Ngoại trưởng Michael R. Pompeo công bố “Viễn kiến Kinh tế Ấn độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” trước Thách thức Sáng kiến Vành đai Con đường của TC – Bác sĩ Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ngoại trưởng Michael R. Pompeo công bố “Viễn kiến Kinh tế Ấn độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” trước Thách thức Sáng kiến Vành đai Con đường của TC – Bác sĩ Mã Xái

Hoa Kỳ công bốSáng kiến Kinh tế Ấn độ-Thái-Bình-Dương.”

Ngày 30-07-2018, tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, trước “Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn độ-Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Mike Pompeo chánh thức công bố “Viễn kiến Kinh tế Ấn-độ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, trước các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu cùng các quan chức trong số các vị đại sứ tại Hoa Thạnh Đốn hay từ các nước ngoài đến. Như một sứ mạng toàn chánh phủ cùng với Ngoại trưởng Pompeo trong việc khởi động” sáng kiến đầu tư mới cho một chiến lược Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và mở”, không ai ngạc nhiên sự có mặt tại diễn đàn với các ông Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, Giám đốc USAID Mark Green, Tổng Giám đốc OPIC (Overseas Private Investment Corporate-Đầu tư Tư nhân Hải ngoại) Ray Washburne, và Quyền Chủ tịch Ngân hàng Xuất Nhập cảng Jeffrey Gerrish, kiêm Phó Đại diện Phòng Thương Mại Hoa Kỳ.

Không ai ngạc nhiên đến việc Bộ Ngoại giao HK tung ra sáng kiến đầu tư mới vào thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang tiến lên cao điểm ; trong bối cảnh TC tiếp tục nổ lực tăng cường tạo ảnh hưởng lớn lao với chương trình Vành đai Con đường (BRI) thúc đẩy quan hệ kinh tế  trên toàn cầu, cùng với sách lược bành trướng quân sự và âm mưu địa chánh trị chủ yếu trong khu vực  Ấn độ-Thái Bình Dương; đây là phản ứng đúng lúc dù quá trể của của Washington, nhớ rằng Trump đã  từng tuyên bố TC và Nga là hai đối thủ đầy tham vọng cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhưng vị Cố vấn cao cấp của Pompeo và cũng là Giám đốc kế Hoạch Chánh sách Brian Cook trấn an họ Tập “I would not say that this(new economic engagement) is a strategy to counter the One belt, One road”…“BRI is a made in China, made for China initiative”! (tạm dịch “Tôi không muốn nói rằng điều này (sự tham gia kinh tế mới) là một chiến lược để chống lại Một Vành đai Một Con đường”…” BRI là một sản phẩm tại TQ, được làm ra cho sáng kiến Trung Quốc.”

Vào ngay câu chuyện, Mike Pompeo mở đầu cho bài thuyết giảng: “Tôi đến sáng hôm nay để trình bày về chiến lược của chánh quyền Trump cho việc thúc đẩy một Ấn độ-Thái Bình Dương cởi mở và tự do, lưu ý rằng sự tham gia của doanh nghiệp Mỹ là trung tâm của nó”; “doanh nghiệp Mỹ là một yếu tố quan trọng trong sứ mạng của chúng tôi để thúc đẩy hoà bình, ổn định và thạnh vượng.

Ngoại trưởng Pompeo cũng thông báo một chuyến công du các nước trong vùng Đông Nam Á từ 2-5 tháng Tám này (2018) nhằm quảng bá viễn kiến đầu tư mới trên đường tham dự hội nghị ASEAN cấp Bộ trưởng tại Singapore; và để thảo luận với các viên chức cao cấp đồng nhiệm ASEAN, cùng các viên chức ngoại quốc khác, trong đó phải kể  Uỷ viên Quốc vụ viện Vương Nghị mọi vấn đề kinh tế, đầu tư, thương mại, an ninh, và các điểm nóng khu vực (Bắc Triều Tiên, Biển Đông, vấn đề chống khủng bố, khủng hoảng người Rohingya, an ninh mạng…).

Cũng cần nhắc lại, cách đây gần một năm (11/2017) trước Hội nghị Thượng đỉnh CEO APEC ( Đà Nẵng, Việt Nam) Tổng thống Trump lần đầu tiên cũng đã nêu chi tiết  về tầm nhìn  cho một “Indo-Pacific tự do và  mở “; TT  Trump cũng đã nói rõ viễn kiến đó trong Chiến lược An ninh Quốc gia, và tháng sáu vừa qua, Diễn đàn Đối thoại Shangri La đã ưu tiên giành cho thủ tướng Narendra Modi phát biểu khai mạc hội nghị về “Tầm nhìn Ấn độ-Thái Binh Dương của Ấn độ.”

Và ông Pompeo cho rằng người Mỹ và cả thế giới đều có cổ phần trong nền hoà bình và thạnh vượng trong khu vực này; đó là lý do tại sao Ấn độ -TBD phải tự do và cởi mở, nhưng đây cũng là một trong những khu vực cạnh tranh nhứt trên thế giới.

Trước khi đi vào nội dung của chiến lược đầu tư mới của HK, ông Pompeo giải thích ý nghĩa của các thuật ngữ “tự do” (free) và “mở” (open) trong cụm từ “free and open” Indo-Pacific vì nó phản ảnh  quan điểm về viễn kiến kinh tế , thương mại, đầu tư cho  khu vực Ấn độ-TBD . Ông nói“ Đừng nhầm lẫn, Ấn độ-TBD, “trải dài từ bờ biển phía tây Hoa Kỳ đến phía tây bờ biển Ấn Độ, là một chủ đề quan trọng đối với chánh sách đối ngoại của Mỹ”; khu vực bao la này này chiếm gần nửa diện tích quả địa cầu nằm trong lãnh vực trách nhiệm của US INDO-PACOM (Bộ Chỉ huy Ấn độ-TBD Hoa Kỳ, một danh hiệu mới thay cho USPACOM (Bộ chỉ huy Thái Bình Dương) kể từ ngày 29-05-2018; định nghĩa này hàm ý “chiến lược đầu tư  Pompeo” cũng bao gồm cả chiến lược an ninh như tuyên bố của TT Trump  trong báo cáo Chiến lược An ninh Quốc Gia “ An ninh kinh tế là an ninh quốc gia”. Danh hiệu mới Ấn độ-Thái Bình Dương đánh dấu sự quan tâm và sự cam kết của chánh quyền Trump với khu vực, và quan hệ chiến lược với cường quốc Ấn độ.

Pompeo gọi khu vực này “là một trong những động cơ vĩ đại nhứt trong tương lai toàn cầu- của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai và nó đã là ngày nay.”(tạm dich từ “this region is one of the greatest engines of the future global-of the future global economy”)

Khi chúng tôi nói “tự do” Ấn độ-TBD, điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều muốn mọi quốc gia đều có thể bảo vệ chủ quyền của họ khỏi bị ép buộc bởi các quốc gia khác. Ở cấp quốc gia, “tự do”, có nghĩa là quản trị tốt và bảo đảm rằng công dân có thể hưởng các quyền và tự do căn bản của mình.”

“Khi chúng tôi nói “mở” ở Ấn độ-TBD có nghĩa chúng tôi muốn tất cả các quốc gia được hưởng quyền tiếp cận không giới hạn vào đường biển và đường hàng không; chúng tôi muốn giải quyết hoà bình mọi tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Đây là chìa khoá cho hoà bình thế giới và cho mỗi quốc gia riêng đạt được mục tiêu cho nước mình.”

“Về mặt kinh tế, “mở” có nghĩa là thương mại công bằng (fair) và đối ứng (reciprocal), là môi trường đầu tư mở, thoả thuận minh bạch giữa các quốc gia và cải thiện kết nối để thúc đẩy quan hệ khu vực – bởi vì đây là con đường cho tăng trưởng bền vững trong khu vực.” (Xin xem chú thích #1)

Khía cạnh chánh trị nổi bậc nhứt trong sách lược Pompeo là tập trung vào sự khuyến khích đầu tư lãnh vực tư nhân. Trái với kế hoạch đầu tư của Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) hoàn toàn do nhà nước toàn trị chủ xướng và điều hành. Trên The Economic Times hôm 30-07-2018 , cố vấn  Brian Hook nói ông hoan nghinh Trung Quốc trong đóng góp phát triển khu vực, nhưng Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh nên tuân thủ chuẩn mực cao và duy trì các lãnh vực như sự minh bạch và luật pháp và tài trợ bền vững; ông cũng khuyến khích Bắc Kinh nên duy trì mọi  cách hoạt động kinh doanh tốt nhứt( best practices) đã được quốc tế thừa nhận và duy trì  cách tiếp cận “mở” và toàn diện cho các dự án hạ tầng cơ sở hải ngoại (của BRI). Cùng cái nhìn như Hook, NT Pompeo nói “tầm nhìn Ấn độ-TBD không loại trừ quốc gia nào, chúng tôi  tìm cách hợp tác với bất kỳ ai để quảng bá Ấn độ-TBD tự do và cởi mở, miễn là sự hợp tác đó tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhứt mà công dân chúng tôi yêu cầu.”.

Viễn kiến đầu tư Pompeo “và “BRI Tập Cận Bình”: Cạnh tranh hay Hợp tác?

Nhưng các nước trong khu vực Ấn độ-TBD, đặc biệt là các quốc gia ĐNA một vài nước chắc không khỏi hoài nghi về sự cam kết của Washington , qua việc TT Trump rút khỏi TPP làm  tan vở hi vọng tăng trưởng bền vững của họ, liệu “quy mô  và phẩm chất “ đầu tư của Mỹ  sẽ sao , khi so với  chương trình kết nối hạ tầng cơ sở của Bắc Kinh với vốn khổng lồ , đầu tư  táo bạo, hấp dẫn dù họ cũng đã thấy trước mắt hệ quả tai ương với âm mưu bẫy nợ, thay đổi cuộc sống, rối loạn môi trường, biến thể cảnh quan,và ảnh hưởng lên thế cân bằng địa chánh tri của kế hoạch BRI.

TT Trump và Pompeo đã thuyết phục các đối tác rằng thoả thuận thương mại song phương tốt hơn và phẩm chất cao hơn hiệp định đa phương. (như loại TPP).

Ông Pompeo cũng nói rõ Hoa Kỳ dứt khoát tham gia kinh tế ở Ấn độ-TBD cũng vì lợi ích an ninh quốc gia cho người dân Mỹ và cho các đối tác của chúng tôi.

Chủ đề lớn của sự tham gia chúng tôi là Hoa Kỳ “tìm kiếm quan hệ đối tác, không sự thống trị”. (The great theme of our engagement is “America seeks partnership, not domination “); có thể nhờ vậy mà không một quốc gia nào có giao dịch thương mại hai chiều ở Ấn độ-TBD vượt hơn so với Hoa Kỳ. Mối quan hệ đối tác được đặc trưng bởi “sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau”.

Tiếp nối truyền thống cam kết  và tham gia vào khu vực Ấn độ -TBD đã có hơn mấy trăm năm (xem chú thích # 8) cũng như những đóng góp liên tục trong quá khứ của Hoa Kỳ,  tại Diễn đàn Doanh nhân Ấn độ-TBD , ngoại trưởng Mike Pompeo công bố gói đầu tư $113 triệu USD  để hổ trợ ba lãnh cực cơ bản cho tương lai : kinh tế kỷ thuật số (digital economy), năng lượng (energy), và cơ sở hạ tầng (infrastructure). NT Pompeo nói rõ các quỹ này chỉ là tiêu biểu cho thanh khoản đặt cọc (down payment) cho sự cam kết kinh tế lâu dài của Hoa Kỳ, cho hoà bình và thạnh vượng trong khu vực Ấn độ -TBD trong một kỷ nguyên mới.

“Sáng kiến Pompeo” đầu tiên là Kết nối Kỷ thuật số và Đối tác An ninh mạng (Digital Connectivity and Cypersecurity Partnership) với khoản đầu tư $25 triệu USD để hổ trợ phát triển hạ tầng cơ sở kỷ thuật số cho khu vực, thông qua hỗ trợ kỷ thuật và quan hệ đối tác công tư; thúc đẩy chách sách quy định kỷ thuật số theo định hướng thị trường; xây dựng năng lực an ninh mạng để giải quyết đe doạ chung. Đây là một sáng kiến đáng hoan nghinh vì lợi ích kinh tế xã hội to lớn với một internet cởi mở an toàn đáng tin cậy. Ngược lại Trung Cộng là một quốc gia khét tiếng có một hệ thống internet hoàn toàn đóng kín trong vòng thành bức tường lửa ngay giữa lòng Ấn độ-TBD; Tập đoàn Viễn thông Huawei Tech Co Ltd, công ty TQ ZTE là công cụ nhà nước TC đang mở nhiều dự án truyền thông trong khu vực có vai trò tình báo dưới lớp áo thương mại; có tin Malaysia bị nguy cơ tin tặc từ khi tân thủ tướng Mathahir Mahamad muốn đình chỉ một vài dự án hạ tầng cơ sở có liên quan đến BRI); Tập Cận Bình cũng như VC kiểm soát chặt chẽ truyền thông, face-book qua luật an ninh mạng.

Sáng kiến mới thứ hai được gọi là Asia EDGE (Enhancing Development and Growth through Energy) với ngân khoản $50 triệu USD dùng cho năm nay để giúp các đối tác Ấn độ-TBD nhập khẩu, sản xuất, di chuyển, lưu trử và triển khai các nguồn năng lượng của họ.

Thứ ba, tiếp theo là Sáng kiến Hạ tầng cơ sở. Hoa Kỳ cam kết nối kết để thăng tiến chủ quyền quốc gia, hội nhập khu vực và lòng tin. Nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng cơ sở được thực hiện đúng đắn; ngày nay Hoa Kỳ tung ra một Mạng lưới Giao dịch và Hổ trợ Hạ tầng cơ sở (Infrastructure Transaction and Assistance Network) với gần $ 30 triệu USD; chánh phủ cũng thiết lập Quỹ Tư vấn Giao dịch Ấn độ-TBD mới (Indo-Pacific Transaction Advisory Fund) để giúp các đối tác tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý và tài chánh tư nhân.

Nhà lãnh đạo Bộ ngoại giao Pompeo cho biết Hoa Kỳ giúp xây dựng môi trường thuận lợi để công ty, doanh nghiệp tư nhơn Mỹ  hoạt động hiệu quả, thành công và nhờ đó cộng đồng địa phương có thể phát triển, và quan hệ đối tác có thể mở rộng (HK hỗ trợ về giáo dục như Đại học Fulbright ở Việt Nam, thành lập Viện Công Nghệ Ấn Độ, Công ty Đầu Tư Tư nhơn Hải ngoại- OPIC (Overseas Private Investment Corporation), USAID, Công ty Thách thức Thiên niên Kỷ-Milleum Challenge Corporation-MCC).  Ngoài các công cụ kể trên, NT Pompeo cũng cho biết sẽ tận dụng các công cụ mới và hiện đại nhằm đẩy mạnh lãnh vực tư nhơn như sáng kiến của Dự luật “Better Utilisation of Investment Leading to Development (BUILD) Act sắp được Thượng Viện HK thông qua cho phép thành lập “Tổ chức Tài chánh Phát triển Quốc tế HK “(Dự luật S.2463-Build Act 2018) nhằm tạo điều kiện cho lãnh vực tư  tham gia tư bản và kỷ năng trong kế hoạch  với mục tiêu phát triển kinh tế nơi các quốc gia có nền kinh tế còn thấp kém hoặc từ các nước chuyển tiếp từ nền kinh tế phi thị-trường sang nền kinh tế thị trường, nhằm bổ túc sự tài trợ của HK và các mục ngoại vận; với sự góp vốn của phía lãnh vực tư, khả năng tài chánh phát triển của chánh phủ dự trù có thể tăng gấp đôi hơn $60 tỷ USD để hổ trợ các cơ hội chiến lược đầu tư ở nước ngoài.  Mike Pompeo khẳng định hỗ trợ Build Act đã được Hạ Viện thông qua, và hôm nay (30-07-2018) ông phân bố  $113 triệu USD vào các quỹ mới để mở rộng tham gia kinh tế ở Ấn độ-TBD. Trong mỗi lãnh vực – nền kinh tế kỷ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng- ngoại trưởng HK mong muốn sự hợp tác với các đồng minh và đối tác.  Ông cũng thông báo ngay tại Hội nghị là MCC vừa ký gói viện trợ $350 triệu USD để giúp Mông Cổ (Mongolia) phát triển nguồn cung cấp  nước  và dài hạn, một nhu cầu quan trọng cho nhơn dân Mông Cổ.

Bảng liệt kê còn dài, ông Pompeo, lại các công ty Mỹ là một lực lượng cho sự thạnh vượng và hiệu quả rộng khắp khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ không đầu tư vì ảnh hưởng chánh trị mà chỉ là thực hiện quan hệ đối tác kinh tế. Viễn kiến đầu tư Pompeo tất không quên lãnh vực an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Ngoai trưởng Pompeo hôm 3-08-2018 thông báo với báo chí (Reuters) bên lề Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, cho biết một quỹ $300 triệu USD tài trợ an ninh mới cho toàn khu vực Ấn độ-TBD để củng cố an ninh hàng hải, hỗ trợ nhơn đạo, năng lực gìn giữ hoà bình, chống lại các mối đe doạ xuyên quốc gia. NT Pompeo nhắc lại phát biểu TT Trump “An ninh kinh tế là an ninh quốc gia”, và ai cũng biết những điểm nóng ngày nay với các hoạt động  xâm lược  gia tăng tại Biển Đông của Bắc Kinh, trong bối cảnh cuộc  chiến thương mại Mỹ-Trung đang đi vào thời điểm quyết liệt.

Tại Phòng Thương mãi Hoa Kỳ, Mike Pompeo đã nói ông muốn một khu vực “tự do và mở” Ấn-độ-TBD, vốn là “một vùng trải dài từ bờ tây nước Mỹ đến bờ tây Ấn Độ”; nhìn vào bản đồ, Biển Đông nằm vào vị trí trung tâm khu vực Ấn độ-TBD, lại là nơi Trung Cộng chủ trương “đóng kín” như ao nhà của mình, và gần như hoàn tất quân sự hoá trên trường thành cát từ Hoàng Sa suốt trên bảy đảo nhơn tạo trên Trường Sa, đe doạ và âm mưu thống trị lân bang.( Nhắc lại, Tập Cận Bình đã từng nói với Obama (2015) là không quân sự hoá các đảo nhơn tạo ở Biển Đông). Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN tại Singapore, trước phái đoàn của Uỷ viên Quốc Vụ Viện TC Vương Nghị, Mike Pompeo đã thẳng thừng bày tỏ quan tâm của HK về động thái hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông; và Kế hoạch Pompeo rõ ràng không thừa nhận tham vọng đặc quyền nào trong khu vực của Trung Nam Hải. Nhựt Bổn, Úc cũng như EU đặc biệt là Pháp tuyên bố ủng hộ” sáng kiến Ấn độ-TBD tự do và mở”.

Chúng ta sẽ thảo luận về sách lược an ninh của chánh quyền Trump trong khu vực Ấn độ-TBD trong dịp khác; chúng ta tin TT Trump với quyết tâm “Duy trì Hoà bình thông qua sức mạnh” với một ngân sách quốc phòng khổng lồ ($ 716 tỷ USD), được quốc hội thông qua 13-08-2013 với việc hiện đại hoá quân sự sẽ thừa sức răn đe các đối thủ, và nếu “đánh phải thắng”; Tổng thổng Trump cũng ký đạo luật mở rộng thẩm quyền của “Uỷ Ban Đầu tư nước ngoài” được gọi là CFIUS (Committee on Foreign Investment in the United States), một liên uỷ ban chánh phủ HK nhằm đánh giá các  tác động an ninh của các khoản đầu tư nước ngoài (nhắm vào TQ) ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ, phòng ngừa việc TC xử dụng các liên doanh với công ty nước ngoài để tiếp cận (hoặc đánh cấp) công nghệ nhạy cảm. Nhiều điều khoản trong luật quốc phòng được cho là cứng rắn hơn với Trung Cộng dù chỉ để dằn mặt về các hành vi xâm lấn âm mưu thống trị Biển Đông.

Về dự thảo về Bộ Qui tắc Ứng xử Trên Biển Đông (COC) trong các cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao ĐNA ngày 03-08-2018, NT Pompeo nhấn mạnh về việc cần ghi các điều khoản liên quan đến sự quan tâm và quyền lợi của quốc gia thứ ba( tức Hoa Kỳ) cũng như phải tôn trọng các nguyên tắc đã được quy định trong UNCLOS (Trung Cộng muốn gài vào dự thảo COC các điều khoản nhằm đẩy Hoa Kỳ ra khỏi các hoạt động ở Biển Đông hầu dễ bề bắt nạt các nước lân bang). TC cũng muốn hoàn tất sớm Hiệp định Đối tác Toàn diện KhuVực (RCEP) một loại hợp tác thương mại đa phương không đòi hỏi tiêu chuẩn cao sau khi TT Trump rút ra khỏi TPP; Bắc Kinh cũng cho rằng “Sáng kiến kinh tế Pompeo “ và nhóm Quad có ý đồ bao vay Trung Quốc.

Liệu Sáng Kiến Kinh tế Pompeo có ảnh hưởng được các nước trong khu vực nhứt là các thành viên ASEAN trước sức mạnh đầu tư của Vành đai Con đường của họ Tập? Câu trả lời có lẽ là không, nếu chúng ta chỉ riêng nhìn vào “lượng” (quantity) vào những con “số”. Con số khổng lồ hơn ngàn triệu tỷ USD mà Tập vung vào việc kết nối hạ tầng cơ sở, so với vài trăm triệu “tiền cọc“ (down payment) cho kế hoạch  Mike Pompeo không khác hình ảnh hột muối bỏ biển. Thật sự nên nhìn cuộc cạnh tranh đầu tư hạ tầng cơ sở giữa hai cường quốc như một trò kéo co giữa “lượng” (quantity) và “phẩm” (quality); “phẩm “ của chánh sách đầu tư của Pompeo chắc phải vượt trội theo quan điểm của thế giới tự do.

Chỉ hai ngày sau khi khai mở Viễn kiến đầu tư mới  Ấn đô-TBD, NT Pompeo lấn đầu tiên lên đường  công du qua các quốc gia ĐNA cũng để đánh giá  hai mặt “lượng và phẩm” giữa sáng kiến Pompeo và BRI; và ông đã viếng Malaysia trước tiên và ông cũng thấy vì sao tân thủ tướng Mahathir Mohamad đình chỉ ngừng dự án East Coast Rail Link với gói đầu tư $23 tỷ USD vay từ Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu TQ; để cho ngoại trưởng HK nhìn thấy rõ hơn , các quốc gia ĐNA  trong năm 2018 đều có nhu cầu lớn lao để xây dựng hạ tầng cơ sở: Thái Lan cần $46 tỷ USD cho dự án Hành lang Kinh tế Bờ Đông (Eastern Economic Corridor), trạm chót của Pompeo là Indonesia, quốc gia này cũng đã công bố 200 dự án  cho năm 2018 với nhu cầu khoản $ 70 tỷ USD; tháng trước đó (09-07-2018) NT Pompeo cũng đã ghé Hà Nội, nhưng lại không bàn về việc đầu tư hay viện trợ  mà chỉ nói qua“làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện”, Nguyễn Xuân Phúc hay Nguyễn Phú Trọng cũng biết thân phận thừa sai là sẽ phải ký thêm nợ nơi đồng  chí đàn anh phương Bắc cho nhu cầu $480 tỷ USD vào các dự án ưu tiên đến năm 2020 kể cả đường cao tốc 1.100-dặm nối Hà Nội- Sài Gòn, và Trọng còn bối rối vì đồng bào đã làm cho TC và VC khựng lại trong âm mưu thực hiện các Đặc Khu Kinh tế; BRI đã dẫn Cam Bốt về với chế độ độc tài độc đảng vào quỷ đạo Bắc Kinh; BRI tách Philippines xa dần với đồng minh Hoa Kỳ và  Phi sẵn sàng hi sanh chủ quyền biển đảo cũng vì các món đầu tư được TC hứa là béo bở, năm nay (2018), Phillippines cần $ 20 tỷ USD  cho các dự án đường xá và đường rầy qua các quần đảo.

Cũng nên nhớ là các quốc gia “chao đảo” trong khu vưc  nhận đầu tư của BRI , cũng đã là khách hàng  nhận tài trợ, vay mượn cuả HK, hay của Nhựt trong nhiều thập niên qua (xem chú thích #1, đoạn nói về lịch sử cam kết, tham gia, đầu tư  của Hoa kỳ vào khu vực Ấn độ-TBD, đã bắt đầu từ năm 1794, lúc bấy giờ đã có phòng lãnh sự hiện diện tại Kolkata-tức Calcutta; trong khi “ Sáng kiến Vành đai Con đường “của Tập mới chánh thức ra mắt từ năm 2013).

Các nước nghèo ĐNA nay đã nhìn thấy âm mưu phía sau của BRI nhưng đã muộn; nhưng họ lại cần vốn đầu tư để phát triển. Trong chuyến công du khi ngoại trưởng Pompeo đi vào các quốc gia ASEAN là nơi “Nhất đới Nhất lộ” của TC đã đi qua đôi lần với quảng cáo cho thương hiệu BRI mà vốn đầu tư trên ngàn triệu tỷ USD, với tầm nhìn táo bạo cho khu vực chẳng riêng cho 70-80 dự án hạ tầng cơ sở khắp “ năm châu, bốn bể” mà còn bao gồm thoả thuận thương mại, tạo ảnh hưởng địa chánh trị, văn hoá, tăng cường trao đổi giữa dân tộc, mà còn mở thêm Con đường Địa cực (Polar Silk Road), con đường kỷ thuật số thông qua không gian mạng (Digital Silk Road). Chỉ nhìn vào con “số” $ 113 triệu USD, dù chỉ là gói “đặt cọc”, quả là quá ít đối với một siêu cường như Hoa Kỳ. Nhưng cần nhận định rõ là chánh sách kinh tế Pompeo, vốn đầu tư  chánh yếu là do góp phần tư bản từ lãnh vực tư.

Sự thật không thể chối cải là TC đã dùng sức mạnh kinh tế và qua công cụ “ Vành đai Con đường” nên đã đạt được một số mục tiêu địa chánh trị , kinh tế, quân sự ngay trong khu vực Ấn độ-TBD,  dù bằng phương tiện bất chánh, vô đạo, gian xảo, với cung cách kinh tế chèn ép ( economic coercion), cướp cạn ( predatory economics); cũng may, chánh quyền Trump nhìn thấy kịp và đã có kế hoạch cứu nguy, trong đó phải kể đến “Viễn kiến Kinh tế Ấn độ-Thái-Bình-Dương” của Mike Pompeo.

“Sáng kiến Vành đai Con đường” có thể có vai trò lớn lao đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở cho ĐNA nếu được thực hiện đúng, như Hoa Kỳ thường khuyến khích, bao gồm việc tuân thủ các chuẩn mực đầu tư đã được quốc tế thừa nhận (thường được gọi là best practices), là duy trì tính minh bạch, tôn trọng luật pháp và tài chính bền vững. Tới nay, quốc gia tham gia chương trình BRI của Tập Cận Bình không được giải thích các thủ tục hành chánh, điều kiện, hậu quả trong việc xử dụng gói đầu tư thực ra là món nợ; nhứt là ở những nước nợ công vốn đã quá cao không được cơ quan giao dịch tư vấn nào giúp đỡ để rồi rủi ro bẫy nợ lại đến, và chủ nợ sẵn sàng siết nợ “lấy tiền đổi đất”.

BRI chẳng những không tôn trọng luật pháp quốc tế, không tuân thủ quy định của định chế (như WTO) mà  Bắc Kinh còn lập toà án quốc tế theo kiểu TC để giải quyết các tranh chấp xẩy ra chung quanh các dự án BRI, mà phán quyết thì chỉ phục vụ quyến lợi của TQ (chú thích # 13: xem bài tham luận của Johnathan E.Hillman về việc Bắc Kinh  thành lập hai loại toà án để xét xử các tranh chấp phát sanh từ Con đường Tơ lụa hàng hãi (Nhất Lộ), và loại toà án lo các vụ trên bộ (Nhất Đới). Các chuyên gia Hoa Kỳ cũng như Tây phương gọi cách làm ăn của Trung Quốc theo kiểu kinh tế chèn ép (economic coercion) và tệ hơn, kinh tế cướp giựt (predatory economics).

Trở lại vấn đề vốn đầu tư, theo ADB tức Ngân hàng Phát triển Á châu, các quốc gia đang phát triển trong khu vực Ấn độ-TBD sẽ cần đến $ 26 ngàn tỷ USD cho hạ tầng cơ sở vào năm 2030: không một chánh phủ hay nhiều chánh phủ hợp lại cũng không có đủ một số tiền lớn lao để chi vào các dự án đầu tư như vậy. Chỉ lãnh vực tư làm được việc nàỳ. Do đó ngoài những cơ quan chánh phủ hiện hành, NT Pompeo khẳng định hổ trợ BUILD ACT nhằm tạo điều kiện để doanh nhơn Hoa Kỳ đưa tư bản và kỷ năng đầu tư vào các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển với lợi tức kém. (xem: http//congress.gov/bill/senate-bill-2463) tức nhiên những quốc gia thụ hưởng cũng có tầm nhìn về việc đầu tư do “lãnh vực tư nhơn có vai trò chủ đạo”. Với sách lược kinh tế  Pompeo mới này, nguồn tư bản lớn lao sẽ  được đưa  vào nền kinh tế , vào các doanh nghiệp sản xuất mang lại công ăn việc làm và sự thạnh vượng cho các nước trong khu vực. Nhưng kết quả tốt chỉ có được khi các nhà lãnh đạo khu vực Ấn độ – TBD phải ưu tiên cho tính minh bạch, loại trừ tham nhũng, và tài chánh có trách nhiệm.“ Sáng kiến Ấn độ-TBD của Hoa Kỳ được hình thành với các giá trị này và được  củng cố  do quan hệ đối tác  với các công ty Mỹ. Điều này sẽ phản ảnh các giá trị của Mỹ trong các tiêu chuẩn cao, tính minh bạch, và tuân thủ các quy định của pháp luật.. “Với các công ty Mỹ, các công dân toàn thế giới biết rằng những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được: hợp đồng trung thực, các điều khoản trung thực; tính ngay thẳng trong hoạt động kinh danh là một cột trụ quan trọng trong viễn kiến kinh tế Ấnđộ-TBD.”

Tạm kết

Trước sự lấn lướt của của Trung Cộng trong nhiều lãnh vực kinh tế, an ninh, chánh trị, Trump là vị tổng thống có tầm nhìn trong sáng và có quyết tâm đối đầu với Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm bảo vệ quyền lợi cho nước Mỹ và không do dự khuyến khích Trung Cộng tôn trọng và khép mình vào trật tự thế giới tự do. TT Trump có một đội ngũ dày dặn kinh nghiệm sẽ bảo đảm cho chủ trương một “Ấn độ- Thái Bình Dương tự do và mở” một khu vực  hoà bình, ổn định, và thạnh vượng.

Sách lược kinh tế nhằm xây dựng môi trường thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển tốt và hiệu quả của Pompeo cho thấy kế hoạch đầu tư đặt trọng tâm vào sức mạnh của lãnh vực tư đặt trong khung khổ  chuẩn mực cao, tôn trọng luật pháp, vào sự minh bạch, tài trợ bền vững, và tôn trọng  thương mại công bằng và đối ứng cho thấy thế giới đang đánh giá thấp chủ trương kinh tế “ cướp giựt” (predatory economics) với “trò chơi địa chánh trị” gian manh đằng sau sáng kiến Vành đai Con đường của Tập Cận Bình; thế giới đã thấy, nhiều quốc gia tham gia  đã mất lãnh thổ, mất chủ quyền liên quan đến kế hoạch đầu tư của BRI.

Kết thúc bài phát biểu, Pompeo nói “Chúng tôi không tìm sự thống trị ở Ấn độ Dương”, “chúng tôi muốn có một trật tự khu vực, các quốc gia có thể bảo vệ quyền con người của họ và có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng tăng cường sự an toàn của các đối tác và hỗ trợ họ trong việc phát triển nền kinh tế và xã hội trong những cách bảo đảm phẩm giá con người. Chúng tôi sẽ giúp họ không bị ép buộc hay sự thống trị bởi một cường quyền nào.”

Hiện tình xã hội TC trong hiện tại khá bất ổn, nội bộ CSTQ có dấu hiệu chia rẻ, giới trí thức, giáo sư các đại học nổi tiếng tại Bắc Kinh có nhiều bình luận, chỉ trích về khả năng kém hiệu quả trong điều hành guồng máy quốc gia, và Chủ tịch Tập Cận Bình thì nắm quyền tuyệt đối ông không thể đổ lỗi cho ai. Tập Cận Bình đang bị chỉ trích nặng vì thiếu đường lối đứng đắn hữu hiệu để thương lượng với TT Trump trong vấn đề thương mại làm cho nền kinh tế đang đi xuống, thị trường chứng khoán suy sụp thêm, chưa kể đồng yuan mất giá. Tin đồn các lãnh đạo về hưu sẽ đặt nhiều vấn đề cho vị lãnh đạo đương nhiệm tại hội nghị Đới Bắc Hà năm nay. Một lãnh đạo lão thành đã về hưu xin dấu tên thắc mắc tại sao Tập vung tiền cả ngàn tỷ qua kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở nơi hải ngoại, trong khi nhiều nơi trong nước nhơn dân còn nghèo đói, và trong khi nợ công đã vượt quá trần.

Một nhà phê bình TQ nói rằng tuy đối diện với nhiều thách thức, nhưng quyền lực của Tập chưa lung lay vì còn nắm chặc được quân đội, công an, báo chí, truyền thông; nhưng rõ ràng dân đã mất lòng tin; vì vấn đề lòng tin khiến ông khó bề thực hiện “Giấc Mộng Trung Hoa”, khi không cứu nổi nền kinh tế trên đà suy sụp, xã hội bất ổn. Mũi tên” thương mại công bằng, đối xứng”của Trump đang xoáy vào” gót chân Achilles” của hoàng đế đỏ. Tập đoàn thừa sai CSVN cũng phải nghĩ tới số phận của mình khi quan thầy Bắc Kinh trên đường suy vong!

Chiến lược “một Ấn độ-TBD tự do và mở”, một “Viễn tượng Kinh tế Ấn độ-TBD của Hoa Kỳ” có nhiều triển vọng thành công mang lại hoà bình, ổn định, và thạnh vượng cho khu vực. Chánh nghĩa phải thắng.

Bác sĩ Mã Xái

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Remarks on “America’s Indo-Pacific Economic Vision” by Micheal R. Pompeo Secretary of State July 30, 2018 (đăng trong bản tin của US Department of State; Diplomacy in Action).
  2. Remarks by “President Trump at APEC CEO Summit” Danang Vietnam November 10, 2017.
  3. “Pompeo’s Indo-Pacific Speech: Geoeconomics on a Shoestring” By Ankit Panda July 31 2018 The Diplomat.
  4. “BRI a made in China, made for China initiative”: Bài đăng trên The Economic Times July 30-2018.
  5. “Trump’s Indo-Pacific Strategy: Confront the Economic Challenge” by Prashanth Paramesvaran July 31, 2018|The Diplomat.
  6. “Mike Pompeo’s Plan to Deny China Exclusive Rights to Indo-Pacific Region” By Salvatore Babones published on The National Interest July 31/2018.
  7. “TQ không lo ngại viễn kiến đầu tư của Mỹ vào Châu Á” ( phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TQ  Cảnh Sảng; trích bản tin trên VOA tiengviet ngày 01-08-2018
  8. Lich sử cam kết với Ấn độ -TBD tự do và mở qua diễn văn của TT Trump tại CEO APEC-2017 bắt đầu vào thời TT George Washington; bộ ngoại giao lúc bấy giờ đã có phòng lãnh sự ở Kolkata-tức Calcutta-từ năm 1794. Sau Đệ nhị Thế chiến Hoa Kỳ đã cùng hợp tác với Nhựt Bổn, Đại Hàn , đầu tư và hổ trợ tái thiết thúc đẩy  hai quốc gia phát triển trở thành hùng mạnh, giàu có để quay ra tài trợ các quốc gia khác. Rồi vào những năm 60 quan hệ tối tác nẩy nở thêm để Hoa Kỳ giải quyết những nhu cầu cơ bản cho các nước trong khu vực Ấn độ-TBD để phát triển, nổi bậc nhứt là việc Hoa Kỳ hổ trợ dự án nổ lực chuyển đổi nông nghiệp, chẳng hạn như cuộc Cách Mạng Xanh đã cải thiện canh tác lúa mì và gạo trên toàn thế giới, không nơi nào vượt qua được khu vựcẤn độ-TBD, v.v… (xem chi tiết # 1)
  9. “Asia’s Infrastructure Contest: Quantity vs Quality” By Jonathan E.Hillman April 17, 2018 CSIS.
  10. “Secretary James N. Mattis Adresses the Center for the National Interest” by James N.Mattis July 25, 2018. Published on The National Interest.
  11. “The US Senate considers China’s Economics Coercion” | The Diplomat July 30-2018
  12. “Predatory Economics and the China Challenge”By Matthew P.Goodman | CSIS November 21, 2017.
  13. “All Rise? Belt and Road Court is in Session” written by Jonathan E.Hillman and Mathew P. Goodman July 26,2018|CSIS.