Tâm tình với GS Vũ Quốc Thúc về triển vọng đất nước thời hậu cộng sản

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tâm tình với GS Vũ Quốc Thúc về triển vọng đất nước thời hậu cộng sản

Giáo sư Vũ Quốc Thúc kính mến,

Nhận được điện thư hồi âm, tôi rất vui mừng cảm thấy tinh thần Giáo sư lộ nét sảng khoái lẫn đôi chút hài hước khi cho rằng “Tôi coi mỗi ngày được sống thêm như một ân sủng của Thượng Đế và nhờ vậy sẽ chứng kiến những biến chuyển bất ngờ trong lịch sử của đất nước. Anh đừng cười tôi là “lạc quan tếu”.

Giáo sư luôn ưu tư đến tiền đồ dân tộc nên thường xuyên theo dõi các bước thăng trầm của lịch sử. Nhờ đó sớm nhận ra những chỉ dấu cho thấy vận hạn đất nước sắp sửa đổi thay nên luôn lạc quan yêu đời. Đó là liều thuốc dưỡng sinh hữu hiệu, cũng là phần thưởng Trời ban cho những người yêu nước. Là nhân chứng của thời đại, Giáo sư đã chứng kiến những biến động bất ngờ. Sau chiến thắng 30/4/1975 của CSVN, Breznhev tuyên bố trước Đại hội Đảng CS Liên Xô năm 1976: “Sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu là bước tiến không thể đảo ngược của lịch sử”.  Đến cuối năm 1976, CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần thứ IV, tổng kết chặng đường thắng lợi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Họ cho rằng “Từ nay không còn tên đế quốc nào dám đụng đến VN nữa. Đất nước VN đã nhiều lần độc lập và thống nhất nhưng không bền vững vì chưa có giai cấp công nhân lãnh đạo, chưa có chủ nghĩa xã hội”.

Ba năm sau, quả thật chẳng có tên đế quốc nào dám đụng đến VN, chỉ có “đồng chí vĩ đại” phương Bắc động binh “dạy cho một bài học” và thề sẽ trừng phạt CSVN cho đến chết vì tội vong ân bội nghĩa. Cũng chẳng có ai ngờ 15 năm sau, chiến thắng của CSVN không phải là “bước rẩy chết tất yếu của chủ nghĩa tư bản hiện đại” mà là bước mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ngay tại quê hương của những người đã sản sinh ra nó.

Ở tuổi “Thất thập cổ lai hy” Giáo sư sống ở Pháp nên đã chứng kiến những biến động bất ngờ của hai nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Tại Ba Lan, sau 40 năm cầm quyền, ngày 27/Giêng/1990 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất tức Đảng CS Ba Lan tuyên bố giải tán. Bản tham luận của Bộ Chính trị thú nhận: “Chủ nghĩa xã hội đã đưa Ba Lan đến chỗ chết. Đảng không còn vai trò lịch sử vì nhân dân đã mất niềm tin ở Đảng”. Một chính đảng mới thoát thai từ Đảng Công nhân thống nhất ra đời với danh xưng Đảng Xã hội Dân chủ Cộng hòa Ba Lan, xây dựng một thể chế mới gọi là “Một hệ thống nghị trường dân chủ, nơi đó mọi ý kiến được tự do phát biểu và nhân quyền được tôn trọng”.

Sau Ba Lan, Hung Gia Lợi là quốc gia Đông Âu thứ hai chủ trương thay đổi đường lối chính trị. Ngày 11/Giêng/1990, Quốc hội Hung thông qua đạo luật cho phép các đảng phái độc lập được thành lập. Năm tháng sau, trong phiên họp ngày 21/6/1990, Ban Chấp hành Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hung xác định mục tiêu của đất nước Hung là xây dựng một thể chế dân chủ xã hội với những quyền tự do dân chủ được ghi trong hiến pháp, có Quốc hội đặt nền tảng trên hệ thống đa đảng và một nền kinh tế tự do dựa trên quyết định của người dân.

Việt Nam gia nhập hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa từ năm 1978, nhưng không theo gương các nước Đông Âu khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở LX. Họ tìm chỗ dựa ở Bắc Kinh để kéo dài chế độ XHCN đến ngày nay cũng vừa tròn 40 năm. Cũng như Ba Lan, chủ nghĩa xã hội đã đưa VN đến chỗ chết. Vừa chấm dứt chiến tranh 30 năm (1946-1975) tiến lên xây dựng XHCN lại tạo ra chiến tranh mới kéo dài 10 năm, rồi lệ thuộc toàn diện vào kẻ thù truyền kiếp vì 6 chữ “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng TBT Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu ngày 24/10/2013 về việc sửa đổi hiến pháp 1992 đã nói: “Xây dựng xã hội chủ nghĩa còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này, không biết đã có xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh ở Việt Nam hay chưa?”

Song có điều chắc chắn, nếu tiếp tục xây dựng XHCN, đất nước sẽ bị Hán hóa. Đảng CSVN đã làm mất lòng dân lại dựa vào kẻ thù truyền kiếp để tiếp tục thống trị dân bằng độc tài chuyên chính. Vì sự tồn vong của dân tộc, vì quyền sống của dân, Đảng CSVN sẽ phải cáo chung khi những người lãnh đạo thức tỉnh. Giáo sư là nhân chứng của thời đại nên vinh dự được Thượng đế ban ân sủng kéo dài tuổi đại thọ để chứng kiến ngày tàn của thời đại đau thương của đất nước, mở đầu kỷ nguyên mới, thời đại hậu cộng sản: Độc Lập Dân chủ Tự do.

Kính thưa Giáo sư,

Ngoài ân sủng của Thượng đế, theo quan niệm của cụ Trần Trọng Kim, do cái nghiệp Giáo sư chưa đóng hết vai trò trong tấn tuồng đã được an bài, nên tuổi đại thọ còn kéo dài. Giáo sư là ngôi sao Bắc Đẩu ở cỏi trời Nam, sẽ soi sáng chỉ đường cho dân tộc tiến lên. Trong thư trước, tôi cho rằng “Thời điểm hiện nay đã chín muồi để thực hiện cuộc cách mạng. Cách tân Viêt Nam khỏi chủ nghĩa cộng sản để thoát Trung về mặt ý thức hệ và mở đường cho dân tộc bước vào kỷ nguyên mới thực sự Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Nhờ thư hồi âm của Giáo sư, tôi mới nhận thức được rằng đó chỉ là điều kiện Cần. Giáo sư đề cập đến “Độc lập và nhờ vị trí chiến lược của mình sẽ trở nên một “cấm địa” không bị một đại cường nào có thể chiếm đoạt làm “thuộc địa” riêng”. Từ đó tôi mới thấy đây là điều kiện Đủ mới có thể đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Giáo sư phân tích về Trung lập: “Nếu chúng ta trung lập, không phải vì hoàn cảnh do chủ trương của chúng ta mà chính nhờ ở tương quan lực lượng giữa các đại cường. Ta phải sáng suốt để nhận rõ quyền lợi của mình, chớ nên vì cảm tính nhất thời mà rơi vào vòng kiềm tỏa của một một ngoại bang dù ngoại bang đó là đệ nhất hay đệ nhị siêu cường trên thế giới”.

Đây là vấn đề quan trọng đối với tương lai đất nước, tôi rất thích thú được hầu chuyện với vị tôn sư dù cao niên nhưng trí óc vẫn còn sáng suốt với lý luận sắc bén. Vì thế tôi xin được trình bày những gợi ý của Giáo sư bằng những dẫn chứng lịch sử.

Ông Vũ Tài Lục, tác giả quyển “Những Quy luật Chính trị trong Sử Việt” trong chương đầu đã khẳng định “Không đọc Sử, không đủ tư cách nói chuyện Chính trị.” Ông viết tiếp: “Lịch sử là một cuộc đối thoại bất tận giữa quá khứ và hiện tại…Nhưng lịch sử đã qua mãi mãi mang nhiệm vụ giáo huấn. Những kẻ đang sống tìm trí thức trong quá vãng, không phải chỉ để thỏa mãn ý muốn hiểu biết, mà cốt là để làm giàu cho trí tuệ đấu tranh hiện tại, cốt là để rút tỉa nhiều bài học hữu ích”. Nay tôi xin ôn cố, tìm hiểu nhân tố nào khiến VN trở thành địa bàn của cuộc xung đột thế giới trong chiến tranh lạnh vừa qua. Và các đại cường đã giải quyết ra sao hầu rút tỉa được bài học gì để định hướng tương lai?

Việt Nam nằm trong một địa thế chiến lược vô cùng quan trọng của vùng Đông Nam Á Châu. Nơi đây vừa là bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương kiểm soát tuyến đường hàng hải quốc tế nối liền Đông Bắc Á xuống Úc châu/Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, Trung Cận Đông, Châu Phi và Châu Âu, vừa là đầu cầu tiến vào một vùng đất tài nguyên phong phú.

Hồi đầu thế kỷ 20 Hạm đội Bắc Hải của Nga Hoàng đã dừng chân ở Cam Ranh từ 14 đến 22/4/1905 trước khi đi vào đọ sức và chịu thảm bại trước Hạm đội của Nhật ở eo biển Đối Mã vào ngày 27 và 28/5/1905. Đây cũng là bàn đạp mà quân đội Thiên Hoàng dùng để xâm chiếm các quốc gia trong vùng hồi Thế chiến thứ hai.

Thế kỷ 19 VN và ĐNÁ đã trở thành miếng mồi ngon của các cường quốc Âu Châu. Và trong giai đoạn suy tàn của chủ nghĩa thực dân, vùng đất thuộc địa này cũng sẽ là mục tiêu của những thế lực mới vươn lên. Từ 1919 QTCS đã chú ý đến Phong trào giải phóng thuộc địa ở phương Đông, họ coi đó là một bộ phận chủ yếu của cách mạng vô sản thế giới. Lenin tin tưởng các dân tộc thuộc địa sẽ đánh bại các nước đế quốc tư bản, góp phần với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân tại sào huyệt của chúng để lật đổ chủ nghĩa tư bản, đưa chủ nghĩa cộng sản đến thắng lợi hoàn toàn.

Năm 1924, lãnh tụ cách mạng VN là HCM với tư cách đại biểu các nước thuộc địa đã tham dự các đại hội của Đệ tam Quốc tế và theo học trường Đại học Công nhân Đông Phương ở Mạc Tư Khoa. Năm 1931 ông HCM vâng lịnh QTCS trở về nước lãnh đạo cách mạng và thành lập Đảng CS Đông Dương. Sau khi hoàn thành sứ mạng này, HCM được chỉ định làm Vụ trưởng Đông Á Vụ, giữ việc liên lạc giữa Mạc Tư Khoa và các tổ chức của Đệ tam Quốc tế tại Đông Á và Đông Nam Châu Á.

Vì lẽ đó, tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt mong muốn sau khi Thế chiến II chấm dứt, các nước ĐNÁ phải được độc lập, không còn bị đô hộ bởi các cuờng quốc thực dân nữa. Ông muốn thực hiện một “châu Á của người Á châu” được xây dựng trên tinh thần quốc gia của mỗi dân tộc.

Trong khi Thế chiến II diễn ra, TT Roosevelt nhiều lần bày tỏ ý muốn đặt các nước Đông Dương dưới sự ủy trị của LHQ. Nhưng thủ tướng Anh chống lại việc trao trả độc lập của các thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Churchill cương quyết không chịu thảo luận bản tuyên cáo về độc lập quốc gia và bản thỏa ước quốc tế hóa vấn đề Đông Dương. Cuối cùng tại hội nghị Le Caire (11/1943), Roosevelt thỏa thuận với Tưởng Giới Thạch và Churchill về việc duy trì ảnh hưởng của các Đồng minh tại các thuộc địa bằng cách trao trả độc lập cho các nước bị trị sau khi chiến tranh chấm dứt. Roosevelt không công khai tán đồng việc Pháp trở lại thống trị Đông Dương, song ông cũng không còn phản đối việc Anh Quốc đứng ra giúp Pháp tái chiếm các nước Đông Dương.

Việt Nam là phần đất chịu ảnh hưởng của Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước khi Pháp thôn tính Nam Kỳ làm thuộc địa. Năm 1884 với Hòa ước Thiên Tân, triều đình Mãn Thanh đã thỏa thuận để Pháp đặt sự bảo hộ ở Bắc và Trung Kỳ VN. Năm 1940 Pháp đầu hàng Đức và Nhật chiếm đóng các nước Đông Dương, còn Tưởng Giới Thạch lãnh đạo Mặt trận Hoa Nam của Đồng minh. Do đó tại hội nghị Potsdam (16/7-2/8/1945), TT Roosevelt chấp nhận để Trung Hoa và Anh Quốc vào giải giới Nhật ở Đông Dương và sắp đặt chế độ chính trị ở đây khi thế chiến II chấm dứt.

Đến đầu năm 1945, do sự vận động tích cực của Churchill, Pháp trở thành trụ cột của 5 cường quốc Đồng minh, tướng De Gaulle, thủ tướng chính phủ lâm thời Pháp đưa ra Tuyên ngôn 24/3 hứa sẽ cho các nước Đông Dương tự trị trong Liên bang Đông Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp. Sau khi Nhật đầu hàng, quân Anh vào giải giới Nhật và giúp Pháp tái lập chủ quyền ở phần đất phía Nam vĩ tuyến 16. Trong khi đó quân Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc. Cũng theo sự thỏa thuận của Đồng minh ở hội nghị Le Caire 1943, Pháp sẽ trở lại các phần đất của họ (nhượng địa) ở Trung Hoa. Do đó, hai bên đã đồng ý một sự trao đổi: Pháp giao hoàn các nhượng địa ở Trung Hoa lại cho chính phủ Trùng Khánh (Tưởng Giới Thạch), đổi lại Pháp sẽ thay quân Trung Hoa đóng ở Bắc vĩ tuyến 16 để Pháp đặt trọn ảnh hưởng ở VN.

Trong các cuộc xung đột giữa Pháp và Việt Minh ở Nam Bộ và cuộc đàm phán giữa Pháp với Chính phủ VNDCCH của ông HCM hồi năm 1945-1946, Mỹ giữ thái độ trung lập. Điều bất hạnh cho dân tộc là cả Việt Minh và Pháp đều thiển cận, tạo ra chiến tranh đúng vào thời điểm khởi diễn cuộc chiến tranh lạnh. Tại hội nghị Genève 1954, các cường quốc thỏa thuận để Lào và Cam Bốt trung lập, còn VN bị chia đôi vì xung đột ý thức hệ. Năm 1960, Hà Nội phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam, họ vi phạm quy chế trung lập của Lào, đưa vào Nam Lào xây dựng đường mòn HCM để vận chuyển người và vũ khí vào miền Nam. Hội nghị Genève 1962 về Lào được triệu tập để tái xác định quy chế trung lập của Lào. Vào thời điểm này, tổng thống Pháp cũng cổ vũ cho giải pháp Trung Lập Hóa Đông Dương.

Từ đầu tháng 3/1965 Mỹ bắt đầu can dự trực tiếp vào cuộc chiến VN để áp lực Hà Nội ngồi vào bàn phán hòa bình. Cuối tháng 10/1966 do đề nghị của TT Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân, lãnh tụ các nước Đồng minh có quân tham chiến ở MNVN như TT Park Chung Hee (Đại Hàn), TT Kittikachorn (Thái Lan), TT Harold Holt (Úc), TT Keith Hollyoak (Tân Tây Lan) và TT Johnson (Mỹ) đã gặp gỡ giới lãnh đạo VNCH tại Manila. Họ đề ra sáng kiến hòa bình, chấm dứt chiến tranh bằng đề nghị quân ngoại nhập cùng rút khỏi MN để nhân dân MNVN thực hiện việc hòa giải dân tộc, đồng thời đề xướng kế hoạch phát triển vùng Á châuThái Bình Dương với việc thành lập Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB). Xuất phát từ kế hoạch trên, năm nước Đông Nam Á là Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai và Singapore quyết định thành lập Hiệp hội các nước ĐNÁ tức ASEAN hồi tháng 7/1966.

Từ đầu năm 1971, ASEAN cùng 4 nước Á Châu/Thái Bình Dương là Nhật, Đại Hàn, Úc và Tây Tân Lan họp hội nghị và ủy quyền cho Nhật, Mã Lai và Nam Dương nghiên cứu giải pháp chấm dứt chiến tranh VN. Kết quả vào tháng 11/1971, năm nước ASEAN ra tuyên bố “Cùng nhau hành động để biến vùng này thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập”. Giải pháp này phù hợp với chủ trương của Mỹ trung lập hóa toàn vùng Đông Nam Á, sau khi họ đã quyết định chấm dứt chiến tranh VN và rút khỏi châu Á. Chủ trương này được sự tán đồng của LX và TC, vì nó làm giảm bớt hiểm họa chiến tranh và mở ra giai đoạn hòa bình, hợp tác hai bên cùng có lợi giữa các cường quốc.

Được sự hợp tác của LX lẫn TC, với HĐ Paris 1973 về VN, Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh VN bằng giải pháp hòa bình trong danh dự, không có kẻ thắng người bại. Công việc miền Nam VN sẽ do hai bên miền Nam quyết định không có sự can thiệp từ bên ngoài. Với sự thỏa thuận của Mỹ, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã chuyển đến Hà Nội lời khuyến cáo CSVN chấp nhận để miền Nam VN, Lào và Cam Bốt trung lập trong một thời gian dài. Lúc bấy giờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam VN tức MTGPMN đã được Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 (9/1973) của Phong trào các nước Phi Liên Kết công nhận là thành viên chính thức.  Vì thế, đầu năm 1974 Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đi Hà Nội gặp Lê Đức Thọ với đề nghị VNCH sẽ giao phân nửa lãnh thổ phía Bắc (Vùng 1 và 2) cho MTGPMN quản lý, giúp hai bên MNVN cân bằng thế lực để giải quyết vấn đề nội bộ của họ. Kế hoạch này bất thành vì lập trường bốn không của TT Nguyễn Văn Thiệu, trong khi Hà Nội thì quyết tâm cưỡng chiếm miền Nam bằng vũ lực.

Hai tuần sau khi Hà Nội thôn tính MNVN, bộ trưởng Ngoại giao 5 nước ASEAN trong phiên họp thường niên tại Kuala Lumpur hồi giữa tháng 5/1975 đã bày tỏ ý muốn thiết lập bang giao thân hữu với từng nước ở Đông Dương. Phi Luật Tân dù có truyền thống thân Mỹ lâu đời song TT Marcos cũng vận động để quốc gia ông gia nhập khối Phi Liên Kết.  Vùng đất chiến lược này lại được Nhật dự trù một ngân khoản 1600 triệu đô la giúp 8 nước trong khu vực gồm 5 nước ASEAN và 3 nước Đông Dương hình thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN).

Tháng 7/1976 TT Phạm Văn Đồng cử thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền đi thăm hữu nghị các nước ASEAN. Hà Nội đề ra chính sách ngoại giao 4 điểm dựa trên tinh thần “hợp tác khu vực vì sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh vì lợi ích của hòa bình, vì độc lập và trung lập thực sự ở Đông Nam Á”. Thiện chí của Hà Nội được các nước ASEAN đáp ứng, Cộng hòa XHCN Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với Thái Lan và Phi Luật Tân là hai quốc gia đã từng đưa quân sang giúp VNCH chống cộng sản. Ngày 20/6/1976 HK rút khỏi các căn cứ quân sự ở Thái Lan, kết thúc sự có mặt của Mỹ ở đây sau 12 năm can dự. Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) chấm dứt nhiệm vụ và giải tán một năm sau đó (30/6/1977) Tháng 8/1976 TT Phạm Văn Đồng được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ V của các nước Phi Liên Kết tại Sri Lanka. Cộng hòa XHCN Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức quốc tế này.

HK đã hoàn thành mục tiêu ở VN và rút lui khỏi Châu Á. Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập và trung lập trong khối ASEAN và là thành viên của Phong trào các nước Phi Liên Kết. Nhưng triển vọng này chỉ kéo dài 18 tháng. Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội Đảng lần thứ IV (12/1976) Lê Duẩn vạch ra chủ trương của đảng CSVN trong giai đoạn mới là “tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ”.

Đầu tháng 11/1978 TBT Lê Duẩn và TT Phạm Văn Đồng đến Mạc Tư Khoa cùng Breznhev ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác Việt Xô. Hai tháng sau, CSVN đưa quân sang Campuchia lật đổ Pol Pot được Bắc Kinh hậu thuẫn. Cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba giữa các nước cộng sản kéo dài từ 1979 đến 1989 sau khi Hà Nội chấp nhận áp lực của quốc tế, rút quân khỏi Campuchia. Dù cuộc xung đột ở Cam Bốt diễn ra giữa hai phe cộng sản, nhưng các cường quốc lại tín nhiệm Norodom Sihanook, cựu quốc vương nước Cam Bốt trung lập làm Chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc gia. Cựu hoàng sẽ lãnh đạo Campuchia trong giai đoạn chuyển tiếp từ khi HĐ Paris 1991 ra đời đến khi tổ chức cuộc Tổng tuyển cử tự do bầu Quốc hội dưới sự giám sát của LHQ hồi cuối tháng 5/1993.

Qua các diễn biến lịch sử vừa kể cho thấy, vì Việt Nam nằm trong một địa thế chiến lược vô cùng quan trọng, nên nơi đây chiến tranh xảy ra liên tục, có sự can dự của nhiều cường quốc. Vì thế trong thế kỷ qua đã có 4 hội nghị quốc tế có sự tham dự của đầy đủ 5 cường quốc Hội đồng Bảo An LHQ được triệu tập để giải quyết các cuộc chiến ở đây. Qua các hiệp định được ký kết, từ HĐ Genève 1954 về Đông Dương, HĐ Genève 1962 về Lào, HĐ Paris 1973 về Việt Nam đến HĐ Paris 1991 về Campuchia, các cường quốc đều đồng thuận: Các nước Đông Dương được trung lập. Hoa Kỳ còn tiến xa hơn với chủ trương Trung Lập Hóa Toàn Vùng Đông Nam Á. Chủ trương này đã được các nước ASEAN tán đồng và thực hiện.

Dựa vào chủ trương trên của các đại cường, nên tháng Tư năm 2006 khi thấy CSVN bị Bắc Kinh khống chế nặng nề, Giáo sư đã thành lập Ủy ban Vận động Quy chế Trung Lập Vĩnh Viễn cho Việt Nam tại Paris. Qua một số điện thư gởi Giáo sư, tôi coi sáng kiến này là con đường sống và phát triển của dân tộc phù hợp với thế nước lòng dân, phù hợp với thế địa-chính trị của đất nước. Nó còn phù hợp với sự sắp xếp của các cường quốc từ mấy thập niên trước.

Từ năm 2009 khi HK chuyển trục trở lại châu Á, trong nội bộ Đảng CSVN có sự phân hóa để cân bằng thế lực để thực hiện thế đu dây giữa hai cường lực. TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng với lập trường cố hữu thân TC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nghiêng về phía Mỹ. Ngày 25/7/2013 ông Sang đã đến Mỹ hội đàm với TT Obama và bày tỏ mong muốn của VN được hợp tác với Mỹ như Chủ tịch HCM đã gợi ý trong thư gởi TT Truman hồi tháng Hai 1946. Trong tuyên cáo chung, hai nước quyết định thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Ngoài hai khuynh hướng trên, trong giới lãnh đạo CSVN còn có chủ trương thiên về trung lập qua phát biểu của TT Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la ở Singapore hồi cuối tháng Năm/2013. Ông Dũng đã cổ vũ việc hợp tác quốc tế, thay vì chỉ hợp tác toàn diện với Bắc Kinh hay Hoa Thạnh Đốn, để xây dựng khu vực khu vực Á Châu/Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển. Ông tuyên bố: “Việt Nam chúng tôi có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực”. Kế hoạch này dựa vào ASEAN và “vai trò lớn của hai cường quốc. Đó là Trung Hoa đang trổi dậy mạnh mẽ và Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương”. Nhưng VN “đứng về phía ASEAN” và khẳng định: “VN không là đồng minh quân sự của nước nào và cũng không liên minh với nước này để chống lại nước khác”.

Ngày 11/5/2014 trong diễn văn đọc trước hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của khối ASEAN ở thủ đô Miến Điện, TT Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo “Từ ngày 1/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên TQ ngang nhiên đưa giàn khoan vào, hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Trước tình trạng nghiêm trọng này, VN đề nghị ASEAN, chúng ta tăng cường đoàn kết, thống nhất…đồng thời yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển”.

Mười ngày sau, TT Nguyễn Tấn Dũng đến Manila tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á, một lần nữa ông lên tiếng công kích TQ về vụ giàn khoan HD 981. Ông kêu gọi ASEAN và các nước khác ủng hộ VN bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trước đó, ông tuyên bố với báo chí “VN không đánh đổi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông lệ thuộc”.

Trước những sự kiện này, khi được Đài RFI phỏng vấn, Giáo sư đã bày tỏ quan điểm: “Việt Nam phải thực hiện con đường độc lập tự chủ. Độc lập phải gắn liền với trung lập và hòa bình. Đứng về siêu cường này hay siêu cường kia thì làm sao độc lập được, mà còn đưa đến xung đột chiến tranh”. Giáo sư khẳng định “Đối với tôi, không có chuyện lựa chọn giữa Hoa Kỳ hay Trung Quốc, mà chỉ có con đường duy nhất là chọn Việt Nam, tranh đấu cho Việt Nam. Phải nghĩ đến quyền lợi lâu dài của dân tộc. Phải chọn con đường vì dân tộc”.

Những người cộng sản thường quan niệm, đi với Mỹ thì mất Đảng… Nhưng tháng 7/2015, TT Obama đã tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng ở Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, hai nước đã trở thành Đối tác toàn diện. Năm sau TT Obama đến VN cùng Chủ tịch Trần Đại Quang thỏa thuận nâng cao sự hợp tác toàn diện Việt Mỹ. Còn quan niệm đi với Trung Quốc thì mất nước, nhưng họ chấp nhận thà mất nước chớ không chịu mất đảng. Hành động này khiến người dân mất hết niềm tin ở đảng và họ chống đảng vì những hành vi cướp đất của các giới chức cộng sản. CS phải xử dụng bạo lực chuyên chính để đàn áp dân oan khiếu kiện. Ngoài ra còn nạn tham nhũng vì đảng viên được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi. TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trương chiến dịch “đốt lò” diệt tham nhũng, nhưng những quan chức tham nhũng lại là những người tích cực phục vụ đảng. Cuối cùng đảng viên cũng mất niềm tin ở đảng và chống đảng để sống còn.

Những hành động trên khiến nội bộ Đảng CSVN ngày càng phân hóa, buộc họ phải tự chuyển hóa. Do đó tôi tin tưởng nhận định của Gs Carlyle A.Thayer về cuộc cách mạng Cách tân Việt Nam khỏi chủ nghĩa CS sắp thành hiện thực. Ngày trước, CSVN chống Mỹ vì bản chất xâm lược gây chiến của tên đế quốc đầu sỏ, như tuyên truyền của Quốc tế CS. Nhưng nay thì mọi người đều thấy rõ Mỹ can thiệp không phải để giúp VNCH hoặc đánh bại CSVN mà chỉ vì lợi ích của nhân dân VN. HK đã ngăn chận được mưu đồ bá quyền của TQ tạo sự ổn định cho khu vực ĐNÁ để các nước trong vùng trong đó có VN và các đại cường đều phát triển kinh tế phồn vinh.

Ngày nay, vì mưu đồ độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh bắt buộc HK trở lại Châu Á không phải ủng hộ CSVN chống TQ. Họ kềm chế sự bành trướng của TQ bằng cách đưa VN và TQ vào khuôn khổ “hợp tác quốc phòng” với các thế lực lớn như Nga, Ấn, Mỹ, Nhật, Úc… để bảo vệ sự ổn định và tự do hàng hải ở biển Đông hầu giúp các nước trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương phát triển kinh tế vững mạnh trong thế kỷ 21. Biển Đông là ao nhà của VN, là hướng phát triển chủ yếu của đất nước trong tương lai.

Về phần TQ, trong 4 thập niên qua, HK đã giúp TQ thực hiện “bốn hiện đại hóa”. Ngày nay TQ có nền kinh tế vững mạnh, không phải để họ ức hiếp các nước nhỏ mà sẽ hợp tác với Mỹ viện trợ các nước đang phát triển. Trái với kỳ vọng trên, TQ lại thách thức sức mạnh của Mỹ, nuôi tham vọng trong vài thập niên tới TQ sẽ trở thành siêu cường số một, lãnh đạo thế giới. Điều này khiến nhân dân Mỹ thức tỉnh, TT Donald Trump phải tái diễn chiến tranh lạnh. Trong bối cảnh mới này, VN phải nhớ đến bài học đau thương của thế kỷ trước. Phải cố tránh đừng dựa vào siêu cường nào cả để khỏi bị lợi dụng làm khổ cả dân tộc.

Thật ra trong cuộc đối đầu lần này, HK không cần đồng minh vì họ chiến đấu để đất nước khỏi phải chết bởi bàn tay TQ, chớ không còn chiến đấu cho Thế giới Tự do như ngày trước. Mỹ đã từng nuôi dưỡng TQ thì họ có thể làm cho TQ sụp đổ. Tuy nhiên, đây là thời cơ thuận lợi để CSVN thực hiện Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, sau khi làm tròn nghĩa vụ đối với Cách mạng thế giới. Đây là cuộc cách mạng mới, tách rời đất nước khỏi một chủ nghĩa ngoại lai với chủ trương hận thù giai cấp, chia rẻ dân tộc, gây chiến tranh…Những thứ này hoàn toàn đi ngược với bản chất truyền thống của dân tộc. Vì thế phải thực hiện cuộc cách mạng mới vì dân tộc, vì dân chủ, vì nhân dân.

Thực hiện cuộc cách mạng cách tân đất nước khỏi chủ nghĩa cộng sản để thoát Trung về mặt ý thức hệ, chớ không phải chống TQ mà vẫn hợp tác với TQ. Thoát Trung cũng không phải đứng về phía Mỹ vì nước này đã tuyên bố “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Đây là nguyên văn Điều 1 của HĐ Paris 1973. Hiệp định này được một Hội nghị Quốc tế về VN có sự tham dự đầy đủ của 5 Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo An LHQ, họ tuyên bố tán thành và ủng hộ.

Cuộc cách mạng mới này sẽ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên Độc lập Tự chủ. Đất nước ta lại được thiên nhiên ưu đãi có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong một khu vực có triển vọng phát triển lớn nhất của thế giới trong thế kỷ 21, mang lại sự phồn vinh cho các quốc gia. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã hội đủ, song chúng ta nên khiêm nhượng, đừng tự hào là anh hùng. Người xưa có quan niệm “Anh hùng đoãn tử”. Các cường quốc đều muốn chiếm đoạt đất nước ta làm thuộc địa, nhưng không thể được vì chiến tranh đã gây tai hại cho đất nước họ, nên họ đành phải thỏa thuận để Đông Dương và Việt Nam Trung lập. Đây là cơ may của dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu của đất nước vừa phù hợp với chủ trương của các cường quốc.

Thời đại Hậu Cộng Sản đòi hỏi đất nước phải có một đường lối ngoại giao mới thích hợp là Trung Lập Phi Liên Kết. Tháng 8/1976, sau khi đất nước đã thống nhất, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ V của Phong trào các nước Không Liên Kết đã công nhận VN là một thành viên của tổ chức Trung lập quốc tế này. Cuối tháng Năm 2013, trước 31 phái đoàn quốc tế tham dự Diễn Đàn Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: “Việt Nam đứng về phía ASEAN” (trung lập) và khẳng định: “Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và cũng không liên minh với nước này để chống lại nước khác”.

Vì lơi ích của đất nước và thế giới, Việt Nam “cam kết từ nay không bao giờ gây chiến với bất cứ quốc gia nào và cũng không liên minh quân sự với bất cứ cường lực nào”. Với cam kết tự nguyện này, VN vận động một Hiệp ước Quốc tế Trung Lập Hóa Việt Nam và công nhận VN được hưởng Quy chế Trung lập Pháp lý Vĩnh viễn như các nước Thụy Điển, Áo Quốc và Thụy sĩ.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc kính mến,

Trên đây là tâm tình tôi muốn trao đổi với Giáo sư về Triển vọng Đất nước thời Hậu Cộng sản. Tuy nhiên, có thể có người cho đó là viễn vông ảo tưởng, thì cũng mong được độc giả cảm thông những người cao niên, dù biết “lão lai tài tận” nhưng vẫn cố gắng vì thiết tha với đất nước và mong muốn mang lại những gì tốt đẹp cho dân tộc.

Kính thư,

Lê Quế Lâm

Sydney 16/9/2018