Tập Cận Bình thăm Việt Nam kỳ này: tên gọi gì cho mối quan hệ?
RFA
2023.12.13
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 12/12/2023 AP00:00/06:13
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12/2023. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Bản tuyên bố chung; theo đó mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” của hai nước sẽ hướng tới xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.” Theo một số nhà nghiên cứu, sự thay đổi tên gọi này cho thấy nhiều điều thú vị đằng sau mối quan hệ của hai nước láng giềng này.
Vì sao không còn tên gọi “chung vận mệnh”?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, việc đổi tên gọi quan hệ của hai nước rất thú vị. Không phải là “cộng đồng chung vận mệnh” mà là “chung tương lai”. Và họ không chỉ “chung tương lai” mà cái tên này có bổ ngữ rất dài phía sau: “có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.” Theo ông Nguyễn Thế Phương, cái bổ ngữ rất dài phía sau tên gọi này là một chỉ dấu quan trọng để thấy những điều Việt Nam muốn có từ mối quan hệ. Điều đó cho thấy Việt Nam chính là bên chủ động, cố gắng thay đổi tên gọi, làm cho bản chất quan hệ sẽ thay đổi so với quan hệ của Trung Quốc với các nước khác, và quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc cũng khác quan hệ với các cường quốc khác.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM nhận xét rằng trong chuyến thăm này của Tập Cận Bình tới Việt Nam, có một số vấn đề mà Việt Nam quan tâm sâu sát: trước hết là kinh tế thương mại, đó là cái Việt Nam rất cần; thứ hai là một loạt sáng kiến của Trung Quốc.
Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh là một sáng kiến lớn, trong đó có nhiều sáng kiến nhỏ, như BRI (vành đai con đường), Sáng kiến Văn minh toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu… Khi “du hành” tới Việt Nam thì Trung Quốc đã phải đổi tên gọi “Sáng kiến” này thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai.” Theo ông Hoàng Việt, nếu dùng khái niệm “vận mệnh” thì Việt Nam có thể phản đối. Việt Nam có lẽ e ngại khái niệm này vì “vận mệnh” có khả năng dẫn tới cách diễn giải là “tôi sống thì anh sống, tôi chết thì anh chết”. Trong đó khi đó, quan điểm của Việt Nam là “không chọn bên”. Chiến lược của Việt Nam là “ngoại giao cây tre”, tức phần gốc thì vững chắc, không đổi, nhưng phần thân và ngọn thì linh hoạt. Nếu nói hai nước “chung vận mệnh” thì sẽ bị diễn giải là Việt Nam chọn bên.
Sáng kiến Vành đai con đường là một bộ phận của Sáng kiến Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định rằng tuyên bố của cả hai bên trước đây nói rất rõ là tiếp tục phát triển tuyến đường sắt kết nối Lào Cai – Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) và Hải Phòng, đồng thời thảo luận về tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Nghi thức đón tiếp: ai hơn ai?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng chuyến thăm của Tập Cận Bình thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì Việt Nam mới nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Dù sao thì Mỹ và Nhật cũng đang là đối thủ của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden, nghi thức được giảm thiểu tối đa, không trải thảm đỏ, không bắn 21 phát đại bác. Nhưng với Trung Quốc thì các biểu tượng nghi thức rất quan trọng. Ngoài ra, khi Việt Nam thăm Trung Quốc thì Trung Quốc cũng đón rất trọng thị.
Các biểu tượng trong nghi thức đón tiếp ông Tập Cận Bình do đó cũng là cách mà Trung Quốc và Việt Nam muốn chứng tỏ là Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng, hơn Mỹ. Tất nhiên, đó mới là xét về nghi thức, vì còn nhiều vấn đề khác.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đang muốn cân bằng lại ảnh hưởng ở Việt Nam, có những vấn đề ẩn giấu bên trong quan hệ hai nước, trong đó có tranh chấp Biển Đông. Nhất là gần đây thì xung đột giữa Trung Quốc và Philippines vẫn đang dâng cao.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, trao đổi với RFA rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình khẳng định một điều là trong các quan hệ của Việt Nam thì quan hệ với Trung Quốc là quan trọng nhất.
Mặt khác, tên gọi rất dài của mối quan hệ hai nước cũng truyền đi thông điệp là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc mặc dù cũng là quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện,” nhưng quan hệ với Trung Quốc là quan hệ cao nhất, hơn quan hệ với các “đối tác chiến lược toàn diện” khác.
36 hiệp định hợp tác
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh rằng khác với Mỹ, Trung Quốc lại là nước đặt nặng vấn đề biểu tượng, thể diện. Trung Quốc đã đạt mục tiêu là truyền đi thông điệp là vị thế của họ là cao nhất trong các mối quan hệ của Việt Nam. Việt Nam cũng cho Trung Quốc thoả mãn điều đó về mặt biểu tượng. Nhưng đằng sau những điều đó, chúng ta thấy hai bên phải nhân nhượng lẫn nhau.
Để Việt Nam chấp nhận tên gọi “chia sẻ tương lai” như vậy, Trung Quốc phải chấp nhận thả lỏng cho Việt Nam nhiều vấn đề khác, như hợp tác khai thác đất hiếm giữa Việt Nam và các nước đối thủ của Trung Quốc như Nhật Bản.
Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác. Hiện nay hai bên mới chỉ công bố tên gọi của 36 văn bản này, thông tin chi tiết của các văn bản vẫn chưa được công bố.
Hai nhà nghiên cứu Hoàng Việt và Nguyễn Thế Phương đều cho rằng 36 văn bản thỏa thuận hợp tác được nhắc đến trong Thông cáo chung là những thỏa thuận mà giới quan sát sẽ tập trung nghiên cứu thêm để hiểu sâu hơn về mối quan hệ hai nước trong thực chất.
Trong danh sách 36 thỏa thuận nói trên, các lĩnh vực hợp tác chủ yếu là kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng. Về cơ sở hạ tầng, đáng chú ý là dự án đường sắt kết nối biên giới Việt Nam – Trung Quốc, từ Lào Cai nối về Hải Phòng và Lào Cai nối sang Trung Quốc. Không thấy nói đến dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dù gần đây dư luận Việt Nam quan tâm nhiều. Tuy vậy, trong 36 văn bản, có một Bản Ghi nhớ nói chung chung là hai bên sẽ “tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam – Trung Quốc.”
Lĩnh vực an ninh – quốc phòng có đến bốn văn bản, tập trung vào phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp.
Ngoài ra, có một điều đáng chú ý là văn bản hợp tác giữa Bộ Tài nguyên Môi trường hai nước chỉ thấy nói tập trung vào trao đổi số liệu thủy văn mùa lũ, không thấy thỏa thuận nào liên quan đến đất hiếm. Tuy nhiên, Thông cáo chung có nói đến khả năng hai bên “tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt,” dù không nói rõ khoáng sản then chốt là gì. Điều này lặp lại một nội dung trong Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc hồi tháng 6 năm 2023 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc có nói hai bên sẽ “tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt.” Điểm mới là Thông cáo chung ngày 13/12/2023 nhấn mạnh là hợp tác ở lĩnh vực khoáng sản then chốt sẽ tuân theo “nguyên tắc thị trường và tinh thần thực chất, bền vững.”
RFAViet