Nhân Trị và Pháp Trị (Kỳ 1-3) – GS Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhân Trị và Pháp Trị (Kỳ 1-3) – GS Nguyễn Ngọc Huy
Từ xưa đến nay, khi nói đến vấn đề tổ chức và điều khiển quốc gia, người ta đã đưa ra nhiều chủ trương khác nhau. Nhưng tựu trung, chỉ có hai chủ trương có thể xem là chính yếu: một là chủ trương lấy pháp luật làm yếu tố căn bản, đó là chủ trương pháp trị, hai là chủ trương lấy năng lực và đức tánh người cẩm quyền làm yếu tố căn bản, đó là chủ trương nhân trị.
Những người theo hai chủ trương này đã tranh luận nhau một cách sôi nổi từ ngàn xưa, và đến giờ cuộc tranh luận vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Nhưng trong cuộc tranh luận này, thời kỳ hào hứng nhất là thời kỳ khởi thuỷ, ở Trung Quốc và Hy Lạp cổ thời, vì hoàn cảnh đặc biệt của hai xã hội ấy.
Chúng tôi xin quý vị cùng chúng tôi theo dõi cuộc tranh luận giữa hai phái pháp trị và nhân trị ở Trung Quốc và Hy Lạp cổ thời để rút ra những bài học hữu ích cho công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Xã Hội Trung Quốc Cổ Thời
Những tác giả hiện đại đều công nhận rằng xã hội TQ cổ thời là một xã hội phong kiến. Người trong nước phân ra hai hạng hoàn toàn khác biệt nhau, một bên là quí tộc, một bên là thứ nhân. Chỉ riêng hạng quí tộc là có TÊN HỌ, có quyền làm chủ đất đai, có quyền tham dự chính sự. Họ theo lối cha truyền con nối mà nắm giữ các chức vụ chỉ huy. Thứ nhân thì không có HỌ, không có quyền làm chủ đất đai, và không được tham dự chính sự. Về mặt chính trị cũng như về mặt kinh tế, họ hoàn toàn tuỷ thuộc vào người quí tộc làm chủ mảnh đất trên đó họ sống.
Xét về mặt pháp chế thì xã hội TQ thời ấy phân biệt hai qui tắc: một là HÌNH, hai là LỄ. HÌNH gồm tất cả những cách thức trừng phạt những người phạm tội. LỄ có một phạm vi rất rộng rãi: nó gồm những phong tục, tập quán, những định chế chính trị cho xã hội thời bấy giờ, việc kế thừa trong các gia đình quí tộc, việc liên lạc giữa các hạng người cầm quyền. Nói tóm lại, những qui tắc mà ngày nay chúng ta liệt vào Luật Hiến Pháp thời đó đều thuộc về LỄ.
Căn cứ theo thiên Khúc Lễ, sách Lễ Ký thì lúc ấy “LỄ không xuống đến hạng thứ nhân, HÌNH không lên đến bực đại phu”. Một số tác giả cận đại đã dựa vào câu này để quả quyết rằng trong xã hội TQ cổ thời, LỄ dành cho người quí tộc, và HÌNH dành cho người thứ nhân.
Nhưng sự thật không phải hoàn toàn như thế. Ta có thể chắc chắn rằng người thứ nhân thời đó không có quyền theo LỄ. Vã lại, dù cho có quyền theo LỄ, họ cũng không sao có đủ phương tiện để mà theo, vì muốn theo đúng LỄ, người TQ lúc bấy giờ phải đài thọ nhiều phí tổn và có một đời sống vật chất khá cao, điều kiện mà người thứ nhân không sao thoả mãn được.
Nhưng nếu người thứ nhân chắc chắn không theo LỄ, thì trái lại người quí tộc cũng có thể bị HÌNH trong hai trường hợp: khi họ vi phạm quân lịnh lúc có chiến tranh, và khi họ vi phạm những tội nặng đối với cấp trên, như mưu sát cấp trên hay làm loạn.
Như thế, chế độ TQ cổ thời không phải là không có luật pháp, nhưng chế độ luật pháp TQ thời đó có một số đặc điểm sau đây:
Trước hết, những luật pháp này, dù thuộc về HÌNH. hay thuộc về LỄ, đều không ban bố ra cho mọi người đều biết, chỉ có hạng quí tộc được biết nó để dùng trừng trị cấp dưới, nhất là hạng thứ nhân.
Kế đó, luật pháp không áp dụng cho tất cả mọi người một cách đồng đều nhau. Nhà quí tộc được đối xử khác hơn kẻ thứ nhân. Họ chỉ bị trừng phạt trong trường hợp đặc biệt, và ngay trong trường hợp đó, họ cũng được đối xử khác với kẻ thứ nhân cùng phạm chung một lỗi.
Sau hết, sự áp dụng luật pháp không phải có tính cách đương nhiên, tất yếu, hể có phạm vào luật pháp là có sự trừng trị, và chỉ có phạm vào luật pháp mới bị trừng trị. Khi có người phạm luật hay làm việc gì trái ý nhà cầm quyền, nhà cầm quyền tuỳ nghi quyết định. Nguời TQ thời đó có một lòng tin tưởng rất mạnh nơi nhà cầm quyền. Họ cho rằng nhà cầm quyền có một cái đức bẩm sinh để cai trị dân chúng, nếu đức đó thạnh thì xã hội tự nhiên mạnh mẽ yên vui, trái lại nếu đức đó suy vi thì xã hội tự nhiên yếu hèn hỗn loạn. (còn tiếp)

Kỳ 2

Sự xuất hiện của chủ trương pháp trị và lời chỉ trích của phái nhân trị
Từ giữa thế kỷ thứ 7 trước công nguyên trở đi, xã hội phong kiến Trung Quốc đã suy vi. Những nhà cẩm quyền lẩn lần cải tạo chế độ chính trị và xã hội, khuyến khích công nghệ và thương mãi, và nhất là giải phóng nông nô, cho thứ nhân có quyền làm chủ đất ruộng. Chính sách mới này bắt đầu khi Quản Trọng làm tướng quốc nước Tề vào giữa thế kỷ thứ 7 trước công nguyên. Sau đó lần lần được các nước khác noi theo và cải lương thêm mãi. Tuy thế, chế độ cũ về luật pháp vẫn còn được duy trì cho đến thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.
Nguời đi đầu trong công việc chính thức thay đổi chế độ luật pháp TQ cổ thời là Tử Sản, tuớng quốc nước Trịnh. Sách Xuân Thu Tả Truyện chép rằng năm thứ 6 đời Lỗ Chiêu Công, tức là năm 535 trước công nguyên, nước Trịnh đúc Hình Thư. Đó là những cái vạc bằng kim khí trên đó có khắc những đạo luật Hình. Lần đầu tiên ở TQ, luật pháp được công bố cho toàn dân được biết.
Việc này đã gây ra một xúc động lớn ở TQ lúc bấy giờ. Quan đại phu nước Tấn là Thúc Hướng đã viết cho Tử Sản một bức thư chỉ trích chính sách của Tử Sản một cách kịch liệt. Xin trích ra đây những đoạn chính của bức thư này. Đây là tài liệu đầu tiên của cuộc tranh luận giữa hai phái Nhân Trị và Pháp Trị ở TQ.
Thúc Hướng bảo Tử Sản: “Trước đây tôi lấy ngài làm gương mẫu, nhưng bây giờ thì không thế nữa. Thuở xưa các đấng tiên vương dựa vào chế độ mà luận công việc, nhưng không làm ra hình luật vì sợ dân sinh lòng tranh biện về các luật ấy… Họ lấy nghĩa mà hạn chế dân, lấy chính trị mà cột buộc dân, lấy Lễ mà đối xử với dân, lấy tín mà giữ dân, lấy nhân mà giúp dân. Họ chế ra bổng lộc, tước vị để khuyến khích những người tuân theo họ, lập ra những hình phạt nghiêm khắc để làm cho dân sợ mà không dám buông lung…”
“Thời ấy dân để cho nhà cẩm quyền sai khiến và hoạ loạn không sinh ra. Khi người dân đã biết rõ các luật lệ, họ không còn sợ cấp trên, mà lại sinh ra lòng tranh biện. Họ dựa vào những điều nêu ra trong luật lệ và vui sướng khi rình tránh được cho việc làm bậy của mình thoát khỏi phạm vi trừng phạt của luật lệ. Thật không sao còn có thể cai trị được”.
“Xưa, nhà Hạ có loạn rồi mới làm bộ hình luật của vua Võ, nhà Thương có loạn rồi mới làm ra bộ hình luật của vua Thang, nhà Châu có loạn rồi mới làm ra chín điều hình luật. Ba bộ hình luật của ba đời vua trước đã xuất hiện khi ba đời ấy gần tàn. Nay ngài soạn lại các bộ hình luật của ba triều đại trước và đem khắc lên vạc. Ngài nghĩ rằng làm như vậy thì dân được yên ổn. Nhưng việc ấy chẳng cũng khó lắm ru?”
“Kinh Thi bảo: ‘Cứ bắt chước theo đức của Văn Vương thì trong một ngày sẽ yên ổn bốn phương’, lại bảo ‘cứ bắt chước theo đức của Văn Vương thì muôn nước sẽ tin tưởng theo’. Như vậy thì có cần gì đến hình pháp? Có hình pháp, trong trí dân sẽ sinh ra ý muốn tranh luận. Dân sẽ bỏ Lễ để dựa vào những điều trong luật và tận lực tranh cãi nhau về những điểm nhỏ nhặt như mũi dùi, mũi dao. Sự rối loạn tranh tụng sẽ rất nhiều. Đồng thời nạn hối lộ quan quyền sẽ sinh ra. Tôi e hết đời ngài thì nước Trịnh sẽ lụn bại mất. Tôi nghe nói rằng khi nước sắp mất, ắt có nhiều luật lệ. Đó có phải chăng là nói đến việc của ngài làm?”
Lời lẽ của Thúc Hướng chỉ trích Tử Sản thật là kịch liệt. Nhưng chỉ 23 năm sau, tức là năm 512 trước công nguyên, ở ngay quê hương Thúc Hướng là nước Tấn, hai quan đại phu là Triệu Ưởng và Tuân Dần lại bắt chước Tử Sản, đúc hình đảnh, là những vạc sắt trên có khắc hình luật để bày ra cho dân chúng biết. Sách Xuân Thu Tả Truyện chép rằng Khổng Tử hay được tin này liền bảo: “Nước Tấn e phải mất, vì đã bỏ phép cũ. Nếu nước Tấn giữ lại pháp độ mà tổ mình là Đường Thúc nhận được (của Châu Thành Vương) thì có thể cai trị được dân chúng. Các quan khanh và các đại phu sẽ giữ lấy thứ bậc của mình. Dân do đó mà tôn trọng nguời sang cả. Người sang cả do đó mà giữ được sự nghiệp của mình. Kẻ sang người hèn đều không phạm lỗi, bởi đó mới gọi là pháp độ… Nay nước Tấn bỏ phép đó mà làm ra hình đảnh, dân chúng sẽ chú tâm vào hình đảnh ấy. Có cái gì trong đó làm cho họ tôn trọng nguời sang cả đâu? Người sang cả còn làm sao giữ được sự nghiệp? Giữa kẻ sang người hèn không còn thứ bậc nữa thì nước làm sao mà trị cho được?”
Phân tích những lời chỉ trích và phê bình của Thúc Hướng và Khổng Tử, ta có thể nhận thấy mấy điểm sau đây:
Thúc Hướng và Khổng Tử bênh vực xã hội Nhân Trị của TQ.
Cả hai đều chống lại việc công bố luật pháp ra cho mọi người biết rõ.
Cả hai đều chống lại việc quý tộc và thứ nhân đều được xem ngang nhau trước pháp luật.
Cả hai đều cho rằng khi luật pháp được công bố ra cho mọi người biết rõ, và quý tộc với thứ nhân đều được xem ngang nhau trước pháp luật thì thứ nhân không còn tôn trọng quý tộc nữa, và trật tự xã hội phải đổ nát.
Cả hai đều cho rằng khi người dân biết rõ các luật pháp trong nước, họ không còn cố gắng trau dồi tánh tốt và tránh việc làm quấy, mà chỉ nghĩ đến việc làm sao để khỏi bị trừng trị, họ sẽ lén lút làm quấy, chỉ cố gắng làm sao cho khỏi bị bắt, hoặc nghĩ đến cách cãi chối cho khỏi bị buộc tội, và đút lót cho quan trên tha tội cho mình. (còn tiếp)

Kỳ 3

Lý Thuyết Nhân Trị Của Nho Gia
Những người chủ trương Pháp Trị đầu tiên là những chính khách chỉ lưu tâm đến sự thực hành, chứ không phải là những nhà lý thuyết. Những sự cải cách của họ lại có tính cách ôn hoà chứ chưa phải là những biện pháp cực đoan làm biến đổi hẳn xã hội cũ. Bởi đó, họ không có thái độ quá khích đối với những người chủ trương Nhân Trị. Thương Ưởng và Tuân Khanh không đá động gì với lời phê bình của Khổng Tử. Về phần Tử Sản, ông ta đã trả lời bức thư của Thúc Hướng một cách hết sức nhũn nhặn. Ông ta bảo Thúc Hướng: “Kiều (tên thật của ông là Công Tôn Kiều) này bất tài, không đủ sức lo đến đời con đời cháu, chỉ lo cứu đời này mà thôi”.
Phía những người theo chủ trương Nhân Trị thì Thúc Hướng là người hoàn toàn bảo thủ. Sau khi chỉ trích Tử Sản, ông không làm gì khác hơn nữa. Khổng Tử trái lại, là người có tinh thần canh tân. Tuy phản đối chủ trương Pháp Trị, ông hiểu rằng xã hội Nhân Trị của TQ cũng cần phải sửa đổi mới có thể tồn tại được. Bởi đó, chẳng những lên án Thương Ưởng và Tuân Khanh, Khổng Tử lại còn xảy dựng một chủ nghĩa Nhân Trị mới.
Trong tư tưởng Khổng Tử, chính trị trùng hợp với đạo đức. Ông cho rằng mục đích của chính trị là làm cho xã hội được đạo đức. Mà trong công việc làm cho xã hội được đạo đức, nhà lãnh đạo đóng một vai tuồng tối yếu. Nhà lãnh đạo mà tốt thì cả xã hội được phồn thịnh yên vui và luơng hảo. Trái lại, nếu nhà lãnh đạo xấu xa thì cả xã hội cũng thối nát loạn lạc.
Lấy sử cũ làm chứng cứ, Khổng Tử nhiệt liệt ngợi khen các vua Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ và bảo trong sách Trung Dung rằng: “Chính sách vua Văn, vua Võ bày ra trong sách cũ, nguời còn thì chính sách tốt đó đấy, người mất thì chính sách đó dừng”. Như vậy, tất cả vấn đề là làm sao cho xã hội có được những người lãnh đạo hoàn toàn như Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ.
Giải pháp mà Khổng Tử nêu ra là phải đào luyện những người tốt để họ ra nắm chính quyền. Tinh thần canh tân của Khổng Tử phát hiện trong chủ trương này. Khổng Tử không dành độc quyền chỉ huy cho những nhà quý tộc và không tin nơi các đức bẩm sinh của nhà cầm quyền như trong các xã hội cổ, ông lấy đức hạnh theo nghĩa ta hiểu ngày nay làm cái tiêu chuẩn để chọn lựa nhà cầm quyền. Theo ông, người thứ nhân mà được đào luyện đàng hoàng và có đức hạnh cần thiết thì cũng có quyền cai trị thiên hạ. Quan niệm này phát hiện rõ rệt trong ý nghĩa mà Khổng Tứ gán cho danh từ quân tử. Trong xã hội cổ TQ, chữ quân tử dùng để chỉ người quý tộc, nhất là người quý tộc giữ một địa vị xã hội trọng yếu. Khổng Tử đã dùng chữ quân tử để chỉ người có năng lực và đạo đức, dù cho người đó là quý tộc hay là thứ nhân, và có một địa vị xã hội cao hay sống bần hàn cũng vậy. Ta có thể thấy rõ điều này trong câu nói sau đây của ông trong sách Trung Dung: “Nguời quân tử tuỳ theo địa vị mà hành động… Khi giàu sang thì hành động theo cảnh ngộ giàu sang, khi nghèo hèn thì hành động theo cảnh ngộ nghèo hèn “.
Theo Khổng Tử, nhiệm vụ của người quân tử khi cai trị thiên hạ thì nêu gương tốt cho dân chúng bắt chước. Khổng Tử đặt hết lòng tin tưởng vào việc nêu gương tốt này. Trong thiên Nhan Uyên, sách Luận Ngữ, ông bảo: “Đức người quân tử như gió, đức kẻ tiểu nhân như cỏ, hễ gió thổi đến thì cỏ rạp theo”.
Gương tốt mà người quân tử nêu ra cho dân chúng bắt chước gồm có việc cư xử với người khác, từ nguời trong thân quyến đến bạn bè và người xa lạ. Nguời quân tử phải vun bồi đức tính tốt như hiếu, đễ, nhân, nghĩa. Điều này bắt buộc người quân tử phải lo lắng săn sóc đến nguời trong thân quyến, bạn bè và phải thương yêu ngay đến những người xa lạ. Lối cư xử theo đạo lý nói trên đây được Khổng Tử cho là cư xử theo LỄ. Bởi đó, chủ trương của Khổng Tử là chủ trương Nhân Trị, nhưng cũng được gọi là chủ trương Đức Trị hay Lễ Trị.
Đối với luật pháp, Khổng Tử có một thái độ rất rõ rệt. Ông nhận luật pháp là cần thiết, nhưng xem nó là thứ yếu trong việc trị quốc. Trong thiên Nhan Uyên, sách Luận Ngữ, Khổng Tử bảo: “Ngồi xử kiện thì ta cũng giống như người vậy (nhưng đó đâu phải là việc chính yếu). Việc chính yếu là làm sao cho dân chúng đừng kiện tụng nhau nữa”.
Trong thiên Truy Y, sách Lễ Ký, Khổng Tử giải thích thái độ mình như sau: “Lấy đức dạy dân, lấy lễ tề dân thì dân có lòng sửa đổi, lấy chính trị dạy dân, lấy hình pháp tề dân, thì dân có lòng trốn lánh”. Trong thiên Vi Chánh, sách Luận Ngữ, ông lại bảo: “Lấy chính trị dạy dân, lấy hình pháp tề dân, thì dân tránh làm bậy, nhưng không biết xấu hổ. Lấy đức dạy dân, lấy lễ tề dân thì dân biết xấu hổ và sửa mình cho tốt”.
Ở đây, ta thấy Khổng Tử nhấn mạnh trên chỗ ảnh hưởng của đạo đức sâu rộng hơn ảnh hưởng của hình pháp. Hình pháp chỉ có thể làm cho dân sợ mà tránh việc quấy, nên khi nào làm quấy mà tránh được sự trừng phạt thì nguời dân sẵn sàng làm quấy. Trái lại, nếu nguời dân được nhà cầm quyền dùng đức mà cảm hoá, khiến cho họ thật bụng theo điều phải thì họ tự nhiên tránh điều quấy. Như vậy nhân trị cao hơn pháp trị.
Những môn đồ của Khổng Tử cũng theo chủ trương của thầy mình. Mạnh Tử và nhất là Tuân Tử đều công nhận rằng luật pháp cần thiết cho đời sống xã hội. Tuy nhiên, họ cũng xem nhân trị cao hơn pháp trị. Thiên Ly Lâu Thượng sách Mạnh Tử bảo rằng: “Luật lệ không thể tự thi hành được”. Vậy theo ý Mạnh Tử, có một chế độ luật pháp tốt vẫn chưa đủ, vì luật pháp này cũng phải có người thi hành chứ không sao tự mình áp dụng được. Thiên Quân Đạo sách Tuân Tử đã nêu ý này ra một cách rõ rệt hơn: “Luật pháp không thể tự đứng một mình… Được nguời thì còn, mất nguời thì mất… Có nguời quân tử thì luật pháp tuy ít nhưng cũng đủ đối phó với mọi việc, không có nguời quân tử thì luật pháp tuy đầy đủ nhưng thi hành sai thứ tự trước sau, không thể đáp ứng được sự thay đổi của sự việc, đủ để loạn vậy”.
Như thế, ta có thể bảo rằng toàn thể Nho gia đều theo chủ trương nhân trị. Họ đặt nhẹ vấn đề luật pháp và cốt đào luyện những người tốt có khả năng, rồi để cho những người tốt đầy đủ khả năng đó được tự do quyền biến trong việc điều khiển công việc quốc gia.
(còn tiếp)