Mekong Connect Forum 2016: Thách thức và Cơ hội
Nguyễn Quang Dy
“Cần thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về” (Ca dao)
Nghịch lý Miền Tây
Từ xa xưa, người ta thường nói đến đồng bằng Nam Bộ trù phú là “vựa lúa của cả nước”, với những “cánh đồng thẳng cánh cò bay”, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, tôm cá đầy sông, hoa trái đầy vườn, lúa gạo đầy bồ… Miền Tây được “thiên nhiên ưu đãi”, với “Cần Thơ gạo trắng nước trong” và “người đẹp Tây Đô”, cuộc sống vật chất phong lưu như “công tử Bạc Liêu”, còn cuộc sống tinh thần hồn nhiên như “bài ca vọng cổ”…
Nhưng tất cả những hình ảnh đẹp đẽ và hồn nhiên đó đã trôi vào quá khứ như một huyền thoại về một “thời xa vắng”. Nó đang được thay thế bằng hình ảnh “Miền Tây hoang dã” với môi trường bị ô nhiễm, ruộng vườn bị hoang hóa vì hạn hán và ngập mặn. Cuộc sống của hàng triệu người dân miền Tây đang bị đe dọa. Con gái miền Tây phải bỏ quê hương đi lấy chồng Đài Loan, hoặc ra thành phố kiếm sống bằng nghề bia ôm…
Đó là một nghịch lý đau lòng đầy bi kịch. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu là một “vùng kinh tế trọng điểm” của cả nước. Nhưng tác hại to lớn do thiên tai (hạn hán và ngập mặn) “chưa từng có trong lịch sử”, đã làm mất hơn 160.000 ha lúa (theo đánh giá ban đầu), ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của 320.000 hộ dân, khiến 775.000 người thiếu nước ngọt. Sau trận hạn hán và ngập mặn lịch sử đó, ĐBSCL sẽ đi về đâu?
ĐBSCL chiếm 19% dân số cả nước (hơn 18 triệu người), chiếm 13% diện tích cả nước. Tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%). Chỉ riêng cây lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng cả nước. Xuất khẩu gạo của toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng, chưa kể thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước. Nhưng về thu nhập, ĐBSCL lại nghèo hơn cả nước: thu nhập bình quân đầu người với mức 40,2 triệu đồng (cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm). Nguyên nhân cái nghèo vô lý của ĐBSCL cũng đã lộ rõ: làm nông nghiệp với phương thức sản xuất hiện nay, năng suất lao động thấp, chắc chắn sẽ thua trong sân chơi toàn cầu hóa.
Thách thức của Mekong Connect 2016
Tôi may mắn vừa được dự “Mekong Connect-CEO Forum 2016” (Cần Thơ, 26/10/2016). Khẩu hiệu năm nay là “Tìm Cơ trong Nguy” để đối phó với “biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường, thách thức hội nhập”. Đó là một khẩu hiệu rất hay, với tầm nhìn và định hướng rất đúng. Đây là diễn đàn hàng năm (năm nay là năm thứ 2), chủ yếu dành cho các doanh nghiệp, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) phối hợp với mạng lưới liên kết 4 tỉnh ABCD Mekong (liên kết giữa 2 tổ chức doanh nghiệp và 4 tỉnh này đã hình thành từ 2013) từ 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp nay đang lan tỏa ra các tỉnh khác qua các chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp.
Lâu nay tôi ít dự các hội thảo hay hội nghị, vì nội dung thường nhàm chán, nặng về hình thức (nhiều người gọi là “cờ đèn kèn trống”). Nhưng dự “Mekong Connect-CEO Forum 2016” là một trải nghiệm khác biệt về cách thức tổ chức và chất lượng nội dung, thiết thực góp phẩn đối phó và vượt qua những thách thức đang đe dọa ĐBSCL. Tôi cảm thấy dường như có một dòng chảy năng lượng tích cực làm hạt nhân kết nối mọi người với nhau.
Về tổ chức, đội hình ban tổ chức làm việc chuyên nghiệp. Tuy ít người nhưng biết phối hợp nhóm (teamwork) hiệu quả, năng động, trách nhiệm. Sau phiên toàn thể, diễn đàn được chia làm ba nhóm thảo luận chuyên đề (panel discussions), người dẫn chương trình và điều hành các phiên thảo luận (moderators) đều chuyên nghiệp. Chất lượng phiên dịch tốt hơn nhiều sự kiện khác. Chất lượng tài liệu từ in ấn đến phân phát cũng tốt. Song song với diễn đàn, còn có triển lãm giới thiệu sản phẩm, khá sinh động và hấp dẫn.
Về diễn giả, diễn đàn đã quy tụ được hơn 20 diễn giả chuyên nghiệp, cả Việt Nam lẫn nước ngoài, bao gồm quan chức, chuyên gia, doanh nhân tiêu biểu. Bài tham luận “đề dẫn” của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về “các giải pháp đổi mới nông nghiệp” là một tài liệu tham khảo tốt, không những cho diễn đàn này, mà còn có thể cho các đối tượng khác. Các tham luận của các chuyên gia và doanh nhân trong và ngoài nước đều rất thiết thực. Ví dụ, Mr Philip Zerillo (giáo sư, SMU, Singapore) về “Biến đổi khí hậu và rủi ro trong kinh doanh”; Mr Julien Brun (CEO, CEL Consulting) về “chuỗi cung ứng”; Mr Herb Cochran (Giám đốc điều hành Amcham VN) về “an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ”; Mr Gal Yarden (CEO, Natafim, Israel) về “nông nghiệp sạch và thông minh”.
Về khách tham gia, diễn đàn đã quy tụ được hơn 600 người tới dự, trong đó có một số lượng lớn doanh nhân từ vùng ĐBSCL và các nơi khác. Điều gây ấn tượng nhất là hầu hết khách đã dự đến cuối cùng, chứ không bỏ về sớm như nhiều hội thảo khác (vì nặng về hình thức, như “cưỡi ngựa xem hoa”). Thái độ nghiêm túc và sự quan tâm của khách đến dự càng chứng tỏ: một là nhu cầu thực sự của người dân, hai là bản tính chân thật của người miền Tây, ba là chất lượng tổ chức và nội dung thiết thực. Tuy trong phiên toàn thể, vẫn còn nhiều người sử dụng điện thoại di động làm việc riêng, nhưng ít hơn các hội thảo khác.
Quan chức đến dự có ông Trương Vĩnh Trọng (nguyên phó thủ tướng), lãnh đạo địa phương và lãnh đạo bộ Khoa học & Công nghệ: một thứ trưởng (đương nhiệm), và một bộ trưởng (đã nghỉ hưu). Hai diễn văn khai mạc đều có nội dung thiết thực, không nhàm chán: của thứ trưởng Bộ KH&CN, và phó chủ tịch Cần Thơ (là chủ nhà). Điều đáng tiếc và đáng trách nhất là không có mặt Bộ NN&PTNT (bộ “chủ quản”). Trong khi ĐBSCL là “vựa lúa của cả nước” đang bị thiên tai và nhân họa đe dọa sự sống còn, thì sự vắng mặt khó hiểu của Bộ NN&PTNT tại Mekong Connect Forum 2016 là không thể biện minh. Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Công thương (có liên quan) cũng không có mặt. Vai trò của Liên Minh Hợp Tác Xã và Hội Nông Dân từ lâu đã là chuyện đàm tiếu (chỉ tổ lãng phí ngân sách).
Cũng trong mấy ngày này (24-26/10/2016), tại Hà Nội đang diễn ra Hội nghị ACMECS-7, Hội nghị CLMV-8 và Hội nghị WEF–Mekong. Cả 3 hội nghị quan trọng này đều liên quan đến Tiểu vùng Mekong, đang đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu và những bất cập giữa các quốc gia trong tiểu vùng. Nhưng diễn đàn Mekong Connect 2016 dường như vẫn là một ốc đảo, đang tự bươn chải trong một thể chế bất cập (disconnected & dysfunctional), với những nút thắt (bottlenecks), và rào cản (constraints) chưa được tháo gỡ.
Cơ hội đổi mới nông nghiệp
Như bài thuyết trình của chuyên gia Phạm Chi Lan đã đề cập, muốn đổi mới nông nghiệp tại ĐBSCL, cần hiện đại hóa và thương mại hóa nông nghiệp theo phương châm “nhiều hơn từ ít hơn” (more from less), và cải cách thể chế toàn diện (như “đổi mới vòng hai”) theo khuyến nghị của “Báo cáo Việt Nam 2035” (vừa xuất bản). Để tháo gỡ những bế tắc hiện nay tại ĐBSCL, cải cách thể chế về sở hữu ruộng đất là cơ bản. Muốn phát huy truyền thống “đổi mới vòng một” (1986), ĐBSCL cần giương cao khẩu hiệu “hãy tự cởi trói” và “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” (của ông Nguyễn Văn Linh – NVL).
Tại ĐBSCL, cũng như trên thế giới, con người không thể chống lại biến đổi khí hậu, mà chỉ có thể tìm cách ứng phó với hệ lụy của nó để tồn tại và phát triển, trong môi trường thay đổi. Đó là câu chuyện toàn cầu, không phải chỉ Việt nam. Nước nào năng động, chịu đổi mới tư duy, biết ứng dụng công nghệ mới và cách quản trị mới thì thoát hiểm. Nước nào bảo thủ, không chịu đổi mới tư duy và thể chế (hay “không chịu phát triển”) thì sẽ tụt hậu. Người ta hay nói, không ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể sắp xếp lại tương lai.
Trong môi trường biến đổi khí hậu đầy thiên tai, con người càng phải khôn ngoan để giảm thiểu nhân họa (do mình gây ra). Không ai lại dại dột muốn đối phó với cả thiên tai và nhân họa cùng một lúc như “hiệu ứng kép”. Nhân họa có thể do chủ trương phát triển thủy điện tràn lan (trên thượng nguồn) làm cạn kiệt nguồn nước và nguồn phù sa (dưới hạ nguồn). Nhân họa cũng có thể do chủ trương tăng tối đa diện tích trồng lúa 2-3 vụ, đắp đê bao chống lũ và cống ngăn mặn, làm thay đổi hệ thống cân bằng sinh thái và thủy văn, xô đẩy người nông dân phải tăng sản lượng bằng mọi gía, nên sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu, làm đất bị bạc màu, nguồn nước bị ô nhiễm, và lúa gạo khó đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao, không có vị thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Việc FDA Mỹ vừa từ chối không nhận 94 containers gạo của Việt Nam là một bài học (do dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép). Chúng ta đã suýt mất thị trường Mỹ cho thủy hải sản, nay có thể mất nốt thị trường Mỹ cho lúa gạo, nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây không phải lỗi của người nông dân, mà lỗi của người quản lý. Người nông dân thiếu thông tin, chỉ hành động theo thói quen. Do bị thúc đẩy phải tăng sản lượng lúa bằng mọi giá, phải trồng 2-3 vụ để đạt thành tích xuất khẩu, nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu. Người ta hay nói, “quan tham, dân gian”, cũng không sai. Phải đổi mới tư duy và thể chế, theo hướng “phi truyền thống hóa” và hiện đại hóa nông nghiệp.
Muốn vậy, phải thay đổi cơ cấu nông nghiệp truyền thống lâu nay lấy lúa gạo làm chủ đạo (như “lấy quốc doanh làm chủ đạo”). Từ lâu nay Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo phải tăng sản lượng lúa bằng mọi giá để xuất khẩu, bằng cách trồng 2-3 vụ, bất chấp rủi ro và hệ lụy. Từ năm 1990, các tỉnh ĐBSCL, bắt đầu từ An Giang và Đồng Tháp, đã xây dựng hệ thống đê bao chống lũ rất tốn kém, để trồng lúa vụ 3 (với diện tích lên đến 600.000 ha). Tổng sản lượng lúa của ĐBSCL đã tăng từ 7 triệu tấn (năm 1986) lên 25 triệu tấn (năm 2015), chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Nhưng cái giá phải trả cho chủ trương đó là diện tích rừng tràm đã biến mất ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng và Hạ. Theo Gs Nguyễn Ngọc Trân, “Tăng trưởng được đánh đổi bằng chế độ thủy văn bị xáo trộn bên ngoài đê bao. Bên trong đê thì độ màu của đất giảm sút, môi trường bị suy thoái”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đó, phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, địa phương ở ĐBSCL theo hướng tiết kiệm nước ngọt, và chung sống với hạn hán và ngập mặn. Nhiều nước khác đã biết cách khai thác thành công nước mặn như một tài nguyên. Theo Gs Võ Tòng Xuân, “Đối với các tỉnh có nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp và một phần Tiền Giang, Vĩnh Long, thì cần tập trung đầu tư cho cây lúa nhưng sử dụng nước tiết kiệm hơn. Còn vùng mặn thì linh hoạt theo hướng đầu tư cho cây lúa trong mùa mưa và nuôi tôm mùa khô…”
Trong thị trường toàn cầu hóa ngày càng cao, cạnh tranh càng khốc liệt, kinh doanh nông nghiệp sẽ quan trọng hơn cả sản xuất nông nghiệp thuần túy. Các địa phương và các doanh nghiệp cần linh hoạt chọn cho mình vị trí thích ứng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, biết cách kết nối với thị trường toàn cầu để tham gia cuộc chơi có hiệu quả. Nói cách khác, phải hiện đại hóa và thương mại hóa nông nghiệp, như một quy luật phát triển.
Một thách thức rất lớn và nan giải do “nhân họa” là việc khai thác triệt để tài nguyên nước trên thượng nguồn, trong đó có việc chuyển dòng nước sang lưu vực sông khác và khai thác thủy điện tràn lan trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống. Theo Ủy ban sông Mekong, 6 đập thủy điện ở Trung Quốc cùng với 11 đập ở hạ lưu và 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi nhu cầu về nước tại hạ lưu tăng 50% so với năm 2.000.
Khi nói đến thủy điện người ta thường nói nhiều về số lượng nước mà ít nhấn mạnh đến chất lượng nước, thể hiện qua lượng phù sa có trong nước. Lượng phù sa này sẽ bị các đập thủy điện ngăn lại gần như vĩnh viễn. Không có phù sa, đồng bằng sẽ chết. Theo các chuyên gia sinh thái, quá trình kiến tạo ĐBSCL diễn ra từ hàng ngàn năm trước, nhưng sự mất cân bằng phù sa hiện nay sẽ làm đảo ngược quá trình kiến tạo đó và dẫn đến nguy cơ tan rã ĐBSCL. Hiện tượng nước Sông Hậu bỗng trong xanh như nước biển là một hệ lụy nhãn tiền cho thấy lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL ngày càng ít.
Theo một kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) về tác động của đập thủy điện Mạn Loan (của Trung Quốc) về lượng phù sa đổ về ĐBSCL cho thấy trước khi có con đập này, lượng phù sa vào khoảng 160 triệu tấn/năm. Nhưng sau khi con đập được đưa vào hoạt động, lượng phù sa chỉ còn 75 triệu tấn/năm. Như vậy, chỉ với một con đập, lượng phù sa đã giảm xuống một nửa. Theo Ts Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ), “con số này sẽ tiếp tục giảm thêm 1/2 nữa, chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm, một khi các đập trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động”.
Theo Bộ TN&MT, các hồ chứa trên dòng chính của sông Mekong ở phía Trung Quốc có dung tích khoảng 23 tỉ m3, trong khi các hồ chứa trên những dòng nhánh khoảng 20 tỉ m3. Tổng dung tích này tác động rất lớn đến việc điều tiết nước và lưu lượng dòng chảy về hạ lưu. Hiện có 11 đập thủy điện trên sông Mekong bên ngoài Việt Nam (gồm 9 đập ở Lào và 2 đập ở Campuchia). Nhưng 11 đập này chỉ bằng 1/7 tác động của các đập ở Trung Quốc. Gs Nguyễn Ngọc Trân nói, “Đã đến lúc 6 nước trong lưu vực sông Mekong phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước. Trong đó, quyền và lợi ích mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác cùng phát triển”.
Tuy diễn đàn liên kết 4 tỉnh ABCD Mekong là một mô hình kiểu mẫu, góp phần tích cực và hiệu quả vào việc tháo gỡ những vấn nạn tại ĐBSCL, nhưng để kết nối 13 tỉnh thành của ĐBSCL lại với nhau thành một tiểu vùng là bài toán khó, đòi hỏi phải biết cách quản trị, nếu không nó có thể cản trở và làm suy yếu lẫn nhau. Những thách thức từ bên ngoài và từ bên trong không chỉ tác động riêng lẻ đến mỗi địa phương, mà còn tác động lẫn nhau, làm cho liên kết toàn vùng có thể khó hơn. Bên cạnh đó còn đầy rẫy những khó khăn khác: như sức cạnh tranh của nông nghiệp còn thấp, chi phí lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít, hạ tầng tuy được đầu tư nhưng so với yêu cầu còn thấp kém, chưa có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Số phận ĐBSCL vẫn như một ẩn số đang làm đau đầu các nhà quản trị.
Thay lời kết
Sau một năm, Mekong Connect Forum (MCF) đã đi được một quãng đường dài, trở thành một diễn đàn quan trọng hàng đầu của ĐBSCL. Về đối nội, MCF đã: (1) giúp bốn tỉnh ABCD tăng cường liên kết dọc và ngang trong vùng để thúc đẩy hội nhập và phối hợp hành động vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL, (2) biết cách thu hút và tối ưu hóa nguồn lực tri thức trong và ngoài cộng đồng để hỗ trợ cho quá trình đổi mới, (3) khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp có tiềm năng của thế hệ trẻ tại tại ĐBSCL.
Muốn trở thành diễn đàn có uy tín nhất Việt Nam và quốc tế về Tiểu vùng Mekong, MCF cần: (1) kết nối với các cơ quan chỉ đạo của Trung ương để vận động chính sách hỗ trợ cho ĐBSCL, (2) kết nối với các tỉnh thành khác trong cả nước để phối hợp hành động và hợp tác cùng phát triển, (3) kết nối với các chính phủ, nhà tài trợ, và các tổ chức quốc tế, ủng hộ hiệu quả cho chiến lược phát triển ĐBSCL và Tiểu Vùng Mekong.
So với bài toán đố Formosa ở miền Trung là một nan đề “bất khả thi” (mission impossible), bài toán đố ĐBSCL cũng nan giải, nhưng còn “khả thi” (possible). Sứ mạng của Mekong Connect Forum là “biến điều không thể thành có thể”, để giúp các tỉnh ABCD (và các tỉnh khác) giải bài toán đố ĐBSCL. Lịch sử đã chứng minh, khi bị dồn đến chân tường, hay đứng trước vực thẳm, người Việt nói chung và người miền Tây nói riêng có một sức sống mãnh liệt. Trong tương lai gần, Mekong Connect Forum không phải chỉ là sự kiện hàng năm, mà có thể hàng quý, không phải chỉ ở Cần Thơ, mà có thể ở các địa phương khác. Mạng lưới liên kết 4 tỉnh ABCD Mekong đang trở thành “cái nôi của đổi mới vòng hai”.
Mekong Connect Forum như một ngọn hải đăng mới đang tỏa sáng, đem lại niềm tin cho nhân dân và lãnh đạo các địa phương năng động của miền Tây, không chịu đầu hàng trước thiên tai và nhân họa. Như chuyên gia Phạm Chi Lan đã kết luận trong bài tham luận đề dẫn tại Mekong Coonect Forum 2016, ĐBSCL phải “RICH” (giàu có) bằng Resilient (bền bỉ) + Innovative (sáng tạo) + Connecting (liên kết) + Harmonous (hài hòa).
NQD. 1/11/2016
Nguồn: http://viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_MekongForum.htm