Máy bay tìm kiếm Su 30-MK2 ‘mất tích’

Cac Bai Khac

No sub-categories

BBC 16-6-2016

Máy bay C-212 của Cảnh sát biển Việt Nam, cùng loại với chiếc bị mất tích hôm 16/6. Ảnh: CSB VN

Máy bay C-212 của Cảnh sát biển Việt Nam, cùng loại với chiếc bị mất tích hôm 16/6. Ảnh: CSB VN

Tin cho hay một máy bay C-212 chở chín người đi tìm kiếm phi công chiếc Su 30-MK2 gặp nạn hôm 14/6 ‘đã mất tích’.

Được biết đây là máy bay tuần thám Casa của Lữ đoàn không quân 918, mua từ Tây Ban Nha.

Báo trong nước dẫn nhiều nguồn cho hay chiếc C-212 chở chín người bị mất tích hồi trưa nay 16/6 (giờ địa phương) khi đang tìm kiếm Thượng tá phi công Trần Quang Khải, một trong hai phi công trên chiếc Su 30-MK2 gặp nạn trên vùng biển Nghệ An khi huấn luyện sáng 14/6.

Phi công thứ hai là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường đã được cứu lên bờ hôm 15/6, sức khoẻ ổn định.

VnExpress dẫn nguồn bộ đội biên phòng Hải Phòng nói chiếc C-212 bị mất tích cách đảo Bạch Long Vĩ 47 hải lý về hướng Nam Tây Nam, trên vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).

Trên máy bay này có chín người, trong đó có Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918. Có nguồn tin nói số người là tám.

Biên phòng Hải Phòng đã điều hai tàu và hàng chục quân nhân ra vùng biển Bạch Long Vĩ để tìm kiếm máy bay mất tích.

Điều kiện thời tiết trong khu vực được nói là ‘sóng to, gió lớn’, cản trở việc tìm kiếm cứu nạn.

Phi công Su 30-MK2 ‘vẫn mất tích’

Trong khi đó, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa dò ra dấu vết của Thượng tá Trần Quang Khải, người đã mất tích hơn hai ngày sau khi máy bay Su 30-MK2 mà ông điều khiển gặp nạn khi đang huấn luyện sáng 14/6.

Quân đội Việt Nam đã huy động lực lượng tìm kiếm, với hơn 100 tàu của bộ đội, biên phòng, tàu kiểm ngư, tàu cá ngư dân cùng hơn 1.000 người phối hợp với máy bay trực thăng, thủy phi cơ để tìm kiếm Thượng tá Khải.

Cho tới nay tín hiệu cấp cứu từ ông Trần Quang Khải bị cho là không còn, có lẽ vì thiết bị báo hiệu đã hết pin.

Không rõ số phận phi hành đoàn trên chiếc máy bay C-212 mới mất tích khi tìm kiếm ông ra sao.

C-212 là loại máy bay nhỏ, có khả năng hoạt động từ các sân bay dã chiến.

Loại này chuyên dùng để theo dõi, truy tìm mục tiêu trong các vụ chống đánh bắt trộm cá và hải sản, chống buôn bán ma túy và buôn lậu trên biển.

C-212 được trang bị động cơ turbine cánh quạt cho phép máy bay hoạt động với tốc độ bay thấp và thời gian dài ở trên biển. Tốc độ bay hành trình cao nhất 360km/giờ và tầm bay cao nhất đạt 1.800km.

____

Máy bay Casa mất liên lạc trên đường tìm kiếm phi công Khải

16-6-2016

TTO – Theo một số nguồn tin của Tuổi Trẻ, một chiếc máy bay CASA đã mất liên lạc trưa 16-6 khi đang đi tìm thượng tá Trần Quang Khải, phi công của máy bay Su 30-MK2 rơi trên vùng biển Nghệ An ngày 14-6-2016.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy của Tuổi Trẻ, chiếc CASA đã mất liên lạc vào trưa 16-6 khi đang được điều đi tìm kiếm phi công Trần Quang Khải – người vẫn đang mất tích trong tai nạn máy bay Su 30-MK2 sáng 14-6.

Được biết, cơ trưởng của chuyến bay này là Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918. Chiếc máy bay CASA 212 của lữ đoàn có xuất xứ từ Tây Ban Nha.

Những nguồn tin trên cho biết, trên máy bay có 9 người. Máy bay CASA 212 mất liên lạc cách phía Nam – Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ khoảng 44 hải lý. Cụ thể, CASA mất liên lạc tại tọa độ 19o25’40″N – 107o19’54″E (cách Nam Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ/Hải Phòng khoảng 44 hải lý),

Lúc 17g30 chiều nay, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ GTVT cho biết có nắm được thông tin này vào trưa nay.

Trước đó, các đơn vị cứu nạn nhận được một số tín hiệu cấp cứu được cho là của thượng tá phi công Trần Quang Khải. Khi nhận được tín hiệu này, máy bay CASA đã được cử đi tiếp cận vị trí để tìm kiếm và mất liện lạc sau đó.

Nguồn tin cho biết khi đang bay qua cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 44 hải lý, máy bay xin hạ độ cao thì mất tín hiệu.

Cũng theo nguồn tin này, sáng nay, 16-6 đại diện Vietnam Airlines đã được huy động đến vùng biển máy bay Su 30-MK2 mất tích để “nghe” tín hiệu cấp cứu của phi công Khải.

Nguồn tin này cho biết pin dự phòng của phi công mất tích đã hết nên từ sáng nay khi bay qua vùng biển này các phi công đã không còn nghe được tín hiệu như những ngày qua.

Theo thông tin từ Quản lý bay, máy bay tìm kiếm cứu nạn CASA 212 số hiệu 8983 cất cánh từ Gia Lâm lúc 9g30 đã bị mất liên lạc hồi 13g05. Có 9 thành viên trên tổ bay trong đó có 3 thành viên tổ lái.

Ông Đào Trọng Tuệ, phó chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vỹ cho biết huyện đang huy động ba tàu gồm tàu cá và tàu của biên phòng ra hai vị trí nghi máy bay CASA 212 số hiệu 8983 mất tín hiệu và nơi phát hiện có chiếc dù rơi xuống biển.

Ông Tuệ cho biết thông tin huyện đảo nhận được là có chiếc máy bay thể thao bị rơi khi đang trên đường tìm kiếm chiếc SU30 – KM2 cùng phi công Trần Quang Khải mất tích.

Lúc 19g30 tối này 16-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng cục Hàng Hải Việt Nam cho biết tất cả các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của cục hàng Hải Việt Nam đang trong tình trạng sẵn sàng, khi có yêu cầu sẽ tham gia ngay vào việc tìm kiếm máy bay CASA rơi trên vùng biển Bạch Long Vĩ.

Về công tác tìm kiếm SU30 – KM2, lúc12h30 ngày 16-6, lực lượng tìm kiếm xác định có vật thể màu vàng nghi là áo phao hoặc dù của phi công máy bay SU30-MK2 ở Nam – Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ.

Trong ngày, tàu 886 của Hải quân đã tổ chức rà quét Sonar tại hiện trường tìm xác máy bay SU30-MK2, nhưng chưa có kết quả. Đến 14h00 do thời tiết xấu, sóng cấp 4-5, tàu dừng quét quay về đảo Mắt tránh trú an toàn.

CASA 212 của Lữ đoàn không quân vận tải 918 (Quân chủng phòng không – không quân VN) là dòng máy bay trinh sát tuần thám biển hiện đại do Tây Ban Nha sản xuất.

Máy bay CASA 212 là thế hệ mới nhất của dòng máy bay C212 do Hãng Airbus chế tạo, có khả năng bay tuần tra dài 7 giờ. Đặc điểm nổi bật của CASA 212 là khả năng bay tốc độ thấp, thao diễn ở tầm bay thấp, rất phù hợp cho hoạt động tuần thám ven biển.

CASA 212 cũng có thể được điều chỉnh để hoạt động tầm cao trong điều kiện nền nhiệt độ lớn và có khả năng thả hàng tiếp tế bằng dù qua hệ thống thả hàng trên cao hay thả hàng bằng dù tầm thấp.

CASA 212 thực thi các chuyến bay thám sát được trang bị hệ thống chuyển dữ liệu qua vệ tinh, máy ảnh đặc dụng tự động ghi vị trí, thời gian. Thiết bị ghi hình ứng dụng hồng ngoại của máy bay có thể hoạt động ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

CASA-212-400 là biến thể mới nhất của dòng máy bay C212, có sải cánh 20,2m; chiều dài 16,1m; chiều cao 6,5m. Tốc độ tối đa của máy bay là 360km/giờ, tầm bay 1.800km; trọng lượng tối đa khi cất cánh là 8,1 tấn.

Đặc điểm nổi bật của máy bay là được trang bị 2 động cơ tua-bin đẩy nên có khả năng bay thấp so với mặt biển, rất phù hợp cho hoạt động tuần thám ven biển. CASA-212-400 có thể hoạt động trong cả điều kiện ban ngày và ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, có thể cất cánh và hạ cánh ở sân bay dã chiến, đường nhựa…

Máy bay CASA-212-400 được trang bị đồng bộ hệ thống giám sát hàng hải hiện đại MSS-6000 do Thụy Điển sản xuất. Đây là tổ hợp các trang bị gồm ra-đa giám sát bên sườn có thể phát hiện mục tiêu ở 2 bên sườn máy bay với phạm vi 80km mỗi bên; thiết bị quan sát FLIR có khả năng quan sát “vùng đen” dưới bụng máy bay trong điều kiện cả ban ngày và ban đêm; ra-đa Sband có khả năng quan sát phát hiện mục tiêu và truyền hình ảnh về sở chỉ huy.

Chi nhánh Tây Ban Nha của Hãng Airbus, nơi sản xuất dòng máy bay C212 đã xuất xưởng hơn 460 chiếc máy bay loại này tới khoảng 35 quốc gia phục vụ các mục đích quân sự và dân sự. Đến nay, dòng máy bay C212 đã thực hiện khoảng 3 triệu giờ bay an toàn.

H1Vùng tìm kiếm của hai tàu SAR 273 và SAR 412

Như Tuổi Trẻ thông tin, khoảng 7g29 sáng 14-6, máy bay Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đang bay huấn luyện trên vùng biển đảo Mắt, Nghệ An – cách TP Vinh khoảng 40km thì bị mất liên lạc.

Trên máy bay gặp nạn có thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, 39 tuổi và thượng tá Trần Quang Khải, 43 tuổi.

Đến chiều 15-6 sau khi được ngư dân Phạm Văn Lệ – chủ tàu cá HT-20219TS đưa vào bờ an toàn, phi công Nguyễn Hữu Cường đã cung cấp thông tin, tọa độ nơi máy bay rơi cách đảo Mắt hơn 20 hải lý về hướng đông bắc cho Sở chỉ huy tiền phương.

Cũng theo phi công Cường, khi máy bay gặp sự cố thì phi công Khải đã bung dù, nhảy xuống biển trước anh. Hiện anh Cường đang được chăm sóc tại nhà nghỉ Đoàn điều dưỡng chính sách, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, sức khỏe đã ổn định.

Đến nay đã có hơn 100 tàu của các lực lượng bộ đội, biên phòng, tàu kiểm ngư, tàu cá ngư dân cùng hơn 1.000 người phối hợp với máy bay trực thăng, thủy phi cơ quần thảo trên biển để tìm kiếm phi công Khải.

Ngoài ra, các thiết bị chuyên dụng tìm kiếm hộp đen máy bay cũng đang được triển khai quanh khu vực khoanh vùng máy bay Su-30MK2 rơi.

Tiếp tục cập nhật