Nhìn lại Thượng đỉnh Tập-Obama về vấn đề Biển Đông. Còn giải pháp nào cứu vãn? – BS Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhìn lại Thượng đỉnh Tập-Obama về vấn đề Biển Đông. Còn giải pháp nào cứu vãn? – BS Mã Xái

Những phát đại bác vang rền, những ồn ào tiểu yến đại yến cho buổi gặp gỡ Tập Cận Bình-Obama không che lấp được mối quan ngại về số phận của Biển Đông và các quần đảo Hoàng sa và Trường sa, xuyên qua buổi họp báo chung tại Rose Garden, Toà Bạch Ốc, ngày 25/09/2015. Quá nhiều người thất vọng khi TT Obama chỉ dành vỏn vẹn mươi dòng  (110 lời) cho hai vấn đề nóng bỏng là Biển Đông (BĐ) và Biển Hoa Đông, trong khi Chủ Tịch Tập Cận Bình đã dùng thời lượng gấp đôi cho hồ sơ Biển Nam Hải (tức BĐ, South China Sea). Sự thật thì nội dung bài tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cũng không làm ai ngạc nhiên cho  lắm vì đã được xì ra từ những nhóm “tiền trạm” chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Thượng Đỉnh này. (chú thích (1) và (2).

Về tuyên bố của TT Obama:

Trong hồ sơ BĐ, TT Obama quan tâm đặc biệt về tự do lưu thông trên biển và trên không, cũng như  vận chuyển thương mãi không bị ngăn trở. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt đông hàng hải không vận bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Hoa Kỳ (HK) quan tâm sâu sắc về việc Trung Cộng bồi đấp bãi đá bãi ngầm, các kiến trúc dân sự, và việc quân sự hoá trên các thực thể đang có tranh chấp làm cho việc đạt tới giải pháp hoà bình, các bất đồng giữa các nước thêm khó khăn. HK khuyến khích các nước đang có tranh chấp nên giải quyết hoà bình; HK không xen vào chủ quyền biển đảo của xứ nào nhưng như lời của Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách ĐNA sự vụ từng nói rõ chỉ không trung lập khi những tranh chấp dính líu đến tự do hàng hải hàng không hay những vi phạm luật pháp quốc tế. Trong suốt buổi họp báo không thấy TT Obama khuyến khích các nước lớn như Trung Cộng (TC) thi hành đứng đắn DOC (Tuyên Bố Ứng Xử Các Bên ở Biển Đông) và việc xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC ở BĐ mà thực tế TC đâu muốn có sự ràng buộc nào khi chưa khống chế xong con Đường Chín Đoạn.

Về tuyên bố của CT Tập Cận Bình:

Đáp lại TT Obama, CT Tập bác bỏ lời cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hoá các đảo nhơn tạo trái với những gì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC trước kia cho biết các cơ sở trên các đảo được bồi đấp có thể xử dụng vào mục đích quân sự, và phóng ảnh vệ tinh cho thấy có võ khí có vẻ như là tên lửa? HK đã nhiều lần khuyến cáo TQ ngưng đấp đảo, ngưng xây cất và ngưng quân sự hoá nhưng TC vẫn tiếp tục và hoàn thành thêm đường băng trên đảo Đá Chữ Thập (không ảnh 10/9/2015) có mục đích quân sự và vừa khánh thành hai hải đăng trên đảo Châu Viên (Cuarteron Reef) và trên đảo Gạc Ma (Johnson Reef). Họ Tập dứt khoát không nhân nhượng TT Obama rằng những đảo trong BĐ (Hoàng Sa, Trường Sa) là lãnh thổ của TC từ thời xa xưa. TC có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các quyền hạng và lợi ích hợp pháp hàng hải. Họ Tập tự cho mình là chủ nhà nên ông ta có quyền xây cất bất cứ cái gì ông ta muốn trên các đảo nhơn tạo ở Nam Sa (tức Trường Sa), rằng TC không nhắm vào nước nào hay ảnh hưởng đến nước nào; như để làm vui lòng TT Obama, Chủ tịch nhà nước TC tuyên bố tại buổi họp báo “Chúng tôi tôn trọng và bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển trên không cho mọi quốc gia tận hưởng theo luật pháp quốc tế.” Tuy nhiên nội cái việc tự do lưu thông trên biển theo luật pháp quốc tế cũng được TC diễn dịch theo “luật của Bắc Kinh”.  Trong khi luật quốc tế quy định cho các đảo nhơn tạo theo diện “Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (Low tide elevation) như đảo Vành Khăn, hoặc “diện đảo đá” (rocks) như đảo Châu Viên, để ấn định vùng tiếp cận lãnh hãi 12 hải lý (territorial waters) hoặc hải phận 500 mét cho diện đảo nổi đảo chìm trước khi bồi đắp. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng mới đây 10/10/2015 đã khẳng định không cho phép bất cứ nước nào vi phạm vùng tiếp cận lãnh hải (territorial waters) 12 hải lý (nm) bao quanh các hải đảo hoặc vùng trời của TC trên đảo Trường Sa, sau khi TC có nguồn tin (08/10/2015) từ Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đang xem xét việc đưa tàu chiến tuần tra vào vùng 12 hải lý của các đảo nhơn tạo trong vòng hai tuần lễ.   Nhưng theo lời Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng David Shear trong buổi điều trần tại quốc hội, Hoa kỳ đã từng đưa tàu chiến phi cơ quân sự vào Biển Đông để chứng tỏ quyền tự do lưu thông hàng hải, nhưng chưa bao giờ vào vùng tiếp cận lãnh hải 12 dăm biển (nm). Lầu năm gốc đã đề nghị nhiều lần như vậy khá lâu, nhưng vẫn chờ lịnh của TT Obama.

Trước động thái hung hãn của TC trong việc xây đắp đảo và các hoạt đông quân sự hoá tại Biển Đông trong khi chánh quyền Obama không có hành động đáp ứng cụ thể nào khiến nhiều nhà phân tích thời cuộc lo ngại HK đang mất lần quyền kiểm soát Biển Động. Thực tế Hoàng Sa, Trường Sa đã gần như nằm trọn trong bàn tay của TC. Nhưng Biển Đông là nơi có “quyền lợi quốc gia” mà Hoa Kỳ vẫn còn là một siêu cường số một thế giới, vẫn là cường quốc đứng đầu ở Thái Bình Dương ở thế kỷ 21 thì không thể để Bắc Kinh đẩy mình ra khỏi khu vực Á châu-TBD, mà nơi đó Hoa kỳ và TC sẽ phải vừa hợp tác vừa cạnh tranh trong tinh thần của mô hình mới trong quan hệ nước lớn, không xung đột, không đối đầu, tương kính và hợp tác vì hai bên đều có cùng có quyền lợi. Vì cái quyền lợi tròng tréo giữa hai cường quốc đang làm chủ bàn cờ mà Việt Nam nên tỉnh táo trong chọn hướng đi có lợi cho dân tộc, cho tổ quốc, đảm bảo được sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trong đó Hoàng Sa và Trường Sa, trước khi bị chọn làm con chốt thí.

Còn giải pháp nào cho Việt Nam để giải quyết tranh chấp Biển Đông?

Ngày 28/09/2015 bên lề tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch CSVN Trương Tấn Sang phát biểu với Báo AFP về chủ quyền của Việt Nam tại hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và tố cáo việc Bắc Kinh xây đắp đảo nhơn tạo là vi phạm pháp luật quốc tế; ông còn đề nghị Mỹ nên gỡ bỏ lịnh cấm bán võ khí sát thương, phải chăng chuẩn bị sẵn sàng khi xung đột Trung Việt xẩy ra. Đây là một chuyển hướng chánh trị tích cực đáng chú ý trước thềm Hội nghị 12 khai mạc hôm 5/10/2015 để chọn lựa “tứ trụ triều đình” cho đại hội toàn quốc đảng CSVN thứ 12 (2016) vì mọi người đều biết đảng CSVN trong đó có CT Trương Tấn Sang là tập đoàn xung kích cho cộng sản quốc tế thi hành đường lối “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Cộng”, là tập đoàn thái thú thực hành việc bán nước bán biển đảo cho Bắc Kinh, và theo lịnh Trung Nam Hải đàn áp nhơn dân Việt Nam khi biểu thị lòng yêu nước dám chống lại việc Bắc Kinh xâm lấn Biển Đông, việc cướp giật Hoàng Sa Trường Sa.

Trong những năm gần đây tình hình biến chuyển, nhứt là sau vụ giàn khoang HD-981, khuynh hướng ”thoát Trung” bắt đầu “luồn lách trong giới tinh hoa cộng sản, mà Hà nội đang lo thế lực thù địch áp dụng “diễn biến hoà bình” để “chuyển hoá tư duy” ngay trong từng lớp cán bộ lãnh đạo cao cấp Hoàng Sa Trường Sa khẳng định là của Việt Nam với đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý; lẽ ra CT Trương Tấn Sang nên lên tiếng  phản đối đáp trả lại lời tuyên bố Tập Cận Bình ngay trên diễn đàn đại hội đồng LHQ trước hàng trăm các nguyên thủ quốc gia để tái khẳng định Hoàng Sa Trường Sa là của Viêt Nam, thay vì chỉ trả lời cho các thông tấn, báo chí nước ngoài. It người trong lãnh đạo Hà Nội dám tuyên bố như Nguyễn Tấn Dũng “không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy một thứ hoà bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc nào đó…” khi trả lời báo chí ngoại quốc về tình hình Biển Đông (5/2014). Đã nhiều lần đối thoại hoà bình với Bắc Kinh chỉ là nói chuyện với đầu gối; đã đến lúc Viêt Nam sớm hoàn chỉnh hồ sơ, phải hành động như Phi Luật Tân, nên kiện Trung Cộng ra toà án trọng tài quốc tế, dù thủ tục kéo dài và TC có thể từ chối ra hầu toà, lẽ dễ hiểu vì TC  biết Hoàng Sa Trường Sa là của Viêt Nam.

Nguyên nhơn cơ bản cho việc mất trắng Hoàng Sa Trường Sa vào tay TC là do sự tự nguyện lệ thuộc ý thức hệ Mac-Lênin với đồng chí đàn anh TC để CSVN có chỗ dựa hầu nắm giữ quyền lực, đưa tới những hệ luỵ là trở thành tập đoàn thái thú cho Bắc Kinh thi hành những hiệp ước, thoả thuận nhượng đất, bán biển đảo, trong khung đối tác chiến lược toàn diện, dẫn tới hoạ mất nước. Với chiến lược tầm ăn dâu hay cắt lát salami, TC nay đã lộ nguyên hình tham vọng bành trướng, ào ạt xâm lăng. Quan hệ ý thức hệ với TC đã biến Việt Nam dần thành thuộc địa của phương Bắc.

Con đường thoát Trung, vứt bỏ ý thức hệ Mac-Lênin, dân chủ hoá chế độ là nhu cầu cấp thiết, là hướng đi phù hợp với cao trào tiến bộ văn minh, là xu thế dân chủ nhân quyền thời đại. Một chế độ tự do dân chủ mới huy động được nội lực dân tộc, trong nước và hải ngoại, là điều kiện tiên quyết chống xâm lăng, đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa, xây dựng lại một Việt Nam dân chủ, pháp trị, thịnh vượng. Hoa Kỳ đang hé mở cánh cửa cho Viêt Nam gia nhập TPP là khuyến khích thoát Trung, và tiến bộ nhơn quyền là chìa khoá mở kho võ khí sát thương mà CT Trương Tấn Sang muốn có trong cuộc phỏng vấn tại New York, bên lề phó hội tại LHQ (28/09/2015) nhằm tăng cường phòng thủ biển đảo, biên giới. Môt kịch bản như vậy là một thách thức cho các ứng viên “tứ trụ triều đình” trong đại hội đảng CSVN thứ 12. Theo những tin trong nước thì TT Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải tán đảng CSVN một khi nắm chức Tổng Bí Thư, đưa tới bể đảng rồi đa đảng! Sự đồn đoán đồng chí X có tham vọng thiết lập thể chế theo kiểu Putin.  Nhưng đảng CSVN có thành tích quay lưng trước đòi hỏi thay đổi thể chế, môt thay đổi toàn vẹn để giải quyết những bế tắc của đất nước; một sự thay đổi thể chế độ  đồng nghĩa với cộng sản phải bị giải thể, hoặc qua một cuộc cách mạng bất bạo động hay diễn biến hoà bình. Qua thượng đỉnh Trọng-Obama, Washington không có ý địnhlật đổ thể chế chính trị Hà Nội hiện nay, nhưng cũng sẽ không phản đối cuộc cách mạng ôn hoà để thay đổi chế độ độc tài , tiền lệ đã từng xảy ra ở “Mùa Xuân Ả Rập”, cách mạng Hoa lài ở Tunisia.

Tạm Kết

Hoa Kỳ có vai trò quan trọng vì có quyền lợi quốc gia ở Biển Đông và toàn vùng Châu Á TBD. Ông Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter hôm 12/10/2015 tuyên bố Hoa Kỳ tái khẳng định quyền hiện diện ở  Biển Đông, và không đứng về phía nào trong sự tranh chấp chủ quyền Biển Đảo; trong tình hình căng thẳng thế giới nhứt là chiến sự Syria, với IS và trong bối cảnh mùa vận động cho cuộc bầu cử 2016, nên khó thấy những quyết định có tính đột phá về phía Mỹ cho vấn đề tranh chấp ở BĐ. Về phía CSVN năm 2015-2016 cũng là năm quyết định chọn lựa hướng đi thích hợp, một chỗ đứng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đây là một thách thức cho đảng csvn cho đại hội đảng Cộng sản TC thứ 12; một chế độ dân chủ tự do, một nhà nước dân chủ pháp trị có thể có đủ lý lẽ để đặt lại với Bắc Kinh nhằm thu hồi những đảo đã mất.

Chính nghĩa tất thắng.

 

 Tham khảo:

 (1) Immediate Release/Press Secretary/White House 25/09/2015: Remarks by President Obama and president Xi of the People Replublic of China in Joint Press Conference in Rose Garden/White House

(2) CSIS Press Briefing: President Xi’Jinping’s US Visit Septemger 21,2015

(3) Explaining China’s New Commitments’ on the South China Sea By Xue Li and Liu Mingy /The Diplomat Septe

(4) Nguyễn Văn Canh:  Chủ Quyền Thổ Lãnh Thổ và Bành Trướng Trung Cộng 2011 – Uỷ Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh