Tập San Tân Đại Việt – Số 11/2018 – Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Tân Đại Việt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Đại Việt – Số 11/2018 – Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Tân Đại Việt

Mục Lục

Ban Biên Tập : Chúng ta người Việt quốc gia, Đấu tranh cốt để dân ta sinh tồn

Đằng Phương : Thơ

– Dòng Nước Sông Hồng

– Thanh Niên Việt Nam

Bác Sĩ Mã Xái : Ý Nghĩa Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt

Đằng Phương : Thơ « Anh hùng vô danh »

http://tandaiviet.org : Sơ lược về Đảng Tân Đại Việt

Đằng Phương : Thơ Nhớ thuở tung hoành

Lê Minh Nguyên : Koh Kong-Lưỡi Bò che lấp nẽo quê hương

Nguỵ Kinh Sinh/Lê Minh Nguyên dịch : Sự Thức Tỉnh Của Hoa Kỳ

Trần Văn Lương : Thơ « Quê Mình Giờ Thế Đó »

Nguyễn Bá Lộc : Hiệp định thương mại Âu Châu-Việt Nam  và nhân quyền

Đào Văn Bình : Nhật Ký Biển Đông

– Chiến Tranh Nguyên Tử Gần Kề?

– Một Thế Giới Đầy Bạo Lực

 Nguyễn Thị Cỏ May :

– Bussy Saint Georges tối 6/11: “Không Quốc gia Tộc Kinh, không Tàu cộng, không…”!

– Tộc Kinh và Cộng đồng người Việt nam Hải ngoại

Nhữ Đình Hùng : Thơ Quê người

Phan Văn Song :

– Tử Sĩ tại Xứ Người: Người lính Khố Xanh

– Đôi lời nhơn dịp Mùa Tảo Mộ Một Thời Để Thương, Một Thời Để Ghét

Vũ Linh : Suy nghĩ hậu bầu cử

Mai Thanh Truyết : Từ ba dòng thác cách mạng đến ba nhóm lợi ích

Trọng Đạt : Đề Cương Cách Mạng Miền Nam  Sự Hình Thành Của Tội Ác

Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi : Hàn Phi Tử Chương 5

Từ Thức :

****NÓNG : đã tìm ra giải pháp lấy lại Hoàng Sa

 ****60 tỉ dollars. My God !

****Tru di tam tộc

Nguyễn thị Cỏ May : Đom đóm và cục gạch

 

Chúng ta người Việt quốc gia, Đấu tranh cốt để dân ta sinh tồn – Ban Biên Tập

 

Ngày 11.11.2018, tổng thống Pháp  Emmanuel Macron đã đưa ra một nhận-định về chủ-nghĩa quốc-gia, ông coi chủ-nghĩa quốc-gia đi ngược lại chủ-nghĩa ái-quốc và phản-bội lại chủ-nghĩa này (le patriotisme est l’exact contraire du nationalisme. Le nationalisme en est sa trahison); Trước đó, tổng-thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo ngày 22.10.2018 tại Houston đã tự coi mình là một người theo chủ-nghĩa quốc-gia (người quốc-gia) không hơn không kém (I am a nationalist,okay? I am nationalist Nationalist Nothing more).

Như thế, đã có một sự khác biệt đáng kể trong cách nhìn về chủ-nghĩa quốc-gia. Có thể suy-diễn cách nhìn của ông Trump là giữa chủ-nghĩa quốc-gia và chủ-nghĩa ái-quốc không có sự khác biệt nào cả. Yêu nước Mỹ là phải làm cho nước Mỹ lớn mạnh. Mà Mỹ là một quốc-gia. Vậy người yêu nước phải là một người quốc-gia, không hơn không kém.

Trong khi đó, ông Macron có lẽ  có một cách suy diễn khác. Ông đã đánh lộn sòng giữa chủ- nghĩa quốc-gia (nationalisme) và chủ-nghĩa vì-dân (populisme). Có nhiều người đã chuyển ngữ populisme thành dân-tuý, một chủ-nghĩa đặt nền tảng trên sự mị-dân. Theo suy nghĩ riêng, dịch populisme thành dân-túy là một sự mưu tính có ác ý. Populisme có gốc từ chữ latin ‘populus’ có nghĩa là nhân-dân và trong dòng lịch-sử Nga vào cuối thế-kỷ XIX, populisme dùng để một phong trào dựa trên dân chúng để chống lại chủ-nghĩa tôn quân (hay thượng tôn tsar hoàng = tsarisme) và chủ-trương việc cải-tổ cơ cấu nông-nghiệp. Cùng với thời gian, populisme được dùng để chỉ một ý-thức-hệ hay một thái-độ chánh-trị dựa vào quần-chúng để chống lại giới ưu tú trong chánh quyền và các thành-phần nắm quyền lực, cáo buộc họ đã phản-bội quyền-lợi của số đông dân-chúng…Phe đối lập với ‘populisme’ đã dùng chữ ‘populisme’ trong một ý nghĩ xấu, coi chữ này cùng lúc mang các ý nghĩa bài ngoại, kỳ-thị chủng-tộc, có tính cách xu mị (démagogie), kiếm phiếu cử-tri (électoralisme), nói chung là cơ-hội chủ-nghĩa (opportunisme).

Nếu như ‘populisme’ đã bị thông-giải một cách sai lệch là mị dân, dân tuý thì việc đồng-hoá nó với chữ ‘nationalisme’ cũng không phải là điều có ý tốt! Nationalisme, đi từ chữ nation, có gốc từ chữ latin ‘natio’ có nghĩa là sinh ra. Nation, trong tiếng Việt chúng ta là 3 quốc-gia, là một cộng-đồng nhân-loại có ý thức là đã kết-hợp với nhau nhờ có cùng lịch-sử, văn-hoá, ngôn ngữ, tôn-giáo…có một lãnh thổ riêng và một chánh-quyền, cùng chấp nhận một hiến-ước. Nationalisme, hay chủ thuyết quốc-gia là một chủ thuyết đề cao sự độc lập của dân-tộc với quyền dân-tộc tự quyết, chủ quyền quốc dân với Nhà Nước trên một lãnh thổ..

 Nếu hiểu như vậy, chúng ta sẽ không có gì e dè khi nhận mình là người quốc-gia, bởi vì trong tư tưởng của chúng ta, những người quốc-gia là những người yêu nước. Chủ-nghĩa quốc-gia không mang tính-cách xu mị nào để có thể bị coi là dân tuý, ngược hẳn lại với chủ nghĩa cộng sản là một chủ-nghĩa dựa trên sự xu mị ( tạo sự bình đẳng bằng cách xoá bỏ giai cấp giàu có, chỉ có giai cấp vô sản mới có quyền lãnh đạo, với hứa hẹn ‘bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình’…) Đối với người Việt quốc-gia, hai chữ quốc-gia là ‘khắc tinh’ của hai chữ cộng-sản (*xin mượn ý của bác sĩ Trần Văn Tích) Người Việt quốc-gia đã chiến-đấu và chống-đối với người cộng-sản Việt Nam từ khi có những chánh-đảng tranh đấu giành độc lập dân-tộc.

 Ngày hôm nay, những người Việt quốc-gia không phải chỉ tranh đấu để làm sáng tỏ chánh nghĩa của mình.

 Còn cần phải làm mọi việc để vạch rõ ra rằng ‘chủ nghĩa cộng sản chính là sự trái ngược với chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa cộng sản chính là sự phản-bội của chủ nghĩa ái-quốc’.

*****

Trong dòng lịch sử chống thực dân xâm lược, các chánh đảng đã phần lớn vay mượn các lý thuyết từ bên ngoài. Đảng cộng sản Việt Nam đã dùng chủ nghĩa Marx Lénin du nhập từ Nga với các phương tiện hỗ trợ từ thánh địa Moscou; các chánh đảng quốc gia với những tư tưởng tự do tiến-bộ từ tây phương với khẩu hiệu tự do, dân chủ  và Tam Dân Chủ Nghĩa từ  quốc-dân đảng Trung-hoa.(như Việt Nam Quốc Dân Đảng). Có chánh đảng đã lấy người dân làm gốc như đảng Duy Dân của Lý đông A, có chánh-đảng đã dùng một lý-thuyết mang tính-cách dân-tộc,do người Việt Nam nghĩ ra đó là lý-thuyết dân-tộc sinh-tồn do Trương Tử Anh, người sáng lập và cũng là vị đảng trưởng đầu tiên của đảng Đại Việt. Lý thuyết này buổi đầu chưa được khai triển rộng, phải đợi đến sau này Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mới làm thành hệ thống lý thuyết rõ ràng. Đảng Đại Việt được thành lập ở Việt Nam và tồn tại cho đến 1975. Sau khi Việt Nam Cộng Hoà bị sụp đổ,các đảng viên di tản ra nước ngoài đã lập một cơ sở đảng ở hải ngoại.Trong dòng lịch sử đảng, năm 1964, do sự khác biệt về phương cách hoạt động, một số đảng viên Đại Việt đã tách ra thành lập Tân Đại Việt nhưng vẫn giữ nguyên chủ thuyết dân tộc sinh-tồn.Theo vận nước, một số đảng viên Tân Đại Việt cũng lưu vong ra nước ngoài và cũng đã lập ra cơ sở đảng ở hải ngoại đặt dưới sự lãnh-đạo của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Và dù Đại Việt hay Tân Đại Việt ở hải ngoại, tất cả đều giữ lý thuyết dân tộc sinh tồn. Một quốc gia đòi hỏi phải có lãnh-thổ, dân-tộc và tài nguyên. Một dân tộc có thể sống còn và phát triển được nếu có được lãnh-thổ và tài nguyên. Và dù cho tài nguyên ít ỏi, sự sống còn của dân tộc vẫn có thể được nhờ nơi khả năng thích ứng và biến cải. Hiện cộng sản Việt Nam  đang đưa đẩy dân-tộc Việt Nam vào chỗ bị hủy diệt qua các việc nhượng các đặc khu dài hạn cho người Trung Hoa lục địa, dành quyền khai thác tài nguyên của Việt Nam cho các tài phiệt đỏ Trung Hoa (cho thuê đất, rừng sát biên giới), đánh mất dần chủ quyền lãnh thổ qua các thoả hiệp xác định lại biên giới biển Bắc Việt, biên giới đất liền ở biên giới Hoa Việt, phá hoại kinh tế Việt Nam bằng cách cho tiêu xài nhân dân tệ ở nhiều tỉnh biên giới miền bắc Việt Nam, phá hoại văn hoá Việt Nam bằng cách cho học chữ Tàu ngay từ tiểu học, sửa đổi các đánh vần, phát âm để có giọng nói như người Tàu…

 Trong tình thế này, các chánh-đảng quốc-gia, đương nhiên là có Tân Đại Việt, sẽ phải làm sao để khởi động một phong trào nổi dậy trong nước, với ý thức về sự sống còn của dân tộc. Và sẽ làm việc tay trong tay, vai chen vai, cùng nỗ lực, cùng cố gắng cho một Việt Nam tương lai độc-lập, tư-do và tiến-bộ.

25.11.2018

 

Thơ Đằng Phương: Dòng Nước Sông Hồng

Ta là ngọn sông Hồng, dòng nhiệt huyết,

Nguồn dồi dào của nước Việt muôn năm,

Là quả tim mà nhịp sống âm thầm

Truyền sinh lực cho trời Nam hoa gấm.

 

Dòng nước ta tự nghìn năm đỏ thắm,

Tự nghìn năm nhuần thấm đất Tiên Rồng,

Tự nghìn năm cuồn cuộn chảy về Đông,

Đã chứng kiến biết bao ngày lịch sử.

 

Trong tâm trí ta còn ghi nhớ rõ

Bóng những người thủy tổ nước Văn Lang

Đi về Nam tránh giặc Sở hung tàn,

Kết bè gỗ sang ngang lần thứ nhất.

 

Vào thuở ấy, hai bờ ta uốn khúc

Dậy tiếng gầm của hổ dưới trăng trong

Vì rừng già còn phủ đất Thăng Long,

Ngàn lau sậy um tùm che Hải Cảng.

 

Ta đã thấy giống Lạc Hồng cường tráng,

Mình xâm đầy để giả dạng giao long,

Tụ họp nhau đông đúc ở ven sông,

Phá rừng núi để lập thành nước Việt.

 

Ta theo cuộc thăng tầm khôn kể xiết

Của giống người quấn quít mãi bên ta,

Kể từ khi dùng hang thẳm làm nhà,

Mặc quần áo kết bằng da dã thú.

 

Họ lang thang giữa rừng sâu hiểm trở

Săn thú chim bằng búa đá mài trơn,

Cho đến ngày mà Đại Việt giang sơn

Nối liệt quốc chen trên đường tiến bộ.

 

Ta đã thấy biết bao ngày khổ sở

Giống Lạc Hồng mang tủi nhục điêu linh,

Nhìn non sông gấm vóc nát tan tành

Dưới gót sắt của quân thù tàn bạo.

 

Ta đã thấy biết bao ngày đẫm máu;

Quân nước ngoài ồ ạt hạ kinh đô,

Tướng Việt Nam vì thế yếu thành cô

Liều tuẫn tiết, chết theo nền độc lập:

 

Và người Việt bị quân thù đàn áp

Một đôi lần tàn ác thực vô song,

Như kỳ quân Nguyên làm cỏ Thăng Long

Để khủng bố những anh hùng kháng chiến.

 

Ta đã thấy những đền đài cung điện

Của vua Trần tan nát một chiều tà

Lúc binh Chàm dưới lịnh Chế Bồng Nga

Hủy hoại hết để báo thù xâm lược.

 

Ta đã thấy những ngày vui mở nước,

Dưới bầu trời rực rỡ ánh vinh quang,

Vua anh hùng sắp đặt lễ đăng quang,

Dân nô nức hoan hô thời đại mới.

 

Ta đã thấy dưới tà dương hấp hối,

Sông Bạch Đằng dữ dội một màu xanh

Nước ồn ào còn quyện khúc quân hành

Cuốn bao xác tướng binh trong lớp sóng,

 

Và kể lại, giọng vô cùng cảm động,

Những kỳ công át động bóng trăng sao:

Ngày vua Ngô dũng mãnh chém Hoằng Thao,

Ngày Hưng Đạo đánh tan quân Thát Đát.

 

Ta đã thấy dưới trời xuân man mác

Binh Quang Trung ồ ạt phá quân Thanh,

Gò Đống Đa xương thịt chất nên thành,

Nước ta nghẹn cuốn thây loài tàn bạo.

 

Ta đã thấy cả cuộc đời chiến đấu

Của giống dân nhỏ bé nhưng cần lao

Ta đã chung sung sướng với gian lao

Chia vui vẻ hay buồn rầu với họ.

 

Và dòng nước của ta luôn thắm đỏ

Vì trộn bao máu huyết giống Rồng Tiên,

Luôn ngày đêm vang một khúc kinh nguyền

Cầu nước Việt được hùng cường lớn rộng.

Xuân 1945.

 

Thanh Niên Việt Nam

Trong lịch sử bốn nghìn năm chiến đấu

Bốn nghìn năm lấy máu đắp giang sơn,

Bốn nghìn năm hoạt động để sinh tồn

Nòi giống Việt vẫn luôn luôn khẳng khái:

Không khuất phục kẻ thù khi thất bại,

Không kiêu căng khinh địch lúc thành công,

Trước khó khăn nguy hiểm chẳng sờn lòng,

Trong sung sướng chẳng cho tàn lửa dũng.

 

Trải bao luợt đương đầu cùng bão sóng,

Sau mấy lần hưng thịnh tiếp suy vong,

Sống luôn luôn mạnh mẽ, giống Tiên Rồng

Ðã nổi tiếng kiêu hùng trên đất Á.

Người dân Việt với tinh thần sắt đá

Không bao giờ quên tổ quốc thiêng liêng,

Lớp này suy, lớp khác tiến ngay lên

Giữ hàng ngũ đấu tranh luôn chặt chẽ.

 

Trong trận đánh muôn đời không lúc nghỉ

Của giống nòi Hồng Lạc, hạng thanh niên

Ðã góp vào một lực lượng vô biên.

Bao trang sử còn ghi công hãn mã

Của những đầu xanh nhưng chí cả.

Này bà Trưng, bà Triệu dấy muôn binh

Ðuổi quân Tàu để cứu vớt sinh linh

Ra nuớc lửa lúc tuổi còn son thắm.

 

Này Ngũ Lão và đây Trần Quốc Toản

Dưới cờ đào mạnh mẽ tuốt gươm thiêng

Bao phen làm khiếp vía lũ quân Nguyên.

Này Nguyễn Trãi đầu quân khi thiếu tráng

Ðể giúp vua Lê mưu đồ cách mạng.

Này Quang Trung, chàng trẻ đất Tây Sơn

Ðuổi quân Thanh trong một trận kinh hồn.

Này Ðức Chính, Ký Con và Thái Học

Cùng vui chịu rơi đầu vì Tổ Quốc

Và ngoài ra những kẻ được lưu danh

Còn biết bao người tuổi trẻ hùng anh

Nay tên tuổi bị chìm trong quên lãng,

Từ trước đã âm thầm luôn cố gắng

Ðem máu xương tô điểm cảnh non sông

Và nâng cao danh dự giống Tiên Rồng.

Thanh niên Việt từ nghìn xưa dũng mãnh

Ðã xây đắp cho nước nhà cường thạnh

Ðỡ giang sơn trong những lúc khuynh nguy.

Sử Lạc Hồng từ trước đã từng ghi:

Thanh niên Việt là trụ đồng nước Việt.

 

Ý Nghĩa Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt – Bác Sĩ Mã Xái

(Bài phát biểu của cựu Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt trong buổi Hội thảo Chánh Trị về Vấn đề Dân Chủ Hoá Việt Nam ngày 15/11/2015 tại Little Saigon)

Kính Thưa Quý Vị,

…Lễ kỷ niệm Ngày Thành lập đảng Tân Đại Viêt  năm nay nhằm  nhắc nhở đảng viên thực hiện tâm nguyện và noi gương người sáng lập, người  đã vạch ra con đường đấu tranh cho nền dân chủ pháp trị, dựa vào sức mạnh dân tộc, sức mạnh của toàn dân, dựa trên Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Và  nhân ngày Lễ kỷ niệm hôm nay, trước những biến chuyển chánh trị sôi động quốc tế, quốc nội, buổi hội luận chánh trị với chủ đề “Dân chủ hoá Việt nam”  được mang ra để thảo luận cùng với quí vị là những người quan tâm đến đất nước.

Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy bắt đầu tham gia đấu tranh  trong hàng ngũ Đại Việt từ năm 1945, ngay từ buổi thiếu thời do Cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh  sáng lập năm 1939 tại Hà Nội, là một đảng cách mạng  dựa trên hệ tư tưởng chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn do chính ông sáng tạo làm nền tảng cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và Cộng Sản…Cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh bị CS bắt vào khoảng 1946, và kể như thất tung từ 19/2/1946. Đảng phát triển rộng khắp thành ba Xứ Bộ Đại Viêt ( Băc, Trung, Nam )  hoạt động trên toàn quốc.

Biến cố Hiệp định Geneve 54 đánh dấu một khúc quanh lịch sử đau thương, hơn cả triệu đồng bào di cư tị nạn CS vào Nam; và cùng chia sẽ nỗi đau thương của dân tộc, đảng Đại Viêt cũng tìm không gian sanh tồn dưới vĩ tuyến 17 và phải biến cải để đấu tranh trong môi trường mới ở Miền Nam tự do.

VNCH thành lập và rồi Hoa Kỳ  mở thế trận be bờ ngăn chận làn sóng cộng sản chủ trương đánh chiếm Miền Nam, nhuộm đỏ toàn khối Đông Nam Á.

Đảng phải thích nghi cuộc đấu tranh vào môi trường mới, với tình thế mới tại Miền Nam tự do sau Hiệp định Geneve 54; cuối năm 1963, Đệ Nhứt VNCH sụp đổ, GS Huy từ Pháp trở về, sau khi không tìm được sự đồng thuận của Xứ Bộ Miền Bắc và Xứ Bộ Miền Trung để chuyển hướng đường lối đấu tranh từ  chủ trương đấu tranh cách mạng bạo lực của Cố Đảng Trưởng sang đấu tranh chánh trị công khai hợp pháp, nên GS Nguyễn ngọc Huy vận động và được Xứ Bộ Miền Nam đồng ý tách ra khỏi đảng Đại Việt, và thành lập đảng mới dưới danh xưng Đảng Tân Đại Việt ngày 14 tháng Mười Một năm 1964  với chủ trương sanh hoạt và tổ chức theo đường lối mới, theo nguyên tắc dân chủ, thay thế chủ trương quyền uy lãnh tụ chế, đường lối độc tài, bí mật của thời cách mạng mà ra hoạt động công khai, hợp pháp, bất bạo động như một đảng chánh trị Tây phương; về hệ tư tưởng, GS Nguyễn Ngọc Huy triển khai Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của Cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh  thành hai bộ sách Dân Tộc Sinh Tồn-Chủ- Nghĩa Quốc Gia Khoa Học, phù hợp với tình hình mới, làm kim chỉ nam cho Đảng trong công cuộc đấu tranh chống cộng sản và dùng làm nền tảng cho việc xây dựng một Việt Nam Tự Do, Dân Chủ Pháp Trị. Dưới sự lãnh đạo của GS Nguyễn Ngọc Huy đảng Tân Đại Việt đã có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng nền Đệ Nhị VNCH, ông cùng GS Nguyễn Văn Bông thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (1969) chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chánh trị với Cộng sản Hà Nội trước viễn ảnh của Hiệp định Paris 73, một hiệp định mà đồng minh Hoa Kỳ toa rập với CSTQ bán đứng VNCH.

Quyết không bỏ cuộc, sau 30-4-1975, tại hải ngoại,  Đảng Tân Đại Việt sanh hoạt qua nhiều tổ chức quần chúng, một tổ chức có bề thế ở Hải Ngoại là  Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ( 1981 ); GS Nguyên Ngọc Huy vừa là Chủ Tịch Đảng TĐV vừa là Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương  LMDCVN.

Vận nước không may, ngày 28/7/1990, GS Nguyễn Ngọc Huy mất tại Pháp, mang theo hơi thở cuối đời của một chiến sĩ ngả quỵ trên lưng ngựa trên đường tham dự Đại Hội LMDCVN toàn thế giới.

Kính thưa Quý Vị

Sau  khi GS ra đi, Chủ nghĩa DTST lại được phát huy với thế hệ nối tiếp của GS Nuyễn Ngọc Huy trong công cuộc đấu tranh trường kỳ đối với kẻ thù CSVN, mục tiêu cuộc đấu tranh vẫn trước sau như một:

-Giải thể chế độ độc tài CSVN,

-Xây dựng một nền dân chủ pháp trị đựa trên chủ nghĩa DTST,

–Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền của VN

-Dứt khoát không Hoà Giải Hoà hơp với CS

Đất nước cần một sự thay đổi toàn vẹn cho mọi bế tắc hiện nay. Từ ngày cướp lấy chánh quyền và áp đặt chế độ toàn trị, độc tài trên cả nước, đảng CSVN đã quay lưng trước mọi thỉnh nguyện, dù là những đóng góp ý kiến nhằm giúp đảng, nhà nước cải thiện sửa đổi cho chế độ tốt hơn, nói chi đến những phong trào dân chủ đối kháng như đòi hỏi dân chủ, đòi bỏ điều bốn hiến pháp, vận động đa đảng, đòi tam quyền phân lập, những cuộu biểu tình ôn hoà chống Trung quốc xâm phạm lãnh hải đều bị trấn áp thô bạo, bị tù đày hoặc bị tống xuất để làm món quà trao đổi chánh trị. Thế nên cái “mô hình dân chủ hoá từ trên xuống” khó mà thực hiện được trong chế độ cộng sản. Thật tế mà nói trong chờ giai cấp lãnh đạo  CS “ngộ” ra như kẻ cướp buông dao đầu Phật, chờ TBT Trọng “tự diễn biến” là chuyện mò kim đáy biển. Một sự thay đổi toàn diện với một từng lớp lãnh đạo mới do dân vì dân cho dân là một đòi hỏi thúc bách cho cuộc cách mạng toàn diện, một “mô hình đấu tranh dân chủ từ đưới lên trên” do toàn dân vùng lên kết hợp trong ngoài tạo nên nội lực mạnh cho cuộc đấu tranh., một cuộc cách mạng ôn hoà, không đổ máu. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của quốc nội nhưng cộng đồng hải ngoại nhứt là ở Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong tư thế hậu phương hổ trợ quốc nội về vật chất cũng như  tinh thần, làm công tác hành lang, quốc tế vận. Cộng tác giữa các đoàn thể đấu tranh dân chủ  đa dạng hải ngoại theo đội ngũ hàng ngang và liên lập với các thành phần  dân chủ trong nước nhằm tạo sức mạnh chung trong đấu tranh giải trừ chế độ cộng sản. Nội lực dân tộc có mạnh thì mới chống đở ngoại xâm, mới triệt đươc kẻ nội thù.

Trân trọng cám ơn quý vị đến tham dự Lễ Ngày Thành lập Đảng TĐV và buổi Hội Luận Chánh Trị hôm nay

Trân trọng kính chào

Bác Sĩ Mã Xái

 

Thơ Đằng Phương:  Anh hùng vô danh

Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tổ quốc

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước

Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu

Và làm cho những đất cát hoang vu

Biến thành một giải sơn hà gấm vóc

Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,

Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn

Ðể âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn

Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giầy của những kẻ xăm lăng,

Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân

Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,

Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,

Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan,

Người thất cơ đành thịt nát xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,

Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà

Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,

Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.

Và anh hồn chung với tấm tinh trung

Ðã hoà hợp làm linh hồn giống Việt.

 

Sơ lược về Đảng Tân Đại Việt

Tuyên Ngôn Đảng Tân Đại Việt (14-11-1964)

1939-1964: 25 năm đã qua từ khi ĐẠI VIỆT QUỐC DÂN ĐẢNG được thành lập với mục đích thực hiện cuộc cách mạng giải phóng quốc gia, cải tạo xã hội, mưu đồ sự sinh tồn cho Dân Tộc VIỆT NAM. Trong suốt một phần tư thế kỷ, các chiến sĩ ĐẠI VIỆT đã tích cực tranh đấu không ngừng: chống thực dân, cộng sản và phong kiến, và đã nhận chịu không biết bao nhiêu hy sinh cho cuộc đấu tranh này. Từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, không nơi nào của đất nước VIỆT NAM là không có máu xương, mồ hôi và nước mắt của người chiến sĩ ĐẠI VIỆT. Khí phách hiên ngang, tinh thần bất khuất cũng như lòng nhiệt thành phụng sự non song của các Đảng Viên ĐẠI VIỆT không ai còn có thể phủ nhận được.

Nhưng hiện nay, Đ.V.Q.D.Đ. đã phân ra thành nhiều hệ phái khác nhau. Sự thống nhất mà tất cả anh chị em Đảng Viên thiết tha mong muốn không thể thực hiện được, mặc dầu mọi người đều hết sức cố gắng tìm cách thỏa hiệp nhau. Như thế là vì sau khi Đảng Trưởng Trương Tử Anh mất đi, không một lãnh tụ nào được toàn thể Đảng Viên tuyệt đối phục tùng. Bởi đó, một số Đảng Viên tuy vẫn trung thành với lý tưởng Đảng nêu ra và không ngừng tranh đấu cho lý tưởng đó, nhưng không chịu khép mình trong một hàng ngũ nào. Những anh chị em nhận thấy sự kết hợp nhau là cần lại không đồng ý kiến với nhau về những nguyên tắc căn bản làm phương châm cho sự tổ chức và hành động của Đảng. Những người bảo thủ nhứt định giữ nguyên vẹn tất cả những quan niệm được nêu ra khi Đảng mới thành lập. Trong khi đó, những phần tử có tinh thần tiến bộ cho rằng muốn thực hiện được lý tưởng của mình, Đảng cần phải biết thích nghi, áp dụng nguyên tắc biến cải của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn để ứng phó với tình thế mới. Lãnh tụ chế và chủ trương độc tài đảng trị chẳng những không đáp ứng nhu cầu hiện tại của đất nước mà còn đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân. Bởi thế, muốn mưu đồ sự sinh tồn sung mãn cho dân tộc, Đảng cần phải tự tổ chức lại theo thể chế tập đoàn chỉ huy, trong đường lối tự do dân chủ.

Nhận thấy rằng những đảng viên có quan niệm hoàn toàn khác nhau về vấn đề tổ chức và tranh đấu không còn có thể hợp nhứt nhau lại được.

Nhận thấy rằng tình trạng mù mờ và hỗn độn hiện tại rất có hại cho sự tranh đấu chung, vì trách nhiệm mỗi người, mỗi hệ phái rất khó qui định rõ ràng trước dư luận và một đảng viên hay một hệ phái có thể bị ảnh hưởng không tốt của một đảng viên hay hệ phái khác, mặc dầu mình không tán thành hành vi đó.

Nhận thấy rằng, việc nhiều hệ phái khác nhau, tranh nhau tên Đảng, đào sâu hố chia rẽ, lại gây những cuộc xung đột làm mất niềm hòa khí và làm thương tổn tình thân hữu giữa những chiến sĩ đã từng tranh đấu chung nhau.

Những phần tử có tinh thần dân chủ và chấp nhận một kỷ luật tự giác chung, đã tập hợp nhau lại thành một tổ chức mới mệnh danh là TÂN ĐẠI VIỆT.

Trung thành với Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, với ý chí phục vụ tổ quốc, Đảng TÂN ĐẠI VIỆT tiếp tục cuộc tranh đấu chống Cộng Sản, Thực Dân và Phong Kiến với tinh thần bất khuất truyền thống của các chiến sĩ Đại Việt nhưng theo nguyên tắc tập thể chỉ huy và đường lối tự do dân chủ.

Đảng TÂN ĐẠI VIỆT mạnh mẽ nêu ngọn cờ chánh nghĩa, nhứt quyết hoàn thành công cuộc cách mạng giải phóng quốc gia, cải tạo xã hội và mưu đồ sự sinh tồn sung mãn cho dân tộc VIỆT NAM.

Việt Nam Muôn Năm

Tân Đại Việt Muôn Năm

Ngày 14 tháng 11 năm 1964

Thay mặt Đại Hội Đồng

Trung Ương Đảng Bộ TÂN ĐẠI VIỆT

Phan Thông Thảo

Lê Văn Hiệp

Nguyễn Tôn Hoàn

Trần Minh Dũng

Nguyễn Ngọc Huy (Hùng Nguyên)

Hoàng Xuân Nam

Nguyễn Văn Kiểu

Ung Ngọc Nghĩa (Hoài Sơn)

Dương Văn Liên

Trương Dụng Khả (Minh Nhựt)

Nguyễn Văn Tại

Nguyễn Đình Huy (Việt Huy)

Nguyễn Ngọc Tân (Phạm Thái)

Đồng Tuy

Đảng Kỳ

Đảng kỳ của Ðảng Tân Ðại Việt được giải thích thống nhứt như sau:

– Ngôi sao trên Đảng kỳ là sao Bắc Đẩu, tiêu điểm chánh xác nhứt cho sự định hướng của loài người. Năm nhánh tượng trưng cho các chiến sĩ Tân Đại Việt thuộc năm giới Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. Màu trắng tiêu biểu cho sự ưu tú, trong sạch, bất vụ lợi.

– Vòng tròn xanh tượng trưng cho định luật thiên nhiên chi phối mọi sinh hoạt loài người: định luật Sinh Tồn. Màu xanh tiêu biểu cho sinh lực tiềm tàng không gì khuất phục được.

– Màu đỏ trên nền cờ tượng trưng cho nhiệt tình tranh đấu và ý chí cầu tiến.

– Lằn vàng nghệ dọc theo lá cờ tượng trưng cho dân tộc Việt Nam.

Nói chung, toàn bộ Đảng Kỳ có ý nghĩa: Đảng Tân Đại Việt gồm các chiến sĩ ưu tú, bất vụ lợi, nhận trách nhiệm lãnh đạo dân tộc và kiên trì tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc Việt Nam.

Đảng Ca

Ðảng Ca của Ðảng Tân Ðại Việt là bài “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” do cố nhạc sĩ Hùng Lân (1922-1986) sáng tác. Ông Hùng Lân là một nhạc sĩ Việt Nam danh tiếng, tác giả của rất nhiều ca khúc khác được nhiều người biết đến như Hè về, Khỏe vì nước, Thằng Tí Sún, Em yêu ai, Rạng đông, Sầu lữ thứ, v.v… Ông cũng là một giáo sư giảng dạy âm nhạc uy tín và là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát thánh ca. Ông chính là tác giả đặt lời Việt cho bài Silent Night nổi tiếng.

Việt Nam Minh Châu Trời Đông

Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng

Non sông như gấm hoa uy linh một phương

Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương

Từ nghìn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi

Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời

Máu ai còn vương cỏ hoa

Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà

Giương tay cương quyết ta ôn lời thề ước

Hy sinh tâm huyết mong báo đền ơn nước

Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam

Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam

Nhà Cách Mạng Trương Tử Anh (1914 – 1946)

Ông Trương Tử Anh là người sáng lập và lãnh đạo Đại Việt Quốc Dân Đảng, đồng thời cũng là người khai sáng ra Chủ Thuyết Dân Tộc Sinh Tồn làm kim chỉ nam cho công cuộc tranh đấu.

Ông tên thật là Trương Tử Anh, tên lúc sơ sinh là Trương Kháng, bí danh là Phương, thường được gọi là Anh Cả Phương. Ông sinh năm 1914 (Giáp Dần), là con đầu trong một gia đình có mười người con. Thân phụ là cụ Trương Bội Hoàng; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Miêng. Chánh quán ở thôn Mỹ Thạnh (Trung), xã Hòa Phong, quận Tuy Hòa (Hiếu Xương), tỉnh Phú Yên.Chịu ảnh hưởng của truyền thống gia đình, Ông tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn niên thiếu ở quê nhà. Năm 1934, Ông ra Hà Nội tiếp tục việc học và cũng để nghiên cứu thêm về các triết thuyết, vác chủ nghĩa chính tri. Trong các tiểu luận viết từ năm 1935, Ông khẳng định: “Những triết thuyết, những chủ nghĩa chính trị đương thời đều không thích hợp với dân tộc Việt Nam và đều có sai lầm”.

Ngày 10 tháng 12 năm 1938, Ông công bố một hệ thống tư tưởng về triết học và chính trị, đó là Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Năm 1939, Ông tuyên bố bản Tuyên Ngôn thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng, và được toàn thể các sáng lập viên suy cử làm Đảng Trưởng. Đại Việt Quốc Dân Đảng, chọn Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn làm nền tảng lý thuyết cho công cuộc đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng trẻ tuổi Trương Tử Anh, trong thời gian ngắn, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã xây dựng các cơ sở Đảng ở khắp ba kỳ (Bắc, Trung, Nam) và cả Ai Lao, Cao Miên. Trong thời gian này, Ông bị nhà cầm quyền của thực dân Pháp bắt giữ hai lần, và lần giam thứ hai đã được lực lượng chìm của Đảng giải thoát.

Năm 1944, Ông phái hai Đảng viên cao cấp phối hợp cùng các lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã Nguyễn Xuân Tiếu, Đại Việt Duy Dân Lý Đông A và Đại Việt Dân Chính Nguyễn Tường Tam thành lập một mặt trận duy nhất là Đại Việt Quóc Gia Liên Minh. Tháng 10 năm 1944, Ông củng cố chiến khu Kép (Bắc Giang), thành lập thêm chiến khu và trường Võ Bị Lạc Triệu, nằm giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Tháng 4 năm 1945, Ông chính thức gởi một phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa Dân Quốc, gồm có Nguyễn Tiến Hỷ, Đặng Vũ Trứ, Phạm Khải Hoàn. Phái đoàn nầy còn có nhiệm vụ lo việc hợp nhất giữa các đoàn thể cách mạng Việt Nam lưu vong tại Trung Quốc với Đại Việt Quốc Dân Đảng đang hoạt động trong quốc nội. Cũng trong thời gian nầy, Ông cử nhiều cán bộ vào miền Nam phối hợp với xứ bộ miền Nam thành lập chiến khu và bộ đội An Điền.

Tháng 9 năm 1945, Ông đưa ra kế hoạch bốn điểm nhằm chống lại sự gian trá của Việt Minh Cộng Sản trong việc bầu cử Quốc Hội và thành lập Chính Phủ Liên Hiệp:

1. Phát động phong trào toàn dân bất hợp tác với Việt Minh Cộng Sản.

2. Tách rời Bảo Đại ra khỏi Việt Minh Cộng Sản và vô hiệu hóa Quốc Hội bù nhìn của chúng.

3. Thành lập một Trung Tâm Chính Trị Hải Ngoại để yểm trợ cho cuộc chiến đấu chống Thực Dân và Cộng Sản ở quốc nội.

4. Củng cố các chiến khu, tăng cường khối Quốc Dân Quân, mở rộng địa bàn hoạt động.

Tháng 10 năm 1945, Ông kết hợp các đoàn thể cách mạng Quốc Gia thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đảng. Ông được bầu giữ chức Chủ vụ Tịch, lãnh tụ Vũ Hồng Khanh giữ chức vụ Tổng Thơ Ký, lãnh tụ Nguyễn Tường Tam giữ chức vụ Bí Thư Trưởng. Cùng thời gian này, Ông biệt phái Đồng chí Nguyễn Tôn Hoàn trở về Nam với nhiệm vụ tách rời các lực lượng cách mạng Quốc Gia ra khỏi Mặt Trận Việt Minh, đồng thời cử Tướng Phạm Cao Hùng tăng cường cho Quân Ủy Miền Nam.

Tháng 12 năm 1945, Ông thành lập trường Lục Quân Yên Bái (Chapa- Yên Bái), chiến khu Di Linh ở Thanh Hóa và quy tụ các lực lượng quân sự của các đảng phái Quốc Gia chống Cộng thành lập quân đội của Mặt Trận Quốc Dân Đảng, tức là Quốc Dân Quân. Sau khi gởi phái đoàn ra hải ngoại (hạ bán niên năm 1946) để thành lập Trung Tâm Chính Trị Hải Ngoại, Ông vẫn bí mật hoạt động tại Hà Nội, điều khiển các cơ sở Đảng chiến đấu chống Cộng Sản và Thực Dân, cho đến khi quân đội Pháp tấn công Hà Nội (ngày 19 tháng 12 năm 1946) thì ông bị mất tích.

Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn

Chủ nghĩa DTST dùng các phương pháp phân tích khoa học để tìm hiểu con người với những mối tương quan cơ cấu khách quan trong vũ trụ. Vì không thể thoát ra khỏi các định luật của thiên nhiên, chủ nghĩa nghiên cứu các luật thiên nhiên để biết nó như thế nào, hầu nương theo nó và vận dụng nó để phục vụ cho sự sinh tồn. Chủ nghĩa khảo sát vị trí con người trong vũ trụ, bản chất con người, động cơ thúc đẩy con người hoạt động, và các điều kiện hoạt động.

Con người là một tổng thể thuần nhất gồm thể xác và tâm hồn trộn lẫn nhau một cách chặc chẽ với sự tương quan mật thiết giữa những hoạt động tâm lý và sinh lý. Chủ nghĩa đi từ bản năng gốc rễ của con người là bản năng sinh tồn, nó là động lực tự nhiên thúc đẩy con người hoạt động mà trong đó chính yếu là sự trộn lẫn và quấn quyện của ba bản năng phía dưới và phía trong là: bản năng vị kỷ, bản năng tình dục và bản năng xã hội. Ba bản năng này đi từ việc phục vụ sự sinh tồn của cá nhân, để từ đó sự sinh tồn của chủng loại được phát huy và hình thành một sự kết hợp để có sức mạnh bảo vệ sự sinh tồn của tập thể.

Ba bản năng này luôn luôn tương tác để tạo ra mô hình thích hợp nhất cho từng hoàn cảnh không gian và thời gian hầu phục vụ một bản năng duy nhất là bản năng sinh tồn. Mục đích của sự hiện hữu của con người trên quả địa cầu này là để sống, để sinh tồn, duy trì và phát huy sự sinh tồn. Do đó, ta không ngạc nhiên khi sự sinh tồn của dân tộc bị đe dọa thì bản năng vị kỷ, nghĩa là vì mình, lấy mình làm trung tâm cho mọi ứng xử, sẽ trở thành vị tha và liều chết để bảo vệ, như Hội Nghị Diên Hồng đời nhà Trần.

Bản năng vị kỷ luôn biến hóa theo sự tương tác với môi trường bên ngoài, cùng hai bản năng tình dục và xã hội bên trong. Nó giống như vòng điện quang bao phủ chung quanh mỗi người. Vòng hào quang này sáng chói khi bản năng vị kỷ tiến lên vị tha như những bậc chân tu, những vị lãnh đạo vì dân vì nước v.v… Nó sẽ nhỏ nhoi hay mờ yếu nếu bản năng vị kỷ thụt lùi thành ích kỷ. Nếu nó tắt lịm thì người quá ích kỷ thường đi tìm cái chết bằng sự tự tử như những người nhảy lầu hay treo cổ khi thua chứng khoán hay bị mất đi khối tài sản mà họ coi là không có gì quý hơn.

Muốn sinh tồn con người phải tranh đấu. Để chiến thắng trong sự tranh đấu thì phải có sức mạnh, phải biết biến cải để thích ứng và tạo ưu thế trong môi trường tranh đấu, và phải biết hợp quần để làm nên sức mạnh áp đảo của tập thể. Hợp quần trong phạm vi dân tộc là hình thức hợp quần vừa phải nhất và hợp lý nhất mà lịch sử loài người chứng minh là đã thực hiện được một cách tốt đẹp.

Từ các bản năng sinh tồn này, dân tộc xây dựng nó lên thành các định chế chính trị và xã hội, để vừa phát huy sự sinh tồn vừa điều tiết những bản năng, để con người không trở thành thú dữ và xây dựng được nếp sống văn minh. Thí dụ như từ bản năng tình dục con người xây dựng những định chế về gia đình, từ bản năng vị kỷ con người xây dựng những định chế về quyền tư hữu, về thuế khóa v.v.., từ bản năng xã hội con người xây dựng những định chế về sự lập hội, về tôn giáo, về nghiệp đoàn, về chính đảng, về xã hội công dân, xã hội dân sự. Chủ nghĩa cộng sản phủ nhận các bản năng của con người, tiêu biểu nhất là bản năng vị kỷ, cho nên nó tước đoạt quyền tư hữu, vẽ ra một xã hội không tưởng, một con đường đi không đến của thiên đường mù và tạo sự đau khổ cho nhân loại mà chúng ta đã và đang chứng kiến.

Dân tộc là sự quy tụ của khối đông người một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử, dù cho có cùng hay khác sắc tộc và huyết thống, có một ngôn ngữ chung được chấp nhận, có nếp sinh hoạt văn hóa giống nhau và những phong tục tập quán như nhau. Ngoài ra còn có các yếu tố tinh thần là lịch sử, với sự đồng lao cộng khổ, cùng nhau trong quá khứ tranh đấu để sinh tồn, tạo nên tình tự quê hương và dân tộc, giữ cho sự đoàn kết càng thêm bền chặt, và quan trọng hơn hết là có cùng ước vọng cho một vận mệnh tương lai chung.

Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn có thể được tóm tắt với các câu thơ đơn giản sau đây:

“Sinh Tồn nguồn gốc Bản Năng

Trong ba tiểu bản giảm tăng môi trường

Bản Năng Vị Kỹ đo lường

Bản Năng Tình Dục nối đường cháu con

Bản Năng Xã Hội sắc son

Dân ta Tranh Đấu giữ non nước nhà

Muốn thắng thì phải có ba

Sức Mạnh, Biến Cải, thiết tha Hợp Quần

Văn minh định chế không ngừng

Phát huy Dân Tộc thắm nhuần Bản Năng”

GS Nguyễn Ngọc Huy

Nói đến Ðảng Tân Ðại Việt mà không nhắc đến cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) là một thiếu sót lớn …

Tên thật: NGUYỄN NGỌC HUY

Bí danh: HÙNG NGUYÊN

Bút hiệu: Đằng Phương và nhiều bút hiệu khác

A. Chi tiết cá nhơn:

– Sanh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Chợ Lớn (Nam Việt). Nhưng quê chánh thuộc làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (Nam Việt Nam).

– Qua đời: 9 giờ 30 tối (giờ Paris, Pháp Quốc) ngày 28-7-1990 tại Paris, Pháp Quốc.

Văn bằng:

– 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế, Viện Đại Học Paris. Luận án: ” Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”

–  1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế, Viện Đại Học Paris. Luận văn: “Lễ trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thờ”.

–  1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.

–  Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị (Ban Bang Giao Quốc Tế), Viện Đại Học Paris.

–  Tự học thi đậu bằng Tú Tài.

–  Tốt nghiệp Ban Cao đẳng Tiểu Học ở trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký.

  B. Chức vụ:

Trong Ngành Giảng Huấn:

-Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Viện Đại Học Harvard).

-1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở:

Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn.

Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội, Viện Đại Học Cần Thơ.

Trường Đại Học Sư Phạm, Viện Đại Học Sài Gòn.

Trường Đại Học Luật Khoa, Viện Đại Học Huế.

Các Trường Đại Học tư: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí…

Đồng thời, giảng viên ở:

Trường Cao Đẳng Quốc Phòng

Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp.

Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.

-1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội, Viện Đại Học Cần Thơ. Năm 1968 từ chức Khoa Trưởng để tham dự phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc Hòa Đàm Paris, Pháp Quốc.

Trong Chánh Quyền:

– 1973: Nhơn viên phái đoàn V.N.C.H. tham dự cuộc thương thuyết La Celle Saint Cloud, Pháp Quốc.

– 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn V.N.C.H. tham dự Hòa Đàm Paris Pháp Quốc.

– 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.

– 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.

C. Hoạt Động Chánh Trị:

– Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do.

– Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.

– 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội, một mặt trận gồm sáu chánh đảng đối lập theo xu hướng dân chủ.

–  1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.

–  1964-1990: Cùng một số đồng chí đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng Xứ Bộ Miền Nam thành lập đảng Tân Đại Việt và là thủ lãnh đảng này, cả trong thời gian lưu vong ở Hoa Kỳ từ năm 1975 cho đến khi qua đời ở Pháp năm 1990.

–  1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng; nhơn viên Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương của đảng từ năm 1948.

Tưởng Lục:

–  WHO’S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.

–  Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao cho một trong các luận án xuất sắc nhất trong niên học 1963-1964.

Chuyên Môn:

–  Luật: Luật Hiến Pháp

–  Chánh Trị Học: Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.

–  Ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Hán văn.

  Đã xuất bản:

 Sách:

–  Tiếng Việt:

1.       BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).

2.       DÂN TỘC HAY GIAI CẤP-

3.       NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH THẾ GIỚI (4 tháng đầu năm 1990), Mekong-Tỵnạn, San Jose, Hoa Kỳ, 1990.

4.       QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A, trong trọn bộ 8 quyển), Việt Publisher, Canada, 1990

5.       CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.

6.       HỒN VIỆT, thơ, Đuốc Việt, Sài Gòn, Việt Nam, 1950, Thanh Phương Thư Quán tái bản ở Paris, Pháp Quốc, năm 1984 và ấn bản thứ ba ở San Jose, Hoa Kỳ, năm 1985.

7.       HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.

8.       LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ (2 quyển), Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.

9.       ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch ra Việt ngữ Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.

10.    DÂN TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được san định, bổ túc, biến cải, khai triển, hệ thống hóa, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do và dân chủ hợp hiến, (2 quyển), Đại Việt Quốc Dân Đảng, Sài Gòn, 1964.

Cùng viết với Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):

11.    Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.

12.    HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1992.

– Tiếng Pháp:

13.    POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L’EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.

–  Tiếng Anh:

14.    Cùng viết với Tạ Văn Tài và Trần Văn Liêm:

THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987.

15.    A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.

16.    PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990.

Cùng viết với Stephen B. Young (2 cuốn 17 và 18 trong danh sách này)

17.    UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.

18.    THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.

Báo:

1.       Nguyệt San Tự Do Dân Bản, Hoa Kỳ, 1981…

2.       Nhựt Báo Cấp Tiến, Sài Gòn 1968…

3.       Nguyệt San Cấp Tiến, Sài Gòn 1968…

Sẽ xuất bản:

SÁCH: Công trình được ghi nhận sẽ ấn hành gồm một số đã hoàn tất chưa ấn hành và một số đang viết:

19.    THUA LÀ GIẶC: Dịch từ nguyên tác Anh văn “LOSERS ARE PIRATES” của James Banerian.

20.    PHÊ BÌNH NHƠN VẬT TRONG TAM QUỐC CHÍ, TÂY HÁN CHÍ, ĐÔNG CHÂU LIỆT QUỐC.

21.    LỊCH SỬ TRANH ĐẤU CHO ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM TỪ GIỮA THẾ KỶ THỨ 19.

22.    TÁI THIẾT CƠ CẤU HAY SỰ TRẢ THÙ CỦA CHỦ NGHĨA MARX ĐỐI VỚI CHỦ NGHĨA LENIN.

Loại Di Cảo:

Đã xuất bản:

23.    DI CẢO I: VẬN ĐỘNG QUỐC TẾ YỂM TRỢ VIỆT NAM TỰ DO (Phát hành vào ngày truy điệu cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại San Jose State University, San Jose, USA, 26-8-1990), Mekong-Tỵnạn, Hoa Kỳ, 1990.

24.    DI CẢO II: NHỮNG LỜI CUỐI CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY (Phát hành đúng ngày giỗ đầu cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới, 28-7-1991), Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.

25.    DI CẢO III: TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH QUỐC KỲ VÀ QUỐC CA VIỆT NAM – VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP TRUNG LẬP (Phát hành nhân ngày giỗ thứ hai cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, 28-7-1992), Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1992.

26.    DI CẢO IV: CHUNG QUANH VIỆC VIỆT NAM CỘNG HÒA SỤP ĐỔ HỒI THÁNG 4-1975 (Phát hành đúng ngày giỗ thứ ba cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, 28-7-1993), Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1993.

27.    DI CẢO V: BẢN CHẤT CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM… &…VẤN ĐỀ XÃ THÔN TỰ TRỊ… (Phát hành đúng ngày giỗ thứ tư cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, 28-7-1994), Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1994.

28.    DI CẢO VI: NHỮNG HÀNH ĐỘNG PHẠM PHÁP TRONG TRUYỆN KIỀU XÉT THEO LUẬT PHÁP CỔ VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA (Phát hành đúng ngày giỗ thứ sáu cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, 28-7-1996), Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1996.

29.    DI CẢO VII: TÊN HỌ NGƯỜI VIỆT NAM (Phát hành đúng ngày giỗ thứ tám cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, 28-7-1998), Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1998.

Hiến Chương

Lời Nói Ðầu của Hiến Chương Tu Chính 2103:

            “Áp dụng xu hướng biến cải trong chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, những chiến sĩ Đại Việt Quốc Dân Đảng có tinh thần Cấp Tiến đã quyết định thành lập Đảng Tân Đại Việt ngày 14.11.1964 để tiếp tục tranh đấu cho thích ứng với tình thế mới.

            Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, Đảng Tân Đại Việt chủ trương bên trong  thay thế lãnh tụ chế bằng tập thể lãnh đạo, và bên ngoài, liên kết rộng rãi với các lực lượng chánh trị Quốc Gia để chống Cộng và xây dựng dân chủ.

Từ 1964 đến 1975, sau hơn 10 năm hoạt động, Đảng đã đóng góp quan trọng vào các sinh hoạt chánh trị tại Miền Nam Việt Nam và cũng đã nhiều lần mở rộng hàng ngũ, phát triển đảng viên ồ ạt khi gặp hoàn cảnh thuận lợi.

Từ 1975 đến nay (2013), sau 38 năm kiên trì hoạt động cho tự do dân chủ cho Việt Nam, đặc biệt là ở hải ngoại, các đảng viên Đảng Tân Đại Việt luôn hăng say đóng góp khả năng một cách bán công khai, qua các tổ chức quần chúng khác nhau.

            Khởi đầu thập niên 2010, thế giới chứng kiến sự thức tỉnh của hạ tầng quần chúng trong các chế độ, dù dân chủ hay độc tài, một xu hướng biến cải toàn cầu của người dân trong Thời Đại Thông Tin, mà kiến thức là quyền lực và các chính quyền độc tài đã và đang mất dần khả năng che đậy và tuyên truyền.

            Do đó, Tân Đại Việt vốn là một Đảng được tổ chức theo nguyên tắc bí mật đã chuyển hướng hoạt động như một Đảng bán công khai và sau đó chính thức công khai, từ một Đảng cán bộ lần lần trở thành một Đảng quần chúng.

            Một giai đoạn lịch sử đã qua…

Trước tình thế mới, với những nhu cầu mới, Đảng Tân Đại Việt lại phải biến cải một lần nữa.

            Vì vậy ĐẠI HỘI ĐẢNG ngày 27/09/2013 đã chấp nhận và ban hành Hiến Chương Tu Chính 2013 để áp dụng thay cho Hiến Chương 1974, Tu Chính 1982 và Tu Chính 1993.

            Kèm theo Hiến Chương Tu Chính 2013, Ban Lãnh Đạo nhiệm kỳ 2013-2017 sẽ biểu quyết chấp thuận và ban hành một bản Đảng Quy mới, ấn định những quy tắc thi hành Đảng vụ cho các Cấp Bộ và toàn thể Đảng viên, theo đúng tinh thần của Hiến Chương Tu Chính 2013.

Hiến Chương Tu Chính 2013 đánh dấu sự trưởng thành của Tân Đại Việt, mang lại cho Đảng một định chế mới để thực hiện việc năng lực hóa hàng ngũ, khoa học hóa tổ chức, hữu hiệu hóa lãnh đạo, nghiêm minh hóa kỷ luật và thích hợp hóa Đảng với môi trường mới của Thời Đại Thông Tin, giúp cho Đảng sớm hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.

– Đảng Tân Đại Việt nhứt định phải thành công.

– Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn nhứt định phải được thực hiện hoàn hảo.

– Việt Nam dân chủ pháp trị, hòa bình, độc lập, thống nhứt, phú cường muôn năm.”

 

Thơ Đằng Phương: Nhớ thuở tung hoành

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ

Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa

(Thế Lữ)

Đang vui sống thảnh thơi ngoài ánh sáng

Bỗng lọt vào trong bóng tối âm u,

Hồn nước Việt giữa ưu sầu chĩu nặng,

Mãi căm hờn nhớ tiếc quãng đời xưa.

Nào đâu thuở vung gươm xua giặc Bắc

Quét sạch quân cường địch đến xăm lăng?

Và đâu thuở phá núi rừng dầy đặc

Tiến về Nam, mở rộng cảnh giang san?

Nào đâu thuở lẫy lùng xây nghiệp bá,

Khắp phương Nam Đông Á mặc tung hoành?

Và đâu thuở quốc kỳ bay khắp ngã

Tiếng âu ca vang dậy khắp đô thành?

Ôi! Đời sống vẻ vang oanh liệt cũ

Mãi hiện về như một giấc mơ tươi.

Nó khiêu gợi biết bao nhiêu thống khổ

Và khơi sâu niềm uất hận khôn nguôi!

Nghe hồn nước mãi than van thảm thiết

Thử hỏi ai không xúc động tâm tình?

Bởi cớ đó cả toàn dân giống Việt

Trong lửa binh thảy quả quyết băng mình.

Họ đã nguyện nắm tay nhau chiến đấu

Cho đến ngày thấy lại ánh vinh quang,

Dù có phải lấy núi xương sông máu

Đắp tự do độc lập cũng không màng.

Hỡi hồn nước mãi ngậm ngùi than thở!

Giống Lạc Hồng đang cố gắng hy sinh

Để khôi phục những ngày vui rực rở,

Hãy an lòng chờ đợi ánh bình minh.

 

 

Koh Kong-Lưỡi Bò che lấp nẽo quê hương – Lê Minh Nguyên

Cảng nước sâu Koh Kong đang được Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân. Phó tổng thống Mike Pence được dự trù sẽ lên tiếng trong chuyến đi dự thượng đỉnh ASEAN ở Singapore và APEC ở Papua New Guinea giữa tháng 11/2018 này. Tuần qua trong cuộc họp 2+2 ở Washington, Mỹ yêu cầu TQ gỡ bỏ tên lửa ở Biển Đông.

Vùng Vịnh Thái Lan đang yên bình không có tranh chấp, nay TQ xây dựng căn cứ hải quân tạo thế địa chiến lược ở phía chót của lưỡi bò để tạo vùng liếm và quấn chặc Việt Nam, coi như không còn đường ra biển lớn.

Với kinh Kra dài trên 100 cây số, rộng gần nửa cây số và sâu 25 thước nước mà TQ đang làm việc với Thái Lan để xây dựng với chi phí khoảng 30 tỷ đôla, nó giúp cho TQ cắt ngắn được 1,200 cây số hành trình qua cổ chai Malacca mà Sing và HK kiểm soát, coi như chinh phục được toàn bộ vùng biển thông qua Ấn Độ Dương. Koh Kong nằm ngay một đầu của kinh Kra này.

Căn cứ Koh Kong đưa hẳn Cam Bốt vào vòng tay TQ và HK coi như hoàn toàn thất bại ở quốc gia này dù hai viện phát triển dân chủ của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ (IRI và NDI) đã nổ lực giúp đỡ cũng như HK viện trợ trong hơn hai thập niên qua. CB nay đã trở thành một tân thuộc địa của TQ.

Cam Bốt đã nhượng cho TQ 45,000 hecta để xây cảng Koh Kong này qua công ty TQ Tianjin Union Development Group (UDG) với 99 năm thuê, nó chiếm 20% vùng bờ biển của CB. Tianjin đầu tư $3.8 tỷ đôla dưới danh nghĩa khu du lịch Dara Sakor Beachside Resort. Nhưng trong kế hoạch tổng thể (master plan) nó là vùng tự trị, nhượng địa cho TQ.

Nghị hội Tư vấn Nhân dân TQ (Chinese People’s Consultative Congress) coi đây là một phần của đại kế hoạch Vành Đai Con Đường của TQ. Cơ quan Thống nhất Công tác (United Front Work Department) của Đảng CSTQ trách nhiệm việc hành xử quyền lực mềm (soft power) cùng các công tác tình báo và tuyên truyền cho Koh Kong và vùng chung quanh.

Cảng Koh Kong sẽ gây áp lực lên Vịnh Cam Ranh của VN, tạo cho VN thế khó nếu muốn đi về phía HK hay va chạm với TQ ở Trường Sa.

Xiong Bo, đại sứ TQ ở CB đã rời nhiệm sở giữa tháng 10/2018 vừa qua để làm đại sứ ở VN. Liệu ông có đem mô hình Koh Kong để áp dụng ở VN? Liệu dự luật ba đặc khu sẽ được làm sống lại sau khi ông qua?

15/11/2018

 

Sự Thức Tỉnh Của Hoa Kỳ – Nguỵ Kinh Sinh/Lê Minh Nguyên dịch

Các sự kiện xảy ra, từ việc khởi thủy có hơi do dự của Tổng thống Trump trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cho đến bài phát biểu gần đây của Phó Tổng thống Pence, cho thấy người Mỹ đã thực sự bắt đầu thức dậy. Như Phó Tổng thống Pence nói, hầu hết người Mỹ đã có những mong muốn đầy thiện chí trong quá khứ, nghĩ rằng giúp TQ phát triển nền kinh tế của họ có thể đồng thời thúc đẩy TQ tiến tới dân chủ tự do. Nhưng bây giờ thực tế thì ngược lại. Không chỉ chế độ CSTQ không cho dân nuớc họ được tự do, mà còn gây nguy hiểm nghiêm trọng cho hệ thống dân chủ tự do và kinh tế của Hoa Kỳ.

Ở đây đơn giản không phải là vấn đề thâm hụt mậu dịch mà là câu chuyện ngụ ngôn về nguời nông dân và con rắn của ông Aesop (nguời nông dân thấy con rắn bị đóng băng nên cứu nó, bỏ vào túi cho nó ấm, khi nó sống lại nó cắn chết người nông dân). Sự phát triển kinh tế của chế độ CSTQ không làm cho người dân TQ có tự do và thịnh vượng, mà còn làm xói mòn sự tự do và thịnh vượng của Hoa Kỳ, và đã lấn tiến hơn nữa để can thiệp vào chính trị HK trong nỗ lực kiểm soát chính sách của HK. Đây thực sự là cuộc chiến tranh lạnh, là nơi ý thức hệ xác định mối tuơng quan thù địch giữa hai bên. Nó vẫn luôn là như thế.

Về mặt này, thì Đảng CSTQ luôn nói lên sự thật. Mục tiêu cuối cùng của họ là để đánh bại chế độ dân chủ tự do của phương Tây và thiết lập chế độ độc tài toàn cầu. Cuộc xung đột của họ với dân chủ tự do là xung đột có tính cách sống chết. Ngay cả chiến lược của Đặng Tiểu Bình về “ẩn mình che giấu khả năng và giả vờ yếu đuối” cũng là một sự lừa bịp tạm thời. Ẩn ý của tuyên bố này là cuối cùng phải đánh bại người khác.

Hiện thời, hai câu chuyện rất phổ biến ở phương Tây là ‘Sự đụng độ giữa các nền văn minh’ (Clash of Civilizations) của Samuel Huntington và bẫy Thucydides Trap (chiến tranh giữa Sparta và Athens. Sparta ngự trị, Athens trừng lên. Sự nghi ngờ và lo sợ đưa đến chiến tranh). Clash of Civilizations thì quá hàn lâm (academic), có tính trung dung và cân đối vì các học giả không muốn xúc phạm người khác. Thucydides Trap không thực sự làm rõ vấn đề, mà chỉ nói lên hiện tượng bề mặt. Trong thực tế, mâu thuẩn thực sự là do tranh chấp giữa các hệ thống xã hội, tranh chấp giữa các ý thức hệ, tranh chấp quyền lực cá nhân.

Ở khía cạnh này, lịch sử phương Tây không phải là điển hình. Vì vậy, khi người phương Tây nói về nó như là sự đụng độ giữa các nền văn minh, thì đã đi vào chiều sâu của câu chuyện. Trong thực tế, tranh luận về sự đụng độ giữa các nền văn minh và thuyết Thucydides Trap, tất cả huớng về kết quả chứ không phải huớng về nguyên nhân. Lịch sử tiền nhà Tần ở Trung Quốc, hay lịch sử về sự hình thành dân tộc Hán ở Trung Quốc, điển hình cho thấy các tranh chấp hệ thống xã hội được xác định bởi ý thức hệ mới là nguyên nhân gốc rễ để quyết định lịch sử.

Ba ngàn năm trước ở Trung Quốc, người Hoa Hạ (Huaxia) là các sắc dân thiểu số với các hệ thống chính trị khác nhau đến từ phương Tây và bị bao quanh bởi một sắc dân đa số và hùng mạnh được gọi là văn hóa Di. Trái ngược với lý thuyết phổ biến trong giới học giả phương Tây gồm cả Karl Marx, cho rằng nền tảng kinh tế xác định hệ thống chính trị (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc), về mặt kinh tế và công nghệ thì các nuớc Hoa Hạ không có lợi thế mà hoàn toàn bất lợi, đặc biệt là trong nhiều công nghệ quan trọng.

Tuy nhiên, vì hệ thống chính trị của họ mang tính nhân đạo và thuận lợi hơn cho sự thống nhất nội bộ của họ, trong đó bao gồm sự bình đẳng và tự do hơn cho những nguời nô lệ mà họ bắt được, họ dần dần mở rộng ra trong cuộc đấu tranh với những người man rợ xung quanh và cuối cùng họ hình thành người Hán, nhóm dân tộc lớn nhất thế giới. Người Hán hấp thụ và hòa nhập những kỹ năng và trí tuệ của tất cả các nền văn minh khác, gồm cả tài năng con người, và do đó đã phát triển trong hơn hai nghìn năm. Lịch sử này rất giống với nước Mỹ hiện nay.

Hệ thống giá trị của lòng nhân từ, sự công bình, lịch sự, trí tuệ và uy tín được tóm luợc bởi Khổng Tử, gọi là giá trị phổ quát ngày nay. Giá trị phổ quát này rất phù hợp với nhân loại nên là lý do cơ bản cho quốc gia Hoa Hạ phát triển từ nhỏ ra to. Đây cũng là lý do cơ bản cho sự phát triển của hệ thống dân chủ Mỹ từ nhỏ đến lớn. Kinh tế, quân sự và văn hóa v.v.. chỉ là các sản phẩm phụ của sự phát triển hệ thống chính trị.

Nhưng, ý thức hệ và hệ thống chính trị của Đảng CSTQ lại là hệ thống giá trị và chế độ nô lệ mà từ lâu người phương Tây đã loại bỏ. Người Mỹ thì có thể rộng luợng để cho nó tồn tại (ở TQ), nhưng Đảng CS thì không tha thứ cho sự tồn tại của dân chủ và tự do. Chế độ CSTQ đã chính xác thấy sự xung đột cơ bản giữa hai nền văn minh. Họ không rộng luợng cho dân chủ và tự do ở TQ, nên họ cũng không rộng lượng cho dân chủ và tự do quốc tế.

Sự không khoan dung này là vì cái thế giới do hệ thống chính trị nhân đạo hơn tạo ra sẽ là mối đe dọa cơ bản cho hệ thống nô lệ. Sự hấp dẫn của các giá trị phổ quát là động lực thuờng trực cho nô lệ trốn thoát và tìm kiếm tự do. Những giá trị này đã là mối đe dọa cơ bản cho hệ thống nô lệ kể từ thời cổ đại.

Người nông dân tốt bụng cuối cùng cũng nhận ra bản chất của con rắn. Đó là sự khởi đầu không để cho bị rắn cắn trong tương lai. Người Mỹ cuối cùng cũng đã nhận ra rằng một hệ thống nô lệ không thể cùng tồn tại với dân chủ và tự do. Cảm ơn Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence vì đã nói với người dân Mỹ về bản chất của những con rắn.

http://bit.ly/2pUpgei

 

 

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:

Nhìn về chốn cũ mà đau,

Lương tâm, nhân tính từ lâu không còn.

Cóc cuối tuần:

Quê Mình Giờ Thế Đó

Trăng nhỏ giọt trên mái đầu bạc phếch,

Người già ngồi, ngốc nghếch ngước nhìn mây.

Quanh gót chân vương vãi đống báo ngày

Đầy tin tức đắng cay từ quê mẹ.

Lòng muốn khóc, nhưng mắt không còn lệ,

Thoáng nhìn quanh rồi lặng lẽ cúi đầu,

Cắn chặt môi, đè nén chuỗi thương đau

Đang cuồn cuộn tranh nhau gầy giông gió.

       X   X  

          X   

Trời đất hỡi, quê mình giờ thế đó,

Chỉ mới vừa nhuộm đỏ mấy mươi năm,

Mà đã thành một địa ngục tối tăm,

Thành hang ổ bọn phi cầm phi thú.

Đất nước Việt, nhưng giặc Tàu làm chủ,

Đám cầm quyền chỉ là lũ gia nô,

Vâng lệnh ngoại bang, hành động điên rồ,

Theo vết của tên tội đồ dân tộc.

Vét tiền bạc chuyển dần ra ngoại quốc,

Đẩy cháu con đi “du học” xứ người,

Học hành gì, toàn chỉ có ăn chơi,

Sắm xe cộ, tậu cơ ngơi khắp chốn.

Để chuẩn bị sẵn sàng nơi ẩn trốn,

Sau khi Tàu xâm chiếm trọn quê cha,

Chẳng điều gì dẫu hèn mạt xấu xa,

Mà chúng chịu buông tha hay từ bỏ.

Nhưng lớn nhất là tội làm sụp đổ

Cả một nền đạo đức tổ tiên ta

Đã hy sinh dốc xương máu mình ra

Để gầy dựng cho nước nhà thuở trước.

Nhìn tư cách của người dân một nước,

Thì ít nhiều cũng biết được rồi đây,

Xứ sở này sẽ nhẹ bước cao bay,

Hay sớm muộn cũng có ngày xóa sổ.

Ngắm quê cũ, lòng càng thêm xấu hổ,

Đạo đức dân mình xuống hố thật nhanh,

Từ đám già cho đến lũ trẻ ranh,

Đâu cũng thấy toàn gian manh độc ác.

Vì tổ quốc biểu tình thì lác đác,

Nhưng hùa đi đại nhạc hội thì đông,

Mặc cho Tàu dần chiếm đoạt non sông,

Miễn mình được nghe văn công hò hét.

Rồi lớn bé xuống chật đường gào thét, 

Nhảy cẫng lên mừng kết quả trận banh,

Nhưng trong khi đất nước mẹ tan tành,

Vẫn lãnh đạm làm thinh không nhúc nhích.

Kéo nhau đi du lịch,

Giở lắm trò lố bịch, lưu manh,

Vào xứ người mà ăn cắp như ranh,

Trơ trẽn lộ toàn hành vi bỉ ổi.

Về giáo dục, nói ra càng tức tối,

Học sinh thì gian dối đến thành tinh,

Đám thầy bà càng đáng rủa đáng khinh,

Còn xảo trá hơn học sinh vạn bội.

Điểm qua các thành phần trong xã hội,

Bắt đầu từ cán bộ tới dân đen,

Từ “giáo sư”, “tiến sĩ” tới phu phen,

Đâu cũng chỉ xem đồng tiền trên hết.

Khi đạo đức bị hoàn toàn hủy diệt,

Và lương tâm cũng biền biệt ra đi,

Thì chẳng cần phải có phép tiên tri,

Cũng biết rõ được cái gì sẽ đến.

                                  X   X

                                     X

Chạnh nhớ lại lời thề khi vượt biển,

Tiếng sụt sùi đêm tách bến ra khơi,

Mới đây thôi đã mấy chục năm rồi,

Lòng già bỗng thấy bồi hồi vô hạn.

Nhìn một số người mang danh “tỵ nạn”,

Lại càng thêm buồn nản lẫn xót xa,

Kẻ “thăm quê”, kẻ du lịch “dối già”,

Kẻ “từ thiện”, kẻ về “ra mắt sách”.

Nhặt đống báo, vất vô thùng cái toạch,

Miệng lầm bầm tự than trách khôn nguôi,

Lối quê nhà đà vĩnh viễn xa xôi,

Chút hy vọng nhỏ nhoi đành lịm tắt.

Trạm xe buýt, ánh đèn mờ hiu hắt,

Khác chi đời kẻ ngắc ngoải tha phương,

Đã đến chặng cuối đường,

Còn phải khóc nhìn quê hương sắp mất.

                                    Cali, 11/2018

 

Hiệp định thương mại Âu Châu-Việt Nam và nhân quyền  –  Nguyễn Bá Lộc

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên Hiệp Âu châu (European Union,EU) và Việt Nam là một Thỏa hiệp Mậu dịch và Đầu tư quốc tế quan trọng cho cả hai bên (gọi tắt là EVFTA). Đây là HĐ toàn diện và tiến bộ, vừa giúp phát triển kinh tế vừa phát triển xã hội. EVFTA cùng với TPP là hai mô hình mới đầy đủ về hợp tác kinh tế thế giới hiện nay.

Dù cả hai bên cùng muốn thực hiện, nhưng HĐ bị kéo dài gần 6 năm. Một trong các lý do là vấn đề Nhân quyền tại VN. Một vấn đề EU quan tâm nhứt trong thương mại quốc tế với VN, một đối tác có tình trạng  nhân quyền rất tồi tệ trên luật lệ, nguyên tắc lẫn trên thực tế .

Ngày 17 -10- 2018  vừa qua, Ủy Ban EU ( EU Trade Commission) thông qua Bản dự thảo. Nhưng chỉ mới là bước đầu, còn hai bước nữa phải được chấp thuận và chuẩn phê để có hiệu lực chánh thức.

I.Khái lược về Nhân quyền trong Mậu dịch tự do

Phong trào Toàn cầu hóa (Globalization, TCH) phát triển mạnh mẽ từ khoảng 50 năm nay. Theo  Ngân hàng thế giới (World Bank ) nhờ phong trào nầy mà kinh tế thế giới phát triển tốt hơn và ổn định hơn. Nhờ TCH hàng hóa giao dịch trên toàn cầu từ 1955 tới nay tăng hơn 100 lần (theo Financial times) . Và cũng nhờ Phong trào nầy mà dân chúng tại nhiều nước nghèo và chưa mở mang có đời sống khá hơn, tiếp thu khoa học kỹ thuật nhiều hơn . Tuy nhiên, TCH cũng có một số điều không tốt trên phương diện đạo đức chánh trị và xã hội học. Nhứt là nông dân và tiểu doanh nghiệp, vì phải cạnh tranh khó khăn với sản phẩm ngoại quốc. Đồng thời sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới càng ngày càng lớn hơn. Vì vậy , để cải thiện, các Tổ chức quốc tế , nhiều chánh khách , nhà nghiên cứu của các nước Âu châu và Hoa kỳ đã đóng góp một số điều kiện , một số ràng buộc về Nhân quyền , về Tự do dân chủ trong các Hiệp định Thương mại quốc tế. Mục tiêu chánh yếu của FTA (Fee Trade Agreement) là Mậu dịch và Đầu tư ngoại quốc. Các điều khoảng về Dân chủ, Dân quyền và Nhân quyền mặc dù không quan trọng bằng , nhưng có qui định thành luật và các bên của HĐ phải tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị chế tài.

Các HĐ về Mậu dịch tự do đều dựa trên nguyên tắc của Kinh tế thị trường tự do (Fee market Economy). Chánh quyền can thiệp rất giới han.  Dân chúng có quyền tham dự và đóng góp vào các giai đoạn từ làm luật đến thi hành luật.

EU chú trọng nhứt vế sự bảo vệ Nhân quyền và Tự do trong Mậu dịch quốc tế. Cũng như Hoa kỳ, EU chủ trương phát triển kinh tế phải công bằng và bền vững. Con người là chủ thể quan trọng nhứt trong phát triển kinh tế.

Trong hơn 20 năm qua, các HĐ Mậu dịch quốc tế có tiến bộ lần lần , kể từ Tổ chức Mậu dịch toàn cầu (WTO) ra đời cho tới gần đây, nhứt là HĐ TPP (Xuyên Thái bình dương) và giờ là EVFTA. Ngoại trừ các HĐ do TQ dẫn đạo thì không buộc điều kiện Nhân quyền.

Đối với VN Hội nhập toàn cầu là điều bắt buộc và là một ý muốn rất mạnh, là vấn đề sanh tử. Vì kinh tế trong nước quá yều kém, nhứt là khu vực quốc doanh.  VN đã Hội nhâp toàn cầu rất sớm sau khi đổi mới kinh tế. VN đã ký nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia. Hiệp định Thương mại với EU đang thảo luận là một HĐ rất quan trọng đối với VN. Riêng về xuát cảng, Âu châu là thị trường lớn thứ hai của VN, sau Hoa kỳ.

II.Tóm tắt Hiệp định Thương mại Âu châu – VN (EVFTA)

Hiệp định Thương mại VN- Âu châu có tên là Europe- Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA). Hai bên, Việt Nam và Liên hiệp Âu châu ( với 28 quốc gia) bắt đầu thương thảo từ 2012.  Hy vọng sẽ ký kết vào 2016. Nhưng rồi cứ lùi lại mãi tới tới tháng 10 vừa qua. Vấn đề Nhân quyền của VN là nguyên chánh của trở ngại.

1/Tiến  trình của EVFTA

EU và VN đã đưa ra vấn đề Thỏa hiệp Thương mại tự do (EVFTA), từ 2012. Dự thảo đã xong vào tháng 8/2015. Sẵn sàng để Ủy ban mậu dịch Âu châu biểu quyết dự trù trong năm 2016. Nhưng lịch trình không thực hiện đươc, vì trong hai năm qua tình trạng Nhân quyền ở VN càng tồi tệ hơn. Ủy Ban EU bị nhiều phản đối từ các Nghị sĩ cũng như từ các cơ quan nhân quyền. Cả các quốc gia trong EU đều không thuận lợi. Mãi đến ngày  17 tháng 10, 2018 Ủy ban EU biểu quyết chấp thuận, sau khi VN dự các buổi điều trần để trả lời về Nhân quyền và VN phải cam kết rõ ràng sẽ cải sửa Nhân quyền và một số điều khoảng khác về luật lệ cũng như về việc thi hành luật. Phái đoàn VN có cả Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc đến Bỉ hổ trợ. Qua được cửa ải đầu tiên VN rất phấn khởi.

Theo thủ tục khi Ủy ban mậu dịch EU chấp thuận sẽ đưa quyết định lên Hội đồng Âu châu (European Council,EC) để quyết định vào cuối năm nay. Và sau đó sẽ phải qua sự chuẩn phê của Nghị viện Âu châu (European Parliament) vào năm tới, có lẽ trước tháng 5, vì sau tháng 5 sẽ có Nghị viện mới.Đó là thủ tục của HĐ về Mậu dịch. Còn về Đầu tư thì phải qua sự quyết định của EC, rồi qua sự chuẩn phê của Quốc hội của các thành viên EU, với 28 quốc gia. Sau đó mới tới sự chuẩn phê của Nghị viện Âu châu.

Về phía VN thì phải cải tiến ngay từ bây giờ các thiếu sót và sự cam kết. Nhứt là luật lệ về Nhân quyền. Cần ra sớm Luật Công đoàn đã bắt đầu từ 2015 , đang còn dang dỡ.

2/.Tóm tắt nội dung EVFTA

Vì chưa ký chánh thức, mới qua giai đoạn đầu, tôi chỉ nếu một số điểm chánh trong Dự thảo vừa thông qua hôm 17 tháng 10, 2018.

EVFTA có 20 chương. Từ chương mở d9ầu đến chương kết luận. Các chương kia qui định nội dung chánh yếu. Qui định nầy có thể gồm hai phần. Phần nhiều nhứt là chi tiết nhứt liên quan đến Mậu dịch và Đầu tư. Phần thứ hai là những qui định về các điều có liên hệ gián tiếp đến thi hành HĐ và giải quyết tranh chấp.

Phần chánh là Mậu dịch và Đầu tư. Lúc đầu hai phần nầy để chung trong một HĐ , sau nầy tách nó  ra làm hai HĐ. Nội dung chánh gồm có: Mậu dịch hàng hóa , Dịch vụ. Sản phẩm trí tuệ. Chứng chỉ xuất xứ. Mức thuế. Kiểm soát vệ sinh…

Các qui định về công bằng trong đầu tư. Vị trí Quốc doanh. Về cạnh tranh công bằng. Thầu cho chánh phủ

Quan trọng là các qui định về quyền lợi người Lao động (căn cứ theo Tổ chức lao dộng quốc tế ILO). Trong đó ba điểm chánh là : Công đoàn độc lập, Quyền thương lượng tập thể, chống cưởng bách lao động.

VN còn bị cam kết sẽ dành mọi thuận lợi cho các dịch vụ tài chánh, thông tin, chuyển vận, bảo vệ môi trường.

3/. Tầm mức quan trọng của EVFTA  

* Tổng quát về kinh tế: EU là thị trường lớn thứ hai của VN. Trong nửa dầu năm 2018, VN xuất qua EU tăng 16 % so với năm trước (theo Vietnambiz tháng 10/2018). Khi có EVFTA, xuất VN sẽ tăng thêm do HĐ từ 4-6%.. nhờ bỏ gần hết (99%) thuế quan đánh lên hàng VN xuất qua EU chỉ còn % hay 1-2% . Và đồng thời VN cũng sẽ được nhập hàng hóa từ EU với giá rẽ nhờ bỏ tối đa quan thuế. FDI từ EU sẽ tăng. Đối với các nước EU VN là một thị trường mở mang cho nhiều loại hàng hóa và nơi khá thuận lợi cho FDI nhờ nhân công rẽ và nơi thuận tiện xuất hàng cho các nước Á châu.

*VN sẽ được cải tiến kỹ thuật , quản lý, tay nghề qua các công ty FDI từ Âu châu.

*Cải thiện môi trường kinh doanh ở VN giúp gia tăng phẩm chất nền kinh tế, và qua sự áp dụng đúng đắn nguyên tắc kinh tế tự do, minh bạch và công bằng.

* VN có thể cải thiện và giảm tai hại , đặc quyền quốc doanh. Cải tiến sự bảo vệ tác phẩm trí tuệ. Giảm tham nhũng.

*Bảo vê Nhân quyền . Đây là ràng buộc quan trọng . Nhứt là quyền Người lao động. Áp dụng đúng theo công ước quốc tế ILO mà VN đã ký tổng quát từ 1992. Nhưng có một số điều VN chưa chuẩn thuận. Đó là quyền thành lập Công đoàn độc lập, Quyền thương lượng tập thể và chống lao động cưởng bách. Trong kỳ hợp tại Bỉ tháng 10 vừa qua, Ủy ban EU buộc VN phải hứa chuẩn phê các diều nầy. Cũng như phải chứng tỏ trong thực tế sự cải thiện Nhân quyền.

*Cải tiến luật pháp và Hành chánh dần dần theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

*Đặc biệt trong những năm gần đây, EU cũng đã xoay trục qua Á châu. Mặc dù sau Hoa kỳ, nhưng là điều quan trong không phải chỉ kinh tế mà còn trên lảnh vực chánh trị và an ninh quốc tế, trong đó sự ngăn chận mức bành trướng của TQ.

III.Nhân quyền trong HĐ EVFTA

Các nước Tư bản tiến bộ đểu có luật qui định Nhân quyền trong mọi Hiệp ước thương mại. Các điều khoản luật lệ về Nhân quyền và Dân quyền không phải chỉ ràng buộc với chánh quyền và doanh nhân quốc gia đối tác mà còn cho cả doanh nhân của họ khi làm ăn với ngoại quốc. EU chú trọng rất nhiều về Nhân quyền và Dân chủ trong mậu dịch quố tế.

Vấn đề nhân quyền của VN đã bị chỉ trích quá nhiều về cả hai mặt :Thiếu những luật lệ đúng theo tiêu chuẩn quốc tế và việc thi hành luật quá nhiều sai trái và tàn bạo. Các nước văn minh không thể chấp nhận . Vấn đề nhân quyền của VN đã được bàn cải và cam kết nhiều trong HĐTPP. Nhưng tới nay VN chưa cải sửa. Nay với EVFTA , có nhiều điểm giống TPP, Ủy ban EU và bảo vệ Nhân quyền được nhiều Dân biểu, cơ quan Nhân quyền , Truyền thông đặt ra cách mảnh  liệt trong vài năm qua.

Cần ghi nhớ là EU có truyền thống Nhân quyền lâu nhứt và đầy đủ nhứt trên thế giới.

Còn VN là một trong những nước có tình trạng nhân quyền kém nhứt thế giới.

Về Nhân quyền trong HĐ Thương mại quốc tế có hai phần và được qui định thành luật.

Nhân quyền có liên quan trực tiếp với kinh tế. Và Nhân quyền gián tiếp liên quan tới kinh tế.

Cũng như TPP , Nhân quyền và Dân quyền được qui định trong EVFTA như là phần yểm trợ cho thương mại và đầu tư quốc tế và có tầm quan trọng trong mục tiêu của HD  là phát triển toàn diện , Kinh tế lẫn Xã hội . Tầm quan trong Nhân quyền được thể hiện qua :

*Muc tiêu của HĐ EVFTA: Là sự hợp tác cho sự phát triển toàn diện và bền vững

Là hợp với chiều hướng mới của TCH. Là mô hình mới của sự hợp tác kinh tế giữa hai hay nhiều quốc gia. Đó cũng là một trong các phương cách xây dựng trật tự kinh tế mới, phần nào để đối kháng với TCH của TQ.

EVFTA và quyền Người lao động là yêu cầu chánh yếu của Ủy ban Âu châu.

Luật Lao động VN sẽ phải sửa theo như Luật Lao động của cơ quan Lao động quốc tế (ILO International Labor Organization) là một công ước quốc tế mà VN có cam kết từ 1992 và có văn phòng tại tại Hà nội 2003.Tuy nhiên có một số điểu luật của ILO VN chưa chuẩn nhận.

Nguyên tắc căn bản luật lao động quốc tế là : Tự do, Dân chủ , Nhân quyền và Công bằng.

Về các qui định về quyền người lao động .  Các qui định có tính bắt buộc :

Công nhân được tự do kết hợp (Điều 87 ILO) . Công nhân được quyền thành lập “Công đoàn độc lập”. Từ trước tới nay ở VN chỉ có Công đoàn của đảng. Đây là khúc quanh quan trọng. Công đoàn nầy phải cính do công nhân bầu ra và binh vực quyền lợi cho công nhân.

Công nhân được quyền thương lượng tập thể (Đ.97 ILO) về những quyền lợi được luật pháp quốc tế qui định. Đây cũng là điểm căn bản trả lại quyền sống cho người lao động.

Luật chống lại cưởng bách lao động (Đ.105 ILO). Nhứt là trẻ vị thành niên hay lao động khổ sai

Luật lao động phải minh bạch qui định về các quyền lợi công nhân: Lương tối thiểu, an toàn nơi làm việc, môi trường làm việc không ô nhiểm.

*Qui định khác về nhân quyền

Chánh phủ VN phải tạo cơ hội cho các Hội đoàn dân sự, các Tổ chức phi chánh phủ, các Nhóm Tư vấn tham gia vào các giai đoạn thi hành EVFTA.

Người dân được quyền đóng góp ý kiến  và tham dự vào quyết định về thương mại, đầu tư công, ngân sách, viện trợ, xử dụng tài nguyên quốc gia.

Hiệp ước Mậu dịch đầu tư có liên hệ chánh yếu đến các thành phần kinh tế: Chánh quyền, Nhà đầu tư, nhà kinh doanh, cơ quan dịch vụ tài chánh, dân chúng và một số cơ quan quốc tế. Trong phạm vi trách nhiệm và quyền lợi phải thi hành nghĩa vụ đã cam kết.

IV.Thử thách- Cải tiến – Vận động Nhân quyền, Dân chủ qua EVFTA

EVFTA chưa đến chung cuộc. Nhưng cả hai bên VN và EU đều muốn vì quyền lợi kinh tế. Vấn đề mấu chốt là VN phải cái sửa nhiều điều. Tức là thử thách đối với chánh quyền VN là không nhỏ.

Còn phía bên dân chúng VN , nhứt là công nhân đây là cơ hội vừa có lợi về kinh tế, nhưng quan trong hơn là lợi cơ hội nầy để cải tiến phần nào về nhân quyền và dân quyền đã bị CSVN chà đạp từ lâu.

Đối với các cơ quan , tổ chức quốc tế , thì đây là cơ hội có thể yểm trợ giúp đở dân chúng VN trong tiến trình Dân chủ hóa và cải tạo xã hội đang đau khổ đưới chế độ CS.

1.Về phía chánh quyền VN:

Đối với một HĐ Thương mại toàn diện như EVFTA, cũng như với CPTPP, việc thi hành có kết quả

tốt là một thử thách lớn cho chánh quyền VN. Chánh quyền VN đã cam kết sửa đổi nhiều thứ về

nhân quyến cũng như nhiều lảnh vực khác. Ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói ‘ sẽ

có hàng loạt luật, văn bản pháp qui cần sửa đổi” (Theo bao Vietnambiz).

Ủy Ban EU yêu cầu VN phải cải sửa nhiều điều liên hệ Lao động. ( theo qui định củ ILO):

Hoàn tất luật Lao động. Chuẩn phê ba công ước của Chuẩn phê ba qui định của ILO

Cho phép thành lập công đoàn độc lập là quan trong nhứt.

Đó là sự thực thi quyền tư do dân chủ  và nhân quyền.

VN cũng phải sửa lại Luật đánh cá, và luật vế Môi trường theo như luật quốc tế.

VN phải sửa đổi luật lệ để có công bằng cạnh tranh giữa công ty quốc doanh và công ty

ngoại quốc, giữa quốc doanh và tư doanh trong nước.

VN phải cương quyết hơn về chống tham nhũng , nhứt là trong các dự án ngoại quốc

viện trợ và thực hiện, từ EU.

VN còn phải cải sửa Bộ máy công quyền đơn giản hơn, minh bạch hơn .

2.Về phía người dân

Nói chung, người dân , nhứt là công nhân cần vận dụng HĐ EVFTA cho sự thành hình các công đoàn độc lập. Yêu cầu chánh quyền và chủ nhân thực thi quyền của công nhân.

Dân chúng có thể được tổ chức những buổi đình công, biểu tình theo như qui định EVFTA.

Dân chúng có cơ hội đứng lên chống các vi phạm môi trường.

Bên cạnh dân, các Hội đoàn dân sự cần mở rộng hoạt động yểm trợ, hướng dẫn quần chúng theo qui định EVFTA.

Dĩ nhiên, dưới chế độ độc tài CS thì mọi sự tranh đấu cho quyền lợi chánh đáng của người dân đều có thể bị dẹp tan, dù CSVN đã có ký ước với quốc tế.

3.Về phía quốc tế  

Bên ngoài VN, gồm cộng đồng VN hải ngoại và các cơ quan quốc tế nhứt là EU , ILO, Tổ chức Nhân quyền, các chánh phủ trong EU vận động cho sự thi hành nghiêm chỉnh EVFTA.

Tới nay EVFTTA chưa được chấp thuận chánh thức. Sự tranh đấu còn qua hai trường hợp. Khi EVFTA chưa chuẩn phê và trường hợp EVFTA được chánh thức và thi hành.

Các thành phần dân chúng trong nước, doanh nhân cần hiểu rõ luật và quyền , lợi trách nhiệm trong thự thi theo EVFTA. Đoàn thể dân sự, tìm hiểu và kết hợp các Tổ chức quốc tế có liên hệ để vận dụng EVFTA cho Kinh tế, cho Nhân quyền và Dân chũ hóa VN.

Công cuộc tranh đấu cho Nhân quyền và Dân chủ cho VN thật là khó khăn và phải nhiều hy sinh. Con đường còn nhiều gian khổ. Thế gới hiện nay có nhiều biến động và chuyển biến . Có thể xem EVFTA như là một cơ hội để tranh đấu cho Nhân quyền và Dân chủ cho VN.

Cali ,  25-10-2018

Nhật Ký Biển Đông: 

Đào Văn Bình

Chiến Tranh Nguyên Tử Gần Kề?

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

 Tình hình Hoa Kỳ:

-Huffington Post ngày 16/10/2018: “Một cảnh sát Da Đen của Tiểu Bang Maryland vừa bị bắt vì cáo buộc xâm phạm tiết hạnh một phụ nữ sau khi ra lệnh cho người đàn bà này ngừng xe lại. Ryan Macklin- với thâm niên sáu năm công vụ của Sở Cảnh Sát Prince George County đã ra lệnh cho chiếc xe ngừng lại vào lúc 1 giờ  sáng ngày 11/10/2018 trong khi anh ngồi trong chiếc xe có mang phù hiệu cảnh sát và mặc cảnh phục. Cuộc điều tra cho biết, cảnh sát viên này đã giao cấu với người đàn bà trên chiến ghế xe của bà ta. Danh tính của người đàn bà không được tiết lộ và vụ xâm phạm tiết hạnh này đã được trình báo vài giờ sau đó với sự khuyến khích của bạn bè.”

Đã có khá nhiều trường hợp phụ nữ bị cảnh sát dừng xe lại, vì quá sợ bị phạt cho nên đã để cho những “ông bạn dân” này bốc hốt như bóp vú, sờ soạng, thậm chí hãm hiếp nhưng trường hợp của người đàn bàn nói trên. Một đất nước tân tiến, luật pháp nghiêm minh nhất hành tinh này mà còn có trường hợp cảnh sát làm bậy,  vậy xin đừng phê phán cảnh sát ở các quốc gia khác kẻo mang tội bất công.

-ABC News ngày 17/10/2018: “Theo cảnh sát, vào ngày cuối tuần qua, một trẻ vị thành niên vì bảo vệ mẹ đang bị hành hung đã bắn chết cha mình.  Cảnh sát phát hiện xác của Javier Vera 54 tuổi bên trong căn nhà của ông ta tại Fresno, California sau khi đứa con 16 tuổi gọi điện thoại cho cảnh sát trình báo về chuyện bạo lực gia đình. Cậu bé mà tên họ chưa được phổ biến nói rằng cha cậu đã say rượu và bắt đầu xiết cổ mẹ cậu trong một trận cãi cọ cho nên cậu đã nổ súng bắn chết ông.”

Ôi thảm cảnh gia đình! Có lẽ do tiền oan nghiệp chướng từ kiếp nào?

-Yahoo News ngày 20/10/2018: “Một nữ học sinh Da Đen 14 tuổi đã cáo buộc thầy giáo mình vi phạm Tu Chính Án Số Một sau khi bị chế nhạo và làm xấu hổ vì đã không đứng lên đọc Lời Tuyên Thệ (Pledge of Allegiance) trong lớp học. Theo đơn thưa nộp tại tòa án liên bang, học sinh này đã cùng một nhóm học sinh ngồi lì mà không đứng lên để phản đối Lời Tuyên Thệ. Đơn thưa nói rằng học sinh này đã hành động một cách ôn hòa, không gây xáo trộn để bày tỏ sự chống đối về những khổ đau của người Da Đen do chính sách kỷ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ.”

Ôi, hơn 100 năm đã qua mà cái “nhân” của chế độ nô lệ vẫn tạo “quả” cho tới ngày hôm nay và lan tới học đường! Từ nô lệ tiến lên làm tổng thống, thượng nghị sĩ, dân biểu, thống đốc tiểu bang…cai trị người Da Trắng mà vẫn chưa hài lòng sao? Tại vận động trường, các đấu thủ bóng bầu dục không chịu chào cờ. Nay đến học sinh không đứng lên để đọc Lời Tuyên Thệ. Quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu đang trở thành thảm họa cho nước Mỹ. Rồi đây nước Mỹ, để tránh kiện thưa rắc rối, có thể phải phân chia ra ba loại trường học. Trường học cho học sinh Da Trắng chào quốc kỳ Hoa Kỳ. Trường học cho học sinh Da Đen không chào quốc kỳ Hoa Kỳ. Và trường học cho học sinh các sắc tộc khác “tùy nghi” muốn chào thì chào, không chào thì thôi! Nước Mỹ cứ “bao đồng” lo chuyện khắp thế giới còn trong nhà thì nát như tương mà không chịu lo. Ôi đó cũng là cái nghiệp, cái nghiệp của mộng bá chủ thế giới! Theo Yahoo News ngày 21/10/2018, trong một cuộc thăm dò cử tri Cộng Hòa bỏ phiếu cho Ô. Trump và Dân Chủ bỏ cho Bà Clinton, 70% nói rằng nước Mỹ đang chia rẽ, chia rẽ về mọi chuyện từ nhỏ đến lớn. Sự chia rẽ này giống như một lò thuốc súng âm ỉ, chưa biết nó bùng nổ như thế nào. Vào ngày 23/10/2018 vừa qua, cơ quan an ninh cho biết đã ngăn chặn được 10 gói thuốc nổ được gửi tới các khuôn mặt lãnh đạo của Đảng Dân Chủ và tư gia của ông bà Bill Clinton, cựu Tổng Thống Obama và cựu Phó Tổng Thống Joe Biden. Thủ phạm của sự chia rẽ này là do Nga hay Hoa Lục xúi giục? Hay do Nhà Nước Hồi Giáo? Hay nó chính là hệ quả của nền tự do, dân chủ đi quá trớn và lãnh đạo của cả hai đảng không có tầm vóc dẫn dắt và thuyết phục quần chúng-  trong lúc chủ nghĩa cá nhân lên tới cực điểm và khuynh hướng bạo lực lan tràn. Ngày 25/10/2018, AP đã có bài viết nói rằng phải chăng “Cuộc nội chiến ở Mỹ đã bắt đầu mà không cần nổ một tiếng súng”? Cũng theo AP, tại một quán cà-phê ở Denver, Colorado, một nhân viên kỹ thuật nói rằng thật sợ hãi khi nói chuyện chính trị với người khác. Tinh thần “cởi mở” (open minded) đã chết trên nước Mỹ. Giờ đây khác chính kiến (Cộng Hòa, Dân Chủ) lập tức biến thành kẻ thù- còn thù hơn cả quân khủng bố và bom sẽ được gửi tới nhà! Ngày xưa, để tránh độc đảng, lưỡng đảng đã ra đời. Có ngờ đâu ngày nay lưỡng đảng lại tạo chia rẽ dân tộc, chẻ đôi đất nước. Vào ngày 28/1/2016, The Hill đã có bài viết nói rằng, “Hệ thống lưỡng đảng đang hủy diệt nước Mỹ. Những người Cộng Hòa và Dân Chủ đang đánh nhau tới chết và người dân Hoa Kỳ bị kẹt ở giữa.” (The two-party system is destroying America. Democrats and Republicans are in a death match and the American people are caught in the middle.) Thế mới hay trên đời này chẳng có cái gì toàn vẹn cả. Độc đảng bị chê là độc tài không dân chủ. Còn lưỡng đảng thì dân chủ có thừa nhưng phá tan đất nước do tranh giành quyền lực. Một nước mà người dân khù khờ thì yên ổn. Còn một nước dân chủ, dân trí cao như Hoa Kỳ thì không một ngày bình yên. Ôi dân chủ! Chúng ta đã phải trả một giá quá đắt! Câu hỏi đặt ra ở đây là: “Cứu cánh của con người là dân chủ hay cuộc sống bình yên?”

-ABC News ngày 24/10/2018: “Theo báo cáo của hiệu trưởng, một học sinh 13 tuổi đã dùng con dao thái thịt dài 20 phân (8 inches) đâm bà giáo của mình tại Trường Trung Học Đệ I Cấp tại Georgia. Học sinh này đã bị bắt sau khi biến cố xảy ra tại Trường Trikum khi học sinh kêu bà giáo lại gần rồi dùng dao đâm và ngực bà.”

Thật kinh khủng! Nào học sinh không chịu đọc Lời Tuyên Thệ rồi đưa đơn kiện thầy giáo. Rồi học trò dùng dao đâm vào ngực bà giáo. Rồi theo ABC News ngày 25/10/2018: “Hai học sinh Trung Học Đệ Nhất Cấp Bartow, Florida bị bắt ngày 23/10/2018 vì toan giết bạn cùng lớp rồi uống máu, rồi tự sát theo nghi thức của đạo thờ Quỷ Sa-tăng .” Rồi một cô giáo 32 tuổi của Muenster High School,Texas vào ngày 19/9/2018 đã ngủ với hai học sinh và khai với cảnh sát là bà say rượu nên không biết gì hết! Rồi vào ngày 29/10/2018, một học sinh Da Đen của Trung Học David W. Butler, North Carolina đã rút súng bắn chết bạn trong một cuộc cãi cọ và sẽ bị xét xử như người lớn.

Đây mới là vấn đề nguy nan của nước Mỹ chứ không phải vấn đề vũ khí  nguyên tử. Khi mình dồn hết nỗ lực để đối ngoại (lo chuyện bao đồng thiên hạ) thì chuyện nhà bỏ phế. Khi người vợ, người chồng tối ngày lo chuyện hàng xóm, chuyện cộng đồng thì con cái có lêu lổng, bỏ học, không chịu lo việc nhà là lẽ đương nhiên. Nhưng làm thế nào để các ông/bà chính trị gia đang lãnh đạo nước Mỹ hiểu đây? Mình là dân thiểu số tạm dung, không có sức mạnh chính trị, không có sức mạnh tài chính thì tiếng nói của mình chỉ là tiếng côn trùng rên rỉ giữa canh khuya khi mọi người đã ngủ yên.

-Tổng Hợp ngày 27/10/2018: Một cuộc nổ súng đã xảy ra tại nhà thờ The Tree of Life của người Do Thái ở Pittsburgh, Philadelphia giết chết 11 người và làm bị thương sáu người trong đó có bốn nhân viên cảnh sát. Hung thủ tên Robert Bowers- 46 tuổi – người dân của thành phố này đã bị bắt. Tổng Thống Donald Trump lên án cuộc thảm sát là kinh khủng do thù ghét người Do Thái. Thế nhưng khi Ô. Trump nói rằng sở dĩ xảy ra như vậy vì nhà thờ không có súng để bảo vệ cho nên rộ lên sự chống đối vì lập luận này giống hệt như lập luận của Hội Súng Đạn Hoa Kỳ. Hội Súng Đạn Hoa Kỳ cho rằng những vụ thảm sát không phải do súng đạn mà vì cá nhân, nhà thờ, trường học, nơi trình diễn văn nghệ, chỗ đông… không có súng để bảo vệ cho nên mọi người cần mua thêm súng để tự vệ. Theo Văn Khố Bạo Lực Súng Đạn thì nội trong năm 2018 Hoa Kỳ đã có 47,220 vụ làm 11, 984 người chết. Thật là con số kinh hoàng!

Người Do Thái bị thù ghét khắp Âu Châu và Hoa Kỳ vì nắm giữ hết hệ thống tài chính của quốc gia họ cư ngụ và cư xử với dân Palestines giống như  thuộc địa và ỷ có Hoa Kỳ đỡ đầu đã coi thường cả LHQ. Mới đây Thủ Tướng Do Thái Netanyahu đề nghị đưa tất cả dân Do Thái từ Pháp về nước. Nhưng vì tự ái, tổng thống Pháp đã trấn an và ra lệnh bảo vệ người Do Thái. Tinh thần bài Do Thái sống lại ở Âu Châu giống như thời Hitler. Do Thái hành động như chỗ không người trên chính trường quốc tế, coi chừng tạo ác cảm khắp nơi mà họ không biết. Do đó khi mình giàu và thông minh thì phải có đức, tức khiêm tốn, kính trọng và giúp đỡ mọi người. Mình sống phải để người khác sống. Mình giàu có thì phải chia xẻ. Đừng bức hiếp người ta quá. Đó là Đạo Trời.

-AP ngày 30/10/2018: “Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đang triển khai 5200 binh sĩ với thiết bị quân sự nặng cùng trực thăng tại biên giới tây nam (Texas, Arizona và Califorinia) trong một chiến dịch bất thường một tuần trước ngày bầu cử mà Tổng Thống Donald Trump muốn cử tri tập trung vào cuộc xâm lăng từ từ (slow-moving invasion) của người di dân Trung Mỹ vào Hoa Kỳ.”

Theo tôi nghĩ, dùng một đạo quân hùng mạnh nhất hành tinh này để đối phó với đoàn phụ nữ đa số tay dắt tay bồng con nhỏ, lôi thôi lếch thếch cũng khó. Làm thế nào để ngăn chặn họ đây? Nổ súng chăng? Hay dùng báng súng đánh họ? Theo tôi, đây là vấn nạn kéo dài cả trăm năm nữa chứ không phải chơi. Khi mà các nước Trung Mỹ còn nghèo đói thì người dân đổ dồn về đây để kiếm miếng cơm manh áo, một tương lai khá hơn cho con cái…là điều đáng thương. Chẳng ai muốn bỏ nước ra đi cả. Do đó biện pháp quân sự có lẽ chỉ để răn đe chứ không phải biện pháp trường kỳ. Theo tôi, Ô. Trump nên viện trợ khẩn cấp cho Mễ Tây Cơ thành lập các trại tiếp cư để “cầm chân” đoàn người đang ùn ùn kéo vào. Đồng thời cũng viện trợ cho các nước Trung Mỹ và hứa mỗi gia đình trở về sẽ “tặng” một số tiền nhỏ để mưu sinh. Bỏ ra 1 tỷ đô-la chẳng thấm thía gì. Được tiếng nhân đạo và “tạm thời” ổn định được tình hình. Chứ biện pháp mạnh không thể thành công. Chờ xem.

 Tình hình thế giới:

-Reuters ngày 17/10/2018: “Hai miền Triều Tiên đã đồng ý nối lại đường bộ và đường hỏa xa bị gián đoạn từ cuộc chiến năm 1951 – thêm một bước để cải thiện bang giao cho dù Hoa Kỳ lo lắng rằng việc phá tan băng lạnh quá nhanh giữa hai miền sẽ làm giảm nỗ lực thúc ép Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí nguyên tử. Hai miền Nam-Bắc Triều Tiên còn đồng ý ngưng các cuộc tập trận, thiết lập vùng cấm bay gần biên giới và lần hồi tháo gỡ những bãi mìn và những trạm gác tại Vùng Phi Quân Sự. ”

Dù Bắc Triều Tiên đã có những bước cụ thể để từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn do dự,  không những không giảm nhẹ cấm vận mà còn thúc ép các quốc gia khác thi hành nghiêm chỉnh lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên. Có thể Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton là siêu diều hâu chủ trương chỉ khi nào Bắc Triều Tiên quỳ gối thì Hoa Kỳ “may ra” mới bỏ cấm vận vì vẫn e ngại quốc gia này bội ước.

Nếu hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thực hiện được chủ trương chung sống hòa bình mà không cần tới sự giám sát của ngoại bang hay LHQ thì đây là một hình ảnh tuyệt vời của tình huynh đệ máu chảy ruột mềm và lòng yêu nước:

Khôn ngoan đá đáp người ngoài.

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

-The Telegraph ngày 17/10/2018: “Hoa Lục sẽ phóng một mặt trăng giả lên không gian với hy vọng nó sẽ chiếu sáng những thành phố lớn nhất của xứ này. Các viên chức của Thành Đô- với dân số 14 triệu người nằm ở tây nam Tứ Xuyên công bố kế hoạch sẽ đặt một vệ tình lên quỹ đạo trái đất vào năm 2020 có khả năng đưa ánh  mặt trời  chiếu sáng vào ban đêm, hy vọng có thể thay thế toàn bộ hệ thống đèn đường. Theo Ô. Wu Chunfeng- chủ tịch Viện Nghiên Cứu Khoa Học Không Gian và Hệ Thống Điện Vi Tiểu của thành phố, vệ tinh này sử dụng một lớp tạo phản chiếu ánh sáng vào một vùng trên trái đất rộng 50 dặm vuông. Kế hoạch này mô phỏng theo một đồ án của Nga năm 1999 đưa một tấm gương khổng lồ vào quỹ đạo để thắp sáng các thành phố của Siberia với hy vọng rẻ hơn điện thường.”

-AFP ngày 18/10/2018: “Tướng A Phú Hãn Abdul Raziq có lần khoe là ông ta đã thoát khỏi vô số lần ám sát của lực lượng Taliban. Nhưng vào ngày hôm nay 18/10/2018, nhóm cực đoan A Phú Hãn đã thành công trong một vụ giả trang là cận vệ của thống đốc rồi bắn chết ông ta. Theo mô tả của Nhóm Quan Sát Nhân Quyền năm ngoái thì vị giám đốc cảnh sát gây tranh cãi của Kandahar được gán cho cái tên ‘vua tra tấn’ (torturer in chief) đã nổi bật lên và trở thành nhân vật lãnh đạo ngành an ninh quyền thế nhất A Phú Hãn. Được coi như cột trụ chống Taliban, cái chết của Raziq để lại một khoảng trống an ninh nguy hiểm mà một nhà quan sát cho rằng có thể đưa tới tan vỡ ở miền Nam nơi khai sinh ra phong trào Taliban. Raziq 39 tuổi, bị tố cáo là đã điều hành những phòng tra tấn bí mật, bóp nát ngọc hoàn (hòn dái) tù nhân và giết cả chục ngàn tù binh Taliban. Thế nhưng ông này phủ nhận. Raziq được coi như đồng minh tin cậy của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại Taliban. Trên diễn đàn Twitter, vài giờ sau khi bị thương nhưng thoát chết trong vụ ám sát này, tướng Hoa Kỳ Scott Miller- tư lệnh chiến trường A Phú Hãn đã gửi lời phân ưu và gọi Aziq là người bạn lớn (great friend). “

Có một sự thực phũ phàng của cuộc đời này là: Để chống lại cái cực đoan, nhiều khi người ta còn cực đoan, quá khích hơn kẻ thù. Để chống lại sự gian ác, nhiều khi người ta lại tàn nhẫn và gian ác hơn. Để chống lại sự gian trá, nhiều khi người ta còn gian trá hơn. “Dĩ đức báo oán” hay “Đem tình thương xóa bỏ hận thù” chỉ là lời nói từ cửa miệng và không bao giờ có thật. Nếu có thật và làm được thì đó là Thánh Nhân. Nhưng đời nay liệu có Thánh Nhân không?

-AP ngày 19/10/2018: “Một công dân người Anh và một công dân người Gia Nã Đại (một trai, một gái)  có thể bị 10 năm tù và tiền phạt 30,650 bạt vì dùng sơn vẽ bậy lên bức tường cổ tại Thành Phố Chiang Mai, Thái Lan.”

Theo tôi nghĩ chẳng nên đưa ra tòa, phạt tù làm gì vừa tốn cơm tốn nước, rồi các hội ân xá, nhân quyền xúm lại can thiệp. Hãy áp dụng kiểu phạt của Ô. Lý Quang Diệu, quất cho mỗi người 10 roi mây vào đít thì tởn tới già. Qua sự kiện này ai dám nói thanh niên của các xứ tiến bộ như Anh Quốc, Gia Nã Đại có giáo dục? Tiến bộ về khoa học, kỹ thuật chưa chắc đã tiến bộ về nhân cách và đạo đức. Muốn có nhân cách, ngoài giáo dục học đường và gia đình phải còn có giáo dục bản thân mà ngày xưa Nho Giáo gọi là “tu thân”.

-Reuters ngày 19/10/2018: “Bộ trưởng y tế Palestines cho biết, binh sĩ Do Thái đã bắn và làm bị thương 130 người trong cuộc biểu tình phản đối gần Giải Gaza biên giới. Trong khi đó phát ngôn viên của Do Thái nói rằng khoảng 10,000 người tụ tập ở biên giới mà một số đã ném vỏ xe bị đốt cháy, quăng lựu đạn và chất nổ qua hàng rào của binh sĩ. Thế nhưng cuộc biểu tình tương đối nhỏ mà một vài cuộc tụ tập trước đây là khoảng 30,000 người cho thấy căng thẳng có vẻ dịu dần.”

-Yahoo News ngày 22/10/2018: “Tuần qua, các nhà đầu tư khắp thế giới đã rút lui khoảng 1.1 tỷ Mỹ Kim đầu tư vào Ả Rập Sê-út và sự đau đớn này chưa chắc đã chấm dứt cuộc chiến ngoại giao căng thẳng do việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích tại tòa lãnh sự Ả Rập Sê-út tại Thổ Nhĩ Kỳ.

-Reuters ngày 23/10/2018: “Hoa Lục (Chủ Tịch Tập Cận Bình) khánh thành cây cầu dài nhất thế giới bắc qua biển và một đường hầm nối liên trung tâm tài chính Hương Cảng với tụ điểm bài bạc của thế giới Ma Cao. Cây cầu Hương Cảng-Chu Hải-Ma Cao dài gần 35 cây số với 6.7 cây số đường hầm và hai đảo nhân tạo và không cản trở tàu bè lưu thông trên biển.”

Từ một quốc gia nghèo đói, dân phải lưu lạc khắp bốn phương trời để bán hủ tíu, bánh bao, dầu chéo quẩy, đồ lạc-soong (đồng nát) thế mà ngày nay trở thành siêu cường khiến Hoa Kỳ phải hủy bỏ thỏa hiệp hạn chế vũ khí nguyên tử để đối đầu thì chúng ta không nên coi thường sức mạnh của Hoa Lục. Cách đây 20 năm đã có nhiều cuốn sách “best seller” xuất bản ở Mỹ tiên đoán về ngày sập tiệm của Hoa Lục. Thế nhưng mỗi lúc ông Tàu trở nên mạnh hơn. Ở Hoa Kỳ này rất nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ tăm tiếng, ứng cử viên tổng thống đã thất bại cay đắng chỉ vì đánh giá thấp, coi thường đối thủ (như Ô. Bush Cha coi thường Ô. Bill Clinton). Nếu Hoa Lục “yếu hèn”, “đồ rởm” và “hàng mã” thì có lẽ các tổng thống Hoa Kỳ chỉ cần gác chân lên bàn đọc báo, coi truyền hình, đấu láo với các cố vấn,  coi football, đánh gôn để tiêu khiển chứ chẳng phải lo lắng đưa HKMH vào Biển Đông, cho B-52 bay trên trời, liên minh với Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ để làm gì cho nhức đầu. Xin nhớ tài nguyên và sức mạnh quân sự của Hoa Lục ngày hôm nay vượt xa Đức Quốc Xã và Quân Phiệt Nhật năm xưa. Quân Phiệt Nhật và Đức Quốc Xã không có vũ khí nguyên tử và tài nguyên rất hạn chế và chưa có ảnh hưởng toàn cầu.

-The Telegraph ngày 26/10/2018: “Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau cuộc hội kiến với Chủ Tịch Tập Cận Bình nói rằng bang giao Hoa-Nhật ở vào khúc quanh lịch sử khi hai bên ký  kết một loạt những thỏa hiệp nhiều tỷ Mỹ Kim vào ngày hôm nay cho dù những căng thẳng kéo dài nhiều thập niên giữa hai quốc gia vẫn còn và Nhật Bản vẫn chỉ trích thành tích nhân quyền của Hoa Lục. Ô. Abe thực hiện chuyến công du hiếm hoi hai ngày mà ông nói rằng nó ghi dấu bình minh của mối bang giao giữa hai nước, từ cạnh tranh tới cộng tồn và liên hệ song phương bước vào giai đoạn mới.”

Sự kiện cho thấy mạnh như Nhật Bản và có Hoa Kỳ đỡ đầu mà còn làm lành với Hoa Lục, vậy thì thật điên khùng khi xúi các nước nhỏ ở Đông Nam Á chống lại ông khổng lồ này.

-Reuters ngày 26/10/2018: “Tổng Thống Pháp Macron nói rằng thật đáng tiếc Bỉ đã quyết định chọn mua phi cơ chiến đấu F-35 của Lockeed Martin thay vì Typhoon của Âu Châu, đi ngược với quyền lợi của Âu Châu.”

Từ ngàn đời nay, trong một liên minh nhiều nước, thường có sự “xé lẻ” đâm sau lưng bạn chỉ vì quyền lợi riêng. Mua vũ khí của Mỹ sẽ được Mỹ ưu đãi nhiều chuyện có lợi hơn là mua của Âu Châu. Điều này tốt cho Bỉ nhưng Miền Nam có câu, “Chơi vậy thì chơi với ai?” Đời là vậy Ô. Macron ơi!

-Business Insider ngày 29/10/2018: “Jair Bolsonaro – một chính trị giả cực hữu được so sánh với Donald Trump vừa thắng  cuộc bầu cử tổng thống Ba Tây, ghi dấu một cuộc đổi thay chính trị quan trọng tại xứ sở lớn thứ tư thế giới. Tham nhũng, thối nát của chính quyền cánh tả đã đưa tới chiến thắng cho Ô. Bolsonaro.”

Chúng ta chờ xem “ông cực hữu” này đưa Ba Tây đi về đâu, liệu có khá hơn không?

 Chiến Tranh Lạnh Mới:

-AP ngày 30/10/2018: “Tổng Thư Ký Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói ông tin chắc rằng cả hai lực lượng quân sự của Đồng Minh và Nga sẽ hành động một cách đáng tôn trọng trong lúc cả hai sẽ tiến hành các cuộc tập trận ngoài khơi của Na Uy. Nga sẽ tập trận với hỏa tiễn bắn đạn thật. Còn NATO tập trận lớn nhất trong lịch sử với 50,000 binh sĩ, 10,000 xe cơ giới, 250 máy bay và 65 tàu chiến.”

Nga và Tây Phương như hai đối thủ, giơ nắm đấm chỉ vào mặt nhau nhưng chưa rút súng ra mà thôi. Tăng cường binh bị, trừng phạt kinh tế, tập trận, đem quân tiến sát vào biên giới của đối phương, triệt hạ nhau trên mặt trận ngoại giao…đang là bước khởi đầu của Đệ III Thế Chiến.

 Tình hình Trung Đông:

-Ruters ngày 27/10/2018: Tổng thống các đại cường Pháp, Nga và thủ tướng Đức tới Thổ Nhĩ Kỳ họp thượng đỉnh với Tổng Thống Erdogan về vấn đề Syria. Bốn nhà lãnh đạo thỏa thuận rằng lệnh ngưng

bắn chung quanh khu vực Idlib của phiến quân  phải được duy trì. Liệu Mỹ có tuân thủ thỏa thuận quốc tế này không? Nếu Mỹ nói “NO” thì mọi chuyện cũng như không.

Tình hình Biển Đông:

-Tổng Hợp ngày 18/10/2018: Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch,  thăm Phi Trường Biên Hòa- một căn cứ không quân khổng lồ của Mỹ thời chiến tranh. Theo Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrin, “Chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis cho thấy sự tiếp tục ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, có đóng góp cho an ninh quốc tế. Chuyến đi cũng cho thấy cam kết của chúng tôi trong việc giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại, vốn là nền tảng cho quan hệ đối tác quốc phòng song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”  Sau đó Ô. Mattis sẽ tới Singapore để tham gia Hội Nghị Bộ trưởng Quốc Phòng Đông Nam Á dự định diễn ra từ 18 -20/10/2018.

Về tầm quan trọng của chuyến viếng thăm, Ô. Nguyễn Minh Tâm- đại tá QĐND -chuyên viên về các vấn đề chính trị và quân sự, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik News ngày 19/10/2018 đã nói rằng, “Điều cần lưu ý là chuyến đi thứ hai của ông James Mattis sang Việt Nam lần này đến Thành Phố HCM chứ không phải Hà Nội. Điều đó cho thấy sự “tế nhị” của Việt Nam trong việc cân bằng quan hệ với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trong thời điểm  quan hệ giữa hai cường quốc này đang trở nên căng thẳng suốt mấy năm qua.”

Việt Nam ngày nay đang ở vào thế “Ngàn cân treo sợi tóc”. Cần đi với Mỹ để có thể giữ yên Biển Đông. Nhưng liên minh quân sự với Mỹ để chống Trung Quốc sẽ là thảm họa và chắc chắn một cuộc chiến kiểu 1979 sẽ nổ ra. Hoa Lục có nhiều lựa chọn để tấn công Việt Nam. Ngoài việc tấn công trên Biển Đông, họ có thể đem quân tiến chiếm một vài khu vực ở biên giới, dùng người sắc tộc ở đây để thành lập mặt trận tự quyết và như thế  Việt Nam sẽ có vài phong trào tự trị, đòi thành lập quốc gia riêng ở vùng biên giới. Lúc đó Việt Nam nát như tương và thế giới cũng chẳng làm gì được. Cho nên chính sách ngàn đời của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa hiếu với Trung Hoa nhưng không lệ thuộc…như tổ tiên chúng ta đã làm theo đúng di ngôn, “Nam quốc sơn hà nam đế cư”.

-Sputnik News ngày 21/10/2018: “Indonesia đang trông đợi sớm nhận được các chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Bộ trưởng quốc phòng Nam Dương nói rằng, các bên đã bắt tay thực hiện thỏa thuận. Chúng cần hoàn tất vấn đề điều phối cuối cùng, dứt điểm thỏa thuận với Bộ Tài Chính và Bộ Thương Mại về một số chi tiết gắn với thủ tục thanh toán hợp đồng. Ngoài ra, Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu khẳng định rằng Indonesia sẽ không bao giờ hủy bỏ hợp đồng cung cấp máy bay, bất kể lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ chống  Nga.” Có hai câu hỏi được đặt ra:

1)Tại sao Nam Dương không mua F-16 của Mỹ? Xin thưa mua vũ khí của Mỹ cũng không khó. Nhưng sau đó các ông thượng nghị sĩ “buồn buồn” hay vì lý do gì đó, ra nghị quyết cấm bán cơ phận/đồ phụ tùng thì vũ khí trở thành đống sắt vụn.

2)Tại sao Nam Dương lại tăng cường quân sự? Thứ nhất là để phòng ngừa ông “Con Trời” Trung Quốc. Thứ hai cũng để đề phòng Úc Đại Lợi- nước láng giềng hiện mua sắm rất nhiều vũ khí tối tân của Anh và Pháp nói là để chống Trung Quốc, nhưng biết đâu có thể áp đảo Nam Dương? Và đây cũng là một mặt của chính sách ngoại giao đa phương đang là chiều hướng chính của các quốc gia Đông Nam Á. Mua vũ khí của nhau là dấu hiệu thân thiện.

-Nhân Dân Nhật Báo (Anh Ngữ) ngày 25/10/2018: “Tướng Ngụy Phượng Hòa- Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Hoa nói rằng sẽ không nhượng một tất đất của lãnh thổ và cảnh cáo những thách thức liên tục về chủ quyền quốc gia ở Đài Loan là cực kỳ nguy hiểm và sẽ đưa tới hành động không khoan nhượng của quân đội.” Chủ Tịch Tập Cận Bình vừa ra lệnh cho tướng chỉ huy khu nam giám sát vùng Đài Loan và Biển Đông phải tăng cường binh bị và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Theo tôi, nếu Đài Loan vẫn cứ giữ nguyên trạng tức độc lập trong thực tế nhưng không tuyên bố chính thức thì tình hình êm dịu. Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập hay cho Hoa Kỳ đóng quân tại đây thì Hoa Lục sẽ tấn công đề tàn phá Đài Loan nhưng không chiếm giữ mà Hoa Kỳ cũng chẳng làm được gì cả vì nếu can dự đại chiến sẽ nổ ra.

 Nhận Định:

Theo The Daily Beast ngày 20/10/2018, “Hôm nay Tổng Thống Donald Trump xác nhận là Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi thỏa hiệp lịch sử về vũ khí nguyên tử với Nga. Ô. Trump đã nói với các ký giả lúc ông ở trên máy bay Air Force One tại Nevada là chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa hiệp và chúng tôi rút chân ra. Ô. Trump muốn nói tới Thỏa Hiệp Vũ Khí Nguyên Tử Tầm Trung –  một thỏa ước lịch sử ký kết giữa Tổng Thống Ronald Reagan và Tổng Bí Thư Gorbachew năm 1986 nhằm giới hạn việc sản xuất vũ khí nguyên tử của hai quốc gia. Bộ tham mưu của Ô. Trump muốn gia tăng kho vũ khí hạt nhân để đối

đầu với việc gia tăng quân sự của Hoa Lục tại Biển Đông và cũng vì Nga vi phạm thỏa hiệp. Ô. Trump nói rằng chúng tôi phải phát triển loại vũ khí này.”

Quyết định của Ô. Trump sẽ kéo theo cuộc chạy đua ào ạt chế tạo vũ khí nguyên tử tay ba Nga-Mỹ-Trung Hoa sau đó là Ấn Độ, Hồi Quốc. Không biết có lôi kéo Âu Châu vào cuộc đua  khi mà Anh tuyên bố sát cánh với Mỹ? Còn bộ trưởng ngoại giao Đức nói rằng thỏa hiệp 1987 là kiến trúc cho an ninh của Âu Châu từ đó đến nay và thúc giục Hoa Kỳ suy nghĩ đến hậu quả của nó. Bộ ngoại giao Hoa Lục nói rằng đây là một quyết định không tốt tác động tới nhiều quốc gia. Cựu Tổng Bí Thư Gorbachev nói rằng đây là một quyết định không phải của đầu óc lớn. Mọi thỏa hiệp hạn chế vũ khí nguyên tử cần phải được duy trì để cứu sinh mạng của trái đất. Còn Nhật Bản thì nín thinh vì ở vào thế kẹt. Nếu chống đối thì mất lòng người đang che chở cho mình. Nếu ủng hộ thì đã quên mất thảm họa nguyên tử Hiroshima và Nagasaki hoặc coi hai cuộc ném bom nguyên tử  này là đúng và hợp lý.

Vào ngày 23/10/2018, trong cuộc hội kiến với Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Lavrov tại Mạc Tư Khoa, Ô. John Bolton – Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ nói rằng tình hình thế giới đã đổi thay (Trung Hoa từ nước nghèo đói nay trở thành siêu cường đối thủ của Mỹ) cho nên cần phải xét lại chính sách an ninh. Thế nhưng theo Ô. Bolton, việc rút lui khỏi thỏa hiệp không làm cho thế giới nguy hiểm hơn. Còn buổi gặp gỡ giữa Ô. Bolton và Tổng Thống Putin chỉ toàn lời bông đùa, ám chỉ qua lại mà không có một lời tuyên bố chính thức nào. Nhưng sau đó Ô. Bolton nói với báo chí rằng vì không thể ngăn ngừa Nga vi phạm thỏa hiệp mấu chốt này cho nên Hoa Kỳ phải rút ra. Còn Nga nói rằng nếu Hoa Kỳ xé bỏ hiệp ước thì Nga phải lấy lại thăng bằng quân sự, ý nói Mỹ có thêm bao nhiêu, Nga sẽ phải có thêm bấy nhiêu. Theo tờ The Guardian thì chính siêu diều hâu John Bolton đã thúc đẩy Tổng Thống Donald Trump rút lui khỏi thỏa hiệp này. Và cũng thật nghịch lý, Ô. Bolton cho biết Ô. Trump có thể gặp Ô. Putin vào Tháng 11 tại Paris và Ô. Putin có thể thăm Hoa Thịnh Đốn- không biết để làm gì – khi Hoa Kỳ liên tiếp ban hành lệnh cấm vận Nga và ngày nay hủy bỏ hiệp ước hạn chế vũ khí nguyên tử? Tại Hoa Kỳ, chỉ có một TNS. duy nhất là Rand Paul (Cộng Hòa, Kenntucky) lên tiếng chỉ trích việc rút lui này. Theo TNS. Rand Paul, “Chúng ta không nên làm như vậy. Chúng ta cần tìm cách giải quyết những khó khăn trên căn bản của thỏa hiệp và đi tới.”

Trong lịch sử nhân loại, khi một đại cường đang thống trị thế giới, bỗng có một quốc gia nào đó xuất hiện với sức mạnh đáng gờm thì mọi chuyện phải thay đổi. Đó là chuyện thường tình của thế gian. Khi mà thương lượng để “phân ngôi thứ” ai bá chủ thế giới không xong thì muôn đời phải giải quyết bằng chiến tranh. Chiến tranh cổ điển thì Mỹ khó thắng Nga và Tàu, do đó chỉ còn chiến tranh nguyên tử. Bộ ngoại giao Nga nói rằng đây là một hành động nguy hiểm và sẽ có hành động đáp ứng. Tuy nhiên họ vẫn đang chờ đợi quyết định chính thức của Hoa Kỳ. Mới đây Tổng Thống Putin tuyên bố Nga sẽ đánh trả bất cứ cuộc tấn công nguyên tử nào vào đồng minh của Nga nhưng không nói rõ những ai là đồng minh của Nga. Theo tôi, dù Hoa Kỳ có gia tăng khối lượng vũ khí nguyên tử lên gấp đôi thì cũng không thể bắt Hoa Lục hay Nga quỳ gối. Mà hai nước này cũng sẽ chạy đua để đối đầu. Một thực tế tàn nhẫn là, nếu không có vũ khí nguyên tử thì không thể thương thảo trên thế mạnh.

Bối cảnh chiến tranh nguyên tử ngày hôm nay không giống như năm 1945 khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima mà Nhật Bản không có vũ khí nguyên tử để đánh trả. Ngày nay, Nga có 8000 đầu đạn hạt nhân, Hoa Kỳ có 7000 và Hoa Lục có 270. Chiến tranh nguyên tử xảy ra sẽ là thảm họa toàn cầu vì Mỹ có cả trăm căn cứ quân sự rải rác khắp thế giới mà những nơi này có thể tàng trữ vũ khí nguyên tử như Anh, Pháp, Đức và Ý. Ô. Putin vừa tuyên bố rằng nếu Âu Châu cho Mỹ triển khai vũ khí nguyên tử thì Nga phải hướng các mũi nhọn nguyên tử vào đây.

Năm 1914 Thế Chiến I kết thúc với 11 triệu binh sĩ chết, 8 triện dân thường mạng vong. Ba mươi năm sau 1945 Thế Chiến II bùng nổ, 55 triệu người chết. Thế Chiến III  chắc số chết có thể lên tới 1 tỷ người. Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, Hoa Thịnh Đốn, Ba Lê, Luân Đôn, Rome, Bá Linh, Brussels (trụ sở của NATO), Tokyo, Nam Bắc Triều Tiên, Úc Châu… có thể sẽ san thành bình địa. Trước thảm họa đó, Đại Hội Đồng LHQ ngày 27/10/2017 đã ban hành nghị quyết cấm vũ khí nguyên tử và lần hồi đi đến hủy bỏ hoàn toàn. Thế nhưng LHQ chỉ “hù dọa” được các nước nhược tiểu. Còn đối với Hoa Kỳ, Nga, Trung Hoa, Anh, Pháp, Đức, Do Thái…thì những nghị quyết này chỉ là mớ giấy lộn và LHQ chỉ là “chỗ vui chơi” như có lần Ô. Trump nói thế.

Chiến tranh nguyên tử bây giờ không phải chỉ là máy bay ném bom hay hỏa tiễn liên lục địa mà cả xe tăng trang bị đại bác nguyên tử, thủy lôi nguyên tử khổng lồ có thể hủy diệt một hải cảng lớn như Nữu Ước. Đây sẽ là ngày tận thế và sau đó không biết trái đất sẽ ra sao? Một trật tự mới nào cho hành tinh chết (dead planet) này?

Theo lời dạy của Đức Phật, vạn pháp (vạn vật) đều trải qua bốn giai đoạn Thành-Trụ- Hoại-Diệt. Trái đất này khoảng một tỷ năm nữa sẽ tự hủy diệt khi Mặt Trời tắt. Nhưng nó sẽ hủy diệt sớm hơn do tham vọng của con người. Tham dục của con người mỗi ngày mỗi tăng lên, nhưng đạo đức thì từng giây từng phút suy giảm. Cứ thử nhìn lại cách đây 50 năm nhu cầu của chúng ta rất đơn sơ. Nhưng ngày hôm nay thì nhu cầu quá nhiều, quá sa hoa, nhưng đạo đức của chúng ta có tốt hơn hay gia tăng hơn cách đây 50 năm không? Đừng cầu Trời khấn Phật, cầu xin Thượng Đế nhiều quá. Hãy “Trực chỉ nhân tâm” (*) tu bồi đạo đức ngay trong chính con người mình để cứu trái đất và cứu nhân loại này. Một nguyên tắc của ngàn đời là: Không thể chỉ có mình trên trái đất này, “Mà có người, có ta.”

(California ngày 31/10/2018)

 (*) Lục Tổ Huệ Năng dạy, “Trực Chỉ Nhân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật”

 

 

Một Thế Giới Đầy Bạo Lực

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Mười Một ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình Hoa Kỳ:

-Yahoo News ngày 7/11/2018: “Những người trong gia đình đã quay phim một cuộc đối đầu với một bác sĩ chuyên khoa về tim khi đến khám tại phòng mạch của của ông ở San Bernardino, California và tố cáo vị bác sĩ này có thái độ kỳ thị sau khi chỉ trích bệnh nhân không biết nói tiếng Anh mà lại nói tiếng Tây Ban Nha. Theo lời kể  của bà Yuset Galura, ngay khi bác sĩ bước vào phòng khám bệnh, bà hỏi BS. Paul Ryan là ông có nói được tiếng Mễ (Tây Ban Nha) không khiến bác sĩ này nổi đóa và lên tiếng mắng nhiếc bà Galura là tại sao không nói tiếng Anh ở xứ sở này.”

Đây chưa chắc là thái độ kỳ thị, nhưng chắc chắn việc nặng lời, nóng nảy là không đúng đối với một vị bác sĩ tiếp đãi bệnh nhân. Theo tôi, lời khuyên hữu lý có thể là, “Lần sau đi khám bệnh bà nên đem theo người nhà nói tiếng Anh để nói rõ bệnh tình của mình. Như thế tốt hơn.”

Ôi, phút nóng nảy có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình! Nhưng các ông bà Mễ cũng chẳng nên biểu tình làm gì khiến mất tình đoàn kết. Mình đến xứ người ta, không chịu học ngôn ngữ của xứ người mà buộc xứ người phải nói tiếng của mình. Chơi vậy chơi với ai? Bộ muốn “đồng hóa” xứ Mỹ hay sao? Tại Hoa Kỳ này có cả trăm sắc dân khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Anh Ngữ là ngôn ngữ chính để giao dịch và tạo cảm thông. Điều đó tốt lắm chứ. Dân tộc nào muốn thống nhất, muốn đoàn kết phải có chữ “quốc ngữ” tức chữ viết chính thống của quốc gia.

-Tổng Hợp ngày 7/11/2018: Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã kết thúc, đưa Đảng Dân Chủ từ thiểu số lên nắm quyền Hạ Viện, Đảng Cộng Hòa vẫn còn kiếm soát Thượng Viện. Các ông Trump và Obama đích thân xuống đường vận động cho các ứng cử viên của đảng mình. Cả các ca sĩ, các nhà làm truyền thông nổi tiếng cũng lao vào cuộc bênh-chống cho thấy cuộc bầu cử quan trọng biết là dường nào. Và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, hai phụ nữ Hồi Giáo đã được bầu vào Hạ Viện. Đó là Rashida Tlaib của Michigan và Ihan Omar của Minnesota.  Với việc Đảng Dân Chủ nắm Hạ Viện, hai tình huống có thể xảy ra:

-Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa và tổng thống thỏa hiệp và tương nhượng nhau để đưa ra những giải pháp tốt nhất cho đất nước. Đây là đại phước.

-Đảng Dân Chủ quyết tâm trả thù. Kịch liệt chống đối tổng thống. Hoặc luận tội Ô. Trump ngay hoặc cù cưa luận tội cho đến ngày bầu cử 2020 để đánh bại Ô. Trump, giành ghế tổng thống. Tình huống này là tồi tệ cho nước Mỹ. Lịch sử cho thấy các đế chế hùng mạnh suy tàn là vì thua một trận chiến lớn hoặc nội bộ xâu xé nhau. Với sức mạnh quân sự hiện tại, Hoa Kỳ không thể thua một trận chiến lớn nhưng nước Mỹ có thể chẻ đôi vì lưỡng đảng tranh giành quyền lực.

-The People ngày 8/11/2018: “Một nhóm người Chống Phát-xít (Anti-facist) đã bu lại căn nhà tại WA. DC. của nhà bình luận Carlson Tucker (cực kỳ bảo thủ) của đài truyền hình Fox News vào đêm Thứ Tư 7/11/2018 và yêu cầu ông này ra khỏi thành phố.”

-AP ngày 13/11/2108: “Một gia đình bốn người bị bắt ngày hôm nay trong một vụ sát nhân gớm ghiếc và lạ lùng năm 2016 là tàn sát một gia đình tám người ở vùng quê của Tiểu Bang  Ohio mà theo công tố viên dường như là để giành quyền giám hộ đứa trẻ. Nếu bị kết tội, bốn người này có thể lãnh án tử hình.”

-AFP ngày 15/11/2018: “Trên Twitter hôm nay Ô. Trump mở cuộc tấn công mới vào cuộc điều tra Nga và gọi đó là điều tủi hổ của quốc gia- một tuần lễ sau khi sa thải bộ trưởng tư pháp khiến nhiều câu hỏi đặt ra về tương lai của cuộc điều tra này. Ô. Trump nói, họ không tìm thấy sự cấu kết và hoàn toàn điên khùng. Họ tru chéo và la hét vào mặt dân chúng, khủng khiếp đe dọa họ phải chấp nhận kết luận mà họ muốn.”

Tôi đã duy trì quan điểm từ lâu. Nếu thật sự Nga cấu kết với Ô. Trump để đưa ông lên làm tổng thống thì phải làm cho ra lẽ. Nhưng nếu không có sự cấu kết thì đây là sự đại xỉ nhục của nước Mỹ- đúng ra là là sự xỉ nhục của các chính trị gia đối thủ của Ô. Trump. Mình là siêu cường với hệ thống tình báo tinh vi, bao trùm khắp hành tinh này, trình độ hiểu biết của dân chúng rất cao, báo chí, truyền thông tinh ranh như con ma, chuyện gì cũng biết mà để cho tình báo Nga lũng đoạn cuộc bầu cử, sỏ mũi cử tri để bầu cho Ô. Trump thì…chỉ  làm trò cười cho toàn thế giới.

Tình hình thế giới:

-AP ngày 2/11/2018: “Bộ tham mưu của Ô. Trump hôm nay tuyên bố tái cấm vận Ba Tư mà những biện pháp này đã được tháo bỏ dưới thời Ô. Obama. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11/2108 bao gồm các lãnh vực chuyển vận dầu hỏa, tài chính và năng lượng. Đây là đợt trừng phạt thứ hai mà Ô. Trump đã ban hành sau khi rút lui khỏi thỏa hiệp hạt nhân vào Tháng 5, 2018. Ô. Pompeo nói rằng tám đồng minh của Hoa Kỳ trong đó có Ý Đại Lợi, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Ấn Độ tạm thời được miễn trừ nhưng phải hạn chế nhập cảng dầu từ Ba Tư cho đến khi chấm dứt hẳn. Biện pháp nhằm bóp chết nền kinh tế, tài chính của Ba Tư.”

Theo AP, trong một bản công bố chung, Liên Hiệp Âu Châu bao gồm các quốc gia Anh, Pháp, Đức nói rằng thật đáng tiếc về việc Hoa Kỳ tái cấm vận Ba Tư khi cấm vận này đã được bãi bỏ do thỏa hiệp 2015. Liên Hiệp Âu Châu sẽ bảo vệ các công ty Âu Châu tham gia việc buôn bán hợp pháp với Ba Tư và quyết tâm chung này không hề nao núng.” Còn bà ngoại trưởng Nam Triều đã gọi điện thoại cho Ô. Pompeo thỉnh cầu Hoa Kỳ uyển chuyển tối đa (maximum plexibility) trong việc cấm vận Ba Tư để tránh thiệt hại cho các công ty Nam Triều Tiên.

-Reuters Video ngày 2/11/2018: Chủ Tịch Cuba Miguel Diaz Canel (người vừa thay thế  Ô. Raoul Castro) viếng thăm Nga và hội kiến với Tổng Thống Putin tại Điện Cẩm Linh. Ô. Miguel xác định mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Cuba vẫn tiếp tục (như thời Fidel Castro). Đây là chuyến công du đầu tiên của Ô. Miguel và chưa biết hai bên thảo luận những gì và Nga sẽ trợ giúp Cuba những gì. Nhưng tin tức cho biết Cuba đã cho phép Nga thiết trí hệ thống định vị toàn cầu GLONASS tại đây. Sau chuyến viếng thăm này Ô. Miguel Diaz Canel sẽ đi Bắc Kinh, Việt Nam và Lào. Tại Việt Nam, Ô. Miguel đã hội kiến Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên cam kết nâng mức thương mại song phương từ 240 triệu Mỹ Kim lên 400 triệu vào năm 2020.

-AP ngày 7/11/2108: “Các nhà ngoại giao Trung Hoa và Ấn Độ thận trọng, không công khai ủng hộ bên nào trong cuộc khủng hoảng chính trị Tích Lan vì Tổng Thống Maithripala Sirisena đã bãi chức Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe và thay thế bằng nhân vật cựu lãnh đạo độc tài Mahinda Rajapake đồng thời giải tán quốc hội. Ô. Wickremesinghe tạm thời ẩn náu ở trong dinh thủ tướng và kiên quyết cho rằng mình là lãnh đạo hợp pháp. Sự thận trọng của hai cường quốc khổng lồ này tương phản với các nhà ngoại giao Tây Phương kêu gọi quốc hội họp bàn về việc bổ nhiệm Ô. Rajapake và nhấn mạnh tới tầm quan trọng về kinh tế và quân sự mà các quốc gia đặt để tại đảo quốc Sri Lanka ở Ấn Độ Dương.”

Tây Phương “có tật” tưởng mình là “cha thiên hạ” cho nên chuyện gì cũng dính vào. Việc tổng thống thay thế thủ tướng có vi phạm nhân quyền hay khủng hoảng toàn cầu không mà lên tiếng? Hãy lo cho nước mình tươi đẹp, duy trì đạo đức, luân lý đi . Đừng lấy cái nền dân chủ hỗn loạn của mình như là cái cớ để dạy đời các nước nhỏ. Quan niệm Thực Dân “Khai sáng văn minh cho nhân loại” vẫn còn trong não trạng người Tây Phương. Nhà ông chấp nhận cho con cái cãi lại cha mẹ, muốn làm gì thì làm. Còn nhà tôi, con cái phải có phép tắc, ở tuổi vị thành niên muốn làm gì cũng phải được cha mẹ đồng ý…thì mặc xác tôi, xin đừng xía vào. Mình giàu sang phú quý chớ chê người khác nghèo khổ. Mình ăn mặc đẹp chớ chê người khác ăn mặc lôi thôi lếch thếch.  Xin nhớ  “Đèn ai nhà nấy rạng”. Trước đây dưới thời Obama, ông đại sứ Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích chiến dịch tiêu diệt ma túy ở Phi Luật Tân đã bị Tổng Thống Duterte gọi là “đồ chó đẻ” có lẽ là bài học nhớ đời cho nhà ngoại giao ham xía vào chuyện của người ta.

-AFP ngày 8/11/2018: “Trung Quốc đã cho trưng bày một mô hình của trạm không gian đầu tiên có các phi hành gia thường trực  ăn ở tại đây để thay thế cho phòng thí nghiệm trên quỹ đạo của cộng đồng quốc tế và đây cũng là biểu tượng cho tham vọng của Trung Quốc vươn ra ngoài Trái Đất. Bộ phận rời chính dài 17 mét là điểm lôi cuốn tại cuộc biểu diễn hàng không một năm hai lần tại Chu Hải- một thành phố ven biển là nơi trưng bày chính của ngành hàng không không gian. Trong khi đó ở bên ngoài các phi cơ chiến đấu tàng hình J-10 và J-20 làm khán giả thích thú khi bay vút lên bầu trời. Còn ở phía trong là nơi trưng bày những đội máy bay không người lái và thiết bị quân sự. Những đám đông bu quanh trạm không gian hình trụ giới thiệu cuộc sống và làm việc của trạm Thiên Cung (Heavenly Palace)- nó còn có hai bộ phận phụ cho thí nghiệm khoa học và trang bị bằng những tấm năng lượng mặt trời. Ba phi hành gia sẽ ăn ở, làm việc tại phòng thí nghiệm nặng 60 tấn này và cho phép tiến hành những cuộc khảo cứu về sinh vật học và tình trạng không trọng lượng. Việc lắp ráp trạm không gian này dự trù hoàn tất vào năm 2020 và tuổi thọ của nó là 10 năm. Trạm Không Gian Quốc Tế – một sự hợp tác giữa Hoa Kỳ, Nga, Gia Nã Đại, Âu Châu và Nhật Bản đã hoạt động từ năm 1998 nhưng sẽ nghỉ hưu/ngưng hoạt động vào năm 2024.”

Với những thành tựu về ngành không gian và hàng không như thế này, Hoa Lục đương nhiên trở thành kẻ thù của Mỹ. Không phải chỉ Trung Hoa, mà bất cứ quốc gia nào kể cả Nhật Bản và Âu Châu nếu mạnh lên ngang tầm với Hoa Kỳ đều trở thảnh kẻ thù của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ luôn coi mình là “Võ Lâm Chí Tôn” luôn giữ vị trí Số Một và không cho phép ai ngang bằng với mình. Khi Nhạc Bất Quần học được Tịch Tà Kiếm Phổ thì đương nhiên trở thành kẻ thù của Đông Phương Bất Bại và Nhậm Ngã Hành, thì hai người phải chết để chỉ còn lại một “Võ Lâm Chí Tôn” mà thôi. Trên trái đất này không thể có hai Mặt Trời. Các nước nhỏ yếu đuối có thể sống chung với nhau, nhưng ba siêu cường thì không thể sống chung với nhau. Do đó chuyện xung đột giữa Nga-Mỹ-Trung Hoa là chuyện ngàn đời chứ không phải ngày một ngày hai. Chúng ta đừng thắc mắc nhiều quá nhưng cần xem nó diễn tiến như thế nào.

-AFP ngày 11/11/2018: “Những thủ lĩnh của nhóm ly khai do Nga hỗ trợ tại đông Ukraina đã chuẩn bị cho cuộc chiến thắng theo như kết quả sơ khởi của cuộc bỏ phiếu – nhưng lại bị Kiev và Tây Phương lên án là bất hợp pháp. Những cuộc bầu cử của nền Cộng Hòa Nhân Dân ở Donetsk và Lugnsk do phe ly khai kiểm soát kể từ khi tách ra khỏi chính phủ Ukraina thân Tây Phương năm 2014- đã diễn ra sau khi tổng thống của Donetsk bị giết chế trong một cuộc đánh bom vào Tháng Tám. An ninh được xiết chặt với vệ binh súng vác vai, mặc đồ rằn ri để giữ trật tự. Denis Pushilin 37 tuổi là thủ lĩnh của Donetsk hy vọng sẽ đắc cử đã nói với đám đông trong một buổi hòa nhạc tại quảng trường chính – là ngày hôm nay chúng ta chứng tỏ cho thế giới biết chúng ta không chỉ chiến đấu, không chỉ thắng trên chiến trường mà còn xây dựng một quốc gia dựa trên dân chủ thực sự.”

Thật không có chuyện dại dột nào bằng nhóm quốc gia cựu hữu Ukraina nghe lời xúi bẩy của CIA và Tây Phương  lật đổ chế độ của Ô. Yanukovich để được gia nhập NATO. Thế nhưng NATO chưa tới thì đã mất Crimea và nay mất thêm vùng Donbass nói tiếng Nga bao gồm Donetsk  và Lugansk. Nhóm cực hữu này không biết gì về nguyên tắc “địa lý chính trị” (Geopolitics). Khi mình nằm sát một đại cường thì phải nương theo đại cường đó để giữ an  toàn cho đất nước. Liên kết với kẻ mạnh ở xa để chống lại đại cường sát bên cạnh mình thì “từ chết tới bị thương”. Cứ thử tưởng tượng Mexico liên kết với Nga để chống lại Hoa Kỳ xem sao? Lúc đó đất nước Mexico sẽ nát như tương hoặc bị chia cắt lãnh thổ và chiến tranh triền miên không sao ngóc đầu dậy được. Phe cực hữu để mất Crimea và phần còn lại bị cắt ra thành hai là phản quốc chứ không phải yêu nước dù biện minh thế nào đi nữa.

-ABC News ngày 15/11/2018: “Bộ tham mưu của Ô. Trump vừa ban hành lệnh trừng phạt 17 viên chức Ả Rập Sê-út vì đã can dự vào việc giết hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post- đây là những trừng phạ đầu tiên đối với sự sát hại tàn bạo khiến gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao. 17 cá nhân này đã thực hiện vụ thảm sát tại tòa lãnh sự Ả Rập Sê-út tại Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có cố vấn của Thái Tử Mohammad bin Salman.”

 Chiến Tranh Lạnh Mới:

-The Independent ngày 2/11/2018: “Theo phát ngôn viên Lu Kang, Tổng Thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm rất tốt đẹp với Chủ Tịch Tập Cận Bình và hai nhà lãnh đạo đồng ý gia tăng trao đổi kinh tế. Tổng thống Hoa Kỳ đã nói trên Twitter rằng cuộc nói chuyện với Ô. Tập Cận Bình thật tốt. Tôi đồng ý đây là cuộc nói chuyện rất tích cực.”

Chúng ta không thể hiểu nổi hai bên đang chơi nhau sát ván, bỗng dưng lại nói chuyện làm lành. Có thể hai bên đã thấm đòn hay đang chơi trò hù dọa nhau, hoặc có quỷ kế gì đây?

-AFP Video ngày 6/11/2018: “Trong chuyến viếng thăm những chiến trường cũ ở Verdun, Tổng Thống Pháp Macron kêu gọi một đạo quân thật sự của Âu Châu sẽ tự vệ tốt hơn để chống lại Nga và kể cả Hoa Kỳ.”

Có lẽ rồi Âu Châu cũng phải làm như vậy để thoát khỏi áp lực của Hoa Kỳ đôi khi đi ngược lại với quyền lợi của Âu Châu. Trên đời này bất cứ quốc gia nào phải nhờ ngoại bang để bảo vệ an ninh thì đừng nói tới độc lập tự chủ. Thật ra thì độc lập tự chủ vẫn có, nhưng chỉ là những chuyện vớ vẩn. Còn chuyện quan trọng vẫn phải theo cái gậy chỉ huy của Mỹ. Ô. Trump theo chủ trương “America First” tức không cần lý tới quyền lợi của đồng minh cho nên gây căng thăng với các cường quốc như Anh, Pháp, Đức. Ngay khi đặt chân tới Paris để tham dự lễ kỷ niệm 100 Thế Chiến I, Ô. Trump đã công kích Tổng Thống Macron, “Thật tủi hổ cho ông ta khi đề nghị Âu Châu phải thành lập quân đội riêng để chống lại những kẻ thù tiềm tàng trong đó có Hoa Kỳ, Nga và Hoa Lục.” Vào giờ phút chót, Ô. Trump đã hủy bỏ, không tham dự buổi lễ tại nghĩa trang tưởng niệm bộ binh và TQLC Hoa Kỳ chết trong Thế Chiến I với lý do trời mưa cho nên không thể di chuyển được. Thế nhưng quyết định này đã gây chỉ trích từ Anh Quốc và Hoa Kỳ là Ô. Trump đã không tôn trọng binh sĩ. Còn Ô. Donald Tusk- Chủ Tịch Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã cáo buộc Ô. Trump oán ghét một Âu Châu mạnh, đoàn kết và cảnh báo về sự ra đời của mặt trận quốc gia cực đoan mặc áo màu đà của Phát-xít Đức ở những cuộc bầu cử ở Âu Châu vào năm tới. Ngày hôm sau, Chủ Nhật 11/11/2018, trong buổi lễ có sự hiện diện của Ô. Trump, Ô. Putin và Bà Merkel, Ô. Macron đọc diễn văn ám chỉ Hoa Kỳ trong khi Ô. Trump ngồi nhìn như sau, “Lòng ái quốc hoàn toàn đối nghịch với chủ nghĩa quốc gia cực đoan,  chủ nghĩa quốc gia cực đoan phản bội lòng ái quốc. Khi nói rằng quyền lợi của tôi trước đã và không lý gì đến người khác chúng ta đã hủy diệt những gì quý giá của quốc gia và đó là giá trị quan trọng nhất.” (Patriotism is the exact opposite of nationalism, nationalism is a betrayal of patriotism. In saying ‘our interests first and who care about the others’ we erase what a nation has that’s most precious, what makes it live, what is most important: its moral values.) Cuộc đối đáp qua lại giữa Ô. Trump và Ô. Macron không dừng ở đó. Theo The Telegraph ngày 14/11/2018, Ô. Macron đã nói thẳng thừng, “Là đồng minh không có nghĩa là chư hầu” (To be an ally is not to be a vassal). Thế nhưng Ô. Macron phủ nhận có sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Pháp. Theo AP, Ô. Trump hầu như cô đơn trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới công kích chủ nghĩa quốc gia cực đoan. (Trump largely alone as world leaders take aim at nationalism).

 Tình hình Trung Đông:

-The Independent ngày 2/11/2018: Cuộc biểu tình của phe cực đoan Hồi Quốc tiến sang ngày thứ ba bằng cách ngăn chặn các con đường của một số thành phố, ném đá vào cảnh sát để phản đối việc tòa án tối cao bác bỏ bản án tử hình một người đàn bà Thiên Chúa Giáo có bốn con bị cáo buộc báng bổ nhà tiên tri Mohammad.  Bà Bibi cách đây 8 năm bị kết tội nói trên trong một vụ cãi cọ và bị đám đông xúm lại và cho rằng bà đã phỉ báng Giáo Chủ Mohammad. Bà Bibi bị kết án tử hình. Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa, Kenntucky) đã tích cực can thiệp trong vụ này.

 Tình hình Biển Đông:

-Tin trong nước ngày 2/11/2018: Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe thăm Việt Nam. Mục đích của chuyến viếng thăm là tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa,  kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập bang giao và 5 năm ký Thỏa Hiệp Hợp Tác Chiến Lược. Hai bên đã ký thỏa thuận trị giá 10 tỷ Mỹ Kim, trong  đó có hợp đồng Vietjet mua 50 máy bay A321neo của Tập Đoàn Airbus, mua động cơ Leap cho máy bay Neo của CFM. Cũng giống như Tổng Thống Francois Mitterand năm 1993, Ô. Edouard Philippe cũng đã thăm khu di tích của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Trả lời báo Tuổi Trẻ trước chuyến thăm Việt Nam, Thủ Tướng Edouard Philippe nói, “Trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ là một trong những trận chiến khó khăn nhất và mang tính biểu tượng nhất của cuộc chiến. Nó đã đánh dấu việc Việt Nam giành được nền độc lập hoàn toàn. Pháp đặc biệt chú trọng đến việc chia sẻ hồi ức. Đối với Việt Nam, cuộc xung đột ở Đông Dương từ 1946 -1954 đã khiến gần 80.000 binh sĩ Pháp thiệt mạng. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, tôi cũng muốn nói rằng vì đã hòa giải được với quá khứ của mình, hai nước chúng ta đang mạnh mẽ hướng tới một tương lai chung.. Quan hệ Pháp -Việt mang dấu ấn sâu đậm của lịch sử hai nước chúng ta. “ Ô. Edouard Philippe nói đúng. Lịch sử thì không thể thay đổi nhưng chính sách ngoại giao có thể thay đổi. Lịch sử cần phải được ghi chép lại và tôn trọng. Nhưng hiểu biết lịch sử không có nghĩa là căm thù mà biết để tránh vết xe đổ của quá khứ hầu tiến đến tương lai. Việc thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Pháp là điều tốt lành cho cả hai quốc gia. Việt Nam cần Pháp và dĩ nhiên Pháp cũng rất cần Việt Nam.

-Tổng Hợp ngày 9/11/2018: “Theo phát ngôn viên của phủ tổng thống Phi Luật Tân, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Hoa sẽ viếng thăm Phi Luật Tân sau hội nghị thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Papua New Guinea kéo dài từ 12-18/11/2018.” Papua New Guinea nằm ở bắc Úc Đại Lợi, có biên giới với Nam Dương, dân số trên 8 triệu, 70%  dân số theo Tin Lành.

Như vậy Hoa Lục và Phi Luật Tân đã tạm gác vấn đề Biển Đông sang một bên để tập trung vào việc phát triển kinh tế. Và cũng thật rõ ràng, Phi Luật Tân đã không còn truyệt đối nằm trong quỹ đạo của Mỹ nữa mà theo chính sách ngoại giao đa phương để sinh tồn và phát triển.

-Reuters ngày 9/11/2018: “Đứng bên cạnh nhau, các viên chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ (Ô. Pompeo và Mattis) thúc giục những người đồng cấp Hoa Lục ngưng quân sự hóa vùng tranh chấp Biển Đông khiến gây ra sự bác bỏ từ phía Hoa Lục vì Hoa Kỳ gửi các chiến hạm tiến sát các hòn đảo nhân tạo mà Hoa Lục tuyên bố chủ quyền nơi thủy lộ chiến lược.. Trong đợt đối thoại cao cấp tại Hoa Thịnh Đốn, hai bên đã đưa ra những lời nói “toạc móng heo” về những khác biệt của cả hai phía nhưng kêu gọi tiếp tục giữ mối liên lạc ngoại giao để giải quyết những vấn đề tạo bất ổn thị trường tài chính toàn cầu.”

-Tổng Hợp ngày 14/11/2018: Hoa Kỳ đã gửi Phó Tổng Thống Mike Pence tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan tại Tân Gia Ba khiến các nhà bình luận nghi ngờ là Ô. Trump coi nhẹ khu vực Đông Nam Á. Tại đây Ô. Pence nói rằng không có chỗ cho chủ nghĩa đế quốc và xâm lăng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ý ám chỉ Hoa Lục. Trong khi đó Tổng Thống Putin đích thân tham dự hội nghị. ASEAN và Nga đã quyết định nâng tầm quan hệ ASEAN-Nga lên hợp tác chiến lược và thông qua Tuyên Bố Chung ASEAN-Nga. Điều này cho thấy với chính sách Hướng Đông, Nga từ từ bắt rễ vào Đông Nam Á trong lúc ảnh hưởng của Hoa Kỳ sói mòn tại vùng này do chủ trương “America First”. Tổng Thống Putin cũng đã chuyển lời mời các công ty của ASEAN tham dự diễn đàn kinh tế sắp tới tổ chức tại Nga và gặp gỡ Thủ Tướng Mã Lai Mahathir Mohamad bên lề hội nghị để gia tăng thương mại song phương. Theo báo cáo của tình báo Hoa Kỳ, dù có sự trừng phạt nhưng 13 quốc gia vẫn muốn mua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn S-400 của Nga trong đó có Saudi Arabia, Qatar, Algeria, Morocco, Ai Cập, Việt Nam và Iraq.

 Nhận Định:

Theo The Telegraph ngày 2/11/2018, “Một tay súng tên Scott Paul Beierle 40 tuổi đã bắn chết hai người đàn bà (một nữ bác sĩ và một sinh viên) và làm bị thương năm người tại một phòng tập Yoga rồi quay súng tự sát trong một trung tâm mua sắm tại Tallahassee- thủ phủ Tiểu Bang Florida. Chưa biết động cơ của cuộc thảm sát là gì.”

Theo The Wrap ngày 3/11/2018, “Một sinh hoạt chính trị do ngôi sao Ilana Glazer của Broad City tổ chức tại một nhà thờ Do Thái ở Nữu Ước đã phải đình hoãn vào đêm Thứ Năm 1/11/2018 vì ai đó đã vẽ bậy lên nhà thờ những lời chống Do Thái. Một nhân viên quét dọn của nhà thờ cho New York Post biết đã có những chữ viết hận thù trong đó có câu Hãy Giết Hết Bọn Do Thái.”

Theo ABC News ngày 4/11/2018: “Một trẻ vị thành niên bị cáo buộc tội sát nhân vì đã dùng dây thừng xiết cổ mẹ mình tới chết rồi chôn xác ở một hầm đốt lửa của nhà thờ sau khi cãi cọ với mẹ về học bạ được điểm D (điểm rất kém). Theo Cảnh Sát Trưởng của Volusia County, Florida đứa con đại bất hiếu 15 tuổi này đã thú tội giết mẹ mình là bà Gail Cleavenger 46 tuổi.” Ôi luân lý, đạo đức, tình mẫu tử của thời đại điện tử! Có lẽ còn tệ hơn loài thú vật. Ngày xưa khi nhân loại còn bán khai, con người sống đùm bọc trong bộ tộc, làng quê, gia đình cha mẹ anh chị em. Ngày nay văn minh cực điểm, cấu trúc gia đình, làng xóm vỡ vụn vì người ta cho rằng cần phải phát huy cá tính để phát triển toàn diện con người. Có ngờ đâu chủ nghĩa cá nhân biến thái ra quan niệm ích kỷ chỉ biết có mình, không cần biết tới ai dù là vợ hay chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em và có khi cũng không cần biết tới quốc gia, dân tộc. Ôi cái giá của một nền văn minh, hãnh tiến vì đã phát triển cực điểm “quyền tự do cá nhân” và không thèm lý tới việc giảng dạy luân lý, đạo đức, tình mẫu tử, sống hòa hợp và lòng ái quốc.

Theo Yahoo News ngày 2/11/2018,  “Một mục sư Tin Lành ở Iowa nói rằng ông sẽ dựng bục giảng chống đạn, một súng từ trường tránh đạn (magnetic gun mount) và những túi đựng dụng cụ y khoa cứu cấp và sẽ có năm nhân viên an ninh đứng ở mỗi góc để canh chừng bảo vệ cho tín hữu đến làm lễ.”

Thật không thể tưởng tượng nổi một nơi an lành như nhà thờ ngày nay phải canh gác như các trại lính. Nước Mỹ đại loạn chăng? Đại loạn không phải do kẻ thù từ bên ngoài đem tới mà do chính người Mỹ gây tạo ra bởi lòng hận thù, chia rẽ và khác biệt chính kiến..

Theo ABC News & AP ngày 8/11/2018, “Tối thiểu 13 người chết và 10 người khác bị thương khi một tay súng xông vào một quán rượu đông nghẹt người ở Thousand Oaks, Nam California, tung lựu đạn khói và nổ nhiều loạt đạn. Nghi can là một cựu binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến 28 tuổi đã chết ngay tại chỗ. Cảnh sát đang tìm hiểu xem động cơ của vụ thảm sát này là gì? Theo điều tra ban đầu, hung thủ có thể bị chấn thương do hậu quả của đời sống binh nghiệp.”

Theo Reuters ngày 13/11/2108, cơ quan FBI cho biết, tội phạm do thù ghét đã tăng 17% trong năm 2017. Ô. Matthew Whitaker- quyền Bộ Trưởng Tư Pháp nói rằng tội phạm này đã xâm phạm một cách đê tiện giá trị của Hoa Kỳ.

Bạn phải nhớ rằng, khi bạn nói lời căm thù, kích động hận thù, quảng bá lòng căm thù thì sẽ có người nghe được. Những người này có thể sẽ xây dựng lòng căm thù và hành động. Vậy muốn có bình yên phải diệt trừ lòng căm thù, chia rẽ ngay trong con người mình. Chính trị theo người xưa là đạo chính, đạo lớn để “kinh bang tế thế”. Nhưng ngày nay “thánh nhân” đã chết hết và chính trị biến thành đạo tranh giành quyền lực. Lịch sử cho thấy tranh giành quyền lực là đấu trường dã man và tàn bạo nhất. Tranh giành quyền lực, khác biệt chính kiến có thể chẻ đôi, chẻ ba đất nước và đừng nghĩ rằng đó là dấu hiệu đáng mừng của nền dân chủ.

Dân chủ là thảo luận trong ôn hòa, tương kính và dùng lá phiếu chứ không phải xuống đường biểu tình liên tục, chống phá, chụp mũ, bôi bẩn và gửi bom tới nhà nhau. Nhưng than ôi! Đạo Trời hết thịnh lại suy là lẽ thường. Dân chủ theo kiểu “gửi bom tới nhà” sẽ chết và sẽ được thay thế bởi một hệ thống chính trị như thế nào đó mà chúng ta chưa biết.

Ngày xưa dưới nhiều triều đại vua hiền đức, dân chúng sống yên ổn, “trăm họ âu ca”, văn hóa, học thuật tư tưởng, nghệ thuật phát triển mà không cần lập đảng. Rồi con người do tiến bộ đã nghĩ ra độc đảng, lưỡng đảng và đa đảng để cai trị đất nước. Cuối cùng đất nước nát như tương và giết hại lẫn nhau. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, loài người đang đi theo hai con đường xuôi ngược: Văn minh, kỹ thuật càng tiến bộ, váy đàn bà càng ngắn, luân lý, đạo đức và lương tâm càng suy đồi.

Theo tôi, hiện nay nhân loại đang có “bốn dòng thác lũ”. Dòng thác lũ xác thịt (sex), dòng thác lũ bạo lực (violence)  dòng thác lũ gian trá bao gồm hàng giả, lời nói, hành động gian trá, bịa đặt tin tức và khát vọng tâm linh. Một số rất đông trên hành tinh này vẫn đang khát vọng những giây phút  bình an, cởi bỏ những phiền não trong con người mình. Nhưng khát vọng này không chống đỡ nổi ba dòng thác xác thịt, bạo động và gian trá đang thống ngự toàn cầu. Những hình ảnh đạo đức chìm dần giữa hàng triệu, hàng triệu hình ảnh phô trương thân thể gần như trần truồng của các cô ca sĩ, người mẫu, tài tử điện ảnh và những cuộc thi hoa hậu liên miên trên khắp thế giới và tin tức bịa đặt xuất hiện từng giây từng phút. Ngày nay con người không “nói chuyện” với nhau bằng trí tuệ và tình thương mà giải quyết mọi việc bằng súng đạn, bom tự sát và bằng những lời lẽ hận thù, kích động. Đạo đức ngày nay giống như một ông già hủ lậu, lọm khọm nép mình bên dòng đời đầy xác thịt bạo động và gian trá. Bạo động ở Iraq, A Phú Hãn, Syria, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestines, Do Thái, Hồi Quốc, Ấn Độ, Phi  Châu, đánh bom tự sát liên miên ở Anh, Pháp, Đức và ngày nay tới Hoa Kỳ.

Hãy vứt bỏ tất cả những tình cảm, ý nghĩ kỳ thị, ghét bỏ, hận thù, chia rẽ nếu thật sự muốn một cuộc sống bình an. Thế nhưng:

-Khuyên một người đang căm thù bỏ căm thù, rất khó. Có khi họ quay sang kết tội mình yếu hèn, nhu nhược.

-Khuyên một người đang kỳ thị bỏ kỳ thị, rất khó. Có khi họ quay sang giết hại mình.

-Khuyên một người đang say mê một cô một cậu nào đó, rất khó. Có khi họ bỏ cả cha mẹ để đi theo tiếng gọi của ái tình.

-Khuyên một người đang say mê quyền lực hãy buông bỏ, rất khó. Có khi họ nói mình ngu dại.

-Khuyên một người đang say mê tiền bạc hãy bớt tham đi, rất khó. Có khi họ nói mình đạo đức giả.

-Khuyên một người đang hành động gian trá hãy bỏ gian trá, có khi họ giết mình để che dấu hành động gian trá của họ.

Muốn buông bỏ được tất cả những thứ này phải có Trí Tuệ và lòng Từ Bi. Đó là con đường duy nhất. Van vái, cầu nguyện Thần Linh không giúp ích được gì cả. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng đừng cầu nguyện sau những cuộc thảm sát mà cần ngồi lại với nhau để tìm phương thức giải quyết trong tinh thần mà Phật Giáo gọi là Kiến Hòa Đồng Giải để rồi đi đến Giới Hòa Đồng Trụ tức cùng chung sống hòa bình trên hành tinh duy nhất này. Cho dù chúng ta có tìm ra một hành tinh khác có cuộc sống, thì nơi đó cũng sẽ biến thành đấu trường nếu chúng ta mang lên đó lòng hận thù, chia rẽ, kỳ thị, ghét bỏ ở Trái Đất Này.

Đào Văn Bình

(California ngày 15/11/2018)

https://vietbao.com/a287605/nhat-ky-bien-dong-mot-the-gioi-day-bao-luc

 

 

Vui cười

Trung Ương Đảng cử cán bộ xuống nông thôn để thăm dò ý kiến xem dân chúng  có đồng ý là Việt Nam nên đa đảng hay không .

Một cuộc phỏng vấn giũa một cán bộ và một người dân được ghi nhận như sau :

-Theo ông Việt Nam có nên đa đảng hay không ?

-Đa đảng là răng ?

-Là đất nước  nầy , ngoài Đảng Cộng Sản sẽ có thêm những đảng khác .

-Ối trời ơi !Một đảng đã khổ thấy mẹ rồi, đa đảng chắc chết luôn !

Bussy Saint Georges tối 6/11: “Không Quốc gia Tộc Kinh, không Tàu cộng, không…”! – Nguyễn Thị Cỏ May

Nhựt báo pháp Le Parisien, ấn bản địa phương (06/11/18, Seine et Marne, Bussy Saint Georges),vào cuộc. Vì báo chí pháp chẳng mấy khi để ý chuyện Việt nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, rồi Đỗ Mười chết, báo chí pháp tuyệt nhiên không có một lời !

Vế chuyện «Tộc Kinh ở Bussy Saint Georges», ký giả Alexandre Métivier làm một cái tựa rất bắt mắt: “Bussy Saint Georges: đang tranh cãi mạnh, Thị trưởng đính chánh không có sự Phục hưng Tộc Kinh”.

Ngày 21/05/2018, Thị trưởng Yann Dubosc nhận từ tay những đại diện sắc tộc kinh 7 là cờ. Nhà báo viết «kinh là sắc tộc lớn ở Việt nam», có lẽ có ý muốn nói “người Kinh” là người sanh sống ở đồng bằng để phân biệt với người sanh sống ở miền núi là “người Thượng” ? Những người Tàu lại huênh hoang rằng dân tộc Kinh của họ phục hưng và Bussy Saint Georges là “cái nôi của sự phát triển này”. Vidéo quay buổi lễ được phổ biến gần đây đã làm cho cộng đồng người Việt nam ở vùng Paris sửng sốt và tức giận.

Ông Hoài Thanh Nguyễn, Hội trưởng Hội Ái hữu Người Việt tại Bussy, phản đối: “Chúng tôi chống cách gọi dân tộc việt nam bằng săc tộc Kinh bởi vì trong lịch sử Việt nam, tộc Kinh hay người Kinh không có ! Người Tàu luôn luôn muốn coi chúng tôi là một thứ dân tộc dưới họ. Người Tàu, thay vì mua đất như những nhà đầu tư bình thương khác, lại muốn mua đất để xây dựng một khu thương mại và lãnh thổ cho tộc Kinh. Nhưng chúng tôi đã có một xứ sở rồi và đó chính là Việt nam ! ”

Ông Yann Dubosc quả quyết “Không có gì đã ký hết cả. Tôi tiếp những nhà đầu tư Tàu và tùy theo dự án của họ, tôi đòi hỏi một văn thư và phải có những bảo đảm tài chánh. Nay họ chưa đệ nộp hồ sơ chánh thức. Nhưng nếu đó là một dự án nặng về văn hóa chớ không phải kinh tế, thì chuyện sẽ không thành. Và chuỳện khác cũng không có luôn. Đó không phải là mục tiêu của chủ trương ở Bussy”.

Những lời này của ông Thị trưởng không thấy trên vidéo. Vấn đề sẽ được thảo luận tại buổi họp Hội đồng Thị xã vào tối thứ ba 6/11/18, lúc 19 giờ 30.

Người Việt nam vùng Paris hẹn nhau kéo tới tham dự và có cơ hội sẽ chất vấn ông Thị trưởng.

Vậy là thành công?

Cộng đồng người Vìệt nam tham dự buổi hợp Hội đồng Thị xã Bussy Saint Georges tối 6/11 để đưa ra nguyện vọng là không có vấn đề gán ghép người Việt nam về với «Tộc Kinh» mà «Việt nam» là Vìệt nam, là một Dân tộc, một Quốc gia độc lập từ thế kỷ X.

Tộc Kinh chỉ là một số nhỏ người Vìệt nam ở Đồ sơn, Hải phòng, từ thế kỷ XVI, di dân qua sanh sống vùng Tam Đảo, trên lãnh thổ tỉnh Quảng tây của Tàu, cách Mong cái của Việt nam 25 km và ngày nay, trở thành 1 trong 56 sắc tộc thiểu số nhỏ hơn hết ở Tàu vì chỉ gồm có 22 000 người. Những người lớn tuổi còn nói được tiếng việt nam, còn giữ ít nhiều phong tục tập quán dân tộc. Nếu có sáp nhập thì chính những người này trở về với quê hương Việt nam gốc của họ.

Nhưng Tàu cộng và VC, một mình không chủ động thực hiện âm mưu xóa bỏ sạch lịch sử việt nam chống cộng sản được, nhứt là xóa bỏ Cộng đồng Người Việt nam Hải ngoại, nên phải mượn những tên Việt gian, đúng ra chúng là những tên Hán ngụy bởi chúng không còn Việt trong người của chúng nữa, tiếp tay.

Cái Hội của Trần Nghĩa Hiệp, với tôn chỉ «Tạo điều kiện cho những người gốc Tàu và Việt Nam tham gia trong việc phát triển kinh tế và xã hội của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đã thể hìện rõ điều đó. Trần Nghĩa Hiệp không thể chối cải sự thật làm tay sai phục vụ Tàu cộng và Vc thực hiện âm mưu chánh trị của họ từng bước thủ tiêu Việt tộc, sáp nhập Việt tộc vào với Kinh tộc trở thành một trong 56 sắc tộc thiểu số của Tàu. Cả 2 cùng hoàn cảnh sống xa xứ, cùng mang quốc tịch ngoại quốc, giờ đây cùng tìm về chung nguồn cội! Một âm mưu thật vô cùng ác độc!

Sau phần thảo luận chương trình làm việc định kỳ của Thị xã, quả thật ông Thị trưởng đề cặp tới vấn đề «Tộc Kinh và bán đất cho người Tàu». Bà Chantal Brunel, cựu Dân biểu và cựu Thị trưởng, vội can thiệp, cắt ngang phát biểu của ông Thị trưởng nhưng sau đó, ông ôn tồn tiếp tục và xác nhận trước Hội đồng Thị xã và lối 60 người Việt nam kéo tới tham dự để chờ nghe ý kiến của ông Thị trưởng : «Không có Quốc gia Tộc Kinh tại Bussy Saint Georges, không có bán đất, không có ký một văn kiện nào hết,cũng chưa có hồ sơ của người Tàu mua đất nộp, … » !

Nhưng tại sao?

Trong phần chất vấn, bà Brunel có đặt câu hỏi «Tại sao chuyện này xảy ra từ hôm 21/5 và vẫn giấu kín cho tới nay, người Việt nam biết và phơi bày ra ?»

Ông Thị trưởng không trả lời hay chưa kịp trả lời. Và ông tiếp tục nhấn mạnh là « không có…, không có…, không … ». Bà con ta vội hô to những khẫu hiệu «Việt nam là Việt nam ! Không có Kinh gì hết !», « Không có Quốc gia Kinh ở Bussy Saint Georges !», «No more China !” vừa đưa lên những biểu ngữ.

Ông Thị trưởng không phát biểu tiếp được mặc dầu có muốn trả lời câu hỏi « Tại sao …? » của bà Brunel và cũng là điều thắc mắc của nhiều người Việt nam theo dõi vụ việc này từ hơn tuần nay.

Phòng họp của Thị xã bắt đầu mất trật tự và ồn ào. Ban an ninh vội tắt đèn. Vài phút sau, cảnh sát tới đưa mọi người ra ngoài.

Họ đứng trước Thị xã, có vài người còn tiếp tục la khẩu hiệu, tay vẫy cao tấm biểu ngữ. Có một số người Pháp của đảng đối lập, tới ủng hộ bà Brunel, tỏ ra bất mãn vụ ông Thị trưởng và 3 Phó mang cờ Pháp, rước người Tàu vào Thị xã, tổ chức lễ giới thiệu dự án lập “Kinh đô Quốc gia Tộc Kinh” hôm 21/5/18 mà họ không biết gì hết. Có người, sau khi hiểu chuyện, bất mản, đã buộc miệng “Traitres” (phản bội)!

Có nhà báo 77 (báo địa phương tỉnh 77) là một người đầu bạc, mang thẻ “Báo chí 77” (Presse 77) tới theo dõi, chụp hình, ghi chép buổi họp của Hội đồng Thị xả, vụ biểu tình bỏ túi của Bà con ta, phỏng vấn vài người Việt trước Thị xã.

Bà con người Việt tức giận

Vidéo ghi buổi lễ tại Thị xã Bussy Saint Georges hôm 21/05/18 phát tán rộng rải sau ngày 28/10/18 trình chiếu tại nhà thờ Choisy nên nhiều người xa gần, cả ngoại quốc, được coi qua. Ai cũng bất mản khi nghe tên Tàu đại diện Quảng đông lên lớp lấy được một cách dốt nát lịch sử Vìệt nam, để kêu gọi người Việt nam sớm trở về nguồn gốc “Đồng văn, đồng chủng” từ ngàn xưa của mình : “Tộc Kinh là 1 tộc trong 56 dân tộc của Trung hoa. Dân tộc Kinh của chúng tôi trước nay vẫn ở vùng Quảng tây. Chúng tôi vốn là một dân tộc thuộc dòng quí tộc được dân tộc Mãn Châu nhà Thanh cho trở thành Vương quốc An Nam độc lập vào năm 1884-1885, tức là nước Việt Nam ngày nay ”.

Nhưng người Việt nam nào học qua lịch sử chương trình Trung học Đệ I cấp đều biết năm 1882,Pháp hạ thành hà nội lần thứ 2. Đó là một phần của cuộc chiến tranh Pháp Việt (1858-1884) diễn ra ngày 25 tháng 4 năm 1882.

Đây là trận đánh giữa quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân Henri Rivière đánh thành Hà Nội, với lực lượng quân đội triều đình do Tổng Đốc Hoàng Diệu chỉ huy. Kết quả thành Hà Nội thất thủ nhanh chóng chỉ sau vài giờ nổ súng, Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn. Vua Dực Tông vội sai sứ sang Tàu cầu viện. Nhà Thanh nham hiểm sai Tạ Kinh Bửu, Đường Cảnh Tùng, Từ Diên Húc đưa quân Tàu qua, không phải để giúp Việt nam đánh Pháp, mà lợi dụng cơ hội chiếm đóng Bắc ninh và Sơn tây, đợi khi có biến thì chiếm lấy mấy tỉnh phía Bắc sông Hồng.

Năm 1884, Triều Đình Huế ký hòa ước công nhận sự bảo hộ của Pháp.

Năm 1885, Pháp mang quân lên Bắc kỳ để thu lại Lạng sơn-Cao Bằng-Lao Kay đang bị Tàu chiếm đóng. Trận chiến kéo dài khiến cả Pháp và Tàu đều bị thiệt hại nặng nề. Vua Tàu thấy chiến tranh với Pháp không có lợi bèn truyền lệnh cho quân Tàu rút lui hết về Tàu (Trần Trọng Kim, Việt nam Sử lược).

Nhiều người coi phim, đọc phụ đề lời phát biểu của mấy người Tàu, càng thêm câm giận mấy tên Hán ngụy như Trần Nghĩa Hiệp, 6 Đào,…

Tại sao Tàu cộng và bọn Hán ngụy chọn thành phố Bussy Saint Georges tổ chức lễ giới thiệu dự án mua đất lập quốc Kinh tộc? Bussy Saint Georges gần Paris, dễ liên lạc với Paris nhờ xa lộ A4. Dự án thực hiện được sẽ đem lại cho Tàu nhiều cái lợi quan trọng: tiền bạc, hoạt động tình báo (Nhựt báo Le Figaro, 28/10/2018, Paris),làm cho dư luận quốc tế lần lần quen chuyện Việt nam bị xóa sổ, thay thế bằng Tộc Kinh, trở thành một sắc tộc thiểu số thuộc miền Nam nước Tàu. Cái nhìn chiến lược thâu tóm Việt nam của Tàu cộng.

Còn gặp nhau nữa

Người Pháp tối 6/11/18 tại Thị xã Bussy Saint Georges đã ngạc nhiên khi thấy người Việt nam tới khá đông, vào ngồi trong phòng họp với Hội đồng thị xã khá nghiêm chỉnh và khi phản đối vụ Tộc Kinh cũng lại quyết liệt. Có lẽ vì nhận thấy vụ Tộc Kinh đối với người Việt nam là một vấn đề cực kỳ quan trọng và họ lại chưa thật sự thỏa mản những câu trả lời của ông Thị trưởng nên qua hôm sau, 7/11/18, ông Chánh Văn phòng của Thị trưởng liên lạc với “Collectif Transparence”, hộp thư liên lạc giữa những người Việt nam theo dõi và chống dự án xây dựng Tộc Kinh tại Bussy Saint Georges (thành lập ngay sau ngày chiếu phim 28/10 vừa qua), để hẹn gặp nhau trong một ngày rất gần để nói chuyện với nhau thêm cho rõ và dứt khoát.

“Collectif Transparence” loan tin cho nhau, hẹn gặp nhau trước giữa thành viên của Collectif để hội ý với nhau về mục tiêu thảo luận với chánh quyền Bussy. Phải gặp rộng rãi, phải có mặt ông Thị trưởng Yann Dubosc, không chấp nhận Đại diện, phải đi đến một kết thúc cụ thể…. Ngày hẹn sẽ vào tuần thứ 3 của tháng 11.

Cộng đồng người Việt nam vùng Paris quyết tâm theo đuổi cuộc tranh đấu này phải thành công thật sự là không có vấn đề gán ghép Việt nam vào Tộc Kinh thành một sắc tộc của Tàu, xây dựng Quốc gia tộc Kinh ở Bussy Saint Georges.

 

Tộc Kinh và Cộng đồng người Việt nam Hải ngoại

“Tộc Kinh và Cộng đồng người Việt nam Hải ngoại” bổng trở thành thời sự của người Việt nam ở Paris từ mấy hôm nay. Hôm 21 tháng 05/2018, một nhóm người Tàu vừa đỏ, vừa xanh cùng với ít người Việt nam ở Paris kéo tới thành phố Bussy Saint Georges, cách Paris chừng 45 km về hướng Đông, họp với chánh quyền Thị xã về một dự án mua đất của thành phố, thành lập một “Quốc gia Tộc Kinh”. Những người này giải thích Tộc Kinh có 3 triệu người hiện sanh sống khắp thế giới, không có Tổ quốc. Nay họ xây dựng “nước Kinh” để qui tụ người Kinh, tức người Việt nam Hải ngoại, lập thành Quốc gia.

Đất đai đã được Thị xã Bussy Saint Georges đồng ý bán. Khả năng mua và thực hiện dự án đã sẳng.

Buổi họp kết thúc bằng lễ trao 7 lá cờ như những văn kiện cam kết có giá trị tinh thần hay tâm linh giữa hai bên.

Buổi họp có quay phim nhưng không được phổ biến rộng rải vì vậy người Việt nam ở Paris, không thuộc phe tham dự hôm ấy, chỉ may mắn có được một copie. Lúc đầu, copie này đưa lên mạng nhưng lại coi không được nên hôm chủ nhựt rồi, 28/10/18, Văn Phòng Liên lạc và Hội Pháp-Á mới tổ chức chiếu đoạn phim ấy cho Bà Con xa gần tới coi cho biết sự thật nội dung buổi họp hôm đó.

Buổi họp bắt đầu 14 giờ. Tất cả có mặt trong phòng họp của Thị xã Bussy Saint Georges hơn 40 người. Phía chủ nhà là chánh quyền Thị xã có ông Thị trưởng, Yann Dubosc và 3 Phó Thị trương (Đệ II Phó là bà Thị Hồng Châu Van, gốc Việt nam). Phe «đối tác» có người Tàu đông hơn hết và vài người Việt nam làm hoạt náo. Còn lại là người được mời như khách tham dự. Nhưng chỉ chừng hơn mươi người.

Về phía người Tàu, có 2 thứ : Tàu đỏ và Tàu xanh. Tàu đỏ đến từ Hoa lục, Tàu xanh gốc các nước Đông Nam Á tới Pháp định cư từ sau năm 75 theo làn sóng người cụu đông dương tỵ nạn cộng sản.

-Tàu đỏ có 4 người : Đại diện tỉnh Quảng đông, ông Chan Hoa Ta là người ký hợp đồng mua đất với Epamarne (Cơ quan Quản trị lảnh thổ địa phương), Đại diện Mãn châu, Võ sư đại diện chùa Thiếu lâm ở Paris, bà Ming trách nhiệm tài chánh của dự án và An Hòa Công chúa đại diện Tộc Kinh ở Quảng tây và Trung Hoa Dân quốc..

-Tàu xanh có 2 người : Bang trưởng Quảng đông ở Paris và bà Huỳnh thị Mỹ Vân, tàu Chợ lớn, nay lấy tên Chan Way Way để xóa bỏ căn cước củ của VNCH.

Việt nam có 7 người, có một số là người hợp tác với Tàu trong thành phần “đối tác”, còn lại là khách mời. Phía người Việt nam hợp tác dự án, có 2 người cần để ý : ông Chấn, thường gọi «Thao Chấn » («Ông Chấn» vì ông gốc người Việt ở Lèo)làm hoạt náo viên buổi họp và điều khiển chương trình, được ông Thị trưởng giới thiệu «không có ông thì không có dự án này»  và ông Trần Nghĩa Hiệp, du học trước 75 ngành Tin học (Informatique), làm nhà hàng ăn, sanh sống ở Paris, từng tự giới thiệu trước đây nhiều lần lẻn về Việt nam làm «kháng chiến» đánh vc, đi qua Tàu nhiều lần từ mươi năm nay để vận động cho dự án này. Ông Nguyễn Thế Tâm, du học ở Pháp từ thời chiến tranh, tới giờ chót được mời đứng vào hàng ngũ dự án.

Phát họa dự án

Ông Chấn được ông Thị trưởng giới thiệu để trình bày nội dung và tầm quan trọng của dự án. Mở đầu, ông luu ý mọi người hôm nay là ngày 21/5 là ngày linh thiêng trong 50 năm qua, nó sẽ cho chúng ta ánh sáng và sự khôn ngoan để thành tụu dự án này. Ông phát họa, trong giai đoạn đầu, sẽ dùng 350 000 m2 xây dựng một số cơ sở như «Công viên Hòa bình Thế giới cho các dân tộc và các quốc gia» (ông cho biết hồ sơ đã nộp cho UNESCO và đã được chấp thuận (?)),trường học quốc tế từ Mẫu giáo tới Đại học dạy bằng tiếng tàu, Trung tâm nghiên cúu khoa học, Trung tâm võ thuật, Trung tâm thương mải, kỷ nghệ cao để phát triển kinh tế cho Bussy Saint Georges hợp tác với Tàu. Về đất đai, chúng ta còn nhiều nữa, 850 000 m2, … và còn nữa.

Chương trình thực hiện xong sẽ tạo cho thành phố 100 000 công ăn việc làm cố định, không tính một số việc làm khác do những quan hệ với nơi đây như du khách thăm viếng, đi về của ban giảng huấn, của sinh viên trao đổi giữa Bussy Saint Georges và Tàu, nghiên cúu sinh, …

Lễ tặng cờ kỷ niệm

Qua phần II của chương trình là lễ tặng 7 lá cờ cho 7 vị Hội viên của Hội đồng thành phố. Ông Chấn nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của là cờ để cho người trao cờ và người nhận cờ đều nhận  thấy mình có vai trò tối hệ trọng trong việc thực hiện dự án như «hiện thân của dân tộc Kinh», «ấn tín, những quyền lực tối cao trung quốc tại Pháp và trên thế giới được nhìn nhận qua lá cờ, … », «lá cờ đến từ Tam đảo của Tàu hàm ý dưới thẩm quyền tối cao của Tàu», …

Đặc biệt lá cờ của ông Ôn văn Thanh (nhiều người quả quyết ông bà là đảng viên Việt Tân nhưng ông bà phủ nhận) trao tặng với tư cách người Đại diện Tộc Kinh tại địa phương lại mang ý nghĩa là «mệnh lệnh để qui tụ người Kinh về đây tuân lệnh phát triển dân tộc».Nghe thật là rùng rợn !

Ông Chấn nói Tàu có nhiều đảo trên đó có 3 triệu người Kinh ở rải rác. Nay họ cần sống tập trung lại nên chọn Bussy Saint Georges lập Quốc gia Kinh tộc. Ông nhắc lại lịch sử lập quốc chớp nhoáng của vài nước để mọi người thấy tính khả thi của dự án Tộc Kinh : Do thái lập quốc chỉ mất 2 đêm, Singapour còn ngắn hơn !

Phát biểu của Tàu Hoa lục

Trước khi mời người Tảu Hoa lục trong dự án Tộc Kinh phát biểu, ông Chắn phấn khởi loan tin, ngày 20/5, ông nhận được tin người Kinh ở 27 quốc gia sẳn sàng xin tới gia nhập.

An Hòa Công chúa phát biểu : «Hôm nay tôi, Công chúa An Hòa, từ Quảng tây và Tam Đảo đại diện Tộc Kinh tới đây hợp tác với Thành phố Bussy Saint Georges để phát triển kinh tế và văn hóa một cách quang minh chính đại, rực rở, …Tội đại diện tỉnh Quảng đông hợp tác với Bussy Saint Georges cùng với 56 dân tộc ở hải ngoại.

Bà giải nghĩa tại sao có tên «An Hòa» : dân tộc trung hoa an bình và thạnh vượng vì thế có tên «An Hòa» Công chúa.

Bà hi vọng 2 nước Pháp và Trung hoa có cơ hội hợp tác. Bà đại diện cha là Giáo hoàng tộc kinh. Bà hi vọng sẽ có một chánh phủ tốt cho người kinh llàm việc hết mình cho người Pháp, người Trung hoa và người Kinh» !

Công chúa An Hoa J

Đại diện tỉnh tỉnh Quảng đông đọc 1 bài ngắn viết sẳn : «Tộc Kinh là 1 tộc trong 56 dân tộc của Trung hoa. Dân tộc Kinh của chúng tội trước nay vẫn ở vùng Quuản tây.

Chúng tôi vốn là một dân tộc thuộc dòng quí tộc được dân tộc Mản châu nhà Thanh cho trở thành Vương quốc An nam độc lập vào năm 1884-1885, tức là nước Việt nam ngày nay.

Dân tộc Kinh lưu vong vẫn muốn nhận tổ nhận tông và qui thuận về tổ tiên. Đây cũng là tâm tình của người Kinh thế kỳ 21 muốn trở về trong vòng tay của mẹ, cùng với 56 dân tộc anh em của Trung quốcn vun đấp và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nền hòa bình nhơn loại.

Dưới sự chứng kiến của mọi người trong việc thành lập Trung tâm người Kinh nơi đây, tại thành phố Bussy Saint Georges, tổ tiên dân tộc trung hoa của chúng tôi có một ước nguyện : thành kính tổ tiên, động viên dòng dỏi, phát huy cá nhơn, chú trọng đạo đức, lấy giới trẻ làm gốc, ngũ văn ngũ thường».

Đặt câu hỏi

Trước khi kết thúc buổi sanh hoạt, ông Chấn hỏi có ai muốn đặt câu hỏi hay không ? Một cô sinh viện việt nam năm I Ban Sử hỏi về Tộc kinh để tìm hiểu cụ thể hơn vì cô muốn sau này sẽ làm luận án Tiến sĩ, sẽ chọn đề tài về Tộc Kinh. Ông Chấn hoan nghênh và trả lời : « Trước tiên phải nói «Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hòa». Muốn biết người Kinh ra đời thế nào, phải hiểu điều đó thuộc về Chiêm tinh học và Thiên văn học. Các ngôi sao xắp hàng trên Trời, mình không biết là gì. Nhưng có điều gì đó rất quan trọng xảy ra. Có người nói dân tộc kinh ra đời trước kỷ nguyên Jésus Christ. Qua dòng lịch sử và nhiều di dời, ngày hôm nay dân tộc Kinh xuất hiện.

Việc xắp hàng các hành tinh đã sanh ra dân tộc Kinh. Nhờ sự kết hợp đặc biệt về các vấn đề kinh tế, chánh trị, tâm linh, sanh ra chứng nhân này » !

Những lời phát biểu ghi lại trên đây hoàn toàn dựa theo phụ đề của cuốn phim quay buổi họp ở Thị xã Bussy Saint Georges hôm 21/5 được phổ biến chiều hôm 28/10 tại nhà thở Porte de Choisy, Paris.

Có người coi xong cuốn phim cho rằng đây là chuyện tào lao như một đám hát cải lương ở làng vì lời lẽ của những người chủ chốt có lúc quá hời hợt, ý nghĩa hoàn toàn xa thực tế. Dự án và cách giải thích là của kẻ nằm mơ giữa ban ngày. Còn những người Tàu, trong vai trò quan trọng, nhưng trông lại không có vẻ  doanh nhơn, nói lấy được hơn là từ sự hiểu biết. Mấy người đàn bà ăn mặc lỏe loẹt, chí choe chí chóe, thì quá quen thuộc ở Paris. Còn Công chúa ? Công chúa của bộ lạc nào ?

Nhưng chuyện Tộc Kinh tại sao lại đưa ra ngay thời điểm này ? Tại sao muốn ghép Cộng đồng Người Việt nam Hải ngoại vào Tộc Kinh và dưới trướng Tàu cộng ? Ai thật sự đứng ở đàng sau ? Tàu và VC ? Trong âm muu ngoại vận của họ ?

Bà con ở Paris quan tâm chuyện này vừa khám phá ý nghĩa của hàng mã số W943001635 trên 7 lá cờ “Tộc Kinh” tặng Thị xã hôm 21/5 là «đến từ Trung quốc».

Tra thêm RNA = Répertoire National des Associations (danh bạ quốc gia của các hội đoàn ở Pháp), thì bắt gặp thêm Hội “Quí Đô Dân Tộc” được thành lập vào ngày 04/09/2007, mục đích là “tạo điều kiện cho những người gốc Tàu và Việt Nam tham gia trong việc phát triển kinh tế và xã hội của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Tức cái Hội có cơ sở pháp lý để đứng ra làm việc này.

Trụ sở của hội «Quí Đô Dân Tộc» được đặt tại số 34 rue Roger Morinet – 94800 VILLEJUIF, là địa chỉ tư gia của ông bà Trần Nghĩa Hiệp, người trong nhóm «Dự án Tộc Kinh», đã từng lặng lội qua Tàu từ hơn mươi năm qua để vận động cho Dự án.

Với cái Hội này, họ có thể mua đất giá rẻ vì Hội theo tôn chỉ bất vụ lợi, mua đất cho mục đích hóa, xã hội, sau đó có thể làm nhiều chuyện khác có lợi lớn. Tiền ? Hể có đất ở Tây bán là có Tàu tới và có tiền. Bao nhiêu cũng có. Người Tàu đã từng mua đất (ruộng, vườn, xây cất) ở Pháp với giáo cao hơn giá bình thường tử 3 lần trở lên.

TT. Macron vừa ra chỉ thị ngăn chặn bán đất cho ngoại quốc vì đất là «giá trị chiến lược ». Phản ứng của người Việt từ hôm chủ nhựt nay đã có ảnh hưởng cụ thể. Ông Thị trưởng Bussy Saint Georges «thay đổi thái độ».

Tối ngày 6/11 tới, Thị xả Bussy Saint Georges có 1 buổi họp, phe đối lập sẽ chất vần ông Thị trưởng về vấn đề bán đất. Theo một cụu dân cử địa phương thì đất Thị xã bán 100 000 m2 cũng không có nữa.

Người Việt nam kêu gọi nhau sẽ tới tham dự buổi họp tuần tới để có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình, phản đối dự án, với tư cách công dân pháp.

Vài lời riêng với Ông Chấn và Ông Nghĩa Hiệp

Thưa 2 Ông,

Cỏ May tôi thưa riêng với 2 ông vì Ông và Ông Nghĩa Hiệp là 2 người nồng cốt của Dự án Tộc Kinh tại Bussy Saint Georges. Riêng ông Chấn, nếu “ không có ông thì đã không có dự án” !

Còn những người khác ? Người Tàu, họ vẫn theo đuổi sách lượng bành trướng của họ vì văn hóa bắc phương của họ là xăm lược và chiếm đoạt, Ông Bà Ôn, các bà áo vàng, áo đỏ, thì đó là thứ thời nào cũng có ! Không cần đề ý tới.

Thưa Ông Chấn,

Sau 75, đền Toulouse tỵ nạn cộng sản, ông đậu kỷ sư Hóa học. Lên Paris, ông đậu Tiến sĩ Khoa học. Và còn có thêm vài văn bằng nữa. Ông là một Đại Khoa bảng của Pháp và Mỹ. Ông lập gia đình với một người phụ nữ Việt nam cũng từ một gia đình Đại Khoa bảng. Bà Chấn là một Dược sĩ làm việc cho một Công ty Dược phẩm quốc tế (Cadre supérieur). Con trai của ông là kỷ sư Viển thống trẻ đang làm việc ở Mỹ. Ông từng làm Vice-Président cho Trung tâm quốc gia truyền máu (TNTS) cho tới khi bùng nổ vụ máu nhiểm độc.

Về thân thế, có thể nói không phải người Pháp hay người Mỹ nào đều được như ông. Nay, ở tuổi khá cao, ông còn nuôi tham vọng gì nữa mà dấn thân thêm vào vụ“Tộc Kinh” ở Bussy Saint Georges mà lời lẽ giải thích ý nghĩa và lý do có Dự án Tộc Kinh trong buổi họp ngày 21/05 đã làm cho ngưòi Việt nam nào có chút hiểu biết lịch sử dân tộc, còn chứt ý thức Việt nam, đều không khỏi bất mản và tức giận.

Phải chăng Ông Chấn nghĩ làm điều này là để đem lại ơn ích cho Việt nam, mà không vì thỏa mản tham vọng cá nhơn bởi ông nay là đạo sĩ xa lánh thế tục? Nhưng chắc ông chưa quên cách đây không lâu, ông đã đem về Hà nội dự án mở ở Hà nội một Trường đào tạo cán bộ Hành chánh cao cấp (như ENA của Pháp), cho thanh niên Việt nam, Đông Nam Á và cả của thế giới. Hà nội nghe mê quá. Họ chiêu đải ông như thượng khách. Và họ đề nghị ông hảy vận động tiền bạc. Khi có đủ tiền bạc thực hiện dự án, ông để họ làm giúp ông. Và Hà nội sẽ giới thiệu ông đi làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Ông Chấn ơi,

Tôi không nghĩ ngày nay, ông vẫn còn đấm mình trong giấc mở Hà nội hay ông lại mơ một giấc mơ khác ?

Thưa Ông Nghĩa Hiệp,

Trước đây, ông từng xuống đường vác cờ vàng hô hào chống viêt cộng ở Paris. Ai chống cộng không đúng theo ông khó tránh bị ông lên án là “vc, là nằm vùng, là …”. Ông còn khoe vào những năm 80, ông đã lẻn về Việt nam mần kháng chiên giải phóng đất nước.

Nay ông cũng lẻn về Việt nam và còn lẻn qua Tàu để đem về Pháp “Dự án Tộc Kinh” giúp người Việt nam vong quốc có Quốc gia, “về với mẹ, với tổ tông”.

Ngày 04/09/2007, ông lập ra Hội “Quí Đô Dân Tộc”, mục đích là “tạo điều kiện cho những người gốc Tàu và Việt Nam tham gia trong việc phát triển kinh tế và xã hội của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Trụ sở của Hội là tư gia của ông.

Rồi chừng nào ông lại trở cờ nữa đây ? Hay lần này đúng lý tưởng của ông ?

Ông sao quá hung hăng mà không kịp nhìn lại thực tế “cổ lai hi” của ông ? Ông không nghĩ ngày mai này, khi ông đi đoàn tụ với ông nội của ông, Cụ Đốc sẽ nhìn ông thế nào ? Chắc chắn Cụ Đốc sẽ trừng mắt đuổi ông đi chổ khác, không thể nhìn một nghịch tôn. Bởi Cụ là một vị Ân Sư của nhiều thế hệ thanh niên nghèo học ở trường mà Cụ là Đốc học vào nhửng năm đầu thế kỷ XX ở Tây Ninh.

Tôi nói Ân Sư vì câu chuyện một học trò củ Tiểu học của Cụ, sau khi đậu bằng Brevet Élémentaire ỏ Collège Chasseloup-Laubat Sài gòn, được bổ nhiệm đi làm thấy giáo. Biết học trò nhà nghèo không có quần áo, Cụ Đốc bèn kêu tới, chọn 2 bộ quần áo của Cụ còn tốt đưa cho học trò đi nhậm chức.

Ông Nghĩa Hiệp ơi,

Nay ông làm việc cho 2 kẻ thù cực kỳ ác ôn của dân tộc, chẳng lẻ ông làm việc nghĩa vì ông có tên Nghĩa Hiệp ? Thật tình ông không hề cảm thắy nhục trước gia tiên của ông hay sao ?

 

Thơ Nhữ Đình Hùng

Quê người

Ừ đúng là như thế đó mà,

Quê người sống gửi tưởng quê ta

Nửa đời xưa ở nơi quê cũ

Nửa đời sau ở cõi trời xa

Lần lửa tháng ngày trôi nổi mãi

Nào đâu quên được nước non nhà!

Hẹn sẽ một ngày về  chốn cũ

Một ngày! nỗi nhớ quá bao la!

Tử Sĩ tại Xứ Người: Người lính Khố Xanh  –  Phan Văn Song

Bằng quân mạc thoại phong hầu sự,

Nhất Tướng công thành, vạn cốt khô!”

– Anh chớ luận bàn hầu bá nữa. Thành công một tướng, vạn xương khô –

Tào Tùng – Nguyễn Phước Hậu dịch.

 

Tháng 11, tháng của Nhớ Thương

Hằng năm, tháng 11 đến với những người âu châu truyền thống thiên chúa giáo là tháng của hiếu thảo, tháng của kỷ niệm, tháng của mùa tảo mộ, tháng của những thương, tháng của những nhớ, tháng của tri ơn, tháng để trả những món nợ ơn tình với tiền nhơn, với người xưa, với gia tộc, gia phả, gia đình. Từ sau đệ nhứt đại thế chiến, ngày 11 tháng 11 cũng là ngày toàn dân các quốc gia tây âu tưởng mộ, tri ơn các tử sĩ và trả ơn chiến sĩ đã hy sanh trong cuộc thế chiến nầy. Người Anh Mỹ vào dịp ấy thường cài trên ve áo một chiếc hoa coquelicot-poppy đỏ, và người Pháp thì một chiếc hoa muguet-cornflower xanh, biểu tượng thương nhớ souvenirs-remembrance, tri ơn tất cả các người lính của các lực lượng quân đội tham chiến có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ hay một quan niệm, một ý thức, một tư tưởng văn minh, một suy nghĩ văn hóa của đất nước mình.

Vừa qua vào đầu tháng 11 năm nay, ngày mồng hai, cũng như mọi năm, anh em chúng tôi, những cựu quân nhơn, những Mũ Đỏ, thành phần người Việt tỵ nạn cộng sản Hán ngụy ở Pháp, thành viên Hiệp hội Nhảy Dù Pháp, chúng tôi tham dự ngày, do anh em một Hội đoàn bạn, người Pháp Hiệp hội Quốc gia các Cựu Cư dân Đông dương-ANAI-Association Nationale des Ancien d’Indochine tổ chức, mà anh đàn anh Mũ Đỏ Hoàng Cơ Lân đã đặt tên là Ngày Giỗ Lính.

Phải, Ngày 2 tháng 11, Ngày Tảo Mộ truyền thống của các người dân Pháp, Ngày Fête des Morts ngày tiếp liền sau Ngày Lễ Các Thánh-Toussaint đầy thánh thiện tôn giáo của Thiên Chúa giáo, là một ngày giành cho gia đình, để tập họp giổ tổ giổ tiên giổ giòng giổ họ … Nếu như Lễ Noël-Christmas, lễ Giáng Sanh là lễ của một tiểu gia đình chỉ cha mẹ cùng con cái xum họp Mừng Chúa Cứu Thế ra đời; thì ngày mồng 2 tháng 11 là ngày của toàn đại gia đình cả con lẫn cháu tề tựu, tập họp lại… tất cả các con cháu nhiều tiểu gia đình anh em, bà con, cùng họ cùng tổ, trở về làng cũ, về căn nhà chung, đoàn tụ với ông bà, cha mẹ họ hàng, sống xa hay sống gần, hôm ấy phải tụ về một gốc, để cùng nhau hội họp, đắt nhau ra nghĩa trang thăm viếng chăm sóc các mồ mã tổ tiên, ôn lại gốc gác, nhớ lại cội nguồn.

Hôm ấy, nhóm Mũ Đỏ chúng tôi, trang phục cựu quân nhơn nhảy dù, áo đen, quần xám, sơ mi trắng cà vạt đỏ; đầu đội mủ đỏ, ve áo bằng dù, huy hiệu binh chủng, huy chương đầy đủ, có mặt từ sáng sớm, quân kỳ, quốc kỳ vàng ba sọc đỏ, phất phới cạnh quốc kỳ Pháp và các quân kỳ các binh chủng bạn, cùng với một tiểu đội Lê dương – Légion Étrangère, lập hai hàng danh dự đi đến Đài Chiến sĩ trân vong đặt tại khu tử sĩ của nghĩa trang thành phố Nogent sur Marne – ngoại ô thủ đô Paris, Pháp Quốc. Vì trong khu tử sĩ của nghĩa trang Nogent sur Marne, có 200 mồ chôn của 200 tử sĩ Việt Nam bỏ mình trong Đại Thế chiến I, nên khu tử sĩ trận vong của nghĩa trang Nogent sur Marne được bà con Việt Nam tỵ nạn cộng sản Hán ngụy vận động, để được đặt một tấm bảng bằng đá có khắc hình bức tượng Thương Tiếc đã một thời trước ngày mất nước 30 tháng tư 1975, gác cửa Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa của các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Và để đáp lễ, thị xã Nogent sur Marne cũng cho xây một Đài Chiến Sĩ Trận Vong với câu chữ Hán Thiên Âu Hách Nghĩa Việt để dịch câu văn bằng tiếng Pháp Sous le ciel européen, la fierté des enfants Vietnamiens-Dưới trời âu, sự hãnh diện của con cháu Việt. Câu viết bằng Hán Việt để tỏ cái lòng thành những người con Việt ngày nay sống tại Pháp đối với, chẳng những 200 tử sĩ gốc Đông dương Việt Miên Lào, mà cả với các tử sĩ người Pháp quê quán ở địa phương Nogent sur Marne, nay yên nghỉ trên mãnh quê hương của họ. Viết bằng Hán Việt cũng để thành kính nói rõ cái hãnh diện cũa hậu duệ con cháu gốc Việt ngày nay tỵ nạn sống tại đất Pháp đối với các tiền bối cùng gốc gác, cùng quê hương nay đã yên nghỉ trong lòng đất Pháp. Tham dự Thế Chiến thứ Nhứt, cạnh quân đội đồng minh Pháp Anh Mỹ có gần 50 ngàn lính đến từ Đông dương vừa tham chiến tại mặt trận vừa phục vụ ở hậu cần, tài xế, công nhơn các xưởng sản xuất quân trang, quân cụ. 12 ngàn người đã hy sanh, 200 nằm ở Nogent sur Marne, phần còn lại rãi rác trên các nghĩa trang trên nước Pháp.

Khố Xanh:

Trong cái không khí vừa vui, vừa bùi ngùi đầy xúc động của những ngày gặp gỡ, tụ họp của những chúng tôi, cư dân của một tỉnh lẽ nhà quê của xứ Pháp, lâu lâu mới được lên thăm thủ đô Paris, được các chiến hữu thổ công  …  của thành phố đầy hoa lệ nầy chu đáo dẫn dắt chu du, khi hủ tiếu, lúc bò kho …Trong cái không khí đang đầy hãnh diện được đội lại chiếc mũ đỏ, được gặp những chiến hữu nhảy dù vừa cả xứ Ta, vừa cả các xứ bạn, Pháp, Anh, Bỉ, … hay cựu Lê dương vỗ vai, cảm động thấy người bạn ngoại quốc kẻ trân trọng chào lá cờ vàng thương yêu, người nâng niu hôn lá cờ vàng thân quý, tất cả vồn vã tươi cười chào các người bạn Nam Việt Nam … Đang trong những ngày vui, đầy cảm động ấy, thì bổng nhiên nhận được những cú điện thoại, tiếng bất tiếng chì chất vấn qua ông anh đàn anh, rằng chúng tôi, đám nhảy dù, bọn Mũ Đỏ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi vô duyên, đi giỗ lính Khố Xanh! Và ông anh đàn anh của chúng tôi lại càng vô duyên hơn, giỗ người quê ta, mà lại nói tiếng tây… làm sao anh khố xanh ngu dốt hiểu được (sic)!

Thằng tôi, khờ khạo, nghe được câu trách móc qua, bổng vừa nổi quạu, lẩm bẩm chưởi thề, vừa khóc… Phải tôi khóc, vì thương cho thân phận tỵ nạn, ngày mai, chết sẽ nằm trong đất người, còn con cháu sẽ bị cấm  không được làm giỗ, vì chúng tôi thân phận lính Khố Xanh.

Phải, thằng tôi cũng như phần đông những việt tỵ nạn cộng sản Hán ngụy, đều sanh trưởng ở Việt Nam. Chúng tôi gốc di cư, Mẹ tôi, gốc Huế, cùng với cha tôi cũng gốc Thừa Thiên, di cư vào Sài gòn lập nghiệp, cư ngụ ở xóm Vạn Chài, sau lưng Đình Thành Công, đường Paul Bert, nằm cạnh Chợ Tân Định. Tôi được sanh ra ở nhà Bảo Sanh nằm ở góc Paul Blanchy/ Paul Bert, nhao được chôn sau nhà, cạnh Rạch Thị Nghè mà tây gọi là Arroyo chinois. Do đó ngày nay về hưu nghề thầy giáo dạy học ở xứ tây nầy, cá nhơn thằng tôi là một Thầy giáo Khố Xanh. Ông đàn anh của thằng tôi, sau khi chạy nạn cộng sản Hán ngụy, qua tây mở phòng mạch bác sĩ cũng là Bác sĩ Khố Xanh nốt…!! Trừ phi, những người sanh bên Tây, học trường tây, ra nghề nghiệp tại tây mới không là Khố Xanh, chứ tất cả ai sanh đất Ta, lớn bên Ta, qua Tây học chữ Tây hành nghề Tây, làm việc bên Tây đều là Khố xanh cả… Vì vậy, xin lạy quý bạn đừng mắng chưởi Khố Xanh ! Tất cả chúng ta đều là Khố Xanh cả ! Và tội nghiệp các tiền bối đã chết trận ở những cuộc chiến quốc tế ấy…!! Quý vị có chắc chắn rằng chết ở Việt Nam mới không là Khố Xanh không? Vì có người định nghĩa lính Khố Xanh là lính đi đánh giặc mướn đó mà !

Vậy thì khi Lê Duẫn tuyên bố rằng “ Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc … » E rằng Lê Duẫn với lý luận Cộng Sản đánh giặc mướn nầy, thì lính Công Sản cũng là lính Khố Xanh sao? No Comment!

Xin quý thân hữu, xin quý bà con đừng vội chối bỏ, nhanh nhẩu vội vàng, xóa bỏ những chặng đường lịch sử. Đi tắc, vội vàng chê bai, chưởi bới, mạ lỵ, các người xưa đã tình nguyện đăng vào lính tirailleurs indochinois kẻ đi qua Pháp chiến đấu chống Đức ở những trận bên bờ sông Marne, giải phóng thành phố Reims… hay người đổ bộ trên bờ biển Gallipoli chống quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ… hay có người là những anh lính thợ nổi tiếng khéo tay được tuyển vào những nhà sản xuất đạn dược… Cũng đừng quên, chính những người lính thợ gốc Bắc kỳ, đến Marseille, lúc Pháp vừa thua trận đầu hàng sau tháng 6 năm 1940, đã nhập cảng nghề nông trồng lúa cho kỷ nghệ nông nghiệp lúa gạo Pháp ở vùng Camargues… Và cũng nhờ được nhập cảng vào một không khí tự do, vào một không gian thợ thuyền Pháp, mà tinh thần chống Pháp, tinh thần dân chủ, tinh thần tự do phát biểu tự do ngôn luận đến với những người lính thợ Việt Nam. Do đó, họ là thành phần nồng cốt, thành phần căn bản, tạo nền tảng cho các phong trào đầu tranh đòi độc lập, đòi dân chủ với những Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường… Nguyễn An Ninh… hay cho các nhà cách mạng Đệ Tứ sau nầy như Phan Văn Hùm, như Tạ Thu Thâu, như Trần Văn Thạch …

Từ Khố Xanh, Khố Đỏ …đến  Quốc Gia Việt Nam

Lịch sử hiện đại Việt Nam ta lắm phức tạp !

Tuy nhận định lịch sử ngày nay, đã quá rõ ràng. Muốn đất nước Việt Nam còn, muốn dân tộc Việt Nam tồn tại. Chúng ta phải rõ ràng phân định giới tuyến Quốc Gia Tự Do vs Cộng Sản Độc Tài Toàn Trị. Đó là hai chiến tuyến Ý thức/Tư Tưởng/ Văn Minh/ Văn Hóa rõ ràng :

– Quốc gia : Giữ bản sắc Dân tộc Đại Việt, tiếng nói rõ ràng, với những âm sắc rõ ràng phân biệt TR, CH… S,X, … chữ quốc ngữ thật sự không biến thể thay đổi kiểu Bùi Hiền đang đề nghị… Tiếng nói rõ ràng tử ngữ đa nguyên không có từ chung chung như đang ký xài chung cho tất cả từ đăng bạ, ghi tên, giữ chổ, … Nhơn bản… lấy con Người làm trọng, Đạo đức, tử tế, trọng lễ, trọng kẻ trên, nhừng kẻ dưới, …Tôn trọng Nhơn quyền, Dân Chủ, trong một thể chế Pháp trị rõ ràng.

– Cộng Sản Độc Tài Toàn Trị ngày nay, quý bà con đã thấy rõ… Và đau lòng hơn là đang dâng đất dâng biển cho Tàu … Tàu mà ngày nay cả thế giới đang chống…Vì đã lộ rõ chơn tướng xảo quyệt, lưu manh, độc tài, toàn trị…

Lịch sử ngày nay cũng cho chúng ta thấy vai trò của những vị tiền bối chiến đấu chống độc tài cạnh quân đội Pháp. Thấy rõ trong các cuộc chiến chống độc tài quân phiệt… rõ ràng đã có sự góp mặt của người Việt Nam. … Đừng quên, một Đỗ Hữu Vị anh hùng phi công chống Đức, một Duy Tân anh hùng chống quân Nazi có vai trò trong cuộc giải phóng đất Pháp … để tạo một vai quan trọng để đối trọng trong tương lai thương thuyết giải phóng Việt Nam. Vận xui khiến ông bị tai nạn rớt máy bay, đại sự không thành.  Hay … Những binh sĩ Nhảy dù của 5ème Bataillon de Parachutistes Vietnamien –  TĐ 5 BaQuằn với Trung Úy Đại Đội Trưởng Phạm Văn Phú nổi tiếng chống Cộng … tham chiến từ Na San tới Điện Biên Phủ… Cũng đừng quên những Tiểu đoàn Khinh Quân của Quân đội Quốc gia Việt Nam … tiền phong chống Cộng mở đầu cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ! …

Và Việt Nam Tự Do :

Thiên hạ ngày nay tranh nhau xem Ngày Quốc Khánh có phải Ngày 26 tháng 10, hay Ngày mồng Một tháng 11 ? Mà quên rằng Ngày Quốc Khánh phải là Ngày Quốc Gia Việt Nam ta được thành lập.

Pháp cướp Việt Nam trên tay Vua Nhà Nguyễn, năm 1885, thi Pháp trao Độc lập lại cho Vua Bảo Đại Nhà Nguyễn, với hiệp Ước Élysée.

Và Chánh Phủ đầu tiên của Quốc gia Việt Nam bắt đầu Ngày 1 tháng 7 năm 1949…

Như vậy, đề nghị ngày nay ở Hải Ngoại chúng ta nên nhớ Ngày 1 tháng 7 như Ngày Quốc Khánh của Việt Nam Tự Do. Cờ Việt Nam Tự Do đã và sẽ phất phới tư Nam Quan đến Cà Mau, Tiếng Gọi Công Dân Quốc Ca của Việt Nam Tự Do đã và sẽ hát vang từ Nam Quan đến Cà Mau. Còn nếu chỉ nói về Việt Nam Cộng Hòa chúng ta chỉ nói nửa nước …

Mong rằng, mơ rằng từ đây chúng ta hãnh diện với Việt Nam Tự Do !!

Mong rằng, mơ rằng Mũ Đỏ chúng ta luôn luôn cố gắng không quên truyền thống của những Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 5 Ba Quằn của những năm 1954 … đến Tiểu Đoàn 6 Tiểu Đoàn 8 ở An Lộc, Xa Mát năm 1972 hay Tiểu Đoàn 11 ở Charlie …

Và một lần nữa xin quý thân hữu, quý chiến hữu, quý bà con đừng vội mắng những tiền nhơn, đàn anh, đàn chú, đàn bác Khố Xanh, Khố đỏ, Khinh Quân, Quốc Gia… Phải cám ơn quý vị ấy đã tạo truyền thống Người Việt Quốc Gia, Người Việt Tự Do, Người Việt Dân Chủ, Người ViệtTử Tế … đã giữ ngọn lửa chống Độc Tài Toàn Trị Gương Sáng cho chúng ta ngày nay.

Hồi Nhơn Sơn, viết cho ngày 11/11/2018

Kỷ Niệm 100 năm Ngày Hòa Bình giả tạo 1918

Để góp giấc mơ một Ngày Hòa Bình thât sự cho Dân Tộc Việt Nam

 

Đôi lời nhơn dịp Mùa Tảo Mộ

Một Thời Để Thương, Một Thời Để Ghét…

Il ya un temps pour tout, …un temps pour aimer,…

un temps pour faire la guerre, un temps pour la paix. –

Chúng ta có một thời cho mọi viêc, …một thời để thương, một cho chiến tranh, một thời cho hòa bình.

Sách Ecclésiaste 3 : 1 -8

1/ Mùa Tảo Mộ,  Lễ Các Thánh : Thương, Nhớ và Trân Quý :

Hôm nay, thứ sáu ngày 02 tháng 11, từ hôm Chúa Nhựt, từ hôm đổi sang giờ mùa Đông, thời tiết bổng nhiên trở lạnh, với những buổi sáng âm u đầy sương, mưa phùn lất phất, cả nước Pháp phải bắt đầu mở lò sưởi. Năm nay, thời tiết của arrière-saison – tiếng Pháp không dùng tên gọi  été indien để chỉ một mùa Thu đẹp – quá đặc biệt, khô, ấm và đẹp ! Mùa Thu năm nay, xứ Pháp đẹp thiệt ! Mãi đến gần cuối tháng 10, mà trời vẫn còn nóng ấm, lá đỏ ửng hồng trên một bầu trời xanh trong sáng, với những buổi chiều đầy nắng ấm. Cuối tháng 10, mà các bãi biển vẫn đầy người, vẫn có người tắm, vẫn có người phơi nắng ; các sân vỉa hè-terrasses trước các tiệm càphê khách vẫn ngồi đầy, cà kê dê ngổng thưởng thức, nhâm nhi kẻ ly bia, người ly cà-rem, ly nước ngọt giải nhiệt, ngắm người qua lại, nói chuyện trời trăng. Trái với thông hường những năm qua, mùa nầy, không còn terrasses, khách hàng chen chúc, co ro vào tận trong cùng các quán càphê, kẻ tách nhỏ cà phê nóng uống vội, người tà tà ôm trọn tách cối sôcôla sữa nóng trong lòng hai bàn tay, vừa thổi vừa uống …

Và chiều qua, chiều thứ năm đầu tháng 11, bắt đầu hai ngày mùa tảo mộ, hai ngày mồng một lễ Toussaints-lễ Các Thánh, ngày mùng hai lễ Tảo Mộ. Đúng vậy, xứ Pháp chúng tôi, truyền thống Thiên chúa Giáo La-mã giành hai ngày đầu tháng 11 làm ngày Tảo mộ. Khác với truyền thống Á Đông văn hóa Hán thuộc (Tàu, Nhựt, Hàn, Việt?), lễ tảo mộ vào tiết Thanh Minh đầu tháng ba mùa Xuân : «Thanh Minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh … » (Kim Vân Kiều, Nguyễn Du). Ngày 1/11 còn được Công luật và luât Lao động Pháp biến thành ngày nghỉ lễ-jour férié, ở nhà ăn lương. Riêng ngày 2 tháng 11, luật đạo Thiên Chúa đặt thêm ngày lễ Ngày Lễ cho các Người Chết – Fête des Morts, được các giáo hữu Thiên Chúa Giáo La mã chuyển dịch thành lễ Toussaints – Ngày Lễ Các Thánh – làm như ai chết cũng thành thánh cả !

Do đó trong 2 ngày thứ năm, thứ sáu, giao thông Pháp bị nạn kẹt xe tùm lum. – các con cháu lo trở về làng xã, nơi có mồ mả cha mẹ tổ tiên để tảo mộ, sơn quét dọn dẹp và đặt hoa trên mồ mả ông bà. Các cửa hàng bán hoa tha hồ hốt bạc bán  hoa, loại  đặc biệt cho mùa tảo mộ là hoa Cẩm chướng, tiểu đoá hoặc đại đóa– Chrysanthème. Hoa chrysanthème – hoa tượng trưng cho Hoàng Gia Nhựt bổn (mầu trắng ) – ở Pháp đủ mầu, là hoa chỉ giành riêng cho các mồ mả, không ai chưng ở nhà cả, mà cũng chẳng ai trồng trong vườn cả, nên muốn có Chrysanthéme đành phải đi mua thôi !.

Riêng phe Việt Nam Cộng Hòa ta, ngày 1 tháng 11 cũng là ngày kỷ niệm cuộc lật đổ đệ nhứt Cộng hòa và khai sanh đệ nhị Cộng hòa. Cũng có lúc ngày 1 tháng 11 cũng được làm Ngày Quốc Khánh Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Theo thiển nghĩ, chúng ta nên biết trọng nhau, hãy để qua một bên một trang sử đau buồn của miền Nam Việt Nam. Hãy quên đi tôi phò ông Bảo Đại, trách ông Diệm, bác phò ông Diệm, Cần Lao, chống ông Thiệu và các Tướng lãnh. Chẳng qua là gặp thời thế, thế thời phải thế. Chúng ta nên trân trọng tất cả những cố gắng, những đóng góp của các tiền nhơn, đi tìm Độc lập cho Việt Nam, đi tìm lại một quốc gia Việt Nam Thống nhứt,  Độc lập, Tự do, Nhơn bản của tất cả những người quốc gia yêu nước.

Hãy trở lại cái khởi thủy- la génèse– trở lại cái khai sanh của tinh thần Quốc gia Việt Nam, cái thành hình của Quốc gia Việt Nam cụ thể và thật sự :

Với Hiệp Ước Élysée ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Vincent Auriol nhơn danh Cộng Hòa Pháp trả độc lập lại cho Việt Nam cho cựu Vua Bảo Đại.

Pháp cướp Độc lập Việt Nam trong tay Vua nhà Nguyễn – Vua Tự Đức năm 1885, trả Độc lập năm 1949 về lại tay vua Nhà Nguyễn-Vua Bảo Đại. Đó là một biểu tượng ! Phải trân quý :

Tham khảo, đối thoại, ký kết, ngoại giao, không đổ máu, không hiềm khích, tranh chấp đất đai, giữa những gentlemen với nhau. Đây là một văn bảng ngoại giao, một văn kiện lịch sử, một gentlemen agreement, giữa hai lãnh đạo hai quốc gia, một bên Tổng thống Pháp, một bên một cựu lãnh đạo đã được nhơn hào dân sĩ và tất cả các đảng phái chánh trị quốc gia nhiệt liệt ủng hộ và đồng tâm bầu lên, ngày 27 tháng 5 1949 tại HongKong.

. Với lá Quốc kỳ vàng ba sọc đỏ, với Quốc ca Tiếng gọi Công dân, với Thủ đô Sài gòn, Quốc Gia Việt Nam ra đời ngày 1 tháng 7 năm 1949.

Ngày 1 tháng 7 thật sự là Ngày Quốc Khánh của Việt Nam Tự Do

. Cựu Hoàng Bảo Đại là Quốc Trường đầu tiên. Thủ đô là Sài-gòn.

. Sài gòn thủ đô, sau Huế và Hà nội, để nói lên cái thống nhứt ba miền, cái tân thời của NamViệt do cuộc Nam Tiến tạo thành, cái phì nhiêu của vùng đất mới. Đất miền Nam là đất mới, sung mãn, tương lai, cởi mở. Sài gòn cũng  là bến cảng, là thương mại, ngoại thương, là cửa ngõ ra Thế giới. Đối lại với Hà nôi ngàn năm văn vật, đối lại với Huế cổ kính, Thần kinh,  nhưng cả hai là những thủ đô của thời quân chủ xa xưa,  đóng kín, bế môn tỏa cảng, và cũng đã là thủ đô của quá khứ đau buồn của hai vùng tranh chấp : Đàng Trong Đàng Ngoài, với 200 năm, nội chiến phân tranh.

Chánh phủ lâm thời chuyển tiếp là Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân. Và ngay sau đó là chánh phủ Bảo Đại, Vua Bảo Đại vừa Quốc trưởng vừa  là Thủ tướng khai mạc mở màn vận nước từ nay Độc lập, Tự do và hoàn toàn không Cộng sản.

. Quốc ca là bài Tiếng gọi Công dân

. Quốc kỳ Quốc gia Việt Nam mầu vàng ba sọc đỏ phất phới từ Ải Nam Quan đến Mủi Cà Mau từ 1 /07/1949 đến 20/7 /1954.

Thể chế Quốc gia Việt Nam kết thúc ngày 26 tháng 10 năm 1955. Tuy nhiên, sau ngày 20/7/1954, đất nước ranh giới Quốc gia Việt Nam, dủ chỉ còn nửa nước, nhưng tinh thần quốc gia  và sau nầy dù có đổi tên chế độ thành Cộng hòa vần được duy trì, vẫn tâm huyết ngày đêm tiếp tục đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mất nước và vẫn sống mãi đến tận ngày hôm nay, năm 2018, công khai, trong sáng, hợp pháp trên các xứ tỵ nạn, hợp lý trên quê người, ở Hải ngoại, và âm thầm, và cũng là giấc mơ  của người dân quốc nội.

Tinh thần quốc gia đã tạo thành Quốc gia Việt Nam.

Tinh thần Quốc gia, tiếp tục chuyển tiếp tạo thành Việt Nam Cộng Hòa dưới hai chánh thể: 26 /10/1955 – 1/11/63 Đệ Nhứt Cộng Hòa, và 1/11/63 – 30/04/1975 Đệ Nhị Cộng Hòa

Nhơn dịp Mùa Tảo mộ:

Chúng ta nên giành một khoảng thời gian để thương, để nhớ, để trân quý :

Giổ ngày mất của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm, và ông Ngô Đình Nhu đã đành. Sao ta không nhơn cơ hội làm một cuộc giổ lớn cho tất cả những anh hùng Vị quốc Vong Thân cho Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa? – Quốc Gia trong nghĩa rộng –

Ở Pháp, chúng tôi, một nhóm tình nguyện, gồm những cựu quân nhơn Quân đội Quốc Gia Việt Nam (đừng quên 50 000 chiến sĩ đàn anh, đàn chú, đã bỏ mình để chống giặc Cộng đỏ quốc tế, đã giữ được nước và thể chế Tự Do để chuyển giao cho các chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1955) và các cựu quân nhơn các binh chủng Việt Nam Cộng Hòa tỵ nạn cộng sản tại Pháp, hằng năm, đều có mặt ngày Tảo Mộ, đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Chiến sĩ Trận vong ở các chiến trường Đông dương tại Nghĩa trang Nogent-sur-Marne. Chúng tôi, một nhóm mũ đỏ, thành viên Hội Mũ Đỏ Quốc Gia Pháp (Union Nationale des Parachutistes) đại diện các chiến hữu mũ đỏ miền Nam Việt Nam có mặt ngày Tảo Mộ Chiến Sĩ Trận Vong Chiến Trường Đông Dương chống Giặc Cộng Sản quốc tế !

Bài học ngày 1/11/63 cũng là bài học để thấy đây là tinh thần Dân chủ.

Dân bầu được thì dân lật được. Vox populi – Vox dei !

Từ Berlin 89 đến Mùa Xuân Ả Rập, qua các Cách mạnh Mầu, … tất cả đều là những bài học Dân chủ.

Mong ngày nay, Cách mạng Mùa Hè 2018 ở Việt Nam sẽ thành công !

Mong lắm !

2/ Một Thời Để Thương, Một Thời Để Ghét : 

Cách đây 4 năm, năm 2014 chúng tôi có viết một bài tham luận nói quan điểm chúng tôi sau khi đọc cuốn Đèn Cù của tác giả Trần Đĩnh. Thú thật, sống và lớn lên ở Nam Việt Nam, được giáo dục trong tinh thần công dân một Quốc gia Việt Nam, làm việc, hoạt động trong không khí văn hóa tự do dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa, được huấn luyện và đào tạo bởi một gia đình và một đại gia đình đảng viên Đại Việt, cá nhơn chúng tôi không « hạp » với Công sản, với ý thức hệ cộng sản, với con người của những đảng viên Cộng sản, cũ hay mới, tại chức hay về hưu, xét lại, hay tỉnh ngủ, giả dối hay ngây thơ, Atêka, hay đi B… Trường Sơn Đông hay Trường Sơn Tây… và kể luôn cả não trạng, văn hóa, văn phong, nói tóm lại, tôi hổng chơi, dẹp, và để qua một bên, không thèm để ý.

Tôi sở dỉ lên tiếng về cuốn Đèn Cù vì tự nhiên tôi thấy một ít thiên hạ ở hải ngoại bổng nhiên « khen » một cuốn sách của một nhơn vật, « bổng nhiên tỉnh ngủ » và kể chuyện đời xưa, và đập phá thần tượng, nên tôi đâm ra nghi ngờ, nên tôi phải lên tiếng cảnh giác, mở Đèn Warning thay thế Đèn Cù, cảnh báo bà con cô bác họ hàng, chiến hữu, bằng hữu gia đình thằng tui. Trần Đĩnh đập phá thần tượng ? Thần tượng nào ? Chủ tịch nước ? Thủ tướng nước ngày nay ? Đâu có phải thần tượng của bây giờ đâu ? Thần tượng hồi đó … hồi tác giả đã thấy, đã sống ngay hồi cái thời xa xưa ấy rồi, chẳng những sống, phục vụ, điếu đóm thần tượng mà tác giả còn thuộc loại công tử quý phái, ăn trên ngồi tróc nữa ! Và tôi khinh cái tỉnh ngủ trễ tàu, cái tỉnh ngủ theo thời đại,  cái tỉnh ngủ viết để  bán sách, để người ta biết mình, xu thời, vớt vát, lợi dụng. Thà như Tô Hoài dám tự nhận mình là thằng hèn. Nhưng cũng phải chờ đến 80 tuổi mới nhận mình hèn.

Kính mời quý độc giả nếu có dịp đọc bài tham luận « Đừng để ánh sánh Đèn cù che lấp Quyền nổi dậy lật đổ Bạo quyền » của chúng tôi, quý vị sẽ nhận rõ quan điểm của chúng tôi.

Với tôi, Đèn Cù chỉ là một hiện tượng « Xã Xúp báp » có chỉ đạo. Người đọc Đèn Cù, lòng dạ hả hê, được đọc cái tố, được đọc cái chưởi, nghe người chưởi, và mình « ăn có », mình cũng chưởi theo, quên rằng cái thằng cha chưởi và thằng cha bị chưởi,  hai thằng cùng cá bè một lứa, đã từng cùng nhau bóc lột, lợi dụng ta, lợi dụng người dân.

Tôi cũng không thích và tôi ghét. Khi tôi ghét là tôi ghét tôi ghét cả, văn phong, cách viết, cách xài từ, cách phát biểu. Tôi lớn và sống trong Nam, trong chế độ Việt Nam Quốc Gia, Việt Nam Cộng Hòa, tôi không nói và viết tiếng việt như vậy, vì đấy là không phải văn hóa của tôi. Tôi không cùng văn hóa, nên tôi không cùng não trạng. Không xách mé, không úp mở. Không nói nữa chừng xuân, không nói lóng, không nói xa, nói gần. Không dùng tên giả, tên bịa, tên láo. Không ngày giả tháng láo, không bịa ngày sanh, tạo ngày chết.

.Cũng năm 2014 : Có một vị đọc giả báo Việt Luận – Sydney – Úc châu, đọc bài tôi, không bằng lòng bèn viết vào mục đọc giả góp ý. Dưới đây là bài trả lời của tôi nói rõ cái ý kiến, và quan niệm của tôi đối với bài viết, văn phong của tôi và quan niệm chữ nghĩa của tôi.

Và hôm nay, cũng tháng 11, 2018, 4 năm sau, với bài viết cập nhựt lại nầy, xin phép sao chép lại, để nói lên một lần nữa, để khỏi nói nữa những cảm nghĩ, những ý kiến, quan điểm lập trường của chúng tôi, thiển nghĩ vẫn còn thời gian tánh !

Xin lỗi trước tất cả những bạn nào bảo rằng đây là chuyện riêng giữa cá nhơn tôi và người đọc giả báo Việt Luận. Thiển nghĩ rằng không,  vì tôi mong được chia sẻ cùng quý độc giả đã cùng tôi trao đổi những nhân định, nhơn sanh quan và quan điểm, lập trường từ mấy năm nay.

3/ Đôi lời cảm ơn những góp ý của ông Trần Văn Cầm, độc giả báo Việt Luận ở Sydney–Úc đại Lợi.

Kính thưa ông Trần Văn Cầm,

Trước hết cho phép tôi gởi đến ông những lời cảm ơn chơn thành và nồng nhiệt nhứt, sau đó đôi lời cám ơn đặc biệt báo Việt Luận đã mở mục ý kiến đọc giả cho hai bài góp ý của ông Trần Văn Cầm. Đó là một vinh hạnh lớn cho người viết. Bất cứ một tác giả bài tham luận nào cũng rất hân hạnh được hồi đáp, phản biện, đóng góp, từ các độc giả. Tôi cố tình dùng từ Tham luận chứ không dùng từ bình luận, vì tôi tham gia luận bàn với các độc giả báo Việt Luận hay với các độc giả các báo điện tử (tôi hoàn toàn không biết rằng từ ngữ tham luận chỉ dành riêng cho các hội nghị, đúng hay sai xin chỉ giáo) Thiển nghĩ rằng tất cả chúng ta họp thành một bàn tròn rộng lớn trên thế giới, tham gia suy nghĩ bàn luận đến những vấn đề chúng cần quan tâm hay tò mò để hiểu biết hay tham gia đóng góp, trao đổi, giải trí kiểu chuyện tiếu lâm hay thời sự văn hóa. Vì vậy tôi đánh dấu hỏi trên tựa đề, vì đây là một đề nghị chứ không là một xác định, kêu gọi. hay yêu cầu. Tôi đề nghị cái nhìn của tôi, gợi sự tham gia. Còn đồng ý hay không là việc thứ. Vì vậy tham luận.

Còn bình luận ? Cao siêu quá ! cá nhơn tôi không dám phê bình phân tách một văn phẩm hay một bài viết của ai cả, tôi chỉ là một cựu thầy giáo, không phải là một người viết văn, hay một người viết phê bình văn học Mà nghề thầy giáo là chia sẻ kiến thức, chuyển đạt hiểu biết thông tin văn hóa, khoa học hay nghề nghiệp. Bài viết chỉ phát biều ý kiến, nói rõ tôi không thích hay tôi thích. Khi tôi thích, thích tất cả, kể cả những cái tật, khi tôi không thích, tôi không thích tất cả kể những cái, có thể là tốt đối với người khác ý kiến tôi. Cho phép tôi dùng một ngạn ngữ ngoại quốc để nói lòng tôi đối với quốc gia tôi « It’s right, it’s wrong it’s my country !».

Và Việt Nam Cộng sản ngày nay không phải là, it’s not my country-quốc gia của tôi. Tôi sanh trưởng ở Nam Việt Nam, giọng nói, cách hành văn, phát câu của tôi do cha mẹ thầy giáo giảng dạy tôi sao, bây giờ tôi nói sao, thì tôi viết vậy. Ngày-mất-nước, nước của tôi là – nước Việt Nam Cộng Hòa – tôi hụt hẩng hẳn, khi phải làm việc với Ban K9 Quân Quản của Quân đội (Cộng sản) chiếm đóng, tôi nhiều lần phải phụ đề « bắc-việt-cộng ngữ » thí dụ tôi nói « tôi xin thuyết trình », xong tôi dịch luôn « tôi xin thuyết minh » cho họ hiểu ý rằng họ đang ở trên đất người – trên đất của  tôi mà họ đang chiếm đóng và quản trị (Quân Quản), do đó, họ tuy phải nghe tiếng « nước người », nhưng được tôi « chuyển ngữ » ra  « tiếng của họ » để họ hiểu ! … Tôi đúng, tôi sai ?  Tôi đã trả giá bằng 4 năm tù rồi, và tôi vẫn hãnh diện với thái độ ấy. Giá phải trả quá rẻ, rẻ hơn giá tù đày của thằng em trung úy quân vận của tôi (9 năm) !

Trần Đĩnh, với tôi, vì không nói, vì không viết tiếng mẹ đẻ của tôi, vì vậy văn phong Trần Đĩnh tôi không hiểu. Mong ông Trần Văn Cầm và quý bạn thông cảm tôi và tôn trọng quyền lựa chọn của tôi. Tôi nhờ Ơn Chúa và cha mẹ, nhờ ráng học, nên nay tôi viết và nói được Pháp ngữ, Anh ngữ để nuôi thân. Nhưng tội nghiệp tôi, đừng buộc tôi học thêm Việt Cộng ngữ. Tôi không cần học « tiếng nói cộng sản » để chống Cộng – như ông đã dạy tôi – vì tôi chỉ biết chống bọn xâm lăng Hán ngụy đang đô hộ nước tôi thôi !  Và tôi không viết cho địch, tôi viết cho người dân trong nước-những nạn nhơn của bọn Hán ngụy, nên tôi không cần học chữ viết và cách hành văn Hán ngụy ! Tôi quá khích chăng ? Có thể, vì từ năm tôi bị trục xuất, từ năm 1980, tôi không về lại Sài gòn, cha chết, mẹ mất cũng không về chịu tang. Bất hiếu ? hay quá khích ?

Xin ông Trần Văn Cầm thông cảm cũng đừng bắt bí tôi rằng « Cộng Hòa » là một thể chế, và tên nước ta là nước Việt Nam ngắn gọn hai từ thôi ! Và ông nói đúng !  Nhưng cái đau khổ của người Việt chúng ta là nước Việt Nam của chúng ta  HIỆN đang bị xâm chiếm, bị đô hộ, nên với tên Việt Nam đơn thuần, người ta sẽ hiểu lầm. Việt ngữ không có những tiếp-vĩ -ngữ để tạo một từ mới, tất cả đều dùng chung chung một từ «người Việt», bất kể đó công dân Việt Nam (Cộng sản), hay đó người Việt Nam tỵ nạn ở hải ngoại, chưa kể có kẻ còn lạm dụng ức hiếp chúng tôi, người Việt tỵ nạn cộng sản một cách vũ phu, chúng tôi « bị gọi là Việt Kiều » ! Sự chiếm đóng của thế lực và quân đội ngoại lai – quân đội cộng sản quốc tế được việt hóa – hay lai ngoại quốc (ngày nay lai Tàu) – nầy không giúp cá nhơn chúng tôi nhìn nhận cái đất nước nơi chôn nhao, cắt rún của chúng tôi, với đất, biển, lãnh thổ, lãnh hải ấy là quê hương tôi. Nhưng đó là quan niệm riêng của tôi, tôi chỉ nói, gọi là tự giới thiệu, không chia sẻ và cũng không kêu gọi.

Tôi tiếp tục dùng những từ ngữ, ngữ vựng và cả văn phạm của người Đàng Trong, quê hương từ thế kỷ thứ 17 của gia đình giòng họ tôi. Những từ ngữ nầy theo tôi vẫn có mặt trong những án văn của những nhà đại văn hóa Việt Nam của chúng tôi như Cụ Đồ Chiểu, Cụ Hồ Biểu Chánh, … xin phép chỉ nói riêng đến hai Cụ thôi. Thiết nghĩ nếu từ « nhơn » thay cho « nhân » mà các sanh viên học sanh trong nước xem là « xa lạ » thì tội nghiệp cho việt ngữ và tiếng việt của dân Miền Nam của chúng tôi quá !

Tiếp tục viết văn với giọng văn của nơi sanh quán của mình là để chứng minh cái phong phú, giàu có của việt ngữ. Tại sao ta phải tự bắt buộc và chấp nhận chỉ dùng những từ ngữ hay ngữ vựng hay cú pháp do văn hóa đô hộ  (ngày nay là cộng sản Bắc Việt) sắp đặt, với những « đăng ký, chất lượng, ùn tắc, khẩn trương, giải phóng mặt bằng, có vấn đề,  rất ấn tượng »…chúng tôi xin ghi nhận, không phủ nhận và có thể dùng  như đã dùng những ngữ vựng vay mượn « cà phê, manivên, xàrông, mãtà, bẻghi, lốp xe hay cu li, xích lô, lô can, tapi, hủ tiếu, xíu mại, mạidô, phôngtên, bẻcua, lấy le, áo đầm, sơmi, quần sọt..xìlíp, xúchiêng.. » của văn hóa thuộc địa Tây vậy thôi !

Ông trách tôi viết sai với lý do là không tôn trọng tiêu chuẩn văn hóa, ký tự, văn phạm ! Tiêu chuẩn nào ? Thước đo ở đâu ? Tại sao phải viết theo tiêu chuẩn Bắc Việt ? Chuẩn văn phải là của Tự lực Văn đoàn ? Chuẩn thơ phải là của Kim Vân Kiều của Nguyễn Du ? Mà tại sao không là thơ với Nguyễn Đình Chiểu với Lục Văn Tiên ? Hay văn với Hồ Biểu Chánh ? … Tại sao khi hát tân nhạc phải hát giọng Bắc ? Hãy nghe Trần Văn Trạch hát Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông với giọng Nam. Và hãy nghe kép Hoàng Giác, của gánh Kim Chung, Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô, ca Vọng cổ với giọng Bắc ! Nhưng xin lỗi báo Việt Luận, xin lỗi Ông Trần Văn Cầm tôi đã lạc đề-ọt rơ hors jeu-việt vị rồi.(Ngày nay còn ai nói việt vị không ?).

Còn nói về Trần Đĩnh và Đèn Cù, xin phép miễn bàn.

Tại sao tôi không thích mà tôi vẫn ráng đọc ? Vì cuốn sách do người em tặng tôi, (khi tôi nói tiếc 25 dollars và cước phí là tôi tiếc tiền của chú em, tôi ở Pháp không có dollars).Vì tôn trọng em tôi, tôi phải ráng đọc cho hết, và sau khi đọc xong tôi mới trả lời với em tôi, sẽ cho ý kiến, và sẽ cám ơn chú em. Và đưa vào tủ sách, sắp chung với những sách việt ngữ với cùng các tác giả Việt Nam vần T- tôi sắp thứ tự theo Họ chứ không theo tên – tôi còn là người Việt không ? Và tôi cũng không cho, không bán lại, không cho mượn, vì đó là món quà tặng, vì không phải của riêng của tôi. Cũng như khi mình đi ăn cơm khách, phải nếm và ăn  sạch chén tất cả những gì bà chủ nhà mời mình. Đó là lễ phép. Kính lạy ba mẹ, con cám ơn ba mẹ đã giáo dục con như vậy. Đi ăn khách là không còn có ăn kiêng, ăn cử, ăn chay, ăn mặn, không có lựa chọn. Vì đó là lễ phép, phải tôn trọng bà chủ nhà.

Cám ơn Báo Việt Luận, Cám ơn ông Trần Văn Cầm

Trả lời bài 2. Riêng phần bài 2 về Nhơn quyền và Dân quyền.

Kính thưa ông Trần Văn Cầm.

Trước hết xin cám ơn Báo Việt Luân đã cho phép chúng tôi cùng ông Trần Văn Cầm trao đổi quan điểm nhận định. Xin cám ơn ông Trần Văn Cầm lần nầy đã giao banh cho tôi.

Nhơn quyền là cái quyền tối thượng,

Bản Tuyên Ngôn Nhơn Quyền và Quyền Công dân 1789 – Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen 1789 là văn kiện duy nhứt nói đến Quyền Công dân. Văn kiện đầu tiên nói về Nhơn quyền là Tuyên Ngôn Độc Lập Huê  Kỳ ra đời năm 1776, đó là Bill of Rights. Sau đó là Tuyên Ngôn Nhơn Quyền và Quyền Công Dân (1789). Sau đấy có Bản Tuyên Ngôn Nhơn Quyền Phổ Quát Déclaration Universelle des Droits de l’Homme  ngày 10 tháng 12 năm 1848. Đó là lý do tại sao ngày 10/12 là Ngày Nhơn quyền của Thế giới.  Và  cuối cùng là Bản Tuyên Nhơn Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 tại San Francisco

Xin nhắc rằng quyền Công dân (Droits du Citoyen) là một Nhơn quyền. Những Dân quyền (Droits Civils) cũng là một Nhơn Quyền.

Mời Ông Trần Văn Cầm, nếu có dịp, nên đọc cuốn sách của Thomas Paine (1737-1809)  tên là Rights of Man– Những Quyền Con Người (1791) viết để biện hộ cuộc Cách Mạng 1789 Pháp, trả lời bài viết của Edmond Baker chỉ trích Cách Mạng Pháp- answer to Mr Edmund Baker on French Revolution. Trong cuốn sách ấy Thomas Paine nói rõ quyền  người dân nổi dậy làm Cách Mạng là một Nhơn Quyền tối thượng. Lúc bấy giờ trước Cách Mạng Pháp, người dân Pháp làm gì có Dân quyền. Dân Pháp là sujet-thần dân của Vua, chứ đâu phải Công dân-citoyen. Đó là cái cách biệt giữa các chế độ Dân Chủ và các chế độ Độc tài. Các chế độ Dân chù gọi quần chúng là Citoyen-Citizen-Công dân. Các chế độ độc tài gọi dân chúng là Nhơn dân-Peuple-People. Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa : «Nầy Công dân ơi ! …Quốc ca Pháp « Aux armes citoyens… !» Việt Cộng dùng Nhơn dân ! Không dùng Công dân, vì Công dân có Nhơn quyền !

Riêng về Thiên Mệnh. Các Vua Chúa từ Đông đến Tây đều cho mình là Con Trời cả, không riêng gì Á đông hay Khổng tử. Clovis ông Vua đầu tiên của nước Pháp lên ngôi năm 481 cũng nhờ một ông Linh mục, Thánh Rémi, nhơn danh Thiên Chúa đội mảo cho Vua. Napoléon Đệ Nhứt 1802, lên ngôi Hoàng đế cũng nhờ ông Giáo Hoàng làm lễ, Vox Dei là  Ý Chúa. Nhưng Vox Populi,tiếng nói người dân cũng là  Vox Dei. Tiếng nói cuối cùng vẫn là tiếng nói của Dân.

Tháng 10 nầy cũng là tháng kỷ niệm những hiện tượng xảy ra gần 30 năm nay : kỷ niệm ngày 9/tháng 10 /năm 1989. Đêm ấy, năm ấy, cả thành phố Leipzig-Đức  (lúc ấy còn Đông Đức) không ngủ, xuống đường, thắp nến biểu tình đòi Dân chủ, với những tiếng la to : « Chúng tôi là Nhơn dân »,  «  Chúng tôi nói tiếng nói Nhơn dân », «  Chúng tôi đòi Tự do, đòi Dân Chủ » … Từ đêm ấy phong trào đòi Dân chủ lan rộng cả Đông âu, biểu tình liên tục. Đúng một tháng sau ngày 9, tháng 11, năm 1989 Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Năm tới 2019, tròn 30 năm !

Ý Dân là Ý Trời. Ý Dân đã làm sụp đổ Bức tường Bá linh !

Cám Ơn ông Trần Văn Cầm một lần nữa. Cám ơn Báo Việt Luận.

Phan Văn Song kính bút .

Hồi Nhơn Sơn, Mùa Tảo Mộ 2014.

Hiệu đính Mùa Tảo Mộ 2018

Suy nghĩ hậu bầu cử – Vũ Linh

Cuộc bầu cử giữa mùa vừa qua đã có những kết quả vừa dễ hiểu, vừa khó hiểu.

Dễ hiểu khi thấy đảng CH đã không thua đậm như đảng DC trong những cuộc bầu giữa mùa đầu tiên dưới hai tổng thống DC Clinton và Obama, vì dù muốn hay không, TT Trump đã đạt được nhiều thành quả lớn, bất kể những tấn công tàn bạo chẳng những của đảng đối lập DC, mà quan trọng hơn nhiều, của toàn bộ hệ thống TTDC, ròng rã suốt hai năm qua. Chứng tỏ việc TTDC đầu độc dân Mỹ cũng không hiệu nghiệm lắm vì dân Mỹ coi vậy chứ không ngây ngô dễ tin lắm. Nếu hoàn toàn tin theo TTDC và phe đối lập DC thì đúng ra DC bây giờ đã phải chiếm 400 ghế dân biểu và 90 ghế thượng nghị sĩ rồi.

Khó hiểu vì theo các thống kê chính thức, tổng cộng, các ứng cử viên DC đã thu được khoảng một chục triệu phiếu nhiều hơn các ứng cử viên CH, nhưng chỉ thắng khít khao tại Hạ Viện trong khi thua tại Thượng Viện.

Tại sao lại có tình trạng chéo cẳng ngỗng vậy? Ta thử coi lại.

Trong thể chế dân chủ kiểu Mỹ, có hai việc có thể coi như là hai viên gạch dùng làm nền tảng:

1.     Tất cả đều được quyết định bằng phổ thông đầu phiếu, mỗi người một lá phiếu, ngang nhau, tự do quyết định mà không cần Nhà Nước ‘giới thiệu’ hay chỉ dạy gì hết.

2.     Nước Mỹ là một liên bang của 50 tiểu bang, tương đương với 50 nước được kết hợp chặt chẽ trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao, và quốc phòng, nhưng có quyền ‘tự trị’ rất rộng rãi trong các vấn đề nội bộ, không phải là một quốc gia thuần tuý với 50 tỉnh lệ thuộc một chính quyền trung ương.

Trong bối cảnh đó, ta có thể thấy hậu quả trực tiếp là trong nội bộ mỗi tiểu bang, tất cả đều được quyết định bởi đa số phiếu. Cụ thể là thống đốc sẽ là người có được tổng số phiếu cao nhất trong cuộc bầu của tiểu bang, bất kể khác biệt từng vùng, từng tỉnh. Cũng như các thượng nghị sĩ hay dân biểu trong các địa hạt của mình thắng nhờ số phiếu cao nhất. Vì mỗi tiểu bang được coi như một quốc gia đơn thuần trong đó đa số thắng thiểu số. Rất giản dị.

Nhưng ở cấp liên bang thì mọi chuyện lại rắc rối hơn tơ vò.

Một liên bang là một tập hợp của nhiều ‘nước’. Muốn có liên bang, quyền lợi và tiếng nói của những ‘nước’ đó phải được tôn trọng và bảo vệ, bất kể ‘nước’ nhỏ đến cỡ nào. Nếu trong liên bang, tiếng nói và quyền lợi của các ‘nước’ nhỏ không được tôn trọng thì những ‘nước’ nhỏ này không có lý do gì tham gia và liên bang sẽ tan vỡ ngay. Nếu tất cả các chức vụ cấp liên bang được quyết định bằng số phiếu của đa số trên cả nước, thì nước Mỹ không còn là một liên bang nữa, mà đã biến thành một quốc gia thuần nhất, ‘thống trị’ bởi các vùng đông dân nhất như New York, Cali, Texas, Florida,… trong khi các vùng ít dân như Wyoming, Montana, Vermont,… sẽ chẳng có tiếng nói gì hết. Câu hỏi ngay trước mắt, nếu không có tiếng nói gì hết thì tại sao lại phải ở trong liên bang.

Để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của liên bang, các ‘Cha Già lập quốc’ đã lập ra một thể chế trong đó tiếng nói của các tiểu bang nhỏ và ít dân vẫn được tôn trọng. Bằng nhiều cách.

Thứ nhất là các tiểu bang bầu tổng thống của liên bang theo ý tiểu bang đó, rồi đại diện của tiểu bang sẽ đi bầu tổng thống cho cả liên bang.  Tiếng nói của những đại diện đó nặng hay nhẹ cũng tùy tiểu bang đông hay ít dân. Nhưng tiếng nói của các tiểu bang lớn không có tính cách áp đảo tuyệt đối nữa. Ví dụ cụ thể: Cali (40 triệu dân) có dân số lớn gấp 80 lần dân số Wyoming (0,5 triệu dân), nhưng số cử tri đoàn của Cali (55), chỉ hơn Wyoming (3) có 18 lần. Nghiã là một ứng cử viên tổng thống liên bang nếu biết chắc sẽ thua ở Cali thì phải đi tìm phiếu ở 20 tiểu bang cỡ Wyoming để bù đắp. Hay 4 tiểu bang cỡ Michigan.

Tổ chức chính trị này chẳng có gì là bí hiểm hay khó hiểu. Đứa con nít tiểu học cũng đã được dạy để hiểu rồi. Những người cho đến giờ này vẫn còn gân cổ ra khiếu nại việc bà Hillary được nhiều phiếu hơn không phải không biết chuyện này, kể cả bà Hillary, nhưng vẫn ôm cứng cái lập luận ngớ ngẩn này chỉ vì đó là cách lè nhè duy nhất để tự an ủi vì đã thua quá đau thôi. Luật chơi như vậy, muốn thắng phải theo luật đó. Cũng như trong trận đấu túc cầu, muốn thắng phải đá lọt lưới, chứ không phải là giữ banh lâu. Sách lược của ông Trump là đi kiếm phiếu ở 30 tiểu bang nhỏ và vừa, trong khi bà Hillary rung đùi với Cali và New York, để rồi thua và khóc. Nguyên tắc sơ đẳng như vậy mà không hiểu thì thật sự không xứng đáng làm tổng thống.

Thứ nhì là những tiểu bang nhỏ đó cũng có quyền tham gia vào ngành lập pháp qua sự hiện diện của họ trong Hạ viện, theo tỷ lệ dân số, và trong Thượng Viện khi tất cả các tiểu bang, bất kể lớn như Cali hay nhỏ như Wyoming cũng đều có đúng 2 đại diện.

Trong những thập niên qua, ta thấy rõ ràng vài chuyển động lớn trong xã hội Mỹ: dân Mỹ trẻ và trí thức bỏ thôn quê và tỉnh nhỏ di cư qua các tiểu bang lớn dọc theo hai bờ biển Đông và Tây. Ngoài ra, các tiểu bang dọc bờ biển này cũng là nơi đón nhận di dân mới nhập cư, phần lớn là dân lợi tức thấp từ Trung và Nam Mỹ, cũng như từ Á Châu. Trong khi dân cư các vùng thôn quê và tỉnh nhỏ vẫn giữ khuynh hướng bảo thủ, thì dân cư các tỉnh lớn chuyển mạnh về hướng cấp tiến, ủng hộ đảng DC, vì nhiều lý do như vì tính ô hợp đa dạng, ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nhu cầu trợ cấp, dễ kiếm công ăn việc làm,… Một yếu tố thuận lợi nữa cho đảng DC là khối dân da trắng lười đẻ nên số dân da màu, đen, nâu và vàng, thường ủng hộ đảng DC, phát triển nhanh hơn.

Bản đồ dưới đây cho thấy sự tập trung của cử tri Mỹ: màu đỏ là vùng CH. Màu xanh là vùng DC. Nếu tính diện tích thì CH lớn hơn DC gấp mấy chục lần, nhưng lại không phải là những vùng có các tỉnh lớn, đông dân. Ngay tại Cali, vùng CH kiểm soát lớn gấp 4 lần vùng DC, nhưng tất cả các thành phố lớn đều nằm dọc biển và sát biên giới Mễ, theo phe DC.

Nói cách khác, trên phương diện chính trị, cấu trúc dân số Mỹ càng ngày càng có lợi cho đảng DC, về lâu về dài nếu tính theo dân số. Năm 2020 sẽ có thống kê dân số mới và ta sẽ thấy dân số Mỹ gia tăng nhiều, nhưng lại tập trung nhiều tại các tiểu bang ven biển. Nghĩa là số dân biểu liên bang có thể sẽ tăng vào năm 2022 tại New York và Cali. ‘Có thể’ nhưng chưa chắc chắn vì sự gia tăng đó có thể bị xóa bớt vì số dân da trắng cao niên bỏ đi qua những tiểu bang miền nam như Florida và Texas. Dù sao thì cách biệt ý thức hệ giữa các tiểu bang hai ven biển với các tiểu bang ở giữa sẽ ngày càng sâu đậm.

Phe ta và TTDC nhìn vào sự chuyển hướng này và đã quá lạc quan, cho rằng đảng CH đã đi vào cõi chết, xúm lại tiên đoán bà Hillary sẽ đắc cử năm 2016. Họ quên mất khối da trắng vẫn còn chiếm hơn 70% dân số Mỹ. Tiếng nói của họ vẫn còn rất nặng ký nếu họ chịu lên tiếng và đi bầu. Khi 8 năm của TT Obama đưa nước Mỹ vào tình trạng thiên tả quá xa, với những chuyện ‘phải đạo chính trị’ quá lố bịch, đụng chạm mạnh đến những giá trị văn hoá, tôn giáo và nhân bản bảo thủ, cũng như kinh tế lụn bại khiến cả triệu dân lao động da trắng (và cả da đen, da nâu) thất nghiệp gặp khó khăn tài chánh, thì họ bực mình, ra khỏi nhà, đi bầu cho một chuyển hướng để hy vọng cuộc sống của họ khá hơn. Đó chính là lý do tại sao ông Trump hạ được bà Hillary.

Hậu quả là gì?

Hậu quả đầu tiên ta đã thấy trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua: nhờ phiếu của các tiểu bang đông dân hai ven biển, nhất là New York và Cali, bà Hillary đã có nhiều phiếu cử tri hơn, nhưng vì thể thức bầu bán liên bang qua cử tri đoàn, ông Trump đã đắc cử vì đã thắng tại nhiều tiểu bang hơn (30 tiểu bang). Ta có thể tiên đoán hiện tượng này sẽ trở thành khá phổ biến trong tương lai: nghiã là ứng cử viên CH sẽ vào Toà Bạch Ốc trong khi ứng cử viên DC được nhiều phiếu phổ thông trên toàn quốc hơn. Đây là lý do chính đảng DC đang đòi thay đổi thể thức bầu tổng thống, hủy thủ tục bầu theo cử tri đoàn đại diện cho các tiểu bang. Đây là chuyện khó đạt được nếu không muốn liên bang tan rã.

Hậu quả thứ nhì ta đã thấy trong cuộc bầu quốc hội vừa qua: vì có đông dân hơn, DC sẽ có nhiều hy vọng chiến thắng tại Hạ Viện vì Hạ Viện được bầu theo dân số, phần lớn là nhờ khối dân thiểu số da đen và da nâu, và giới trẻ, phụ nữ và trí thức thành thị, trong khi tại Thượng Viện, CH vẫn thắng vì bầu theo số tiểu bang, và đa số các tiểu bang nhỏ, ít dân thiểu số hơn, vẫn còn khuynh hướng bảo thủ, ủng hộ CH. CH cũng sẽ tiếp tục nắm đa số ghế thống đốc, vẫn giữ quyền tại các tiểu bang nhỏ, ít dân, ít thành phố lớn.

Trong tình trạng này, khó có thể thấy một kịch bản trong đó một đảng nắm trọn quyền hành pháp và cả hai viện quốc hội trong lâu dài. Nhiều lắm là quốc hội được bầu ‘theo đuôi’ tổng thống, và đảng của tổng thống mới đắc cử có thể chiếm trọn cả hai ngành hành pháp và lập pháp, nhưng giỏi lắm chỉ kéo dài được hai năm. Đây là chuyện các TT Clinton, Bush, Obama và Trump đều trải qua, và trong tương lai, sẽ tiếp tục như vậy. Những người đang nhẩy tưng tưng mừng việc DC chiếm được Hạ Viện dường như chưa hiểu vấn đề này trọn vẹn.

Chiến thắng tại Hạ Viện thật ra chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến tổng thống. TT Clinton và TT Obama mất Hạ Viện, tuy không còn ra được luật gì quan trọng, nhưng rồi vẫn đắc cử nhiệm kỳ hai. Dân chúng muốn cầm chân không cho tổng thống đi quá xa nhưng rồi vẫn chịu để họ làm đủ hai nhiệm kỳ. Nhất là với TT Trump khi họ vẫn để cho ông kiểm soát Thượng Viện là cơ chế giúp ông có nhân sự cần thiết để tiếp tay ông.

Điều đáng nói là phe DC, miệng hô hào đa dạng, tôn trọng đủ thứ quyền của dân, kể cả quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bầu bán, hô hào mọi người tôn trọng ý dân, cũng là cái đảng trên thực tế chống đa dạng, bác bỏ bầu cử nếu không hợp ý mình, coi ý dân không quan trọng bằng quyền lợi đảng,…

Còn nhớ trong mùa tranh cử tổng thống vừa qua, ông Trump tuyên bố đại khái  trước khi ông nhìn nhận kết quả bầu cử, ông sẽ phải xác nhận trước kết quả là trung thực không có gian lận. Phe ta, từ TT Obama đến bà Hillary đến cả thế giới của TTDC khua chiêng trống vỡ chợ luôn về việc tay Trump này dám cả gan có ý đồ không chấp nhận ý dân, bác bỏ kết quả bầu cử. Sau khi kết quả bầu cử cho thấy ông Trump đắc cử thì cũng cả cái khối DC này lòi cái đuôi giả dối, tìm mọi cách bác bỏ kết quả bầu cử, như ta đã biết, khỏi cần bàn thêm. Điều đáng nói là nếu có người nào ngạc nhiên về thái độ đó của ‘phe ta’ thì người đó thực sự đã không theo dõi các cuộc bầu cử gần đây.

Thái độ tìm mọi cách xóa kết quả bầu cử mình không thích không phải lần đầu tiên xẩy ra trong lịch sử chính trị cận đại Mỹ. Năm 2000, sau khi ứng cử viên CH Bush con thắng, ông Gore của ‘phe ta’ đã thưa kiện đủ cách, đưa đến việc kiểm phiếu ra tòa liên miên tại Florida, trì hoãn kết quả bầu cử đến hơn một tháng.

Phe CH có làm vậy không? Năm 1960, ứng cử viên của đảng DC, John Kennedy thắng ông Nixon khít nút, đâu có hơn 110.000 phiếu trên cả nước. Phe CH đòi đếm phiếu lại tại tiểu bang Illinois vì nghi ngờ đảng DC tại đây thông đồng với đám mafia, gian lận phiếu một cách quy mô tại đây, nhất là tại thành phố Chicago, thủ phủ của mafia. Nhưng ông thua cuộc Nixon bác bỏ việc đòi đếm phiếu lại. Ông cho rằng nếu đếm phiếu lại thì người thắng, bất kể là Nixon hay Kennedy cũng sẽ gặp khó khăn điều khiển đất nước vì uy tín dù sao cũng đã sứt mẻ. Nhìn vào thái độ của Nixon và Gore thì thấy khác biệt tư cách giữa CH và DC.

Khác biệt tư cách đó vẫn tồn tại cho đến cuộc bầu tổng thống vừa qua, qua thái độ của cánh ủng hộ bà Hillary khi họ nhất quyết hô “Not My President”. Và cho đến ngày hôm nay luôn khi phe thua cuộc DC đòi đếm phiếu lại tại Florida, đếm lại kết quả bầu thống đốc và cả kết quả bầu thượng nghị sĩ. Trong khi bà DC Stacey Abrams nhất định không chịu thua trong cuộc tranh cử thống đốc Georgia dù đã thua đậm. Qua cuộc đếm phiếu ròng rã cả tuần, bà DC Sinema đã thắng khít nút bà CH McSally tại Arizona. Thay vì đòi đếm phiếu lại, bà McSally đã chấp nhận kết quả bầu cử. Lại một sự khác biệt trong tư cách của các ửng cử viên CH và DC. Hiện nay, ứng cử viên DC thua cuộc đang kiện cáo đòi đếm phiếu lại tại hơn một tá nơi khác.

Như mọi người đã biết, kết quả bầu cử tại Florida cho thấy phe CH thắng cả hai ghế thống đốc và thượng nghị sĩ. Nhưng vì thắng khít nút nên bên thua có quyền đòi hỏi đếm phiếu lại. Bây giờ ‘phe ta’ khám phá ra mánh đếm phiếu mới, có lợi hơn, đòi đếm lại những lá phiếu ‘tạm thời’, gọi là ‘provisional votes’. Đây là những lá phiếu của cử tri khi đến bầu đã không hội đủ điều kiện bầu, chẳng hạn như không có giấy chứng minh địa chỉ, không có giấy chứng minh là công dân Mỹ,… Để bảo đảm công dân chân chính không mất tiếng nói vì sơ ý quên giấy tờ ở nhà, họ được phép bầu, nhưng lá phiếu của họ chỉ có giá trị tạm thời, cho đến khi họ trở lại phòng phiếu, trình ra đủ giấy tờ xác nhận tình trạng hợp lệ thì lá phiếu của họ mới chính thức được nhìn nhận.

Trên thực tế, một số ít người thực sự quên giấy tờ ở nhà thật, và đảng DC đang cho người đi lùng từng người, đến tận nhà để lấy giấy tờ của họ để hợp thức hóa lá phiếu của họ. Nhưng phần lớn những người bầu ‘tạm thời’ thực sự là bất hợp lệ. Các luật sư của DC đã lên tiếng đòi không được gạt qua phiếu của những người ‘không giấy tờ’ -undocumented-. Có nghiã là trong số phiếu tạm thời, đã có nhiều phiếu của di dân ‘không giấy tờ’, tức là di dân lậu, nhưng phe DC vẫn muốn nhìn nhận những phiếu này.

Đây là cái mánh gian lận mới của DC. Trên nguyên tắc, kiểm phiếu có thể lôi ra những phiếu tạm thời bất hợp lệ để loại những phiếu đó ra, nhưng cũng có thể là cơ hội bỏ thêm phiếu tạm thời vào, nếu những người chịu trách nhiệm kiểm soát là… ‘phe ta’. Tại quận Broward (thành phố Fort Lauderdale trong vùng đông nam Florida), là nơi khoảng 700.000 phiếu đang được đếm lại, Giám Sát Bầu Cử của quận Broward, bà da đen Brenda Snipes bị nghi ngờ đã trộn những phiếu tạm thời bầu cho ‘phe ta’ vào số những phiếu hợp lệ, tăng số phiếu của phe ta lên. Bây giờ, bà chịu trách nhiệm kiểm phiếu, tức là bà sẽ ‘kiểm soát’ lại những việc chính bà đã làm (?!), chẳng có gì cấm bà Snipes thay vì loại bỏ những phiếu tạm thời, lại chôn vùi những phiếu đó kỹ hơn, hay thậm chí trộn thêm một số phiếu tạm thời bầu cho ‘phe ta’ vào. Phe CH đã mau mắn huy động cả dàn luật sư vào việc kiểm phiếu, nhưng dù sao bà Snipes và nhân viên của bà cũng vẫn là những người tay cầm lá phiếu để đếm.

Tùy tiểu bang, số phiếu tạm thời có thể lên tới cả trăm ngàn dễ dàng, do đó nếu kết quả bầu cử xê xích vài ngàn như tại Florida, kết quả ‘kiểm phiếu’ có thể lật ngược dễ dàng, tùy phe nào nắm quyền kiểm soát phiếu. Thua keo này, bày keo khác. Sau khi đếm phiếu bằng máy cho thấy ‘phe ta’ vẫn thua tại Florida, thì bây giờ đếm phiếu bằng tay. Đếm đủ cách cho tới khi nào thắng mới được.

Tìm thắng lợi qua đếm phiếu lại đã trở thành ‘bí kíp’ tranh cử của đảng DC. Dù chưa thành công lần nào nhưng vẫn cứ thử. Chỉ còn hy vọng dàn luật sư CH tinh mắt đề phòng cho kỹ thôi.

Cuộc bầu cử vừa qua cũng phơi bày ra một số diễn biến trong chính trị Mỹ.

Tại tiểu bang Cali, cho đến khi bài này được viết thì vẫn chưa đếm phiếu xong tại nhiều nơi. Tuy nhiên, DC rõ ràng đã thắng lớn tại tiểu bang này. Quận Cam, thành đồng cuối cùng của khối CH tại Nam Cali, có vẻ đã thất thủ trước làn sóng xanh của DC. Cali càng ngày càng chuyển hướng mạnh về phiá DC, phần lớn là do hậu thuẫn của khối di dân Nam và Trung Mỹ, và của khối dân gốc Tầu, không thích chính sách chống Trung Cộng của TT Trump. Khối dân gốc Việt là khối dân Á Châu duy nhất trong đó đa số ủng hộ CH, cho dù truyền thông tỵ nạn Việt hầu hết hùa theo TTDC, chống TT Trump khá mạnh.

Một diễn biến khác: trước bầu cử, hai bên tranh cãi về chuyện ‘cơn sóng xanh’ hay ‘cơn sóng đỏ’. Kết quả là không xanh mà cũng chẳng đỏ, mà là hồng và xanh lá cây. Cơn sóng hồng vì cuộc bầu vừa qua đã chịu ảnh hưởng lớn của các phụ nữ. Cử tri phụ nữ đi bầu đông hơn tất cả các kỳ bầu giữa mùa trước, trong khi nhiều phụ nữ trẻ đắc cử hơn các cuộc bầu trước. Cơn sóng xanh lá cây vì chưa bao giờ một cuộc bầu giữa mùa lại bị chi phối bằng tiền nặng như lần này. Khối CH chi ra con số kỷ lục là khoảng 300 triệu đô, nhưng không thấm thiá gì so với khối DC, chi ra tới hơn 600 triệu. Một mình ông Beto O’Rourke tranh cử thượng nghị sĩ Texas chống TNS Ted Cruz, đã chi ra hơn 70 triệu tuy thất bại.

Điều hiển nhiên ai cũng thấy là sau cuộc bầu cử, quan hệ giữa TT Trump và đảng DC cũng như TTDC sẽ tệ hại hơn nhiều.

Trang mạng thiên tả Axios đã cung cấp một danh sách 85 chuyện phe DC tại Hạ Viện có thể sẽ điều tra. Dĩ nhiên đây chỉ là danh sách của Axios, có tính cách phóng đại lố bịch, nhưng ta có thể tin tưởng DC sẽ dòm ngó rất kỹ danh sách này.

Phe DC cũng không nên quên CH còn giữ Thượng Viện, có nghiã là Hạ Viện tung ra một chục cuộc điều tra về TT Trump thì Thượng Viện cũng có thể tung ra một chục cuộc điều tra về TT Obama, bà Hillary, FBI, FISA, Nhà Nước Ngầm trong các bộ Tư Pháp, bộ Ngoại Giao,… Rồi cả TT Trump cũng có thể ra lệnh cho bộ Tư Pháp và FBI điều tra đủ chuyện. Vỏ quít dầy móng tay nhọn.

Coi như diễn đàn này trong năm tới sẽ rất bận rộn với báo cáo và bình luận về đủ loại điều cha điều mẹ.

http://diendantraichieu.blogspot.com/2018/11/suy-nghi-hau-bau-cu.html#more

Vui cười

1. Hai vợ chồng trẻ mới có con.Một tối có tiếng điện thoại.Chị vợ nói với chồng sau khi gác mày :

-Hàng xóm họ càu nhàu vì con khóc quá !

-Không sao đâu, anh sẽ hát ru con bây giờ. Chuông điện thoại lại đổ :

 -Lại hàng xóm ,họ nói họ thích tiếng con nít khóc hơn !

 

Một chàng cao bồi lần đầu tiên New York và nhìn chiếc máy xem bói, trông nó giống một cái tủ điện thoại công cộng. Anh ta vào cabin và thả đồng xu máy in ra tờ giấy như sau:

Anh tên là John Bill, cao 1,85 và cân nặng 105 kgs.Anh 23 tuổi và chuẩn bị đi chuyến tàu 8h30. Anh sắp có hạn lớn !

Anh chàng nọ còn đang kinh ngạc thì một người đàn ông da đỏ bước đến, ông ta cũng cả quyết là trò nầy không thể tin được. Hai vị khách thử trao đổi mũ và quần áo cho nhau để lừa cái máy . John Bill lại đặt một đồng xu và đứng vào cabin, tờ giấy được in ra như sau :

-Anh vẫn là John Bill, cao 1m85 nặng 105 kgs và 23 tuổi nhưng hiện nay anh đã :

-lỡ chuyến tàu 8h30

-Bị mất bộ quần áo cùng ví tiền và khẩu súng rulô

-Bị lây bệnh ghẻ của hắn

Từ ba dòng thác cách mạng đến ba nhóm lợi ích –  Mai Thanh Truyết

Hiện trạng sau ngày 30-4-1975 

Có thể nói, ngay sau ngày 30/4/1975, một cuộc “đổi đời” trong ý nghĩa đi xuống (hay “tụt hậu”, chữ của CSVN) ảnh hưởng lên hầu hết 25 triệu người con Việt sống rải rác từ phía nam sông Bến Hải đến mũi Cà Mau. Ngoại trừ những thành viên của Mặt trận Giải phóng Miền Nam không nghĩ như thế cho đến năm 1976, khi CSVN giải tán Mặt trận, và còn một số ít người miền Nam cũng không nghĩ như thế trong một giai đoạn ngắn ngủi. Đó là thời gian “cam tâm” gia nhập sư đoàn 304 và sau đó cũng bị “giải tán” vì bị vắt chanh bỏ võ! Còn một số rất ít, đếm được trên đầu ngón tay, kéo dài thời gian “hồ hởi” lên được “dăm ba năm”, đôi khi được “thăng chức” lên thành đại biểu quốc hội, đại sứ tại LHQ, hay xếp UB Phát triển ĐBSCL v.v… rồi cũng được cho… về vườn.

Có thể nói, những dữ kiện vừa nêu trên, thể hiện một cách “sâu sắc” ý nghĩa của “Ba dòng thác cách mạng”, bài học đầu tiên của những giáo chức đại học vào những ngày ngay sau 30/4/75. Nhưng chính những thành viên của sư đoàn 304 (sư đoàn 304 là những người sống ở miền Nam nhưng vội vã theo đuôi CSVN để lập công hay che giấu những tội lỗi của mình!), mặc dù trong vai trò “tổ trưởng học tập chính trị”, có “quyền” (hão!) và huêng hoang ra lệnh cho tổ viên (giáo chức đại học) “phải” phát biểu quan điểm sau mỗi bài học tập, phải làm bản đúc kết sau mỗi đợt học tập, mà trước đó, chưa đầy một ngày các tổ trưởng trên chỉ là… “cấp dưới” của nhiều tổ viên tổ học tập chính trị.

Họ phụ các cán bộ chính trị từ Bắc vào để giảng giải “bài học đầu tiên” trên. Nhưng thật ra chính họ cũng “vô tư” không hiểu số phận của họ sẽ ra sao (?) cho đến ngày phải… gặm mối căm hờn trong củi sắt!

2. Ba dòng thác cách mạng 

Nhắc lại năm chữ “ba dòng thác cách mạng” ngày hôm nay, không chắc mấy ai còn nhớ. Ngay cả từ ngày khởi động học tập ba dòng thác nầy do chính Lê Duẫn đề xướng và đẩy mạnh. Những khóa bồi dưởng chính trị của đối tượng Đoàn, Đoàn, đối tượng Đảng, và Đảng không biết có ai còn nhớ không?

Lê Duẫn, TBT Đảng CSVN thời đó, nhận định là thế giới thể hiện ba dòng thác ngay sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt:

– Phong trào giải phóng dân tộc và các quốc gia xã hội chũ nghĩa do Liên Sô lãnh đạo đang lên; 

– Phong trào đấu tranh giai cấp nông dân ở các quốc gia tư bản đang nổi dậy rầm rộ; 

– Phong trào đấu tranh giai cấp của công nhân và lao động ở các nước trên cũng đồng loạt đứng lên. 

Và, trong giai đoạn nầy, ba dòng thác đã “tiến công dồn dập vào chủ nghĩa phong kiến và đế quốc với mục đích vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Chung cuộc là hệ thống đế quốc và tư bản chủ nghĩa phải tan ra từng mảnh và đang đi trên con đường giãy chết. Thí dụ điển hình là Mao Trạch Đông đã đẩy lùi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan năm 1949. 

Phải chăng, ba dòng thác cách mạng đã thành công (?)

3. Ba dòng thác cách mạng áp dụng cho Việt Nam 

Sau 1975, ba dòng thác cách mạng áp dụng cho Việt Nam trở thành:

– Cách mạng quan hệ sản xuất; – Cách mạng văn hóa tư tưởng; và

– Cách mạng khoa học kỹ thuật.

Thử hỏi, ngày hôm nay, năm 2018, cả Bộ Chính trị gồm 19 Ủy viên có còn trong đầu ý nghĩa nguyên thủy của năm chữ “ba dòng thác cách mạng” hay không? Hay là sau hơn 43 năm áp dụng, mà ngay từ đầu chính CSVN gán cho danh hiệu là “thời kỳ quá độ”, có nghĩa là thời kỳ chuẩn bị và thực hiện cuộc cách mạng với ba dòng thác trên, nhưng rốt cuộc rồi, cho đến ngày người viết đang viết những dòng chữ nầy, CSVN vẫn còn… “đong đưa” với ba dòng thác cách mạng, thời kỳ quá độ, và xã hội chủ nghĩa… mà vẫn không biết đang đi về đâu?

Đi đến đâu? Và sẽ đi về đâu? Hay là sẽ đi vào sự “tự hủy” do chính chế độ đã tạo ra!!!

Kết quả là:

Nông dân và công nhân là hai tầng lớp tiên phong của cách mạng Việt Nam, nhưng dòng thác thứ nhất là “cách mạng quan hệ sản xuất” đã đưa hai giai cấp nầy vào hàng thấp nhất, nâng khoảng cách giàu-nghèo càng đi xa hơn trước 1975;

Còn dòng thác thứ hai là “cách mạng văn hóa tư tưởng”, mang ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lấy lý thuyết Mác-Lê làm phương châm. Đây là một mớ lý thuyết hổ lốn, vô cùng sai lầm và lỗi thời mà nhân loại đã tẩy chay vứt bỏ hàng thập kỷ qua. Thế mà đến hôm nay đảng CSVN vẫn ngoan cố nhồi nhét nó vào đầu dân chúng. Vì vậy, thay vì “cải tạo” mọi người dân thông suốt đường lối và đi dưới là cờ của đảng. Nhưng ngược lại, hầu hết mọi tầng lớp đại chúng từ trí thức, tri thức, sinh viên, học sinh, các tôn giáo, tầng lớp lao động

đều chống lại tất cả “những bảng chỉ đường của đảng” vẽ ra. Và hầu hết những thành phần kể trên đang dần dần lớn mạnh và có thể …đẩy đảng ra khỏi “quỹ đạo xã hội Việt Nam” trong giai đoạn sắp tới.

Sau cùng, dòng thác cách mạng khoa học – kỹ thuật đưa đất nước đi vào ngõ cụt sau hơn 40 năm làm cách mạng ngoài những con số. Theo định nghĩa của Wikipedia, thì cách mạng khoa học-kỹ thuật là “việc áp dụng những công nghệ hoàn toàn mới tạo điều kiện cho sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm hẳn tiêu hao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất, dùng máy móc thay thế lao động tay chân”. Thế mà, theo số liệu chính thức do ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản Việt Nam tổng kết và đưa ra trong năm 2013, tính trên toàn quốc Việt Nam đã có 4,28 triệu người có trình độ học vấn từ bậc cao đẳng, hay đại học trở lên, trong đó có hơn 24.300 tiến sĩ, hay Ph.D tức Doctor of Philosophy và 101.000 thạc sĩ, tức Master’s degree, như MA (Master of Art ), hay MS (Master of Science), hoặc MBA (Master of Business Administration)… tùy ngành học. Số lượng giáo sư, phó giáo sư sau 25 đợt chính phủ cộng sản Việt Nam tổ chức xét tuyển và phong cấp chức danh từ 1980 đến 2016, đã có 10.774 người trong tổng số các tiến sĩ nói trên, được cấp chức danh giáo sư (Professor), hoặc phó giáo sư (Associate Professor), trong đó có 1.715 giáo sư và 9.059 phó giáo sư.

Còn bằng sáng chế (patent) thì đếm được trên đầu ngón tay. (Ở Hoa Kỳ, một người Mỹ gốc Việt trẻ mà người viết biết, đã có 5 bằng sáng chế và trên 20 báo cáo khoa học trong vòng 10 năm sau khi tốt nghiệp tại đây!)

4. Biến thái của ba dòng thác cách mạng 

Một trong những tính “ưu việt” của chế độ là “sửa sai”. Từ sự thất bại của ba dòng thác cách mạng trên, vào năm 2012, CSVN sửa sai bằng cách: “phòng chống chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng việt nam” nhằm mục đích “Nắm vững âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội chủ nghĩa và cách mạng Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó để mỗi người nâng cao cảnh giác cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang làm thất bại mọi chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của chúng”.

Với yêu cầu là: “Ra sức học tập, trau dồi phẩm chất năng lực của người đoàn viên thanh niên, kế tiếp các thế hệ cha anh góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. 

Và nội dung chính của chiến lược “Diễn biến hòa bình” là: “Kẻ thù sử dụng mọi thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, đối ngoại, an ninh… để phá hoại, làm suy yếu từ bên trong các nước xã hội chủ nghĩa. Kích động các mâu thuẫn trong xã hội, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, tụ do tôn giáo, sắc tộc, khuyến khích tư nhân hoá về kinh tế và đa nguyên chính trị, làm mơ hồ giai cấp và đấu tranh giai cấp trong nhân dân lao động. Khích lệ lối sống tư sản và làm phai nhạt mục tiêu, lí tưởng xã hội chủ nghĩa ở một số bộ phận sinh viên. Triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn, sai sót của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nên sức ép, từng bước chuyển hoá và thay đổi đường lối chính trị, chế độ xã hội theo quĩ đạo chủ nghĩa tư bản”. 

Về khái niệm Bạo loạn lật đổ, CSVN quan niệm rằng: “Là hành động chống phá bằng bạo lực do lực lượng phản động hay lực lượng ly khai, đối lập trong nước hoặc cấu kết với nước ngoài tiến hành gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc lật đổ chính quyền ở địa phương hay trung ương bao gồm hình thức như: – Bạo loạn chính trị, – Bạo loạn vũ trang, – Bạo loạn chính trị kết hợp vũ trang”.

Từ đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định nhiệm vụ của chúng là: “Kiên quyêt làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “Diễn biến Hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh hiện nay, đồng thời còn là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Phải chủ động phát hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, kịp thời tiến công ngay từ đầu”. (Trích trong các tài liệu học tập của Đảng).

Qua các trích đoạn trên báo đảng, chúng ta thấy gì?

Phải chăng đó là những “biện bạch bào chữa” các sai trái do chính đảng đưa ra qua ba dòng thác cách mạng đưa đến kết quả là đất nước phải gánh chịu nạn kiếp nghèo đói và đi sau các quốc gia khác như Thái Lan, Nam Hàn, Mã Lai, Tân Gia Ba hàng mấy mươi lần, trong khi vào năm 1975, các nước kể trên vẫn đứng sau Miền Nam về phương diện phát triển quốc gia và lợi tức đầu người!

Thử hỏi, với thành thích rực sáng như: “Năm 2010 Việt Nam có 578 giáo sư, phó giáo sư và diễn tiến công nhận mới từng năm được ghi nhận gồm năm 2011 có 408 người, năm 2012 có 469 người, năm 2013 có 547 người, năm 2014 có 644 người, năm 2015 có 522 người, năm 2016 có 703 người và năm 2017 dự trù có thêm 1.226 người mới”, mà sao Việt Nam vẫn tiếp tục bị “tụt hậu”?

Hỏi tức là trả lời rồi!

Và những tiên liệu của đảng CS qua đại hội X trên đây, phải chăng là những báo hiệu cho một cuộc cách mạng đang manh nha của toàn dân trong nước qua các hành động “Bất tuân dân sự” qua sự việc bắt đầu đốt nhà máy hóa chất của CSVN và TC tại Cần Thơ vào tháng 3/2017 vừa qua?

5. Từ ba dòng thác cách mạng chuyển sang ba nhóm lợi ích 

Sau 10 năm, sự phát triển đất nước qua dòng thác thứ ba là “cách mạng khoa học – kỹ thuật” dưới thời TT CS Nguyễn Tấn Dũng thất bại. Một thí dụ điển hình là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị xã hội, nhà nước cung cấp kinh phí hoạt động theo quy chế tổ chức chính trị xã hội đặc thù. Về hành chính, LHHKH&KTVN chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chính trị, thông qua Ban Tuyên giáo và Ban Tổ chức trung ương Đảng (đây là kẻ hở dễ lách các thủ tục chi tiêu, vì các ban Đảng thiếu chuyên môn về quản lý tài chính nên dễ bị qua mặt).

Công bằng mà nói, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã từng có giai đoạn huy hoàng khi người lãnh đạo là những nhà khoa học đầy “tâm huyết” như: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Hà Học Trạc, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng. Ngay khi Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng vừa mất, Phạm Văn Tân đã muốn thâu tóm tài chính, nhưng lại gặp “vật cản” là ông Nguyễn Mạnh Đôn – Trưởng ban Khoa học công nghệ, là người sắc sảo, có tài, một công thần của LHHVN ngăn chặn nên bọn chúng không làm gì được. Nhưng khi ông Nguyễn Mạnh Đôn vừa nghỉ hưu thì Phạm Văn Tân đã mau chóng kéo bè kết đảng, đưa người đồng hương vào các vị trí trọng yếu để thâu tóm quyền lực, ăn chia trắng trợn tiền Nhà nước. (Trích báo lề đảng).

Theo nhận định của báo Viet Calitoday qua ký giả Hoàng Vũ, tuy không chấp nhận đa đảng và cạnh tranh chính trị công khai nhưng trong nội bộ đảng lại chia thành nhiều phe nhóm, mỗi phe thao túng một vài lĩnh vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Khi Việt Nam mở cửa hội nhập vào thế giới thì dòng tiền tư bản đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và vì thế các “nhóm lợi ích” ngày càng lớn mạnh. Đất đai là lĩnh vực mà bất cứ “nhóm lợi ích” nào cũng phải có phần vì nguồn lợi mang lại từ đất đai là khổng lồ và vô tận. 

Các nhóm lợi ích được các thế lực trong đảng chống lưng đang tìm mọi cách vơ vét và bòn rút mọi nguồn tài nguyên của đất nước và người dân Việt. Tham nhũng là một trong những vấn nạn trầm trọng đe dọa sự phá sản của Việt Nam và cả sự tồn vong của chế độ. Ý thức được nguy cơ đó nên đảng cộng sản BV đã chọn ông Nguyễn Phú Trọng làm lãnh đạo tối cao của đảng sau khi loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng, kẻ nổi tiếng tham lam và phá hoại. 

Bước qua Đại hội XII, TBT CSVN điều chỉnh lại qua việc bài trừ tham nhũng (?) (vì trong hệ thống CS, nếu dứt khoát bài trừ tham nhũng thì Việt Nam đã không còn sự hiện hữu của CSVN nữa rồi!) và lần lần hoàn chỉnh công cuộc biến việc lãnh đạo tập thể, một nguyên lý “cai trị” của Đảng cộng sản quốc tế từ ngày thành lập, thành “độc trị”, “nhất thống quyền lực” qua cá nhân …chính ông ta! Và Đảng ngày hôm nay “vẫn” tiếp tục trực tiếp quản lý và điều hành hành pháp tức chính phủ, tư pháp tức quốc hội, và an ninh tức quân đội, và công an để từ đó… độc trị do một mình TBT đảng cầm đầu, đứng trên cả Hiến pháp. Và từ khi tóm thâu quyền lực từ năm 2012, NPT đã lèo lái “con tàu kinh tế Việt Nam” theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, theo Báo cáo ‘Chỉ số tự do kinh tế 2018’ xếp hạng 180 nền kinh tế, Việt Nam xếp hạng 141/180 với 53,1/100 điểm. Trong 43 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hạng 35, sau cả Lào, Myanmar và Campuchia.

Và, việc phân định “Ba Nhóm lợi ích” trong đảng hiện tại cho chúng ta thấy rõ là TẤT CẢ ngành phát triển quốc gia “mũi nhọn” quan trọng đều được “phân phối” cho Ba chân vạc “Nhóm lợi ích”, tuy bất thành văn như: – Dầu khí, – Điện lực, – Ngân hàng, – Viễn thông, – Hàng không, – Khu chế xuất, – Khu công nghệ, – Dịch vụ du lịch, – Dịch vụ xuất cảng lao động, – Dự án Bauxite, – Dự án Formosa, Vũng Áng, -Thậm chí cho đến dịch vụ quản lý các “động” nữa.

Ba chân vạc của Nhóm lợi ích chính là: Chánh phủ, Công An, và Quân đội. Một thí dụ điển hình rõ nét nhất là vụ khai thác sân golf trong địa phận của phi trường và việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất vẫn còn đang bị dằn co giữa quyền lợi và quyền lực giữa “Chánh phủ” và “Quân đội”! Và nếu chúng ta tin ý, vẫn thấy được những tranh chấp quyết liệt trong việc phân chia nhóm lợi ích qua việc phòng chống tham nhũng.

Tất cả chỉ là bức màn che đậy việc thanh toán lẫn nhau vì quyền lợi trong việc phòng chống tham nhũng mà thôi!

6. Thay lời kết 

Trong suốt năm qua, dưới nhiều tên khác nhau, CSVN vẫn hằn học tiếp tục “chửi rủa” người viết qua các đề tựa điển hình trong những bài viết trong năm 2017-2018 như: – Thủ đoạn vu khống hèn hạ của Mai Thanh Truyết, – Bộ mặt phản nước, hại dân của Mai Thanh Truyết, – Mai Thanh Truyết lại đào huyệt chôn mình, – Mai Thanh Truyết ngụp đáy giếng kêu trời, và có thể còn nhiều bài nữa mà người viết không thể sưu tầm được… 

Bài viết sau cùng nầy đăng lên nhanvanviet.com ngày 13/2/2018 với lời mào đầu như: “Chuyện kể rằng, có một chú ếch ương lười học, ham chơi, một hôm thế nào bị rơi xuống giếng. Do lười học nên ít chữ, thành ra đường suy nghĩ cũng kém hơn chúng bạn nên chẳng biết trời cao, đất dày là gì, ngồi ở dưới đáy giếng nhìn

lên, ếch ta tưởng trời chỉ to bằng miệng giếng. Vì thế, mà dân gian mới có câu “ếch ngồi đáy giếng”, để chỉ hạng người lười học, suy nghĩ thiển cận, hẹp hòi nhưng lại luôn to miệng kêu gào cho rằng mình biết tuốt”. 

Thế mới biết những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” của người viết từ hơn 30 năm qua, viết lên những sai trái về phát triển không cân bằng với việc bảo vệ môi trường, phát triển không bền vững, việc ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí, v.v… cũng như gợi ý nhiều biện pháp giải quyết vấn đề… mà vẫn bị kết án do những người quản lý đất nước… khiếm thị!

Tiến trình tiến lên “xã hội chủ nghĩa” của đảng CSVN vẫn còn nằm trong… “thời kỳ quá độ” ngay sau ngày 30/4/1975. Và thời kỳ nầy, vẫn còn dậm chân tại chỗ và lao đao lận đận sau hơn tám lần Đại hội Đảng với 5-năm mỗi kỳ. CSVN vẫn còn bế tắc trong thời kỳ nầy vì vẫn chưa “định hình” được phát triển tư bản chủ nghĩa “theo định hướng chủ nghĩa xã hội” là gì???

Vì vậy, đất nước vẫn còn lầm than…

Xin được trích lời của một sinh viên năm thứ hai, anh Lê Vũ Cát Đằng viết cho cô giáo chủ nhiệm ban Khoa học Nhân Văn năm 2012, và nếu Tuổi Trẻ Việt Nam ngày hôm nay đều có nhận thức như em thì Dân Tộc Việt Nam chúng ta dành lại chủ quyền từ tay đảng CSVN không khó. 

“Kính thưa Cô, 

Đến tận bây giờ, gõ những dòng E-mail trần tình này gửi đến Cô, em vẫn còn trách ông trời, phải chi cuối tiết “Lịch Sử” hôm ấy trời đừng mưa to thì giảng đường Đại Học không ai còn ngồi lại và Cô cũng đâu có thời gian trò chuyện khuyến khích sinh viên mình… Và, hôm nay, em cũng không phải gõ email này gửi Cô mà em biết khi đọc Cô sẽ không vui… 

Em còn nhớ hôm ấy lời Cô nói: “Lịch sử là những gì diễn ra trong quá khứ, được tái hiện lại, trong hôm nay và ngày mai, phải trung thực, chân thật nhằm cho người sau biết và lấy đó làm kinh nghiệm, xấu xa sai trái thì tránh nếu tốt đẹp có ích thì tự hào để nhân bản thêm lên, vì vậy đề tài bài tham luận: ’37 mùa xuân Đại Thắng’ nói về ‘chiến công thần thánh’ của quân dân ta chống ‘đế quốc Mỹ xâm lược, cứu nước’ của mỗi bạn, cần phải gọt giũa đánh giá cho xứng tầm vĩ đại của dân tộc, …. 

Và Cô cười, nụ cười giao lưu rất thoải mái. Em cũng nhớ, mình là người thứ tư, sau các bạn, vô tư ngập ngừng cười, nói với Cô: 

“Chiến tranh với Mỹ là có thật, nhưng nếu nói đó là chống xâm lược để cứu nước – thì không phải – thưa Cô! Em nghĩ như vậy…” 

**** 

Cô dừng chân, như thầy giáo nhắc bài học trò, cô nói với em: “Bạn cần phải lên thư viện nhiều hơn, tìm trong sách, ở đó có nhiều câu trả lời cho vấn đề của bạn vừa nêu ra, tôi nghĩ, không khéo danh hiệu Đoàn viên Thanh niên CS/HCM ưu tú, xuất sắc, đối tượng của đảng nơi bạn sẽ lung lay…” 

Cuối cùng SV Đằng kết luận trong lá thư gửi cho Cô là:

“Thưa Cô! Làm sao biện minh? 45.000 quân “xâm lược” Mỹ vẫn hiện diện trên đất Hàn Quốc, một quốc gia khủng hoảng lương thực trầm trọng không đủ cơm gạo cho dân sau chiến tranh Nam Bắc nhưng hôm nay thì: nhiều báo chí ở Việt Nam nói về đất nước này hay thường gọi là Kỳ tích sông Hàn hay Huyền thoại sông Hàn. Hàn Quốc từ đống tro tàn của cuộc nội chiến Bắc Nam đã vươn lên thành một quốc gia phát triển hùng mạnh thịnh vượng hơn hẳn nửa kia ở phía Bắc nghèo nàn lạc hậu. GDP cán mốc 1.000 tỷ USD/năm cũng như nhiều tập đoàn lớn nổi tiếng như SamSung, LG, Hyundai, Kia, Daewoo… Nhưng, thành tựu đó họ có được là do đâu? Ngoài sự lãnh đạo sáng suốt của các nguyên thủ Hàn Quốc, thì sự hỗ trợ nhiệt tình như là một đồng minh của Mỹ trên tinh thần kế hoạch Marshall là yếu tố quyết định. 

Kinh tế Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển, đứng thứ ba ở châu Á và đứng thứ 10 trên thế giới theo GDP năm 2006. Kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới (hạ tầng cơ sở, thiên nhiên, thổ nhưỡng kém xa Việt Nam) trở thành một trong những nước giàu nhất. 

Thưa Cô! 

Với những gì thuộc thế giới quan mà kiến thức em tích lũy được, thì dù rất muốn hãnh diện về “chiến công thần thánh” của quân dân ta chống “đế quốc Mỹ xâm lược cứu nước” nhưng: Lịch sử rất cần sự “trung thực” đến “chân thật” (lời Cô nói). Nên: Em cũng muốn tin – nhưng không thể, thưa Cô! Em cám ơn Cô đọc email trần tình này và mong có lời chỉ giáo thêm của Cô”. 

Lời sinh viên Lê Vũ Cát Đằng vẫn còn đây! 

Tuổi Trẻ Việt Nam cần tiến lên đáp lời sông núi! 

Hỡi những người con Việt khắp năm châu ơi! 

Cuộc cách mạng Bất tuân Dân sự đang chờ chúng ta! 

02.05.2018

 

 

Vui cười

Sau 30/4/1975 ,các văn nghẹ sĩ Miền Nam,người thì vượt biên,người bị cầm tù.Một trong số những người còn ở lại mà không bị đi tù là nhà thơ Bùi Gíang.Ông không bị bắt vì là người mang bệnh tâm thần.

Nghe kể một hôm ông ghé trụ sở Hội Nhà Văn TPHCM chơi.Lúc bấy giờ nhà thơ Thu Bồn,một uỷ viên trong ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam đang đứng trò chuyện với nữ sĩ Thu Ba,trông thấy ông bèn gọi lại bảo rằng :

-Nghe đồn ông có tài xuất khẩu thành thơ,làm một bài cho anh em nghe chơi !

Bùi Giáng trả lời :

-Lâu quá tui không có làm thơ,quên mất cả rồi.

Thu Ba năn nỉ :

-Làm đại một câu lưu niệm đi mà. Bấy lâu chỉ kiến văn kỳ thanh hôm nay mới kiến diện kỳ hình ông đó.

Bùi Giáng cười móm mém:

-Nhưng làm dở đừng có cười tui nghe !

Thu Bồn giục :

-Thôi mà đừng khiêm tốn nữa,không ai cười đâu.

Bùi Giáng tằng hắng một tiếng rồi đọc :

Thu Ba khen ngợi Thu Bồn

Thu Bồn cảm động sờ vai Thu Ba

Thu Ba nhăn mặt:

Ý dà, ông làm thơ lục bát chi mà chẳng có vần có điệu gì hết trơn !

Bùi Giáng đáp :

-Thì sức tui chỉ có vậy,cô muốn thơ có vần thì kiếm chữ khác thay vào đi.

Thu Ba bỗng đỏ mặt hứ lên một tiếng.Bùi Gáng lại móm mém cười một cách ngây thơ rồi quay đi trước cái nhìn giận dữ của Thu Ba

 

Ai gan hơn ai ?

Đài BBC phỏng vấn một người Việt Nam vượt biển bằng mấy cái thùng phuy  kết lại với nhau thành bè-

-Thưa ông sao ông gan quá vậy !Ông dám vượt biển bằng những cái thùng phuy ?

-Tôi chưa gan lắm đâu,những người ở lại còn gan hơn tui nhiều !!

 

Ca dao xã hội chủ nghĩa

Mất mùa đổ tại thiên tai

Được mùa bởi tại thiên tài đảng ta.

 

 

Đề Cương Cách Mạng Miền Nam – Sự Hình Thành Của Tội Ác  –  Trọng Đạt

Vài hàng về Lê Duẩn

Những năm đầu và giữa thập niên 50, nhất là sau khi Việt Minh về tiếp thu Hà Đông Hà Nội năm 1954, tại miền Bắc bốn nhân vật Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng  được coi là những nhà lãnh đạo chủ chốt của Cộng Sản Việt Nam.

Nhưng đầu thập niên 60, người ta thấy xuất hiện một nhân vật mới mà trước đây hầu như không ai biết tới, đó là Lê Duẩn. Ông ta ngày càng được nói tới và trở thành người nổi bật nhất của nền chính trị miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất từ 1946-1954, chiến trường miền Bắc quan trọng và tàn khốc nhất vì Việt Minh được Trung Cộng tiếp tế huấn luyện nhiều, từ 1950 họ đã giúp Việt Minh thành lập nhiều sư đoàn chính qui(1) và nhiều  trang bị vũ khí. Sau đó tới chiến trường miền Trung, Liên khu 5 và cuối cùng chiến trường Nam bộ nhẹ hơn vì xa hậu phương miền Bắc ít được tiếp tế về quân sự.

Lê Duẩn bị Pháp đầy ra Côn Đảo từ 1940, sau khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945 ông được đón về làm việc với Hồ Chí Minh, từ 1946 cho tới 1954 Duẩn làm Bí thư xứ ủy Nam Bộ. Năm 1952 Ba Duẩn ra Việt Bắc họp Trung ương đảng được Hồ Chí Minh giữ lại làm phụ tá tới đầu năm 1954, được cử làm quyền bí thư Trung ương cục miền nam(2) vì thế nên hồi ấy ông ít được biết tới.

Năm 1954-1957 ông ta được phân công ở lại lãnh đạo miền Nam.

Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 tại Quảng Trị trong một gia đình nông dân, mất ngày 10-7-1986, cũng như Hồ Chí Minh ông  là người ít học. Năm 1920 Duẩn xong tiểu học, tiếp tục một năm trung học rồi nghỉ, sáu năm sau đi làm nhân viên sở hỏa xa, bẻ ghi đường rầy xe lửa. Năm 1930 ông gia nhập đảng CS Đông Dương, năm 1931 bị Pháp bắt giam 6 năm được thả ra …

Đó là quá trình tham gia đảng của Lê Duẩn khi chưa nắm quyền lực tối cao.

Từ Genève đến Đề Cương Cách Mạng Miền Nam

Xin nói sơ lược về Hiệp định Genève(3)

Hiệp định đình chiến tại Đông Dương được ký kết ngày 20-7-1954

Ngày hôm sau 21-7-1954 Hội nghị nhóm họp trở lại và cùng nhau soạn thảo Bản tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 gồm 13 điểm

Bản tuyên bố cuối cùng về tái lập hòa bình Đông Dương không mang chữ ký của bất cứ phái đoàn nào, trong đó điều 7 nói một cuộc Tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956 để thống nhất đất nước. Họ chỉ nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, toàn bộ chỉ có ba hàng chữ sơ sài.

Không thấy nói hai bên tổ chức ra sao?  nó ngụ ý hai bên Bắc và Nam tự giải quyết lấy, không mang tính mệnh lệnh, nói chung mơ hồ, không nói bầu theo thể thức nào, ai thắng thua sẽ ra sao, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Xin sơ lược phía Cộng sản VN nói về Tổng tuyển cử như sau(4)

Trước hết họ nói TT Mỹ Eisenhower tin là 80% dân số VN sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu có Tổng tuyển cử nên Mỹ ủng hộ VNCH từ chối Tổng tuyển cử thống nhất. Họ nói ông Diệm không tin là miền Bắc sẽ có bầu cử tự do, Ngô Đình Diệm bẽ mặt ở phương Tây vì từ chối Tổng tuyển cử.

Họ cũng nói theo ông Duncanson thì vấn đề này phức tạp, tại miền Nam chính phủ Quốc gia đánh Bình Xuyên Hòa Hảo, miền Bắc cuộc cải cách ruộng đất tạo ra bầu không khí căng thẳng dẫn đến cuộc nổi dậy của nông dân tại các vùng lân cận Vinh ….vì thế Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến không tin là sẽ có bầu cử tự do mà không sợ bị trả thù

Họ nói Trường Chinh đề nghị với Liên xô cuộc họp giữa 9 (chín) bên tham gia hội nghị và Ủy hội quốc tế (Ấn độ, Hungary, Ba Lan) và Liên xô trả lời không giúp Hà Nội tổ chức Tổng tuyển cử:

“phía Liên Xô khẳng định chỉ có thể tác động tới phái đoàn Ấn Độ và cũng cảnh báo với Trường Chinh rằng sẽ không có việc tái triệu tập Hội nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận rằng không có Tổng tuyển cử và Việt Nam phải tự chuẩn bị phương án cho chính mình. Bất chấp việc không được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, thậm chí Liên Xô đã nhắm mắt trước những gì đang xảy ra tại Đông Dương, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tiếp tục có những nỗ lực ngoại giao….”

Phía CS cho biết nhà ngoại giao Hungary Jozsef Szall nói theo ý kiến chính phủ Trung Cộng thì

“việc tổ chức bầu cử tự do và thống nhất Việt Nam, không thể được thực hiện trong thời gian này…Và

“Nói cách khác, những cường quốc của khối Xã hội chủ nghĩa đã không cung cấp cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sự hỗ trợ quốc tế mà họ kêu gọi”.

Như thế Nga Sô, Trung Cộng đều không muốn có Tổng tuyển cử tại VN, họ muốn hai miền ở đâu ở đó, ngoài ra Pháp, Mỹ và Ấn Độ (Chủ tịch  ủy hội quốc tế) đều không muốn tổ chức bầu cử.

Tháng 8-1956 tại miền nam VN, Lê Duẩn soạn thảo bản Đề Cương Cách Mạng Việt Nam để đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam tiến tới thống nhất đất nước vì bọn Mỹ-Diệm đã không thi hành Hiệp định Genève, chúng  từ chối Tổng tuyển cử.

Bản đề cương gồm 5 phần:

I- Ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay.

II- Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam.

III- Yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam.

IV- Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam.

V- Bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam.

Kết luận.

Cuối năm 1956 Lê Duẩn gửi ra Hà Nội bản Đề Cương Cách Mạng Miên Nam, (ĐCCMMN) hiện nay Hà Nội cho đây là một trong những tài liệu quan trọng nhất của CSVN sau năm 1954, một bản báo cáo đại cương về cuộc cách mạng tại miền Nam. Lê Duẩn không chấp nhận sống chung hòa bình của Nga Sô và tiến hành chiến tranh chống Mỹ-Diệm.

Tài liệu này dài 38 trang đăng trên Báo điện tử đảng CSVN, trích từ Lê Duẩn Tuyển Tập, vì phạm vi chỉ có giới hạn, tôi xin tóm lược như sau:

Đề Cương Cách Mạng Miên Nam được soạn tháng 8-1956 gồm có 5 phần xin sơ lược:

1-Ba nhiệm vụ chính của cả nước: Củng cố miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh ở miền Nam, tranh thủ ủng hộ trên thế giới. Phải đấu tranh ở miền Nam vì Mỹ Diệm áp bức nặng nề, sự nghiệp hòa bình thống nhất bị phá hoại.

2- Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng cách mạng miền Nam: Mục đích chung giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước. Nhân dân miền nam bị Mỹ-Diệm áp bức, bóc lột khủng bố trà thù, thợ thuyền đói khổ… nhân dân miền Nam phải đứng lên đập tan chế độ độc tài phát xít Mỹ-Diệm, giải phóng nhân dân miền nam khỏi ách đế quốc phong kiến, thực hiện chính quyền liên hiệp.

3- Yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh ở miền Nam: Mỹ-Diệm ra sức phá hoại tổng tuyển cử, nhân dân sẽ đứng lên đập tan âm mưu Mỹ-Diệm. Tự do, dân chủ là yêu cầu bức thiết bảo đảm tài sản, tính mạng nhân dân

4- Hình thức đấu tranh, khả năng phát triển cách mạng: Liên xô với Đại hội CS lần thứ 20 (1956) chủ trương giải quyết thương lượng hòa bình. Chúng ta muốn chống Mỹ-Diệm chỉ có mỗi một con đường cách mạng nhưng phát triển theo đường lối hòa bình lấy lực lượng chính trị nhân dân làm chỗ dựa chứ không phải bằng lực lượng vũ trang, bạo lực của quần chúng đóng vai trò quyết định. Đấu tranh làm sụp đổ chính quyền phản động cần một quá trình lâu dài, nhiều giai đoạn.

5- Bài học lịch sử, những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam: Nay ta mới thành công giải phóng dân tộc được một nửa nước, nhiệm vụ cách mạng phải hoàn thành trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác và Đảng đồng bào miền Nam quyết tâm chiến đấu bền bỉ anh dũng xây dựng một nước VN hòa bình thống nhất. Lê Duẩn gửi ra Hà Nội bản Đề cương này vào cuối năm 1956, vài tuần trước Phiên họp lần 11 của Ban Chấp hành.

Xin nói sơ về những điểm chính của bản Đề Cương qua một số nhận xét của các đảng viên CS như sau:

…Trong những năm 1955-1956, cách mạng miền Nam diễn ra dưới hình thức đấu tranh chính trị “bằng phương pháp hòa bình”, chứ không chủ trương “đấu tranh vũ trang”. Là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, qua  thực tiễn của phong trào cách mạng và với tầm nhìn chiến lược, tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo xong “Đề cương cách mạng miền Nam”(5)

………Tháng 12-1956, Xứ ủy Nam Bộ họp quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị (6-1956) và “Đề cương cách mạng miền Nam” của đồng chí Lê Duẩn. Hội nghị nhất trí nhận định: “Con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là phải dùng bạo lực tổng khởi nghĩa giành chính quyền… Tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, thành lập các đội vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ ở rừng núi”  là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách(6)

Đề Cương Cách Mạng Miền Nam đã trở thành cơ sở cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (1-1959). Nghị quyết 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, làm xoay chuyển tình thế, dẫn đến đồng khởi oanh liệt toàn miền Nam năm 1960 (7)

Nhìn chung bản Đề cương cách mạng Miềm Nam có bố cục rời rạc, trình bầy lộn xộn không có thứ tự, nội dung chính là đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam. Lê Duẩn vào tháng 8-1956 mới đầu chỉ đề cập đấu tranh hòa bình cho phù hợp chủ trương Nga sô thời Krushchev nhưng bốn tháng sau (12-1956) tại Hội nghị xứ ủy Nam bộ nhất trí nhận định phải dùng bạo lực tổng khởi nghĩa. Nó mở đầu cho cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, người Việt giết người Việt. Bản Đề cương này đã được soạn thảo tại căn nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh Sài Gòn (Đa Kao, Quận I)

Trung ương đảng họp tháng 9-1956 buộc Trường Chinh phải từ chức vì Cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh vừa làm Chủ tịch đảng, Chủ tịch nhà nước kiêm luôn Tổng bí thư. Năm 1954-1957 Duẩn được phân công ở lại lãnh đạo Nam bộ, theo nhận định phía CSVN năm 1957 ông được Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội gấp để tạm giữ chức Tổng bí thư thay thế Trường Chinh(8) chia sẻ gánh nặng với ông Hồ.

Trên BBC Tiếng Việt năm 2006 có đăng một loạt 4 bài tham luận hay về Lê Duẩn: 1-Nhìn lại vai trò của Lê Duẩn (ngày 2-5-2006). 2- Bắt đầu cuộc thâu tóm quyền lực (4-2-2006). 3- Cuộc đấu tranh trong nội bộ (10-5-2006). 4- Một di sản gây tranh cãi (19-5-2006)

Có lẽ bài này dịch lại từ một bài của các nhà nghiên cứu Mỹ, không thấy tên tác giả, nội dung tham khảo nhiều ý kiến các sử gia Mỹ. Bài chỉ cho biết năm 1957 Lê Duẩn được Trung ương đảng điều ra Bắc làm quyền Tổng bí thư

Bài 2 nói tháng 10-1958 Bộ Chính trị cử Lê Duẩn vào Nam và tháng 1-1959 ông quay về Hà Nội báo cáo tình hình đấu tranh và thúc dục Bộ Chính trị ủng hộ cuộc tranh đấu vũ trang. Hội nghị Trung ương khóa 15 tổ chức tháng 1-1959 kết thúc ra nghị quyết chuẩn bị phương hướng “khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ-Diệm”. Nghị quyết 15 sau này được xem là nền tảng chỉ đạo cho công cuộc vũ trang ở miền Nam vào cuối thập niên 1950.

Theo nhận định các nhà sử gia Mỹ.

Bài 1 cho biết giáo sư Pierre Asselin, của Đại học Chaminade, Honolulu, nhận định Bộ chính trị những năm 1956, 57 miễn cưỡng chấp thuận bản Đề cương của Duẩn. Lãnh đạo BV e ngại vì sau hội nghị Geneva và việc chia đôi đất nước, tại Bắc Việt cuộc Cải cách ruộng đất đã có nhiều vấn đề phức tạp hơn dự tính. Thứ hai, lực lượng vũ trang Bắc Việt chưa kịp hồi phục sau cuộc chiến tám năm khói lửa (1946-54). Thứ ba, Hà Nội không muốn khiêu khích để Mỹ can thiệp nhất là năm 1956 CS Nga chấp nhận chủ trương sống chung hòa bình của Thủ tướng Khrushchev.

Chiến tranh cốt nhục tương tàn

Lê Duẩn đã thành công bước đầu, cuộc đấu tranh giải phóng đất nước do từ bản Đề Cương đã được chuẩn thuận, thành hình. Những năm cuối thập niên 50 máu của lương dân vô tội đã bắt đầu đổ xuống đồng ruộng miền Nam, du kích Việt Cộng nằm vùng đã khởi động cách mạng bằng mã tấu, súng trường. Những hình ảnh ghê rợn của các trưởng ấp, xã trưởng bị đâm chém, chặt đầu đã xuất hiện trên các tờ nhật báo tại Sài Gòn khiến người dân bắt đầu lo sợ chiến tranh.

Tháng 9/1960, tại Đại hội toàn quốc III Lê Duẩn được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tức Tổng Bí thư). Theo nhận định phía CS Lê Duẩn được Hồ Chính Minh cất nhắc lên Tổng bí thư để thay thế Trường Chinh và dần dần sẽ thay thế chính ông Hồ.  Năm 1960 đánh dấu một sự kiện lớn và là khúc quành quan trọng của cuộc chiến VN khi nhà độc tài số một của CSVN bắt đầu lên nắm quyền.

Những năm đầu thập niên 60, Lê Đức Thọ, người phụ tá thân cận của Duẩn bắt đầu cài đặt tay chân, bộ hạ thân tín vào các vị trí then chốt để củng cố địa vị vững mạnh cho Tổng bí thư, Thọ đã từng làm phó cho Duẩn khi hoạt động tại miền nam VN.

Theo tài liệu phía CS, bắt đầu từ 1963, vì sức khỏe suy yếu Hồ Chí Minh chuyển giao công việc đảng dần dần cho Lê Duẩn, nhưng theo ý kiến các nhà nghiên cứu Mỹ về CSVN, chính Lê Duẩn đã cô lập ông Hồ để tập trung quyền lực trong tay. Đầu thập niên 60 thời TT Kennedy, Lê Duẩn tiến hành chiến tranh từ du kích tới cấp tiểu đoàn, rồi trung đoàn. Năm 1964 các biến cố dồn dập thuận lợi cho cuộc chinh phạt của Lê Duẩn: Khrushchev bên Nga đã bị lật đổ, chấm dứt chính sách sống chung hòa bình với Đế quốc, tại miền nam VN, TT Diệm bị đảo chính 1-11-1963. Cuộc chiến ngày càng mở rộng, năm 1965, TT Johnson đổ gần 200 ngàn quân vào VN, đồng thời oanh tạc BV mục đích khiến cho Hà Nội sợ để ngồi vào bàn hội nghị. Trong thời gian này, Lê Duẩn chủ trương đánh mạnh trong khi phe thận trọng chủ hòa đứng đầu là Võ Nguyên Giáp e ngại, hai phe va chạm nhau. Lê Duẩn vừa lo đẩy thanh niên vào chiến trường sôi động miền Nam để ngưởi Việt bắn giết lẫn nhau, ông vừa phải đàn áp bọn chủ bại thọc gậy bánh xe.

Từ năm 1965 tới 1968 cuộc chiến ngày càng khốc liệt, theo tài liệu CS, Hồ Chí Minh liên tục đau ốm nặng những năm cuối đời 1966, 67, 68, ông phải sang Tầu chữa bệnh nhiều lần, hầu như cả năm 1967 ông không về nước. Lê Duẩn đã nắm được quyền lực tối cao trong đảng y như Staline bên Nga và Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình bên Tầu. Duẩn tha hồ mà chọc trời khuấy nước, để thỏa mãn tham vọng cá nhân, y đẩy nhiều vạn thanh niên vào tử địa miền Nam để làm mồi cho không lực, pháo binh Mỹ và VNCH.

Năm 1968, Lê Duẩn đốt giai đoạn, chỉ đạo cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tài liệu CS(9) nói rõ chính Duẩn là người đứng đầu trong số các nhân vật chỉ huy cuộc Tổng tấn công, kế đó là Văn Tiến Dũng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Thái. Trong số 84,000 cán binh được đưa vào chiến dịch có tới hơn 58,372 bị bắn hạ, 9,461 bị bắt làm tù binh. Chiến dịch đẫm máu do Duẩn khởi động đã đẩy gần một trăm ngàn thanh niên vào tử địa, đốt phá các thị trấn miền Nam, nhiều vùng dân cư trù phú thành tro bụi.

Tại Huế 2/3 tổng số nhà cửa bị phá hủy, Vùng I có 12,000 căn, Vùng III có 10,000 căn, Sài Gòn có 19,000 căn, Vùng IV có 19,000 căn bị tiêu hủy. Những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Châu Đốc, Cần Thơ, Sài Gòn, Huế và Phan Thiết. Cao nguyên Vùng II tương đối khả quan hơn.

Kinh tế cũng bị thiệt hại nặng, 13 xưởng kỹ nghệ đổ nát vì bom đạn, 20 hãng xưởng khác bị hư hại, thiệt hại 25 triệu Mỹ kim. Nạn nhân chiến tranh lên cao gần 700,000 người, tại Sài Gòn đã thiết lập hơn 100 trung tâm tạm cư  để tiếp đón khoảng 200,000 người chạy loạn, 130,000 người không còn nhà cửa.

Chiến lược tàn bạo điên rồ của Lê Duẩn, thúc đẩy mạnh người Việt giết người Việt không đếm xỉa gì tới sinh mạng nhân dân. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, trong Nam ngoài Bắc đâu đâu cũng toàn là cảnh hoang tàn đổ nát.

Không ai cản được Duẩn, trong nội bộ đảng CSVN, những kẻ chủ trương ôn hòa đã bị khống chế thậm chí bắt giam. Phía CS đã đưa lên mạng nhiều vấn đề lịch sử đảng, Wikipedia tiếng Việt (Bách khoa toàn thư) đã có bài về vấn đề mà họ gọi là “Vụ Án Xét Lại Chống Đảng”. Trong khoảng thời gian từ 1956 tới 1964, những kẻ theo chủ trương sống chung hòa bình của Khrushchev bị phe cực đoan gọi là xét lại, đài phát thanh Bắc Kinh thường lớn tiếng lên án bọn xét lại. Bài này cho biết Vụ án Xét lại Chống Đảng có tên chính thức là “Vụ án Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Đây là vụ án chính trị do Lê đức Thọ, Trần Quốc Hoàn (bộ trưởng Công an) chỉ đạo đã bắt giam lâu năm nhiều đảng viên quan trọng từ 1967-1973 vì tội theo Chủ nghĩa xét lại. Vụ án thể hiện tranh chấp quyền lực nội bộ đảng. Họ nói một phe là Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, phe kia là Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Hồ Chí Minh lúc đầu trung lập sau ủng hộ Lê Duẩn.

Lãnh đạo CSVN chia làm hai nhóm, một chủ hòa cho là phải xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc trước, giai đoạn 1954-59, Hồ và Giáp ủng hộ ý kiến này. Nguyễn Chí Thanh chỉ trích nhóm chủ hòa. Không khí chủ chiến bao trùm miền Bắc. Nga dọa cắt viện trợ cho tới 1964, Thủ tướng Khrushchev bị lật đổ, Brezhnev lên thay lại tiếp tục viện trợ dồi dào cho Hà Nội. Hội nghị Trung ương năm 1963 chính thức công nhận đấu tranh vũ trang là chủ yếu nhưng chỉ viện trợ, không đưa quân chính qui vào. Nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ lên án gắt gao bọn theo chủ nghĩa xét lại (Nga).

Những bất đồng đã đưa tới việc bắt giữ những kẻ chủ hòa, Lê Duẩn có tham vọng dựa vào Trung Cộng để gạt Hồ Chí Minh ra, phe chủ hòa gồm Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và cả họ Hồ. Sau nghị quyết số 9 Hồ Chí Minh không còn họp Bộ chính trị nữa. Lê Duẩn thiết lập một hệ thống công an chặt chẽ, năm 1967 Lê Đức Thọ cho bắt giữ những đảng viên không cùng quan điểm chuẩn bị cho nghị quyết 14 đầu năm 1968, định hướng cho Tổng công kích Tết Mậu thân.

Tổng cộng có 300 đảng viên bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp, có người cho mục đích để hạ uy tín Tướng Giáp.

Cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân kể trên là trận đánh thí quân kinh hoàng nhất của Lê Duẩn từ đầu thập niên 60 tới nay. Tính trung bình tại các tỉnh thị trấn, tỷ lệ tổn thất giữa cán binh CS và lính VNCH là mười đổi một (10/1), chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh VN.

Cuối năm 1967 các viên chức Mỹ ước lượng 180,000 tên địch bị giết tính từ 1965 tới cuối 1967(10). Sự thực số VC và BV bị giết có thể nhiều hơn vì năm 1968, trong cuộc phỏng vấn dành cho nữ ký giả Ý Fallaci, Võ Nguyên Giáp nói đã mất hơn nửa triệu quân trong cuộc chiến.

Việc thanh lọc năm 1963 chủ yếu là về mặt lý thuyết, năm 1963 Trường Chinh trước không theo Lê Duẩn nhưng rốt cuộc ngã theo Duẩn nên được lưu dụng. Sau chiến dịch trấn áp, bắt giam mấy trăm người ôn hòa không cùng quan điểm chủ chiến năm 1967, Lê Duẩn tha hồ mà làm trời làm đất.  Sau khi thảm bại về quân sự trong cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, Duẩn buộc phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris từ tháng 5-1968.

Năm 1969, Nixon đắc cử và nhậm chức Tổng thống, Lê Duẩn dù phải đương đầu với một chính phủ cứng rắn hơn trước nhưng   không nhượng bộ Mỹ và lệnh cho Lê Đức Thọ tại Ba Lê cương quyết yêu sách đòi Mỹ những điều khoản ngang ngược: rút quân, cắt viện trợ VNCH, lập chính phủ liên hiệp, nói chung đòi Mỹ đầu hàng không điều kiện. Sang thập niên 70, Lê Duẩn và tập đoàn vận động Nga, Trung Cộng viện trợ nhiều vũ khí tối tân: hỏa tiễn, xe tăng, đại bác, phòng không…chuẩn bị đánh lớn. Năm 1970 quân BV và VC thua chạy và tổn thất nặng tại chiến trường xứ Chùa Tháp, năm sau 1971 mặc dù thắng tại Hạ Lào nhưng BV thiệt hại gấp 8 lần Mỹ và VNCH, tổng cộng 13,352 cán binh bị giết, phần lớn do B-52 oanh tạc trải thảm.(11)

Sang năm 1972 Lê Duẩn đánh ván bài táo bạo, chờ khi Mỹ rút quân gần hết đưa hơn mười sư đoàn tinh nhuệ cùng năm, sáu trăm chiến xa tiến đánh vũ bão các tỉnh Trị Thiên (Vùng I), Cao Nguyên (Vùng II) và Bình Long (Vùng III). Trận chiến vô cùng khốc liệt, lần này được Nga, viện trợ nhiều vũ khí tối tân, Lê Duẩn chuyển qua đánh qui ước công khai bằng những đại đơn vị lớn. Thực ra đây là một lỗi lầm tai hại, Nixon nói:

“Bắc Việt chọn đánh (qui ước) theo lối chiến tranh mà chúng ta quá rành…” Và

“… nay Hà Nội đánh theo chiến tranh qui ước với những đại đơn vị. Các sư đoàn bộ binh của họ cùng hàng đoàn chiến xe, hệ thống tiếp liệu thành mục tiêu tuyệt hảo cho không lực của ta…”(12)  

Ván bài liều lĩnh của Lê Duẩn đã khiến hàng trăm ngàn thanh niên BV vô tội làm mồi cho B-52 cũng như pháo binh, không quân VNCH(13). Trận chiến tàn khốc khiến nhiều thị xã sầm uất thành đống gạch vụn hoang tàn đổ nát, hàng trăm ngàn người tỵ nạn vô gia cư lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Thảm bại sau trận mùa hè đỏ lửa 1972, Lê Duẩn và đồng bọn không còn ương ngạnh được, họ phải chấp nhận nhượng bộ nhiều yêu sách tại bàn Hội nghị: không đòi loại bỏ Thiệu, không đòi liên hiệp, không đòi Mỹ cắt viện trợ VNCH…

Hai năm sau Hiệp định Paris, Mỹ rút hết quân, phúc đức cho Duẩn, Nixon bị ép từ chức, Quốc hội Dân Chủ cắt giảm dần quân viện VNCH cho tới khi không còn gì. Điều mà Duẩn và đồng bọn ao ước bấy lâu nay thành sự thật, miền Nam trù phú gần như bỏ ngỏ cho đạo quân xâm lăng nghèo đói tràn vào.  Cuộc chiến tranh giải phóng với cái giá hơn một triệu thanh niên vô tội phải bỏ xác tại các chiến trường, trên dẫy Trường Sơn, làm mồi cho các trận oanh tạc trải thảm. Non sông gấm vóc đã biến thành bãi chiến trường hoang tàn đổ nát, núi xương sông máu.

Cái hèn của Lê Duẩn và đồng bọn ở chỗ trong khi đẩy hàng triệu thanh niên bần cố nông vào tử địa, con cái họ vẫn được thảnh thơi du học tại Liên Xô trở về tiếp tục sự nghiệp ăn trên ngồi chốc.

Tháng 4 năm 1975 Cộng quân tràn vào chiếm miền nam từ sông Bến Hải tới mũi Cà mâu. Người Mỹ đã vứt bỏ miếng xương Đông Dương khó nuốt… lúc này miền Nam y như cái xác chết cho diều tha quạ mổ.

Sau ngày “Giải phóng” người miền Nam tuyệt vọng liều chết vượt biển tìm tự do, viễn tượng ăn đói mặc rách hiện ra trước mắt họ. Dân miền Bắc thất vọng thấy miền Nam văn minh sung túc so với quê hương xã hội chủ nghĩa cơ hàn đói rách.

Năm 1976 Lê Duẩn tiếp tục làm Tổng bí thư đảng CSVN từ 1976 cho tới khi chết vào năm 1986.

Mười năm sau 1975 là giai đoạn tối tăm nhất của miền nam VN  và  của cả nước, sản xuât công thương nghiệp đình trệ, đồ tiêu dùng khan hiếm. Đài BBC nói kinh tế Việt Nam kiệt quê đến nỗi họ phải lấy cả giấy vệ sinh đem nấu lại. GS Trần Văn Thọ (đại học Waseda, Tokyo) nói.

“nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam”.

(Lê Duẩn -Wikipedia tiếng Việt)

Kinh tế miền nam suy sụp đến mức có nguy cơ thiếu ăn, đói khát kéo dài cho tới khi Lê Duẫn chết năm 1986, thời kỳ đổi mới cuối năm đưa tới biến chuyển. Tổng sản lượng trong kinh tế chỉ tăng trung bình 3.5% một năm trong khoảng 1976-1986, lợi tức đầu người chỉ tăng khoảng 1%. Việt Nam trong khoảng thời gian này được xếp trong số 10 nước nghèo đói nhât thế giới. Khoảng 7 năm sau 1975, đài VOA cho biết sau nhiều năm giải phóng, đời sống tại miền Nam vẫn còn quá cao so với miền Bắc, chính quyền CSVN nay có chính sách nâng cao đời sống miền Bắc và hạ thấp mức sống miền Nam cho bằng nhau. Sự thực đã cho thấy Lê Duẩn và đồng bọn đã phản văn minh, phản tiến bộ như thế nào.

Lê Duẩn chỉ đạo Phó thủ tướng Đỗ Mười làm Trưởng ban Cải tạo công thương nghiệp tiến hành đánh tư sản tại miền Nam VN đã gây ra thảm kịch. Ước lượng có hai triệu người tuyệt vọng liều chết đi vượt biên, mấy trăm nghìn người bỏ xác giữa biển khơi.

Lê Duẩn và Đỗ Mười bị kết án đã gây ra thảm kịch kinh tế miền nam sau 1975, đây là một kế hoạch điên rồ khi đem một chủ nghĩa kinh tế mọi rợ, bán khai để áp dụng vào xã hội tân tiến miền nam VN.

Sau 1975 người dân tưởng đât nước đã hòa bình, không còn chinh chiến nhưng chỉ vài năm sau, với bản chất háo sát vốn dĩ, Lê Duẫn lại gây thêm hai cuộc chiến lớn, lần này là chiến tranh giữa các nước Cộng Sản. Từ 1957 tới 1964, Nga chủ trương sống chung hòa bình với Mỹ bị Trung Cộng lên án gắt gao và gán cho danh hiệu “bọn xét lại”.  Ở thời điểm này Lê Duẩn thân Tầu, lên án những người ôn hòa theo Nga. Trước năm1968, Lê Duẩn giữ hòa khí giữa Nga-Trung Cộng, từ sau trận Mậu Thân quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh bắt đầu rạn nứt, Trung Cộng không muốn Lê Duẩn đánh qui mô lớn… Sau Mậu Thân, BV đàm phán với Mỹ (tháng 5-1968), Trung Cộng phản đối, năm 1972 Nixon sang Tầu, CSVN cho đó là phản bội. Từ năm 1973 trong thâm tâm Trung Cộng coi Hà Nội như kẻ thù. Duẩn ngày càng thân Nga khiến Băc Kinh lo ngại CSVN mạnh ở Đông Dương. Ngày 30-7-1977 Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ Miên chống VN. Tháng 5-1978 họ cắt giảm viện trợ cho CSVN, tháng 6 thì cắt hết.

Cuộc chiến Việt-Miên kéo dài từ cuối 1977 tới đầu 1979, lính CSVN bị tử thương (vừa chết và bị thương) là 55,000 người, thực ra cuộc chiến còn kéo dài hàng chục năm sau.

Cuộc chiến Việt-Hoa tại biên giới phía Bắc kéo dài từ 17-2-79 tới 16-3-79 nhưng vô cùng tàn khốc, gây thiệt hại trầm trọng về kinh tế: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị san bằng: 320 xã, 735 trường học, 428 bệnh viện, bệnh xá, 41 nông trường, 38 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80,000 héc ta  hoa màu bị tàn phá, 400,000 gia súc bị giết và bị cướp.. Khoảng một nửa trong số 3.5 triệu dân cư bị mất nhà cửa.

Trung Cộng cho biết CSVN tử thương 50,000 người và họ có 20,000 người thiệt mạng. Tháng 4 năm 1979, Báo Quân đội Nhân dân VN ước lượng tổng cộng thương vong của quân Trung Quốc là 62,500 người.

Nhận xét

Bản Đề Cương Cách Mạng Miền Nam của Lê Duẩn gửi ra Bắc từ cuối năm 1956 đã được Bộ chính trị chấp thuận miễn cưỡng. Giới lãnh đạo Hà Nội không muốn một cuộc chiến tiếp theo sau tám năm khói lửa (1946-1954) vì đất nước đã bị tàn phá, họ chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa trước. Bộ chính trị cũng không dám khiêu khích Mỹ can thiệp, vả lại hồi đó họ không muốn đi ngược chủ trương sống chung hòa bình của Nga Sô thời Khrushchev.

Nhưng năm sau (1957) Lê Duẩn được Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội gấp để giữ chức quyền Tổng bí thư giúp ông lo việc đảng thay thế Trường Chinh từ chức, Lê Duẩn bất chiến tự nhiên thành. Sau 1954, từ một nhân vật vô danh ở thứ hạng thấp trong đảng, Lê Duẩn đã dần dần leo lên bậc thang cao nhất của quyền lực miền Bắc, y gặp thời nhiều hơn là nhờ tài cán:

-Trường Chinh từ chức vì cuộc Cải cách ruộng đất, đấu tố dã man.

-Lê Duẩn được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc cất nhắc lên làm quyền Tổng bí thư năm 1957 và chính thức được bầu vào Bộ chính trị giữ chức Bí thư thứ nhất năm 1960.

-Lê Duẩn được người phụ tá đắc lực Lê Đức Thọ (Trưởng ban tổ chức đảng) cài đặt dần dần tay chân bộ hạ vào bộ máy quyền lực của phe chủ chiến, đàn áp và bắt giam phe chủ hòa.

-Tình hình CS quốc tế thuận lợi, Thủ tướng Nga Khrushchev bị lật đổ năm 1964, Brezhnev lên thay chấm dứt chính sách sống chung với Đế quốc, tăng cường viện trợ cho Lê Duẩn.

-Hồ Chí Minh đau yếu từ những năm 1965, 1966, 1967…ông hay sang Tầu dưỡng bệnh, cơ hội tốt để Lê Duẩn thâu tóm hết quyền lực vào trong tay.

-Sau trận Mậu Thân 1968 phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao vượt bực rất thuận lợi cho Lê Duẩn.

Đúng là ông Trời giúp Bạo Chúa lên ngôi để gây đại họa cho dân tộc Việt Nam

Bản Đề Cương CMMN của Lê Duẩn thực ra chỉ toàn là luận điệu xuyên tạc về tình hình kinh tế, xã hội tại miền Nam, xin trích nguyên văn như sau:

“Thợ thuyền đói khổ và nạn thất nghiệp ngày càng tăng. Dân cày bị cướp đất, bị tô cao, thuế nặng. Công thương nghiệp bị phá sản, v.v.. Những cảnh vây lùng, bắt lính, chém giết, tù đày lan tràn khắp nông thôn, thành thị. Các quyền tự do, dân chủ đều bị bóp nghẹt”….

…Tình hình kinh tế, đời sống ở miền Nam ngày càng khó khăn. Hàng của phe Mỹ tràn vào, hàng trong nước không sao cạnh tranh nổi. Công thương nghiệp dân tộc bị đình đốn, nhiều nhà kinh doanh phá sản. Thuế má ngập đầu; nông sản bị ứ đọng không xuất cảng được. Lạm phát và đầu cơ làm cho đồng tiền mất giá và giá cả tăng nhanh. Đời sống đắt đỏ, cảnh bần cùng đói khổ diễn ra khắp nơi….”

Ở thôn quê, bọn địa chủ ngoan cố dựa vào ngụy quyền tìm đủ mọi cách giành lại ruộng đất, đòi lại nợ cũ, ức hiếp dân cày đủ mặt…..

Ở thành thị, những tiếng kêu cứu của thợ thuyền về nạn thất nghiệp và đồng lương chết đói đã vang lên. Các tầng lớp lao động đang nung nấu lòng uất hận.

Cuộc sống điêu đứng của nhân dân do Mỹ – Diệm gây ra nhất định không thể kéo dài. Hơn nữa, đời sống của nhân dân lao động miền Bắc từng bước được cải thiện, thợ thuyền được bảo đảm việc làm, dân cày có ruộng, công thương nghiệp dân tộc đang trên đà phát triển. Điều đó càng kích thích mạnh lòng yêu nước và làm tăng niềm uất hận của nhân dân lao động miền Nam” (ngưng trích)

Lê Duẩn kết án Mỹ-Diệm đã từ chối Tổng tuyền cử, không thi hành Hiệp định Genève là hoàn toàn xuyên tạc. Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuân hành các điều khoản của Hiệp định: Di chuyển toàn bộ cơ sở hành chính, quân sự vào Nam dưới vĩ tuyến 17, rút đúng ngày khỏi các thành phố lớn như Hà Nội trong 80 ngày, Hải Dương 100 ngày và Hải Phòng 300 ngày, đã thực hiện đình chiến lập lại hòa bình trên toàn quốc…

Tháng 7 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố chấp nhận ý nghĩa thống nhất đất nước nhưng ông không tin tưởng miền Bắc có tự do bầu cử mà người dân bỏ phiếu không sợ bị trả thù

Chính CSVN đã thú nhận Nga, Trung Cộng không muốn tổ chức Tổng tuyển cử, Mỹ, Anh, Pháp… cũng đều không muốn và chính CSVN cũng gặp khó khăn vì sau Cải cách ruộng đất, lòng dân oán hận không thể thực hiện được. Trung Cộng đã cho biết Hà Nội không muốn Tổng tuyển cử, chi tiết này đã được ghi trong bài “Vai Trò CS-Trung Quốc trong Chiến Tranh Việt Nam, 1954-1963” nguyên văn:

“Sự thất bại của Cải Cách Ruộng Đất đã khiến trong Đảng CSVN biết rõ là con đường thống nhất Việt Nam, như trong Hiệp Định Geneva bầu cử Dân Chủ, đã không thể thực thi. Khi cái hy vọng thống nhất bằng lòng dân qua bầu cử của Đảng CSVN bị sụp đổ, thì CSVN cũng phải đang đối diện với vấn nạn kinh tế của XHCN…(14)

Chuyện Tổng tuyển cử thống nhất chỉ là chuyện trời ơi đất hỡi.     

Lê Duẩn kết luận muốn chống Mỹ – Diệm, ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác. Nghĩa là phát động cuộc chiến đẫm máu người Việt giết người Việt để nuốt trọn miền Nam. Bản Đề Cương Cách Mạng Miền Nam của Lê Duẩn là sự hình thành của tội ác diệt chủng, nó chỉ được thực hiện khi những yếu tố thuận lợi ắt có đã được ông Trời ban cho y.

Nếu Trường Chinh không bị ép từ chức vì đấu tố (1956), nếu Hồ Chí Minh không cất nhắc Lê Duẩn, nếu không có Lê Đức Thọ cài đặt vây cánh bộ hạ vào đảng củng cố địa vị cho Duẩn, nếu họ Hồ không bị đau yếu phải sang Tầu chữa bệnh….thì Lê Duẩn không có cơ hội nào để thực hiện bản Đề cương giết người hàng loạt này.

Các nhà nghiên cứu Mỹ nhận định Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và cả Hồ Chí Minh đều thận trọng không muốn gây chiến với Mỹ và chủ trương ôn hòa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay cả phía CS nay trong bài Vụ Án Xét Lại Chống Đảng (trên Wikipedia Tiếng Việt) cũng nhìn nhận Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh theo đường lối xét lại, chủ trương sống chung hòa bình không gây chiến.

Về nguyên do tại sao họ Hồ Chí Minh lại cất nhắc Lê Duẩn lên chức Tổng bí thư mà không đưa Võ Nguyên Giáp lên trong khi Giáp là người thân cận nhất của ông, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy nhận xét như sau:

“Ngay cả ông Hồ cũng không chịu nổi uy tín và sự nổi tiếng của ông sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ (khi đó, dưới ngọn cờ cách mạng bay lồng lộng là hình ảnh tướng Giáp) nên thay vì đề cử người kế cận mình là tướng Giáp, đã đề cử Lê Duẩn, hy vọng con ngựa Lê Duẩn sẽ chịu để ông cầm cương, thuần dưỡng… Không ngờ, năm 1963, chính ông lại là người bị hai học trò “xuất sắc” là Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ vô hiệu hoá”(15)

Tiến sĩ Pierre Asselin trong bài “Tướng Giáp- Người phản đối chiến tranh” đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 28-10-2013 có những quan điểm xin sơ lược dưới đây:

Tây phương hiểu lầm về VN Giáp, ông ta không có vai trò quan trọng trong cuộc chiến VN từ sau 1965, ông phản đối chiến tranh từ đầu. Từ 1956 Hồ và Giáp chống lại tiếp tục chiến tranh ở VN (sau Geneve). Nội bộ CSVN rạn nứt thành hai phe, nguyên văn.

“Cuộc rạn nứt này đã phân ra một bên là phe “ôn hòa”, bao gồm ông Hồ, Giáp, và các đệ tử của họ ….. và bên kia là phe “chủ chiến”, bao gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh – những người cho rằng việc “giải phóng” miền Nam là không thể chờ đợi”

Tác giả cho rằng tranh cãi lên tột đỉnh cuối 1963, phe chủ chiến đã tổ chức đảo chính tại Hà Nội, thâu tóm quyền lực ra quyết định…. Các ông Hồ, Giáp và nhóm ôn hòa bị gạt ra lề, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng đã cầm cương của quá trình hoạch định chính sách.

Tôi đồng ý với TS Asselin về vai trò của Tướng Giáp trong con mắt nhầm lẫn của Tây Phương. Thật vậy, trong cuốn Vietnam At War, The History 1946-1975 của Phillip B. Davidson (cựu Trung tướng tình báo, Phụ tá GS trường West Point), một cuốn sách dầy 800 trang, tác giả Davidson nhiều lần ca ngợi chiến lược chiến thuật của Tướng Giáp thập niên 60, 70 làm như ông là người chỉ đạo cuộc chiến.

Nhưng TS Pierre Asselin đã nhận định hơi quá về vai trò của Tướng Giáp khi nói ông Giáp không có công trạng gì với kết quả cuộc chiến chống Mỹ (thập niên 70). Tác giả nói Tướng Giap đã bị Lê Duẩn gạt ra ngoài lề sau 1963 là không đúng. Tướng Nguyễn Chí Tranh chết năm 1967, Lê Duẩn vẫn phải dùng tới Tướng Giap như một chuyên viên quân sự. Theo tài liệu phía CSVN các trận đánh lớn, nhất là những trận năm 1972 và cả 1975, họ xác nhận Giáp vẫn là chỉ huy chiến dịch mặc dù dưới sự chỉ đạo của Lê Duẩn, và  mặt trận biên giới Việt-Trung năm 1979 là trận đánh cuối cùng trong đời binh nghiệp của ông ta.

Trong bài Một Di Sản Gây Tranh Cãi trên BBC Tiếng Việt (ngày 19-5-2006) nhà nghiên cứu Douglas Pike ghi nhận cuộc tranh cãi về chiến lược đánh Mỹ giữa hai Đại tướng bốn sao Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh. Năm 1966 Tướng Giáp viết một bài nói ông không tin vào việc xử dụng những đơn vị chinh qui lớn (sư đoàn) vì chỉ có lợi cho địch, Giáp là người thận trọng. Tướng Thanh cũng viết một bài tán dương chiến lược đánh lớn (cấp sư đoàn, quân đoàn) và chỉ trích Giáp là không “lô gich”.

Tiểu sử Tướng Thanh (Wikipedia) cho biết ông thuộc gia đình nông dân, năm 14 tuổi bỏ học đi làm ruộng, tham gia cách mạng, vào đảng… năm 1959 được Bác phong quân hàm Đại tướng bốn sao, chả thấy ông đi lính ngày nào! Chiến lược của người mù tịt về quân sự như ông cũng như Lê Duẩn chỉ là đẩy thanh niên miền Bắc vào chỗ chết, thí quân điên cuồng để giải phóng miên Nam và đổ dầu vào lửa cuộc phản chiến Mỹ. Nếu Lê Duẩn không được quá nhiều cơ hội may như trên, nếu không được họ Hồ cất nhắc, nếu Trường Chinh hay Giáp giữ chức Tổng bí thư thì chưa chắc đã có cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, hoặc chỉ là đánh du kích nhỏ không tàn khốc đẫm máu như thế.

Từ đầu thập niên 70, tại Hạ Lào năm 1971 và nhất là Cuộc Tổng tấn công 1972, Lê Duẩn đốt giai đoạn xử dụng những đại đơn vị lớn, đánh qui ước để mau chóng chiếm được miền Nam nhưng trên thực tế chỉ là thí quân vô ích. Nhờ phong trào phản chiến lên cao, Lê Duẩn bất chiến tự nhiên thành nuốt trọn miền Nam năm 1975 trong vòng chưa đầy hai tháng.

Năm 1972, TT Nixon đã chỉ trích sự sai lầm của Hà Nội khi bỏ du kích chiến lợi hại để sang chiến tranh qui ước mà người Mỹ đã quá thành thạo (the kind of war we fought best..).  Những đại đơn vị, từng đoàn xe tăng, tiếp liệu trở thành mục tiêu tốt cho không lực Mỹ và pháo binh VNCH. Nếu không có phản chiến cho dù Lê Duẩn có đẩy thêm một triệu, hai triệu thanh niên vào chiến trường miền Nam cũng chỉ làm mồi cho B-52 một cách vô ích.

Đảng CSVN ca ngợi Lê Duẩn là một là một tài năng lớn của đất nước, tôn vinh Lê Duẩn như một anh hùng của VN trong thời chiến. Thực ra ông ta gặp nhiều vận may thật bất ngờ, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, thập niên 60, 70 phong trào chống đối chiến tranh VN chưa bao giờ lên cao như thế.  Chính phong trào phản chiến đã cứu mạng nhiều triệu thanh niên miền Bắc đang được Lê

Duẩn chuẩn bị đẩy vào tử địa, y đã từng nói phải thống nhất đất nước bằng mọi giá dù phải hy sinh thêm hai, ba triệu cán binh, chiến sĩ.

Góp ý dưới bài Nhìn Lại Vai Trò Của Ông Lê Duẩn trên BBC Tiếng Việt (2-5-2006) một độc giả Hà Nội viết:  “Khi Lê Duẩn mất đi, trong thâm tâm người Việt Nam rất hoan hỉ như vừa trút bớt một đại nạn cho dân tộc”

Một người ẩn danh nói:

“…khi ông chết phần lớn người dân VN đều cảm thấy thở phào nhẹ nhõm”

Bài Một Di Sản Tranh Cãi nói trên đã nhận định vê cái chết của Lê Duẩn.

“Cũng từ 1986, việc đề cử ông Nguyễn Văn Linh lên làm tân Tổng bí thư, và chính sách Đổi mới, đã đánh dấu sự chấm dứt thời kì lãnh đạo đất nước kiểu Stalin ở Việt Nam”

Từ ngày bản Đề cương cách mạng của Lê Duẩn được Trung ương CSVN chấp thuận trên nguyên tắc năm 1956, 1957 cho tới khi y nhắm mắt vào năm 1986 tính ra đã tròn ba mươi năm

Mấy chục năm sự nghiêp chính trị của một con người sắt máu, mây chục năm trời máu chẩy thị rơi, mấy chục năm trời tang thương đau khổ cho một dân tộc hiền hòa, bất hạnh.

Sự nghiệp chính trị của một nhân vật mà có những người cho là anh hùng dân tộc, đánh đuổi thực dân, đế quốc nhưng nó đã được xây dựng bằng núi xương sông máu mà từ thuở vua Hùng dựng nước, trải qua bao triều đại chưa có bạo chúa nào làm được như thế.

Cước chú

(1) Quân Sử 4, Quân lực VNCH Trong Giai Đoạn Thành Hình, Bộ TTM QLVNCH trang 101

(2) Wikipedia tiếng Việt: Lê Duẩn

(3) Nguyển Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 930-943

 Wikipedia: Hiệp định Genève, 1954

(4) Wikipedia: Hiệp định Genève, 1954

(5) Nguyễn Thùy- Kỷ niệm 50 năm Đề cương cách mạng miền Nam, Trang Việt Báo

(6) Nguyễn Xuyến, Về Bản ĐCCMMN, Quang Nam online

(7) Võ Văn Kiệt: Đề cương CMMN tầm vóc tư duy của Lê Duẩn, Trang Việt Báo

 (8) Wikipedia tiếng Việt: Lê Duẩn

 (9) Wikipedia: Sự kiện Tết Mậu Thân

(10) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal, trang 212

(11) Nguyễn Đức Phương dựa theo tác giả R.H Cole trong Southern Defeat on the Ho Chi Minh Trail. Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, trang 519.

(12) No More Vietnams, trang 144, 145, nguyên văn …”The North Vietnamese had chosen to fight the kind of war we fought best…”

 “…Its infantry divisons, tank columns, and logistics system all made perfect targets for our air power.. .”

(13) Richard Nixon: No more Vietnams trang 150, Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh VN Toàn Tập trang 587

(14) Nhất Thanh lược dịch, Vai Trò CS-Trung Quốc trong Chiến Tranh Việt Nam, Nhất Thanh lược dịch, Chinese Military Advisory Group-CMAG,  đăng trên trang mạng Việt Thức và nhiều trang khác

(15) “Tướng Giáp tiết lộ 4 bí mật về chiến tranh Việt Nam”, bài đăng trên nhiều báo và trang mạng Hải ngoại

 

 

Hàn Phi Tử – Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi

Chương 5 : Thế

Trong phần I, chúng tôi đã nói Pháp gia đầu tiên bàn về cái “thế ” là Thận Đáo. Đại ý ông ví vua với con rồng, rồng nhờ có mây mà bay lên cao được. Hiền và trí không đủ cho đám đông phục tòng mà quyền thế và địa vị đủ khuất phục được người hiền. Chẳng hạn “vua Nghiêu (bậc hiền trí) hồi còn là dân thường thì không trị được ba người, mà Kiệt khi làm thiên tử thì có thể làm loạn cả thiên hạ, nghĩa là ban lệnh nào – dù lệnh xấu – dân chúng răm rắp theo hết.

Chủ trương đó ngược với chủ trương của Nho gia mà Hàn Phi đã trình bày trong thiên Nạn thế, đoạn “Có kẻ trả lời Thân tử…” (coi phần dịch). Nho gia trọng hiền trí hơn địa vị, và cái uy thế của vua do giá trị của vua hơn là do địa vị. Con rồng mà bay được, đành rằng dựa vào cái thế của mây, nhưng trước hết là nhờ cái tài của nó, chứ nếu là con giun vô tài thì dù có mây cũng không cưỡi được. Vả lại cái thế – tức cái ngôi vua – tự nó không thể khiến cho người hiền dùng nó, kẻ bất tiếu không dùng nó. Người hiền dùng nó thì thiên hạ trị (như vua Nghiêu) kẻ bất tiếu dùng nó thì loạn (như vua Kiệt). Tính tình con người, hiền thì ít, bất tiếu thì nhiều. Lấy cái lợi của uy thế mà giúp kẻ bất tiếu thời loạn thì kẻ dựa thế làm loạn thiên hạ sẽ đông, người nhờ thế làm lợi cho thiên hạ sẽ rất ít (… ). Giúp cho kẻ bất tiếu có thế lực, tức là chắp cánh cho cọp. (Nạn thế). Vậy Nho cho rằng vua xấu khiến cho thời loạn.

Hàn Phi bác chủ trương đó của Nho trong đoạn “Lại có kẻ trả lời câu hỏi trên…” (Nạn thế). Đoạn này có vài chỗ khó hiểu, chẳng hạn trong mươi hàng đầu Hàn phân biệt “thế tự nhiên” và “thế do người lập ra” (nhân sở thiết) mà không cho biết thế nào là thế tự nhiên, cho nên có học giả hiểu là thiên mệnh, là thời thế, có học giả lại hiểu là sự truyền ngôi. Chúng tôi đoán Hàn muốn nói rằng thời suy như thời Kiệt thì sinh ra vua xấu, ngược lại với thuyết của Nho gia: vua xấu làm cho thời loạn. Nhưng đoán vậy có sai chăng vì Hán vốn tin rằng thịnh suy do sức người, không liên quan gì với sức trời kia mà.

Rồi những hàng sau, Hàn dẫn truyện người bán mâu và thuẫn khoe thuẫn mình chắc, không gì đâm thủng được, lát sau lại khoe “mâu mình bán không gì là đâm không thủng”. Trần Khải Thiên hiểu rằng Hàn muốn bảo sự hiền minh với cái thế không dung nhau được như cái mâu và cái thuẫn; Vandermeersch lại bảo Hàn cho rằng khi lý luận mà đưa những trường hợp cực đoan ra (như Nghiêu Thuấn, Kiệt Trụ) thì lý lẽ nào vững tới mấy cũng có thể bác được vì có mâu thuẫn. Trần Khải Thiên và Vandermeersch, ai hiểu đúng Hàn Phi? Bỏ những chỗ khó hiểu đó đi, đọc kỹ cả đoạn, tôi thấy Hàn rõ ràng bênh vực thuyết của Thuận Đáo, cho rằng cái “thế” không liên quan gì với giá trị về đạo đức và tài trí của con người; và trong việc trị dân, cứ đợi có ông vua hiền thì ngàn đời mới gặp một ông, không lẽ trong chín trăm chín mươi chín đời kia, để cho dân loạn sao. Ông viết:

“Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ ngàn đời mới xuất hiện một lần; số đó rất ít 1. Mà cái thường thấy trên đời thì là hạng người trung bình, cho nên tôi nói về thế là nói về hạng trung bình. Hạng người trung bình thì trên không bằng Nghiêu, Thuấn, dưới không đến nỗi như Kiệt, Trụ. Nếu cứ giữ chặt pháp luật, dùng quyền thế thì nước trị, quay lưng lại, bỏ quyền thế thì nước loạn. Nay bỏ quyền thế, quay lưng lại pháp luật mà đợi Nghiêu, Thuấn; Nghiêu Thuấn tới là nước trị thì ngàn đời loạn mới có một đời trị. Giữ chặt pháp luật, dùng quyền thế mà đợi Kiệt, Trụ; Kiệt, Trụ tới là nước loạn thì ngàn đời trị thì mới có một đời loạn (…) Vả lại (….) nói về việc trị nước, không đưa ra trường hợp Nghiêu, Thuấn thì đưa ra trường hợp Kiệt, Trụ làm loạn nước; như vậy tức nói về khẩu vị, nếu không đưa ra đường mật thì đưa ra rau đắng, rau đay; nghị luận như vậy là nói cho nhiều mà không hợp lý hợp phép vì đưa ra hai trường hợp cực đoan, làm sao có thể bắt bẻ những lời hợp đạo lý được?”…

中者,上不及堯、舜,而下亦不為桀、紂。抱法處勢則治,背法去勢則亂。今廢勢背法而待堯、舜,堯、舜至乃治,是千世亂而一治也。抱法處勢而待桀、紂,桀、紂至乃亂,是千世治而一亂也。(…)且(…)治,非使堯、舜也,則必使桀、紂亂之。此味非飴蜜也,必苦萊亭歷也。此則積辯亂,離理失術,兩末之議也,奚可以難,失道理之言乎哉!

(…. Trung giả, thượng bất cập Nghiêu, Thuấn, nhi hạ diệc bất vi Kiệt, Trụ; bảo pháp xử thế tắc trị, bội pháp khử thế tắc loạn. Kim phế thế bội pháp nhi đãi Nghiêu, Thuấn, Nghiêu Thuấn chí nãi trị, thị thiên thế loạn nhi nhất trị dã; bão pháp xử thế nhi đãi Kiệt, Trụ; Kiệt, Trụ chí nãi loạn, thị thiên thế trị nhi nhất loạn dã (…) Thả (…) trị, phi sử Nghiêu, Thuấn dã, tất tắc sử Kiệt, Trụ loạn chi; thử vị phi di mật dã, tất khổ thái, đình lịch dã, thử tắc tích biện loạn, li lí thất luật, lưỡng mạt chi nghị dã, hề khả dĩ nạn, phù đạo lý chi ngôn hồ tai! (Nạn thế).

Hàn Phi đã vu oan cho Nho gia. Nho gia có bao giờ mong ông vua nào cũng được như Nghiêu, Thuấn đâu; chỉ nói rằng ở vào địa vị ông vua, có quyền thế của ông vua, mà có tài trí hiền đức, thì nước mới trị, nếu tàn bạo thì nước càng loạn thêm, Nghiêu Thuấn, Kiệt Trụ chỉ là những thí dụ vậy thôi. Mà chính pháp gia cũng nhận rằng vua cần sáng suốt, có tài năng mới áp dụng pháp thuật, họ luôn luôn nhắc đến bậc “minh chủ” biết dùng pháp thuật là vì vậy. Họ có khác gì Nho gia đâu.

Nho gia cũng không khác họ ở điểm nhận rằng địa vị, uy quyền – tức cái thế – rất quan trọng, cho nên họ mới tôn quân. Chung quy họ chỉ không đồng ý với nhau ở mỗi điểm này: Nho gia đặt tài đức lên trên địa vị, phải có tài đức tới một mức nào đó thì mới xứng đáng với địa vị, mới không làm hại dân. Pháp gia đặt địa vị, quyền thế lên trên tài đức; miễn là tài đức trung bình mà có quyền thế là trị nước được rồi; Nho chủ trương nhân trị, Pháp chủ trương Pháp trị, nhưng dù chủ trương nhân trị thì cũng không thể bỏ pháp, mà chủ trương pháp trị thì càng không thể bỏ «nhân», nghĩa là bỏ cái yếu tố người (facteur humain ) đi.

° ° °

Trọng cái « thế » tức là trọng sự cưỡng chế. Có thể nói Pháp gia hiểu ý nghĩa, mục đích của quốc gia nếu không đúng hơn thì cũng thực tế hơn Nho gia, vì từ hồi nào tới giờ, mục đích của quốc gia là « yên ổn trong nội bộ để chiến đấu với ngoại quốc »; và chính quyền nào cũng phải áp chế – nhiều ít tùy thời – bằng cách này hay cách khác để giữ được trật tự, thực hiện một chương trình.

Vì trọng sự cưỡng chế, cho nên pháp gia chủ trương:

1 – Chủ quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) tập trung cả vào một người là vua;

2 – Vua phải được tôn kính tuân theo triệt để: dân không được quyền làm cách mạng, không được trái ý vua, vua bắt chết thì phải chết, không chết tức là không trung, điều đó chúng tôi đã xét ở chương trên; hơn nữa, dù vua có nhường ngôi cho, cũng không được nhận, vì nếu nhận thì vua sẽ thành bề tôi của mình mất, trái phép, bất trung. Hàn Phi nhiều lần đả đảo chính sách thiện nhượng.

Trong thiên Ngũ đố, ông cho việc vua Nghiêu truyền ngôi cho ông Thuấn là không hợp thời, mà hành động đó cũng không cao quý gì vì thời đó làm vua không sướng: ở nhà tranh, ăn cơm gạo xấu với rau, mặc áo da thú hoặc vải thô; nhường ngôi thiên tử chỉ là từ bỏ cuộc sống của người giữ cổng, của tên nô lệ, không có gì đáng khen.

Trong thiên Trung hiếu 2, Hàn còn mạt sát Nghiêu Thuấn là làm loạn đạo nghĩa. Thiên hạ đều cho rằng đạo hiếu, đễ, trung, thuận là phải nhưng không ai xét kỹ bốn đạo đó để thi hành cho đúng, vì vậy mà thiên hạ loạn.

« Thiên hạ đều cho đạo của Nghiêu Thuấn là phải mà theo, vì vậy mới có những vụ thí vua, không coi cha là cha. Nghiêu, Thuấn, Thang, Võ đã phản lại nghĩa vua tôi, làm loạn sự giáo hóa đời sau. ( Nghiêu làm vua mà lại làm cho bề tôi ( tức Thuấn ) thành vua của mình; Thang, Võ mà làm vua mà lại thí chúa, chém thây chúa 3. Vậy mà thiên hạ lại khen, cho nên thiên hạ đến nay vẫn không trị ».

天下皆以孝悌忠順之道為是也,而莫知察孝悌忠順之道而審行之,是以天下亂。皆以堯、舜之道為是而法之,是以有弒君,有曲於父。堯、舜、湯、武,或反君臣之義,亂後世之教者也。堯為人君而君其臣,舜為人臣而臣其君,湯、武為人臣而弒其主、刑其尸,而天下譽之,此天下所以至今不治者也。

( Thiên hạ giai dĩ hiếu đễ trung thuận chi đạo vi phụ dã, nhi mạc tri sát hiếu đễ trung thuận chi đạo nhi thẩm hành chi, thị dĩ thiên hạ loạn. Giai dĩ Nghiêu Thuấn chi đạo vi thị nhi pháp chi, thị dĩ hữu thí quân, hữu khúc phụ. Nghiêu, Thuấn, Thang. Vũ hoặc phản quân thần chi nghĩa, loạn hậu thế chi giáo giả dã. Nghiêu vi nhân quân nhi quân thần kỳ thần, Thuấn vi nhân thần nhi thần kỳ quân; Thang, Võ vi nhân thần nhi thí kỳ chủ, hình kỳ thi, nhi thiên hạ dự chi, thử thiên hạ sở dĩ chí kim bất trị giả dã)

Vậy vua dù là tàn bạo như Kiệt, Trụ, bề tôi cũng không được đánh giết, đánh giết tức là trái đạo bề tôi, là nghịch thần chứ không bảo là cứu vớt dân được; còn Nghiêu nhận ngôi vua cũng là trái đạo bề tôi. Tôn quân đến vậy là cực điểm, trái hẳn với chủ trương của Nho gia.

3 – Sau cùng quy kết thứ ba của chủ trương trọng sự cưỡng chế; đó là hai cái «cán », hai quyền bính ở trong tay nhà vua, của riêng nhà vua. Muốn cho nước trị thì vua chỉ cần dùng thưởng phạt chứ không cần dùng giáo hóa, lễ nhạc. Đây cũng là một điểm trái hẳn với Nho giáo. Nho giáo dùng sức để giáo hóa dân dã, kẻ nào không thể cảm hóa bằng đức được thì mới bất đắc dĩ phải dùng đến hình phạt.

Khổng tử bảo:

« Bậc Thái thượng (tức cao nhất ) lấy đức dạy dân, mà lấy lễ tề dân (tề là sửa lại cho ngay ). Bậc thứ nhì lấy chính sự mà khiến dân và lấy hình (phạt) mà ngăn cấm: hình đặt ra nhưng không dùng đến. Chỉ có lúc hóa dân mà dân không theo để đến hại nghĩa nát tục thì bây giờ mới phải dùng hình vậy.”

太上以德教民,而以礼齊之.其次以政事导民,以刑禁之,刑不刑也.化之弗变,民之弗从,伤义而败俗,于是乎用刑矣

( Thái thượng dĩ đức giáo dân, nhi dĩ lễ tề chi. Kỳ thứ dĩ chính sự đạo dân, dĩ hình cấm chi, hình bất hình dã. Hóa chi phất biến, dân chi phát tòng, thương nghĩa nhi bại tục, ư thị hồ dụng hình hĩ – Khổng tử gia ngữ- Ngũ hình giải) 4.

Dùng đức và lễ để cảm hóa dân, kết quả tốt hơn dùng hình phạt, nên chương Vi chính, bài 3 (Luận ngữ) ông nói thêm: « Dùng pháp chế mà bắt dẫn dân, dùng hình phạt mà sửa dân cho ngay thì dân không phạm pháp nhưng không biết xấu hổ; dùng đức mà dắt dân, dùng lễ mà sửa cho ngay thì dân biết xấu hổ mà trở nên tốt ».

道之以政,齐之以刑,民免而无耻,道之以德,齐之以礼,有耻且格

(Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sĩ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách).

Ông còn mong đạt được lý tưởng trong nước không còn sự tranh giành, kiện tụng nữa: “Xử kiện thì ta cũng như người, cốt sao cho không còn kiện tụng mới hay”.

聴訟吾猶人也、必也使無訟乎

( Thính tụng ngô do nhân dã, tất dã sử vô tụng hồ – Nhan Uyên – 13)

Vì Pháp gia cho sự thưởng phạt là cách tốt nhất để trị dân, nên chúng tôi để riêng tiết dưới đây để xét quan niệm về thưởng phạt của Hàn Phi.

Thưởng Phạt.

Hàn Phi cho rằng trừ một số ít siêu nhân, còn thì hầu hết loài người có nhiều tật xấu tham lợi, tranh giành nhau, làm biếng, chỉ sợ sức mạnh – ( coi phần I ) nên không mong gì họ làm điều thiện được, chỉ cầu sao họ biết sợ mà đừng làm điều ác thôi, vậy phải dùng chính sách cưỡng chế chớ không cảm hóa được. Tính người là có ưa có ghét – ưa tư lợi, ưa được khen, ghét bị cực khổ, bị hình phạt – cho nên có thể dùng sự thưởng phạt để dắt dẫn dân, ngăn cấm họ. « Đạo trị thiên hạ chỉ có vậy thôi » ( Bát kinh ).

Chính sách cảm hóa của đạo Nho đẹp nhất đấy nhưng Hàn chê là không thực tế; lâu có kết quả mà phải bậc hiền minh như Nghiêu, Thuấn mới may ra thi hành được: dùng sự thưởng phạt kết quả rất mau ( chỉ trong mươi ngày, không phải đợi tới một năm ) mà ông vua tầm thường nào cũng làm được. Thiên Nạn thất, Hàn chép lại một truyền thuyết về cách cảm hóa dân của vua Thuấn:

« Nông phu ở Lịch Sơn lấn ruộng nhau; ông Thuấn lại đó cày ruộng được một năm thì bờ ruộng đều chỉnh tề cả. Dân chài ở bờ sông Hoàng Hà tranh nhau các bãi trên sông: ông Thuấn đến đó đánh cá, được một năm thì người trẻ nhường những bãi đó cho người lớn tuổi. Đồ gốm thợ Đông Di làm đều xấu, dễ vỡ; ông Thuấn lại đó làm, đồ gốm được một năm, đồ gốm đều tốt, chắc chắn ».

Khổng tử khen ông Thuấn là bậc thánh, dùng đức mà cảm hóa được dân.

Hàn Phi chê: « Ông Thuấn sửa khuyết điểm (cho dân ), một năm mới sửa được một tật, ba năm được ba tật. Tuổi thọ của ông có hạn mà tật của dân thì vô cùng: lấy cái hữu hạn để trừ cái vô cùng, thì trừ được bao nhiêu đâu? Nếu dùng sự thưởng phạt bắt dân thi hành mà ra lệnh rằng: « Hễ làm đúng phép thì được thưởng, trái phép thì bị phạt » thì sáng ban lệnh, chiều sự tình đã thay đổi, chiều ban lệnh thì sáng hôm sau sự tình đã thay đổi, chỉ trong mười ngày là khắp nước thay đổi cả, đâu phải đợi đến một năm? (… ) Vả lại nếu phải đích thân chịu lao khổ rồi mới cảm hóa được dân thì ngay Nghiêu, Thuấn cũng khó làm được, còn dùng (quyền) thế mà uốn nắn thiên hạ mà lại bỏ cái cách một vị chúa tầm thường cũng dễ dàng làm, thì kẻ đó chưa có thể cho làm chính trị được ».

且舜救敗,期年已一過,三年已三過,舜有盡,壽有盡,天下過無已者,以有盡逐無已,所止者寡矣。賞罰使天下必行之,令曰:‘中程者賞,弗中程者誅。’令朝至暮變,暮至朝變,十日而海內畢矣,奚待期年?(…)且夫以身為苦而後化民者,堯、舜之所難也;處勢而驕下者,庸主之所易也。將治天下,釋庸主之所易,道堯、舜之所難,未可與為政也。”

( Thả Thuấn cứu bại, cơ niên dĩ nhất quá, tam niên dĩ tam quá, Thuấn thọ hữu tận, thiên hạ quá vô dĩ giả, dĩ hữu tận trục vô dĩ, sở chỉ giả quả hỉ. Thưởng phạt sử thiên hạ tất hành chi, lệnh viết: « Trúng trình giả thưởng, phất trúng trình giả tru. Lệnh triêu chí mộ biến, mộ chí triêu biến, thập nhật nhi hải nội tất hĩ, hề đãi cơ niên? ( … ). Thả phù dĩ thân vi khổ nhi hậu hóa dân giả, Nghiêu, Thuấn chi sở nan dã; xử thế nhi kiểu hạ giả, dung chủ chi sở dị dã, Tương trị thiên hạ, thích dung chủ chi sở dị dã. Tương trị thiên hạ, thích dung chủ chi sở dị dã. Tương trị thiên hạ, thích dung chủ chi sở dị, đạo Nghiêu, Thuấn chi sở nan, vị khả dữ vi chính dã).

Hàn Phi cho cách thưởng phạt là mầm trị hay loạn của quốc gia nên gần như thiên nào ông cũng nhắc tới, trước sau có tới trên trăm chỗ, dưới đây chúng tôi tổng hợp lại để tìm ra nguyên tắc chính.

1- Thưởng thì phải « tín », phạt thì phải « tất » (Ngũ đố): Chữ tất chúng tôi dịch là cương quyết, nghĩa là hễ kẻ cô tội thì phải trừng trị chớ không tha: chữ « tín » khó dịch hơn, chúng tôi dịch tạm là xác thực, nghĩa là hễ có công thì phải được thưởng theo như luật định, trái lại không có tội thì dù là kẻ mình ghét cũng không được trừng phạt; không có công mà thưởng thì là thi ân, mầm của loạn vì dân sẽ không gắng sức làm việc nước để được thưởng mà tìm cách hối lộ quan lại, quan lại sẽ thi ân cho dân để mua lòng dân, kéo họ về phe mình mà mưu tư lợi. Ngay vua cũng không được thi ân cho dân, vì như vậy là trái phép, bất công, vả lại dân sẽ trông vào sự thi ân mà biếng nhác công việc. ( Thưởng vô công tắc dân du hãnh nhi vọng ư thượng – Nạn nhị).

Hai chữ « Tín », “Tất” đó còn có nghĩa là không được mâu thuẫn trong việc thưởng phạt; chẳng hạn « ban tước cho kẻ có (quân) công mà lại khinh thị quan võ, thương kẻ gắng canh tác mà lại coi rẻ nghề nông » (Ngũ đố): hoặc thưởng người chém được đầu quân địch, mà đồng thời lại đề cao hành vi nhân từ; ( … ) trông cậy vào nông dân để cho nước giàu, trông cậy vào quân lính để cự địch mà đồng thời lại trọng kẻ sĩ chuyên về văn học » ( Ngũ đố) tức những kẻ chỉ nói suông, chê bai pháp thuật, ngăn cản việc trị nước, chứ không giúp ích được chút gì cả.

Nếu khiến cho kẻ phạm điều mình cấm lại được lợi, kẻ làm lợi cho mình lại bị cấm; hoặc khen kẻ có tội, chê kẻ đáng thưởng thì sự thưởng phạt chỉ làm cho nước thêm loạn. (Ngoại trừ thuyết tả hạ)

2- Thưởng thì phải trọng hậu, phạt thì phải nặng. Thưởng trọng hậu thì dân mới thấy lợi mà ham: phạt nặng thì dân mới sợ mà tránh.

Thiên Lục phản, Hàn Phi viết:

« Các học giả đều bảo: Phải giảm nhẹ hình phạt đi », đó là thuật làm cho loạn vong. Thưởng phạt mà xác định là để khuyến thiện cấm ác. Thưởng hậu thì mau được cái mình muốn, phạt nặng thì mau cấm được cái mình ghét ( … ) Cho nên rất ham bình trị thì phải thưởng cho hậu, rất ghét rối loạn thì phải phạt cho nặng ( … ) Vả lại hình phạt nặng không phải chỉ để trị tội nhân, nó còn để làm sáng pháp độ của vua ( … ) cho nên bảo: « Phạt tội một kẻ gian mà ngăn cấm được mọi sự gian tà trong nước » ( … ) kẻ bị phạt nặng là kẻ cướp mà kẻ sợ hãi là lương dân (… ). Còn việc thưởng hậu không phải chỉ để thưởng công, còn để khuyến khích toàn dân trong nước nữa. Người được thưởng vui vì được lợi mà người chưa được thưởng sẽ ham được thưởng (…). Nay những kẻ không biết cách trị nước đều bảo: « Hình phạt nặng làm thương tổn dân, hình phạt nhẹ có thể cấm gian được rồi, cần gì phải dùng hình phạt nặng? ». Đó là không xét kỹ về sự trị nước. Một tội ác có thể ngăn cấm bằng hình phạt nặng thì chưa chắc đã ngăn cấm được bằng hình phạt nhẹ; còn một tội ác ngăn cấm được bằng hình phạt nhẹ thì càng dễ ngăn cấm bằng hình phạt nặng. Cho nên đặt ra hình phạt nặng thì mọi sự gian tà sẽ chấm dứt, mọi sự gian tà sẽ chấm dứt thì thương tổn cho dân ở chỗ nào? ( … )

夫以重止者,未必以轻止也;以轻止者,必以重止矣。是以上设重刑者而奸尽止,奸尽止则此奚伤於民也?

( Phù dĩ trọng chỉ giả, vị tất dĩ khinh chỉ dã: dĩ khinh chỉ giả, tất dĩ trọng chỉ hĩ. Thị dĩ thượng thiết trọng hình giả nhi gian tận chỉ; gian tận chỉ, tắc thử hồ thương ư dân dã?)

Vậy dùng hình phạt nặng thì dân mới sợ mà mau có kết quả, nước sẽ hết loạn, chỉ có lợi cho dân chứ không làm thương tổn gì cho họ cả. Hơn nữa, còn là nhân từ đối với dân nữa, vì nếu dùng hình phạt nhẹ, dân không sợ mà mắc tội, như vậy không khác gì bẫy dân, còn dùng hình phạt nặng là tránh cho dân sa vào bẫy (Lục phản).

Đó là chủ trương của Thương Ướng: dùng hình phạt để bỏ hình phạt ( hình dĩ khử hình ) trái với chủ trương đặt ra hình phạt mà không dùng (hình bất hình) của Khổng.

Nếu kẻ phạm tội mà trốn được thì phải truy nã cho tới cùng, quyết không để cho một tội nào đã phát giác mà thoát khỏi lưới pháp luật – đây cũng là một quy kết của nguyên tắc « phạt thì phải « tất ».

Trong Nội trừ thuyết thượng Hàn Phi đưa Vệ Tự Công ra làm gương: « Thời Vệ Tự Công có người bị tội đồ trốn qua nước Ngụy và trị bệnh cho hoàng hậu của Ngụy Tương vương. Tự Công hay tin sai người đem năm chục ( lượng hay dật?) vàng để mua người có tội đó; sứ giả đi đi về về năm lần mà vua Ngụy không chịu giao: Tự Công bèn lấy ấp Tả thị để đổi ».

Đem một ấp để đổi lấy một tên phạm tội về mà trừng trị, cổ kim chắc chưa có ai như ông vua nước Vệ đó. Quần thần can, ông đáp: « Muốn trị nước thì đừng coi thường những việc nhỏ, loạn không phải là toàn là do việc lớn mà phát đâu. Pháp luật không vững, hình phạt không cương quyết thì dù có mười ấp Tả Thị cũng vô ích, ngược lại pháp luật mà vững, hình phạt mà cương quyết thì dù mất mười ấp Tả Thị cũng không hại.

夫治無小而亂無大,法不立而誅不必,雖有十左氏無益也。法立而誅必,雖失十左氏無害也。

( Phù trị vô tiểu nhi loạn vô đại. Pháp bất lập nhi tru bất tất, tuy hữu thập Tả Thị, vô ích dã, pháp lập nhi tru tất, tuy thất thập Tả Thị, vô hại dã)

Trước sự cương quyết đó của Vệ Tự quân, vua Ngụy đành phải trao kẻ đã trị bệnh mẹ mình, để khỏi mất tình hòa hiếu với bạn chư hầu. Câu chữ Hán chúng tôi dẫn ở trên tóm tắt được một cách mạnh mẽ sự quan trọng của pháp và hình theo Pháp gia.

3 – Sự thưởng phạt phải theo đúng phép nước, chí công vô tư.

Thiên Hữu độ, Hàn bảo:

« Pháp luật nghiêm là để ngăn cấm tội lỗi, trừ bỏ riêng tư: hình phạt gắt là để lệnh được thi hành khắp và trừng trị kẻ dưới ». Nói tới thưởng phạt, nhất là phạt, Hàn thường kèm theo với pháp luật. Vì pháp luật như cái dây mực, cái thủy chuẩn, cái quy cái củ, cứ theo đó thì hành động không sai; dù là người thợ khéo đến mấy cũng phải dùng những cái đó làm tiêu chuẩn, không nên theo ý mình.

« Dùng pháp luật để trị nước chỉ là để khen đúng người phải, trách đúng kẻ quấy mà thôi. Pháp luật không thể a dua người sáng cũng như dây mực không thể uốn theo gỗ cong… (cho nên) Trị tội thì không chừa các quan lớn, thưởng công thì không bỏ sót dân thường ( … ). Hình phạt nặng thì người sang không dám khinh kẻ hèn; Pháp luật phân minh thì người trên được tôn trọng, không bị lấn.

故以法治國,舉措而已矣。法不阿貴,繩不撓曲(…)刑過不避大臣,賞善不遺匹夫(…)刑重則不敢以貴易賤,法審則上尊而不侵

( Cố dĩ pháp trị quốc, cử thố nhi dĩ hĩ – Pháp bất a quí, thằng bất nao khúc ( …) Hình quá bất tị đại thần, thưởng thiện bất di thất phu ( … ). Hình trọng tắc bất cảm dĩ quí dị tiện, pháp thẩm tắc thượng tôn nhi bất xâm – Hữu độ)

Thiên Chủ đạo, cũng bảo: « Nếu quả thực có công thì dù là kẻ không thân và hèn mọn, cũng thưởng, nếu quả thực có tội thì dù là kẻ thân ái cũng phạt ».

Thiên Ngoại trừ thuyết hữu thượng, Hàn nhắc lại nữa: « Không tránh người thân và đại thần, thi hành với cả người mình yêu » và kể ra hai cố sự mà chúng tôi đã dẫn ở trên. Truyện Tấn Văn Công rơi lệ để cho viên lại chém Điền Hiệt sủng thần của ông, vì tội tới trễ trong một buổi đi săn; và truyện thái tử nước Kinh ‘Sở’ phạm cấm, bị viên đình lý ‘coi sân chầu’ phạt, khóc lóc xin với vua cha, vua cha đã không an ủi mà còn bênh vực viên đình lý.

Tóm lại thưởng phạt không được vì tư tình, không được có tư ý, không được để lộ vui buồn của mình ra nữa, mặt phải lạnh như tiền: ‘hữu thưởng phạt nhi vô hỉ nộ – Dụng nhân’

Cứ theo đúng pháp luật mà thưởng phạt, thì kẻ bị trừng phạt không oán bề trên, kẻ được thưởng cũng không mang ơn bề trên, vì không coi sự được thưởng là một ân huệ, chỉ là một sự công bằng mà thôi.

Đầu thiên Ngoại trừ thuyết tả hạ, Hàn kể lại hai cố sự để dẫn chứng: Một người phạm tội, bị Tử Cao làm chức coi ngục xử tội và chặt chân. Sau Tử Cao bị truy nã vì bị nghi là liên lụy trong một vụ làm loạn, người cụt chân đó không oán, không tố cáo. Tử Cao ngạc nhiên, hỏi tại sao không oán mình, người đó đáp: « Tôi bị chặt chân vì tội tôi đáng vậy, làm sao khác được? ».

– Châu Mão có công du thuyết mà cứu Ngụy khỏi bị Tần và Hàn đánh, Ngụy Tương vương thưởng ông lộc năm cỗ xe, ông không mang ơn mà còn chê là thưởng ít.

Theo đúng pháp luật thì hình phạt sẽ thích đáng, nhiều hay ít không thành vấn đề: nước loạn, nhiều kẻ phạm pháp thì trừng trị nhiều, tuy nhiều cũng vô hại. Đầu thiên Nạn thị, Hàn Phi chép truyện Án Anh trách khéo Tề Cảnh Công dùng nhiều hình phạt quá, Cảnh Công nghe lời, bỏ bớt đi năm hình phạt, Hàn Phi chê Án Anh không biết thuật trị nước.

« Hình phạt mà thích đáng thì nhiều cũng vô hại, nếu không thích đáng thì tuy ít cũng là hại. Án Tử không giảng cho vua lẽ thích đáng mà chỉ chê là nhiều quá, đó là cái hại vô thuật. Phạt quân thua trận thì đến số ngàn, số trăm vẫn chưa ngăn được sự bại tẩu, vậy thì hình phạt để dẹp loạn chỉ sợ không xuể mà kẻ gian vẫn còn. Án tử không xét là thích đáng hay không mà chỉ cho là nhiều quá, chẳng là bậy ư? »

夫刑當無多,不當無少,無以不當聞,而以太多說,無術之患也。敗軍之誅以千百數,猶北不止。即治亂之刑如恐不勝,而姦尚不盡。今晏子不察其當否,而以太多為說,不亦妄乎!

(Phù hình đáng vô đa, bất đáng vô thiểu, vô dĩ bất đáng văn nhi dĩ thái đa thuyết vô thuật, chi hoạn dã. Bại quân chi tru dĩ thiên bách số, do bắc thả bất chỉ, tức trị loạn chi hình, như khủng bất thắng nhi gian thượng bất tận. Kim Án tử bất sát kỳ đáng phủ, nhi dĩ thái đa vi thuyết, bất diệt vong hồ! – Nạn nhị ».

Sau cùng, nếu theo đúng pháp luật thì không lạm dụng hình phạt mà khỏi mất nước (Vong trưng – điểm 10).

4- Vua phải nắm hết quyền thưởng phạt:

Quyền thưởng phạt là một lợi khí, đích thân vua phải nắm lấy, không được ủy quyền cho ai cả; giao cho người thì uy của vua sẽ phân tán, và sẽ bị bề tôi che lấp, không chế ngự họ được. Hàn Phi cảnh cáo các bậc vua chúa nhiều lần như vậy, như trong các thiên Bát kinh, Nội trừ thuyết thượng, Nội trừ thuyết hạ, Ngoại trừ thuyết hữu hạ … đặc biệt là trong thiên Nhị bính.

Ông cho rằng vua sở dĩ chế ngự được bề tôi là nhờ hai cái quyền (nhị bính): thưởng mà ông gọi là « đức » và phạt mà ông gọi là « hình », nếu không tự nắm lấy hai quyền đó mà giao cho bề tôi thì dân sẽ sợ mà quy phục bọn bề tôi đó mà coi thường vua. Hai quyền đó như nanh vuốt của cọp vậy:

« Cọp làm cho chó khiếp phục là nhờ nanh với vuốt, nếu cọp bỏ nanh vuốt đi để cho chó dùng thì ngược lại nó phải khiếp phục chó ».

夫虎所以能服狗者,爪牙也。使虎释其爪牙而狗用之,则虎反服于狗矣。

(Phù hổ sở dĩ năng phục cẩu giả, trảo nha dã, sử hổ thích kì trảo nha nhi sử cẩu dụng chi, tắc hổ phản phục ư cẩu hĩ – Nhị bính)

Bậc vua chúa dùng hình và đức để chế ngự bề tôi, nếu bỏ hai quyền đó để cho bề tôi dùng thì ngược lại bị bề tôi chế ngự.

Vì vậy vua không được giao một quyền nào cho bề tôi cả. Giao quyền thưởng thì nguy cho vua đành rồi, như trường hợp Tề Giản Công để quyền thi ân cho một đại phu là Điền Thường dùng (Điền Thường được phép ban tước lộc cho quần thần) mà rốt cuộc bị Điền Thường giết, rồi sau đó con cháu họ Điền cướp luôn ngôi vua Tề; ngay đến việc giao quyền phạt cho bề tôi cũng rất tai hại nữa. Hai lần – ở thiên Nhị bính và ở thiên Ngoại trừ thuyết hữu hạ, Hàn Phi dẫn truyện vua Tống (không rõ là ai ) bị Tử Hãn đảm nhiệm việc hành phạt, việc mà ông ta cho là bị dân ghét:

Tử Hãn tâu với vua Tống: Khen thưởng và ban ơn là làm cho dân thích, việc đó xin nhà vua đảm nhiệm lấy: chém giết, trừng phạt là làm cho dân ghét, việc này thần xin đảm đương ».

Vua Tống cho là Tử Hãn yêu mình, chịu nhận tiếng xấu thay mình, chấp nhận liền, từ đó hễ có việc phải ban lệnh ra oai, trừng trị đại thần thì bảo: « Hãy hỏi Tử Hãn ». Vì vậy mà đại thần đều sợ Tử Hãn, dân chúng đều theo Tử Hãn; được một năm ông bị Tử Hãn giết rồi cướp ngôi.

Cho vua nắm hết quyền thưởng phạt rồi buộc vua phải tuân theo pháp luật, đó là một điều hợp lý về nguyên tắc: uy quyền của vua được mạnh nhưng hơi bị hạn chế vì còn có pháp luật hãm lại: nhưng đem ra áp dụng thì không hợp tình. Hàn đã cho rằng con người ai cũng có tư tình, tư lợi, thì sao lại mong vua – hạng vua bình thường – « dung chủ » – bỏ việc tư tình mà luôn luôn giữ đúng pháp luật được. Thuyết của ông nếu không mâu thuẫn thì cũng không thực tế. Có nhà cầm quyền nào từ xưa tới nay bỏ được yêu ghét, vui giận đâu? Cũng chưa hề có nhà cầm quyền nào chỉ dùng chính sách thưởng và phạt – tức như người phương Tây gọi là « củ cà rốt và cây gậy » mà trị nước được lâu, vì con người còn biết trọng cái khác ngoài cái lợi, biết sợ cái khác ngoài hình phạt, xã hội không phải là một chuồng thú của một gánh xiếc.

Vua Hàn không theo chính sách của Hàn chưa chắc đã hoàn toàn vô lý.

——————————–

1 Nguyên văn: “tị kiên tùy chủng nhi sinh dã”. Chúng tôi dịch theo Trần Khải Thiên. Có vẻ ngược với nguyên văn mà ý thì hợp với cả đoạn.

2 Thiên này có người ngờ không phải của Hàn Phi viết ( coi phần I) nhưng tư tưởng trong đoạn chúng tôi trích đây hợp với pháp gia, nên có thể dùng được.

3 Vua Thang giết Kiệt, dựng nên nhà Thương; vua Võ ( nhà Chu ) đánh bại Trụ, Trụ nhảy vào lửa tự thiêu, mà vua Võ còn xông vào chém thây Trụ.

4 Do Trần Trọng Kim dịch và dẫn trong Nho Giáo – Quyển thượng – sách đã dẫn. Nhưng (những?) chữ trong dấu móc cho (do?) chúng tôi thêm vào.

 

 

Vui cười

Ba bà ngồi chơi nói chuyện. Một bà khoe:

– Nhà em mới mua cái nồi áp suất của Tiệp, tốt lắm, hầm chỉ 15 phút là nhũn.

Bà thứ hai khoe:

– Nhà em có thằng cháu nó đi Liên xô nó gửi về nồi áp suất Liên xô tốt hơn, hầm chỉ 10 phút là nhũn.

Bà thứ ba:

– Nhà em yêu nước nên dùng toàn hàng nội. Nồi áp suất nhà em là nồi Việt nam nhưng chỉ hai phút là nhũn tất.

 

Nước Nga thời những năm 90-92 sống trong tình trạng khó khăn tột bậc . Ông già Ivan, một con người chân thật, vào chợ “Sống còn” ở Mạc tư khoa và thốt lên: – Mẹ khỉ, khắp các cửa hàng, thịt thì không, cá thì chẳng, bơ cũng thiếu, pho mát thì càng không. Trong chợ thì… ối là là, chúng nó định cắt cổ già chăng.

Vừa lúc đó, một anh công an tiến đến, vỗ nhẹ vào mông già: – Này, nếu ông không im mồm đi, tôi sẽ cho ăn ngay cái báng súng đấy.

– Xin lỗi ngài công an, tôi xin im ngay. Tôi đã hiểu rồi, thưa ngài.

Già run rẩy rời xa chỗ mình đứng. Và khi chỉ còn lại một mình, nói thầm:

 – Bố khỉ, thời buổi khó khăn đến mức, công an cũng không có đạn, mà phải sử dụng báng súng.

 

Một người đàn bà đến xưng tội: thưa Cha, con vừa đập vỡ chiếc bình sứ trên đầu chồng con.

 Cha hỏi: – Con ơi, con có lấy làm tiếc về hành động của con hay không?

     – Dạ, thưa cha, con lấy làm tiếc lắm ạ. Vì con đã phải bỏ ra 5 triệu để mua chiếc bình đó.

 

Một cô gái đến xưng tội. Cô gái thú nhận với cha là cô đã mắc tội, dẫu là gái chưa chồng.

– Con  có bao nhiêu tình nhân rồi? – đức cha hỏi.

– Dạ thưa cha, nhiều,  nhiều lắm ạ…

– ôi, thế thì là địa ngục, con ơi! là địa ngục rồi.

– Không, thưa cha, không phải là địa ngục đâu ạ.

 

– Thưa ngài cảnh sát, con chó này không phải là của tôi, nên tôi không trả tiền phạt về sự làm bẩn đường phố của nó…

– Nhưng nó đi theo anh cơ mà?

– Được thôi, cũng như ngài đi theo tôi, nhưng tôi có quen ngài đâu!

****NÓNG : đã tìm ra giải pháp lấy lại Hoàng Sa –  Từ Thức

Tin bất ngờ : đã kiếm ra giải pháp đuổi Tàu, lấy lại biển đảo rồi đồng bào ơi ! Câu hỏi ‘’ làm cách nào cứu nước ?’’ vừa có người tìm ra câu trả lời, hết sức thông minh, cực kỳ hữu hiệu.

Đó là ưu tư nhức nhối nhất của những người không thích trở thành Tàu. Phải làm gì ? Phải thay đổi đồng minh, đi với Mỹ ? Phải liên kết chặt chẽ với các nước láng giềng ? Phải củng cố khối ASEAN cả về kinh tế lẫn quân sự ? Phải chấm dứt độc đảng, dân chủ hóa, bài trừ tham nhũng bất công, trả nhà, trả đất cho dân , để toàn dân hỗ trợ chính quyền trong công cuộc chống ngoại xâm ? Bởi vì không một cường quốc nào có thể tiêu diệt một dân tộc đồng thuận, đoàn kết

Không, tất cả những đề nghị đó đều vô hiệu và nguy hại. Vô hiệu và nguy hại, bởi vì đều là luận điệu của lực lượng thù địch. Trái lại, phải thẳng tay trừng trị những kẻ này hơn nữa. Các nhà lãnh đạo của Đảng ta, của nhân dân, đã ngày đêm suy nghĩ và đã tìm ra giải pháp. Và sẽ long trọng thực hiện trong những ngày tới. Nói cho đúng, người tìm ra giải pháp tuyệt vời đó là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sáng kiến này chợt lóe lên trong đầu Thủ tướng khi ông ngồi phe phẩy quạt nghe nhạc cổ điển. Điều đó chúng tỏ nhạc cổ điển có tác dụng tốt, việc xây nhà hát giao hưởng là một nhu cầu khẩn cấp cuả quốc gia. Giải pháp đó là gì ? Là gây một quỹ cứu Trường Sa, cứu biển đảo để mọi người gởi tiền về. Ai cũng có quyền gởi tiền, kể cả con cháu ngụy trong nước, kể cả những khúc ruột ngàn dặm xa xôi. Gởi bao nhiêu cũng được, càng nhiều càng tốt. Tiền gì cũng được chấp nhận, Việt tệ, Hán tệ, dollars, Euros ..Nếu không có tiền, có thể gởi vàng hay hiến nhà, đất , ruông, vườn, xe Honda, xe đạp, ca khô, thóc giống… Thủ tướng trao quyền quản trị quỹ cho Bộ Quốc Phòng. Đó cũng là một quyết định cực kỳ sáng suốt. Các tướng lãnh VN là những người đã chứng tỏ khả năng và quyết tâm chống xâm lăng Tàu, cũng như đức tính thanh liêm, đạo đức khiến toàn dân tin tưởng, bái phục.

Có người sẽ đặt câu hỏi : một cách cụ thể, khi có tiền, sẽ làm gì để đánh Tàu ? Cố nhiên đó là những bí mật quân sự, không thể tiết lộ. Nếu tiết lộ, bí mật sẽ hết… bí mật. Mặc dầu vậy, bộ Quốc Phòng cũng như phủ Thủ tướng cũng cho hay một vài biện pháp đơn giản nhất. Thí dụ xây những cái lều thật lớn cho tướng lãnh, để khi lâm chiến, có thể biến thành chiến hào, chiến lũy chống giặc. Thí dụ mua nhà cửa ở ngoại quốc để dưỡng quân, để bảo toàn lực lượng. Thí dụ xây mồ mả lãnh tụ thật hoành tráng để tạo chướng ngại vật, chặn đường tiến quân của địch. Thí dụ…Nhưng tạm ngừng ở đây. Phải mặc quần áo, ra xếp hàng ở Western Union gởi tiền gấp về cho bác Phúc ( tuthuc-paris-blog.com )

https://tv.baovemvn.com/…/thu-tuong-mong-moi-nguoi-viet-hai…

https://www.tuthuc-paris-blog.com/home/n%C3%B3ng-%C4%91%C3%A3-t%C3%ACm-ra-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-l%E1%BA%A5y-l%E1%BA%A1i-ho%C3%A0ng-sa

 

****60 tỉ dollars. My God !

Làm thế nào để đánh thức 60 tỉ dollars tiền và vàng đang nằm trong tay dân ?. Thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu kêu gào khản cổ, vẫn chưa thấy dân đụng đậy. Tại sao ? Bởi vì dân vẫn chưa hiểu vàng, tiền thu được để làm gì. Xây nhà ở ? Hầu hết các đầy tớ đều đã có lều trú mưa, tránh nắng. Xây trường học ? Con cái đầy tớ đã hy sinh đi học trường nước ngoài, nhường lại cho con cái chủ nhân một nền giáo dục chưa bao giờ tốt đẹp như ngày nay. Xây nhà thương ? Bà bộ trưởng nói ngày nay dân đã sung sướng trong các bệnh viện..

Làm bổn phận một khúc ruột ngàn dặm, xin đề nghị vài giải pháp cụ thể, để dân chúng hiểu rõ chính sách nhà nước, và từ đó, sẽ hăng say tự nguyện đóng góp:

1.Tặng hình bác Hồ cho những người tự động hiến vàng. Ai hiến nhiều, tặng thêm hình bác Trọng, bác Phúc, bác Ngân, bác Nhạ, bác Lâm, bác Kim Tiến

2.Ban chức anh hùng vàng, chiến sĩ dollars cho những người đóng góp hăng say nhất

3. Ra luật coi giữ vàng, dollars trong nhà là phản động, âm mưu gây ngân quỹ để lật đổ chính quyền của nhân dân

4 . Mở ngân hàng, nhận gởi vàng, dollars miễn phí, sau đó đóng cửa ngân hàng vì phá sản. Cũng chẳng cần đóng cửa, ngân hàng tự nó sẽ phá sản

5 . In vàng mã, bắt buộc dân đem vàng thực tới đổi, nhưng long trọng hứa sẽ đổi lại, thêm 50% tiền lời, khi đất nước phú cường

6 .Tặng vé hát giao hưởng cho những người tham dự tích cực các tuần lễ vàng .Tặng toàn bộ tác phẩm về dân chủ của bác Trọng cho những người hiến ít nhất 20 kí vàng.

7. Giải thích cho dân biết là tiền, vàng sẽ dùng để đúc tượng các bộ trưởng Công An, để dân có nơi tới chiêm ngưỡng, khấn vái.

9.Vẽ lại bản đồ những khu vườn, quốc hữu hóa các gầm giường tình nghi có chôn, giấu vàng, dollars

10. Ra chỉ thị cho Cảnh Sát Giao Thông , Công an, không nhận quà của dân bằng tiền cụ Hồ, chỉ nhận vàng, dollars

11. Ân xá cho học sinh đã bán dâm quá 4 lần, được trở lại học trường bác Nhạ, nếu tỏ thiện chí đóng góp vàng, dollars để cứu nước

12 . Cam kết với dân chỉ bỏ túi một nửa, phần còn lại một phần sẽ dùng vào việc đưa cán bộ đi tu nghiệp , nghiên cứu tại chỗ những tệ hại của nước ngoài để tránh cho VN, phần khác tổ chức những hội nghị đủ loại nhằm thắt chặt hữu nghị Hoa Việt. ( tuthuc-paris-blog.com )

http://thaotin.net/bang-cach-nao-danh-thuc-60-ti-usd-dang-n…

https://www.tuthuc-paris-blog.com/home/60-t%E1%BB%89-dollars-my-god

 

 

****Tru di tam tộc

Một tài liệu vài chữ nói nhiều hơn một tủ sách. Cấm một người trẻ đi học chỉ vì bố thuộc về ‘’phe thua cuộc’’. Đó là tận cùng của sự man rợ. Nham hiểm đúng quy trình ; nhỏ nhen đúng đường lối ; bần tiện : một nhân sinh quan ; đểu cáng: một cách xử thế, thù hận : một triết lý sống. Ở những nước bình thường, nhà tù là nơi giữ cho tội nhân khỏi tái phạm, để trả nợ cho xã hội. Ở những nước tân tiến, nhân bản như Bắc Âu, nhà tù là nơi tù nhân có cơ hội, có thời giờ, được tận tình giúp đỡ, để suy nghĩ, trau dồi kiến thức, khả năng chuyên môn, để trở thành một người tốt, có thể trở lại với xã hội, làm lại cuộc đời và đóng góp vào việc xây dựng xã hội.

Ở VN, nhà tù không chỉ là nơi giam giữ, còn là nơi hành hạ, nhục mạ tù nhân, cả tinh thần lẫn thể xác, nhất là tù nhân lương tâm. Để thỏa mãn thú tính ( có lẽ phải kiếm ra từ ngữ khác, để khỏi xúc phạm súc vật ), trả thù những người phạm tội gọi con mèo là con mèo, bọn bán nước là bọn bán nước, cướp ngày là cướp ngày. Những Nguyễn Ngọc Như Qùynh, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức …đã, và đang trả giá đó . Nhưng hành hạ người tù không đủ, còn phải trừng trị, hành hạ con em họ. Tru di tam tộc ( giết ba đời để trừ hậu hoạn ) trở thành quốc sách, ngay cả, nhất là ‘’ khi đất nước tôi không còn chiến tranh ‘’. Có những người được đào tạo để thù hận, giết chóc. Không giết chóc, không thù hận, khó tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Cái ghê rợn, chuyện khó tin nhưng có thực, là những người đó đang lãnh đạo đất nước, đang vẽ đường đi cho gần 100 triệu người. Ở thế kỷ 21 !

Tài liệu của Facebook Quan Nguyen Thanh, Dân Saigon Xưa

https://www.tuthuc-paris-blog.com/home/tru-di-tam-t%E1%BB%99c

 

Vui cười

– Bút chì của trò đâu?

 – Không có.

 – Ta đã dặn bao nhiêu lần là trò không được nói trống không như vậy mà. Phải nói là “Thưa thầy, con không có bút chì. Thưa thầy, còn không có tẩy. Thưa thầy, con không có thước kẻ. Rõ chưa?”

 – Không rõ. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra với tất cả những đồ vật của con vậy?

 

Đôi nam nữ bước ra từ phòng đăng ký kết hôn. Chàng trai đắc ý:

 – Em yêu, em thật đẹp! Xong xuất phát từ lòng tốt, anh phải nói thật với em, các vật dụng bằng gỗ pơmu ở nhà anh mà lần trước em đến xem đấy đều là do anh mượn của người khác về.

 – Anh tưởng em không biết điều đó sao. Cũng xuất phát từ lòng tốt, bây giờ em phải thú thật với anh. Cái tên mà được viết trên giấy giá thú vừa rồi là tên của chị em đấy.

  

Chàng trai nói với một cô gái xinh đẹp gặp trên đường:

 – Này cô, chúng ta có thể vào quán uống cà phê với nhau được không?

 – Không, cảm ơn anh.

 – Cô đừng có tưởng tôi là người dễ dãi, có thể tuỳ tiện mời con gái đi uống cà phê nhé.

 – À này, anh cũng đừng có nghĩ rằng tôi từ chối hết những lời mời của các chàng trai.

 

– Tại sao những người chỉ huy thường đứng khi đi thuyền?

– Vì nếu ngồi xuống, ông ta sẽ phải chèo như những người khác

Đom đóm và cục gạch –  Nguyễn thị Cỏ May

Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư và cựu Thủ tướng, Trần Đại Quang, đương kim Chủ tịch nước, cả hai chết trước sau chỉ mươi ngày, Theo thói lề dân gian, «miệng ăn cá, ăn mắm», thường nói đó là «chết trùng», Cái chết trước nhằm giờ linh, kéo theo cái chết sau của người thân trong họ, Quang và Mười, về liên hệ, còn hơn 2 người trong họ, tuy không cùng huyết thống, nhưng cùng đảng là cùng nhịp thở giống nhau, cùng giấc mơ giống nhau, cùng động tâm giống nhau nên sự ứng nghiệm của giờ linh phải bén nhạy hơn những người cùng máu huyết mà suy nghĩ lại khác nhau, nguyện vọng không giống nhau, Theo kinh nghiệm dân gian đó, không biết có ai đang chờ coi «giờ trùng» sẽ còn ứng nghìệm ở đồng chí nào khác nữa của hai người đó hay không ?

Nhưng đó là chuyện lãnh tụ cộng sản chết và cách lý giải của nhơn dân về cái chết,

Nhờ theo cộng sản, khi chết mới được tang ma  linh đình như vậy, Như vua chúa thời xưa, Hơn cả Tổng thống các cường quốc văn minh ngày nay tuy sau khi chết, những người này để lại nhiều ơn ích cho đời về nhiều mặt, Và nhờ họ mà thế giới từng bước thay đổi theo hướng tốt đẹp,

Còn các lãnh tụ cộng sản, chết rồi, mồ mả đồ sộ, để lại cho đời được gì để nhơn dân nhắc nhở ?

Về các lãnh tụ chốp bu ở Hà nội, như Đỗ Mười, lúc chưa có Trần Đại Quang Chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng,… Hồ Chí Minh, Sĩ Phu Bắc Hà, lược kể thành tích :

« Sặc mùi ba láp là tên Đỗ Mười »…

Định hướng tối tăm là Nguyễn Phú Trọng…

Không vợ lắm con là Nguyễn Ái Quốc!

SĨ PHU BẮC HÀ

http://quanlambao.blogspot.com

Nhưng lãnh tụ cộng sản nào rồi cũng được đảng và Nhà nước tô vẻ để có những thành tích sáng chói, Có người do chính họ tự thêu dệt,

Đèn đom đóm của bác Quang

Trần Đại Quang làm Đại tướng Công an, rồi vọt lên Chủ tịch nước, nhưng nhìn lại quá trình tiến thân, Quang hoàn toàn không có một thành tích nào đáng ghi nhớ, ngoài thành tích dùi cuôi, Vào lúc Vìệt nam mở cửa ra thế giới Tây phương, đảng cộng sản hô hào đảng viên phải biết làm giàu và khoa bảng vì đảng cộng sản là đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên phải gồm những đảng viên ưu tú, Thế là mọi người có tiền và có bằng cấp, Bằng cấp càng bự, chức vụ càng cao, Bằng cấp vừa là bàn đạp bước lên cao, vừa là thành tích thành đạt trong việc phấn đấu bản thân,

Trần Đại Quang chọn giới thiệu mình bằng một hình ảnh vô cùng hiền lành : một cậu bé con nhà nghèo, sớm mồ côi cha, ham học, không có tiền mua dầu đốt đèn (hoặc trả tiền điện) nên bắt đom đóm nhốt vào vỏ trứng để đom đóm chiếu ánh sáng giúp Quang học, Và từ những bước đầu khó khăn này, Quang vượt qua, tiến lên đạt được văn bằng cao nhứt là Tiến sĩ, Và còn Tiến sĩ tổ chức đảng, mới thấy ý chí và quyết tâm xây dựng con người của Quang !

Đúng hôm Quang chết, báo Phụ nữ (21/09/2018), viết ngay một bài, dựa theo lời kể của gia đình như nguồn thông tin đáng tin cậy hơn hết, ca ngợi Quang do từ thuở nhỏ hiếu học, nên ngày nay, ở cương vị Chủ tịch nước, vẫn thiết tha với việc học, Ông «khẳng định giáo dục phải đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển, khi dự lễ khai giảng đầu năm học mới tại trường Chu Văn An, Hà Nội»

Nhà báo Vũ Thanh Hương – Phó Ban An ninh thế giới (Báo Công an nhân dân), cũng trên báo Phụ nữ, kể tiếp : «Năm 2016, cố Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B, từng chia sẻ trên báo về “cậu học trò nhỏ” Trần Đại Quang khi ông được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam – một học sinh vừa chăm chỉ, vừa yêu thương bạn bè: “Tôi còn nhớ hồi đó, mỗi khi học xong bài là tầm 11g đêm, anh Quang còn đi xem xem các bạn còn học hay đã ngủ. Bạn nào học khuya mà bài chưa giải được thì anh ý giảng cho bạn hiểu, đến khi xong bài mới thôi”.

Và «trong bức thư cuối cùng gửi thiếu nhi nhân ngày Tết Trung thu, đúng 1 ngày trước khi chết, Chủ tịch nước không quên dặn dò “Đảng, Nhà nước, các thầy giáo, cô giáo và các bậc phụ huynh luôn quan tâm, chăm lo để các cháu được sống, học tập, rèn luyện trong môi trường an toàn, lành mạnh. Bác mong các cháu tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, chăm ngoan, học giỏi hơn nữa, sau này tiếp bước cha anh xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh”.

Trần Đại Quang nay chết chẳng may không phải nhằm cùng lúc với Lê văn Tám, Phan Đình Giót, Võ thị Sáu, …nên sau khi đảng và Nhà nước cho báo chí đánh bóng Quang, thì lập tức dư luận trên fb phản bác, vừa với lập luận khoa học, vừa với lời lẽ diểu cợt: «Đom đóm không sáng liên tục, sau mỗi bốn giây mới sáng nửa giây, độ sáng của mỗi con đom đóm chỉ có 0.0006 lumens (lumen – đơn vị đo độ sáng). Để có thể đọc được gì đó, mắt một người bình thường cần độ sáng tối thiểu là 450 lumens, nghĩa là cần 750.000 con đom đóm sáng cùng một lúc trong nửa giây. Muốn duy trì liên tục độ sáng ở mức 450 lumens, cần phải có 8 lần số đom đóm thay phiên nhau phát sáng, nói cách khác cần tới sáu triệu con đom đóm, (Trương Văn), Có không ít những fb diểu cho vui «Đom đóm nước ta khác, chúng sáng rực rỡ và muôn năm» (Nguyễn Phương Anh), Hoặc như Ngoc Hiêp Nguyên: «Hồi bác Quang còn nhỏ, đom đóm rất nhiều và rất to mỗi con nặng khoảng nửa ký, độ sáng bằng đèn bốn cục pin của Trung Quốc. Chỉ cần hai con là đủ học suốt đêm», Nghe nói cụ Nguyễn Đình Chiểu vì dùng nhiều, bốn hay năm con gì đó để học bài, độ sáng quá cao nên Cụ bị mù». Cũng có người phang ngang bửa củi như Trần Virjo đốp chác lại chế độ tuyên truyền của cộng sản : «Mùa đom đóm là mùa hè, mùa đéo có thằng đéo nào đi học trừ khi dốt quá phải học phụ đạo», Mà bác Quang nhà ta đâu có dốt, Bác cực kỳ thông minh và học xuất sắc kia mà !

Cục gạch của bác Hồ

Bác Hồ vĩ đại nên chuyện thành tích về đời tư của bác cũng phải vĩ đại, cũng phải phi thường hơn người thường, Bác có cục gạch, Và chuyện «Cục gạch» của bác không phải là câu chuyện tiếu lâm mà đó là câu chuyện thật của đời bác trong những ngày tháng bác ở  Paris «tìm đường cứu nước», Chuyện thật vì do bác kể lại trong sách, do chính tay bác viết. Bác là tác giả duới bút danh Trần Dân Tiên của quyển “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”

Ở trang 36, bác viết về cục gạch của bác như sau :

“Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rất rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa Đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét.”

Nếu câu chuyện cục gạch đọc qua cho vui, thì đã không thành chuyện, Với cái đảng cộng sản, cứ cái gì của bác là phải được đưa ra cho toàn dân học tập theo gương bác, Người lớn học cũng được đi vì còn biết đánh giá câu chuyện, Đem cho con nít học là một tai vạ vì nhồi nhét vào đầu óc non dại của chúng chuyện tào lao, chỉ chuốt hại cho chúng về sau mà thôi. Rồi báo chí được phen rùm beng lên vì cứ bốc bác là có tiền, có chức phận,

Chế Lan Viên, chuyên viên nịnh bợ, đã viết một câu thơ mà kẻ không rành thơ cũng thấy khó ở :

Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê

 Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá!”

Rồi Tố Hữu, lãnh tụ văn nghệ, tiếp hơi,Thường thơ bợ đít của nhà thơ lớn này rất hay nhưng nay, lại quá tầm thường, Như rặn không ra, Và như phải dùng mỏ vịt cho ra câu cuối :

Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen

 Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn

 Một hòn gạch nóng nung tâm huyết

 Mẩu bánh mì con nuôi chí bền”

Trong sách, tác giả viết trước khi đi làm, bác lấy cục gạch bỏ vào lò bếp khách sạn nhờ nướng cho nóng, Sau này, cán bộ tuyên truyền thấy bác nói như vậy chưa đủ liều lượng nên sửa lại «bác đem gởi cục gạch ở lò bánh mì»,

Ngày xưa ở Pháp, dân ở nhà quê, nhà nghèo sưởi bằng cục gạch nung nóng nhờ ở lò bánh mì hay nhà có lò sưởi, Loại gạch sưởi có sức chịu nóng tới 400°c và giử nóng tới 5 giờ, Và ở Pháp, lò bánh mì là cái bếp (foyer) chung của khu xóm, Nét văn hóa lâu đời của dân pháp, Cách sưởi này, tới năm 1960, không còn nữa,

Nhưng khi đem viên gạch nóng về sưởi, người ta dùng kẹp sắt, gắp viên gạch để lên cái giá bằng sắt có quai, xách đi, Và sưởi là đặt viên gạch với cả cái giá sắt dưới giường, Khi thấy nguội, người ta mới gói viện gạch trong vải bố dày, đút dưới nệm, sưởi tiếp, Không ai gói viên gạch trong lớp giấy báo,

Bác Hồ của đảng cộng sản làm vì bác vĩ đại !

Một hôm với Cụ Bùi Tín ngồi uống cà phê, nói chuyện vui, Nhơn nói tới Hồ Chí Minh, Cụ kể :

“Một phái đoàn gồm cán bộ Văn hóa Thông tin, Tuyên huấn, Lịch sử trung ương đảng của Hà Nội tới Paris, sau khi Unesco không tuyên dưong ông ấy, có nhiệm vụ sưu tìm các dấu vết, tập kết các di tích về bác ở những nơi bác đã sanh sống trong thời gian bác tranh đấu ở đây, để viết thêm vào đời hoạt động của bác, Để bác phải thật sự là một bậc vĩ nhơn của nhơn loại !

Họ vào Văn khố Cảnh sát Paris ở Quận 18, vào Văn khố Hải ngoại, tới Villa des Gobelins, Paris 13, … lục tìm về bác, Ngoài một số thông tin đã biết về bác, phái đoàn chụp được một thông tin mới, vào những năm 1921, bác đã từng ở số 9, impasse Compoint, Paris 17,

Thế là họ kéo nhau tới đó, Căn phố số 9 còn đó, Dĩ nhiên, đã được xây lại từ lâu, Nhưng đúng là chổ bác đã từng ở trước kia,

Phái đoàn tìm người lớn tuổi để phăng hỏi về bác, Họ gặp một bà đầm cở tuổi 90, Có vẻ nhân dân lao động, Mừng như bắt được vị cứu tinh, họ chụp ngay, hỏi bà có biết ông Nguyễn năm 1921 từng ở đây không ?

– Biết, Ông ấy ở căn kia, từng 2 đó,

– Bà có biết chuyện ông Nguyễn có cục gạch ôm sưởi mùa đông không ạ ?

Nghe Cụ Tín kể tới đây, Cỏ May tôi vội can thiệp vì nghĩ tại sao Cụ này lại tin câu chuyện tuyên truyền bố láo của VC, Nhưng cụ đưa tay, chận tôi lại, kể tiếp :

Đúng ông Nguyễn, vào mùa đông lạnh lẻo, đã nhờ nướng cục gạch ở bếp để tối về lấy ôm vào lòng mà ngủ, Ông ấy nghèo lắm,

Tôi thấy như các ông muốn tìm lại cục gạch ấy, hay muốn biết rỏ về cục gạch ấy, phải không ?

Dạ, phải, thưa bà,

Cục gạch ấy, tôi giử, Các ông muốn, hảy trả tôi một số tiền, tôi chỉ cho,

Còn hơn bắt được vàng, trưởng phái đoàn liền đưa cho bà đầm một số tiền,

Lấy tiền đút túi xong, bà dẩn phái đoàn lên lầu hai, chỉ nơi đây, trước kia, ông Nguyễn ở, Và cục gạch đó, …chính là tui đây, Bà vừa vổ bẹp bẹp vào người bà !

Cả hai cùng cười thoải mái,

Người cộng sản phải có hào quang

Chế độ cộng sản ra đời từ cướp chánh quyền đang có, Khi lên cầm quyền, họ dùng dối trá và bạo lực để giử quyền lực, Thế lực mà họ sợ, và coi là kẻ thù lớn nhứt, là dân chúng mà họ cai trị,

Họ biết rỏ hơn ai hết, dân chúng không chấp nhận họ, chỉ chở lật đổ họ, Họ kìm kẹp sát dân chúng để duy trì chế độ, quan tâm xây dựng lớp dân chúng thứ hai, thứ ba, Bằng tuyên truyền nhồi sọ, họ hi vọng sẽ có lớp dân chúng theo họ,

Để thu hút sự ủng hộ của dân chúng, họ phải tìm cách tự biến họ thành một sức thu hút, hấp dẩn, lôi cuốn mạnh mẻ, Để đạt được mục đích, họ vận dụng tuyên truyền để thần thánh hóa đảng và các lãnh tụ đảng,

Nói đến sùng bái là nói đến tôn giáo. Người đầu tiên nghĩ phải tôn giáo hoá chế độ chắc chắn là Lénine, Bởi ông gốc là chủng sinh Cơ đốc giáo, Nhưng người đưa nó lên bàn thờ lại là Staline, Với Staline, sự sùng bái đảng và sùng bái lãnh tụ biến thành sự sùng bái cá nhơn,

Trước kia, chế độ quân chủ đều được xây dựng trên cơ sở mang tính thần quyền, Nhà vua được thiêng liêng hoá, gắn liền với thiên mệnh :Vua là con Trời, Mọi người tuân phục và trung thành với vua không phải vì tài năng hay cá tính của ông mà là vì ông là con Trời, Vì vâng mệnh Trời cai trị nên vua không dám vô cớ hại dân, hà khắc, ác ôn với dân vì sợ Trời đánh, và Trời thâu hồi thiên mệnh, không còn được làm vua nữa,

Đảng cộng sản cướp chánh quyền của dân, thần thánh hoá đảng và lãnh tụ, không nhận lảnh sứ mệnh cai tri nhơn dân từ Trời hay từ ai hết nên họ không sợ bị Trời đánh, Họ chỉ sợ bị nhơn dân giành lấy quyền lực mà thôi,

Cách thần thánh hóa lãnh tụ cộng sản rất đơn giản và giống nhau, Nhưng Hồ Chí Minh tự tìm cách lách mình đi riêng, Với nhơn dân việt nam, ông tự xưng bác của mọi người, chung cả cho các thề hệ khác nhau, Của cả nước,Tạo thành hình ảnh một ông già hiền lành, đạo đức, Như một tiên ông ! Bởi ông biết, và mọi người biết ông đúng là một trong 13 tội phạm chống nhơn loại.

Cũng như các lãnh tụ cộng sản khác, từ Lénine, Staline, Mao, …tới Hồ chí Minh, Đỗ Mưuời, Trần Đại Quang, …đều phải cần tạo thành tích, tạo hào quang sáng chói cho mình bởi nếu không, thì sự nghiệp của họ để lại cho đời không gì khác hơn là tội ác với nhơn dân.