Lần đầu tiên hải quân Cam Bốt và TC tập trận chung

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lần đầu tiên hải quân Cam Bốt và TC tập trận chung

Cam Bốt ngênh đón chỉ huy đội chiến hạm TC ghé cảng Sihanoukville. Ảnh chụp ngày 24/02/2016.- REUTERS/Samrang Pring

Theo RFI – Trọng Nghĩa – 25-02-2016
 
Quan hệ quốc phòng TC-Cam Bốt quả là ngày càng được thắt chật thêm. Dấu hiệu mới nhất là việc hai bên thúc đẩy hợp tác hải quân, với cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên mở ra trong hai ngày 24-25/02/2016, ngoài khơi cảng Sihanoukville. Việc củng cố quan hệ quốc phòng Bắc Kinh-Phnom Penh diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng sau khi TC không ngần ngại có những hành động bị cáo buộc là quân sự hóa Biển Đông.
Theo ghi nhận của tờ báo mạng Nhật Bản The Diplomat, hôm 22/02 vừa qua, ba chiến hạm TC đã ghé cảng Sihanoukville của Cam Bốt trong khuôn khổ một chuyến thăm hữu nghị kéo dài 5 ngày.
Tàu hải quân TC đã từng đến Cam Bốt trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên mà chiến hạm TC ghé cảng Cam Bốt, hai lần trước đây là một tàu huấn luyện vào năm 2008, và một tàu bệnh viện vào năm 2013.
Và đây cũng là lần đầu tiên mà hải quân Cam Bốt sẽ cùng tập trận với hải quân TC. Theo phó tư lệnh hải quân Cam Bốt, phó đô đốc Vann Bunning, 70 thủy thủ Cam Bốt sẽ cùng với 737 đồng đội TC tham gia một cuộc thao dượt hải quân song phương lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm các bài tập cứu hộ và cứu nạn khẩn cấp trên biển.
Phải nói là trong những năm gần đây, quan hệ quốc phòng Cam Bốt-TC đã được tăng cường đáng kể. TC đã trở thành quốc gia viện trợ quân sự hàng đầu cho Cam Bốt, cung cấp cho Cam Bốt từ quân xa đến trực thăng, không kể đến việc huấn luyện cho quân đội nước Đông Nam Á này.
Nhân dịp chiến hạm TC ghé cảng Cam Bốt, Bắc Kinh sẽ đúc kết với Phnom Penh thỏa thuận cung cấp cho đối tác 2 chiến hạm để tuần tra vùng bờ biển của mình. Loại gì thì chưa được xác định.
Theo tờ The Diplomat, cả hai bên đều có lợi trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng : Phnom Penh thì tăng cường được năng lực quân sự của mình, trong khi Bắc Kinh có được một đối tác Đông Nam Á sẵn sàng bênh vực cho lập trường của Bắc Kinh trên mọi vấn đề.
Mục tiêu đó của TC, theo tờ báo Nhật Bản, đã thành công với hồ sơ Biển Đông. Tờ báo nhắc lại sự cố năm 2012, khi lần đầu tiên Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN – tổ chức tại Phnom Penh – đã không đưa ra được một thông cáo chung vì phía Cam Bốt không muốn có một văn kiện đề cập đến vấn đề Biển Đông không có lợi cho đồng minh TC.
Và mới đây, Cam Bốt là một nước hiếm hoi trong ASEAN công khai cho rằng Mỹ không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông.
Cuộc tập trận hải quân TC-Cam Bốt diễn ra vào lúc nỗi lo ngại trước các hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông gia tăng. Tuần trước, TC đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp với Việt Nam.
Và hôm qua, ngay trước chuyến thăm Mỹ của ngoại trưởng TC Vương Nghị, ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng các cơ sở có dáng dấp của các đài radar tần số cao trên Đá Châu Viên và một vài hòn đảo nhân tạo khác mà Bắc Kinh vừa bồi đắp ở Trường Sa.
Khi được hỏi liệu TC có phải đang muốn phô trương sức mạnh quân sự nhân cuộc tập trận với Cam Bốt hay không, phó tư lệnh hải quân Cam Bốt Vann Bunneang cho rằng không có gì là lạ khi các nước mạnh phô trương thiết bị quân sự hiện đại của mình.
Đọc thêm:

Tại sao tàu chiến TC thăm Thái Lan và Campuchia?

 Published on February 24, 2016
TRUNGQUOC-TAULA
Ngày 22-2, hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của TC – Liễu Châu và Tam Á đã cập cảng Sihanoukville Autonomous, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị kéo dài năm ngày tới Campuchia.
Hai tàu này cùng tàu hậu cần Thanh Hải Hồ đã rời TC vào tháng 8-2015 để tham gia hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden. Trên đường trở về TC, các tàu đã thực hiện chuyến thăm thiện chí đến Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, và giờ là Campuchia.
Trước khi tới Campuchia, hai tàu chiến Liễu Châu và Tam Á của Trung Quốc đã cập cảng Chabang Laem trong chuyến thăm kéo dài năm ngày tới Thái Lan, bắt đầu từ ngày 17-2.
Trong chuyến thăm này, chỉ huy của Đội tàu hộ tống Hải quân TC đã hội kiến các quan chức Hải quân Thái Lan, trao đổi quân sự. Hai bên đã tổ chức diễn tập chung ngoài khơi bờ biển Thái Lan bao gồm những nội dung như trao đổi thông tin liên lạc, di chuyển theo đội hình và các trận giao hữu bóng đá.
Hai tàu chiến đã rời Thái Lan vào ngày 22-2 và cập cảng Sihanoukville Autonomous của Campuchia trong cùng ngày, bắt đầu chuyến thăm kéo dài năm ngày. Theo Tân Hoa xã, các hoạt động trong chuyến thăm này cũng tương tự chương trình giao lưu tại Thái Lan.
Trước đây, Campuchia từng đón các tàu hải quân TC nhưng đây là lần đầu tiên tàu chiến TC cập cảng Campuchia. Hai chuyến thăm trước đó là của các tàu hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), bao gồm một tàu huấn luyện vào năm 2008 và một tàu y tế hồi năm 2013.
Báo The Diplomat (Nhật Bản) nhận định việc TC chọn Thái Lan và Campuchia làm điểm dừng cho các lực lượng đặc biệt của nước này ở khu vực Đông Nam Á là động thái có mục đích.
Campuchia là quốc gia không có các yêu sách lãnh thổ ở biển Đông và cũng là một đối tác thân cận của TC. Trong khi đó, Thái Lan, nước không có các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, cũng dần xích lại gần TC sau cuộc đảo chính hồi năm 2014.
Theo thông tin từ China Military Online, sau chuyến thăm kéo dài năm ngày tại Campuchia, các tàu TC sẽ thực hiện chuyến hành trình về hướng quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để “tiến hành các hoạt động tuần tra”. Tuy nhiên, tờ báo không nêu chi tiết.
THEO PHÁP LUẬT ONLINE