Tập San Tân Đại Việt – Số 11 – 2016 (tt)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tập San Tân Đại Việt – Số 11 – 2016 (tt)

(tt)

Dân Tộc Sinh Tồn – Giáo Sư Nguyễn Ngọc huy

Chương III: Thuyết Sinh Tồn

I.- Mục đích hoạt động của người: Sinh tồn

A.- Ý chí sinh tồn của người

1.- Bản năng sinh tồn của người

Nhờ sự nghiên-cứu của các nhà sanh-vật-học, sanh-lý-học và tâm-lý học, chúng ta đã có một số tri-thức về con người. Những tri-thức này không nghiêm-xác hoàn-toàn bằng những tri-thức người thâu- hoạch được về các tử-chất. Tuy thế, nó cũng giúp ta có một ý-niệm về con người. Ý-niệm đó chưa được rõ ràng đầy đủ, nhưng cũng phù-hợp với con người thật-sự, ít nhứt là trong những đại-cương.

Sự khảo-sát về con người đã cho chúng ta thấy rằng người là một phần của võ-trụ. Cơ-thể người được cấu-tạo bằng những chất hóa-hợp xây dựng nên võ-trụ, nhưng lại có những tánh-cách đặc-biệt. Với nhiều xúc-cảm, nhiều quan-năng phức-tạp và phân-biệt nhau, người cư-xử như là một tổng-thể thuần-nhứt. Tổng-thể này rất linh-động và rất mẫn-nhuệ, có nhiều khả-năng và đặt dưới sự điều-khiển của những bẩm-tánh thiên-nhiên có một sức mạnh không ai cưỡng được là những bản-năng.

Ta đã thấy rằng các bản-năng của người có thể chia ra làm ba loại chánh-yếu : bản-năng vị-kỷ, bản-năng tình-dục và bản-năng xã-hội. Những bản-năng vị-kỷ nhắm vào việc bảo-vệ sự sống còn của cá-nhơn , những bản-năng tình-dục hướng đến chỗ bảo-vệ sự sống còn của chủng-loại, những bản-năng xã-hội thì có mục-đích tạo điều-kiện cần-thiết cho sự tập-hợp nhiều người lại thành đoàn-thể. Sự sống thành đoàn-thể này vừa có lợi cho sự sống còn của cá-nhơn, vừa có lợi cho sự sống còn của chủng-loại.

Những loại bản-năng trên này thật ra không phải hoàn-toàn phân-biệt nhau, mà có tác-động qua lại với nhau, lắm khi hòa-hợp nhau để tạo ra những khuynh-hướng vô-cùng phức-tạp. Nhưng trong trường-hợp nào cũng vậy, các bản-năng đều hướng về mục-đích mưu-đồ sự sống còn cho người ; sống còn của cá-nhơn hay là sống còn của chủng-loại. Như vậy, ta có thể xem tất cả các bản-năng của người là những hình thể khác nhau của một bản-năng duy-nhứt : bản-năng sinh-tồn.

Bản-năng sinh-tồn là một bẩm-tánh thiên-nhiên hỗn-hợp với cơ-thể người ; nó phát-hiện khi người mới sanh và chỉ tiêu-diệt khi người chết. Do đó, nó chi-phối hết cả đời sống của người, từ khi người cất tiếng oa oa để chào đời cho đến lúc người nhắm mắt xuôi tay, giã từ trần-thế.

Vì bản-năng sinh-tồn mà người có một ý-chí sinh-tồn vô-cùng mãnh-liệt. Ý-chí sinh-tồn xuất-hiện một cách rõ rệt trong tất cả những hoạt-động của người. Những hoạt-động này sở-dĩ phức-tạp là vì người là một sanh-vật cao-đẳng có nhiều năng-khiếu sanh-lý và tâm-lý, thành ra có nhiều nhu-cầu và khuynh-hướng khác nhau. Tuy vậy, dựa vào bản-năng sinh-tồn, ta có thể thống-suất được hết những hoạt-động ấy một cách dễ dàng.

2.- Sự hoạt động sinh tồn của người

Xem xét hoạt-động của người từ ngàn xưa đến giờ, ta có thể nhận thấy rằng mục-đích chánh-yếu của người là mưu-đồ sự sống còn cho mình.

Trước hết, người hoạt-động để sống : sống về mặt vật-chất, trong hiện-tại và tương-lai. Từ một người dã-man ẩn náu trong chốn rừng sâu núi thẳm cho đến một người sống trong xã-hội văn-minh, ai ai cũng lo giữ gìn tánh-mạng mình và làm việc để nuôi thân. Khi vấn-đề sống trong hiện-tại đã giải-quyết xong, người nghĩ đến việc kéo dài sự sống của mình ra ; người gắng hết sức làm cho đời sống của mình  được lâu dài chắc chắn. Ngoài việc tìm cách xây dựng những nơi trú-ẩn lâu bền người lại còn để dành những  món ăn thức uống để phòng khi đói kém.

Giải-quyết được việc duy-trì đời sống của bản-thân, người lo đến việc tăng-gia sức sống của mình, bành-trướng năng-lực sanh-hoạt của mình. Người tìm cách nâng cao đời sống của mình lên, cố làm cho đời sống ấy được dễ dàng sung sướng hơn. Không những nghĩ đến việc no lòng, người còn biết tìm những món ăn ngon  lành sạch sẽ, không những cần được ấm thân, người còn biết thích y-phục đẹp đẽ, không những muốn có chỗ trú-ẩn, người còn muốn có chỗ ở tráng-lệ huy-hoàng.

Về phương-diện tinh-thần, người có những tình-cảm, những sở-thích, những nguyện-vọng riêng. Người muốn được tự-do phát biểu tình-cảm mình, hướng đời sống mình theo nguyện-vọng mình và tổ-chức nó theo sở-thích mình.

Hơn nữa, người còn muốn đem sự sống ra ngoài bản-thân mình. Người muốn cho những vật quanh mình mang một  phần sự sống của mình, muốn cho đồng-loại mình chịu ảnh-hưởng mình. Sau hết, người cũng muốn rằng sau khi mình chết, một phần sự sống của mình còn lưu lại trần-thế. Nhu-cầu tình ái của người, lòng ham muốn có một được đứa con nối dõi cho mình, để dòng họ mình được vĩnh-cửu, sự cố-gắng để tạo ra một tác-phẩm văn-chương hay, nghệ-thuật một công-trình vĩ đại hay một sự- nghiệp hiển-hách, sự tha-thiết muốn truyền-bá tư-tưởng mình để làm cho nó thắng-lợi và chi-phối những kẻ khác, sự nỗ-lực để ngự-trị đồng-loại, đặt họ dưới sự điều-khiển của mình, đó là bao nhiêu bằng cớ chứng tỏ ý muốn bành-trướng và duy-trì sự sống của con người.

Duy-trì sự sống của mình về hai mặt vật-chất và tinh-thần, trong hiện-tại và tương-lai, làm cho sự sống của mình càng ngày càng dễ dàng sung sướng và bành-trướng mãi ra, để có thể truyền cái sống quanh mình trong khi mình còn sống và sau khi mình đã chết. Nói tóm lại, sự sinh-hoạttồn-tại, sốngcòn, đó là tất cả mục-đích hoạt-động của con người.

Kết-quả của sự hoạt-động này đưa đến một cứu-cánh duy-nhứt : mưu-đồ sự sinh-tồn của con người, và của cả loài người. Ta có thể nói tóm lại rằng, tất cả cuộc đời quây quần chung quanh hai chữ sinh-tồn: sinh-tồn về vật-chất, và sinh-tồn về tinh-thần, sinh-tồn của cá-nhơn và sinh-tồn của chủng-loại.

B.- Những biểu lộ khác nhau của ý chí sinh tồn

Tất cả mọi người trên thế-giới đều có ý-chí sinh-tồn và đều hướng hết sự hoạt-động của mình vào mục-đích phụng-sự ý-chí sinh-tồn ấy. Tuy vậy, sự hoạt-động của con người không phải hoàn-toàn giống nhau, và đứng trước một tình-thế, sự phản-ứng của người này và người kia có thể khác hẳn nhau. Như thế là vì ý-chí sinh-tồn của người bị sự chi-phối của cá-nhơn và có rất nhiều trạng-thái.

Năng-lực thể-chất và tinh-thần của người vốn khác nhau vô-cùng. Nếu bên trong mỗi người, những nhu-cầu vật-chất đưa đến những dục-vọng thấp kém vẫn sống gần bên những nhu-cầu tinh-thần đưa đến những lý-tưởng cao-thượng, sức mạnh những nhu-cầu ấy rất khác nhau tùy người. Một mặt khác, khả-năng của người trong sự chế-ngự hay thỏa-mãn những nhu-cầu của mình khác nhau vô-cùng, tùy hoàn-cảnh, tùy đặc-tánh di-truyền, tùy trình-độ giáo-dục, tùy trạng-thái sanh-lý và tâm-lý mỗi lúc của người.

Người thái-cổ và người dã-man hiện-tại không có một ý-thức rõ rệt về hành-động của mình. Họ hoàn-toàn tuân theo bản-năng một cách tự-nhiên. Sự sai-biệt về thể-chất và tâm-trí không có bao nhiêu, cá-tánh người chưa mở mang lắm và những ước-thúc xã-hội giản-dị có một hiệu-lực gần như nhau đối với cá-nhơn trong đoàn-thể. Do đó, ý-chí sinh-tồn được biểu-lộ gần như nhau.

Sự hoạt-động cho mục-đích sinh-tồn cá-nhơn trong những xã-hội thô-sơ vẫn quan-trọng và cần-thiết nhưng vì người thường có cơ-hội tập-hợp nhau để tự-vệ, để mưu sống chung, để vui chơi với nhau, để lễ bái thần thánh nên các bản-năng xã-hội rất mạnh mẽ. Nó uốn nắn người theo khuôn khổ chung, điều-hòa sự giao-thiệp nhau giữa mọi người, và khiến cho người sẵn sàng hy-sinh cho đoàn-thể những khi cần.

Chính những đặc-tánh trên đây đã tạo ra thần-thoại về những con người dã-man có tánh tốt bẩm- sanh. Thật-sự những con người dã-man đó làm điều phải một cách tự-nhiên như làm điều ác, vì họ hành-động một cách vô-ý-thức, theo sự thúc giục của bản-năng họ.

Trong xã-hội văn-minh, con người đã tiến-hóa hơn, sự sai-biệt về khả-năng thể-chất và tâm-trí của người đã rõ rệt hơn. Trình-độ sanh hoạt vật-chất chung đã được nâng cao, sự an- ninh cũng vững vàng hơn, và những cơ-hội tập-hợp để làm việc hoặc vui chơi chung nhau ít bớt đi. Những điều trên này làm cho cá-tánh người rõ rệt hơn, đồng-thời nới rộng những mối dây xã-hội ràng buộc cá-nhơn.

Đã thế, một số người có còn thể có ít nhiều ý-thức về hành-động của mình và có thể tự ý chế-ngự một số nhu-cầu, cao-thượng-hóa những khuynh-hướng của mình. Sự giáo-dục mà người nhận chịu một cách không đồng đều nhau, thường có mục-đích tăng-cường những bản-năng xã-hội đã bị yếu bớt trong những xã-hội có trình-độ vật-chất cao.

Do những yếu-tố trên này, ý-chí sinh-tồn của người trong xã-hội văn-minh biểu-lộ dưới những hình-thức phức-tạp hơn.

Trong xã-hội văn-minh có những người khôn ngoan, nhận thấy những quyền-lợi của mình từ xa và một các rõ ràng. Lý-trí họ cho họ biết rằng quyền-lợi chánh đáng của họ không phải ở trong sự thỏa-mãn những dục-vọng hiện-tại của họ một cách mù quáng. Vì thế họ nghĩ đến tương-lai nhiều hơn. Họ có thể nhờ một ý-chí mạnh mẽ mà tổ-chức đời sống theo một xu-hướng nhứt-định, và tạo nên những mối dây bền chắc để chế-ngự hay hướng-dẫn các nhu-cầu, các dục-vọng thấp kém của họ. Nhờ đó, họ có một cá-tánh mạnh mẽ và thành-công trong những dự-định của họ.

Ngoài ra, lại còn có những người biết nghĩ đến tương-lai, nhưng không đủ ý-chí để cưỡng lại các thị-dục của mình và không tổ-chức được đời sống theo nguyện-vọng, theo lý-tưởng mình.

Sau cùng, cũng có những người ngu muội hơn, kém cỏi hơn. Họ không thể mở tầm mắt ra nhìn về phía tương-lai ; họ chỉ biết có hiện-tại và hoàn-toàn  làm nô-lệ cho những thị-dục của mình. Trong sự thỏa-mãn những nhu-cầu, những người này có thể có đủ tài để thành-công, họ cũng có thể thiếu khả-năng cần-thiết và không dám phô bày ý muốn của mình.

Như thế, mặc dầu bản-tánh có giống nhau, mặc dầu đều có ý-chí sinh-tồn như nhau, nguyện-vọng sinh-tồn của người trong xã-hội văn-minh khác nhau vô-cùng.

Một số người chỉ chú-trọng đến đời sống hiện-tại mà không nghĩ đến tương-lai. Có người khi kiếm đủ tiền để sống một ngày thì nhứt-định ở không suốt ngày ấy, dầu có gặp cơ-hội có thể  kiếm nhiều tiền cũng bỏ qua không chịu làm. Nhiều người khác khi có tiền trong tay thì ăn tiêu huy-hoác, phung-phí cả cơ-nghiệp mình để mua vui.

Có những người chỉ biết đến đời sống vật-chất, và trong đời sống hiện-tại cũng như trong việc nghĩ đến tương-lai, họ không có mục-đích gì khác hơn là tìm cách thỏa-mãn những nhu-cầu của xác thịt họ. Vì đó, họ chỉ chú-trọng đến những món gì có một giá-trị về phương-diện vật-chất. Đó là trường-hợp những người đắm mê vật-dục, những anh trọc-phú suốt đời chạy theo đồng tiền.

Một số người khác lại chú-trọng đến đời sống tinh-thần nhiều hơn là đời sống vật-chất. Họ thích được người tùng-phục trọng-vọng và không ngại bỏ nhiều tiền bạc, công lao để chuốc lấy tiếng khen hay sự kính nể của thiên-hạ. Cũng có người đi tìm sự an-nhàn, lấy sự an-ổn của tâm-hồn và sự khỏe khoắn của thể-xác làm trọng.

Ở một mực cao hơn, là những người có một quan-niệm tôn-quí hơn về vấn-đề tinh-thần. Hoặc đeo đuổi một lý-tưởng cao-siêu, hoặc phụng-sự một nghệ-thuật, hoặc tin tưởng nơi một đời sống vĩnh-cửu ngoài thế-giới hữu-hình và hướng tâm-hồn đến một nguyên-lý mà họ cho là nguồn gốc chúa tể vạn-vật, họ đặt giá-trị tinh-thần lên trên hết. Những hạng người hướng sự sống về tinh-thần trên này có thể chấp-nhận một đời sống vật-chất thiếu thốn, hẹp hòi, có khi họ dám hy-sinh cả tánh-mạng để bảo-vệ lý-tưởng hay binh vực quan-niệm mình.

Đứng về phương-diện xã-hội mà nói, ta có thể phân-biệt những người hoàn-toàn vị-kỷ chỉ cần biết đến quyền-lợi cá-nhơn của mình, chỉ nghĩ đến sự sinh-tồn của riêng mình, và những người có một tâm-hồn quảng-đại hơn, biết đặt quyền-lợi chung của đoàn-thể trên quyền-lợi mình, biết xem sự sinh-tồn của đoàn-thể trọng hơn sự sinh-tồn của bản-thân. Đó là những vĩ-nhơn, những anh-hùng hữu-danh hay vô-danh. Họ sẵn sàng chịu thiệt thòi để cho đoàn-thể được hưởng lợi ; họ cũng dám hủy bỏ sự sống của mình để bảo-vệ đồng-bào, ngay trong khi bình tĩnh, không bị bản-năng quần-chúng ám-thị.

Như vậy sự sinh-tồn của người có thiên hình vạn trạng, và lắm khi những xu-hướng, những thị-dục của người chống chỏi lại nhau một cách mãnh-liệt. Trong trường-hợp này, sự thắng-lợi của một xu-hướng đối với một xu-hướng khác tùy nơi cá-tánh của người. Chính cá-tánh này đã định giá-trị cao thấp của người trong xã-hội.

Ngoài ra, ta lại có thể nhận thấy rằng nhiều khi loài người dám tự mình hủy-diệt đời sống của mình vì một điều bất-đắc-ý, hay dám trải thân làm những việc nguy-hiểm đến tánh-mạng để thực-hiện lý-tưởng. Những người trên này không phải là vượt khỏi sự chi-phối của ý-chí sinh-tồn. Nhưng đối với họ, sống mà không đạt được chí-nguyện, hay sống trong một hoàn-cảnh mình không thích thì không bằng chết mà được thảnh thơi, hay lưu-danh hậu-thế. Nơi họ, sự sinh-tồn của tinh-thần đã thắng ý-chí sinh-tồn của thể-xác vậy.

C.- Ý chí sinh tồn với hoàn cảnh

Ý-chí sinh-tồn của người có thể xuất-hiện dưới rất nhiều trạng-thái. Nhưng nó phải tùy-thuộc hoàn-cảnh bên ngoài hay không ? Đó là một vấn-đề đã gây ra nhiều cuộc tranh-luận sôi nổi.

1.- Những thuyết tiền định

Một số người theo thuyết tiền-định cho rằng tất cả những sự biến, từ những sự biến của thế-giới vật-chất đến  sự biến của thế-giới tâm-linh đều được qui-định trước, và trong sự hoạt-động của mình, người phải noi theo một quyền-lực vô-hình ngoài ý muốn của mình. Ta có thể phân-biệt nhiều xu-hướng tiền-định khác nhau.

Một số nhà tôn-giáo ngày xưa cho rằng số mạng người hoàn-toàn nằm trong oai-lực của trời. Người Ả-Rập đứng trước một biến-cố thường hay nói : « Điều ấy đã ghi sẵn trên trời ». Người Trung-Hoa có câu : « Mỗi miếng uống miếng ăn của người đều được định sẵn » (nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền-định ». Nhiều nhà thần-học không đến nỗi có một quan-niệm tiền-định hẹp hòi như thế, nhưng vẫn cho rằng người là một dụng-cụ trong tay Thượng-Đế và chỉ sống để thi-hành những ý-định của Thượng-Đế. Đối với những người này, ý-niệm tự-do không dung-hợp được với oai-quyền Thượng-Đế.

Theo chủ-trương những nhà khoa-học thì nội-giới của người cũng noi theo những luật-lệ chặt chẽ như ngoại-giới. Những nhà khoa-học này lại phân ra làm ba phái khác nhau.

Phái tiền-định võ-trụ dựa vào những luật lệ căn-bản chi-phối tử-chất để quả quyết rằng ngay trong lãnh-vực tinh-thần người không bao giờ được tự-do chọn lựa thái-độ của mình, mà luôn luôn chỉ là một bánh xe nhỏ trong một guồng máy to, phải quay tít theo một mực-độ định sẵn cho mình.

Theo phái tiền-định sanh-lý, tất cả đời sống tâm-linh của người đều đặt dưới sự điều-khiển của tình-trạng cơ-thể mình, và chung-qui, của sự di-truyền.

Sau cùng, phái tiền-định tâm-lý cho rằng tất cả hoạt-động hiện-tại của người tùy-thuộc đời sống tâm-lý quá-khứ một cách chặt chẽ. Chính những sự ham muốn, những dục-vọng, những ý-tưởng đã qua trong trí óc người qui-định ý muốn hiện-tại của người.

Ngoài những nhà tiền-định tôn-giáo và khoa-học, lại còn có những nhà tiền-định xã-hội chủ-trương rằng con người bị ảnh-hưởng của hoàn-cảnh một cách mạnh mẽ. Những quyết-định của người, ngay đến những quyết-định có vẻ đặc-biệt, cá-nhơn nhứt đều do hoàn-cảnh cá-nhơn chung quanh tạo ra rồi lại truyền bảo lại cho người.

2.- Thuyết tự do ý chí

Chống chọi lại những người theo thuyết tiền-định là những người theo thuyết tự-do ý-chí, cho rằng con người được tự-do trong sự quyết-định của mình.

Trước một tình-thế, người có thể giữ nhiều thái-độ khác nhau và tự mình chọn lựa một trong những thái-độ ấy. Cảm-tưởng tự-do này là một sự thật do kinh-nghiệm mà ra ; nó là một yếu-tố của ý-thức, người nào cũng có.

Nhiều khi người có cảm-tưởng rằng nhiệm-vụ mình bắt buộc mình phải làm một việc gì. Nhưng sự bắt buộc của nhiệm-vụ là một sự bắt buộc người tình-nguyện, nghĩa là tự-do nhận chịu. Hơn nữa, người chỉ có cảm-tưởng mình bị bắt buộc khi người được tự-do. Vậy, cảm-tưởng bị bắt buộc hàm nghĩa rằng người vốn được tự-do.

Chính những người chủ-trương tiền-định cũng phải công-nhận sự tự-do của người trong thái-độ họ về những vấn-đề luật-pháp và luân lý. Nếu con người hoàn-toàn là một thứ bù nhìn bị Thượng-Đế, bị các định-luật võ-trụ, bị quá-khứ tâm-lý hay hoàn-cảnh xã-hội xô đẩy cho cử-động thì người không thể có trách-nhiệm gì về việc làm của mình. Trong trường-hợp đó không ai có quyền chê bai hay trách móc những người làm bậy. Thượng-Đế không có quyền gởi những kẻ phạm tội ác xuống hỏa-ngục, các nhà đạo-đức không có quyền khinh bỉ một đứa vô-luân, và tòa-án không có quyền trừng-phạt những cá-nhơn phạm luật. Nhưng thật-sự, các nhà tôn-giáo, khoa-học và xã-hội đều bắt người chịu trách-nhiệm về hành-động mình, và như thế họ đã gián-tiếp nhìn nhận rằng người có được tự-do trong sự quyết-định của mình.

Đứng về phương-diện tâm-lý mà xét, ta có thể bảo rằng giá-trị những đối-tượng khác nhau mà người phải chọn lựa hoàn-toàn tùy nơi quan-điểm người mà cao hay thấp, vì mỗi đối-tượng đều phù-hợp với một vài nhu-cầu của người mà chống chọi lại một vài nhu-cầu khác. Người có thể thay đổi quan-điểm mình để chọn lựa đối-tượng này hay đối-tượng kia, và điều này chứng tỏ rằng người được tự-do.

3.-Tánh cách tự do của người

Xét hết sự hoạt-động sinh-tồn của người, ta nhận thấy rằng con người không phải hoàn-toàn được tự-do. Sự sinh-tồn vật-chất của người bị đặt dưới sự chi-phối chặt chẽ của những định-luật điều-khiển thế-giới vật-lý. Muốn duy-trì sự sống của cơ-thể, người phải noi theo nhiều điều-kiện khác nhau. Những quan-năng dinh-dưỡng, bài-tiết, tuần-hoàn, hô-hấp v.v… của người luôn luôn vận-động theo một xu-hướng nhứt-định, nhiều khi ngoài ý-thức của người. Hơn nữa khi sự vận-động này bị ngăn cản, hoặc thiếu những vật-liệu cần-thiết, người có thể bị nguy-hiểm đến tánh-mạng.

Tuy vậy, ngay trong lãnh-vực vật-chất, người không phải hoàn-toàn đóng một vai tuồng nô-lệ thụ-động.

Sự sống tự nó vốn là một cố-gắng để vượt khỏi sự chi-phối của hoàn-cảnh vật-chất, và mực cao thấp của sanh-vật thật ra ở chỗ cố-gắng ấy thành-công nhiều hay ít. Loài thực vật đã có những đặc-tánh mà tử-chất không có : trong sự tuân theo các định-luật thiên-nhiên, nó đã có một hướng phát-triển và một sức tự-tồn khá mạnh rồi. Loài động-vật còn đi xa hơn loài thực-vật : nó không phải cố-định ở một chỗ mà di-động được trong một phạm-vi rộng hẹp tùy loại. Một mặt khác, nó có thể phản-ứng lại những kích-thích ngoạI-lai theo nhiều lối, chớ không phải luôn luôn theo một cách-thức duy-nhứt.

Con người là một động-vật cao cấp có nhiều khả-năng hơn các loài động-vật khác, nên có một phạm-vi hoạt-động rộng-rãi nhứt trong các loài. Sự so sánh đời sống vật-chất của người với đời sống các loài và với tử-chất đã cho ta thấy rằng mặc dầu bị chi-phối của các định-luật thiên-nhiên người không hoàn-toàn lệ thuộc vào nó. Phạm-vi hoạt-động của người đã mở rộng ra theo các khả-năng của người và điều này chỉ tỏ rằng người đã một phần nào được tự-do so với hoàn-cảnh. Do đó, người tự-nhiên có bản-năng tự-do mạnh mẽ, khiến cho họ từ xưa vẫn cư-xử với nhau như là những kẻ tự-do, mặc dầu về phương-diện tư tưỏng, người ta có thể đi đến chỗ phủ-nhận sự tự-do.

Đem so sánh người với nhau, ta lại nhận thấy rằng trong sự sống còn vật-chất, người không phải tùy-thuộc hoàn-cảnh với một mực-độ ngang nhau. Nếu trên đời có người hoàn-toàn làm nô-lệ cho cơ-thể mình và đặt những huấn-lịnh do những nhu-cầu xác thịt ban bố lên trên hết, thì cũng có những người biết huấn-luyện xác thịt mình, bắt buộc nó phải chiều theo ý mình một phần nào. Ở hạng người sau này, những nhu-cầu vật-chất nhiều khi phải nhượng-bộ cho những nhu-cầu tinh-thần, và ngay trong sự thỏa-mãn những dục-vọng của mình, xác thịt cũng phải noi theo những qui-tắc họ đặt ra. Những qui-tắc này tất-nhiên không thể chọi lại những định-luật vật-lý chi-phối cơ-thể người : người không thể ăn uống thiếu thốn mà trở thành béo tốt được. Tuy thế nó cũng dành lại cho ý-chí người một phần quyền điều-khiển sự sống của cơ-thể.

Ngoài ra, trên thế-giới còn có những hạng người đặc-biệt, uốn nắn đời sống vật-chất của mình theo một khuôn khổ khắc-nghiệt, và rút nhu-cầu của xác thịt xuống một mực hết sức kém cỏi. Đó là những nhà ẩn-sĩ tu theo đạo khổ-hạnh, những thuật-sĩ Ấn-độ có thể tự chôn mình trong một cái hòm nhỏ suốt tháng mà không chết, những chí-sĩ như Thánh Gandhi, như nhiều nhà cách-mạng Việt-nam nhịn đói hàng tuần hàng tháng để tranh-đấu cho lý-tưởng mình.

Về phương-diện tinh-thần, con người vẫn phải tuân theo các bản-năng của mình. Hơn nữa, sự tác-động của con người còn chịu ảnh-hưởng của nhiều yếu-tố khác. Sự di-truyền, sự giáo-dục, tình-trạng sanh-lý, quá-khứ tâm-lý của người cũng như hoàn-cảnh xã-hội đều có thể đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự quyết-định của người. Những bản-năng và các yếu-tố trên này hợp lại làm khối lực tác-động qua lại với nhau, và ảnh-hưởng rất mạnh đến người. Do đó, chủ-trương của những nhà tiền-định khoa-học và xã-hội cũng có một phần hữu-lý.

Tuy nhiên, đối với những con người có ý-thức, biết cân nhắc sự lợi lại, phải trái, biết quan-sát tình-thế, biết tự xét về thái-độ mình, sự chọn lựa một đường lối để noi theo vẫn tùy-thuộc tinh-thần người một phần khá lớn. Chính quan-điểm của người đối với những mục-tiêu đồng-thời cám dỗ người đã đóng một vai tuồng quyết-định trong thái-độ của người.

Một mặt khác, con người có thể hoạt-động trên những yếu-tố khả-dĩ ảnh-hưởng đến thái -độ tương-lai của mình. Người có thể cố-gắng học-hành, tự khép mình vào một kỷ-luật, tự rèn cho mình một lý-tưởng, tập-luyện thân-thể mình, biến-đổi hoàn-cảnh xã-hội của mình hay ít nhứt cũng biến-đổi quan-điểm mình đối với hoàn-cảnh xã-hội ấy. Những điều này có thể làm cho người sẵn sàng có phản-ứng này hơn là phản-ứng kia.

Như thế, nhờ ý-thức, người có được tự-do trong lãnh-vực tinh-thần. Sự tự-do này càng lớn khi ý-thức về đời sống của người càng rõ ràng, càng mạnh mẽ. Trong trường-hợp đó, một số yếu-tố chi-phối con người như giáo-dục, hoàn-cảnh xã-hội, thật ra đã giúp thêm vào việc mở rộng sự tự-do tinh-thần của người hơn là phủ-nhận nó.

Sự tự-do tinh-thần mà người được hưởng không phải là hoàn-toàn, nhưng nó cũng đủ để cho người có một ý-thức rõ rệt về nó. Phụ thêm vào bản-năng tự-do người sẵn có, nó gây cho người một ý-hướng tự-do rất mạnh, nhứt là trong mấy thế-kỷ sau này.

Con người vốn có cái xu-hướng tự-nhiên là muốn dựa vào cái tuyệt-đối nên nhiều kẻ đã đi đến chủ-trương cho rằng sự tự-do của người được hoàn-toàn. Chủ-trương này đã gặp một phản-ứng mạnh mẽ nơi một số nhà khoa-học. Cũng như những nhà tôn-giáo ngày xưa nhốt con người vào trong cái khuôn Tạo-hóa, những nhà khoa-học và xã-hội này nhốt con người trong những định-luật khắc-nghiệt của võ-trụ hay của xã-hội.

Thật ra, người không thể hoàn-toàn được tự-do, và phải tuân theo những định-luật chi-phối đời sống của mình. Tuy nhiên, người vẫn một phần nào được tự-do. Trong phạm-vi sinh-tồn vật-chất, sự tự-do này rất nhỏ hẹp ; trong lãnh-vực tinh-thần, nó được rộng-rãi hơn. Khi có thể đi đến chỗ từ khước cả cuộc đời mình, người đã một phần nào thoát-ly sự kềm chế của vật-chất. Như vậy, ta phải nhận rằng trong sự hoạt-động sinh-tồn, người có được tự-do.

Nhưng ta nên nhớ rằng con người chỉ là một phần-tử nhỏ nhặt của võ-trụ cho nên sự tự-do của người cũng không thể có tánh-cách tuyệt-đối. Sự tự-do này chỉ nằm trong một phạm-vi nhứt-định : nó phải có một kích thước vừa với con người. Sự phát-triển của khả-năng người trong tương-lai có thể mở rộng nó ra một phần nào, nhưng dầu sao, nó cũng không đi đến chỗ hoàn-toàn như một số chánh-trị gia chủ-trương.

Trong trường đó, phủ-nhận sự tự-do quyết-định của người như những nhà độc-tài chủ-trương là đi ngược lại một khuynh-hướng tự-nhiên của người, hơn nữa, là tự mình mâu-thuẫn với mình, vì những nhà độc-tài vẫn bắt con người không tự-do phải chịu trách-nhiệm về những việc họ làm. Trái lại, lấy tự-do làm lý-tưởng và gán cho sự tự-do một tánh-cách tuyệt-đối, hoàn-toàn, cũng là một thái-độ không phù-hợp với thực-tế.

D.- vấn đề hạnh phúc

Trong sự hoạt-động sinh-tồn của mình, con người lại còn bị sự hấp-dẫn của một lý-tưởng rất mạnh mẽ là ý-tưởng hạnh-phúc. Hoặc mơ màng đến hạnh-phúc một cách có ý-thức, hoặc xây dựng đời mình theo quan-niệm hạnh-phúc của riêng mình một cách vô-ý-thức, người ở mọi địa-phương và mọi thời-đại đều theo đuổi một bóng hạnh-phúc không lúc nào ngừng.

Ta có thể cho rằng xu-hướng tìm hạnh-phúc của người là một xu-hướng tự-nhiên. Từ trước đến giờ, nó vẫn là một động-lực mạnh mẽ chi-phối sự tiến-triển của xã-hội loài người. Vì đó, nó đã đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự hoạt-động chánh-trị. Những nhà chánh-trị cổ kim muốn lôi kéo quần-chúng theo mình đều phải lấy chủ-trương mưu-đồ hạnh-phúc cho dân làm đề-mục tuyên-truyền chánh-yếu của mình. Những danh-từ được đem ra dùng và những hình-thức hạnh-phúc được đem ra trình-bày tuy có tùy địa-phương và thời-đại mà khác nhau, nhưng căn-bản của vấn-đề bao giờ cũng có một. Khi lấy hai chữ hạnh-phúc làm đề-mục trong tiêu-ngữ chánh-trị của mình, những chánh-khách hiện-đại chỉ noi theo một nguyên-tắc cổ-truyền trong sự thâu-phục quần-chúng mà thôi.

Vấn-đề hạnh-phúc vốn có dính dáng chặt chẽ đến vấn-đề sinh-tồn. Do đó, muốn thấu-triệt được vấn-đề hoạt-động sinh-tồn, chúng ta cần phải xét qua vấn-đề hạnh-phúc.

I.- Sự phức tạp của vấn đề hạnh phúc

Vấn-đề hạnh-phúc thật là một vấn-đề hết sức phức-tạp. Mọi người đều giống nhau ở chỗ cùng hướng đến hạnh-phúc như nhau và với một sự ham muốn mạnh mẽ gần như nhau. Nhưng xét nguyện-vọng từng người một, ta có thể nhận thấy rằng quan-niệm hạnh-phúc của họ rất khác nhau. Quan-niệm này tùy tâm-tánh, tùy hoàn-cảnh, tùy trình-độ trí-thức, tùy nhơn-sanh-quan của mỗi người, mỗi dân- tộc, mà thay đổi vô-cùng vô-tận.

Nếu có những người mơ ước được sống trong một cuộc đời ngăn nắp yên-ổn, thì cũng có những kẻ chỉ thấy sung sướng khi được vẫy vùng ngang dọc giữa những sự nguy-hiểm khó khăn. Giữa những đêm hè nóng bức, một trận mưa to làm cho những người giàu có ưa thích, nhưng một bầu trời quang- đãng lại hợp-ý những kẻ không cửa không nhà. Một bức tranh đẹp làm cho một nghệ sĩ rung động cả tâm-hồn, hoặc một quyển sách hay làm cho văn-nhơn hưởng được những lúc thoát-trần lại không có ảnh-hưởng gì đến một bác nông-phu chất-phác, chỉ thấy sung sướng khi ngồi trước một mâm cơm thịnh-soạn.

Chung quanh ta, có bao nhiêu người chú-trọng đến đời sống vật-chất của mình : những người ấy ham muốn sự ăn ngon, mặc đẹp, ở nơi lầu cao cửa rộng, ngồi những chiếc xe bóng nhoáng, sang trọng ; nhưng cũng có những người mê say những thú vui trí-tuệ, suốt đời cặm cụi trong sự học hỏi, tìm tòi.

Ngoài ra, còn có những người luôn luôn theo đuổi một sự thỏa-mãn về đạo-đức hay tinh-thần : đó là những bậc chơn-tu khép mình trong bốn bức tường của tịnh-thất, hay những người hoạt-động xã-hội, đem hết tài-trí năng-lực của mình để hàn gắn vết thương của hạng người xấu số. Đối với người Hồi, được trông thấy thánh-địa La Mecque trước khi nhắm mắt là điều mơ ước tối-cao. Trong khi đó, người Việt cho rằng có một ngôi sanh-phần đắc-địa và một cỗ áo quan gỗ tốt trong nhà, là một trong những giấc mộng đẹp nhất của những người có tuổi.

Như thế, cái bóng hạnh-phúc mà mỗi người vô-tình hay hữu-ý phác-họa trong tâm-trí mình có rất nhiều hình-trạng. Không những cái bóng hạnh-phúc của người này khác với cái bóng hạnh-phúc của người kia, mà đối với mỗi người, cái bóng ấy cũng tùy lúc mà thay đổi.

Sau một thời-kỳ tìm thấy sự sung sướng trong đời sống giang-hồ phiêu-bạt, người ta có thể quay về tìm sự yên-tĩnh trong một đời sống bình-dị hơn. Ngoài ra, vì lẽ nhơn-dục vô-nhai, người ta rất ít khi thõa-mãn với những món mình có. Thâu-hoạch được những điều-kiện mà mình cho là cần-thiết và đầy đủ cho hạnh-phúc của mình, con người chỉ sung sướng một cách hoàn-toàn trong một thời-gian ngắn. Kế đó, họ thấy chán với những điều-kiện ấy và đòi hỏi, thèm muốn những điều-kiện khác nữa. Khi ở một túp nhà tranh xiêu vẹo, người ta ước mơ ở một căn phố gạch có đèn nước, và lúc mới dọn về ở một căn phố gạch như thế, người ta thích-chí lắm. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, người ta lại thấy căn phố gạch đó xoàng xĩnh và muốn được ở một tòa nhà lầu cao rộng hơn.

Vì hạnh-phúc luôn luôn thay đổi như thế nên người ta có cảm-tưởng rằng nó rất mong manh, hệt như cái bọt xà-phòng, ánh muôn màu sắc rực rỡ, nhưng động đến là tan vỡ ngay.

Con người thường đứng núi này trông núi nọ, và hay mong ước ở vào địa-vị một kẻ khác mà họ cho là có hạnh-phúc, trong khi chính kẻ khác đó rất muốn ở vào địa-vị của họ. Một nhà nghiệp-chủ có thể thèm muốn có cái được ưu-thế của một viên quan-lại không biết rằng lúc ông ta thèm muốn như thế, viên quan-lại kia đương thiết-tha mong mỏi sống một cuộc đời nhàn-hạ của ông ta.

Chúng ta lại còn có thể nhận thấy rằng những người chăm chăm vào việc đi tìm hạnh-phúc không mấy khi đạt được hạnh-phúc. Và lắm lúc, chính những điều mà người ta tưởng là có thể mang đến hạnh-phúc cho mình lại gây cho người ta bao nhiêu sự khốn khổ khi người ta đã thâu-hoạch được nó. Biết bao nhiêu kẻ si-tình lấy việc cưới được người họ yêu mến làm cái tuyệt-đích hạnh-phúc cho họ, về sau đã xem người bạn trăm năm của họ như là một gánh nặng mà họ muốn vứt đi.

Trái lại, cũng có lắm người không nghĩ nhiều đến hạnh-phúc của mình, nhưng xét đời sống họ, ta có thể cho rằng họ đã đạt được hạnh-phúc một phần nào. Đó là những người nhiều năng-lực hoạt-động, mê say công việc mình làm, lại có mục-đích vừa tầm tài-trí mình, nên không phải bị những sự thất-bại ê chề, những sự tuyệt-vọng đau đớn.

Vì vấn-đề hạnh-phúc quá ư phức-tạp và biến-hóa không cùng, người ta rất khó qui-định hạnh-phúc cho người khác. Hạnh-phúc không phải là một món hàng người có thể chế-tạo ra rồi muốn phát cho ai thì phát. Bởi vậy, trên đời có bao nhiêu kẻ làm khổ cho người khác chỉ vì muốn gây hạnh-phúc cho họ.

Nhiều người cha mẹ đã lầm tưởng làm cho con mình hạnh-phúc, trong khi thật-sự, họ đã dồn ép chúng vào những hoàn-cảnh làm cho chúng đau khổ vô-cùng. Nhiều nhà chánh-trị cũng đã cố-gắng tranh-đấu để xây dựng những chế-độ xã-hội lý-tưởng mà họ cho là có thể mang hạnh-phúc đến cho toàn dân. Họ đã phải chịu nhiều sự hy-sinh bao nhiêu mạng người khác để thực-hiện chương-trình của họ. Nhưng nếu trong đầu óc họ, chế-độ họ xây dựng lên làm cho con người họ tưởng-tượng được sung sướng, hạnh-phúc thì trong xã-hội thực-tế, nó làm cho những con người bằng xương bằng thịt khổ-sở vô-ngần.

Như vậy, vấn-đề hạnh-phúc không phải đơn-giản như các nhà chánh-khách từ trước đến giờ đã chủ-trương. Tuy thế, nếu đem đốI-chiếu nó với sự hoạt-động sinh-tồn, chúng ta có thể nhận-thức chơn- tướng của nó một cách rõ ràng.

2.- Vấn đề hạnh phúc đối chiếu với sự hoạt động của sinh tồn

Chúng ta đã thấy rằng sự hoạt-động của người bị rất nhiều bản-năng phức-tạp chi-phối. Tất cả các bản-năng này đều nhắm vào mục-đích mưu-đồ sự sinh-tồn cho người, sinh-tồn vật-chất hay sinh-tồn tinh-thần, sinh-tồn của cá-nhơn hay sinh-tồn của chủng-loại.

Khi một bản-năng của người không thỏa-mãn được, người thấy mình khổ-sở, và tất cả những sự mong ước của người đều hướng đến chỗ thỏa-mãn cho được bản-năng ấy. Đối-tượng có thể thỏa-mãn cái bản-năng đương dày vò con người là cái bóng hạnh-phúc mà người đeo đuổi. Lúc người đạt được đối-tượng trên đây, nghĩa là lúc người thỏa-mãn được bản-năng thúc đẩy mình, người thấy mình có hạnh-phúc.

Vì lẽ người có rất nhiều bản-năng cùng hướng về sự sinh-tồn, mà không bản-năng nào đủ sức chi-phối hết cả đời sống của người, cho nên hạnh-phúc của người có rất nhiều mặt và thay đổi không ngừng. Khi bản-năng này đã thỏa-mãn, bản-năng khác lại đòi hỏi người hoạt-động cho nó, và bóng hạnh-phúc của người là thỏa-mãn cái bản-năng khác ấy.

Sự sung sưóng mà người cảm thấy khi thỏa-mãn được một bản-năng sau một thời-kỳ thèm khát lâu dài, có thể rất mạnh mẽ, khiến cho người tạm quên một số bản-năng khác chưa thỏa-mãn. Nhưng sự quên lãng này không phải kéo dài ra mãi, và sau cùng rồi, hạnh-phúc của người cũng phải phai mờ đi, nhường chỗ cho sự ước mơ khác.

Người cũng có thể nhờ tư-tưởng, nhờ sự tự-kỷ ám-thị mà chế-ngự một bản-năng không được thỏa-mãn, và lấy sự thỏa-mãn những bản-năng khác làm hạnh-phúc cho mình. Nhưng phương-pháp này ít khi đưa đến một kết-quả hoàn-toàn. Những sự phản-kháng của bản-năng bị chế-ngự có thể làm cho người mất sự quân-bình tâm-lý của mình, và đưa đến những chứng bịnh thần-kinh lắm khi rất nặng.

Như vậy bản-chất của người làm cho cái bóng hạnh-phúc mà người đeo đuổi luôn luôn di-động.

Sau khi lang thang trong rừng để tìm  mồi hay cặm cụi trong một công việc làm để nuôi thân, người tìm sự sung sướng trong bữa ăn. Ăn uống no đủ rồi, người lại thích tán chuyện với người dị-tính mà người ưa mến. nhưng đến lúc mệt mỏi, không có gì làm cho người chuộng bằng một giấc ngủ ngon. Tỉnh giấc, người muốn tăng-cường oai-thế của mình bằng sự học hỏi, hoặc muốn thỏa-mãn bản-năng sang-chế của mình bằng việc xây dựng sắp đặt những món bày biện trong nhà hay việc tạo ra một

công-trình mỹ-thuật. Chán chê rồi, thích đi dạo, đi xem hát giảI-trí. Nếu không người lại đi hội-họp, lên diễn-đàn để biểu-dương tài hung-biện của mình cho công-chúng thấy.

Sự hoạt-động của người thật ra biền chuyển không cùng, ta không thể kể ra hết được. Nhưng đại- khái, ta có thể bảo rằng khi người nào không thực-hiện được ý muốn của mình – ý muốn này là một biểu-thị của bản-năng cần được thỏa-mãn, bằng sự thâu-hoạch những điều-kiện sinh-tồn mới, hay bằng sự thay đổi những điều-kiện sinh-tồn cũ – người thấy mình khổ-sở. Và những khi sự biểu-thị của bản-năng cần được thỏa-mãn không được rõ ràng, mạnh mẽ, thành ra người không hiểu mình phải muốn những gì, người cảm thấy buồn chán vẩn vơ.

Nói một cách khái-quát thì con người chỉ đạt được hạnh-phúc khi nào họ thỏa-mãn được những bản-năng của họ. Những bản-năng này đều qui vào mục-đích sinh-tồn. Bản-năng của người vốn có rất nhiều, mà sự đòi hỏi không thỏa-mãn của một cái một cũng đủ làm cho người khổ-sở. Bởi đó hạnh-phúc của người chỉ duy-trì được khi nào tất cả các bản-năng của người đều được thỏa-mãn một cách đồng đều nhau. Nói một cách khác, người chỉ có thể hạnh-phúc khi người sinh-tồn một cách đầy đủ. Sự đeo đuổi hạnh-phúc của người chung-qui chỉ là sự đeo đuổi theo những cái gì mà người thấy cần-thiết cho sự sinh-tồn của mình. Và cuộc đời mà họ cho là đầy hạnh-phúc thật ra chỉ là cái hình-thức sinh-tồn lý-tưởng của người mà thôi.

Như ta đã thấy, hình-thức sinh-tồn lý-tưởng của mỗi người không phải là ổn-định : nó chuyển-dịch luôn luôn, chuyển-dịch vì sự tiến-triển nội-tại của tâm-trí người cũng như vì sự biến-hóa của ngoại-giới.

Bên trong tâm-trí người, những bản-năng của người không ngớt thay thế nhau để đòi hỏi sự thỏa-mãn nơi người ; mà đối với từng bản-năng một, sự cần dùng cũng mỗi lúc một khác, bởi lẽ ý-định khuếch-trương sức sống của người làm cho sự cần dùng của bản-năng càng ngày càng nhiều và càng cao-nhã hơn.

Về phía ngoại-giới, những điều-kiện của thiên-nhiên cũng như hoàn-cảnh xã-hội không phải đứng một chỗ ; nó thay đổi mãi không ngừng.

Với tất cả các quan-năng mà Tạo-hóa phú cho mình, người hoạt-động để sinh-tồn, nghĩa là để thỏa-mãn những bản-năng của mình. Sự thỏa-mãn những bản-năng này bắt buộc người phải điều-chỉnh sự sống nội-tại của tâm-trí mình với ngoại-giới. Nếu thành-công được trong sự hoạt-động của mình, người tạo được một quân-bình giữa những bản-năng của mình với hoàn-cảnh. Chính sự quân-bình này là cái căn-bản của cái mà người gọi là hạnh-phúc.

Như vậy hạnh-phúc không có gì khác hơn là một trạng-thái tâm-lý xuất-hiện những khi người gây được sự quân-bình giữa bản-năng sinh-tồn của mình và hoàn-cảnh bên ngoài. Sự sanh tồn của các sanh-vật đồng-loại tự-nhiên có những điểm đại-cương giống nhau. Bởi đó, đối với một người bình-thường, sự quân-bình nói trên đây càng thích-hợp với những điều-kiện sinh-tồn chung của loài người thì hạnh-phúc của người càng hoàn-toàn. Vì thế, ta có thể cho rằng xu-hướng tìm hạnh-phúc là xu-hướng gây sự quân-bình giữa bản-năng sinh-tồn của người và hoàn-cảnh. Nó cũng là một bản-năng cần-thiết cho sự sinh-tồn của chủng-loại và do sự tranh-đấu sinh-tồn của chủng-loại mà có.

Định-nghĩa hạnh-phúc trên đây đúng cho tất cả mọi người. Sự bất đồng về quan-niệm hạnh-phúc giữa loài người sở-dĩ có là vì sự phản-ứng của bản-năng sinh-tồn đối với hoàn-cảnh khác nhau từng người và từng dân-tộc.

Trước hết, chúng ta có thể nhận thấy rằng những bản-năng của người này và người nọ không phải nảy nở một cách y hệt như nhau. Đối với một số người, những bản-năng bảo-đảm sự sinh-tồn cá-nhơn về phương-diện vật-chất được mở mang hơn những bản-năng khác, và người chăm chú đến sự ăn ngon, mặc đẹp, ở lầu cao cửa rộng nhiều hơn cả. Đối với một số người khác, những bản-năng bảo-đảm sự sinh-tồn cá-nhơn về phương-diện tinh-thần lại mở mang hơn, và người thích sự tranh-đấu cho tư-tưởng, cho địa-vị nhiều hơn. Cũng có những người mà bản-năng xã-hội phát-triển hơn hết, khiến cho người để phần lớn sự hoạt-động của mình vào công việc giúp đỡ những người khác. Đó là chúng ta chỉ mới phác sơ qua những đại-cương, chớ những bản-năng thật nhiều vô-cùng mà sự phát-triển của nó cũng hết sức phức-tạp.

Ta thấy rằng không một bản-năng nào đủ sức chi-phối được hết cả đời sống của con người, và cái bản-năng được mở mang nhứt không làm cho người quên hẳn được những bản-năng khác. Sự chế-ngự một bản-năng thường chỉ đưa người đến những chứng bịnh thần-kinh. Bởi đó, đối với một người mạnh khỏe, bình-thường, những bản-năng ít mở mang vẫn còn tồn-tại. Những bản-năng này trộn lộn với những bản-năng mở mang nhứt, và tất cả đều ảnh-hưởng qua lại với nhau. Chính sự trộn lộn và sự ảnh-hưởng qua lại giữa các bản-năng có những mực phát-triển khác nhau đã tạo nên cá-tánh mỗi người. Và chính sự cạnh-tranh hay sự liên-hiệp giữa các bản-năng này giành lấy phiên được thỏa-mãn, đã qui-định sự phản-ứng của người đối với hoàn-cảnh. Mực phát-triển của các bản-năng đã không giống nhau giữa người này với người nọ, mà trong mỗi lúc, cơ-vận thủ-thắng của mỗi bản-năng trong sự tranh giành được thỏa-mãn cũng không giống nhau, tất-nhiên sự phản-ứng của người đối với hoàn-cảnh phải khác nhau, và bóng hạnh-phúc mà họ đeo đuổi cũng phải khác nhau.

Suốt đời sống của người, sự biến-chuyển trong mực phát-triển của những bản-năng kể trên này có thể làm thay đổi cá-tánh của người cũng như cơ-vận thủ-thắng của mỗi bản-năng. Do đó, quan-niệm hạnh-phúc của người có thể thay đổi cùng với tuổi tác họ.

Những dân-tộc từ trước đến giờ vẫn sống trong những hoàn-cảnh địa-dư, kinh-tế, khí hậu khác nhau. Và trong lịch-sử, họ đã trải qua những tình-thế rất khác nhau. Sự tranh-đấu sinh-tồn của các dân-tộc vì đó mà có những tánh-cách khác nhau, và bản-năng sinh-tồn của họ do cuộc tranh-đấu sinh-tồn này vun bồi và chi-phối tự ngàn xưa đến giờ cũng có những đặc-điểm khác nhau. Bởi thế, những điều-kiện thuận-lợi cho sự sinh-tồn của các dân-tộc hết sức khác nhau, và sự phản-ứng của các dân-tộc để đối-phó với hoàn-cảnh cũng khác nhau. Những điều này làm cho quan-niệm hạnh-phúc của các dân-tộc không thể giống nhau được.

3.- Sự giải quyết vấn đề hạnh phúc

Sự nghiên-cứu vấn-đề hạnh-phúc đối chiếu với vấn-đề hoạt-động sinh-tồn đã cho chúng ta thấy rằng người chỉ hạnh-phúc khi nào người thực-hiện được sự quân-bình giữa bản-năng sinh-tồn của mình với hoàn-cảnh bên ngoài. Sự quân-bình này không thể ổn-định được vì nó luôn luôn bị sức tiến-triển của nội-tại và ngoại-giới, sức tiến-triển của tâm-trí người và của vật-chất bao bọc lấy người xô đẩy phá-hoại không ngừng. Và trong khi sự thỏa-mãn một bản-năng của người làm cho người sung sướng thì những bản-năng khác đưa ra những sự đòi hỏi khác, có khi mâu-thuẫn nhau, nhưng đều có xu-hướng làm mất thế quân-bình đạt được.

Tất cả vấn-đề tạo hạnh-phúc cho người chung-qui chỉ gom về việc giữ cho những sự đòi hỏi kế tiếp nhau của các bản-năng không làm ngã đổ sự quân-bình ấy, để cho tâm-trí người dao-động một cách nhẹ nhàng chung quanh cái trọng-tâm của sự « quân-bình hạnh-phúc », chớ không bị lung lay một cách đột- ngột và mãnh-liệt.

Vậy, việc gây hạnh-phúc cho người chỉ là việc thỏa-mãn các bản-năng của người. Mà sự thỏa-mãn những bản-năng này không phải chỉ có một phương-diện. Ngoài những bản-năng đòi hỏi một thỏa-mãn những vật-chất như ăn, uống, mặc v.v… người lại còn những bản-năng đòi hỏi một sự thỏa-mãn tinh-thần.

Những đòi hỏi vật-chất của bản-năng người thật ra rất khó qui-định, vì sự ham muốn của người có thể mở ra đến vô-cùng. Tuy nhiên, ta vẫn có thể biết được số nhu-cầu tối-thiểu của người, vì mỗi người chỉ cần một số lượng nhứt-định y-phục và lương-thực để được ấm cật no lòng, để được sung sướng về vật-chất. Về những đòi hỏi tinh-thần của người, ta không thể nào qui-định được, vì sự cần dùng tinh-thần của người biến-hóa vô-cùng về lượng cũng như về phẩm. Ta không thể làm cho người hạnh-phúc khi bắt họ đi hội-họp và thảo-luận chánh-trị với những người khác, nếu họ chỉ thích đi lang thang một mình ở những nơi hẻo lánh để ngắm phong-cảnh. Ta không thể làm cho người được sung sướng khi họ xem hát hoặc họ nghe nhạc nếu trong lúc đó họ muốn vào chùa để cầu-nguyện cho linh-hồn họ được thảnh thơi.

Thiếu những món cần-thiết cho đời sống vật-chất của mình, hoặc bị bó buộc thái-quá, người nhứt-định phải khổ-sở. Khi có sự tự-do rộng-rãi về phương-diện tinh-thần, người mới có đủ điều-kiện để được hạnh-phúc. Hạnh-phúc này thật ra hãy còn tùy thái-độ người đối với hoàn-cảnh : một người bao giờ cũng muốn có những món mà sức mình không thể nào tìm được tất-nhiên không thể được thỏa-mãn và không thể được hạnh-phúc. Trái lại, những người « tri-túc » có thể thỏa-mãn với một số vật- dụng tầm-thường. Nhưng dầu sao, người ta không thể tự-mãn tự-túc với một cái bụng trống và hai bàn trắng.

Như thế, chế-độ xã-hội lý-tưởng là chế-độ tạo ra những điều-kiện cho người có thể hạnh-phúc được. Nó phải bảo-đảm sự sinh-tồn vật-chất tối-thiểu cho tất cả mọi người. Về phương-diện tinh-thần, nó chỉ có thể bảo-vệ những tập tục cổ truyền tốt đẹp của dân-tộc, tạo ra cho mọi người một bầu không khí tâm-lý thích-hợp với nguyện-vọng chung của nòi giống từ ngàn xưa để duy-trì sự thống-nhứt giữa mọi người. Ngoài ra, nó phải để cho mọi người được tự-do tìm kiếm những thỏa-mãn những nhu-cầu mình theo sở-thích, miễn là sự hoạt-động của người không phạm đến sự sinh-tồn chung. Xã-hội có thể giúp vào sự thỏa-mãn tinh-thần này một phần nào bằng cách nâng cao trình-độ sanh hoạt chung lên, bằng cách tổ-chức sự sản-xuất trong nước như thế nào cho các vật-liệu được dồi dào, để cho người dễ tìm những phương-tiện vật-chất cần-thiết cho sự thỏa-mãn những đòi hỏi tinh-thần của bản-năng mình.

Nói một cách khác, chế-độ xã-hội lý-tưởng là chế-độ giúp cho người có đủ điều-kiện cần-thiết để sinh-tồn về phương-diện vật-chất, và cho người được tự tổ-chức lấy sự sinh-tồn tinh-thần của mình theo hệ-thống tôn-giáo hay triết-lý nào tùy thích, miễn là điều đó không hại đến sự sinh-tồn chung của xã-hội. Nó chắc chắn có thể xây dựng được và rất thích-hợp với hạnh-phúc của người. Nó không như chế-độ cộng-sản, chủ-trương khép mọi người vào một đời sống tiêu-chuẩn mà Karl Marx và môn-đồ cho là một đời sống đầy hạnh-phúc, nhưng kỳ thật, chỉ là một đời sống nô-lệ, một đời sống thú-vật, một đời sống máy móc, trong đó xu-hướng tìm hạnh-phúc của người bị chế-ngự một cách bạo-tàn, thành ra không bao giờ thỏa-mãn được.

Nghiên-cứu kỹ càng về vấn-đề hạnh-phúc của người, ta thấy rằng nó tùy-thuộc sự sinh-tồn một cách chặt chẽ. Nói cho thật đúng, hạnh-phúc chỉ là một trạng-thái sinh-tồn. Và chung-qui cũng chỉ có sự sinh-tồn là mục-đích chánh-yếu duy-nhứt của người. Nó là cái định-luật thiên-nhiên làm trung-tâm điểm cho mọi sự hoạt-động của nhơn-loại ở mọi địa-phương và mọi thời-đại.

 

Vui cười

Hôm nọ, mình đi nhậu với bạn ,  uống không nhiều, trên đường về mình nghĩ được một ý tưởng…

Về đến nhà mình giả vờ say, vợ chưa bao giờ thấy mình say tệ như thế, chạy ra đỡ mình. Mình tát cho cô ấy một cái (nhẹ thôi, nhưng cũng đủ đỏ má) và đẩy ra, quát: “Cô là đứa nào, ngòai vợ tôi ra, chưa có đứa con gái nào đụng được vào người tôi nghe chưa”.

Và mình lỉnh luôn vào buồng lăn ra ngủ, Trong buổi điểm tâm. thấy vợ ngoan ngoãn dọn cơm, lấy ghế ngồi ngắm mình ăn mà mặt lại rạng rỡ lạ, lại còn tủm tỉm cười…

mình thì trả thù được mà vợ mình lại sướng !!

 

Bà mẹ chồng nói với cô con dâu:

– Con ạ! Chẳng gì chồng con cũng có 3 bằng kỹ sư, 1 bằng sáng chế. Vậy mà con lại bắt “nhà trí thức” đi chợ và thổi cơm là sao?

– Thưa mẹ, vậy là mẹ chưa hiểu gì về con. Hiện nay con đang là cán bộ của Cục Quản lý và Sở hữu trí tuệ!

 

Ông bố của một người thợ đục đá ốm nặng. Trước khi qua đời, ông dặn người con khắc một tấm bia cắm trên mộ. Người con sau đó mang hết tâm huyết khắc một tấm bia thật đẹp với dòng chữ: “Mộ cụ Phạm X. cha của thợ đá Phạm Y. Chuyên khắc bia mộ, đục cối đá, cối xay bột. Bảo đảm. Giá rẻ”.

 

Khi một nhà ngoại giao nói “có”, điều này có nghĩa là “có thể”. Khi anh ta nói “có thể”, điều này có nghĩa là “không”. Còn khi anh ta nói “không” thì không còn là nhà ngoại giao nữa. (Voltaire)

 

Khi một người phụ nữ từ chối tình yêu của bạn và thay vào đó, cô ta đề nghị giữ vững tình bạn, bạn chớ nghĩ đó là lời từ biệt – điều đó có nghĩa là cô ta muốn bạn hành động theo thứ tự đã định sẵn. (Moliere)

Ông Thiệu và cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 11- 1968 –  Trọng Đạt

Gần đây, cuối tháng 8-2016 chương trình Nhịp Sống Quanh Ta  trên đài truyền hình Vietv Houston Texas trình chiếu cuộc nói chuyện giữa ông Hoàng Bách và Luật sư Steven Điều có liên quan tới tình hình bầu cử Mỹ năm 1968.

Luật sư Điều có kể lại chuyện ứng cử viên Nixon vào tháng 10-1968 cử sứ giả tới Sài Gòn khuyến khích TT Thiệu đừng tham gia cuộc hòa đàm Paris giữa chính phủ Johnson và Cộng Sản Việt Nam. Ông Thiệu đã hưởng ứng không cử người đi Paris trước ngày bầu cử 5-11-1968 khiến Nixon (Cộng Hòa) thắng phó Tổng thống Humphrey (Dân Chủ) với hơn 500 ngàn phiếu (phổ thông)

Chuyện này đã được Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng kể lại trong Chương Một của cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy xuất bản năm 2005 và  năm sau 2006 ông Trần Đông Phong cũng bàn kỹ về đề tài này từ trang 41 tới trang 69 trong cuốn Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng.

Trước hết tôi xin đề cập những điểm chính của sự kiện lịch sử này sau đó đóng góp thêm một số ý kiến riêng.

 Sơ lược vấn đề.

Tại Chương một: Làm Sao Thoát Khỏi Vũng Lầy trong cuốn sách kể trên của GS Nguyến Tiến Hưng cho biết.

Sau trận Tết Mậu Thân cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 1968 phong trào chống đối chiến tranh Việt Nam lên rất cao tại Mỹ trong khi Tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Mỹ tại VN lại xin thêm 200 ngàn lính tăng cường. Cuối tháng 3-1968, TT Johnson tuyên bố không ra tái tranh cử nhiệm kỳ hai, nhường lại cho Phó TT Humphrey và cho ngưng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20 để kêu gọi đình chiến, sau đó sẽ rút quân.

Mấy ngày sau khi TT kêu gọi đàm phán, Hà Nội nhận lời, tháng 5 Mỹ và CSVN gặp gỡ lần đầu tiên tại cuộc hòa đàm, VNCH khi ấy chưa chịu tham gia vì muốn nói chuyện trực tiếp với Hà Nội chứ không công nhận Mặt trận giải phóng. Gần ngày bầu cử đại sứ Mỹ Bunker hối thúc ông Thiệu tham gia đàm phán.

Trong khi ấy, đối thủ của Humphrey là ứng cử viên Richard Nixon (Cộng Hòa) lại ve vãn ông Thiệu qua trung gian bà Anna Chennault, quả phụ Thiếu tướng không quân Mỹ. Bà Chennault (người Hoa, họ hàng với Tống Mỹ Linh) sang Sài Gòn thường xuyên năm 1968, khuyên ông Thiệu đừng tham dự hòa đàm làm lợi cho Dân Chủ, chờ Nixon thắng cử, ông sẽ có chính sách ủng hộ VNCH tích cực hơn. Ông NT Hưng cho biết năm 1985, tại Luân Đôn ông Thiệu kể lại rằng hồi ấy nếu Humphrey (DC) đắc cử thì nửa năm sau sẽ có liên Hiệp với CS tại miền nam VN, sau đó Mỹ sẽ rút, nên ông Thiệu đi với Nixon (CH) còn hy vọng hơn. Ông Thiệu tìm cớ này cớ khác để trì hoãn không tham dự hòa đàm. Johnson cho FBI, CIA nghe lén điện thoại của Chennault với VNCH nhưng không cho công bố để tố giác Nixon vì sợ bị kết tội nghe lén.

Tối 31-10-1968, Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc BV để giúp cho Humphrey thêm phiếu, ông Hưng cho biết trong ngày bầu cử 5-11-1968 Nixon thắng cử chỉ có 43.4% so với 42.7% của Humphrey, hơn nhau chỉ nửa triệu phiếu (phổ thông). Ông NT Hưng trích hồi ký của Johnson xác nhận ngày 1-11, ông Thiệu nói sẽ tham dự hòa đàm, sau đó lại không tham dự nên đã khiến Humphrey thất cử.

Ngoài ra ông Trần Đông Phong trong cuốn Việt Nam Cộng Hòa 10 Ngày Cuối Cùng cũng đã đề cập và bàn luận về đề tài này rất kỹ. Tác giả nhắc lại lời ông NT Hưng trong Palace File nói ông Thiệu tin là ông từ chối dự hòa đàm, ông ta không nói công khai nhưng việc từ chối đã khiến Nixon đắc cử trước Humphrey (trang 42). Ngày 31-3-1968 Johnson tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ hai để tìm hòa bình, đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Mấy ngày sau Hà Nội chấp thuận, ngày 13-5-1968, hai bên họp lần đầu tại Paris. Tháng 10-1968, Mỹ và Hà Nội đồng ý mời VNCH và Mặt trận giải phóng vào Hòa đàm. Ông Thiệu chống đối mãnh liệt, chính phủ Mỹ ép ông vào đàm phán trước bầu cử Tổng thống ngày 5-11 để có lợi cho Humphrey (Dân Chủ).

Đại sứ Bunker tại Sài Gòn phúc trình TT Johnson không thuyết phục được Thiệu. Ngày 31-10-1968 Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc  BV. Ông Thiệu phản đối Mỹ vì để Mặt trận giải phóng miền nam (Việt Cộng) được tham dự Hội nghị. Ngày 5-11 Bunker kêu gọi (trên đài quân đội Mỹ) VNCH ngưng tẩy chay hòa đàm, Thiệu trả lời không tham dự vì Việt Cộng được tham dự như một phái đoàn, kết quả bầu cử, 73 triệu cử tri đã đi bầu, Nixon thắng Humphrey 500 ngàn phiếu (tức 0.7%)

Ông Phong nói bà Chennault là người đã gây ảnh hưởng kết quả cuộc bầu cử (có lợi cho Nixon), William Safire, một phụ tá của Nixon cho rằng nếu ông Thiệu không tẩy chay Hòa đàm thì Nixon có thể không trở thành Tổng thống Mỹ.  Tác giả TĐ Phong dẫn lời ông NT Hưng trong Palace File (Hồ sơ mật dinh Độc lập) nói ông Thiệu tin là nhờ ông mà Nixon đắc cử, nó đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của Nixon (trang 51, sách đã dẫn). Bà Chennault sang Sài Gòn thường xuyên, luôn nhắn ông Thiệu cứ trì hoãn hòa đàm, nếu Nixon thắng sẽ có lợi hơn Dân Chủ.

Johnson đã cho FBI, CIA nghe lén (trang 52, 53) điện thoại của bà Chennault và biết rõ Nixon đang khuyến khích Thiệu tẩy chay hòa đàm. Ông được báo cáo đầy đủ, có thông báo cho Humphrey biết nhưng không cho công bố trước dư luận vì nó sẽ lòi ra cái tội nghe lén. Ông Phong dựa theo cuốn Palace File của Nguyễn Tiến Hưng nhận định: ông Thiệu tin là nếu Humphrey đắc cử thì Hoa Kỳ sẽ có chính sách mềm dẻo hơn đối với VC, Mặt trận giải phóng.

Ông Thiệu nói nguyên văn.

“Nếu Phó TT Humphrey đắc cử thì sẽ có một chính phủ liên hiệp trong vòng sáu tháng, với ông Nixon thì ít ra chúng ta còn có cơ may”

(trang 58 sách đã dẫn, phỏng vấn Nguyễn Văn Thiệu)

Theo ông Phong, Nguyễn Cao Kỳ trong hồi ký Buddha’s Child (Con Phật) viết năm 2002 có nói Mỹ ép VNCH tham dự hòa đàm Paris và họ chấp nhận Việt Cộng ngang hàng VNCH. Bà Chennault đã nói với hai ông Thiệu, Kỳ giúp Nixon bằng cách khoan đi Paris và ông Kỳ quyết định khoan tham dự.

Ông Phong cũng cho biết ông Hoàng Đức Nhã (bí thư TT Thiệu hồi 1968) là kể lại trong một bài báo trên tờ Ngày Nay Houston Texas và báo Người Việt dăng lại ngày 4-1-2003. Ông Phong cho đăng một phần bài của ông Nhã trong đó ông này phủ nhận việc bà Chennault được cử sang Sài Gòn thuyết phục hai ông Thiệu, Kỳ như lời ông Nguyễn Cao Kỳ nói. Trong khi tòa Bạch Ốc chỉ thị Bunker đốc thúc Thiệu dự hòa đàm. Phía Nixon dùng đường dây Bùi Diễm và Nguyễn Văn Kiểu (Đại sứ tại Đài Loan). TT Thiệu khó xử, tham dự Paris nhưng không biết lập trường Mỹ ra sao, không đến Paris nhưng sau này dễ làm việc với Nixon hơn.

Ông HĐ Nhã nói nguyên văn

“Sau cùng Tổng thống đã quyết định không gửi phái đoàn VNCH qua Ba Lê, không phải là để giúp cho ứng cử viên Nixon như …bà Anna Chennault sau này đã từng tuyên bố, hoặc là được các sứ giả của VNCH thuyết phục. Lý do quan trọng nhất sau lưng sự quyêt định đó là việc phía Hoa Kỳ không hề đồng ý với phía VNCH về lập trường chung phải như thế nào và những điều kiện phía Cộng Sản sẽ phải chấp thuận trước khi bắt đầu các cuộc thương thuyết. Hoa Kỳ đều bác bỏ rất nhiều đề nghị của phía VNCH, từ những điểm then chốt của lập trường phía đồng minh cho đến những chi tiết như là hình thù của bàn hội nghị, cách danh xưng…”

(trang 60, 61)

 Nhận xét

Có nhiều chỗ GS NT Hưng gây khó hiểu, ông nói cuối tháng 3-1968 Johnson cho lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt, và rồi lại nói  Johnson cho lệnh ngưng oanh tạc BV cuối tháng 10-1968. Thực ra cuối tháng 3 Johnson cho ngưng oanh tạc phần lớn lãnh thổ BV và cuối tháng 10 ngưng oanh tạc BV toàn bộ (100%). Ông nói ngày 5 tháng 11 cho khai mạc Hội Nghị Ba Lê mở rộng khiến người ta tưởng đó là ngày khai mạc Hòa đàm mà thực ra Hòa đàm khai mạc từ ngày 10-5-1968 (có tài liệu nói ngày 13)

Tôi xin lược thuật dựa theo báo chí và đài phát thanh Sài Gòn hồi ấy. Ngày 31-3-1968 (2 tháng sau Tết Mậu Thân 1-2-1968) TT Johnson tuyên bố không ra tranh cử, ngưng oanh tạc phần lớn BV và kêu gọi Hà Nội chấp nhận đàm phán nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh. CSBV phần vì thảm bại sau trận Tổng công kích, phần sợ Johnson làm mạnh nên nhận lời 3 ngày sau đó. Ngày 10-5 Xuân Thủy, đại diện CSVN và Harriman, đại diện Hoa Kỳ gặp nhau lần đầu tại Paris. Đây là cuộc Hội nghị được chú ý nhất và nhiều phóng viên nhất thế giới từ trước tới nay, có hơn 3,000 ký giả quốc tế tới tham dự lấy tin.

Phía CS cứng rắn, láo xược đòi giải tán VNCH, lật đổ Thiệu, lập chính phủ Liên Hiệp, chỉ đàm phán với Mỹ. BV coi Hội nghị là nơi để tuyên truyền, nằng nặc đòi Mỹ phải ngưng oanh tạc toàn diện mới nói chuyện được. Ngày 31-10 Johnson nhượng bộ cho ngưng oanh tạc BV 100%.

Như trên GS Hưng và LS Steven Điều nói vì ông Thiệu không tham gia Hội nghị Paris nên Nixon đã thắng Humphrey chỉ có nửa triệu phiếu (phổ thông) tức 0.7%. Nhận định này không đúng vì tại Mỹ họ bầu Tổng thống theo cử tri đoàn, (mỗi tiểu bang có số phiếu tùy theo dân số ít hay nhiều) ai đủ 270 phiếu cử tri đoàn là thắng, phiếu phổ thông không được tính tới. Năm 2000, Al Gore hơn Bush con 543,895 phiếu phổ thông nhưng thất cử, Bush được 271phiếu cử tri đoàn đắc cử trong khi Gore được 266 phiếu.

Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968 Nixon được 301 phiếu cử tri đoàn trên 32 tiểu bang, Humphrey được 191 phiếu trên 13 tiểu bang và DC, Wallace (ucv độc lập) được 46 phiếu, trên 5 tiểu bang.  Nixon thắng cử với tỷ lệ 56%

Chuyện ông Thiệu tẩy chay hòa đàm đã giúp Nixon đắc cử chỉ thấy xuất hiện qua lời nhận xét của vài chính khách trong cuộc như TT Johnson, Thiệu, Safire phụ tá Nixon… nhưng trên thực tế không có bằng chứng cụ thể và tài liệu nào cho thấy ông Thiệu đã ảnh hưởng tới cán cân bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968. Lại nữa không thấy các nhà học giả Mỹ nghiên cứu về chiến tranh VN cũng như các chính khách Mỹ bàn luận, đề cập tới sự kiện lịch sử này.

Tôi xin đề cập lý do tại sao Humphrey lại thất cử năm 1968. Người dân Mỹ quá chán cuộc chiến sa lầy của Johnson nên họ đã bầu cho Cộng Hòa với hy vọng sẽ lấy lại được hòa bình. Dân Chủ đã làm hai nhiệm kỳ (8 năm) từ 1960 cho tới 1968, đã thất bại trong chính sách ngăn  chận CS khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Tôi đã viết riêng một số bài về giai đoạn này(1) ở đây chỉ vắn tắt về những khuyết điểm của Johnson.

Năm 1960 Kennedy đắc cử Tổng thống, cuộc chiến tại VN đã bắt đầu trước đó một vài năm. Từ 1960 cho tới cuối 1963 (Kennedy bị ám sát, Johnson lên thay) CSVN chỉ đánh du kích, mức độ cấp tiểu đoàn vì hồi đó Thủ tướng Nga Krushchev chủ trương sống chung hòa bình, chỉ giúp quân viện giới hạn. Sang năm 1964, Krushchev bị Brezhnev lật đổ, Nga đổi chính sách, giúp VC ồ ạt. Lại nữa tại miền Bắc, Lê Duẩn một lãnh đạo hiếu chiến đã thâu tóm nhiều quyền lực trong tay, trong Nam ông Diệm bị đảo chính.. khiến cuộc chiến ngày càng mở rộng.

Ngày 7-8-1964 Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết vịnh Bắc Việt với tỷ lệ ủng hộ 99.6%(2) trao quyền hạn rộng lớn cho Tổng thống trong cuộc chiến chống CS tại Đông nam Á.

CSBV bắt đầu cho xâm nhập nhiều trung đoàn chính qui để đánh lớn, VNCH có nguy cơ sụp đổ. TT Johnson cho oanh tạc BV và năm 1965, đưa quân ồ ạt vào miền nam tới cuối năm lên gần 200 ngàn, cho tới 1968 lên tới 530 ngàn người. Johnson đã đưa Hoa Kỳ đi vào con đường can thiệp ồ ạt về quân sự tại VNCH. Cuối cùng nó đã hủy hoại nhiệm kỳ của ông và phân hóa nước Mỹ chưa từng có từ thời Nội chiến.(3)

Người dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến chống CS bành trướng tại ĐNA từ 1964, 65 nhưng rồi ngày một giảm, số người chống ngày càng tăng: Từ cuối 1965 tới cuối 1966 tỷ lệ số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%(4). Phong trào phản chiến lan mạnh khắp nơi, người dân biểu tình chống chính phủ Johnson đầy đường đầy chợ

Sở dĩ họ ngày một chán vì Johnson lãnh đạo cuộc chiến tồi tệ, ông và McNamara chủ trương đánh cho nó sợ để phải vào bàn hội nghị nhưng thất bại, năm 1966, 67 Johnson kêu gọi hòa đàm bị BV từ chối.

Số lính Mỹ tử trận ngày một gia tăng: năm 1965 gần 2,000 người, năm sau 1966 lên 6,350 người, năm 1967 lên 11,363 năm 1968 lên gần 17,000 tổng cộng hơn 35,000. Đó là động cơ chính cho sự phẫn nộ, chống đối của người dân(5).

Mới đầu người Mỹ ủng hộ cuộc chiến bảo vệ ĐNA, nhưng họ chỉ muốn đưa quân vào với cái giá vừa phải, và rồi số quân tăng lên quá cao tới hơn nửa triệu. Đã thế chính phủ lại thất bại không đưa được BV vào bàn đàm phán, chưa biết bao giờ có hòa bình. Sau trận Têt Mậu thân phản chiến vọt lên cao không gì cứu vãn nổi, sở dĩ Johnson không ra tranh cử vì biết chắc không được người dân ủng hộ, ai bỏ phiếu cho ông ta?

Johnson sai lầm giao cho McNamara, một người dân sự không biết gì về quân sự lại giữ quá nhiều quyền, trong khi phong trào phản chiến ngày càng tiến nhanh lại áp dụng chiến tranh hạn chế chậm như rùa(6)

Người Mỹ chán ngấy đến tận cổ cuộc chiến sa lầy của Johnson chẳng lẽ họ lại bầu cho Dân Chủ ở lại Tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba? TT Johnson đổ thừa cho ông Thiệu là hoàn toàn vô căn cứ. Dù ông Thiệu tham gia đàm phán trước hay sau ngày bầu cử Tổng thống 5-11 cũng không ảnh hưởng gì tới kết quả của nó, người ta chọn một chính phủ khác (Cộng Hòa) để có thể rút ra khỏi cuộc chiến.

Nguyên do Humphrey thất cử vì người dân không tin tưởng vào đường lối của Dân chủ tìm hòa bình. Như trên ông Thiệu có nói nếu Humphrey đắc cử thì sáu tháng sau miền nam VN sẽ bị liên hiệp với CS, tôi tin là ông nói đúng. Cử tri Mỹ năm 1968 và 1972 không bầu cho Dân Chủ mà bầu cho Nixon (Cộng Hòa) vì không đồng ý với đường lối đầu hàng CS của Dân Chủ, người ta muốn hòa bình danh dự nghĩa là không làm sụp đổ đồng minh ít ra là sau khi ký Hiệp định. Cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm 1972, Nixon đại thắng với tỷ lệ 96% phiếu cử tri đoàn (520/17), hơn McGovern 18 triệu phiếu phổ thông vì ông đã đem 95% quân về nước , hòa bình trong tầm tay và nhất là không làm sụp đổ VNCH lúc ấy.

Ông Hoàng Đức Nhã, bí thư Tổng thống xác định ông Thiệu không cử phái đoàn tham dự Hòa đàm Paris không phải vì để giúp Nixon mà là chống lại sự bắt ép của chính phủ Johnson, họ chỉ muốn được việc cho họ. Năm 1968 báo chí, đài phát thanh Sài Gòn đều đã loan tin, từ tháng 5-1968 sau khi hai mạc hòa đàm, CSVN đòi giải tán chính phủ VNCH, lật đổ Thiệu, lập chính phủ Liên Hiệp, Mỹ rút quân không điều kiện, ngoài ra không có gì để đàm phán…VNCH bị xúc phạm nên ông Thiệu đã phản ứng như vậy.

TT Thiệu không tham dự hòa đàm trước hết vì thể diện quốc gia và có thể vì sự khuyến khích của phía Nixon nhưng ảnh hưởng của nó đối với cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11-1968 nếu có cũng chỉ là khiêm tốn, làm lệch cán cân tranh cử Hoa Kỳ không phải là chuyện dễ.

Nhà sử gia Dallak cho là “nỗ lực của Nixon có lẽ cũng không ảnh hưởng gì vì Thiệu không muốn tham dự Hội nghị, vả lại (người dân thấy) rất ít hy vọng có Hiệp định trước cuộc bầu cử”(7)

Năm 1968, người Mỹ chán ngấy cuộc chiến tranh VN của Dân Chủ nên đã bầu cho Cộng Hòa với hy vọng có sự đổi thay. Đúng 40 năm sau, vào năm 2008 họ lại quá chán cuộc chiến Iraq sa lầy của Cộng Hòa (Bush con) và  bầu cho Dân Chủ (Obama) để rút quân về nước.

Lịch sử luôn tái diễn như điệp khúc của một bản nhạc, năm 1968 Dân Chủ không thể có hy vọng ở lại tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba và cũng khó có thể tin được là họ thất cử vì tại ông Thiệu tẩy chay cuộc hòa đàm tại Ba Lê.

 Cước chú

(1) Johnson Quyết Định Leo Thang Chiến Tranh,

Những sai lầm của Lyndon Johnson trong chiến tranh Việt Nam.

(2) No more Vietnams trang 75

(3) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 169

(4) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war

(5) National archives Statistical Information about Fatal Casualties of the Vietnam War.

(6) Larry Berman: Lyndon Johnson’War, The Road to Stalemate in Vietnam  trang 114 The Big Sell: The Tortoise of Progress vs. the Hare of Dissent

(7) Dallek wrote that: Nixon’s efforts “probably made no difference,” because Thieu was unwilling to attend the talks and there was little chance of an agreement being reached before the election. – (US presidential election 1968-Wikipedia)

 

 

Chiến Quốc Tân Thời, Những Quốc Gia Du Côn Của Thế kỷ 21: Trung Cộng Ngoài Vòng Pháp Luật –  Phan Văn Song

Thế kỷ 21, thế kỷ với những nhiểu nhương mới, với những vân hội mới, và cũng từ cái thế giới mới ấy, từ nay, bổng nổi lên ba quốc gia du côn mới : Tàu, Nga, Thổ… Thế giới tử tế thế giới phát triển, thế giới người đàng hoàng, sung túc ngày nay quá già nua, khoa học nâng tuổi thọ, sống lâu, nên đầy người bệnh tật. Nay, đang bị tràn ngập bởi người tỵ nạn đói khổ, do những biến loạn, tạo bởi những lực lượng khủng bố tự lập tự tôn…Như xưa kia, vào những năm 400, đế quốc và thế giới văn minh La mã đã bị rợ Vandales tràn ngập và xóa sổ vậy !

Dần dần một trật tự mới sẽ được thành lập. Một địa dư mới , một địa lý mới. Bản đồ quốc tế mới sẽ được vẽ ra, vẽ lại, với những biên giới mới, khác hẳn. Những đế quốc mới, những lãnh đạo mới, những quốc gia mới, những dân tộc mới… Thế kỷ mới, địa dư mới, lịch sử mới. Đó sẽ ngày mai.

Quốc gia du côn 1 : Tàu, Trung Hoa, Trung Cộng :

Trung Công, nay tuy là đệ nhứt cường quốc kinh tế thế giới, nhưng chỉ biết xài luật đặc biệt riêng biệt của nó, chẳng đếm xỉa gì đến luật thương mại quốc tế hay công pháp quốc tế cả !

Xi JinPing-Tập Cận Bình đang hoàn thành cải tổ cái xã hội hưởng được bởi công trình của Deng XiaoPing-Đặng Tiểu Bình, qua những biện pháp :

Kinh tế, xuất cảng nay khó khăn, đang chuyển hướng phát triển về phía thị trường nội địa.

Chánh trị, thâu tóm quyền lực, trong nước, ý thức hệ hóa xã hội ; quốc tế, tuyên bố bá quyền ở Đông Nam Á, quân sự hóa Biển Đông, xâm chiếm và xây dựng những công sự chiến lược trên các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước, để cũng cố, toại nguyện giấc mơ bá chủ Đông Nam Á. Sau, lợi dụng những khủng hoảng đương thời, từ kinh tế đến chánh trị lẫn xã hội của các quốc gia Âu Mỹ, chấp nhận mọi thử thách cả nội quốc lẫn quốc tế, để tiến lên hàng bá chủ thế giới.

Sự thành công ngày nay của nền kinh tế Tàu, là do được quốc tế cho nhập cuộc vào WTO -Tổ chức Thương mại Thế giới, là do ngoại thương, là do xuất cảng, là do khách nước ngoài đặt hàng và chấp nhận cho trao đổi thương mại quốc tế, và cũng là do những bàn tay lao động rẻ tiền của người dân Tàu. Nhờ tất cả như vậy mà ngày nay Trung Cộng  đã đoạt giải quán quân, là số 1 của các quốc gia xuất cảng thế giới, đứng trên cả Huê Kỳ, và cũng nhờ vậy, mà Tàu là một trong các quốc gia có một sức đầu tư cao. Thế nhưng, tuy là sống nhờ ngoại thương nhưng, Trung Cộng lại là một quốc gia từ chối mọi luật lệ, mọi cơ chế, mọi khuôn khổ hành chánh pháp luật quốc tế, nhơn danh thanh thế quốc gia, quyền lợi dân tộc.

Và với những lý do đó, dần dần hiện ra những dấu hiệu sự xa lánh, hay lẫn tránh của Tàu đối với hệ thống luật lệ quốc tế. Luật sư Zhou Shifeng, ngụ tại Beijing, nhà đấu tranh bảo vệ nhơn quyền, đã bị tuyên án tù 7 năm tù ở, ngày 4 tháng 8 vì tội « xuyên tạc nhà nước, nói xấu chế độ ». Vài ngày trước, hảng Uber đã bị buộc phải bán tất cả hoạt động, cơ sở cho hảng Didi Chuxing, hảng được nhà nước Tàu ủng hộ. Uber bị bắt buộc phải bán cho Didi Chuxing, hảng cạnh tranh mình. Chuxing từ nay, độc quyền khai thác các chuyên chở công cộng của một thị trường 1 Tỷ 300 Triệu dân ! Cũng như Google thua Baidu hay Amazon thua Alibaba dưới sức ép của chánh quyền Beijing.

Đồng thời Xi Jinping cũng đang xâm chiếm Hong Kong. Hiệu lực của hiệp ước ký năm 1997, bảo đảm thêm 50 năm nữa, Hong Kong và cư dân Hong Kong vẫn được tiếp tục  hưởng quyền tự chủ, lãnh thổ hay dân quyền. Nay, tuy 50 năm chưa dứt, hiệu lực tuy vẫn còn, nhưng ngày nay, hoàn toàn vô nghĩa, rổng tếch, vì không được tôn trọng hay áp dụng. Nhơn danh khẩu hiệu mới « Một quốc Gia, hai nền Kinh tể » xóa bỏ quan niệm buổi ban đầu đầy sáng tạo, hứa hẹn và lãng mạng, là « Một Quốc Gia, Hai Chế độ » ! Từ nay đã bắt đầu, những cuộc bắt bớ, giam cầm các doanh nhơn, và các nhà chống đối, đấu tranh dân chủ. Hong Kong đã dần dần đang mất khả năng kinh tế, thương cảng ngày nay đang dần dần bị các cảng láng giềng qua mặt : Shanghai, Shenzhen, Ningbo, Xiamen.

Nhắc lại, ngày 12 tháng Bảy, năm nay 2016, Tòa Án Trọng Tài La Haye, Hòa Lan đã nhận đơn kiện của Phi Luật Tân, và đã ra tuyên bố kết luận là Trung Cộng đã vi phạm trắng trợn những luật hàng hải quốc tế. Chẳng những, các đòi hỏi, các tuyên bố về chủ quyền của Trung Cộng tại Biển Đông là vô cơ sở. Mà trái lại, Trung cộng đã vi phạm những luật lệ hàng hải khi bồi đắp các bãi đá ngầm hay san hô thành những đảo nhơn tạo để sử dụng tạo những vùng nhìn nhận chủ quyền kinh tế. Toà cũng kết án những hành động cấm đoán của Tàu về việc Tàu hạn chế các tổ chức và giới hạn các quyền khai thác ngư sản, và đầu khí của Phi Luật Tân. Và đồng thời cũng tố cáo Tàu đã xâm phạm và gây tác hại cho môi trường thủy sản của Biển Đông trong việc bành trướng bừa bãi ấy. Beijing dĩ nhiên phản đối, không nhìn nhận kết luận nói trên, phản ứng mạnh mẽ bằng tuyên bố tạo một vùng nhận diện phòng thủ trên biển và tổ chức trong vùng ấy một cuộc tập trận hải quân cùng với hải quân Nga vào tháng 9 vừa qua.

Cái hung hãn cố tình của Tàu đã chứng minh rõ ràng cái thế yếu của Đảng Cộng Sản Tàu đương quyền, trước tình hình càng ngày càng đi xuống của nền kinh tế Tàu, trước tình hình mất thăng bằng của xã hội Tàu, cùng đồng thời trước sự suy sụp phẩm chất của cả đời sống lẫn môi trường sống người dân Trung Hoa. Ấy là chưa kể sự mất cân bằng của những liên quan trao đổi giữa Tàu và thế giới bên ngoài.

Về kinh tế, Beijing ngày nay, một mặt trong nước, giành các quyền đấu thầu các công án cho các xí nghiệp bản xứ ; một mặt đối với các xí nghiệp ngoại quốc có mặt tại Tàu, lợi dụng các khó khăn của các xí nghiệp quốc tế ấy, nhảy vào hùn vốn, đầu tư cướp quyền kiểm soát. Tung tiền đi mua, hay hùn hập vào các tổ hợp kinh doanh quốc tế, khắp năm châu bốn bể… Âu, Á, Phi, hay Nam Bắc Mỹ.

Về mặt chiến lược, Tàu tung sức bành trướng ra khắp thế giới. Từ con đường Tơ lụa mới, đến những hạm đội và những hải trình vươn mình ra Biển Lớn, tuy nhiên vẫn ích kỷ bảo vệ vùng biền của mình, bất chấp mọi luật lệ hàng hải tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển cả và hàng không.

Sự lớn mạnh của Tàu cũng bắt đầu được đánh giá rõ và bắt đầu đã có những phản kháng. Huê Kỳ đã thấy rõ, đã nhứt định từ chối không nhượng bán những gì ảnh hưởng đến nền kinh tế Huê Kỳ. Đã có những luật lệ và cơ chế bảo vệ ngành Thép của Mỹ trước sự phá giá của ngành sắt thép của Tàu.

Khác hẳn với những thái độ vô trách nhiệm và bán nước của Âu Châu. Pháp chẳng hạn, ngu xuẩn đã bán Phi Trường Toulouse, Tây Nam Pháp, nơi đầu não, nơi đặt phòng nghiên cứu, của Hảng sản xuất máy bay Airbus. Trái lại, Thủ Tướng Theresa May của Anh, khôn ngoan, biết cảnh giác, đã vừa ngưng không ký thỏa hiệp thương mại chấp nhận cho Hảng điện lực EDF mặc dù của của Pháp, người trúng thầu, xây hai nhà máy nguyên tử điện lực EPR ở Hinley Point, Anh Quốc, chỉ vì sự có mặt của Hảng Tàu CGN đã tham dự với 1/3 tổng số đầu tư là 21 Tỷ của dự án.

Ngày nay, Âu Châu đang giựt mình, tỉnh giậy thấy rõ Tàu không thể là một quốc gia có chánh danh là quốc gia thương mại được. Âu Châu cũng sực tỉnh nhận rõ là chính Tàu là thủ phạm của những sự phá giá-dumping đã làm sập tiệm từng mảng khu vực kinh tế, từng khối công nghiệp,

Sự bành trướng bá quyền Tàu đã tạo cuộc chạy đua mua vũ khí. Nhựt Bổn vừa mới đề xuất một Cuốn Sách Trắng-Bạch Thư đề nghị một chương trình Quốc phòng và tái võ trang. Đại Hàn cũng vậy, sẽ cùng Nhựt Bổn thành lập một hàng rào hỏa tiển phòng thủ chống Tàu. Úc Châu đang trang bị thêm tàu chiến và tàu lặn. Và Hà nôi Việt Nam Cộng Sản đang thương thuyết, năn nỉ ỷ ôi, Huê Kỳ bỏ cấm vận để được mua vũ khí tự vệ.

Trung Cộng, dù nay là đệ nhứt quốc gia về xuất cảng, dù sống với ngành xuất cảng, nhưng lại không tôn trọng luật chơi thương mại quốc tế, viện cớ rằng đấy là do âm mưu âu mỹ. Mặc dù Tàu sống nhờ thị trường âu mỹ. Tàu không thể và không bao giờ, biến thành là một quốc gia có một tầm vóc quốc tế, với một nền Kinh tế thị trường và một chế độ Pháp trị.

Một khế ước thương mại với Tàu, chỉ là một giao ước, nhưng không phải là một cái khế ước với những luật lệ bất di bất dịch. Tàu chỉ tôn trọng những quyền lợi cho Đế quốc Tàu và Đảng Cộng Sản Tàu mà thôi !

Đễ Kết Luận :

Tàu đã cố tình chọn một chánh sách phát triển thế lực dựa trên sự đấu tranh và xung đột quyền lực. Đó là một sự lựa chọn !

Nếu các xung đột càng mãnh liệt với các quốc gia có quyền lực cao – Huê Kỳ là quốc gia đối thủ số một –  thì các sự xung đột lại càng ác liệt hơn với các quốc gia có thế lực kém. Tàu sẽ nuốt trửng các quốc yếu kém ! – Âu Châu và Pháp sẽ là những miếng mồi ngon !

Còn Việt Nam ta? Khỏi phải nói! Đã hoàn toàn Hán hóa rồi!

 

 

Thổ Nhỉ Kỳ Đi Đêm Với Khủng Bố Hồi Giáo – Phan Văn Song

Thế giới tử tế thế giới phát triển, thế giới người đàng hoàng, sung túc ngày nay quá già nua, khoa học nâng tuổi thọ, sống lâu, nên đầy người bệnh tật. Nay, đang bị tràn ngập bởi người tỵ nạn đói khổ, do những biến loạn, tạo bởi những lực lượng khủng bố tự lập tự tôn…Như xưa kia, vào những năm 400, đế quốc và thế giới văn minh La mã đã bị rợ Vandales tràn ngập và xóa sổ vậy !

Dần dần một trật tự mới sẽ được thành lập. Một địa dư mới , một địa lý mới. Bản đồ quốc tế mới sẽ được vẽ ra, vẽ lại, với những biên giới mới, khác hẳn. Những đế quốc mới, những lãnh đạo mới, những quốc gia mới, những dân tộc mới… Thế kỷ mới, địa dư mới, lịch sử mới. Đó sẽ ngày mai.

Quốc Gia Du Côn 2: Thổ Nhỉ Kỳ :

Ám ảnh bởi ác mộng dân Kurdes đòi Tự Củ, đòi Độc lập, đòi thành lập một xứ Kurditan, Tổng Thống Erdogan của xứ Thổ đã nuôi dưởng Daesh, khủng bố Hồi Giáo quá khích, để phá hoại mẫu hòa bình thế giới Âu-Mỹ, trật tự Trung Đông và để toại nguyện giấc mơ Đế quốc Ottoman.

Chánh Sách Mập Mờ:

Đầu năm 2014, báo điện tử Cumhuriyet của nhóm yêu nước thuộc Đảng Kémal (ủng hộ lập trường quốc gia của Kémal Attaturk, cha đẻ của lý thuyết Cộng Hòa thế tục Thổ, đối lập với Erdogan) tung một bài phóng sự với một loạt hình tố cáo những hành vi bất hợp pháp của Tổng Thống đương quyền Recep Tayyip Erdogan. Từng đoàn xe vận tải từ thiện Thổ, sửa soạn vượt biên giới, qua Syrie. Cảnh sát thuế vụ Thổ, như bình thường, thủ tục, kiểm soát đoàn xe. Thế nhưng, những linh kiện hàng hóa, thay vì những thuốc men cứu trợ cho các nạn nhơn cuộc nội chiến ở Syrie, lại toàn là : cả ngàn đạn pháo, cả chục ngàn đạn súng, cả ngàn quả lựu đạn và hằng trăm ống phóng lựu. Sự thật vỡ lẽ : đoàn vận tải do Sở Mật Vụ Thổ thuê. Những vũ khí nầy là để tiếp tế quân nổi dậy hồi giáo syrie chống nhà cầm quyền Syrie. Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan được tin, tức tối. Ông giận dữ nói : « Ai tung chuyện nầy ra phải trả một giá rất đắt » và ra lệnh cấm mọi cơ quan truyền thông, tin học không được phổ biến việc nầy. Vì tội « tung tin quốc cấm » hai nhà báo, Erdem Gül và Can Dündar bị án phạt 5 năm tù ở.

Chuyện nầy là chuyện « duy nhứt » bị xì ra ngoài. Nhưng tuy là duy nhứt, cũng chứng minh được sự ủng hộ bằng vũ khí của Ankara (thủ đô Thổ Nhỉ Kỳ) các nhóm nổi dậy hồi giáo ở Syrie. Tuy duy nhứt, nhưng cũng chứng minh, « bắt quả tang », cái chánh sách mập mờ đầy «dối gạt» của mộtTổng Thống thủ cựu, hồi giáo là Erdogan, suốt ngày thề thốt là không bao giờ ủng hộ các nhóm quá khích của thánh chiến hồi giáo.

Nhà Nước Hồi Giáo đã xâm nhập vào trung tâm thành phố Istanbul. Trong khu phố cổ kính lịch sử Fatih : cạnh ngay Đền thờ Sainte Sophie, những lá cờ đen của tổ chức thánh chiến hồi giáo được trưng bày sau những cửa kiến của các cửa hàng, cửa tiệm. Khi bước vào trong các tiệm sách, một loạt sách về những lý thuyết, kinh thánh, của Hồi giáo quá khích được trưng bày, công khai, không dấu diếm gì cả. Và tiến thêm một bước đi sâu vào căn phòng sau sẽ thấy bày rõ, những áo mặc, những phù hiệu với những khẩu hiệu ủng hộ thánh chiến. Đầu năm 2015, vào tháng giêng, Mật Vụ Thổ Nhỉ Kỳ phải giựt giây báo động rằng đã có trên 3000 chiến binh thánh chiến quá khích Daesh đang hoạt động trong lãnh thổ Thổ Nhỉ Kỳ. « Thổ Nhỉ Kỳ có một vai trò rất mập mờ đối với Daesh. Một nhà ngoại giao âu châu bình luận. Tuy là đồng minh, thành viên NATO, nhưng lãnh thổ Thổ là nơi Daesh đến dưởng quân hay chửa thương. Còn kiểm soát ở biên giới ? Khỏi nói, nó hầu như không có. ».

Chánh Trị Thực tế:

Muốn tìm hiểu tại sao Thổ Nhỉ Kỳ nay là một «xa lộ cho Thánh Chiến», hãy trở lại dòng lịch sử. Tháng 3 năm 2011, Tổng Thống Syrie, Bachar-El-Assad, người mà Tổng Thống Erdogan của xứ Thổ vẫn xem rằng là « người anh em », đang cực khổ đánh dẹp một cuộc nổi dậy của quần chúng mình. Erdogan, nghỉ rằng đây là cơ hội để dứt điểm tương lai của Assad đối với Syrie. Đây là cơ hội để Erdogan biến thành lãnh tụ tối cao của thế giới hồi giáo sunni, thành lập lại Đế Quốc Ottoman! Y bèn bỏ người anh em, ủng hộ kháng chiến quân Syrie đang nổi dậy chống độc tài Assad.

Từ đó «hạ bệ Bachar-El-Assad biến thành nỗi ám ảnh của Erdogan. Và Erdogan ủng hộ tất cả những ai chống đối Assad »

Trên mặt lý thuyết, Erdogan theo đồng minh Âu Mỹ, ủng hộ Quân đội của Syrie Tự Do, «ôn hòa và thế tục». Thế nhưng, vai trò Thổ rất mập mờ ! Đó là do thực tế thôi, Thổ tin tưởng, một, vào sức chiến đấu hữu hiệu gần như điên cuồng và quá khích của các nhóm thánh chiến. Và hai, vào sức ủng hộ của Tây phương – Pháp và Mỹ – thì chẳng bao lâu nữa Assad sẽ bị hạ. « cũng như Khadafi ở Lybie, Assad rơi đài thôi ». Thế nhưng, nhờ Nga và Iran nâng đở hà hơi tiếp sức, chi viện, tên đồ tể Bachar-El-Assad chẳng những không sập tiệm, lại càng ngày càng vững thêm hơn.

Nhưng Erdogan vẫn chai lỳ, và vẫn tiếp tục dấn sâu vào bài toán mập mờ ấy. Ngay sau khi Daesh vừa tuyên bố thành lập Nhà Nước Hồi Giáo, Erdogan bèn đặt tất cả hy vọng vào nhóm Front Al-Nostra, một nhóm hồi giáo sunni quá khích cạnh tranh với Daesh, thánh chiến, quyết diệt nhà độc tài Assad để giải phóng Syrie? Hay thành lập một Syrie Hồi Giáo Quá Khích? Nhờ gốc Sunni, nên Erdogan dễ dàng nhờ A-rập Xê-út, và Qatar hai quốc gia hồi giáo sunni, giàu có đầy dầu lửa, tiếp viện vũ khí, hỗ trợ kinh tài. Trên mặt lý thuyết, Front Al-Nostra và Daesh là hai nhóm khác nhau, cạnh tranh nhau. Nhưng trên thực tế, cả hai đều con đẻ của Al Qaeda, cả hai đều sunni, cả hai đều có gốc wallabite, hệ phái Hồi giáo, quá khích nhứt phát xuất từ A-rập Xê-út.

Một thí dụ, tháng 10, năm 2014, Erdogan thản nhiên nhìn thành phố Kobané, thuộc Syrie nhưng đầy dân số kurde nằm sát biên giới Thổ, đang làm mồi quân thánh chiến Daesh. Bên nầy biên giới, phía Syrie, quân phòng thủ gốc kurde Syrie, của Đảng Đoàn Kết Dân Chủ PYD – một bộ phận của PKK- Đảng Lao Động Kurde Thổ Nhỉ Kỳ, đối thủ không đội trời chung với Ankara – đang chiến đấu đầy dũng cảm nhưng tuyệt vọng trước đoàn quân dũng mãnh của thánh chiến Daesh. Bên kia biên giới, phía đất Thổ, ngồi trên xe tăng như ngồi khán đài, các sĩ quan và quân đội Thổ thản nhiên thưởng thức, xem trận thư hùng giết nhau bên kia hàng rào biên giới !

Thế nhưng, ngược với dự đoán, ba tháng sau, Kobané được « giải phóng » khỏi ách thánh chiến ! Một phần nhờ sức cầm cự mãnh liệt của nhơn dân kurdes (nhờ những sư đoàn NỮ chiến sĩ – quân thánh chiến mê tín rất sợ bị đàn bà giết, vì sẽ không lên thiên đàng được – nên bỏ chạy khi gặp các chiến binh kurdes nữ ) ! Và một phần, nhờ những cuộc đánh bom của không quân Mỹ. Erdogan cảm thấy mất mặt « Quân Kurdes thắng ở miền Bắc Syrie, sau khi tạo quốc gia độc lập ở miền Bắc Irak (nước tự xưng là Kurdistan, lời giải của tác giả), Thổ Nhỉ Kỳ chúng ta không thể chấp nhận được … ». Và Erdogan đành quyết định lựa chọn việc chống dân Kurdes thay vì chống Daesh.

Dưới sức ép của các đồng minh Âu Mỹ, NATO, cuối cùng, Thổ phải đành (miễn cưởng) nhập vào liên minh chống Daesh. Hè năm 2016, Thổ cho phép Mỹ lập căn cứ không quân ở Incirlik, phía Nam lãnh thổ để dùng phi trường ấy, phát xuất dội bom Daesh. Nhưng trò chơi hai mặt vẫn tiếp tục, Thay vì dội bom các căn cứ Daesh ở Syrie, Thổ tranh tối tranh sáng, đánh bom các căn cứ Đảng Lao Động kurdes-PKK ở Syrie, Thổ, và Irak. Điển hình của cái một mặt hai lòng ấy là vào tháng 11 năm 2015, các chiến đấu cơ Thổ đã bắn hạ một pháo cơ Nga tại biên giới Syrie trên đường làm nhiệm vụ đánh bom quân thánh chiến. Valéry Poutine điên tiết tố cáo Thổ đâm sau lưng chiến sĩ để «bảo vệ đường tiếp liệu của Thổ cho quân Thánh chiến !».

Đây là một ung nhọt:

Đúng vậy, đây là một ung nhọt. « Đã từ lâu hằng bao năm nay, Thổ đã có gần như một quốc sách kinh tế, để tiếp vận, tiếp liệu xăng dầu, vũ khí cho Daesh » theo lời Halil Ibrahim Yeningün, chuyên viên Hồi Giáo học –islamologue Pháp. Một tuần sau vụ máy bay Nga bị hạ, Thứ trưởng Quốc Phòng Nga, trưng ra trước dư luận những hình chụp từ phi thuyền vũ trụ, từng đoàn xe tải, xe bồn nối dài vượt biên giới Thổ tiếp tế những căn cứ Daesh. Và tố cáo «Erdogan và gia đình đang buôn bán lậu xăng dầu vũ khí với bọn du côn». Những chứng cớ, dữ kiện hình ảnh, được gời đến Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc. Kẹt giỏ, Erdogan vội vàng xin lỗi, làm hòa với Nga. Những bằng chứng ấy, được Nga ém lại. Và những chiến đấu cơ Thổ ngưng, không dội bom các căn cứ Kurdes ở Syrie nữa.

Đi đêm mãi, có ngày gặp ma! Từ một năm nay, lãnh thổ Thổ Nhỉ Kỳ bị lãnh các tấn công khủng bố của Daesh! Chế độ Erdogan đang lãnh hậu quả nuôi ong tay áo ! Biên giới Thổ Syrie tuy từ nay đã khóa chặt, tuy đã có hằng trăm, hàng ngàn quân thánh chiến đã bị Thổ bắt, nhưng đã quá trễ. Và cuộc đánh bom phi trường quốc tế Atatürk Istanbul gây chết 45 người và thương tích thiệt hại cả trăm nạn nhơn do bọn khủng bố Daesh quá khích tháng 6 vừa qua, đúng là cái hậu quả của cái trò chơi bắt cá hai tay nầy của Erdogan. Ung Nhọt đã chín mùi, cần phải dứt khoát cắt bỏ.

Hồi Nhơn Sơn Tháng 11

 

 

Trung Cộng Không Đáng sợ đâu… – Mai Thanh Truyết

Nền kinh tế quốc gia Trung Cộng (TC) đã bắt đầu được vực dậy qua chương trình hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình từ 37 năm qua. Và trong vòng 15 năm trở lại đây, mức phát triển của TC vẫn ở mức 8-9% hàng năm, tuy có chậm lại khoảng 7% ở 5 năm cuối cùng. Điều nầy đã làm thế giới ngạc nhiên nhất là qua các cuộc khủng hoảng tiền tệ ảnh hưởng lên các nước trong vùng mà TC vẫn tiếp tục phát triển chứ không bị suy thoái.

Nhưng nếu theo dõi qua những thay đổi về phát triển kinh tế của TC, chúng ta có thể tiếp cận và hiểu được, cách đây 10 năm, báo chí trên hầu hết khắp nơi đều đặt vấn đề và xem đây là một hiện tượng “con rồng TC” bắt đầu trở mình và một đất nước “Thiên Tử” đang hồi sinh; và hiện tại, năm 2016, cũng chính “con rồng TC” đang co cụm trở lại với trên 600 triệu nhân khẩu sống dưới mức nghèo đó là 2 Mỹ kim/ngày/người!

Nhưng qua các thành tựu trước cũng như ở thời điểm kinh tế thoái trào ở TC hiện nay, chúng ta có thực sự thấy những gì đang diễn ra ở TC qua các “thành quả” đã đạt được trong suốt 37 năm qua.

Trước hết, xin liệt kê ra đây vài số liệu căn cứ vào thông tin của cia.gov (2016) trên mạng lưới toàn cầu, để nói lên tình trạng phát triển chung của TC:

Đất nước Trung Cộng

TC là một nước lớn chiếm diện tích 9.596.960 km2, nhỏ hơn Hoa Kỳ một ít; có dân số là 1,355,692,576 (July 2014 est.), co mật độ dân số là 147 người/km2 (hay 381 người/mi2).

Về tỷ lệ tuổi tác:

– Lứa tuổi 0 -14 chiếm 17,1% với tỷ lệ nam/nữ 124.340.516/107.287.324;

– Lứa tuổi 15 -24 chiếm 14,7% với tỷ lệ nam/nữ 105.763.058/93.903.845;

–  Lứa tuổi 25 -54 chiếm 47,2% (77.751.100/75.737.968);

–  Lứa tuổi 55 -64 chiếm 9,6% (62.646.075/75.737.968).

– Tuổi trung bình: 36,7 tuổi nam và 35,8 nữ

– Dân số tăng trưởng 0,44%/năm

– Tỷ lệ nhà cư dân có “chỗ làm vệ sinh”: 55,8%

Lực lượng lao động của TC lớn nhất thế giới với 840 triệu (2015), trong đó tỷ lệ lao động được chia ra như sau: Lao động nông nghiệp, 50% (2001), lao động kỹ nghệ, 22% (2001) và lao động dịch vụ, 28%. Trung bình mức lạm phát vào khoảng 2 đến 5%. Lợi tức đầu người là 900 Mỹ kim (2004). Mãi lực toàn quốc (Purchasing power parity) năm 2003 là 6.449 tỷ Mỹ kim đưa đến mãi lực đầu người là 5000 Mỹ kim (2003). Mãi lực các năm sau đó như sau: $19,39 trillion (2015 est.), $18,14 trillion (2014 est.), $16,91 trillion (2013 est.).

Lợi tức đầu người hàng năm là (GDP-per capita (PPP): $14100 (2015 est.), $13300 (2014 est.), $12400 (2013 est.).

Trong tiến trình phát triển chung trên thế giới, định mức sự phát triển của một quốc gia vẫn còn căn cứ vào thuyết “tam khu” của Colin Clarke, trong đó gồm khu nông nghiệp, khu công nghiệp, và khu dịch vụ. Từ đó qua sự phát triển, và qua từng giai đoạn, chỉ số phát triển của một quốc gia được tính toán qua tỷ lệ của từng khu vực.

Phát triển kinh tế của Trung Cộng

Như đã nói ở phần trên, TC đã đi đôi hia “bảy dặm” bằng cách mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài từ năm 1979 dưới thời Đặng Tiểu Bình với một phương châm bất hủ là: “Dù mèo trắng hay mèo đen cũng chẳng sao, chỉ cần biết bắt chuột là được”. Trong tinh thần thực dụng trên, TC đã thành công và đưa đất nước ra khỏi tụt hậu chỉ trong một thời gian không dài như đã dẫn ở phần trên.

Lý do tại sao chương trình hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình đã thành công là, ngay cả trong khi mở cửa, TC đã vận dụng được thị trường nội địa (1,38 tỷ người dân) để đẩy mạnh kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng. Chính nhờ kỹ nghệ này và đây cũng là lý do chính yếu, TC đã chuyển dịch được một số lớn lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ từ 70% (1970) xuống còn 50% (2001). Cho đến hôm nay, mức đói nghèo của TC đã giảm xuống còn 16% (theo tiêu chuẩn của TC thấp hơn con số của LHQ là 3 US$/ngày), và mức dự trữ ngoại tệ nặng của TC từ năm 2004 là 414 tỷ Mỹ kim tăng lên 2300 tỷ năm 2015.

Trong những năm trở lại đây, TC đã phát triển vượt bực, cao hơn mức dự tính của thế giới. Vào năm 2004, Ngân hàng Phát triển Á châu đã dự tính TC sẽ tăng 7,9%. Nhưng trên thực tế TC đã gia tăng 9,3%. Có nhiều lý do đúc kết sự thành công vượt bực của TC cho những năm gần đây là:

1- Đất nước TC không phải chịu những tai ương thiên nhiên ảnh hưởng đến phát triển như những quốc gia trong vùng. Cuộc khủng hoảng dầu hỏa gần đây đã được TC kiểm soát và điều tiết chừng mực do đó không tạo ra khủng hoảng năng lượng như những năm 1979-1980.

3- Qua vốn đầu tư ngoại quốc, TC đã cân bằng được mức phát triển qua những dịch vụ thâm thủng trong cán cân thương mại xuất nhập nguyên liệu và thành phẩm.

4- Phát triển TC hiện nay đang dựa vào đầu tư ngoại quốc, do đó sự gia tăng giá dầu thô đã được mức ngoại tệ đầu tư trên bổ sung vào mức thiếu hụt.

5 – Quan trọng hơn cả là 1,38 tỷ nhân khẩu nội địa. Hiện tại người dân TC còn cần quá nhiều nhu cầu để phục vụ tối thiểu cho đời sống của người dân ở một quốc gia tân tiến, do đó kỹ nghệ TC chỉ cần tập trung vào những mũi dùi phát triển là có thể làm cho kinh tế cất cánh mau. Những mũi dùi phát triển đó là những mặt hàng thông dụng như xe cộ, tủ lạnh, microwave, máy giặt, máy sấy, truyền thanh, truyền hình, xây dựng, và những mặt hàng gia dụng khác v.v…

Tuy nhiên, thiết nghĩ sự phát triển kinh tế của TC ngày hôm nay chỉ là một quá trình chuyển tiếp mục đích để phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân của nước này, hầu có được một đời sống

vật chất “tử tế”. Một khi mức sống tối thiểu của người dân đã được bảo hòa, vấn đề phát triển kinh tế của TC sẽ chuyển qua một tiến trình khó khăn hơn nữa mà lãnh đạo TC cần phải tiên liệu cho tương lai, nếu muốn ngăn chặn những cơn khủng hoảng xã hội có thể xảy ra sau đó.

Đó là việc chuyển tải lực lượng lao động qua công nghiệp và dịch vụ. Ở các quốc gia đã phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, lực lượng lao động nông nghiệp không quá 15%. Riêng tại Hoa Kỳ, lực lượng nầy chỉ còn dưới 2 triệu, so với dân số 320 triệu mà vẫn có đầy đủ lương thực cho nước Mỹ cũng như viện trợ cho hầu hết các nước nghèo trên thế giới.

Qua những nhận xét và phân tích ở phần trên, chúng ta thấy TC đang có những bước phát triển “nhanh” trong tiến trình hiện đại hóa quốc gia, nhưng những bước phát triển của TC chỉ là những bước đột phá ban đầu. Thực sự những chỉ số phát triển vừa nêu trên chỉ là những chỉ số biểu kiến và tương đối trong việc ổn định xã hội TC hiện nay mà thôi.

1- Gọi là biểu kiến vì trong quá trình phát triển quốc gia vì TC đã để lại biết bao vấn nạn môi trường với ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra trong một vài thập niên tới. TC không có chính sách cân bằng phát triển và quản lý môi trường. Vì vậy:

 – Tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp: không khí đầy bụi bặm chứa các kim loại độc hại như chì (lead) và thủy ngân (mercury) cùng nhiều hợp chất hữu cơ nhẹ, nguồn nước ở nhiều nơi không còn sự hiện diện của tôm cá và đã là những “dòng sông đen”, đặc biệt là trong các phụ lưu của sông Hoàng Hà và Dương Tử.

– Ngay cả dòng chảy của sông Hoàng Hà đã chậm dần so với trước kia, và không còn chảy ra biển nữa.

– Thành phố Vân Nam đã biến thành khu đại kỹ nghệ hóa chất và khi gió đổi chiều, khói và bụi thành phố đã di chuyển đến tận… Hoa Kỳ.

– Thành phố Thượng Hải và thềm lục địa chung quanh đang bị báo động về ô nhiễm.

– Thí dụ điển hình là trong việc chuẩn bị cho Thế vận hội vào ngày 8/8/2008, TC vẫn chưa giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh theo yêu cầu của Ủy ban Thế vận Quốc tế, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng qua các biện pháp như ngăn cấm người dân hút thuốc, hạn chế lượng xe cộ chạy vào thành phố, đóng cửa những nhà máy phát điện sử dụng than, Hội nghị Thượng đỉnh tại Thành Đô (thủ đô của tỉnh Tứ Xuyên), các nhà máy, xe cộ chuyên chở không được hoạt động nhiều tuần lễ trước đó để có được bầu không khí “tương đối” trong lành và người dân có thể thấy mây bay thay vì một màu xám xịt thường xuyên.

2- Gọi là tương đối, vì sự phát triển của TC chỉ tương đối so với nhu cầu của 1,38 tỷ dân chúng và thị trường nhân công rẻ mạt. Các chương trình hiện đại hóa điển hình của TC sau đây thể hiện rõ nét của tính tương đối trong phát triển của họ. Theo một báo cáo của Hàn Lâm Viện TC

(Chinese Academy of Sciences, 2006) thì TC đã phát triển chậm hơn so với Hoa Kỳ 100 năm, với Đức Quốc 70 năm, và 60 năm so với Nhật Bản.

Vào năm 2001, mãi lực tính theo đầu người của một người TC là 3583 Mỹ kim (năm 2004 lên đến $5000, và năm 2014 lên 7000 Mỹ kim)), trong lúc đó thời điểm một người Hoa Kỳ có mãi lực trên là vào năm 1892, tức 109 năm trước đó. Vào năm 2002, lợi tức người dân HK là 35.400 Mỹ kim, tăng 4% so với năm trước đó, tức tăng 1416 Mỹ kim. Trong lúc đó, lợi tức của một người TC ở thời điểm trên là 900 Mỹ kim, tăng 8% so với năm trước, tức 72 Mỹ kim. Qua các số liệu trên, chứng tỏ rằng dù mức tăng trường hàng năm của TC có là 15%, thì khoảng cách lợi tức so với HK cũng ngày càng cách xa dù KH chỉ tăng trưởng 3-4% mỗi năm.

Thêm nữa, theo một báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ vào năm 2002 và mới nhất vào năm 2015, hậu quả của việc phát triển ồ ạt ở TC và lơ là trong việc bảo vệ môi trường làm cho chi phí ước tính cho việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường có thể lên đến 7% tổng sản lượng quốc gia. Nói như thế, có nghĩa là với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 8-9%, nhưng trên thực tế, mức tăng trưởng thực sự chỉ vào khoảng 2% mà thôi, cộng thêm sự di hại môi trường ảnh hưởng đến các thế hệ về sau nữa.

TC hiện nay vẫn còn là một quốc gia đang phát triển dù hiện đang thúc đẩy rất mạnh tiến trình hiện đại hóa và khó có thể hình dung được một hình ảnh TC vượt trội lên hàng quốc gia phát triển trong vòng 30-40 năm tới.

Cũng theo tài liệu của Hàn Lâm Viện Khoa học TC, TC sẽ vươn lên thứ hạng 39 về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới vào năm 2080, và năm 2005, TC đang được xếp vào hạng 69.

Ngay tại Hội thảo “Tổng kết 30 năm đổi mới ở Hà Nội năm 2015”, TS Carl Thayer (Úc) nhấn mạnh rằng: “Sau một phần tư thế kỷ cải cách, mô hình TC không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách như cấu trúc ngân hàng và tài chánh yếu kém, quốc doanh bị nợ nặng nề, tham nhũng tràn lan.Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vần đề tương tự, và việc học tập mô hình TC không thể giúp Việt Nam giải quyết được”.

Hiện tại, kinh tế TC đang chịu nhiều áp lực làm cho chính phủ TC phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế bao gồm:

– Tỉ lệ tiết kiệm trong nước giảm nhiều và mức tiêu thụ trong nước tương ứng thấp;

– Tạo điều kiện cho và cơ hội việc làm lương cao hơn cho tầng lớp trung lưu đầy tham vọng, bao gồm cả người di cư nông thôn và số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng tăng;

– Cần giảm thiểu tham nhũng và tội phạm kinh tế khác;

– Tình trạng ô nhiễm môi trường và xung đột xã hội liên quan đến sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế. Phát triển kinh tế đã tiến triển nhanh hơn tại các tỉnh ven biển so với các tỉnh nằm sâu trong nội địa;

– Cho đến năm 2014 hơn 274 triệu lao động nhập cư và người phụ thuộc của họ đã di cư ra thành phố để tìm việc làm. Một hệ quả của chính sách kiểm soát dân số là TC hiện là một trong những quốc gia lão hóa nhanh nhất trên thế giới. Môi trường bị thoái hóa trong suốt quá trình phát triển mà không cân bằng với việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, sói mòn đất, đất đai bị sa mạc hóa, sông ngòi và nước ngầm không còn sử dụng dược nữa vì bị nhiễm độc hóa chất độc hại. TC tiếp tục bị mất đất canh tác do xói mòn và phát triển kinh tế;

– Tăng trưởng năm 2015 của nền kinh tế thứ hai thế giới rơi xuống mức thấp nhất từ 25 năm qua, chỉ đạt mức 6,9%. Theo thẩm định ngày 05/10 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Cộng sẽ chỉ ở mức 6,9% vào năm 2016, sau đó sẽ giảm xuống còn 6,2% vào năm 2017.

Với tổng số nợ chiếm 250% GDP năm 2015 và niềm hy vọng phục hồi kinh tế không chắc chắn, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng TC có thể tăng cao, nguy cơ mất khả năng thanh toán ngày càng lớn và thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, nếu không giải quyết được các vấn đề cơ cấu kinh tế, mọi nỗ lực của TC có nguy cơ tan thành mây khói.

Khi kinh tế TC phát triển chậm lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đi xuống. Hậu quả là xuất khẩu nguyên liệu của các nước đang trỗi dậy giảm, trong khi đây lại là nguồn thu quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng của các nước này.

Căn cứ theo bản tin của hãng Bloomberg ngày 07/10/2016 cảnh báo: ngành ngân hàng TC sẽ phải hứng chịu đến 600 tỷ đô la nợ xấu trong trường hợp nổ ra khủng hoảng địa ốc. Căn cứ trên nghiên cứu của các cơ quan tài chính DBS Vickers Hong Kong, Ngân hàng ngoại thương Đức, Commerzbank AG, Blomberg cho biết: nếu như thị trường bất động sản TC mất giá 30%, nợ khó đòi của các ngân hàng nước này sẽ lên tới 4,1 ngàn tỷ nhân dân tệ, tức tương đương với 615 tỷ đô la. Ngành tài chính và ngân hàng Trung Quốc sẽ bị lung lay.

Do đó, để kết luận cho trường hợp TC là quốc gia này sẽ không bao giờ trở thành một huyền thoại trong tiến trình hiện đại hóa theo chiều hướng hiện tại, trừ phi có một sự thay đổi não trạng và quan điểm đúng đắn về việc bảo vệ môi trường, vấn đề cần phải được đặt ưu tiên hàng đầu trong phát triển quốc gia.

Sự phô trương sức mạnh ở biển Đông chỉ là một hình thức để giải tỏa tính ức chế cực đoan sẳn có của dân tộc “Trung Quốc” của người Hán, cũng như làm nhẹ sức ép của quyết tâm dành lại độc lập của người dân Tây Tạng, Tân Cương cùng áp lực của 600 triệu dân chúng sống dưới định mức nghèo của LHQ.

Cũng cần nói thêm cho trường hợp Việt Nam là, mô hình hiện đại hóa của TC sau 1/4 thế kỷ đã mang lại cho Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm về các mâu thuẫn trong phát triển hơn là một khuôn mẫu để phát triển. Nhưng tiếc thay, cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn còn rập khuôn theo tiến trình trên, một tiến trình chắc chắn sẽ đưa đất nước vào ngõ cụt.

28.10.2016

http://danlambaovn.blogspot.com/2016/10/trung-cong-khong-ang-so-au.html

 

 

2017 sẽ là năm thảm họa của Pháp? Cựu Thẩm phán chống khủng bố Marc Trévidic báo động – Nguyễn thị Cỏ May

Tổ chức khủng bố hồi giáo như al-quaïda, salafiste, djihadiste vẫn thường xuyên đưa ra lời hăm dọa sẽ tấn công đẩm máu hai quốc gia kẻ thù không đội trời chung của Hồi giáo là Huê kỳ và Pháp. Với Huê kỳ, khủng bố hồi giáo hăm dọa sẽ lập lại cả ngàn lần 9 -11. Với Pháp, khủng bố cảnh cáo sẽ khủng bố Paris như những lần trưóc đây nhưng đó chỉ là mục tiêu chiến thuật để thực hiện mục tiêu sau cùng là “hồi giáo hóa ” Pháp, tiếp theo là cả Âu châu. Hồi giáo nhắm Pháp và Âu châu vì Huê kỳ quá lớn và quá mạnh trong lúc đó Pháp và Âu châu là những nước nhỏ, yếu và rời rạc, lại có sẳn cộng đồng người hồi giáo đông đảo hằng triệu người, cái nôi cuả nguồn nhơn lực vô tận cung cấp cho lực lượng khủng bố những thánh chiên quân chết bỏ.

Huê kỳ và Pháp bị khủng bố vì gây chiến tranh ở Trung Đông chỉ là lý do của phản ứng nhứt thời. Lý do chánh, thật sự, là hai nước nguồn gốc và ngọn đuốc phổ biến Dân chủ Tự do, với nền văn minh từ truyền thống thiên chúa giáo mà Hồi giáo không thể chấp nhận được.

Huê kỳ và Pháp bị hăm dọa

Ngày kỷ-niệm khủng-bố 11-09, Ayman al-Zawahari, thủ lãnh của Al-Qaïda đã cho phổ biến một vidéo trên internet trong đó hắn ta đe dọa Hoa-kỳ là sẽ cho lập lại nhiều vụ tấn-công như đã đã làm ở New York nếu như Hoa-kỳ không thay đổi chánh-sách.

Ayman al-Zawahari giải thích cho dân Huê kỳ biết vụ  khủng-bố New York là Hồi giáo xử tội ác của chánh phủ Huê kỳ chống Hồi giáo. Và nếu Chánh quyền Huê kỳ vẫn không từ bỏ chủ trương chống Hồi giáo thì vụ 11- 09 sẽ được lập lại hàng ngàn lần nữa.

Ngoài ra, Ayman al-Zawahari còn cáo buộc Huê kỳ đã yểm trợ các chánh quyền tội lỗi và đồi trụy chiếm đóng nhiều nước ả-rập hồi giáo.

Trong lúc đó, tập chí anh ngữ trên mạng « Inspire », vừa là cơ quan thông tin tuyên truyền, vừa là cẩm nang của quân khủng bố Al-Quaïda, đưa ra lời hăm dọa trả thù Chánh phủ Pháp đã bắt giử 3 người «muy-suyn-man» của Daesch vì âm mưu khủng bố nhà thờ Đức Bà ở Paris bằng xe gày chất nổ đưa vào trước nhà thờ. Dân Pháp nghe tin đều hoảng sợ vì mọi người hảy còn bị ám ảnh bởi vụ xe cam-nhông 19 tấn lao vào đám đông xem pháo bông hôm 14 tháng 7 ở Nice làm thiệt mạng 129 người.

Trên chiến trường, Nhà nước Hồi giáo mất đất, mất căn cứ ở Syrie, ngày càng suy yếu, sẽ tạm tan hàng, tìm đường ẩn mình vừa bảo quản lực lượng nhơn sự. Một số thánh chiến quân sẽ kéo nhau trở về nơi phát xuất trước đây.

Âu châu vẫn là cái nôi hồi giáo khủng bố. Riêng Pháp và Bỉ là hai nước chứa đông đảo người di dân hồi giáo nên là nơi cung cấp lực lượng khủng bố mạnh mẻ và vô tận cho các tổ chức khủng bố của Daesch.

Theo giới chức thẩm quyền chống khủng bố của Pháp thì tình hình pháp trong những ngày tới sẽ đáng lo ngại nghiêm trọng hơn vì Pháp vốn có cả ngàn thanh niên, có cả công dân pháp, đã tình nguyện thụ huấn kháng chiến khủng bố, trốn qua Syrie tham gia thánh chiến, nay quay trở về, cộng thêm những thanh niên trà trộn trong khối người tỵ nạn sẽ tới Pháp do Chánh phủ đón nhận. Điều kìện xâm nhập vào Âu châu quá thuận lợi do có quá nhiều biên giới gần như không có kiểm soát, giấy tờ giả hoặc giấy tờ thiệt nhưng của thánh chiến quân đã chết để lại, …

Theo ông Marc Trévidic, cựu thẩm phán chống khủng bố, báo động năm tới 2017, sẽ là năm thảm họa của Pháp và sẽ kéo dài trong vài năm vì ông đã gặp tên khủng bố Adel Kermiche, một thủ phạm trong vụ cắt cổ Lm Jacques Hamel, tỏ ra vô cùng quả quyết. Thẩm phán Marc Trévidic nay bị chuyển về làm việc ở Lille về vấn đề gia đình như giải quyết hồ sơ ly dị. Sau hơn mươi lăm năm, ông làm thẩm phán chống khủng bố, đầy nguy hiểm làm cho ông bị bịnh bao tử nặng, làm rụng tóc, vì lo sợ do phương tiện làm việc quá hạn chế, nhứt là về phưong tiện bảo vệ an ninh nghề nghiệp. Tuy nay được an nhàn, nhưng vì tính hình Pháp bị hăm dọa khủng bố, ông vẫn mong muốn được trở lại nhiệm vụ cũ.

Âm mưu chiếm quyền và hồi giáo hóa xã hội pháp

Mọi biểu hiện, cả về trang phục như vụ burkini vừa rồi trên bải biển Miền Nam Pháp (Côte d’Azur) đều mang ý nghĩa nhằm thể hiện nét văn hóa hồi giáo, nếp «sống đạo » theo Coran. Burkini trong trường hợp này không còn chỉ là chiếc áo tắm hay như trang phục của người nhái, mà là sự tách bạch rỏ quan niệm giới tính. Mặc Burkini là nữ giới. Điều này muốn nói lên thái độ phản đối chủ trương nam/nữ bình quyền của nền văn hóa dân chủ pháp hay tây phương. Theo Hồi giáo, phụ nữ là ô nhiểm, dơ bẩn (impure) vì vậy họ phải dấu đi thân thể của họ. Với người tây phương, đây là một sự xúc phạm phẩm cách con người, nghiêm trọng hơn tội kỳ thị chủng tộc.

Nhưng có ai nghĩ thêm điều đó còn là một chìến lược chinh phục. Để ảnh hưỏng mạnh lên dân chúng một nước, người hồi giáo (hồi gìáo tranh đấu – islamiste, Daesch) bắt đầu áp đặt quan niệm của họ về thế giới bằng những giá trị quí chiếu mới. Khi một nước đã bị hồi giáo cai trị thì luật charia sẽ được triệt để áp dụng. Phụ nữ sẽ không cần mặc burkini tắm biển nữa, mà phải mặc burqua, những người đồng tính sẽ bị hành quyết.

Đây là dự án khám phá được từ tổ chức « Huynh Đệ hồi giáo » (Les Frères musulmans). Nhưng Chánh phủ pháp và phần lớn Dân biểu cố ý nhắm mắt. Không vì bất lực, mà vì quyền lợi lá phiếu cho phe cánh. Ông Hollande vẫn chưa quên, năm 2012, ông đắc cử ở vòng hai nhờ 93% cử tri gốc hồi giáo. Và các Dân biểu, Thị trưởng phe xã hội (PS – đảng cầm quyền).

Chánh phủ và Dân biểu không chỉ nhắm mắt mà còn dành mọi dễ dàng cho hồi giáo xây cất nhà thờ, tài trợ các dự án phát triển thanh niên hồi giáo wahabites, salafistes, phe quá khích, thay vì tổ chức chương trình huấn luyện chúng hiểu Cộng hòa là gì, tính thế tục (la laïcité) là gì, giúp phân biệc tách bạch hồi giáo và hồi giáo quá khích (musulman/islamiste).

Bà Céline Pina, nhà bình luận và tác giả quyển « Im lặng có tội » (Silence coupable, Kero, 4/2016) quả quyết Hồi giáo đang âm mưu chiếm nước Pháp. Giáo sư Bernard Rougier dạy Văn minh và xã hội thế giới á-rặp hiện nay ở Đại Học Paris III, tác già quyển « Salafisme là gì ? », (PUF, Paris), trả lời ký giả Catherine Golliau (Le Nouvel Observateur (Paris, 15/9/2016) báo động rỏ « Những người hồi giáo muốn hồi giáo hóa xã hội pháp ».

Ông khai triển ý của ông là Hồi giáo ở Pháp đa số theo dòng chánh  thống (salafiste, không chấp nhận canh tân) rất nguy hiểm. Họ chỉ muốn hồi giáo hóa xã hội pháp, xét lại những giá trị của chế độ Cộng hòa như tự do, sự bao dung, sự binh đẳng nam-nữ, dân chủ… Còn theo « Con đường đi của người hồi giáo » (La voie du musulman de Aboubaker Djaber Eldjazairi), quyển thánh kinh của hồi giáo salafiste, thì người hồi giáo được phép bắt làm nô lệ, đánh đặp phụ nữ, giết những người đồng tính, … Đó là những giáo điều mà Daech học tập và áp dụng sát từng chữ.

Người hồi giáo phần lớn đều từ chối những giá trị và cách sống không đặt trên cơ sở kinh coran.Họ  phải phủ nhận ảnh hưởng của  xã hội nơi đang sống. Nên chánh sách « hội nhập » của Chánh phủ chịu thất bại.

Một sư chọn lựa

Trong một buổi nói chuyện, Mohamed Sabaoui (xã hội học Đại Học Công giáo ở Lille, và đảng viên trẻ đảng Xã hội pháp, gốc Algérie, nhập tịch Pháp), giải thích cuộc chinh phục Âu châu ôn hòa của Hồi giáo chưa kết thúc. Người hồi giáo tiến hành tiếp cùng lúc trên các mặt trận. Họ chọn Pháp trước vì Chánh phủ mở rộng đón nhận họ. Hồi giáo ở Pháp sẽ là “Con Ngựa thành Troie” giúp Hồi giáo sớm chinh phục nước Pháp. Ở đây thuận lợi vì Nhơn quyền sẽ trói buộc Chánh quyền, dành cho chúng tôi mọi quyền lợi mà ở nước hồi giáo, chúng tôi không có quyền đòi hỏi.

Khi chúng tôi nắm được chánh quyền thì những vụ đập phá, đốt xe, giựt đô đạc trong các cửa hang sẽ không còn nữa.

Chánh sách “hội nhập” của chánh phủ thất bại, chúng tôi không bao giờ chấp nhận vì luật pháp Cộng hòa không phù hợp với kinh Coran. Người hồi giáo chỉ chập nhận luật Charia.

Chúng tôi phải hoạt động để giành lấy chánh quyền vì nó là của chúng tôi. Có lẽ vùng Bắc sẽ sớm thuộc về chúng tôi vì ở đây, chúng tôi đông đảo và ảnh hưởng mạnh. Một khi chiếm được chánh quyền, chúng tôi sẽ biến thành một thành phố độc lập như Kosova, với văn hóa và luật pháp hồi giáo áp dụng chung cho mọi người.

Hiện nay, ngay ở ngoại ô Paris, nhiều phụ nữ và trẻ con hoàn toàn không sống thật sự đời sống của xứ Pháp. Họ sống trong cộng đồng hồi giáo riêng biệc. Ở xí nghiệp, trường học, nhà thương, cả công sở, chánh sách “thế tục” mà Chánh phủ hô hào áp dụng đang thất bại.

Theo bà Céline Pani, người hồi giáo trở thành người có quyền ở xứ Pháp, đòi gì được đó, chỉ vì Chánh phủ quá kiên nể họ. Những giá trị về hòa bình, tự do, bình đẳng xưa nay được Chánh phủ Pháp cổ vũ sẽ không còn là di sản quí báu để giao lại cho các thế hệ kế tiếp.

Chúng ta có trong lịch sử dân tộc những nguyên lý, những lý tưởng của chúng ta để chia sẻ với thế giới tự do. Nếu chúng ta thành công thì có như vậy, chúng ta mới phục hồi địa vị cao quí của nhửng con người của lịch sử khai sáng.

Cũng là ngày 11 tháng 11 – Nguyễn thị Cỏ May

Ngày ký Hiệp ước đình chiến năm 1918 để chấm dứt Đệ I Thế chiến giửa Đức và Đồng Minh hằng năm vẫn được chánh phủ Pháp long trọng làm lễ tuởng niệm. Năm nay, TT Hollande chủ lễ lần cuối cho nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Sau khi đặt vòng hoa tưởng nìệm ở Công trường Clémenceau, Tổng thống tiến thẳng tới Công trường Etoile, đặt vòng hoa Đài Tử sĩ dưới Khải Hoàn môn, có ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt (cả 2 nơi đều trong Paris VIII).

Nhơn đây, tưởng cũng nên nhắc qua chút về chuyện ký Hiệp ước Đình chiến. Ngày 11 tháng 11 năm 1918, hồi 5 giờ 15, trên toa-nhà hàng ăn(wagon-restaurant) của chiếc xe lửa số 2419D được trưng dụng làm Văn phòng chỉ huy Lực lượng Đồng Minh của Tướng Foch. Chiếc xe lửa đậu trong cánh rừng thưa, gần nhà ga Rethondes, thành phố Compiègne, tỉnh Oise (Đông-Bắc nước Pháp).

Tuy lúc bấy giờ võ khí hảy còn thô sơ, nhưng trận chiến 14-18 đã cướp mất 10 triệu người vì suốt cuộc chiến đã động viên 60 triệu người. Về phía Tây, họ đã bắt dân thuộc địa như dân Nam kỳ đua qua đánh giặc. Cỏ May tôi có người bác bị đi lính, nhưng may mắn còn trở về làm ruộng, mất sớm do bị bịnh phổi. Ngày nay, ở nghĩa trang quân đội Verdun, Động-Bắc nước Pháp, hảy còn nhiều mồ mả, mộ bia ghi tên Việt nam, được giử gìn kỷ luởng.

Qua Đệ II Thế chiến, chiếc xe lửa 2419D, bị Hitler lấy đem về Berlin và làm nơi ký Hiệp ước với Pháp. Ngày nay, một phần còn chưng bày trong Bảo tàng viện Compiègne và ngôi rừng thưa được giử gìn đẹp đẻ làm nơi du lịch.

Với người Việt nam, ngày 11-11 cũng là ngày được ghi nhớ vì đó là ngày Tướng Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Không quân Vương văn Đông đảo chánh ông Ngô Đính Diệm nhưng thất bại. Hai người phải lưu vong. Sau này, Tướng Thi trở về Việt nam tiếp tục phục vụ quân đội. Riêng Trung tá Đông ở luôn bên Pháp và hiện này, ông cư ngụ tại thành phố Sarcelles Saint-Brice, ngoại ô Đông-Bắc Paris. Ông có cho xuất bản một tập hồi ký về vụ đảo chánh hụt.

Từ trước giờ, ngày lễ 11-11 vẫn được cử hành bình thường như vậy. Năm nay, bổng xảy ra một chuyện lạ gây sôi nổi trên mạng, ồn ào trong dân chúng Tàu, và cả truyền thông Tây cũng nói tới. Thậm chí tuần báo chánh trị của Tây như Le Point (Quan điểm), Le Nouvel Observateur (Người Quan sát Mới), cũng không bỏ qua. Ngày 11-11 trở thành « ngày độc thân ».

Ngày độc thân, không riêng gì chỉ của Tàu, mà còn của nhiều nước trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên, trong đó có Việt nam. Xưa nay, cả về chánh trị, hể cái gì có ở Táu, nhứt là những thứ không ai thèm bắt chước, là phải có giống y như vậy ở Việt nam. Dễ nhớ, năm 79, Tàu bày ra « tư tưởng mao-trạch đông », thì mươi năm sau, Hà nội cũng hô hào « tư tưởng hồ chí minh » sau khi kiếm không được cái gì ít thảm hại !

Con số thần tài

Tung ra ngày 11-11 là ngày độc thân, chỉ trong 6 phút 58 giây, công ty điện tử Alibaba của ông Jack Ma (Sáng lập và Chủ tịch) thu vô được 1 tỷ 47 us$ và trong 12 giờ đầu tiên, thu được 12 tỷ us$ tiền bán hàng ra hạ giá.

Tàu làm marketing không theo sách vở nào hết. Trước đây ở Việt nam, Ba Tàu Chợ lớn ngồi buồn, bổng tung ra vụ “chim cúc”, họ hốt bạc không kịp. Chỉ trong vòng mấy ngày, giá con chim cúc tăng vọt lên hằng chục chục lần so với thị trường bình thường. Những người hưởng ứng, như  một số người Việt nam, không biết có được mấy người húp cháo ? Rồi phong trào xẹp xuống như bông bóng xì, thì không ít người thành công nhờ đi đổ lông chim cúc và vỏ trứng cúc.

Nhưng tại sao ngày 11 11 đưa ra lại được đông đảo hưởng ứng như vậy ?

Tây có từ ngữ châm biếm “chinoiserie ”, có nghĩa là nói điều khó hiểu, quái gở. Không bình thưòng, không phổ thông. Thế mà điều “chinoiserie” mỗi khi tung ra, lại được không ít người hưởng ứng. Không phải cá nhơn mà cấp quốc gia.

Đây Ba Tàu cắt nghĩa 11 11 một cách rất ba tàu. Con số 1 là căn bản của mọi sự biến hóa, là con số khởi đầu, luôn luôn đem lại những điều mới mẻ, tốt đẹp, đem tới một sức sống mới cho mọi nười.

Số 1 là con số lớn nhứt, độc nhứt, cao nhứt. Số 1 tượng trưng cho đỉnh cao tối thượng. Nó còn đại diện cho những người tiên phong, những nhơn tài, …

Theo số học của Tàu, số 1 là số lẻ, dương tính, được coi như một biểu hiện của sự phát triển và tăng trưởng nên thông thường người ta chuộng số lẻ hơn số chẵn.

Với quan niệm như vậy, bốn số 1 đi liền nhau thành 1111 chắc chắn phải mang ý nghĩa tuyệt đẹp không chối cải, đó là sự may mắn lớn, sự thành công ngoạn mục, ….. Mặc dầu, đây là ngày 11 tháng 11. Ghi ra phải là 11/11 hay 11-11, chớ không phải liền nhau 4 số 1. Nhưng ở thời buổi, chuyện rủi, chuyện xấu nhiều hơn chuyện may, chuyện tốt, nên khi nghe nói đó là điều tốt đẹp là người ta hưởng ứng. Ít ra cũng là niềm an ủi.

Trong bài tây, bốn số 1 là con bài lớn nhứt vì đó là 4 ách. Số hên của người Tàu xưa nay là bốn số 8 hoặc bốn số 9.

Bốn số  8888 tượng trưng cho sự thịnh vượng, sức khỏe và may mắn. Con số biểu hiện tốt lành này là tám điều bất tử trong đạo Lão và Bát Chánh đạo trong Phật giáo.

Trong thực tế, có cửa sổ hình bát giác, bình cắm hoa tám mặt, một mảnh gương hình bát quái… đều có sức mạnh tinh thần, được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày vì có nhiều người tin là chúng có thể ngăn chặn không cho những cái xấu xâm nhập vào nhà.

Số 8 còn là con số “âm tận cùng” vì là con số tận cùng trong dãy số 2, 4, 6, 8. Theo quan điểm “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Khi con người bị vùi xuống tận cùng bế tắc, để tồn tại chỉ còn con đường duy nhất là phải đứng lên, chính vì vậy con số 8 đối với người phương Đông biểu hiện cho sức mạnh tiềm tàng và sự trỗi dậy mạnh mẽ, một sự chuyển biến tốt lành.

Sau cùng, bốn số 9999 được xếp vào hạng số 1. Tiếng tàu, số 9 đồng âm với từ “trường thọ và may mắn” là con số chánh, hạnh phúc an lành và thuận lợi. Ở Việt Nam, bốn số 9 được luận là “tứ cửu”, tức là “cứu tử”, là cứu sống, thoát chết. Nên nhiều người xin số xe, dám chịu thêm tiền, hoặc chờ đợi để được số 9 là số “cứu tử ”. Đi đường, có bị tai nạn cũng được “cứu tử ” nhờ đó mà sống nhăng !

Số 0 là con số ai cũng chê hết cả. Học trò sợ con số 0 hơn ai hết. Gặp một con cũng đã đủ ớn rồi nên chắc không cần phải gặp tới bốn con.

Ngày độc thân

Ngày 11–11–2011 được đa số thanh niên Tàu hoan hỉ đón nhận vì một trăm năm mới có được một lần 11 11 11. Họ bèn chọn như ngày lành, ngày của may mắn để ai chưa có đôi bạn, nên kết hôn với nhau. Lấy nhau vào ngày này, sẽ trăm năm hạnh phúc. Nếu khai trương cửa hàng, sẽ làm ăn tấn tài tấn lộc…

Xuất phát từ ý nghĩ “Đời này, kiếp này sẽ sống trọn đời bên nhau…”, những cặp nam thanh nữ tú đã không chút do dự chọn ngày 11/11/2011 để kết tóc xe tơ với một nửa của mình. Họ cho rằng, trăm năm mới có một ngày 11/11/2011, và sẽ vô cùng ý nghĩa nếu chọn đó làm ngày kỷ niệm trọng đại nhứt đời.

Thanh niên trai gái đua nhau kết hôn vào ngày 11/11/2011

Tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Hàng Châu vào ngày này, các cửa hàng cung cấp dịch vụ cưới vô cùng đắt khách. Một số nhà hàng cho thuê địa điểm cưới còn phải từ chối khách vì đã hết chổ.

Tuy nhiên, quan điểm đa số cho rằng ngày lễ thú vị này bắt nguồn từ Đại học Nam Kinh những năm 90 của thế kỷ trước.

Đó là câu chuyện có thật về 4 chàng độc thân, không có vợ, cũng không có bạn gái, tụ tập cùng nhau chơi mạt chược từ 11h đêm đến tận 11h sáng hôm sau. Điều lạ lùng là trong cuộc chơi này, mỗi lần hạ bài đều về dây 4. Hôm đó vừa đúng là ngày 11-11.

Từ đó, để kỷ niệm ngày thú vị này, họ đã lấy ngày 11-11 làm ngày của những chàng trai độc thân. Người ta nói rằng, ngày này các anh chàng độc thân phải ăn một mạch hết một xâu kẹo kéo, nếu không năm sau vẫn sẽ “ế” như năm cũ.

Thực tế trong vừa qua, ngày 11-11 là ngày Ba Tàu lên cơn điên. Ông Jack Ma cho đại hạ giá hàng của cửa hàng Alibaba, một hệ thống e-commerce ( bán trên mạng), nên thanh niên độc thân tranh nhau mua sắm quần áo, dầu thơm, xe gắn máy điện (Scooters électriques). Thật ra, hôm ấy đúng là ngày phát tài của nhà buôn Alibaba và ông Jack Ma. Ông biết tâm lý dân Tàu, nhứt là giới trẻ, luôn luôn chạy theo những ngày lễ hội ngoại quốc. Việt nam không khác. Năm nay, đám trẻ Việt nam làm lễ ma (Hallooven) rùm beng hơn những năm trước rất nhiều. Về lễ tình yêu, thanh niên Việt nam hưởng ứng còn xôm tụ hơn Âu Mỹ. Có một nhà báo Việt nam đã không ngại quả quyết cho rằng lễ Tình yêu (Valentin) là của Việt nam, Âu-Mỹ du nhập vào !

Mà người Tàu có lý. Bởi họ không có quan hệ xa gần gì với ngày Đình chiến của Đệ I Thế chiến thì họ lại thông minh biến ngày 11 11 thành ngày Lễ Độc thân.

Jack Ma tung ra ngày độc thân, bán đại hạ giá hàng hóa. Nhiều cửa hàng khác cũng bán theo. Nhà sản xuất thấy vậy, cũng tuôn hàng tồn kho ra bán cho hết vào cuối năm, để chuẩn bị cho năm mới. Jack Ma lấy ý ở ngày thứ sáu đen của Mỹ. Năm nay, ông thành công ngoài sự tưởng tượng.

Khách hàng đông nhứt là giới trẻ dưới 25 tuổi vì chúng bắt tin nhanh trên mạng. Nhưng không phải chỉ có độc thân, mà đông đảo là giới trẻ cả vợ lẫn chồng nữa. Vơí Tàu, vợ chồng cũng chỉ là hai người sống chung với khế ước mà thôi.

Hể có Tàu là có chuyện. Thường chỉ hay đối với họ vì cho họ điều kiện lượm bạc cắc trước hết. Đi tới đâu, người Tàu cũng quan tâm tới chuyện lượm bạc cắc là ưu tiên. Bằng mọi cách mà không có cách nào tốt hơn hết nếu cách đó đem lại nhiều bạc cắc.