Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp chống tham nhũng, yêu cầu ‘hợp đồng tác chiến’.

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp chống tham nhũng, yêu cầu ‘hợp đồng tác chiến’.

Nhận xét : 

Theo kết luận của công an, thì trong vòng 10 năm từ ngày 1/1 năm 2012, tức là từ khi SCB đi vào hoạt động, đến ngày 7/10 năm 2022, tức là ngày bà Lan bị bắt, SCB đã cho nhóm bà Lan vay 2.500 lần với tổng số tiền là 1.066.608 tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ US đô la, trong số này, số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ US đô la ‘không thể thu hồi’ theo cơ quan điều tra

Tại sao ông NPT không ‘hợp đồng tác chiến’ với bà Trương Mỹ Lan cùng Vạn Thịnh Phát gần 10 năm trước chứ không phải để cho đến bây giờ khi mà 1.066.608 tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ US đô la đã “cao bay xa chạy” và   677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ US đô la ‘không thể thu hồi’ làm cho nhiều người trong nước hoài nghi ông Trọng hô hào “hợp đồng tác chiến”  để thu nhanh, dọn sạch chiến trường sau đó đưa vài con tép riêu ra tế thần và mọi chuyện sẽ đâu vào đó !

Bỗng dưng người ta lại nhớ tới lời than thở của bà CTQH-NTKN là cán bộ, đvcs rất biết … ĂN và ĂN không chừa thứ gì, từ quả đấm thép thành đống sắt vụn, từ thuốc chủng “dỏm” Covid Việt Á, đến chuyến bay giải cứu về quê để được trấn lột tàn tệ, ăn đất, uống dầu, nuốt cát, phá rừng, phá biển, công ty điện, than … một mình một chợ hàng chục năm nay không biết cớ gì mà lại thua lỗ triền miên, điện thường hay bị cúp mà giá điện cứ tăng, nay đến phiên Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát hốt tiền gom đô để chia chác xong thì chạy !

Mấy ông làm quan to cộng sản để ĂN chứ không phải quan to vô sản để xây XHCN cứ mãi lo “ĂN sung – mặc sướng” thì cũng để cho Dân có chút “ăn qua – mặc có” [có ăn qua ngày, có mảnh vải để che thân] … thử hỏi người Dân làm sao chịu nổi !

Cứ đẩy cho Dân tới đường cùng, phải uống nước đục mãi thì riết rồi Dân cũng chịu hết nỗi !

BBT

TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp chống tham nhũng, yêu cầu ‘hợp đồng tác chiến’.

22/11/2023


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ trì cuộc họp tại của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 22/11, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng chống tham nhũng đang ngày càng làm tốt, nhưng yêu cầu các cơ quan phải “hợp đồng tác chiến” và chớ “làm ví dụ, làm để cho có”, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Bình luận của người đứng đầu Đảng Cộng sản được đưa ra vào thời điểm nhiều vụ đại án diễn ra gần đây đang làm chấn động công chúng, gần nhất là vụ Vạn Thịnh Phát với số tiền các quan chức nhận hối lộ hàng triệu đô la.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết rằng gắn với vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan, nhà chức trách đã khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can; vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương; các vụ án Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op hiện đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố.

Đã có 76 tổ chức đảng bị kiểm tra vì liên quan đến các vụ án ở Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Theo đó, 57 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm 3 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, vẫn theo trang tin của chính phủ Việt Nam.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “làm ngày càng tốt, có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học”, và nói thêm rằng “cần xây dựng lý luận về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam”.

Các vụ đại án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận như vụ Việt Á, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… được yêu cầu phải tập trung điều tra và “xử lý nghiêm”.

Ông Trọng cũng lưu ý về việc xử lý chậm chạp, trì trệ. Ông nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “cần phải làm triệt để, hiệu quả, chứ không phải làm ví dụ, làm để cho có”, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp, “hợp đồng tác chiến” hiệu quả hơn, chứ “đừng cua cậy càng, cá cậy vây” hay “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Một số tổ chức, định chế quốc tế theo dõi Việt Nam lâu nay đánh giá rằng tham nhũng là một vấn đề dai dẳng ở đất nước này trong nhiều năm và càng trở nên trầm trọng hơn do những thách thức cố hữu của nhà nước độc đảng, như nền pháp quyền yếu kém, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như mối quan hệ mạnh mẽ giữa chính trị và kinh doanh.

Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” (chống tham nhũng) vào năm 2016, rất nhiều quan chức đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng hoặc bỏ tù vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của ông của gây tranh cãi bởi một số ý kiến cho rằng nó cũng là công cụ thanh trừng lẫn nhau giữa các phe nhóm trong đảng.

Về mặt xã hội, những con số “khủng” về lượng tiền nhận hối lộ trong nhiều vụ đại án tham nhũng những năm gần đây đã khiến người dân sốc và bức xúc, nhưng điều công chúng quan tâm nhiều hơn là số tiền thu hồi có được trả lại cho dân hay không.

Báo cáo trong cuộc họp ngày 22/11 cho biết từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng.