Quy định 102-QĐ/TW là chỉ dấu cho sự sụp đổ của đảng cộng sản
Trung Nguyễn 9-12-2017
Các đảng viên cộng sản lại có thêm một cái vòng kim cô nữa là quy định 102-QĐ/TW. Cùng với Nghị quyết trung ương 4, khóa 12 năm ngoái về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, quy định này đã thể hiện rõ sự bế tắc về lý luận, đường lối, và sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ hàng ngũ đảng viên cộng sản.
Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyện nội bộ của một đảng chính trị, không có tính cách chế tài với người dân. Nhưng do đây là đảng cầm quyền và là đảng đông nhất ở Việt Nam nên nghị quyết, quy định nội bộ cũng bị dân “soi” và cho thấy chủ trương, chính sách thật sự của đảng cầm quyền có thật sự “nói đi đôi với làm” hay không.
Độc Lập trừ Tự Do trừ Hạnh Phúc
Trong quy định 102-QĐ/TW, đảng viên cộng sản sẽ bị khai trừ nếu “dám” lên tiếng đòi xã hội dân sự, tam quyền phân lập, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên đa đảng, bôi nhọ lãnh tụ, móc nối với các thế lực phản động,…
Đọc sơ qua ta đã thấy những điều cấm này rất mơ hồ và cấm đảng viên cộng sản không được làm những gì mà luật pháp không cấm. Cho nên thật sự những công dân đảng viên cộng sản cấp thấp hoặc trung bình còn bị mất tự do nhiều hơn công dân không cộng sản.
Một người bạn của tôi nói đùa rằng tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nên được hiểu đúng là “Độc Lập trừ Tự Do trừ Hạnh Phúc”. Tức là có thể nước sẽ độc lập theo nghĩa hẹp là không có ngoại bang chiếm đóng nhưng dân sẽ không có tự do và hạnh phúc.
Ta thử xem xét một số điểm quan trọng nhất trong quy định 102 mới này của Trung ương đảng cộng sản.
Nhất nguyên độc đảng là vi phạm hiến pháp và pháp luật
Hiểu một cách đơn giản, đa nguyên là niềm tin rằng công dân từ nhiều tầng lớp, tôn giáo, chủng tộc, ý thức hệ, v.v… khác nhau có thể cùng nhau chung sống.
Đa đảng là một hệ thống chính trị trong đó nhiều đảng chính trị có đường lối khác nhau có thể cùng tham gia vào tuyển cử quốc gia, và tất cả đều có khả năng giành được quyền kiểm soát chính phủ một cách riêng rẽ hay trong những liên minh.
Đảng viên cộng sản thì không được có ý thức hệ nào khác ngoài ý thức hệ Mác-xít, cái đó thì rõ và là sự lựa chọn của những người muốn vào đảng cộng sản. Thế nhưng nó phản ánh rằng chủ trương của đảng cộng sản là chống “đa nguyên đa đảng”, chỉ chấp nhận ý thức hệ cộng sản vô thần và chỉ chấp nhận đảng cộng sản duy nhất được tồn tại.
Như thế, việc chống lại đa nguyên đã phủ nhận quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng của công dân dù những quyền này đã được quy định trong điều 24, 25 Hiến pháp do chính các lãnh đạo cộng sản ban hành.
Hiểu đúng tinh thần Hiến pháp, công dân Việt Nam có quyền tự do nói lên ý kiến của mình dù ý kiến đó không thuộc ý thức hệ cộng sản vô thần. Công dân Việt Nam có quyền theo bất kỳ một tôn giáo nào và không theo chủ thuyết vô thần của người cộng sản.
Về bản chất, một đảng thực chất là một hội của những người có cùng quan điểm chính trị và muốn ra ứng cử vào các vị trí công quyền. Chống đa đảng nghĩa là chống lại quyền tự do lập hội và quyền tự do ứng cử, quyền tham gia quản lý xã hội của công dân đã được quy định trong điều 27, 28 của Hiến pháp do lãnh đạo cộng sản ban hành. Hơn nữa, bộ luật hình sự Việt Nam không hề có điều nào cấm công dân thành lập đảng.
Cũng theo điều 16 Hiến pháp do lãnh đạo cộng sản ban hành, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật về các mặt như chính trị, dân sự… Do đó, các công dân đảng viên cộng sản có quyền theo ý thức hệ Mác Xít và thành lập đảng cộng sản thì những công dân khác hoàn toàn có quyền theo các ý thức hệ khác và thành lập các đảng khác.
Do đó, chủ trương chống đa nguyên đa đảng của giới lãnh đạo cộng sản là vi phạm hiến pháp do chính họ ban hành. Và từ những phân tích ở trên có thể thấy “nhất nguyên độc đảng” là một chủ trương gây bất công xã hội, ngược hẳn với mục tiêu “công bằng” của chính đảng cộng sản.
Mâu thuẫn nghiêm trọng và rành rành như thế, vậy mà giới lãnh đạo cộng sản vẫn đòi hỏi đảng viên cộng sản và người dân phải tin vào sự lãnh đạo của họ. Đây là thái độ của “ông nội nhân dân” chứ không phải là “đầy tớ nhân dân”.
Chống xã hội dân sự là chống lại nhân dân
Hiểu đơn giản, xã hội dân sự là tổng thể các tổ chức, hội đoàn phi chính phủ và không vì lợi nhuận, thể hiện lợi ích và ý chí của các công dân. Một tổ chức xã hội dân sự được xem là một cộng đồng các công dân liên kết với nhau bởi các lợi ích chung và các hoạt động tập thể, không thuộc nhà nước hoặc giới kinh doanh.
Rất rõ ràng là việc chống lại xã hội dân sự chính là vi phạm quyền tự do lập hội đã được hiến định. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là việc chống lại xã hội dân sự chính là chống lại thực tế khách quan của cuộc sống.
Là một người đang sống ở Việt Nam, tôi có thể kể ra vô số các hội đoàn của công dân không thuộc kiểm soát của nhà nước mà bản thân tôi hoặc người thân của tôi đang tham gia như các hội đồng hương, hội cựu học sinh, hội cựu chiến binh, hội những người tập Pháp Luân Công, hội nghiên cứu kinh Thánh, gia đình Phật tử, hướng đạo sinh, Bạn hữu đường xa, v.v…
Dĩ nhiên, những hội này không hề đăng ký gì vì vẫn chưa có luật về quyền tự do lập hội ở Việt Nam, nghĩa là xã hội dân sự đã là một thực tế ở Việt Nam chứ không phải chưa có để mà cấm cản. Phủ định xã hội dân sự chính là phủ định hiện thực cuộc sống.
Thêm vào đó, chủ trương chống xã hội dân sự cũng mâu thuẫn với câu khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đề ra bởi chính các lãnh đạo cộng sản. Chống xã hội dân sự chính là muốn mọi người dân phải phụ thuộc nhà nước, trong khi câu khẩu hiệu lại tung hô quyền của người dân có thể tự giải quyết việc của dân mà không cần đến sự can thiệp của nhà nước.
Nói một cách thẳng thắn hơn, chống xã hội dân sự chính là chống lại nhân dân, tước đoạt quyền tự do của nhân dân. Một đảng chống lại nhân dân thì chuyện đảng đó bị nhân dân đào thải chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
Thế lực phản động nhất Việt Nam là đảng cộng sản
Mới chỉ phân tích hai nội dung là chống đa nguyên đa đảng và chống xã hội dân sự trong Quy định 102 mà ta đã thấy nguy cơ của giới lãnh đạo cộng sản. Đó là vi phạm Hiến pháp và pháp luật, chống lại nhân dân, gây bất công xã hội. Giới lãnh đạo cộng sản đã cho thấy họ chính là “thế lực phản động” bậc nhất ở Việt Nam hiện tại.
Như thế, việc khai trừ đảng viên cộng sản có “móc nối với các thế lực phản động” như Quy định 102 là chuyện kỳ cục vì bản thân đảng cộng sản là một thế lực phản động rồi.
Những việc đó gây nên mâu thuẫn nội bộ đảng cộng sản nghiêm trọng, dẫn đến việc giới bảo thủ “độc tài đảng trị” phải ra hết Nghị quyết “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” lại đến Quy định 102 chống đa nguyên đa đảng, chống xã hội dân sự. Đây là chỉ dấu cực kỳ quan trọng cho thấy sự suy yếu và đà tan rã nhanh chóng của đảng cộng sản.
Điều này cũng cho thấy là thành phần bảo thủ bây giờ không dám lý luận, tranh luận gì nữa mà chỉ còn dựa vào quyền lực để cấm đoán. Cũng có nghĩa họ là những người phi nghĩa, chà đạp lên pháp lý và đạo lý.
“Nói thật làm đúng” với pháp luật chuẩn mực là giải pháp
Do đó, “nói thật, làm đúng”, chính trực với nhân dân và với pháp luật chuẩn mực, không mâu thuẫn là bước đầu để các lãnh đạo cộng sản trở thành “người tử tế” như mong muốn của ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi về hưu. Còn nếu không thì số phận của họ cũng sẽ như thời mạt của các triều đại phong kiến trước đây: mất quyền, mất mạng, mất tài sản,… và hơn hết là trở thành tội đồ dân tộc, bị muôn đời sau nguyền rủa. Đó là kết cục mà tôi nghĩ các lãnh đạo cộng sản cần suy nghĩ nghiêm túc.
Về phía người dân, việc trung ương đảng cộng sản cấm đảng viên cộng sản không được đòi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự,… cho thấy công dân không cộng sản hoàn toàn có quyền đòi hỏi những điều trên. Như vậy, công dân Việt Nam không cộng sản nên đoàn kết với nhau để cùng nhau đòi hỏi và thực thi những điều trên vì những chuyện đó hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
* Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website.BBT