Sông Mekong – Sông Cửu Long Lời cuối cay đắng cho một dòng sông
Sông Mekong, con sông dài thứ 11 thế giới, cũng là con sông đa dạng sinh học thứ 2 thế giới. Được nuôi dưỡng bởi tuyết tan trên dãy Himalaya Tây Tạng và mưa gió mùa ở Đông Nam Á. Sông Mekong dài 4200 km là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Dòng sông chính và vô số phụ lưu của nó nuôi dưỡng và hỗ trợ hơn 100 triệu người từ Trung Hoa ở phía bắc đến Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, và cuối cùng là trên 25 triệu người sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Nói về tên, Sông Mekong có những tên khác nhau khi chảy qua từng quốc gia một. Khi chảy qua Trung Hoa, Mekong có tên gọi là Lancang Jiang nghĩa là “Dòng sông hỗn loạn – Turbulent River”. Khi sông chảy qua Lào, có tên Mae Nam Khong, chảy xuyên qua Thái Lan, sông có tên Mae Kong tức Mother of Water. Sông chảy xuôi Nam xuyên qua thác Khone ngay biên giới Lào (Laos) và Cao Miên (Cambodia). Sông không có tên riêng ở Miên. Nhưng khi vào Việt Nam, sông lại chia thành hai nhánh Sông Tiền và Sông Hậu và được gộp chung lại là Sông Cửu Long, để rồi chảy ra biển qua chín cửa: Tiểu – Đại – Ba Lai – Hàm Luông – Cổ Chiên – Cung Hầu – Định An – Tranh Đề (hay Trần Đề) – Ba Thắc (Bassac). Hiện tại, cửa Ba Lai đã được che lại làm cống ngăn nước mặn, và cửa Bassac bị lấp lại do phù sa dầy đặc.
Đối với dòng sông Mekong, việc TC xây đập ở thượng nguồn đã ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển ở ĐBSCL là một sự kiện hẳn nhiên đã được các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam chứng minh. Tuy nhiên, cần phải nói thêm một số “nhân tai” khác do nhà cầm quyền hiện hành, khiến cho tình trạng “nước” ở ĐBSCL ngày càng nguy khốn thêm, đặc biệt là từ đầu tháng 3/2016 cho đến nay 2023, cứ vào dịp mùa gặt vụ mùa Đông Xuân thì trung bình trên 200.000 hecta ruộng và đất trồng hoa màu hoàn toàn bị hủy diệt do ngoài nguyên nhân sự hiện diện của đập Cảnh Hồng – Jinghong nằm trên dòng chính sông Mekong tại Vân Nam, còn có nhiều nguyên nhân do “nhân tạo” làm cho hậu quả càng tai hại hơn cho ĐBSCL. Đó là:
· Việc phá rừng trên dòng chính ở thượng nguồn làm đất bị xói mòn hai bên bờ sông, do đó không giữ nước lại trong mùa nước lớn (từ tháng 6 đến tháng 10) để rồi điều tiết trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 3) hạn chế một phần nào việc thiếu nước cho đồng bằng ở thời điểm nầy. Rừng là một thảm thực vật thiên nhiên lớn nhứt và hữu hiệu nhứt trong nhiệm vụ điều tiết dòng chảy của sông Mékong. Rừng qua rễ cây và lớp đất thịt bao phủ sẽ hấp thụ và giữ nước trong mùa mưa, và trong mùa khô sẽ điều tiết và cung cấp nước cho hạ nguồn để tiếp tay với dòng chánh ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Đây là một đặc ân của thiên nhiên. Theo thống kê, trước Đệ nhị thế chiến, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam chiếm 43% tổng diện tích, nhưng đến năm 1995, rừng chỉ còn lại 28%, nghĩa là mất trắng 55.000 Km2. Bắt đầu sau đó, với sự trợ giúp của Liên hiệp quốc, việc trồng rừng mới được bắt đầu; tuy nhiên, tính đến năm 2005, tỷ lệ rừng tăng lên đến 32%, trong đó những vùng trồng cao su, trà, cà phê… vẫn được tính toán trong việc “trồng rừng” do đó con số mới tăng. Nhưng thực sự, việc phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng với nồng độ phi mã, tính đến năm 2005, rừng nguyên sinh (rừng già) ở Việt Nam chỉ còn 8%.
· Việc phá rừng tràm, rừng đước ở vùng ngập mặn: Tại vùng ĐBSCL, rừng ngập mặn chiếm khoảng 30.000 Km² bao gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Giờ. Nhưng sau hơn 15 năm khai thác việc nuôi tôm, diện tích rừng hiện nay chỉ còn khoảng 20.000 Km², và phần diện tích mất đi đều bị bỏ hoang vì vùng đất nầy bị ô nhiễm sau vài mùa tôm. Chỉ tính riêng cho vùng Cà Mau, trước 1975, rừng ngập mặn chiếm độ 15.000 Km2, mà nay, chỉ còn độ 7.000 km² mà thôi. Rừng tràm, rừng đước bao bọc tạo thành một vùng ưu đãi của thiên nhiên nhằm:
– Giữ chân thảm phù sa bồi thêm cho mũi Cà Mau hàng năm trên 1km trong quá khứ (hiện nay, vì thiếu rừng bờ biển vùng nầy ngày càng bị xói mòn ước tính trên dưới 1/2 km/hàng năm);
– Vừa ngăn chặn sóng gió, bão nhiệt đới hàng năm;
– Là vùng trú ẩn và sinh sản cho tôm cá trong tự nhiên;
– Rừng ngập mặn cũng là một vùng đệm (buffer) để hạn chế việc nhiễm phèn sulphate và giảm thiểu việc ngập mặn trong mùa khô. (Vào tháng 3/2016, lưu lượng sông Cửu Long chì còn 800 m3/giây ở Tân Châu, do đó, nước mặn đã vào sâu hơn 100Km).
Một khi những nhiệm vụ bảo vệ ĐBSCL do thiên nhiên đã mất đi, nguy cơ làm cho vựa lúa của một vùng rộng lớn ngày càng giảm vừa diện tích, và vừa giảm năng suất. Vì vậy, nhiệm vụ của rừng ngập mặn rất quan trọng;
· Việc xây dựng đê bao: Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ Mekong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm đầy hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Nhưng hiện tại, hiện tượng nghịch lý đang xảy ra là, với đê bao, dòng nước của Sông Cửu Long chảy thẳng vào hai vùng trên ngay khi chưa tới mùa nước lớn để khai thác nông nghiệp; do đó, khi mùa nước lớn (nước nổi) đến, một lượng nước khổng lồ sẽ chảy vào hai vùng đã ngập nước từ trước. Hiện tượng ngập lụt xảy ra là vì thế.
Việc xây dựng đê bao để chuyển vận nguồn nước cho nông nghiệp hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan trọng, cần phải mất nhiều năm để tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng, đâu phải có thể do quyết định của lãnh đạo địa phương ra lịnh đắp đê chung quanh địa phận xã để tránh ngập lụt và, dĩ nhiên hậu quả tất nhiên là các xã chung quanh phải gánh chịu.
Thí dụ điển hình thứ hai về tại hại của đê bao trong mùa khô tháng 4/2010, một số vùng miền Bắc tỉnh Hậu Giang, vì vấn nạn đê bao, nguồn nước không thể thông thương vào được. Do đó, một số hệ lụy đang xảy ra cho vùng nầy từ mấy năm sau đó như:
– Vì không có sự luân lưu của nguồn nước cho nên đất ngày càng chai mòn vì dư lượng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và nhứt là phù sa không vào được hàng năm như trước kia, vì vậy năng suất lúa không còn như xưa nữa.
– Đê bao hạn chế nguồn nước, cho nên nhiều nơi nông dân chỉ trồng lúa cho gia đình, phần thời vụ còn lại thì phải trồng hoa màu để kiếm sống.
– Thời gian thiếu nước kéo dài ra, do đó thu nhập của nông dân ngày càng giảm sút.
Tóm lại, vấn đề đê bao ở vùng ĐBSCL cần phải nghiên cứu lại như một số đề nghị của các chuyên gia nông nghiệp và thổ nhưỡng hiện đang làm việc ở hai Đại học Hậu Giang và Cần Thơ.
· Sự lấn chiếm nước biển từ phía Nam: Nhiều nông dân trồng lúa đang chuyển sang nuôi tôm nước mặn khi nước dâng từ Biển Đông bị đe dọa đang xóa sổ các vụ lúa mùa hàng năm, một vựa lúa nuôi cả nước và xuất cảng hàng năm 5-7 triệu tấn gạo. Hiện tại người dân miền ĐBSCL phải …ăn gạo từ Cambodia!
Khi nước sông nội địa trở nên mặn hơn, nông dân trồng lúa trên vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phản ứng bằng cách chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng sậy. Nước mặn trong những năm gần đây đã vào sâu trong nội địa hơn 80Km. Theo Viện nghiên cứu thủy lợi phía Nam, xâm nhập mặn đã phá hủy hơn 6.000 ha (60 km2) cánh đồng lúa vào năm 2016, và mỗi năm diện tích ngập mặn tăng dần.
Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho biết: “Gần một nửa dân số châu thổ hiện không được tiếp cận với nước ngọt và điều đó nghiêm trọng“, Các nhà khoa học thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC), một cơ quan liên chính phủ, cũng cảnh báo rằng nếu mực nước biển tiếp tục tăng với tốc độ dự kiến khoảng một mét vào cuối thế kỷ, gần 40% đồng bằng sẽ bị xóa sổ. Kết quả là, đã có dự kiến một vùng đất đáng báo động 500 ha (5 km2) đang bị mất do xói mòn đất hàng năm. Ông Kỳ Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Điều phối Biến đổi Khí hậu, một cơ quan chính phủ ở Việt Nam Cần Thơ, thành phố đông dân nhất ở ĐBSCL, cho biết: “Mực nước biển dâng lên nhanh đến mức các biện pháp phòng thủ của chúng tôi đã thất bại”.
Những tổ chức quốc tế về sông Mekong
Cho đến nay, có 4 tổ chức quốc tế liên quan đến sông Mekong và một Công ước LHQ quy định chung vể những sông có dòng chảy xuyên qua nhiều quốc gia như sau:
1- Mekong River Committee – MRC – Ủy ban Sông Mekong
Mục đích của Ủy ban là cùng nhau thương thảo và có sự đồng thuận trên bất cứ đề nghị hay dự án nào của c mỗi thành viên liên quan đến dòng sông hay ảnh hưởng đến lưu vực hai bên sông. Dự án hay đề nghị sẽ bị hủy bỏ ngay tức khắc nếu có một thành viên phản đối (giống như 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ). Ủy viên trong Ủy ban là các thành viên của các quốc gia có con sông Mekong chảy qua như: Trung Cộng, Miến Điện (Myanmar), Thái Lan (Thailand), Lào (Laos), Cao Miên (Cambodia), và Việt Nam. Ủy ban nầy bị giải tán từ năm 1995 vì Trung rút ra khỏi để tiến hành những đập thủy điện bậc thềm và đập chứa nước trên dòng chính của sông.
2- Mekong River Commission – MRC – Ủy hội Sông Mekong
Ủy hội Mekong được thành lập vào ngày 5 tháng tư, 1995 với mục đích:” Hiệp định này đã đưa bốn quốc gia lại với nhau nhằm thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên liên quan vì lợi ích chung của các quốc gia và hạnh phúc của người dân.
Hiện tại, chỉ còn lại bốn thành viên là Thái – Lào – Miên – Việt cùng họp tác với nhau, trao đổi tin tức qua hai trạm quan trắc ở Tân Châu và Châu Đốc như dòng chảy đo đạc hàng tuần, các thông số hóa học và vật lý như độ mặn, độ đục (turbidity), vi khuẩn. Riêng trạm quan trắc nằm bên kia biên giới tỉnh Vân Nam do TC quản lý không chịu trao dổi các tin tức đo đạc kể trên tại đây cho dù phải chịu nhiều áp lực quốc tế về phương diện nầy.
3- Lower Mekong Initiative – LMI – Sáng kiến Hạ lưu Sông MeKong
Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) được thành lập để hưởng ứng cuộc họp ngày 23 tháng 7 năm 2009 giữa Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hạ nguồn Mekong – Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – tại Phuket, Thái Lan.
Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI) là sự hợp tác kéo dài một thập kỷ giữa Hoa Kỳ, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực. Sáng kiến hỗ trợ sự hợp tác giữa các nước thành viên thông qua các chương trình giải quyết những thách thức chung trong khu vực. LMI được hỗ trợ thông qua hai trụ cột liên ngành: Trụ cột Nexus (Nexus Pillar) bao gồm môi trường, nước, năng lượng và thực phẩm, và Trụ cột kết nối (Connectivity Pillar) và Trụ cột phát triển con người (Human Development) bao gồm giáo dục, sức khỏe, trao quyền cho phụ nữ (women’s empowerment) và hội nhập kinh tế.
Thông qua lịch sử gắn bó lâu dài của Hoa Kỳ với các quốc gia Đông Nam Á, ngày càng có nhiều nhận thức về các vấn đề xuyên biên giới quốc gia. Các quốc gia thuộc tiểu vùng hạ lưu sông Mekong có nhiều mối quan tâm chung khác nhau, bao gồm quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới (quản lý tài nguyên nước vùng biên giới), các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và đại dịch cúm, và tính dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực của khí hậu thay đổi. LMI tìm cách hỗ trợ sự hiểu biết chung của khu vực về những vấn đề này và tạo điều kiện cho các phản ứng phối hợp, hiệu quả. USAID hỗ trợ LMI thông qua chương trình Kết nối Mekong thông qua Giáo dục và Đào tạo, một khoản đầu tư đặc biệt vào phát triển lực lượng lao động theo sáng kiến này.
4- Lancang-Mekong River Cooperation – Hợp tác Sông Lancang – Mekong
Hợp tác Sông Lancang – Mekong ra đời dưới sự hỗ trợ của TC ngày 17 tháng 3 năm 2016. Hợp tác sông Lancang-Mekong đã được thêm vào … sáu quốc gia nguyên thủy của Mekong River Committee ngay từ lúc ban đầu cho thấy sự phối hợp hiệu quả, hợp tác khẩn cấp … “nhưng theo định hướng của TC”.
Thủ tướng TC Lý Khắc Cường tham dự Cuộc họp các nhà lãnh đạo Hợp tác Lancang-Mekong lần thứ ba qua liên kết video tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, thủ đô TC, ngày 24 tháng 8 năm 2020. Cuộc họp do Lý Khắc Cường và Bộ trưởng Thongloun đồng chủ tọa Sisoulith của Lào, và có sự tham dự của Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, Tổng thống U Win Myint của Myanmar, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha của Thái Lan và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam.
Trong cuộc họp lần thứ ba của các nhà lãnh đạo Hợp tác Lancang-Mekong (LMC) vạch ra toàn diện kế hoạch hợp tác trong tương lai giữa các thành viên LMC dĩ nhiên dưới sự chủ động của TC. TT TC Lý Khắc Cường đưa ra một loạt đề nghị nhằm thúc đẩy hợp tác Lancang-Mekong trong các lĩnh vực như tài nguyên nước, kết nối và các nỗ lực chống đại dịch toàn cầu.
Với tư cách là một đối tác có trách nhiệm, TC chia xẻ dữ liệu thủy văn trên sông Lancang kịp thời và minh bạch hơn với các nước hạ lưu, đồng thời thực hiện hợp tác khẩn cấp để ứng phó với lũ lụt và hạn hán. Xin nhấn mạnh ở đây điều nầy đã được ghi trong Ủy ban Sông Mekong, nhưng TC đã không thực thi! Nhưng bây giờ lại hứa!
Trong năm 2016, 2019, và 2020 các nước Mekong đã phải hứng chịu nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng. TC hứa (lại hứa!) tăng cường vận hành khoa học các hồ chứa trên sông Lancang để giảm hạn hán, điều này đã được chính phủ các nước Mekong, trong đó có Lào, cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phải chăng vì bị áp lực của TC dù bị thiệt hại nặng nề do việc đóng đập Jinhong trong các năm kể trên?
5- UN Convention on the Law of the Non-navigational Uses of International Watercourses 1997 – Công ước LHQ về Luật Xử dụng Phi Hàng hải ở các nguồn Nước quốc tế
Công ước LHQ nầy quy định những Điều khoản xử dụng nguồn nước sông Mekong như các Điều khoản sau đây:
·Điều 3-Khoản 4:” Khi một thỏa thuận về nguồn nước được ký kết giữa hai hoặc nhiều Quốc gia có nguồn nước, từ đó sẽ xác định các vùng nước ghi trong ký kết. Một thỏa thuận như vậy có thể được ký kết đối với toàn thể nguồn nước quốc tế hoặc bất kỳ phần nào của nó hoặc một dự án, chương trình hoặc việc xử dụng cụ thể ngoại trừ trong chừng mực thỏa thuận có ảnh hưởng bất lợi, ở một mức độ đáng kể, việc sử dụng bởi một hoặc nhiều Quốc gia có nguồn nước khác của nước của nguồn nước, mà không có sự đồng ý rõ ràng của họ”.
·Điều 7-Khoản 1: Bổn phận không gây ra thiệt hại đáng kể – Các Quốc gia có nguồn nước, khi xử dụng nguồn nước quốc tế trong lãnh thổ của mình, PHẢI thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để ngăn chặn việc gây ra thiệt hại đáng kể cho các Quốc gia có nguồn nước khác.
·Điều 8-Khoản 1: Trao đổi dữ liệu và thông tin thường xuyên – Các Quốc gia có nguồn nước PHẢI thường xuyên trao đổi dữ liệu và thông tin sẵn có về tình trạng của nguồn nước, đặc biệt là về bản chất thủy văn, khí tượng, địa chất thủy văn và sinh thái và liên quan đến chất lượng nước cũng như liên quan dự báo. (Điều nầy TC chưa bao giờ thực hiện).
·Và Điều 33 -Khoản 1: Giải quyết tranh chấp – Trong trường hợp có tranh chấp giữa hai hoặc nhiều bên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước này, các bên liên quan, trong trường hợp không có thỏa thuận Điều 13 có thể áp dụng giữa họ, tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với các quy định Khoản 2:” Nếu các bên liên quan không thể đạt được thỏa thuận bằng thương lượng do một trong số họ yêu cầu, họ có thể cùng tìm kiếm văn phòng tốt của, hoặc yêu cầu hòa giải hoặc hòa giải bởi bên thứ ba, hoặc xử dụng, nếu thích hợp, của bất kỳ tổ chức nguồn nước chung nào có thể đã được thành lập bởi họ hoặc đồng ý gửi tranh chấp ra trọng tài hoặc Tòa án Công lý Quốc tế”.
Tóm lại, qua bốn tổ chức quốc tế về sông Mekong, chúng ta nhận thấy thái độ và sự hợp tác của TC hoàn toàn dựa trên quyền lợi của nước nầy, và phủ nhận mọi trách nhiệm trong việc khai thác sông Mekong chảy xuyên qua đất nước của họ như:
· TC đã đứng ngoài Ủy hội Mekong dù quốc gia nầy phải có bổn phận và trách nhiệm vì dòng sông Mekong chảy xuyên qua hàng ngàn Km;
· TC dựng ra Hợp tác Sông Lancang – Mekong chỉ nhằm mục đích kết hợp về kinh tế lưu vực theo ý kiến của họ mà thôi, hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm đã xây dựng các đập bậc thềm ngay trên dòng chính, trái với quy định của công ước LHQ năm 1997.
Từ hai lý do trên, chúng ta có thể kết luận rằng Trung Cộng là tác nhân chính trong việc tàn phá môi trường và hệ sinh thái của sông Mekong và phải chịu sự tài phán của hai cơ quan quốc tế dưới đây:
· Qua những quy định trong Công ước LHQ 1997, chúng ta có thể kiện TC ra Tòa án Công lý Quốc tế – The International Court of Justice qua các Điều khoản:- Điều 3-Khoản 4; – Điều 7-Khoản 1; – Điều 8-Khoản 1; và – Điều 33 -Khoản 1 như đã nói ở phần trên;
· Về Tòa án Hình sự Quốc tế – The International Criminal Court. Vào năm 1990 khi International Criminal Court – ICC – Tòa án Hình sự Quốc tế thường trực đầu tiên được thành lập trên thế giới. Với tư cách là tòa án cuối cùng, ICC được thành lập không phải để thay thế các tòa án quốc gia mà nhằm bổ túc cho các tòa án đó, tạo ra một tòa án toàn cầu sẽ xét xử những tội ác nghiêm trọng nhất mà cộng đồng quốc tế quan tâm trong đó ICC nâng mức độ tàn phá môi trường lên ngang hàng với tội ác diệt chủng nhằm đưa ra một Bộ luật hủy diệt môi trường và hệ sinh thái là truy tố các tội phạm về môi trường nằm ngoài khu vực tài phán quốc gia.
Qua tiêu chuẩn trên của ICC, đối với những vi phạm qua việc khai thác dòng sông Mekong bất hợp lệ, TC có thể bị kết án về “tội diệt chủng’ (ecocide) qua việc hủy hoại môi trường sông Mekong ảnh hưởng lên hàng trăm triệu người dân sống dọc theo lưu vực sông, trong đó có trên 25 triệu người Việt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Song hành với những việc ngang nhiên độc chiếm các biển đảo của Việt Nam, Phi Luật Tân và vùng vùng biển của hai quốc gia trên, có thể nói TC đã xử dụng hai nguồn vũ khí nước quan trọng là Biển Động ở phía Đông, và ở phía Tây là sông Mekong để khuynh đảo các quốc gia vùng Đông Nam Á nhằm thể hiện cung cách bá quyền của họ. Các việc làm trên của TC, thế giới có quyền lên án TC với tội danh DIỆT CHỦNG.
Sông Cửu Long chỉ còn “Thất Long”?
Dưới tác động của tự nhiên và con người, sông Cửu Long hiện chỉ còn 7 cửa đang hoạt động…. và hai cửa sông đã chết. Đó là cửa Ba Lai và cửa Bassac.
Trên sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, cửa Ba Lai là một ví dụ về sự tàn lụi của một cửa sông do tác động của con người. Năm 1999, hệ thống cống đập ở cửa sông Ba Lai được xây dựng, hệ quả làm cho quá trình bồi lấp xảy ra nhanh hơn và đến nay thì cửa sông này đã ngừng chảy. Nay đã biến thành một cống “chắn mặn”(!).
Còn cửa Bassac (hiện tại được co tên Bát Thắc) là cửa chính trên sông Hậu, nhưng quá trình bồi lắp bắt đầu xảy ra từ những năm đầu của thế kỷ 20. Các cồn cát ở cửa sông nầy đã phát triển mạnh, nối liền và trở thành một đảo lớn chắn trước cửa sông có diện tích lên đến gần 24 ngàn ha (nay là huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Do sự chết dần của cửa Bassac nên sông Hậu hiện chỉ còn 2 cửa chảy ra biển Đông là Định An ở phía bắc và cửa Tranh Đề (tên mới của csBV làTrần Đề) ở phía nam. Xem hình màu phía dưới chụp vào năm 2021).
Như vậy, hiện nay sông Cửu Long chỉ còn 7 cửa đang hoạt động, trong đó có 5 cửa thuộc sông Tiền là cửa Tiểu, cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và 2 cửa thuộc sông Hậu là Định An và Tranh Đề”.
Lời cuối cay đắng cho một dòng sông
Mặc dù, trong nhiều năm qua, đã có hơn 15.000 người đã ký tên vào lá đơn gửi tới lãnh đạo các nước trong khu vực yêu cầu ngừng các dự án thủy điện để cứu sông Mekong, nhưng mọi dự án xây đập ngay trên dòng chính của Mekong vẫn tiến hành tuần tự trên đất Lào và Cambodia. Lá đơn do tổ chức Liên minh “Save the Mekong” khởi xướng đã được gửi tới thủ tướng các nước Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, yêu cầu dừng ngay 11 dự án thủy điện tại vùng hạ lưu sông Mekong. Trong đó có 7 đập thủy điện sẽ được xây tại Lào, hai tại vùng biên giới Lào-Thái Lan và hai tại Campuchia. Và mới đây nhứt, vào cuối năm 2022, một đập đang được xây ở Lào gần biên giới Cambodia gây nguy hiểm cho các cộng đồng ở hạ lưu và hệ sinh thái Mekong nói chung. Đập Sekong A sẽ đóng sông Sekong vào cuối năm 2022, giới hạn dòng chảy của nó, ngăn chận phù sa quan trọng đi đến Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và cắt đứt đường di chuyển của nhiều chủng loại cá. Các chuyên viên nói năng lượng do đập sản xuất – 86 MW – không biện minh cho ảnh hưởng tiêu cực, gọi nó là một “dự án tuyệt đối không cần thiết”.
· Lý do chính là tuy các công trình thủy điện này sẽ cung cấp điện cho phát triển kinh tế, nhưng chúng có thể gây hại trầm trọng cho môi trường và đa dạng sinh học của dòng sông Mekong, đồng thời ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người sinh sống nhờ dòng sông Mẹ này.
· Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận nhiều tài trợ của Ngân hàng Thế giới để trồng rừng. Nhưng những khó khăn trong việc nầy là do các vùng đất bị bỏ hoang không khai thác nữa đã có chủ hay được cho TC thuê hàng 50, 70 năm, vì vậy không thể thực hiện lại việc trồng rừng.
· Một hiện tượng tiêu cực khác nữa là do ý thức của người dân vì không được giải thích tầm quan trọng của sự hiện diện và hữu ích của rừng ngập mặn cho nên nhiều nơi đã được trồng lại nhưng sau đó lại bị phá đi…
· Một yếu tố không nhỏ nữa là do quản lý yếu kém, hiện tượng tham nhũng và ăn chận tiền viện trợ. Chính những điều trên khiến cho việc tái tạo rừng ngập mặn trở thành khó khăn hơn và không thể nào thực hiện được trên thực tế.
Và tại một cuộc họp quốc tế về Mekong, vấn đề hạn hán và ngập mặn cũng được đề cập đến. Nhiều chuyên gia nói hồ chứa ở thượng lưu tham gia giải quyết chuyện hạn hán cho ĐBSCL là tốt và cần thiết.
Tuy nhiên, nhận định này không chính xác vì các hồ chứa chỉ cắt được lũ trung bình còn lũ lớn như năm 1991 và 2000 thì không cắt được lũ. Việc làm cho lũ trung bình thành không có lũ là không tốt vì ĐBSCL là vùng cần lũ, sống nhờ lũ, phát triển nhờ lũ. Vai trò của Biển Hồ là một hồ chứa thiên nhiên đã điều tiết nước cho ĐBSCL vào mùa khô và hạn chế lưu lượng lớn của sông Mekong vào mùa nước nổi, hiện nay không còn hiệu quả nữa.
Cũng cần nên biết, lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn cho một mùa lũ trung bình. Nếu lũ nhỏ cũng đạt khoảng 100 triệu tấn, riêng tháng 8 -9 (cực điểm của mùa nước nổi hàng năm), lượng phù sa đạt khoảng 60 – 70 triệu. Kể từ vụ mùa đông xuân năm 2016 cho đến hiện tại 2023, do dòng chảy kiệt nên lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL rất thấp, làm ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân. Tính đến hiện tại, số thiệt hại lên đến hơn 200 trăm ngàn hecta lúa bị khô cằn như sự việc đã nêu trên. Bên cạnh đó tình trạng xâm nhập mặn sẽ tăng cao. Dự báo, theo thời gian, hiện tượng ngập mặn đang và sẽ diễn ra sớm hơn, trầm trọng hơn như đã nói ở phần trên.
Đợt hạn hán lịch sử đã khiến cho người dân miền Tây trở nên khốn đốn. Theo nhiều chuyên gia, với tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay sẽ khiến nông nghiệp tại nơi này bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai gần (nhận định từ năm 2016, và cho đến nay tình trạng hạn hán và ngập mặn vào tháng ba hàng năm ngày càng khốc liệt hơn!).
Thay lời kết
Xin đừng đổ lỗi cho “sự hâm nóng toàn cầu” mà phải chấp nhận hậu quả ngày hôm nay đang xảy ra cho ĐBSCL là do sự quản lý, phát triển không theo đúng tiến trình toàn cầu hóa nghĩa là phát triển theo chiều hướng ứng hợp với việc bảo vệ môi trường. Mà đây, chính là một tội ác do sự ích kỷ, thiếu hiểu biết về việc xây dựng đê điều của cán bộ lãnh đạo địa phương và trung ương của CSBV.
Người viết, một người con Việt xa xứ xin đề nghị các cơ quan liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến nguồn nước sông Mekong và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách và cư dân của lưu vực sông và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuân thủ và duy trì các nguyên tắc dưới đây để phát triển và khai thác lưu vực sông Mekong một cách nghiêm chỉnh và có trách nhiệm:
1. Rằng lệnh cấm được áp dụng ngay lập tức đối với các dự án chuyển dòng nước, và thủy điện trên sông Mekong, ưu tiên hàng đầu của các cơ quan quốc gia và quốc tế là phát triển dữ liệu căn bản khoa học về sông Mekong, thủy văn và hệ sinh thái của sông.
2. Rằng tất cả các dự án phát triển và chuyển hướng sông Mekong, bất kể nguồn tài chính và quyền sở hữu của chúng, phải được tôn trọng và trao “quyền được giáo dục” (right to be educated) cùng với “quyền được biết” (the right to know) cho tất cả người dân bị ảnh hưởng. Những người dân bị ảnh hưởng phải được cung cấp đầy đủ tin tức tin và kiến thức cần thiết để hiểu thiết kế của dự án, xem xét chi phí và lợi ích, đồng thời tự đánh giá các tác động lâu dài của dự án.
3. Rằng tất cả các cơ quan tiến hành hoạt động kinh doanh phải theo nguyên tắc minh bạch và công bố đầy đủ như:1 – Tất cả các kế hoạch phát triển, thỏa thuận, 2- Dữ liệu cơ bản về môi trường, 3- Báo cáo đánh giá tác động môi trường, 4- Nghiên cứu khả thi phải được công khai và có sẵn để cộng đồng khoa học quốc tế xem xét các tổ chức phi chính phủ và bởi các công dân tư nhân.
4. Rằng Trung Cộng và Myanmar cần phải gia nhập trở lại Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) như trước năm 1995 trong Ùy ban Sông Mekong (Mekong River Committee – MRC) vì đã có chung dòng sông Mekong chảy xuyên qua. Hai quốc gia nói trên cần tham gia với bốn nước hạ lưu sông Mekong nói trên, và cùng nhau đàm phán một thỏa thuận về phát triển và bảo vệ sông Mekong trong thế kỷ 21.
Song song với các sự việc kể trên, sự vô tình hay cố ý của các nước ở thượng nguồn càng làm vấn đề thêm trầm trọng và sông Cửu Long của chúng ta ngày càng bị tác hại trên môi trường càng quyết liệt hơn lên. Đặt biệt những nguy cơ ảnh hưởng lên đời sống hiện tại và tương lai người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nặng nề hơn do những chính sách phát triển kinh tế thiếu điều nghiên kỹ lưỡng về các tác động môi trường trong từng kế hoạch của CSBV.
Trước những nguy cơ hủy diệt môi trường và an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi không có tham vọng tìm phương cách giải quyết vấn đề, nhưng chúng tôi chỉ mong gióng lên tiếng chuông báo động kêu gọi tất cả những đối tác có liên quan trực tiếp hay gián tiếp cùng nhau ngồi lại để cứu nguy con sông Mekong, con sông lớn thiên nhiên cuối cùng của thế giới hầu gìn giữ cân bằng nguyên thủy cho hệ sinh thái của dòng sông này và làm như thế nào để chúng ta sẽ bảo vệ được sự ổn định kinh tế và chính trị của người dân trong vùng.
Trước những vấn đề sống còn của người Việt, các đề nghị và góp ý của chúng tôi trong hiện tại và tương lai đều đặt trọng tâm vào các căn bản lý luận sau đây để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của nhân loại. Trước hết vì lợi ích lâu dài của người dân sống trong vùng hạ lưu, mọi người trong chúng ta đều nhận thấy rằng Việt Nam cần phải hợp tác trong công bằng và hợp lý để bảo vệ quyền lợi của đất nước.
Đó là những vấn đề trôi chảy xuyên suốt cho mọi chế độ chính trị, mọi khung cảnh kinh tế và môi trường. Trên căn bản đó, các chính sách và kế hoạch khai thác đồng bằng sông Cửu Long cần phải hữu hiệu về mặt kinh tế và hài hòa về mặt môi sinh và xã hội là những mối quan tâm và trách nhiệm chung của mỗi người con Việt.
Kể từ đầu thập niện 1990, khi CSBV bắt đầu chính sách an ninh lương thực bằng cách xây dựng các đê bao để dẫn nước “sớm” về Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, hai vựa lúa chính của ĐBSCL. Chính “quốc sách” nầy làm xáo trộn dòng chảy tự nhiên của hai sông Tiền và sông Hậu, từ đó đưa ra những hệ lụy mỗi năm khi đến mùa nước nổi khoảng tháng 8, tháng 9 trước đây, đã biến thành lũ lụt ngày hôm nay…vì sông không còn khả năng điều tiết lưu lượng nước được nữa.
Thêm vào nữa, chiến lược chiến tranh sinh thái của TC, kiểm soát nguồn nước ở thương nguồn tạo ra những nguy cơ kể trên làm cho dòng sông Mẹ Mekong mất cân bằng, ảnh hưởng lên 25 triệu bà con sống ở ĐBSCL phải rời bỏ nơi cư trú của cha ông đi tha phương cầu thực.
Biết được các nguyên nhân tạo ra những thảm nạn cho dòng Cửu Long.
Nắm bắt được những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.
Đây là một vấn đề cấp bách chung của cả khối về an ninh lương thực, an ninh di cư, an ninh môi trường cũng như an ninh năng lượng. Để rồi, nhân cơ hội nầy, từ đó có thể vận động sự đồng thuận của những thành viên nhằm vận động và áp lực TC ngồi vào bàn nghị sự và cùng truy tìm một giải pháp ổn thỏa cho tất cả thành viên trong việc chia xẻ chung nguồn nước của dòng Mekong.
Là những chuyên viên ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận với các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và nhất là có sự độc lập trong tư duy khoa học, chúng tôi không khỏi quan ngại đến tình trạng khai thác phản kinh tế và phi khoa học trong vùng đất phi nhiêu này của đất nước.
Căn cứ trên những phân tích khoa học, kinh tế, xã hội và môi trường. chúng tôi nhận thấy rằng vùng châu thổ này đang đối diện trước những nguy cơ to tát lâu dài. Nếu không có quyết tâm và định hướng đúng đắn thì trong tương lai dân chúng Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Và nguyên nhân chính yếu là Trung Cộng
Bắc Kinh đã biến TC thành “siêu tập đoàn” hàng đầu thế giới về xây dựng các con đập ở trong và ngoài nước về số lượng và kích thước. Để quảng cáo cho khả năng có thể xây dựng được những con đập cao nhất, lớn nhất, sâu nhất và dài nhất, Bắc Kinh đã tập trung cho việc hoàn thành đập Tam Hiệp, và gọi đó là kỳ công kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử.
Kể từ khi TC dựng lên một loạt các con đập khổng lồ trên sông Mekongg, hạn hán đã trở nên thường xuyên và diễn ra dữ dội hơn ở các nước vùng hạ lưu của dòng sông.
Và nguyên nhân chính yếu là Trung Cộng.
Cho đến nay Bắc Kinh đã từ chối tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với bất kỳ nước láng giềng nào. Nếu TC không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại, triển vọng cho những cuộc đối đầu trong tương lại có thể đưa đến nguy cơ chiến tranh toàn vùng không khác gì tình trạng ở Biển Đông hiện tại.
Còn nói về Trung Cộng và sự tiếp tay của CS Bắc Việt, cần phải kể ra dưới đây:
· Bốn nguyên nhân chánh tạo ra hậu quả tai hại cho ĐBSCL: – TC xây đập thủy điện – Việc phá rừng để khai thác gỗ – Việc xây dựng đê bao nhằm ngăn chận nước để tăng mùa lúa thứ ba Đông xuân – Việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm.
· Trung Cộng chưa bao giờ nhìn nhận dòng Mekong chảy qua nội địa của họ chỉ là một phần trong tổng thể một con sông quốc tế, họ nhìn sông Mekong như con sông riêng của mình. Mỗi năm Trung Cộng thâu tóm trên 80% lượng nước của dòng Mekong vào chuỗi các đập thủy điện của họ, các nước hạ nguồn chỉ còn trên dưới 10% nguồn tài nguyên nước này. Trung Cộng biết rõ như thế mà không làm gì. Đây là vấn đề mà Mekong River Commission – Ủy Hội Sông Mekong phải đương đầu, trong lúc với Thượng đỉnh Hợp Tác Lan Thương Mekong Trung Cộng muốn nói gì thì nói, bàn gì thì bàn và mọi chuyện vẫn như cũ.
· Kể từ đầu thập niên 1990, khi CSBV bắt đầu chính sách an ninh lương thực bằng cách xây dựng các đê bao để dẫn nước “sớm” về Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, hai vựa lúa chính của ĐBSCL. Chính “quốc sách” nầy làm xáo trộn dòng chảy tự nhiên của hai sông Tiền và sông Hậu, từ đó đưa ra những hệ lụy mỗi năm khi đến mùa nước nổi khoảng tháng 8, tháng 9 trước đây, đã biến thành lũ lụt ngày hôm nay…vì sông không còn khả năng điều tiết lưu lượng nước được nữa. Cái Bè, vườn sầu riêng biến thành vựa củi do nước mặn làm chết cả nhiều khu vườn cây ăn trái. Hậu quả của việc Tàu Cộng ngăn đập thượng nguồn sông Cửu Long.
· Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo TC đang kiểm soát sông Mekong bằng cách xây dựng ồ ạt đập thủy điện. “Chúng ta chứng kiến hoạt động xây dựng đập thủy điện ồ ạt ở thượng nguồn sông Mekong là nhằm kiểm soát khu vực hạ lưu”. Ông Pompeo phát biểu tại hội nghị ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 1.8.2020. Hội nghị đánh dấu 10 năm kể từ khi Mỹ tiến hành chương trình tài trợ phát triển “Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong”.
· Chiến lược chiến tranh sinh thái của TC, kiểm soát nguồn nước ở thượng nguồn tạo ra những nguy cơ kể trên là cho dòng sông Mẹ Mekong mất cân bằng, ảnh hưởng lên 25 triệu bà con sống ở ĐBSCL phải rời bỏ nơi cư trú của cha ông đi tha phương cầu thực. Nhiều đợt hạn hán lịch sử từ năm 2016 trở đi… đã khiến cho người dân miền Tây trở nên khốn đốn. Theo nhiều chuyên gia, với tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay sẽ khiến nông nghiệp tại nơi này bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai. Bao giờ…cho hết bây giờ?
· Với biểu đồ nhiễm mặn tháng 3 năm 2020 dưới đây, dự đoán thời tiết cho mùa lúa Đông Xuân tháng 3/2021, tháng 3/2022, và tháng 3/2023…sẽ càng khắc nghiệt hơn nữa với trên 200.000 hecta ruộng lúa và hoa màu bị chết trắng.
· Rồi, sẽ đến một thời điểm nào đó, vùng đất phì nhiêu màu mỡ trù phú của đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng đất chết, hoang vu. Với hai mũi “giáp công”:1- Nước biển tấn công vào đất liền gia tăng, 2- Và trên thượng nguồn sông Cửu Long bị ngăn chận bởi nhiều đập thủy điện do TC xây dựng sẽ làm cạn dòng nước ở vùng hạ lưu, chắc chắn giết chết vùng địa danh nổi tiếng giàu đẹp này của quê hương Việt Nam – Đồng bằng sông Cửu Long.
Đảng CSBV phải thấy rõ những điều gì cần phải làm cho hôm nay và ngày mai. Nếu còn khư khư giữ chặt 16 chữ Vàng và 4 Tốt, e rằng Việt Nam sẽ là một ngôi sao nhỏ thứ năm trên lá cờ máu Trung Cộng!
CSBV cũng đừng đổ lỗi cho “sự biến đổi khí hậu” mà phải chấp nhận một thực tế rành rành là hậu quả ngày hôm nay đang xảy ra cho ĐBSCL là do sự quản lý, phát triển không theo đúng tiến trình toàn cầu hóa nghĩa là phát triển theo chiều hướng ứng hợp với việc bảo vệ môi trường.
Cuối cùng chỉ còn lại Đất và Nước của chúng ta và thế hệ tương lai sẽ nhìn lại và “chấm điểm” hành động của chúng ta ngày hôm nay.
Mọi chính quyền nào rồi cũng qua đi
Mọi chính quyền nào rồi cũng phải cáo chung
Ngày xưa tổ tiên ta nói: Uống nước phải nhớ nguồn
Ngày nay chúng ta phải nói: Uống nước phải bảo vệ nguồn.
Mai Thanh Truyết
Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam – VAST
Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam – VEPS
Tết Quý Mão – 2023