Mối nguy mang tên Cá Sấu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-10-05
Một chuồng nuôi cá sấu ở Đồng Nai

Một chuồng nuôi cá sấu ở Đồng Nai

 RFA
00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long với đất đai phì nhiêu, màu mỡ một thưở có vẻ như không còn. Nhiều người miệt Tây Nam Bộ tự thích ứng bằng cách chuyển sang làm du lịch, chăn nuôi. Những trang trại nuôi cá sấu mọc lên ở vùng đất này từ sau những năm 2000 như nấm mọc sau mưa. Để rồi khi thị trường Trung Quốc giảm sức mua, người nuôi lại một lần nữa như ngồi trên lửa bởi nợ nần chồng chất và an toàn của các con sông bị đe dọa khi cá sấu xổng chuồng.

Người nuôi lỗ nặng

Ông Hùng, một người nuôi cá sấu ở Đồng Nai chia sẻ: “Khoảng chừng 85% cá sấu là xuất qua Trung Quốc rồi. Hiện tại mức giá bị phía Trung Quốc ép giá xuống còn 75 ngàn đồng mỗi ký lô thôi, trước đây một năm là giá cá sấu từ 150 ngàn đồng đến 180 ngàn đồng. Việc duy trì đàn cá sấu của các gia đình nuôi cá sấu đến nay hoàn toàn bế tắc bởi khó khăn mọi bề. Hơn nữa, Việt Nam chưa có công nghệ thuộc da cá sấu để xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu da cá sấu cũng rất hạn chế bởi vì đây là món hàng thuộc diện cấm, không dễ xuất khẩu, muốn xuất thì phải có giấy phép nhà nước. Nhưng một số gia đình nuôi cá sấu và các doanh nghiệp lại có giấy phép này mặc dù họ không hề khai thác da cá sấu. Họ chỉ xin giấy phép và bán lại cho người Trung Quốc. Và người Trung Quốc thâu tóm mọi thứ, điều chỉnh giá trên thị trường. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính của Việt Nam không tài nào đấu lại với họ. Vì lý do rất đơn giản là người Trung Quốc thâu tóm thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam thì không được chính phủ hỗ trợ. Chính vì vậy mà thị trường cá sấu Việt Nam ngày càng lao dốc!”

Khoảng chừng 85% cá sấu là xuất qua Trung Quốc rồi. Hiện tại mức giá bị phía Trung Quốc ép giá xuống còn 75 ngàn đồng mỗi ký lô thôi, trước đây một năm là giá cá sấu từ 150 ngàn đồng đến 180 ngàn đồng.
-Ông Hùng

Ông Hùng cho biết thêm là hiện tại, gia đình ông đang nợ ngân hàng gần 100 triệu. Đó là số tiền trước đây hai năm ông vay để đầu tư chuồng trại, con giống. Với toàn bộ tiền bạc trong nhà đã bỏ ra, ban đầu ông không có ý định vay thêm, nhưng khi đã đâm lao thì phải theo lao, ông chấp nhận mua con giống với giá 400 ngàn đồng mỗi con, so với mức giá bình thường là 100 ngàn đồng. Hiện tại, đàn cá sấu của ông đã đến thời gian xuất chuồng, nghĩa là đã nặng hơn 20 kg.

Tính công chăm sóc, chi phí thức ăn, thuốc men với thời gian gần hai năm, chi phí cho mỗi con cá sấu xấp xỉ 2 triệu đồng.  Nhưng hiện nay thương lái chỉ tìm mua cá sấu nặng dưới 20 kg và số lượng cũng rất hạn chế, ông chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của các công ty mua da cá sấu trong nước hoặc là người Trung Quốc ăn thịt cá sấu nhiều hơn.

Giải thích cho vấn đề này, ông Hùng nói rằng trước đây, thương lái tìm đến tận nơi để mua cá sấu xuất sang Trung Quốc với giá gần 200 ngàn mỗi kí lô. Nhưng ba tháng nay, thị trường Trung Quốc giảm sức mua, giá mua cá sấu giảm xuống còn 100 ngàn rồi 70 ngàn mỗi kí lô. Với giá như hiện tại, nếu có xuất bán được mấy trăm con cá sấu của mình, ông cũng lỗ mấy chục triệu đồng.

Cùng ở hoàn cảnh như ông Hùng, ông Thương, một người nuôi cá sấu ở Bạc Liêu chia sẻ rằng hiện tại ông đang nhờ người kết nối để tìm được thương lái thu mua cá sấu để xuất sang thị trường Thái Lan và đẩy mạnh thịt cá sấu tiêu thụ trong nước.

 

ca-sau-400.jpg
Một khách hàng Trung Quốc đang xem chất lượng da cá sấu. RFA PHOTO.

 

Bởi lẽ, các quán nhậu mọc lên ở khắp đất nước này và thịt cá sấu là một món ngon, nhưng không phải ở đâu cũng có để bán. Tại sao không tìm cách đẩy thịt cá sấu ra thị trường miền Trung, miền Bắc để tiêu thụ, như vậy người mình sẽ ăn được thịt cá sấu giá rẻ, lại ngon.

Ông Thương nói rằng với số lượng hàng triệu con cá sấu ở đồng bằng sông Cửu Long hiện tại, ông sẽ tìm mọi cách có thể để có thể tiêu thụ số cá của mình. Kể cả việc tự xử lý da và thịt cá sấu để bán cho các công ty.

Bởi ông đã quá ngán ngẫm với việc sáng đi ra thấy cá sấu, chiều đi vào thấy cá sấu như hiện tại, khi con cá sấu đã biến hình từ tiềm năng làm giàu trở thành một mối nguy.

Sông cá sấu

Một người dân ở Đồng Nai chia sẻ: “Ngay chỗ chị ở cũng có nuôi cá sấu nhưng không có chỗ tiêu thụ đâu. Nó mà xổng chuồng thì rất nguy hiểm. Khi nuôi thì người ta đào ao sâu và rào rất kĩ nhưng khi đói thì nó tìm cách đi khỏi chuồng để kiếm ăn. Khi đói thì nó dữ lắm. Nó có thể ăn thịt mình nếu bắt gặp…”

Theo chị này, khoảng vài năm trở lại đây, chị không còn dám ra con lạch đầu nhà để giặt áo quần nữa, đương nhiên chị cũng cấm việc các con xuống các con sông, con lạch để tắm bởi không biết cá sấu sẽ xuất hiện giờ nào.

Ngay chỗ chị ở cũng có nuôi cá sấu nhưng không có chỗ tiêu thụ đâu. Nó mà xổng chuồng thì rất nguy hiểm. Khi nuôi thì người ta đào ao sâu và rào rất kĩ nhưng khi đói thì nó tìm cách đi khỏi chuồng để kiếm ăn.
-Người dân  Đồng Nai

Nếu như trước đây, chỉ có vài chục người nuôi cá sấu với tổng số lượng vài ngàn con thì hiện nay, con số này đã tăng lên đáng kể. Phải nói là nhà nhà nuôi cá sấu, người người nuôi cá sấu.

Chị này cho rằng ông trời vẫn còn thương gia đình chị bởi trước đây, thấy nhiều người phất lên, vợ chồng chị cũng bàn nhau vay tiền nuôi cá sấu. Đùng một cái, sau một trận mưa, chị và người hàng xóm tá hỏa khi suýt nữa bị cá sấu tấn công khi đang giặt đồ. Sau này mới biết, con cá sấu đó là một trong mười mấy con cá sấu của một trang trại bị xổng chuồng, nhưng người ta chỉ bắt lại được vài con.

Vậy những con khác đi đâu, chắc chắn là nó đang ẩn mình ở một đoạn sông, lạch nào đó, hoặc cũng có thể xuất hiện bất kì giờ nào và tấn công con người.

Anh Út, hiện sống tại Đồng Nai cho hay rằng đường sinh sống của vợ chồng anh đang bị đe dọa trầm trọng. Bởi lẽ trước đây gia đình anh chủ yếu đánh bắt trên sông nước, nhưng mấy năm nay, thu nhập không đủ sống bởi cá không còn, các con sông trở nên xa lạ và kênh lạch cũng khô dòng.

Mấy bữa nay trời mưa lớn, nước bắt đầu lên được chút thì vợ anh không cho anh xuống xuồng bắt cá, vì lo cá sấu rình rập. Đàn vịt lấy trứng của gia đình anh cũng chỉ còn mỗi dúm lông nổi lềnh bềnh sau một đêm mưa. Hiện tại, mối nguy mang tên Cá Sấu đang rình rập mọi nơi.

Đây không phải lần đầu tiên người nuôi cá sấu cháy giấc mơ đổi đời. Bởi trước đây một thời gian, nhiều người nuôi ở Cà Mau tá hỏa khi cá sấu khoảng 8 tháng tuổi bị chết hàng loạt hoặc tắc đường tiêu thụ khiến họ trắng tay. Dường như người dân đất Phương Nam cố bám lấy những cái phao nổi cuối cùng trên dòng nước để mong thoát nghèo. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không dễ dàng gì nếu thiếu một chính sách vĩ mô hợp lý.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.