khi có cuộc họp bên lề Thượng Đỉnh APEC với Ô. Putin và ông nói thêm, tiến triển sẽ từ từ và không phải là bước nhảy vọt.”

Hiện nay Nhật Bản có nhu cầu cấp bách hòa hoãn với Nga hầu đối phó với Trung Quốc – một tiến trình bị Mỹ ngăn cản nhiều năm-.

– AP ngày 22/11/2016: “Thông tấn xã Interfax cho biết Nga vừa triển khai loại hỏa tiễn diệt hạm tối tân nhất tại quốc gia nằm ở cực tây của vùng Baltic, giữa lúc căng thẳng giữa Nga-Tây Phương gia tăng. Thông tấn xã Interfax nói rằng quân đội Nga đã đưa hỏa tiễn diệt hạm Bastion vào tác chiến tại Kaliningrad bao bọc biên giới hai quốc gia Ba Lan và Lithuania. Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng cuối tuần rồi, Hạm Đội Baltic đã được trang bị hệ thống phóng hỏa tiễn mới nhưng không nói rõ chi tiết.”

Sở dĩ căng thẳng gia tăng là vì NATO nói rằng Nga đe dọa các quốc gia Đông Âu và Vùng Baltic. Còn Nga thì nói rằng NATO chủ trương đem quân sát tới biên giới Nga và tập trận liên miên.
– CNN ngày 22/11/2016: “200 lính Mỹ và lính Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung trong vài ngày để đối phó với các thiên tai tại Côn Ninh.”

Không biết Mỹ chơi trò gì đây khi vừa kiềm chế Trung Quốc lại vừa tập trận chung và chiến hạm của hai nước ghé các cảng để thăm viếng nhau. Nếu mai đây Hoa Lục và Phi Luật Tân tiến hành tập trận chung tại Biển Đông không biết Mỹ có lên tiếng phản đối không?

– AP ngày 23/11/2016: “Kết thúc chuyên thăm Mông Cổ bốn ngày, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài không lo lắng chi đến chuyện Ô. Trump đắc cử tổng thống và hy vọng rằng chính sách của nhà kinh doanh này sẽ phù hợp với thực tế.”

– AP (Tokyo) ngày 22/11/2016: “Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng ông sẽ rút lui khỏi Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) nhưng các lãnh đạo của Vành Đai Thái Bình Dương lại muốn đẩy mạnh nỗ lực mở rộng thị trường mà họ cho rằng sống còn cho sự phát triển. Việc TTP bao gồm 12 quốc gia có thể bị Mỹ bỏ rơi tạo thêm sức đẩy cho một thỏa hiệp tương tự do Trung Quốc đề xướng mà Hoa Kỳ không có chân trong đó.” Theo San Francisco Chronical ngày 22/11/2016, Thủ Tướng Nhật Bản Abe nói rằng Hiệp Định TPP mà không có Mỹ thì hoàn toàn vô nghĩa.

– Washington Post ngày 23/11/2016: “Trung Quốc phản công lại đe dọa của Tổng Thống Tân Cử Donal Trump là sẽ dùng cấm vận để lấy lại lợi thế cạnh tranh thương mại cho Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử Ô. Trump đe dọa áp đặt thuế xuất 45% trên sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc và nói rằng Trung Quốc là quốc gia nhào nặn hối xuất (hạ giá) đồng bạc.”

– AP ngày 24/11/2016: “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định rằng nhiều thành phần tại Hoa Kỳ và Âu Châu đã gán ghép cho Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump là độc tài chỉ vì ông không phải

– AP (Budapest) ngày 25/11/2016: “Thủ Tướng Hung Gia Lợi cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Tân Cử Donald Trump và Ô. Trump đã mời ông thăm Hoa Thịnh Đốn. Thủ Tướng Viktor Orban trong một cuộc phỏng vấn được đưa lên nhật báo thương mại Hung Gia Lợi cho biết Ô. Trump đã nói với ông rằng Ô. Trump coi trọng Hung Gia Lợi. Ô. Orban thường xuyên chỉ trích các giới chức Hoa Kỳ đang làm suy yếu hệ thống “kiểm soát và cân bằng” (check and balance) từ khi ông nắm quyền vào năm 2010 và vào Tháng Bảy ông đã nói rằng chính sách di dân của Ô. Trump tốt hơn cho Âu Châu và Hung Gia Lợi. Ô. Orban đã dựng hàng rào tại biên giới phía nam để ngăn là sóng di dân tràn vào Tây Âu và ông cảm thấy vị trí của Hung Gia Lợi cải thiện rất nhiều với Ô. Trump.”
– Reuters ngày 26/11/2016: “Bộ Quốc Phòng Ba Tư cho biết họ dự trù mua phi cơ chiến đấu Sukhoi Su-30 của Nga để hiện đại hóa không quân và nói thêm rằng Tehran có thể lại cho phép Nga sử dụng phi trường trong các chiến dịch không kích của Nga ở Syria.

Tôi không đồng ý với Ô. Obama về chính sách do dự trong việc đối phó với Hoa Lục tại Biển Đông nhưng tôi lại đồng ý với ông về thỏa hiệp hạt nhân ký kết với Ba Tư trong đó có sự can dự của sáu cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức và Trung Quốc. Trong tình thế hiện tại, Ô. Trump khó lòng hủy bỏ thỏa hiệp mang tính quốc tế để chiều theo áp lực của Do Thái tái áp đặt lệnh cấm vận lên Ba Tư. Làm như vậy cũng là hành vi bội ước và trực tiếp gây chiến với Ba Tư. Chính vì thế mà trong lúc tranh cử, khi Ô. Trump đưa ra lập trường này và coi NATO đã lỗi thời, nhiều nhân vật đã từng nắm giữ các chức vụ an ninh cũng như quốc phòng của Đảng Cộng Hòa đã cảnh báo Ô. Trump là người nguy hiểm cho an ninh của Mỹ và nền hòa bình thế giới. Trong khi Ô. Trump chống đối cuộc chiến tranh Iraq và muốn hợp tác với Nga để giải quyết cuộc chiến Syria, nếu ông lại tạo thêm một cuộc chiến với Ba Tư- một cuộc chiến nguy hiểm gấp bội so với Iraq, Syria và Afghanistan thì đúng ông là người bất thường và nguy hiểm cho nước Mỹ, trong đó có Ô. John McCain là nhân vật hiếu chiến chủ trương tái cấm vận Ba Tư.

Không biết Ô. Trump có hiểu rằng hiện nay Ba Tư đang liên kết chặt chẽ về quốc phòng với Hoa Lục và Nga? Ba Tư đã lên tiếng đe dọa sẽ tấn công tất cả những nước nào có căn cứ quân sự của Mỹ như Ả Rập Sê-út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ…nếu Hoa Kỳ gây chiến với Ba Tư. Do đó, một cuộc chiến với Ba Tư sẽ là cuộc chiến toàn cầu chứ không phải cuộc chiến khu vực và sẽ là thảm họa cho Hoa Kỳ trong lúc Hoa Kỳ đang dính líu vào năm cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, Syria, Lybia và Yemen và trong lúc nội tình Hoa Kỳ đang chia rẽ trầm trọng. Theo The Huffington Post ngày 27/11/2016, chỉ nội cuộc chiến Afghanistan kéo dài 16 năm đã là gánh nặng cho Ô. Trump rồi, “Hoa Kỳ đã tốn kém 115 tỉ đô-la cho cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ. Cuộc chiến đã lấy đi sinh mệnh của 1,865 lính Mỹ, làm bị thương 20,224 người (tính tới 16/11/2016) và rất nhiều chấn thương làm tan nát cuộc đời cựu chiến binh. Thế mà mục tiêu chính do Tổng Thống Bush Con và Obama đặt ra vẫn chưa đạt được. A Phú Hãn đang thất bại.” (The United States has spent $115 billion on this longest war in its history. The conflict has taken the lives of 1,865 Americans and wounded 20,224 (as of Nov. 16), many with life-shattering injuries. Yet the main goals set forth by Presidents George W. Bush and Barack Obama havent been achieved: Afghanistan is failing.)

Cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger cách đây ít lâu có nói rằng đời ông đã chứng kiến bốn cuộc chiến tranh của Mỹ, khởi đầu thì hăng hái lắm nhưng cuối cùng không biết kết thúc thế nào. Có lẽ rồi đây với nhiệm kỳ bốn năm Ô. Trump cũng không thể kết thúc cuộc chiến Afghanistan trong danh dự ngoại trừ giái pháp ký một thỏa hiệp “hòa bình” với Taliban giống như Hòa Đàm Paris 1973 rồi rút hết quân, mặc cho số phận của chính quyền Kabul muốn ra sao thì ra. Hoặc tái lập một liên minh quốc tế giống như lúc đầu (2001) bao gồm Mỹ, NATO, Úc Đại Lợi, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan đổ khoảng hai, ba trăm ngàn quân vào, trực diện và tiêu diệt hết phe Taliban rồi ở lại khoảng năm, mười năm nữa để giữ an ninh và bảo vệ cho chế độ Kabul rồi sau đó rút quân. Nhưng không biết Quốc Hội, dù đang do Cộng Hòa nắm giữ và dân chúng có ủng hộ giải pháp này không. Cuộc chiến A Phú Hãn và Iraq giống như cái rọ, con cá chui vào thì dễ nhưng không thể nào ra thoát vì cuộc chiến nơi đây vừa là “thánh chiến” vừa ý thức hệ vừa là thanh lọc sắc tộc vô cùng phức tạp. Ô. Bush Con đã để lại một di sản nhức nhối cho nước Mỹ.

Do đó Ô. Trump phải hết sức thận trọng. Giai đoạn “cường điệu và kích động” (rhetoric) để lấy lòng cử tri đã qua. Bây giờ ông đã là tổng thống. Trách nhiệm của ông là đem lại thịnh vượng cho nước Mỹ và bảo vệ an ninh, hòa bình cho toàn thế giới chứ không phải tạo nên thảm họa cho thế giới. Chính vì hiểu được tầm mức quan trọng của thỏa hiệp hạt nhân với Ba Tư, Ô. Obama đã phải nhắc nhở Ô. Trump nhiều lần về vấn đề này. Theo tôi nghĩ, chỉ nội chuyện kéo các đại công ty tư bản từ Hoa Lục và Mễ Tây Cơ trở về Mỹ để tạo công ăn việc làm cho tầng lớp công nhân đã bỏ phiếu cho ông đã là muôn vàn khó khăn, huống chi lại tạo thêm những cuộc khủng hoảng. “America First” cũng có nghĩa là Hoa Kỳ không thể chết thế hoặc hy sinh tất cả cho tham vọng của Do Thái. Hãy tập trung nỗ phục hồi nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho dân chúng, đoàn kết đất nước, trước khi có những phiêu lưu trên mặt trận đối ngoại. Đừng coi thường sức mạnh tiềm tàng của Đảng Dân Chủ đang như con hổ bị thương và 90% hệ thống truyền thông lúc nào cũng sẵn sàng chống đối và nhận chìm ông.

– The Phnom Penh Post ngày 26/11/2016: “Hôm qua, Thủ Tướng Hunsen và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký một văn thư yêu cầu chính phủ Pháp hỗ trợ về mặt chuyên môn qua việc in lại bản đồ biên giới Miên-Việt thời thuộc địa với một tỷ lệ lớn hơn để giúp phân định biên giới.”
Đây cũng là giải pháp tốt đẹp phần nào giải quyết những phức tạp của biên giới Miên-Việt do lịch sử để lại khi ba nước Việt-Mên-Lào là một dưới thời Thực Dân Pháp. Dưới thời thuộc địa, tiền bạc xài chung, công chức, nông dân kể cả thương buôn qua lại biên giới để làm việc, buôn bán, cày cấy, lấy vợ lấy chồng giống như trong một nước vậy. Nay một nhóm chính trị gia hoạt đầu Miên có khuynh hướng “bài Việt” kích động tự ái dân tộc, chụp mũ cho chính quyền “bán đất” cho Việt Nam khiến gây căng thẳng và nguy hiểm cho hai nước mà có thể có “bàn tay lông lá” Hoa Lục đứng sau lưng.
– Reuters ngày 29/11/2016: “Nữ Tổng Thống Nam Hàn Phác Cận Huệ đã yêu cầu quốc hội quyết định xem khi nào và bằng cách nào bà có thể từ chức do vụ tai tiếng khuynh loát quyền hành, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng thấy khiến cả triệu người xuống đường phản đối. Đảng Dân Chủ – đảng đối lập chính – bác bỏ yêu cầu này và gọi đó là âm mưu né tránh bị truất phế và sẽ tiếp tục thúc đẩy việc luận tội tại quốc hội vào Thứ Sáu này.”

Phải chăng đây là sự vận hành của tự do dân chủ hay sự hư đốn của nhân cách lãnh đạo khiến đất nước Đại Hàn đi vào hỗn loạn giống như Thái Lan. Đảng nắm quyền thì lo củng cố quyền lực bằng mọi cách, đảng đối lập thất cử thì lo chống phá. Rồi khi nắm được quyền rồi, đảng đối lập lại hư đốn giống như kẻ tiền nhiệm của mình. Và cái vòng luẩn quẩn xoay quanh miếng mồi ngon “quyền lực và quyền lợi” đó cứ tiếp diễn mãi. Còn dân chủ, tự do chỉ là chiêu bài để chính thống hóa cho quyền lực. Dường như nhân loại bây giờ, các chính trị gia đều hùng biện và mỵ dân giỏi, nhưng tìm được người yêu nước thương nòi, kinh bang tế thế, trong sạch…thì hiếm hoi như lá mùa thu.

 Tình hình Syria:

– AFP ngày 20/11/2016: “Bộ Ngoại Giao Syria tuyên bố sẽ không chấp nhận một đề nghị của Liên Hiệp Quốc công nhận một vùng tự trị cho phe phiến quân tại đông Aleppo như một phần của thỏa hiệp ngưng bắn.”

Đây là một đề nghị vô cùng lạ đời, rõ ràng thiên về phe nổi dậy do Mỹ và Tây Phương hỗ trợ. Nếu đề nghị được thực hiện tức chia cắt đất nước Syria và đó không phải là nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc phải đóng vai trung gian hòa giải, gửi lực lượng gìn giữ hòa bình, cứu trợ và không thiên vị bất cứ quốc gia, phe phái nào.

– VOA News ngày 23/11/2016: “Tổng Thống Ai Cập al-Sissi nói rằng việc đất nước ông ưu tiên hỗ trợ cho chế độ của Ô. Assad để chống lại những phần tử cực đoan là cần thiết cho sự ổn định của khu vực.” Như vậy Ai Cập đã từ bỏ lập trường đứng trong liên quân Ả Rập do Saudi Arabia lãnh đạo tiến vào Syria để lật đổ Tổng Thống Assad.

– Reuters (Beirut) ngày 26/11/2016: “Tin tức từ phe nổi dậy, chính phủ và nhóm quan sát viên cho biết quân đội chính phủ đã chiếm giữ những khu vực quan trọng nằm về phía đông Aleppo của phe phiến quân nhưng những cuộc giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn để tranh giành những khu vực đông dân cư còn lại.” ABC News nhận định rằng, cuộc chiến Aleppo sẽ quyết định toàn bộ cuộc chiến Syria và dường như chiến thắng đang ngả về phe chính phủ.

Tình hình Biển Đông:

– Reuters ngay28/11/2016: “Trung Quốc lo ngại về việc Phi Luật Tân bắt giữ 1200 Hoa Kiều trong chiến dịch truy quét nạn cờ bạc trên mạng lưới điện tử khiến có thể gây căng thẳng khi bang giao giữa hai quốc gia trở nên nồng ấm trong mấy tháng vừa qua. Theo Sở Di Trú Phi Luật Tân, 1200 Hoa Kiều làm việc tại Căn Cứ Không Quân Clark trước đây của Hoa Kỳ nghi ngờ là tổ chức cờ bạc.”

Không phải nói xấu người Trung Hoa. Đất nước Trung Hoa cổ là đất nước vĩ đại. Nhưng Ba Tàu đi đến đâu đều mang theo tật xấu như hối lộ chính quyền, tổ chức ăn chơi trác táng như “nhất dạ đế vương”, cờ bạc, đầu cơ tích trữ, buôn gian bán lận và ăn ở bẩn thỉu, nhất là các nhà hàng.

– International Busisness Times ngày 24/11/2016: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte thúc giục Hoa Lục ban hành lệnh cấm đánh cá tại Bãi Cạn Panatag/Scarborough Shoal hiện còn đang tranh chấp. Tổng thống Phi Luật Tân dường như đã sẵn sàng đơn phương ban hành sắc lệnh cấm đánh cá tại vùng bãi cạn giàu tài nguyên này. Ô. Duterte nói rằng không kể vùng bãi cạn là của ai, bảo vệ nó là việc làm hợp lý.” Theo Reuters, Hoa Lục đang suy nghĩ về việc để ngư dân Phi Luật Tân ra vào vùng bãi cạn này với lý do bang giao giữa hai nước đã được cải thiện.

– VOA News (ThiTu Island) ngày 24/11/2016: “Phi Luật Tân sẽ xây một hải cảng tại Biển Đông vào năm tới nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại vùng biển này. Hành động chắc chắn đưa tới phản ứng của các nước cùng tuyên bố chủ quyền tại đây, nhất là Trung Quốc. Thế nhưng Ô. Eugenio Bito-onon-cựu thị trưởng của thị trấn Kalayaan nhỏ nhất tại Quần Đảo Trường Sa nói rằng hải cảng sẽ thuận tiện cho 200 dân trên Đảo Thị Tứ, phần lớn là 200 ngư dân và 50 lính Phi luân phiên đóng tại đây. Hải cảng sẽ là bến đậu cho tầu đánh, tàu tuần tra và cả thuyền du ngoạn (yacht).”

– Reuters ngày 18/11/2016: “Theo một tổ hợp nghiên cứu (think tank) tại Hoa Kỳ, Việt Nam đã mở rộng một phi đạo trên Trường Sa Lớn thuộc chủ quyền của mình tại Biển Đông, hiển nhiên là để đáp ứng lại việc xây dựng các cơ sở quân sự của Trung Quốc trong vùng. Những hình ảnh ghi nhận được từ vệ tinh cho thấy tháng vừa qua Việt Nam đã kéo dài một phi đạo ở Trường Sa Lớn, từ 760 mét ra 1200 mét. Tổ hợp nghiên cứu cũng nói rằng đường băng kéo dài có thể được sử dụng cho các máy bay vận tải, tuần thám và phi cơ chiến đấu. ”

Trung Quốc đã kết án hành động này. Theo tôi, đây là thái độ “vừa đánh trống vừa ăn cướp”. Việc Trung Quốc biến cải các bãi đá ngầm là vi phạm luật pháp quốc tế và hủy hoại môi trường như phán quyết của Tòa Hague. Còn việc mở rộng một hòn đảo đã có sẵn là việc làm hợp pháp và không hủy hoại môi trường. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau. Vả lại việc mở rộng Đảo Trường Sa Lớn không đe dọa an ninh bất cứ quốc gia nào trong vùng cho dù Việt Nam có bố trí hỏa tiễn phòng không, diệt hạm trên đó. Xin nhớ cho Biển Đông không phải biên cương hay biên giới của Trung Quốc. Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ điên khùng vẽ bậy từ thời Tưởng Giới Thạch (1947) rồi căn cứ vào đó khẳng định lãnh thổ của mình và đã bị Tòa Hague bác bỏ. Vùng Trường Sa là của Việt Nam và một phần của Phi Luật Tân, dứt khoát Hoa Lục hay Đài Loan không thể “xí phần” hay có tiếng nói tại đây.

– Popular Mechanics ngày 18/11/2016: “Cơ quan truyền thông của chính phủ Trung Quốc báo cáo rằng hàng không mẫu hạm đầu tiên mang tên Liêu Ninh đã ở vào vị thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên dù nói mạnh như thế nhưng các bằng chứng cho thấy chiếc HKMH duy nhất này chỉ có khả năng huấn luyện và khả năng chiến đấu thì rất kém.”

Chưa biết khả năng tác chiến của nó tồi như thế nào, thế nhưng nếu nó nghênh ngang ở Biển Đông thì ngoại trừ Hoa Kỳ và Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á sẽ “ớn da gà” vì hỏa lực hùng hậu của nó.
– Reuters ngày 18/11/2016: “Thủ Tướng Nhật Bản Abe mô tả Ô. Donald Trump là một lãnh tụ đáng tin cậy sau khi gặp gỡ vị tổng thống đắc cử vào ngày 17/11/2016 để làm sáng tỏ tuyên bố của Ô. Trump trong khi tranh cử khiến gây lo ngại cho các đồng minh. Sau cuộc họp vội vã kéo dài 90 phút tại Trump Tower, Khu Manhattan, Ô. Abe nói với các ký giả rằng cuộc nói chuyện khiến tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể xây đắp sự tin cậy nhưng không cho biết thêm chi tiết vì đây không phải là cuộc hội kiến chính thức. Còn Ô. Trump trên Facebook, kèm theo tấm hình của hai người đã viết rằng thật vui có Thủ Tướng Abe ghé thăm nhà và cũng là khởi đầu của tình bạn lớn.” Tuy nhiên theo San Francisco Chronical ngày 22/11/2016, “Lo ngại tại Nhật Bản gia tăng về việc Ô. Trump có thể thi hành những điều ông nói trong lúc tranh cử là Nhật Bản phải đóng góp thêm cho 50,000 lính Mỹ đóng tại Nhật Bản theo thỏa hiệp an ninh hỗ tương. Hiến pháp hòa bình của Nhật được soạn thảo dưới sự điều khiển của Hoa Kỳ sau Đệ II Thế Chiến trong đó cấm sử dụng quân đội để giải quyết những xung đột quốc tế, nhưng chính quyền Nhật đã giải thích lại bản hiến pháp đó và cho phép Nhật có thể sử dụng quân đội trong một số trường hợp.”

Sau thất bại từ Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản là quốc gia vô cùng khôn ngoan. Họ giã từ quan điểm kiêu ngạo mình là con cái của Thái Dương Thần Nữ và trở nên khiên tốn, lấy liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng để bảo vệ an ninh và phát triển đất nước. Tôi nghĩ rồi đây Ô. Abe sẽ “chiều lòng” Ô. Trump chút ít để Ô. Trump “lấy điểm” với nhân dân Mỹ rồi mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đó. Làm chính trị lớn mà cứng nhắc, không uyển chuyển, không biết mình biết người thì “từ chết tới bị thương”. Còn chuyện Ô. Trump yêu cầu Nhật Bản đóng vai trò quan trọng hơn về quân sự trong vùng cũng không dễ dàng như người ta tưởng. Nếu Nhật Bản chạy đua vũ trang hay gửi chiến hạm tới Biển Đông, có thể nổ ra chiến tranh với Hoa Lục, điều mà Nhật Bản cố tránh. Chiến lược hay nhất vẫn là Nhật Bản cùng với Mỹ giúp cho các nước trong vùng như Việt Nam và Phi Luật Tân mạnh lên về quân sự thì chính họ trở thành rào cản tự nhiên chống lại Hoa Lục. Nay Phi Luật Tân có thể sẽ bỏ Mỹ theo chính sách trung lập, chỉ còn lại Việt Nam. Việt Nam sẽ vẫn là trọng điểm chiến lược trong chính sách Xoay Trục của Mỹ dù Ô. Trump hay Bà Clinton.

– Sputnix News & Reuters ngày 20/11/2016: “Bên lề Thượng Đỉnh APEC (Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương) khi gặp gỡ người đồng cấp Nga ở Peru, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã bày tỏ sự ngưỡng mộ những phẩm chất lãnh đạo của Ô. Vladimir Putin và nói thêm rằng ông Putin là người đại diện cho một đất nước tuyệt vời. Ông Duterte cũng ghi nhận rằng, ngày nay các quốc gia Tây Phương đang cố gắng tấn công và hăm dọa các quốc gia nhỏ bé, điều đó cho thấy sự đạo đức giả của họ. Để lấy ví dụ, ông nêu lên sự hiếu chiến của Mỹ đã gây ra các cuộc xung đột trên thế giới như tại Việt Nam, Hàn Quốc, Iraq và Afghanistan. Ô. Duterte đe dọa theo chân Nga, rút chân ra khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court) vì đã lên án cuộc chiến chống ma túy của ông.” Theo tin tức mới nhất ngày 28/11/2016, Ô. Duterte đã gọi sự đe dọa của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế là “cứt” (bullshit). Theo CNBC ngày 28/11/2016: “Tổng Thống Duterte sẽ gửi bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng đi Nga trước chuyến viếng thăm của ông vào Tháng 12. Trong cuộc phỏng vấn với RT, Ô. Duterte nói rằng ông không sẵn sàng liên minh quân sự với ai nhưng ông mong muốn có mối liên hệ mật thiết với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh và hợp tác với những người bạn mới là Trung Quốc và Nga để cho thế giới này hòa bình/yên ổn hơn.”

Từ cuộc tiếp đón nồng hậu của Ô. Tập Cận Bình tới những lời chúc mừng nồng nhiệt của Ô. Putin dành cho Ô. Duterte chúng ta thấy nhiều khi trên đời này cách đối xử với nhau – nhất là nước lớn đối với nước nhỏ – vô cùng quan trọng. Đã qua rồi thời kỳ trịch thượng “Tôi viện trợ cho anh thì tôi là ông chủ”. Đôi khi ta mất hết bạn bè cũng chỉ vì ta quá tự cao tự đại. Cũng theo Sputnix News, nhân dịp này Ô. Putin cũng đã có cuộc họp riêng với Ô. Trần Đại Quang điều đó chứng tỏ rằng Nga rất coi trọng Việt Nam, cửa ngõ để Nga tiến vào Đông Nam Á qua Kế Hoạch Viễn Đông. Trong lúc Mã Lai, Thái Lan, Lào và Kampuchia đã ngả theo Hoa Lục, nếu Ô. Trump hủy bỏ Hiệp Định TPP (Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương) để bảo vệ nền kinh tế của mình theo chủ trương “America First” thì chắc chắn Đông Nam Á sẽ vuột khỏi tay Hoa Kỳ.

– Reuters ngày 20/11/2016: “Nhân Thượng Đỉnh APEC tại Peru, trong các cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo Phi Luật Tân và Việt Nam, Chủ Tịch Tập Cận Bình nói rằng những tranh chấp tại Biển Đông cần giải quyết song phương. Lời tuyên bố của Ô. Tập Cận Bình cho thấy các đối thủ của Bắc Kinh muốn các tổ chức quốc tế can dự vào cuộc tranh chấp, trong đó có cả Mã Lai, Đài Loan và Brunei là các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc thiên về chiến lược “chia rẽ và chinh phục” thay vì để các đối thủ ngồi chung với nhau.  “ Lập luận của Ô. Tập Cận Bình không có gì lạ và đã có từ lâu. Đó là chiến lược “lấy hợp tung để phá liên hoành”. Hoa Lục muốn đàm phán tay đôi với từng nước để không cho “phe thứ ba” ám chỉ Mỹ hay các tổ chức quốc tế can dự vào. Trước đây dưới thời Tổng Thống Aquino, Phi Luật Tân đã dứt khoát không đàm phán tay đôi với Hoa Lục. Nay Ô. Duterte có thể sẽ đàm phán tay đôi với Trung Quốc. Còn Việt Nam, lập trường dứt khoát vẫn là: Cái nào có thể đàm phán song phương thì đàm phán song phương, chẳng hạn như việc phân định lằn ranh ở Vịnh Bắc Việt hoặc vấn đề Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Những vấn đề này không liên quan đến quốc tế. Nhưng còn vấn đề Biển Đông, ngoài việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nó còn liên quan đến sinh mệnh của thế giới tức hải lộ chiến lược, sự hiện diện quân sự đáng sợ của Trung Quốc tại Biển Đông và tương lai có thể áp đặt Vùng Nhận Dạng Phòng Không. Nếu Việt Nam chủ trương đàm phán tay đôi tức đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông. Sở dĩ ngày hôm nay Hoa Lục e ngại Việt Nam là vì- ngoải khả năng phòng thủ- sau lưng Việt Nam còn có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và Âu Châu. Nếu Việt Nam đẩy tất cả các thế lực này ra khỏi Biển Đông, tức đứng chơ vơ một mình. Cho nên đối với Việt Nam, quốc tế hóa Biển Đông là chiến lược giữ nước và phát triển đất nước. Đầy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông là tự sát. Cho nên tôi vẫn duy trì quan điểm là Ô. Duterte hiện đang theo đuổi một chính sách ngoại giao vô cùng nguy hiểm cho bản thân và đất nước ông. Dù quá khứ thực dân tủi nhục và đau buồn, nhưng việc ông liên tục có những lời phát biểu chống Mỹ không phải là hành động khôn ngoan. Trung lập có nghĩa là làm bạn với tất cả các siêu cường. Do đó nếu đã “chống Mỹ” thì không còn trung lập nữa. Hãy nhìn vào quốc gia khổng lồ là Ấn Độ, truyền thống theo chính sách trung lập nhưng không bao giờ chống Mỹ và dĩ nhiên phải cảnh giác với Hoa Lục nhưng cũng không bao giờ công khai bày tỏ lập trường chống Trung Quốc.

Hiện nay tại Biển Đông, Hoa Kỳ đang ở vào vị thế “hạ phong” do tám năm do dự của Ô. Obama. Thế nhưng mất Biển Đông là mất Đông Nam Á. Mất Đông Nam Á là mất luôn Á Châu. Lúc đó Hoa Kỳ sẽ mất luôn vị thế siêu cường và an ninh của Mỹ bị đe dọa. Cho nên bằng mọi giá Hoa Kỳ sẽ phải nắm lấy Biển Đông và theo tôi không một thế lực nào có thể đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vùng này. Bất cứ quốc gia nào không hiểu điều đó sẽ phải trả một giá rất đắt. Nước Mỹ, cứ tám năm hay bốn năm, chính sách đối ngoại sẽ không còn giống như trước nữa. Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Ô. Trump, chắc chắn thế giới sẽ đổi thay. Mọi người đang nín thở chờ đợi, chưa biết “kiết-hung” thế nào. Chúng ta chờ xem.

https://vietbao.com/a261113/nhat-ky-bien-dong-the-gioi-nin-tho-cho-doi-o-trump

 

 

Thế Giới Bất Ổn, Mỹ Thay Đổi Chính Sách Ngoại Giao

Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã qua đi hơn một tháng. Ô. Obama nói rằng cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp và Ô. Trump là tổng thống tân cử của Mỹ rồi tiếp đón ông tại Tòa Bạch Ốc, chuẩn bị bàn giao quyền hành. Còn Bà Clinton đọc diễn văn chấp nhận thua cuộc và chúc mừng Ô. Trump. Nhưng nay, không hiểu vì lý do gì, theo lệnh của Ô. Obama, CIA đưa ra báo cáo nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử để giúp Ô. Trump vào Tòa Bạch Ốc và điều đó không chỉ làm sút giảm tính khả tín của hệ thống bầu cử mà thôi. (Reuters) Việc làm của Ô. Obama hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố của ông khi nghe tin Ô. Trump đắc cử.

Được Ô. Obama và CIA bật đèn xanh, Dân Biểu David Cicilline thuộc Đảng Dân Chủ ở Tiểu Bang Rhode Island nói rằng vì Nga can thiệp vào cuộc bầu cử cho nên cử tri đoàn có quyền xét lại và không bầu cho Ô. Trump trong đại hội tổ chức vào 19/12/2016. Nếu không bầu cho Ô. Trump theo hiến pháp và theo truyền thống 200 năm nay thì bầu ai? Bầu Bà Clinton hay bầu cử lại? Như vậy nước Mỹ sẽ đại loạn. Trong thời gian đó ai là tổng thống? Ai lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ? Hay Ô. Obama xé bỏ hiến pháp ở lại thêm nửa năm hay một năm nữa để tổ chức bầu cử ? Hay Ô. Paul Ryan – Chủ Tịch Hạ Viện sẽ xử lý thường vụ chức vụ tổng thống? Nếu hành động như vậy thì nền chính trị Hoa Kỳ cũng giống như Thái Lan hay một số quốc gia Phi Châu “không ăn được thỉ đạp đổ, đảo chính hay lập một chính phủ thứ hai”.

Ô. Trump phản ứng lại bằng cách nói với tuần báo Time rằng ông không tin Nga can thiệp vào chuyện bầu cử. Nó trở thành chuyện khôi hài chứ không phải chuyện cần bàn cãi. Mỗi khi tôi làm chuyện gì thì họ (Đảng Dân Chủ) đều nói là có sự can dự của Nga. Còn bộ tham mưu của Ô. Trump chế riễu CIA và nói rằng những nhân viên CIA ngày hôm nay cũng chính là những nhân viên đưa tin về vụ Saddam Hussein cất chứa một kho vũ khí giết người hàng loạt khổng lồ. Còn Bà Bác Sĩ Jill Stein – ứng cử viên tổng thống của Đảng Xanh Lục (Green Party) về chót trong tất cả các tiểu bang, cũng đã thu góp được 7 triệu đô-la để yêu cầu kiểm phiếu lại tại ba tiểu bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania để ủng hộ Bà Clinton cho dù các giới chức bầu cử nói rằng dù có tái kiểm phiếu cũng không làm thay đổi kết quả.

Ô. Obama, Bà Clinton và Bà Bác Sĩ Jill đều là những nhân vật tiêu biểu của nước Mỹ…nay thua rồi vẫn còn cay cú, ăn không được thì phá cho hôi. Ông Obama – tổng thống Hoa Kỳ- là tổng chỉ huy tối cao (Commander in Chief) điều khiển 17 cơ quan tình báo được coi như tinh hoa của nhân loại, thế mà không bảo vệ được mạng lưới điện tử của đất nước, thì ông phải công khai xin lỗi quốc dân về khả năng lãnh đạo yếu kém của mình chứ không thể đổ vấy cho Nga để chạy tội. Hơn thế nữa cả ngàn năm nay, nước nào mà chẳng rình mò nước nào? Mỹ còn nghe lén cả các đồng minh như Pháp, Đức, Nhật Bản, mướn cả tình báo Tân Tây Lan nghe lén Việt Nam và Úc Đại Lợi nghe lén Nam Dương. Tình báo thua thì ráng chịu và tự xử chứ đừng oán trách kẻ thù. Hơn thế nữa, vụ “hacking” nếu có xảy ra thì đã xảy ra trong thời gian tranh cử. Tại sao với tư cách tư lệnh tối cao ông không tiến hành những biện pháp ngăn chặn để cho cuộc bầu cử tiến hành không bị ảnh hưởng bởi ngoại bang? Ông nín thinh và cả bộ tham mưu của ông cũng nín thinh, rồi hai vợ chổng ông đi khắp nơi, cộng với hai ông Phó Tổng Thống Al Gore và Joe Biden vận động cho Bà Clinton. Nay bầu cử xong, Bà Clinton thua đau…ông mới lên tiếng tố cáo Nga can thiệp…để làm gì đây? Ngoài ra người ta còn đặt câu hỏi, giả thử Bà Clinton thắng cử, liệu ông có làm lớn chuyện “hacking” để lật đổ Bà Clinton không?

Xin nhớ cho vợ chồng Ô. Obama khoảng 10 giờ tối trước ngày bầu cử vài tiếng đồng hồ, vẫn còn vận động cho Bà Clinton tại Tiểu Bang Florida bằng chương trình ca nhạc khổng lồ với những ca sĩ Da Đen hàng đầu như Beyoncé… thế mà Bà Clinton thua thê thảm ở Florida. Thế mới hay mất quyền lực, tranh cử tổng thống thua, cũng như bị phụ tình, tuy miệng nói “chúc mừng” nhưng “Hận này mang xuống tuyền đài chưa tan”. Những hành động này chỉ làm “mưng mủ vết thương”, chia rẽ và phá tan đất nước cho tham vọng cá nhân chứ người dân chẳng hưởng được lợi ích gì. Thống kê mới nhất của Đài CNBC phổ biến ngày 10/12/2016 cho thấy 56% cử tri độc lập và 25% cử tri Dân Chủ đã bỏ phiếu cho Ô. Trump chỉ vì Ô. Trump cam kết không cho công ăn việc làm của Mỹ trốn chạy ra nước ngoài. Như vậy chính công ăn việc làm, miếng cơm manh áo của người dân Mỹ đã giúp Ô. Trump đắc cử chứ chẳng có ông Nga nào can dự vào đây. Cơ quan FBI cũng không đồng ý với báo cáo của CIA về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử. Còn các giới chức của Office of the Director of National Intelligence là cơ quan giám sát 17 tổ chức tình báo Hoa Kỳ nói rằng họ không tranh luận với báo cáo của CIA nhưng họ không hậu thuẫn cho báo cáo này vì thiếu bằng thuyết phục chứng tỏ Nga can thiệp để giúp cho Ô. Trump đánh bại Bà Clinton (…lack of conclusive evidence that Moscow intended to boost Trump over Democratic opponent Hillary Clinton.) Còn phát ngôn viên của Tổng Thống Putin nói rằng, “Bản báo cáo của CIA hoàn toàn không có cơ sở và tay mơ /không chuyên nghiệp… việc CIA gán cho Nga âm mưu làm thay đổi cuộc bầu cử là xa rời thực tế.” (Vladimir Putin, categorized the assessments of the CIA as “unfounded and unprofessional. CIAs suggestion that Russia attempted to tip the balance of the elections has “nothing to do with reality.)

Đảng Dân Chủ nên ngừng tay lại. Thua rồi xin nhận mình thua, chấn chỉnh lại nội bộ, vạch ra một chương trình ích nước lợi dân, bốn năm nữa Ô. Trump và Đảng Cộng Hòa không làm nên cơm cháo gì thì người dân lại trao Tòa Bạch Ốc cho Đảng Dân Chủ thôi. Trước ngày bầu cử, truyền thông ác độc và thiên vị đã tiên đoán ngày tàn của Đảng Cộng Hòa. Thế nhưng với kết quả bầu cử, Cộng Hòa không những lấy ghế tổng thống mà còn chiếm luôn lưỡng viện quốc hội. Và nếu mai đây, Ô. Trump đem lại kinh tế phồn thịnh, hãng xưởng chịu ở Mỹ mà không chạy qua Mễ Tây Cơ thì bốn năm nữa Dân Chủ khó lòng vào được Tòa Bạch Ốc và có thể đó là hồi chuông báo tử của Đảng Dân Chủ không biết chừng. “Thuận thiên giả tồn. Nghịch thiên giả vong” tức thuận với ý Trời thì còn. Nghịch ý Trời thì mất. Mà ý dân đây chính là ý Trởi. Đảng Cộng Hòa mất ghế tổng thống tám năm mà nay họ sống mạnh, sống hùng cũng là nhờ Ô. Trump đắc cử. Vậy bốn năm nữa, nếu Dân Chủ tạo được một “con gà” thật ngon ra hạ Ô. Trump hay Ô. Pence thì Dân Chủ lại “lên hương” thôi. Có chi mà âu với sầu, cay cú? Đất nước này có thuộc riêng đảng nào đâu. Đảng nào làm đúng lòng dân thì ngồi ghế lãnh đạo. Đảng nào xa rời lòng dân thì về vườn… ngồi rình chờ cơ hội. Chu kỳ này lập đi lập lại đã 200 năm rồi, sao các ông bà không biết?

Trong lúc nội tình chính trị Hoa Kỳ hận thù, chia rẽ và rối beng như vậy, Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Mười Hai ghi nhận sự những biến chuyển quan trọng như sau:

  Tình hình thế giới:

 – Good Morning America ngày 1/12/2016: “Một phụ nữ Gia Nã Đại đã mua một con tôm hùm (lobster) có tuổi thọ 100 năm, nặng 23 cân Anh, đặt tên cho nó là King Louie rồi thả về với đời sống tự nhiên.” Đây là một cử chỉ rất đẹp và cũng là tục lệ phóng sinh đã có cả ngàn năm nay của người Việt Nam. Thế nhưng ngày nay thói quen ăn thịt chó đã làm hoen ố hình ảnh của người Việt. Không biết tới bao giờ người Việt mới bỏ được “thú” ăn uống tệ hại này? Hiện nay có một số người sống bằng nghề trộm chó rồi bán cho các quán nhậu, cho dù bị giết, hay bị dân làng đánh nhừ tử vẫn không bỏ nghề. Đúng là nghiệp chướng! Thói quen ăn thịt chó có thể giải thích là do nghèo đói. Thế nhưng Nam Hàn và Trung Quốc lại là hai quốc gia ăn thịt chó khủng khiếp nhất thế giới. Có thể tại các quốc gia này họ thiếu giáo dục gia đình, học đường và sự thuyết giảng của các giáo sĩ về tính cách dã man của việc ăn thịt chó, hoặc không ban hành một đạo luật cấm hành hạ chó, giết chó và ăn thịt chó. Thế nhưng trớ trêu thay! Tại các quốc gia này, có thể các ông lãnh đạo chính quyền và cả hàng giáo sĩ nữa lại “mê” món giồi chó chỉ vì “Sống trên đời ăn miếng giồi chó. Chết xuống Âm Phủ biết có hay không”. Thế mới hay, một câu nói nhảm nhí, một lời đồn đại, một lời sấm truyền vu vơ nếu được phổ biến rộng rãi trong dân gian có thể gây tác hại cả ngàn năm. Một dân tộc còn tệ nạn ăn thịt chó thì khó lòng chinh phục được cảm tình của thế giới cho dù nền kinh tế có là Con Rồng hay Con Cọp.

– AP ngày 1/1/2/2016: “Thượng Viện Mỹ đã dứt khoát biểu quyết tái cấm vận Ba Tư, một đạo luật đã có từ nhiều thập niên mà các nhà lập pháp cho rằng sẽ giúp cho Hoa Kỳ thế mạnh để trừng phạt Ba Tư nếu Ba Tư không tuân thủ những điều khoản của thỏa hiệp hạt nhân. Đạo luật cho phép kéo dài cấm vận Ba Tư thêm 10 năm, sẽ được gửi tới Tổng Thống Obama ký ban hành.” Theo Reuters ngày 2/12/2016, Ba Tư nói rằng đạo luật này vi phạm thỏa hiệp hạt nhân ký kết dưới sự đỡ đầu của sáu cường quốc theo đó Ba Tư sẽ hạn chế các hoạt động nhạy cảm về nguyên tử để đổi lấy việc quốc tế gỡ bỏ cấm vận làm tổn hại tới nền kinh tế. Và nếu Hoa Kỳ thi hành luật cấm vận này, Ba Tư sẽ có hành động trả đũa. Cũng theo AP ngày 5/12/2016: “Bộ trưởng ngoại giao Ba Tư và Trung Quốc cùng thúc giục các chính quyền không nên vi phạm thỏa hiệp giới hạn hạt nhân ký kết với Ba Tư để đổi lấy việc tháo gỡ cấm vận, một lời tuyên bố rõ ràng nhắm vào Tổng Thống Tân Cử Donald Trump.” Trong khi đó Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu nói rằng ông sẽ làm việc với Ô. Trump để sửa chữa thỏa hiệp tệ hại này. Thế nhưng vào ngày 11/12/2016, theo AFP, Ba Tư và Boeing vừa ký kết hợp đồng mua bán 80 máy bay dân sự trị giá 16.6 tỉ đô-la. Hãng Boeing nói rằng hợp đồng sẽ tạo ra khoảng 100,000 công ăn việc làm trong lãnh vực hàng không của Hoa Kỳ. Với lập trường cứng rắn của Ô. Trump đối với Ba Tư, không biết hành pháp có ngăn cản việc mua bán này không. Hợp đồng sẽ đặt Ô. Trump vào thế khó xử vì ông tuyên bố tạo 100 triệu việc làm cho dân chúng Hoa Kỳ. Nếu ngăn cấm việc mua bán thì kế hoạch tạo công ăn việc làm của Ô. Trump khó lòng thực hiện. Thế mới hay chính trị và kinh tế không thể tách rời. Làm chính trị mà để kinh tế suy xụp thì lãnh đạo chết. Do đó người xưa nói rằng “Kinh bang tế thế” tức phải phát triển thương mại, đất nước giàu lên thì mới cứu đời được. Xin nhớ cho không thể cứu đời bằng chủ nghĩa hay lý tưởng xa vời.

  – Bloomberg News ngày 2/12/2016: Đã đi một bài báo với tựa đề, “Trung Quốc đang chật vật với Trump, bèn níu lấy Kissinger- người bạn cũ” (China, Grappling With Trump, Turns to Old Friend Kissinger). Khi tiếp Henry Kissinger- con cáo già ngoại giao- tại Nhân Dân Đại Sảnh ở Bắc Kinh, Ô. Tập Cận Bình đã nói rằng, “Chúng ta đang ở vào giờ phút quyết định. Về phía Trung Quốc, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Thưa Tiến Sĩ, tôi đã nghe rõ tất cả những gì ngài nói về tình hình thế giới hiện tại và sự phát triển trong tương lai của mối bang giao Hoa-Mỹ và mong muốn một mối quan hệ ổn định với Mỹ.”

Rõ ràng Ô. Tập Cận Bình đang lo ngại Ô. Trump sẽ có những biện pháp mạnh với Hoa Lục chứ không “xìu xìu ển ển” như Ô. Obama cho nên đã níu lấy Ô. Kissinger để mong đâu “con cáo già ngoại giao” này sẽ đem “miệng lưỡi Tô Tần” để thuyết phục Ô. Trump. Chưa biết Ô. Trump sẽ nghe Ô. Kissinger tới mức nào dù Ô. Trump rất tâm đắc với Ô. Kissinger về nhiều vấn đề quốc tế. Chẳng hạn như Ô. Obama và Bà Clinton nhất định dùng phe nổi dậy Syria để lật đổ Tổng Thống Assad để đuổi Nga ra khỏi căn cứ hải quân Tartus, còn chuyện tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo tính sau. Còn Henry Kissinger cho rằng Nhà Nước Hồi Giáo nguy hiểm hơn chế độ độc tài Assad, cho nên phải hợp tác với Nga để tiêu diệt Nhà Nước Hồi Giáo trước rồi tính chuyện Assad sau. Còn vấn đề Ukraina, Kissinger ngay từ đầu cho rằng phải “Phần Lan hóa” tức trung lập hóa Ukraine mới giải quyết tận gốc vấn đề bởi vì Ukraina là vùng trái độn, bằng mọi giá Nga sẽ không để Kiev ngả theo Tây Phương. Còn Ô. Obama và Bà Clinton chụp lấy cơ hội Nga thôn tính Crimea/Crưm, đem quân sát biên giới và tiến hành cấm vận để cô lập và làm suy yếu Nga. Nếu cô lập và làm suy yếu Nga là chiến lược lâu dài và sinh tử của Mỹ thì kế sách của Ô. Obama và Bà Clinton đúng. Nhưng kế sách này cũng sẽ đem lại tai họa là Nga sẽ liên kết với Hoa Lục để chống Mỹ. Theo Kissinger “hai đánh một, chẳng chột cũng què” cho nên phải tách đối phương ra, tức hòa dịu với Nga chỉ để chi phải đối phó với Trung Quốc mà thôi. Hơn thế nữa ảnh hưởng của Nga ngày nay lan rộng toàn cầu. Tại Âu Châu có Hy Lạp, Serbia, Hung Gia Lợi. Tại Trung Đông có Ba Tư, Iraq, Ai Cập. Tại Đông Nam Á có Việt Nam, Miến Điện rồi nay là Phi Luật Tân. Nga đang là đồng minh chí cốt của một số quốc gia Nam Mỹ như Cuba, Nicaragua. Ngoài ra, Mỹ cũng cần Nga trong một số vấn đề quốc tế như thỏa hiệp hạt nhân Ba Tư và kiềm chế Bắc Hàn. Do đó không thể phớt lờ ảnh hưởng của Nga trên vũ đài chính trị quốc tế. Có thể đó là chiều hướng đối ngoại của Ô. Trump trong những ngày tháng sắp tới.

  – ABC News ngày 2/12/2016: “Vào ngày hôm nay, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đã nói chuyện với tổng thống Đài Loan, một hành động đã gây tức giận cho Hoa Lục. Thật là điều bất thường, có lẽ là tiền lệ chưa từng có của một tổng thống vừa đắc cử của Hoa Kỳ nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Đài Loan- một hòn đảo tự trị mà Hoa Kỳ cắt đứt bang giao vào năm 1979 (Jimmy Carter). Hoa Thịnh Đốn đã theo đuổi chính sách một nước Trung Hoa từ năm đó khi công nhận chính quyền lục địa cộng sản thay vì chính quyền quốc gia Đài Loan như trước đây. Theo chính sách này, Hoa Kỳ công nhận Bắc Kinh là đại diện duy nhất cho nước Trung Hoa, nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan.”

Với hành động này, có thể Ô. Trump tùy hứng và không biết gì về chính sách ngoại giao “Một nước Trung Hoa” mà Hoa Kỳ theo đuổi đã 37 năm nay, hay ông công khai phá bỏ chính sách đó và công nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập, tách khỏi Hoa Lục. Đây là một thắng lợi về mặt chính trị cho Bà Thái Anh Văn để tuyên bố độc lập, nhưng cũng có thể tạo ra một tình thế hỗn loạn tại Eo Biển Đài Loan.

Theo Hong Kongs Phoenix TV, Ngoại Trưởng Vương Nghị đã giảm nhẹ biến cố và coi đây chỉ là tiểu sảo (small trick) của Đài Loan và ông tin rằng không có sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Hoa. Theo Reuters ngày 4/12//2016: “Tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc ấn bản tiếng Anh nói rằng cuộc điện đàm 10 phút (giữa Ô. Trump và Bà Thái Anh Văn) bộc lộ cho thấy không gì khác hơn là Ô. Trump và cả nhóm tiếp nhận Tòa Bạch Ốc của Ô. Trump không có kinh nghiệm về ngoại giao. Hành động xảy ra là do thiếu hiểu biết về những điểu tế nhị trong quan hệ Mỹ-Hoa và vấn đề Eo Biển Đài Loan.” Còn Ô. Pence- Phó Tổng Thống Tân Cử thì nói rằng cuộc điện đàm chỉ là phép lịch sự (khi người ta chúc mừng mình). Nhưng phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói rằng Ô. Trump phá vỡ đường lối ngoại giao được lưỡng đảng tuân thủ trong 40 năm qua. Tin tức mới nhất cho biết Hoa Lục

đã cho oanh tạc cơ bay quanh Đảo Đài Loan để thị uy trước khi có cuộc điện đàm Trump – Thái Anh Văn. Và ngày hôm nay 5/12/2016 Trung Quốc thúc ép Hoa Kỳ không cho phi cơ chở Bà Thái Anh Văn bay qua không phận trên đường tới Guatemala vào tháng tới. Dường như Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách này.

 – Reuters ngày 4/12/2016: “Trong cuộc Hội Thảo Reagan Về Quốc Phòng Thường Niên tại California, Bộ Trưởng Quốc Phòng Na Uy Ine Eriksen Soereide thúc giục Tổng Thống Tân Cử Donad Trump nói ra một chính sách rõ ràng và có thể tiên đoán được về Nga càng sớm càng tốt giữa những lo lắng gia tăng từ Oslo về việc Nga gia tăng những hoạt động quân sự tại Vùng Bắc Cực.”

Chưa nhậm chức, chỉ mới chuẩn bị thôi mà đã nhức đầu vì tình hình thế giới giữa lúc cuộc chiến để không cho các công ty Hoa Kỳ bỏ Mỹ di chuyển qua Mễ Tây Cơ vô cùng căng thẳng. Ngoài truyền thông nghiêng về Đảng Dân Chủ, ông Trump đang bị công đoàn tại Indiana chống đối. Thế mới hay, nhiều khi đối phó với tư bản Mỹ, với truyền thông còn khó hơn là đối phó với kẻ thù. Chỉ vài tháng nữa thôi, tóc Ô. Trump sẽ bạc trắng chứ không còn màu tơ vàng như ngày hôm nay. Việc Nhật Bản vừa phê chuẩn thỏa hiệp Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đặt Ô. Trump vào thế khó xử chứ không phải chơi. Ông trước (Obama) đi khắp thế giới thúc giục người ta phê chuẩn đi. Ông sau (Trump) lại dẹp bỏ thì ai còn tin vào Mỹ nữa? Ông Trump có thể điều chỉnh lại một số điều khoản cho rằng bất lợi cho Hoa Kỳ. Nhưng hủy bỏ TPP là việc làm thiếu tính chiến lược và đầy Đông Nam Á vào tay Hoa Lục. Đầy ASEAN vào tay Trung Quốc thì làm sao có thể “Make America Great Again”? Do đó cũng đừng trách Ô. Duterte bỏ Mỹ theo Trung Quốc vì theo Mỹ cả trăm năm cũng chẳng được gì cả. Các nước nhỏ nên làm bạn với Mỹ nhưng vẫn phải tự lực tự cường để vươn lên. Nếu cứ ỷ lại vào “viện trợ” ngồi đó ăn bám, thì muôn đời vẫn là nhược tiểu, yếu hèn.

 – Reuters ngày 4/12/2016: “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng bước cho phép thương mại giữa Trung Quốc, Nga và Ba Tư được thanh toán bằng tiền tệ của khu vực (thay vì dùng Mỹ Kim, Anh Kim, Euro…) trong một nỗ lực chống đỡ cho đồng lira (tiền của Thổ). Hiện nay Trung Quốc, Úc Đại Lợi và Tân Gia Ba đã dùng tiền của nhau để thanh toán các thương vụ thay vì dùng Mỹ Kim.

– Business Insider ngày 4/12/2016: “Tướng bốn sao Petraeus – cựu Giám Đốc CIA thú nhận rằng ông đã phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng cách đây năm năm khi ông chia xẻ tin tức tình báo với cựu nhiếp ảnh viên và cũng là người tình bé nhỏ của ông.”

Từ sự kiện này chúng ta thấy nữ sắc có thể xuyên thủng bất cứ mạng lưới an ninh nào. Dù là một ông tướng bốn sao đã được tôi luyện gần như suốt đời trong kỷ luật sắt của quân đội, chưa chắc đã giữ được bí mật quốc gia. Vấn đề là tùy theo người chứ không phải dân sự hay nhà binh. Theo Edward Snowden hiện đang sống lưu vong tại Nga, “Tướng Petraus còn tiết lộ tài liệu mật nhiều hơn cả tôi.” (Snowden says Petraeus disclosed far more highly classified secrets than I ever did). Do đó trong Tam Thập Lục Kế, “Mỹ Nhân Kế” là kế độc muôn đời đắc dụng. Còn Bà Paula Broadwell – một sĩ quan tình báo quân đội kiêm nhiếp ảnh gia, đã có chồng con, lại ngoại tình với Ô. Petraeus, đáng lý ra phải biết tự xử, dù được ông chồng tha thứ, nay lại nhảy ra tuyên bố này nọ thì tôi không hiểu căn bản đạo đức của phụ nữ Hoa Kỳ như thế nào?

– Washington Post ngày 5/1/2/016: “Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ cùng Tổng Thống Obama viếng thăm Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) vào cuối tháng này và trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên viếng thăm một địa danh của Hạ Uy Di mà Nhật Bản đã tấn công 75 năm trước đây trong Đệ II Thế Chiến.”

Chuyện này không có gì ngạc nhiên. Nó chỉ là việc quên đi quá khứ để nhìn về tương lai cũng giống như Tổng Thống Pháp Francois Mitterrand vào năm 1993 đã viếng thăm Điện Biên Phủ – nơi mà một đạo quân nhà nghề hùng mạnh nhất nhì thế giới bị đánh bại và đã đứng trên hầm chỉ huy của Tướng De Castrie- người đã ra lệnh đầu hàng để cứu sống 11,000 lính Pháp còn bị kẹt trong địa ngục trần gian này. Lịch sử thì không thể thay đổi, nhưng chính sách ngoai giao có thể thay đổi cho phủ hợp với quyền lợi của đất nước.

 – Reuters (Vatican City) ngày 7/12/2016: “Trong một cuộc phỏng vấn được phổ biến hôm nay, Giáo Hoàng Francis nói rằng truyền thông tập trung vào những vụ tai tiếng và loan truyền tin tức giả tạo để bôi bẩn các chính trị gia thì có thể trở thành những người có đam mê xấu xa như phân /chất bài tiết trong cơ thể con người vậy. GH Francis nói với tuần báo Belgian Catholic Tertio rằng qua việc loan truyền tin tức giả tạo, truyền thông có thể gây tác hại lớn nhất và sử dụng những phương tiện thông tin cho mục đích này hơn là giáo dục công chúng…khiến có thể cấu thành trọng tội.” (Media that focus on scandals and spread fake news to smear politicians risk becoming like people who have a morbid fascination with excrement, Pope Francis said in an interview published on Wednesday. Francis told the Belgian Catholic weekly “Tertio” that spreading disinformation was “probably the greatest damage that the media can do” and using communications for this rather than to educate the public amounted to a sin.)

Hiện nay do sự bùng nổ của kỷ nguyên thông tin toàn cầu, mỗi cá nhân, vì không chịu một sự kiểm duyệt nào, ngoại trừ lương tâm, có thể tự do loan truyền các tin tức giả tạo, hình ảnh giả tạo. Đây là một hành vi vô cùng xấu xa khiến Giáo Hoàng phải lên án. Truyền thông đại chúng là phương tiện giáo dục quần chúng tốt nhất, nhưng nó lại là khí cụ để tuyên truyền, kích động hận thù, dâm ô, chia rẽ và loan tin bịa đặt để đạt một mục tiêu nào đó. Thế mới hay “Thuốc nào cũng là thuốc độc” giống như lời của một vị thiền sư đã nói. Theo một cuộc nghiên cứu của Wall Street Journal, đa số học sinh Mỹ không phân biệt được thế nào là tin giả và thế nào là tin thật. (Study: Most Students Cannot Distinguish Fake and Real News). Tin vào tin tức giả tạo, hình ảnh giả tạo giống như người mộng du, sống trong mơ …vì đang sống trong một thế giới thực nhưng lại suy nghĩ và hành động như trong một thế giới ảo. Thật tội nghiệp! Họ hành động giống như một người mất trí hay một người mê sảng! Nói khác đi, họ là các âm binh bị phù thủy sai khiến. Loan truyền tin tức giả tạo, hình ảnh giả tạo là một trọng tội (sin).

– Newsmax ngày 8/12/2016: “Các giới chức A Phú Hãn và Hoa Kỳ lo lắng về mối liên hệ xâu rộng của Nga với Taliban là lực lượng đang chiến đấu để lật đổ chính quyền Kabul, có thể làm phức tạp và tạo hiểm nguy cho tình hình. Các giới chức Nga phủ nhận việc họ đã trợ giúp cho phe nổi dậy đang tranh giành một vùng đất rộng lớn và tạo nhiều thương vong cho quân chính phủ, và nói rằng sự tiếp xúc có giới hạn với Taliban nhằm đưa Taliban vào bàn hội nghị.” Vào ngày hôm nay 9/12/2016, Bộ Trưởng Quốc Phòng Carter đã bất ngờ tới Kabul gặp gỡ Tổng Thống A Phú Hãn Ashraf Ghani, cam kết Hoa Kỳ vẫn gắn bó với A Phú Hãn trong những năm tới trong một cuộc chiến kéo dài đã 15 năm lấy đi sinh mệnh của 2200 lính Mỹ và tiêu tốn hàng ngàn tỉ đô-la mà vẫn chưa kết thúc.

 – AP ngày 9/12/2016: “Quốc Hội Nam Hàn do phe đối lập kiểm soát đã biểu quyết truất quyền Bà Phác Cận Huệ. Quyết định được gửi tới Viện Bảo Hiến xét xem có chính thức truất phế bà hay không. Trong khi chờ đợi, đất nước được điều hành bởi thủ tướng. Bà Phác Cận Huệ vẫn sống tại Dinh Tổng Thống (The Blue House), lãnh lương, được mật vụ bảo vệ nhưng chỉ ngồi đọc báo, xem truyền hình, nghe nhạc hay đi quanh quẩn trong nhà hoặc leo núi, câu cá giống như Tổng Thống Roh Moo-hyun năm 2004.”

Thế là trong vòng vài tháng nay, thế giới có hai nữ tổng thống bị truất phế, đó là Bà Dilma Rousseff của Ba Tây và nay Bà Phác Cận Huệ. Trước đây khi còn trẻ tôi vẫn nghĩ đàn bà như mẹ hiền, nếu lãnh đạo đất nước sẽ vỗ yên trăm họ và hy sinh cuộc sống riêng tư của mình để lo cho dân chúng giống như lo cho chồng cho con vậy. Thế nhưng lịch sử cho thấy, đàn bà khi có quyền hoặc chồng, anh chị em nắm quyền, cũng lộng quyền, tham nhũng, bè phái như các Bà Võ Tắc Thiên, Bà Marie Antoinett (hoàng hậu nước Pháp),Từ Hy Thái Hậu, Giang Thanh, chị em bà Tống Mỹ Linh, Bà Bhutto của Hồi Quốc, Bà Marcos của Phi Luật Tân và ngày nay tới Bà Phác Cận Huệ và Bà Dilma Rousseff.

 – International Business Times (Úc Châu) ngày 9/12/2016: “Theo bản tường trình của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Nga đã tiến hành một cuộc thử nghiệm mang tính “cách mạng” về tàu ngầm không người lái có thể mang vũ khí nguyên tử khiến đe dọa các hải cảng và bến đậu của Mỹ.”

Có thể việc phát triển tàu ngầm không người lái của Nga là một “bước ngoặt” làm thay đổi sức mạnh hải quân trên biển chăng? Cũng như máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 đã khiến Mỹ bá chủ bầu trời. Dù chúng ta có ca ngợi sức mạnh quân sự của Mỹ như thế nào đi nữa thì Nga vẫn là địch thủ đáng ngại của Mỹ.

– Reuters ngày 10/12/2016: “Thủ Tướng Robert Fico của Slovakia cho biết đất nước Slovakia mà đa số là Thiên Chúa Giáo đã thông qua đạo luật có hiệu lực vào ngày 30/11/2016 ngăn cấm Hồi Giáo và không công nhận Hồi Giáo là tôn giáo chính thống và đạo luật cũng ngăn chặn sự trợ giúp của chính phủ cho việc học hành của con em Hồi Giáo. Ông Robert Fico nói thêm rằng chúng ta sẽ nỗ lực để không một nhà thờ Hồi Giáo nào có thể xây thêm ở Slovakia.”

Hoa Kỳ và Âu Châu là quán quân trong việc bảo vệ tự do tôn giáo. Quốc gia nào vi phạm lý tưởng này đều bị Hoa Kỳ và Âu Châu lên án, cấm vận, cô lập. Nhưng nay chính Hoa Kỳ và Âu Châu đang phải đối phó với thảm họa Hồi Giáo, do đó không biết lý tưởng “tự do tôn giáo” có còn được Hoa Kỳ và Âu Châu tôn trọng nguyên vẹn hay không? Đây là đạo luật kỳ thị tôn giáo của Slovakia theo quan niệm của Tây Phương hay đây là sự bảo vệ giá trị cổ truyền của Slovakia mà tôn giáo là cột trụ? Hiện nay Miến Điện cũng đang phải chật vật đối phó với vấn nạn Hồi Giáo của sắc tộc Rohingya hay còn

gọi là Bengali. Trong khi đó Brunei – quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lại tuyên bố Hồi Giáo là “quốc giáo” điều đó có nghĩa là Thiên Chúa Giáo, Tin Lành và Phật Giáo không được công nhận tại đây. Có thể rồi đây tôn giáo quá khích sẽ là thảm họa cho nhân loại. Mà tôn giáo cực đoan chính là tôn giáo muốn nắm lấy chính quyền, khống chế chính quyền, khư khư cho rằng giáo lý của mình là tối thượng, tuyệt vời, niềm tin của mình là đúng nhất…còn những ai không tin như mình đều là “ngoại đạo/không tin đạo” (infidels) cần phải tiêu diệt.

Tình hình Syria:

 – ABC News ngày 11/12/2016: Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter loan báo đổ thêm 200 quân vào Syria nâng tổng số lên 500 nói là để huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Syria người Kurd dự trù tấn công vào Raqqah – thủ đô trong thực tế của Nhà Nước Hồi Giáo.

 – Fox News ngày 12/12/2016: Quân đội Syria hoàn toàn kiểm soát Aleppo- thủ đô trong thực tế của phiến quân, chấm dứt cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Mỹ tiến hành để lật đổ Ô. Assad. Tuy nhiên Ô. John Kerry nói rằng dù Aleppo thất thủ nhưng cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Theo Sputnik News ngày 15/12/2016: “Quân đội đang chuẩn bị dẫn phiến binh ra khỏi phía đông Aleppo. Công việc chuẩn bị được thực hiện theo lệnh của Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Những kẻ khủng bố rời khỏi thành phố theo hành lang đặc biệt về hướng Iblib.” Bản tin có kèm theo một đoạn thu hình ngắn ghi lại cuộc di tản này.

 Tình hình Biển Đông:

 – Reuters ngày 2/12/2016: “Tổng Thống Phi Luật Tân cho biết Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đã mời ông viếng thăm Tòa Bạch Ốc vào năm tới trong một cuộc điện đàm rất hấp dẫn và sôi nổi, giữa lúc mối liên hệ giữa hai quốc gia bị lung lay. Ông Trump trong cuộc tán chuyện ngắn (chat) với Ô. Duterte – vị tổng thống nóng nảy của Phi -giữa lúc không sao tiên đoán được về lập trường của một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ tại Á Châu, đã đốt thêm lửa bởi những lời thù nghịch liên tục đối với Hoa Kỳ và đe dọa cắt đứt liên minh quân sự đã có trong nhiều thập niên. ” Theo AFP, Ô. Trump còn nói rằng cuộc chiến chống ma túy của Ô. Duterte là việc làm đúng, khác hẳn Ô. Obama lên án hành động này.

Đây là hành động khôn ngoan của Ô. Trump. Giữ được lý tưởng nhân quyền và mất một đồng minh chiến lược, cái nào lợi hơn cho đất nước? Như tôi đã nói trong những bài viết trước, nếu không khéo xử sự, Hoa Kỳ sẽ đẩy Phi Luật Tân vào tay Hoa Lục. Chiến lược tốt nhất vẫn là hòa dịu với Ô. Duterte để giữ yên khu vực Đông Nam Á mà Phi Luật Tân là trọng điểm chiến lược. Thế nhưng vào ngày 8/12/2016, ABC News cho biết, bộ trưởng quốc phòng Phi Luật Tân nói rằng Phi chưa chắc đã cho phép Hoa Kỳ sử dụng Phi như là nơi xuất phát những cuộc tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông để tránh thù nghịch với Hoa Lục. Ô. Delfin Lorenzana nói tàu chiến và máy bay Mỹ có thể sử dụng các căn cứ ở Guam hay cho máy bay xuất phát từ các hàng không mẫu hạm để thực hiện các vụ tuần tra.

Với quyết định mới nhất này chúng ta có thể thấy Phi Luật Tân đã theo đuổi chính sách trung lập để vừa phát triển đất nước vừa không phải đối đầu với Hoa Lục tại Biển Đông. Chưa biết sách lược này đưa Phi Luật Tân đi về đâu. Và không biết Hoa Kỳ có chấp nhận một Phi Luật Tân trung lập hay không? Vào ngày 11/12/2016 AP đưa tin, “Trong bài diễn văn đọc trước binh sĩ, Tổng Thống Duterte nói ông vừa quyết định chấp nhận một vụ mua bán vũ khí do Trung Quốc đề nghị với điều khoản ưu đãi có thể trả trong 25 năm, một dấu hiệu mới nhất của quan hệ nồng ấm với quốc gia trước đây thù nghịch.”

Đây là cái “quả” của hành động quá vội vã của Ô. Obama tuyên bố ngưng cung cấp 25,000 khẩu súng trường cho Phi Luật Tân vì những vi phạm nhân quyền trong chiến dịch chống tội phạm ma túy.

 – The Guardian ngày 9/12/2016: “Việt Nam đã nâng cấp Đảo Đá Lát (Ladd Reef) nằm ở bìa tây nam của Quần Đảo Trường Sa hoàn toàn bị ngập khi thủy triều dâng cao nhưng có một ngọn hải đăng và một tiền đồn với một số lượng nhỏ binh sĩ trú đóng tại đây. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở bãi đá ngầm này. Hình ảnh chụp được ngày 30/11/2016 do cơ sở vệ tinh Planet Labs có trụ sở ở Hoa Kỳ cung cấp, cho thấy một vài con tàu ra vào con kênh đào nối liền biển với vũng nước nằm ở bên trong.”

Với sự nâng cấp này, vũng nước bên trong sẽ là nơi trú ẩn an toàn và lý tưởng cho tàu bè giữa biển khơi trời nước mênh mông. Nếu củng cố được những hòn đảo ở Quần Đảo Trường Sa – Việt Nam vừa bảo vệ lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên mà còn là những “pháo đài” để che chở cho đất liền.

– CNN ngày 11/12/2016: Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Fox News, Ô. Donald Trump nói rằng, “Tôi hiểu rõ chính sách một nước Trung Hoa nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta lại bị trói buộc vào chính sách này trừ phi chúng ta buộc Hoa Lục thương thảo với chúng ta để làm một số việc trong đó có vấn đề ngoại thương. Nhìn xem, tôi muốn nói chúng ta bị tổn hại rất nặng với sự phá giá đồng bạc, họ đánh thuế hàng chúng ta nặng nề trong khi chúng ta thì không, lại với việc xây dựng một pháo đài khổng lồ tại Biển Đông, đáng lý ra họ không nên làm và chẳng giúp gì chúng ta với vấn đề Bắc Hàn.” (I fully understand the ‘one China’ policy, but I don’t know why we have to be bound by a ‘one China’ policy unless we make a deal with China having to do with other things, including trade. I mean, look, we’re being hurt very badly by China with devaluation, with taxing us heavy at the borders when we don’t tax them, with building a massive fortress in the middle of the South China Sea, which they shouldn’t be doing, and frankly with not helping us at all with North Korea,” Trump said.)

Với lời tuyên bố này rõ ràng Ô. Trump sẽ mạnh tay với Hoa Lục chứ không xìu xìu ển ển như Ô. Obama. Và sách lược đối ngoại bao quát của ông Trump sẽ là “Đông hòa Tôn Quyền (Nga), bắc địch Tào Tháo (Tàu)” kế sách mà Henry Kissinger mách nước cho ông. Một số “kép độc” trong chính sách ngoại giao của Mỹ cũng nói rằng hợp tác (partner) không có nghĩa là đồng minh (ally) nhưng nhất thời làm việc chung để đạt mục tiêu nào đó như: Mỹ hợp tác với Liên-sô để chống Phát-xít Đức. Nhưng khi Hitler bị diệt rồi thì sự hợp tác đó chấm dứt và Nga-Mỹ lại quay ra choảng nhau như thường. Vậy thì chưa chắc Bà Clinton hay Ô. Obama đã khôn ngoan hơn Ô. Trump.

Nếu Mỹ -Nga đối đầu nhau trong cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới thì Việt Nam sẽ vô cùng khó xử vì Nga là đồng minh truyền thống của Việt Nam, trong khi Việt Nam đang “hợp tác toàn diện” với Mỹ. Hơn thế nữa, Cam Ranh ngày nay đã có một quân cảng quốc tế. Theo tôi, trong tương lai, hải quân Mỹ sẽ hiện diện nhiều hơn tại Biển Đông. Nếu Nga-Mỹ hòa hoãn với nhau thì sự ra vào Cam Ranh thường xuyên của các chiến hạm Nga sẽ không gây “khó chịu” cho Mỹ. Một sự hợp tác Nga-Mỹ cũng sẽ giúp Đông Nam Á không lọt trọn vào tay Hoa Lục vì Nga cũng đang triển khai Kế Sách Viễn Đông trong lúc ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á mỗi lúc mỗi sói mòn. Có thể các chiến lược gia đứng sau lưng Ô. Trump đã nhìn thấy vấn đề chăng? Không còn nghi ngờ gì nữa. Hiện nay Hoa Lục đã là siêu cường về kinh tế. Trong một thập niên nữa thôi, Hoa Lục sẽ là siêu cường về quân sự. Trong bản tin mới nhất, CNN cho biết ngân sách quốc phòng của Trung Quốc từ 123 tỉ đô-la sẽ tăng lên 233 tỉ vào năm 2020. Hoa Lục vừa thử nghiệm thành công máy bay ném bom chiến lược tàng hình H-20 (thay thế cho H-6) tương đương với B-2 của Hoa Kỳ và sẽ đưa vào tác chiến năm 2025.

Các chiến lược gia Hoa Kỳ đang đứng trước ngã ba đường là phải lựa chọn một trong hai giải pháp: Đối đầu với Nga và Trung Quốc cùng lúc, hay lựa chọn kẻ thù nguy hiểm nhất để đối phó và tạm thời hòa hoãn với kẻ thù ít nguy hiểm hơn. Trong chiến lược giữ nước, muốn có quyết định sáng suốt thì phải gạt qua một bên quá khứ và mặc cảm thương-ghét. Chẳng hạn, nếu cứ ôm lấy quá khứ thì không thể có “liên minh Mỹ-Nhật” và “hợp tác toàn diện Việt-Mỹ”. Ô. Trump là con người thay đổi cho nên ông sẽ không nhìn Nga là kẻ thù vĩnh viễn và chắc chắn cũng sẽ không coi Nga là người bạn vĩnh viễn. Việc bổ nhiệm Ô. Tillerson- Giám Đốc Điều Hành ExxonMobil có mối liên hệ thương mại thân thiết với Ô. Putin làm bộ trưởng ngoại giao cho thấy Ô. Trump muốn cải thiện bang giao với Nga. Theo Politico, Ô. Trump sẽ không bác bỏ chuyện gỡ bỏ cấm vận Nga. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho AP ngày 13/12/2016, cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga Gorbachev (85 tuổi) nói, “Tôi hy vọng Nga và Hoa Kỳ sẽ làm tốt hơn để làm dịu tình hình căng thẳng với nhiệm kỳ tổng thống của Ô. Donald Trump.”

Trong đời sống cá nhân, chúng ta có thể có bạn “nối khố” và kẻ thù “bất cộng đái thiên”. Nhưng trong chính trị “kinh bang tế thế”, kẻ đại trí và quyền biến là kẻ nhìn thấy “Không có kẻ thù vĩnh viễn và cũng không có đồng minh vĩnh viễn”./.

https://vietbao.com/a261695/nhat-ky-bien-dong-the-gioi-bat-on-my-thay-doi-chinh-sach-ngoai-giao

 

 

Ngày mai này Người Tàu sẽ làm chủ thế giới? – Nguyễn văn Trần

Giấc mộng Tàu

Người Tàu tiên đoán Tàu sẽ xóa bỏ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Họ xem nay là kỷ nguyên hậu Huê kỳ, đưa ra chiến lược Bắc kinh sẽ từng bước thôn tính thế giới. Mơ ước này là nội dung quyển sách của Đại tá Lưu Minh Phúc, Giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc kinh về các vấn đề hiện đại hóa và phát triển lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân, đang được dư luận ở Tàu và cả ở phương tây chú ý mạnh mẽ.

Chắc chắn đây đúng là quan điểm thể hiện tham vọng của quân đội Tàu và cả chánh giới Tàu. Giấc mộng mai này làm chủ thế giới không phải chỉ thấy qua chánh sách quân sự và ngoại giao như trong gần đây, một cách thô bạo ở Biển Đông, mà còn biểu hiện rõ nét hơn ở chánh sách đề cao chủ nghĩa dân tộc đại hán. Tức muốn nói tính ưu việt về chủng tộc, chủ nghĩa quân phiệt, và lý luận theo duy ý chí của đảng cộng sản.

Dư luận ở Tàu có kẻ ủng hộ, người phản bác vì thận trọng. Riêng Tây phương thì cho rằng đây là lời thách thức nhắm thẳng vào Huê kỳ. Tác giả thúc giục chánh phủ Tàu hảy chạy hết sức để sớm đưa nước Tàu trở thành «cường quốc số 1» hay ít lắm, cũng là «cường quốc chi phối thế giới».

Sau khi đọc qua quyển «Giấc mộng Tàu», học giả và chiến lược gia Tàu hợp nhau tranh luận quyết liệt về việc liệu đã diễn ra chưa những thay đổi căn bản trong cán cân quyền lực toàn cầu, nắm rõ điều này sẽ giúp củng cố vị trí và tư thế tương đối của Tàu so với Huê kỳ. Và Tàu sẽ điều chỉnh những chánh sách của mình như thế nào? Nhận định cho rằng Tàu đã đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu thành công hơn nhiều so với Mỹ. Các cường quốc khác đang cho rằng Tàu giờ đây không cần phải quan tâm đến dư luận nước ngoài hay những lợi ích của Mỹ nữa, đặc biệt là về những vấn đề đụng chạm đến “những lợi ích cốt lõi” của Tàu – đáng chú ý nhất là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia Tàu.

Thực hiện tham vọng bá chủ thiên hạ, Tàu hô hào học tập và làm việc theo gương của ba nhơn vật vĩ đại của họ là Tôn Trung Sơn, Mao Trạch-đông và Đặng Tiểu- bình.

Trong lúc Tàu là nước nghèo yếu nhất thế giới, Tôn Trung Sơn đã kêu gọi “mọi nguời phải lập chí”, xây dựng nước Tàu trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới” và còn kêu gọi 400 triệu người đều phải có nguyện vọng và ý chí này. Lời của Tôn Trung sơn  đã khiến người Tàu ngày nay cảm thấy kinh ngạc và tự hào.

Phải xây dựng Tàu trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới”. Không chỉ đuổi kịp Anh, Mỹ mà còn phải vượt lên trên họ. Đây là chí hướng vĩ đại của Tôn Trung Sơn. Năm 1894, ông đã đề xuất cương lĩnh cải cách của mình: “Nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng, hóa năng sướng kỳ lưu” (phát huy hết tài năng của mọi người, khai thác hết tài nguyên đất đai, lợi dụng hết công năng của vạn vật, để cho hàng hóa được lưu thông). Thực hiện được bốn điều này, Tàu “có thể vượt lên châu Âu”. Sau này, Tôn Trung Sơn còn nhiều lần nói đến chủ nghĩa tam dân, xây dựng đất nước giàu mạnh đứng đầu thế giới.

Mao Trạch đông cũng là người theo đuổi lý tưởng Tàu phải đứng đầu thế giới nên vội làm “Đại nhảy vọt” để vượt Anh, đuổi kịp Mỹ. Mao Trạch Đông cho rằng đây không phải là ước mơ mà thật sự là trách nhiệm của Trung Quốc.

Mao nói tại cuộc hội dàm về cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa năm 1955: “Mục tiêu của chúng ta là phải đuổi kịp và vượt Mỹ. Nước Mỹ chỉ có hơn 100 triệu dân, còn chúng ta có hơn 600 triệu dân, do đó chúng ta phải đuổi kịp Mỹ. Trên thế giới, cứ bốn người thì chúng ta có một người, do đó không phấn đấu vươn lên là điều không thể chấp nhận được, chúng ta nhất định cần phải phấn đấu vươn lên không chịu thua kém”.

Một lần khác, Mao nhấn mạnh: “Vượt qua Mỹ, không chỉ có thể mà còn hoàn toàn cần thiết, hoàn toàn đáng làm. Nếu không như vậy, thì dân tộc Trung Hoa chúng ta có lỗi với các dân tộc trên thế giới, cống hiến của chúng ta cho nhân loại quá nhỏ bé”.

Để thực thi chiến lược vượt Anh, đuổi kịp Mỹ, Mao đã phát động cuộc vận động “Đại nhảy vọt”. Tại hội nghị ở Nam Ninh đầu năm 1958, Mao tuyên bố: “Tôi không tin xây dựng đất nước khó hơn đánh trận”.

“Đại nhảy vọt” đã không thực hiện được mục tiêu vượt Anh, đuổi kịp Mỹ, mà trái lại, còn làm cho kinh tế nước Tàu sụp đổ và hàng triệu triệu Ba Tàu ngã lăn ra chết vì đói rét. Giấc mơ “Đại nhảy vọt” vẫn là giấc mơ!

Đặng Tiểu bình thiết kế tổng thể đầu tiên để đưa nước Tàu tiến tới vị trí đứng đầu thế giới. Tuy trong những phát biểu và sách báo công khai không đề cập tới những từ ngữ như “Trung Quốc đứng đầu”, “đuổi kịp, vượt qua Mỹ”, nhưng nguyện vọng lãnh đạo nhân dân Tàu tiến tới vị trí đứng đầu thế giới của Đặng Tiểu bình lại mạnh mẽ vô cùng.

Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản là một tấm gương cải cách chấn hưng đất nước. Đặng Tiểu bình tâm phục nên tuyên bố: “Minh Trị Duy Tân là công cuộc hiện đại hóa nước Nhựt nhưng do giai cấp tư sản thực hiện, chúng ta là giai cấp vô sản có khả năng thực hiện tốt hơn họ. Đặng nhấn mạnh: “Nay chúng ta thực hiện việc mà Trung Quốc vài nghìn năm qua chưa từng làm. Cuộc cải cách này không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc, mà còn tác động tới thế giới”. Nếu thành công, thì có thể đem lại một loạt kinh nghiệm cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và các nước kém phát triển.

Đặng đề xuất thực hiện “chiến lược ba bước” với thời gian 70 năm. Bước thứ nhất cần 10 năm để đạt được mức sống ăn no mặc ấm, bước thứ hai cần 10 năm để đạt được mức khấm khá, bước thứ ba cần 50 năm trong thế kỷ 21 để thực hiện mục tiêu vĩ đại chấn hưng dân tộc. Lời dặn dò cuối cùng của ông khích lệ nhân dân: “Từ nay đến giữa thế kỷ sau, sẽ là thời kỳ rất gấp gáp, chúng ta cần chăm chỉ làm việc. Trên vai chúng ta mang gánh nặng, trách nhiệm lớn!”. Đặng Tiểu Bình ám chỉ thế kỷ 21 chính là thời kỳ này, vậy tại sao lại là thời kỳ cực kỳ gấp rút? Bởi đây chính là thời kỳ nước Tàu hướng tới vị trí đứng đầu thế giới.

Những khó khăn kinh tế

Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục với mức độ cao, nay nền kinh tế Tàu bước vào giai đoạn khựng lại và tụt xuống nên Bắc kinh phải tìm cách thay đổi, từ dựa vào sản xuất và xuất khẩu, nay bước sang sản xuất hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ. Vài năm gần đây, Tàu mở rộng ra toàn cầu. Những Công ty lớn của Tàu tìm mua lại các công ty nước ngoài và tung vốn ra đầu tư trong các nghành kỷ nghệ cao, cả tài chánh và dịch vụ. Chỉ trong năm 2016, các công ty Tàu đã bơm 111,6 tỷ us$ vào các thương vụ nước ngoài.

Tuy nhiên, các quốc gia đang giao thương với Tàu ngày càng thận trọng. Lấy lý do chính trị và kinh tế để hạn chế làn sóng Tàu mua lại cơ sở sản xuất và dịch vụ vì lo ngại có sự can thiệp của Chánh phủ Bắc kinh qua các công ty quốc doanh. Cả với công ty tư nhơn vì ở Tàu những cơ sở lớn đều có Nhà nước đứng đàng sau.

Tổng cộng có 11 vụ mua lớn, các nhà đầu tư Trung Cộng đã phải bỏ cuộc từ tháng 7 năm ngoái, vì từ Huê Kỳ qua Úc và nay đến cả Âu Châu, các nước đều có biện pháp xem xét gắt gao và siết chặt điều kiện mua bán cơ sở thương mại và sản xuất với Tàu.

Chủ trương tuôn vốn ra nước ngoài mua, hợp tác với xí nghiệp ngoại quốc bị tứ bê ngăn chận, trong lúc kinh tề bị vô cùng khó khăn, Bắc kinh sẽ phải chấp nhận cải cách sâu rộng, không chỉ kinh tế mà cả chánh trị ?

Về kinh tế, ngân hàng trung ương Tàu đã báo động. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BRI) ở Bâle, Thụy sĩ, cho biết nợ của Tàu gia tăng phi mã. Tỷ lệ nợ với sản lượng nội địa (PIB), có xu hướng còn kéo dài, nay đã đạt tới 30, 1% ở tam cá nguyệt đầu của năm nay 2016, một mức cao chưa từng thấy, cao nhứt trong 43 quốc gia được BRI theo dỏi, vì thông thường, tỷ lệ ấy quá 10% là đã báo động rồi. Ngân hàng BRI lo ngại trong vài năm tới, Tàu khó tránh cuộc khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng. Tổng số nợ của Tàu hiện nay lên tới 25.000 tỷ us$, bằng 240% PIB (AFP, 19/9/2016).

Tình hình cực kỳ khó khăn về kinh tế đặt Bắc kinh trước quyết định có cải tổ hệ thống cầm quyền hay không ? Giới chức lãnh đạo vẫn tiếp tục tranh luận cải tổ hay không cải tổ từ sau Đại Hội đảng lần thứ 18. Ai cũng thom thóp lo sợ nguy cơ một cuộc cách mạng khó tránh khỏi xảy ra vì tình hình xã hội quá bi đát do kinh tề suy sụp. Nhiều người nêu quyết tâm muốn cải tổ khẩn cấp.

Hôm 25/12 năm ngoái, hơn 70 học giả và luật sư hàng đầu của Tàu đã trình một bản kiến nghị kêu gọi ban lãnh đạo mới của nước này tiến hành những cải cách chánh trị vừa phải trong khuôn khổ Hiến pháp hiện tại.

Các cải cách được đề xuất bao gồm: bầu cử tự do, bảo vệ quyền tự do ngôn luận, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân và xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập.

Bản kiến nghị, do Giáo sư Trương Thiên Phàm ở Khoa Luật Đại học Bắc Kinh soạn thảo, cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ xảy ra một cuộc cách mạng nếu nước này không thay đổi:

“Nếu những cải cách hệ thống mà xã hội Trung Quốc đang đòi hỏi khẩn cấp tiếp tục bị ghìm nén và tinh trạng tham nhũng và bất bình xã hội tích tụ lại đến mức độ nguy hiểm và bùng nổ thì lúc đó Trung Quốc sẽ một lần nữa để lỡ cơ hội cải cách hòa bình và sẽ chìm sâu trong hỗn loạn của một cuộc cách mạng bạo lực”.

Giáo sư Tôn Lập bình dẫn lời Giáo sư Bùi Mẫn Hân tại Trường Claremont McKenna nhận xét tình hình nước Tàu hiện nay «Một cuộc cách mạng âm thầm đang diễn ra trong đời sống chính trị Trung Quốc khi mà niềm tin của dân chúng vào chánh quyền đang suy giảm và năng lực duy trì ổn định của Chánh phủ đang suy yếu».

Bình luận về ý kiến này, ông Vương Bá Mẫn, Tổng Biên tập tạp chí Tài Kinh, nói «Không cải cách còn nguy hiểm hơn là bản thân cải cách. Nếu không cải cách, e sẽ không có Đại hội Đảng lần thứ 19».

Viễn cảnh về một cuộc cách mạng bạo lực không chỉ là một chủ đề bình luận của các học giả cũng như trên mạng. Có những dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, ở một mức độ nào đó, cũng có cùng mối lo ngại về khả năng sụp đổ của chế độ.

Trong lúc đó, có điều lạ là giới lãnh đạo nước Tàu đang đặc biệc quan tâm về một cuốn sách củ của tác giả người Pháp Alexis de Tocqueville ở thế kỷ XIX «L’Ancien Régime et la Révolution» (Chế độ củ và Cách mạng).

Ông Vương Kỳ sơn, tân Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản, đã kêu gọi các quan chức và học giả hãy đọc tác phẩm kinh điển của Alexis de Tocqueville về Cách mạng Pháp, nhưng không thấy ông nói tại sao phải tìm đọc. Vì ông Vương Kỳ sơn và nhiều nhà lãnh đạo khác của Tàu dường như nhận ra nhu cầu phải thay đổi?

Chế độ củ vá Cách mạng

Hiếm khi một quyển sách về tư tưởng chánh trị của Tây phương được lọt vào đất nước Vạn Lý Trường thành, thế mà trong gần đây, quyển «Chế độ củ và Cách mạng» của Alexis de Tocqueville lại chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành một quyển sách bán chạy nhứt ở Tàu. Giới lãnh đạo tư tưởng, học giả đều là độc giả. Và «Chế độ củ và Cách mạng» trở thành quyển sách đầu giường của họ. Hằng trăm ngàn ấn bản đã bán sạch. Nhiều người Tàu đọc qua cho rằng Tocqueville đã đem lại cho họ cái chìa khóa để hiểu nước Tàu của họ.

Đọc «Chế độ củ và Cách mạng» người ta sẽ thấy tác giả chỉ ra rằng không phải sự nghèo khổ là động cơ đưa đến cách mạng. Trước Cách mạng 1789, nước Pháp rất thạnh vượng, chỉ có tham nhủng và bất bình đẳng. Chế độ quân chủ bắt đầu những cải tổ. Nhưng khi cải tổ thì sự cải tổ đó đã lật đổ chế độ. Tocqueville nhấn mạnh «Lúc cực kỳ nguy hiểm cho một Nhà nước thất nhơn tâm là lúc Nhà nước ấy bắt đầu cải tổ. Thường it có cuộc cách mạng nào là «nguyên tác», mà chỉ là bản sao chép (copie) của cuộc cách mạng đã xảy ra».

Vậy một biến cố tương tợ sẽ xảy ra ở nước Tàu chăng?

Giới lãnh đạo chánh trị nghĩ rằng trường hợp tưong đồng phải có giới hạn của nó chớ. Nên họ tự an ủi nước Tàu sẽ không là nước Pháp năm 1789 vì nước Tàu không phải quân chủ, mà là một nước của «nhơn dân».

Nhiều trí thức và giới ly khai cho rằng trong một nước có truyền thống độc tài lâu đời thì khó tránh cách mạng xảy ra nếu không chịu thay đổi. Nhưng không phải ví thay đổi mà sẻ không có cách mạng xảy ra. Không thay đổi thì tình hình đất nước sẽ thêm tồi tệ thì cách mạng lại có cơ xảy ra sớm hơn.

Trường hợp Liên-xô dưới thời Gorbatchev dường như vẫn còn ám ảnh nặng đảng cộng sản Tàu. Và cả đảng cộng sản ở Hà nội nữa. Trong buổi hợp với cán bộ lãnh đạo trung ương, Tập Cận bình hỏi «Tại sao Liên-xô tan rã?». Theo Tập Cận bình «Chủ yếu bởi vì họ đánh mất niềm tin và lý tưởng». Cận bình kêu gọi mọi người hảy trở về với chủ thuyết và kỷ cương cách mạng của Lê-nin. Chỉ có cách đó có thể tránh cho đảng ta số phận của Liên-xô mà thôi.

Cận Bình bác bỏ bài học của Tocqueville, kết luận: «Ở ta có nhiều điều ta không bao giờ thay đổi dầu có phải trả một thế nào đi nữa!».

Paris, cuối Thu 2016

 

 

Bầu Cử Bị Tin Tặc: TT Obama Chịu Trách Nhiệm –  Vi Anh

Hơn một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày ngày 8 tháng 11 năm 2016, cây muốn lặng, mà gió chẳng ngừng. Phe thắng cử, Tổng Thống đắc cử Trump làm việc không kịp thở để đoàn kết quốc gia và thành lập tân nội các. Ông Trump tuyên bố không theo đuổi hồ sơ email của Bà Hillary ứng cử viên tổng thống thất cử của Đảng Dân Chủ. Ông Trump đi gặp TT Obama bàn về việc bàn giao chánh quyền, cố tạo cảm thông, tương kính, chớ không dao to búa lớn như thời trước bầu cử TT Obama ủng hộ Bà Hillary hết mình, chê Ô. Trump dốt chánh trị, không đủ tư cách làm tổng thống. Ô Trump cũng đích thân đi thăm và nhận phỏng vấn của ban biên tập của tờ báo New York Times là tờ báo chống Ông hết cỡ thợ mộc.

Cây muốn lặng như thế, nhưng gió không ngừng. Trận gió đầu là trận gió của Bà Stein Chủ Tịch Đảng Xanh, kết quả bầu cử Bà không được 1% phiếu, đứng lên gây quỹ được gần 5 triệu Mỹ Kim để phát động phong trào xin đếm lại phiếu mong mỏi lật ngược thế cờ. Vì số phiếu của Bà dưới 1%, không ai nghĩ Bà xin kiểm lại phiếu để hy vọng chuyển bại thành thắng cho Bà. Nghi ngờ ấy tỏ ra đúng, chỉ hai ngày sau, phe của Bà Hillary tuyên bố dự sự. Luật sư Marc Elias cố vấn chính trong chiến dịch bầu cử của bà Hillary nói không có bằng chứng để kết luận cuộc bầu cử đã bị phá hoại, nhưng “chúng ta có một nghĩa vụ đối với hơn 64 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho Hillary Clinton tham gia vào một quá trình liên tục để bảo đảm rằng một cuộc kiểm phiếu chính xác sẽ được báo cáo”. Ông Elias còn nói thêm có thể xin kiểm thêm các tiểu bang miền Trung Tây nếu như Tiến sĩ Stein tiếp tục như lời hứa của Bà. Nhưng cho đến bây giờ kế hoạch lật ngược thế cờ có hậu thuẫn công khai của Phe Dân Chủ Hillary có vẻ là cờ rũ để tang cho cuộc thất cử của Bà Hillary dù với sự ủng hộ hết mình của TT Obama.  Còn TT Obama đâu phải tay vừa, Ông mượn tay hai cơ quan tình báo mật của nội các Obama: CIA và FBI. CIA và FBI tung ra ngọn gió tiền cừu hậu hận của Bà Hillary và TT Obama đối với Ô. Trump. Tin VOA tiếng nói chánh thức của chánh phủ Obama, ngày 10-12-16, loan báo “CIA: Nga đã can thiệp giúp Trump đắc cử: “CIA kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump đắc cử chứ không chỉ làm giảm lòng tin của dân chúng vào hệ thống bầu cử Hoa Kỳ, theo tiết lộ từ một quan chức cấp cao của Mỹ…”

“Tòa Bạch Ốc ngày 9/12 loan báo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo đánh giá các cuộc tấn công mạng và sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử 2016 và trình báo cáo trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1. Cố vấn an ninh quốc gia của TT Obama, Lisa Monaco, cho báo giới biết kết quả báo cáo sẽ được chia sẻ cho Quốc hội và những nơi khác.”

Sau đó, TT đắc cử Trump trả lời trên Twitter của Ông về báo cáo phân tích của CIA là: “Vẫn là những người đã từng nói rằng Saddam Husein tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Ông Trump cũng tuyên bố trên “Fox News Sunday” hôm 11/12, “Tôi nghĩ rằng đó là điều lố bịch. Tôi nghĩ rằng đó lại là một cái cớ khác. Tôi không tin điều đó”… “Tổng thống đắc cử Mỹ đổ lỗi cho phe Dân chủ đã tung ra các tin tức về sự can dự của Nga. Ông Trump cũng cho biết ông không tin rằng những cáo buộc đó xuất phát từ Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA).

Chưa hết, tin RFI của Pháp ngày 11 tháng 12 cho biết thêm, “Hôm qua 10/12/2016, lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng Viện Mỹ, ông Harry Reid khẳng định, giám đốc FBI James Commey đã nắm được thông tin Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ từ nhiều tháng trước nhằm giúp Donald Trump thắng cử. Giám đốc James Commey, thuộc đảng Cộng Hòa, đã không phổ biến thông tin trên.”

Ông Sean Spicer, người được giao làm phát ngôn viên cho nhóm chuyển giao quyền lực của TT đắc cử Trump, nói trên CNN. Ông “khẳng định hoàn toàn không hề có bằng chứng nào cho thấy điều đó. Ông nói: “Donald Trump đã giành 306 đại cử tri ở 2300 hạt. 62 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông ta.

Suốt mùa bầu cử 2016, TT Obama cầm quyền. Đó là thời gian thuộc quyền hạn và trách nhiệm của TT Obama phải bảo quốc an dân. Tất cả các cơ quan an ninh, tình báo, quân đội và lực lượng bán quân sự, tất cả đều dưới quyền tối cao của TT Obama.

Bầu cử tổng thống, cả hạ viện và 1/3 thượng viện liên bang là một quốc gia đại sự của tổng thống. An ninh bầu cử là điều kiện tiên quyết của quốc đại sự này. Tin tặc xảy ra cho Cộng Hoà, Dân Chủ, cho ứng cử viên tổng thống nào trong mùa bầu cử cũng thuộc về trách nhiệm của TT Obama và chánh quyền đương nhiệm. Nói một cách cụ thể, an ninh bầu cử tổng thống là trách nhiệm của tổng thống Mỹ đương nhiệm. Mãi tới ngày 20 tháng 01 năm 2017, sau 12 giờ trưa TT đắc cử Trump tuyên thệ nhậm chức, chánh quyền mới chuyển qua TT Trump.

Trước ngày chuyển giao chánh quyền 20 tháng 01 năm 2017 đó, TT Obama là người cầm lái con thuyền quốc gia, có trục trặc, biến cố gì, mũi dại lái phải chịu đòn. Tổng thống người quyền cao chức trọng nhứt của chánh quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm nặng nhứt. Bầu cử tổng thống là một quốc gia đại sự. An ninh bầu cử là điều kiện tiên quyết, yếu tố quan trọng nhứt của quốc gia đại sự này. Tổng thống đương nhiệm là người phải chịu trách nhiệm lớn nhứt về an ninh bầu cử. Phòng chống các hình thái đánh phá nào của địch, không có ai đủ nhơn tài vật lực, quyền năng hiến định, luật định cho bằng tổng thống. Quyền hạn và trách nhiệm theo tính lý pháp luật phải đi đôi. Tổng thống vì thế không thể đổ lỗi, đổ tội, đổ trách nhiệm cho ai vì không có ai quyền lớn hơn tổng thống trong việc bảo quốc an dân, mà cuộc bầu chọn chọn tổng thống, 1/3 thượng nghị sĩ và 430 dân biểu liên bang, là một quốc gia đại sự.

Chắc chắn 1001%, Đảng Dân Chủ, Cộng Hoà chánh quyền liên bang Mỹ, chánh quyền 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC, và 3.144 chánh quyền quận hạt và tương đương và 19.354 chánh quyền thành phố và tương đương, và chính TT Obama và Bà Hillary cũng không dám uống cả ký thuốc liều để kiếm chuyện lợi dụng hai cái tin của CIA và FBI để ăn vùa thua giựt. Để dàn dựng mở cuộc luận tội TT Trump “CIA: Nga đã can thiệp giúp Trump đắc cử”. Để kéo dài việc chuyển giao chánh quyền cho TT đắc cử Trump theo hiến định. Một hành động tự sát cuộc đời chánh trị của hai vị này. Nhưng chắc hai vị ấy cũng cần hạ cánh an toàn để hưởng phú quý vinh hoa. Cựu TT Obama lương bổng và quyền lợi tổng thống hồi hưu hưởng tới chết. Và Bà Hillary cùng chồng, con gái hưởng bạc tỷ Đô la của Clinton Foundation tới chết cũng còn. Giả sử thực sự nếu có cái tội như CIA của TT Obama tiết lộ tin tặc Nga giúp Ô. Trump đắc cử, tội lỗi ấy, trách nhiệm này phải thuộc về TT Obama vì Ông là người có quyền hạn cao nhứt nên có trách nhiệm nặng nhứt trong công cuộc bảo vệ an ninh cho đất nước và nhân dân Mỹ – mà không làm, mà lại đổ thừa cho người khác./.

https://vietbao.com/a261614/bau-cu-bi-tin-tac-tt-obama-chiu-trach-nhiem

 

Vui cười

Một người đàn ông đến gặp bác sĩ tâm thần với vẻ mặt lo lắng. Sau một lúc lâu quan sát xung quanh, ông ấy thỏ thẻ nói với bác sĩ:

– Bác sĩ có thể giúp tôi được không? Một tháng gần đây tôi cứ luôn nghĩ mình là một con chó. Tôi biết điều đó thật điên rồ nhưng không biết nên làm thế nào nữa!

Bác sĩ vội trấn an:

– Ồ, không có gì đáng lo đâu, đó là một chứng hoang tưởng khá phổ biến. Chúng ta sẽ cùng giải quyết vấn đề này. Nhưng trước tiên, anh hãy nằm thư giãn trên chiếc ghế sofa này.

Người đàn ông nghe thấy thế lập tức lắc đầu nói:

– Không được đâu thưa bác sĩ. Tôi không được phép leo lên giường hay lên sofa nằm, chỗ của tôi là ở trên sàn nhà cơ!

 

Tại cuộc mít tinh trong khi đang phát biểu diễn giả nhận được một mảnh giấy từ khán giả ghi vỏn vẹn hai chữ: “Thằng ngốc”. Diễn giả vẫn bình thản tiếp tục:

– Kính thưa quý vị, tôi vẫn thường nhận được nhiều lá thư trong đó khán giả quên ký tên mình. Nhưng hôm nay mọi chuyện hoàn toàn ngược lại, tôi vừa nhận được một lá thư từ các vị trong đó tác giả chỉ ký tên mà không ghi thêm nội dung gì.

 

 

Tản Mạn về Tình Yêu Nước: Nhơn Danh Yêu Nước, Người Công Dân Phải Cầm Quyền – Phan Văn Song

… “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” … (Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan1805-1848.)

Chỉ với hai câu trong tuyệt tác Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan đã tả tất cả cái lòng yêu nước, yêu quê hương đất nước. Nhưng tại sao đau lòng khi nhớ nước? Tại sao mỏi miệng khi thương nhà? Phải chăng nữ sĩ muốn nói đến cái tâm trạng của những kẻ sĩ thời bấy giờ bó tay, thất thế trước thời cuộc, phải phục vụ làm tôi cho một chế độ mà không phải do bà và thân thuộc hay người cùng xứ bà chấp thuận?  Phải bỏ xứ Bắc Hà vào Nam, tâm trạng “Hoài Lê” là tâm trạng chung của những kẻ sĩ Bắc Hà thời ấy không phục nhà Nguyễn. Hai cặp chữ “Nhớ Nước-Thương Nhà” biểu hiện tình Yêu Nước.

Tâm trạng “Hoài Lê” của kẻ sĩ Bắc Hà thời ấy khác chi, ngày nay kẻ sĩ Sài gòn đang “Hoài Thời Cộng Hòa” vậy!

1/ Yêu Nước:

Cả mấy tháng nay, anh em bạn bè chúng tôi, người Pháp hay người Việt chăm chú lo lắng theo cuộc bầu cử đã xảy ra ở Mỹ, sau đó cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên đại diện liên minh hai phái trung và hữu, cho cuộc bầu cử Pháp vào tháng 05 năm 2017. Cả hai cuộc bầu cử các ứng cử viên đều nhơn danh hai chữ Yêu Nước.

Các đây 40 năm, chúng ta những Người Việt Yêu Nước, tuy phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, vẫn hy sanh quay quần, cùng nhau bảo vệ phân nửa nước chống độc tài Cộng Sản Đỏ, không một người bỏ xứ ra đi! Độc tài Đỏ, Cộng sản chủ nghĩa cũng nhơn danh Lòng Yêu Nước, xô quân vượt tuyến tràn vào Nam để trùm cái gông cùm Cộng sản vào chúng ta.

Cái lạ lùng là tất cả những tên độc tài Đỏ, hay độc tài Đen, Cộng sản hay Phát Xít Nazi đều tự vỗ ngực xưng là những nhà Ái Quốc! Còn người Dân Chủ chúng ta, mắc cở cái miệng, không dám tuyên bố mình là Nhà Ái Quốc e rằng mình không đủ khả năng Yêu Nước thật sự! Đó là cái nghịch lý lớn!

Nói như vậy, để nói rõ rằng từ ngữ Yêu Nước là một từ ngữ bị nhiều lạm dụng nhứt. Nhơn danh Yêu Nước, Hồ  Chí  Minh thí chốt dân lành, giết hại thương vong bao nhiêu thế hệ thanh niên thanh nữ Việt Nam – thí cả con em miền Bắc đi xâm chiếm đất nước cướp quyền lãnh đạo, thí cả con em miền Nam phải lo bảo vệ quê hương. Nhơn danh Yêu Nước Hồ Chí Minh giết và thủ tiêu bao nhiêu người ái quốc nhân tài. Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận bán đứng, nhuộm đỏ đất nước cho Trung Cộng, hậu duệ các triều đại Hán tộc Bắc phương bành trướng! Bán cả đất đai biên giới, giao cả lãnh hải, thậm chí giao phó bao sanh mạng đồng bào chiến sĩ cho ngoại nhơn Tàu thay mình cầm quân ra trận. Tàu Cộng sử dụng chiến thuật biển người giết bao nhiêu thanh niên Việt Nam chỉ để đánh chiếm một căn cứ không có gì là một tầm vóc chiến lược như Điện Biên Phủ, (chiến thắng Điện Biên Phủ là do hai tướng Tàu điều khiển chứ chẳng phải của Võ Nguyên Giáp). Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh chấp nhận phá tan đất nước miền Bắc để thắng Mỹ. May mà Mỹ nhơn đạo, chiến tranh hạn chế, có bom nguyên tử nhưng không dùng đến, không đánh các đê điều khi mùa lũ, không đánh bom tàn phá Hà nội (thử so sánh với với những cuộc dội bom của Đức xóa sổ thành phố Coventry ở Anh, hay cuộc đánh bom của đồng minh ở Dresden, Đức, hay Mỹ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima Nhật trong Thế Chiến 2!). Vì vậy ngày hôm nay, khi nghe Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói Yêu Nước, chúng tôi rất sợ! Và chúng ta hãy nhớ những khẩu hiệu định nghĩa Yêu Nước của Cộng sản như “Yêu nước của Cộng sản là Yêu Xã hội Chủ Nghĩa” hay “Trung thành với Nước là Trung với Đảng”. Làm sao chúng ta có thể tin vào lòng Yêu Nước của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Dân Syrie dám chết để đòi Độc lập. Dân Việt Nam ngày xưa do Cộng sản quốc tế xúi, dám chết để Chống Mỹ Cứu Nước. Ngày Nay có ai dám chết để Chống Tàu cứu Nước không?

Dân Việt Nam có dám liều chết bảo vệ dân chúng và đất nước Việt Nam không?

Riêng chúng tôi, người hải ngoại, nói “Nhớ Nước-Thương Nhà” có lẽ đúng hơn! Nói như vậy chúng tôi không phủi tay, mackeno, mà chúng tôi chỉ làm, khi người Việt Nam, người dân Việt Nam trong nước, nếu thật sự là người Việt Nam Yêu Nước, phải làm!  Bé cổ thấp miệng thì cũng phải xuống đường biểu tình đòi Nhà cầm quyền Cộng sản phải lấy trách nhiệm, hoặc đánh Tàu, hoặc giao quyền cho người khác, cho người dân, chúng tôi ngoài nầy chỉ là vũ khí tuyên truyền, là vận động dư luận, vũ khí là kêu gọi bạn bè. Người dân trong nước, xin đừng trông chờ hải ngoại. Người dân trong nước xin đừng mong Mỹ, Nhựt, hay Philippines, hay Nga hay ai đó. Làm được hay không, dám làm không, đó là tùy lòng dạ các bạn trong nước đó thôi!

Với chúng ta ngày nay ở hải ngoại, quê hương là “nhớ nước”. Nhớ nước qua hình ảnh xưa, nhớ nước qua kỷ niệm, nhớ nước qua quá khứ: Sàigòn với con đường Duy Tân cây dài bóng mát, Sàigòn với mùa gió và những cánh trái dầu rơi xoay theo gió, Sàigòn tình tứ khi ngồi trú mưa chờ em với ly cà phê nhỏ giọt và điếu thuốc Capstan thơm tho… và nhiều nữa. Với chúng ta ngày nay ở hải ngoại quê hương là “thương nhà”. Thương nhà là thương những ngày thanh bình tuổi ấu thơ, thời học trò, thời “ô môi” ăn vàng răng, … thời ăn chùm ruột chấm mắm ruốc. Thương nhà là thương cả những ngày “đổ mồ hôi nơi quân trường”, hay thương cả những ngày hành quân truy địch, và thương cả những ngày chiến đấu sống còn quần thảo với Việt Cộng, thương nhà cũng là thương cả những ngày dưởng thương hay nghỉ phép, cùng em dạo phố…

Chúng ta ngày nay, ở hải ngoại, đấu tranh đòi hỏi tự do, nhơn quyền cho người dân trong nước, đấu tranh đòi hỏi dân chủ, dân quyền phải được trả lại cho người dân trong nước. Chúng ta không chấp nhận Việt Cộng cầm quyền, vì có phải vì họ cầm quyền láo, làm hư hỏng cả một nước, một quốc gia? Hay là chúng ta không được nhìn thấy những cái gì chúng ta mơ thay đổi hoặc chúng ta thấy quá nhiều thay đổi nhưng không giống định nghĩa của chúng ta? Có lẽ cả hai. Và chúng ta sốt ruột, vì sao người dân trong nước, những người chúng ta mơ giống chúng ta cúi đầu chấp nhận, và giòng đời cứ thế mà trôi, và chẳng chốc 40 năm đã qua.

 Và chúng tôi mong, và chúng tôi mơ, chúng tôi thèm có một Việt Nam mới với một cơ chế Nhà nước do những công dân trách nhiệm tạo thành. Những công dân có chủ quyền thật sự, quyền đóng góp vào việc quản trị đất nước. Quyền được quyền đóng góp, quyền được dự và góp phần đóng góp và quyền được gặt hái và hưởng thụ những kết quả thích đáng. Những công dân được nhận thức nắm rõ vai trò công dân của mình: được nhận định  đúng và thực thi đúng vai trò mình,  khi được dân bầu làm đại diện dân trong vai trò lãnh đạo, cũng như khi chỉ làm người dân bình thường trong vai trò công dân tuân thủ, chấp hành hay đóng góp.

2/ Công dân:

Ngày mai, chúng ta không nói nhơn dân làm chủ, đất nước là của nhơn dân nữa. Chúng ta phải nói Công dân làm chủ, đất nước của Công dân. Quan niệm đầu tiên, là quan niêm “người công dân”. Người Pháp dùng từ citoyen, người Anh-Mỹ dùng từ citizen. Cũng như các từ ngữ có ý niệm tổ chức xã hội, và chánh trị, những ý niệm ấy đều có gốc La Hy (La mã và Hy lạp).

Citoyen hay citizen đều đến từ Cité hay Citi = thành phố. Khi dịch sang việt ngữ là công dân, chúng ta đã “đi tắt”, và chúng ta càng “đi tắt” khi chúng ta áp dụng cho cả một quốc gia. Và từ công dân ngày nay chẳng những được áp dụng tùy trường hợp, tùy quốc gia cho quốc tịch,-nationalité mà còn được hiểu là được hiểu là quốc dân nữa ! Hai quan niệm, nói đúng hơn hai trường phái thường dùng để cấp quốc tịch hoạc hoặc dựa theo thuyết thổ nhưỡng – nơi sanh quán – là jus soli-droit du sol- quốc thổ hoặc đựa theo thuyết huyết thống – do cha hoặc mẹ truyền cho – jus sanguinis-droit du sang-huyết tộc. Hai thuyết nầy dựa theo – một, hoặc thuyết tổ chức thuần túy chánh trị – ca tụng dân tộc huyết thống, ngôn ngữ văn hóa – jus sanguinis, tất cả quốc dân phải cùng một huyết thống, một ngôn ngữ; hoặc, hai, trái lại, dựa trên sức mạnh sản xuất kinh tế,  sức mạnh kinh tế sản xuất một quốc gia do và bằng người sản xuất, người ấy có thể là  người di dân, chỉ cần người ấy là người có sanh hoạt kinh tế sản xuất và đóng thuế, tức là có tham dự vào tổ chức kinh tế sản xuất, nghĩa là xã hội, nghĩa là chánh trị, tất cả đếu sanh hoạt trong đất nước của một quốc gia – jus soli, droit du sol – !).

Quan niệm định nghĩa công dân ngày nay của thế giới là một quan niệm trung dung dùng cả hai thuyết, tùy thời tùy cảnh, thêm bớt bên nặng bên nhẹ sử dụng cả hai. Cũng cố chánh trị, dùng chủ thuyết tự hào dân tộc, huyết thống, ngôn ngữ để chiếm đất dành dân, dùng thuyết huyết thống-jus sanguinis. Còn cũng cố phát triển kinh tế cần tay nghề thợ thuyền sản xuất, dân số đông làm giàu xứ sở dùng thuyết thồ nhưỡng-jus soli

Công dân-quốc dân, huyết thống và ngôn ngữ là những quan niệm chánh trị có thể dùng làm vũ khí chiến tranh. Thí dụ Anschluss ngày 12 tháng 03 năm1938 nước Áo bởi quân Đức Nazi, vì người Áo dùng Đức ngữ; xâm chiếm Tiệp Khắc bởi quân Đức Nazi ngày 15 tháng 03 năm 1939, để cứu người Tiệp Đức ngữ; và thời nay, Nga chiếm Crimée, và sửa soạn chiếm Ukraine để cứu người Ukraine Nga ngữ. Và ngày mai, Trung Cộng sẽ xâm chiếm Việt Nam để cứu người Việt Hán ngữ!

Và tất cả nhơn danh lòng YÊU NƯỚC.

Để kết luân:

Công dân tạo đất nước, công dân chủ đất nước. Công dân khi lãnh đạo đất nước, công dân khi tuân thủ, chấp hành, đóng góp. Tất cả với một lòng thật sự ái quốc, thật sự yêu nước. Yêu nước là biết nhớ ơn đất nước, yêu nước là đau lòng con quốc quốc khi thấy đất nước lâm nguy, xáo trộn, giặc ngoài biên ải. Yêu nước là thương nhà mỏi miệng đóng góp, tranh đấu cho Nhơn quyền cho Tự do, cho Dân chủ, cho Độc lập, cho Công bằng Bác ái dù phải mỏi miệng cái gia gia.

Mong người Việt Nam yêu nước mau thức tỉnh vì giặc đã ngoài biên ải. Hãy nổi dây đòi quyền tự chú để cứu đất nước Việt Nam!

Mong các chiến sĩ Quân đội Nhơn dân, mong các chiến sĩ Hải quân Nhơn dân hãy biết ơn người dân và đất nước nuôi dưởng phục vụ, hãy lấy tự hào dân tộc cầm súng giữ giang sơn Việt Nam.

Mong kẻ cầm quyền còn tý tự trọng nào, giao trọng trách cho người công dân trách nhiệm. Hôm nay là ngày:

Trống Tràng Thành long lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín từng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh (Chinh phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm 1705-1748)

Hồi Nhơn Sơn, Cuối Năm 2016

Hillary Clinton tranh cử Tổng thống – Trọng Đạt

Năm 1992 ông Bill Clinton đảng Dân chủ, Thống đốc Arkansas  tranh cử vào Tòa Bạch Ốc với Tổng thống đương nhiệm Bush cha thuộc Cộng hòa. Sau chiến thắng Vùng Vịnh tháng 2-1991, tức cuộc chiến Iraq lần thứ nhất ông Bush được ủng hộ cao tới 89% những tháng đầu năm 1992, ông hơn Clinton qua thăm dò nhưng kinh tế xuống nhiều khiến ông mất điểm xuống còn 40%. Tỷ lệ thất nghiệp đầu năm 1991 từ 6.4 tới tháng 10, 11 tăng lên 7.3, 7.4 (1), từ đầu tới cuối 1972 tăng từ 7.3 lên 7.4.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (2) thời Bush cha:

Năm 1988 tỷ lệ 7.76, năm 1989 là 6.48, năm 1990 xuống 4.51, năm 1991 xuống 4.25, năm 1992 lên  6.66.

Với lời hưa hẹn sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, Clinton đã thắng Bush cha ngày 3-11-1992, ngoài ra đảng Cộng hòa đã làm ba nhiệm kỳ (1981-1993) nên Bill càng dễ thắng:  Clinton 370 phiếu cử tri đoàn, Bush cha 168, Ứng cử viên độc lập Ross Perrot không phiếu nào. Phiếu phổ thông Clinton 44,909,806 (43%), Bush cha 39,104,550 (37.4%), Ross Perrot 19,743,821(18.9%)

Nhiệm kỳ sau, năm 1996 Bill Clinton thắng Bob Dole (CH): Clinton  379 phiếu ctđ, Bob Dole 159 và hơn đối thủ này 8 triệu 200 ngàn phiếu phổ thông, ông được cử tri tín nhiệm thêm 4 năm nữa.

Bill Clinton nhậm chức đầu năm 1993, với chính sách mới tạo công ăn việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm dần: đầu 1994 tỷ lệ là 6.5 cuối 1994 xuống còn 5.5, suốt năm 1995 tỷ lệ vào khoảng 5.5, suốt năm 1996 tỷ lệ khoảng 5.3, năm 1997 từ 5.3 xuống còn 4.7, năm 1998 từ 4.6 xuống còn 4.4, năm 1999 từ 4.3 xuống còn 4.0, năm 2000 từ 4.0 xuống còn 3.9…

Thời Bill Clinton tỷ lệ tăng trưởng tương đương với thời Tổng thống tiền nhiệm: năm 1993 tỷ lệ 5.0, năm 1994 là 6.31, năm 1995 là 4.32, năm 1997 lên 6.5, năm 1998 là 6.11, năm 1999 lên 6.44, năm 2000 xuống 5.50

Tuy nhiên nợ quốc gia lại tăng hơn trước, trong khi 4 năm dười thời Bush cha từ 1988 tới 1992 lần lượt là 2,857 tỷ, 3,233 tỷ, 3,665 tỷ, 4,056 tỷ. Sang thời Clinton từ 1993 tới 2000 nợ tăng dần như sau 4,411 tỷ, 4,693 tỷ, 4,974 tỷ, 5,225 tỷ, 5,413 tỷ, 5,526 tỷ, 5,656 tỷ, 5,674 tỷ (3).

Nhìn chung dưới thời Clinton kinh tế thịnh vượng, một phần do chính sách của ông nhưng cũng nhờ hên nhiều vì sự bùng nổ của internet, hightech…Chứng khoán tăng vọt, nhiều người làm giầu, thí dụ đầu tư 10,000 đồng vào One Group Mid Cap Growth Fund giữa năm 1990 tới giữa năm 2000 nó sẽ thành 64,500. Đầu tư 10,000 vào One Group Large Cap Growth Fund đầu năm 1992 tới giữa năm 2000 sẽ thành gần 50,000., như thế một lời 5, lời 6 trong vòng 7, 8 năm. Những năm cuối nhiệm kỳ hai, Bill Clinton bị ra hầu tòa vì hai vụ án tình dục gây nhiều tai tiếng nhưng không bị đàn hạch.

Trong giai đoạn này, TT Bill Clinton đã chuẩn bị cho tương lai của bà Đệ nhất phu nhân Hillary, chính phủ giúp người da đen rất nhiều, nhất là cải thiện trợ cấp (especially welfare reform). Năm 2015 trong cuộc tranh cử sơ bộ nhiều người da đen đã dơ cao tấm biển ngữ lớn và dài nói nói “chúng tôi nhớ ơn gia đình Clinton  mãi mãi “we are forever grateful” Nữ  văn sĩ da đen Toni Morrison,  đoạt giải Nobel văn chương 1993 đã ca ngợi TT Clinton “Ông là Tổng thống da đen đầu tiên của chúng tôi” (The first black President) để nhớ ơn ông.

Năm 2000, Clinton hết nhiệm kỳ, phó TT Al Gore đại diện Dân chủ ra tranh cử với Bush con, Thống đốc tiểu bang Texas. Mặc dù  thăm dò cho thấy Gore có ưu thế hơn đối thủ 5% nhưng cuối cùng Bush đắc cử với 271 phiếu cử tri đoàn (nhờ thắng tại Florida hơn Gore 537 phiếu phổ thông), ông thua Gore hơn nửa triệu phiếu phổ thông.

Sáng ngày 11 tháng 9-2001, nhóm khủng bố Al Qaeda cướp máy bay dân sự đánh sập tòa tháp đôi World Trade Center khiến ba ngàn người tử vong và gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng ba ngàn tỷ. Biến cố này đã khiến cho TT Bush con mở hai cuộc chiến tranh lớn chống khủng bố tại Afghanistan bắt đầu từ ngày 7 tháng 10 năm 2001 và Iraq ngày 20-3-2003 khiến cho Mỹ sa lầy hàng chục năm sau đó.

Năm 2004 Bush con tái đắc cử nhiệm kỳ hai, ông thắng Kerry với 286 phiếu cử tri đoàn, Kerry 251, phiếu phổ thông Bush hơn Kerry 3 triệu phiếu. Suốt hai nhiệm kỳ của TT Bush con tỷ lệ thất nghiệp rất khả quan, có phần thấp hơn thời Clinton:

Năm 2000 từ tháng 1 cho tới cuối năm tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 4 chấm

Năm 2001, từ 4.2 tháng 1 lên tới 5.7 tháng 12

Năm 2002 từ 5.7 tháng 1 lên 6 chấm tháng 12

Năm 2003 từ 5.8 tháng 1 xuống  5.7 tháng 12

Nhiệm kỳ hai (2004-2008),

Năm 2004 từ 5.7 tháng 1 xuống 5.4 tháng 12,

Năm 2005 từ 5.3 tháng 1 xuống 4.9 tháng 12,

Năm 2006 từ 4.7 tháng 1 xuống 4.4 tháng 12,

Năm 2007 từ 4.6 tháng 1 tới 5 chấm tháng 12,

Năm 2008 từ 5 chấm tháng 1 lên 7.3 tháng 12 (trung bình 5.8)

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế:

Năm 2001 ảnh hưởng của khủng bố khiến tỷ lệ xuống còn 2.2, năm 2002 lên 3.76, năm 2003 lên 6.42, năm 2004 xuống 6.31, năm 2005 tăng 6.25, năm 2006 xuống 5.12, năm 2007 xuống 4.4, năm 2008 xuống âm gần -1 chấm (-0.92) do ảnh hưởng khủng hoảng thị trường địa ốc

Nhưng nợ quốc gia tăng nhiều hơn chính phủ trước:

Năm 2000 nợ tăng lên 5,674 tỷ, năm 2001 nợ  5,807 tỷ, năm 2002 :6,228 tỷ, năm 2003: 6,783 tỷ, năm 2004: 7,379 tỷ, năm 2005: 7,933 tỷ, năm 2006: 8,507 tỷ, năm 2007: 9,008 tỷ, năm 2008: 10,025 tỷ

TT Bush con đánh khủng bố quá đà, tỷ lệ thất nghiệp thấp so với các nhiệm kỳ trước và sau ông. Khi thị trường địa ốc bị khủng hoảng, kinh tế suy thoái trầm trọng (recession) vào cuối nhiệm kỳ, người ta đổ lên đầu ông Bush như trăm dâu đổ đầu tằm. Họ nói vì ông sa lầy hai cuộc chiến tranh mà nền kinh tế suy sụp, gọi ông là TT tồi tệ nhất nhưng khi ông mang lại công ăn việc làm cho mọi người suốt 8 năm thì không ai nói tới (tôi không bênh vực Bush con, năm 2000 tôi không bầu cho ông ấy mà bỏ cho Gore). Sự thực kinh tế Mỹ thường mươi mười lăm năm khủng hoảng một lần, thời TT Clinton thịnh vượng nay nó rơi vào ai người nấy chịu.

Trong khoảng thời gian này bà Hillary Clinton ra ứng cử và thành Thượng nghị sĩ tiểu bang Nữu ước từ 2001 tới 2009 để lấy uy tín ra tranh cử Tổng thống năm 2008. Từ ngày ra khỏi tòa Bạch Ốc, Bill Clinton đi du thuyết, tham gia các chương trình talk show và cho biết đã thu được lợi tức lớn hàng trăm triệu

Đầu năm 2008 bà Hillary tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ với ông Obama, Thượng nghị sĩ Illinois, người da đen đầu tiên ra ứng cử sơ bộ. Đây là lần đầu tiên một người phụ nữ và một người da đen tranh cử làm ứng cử viên đại diện đảng. Khi Obama, một người vô danh ra tranh cử với Hillary, người ta tưởng họ đưa ông ra làm cò mồi chẳng lẽ để Hillary độc diễn.

Cuộc tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ giữa bà Hillary và ông Obama rất gay go từ đầu cho tới giữa năm thì kết thúc. Hillary Clinton thua Obama nhưng vẫn ra sức tranh dành đến cùng. Các Thượng nghị sĩ, thống đốc Dân chủ ủng hộ Obama, đảng ủng hộ Obama ép Hilary phải nhường bước. Trong khi hai người chạy đua nước rút, một vài vị chức sắc, siêu đại biểu Dân chủ lên tiếng yêu cầu Hillary phải chấp nhận thua cuộc nhường bước cho Obama để tránh chia rẽ trong đảng.

Cuối cùng Obama được 1,794 phiếu cử tri đoàn, Hillary Clinton được 1,732 phiếu ctđ. Tuy Obama hơn phiếu Clinton nhưng cả hai đều không đủ số phiếu đòi hỏi 2,117. Tại Đại hội đảng từ 25 tới 28-8-2008, Obama được 487 phiếu siêu đại biểu thành 2,272 phiếu đủ số phiếu đòi hỏi (2,117) thành ứng cử viên chính thức, Hillary Clinton được 246 phiếu Sđb thành 1,978. Về phiếu phổ thông Hillary Clinton hơn Obama 270 ngàn (17,857,501 so với 17,584,692) nhưng không được tính tới. Đảng Dân chủ có phiếu siêu đại biểu của các vị chức sắc lớn, họ muốn bầu cho ai thì bầu, họ có thể lựa ứng cử viên đại diện theo ý mình, luật lệ này của Dân chủ rất là phản dân chủ

Dân chủ cổ võ Obama hết mình, các chức sắc đảng như Thượng nghị sĩ Kennedy, John Kerry ủng hộ Obama, các siêu đại biểu của đảng cũng yểm trợ Obama. Người ta cho rằng Dân chủ chọn Obama vì muốn ngăn cản không cho ông Bill Clinton, trở lại toà Bạch ốc và vì Clinton-Hillary chỉ nghĩ tới quyền lợi của gia đình chứ không nghĩ tới quyền lợi đảng. Có lập luận nói họ không cho Hilary thắng cử vì sợ một người đàn bà sẽ không thể thắng được ông John McCain.

Nhiều người chê Hillary Clinton tham vọng quá lớn, gia đình bà đã ở tám năm trong tòa Bạch Ốc.

Sau bao năm chuẩn bị, cuối cùng ký cóp cho cọp nó xơi, mọi nỗ lực của gia đình Clinton tan như mây khói. Mấy ai học được chữ ngờ, bà Clinton gia đình giầu có, nổi tiếng, tám năm Đệ nhất phu nhân, tám năm Thượng nghị sĩ, lại chịu thua một người da đen nghèo, vô danh không ai biết tới. Số người ủng hộ Hillary bất mãn cho là đảng cố tình gạt Hillary ra để đưa Obama lên, có khoảng 18 triệu cử tri bất mãn phản đối dữ dội và tuyên bố sẽ dồn phiếu cho Cộng Hoà. Đảng Dân chủ và Obama đã dàn xếp với Hillary để nhờ bà trấn an những người bất mãn đổi lại ông sẽ trả cho bà số nợ 18 triệu (mà Hillary vay thêm để tranh cử) nhờ đó mà Dân chủ mới thoát cơn chia rẽ nội bộ có lợi cho Cộng Hoà. Cuối cùng bà Clinton thất vọng nói: con đường ứng cử Tổng thống không còn, nhưng thực ra không bao giờ chịu bỏ cuộc.

Trong cuộc bầu cử TT 2008, Obama thắng Thượng nghị sĩ McCain dễ dàng được 365 phiếu cử tri đoàn so với 173 phiếu của McCain, ông cũng hơn McCain gần 10 triệu phiếu phổ thông. Dân chủ cũng nắm luôn cả Quốc hội với 57 ghế Thượng viện và 256 ghế Hạ viện. Nhiệm kỳ sau 2012,  Obama thắng Mitt Romney về phiếu cử tri đoàn tỷ lệ 332 trên 206 và hơn Mitt Romney  khoảng 5 triệu phiếu phổ thông.

Năm 2008 là cơ hội thuận lợi nhất cho Hillary Clinton để bà có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên: Cộng hòa đã làm hai nhiệm kỳ, bị mất lòng dân. Người ta quá chán cuộc chiến sa lầy Iraq nhất là trước ngày bầu cử vài tuần, thị trường tài chính sụp đổ, có nguy cơ khủng hoảng kinh tế, vả lại McCain đại diện Cộng hòa chẳng sáng giá gì cho lắm… Dù Dân chủ đưa ai ra cũng có nhiều khả năng thắng cử. Dịp may ngàn năm một thuở chỉ đến có một lần, không bao giờ trở lại

Thế mới biết con người ta dẫu khôn đến mấy cũng không ai khôn hơn được Ông Trời!

Năm 2008 Obama thắng cử Tổng thống trước bao nhiêu kỳ vọng, mong đợi của mọi người, ông hứa hẹn một sự thay đổi toàn diện, giới trẻ ủng hộ Obama nhiệt tình. Năm 2009 Tân tổng thống Obama nhậm chức, ông bail out mấy ngàn tỷ, mượn công quỹ cứu nguy thị trường tài chính nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều trong nhiệm kỳ đầu, nhiệm kỳ hai có giảm dần:

Tháng 1-2009 tỷ lệ thất nghiệp 7.8, tháng 12-2009 tăng lên 9.9, trung bình 9 chấm

Năm 2010 từ 9.7 tháng 1 xuống  9.4 tháng 12, trung bình 9.6

Năm 2011 từ  9.1 tháng 1 xuống  8.5 tháng 12, trung bình 8.9

Năm 2012 tháng 1 tỷ lệ 8.3 cuối năm 7.9

Năm 2013 tháng 1 tỷ lệ 8. cuối năm 6.7

Năm 2014 tháng 1 tỷ lệ 6.6 cuối năm 5.6

Năm 2015 tháng 1 tỷ lệ 5.7 cuối năm 5.0

Năm 2016 tháng 1 tỷ lệ 4.9 cuối năm 4.9

Hai năm sau khi Obama nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao những năm 2009, 2010, 2011 khiến người dân vô cùng bất mãn họ biểu tình ầm ĩ. Khi tranh cử ông hứa hẹn quá nhiều, người ta tưởng ông có phép lạ cứu nguy kinh tế nhưng tình hình ngày càng tệ hại. Trong kỳ bầu cử bán phần Quốc hội họ bầu cho Cộng hòa thêm 6 ghế Thượng viện thành 47 ghế (41+6) và thêm 63 ghế Hạ viện thành 242 ghế, Dân chủ mất 63 ghế thành thiểu số 193 (256-63).

Năm 2012 họ bầu cho Obama tiếp tục nhiệm kỳ hai để ông hoàn tất chương trình bảo hiểm Affordable care act mà ta thường gọi là Obamacare. Sang năm 2014 tình hình không mấy khả quan về mọi mặt, trong kỳ bầu cử bán phần Quốc hội này người dân biểu lộ sự bất mãn, phẫn nộ bằng dồn phiếu cho đảng đối lập cả Thượng viện, Hạ Viện và  bầu Thống đốc tiểu bang.

Cộng hòa chiếm thêm 13 ghế Hạ viện thành 247 ghế (234+13), 51%, Dân chủ mất 13 ghế thành 188, 45%

Tại Thượng viện Cộng hòa thêm 9 ghế thành 54 ghế (45+9), Dân chủ mất 9 ghế còn 44 (53-9)

Ngoài ra bầu Thống đốc tiểu bang Cộng hòa thêm 2 ghế thành 31(29+2), Dân chủ mất 3 ghế, 2 cho Cộng hòa và một cho đảng thứ ba còn 18 (21-3)

Đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm qua, Cộng hòa lại nắm Lưỡng viện Quốc hội, lần đầu tiên từ ngày Obama nhậm chức Dân chủ thảm bại tại cả Thượng viện, Hạ viện và Thống đốc tiểu bang. Sự kiện tiên đoán cho thấy số phận của Dân chủ năm 2016 coi như đã được quyết định rồi. Các vị chức sắc trong đảng cần nghiên cứu lại xem đường lối chính sách của mình còn hợp thời hay không, có đáp ứng nguyện vọng của người dân không?

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế suốt hai nhiệm kỳ (2009-2016) như sau:

Năm 2009 tỷ lệ 0.11%, năm 2010 tỷ lệ lên 4.56, năm 2011 tỷ lệ 3.64, năm 2012 tỷ lệ 3.24, năm 2013 tỷ lệ 4.31, năm 2014 tỷ lệ 4.07, năm 2015 tỷ lệ 3.00, năm 2016 tỷ lệ 2.51

Nợ quốc gia tăng cao dữ dội hơn trước nhiều.

Năm 2009 nợ 11,910 tỷ, năm 2010 tăng thành13,562 tỷ, năm 2011 nợ 14,790 tỷ, năm 2012 nợ 16,066 tỷ, năm 2013 nợ 16,738 tỷ, năm 2014 nợ 17,824 tỷ, năm 2015 nợ 18,151 tỷ, năm 2016 nợ 19,573 tỷ cao hơn Tổng sản lượng QG (18,651)

Nhìn chung nền kinh tê thời TT Obama tồi tệ hơn thời Bill Clinton và Bush con, tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn, chưa bao giờ đạt 5 chấm trong khi thời Clinton và Bush  đã đạt 6 chấm. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn thời Bush và Clinton rất nhiều, sau 8 năm mới tụt xuống 4.9 chưa bao giờ được 4 chấm. Nợ nần khủng khiếp, tăng gấp 2 lần thời Bush con và gấp 4 lần thời Bill Clinton.

Thời gian này, Hillary Clinton nhận lời mời của Obama đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng ngoại giao năm 2009 và trở thành Bộ trưởng ngoại giao thứ 67 của Hoa kỳ, trước đó là bà Rice thời TT Bush và sau năm 2013 là ông John Kerry. Bà Hillary cũng là Đệ nhất phu nhân đầu tiên tham gia nội các chính phủ. Thời gian làm ngoại trưởng từ 2009 tới 2013, bà đã trổ hết nghị lực tài năng để trở thành nhà ngoại giao lỗi lạc chuẩn bị cho bước đường chính trị sau này.

Cuối nhiệm kỳ của TT Obama, hai đảng Cộng hòa, Dân chủ chuẩn bị tranh cử Tổng thống thứ 45, gia đình Clinton trả lời phỏng vấn dè dặt về việc tham gia ứng cử kỳ này. Bill Cinton cho biết phu nhân ông chưa có quyết định nhưng người ta cũng đoan biết bà Hillary đã chuẩn bị trở lại cuộc chạy đua, bà đã làm hai nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ, bốn năm Bộ trưởng ngoại giao, một chức vụ  được coi là cao nhất trong nội các.

Cuộc tranh cử sơ bộ bắt đầu thủ tục từ tháng 2-2015, phía Cộng hòa tính tới 23-3-2015 tổng cộng có 17 ứng cử viên ghi danh và bắt đầu tranh cử nội bộ. Phía Dân chủ ngày 12-4-2015 có 6 ứng cử viên sơ bộ.

Tranh cử sơ bộ phía Dân chủ đơn giản hơn Cộng hòa vì số người tham gia ít hơn, phía Cộng hòa gay go hơn. Từ cuối năm 2015 và đầu 2016 người ta đã tiên đoán ông Trump sẽ đại diện Cộng hòa và bà Clinton sẽ là ứng cử viên Dân chủ. Sau một năm tranh cử gay go, tới hạ tuần tháng 7-2016, ông Trump và bà Clinton được Cộng hòa và Dân chủ đề cử làm đại diện đảng.

Theo thăm dò Clinton hơn Trump nhiều, trước đó một năm, vào giữa tháng 7-2015, RealClearPolitics cho hay bà Clinton hơn Trump tới 20% (53/33). Có lẽ vì phóng đại quá lố sợ lộ liễu nên từ tháng 9-2015 tới tháng 7-2016 họ rút xuống còn từ 3% tới 7%. Trong bốn tháng tranh cử ráo riết từ tháng 7 tới tháng 11-2016 giữa Cộng hòa Dân chủ, Clinton vẫn cao hơn Trump nhiều qua thăm dò. Đại đa số báo chí, TV đều loan những tin bất lợi, đánh phá Donald Trump tối đa, hầu hết yểm trợ cho Dân chủ. Những người ủng hộ Trump đều không tin truyền thông, phía Clinton tràn trề hy vọng thắng lợi, bà tươi cười lạc quan tin chắc sẽ thành nữ Tổng thống đầu tiên sau bao năm mong đợi.

Như đã nói trên năm 2008 là thời cơ thuận lợi nhất cho Clinton, người dân quá chán Cộng hòa, họ đã làm hai nhiệm kỳ, McCain không có gì sáng giá nhưng đáng tiếc bà không được đảng cử ra làm đại diện. Nay tám năm sau cơ may không còn nữa, Dân chủ đã làm hai nhiệm kỳ là lúc phải nhường lại cho đối lập, nó như một đạo luật bất thành văn. Một đảng muốn làm ba nhiệm kỳ nó khó hơn trúng số, từ 63 năm qua chỉ có một trường hợp đặc biệt  duy nhất một đảng làm ba nhiệm kỳ thời Reagan, Bush cha (Cộng hòa 1981-1993) vì Reagan là một vị Tổng thống được xếp vào hàng ngoại hạng.

Tại cuộc tranh luận cuối cùng của hai ứng cử viên vào tối 19-10-2016, người điều hợp viên (moderator) ra vẻ ái ngại cho Donald Trump nói đây là cơ hội cuối cùng của ông để có thể thay đổi cục diện cuộc chạy đua. Ông ta nói sai, đây không phải cơ hội cuối cùng cho Donald Trump, cũng không phải cơ hội cuối cùng của Clinton, mà cơ hội cuối cùng của bà đã qua từ 8 năm về trước.

Một điều đáng buồn cho đảng Dân chủ là họ đang đứng bên bờ vực thẳm mà hoàn toàn không hay biết gì. Tổng thống Obama, ứng cử viên Clinton hân hoan sung sướng chờ ngày chiến thắng huy hoàng và rồi ngày 8-11-2016 đã tới. Clinton đã chuẩn bị cho đốt pháo bông, mở đại tiệc mừng ngày vinh quang mà bà mong đợi từ 16 năm qua.

Nửa đêm mồng 8-11, tin Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45 y như quả bom làm rung chuyển nước Mỹ, sự thật phũ phàng khiến cả thế giới bàng hoàng vì truyền thông sai bét. Cùng với bản tin sét đánh này, Quốc hội vẫn nằm trong tay Cộng hòa, họ chỉ mất 5 ghế Hạ viện (241/194) và hai ghế Thượng viện (51/46), tại địa phương Cộng hòa lấy thêm ba ghế Thống đốc thành 34 (31+3), Dân chủ chỉ còn 15 ghế (18-3).

Người thì nói TV, báo chí lưu manh, bất lương đã bị mua chuộc, kẻ nói họ chỉ đoán mò vô căn cứ, có người cho là truyền thông đã bị người dân đánh lừa, họ nói bầu cho Dân chủ nhưng vào phòng phiếu họ bầu cho Cộng hòa…đúng hay sai thì cũng là chuyện đã rồi.

Y như Cộng hòa 8 năm trước đây, năm nay 2016 Dân chủ tan như xác pháo, một thảm bại lớn nhất trong mấy thập niên gần đây mà họ đã không ngờ tới. Cách đây hai năm, Dân chủ đã thảm bại trong cuộc bầu cử bán phần Quốc hội 2014, nó đã báo trước con đường bi đát mà họ đang bước tới. Dân chủ đã không nghiên cứu lại đường lối chính sách sao cho hợp với nguyện vọng, ý muốn của người dân mà vẫn lạc quan mang nhiều ảo tưởng vĩ đại vào thắng lợi cuối cùng.

Clinton đổ lỗi cho Giám đốc FBI làm bà thất cử, có người cho là bà gian dối, người thì nói vì Clinton khinh địch tưởng Donald Trump chỉ là đồ bỏ…. nhưng thực ra cử tri đã chủ tâm loại bỏ Dân chủ ra ngoài vòng chính trị ngay từ năm 2014. Họ đã chờ đợi cơ hội này, dù FBI có tuyên bố mở lại điều tra hay không cũng chẳng gỡ cho bà Clinton một nước cờ bí. Nay mộng vàng tan vỡ làm trăm mảnh, dù đổ lỗi cho ai cũng không thể quay ngược lại mũi kim đồng hồ.

Một tuần lễ sau ngày bầu cử, TT Obama công du Âu Châu lần cuối, trước khi về Mỹ, ông ghé thăm nước Đức. Trong lời tuyên bố với bà Thủ tướng Merkel, TT Obama chỉ trích người dân Mỹ vì muốn đổi thay mà bất kể hậu quả như thế nào, cho tới giờ phút này ông vẫn mang ảo tưởng về tài lãnh đạo của mình. Thật vậy, dưới sự lãnh đạo tuyệt vời của ông đảng Dân chủ đã tan tành như xác pháo ngày 8-11-2016.

Cách đây mấy năm, có bản tin nói ông Bill Clinton học thiền, ông có mời một vị thầy Trung Hoa về dậy, có lẽ ông cũng đã mệt mỏi với cuộc tranh bá đồ vương và gần gũi với ý nghĩa sắc sắc không không, vô thường nhà Phật.

Gia đình Clinton xuất thân nhà nghèo từ một tiểu bang nhỏ miền nam nước Mỹ, họ không thuộc gia tộc danh giá, giầu có thế lực như dòng họ Kennedy, nhà Bush.

Sự nghiệp chính trị của gia đình Clinton khởi đầu từ ngày 3-11-1992 và kết thúc ngày 8-11-2016, vừa tròn 24 năm, một phần tư thế kỷ.

Nay thì chẳng còn gì, có chăng chỉ để lại một tiếng vang…

Vang bóng một thời

Mùa Thanksgiving 2016

(1) US unemployment rate http://research.stlouisfed.org/fred2/data/UNRATE.txt (U.S. Department of Labor: Bureau of Labor Statistics)

(2) http://www.multpl.com/us-gdp-growth-rate/table/by-year

(3) National debt by years https://www.thebalance.com/national-debt-by-year-compared-to-gdp-and-major-events-3306287

(4) US unemployment by year http://data.bls.gov/timeseries/LNS14000000

 

 

Dân Tộc Sinh Tồn – Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

II.- Tánh cách căn bản của sự sinh tồn: Vị kỷ

A.- Khuynh hướng vị kỷ của người

Con người là một động-vật có một ý-chí sinh-tồn rất mạnh. Tất cả hoạt-động của người đều do bản-năng sinh-tồn chi-phối và đều qui về mục-đích sinh-tồn.

Xét đời sống của người, ta thấy rằng giá-trị họ thật ra không phải bằng nhau. Nếu bên trong mỗi người cái thú-tánh tàn-bạo vẫn nằm kế bên cái thiên-lương thuần-hậu, sức mạnh của hai bẩm-tánh đó hết sức khác nhau tùy người. Ta đã thấy rằng trong sự hoạt-động sinh-tồn của mình, có người hoàn-toàn nô-lệ nhu-cầu thể-xác hiện-tại, nhưng cũng có người chế-ngự được các thị-dục mình và hướng đến một đời sống cao-thượng, hay nhắm vào quyền-lợi tương-lai của mình nhiều hơn.

Nhưng dầu cho người tuân theo sự thúc giục của các dục-vọng thấp kém, hay đặt mình dưới sự điều-khiển của phần cao-thượng trong tâm-hồn mình, người cũng đều bị sự chi-phối của tánh vị-kỷ, hoặc một tánh vị-kỷ ngu tối thiển-cận, hoặc một tánh vị-kỷ rộng-rãi và khôn ngoan sáng suốt hơn.

Danh-từ vị-kỷ thường có một ý-nghĩa hẹp hòi, xấu xa. Nó gợi cho người những ý nghĩ về quyền-lợi vật-chất và những thỏa-mãn thấp kém thô-bạo. Nhưng ở đây, ta nên hiểu chữ vị-kỷ theo một nghĩa rộng hơn, và xem nó như là cái khuynh-hướng dựa vào mình, lấy mình làm gốc trong mọi việc và qui mọi việc về mình.

Trong đời sống thường ngày, người bao giờ cũng nhớ đến mình cũng lo cho mình trước hết. Đó là điều tự-nhiên ai cũng công-nhận và ta không cần phải nhấn mạnh về nó làm gì. Nhưng ngoài những hành-động mà tánh-cách vị-kỷ hiện ra một cách rõ ràng, người còn có những hành-động có vẻ cao-thượng và những hành-động được gọi là vị-tha nữa. Đối với một số đông người, những hành-động đặc-biệt này không có tánh-cách vị-kỷ, song nếu ta suy xét kỹ về nó, ta lại nhận thấy rằng thật ra nó vẫn bị sự chi-phối  của tánh vị-kỷ hiểu theo nghĩa rộng trên này.

B.- Sự vị kỷ trong những hoạt động cao thượng của người

1.- Sự vị kỷ trong các cấu tạo và phát huy tư tưởng của người

Mặc dầu nhiều khi vẫn có một hình-thức hợp-lý, những tư-tưởng của người là phản-ảnh những tình-cảm, những quyền-lợi hay những tư-kiến của người. Những chủ-trương của người thường là kết-quả hơn là nguyên-nhơn những tình-cảm và cao vọng của người, có khi nó chỉ là một nước sơn che đậy những tình-cảm và nguyện-vọng ấy mà thôi.

Những người thất-bại trên đường đời thường hướng về những chủ -nghĩa cách-mạng, trong khi những người có của thiên về tinh-thần bảo-thủ hơn. Karl Marx đã hết sức thù nghịch chế-độ tư-bản và nghiêng về lý-tưởng thế-giới đại-đồng, vì ông vốn là người Do-thái, nên bị chánh-phủ Đức thời ấy bạc-đãi và đàn-áp thẳng tay. Trái lại, Hitler chủ -trương bài -trừ Do-thái một phần vì thuở thiếu-thời, ông ta đã bị một gia-đình Do-thái khinh rẻ, từ chối một cuộc hôn-nhơn với ông ta. Những người nói đến những danh-từ hàm một ý-nghĩa xã-hội cao quí như công-lý, danh-dự, tư-do, v.v…thường vì một lý-do có tánh-cách cá-nhơn: họ đã bị hiếp-đáp, bị khinh-thị, bị kềm chế, hoặc chỉ muốn dùng những danh-từ ấy để thực-hiện một chủ-định gì đó mà thôi.

Vì lẽ những động lực thúc đầy người hoạt-động vốn ẩn náo, ít khi được người nhận thấy, người thành thật tin tưởng rằng mình chỉ tuân theo lý-trí mình. Kỳ thật, người thường chỉ lý-luận để biện- chánh cho ý muốn hay hành-động mình. Trong việc binh vực ý-tưởng hay hạnh-kiểm mình, cũng như trong việc đánh đổ chỉ-trích ý-tưởng hạnh-kiểm kẻ địch, người lắm lúc đưa ra những lý-luận ngây ngô, không vững chắc chút nào, nhưng vẫn tự cho rằng mình hoàn-toàn hữu-lý. Người vô-tình hay cố-ý ngụy-biện một cách hết sức tự-nhiên. Vì đó, những tín ngưỡng – vốn phù-hợp với những tập-quán và nhiều khi những quyền-lợi của người – không thể đánh đổ bằng lý-luận được.

Kể ra thì ngoài đời cũng có những sự thật hiển-nhiên, không tùy-thuộc người và có đủ sức mạnh bắt người phải chấp-nhận nó. Nhưng những sự thật này không có được bao nhiêu : nó là những điều-kiện căn-bản họp lại làm cái khung cảnh chung cho mọi người. Trong khung cảnh này, người hãy còn một lãnh-vực hết sức rộng-rãi để đem dùng sáng-kiến cá-nhơn của mình. Trên những lãnh-vực đó, người ta dựa vào những công-ước xã-hội nhiều hơn là sự thật. Người tin tưởng và khen ngợi cái gì hợp-ý mình, và bài-xích đánh đổ những cái gì không làm mình ưa thích. Những nhà chánh-khách khi nịnh bợ quần-chúng, khi chủ-trương binh vực quyền-lợi họ, khi hứa hẹn mang hạnh-phúc đến cho họ để làm cho họ theo mình, đã tỏ ra rất am-hiểu sức mạnh của sự vị-kỷ trong đời sống tư-tưởng con người.

2.- Sự vị kỷ trong cảm giác của người

Những ý-tưởng của người, cũng như những tri-thức người có được về ngoại-giới, do nơi kinh-nghiệm mà ra : nó bắt nguồn từ những cảm-giác của người. Cảm-giác là những dữ-kiện căn-bản của tri-thức : không có cảm-giác người không thể nào biết được cái gì. Một người đui từ lúc bé không sao có thể có một ý-niệm về các màu sắc, cũng như một người sanh ra đã điếc,  không thể nào tưởng-tượng được sự điều-hợp các thanh âm. Chính nhờ cảm-giác mà người ta có ý-niệm về ngoại-giới, và có thể sắp đặt trước những hành-động của mình.

Như thế, cảm-giác đóng một vai tuồng rất quan-trọng trong đời sống của người. Người tiếp nhận được cảm-giác nhờ những giác-quan. Giác-quan giúp người nhận thức được những hiện-tượng phát-hiện ở ngoại-giới và những mối tương-quan giữa các hiện-tượng ấy. Những hiện-tượng này rất nhiều và phức-tạp, và người không sao có thể nhận-thức nó hết được. Thật ra, những tri-giác của người đã được giác-quan chọn lọc trong những ấn-tượng người có thể tiếp nhận. Những giác-quan của người đã được tổ-chức một cách đặc-biệt để thi-hành nhiệm-vụ này.

Sự cấu-tạo và phát-triển của các giác-quan đã noi theo một ý-lực mạnh mẽ, và ý-lực đó lại nhắm vào việc phụng-sự các bản-năng của người. Những giác-quan đã thành hình không phải để giúp người có những tri-giác mà lý-luận. Nó cốt để trả lời cho những sự cần dùng của ý-chí sinh-tồn. Mắt người được tạo ra không phải để trông ngắm cảnh-vật, mà để soi sáng hành-động người, để báo trước cho người một sự nguy-hiểm, đề giúp người vồ bắt một con mồi. Sở-dĩ hiện nay sự tương-quan giữa con mắt và sự sinh-tồn của người ít rõ ràng hơn trước, là vì nền văn-minh đã khiến cho sự liên-lạc giữa người với hoàn-cảnh biến-đổi khá nhiều rồi. Nhưng dầu sao, sự ích-lợi của nó đối với đời sống của người cũng hết sức quan-trọng.

Vậy, những giác-quan của người chỉ là những dụng-cụ đặc-biệt, nhờ đó người thâu-hoạch trong ngoại-giới một số tri-thức cần-thiết giúp người đối-phó với hoàn-cảnh hầu bảo-vệ sự sinh-tồn của mình.

3.- Sự vị kỷ trong sự hoạt động của tâm trí người

Những dữ-kiện được giác-quan chọn lựa lại được người chọn lọc lại một lần thứ nhì. Người chỉ lưu-ý đến cái gì làm người xúc-động. Một việc nhỏ nhặt có thể được xem là một vấn-đề tối quan-trọng, nếu người thấy nó có thể hại mình, hay mang đến cho mình một mối lợi to. Những kích-thích bên ngoài mà không liên-hợp với một bản-năng, thì người không lưu-ý đến. Khi đói, người chú-ý đến những món ăn, nhưng đến khi no nê rồi, mùi thơm của món ăn ngon đến đâu cũng không làm cho người lưu-tâm đến nhiều được.

Thêm nữa những cảm-tưởng và phán-đoán của người về sự vật cũng thay đổi, tùy sự cảm-thụ và dục-vọng người. Cùng một món ăn mà khi đói, người thấy ngon, còn khi no, người thấy chán. Lắm lúc, người có thể làm những việc khó khăn nặng nhọc một cách dễ dàng, nhiều khi thích thú nữa, nếu việc ấy giúp người thỏa-mãn một thị-dục. Những anh chàng si-tình có thể vượt núi trèo đèo với nụ cười, nếu sau cuộc hành-trình gian-khổ ấy, họ gặp được người yêu.

Trước một cảnh-trí, người không có một ấn-tượng khách-quan như cái máy ảnh. Trong khi những chi-tiết làm cho người lưu-tâm nổi bật lên, những chi-tiết không gây được sự chú-ý của người mờ đi rồi mất hẳn. Do đó, những phúc-trình, những tập du-ký của người về một vùng địa-dư hoàn-toàn khác nhau tùy tác giả. Một nhà khảo-cổ nhớ đến những đền đài dinh-thự lịch-sử, một nhà kinh-tế nói tỉ mỉ về những thổ-sản, một nhà họa-sĩ chỉ nhắc đến những nơi phong-cảnh tuyệt-kỳ.

Cùng đi ở một đường phố, người đàn bà thường chú-ý đến những hiệu kim-hoàn, những hàng tạp- hóa, những tiệm may, một sinh-viên thì hay ngó đến những nơi bán sách, những người thích máy móc lại lưu-ý  đến những cửa hàng bán dụng-cụ cơ-giới.

Những học-sinh cùng học một lớp, cùng nghe những ông thầy giảng như nhau không đi đến những kết-quả như nhau, không những chỉ vì họ không cố-gắng như nhau mà còn vì khả-năng họ khác nhau, thành ra họ không thích những vấn-đề được trình-bày y như nhau.

Sự chú-ý làm cho sức mạnh những cảm-giác được tăng-cường. Khi lưu-tâm đến một sự sung sướng hay một nỗi đau khổ, người thấy sự sung sướng hay nỗi đau khổ ấy tăng lên gấp bội. Trái lại, nếu người không thèm chú-ý đến nó nhiều, sự sung sướng hay nỗi đau khổ ấy yếu lần đi và tan biến một cách dễ dàng.

Một mặt khác, sự chú-ý lại là một điều-kiện cho ký-ức. Những cái gì người thích và chú-ý, người nhớ rất dai và rất kỹ. Ngoài ra, những dục-vọng và sở-thích của người còn ảnh-hưởng đến ký-ức đó, và làm biến tánh những kỷ-niệm của người.

Sau hết, những nhu-cầu của người còn hướng trí óc người đến chỗ khái-quát-hóa và sắp đặt các tri-thức của người về ngoại-giới. Sự lợI-ích bao giờ cũng là tiêu-chuẩn để cho người nhận-thức sự tương- đồng giữa các sự vật, và sắp các sự vật ấy thành hệ-thống. Người có thể sắp chung các sự vật có thể tác-động đến cơ-thể mình với một hiệu-quả như nhau. Người cũng có thể sắp chung các sự vật có thể dùng làm phương-tiện để giúp người đạt được một mục-đích.

Những điều trên này chỉ tỏ rằng sự hoạt-động của tâm-trí người dựa vào sự chú-ý, mà người chỉ chú-ý đến cái gì hữu-ích cho mình.

4.- Sự vị kỷ trong tri thức của người và khoa học

Người sở-dĩ chịu khó quan-sát và học-tập thêm mãi không ngừng, là vì người muốn tác-động trên sự vật. Tri-thức bao giờ cũng là điều-kiện đầu tiên để giúp người chọn lựa một cách đúng đắn, và hành-động một cách có hiệu-quả.

Người chỉ có thể thỏa-mãn những nhu-cầu của minh khi người có thể phân-biệt được cái lợi cái hại, và phản-ứng một cách thích-hợp với hoàn-cảnh. Không biết ai là thù, ai là bạn, không hiều món ăn nào bổ, món ăn nào độc, người rất khó tự-tồn. Sự phân-biệt này là một vấn-đề sống chết đối với người. Vì đó, người cần một sự tin tưởng chắc chắn nơi tri-thức của mình.

Vốn lấy hành-động làm mục-đích, tri-thức người hướng về tương-lai. Người sở-dĩ nhớ đến hậu-quả những cách cư-xử quá-khứ của mình hay đồng-loại là để suy-luận về những việc sẽ xảy ra, hầu ứng- phó lại một các đúng đắn. Con người thắng-lợi trong sự cạnh-tranh sinh-tồn là con người dự-đoán trúng tương-lai, và đưa ra những kế-hoạch gồm những hoạt-động đắc-lực, thích-hợp với tình-thế.

Những tri-thức khái-quát, những tư-tưởng và ý-niệm, hết sức hữu-ích cho người ; nó giúp cho người thấy xa trong tương-lai, và chẳng những dự-đoán được những việc xảy ra, mà còn tưởng-tượng được những điều mình sẽ làm, và cả hậu-quả của những việc làm ấy. Do đó, người có xu-hướng khái-quát hóa những tri-thức và gói nó trong những công-thức gọn ghẽ dễ nhớ.

Vậy, những tri-thức của người đều nhắm vào mục-đích phụng-sự chính cá-nhơn người. Khoa-học nào cũng bắt đầu bằng những nghệ-thuật, tức là phép áp-dụng một số tri-thức khái-quát ra hành-động. Hình-học thoát-thai từ khoa đạc-điền, thiên-văn-học bắt nguồn từ sự quan-sát võ-trụ để biết thờI-tiết hay định phương-hướng. Do sự so sánh những phương-pháp hành-động của mình với những kết-quả thâu-hoạch, người nhận-thức được những mối tương-quan hằng-cửu và rút ra được những lý-thuyết, với những cách-thức hoạt-động có hiệu-lực hơn. Khoa-học nhờ sự tập-hợp và hệ-thống-hóa các kinh-nghiệm ấy mà phát-sanh.

Khi khoa-học đã thành hình rồi, nhiều người cho rằng hoạt-động khoa-học hoàn-toàn không vụ-lợi. Theo những người này, nhà khoa-học yêu sự thật vì sự thật chớ không phải vì mục-đích gì khác.

Nhưng thật ra, vai tuồng khoa-học bao giờ cũng là dạy cho người những tri-thức rộng-rãi và chánh- xác về các hiện-tượng thiên-nhiên, để giúp người đối-phó với những hiện-tượng ấy một cách đắc-lực hơn. Phần lớn những sự tìm tòi nghiên-cứu của các nhà khoa-học đều hướng về việc giải-quyết những vấn-đề thực-tiễn. Ý-tưởng về những ích-lợi mà công-trình mình mang đến những người đồng-loại, làm cho các nhà khoa-học hăng hái hơn trong sự làm việc.

Thêm nữa, những người không nhắm mục-đích gì trong sự nghiên-cứu, cũng giúp cho nhơn-loại về sau. Nhiều định-luật khoa-học phát minh từ đời cổ, mãi đến ngày nay mới được đem ra ứng dụng. Vả lại, chính những người không nghĩ đến sự áp-dụng những tri-thức của mình mới có thể đi đến những thuyết tổng-hợp cao-siêu, về sau phụng-sự nhơn-loại một cách đắc-lực hơn. Những giả-thuyết khoa-học đã đóng một vai tuồng rất lớn trong sự xây dựng những chủ-nghĩa chánh-trị, và những hệ-thống triết-lý chi-phối cả đời sống loài người.

Vậy, khoa-học không phải là không có tánh-cách vụ ích-lợi. Đối với những người chủ-trương khoa-học vị khoa-học, một triết-gia Pháp đã nhắc lại rằng : « Không phải người sanh ra để phụng-sự khoa-học, mà trái lại, khoa-học đã được tạo ra vì người, và giá-trị một phát minh chỉ do nơi sự ích-lợi của nó mà ra ».

Về phần những nhà khoa-học, ta cũng nhận thấy rằng sự tìm tòi khảo-cứu, họ vẫn có phụng-sự cá-nhơn họ. Gác qua một bên những người nhắm vào mục-đích tìm danh tìm lợi, ta hãy xét về những nhà khoa-học đặt việc khảo-cứu lên trên hết mọi sự. Những nhà khoa-học này thật ra cũng có một cao- vọng, cao-vọng hiểu được thiên-nhiên để chế-ngự nó, hầu giúp ích đồng-bào. Cao vọng này có tôn-quí thật, nhưng vẫn là cao-vọng cá-nhơn.

Thêm nữa, sự khảo-cứu khoa-học làm phát-triển nhiều khả-năng trí tuệ và nhiều đức-tánh của người. Nó làm cho giá-trị nhà khoa-học được nâng cao lên, và do đó, nó rất hữu-ích cho nhà khoa-học. Nó trả lời cho sự cần dùng phát-triển của nhà khoa-học, và không thể xem là hoàn-toàn không vị-kỷ được.

Một mặt khác, một số nhà khoa-học khi đã quen với công việc tìm tòi khảo-sát rồi, thì có một nhu-cầu tìm tòi khảo-sát rất mãnh-liệt. Ý muốn hiểu-biết, khám phá, phát-minh của họ trở thành dục-vọng thu hút hết nghị-lực họ. Bắt họ ngừng làm việc, họ sẽ thấy khổ-sở vô-ngần. Ngay những nhà khoa-học có một mục-đích vụ-lợi thiển-cận, về sau cũng có thể tự mình thấy sung sướng khi tìm tòi khảo-cứu.

Một bằng cớ chỉ-tỏ tánh-cách vị-kỷ của nhà tư-tưởng là sự cố-gắng của họ để làm cho thiên-hạ chấp-nhận ý-kiến họ. Từ trước đến giờ, các nhà khoa-học và triết-học nổi danh đều có một thái-độ biệt- phái cứng rắn, và nhiều người đã tỏ ra hết sức cuồng-nhiệt trong sự binh vực hệ-thống lý-thuyết của mình.

Nói tóm lại, những nhà bác-học, dầu cho không đeo đuổi một mục-đích vụ-lợi thiển-cận, cũng không phải là không vị-kỷ, chỉ vì cái vị-kỷ của họ cao hơn cái vị-kỷ thấp kém của những kẻ tầm-thường cho nên người ta thường không nhận ra được nó mà thôi.

5.- Sự vị kỷ trong nghệ thuật của người

Đối với chủ-trương « khoa-học vị khoa-học », người ta thấy phát-hiện mấy thế-kỷ sau đây chủ-trương « nghệ-thuật vị nghệ-thuật ». Những người theo chủ-trương này cho rằng nhà nghệ-sĩ chỉ có mục-đích phụng-sự cái đẹp cũng như nhà khoa-học chỉ có mục-đích phụng-sự chơn-lý. Nhưng thật-sự, như ta thấy, hoạt-động khoa-học không thoát khỏi tánh-cách vị-kỷ ; hoạt-động nghệ-thuật cũng thế.

Khi thưởng-thức một tác-phẩm nghệ-thuật, người ta tìm, hoặc một tri-thức để học thêm, hoặc một sự kích-thích, hoặc một phút xuất-thần hay một khoảnh-khắc mơ mộng giúp mình quên cuộc đời ô- trọc, nói tóm lại, người tìm một cảm-xúc, tức là một tình-cảm làm rung động được tâm-hồn mình. Và thật-sự, cái mà người ưa thích trong một tác-giả chính là cá-nhơn mình, chính là những cử-chỉ hành-động, chính là cả một cuộc đời mà người đã sống, hoặc thích sống và không sống được. Nói một cách khác, người tìm trong mỹ-thuật, hoặc một sự sinh-tồn quá-khứ, hoặc một sự sinh-tồn tưởng-tượng, để thay thế sự sinh-tồn thiệt-thọ hiện-tại chưa đủ làm toại được chí người.

Như vậy, những hình-ảnh mà nhà nghệ-sĩ gợi ra, sở-dĩ làm xúc-cảm được người, phần lớn vì nó có liên-lạc với cá-tánh người, với thân-thế thật-sự hay tưởng-tượng của người.

Về phần những nghệ-sĩ, họ thường đem phổ vào tác-phẩm  họ cả bản-ngã họ. Có khi họ tự tả họ một cách trực-tiếp. Nhưng cũng có thể biểu-lộ một cách gián-tiếp ; họ gán cho những nhơn-vật họ tạo ra, những khuynh-hướng, những tình-cảm của họ. Nguyễn Du đã nhờ nàng Kiều để bày tỏ thân-thế thật-sự của mình, và nhờ Từ Hải để phác ra vai tuồng xã-hội mình muốn đóng. Người ta đã nhận thấy rằng nhà nghệ-sĩ càng có nhiều dục-vọng, càng có nhiều tâm-sự u-ẩn thì càng sản-xuất những tác-phẩm tân-kỳ. Đối với họ, sự cần dùng phải sản-xuất cũng khắc-nghiệt như sự cần dùng khảo-cứu tìm tòi của nhà khoa-học.

Sự quan-sát về đời sống các nghệ-sĩ đã cho chúng ta biết rằng những động-lực thúc đẩy họ là sự thỏa-mãn những nhu-cầu tinh-thần, tánh tự-tôn, tự-đại, lòng ham muốn danh-vọng, tiền tài, ý muốn được người hiểu biết hay mến phục. Những động lực trên này đều có tánh-cách vị-kỷ không ít thì nhiều.

6.- Sự vị kỷ trong hoạt động tôn giáo

Trong sự hoạt-động tôn-giáo, ta cũng nhận thấy sự vị-kỷ xuất-hiện. Người thời xưa vì không rõ nguyên-nhơn những hiện-tượng thiên-nhiên chung quanh mình, nên cho rằng những hiện-tượng đó do ý muốn những nhơn-vật vô-hình mà ra. Họ gán cho những nhơn-vật vô-hình này một linh-hồn như họ, và tạo ra những ma quỉ, thánh thần. Đọc những thần-thoại của tất cả các dân-tộc, ta có thể nhận thấy rằng ma quỉ, thánh thần ngày xưa có những tình-cảm, nguyện-vọng như người, với những khả-năng hành-động cao hơn. Vậy, người đã nhờ tôn-giáo để biểu-diễn những nguyện-vọng và mơ ước của mình.

Một mặt khác, trong tôn-giáo, người còn tìm một phương-tiện để tự-vệ chống giữ những lực-lượng vô-hình có thể phò-hộ hay giết hại mình. Người đã thờ cúng lễ-bái các vị thần-minh, để cho họ thương mình mà tha cho, hoặc hơn nữa, binh vực giùm mình. Các bộ-lạc, các chủng-tộc thuở xưa đều thờ một vị thần bảo-hộ đoàn-thể mình. Những cá-nhơn cũng cầu-đảo để được mạnh khỏe, được thành-công trong việc làm, được giàu sang sung sướng.

Ngay đến khi tôn-giáo có một tánh-cách cao-thượng hơn, phần lớn loài người vẫn giữ thái-độ vụ- lợi trên đây trong sự thờ phụng thần thánh. Phúc, lộc, thọ, danh, đó là những điều mà người mong ước thần thánh ban-bố cho mình hay cho thân-nhơn mình.

Một điều rõ rệt chứng tỏ sự vị-kỷ của người trong sự thờ phụng thần thánh, là người chỉ thiết-tha cầu-khẩn khi khổ-sở, khi gặp những hoạn-họa gớm ghê mà sức người không đương trở nổi. Lúc những phương-tiện hoạt-động của người được mở mang, lúc người được an-toàn và sung-túc, người rất ít khi nghĩ đến Phật Trời.

Ta phải công-nhận rằng trong nhơn-loại, có một số người có một tinh-thần mộ-đạo rõ rệt hơn. Nhưng hạng người này thật ra cũng chỉ nghĩ đến họ ; họ muốn được sống an-toàn ở trần-thế, và khi trút linh-hồn, lại được lên thiên-đường sống một cuộc đời vĩnh-cửu, đầy lạc-thú. Nếu họ cố-gắng để có những đức-tánh cần-thiết như lòng từ-bi bác-ái, sự đại-lượng đối với kẻ khác thì cũng vì mục-đích vị-kỷ trên này.

Những người có óc thần-bí, muốn hòa-hợp hồn mình với Thượng-Đế cũng không thoát khỏi sự vị-kỷ. Sở-dĩ họ muốn được trở về với Thượng-Đế, là vì Thượng-Đế có một quyền-năng vô-hạn, có một sự từ-ái minh mông. Một điều ta nên lưu-ý, là những người thần-bí này chỉ tin nơi Thượng-Đế riêng của mình. Nói đến tôn-giáo khác, họ chỉ có lòng khinh-bỉ, thù hằn. Hơn nữa, họ cũng không tha những kẻ cùng thờ một Thượng-Đế với họ, nhưng có một quan-niệm khác họ về sự thờ cúng Thượng-Đế ấy. Những sự tàn-sát nhau giữa các tôn-giáo, những tôn-giáo pháp-đình đã lưu lại cho nhơn-loại bao trang sử rùng rợn, đều là công-trình những nhà thần-bí cuồng-tín, không ngại dùng đến những phương-pháp tàn-bạo nhứt để binh-vực giáo-lý mình.

C.- Sự vị kỷ trong nhu cầu phát triển của người

Sự sinh-tồn, như ta đã thấy, không phải chỉ thâu vào việc duy-trì sự sống dưới hình-thức hiện-tại. Nó còn gồm ý muốn nâng cao sự sống lên và mở rộng nó ra. Bất cứ ở địa-vị nào, người cũng muốn vượt lên trên nữa.

Một vị Thiên Hoàng ngự-trị trên một nước Nhựt đang lúc hùng-cường, đã viết trong một bài thơ làm khi ngự-giá dự một cuộc thao-diễn hải-quân:

Hà thời đạt đắc bình-sanh chí

Nhứt dược đằng phi ngũ đại châu?

(Biết bao giờ ta đạt được chí bình-sanh, phóng một bước nhảy qua cả năm đạI-châu?)

Giấc mộng bá-chiếm hoàn-cầu này, những tay thống-lãnh các đại đế-quốc từ trước đến nay đều có mơn trớn. Giá như một ngày kia có người đạt được nó, người ấy sẽ không ngừng lại đó. Họ sẽ nghĩ đến việc chinh-phục thời-gian sau khi chinh-phục không-gian. Họ sẽ tìm cách được trường-sanh bất-tử như Tần Thủy-hoàng ngày trước, và như Staline gần đây. Ngay bây giờ, mộng bá-chiếm hoàn-cầu chưa thực-hiện được, mà đã có người nghĩ đến việc chinh-phục mặt trăng và các hành-tinh gần địa-cầu rồi.

Vậy, nền tảng của sự sinh-tồn là sự bành-trướng. Ngay ở những sanh-vật sơ đẳng, sự bành-trướng cũng hết sức mạnh mẽ. Nhiều loại vi-khuẩn trong một ngày đã sanh ra đến 70 đời. Nếu có đủ lương-thực để sống, khối vi-khuẩn này có thể nặng đến 5.000 tấn. Trong vòng 15 năm, hậu-duệ của một cặp chim lên đến số 10 triệu con, trong khi một con cá chép thường có thể sanh ra 100 triệu trứng.

Loài người tự xưng là chủ-nhơn-ông của địa-cầu kể ra không hổ với danh-hiệu này, vì sức bành- trướng sự sống của người thật vô-cùng mạnh mẽ. Người đã thay đổi cả mặt quả đất, người đã chế-ngự được cả muôn loài.

Chẳng những muốn nô-lệ-hóa loài thú và điều-khiển vật-chất, người còn muốn xử-dụng đồng-loại theo ý mình nữa. Người luôn luôn cố-gắng vượt lên trên kẻ khác và ngự-trị kẻ khác.

Người nào cũng tự cho mình là «rún của quả đất», xem cá-nhơn mình là trên cả, nghề-nghiệp mình là cao quí hơn hết, đẳng-cấp mình là quan-trọng nhứt. Nhà khoa-học, nhà triết học, nhà nghệ sĩ, nhà tôn-giáo, nhà chánh-khách, đều cho rằng chỉ có ngành hoạt-động mình phụng-sự mới có thể mang hạnh-phúc lại cho nhơn-loại, và do đó, nó phải được đặt lên trên hết. Trong mỗi nước, hạng nông-dân thường cho rằng mình hữu-ích hơn cả, trong khi thợ thuyền quả-quyết rằng chính họ mới là phần-tử cần-thiết bậc nhứt.

Ý muốn trở thành một nhơn-vật quan-trọng là một nhu-cầu thiết-yếu của mọi người. Trong phạm-vi hoạt-động của mình, người luôn luôn muốn tỏ rằng mình tài giỏi hơn kẻ khác. Lòng ham quyền-chánh, tham danh-vọng, thích nịnh bợ, có thể nói chung cho hầu hết loài người.

Chủ-trương bình-đẳng do nơi lòng tự-ái của người mà ra. Người không bao giờ muốn hạ mình xuống cho bằng kẻ thấp hơn, trái lại, muốn leo lên cho bằng kẻ ở trên mình. Khi nhận thấy mình không lên trên được, người lại thầm muốn cho người ở cấp trên bị khốn khổ, hoặc bị giáng xuống địa-vị mình. Như thế, xét tâm-lý con người, ta thấy rằng người luôn luôn hiểu sự bình-đẳng theo một nghĩa có lợi cho mình.

Một mặt khác, ngay những người hô-hào bình-đẳng cũng tự-nhiên hướng về sự bất-bình-đẳng. Người bao giờ cũng thèm khát những đặc-quyền, đặc-ơn, và sự tôn-ty xuất-hiện trong mọi tổ-chức. Giáo-hội nào cũng có cấp bậc trên dưới, và đảng Cộng-sản Đệ Tam Quốc-tế, vốn chủ-trương một sự bình-đẳng triệt để giữa loài người, chẳng những đã đặt một hệ-thống phân-biệt phẩm-trật nhiều hơn trong bất cứ tổ-chức nào khác, mà còn đặt ra chế-độ đặc-táo, tiểu-táo để chánh-thức-hóa những sự bất- công mà những tổ-chức khác chỉ dung-nạp một cách bán-chánh-thức mà thôi.

Về phương-diện trí-tuệ, người muốn cho ý mình thống-trị kẻ khác. Những người đã tạo ra những hệ-thống lý-thuyết chánh-trị, những chủ-nghĩa cách-mạng, những tôn-giáo, đều có ý muốn uốn nắn tất cả đời sống mọi người. Họ muốn phát-huy những sở-kiến của họ để bắt buộc mọi người phải theo những kế-hoạch, những mộng-tưởng của họ : đó là ý-chí ngự-trị của người phát-hiện dưới danh-nghĩa của tư-tưởng.

Những nhà tư-tưởng chịu sống một cuộc đời khổ-sở để đạt mục-đích, đã bị sự chi-phối của ý-chí ngự-trị này mà bỏ qua những xu-hướng vật-chất bị xem là tầm-thường nhỏ mọn.

Trong ý-chí bành-trướng sự sống kể trên đây, ta có thể nhận thấy lòng ham muốn một mực sống cao hơn về vật-chất hay về tinh-thần. Và như thế, tánh-cách vị-kỷ của người trong sự bành-trướng ấy không ai có thể phủ-nhận được.

D.- Sự vị kỷ và sự hy sinh tánh mạng

Sự sinh-tồn của người làm cho người muốn sống và bành-trướng sức sống của mình. Nhưng người cũng có khi dám liều chết, dám hy-sinh tánh-mạng mình. Sự hy-sinh này có thoát khỏi tánh-cách vị-kỷ hay không?

Trước hết, ta có thể nhận thấy rằng, sự sống hàm sự hoạt-động, mà sự hoạt-động bao giờ cũng có nguy-hiểm. Do đó, muốn sinh-tồn, người phải nhận nguy-hiểm. Nhiều khi chính sự liều chết lại làm cho người sống : phá một con đường máu trong một khối địch-quân đông đảo hơn mình là phương-pháp duy-nhứt giúp người thoát khỏi bị chúng bắt và hành-hạ trước khi xử tử.

Một mặt khác, người mạnh mẽ bình-thường cần phải vận-động, phải sử-dụng hết nghị-lực của cơ-thể mình. Một số người chỉ có thể tìm thấy được sự vui thú trong sự lộng-hiểm ; những nhà thể-tháo, những nhà săn bắn, lắm khi tự mình tìm lấy sự sung sướng trong việc tiêu-phí nghị-lực đó. Nhưng cũng có khi lòng ham danh-vọng, ý muốn nêu gương cho thiên-hạ khiến cho người quên những mối nguy-hiểm mà lăn mình tới trước. Cũng có khi người liều tánh-mạng để đạt được một mục-tiêu, thâu-hoạch một kết-quả. Sự thực-hiện một nguyện-vọng, quả tim một người yêu, có thể là phần thưởng người mong chờ khi có những tác-động dõng-cảm liều thân.

Sau hết, người có thể hủy mạng sống của mình khi cuộc đời trở thành một cực-hình cho người. Sự xấu hổ, sự nhục-nhã, sự tuyệt-vọng có thể đưa người đến chỗ quyết-định từ giã trần-thế để tìm hạnh-phúc ở thế-giới bên kia. Người tự-tử là để giải-thoát lấy mình khỏi những dây oan-nghiệt làm khổ-sở cho mình.

Ngoài ra, lại còn một số người tự-hủy mình vì nhiệm-vụ. Đó là trường-hợp những người liều mạng hy-sinh cho Tổ-Quốc, cho tôn-giáo mình. Sự dõng-cảm của họ rất đáng kính-phục.Tuy-nhiên, ta không thể bảo rằng họ không vị-kỷ chút nào trong sự hy-sinh ấy.

Bảo-vệ quê-hương hay tôn-giáo mình, tức là bảo-vệ những hình thức sống còn mà người chấp-nhận hay tôn-kính. Đối với người, không sống còn được theo hình-thức ấy thì thà chết còn hơn. Trong trường-hợp nầy, người xem những yếu-tố làm cho cuộc đời đầy ý-nghĩa có giá-trị cao hơn chính cuộc đời. Nhưng dầu sao, người vẫn hy-sinh vì một chủ-kiến của mình.

Những nhà ái-quốc không thể chịu được cái nhục mất nước, cái khổ thấy đồng-bào nô-lệ cho người ngoạI-bang, những người tử vì đạo vì muốn được lên thiên-đường theo vị Thượng-Đế mình tôn thờ. Họ đã từ khước cái sống thừa khổ nhục, để chọn lấy cái sống vĩnh-cửu và an-ổn của tâm-hồn. Vậy, họ không phải là không vị-kỷ.

Đ.- Sự vị kỷ trong những hành động vị tha

Ngoài những bản-năng hoàn-toàn vị-kỷ khiến cho người chỉ lo đến mình, chỉ mưu-đồ sự sinh-tồn cho cá-nhơn mình và có những hành-động vị-kỷ, người lại còn có những bản-năng tình-dục và bản-năng xã-hội. Những bản-năng sau này khiến cho người có xu-hướng gần gũi và sống chung với đồng-loại. Nó đã đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự thúc đẩy người hợp nhau lại thành đoàn-thể.

Thật-sự thì người không phải chỉ có thiện-cảm với người đồng-loại. Đứng trước một kẻ lạ người thường e dè và giữ miếng, ít khi thông-cảm họ. Ngay trong vòng những kẻ liên-lạc mật-thiết với người, mối giao-tình nhiều khi lợt lạt, hời hợt lắm. Nhưng chúng ta không thể phủ-nhận được rằng khuynh-hướng hợp-quần của người cũng rất mạnh, nó khiến người tự-nhiên thấy buồn bã khi cô-độc, và luôn luôn tìm cách liên-lạc với đồng-loại, muốn cho họ ưa thích và nể nang mình.

Trong sự sống chung với đồng-loại, người nhiều khi biết nghĩ đến họ, đến quyền-lợi của họ, và có những hành-động mà ta gọi là hành-động vị-tha. Đối với một số nhà tư-tưởng và đạo-đức, vị-tha là một tình-cảm hoàn-toàn tốt đẹp của người, nó đối chọi hẳn với sự vị-kỷ. Tuy nhiên, con người vốn có một cơ-thể, một tâm-hồn, một bản-ngã mạnh mẽ. Họ không bao giờ có thể tự quên mình được một cách hoàn-toàn. Do đó, những hành-động vị-tha của họ vẫn mang dấu hiệu của bản-ngã họ, và do đó, vẫn còn dựa vào sự vị-kỷ không ít thì nhiều.

1.- Sự vị kỷ trong tình yêu

Tình yêu là một tình-cảm rất mạnh có thể đưa người đến những hành-động vị-tha. Nó bắt nguồn từ những nhu-cầu sanh-lý khẩn thiết của người. Đàn ông và đàn bà đều bị bản-năng tình-dục chi-phối, khiến cho họ tự thấy cần dùng nhau và đi tìm kiếm nhau.

Nhưng ngoài ra nhu-cầu tình-dục, tình yêu còn dựa vào sự cần dùng nương tựa nhau : người đàn ông cũng như người đàn bà đều phải sống chung nhau để binh vực cho nhau. Đó là một yếu-tố phần nào có hơi hướng vị-kỷ rồi.

Một mặt khác, tình yêu cũng dính dáng đến bản-năng tư-hữu. Tánh ghen tuông – nhiều khi tồn-tại sau khi tình yêu đã chết – là một biểu-hiệu chỉ tỏ rằng người muốn được độc quyền với người mình yêu. Sự vị-kỷ của kẻ si-tình thật là hiển-hiện trong thái-độ họ ; họ thà thấy người họ yêu chết ngay trước mắt, còn hơn biết rằng người ấy có hạnh-phúc với một người khác.

Người có thể hy-sinh nhiều cho kẻ được người yêu dấu, song người cũng chờ đợi nơi người ấy một  sự ban thưởng là lòng yêu của người ấy,  hay ít nhứt là cái quyền được yêu người ấy. Lời than thở của một nhà thi sĩ:

« Yêu là chết ở trong lòng một ít,

« Cho rất nhiều, song được chẳng bao nhiêu »

(Xuân Diệu)

đã diễn-tả một cách rõ rệt tánh-cách vị-kỷ của tình yêu. Như thế, chung-qui, nếu có hy-sinh, người cũng chỉ hy-sinh cho dục-vọng của mình.

Thuở người còn man-dã, tình yêu dựa vào sự cần dùng sanh-lý, và sự cần dùng nương tựa nhau nhiều hơn hết. Trong xã-hội văn-minh, nó có thể gồm thêm yếu-tố khác; sự tương-đồng quyền-lợi, tình-cảm, tư-tưởng và sau đó, những thói quen, những công-ước xã-hội.

Sự hòa-hợp giữa hai vợ chồng rất hữu-ích cho cả hai; nó vừa tăng-gia sức mạnh tuyệt-đối của họ, vừa tăng-gia hiệu-lực của sự làm việc nhờ sự phân-công. Tục ngữ ta có câu: «Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn». Như thế, tình yêu có mang nhiều mối lợi vật-chất đến cho người. Về mặt tinh-thần, sự cộng-tác chặt chẽ giữa vợ chồng giúp cho họ nhân-nhượng nhau và sửa chữa lỗi nhau. Do đó, họ có thể đạt nhiều đức-tánh giúp họ thành-công trong xã-hội một cách dễ dàng hơn.

Như thế, tình yêu chung-qui vẫn có lợi cho người, và ta có thể bảo rằng, nền tảng nó dựa vào sự vị-kỷ của người rất nhiều.

2.- Sự vị kỷ trong tình gia đình

Bản-năng tình-dục khi mở rộng ra đã đưa người đến những tình-cảm gia-đình, trong ấy, mạnh mẽ nhứt là tình cha mẹ yêu con. Kể ra, thì lòng thương nhau giữa cha mẹ với con có một nền tảng sanh-lý tự-nhiên, vì đứa con do cha mẹ sanh ra, và mang một phần xương thịt cùng đặc-tánh của mẹ với cha. Tuy vậy, yếu-tố huyết-thống riêng nó cũng không được mạnh mẽ lắm.

Nhiều loài vật không hề biết đến con. Trong những xã-hội mọi rợ, nhiều trẻ con bị cha mẹ ăn thịt. Người thái-cổ có thể giết con trẻ vì những lỗi rất nhỏ hay vì nó là miệng ăn vô ích. Cũng có khi cha mẹ đem con tế-thần cầu lợi, hay đổi lấy một món hàng.

Nhiều dân-tộc, khi đã đạt được một trình-độ văn-minh khá cao mà còn vẫn giữ những tục-lệ man- dã đối với con trẻ. Người Hy-lạp, người La-mã và người Trung-Hoa ngày trước, hay giết hại những đứa bé tàn-tật, ươn yếu, có khi đem bán trẻ sơ sanh. Con gái thường bị bạc-đãi hơn con trai. Nếu không bị thảI-trừ hồi nhỏ, chúng cũng được nuôi trong một chế-độ khắc-nghiệt,  đến lớn, bị cha mẹ gả bán đi theo ý riêng, không cần đến sự ưng-thuận của chúng.

Trong xã-hội văn-minh hiện đại, những tục-lệ man-dã trên đây không còn nữa. Con trẻ được săn sóc kỹ càng hơn, được nuông chìu hơn. Cha mẹ thường sẵn sàng hy-sinh, chịu thiếu thốn, chịu cực khổ cho con. Ở đây, ta có thể công-nhận rằng lòng vị-tha đã có xuất-hiện. Tuy thế, trong lòng vị-tha này, sự vị-kỷ vẫn hãy còn.

Quan-sát hành-động mọi người chung quanh ta, ta có thể nhận thấy rằng, người thường đem lòng thương yêu những cái gì do chính tay mình săn sóc, chăm nom. Người bao giờ cũng chuộng kẻ chịu ơn mình hơn kẻ làm ơn cho mình. Những con vật do chính người nuôi nấng, những cây cối do người trồng hay bón xới, những đồ vật do chính người tạo ra, người bao giờ cũng trìu mến, ưa thích. Người nông-dân suốt năm chăm chút đến mảnh ruộng mảnh đất mình cày cấy, rất yêu mảnh đất mảnh ruộng ấy, mặc dầu nó không phải của họ. Nhiều người tá-điền đã đánh nhau chí-tử để bảo-vệ một tài-sản thật-sự là của kẻ khác.

Người thợ sở-dĩ không yêu hãng xưởng chỗ mình làm bằng người nông-dân yêu đất, là vì họ chỉ là một phần-tử nhỏ nhặt trong một bộ máy khổng-lồ, và thường chỉ coi sóc việc sản-xuất những bộ phận của một đồ vật. Họ không tự tay tạo ra một món hàng đầy đủ, và không thể tự-hào mà cho rằng món hàng nào đó do mình sản-xuất ra. Do đó, họ dễ dàng phá-hoại những hãng xưởng dùng họ những khi cần, và sẵn sàng hơn người  nông-dân để theo chủ-trương cộng-sản.

Sự thích mến những món do tự tay mình chăm nom hay chế-tạo ra là một xu-hướng chung cho mọi người, nó hàm sự vị-kỷ bên trong. Tình cha mẹ thương con một phần thuộc vào trường-hợp trên này. Đứa bé, chẳng những do cha mẹ sanh ra, lại còn được cha mẹ nuông chìu, chăm nom từng chút. Công cha mẹ đối với con thật là không sao kể xiết được. Như thế, cha mẹ tự-nhiên phải yêu con nhiều. Trong sự sanh-dưỡng đứa bé, người mẹ đóng vai tuồng quan-trọng hơn, thành ra mẹ thường yêu con hơn cha.

Lòng thương con của cha mẹ thật là mạnh mẽ ; nhưng không phải vì đó mà nó mất tánh-cách vị-kỷ. Người mẹ nhiều khi yêu con đến nỗi không muốn cho ai chia xẻ sự thương yêu đó với mình. Những bà mẹ chồng đông-phương hành-hạ con dâu, cũng như những bà mẹ vợ tây-phương không ưa chàng rể, vì trong mắt họ, con dâu hay chàng rể thu hút hết tình yêu của con họ. Nhiều người mẹ bị lao, nhưng không chịu rời con, thành ra chúng bị lây bịnh ấy.

Trong sự dựng vợ gả chồng, cha mẹ cũng thường nhắm vào sự môn-đường hộ-đối, vào mục-đích của cháu bế, hơn là vào hạnh-phúc của con. Thêm nữa, ta cũng nhận thấy rằng, trong một bầy con, cha mẹ yêu thương những đứa thông-minh, lanh lợi, có thể làm rạng rỡ tông-môn hơn những đứa con ngu đần, khó thành-công ngoài xã-hội.

Những điểm trên này là những luận-cứ chứng-minh rằng tình cha mẹ thương con  tuy hết sức cao quí, vẫn có phần vị-kỷ bên trong. Về phần con, ai cũng nhận thấy rằng, chúng không thương yêu cha mẹ bằng cha mẹ thương yêu chúng. Sở-dĩ Nho-giáo nhấn mạnh trên đạo hiếu, là vì lòng hiếu-thảo không phải là tình-cảm tự-nhiên mạnh mẽ bằng tình yêu nhau giữa vợ chồng, hay tình cha mẹ thương con. Nếu mọi người đều tự-nhiên yêu mến và phụng-dưỡng cha mẹ hết lòng, và bao giờ cũng lo cho cha mẹ hơn lo cho vợ con, thì truyện «Nhị thập tứ hiếu»  không có lý-do tồn-tại.

Một mặt khác, ta có thể nhận thấy rằng, trong một bầy con, đứa thương yêu cha mẹ nhứt là đứa đã từng chịu cực khổ với cha mẹ. Trái lại, những đứa được cha mẹ nuông chìu quá lại ít yêu cha mẹ hơn. Người Việt-nam khi nói đến sự kiện này thường cho rằng trong mấy đứa con ấy, đứa thì đòi nợ, đứa thì đi trả nợ. Nhưng thật-sự, đây chỉ là một biểu-lộ của một bẩm-tánh ta đã thấy trên này : con người yêu những kẻ chịu ơn mình hơn những kẻ làm ơn cho mình.

Trong sự hiếu-thân, người ta cũng có thể nhận ra lòng ham muốn được thiên-hạ ngợi khen, nếu không phải là lòng sợ hãi dư-luận chê cười. Những kẻ tống-táng giỗ chạp cha mẹ một cách linh-đình, thường nghĩ đến danh-vọng mình nhiều hơn là nghĩ đến  việc báo ơn cha mẹ.

Về tình anh em đối với nhau, nó tự-nhiên lợt lạt hơn tình cha mẹ với con. «Giàu cha, giàu mẹ thì ham, giàu anh, giàu chị ai làm nấy ăn» là một câu hát diễn tả một sự thật hiển-hiện. Việc anh chị em kiện nhau để tranh gia-tài là một việc thường thấy, và những bực thánh-hiền đã phải cố-gắng hết sức để dạy anh em chị em ăn ở phải đạo với nhau. Thật ra, thì cũng có nhiều người anh em chị em thương mến nhau một cách đậm đà, nhưng trường-hợp này cũng giống như truờng hợp những người kết bạn với nhau.

3.- Sự vị kỷ trong tình bạn

Nếu trong tình yêu giữa cha mẹ với con, sự vị-kỷ còn lộ ra cho ta thấy, thì trong tình bạn bè, nó lại còn rõ rệt gấp mấy nữa. Người ta chỉ có thiện-cảm với người khác khi người ấy hợp-ý mình. Những người bạn thân-thích với nhau thường là những người giống nhau hoặc là bổ-túc nhau. Thêm nữa, muốn cho tình bạn được lâu dài, người phải có những sở-thích, những nguyện-vọng chung nhau, khiến cho người cùng có những mối cảm-xúc như nhau, và có một thái-độ gần như nhau trong một hoàn-cảnh chung.

Một mặt khác, sự cùng chia sung sướng, mà nhứt là chia gian-lao với nhau, cũng như sự chơi đùa, giải-trí chung nhau, làm cho người khắn khít với nhau. Trong người bạn, người có thể nào tìm được một phần nào cá-nhơn mình. Vả lại, một người bạn chơn-thành rất hữu-ích cho người; người có thể học hỏi, có thể vui chơi, có thể nhờ sự giúp đỡ của bạn. Do đó, người có một xu-hướng kết bạn khá mạnh, và có bạn trong hầu hết mỗi giai-đoạn của đời mình : bạn đồng song trong lúc cắp sách đến trường, bạn đồng ngũ khi tùng-chinh, bạn đồng-nghiệp khi ra vật lộn với đời để mưu-sanh, bạn tâm- tình khi có dịp ở chung nhau.

Ta nên lưu-ý rằng tình bạn phải vun bồi mới sống được. Những người bạn thân-thiết nhau có thể trở thành xa lạ với nhau nếu không gặp gỡ nhau thường. Nhiều người bạn học lúc nhỏ rất gần nhau, nhưng về sau không được gặp gỡ nhau và không còn chơi thân nhau nữa. «Cách mặt thì xa lòng», đó là một sự thật mà dân-tộc nào cũng thấy.

Trái lại, những người sống cạnh nhau và giao-du với nhau, nhiều khi không hoàn-toàn giống nhau, cũng có thể trở thành thân-thiết được. «Bà con xa không bằng láng giềng gần», đó là một sự nhận xét chứng tỏ trong tình bạn sự gần nhau, và do đó, sự cùng nhau chia xẻ nỗi vui buồn đóng một vai tuồng rất quan-trọng.

Qua những điều-kiện trên này, ta có thể nhận thấy rằng tình bạn phải dựa vào nền tảng vị-kỷ một phần nào.

4.- Sự vị kỷ và lòng thương xót

Lòng thương xót cũng là một tình-cảm tự-nhiên của người. Nó do nơi thiện-cảm mà ra. Thoạt-kỳ-thủy nó làm cho người tham-dự một cách thụ-động vào sự lo âu khổ-sở của kẻ khác, nó khiến người đau đớn khó chịu. Sau đó, nó trở thành tích-cực hơn, và xui người giúp đỡ kẻ đau khổ khó chịu đó.

Người ta thường xem sự thương xót là một tình-cảm vị-tha hoàn-toàn. Nhưng nếu xét kỹ về nó, ta cũng thấy sự vị-kỷ ẩn núp bên trong.

Trước hết, người ta nên lưu-ý rằng, người không hề thương xót cục đất hay tảng đá. Người chỉ bắt đầu động-tâm khi thấy một cành hoa héo, một nhánh cây khô. Sự thương xót của người ta tăng-gia với loài cầm thú mở rộng ra đến tuyệt-độ đối với người đồng-loại. Điều này chứng tỏ rằng người chỉ thương xót nhiều những kẻ giống mình, vì tự nghĩ rằng mình có thể ở vào địa-vị kẻ ấy.

Nhiều người thường nhắc đến «quả tim vàng» của hạng người nghèo. Những văn-gia, thi-sĩ đã hết sức ca tụng tinh-thần tương-thân tưong-trợ giữa những người xấu số với nhau. Điều này cũng phần nào đúng với sự thật, chớ không phải hoàn-toàn chỉ dựa vào trí tưởng-tượng của những kẻ hay mơ mộng. Nhưng tại sao những người nghèo khó lại sẵn sàng giúp đỡ nhau hơn những người giàu có, trong khi họ có ít phương-tiện hơn? Lý-do rất giản-dị: họ đã trải qua những tình-cảnh khổ-sở và có thể sẽ phải trải qua những tình-cảnh ấy nữa trong tương-lai. Họ giúp đỡ kẻ khác để kẻ khác sẽ giúp đỡ lại họ khi họ gặp sự khó khăn. Người giàu, trái lại, không từng trải qua cảnh khổ của kẻ nghèo, và không hiểu cái khổ ấy; họ cũng không lo ngại nhiều cho họ trong tương-lai. Vì đó, họ dửng dưng trước sự đau đớn của những hạng người xấu số trong xã-hội.

Những người có của, đứng ra tổ-chức những việc làm từ-thiện thường có mục-đích quảng cáo cho tên tuổi mình. Trong sự giúp đỡ kẻ khác, một số lớn tìm sự khen ngợi của đồng-bào, hoặc sự ban thưởng của chánh-phủ. Cũng có một số người hiểu rõ rằng nâng đỡ người nghèo khổ là hàn gắn bớt những vết thương xã-hội, và như thế là đóng góp một phần vào công việc làm cho xã-hội được ổn-định, điều-kiện cần-thiết để duy-trì quyền-lợi họ. Sau hết, một số người tìm thấy sự sung sướng trong việc giúp đỡ người khác. Tình-cảm này là kết-quả của một bản-năng xã-hội mở mang. Nó hết sức cao-thượng, nhưng thật-sự bên trong, người cũng có tìm sự thỏa-mãn cho chính tâm-hồn mình.

5.- Sự tương quan giữa lòng vị tha và vị kỷ

Ta đã thấy rằng những động-lực làm cho người hành-động đều có một nguồn gốc duy-nhứt : sự thỏa-mãn những bản-năng của người. Bên những bản-năng vị-kỷ hoàn-toàn, người vẫn có những bản-năng đặc-biệt khiến người mở mang tâm-hồn mình ra để hòa-hợp với kẻ khác. Nhưng dầu sao, những bản-năng đó cũng của người, và sự thỏa-mãn nó cũng hữu-ích cho người trước hết. Vì thế, tất cả những hành-động của người đều có tánh-cách vị-kỷ, ngay đến những hành-động được gọi là vị-tha.

Ta có thể bảo rằng, sự vị-tha bắt nguồn từ nơi lòng vị-kỷ. Không có những nhu-cầu, không có ý muốn và hy-vọng thỏa-mãn nhu-cầu ấy, thì người không có những hành-động vị-tha.

Sự hoạt-động vốn để thỏa-mãn ý-chí sinh-tồn của người, mà ý-chí này càng mạnh thì phạm-vi và trình-độ sinh-tồn lý-tưởng của người lại càng rộng, càng cao. Do đó, những người có một sức sinh-tồn dồi dào, có nhiều nhu-cầu, thì lại càng hướng về đồng-loại và càng lo lắng cho họ.

Hạng người hào-hiệp nhứt trong xã-hội bao giờ cũng là hạng thanh-niên. Họ dễ dàng hy-sinh hơn người già cả gần đất xa trời. Lúc nào họ cũng sẵn sàng để chiến-đấu và cảI-tổ lại thế-giới. Nhưng kỳ thật, sự hăng hái và khuynh-hướng phụng-sự của những người thanh-niên chỉ là một hình-thức chưa ổn-định của thị-dục và hy-vọng minh mông của họ. Họ muốn tạo ra một khung cảnh phù-hợp với sự sinh-tồn lý-tưởng họ nêu ra. Dưới chủ-trương nâng đỡ nhơn-loại, ta có thể nhận thấy rõ ràng ý muốn ngự-trị lên trên thiên-hạ và phát-triển sự sinh-tồn cá-nhơn của họ.

Vả lại, người thanh-niên vốn có nhiều nghị-lực, và nghị-lực này bắt buộc họ phải hành-động, phải phao-phí sức mình. Đó là một nhu-cầu hữu-ích, vì sau cùng, sự hoạt-động làm cho người thanh-niên giỏi dang mạnh mẽ hơn. Nhưng muốn thực-hiện được nguyện-vọng mình, người không phải chỉ cần ra khỏi cá-nhơn mình, mà còn phải chịu thiệt thòi chút ít để người khác có thể chấp-nhận sức bành-trướng của mình. Vậy, sự phát-triển bắt buộc người phải có tánh đạI-lượng. Sự vị-tha thật ra là sự phát-triển bản-ngã của người, và như thế, nó chỉ là một hình-thức đặc-biệt của vị-kỷ. Nó là một sự vị-kỷ hiểu một cách sáng suốt.

Những điều trên này, chỉ tỏ rằng vị-tha và vị-kỷ không phải là hai tình-cảm trái ngược nhau. Thật-sự, vị-tha và vị-kỷ hòa-hợp nhau làm một và chung-qui, vấn-đề vị-tha và vị-kỷ chỉ là một vấn-đề quan-điểm.

Người ta có thể cho rằng tất cả những hoạt-động của người ngay đến hoạt-động vị-kỷ, đều có tánh-cách vị-tha, vì hoạt-động của người do thị-dục, tức là sự ưa thích mà ra.

Người si-tình yêu tình-nhơn, mẹ yêu con, nghệ-sĩ yêu nghệ-thuật, nhà bác-học yêu khoa-học, người nông-dân yêu mảnh đất mình cày cấy, người ghiền á-phiện mê ả phù dung, những người tranh-danh đoạt lợi mê quyền-chánh danh-vị. Tất cả những người này đều sẵn sàng hy-sinh sự an-ổn, sự sung sướng, có khi cả cuộc đời mình cho những cái mình yêu.

Bù lại, người ta cũng có thể cho rằng tất cả những hoạt-động của người, ngay đến những hoạt-động vị-tha, đều có tánh-cách vị-kỷ, vì người chỉ ưa thích cái gì người có thể dùng để thỏa-mãn một thị-dục, một nguyện-vọng, một nhu-cầu của mình và thật-sự, người chỉ yêu lấy mình mà thôi.

Như vậy, trong sự vị-tha, có lòng vị-kỷ, và trong sự vị-kỷ cũng có lòng vị-tha. Nhưng chúng ta phải nhận thấy rằng lấy sự vị-kỷ  làm gốc hợp-lý hơn, vì thật-sự người có một bản-ngã và không lúc nào có thể gạt qua một bên cái bản-ngã ấy được. Vì đó, sự vị-tha của người bao giờ cũng chỉ là một giai-đoạn trung-gian, cứu-cánh của nó luôn luôn vẫn là bản-ngã của người.

Sự quan-sát đã cho ta thấy rằng, sự vị-tha của người không hề đi đến những kẻ người không quen biết, những kẻ hoàn-toàn xa lạ với người. Người bao giờ cũng yêu con mình hơn con người dưng, yêu công-trình mình hơn công-trình kẻ lạ. Hơn nữa, người chỉ vị-tha khi người cần thỏa-mãn một nhu-cầu, một bản-năng. Như thế, sự vị-tha bao giờ cũng có tánh-cách vụ-lợi, dầu mối lợi người nhắm vào chỉ là một mối lợi tinh-thần.

Tánh vụ-lợi vốn do dục-vọng người mà ra. Muốn cho người không vụ-lợi, ta phải hủy bỏ dục-vọng người. Nhưng khi người không còn dục-vọng, người cũng không còn sống, bởi lẽ, thiếu dục-vọng, sự hoạt-động của người không còn lý-do tồn-tại nữa.

Vậy, sự vị-tha luôn luôn bắt nguồn từ sự vị-kỷ. Trong trường-hợp đó, lấy vị-tha chọi lại vị-kỷ là một điều lầm lạc rất to. Những người chủ-trương hủy bỏ sự vị-kỷ, thật-sự lại làm cho họ vị-kỷ hơn. Một số học phái theo chủ-trương thế-giới cho rằng lòng yêu thân-thuộc khiến cho người quên lãng người dưng và lòng thương đồng-bào làm cho người bất-công với người ngoại-quốc. Họ dạy người nên hủy bỏ những lòng thương thiên-vị ấy đi để lo cho nhơn-loại.

Nhưng thật-sự, những người hủy-diệt lòng thương gia-đình, tổ-quốc của mình được rồi thì, lại hóa ra dửng dưng với mọi người. Không thương cha mẹ, vợ con, đồng-bào, họ không còn thương ai cả và dưới những khẩu-hiệu có vẻ vĩ-đại, nhưng kỳ thật thì trống rỗng như « phụng-sự nhơn-loại », « phục-vụ nhơn-dân », họ chỉ nghĩ đến cá-nhơn họ. Sự tàn ác của những đảng-viên cộng-sản một phần do nơi chỗ họ diệt những tình-cảm tốt với người gần họ và thay vì trở thành hoàn-toàn vị-tha, lại hóa ra vị-kỷ một cách hẹp hòi.

Về phương-diện này, ta có thể bảo rằng Nho-giáo đã có một chủ-trương hợp-lý hơn khi dạy người đi từ chỗ gần đến chỗ xa, từ cái vị-kỷ đến cái vị-tha, bắt người tu-thântề-gia trước khi trị-quốc, bình thiên-hạ.

Nói tóm lại, sự vị-kỷ là một kết-quả tự-nhiên của sự sinh-tồn. Sự sinh-tồn, băt người phải vị-kỷ. Dầu muốn, dầu không, người cũng không sao thoát khỏi sự vị-kỷ ấy. Nhưng ta nên nhớ rằng có sự vị-kỷ ngu độn và sự vị-kỷ sáng suốt, có sự vị-kỷ hữu-ích và sự vị-kỷ tai-hại, có sự vị-kỷ hẹp hòi và sự vị-kỷ rộng rãi. Giá-trị đạo-đức của mỗi người thật ra chính ở chỗ người vị-kỷ một cách khôn-ngoan hay ngu dại mà thôi.

Một mặt khác, ta cũng không nên cho rằng, phủ-nhận sự vị-tha hoàn-toàn là không công-nhận những tình-cảm tốt đẹp của người. Trái lại, hiểu-biết nguồn gốc những tình-cảm tốt đẹp ấy là một điều cần-thiết để khêu gợi và tăng-cường nó. Không công-nhận qui-tắc dùng sự vị-kỷ để bồi đắp lòng vị-tha thì chẳng khác nào lấy cớ rằng phân không được thơm tho để vun bón hoa quả mình trồng.

Cái lầm lạc của những chánh-khách và những nhà đạo-đức từ trước đến nay, là bài-xích sự vị-kỷ, và kêu gọi người phụng-sự quyền-lợi chung vì nghĩa-vụ. Thật-sự, muốn cho người phụng-sự quyền-lợi chung, không gì bằng chỉ cho họ thấy rằng quyền-lợi riêng của họ nằm trong quyền-lợi chung ấy. Những chế-độ luân-lý, luật-pháp, không dựa vào sự vị-kỷ của người sẽ không có một nền tảng vững chắc và không sao phụng-sự được con người, cũng như cây cối không bón phân không thể sản-xuất được những hoa thơm quả ngọt vậy.

 

Vui cười

 Gia đình 3 người nọ đang ngồi xem phim sau bữa cơm tối. Bỗng dưng đứa con hỏi mẹ:

– Mẹ ơi sao mẹ xinh mà cưới bố xấu thế hả mẹ?

– Vì mắt tôi bị mù!

Đứa con lại thắc mắc với bố:

– Bố ơi sao nhà mình nghèo thế hả bố?

– Vì tốn tiền chữa mắt cho mẹ mày!

 

 

Hoài niệm cố TT Ngô đình Diệm – Ls Lâm Lễ Trinh

Năm 1955, tác giả bài này rời chức vụ Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm Saigon để nhận lời tham gia Nội các Ngô Đình Diệm với tư cách Bộ Trưởng Nội Vụ. Tháng 10.1960 – 5 năm sau – chúng tôi từ chức và chuyển qua ngành Ngoại Giao, phục vụ tại Trung Đông, với chức Đại Sứ, cho đến cuộc binh biến ngày 1.11.1963.

Giai đoạn 1954-1963 là giai đoạn dựng nước thành công sau Hiệp Ước Genève. Tổng Thống Eisenhower xem đây là một phép lạ và đề cao ông Diệm như một “Winston Churchill Á Châu”.

Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với gia đình nhà Ngô là vào cuối thập niên 40. Bào huynh của ông Diệm, Linh Mục Tiến Sĩ Ngô Đình Thục, là thầy dạy tiếng Latinh, Hy Lạp của chúng tôi tại trường Trung Học Huế. Vào thời đó, Thượng Thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, 32 tuổi, được quần chúng mến phục vì đã can trường từ chức trong triều đình hoàng đế Bảo Đại để đòi thực dân Pháp trả lại độc lập hoàn toàn cho đất nước. Năm 1945, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Anh quốc đến Việt Nam thay thế quân chiếm đóng Nhật Bản. Nạn đói Ất Dậu giết chết gần hai triệu dân. Hệ thống cai trị của Pháp tan rã, bộ đội Việt Minh thừa cơ hội đánh chiếm Hà-nội, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và truy giết các phần tử Quốc Gia.

Tác giả bài này đang là sinh viên Luật tại Hà-nội, phải bỏ học để xuôi Nam bằng xe đạp hay đi bộ vì đường xe lửa xuyên Việt bị phi cơ Đồng Minh phá hủy nhiều đoạn. Năm 1953, tác giả diện kiến lần đầu tiên hai ông Diệm-Nhu tại Vĩnh Long, nơi chúng tôi giữ chức Chánh Án. Hàng tuần, hai ông về đây để xem lễ và viếng thăm Giám Mục Ngô Đình Thục.

Tháng năm 1954, một lần nữa, Bảo Đại mời ông Diệm thành lập nội các. Ông Diệm từ chối, đòi được toàn quyền. Thái độ lừng khừng của Bảo Đài và sự tung hoành của các giáo phái và đảng cướp Bình Xuyên làm cho ông Diệm chán nản. Một sự kiện nghiêm trọng thúc đẩy ông Diệm đổi ý đầu năm 1954: Trên một triệu đồng bào Bắc Việt, đa số Công Giáo, ào ạt di tản vào Nam tránh nạn Cộng Sản. Họ xem Diệm như một cứu tinh.

Sự ủng hộ hết lòng của Đức Hồng Y Hoa Kỳ Spellman, đặc biệt là quyết định trở về công tác của 8.000 kháng chiến quân Cao Đài Trình Minh Thế qua trung gian của Đại Tá CIA Lansdale… là những động lực thúc đẩy ông Diệm chấp chính. Là một tín đồ Công Giáo thuần thành và một quan lại được đào tạo theo đạo lý Khổng Mạnh, Diệm có cảm tình với quân chủ. Trong thâm tâm, ông không chủ trương lật đổ Bảo Đại. Chính Bảo Đại đã lấn ông vào chân tường khi triệu hồi ông qua Cannes (Pháp) để thay thế bằng tướng cuớp Bình Xuyên Lê Văn Viễn. Mặt khác, ông bị đặt trước một việc đã rồi khi Hội Đồng Cách Mạng gồm có Nguyễn Bảo Toàn (Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Đảng Dân Xã), Hồ Hán Sơn (Cao Đài Tây Ninh) và Nhị Lang (Cao Đài Liên Minh Trình Minh Thế) ép ông tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại. Ông Diệm can thiệp để đại diện của Bảo Đại là Tướng Nguyễn Văn Vỹ được ra về tự do. Thể chế Dân Chủ được thành lập với một Tổng Thống và Phó Tổng Thống dân cử. Bản Hiến Pháp của VNCH được chấp nhận ngày 26.10.1955 từ nay xem như Ngày Quốc Khánh.

Sau khi trục xuất được Tướng phản động Nguyễn Văn Hinh ra khỏi quân đội, đóng cửa sòng bạc “Đại Thế Giới của Bình Xuyên tại Chợ Lớn, vô hiệu hóa các nhóm giáo phái Hòa Hảo (Năm Lửa, Lâm Thành Nguyên, Ba Cụt, Hai Ngoán, Nguyễn Giác Ngộ…), nhóm Công Giáo võ trang UMDC của Đại Tá lai Pháp Jean Leroy, Cao Đài Tây Ninh (Phạm Công Tắc, Nguyễn Thành Phương…), Tổng Thống Diệm công bố cho thế giới biết VNCH từ chối tổ chức bầu cử với Bắc Việt Cộng Sản vì chính phủ của ông không ký Hiệp Ước Genève chia đôi Việt Nam. Một điều khoản trong Hiệp Ước ấn định Cộng Sản phải rút về Bắc 100.000 cán bộ võ trang trong thời hạn ngắn. Chính quyền Diệm phải chạy đua với đồng hồ, tổ chức lại gấp rút Miền Nam về mặt trật tự, xã hội, kinh tế và quân sự.

Năm 1959, Chính Trị Bộ CS Bắc Việt quyết định tái xâm nhập Miền Nam bằng võ lực.

Những cải tổ và thành quả (1954-1963)

Mặc dù có sự phản đối của ngoại trưởng VNCH Trần Văn Đỗ, Hiệp Ước Genève ký ngày 20.7.1954 cắt đội Việt Nam. VNCH phải giải ngũ 80.000 quân trong tổng số 150.000. Tháng Tư 1956, người lính cuối cùng của quân đội Pháp rời Việt Nam. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu: Đế quốc Pháp bị thay bởi Hoa Kỳ là nước chi tiền để điều khiển chiến tranh. Cuộc chiến sẽ kéo dài ba thập niên. Dài nhất trong lịch sử Mỹ, Việt.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Diệm, bộ máy cầm quyền gồm có 13 Bộ, 16 Tổng Nha, một trường Quốc Gia Hành Chánh, một cơ quan Chiêu Hồi (Open arms) để đón nhận cán bộ Cộng Sản trở về với Quốc Gia và một chương trình cải tổ nông thôn. Bản đồ các tỉnh trong Nam và trên Cao Nguyên được vẽ lại, đặt thêm những tỉnh mới, chấn chỉnh quy chế tự trị cổ truyền của các làng mạc.

Trong hồi ký “Histoire d’une victoire perdue”, Giám Đốc CIA William Colby chỉ trích Hoa Thịnh Đốn không ủng hộ đúng mức chính sách Ấp Chiến Lược của ông Diệm. Chính sách này phỏng theo kế hoạch của Tướng Mã Lai Robert Thompson, đã từng tiêu diệt nhiều chục ngàn cán bộ Cộng Sản. Sau khi hai ông Diệm, Nhu bị giết năm 1963, nhóm tướng đảo chính hủy bỏ kế hoạch trên đây khiến cho Cộng Sản reo mừng, xem quyết định này như “món quà của Thượng Đế”. Năm 1965, Mỹ tấn công vùng nông thôn Việt Bắc bằng bom nhưng không cứu được sự sụp đổ của hệ thống ấp chiến lược trong Nam.

Cải cách tư pháp và xã hội

Bảo Đại đã lưu lại cho Diệm một gia tài vô cùng bi đát. Bộ máy Tư Pháp cần được xây dựng lại hoàn toàn. Chính phủ cho thiết lập một Tòa Phá Án, hai Tòa Thượng Thẩm tại Huế và Saigon, 6 Tòa Sơ Thẩm, 23 Tòa Hòa Giải Rộng Quyền, 13 Tòa xử vị thành niên phạm pháp, 8 Tòa Lao Động, 1 Tòa xử về điền địa, 1 Tòa Án Hành Chánh, 2 phòng Chưởng Khế và nhiều văn phòng Thừa Phát Lại. Bộ Tư Pháp cần gấp tuyển dụng và huấn luyện Thẩm Phán và sĩ quan Tư Pháp. Một chiến dịch toàn quốc được tổ chức để chống các tệ đoan xã hội: ma tuý, cờ bạc, cướp bóc, mại dâm… Nền giáo dục trong nước được chỉnh đốn toàn diện, từ mẫu giáo đến Tiểu Học, Sơ Học và Đại Học. Chế độ thi cử, du học… được xét lại. Quốc Ngữ là ngôn ngữ bắt buộc, thay thế tiếng Nôm và tiếng Hán. Bốn trường Đại Học được mở ra ở Huế, Đà Lạt và trong Nam.

Nhiều Ủy Ban chuyên môn nghiên cứu vấn để thống nhất luật lệ do Pháp và thời quân chủ lưu lại. Quốc Hội ban hành một số luật mới: Dân Sự Tố Tụng, Hành Chính, Hình Sự Tố Tụng, Gia Đình, Luật Thương Mại, Luật Lao Động.. v.. v… Các bộ luật này phải thích hợp với những quy tắc tự do và dân chủ đề cao trong Hiến Pháp. Quyền tự do lập nghiệp đoàn cũng được tôn trọng và những vụ công nhân đình công ít khi xảy ra.

Vấn đề đảng phái và tổ chức quần chúng

Đây là một vấn đề phức tạp vì chính phủ phải một mặt tôn trọng nhân quyền và dân quyền căn bản, mặt khác, vô hiệu hóa sự lợi dụng của Cộng Sản. Dung hòa hai nhu cầu này không dễ. Trong những năm đầu của chế độ, Đại Tá Edward Lansdale rút kinh nghiệm ở Phi Luật Tân, đưa ý kiến nên thành lập một đảng nòng cốt trung thành với chính phủ để lần hồi tiến đến đa đảng. Trong tinh thần này, đảng Cần Lao Nhân Vị ra đời, phỏng theo chủ thuyết personalisme của triết gia Pháp Jacques Maritain (1882 – 1973) và Emmanuel Mounier (1905 – 1950), Ngô Đình Nhu giữ chức Tổng Bí Thư đầu tiên.

Không có văn kiện chính thức nào bổ nhiệm ông Nhu vào chức Cố Vấn Chính Phủ. Ông làm việc trên tầng hai Định Độc Lập trong một căn phòng nhỏ, đầy sách, thiếu ánh sáng, không có nhân viên thư ký riêng, chỉ có một phụ tá, sĩ quan trong quân đội. Ông bà Nhu và bốn người con xử dụng hai phòng bên cạnh.

Nội bộ Cần Lao chia ra nhiều phe nhóm: Trần Kim Tuyến, Trần Quốc Bửu, Trần Văn Trai, Huỳnh Văn Lang, Lê Văn Đồng, Huỳnh Hữu Nghĩa, Lê Quang Tung, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Châu, Dương Văn Hiếu, Phan Ngọc Các…… Việc đưa Cần Lao vào quân đội bị chỉ trích vì phá vỡ hệ thống quân giai. Vài năm sau, dưới áp lực của công luận và Hoa Kỳ, thể thức đa đảng đem ra thí nghiệm. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia hoạt động dưới sự lãnh đạo của Trần Chánh Thành, người chủ xướng “chiến dịch Tố Cộng”. Nhóm Caravelle xuất hiện, gồm có một số tri thức chống Diệm; Trần Quốc Bửu tổ chức Tổng Liên Đoàn Lao Động. Dân Biểu Trần Văn Lắm thành lập Phong Trào Giáo Dân Hành Động. Phong Trào Thanh Niên và Thanh Nữ Cộng Hòa được Nhu đỡ đầu và giao cho Cao Xuân Vỹ điều khiển.

Các đảng phái lâu đời như VN Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Đại Việt Duy Dân, Đại Việt Cách Mạng… chưa tái xuất vì thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo. Trong những lúc tâm tình với tác giả, TT Diệm tỏ ra rất bức xúc về vấn đề thiếu cán bộ để thực hiện kế hoạch quốc gia. Đặc biệt, ông than phải dùng trong quân đội những sĩ quan của Pháp vì lớp trẻ thiếu kinh nghiệm chỉ huy.

Nhân sự là vấn đề sinh tử đối với Đệ Nhất Cộng Hòa trong nhiều lĩnh vực, một vấn đề nan giải. Bởi thế, TT Diệm giao cho hai em Nhu – Cẩn việc điều động đảng Cần Lao và trao cho Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia trách vụ huấn luyện nhân viên Nhà Nước. Bà Ngô Đình Nhu, Dân Biểu Quốc Hội, tổ chức Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới để cổ xúy nữ giới tích cực tham gia công tác xã hội như ủy lạo chiến sĩ, huấn luyện quân sự, phụ giúp trong các bệnh viện, mở lớp dạy Quốc Ngữ miễn phí, v.v… Hai Liên đoàn trên đây – công chức và phụ nữ – đã hăng hái tham gia bầu cử và đưa một số đại diện vào Quốc Hội Lập Pháp.

Trong cuộc phỏng vấn có ghi âm tại Paris ngày 4.7.2005, cựu Đổng Lý Văn Phòng của Diệm là ông Quách Tòng Đức xác nhận với tác giả bài này rằng ông có chứng kiến việc Đại Úy Phạm Bá Hoa, đại diện cho Trung Tướng Trần Văn Đôn trong Hội Đồng Cách Mạng, ký tên sau ngày 1.11.1963 vào biên bản để nhận từ tay Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng của Diệm, hai số tiền 6.297 Mỹ kim và 2.390.000 đồng bạc VN. Trong hồi ký “VN, our endless war”, Đôn cho biết đó là tài sản duy nhất của TT Diệm!

Vấn đề người Việt gốc Hoa

Ngay từ thời Pháp thuộc, giới Hoa kiều đã kiểm soát gần hết tài nguyên kinh tế của Việt Nam, tổ chức những cộng đồng gọi là Bang (Triều Châu, Phước Kiến, Quảng Đông, Hẹ, v.v…) Người Hoa làm chủ nhiều bệnh viện, ngân hàng và công ty độc quyền xuất cảng nông sản. Họ đứng tên đất đai ở khắp nơi. Hoa kiều lập gia đình với dân địa phương, sanh con gọi là Minh Hương. Nguy hiểm hơn nữa, Cộng Sản Hà nội thi hành chính sách Hoa Kiều Vận của Bắc Kinh, chuyển vũ khí vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh và hai xứ giáp ranh Lào, Miên.

Ngay sau khi chấp chính, TT Diệm ban hành một loạt sắc luật buộc Hoa kiều sinh tại VN phải đương nhiên xem như công dân Việt với đầy đủ trách vụ và phận sự (quân dịch, đóng thuế…) và phải Việt Nam hóa tên họ trên giấy tờ; những người di trú bất hợp pháp bị trục xuất; tỷ lệ nhập cư và nhập tịch hàng năm bị cắt giảm tối đa; người Hoa không được sở hữu quá 100 mẫu đất và bị cấm thi hành 11 nghề.

Nơi trang 201, trong “Chuyện hàng ngày” của tác giả Đoàn Thêm thì Dụ số 53 ngày 6.9.1956 cấm ngoại kiều từ nay không được làm 11 nghề và nếu đã làm thì phải giải nghệ ngay trong 6 tháng hoặc một năm (cá, thịt, chạp phô, than củi, dầu nhớt, cầm đồ, vải lụa, sắt đồng, xay lúa, ngũ cốc, chuyên chở, làm trung gian ăn hoa hồng).

Phản ứng của Đài Loan, Hồng Kông, Singapour… rất mạnh, chống lại những biện pháp mệnh danh “kỳ thị“ vừa kể. Mỹ can thiệp hòa giải. Sàigòn phải gởi phái đoàn giải thích gồm có Linh Mục De Jaegher và bang trưởng Mã Tuyền tham gia. Một thỏa ước tạm được dàn xếp, với sự nhân nhượng của đôi bên. Tuy nhiên, vấn đề Hoa kiều ở Việt Nam vẫn âm ỉ, có thể bộc phát bất ngờ.

Cải cách ruộng đất

Giới nông dân chiếm 85 phần trăm trong tổng dân số Việt Nam và chịu nhiều bất công thời Pháp thuộc cũng như dưới ách Cộng Sản. Bởi vậy, Tổng Thống Diệm xem việc cải cách ruộng đất như kế hoạch hàng đầu để tuyên truyền chống Hànội và thu phục nhân tâm. Bộ Cải Cách Điền Địa, thành lập năm 1955, minh định và bảo vệ mối liên hệ chủ điền – tá điền; chính phủ kiểm soát chặc chẽ. Hợp đồng ký giữa đôi bên để tránh lạm dụng. Phần đất sở hữu bất hợp pháp bị truất hữu với bồi thường thỏa đáng bằng công khố phiếu trả dài hạn. Thuế vụ phải thanh toán đầy đủ. Sự chuyển nhượng tài sản không gây bất mãn trong xã hội. Sổ Bộ Điền Địa được tái lập. Đất bỏ hoang vì chiến tranh và đất bị ngoại kiều chiếm đoạt được khai thác và phân chia cho dân. Tòa án điền địa xét xử công minh những tranh chấp, khiếu nại.

Kế hoạch kinh tế ngũ niên

Cuối năm 1959, 47 nước trên thế giới công nhận VNCH. Hoa Kỳ và các quốc gia hội viên của Chương Trình Colombo hỗ trợ nhiệt tình chính phủ Miền Nam. Trong một bài diễn văn đọc tại Tuy Hòa ngày 17.9.1955, TT Diệm chủ trương độc lập kinh tế bảo đảm độc lập chính trị, bởi vậy cần tận dụng tài nguyên trong xứ trước khi nhận ngoại viện để tránh mọi sự lệ thuộc. Ông Diệm cho thành lập một Tổng Nha Kế Hoạch trực thuộc Phủ Tổng Thống có trách vụ kiểm tra tài lực và nhân lực để thảo trình một phương án mở mang kinh tế ngũ niên.

Sau 5 năm cố gắng, chính quyền Diệm đã thu được nhiều thành quả khích lệ: xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước, trùng tu hệ thống giao thông trên Cao Nguyên, đặt một trung tâm nguyên tử lực tại Đà Lạt, xây nhà máy điện trong các làng và bắt đầu xuất cảng cà phê, cao su, lúa gạo, xi măng, đường cát và vải sợi…. ra nước ngoài. Mức sống của quần chúng được nâng cao, ngân sách quốc gia được quân bình, giá đồng bạc VN đối với Mỹ kim được ổn định.

Việt Nam Cộng hòa trên chính trường ngoại giao

Song song với công cuộc bình định trong xứ, TT Diệm đặc biệt chú tâm đến việc trau dồi hình ảnh quốc ngoại của đất nước do ông lãnh đạo. Trong một thời gian kỷ lục, liên lạc ngoại giao được lập với các xứ thuộc thế giới tự do ở Châu Âu, Trung Đông và Á Châu. Ông viếng thăm Thái Lan, Mã lai, Singapore, Ấn Độ, Nam Hàn, Đài Loan, Úc Châu, Phi Luật Tân… Thái tử Marốc Abdullah, Quốc Vương Iraq, Phó Tổng Thống Ấn Độ đến viếng Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đặt một văn phòng quan sát viên Liên Hiệp Quốc tại New York. Ở mỗi nơi, TT Diệm được chào đón như một chiến sĩ anh hùng.

Ngày 6.5.1957, TT Eisenhower mời TT Diệm công du Hoa Kỳ hai tuần. Một phi cơ riêng đưa phái đoàn VN đến Hawaii. Tại phi trường Honolulu, TT Eisenhower và Ngoại Trưởng Foster Dulles ra tận máy bay để chào. TT Diệm được mời đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, một vinh dự dành cho những thượng khách đặc biệt. Vài hôm sau Thị Trưởng Robert Wagner tổ chức một buổi tiếp đón trọng thể tại New York. 250.000 dân tại đây hoan nghênh ông Diệm trong một cuộc biểu diễn Ticker Tape Parade. Để chào mừng, họ thả xuống từ tầng lầu các tòa nhà dọc hai bên đường từng trận mưa hoa giấy confettis.

Đồng minh và đối thủ

Trong những năm chót trước ngày 1.11.1963, sự liên hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Sàigòn trở nên tồi tệ. Để Việt Nam hóa chiến tranh, cố vấn Mỹ và nhân viên CIA có mặt trong nhiều cơ quân quân sự, an ninh, tình báo của Miền Nam. Những tổ chức chuyên môn của Hoa Kỳ gia tăng hoạt động như USAID (United States Agency for International Development), USOM (US Operation Mission), DAO (Defense Attache Office)… Thông tín viên báo chí ngoại quốc tràn vào VN săn tin. Geore Carver, Rufus Philips, Lucien Conein, John Paul Vann, Neil Shihan… là những tên thường được nhắc đến. Cố vấn riêng của TT Diệm gồm có Edward Lansdale, Wesley Fishel, Wolf Ladejinsky, Raymond de Jaegher…, một số sau này trở lại công kích lại ông Diệm.

Cộng Sản Bắc Việt tuyên bố đột nhập được một số cơ quan đầu não Miền Nam. Sự thật là không ít cán bộ của chúng bị Tổng Cục Tình Báo VNCH và Mật vụ của Ngô Đình Cẩn phá vỡ và đưa ra tòa như Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thùy, Trần Quốc Hương, Trần Ngọc Hiển, Trương Như Tảng, Phạm Bá Lương, Ca Văn Thinh, vụ gián điệp Hotel Morin v.v… Mặt khác, chính phủ Diệm đón nhận và xử dụng một số cán bộ CS hồi chính như Kiều Công Cung, Nguyễn Văn Bé, anh em Lâm Quang Phòng, Phạm Ngọc Thảo…

Nhà văn Dương Thu Hương đã viết: “Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm, không có truyền thống chống nội thù”. Nhận định này không phải vô căn cứ. Thật vậy, trong chiến tranh VN, Bắc Việt nhận được sự hỗ trợ hết lòng của Nga, Tàu về nhân sự và kỹ thuật để tổ chức dưới vĩ tuyến 17 một lưới tình báo đa năng. Trong lúc ấy, theo sự tiết lộ sau 1975 với tác giả bài này, của Trung Tướng Đặng Văn Quang, cố vấn quân sự của TT Nguyễn Văn Thiệu, thì sự trao đổi tin tức giữa HK và VNCH bị giới hạn và kiểm soát chặc chẽ, có thể vì hai bên không còn hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau trong thời gian chót của cuộc chiến.

Đối thủ thật sự của TT Diệm chính là Hoa Kỳ, Quốc Gia chi tiền để dành quyền Mỹ hóa rồi Việt hóa chiến tranh và điều đình thẳng với Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Hoa Thịnh Đốn từ chối ký với Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu một hiệp ước an ninh hỗ tương như với Nam Hàn và Phi Luật Tân. Mỹ can ngăn quân đội Miền Nam vượt vĩ tuyến 17 để tấn công Bắc Việt. Mỹ ép VNCH chấp nhận một cuộc chiến tự vệ thụ động. Khi mục tiêu đạt được, Hoa Thịnh Đốn bỏ rơi chính quyền Sàigòn cho số mạng. Tướng Westmoreland công khai thú nhận: “Chúng tôi đã phản bội các bạn”.

Nhu cầu địa lý chính trị thường khai sinh những thế liên minh chênh lệch, trong đó quốc gia nhỏ bé thường bị thiệt thòi. Đồng minh với một nước lớn, dù mạnh đến đâu cũng đi đến tan vỡ nếu không được dân tộc hỗ trợ hết lòng, sống chết để bảo vệ.

Thật vậy, không có bình đẳng nếu không có đồng đẳng.

Dân chủ không thể là món hàng xuất cảng, một chiêu bài tuyên truyền suông. Nên đề phòng những mẫu dân chủ giả hiệu.

Một tu sĩ lạc lõng trong chính trường

Nhiều điều được kể và viết về Ngô Đình Diệm nhưng ông vẫn là một gương mặt bí ẩn đối với đa số quần chúng. TT Diệm sinh quán tại Quảng Bình thường được xem như cái nôi cách mạng của VN. Ông là con trai thứ ba trong một gia đình Công Giáo thuần thành gồm có sáu trai, ba gái. Thân phụ ông là Ngô Đình Khả, người Việt đầu tiên du học tại Penang, Mã Lai, nói thông thạo ba sinh ngữ và từng là thầy dạy của vua Thành Thái chống Pháp. Thời niên thiếu, ông Diệm được giáo dục theo đạo lý Khổng Mạnh, Nho giáo và Thiên Chúa giáo khắc khổ. Ông sống độc thân và từng định đi tu. Khi lưu vong tạm ở Bỉ quốc và Hoa Kỳ, ông xin tá túc trong một tu viện. Ông được đồng bào và thế giới tặng cho biệt danh Mister NO vì rất nhiều lần ông từ chối công tác với Pháp, Bảo Đại, Nhật Bản và Hồ Chí Minh. Ông xem trọng tư cách “Tổng Thống dân cử, President elect” của ông và quyết tâm hoàn tất trong danh dự thiên mệnh này, a mandate of heaven. Ông sống đạm bạc trong Dinh Độc Lập lộng lẫy do thực dân Pháp dành cho nguyên thủ quốc gia: một căn phòng nhỏ ở tầng hai, trang bị với một chiếc giường không có nệm, ba ghế bành thô sơ, một bàn gỗ tròn dùng làm bàn làm việc lẫn bàn ăn. Ngày thường, ông tiếp tại đây các cộng sự viên và sĩ quan trong quân đội. Phần còn lại của Dinh dành cho lễ lộc, các đại sứ trình ủy nhiệm thư, dạ yến tiếp đãi quốc khách…

TT Diệm thức sớm, xem lễ trong một nhà nguyện riêng và bắt đầu làm việc. Ông trang phục sơ sài, chọn màu trắng và cà vạt đen, ăn trưa và tối một mình, thực đơn gồm rau cải, cá, muối mè.. Ông dành cuối tuần đi kinh lý không mệt mỏi trên cao nguyên và các tỉnh biên giới. Ông đặc biệt chú ý đến một số chương trình liên hệ đến nông thôn như khu trù mật, khu đinh điền, khu dân sinh… Kế hoạch Ấp Chiến Lược được thành lập bởi Nghị định số 11 TTP do ông đích thân ký tên. Ông cấm ngặt việc đốn cây và khai hoang bừa bãi, có hại cho môi trường.

Thú tiêu khiển của ông không nhiều, đôi khi ông cỡi ngựa vòng quanh sân cỏ của Dinh hay chụp hình cảnh vật với những máy cũ kỹ hiệu Leica hay Rolleiflex. Buổi tối, ông thức rất khuya và thường mời một Bộ Trưởng hay chuyên viên vào Dinh để đàm đạo trong căn phòng nhỏ của ông. Ông nói chuyện không thôi, thường kết thúc bằng một cuộc độc thoại không dễ theo dõi. Đôi khi ông châm một điếu thuốc Mitac, phì phà vài hơi rồi dập tắt ngay. Khi đi kinh lý, ông thường đội một cái mũ feutre Mossan xưa, mang đôi giày cao cổ để lội nước. Với đôi chân ngắn, ông bước rất mau, khiến các vệ sĩ phải khốn đốn mới theo kịp. Ông thích nghỉ trưa trong các ấp, làm cho các sĩ quan hậu cần sốt vó về vấn đề an ninh.

Nốt ruồi dưới mặt trái của TT Diệm được các nhà bói toán dị đoan xem như dấu hiệu một cuộc đời nhiều tang tóc và đầy đau buồn.

Sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hòa

Từ 1954 đến đầu năm 1960, VNCH sống trong an bình và đất nước được tái thiết khá nhiều trong khi Bắc Việt dở sống, dở chết với chiến dịch cải cách ruộng đất thất bại và cách mạng văn hóa đổ máu. Cũng trong giai đoạn này chính sách Mỹ đổi hướng, khiến mối liên hệ Mỹ – Việt không mấy sáng sủa. TT Diệm không nhân nhượng về chủ quyền quốc gia. Bởi thế Hoa Thịnh Đốn dè dặt giúp chính quyền Diệm sớm có một quân đội chính quy hùng mạnh và khuyên đặt các lực lượng bán quân sự, cảnh sát công an, bảo an, dân vệ, tình báo, phản tình báo. v.v… dưới sự điều động của Bộ Nội Vụ. Đại Sứ Mỹ Elbridge Durbrow từ chối cung cấp đầy đủ vũ khí, dụng cụ truyền thông hay đặt ra những điều kiện khắc khe để thỏa mãn nhu cầu của đồng minh Sàigòn. Tình thế khá căng thẳng. Để xoa dịu, Bộ Ngoại Giao thay thế Durbrow bằng Đại Sứ Fréderic Nolting, thân thiện hơn. Sau vụ đổ bộ thất bại tại Bay of Pigs, Cuba, TT Kennedy giao cho nhóm chống Diệm (Hilsman, Averell Hariman… và lobby Do Thái) trọn quyền định đoạt về VN. Đại Sứ “Thái thú” Henry Cabot Lodge thay Nolting và công khai móc nối với một số tướng lãnh Sàigòn. TT Diệm bị cô lập. Mỹ ve vãn Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Chương, Bửu Hội và ngay cả Nguyễn Đình Thuần thay thế ông Diệm.

Trong việc đấu tranh chống Cộng Sản và thực dân, không có gia đình Việt Nam nào trả một giá đắt như nhà Ngô. Trưởng tộc Ngô Đình Khả là một tín đồ Công Giáo thuần thành. Người con cả của ông, Tổng Đốc Ngô Đình Khôi và trưởng nam là Kỹ Sư Ngô Đình Huân bị chôn sống trong ngày đầu Cách Mạng. TT Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị sát hại ngày 1.11.1963. Ngô Đình Cẩn, một người em khác, bị tòa án Cách Mạng xử bắn. Ngô Đình Thục, người anh sống sót, bị Vatican phạt “treo chén” sau 1975 và qua đời trong một viện dưỡng lão ở Springfield, Missouri năm 1984. Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, sống khiêm nhường trong một căn hộ tại Paris và qua đời năm 2011. Bi kịch vẫn đeo đuổi nhà Ngô. Cha mẹ bà Nhu – Trần Văn Chương và Thân Thị Nam Trân, bị người con trai duy nhất là Trần Văn Khiêm giết chết trong một biệt thự ở Washington. Hai người con gái của bà Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy và Ngô Đình Lệ Quyên tử nạn xe hơi tại Âu châu. Người cháu kêu Đức Cha Ngô Đình Thục bằng cậu là Linh Mục Nguyễn Văn Thuận bị CS bắt đi học tập cải tạo nhiều năm trước khi được Vatican tấn phong Hồng Y. Ngài đã qua đời năm 2002. Người em út trong gia đình nhà Ngô là Kỹ Sư Ngô Đình Luyện chết tại Pháp sau 1975 trong cảnh túng thiếu.

Mối liên hệ giữa năm anh em nhà Ngô bị thách thức nặng nề. TT Diệm ra lệnh năm 1962 đóng cửa văn phòng của Cố Vấn Ngô Đình Cẩn tại Huế. Cuối năm 1958, tình hình thêm căng thẳng. Khi tác giả bài này, trong chức vụ Bộ Trưởng Nội Vụ, vấn lệnh TT Diệm về một số vấn đề quan trọng, ông Diệm thường bảo qua hỏi ý kiến Cố Vấn Nhu khiến ông Nhu bực mình, có lần than phiền: “Ông cụ – tức TT Diệm – là một nhà quản lý, không phải chính trị gia!”.

Trong những năm chót, phe đối lập phao đồn “Diệm nên nhượng quyền cho Nhu, Tổng Thống không ngôi!”. Giám mục Thục và bà Nhu tham gia vụ khủng hoảng Phật giáo. CS khai thác tối đa, Hoa Thịnh Đốn nhập cuộc, chỉ trích gia đình trị. Cũng trong lúc đó, em của TT Kennedy là Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy khuấy động chính trường Mỹ. JFK bị ám sát năm 1963, 11 ngày sau Diệm-Nhu. Tiếp theo, Robert Kennedy cùng chung số mạng năm 1968.

Cả hai Tổng Thống Diệm và Thiệu đều đánh giá thấp ảnh hưởng của giới truyền thông đối với lập pháp và hành pháp Hoa kỳ. Cả hai coi thường việc lập ra tại Hoa Thịnh Đốn một lobby vững chắc dù chúng ta không thiếu phương tiện nhân sự và tài chính. Lời cam kết miệng hay bằng văn thơ của Tổng Thống Mỹ không đủ bảo đảm. Trên một thập niên, VNCH miễn cưỡng đóng vai trò con chốt trong bàn cờ chiến tranh lạnh giữa Mỹ, Nga và Tàu. Là tiền đồn của thế giới tự do, chính phủ Sàigòn đã giúp các nước Đông Nam Á có một thời gian vừa phải (a decent interval) để võ trang chống Cộng.

Việc giết chết Diệm-Nhu là một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ không bao giờ xóa sạch.

Để giúp TT Diệm nhận thức tình trạng nguy kịch, tác giả bài này, trong cương vị Bộ Trưởng Nội Vụ, đã thỏa hiệp vào cuối tháng năm 1960, với ba Bộ Trưởng Quốc Phòng (Trần Trung Dung), Thông Tin (Trần Chánh Thành) và Tư Pháp (Nguyễn Văn Sĩ) ra lệnh cho công an và an ninh quân đội bủa lưới truy tố trước tòa án một số đảng viên “Cần lao gộc” phạm pháp. Nội vụ kết thúc bằng sự cải tổ nội các, bốn Bộ Trưởng từ chức. Vài tháng sau, ngày 10.11.1960, nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông… tổ chức đảo chính nhưng thất bại.

Đối với tướng Dương Văn Minh (DVM), người cầm đầu cuộc binh biến thứ hai ngày 1.11.1963, đây là cơ hội phi tang tội cướp đoạt làm của riêng kho vàng Bảy Viễn, một vụ mà Cố Vấn Nhu giao cho tác giả bài này điều tra nhưng chưa kết thúc. Được chúng tôi chất vấn, các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Dương Hiếu Nghĩa và Nguyễn Văn Y đều xác nhận số vàng khổng lồ này đã giao tận tay tướng Minh là Tư Lệnh Chiến Dịch Rừng Sát chống Bình Xuyên năm 1954.

Tất cả đều không biết DVM xử dụng vàng cách nào và đồng ý Minh ra lệnh cho vệ sĩ Nguyễn Văn Nhung thủ tiêu Diệm, Nhu để rửa hận. Gần đây, trên Internet, một nguồn tin (CS?) cho biết Minh đã hiến số vàng nói trên cho chính phủ Hà nội để được ra đi tự do (như trường hợp của cựu Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hào thời Đệ Nhị VNCH với số vàng cất giữ tại Ngân Hàng Quốc Gia).

DVMinh liên lạc thường xuyên với CS Bắc Việt qua hai người em Dương Văn Nhật và Dương Văn Sơn. Theo Cục Trưởng Trung Ương Tình Báo Đại Tá Nguyễn Văn Y, TT Diệm biết rõ việc này nhưng không cho tiết lộ để tránh gây xáo trộn trong quân đội Quốc Gia.

Dù sao, chắc chắn không thể chối cãi một điều: DVM không phải là một Pétain VN mà là – không hơn không kém – một con rối trong tay Mỹ, Tàu và Bắc Việt vào những giờ hấp hối của VNCH.

Thời cuộc đưa Minh hai phen lên ghế Quốc Trưởng: Năm 1963, được ba tháng và tháng 4.1975, được 40 giờ đồng hồ. Lần đầu, Minh giúp Mỹ nắm quyền trực tiếp điều khiển chiến trường VN. Lần sau, để yêu cầu Mỹ rút hết quân trong 24 tiếng đồng hồ. Để thưởng kỳ công ấy, năm 1988, Hoa Kỳ cho phép Minh định cư ở California. Ông qua đời tại Pasadena ngày 6.8.2005 và tránh xuất hiện trong cộng đồng VN.

Để biết thêm về “vụ kho vàng Bảy Viễn”, xin xem trên Utube internet những cuộc Phỏng vấn truyền hình dưới tên “Mạn đàm với Ls Lâm Lễ Trinh”.

Nhận định kết thúc

Theo một số sử gia, Hoa Kỳ không thua tại Việt Nam vì cuối cùng, đã phá vỡ được gọng kềm Nga-Tàu, chấm dứt chiến tranh lạnh dẫn đến sự sụp đổ bức tường Bá Linh dưới thời Ronald Reagan.

Mỹ thắng. Nhưng với giá nào?

Một số bình luận gia khác cho rằng cuộc chiến tại VN đáng lý không nên thua và đã kết thúc tại bàn hội nghị Paris chớ không phải trên chiến trường.

Khi TT Diệm bị giết năm 1963, VNCH có 250.000 lính tại ngũ do Mỹ huấn luyện và võ trang. Tháng 4.1975, quân số này tăng lên một triệu, 259.000 tử trận, 567.000 bị thương… Về phía Hoa Kỳ, có 56.000 lính hy sinh, 153.400 bị thương, 1.700 biệt tích. Thiệt hại của phe Quốc Gia Đồng Minh gồm có Thái Lan (350 chết, 1.300 bị thương), New Zealand (60 chết, 210 bị thương); Bắc Việt có ba triệu lính tử thương. Tướng Nguyễn Hộ trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đưa ra con số 11 triệu cho cả hai vùng Nam, Bắc VN.

Đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa rút đầy đủ kinh nghiệm VN ở Afghanistan và Iraq. Vai trò “cảnh sát Quốc Tế” của Hoa Thịnh Đốn thất bại và bị chỉ trích khắp nơi. Hoa Kỳ cần một đường lối mới và một sự lãnh đạo mới.

Sau ngày Diệm -Nhu bị giết, Ủy Ban Tôn Giáo Liên Hiệp Quốc mới nạp phúc trình điều tra để kết luận chính quyền Diệm không hề chủ trương đàn áp Phật giáo. Trái lại, theo lời khai của đạo sĩ Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Giáo VN và sư bà Diệu Huệ, thân mẫu của GS Bửu Hội, thì TT Diệm, lúc sinh tiền, không bỏ qua cơ hội để giúp đỡ mọi tôn giáo, không phân biệt. 98 phần trăm những người thân tín phục vụ cạnh TT Diệm đều là Phật tử.

TT Diệm khuyến khích trùng tu chùa chiền. Khi nhận được giải thưởng 15.000 Mỹ kim của Leadership Magsaysay, ông Diệm ra lệnh cho Bí Thư Võ Văn Hải gởi tặng hết cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tây Tạng, Theo Đổng Lý Quách Tòng Đức kể lại, TT Diệm ra lệnh riêng không được dành đặc ân gì cho các Linh Mục di cư để tránh sự suy bì. Điều này đến tai hai vị Giám Mục Bùi Chu, Phát Diệm Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi khiến hai ngài bất mãn với chế độ. Đại diện Tòa Thánh Vatican tại Sàigòn là Đức Cha Caprio cũng bị ảnh hưởng lây.

TT Diệm là một nhà đấu tranh cô đơn vào cuối cuộc đời. Sáng ngày 2.11.1963, lúc quỳ gối nguyện cầu trong nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn, bên cạnh ông Nhu, TT Diệm hẳn cảm thấy vô cùng xót xa: Đồng minh phản bội, đồng bào xoay lưng, gia đình tán lạc, kẻ thù reo mừng, trời cao kêu không thấu. Không chắc ông Nhu chia sẻ tâm tư hoàn toàn. Cuối cùng, quyết định của TT Diệm là một quyết định dũng cảm: ra đầu hàng quân đội phản loạn để tránh cảnh nồi da xáo thịt và làm yếu tinh thần chống Cộng.

TT Diệm đã tính sai một bước. Uy tín cá nhân của ông không cứu nổi Cố Vấn Nhu và đất nước. Với số bạc 30 triệu bạc Việt Nam – theo lời tự thú của Tướng Trần Văn Đôn trong hồi ký “Our endless war” – trùm CIA Conein đã mua được lương tâm của “bọn ác ôn côn đồ” (bunch of thugs) để dùng ngôn từ của TT Lindon Johnson).

Về văn hóa và chính trị, Nhu có cảm tình với Pháp hơn. Diệm thiên về Hoa Kỳ vì tin nơi lòng nhân đạo và tinh thần dân chủ của đại cường này.

63 năm đã trôi qua. Cần mở lại hồ sơ Ngô Đình Diệm để làm sáng tỏ Công Lý. Lịch sử sẽ không thể phủ nhận vai trò tiên phong của ông Diệm trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam mới.

Giữa Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa có một giai đoạn bốn năm 1963-1967 chuyển tiếp (interregnum period): đảo chính, chống đảo chính, chỉnh lý…

Đệ Nhất đã mở đường cho Đệ Nhị CH. Không có Đệ Nhất thì làm sao có Đệ Nhị? Đề cao Đệ Nhị để hạ thấp Đệ Nhất là hành vi vô ý thức. Giữa hai nền Cộng Hòa có một sự liên tục (continuity) không thể chối cãi về lịch sử và chính trị. Cả hai chính phủ NDDiệm (1955 – 1963) và NVThiệu (1965 – 1975) đồng chung một số phận vì phải chấp nhận quyết định của Hoa Thịnh Đốn Mỹ hóa rồi VN hóa chiến tranh. Đại cường Hoa Kỳ tham chiến vào vùng đất lạ Việt Nam (terra incognita), đánh mà không muốn thắng.

Năm 1972, Mỹ triệt thoái gần hết ra khỏi VN. Quân đội VNCH vẫn tin có thể một mình thắng Bắc Việt sau khi đẩy lùi một cuộc tấn công đai quy mô của Cộng Sản trong dịp Tết Mậu Thân, ngày 31.1.1968. Riêng tác giả bài này cũng tin rằng nếu không có cuộc binh biến 1.11.1963 thì sẽ không có ngày nhục nhã 30.4.1975 mở màn cho cuộc di cư vĩ đại. Ba chục năm chinh chiến đã biến Việt Nam thành một bãi sa mạc tang tóc và tràn ngập hận thù.

Hoa Kỳ và Cộng Sản gọi đó là Hòa Bình!

Lưu vong vẫn chưa phải là Tự Do. Đấu tranh sẽ phải tiếp diễn cho đến khi Xã Hội Chủ Nghĩa bị xóa bỏ.

Hội chứng Việt Nam (VN syndrome), sẽ là mối ám ảnh không ngừng cho đến khi Quyền tự quyết dân tộc được công nhận và tôn trọng nghiêm túc. Người dân mới thật sự là người nắm quyền. Hãy lắng nghe và đáp ứng những gì nhân dân muốn.

Lâm Lễ Trinh

http://www.nhatbaovanhoa.com/a4916/ls-lam-le-trinh-hoai-niem-co-tt-ngo-dinh-diem

 

 

Cu ba thức, Việt nam ngủ… Nay Cu ba ngủm, Việt nam…? –  Nguyễn thị Cỏ May

Câu nói thời danh của Cựu Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam khi qua viếng thăm chánh thức Cu ba năm 2009 “ Có người ví von, Việt Nam Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ ”.

Điều lạ là Nguyễn Minh Triết khai đậu Tú Tài ở Sài gòn, tức theo học chương trình giáo dục của Miền Nam, chớ không phải học trường đảng Nguyễn Ái Quốc như Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyên Phú Trọng, và cũng khai có văn bằng Cử nhơn Toán ở Đại Học Khoa học Sài gòn (xạo) mà vẫn có thể nói được một câu như vậy, với tư cách Chủ tịch nước, quốc khách của Chủ tịch Fidel Castro. Phải chăng vì ông là cộng sản và làm tới Chủ tịch nước nên mới có được bộ óc phi thường như vậy ?

Nhắc lại giai thoại này để nói chuyện về người chủ nhà mời ông hồi tháng 9/2009 qua thăm viếng Cuba vừa đi chầu Mao và Staline. Và vô duyên là ngày 4/12 này, đảng của ông Triết ban hành quốc tang tưởng niệm đồng chí ở Cu ba. Tại sao không phải “đảng tang” vì dân Việt nam có mắc mớ xa gần gì với tên cộng sản ác ôn Fidel Castro đó ?

Chiếc Rolex vượt biển tỵ nạn cộng sản

Vừa có tin lãnh tụ cách mạng cộng sản xứ Cu ba chết, tuần báo chánh trị Le Point của Pháp liền nhắc lại câu chuyện hi hữu về chiếc đồng hồ Rolex Submariner 6536, năm 1959, đã may mắn thoát khỏi bàn tay của Fidel Castro trong chiến dịch tịch thâu và càn quét sạch tàn dư tư bản, nhờ giới buôn lậu, nay vừa tái xuất hiện.

Năm 1959, Fidel Castro cướp được chánh quyền cu ba, thiết lập ngay chế độ cộng sản độc tài ác ôn nhứt thế kỷ XX. Những gia đình khá giả tìm cách chạy trốn cộng sản, mang theo chút ít của cải trước khi bị chế độ cướp đoạt. Trong hoàn cảnh đó, một cách kỳ lạ, nhờ giới buôn lậu, chiếc Rolex Submariner 6536 của nhà Jyeria Riviera trên Đại lộ Galiano ở La Havane chuyên bán đồng hồ và nữ trang đắt tiền, thoát khỏi bàn tay cộng sản và từ đó bị quên lảng suốt hơn 50 năm. Nay sau khi có tin Fidel Castro chết lại tái xuất hiện và trở thành môt vật vô giá của giới sưu tầm đồng hồ xưa.

Chiếc Rolex Submariner 6536 ra khỏi hảng ở Suisse năm 1955, tới La Havane trước khi hạ cánh an toàn và bí mật trên đất Mỹ. Người ta nghĩ có lẽ chiếc Rolex ấy đã nằm ngủ yên trong một hộc tủ suốt hơn 50 năm dài. Điều đáng ngạc nhiên là chiếc Rolex lại hoàn toàn trong tình trạng nguyên vẹn. Như mới trong xưởng đem ra vậy. Lạ lùng hơn nữa là bắt gặp món đồ xưa với cả khai sanh gốc ghi năm 1955, giấy cũng không rách, không bị hư hỏng, hoen ố vì thời gian.

Hiện nay, một chiếc Rolex Submariner 6536 mới giá từ 20 000 tới 30 000 usd. Nhưng chiếc Rolex kia là vô giá vì lịch sử gian truân của nó. Nó còn là biểu hiện của lịch sử phong trào tỵ nạn cộng sản của dân cu ba. Trước đó vài năm, đồng bào Bắc Việt đã bỏ nhà cửa, chạy bán mạng, trốn cho khỏi gặp Hồ Chí Minh. Nhưng thân phận người Việt nam lại bất hạnh. Hai mươi năm sau, gặp lại tên Hồ Chí Minh ở trong Miền Nam và từ đó, cả nước sống dưới địa ngục, tới nay đưọc 41 năm.

Chiếc Rolex phước đức hơn. Tái xuất hiện khi đất nước Cuba bắt đầu chuyển mình tiến lên dân chủ tự do. Và hạnh phúc nhứt là đúng vào lúc tên ác ôn Castro mà cả nước đã chạy trốn vừa đi chầu Mác. Dân chúng cả xứ, cả ở hải ngoại, đều hết mực vui mừng, như được hồi sanh, túa ra đường nhảy múa chào mừng cái chết của Chủ tịch nước của họ.

Những nhà độc tài và những chiếc đồng hồ đắc tiền

Độc tài không phải là cái nghề, như nghề làm chánh trị, nghề cai trị một quốc gia, mà là một “nếp sống ”. Nói cho văn chương, là một “ nghệ thuật sống ” ! Người độc tài say mê quyền lực, say mê “nghệ thuật sống ” của họ giống như người nghệ sĩ say mê nghệ thuật. Trong đời sống vật chất, họ cũng có những thú say mê như tiền bạc, sự xa hoa, gái đẹp, …

Những nhà độc tài gần đây mà nhiều người biết như Hitler, Kadhafi, Saddam Hussein, Castro có chung thú đam mê đồng hồ đắc tiền. Họ có những chiếc đồng hồ mang hình ảnh của họ hoặc những nét riêng đặc biệc của họ, ai bắt gặp là biết ngay người chủ.

Nhưng thử hỏi liệu có ai dám hoặc muốn mang trên cổ tay mình gương mặt một nhà độc tài khát máu không? Hay giử một món đồ từng thuộc về một tên tội phạm chống nhơn loại?

Nếu không thì chỉ có thể khêu gợi sự tò mò của những người sưu tầm vật hiếm mà thôi.

Saddam Hussein đặt Suisse làm cho ông một số đồng hồ hiệu Eterna, vỏ vàng và thép, mặt kiếng khắc chân dung Saddam Hussein, chỉ dành để tặng những thuộc hạ thân tín. Còn ông, ông mang chiếc Rolex Day-Date toàn nạm kim cương, vỏ, dây đeo đều bằng vàng y. Những lúc xuất hiện, Saddam Hussein thường huơi tay cao lên để khoe chiếc đồng hồ đắc tiền mà hiếm người có thể có được.

Năm 2009, để kỷ niệm 40 năm triều đại của mình, Đại tá Kadhafi đặc nhà Chopard mươi chiếc đồng hồ với mặt kiếng có hình của ông. Kadhafi còn có riêng một chiếc đồng hồ bằng vàng trắng, nạm kim cương và ngọc bích. Hôm 25 tháng 10 vừa qua, chiếc đồng hồ này bỗng xuất hiện trong một vụ trưng bày và bán đấu giá ở nhà Antiquorum. Nhưng kỳ lạ là không có nhà sưu tập nào muốn mua mặc dầu giá chỉ từ 30 000 tới 60 000 euros mà thôi.

Castro chết đế lại gì?

Trước năm 1959, ở Cu ba, người Mỹ muốn làm mưa, làm gió gì cũng được. Chính điều này đã làm dân chúng cu ba bất mãn, điều kiện khai sanh phong trào cộng sản lớn mạnh và cướp chánh quyền. Giai đoạn đầu, lực lượng của Fidel Castro được dân chúng cu ba hoan nghênh thật tình vì đã đem lại cho xứ sở nền độc lập. Nhưng chỉ 5 tháng sau, bộ mặt thật của nhà cách mạng cộng sản liền hiện rõ. Thế mà nhà văn Régis Debray của Pháp lấy vé máy chỉ cho chuyến đi để tới Cu ba hưởng ứng cách mạng thành công và gia nhập vào nhóm nhỏ thân cận của Castro. Triết gia Jean-Paul Sartre đi qua La Havane trở về Paris đầy hân hoan, phấn khởi. Ông thuật lại La Havane đang sống ngày hội lớn của dân tộc. Cu ba tự do là liều thuốc tiên cho cả thế giới. Nhưng ngay tại La Havane, nhiều hố sâu vừa được đào lên theo lệnh của Che Guevara, những cột hành quyềt cũng vừa được dựng lên bên cạnh hố để xử tử những “kẻ thù của cách mạng”. Fidel Castro lập danh sách. Che Guevara tự tay hành quyết một cách thản nhiên nên được biệc danh là Carnicerito – tên đồ tể con. Có ai nghĩ đó lại là người có nụ cười dịu dàng rất lãng mạn, được giới trẻ Âu châu, nhứt là Pháp, ngưởng mộ như vị anh hùng cách mạng. Ngày nay, hình, áo thung in hình Che còn bày bán ở nhiều nơi.

Khi kêu gọi dân chúng tham gia và ủng hộ cướp chánh quyền, Fidel Castro đã long trọng tuyên bố “Cách mạng cướp đươc chánh quyền, tổ chưc tổng tuyển cử tự do”. Nhưng chỉ 5 tháng sau, Castro vứt xọt rác lời tuyên bố, giải táng Quốc Hội, hủy bỏ Hiến pháp năm 1896. Hội Đồng Bộ trưởng tập trung tất cả quyền hành. Thanh trừng bắt đầu ác liệt. Tử hình không dưới 15 000 người bị kết án là kẻ thù cách mạng. Nhà tù mở rộng vẫn không đủ chổ cho tù nhơn.

Những người thân cận với Castro tỏ vẻ lo sợ cho đường lối sắt máu của cách mạng liền bị Castro ra lệnh thanh toán. Che Guevara rời khỏi Cu ba vì không đồng ý với Castro, cho rằng Castro không đi đúng đường lối cách mạng. Những người bất mãn nhưng không trốn được đành chọn cái chết cho yên thân.

Chuyện cu ba chưa ồn ào ra bên ngoài. Đến năm 1971, xảy ra vụ án Heberto Pedilla, người lúc đầu nhiệt tình ủng hộ Castro, làm cho dư luận bắt đầu mở mắt về Cu ba. Năm 1968, ông cho phổ biến một bài thơ kín đáo mô tả sự thật của chê độ cách mạng ở Cu ba. Ba năm sau, ông bị An ninh Nhà nước bắt, đưa ra Tòa án nhơn dân. Ông phải làm tự kiểm, tự kết án mình một cách nhục nhả. Nhưng ông vẫn cảm ơn An ninh đã khoan hồng, đưa ông vào con đường ngay chánh của cách mạng, tố cáo bạn bè và cả vợ là những kẻ thù của cách mạng.

Sau vụ án này, nhiều người bắt đầu không còn mơ hồ về chế độ cúa Fidel Castro là của dân, vì dân nữa.

Huê kỳ khi thấy Cu ba tiến hành cải cách ruộng đất, quốc doanh công ty xăng dầu Texas Oil thì hiểu là Castro chọn hướng kinh tế theo liên-sô nên liền cắt đứt viện trợ cho Cu ba và cả ngoại giao, ban hành lệnh phong tỏa. Dĩ nhiên Castro lập tức ngã theo Mạc-tư-khoa và Krouchtchev chỉ có đợi chừng đó.

Năm 1961, Castro tuyên bố cách mạng cu ba là cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Huê kỳ oanh tạc Cu ba nhưng cuộc đổ bộ tiếp theo thất bại vì Liên sô đặt giàn hỏa tiển trên đảo chỉ cách bờ biển Florida 150 km. Kennedy cho hạm đội bao chung quanh và cảnh báo Krouchtchev hễ đụng tới lực lượng của Huê kỳ thì khó tránh chiến tranh giữa hai nước sẽ bùng nổ.

Sau cùng, Castro thất vọng vì Krouchtchev ra lệnh rút về.

Năm 1963, Castro thăm viếng Liên sô được hoan nghênh nhiệt liệt và được tưởng thưởng huy chương “anh hùng cách mạng liên sô”. Năm 1968, Castro là một trong hiếm những nhà lãnh đạo cộng sản hoan nghênh lực lượng của khối Warsovie tiêu diệt cuộc nổi dậy của dân chúng Prague.

Cu ba sống qua ngày nhờ dựa vào sự giúp đỡ của Mạc-tư-khoa. Đến năm 1989, Liên sô sụp đổ, Cu ba kiệt quệ.

Castro để lại được gì sau khi chết? Cái tài sống lâu, kéo dài chế độ cộng sản độc tài ác ôn!

Còn vài người thương tiếc Castro

Ngoài Hà nội, có Tổng Bí thư đảng cộng sản Pháp, Pierre Laurent, ca ngợi Castro là “người làm một trong những cuộc cách mạnh xã hội chủ nghĩa của thế kỷ XX, Castro có thể thiết lập một xã hội công bình và có chủ quyền hơn”. Jean-Luc Mélenchon, cựu Bộ trưởng chánh phủ Mitterrand, vội ôm bông và nhang đèn chạy tới Tòa Đại sứ Cu ba cúng Castro và chia buồn. Nhưng TT Hollande, phe xã hội chủ nghĩa, lại nhận định “chế độ thiếu nhơn quyền, ảo tưởng, một trong những chế độ cảnh sát trị ác ôn của hành tinh. Thật đáng buồn!”.

Triết gia Pháp, ông Michel Onfray, nhắc lại vài chi tiết lạ lùng về cái chết của Castro như tiền định tuy ông vẫn ngờ vực (25/26?). Castro khởi đầu cách mạng ngày 26/11/1956 và chết ngày 26/11/2016.

Castro thuờng tuyên bố «nghèo lắm vì cả đời làm cách mạng nên chỉ có căn chòi câu cá mà thôi”. Nhưng chòi câu cá của ông là cả một cơ ngơi đồ sộ, cả về trang thiết bị cho tiện nghi.

Theo ông Michel Onfray, Castro lúc sống thì như «ông Hoàng dầu hỏa, lúc chết thì như nhà trọc phú».

Đừng quên «Một người độc tài, nhứt là độc tài cộng sản, dù có hứa điều gì, tuyên bố điều gì, thì trước sau vẫn là độc tài sát khát máu»!

Nguyễn thị Cỏ May

 

Vui cười 

Hồi nẫm, có 1 anh chàng trốn quân dịch nhưng được cái văn hay (nhưng chữ xấu), chui vào 1 ngôi chùa tá túc và được ông sư trụ trì cưu mang chuyên dùng vào việc viết diễn văn cho ông.

Trụ trì khổ sở vì chữ hắn viết quá quá xấu bèn mua cho hắn cái máy đánh chữ ở chợ trời. Khổ nỗi. trụ trì lại mua nhầm cái máy đánh chữ kg có dấu, thường thì đánh xong thì thằng trợ lý ghi thêm dấu vào.

Một hôm, trụ trì biểu hắn làm gấp 1 diễn văn cho thầy đọc về đề tài hòa đồng tôn giáo mà hôm đó hắn lại xỉn nên đánh máy xong quên bỏ dấu.

Trụ trì cũng ỷ y và tin tưởng tài năng của thằng đệ tử như mọi lần nên không đọc trước.

Trước cả ngàn phật tử, thầy ung dung lấy tờ giấy ra đọc:

– Dao nào cũng là dao

– Dao cũ sì cũng là dao. Các phật tử bắt đầu xôn xao

– Dao thiến cũng là dao. Cử tọa xôn xao tợn nên thầy bậm gan đọc thêm 1 câu hy vọng vớt vát.

– Dao phát cũng là dao (đạo Phật cũng là đạo)….

 

Một hôm hai mẹ con đang ngồi xem ti vi thì mẹ Tèo đột nhiên hỏi bâng quơ:

– Tèo, ở lớp con có bạn gái chưa, kể mẹ nghe.

Tèo lắc đầu đáp:

– Làm gì có mẹ, lo học chả xong yêu đương gì cho mệt chứ.

Mẹ Tèo gật gù:

– Ừ vậy thì tốt. Nghe nói kỳ vừa rồi kết quả thi tốt lắm phải không?

– Đứng thứ năm trong lớp thôi.

– Thế còn con bé kia thì sao?

Tèo thở dài:

– Kém con nhiều.           

Castro chỉ có một vợ nhưng có 35 000 đàn bà (Khui ra vài sự thật về Fidel) – Nguyễn thị Cỏ May

Fidel Castro là lãnh tụ cộng sản cầm quyền lâu đời nhứt. Đặc biệt hơn, ông là lãnh tụ có học nhứt và thuộc giai cấp trưởng giả. Báo New York Post năm 2008 cho ông cái biệt danh là “Người đàn ông có 35 000 đàn bà ”.

Các sử gia cho rằng Fidel có ít nhứt 7 người con. Nhưng những người biết chuyện thì bảo số con của ông không thể đếm chính xác được.

Khi có ai hởi về đời tư, Fidel phản đối “Là con người cách mạng, tôi không chấp nhận chuyện gia đình chen vào chánh trị». Năm 2002, ông tâm sự với nhà điện ảnh mỹ OlivierStone “Những câu chuyện về những Đệ nhứt phu nhơn, tôi thấy nó thật sự lố bịch”.

Về tài sản riêng, Fidel chỉ có cái chòi câu cá nhưng sở hữu nhiều cơ ngơi khác, và đô-la mỹ, ông có không dưới 900 triệu. Có thể nói đảo quốc Cuba là tài sản riêng trọn vẹn của Fidel Castro, về của cải vât chất và cả con người.

Juan Reinaldo Sanchez, người cận vệ của Fidel Castro suốt 17 năm, và Axel Gylden đã hơp tác viết “La vie cachée de Fidel Castro” (Cuộc đời dấu kín của Fidel Castro, do Michel Lafon Paris xuất bản, 2014) kể lại sự thật về đời sống của nhà lãnh tụ cộng sản ở La Havane. Như một trái bom nổ. Những người còn mơ hồ về huyền thoại Fidel Castro khi đọc qua, hay tới Cuba thăm do dân chúng tại chổ sẽ vở mộng. Có khi những người cộng sản cũng đã biết sự thật nhưng họ không thể nói ra, vẫn phải ca ngợi như Kim Ngân ở Viêt nam hay Ségolène Royal ở Paris. Vì phe xã hội chủ nghĩa không còn mấy người, vừa phải bênh nhau theo tập quán, vừa quen dùng lưởi gổ để dễ nói lấy được.

  Fidel Castro và đời sống tình dục

Cũng như Hồ Chí Minh, với Fidel Castro không thể nói “đời sống tình ái” được, mà phải nói họ sống tình dục. Tức muốn nói với họ chỉ có đời sống hoàn toàn sinh lý chớ không có ý niệm về nhân bản. Thật ra, người cộng sản là con đẻ của nền văn minh du mục. Họ chỉ biết chiếm đọat, hưởng thụ, xong, vứt đi, chiếm đoạt cái mới. Với ngưòi cộng sản, không có vấn đề xây dựng. Nhưng Fidel Castro khác hơn Hồ Chí Minh vì có học, học giỏi vì có Tiến sĩ Luật và làm Luật sự, thuộc gia đình trưởng giả, nên đã có vợ, bà Mirta Diaz-Balart, sinh viên Triết, con của một gia đình khá giả, cưới năm 1948, mẹ của con trai cả Fidelito của ông. Và chỉ cưới một lần duy nhứt.  Năm 1981, ông sống chung với Lala, cô giáo, và có với bà này 5 người con. Ông nhìn nhận điều này. Còn sau này, từ khi ông có biệt danh “Người đàn ông có 35 000 đàn bà” thì ông chỉ biết đàn bà và tình dục mà thôi. Đó là điều mà Fidel Castro giữ kín. Khác hẳn với người em Raul chỉ có một người vợ.

Fidel Castro và người vợ đầu tiên Mirta Diaz-Balart

Báo chí mỗi khi có dịp gặp Fidel Castro đều hỏi ông về đàn bà. Ông có bao nhiêu người đàn bà, ông sống với họ như thế nào, hạnh phúc không? Có lần, ông thú nhận là đời ông chỉ biết có đàn bà mà thôi.

Ngay lúc trước khi trở thành người lãnh tụ cách mạng, Fidel Castro đã theo đuổi nhiều người. Ông thích chọn những phụ nữ tóc vàng nhưng cững không bỏ các bà lai căn. Ông rất dễ tánh vì người cách mạng bao dung mà ! Trong thập niên 50-60, ông tìm chinh phục các cô Mỹ, Đức, Ý. Trong thập niên 70, ông liên hệ với cô đào nổi tiếng của Ý là Gina Lollobrigida. Lên nắm quyền được ít lâu, Fidel Castro bắt bồ với một cố gái trẻ người Đức, Marita Lorenz Người đàn bà này đã kể lại trong một quyển sách là bà bị CIA thuyết phục ám sát Fidel Castro. Năm 1964, ông đốp cô đầm Evelyne Pisier, em của cô đào Marie-France Pisier của Pháp, trở thành tình địch của sinh viên Bernard Kouchner nhơn chuyến thăm viếng Cuba, sau này lãnh đạo Médecins sans Frontières và Médecins du Monde, và Bộ trưởng trong nhiều chánh phủ tả và hữu của Pháp. Nhà văn Evelyne Pisier sống chung với Fidel Castro bốn năm, kể lại Fidel Castro thật sự không ưa cộng sản, nhưng phải làm cộng sản và dựa vào Mạc-tư-khoa để cầm quyền, làm lãnh tụ cách mạng. Người cộng sản nào cũng đều giống  người Hy-lạp giử thần thoại nhưng không bao giờ tin có ông bà Thần trong thần thoại.

Fidel và Marita Lorenz

Trong số những người đàn bà bồ bịch của Fidel, có một người ảnh hưởng  mạnh đền vai trò lãnh tụ cách mạng của Fidel Castro, đó là bà Celia Sanchez. Fidel Castro gặp trong chiến khu năm 1957. Bà là cánh tay mặt của ông, người chia sẻ suy nghĩ, tâm tư của ông, bí thư của ông, theo sát ông cho tới khi bà chết vì một chứng ung thư năm 1980.

Fidel nhờ căn bản là người có học và thuộc gia thế trưởng giả nên còn giử được ưu điểm cưới vợ một lần, sống với nhiều tình nhơn, có đông con, và đều nhìn nhận tuy không cưới hỏi. Ông nổi tiếng chạy theo đàn bà. Đúng; Tuy bề ngơài, trông ông, ai cũng nghĩ khó chinh phục phụ nữ vì bộ râu như rừng mía cuba, bộ y phục muôn năm không thay đổi, nhưng tài ăn nói của ông, có thể kéo dài từ sang tới chiều, chẳng những làm say mê dân chúng mà còn làm say đắm không biết bao nhiều trái tim phụ nữ. Chính ông chinh phục phụ nữ, chớ không phải cán bộ tuyển chọn, tiến cử như trường hợp của Mao Trạch-đông và Hồ Chí Minh. Riêng Hồ Chí Minh còn làm bộ “ bác yêu cháu ngoan.” để dê cháu và làm ẩu cháu không biết xấu hổ.

Fidel và bà Celia Sanchez

Sau khi Fidel Castro chết, có 2 người Canada tới đảo để điều tra tại chổ về đới sống với đàn bà của Fidel Castro, dưới hình thức du khách. Họ vả vờ tìm hỏi mua ci-gà Partagas. Và họ đã phải mua khá nhiều để làm quen những người bán ci-gà, từ đây mới có những thông tin về đời sống tình dục của Fidel Castro.

Năm 1993, nhà báo Ann Louise Bardach có hỏi Fidel Castro tới nay ông có được bao nhiêu người con. Ông vui vẻ trả lời “Nửa bộ lạc”. Cách đặc tên con để cho dễ nhận ra mà vẫn  tránh mang họ Castro, ông chợn cho mỗi đứa một tên bắt đầu bằng Fidel… như Fidelito,… Fidelita,…

Cũng giống như nhiều người dân Cuba, Fidel Castro cho rằng vấn đề “sex” là điều của ông thủ đắc được. Như của Trời ban thưởng riêng cho ông. Hơn nữa, đối với dân Cuba, “sex” còn là một môn thể thao quốc gia. Fidel ngủ với mọi người đàn bà. Có thể nói đàn bà cuba trên đảo là của ông hết cả. Nên không thể nói chính xác là ông có bao nhiều đàn bà. 35 000 bà hay trăm ngàn, hay vài triệu…?

Ông có một đứa con trai với vợ của một vị Bộ trưởng của ông. Chuyện như vậy đã trở nên bình thường ở Cuba. Với Fidel Castro, chuyện tình dục không bao giờ ông biết đủ.

Năm 2011, tờ Daily Beast viết “Fidel Castro ngủ với một bà khi ăn sáng, một bà khác khi ăn trưa và một bà khác nữa khi ăn tối”.

Từ năm 2010, chuyện tình hay tình dục của Fidel không còn là điều cấm kỵ nữa. Trái lại, đó là hồ sơ đã được mở ra cho mọi người. Nó trở thành những huyền thoại về Fidel Castro. Mà thật vậy. Ở  ngay Miami, không thiếu người cu-ba có người anh em họ hay chị em họ ở trên đảo và chắc chắn những người này không tránh khỏi là con rơi của Fidel Castro.

Cái thú của Fidel Castro trong chuyện tình dục – không biết phải là một thứ bịnh tâm thần hay không – thích ngủ với bàn bà đang có chồng. Ông bảo ngủ với các cô gái hoặc các bà độc thân quá dễ nên không thích thú gì cả. Phải chăng ông muốn tỏ ra người có quyền lực ngay cả trong việc tình dục nữa?

Có một bà không ngần ngại tuyên bố “Trong đời tồi, tôi chỉ thương có 2 người: chồng của tôi và Fidel”.

Người tài xế đưa 2 người Canada đi điều tra chuyện đời tư cùa Fidel Castro bỗng nói ra như để đóng góp vào thiên điều tra “Fidel ngủ với bao nhiều đàn bà?  Chuyện này rõ đây “Dì của tôi ngủ với ông ấy, bà ngoại của tôi ngủ với ông ấy, cậu của tôi ngủ với ông ấy. Và tôi cũng ngủ với ông ấy ngay trên chiếc xe này đây”.

Chưyện Fidel Castro ngủ cả với đàn ông? Nhưng Cuba từ rất lâu được biết là một nươc rất cởi mở về chuyện tình dục, chuyện đồng tính. Ngày nay, luật pháp cho phép đám cưới đồng tính.

Buôn ma túy, công kich nếp sống tư bản

Đời sống của Fidel Castro trên đảo đúng là đời sống của những nhà tỷ phú. Nhưng được giữ kín đáo. Fidel luôn luôn công kích nếp sống của tư bản. Nhưng ông lại sống như một vị hoàng đế. Fidel kêu gọi dân Cuba hảy nổ lực đóng góp và hi sinh thêm nữa. Ông băt buộc dân chúng sống thắc lưng buộc bụng.

Fidel Casto được người em Raul, người thay thế Fidel đang cầm quyền ở Cuba, xem như cha. Hai người gặp nhau mỗi ngày, không phải để bàn chuyện đất nước, mà đó là một nhu cầu.

Fidel Castro trực tiếp điều khiển việc buốn bán ma túy. Tiền kiếm được là của riêng của ông ta.

Đảng cộng sản và Nhà nước Việt nam để tang

Đảng cộng sản ở Hà nội để tang Fidel Castro và còn ban hành quốc tang, điều thật xấu hổ. T.T. Hollande của Pháp phê bình Fidel Castro về vấn đề nhơn quyền, nhưng lại gởi bà bồ củ, Ségolène Royal, Tổng trưởng môi trường, bay qua Cuba phân ưu và còn ca ngợi Fidel Castro là vị lãnh tụ tuyệt vời. Bị chất vấn, bà nổi nóng “Một nước hằng năm có 4 triệu du khách tới, làm sao bảo đó là nước độc tài được? Ai bảo Cuba có tù chánh trị, vi phạm nhơn quyền, hảy cho tôi danh sách, tôi sẽ can thiệp cho”.

Tổ chức phóng viên không biên giới gởi ngay một bản danh sách nhà văn, ký giả bị cầm tù.

Ségolène Royal im. Báo chí nín thinh sau khi phổ biến những lời tuyên bố của Ségolène Royal. Chỉ có người xã hội chủ nghĩa là can đảm nói những điều không cần tra vấn lương tâm của mình. Hay có muôn tra vấn, nhưng lại chẳng có lương tâm!

 

Khói thuốc cả – Nguyễn Văn Sâm

Truyện ngắn là bài viết ít sự thực nhẩt,

kế đó là hồi ký, trên cùng là bài viết về lịch sử.

Sự thực làm nguồn cho truyện ngắn,

bị bóp méo ít nhiều trong hồi ký,

được đào xới, phân tích, giải thích

trong các bài về lịch sử…. NVS.

1.    Lời thầm thì của cậu học trò trường con trai.

Kể từ 1946 vùng Chợ Đệm quê ngoại cưu mang gia đình chúng tôi không còn yên lành chút nào nữa. Mấy lò gạch bự xộn, những ruộng lúa minh mông, chục đám mía Tây ngon ngọt, con sông rộng bát ngát… của vùng nhà quê một thời hiền hòa nầy bị tôi bỏ lại. Chiến tranh khiến cha mẹ tôi kéo bầy con lếch thếch bốn đứa từ chỗ nầy qua chỗ khác một năm vài ba bận đi lần về Sàigòn lánh nạn. Chợ Đệm-Sàigòn, khoảng cách nay chỉ bằng một chuyến xe buýt ngoại thành sao mà ngày trước thấy muôn trùng vời vợi. Tôi xẹt vô trường nầy chừng năm ba tháng, ghé vô trường kia một vài tuần. Cái hay ho của thời đó là tới đâu cũng có trường cho con nít học không bị đòi hỏi chứng minh giấy tờ gì. Không có khai sanh hả? Cứ khai danh dự, khai sanh hay Giấy Thế Vì Khai Sanh đưa cho trường sau cũng được. Dễ vô dễ ra nên ba tôi cho mấy con nhập học trường nầy trường nọ tự nhiên, không thắc mắc. Tuổi trẻ dễ nhớ, vậy mà  chưa kịp nhẵn mặt hết mấy đứa cùng lớp thì đã bị lôi tuột qua trường khác. Nhớ đầu tiên là cái trường chỉ ọp ẹp có ba lớp, nguyên là căn nhà rộng của vợ thầy Ba y tá chích dạo trong xóm theo toa Bác Sĩ được ngăn phòng.  Cô Ba mở ra để giúp cha mẹ học trò cầm chưn mấy đứa nhỏ khỏi lang thang lâu ngày do không thể đi học hơi xa. Trường nghèo, băng ghế cái nầy xọ cái kia đóng bằng đủ thứ cây của người thợ vụng về, nhám ồ và dăm nhỏ thường đâm vô tay học trò nhiều khi làm độc, thành mủ.

Năm đó lúc tôi học lớp Tư (lớp 2 ngày nay), không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ là học được chừng non hai tháng thì thằng bán cà lem cục trước cửa trường vô học chung lớp. Nó ngồi cùng bàn với tôi, tên nó hơi lạ nên tới giờ vẫn còn nhớ: Trần Doãn Nhàn. Chúng bạn cùng lớp chưa ý thức về sự tôn trọng người khác nên cứ kêu Nhàn bằng cái biệt danh ‘thằng bán cà lem cục’, nói chuyện về nó thường ra dấu với nhau bắt chước cử chỉ hai tay nó lẹ làng đè cắt cục cà lem và rút cái tăm tre ghim vô trao cho người mua một cách điệu nghệ. Nhàn học giỏi vô cùng, bỏ xa các bạn vô trước. Tôi nhớ là mình từng làm anh hùng can thiệp để cứu bạn bớt bị chế ngạo hay ăn hiếp. Vốn là dân lội ruộng từ nhỏ, lớn con hơn mấy đứa dân thành thị, lại là tay lăn chai nên tôi bảo vệ nó hữu hiệu. Nó có vẻ cảm động lắm, tâm sự về gia đình với tôi nhiều điều. Tôi có rộng thời giờ thắc mắc ngó cái miệng bự xộn của nó với cặp môi vảnh tròn vì phải rao bán cà lem lâu ngày khi còn quá nhỏ.

Rồi ba tôi xách con tạt qua học trường mới. Đi mà tôi vẫn nhớ dai dẵng cái thằng có tên Trần Doãn Nhàn. Tiếc là dòng đời vô tình đẩy con người ta đi vào nhiều lối, từ đó đến giờ tôi vẫn mang trong trí cái tên đó nhưng chưa bao giờ gặp lại hay nghe tin về người bạn từng cùng ngồi chung một băng ghế lỏng chỏng ngày chiến tranh xa xưa.

Trường mới tên chánh thức là gì không còn nhớ, hình như là Trường Ngã Sáu Sàigòn, nhưng cha mẹ học trò đều kêu là trường Hãng Đinh. Tên nầy có là do trường dùng dãy nhà của cái hãng sản xuất đinh của ai đó bị Tây tịch thâu. Ở trường Hãng Đinh tôi quen với thằng Cửu. Sau nầy còn gặp nó ở Mỹ, nói chuyện xưa râm ran khiến cho nhiều lần người trong nhà chế ngạo ‘Tám’ quá, coi chừng tăng hormone nữ. Trường nầy có thằng Phơi và chị nó học cùng lớp. Hai chị em học giỏi tất cả các môn. Tôi mắc cở thầm khi thấy mình thua họ cả một trời một vực.  Lúc nhỏ cũng có lúc chơi chung, tiếc là lớn lên gặp lại không còn thân thiết cũ. Chỉ chào nhau, nói chuyện ngày xưa năm ba phút rồi mạnh ai nấy đi, lòng cảm thấy có gì hụt hẫng vì những trao đổi nhạt phèo mà mình tưởng rằng sẽ rất sinh thú. Chắc thời gian làm mờ ký ức trong khi thực tế chiếm chỗ trong trí ta bằng những lo âu tính toán cho hiện tại và tương lai khiến con người lơ là với hình bóng cũ.

Năm sau  thì qua trường Nguyễn Tri Phương, nay trường lớn lên sau hơn nửa thế kỷ, khang trang hơn và mang một cái tên mới lạ hoắc và đầy máu lửa. Lúc mới thành lập, trường còn cả khu đất trống phía sau, chúng tôi làm sân đá banh bằng lá chuối cột lại tuy đau chưn nhưng cũng hào hứng tận mây xanh. Điều đáng nhớ là toàn khu nầy nhà cửa thơ thớt, chiều tan trường nếu lơ mơ về trễ là bị bạn bè nhát ma, có lần tôi bị hù chụp, đã chạy vắt giò lên cổ, về tới nhà mặt xanh như tàu lá chuối. Lớp Ba của tôi có anh Thạnh là đặc biệt. Kêu bằng anh vì Thạnh lớn hơn tụi cùng lớp chúng tôi ít nhứt là 4 tuổi và là người rất chững chạc. Không biết cha mẹ anh làm giấy tờ sao đó mà anh học cùng với lũ nhỏ chúng tôi. Thạnh có tài đá cầu vảy cá mỗi mạng cả ngàn cái, chúng tôi đứa nào cũng mê mẩn theo coi anh đá lần lần tới nhà mỗi khi tan học. Thạnh dường như cưới vợ một hai năm sau đó khi chúng bạn còn đương học lớp Nhứt (Lớp 5 ngày nay). Tôi nhớ có lần sau nầy nghĩa là 2, 3 năm sau ngày thi Tiểu học, tôi tò mò ghé lại tiệm may của Thạnh lúc anh đã có con 2 tuổi. Tôi nhắc lại chuyện cũ, anh lơ lãng như nghe chuyện của ai đâu, anh trở thành kẻ ngoại cuộc, đã quên hết –  quên cả cái tài đá cầu của mình ngày trước.  Vì bận bịu mưu sinh con người bị biến đổi tới như vậy sao?

Rồi tôi qua trường Trương Minh Ký trên đường Galléini (nay là trường Nguyễn Thái Học trên đường Trần Hưng Đạo) lớp Nhì tôi học có thằng Thức Georges với tên Tây đáng nhớ, thằng Bửu Đăng ưa khoe rằng mình là chú vua Bảo Đại. Lớp Nhứt có hai thằng bạn nhỏ con, mặt mày như tiểu thơ các bạn thường chọc là con gái cha mẹ đặt lộn tên rồi cho đi học lộn trường. Trời xui đất khiến tôi gặp lại một đứa cùng chung lớp ở trường Petrus Ký. Sau nầy ở hải ngoại nó mạnh khỏe, lớn con, lừng danh là người biết nhiều về chuyện môi trường, đất đai dòng nước nhiễm độc… Còn thằng tiểu thơ kia, tên cúng cơm là Lê Huyền Trang, con của ông chủ tiệm vàng Lê Văn Sự ở đường Quai de Belgique mà tụi nhóc chúng tôi thường hát chọc: Thằng Lê Huyền Trang, Là ông Tam Tạng,  Cha nó bán vàng, mà nó lang thang. Nghe chọc, nó cung tay rượt tụi tui chạy có cờ. Rượt thì rượt, chọc thì vẫn chọc, lớp chúng tôi năm đó nổi tiếng là lộn xộn trong giờ ra chơi nhứt trường. Tôi gặp Trang lần cuối khi nó là Trung Úy nhảy dù, bị đạn thù xuyên bụng tại chiến trường đương trong thời gian nghỉ phép dưỡng thương.

Năm đó có cuộc di cư từ Bắc vô Nam theo hiệp định Genève. Đậu được vô Petrus Ký nhưng chưa tựu trường, tôi lợi dụng lúc nghỉ Hè rủ bạn lơn tơn vô thăm trường cũ, nơi tôi theo học gần hai năm, thời gian lâu nhứt trong đời làm học trò Tiểu học. Ngôi trường có cái sân rộng mà tụi chúng tôi hằng ngày xếp hàng trước lớp dự chào cờ và nghe ông Hiệu Trưởng Phác giảng dạy luân lý năm ba phút về những cách cư xử của học trò khi ra đường cũng như lúc ở nhà. Trường đặc biệt có ba tác giả cuốn sách Khoa Học Quan Sát lừng danh: Huỳnh Văn Đó, Nguyến Hữu Thông, Tăng Văn Chương mà học trò đứa nào được học với bất cứ thầy nào cũng lấy làm hãnh diện.

Sân trường bây giờ la liệt đó đây là những túp liều, những lu vại, bếp núc. Quần áo treo, giắt lủng lẳng khắp nơi cả trên lan can và trên các nhánh cây trứng cá. Một số bàn ghế đã bị khiêng ra làm chỗ ngủ hay đã bị chẻ ra làm củi chụm bếp. Tôi ngạc nhiên trong đau xót khi thấy sân trường mình hoang tàn một cách thảm hại. Lác đác có những bếp lò làm bằng ba cục gạch như là được cạy xới lên ở đâu đó. Trên lò thường có nồi niêu soong chảo đen đúa khói ám, nhiều lò lửa còn đương cháy, củi tàn ngã cả ra ngoài. Kế bên thường là bãi nước lầy của chỗ làm cá thịt và giặc gịa…

Tôi tò mò nhìn những bà cụ dân quê đặc, tóc chải thành lọn dài, quấn bằng tấm vải thâm, cuốn vòng trên đầu. Điều khiến cho tôi và thằng bạn lối xóm đi chung tò mò là các bà đều có răng đen, mặc áo thâm với hai vạt dài, cái ruột tượng luôn luôn quấn ngang bụng, nói chuyện bằng giọng mà cố gắng lắm chúng tôi mới hiểu lõm bõm.

Có tiếng trẻ coi rượt đuổi ca hát. Thằng Thôn bạn cùng xóm, đi chung, thách tôi lập lại coi các bé hát gì. Lấy hết trí thông minh đương có, tôi lập lại khi kết nối với hình ảnh người Chà Và đương đội mâm bán bánh rế bánh cay cũng mới bước vô cửa trường: Ông Tây đen nằm trong cái bồ. Đánh cái rắm thành bánh ga tô… Ông Tây đen nằm trong cái bồ. Đánh cái rắm thành bánh ga tô…

Thằng trời đánh Thôn, đập lên vai tôi một cái đau điếng chỉ một bé gái chừng bốn năm tuổi coi mũm mĩm dễ thương nói theo kiểu dân chợ búa:

‘Thưởng cho mầy con nhỏ bốn năm tuổi đó, đem về nuôi một trăm tạ gạo nữa là vừa. Tao chịu con chị, nó chừng mười tuổi trổ mã tới nơi’.

Tôi mắc cở lãng mắt ra khỏi đám con gái hát hò, hướng về phía đám con trai đương hát bằng một điệu mà tôi chưa từng nghe:

Dưới trời kỳ quái sao cùng/ Chân đâu còn vết ở trong đá này/ Ví đem sắc tướng tin đây/ Như Lai chưa dễ thấy ngay được ngài.

Tụi nhỏ vừa hát vừa ịn chưn mình trên mấy dấu chưn có sẵn trên nền đất ẩm. Chúng  kéo nhau rồng rắn đi một vòng rồi hát tiếp, rồi lại ịn chưn:

Bể oan lai láng trên đời/ Xưa nay ai vớt hết người trầm luân/ Mong cho ngọn nước chảy lần/ Lòng mê ta rửa dần dần tỉnh ra.

Trò chơi kéo dài. Tôi đứng vảnh tai nghe, chíp trong bụng mấy câu hát chưa từng nghe trong Nam. Thằng Thôn trố mắt ra ngó. Cái miệng nó tròn vo.  Độ chừng mười lăm phút, thằng nầy đố tôi là nếu tôi thuộc hai bài đó thì nó bao tôi đi đổ xí ngầu ăn bò vò viên trên đường Hamelin bên hông trường… Hai bài hát vì vậy in vô trí tôi để sau nầy tôi được cái cơ duyên nói chuyện với Ngoạn Nguyệt dễ dàng và ôm em thiệt lâu trong tình thương mến…

Lời thì thầm của một học sinh trường con gái.

Bà Nội tôi là con một vị túc nho đã đỗ Tú Tài trong kỳ thi Hương ngày trước. Nội thấm nhuần nhiều điều thuộc về Nho giáo và thuộc nằm lòng lắm bài thơ Nôm mà Nội nói không sách quốc ngữ nào có. Lúc nhỏ nhà tôi ở khu buôn bán Phố hàng Buồm, cũng thuộc hàng khá giả. Trẻ con trong phố  thường xuống vệ đường ca hát ngông nghênh chọc ông Tây đen bán bánh. Nghe mãi nên tôi nhập tâm lắm bài kỳ hoặc mà nếu Nội nghe cháu gái u ơ thế nào cũng mắng. Chẳng hạn như bài ông Tây đen nằm trong cái bồ… nhưng mà thôi không dám kể tiếp đâu.

Lúc tôi năm tuổi, theo gia đình vào Nam, mấy tháng đầu tạm cư trong một ngôi trường sau này tôi mới biết là trường Trương Minh Ký, cũng là tên một nhà văn miền Nam như trường tôi học những năm đầu tiên ở Miền Nam. Mẹ dặn không nên bước ra khỏi cổng, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng  ren rén theo một người lớn nào đó ra ngoài ngắm nghía mấy chiếc tàu điện chạy qua mà trên đầu nẹt lửa thật đáng ngạc nhiên.

Không nhớ gì nhiều về thời gian ở đây ngoài việc mẹ bảo chăm sóc hai cây cà chua bỗng nhiên mọc dại, trổ trái xum xuê cạnh nơi gia đình tôi dùng làm sàn nước. Hằng ngày tôi ra ngắm  hai cây cà của mình, sờ nắn để thấy từng trái lớn lên theo thời gian. Và rồi tới lúc mọi người phải dọn đi, trả trường lại cho học sinh. Tôi thắc mắc không biết phải làm sao với hai cây cà. Mẹ bảo cứ để vậy, có thể ai đấy sẽ hưởng những quả kia… Ngày rời khỏi sân trường tôi khóc hết nước mắt khi những tên con trai lém lỉnh đã nhổ phăng cả hai, vất lăn lóc và dẫm nát những quả tròn mịn, bóng nhẩy mới lớn bằng ngón chân mà tôi từng nâng niu.

Nhà mới chúng tôi ở khu Tân Định, trên đường Paul Blanchy, tôi học Tiểu học ở trường Huỳnh Tịnh Của, chị Ngoạn Thư học tiếp trường Trưng Vương.

Năm tôi học lớp Nhất thì chị Thư cho theo các chị đi bán báo Xuân ở mấy trường con giai. Các bà ý ngại nên cần người theo cho đỡ sợ.

Lần đấy, năm 1959, kể cả tôi là năm người, chúng tôi đi bán  ở trường Chu Văn An. Chẳng nhớ trường tọa lạc nơi nào, các bà ấy bảo đi đâu thì mình đi đấy. Vào một lớp nọ, hình như là Đệ Nhất B6, chị Ngoạn Thư lí nhí xin phép giáo sư cho các em bán báo. Thầy Ngà, sau nầy tôi mới biết tên thầy, đặt viên phấn lên bàn, lui ngồi vào ghế, nhìn chúng tôi. Các chị quíu chân. Tôi rất tự nhiên, khuân cả hai chồng báo to kềnh vào. Có anh kia đứng lên xin phép thầy cho phụ với các cô. Được phép thầy và không đợi chúng tôi đồng ý, anh đem phát cho mỗi người một quyển nói là các bạn xem trong năm phút, thấy thích thì giả tiền, không thích thì giả báo lại. Lần đấy chúng tôi bán quá hơn mình mong đợi nhiều. Lớp ấy tiêu thụ bằng cả ba bốn lớp cộng lại.

Bán xong, khi thấy bọn nữ sinh chúng tôi phải khuân vác nặng xuống cầu thang có anh kia xin xung phong ra giúp. Khi đi gần tôi anh ấy nói, giọng Nam:

Nữ sinh Trưng Vương sao bé bằng cái kẹo thế này?

Các bà ý quay lại ngó tôi cười trêu. Tôi đáp tự nhiên:

Em chưa phải là nữ sinh Trưng Vương. Em là học sinh trường Tiểu học Huỳnh Tịnh Của, Tân Định.

Chị Ngoạn Thư đi cạnh anh nhanh nhẩu khi nãy. Sau này tôi mới biết anh tên Cần, Lê Mộng Cần. Anh chị quen nhau từ đấy. Những lần đầu tiên đến nhà chúng tôi, anh Cần thường đi với anh Sảnh, người đã nói tôi bé như cái kẹo. Thân thiết tôi xem hai anh như người thân trong gia đình. Tiếc là anh Cần năm sau phải đi du học Nhật Bản, bỏ chị Ngoạn Thư tôi lại nhà chúi đầu vào sách vở với nỗi buồn thâm quần hốc mắt sâu.

Khói thuốc cả.

Tôi ra trường được bổ nhậm về tỉnh ba năm sau mới được chuyển về Sàigòn. Trường lớn, nổi tiếng học sinh giỏi và ngoan. Dạy môn Triết dầu không thích vì phải soạn bài thật cẩn thận. Năm nọ, kỳ thi Tú Tài 2, khóa 1, lớp tôi chỉ có một cậu rớt phải thi lại khóa 2. Vài trò được phép du học cùng nhau tổ chức một tối liên hoan có ăn uống và khiêu vũ. Được mời, tôi từ chối nhiều lần nhưng các em khẫn khoản quá nói rằng  Thầy phải tới cho các em vui, thầy trò mình biết bao giờ mới được gặp lại. Phải nhận rằng em ấy nói hay và tha thiết…

Tiệc thiệt tưng bừng, vui nhộn, sang trọng hơn tôi tưởng. Người tham dự toàn là học sinh nam nữ trang lứa nhưng sành điệu và chững chạc khác với hình ảnh của các em lúc còn đi học chỉ mới cách nay chưa đầy một tháng.

Lúc bắt đầu màn khiêu vũ, tôi bị bắt buộc phải nhảy một bản slow khai mạc. Các em dẫn đến cho tôi một cô thật đẹp, trong ánh sáng lờ mờ tôi có cảm tưởng là cô ta quen quen. Mùi nước hoa thơm ngát, giọng Bắc ngọt ngào, cô ôm tôi thân thiện và xưng em kêu tôi bằng thày. Cô nói mình học Trưng Vương, mới đỗ Tú Tài 1, ban C.  Cô nói chuyện có duyên, từ chuyện nầy dẫn sang chuyện kia, rằng ngày xưa có người nói mình học Trưng Vương sao mà bé như cái kẹo. Tôi cười vui, bớt đi phần nào bỡ ngỡ khi khiêu vũ trước mắt bao nhiêu học trò.

Cô nói thày dạy trường Pétrus Ký mà thày có biết ở Sàgòn có một trường cũng tên có chữ Ký không. Tôi nói lúc nhỏ tôi học ở đó, còn lạ gì. Cô nói em có kỷ niệm ở đấy vì ngày mới di cư vào Nam gia đình tạm trú trong trường.

Tôi nhớ lại lúc mình đi thăm trường cũ bảy tám năm về trước. Tôi hát nho nhỏ: Ông Tây đen nằm trong cái bồ… rồi ngừng lại vì mắc cở. Ai đời làm giáo sư, đang khiêu vũ với một cô đẹp mà hát bậy. Tôi chuyển sang: Dưới trời kỳ quái sao cùng/ Chân đâu còn vết ở trong đá này…. Tôi bàng hoàng khi thấy cả hai chúng tôi cùng ngâm nga hết cả hai bài. Tới đây thì tôi tịt, cô bé còn hát thêm vài ba bài nữa rồi hỏi sao thầy biết mấy bài ấy. Tôi nói tình cờ thôi. Lúc xưa trước khi nhập trường Trung học, tôi đi thăm trường cũ, được nghe trẻ con hát. Cô ta nói có thể là trong số trẻ đấy có em.

Nhạc khiêu vũ chấm dứt bài, chuyển sang Tango. Cô ta vẫn ôm tôi sát hơn, nói nhỏ:

Ta tiếp tục bài này. Rồi ngước lên nhìn tôi:  Anh không nhận ra em sao?  Bé Ngoạn Nguyệt đây.  Té ra cô ta đã nhận ra tôi ngay từ đầu nhưng không nói ra. Mới có chừng ấy năm mà cái kẹo ngày xưa đã thành thiếu nữ đương độ. Nhớ tới câu nói của thằng Thôn ngày trước, tôi bạo dạn:

Ngoạn Nguyệt dùng nước hoa gì mà hương thơm lạ? Soir de Paris?

Không, Rêve d’or.

Giá đừng dùng nước hoa thì hơn, vẫn…. sang trọng như thường. Tôi dùng từ sang trọng vì không dám dùng từ đang có trong trí.

Vòng tay đang ôm ngang hông tôi xiết mạnh. Tôi bạo dạn hơn vì hoàn cảnh và bóng tối:

Ngoạn Nguyệt cho anh hôn lên tóc nha.

Là tình anh em như anh Cần ngày trước hay khác?

Khác.

Anh có người yêu chưa?

Đã, nhưng sẽ tính lại sau này.

Thế thì không được.

Cho tới khi bản nhạc dứt chúng tôi về bàn, không nói gì thêm. Từ đấy Ngoạn Nguyệt sang ngồi với tôi luôn, chắc cô bé có ý muốn nói gì đấy. Cô nói sang đàng từ chuyện nầy sang chuyện kia như là đương bối rối…

…Em học ở Trưng Vương sáu năm rồi, Giáo sư em thương kính nhất là bà Hồng Điệp, giám thị thì thích bà Từ Nguyên… Trường cho em tinh thần học hỏi nghiêm túc, tình thương bè bạn, nghĩa thầy trò. Xin lỗi, đáng lý em gọi anh bằng thày nhưng vì chúng ta đã là anh em trước cho nên em mạn phép xưng hô như thế.

Sở dĩ em nói không là vì em học được rằng ở đời phải biết việc gì quan trọng việc gì không. Nói chung  tất cả mọi chuyện rồi sẽ tan biến như khói thuốc. Biến thành không. Nhưng cùng lúc đó mọi chuyện cũng quan trọng, nó làm cho con người mình trở  nên có giá trị hay tồi tệ….

Tôi lấy hết can đảm đặt tay mình lên trên bàn tay đẹp của Ngoạn Nguyệt như cho em một điểm mười.

Ngoạn Nguyệt đọc khẽ cho tôi bài thơ em nói là mới học thuộc khi xem Giai Phẩm Xuân của trường Trung Học Hoàng Diệu năm nay. Em nói:

Bài thơ buồn quá. Em coi mà như thấy vận vào đời thanh niên thiếu nữ ngày nay.

Trong tiếng nhạc nhẹ, lẫn với âm thanh ồn ào của buổi vui chơi đông người, tôi nuốt từng lời giọng đọc buồn của em. Như có tiếng nấc nghẹn ngào lạc lõng:

Khi ánh trăng xếp hàng nằm ngủ.

Tôi hỏi rằng mình đứng đợi ai đây,

Trời vào Thu, trời lớp lớp mưa bay,

Tôi 16 tôi vào đời con gái,

16 tuổi yêu không ngần ngại,

Người yêu tôi anh thiếu úy không quân,

Ngoạn Nguyệt cầm ly rượu chát của tôi san nửa qua cái ly không trên bàn, đọc tiếp:

…….Tôi đứng nơi nầy trông ngóng trời Tây,

Để thầm nhủ người yêu tôi ở đó…

…Có người yêu thời chiến tranh thật khổ.

Lúc gần nhau ngắn ngủi làm sao,

Lúc giã từ cũng không kịp hôn nhau,’

tôi đã khóc sợ người yêu vào lịch sử,’

…Trời có buồn đâu sao trời ủ rũ,

Mây có buồn đâu sao mây rũ khăn tang,

Trời vào thu trời tiếc thương chàng,

Tôi 19 tôi vào đời quả phụ..

Tôi nói mà như nói với mình:

Thời chiến mọi người đều có hay sẽ có những đau buồn. Người đi đối diện với chết chóc, người ở nhà chìm ngập trong lo âu hay chờ đợi cái tang nát ruột xé gan.

Lơ đãng nhìn những hạt khói được rọi sáng thành những làn khói mỏng khi ánh đèn lướt qua, Ngoạn Nguyệt nói trong tiếng thở dài:

Khói thuốc cả.

Thơ buồn không địa chỉ.

Hai năm sau một chiều gần lễ Noel, một bức thư màu xám được ai đó đem tới trường cho tôi, không địa chỉ người gởi nhưng nhìn cách trình bầy và chữ viết ngoài phong bì tôi run run linh cảm có tin gì đó không lành từ Ngoạn Nguyệt. Thơ rất đặc biệt khiến nửa thế kỷ qua như vẫn còn hiện hiện trước mắt:

Sàigòn, ngày buồn không nước mắt 1970

Anh S.

‘Tôi mười chín tôi vào đời quả phụ.’

Khói thuốc cả.

Em: NN.

Từ đó đến nay tôi không được tin tức gì của Ngoạn Nguyệt. Biết mình vô lý, nhưng mỗi lần nhớ về thời trai trẻ tôi đều thầm van vái người em gái Trưng Vương thông minh và dễ thương đó không có thân phận của khói thuốc dầu cuộc đời đã vốn dĩ phù du mà lại luôn tác quái lên mọi người. Chẳng chừa một ai. Van vái chỉ vì thương cảm và sự yếu lòng. Khói thuốc nào rồi chẳng biến tiêu? Câu than của em đã ảnh hưởng nhiều trên hành trạng của tôi cũng như đã hướng dẫn nhiều phản ứng trước cuộc đời. Em có biết không Ngoạn Nguyệt?

Khởi thảo: Victorville, CA, 15 tháng 11,

Hoàn tất: Alfortville, ngoại ô Paris, 02 tháng 12,  2016

https://vietbao.com/a261430/khoi-thuoc-ca

 

 

Vui cười

Một cặp tình nhân đang ngồi tâm sự với nhau, đột nhiên cô gái tỏ vẻ đăm chiêu không nói lời nào. Chàng trai thấy vậy liền hỏi:

– Có chuyện gì thế em yêu?

Cô gái thỏ thẻ trả lời:

– Có điều này làm em băn khoăn bấy lâu nay, cô bé hàng xóm của anh ấy, vừa ngoan ngoãn lễ phép, gia cảnh khá giả, lại trẻ trung có học thức. Mà anh chưa từng một lần động lòng ư? Chàng trai kéo bạn gái vào lòng:

– Chả nhẽ cứ gặp ai xinh đẹp giàu có là anh sẽ động lòng hết sao?

Cô gái trợn mắt lên với người yêu:

– Hóa ra là anh luôn cho rằng cô ta xinh đẹp, nãy giờ em chưa từng công nhận điều đó đâu đấy!