Nhân Trị và Pháp Trị (Kỳ 4) – GS Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhân Trị và Pháp Trị (Kỳ 4) – GS Nguyễn Ngọc Huy
Sự phản công của phái chủ trương pháp trị

Trong lúc Khổng Tử xây dựng lý thuyết nhân trị của mình, những người theo chủ trương pháp trị chỉ lo sửa chế độ chính trị Trung Quốc theo chiều hướng của mình. Nhưng vì Nho gia mở trường dạy học quảng bá tư tưởng nhân trị của mình ra khắp nơi, nên những người theo chủ trương pháp trị cảm thấy sự cần thiết phải lên tiếng bênh vực lập trường mình và đánh đổ lập luận của Nho gia. Từ thế kỷ thứ tư trước công nguyên trở đi, chúng ta thấy xuất hiện những nhà lý thuyết để cao tư tưởng pháp trị và đả phá tư tưởng nhân trị.
Trước hết, họ định nghĩa luật pháp một cách rõ ràng. Thiên Định Pháp sách Hàn Phi Từ (Han Fei Zi) bảo: “Luật pháp là hiến lịnh bày ra nơi công sở, hình phạt mà lòng dân chắc được thi hành, những phần thưởng ban cho những người cẩn thận giữ phép, và những trừng phạt gia cho kẻ phạm lịnh”.
Vậy, luật pháp gồm tất cả các mạng lịnh, quyết định, cấm đoán của nhà vua, và đi đôi với sự thưởng phạt, nó có tính cách phổ biến và tất nhiên. Pháp gia nhấn mạnh vào chỗ luật pháp phải công bố ra cho mọi người đều biết. Thiên Nạn Tam sách Hàn Phi Tử viết: “Luật pháp là cái chép rõ trong sách vở, bày ra nơi công sở và công bố cho bá tánh… Luật pháp không gì bằng được bày tỏ ra cho rõ ràng (cho mọi người biết…) Bởi đó, bậc chúa sáng nói đến luật pháp thì đến kẻ ti tiện trong biên giới, không nguời nào là không nghe và biết”.
Ngoài ra, luật pháp còn phải thi hành đồng đều cho tất cả mọi người. Trong thiên Hữu Độ sách Hàn Phi Tử, Hàn Phi bảo: “Luật pháp không a dua theo nguời sang cũng như sợi dây mực không uốn mình theo khúc gỗ cong… Việc trừng phạt tội lỗi không chừa bậc đại thần, việc thưởng công không sót kẻ thất phu”.
Trong câu này ta thấy Hàn Phi dùng dây mực để so sánh với luật pháp. Sự so sánh này, ta gặp rất thường trong các sách của Pháp gia. Thiên Thất Thần Thất Chủ sách Quản Tử bảo: “Luật pháp chánh lịnh là cái qui cái củ, là sợi dây mực để khiến dân theo”. Qui là dụng cụ để vẽ hình tròn, củ là dụng cụ để vẽ hình vuông, dây mực là dụng cụ để vạch đường thẳng. Đó là những vật dụng có thể dùng một cách khách quan, không bị ý người làm sai mục đích. Pháp gia so sánh luật pháp với qui củ và dây mực vì theo họ, luật pháp cũng là một dụng cụ khách quan mà người có thể dùng trong việc cai trị.
Dụng cụ khách quan hơn sự phán đoán của người ở chỗ nó chính xác và làm cho mọi người tin tưởng chắc chắn nơi sự chính xác đó. Thiên Tu Quyền sách Thương Tử bảo: “Tiên vuơng bày ra cân và trái cân, đặt ra thước tấc nay thành phép tắc phân minh. Nay bỏ cân để tự mình phán đoán về sự nặng nhẹ, bỏ thước tấc để tự mình phán đoán về sự dài ngắn, tuy có đúng, nguời buôn bán cũng không dùng. vì không chắc là đúng… Bởi đó tiên vuơng biết là không thể tự ý mình suy tính khen chê, và lập ra luật pháp, phân định rõ ràng, hễ ai làm trúng thì được thưởng, ai phá hoại việc công thì bị trừng phạt”.
Bởi lẽ dụng cụ khách quan chinh xác hơn sự phán đoán của con người nên Pháp gia không công nhận chủ trương nhân trị của Nho gia mà hô hào pháp trị. Thiên Minh Pháp sách Quản Tử khuyên các nhà vua “khiến luật pháp lựa nguời chứ tự mình không lựa, khiến luật pháp đo lường công trạng bầy tôi chứ tự mình không đo lường”.
Chẳng những chính xác hơn, dụng cụ khách quan lại còn dễ áp dụng hơn. Thiên Pháp Độ sách Quản Tử bảo: “Tuy có mắt lanh tay khéo cũng không bằng dùng cái qui cái củ để vẽ hình tròn hình vuông. Bởi vậy, nguời khéo có thể tạo ra cái qui cái củ để vẽ hình tròn hinh vuông. Bậc thánh có thể làm ra luật pháp nhưng không thể bỏ luật pháp để trị nước”.
Thiên Dụng Nhân sách Hàn Phi Tử cũng bảo: “Bỏ pháp luật và thuật để lấy lòng riêng mà cai trị thì Nghiêu không sửa ngay được một nước, bỏ cái qui cái củ để vẽ theo ý riêng thì Hề Trọng không làm được một bánh xe, bỏ thước tấc để so sánh dài ngắn thì Vương Nhĩ không chỉ đúng chỗ chính giữa được. Khiến một vị chúa trung bình nắm lấy luật pháp và thuật, một nguời thợ vụng dùng qui, củ, thước, tấc thì làm muôn việc không sợ thất”.
Theo Phap gia, chủ trương pháp trị hơn chủ trương nhân trị chính ở chỗ luật pháp là một dụng cụ khách quan, người tầm thường cũng có thể áp dụng được. Thiên Nạn Thế sách Hàn Phi Tử bảo: “Nghiêu Thuấn cũng như Kiệt Trụ ngàn đời mới xuất hiện một lần, hạng nguời ngược lại thì chen vai nối gót mà sinh ra. (Vậy, đại đa số) những kẻ cai trị nối tiếp nhau không dứt là hạng trung bình… Hạng trung bình này trên không bằng Nghiêu Thuấn, nhưng dưới cũng không đến nỗi như Kiệt Trụ. Nếu họ giữ luật pháp, dùng quyền thế thì trị, nếu họ quay lưng lại luật pháp, bỏ quyền thế thì loạn. Nay nếu bỏ thế, quay lưng lại luật pháp để đợi Nghiêu Thuấn, Nghiêu Thuấn đến là trị, thì ngàn đời loạn mà một đời trị. Nếu giữ luật pháp, dùng quyền thế, mà đợi Kiệt Trụ, Kiệt Trụ đến là loạn, thì ngàn đời trị mà một đời loạn. Trong trường hợp đó, làm sao có thể chờ đợi Nghiêu Thuấn để trị nước cho được?”
Trong thiên Lục Phản sách Hàn Phi Tử, Hàn Phi chỉ trích kịch liệt chủ trương nhân trị của Nho gia cho rằng muốn quốc gia thái bình thịnh trị, cần phải có những người lãnh đạo như Nghiêu Thuấn, vì không phải lúc nào cũng có, trong khi sự cần dùng một nhà lãnh đạo cho xã hội lại là một nhu cầu thường trực. Hàn Phi bảo: “Không ăn một trăm ngày để đợi cơm (ngon) thịt (béo) thì ắt chết chứ không sống được. Nay chờ đợi cái hiền của Nghiêu Thuấn để trị dân chúng đời này thì cũng chẳng khác nào chờ đợi cơm (ngon) thịt (béo) để cứu nguời chết đói vậy”. (Nạn Thế)
Vả lại, theo ý Pháp gia, có nguời tốt như Nghiêu Thuấn cũng chưa ắt phải là hay, vì những đức tốt của Nghiêu Thuấn được Nho gia khen ngợi không hợp với sự trị quốc. Thiên Cảnh Nội sách Thương Tử viết: “Kẻ có lòng nhân có thể có lòng nhân đối với người khác mà không thể khiến cho người khác có lòng nhân. Kẻ có nghĩa có thể thương nguời khác mà không thể khiến cho người khác có lòng thương đồng loại như mình. Bởi đó, ta biết rằng nhân nghĩa không đủ để trị thiên hạ”.
Pháp gia cho rằng trong sự trị quốc, cần phải có sự nghiêm khắc. Thiên Hiển Học sách Hàn Phi Tử bảo: “Nhà nghiêm không có tớ hung hăng, mà mẹ hiền có con hư. Ta do đó mà biết rằng oai thế có thể cấm sự hung bạo mà đức hậu không đủ để ngưng sự loạn vậy”.
Pháp trị hơn nhân trị ở chỗ luật pháp dựa vào sự trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm lỗi. Thiên Lục Phản sách Hàn Phi Tử bảo: “Mẹ lấy lòng thương sâu đậm mà đối xử với con, nhưng con phần lớn đều hư (vì) lòng thương quá độ. Cha ít thương con và dùng roi mà dạy con, mà con phần lớn đều nên, (vì) dùng sự nghiêm khắc… Bởi đó, dùng luật pháp thì ban đầu khổ mà lâu về sau thì có lợi, dùng lòng nhân thì có sự vui ngay bây giờ mà về sau thì cùng khốn. Bậc thánh nhân cân nhắc sự nặng nhẹ và chọn lấy cái lợi lớn, nên dùng cái đành lòng của luật pháp mà bỏ sự thương xót của đạo nhân”.
Vậy, theo Pháp gia, nguời cầm quyền có đạo đức không chắc đã trị được nước, trong khi luật pháp chắc chắn có thể mang an ninh trật tự lại cho xã hội. Hơn nữa, đạo đức có khi còn hại cho quốc gia. Trong thiên Bát Thuyết sách Hàn Phi Tử, Hàn Phi bảo: “Kẻ vì nguời quen mà làm việc riêng tư thì gọi là nguời không bỏ bạn. Kẻ lấy tài sản công mà bố thí thì gọi là nguời có lòng nhân… (Nhưng hễ) có nguời không bỏ bạn thì có quan lại gian, có nguời có lòng nhân thì tài sản công bị hao tốn…”
Ở đây, Pháp gia nêu ra vấn đề phân biệt hai lãnh vực công và tư, và cho biết pháp trị hơn nhân trị về chỗ có sự phân biệt đó. Thiên Nguỵ Sử sách Hàn Phi Tử bảo: “Lập ra pháp lịnh là để phế bỏ cái riêng tư. Hễ pháp lịnh được thi hành thì đạo riêng tư phế bỏ… Làm cho trị là luật pháp, gây ra loạn là cái riêng tư. Khi luật pháp đã thiết lập rồi thì không ai còn có thể làm việc riêng tư được nữa. Bởi đó, mới có câu rằng: theo việc riêng tư thì (gặp) loạn, theo luật pháp thì (được) trị”.
Chú trương nhân trị của Nho gia để cho người cầm quyền tự do quyết định, lại dạy nguời phải theo lễ nghĩa, phải nâng đỡ giúp giập nguời thân, nên trộn lộn việc công với việc tư và bị Pháp gia kiệt liệt chỉ trích. Thiên Tử Lộ sách Luận Ngữ chép: “Diệp Công nói với Khổng Tử rằng: ‘Xóm tôi có nguời Trực Cung, cha anh ta ăn trộm mà anh ta đi làm chứng’. (Trực Cung có nghĩa là ngay thẳng, nên câu này cũng có thể dịch là: xóm tôi có nguời rất ngay thẳng…) Khổng Tử bảo: ‘Trong xóm tôi, nguời ngay thẳng không làm như vậy. Cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha, sự ngay thẳng ở trong việc che lỗi cho nhau đó’”.
Hàn Phi cũng có nhắc việc này trong thiên Ngũ Đố sách Hàn Phi Tử. Ông bảo: “Nước Sở có nguời Trực Cung. Cha anh ta ăn trộm dê mà anh ta đi cáo cho quan biết. Quan Lịnh Doãn dạy ‘giết nó’ vì cho rằng anh ta ngay với vua mà dại với cha. Anh ta bị kết tội. Lấy đó mà xem thì nguời tôi ngay với vua là đứa con hung bạo với cha”.
“Nguời nước Lỗ có kẻ theo vua đánh giặc, ba lần giáp chiến, ba lần bỏ chạy. Trọng Ni hỏi vì sao thì anh ta đáp: ‘Tôi còn cha già, nếu tôi chết đi thì không ai nuôi dưỡng’. Trọng Ni cho anh ta là đứa con có hiếu nên đề cử cho anh ta thăng chức. Lấy đó mà xem thì đứa con có hiếu với cha là nguời tôi phản vua”.
“Bởi đó, Quan Lịnh Doãn giết (đứa con tố cáo cha) mà việc gian tà ở nước Sở không được báo cáo lên trên nữa. Trọng Ni thưởng (nguời quân nhân bỏ chạy khi gặp địch) mà dân nước Lỗ dễ hàng giặc “.
Qua hai đoạn văn trên đây trong hai bộ Luận Ngữ và Hàn Phi Tử, ta có thể thấy rõ thái độ tương phản của hai phái nhân trị và pháp trị. Khổng Tử chủ trương nhân trị, ông muốn đào tạo những con người tốt, khi nắm quyền cai trị quốc gia thì biết châm chước sao cho xã hội thuận hoà yên vui. Bởi đó, ông muốn cho người vun bồi lòng thương kẻ khác, mà lòng thương kẻ khác này phải bắt đầu nơi những người thân của mình. Vì thế, ông hết sức khuyến khích đạo hiếu: Nguời con có cha ăn trộm dê phải che giấu lỗi của cha, nguời lính có cha già phải cố giữ thân mình để phụng dưỡng cha. Pháp gia phân biệt rõ ràng hai lãnh vực công và tư, và đặt việc công lên trên việc tư. Họ cho rằng con người phải phụng sự việc công, dù có phải vì đó mà hại đến nguời thân cũng vậy. Bởi đó, họ tán thành nguời con đi tố cáo cha khi cha ăn trộm dê, và chỉ trích đứa con vì cha mà chạy trốn khi gặp giặc mạnh.
Trong các tác phẩm của Pháp gia, những lời chỉ trích chủ trương nhân trị của Nho gia đều không thể kể xiết được. Nhưng ta có thể tóm tắt hết những lời chỉ trích đó trong mấy điểm sau đây:
Chủ trương nhân trị không phân biệt đạo đức và chính trị, việc tư và việc công, mà trong thực tế đạo đức với chính trị, việc công với việc tư thường tương phản nhau. Vì không phân biệt đạo đức với chính trị, việc tư với việc công nên nguời theo chủ trương nhân trị có những hành động hại cho quốc gia.
Chủ trương nhân trị dựa vào sự phán đoán chủ quan của con người nên quyết định dễ sai lầm, dễ bị tinh thần gia đình, tinh thần bè phái làm cho thiên lệch, mất sự công bằng.
Muốn thành công mỹ mãn, chủ trương nhân trị phải tìm được con người tài đức song toàn, mà hạng nguời này không phải lúc nào cũng có, trong khi nhu cầu lãnh đạo là một nhu cầu thường trực của xã hội.
Những lời chỉ trích chủ trương nhân trị của Pháp gia thật là xác đáng. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, tư tưởng pháp trị cuối cùng đã thua tư tưởng nhân trị. Như thế là vì ở Trung Quốc cổ thời, nguời ta chỉ biết có một chính thể duy nhất là chính quyền quân chủ chuyên chế. Tất cả các quyền hành đều nằm trong tay nhà vua. Việc lập pháp, hành pháp, tư pháp đều do nơi vua mà ra. Trong một khuôn khổ chính trị như thế, chủ trương pháp trị chỉ có thể thành công được, khi trong nước có được một nhà vua đàng hoàng, làm ra những luật pháp rõ ràng, nhắm mục đích phụng sự việc công ích rồi thi hành các luật pháp ấy một cách vô tư.
Gặp nhà vua hôn ám, bạo ngược, làm ra những luật pháp khắc nghiệt để phụng sự quyền lợi riêng của cá nhân mình, hoặc không thi hành đúng theo luật pháp ban hành thì chủ trương pháp trị không thành công được. Bởi đó, Pháp gia chủ trương pháp trị, nhưng lúc nào cũng mong mỏi có một vị minh quân để thi hành chính sách pháp trị cho đúng đắn.
Như thế, chủ trương pháp trị của Trung Quốc, xét cho cạn lẽ, lại cũng chỉ là một hình thức của chủ trương nhân trị. Vì lý do này, những người theo chủ trương pháp trị cuối cùng không bắt bẻ nổi chủ trương nhân trị của Nho gia.
Hơn nữa, chủ trương pháp trị của Trung Quốc vì bản chất của nó, đã nhìn nhận cho nhà vua một quyền hành quá rộng lớn, không có gì hạn chế, trong khi chủ trương nhân trị của Nho gia đã nhân danh đạo đức mà hạn chế bớt quyền vua. Đó là một ưu điểm đáng kể trong một xã hội quân chủ chuyên chế. Bởi đó, ở Trung Quốc, cuối cùng phái pháp trị đã thua phái nhân trị một cách rõ ràng.
(còn tiếp)